Ngày Sa-bát Trong Thánh Kinh và Lịch (5)

6,459 views

Ngày Sa-bát Trong Thánh Kinh và Lịch (5)


Nguyễn Quốc Ấn
Huỳnh Christian Timothy

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống và in ra bài viết này:
https://www.mediafire.com/folder/1ygvtd6r8mvtn//pdf_biengiao

 

Kính thưa quý bạn đọc,

Trong một email, Mục Sư Nguyễn Quốc Ấn đã đề nghị ông và tôi xưng hô nhau là anh em cho thân mật. Tôi rất vui mà nhận lời, vì con dân Chúa là anh chị em trong Hội Thánh của Ngài. Vì thế, kể từ bài biện luận này trở đi, tôi xin gọi Mục Sư Nguyễn Quốc Ấn là “anh Ấn.”

Trong phần trích đăng lời biện luận của ông, tôi vẫn ghi là: “Mục Sư Nguyễn Quốc Ấn.” Trong phần biện luận của tôi, tôi vẫn ghi là “Mục Tử Huỳnh Christian Timothy.” Lý do là: Tôi muốn xác định những lời biện luận của chúng tôi là những lời được trình bày trong chức vụ của hai người làm bổn phận chăn bầy chiên của Chúa.

Vì anh Ấn dùng danh xưng “mục sư” mà các giáo hội đã phong cho anh, nên tôi ghi là: “Mục Sư Nguyễn Quốc Ấn.” Về phần tôi, tôi đã khước từ việc người ta gọi tôi bằng danh xưng “mục sư,” mà chỉ nhận mình là một người chăn, chăn dắt bầy chiên Đức Thánh Linh đã giao phó cho tôi, nên tôi dùng danh xưng “mục tử,” tức “người chăn.” Tôi đã viết một bài trình bày rất rõ ràng, vì sao tôi không nhận danh xưng “mục sư.” Quý bạn đọc có thể đọc và tải xuống tại đây: https://timhieutinlanh.com/biengiao/?p=29.

Tiếp theo đây, kính mời quý bạn đọc theo dõi tiếp phần biện luận của tôi với Mục Sư Nguyễn Quốc Ấn.

Mục Sư Nguyễn Quốc Ấn:

Ông cứ bình tỉnh. Thôi, cứ cho là tôi sai đi, tôi xin lỗi ông và bạn đọc. Tôi chỉ khích nhẹ để cho ông mất bình tĩnh, ngạc nhiên, lo âu khi trao đổi với tôi, cho nên nhiều lần tôi kêu gọi ông bình tĩnh là vậy đó. TÔI THÀNH THẬT XIN LỖI ÔNG VÀ BẠN ĐỌC.

Mục Tử Huỳnh Christian Timothy:

Kính thưa anh Ấn, hoặc là anh sai hoặc là anh không sai. Tôi không thể cứ cho là anh sai để cho anh phải xin lỗi trong khi bản thân anh không nhận là anh sai.

Tôi không phải là người “bé xé ra to.” Nhưng chúng ta đang trong danh của Chúa, làm công việc biện giải về lẽ thật của Lời Chúa, với tư cách là những người cho chiên của Chúa ăn Lời Chúa; vì thế, mỗi điều chúng ta trình bày phải ngay thẳng, chân thật, và rõ ràng. Chúng ta phải cẩn thận trình bày các lý luận của mình, trưng dẫn đầy đủ tài liệu tham khảo, để cho những kẻ kịch liệt chống Chúa và nói xấu con dân Chúa, như Trần Chung Ngọc và nhóm Giao Điểm, cũng không thể miệt thị chúng ta là những con chiên khờ khạo, thất học, nói vô căn cứ, không có trình độ lý luận… như họ vẫn thường như vậy!

 

Vì thế, qua các bài giảng, bài biện giáo, bài viết của chúng ta, chúng ta phải cẩn thận, sao cho thế gian không vin vào những thiếu sót, hoặc sai lầm trong đó mà phỉ báng Đạo Chúa. Trần Trung Ngọc có thể trích những câu thiếu sót hoặc sai trái của chúng ta để viết bài chế giễu và nhục mạ chung những người hầu việc Chúa.

Tôi rất là ngạc nhiên khi anh xác nhận rằng, anh đã “khích nhẹ” tôi để cho tôi mất bình tỉnh, rồi anh lại nhiều lần kêu gọi tôi “hãy bình tỉnh!” Tôi thật sự không biết là anh đã “khích nhẹ” tôi, và tôi cũng không hề mất bình tỉnh trong sự biện luận cùng anh. Tôi rất là ngạc nhiên mỗi lần anh kêu gọi tôi “hãy bình tỉnh!” Anh có thể chứng minh rằng, câu viết nào của tôi khiến cho anh nghĩ là tôi mất bình tỉnh? Tôi cũng kêu gọi quý bạn đọc email cho tôi biết, những câu nào tôi viết ra, chứng tỏ là tôi đã mất bình tỉnh trong khi biện luận cùng Mục Sư Ấn. Địa chỉ email của tôi là: tim@timhieutinlanh.net. Tôi hứa sẽ đăng các email mà tôi nhận được, miễn là lời lẽ ôn hòa, nhã nhặn.

Thưa anh:

1. Nếu anh chỉ dựa trên cảm xúc của mình mà phán đoán người khác (như, anh cho rằng tôi đã mất bình tỉnh nhiều lần, nên anh kêu gọi tôi “hãy bình tỉnh,”) thì anh không đúng, không làm gương tốt.

2. Nếu anh cho rằng anh đã khiến cho tôi mất bình tỉnh thì tôi có thể khẳng định với anh rằng, tôi không hề mất bình tỉnh trong khi biện giáo cùng anh. Xin nói thêm, trong khi tôi biện giáo với Trần Chung Ngọc, một tay ngụy biện và phỉ báng Chúa, không tiếc lời chửi mắng tôi, mà tôi còn không mất bình tỉnh, thì sao tôi lại có thể mất bình tỉnh vì anh đưa ra một lập luận nhưng không trưng dẫn được bằng cớ?

3. Nếu anh cố ý “khích nhẹ” cho tôi mất bình tỉnh thì anh đã làm một việc ác, và không có thiện chí trong sự biện giáo. Nếu đã không giúp nhau luôn bình tỉnh để biện giáo, cùng nhau học biết lẽ thật của Lời Chúa, làm gương tốt cho bầy chiên của Chúa, thì sao lại chọc cho nhau mất bình tỉnh? Vậy thì biện giáo để làm gì? Và sự khích bác lẫn nhau có phải là điều đẹp ý Chúa?

Mục Sư Nguyễn Quốc Ấn:

Kính thưa Ông Huỳnh cùng bạn đọc kính mến! Tôi xin phép được nói bên lề một chút về vấn đề tài liệu.

Những ý kiến trao đổi vừa qua giữa tôi và Ông Huỳnh đều có 2 yếu tố chính là tài liệu và KT. Nhưng KT là nhiều hơn hết. Bởi vì tài liệu thì vô kể, vô chừng, nhưng KT là có một. Lẽ thật chỉ có một thôi. Cho nên tôi thường không quan tâm đến tài liệu nào của biện giả, mà tôi chỉ để ý biện giả sử dụng "gươm của Thánh Linh" như thế nào mới là quan trọng. Chắc quí bạn đọc cũng đã thấy được những chân lý từ KT. Ở giữa hơn 31.000 câu KT, chúng tôi phải học với Chúa rồi mới dám đưa ra làm bằng chứng. Chúng tôi dùng KT để tra xét các ý tưởng của mình hơn là dùng tài liệu làm bằng chứng. Tài liệu cũng cần, nhưng chỉ là phụ.

Mục Tử Huỳnh Christian Timothy:

Kính thưa anh Ấn, tôi không hề nói là các tài liệu tham khảo là quan trọng hơn Thánh Kinh. Vì thế, anh không cần phải viết những lời trên đây. Tôi chỉ yêu cầu một điều, khi anh nói nghịch lại một bằng chứng tôi đã đưa ra, thì anh phải trưng dẫn bằng chứng nghịch lại bằng chứng tôi đã trưng dẫn. Như vậy sự biện luận mới công bằng, và tôi mới có thể học được điều mà tôi chưa biết. Như vậy, con dân Chúa mới biết chắc điều anh nói là có bằng chứng. Từ đó, con dân Chúa làm công việc cân nhắc, so sánh các bằng chứng anh đưa ra với các bằng chứng tôi đưa ra, rồi đối chiếu với Lời Chúa, để quyết định anh luận đúng Lời Chúa hay tôi luận đúng Lời Chúa.

