Thiên Tượng Trong Năm 2011

3,739 views

Copyright Notice: All Rights Reserved © 2011 Vietnamese Christian Mission Ministry. Thông Báo Tác Quyền: Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức nhưng xin giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.

 

Huỳnh Christian Timothy
Bấm vào đây để download bài viết này
Bấm vào đây để download Audio bài chia sẻ này

"Thiên Tượng" là những hiện tượng xảy ra trên trời. Từ ngữ này thường được dùng để chỉ những hiện tượng liên quan đến thời tiết của địa cầu, như: mây, mưa, gió, tuyết, sấm chớp, giông, bão, v.v.; hoặc những hiện tượng liên quan đến sự vận hành của các thiên thể, như: sao chổi, sao băng, nhật thực, nguyệt thực, v.v.. Trong năm 2011 có hai thiên tượng xảy ra trùng khớp vào ngày Lễ Ngũ Tuần 12.06.2011 và Lễ Thổi Kèn 29.09.2011 [1].

Hiện tượng thứ nhất là đúng vào ngày Lễ Ngũ Tuần vừa qua, mặt trời đã ở vào vị trí phía trên đầu và giữa hai sừng của chòm sao Kim Ngưu, (xem hình 1 dưới đây). Hiện tượng thứ hai là đúng vào ngày Lễ Thổi Kèn vừa qua, mặt trời đã ở ngang tầm vai và mặt trăng đã ở ngang tầm chân của chòm sao Xử Nữ, (xem hình 2 dưới đây).

Hình 1
Thiên tượng lúc 12 giờ trưa, ngày 12.06.2011,
nhìn từ Jerusalem, Israel.
(Bấm vào hình để xem toàn cảnh của bầu trời)

Hình 2
Thiên tượng lúc 12 giờ trưa, ngày 29.09.2011,
nhìn từ Jerusalem, Israel.
(Bấm vào hình để xem toàn cảnh của bầu trời)

Các thiên tượng này có ý nghĩa gì khi được đối chiếu với các dữ kiện của Thánh Kinh? Trước hết, chúng ta cần tìm hiểu những điểm sau đây: (1) Mục đích và ý nghĩa của các vì tinh tú; (2) Mục đích và ý nghĩa của các ngày lễ trong Thánh Kinh [2]; rồi dựa vào đó để tìm kiếm một kết luận có lý về ý nghĩa của hai thiên tượng kể trên. Phần trình bày dưới đây về ý nghĩa thuộc linh của các chòm sao trong Cung Hoàng Đạo và ý nghĩa thuộc linh của các ngày lễ trong Thánh Kinh, phần lớn chỉ dựa trên suy luận, cho nên chúng ta không thể biến đó thành tín lý trong Thánh Kinh. Tuy nhiên, những suy luận đó hoàn toàn phù hợp với các giáo lý của Thánh Kinh, đem lại cho chúng ta nhiều phước hạnh trong việc suy ngẫm Thánh Kinh và chiêm nghiệm các kỳ công của Thiên Chúa trong vũ trụ.

Mục đích của các vì tinh tú

Thiên Chúa dựng nên các vì tinh tú với những mục đích và nghiêm cấm loài người thờ lạy các vì tinh tú. Nhưng từ ngàn xưa, Sa-tan đã cố ý xúi dục loài người thờ lạy các vì tinh tú qua các tôn giáo và các huyền thoại mê tín, dị đoan; qua các thuật chiêm tinh bói toán, chấm tử vi từ đông sang tây. Mỗi dân tộc, mỗi nền văn hóa, ít hay nhiều đều có những huyền thoại để thần thánh hóa các vì tinh tú; cùng những học thuật chiêm tinh để đoán định các việc tương lai. Tuy nhiên, lẽ thật về mục đích và ý nghĩa của các vì sao, đã do chính Thiên Chúa mạc khải cho loài người và được ghi chép lại trong Thánh Kinh.

Sáng Thế Ký 1:14-16:

"Thiên Chúa lại phán rằng: Phải có các vì sáng trong khoảng không trên trời, đặng phân ra ngày với đêm, và dùng làm dấu để định thì tiết, ngày và năm; lại dùng làm các vì sáng trong khoảng không trên trời để soi xuống đất; thì có như vậy. Thiên Chúa làm nên hai vì sáng lớn; vì lớn hơn để cai trị ban ngày, vì nhỏ hơn để cai trị ban đêm; Ngài cũng làm các ngôi sao"[3].

Phục Truyền Luật Lệ Ký 4:19:

"lại, e khi ngươi ngước mắt lên trời thấy mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao, tức là toàn cả thiên binh, thì ngươi bị quyến dụ quì xuống trước các vì đó, và thờ lạy các tinh tú nầy mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đã chia phân cho muôn dân dưới trời chăng."

