Huyền Thoại: “Thứ Sáu Thương Khó và Chủ Nhật Phục Sinh”

3,852 views

Tải xuống video tại đây: https://youtu.be/qtoy66Lit2w

201908 Bài Giảng Trong Năm 2019
Huyền Thoại: “Thứ Sáu Thương Khó và Thứ Bảy Phục Sinh”

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNzg0NTkxNDlf/201908_HuyenThoaiThuSauThuongKhoVaChuNhatPhucSinh.mp3
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/huyen-thoai-thu-sau-thuong-kho-va-chu-nhat-phuc-sinh
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/f5vir07yi0xb1jn/201908_HuyenThoaiThuSauThuongKhoVaChuNhatPhucSinh.mp3/file

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

Amazon Drive: https://www.amazon.com/clouddrive/share/EERPUwTASJiTF0aRyt5inO35U3LZbPYs8qE7kOvo5oU
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Huyền thoại là câu chuyện không có thật. Trong lịch sử của Hội Thánh, có nhiều câu chuyện không có thật đã được “cha của sự nói dối” là Sa-tan đưa vào trong Hội Thánh qua các tổ chức tôn giáo mang danh Chúa. Chính Đức Chúa Jesus Christ đã gọi Sa-tan là “cha của sự nói dối” (Giăng 8:44). Vì thế, bất cứ ai tiếp tay Sa-tan rao giảng những sự dối trá không đúng với Thánh Kinh thì đều là tự nguyện làm con cái của nó. Còn những ai nghe và tin theo những sự rao giảng dối trá thì họ tự chuốc lấy tai họa cho mình. Vì đã không đối chiếu mọi lời giảng dạy đó với Thánh Kinh. Bổn phận của con dân Chúa là phải noi gương những người dân thành Bê-rê khi xưa (Công Vụ Các Sứ Đồ 17:11), luôn đối chiếu mọi lời giảng với Thánh Kinh, xem sự giảng dạy mình nghe có đúng với Lời Chúa hay không, trước khi tin nhận và làm theo.

Các huyền thoại nổi bật do Sa-tan đưa vào trong Hội Thánh là huyền thoại Christmas và huyền thoại Easter [1], [2], [3].

Christmas” có nghĩa là “giết Đấng Christ để làm tế lễ” vì chữ “mas” ra từ chữ “mass” để gọi thánh lễ hàng ngày của Giáo Hội Công Giáo. Thánh lễ ấy kỷ niệm sự chết của Đức Chúa Jesus Christ. Giáo lý của Công Giáo dạy rằng, trong thánh lễ ấy, bánh không men và rượu nho biến thành thịt thật và máu thật của Đấng Christ. Hầu hết người trên thế giới gọi lễ kỷ niệm sự sinh ra của Đức Chúa Jesus là Christmas và hơn hai tỷ người tự nhận là con dân Chúa thường chúc nhau: “Merry Christmas”. Lời chúc đó có nghĩa là “Chúc vui mừng trong sự giết Đấng Christ làm tế lễ”. Tại sao lại vui mừng trong sự giết Đấng Christ làm tế lễ? Và sự giết Đấng Christ làm tế lễ có liên quan gì đến sự Đức Chúa Jesus được sinh ra?

Còn “Easter” là tên của một nữ tà thần ngoại giáo, chẳng liên quan gì đến sự phục sinh của Chúa. Nhưng hầu hết người trên thế giới vẫn gọi lễ kỷ niệm Chúa phục sinh là “Lễ Easter”, và hơn hai tỷ người tự nhận là con dân Chúa thường chúc nhau: “Happy Easter”. Lời chúc đó có nghĩa là “Hạnh phúc trong ngày nữ thần Easter phục sinh”. Riêng trong huyền thoại Easter còn có huyền thoại “Thứ Sáu Thương Khó và Chủ Nhật Phục Sinh”. Gọi là “Thứ Sáu Thương Khó và Chủ Nhật Phục Sinh” là gọi theo cách của người Việt Nam. Còn trong tiếng Anh là: “Good Friday and Easter Sunday”.

Nhân dịp con dân Chúa kỷ niệm sự thương khó và sự phục sinh của Chúa trong năm 2019 này, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về huyền thoại hay câu chuyện không có thật “Thứ Sáu Thương Khó và Chủ Nhật Phục Sinh”.

