Hỏi & Đáp: Ví Dụ về Tiệc Cưới

6,161 views

Huỳnh Christian Timothy

Hỏi:

Diễn giả chia sẻ Lời Chúa sáng nay ở chi Hội mà tôi sinh hoạt chung. Đến giờ chia sẻ Lời Chúa, thì ông chọn chương Ma-thi-ơ 22 làm nền tảng. Vì trong lúc chưa đến giờ giảng thì tôi thấy ông mục sư này nhiều lần mở đọc quyển ‘Hội Thánh theo đúng mục đích,’ nên tôi chú ý rất kỹ đến những điều giảng dạy của ông. Phần lớn thì tôi đồng tình với những gì ông phân tích và áp dụng, nhưng có phần sau thì tôi không chắc, xin tinlanhbiengiao.net cho ý kiến ngắn gọn về phần này của ông:

Ma-thi-ơ 22:2: “nước thiên đàng giống như một vua kia làm tiệc cưới cho con mình”

– Diễn giả giới thiệu các cách tổ chức buổi tiệc và đặc biệt là tiệc buffet, tiệc mà mọi người được đối xử công bằng với nhau, các món được dọn ra thì ai cũng có thể được ăn.

– Diễn giả đồng nhất tiệc của Chúa với tiệc của vị vua đó với tiệc buffet.

– Diễn giả đưa ra bài học áp dụng: Trong Hội Thánh, nếu tín đồ muốn có ân “nói, cầu nguyện tiếng lạ; chữa lành; đuổi quỷ; biện biệt…”‘ thì cứ yêu cầu Chúa, thì sẽ được, vì Chúa “đã dọn ra rồi”. Ông trích dẫn câu Thánh Kinh “anh em chẳng được chi vì không cầu xin”

(Andy)

Đáp:

Chào bạn Andy,

Trong Ma-thi-ơ 22:1-14 Đức Chúa Jesus dùng hình ảnh một tiệc cưới hoàng gia để nêu lên một số đặc điểm về nước thiên đàng. Có hai điểm nổi bật trong thí dụ này:

1. Khách danh dự được mời đã từ chối đến dự tiệc cho nên nhiều người khác đã được mời thế vào.
2. Trong số những khách dự tiệc có một người không mặc lễ phục nên bị đuổi ra khỏi bửa tiệc.

Câu 14 đúc kết ý nghĩa thật sự của thí dụ này: “Bởi vì có nhiều kẻ được gọi, mà ít người được chọn.”

Ngay từ buổi ban đầu của mục vụ, Đức Chúa Jesus đã liên kết mục vụ của Ngài với hình ảnh của một tiệc cưới mà Ngài là chàng rễ (Mác 2:19,20). Thí dụ tiệc cưới nhằm nói lên có nhiều người được mời gọi đến với sự cứu rỗi của Thiên Chúa nhưng có ít người tiếp nhận. Trong tiệc cưới, sự mời gọi tùy thuộc vào chủ tiệc nhưng sự được chọn tùy thuộc vào khách được mời. Trong nước trời, sự mời gọi tùy thuộc vào Đức Chúa Cha nhưng sự được chọn tùy thuộc vào những người tiếp nhận sự mời gọi ấy.

Bài học trong thí dụ tiệc cưới đối với dân tộc Israel là:

1. Nước thiên đàng bị khưóc từ bởi những người lẽ ra phải hân hoan đón nhận. Những người này là các nhà lãnh đạo Do-thái giáo, những người được gần gũi, bảo tồn, và truyền đạt lời Chúa.

2. Nước thiên đàng được mở rộng ra cho“những kẻ thu thuế, phường đĩ điếm,” những người gian ác không có cơ hội gần gũi lời Chúa như các nhà lãnh đạo Do-thái giáo.

3. Dù đã được mời gọi, đã tiếp nhận lời mời gọi, đã được quyền vào trong nước trời, nhưng nếu người nào không mặc lấy Đấng Christ (sự công chính do huyết báu của Đấng Chris đổ ra trên thập tự giá) thì sẽ bị ném ra khỏi nước trời.

