Ý Nghĩa của Sự Hiện Diện, Sự Ngự Trong, Sự Ở Trong, và Sự Hiệp Một

1,337 views

YouTube: https://youtu.be/m3GbB8SR3vk

202114 Bài Giảng Trong Năm 2021
Ý Nghĩa của Sự Hiện Diện,
Sự Ngự Trong, Sự Ở Trong, và Sự Hiệp Một

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

“Thần học” là môn học về thần linh. Thần học chia ra nhiều ngành: Thứ nhất là ngành Thần học của các hệ thống tín ngưỡng không phải là tôn giáo, như sự nghiên cứu về các thần linh của người Ai-cập; người La-mã; người Hy-lạp; người bản xứ ở Mỹ Châu, còn gọi là người Da Đỏ; hoặc các dân tộc thiểu số… Thứ nhì là ngành Thần học của các tôn giáo, mỗi tôn giáo nghiên cứu về thần linh mà họ tôn thờ, như ngành Thần học của người Hồi Giáo thì nghiên cứu về thần linh Allah mà họ tôn thờ; ngành Thần học của Cơ-đốc Giáo (Công Giáo, Tin Lành, Chính Thống Giáo, Anh Giáo, và bất cứ tổ chức tôn giáo nào mang danh Đức Chúa Jesus) thì nghiên cứu về Thiên Chúa và thần tính của Đấng Christ. Thứ ba là ngành Thánh Kinh Thần học. Thánh Kinh Thần học nghiên cứu về Thiên Chúa theo Thánh Kinh, hoàn toàn dựa trên những sự được giãi bày trong Thánh Kinh mà đưa ra các ý tưởng Thần học.

Con dân chân thật của Chúa cần phải học về Chúa qua Thánh Kinh. Vậy, Thánh Kinh Thần học là điều cần phải có để giúp cho con dân Chúa có sự hiểu biết về Thiên Chúa, về ý muốn và việc làm của Ngài. Đó là lý do Chúa truyền cho chúng ta các lời sau đây:

“Cuốn Sách Luật Pháp này chớ xa miệng ngươi, nhưng ngươi hãy suy ngẫm ngày và đêm, để cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong. Vì như vậy, ngươi sẽ được thịnh vượng trong đường lối mình và ngươi sẽ hành động thông sáng.” (Giô-suê 1:8).

“Nhưng các anh chị em học cho biết Đấng Christ thì chẳng phải như vậy.” (Ê-phê-sô 4:20).

“Cả Thánh Kinh do Thiên Chúa hà hơi, có ích cho sự giảng dạy, cho sự quở trách, cho sự sửa trị, cho sự giáo dục trong sự công bình, [hà hơi = ban sự sống; thần cảm] để người của Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sẵn sàng cho mọi việc lành.” (II Ti-mô-thê 3:16-17).

Chúng ta cần ghi nhớ rằng, phần lớn các thuật ngữ Thần học không có trong Thánh Kinh nhưng chúng được dùng để đúc kết những lẽ thật đã được giãi bày bởi Thánh Kinh. Thí dụ: thuật ngữ “Ba Ngôi Thiên Chúa” được dùng để đúc kết lẽ thật về một Thiên Chúa thực hữu trong ba thân vị, bình đẳng, bình quyền, và hiệp một. Có nhiều thuật ngữ Thần học là các thuật ngữ triết học. Điều đó là đương nhiên, khi triết học là môn học tìm câu trả lời cho những thắc mắc căn bản và tổng quát trong cuộc sống, như: sự thực hữu, lý trí, mục đích của đời sống, sự chết… Triết học thể hiện chức năng suy luận của loài người là một trong các đặc tính khiến cho loài người giống như hình của Thiên Chúa. Quý ông bà anh chị em có thể đọc lại bài giảng “Chú Giải Sáng Thế Ký 1:26-31” về ý nghĩa của sự kiện loài người được Thiên Chúa dựng nên giống như hình và tượng của Thiên Chúa [1]. Chính Thánh Kinh Tân Ước đã dùng thuật ngữ “ngôi lời” của triết học Hy-lạp để làm danh xưng cho một trong ba thân vị của Thiên Chúa. Trong Công Vụ Các Sứ Đồ 17:28, Sứ Đồ Phao-lô có nhắc đến một tư tưởng triết học Hy-lạp, cho rằng, loài người là dòng dõi của Đức Chúa Trời.

