Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
Sự Thực Hữu của Chúng Ta
-
Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/
-
Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
-
Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.
Cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta cơ hội được bước vào năm 2017. Đối với chúng ta là những con dân của Thiên Chúa, chúng ta nên xem những ngày đầu của một năm mới là cơ hội tốt và thích hợp, để chúng ta suy ngẫm đến công trình sáng tạo tuyệt vời của Thiên Chúa và nhất là suy ngẫm về sự thực hữu lạ lùng của chúng ta.
Sự thực hữu của mỗi người, ngoại trừ con người xác thịt của Đức Chúa Jesus, đều bắt đầu từ khi Thiên Chúa dựng nên A-đam. Nói cách khác, khi Thiên Chúa dựng nên A-đam thì Ngài đã dựng nên toàn thể loài người trong A-đam. Thánh Kinh xác nhận lẽ thật ấy. Hê-bơ-rơ 7:9-10 cho biết, cháu đời thứ tư của Áp-ra-ham, là Lê-vi, đã thực hữu cùng Áp-ra-ham và dự phần trong việc đóng một phần mười của cải cho Thầy Tế Lễ Mên-chi-xê-đéc, là việc xảy ra hàng trăm năm trước khi Lê-vi được sinh ra trong thế gian:
“Lại có thể nói rằng Lê-vi là kẻ thu lấy một phần mười đó, chính mình người cũng bởi Áp-ra-ham mà đóng một phần mười; vì Lê-vi vẫn còn ở bên trong hông của tổ phụ khi Mên-chi-xê-đéc gặp người.”
Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/jd2f0kyen5abz2n/201701_SuThucHuuCuaChungTa.mp3
OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNDg2MDQ4MjJf/201701_SuThucHuuCuaChungTa.mp3
Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8
Vì thế, trước khi Áp-ra-ham được sinh ra trong thế gian, thì ông cũng đã ở trong lòng của A-đam. Tương tự như vậy, mỗi một người được sinh ra trong thế gian này, ngoại trừ con người xác thịt của Đức Chúa Jesus, đều đã ở trong lòng của A-đam. Chính vì vậy mà khi A-đam phạm tội thì toàn thể loài người ra từ A-đam đều nhiễm tội. Nhiễm tội tức là tiêm nhiễm bản tính ưa thích tội và làm ra tội; như cha mẹ ghiền ma túy thì con cái được sinh ra cũng bị nhiễm chứng ghiền ma túy, mặc dù lúc được sinh ra, con cái chưa bao giờ tự mình dùng ma túy [1]. Cũng chính vì vậy mà mỗi một người được sinh ra trong thế gian bởi A-đam đầu tiên đều ở trong án phạt của sự phạm tội:
“Vì, như bởi sự không vâng phục của một người mà mọi người khác đều thành ra kẻ có tội.” (Rô-ma 5:19).
Sự thực hữu của Đức Chúa Jesus, khác với tất cả mọi người trong thế gian. Trong khi A-đam được Thiên Chúa sáng tạo, Ê-va được Thiên Chúa làm ra từ A-đam, còn tất cả những người khác đều được sinh ra bởi sự kết hiệp của A-đam cùng Ê-va, thì Đức Chúa Jesus được sinh ra bởi Đức Chúa Trời trong lòng trinh nữ Ma-ri. Từ trong lòng trinh nữ Ma-ri, Ngài được Đức Chúa Trời sai vào trong thế gian (Giăng 3:17; Ga-la-ti 4:4; I Giăng 4:9). Sự vào trong thế gian của Đức Chúa Jesus là do mệnh lệnh của Đức Chúa Trời, và từ trong lòng trinh nữ Ma-ri, chứ không phải từ thiên đàng, mà Ngài vào trong thế gian. Bởi vì sự thực hữu của con người Jesus bắt đầu từ trong lòng trinh nữ Ma-ri, chứ không phải con người Jesus thực hữu từ thiên đàng được Đức Chúa Trời sai vào trong thế gian. Ngài là Đấng từ trời đến, nhưng sự đến từ trời của Ngài là sự đến của Thiên Chúa (Giăng 1:11). Sự từ thiên đàng giáng thế làm người là sự Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời, tự nguyện mang lấy thân thể xác thịt loài người trong lòng trinh nữ Ma-ri (Phi-líp 2:7). Sự vào trong thế gian là sự từ trong lòng Ma-ri được sinh ra trong thế gian. Ngôi Lời tự bỏ đi hình thể của Thiên Chúa, rời thiên đàng để vào trong thế giới vật chất, và được sinh ra làm người trong thế gian. Đức Chúa Trời không hề sai Ngôi Lời nhập thế làm người. Đức Chúa Trời chỉ sai con người xác thịt Jesus vào trong thế gian để làm Đấng Christ.
Chúng ta thường nghe câu: “Con Trời giáng thế làm người.” Câu ấy hoàn toàn sai với lẽ thật của Thánh Kinh. Thánh Kinh không bao giờ nói Ngôi Lời là con của Đức Chúa Trời và được sinh ra bởi Đức Chúa Trời. Thánh Kinh khẳng định: “Ban đầu có Ngôi Lời. Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời. Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Giăng 1:1). Thánh Kinh chỉ nói một con người tên Jesus là con của Đức Chúa Trời, mà đã là người thì phải được sinh ra bởi loài người trong thế gian.
Đức Chúa Jesus là loài người vì Ngài mang thân thể xác thịt của loài người và được sinh ra bởi loài người. Nhưng Ngài chính là Thiên Chúa tự bỏ đi hình thể của Thiên Chúa, để mang lấy hình thể của loài người. Có hàng chục câu Thánh Kinh xác nhận: Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa [2]. Vì thế, chúng ta không thể nói: “Con Trời giáng thế làm người” mà chúng ta phải nói: Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời giáng thế làm người (Giăng 1:14), trở nên con đầu lòng của Đức Chúa Trời, được Đức Chúa Trời sai vào trong thế gian, để thi hành công cuộc cứu chuộc loài người ra khỏi tội lỗi và hậu quả của tội lỗi. Từ đó, những ai tin nhận sự cứu chuộc của Đức Chúa Jesus Christ thì đều được Đức Chúa Trời sinh ra thành người mới, trở nên những con trai và những con gái của Đức Chúa Trời.