Tôi đã đưa ra định nghĩa các chữ liên quan đến danh từ Sa-bát được dùng trong điều răn thứ tư. Tôi đã trưng dẫn rõ ràng các trang web để anh và con dân Chúa có thể vào tham khảo để xem tôi trình bày có đúng hay không. Từ điển Strong mà tôi dùng để định nghĩa từ Sa-bát là bộ từ điển được toàn thế giới công nhận, kể cả những người không tin Chúa. Trong khi đó, anh thản nhiên viết: “Tiếng Hê-bơ-rơ, chữ Sabat xuất phát từ chữ Shebity,” mà lại không trưng dẫn anh đã dùng tài liệu nào, thì đó là sự thiếu sót của người biện giáo. Khi được hỏi đến, vẫn không chịu trưng ra tài liệu, thì đó là không có thiện ý. Khi bị yêu cầu phải trưng dẫn tài liệu, thì lại đáp là: “cứ cho là tôi sai đi, tôi xin lỗi ông và bạn đọc. Tôi chỉ khích nhẹ để cho ông mất bình tĩnh, ngạc nhiên, lo âu khi trao đổi với tôi…;” khiến cho người đọc mất tín nhiệm đối với anh.

Tôi sẵn sàng bỏ qua việc này để tiếp tục biện giáo với anh. Nhưng nếu anh vẫn tìm cách “khích nhẹ” tôi bằng việc đưa ra các định nghĩa từ ngữ mà không trưng dẫn tài liệu, thì tôi xin phép được kết thúc việc biện giáo giữa chúng ta.

Mục Sư Nguyễn Quốc Ấn:

Giống như hai võ sĩ trên sàn đấu, họ chỉ quan tâm đến những miếng đòn tấn công, phòng thủ, ra đòn…của nhau, chứ họ không cần biết đối thủ học trường võ nào? ai là võ sư?

Mục Tử Huỳnh Christian Timothy:

Kính thưa anh Ấn. Tôi không tham dự biện giáo với anh trong tinh thần của một võ sĩ chỉ chú tâm tìm cách đánh gục đối phương, dành phần thắng về mình. Trong email gửi cho anh ngày 23.11.2013, trước khi tham dự biện giáo với anh, tôi đã viết rõ:

Tôi cầu nguyện xin Chúa hướng dẫn tôi trước khi tôi viết lời phản biện. Tôi cầu nguyện cho người tôi trình bày lời phản biện. Tôi cầu nguyện cho những ai sẽ đọc lời phản biện của tôi. Tôi chỉ thật lòng muốn mọi con dân Chúa ra khỏi các tư tưởng thần học sai trái đến từ tâm trí loài người mà nhận lấy lẽ thật từ Lời Chúa như bản thân tôi; chứ không phải tôi muốn tranh luận hơn thua.”

Trong khi biện giáo về lẽ thật của Lời Chúa, tôi luôn luôn muốn biết người tôi đang biện giáo bị ảnh hưởng tư tưởng thần học của trường phái nào? Thuộc về giáo hội nào? Sử dụng các tài liệu nào để biện luận cùng tôi…? Có biết như vậy, tôi mới hiểu rõ điều người ấy trình bày và mới có thể đặt mình vào trong vị trí của người ấy, để cảm thông cách suy nghĩ, cách hiểu của người ấy, để giảm thiểu việc hiểu lầm, và cũng để biết nên tiếp cận như thế nào, hầu đem lại ích lợi nhiều nhất cho người ấy.

Vậy, từ nay, xin anh Ấn cũng hãy đồng một tâm tình với tôi trong công việc biện giáo này. Đó là: Thật lòng muốn mọi con dân Chúa ra khỏi các tư tưởng thần học sai trái đến từ tâm trí loài người, mà nhận lấy lẽ thật từ Lời Chúa, chứ không phải muốn tranh luận hơn thua.

Mục Sư Nguyễn Quốc Ấn:

Sau khi xác minh hai bản KT tiếng Hy-lạp: Interlinear New Testament của Jay P.Grenn, Sr., và quyển The Greek New Testament của Kurt Aland, tôi xác nhận chữ sabbath mà Chúa Giê-xu nói trong câu 27 và câu 28 đều là “σάββατον,”G4521, là Thứ Bảy (Saturday, hay Samedi ngày nay). ÔNG HUỲNH HOÀN TOÀN ĐÚNG – HOAN HÔ ÔNG BÌNH.

………

Vậy kể từ hôm nay tôi đồng ý với ông Huỳnh rằng chữ “σάββατον,” (sabaton) là ngày Thứ Bảy – Saturday hay Samedi ngày nay của các dân tộc trên thế giới.

NHƯNG CHỈ TẠM THỜI CHẤP NHẬN, VÌ TÔI CHƯA XÁC MINH ĐƯỢC LOẠI LỊCH TÔN GIÁO CỦA NGƯỜI DO THÁI HIỆN NAY.

Mục Tử Huỳnh Christian Timothy:

Tôi rất vui mừng và cảm tạ Chúa, vì anh Ấn đã công nhận ngày Sa-bát của điều răn thứ tư là ngày thứ bảy trong tuần lễ, là ngày mà người nói tiếng Anh gọi là “Saturday,” người Pháp gọi là “Samedi,” người Việt và người Hoa gọi là “Thứ Bảy!” Nói cách khác, ngày Sa-bát Thứ Bảy trong Thánh Kinh chính là ngày thứ bảy trong tuần lễ của tất cả các lịch trên thế giới!

Như vậy, tiểu đề: “Ngày Sa-bát trong Thánh Kinh và Lịch” có thể được kết thúc tại đây.

Mục Sư Nguyễn Quốc Ấn:

Nhưng tôi vẫn chưa yên lòng là người Do Thái có một loại lịch đặc biệt vì: Lịch Hebrew (הלוח העברי ha’luach ha’ivri), hoặc lịch Do Thái, là một hệ thống lịch ngày nay được sử dụng chủ yếu là để xác định các ngày lễ tôn giáo của người Do Thái. Hệ thống lịch này xác định các ngày nghỉ lễ của người Do Thái như Torah, yahrzeits (ngày để tưởng niệm cái chết của người thân), và đọc Thánh Vịnh hàng ngày, và nhiều ứng dụng nghi lễ khác. Tại Israel, hệ thống lịch này là lịch chính thức cho các mục đích dân sự và là các mốc thời gian cho ngành nông nghiệp.

Nhưng điều trên đây chỉ là một chi tiếc nhỏ trong chủ đề lớn nằm trong điều răn thứ tư. KT vẫn cho biết “σάββατον,” nầy là dành cho người Do Thái chứ không phải dành cho các dân tộc khác.

Mục Tử Huỳnh Christian Timothy:

Lịch Hê-bơ-rơ, còn gọi là Lịch Do-thái, chính là lịch mà Thiên Chúa đã ban cho Môi-se như đã ghi chép trong Xuất Ê-díp-tô Ký 12:12. Khi Thiên Chúa phán: “Tháng này định làm tháng đầu cho các ngươi…” thì Ngài đã tái lập lịch của Ngài cho dân I-sơ-ra-ên. Có lẽ vì trong hơn 400 năm kiều ngụ tại xứ Ai-cập, dân I-sơ-ra-ên đã phải dùng lịch của người Ai-cập.

Khi nào Thiên Chúa ban hành lịch cho loài người thì chúng ta không biết, vì Thánh Kinh không có nói đến. Nhưng dưới đây là những chi tiết trong Thánh Kinh giúp cho chúng ta hiểu rằng, ngay từ lúc ban đầu, Thiên Chúa đã ban lịch cho loài người. Khi dân I-sơ-ra-ên sắp sửa được Ngài dẫn ra khỏi xứ Ai-cập, thì Ngài tái ban hành lịch ấy cho họ, chứ không phải lúc bấy giờ mới có lịch.