Trong bài này chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu một số khái niệm Thần học trong Thánh Kinh. Đó là:

  • Sự hiện diện của Thiên Chúa.

  • Sự Thiên Chúa ngự trong con dân Chúa.

  • Sự con dân Chúa ở trong Đấng Christ và Đấng Christ ở trong con dân Chúa.

  • Sự Đức Cha và Đấng Christ làm ra chỗ ở với con dân Chúa.

  • Sự Đấng Christ ở trong Đức Cha và Đức Cha ở trong Đấng Christ.

  • Sự hiệp một của Ba Ngôi Thiên Chúa.

  • Sự hiệp một của vợ chồng.

  • Sự hiệp một của con dân Chúa trong Hội Thánh.

  • Sự hiệp một của Hội Thánh với Đấng Christ.

Sự hiện diện của Thiên Chúa: Danh từ “sự hiện diện” trong tiếng Hán Việt có nghĩa là sự có mặt. Thánh Kinh dùng các nhóm chữ: “sự hiện diện của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu”, “sự hiện diện của Thiên Chúa”, và “sự hiện diện của Ngài”. Thánh Kinh cho biết, Thiên Chúa có mặt khắp nơi:

Tôi sẽ đi đâu xa khỏi Thần Ngài? Tôi sẽ trốn đâu khỏi sự hiện diện của Ngài?” (Thi Thiên 139:7).

Danh từ Thần học gọi đó là đặc tính “toàn tại” của Thiên Chúa. Toàn tại có nghĩa là luôn luôn có mặt trong mọi nơi, trong mọi lúc.

Sự hiện diện của Thiên Chúa cần được hiểu là “sự quan sát” của Ngài, tức là sự nhìn biết của Ngài. Sự hiện diện hay sự nhìn biết của Thiên Chúa bao gồm hai phương diện: phương diện cục bộ và phương diện tổng quát.

Phương diện cục bộ diễn tả sự hiện diện của Thiên Chúa khi Ngài tương tác với ai đó trong một địa phương, như sự hiện diện của Thiên Chúa trong khu vườn ở phía đông của Ê-đen với A-đam và Ê-va (Sáng Thế Ký 3:8); sự hiện diện của Thiên Chúa trên đỉnh núi tại Si-na-i với dân I-sơ-ra-ên (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:11); sự hiện diện của Thiên Chúa khi Ngài phán dạy Môi-se và cho ông nhìn thấy sự vinh quang của Ngài (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:11-23); sự hiện diện của Thiên Chúa trong thành Giê-ru-sa-lem ở trên trời với Đấng Christ (Hê-bơ-rơ 9:24); sự hiện diện của Thiên Chúa trong thành Giê-ru-sa-lem trên đất mới đối với Hội Thánh (Khải Huyền 22:3-4)…

Phương diện tổng quát diễn tả sự luôn luôn hiện diện của Thiên Chúa trong mọi nơi và trong mọi lúc. Trong mọi nơi là trong bất cứ nơi chốn nào, bao gồm thế giới thuộc thể lẫn thế giới thuộc linh. Trong mọi lúc là trong bất kỳ lúc nào, bao gồm quá khứ, hiện tại, lẫn tương lai. Nói cách khác, từ đời đời cho tới đời đời, Thiên Chúa có mặt khắp nơi.

Minh họa dưới đây dù không hoàn hảo nhưng có thể giúp cho chúng ta phần nào hiểu được sự kiện: Thiên Chúa có mặt trong mọi nơi, trong mọi lúc nhưng cũng có mặt cách cục bộ với mỗi con dân của Ngài.

Kỹ thuật “Hiện Diện từ Xa” (TelePresence) còn gọi là “Kết Nối Hình Ba Chiều” (HoloConnect) là kỹ thuật giúp cho hai hay nhiều người cách xa nhau có thể nhìn thấy hình ba chiều của nhau trong khi trò chuyện [3]. Kỹ thuật này đang được dùng trong những cuộc họp của các công ty lớn. Giả sử tổng giám đốc của một công ty lớn từ trong văn phòng của ông, mở ra một cuộc họp “Hiện Diện từ Xa” với mười giám đốc đang ở trong văn phòng của họ tại mười quốc gia khác nhau. Vị tổng giám đốc cùng lúc nhìn thấy văn phòng của mười giám đốc, qua màn ảnh điện toán, như là ông đang có mặt tại các nơi đó. Cùng lúc, mỗi giám đốc đều nhìn thấy hình ba chiều của tổng giám đốc hiện ra trong không gian trước mặt họ, như là tổng giám đốc hiện diện cách cục bộ với họ.

