Vài Giả Thuyết Liên Quan đến Sự Chết và Sự Sống Lại của Đức Chúa Jesus Christ

1,844 views

Tải xuống video tại đây: https://youtu.be/2rPXGrbbt10

201909 Bài Giảng Trong Năm 2019
Vài Giả Thuyết Liên Quan đến
Sự Chết và Sự Sống Lại của Đức Chúa Jesus Christ

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNzg1MTA2NDFf/201909_VaiGiaThuyetLienQuanDenSuChetVaSuSongLai.mp3
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/201909-vaigiathuyetlienquandensuchetvasusonglai
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/w795bc1dp8kyu59/201909_VaiGiaThuyetLienQuanDenSuChetVaSuSongLai.mp3/file

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

Amazon Drive: https://www.amazon.com/clouddrive/share/EERPUwTASJiTF0aRyt5inO35U3LZbPYs8qE7kOvo5oU
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Kính thưa Hội Thánh,

Chúng ta đã biết ý nghĩa và mục đích của sự chết và sự sống lại của Đức Chúa Jesus Christ qua sự bày tỏ của Thánh Kinh, nhưng chúng ta dường như không biết rõ Chúa đã trải qua những gì trong suốt khoảng thời gian từ khi Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá cho đến khi Ngài sống lại và ra khỏi lòng đất. Nhân dịp kỷ niệm sự thương khó và sự phục sinh của Đức Chúa Jesus Christ trong năm 2019 này, chúng ta hãy cùng nhau suy ngẫm về vài giả thuyết liên quan đến sự chết và sự sống lại của Ngài.

Các giả thuyết này do chúng tôi dựa trên Lời Chúa để suy luận và đúc kết. Quý con dân Chúa có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận mà không ảnh hưởng gì đến sự cứu rỗi và đức tin của chúng ta nơi Thiên Chúa. Thiên Chúa ban cho chúng ta sự khôn sáng và khả năng lý luận để chúng ta khám phá những sự sâu nhiệm của Ngài, làm tăng lên sự trí thức của chúng ta:

Sự vinh quang của Thiên Chúa là giấu kín một điều gì; nhưng sự vinh quang của các vua là xem xét một điều gì.” (Châm Ngôn 25:2).

Miễn là mọi sự chúng ta suy ngẫm đều lấy Lời Chúa làm nền tảng thì chắc chắn sự suy ngẫm và đúc kết của chúng ta sẽ không sai trật với Lời Chúa.

Trí thức là sự hiểu biết do suy luận từ tri thức (sự hiểu biết tự nhiên), học thức (sự hiểu biết do học tập), và kiến thức (sự hiểu biết do kinh nghiệm). Đối với thế gian, sự gia tăng trí thức là niềm đam mê chính của nhiều người và là nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống. Chính vì thế mà thế gian có đầy dẫy những sách vở; và với thời đại kỹ thuật mạng hôm nay, loài người có vô số những kho tàng thông tin sẵn sàng và miễn phí trên mạng giúp gia tăng trí thức. Tuy nhiên, có nhiều cái biết nhảm nhí, vô ích, không đáng cho chúng ta tốn phí thời gian thu thập. Đó là chưa kể có biết bao nhiêu là thông tin dối trá. Đối với con dân Chúa, sự gia tăng trí thức phải là niềm vui lớn thứ nhì, theo sau niềm vui của sự được cứu rỗi. Vì sự trí thức của con dân Chúa về bất cứ phương diện nào cũng đều giúp cho con dân Chúa hiểu biết Thiên Chúa và những việc làm của Thiên Chúa càng hơn.

Có lẽ quý ông bà anh chị em đã từng có câu hỏi này trong tâm trí: Điều gì đã xảy ra với Đức Chúa Jesus Christ sau khi Ngài chết và trong khi thân thể xác thịt của Ngài đang ở trong lòng đất suốt ba ngày và ba đêm? Trong bài này, chúng ta hãy cùng nhau tìm câu trả lời qua các lẽ thật của Thánh Kinh. Chúng ta sẽ cùng nhau xem xét những gì đã xảy ra với Đức Chúa Jesus Christ kể từ khi Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá cho đến khi Ngài xuất hiện trước các môn đồ của Ngài, vào ngày Thứ Nhất, sau khi Ngài đã sống lại.