1. Lịch của vũ trụ bắt đầu khi Thiên Chúa sáng tạo ánh sáng và gọi khoảng thời gian ánh sáng được thành hình là ngày thứ nhất. Chúng ta có thể hiểu, ánh sáng được sáng tạo nói đến trong Sáng Thế Ký 1:3 chính là khối tinh vân (bụi vật chất tạo nên vũ trụ), sau này kết đọng lại thành mặt trời:

Ban đầu, Thiên Chúa sáng tạo các tầng trời và đất. Nhưng, đất là vô hình và trống không, sự mờ tối ở trên mặt vực; Thần của Thiên Chúa vận hành trên mặt nước. Thiên Chúa phán rằng: Phải có sự sáng; thì có sự sáng. Thiên Chúa thấy sự sáng là tốt lành, Ngài phân sáng ra khỏi tối. Thiên Chúa đặt tên sự sáng là ngày; sự tối là đêm. Vậy, có buổi chiều và buổi mai; ấy là ngày thứ nhất” (Sáng Thế Ký 1:1-5).

2. Một ngày bắt đầu từ buổi tối cho đến khi ánh sáng xuất hiện chiếu vào địa cầu trong khoảng 12 tiếng đồng hồ, trước khi bóng tối trở lại bao trùm phía mặt đất đối diện với ánh sáng, vì sự trái đất tự xoay chung quanh trục của nó. Tuần tự sáu lần tối sáng như vậy (buổi chiều và buổi mai), mà Thiên Chúa sáng tạo ra tất cả những gì cần thiết cho thế giới vật chất và kết thúc bằng sự sáng tạo loài người để cai trị địa cầu.

3. Ngày thứ bảy Thiên Chúa không sáng tạo gì cả, ngoài việc ban phước cho ngày thứ bảy, biệt nó ra làm ngày thánh, với mục đích làm một ngày cho toàn thể nhân loại được nghỉ ngơi khỏi sự làm việc (“Vì loài người mà lập ngày Sa-bát.”) Đó là ngày để loài người thông công với nhau, làm ra những việc tốt lành cho nhau, và cùng nhau thờ phượng Thiên Chúa. Cái mục đích tốt lành đó sao lại có thể bỏ đi? Ai cho lệnh bỏ đi? Lý do gì mà con dân Chúa ngày nay không muốn nghỉ ngơi trong ngày Sa-bát, để thông công với nhau, và cùng nhau thờ phượng Chúa?

4. Thiên Chúa dùng ngày thứ bảy làm ngày kết thúc một tuần lễ. Kể từ đó, một tuần lễ bao gồm bảy ngày. Ngày kế tiếp sau ngày thứ bảy, trở lại là ngày thứ nhất trong tuần lễ mới.

5. Thánh Kinh không hề cho chúng ta biết chi tiết về việc Thiên Chúa ban hành lịch cho loài người; nhưng qua Sáng Thế Ký 5 mà chúng ta biết loài người đã nhận lịch từ Thiên Chúa và dùng lịch ấy để tính tuổi đời của mình. Nếu không có lịch của Thiên Chúa ban cho, thì làm sao loài người biết một tuần có bảy ngày, một năm có mười hai tháng, và biết mình được bao nhiêu tuổi?

Khi A-đam được một trăm ba mươi tuổi, sinh một con trai như hình mình, giống như mình, đặt tên là Sết. Sau khi A-đam sinh Sết rồi, còn sống được tám trăm năm, sinh con trai con gái. Vậy, A-đam hưởng thọ được chín trăm ba mươi tuổi, rồi qua đời” (Sáng Thế Ký 5:3-5).

Chính Sáng Thế Ký 5 cũng đánh tan lời ngụy biện của một số “thần học gia,” là những người cho rằng, ngày thứ bảy trong tuần lễ sáng thế “chưa kết thúc,” vì họ lý luận rằng, trong Thánh Kinh không có câu: “Vậy, có buổi chiều và buổi mai; ấy là ngày thứ bảy!” Nếu ngày thứ bảy chưa kết thúc thì dựa vào đâu để biết rằng A-đam sau khi được dựng nên vào ngày thứ sáu, thì 130 năm sau đó mới sinh ra Sết? “Một trăm ba mươi tuổi” trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ là 130 năm.

6. Sau khi Chúa tái lập lịch cho dân I-sơ-ra-ên trong Xuất Ê-díp-tô Ký 12, thì dân I-sơ-ra-ên đã được Chúa ban cho sự thông sáng để tính toán mà biết được, khi nào thì mặt trăng tái xuất hiện để mở đầu cho một tháng mới. Ngày nay, chúng ta có hệ thống điện toán và toán học hiện đại giúp cho chúng ta tính chính xác đến từng giây, sự tái xuất hiện của mặt trăng mỗi tháng, trên từng độ kinh tuyến và độ vĩ tuyến độ khác nhau của địa cầu, từ vị trí của một người đứng trên mặt đất tại các giao điểm của các kinh độ và vĩ độ ấy. Nhưng ngày xưa, dân I-sơ-ra-ên đã làm thế nào để tính lịch một cách chính xác, thì chúng ta chỉ có thể hiểu rằng, Thiên Chúa đã ban cho một số thầy tế lễ cái ân tứ về tri thức thiên văn và toán học, để tính lịch, như Ngài đã ban ân tứ cho một số người trong việc xây dựng đền tạm:

Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán với Môi-se nữa rằng: Này, ta đã kêu tên Bết-sa-lê-ên, con trai của U-ri, cháu của Hu-rơ, trong chi phái Giu-đa. Ta đã làm cho người đầy dẫy Thần của Thiên Chúa, sự khôn ngoan, sự thông hiểu, và sự thông biết để làm mọi thứ nghề thợ, để bày ra và chế tạo đồ vàng, bạc và đồng, để khắc và khảm ngọc, đẽo gỗ và làm được mọi thứ nghề thợ. Đây, Ta lại cho một người phụ việc, tên là Ô-hô-li-áp, con trai của A-hi-sa-mạc, trong chi phái Đan. Ta cũng đã ban sự thông minh cho mọi người tài năng, để cho họ làm các việc Ta đã phán dặn ngươi” (Xuất Ê-díp-tô Ký 31:1-6).

Chúng ta không thể bác bỏ lập luận cho rằng, Thiên Chúa đã ban ơn cho một số thầy tế lễ trong sự thông biết về thiên văn và toán học để tính lịch cho dân I-sơ-ra-ên.

7. I Sa-mu-ên 20:5 ghi lại lời của Đa-vít nói với Giô-na-than, như sau: “Đa-vít tiếp rằng: Mai là ngày mồng một, tôi phải đi ngồi ăn chung bàn với vua. Hãy để cho tôi đi trốn trong đồng bằng cho đến chiều ngày thứ ba.” Điều đó chứng minh, lúc bấy giờ dân I-sơ-ra-ên đã có một hệ thống lịch chính xác, đến nỗi tính trước được các ngày trăng mới, tức là ngày mặt trăng tái xuất hiện để mở đầu cho một tháng mới.

8. Đến thời của Đức Chúa Jesus Christ, thì Lịch Do-thái vẫn y nguyên trong sự giúp cho dân I-sơ-ra-ên bảo tồn ngày Thứ Bảy Sa-bát và các ngày trăng mới, để xác định các kỳ lễ hội Chúa truyền trong Cựu Ước. Chính Thánh Kinh cho chúng ta thấy, Đức Chúa Jesus Christ và các sứ đồ của Ngài đã giữ ngày Sa-bát theo Lịch Do-thái.

9. Dựa vào lời phán của Đức Chúa Jesus Christ:

Tin Lành này về vương quốc sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. Khi các ngươi sẽ thấy sự gớm ghiếc tàn nát lập ra trong nơi thánh, mà đấng tiên tri Đa-ni-ên đã nói (ai đọc phải để ý), thì kẻ ở trong xứ Giu-đê bỏ trốn lên núi; kẻ ở trên mái nhà, chẳng xuống chuyên của cải trong nhà; và kẻ ở ngoài ruộng, chẳng trở về lấy áo mình. Đang lúc đó, khốn khó thay cho đàn bà có mang, và đàn bà cho con bú! Hãy cầu nguyện cho các ngươi khỏi trốn tránh nhằm lúc mùa đông hay là ngày Sa-bát” (Ma-thi-ơ 24:14-20);

mà chúng ta có thể tin chắc rằng, từ khi Chúa phán lời ấy, cho đến khi AntiChrist vào làm ô uế đền thờ của Đức Chúa Trời (sẽ được tái thiết trong một ngày gần đây) thì ngày Sa-bát Thứ Bảy vẫn không thay đổi.

