Tiếng Mới và Ân Tứ Nói Ngoại Ngữ Không Phải Là Hiện Tượng Nói Tiếng Lạ

5,340 views

Huỳnh Christian Timothy

Dẫn Nhập

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống đã dùng bốn từ ngữ: “tiếng mới,” “tiếng lạ,” “các thứ tiếng,” và “tiếng ngoại quốc” để dịch hai từ ngữ hoàn toàn khác nhau trong nguyên ngữ Hy-lạp. Sự dùng từ ngữ “tiếng lạ” trong Bản Dịch Truyền Thống đã khiến cho rất nhiều người hiểu lầm hiện tượng “nói tiếng lạ” trong các Phong Trào Ân Tứ và Ngũ Tuần, là ân tứ nói ngoại ngữ do Đức Thánh Linh ban cho Hội Thánh. Chắc chắn là “tiếng mới” khác với ân tứ “nói ngoại ngữ” và cả hai hoàn toàn không phải là sự “nói tiếng lạ” của những người Ân Tứ và Ngũ Tuần.

Trong bài này, chúng tôi nêu lên tất cả những câu Thánh Kinh trong Bản Dịch Truyền Thống có những từ ngữ: “tiếng mới,” “tiếng lạ,” “các thứ tiếng,” và “tiếng ngoại quốc,” đối chiếu với Bản Hiệu Đính 2012. Bản Hiệu Đính 2012 là bản hiệu đính Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống (1926), còn được gọi là Bản Dịch Phan Khôi, do chúng tôi đang tiến hành mà bạn đọc có thể tham khảo trên mạng tại đây: http://www.thanhkinhvietngu.online/tiengviet//. Sau đó, chúng tôi sẽ nêu lên phần nhận xét.

Dữ kiện

Trước hết, xin liệt kê các câu Thánh Kinh Việt ngữ có các từ ngữ “tiếng mới,” “tiếng lạ,” “các thứ tiếng” và “tiếng ngoại quốc.” Kèm theo các từ ngữ đó là nguyên ngữ Hy-lạp và từ Anh ngữ tương đương được đặt trong hai dấu ngoặc vuông [ ]. Xin chú ý, cách dùng số ít “language” và số nhiều “languages” trong tiếng Anh là phản ánh trung thực từ nguyên ngữ:

1. Tiếng mới

Mác 16:17 “Vậy những kẻ tin sẽ được các dấu lạ nầy: lấy danh Ta mà trừ quỉ; dùng tiếng [γλωσσαις, glōssa – languages] mới [καιναις, kainos – new] mà nói.” Bản Hiệu Đính 2012: “Và những dấu hiệu này sẽ theo những kẻ tin: Trong danh Ta họ sẽ đuổi quỷ, họ sẽ nói những thứ tiếng mới.”

2. Tiếng lạ

I Cô-rinh-tô 12:30“Cả thảy đều được ơn chữa bịnh sao? Cả thảy đều nói tiếng lạ [γλωσσαις, glōssa – languages] sao? Cả thảy đều thông giải tiếng lạ [trong nguyên ngữ chỉ có chữ “diermēneuō” nghĩa là phiên dịch, không có chữ “glōssa”] sao?” Bản Hiệu Đính 2012: “Cả thảy đều được ơn chữa bịnh sao? Cả thảy đều nói các ngoại ngữ sao? Cả thảy đều thông giải sao?”

I Cô-rinh-tô 13:8“Tình yêu thương chẳng hề hư mất bao giờ. Các lời tiên tri sẽ hết, sự ban cho nói tiếng lạ [γλωσσαι, glōssa – languages] sẽ thôi, sự thông biết hầu bị bỏ.” Bản Hiệu Đính 2012: “Tình yêu thương chẳng hề hư mất bao giờ. Các lời tiên tri sẽ hết, sự ban cho nói các ngoại ngữ sẽ thôi, sự thông biết hầu bị bỏ.”

I Cô-rinh-tô 14:2“Vì người nào nói tiếng lạ [γλωσση,glōssa – languages], thì không phải nói với người ta, bèn là với Đức Chúa Trời, bởi chẳng có ai hiểu (ấy là trong tâm thần mà người kia nói lời mầu nhiệm).” Bản Hiệu Đính 2012: “Vì người nào nói các ngoại ngữ, thì không phải nói với người ta, bèn là với Đức Chúa Trời, bởi chẳng có ai hiểu (ấy là trong tâm thần mà người kia nói lời mầu nhiệm).”

