Thời Điểm của Lễ Phục Sinh và Lễ Ngũ Tuần

3,643 views

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Thời Điểm của Lễ Phục Sinh và Lễ Ngũ Tuần

  • Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Lễ Phục Sinh và Lễ Ngũ Tuần thường được các giáo hội trong Cơ-đốc Giáo cử hành vào các ngày Thứ Nhất trong tuần lễ, tức Chủ Nhật, để kỷ niệm sự phục sinh của Đức Chúa Jesus Christ và sự giáng lâm của Đấng Thần Linh trong ngày Hội Thánh được thành lập. Tuy nhiên, sự quy định thời điểm của hai lễ này như vậy là hoàn toàn không đúng với Thánh Kinh.

Theo Thánh Kinh, Đức Chúa Jesus Christ chịu chết vào ngày Lễ Vượt Qua, chiều ngày 14 tháng 1 theo Lịch Do-thái. Sau ba ngày ba đêm, Ngài đã sống lại chiều ngày 17 tháng 1 theo Lịch Do-thái. Lịch Do-thái là lịch do Thiên Chúa ban cho dân I-sơ-ra-ên (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:1-2). Theo Thánh Kinh, Lễ Ngũ Tuần nhằm ngày thứ 50, kể từ ngày sau ngày Sa-bát thứ nhất của Lễ Bánh Không Men (Lê-vi Ký 23:15-21), và vì thế, nhằm ngày 6 tháng 3 theo Lịch Do-thái (tháng 1 có 30 ngày và tháng 2 có 29 ngày). Vì thế, ngày Chúa phục sinh và ngày Lễ Ngũ Tuần không phải lúc nào cũng rơi vào Chủ Nhật.

Năm 325, qua công đồng lần thứ nhất tại Nai-xi-a (Nicaea), Giáo Hội Công Giáo ra sắc lệnh cho toàn giáo hội kỷ niệm Chúa chịu thương khó vào ngày Thứ Sáu và kỷ niệm Chúa phục sinh vào Chủ Nhật liền sau ngày trăng tròn, theo sau tiết xuân phân [1]. Tiết xuân phân, là ngày mặt trời ở gần xích đạo nhất, ánh sáng mặt trời chiếu thẳng góc với xích đạo, chia đều khoảng thời gian ngày và đêm tại xích đạo, khiến cho ngày và đêm dài bằng nhau. Tiết xuân phân bắt đầu mùa xuân ở bắc bán cầu nhưng ở Á Đông là giữa mùa xuân. Tiết xuân phân rơi vào ngày 19, 20 hoặc 21 tháng 3 Dương Lịch (Gregorian Calendar).

 
Bài Giảng Phần Âm Thanh Luôn Có Nhiều Chi Tiết Hơn Bài Giảng Viết

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

 Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

 Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

MediaFire: http://www.mediafire.com/file/2yku3d8kc99qndt/201705_ThoiDiemLePhucSinhVaLeNguTuan.mp3

OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNTQyMjY0NjJ/201705_ThoiDiemLePhucSinhVaLeNguTuan.mp3

SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/201705-thoi-diem-le-phuc-sinh-va-le-ngu-tuan

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf

OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Hầu hết các giáo hội trong Cơ-đốc Giáo đều theo truyền thống của Công Giáo về sự định ngày kỷ niệm sự thương khó và sự phục sinh của Chúa. Lễ Ngũ Tuần được quy định vào Chủ Nhật thứ tám kể từ Chủ Nhật Phục Sinh. Như vậy, Lễ Phục Sinh và Lễ Ngũ Tuần của Cơ-đốc Giáo luôn rơi vào Chủ Nhật. Có khi Lễ Phục Sinh của Cơ-đốc Giáo đi trước Lễ Vượt Qua và có khi thì đi sau Lễ Vượt Qua khá xa. Điển hình là Lễ Phục Sinh của năm 2017 được quy định là Chủ Nhật 16 tháng 4, trong khi Lễ Vượt Qua của năm 2017 nhằm ngày 10 tháng 4, có nghĩa là ngày Chúa sống lại rơi vào Thứ Năm ngày 13 tháng 4.