Xin chú ý: Những lời phán trên đây của Chúa, theo văn mạch, thì “sự gớm ghiếc tàn nát lập ra trong nơi thánh” là sự sẽ xảy ra sau khi Tin Lành đã được giảng ra khắp đất, tức là vào khoảng giữa của bảy năm đại nạn, khi chính thiên sứ của Chúa rao truyền Tin Lành khắp đất:

Tôi thấy một thiên sứ khác bay giữa trời, có Tin Lành Vĩnh Cửu giảng cho cư dân trên đất, cho mỗi quốc gia, mỗi chi tộc, mỗi ngôn ngữ và mỗi dân tộc” (Khải Huyền 14:6).

Thử hỏi, Đức Chúa Jesus Christ phán trước về một sự kiện sẽ xảy ra hơn 2000 năm sau khi Ngài phán, mà Ngài dạy con dân Chúa trong thời tương lai ấy, hãy cầu nguyện để cho ngày AntiChrist tiến công Giê-ru-sa-lem đừng rơi vào một ngày Sa-bát; thì:

  • Có phải ngày Sa-bát vẫn tồn tại và vẫn là ngày thứ bảy trong tuần lễ như lúc Chúa đang phán những lời trên đây?

  • Có phải không ai có quyền thay đổi ngày Sa-bát của Chúa, vì Ngài là Chúa, là Chủ của ngày Sa-bát, chứ không phải một người nào hay một giáo hội nào? Ngài vẫn đề cập đến ngày Sa-bát trong thời đại của chúng ta.

  • Nếu sự nhóm hiệp thờ phượng Chúa trong ngày Sa-bát không còn hiệu lực đối với con dân Chúa, nếu ngày Sa-bát không còn giá trị gì cho con dân Chúa, thì tại sao Chúa lại khuyên con dân Chúa hãy cầu nguyện để ngày tai họa đừng xảy ra nhằm ngày Sa-bát?

Sẽ có một số “học giả Thánh Kinh" lý luận rằng, lời phán trên đây của Đức Chúa Jesus chỉ áp dụng cho dân I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo! Xin hỏi: Đức Chúa Jesus Christ quan tâm cho Do-thái Giáo hơn 2000 năm sau khi Ngài đã chịu đóng đinh trên thập tự giá để dẹp bỏ Do-thái Giáo hay sao?

Ngày Đức Chúa Jesus Christ tắt hơi trên thập tự giá, bức màn trong đền thờ bị xé làm hai, thì Do-thái Giáo cũng bị cáo chung. Từ giây phút đó trở đi, Do-thái Giáo đã thật sự chết đối với Đức Chúa Trời. Không bao giờ Đức Chúa Jesus Christ hay là các sứ đồ của Ngài giảng dạy một điều gì để áp dụng cho Do-thái Giáo. Từ đó, mặc dầu I-sơ-ra-ên thuộc thể vẫn còn, vì giao ước của Đức Chúa Trời với Áp-ra-ham; nhưng I-sơ-ra-ên thuộc linh thì bao gồm cả muôn dân trên đất. Từ đó, tất cả những ơn phước thuộc linh và định luật thuộc linh Đức Chúa Trời ban cho dân I-sơ-ra-ên đều là sự mà Đức Chúa Trời ban cho những người trở thành con cháu đức tin của Áp-ra-ham. Trong đó, có sự ban phước về những người vâng giữ ngày Sa-bát của Đức Chúa Trời:

Các người dân ngoại về cùng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, để hầu việc Ngài, để yêu mến danh Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, để làm tôi tớ Ngài; tức là hết thảy những kẻ giữ ngày Sa-bát cho khỏi ô uế, và cầm vững lời giao ước Ta” (Ê-sai 56:).

Vì loài người mà Thiên Chúa đã lập ngày Sa-bát, chứ không vì dân I-sơ-ra-ên. Dẫu cho có vì dân I-sơ-ra-ên mà Thiên Chúa lập ngày Sa-bát, thì dân ngoại tin nhận Chúa, được tháp vào dân I-sơ-ra-ên, trở thành dân I-sơ-ra-ên, cũng phải vâng giữ ngày Sa-bát.

Mặc khác, Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, dù ban truyền thành chữ viết trên hai bảng đá cho dân I-sơ-ra-ên, nhưng không có nghĩa là nó chỉ được áp dụng cho dân I-sơ-ra-ên. Nếu Mười Điều Răn chỉ áp dụng cho dân I-sơ-ra-ên, thì Đức Chúa Trời dựa trên tiêu chuẩn nào để phán rằng một người dân ngoại có tội?

Câu phán của Đức Chúa Jesus Christ: “Vì loài người mà lập ngày Sa-bát,” hoàn toàn mang lấy ý nghĩa, ngày Sa-bát là ngày Chúa ban cho mọi dân tộc, hễ ai là người, thì người ấy được Chúa ban cho một ngày yên nghỉ để thờ phượng Ngài và nhận phước từ nơi Ngài. Tại sao, ngày nay nhiều người cho rằng: Sau sáu ngày làm việc, mà nghỉ ngơi vào ngày Thứ Bảy, thờ phượng Chúa là “gánh nặng?” Trong khi đó, ngày Thứ Bảy họ đầu tắt mặt tối đi làm có khi đến 10 tiếng đồng hồ để kiếm thêm cho được nhiều tiền, thì không là gánh nặng sao?

Lòng tham, sự cứng lòng, muốn đi theo ý riêng, sự kiêu ngạo, không muốn nhận rằng mình đã hiểu sai, tin sai, làm sai, giảng dạy sai… đã làm cho nhiều con dân Chúa không còn nhận biết lẽ thật sáng ngời trong Lời Chúa!

Nguyện Chúa thương xót và giúp cho những con dân Chúa có lòng nhu mì, khiêm nhường, khi đọc được bài biện giáo này, thì thấy rõ lẽ thật về ngày Sa-bát, để họ tiếp nhận, vâng giữ ngày Sa-bát, bắt đầu vui hưởng các phước hạnh mà Chúa đã dành cho con dân Chúa trong ngày thánh và phước hạnh mỗi tuần. A-men!

Mục Sư Nguyễn Quốc Ấn:

Tôi không hiểu vì sao ông Huỳnh không trích dẫn câu 28 là câu quan trọng trong bối cảnh ấy và cho ngày nay, rằng: “Vậy Con Người cũng là Chúa của ngày sabat”.

Tôi không biết là ông vô tình hay cố ý không trích dẫn câu Mác 2:28. Câu 27 chỉ là câu Chúa giải thích cái sai của người Pha-ri-si, câu đó chưa quan trọng bằng câu 28.

(Tôi đề nghị ông Huỳnh hãy trích KT đầy đủ thượng hạ văn nhé. Trích một nửa sự thật thì cũng giống như nói chỉ một nửa sự thật. Tôi và ông Huỳnh đều là người có trách nhiệm làm sáng tỏ lẽ thật trong KT cho tín hữu. Nếu đủ điều kiện thì chép (paste) khi trình bày. Máy của tôi mới sửa nên bị mất một số KT, nên tôi không chép (paste) toàn bộ nội dung, nên tôi đề nghị người đọc hãy mở KT theo các địa chỉ tôi trích).

Mác 2:28 và trong các đoạn KT trên, viết chữ Con Người ám chỉ về Chúa Giê-xu chứ không nói là loài người. Trong bản NIV và KJV cũng viết hoa chữ Son of Man. Câu 28 nầy quan trọng bởi vì chỉ có Chúa Giê-xu mới “làm Chúa” ngày Sabat chứ không phải loài người. Sở dĩ Chúa Giê-xu nói đến ngày sabat trong bối cảnh nầy, vì Ngài muốn cho người Pha-ri-si thấy là họ đang giữ điều răn của Chúa một cách giáo điều, khuôn rập, trả bài, máy móc, cực đoan, mà không nhận biết mục đích quan trọng hơn là sự sống của con người (vì loài người mà lập ngày sabat (câu 27). Đồng thời Ngài cho họ thấy chính Ngài là Đấng tể trị ngày sabat (câu 28).

