Tản Mạn Về Danh Xưng Mục Sư và Reverend

9,331 views

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDE2ODY2X1lpSWJi

Huỳnh Christian Timothy

Kính thưa quý con dân Chúa:

Trong Hội Thánh của Chúa, mỗi một con dân Chúa đều là một thầy tế lễ của Đức Chúa Trời, có bổn phận và trách nhiệm hầu việc Chúa. Vì thế, mỗi người cũng đều là tôi tớ Chúa. Dầu vậy, Chúa có đặt ra một số công tác hầu việc Chúa với chức vụ trong Hội Thánh.

Tôi là một người được Chúa kêu gọi và ban cho chức vụ rao giảng Lời Chúa, chăm sóc những con chiên của Ngài. Nếu xét về phương diện chức vụ, thì hiện tại tôi là một trưởng lão, một người chăn, một người giảng và dạy Lời Chúa (gọi theo tiếng Anh là: elder, pastor, preacher and teacher).

Người Việt Nam chúng ta rất tôn trọng những người hầu việc Chúa trong chức vụ, và có thói quen gọi người hầu việc Chúa trong chức vụ bằng chức vụ của họ. Điều đó không có gì sai. Tuy nhiên, theo Thánh Kinh, chúng ta thấy con dân Chúa trong Hội Thánh lúc ban đầu ít khi gọi những người hầu việc Chúa trong chức vụ bằng chức vụ của họ, mà chỉ gọi bằng tên. Chỉ khi nào cần thiết nhấn mạnh đến vai trò của một người trong chức vụ, thì Thánh Kinh mới nhắc đến chức vụ của người ấy. Những người có chức vụ khi trò chuyện với các anh chị em khác trong Hội Thánh, cũng không mỗi câu tự xưng ra chức vụ của mình, mà chỉ xưng “tôi.” Chỉ mỗi khi viết một thư tín gửi cho các Hội Thánh, thì các sứ đồ mới tự xưng về chức vụ của mình, khi mở đầu lá thư, để cho người nhận thư biết, nội dung của lá thư được viết trong thẩm quyền của một sứ đồ.

Thiết tưởng, chúng ta nên theo truyền thống tốt đẹp của Thánh Kinh trong việc xưng hô lẫn nhau trong Hội Thánh. Mọi người tùy theo tuổi tác mà xưng hô với nhau. Chỉ khi nào cần thiết, thì mới gọi nhau hay tự xưng mình bằng danh xưng của chức vụ.

Hội Thánh Việt Nam còn có một nan đề, đó là việc dịch sai danh từ “poimen” có nghĩa là “người chăn,” thành “mục sư.” Danh từ “mục sư” có nghĩa là “thầy chăn.” Thiết tưởng, chỉ một mình Đức Chúa Jesus Christ mới xứng đáng được gọi là “mục sư,” vì Ngài là Đấng đứng đầu mọi kẻ chăn. Dầu vậy, trong Thánh Kinh cũng không có danh xưng “mục sư” hay “thầy chăn.” Vì thế, tôi xin quý con dân Chúa đừng gọi tôi bằng danh xưng “mục sư.” Tôi đã có một bài viết, trình bày rất rõ ràng về vấn đề danh xưng mục sư. Tôi xin chép lại dưới đây để quý con dân Chúa tiện tham khảo.

Tôi sinh năm 1954. Tên Timothy của tôi thường được gọi tắt là “Tim.” Quý con dân Chúa có thể tùy theo tuổi tác mà xưng hô với tôi theo phép giao tiếp của người Việt, như: anh Tim, chú Tim, bác Tim, chú em Tim, cậu em Tim, cháu Tim… Khi cần nói đến chức vụ chăn bầy thì có thể dùng các danh từ: Người chăn, mục tử, hay pastor.

Cám ơn quý con dân Chúa.