I Cô-rinh-tô 14:4“Kẻ nói tiếng lạ [γλωσση, glōssa – language], tự gây dựng lấy mình; song kẻ nói tiên tri, gây dựng cho Hội thánh.” Bản Hiệu Đính 2012: “Kẻ nói ngoại ngữ, tự gây dựng lấy mình; song kẻ nói tiên tri, gây dựng cho Hội thánh.”

I Cô-rinh-tô 14:5“Tôi ước ao anh em đều nói tiếng lạ [γλωσσαις,glōssa – languages] cả, song tôi còn ước ao hơn nữa là anh em nói tiên tri. Người nói tiên tri là trọng hơn kẻ nói tiếng lạ [γλωσσαις, glōssa – languages] mà không giải nghĩa để cho Hội thánh được gây dựng.” Bản Hiệu Đính 2012: “Tôi ước ao anh em đều nói các ngoại ngữ cả, song tôi còn ước ao hơn nữa là anh em nói tiên tri. Người nói tiên tri là trọng hơn kẻ nói các ngoại ngữ mà không giải nghĩa để cho Hội thánh được gây dựng.”

I Cô-rinh-tô 14:6“Hỡi anh em, ví bằng tôi đến cùng anh em, nói các thứ tiếng lạ [γλωσσαις, glōssa – languages], mà lời nói tôi chẳng tỏ sự mầu nhiệm, chẳng có sự thông biết, chẳng có lời tiên tri, chẳng có sự khuyên dạy, thì ích gì đến anh em?” Bản Hiệu Đính 2012: “Hỡi anh em, ví bằng tôi đến cùng anh em, nói các thứ ngoại ngữ, mà lời nói tôi chẳng tỏ sự mầu nhiệm, chẳng có sự thông biết, chẳng có lời tiên tri, chẳng có sự khuyên dạy, thì ích gì đến anh em?”

I Cô-rinh-tô 14:13“Bởi đó, kẻ nói tiếng lạ [γλωσση, glōssa – language], hãy cầu nguyện để được thông giải tiếng ấy.” Bản Hiệu Đính 2012: “Bởi đó, kẻ nói ngoại ngữ, hãy cầu nguyện để được thông giải tiếng ấy.”

I Cô-rinh-tô 14:14“Vì nếu tôi cầu nguyện bằng tiếng lạ [γλωσση, glōssa – language], thì tâm thần tôi cầu nguyện, nhưng trí khôn tôi lơ lửng.” Bản Hiệu Đính 2012: “Vì nếu tôi cầu nguyện bằng ngoại ngữ, thì tâm thần tôi cầu nguyện, nhưng trí khôn tôi lơ lửng.”

I Cô-rinh-tô 14:18“Tôi tạ ơn Đức Chúa Trời, vì đã được ơn nói tiếng lạ [γλωσσαις, glōssa – languages] nhiều hơn hết thảy anh em.” Bản Hiệu Đính 2012: “Tôi tạ ơn Đức Chúa Trời, vì đã được ơn nói các ngoại ngữ nhiều hơn hết thảy anh em.”

I Cô-rinh-tô 14:19“nhưng thà tôi lấy năm lời bằng trí khôn mình mà rao giảng trong Hội thánh, để được dạy bảo kẻ khác, hơn là lấy một vạn lời bằng tiếng lạ [γλωσση, glōssa – language].” Bản Hiệu Đính 2012: “nhưng thà tôi lấy năm lời bằng trí khôn mình mà rao giảng trong Hội thánh, để được dạy bảo kẻ khác, hơn là lấy một vạn lời bằng ngoại ngữ.”

I Cô-rinh-tô 14:21“Trong luật pháp có chép rằng: Chúa phán: Ta sẽ nhờ những người nói tiếng lạ [ετερογλωσσοις, heteroglōssos – foreign languages], và môi miệng người ngoại quốc mà phán cho dân nầy; dầu vậy họ cũng chẳng nghe ta.” Bản Hiệu Đính 2012: “Trong luật pháp có chép rằng: Chúa phán: Ta sẽ bởi các ngoại ngữ và môi miệng những người ngoại quốc mà phán cho dân nầy; dầu vậy họ cũng chẳng nghe Ta.”

I Cô-rinh-tô 14:23“Vậy thì cả Hội thánh nhóm lại một nơi, nếu ai nấy đều nói tiếng lạ [γλωσσαις, glōssa – languages], mà có kẻ tầm thường hoặc người chẳng tin vào nghe, họ há chẳng nói anh em là điên cuồng sao?” Bản Hiệu Đính 2012: “Vậy thì cả Hội Thánh nhóm lại một nơi, nếu ai nấy đều nói các ngoại ngữ, mà có kẻ tầm thường hoặc người chẳng tin vào nghe, họ há chẳng nói anh em là điên cuồng sao?”