Buổi Chiều Cuối Ngày Lễ Vượt Qua Năm 27

Chúng ta đã biết rằng, Đức Chúa Jesus Christ chính là Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời nhập thế làm người để gánh thay án phạt của tội lỗi cho loài người. Bản thân Ngài hoàn toàn vô tội nhưng Ngài đã chịu khổ và chịu chết vì sự phạm tội của loài người. Ngài đã bị đóng đinh cho đến chết trên thập tự giá. Ngài đã trải qua sự chết của thân thể xác thịt, khi thân thể xác thịt bị phân rẽ khỏi tâm thần là thân thể thiêng liêng, và bị phân rẽ khỏi linh hồn là bản ngã. Ngài cũng đã trải qua sự chết thuộc linh, khi Ngài hoàn toàn bị phân rẽ khỏi Đức Chúa Trời.

Thánh Kinh không ghi lại chính xác giây phút Đức Chúa Jesus Christ bị đóng đinh trên thập tự giá. Nhưng Thánh Kinh ghi rõ, sau khi Đức Chúa Jesus Christ bị đóng đinh trên thập tự giá thì từ giờ thứ sáu cho đến giờ thứ chín, khắp đất đều tối tăm, mù mịt. Vào khoảng giờ thứ chín thì Đức Chúa Jesus Christ kêu lên: “Ê-li, Ê-li, lam-ma sa-bách-ta-ni? Nghĩa là: Đức Chúa Trời của tôi ơi! Đức Chúa Trời của tôi ơi! Sao Ngài lìa bỏ tôi?”

Từ giờ thứ sáu cho đến giờ thứ chín, theo cách tính giờ của người I-sơ-ra-ên thời xưa, là từ 12 giờ trưa cho đến 3 giờ chiều theo cách tính giờ của chúng ta ngày nay. Trong khoảng thời gian ba tiếng đồng hồ ấy, Đức Chúa Jesus Christ đã thay cho loài người hoàn toàn gánh lấy hình phạt của Đức Chúa Trời dành cho tội lỗi từ thuộc thể đến thuộc linh. Hình phạt thuộc thể là cái chết của thân thể xác thịt. Hình phạt thuộc linh là sự bị Đức Chúa Trời từ bỏ.

Đức Chúa Jesus Christ trút hơi thở cuối cùng trên thập tự giá vào khoảng 3 giờ chiều của ngày Lễ Vượt Qua năm 1473 theo Lịch Thánh Kinh, nhằm Thứ Tư, ngày 09/04/27 theo Tây Lịch [1]. Tiếp theo đó, một môn đồ của Chúa tên là Giô-sép đã đến gặp Tổng Đốc Phi-lát để xin phép được chôn cất Ngài. Rồi, ông và Ni-cô-đem an táng Ngài trong cái huyệt mà ông đã chuẩn bị sẵn cho chính mình (Ma-thi-ơ 27:45-60). Chúng ta có thể hiểu rằng, thời gian Giô-sép đến gặp Phi-lát để xin phép và trở lại đồi Gô-gô-tha để nhận xác Chúa là vào khoảng một tiếng đồng hồ, nghĩa là Giô-sép nhận xác Chúa vào khoảng 4 giờ chiều. Thời gian Giô-sép nhận xác Chúa rồi cùng với Ni-cô-đem xức dầu cho xác Chúa, liệm vào trong vải liệm, đưa vào mộ huyệt cũng vào khoảng một tiếng đồng hồ, nghĩa là sự an táng xác Chúa được hoàn tất vào khoảng 5 giờ chiều. Giô-sép và Ni-cô-đem cũng như Ma-ri Ma-đơ-len và một Ma-ri khác (mẹ của Gia-cơ và Giô-sê – Mác 15:47) là hai phụ nữ đi theo, xem hai ông an táng xác Chúa, kịp đủ giờ trở vào thành, về lại nhà, trước khi mặt trời lặn và ngày Sa-bát đầu của Lễ Bánh Không Men bắt đầu.

Ba Ngày và Ba Đêm Sau Khi Chúa Chết

Liền sau khi mặt trời lặn của ngày Lễ Vượt Qua 14/01 là bắt đầu của ngày Sa-bát đầu, cũng là ngày thứ nhất của Lễ Bánh Không Men 15/01. Lúc này, xác của Đức Chúa Jesus Christ đã nằm yên trong mộ huyệt và linh hồn của Ngài đã vào trong âm phủ.

Chúng ta cũng cần phân biệt ngày thứ nhất ăn bánh không men tức là ngày Lễ Vượt Qua nhằm 14/01 khác với ngày thứ nhất của Lễ Bánh Không Men nhằm 15/01. Lễ Bánh Không Men kéo dài bảy ngày, từ ngày 15/01 đến ngày 21/01, bắt đầu từ sau khi mặt trời lặn kết thúc ngày Lễ Vượt Qua 14/01 cho đến khi mặt trời lặn kết thúc ngày 21/01. Ngày 15/01 là ngày Sa-bát đầu và ngày 21/01 là ngày Sa-bát cuối của Lễ Bánh Không Men (Lê-vi Ký 23:6-8). Tuy nhiên, không phải chờ đến ngày đầu tiên của Lễ Bánh Không Men thì dân I-sơ-ra-ên mới ăn bánh không men. Nhưng họ ăn bánh không men ngay trong ngày Lễ Vượt Qua là ngày trước liền Lễ Bánh Không Men.