Phần lớn con dân Chúa sinh hoạt trong các giáo hội cứ theo truyền thống của các giáo hội mà không tra xét xem truyền thống ấy có đúng với Thánh Kinh hay không. Vì thế, họ kỷ niệm ngày Chúa phục sinh và Lễ Ngũ Tuần theo truyền thống của các giáo hội, thay vì theo Thánh Kinh. Lời Chúa dạy con dân Chúa làm gì cũng vì sự vinh quang của Thiên Chúa và trong danh của Đức Chúa Jesus:

Vậy, các anh chị em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự gì khác, hãy vì sự vinh quang của Thiên Chúa mà làm.” (I Cô-rinh-tô 10:31).

Mặc dù các anh chị em nói hay làm, cũng phải trong danh Đức Chúa Jesus mà làm mọi điều, nhờ Ngài mà tạ ơn Đức Chúa Trời, là Cha.” (Cô-lô-se 3:17).

Nhưng nếu con dân Chúa cử hành Lễ Phục Sinh và Lễ Ngũ Tuần theo truyền thống không đúng lẽ thật của các giáo hội, thì sao có thể gọi là làm vì sự vinh quang của Thiên Chúa và làm trong danh của Đức Chúa Jesus? Đó là chưa kể sự kiện tổ chức lễ kỷ niệm Chúa phục sinh mà lại dùng tên của tà thần để gọi ngày lễ: Easter! [2].

Thời Điểm của Lễ Phục Sinh

Trước hết, chúng ta cần phải nhớ rằng: Đức Chúa Jesus Christ phải chịu chết, và phải ở trong lòng đất trọn ba ngày và ba đêm, y theo lời tiên tri của chính Ngài:

Vì như Giô-na đã ở trong bụng cá lớn ba ngày và ba đêm, thì cũng vậy, Con Người sẽ ở trong lòng đất ba ngày và ba đêm.” (Ma-thi-ơ 12:40).

Đối chiếu với Cựu Ước:

Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sắm sẵn một con cá lớn để nuốt Giô-na. Giô-na ở trong bụng cá ba ngày và ba đêm.” (Giô-na 1:17 – Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống: Giô-na 2:1).

Ngày là khoảng thời gian từ mặt trời mọc đến mặt trời lặn. Đêm là khoảng thời gian từ mặt trời lặn đến mặt trời mọc. Một ngày một đêm chính là khoảng thời gian khoảng 24 tiếng đồng hồ trái đất tự xoay chung quanh chính nó giáp một vòng (Giăng 11:9).

Nếu có ai bảo rằng, sau khi chết, Đức Chúa Jesus Christ đã ở trong lòng đất kém hơn ba ngày và ba đêm, kém hơn 72 tiếng đồng hồ, thì người ấy nói nghịch lại Thánh Kinh, nghịch lại lời tiên tri của chính Đức Chúa Jesus Christ.

Như vậy, rõ ràng không thể có chuyện Đức Chúa Jesus Christ bị chết vào chiều Thứ Sáu, được chôn vào trong lòng đất trước khi mặt trời lặn vào ngày Thứ Sáu, và sống lại trước khi mặt trời mọc vào ngày Thứ Nhất. Vì nếu là như vậy, thì Chúa chỉ mới ở trong lòng đất hai đêm và một ngày: đêm Thứ Sáu, đêm Thứ Bảy, và ngày Thứ Bảy, tổng cộng chỉ mới khoảng 36 tiếng đồng hồ. Lý do các giáo hội cho rằng Đức Chúa Jesus Christ chết vào ngày Thứ Sáu là vì họ lầm lẫn ngày Sa-bát mở đầu Lễ Bánh Không Men với ngày Sa-bát Thứ Bảy cuối tuần. Họ cho rằng, vì ngày hôm sau là ngày Sa-bát Thứ Bảy cuối tuần nên ngày Chúa chết phải là ngày Thứ Sáu. Nhưng Thánh Kinh ghi rõ, ngày hôm sau không phải là Sa-bát của Ngày Thứ Bảy cuối tuần mà là một Sa-bát đặc biệt:

Hôm ấy là ngày sắm sửa {về ngày Sa-bát} các xác chết không thể ở trên các thập tự giá vào ngày Sa-bát, vì ngày Sa-bát ấy là trọng thể, cho nên dân Do-thái xin Phi-lát cho đánh gẫy chân họ và đem họ đi.” (Giăng 19:31).