Trong Ma-thi-ơ 5:20 Đức Chúa Jesus nói rõ, nếu sự công bình của một người không trổi hơn của những người Pha-ri-si, những giáo sư dạy Thánh Kinh của Do-thái Giáo thì người ấy không thể vào thiên đàng. Sự công bình mà Đức Chúa Jesus nói đến đó, chỉ có thể có do sự chuộc tội của Ngài. Muốn trở nên công bình hơn tiêu chuẩn của các nhà lãnh đạo Do-thái giáo chỉ có một phương cách duy nhất là hạ mình ăn năn tội và tiếp nhận ơn cứu rỗi của Thiên Chúa. Một người muốn dựa vào sự công bình cá nhân của mình (tu trì, làm việc công đức, “hầu việc Chúa…”) sẽ không thể nào vào được thiên đàng. Sự công bình của loài người chỉ là áo nhớp trước mặt Thiên Chúa (Ê-sai 64:6), vì không có một người công bình nào trên đất (Thi Thiên 14:3).

Bài học trong thí dụ tiệc cưới đối với Hội Thánh ngày nay là:

1. Nước thiên đàng bị khước từ bởi những người cao trọng trong hàng ngũ lãnh đạo của các giáo hội, những Pha-ri-si và thầy thông giáo thời đại, suốt hơn ngàn năm nay (Cô-lô-se 2:16-23; II Ti-mô-thê 3:6-9); điển hình là Giáo Hội Công Giáo La-mã.

2. Nước thiên đàng được mở rộng ra cho tất cả mọi dân tộc (Lu-ca 24:47).

3. Nhiều người tin nhận Chúa nhưng cậy vào công đức của mình thay vì cậy vào sự thương xót của Thiên Chúa, họ kiêu căng, ngạo mạn, tìm kiếm quyền lực và vinh hiển cá nhân nên sập bẫy ma quỷ. Họ ngày càng lún sâu hơn trong sự kiêu ngạo và những quyền năng, phép lạ đến từ ma quỉ, tự lừa gạt chính mình và lừa gạt người khác. Họ sẵn lòng bẻ cong lời Chúa, giải thích, rao giảng Thánh Kinh theo ý riêng sao cho phù hợp với mục đích riêng của mình; điển hình là các phong trào Ân Tứ/Ngũ Tuần. Về những người này, lời Chúa đã phán tỏ tường trong Ma-thi-ơ 7:

21 Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng Ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước thiên đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha Ta ở trên trời mà thôi.
22 Ngày đó, sẽ có nhiều người thưa cùng Ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, chúng tôi chẳng từng nhơn danh Chúa mà nói tiên tri sao? nhơn danh Chúa mà trừ quỉ sao? và lại nhơn danh Chúa mà làm nhiều phép lạ sao?
23 Khi ấy, Ta sẽ phán rõ ràng cùng họ rằng: Hỡi kẻ làm gian ác, Ta chẳng biết các ngươi bao giờ, hãy lui ra khỏi Ta!

Thí dụ tiệc cưới là thí dụ về nước thiên đàng, không phải thí dụ về sự ban cho ân tứ của Đức Thánh Linh.

Cho là thí dụ tiệc cưới nói về sự ban cho ân tứ của Đức Thánh Linh đi chăng nữa, thì tín đồ cũng không cần “cầu xin” gì cả, vì Chúa “đã dọn ra rồi.” Không một người nào xin Vua mời mình dự tiệc cưới. Không một chỗ nào trong thí dụ cho thấy là người dự tiệc phải “cầu xin được ăn.”

Câu Thánh Kinh Gia-cơ 4:2,3 thường được trích dẫn để nói rằng: một người không nhận lãnh Đức Thánh Linh hoặc ân tứ của Đức Thánh Linh là vì không cầu xin. Sự áp dụng này hoàn toàn sai lạc:

– Thứ nhất, Gia-cơ 4:2,3 không nói đến việc cầu xin Đức Thánh Linh hay cầu xin ân tứ của Đức Thánh Linh. Muốn hiểu rõ ý nghĩa của những câu này, chúng ta cần phải xem xét toàn bộ văn cảnh (context), bắt đầu từ Gia-cơ 3:13:

13 Trong anh em có người nào khôn ngoan thông sáng chăng: Hãy lấy cách ăn ở tốt của mình mà bày tỏ việc mình làm bởi khôn ngoan nhu mì mà ra.
14 Nhưng nếu anh em có sự ghen tương cay đắng và sự tranh cạnh trong lòng mình, thì chớ khoe mình và nói dối nghịch cùng lẽ thật.
15 Sự khôn ngoan đó không phải từ trên mà xuống đâu; trái lại, nó thuộc về đất, về xác thịt và về ma quỉ.
16 Vì ở đâu có những điều ghen tương tranh cạnh ấy, thì ở đó có sự lộn lạo và đủ mọi thứ ác.
17 Nhưng sự khôn ngoan từ trên mà xuống thì trước hết là thanh sạch, sau lại hòa thuận, tiết độ, nhu mì, đầy dẫy lòng thương xót và bông trái lành, không có sự hai lòng và giả hình.
18 Vả bông trái của điều công bình thì gieo trong sự hòa bình, cho những kẻ nào làm sự hòa bình vậy.