“Đấng thực hữu trong hình thể của Thiên Chúa, nhưng chẳng coi sự bình đẳng của mình với Thiên Chúa là sự nên nắm giữ. Chính Ngài đã tự bỏ mình đi, nhận lấy hình thể của tôi tớ, và trở nên ở trong sự giống như loài người; được tìm thấy trong thể trạng của một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, đến nỗi chết trên cây thập tự. [“Thể trạng của một người” là tất cả những gì thuộc về một người, bao gồm: ngoại hình, cảm giác và cảm xúc, thái độ, hành động, nếp sống…]” (Phi-líp 2:6-8).
Chúng ta có thể hiểu về sự Ngôi Lời nhập thế làm người như sau: Bởi ý muốn của Thiên Chúa trong thân vị Đức Chúa Trời mà Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh đã làm ra phép lạ, để Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời trở thành một thân vị loài người (Ma-thi-ơ 1:18). Phép lạ ấy có thể là Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh đã tạo ra một tế bào truyền chủng mang nhiễm sắc thể nam trong lòng trinh nữ Ma-ri, phối hiệp với tế bào trứng của Ma-ri, hình thành một thân thể xác thịt, để Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời trở nên loài người, mang tên là Jesus. Vì thế, Đức Chúa Jesus vừa hoàn toàn là người, vừa hoàn toàn là Thiên Chúa. Ngài được gọi là A-đam sau cùng, (A-đam có nghĩa là loài người), Thần Ban Sự Sống (I Cô-rinh-tô 15:45), vì bởi Ngài và trong Ngài mà chúng ta được Đức Chúa Trời sinh chúng ta ra thành người mới, theo hình ảnh của Thiên Chúa, giống như Thiên Chúa trong sự công bình và sự thánh sạch chân thật (Ê-phê-sô 4:24; Cô-lô-se 3:10); được phục hồi địa vị làm con của Đức Chúa Trời; được sống đời đời trong một thân thể xác thịt mới.
Con người Jesus không thực hữu trong A-đam vào ngày thứ sáu của công cuộc sáng tạo như chúng ta, mà Ngài bắt đầu thực hữu trong thân vị loài người bởi ý muốn của Đức Chúa Trời, bởi phép lạ của Đấng Thần Linh, và bởi sự tự nguyện của Ngài vào một ngày cách nay hơn hai ngàn năm, mở ra một dòng dõi mới của loài người. Về phần xác thịt loài người thì Ngài được sinh ra trong một thời điểm của thời gian, gọi là “ngày nay” (Thi Thiên 2:7; Công Vụ Các Sứ Đồ 13:33), tại một địa điểm trong không gian gọi là “Bết-lê-hem” (Ma-thi-ơ 2:1). Nhưng về phần tâm thần và linh hồn thì Ngài là Thiên Chúa tự có và có mãi như Đức Chúa Trời, ở bên ngoài thời gian, không gian, và vật chất (Giăng 1:1). Chúng ta cần phân biệt rõ: Về thân vị loài người thì Đức Chúa Jesus được Đức Chúa Trời sinh ra, gọi Đức Chúa Trời là Cha và Đức Chúa Trời. Về thân vị Thiên Chúa thì Ngài mang danh hiệu Ngôi Lời, cùng tự có và có mãi với Đức Chúa Trời, với Đấng Thần Linh. Cả ba thân vị hiệp một, bình đẳng, bình quyền trên mọi phương diện [3].
Trở lại với sự thực hữu của chúng ta, mặc dù chúng ta đã được Đức Chúa Trời sáng tạo cùng một lúc với A-đam từ khi sáng thế, nhưng mãi đến cái khoảnh khắc tế bào truyền chủng của người cha, thường gọi là tinh trùng, kết hiệp với tế bào truyền chủng của người mẹ, thường gọi là trứng, thì sự thực hữu của chúng ta mới có một thân vị riêng biệt. Nghĩa là vào lúc đó chúng ta mới trở nên một thân vị thuộc dòng dõi loài người. Trước đó, chúng ta đã được Thiên Chúa dựng nên trong A-đam, nhưng chúng ta chưa có thân vị. Thân vị là một thực thể có khả năng và sự tự do quyết định dựa trên nhận thức, lý luận, và cảm xúc. Một thực thể có thân vị chỉ có thể là Thiên Chúa, các thiên sứ (bao gồm các thiên sứ phạm tội trở thành ma quỷ), và loài người.
Trong công cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã sáng tạo nên loài người, là một người nam, như hình của Thiên Chúa và theo tượng của Thiên Chúa, đặt tên là A-đam. Tên A-đam có nghĩa là: loài người.
Như hình của Thiên Chúa là nói đến sự được dựng nên với các đặc tính tốt lành như các đặc tính của Thiên Chúa. Đó là: yêu thương, công bình, và thánh khiết. Chữ “hình” trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ còn có nghĩa là “hình bóng” hay là “tiêu biểu cho”. Như khi chúng ta nói: Con sư tử tiêu biểu cho sự dũng mãnh! Con sư tử là hình ảnh của sự dũng mãnh! Thì câu ấy có nghĩa là: nhìn vào con sư tử người ta có thể hiểu được thế nào là dũng mãnh, chứ không phải sự dũng mãnh có một hình thể giống như hình thể của con sư tử.
Theo tượng của Thiên Chúa là nói đến sự giống như hình thể của Thiên Chúa trong thân thể thiêng liêng là tâm thần cũng như trong thân thể vật chất là xác thịt. Ngày nay, với con mắt xác thịt chúng ta không thể nhìn thấy hình thể thiêng liêng của chúng ta là tâm thần, cũng như chúng ta không thể nhìn thấy hình thể thiêng liêng của Thiên Chúa và các thiên sứ bằng con mắt xác thịt. Khi các thiên sứ giao tiếp với loài người, thì họ phải hiện ra trong hình thể xác thịt của loài người, để chúng ta có thể nhìn thấy và giao tiếp với họ. Nhưng khi Thiên Chúa nhập thế làm người, thì chúng ta có thể nhìn thấy hình thể xác thịt của Thiên Chúa bằng con mắt xác thịt, và chúng ta có thể sờ chạm hình thể xác thịt của Ngài.
