Huỳnh Christian Timothy
Dẫn Nhập
Thời gian gần đây, tin tức về thiên tai, dịch bệnh, sự suy sụp kinh tế toàn cầu, và tiếng đồn về chiến tranh ngày càng dồn dập, nhất là tình trạng khủng hoảng lớn về chính trị và quân sự tại Trung Đông lẫn Biển Đông, khiến cho phần lớn con dân Chúa có cảm tưởng là ngày Đức Chúa Jesus Christ trở lại để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian đã rất gần. Thêm vào đó, cũng trong thời gian gần đây, nhiều con dân Chúa có chiêm bao hoặc khải tượng về sự được Chúa cất lên hoặc về những cảnh trạng của kỳ tận thế, càng khiến cho nhiều người quan tâm về thời kỳ Chúa đến.
Dù không có những tin tức thời sự hay những chiêm bao, khải tượng báo hiệu ngày Chúa đến đã gần, thì sự quan tâm về thời kỳ Chúa đến và sống trong tư thế chuẩn bị gặp Chúa là điều mà Thánh Kinh truyền cho chúng ta. Đức Chúa Jesus Christ dạy chúng ta hãy tỉnh thức về ngày đó. Lý do con dân Chúa cần phải tỉnh thức được chính Đức Chúa Jesus Christ đưa ra: Vì chúng ta không biết ngày nào hoặc giờ nào Chúa đến.
“Vậy hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày nào Chúa mình sẽ đến”(Ma-thi-ơ 24:42).
“Vậy, hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày, cũng không biết giờ”(Ma-thi-ơ 25:13).
“Hãy giữ mình, tỉnh thức; vì các ngươi chẳng biết kỳ đó đến khi nào”(Mác 13:33).
Sự Trông Cậy Hạnh Phước
Thánh Kinh gọi sự kiện Chúa đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian là sự trông cậy hạnh phước (Tít 2:13); và khuyên chúng ta hãy dùng những lời tiên tri về sự Chúa đến mà an ủi lẫn nhau (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:18). Vì thế, việc luôn nhắc nhau về sự Chúa đến là điều đẹp ý Chúa và cần được làm luôn trong Hội Thánh. Khi Đức Chúa Jesus Christ truyền cho chúng ta dự Tiệc Thánh để nhớ đến Ngài, chắc rằng không phải Ngài muốn chúng ta chỉ nhớ đến tình yêu của Ngài đối với chúng ta qua sự Ngài đã hy sinh cứu chuộc chúng ta, mà còn là nhớ đến lời hứa về sự Ngài sẽ trở lại để đem chúng ta đi ở với Ngài (Giăng 14:2).
Mặc dù không ai có thể biết được ngày và giờ Chúa trở lại, nhưng chúng ta có thể biết ngày Chúa đến đã gần. Sự biết ấy do chính Đức Thánh Linh cảm thúc trong lòng của chúng ta và được ấn chứng bởi những lời tiên tri về thời kỳ cuối cùng được ứng nghiệm. Riêng đối với một số người trong Hội Thánh, họ còn có sự ấn chứng riêng của Chúa trong chiêm bao và khải tượng, như đã được tiên tri từ hơn 2,600 năm trước trong Giô-ên 2:28 và được nhắc lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ 2:17.
Ngày Chúa Trở Lại và Ngày Chúa Giáng Lâm Trên Đất
Ma-thi-ơ 24 ghi lại những lời Đức Chúa Jesus Christ trả lời cho các môn đồ, khi họ hỏi Chúa về điềm thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị hủy diệt, điềm Chúa đến, và điềm tận thế. Chúng ta có thể bố cục Ma-thi-ơ đoạn 24 như sau:
- Từ câu 1 đến câu 2: Các môn đồ chỉ cho Chúa xem sự nguy nga của đền thờ tại thành Giê-ru-sa-lem và Chúa tiên tri về sự đền thờ sẽ bị hủy diệt.
- Câu 3: Các môn đồ hỏi Chúa (1) Khi nào sự hủy diệt đền thờ sẽ xảy ra? (2) Có điềm gì chỉ về sự Chúa đến? (3) Có điềm gì chỉ về sự tận thế?
- Từ câu 4 đến câu 13: Những điều sẽ xảy ra trước khi Chúa đến (điềm Chúa đến).
- Từ câu 14 đến câu 15: Những điều sẽ xảy ra trước khi tận thế (điềm tận thế).
- Từ câu 16 đến câu 31: Những điều sẽ xảy ra trong kỳ tận thế.
- Từ câu 32 đến câu 42: Ngụ ngôn về cây vả, ngụ ngôn về kỳ nước lụt, sự Chúa cất Hội Thánh ra khỏi thế gian.
- Từ câu 43 đến câu 51: Ngụ ngôn về đầy tớ tốt và đầy tớ xấu, lời cảnh cáo của Chúa dành cho những người chăn bầy.