Gia-cơ 4:

1 Những điều chiến đấu tranh cạnh trong anh em bởi đâu mà đến? Há chẳng phải từ tình dục anh em vẫn hay tranh chiến trong quan thể mình sao?
2 Anh em tham muốn mà chẳng được chi; anh em giết người và ghen ghét mà chẳng được việc gì hết; anh em có sự tranh cạnh và chiến đấu; anh em chẳng được chi, vì không cầu xin.
3Anh em cầu xin mà không nhận lãnh được, vì cầu xin trái lẽ, để dùng trong tư dục mình.
4 Hỡi bọn tà dâm kia, anh em há chẳng biết làm bạn với thế gian tức là thù nghịch với Đức Chúa Trời sao? Cho nên, ai muốn làm bạn với thế gian, thì người ấy trở nên kẻ nghịch thù cùng Đức Chúa Trời vậy.
5 Hay là anh em tưởng Kinh Thánh nói vô ích sao? Đức Thánh Linh mà Đức Chúa Trời khiến ở trong lòng chúng ta, ham mến chúng ta đến nỗi ghen tương,
6 nhưng Ngài lại ban cho ta ơn lớn hơn nữa. Vì vậy, Thánh Kinh chép rằng: Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường.
7 Vậy hãy phục Đức Chúa Trời; hãy chống trả ma quỉ, thì nó sẽ lánh xa anh em.
8 Hãy đến gần Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ đến gần anh em. Hỡi kẻ có tội, hãy lau tay mình, có ai hai lòng, hãy làm sạch lòng đi;
9 hãy cảm biết sự khốn nạn mình, hãy đau thương khóc lóc; hãy đổi cười ra khóc, đổi vui ra buồn.
10 Hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa, thì Ngài sẽ nhắc anh em lên.

Rõ ràng Gia-cơ nhắc đến việc Đức Thánh Linh đã ở trong lòng người tin Chúa cho nên tín đồ không cần thiết phải cầu xin Chúa ban Đức Thánh Linh cho mình (câu 5). Chính Đức Chúa Jesus khẳng định, hễ ai tin nhận Ngài thì được nhận lãnh Đức Thánh Linh (Giăng 7:38,39):

38 Kẻ nào tin ta thì sông nước hằng sống sẽ chảy từ trong lòng mình, y như Kinh Thánh đã chép vậy.
39 Ngài phán điều đó chỉ về Đức Thánh Linh mà người nào tin Ngài sẽ nhận lấy; bởi bấy giờ Đức Thánh Linh chưa ban xuống, vì Đức Chúa Jêsus chưa được vinh hiển.

Đức Chúa Jesus đã được vinh hiển qua sự sống lại và thăng thiên, ĐứcThánh Linh đã được ban xuống trong ngày Lễ Ngũ Tuần cách nay gần hai ngàn năm, cho nên kể từ đó, hễ ai tin nhận Đấng Christ và tuyên xưng đức tin qua lễ báp-tem nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi, thì đương nhiên nhận lãnh Đức Thánh Linh và Thánh Linh mà không cần cầu xin gì cả (Công Vụ 2:38):

38 Phi-e-rơ trả lời rằng: Hãy hối cải, ai nấy phải nhơn danh Đức Chúa Jêsus chịu phép báp-tem, để được tha tội mình, rồi sẽ được lãnh sự ban cho Đức Thánh Linh.