Ngày Sa-bát sau ngày Chúa chết được gọi là ngày Sa-bát trọng thể vì đó chính là ngày Sa-bát mở đầu cho bảy ngày Lễ Bánh Không Men, nhằm ngày 15 tháng 1, theo Lịch Chúa ban cho dân I-sơ-ra-ên (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:1-2).

Thánh Kinh không hề chép là Đức Chúa Jesus Christ chết vào ngày Thứ Sáu.

Thánh Kinh chỉ chép là Đức Chúa Jesus Christ chết vào ngày Lễ Vượt Qua, nhằm ngày 14 tháng 1 theo Lịch của Thiên Chúa, trước ngày Sa-bát mở đầu cho Lễ Bánh Không Men.

Thánh Kinh cũng không hề chép là Đức Chúa Jesus Christ sống lại vào sáng sớm ngày Thứ Nhất. Thánh Kinh chỉ chép là sau các ngày Sa-bát, tức là ngày Sa-bát mở đầu Lễ Bánh Không Men và ngày Sa-bát Thứ Bảy cuối tuần, thì các phụ nữ đến mộ vào lúc sáng sớm của ngày Thứ Nhất, để xức dầu cho xác của Chúa; và Chúa hiện ra trước hết với bà Ma-ri Ma-đơ-len. Dưới đây là các câu Thánh Kinh liên quan đến sự việc, được dịch sát với nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh:

Sau các ngày Sa-bát, lúc sáng sớm của ngày thứ nhất trong tuần lễ, Ma-ri Ma-đơ-len và Ma-ri khác đến thăm mộ.” (Ma-thi-ơ 28:1).

Ngày thứ nhất {sau} các ngày Sa-bát, lúc sáng sớm, họ đến mộ, đem theo những thuốc thơm mà họ đã sửa soạn, cùng với những người khác.” (Lu-ca 24:1).

Ngày thứ nhất {sau} các ngày Sa-bát, sáng sớm, lúc trời còn tối, Ma-ri Ma-đơ-len đến mộ, thấy khối đá {lấp cửa mộ} đã bị dời khỏi mộ.” (Giăng 20:1).

Sau khi đã sống lại, trước hết, Ngài hiện ra cho Ma-ri Ma-đơ-len vào buổi sớm mai của ngày thứ nhất trong tuần lễ, bà là người Ngài đã đuổi bảy tà linh ra khỏi.” (Mác 16:9).

Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, danh từ “ngày Sa-bát” trong Ma-thi-ơ 28:1, Lu-ca 24:1, và Giăng 20:1 đều mang hình thức số nhiều, để chỉ ngày Sa-bát khởi đầu Lễ Bánh Không Men và ngày Sa-bát Thứ Bảy cuối tuần. Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống và các bản dịch khác đã không dịch đúng bốn câu trên đây.

Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, Mác 16:9 không chép là Chúa sống lại vào ngày Thứ Nhất trong tuần lễ, nhưng chép rằng: Sau khi Chúa sống lại, thì “trước hết, Ngài hiện ra cho Ma-ri Ma-đơ-len vào buổi sớm mai của ngày thứ nhất trong tuần lễ”.

Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu xem Đức Chúa Jesus Christ đã chết vào ngày thứ mấy và phục sinh vào ngày thứ mấy trong tuần lễ. Chúng ta đã biết: Lễ Vượt Qua là ngày 14 tháng 1, theo Lịch Do-thái, bắt đầu từ khi mặt trời lặn của ngày 13 tháng 1 cho đến khi mặt trời lặn của ngày 14 tháng 1:

Các ngươi hãy bắt trong bầy chiên hoặc dê, một con đực, tuổi giáp niên, chẳng có tì vết, để dành cho đến ngày mười bốn tháng này; rồi cả hội chúng I-sơ-ra-ên sẽ giết nó, vào buổi tối.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:5-6).

Chúng ta hãy liệt kê trình tự từ khi Chúa ăn Lễ Vượt Qua với các môn đồ cho đến khi Chúa hiện ra với Ma-ri Ma-đơ-len:

1. Sau khi mặt trời lặn của ngày 13 tháng 1, Đức Chúa Jesus Christ và các môn đồ của Ngài ăn Lễ Vượt Qua:

Ngày thứ nhất ăn bánh không men, khi người ta giết {sinh tế} Lễ Vượt Qua, các môn đồ của Ngài thưa với Ngài: Ngài muốn chúng tôi đi dọn cho Ngài ăn Lễ Vượt Qua tại đâu?” (Mác 14:12).