Dựa trên Lời Hằng Sống của Thiên Chúa là Thánh Kinh, chúng ta biết rõ, Đức Chúa Jesus Christ mang danh hiệu “Chiên Con Lễ Vượt Qua” (I Cô-rinh-tô 5:7) và Ngài đã chịu chết trên thập tự giá đúng vào ngày Lễ Vượt Qua. Với danh hiệu “Chiên Con Lễ Vượt Qua” Đấng Christ không thể chịu chết vào một ngày nào khác hơn là ngày Lễ Vượt Qua. Vì ngày lễ ấy đã được Đức Chúa Trời lập nên để làm hình bóng về sự Đấng Christ sẽ chịu chết để chuộc tội cho loài người. Ngày Lễ Vượt Qua là ngày 14 tháng Một (tháng Nisan) theo bộ lịch mà Đức Chúa Trời đã ban cho dân I-sơ-ra-ên mà chúng tôi xin gọi là Lịch Thánh Kinh để phân biệt với Lịch Do-thái, còn gọi là Lịch Hê-bơ-rơ, là lịch đã đem tháng Một xuống làm tháng Tám.

Lịch Thánh Kinh bắt đầu vào ngày Đức Chúa Trời ban hành lịch cho dân I-sơ-ra-ên qua Môi-se và A-rôn, như đã ghi lại trong Xuất Ê-díp-tô Ký:

Tại xứ Ê-díp-tô, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán với Môi-se và A-rôn rằng: Tháng này sẽ làm đầu cho các tháng đối với các ngươi, nó sẽ là tháng thứ nhất trong năm đối với các ngươi.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:1-2).

Dựa vào các chi tiết trong Thánh Kinh và các dữ kiện của thế giới sử mà chúng ta biết, ngày ấy, tức ngày 01/01/01 theo Lịch Thánh Kinh, nhằm Thứ Năm, ngày 12/03/1446 TCN theo Tây Lịch (Lịch Julian) [4].

Vì sao chúng ta biết ngày 01/01/01 của Lịch Thánh Kinh là ngày Thứ Năm? Vì vào buổi ban đầu khi các tầng trời và đất cùng với muôn vật trong chúng được dựng nên, thì đến ngày Thứ Tư mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao mới được thành hình để phân định những mùa, những ngày, và những năm. Chúng ta hiểu rằng, trước khi mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao được thành hình trong ngày Thứ Tư thì chúng đã là những khối tinh vân xuất hiện trong ngày thứ nhất và đã được Đức Chúa Trời truyền lệnh cho phát sáng. Tinh vân là những hạt bụi vật chất, tức những nguyên tố hóa học, làm thành các hành tinh và địa cầu.

Danh từ “mùa” trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh dùng để chỉ khoảng thời gian được ấn định hoặc kỳ lễ hội. Vì ngày trăng mới tức ngày đầu của mỗi tháng là thời điểm được Đức Chúa Trời ấn định và cũng là ngày lễ do Đức Chúa Trời quy định, nên chữ mùa trong Sáng Thế Ký 1:14 còn hàm ý là “tháng”.

Sáng Thế Ký 1:14-19

14 Thiên Chúa lại phán: Hãy có những vì sáng trong khoảng không trên trời, để phân ra ngày với đêm, và để chúng làm những dấu, để định những mùa, những ngày, và những năm;

15 lại để chúng làm những vì sáng trong khoảng không trên trời mà soi xuống đất! Thì có như vậy.

16 Thiên Chúa làm nên hai vì sáng lớn; vì lớn hơn để cai trị ban ngày, vì nhỏ hơn để cai trị ban đêm; Ngài cũng làm những ngôi sao.

17 Thiên Chúa đặt chúng trong khoảng không trên trời, để soi sáng đất,

18 để cai trị ban ngày và ban đêm, để phân rẽ sáng ra khỏi tối. Thiên Chúa thấy điều đó là tốt lành.

19 Vậy, có buổi tối và buổi sáng; ấy là ngày Thứ Tư.

Vì thế, ngày Thứ Năm trong tuần lễ là ngày bắt đầu cho lịch. Bốn ngày trước đó không có mặt trời, mặt trăng, và các tinh tú phân định mùa, ngày, năm để tính lịch.

Chúng ta có thể hiểu rằng, sau 430 năm sống dưới nền văn hóa của xứ Ê-díp-tô, dân I-sơ-ra-ên đã phải dùng hệ thống lịch của người Ê-díp-tô. Lịch của người Ê-díp-tô là Âm Lịch, tức lịch tính theo chu kỳ chuyển động của mặt trăng và đã có từ hơn 5.000 năm. Lịch Ê-díp-tô chia 10 ngày thành một tuần, ba tuần thành một tháng, bốn tháng thành một mùa, ba mùa cộng với năm ngày lễ hội thành một năm 365 ngày [5]. Nhưng khi Đức Chúa Trời tiến hành công cuộc giải cứu dân I-sơ-ra-ên ra khỏi ách nô lệ của Ê-díp-tô và đưa họ về Miền Đất Hứa Ca-na-an, thì Ngài đã khiến họ dùng lại bộ lịch đúng với lịch sử sáng tạo của vũ trụ, mà chúng tôi gọi là Lịch Thánh Kinh.