Những người vô thần không hiểu rõ sự khác nhau của sự hiện diện tổng quát và sự hiện diện cục bộ của Thiên Chúa. Họ cũng không hiểu sự khác nhau giữa sự hiện diện và sự cư trú. Vì thế, có người đã đặt ra câu hỏi cắc cớ để làm khó con dân Chúa, như câu sau: “Nếu Thiên Chúa hiện diện khắp nơi thì Ngài có hiện diện trong con vi trùng đang làm cho bạn bị bệnh hay không?”

Con vi trùng và muôn vật đều ở trước sự hiện diện tổng quát của Thiên Chúa. Thiên Chúa không cần phải cư trú trong muôn vật để nhìn biết chúng.

Sự Thiên Chúa ngự trong con dân Chúa: Sự Thiên Chúa ngự trong con dân Chúa được Thánh Kinh nói đến trong các câu sau đây:

Các anh chị em chẳng biết rằng, các anh chị em là Đền Thờ của Thiên Chúa và Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời ở trong các anh chị em sao?” (I Cô-rinh-tô 3:16).

Nếu có ai phá hủy Đền Thờ của Đức Chúa Trời thì Đức Chúa Trời sẽ phá hủy người ấy. Vì Đền Thờ của Đức Chúa Trời là thánh, ấy là các anh chị em.” (I Cô-rinh-tô 3:17).

Các anh chị em chẳng biết rằng, thân thể của các anh chị em là Đền Thờ của Đức Thánh Linh, Đấng đang ngự trong các anh chị em, là Đấng mà các anh chị em có từ Thiên Chúa, và các anh chị em chẳng phải thuộc về chính mình sao?” (I Cô-rinh-tô 6:19).

Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời tức là Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh được Đức Chúa Trời ban cho mỗi con dân của Ngài trong thời kỳ Hội Thánh. Sự kiện Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời ở trong mỗi con dân Chúa là sự kiện Thiên Chúa cư trú trong thân thể xác thịt của mỗi con dân Chúa. Khi Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh ngự vào thân thể xác thịt của con dân Chúa thì Thánh Kinh gọi Ngài bằng danh hiệu Đức Thánh Linh, để phân biệt với linh của loài người là tâm thần; phân biệt với tà linh, là các thiên sứ phạm tội, nhập vào loài người. Vì trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ và Hy-lạp của Thánh Kinh, cùng một danh từ được dùng chung cho thân vị Thần Linh của Thiên Chúa, tâm thần của loài người, và tà linh.

Động từ “ở” (G3611) trong I Cô-rinh-tô 3:16 có nghĩa đen là cư trú hoặc đồng cư trú, tùy theo văn mạch. Qua Thánh Kinh, chúng ta biết, mỗi một người là một linh hồn, cư trú trong một thân thể thiêng liêng là tâm thần, và tâm thần cư trú trong một thân thể vật chất là xác thịt. Thân thể xác thịt của con dân Chúa là Đền Thờ của Thiên Chúa, và được gọi là Đền Thờ của Đức Thánh Linh để chỉ sự cư trú của Đấng Thần Linh trong thân thể xác thịt của họ. Vì thế, Đức Thánh Linh ngự trong con dân Chúa có nghĩa là Đức Thánh Linh đồng cư trú với linh hồn và tâm thần của con dân Chúa trong thân thể xác thịt của họ.


Minh họa sự đồng cư trú của Đức Thánh Linh trong thân thể xác thịt của con dân Chúa
Nguồn:
https://timhieutinlanh.com/thanhoc/

Con dân Chúa còn được gọi là Đền Thờ của Đức Chúa Trời để chỉ sự kiện Thiên Chúa trong thân vị Đức Chúa Trời cư trú trong linh hồn của mỗi con dân Chúa.