Bảy ngày Lễ bánh Không Men theo sau ngày Lễ Vượt Qua tiêu biểu cho trọn đời sống thánh khiết của những ai ở trong sự cứu chuộc của Đấng Christ. Ngài là Chiên Con Vượt Qua. Mạng sống của Ngài được dâng lên Đức Chúa Trời làm của lễ chuộc tội cho những ai thật lòng ăn năn tội và tin nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Ngày Sa-bát đầu của Lễ Bánh Không Men tiêu biểu cho sự con dân Chúa được yên nghỉ khỏi ách nô lệ của tội lỗi (Rô-ma 6:6-7). Ngày Sa-bát cuối của Lễ Bánh Không Men tiêu biểu cho sự con dân Chúa được yên nghỉ khỏi sự lao nhọc của xác thịt trong cuộc đời này, khi họ vào trong thiên đàng (Khải Huyền 14:13). Ngày thứ nhì của Lễ Bánh Không Men là Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa làm hình bóng sự phục sinh của Đức Chúa Jesus Christ và sự phục sinh của những ai ở trong Đấng Christ (I Cô-rinh-tô 15:20-23) [2].

Danh từ âm phủ trong Thánh Kinh dùng để chỉ chỗ ở của người chết về thuộc thể lẫn thuộc linh. Về thuộc thể, âm phủ là mồ mả, nơi chôn cất thân thể xác thịt. Về thuộc linh, âm phủ là nơi tạm giam những linh hồn đã rời khỏi thân thể xác thịt. Trong câu chuyện do chính Đức Chúa Jesus Christ kể về một người giàu không tin Chúa và người ăn mày tên La-xa-rơ tin Chúa được ghi lại trong Lu-ca 16:19-31, chúng ta thấy:

  • Sau khi qua đời, linh hồn của người ăn mày tin Chúa tên La-xa-rơ được ở bên cạnh Áp-ra-ham trong âm phủ và được hưởng sự an ủi.

  • Sau khi qua đời, linh hồn của người giàu không tin Chúa ở về phía có lửa thiêu đốt trong âm phủ, chịu sự đau đớn.

Âm phủ thuộc linh là nơi tạm giam linh hồn của những người chết nhưng trong âm phủ thuộc linh chia ra thành hai khu vực tạm giam. Một khu vực ở trên cao, dành cho những người thật lòng tin Chúa đang khi còn sống trong thân thể xác thịt. Một khu vực ở dưới thấp dành cho những người không tin Chúa đang khi còn sống trong thân thể xác thịt. Chính giữa hai khu vực này có một vực sâu ngăn cách, không ai có thể vượt qua. Chúng ta có thể tin rằng, đó là vực sâu được dùng để nhốt các thiên sứ phạm tội đã tự ý nhập vào loài người vào thời trước cơn Lụt Lớn. Vực sâu đó còn được gọi là vực sâu không đáy, và cũng là nơi mà Sa-tan sẽ bị giam giữ suốt một ngàn năm, sau Kỳ Tận Thế.

Dù Thánh Kinh không nói rõ, nhưng chúng ta có thể tin rằng, linh hồn của Đức Chúa Jesus Christ sau khi rời khỏi thân thể xác thịt đã vào âm phủ, trong khu vực tạm giam linh hồn của những người tin Chúa. Linh hồn của những người tin Chúa thời Cựu Ước và thời trước Cựu Ước sau khi chết bị tạm giam trong âm phủ, vì dù họ hết lòng tin Chúa nhưng cho đến thời điểm ấy, Đức Chúa Jesus Christ chưa hoàn tất sự cứu rỗi. Dù là tạm giam nhưng chỗ ở của họ trong âm phủ được chính Đức Chúa Jesus Christ gọi là “Ba-ra-đi”, có nghĩa là vườn phước hạnh. Trong Lu-ca 23:43 ghi lại lời hứa của Đức Chúa Jesus Christ với tên trộm bị đóng đinh bên cạnh Ngài: “Hôm nay, ngươi sẽ ở với Ta trong Ba-ra-đi!”

Mặc dù danh từ Ba-ra-đi cũng được dùng để chỉ thiên đàng, tức tầng trời thứ ba (II Cô-rinh-tô 12:4; Khải Huyền 2:7); nhưng chúng ta biết danh từ Ba-ra-đi trong Lu-ca 23:43 là chỉ về khu vực phước hạnh trong âm phủ. Nơi mà linh hồn của những người tin kính Chúa trước thời điểm Đấng Christ phục sinh phải đi đến, khi họ qua đời.

