Nguồn Gốc và Tín Lý Các Phong Trào Ân Tứ và Ngũ Tuần

12,796 views

Huỳnh Christian Timothy

Dẫn Nhập

Kể từ thập niên 1960 cho đến nay, một phong trào phát sinh từ trong các Giáo Hội Tin Lành và Công Giáo được gọi là “Phong Trào Ân Tứ,” đã trở nên lớn mạnh và xâm nhập sâu rộng vào trong Hội Thánh của Chúa ở khắp nơi. Phong Trào Ân Tứ (Charismatic Movement – 1906) thoát thai từ Phong Trào Ngũ Tuần (Pentecostal Movement – 1901). Theo thống kê vào năm 2003, số người thuộc hai phong trào này lên đến khoảng 700 triệu, nghĩa là chiếm khoảng 33% tổng số những người xưng nhận có đức tin trong Đấng Christ (Christians – bao gồm Chính Thống Giáo, Công Giáo, Anh Giáo, và Tin Lành Giáo) trên toàn thế giới. Các Phong Trào Ân Tứ và Ngũ Tuần mang lại nhiều tranh luận cũng như phân rẽ trong Hội Thánh. Nhiều giáo phái lớn trong các Giáo Hội Tin Lành và Công Giáo đã thành lập những ban nghiên cứu. Ngay cả, người ngoại đạo cũng thành lập các ban nghiên cứu về hiệu ứng tâm lý trong sự kiện chữa bệnh và nói tiếng lạ của các Phong Trào Ân Tứ và Ngũ Tuần.

Nếu nhìn một cách khách quan thì có thể nói Ân Tứ với Ngũ Tuần chỉ là một. Ngũ Tuần như là gốc và thân chính của một cây với vài nhánh lớn, Ân Tứ như là những nhánh nhỏ phát sinh từ những nhánh lớn của Ngũ Tuần. Những hoa, lá, cành nhiều khi che lấp cả thân cây, vì thế, ngày nay thế giới biết nhiều đến Ân Tứ hơn là Ngũ Tuần.

Dấu hiệu đặc trưng của Phong Trào Ân Tứ là sự “đặt tay té ngã” và “nói tiếng lạ.” Người Ân Tứ tin rằng, khi một người nhận được báp-tem bằng Thánh Linh thì phải biết “nói tiếng lạ” và khi một người được đầy dẫy Thánh Linh thì bị té ngã mà họ gọi là “bị giết trong Thánh Linh” (slain in the Spirit). Hiện tượng “té ngã” khi được đầy dẫy Thánh Linh là điều không hề được ghi lại trong Thánh Kinh. Tiếng lạ mà những người Ân Tứ và Ngũ Tuần nói không phải là ngôn ngữ có người hiểu được, như Thánh Kinh đã ghi lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ chương hai, mà là một thứ âm thanh không có cấu trúc của ngôn ngữ và cũng không có ai hiểu.

Từ ngữ “nói các thứ tiếng khác” trong Công Vụ Các Sứ Đồ 2:4 được dịch sang tiếng Anh là “speak in other tongues.” Trong nguyên tác tiếng Hy-lạp (Greek) của Thánh Kinh là:

  • λαλειν, G2980, phiên âm quốc tế /laleō/, phiên âm tiếng Việt [la-lé-ồ], có nghĩa là: phát âm, nói.
  • ετεραις, G2087, phiên âm quốc tế /heteros/, phiên âm tiếng Việt [hé-tơ-ro-s], có nghĩa là: khác.
  • γλωσσαις,G1100, phiên âm quốc tế /glōssa/, phiên âm tiếng Việt [g-lố-xà], có nghĩa là: các ngôn ngữ.

Thánh Kinh không bao giờ nói đến một thứ “tiếng lạ.” Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống đã dịch không chuẩn khi dịch γλωσσαις(các ngôn ngữ) thành “tiếng lạ.”

Lược sử các Phong Trào Ân Tứ và Ngũ Tuần

Các Phong Trào Ân Tứ và Ngũ Tuần dấy lên trong lịch sử của Hội Thánh kể từ ngày đầu tiên của thế kỷ 20 và kéo dài cho đến nay đã tạo ra nhiều ảnh hưởng sâu đậm cả bên trong lẫn bên ngoài Hội Thánh. Sự tìm hiểu về các phong trào này thường khiến cho người ta đối diện với hai vấn đề:

1. Lẫn lộn giữa Phong Trào Ân Tứ và Phong Trào Ngũ Tuần.

2. Lẫn lộn giữa Phong Trào Ân Tứ, Phong Trào Ngũ Tuần, và các giáo phái Tin Lành truyền thống.

Để giảm thiểu những khó khăn dẫn đến sự rối trí trong khi theo dõi bài này, độc giả cần ghi nhớ các điểm quan trọng sau đây:

  • Danh từ Phong Trào Ngũ Tuần được dùng để gọi sự kiện “nói tiếng lạ” xuất hiện trong một cộng đồng Cơ-đốc nhân thuộc Giáo Hội Tin Lành, làm phát sinh ra một giáo phái mới trong Giáo Hội Tin Lành gọi là Giáo Phái Ngũ Tuần. Giáo Phái Ngũ Tuần theo thời gian phân nhánh ra thành nhiều tiểu giáo phái. Có thể ví Phong Trào Ngũ Tuần như một trong những cây con nảy ra từ gốc của cây mẹ (Giáo Hội Tin Lành), sau đó, từ gốc của cây con đó lại nảy ra nhiều cây con khác nữa.
  • Danh từ Phong Trào Ân Tứ được dùng để gọi sự kiện “đặt tay té ngã” và “nói tiếng lạ” xuất hiện trong tất cả các giáo hội và giáo phái của Cơ-đốc Giáo. Phong trào này thoạt đầu không tách rời khỏi các giáo phái như Phong Trào Ngũ Tuần, nhưng khi đã phát triển mạnh mẽ thì tự hình thành các giáo phái. Phong Trào Ân Tứ ví như những trái cây phát sinh ra trên khắp các nhánh của một thân cây (Cơ-đốc Giáo, bao gồm các giáo hội Chính Thống Giáo, Anh Giáo, Công Giáo, Tin Lành…) khi chín mùi thì rụng xuống và mọc lên thành những cây mới.
  • Danh từ Phong Trào Dấu Lạ được dùng để gọi sự kiện những dấu kỳ, phép lạ xuất hiện trong tất cả các giáo hội và giáo phái của Cơ-đốc Giáo mà không nhất thiết phải có hiện tượng “té ngã” và “nói tiếng lạ” kèm theo. Trên một phương diện, Phong Trào Dấu Lạ cũng chính là một Phong Trào Ân Tứ nhưng không chủ trương đề cao việc “đặt tay té ngã” và “nói tiếng lạ” cho bằng việc đề cao dấu kỳ, phép lạ xuất hiện trong khi giảng đạo.
  • Danh từ “trường phái” nói đến những khuynh hướng khác nhau trong cùng một phong trào. Thí dụ: Phong Trào Ngũ Tuần có mẫu số chung là “nói tiếng lạ” và tin rằng hiện tượng “nói tiếng lạ” là dấu hiệu của một người được báp-tem bằng Thánh Linh. Tuy nhiên, có ba khuynh hướng khác nhau về ý nghĩa của hiện tượng “nói tiếng lạ,” khiến cho phân chia thành ba trường phái khác nhau. Có thể nói, phong trào là gốc cây chính, trường phái là các cây khác nảy ra từ gốc cây chính.
  • Danh từ “làn sóng” do Phong Trào Dấu Lạ đặt ra để tự phân biệt với các Phong Trào Ân Tứ và Ngũ Tuần. Theo họ, từ đầu thế kỷ 20 đến nay, Đức Thánh Linh đã ba lần phục hưng Hội Thánh mà họ gọi là “những làn sóng phục hưng” (the revival waves). Họ xem Phong Trào Ngũ Tuần là làn sóng thứ nhất, Phong Trào Ân Tứ là làn sóng thứ hai, và họ là làn sóng thứ ba.