Thánh Kinh Cựu Ước cho chúng ta biết, cấu trúc của Đền Thờ chia làm ba phần, gọi là: hành lang của Đền Thờ, Nơi Thánh, và Nơi Rất Thánh. Hành lang của Đền Thờ tiêu biểu cho thân thể xác thịt của chúng ta. Nơi Thánh của Đền Thờ tiêu biểu cho Tâm Thần của chúng ta. Nơi Rất Thánh của Đền Thờ tiêu biểu cho Linh Hồn của chúng ta. Thân thể xác thịt của chúng ta trở thành chi thể của thân thể Đấng Christ, làm ra những việc công bình, tôn vinh Thiên Chúa. Tâm thần của chúng ta được dẫn dắt bởi Đức Thánh Linh, hiểu biết lẽ thật và hướng dẫn thân thể xác thịt thờ phượng Thiên Chúa trong lẽ thật. Linh hồn của chúng ta được đối diện với Đức Chúa Trời, vì Ngài ngự trong bản ngã của chúng ta. Nhờ đó, chúng ta được tiếp nhận ơn thương xót của Ngài và dâng lên Ngài lòng tôn kính, vâng phục của chúng ta.

Trong linh hồn của chúng ta, sự vinh quang của Đức Chúa Trời chiếu sáng và Ngài phán dạy trực tiếp với chúng ta. Sự thương xót của Ngài hiện diện trong linh hồn của chúng ta như Ngai Thương Xót hiện diện trong Nơi Rất Thánh của Đền Tạm. Mười Điều Răn của Ngài cũng là Giao Ước của Ngài với chúng ta hiện diện trong linh hồn của chúng ta như Rương Giao Ước có chứa hai bảng đá của Mười Điều Răn hiện diện trong Nơi Rất Thánh của Đền Tạm. Chính trong linh hồn của mình mà chúng ta được đến gần Ngai Ân Điển của Đức Chúa Trời khi chúng ta kêu cầu với Ngài:

Vậy, chúng ta hãy với sự dạn dĩ, đến gần Ngai Ân Điển, mà nhận sự thương xót và tìm được ân điển, để giúp chúng ta trong thì giờ có nhu cầu!” (Hê-bơ-rơ 4:16) [2].

Sự con dân Chúa ở trong Đấng Christ và Đấng Christ ở trong con dân Chúa: Lời của Đức Chúa Jesus Christ khẳng định:

Ta là gốc nho, các ngươi là những nhánh nho. Ai cứ ở trong Ta và Ta trong người ấy thì người ấy sinh ra lắm trái; vì ngoài Ta, các ngươi chẳng có thể làm được điều gì. Nếu ai chẳng cứ ở trong Ta người ấy bị ném ra ngoài, như một nhánh và nó bị khô đi. Người ta gom nhặt chúng và ném vào trong lửa, thì chúng bị cháy.” (Giăng 15:5-6).

Động từ “cứ ở” (G3306) có nghĩa đen là tiếp tục ở lại. Mỗi một con dân Chúa trong Hội Thánh được Đức Chúa Trời tái sinh trong Đấng Christ. Sự tái sinh ấy là một sự huyền nhiệm, khiến cho con dân Chúa được hiệp một với Đấng Christ. Sau khi một người được tái sinh trong Đấng Christ thì người ấy cần tiếp tục ở lại trong Đấng Christ, tức là tiếp tục hiệp một với Đấng Christ, để Đấng Christ ở trong họ. Sự kiện Đấng Christ ở trong con dân Chúa là sự kiện toàn bộ bản tính của A-đam sau cùng, bản tính của một người hoàn toàn thánh sạch, vô tội, tin kính và vâng phục Đức Chúa Trời từ thân vị loài người của Đấng Christ, truyền vào trong người được tái sinh trong Đấng Christ, và khiến người ấy được hiệp một với Ngài.

Sự con dân Chúa ở trong Đấng Christ và Đấng Christ ở trong con dân Chúa là nói về sự hiệp một, không phải nói về sự cư trú.

Hình ảnh của gốc nho và các nhánh nho giúp cho chúng ta hiểu rằng, sự con dân Chúa ở trong Đấng Christ và Đấng Christ ở trong con dân Chúa là sự hiệp một giữa Đấng Christ và con dân Chúa, khiến cho con dân Chúa được nhận đầy đủ phẩm chất cao quý, thánh khiết của Đấng Christ.