Có thể nói: Từ trong cõi đời đời, Thiên Chúa đã chọn cho Ngài một hình thể vật chất, để xuất hiện trong thế giới vật chất mà Ngài sẽ tạo nên. Và Ngài đã tạo nên loài người với một thân thể vật chất giống như hình thể vật chất của Ngài mà Ngài đã chọn. Rất có thể, trong ngày Thiên Chúa sáng tạo loài người, Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời (Giăng 1:3) đã hiện ra trên đất, trong hình thể của một người nam, để gom bụi đất lại, thổi hơi linh vào, tạo ra A-đam. Nếu sự thật là như vậy, thì sự hiện ra trong hình thể một người nam của Ngôi Lời lúc ấy không phải là sự nhập thế làm người, mà chỉ là sự hiện ra trong hình dáng của loài người, như cách các thiên sứ hiện ra để giao tiếp với loài người.
Thiên Chúa chỉ sáng tạo một loài người và Ngài chỉ sáng tạo một thân vị loài người. Từ thân vị loài người duy nhất được sáng tạo đó, Thiên Chúa làm ra thân vị thứ nhì của loài người, là một người nữ. Rồi, Ngài khiến cho hai thân vị nam nữ hiệp một với nhau để tạo ra vô số các thân vị loài người khác, gọi là dòng giống của loài người. Trong A-đam có những tế bào truyền chủng mang nhiễm sắc thể giống nam hoặc giống nữ. Trong một đơn vị tế bào của loài người có một bộ 23 đôi, gồm 46 nhiễm sắc thể. Đôi thứ 23 bao gồm nhiễm sắc thể giống nam và nhiễm sắc thể giống nữ [4] là thông tin để tạo ra thai nhi giống nam hoặc giống nữ.
“Nhiễm sắc thể” là một cấu trúc chứa đựng thông tin về sự truyền chủng trong một tế bào, dễ bị nhuộm màu để quan sát qua kính hiển vi. Nhiễm sắc có nghĩa là: nhiễm màu sắc của thuốc nhuộm do các nhà sinh vật học dùng. Thể có nghĩa là: thể chất, hình thể.
“Tế bào” là một từ Hán Việt. Tế có nghĩa là: nhỏ bé. Bào có nghĩa là: cái túi, cái bọc. Tế bào có nghĩa là: cái bọc nhỏ bé chứa đựng sự sống và các thông tin để tạo thành hình thể vật chất của các sinh vật.
“Truyền chủng” là một từ Hán Việt. Truyền có nghĩa là: chuyển giao điều gì đó từ người này sang người kia hoặc từ đời trước sang đời sau. Chủng có nghĩa là: dòng giống một loài sinh vật. Truyền chủng có nghĩa là: lưu lại dòng giống từ đời trước sang đời sau.
“Tinh trùng” là một từ Hán Việt dùng để gọi tế bào truyền chủng ra từ thân thể của người cha. Các ngôn ngữ tây phương thì dùng một danh từ ra từ tiếng Hy-lạp, có nghĩa là “hạt giống”. Cách gọi tế bào truyền chủng trong tiếng Hán Việt rất là có ý nghĩa. Vì chữ “tinh” vừa có nghĩa là thuần khiết lại vừa có nghĩa là thuộc về sự thiêng liêng, để chỉ về tâm thần; còn chữ “trùng” chỉ về một sinh vật bé nhỏ. Vậy, tinh trùng có nghĩa là một sinh vật bé nhỏ mang các chất liệu thuần khiết và phần thiêng liêng của loài người để tạo ra một thân vị người.
Chúng ta có thể hiểu rằng, khi Thiên Chúa tạo ra thân vị người nữ từ A-đam, thì Ngài đã dùng một tế bào mang nhiểm sắc thể giống nữ từ A-đam để tạo ra một người nữ, mà A-đam đặt tên là Ê-va. Tên Ê-va có nghĩa là: người ban sự sống. Sự sống được nói đến ở đây là sự sống của dòng giống loài người. Bởi vì kể từ đó, loài người được lưu truyền bởi A-đam nhưng được sinh ra bởi Ê-va. Nhưng cũng kể từ đó, những tế bào truyền chủng trong người nam hoặc người nữ chỉ mang một nửa của 23 đôi nhiễm sắc thể. Trong người nam luôn luôn có những tế bào truyền chủng mang nhiễm sắc thể giống nam hoặc giống nữ. Nhưng trong người nữ thì chỉ có những tế bào truyền chủng mang nhiễm sắc thể giống nữ.
Loài người được lưu truyền bởi sự phối hiệp một tế bào truyền chủng từ người nam, gọi là tinh trùng, với một tế bào truyền chủng từ người nữ, gọi là trứng. Trung bình một lần xuất tinh của người cha có khoảng hai trăm triệu tinh trùng nhưng chỉ có một tinh trùng xâm nhập được tế bào trứng của người mẹ. Trường hợp lúc ấy có nhiều tế bào trứng trong buồng trứng của người mẹ thì mỗi trứng tiếp nhận một tinh trùng, tạo thành các bào thai khác nhau, được sinh ra cùng một lúc. Một người có thể sinh đôi, sinh ba, sinh bốn… Trường hợp nhiều nhất là sinh chín, một tại Úc và một tại Malaysia, nhưng các trẻ được sinh ra đều chết trước hoặc sau khi sinh [5]. Cũng có trường hợp sau khi tinh trùng phối hiệp với trứng thì trứng tự phân hai hoặc phân ba… thành ra thai đôi hoặc thai ba… mà các thai nhi hoàn toàn giống nhau về phái tính và hình thể, vì cùng ra từ một tinh trùng.