Nhìn theo quan điểm của những người Ân Tứ và Ngũ Tuần Tin Lành thì Phong Trào Ân Tứ và Ngũ Tuần được phân biệt như sau:

1. Làn sóng thứ nhất:Phong Trào Ngũ Tuần (The Pentecostal Movement) khởi động bởi Charles Fox Parham tại Topeka, Kansas, USA vào năm 1901 và phát triển bởi William Joseph Seymour tại Los Angeles, California, USA vào năm 1906.

2. Làn sóng thứ nhì:Phong Trào Ân Tứ (The Charismatic Movement) còn được gọi là Phong Trào Ân Tứ Phục Hưng (Charismatic Renewal Movement) khởi động bởi Dennis Bennett tại Van Nuys, California, USA vào năm 1960.

3. Làn sóng thứ ba:Phong Trào Dấu Lạ (The Signs and Wonders Movement) khởi động bởi John Wimber từ Trường Thần Học Fuller (Fuller Theological Seminary) tại Pasadena, California, USA vào năm 1981.

Nhìn khách quan về lịch sử của Cơ-đốc Giáo thì Phong Trào Ân Tứ và Ngũ Tuần phải được chia ra làm bốn làn sóng, bao gồm Phong Trào Công Giáo Ân Tứ Phục Hưng (The Catholic Charismatic Renewal Movement) khởi động giữa các sinh viên và nhân sự của Trường Đại Học DuQuesne tại Pittsburgh, Pennsylvania, USA vào năm 1967.

Phong Trào Ngũ Tuần (The Pentecostal Movement)

Còn được gọi là Phong Trào Ngũ Tuần Cổ Điển (The Classical Pentecostal Movement). Ngũ Tuần (Pentecostalism) phát xuất từ Giáo Hội Tin Lành như một phong trào nhấn mạnh đến kinh nghiệm cá nhân của một người với Đức Chúa Trời thông qua cái gọi là “báp-tem bằng Thánh Linh” (the baptism of the Holy Spirit). Có ba trường phái Ngũ Tuần chính:

Trường phái thứ nhất chiếm đa số, có tín lý tương tự như các giáo phái trong Giáo Hội Tin Lành, như tín lý về Thiên Chúa Ba Ngôi, tín lý về sự cứu rỗi, tín lý về thẩm quyền của Thánh Kinh. Điều khác biệt là họ tin rằng “nói tiếng lạ” là dấu hiệu phải có của một người đã được báp-tem bằng Thánh Linh. Hai trường phái còn lại (một làm lễ báp-tem chỉ trong danh của Đức Chúa Jesus Christ, một làm lễ báp-tem trong danh của Ba Ngôi Thiên Chúa) dùng Công Vụ Các Sứ Đồ 2:38 làm nền tảng cho tín lý: Một người cần phải ăn năn tội, nhận báp-tem trong danh Đức Chúa Jesus Christ, rồi nhận lãnh Đức Thánh Linh. Nhận lãnh Đức Thánh Linh là điều cần thiết cho sự cứu rỗi và (theo hai trường phái này) có nghĩa là phải biết “nói tiếng lạ.” Như vậy, theo họ, nếu một người tin Chúa mà không biết “nói tiếng lạ” là chưa được báp-tem bằng Thánh Linh và có nghĩa là chưa được cứu rỗi. Hai trường phái này chia ra thành các giáo phái: “Jesus Name,” “First,” “United,” và “Oneness.” Từ trong bốn giáo phái chính này lại phát sinh ra nhiều tiểu giáo phái khác nữa.

Phong trào Ngũ Tuần phát sinh với George Fox (1624-1691, England), một tín đồ thuộc Giáo Phái Giám Lý (Methodist) và thành viên của phong trào Thánh Khiết (Holliness Movement), là một phong trào cũng bắt nguồn từ Giám Lý. Vào năm 19 tuổi, George Fox ly khai giáo hội vì không chịu nỗi sự hâm hẫm của nó. Chàng thanh niên trẻ khao khát một đời sống thuộc linh phong phú và nóng cháy. Tuy nhiên, thay vì dựa trên nền tảng muôn đời là Lời Chúa để sống đạo, chàng đã dựa trên cảm giác và kinh nghiệm. Chàng nghe một giọng nói phán với chàng, như sau: “Không phải Lời Thánh Kinh bên ngoài, không phải sự giảng dạy của giáo hội, không phải Đấng Christ bên ngoài có thể hướng dẫn con, nhưng là ánh sáng bên trong, là Đấng Christ nội tại.” (Not the outward Word of Scripture, not the teaching of the church, not the outward Christ can lead you, but only the inner light, the inward Christ.)

Fox trở thành người sáng lập nhóm Con Cái của Sự Sáng (Children of Light) còn gọi là Xã Đoàn Thân Hữu (Society of Friends). Về sau, các đối thủ của ông gọi nhóm của ông là Quakers. (Quake = rung động, quakers = những người hay vật bị rung động. Có lẽ các đối thủ của Fox muốn chế nhạo sự kiện run rẩy trong khi xuất thần của những người thuộc nhóm ông. Tại Việt Nam, Quaker được gọi là Giáo Phái Anh Em). Danh xưng Quaker không bao giờ được Fox và những người theo ông chấp nhận nhưng vẫn được những người ngoài nhóm của ông sử dụng và vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Dù trong thuở ban đầu phái Quaker bị bách hại tàn bạo tại Anh nhưng đã phát triển đi khắp nơi, mạnh mẽ nhất là tại Hoa Kỳ và Đông Phi Châu. Điểm quan trọng cần chú ý trong quan điểm cực đoan của phái Quaker ngay từ nguyên thỉ, là: Họ xem ánh sáng nội tại (tâm thức, sự hiểu biết đến từ bên trong) và tiếng phán từ trên cao quan trọng hơn là Lời của Chúa trong Thánh Kinh. (Đối với Phong Trào Ân Tứ sau này thì dấu kỳ và phép lạ quan trọng hơn là Thánh Kinh). Điều đó là cánh cửa mở rộng cho đủ mọi thứ tà giáo xâm nhập. Ngay từ buổi sơ khai của phái Quaker đã có hiện tượng “nói tiếng lạ” xuất hiện trong nhiều nhóm.

Vào những năm 1800, phái Irvinggian được thành lập bởi Edward Irving (1792-1834), vốn là một pastor thuộc Giáo Hội Trưởng Lão (Presbyterian), với danh xưng là Giáo Hội Công Giáo Sứ Đồ (Catholic Apostolic Church) xứ Scotland. Phái này thực hành, giảng dạy sự “nói tiếng lạ” cùng những hình thức xuất thần và các hiện tượng chữa bệnh, khải tượng, nói tiên tri… nên thu hút rất đông tín đồ từ các giáo hội truyền thống vốn đã quá khô cạn sự sống thuộc linh vì sự tắc trách của những người chăn bầy. Phái Irvingian phát triển nhanh chóng sang Anh, Hòa Lan, Hoa Kỳ, và đặc biệt là Đức, với trung tâm chính tại Augsburg, và nơi có đông tín đồ nhất là Stuttgart.