I. Lời Chúa dạy

Ma-thi-ơ 23:8-10 ghi lại lời Chúa dạy như sau:

“Nhưng các ngươi đừng chịu ai gọi mình là Ra-bi; vì các ngươi chỉ có một Thầy, là Đấng Christ, và tất cả các ngươi là ‘anh chị em’. Cũng đừng gọi người nào trên đất là cha của các ngươi; vì các ngươi chỉ có một Cha, là Đấng ở trên trời. Cũng đừng chịu ai gọi mình là chủ; vì các ngươi chỉ có một Chủ, là Đấng Christ.

Đức Chúa Jesus phán những lời trên đây trong bối cảnh của sự Ngài quở trách và lên án những người Pha-ri-si Do-thái Giáo giả hình, kiêu ngạo, khoe khoang, và độc ác, (xin đọc từ câu 1 của Ma-thi-ơ 23). Thế nên, những lời phán trên đây của Chúa phải được áp dụng trong lãnh vực tín ngưỡng và tôn giáo, nhất là trong Hội Thánh của Chúa. Những lời phán trên đây của Chúa hoàn toàn không nói đến mối quan hệ cha con, thầy trò, và chủ tớ trong gia đình, trong các lãnh vực khác của xã hội.

Một người bình dân đọc những câu Thánh Kinh trên đây cũng hiểu rằng:

1. Chúa dạy chúng ta trong lãnh vực tín ngưỡng tâm linh đừng chịu người ta gọi mình bằng thầy hoặc bằng chủ. Lý do: chúng ta đều là anh em trong Chúa. Chúng ta chỉ có một Thầy là Đức Thánh Linh (Giăng 14:26; 16:13, 14) [1] và một Chủ là Đức Chúa Jesus Christ.

2. Chúa dạy chúng ta trong lãnh vực tín ngưỡng tâm linh đừng gọi người nào ở thế gian là cha mình. Lý do: chúng ta chỉ có một Cha ở trên trời, là Đức Chúa Cha.

Như vậy, về phần chúng ta, trong lãnh vực tín ngưỡng tâm linh chúng ta đừng chịu cho người khác gọi mình bằng thầy hoặc bằng chủ; còn nếu người khác muốn chúng ta gọi họ bằng thầy hoặc bằng chủ thì chúng ta cứ gọi theo ý họ muốn mà không sợ phạm vào lời dạy của Chúa. Tuy nhiên, trong lãnh vực tín ngưỡng tâm linh chúng ta không được gọi người nào khác bằng cha, dù đó là danh xưng của họ trong tín ngưỡng và tôn giáo của họ, điển hình là hàng giáo phẩm Công Giáo.

Nhiều người Tin Lành có thói quen gọi các giáo hoàng Công Giáo là: “Đức Thánh Cha;” gọi các linh mục Công Giáo là: “cha;” theo như cách gọi của Giáo Hội Công Giáo. Khi nhắc đến các giám mục thời Hội Thánh ban đầu thì nhiều người Tin Lành cũng gọi là các “giáo phụ,” nghĩa là “cha của giáo hội,” theo cách gọi của Giáo Hội Công Giáo. Chính tác giả cũng nhiều lần dùng danh từ “giáo phụ” trong một số bài giảng và bài viết của mình. Nay, tạ ơn Chúa, nhờ Ngài soi sáng, mở mang tâm trí, tác giả thấy được sự sai lầm trong cách dùng từ như vậy; tác giả nguyện xin Chúa tha thứ và giúp mình bỏ được thói quen dùng từ không đúng đó.

II. Chữ “thầy” Trong Câu Phán của Chúa

1. Ra-bi

Trong nguyên ngữ Hy-lạp (Greek) của Thánh Kinh Tân Ước, chữ “thầy” trong câu phán của Chúa là: ῥαββί, G4461, phiên âm là /rhabbi/, và phát âm là (hrab-bee’). Xin bấm vào mã số Strong G4461 để xem định nghĩa trong Anh ngữ và bấm vào ký hiệu phát âm (hrab-bee’) để nghe cách phát âm. Từ ngữ này còn được phiên âm thành “Ra-bi” trong Giăng 1:38 của Bản Dịch Phan Khôi.