Chúng ta hãy tưởng tượng rằng, cùng một lúc mình tham dự cuộc chạy đua với khoảng hai trăm triệu người, một số người gấp đôi toàn dân số nước Việt Nam, nhưng mình là người về nhất, giật giải thưởng duy nhất. Không phải là chúng ta tài giỏi gì mà là chính Đức Chúa Trời đã chọn chúng ta từ trong khoảng hai trăm triệu mầm sống, để chúng ta được thực hữu trong thân vị người, được có cơ hội tin nhận ân điển của Ngài, để cùng sống đời đời trong hạnh phúc với Ngài.
Thánh Kinh cho biết nhiều người được gọi nhưng ít người được chọn (Ma-thi-ơ 22:14). Cửa rộng và đường khoảng khoát dẫn đến sự hư mất, thì có nhiều kẻ vào đó; nhưng cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, thì có ít người tìm gặp (Ma-thi-ơ 7:13-14). Hội Thánh của Chúa không phải là số đông mà chỉ là “bầy nhỏ” (Lu-ca 12:32). Ngày Đức Chúa Jesus Christ trở lại để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, ngoại trừ số người chết trong Chúa khoảng hai ngàn năm nay, được sống lại là số đông, thì số người đang sống trên đất, thật sự có đức tin nơi Chúa, không có là bao nhiêu. Chính Đức Chúa Jesus Christ đã tiên tri trong Lu-ca 18:8:
“Ta nói với các ngươi, Ngài sẽ vội vàng làm sự bênh vực họ. Nhưng khi Con Người đến, Ngài sẽ thấy đức tin trên đất chăng?”
Số người trong Hội Thánh thật của Chúa cùng đồng trị với Chúa trong toàn cơ nghiệp của Đức Chúa Trời thì không nhiều, nhưng số người tin Chúa trong Kỳ Đại Nạn và trong thời Vương Quốc Ngàn Năm thì sẽ rất nhiều. Tất cả, cùng với những thánh đồ trước thời Tân Ước được gọi chung là một dòng dõi thánh.
Mỗi một người trong chúng ta đã được Đức Chúa Trời chọn từ trong khoảng hai trăm triệu mầm sống, để khiến trở nên một người. Mỗi một người trong chúng ta đã được Đức Chúa Trời chọn từ trong khoảng gần một trăm triệu người Việt Nam, để đưa vào Hội Thánh của Ngài. Hãy ý thức ân điển đặc biệt và địa vị đặc biệt Đức Chúa Trời dành riêng cho chúng ta trong chương trình của Ngài. Những ai chưa tin nhận sự cứu rỗi của Chúa hoặc chưa thật lòng tin và làm theo Lời Chúa, hãy ăn năn! Đừng để qua đi cơ hội quý báu mà Đức Chúa Trời đã ban cho. Đức Chúa Jesus Christ luôn bênh vực chúng ta nhưng khi Ngài đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, thì Ngài có thấy chúng ta giữ vững đức tin trong Ngài hay không? Điều gì chứng minh chúng ta có đức tin trong Ngài? Đó là chúng ta sống như Ngài đã sống, vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa:
“Và bởi điều này mà chúng ta biết mình đã biết Ngài: ấy là chúng ta giữ các điều răn của Ngài. Ai nói: Tôi biết Ngài! Mà không giữ các điều răn của Ngài, là người nói dối, lẽ thật không ở trong người ấy. Nhưng ai giữ lời Ngài, thì tình yêu của Đức Chúa Trời thật là trọn vẹn trong người ấy. Bởi đó, chúng ta biết chúng ta ở trong Ngài. Ai nói mình ở trong Ngài, thì người ấy cũng phải bước đi như chính Ngài đã bước đi.” (I Giăng 2:3-6).
Tế bào truyền chủng của người nam di truyền sự sống thuộc thể lẫn sự sống thuộc linh. Sự sống thuộc thể là thân thể xác thịt để loài người tương giao với thế giới vật chất. Sự sống thuộc linh bao gồm tâm thần và linh hồn. Tâm thần là thân thể thiêng liêng để loài người tương giao với thế giới thuộc linh, gồm: Thiên Chúa, các thiên sứ hoặc ma quỷ (những thiên sứ phạm tội), và tâm thần của loài người. Linh hồn là bản ngã, là cái tôi của mỗi người. Tế bào truyền chủng của người nữ chỉ di truyền sự sống thuộc thể.
Vì chúng ta cùng được dựng nên trong A-đam từ khi sáng thế, nên tâm thần, linh hồn, và các nguyên tố tạo nên thân thể xác thịt của chúng ta đều ở trong A-đam và lưu truyền qua các đời, cho đến khi chúng ta được thai dựng trong lòng mẹ. Có hai lý thuyết thần học sai lầm về nguồn gốc của linh hồn như sau:
-
Thuyết Sáng Tạo: Thuyết này cho rằng, mỗi khi có sự đậu thai thì Thiên Chúa sáng tạo một linh hồn và linh hồn ấy lập tức kết hợp với thân thể xác thịt. Linh hồn mới được sáng tạo thì vô tội nhưng khi kết hợp với thể xác thì lập tức bị nhiễm tội từ thể xác.
Lý thuyết này có các điểm sai lầm nghịch lại với lẽ thật của Thánh Kinh:
a) Thiên Chúa đã ngưng sự sáng tạo vào cuối ngày thứ sáu của công cuộc sáng thế, không thể có chuyện Thiên Chúa sáng tạo thêm một điều gì.
b) Thiên Chúa là công chính, Ngài không thể sáng tạo một linh hồn vô tội, đem kết hợp với một thân thể xác thịt tội lỗi, khiến cho linh hồn đó thành ra có tội.
c) Tội lỗi do linh hồn điều khiển thân thể xác thịt làm ra, không phải do thân thể xác thịt lây nhiễm cho linh hồn.