Ma-thi-ơ không ghi lại câu trả lời của Chúa về sự đền thờ bị hủy diệt, nhưng Lu-ca thì ghi lại rõ ràng trong Lu-ca 21:20-24. Qua sự bố cục trên đây, chúng ta thấy: Ngày Chúa trở lại để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian trước khi Chúa phán xét thế gian, khác với ngày Chúa tái lâm trên đất để kết thúc cuộc phán xét thế gian.
Ngày Chúa trở lại để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian trước khi Chúa phán xét thế gian, thì Chúa không giáng lâm trên đất, mà Ngài chỉ giáng lâm giữa chốn không trung, rồi Hội Thánh được cất lên không trung mà gặp Chúa giữa đám mây:
“Vả, nầy là điều chúng tôi nhờ lời Chúa mà rao bảo cho anh em: chúng ta là kẻ sống, còn ở lại cho đến kỳ Chúa đến, thì không lên trước những người đã ngủ rồi. Vì sẽ có tiếng kêu lớn và tiếng của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Thiên Chúa, thì chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống; bấy giờ những kẻ chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước hết. Kế đến chúng ta là kẻ sống, mà còn ở lại, sẽ cùng nhau đều được cất lên với những người ấy giữa đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa, như vậy chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn. Thế thì, anh em hãy dùng lời đó mà yên ủi nhau”(I Tê-sa-lô-ni-ca 4:15-18).
Ngày đó sẽ đến thình lình, trong khi thế gian vẫn lo vui chơi, ăn uống, cưới gả như ngày trước cơn nước lụt:
“Trong đời Nô-ê thể nào, khi Con người đến cũng thể ấy. Vì trong những ngày trước nước lụt, người ta ăn, uống, cưới, gả như thường cho đến ngày Nô-ê vào tàu, và người ta không ngờ chi hết cho đến khi nước lụt tới mà đùa đem đi hết thảy, khi Con người đến cũng như vậy. Lúc ấy, sẽ có hai người nam ở trong một đồng ruộng, một người được đem đi, còn một người bị để lại; và có hai người nữ đương xay cối, một người được đem đi, còn một người bị để lại”(Ma-thi-ơ 24:37-41).
Ngày Chúa tái lâm trên đất để kết thúc cuộc phán xét thế gian, sẽ xảy ra sau thời kỳ bảy năm đại nạn. Ngày đó có thể tính được, sẽ là 2,520 ngày sau ngày Anti-Christ ký hòa ước bảy năm với các nước (Đa-ni-ên 9:27). Khi đó, toàn thế gian đang ở trong cơn đại nạn chưa từng có và sẽ không bao giờ có nữa trong lịch sử loài người (Ma-thi-ơ 24:21), khi đó, không thể có chuyện thế gian đang vui chơi, ăn uống, cưới gả như thường lệ. Khi đó:
- Anti-Christ đã lên ngôi chung một giờ với 10 vua liên minh cùng Anti-Christ (Khải Huyền7:12).
- Một phần ba đất đã bị cháy, một phần ba cây cối đã bị cháy và tất cả cỏ xanh đã bị hủy diệt (Khải Huyền 8:7).
- Nước của một phần ba biển đã biến ra máu hoặc là như máu (chữ “aima,” G129, trong tiếng Hy-lạp có nghĩa là “máu” hoặc “giống như máu”) sau khi một thiên thạch cháy rực như một khối lửa, rơi xuống biển (Khải Huyền 8:8).
- Một phần ba sinh vật trong biển đã bị chết và một phần ba tàu bè trong biển đã bị hủy diệt (Khải Huyền 8:9)
- Nước của một phần ba các sông lớn và suối nước đã trở nên đắng, làm cho nhiều người chết, sau khi một thiên thạch vỡ tung và rơi trên các nguồn nước (Khải Huyền 8:10-11).
- Một phần ba mặt trời, mặt trăng, cùng các ngôi sao đã bị hại và chúng đã bị mất đi một phần ba sức chiếu sáng (Khải Huyền 8:12).
- Một phần ba dân số của địa cầu đã bị giết (trên hai tỷ người) bởi các tà linh từ vực sâu không đáy được thả ra (Khải Huyền 9:18).
- Hai chứng nhân cuối cùng của Chúa đã làm chứng về Chúa tại Giê-ru-sa-lem, trong suốt 1,260 ngày, đã bị giết, đã sống lại và đã thăng thiên trước sự chứng kiến của mọi dân tộc trên đất (Khải Huyền 11:3-12).
- Một phần mười của thành Giê-ru-sa-lem đã bị đổ xuống và có bảy ngàn người chết trong cơn động đất đã xảy ra cùng lúc hai nhân chứng của Chúa sống lại và thăng thiên (Khải Huyền 11:13).
