Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống và in ra bài viết này:
http://www.mediafire.com/download/xq4dndv1s4cctqn/001_ThienChua_KhaiNiemVaDucTin.pdf
Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống mp3 bài này:
http://www.timhieutinlanh.net/?p=3049
Huỳnh Christian Timothy
Khái Niệm về Thiên Chúa
Khái niệm là kết quả của sự cảm nhận và suy nghĩ về một điều gì. Loài người có những khái niệm khác nhau về Thiên Chúa. Khái niệm đúng về Thiên Chúa là khái niệm cho rằng: Thiên Chúa là một thực thể cao siêu tuyệt đối, có các thân vị, tự có và có đến mãi mãi; là Đấng Tạo Hóa sáng tạo, bảo tồn, và cai trị muôn loài vạn vật, mà loài người là tạo vật cao cấp hơn hết, có khả năng nhận thức và tương giao với Thiên Chúa. Khái niệm này được chính Thiên Chúa khai triển qua Lời của Ngài và được ghi chép trong Thánh Kinh. Từ đó, các giáo lý về Thiên Chúa được hình thành.
Qua khái niệm về Thiên Chúa được nêu trên, chúng ta suy nghiệm rằng:
-
Cao siêu tuyệt đối nghĩa là trên hết muôn loài và vô cùng trọn vẹn, cho nên, không thể có Thiên Chúa nào khác.
-
Có các thân vị nghĩa là chỉ có một thực thể Thiên Chúa, nhưng thực thể Thiên Chúa tự thể hiện qua nhiều thân vị khác nhau và bình đẳng với nhau.
-
Đấng Tạo Hóa là Đấng tạo dựng nên muôn loài, cho nên, Ngài phải là Đấng tự có và có đến mãi mãi. Danh xưng Đấng Tạo Hóa được dùng chung cho các thân vị của Thiên Chúa.
-
Vì muôn loài được sáng tạo bởi Thiên Chúa, nên Ngài cai trị trên tất cả, bảo tồn tất cả, và có mục đích cho mỗi loài do Ngài sáng tạo.
-
Sáng tạo là từ chỗ không làm cho có! Chỉ một mình Thiên Chúa mới có năng lực sáng tạo.
-
Thực tế chứng minh, loài người có khả năng nhận thức và suy luận những điều không thể nhìn thấy bằng con mắt xác thịt, cho nên, loài người có thể nhận biết Thiên Chúa và tương giao với Ngài.
-
Mối tương giao giữa Thiên Chúa với loài người phải do chính Thiên Chúa chủ động. Mọi nổ lực của loài người trong việc chủ động thiết lập mối tương giao với Thiên Chúa chính là các hình thức của triết học và tôn giáo, và không thể nào đạt được kết quả. Triết học tìm kiếm sự tương giao với Thiên Chúa trong sự suy tư. Tôn giáo tìm kiếm sự tương giao với Thiên Chúa qua các nghi thức thờ phượng, dâng lễ vật, làm việc thiện. Trong khi đó, Thiên Chúa thiết lập mối tương giao với loài người bằng cách Ngài bày tỏ chính mình Ngài cho loài người, qua lời phán của Ngài và qua sự Thiên Chúa Ngôi Hai nhập thế làm người. Để có thể tương giao với Thiên Chúa, loài người chỉ cần tiếp nhận đặc ân của Ngài, tức là: tôn kính, tin cậy, và vâng phục Ngài. Tất cả những sự bày tỏ ấy, qua nhiều thời đại, trong sự quan phòng của Thiên Chúa, đã được đúc kết thành một cuốn sách, gọi là Thánh Kinh.
Các tư tưởng triết học và các tôn giáo trong thế gian cũng có những khái niệm về một thực thể cao siêu tuyệt đối, nhưng không một khái niệm nào đúng với Thánh Kinh. Bất cứ khái niệm nào về Thiên Chúa mà không đúng với những điều Thánh Kinh đã bày tỏ về Ngài, thì khái niệm ấy không đến từ sự bày tỏ của Thiên Chúa. Loài người không thể nào tự có khái niệm đúng về Thiên Chúa mà phải nhận lấy khái niệm về Thiên Chúa từ chính Ngài. Vì thế, để có thể hiểu biết về Thiên Chúa, về chương trình và ý định của Ngài đối với loài người, đối với mỗi thân vị của loài người, tức là mỗi cá nhân, chúng ta chỉ cần đọc Thánh Kinh và cầu xin sự soi sáng đến từ Thiên Chúa. Tất cả những khái niệm về Thiên Chúa ở ngoài Thánh Kinh chúng ta không cần tốn thời gian để nghiên cứu hoặc bàn luận.