Thánh Kinh còn dùng hình ảnh nhánh ô-li-ve hoang được tháp vào trong gốc ô-li-ve tốt (Rô-ma 11:17) để diễn tả sự một người được tái sinh trong Đấng Christ và được hiệp một với Ngài.

Sự Đấng Christ ở trong con dân Chúa còn có ý nghĩa là thần trí của Đấng Christ ở trong tâm thần của con dân Chúa (Rô-ma 8:9).

Sự Đức Cha và Đấng Christ làm ra chỗ ở với con dân Chúa: Lời Đấng Christ phán:

Đức Chúa Jesus đáp lời, phán với ông: Nếu ai yêu Ta, người ấy sẽ vâng giữ những lời của Ta. Cha Ta sẽ yêu người ấy. Chúng ta sẽ đến với người ấy và làm ra chỗ ở của chúng ta với người ấy.” (Giăng 14:23).

Động từ “làm ra chỗ ở” (G4160 G3438) có nghĩa đen là làm ra hành động cư trú hoặc xây dựng nơi cư trú. Giới từ “với” (G3834) có nghĩa là gần, bên cạnh, với, cùng chung…

Những người yêu Đấng Christ và thể hiện tình yêu của mình đối với Đấng Christ bằng sự vâng lời Đấng Christ thì sẽ được Đức Chúa Trời yêu. Đức Chúa Trời và Đấng Christ sẽ làm ra chỗ ở với người ấy ngay trong cuộc đời này.

Hành động “làm ra chỗ ở” của Đức Chúa Trời được hiểu rằng, Đức Chúa Trời hiện diện cục bộ trong linh hồn của con dân Chúa. Hành động “làm ra chỗ ở” của Đấng Christ được hiểu rằng, Ngài luôn hiện diện cục bộ bên cạnh và đồng hành với con dân Chúa, như lời đã hứa trong Ma-thi-ơ 28:20.

Sự Đấng Christ trong Đức Cha và Đức Cha trong Đấng Christ: Lời Đấng Christ phán:

Ngươi không tin rằng, Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta sao? Những lời phán mà Ta nói với các ngươi, Ta chẳng nói bởi mình, nhưng Cha, Đấng ở trong Ta nói. Ngài làm những công việc.” (Giăng 14:10).

Sự Đấng Christ trong Đức Cha và Đức Cha trong Đấng Christ là sự hiệp một giữa Đấng Christ và Đức Chúa Trời. Chúng ta cần nhớ rằng, Đấng Christ là Thiên Chúa Ngôi Lời trong thân vị loài người. Vì thế, sự hiệp một được nói đến ở đây không phải là sự hiệp một giữa Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời với Thiên Chúa trong thân vị Đức Chúa Trời, mà là sự hiệp một giữa Đức Chúa Trời với con người Jesus. Sự hiệp một đó khiến cho toàn bộ những phẩm chất cao trọng của Đức Chúa Trời được truyền vào con người Jesus. Chính vì thế mà Đức Chúa Jesus đã nói:

Con đã ban cho họ sự vinh quang mà Ngài đã ban cho con để họ là một cũng như Chúng Ta là một.” (Giăng 17:22).

Sự vinh quang Đức Chúa Trời ban cho Đức Chúa Jesus khác với sự vinh quang vốn có của Đức Chúa Jesus trong thân vị Thiên Chúa Ngôi Lời. Sự vinh quang trong thân vị Thiên Chúa Ngôi Lời là sự vinh quang đồng tự có và bình đẳng với Đức Chúa Trời, với Đấng Thần Linh:

Vào lúc ban đầu, hằng có Ngôi Lời. Ngôi Lời hằng có cùng Đức Chúa Trời. Ngôi Lời hằng là Thiên Chúa. Vào lúc ban đầu, Đấng ấy hằng có cùng Đức Chúa Trời.” (Giăng 1:1-2).

Cha ôi! Bây giờ, xin Ngài tôn vinh con bên cạnh chính Ngài, bằng sự vinh quang con vẫn có bên cạnh Ngài, trước khi thế gian thực hữu.” (Giăng 17:5).

Lời phán của Đức Chúa Jesus được ghi lại trong Giăng 10:30 “Ta và Cha, Chúng Ta là một” cũng là lời khẳng định sự hiệp một giữa Đức Chúa Trời với thân vị loài người mang tên Jesus.