-
Thuyết Tiền Thực Hữu: Thuyết này cho rằng linh hồn của loài người đã được Thiên Chúa dựng nên từ trước và chứa trong một nơi đặc biệt trên thiên đàng; khi có sự đậu thai thì linh hồn được Thiên Chúa sai nhập vào thân thể xác thịt.
Lý thuyết này không giải thích được, vì sao một linh hồn vô tội lại chịu án phạt chung của A-đam như Rô-ma 5:19 đã chép: “Vì, như bởi sự không vâng phục của một người mà mọi người khác đều thành ra kẻ có tội.”
Sự thật là: Mọi người khác thành ra kẻ có tội như A-đam vì được sinh ra theo cách truyền chủng từ A-đam và nhận sự di truyền của tội lỗi từ A-đam. Một người tức là một linh hồn ở trong thân thể thiêng liêng là tâm thần và ở trong thân thể vật chất là xác thịt. Một người được sinh ra tức là một linh hồn được sinh ra trong một thân thể thiêng liêng và một thân thể vật chất, nhận lãnh sự di truyền về thuộc thể cũng như thuộc linh từ cha mẹ [6].
Chính vì vậy mà tất cả chúng ta được sinh ra bởi cha loài người đều bị di truyền bản tính tội từ bản ngã, tức linh hồn, đã phạm tội của A-đam. Nhưng Đức Chúa Jesus được sinh ra bởi Đức Chúa Trời thì chỉ nhận sự di truyền về sự sống thuộc thể của Ê-va qua nữ đồng trinh Ma-ri. Ngài không bị di truyền sự sống thuộc linh đã nhiễm tội từ A-đam. Tâm thần và linh hồn của Ngài là tâm thần và linh hồn của Thiên Chúa, nhưng tạm từ bỏ vinh quang của Thiên Chúa, để sống giữa thế gian một cách hoàn toàn người. Vì thế, Ngài là A-đam mới, A-đam sau cùng, ban sự sống cho những ai tin nhận sự cứu rỗi của Ngài (I Cô-rinh-tô 15:45).
Có một câu hỏi được đặt ra là: Nếu như A-đam không phạm tội, cũng chưa ăn trái Cây Sự Sống mà đã sinh ra một số con trai và con gái. Trong số các con trai và con gái của A-đam, có người không phạm tội và có người phạm tội, thì thế gian sẽ như thế nào? Câu trả lời là: Chúng ta không biết chắc thế gian sẽ như thế nào trong hoàn cảnh đó. Nhưng có thể sẽ như thế này: Khi có những người phạm tội thì họ sẽ bị đuổi ra khỏi khu vườn tại Ê-đen. Những người không phạm tội vẫn được ở trong vườn và được quyền ăn trái của Cây Sự Sống. Đối với những người đã ăn trái của Cây Sự Sống thì họ và con cháu được sinh ra từ họ sẽ không bao giờ phạm tội. Vì khi họ ăn trái của Cây Sự Sống thì họ trở nên trọn vẹn như Đức Chúa Trời là trọn vẹn. Người đã ăn trái của Cây Sự Sống thì không còn phạm tội. Như con tằm sau khi hoá thành con bướm thì không bao giờ còn ăn lá dâu.
Những người phạm tội sẽ bị đuổi ra khỏi khu vườn tại Ê-đen, dòng giống của họ đều bị nhiễm tội. Sự chết sẽ đến với họ. Nhưng Đức Chúa Trời sẽ cho họ một thời gian để ăn năn, và Thiên Chúa Ngôi Lời vẫn phải nhập thế làm người để cứu chuộc họ. Tuy nhiên, có lẽ Vương Quốc Ngàn Năm sẽ đến sớm hơn và thế giới không phải trải qua Cơn Lụt Lớn, vì trên đất vẫn còn những người không phạm tội, đã ăn trái của Cây Sự Sống.
Khi một tế bào truyền chủng từ người nam có mang nhiễm sắc thể giống nam phối hợp với một tế bào truyền chủng từ người nữ (luôn mang nhiễm sắc thể giống nữ) thì một bé trai được hình thành. Khi một tế bào truyền chủng từ người nam có mang nhiễm sắc thể giống nữ phối hợp với một tế bào truyền chủng từ người nữ (luôn mang nhiễm sắc thể giống nữ) thì một bé gái được hình thành. Như vậy, việc lưu truyền giống nam hay giống nữ hoàn toàn tùy thuộc vào tế bào truyền chủng từ người cha.
Tinh trùng hoặc trứng đều không có khả năng tự phát triển thành nhiều tế bào khác, mà phải phối hiệp làm một với nhau, thành một tế bào mới, gọi là tế bào lưỡng bội. Lưỡng bội là một từ Hán Việt. Lưỡng có nghĩa là: hai (chỉ về hai phần của bộ nhiễm sắc thể). Bội có nghĩa là: nhân lên nhiều. Tế bào lưỡng bội có đủ bộ 23 đôi nhiễm sắc thể, tức là có đủ 46 nhiễm sắc thể, có khả năng tự nhân giống để tạo ra nhiều tế bào cần thiết cho việc hình thành toàn bộ thân thể vật chất của loài người. Từ tế bào lưỡng bội đầu tiên ấy, hơn ba mươi bảy ngàn tỷ tế bào khác được tạo ra, để hình thành toàn bộ thân thể xác thịt của một người [7], [8], [9], [10], [11], [12].
Nếu chúng ta xếp một ngàn tỷ tờ giấy bạc một đô-la Mỹ lên nhau, tờ này trên tờ kia, thì chiều cao của chúng sẽ là 55,000 dặm, tương đương 88,514 km, cao hơn 10,000 lần đỉnh núi Everest (8,848 mét) là nơi cao nhất trên địa cầu. Nếu chúng ta lái xe với tốc độ trung bình 55 dặm một giờ thì chúng ta cần 1000 giờ để vượt hết chặng đường 55,000 dặm tức là gần 42 ngày đêm lái xe không ngừng nghỉ. Và đó chỉ là một ngàn tỷ đầu tiên. Con số ba mươi bảy ngàn tỷ tế bào trong một thân thể trung bình của loài người thật là vượt trí tưởng tượng.