Giữa những phong trào xuất thần có phái Mormon, còn được biết dưới danh xưng Latter Day Saints, do Joseph Smith (1805-1844) thành lập. Người Mormon cũng được biết đến qua những hiện tượng về khải tượng, mạc khải, “nói tiếng lạ,” và chữa bệnh. Smith xưng rằng, ông nhận được khải tượng đến từ thiên sứ Moroni. Theo Smith, thiên sứ Moroni đã cho ông thấy những tấm bảng bằng vàng trên có viết chữ tại Mount Cumorah và ông đã nhận lãnh những bảng này vào năm 1827. Đối với những người Mormon, những chữ viết trên các tấm bảng vàng này có cùng một thẩm quyền như Thánh Kinh. Smith còn tuyên bố ông đã được phong chức tế lễ theo dòng A-rôn bởi Giăng Báp-tít. Về sau, ông tuyên bố rằng: các Sứ Đồ Phi-e-rơ, Gia-cơ, và Giăng đã phong chức tế lễ cho ông theo dòng Mên-chi-xê-đéc. Smith bị giết vào năm 1844.

Ngay cả vùng cực Bắc của Liên Xô cũ cũng có hiện tượng “nói tiếng lạ” trong một làng nhỏ tên là Kara Kala của dân tộc Armenian, vốn theo Chính Thống Giáo Nga. Vì bị giáo hội khủng bố, cho nên, vào năm 1900, những người Armenian “nói tiếng lạ” này lánh nạn sang Hoa Kỳ và định cư tại Los Angeles. Vài năm sau, nhóm này kết hợp với một nhóm “nói tiếng lạ” khác tại Azusa Street, Los Angeles.

Tại Hoa Kỳ, mặc dù hiện tượng “nói tiếng lạ” (không phải là một ngôn ngữ) đã xảy ra từ trước, nhưng đến năm 1901 mới thành phong trào dấy lên khi ân tứ “nói ngoại ngữ” phát sinh từ Trường Thánh Kinh Bethel ở Thủ Đô TopeKa của Tiểu Bang Kansas, do Charles Fox Parham (1873-1929) dẫn đầu. Parham xuất thân từ Giáo Phái Giám Lý (Methodist), là một người sốt sắng trong sự kêu gọi người theo Chúa phải sống thánh khiết. Ông phản đối lối tổ chức giáo quyền hàng dọc của Giám Lý, ly khai giáo hội này, tự lập ra một mục vụ riêng, độc lập với các giáo phái và thành lập Trường Thánh Kinh Bethel.

Vào đêm tất niên năm 1900, Parham đang giảng cho các sinh viên tại Trường Thánh Kinh Bethel, một nữ sinh viên tên là Agnes Ozman, đã dạn dĩ đứng lên yêu cầu ông đặt tay trên cô và cầu nguyện xin Chúa đổ Thánh Linh xuống trên cô. Parham đáp ứng lời yêu cầu này và lập tức Ozman bắt đầu nói tiếng Trung Hoa. Vài ngày sau, chính Parham cũng nói được một ngoại ngữ mà ông chưa hề biết. Rồi sau đó là các sinh viên khác. Ngày 1 tháng 1 năm 1901, ngày đầu tiên của thế kỷ 20, Parham thành lập Phong Trào Đức Tin Sứ Đồ (Apostolic Faith) và bắt đầu đi khắp nơi rao giảng về sự thánh khiết, sự chữa lành thiên thượng, sự chữa lành bởi đức tin, sự đặt tay cầu nguyện, sự thánh hóa bởi đức tin, và tuyên bố “speak in tongues” (nói ngoại ngữ) là dấu hiệu của sự được báp-tem bằng Thánh Linh và bằng lửa (?) [1]. Đến cuối năm 1901, hiện tượng “speak in tongues” trong Phong Trào Đức Tin Sứ Đồ được báo chí đưa tin, bàn thảo sôi nổi, xem như là dấu hiệu của Lễ Ngũ Tuần lần thứ hai. Điểm cần ghi nhớ: Đây là sự kiện các tín đồ bỗng nhiên nói thông thạo một ngoại ngữ, không phải là sự lấp ba lấp bấp một tràng âm thanh vô nghĩa như những người “nói tiếng lạ” ngày nay.

Năm 1905, Parham mở một Trường Thánh Kinh tại Houston, Texas và một người da đen tên là William Joseph Seymour được đào tạo tại đó. Trong suốt thời gian ở tại Houston, Seymour không biết “speak in tongues.” Tháng 2 năm 1906, Seymour được mời giảng tại Los Angeles về đề tài “Phép Báp-tem Bằng Thánh Linh.” Buổi giảng đầu của ông gây nên nhiều xáo trộn, là vì ông tuyên bố “speak in tongues” là dấu hiệu của sự đã được báp-tem bằng Thánh Linh, trong khi ông lại không biết “speak in tongues.” Đến tháng 4 năm đó, một người nghe ông giảng tên là Edward Lee bỗng nhiên phát ra những tràng âm thanh vô nghĩa và sau đó vài ngày đến lượt Seymour. Họ xem như đó là ân tứ “speak in tongues” mặc dầu đó chỉ là những tràng âm thanh vô nghĩa.

Tháng 5 năm 1906, Seymour trở thành lãnh tụ của Phong Trào “Azusa Street Revival,” một phong trào không phân biệt giáo phái, chủng tộc, hoặc giới tính. Thuở ấy, mỗi ngày từ 10 giờ sáng cho đến khoảng hai, ba giờ sáng hôm sau, vô số người từ các nơi kéo về tụ hội ca hát, la hét lớn tiếng, nhảy múa, co giật như bị động kinh, té xuống ngất đi, kêu khóc, tru, rống như thú vật, và “nói tiếng lạ.” Các giới lãnh đạo tôn giáo vùng Los Angeles và những nơi khác lập tức lên tiếng phủ nhận hiện tượng đang xảy ra tại Black Holiness Church, 312 Azusa Street, Los Angeles. Họ không công nhận đó là công việc của Đức Thánh Linh, khuyến cáo các tín hữu của họ, rằng phong trào này chạy theo cảm xúc, thông linh, và có Sa-tan tính.

Vào tháng 10 năm 1906, khi Parham đến thăm Seymour và giảng tại Azusa Street, cũng đã sững sốt khi nhìn thấy các hiện tượng xảy ra tại đó. Theo Parham, những hiện tượng đó đến từ xác thịt, hoặc Ma Quỷ. Parham không công nhận phong trào “Azusa Street Revival.” Parham đã phát biểu về phong trào này như sau: “God is sick at His stomach!” (Tạm dịch: Đức Chúa Trời đang buồn nôn!) Sau đó, Parham và Seymour đã chia tay nhau và không bao giờ kết hợp trở lại.

Tại đây, chúng ta cần chú ý đến chi tiết quan trọng này: Trong khi Parham và các sinh viên của ông được ơn nói lưu loát các ngoại ngữ mà trước đó họ không hề biết ,thì Seymour và những người theo ông chỉ phát ra những tràng âm thanh vô nghĩa, và có những biểu hiện cười, la, khóc, hú, vật vã thân hình không tự kiểm soát được như những người bị tà linh xâm nhập.

Phong trào “Azusa Street Revival” lắng xuống vào năm 1909 nhưng vẫn còn âm ỉ cho đến năm 1915. Từ phong trào này phát sinh ra nhiều giáo phái Ngũ Tuần khắp nơi trên thế giới. Người từ các nơi khác đến Los Angeles thăm viếng, khi trở về quê hương của họ đã mang theo các tín lý mới của Ngũ Tuần, gieo rắc trong cộng đồng của họ.