Thi Thiên 19:1-4:

"Các từng trời rao truyền sự vinh quang của Đức Chúa Trời. Bầu trời giải tỏ công việc tay Ngài làm. Ngày nầy giảng cho ngày kia. Đêm nầy tỏ sự tri thức cho đêm nọ. Chẳng có tiếng, chẳng có lời nói; Cũng không ai nghe tiếng của chúng nó. Dây do chúng nó bủa khắp trái đất, và lời nói chúng nó truyền đến cực địa. Nơi chúng nó Ngài đã đóng trại cho mặt trời."

Thi Thiên 104:19:

"Ngài đã làm nên mặt trăng để chỉ thì tiết; Mặt trời biết giờ lặn."

Thi Thiên 19:1-4:

"Hỡi mặt trời, mặt trăng, hãy tôn vinh Ngài! Hỡi hết thảy ngôi sao sáng, hãy tôn vinh Ngài!"

Qua Lời Chúa, chúng ta nhận biết các mục đích của Thiên Chúa khi Ngài dựng nên những vì tinh tú là:

  • Dùng chúng làm dấu để phân biệt ngày với đêm.
  • Dùng chúng làm dấu để định thì tiết.
  • Dùng chúng làm dấu để phân định ngày, tháng, năm.
  • Dùng chúng làm các vì sáng trong khoảng không trên trời để soi xuống đất.
  • Phân chia chúng cho muôn dân dưới trời
  • Dùng chúng rao truyền sự vinh quang của Thiên Chúa.
  • Dùng chúng để tôn vinh Thiên Chúa.

Trong công tác rao truyền vinh quang của Thiên Chúa: về mặt thuộc thể, rõ ràng các vì tinh tú là chứng tích cho quyền năng sáng tạo vô biên và sự khôn ngoan tuyệt đối của Thiên Chúa, mà loài người có thể nhìn thấy bằng con mắt xác thịt; về mặt thuộc linh, phải chăng các vì tinh tú trong Cung Hoàng Đạo đã được Thiên Chúa dùng để minh họa lịch sử của loài người và ơn cứu chuộc của Thiên Chúa dành cho nhân loại? Một điểm đáng cho chúng ta lưu ý là Thiên Chúa đã đặt tên cho từng vì sao:

"Ngài dựng nên Sao Bắc Đẩu (Arcturus), Sao Cày (Orion), và Sao Rua (Pleiades), cùng những lầu các bí mật của phương nam" (Gióp 9:9).

"Ngài đếm số các vì sao; gọi từng tên hết thảy các vì ấy" (Thi Thiên 147:4).

"Hãy ngước mắt lên cao mà xem: Ai đã tạo những vật nầy? Ấy là Đấng khiến các cơ binh ra theo số nó, và đặt tên hết thảy; chẳng một vật nào thiếu, vì sức mạnh Ngài lớn lắm, và quyền năng Ngài rất cao" (Ê-sai 40:26).

Trong Gióp 38:31, 32 chính Thiên Chúa gọi tên riêng của Cung Hoàng Đạo và một số chòm sao:

"Ngươi có thế riết các dây chằng Sao Rua (Pleiades) lại, Và tách các xiềng Sao Cày (Orion) ra chăng? Ngươi có thế làm cho Cung Hoàng Đạo (Mazzaroth/Zodiac) ra theo mùa, và dẫn đường cho Bắc Đẩu (Arcturus) với các sao theo nó chăng?"

Về ý nghĩa của từ ngữ, "Cung Hoàng Đạo" là danh từ Hán Việt: "cung" là "hình vòng cung," "hoàng" là "vua," "đạo" là đường đi; "cung hoàng đạo" là đường đi hình vòng cung của vua; và chữ "vua" này dùng để chỉ mặt trời, mà theo cái nhìn của loài người từ địa cầu thì mặt trời là "vua" của các vì tinh tú. Trong tiếng Hy-lạp thì từ ngữ "zōdiakos" được dùng để gọi Cung Hoàng Đạo, được phiên âm sang tiếng La-tin là "zōdiacus," rồi từ tiếng La-tin được phiên âm ra Anh ngữ là "zodiac." Zōdiakos có nghĩa là những con thú, có lẽ, vì hầu hết các hình ảnh tiêu biểu cho những chòm sao trong Cung Hoàng Đạo là hình ảnh của loài thú. Tuy nhiên, từ ngữ "Mazzaroth" trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ chỉ có nghĩa là: được biệt riêng ra (như là biệt riêng ra để làm nhiệm vụ soi sáng và phân định thì tiết, ngày, tháng, năm).