Sự hiệp một giữa Đức Chúa Trời và thân vị loài người mang tên Jesus giúp cho chúng ta hiểu rằng, tất cả những gì Đức Chúa Jesus nói và làm là hoàn toàn theo thánh ý của Đức Chúa Trời, bởi thẩm quyền và năng lực của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Jesus hoàn toàn đặt mình vào trong sự vâng phục trọn vẹn Đức Chúa Trời để con người Jesus trở thành công cụ nói ra những gì Đức Chúa Trời muốn phán với loài người, và làm ra những việc lành Đức Chúa Trời muốn làm cho loài người.

Sự hiệp một của Ba Ngôi Thiên Chúa: Qua Thánh Kinh, chúng ta đã học biết, chỉ có một Thiên Chúa tự thực hữu trong ba thân vị, còn gọi là ba ngôi. Danh xưng chung của Thiên Chúa là “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu”, có nghĩa là Đấng tự có và có mãi. Danh xưng riêng của mỗi thân vị Thiên Chúa là: Đức Chúa Trời, Ngôi Lời, và Đấng Thần Linh. Trong sự tương giao giữa Thiên Chúa và những người thuộc về Ngài thì danh xưng riêng của mỗi thân vị còn là: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh. Để biết thêm chi tiết về Ba Ngôi Thiên Chúa xin quý ông bà anh chị em vui lòng đọc và nghe lại loạt bài giảng về Thiên Chúa, đã được đăng trên khu mạng timhieuthankinh.com [4].

Sự hiệp một của Ba Ngôi Thiên Chúa hàm ý ba thân vị của Thiên Chúa có cùng một bản thể Thiên Chúa; cùng tự có và cùng có mãi; cùng toàn năng và bình đẳng, bình quyền.

Mệnh lệnh của Đức Chúa Jesus Christ về sự làm báp-tem cho người tin nhận Tin Lành được ghi lại trong Ma-thi-ơ 28:19 giúp cho chúng ta hiểu sự hiệp một của Ba Ngôi Thiên Chúa, khi danh của Thiên Chúa, tức danh “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu” được dùng chung cho ba thân vị Thiên Chúa:

Vậy, hãy đi! Các ngươi hãy khiến cho muôn dân trở nên môn đồ của Ta. Hãy báp-tem họ vào trong danh của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh…” (Ma-thi-ơ 28:19).

Sự hiệp một của Ba Ngôi Thiên Chúa là sự hiệp một bản thể và bản tính của ba thân vị Thiên Chúa. Còn sự hiệp một giữa Đức Chúa Trời và Đấng Christ là sự kết nối để con người Jesus có được phẩm chất, năng lực, và thẩm quyền của Đức Chúa Trời, để nói và hành động như Đức Chúa Trời và được mang danh hiệu “Đức Chúa Trời” (Hê-bơ-rơ 1:8-9).

Sự hiệp một của vợ chồng: Chúng ta đã biết, vào buổi đầu sáng thế, Thiên Chúa đã dựng nên loài người với hai thân vị: một thân vị nam và một thân vị nữ. Thân vị nữ được tạo thành bằng một phần của thân vị nam. Sau đó, hai thân vị ấy kết hiệp với nhau thành vợ chồng, và sinh ra dòng dõi của loài người. Vì thế, trong thuật ngữ Thần học, chúng ta nói rằng: Thiên Chúa chỉ dựng nên có một loài người với hai thân vị. Từ hai thân vị ấy sinh ra nhiều thân vị khác của loài người. Thánh Kinh chép:

Sáng Thế Ký 2:21-24

21 Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu khiến một cơn ngủ mê giáng trên loài người. Người ngủ. Rồi, Ngài lấy một phần từ nơi hông ra, và lấp thịt thế vào.

22 Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu dùng phần bên hông mà Ngài đã lấy nơi loài người, để làm nên một người nữ, rồi đưa nàng đến cùng loài người.

23 Loài người nói rằng: Giờ đây, này là xương của xương tôi, thịt của thịt tôi. Nàng sẽ được gọi là người nữ, vì nàng đã được lấy ra từ người nam.