Nói như vậy, sẽ có người hỏi rằng, làm sao biết chắc là chỉ có khái niệm về Thiên Chúa trong Thánh Kinh mới đúng, còn khái niệm về Thiên Chúa từ các nguồn khác là không đúng? Dưới đây là mấy điểm căn bản chúng tôi xin nêu lên để quý bạn đọc suy luận:
-
Đấng Tạo Hóa Tự Có và Có Mãi Mãi đã ban cho loài người khái niệm về sự thực hữu của Ngài, thì Ngài phải có những sự mạc khải, tức là bày tỏ những sự kín dấu, về Ngài cho nhân loại.
-
Sự mạc khải đó phải qua hình thức và phương tiện thông dụng, dễ hiểu nhất đối với loài người, tức là ngôn ngữ mà Ngài đã ban cho loài người.
-
Chỉ cần có một bộ sách để ghi lại những sự mạc khải của Đấng Tạo Hóa. Ngày nay, chúng ta gọi bộ sách ấy là Thánh Kinh. Mọi Lời được ghi lại trong Thánh Kinh được sự ấn chứng của Thiên Chúa và có năng lực của chính Ngài. Nghĩa là, Lời trong Thánh Kinh tự tuyên bố là đến từ Thiên Chúa, và có năng lực khiến cho người ta được biến đổi, trở nên giống như Thiên Chúa về phương diện thuộc linh. Giống như Thiên Chúa về phương diện thuộc linh tức là: ghét mọi điều ác; ghét sự dối trá; ghét sự thờ lạy những hình tượng vô tri, vô giác; yêu thương mọi người; ưa thích những điều lành; có năng lực tránh làm điều ác nhưng làm điều lành; luôn nói lời chân thật; không thỏa hiệp cũng không khuất phục điều ác, người ác!
Vì tất cả các sách vỡ khác ngoài Thánh Kinh không đến từ Thiên Chúa, không phải là sự mạc khải của Ngài và không có năng lực biến đổi những ai tin và làm theo, thì làm sao các sách vỡ đó có thể giải bày chân thật về Thiên Chúa cho loài người?
Ngay cả những cuốn sách thuộc loại “giải kinh,” tức là loại sách giải thích ý nghĩa của Thánh Kinh, do những người xưng nhận là môn đồ của Chúa biên soạn, cũng không phải là hoàn toàn đáng tin. Chỉ những sách giải kinh nào do những môn đồ chân thật của Chúa, được Đức Thánh Linh, một trong ba thân vị của Thiên Chúa, ban ơn, soi dẫn, và giao cho họ việc biên soạn, thì những sách ấy mới giải bày một cách chân thật nội dung của Thánh Kinh mà thôi.
Một người cần phải thực lòng ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Thiên Chúa, quyết tâm sống một đời sống thánh khiết theo lời dạy của Ngài, tức là vâng giữ các điều răn của Ngài, thì mới có thể hiểu được cách sâu nhiệm về Lời Chúa; và mới có ơn Đức Thánh Linh ban cho để nhận biết những sách giải kinh nào đúng và những sách giải kinh nào không đúng với Thánh Kinh.
Một người như vậy, đọc và suy ngẫm những điều được Thiên Chúa giải bày trong Thánh Kinh với tấm lòng khao khát tìm kiếm sự tri thức về Thiên Chúa, thì chính Đức Thánh Linh sẽ mở lòng, mở trí cho người ấy được hiểu biết lẽ thật. Người ấy sẽ được Đức Thánh Linh dẫn quay về với lẽ thật, là điều đã từng được Thiên Chúa ghi chép trong lương tâm của loài người, khi Ngài dựng nên loài người. Chính Thánh Kinh khẳng định rằng:
“Bởi vì sự hiểu biết về Đức Chúa Trời được chiếu ra trong họ. Vì Đức Chúa Trời đã tỏ ra cho họ những sự không thấy được của Ngài, từ sự sáng tạo thế gian là những vật thọ tạo được nhận biết, mà thấy rõ ràng cả năng lực và thần tính đời đời của Ngài…” (Rô-ma 1:19-20) [1].