Sau khi chết, thân thể xác thịt của Đức Chúa Jesus Christ phải ở trong lòng đất còn linh hồn của Ngài phải ở trong âm phủ trọn ba ngày và ba đêm, trước khi Đức Chúa Trời khiến Ngài sống lại từ trong sự chết. Chúng ta có thể tin rằng, trong suốt thời gian trọn ba ngày và ba đêm đó: linh hồn, tức bản ngã của Ngài, và tâm thần, tức thân thể thiêng liêng của Ngài, đã ở trong âm phủ.

Chúng ta biết, thân thể xác thịt của Đức Chúa Jesus Christ hoàn toàn là thân thể xác thịt của loài người, nhưng tâm thần và linh hồn của Ngài là thân vị Thiên Chúa Ngôi Lời. Chính vì thế mà Ngài hoàn toàn là Thiên Chúa nhưng cũng hoàn toàn là loài người. Khi thân thể xác thịt của Ngài chết, tức là bị phân rẽ khỏi tâm thần và linh hồn, thì thân vị loài người cũng bị phân rẽ khỏi thân vị Thiên Chúa. Nói cách khác, sự có mặt của Đấng Christ trong âm phủ là sự có mặt của thân vị Thiên Chúa Ngôi Lời. Ngay khi thân thể xác thịt của Ngài phục sinh, tức là được kết hiệp trở lại với tâm thần và linh hồn, thì thân vị loài người và thân vị Thiên Chúa được kết hiệp trở lại.

Riêng đối với những người khác, khi sự chết của thân thể xác thịt xảy ra, thì tâm thần, tức thân thể thiêng liêng, về lại cùng Đức Chúa Trời chứ không theo linh hồn vào trong âm phủ:

Rồi, bụi đất sẽ trở về đất y như cũ, tâm thần sẽ trở về với Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban nó.” (Truyền Đạo 12:7).

Sau khi Đấng Christ phục sinh thì linh hồn của những người chết trong Chúa không còn bị phân rẽ khỏi tâm thần, vì tâm thần và linh hồn của họ đã được dựng nên mới, tức đã được tái sinh. Nếu họ qua đời trước khi Đấng Christ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian thì linh hồn và tâm thần của họ sẽ vào trong thiên đàng, ở với Đấng Christ, chờ ngày thân thể xác thịt của họ được sống lại.

Kính mời quý ông bà anh chị em đọc, nghe loạt bài giảng về loài người đã được đăng trên khu mạng timhieuthanhkinh.com [3].

Chúng ta không có nhiều chi tiết trong Thánh Kinh để biết cách rõ ràng, suốt ba ngày ba đêm trong khi xác của Đấng Christ nằm trong lòng đất thì Ngài đã làm gì. Chúng ta chỉ có thể đưa ra giả thuyết như sau:

  • Có thể trong đêm thứ nhất và ngày thứ nhất, trong Ba-ra-đi của âm phủ, Đức Chúa Jesus Christ đã công bố Tin Lành cho linh hồn các thánh đồ thời Cựu Ước và thời trước Cựu Ước, bao gồm cả linh hồn của một tên trộm bị đóng đinh bên cạnh Ngài. Mục đích của sự công bố Tin Lành cho các thánh đồ là để họ hiểu rằng, bởi lòng tin của họ vào Đức Chúa Trời mà họ được hưởng ơn cứu rỗi của Tin Lành.

  • Có thể trong đêm thứ nhì và ngày thứ nhì, trong chỗ khổ hình của âm phủ, Đức Chúa Jesus Christ đã công bố Tin Lành cho linh hồn những người không tin Chúa từ khi sáng thế cho đến thời điểm ấy. Mục đích của sự công bố Tin Lành cho những linh hồn không tin Chúa không phải để họ có cơ hội ăn năn và tin nhận Tin Lành. Vì trọn đời sống của họ, họ đã hoàn toàn không có lòng tin kính Thiên Chúa. Mà là, để họ hiểu rằng, nếu khi còn sống trong xác thịt, họ có lòng tin kính Thiên Chúa, thì giờ đây, họ được hưởng sự cứu rỗi của Tin Lành.