I Cô-rinh-tô 14:26Hỡi anh em, nên nói thể nào? Khi anh em nhóm lại với nhau, trong anh em, ai có bài ca, hoặc bài giảng dạy, hoặc lời tỏ sự kín nhiệm, hoặc nói tiếng lạ [γλωσσαν, glōssa – languages], hoặc giải tiếng lạ [trong nguyên ngữ chỉ có chữ “hermēneia” nghĩa là thông giải, không có chữ “glōssa”] chăng? Hãy làm hết thảy cho được gây dựng.” Bản Hiệu Đính 2012: “Hỡi anh em, nên nói thể nào? Khi anh em nhóm lại với nhau, trong anh em, ai có bài ca, hoặc bài giảng dạy, hoặc lời tỏ sự kín nhiệm, hoặc nói các ngoại ngữ, hoặc thông giải chăng? Hãy làm hết thảy cho được gây dựng.”

I Cô-rinh-tô 14:27“Ví bằng có người nói tiếng lạ [γλωσση, glōssa – language], chỉ nên hai hoặc ba người là cùng; mỗi người phải nói theo lượt mình, và phải có một người thông giải.” Bản Hiệu Đính 2012: “Ví bằng có người nói ngoại ngữ, chỉ nên hai hoặc ba người là cùng; mỗi người phải nói theo lượt mình, và phải có một người thông giải.”

I Cô-rinh-tô 14:39“Ấy vậy, hỡi anh em, hãy trông mong ơn nói tiên tri, và đừng ngăn trở chi về điều nói tiếng lạ [γλωσσαις, glōssa – languages].” Bản Hiệu Đính 2012: “Ấy vậy, hỡi anh em, hãy trông mong ơn nói tiên tri, và đừng ngăn trở chi về điều nói các ngoại ngữ.”

3. Các thứ tiếng

Công Vụ Các Sứ Đồ 2:4“Hết thảy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, khởi sự nói các thứ tiếng [γλωσσαις, glōssa – languages] khác [ετεραις, heteros – other], theo như Đức Thánh Linh cho mình nói.” Bản Hiệu Đính 2012: “Hết thảy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, khởi sự nói các ngoại ngữ khác, theo như Đức Thánh Linh cho mình nói.”

I Cô-rinh-tô 14:22“Thế thì, các thứ tiếng [γλωσσαι, glōssa – languages] là một dấu, chẳng cho người tin Chúa, song cho người chẳng tin; còn như lời tiên tri là một dấu, chẳng phải cho người không tin, song cho người tin Chúa.” Bản Hiệu Đính 2012: “Thế thì, các ngoại ngữ là một dấu, chẳng cho người tin Chúa, song cho người chẳng tin; còn như lời tiên tri là một dấu, chẳng phải cho người không tin, song cho người tin Chúa.”

4. Tiếng ngoại quốc

Công Vụ Các Sứ Đồ 10:46“Vì các tín đồ nghe họ nói tiếng ngoại quốc [γλωσσαις, glōssa – languages] và khen ngợi Đức Chúa Trời.” Bản Hiệu Đính 2012: “Vì các tín đồ nghe họ nói các ngoại ngữ và tôn vinh Đức Chúa Trời.”

Công Vụ Các Sứ Đồ 19:6 “Sau khi Phao-lô đã đặt tay lên, thì có Đức Thánh Linh giáng trên chúng, cho nói tiếng ngoại quốc[γλωσσαις, glōssa – languages] và lời tiên tri.” Bản Hiệu Đính 2012: “Sau khi Phao-lô đã đặt tay lên, thì có Đức Thánh Linh giáng trên chúng, cho nói các ngoại ngữ và lời tiên tri.”

Nhận Xét

1. Ân tứ ngoại ngữ không phải là hiện tượng “nói tiếng lạ”

Trước hết, chúng ta cần xác định ý nghĩa của chữ “glōssa” trong nguyên tác Hy-lạp. Theo Thayer’s Greek Definitions (Bộ Định Nghĩa Tiếng Hy-lạp của Thayer) thì “glōssa” bao gồm các nghĩa như sau:

(1) cái lưỡi, một chi thể của thân thể, một cơ quan của sự nói

(2) một ngôn ngữ: ngôn ngữ hay thổ ngữ được dùng bởi một sắc dân khác với [ngôn ngữ hay thổ ngữ] của các quốc gia khác.