Chẳng những Đức Thánh Linh dẫn người có lòng tìm kiếm Thiên Chúa vào trong mọi lẽ thật của Thánh Kinh, mà Ngài còn ban cho người ấy đức tin để người ấy tin nhận các lẽ thật của Thánh Kinh:
“Lúc nào Thần Lẽ Thật đến, thì Ngài sẽ dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật; vì Ngài không nói tự mình, nhưng nói mọi điều mình đã nghe, và Ngài giải bày cho các ngươi những sự sẽ đến” (Giăng 16:13).
“Bởi cùng Đấng Thần Linh, cho người nầy được đức tin; cũng bởi cùng Đấng Thần Linh ấy, cho kẻ kia được ơn chữa tật bịnh” (I Cô-rinh-tô 12:9).
Đức Tin về Thiên Chúa
Đức tin khác với lòng tin [2]. Lòng tin đến từ trí thức thu thập được qua thân thể xác thịt. Trí thức là sự biết qua quá trình học tập, nhận xét, và suy luận. Đức tin đến từ tri thức (tri khác với trí, không có dấu sắc) thu thập được qua thân thể thuộc linh. Tri thức là sự biết qua cảm nhận của tâm thần mà không cần suy luận. Đức tin là sự công nhận tri thức nhận được từ Thiên Chúa và làm theo sự tri thức đó.
Qua các lẽ thật của Thánh Kinh được Đức Thánh Linh bày tỏ, mà một người tin nhận sự thực hữu của Thiên Chúa và tôn thờ Ngài. Tin nhận sự thực hữu của Thiên Chúa và các lẽ thật về Thiên Chúa không làm thay đổi một người, cho đến khi người ấy biến đức tin thành hành động, nghĩa là làm theo điều mình tin nhận, để đức tin ấy trở thành đức tin trong Thiên Chúa.
Giả sử, một người ăn mày đói rách gặp một người giàu và có lòng thương xót. Người giàu đưa cho người ăn mày tờ giấy bạc 100 đô-la và nói: “Anh hãy dùng số tiền này mua áo ấm và thức ăn. Rồi đến gặp tôi tại địa chỉ này… ở với tôi trong nhà tôi và làm việc cho tôi, tôi sẽ trả lương cao cho anh.” Nếu người ăn mày vui mừng nhận tờ giấy bạc, rối rít cám ơn người giàu, và hoàn toàn tin điều người ấy nói, nhưng không dùng tờ giấy bạc để mua áo ấm và thức ăn, mà xếp kỷ, cất vào trong túi, thì người ăn mày có được hết đói và hết lạnh hay không? Nếu người ăn mày lúc nào cũng khoe khoang với mọi người về người giàu và công bố rằng, anh ta hết lòng tin vào lời nói của người ấy, nhưng không làm theo lời nói của người ấy thì anh ta có được công ăn việc làm tốt đẹp, thoát cảnh ăn mày đói rách hay không?
Thánh Kinh có nói rằng, nếu ai tin Đức Chúa Trời mà không biến đức tin thành hành động, thì sự tin của người ấy cũng giống như ma quỷ tin có Đức Chúa Trời và run sợ, mà thôi. Đức tin ấy không giúp được gì cho kẻ tin:
“Ngươi tin rằng chỉ có một Đức Chúa Trời mà thôi, ngươi tin phải; ma quỷ cũng tin như vậy và run sợ… Vả, xác chẳng có hơi thở thì chết, đức tin không có việc làm cũng chết như vậy” (Gia-cơ 2:19, 26).
Nhiều người tin sự thực hữu của Thiên Chúa nhưng không tôn thờ Ngài. Vì thế, Thiên Chúa đã phán về họ như sau:
“Bởi vì họ được hiểu biết Đức Chúa Trời, mà họ không tôn vinh Ngài như Thiên Chúa. Họ cũng không tạ ơn Ngài. Nhưng họ ngu dại trong những ý tưởng của họ, và lòng ngu dốt của họ thì tối tăm.