- Tin Lành đã được rao giảng cho muôn dân trên đất bởi một thiên sứ bay giữa trời (Khải Huyền 14:6), để ứng nghiệm lời phán của Đức Chúa Jesus Christ trong Ma-thi-ơ 24:14 “Tin Lành nầy về vương quốc sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến.”
- Bảy tai nạn sau cùng trong cơn đại nạn, như được ghi lại trong Khải Huyền 16 đã xảy ra.
- Ba-by-lôn lớn đã bị hủy diệt bởi Anti-Christ (Khải Huyền 17, 18).
- Quân đội của mọi dân tộc nghe theo lời Anti-Christ đang tụ tập tại Ha-ma-ghê-đôn, chuẩn bị tấn công thành Giê-ru-sa-lem (Khải Huyền 16:14-16).
Đức Chúa Jesus Christ sẽ cùng với Hội Thánh giáng lâm trên núi Ô-li-ve, đối diện thành Giê-ru-sa-lem, để tiêu diệt mọi thế lực gian ác của loài người, ném Anti-Christ và tiên tri giả đang còn sống vào trong hỏa ngục (Khải Huyền 19:20-21), giam Sa-tan lại trong vực sâu 1,000 năm (Khải Huyền 20:1-2), rồi thiết lập Vương Quốc Ngàn Năm của Ngài trên đất (Khải Huyền 20:6).
Những Dấu Hiệu Cho Biết Ngày Chúa Trở Lại Đã Gần
Dù không ai có thể biết chính xác ngày, giờ Chúa trở lại để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, nhưng có nhiều dấu hiệu giúp cho con dân Chúa nhận biết ngày Chúa trở lại đã gần, có thể là ngay trong thế hệ hiện tại của chúng ta. Các dấu hiệu đó đã được tiên tri trước trong Thánh Kinh và có thể chia thành hai loại:
1. Dấu hiệu chung cho toàn thế gian: Bao gồm những sự sau đây:
- “Vì nhiều người sẽ mạo danh Ta đến mà nói rằng: Ta là Đấng Christ; và sẽ dỗ dành nhiều người”(Ma-thi-ơ 24:5)
- “Các ngươi sẽ nghe nói về giặc và tiếng đồn về giặc: hãy giữ mình, đừng bối rối, vì những sự ấy phải đến; song chưa là cuối cùng đâu”(Ma-thi-ơ 24:6).
- “Dân nầy sẽ dấy lên nghịch cùng dân khác, nước nọ nghịch cùng nước kia”(Ma-thi-ơ 24:7)…
- “…Nhiều chỗ sẽ có đói kém và động đất”(Ma-thi-ơ 24:7).
- “Nhiều tiên tri giả sẽ nổi lên và dỗ dành lắm kẻ”(Ma-thi-ơ 24:11).
- “…Tội ác sẽ thêm nhiều”(Ma-thi-ơ 24:12)…
- Có thể Anti-Christ sẽ hiện ra: “Mặc ai dùng cách nào, cũng đừng để họ lừa dối mình. Vì phải có sự bỏ đạo đến trước, và có người tội ác, con của sự hư mất hiện ra, tức là kẻ đối địch, tôn mình lên trên mọi sự mà người ta xưng là Đức Chúa Trời hoặc người ta thờ lạy, rất đỗi ngồi trong đền Đức Chúa Trời, chính mình tự xưng là Đức Chúa Trời” (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:3). Chữ “hiện ra” trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa là “được bày ra cho thấy” và được nhắc lại trong II Tê-sa-lô-ni-ca 2:8: “Hiện nay anh em biết rõ điều làm ngăn trở nó, hầu cho nó chỉ hiện ra đúng kỳ nó thôi,” hàm ý sẽ có một biến cố nào đó khiến cho mọi người nhận biết Anti-Christ. Có thể đó chính là sự kiện Anti-Christ lên ngôi cùng một giờ với 10 vua trong một thể chế chính trị toàn cầu (Khải Huyền 17:12). Điều có thể xảy ra là sẽ có một sự thay đổi lớn trong tổ chức Liên Hiệp Quốc: Chức vụ “tổng thư ký” sẽ đổi thành “Tổng Thống Liên Hiệp Quốc,” và thế giới sẽ bị chia thành 10 khu vực ở dưới quyền cai trị của 10 “Đặc Sứ Liên Hiệp Quốc,” mà sách Khải Huyền gọi là 10 vua. Mười đặc sứ này sẽ trao quyền của mình cho Anti-Christ như đã được tiên tri trong Khải Huyền 17:13.
2 Dấu hiệu riêng cho con dân Chúa: Đối với tuyển dân I-sơ-ra-ên là sự tái lập quốc trên vùng đất Ca-na-an. Đối với Hội Thánh là sự bách hại đức tin và sự bội Đạo lớn.