Ngày thứ nhất ăn bánh không men là ngày 14 tháng 1, tức là ngày Lễ Vượt Qua, khác với ngày thứ nhất của Lễ Bánh Không Men, là ngày tiếp liền theo ngày Lễ Vượt Qua, tức là ngày 15 tháng 1.

2. Trong bữa ăn Lễ Vượt Qua, Đức Chúa Jesus Christ thiết lập Lễ Tiệc Thánh:

Khi họ đang ăn, Đức Chúa Jesus lấy bánh, tạ ơn, rồi bẻ ra, đưa cho các môn đồ, phán rằng: Hãy lấy {và] ăn! Này là thân thể Ta! Ngài lại lấy chén, tạ ơn, rồi đưa cho họ, phán rằng: Hết thảy các ngươi hãy uống đi! Vì đây là máu của Ta, của giao ước mới, đổ ra cho nhiều người về sự tha thứ những tội lỗi.” (Ma-thi-ơ 26:26-28).

3. Sau Tiệc Thánh, Đức Chúa Jesus Christ và các môn đồ hát thánh ca, rồi đi lên núi Ô-li-ve, vào trong vườn Ghết-sê-ma-nê, để cầu nguyện:

Sau khi hát thánh ca, họ đi ra, hướng về núi Ô-li-ve.” (Ma-thi-ơ 26:30).

Rồi, Đức Chúa Jesus và họ đến một chỗ gọi là Ghết-sê-ma-nê. Ngài phán với các môn đồ: Các ngươi hãy ngồi đây, trong khi Ta đi cầu nguyện đằng kia.” (Ma-thi-ơ 26:36).

4. Sau khi Đức Chúa Jesus Christ cầu nguyện thì Giu-đa Ích-ca-ri-ốt dẫn quân lính của đền thờ đến bắt Ngài, giải đến nhà của Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm Cai-phe:

Những kẻ đã bắt Đức Chúa Jesus đem {Ngài} đến Cai-phe, thầy tế lễ thượng phẩm. Tại đó, các thầy thông giáo và các trưởng lão đã nhóm lại.” (Ma-thi-ơ 26:57).

5. Buổi sáng sớm ngày 14 tháng 1, các thầy tế lễ cả và các trưởng lão của dân I-sơ-ra-ên hội nghị tại Tòa Công Luận của dân Do-thái, rồi giải giao Đức Chúa Jesus Christ đến Thống Đốc Bôn-sơ Phi-lát của chính quyền La-mã:

Khi buổi sáng đến, các thầy tế lễ cả và các trưởng lão trong dân hội nghị nghịch lại Đức Chúa Jesus, để giết Ngài. Khi đã trói Ngài rồi, họ đem nộp Ngài cho Thống Đốc Bôn-sơ Phi-lát.” (Ma-thi-ơ 27:1-2).

6. Phi-lát cho giải giao Đức Chúa Jesus Christ sang Vua Hê-rốt nhưng Vua Hê-rốt giao trả Đức Chúa Jesus Christ lại cho Phi-lát (Lu-ca 23:6-12).

7. Phi-lát nhận biết Đức Chúa Jesus Christ là vô tội, nhưng vì ông không thắng được áp lực của dân chúng nên ông đã trao Đức Chúa Jesus Christ cho quân lính, để họ đem Ngài đi đóng đinh trên đồi Gô-gô-tha (Ma-thi-ơ 27:15-37).

8. Từ giờ thứ 6 đến giờ thứ 9 của ngày 14 tháng 1, cả xứ đều tối tăm. Đức Chúa Jesus Christ trút hơi thở cuối cùng vào khoảng giờ thứ chín:

Từ giờ thứ sáu có cơn tối tăm khắp cả đất cho đến giờ thứ chín. Vào khoảng giờ thứ chín, Đức Chúa Jesus kêu lớn tiếng, rằng: Ê-li, Ê-li lam-ma sa-bách-ta-ni? Nghĩa là: Đức Chúa Trời tôi ơi! Đức Chúa Trời tôi ơi! Sao Ngài lìa bỏ tôi?” (Ma-thi-ơ 27:45-46).