Mục Tử Huỳnh Christian Timothy:

Kính thưa anh Ấn, chuyên ngành của tôi về thần học là môn giải kinh theo Thánh Kinh (Biblical hermeneutics) và Thánh Kinh thần học (Biblical theology). Hơn ai hết, tôi hiểu thế nào là khi giải thích Thánh Kinh thì phải trích thượng hạ văn trong văn mạch (chứ không phải trích thượng hạ văn ngoài văn mạch làm lạc đề điều đang bàn luận). Tôi đã giảng hàng trăm bài giảng giải kinh xuyên suốt từng câu một trong các sách Ma-thi-ơ, Giăng, và Khải Huyền, thì làm sao mà tôi không biết khi trích dẫn Thánh Kinh để giải thích một giáo lý thì phải trích dẫn thượng hạ văn trong văn mạch?

Sở dĩ tôi trích Mác 2:27 mà không trích Mác 2:28 là vì: Tôi đang biện giáo về mục đích của Thiên Chúa khi Ngài dựng nên ngày Sa-bát; chứ tôi không biện giáo về việc: thẩm quyền trên ngày Sa-bát! Hai câu Thánh Kinh này tuy nằm sát nhau và nằm trong văn mạch về chủ đề “Ngày Sa-bát” nhưng nó không nằm trong văn mạch của tiểu đề mà tôi đang biện luận: “Mục đích của ngày Sa-bát.”

Mác 2:17: “Kế đó, Ngài lại phán: Vì loài người mà lập ngày Sa-bát, chớ chẳng phải vì ngày Sa-bát mà dựng nên loài người.”

Mác 2: 28 “Vậy thì, Con Người cũng làm Chúa ngày Sa-bát.”

Khi nào tôi biện giáo về thẩm quyền trên ngày Sa-bát, thì tôi mới cần trưng dẫn Mác 2:28.

Câu Mác 2:27 cũng không phải là câu Chúa giải thích cái sai của người Pha-ri-si, mà chỉ là một câu công bố lẽ thật của sự kiện: Vì sao Chúa lập ngày Sa-bát. Nếu Chúa muốn giải thích cái sai của người Pha-ri-si trong việc giữ ngày Sa-bát, thì Ngài sẽ nói cho họ biết họ sai như thế nào? Sai từ đâu? Không đúng Thánh Kinh như thế nào?

Tôi hoàn toàn đồng ý là Mác 2:28 nói đến sự kiện Đức Chúa Jesus Christ là Chúa, là Chủ của ngày Sa-bát, chứ không phải một người nào hay một giáo hội nào. Vì thế, không ai có quyền nói rằng ngày Sa-bát Thứ bảy đã chuyển sang Chủ Nhật, tức là ngày Thứ Nhất. Cũng không ai có quyền chấm dứt mệnh lệnh của Chúa về việc con dân Chúa phải nhóm hiệp thánh trong ngày Sa-bát.

Chúa của ngày Sa-bát vẫn nói đến ngày Sa-bát trong những ngày cuối cùng của thế gian này, và khuyên con dân Ngài hãy cầu nguyện cho ngày tai họa đừng giáng xuống trong một ngày Sa-bát, vậy thì, ai dám nói là ngày Sa-bát không còn áp dụng cho con dân Chúa ngày nay, là những người đang sống trong những ngày liền sát với Kỳ Đại Nạn?

Mục Sư Nguyễn Quốc Ấn:

Suốt thời gian thi hành chức vụ Ngài không hề dạy cho dân chúng thời bấy giờ (Tân Ước) về việc giữ ngày sabat, tức điều răn thứ tư. Ngài tể trị, Ngài điều khiển, Ngài có quyền làm điều đó mà không ai có thể ngăn cản Ngài, vì Ngài cũng là Đức Chúa Trời quyền năng, cao cả trên mọi vật, mọi việc. TÔI NGHĨ LÀ ÔNG HUỲNH VÀ TÔI ĐỀU TIN CHÚA GIÊ-XU LÀ ĐCT (GIĂNG 1:1).

Mục Tử Huỳnh Christian Timothy:

Kính thưa anh Ấn. Tôi tin Đức Chúa Jesus Christ là Con Một của Đức Chúa Trời, và Ngài chính là Thiên Chúa như Đức Chúa Trời là Thiên Chúa, nhưng Ngài không phải là Đức Chúa Trời. Xin mạn phép anh Ấn và quý bạn đọc cho tôi được giải bày ngoài đề một chút bằng cách trích đăng lại đây giải luận của tôi về danh xưng Thiên Chúa và danh xưng Đức Chúa Trời [1]:

Giăng 1:1 có thể dịch như sau: "Từ trong cõi vĩnh hằng, Ngôi Lời hằng thực hữu. Ngôi Lời hằng thực hữu bên cạnh Đức Chúa Cha và Ngôi Lời hằng là Thiên Chúa." Diễn ý: Từ trong cõi có và còn đời đời, Ngôi lời luôn có thật. Ngôi Lời luôn có thật bên cạnh Thiên Chúa Ngôi Cha và Thiên Chúa luôn là bản thể của Ngôi Lời. Trong nguyên ngữ, các động từ được dùng trong 1:1 đều là một động từ "eimi" (tương đương với động từ "to be" trong tiếng Anh và được dịch ra tiếng Việt với nhiều dạng khác nhau: có, ở, là…) dùng trong thì quá khứ chưa hoàn tất (imperfect – past continuous) để diễn tả một sự kiện đã xảy ra trong quá khứ nhưng vẫn chưa chấm dứt. Để dịch động từ "eimi" thì quá khứ chưa hoàn tất sang tiếng Việt, người dịch chọn thêm trợ từ "hằng:" hằng có, hằng ở, hằng là… Trợ từ "hằng" có nghĩa: luôn luôn. Dầu vậy, hằng có, hằng ở, hằng là… nói lên tính chất luôn luôn nhưng không nói lên tính chất quá khứ. Nếu thêm chữ "đã" thì câu văn lại trở nên luộm thuộm, đọc lên nghe trái tai: "Từ trong cõi vĩnh hằng, Ngôi Lời đã hằng thực hữu. Ngôi Lời đã hằng thực hữu bên cạnh Đức Chúa Cha và Thiên Chúa đã hằng là Ngôi Lời." Dù không thêm chữ "đã" nhưng nhóm chữ "Từ trong cõi vĩnh hằng" đủ để trợ ý cho người đọc hiểu các động từ: hằng có, hằng ở, hằng là của câu văn chỉ những điều xảy ra trong quá khứ.

Để có thể hiểu thật sâu ý nghĩa của Giăng 1:1 chúng ta cần biết qua một vài quy luật văn phạm trong nguyên ngữ Hy-lạp.

Quy luật về mạo từ và danh từ trong tiếng Hy-lạp

Tiếng Hy-lạp có những quy luật rất là đặc biệt trong việc sử dụng mạo từ và danh từ. Một cách tổng quát, mạo từ và danh từ có:

– 3 giống: đực (male – M), cái (female – F), trung tính (neuter – N);

– 4 cách: chủ thể (nominative – N), trực tiếp (accusative – A), gián tiếp (dative – D), sở hữu (genitive – G);

– 2 số: ít (singular – S), nhiều (plural – P).

Mạo từ luôn luôn cùng thể với danh từ đi theo nó về giống, cách, và số. Tiếng Hy-lạp không có mạo từ bất định mà chỉ có mạo từ chỉ định. Mạo từ chỉ định làm biến nghĩa của các từ đi theo nó và có khi được dùng như một danh xưng đại danh từ. Có ba trường hợp mạo từ được dùng với danh từ:

(1) Đi trước một danh từ trừu tượng, như: η αληθεια = lẽ thật, chân lý. η là một mạo từ giống cái.

(2) Phân biệt chủ từ với túc từ trong câu văn. Danh từ có mạo từ đi kèm là chủ từ, bất kể vị trí của danh từ đó đứng trước hay sau động từ, như trong: θεος ην ο λογος, thì λογος là chủ từ, và phải dịch là: "Ngôi Lời là Chúa Trời," không dịch "Chúa Trời là Ngôi Lời."

(3) Xác định danh từ đi chung với nó là một tên riêng, như:

– ο θεος = Đức Chúa Trời, chỉ về Thiên Chúa Ngôi Cha;

– ο λογος = Ngôi Lời, chỉ về Thiên Chúa Ngôi Con;

– ο ιησοσς = Đức Jesus;

– το πνεσμα = Đức Linh;

– το αγιον πνεσμα = Đức Thánh Linh;

– το πνεσμα το αγιον = Đức Linh Đấng Thánh.