– Thứ nhì, điều mà Gia-cơ nói tín đồ không nhận lãnh vì không cầu xin không phải là Đức Thánh Linh hay ân tứ của Ngài, mà là “sự khôn ngoan thông sáng từ Thiên Chúa” dẫn đến nếp sống đạo tràn đầy “bông trái của sự công bình” (Gia-cơ 3:13, 17). Thật vậy, ngay trong phần mở đầu của lá thư, Gia-cơ đã khuyên tín đồ cầu xin sự khôn ngoan thông sáng từ Thiên Chúa (Gia-cơ 1:1-3):

5 Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi, không trách móc ai, thì kẻ ấy sẽ được ban cho.
6 Nhưng phải lấy đức tin mà cầu xin, chớ nghi ngờ; vì kẻ hay nghi ngờ giống như sóng biển, bị gió động và đưa đi đây đi đó.
7 Người như thế chớ nên tưởng mình lãnh được vật chi từ nơi Chúa:

Nhiều người trong Hội Thánh thời bấy giờ cũng như thời nay kiêu ngạo dựa vào sự khôn ngoan của thế gian (triết học, tâm lý học, văn hóa dân tộc, đạo đức tôn giáo, mưu kế, thủ đoạn…) để “hầu việc Chúa” nhưng bị thất bại, không kết quả thì lại ganh tỵ, nói xấu, hãm hại những người biết nương cậy nơi sự khôn ngoan từ Thiên Chúa mà hầu việc Ngài.

Toàn bộ thư Gia-cơ không hề nói đến sự tín đồ cầu xin cho được nhận lãnh Đức Thánh Linh hoặc ân tứ của Ngài. Việc sử dụng câu “anh em chẳng được chi vì không cầu xin” trong Gia-cơ 4:2 để cho rằng một người muốn nhận lãnh Đức Thánh Linh hay ân tứ của Ngài thì phải cầu xin là một việc làm giải kinh tùy tiện và gượng ép, bóp méo lẽ thật của Lời Chúa.

Đức Thánh Linh đương nhiên ngự vào lòng những ai tin nhận sự cứu rỗi của Thiên Chúa và vâng theo lời phán dạy của Chúa để làm ấn chứng cho sự cứu rỗi mà tín đồ không cần phải cầu xin. Một đứa bé được sinh ra đời, đương nhiên có sự sống mà không cần phải cầu xin cha mẹ ban sự sống cho mình. Một người tin nhận và đầu phục Chúa, được tái sinh, đương nhiên có Đức Thánh Linh và Đức Cha, Đức Con ngự trong lòng mà không cần cầu xin.

Ân tứ của Đức Thánh Linh đương nhiên được ban cho mỗi người tùy theo ý muốn của Đức Thánh Linh để gây dựng Hội Thánh của Đấng Christ mà không cần phải cầu xin.Nếu chúng ta không cần cầu xin sự sống đời đời thì chúng ta cũng không cần cầu xin ân tứ của Đức Thánh Linh, vì sự sống đời đời và ân tứ của Đức Thánh Linh đều là quà tặng của Thiên Chúa cho những ai đã được ban cho quyền phép trở nên con cái của Đức Chúa Trời. Một thân thể có sự sống thì mỗi chi thể đương nhiên tiếp nhận những gì cần thiết do sự sống đem lại mà không cần cầu xin gì cả. Ân tứ của Đức Thánh Linh là sự ban cho đương nhiên, tín đồ không cần cầu xin:

38 Kẻ nào tin ta thì sông nước hằng sống sẽ chảy từ trong lòng mình, y như Kinh Thánh đã chép vậy.
39 Ngài phán điều đó chỉ về Đức Thánh Linh mà người nào tin Ngài sẽ nhận lấy; bởi bấy giờ Thánh Linh chưa ban xuống, vì Đức Chúa Jêsus chưa được vinh hiển.
(Giăng 7:38-39).

4 Lúc ở với các sứ đồ, Ngài dặn rằng đừng ra khỏi thành Giê-ru-sa-lem, nhưng phải ở đó chờ điều Cha đã hứa, là điều các ngươi đã nghe ta nói.
8 Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất.
(Công Vụ 1:4,8).

Chúa bảo các môn đồ chờ đợi để nhận lãnh Đức Thánh Linh và ân tứ (quyền phép) của Đức Thánh Linh, Chúa không bảo họ kêu cầu.

17 Đức Chúa Trời phán: Trong những ngày sau rốt, Ta sẽ đổ Thần ta khắp trên mọi xác-thịt; Con trai và con gái các ngươi đều sẽ nói lời tiên tri, Bọn trai trẻ sẽ thấy điềm lạ, Và các người già cả sẽ có chiêm bao,
18 Phải, trong những ngày đó, ta sẽ đổ Thần ta khắp trên các đầy tớ trai và gái ta, Chúng nó đều nói lời tiên tri;
(Công Vụ 2:17-18).

