Các Thắc Mắc về Ngày Sa-bát của Thiên Chúa

1,198 views

YouTube: https://youtu.be/URemq0uVO0M

Các Thắc Mắc về
Ngày Sa-bát của Thiên Chúa

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

Mười hai thắc mắc được nêu ra dưới đây là các thắc mắc liên quan đến việc giữ ngày Sa-bát mà chúng tôi đã nhận được từ một số con dân Chúa. Chúng tôi vẫn tiếp tục nhận thắc mắc và hồi đáp qua email. Địa chỉ email của chúng tôi là: timhuynh@timhieuthanhkinh.net.

Thắc mắc 1: Có một số tài liệu trên Internet cho rằng, những ai không nhóm họp thờ phượng Chúa vào ngày Sa-bát mà lại nhóm họp thờ phượng Chúa vào Chủ Nhật là mang dấu của con thú trong Khải Huyền 13. Lời đó đúng hay sai?

Giải đáp 1: Mặc dù ngày Sa-bát Thứ Bảy là ngày được Chúa ban phước, biệt ra thánh, và kêu gọi con dân Chúa nghỉ lao động, nhóm họp thờ phượng Ngài, nhưng điều đó không có nghĩa là con dân Chúa không được nhóm họp thờ phượng Chúa vào những ngày khác.

Từ khi Giáo Hội Công Giáo ra luật bỏ ngày Sa-bát Thứ Bảy và buộc con dân Chúa nhóm họp thờ phượng Chúa vào ngày Thứ Nhất, tức Chủ Nhật, thì hầu hết các giáo hội ra từ Công Giáo, hoặc ra từ các giáo hội ra từ Công Giáo, như: Giáo Hội Cải Chánh, Giáo Hội Tin Lành, Giáo Hội Ngũ Tuần… đều giữ theo truyền thống này. Tuy nhiên, sự kiện đó không có nghĩa việc nhóm họp thờ phượng Chúa vào Chủ Nhật trở thành con dấu của Anti-Christ, tức là con dấu của con thú thứ nhất trong Khải Huyền đoạn 13. Giáo lý dạy rằng, sự nhóm họp thờ phượng Chúa vào Chủ Nhật là dấu hiệu của con thú trong Khải Huyền đoạn 13 là giáo lý sai trật Thánh Kinh. Một vài giáo phái thuộc Giáo Hội Cơ-đốc Phục Lâm dạy như vậy.

Thánh Kinh nói rõ, con số 666 là con số của tên con thú:

Nó buộc mọi người cả nhỏ lẫn lớn, giàu lẫn nghèo, tự chủ lẫn nô lệ, đều phải nhận một dấu trên tay phải hoặc trên trán. Không ai có thể mua hoặc bán trừ kẻ có mang dấu hoặc danh con thú hoặc số của tên nó. Sự khôn sáng là đây: Ai có sự thông biết hãy đếm số của con thú; vì đó là số của một người và số của nó là 666.” (Khải Huyền 13:16-18).

Dấu hoặc danh của con thú hoặc số của tên nó phải được mang “trên tay phải hoặc trên trán” chứ không phải bởi hành động đi nhóm thờ phượng Chúa vào Chủ Nhật. Sự nhóm họp thờ phượng Chúa vào Chủ Nhật do Giáo Hội Công Giáo áp đặt đã hơn 1.700 năm qua, còn con thú thì chưa xuất hiện, chưa ra lệnh cho mọi người phải mang dấu của nó, thì làm sao sự nhóm họp thờ phượng Chúa có thể trở thành dấu hiệu của con thú?

Mục đích sự mang dấu hoặc danh, hoặc số của tên con thú trên tay phải hoặc trên trán là để có thể mua và bán trong xã hội độc tài của Anti-Christ. Thực tế, khi con thú lên cầm quyền thì nó sẽ cấm tất cả những sự thờ phượng Thiên Chúa, cho dù là thờ phượng vào ngày nào.

Con dân Chúa cần phải giữ Mười Điều Răn nhưng con dân Chúa có thể thờ phượng Chúa trong mọi nơi, mọi lúc. Sự kiện Đức Thánh Linh ngự trong thân thể con dân Chúa, thân thể con dân Chúa trở thành Đền Thờ của Thiên Chúa, và con dân Chúa được ban cho chức thầy tế lễ đã nói lên một cách hiển nhiên: Con dân Chúa có thể và cần phải thờ phượng Chúa trong mọi nơi, mọi lúc, qua nếp sống của mình. Không lẽ Đền Thờ của Thiên Chúa chỉ được dùng để thờ phượng Chúa trong ngày Sa-bát?