Họ tự xưng là khôn ngoan, họ trở nên ngu dại. Họ đã đổi sự vinh quang không hư mất của Đức Chúa Trời cho hình tượng hay hư nát được làm giống như hình ảnh của loài người, của các loài chim, của các loài thú, và của các loài côn trùng. Vậy nên, Đức Chúa Trời đã bỏ mặc họ cho những sự ô uế theo lòng ham muốn của họ, mà họ tự làm nhục thân thể lẫn nhau.
Họ đã đổi sự chân thật của Đức Chúa Trời cho sự dối trá. Họ đã thờ phượng và hầu việc loài tạo vật thế cho Đấng Tạo Hóa, là Đấng đáng tôn vinh đời đời! A-men. Vì vậy mà Đức Chúa Trời đã bỏ mặc họ cho những khát vọng của sự xấu hổ. Những phụ nữ của họ đã đổi sự quan hệ tính dục tự nhiên cho sự nghịch với tự nhiên. Những người đàn ông cũng vậy, họ đã bỏ cách tự nhiên quan hệ tính dục của người đàn bà mà un đốt khát vọng của họ với lẫn nhau. Những người đàn ông với những người đàn ông, họ làm ra sự xấu hổ.
Họ nhận lãnh trong chính họ sự báo ứng xứng đáng với lầm lỗi của họ. Vì họ chẳng thử nghiệm để nắm giữ Đức Chúa Trời trong tri thức nên Đức Chúa Trời bỏ mặc họ cho tâm trí trụy lạc để làm ra những sự không xứng đáng.
Họ đầy dẫy mọi sự không công bình: tà dâm, độc ác, tham lam, hung dữ; chan chứa sự ganh tỵ, tội giết người, cãi lẫy, lường gạt, thói tật xấu; là những kẻ gièm chê, hay nói xấu, thù ghét Thiên Chúa; là những kẻ xấc xược, kiêu ngạo; là những kẻ khoe khoang; là những kẻ phát minh ra những sự dữ: những sự không vâng lời cha mẹ, thiếu hiểu biết, phạm giao ước, không có tình nghĩa tự nhiên, không đáng tin, không có lòng thương xót.
Họ là những kẻ biết rõ sự phán quyết của Đức Chúa Trời rằng, những kẻ làm ra các sự ấy là đáng chết; thế mà, chẳng những họ tự làm, họ còn vui thú với những kẻ làm các sự ấy.” (Rô-ma 1:21-32) [3].
Cũng có những người tin sự thực hữu của Thiên Chúa và tôn thờ Ngài, nhưng không tin hết các lẽ thật về Ngài được bày tỏ trong Thánh Kinh. Họ tin rằng, Ngài “là Thiên Chúa nhân từ, thương xót, chậm giận, đầy dẫy ân huệ và thành thực, ban ơn đến ngàn đời, xá điều gian ác, tội trọng, và tội lỗi;” nhưng họ không tin rằng, Ngài “chẳng kể kẻ có tội là vô tội, và nhân tội tổ phụ phạt đến con cháu trải ba bốn đời” (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6-7), nên họ vẫn vui sống trong tội lỗi. Vì thế, Thiên Chúa đã phán về họ như sau:
“Chúa có phán rằng: Vì dân nầy chỉ lấy miệng tới gần Ta, lấy môi miệng tôn Ta, mà lòng chúng nó thì cách xa Ta lắm; sự chúng nó kính sợ Ta chẳng qua là điều răn của loài người, bởi loài người dạy cho” (Ê-sai 29:13).
“Dân nầy lấy môi miệng thờ kính Ta; Nhưng lòng chúng nó xa Ta lắm” (Ma-thi-ơ 15:8).
“Chẳng phải hễ những kẻ nói với Ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào Vương Quốc Trời đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha Ta ở trên trời mà thôi. Ngày đó, sẽ có nhiều người thưa với Ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, chúng tôi chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri sao? nhân danh Chúa mà trừ quỷ sao? và lại nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ sao? Khi ấy, Ta sẽ phán rõ ràng với họ rằng: Hỡi những kẻ làm gian ác, Ta chẳng biết các ngươi bao giờ, hãy lui ra khỏi Ta” (Ma-thi-ơ 7:21-23).