Trong vòng 4 ngày đầu tiên sau khi tinh trùng phối hiệp với trứng để tạo thành tế bào lưỡng bội, thì tế bào ấy từ buồng trứng, theo ống dẫn trứng di chuyển dần xuống tử cung, cùng lúc tự nhân đôi thành hai, rồi hai nhân đôi thành bốn, bốn thành tám, tám thành mười sáu, mười sáu thành ba mươi hai. Mỗi đợt nhân đôi như vậy kéo dài trong khoảng từ 12 đến 20 tiếng và tế bào được nhân ra giống chính xác với tế bào gốc trong mọi phương diện. Từ ngày thứ năm trở đi các tế bào vẫn nhân đôi nhưng bắt đầu biến hóa theo chức năng được phân công từ bộ di truyền (DNA/ADN) [13]. Mỗi tế bào tiếp tục nhân đôi để tạo thành các bộ phận khác nhau trong cơ thể, mà quả tim là chi thể đầu tiên được hoàn thành.
Điều thú vị và mầu nhiệm trong việc truyền chủng của loài người là: Thiên Chúa chỉ dựng nên một loài người và Ngài phân chia loài người thành hai thân vị: nam và nữ. Từ đó, những tế bào truyền chủng trong người nam và trong người nữ chỉ chứa có một nửa bộ nhiễm sắc thể. Cần phải có sự phối hiệp giữa một tế bào truyền chủng của người nam với một tế bào truyền chủng của người nữ để làm ra một thân vị loài người khác.
Ngoài ra, Thiên Chúa không dựng nên nhiều loài người, dù Ngài dựng nên các loài thần linh khác nhau (sê-ra-phim, chê-ru-bim, và các thiên sứ), các loài thú, các loài chim, các loài cá, các loài côn trùng khác nhau, vì Thánh Kinh nói rõ:
“Chẳng phải Ngài chỉ làm ra một {loài người} dù hơi linh của Ngài là dư dật sao? Vì sao chỉ làm ra một? Ấy là để tìm một dòng dõi thánh…” (Ma-la-chi 2:15).
Sự thực hữu của loài người cũng như của muôn loài thọ tạo khác là sự thực hữu đời đời. Có nghĩa là có thật bởi sự sáng tạo của Thiên Chúa và sẽ còn lại mãi mãi. Thiên Chúa là Đấng trọn vẹn, toàn năng, và còn đến đời đời, vì thế, những gì Thiên Chúa làm ra sẽ còn lại đời đời. Trong thế gian có một tư tưởng triết học, về sau trở thành một tôn giáo lớn trong số những tôn giáo lớn nhất, là Phật Giáo. Phật Giáo dạy rằng, tất cả mọi sự đều không có thật. Tất cả mọi sự đều là vô ngã, tức không có bản ngã, không có linh hồn. Đó là một trong các sự lường gạt lớn của Ma Quỷ trong lịch sử loài người. Hàng tỷ người, nhất là trong các nước Á Đông, đã tin theo Phật Giáo từ đời này sang đời khác, và đã đi vào trong sự hư mất. Vì họ không ý thức rằng, mỗi một người được chính Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh của Ngài, và mỗi một người sẽ còn lại cho đến đời đời.
Thi Thiên 146 xác nhận công trình sáng tạo của Thiên Chúa sẽ còn lại đời đời:
“Ngài thiết lập chúng cho đến đời đời; cũng đã ra sắc lệnh sẽ không bị vi phạm.” (Thi Thiên 146:8).
Điều này không có gì mâu thuẫn với sự kiện trời cũ đất cũ sẽ cháy tan và Thiên Chúa sẽ dựng nên trời mới đất mới. Các tầng trời và đất cùng muôn vật trong trời đất được dựng nên bởi các lời phán của Thiên Chúa (Sáng Thế Ký 1). Từ hư không, tức là từ chỗ không có thật, mà những hạt vật chất, tức là các nguyên tố hóa học xuất hiện, có thật, theo lời phán của Thiên Chúa, để hình thành thế giới vật chất này. Khi trời cũ, đất cũ nổ tung và cháy tan thì các nguyên tố hóa học trở về trạng thái ban đầu của những hạt vật chất, sẵn sàng cho sự hình thành trời mới đất mới. Kiểu mẫu và mục đích công trình sáng tạo của Thiên Chúa không hề thay đổi. Những hạt vật chất một khi đã được sáng tạo sẽ không bao giờ qua đi. Chính khoa học vật lý của loài người đã nhận biết như vậy.
Mệnh đề: “Ngài thiết lập chúng cho đến đời đời” nói đến sự kiện Thiên Chúa sáng tạo muôn loài là để chúng còn lại đời đời. Cho dù tội lỗi của các thiên sứ và loài người có tạm thời làm băng hoại sự sáng tạo của Thiên Chúa, nhưng Ngài sẽ làm mới mọi sự khi thời điểm đến. Như thân thể xác thịt của chúng ta đây, được sáng tạo để còn lại đời đời, cho dù hiện nay tội lỗi tạm thời làm cho xác thịt của chúng ta bị băng hoại, bệnh tật, già yếu, chết đi, và tan rã thành các nguyên tố hóa học, nhưng một ngày kia Thiên Chúa sẽ làm cho nó sống lại hoặc biến hóa thành một thân thể mới. Thân thể ấy hoặc là còn lại đời đời trong hỏa ngục, hoặc là còn lại đời đời trong vương quốc của Đức Chúa Trời, mà sự lựa chọn thuộc về mỗi một người.