Dù vậy, mệnh lệnh “Chớ bỏ sự nhóm lại” (Hê-bơ-rơ 10:25) là chỉ về các sự nhóm họp thánh trong những ngày Sa-bát. Con dân Chúa có thể nhóm họp thờ phượng Chúa vào bất kỳ lúc nào nhưng không thể bỏ qua sự nhóm họp thờ phượng Chúa vào ngày Sa-bát Thứ Bảy.

Thắc mắc 2: Con dân Chúa làm trong các hãng xưởng bị buộc đi làm vào ngày Thứ Bảy thì phải làm sao?

Giải đáp 2: Hãy dâng trình sự việc lên Chúa. Trình bày đức tin của mình với chủ. Nếu chủ không bằng lòng cho mình nghỉ làm việc vào ngày Sa-bát thì đành nghỉ việc làm đó và xin Chúa ban cho mình một việc làm khác có thể nghỉ làm việc trong ngày Sa-bát. Nếu con dân Chúa hết lòng tin cậy Chúa và hết lòng vâng giữ điều răn của Chúa thì sẽ thấy phép lạ xảy ra. Và hãy nhớ, thường khi phép lạ chỉ xảy ra, khi con dân Chúa đã hoàn toàn thể hiện đức tin của mình qua hành động. Giô-sép phải bị tù vì từ chối phạm tội, một thời gian sau mới được giải cứu. Ba chàng trai trẻ Hê-bơ-rơ giữ vững đức tin, bị ném vào lò lửa hực, rồi mới được giải cứu. Tiên Tri Đa-ni-ên giữ vững đức tin, bị ném xuống hang sư tử, rồi mới được giải cứu.

Thắc mắc 3: Việc giữ ngày Sa-bát là luật của Chúa dành cho tất cả mọi người. Nhưng chú chủ trương một số trường hợp có thể không giữ cũng được: lính cứu hỏa, bác sĩ… Cháu muốn hỏi là có chỗ nào trong Thánh Kinh có nói miễn trừ cho các đối tượng này hoặc chỉ là chủ trương của chú?

Giải đáp 3: Chính Đức Chúa Jesus Christ phán dạy rằng, trong ngày Sa-bát thì được phép làm điều lành: “Vậy, làm việc lành trong các ngày Sa-bát là hợp pháp” (Ma-thi-ơ 12:12). Tất cả các ngành nghề như: bác sĩ, dược sĩ, y tá, lính cứu hỏa… đều là các ngành nghề cứu giúp, tức là việc làm của họ dù là mưu sinh nhưng là việc lành cần thiết cho xã hội. Ngay cả việc giữ gìn trật tự xã hội, phòng chống trộm cướp của công an, cảnh sát hay việc chiến trận, bảo vệ an ninh lãnh thổ của những người lính (Giô-suê 6) cũng là những việc lành cần thiết cho xã hội. Ngày xưa, các thầy tế lễ cũng lao động vất vả gấp hai ngày thường khi phải chuẩn bị các của lễ và dâng các của lễ trong ngày Sa-bát (Ma-thi-ơ 12:5).

Mục đích chính của điều răn thứ tư là để con dân Chúa nghỉ lao động thể xác, mà nhóm họp thờ phượng Chúa. Vì thế, chỉ cần chúng ta không làm việc kiếm sống, không lao động để tạo tiện nghi đời sống, không mua bán để tạo cơ hội cho người khác lao động kiếm sống trong ngày Sa-bát, mà dành ra thời gian nhóm họp với Hội Thánh để thờ phượng Chúa, thì chúng ta đã theo đúng tinh thần điều răn của Chúa.

Chúng tôi có lời khuyên cho những con dân Chúa trong các ngành nghề nói trên, nếu phải đi trực, làm việc vào ngày Sa-bát, thì hãy dùng tiền lương của ngày hôm ấy làm việc lành, như cứu giúp những anh chị em có hoàn cảnh khó khăn, để cho việc làm của mình thực sự là làm điều lành chứ không làm để nhận lương.

Thắc mắc 4: Có trường hợp nào không nên làm việc lành trong ngày Sa-bát?

Giải đáp 4: Đó là những việc cứu giúp không khẩn cấp, có thể làm vào ngày khác.