Quý ông bà anh chị em có thể tham khảo Lịch Do-thái và hoán chuyển giữa Lịch Do-Thái với Tây Lịch trên mạng [6]. Lịch Thánh Kinh khác Lịch Do-thái ở chỗ tháng Một là tháng Nisan và số năm là số năm của Lịch Do-thái trừ đi 2314. Thí dụ, năm nay là năm 5779 theo Lịch Do-thái. Lấy 5779-2314=3465. Vậy, năm nay là năm 3465 theo Lịch Thánh Kinh. Một cách tính khác là lấy số năm hiện tại của Tây Lịch cộng cho 1446 thì sẽ có số năm của Lịch Thánh Kinh. Thí dụ: 2019+1446=3465.

Ngày Lễ Vượt Qua đầu tiên 14/01/01 theo Lịch Thánh Kinh, cũng là ngày Thiên Chúa giải cứu dân I-sơ-ra-ên ra khỏi ách nô lệ của xứ Ê-díp-tô, nhằm ngày Thứ Tư trong tuần lễ và nhằm ngày 25/03/1446 TCN theo Tây Lịch.

Ngày Lễ Vượt Qua 14/01/1473 theo Lịch Thánh Kinh, là ngày Đức Chúa Jesus Christ chịu chết trên thập tự giá vì tội lỗi của toàn thể loài người, cũng nhằm ngày Thứ Tư trong tuần lễ. Đó là Thứ Tư, ngày 09/04/27 theo Tây Lịch [7].

Sau khi Đức Chúa Jesus Christ chết, vào cuối của ngày Lễ Vượt Qua, Ngài được chôn trong lòng đất trọn ba ngày và ba đêm. Sau ba ngày, tức là vào cuối của ngày thứ ba sau khi Chúa chết, trước khi mặt trời lặn để kết thúc ngày ấy, thì Đức Chúa Jesus Christ đã sống lại, y theo chính lời tiên tri của Ngài:

Vì như Giô-na đã ba ngày và ba đêm ở trong bụng cá lớn, thì Con Người cũng sẽ ba ngày và ba đêm ở trong lòng đất.” (Ma-thi-ơ 12:40).

Rồi, Ngài bắt đầu dạy họ rằng, Con Người phải chịu khổ nhiều, bị các trưởng lão, các thầy tế lễ cả, và các thầy thông giáo loại ra, và bị giết, rồi sau ba ngày sẽ sống lại.” (Mác 8:31).

Người ta sẽ nhạo báng Ngài, sẽ đánh đập Ngài, sẽ nhổ trên Ngài, và sẽ giết Ngài. Ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại.” (Mác 10:34).

Thánh Kinh Cựu Ước ghi rõ sự kiện Tiên Tri Giô-na đã ở trong bụng cá ba ngày và ba đêm, đúng như lời phán của Đức Chúa Jesus Christ:

Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã sắm sẵn một con cá lớn để nuốt Giô-na. Giô-na đã ở trong bụng cá ba ngày và ba đêm.” (Giô-na 1:17).

Tiên tri Giô-na vì không vâng lời Đức Chúa Trời mà bị chôn trong bụng cá suốt ba ngày và ba đêm. Sự kiện ấy được Đức Chúa Jesus Christ dùng làm biểu tượng cho sự bản thân Ngài sẽ chịu chết và bị chôn trong lòng đất ba ngày ba đêm để gánh thay án phạt không vâng phục Thiên Chúa của loài người. Chúng ta thấy, nhóm chữ “ba ngày và ba đêm” nói đến khoảng thời gian 72 tiếng đồng hồ, nhóm chữ “sau ba ngày” nói đến thời điểm sau 72 tiếng đồng hồ. Cả hai nhóm chữ này đều xác định rằng, Đức Chúa Jesus Christ phải ở trong lòng đất trọn ba ngày và ba đêm, rồi Ngài phục sinh vào cuối của ngày thứ ba, sau Lễ Vượt Qua.

  • Ngày Lễ Vượt Qua là ngày 14 tháng Một, bắt đầu từ sau khi mặt trời lặn của ngày 13 và kết thúc vào lúc mặt trời lặn của ngày 14. Đức Chúa Jesus Christ đã chết vào khoảng 3 giờ chiều ngày 14 (Ma-thi-ơ 27:45-50; Mác 15:33-37; Lu-ca 23:44-46). Ngài đã được chôn vào lòng đất trước khi mặt trời lặn, có lẽ trong khoảng thời gian từ 4 đến 5 giờ chiều; vì các môn đồ của Ngài phải chờ Tổng Đốc Phi-lát cho phép và họ phải về nhà trước khi mặt trời lặn (khoảng 6 giờ chiều) để giữ ngày Sa-bát đầu của Lễ Bánh Không Men. Sau khi mặt trời lặn là bước vào ngày Sa-bát đầu của Lễ Bánh Không Men, tức là ngày 15/01. Đức Chúa Jesus Christ đã chết và được chôn vào buổi chiều Thứ Tư, ngày 09/04/27 theo Tây Lịch.