Theo định nghĩa của từ điển “Thayer’s Greek Definitions” thì từ ngữ này có nghĩa là: “đấng vĩ đại của tôi” hoặc là “đấng đáng tôn kính của tôi;” (Tiếng Anh: “my great one, my honourable sir”). Như vậy, ý của Chúa là chúng ta đừng chịu cho ai gọi mình bằng những danh xưng có ý nghĩa tương tự như vậy.

2. Reverend

Ngày nay, người Do-thái vẫn gọi những người giảng và dạy đạo của họ là Ra-bi. Người Mỹ và người Việt bắt chước Mỹ thì gọi những người làm công tác chăn dắt thuộc linh bằng từ ngữ “Reverend,” viết tắt là “Rev.” là một từ ngữ có nghĩa tương đương với chữ Ra-bi. Điều lạ lùng là có một số người, Mỹ cũng như Việt, tự tôn xưng mình bằng cách ghi thêm chữ “Reverend” hoặc “Rev.” đàng trước tên và chức vụ của mình. Thí dụ: “The Reverend Pastor ABC Nguyễn.” Làm như vậy có phải là vi phạm lời Chúa dạy hay không? Chúng ta hãy cùng xem định nghĩa của chữ “Reverend:”

  • Webster’s 1828 Dictionary: Worthy of reverence; entitled to respect mingled with fear and affection; nghĩa là đáng tôn quý, kính sợ; xứng đáng được sự tôn kính pha trộn với với lòng yêu thương và kính sợ.

  • Thánh Kinh chỉ dùng từ ngữ này một lần để nói về danh của Đức Giê-hô-va, trong Thi Thiên 111:9. Từ ngữ này trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ (Hebrew) làירא, H3372, phiên âm là /yârê’/, và phát âm là (yaw-ray’). Từ điển “Strong’s Hebrew Dictionary” định nghĩa như sau: A primitive root; to fear; morally to revere; causatively to frighten: – affright, be (make) afraid, dread (-ful), (put in) fear (-ful, -fully, -ing), (be had in) reverence (-end), X see, terrible (act, -ness, thing).Tạm dịch: Một từ gốc nguyên thỉ; sợ, kính sợ trong tinh thần đạo đức; khiến cho hoảng sợ: kinh sợ, bị (làm cho) sợ hãi, (một cách) kinh khủng, (khiến cho) lo sợ, (ở trong) sự tôn kính, dùng trong nghĩa rộng: chiêm ngưỡng, nhìn thấy những (hành vi, sự việc, sự) hoành tráng, kinh khiếp.

Bản Dịch Phan Khôi dịch Thi Thiên 111:9 như sau:

Ngài đã sai cứu chuộc dân Ngài, truyền lập giao ước Ngài đến đời đời. Danh Ngài là thánh, đáng kính sợ.”

Bản Dịch King James dịch:

He sent redemption unto his people: he hath commanded his covenant for ever: holy and reverend is his name.”

Theological controversy: Some Christians, particularly members of the Churches of Christ and some Baptist groups, reject using the term “reverend” for human beings and maintain that it should be reserved for God alone. (See Matthew 23:5–10.) The word “reverend” is used only once in most translations of the Bible: “[God] sent redemption unto his people: he hath commanded his covenant forever: holy and reverend is his name.” [Psalm 111:9; italics added] They also assert that even the apostles refused to be revered and that they claimed they were only men (Acts 10:25-26). From this principle the Churches of Christ typically refer to their preachers as “ministers” or “evangelists” and some Baptists use the term “minister” or “pastor.”