- Sự tái lập quốc của dân I-sơ-ra-ên: “Ai đã hề nghe một sự thể nầy? Ai đã hề thấy sự gì giống như vậy? Nước há dễ sanh ra trong một ngày, dân tộc há dễ sanh ra trong một chặp? Mà Si-ôn mới vừa nằm nơi, đã sanh con cái” (Ê-sai 66:8). “Hãy nghe lời ví dụ về cây vả, vừa lúc nhành non, lá mới đâm, thì các ngươi biết mùa hạ gần tới. Cũng vậy, khi các ngươi thấy mọi điều ấy, khá biết rằng Con người gần đến, Ngài đương ở trước cửa. Quả thật, ta nói cùng các ngươi, dòng dõi nầy chẳng qua trước khi mọi điều kia chưa xảy đến” (Ma-thi-ơ 24:32-34).
Thánh Kinh thường dùng cây vả để tiêu biểu cho dân I-sơ-ra-ên. Sau hơn 2,500 năm mất nước, dân I-sơ-ra-ên đã tuyên bố tái lập quốc vào thứ sáu, ngày 14 tháng 5 năm 1948, với khoảng 600,000 dân trên vùng đất mà Thiên Chúa đã hứa ban cho họ. Chỉ trong một ngày, Hoa Kỳ, cường quốc số một trên thế giới đã công nhận tư cách quốc gia của I-sơ-ra-ên. Dựa vào ngụ ngôn về cây vả, chúng ta có thể hiểu rằng: năm 1948 cây vả I-sơ-ra-ên đã được Đức Chúa Trời trồng trở lại vào trong vùng đất Ngài đã ban cho họ. Năm 1967, trong cuộc chiến sáu ngày, từ ngày 5 tháng 6 đến ngày 10 tháng 6, I-sơ-ra-ên đã đánh bại liên minh Ả-rập, bao gồm: Ai-cập, Sy-ri, và Giô-đanh, chiếm toàn quyền kiểm soát trên các vùng đất Gaza, West Bank, Si-na-i, Cao Nguyên Golan, và toàn bộ thành Giê-ru-sa-lem. Sự kiện đó có thể được xem là sự kiện cây vả I-sơ-ra-ên nảy nhành và đâm lá. Nếu một thế hệ của loài người là 70 năm theo như Thi Thiên 90:10 xác định, thì tất cả các lời tiên tri về ngày Chúa đến phải được ứng nghiệm trước tháng sáu năm 2037, là thời điểm cuối cùng của thế hệ được sinh ra vào tháng sáu năm 1967, lúc cây vả I-sơ-ra-ên nứt lộc.
- Sự con dân Chúa bị bách hại: “Bấy giờ, người ta sẽ nộp các ngươi trong sự hoạn nạn và giết đi; các ngươi sẽ bị mọi dân ghen ghét vì danh Ta” (Ma-thi-ơ 24:9). “Đừng sợ những điều ngươi sẽ chịu khổ! Kìa, Ma Quỷ sẽ ném một số các ngươi vào tù để các ngươi chịu thử thách và các ngươi sẽ có mười ngày hoạn nạn. Hãy trung tín cho đến chết và Ta sẽ ban cho ngươi mão sự sống” (Khải Huyền 2:10).
Nếu sự kiện Anti-Christ lên ngôi xảy ra trước khi Chúa đến với Hội Thánh thì khoảng thời gian từ ngày Anti-Christ lên ngôi cùng với 10 đặc sứ, mà Khải Huyền gọi là 10 vua, cho đến ngày Anti-Christ ký hòa ước bảy năm với các nước, có thể kéo dài chỉ 10 ngày, nhưng cũng có thể là 10 năm. Trong suốt khoảng thời gian đó, Hội Thánh sẽ bị bắt bớ bởi chính quyền toàn cầu của Anti-Christ. Chúng ta nên nhớ là Hội Thánh sẽ được Chúa đem ra khỏi thế gian trước khi bảy năm đại nạn bắt đầu, và bảy năm đại nạn chỉ bắt đầu khi Anti-Christ ký hòa ước với các quốc gia.
- Sự bội Đạo lớn trong Hội Thánh: “Khi ấy cũng có nhiều kẻ sẽ sa vào chước cám dỗ, phản nghịch nhau, và ghen ghét nhau” (Ma-thi-ơ 24:10). “Mặc ai dùng cách nào, cũng đừng để họ lừa dối mình. Vì phải có sự bỏ Đạo đến trước” (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:3)… Sự bội Đạo xảy ra dưới hai hình thức: (1) Con dân Chúa không sẵn lòng chịu khổ vì danh Chúa; (2) Con dân Chúa thiếu hiểu biết Lời Chúa mà sa vào tà giáo.
Sự bội Đạo lúc nào cũng xảy ra trong Hội Thánh nhưng khi Thánh Kinh dùng sự bội Đạo làm dấu hiệu cho ngày Chúa đến, thì sự bội Đạo đó phải có một đặc tính khác với các sự bội Đạo đã xảy ra. Đặc tính đó chính là tính cách toàn cầu với số người bội Đạo nhiều nhất trong lịch sử. Nhìn vào hiện trạng của Hội Thánh chúng ta thấy rõ hình thức bội Đạo vì theo tà giáo đang xảy ra khắp nơi.