Cũng có những người tin về sự thực hữu của Thiên Chúa và tin Thánh Kinh là Lời của Đức Chúa Trời; nhưng vì họ kiêu ngạo, không chịu học tập để trở nên nhu mì và khiêm nhường theo gương của Đức Chúa Jesus Christ (Ma-thi-ơ 11:29); cho nên, họ không được sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh để hiểu được những sự sâu nhiệm về Thiên Chúa. Trái lại, họ vận dụng các trí thức của xác thịt để giải thích Thánh Kinh, nên họ bị lầm lạc và chuốc lấy sự hư mất. Thánh Kinh nói về họ như sau:
“…những kẻ dốt nát và tin không quyết đem giải sai ý nghĩa, cũng như họ giải sai về các phần Thánh Kinh khác, chuốc lấy sự hư mất riêng về mình” (II Phi-e-rơ 3:16).
Đó là số phận của những người phủ nhận thần tính của Đức Chúa Jesus Christ, tức là không công nhận Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa. Đó là số phận của những người phủ nhận thân vị của Đức Thánh Linh, tức là không công nhận Đức Thánh Linh là một thân vị của Thiên Chúa, mà xem Ngài chỉ là năng lực ra từ Thiên Chúa. Họ lầm lẫn giữa Đức Thánh Linh là một thân vị của Thiên Chúa với Thánh Linh là năng lực ra từ Ngài và được Ngài ban cho loài người. Sự lầm lẫn đó giống như sự lầm lẫn giữa máy phát điện với điện ra từ máy phát điện.
Đức Tin trong Thiên Chúa
Khi đức tin về Thiên Chúa biến thành hành động, thì đức tin ấy trở thành đức tin trong Thiên Chúa, là đức tin hết lòng làm theo điều Thiên Chúa phán dạy và nhẫn nại chờ đợi sự đáp ứng của Ngài. Đức tin trong Thiên Chúa giúp cho một người nhận được ân điển cứu rỗi của Thiên Chúa, tức là:
-
được thoát khỏi án phạt của tội lỗi, vì được Đức Chúa Trời tha tội;
-
được thoát khỏi quyền lực của tội lỗi, vì được Đức Chúa Jesus Christ dùng máu của Ngài làm cho sạch tội;
-
được thánh hóa, trở nên giống như Thiên Chúa trong sự công bình, yêu thương, và thánh khiết, vì được Đức Thánh Linh tái sinh thành một người mới và ban cho năng lực để sống đúng theo ý muốn của Thiên Chúa, như đã được bày tỏ trong Thánh Kinh.
Đức tin trong Thiên Chúa còn được gọi là đức tin trong Đức Chúa Jesus Christ; vì Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa trong thân vị Đức Con, đã nhập thế làm người để hoàn thành chương trình và ý định của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Đức Chúa Jesus Christ là Lời Sống của Đức Chúa Trời (Giăng 1:1; Khải Huyền 19:13), cho nên, đức tin trong Thiên Chúa qua các lẽ thật của Thánh Kinh, chính là đức tin trong Đấng Christ.
Thánh Kinh gọi những người có đức tin trong Thiên Chúa là những người:
“vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và có lời chứng của Đức Chúa Jesus Christ” (Khải Huyền 12:17);
hoặc “vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và đức tin trong Đức Chúa Jesus” (Khải Huyền 14:12).
Đức tin trong Thiên Chúa là một tiến trình, tăng trưởng tỉ lệ thuận theo lòng khiêm cung, vâng phục của một người đối với các lẽ thật của Thánh Kinh. Càng vâng phục, làm theo những điều học được từ Thánh Kinh thì một người càng thêm sự tri thức về Thiên Chúa và những sự dạy dỗ khác của Thánh Kinh.
Chiều Sâu của Sự Mạc Khải về Thiên Chúa Trong Thánh Kinh
Có hai điều quan trọng mà mỗi độc giả của sách này cần phải biết là:
Thứ nhất: Nếu một người chỉ có đức tin về Thiên Chúa mà không có đức tin trong Thiên Chúa, thì không thể nào lĩnh hội được chiều sâu của sự mạc khải về Thiên Chúa trong Thánh Kinh.