Some Christians also object to the use of “Father” as a form of address for Catholic, Orthodox and Anglican clergy and to the use of “Rabbi” (teacher) for Jewish religious leaders, citing Jesus’ teaching in Matthew 23:8-9.”

Tạm dịch:

Tranh luận thần học: Một số Cơ-đốc nhân, đặc biệt là các thành viên của Giáo Hội Các Hội Thánh của Đấng Christ và một số nhóm Báp-tít, từ chối việc dùng từ “reverend” cho loài người, và cho rằng từ này chỉ nên dùng cho Đức Chúa Trời mà thôi. (Xem Ma-thi-ơ 23:5-10). Chữ “reverend” chỉ được dùng có một lần trong hầu hết các bản dịch của Thánh Kinh: “[Đức Chúa Trời] ban sự cứu rỗi cho dân Ngài: Ngài đã truyền giao ước của Ngài cho đến đời đời: thánh thay và đáng tôn kính thay là Danh Ngài.” [Thi Thiên 111:9; kiểu chữ nghiêng được thêm vào.] Họ cũng quả quyết rằng ngay cả các sứ đồ cũng từ chối được tôn kính và chỉ nhận rằng mình là loài người (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:25, 26). Từ nguyên tắc này mà Giáo Hội Các Hội Thánh của Đấng Christ đề cập đến các giảng viên của họ một cách thông thường là “mục vụ viên” hoặc “truyền đạo viên” còn một số người Báp-tít thì dùng danh từ “mục vụ viên” hoặc “người chăn.”

Một số Cơ-đốc nhân cũng phản đối việc dùng “Cha” như là hình thức xưng hô với giới tăng lữ của các Giáo Hội Công Giáo, Chính Thống Giáo, và Anh Giáo cũng như sự dùng “Rabbi” (thầy) để gọi những lãnh tụ tôn giáo của Do-thái Giáo, trích dẫn lời phán dạy của Đức Chúa Jesus trong Ma-thi-ơ 23:8-9.

Người Công Giáo mở đầu cho sự lấy “Reverend” làm danh xưng cho các chức sắc trong Giáo Hội Công Giáo. Sau đó, các Giáo Hội Chính Thống, Anh Giáo, và Lutheran cũng bắt chước theo. Theo thời gian, thói quen này thâm nhập vào trong hầu hết các giáo phái Tin Lành.

3. Mục Sư

Người Việt chúng ta đã quen với danh xưng “mục sư” kể từ khi Tin lành được rao giảng tại Việt Nam. Có lẽ danh xưng này đã được dịch theo tiếng Trung Quốc:; và sau đó được dùng trong Ê-phê-sô 4:11 của Bản Dịch Phan Khôi. Khi đối chiếu nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh Tân Ước với Bản Dịch Phan Khôi, chúng ta thấy cùng là một chữ “poimēn” được dùng trong tiếng Hy-lạp nhưng bản dịch Phan Khôi đã dùng các từ sau đây để dịch: “kẻ chăn,” “người chăn,” và “mục sư.” Thí dụ:

Cũng trong miền đó, có mấy kẻ chăn chiên trú ngoài đồng, thức đêm canh giữ bầy chiên.” (Lu-ca 2:8)

Ta là người chăn hiền lành; người chăn hiền lành vì chiên mình phó sự sống mình.” (Giăng 10:11)

Ấy chính Ngài đã cho người nầy làm sứ đồ, kẻ kia làm tiên tri, người khác làm thầy giảng Tin Lành, kẻ khác nữa làm mục sư và giáo sư…”(Ê-phê-sô 4:11)

Trong nguyên ngữ Hy-lạp, từ ngữ được dịch là “kẻ chăn,” “người chăn,” và “mục sư” trong Bản Dịch Phan Khôi là ποιμήν, G4166, phiên âm là /poimēn/, và phát âm là (poy-mane’); được Từ Điển “Thayer’s Greek Definition” định nghĩa như sau:

1) a herdsman, especially a shepherd

1a) in the parable, he to whose care and control others have committed themselves, and whose precepts they follow

2) metaphorically

2a) the presiding officer, manager, director, of any assembly: so of Christ the Head of the church

2a1) of the overseers of the Christian assemblies
2a2) of kings and princes

Tạm dịch:

1) người chăm sóc thú vật, đặc biệt là người chăn chiên

1a) trong ngụ ngôn, là người mà sự chăm sóc và kiểm soát của người ấy khiến cho những người khác đầu phục, và các lời giảng dạy của người ấy được họ tuân theo

2) nghĩa ẩn dụ

2a) người chủ tịch, quản lý, giám đốc của bất kỳ một hội chúng nào: như Đấng Christ là Đầu của Hội Thánh

2a1) như những người giám thị các Hội Chúng Cơ Đốc
2a2) như các vua, các vương tử

Như vậy, trong Lu-ca 2:8, Giăng 10:11 và nhiều câu khác nữa, Bản Dịch Phan Khôi đã dịch đúng nghĩa của từ ngữ “poimēn” là “người chăn,” hoặc “kẻ chăn;” chỉ riêng trong Ê-phê-sô 4:11 đã dịch không chuẩn là “mục sư,” bởi vì: “mục sư” có nghĩa là “thầy chăn.”

Thiển nghĩ, trước khi Tin Lành đến Trung Hoa thì từ ngữ “mục sư” cũng không có trong ngôn ngữ Trung Hoa. Chữ “mục” trong tiếng Trung Hoa có nghĩa là “chăn gia súc,” cùng nghĩa với chữ “poimēn” trong tiếng Hy-lạp. Để gọi người làm công việc chăn gia súc thì tiếng Trung Hoa có các từ ngữ: “mục đồng,” “mục phu,” và “mục nhân.” Mục đồng để chỉ trẻ con, mục phu để chỉ người lớn, còn mục nhân để chỉ chung những người làm công việc chăn dắt súc vật. Trong tiếng Nôm (một hình thức tiếng Việt ra từ tiếng Trung Hoa) thì có từ “mục tử,” nghĩa là “đứa con trai làm công việc chăn dắt gia súc.” Chữ “sư” trong tiếng Trung Hoa có nghĩa là “thầy” và chữ “sư” có một vị trí đặc biệt trong văn hóa Nho Giáo. Sư không phải chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là người truyền đạt một thứ “đạo” gọi là “Nho Đạo” hoặc “Nho Giáo” mà trong trật tự xã hội, sư chỉ đứng sau vua và trên cả cha: “Quân, Sư, Phụ.” Điều luật nhập môn cho tất cả những ai theo học một vị sư là: “Tôn sư trọng đạo,” nghĩa là tôn kính thầy và tôn trọng những đạo lý mà thầy truyền dạy cho mình. Vì thế, sư trong Nho Giáo không phải chỉ truyền đạt kiến thức mà còn truyền đạt luôn những khuôn khổ đạo đức, và thiết lập cách sống trong xã hội dựa trên tư tưởng của Nho Giáo, mà người theo học phải tuyệt đối tuân theo cho đến chết, nếu không, sẽ trở thành phản đồ. Khi ghép hai chữ “mục” và “sư” thành “mục sư” người đầu tiên tạo ra danh từ này đã vô tình đồng hóa “mục sư” với “ra-bi.”

Riêng trong Anh ngữ, chữ “poimēn” được dịch thành “pastor” theo từ gốc của tiếng La-tin hoặc “shepherd;” và cả hai từ đều có cùng một nghĩa như nhau: “người chăn dắt súc vật.”