  • Có thể trong đêm thứ ba và ngày thứ ba, trong vực sâu tăm tối, không đáy, nơi âm phủ, Đức Chúa Jesus Christ đã công bố Tin Lành cho các thiên sứ phạm tội đã tự ý nhập vào loài người trong thời kỳ trước cơn Lụt Lớn. Mục đích của sự công bố Tin Lành cho các tà linh ấy là để chúng biết rằng, ý định và chương trình của Đức Chúa Trời về sự cứu chuộc loài người đã được hiện thực. Mọi mưu kế phá hoại của Sa-tan đã không thể ngăn cản. Lời Chúa chép:

Đấng Christ cũng vì những tội lỗi chịu chết một lần, là Đấng công bình thay cho kẻ không công bình, để dẫn chúng ta đến với Đức Chúa Trời; về phần xác thịt thì Ngài đã chịu chết, nhưng tâm thần thì sống. Bởi tâm thần ấy, Ngài đã đi giảng cho các thần linh ở trong ngục, tức là những kẻ bội nghịch thuở trước, về thời kỳ Nô-ê, khi Đức Chúa Trời nhẫn nại đã có lần chờ đợi cho chiếc tàu được đóng nên, trong đó chỉ có một số ít, là tám linh hồn, được cứu qua nước.” (I Phi-e-rơ 3:18-20).

Vì nếu Đức Chúa Trời đã chẳng chừa lại các thiên sứ phạm tội, nhưng quăng họ vào trong vực sâu tối tăm, giao họ vào trong xiềng xích của sự tối tăm để chờ sự phán xét…” (II Phi-e-rơ 2:4).

Ngoài ra, chúng ta cũng nên chú ý đến sự kiện người giàu không tin Chúa ở trong âm phủ vẫn cảm biết sự đau đớn, vẫn có ý thức về mối quan hệ giữa ông ta và những người còn sống; và ông mong rằng, những người thân còn sống của mình sẽ không bị cùng một kết quả đau đớn như mình. Điều này đánh tan tà giáo dạy rằng, sau khi chết thì linh hồn không có cảm giác hoặc ý thức. Nếu sau khi thân thể xác thịt chết đi mà linh hồn không có cảm giác hoặc cảm xúc thì tại sao Đấng Christ lại gọi nơi ở của các thánh đồ trong âm phủ là Ba-ra-đi, và Áp-ra-ham khẳng định là người nhà giàu đang chịu khổ hình? Sự khổ hình người nhà giàu chịu trong âm phủ chỉ là sự khổ hình của nơi tạm giam linh hồn những người không tin Chúa, chưa phải là sự khổ hình trong hỏa ngục, là sự khổ hình đời đời sau sự phán xét chung cuộc được tiên tri trong Khải Huyền 20:11-15.

Câu chuyện về người giàu không tin Chúa và người ăn mày La-xa-rơ tin Chúa ở trong âm phủ do chính Đức Chúa Jesus Christ phán dạy không phải là ngụ ngôn, mà là thực tế. Trong tất cả các ngụ ngôn của Chúa, Ngài không hề nêu tên các nhân vật, vì những gì Ngài kể chỉ là thí dụ, chứ không là các dữ kiện thực tế. Nhưng trong câu chuyện về âm phủ thì Ngài đã nêu tên Áp-ra-ham và La-xa-rơ, vì Ngài đang nói lên các dữ kiện có thật.

Buổi Chiều Cuối Ngày Thứ Ba, Sau Khi Chúa Chết

Vì Chúa trút hơi thở cuối cùng trên thập tự giá vào khoảng 3 giờ chiều ngày 14/01 nên chúng ta có thể tin rằng, Chúa đã sống lại cũng vào khoảng 3 giờ chiều ngày 17/01, tức là Chúa đã sống lại sau khi Ngài đã chết trọn ba ngày và ba đêm. Tuy nhiên, có thể Chúa vẫn ở trong mộ huyệt cho đến khoảng 5 giờ chiều, cho đủ thời gian thân thể xác thịt của Ngài phải ở trong lòng đất ba ngày và ba đêm sau khi chết.

Thân thể xác thịt sống lại tức là thân thể xác thịt được kết hiệp trở lại với tâm thần và linh hồn. Tuy nhiên, thân thể xác thịt phục sinh của Đấng Christ không còn bị hạn chế bởi các định luật vật chất. Thân thể xác thịt phục sinh của Đấng Christ có thể xuyên qua vật chất và vào trong thiên đàng. Chính vì thế mà Đức Chúa Jesus Christ không cần phải lăn khối đá chận cửa mộ để ra khỏi mộ. Sau khi Chúa đã xuyên qua đất đá, ra khỏi mộ thì một thiên sứ đã lăn khối đá chận cửa mộ ra khỏi cửa mộ, để các môn đồ của Chúa có thể bước vào trong mộ và nhìn thấy xác Chúa không còn trong mộ.