24 Bởi vậy, người nam sẽ lìa cha mẹ của mình mà gắn bó với vợ của mình; và họ sẽ nên một thịt. [Ma-thi-ơ 19:4-6; Mác 10:7-8; Ê-phê-sô 5:31]

Qua các câu Thánh Kinh trên đây, chúng ta thấy, thân thể xác thịt của người nữ ra từ thân thể xác thịt của người nam, vì thế, người nữ và người nam dù là hai thân vị khác nhau nhưng có cùng một bản thể loài người.

Nhóm chữ “sẽ nên một thịt” có nghĩa là sẽ hiệp một với nhau về phần thân thể xác thịt. Sự hiệp một này xảy ra bởi sự quan hệ tình dục. Kết quả của sự nên một thịt đó là phương cách để lưu truyền dòng dõi của loài người.

Khi sự hiệp một của vợ chồng đã xảy ra thì thân thể xác thịt của mỗi người không còn thuộc về riêng mình nữa, mà thuộc về lẫn nhau:

Chồng hãy làm hết bổn phận về tình dục đối với vợ, và vợ đối với chồng cũng vậy. Vợ không có quyền tự chủ về thể xác của mình, mà là chồng. Chồng cũng vậy, không có quyền tự chủ về thể xác của mình, mà là vợ. Các anh chị em đừng từ chối nhau sự quan hệ tình dục, trừ khi cùng bằng lòng dành một thời gian để các anh chị em chuyên việc kiêng ăn và cầu nguyện, rồi trở lại cùng nhau, để Sa-tan không cám dỗ các anh chị em vì sự thiếu kiềm chế của các anh chị em.” (I Cô-rinh-tô 7:3-5).

Chính vì sự hiệp một của thân thể xác thịt xảy ra bởi sự quan hệ tình dục nên Thánh Kinh khuyên con dân Chúa tránh xa sự phạm tà dâm:

I Cô-rinh-tô 6:15-18

15 Các anh chị em chẳng biết rằng, thân thể của các anh chị em là các chi thể của Đấng Christ sao? Vậy, tôi có nên lấy các chi thể của Đấng Christ mà làm thành các chi thể của điếm đĩ? Không thể làm vậy!

16 Hay là các anh chị em chẳng biết rằng, ai kết hiệp với điếm đĩ thì trở nên một thân thể với nó sao? Vì Ngài phán: Hai người sẽ trở nên một thịt. [Sáng Thế Ký 2:24]

17 Còn ai kết hiệp với Chúa thì trở nên một thể thiêng liêng với Ngài.

18 Hãy tránh xa sự tà dâm! Mỗi một tội mà người ta làm đều ở ngoài thân thể; nhưng kẻ phạm tà dâm thì phạm tội nghịch lại chính thân thể mình.

Về phương diện thuộc linh, nếu vợ chồng đều là con dân của Chúa thì họ đã hiệp một thuộc linh, vì họ đã hiệp một với nhau trong Hội Thánh. Nếu vợ và chồng đều không tin Chúa, sau đó, một trong hai người tin Chúa, thì họ chỉ có sự hiệp một về thuộc thể nhưng không có sự hiệp một về thuộc linh, cho tới khi cả hai cùng tin Chúa.

Sự hiệp một của con dân Chúa trong Hội Thánh: Sự hiệp một của con dân Chúa trong Hội Thánh là sự hiệp một có được nhờ mỗi con dân Chúa đều được hiệp một với Đấng Christ:

Vì như trong một thân chúng ta có nhiều chi thể, và hết thảy các chi thể không có cùng công việc như nhau; thì cũng vậy, chúng ta là nhiều người nhưng là một thân trong Đấng Christ, và mỗi người là chi thể của người khác.” (Rô-ma 12:4-5).

Các anh chị em là thân của Đấng Christ, và là các chi thể của từng phần.” (I Cô-rinh-tô 12:27).

Vì chúng ta là các chi thể của thân Ngài, của thịt Ngài, và của xương Ngài.” (Ê-phê-sô 5:30).

Và mỗi con dân Chúa cũng hiệp một với nhau trong sự vinh quang Đức Chúa Trời đã ban cho Đấng Christ và được Đấng Christ ban cho Hội Thánh:

Con đã ban cho họ sự vinh quang mà Ngài đã ban cho con để họ là một cũng như Chúng Ta là một.” (Giăng 17:22).