III. Chức Vụ hay Chức Tước?

Chức vụ là công việc được giao phó, chức vụ mô tả tính chất của công việc. Chức tước là danh hiệu để gọi người làm một công việc nằm trong một tổ chức có hệ thống phân quyền. Đôi khi cùng một từ ngữ được dùng chung cho cả chức vụ và chức tước. Thí dụ: Chức vụ tổng thống nói về công việc cai trị một quốc gia còn chức tước tổng thống dùng để gọi người làm công việc tổng thống. Những công việc không nằm trong một tổ chức có hệ thống phân quyền thì không có chứ tước. Thí dụ: Trong một công ty có các chức tước: tổng giám đốc, giám đốc, quản đốc… nhưng không có chức tước “công nhân.” “Công nhân” chỉ là một chức vụ trong công ty.

Trong Hội Thánh của Chúa có nhiều chức vụ nhưng không có chức tước. Trong Hội Thánh của Chúa mọi người đều là anh em với nhau (Ma-thi-ơ 23:8) và ai muốn làm lớn thì phải làm đầy tớ cho nhau (Ma-thi-ơ 20:26; 23:11; Mác 10:43). Vì thế, người nào muốn được đối xử trọng vọng hơn các anh chị em khác trong Hội Thánh là phạm vào lời phán dạy của Chúa và gây cớ cho anh chị em mình phạm tội; còn người nào có thái độ trọng vọng ai đó hơn là các anh chị em khác trong Hội Thánh thì cũng phạm vào tội tây vị như đã chép trong Gia-cơ 2:9. Mỗi chúng ta thật sự cần cầu xin Chúa nhắc nhở và gìn giữ mình, vì thói quen thích được trọng vọng cũng như thói quen tây vị là những thói nết xấu của con người cũ, rất dễ dàng trổi lên trong xác thịt, mà chúng ta phải bắt phục chúng.

Các công việc trong Hội Thánh, là những chức vụ do chính Đức Chúa Jesus Christ lập ra và do Đức Thánh Linh giao phó cho con dân Chúa:

Đấng đã xuống cũng chính là Đấng đã lên trên hết các từng trời, để làm cho đầy dẫy mọi sự. Ấy chính Ngài đã cho: một số người làm các sứ đồ, một số người làm các tiên tri, một số người làm các người giảng Tin Lành, và một số người làm các người chăn và các người dạy đạo, cho sự trọn vẹn của các thánh đồ, cho công việc của mục vụ, và cho sự gây dựng thân thể của Đấng Christ.” (Ê-phê-sô 4:10-12 – Dịch sát ý nguyên ngữ Hy-lạp)

Anh em hãy giữ lấy mình, và luôn cả bầy mà Đức Thánh Linh đã lập anh em làm kẻ coi sóc, để chăn Hội Thánh của Đức Chúa Trời, mà Ngài đã mua bằng chính huyết mình.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 20:28)

Đương khi môn đồ thờ phượng Chúa và kiêng ăn, thì Đức Thánh Linh phán rằng: hãy để riêng Ba-na-ba và Sau-lơ đặng làm công việc Ta đã gọi làm.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 13:2)

Hãy chăn bầy của Đức Chúa Trời đã giao phó cho anh em; làm việc đó chẳng phải bởi ép tình, bèn là bởi vui lòng, chẳng phải vì lợi dơ bẩn, bèn là hết lòng mà làm.”(I Phi-e-rơ 2:5)

Vả, có các sự ban cho khác nhau, nhưng chỉ có một Đức Thánh Linh. Có các chức vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có các việc làm khác nhau, nhưng chỉ có một Đức Chúa Trời, là Đấng làm mọi việc trong mọi người. Đức Thánh Linh tỏ ra trong mỗi một người, cho ai nấy đều được sự ích chung… Mọi điều đó là công việc của đồng một Đức Thánh Linh mà thôi, theo ý Ngài muốn, phân phát sự ban cho riêng cho mỗi người.”(I Cô-rinh-tô 12:4-7, 11)