Như vậy, chữ “glōssa” được dùng trong tất cả các câu Thánh Kinh trưng dẫn trên đây dù là số ít hay số nhiều cũng đều mang nghĩa thứ (2), tức là ngôn ngữ. Khi chữ “glōssa” được dùng ghép với động từ “laleō” (nói) thành “laleō glōssa” thì luôn luôn mang ý nghĩa: “nói tiếng ngoại quốc” hay gọn hơn: “nói ngoại ngữ.” Chúng ta thấy trong các câu Thánh Kinh được trích dẫn không hề có tính từ “xenos” (lạ) kèm theo “glōssa” cho nên không thể dịch là “tiếng lạ.” Điển hình về việc dùng tính từ “xenos” (lạ) là:

“Vì Ta đói, các ngươi đã cho Ta ăn; Ta khát, các ngươi đã cho Ta uống; Ta là khách lạ [ξενος, xenos – strange], các ngươi tiếp rước Ta.” (Ma-thi-ơ 25:35)

“Rồi họ bàn với nhau dùng bạc đó mua ruộng của kẻ làm đồ gốm để chôn những khách lạ [ξενοις, xenos – strange]. (Ma-thi-ơ 27:7)

“Anh em chớ để cho mọi thứ đạo lạ [ξεναις, xenos – strange] dỗ dành mình; vì lòng nhờ ân điển được vững bền, ấy là tốt, chớ không phải nhờ đồ ăn, là sự chẳng ích chi cho kẻ làm như vậy.” (Hê-bơ-rơ 13:9)

Như vậy, trừ trường hợp của Mác 16:17 mà chúng ta sẽ bàn tiếp dưới đây, tất cả các câu Thánh Kinh còn lại có từ ngữ “laleō glōssa” nên dịch thành “nói tiếng ngoại quốc” hoặc “nói ngoại ngữ.”

Sách Công Vụ Các Sứ Đồ ghi lại ba trường hợp các môn đồ được đầy dẫy Thánh Linh và được ơn nói tiếng ngoại quốc mà chúng ta có thể dùng đó để xác chứng chỉ có ân tứ nói ngoại ngữ chứ không hề có ân tứ “nói tiếng lạ!” Điểm cần chú ý là, mỗi khi ân tứ nói ngoại ngữ được thể hiện thì đều có sự ấn chứng của những người chứng kiến, rằng người đang nói ngoại ngữ đó nói lên những sự cao trọng của Đức Chúa Trời mà tôn vinh Ngài hoặc nói tiên tri. Đây là điểm rất quan trọng để phân biệt giữa ân tứ nói ngoại ngữ do Đức Thánh Linh ban cho con dân Chúa với sự “nói tiếng lạ” đến từ tà linh. Chúng tôi đã từng chứng kiến cảnh một tín đồ gốc Ân Tứ bị quỷ ám “nói tiếng lạ” và sau đó “nói ngoại ngữ” (tiếng Anh) một cách lưu loát để giảng Tin Lành. Người này trước đó không thông thạo Anh ngữ. Mặc dù người ấy giảng Tin Lành một cách thông suốt, đúng Thánh Kinh, nhưng lại tự xưng là Đức Chúa Jesus và lại nói rằng rất yêu người nữ tín đồ đang bị nhập xác đó, muốn có con với người nữ tín đồ đó… thì rõ ràng là hiện tượng quỷ nhập, chưa kể các biểu hiện nói lãm nhảm, cười, khóc, trợn trắng, thè lưỡi, sùi nước bọt rất là bất bình thường. Chính nạn nhân vào lúc tỉnh cũng biết mình bị quỷ nhập.

2. Tiếng mới

Từ ngữ này chỉ được dùng có một lần trong Mác 16:17. Sự nói các thứ tiếng mới của người tin nhận Chúa chắc chắn là khác hẵn với ân tứ nói ngoại ngữ. Trong khi ân tứ nói ngoại ngữ là một trong các ân tứ do Đức Thánh Linh “theo ý Ngài muốn, phân phát sự ban cho riêng cho mỗi người” không phải tín đồ nào cũng nhận được (I Cô-rinh-tô 12:11), thì sự nói các thứ tiếng mới là dấu hiệu đi theo tất cả những ai là môn đồ thật của Chúa:

Mác 16:17“Vậy những kẻ tin sẽ được các dấu lạ nầy: lấy danh Ta mà trừ quỷ; dùng tiếng [γλωσσαις, glōssa – languages] mới [καιναις, kainos – new] mà nói.”

Trong nguyên ngữ Hy-lạp, tính từ “kainos” có nghĩa là “mới,” được dùng chung với danh từ “glōssa” số nhiều. Nếu dịch câu trên cho sát với nguyên ngữ thì sẽ như sau: “Và những dấu hiệu này sẽ theo những kẻ tin: Trong danh Ta họ sẽ đuổi quỷ, họ sẽ nói những thứ tiếng mới.”