Để thấy rõ hơn sự quan trọng của quy luật sử dụng mạo từ trong tiếng Hy-lạp, chúng ta hãy khảo sát mệnh đề sau đây trong Giăng 1:1 "θεος ην ο λογος ."

  • θεος là một danh từ, dịch sang tiếng Anh là “god;” dịch sang tiếng Việt thì có các nghĩa sau đây: Thần; Thiên Chúa; Chúa Trời; phẩm chất của Chúa Trời; bản thể của Chúa Trời; bản tính của Chúa Trời. Nếu có mạo từ chỉ định đứng trước thì thành danh từ riêng, được Thánh Kinh Tân Ước dùng để gọi Thiên Chúa Ngôi Cha, dịch sang tiếng Anh là “God;” dịch sang tiếng Việt là “Đức Chúa Trời.”

  • ην là một động từ quá khứ, dịch sang tiếng Anh là “was;” dịch sang tiếng Việt là: “đã là.”

  • ο là mạo từ xác định, chủ thể cách, số ít, dịch sang tiếng Anh là “the;” dịch sang tiếng Việt là: “ngôi; đức; đấng; vị; vì; cái, vv…”

  • λογος là một danh từ, dịch sang tiếng Anh là “word;” dịch sang tiếng Việt là “lời nói.” Nếu có mạo từ chỉ định đứng trước thì thành danh từ riêng, được Thánh Kinh Tân Ước dùng để gọi Thiên Chúa Ngôi Con, dịch sang tiếng Anh là “The Word;” dịch sang tiếng Việt là “Ngôi Lời.”

Theo thứ tự của các chữ trong nguyên tác thì mệnh đề "θεος ην ο λογος" nếu dịch chữ sang chữ sẽ là “Chúa Trời đã là Ngôi Lời” (không có mạo từ trước "Chúa Trời" nhưng có mạo từ trước "Lời"); nếu dịch cho đúng văn phạm sẽ là: “Ngôi Lời đã là Chúa Trời.” Các bản Thánh Kinh Anh ngữ dịch rất chính xác là: "The Word was God", nhưng Thánh Kinh Việt ngữ dịch thành: "Ngôi Lời là Đức Chúa Trời". Chúng ta thấy, bản dịch Việt ngữ đã thêm mạo từ "Đức" (ο) làm biến nghĩa danh từ "Chúa Trời" (θεος.)

Trong nguyên tác, “Chúa Trời” (θεος) được đặt trước “Lời” (λογος); “Chúa Trời” không có mạo từ đi trước nhưng “Lời” có mạo từ đi trước. Sự kiện danh từ “Chúa Trời” không có mạo từ, được đặt trước danh từ “Lời” nói lên danh từ “Chúa Trời” được dùng làm thuộc từ, để gọi “phẩm chất, đặc tính Thiên Chúa” trong khi mạo từ “Ngôi” (ο) đi trước danh từ “Lời” nói lên danh từ “Lời” là chủ từ trong mệnh đề, đồng thời là một tên riêng. Ý nghĩa kỳ diệu của mệnh đề này là: “Ngôi Lời mang trọn vẹn phẩm chất, đặc tính của Chúa Trời, (What God was, the Word was), Ngôi Lời là Chúa Trời!”

Chúng ta hãy xét ý nghĩa của những mệnh đề khác nhau dưới đây:

  • ο λογος ην θεος = Ngôi Lời là một thần (The Word was a god).

  • ο λογος ην ο θεος = Ngôi Lời là Đức Chúa Trời (The Word was the God).

  • θεος ην ο λογος = Ngôi Lời là Chúa Trời (The Word was God).

Trường hợp (1): λογος có mạo từ và đứng trước, θεος không có mạo từ và đứng sau nói lên "Ngôi Lời là một thần" như bao nhiêu thần khác (thí dụ: các thiên sứ). Đây là tín lý của giáo hội Chứng Nhân của Giê-hô-va (Jehovah's Witnesses), và giáo hội Mormon, còn được gọi là tà thuyết Arianism. Tà thuyết này phát sinh từ đầu thế kỷ thứ IV do Arius khởi xướng. Điểm căn bản của tà thuyết này cho rằng Đức Chúa Jesus Christ là một vị thần (như các thiên sứ) được dựng nên bởi Đức Chúa Trời.

Trường hợp (2): θεος có mạo từ, trở thành một danh từ riêng có nghĩa là Đức Chúa Trời, tức Thiên Chúa Ngôi Cha. Như vậy, ý nghĩa của mệnh đề nói lên "Ngôi Lời là Ngôi Cha", Cha và Con chỉ là một thân vị, một ngôi. Đây là tín lý của một số giáo hội Ngũ Tuần (Oneness Pentecostals hoặc "Jesus Only"), còn được gọi là tà thuyết Sabellianism, phát xuất từ thế kỷ thứ III do Sabellius khởi xướng. Tà thuyết Sabelliasm cho rằng chỉ có một Đức Chúa Trời trong một thân vị, các danh xưng Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh là các danh hiệu khác nhau của Đức Chúa Trời. Lập luận điển hình cho tín lý này là một người có thể cùng một lúc mang ba danh hiệu khác nhau, thí dụ: Ông A có thể vừa là con (đối với cha của ông), là chồng (đối với vợ của ông), và là cha (đối với con của ông). Theo ý nghĩa nêu trên thì bản dịch tiếng Việt đã dịch không đúng ý của Thánh Kinh khi dịch θεος ην ο λογος thành "Ngôi Lời là Đức Chúa Trời" vì đã thêm mạo từ "Đức" biến θεος thành danh từ riêng, làm cho mệnh đề có nghĩa: Ngôi Lời là Đức Chúa Cha, Ngôi Lời và Đức Chúa Cha cùng một thân vị.

Trường hợp (3): Ngôi Lời mang phẩm chất của Chúa Trời, nghĩa là Ngài mang đồng bản thể của Chúa Cha (Phi-líp 2:6), nhưng Ngài là một thân vị riêng biệt với Chúa Cha. Đây là tín lý chính thống của Thánh Kinh. Giải thích điển hình cho tín lý này được tìm thấy trong Sáng Thế Ký 2:22-23. A-đam là người, Ê-va ra từ A-đam, mang cùng một bản thể, có cùng một phẩm chất người như A-đam nhưng Ê-va không phải là A-đam. A-đam và Ê-va là hai thân vị khác nhau, nhưng cùng một bản thể người, (cùng một xương, một thịt). Nếu dịch cho đúng nghĩa sang tiếng Việt thì mệnh đề θεος ην ο λογος phải dịch thành "Ngôi Lời là Chúa Trời", không thêm mạo từ "Đức" cho danh từ "Chúa Trời."

Trước đây, tôi cũng thường dùng danh từ Đức Chúa Trời chung cho cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Nhưng từ khi học biết về ngữ pháp Hy-lạp, hiểu rõ ý nghĩa của Giăng 1:1, thì tôi đã dùng riêng danh từ Đức Chúa Trời cho Thiên Chúa Ngôi Cha. Xin đọc thêm loại bài về “Thiên Chúa” tại đây: http://timhieutinlanh.com/thanhoc/?page_id=103 (dò xuống vần “Th”).

Trở lại với lời anh phát biểu, suốt thời gian Đức Chúa Jesus Christ thi hành chức vụ trên đất: “Ngài không hề dạy cho dân chúng thời bấy giờ (Tân Ước) về việc giữ ngày sabat, tức điều răn thứ tư;” để kết luận rằng, vì thế mà con dân Chúa thời Tân Ước không cần phải giữ điều răn thứ tư. Tôi xin nhắc anh Ấn như sau:

Đức Chúa Jesus Christ đến thế gian không phải để rao giảng Mười Điều Răn. Ngài đến thế gian để giảng Tin Lành về sự nhân loại có cơ hội thoát khỏi hình phạt của Đức Chúa Trời là hình phạt bị hư mất đời đời, bởi nhân loại đã vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời. Rồi Ngài dâng mạng sống Ngài làm của lễ chuộc tội cho nhân loại. Chức vụ của Đức Chúa Jesus Christ là chức vụ giảng Tin Lành và chuộc tội nhân loại, không phải là chức vụ giảng Mười Điều Răn. Tuy nhiên, chính Đức Chúa Jesus Christ truyền cho dân chúng và các môn đồ của Ngài, phải làm theo mọi lời giảng dạy do những người Pha-ri-si vẫn giảng trong các nhà hội. Chắc chắn là những người Pha-ri-si giảng về Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời và giảng rất kỷ về điều răn thứ tư. Chắc chắn là lời Chúa truyền “hãy làm và giữ theo mọi điều họ đã bảo các ngươi” không ngoại trừ việc làm và giữ điều răn thứ tư, theo lời dạy của những người Pha-ri-si rất là sùng tín trong việc giữ ngày Sa-bát:

Bấy giờ Đức Chúa Jesus phán với dân chúng và môn đồ Ngài rằng: Các thầy thông giáo và người Pha-ri-si đều ngồi trên ngôi của Môi-se. Vậy, hãy làm và giữ theo mọi điều họ đã bảo các ngươi; nhưng đừng bắt chước việc làm của họ, vì họ nói mà không làm” (Ma-thi-ơ 23:1-3).