Với tâm trí bình thường của một người đang chết trong tội lỗi, tức là, đang làm ra những việc nghịch lại ý muốn của Thiên Chúa và đang gánh chịu hậu quả của tội lỗi, thì không ai có thể hiểu được những sự sâu nhiệm của Thánh Kinh. Một người bình thường chỉ có thể hiểu được khái niệm về sự thực hữu của Thiên Chúa, về thân phận đang chết trong tội lỗi của chính mình. Người ấy được Đức Thánh Linh ban cho đức tin để có thể tin nhận các lẽ thật ấy. Sau khi tin nhận các lẽ thật ấy thì một người phải biến đức tin thành hành động, tức là ăn năn tội, tiếp nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jesus Christ, chịu báp-tem vào trong Hội Thánh của Ngài, để được ban cho Thánh Linh mà có năng lực giữ được các điều răn của Đức Chúa Trời, và thêm sự hiểu biết về Thánh Kinh:
“Hãy hối cải, ai nấy phải bởi danh Đức Chúa Jesus chịu phép báp-tem, để được tha tội mình, rồi sẽ được lãnh sự ban cho Đức Thánh Linh” (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:38).
Chỉ khi đó, người ấy mới có thể ngày càng hiểu thêm được những điều sâu nhiệm của Thánh Kinh về Thiên Chúa, về chương trình và ý định của Ngài đối với nhân loại, đối với chính bản thân.
Đức tin ban đầu để tin nhận Thiên Chúa và sự cứu rỗi của Ngài trong Đức Chúa Jesus Christ được ban cho một người trong tâm trí xác thịt của người ấy. Nhưng liền sau khi người ấy chịu tin nhận và thể hiện bằng hành động ăn năn tội và xưng nhận Đức Chúa Jesus Christ, thì lập tức tâm thần của người ấy được tái sinh; và kể từ đó, người ấy không còn nhận biết Thiên Chúa theo tâm trí của xác thịt nữa, mà là nhận biết theo tâm trí của tâm thần. Vì thế, mà Sứ Đồ Phao-lô đã quả quyết:
“Bởi đó, từ rày về sau, chúng tôi không theo xác thịt mà nhận biết ai nữa; và, dẫu chúng tôi từng theo xác thịt mà nhận biết Đấng Christ, song cũng chẳng còn nhận biết Ngài cách ấy đâu. Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới” (II Cô-rinh-tô 5:16-17).
Thứ nhì: Một người đã được tái sinh, tức đã được dựng nên mới trong Đấng Christ nhờ biến đức tin về Thiên Chúa thành hành động, nhưng nếu không chịu từ bỏ các trí thức của xác thịt, lại tìm cách vận dụng chúng để hiểu biết về Thiên Chúa, thì cũng không thể nào lĩnh hội được chiều sâu của sự mạc khải về Thiên Chúa trong Thánh Kinh.
Chúng ta cần phải dùng Thánh Kinh để kiểm chứng khoa học và triết học chứ không phải dùng khoa học và triết học để kiểm chứng Thánh Kinh. Chúng ta phải công nhận tất cả những gì đã được Thánh Kinh công bố, rồi từ đó, chúng ta mới dùng các lẽ thật đó của Thánh Kinh để chứng minh khoa học và triết học, làm cho chúng được phong phú.
Thánh Kinh khẳng định:
“Vả, người có tánh xác thịt không nhận được những sự thuộc về Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời; bởi chưng người đó coi sự ấy như là sự rồ dại, và không có thể hiểu được, vì phải xem xét cách thiêng liêng” (I Cô-rinh-tô 2:14).
Ngay cả trong công tác giảng dạy Lời Chúa cũng không thể dùng sự khôn ngoan và trí thức của xác thịt:
“Lời nói và sự giảng của tôi chẳng phải bằng bài diễn thuyết khéo léo của sự khôn ngoan, nhưng tại sự tỏ ra của thần trí và năng lực; hầu cho anh em chớ lập đức tin mình trên sự khôn ngoan loài người, bèn là trên năng lực của Thiên Chúa. Dầu vậy, chúng tôi giảng sự khôn ngoan cho những kẻ trọn vẹn, song chẳng phải sự khôn ngoan thuộc về đời nầy, cũng không phải của các người cai quản đời nầy, là những kẻ sẽ bị hư mất. Chúng tôi giảng sự khôn ngoan của Thiên Chúa, là sự mầu nhiệm kín giấu, mà từ trước các đời, Đức Chúa Trời đã định sẵn cho sự vinh quang của chúng ta” (I Cô-rinh-tô 2:4-7).