Ngay từ những năm đầu của thế kỷ 20, bắt đầu với sự kiện được gọi là “Cuộc Phục Hưng Phố Azuza” (Azuza Street Revival) tại Los Angeles, Hoa Kỳ, vào ngày 14 tháng 4 năm 1906, các Phong Trào Ân Tứ và Ngũ Tuần đã nổi lên cực thịnh với các hiện tượng “phép lạ,” “nói tiếng lạ,” “say Thánh Linh,” “đặt tay té ngã…” kèm theo vô số những giáo lý sai nghịch với Thánh Kinh. Bên cạnh đó, các phong trào phủ nhận thần tính của Đức Chúa Jesus Christ, phủ nhận thẩm quyền tuyệt đối của Thánh Kinh, phủ nhận đồng tính luyến ái là tội lỗi, cùng với Phong Trào Tin Lành Thịnh Vượng (Prosperity Gospel Movement), Phong Trào Lời Đức Tin (Word Faith Movement), Phong Trào Sống Theo Đúng Mục Đích (Purpose Driven Life Movement), Phong Trào Hội Thánh Theo Đúng Mục Đích (Purpose Driven Church Movement), Phong Trào Hiệp Nhất (Ecumenical Movement), và nhất là các phong trào hội nhập văn hóa đã lan rộng và ảnh hưởng sâu đậm trong đời sống đức tin của con dân Chúa, dẫn dắt họ đi vào nếp sống nghịch lại Lời Chúa.
Cuộc Chiến Trung Đông Theo Thi Thiên 83 Có Thể Xảy Ra Trước Khi Chúa Đến
Theo ý nghĩa về ngụ ngôn của cây vả được trình bày trên đây thì từ nay, năm 2012, cho đến ngày Chúa đến, còn nhiều lắm là 25 năm. Nếu kể rằng sự Anti-Christ ra đời là sự “hiện ra” của Anti-Christ, (tương tự với sự giáng sinh của Đức Chúa Jesus là sự “hiện ra” của Thiên Chúa trong xác thịt), thì Chúa có thể đến để cất Hội Thánh ra khỏi thế gian bất cứ lúc nào, ngay từ giờ phút này. Nếu kể rằng sự bắt đầu cầm quyền của Anti-Christ là sự “hiện ra” của Anti-Christ, (tương tự với sự Đức Chúa Jesus chịu báp-tem để nhận chức vụ Đấng Christ), thì Chúa sẽ đến để cất Hội Thánh ra khỏi thế gian bất kỳ lúc nào, trong khoảng thời gian từ khi Anti-Christ và 10 vua lên ngôi cho đến khi Anti-Christ ký hòa ước bảy năm với các nước.
Nếu sự kiện Anti-Christ và 10 vua lên ngôi phải xảy ra trước khi Chúa đến, thì chắc chắn chúng ta sẽ nhìn thấy cuộc chiến Trung Đông, được tiên tri khoảng 2,700 năm trước trong Thi Thiên 83 và Ê-sai 17, xảy ra. Và như vậy, đó là sự thương xót lớn của Đức Chúa Trời dành cho Hội Thánh của Ngài. Bởi vì, đó sẽ là dấu hiệu cuối cùng để những con dân Chúa có đời sống thuộc linh “hâm hẫm” ăn năn tội và hết lòng sống cho Chúa. Những ai không ăn năn sẽ bị Chúa mửa ra (Khải Huyền 3:16) và sẽ bị bỏ lại trong ngày Chúa đến. Những người đó sẽ không thể ăn năn trong Kỳ Đại Nạn.
Hiện nay, (tháng 9/2012), tình hình chuẩn bị cho chiến tranh giữa I-sơ-ra-ên và I-ran, giữa I-sơ-ra-ên và Sy-ri, giữa I-sơ-ra-ên và Lê-ba-non cùng các khối Hồi Giáo cực đoan, cho chúng ta thấy một cuộc chiến khốc liệt tại Trung Đông chắc chắn sẽ xảy ra.
Theo Thánh Kinh, trong những ngày cuối cùng sẽ có ba cuộc chiến lớn xảy ra tại Trung Đông giữa quốc gia I-sơ-ra-ên và các quốc gia thù nghịch I-sơ-ra-ên:
- Cuộc chiến giữa I-sơ-ra-ên và các nước Hồi Giáo Ả-rập, như được tiên tri trong Thi Thiên 83 và Ê-sai 17.
- Cuộc chiến giữa I-sơ-ra-ên và liên minh Nga với các nước Hồi Giáo không Ả-rập, như được tiên tri trong Ê-xê-chi-ên 38 và 39. Cuộc chiến này sẽ xảy ra khoảng một hoặc hai năm sau khi Anti-Christ ký hòa ước với các quốc gia và I-sơ-ra-ên tin cậy vào giao ước đó, tưởng rằng sẽ được sống trong hòa bình.