  • Đức Chúa Jesus Christ được chôn trước khi mặt trời lặn của ngày 14. Ngài ở trong lòng đất từ buổi tối ngày 14 cho đến cuối ngày 15 là tròn một đêm và một ngày, tức đêm thứ nhất và ngày thứ nhất sau khi Chúa chết. Đó là ngày Sa-bát đầu của Lễ Bánh Không Men, nhằm Thứ Năm, ngày 10/04/27 theo Tây Lịch.

  • Đức Chúa Jesus Christ ở trong lòng đất từ buổi tối ngày 15 cho đến cuối ngày 16 là tròn một đêm và một ngày, tức đêm thứ nhì và ngày thứ nhì sau khi Chúa chết. Đó là ngày Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa, và là ngày thứ nhì của Lễ Bánh Không Men, nhằm Thứ sáu, ngày 11/04/27 theo Tây Lịch.

  • Đức Chúa Jesus Christ ở trong lòng đất từ buổi tối ngày 16 cho đến cuối ngày 17 là tròn một đêm và một ngày, tức đêm thứ ba và ngày thứ ba sau khi Chúa chết. Đó là ngày thứ ba của Lễ Bánh Không Men và cũng là ngày Sa-bát cuối tuần, nhằm Thứ Bảy, ngày 12/04/27 theo Tây Lịch. Đức Chúa Jesus Christ đã sống lại vào khoảng 4 đến 5 giờ chiều ngày 17, sau khi Ngài đã ở trong lòng đất trọn ba ngày và ba đêm.

  • Sáng sớm ngày 18, nhằm ngày Thứ Nhất (Chủ Nhật), Đức Chúa Jesus Christ đã hiện ra với các môn đồ khi họ đến thăm mộ của Ngài.

Từ khi Đức Chúa Jesus Christ chết cho đến khi Ngài sống lại có hai ngày Sa-bát. Ngày Sa-bát đầu của Lễ Bánh Không Men, nhằm Thứ Năm, ngày 10/04/27 theo Tây Lịch; và ngày Sa-bát cuối tuần nhằm Thứ Bảy, ngày 12/04/27 theo Tây Lịch. Thánh Kinh ghi rõ là Chúa sống lại và hiện ra với các môn đồ của Ngài “sau các ngày Sa-bát”.

Nhưng sau các ngày Sa-bát, buổi sáng sớm rạng ngày Thứ Nhất của các ngày Sa-bát, Ma-ri Ma-đơ-len và Ma-ri khác đến thăm mộ.” (Ma-thi-ơ 28:1).

Nhưng ngày Thứ Nhất của các ngày Sa-bát, lúc sáng sớm, họ đến bên mộ, đem theo những thuốc thơm mà họ đã sửa soạn, cùng với những người khác.” (Lu-ca 24:1).

Nhưng ngày Thứ Nhất của các ngày Sa-bát, sáng sớm, lúc trời còn tối, Ma-ri Ma-đơ-len đến bên mộ, thấy khối đá lấp cửa mộ đã bị dời khỏi mộ.” (Giăng 20:1).

Cách dùng chữ: “ngày Thứ Nhất của các ngày Sa-bát” có nghĩa là: Ngày Thứ Nhất tiếp liền theo các ngày Sa-bát của tuần lễ trước đó. Sứ Đồ Giăng gọi ngày Sa-bát đầu của Lễ Bánh Không Men, theo liền sau khi xác Chúa được chôn vào lòng đất là “ngày Sa-bát trọng thể”, để phân biệt với ngày Sa-bát cuối tuần vào mỗi Thứ Bảy:

Hôm ấy là ngày sắm sửa về ngày Sa-bát các xác chết không thể ở trên các thập tự giá vào ngày Sa-bát, vì ngày Sa-bát ấy là trọng thể, cho nên dân Do-thái xin Phi-lát cho đánh gẫy chân họ và đem họ đi.” (Giăng 19:31).

Giăng có thói quen gọi các ngày Sa-bát trong các ngày lễ hội là “ngày trọng thể”. Trong Giăng 7:37 ông gọi ngày Sa-bát cuối của Lễ Lều Trại là ngày trọng thể. Tiếc thay, phần lớn các nhà giải kinh trong các giáo hội đã không quan tâm đến chi tiết Giăng gọi ngày Sa-bát theo liền ngày Chúa chịu đóng đinh, tức ngày Sa-bát đầu của Lễ Bánh Không Men, là ngày Sa-bát trọng thể, nên họ đã cho rằng, đó là ngày Sa-bát cuối tuần. Vì thế, phát sinh ra huyền thoại “Thứ Sáu Thương Khó”.