Sứ đồ, tiên tri, người giảng Tin Lành, người chăn, người dạy đạo là những chức vụ chứ không phải là những chức tước; vì thế, không có chức vụ nào lớn hơn chức vụ nào và không có chức vụ nào dưới quyền chức vụ nào. Cũng không có chuyện làm chức vụ này một thời gian rồi được “lên” chức vụ khác. Trong Hội Thánh không hề có một sự phân quyền nào, ngoài việc Đức Chúa Jesus Christ là đầu của Hội Thánh, còn tất cả các thánh đồ là các chi thể ngang hàng trong Hội Thánh, đều có quyền buộc và mở như nhau (Ma-thi-ơ 18:18). Các chi thể trong thân thể Đấng Christ, tức các thánh đồ, đều phải: “kính sợ Đấng Christ mà vâng phục nhau” (Ê-phê-sô 5:21). Nghĩa là chúng ta phải vâng phục lẫn nhau trong các lẽ thật đã được truyền dạy cho chúng ta bởi Đấng Christ.

IV. Kết Luận

Đã đến lúc Hội Thánh Việt Nam cần dựa vào Lời Chúa để hiệu đính lại cách dịch danh xưng “poimēn” cho đúng với Thánh Kinh. Tác giả đề nghị dịch là “người chăn” hoặc “mục tử.” Trong Giăng 10:11, Bản Dịch Phan Khôi đã dùng từ ngữ “người chăn” để dịch chức vụ “poimēn” của Đức Chúa Jesus Christ.

Những người hầu việc Chúa trong các chức vụ cần phải làm gương cho Hội Thánh trong sự khiêm nhường, hãy loại bỏ cách thức xưng danh kèm theo “Rev.” hoặc “Reverend,” và đừng có ý muốn cho Hội Thánh trọng vọng mình hơn các anh chị em khác. Khi Hội Thánh có ý trọng vọng mình hơn các anh chị em khác thì phải cương quyết từ chối sự biệt đãi đó và mềm mại giải thích cho Hội Thánh hiểu là không nên làm như vậy. Thí dụ: Không chấp nhận việc có bàn riêng, mâm riêng, thức ăn riêng dành cho những người chăn, trưởng lão, chấp sự trong các bữa ăn thông công.

Con dân Chúa luôn nhắc nhau để không phạm tội tây vị trong cách thức cư xử với nhau, nhất là đối với những người làm các chức vụ trong Hội Thánh.

Nguyện mọi vinh quang thuộc về Thiên Chúa Hằng Hữu. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
25.12.2013

Chú Thích

[1] Trích từ Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời:

Nhưng Đấng Yên Ủi là Đức Thánh Linh mà Cha sẽ sai đến trong danh Ta. Đấng ấy sẽ dạy các ngươi mọi điều và sẽ nhắc cho các ngươi nhớ mọi điều Ta đã phán với các ngươi” (Giăng 14:26).

Lúc nào Thần Lẽ Thật đến, thì Ngài sẽ dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật; vì Ngài không nói tự mình, nhưng nói mọi điều mình đã nghe, và Ngài giải bày cho các ngươi những sự sẽ đến. Chính Ngài sẽ tôn vinh Ta, vì Ngài sẽ nhận từ nơi Ta mà giải bày cho các ngươi” (Giăng 16:13-14).

[A] Tất cả những câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là từ Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời và Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống Hiệu Đính 2012. Quý bạn có thể đọc trên mạng: www.ngoiloi.thanhkinhvietngu.netwww.thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

[B] Dùng các nối mạng dưới đây để tra xem ý nghĩa trong Anh ngữ và nghe cách phát âm của một từ ngữ Hê-bơ-rơ hoặc Hy-lạp trên Internet:

 


Copyright Notice: All Rights Reserved © 2013 Vietnamese Christian Mission Ministry.
Thông Báo Tác Quyền: Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry.
Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức nhưng xin giữ đúng nguyên văn,
kể cả thông báo về tác quyền này.