Ngày nay, có biết bao là thần học gia và các nhà giải kinh thuộc các giáo hội đã thỏa hiệp với quan điểm của thế gian, chạy theo các ý tưởng triết học và các giả thuyết khoa học mà bác bỏ các lẽ thật trong Thánh Kinh. Gần đây, họ tìm cách dung hòa các giả thuyết của khoa học với Thánh Kinh, bằng cách lập ra “Thuyết Tiến Hóa Hữu Thần.”
Cũng có những kẻ vì kiêu ngạo, bị tà linh dẫn dụ, cho rằng mình được sự khai sáng từ Thiên Chúa, nhưng lại chối bỏ lẽ thật về một thực thể Thiên Chúa thể hiện trong ba thân vị: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh, mà Thánh Kinh đã trình bày một cách rõ ràng!
Nan đề khiến cho một người tin nhận Thiên Chúa mà vẫn sai lầm trong sự hiểu biết Thánh Kinh, chính là vì họ chưa thật sự sống theo Lời Chúa. Điển hình là, họ không giữ Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, trong đó, điều răn thứ tư về sự giữ ngày Thứ Bảy Sa-bát bị họ vi phạm trầm trọng. Điển hình là, họ ham chuộng hư danh, học vị của đời này, nhất là những hư danh và học vị trong các giáo hội, dẫn đến sự họ trở thành kiêu ngạo. Và điển hình là, họ không dứt bỏ các giáo lý sai lầm của các giáo hội, không dứt bỏ những thói tục sai nghịch Thánh Kinh do các giáo hội giảng dạy, như các thứ Lễ Easter, Lễ Christmas… [4], [5], [6]. Họ đã là con dân Thiên Chúa mà lại đang ở trong sự nguy hiểm bị diệt vì thiếu sự thông biết:
“Dân Ta bị diệt vì cớ thiếu sự thông biết. Bởi ngươi bỏ sự thông biết thì Ta cũng bỏ ngươi, đặng ngươi không làm thầy tế lễ cho Ta nữa; bởi ngươi đã quên luật pháp của Thiên Chúa mình, thì Ta cũng sẽ quên con cái ngươi” (Ô-sê 4:6).
Nguyện Đức Thánh Linh giúp cho những người như vậy, để họ hiểu được các lẽ thật của Thánh Kinh được trình bày trong các chương kế tiếp. Nhờ đó, họ có được một đức tin chân thật trong Thiên Chúa. A-men!
Huỳnh Christian Timothy
18.7.2013
Ghi Chú
[1] Đọc và nghe bài “Rô-ma_006” tại đây: https://timhieutinlanh.com/thanhoc/?p=31
[2] Xem và nghe bài “Lòng Tin và Đức Tin” tại đây: http://www.timhieutinlanh.net/?p=824
[3] Đọc và nghe các bài từ “Rô-ma_007” đến “Rô-ma_010” tại đây:
https://timhieutinlanh.com/thanhoc/?page_id=103
[4] Đọc bài “Huyền Thoại về Easter:” http://www.timhieutinlanh.net/?p=289
[5] Đọc bài “Phản Ứng về Bài Huyền Thoại Easter:” http://www.timhieutinlanh.net/?p=222
[6] Đọc và xem bài “Sự Thật về Christmas:” http://www.timhieutinlanh.net/?p=158
[A] Tất cả những câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là từ Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời và Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống Hiệu Đính 2012. Quý bạn có thể đọc trên mạng: www.ngoiloi.thanhkinhvietngu.net và www.thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.
[B] Dùng các nối mạng dưới đây để tra xem ý nghĩa trong Anh ngữ và nghe cách phát âm của một từ ngữ Hê-bơ-rơ hoặc Hy-lạp trên Internet:
-
Xem nghĩa và nghe cách phát âm các từ ngữ Hê-bơ-rơ: http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=H0001
(thay thế 0001 bằng mã số Strong của từ ngữ muốn tra). -
Xem nghĩa và nghe cách phát âm các từ ngữ Hy-lạp: http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=G0001
(thay thế 0001 bằng mã số Strong của từ ngữ muốn tra).
Copyright Notice: All Rights Reserved © 2013 Vietnamese Christian Mission Ministry.
Thông Báo Tác Quyền: Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry.
Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức nhưng xin giữ đúng nguyên văn,
kể cả thông báo về tác quyền này.