Không hề có điều kiện cầu xin được nêu lên. Đức Chúa Cha ban Con Một của Ngài cho thế gian mà không cần thế gian phải cầu xin. Đức Chúa Cha ban Đức Thánh Linh cho Hội Thánh mà không cần Hội Thánh phải cầu xin.

37 Chúng nghe bấy nhiêu lời, trong lòng cảm động, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: Hỡi anh em, chúng ta phải làm chi?
38 Phi-e-rơ trả lời rằng: Hãy hối cải, ai nấy phải nhơn danh Đức Chúa Jêsus chịu phép báp-tem, để được tha tội mình, rồi sẽ được lãnh sự ban cho Đức Thánh Linh.

(Công Vụ 2:37-38).

Điều kiện nhận lãnh sự ban cho của Đức Thánh Linh là: Ăn năn, chứng tỏ sự ăn năn qua sự chịu lễ báp-tem Chúa dạy. Không hề có điều kiện cầu xin.

4 Vả, có các sự ban cho khác nhau, nhưng chỉ có một Đức Thánh Linh.
5 Có các chức vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa.
6 Có các việc làm khác nhau, nhưng chỉ có một Đức Chúa Trời, là Đấng làm mọi việc trong mọi người.
7 Đức Thánh Linh tỏ ra trong mỗi một người, cho ai nấy đều được sự ích chung.
8 Vả, người nầy nhờ Đức Thánh Linh, được lời nói khôn ngoan; kẻ kia nhờ một Đức Thánh Linh ấy, cũng được lời nói có tri thức.
9 Bởi một Đức Thánh Linh, cho người nầy được đức tin; cũng bởi một Đức Thánh Linh ấy, cho kẻ kia được ơn chữa tật bịnh;
10 người thì được làm phép lạ; kẻ thì được nói tiên tri; người thì được phân biệt các thần; kẻ thì được nói nhiều thứ tiếng khác nhau, người thì được thông giải các thứ tiếng ấy.
11 Mọi điều đó là công việc của đồng một Đức Thánh Linh mà thôi, theo ý Ngài muốn, phân phát sự ban cho riêng cho mỗi người.

(1 Cô-rinh-tô 12:4-11).

Lời Chúa dạy rõ ràng, ân tứ của Đức Thánh Linh là do Đức Thánh Linh ban cho mỗi người tùy theo ý ngài muốn, không phải tùy theo sự cầu xin của chúng ta. Làm sao chúng ta biết ân tứ nào thích hợp cho mình để gây dựng Hội Thánh mà cầu xin?

Trên một phương diện khác, một người thật lòng tin nhận Chúa, đã được ban cho Đức Thánh Linh làm ấn chứng và ân tứ của Đức Thánh Linh để gây dựng Hội Thánh nhưng không tin điều đó, cho rằng mình chưa có Đức Thánh Linh, chưa có ân tứ Đức Thánh Linh, lại cầu xin Đức Thánh Linh và ân tứ Đức Thánh Linh qua các tổ chức Ân Tứ/Ngũ Tuần là một sự mắc bẫy của Sa-tan, khiến cho tà linh thừa cơ xâm nhập thân thể của mình.

Chúa phán:“Dân ta bị diệt vì thiếu sự thông biết” (Ô-sê 4:6). Dân Chúa thiếu sự thông biết vì không tra cứu lời Chúa xem những sự giảng dạy của người khác có đúng với lời Chúa hay không (ví dụ như lời giảng của người mục sư về thí dụ tiệc cưới trên đây) mà cứ tin theo vì thấy những “dấu kỳ phép lạ.”

Cái gọi là “ân tứ” mà một người có được do “cầu xin,” chắc chắn không phải đến từ Đức Thánh Linh, vì Đức Thánh Linh không hề ban ân tứ cho chúng ta theo sự cầu xin của chúng ta mà là theo ý Ngài muốn. Quyền năng, phép lạ không đến từ Đức Chúa Trời hẳn nhiên đến từ Satan.

Huỳnh Christian Timothy
09.03.2007

Bấm vào đây để download bài viết này

Copyright Notice: Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry – All Rights Reserved © 2007 Vietnamese Christian Mission Ministry, Inc. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức với điều kiện giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.