Chúng ta không biết chắc Chúa đã làm gì trong suốt thời gian khoảng hơn 12 tiếng đồng hồ, từ trước khi mặt trời lặn của ngày 17/01, là thời điểm Ngài đã sống lại, cho đến khi mặt trời mọc của ngày 18/01, là lúc Ngài hiện ra lần đầu với Ma-ri Ma-đơ-len (Mác 16:9). Chắc chắn là Ngài đã không ở lại trong mộ huyệt, vì như vậy sẽ trở thành ba ngày và bốn đêm thân thể xác thịt của Ngài ở trong lòng đất sau khi chết, sẽ không đúng với lời Ngài đã tiên tri.

Chúng ta có thể tin rằng, với thân thể xác thịt phục sinh Chúa đã ra khỏi mộ vào khoảng 5 giờ chiều ngày 17/01, và trở lại âm phủ để đưa linh hồn các thánh đồ trong Ba-ra-đi của âm phủ vào Ba-ra-đi của thiên đàng, như đã được tiên tri trong Thi Thiên 68:18 và được Sứ Đồ Phao-lô nhắc lại trong Ê-phê-sô 4:8:

Vậy nên, có lời phán: Khi Ngài đã lên nơi cao, Ngài dẫn theo những người bị cầm tù, và ban các ơn cho loài người.” (Ê-phê-sô 4:8).

Điều đó có nghĩa là, từ A-đam, tổ phụ của chúng ta, cho đến tên trộm bị đóng đinh bên cạnh Chúa, có đức tin nơi Chúa, đã được Đức Chúa Jesus Christ giải cứu ra khỏi chốn tạm giam trong âm phủ và đưa vào trong thiên đàng. Linh hồn của họ đã kết hiệp trở lại với thân thể thiêng liêng của họ là tâm thần, và họ vẫn ở bên cạnh Đức Chúa Jesus Christ trong thiên đàng, chờ ngày thân thể xác thịt của họ được sống lại.

Chúng ta cũng không loại trừ điều có thể xảy ra là có nhiều thiên sứ tháp tùng Ngài; có sự vui mừng lớn nơi âm phủ, giữa các thánh đồ; và có sự thờ phượng Đức Chúa Jesus Christ trong âm phủ, như lời Thánh Kinh đã chép:

Cũng vì thế nên Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh, để cho trong danh Jesus, mọi đầu gối trong các tầng trời, trên đất và bên dưới đất, hết thảy đều quỳ xuống, và mọi lưỡi đều xưng nhận Jesus Christ là Chúa, hướng về sự vinh quang của Thiên Phụ.” (Phi-líp 2:9-11).

Sự kiện các thiên sứ tháp tùng Ngài chính là sự tỏ ra vinh quang của Thiên Chúa. Kể từ giây phút thân thể xác thịt của Đấng Christ phục sinh thì thẩm quyền và năng lực của thân vị Thiên Chúa được phát huy qua thân thể xác thịt ấy.

Chúng ta cũng hiểu rằng, kể từ khi Đấng Christ đem linh hồn các thánh đồ trong âm phủ vào trong thiên đàng thì trong âm phủ chỉ còn lại linh hồn của những người không tin Chúa. Kể từ giây phút đó, những ai thuộc về Đấng Christ, ngay sau khi chết, linh hồn của họ được vào trong thiên đàng; vì Đấng Christ đã hoàn thành công cuộc cứu rỗi, họ không còn phải bị tạm giam nơi âm phủ.

Khi Chấp Sự Ê-tiên bị những người I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo ném đá thì ông đã nhìn thấy các tầng trời mở ra và nhìn thấy Đức Chúa Jesus Christ đang đứng chờ ông (Công Vụ Các Sứ Đồ 7:55-56).

Sứ Đồ Phao-lô khẳng định, chết là đi ở với Đấng Christ:

Vì tôi bị ép giữa hai bề, khao khát được đi, ở với Đấng Christ, là điều tốt hơn nhiều; nhưng cứ ở trong xác thịt, là sự cần hơn cho các anh chị em.” (Phi-líp 1:23-24).

Ngay trong Kỳ Tận Thế, linh hồn của những người bị thế lực của AntiChrist giết vì trung tín với Chúa cũng được ở trong thiên đàng, và ở dưới bàn thờ:

Khi Ngài mở ấn thứ năm, tôi thấy dưới bàn thờ có những linh hồn của những kẻ đã bị giết vì Lời của Đức Chúa Trời và vì lời chứng mà họ đã giữ.” (Khải Huyền 6:9).

Hiện nay, Đấng Christ đã làm xong sự cứu rỗi và Ngài đang ở trong thiên đàng. Không có lý do gì linh hồn của con dân Chúa đã qua đời lại không ở trong thiên đàng với Ngài.