Vì trải bao nhiêu đời nay, trong mỗi thành vẫn có người giảng luật pháp Môi-se, bởi mọi ngày Sa-bát, trong các nhà hội người ta có đọc luật ấy” (Công Vụ Các Sứ Đồ 15:21).

Ngoài ra, có thể nào chúng ta nói rằng: “Trong suốt thời gian Đức Chúa Jesus Christ thi hành chức vụ trên đất, Ngài không hề truyền cho con dân Chúa Thời Tân Ước phải giữ điều răn thứ hai, và điều răn thứ ba; thế nên, con dân Chúa Thời Tân Ước không cần vâng giữ hai điều răn ấy?” Nếu không, thì sao chúng ta lại dùng lý luận ấy cho điều răn thứ tư?

Mục Sư Nguyễn Quốc Ấn:

Chỉ có Chúa Giê-xu mới có thẩm quyền “ đem thân mình trừ bỏ luật pháp của các điều răn chép thành điều lệ…” (Eph.2:15).

Vì thế, “Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Chúa Giê-xu…”. (Roma 8:1)

VẬY TÍN HỮU TRONG THỜI KỲ NẦY KHÔNG CẦN THỰC HIỆN ĐIỀU RĂN THỨ TƯ – LÀ ĐIỀU RĂN CHỈ DÀNH RIÊNG CHO NGƯỜI DO THÁI, MÀ KHÔNG SỢ BỊ KẾT ÁN, VÌ CHÚA GIÊ-XU PHÁN RẰNG NGÀI LÀ CHÚA CỦA NGÀY SABAT. AMEN! HALELUGIA!

Mục Tử Huỳnh Christian Timothy:

Nhóm chữ “luật pháp của các điều răn chép thành điều lệ” rõ ràng không phải là nhóm chữ để chỉ Mười Điều Răn. Nếu Đức Chúa Jesus Christ đã trừ bỏ Mười Điều Răn thì tại sao ngày nay Cơ-đốc nhân không tha hồ thờ lạy thần tượng, lấy danh Chúa làm chơi, bất hiếu cha mẹ, giết người, ngoại tình, trộm cắp, làm chứng dối, tham lam?

Luật pháp của các điều răn chép thành điều lệ” tức là các khoản điều lệ về hình phạt dành cho những ai vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời. Bởi cái chết của Đức Chúa Jesus Christ thay cho chúng ta mà các điều khoản kết tội chúng ta đã bị tiêu trừ. Cho nên, nếu chúng ta tin cậy sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, thì chúng ta không còn bị đoán phạt. Chứ không phải vì Đức Chúa Jesus Christ trừ bỏ Mười Điều Răn qua cái chết của Ngài, mà ngày nay Cơ-đốc nhân có thể tha hồ thờ lạy thần tượng, lấy danh Chúa làm chơi, bất hiếu cha mẹ, giết người, ngoại tình, trộm cắp, làm chứng dối, tham lam mà không bị đoán phạt.

Thí dụ: Luật pháp của tiểu bang Texas, nơi tôi đang sống, quy định rằng, bất cứ ai lái xe vượt đèn đỏ sẽ bị phạt $250.

Giả sử, tôi vô tình hay cố ý vi phạm và bị ra tòa. Sau khi quan tòa xem xét các chứng cớ (đoạn video cho thấy tôi vi phạm luật) thì tuyên phạt tôi $250. Nếu tôi không đóng tiền phạt thì sẽ bị thu bằng lái.

Giả sử tôi không có tiền đóng tiền phạt nhưng nhờ quan tòa nghe kể hoàn cảnh khó khăn của tôi, mà ông động lòng thương xót, tự ý xuất ra $250 để đóng tiền phạt cho tôi. Rồi ông tuyên bố, án phạt của tôi không còn hiệu lực nữa. Tôi hoàn toàn được tự do ra về.

Giả sử, tôi ra về, lại cố tình vượt đèn đỏ, lại bị ra tòa, thì tôi có thể nói với quan toà rằng: “Tôi tưởng là từ nay ông sẽ phụ trách đóng tiền phạt cho sự vượt đèn đỏ của tôi,” hay không?

Vậy, sự chết của Đức Chúa Jesus Christ trên thập tự giá để chúng ta không bị Đức Chúa Trời đoán phạt vì cớ chúng ta đã vi phạm Mười Điều Răn của Ngài, có phải là giấy phép để chúng ta tha hồ tái phạm Mười Điều Răn của Chúa? Hay là, có phải nhờ sự chết của Đức Chúa Jesus Christ mà chúng ta chỉ cần giử chín điều răn, nhưng tha hồ tái phạm điều răn thứ tư? Thánh Kinh Tân Ước không cho phép con dân Chúa trong Thời Tân Ước vi phạm một điều răn nào của Đức Chúa Trời cả:

Vì người nào giữ trọn luật pháp, mà phạm một điều răn, thì cũng đáng tội như đã phạm hết thảy” (Gia-cơ 2:10).

Chúa của ngày Sa-bát phán rằng: “Vì loài người mà lập ngày Sa-bát” nhưng anh Ấn lại tuyên bố rằng: VẬY TÍN HỮU TRONG THỜI KỲ NẦY KHÔNG CẦN THỰC HIỆN ĐIỀU RĂN THỨ TƯ – LÀ ĐIỀU RĂN CHỈ DÀNH RIÊNG CHO NGƯỜI DO THÁI, MÀ KHÔNG SỢ BỊ KẾT ÁN”

Vậy, có phải anh định nghĩa nhóm chữ “tín hữu trong thời kỳ này” trong câu tuyên bố của anh KHÔNG PHẢI LÀ “loài người?”

Mục Sư Nguyễn Quốc Ấn:

Không phải là dân ngoại bang cũng giữ ngày Sabat ngày nay. Xin vui lòng phân biệt khi đọc KT, nhất là phân biệt “người ngoại bang đã gia nhập Do Thái Giáo, và người ngoại bang không gia nhập”.

Mục Tử Huỳnh Christian Timothy:

Kính thưa anh Ấn, Thánh Kinh không hề nói đến chuyện dân ngoại bang do nhập Do-thái Giáo, và Do-thái Giáo không hình thành cho đến khi những người Pha-ri-si lập ra nó trong khoảng thời gian 400 năm Đức Chúa Trời yên lặng đối với dân I-sơ-ra-ên. Trước đó, chỉ có tuyển dân của Chúa thờ phượng Chúa theo Lời của Ngài là Thánh Kinh, không hề có một tôn giáo hay Giáo Hội Do-thái nào cả.

Thánh Kinh nói rất rõ là “Các người dân ngoại về cùng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu” chứ không nói “Các người dân ngoại gia nhập Do-thái Giáo.”

Các người dân ngoại về cùng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, để hầu việc Ngài, để yêu mến danh Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, để làm tôi tớ Ngài; tức là hết thảy những kẻ giữ ngày Sa-bát cho khỏi ô uế, và cầm vững lời giao ước Ta” (Ê-sai 56:6)

Cũng vậy, ngày nay các người dân ngoại về cùng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, chứ không gia nhập Do-thái Giáo hay Cơ-đốc Giáo, hay bất cứ một Giáo Hội Tin Lành nào cả. Tôi xin mượn lời của một con dân Chúa tại Hà Nội, cháu Nguyễn Mạnh Tưởng, để kết thúc bài biện giáo này:

Rõ ràng mười điều răn là Chúa phán chung cho toàn bộ dân I-sơ-ra-ên thuộc thể và dân I-sơ-ra-ên thuộc linh. Đôi khi chúng ta quên rằng những ai tin và làm theo lời Đức Chúa Trời thì đều là "con cháu thật của Áp-ra-ham" và "là người Giu-đa thật” [2].