Phong Trào Ân Tứ (The Charismatic Movement)

Còn được gọi là Phong Trào Tân Ngũ Tuần (The Neo-Pentecostal Movement). Từ Phong Trào Ngũ Tuần phát sinh ra Phong Trào Ân Tứ. Phong Trào Ân Tứ nhấn mạnh đến các ân tứ của Đức Thánh Linh như: nói ngoại ngữ (nhưng đã bị hiểu lầm thành “nói tiếng lạ” – xin độc giả ghi nhớ, “nói tiếng lạ” tức là phát ra những âm thanh vô nghĩa), nói tiên tri, nói lời khôn ngoan, nói lời thông biết, chữa bệnh, đuổi quỷ, làm phép lạ… (I Cô-rinh-tô 12:8-10). Phong Trào Ân Tứ ảnh hưởng đến Hội Thánh mạnh mẽ hơn Phong Trào Ngũ Tuần. Ban đầu, Phong Trào Ân Tứ không chủ trương cho các thành viên tách rời khỏi các giáo hội, giáo phái như Phong Trào Ngũ Tuần, nhưng chủ trương cho các thành viên ở lại để Ân Tứ hóa toàn bộ giáo hội và giáo phái mà họ đang sinh hoạt với. Chỉ khi nào bị chính các giáo hội hay giáo phái khai trừ thì các thành viên của Phong Trào Ân Tứ mới đi ra lập thành nhóm khác. Về sau, với sự lớn mạnh của phong trào, các nhà lãnh đạo Ân Tứ muốn độc lập điều hành ngân quỹ do các thành viên đóng góp, cho nên, đã lập ra các giáo phái riêng.

Vào năm 1960, Dennis Bennett, linh mục của Saint Mark’s Episcopal Church tại Van Nuys, California (thuộc Giáo Phái American Episcopal – Giám Nhiệm Hoa Kỳ) tuyên bố với hội chúng, rằng ông ta đã được báp-tem bằng Thánh Linh. Sau đó, Bennett dẫn thêm 100 tín hữu đến với kinh nghiệm nhận “báp-tem bằng Thánh Linh” và biết “nói tiếng lạ.” Hiện tượng “nói tiếng lạ” bùng nổ tại Saint Mark’s Episcopal Church khiến cho các tạp chí Times và Newsweek thời bấy giờ làm phóng sự đưa lên bìa báo (cover story). Giáo Phái Giám Nhiệm Hoa Kỳ không công nhận hiện tượng đó đến từ Đức Thánh Linh nên đã bãi nhiệm Bennett. Ông đến Vancouver, Canada thiết lập nhiều lớp huấn luyện, dạy về công vụ của Đức Thánh Linh, gây ảnh hưởng sâu đậm đến tín đồ Anh Giáo khắp nơi trên thế giới, và dẫn đến những cuộc gọi là “phục hưng” trong các hội chúng Giám Nhiệm, Anh Giáo, Lutheran, Công Giáo và Chính Thống Giáo. Đến tháng 10 năm 1962 Phong Trào Tân Ngũ Tuần xâm nhập vào các trường đại học tại Mỹ, sau đó lan vào trong các trường thần học. Chính Phong Trào Tân Ngũ Tuần đi vào Giáo Hội Công Giáo làm phát sinh ra Phong Trào Công Giáo Ân Tứ Phục Hưng. Tính đến năm 1990, phong trào này bao gồm trên 55 triệu tín đồ thuộc các giáo phái trong Giáo Hội Tin Lành.

Phong Trào Lời Đức Tin (Word of Faith Movement) được xem như sự nối dài của Phong Trào Ân Tứ. Ngoài những đặc điểm chung với Phong Trào Ân Tứ, Phong Trào Lời Đức Tin nhấn mạnh đến “quyền năng của đức tin.” Những người thuộc phong trào này tin rằng họ có thể dùng lời nói để điều động “quyền năng của đức tin,” và như vậy, họ có thể tạo ra những gì mà họ tin rằng Thánh Kinh đã hứa, như: sức khoẻ, sự giàu có… Theo họ, những định luật chi phối “quyền năng của đức tin” vận hành độc lập với ý chỉ siêu việt của Đức Chúa Trời và chính Đức Chúa Trời cũng bị chi phối bởi những định luật này (?) Ngoài ra, Phong Trào Lời Đức Tin còn đưa ra những tín lý như: Mỗi tín nhân là một Đức Chúa Trời Con vì Đức Chúa Trời dựng nên loài người cùng bản thể với Ngài. Tín đồ Đấng Christ phải được khoẻ mạnh và giàu có. Tín đồ Đấng Christ phải luôn có những lời tuyên xưng tích cực (positive confession). Vì Đức Chúa Trời đã dùng lời nói để sáng tạo nên tín nhân cũng có thể dùng những lời nói tích cực để thu đạt những kết quả tích cực. Đấng Christ chết phần thể xác, nhưng cũng chết phần tâm thần trong địa ngục, chịu Ma Quỷ hành hạ, và tâm thần của Ngài đã được tái sinh trong địa ngục…

Sáng lập viên và hiệu trưởng của trường Rhema Bible College tại Tulsa, Oklahoma, USA là Kenneth Hagin (1917-2003), được xem là bố già (Papa Hagin) của Phong Trào Lời Đức Tin. Những giáo sư nổi tiếng khác của phong trào này là: Benny Hinn, Bishop Eddie L. Long, Clarence McClendon, Creflo Dollar, Ed Young, Fred Price, Jesse Duplantis, John Bevere, Joel Osteen, Joyce Meyer, Juanita Bynum, Karl Strader, Kenneth Copeland, Kim Clement, Larry Huch, Marilyn Hickey, Markus Bishop, Mike Murdock, Morris Cerullo, Myles Munroe, Oral Roberts, Paul Crouch, Paula White, Peter Popoff, R.W. Shambach, Robert Schuller, Rod Parsley, Rodney Howard-Browne, Robert Tilton, Steve Munsey, T.D. Jakes…

Phong Trào Công Giáo Ân Tứ Phục Hưng (The Catholic Charismatic Renewal Movement)

Tháng 2 năm 1967, một số nhân viên và nhiều sinh viên của một trường đại học tư, Duquesne University, thuộc Giáo Hội Công Giáo tại Pittsburgh, Pennsylvania, USA trải qua một kinh nghiệm mà họ gọi là “được báp-tem bằng Thánh Linh.” Những điều họ kinh nghiệm, là: “nói tiếng lạ,” “thánh tiếu” (tiếng cười thánh – Holy laughter), xuất thần, khóc, la, gào, hú, tru như chó… không thể tự kềm chế. Liền sau đó, những hiện tượng này lan tràn sang một trường đại học tư khác, cũng thuộc Giáo Hội Công Giáo, University of Notre Dame, tại Indiana, USA. Notre Dame có nghĩa là “Đức Bà của chúng ta,” (chỉ về bà Ma-ri). Đến năm 2003, Phong Trào Công Giáo Ân Tứ Phục Hưng lan rộng đến trên 230 quốc gia và bao gồm trên 119 triệu tín đồ Công Giáo.

Các Giáo Hoàng: Paul VI (nắm quyền: 1963-1978), John Paul II (nắm quyền: 1978-2005), và Benedict XVI (nắm quyền: 2005 – đến nay) đều chấp nhận Phong Trào Công Giáo Ân Tứ Phục Hưng. Giáo Hoàng John Paul II cho rằng, phong trào này thuộc vào sự phục hưng của toàn Giáo Hội Công Giáo. Giáo Hoàng Paul và Benedict khuyến cáo các thành viên của phong trào phải giữ gìn sự thông công giữa họ và Giáo Hội Công Giáo.

Tháng 3 năm 1992, Giáo Hoàng John Paul II đã phát biểu như sau: “Trong khoảnh khắc này của lịch sử giáo hội, sự Phục Hưng Ân Tứ có thể đóng một vai trò thiết yếu trong sự cổ vũ tính tự vệ rất cần thiết cho cuộc sống của người tín đồ Đấng Christ trong những xã hội mà thế tục và vật chất đã làm suy yếu khả năng đáp ứng Đức Thánh Linh và nhận thức tiếng gọi từ Đức Chúa Trời của nhiều người. Sự cống hiến của quý vị vào công cuộc tái phúc âm hóa xã hội sẽ được thực hiện trước hết qua lời chứng cá nhân về sự Đức Thánh Linh ngự trị bên trong và sự chiếu ra sự hiện diện của Ngài qua các công tác thánh khiết và hiệp một.”