Đức Chúa Jesus lại kêu lên một tiếng lớn nữa, rồi trút hơi thở.” (Ma-thi-ơ 27:50).

Giờ thứ sáu và giờ thứ chín theo cách tính của người Do-thái tương đương với 12 giờ trưa và 3 giờ chiều theo cách tính của người La-mã mà chúng ta đang dùng ngày nay. Như vậy, Đức Chúa Jesus Christ đã chết trên thập tự giá vào khoảng 3 giờ chiều của ngày Lễ Vượt Qua, ngày 14 tháng 1 theo Lịch Do-thái.

9. Vì ngày hôm sau, 15 tháng 1, là ngày Sa-bát khởi đầu cho Lễ Bánh Không Men, nên xác của Đức Chúa Jesus Christ phải được chôn cất trước khi mặt trời lặn của ngày 14 tháng 1. Ngay sau khi mặt trời lặn của ngày 14 là ngày 15 tháng 1, là bước vào ngày Sa-bát.

Hôm ấy là ngày sắm sửa {về ngày Sa-bát} các xác chết không thể ở trên các thập tự giá vào ngày Sa-bát, vì ngày Sa-bát ấy là trọng thể, cho nên dân Do-thái xin Phi-lát cho đánh gẫy chân họ và đem họ đi. [Ngày Sa-bát ấy trọng thể vì là Sa-bát của Lễ Bánh Không Men. Đánh gẫy chân cho tử tội chết ngay, để đem xác xuống khỏi thập tự giá.]” (Giăng 19:31).

10. Sau khi Đức Chúa Jesus Christ sống lại, trước hết, Ngài hiện ra với Ma-ri Ma-đơ-len vào sáng sớm của ngày Thứ Nhất trong tuần lễ, khi bà đến viếng mộ Chúa.

Sau khi đã sống lại, trước hết, Ngài hiện ra cho Ma-ri Ma-đơ-len vào buổi sớm mai của ngày thứ nhất trong tuần lễ, bà là người Ngài đã đuổi bảy tà linh ra khỏi.” (Mác 16:9).

Vì Đức Chúa Jesus Christ phải ở trong lòng đất trọn ba ngày và ba đêm, nên chúng ta có thể đúc kết như sau:

Chúa chết vào khoảng 3 giờ chiều ngày 14 tháng 1, là ngày Lễ Vượt Qua. Ngài được chôn trước khi mặt trời lặn của ngày 14 tháng 1.

  • Từ khi mặt trời lặn cuối ngày 14 cho đến khi mặt trời mọc sáng ngày 15: Đức Chúa Jesus Christ ở trong lòng đất trọn một đêm (đêm thứ nhất).

  • Từ khi mặt trời mọc sáng ngày 15 cho đến khi mặt trời lặn chiều ngày 15: Đức Chúa Jesus Christ ở trong lòng đất trọn một ngày (ngày thứ nhất).

  • Từ khi mặt trời lặn chiều ngày 15 cho đến khi mặt trời mọc sáng ngày 16: Đức Chúa Jesus Christ ở trong lòng đất trọn một đêm (đêm thứ nhì).

  • Từ khi mặt trời mọc sáng ngày 16 cho đến khi mặt trời lặn chiều ngày 16: Đức Chúa Jesus Christ ở trong lòng đất trọn một ngày (ngày thứ nhì).

  • Từ khi mặt trời lặn cuối ngày 16 cho đến khi mặt trời mọc sáng ngày 17: Đức Chúa Jesus Christ ở trong lòng đất trọn một đêm (đêm thứ ba).

  • Từ khi mặt trời mọc sáng ngày 17 cho đến trước khi mặt trời lặn chiều ngày 17: Đức Chúa Jesus Christ ở trong lòng đất trọn một ngày (ngày thứ ba).

  • Vì Chúa được chôn trước khi mặt trời lặn của ngày 14 nên Ngài phục sinh trước khi mặt trời lặn chiều ngày 17. Như vậy, Ngài hoàn toàn ở trong lòng đất trọn ba ngày và ba đêm. Sáng sớm ngày 18 Ngài hiện ra với Ma-ri Ma-đơ-len.

Vì ngày 18 là ngày Thứ Nhất trong tuần lễ nên ngày 17 là ngày Thứ Bảy, ngày 16 là ngày Thứ Sáu, ngày 15 là ngày Thứ Năm, và ngày 14 là ngày Thứ Tư.