Các câu Thánh Kinh được liệt kê trên đây, Thánh Kinh Việt ngữ Bản Dịch Truyền Thống cũng như một số bản dịch Việt ngữ khác đã dịch không đúng với nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh. Bản Dịch Anh Ngữ King James, cũng dịch không đúng, vì không dùng số nhiều cho danh từ “Sa-bát” như trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh. Dưới đây là trích dẫn nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh (Textus Receptus) và hai Bản Dịch Anh Ngữ dịch sát (literal translation) với nguyên ngữ Hy-lạp. Danh từ Sa-bát số nhiều được tô đậm và gạch dưới:

Mat 28:1 οψε δε σαββατων τη επιφωσκουση εις μιαν σαββατων ηλθεν μαρια η μαγδαληνη και η αλλη μαρια θεωρησαι τον ταφον

Mat 28:1 And on the eve of the sabbaths, at the dawn, toward the first of the sabbaths, came Mary the Magdalene, and the other Mary, to see the sepulchre, (Young’s Literal Translation)

Mat 28:1 But late in the sabbaths, at the dawning into the first of the sabbaths, Mary the Magdalene and the other Mary came to gaze upon the grave. (Literal Translation of the Holy Bible)

Luk 24:1 τη δε μια των σαββατων ορθρου βαθεος ηλθον επι το μνημα φερουσαι α ητοιμασαν αρωματα και τινες συν αυταις

Luk 24:1 And on the first of the sabbaths, at early dawn, they came to the tomb, bearing the spices they made ready, and certain others with them, (Young’s Literal Translation)

Luk 24:1 And the first of the sabbaths, while still very early, they came on the tomb, carrying spices which they prepared; and some were with them. (Literal Translation of the Holy Bible)

Joh 20:1 τη δε μια των σαββατων μαρια η μαγδαληνη ερχεται πρωι σκοτιας ετι ουσης εις το μνημειον και βλεπει τον λιθον ηρμενον εκ του μνημειου

Joh 20:1 And on the first of the sabbaths, Mary the Magdalene doth come early (there being yet darkness) to the tomb, and she seeth the stone having been taken away out of the tomb, (Young’s Literal Translation)

Joh 20:1 But on the first of the sabbaths, Mary Magdalene came early to the tomb, darkness yet being on it. And she saw the stone had been removed from the tomb. (Literal Translation of the Holy Bible)

Qua sự kiện này, chúng ta thấy việc dịch Thánh Kinh cho thật đúng với nguyên ngữ rất là quan trọng. Và cũng rất quan trọng về việc chúng ta phải đối chiếu rồi liên kết các câu Thánh Kinh liên quan đến một sự kiện để có thể hiểu đúng Lời Chúa.

Lẽ thật là Đức Chúa Jesus Christ đã chết và được chôn trong lòng đất vào chiều ngày Thứ Tư. Ngài đã sống lại vào chiều ngày Thứ Bảy. Ngài đã ở trọn ba ngày và ba đêm trong lòng đất. Đó là: ngày Thứ Năm, ngày Thứ Sáu, và ngày Thứ Bảy; đêm Thứ Tư, đêm Thứ Năm, và đêm Thứ Sáu. Ngài đã hiện ra với các môn đồ đến thăm mộ của Ngài vào sáng sớm ngày Thứ Nhất, là ngày theo liền hai ngày Sa-bát trong tuần lễ trước đó.

  • Ngày Chúa chết là ngày Lễ Vượt Qua, 14 tháng Một; và ngày Chúa sống lại là ngày thứ ba của Lễ Bánh Không Men, sau ngày Lễ Vượt Qua, nhằm ngày 17 tháng Một theo Lịch Thánh Kinh.

  • Đức Chúa Jesus Christ không hề chết vào chiều ngày Thứ Sáu và sống lại vào sáng sớm ngày Thứ Nhất.

  • Từ chiều Thứ Sáu đến sáng sớm ngày Thứ Nhất chỉ có một ngày Sa-bát Thứ Bảy cuối tuần, trong khi Thánh Kinh ghi rõ là các ngày Sa-bát.

  • Từ chiều Thứ Sáu đến sáng sớm ngày Thứ Nhất không thể nào là khoảng thời gian ba ngày và ba đêm, mà chỉ có hai đêm và một ngày: Đêm Thứ Sáu, đêm Thứ Bảy và ngày Thứ Bảy.

  • Ai nói rằng, Đức Chúa Jesus Christ chết và được chôn vào chiều Thứ Sáu rồi sống lại vào sáng sớm ngày Thứ Nhất là người ấy ngang nhiên nói dối, nghịch lại Lời Chúa.