(“At this moment in the Church’s history, the Charismatic Renewal can play a significant role in promoting the much-needed defense of Christian life in societies where secularism and materialism have weakened many people’s ability to respond to the Spirit and to discern God’s loving call. Your contribution to the re-evangelization of society will be made in the first place by personal witness to the indwelling Spirit and by showing forth His presence through works of holiness and solidarity.” – Address of Pope John Paul II to the ICCRO Council – March 14, 1992.)

Phần lớn người Công Giáo Ân Tứ tin rằng Phong Trào Công Giáo Ân Tứ Phục Hưng được phát sinh bởi lời cầu nguyện của Giáo Hoàng John XXIII trong Công Đồng Vatican II: “Lạy Đức Thánh Linh… xin tuôn tràn sự đầy dẫy các ân tứ của Ngài… Xin làm mới lại những sự lạ lùng của Ngài trong thời đại này như là một Lễ Ngũ Tuần mới.” (“O Holy Spirit… pour forth the fullness of your gifts… Renew your wonders in this day as by a new Pentecost”).

Điều đáng chú ý là Phong Trào Công Giáo Ân Tứ Phục Hưng không loại bỏ sự thờ lạy hình tượng của bà Ma-ri, sự lần chuỗi hạt Mân-côi, sự cầu nguyện với bà Ma-ri… cùng nhiều giáo lý phản Thánh Kinh khác của Giáo Hội Công Giáo. Nhiều nhóm Ân Tứ Công Giáo nhận được sự xuất thần và sự “nói tiếng lạ” trong khi kêu cầu bà Ma-ri (!)

Phong Trào Dấu Lạ (The Signs and Wonders Movement)

Phong Trào Dấu Lạ (The Signs and Wonders Movement) hoặc “Làn Sóng Thánh Linh Thứ Ba” (The Third Wave of the Holy Spirit) bắt đầu vào đầu thập niên 1980 và vẫn còn kéo dài cho đến ngày nay. Các phong trào như: Vineyard Christian Fellowship, Global Harvest, Toronto Blessing, Eternal Grace là biến dạng của Phong Trào Dấu Lạ. Những người thuộc Phong Trào Dấu Lạ không chấp nhận họ thuộc về Ngũ Tuần hoặc Ân Tứ.

Điểm khác biệt nổi bật của Phong Trào Dấu Lạ đối với Ân Tứ và Ngũ Tuần là Phong Trào Dấu Lạ có khuynh hướng không nhấn mạnh đến sự kiện “nói tiếng lạ” như là bằng chứng của một người đã được báp-tem bằng Thánh Linh. Nhiều nhà lãnh đạo trong phong trào này không hề có kinh nghiệm “nói tiếng lạ,” trái lại, họ quan tâm đến khía cạnh dấu kỳ, phép lạ, các sự hiện thấy, sự nói tiên tri, cùng cái gọi là “lời nói thông biết” (the word of knowledge – được tận dụng trong chương trình truyền hình 700 Club của Pat Robertson trong sự tuyên bố các chi tiết về sự chữa lành xảy ra cho một số khán thính giả đang ngồi tại nhà riêng, xem chương trình 700 Club qua máy truyền hình). Phong Trào Dấu Lạ chấp nhận cả hai quan điểm về sự được báp-tem bằng Thánh Linh:

1. Một người được tái sinh và được báp-tem bằng Thánh Linh khi thật lòng ăn năn tội và tin nhận Đấng Christ, (quan điểm của Tin Lành truyền thống). Những người thuộc Giáo Phái Vineyard Christian Fellowship bảo vệ tích cực quan điểm này.

2. Một người được báp-tem bằng Thánh Linh nếu tìm cầu điều này sau khi tin nhận Chúa, (quan điểm của Ân Tứ và Ngũ Tuần). Báp-tem bằng Thánh Linh không liên quan đến sự cứu rỗi mà chỉ liên quan đến năng lực sống đạo và giảng đạo.

Peter Wagner (Global Havest Ministry) và John Wimber (Vineyard Christian Fellowship) được xem là những nhân vật tiên phong của Phong Trào Dấu Lạ. Vào năm 1977, Carol, vợ của Wimber, vốn xuất thân từ Công Giáo, nằm chiêm bao thấy mình được đầy dẫy Thánh Linh và khi bà thức dậy thì biết “nói tiếng lạ.” Mười tháng sau, Wimber kinh nghiệm được một sự chữa lành trong chính thân thể của ông và bắt đầu tin rằng việc chữa bệnh, đuổi quỷ như Đức Chúa Jesus là khả thi. Nhờ quen biết với Peter Wagner, một giảng sư tại Fuller Theological Seminary School of World Missions mà Wimber được mời cùng dạy lớp “Dấu Lạ” (Signs and Wonders) tại Fuller Seminary với Wagner. Lớp học này dạy về sự chữa lành thiên thượng và trở thành lớp học nổi tiếng nhất tại Fuller cho đến khi bị đình chỉ vào năm 1985, vì các viên chức trong trường có những thắc mắc về tính thần học và kinh viện của môn học.

Bên cạnh hiện tượng “bị giết trong Thánh Linh” như trong các Phong Trào Ân Tứ và Ngũ Tuần, có ba hiện tượng nổi bật trong Phong Trào Dấu Lạ được cho là sự thể hiện của Đức Thánh Linh, là: Tiếng Cười Thánh (The Holy Laughter – sự vui mừng khi được đầy dẫy Thánh Linh khiến một người trở thành “say Thánh Linh,” không kềm hãm được tiếng cười biểu lộ niềm vui), Tiếng Gầm Tiên Tri (The Prophetic Roar – tiếng rống lớn phát ra từ cổ họng của những người được đầy dẫy Thánh Linh, được cho là dấu hiệu Đức Chúa Trời thông báo sự kiện Ngài bắt đầu chiếm lại quyền tể trị thế giới này từ Satan), và Âm Thanh Của Thú Vật (The Animal Noises – sự tru, hú, gầm gừ như các loài thú, kể cả cục tác như gà, rống như heo, và tru như chó… chưa được những người Ân Tứ định nghĩa) [2]. Gần đây, Wimber đã yêu cầu các hội chúng thuộc giáo phái Vineyard Christian Fellowship do ông sáng lập ngưng chấp nhận hiện tượng Tiếng Cười Thánh.

Các Phong Trào Ân Tứ và Ngũ Tuần trong Hội Thánh Việt Nam

Tin Lành đến Việt Nam vào năm 1911 do các giáo sĩ của Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp. Vào giữa thập niên 1960, các Giáo Phái Ngũ Tuần, và Giáo Phái Anh Em (Quaker) đem theo hiện tượng “nói tiếng lạ,” theo chân những người lính viễn chinh Hoa Kỳ đến Việt Nam, và tạo ra vài nhóm nhỏ tại Saigon nhưng không gây ảnh hưởng nhiều đến Hội Thánh Việt Nam. Phong Trào Ân Tứ đến Việt Nam vào cuối thập niên 1960 và bắt đầu trong Giáo Hội Công Giáo trước, qua Phong Trào Công Giáo Về Nguồn (do những người Công Giáo chủ trương quay lại với lời Chúa, là Thánh Kinh, khởi xướng). Chính hiện tượng “nói tiếng lạ” trong Phong Trào Công Giáo Về Nguồn gây nhiều chú ý đến các mục sư và tín đồ thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam. Có một số sinh viên Tin Lành đã tham dự sinh hoạt với Phong Trào Công Giáo Về Nguồn và nhận được sự “nói tiếng lạ.” Nhiều sinh viên Tin Lành khác bắt đầu nghiên cứu về các Giáo Phái Ngũ Tuần. Điều đáng nói là thuở ấy tài liệu biện giáo thì ít, hầu như là không có, trong khi các tài liệu cổ võ về Phong Trào Ngũ Tuần thì tràn ngập, cho nên, các sinh viên chỉ học biết một chiều về những điểm tích cực của Ngũ Tuần. Hội Thánh Việt Nam, vào thời đoạn đó, phần lớn là tín đồ thuộc Giáo Phái Phúc Âm Liên Hiệp (với danh xưng chính thức là: Hội Thánh Tin Lành Việt Nam) đã tích cực chống đối các hiện tượng “đặt tay té ngã” và “nói tiếng lạ.” Ít lâu sau, một vài mục sư và tín đồ thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam nhận được sự “nói tiếng lạ” trong khi nhóm họp với các nhóm Công Giáo Về Nguồn, hoặc trong khi nhóm họp với các nhóm Anh Em (Quaker). Sau đó, một vài mục sư đã ly khai Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, sáng lập các giáo phái Ngũ Tuần Việt Nam.