Ngày Thứ Nhất, Sau Khi Chúa Sống Lại

Chúng ta biết rằng, cho đến khi Đức Chúa Jesus Christ hiện ra với Ma-ri Ma-đơ-len lần thứ nhất thì Ngài chưa vào trong thiên đàng, ra mắt Đức Chúa Trời; vì thế, Ngài không cho phép bà chạm đến Ngài (Giăng 20:17). Tuy nhiên, dường như không đầy một tiếng đồng hồ sau đó thì Ngài đã hiện ra một lần nữa với Ma-ri Ma-đơ-len, và lần này thì có Ma-ri khác (mẹ của Gia-cơ và Giô-sê), Ngài đã cho phép họ được ôm chân Ngài. Điều đó có nghĩa là trong khoảng thời gian giữa lần thứ nhất và lần thứ nhì Chúa hiện ra với Ma-ri Ma-đơ-len thì Ngài đã vào trong thiên đàng, ra mắt Đức Chúa Trời.

Chúng ta có thể hình dung sự việc đã xảy ra như sau: Trong khi Đức Chúa Jesus Christ trên đường dẫn linh hồn các thánh đồ từ âm phủ vào trong thiên đàng thì Ngài đã dừng lại, hiện ra lần thứ nhất để an ủi Ma-ri Ma-đơ-len đang than khóc, vì bà hiểu lầm là có người đã dời xác Chúa đi nơi khác. Ngài đã không nỡ để cho bà phải chịu sự thương cảm quá lớn, cho dù là chỉ thêm một khoảng thời gian ngắn. Sau khi linh hồn các thánh đồ đã vào trong thiên đàng và Đức Chúa Jesus Christ đã ra mắt Đức Chúa Trời thì Ngài vội vã trở lại thế gian, hiện ra lần thứ nhì với Ma-ri Ma-đơ-len, có sự hiện diện của Ma-ri khác. Qua sự hình dung như vậy, chúng ta thấy Đức Chúa Jesus Christ yêu quý và quan tâm Ma-ri Ma-đơ-len biết bao. Đây cũng là một bài học quan trọng cho mỗi chúng ta. Hãy có mối quan hệ với Đấng Christ như Ma-ri Ma-đơ-len đã có với Ngài.

Cả bốn sách Tin Lành đều ghi lại sự kiện Đức Chúa Jesus Christ sống lại và nhiều lần hiện ra với các môn đồ vào ngày Thứ Nhất, sau các ngày Sa-bát của tuần lễ trước đó. Ngày Sa-bát đầu của Lễ Bánh Không Men nhằm ngày Thứ Năm trong tuần và ngày Sa-bát cuối tuần nhằm ngày Thứ Bảy. Tuy nhiên, các chi tiết không giống nhau. Dù vậy, đó không phải là sự mâu thuẫn trong Thánh Kinh. Khi chúng ta đối chiếu và tổng hợp các câu Thánh Kinh với nhau, chúng ta sẽ thấy các câu Thánh Kinh bổ sung cho nhau chứ không phải mâu thuẫn. Dưới đây là phần tổng kết của chúng tôi về những lần Đức Chúa Jesus Christ hiện ra với các môn đồ vào ngày Thứ Nhất, sau khi Ngài đã sống lại vào chiều ngày Thứ Bảy:

  • Sáng sớm ngày Thứ Nhất sau ngày Sa-bát đầu của Lễ Bánh Không Men và ngày Sa-bát Thứ Bảy cuối tuần: Ma-ri Ma-đơ-len, Ma-ri mẹ của Gia-cơ và Giô-sê (được gọi là Ma-ri khác), Gian-nơ, Sa-lô-mê, và có lẽ một số phụ nữ khác nữa mang thuốc thơm đến viếng xác Chúa (Ma-thi-ơ 28:1; Mác 16:1; Lu-ca 24:10).

  • Nhưng có lẽ, Ma-ri Ma-đơ-len với Ma-ri mẹ của Gia-cơ và Giô-sê đã đến trước những người khác. Khi hai bà đến nơi thì có cơn động đất xảy ra và một thiên sứ lăn khối đá chận cửa mộ sang một bên, rồi ngồi trên đó, phán bảo hai bà về sự Đức Chúa Jesus Christ đã sống lại, sai hai bà đi báo tin cho các môn đồ của Chúa. Hai bà vội vàng ra khỏi mộ và chạy về thành, báo tin cho các môn đồ (Ma-thi-ơ 28:1-8).