- Cuộc chiến giữa Đấng Christ và liên minh Anti-Christ với các vua trong thế gian tại Ha-ma-ghê-đôn, như được tiên tri trong Khải Huyền 16:12-16 và 19:11-21. Cuộc chiến này kết thúc sự tự trị của loài người, tiêu diệt mọi thế lực của Sa-tan và kết thúc bảy năm đại nạn. Liền theo đó là thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm.
Cuộc chiến giữa I-sơ-ra-ên và các nước Hồi Giáo Ả-rập, như được tiên tri trong Thi Thiên 83 và Ê-sai 17, sẽ dọn đường cho Anti-Christ lên ngôi, vì sẽ tạo ra khủng hoảng lớn về kinh tế và chính trị toàn cầu, đến nỗi các quốc gia sẽ chấp nhận hình thức chính phủ toàn cầu, để ổn định trật tự của thế giới. Khi đó, rất có thể cơ quan Liên Hiệp Quốc sẽ được tái cấu trúc thành một chính quyền toàn cầu, đứng đầu bởi một tổng thống với 10 đặc sứ cho 10 vùng trên thế giới [1].
Theo Thi Thiên 83 thì các dân có tên sau đây sẽ liên minh trong cuộc chiến sắp xảy ra với I-sơ-ra-ên:
- Ê-đôm (con cháu Ê-sau – Sáng Thế Ký 25:30), là những người Ả-rập đang sống ở
miền nam của Jordan. - Ích-ma-ên (con cháu Áp-ra-ham – Sáng Thế Ký 16:15), là những người Ả-rập Saudi.
- Mô-áp (con cháu Lót – Sáng Thế Ký 19:37), là những người Ả-rập đang sống ở miền
trung của Jordan. - Ha-ga-rít (I Sử Ký 5 – là một trong các chi tộc Ích-ma-ên), là những người Ả-rập đang
sống ở miền trung của Jordan. - Ghê-banh (Tên một vùng đất thuộc Lebanon ngày nay), là vùng đất thuộc quyền
của quân khủng bố Hezbollah và chính quyền Lebanon. - Am-môn (con cháu Lót – Sáng Thế Ký 19:38), là những người Ả-rập đang sống ở miền
bắc của Jordan. - A-ma-léc (con cháu Ê-sau – Sáng Thế Ký 36:12), là những người Ả-rập đang sống ở
khu vực Sinai. - Phi-li-tin (con cháu của Mích-ra-im thuộc dòng dõi Cham – Sáng Thế Ký 10:6, 13),
ngày nay là lực lượng Hamas đang sống trong vùng Gaza Strip và lực lượng Palestine
đang sống trong vùng West Bank. - Ty-rơ (Tên một vùng đất thuộc Lebanon ngày nay – Giô-suê 19:29; II Sa-mu-ên 6:11),
là nơi quân khủng bố Hezbollah đặt tổng hành dinh. - A-si-ry là vùng đất thuộc Syria và Iraq ngày nay. (Giúp con cháu Lót, tức giúp Mô-áp;
và giúp Am-môn, tức giúp Jordan).
Như vậy, về phía bắc, I-sơ-ra-ên phải đối diện với lực lượng của Hezbolla và quân đội của Lebanon; về phía nam, I-sơ-ra-ên phải đối diện với quân đội Ả-rập Sau-đi; về phía đông, I-sơ-ra-ên phải đối diện với lực lượng của Palestine trong khu West Bank, quân đội của Sy-ri, và quân đội của Jordan; về phía tây, I-sơ-ra-ên phải đối diện với lực lượng khủng bố Si-na-i từ bán đảo Si-na-i và lực lượng Hamas trong khu Gaza. Rất có thể trung tâm hành quân của liên minh Ả-rập sẽ được đặt tại thủ đô Đa-mách của nước Sy-ri.
Nhìn chung, chúng ta thấy I-sơ-ra-ên tứ bề thọ địch, và cách thức duy nhất để hạn chế sự tổn thất đồng thời nắm chắc phần thắng, là I-sơ-ra-ên phải đánh một đòn chí tử để để hủy diệt ngay đầu não của kẻ thù. Phải chăng, I-sơ-ra-ên sẽ hủy diệt thủ đô Đa-mách của Sy-ri bằng một đầu đạn nguyên tử, làm ứng nghiệm lời tiên tri trong Ê-sai 17:1 “Gánh nặng về Đa-mách. Nầy, Đa-mách bị trừ ra, không kể làm thành nữa, và sẽ trở nên một đống đổ nát”? Chính quốc gia I-sơ-ra-ên cũng bị thiệt hại nặng nề, Ê-sai 17:4 tiên tri: “Xảy ra trong ngày đó, sự vinh quang của Gia-cốp sẽ giảm đi, xác thịt mập mạp đổi ra gầy ốm.”