Năm 1972, tại Việt Nam có sự phục hưng phát sinh từ Thánh Kinh Thần Học Viện tại Nha Trang. Trong cuộc phục hưng đó, không có sự kiện té ngã, không có sự kiện “nói tiếng lạ” nhưng có sự tan vỡ cõi lòng, khóc lóc, ăn năn, xưng tội tập thể, đốt bỏ bùa chú, hình tượng, mọi người làm hòa với nhau, có sự chữa lành bệnh tật tức thì (không phải lành bệnh từ từ), có sự đuổi quỷ, có sự người chết được sống lại… nghĩa là có đầy đủ dấu hiệu Hội Thánh được đầy dẫy Thánh Linh như đã được ghi chép trong Thánh Kinh. (Xin xem “Phép Lạ Rừng Xanh,” Bà Phạm Văn Năm; “Việc của Đức Giê-hô-va,” Pastor Trương Văn Tốt; “Công Cuộc Truyền Giáo Tin Lành,” Pastor Phạm Xuân Tín). Trước khi Hội Thánh Việt Nam bị Phong Trào Ân Tứ xâm nhập và bị cường quyền đàn áp thì Đức Chúa Trời đã thương xót, cho Hội Thánh được nếm trải sự tuôn tràn Thánh Linh, để dựa vào đó mà phân biệt với hiện tượng “nói tiếng lạ” đến từ tà linh.

Sau năm 1975, Phong Trào Ân Tứ bắt đầu lan tràn khắp Miền Nam Việt Nam trong các nhóm Tư Gia, (những nhóm nhỏ nhóm họp thờ phượng Chúa tại nhà riêng để tránh sự đàn áp của chính quyền), và phát triển mạnh mẽ vào cuối thập niên 1990 nhờ các tài liệu về Ân Tứ được dịch ra Việt Ngữ và phổ biến trong các nhóm Tư Gia; đồng thời, có nhiều giáo sĩ Ân Tứ người Việt cũng như người ngoại quốc, từ nước ngoài âm thầm xâm nhập Việt Nam qua hình thức thăm quê hương và du lịch để quảng bá cho Phong Trào Ân Tứ. Trong giai đoạn đó, Hội Thánh Tin Lành Việt Nam một mặt buộc phải hòa hoãn với chính quyền mới để được công nhận tư cách pháp nhân, một mặt các mục sư bị cán bộ và công an tôn giáo theo dõi chặt chẽ, cho nên, sinh hoạt của Hội Thánh dần dần bị giảm thiểu và khô cạn. Trong hoàn cảnh đó, những sứ giả của Ân Tứ và Ngũ Tuần càng nổ lực phát triển mô hình nhóm nhỏ, nhóm tại tư gia và tích cực trong công tác truyền giáo. Có thể nói, số người tuyên xưng đức tin trong Đấng Christ thuộc các Hội Thánh Tư Gia phần lớn là tín đồ mới chứ không phải tín đồ từ Hội Thánh Tin Lành Việt Nam chuyển sang.

Đến cuối thập niên 1990, với sự tiếp sức của các giáo phái Ân Tứ và Ngũ Tuần Nam Hàn, với áp lực của các doanh nhân Nam Hàn trên chính quyền Việt Nam, không bao lâu, phong trào Tin Lành Tư Gia phát triển rầm rộ, xây cất nhiều cơ sở nhóm họp, gây tiếng vang trong và ngoài nước. Hiện nay, có thể nói, số thành viên thuộc các nhóm Ân Tứ và Ngũ Tuần tại Việt Nam nhiều hơn số thành viên thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam.

Điều đáng chú ý là những người đi tiên phong trong các Phong Trào Ân Tứ và Ngũ Tuần tại Việt Nam thiếu sự hiểu biết về lịch sử và tín lý của các phong trào này, cho nên, tạo ra một nét đặc thù của Ân Tứ và Ngũ Tuần Việt Nam. Nét đặc thù đó là: Ân Tứ và Ngũ Tuần Việt Nam tổng hợp tất cả những đặc tính của các Phong Trào Ân Tứ và Ngũ Tuần phát sinh từ Hoa Kỳ. Đối với người Ân Tứ và Ngũ Tuần Việt Nam, bất kỳ giáo sĩ, hoặc tài liệu, hoặc tài chánh của bất kỳ một giáo phái Ân Tứ và Ngũ Tuần nào từ Hoa Kỳ đến, đều được hoan nghênh nhiệt liệt. Người Ân Tứ và Ngũ Tuần Việt Nam chỉ dựa vào một mẫu số chung: hiện tượng “đặt tay té ngã” và “nói tiếng lạ,” cùng sự chữa bệnh, đuổi quỷ (!) Các giáo lý mới lạ được đón nhận dễ dàng dựa trên lý luận: điều đó nghe hợp lý và do “mục sư danh tiếng” giảng thì chắc là không sai. Điển hình là giáo lý về Tin Lành Thịnh Vượng (The Prosperity Gospel) do Kenneth Hagin, Benny Hinn, và Joel Osteen giảng dạy; giáo lý Chiều Kích Thứ Tư (The Fourth Dimension) do David (Paul) Yonggy Cho (quản nhiệm một hội chúng với số thành viên lên đến trên 850,000 người) khởi xướng.

Hội Thánh Việt Nam tại Hải Ngoại, đặc biệt là tại Đức và các nước thuộc khối Liên Xô cũ, cũng bị Phong Trào Ân Tứ xâm nhập mạnh mẽ. Có những nơi, hầu như hoàn toàn là Ân Tứ. Hầu như Tin Lành truyền thống không có chỗ đứng trong các nước này vì hai lý do chính:

1. Các giáo phái thuộc Giáo Hội Tin Lành Truyền Thống của người Việt không tích cực trong công tác truyền giáo.

2. Nếu các giáo phái thuộc Giáo Hội Tin Lành Truyền Thống có đi truyền giáo thì hầu hết cũng thỏa hiệp với các giáo sĩ của Ân Tứ và Ngũ Tuần.

Còn một lý do phụ là: Cách thức nhóm họp, thờ phượng sôi nổi với các hiện tượng đặc thù của Ân Tứ, Ngũ Tuần như: “đặt tay té ngã,” “nói tiếng lạ,” và nhảy múa dễ thu hút những người Việt Nam phần lớn tha hương từ miền Bắc Việt Nam. Hai cánh đồng truyền giáo Việt Nam rất lớn tại Mã-lai và Nam Hàn cũng không thoát ra ngoài tình trạng nói trên.