Thắc mắc 5: Ngày Sa-bát lái xe đi nhóm có thể đổ xăng, trả tiền gửi xe, trả tiền qua phà, trả tiền dùng xa lộ, trả tiền xe buýt, mua thức ăn, và trả tiền thuê khách sạn hay không?

Giải đáp 5: Tốt nhất là chúng ta chuẩn bị đổ xăng trước ngày Sa-bát, chuẩn bị thức ăn, thức uống trước khi lên đường. Còn việc trả tiền gửi xe, trả tiền qua phà, trả tiền dùng xa lộ, trả tiền xe buýt thì đó là việc không thể tránh. Nhưng nếu có thể mua vé tháng hoặc mua vé trước ngày Sa-bát thì nên mua. Nếu có thể đặt trước khách sạn thì nên đặt. Nếu lỡ đường phải thuê khách sạn vào ngày Sa-bát thì vẫn có thể thuê. Nói tóm lại, việc giữ ngày Sa-bát là do tấm lòng chúng ta tôn kính Chúa và tôn kính điều răn của Ngài. Miễn là chúng ta không cố ý phạm điều răn để thỏa mãn những ham muốn của xác thịt thì chúng ta không phạm tội.

Thắc mắc 6: Ngày Sa-bát có thể tưới cây, tưới vườn rau hay không? Có thể hái rau, hái trái hay không?

Giải đáp 6: Nếu có thể tránh tưới vào ngày Sa-bát thì nên tránh. Thí dụ, tưới vào trước 6 giờ chiều Thứ Sáu và sau 6 giờ chiều Thứ Bảy. Trường hợp không kịp tưới đúng giờ thì vẫn có thể tưới để cây và rau không bị hại. Trường hợp này tương tự như cho gia súc ăn trong ngày Sa-bát. Chỉ nên hái rau, hái trái đủ cho bữa ăn chứ không nên hái với tính cách thu hoạch. Vì hái với tính cách thu hoạch chính là làm việc.

Thắc mắc 7: Ngày Sa-bát có thể chăn trâu, chăn bò, chăn chiên, chăn vịt… cho gia súc đi kiếm ăn hay không?

Giải đáp 7: Ngày Sa-bát chúng ta không bắt gia súc làm việc nhưng vẫn phải cho chúng ăn. Vẫn phải chăn giữ chúng. Nhưng không vì vậy mà bỏ qua sự nhóm họp.

Thắc mắc 8: Ngày Sa-bát có thể nấu ăn, rửa chén bát, giặt quần áo hay không?

Giải đáp 8: Việc nấu ăn trong ngày Sa-bát càng đơn giản càng tốt, nhưng được phép nấu ăn. Nên rửa chén bát ngay sau khi ăn nhưng việc giặt quần áo thì nên tránh giặt trong ngày Sa-bát.

Thắc mắc 9: Ngày Sa-bát có được phép sửa xe, sửa nhà hay không?

Giải đáp 9: Nếu đang đi đường trong ngày Sa-bát mà xe bị hư thì cần phải sửa để đi tiếp. Nhưng nếu có thể chờ đến sau ngày Sa-bát mới sửa thì nên chờ. Nếu trong ngày Sa-bát nhà bị hư không có chỗ trú thì có thể tạm sửa phần nào để có chỗ tạm trú, chờ sang Chủ Nhật thì sửa tiếp. Nếu có chỗ khác để tạm trú thì không nên sửa nhà trong ngày Sa-bát. Nói chung là tìm đủ cách để tránh làm việc, mua bán trong ngày Sa-bát. Nhưng trong trường hợp khẩn cấp vẫn có thể làm việc, mua bán. Trường hợp khẩn cấp là trường hợp ảnh hưởng đến sức khỏe, mạng sống, hành trình thăm viếng, nhóm họp thờ phượng Chúa.

Thắc mắc 10: Ngày Sa-bát có nên kiêng ăn hay không?

Giải đáp 10: Mục đích của sự kiêng ăn có thể là để than khóc người chết (I Sa-mu-ên 31:13; I Sử Ký 10:12); để xưng tội, như sự kiêng ăn trong ngày Sa-bát của Lễ Chuộc Tội (Lê-vi Ký 16:29-31; Dân Số Ký 29:7); để cầu khẩn ân huệ của Chúa (II Sa-mu-ên 12:16-23; II Sử Ký 20:3-6; Ê-xơ-tê 9:31; Thi Thiên 35:13; Đa-ni-ên 9:3); để xưng tội và cầu xin sự thương xót của Chúa (Giô-ên 1:14; 2:12, 15; Giô-na 3:5); để tương giao với Chúa (Ma-thi-ơ 4:2; Lu-ca 2:37; 18:12; Công Vụ Các Sứ Đồ 13:2-3; 14:23); hoặc để cầu nguyện cho sự đuổi quỷ (Ma-thi-ơ 17:21).