Với tình hình thời sự tại Trung Đông vẫn tiếp tục căng thẳng trong tuần lễ đầu tháng 9 năm 2012 này, rất có thể I-sơ-ra-ên sẽ tấn công I-ran vào tháng 10 năm 2012, mở đầu cho sự các lực lượng Hồi Giáo được I-ran đỡ đầu tại Lebanon, West Bank, Gaza, và Si-na-i đồng loạt tấn công I-sơ-ra-ên. Khi đó, I-sơ-ra-ên sẽ phản công mãnh liệt, chiếm đóng các vùng đất kể trên, dẫn đến sự kiện các nước Ả-rập còn lại, như: Sy-ri, Jordan, Ả-rập Sau-đi sẽ liên quân để tấn công I-sơ-ra-ên, buộc I-sơ-ra-ên phải tấn công và hủy diệt thủ đô Đa-mách của Sy-ri bằng đầu đạn nguyên tử, nhờ đó, Jordan và Ả-rập Sau-đi lập tức lui binh và cuộc chiến được kết thúc. Sau cuộc chiến, có thể I-sơ-ra-ên hoàn toàn chiếm đóng các vùng đất Lebanon, West Bank, Gaza, và Si-na-i, ra điều kiện cho Liên Hiệp Quốc phải chấp nhận chủ quyền của I-sơ-ra-ên trên các vùng đất đó, nếu không, I-sơ-ra-ên sẽ tấn công các mõ dầu lửa bằng các đầu đạn nguyên tử và toàn bộ thế giới sẽ bị tê liệt vì thiếu nhiên liệu. Chiến thuật đó được I-sơ-ra-ên đặt tên là chiến thuật “Sam-sôn,” có nghĩa là: “cả hai bên cùng chết!”
Trong khi cuộc chiến giữa I-sơ-ra-ên và các nước Ả-rập Hồi Giáo xảy ra một cách khốc liệt tại Trung Đông, thì Trung Quốc có thể thừa cơ tấn công Đài Loan và đánh chiếm các hải đảo ở Biển Đông, để có thể làm chủ các mõ dầu lửa trong khu vực Biển Đông. Hoa Kỳ lúc đó đang bị trói tay trong việc giúp đỡ I-sơ-ra-ên và phòng thủ các căn cứ quân sự của mình tại Trung Đông trước sự đe dọa của I-ran, nên không thể tham chiến, ngăn cản Trung Quốc tại Biển Đông.
Liền sau cuộc chiến Trung Đông và Biển Đông, cả thế giới sẽ phải ngồi lại để tìm giải pháp ổn định kinh tế và chính trị. Lúc bấy giờ, Anti-Christ sẽ xuất hiện và đưa ra giải pháp về một thể chế chính trị toàn cầu, biến Liên Hiệp Quốc trở thành quyền lực tối cao, khống chế mọi quốc gia. Và khi đó, ngày Chúa đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian chỉ còn đếm từng giây, từng phút. Theo giả thuyết trên đây, Anti-Christ có thể lên ngôi trong khoảng thời gian từ một đến hai năm sau khi cuộc chiến Trung Đông kết thúc.
Nói tóm lại:
- Nếu Chúa đến trước khi cuộc chiến Trung Đông như được tiên tri trong Thi Thiên 83 xảy ra thì Ngài có thể đến bất kỳ lúc nào, kể từ giây phút bạn đọc những dòng chữ này.
- Nếu Chúa đến sau khi cuộc chiến Trung Đông như được tiên tri trong Thi Thiên 83 xảy ra thì Ngài có thể đến bất kỳ lúc nào trong khoảng thời gian từ lúc cuộc chiến xảy ra cho đến lúc Anti-Christ lên ngôi.
- Nếu Chúa đến sau khi Anti-Christ lên ngôi thì Ngài có thể đến bất kỳ lúc nào trong khoảng thời gian từ khi Anti-Christ lên ngôi cho đến khi Anti-Christ ký hòa ước bảy năm với các quốc gia.
Kết Luận
Chúa sẽ đến ngay ngày hôm nay hoặc sau khi Anti-Christ lên ngôi không phải là điều quan trọng. Việc chúng ta là con dân Chúa phải sống như thế nào trong những ngày cuối cùng này mới là quan trọng. Hê-bơ-rơ 10:25 dạy chúng ta rằng, hễ chúng ta nhận biết ngày Chúa càng gần bao nhiêu thì càng phải khuyên bảo nhau trung tín trong sự nhóm lại bấy nhiêu:
“Chớ bỏ qua sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau, và hễ anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy.”