Ngày lễ Vượt Qua có thể rơi vào ngày Thứ Sáu trong tuần. Nhưng nếu ngày Lễ Vượt Qua Chúa chịu chết nhằm vào ngày Thứ Sáu thì lúc Chúa phục sinh sẽ là chiều ngày Thứ Hai. Như vậy, khi các môn đồ đến thăm mộ Chúa vào sáng sớm ngày Thứ Nhất vẫn sẽ thấy xác của Ngài còn ở trong mộ. Các chi tiết trong Thánh Kinh và các dữ kiện thế giới sử giúp chúng ta biết rằng, Đức Chúa Jesus Christ đã bị đóng đinh và chết vào ngày Lễ Vượt Qua của năm 27, nhằm ngày Thứ Tư trong tuần. Quý ông bà anh chị em hãy đọc bài “Ngày Chúa Chết và Ngày Chúa Phục Sinh” trên khu mạng: timhieutinlanh.com/thanhoc [7].

Chúng ta cũng cần biết rằng, trong khoảng hơn 100 năm đầu của lịch sử Hội Thánh thì Hội Thánh không hề tổ chức Lễ Giáng Sinh hay Lễ Phục Sinh. Thánh Kinh cũng không hề nói đến hai lễ này. Mãi đến giữa thế kỷ thứ nhì thì có nhiều Hội Thánh địa phương bắt đầu kỷ niệm sự thương khó và sự phục sinh của Chúa vào ngày Lễ Vượt Qua, bất kể là ngày ấy nhằm ngày thứ mấy trong tuần lễ [8].

Tuy nhiên, từ năm 132 đến năm 135, người I-sơ-ra-ên nổi lên, chống lại sự cai trị của đế quốc La-mã. Cuộc nổi dậy này do Si-môn Ba Cô-ba (Shimon Bar-Kokhba) cầm đầu và bị quân đội La-mã thẳng tay dẹp tan. Sau đó, Hoàng Đế La-mã ra sắc lệnh cấm dân I-sơ-ra-ên sinh sống tại Giê-ru-sa-lem và ban hành sách lược bách hại các tín ngưỡng có liên quan đến người I-sơ-ra-ên. Để tránh bị bách hại các Hội Thánh địa phương tại Rô-ma bắt đầu đổi sự nhóm hiệp từ ngày Sa-bát Thứ Bảy sang Chủ Nhật, và tổ chức Lễ Phục Sinh vào Chủ Nhật thứ nhất sau ngày xuân phân, đồng thời các giám mục công khai lên tiếng bài bác người I-sơ-ra-ên cùng Do-thái Giáo [9], [10]. Nên biết, vào thời bấy giờ, Chủ Nhật là ngày nghỉ hàng tuần của người La-mã và cũng là ngày dân La-mã nhóm hiệp thờ phượng Thần Mặt Trời. Còn Chủ Nhật thứ nhất sau ngày xuân phân chính là ngày dân ngoại thờ lạy sự phục sinh của nữ tà thần Easter. Kính mời qúy ông bà anh chị em đọc bài “Huyền Thoại về Easter” trên khu mạng timhieutinlanh.com [3].

Riêng các Hội Thánh tại miền Tiểu Á vẫn giữ nguyên sự thờ phượng Chúa vào mỗi Sa-bát và kỷ niệm sự thương khó cùng sự phục sinh của Chúa vào ngày Lễ Vượt Qua. Sự việc kéo dài như vậy khoảng 200 năm.

Đến đầu thế kỷ thứ tư, khi Hoàng Đế Công-tăng-tin Đệ Nhất (Constantine I) của đế quốc La-mã gia nhập Hội Thánh thì cuộc tranh cãi về ngày Lễ Phục Sinh đã trở thành vấn đề trong Hội Thánh. Cùng lúc ấy, tà giáo phủ nhận thần tính của Đức Chúa Jesus Christ cũng lan truyền trong Hội Thánh. Vì thế, Hoàng Đế Công-tăng-tin đã đứng ra triệu tập 1.800 giám mục từ các Hội Thánh trong toàn đế quốc La-mã về dự hội nghị tại thành phố Ni-xê-a (Nicea), xứ Bi-thi-ni (Bithini), ngày nay thuộc Thổ-nhĩ-kỳ, để giải quyết hai nan đề này. Đó là Công Đồng Ni-xê-a lần thứ nhất vào năm 325. Số giám mục về tham dự Công Đồng là 318 người, chưa đến 1/5 tổng số các giám mục; ngoài ra, có nhiều phụ tá của các giám mục và các trưởng lão đồng tham dự. Tổng số người tham dự được ước tính là vào khoảng 1.500 người. Hội nghị kéo dài suốt hai tháng và 12 ngày. Đây là cuộc đại hội nghị lần thứ nhất sau cuộc đại hội nghị tại Giê-ru-sa-lem vào mùa hè năm 49, được ghi lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ đoạn 15.