Vì thế, sự hiệp một của con dân Chúa trong Hội Thánh là sự cùng ở trong Hội Thánh, có cùng một ân điển, có cùng một đức tin, có cùng một sự hiểu biết, có cùng một tâm tình, có cùng một hy vọng, và có cùng một tình yêu:

Chỉ có một thân thể, một thần trí, như các anh chị em đã được gọi vào trong một sự trông cậy của sự kêu gọi các anh chị em.” (Ê-phê-sô 4:4).

Vậy, nếu có sự khích lệ trong Đấng Christ, nếu có sự an ủi của tình yêu, nếu có sự thông công của thần trí, nếu có sự đồng cảm và lòng thương xót, thì các anh chị em hãy cùng một tâm tình với nhau, có cùng một tình yêu, cùng một linh hồn của một tâm trí, mà làm cho tôi vui mừng trọn vẹn.” (Phi-líp 2:1-2).

Sự hiệp một của Hội Thánh với Đấng Christ: Sự hiệp một của Hội Thánh với Đấng Christ là một sự huyền nhiệm. Hiện tại, bản ngã là linh hồn và thân thể thiêng liêng là tâm thần của mỗi người trong Hội Thánh đã hiệp một với Đấng Christ. Nhờ đó, mỗi người đều có thần trí của Đấng Christ:

Nhưng các anh chị em không ở trong xác thịt mà ở trong thần trí, nếu thần trí của Thiên Chúa thật ở trong các anh chị em. Nếu ai không có thần trí của Đấng Christ, thì người ấy chẳng thuộc về Ngài.” (Rô-ma 8:9).

Nhưng phần thân thể vật chất là xác thịt thì sẽ được hiệp một với Đấng Christ trong ngày Lễ Cưới của Chiên Con (Khải Huyền 19:7-9), sau khi thân thể xác thịt được phục sinh hoặc được biến hóa.

Đấng Christ là một thân vị Thiên Chúa có thân vị loài người. Hội Thánh là một thực thể bao gồm nhiều thân vị loài người. Mỗi thân vị loài người trong Hội Thánh là một người.

Sự hiệp một thuộc linh của mỗi người trong Hội Thánh với Đấng Christ là sự linh hồn cùng tâm thần của mỗi người được kết nối với Đấng Christ, nhận lãnh mọi phẩm chất, năng lực, và thẩm quyền của Đấng Christ.

Sự hiệp một thuộc thể của mỗi người trong Hội Thánh với Đấng Christ có thể được hiểu rằng, mỗi một người sẽ nhận lãnh một phần thân xác phục sinh của Đấng Christ khi thân thể xác thịt của họ được phục sinh hoặc được biến hóa. Tương tự như thân thể xác thịt của Ê-va ra từ một phần thân thể xác thịt của A-đam. Nhưng mức độ vinh quang và quyền đồng trị với Đấng Christ của mỗi người sẽ khác nhau, tùy theo những việc làm công bình của mỗi người khi còn sống trong thân thể xác thịt hiện tại. Đó cũng chính là phần thưởng mỗi người trong Hội Thánh sẽ nhận được ngay trong ngày Đấng Christ đến để đem Hội Thánh vào trong thiên đàng (I Cô-rinh-tô 3:10-15; Khải Huyền 19:8; 22:12).

Sự hiệp một trọn vẹn từ thuộc thể đến thuộc linh của Đấng Christ và Hội Thánh sẽ được đánh dấu bằng Lễ Cưới của Chiên Con.

Kính thưa Hội Thánh,

Chúng tôi mong rằng, bài giảng này sẽ giúp cho quý ông bà anh chị em được hiểu biết càng hơn về Lời Chúa, khi hiểu được ý nghĩa của một số thuật ngữ Thần học. Tuy nhiên, chúng ta cần tránh xa những ý tưởng Thần học của các giáo hội, là những ý tưởng đã bị ảnh hưởng bởi các giáo lý sai nghịch Lời Chúa.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
03/04/2021

Ghi Chú

[1] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-sang-the-ky-01_26-31/

[2] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-i-co-rinh-to-316-23-0619-20-khai-niem-sai-lam-ve-mon-do-cua-dang-christ-phan-2/

[3] https://www.youtube.com/watch?v=E5KP8ULjIIM

[4] https://timhieuthanhkinh.com/nhung-bai-can-doc-nghe-truoc/

Karaoke Thánh Ca: “Tôi Lặng Yên”
https://karaokethanhca.net/toi-lang-yen/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/