Riêng tại Bắc Mỹ, cho đến giữa thập niên 2000, Ân Tứ và Ngũ Tuần rất khó xâm nhập vào Hội Thánh Việt Nam, bởi vì, phần lớn các Hội Thánh Việt Nam thuộc về các giáo phái truyền thống. Từ 2005 cho đến nay, tình hình đang chuyển hướng: hàng trăm mục sư thuộc các giáo phái truyền thống như Báp-tít và CMA cũng nghiêng về Phong Trào Ân Tứ, cho phép các mục sư Ân Tứ đến giảng và đặt tay cầu nguyện, chữa bệnh, đuổi quỷ trong Hội Thánh do mình quản nhiệm hoặc trong các Trại Bồi Linh do mình tổ chức.

Một trong các mục sư Ân Tứ Việt Nam nổi tiếng nhất là Huỳnh Quốc Khánh, quản nhiệm Vietnamese Baptist Church tại Houston, Texas, USA. Trên website của tổ chức này [3] có các bài dịch và ghi âm Việt Ngữ tác phẩm Chiều Kích Thứ Tư của David (Paul) Yonggy Cho. Từ năm 2004 đến nay, hàng năm, vào tháng 10, Mục Sư Khánh và Vietnamese Baptist Church tại Houston tổ chức Hội Đồng Phục Hưng. Số mục sư và tín đồ thuộc đủ giáo phái về tham dự ngày càng đông hơn là các cuộc Hội Đồng Thường Niên của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Giáo Hạt Bắc Mỹ hoặc Liên Hữu Baptist Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Tín lý của Các Phong Trào Ân Tứ và Ngũ Tuần

Tưởng cũng nên nói đến chi tiết về hiện tượng xảy ra vào ngày 1 tháng 1 năm 1901 tại Trường Thánh Kinh Bethel, Topeka, Kansas để phân biệt với các hiện tượng xảy ra sau này trong các Phong Trào Ân Tứ. Khi nữ sinh viên Agnes Ozman đứng lên yêu cầu ông Hiệu Trưởng Charles Fox Parham đặt tay trên cô cầu nguyện để cô nhận được ân tứ nói ngoại ngữ thì Parham đã đáp ứng yêu cầu của cô. Liền khi đó, Ozman đã bật lên nói tiếng Trung Hoa (Quan Thoại) và suốt hai tuần sau đó, cô chỉ có thể nói và viết bằng tiếng Quan Thoại, là ngôn ngữ mà trước đó cô chưa từng biết đến. Trong vòng tuần lễ kế tiếp, chính Parham và các sinh viên khác cũng bắt đầu nói được các thứ tiếng ngoại quốc khác mà họ chưa bao giờ học biết. Sự kiện đó khiến cho Parham tuyên bố là thời đại Ngũ Tuần đã được tái diễn và ông chiêu mộ những người tình nguyện đi ra nước ngoài làm giáo sĩ, với lòng tin rằng, khi đến địa điểm truyền giáo, Đức Thánh Linh sẽ mở miệng các giáo sĩ rao giảng bằng thổ âm địa phương mà họ không cần phải học tập trước. Dĩ nhiên là Đức Thánh Linh đã không làm việc theo cách đó, công cuộc truyền giáo của Parham bị thất bại nặng nề, và khiến ông sửa đổi tín lý về việc “speak in tongues” như sau: “Một người được báp-tem bằng Thánh Linh thì phải biết nói ngoại ngữ và thứ ngoại ngữ đó không nhất thiết phải là một ngôn ngữ có người hiểu được.” Quan điểm này về sau tạo thành lỗ hỗng cho sự kiện “nói tiếng lạ” cũng được xem là ân tứ nói ngoại ngữ (speak in tongues).

Người Mormon tôn cuốn Kinh Mormon có thẩm quyền ngang hàng với Thánh Kinh. Người Giê-hô-va Chứng Nhân tôn các tài liệu của Hội Tháp Canh có thẩm quyền ngang hàng với Thánh Kinh. Người Công Giáo tôn các truyền thống của giáo hội và những giáo lý do các giáo hoàng đưa ra có thẩm quyền ngang hàng với Thánh Kinh. Người Ân Tứ tôn các khải tượng, lời tiên tri của họ có thẩm quyền hơn cả Thánh Kinh. Thậm chí, họ không còn sống đạo dựa trên Thánh Kinh nữa mà hoàn toàn dựa trên các khải tượng và các lời tiên tri của họ, cùng lời giảng của những người lãnh đạo phong trào. John Wimber, lãnh tụ của Phong Trào Ân Tứ Làn Sóng Thứ Ba, khi bị thách thức về tính phù hợp lời dạy của Thánh Kinh cho những hiện tượng xảy ra tại Yorba Linda, California, (như: la hét lớn tiếng, cười như mất trí, co giật như bị động kinh, té xuống ngất đi, miệng sủi bọt trắng, kêu khóc, tru, rống như thú vật…), đã tuyên bố: “Đức Chúa Trời ở trên Lời của Ngài” (God is above His Word) và “Đức Chúa Trời không bị giới hạn bởi Lời của Ngài” (God is not limited by His Word). Nói cách khác, John Wimber không cần dựa vào Thánh Kinh để xác chứng các hiện tượng.

Khi có ai đó tuyên bố bất cứ một điều gì có thẩm quyền ngang hàng với Thánh Kinh, thì đó là tà giáo và con dân Chúa cần phải tránh cho thật xa sự giảng dạy đó, vì ngoài Ba Ngôi Thiên Chúa, Thánh Kinh là thẩm quyền duy nhất và tuyệt đối trong đời sống của con dân Chúa. Bất cứ một điều gì không được Thánh Kinh dạy thì không thể biến đó thành tín lý và không nên giảng dạy, thực hành cho dù điều đó có vẻ hợp lý. Rô-ma 14:23 dạy: “Điều chi làm không bởi đức tin thì đó là tội lỗi;” mà đức tin của tín đồ Đấng Christ là đức tin vào trong chính mình Đấng Christ và lời của Ngài là Thánh Kinh. Đức tin của tín đồ Đấng Christ không dựa vào những kinh nghiệm hoặc cảm xúc thiếu sự xác chứng của Thánh Kinh. Cho dù là tiếng phán nghe được trong nội tâm hay là khải tượng, chiêm bao đến từ một nhân vật sáng láng tự xưng là Chúa mà những tiếng nói đó, những khải tượng, chiêm bao đó không phù hợp với lẽ thật đã được bày tỏ trong Thánh Kinh thì dứt khoát chúng không đến từ Chúa. Thánh Kinh ghi rõ lời cảnh báo sau đây: “Nào có lạ gì, chính quỷ Sa-tan mạo làm thiên sứ sáng láng” (II Cô-rinh-tô 11:14).

Sự Báp-tem Bằng Thánh Linh Theo Thánh Kinh

Theo Thánh Kinh, khi một người thật lòng ăn năn tội và tin nhận Đấng Christ thì lập tức người đó được tha tội, được tái sinh, được báp-tem bằng Thánh Linh, được thánh hóa, được ban cho quyền phép trở nên con cái của Đức Chúa Trời, được lời hứa về sự sống đời đời, và được đồng kế tự với Đấng Christ.

“Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp tem”(Ê-phê-sô 4:5). Một Chúa là Đức Chúa Jesus Christ. Một đức tin là đức tin vào trong Đấng Christ, nghĩa là tin vào mọi lời Ngài phán, vào mọi việc Ngài làm. Một phép báp-tem là phép báp-tem nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà Đấng Christ đã truyền trong Ma-thi-ơ 28:19. Trong phép báp-tem đó, khi nhân danh Đức Thánh Linh thì tín nhân được chính Đấng Christ báp-tem vào trong Thánh Linh.