Danh từ “Công Đồng” ra từ chữ oi-cú-mê-ni-cốt “οικουμενικός” /oikoumenikos/ của tiếng Hy-lạp, có nghĩa là: Toàn thế giới, nhưng được dùng với nghĩa: Toàn đế quốc La-mã. Công đồng Ni-xê-a thứ nhất đã ra tuyên ngôn khẳng định thần tính của Đức Chúa Jesus Christ và quyết định rằng, Lễ Phục Sinh phải được cử hành vào ngày Thứ Nhất (Chủ Nhật) đầu tiên sau ngày trăng tròn đầu tiên, tính từ ngày xuân phân, là ngày lễ phục sinh của nữ tà thần Easter, thay vì cử hành vào ngày Lễ Vượt Qua.

Tiếp theo đó, Hội Nghị Lao-đi-xê (Laodicea) được tổ chức vào năm 364 tại Tiểu Á với khoảng 30 giám mục đã đưa ra nghị quyết hủy bỏ ngày Sa-bát Thứ Bảy và buộc con dân Chúa phải nhóm thờ phượng Chúa vào Chủ Nhật:

Môn đồ của Đấng Christ không được tiêm nhiễm Do-thái Giáo mà nghỉ ngơi vào Thứ Bảy mà sẽ làm việc trong ngày ấy. Nhưng họ phải đặc biệt tôn kính ngày của Chúa [hàm ý Chủ Nhật]; và là môn đồ của Đấng Christ thì họ sẽ không làm việc trong ngày ấy, nếu có thể được. Nếu họ bị phát hiện là tiêm nhiễm Do-thái Giáo thì họ sẽ bị cắt ra khỏi Đấng Christ.” [11].

Hoàng Đế Công-tăng-tin gia nhập Hội Thánh vào năm 312. Theo các tài liệu do các giám mục thời bấy giờ ghi lại thì trong khi tiến chiếm thành Rô-ma, Công-tăng-tin và quân lính của ông nhìn thấy một khải tượng. Họ thấy trên trời hiện ra một thập tự giá và bên dưới có hàng chữ: “Chiến Thắng Trong Dấu Hiệu Này”. Dù không hiểu gì nhiều về ý nghĩa của hình thập tự giá nhưng Công-tăng-tin ra lệnh cho binh sĩ vẽ hình thập tự trên các khiên của họ và ông gọi đó là dấu hiệu của “Thiên Chúa Tối Cao”. Công-tăng-tin đã thắng trận vẻ vang và được các giám mục giảng giải cho ông biết ý nghĩa của thập tự giá nên ông bằng lòng tin nhận Đức Chúa Jesus Christ.

Công-tăng-tin cho xây dựng các nhà thờ to lớn tại Rô-ma và ưu đãi con dân Chúa với mục đích thống nhất lòng dân trong toàn đế quốc. Ông tin cậy và mời nhiều giám mục làm cố vấn cho ông. Chính sách đó khiến cho Hội Thánh từ từ kết hiệp với chính quyền và các giám mục từ từ trở thành những quan thầy tôn giáo. Hội Thánh biến thể thành một tổ chức tôn giáo với thành phần giáo phẩm ăn trên, ngồi trước, đòi hỏi sự trọng vọng của mọi người. Cho đến khi Hoàng Đế Thi-đô-xi-út Đệ Nhất (Theodosius I, 379-392), thuộc Đông Đế Quốc La-mã, và Hoàng Đế Rây-sân (Gratian, 367-375), thuộc Tây Đế Quốc La-mã, chung nhau ra chiếu chỉ quốc giáo hóa Đạo Chúa trong toàn Đế Quốc La-mã vào ngày 27 tháng 2 năm 380 thì Giáo Hội Công Giáo chính thức ra đời sau 68 năm chính quyền của đế quốc La-mã can thiệp vào sinh hoạt của Hội Thánh [12]. Công Giáo có nghĩa là tôn giáo chung cho mọi người. Dân ngoại thấy Giáo Hội Công Giáo được chính quyền ưu đãi nên kéo nhau xin gia nhập. Họ chỉ gia nhập giáo hội nhưng không từ bỏ nếp sống cũ vui trong tội lỗi và thờ lạy các tà thần. Từ đó, các lề thói mê tín dị đoan và các nghi thức thờ phượng của ngoại giáo càng ngày xâm nhập giáo hội càng hơn; nhất là khi các đền thờ tà thần được biến thành nhà thờ, các tượng tà thần được đổi tên thành các nhân vật trong Thánh Kinh.

Những con dân Chúa không tuân phục thẩm quyền của Giáo Hội Công Giáo bị bách hại và họ phải trốn tránh đến những nơi xa xôi, thậm chí ra khỏi lãnh thổ của đế quốc. Giáo Hội Công Giáo hay bất cứ giáo hội nào khác đều không phải là Hội Thánh của Chúa. Hội Thánh của Chúa là tập thể những con dân chân thật của Chúa ở khắp nơi, hết lòng sống theo Lời Chúa.