Tiếng mới hay ngôn ngữ mới ở đây khác với ngoại ngữ hay tiếng ngoại quốc được dùng trong những câu Thánh Kinh chúng ta vừa bàn đến phía trên. Tiếng mới này là tiếng của những người đã được dựng nên mới sử dụng: Tiếng của sự yêu thương! Ngôn ngữ của những người thật sự ở trong Chúa! Hễ những ai đã được dựng nên mới trong Đức Chúa Jesus Christ thì tự nhiên họ sẽ dùng thứ tiếng mới này. Khi một người đã được dựng nên mới thì “những sự cũ đã qua đi” trong đó có luôn thứ ngôn ngữ cũ của hận thù, cay đắng, châm chọc, mỉa mai, thô tục, kiêu ngạo… Các thứ tiếng mới chính là các thứ tiếng mẹ đẻ đã được đổi mới trong Chúa của những người đã được dựng nên mới trong Chúa.

“Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới.”(II Cô-rinh-tô 5:17)

Chúng tôi xin lập lại điều quan trọng này: Trong khi “nói ngoại ngữ” là một trong các ân tứ do Đức Thánh Linh “theo ý Ngài muốn, phân phát sự ban cho riêng cho mỗi người,” nghĩa là không phải con dân Chúa nào cũng nhận được, thì “nói tiếng mới” là một dấu hiệu đi theo tất cả những kẻ tin! Nghĩa là, bất cứ ai thực lòng tin nhận Chúa, được tái sinh thì đều nói tiếng mới! Từ ngữ “tiếng mới” được dùng trong Mác 16:17 dưới hình thức số nhiều cho chúng ta biết người thuộc dân tộc nào, ngôn ngữ nào, khi được đổi mới sẽ dùng tiếng mới của chính dân tộc đó, ngôn ngữ đó. Nếu tôi là người Việt Nam được dựng nên mới trong Đấng Christ thì tôi sẽ nói một thứ tiếng Việt Nam mới, là thứ tiếng Việt Nam thể hiện sự thương xót, công bình và thánh khiết của Đức Chúa Trời.

Người không thật lòng tin Chúa thì không có được các dấu hiệu “nói tiếng mới,” và không thể nào “trong danh Chúa trừ quỷ…” cho nên, họ vẫn còn nói năng thô tục, giả ngộ tầm phào, bàn chuyện huyễn, và không ngại thốt ra những lời cay độc, kiêu căng, ngạo mạn… Những người như thế dễ dàng bị sập bẫy của Sa-tan để khoác cho mình những thứ ân tứ giả như: “nói tiếng lạ,” “chữa bệnh,” “đuổi quỷ,” “nói tiên tri,” thậm chí làm ra các “phép lạ” trong danh Chúa (Ma-thi-ơ 7:21-23). Con dân chân thật của Chúa có thể nhìn ra họ cách dễ dàng, vì họ không có được một trong các dấu hiệu thật của những người đã thật sự “tự bỏ mình đi, mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo” Chúa, là dùng “tiếng mới” mà nói!

Kết Luận

Ngày nay, hiện tượng “nói tiếng lạ” là một trong những động cơ phá tán Hội Thánh Chúa một cách đáng sợ nhất. Nhiều người chăn bầy thiếu khôn ngoan (mà lại không cầu xin Chúa – Gia-cơ 1:5) để phân biệt ân tứ nói ngoại ngữ đến từ Đức Thánh Linh với hiện tượng “nói tiếng lạ” đến từ tà linh, cho nên, đã dung chứa các sứ giả của Sa-tan trong Hội Thánh (II Cô-rinh-tô 11:14, 15). Hậu quả là trong vòng ba năm, Hội Thánh địa phương bị phá tán và biến thành hội của Sa-tan (Khải Huyền 2:9)!

Hy vọng rằng, trong các bản hiệu đính hoặc trong các bản dịch tương lai, Thánh Kinh Việt ngữ sẽ không còn những thiếu sót về thuật ngữ khiến gây ra những hiểu lầm, ảnh hưởng tai hại đến sự hiểu biết và áp dụng Lời Chúa vào trong cuộc sống của con dân Chúa người Việt.

Huỳnh Christian Timothy
28.12.2009
Hiệu Đính Lần Thứ Nhất 14.12.2012

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết này:
http://www.mediafire.com/view/?93rqt3ac144dve3


Copyright Notice: All Rights Reserved © 2012 Vietnamese Christian Mission Ministry.
Thông Báo Tác Quyền: Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức nhưng xin giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.