Kết luận, Đức Chúa Jesus Christ chết và được chôn vào trong lòng đất chiều ngày Thứ Tư, 14 tháng 1 theo Lịch Do-thái, trước khi mặt trời lặn. Ngài phục sinh, ra khỏi lòng đất vào chiều ngày Thứ Bảy, 17 tháng 1 theo Lịch Do-thái, trước khi mặt trời lặn. Người đầu tiên được nhìn thấy Chúa sau khi Ngài phục sinh là bà Ma-ri Ma-đơ-len, vào lúc sáng sớm của ngày Thứ Nhất, 18 tháng 1 theo Lịch Do-thái.

Nhưng Chúa chết và phục sinh vào năm nào?

Muốn biết Chúa chết và phục sinh vào năm nào thì chúng ta phải tìm ra năm mà ngày Lễ Vượt Qua nhằm ngày Thứ Tư và cũng là lúc Đức Chúa Jesus Christ khoảng gần 33 tuổi.

Lu-ca 3:23 cho biết Đức Chúa Jesus Christ vào khoảng 30 tuổi khi Ngài bắt đầu giảng dạy:

Khi Đức Chúa Jesus khởi sự (giảng dạy) thì Ngài vào khoảng ba mươi tuổi, theo phong tục là con của Giô-sép, từ Hê-li.”

Thời gian từ khi Đức Chúa Jesus Christ bắt đầu giảng dạy cho đến khi chịu chết trên thập tự giá chỉ vào khoảng 30 tháng. Ngài bắt đầu chức vụ khoảng 30 tuổi và Ngài hoàn tất chức vụ khoảng gần 33 tuổi.

Thánh Kinh cho biết Đức Chúa Jesus sinh ra dưới thời Vua Hê-rốt và Vua Hê-rốt tìm cách giết Chúa, khi Chúa được khoảng hai tuổi (Ma-thi-ơ 2:16).

Lịch sử cho biết Vua Hê-rốt chết vào khoảng giữa ngày 13 tháng 3 năm 4 TCN (Trước Công Nguyên), là ngày có hiện tượng nguyệt thực xảy ra trên vùng trời Giê-ru-sa-lem, và ngày 11 tháng 4 năm 4 TCN, là ngày Lễ Vượt Qua của năm đó [3]. Như vậy, Đức Chúa Jesus phải được sinh ra khoảng ba năm trước ngày Vua Hê-rốt chết, tức là vào khoảng mùa thu (tháng 10) năm 7 TCN.

Từ mùa thu năm 7 TCN đến mùa thu năm 24 CN (Công Nguyên) là 30 năm (vì không có năm 0): Năm 7 TCN đến năm 1 = 6 năm. Năm 1 đến năm 24 = 24 năm.

Vậy, Chúa chịu báp tem khoảng mùa thu năm 24 là lúc Chúa vào khoảng 30 tuổi, để bắt đầu chức vụ; và Chúa trải qua ba kỳ Lễ Vượt Qua trong suốt thời gian Ngài thi hành chức vụ:

  • Kỳ Lễ Vượt Qua thứ nhất (Giăng 2:13), sau khi Ngài chịu báp-tem, nhằm năm 25.

  • Kỳ Lễ Vượt Qua thứ nhì (Giăng 6:4), sau khi Ngài làm phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều cho khoảng năm ngàn người ăn, nhằm năm 26.

  • Kỳ Lễ Vượt Qua thứ ba (Giăng 13:1), Ngài chịu chết trên thập tự giá, nhằm năm 27.

Ngày Chúa chết là ngày Lễ Vượt Qua của năm 27 nhằm Thứ Tư, ngày 14 tháng 1, năm 3787 theo Lịch Do-thái, tức là Thứ Tư, ngày 7 tháng 4 năm 27 theo Dương Lịch. Ngày Chúa phục sinh nhằm Thứ Bảy, ngày 17 tháng 1, năm 3787 theo Lịch Do-thái, nhằm Thứ Bảy ngày 10 tháng 4 năm 27.

Phi-lát làm thống đốc xứ Giu-đê từ năm 26 đến năm 36. Trong suốt 11 năm ấy, chỉ có năm 27 và năm 30 có ngày Lễ Vượt Qua nhằm vào Thứ Tư. Đức Chúa Jesus Christ không thể chết và phục sinh vào năm 30, vì như vậy sẽ khiến cho Ngài bắt đầu giảng dạy vào lúc khoảng 33 tuổi, không đúng với Lu-ca 3:23.