Huỳnh Christian Timothy
30.11.2013

Ghi Chú

[1] http://ngoiloi.thanhkinhvietngu.net/node/30

[2] https://timhieutinlanh.com/biengiao/?page_id=440#comment-22

[A] Tất cả những câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là từ Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời và Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống Hiệu Đính 2012. Quý bạn có thể đọc trên mạng: www.ngoiloi.thanhkinhvietngu.netwww.thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

[B] Dùng các nối mạng dưới đây để tra xem ý nghĩa trong Anh ngữ và nghe cách phát âm của một từ ngữ Hê-bơ-rơ hoặc Hy-lạp trên Internet:


 


Copyright Notice: All Rights Reserved © 2013 Vietnamese Christian Mission Ministry.
Thông Báo Tác Quyền: Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry.
Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức nhưng xin giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.

2 Replies to “Ngày Sa-bát Trong Thánh Kinh và Lịch (5)”

  1. NguyenQuocAn

    Anh Huỳnh: Sở dĩ tôi trích Mác 2:27 mà không trích Mác 2:28 là vì: Tôi đang biện giáo về mục đích của Thiên Chúa khi Ngài dựng nên ngày Sa-bát; chứ tôi không biện giáo về việc: thẩm quyền trên ngày Sa-bát! Hai câu Thánh Kinh này tuy nằm sát nhau và nằm trong văn mạch về chủ đề “Ngày Sa-bát” nhưng nó không nằm trong văn mạch của tiểu đề mà tôi đang biện luận: “Mục đích của ngày Sa-bát.”

    Mác 2:17: “Kế đó, Ngài lại phán: Vì loài người mà lập ngày Sa-bát, chớ chẳng phải vì ngày Sa-bát mà dựng nên loài người.”

    Mác 2: 28 “Vậy thì, Con Người cũng làm Chúa ngày Sa-bát.”

    Ms Quốc Ấn: Trong bản KJV, dùng chữ "Vậy thì" là therefore, mà chữ therefore có nghĩa tương đương với "ý kết luận". (theo định nghĩa của Strong'ECB).

    Cho nên không thể nói câu 28 không có liên quan đến câu 27, mặc dầu câu 28 nói về thẩm quyền là không nằm trong tiêu đề và mục đích đang biện luân.

    Như tất cả chúng ta đều biết, kết luận là phần quan trọng cho bài viết hay bài nói chuyện. Chúa Giê-xu muốn nói với người Pharisi rằng dầu là các ngươi hiểu về ngày sabat thế nào thì Ta là Chủ, là Chúa, Ta có quyền trên ngày ấy.

    Nếu dừng lại ở câu 27 thì chưa chính xác. Vì đó là phần kết luận của Chúa Giê-xu.

    Mục Tử Huỳnh Christian Timothy:

    Kính thưa anh Ấn, Thánh Kinh không hề nói đến chuyện dân ngoại bang do nhập Do-thái Giáo, và Do-thái Giáo không hình thành cho đến khi những người Pha-ri-si lập ra nó trong khoảng thời gian 400 năm Đức Chúa Trời yên lặng đối với dân I-sơ-ra-ên. Trước đó, chỉ có tuyển dân của Chúa thờ phượng Chúa theo Lời của Ngài là Thánh Kinh, không hề có một tôn giáo hay Giáo Hội Do-thái nào cả.

    Ms Quốc Ấn: Đúng là Do Thái Giáo chưa hình thành vào thời của Ru-tơ hay Ra-háp, nhưng họ đã tình nguyện có cùng một niềm tin của Do Thái – niềm tin Độc Thần và từ lúc ấy họ phải tuân thủ các sinh hoạt trong niềm tin mới. Họ là những người đã nhập tịch, giống như Anh Huỳnh, khi anh nhập tịch vào nước Mỹ vậy. Những người không nhập tịch thì hà cớ gì họ phải tuân thủ luật pháp của Mỹ?

    Anh Huỳnh: Thánh Kinh nói rất rõ là “Các người dân ngoại về cùng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu” chứ không nói “Các người dân ngoại gia nhập Do-thái Giáo.”

    Các người dân ngoại về cùng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, để hầu việc Ngài, để yêu mến danh Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, để làm tôi tớ Ngài; tức là hết thảy những kẻ giữ ngày Sa-bát cho khỏi ô uế, và cầm vững lời giao ước Ta” (Ê-sai 56:6)

    Ms Quốc Ấn: Ê-sai 56:6

    Đây là lời tiên tri thứ 70 chưa ứng nghiệm trong Ê-sai. ĐCT nói với những người cải đạo gia nhập Do Thái – niềm tin Độc Thần của người Do Thái, tức là họ quay về thờ phượng ĐCT: rằng đừng tự ti, mặc cảm mà nghĩ rằng mình là người ngoại bang nên sẽ bị tước đi những phước hạnh từ ĐCT. Ngài bảo đảm rằng họ cũng sẽ có được những đặc quyền của công dân Israen (Câu 5), ngay cả những kẻ bị hoạn, hoặc kẻ bị dập hay bị cắt tinh hoàn, hay con ngoại tình, dân Am-môn, dân Mô-áp cũng được hưởng những đặc quyền ấy, mà trước đây theo luật pháp Môi-se thì không bao giờ hưởng được (Phục. 23:1-3).

    Như tôi đã nói ở trên, ĐCT đang nói đến một viễn cảnh vui mừng của muôn dân trong thời kỳ Thiên Hy Niên, chấm dứt mọi hạn chế, ràng buộc trong luật pháp Mội-se trước đây. Đây là thời kỳ mà mọi tầng lớp con người trong thế gian quay về cùng Chúa để hưởng mọi đặc quyền, mọi phước hạnh của Ngài.

    Phao-lô cũng nhắm đến một viễn cảnh vui mừng như thế: “Tại đây không còn chia ra người Do Thái hay người Hy-lạp; người nô lệ hay người tự do, nam giới hay nữ giới…” (Gal.3:28 – TTHĐ) và “Tại đây không còn phân biệt người Hy-lạp hay người Do Thái, người nhận cắt bì hay không nhận cắt bì, người dã man hay người Sy-the, người nô lệ hay tự do…” (Col.3:11 – TTHĐ). Chắc chắn sẽ không hề có một Hội Thánh nào lý tưởng hơn thế ở bất cứ nơi đâu trên thế giới nầy.

     Không phải là dân ngoại bang cũng giữ ngày Sabat. Xin vui lòng phân biệt khi đọc KT, nhất là phân biệt “người ngoại bang đã gia nhập Do Thái, và người ngoại bang không gia nhập” (Tức là người tiếp nhận niềm tin của Israen và người không tiếp nhận niềm tin ấy).

    Anh Huỳnh: Chúa của ngày Sa-bát phán rằng: “Vì loài người mà lập ngày Sa-bát” nhưng anh Ấn lại tuyên bố rằng: “VẬY TÍN HỮU TRONG THỜI KỲ NẦY KHÔNG CẦN THỰC HIỆN ĐIỀU RĂN THỨ TƯ – LÀ ĐIỀU RĂN CHỈ DÀNH RIÊNG CHO NGƯỜI DO THÁI, MÀ KHÔNG SỢ BỊ KẾT ÁN”

    Vậy, có phải anh định nghĩa nhóm chữ “tín hữu trong thời kỳ này” trong câu tuyên bố của anh KHÔNG PHẢI LÀ “loài người?”

    Ms Quốc Ấn: Câu Chúa Giê-xu phán “Vì loài người mà lập ngày Sa-bát”  là câu xác minh nguồn gốc ngày sabat (Sáng.2:3).

    Tín hữu thời Tân Ước cũng là loài người, là những người không ở trong giao ước cũ, họ ở trong kỷ nguyên mới, giao ước mới, họ không bị ràng buộc điều răn thứ tư.

    Các tín hữu ngày nay vẫn thực hiện các ĐIỀU RĂN của ĐCT, nhưng không thực hiện điều răn thứ tư. LÀ ĐIỀU RĂN CHỈ DÀNH RIÊNG CHO NGƯỜI DO THÁI.

    Mục Sư Nguyễn Quốc Ấn