Mệnh đề “cũng đã ra sắc lệnh sẽ không bị vi phạm” nói đến sắc lệnh của Thiên Chúa về các định luật vật lý Ngài đặt ra khi Ngài sáng tạo thế giới vật chất, cũng như những định luật thiêng liêng, đạo đức, dành cho các thiên sứ và loài người. Những định luật vật lý ấy cũng không thay đổi và còn đến đời đời. Những định luật thiêng liêng ấy cũng không thay đổi và còn đến đời đời. Ngày nay, chúng ta sống trong một thế giới bị băng hoại bởi tội lỗi, sự hiểu biết của chúng ta về các định luật vật lý cũng bị băng hoại. Chắc chắn, trong Vương Quốc Ngàn Năm, khi trời đất được dựng nên mới lần thứ nhất, sự hiểu biết các định luật vật lý của loài người sẽ được phục hồi. Ai nấy cũng sẽ đều biết về Thiên Chúa như chính A-đam và Ê-va đã từng biết, mà không cần ai dạy cho:
“Chúng nó sẽ chẳng làm hại, chẳng hủy diệt trong cả núi thánh của Ta. Vì thế gian sẽ đầy dẫy sự tri thức về Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, như nước che lấp biển.” (Ê-sai 11:9).
“Chúng nó ai nấy sẽ chẳng dạy người lân cận mình hay là anh em mình, nói rằng: Hãy nhìn biết Đấng Tự Hữu Hằng Hữu! Vì hết thảy chúng nó đều sẽ nhìn biết Ta, người nhỏ cũng như người lớn. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán: Vì Ta sẽ tha sự gian ác của chúng nó, và Ta sẽ chẳng nhớ tội lỗi của chúng nó nữa.” (Giê-rê-mi 31:34).
“Vì sự nhận biết vinh quang Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ đầy dẫy khắp đất như nước đầy tràn biển.” (Ha-ba-cúc 2:14).
Hãy ghi nhớ điều này: Muôn loài vạn vật mà chúng ta nhìn thấy trong hiện tại đều đã bị băng hoại bởi tội lỗi của các thiên sứ và loài người. Chúng không còn nguyên vẹn, tốt lành như khi Thiên Chúa dựng nên chúng. Nhưng sự tốt lành và trọn vẹn của muôn vật đã được Thiên Chúa thiết lập cho đến đời đời, nên khi thời điểm đến, Ngài sẽ phục hồi muôn vật y như khi chúng được sáng tạo. Trong sự dựng nên mới các tầng trời và đất lần thứ nhất cho thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm, chúng ta sẽ kinh nghiệm được sự tốt lành của muôn vật như đã được diễn tả trong Sáng Thế Ký 1, nhưng tội lỗi và sự chết vẫn còn hiện diện. Loài người sống trong Vương Quốc Ngàn Năm do Đức Chúa Jesus Christ trực tiếp cai trị từ Giê-ru-sa-lem, vẫn có thể phạm tội và vẫn có thể bị chết. Trong sự dựng nên mới các tầng trời và đất sau cùng, để mở ra Vương Quốc Đời Đời, chúng ta sẽ kinh nghiệm sự tốt lành của muôn vật y như ý định và mục đích của Thiên Chúa đối với công cuộc sáng tạo của Ngài, vì trong Vương Quốc Đời Đời sẽ không còn tội lỗi, không còn sự chết (Khải Huyền 21:4-5).
Sự thực hữu của chúng ta bắt đầu từ khi Thiên Chúa dựng nên A-đam và là sự thực hữu đời đời. Chúng ta có thể thực hữu đời đời trong hai trạng thái:
-
Trạng thái đau khổ ngày đêm không dứt trong hồ lửa, (hỏa ngục), vì không ăn năn tội, không tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, không sống theo các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa. Trạng thái đau khổ ấy được Thánh Kinh gọi là sự chết thứ nhì, được tiên tri trong Khải Huyền 20:10-15; 21:8.
-
Trạng thái hạnh phúc trong Vương Quốc Đời Đời của Đức Chúa Trời trong trời mới đất mới, vì thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, và hết lòng vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa, sống theo luật pháp của Ngài là Thánh Kinh. Trạng thái hạnh phúc ấy được Thánh Kinh gọi là sự sống đời đời, được tiên tri trong Khải Huyền 21 và 22.
Theo Thánh Kinh, sự chết không có nghĩa là tan biến thành hư vô, không còn biết gì cả, mà sự chết là sự bị phân rẽ:
-
Sự chết thứ nhất là sự chết của thân thể vật chất, là sự thân thể xác thịt bị phân rẽ khỏi thân thể thiêng liêng là tâm thần, và bị phân rẽ khỏi linh hồn. Khi sự chết thứ nhất xảy ra thì thân thể thiêng liêng ra khỏi thân thể xác thịt, về lại cùng Đức Chúa Trời là Đấng đã ban nó cho mỗi người, còn xác thịt thì tan rã thành bụi đất:
“…rồi bụi đất sẽ trở về đất y như nguyên cũ, tâm thần sẽ trở về với Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban nó.” (Truyền Đạo 12:7).
“Ngươi sẽ đổ mồ hôi trán mới có mà ăn, cho đến ngày ngươi trở về đất, vì ngươi được lấy ra từ đó. Vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi.” (Sáng Thế Ký 3:19).
Linh hồn của người không thuộc về Thiên Chúa thì sẽ vào trong âm phủ, chờ ngày thân thể xác thịt sống lại để ra trước tòa phán xét của Thiên Chúa, chịu án phạt về mỗi tội lỗi đã làm ra trong cuộc đời này.
Linh hồn của người thuộc về Thiên Chúa thì sẽ vào trong thiên đàng, chờ ngày thân thể xác thịt sống lại để vui hưởng Vương Quốc của Đức Chúa Trời, bao gồm Vương Quốc Ngàn Năm sau Kỳ Tận Thế và Vương Quốc Đời Đời trong trời mới đất mới.
-
Sự chết thứ nhì là sự linh hồn và thân thể phục sinh của người không thuộc về Thiên Chúa bị phân rẽ khỏi Thiên Chúa và phải chịu hình phạt đời đời trong hồ lửa:
“Họ sẽ bị hình phạt hư mất đời đời, xa cách mặt Chúa và sự vinh quang của sức mạnh Ngài…” (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:9).