Sự kiện người thật lòng tin nhận Chúa liền được tái sinh và được báp-tem bằng Thánh Linh là một điều đương nhiên như khi một em bé vừa được sinh ra đời thì lập tức được nhúng chìm (báp-tem) vào trong bầu khí quyển, em bé chỉ việc hít thở không khí vào phổi. Sự kiện đầy dẫy Thánh Linh tùy thuộc vào lòng tin cậy và yêu mến Chúa của một người, như việc không khí có vào đầy buồng phổi của em bé hay không là tùy thuộc sự hít thở của em bé và sự thông suốt của đường hô hấp. Một người tin nhận sự cứu rỗi của Chúa nhưng chưa hết lòng yêu mến Chúa, vẫn còn lưu luyến hoặc chăm lo thế gian và những sự thuộc về thế gian thì không thể nào được đầy dẫy Thánh Linh. Những người như vậy, dầu có được một ngàn người đầy ơn, đặt tay cầu nguyện cho cũng sẽ không bao giờ đầy dẫy Thánh Linh.

Sự Đầy Dẫy Thánh Linh

Mệnh lệnh của Chúa là: “Đừng say rượu, vì rượu xui cho luông tuồng; nhưng phải đầy dẫy Thánh Linh” (Ê-phê-sô 5:8). Ý nghĩa của mệnh lệnh này là đừng sống theo xác thịt, đừng chăm những sự thuộc về xác thịt, nhưng hãy sống theo Thánh Linh, chăm những sự thuộc về Thánh Linh (Rô-ma 8:5). Các sứ đồ của Chúa và các tín đồ của thời Hội Thánh mới thành lập đầy dẫy Thánh Linh vì họ đã bỏ hết mọi sự để đi theo Chúa, tích cực đáp lại lời kêu gọi của Ngài: “Đoạn, Ngài kêu dân chúng và môn đồ, mà phán rằng: Nếu ai muốn theo Ta, phải liều mình, vác thập tự giá mình mà theo Ta.” (Mác 8:34). Xin lưu ý, đây là điều kiện dành cho mọi người: người đã tin Chúa (các môn đồ) lẫn người chưa tin Chúa (dân chúng). Họ đã bán hết tài sản để nhập làm của chung, sống yêu thương hiệp một với nhau trong danh Chúa (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:32-35). Vì vậy, Hội Thánh được đầy dẫy Thánh Linh và Đức Thánh Linh được tự do hành động giữa Hội Thánh. Sự đầy dẫy Thánh Linh, vì thế, tùy thuộc vào tấm lòng của người tin Chúa chứ không tùy thuộc vào sự đặt tay cầu nguyện. Ngày nào Hội Thánh ăn năn tội, xưng nhận tội, bỏ hết mọi sự, đi theo Chúa với lòng sốt sắng yêu mến Chúa và yêu thương lẫn nhau như Hội Thánh lúc ban đầu, ngày đó Hội Thánh sẽ được phục hưng, sẽ được đầy dẫy Thánh Linh.

Sự kiện một tín đồ Đấng Christ chân thành khao khát được đầy dẫy Thánh Linh, được sống một đời sống sung mãn trong Đấng Christ, sinh ra nhiều bông trái thuộc linh, hoàn toàn xứng hiệp với thánh ý của Chúa. Sự khao khát chân chính đó sẽ được Đức Chúa Trời đáp ứng khi một người thật sự ở trong Đấng Christ và lời của Đấng Christ ở trong họ (Giăng 15:5, 7). Điều sai lầm là có những người chưa chịu từ bỏ nếp sống cũ tội lỗi, vẫn còn ưa thích thế gian và những điều thuộc về thế gian, nhưng lại muốn đầy dẫy Thánh Linh, muốn có được quyền năng và phép lạ để chứng tỏ “trình độ” thuộc linh của mình, để được loài người tôn vinh mình, chạy theo mình… như thuật sĩ Si-môn trong Công Vụ Các Sứ Đồ chương 8. Nếu không có sự ăn năn tội, xưng tội, từ bỏ thế gian, hết lòng vâng phục lời Chúa thì các dấu kỳ, phép lạ có được, chẳng qua là đến từ Sa-tan, là kẻ mạo làm thiên sứ sáng láng và những kẻ giúp việc nó (II Cô-rinh-tô 11:13-15). Dấu kỳ và phép lạ được làm ra trong danh Chúa không phải là bằng cớ xác chứng người làm ra chúng thuộc về Chúa. Chính nếp sống đạo và các giáo lý đi ngược lại lẽ thật của Thánh Kinh của những người “nhân danh Chúa nói tiên tri, trừ quỷ, làm phép lạ… ” giúp cho Hội Thánh của Chúa nhìn ra những kẻ mang lốt chiên đến cùng Hội Thánh (Ma-thi-ơ 7:15-23).

Kết Luận

Đứng trước những biến động trong Hội Thánh do các Phong Trào Ân Tứ và Ngũ Tuần gây ra, người tín đồ chân chính của Đấng Christ đối diện với hai sức kéo:

1. Hoàn toàn phủ nhận các phong trào này là công vụ của Đức Thánh Linh và duy trì sinh hoạt của Hội Thánh trong khuôn khổ truyền thống xưa nay.

2. Hoàn toàn ủng hộ các phong trào này như là những cuộc phục hưng của Hội Thánh bởi quyền phép của Đức Thánh Linh, và như vậy, thay đổi hẳn lối sinh hoạt truyền thống của Hội Thánh.

Nhiều người đã chọn thái độ thích đáng như sau:

1. Đối với các Phong Trào Ân Tứ và Ngũ Tuần: Gạt bỏ tất cả những hiện tượng xuất thần không được Thánh Kinh hổ trợ, như: hiện tượng đặt tay té ngã, hiện tượng tiếng cười thánh, hiện tượng âm thanh của súc vật… Gạt bỏ tất cả những sự thể hiện ân tứ không đúng với chỉ thị sử dụng ân tứ trong Thánh Kinh, như: “nói tiếng lạ” không có người thông giải, và những cuộc truyền giảng chữa bệnh, đuổi quỷ. Gạt bỏ tất cả các giáo lý không có trong Thánh Kinh hoặc đi ngược lại sự dạy dỗ của Thánh Kinh, như: giáo lý Đức Chúa Trời Một Ngôi (Oneness), giáo lý Tin Lành Thịnh Vượng, giáo lý Chiều Kích Thứ Tư… Cần chấp nhận tuyệt đối thẩm quyền của Thánh Kinh trong mọi sinh hoạt của Hội Thánh.

2. Đối với truyền thống: Bỏ đi những sự thờ phượng nặng phần hình thức mà thiếu quyền năng sống động, tươi mới của Đức Thánh Linh. Bỏ đi quan điểm “các ân tứ của Đức Thánh Linh đã chấm dứt sau thế kỷ thứ nhất”. Cần tích cực truyền giáo với quyền năng và sức sống của Đức Thánh Linh.

Riêng đối với Hội Thánh Việt Nam, chẳng những cần có một thái độ thích đáng như trên mà còn cần dẹp tan tinh thần giáo phái và lối tổ chức giáo quyền hàng dọc.

Cầu xin sự thương xót của Đức Chúa Trời bao phủ trên Hội Thánh Việt Nam để mỗi người chăn và mỗi con chiên đều nhìn thấy thực trạng của Hội Thánh, sẵn lòng hạ mình ăn năn, xưng tội với Đức Chúa Trời và với nhau, hết lòng sống Lời Chúa và giảng Lời Chúa một cách trung thực để Hội Thánh thực sự được phục hưng và dân tộc Việt Nam có nhiều người được cứu. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
09.01.2007
Hiệu Đính lần Thứ Nhất 13.12.2012

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết này:
http://www.mediafire.com/view/?u2ld9mi6cmzf976

Ghi Chú

[1] Xem ý nghĩa các phép báp-tem tại đây: http://timhieutinlanh.net/node/455

[2] Các websites sau đây sưu tầm rất nhiều những đoạn video ghi lại các hiện tượng kể trên: http://www.bible.ca/tongues-audio-video-documentation.htmhttp://video.google.com/videoplay?docid=-5162260544921752923

[3] http://www.vbcweb.org/media.php?catid=47