Ngày Sa-bát Thứ Bảy là ngày vui tươi, phước hạnh, không nên kiêng ăn, trừ khi là sự kiêng ăn để xưng tội hoặc kiêng ăn để cầu xin Chúa một ân huệ nào đó. Cũng có thể kiêng ăn để tương giao với Chúa.

Thắc mắc 11: Có chỗ nào trong Thánh Kinh ghi lại sự kiện con dân Chúa có thể đi hơn 2.000 cu-bít, tương đương một km trong ngày Sa-bát?

Giải đáp 11: Theo khảo cổ học, diện tích thành Giê-ri-cô khoảng 9 mẫu Anh (acre) [1]. Như vậy, chu vi của thành vào khoảng 800 mét. Đi vòng quanh thành một bận có thể vào khoảng 1.000 mét, vì còn phải đi cách xa tường thành để tránh bị bắn tên. Đi vòng quanh thành Giê-ri-cô bảy lần trong ngày Sa-bát là đi khoảng chừng 7 km. Đó là chưa kể từ trại quân của I-sơ-ra-ên đi đến thành Giê-ri-cô cũng phải vài km.

Thắc mắc 12: Ngày Sa-bát có nên nhờ cậy anh chị em trong Hội Thánh giúp mình làm một việc gì không phải là lao động, như: nhờ hướng dẫn mình cách dùng máy vi tính, cách dùng các chức năng của điện thoại, cách cài đặt một nhu liệu…?

Giải đáp 12: Trừ khi là việc khẩn cấp, quan trọng, thì chúng ta nên tránh làm phiền anh chị em của mình trong ngày Sa-bát, kể cả email, nhắn tin, gọi điện thoại. Hãy để cho anh chị em của mình được hoàn toàn yên nghỉ trong ngày Sa-bát và tận dụng thời gian trong ngày Sa-bát để thông công với gia đình của họ và anh chị em trong Hội Thánh tại địa phương.

Lời Kết

Khi chúng ta hết lòng sống theo Lời Chúa, lấy điều răn và luật pháp của Chúa làm niềm vui, như tác giả Thi Thiên 119, thì chúng ta sẽ tự nhiên biết mình có thể làm gì và không thể làm gì trong ngày Sa-bát.

Tôi yêu luật pháp của Ngài biết bao! Nó là sự suy ngẫm của tôi trọn ngày. Bởi các điều răn của Ngài, Ngài làm cho tôi khôn sáng hơn những kẻ thù của tôi. Vì chúng là vĩnh cửu.” (Thi Thiên 119:97-98).

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời thành tín của sự bình an giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của chúng ta nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được, cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23). A-men!

Sau khi chia sẻ xong bài này thì chúng tôi có nhận được email của một con dân Chúa, nêu thắc mắc như sau:

Dạ, kính xin cô chú giải thích giúp con hiểu rõ hơn sự khác nhau giữa việc đi nhặt củi, đi lượm ma-na và đi hái rau trong ngày Sa-bát. Con xin cám ơn cô chú thật nhiều!”

Lời giải đáp của chúng tôi là:

1. Đi nhặt củi là lao động, là không ngưng làm việc trong ngày Sa-bát. Người đi nhặt củi cũng có thể để bán lại cho người khác.

2. Đi nhặt ma-na là không vâng lời Chúa và thể hiện lòng tham. Vì Chúa đã ban cho ma-na gấp hai trong ngày Thứ Sáu và ra lệnh không được đi nhặt ma-na trong ngày Sa-bát.

3. Hái rau, hái trái đủ cho bữa ăn trong ngày tương tự như vo gạo, nấu cơm, giết gà làm thức ăn, như các môn đồ của Chúa bứt bông lúa để ăn.

Chúng tôi xin thêm vào đây để quý con dân Chúa tiện tham khảo.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
05/12/2020

Ghi chú:

[1] https://answersingenesis.org/archaeology/the-walls-of-jericho/

Karaoke Thánh Ca: “Chúa Ngài Thương Con”
https://karaokethanhca.net/chua-ngai-thuong-con/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.