Về thiên văn, Cung Hoàng Đạo là một vòng tròn tưởng tượng trong vũ trụ, cùng tâm điểm với quỹ đạo của địa cầu, tiêu biểu cho đường đi của mặt trời theo cái nhìn từ địa cầu (vòng đỏ sậm bên ngoài trong hình 3 dưới đây). Cung Hoàng Đạo chia đều thành 12 cung, mỗi cung 30o và là vị trí của một chòm sao chính cùng với ba chòm sao phụ liên kết với chòm sao chính.  Nhìn từ địa cầu, dường như mỗi tháng mặt trời di chuyển ngang qua một trong 12 chòm sao chính và  ba chòm sao phụ liên kết với chòm sao chính. Vì thế, các chòm sao trong Cung Hoàng Đạo được dùng làm các dấu hiệu để ấn định ngày, mùa, tháng, năm; và qua đó, ấn định thì tiết của từng mùa như Thánh Kinh đã xác định trong Sáng Thế Ký 1:4. Nói cách khác, trong khi địa cầu quay chung quanh mặt trời thì mỗi tháng địa cầu đối diện với một trong 12 chòm sao đã được Thiên Chúa phân bố đều thành một vòng tròn bao quanh địa cầu, mặt trời và mặt trăng. Vòng tròn của các chòm sao đó ngày nay được dân Á Đông gọi là "Cung Hoàng Đạo," còn dân Tây Phương thì gọi là "Đường Zodiac." Từ đông sang tây, trong môn thiên văn của mọi nền văn hóa, 12 chòm sao chính và 36 chòm sao phụ của Cung Hoàng Đạo luôn luôn giống nhau.

Các nhà thiên văn học từ xa xưa đã biết quan sát và ghi chép sự xuất hiện của các chòm sao trong Cung Hoàng Đạo để làm lịch cho các vụ gieo trồng. Tuy nhiên, Sa-tan đã tạo ra những thần thoại hoặc những ý nghĩa mê tín dị đoan trong việc chiêm tinh bói toán mà gán cho Cung Hoàng Đạo. Đó cũng là một trong những chiến thuật rất hiệu quả của Sa-tan để khiến cho loài người phạm tội trước Thiên Chúa, làm nhục chính mình và Đấng Tạo Hóa, khi họ sấp mình thờ lạy các vì tinh tú và cầu phước từ chúng.

Hình 3
(Bấm vào hình để phóng lớn)
Minh họa vị trí của các chòm sao trong Cung Hoàng Đạo so với mặt trời và địa cầu. Vòng tròn đỏ phía trong là quỹ đạo của địa cầu chung quanh mặt trời. Vòng tròn đỏ lớn phía ngoài là Cung Hoàng Đạo, tiêu biểu cho đường đi tưởng tượng của mặt trời. Những đường xanh lá cây kết nối các vì sao trong mỗi chùm sao thuộc về Cung Hoàng Đạo. Vòng tròn trắng xanh tiêu biểu cho xích đạo trời (celestial equator) tương ứng với xích đạo của địa cầu mà mỗi năm đường đi tưởng tượng của mặt trời cắt ngang qua hai lần, vào tháng ba và tháng chín. Hai thời điểm này được gọi là: Xuân Phân và Thu Phân. Vào hai ngày này thì ngày và đêm dài bằng nhau, khi đó, mặt trời đứng thẳng góc với đường xích đạo trên dất.
Nguồn: http://en.wikipedia.org/wiki/File:Ecliptic_path.jpg

Ý nghĩa của các vì tinh tú trong Cung Hoàng Đạo

Dù Thánh Kinh không xác định cách cụ thể nhưng theo niềm tin truyền thống của người Do-thái, được Sử Gia Joshephus chép lại, thì Thiên Chúa đã đặt lời tiên tri về lịch sử của nhân loại và chương trình cứu rỗi nhân loại vào trong Cung Hoàng Đạo. Mười hai chòm sao chính trong Cung Hoàng Đạo mang ý nghĩa của mười hai lời tiên tri.

Vì lời hứa đầu tiên về sự cứu rỗi của Thiên Chúa ban cho nhân loại được ghi chép trong Sáng Thế Ký 3:15 và lời tiên tri về sự xuất hiện của "Vua trên muôn vua, Chúa trên muôn chúa" được ghi chép trong Khải Huyền 19:16, cho nên, sứ điệp của Thiên Chúa được ghi chép trong các vì sao nhất thiết bắt đầu bằng chòm sao Xử Nữ và kết thúc với chòm sao Hải Sư. Dưới đây là bảng liệt kê 12 chòm sao thuộc Cung Hoàng Đạo và ý nghĩa thuộc linh mà chúng tiêu biểu:

  • Virgo – Xử Nữ (Trinh Nữ, Thất Nữ), tương ứng với chòm sao Thất Nữ, mang hình dáng một trinh nữ. Ý nghĩa thuộc linh: Một nữ đồng trinh sẽ sinh ra một Đấng Giải Cứu để giải cứu nhân loại ra khỏi tội lỗi và hậu quả của tội lỗi.

"Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng dõi mầy cùng dòng dõi người nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chân người"(Sáng Thế Ký 3:15).

"Vậy nên, chính Chúa sẽ ban một điềm cho các ngươi: nầy một gái đồng trinh sẽ chịu thai, sanh ra một trai, và đặt trên là Em-ma-nu-ên"(Ê-sai 7:14).

  • Libra – Thiên Bình hoặc Thiên Xứng, tương ứng với chòm sao Thiên Xứng, mang hình dáng một cái cân trong trạng thái cân bằng. Ý nghĩa thuộc linh: Để giải cứu nhân loại ra khỏi tội lỗi và hậu quả của tội lỗi, Đấng Giải Cứu phải trả một giá tương xứng với sự phạm tội của nhân loại mới thỏa mãn đức công chính của Thiên Chúa.

"Theo luật pháp thì hầu hết mọi vật đều nhờ huyết mà được sạch: không đổ huyết thì không có sự tha thứ"(Hê-bơ-rơ 9:22).

"Theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét, cũng vậy, Đấng Christ đã dâng mình chỉ một lần đặng cất tội lỗi của nhiều người; Ngài lại sẽ hiện ra lần thứ hai, không phải để cất tội lỗi đi nữa, nhưng để ban sự cứu rỗi cho kẻ chờ đợi Ngài"(Hê-bơ-rơ 9:27, 28).

  • Scorpio – Hổ Cáp hoặc Thần Nông, Thiên Yết, Thiên Hạt, tương ứng với chòm sao Thiên Hạt, mang hình dáng con bọ cạp. Ý nghĩa thuộc linh: Nọc độc của sự chết là tội lỗi (tội lỗi làm cho chết), vì thế, để trả một giá tương xứng cho sự phạm tội của nhân loại thì Đấng Giải Cứu phải chịu khổ và chịu chết.

"Vì tiền công của tội lỗi là sự chết"(Rô-ma 6:23a).

"Hỡi sự chết, sự thắng của mầy ở đâu? Hỡi sự chết, cái nọc của mầy ở đâu? Cái nọc sự chết là tội lỗi, sức mạnh tội lỗi là luật pháp"(I Cô-rinh-tô 15:55, 56).

  • Sagittarius – Nhân Mã hoặc Xạ Thủ, Cung Thủ, tương ứng với chòm sao Nhân Mã, mang hình một cung thủ đầu người, mình ngựa. Ý nghĩa thuộc linh: Để cản trở sự ra đời của Đấng Giải Cứu, Sa-tan lập mưu làm ô nhiễm dòng dõi của người nữ bằng cách xui khiến các thiên sứ phạm tội dưới quyền nhập vào những người đàn ông không kính sợ Thiên Chúa, rồi dùng những người này làm băng hoại dòng dõi của loài người, như đã được ghi chép trong Sáng THế Ký 6:1-4:

"Vả, khi loài người khởi thêm nhiều trên mặt đất, và khi loài người đã sanh được con gái rồi, các con trai của Đức Chúa Trời thấy con gái loài người tốt đẹp, bèn cưới người nào vừa lòng mình mà làm vợ. Đức Giê-hô-va phán rằng: Thần ta sẽ chẳng hằng ở trong loài người luôn; trong điều lầm lạc, loài người chỉ là xác thịt; đời người sẽ là một trăm hai mươi năm mà thôi. Đời đó và đời sau, có người cao lớn trên mặt đất, vì con trai Đức Chúa Trời ăn ở cùng con gái loài người mà sanh con cái; ấy những người mạnh dạn ngày xưa là tay anh hùng có danh."

  • Capricornus – Ma Kết, tương ứng với chòm sao Ma Kết, mang hình con dê có đuôi cá. Ý nghĩa thuộc linh: Tội lỗi của loài người lên đến tuyệt đỉnh khiến cho Thiên Chúa phải tiêu diệt thế gian.

"Thế gian bấy giờ đều bại hoại trước mặt Thiên Chúa và đầy dẫy sự hung ác. Nầy, Thiên Chúa nhìn xem thế gian, thấy điều bại hoại, vì hết thảy xác thịt làm cho đường mình trên đất phải bại hoại. Thiên Chúa bèn phán cùng Nô-ê rằng: Kỳ cuối cùng của mọi xác thịt đã đưa đến trước mặt Ta; vì cớ loài người mà đất phải đầy dẫy điều hung hăng; vậy, Ta sẽ diệt-trừ họ cùng đất"(Sáng Thế Ký 6:11-13).