Chúa không dạy chúng ta kỷ niệm sự phục sinh của Chúa. Ngài chỉ dạy chúng ta nhớ đến sự chết của Ngài mỗi khi chúng ta dự Tiệc Thánh (Lu-ca 22:19; I Cô-rinh-tô 11:24-25); và Đức Thánh Linh dạy chúng ta rao truyền sự chết của Đức Chúa Jesus Christ cho đến khi Ngài đến (I Cô-rinh-tô 11:26). Nhưng nếu chúng ta muốn kỷ niệm sự phục sinh của Chúa thì cũng không có gì sai. Là con dân Chúa, chúng ta được tự do làm mọi sự, miễn là chúng ta làm sao cho có ích, có gây dựng, và vì sự vinh quang của Thiên Chúa. Nghĩa là chúng ta có thể tổ chức Lễ Phục Sinh và Lễ Ngũ Tuần cùng với các lễ khác trong Thánh Kinh miễn là chúng ta không theo truyền thống sai trái của các giáo hội, không gọi ngày Chúa phục sinh bằng tên của tà thần, không pha trộn các tập tục mê tín dị đoan của ngoại giáo vào lễ kỷ niệm, và chọn đúng ngày để kỷ niệm sự phục sinh của Chúa, luôn luôn là ngày 17 tháng 1 theo Lịch Do-thái.

Xin dò xuống cuối bài này, để xem bảng tóm lược các chi tiết về ngày Chúa chết và ngày Chúa phục sinh. Xin bấm vào ảnh để phóng lớn.

Thời Điểm của Lễ Ngũ Tuần

Ngày Sa-bát trọng thể mở đầu cho Lễ Bánh Không Men theo sau ngày Lễ Vượt Qua của năm 27 nhằm Thứ Năm, ngày 15 tháng 1, năm 3787 theo Lịch Do Thái. Ngày thứ 50 kể từ ngày sau ngày ấy là ngày Lễ Ngũ Tuần:

Kể từ ngày sau ngày Sa-bát, là ngày các ngươi đem bó lúa làm của lễ vẫy, các ngươi sẽ tính trọn bảy ngày Sa-bát. Các ngươi đếm năm mươi ngày cho đến ngày sau của ngày Sa-bát thứ bảy, và các ngươi sẽ dâng một của lễ chay mới lên Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.” (Lê-vi Ký 23:15-16).

Vậy, ngày Lễ Ngũ Tuần của năm 27, cũng là ngày Đấng Thần Linh giáng lâm và Hội Thánh được thành lập, nhằm Thứ Sáu, ngày 6 tháng 3 năm 3787 theo Lịch Do-thái, tức là Thứ Sáu, ngày 28 tháng 5 năm 27 theo Dương Lịch.

Trong Lịch Do-thái, tháng 1 (Nisan/Nissan) luôn có 30 ngày và tháng 2 (Iyyar/Iyar) luôn có 29 ngày, nên Ngày Lễ Ngũ Tuần (ngày thứ 50 sau ngày thứ nhất của Lễ Bánh Không Men) lúc nào cũng rơi vào ngày 6 tháng 3 (Sivan) [4], và không nhất thiết là ngày Thứ Nhất trong tuần.

Có vài chi tiết thú vị liên quan đến ngày Lễ Ngũ Tuần:

Loài người được dựng nên vào ngày Thứ Sáu. Hội Thánh cũng được dựng nên vào ngày Thứ Sáu.

Dân Do-thái gọi Lễ Ngũ Tuần là Lễ Các Tuần Lễ và xem đó là ngày kỷ niệm Thiên Chúa ban hành các điều răn và luật pháp tại Si-na-i. Xuất Ê-díp-tô Ký 19:1 chép:

Tháng thứ ba, sau khi ra khỏi xứ Ê-díp-tô, trong ngày đó, dân I-sơ-ra-ên đến nơi đồng vắng Si-na-i.”