Chữ “ngày ấy” chỉ về ngày mà Đức Chúa Jesus Christ sẽ hiện ra để ban sự cứu rỗi cho những kẻ chờ đợi Ngài như đã được nhắc đến trong Hê-bơ-rơ 9:28:
“…Đấng Christ đã dâng mình chỉ một lần đặng cất tội lỗi của nhiều người; Ngài lại sẽ hiện ra lần thứ hai, không phải để cất tội lỗi đi nữa, nhưng để ban sự cứu rỗi cho những kẻ chờ đợi Ngài.”
Sự nhóm lại mà Thánh Kinh truyền cho chúng ta không phải là sự nhóm lại theo thói quen, do các tổ chức giáo hội lập ra, mà phải là sự nhóm lại do chính Đức Chúa Trời đã truyền cho chúng ta trong điều răn của Ngài. Đó là sự nhóm họp thánh trong mỗi ngày Sa-bát thánh:
“Người ta làm việc trong sáu ngày, nhưng qua ngày thứ bảy là ngày Sa-bát, một ngày nghỉ, tức một sự nhóm hiệp thánh; đừng làm một công việc gì; ấy là lễ Sa-bát của Đức Giê-hô-va trong những nơi các ngươi ở”(Lê-vi Ký 23:3).
Là con dân Chúa chúng ta có thể nhóm họp tôn vinh, thờ phượng Chúa bất cứ ngày nào theo sự tự do Chúa ban cho chúng ta, nhưng chúng ta không được bỏ qua sự nhóm hiệp thánh trong ngày Sa-bát, vì đó là ý muốn của Chúa, đã được viết ra thành chữ cho chúng ta trong Thánh Kinh. Trong toàn bộ Tân Ước không một chỗ nào cho phép chúng ta ngưng giữ ngày Sa-bát và bỏ qua sự nhóm hiệp thánh trong ngày Sa-bát. Chính Đức Chúa Jesus Christ và sứ đồ Phao-lô đã theo thói quen mà tham dự những buổi nhóm hiệp thánh trong ngày Sa-bát (Lu-ca 4:16; Công Vụ Các Sứ Đồ 17:2). I Giăng 2:6 dạy chúng ta rằng:
“Ai nói mình ở trong Ngài, thì cũng phải làm theo như chính Ngài đã làm.”
Trong khi I Giăng 2:4 khẳng định:
“Kẻ nào nói: Ta biết Ngài, mà không giữ các điều răn Ngài, là người nói dối, lẽ thật quyết không ở trong người.”
Lời Chúa trong I Tê-sa-lô-ni-ca 4:18 cũng dạy chúng ta hãy dùng lời tiên tri về sự Chúa đến để an ủi và khích lệ lẫn nhau. Cuối cùng, chúng ta hãy nhờ ơn Chúa mà làm trọn những việc lành Chúa đã giao cho chúng ta, tức là trung tín làm lợi các ta-lâng Chúa ban và đứng vững trong mọi thử thách cho đến ngày chúng ta được cất lên không trung gặp Chúa.
Cầu xin Chúa mau đến! A-men!
Huỳnh Christian Timothy
01.09.2012
Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết này:
http://www.mediafire.com/view/?vvs7tuxfhhr8jvu
Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống MP3 bài giảng này:
http://timhieutinlanh.net/node/1001
Ghi Chú
Tất cả những câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là từ Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời và Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống Hiệu Đính 2012. Quý bạn có thể đọc trên mạng:
www.ngoiloi.thanhkinhvietngu.netvà www.thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.
[1] Dưới đây là danh sách giả thuyết về 10 vùng trên thế giới sẽ được chia cho 10 vua lên ngôi cùng một giờ với Anti-Christ, như được nói đến trong Khải Huyền 17:
- Gia-nã-đại (Canada), Hoa Kỳ
- Anh, Na-uy, Thụy Điển, Phần Lan, Thổ-nhĩ-kỳ
- Nhật Bản, các Hải Đảo Thái Bình Dương
- Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan, Nam Phi
- Nga, Tây Bá Lợi Á (Siberia), Mông Cổ, Triều Tiên
- Mễ tây Cơ, các nước ở Nam Mỹ, các Đảo Ca-ri-bê (Carribean Islands);
- Ai-cập, Ly-bi (Lybia), Tuy-ni-di (Tunisia), An-giê-ri (Algeria), Ma-rốc (Morrocco), Sau-đi,
Sy-ri, I-rắc, I-ran, A-phú-hãn (Afghanistan), Hồi Quốc (Pakistan); - Phi Châu, không bao gồm các quốc gia thuộc Bắc Phi và Nam Phi, Mã Đảo
(Madagascar); - Ấn Độ, Khối Đông Nam Á
- Trung Quốc
Bấm vào bản đồ rồi bấm thêm lần nữa để phóng lớn
Copyright Notice:All Rights Reserved © 2012 Vietnamese Christian Mission Ministry.
Thông Báo Tác Quyền:Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry.
Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức nhưng xin giữ đúng nguyên văn,
kể cả thông báo về tác quyền này.