  • Aquarius – Bảo Bình, hay Thủy Bình tương ứng với chòm sao Bảo Bình, manh hình một người đổ nước. Ý nghĩa thuộc linh: Thiên Chúa dùng một cơn lụt lớn để tiêu diệt thế gian.

"Còn Ta đây, Ta sẽ dẫn nước lụt khắp trên mặt đất, đặng tuyệt diệt các xác thịt có sanh khí ở dưới trời; hết thảy vật chi ở trên mặt đất đều sẽ chết hết"(Sáng Thế Ký 6:17).

  • Pisces – Song Ngư, tương ứng với chòm sao Song Ngư, mang hình hai con cá bơi ngược chiều. Ý nghĩa thuộc linh: Trong cơn nước lụt, Thiên Chúa vẫn chừa lại những người đàn ông và đàn bà có lòng tin nơi Ngài và chưa bị băng hoại bởi mưu kế của Sa-tan.

"Mọi loài ở trên mặt đất đều bị hủy diệt, từ loài người cho đến loài thú, loài côn trùng, cùng loài chim trời, chỉ còn Nô-ê và các loài ở với người trong tàu mà thôi"(Sáng Thế Ký 7:23).

  • Aries – Dương Cưu hay Bạch Dương, tương ứng với chòm sao Bạch Dương, mang hình con chiên đực. Ý nghĩa thuộc linh: Chiên Con của Thiên Chúa sẽ xuất hiện để hoàn thành công cuộc cứu rỗi nhân loại.

"Qua ngày sau, Giăng thấy Đức Chúa Jesus đến cùng mình, thì nói rằng: Kìa, Chiên Con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi"(Giăng 1:29).

"Vì biết rằng chẳng phải bởi vật hay hư nát như bạc hoặc vàng mà anh em đã được chuộc khỏi sự ăn ở không ra chi của tổ tiên truyền lại cho mình, bèn là bởi huyết báu Đấng Christ, dường như huyết của chiên con không lỗi không vít, đã định sẵn trước buổi sáng thế, và hiện ra trong cuối các thời kỳ vì cớ anh em"(I Phi-e-rơ 1:18-20).

  • Taurus – Kim Ngưu, tương ứng với chòm sao Kim Ngưu, mang hình con bò đực. Ý nghĩa thuộc linh: Sau khi chịu chết để chuộc nhân loại ra khỏi tội lỗi và hậu quả của tội lỗi, Đấng Giải Cứu sẽ chỗi dậy, dũng mãnh như một con bò tơ, để phán xét và cai trị muôn dân.

"Rồi, tôi thấy trời mở ra, và này, có một con ngựa trắng. Đấng cưỡi nó được xưng là Thành Tín và Chân Thật. Trong sự công chính Ngài sẽ phán xét và gây chiến. Đôi mắt Ngài như ngọn lửa. Trên đầu Ngài có nhiều mão và có một danh được viết mà không ai biết, ngoại trừ chính Ngài. Ngài được khoác áo đã nhúng trong máu và tên Ngài được xưng là 'Lời của Đức Chúa Trời.' Các đạo binh trên trời, mặc áo vải mịn, trắng và tinh sạch, đều cưỡi ngựa trắng, theo Ngài. Từ miệng Ngài ra một thanh gươm bén và Ngài dùng nó để đánh hạ các quốc gia. Ngài sẽ cai trị chúng bằng một cây gậy sắt. Ngài sẽ giày đạp thùng ép rượu của cơn thịnh nộ dữ dội của Đức Chúa Trời Toàn Năng. Trên áo và trên đùi Ngài có một danh được viết: 'Vua Của Các Vua và Chúa Của Các Chúa'"(Khải Huyền 19:11-16 – Bản Dịch Ngôi Lời) [4].

  • Gemini – Song Tử (Song Nam), tương ứng với chòm sao Song Tử, mang hình hai bé trai song sinh. Có ba ý nghĩa thuộc linh: (1) A-đam thứ nhất tiếp nhận Ê-va như thế nào thì A-đam thứ hai cũng sẽ tiếp nhận tân nương của Ngài là Hội Thánh như thế ấy. (2) A-đam thứ nhất nhờ A-đam thứ hai mà được phục hồi địa vị làm con của Thiên Chúa và cả hai trở thành anh em. (3) Đấng Christ vừa mang nhân tính (Con Người) lại vừa mang thần tính (Con Trời) cho đến đời đời.