Thành ngữ “trong ngày đó” có nghĩa là trong ngày có cùng thứ tự với thứ tự của tháng, tức là ngày 3. Dân I-sơ-ra-ên hạ trại dưới chân núi Si-na-i trong ngày đó và hôm sau là ngày 4 tháng 3, Môi-se lên núi ra mắt Chúa. Chúa truyền cho dân I-sơ-ra-ên phải giữ mình thánh sạch trong hai ngày (ngày 4 và 5), đến ngày thứ ba (ngày 6) Chúa giáng lâm, ban hành Mười Điều Răn và luật pháp (Xuất Ê-díp-tô Ký 19-20).

Hội Thánh có thể xem ngày Lễ Ngũ Tuần vừa là ngày Hội Thánh được thành lập mà cũng vừa là ngày Đức Thánh Linh ghi chép các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa vào trong lòng của con dân Chúa (Hê-bơ-rơ 8:10; 10:16; Giê-rê-mi 31:33).

Ngày nay, con dân Chúa không cần phải giữ bảy ngày lễ hội của Thiên Chúa trong thời Cựu Ước, vì bảy ngày lễ hội ấy làm hình bóng về những điều mà Đức Chúa Jesus Christ sẽ đến và làm cho con dân Chúa trong thời Tân Ước. Xin đọc và nghe bài giảng “Chú Giải Cô-lô-se 2:16-23 – Những Điều Luật Hình Bóng” [5]. Nhưng nếu có ai muốn giữ Lễ Ngũ Tuần thì hãy giữ đúng vào ngày mà Thánh Kinh đã quy định, ngày thứ 50 sau ngày Sa-bát mở đầu Lễ Bánh Không Men, nhằm ngày 6 tháng 3 theo Lịch Do-thái.

Kết Luận

Là con dân Chúa, chúng ta sống trong lẽ thật (Giăng 14:6), và được thánh hóa bởi lẽ thật (Giăng 17:17). Vì thế, chúng ta tuyệt đối tránh xa những gì không đúng với lẽ thật. Chúng ta không nên giữ các ngày lễ theo quy định và nghi thức truyền thống sai trái của các giáo hội, nhất là không pha trộn các tập tục mê tín dị đoan vào trong các ngày lễ. Chúng ta hãy làm cho mình sạch hết những thứ men của các giáo hội (Ma-thi-ơ 16:6; I Cô-rinh-tô 5:7-8).

Nguyện sự khôn sáng từ Thiên Chúa đầy dẫy trong chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
28/01/2017

Ghi Chú

Quý con dân Chúa có thể tham khảo trên mạng nhu liệu hoán chuyển giữa Lịch Do-thái và Dương Lịch tại đây: http://www.abdicate.net/print.aspx

[1] Philip Schaff, “History of the Christian Church,” volume 2, trang 218. Hendrickson Publishers, Peabody, Massachusetts, 2006.

[2] http://timhieuthanhkinh.net/easter-huyen-thoai-ve-easter/

[3] Flavius Josephus, “Jewish Antiquities,” 17.6.4.

[4] http://www.jewfaq.org/holidayc.htm

[5] http://timhieuthanhkinh.net/chu-giai-co-lo-se-2_16-23/

BẢNG TÓM LƯỢC CÁC CHI TIẾT NGÀY CHÚA CHẾT VÀ NGÀY CHÚA PHỤC SINH
Kính thưa Hội Thánh.
Tôi xin giới thiệu với Hội Thánh bảng tóm lược các chi tiết về ngày Chúa chết và ngày Chúa phục sinh do cháu Phạm Trịnh Minh Anh thực hiện. Bảng này giúp cho chúng ta dễ ghi nhớ các chi tiết hơn.
Ngoài ra, tôi cũng xin giải thích ý nghĩa của thành ngữ “giữa các buổi tối” trong Lê-vi Ký 23:5.
“Ngày mười bốn tháng Một, giữa các buổi tối, là Lễ Vượt Qua của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.”
Trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh, danh từ “buổi tối” trong lv 23:5 được dùng với hình thức số nhiều để chỉ: khoảng thời gian giữa buổi tối của ngày 14/1 và buổi tối của ngày 15/1. Buổi tối bắt đầu khi mặt trời lặn.
Nghĩa là trọn một đêm và trọn một ngày kể từ khi mặt trời lặn của ngày 13/1 cho đến liền trước khi mặt trời lặn của ngày 14/1 là thời gian của Lễ Vượt Qua.
Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Huỳnh Christian Timothy