  • Ma-ri Ma-đơ-len là người trực tiếp báo tin cho Phi-e-rơ và Giăng, và có lẽ Ma-ri khác đã đi báo tin cho những người khác. Ma-ri Ma-đơ-len đã hoang mang, cho rằng ai đó đã dời xác Chúa đi nơi khác. Phi-e-rơ và Giăng vội chạy đến mộ để xem. Hai ông không thấy xác Chúa nên tin rằng ai đó đã dời xác Chúa. Hai ông trở về thành. Ma-ri Ma-đơ-len một mình ở lại bên mộ và khóc. Bà nhìn thấy hai thiên sứ ở trong mộ và họ hỏi rằng, sao bà lại khóc. Bà trả lời, bà khóc là vì người ta đã đem xác Chúa đi nơi khác mà bà không biết là nơi nào. Trả lời xong, bà xoay lưng lại, nhìn thấy Chúa nhưng không nhận ra Ngài. Bà ngỡ Ngài là người làm vườn. Khi Ngài gọi tên bà thì bà nhận ra Ngài. Chúa không cho phép bà chạm vào thân thể của Ngài, vì Ngài chưa vào thiên đàng ra mắt Đức Chúa Trời. Đây là lần đầu tiên, sau khi sống lại, Chúa hiện ra với Ma-ri Ma-đơ-len và bà cũng là người đầu tiên trong các môn đồ được nhìn thấy thân thể phục sinh của Chúa (Giăng 20:1-18; Mác 16:9).

  • Tiếp theo đó, sau khi Ma-ri Ma-đơ-len đã rời khỏi mộ thì có lẽ Gian-nơ, Sa-lô-mê và các phụ nữ khác đến mộ. Họ thấy khối đá đã bị lăn khỏi cửa mộ. Họ bước vào trong mộ nhưng không thấy xác Chúa. Họ đang hoang mang thì hai thiên sứ hiện ra, báo tin Chúa đã sống lại. Họ nhớ lại những lời Đức Chúa Jesus Christ đã phán trước về sự sống lại của Ngài. Họ trở về báo tin cho mười một sứ đồ và các môn đồ khác (Lu-ca 24:1-10).

  • Trong khi đó, Ma-ri Ma-đơ-len gặp lại Ma-ri mẹ của Gia-cơ và Giô-sê. Họ cùng nhau tiếp tục đi báo tin cho các môn khác thì Đức Chúa Jesus hiện ra với hai bà. Đây là lần thứ nhì Chúa hiện ra với Ma-ri Ma-đơ-len và lần này Ngài cho phép bà cùng Ma-ri mẹ của Gia-cơ và Giô-sê được ôm chân Ngài (Ma-thi-ơ 28:9). Lần thứ nhì Chúa hiện ra cho Ma-ri Ma-đơ-len không phải là trong khu vực của mộ phần như lần thứ nhất, mà là đâu đó trong thành Giê-ru-sa-lem, trên con đường bà và Ma-ri khác đi báo tin cho các môn đồ khác.

  • Vào buổi chiều của ngày hôm đó, Chúa hiện ra với hai môn đồ trong khi họ từ Giê-ru-sa-lem đi về làng Em-ma-út. Họ lập tức quay về thành Giê-ru-sa-lem để báo tin cho các sứ đồ và các môn đồ khác (Mác 16:12-13; Lu-ca 24:13-35).

  • Trong khi hai môn đồ đang làm chứng với các sứ đồ và các môn đồ khác về sự Chúa hiện ra với họ thì Chúa hiện ra với mọi người (Mác 16:14; Lu-ca 24:33-49; Giăng 20:19-23).

Kính thưa Hội Thánh,

Chúng tôi mong rằng, những gì chúng tôi trình bày trong bài này sẽ giúp cho quý ông bà anh chị em có thêm dữ liệu để suy ngẫm về câu hỏi: Đức Chúa Jesus Christ đã làm gì trong suốt thời gian ba ngày và ba đêm thân thể của Ngài nằm trong lòng đất? Đồng thời, giúp làm sáng tỏ các chi tiết được ghi lại trong Thánh Kinh, liên quan đến sự Chúa hiện ra với các môn đồ của Ngài trong ngày Thứ Nhất, sau khi Ngài sống lại.

Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta, mang sự khôn sáng đến cho chúng ta, và đem lại cho chúng ta niềm vui trong sự gia tăng trí thức. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
20/04/2019

Ghi Chú

[1] https://timhieutinlanh.com/biengiao/huyen-thoai-thu-sau-thuong-kho-va-chu-nhat-phuc-sinh/

[2] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-co-lo-se-2_16-23/

[3] https://timhieuthanhkinh.com/nhung-bai-can-doc-nghe-truoc/

Karaoke Thánh Ca: “Từ Nay Tôi Mãi Bên Cạnh Ngài”:
https://karaokethanhca.net/tu-nay-toi-mai-ben-canh-ngai/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/