"Giê-hô-va Thiên Chúa dùng xương sường đã lấy nơi A-đam làm nên một người nữ, đưa đến cùng A-đam. A-đam nói rằng: Người nầy là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi mà ra. Người nầy sẽ được gọi là người nữ, vì nó do nơi người nam mà có. Bởi vậy cho nên người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính díu cùng vợ mình, và cả hai sẽ trở nên một thịt."(Sáng Thế Ký 2:22-24).

"Hỡi kẻ làm vợ, phải vâng phục chồng mình như vâng phục Chúa, vì chồng là đầu vợ, khác nào Đấng Christ là đầu Hội Thánh, Hội Thánh là thân thể Ngài, và Ngài là Đấng Giải Cứu của Hội Thánh" (Ê-phê-sô 5:22, 23).

"Tôi nghe như tiếng của một đám đông lớn, như tiếng của nhiều dòng nước, như tiếng sấm dội vang rền rằng: 'A-lê-lu-gia! Vì Chúa là Đức Chúa Trời Toàn Năng cai trị; chúng ta hãy vui vẻ, mừng rỡ và dâng sự tôn kính lên Ngài. Hôn lễ của Chiên Con đã tới. Vợ Ngài đã sẵn sàng. Người đã được ban cho trang phục trắng, mịn và sạch. Trang phục là những việc làm công bình của các thánh đồ.' Thiên sứ phán với tôi rằng: 'Hãy viết: Phước cho những kẻ được gọi vào tiệc cưới của Chiên Con.' Người phán với tôi rằng: 'Những lời này là Lời Chân Thật của Đức Chúa Trời'" (Khải Huyền 19:6-9 – Bản Dịch Ngôi Lời) [4].

"Ấy vậy, có lời chép rằng: Người thứ nhứt là A-đam đã nên linh hồn sống. A-đam sau hết là thần ban sự sống"(I Cô-rinh-tô 15:45).

"Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định. Vì Ngài cũng đã định sẵn để nên giống như hình bóng Con Ngài, hầu cho Con nầy được làm Con cả ở giữa nhiều anh em"(Rô-ma 8:28, 29).

  • Cancer – Cự Giải hay Bắc Giải, tương ứng với chòm sao Cự Giải, mang hình con cua. Ý nghĩa thuộc linh: Muôn dân thuộc muôn nước, từ bốn phương trời sẽ quy tụ trong thành thánh của Thiên Chúa trong cõi trời mới, đất mới.

"Các quốc gia đã được cứu sẽ bước đi trong ánh sáng của thành. Các vua trên đất sẽ đem sự vinh quang và sự oai nghi của họ vào trong thành. Ban ngày, các cổng thành không hề đóng. Tại đó, không còn có ban đêm. Họ sẽ đem sự vinh quang và sự oai nghi của các quốc gia vào trong thành"(Khải Huyền 21:24-26 – Bản Dịch Ngôi Lời) [5].

  • Leo – Sư Tử, tương ứng với chòm sao Hải Sư, mang hình sư tử. Ý nghĩa thuộc linh: Đấng Christ trong địa vị Vua của muôn vua, Chúa của muôn chúa, sẽ cai trị vương quốc của Thiên Chúa cho đến đời đời.

"Thiên sứ thứ bảy thổi loa, có những tiếng nói lớn trên trời rằng: 'Các quốc gia của thế gian đã thuộc về Chúa chúng ta và Đấng Christ Ngài. Ngài sẽ cai trị cho đến đời đời'" (Khải Huyền 11:15 – Bản Dịch Ngôi Lời) [6].

Lễ Ngũ Tuần và ý nghĩa của thiên tượng thứ nhất

Lễ Ngũ Tuần, trong nguyên ngữ là Lễ Mùa Gặt hoặc Lễ Các Tuần Lễ, do Thiên Chúa chỉ định cho dân sự của Ngài cử hành hàng năm (Lê-vi Ký 23: 15-22). Lễ Ngũ Tuần đối với dân I-sơ-ra-ên là cơ hội để nhớ đến sự kiện Thiên Chúa ban hành Mười Điều Răn tại núi Si-na-i; đối với Hội Thánh là cơ hội để nhớ đến sự kiện Đức Thánh Linh được Thiên Chúa ban cho Hội Thánh và Hội Thánh được báp-tem bằng Thánh Linh, cũng là thời điểm luật pháp của Thiên Chúa được chép vào trong lòng của con dân Chúa. Có lẽ, trong ý nghĩa thuộc linh sâu kín, Lễ Ngũ Tuần tiêu biểu cho thời kỳ Thiên Chúa thu hoạch vụ mùa thuộc linh của Ngài sau khi hạt giống Đấng Christ đã được gieo vào trong thế gian, đã chết, đã phục sinh, và mang lại nhiều kết quả. Vì thế, thiên tượng mặt trời hiện ra giữa hai sừng của chòm sao Kim Ngưu trong ngày Lễ Ngũ Tuần có thể là dấu hiệu tỏ ra cho biết Đấng Christ sắp hiện ra cách vinh hiển để đem Hội Thánh về nhà Cha và thi hành sự phán xét trên toàn thế gian. Thiên tượng đó cũng khiến cho chúng ta nhớ đến Thi Thiên 84:11:

"Vì Giê-hô-va Thiên Chúa là mặt trời và là cái khiên; Đức Giê-hô-va sẽ ban ân điển và vinh quang; Ngài sẽ chẳng từ chối điều tốt lành gì cho ai ăn ở ngay thẳng."

Lễ Thổi Kèn và ý nghĩa của thiên tượng thứ nhì

Lễ Thổi Kèn cũng do Thiên Chúa chỉ định cho dân sự của Ngài cử hành hàng năm (Lê-vi Ký 23:23-25). Có lẽ, trong ý nghĩa thuộc linh sâu kín, Lễ Thổi Kèn tiêu biểu cho (1) ngày Đấng Christ đem Hội Thánh ra khỏi thế gian và (2) ngày Đấng Christ nhóm họp con dân Chúa sau thời đại nạn. Những câu Thánh Kinh dưới đây giúp cho chúng ta liên kết Lễ Thổi Kèn với hai sự kiện nói trên:

(1) I Cô-rinh-tô 15:52"Trong giây phút, trong nháy mắt, lúc tiếng kèn chót; vì kèn sẽ thổi, kẻ chết đều sống lại được không hay hư nát, và chúng ta đều sẽ biến hóa."

(1) I Tê-sa-lô-ni-ca 4:16"Vì sẽ có tiếng kêu lớn và tiếng của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Thiên Chúa, thì chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống; bấy giờ những kẻ chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước hết."

(2) Ma-thi-ơ 24:31"Ngài sẽ sai thiên sứ mình dùng tiếng kèn rất lớn mà nhóm lại những kẻ đã được lựa chọn của Ngài ở khắp bốn phương, từ cuối phương trời nầy cho đến tận phương kia."

Vì thế, thiên tượng xảy ra trong ngày Lễ Thổi Kèn của năm 2011, rất có thể là dấu lạ báo trước rằng thời đại nạn sẽ đến liền sau khi Đấng Christ đem Hội Thánh ra khỏi thế gian; đặc biệt là cơn đau đớn của I-sơ-ra-ên khi bị Sa-tan bách hại trong thời đại nạn, như đã tiên tri trước trong Khải Huyền 12:1-6.

"Trên trời hiện ra một sự lạ lớn: Một người đàn bà được bao phủ bởi mặt trời; dưới chân có mặt trăng và trên đầu có mão là mười hai ngôi sao. Người mang thai, kêu la trong cơn đau thai nghén và quặn đẻ. Lại xuất hiện một sự lạ khác trên trời. Này, một con rồng đỏ có bảy đầu, mười sừng với bảy cái mão trên những đầu của nó. Đuôi nó kéo một phần ba các ngôi sao trên trời mà quăng xuống đất. Con rồng đứng trước người đàn bà sắp đẻ để vừa khi con của người được sinh ra thì nó nuốt lấy. Người sinh ra một bé trai, là Đấng sẽ cai trị mọi quốc gia bằng một cây gậy sắt. Con trai người được cất lên tới Đức Chúa Trời, tới ngai Ngài. Rồi, người đàn bà trốn vào đồng hoang, nơi Đức Chúa Trời đã chuẩn bị một chỗ cho người và người được nuôi trong một ngàn hai trăm sáu mươi ngày" [6].

Kết luận và lời kêu gọi

Thiên Chúa là ĐấngToàn Năng và là nguồn của sự khôn ngoan. Nếu chúng ta suy luận rằng Thiên Chúa đã chọn thể hiện các lời tiên tri của Ngài về lịch sử của nhân loại và chương trình cứu rỗi của Ngài ban cho nhân loại, qua sự sáng tạo các chòm sao trong Cung Hoàng Đạo, thì đó không phải là điều không hợp lý. Tuy nhiên, vì Thánh Kinh không xác định một cách trực tiếp Thiên Chúa đã làm điều đó, cho nên, chúng ta không thể kể những điều được trình bày trên đây vào trong các tín lý của Thánh Kinh. Dầu vậy, chúng ta có thể dùng các chòm sao như là một sự minh họa và nhắc nhở chúng ta về những lẽ thật của Thánh Kinh. Những khi thiên tượng xảy ra một cách độc đáo, như hai thiên tượng trong ngày Lễ Ngũ Tuần và Lễ Thổi Kèn vừa qua, là thời điểm để chúng ta nhớ rằng: Ngày Đức Chúa Jesus Christ xuất hiện giữa chốn không trung để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian đã rất gần. Chúng ta hãy dùng Lời Chúa để khích lệ lẫn nhau cùng sống cho xứng đáng với tình yêu và ân điển Ngài đã ban cho chúng ta:

"Hỡi anh em, chúng tôi chẳng muốn anh em không biết về phần người đã ngủ, hầu cho anh em chớ buồn rầu như người khác không có sự trông cậy. Vì nếu chúng ta tin Đức Chúa Jesus đã chết và sống lại, thì cũng vậy, Đức Chúa Trời sẽ đem những kẻ ngủ trong Đức Chúa Jesus cùng đến với Ngài. Vả, nầy là điều chúng tôi nhờ lời Chúa mà rao bảo cho anh em: chúng ta là kẻ sống, còn ở lại cho đến kỳ Chúa đến, thì không lên trước những người đã ngủ rồi. Vì sẽ có tiếng kêu lớn và tiếng của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Thiên Chúa, thì chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống; bấy giờ những kẻ chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước hết. Kế đến chúng ta là kẻ sống, mà còn ở lại, sẽ cùng nhau đều được cất lên với những người ấy giữa đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa, như vậy chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn. Thế thì, anh em hãy dùng lời đó mà yên ủi nhau." (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:13-18).

Xin gửi đến bạn là người đang đọc những dòng chữ này, mấy lời kêu gọi sau đây:

Nếu bạn chưa bao giờ thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ, xin bạn hãy làm điều đó ngay, trước khi quá trể. Xin xem thêm ý nghĩa về Tin Lành Cứu Rỗi của Thiên Chúa dành cho bạn qua bài viết "Tin Lành Về Vương Quốc của Đức Chúa Trời" tại đây: http://tinlanhvietnam.net/node/848.

Nếu bạn đã tin nhận sự cứu rỗi của Đấng Christ nhưng chưa hết lòng sống nếp sống thánh khiết, vâng phục Lời Chúa, thì xin bạn hãy mau chóng ăn năn, bước ra khỏi nếp sống đạo chiếu lệ, nhiều khi còn nghịch lại lẽ thật của Thánh Kinh, trong các giáo hội do loài người lập ra, mà trở về với lẽ thật của Thánh Kinh, để sống và phục vụ Chúa bằng tâm thần và lẽ thật.

Nếu bạn đang hết lòng sống cho Chúa: hầu việc Chúa, thờ phượng Chúa bằng tâm thần và lẽ thật, tôi xin chúc mừng bạn.

"Nguyền xin chính Đức Chúa Trời bình an khiến anh em nên thánh trọn vẹn, và nguyền xin tâm thần, linh hồn, và thân thể của anh em đều được giữ vẹn, không chỗ trách được, khi Đức Chúa Jesus Christ chúng ta đến! Đấng đã gọi anh em là thành tín, chính Ngài sẽ làm việc đó"(I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23, 24).

Huỳnh Christian Timothy
04.10.2011

Ghi chú

[1] Xem video clip tại đây: http://tinlanhmedia.net/node/69

[2] Xem và download bài "Các Ngày Lễ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu" tại đây: http://thanhkinhthanhoc.net/node/267

[3] Danh xưng "Đức Chúa Trời" trong Thánh Kinh Việt ngữ Bản Dịch Phan Khôi (1926) được hiệu đính thành "Thiên Chúa" trong "Bản Hiệu Đính Phan Khôi 2011" nếu trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ dùng từ ngữ "Elohim." Về cách thức dùng từ ngữ "Thiên Chúa" và "Đức Chúa Trời" trong Thánh Kinh Việt ngữ xin xem bài: "Công Việc Hiệu Đính Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Phan Khôi" tại đây: http://pk2011.thanhkinhvietngu.net/node/1277

[4] http://ngoiloi.thanhkinhvietngu.net/node/24

[5] http://ngoiloi.thanhkinhvietngu.net/node/26

[6] http://ngoiloi.thanhkinhvietngu.net/node/16

[7] http://ngoiloi.thanhkinhvietngu.net/node/17

Tham khảo

www.stellarium.org

– Henry M. Morris và Henry M. Morrisi III, "Many Evidences for the Infallible Christian Faith Proofs;" Chapter: "The Book of God in Heaven," Master Books, 08/1996.

– Huỳnh Christian Timothy, "Các Ngày Lễ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu," http://thanhkinhthanhoc.net/node/267