Như vậy, lịch sử đã cho thấy, sự đổi ngày Sa-bát Thứ Bảy sang Chủ Nhật, trùng với ngày dân ngoại thờ Thần Mặt Trời, và sự tổ chức Lễ Phục Sinh vào Chủ Nhật đầu tiên sau ngày trăng tròn đầu tiên, tính từ ngày xuân phân, trùng với ngày dân ngoại kỷ niệm sự phục sinh của nữ tà thần Easter, phát xuất từ sự sợ bị chính quyền bách hại của con dân Chúa trong các Hội Thánh tại thành Rô-ma. Về sau, vào thế kỷ thứ tư, khi một phần trong Hội Thánh bắt đầu liên kết với chính quyền, biến thành một tổ chức tôn giáo, tức giáo hội, thì giáo hội đã ra lệnh chính thức hóa hai sự kiện ấy và tên Easter cũng được dùng để gọi ngày giáo hội kỷ niệm Chúa phục sinh.

Chúng ta có thể hình dung ra như sau:

  • Mỗi Chủ Nhật trong khi dân La-mã nhóm hiệp thờ phượng Thần Mặt Trời thì con dân Chúa tại Rô-ma nhóm hiệp thờ phượng Chúa. Như vậy, họ yên tâm sẽ không bị chính quyền để ý bách hại.

  • Mỗi năm, vào ngày dân La-mã nhóm hiệp kỷ niệm sự phục sinh của nữ tà thần Easter thì con dân Chúa tại Rô-ma cũng nhóm hiệp lại để kỷ niệm sự phục sinh của Đức Chúa Jesus Christ. Như vậy, họ cũng yên tâm sẽ không bị chính quyền để ý bách hại.

Ngày nay, chúng ta là con dân chân thật của Chúa. Chúng ta có trọn vẹn Lời Hằng Sống của Chúa trong tay đối chiếu với lịch sử để biết về thời điểm Chúa chết và Chúa phục sinh. Khi tham khảo các tài liệu lịch sử chúng ta biết vì sao có huyền thoại “Thứ Sáu Thương Khó và Chủ Nhật Phục Sinh”. Vậy, chúng ta có nên tổ chức kỷ niệm sự phục sinh của Chúa vào Chủ Nhật mà dân ngoại kỷ niệm sự phục sinh của nữ tà thần Easter, và tổ chức kỷ niệm sự thương khó của Chúa vào ngày Thứ Sáu trước đó? Chúng ta có nên gọi lễ kỷ niệm sự phục sinh của Chúa là Lễ Easter?

Lời Chúa phán dạy rõ ràng:

Nhưng giờ đã đến và bây giờ là lúc những người thờ phượng thật sẽ thờ phượng Đức Cha trong thần trí và trong lẽ thật. Vì Đức Cha tìm kiếm những người thờ phượng Ngài như vậy. Đức Chúa Trời là Thần. Những người thờ phượng Ngài phải thờ phượng trong thần trí và trong lẽ thật.” (Giăng 4:23-24).

Nguyện Lời Chúa mang sự khôn sáng đến cho chúng ta, thánh hóa chúng ta, và giúp chúng ta đánh trả mọi tà giáo. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
13/04/2019

Ghi Chú

[1] https://timhieutinlanh.com/christmas-su-that-hien-nhien-ve-christmas/

[2] https://timhieutinlanh.com/christmas-su-that-ve-christmas/

[3] https://timhieutinlanh.com/easter-huyen-thoai-ve-easter/

[4] https://kytanthe.net/003-tom-luoc-lich-su-loai-nguoi/

[5] https://www.ancient-egypt-online.com/ancient-egyptian-calendar.html

[6] https://www.abdicate.net/print.aspx

[7] https://timhieutinlanh.com/thanhoc/ngay-chua-chet-va-ngay-chua-phuc-sinh/

[8] Williston Walker. “A History of The Christian Church”. Trang: 61-62, 85, 106, 109, 325. Phát hành bởi Charles Scribner’s Sons, New York, 1970.

[9] https://www.jewishvirtuallibrary.org/the-bar-kokhba-revolt-132-135-ce

[10] Samuele Bacchiocchi. “God’s Festival in Scripture and History”. Biblical Perspectives. Trang: 101-103. Phát hành bởi Befriend Springs (MI), 1995.

[11] Charles J. Hefele. “A History of the Councils of the Church – Quyển 2”. Trang 316. Phát hành bởi Edinburgh, 1876.

[12] Bruce L. Shelley. “Church History In Plain Language”. Trang 94-97. Phát hành bởi Thomas Nelson Publishers, Nashville, 1995.

Karaoke Thánh Ca: “Trên Đỉnh Đồi Năm Ấy”:
https://karaokethanhca.net/tren-dinh-doi-nam-ay/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/