“Rồi, tôi thấy một ngai trắng, lớn và Đấng ngự trên ngai. Đất và trời trốn khỏi mặt Ngài, chẳng còn thấy chỗ của chúng nữa. Tôi thấy những kẻ chết, nhỏ lẫn lớn, đứng trước Đức Chúa Trời. Có những sách mở ra. Lại có một sách khác là Sách Sự Sống được mở ra. Những kẻ chết bị phán xét tùy theo những việc họ đã làm và đã được ghi lại trong những sách ấy. Biển đã giao lại những kẻ chết trong nó. Sự chết và âm phủ cũng đã giao lại những kẻ chết trong chúng. Mỗi người bị phán xét tùy theo những việc họ đã làm. Sự chết và âm phủ bị ném vào hồ lửa. Hồ lửa là sự chết thứ nhì. Bất cứ kẻ nào không tìm thấy được chép trong Sách Sự Sống thì bị ném vào hồ lửa.” (Khải Huyền 20:11-15).
“Còn những kẻ hèn nhát, không tin, đáng gớm ghiếc; những kẻ giết người; những đĩ đực; những kẻ phù phép; những kẻ thờ thần tượng; và tất cả những kẻ nói dối sẽ có phần của chúng trong hồ đốt với lửa và lưu hoàng. Đó là sự chết thứ nhì.” (Khải Huyền 21:8).
Mỗi người sẽ thực hữu trong trạng thái nào sau khi thế gian hiện tại qua đi là sự tự do lựa chọn của mỗi người. Thiên Chúa dựng nên loài người theo hình và tượng của Ngài, biết nhận thức, biết cảm xúc, biết suy nghĩ, biết quyết định [14]. Thậm chí, Ngài còn đặt để lương tri trong loài người, tức là sự tự nhiên biết những điều tốt lành, mà người thế gian vẫn gọi là những sự thánh thiện, đạo đức, tức là tình yêu, sự công chính, và sự thánh khiết. Thiên Chúa cũng khiến cho loài người ý thức về sự thực hữu đời đời của mình và mục đích của Đức Chúa Trời trong sự sáng tạo của Ngài. Thánh Kinh chép:
“Ngài đã làm nên hết thảy {muôn vật} tốt lành trong thời điểm {chúng được sáng tạo}. Ngài khiến cho sự đời đời ở trong lòng họ, nếu không, loài người chẳng thể tìm ra công việc mà Đức Chúa Trời làm từ ban đầu cho đến cuối cùng.” (Truyền Đạo 3:11).
Ngài khiến cho sự đời đời ở trong lòng loài người là Ngài khiến cho loài người ý thức có một Thiên Chúa đời đời, ý thức muôn vật và bản thân mình sẽ còn lại đời đời. Chính nhờ có ý thức như vậy mà loài người tìm kiếm sự tri thức về Thiên Chúa và việc làm của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã bày tỏ về chính Ngài và việc làm của Ngài trong Thánh Kinh. Vì thế, để hiểu rõ về sự thực hữu của mình và Đấng Thiên Chúa dựng nên mình, chúng ta phải đọc và suy ngẫm Thánh Kinh.
Đọc và suy ngẫm Thánh Kinh chỉ là bước đầu để chúng ta học biết về mình và về Thiên Chúa. Bước kế tiếp là chúng ta phải cẩn thận làm theo, nhờ đó mà chúng ta được phước và được khôn sáng trong mọi quyết định, mà quyết định quan trọng nhất là quyết định ăn năn tội, tin nhận sự cứu chuộc của Đức Chúa Jesus, và sống theo Lời Chúa.
“Quyển sách luật pháp này chớ xa miệng ngươi, hãy suy ngẫm ngày và đêm, để cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong. Vì như vậy, ngươi mới được thịnh vượng trong đường lối mình và ngươi mới hành động thông sáng.” (Giô-suê 1:8).
Quyển sách luật pháp là Thánh Kinh là Lời Hằng Sống của Thiên Chúa. Được thịnh vượng trong đường lối mình là được mọi thứ phước từ Thiên Chúa trong đời sống, mà phước lớn nhất là được nhận biết Thiên Chúa cùng ý muốn của Ngài. Thánh Kinh dùng chữ con đường hay đường lối để chỉ về đời người, dùng bước đi để chỉ về nếp sống mỗi ngày. Hành động là kết quả của sự quyết định. Hành động thông sáng là việc làm theo sau quyết định sáng suốt bởi sự tri thức từ Lời Chúa. Tri thức là sự hiểu biết đến trực tiếp từ Thiên Chúa, không qua kinh nghiệm hoặc học tập như là trí thức.
Sự Thiên Chúa dựng nên chúng ta trong lòng mẹ không phải là một sự trực tiếp sáng tạo, vì Ngài đã sáng tạo chúng ta trong A-đam từ khi sáng thế. Mà là một sự phát triển của sự sáng tạo ấy. Nhờ hiểu biết về sự thực hữu của mình mà chúng ta mới biết mình được dựng nên cách đáng sợ lạ lùng, cho mục đích tốt lành đời đời của Thiên Chúa. Cũng nhờ đó mà chúng ta mới biết quý trọng mạng sống của một người. Cũng nhờ đó mà chúng ta không sợ sự chết nếu chúng ta chọn thuộc về Thiên Chúa. Vì biết rằng, thời điểm thân thể xác thịt của chúng ta chết đi thì chúng ta sẽ bước vào trong cõi đời đời hạnh phúc bên Thiên Chúa. Cũng nhờ đó mà chúng ta đứng vững trước mọi sự cám dỗ và thử thách, không phạm tội, không ngã lòng, vì biết rõ mình là ai và những gì Thiên Chúa đã sắm sẵn cho mình.
“Vì Ngài đã sở hữu tâm thần của tôi. Ngài đã dệt nên tôi trong lòng mẹ tôi. Tôi sẽ tôn vinh Ngài, vì tôi đã được dựng nên cách đáng sợ lạ lùng. Công việc của Ngài là siêu việt, linh hồn tôi biết rõ lắm. Thể chất của tôi đã không giấu khỏi Ngài khi tôi được tạo ra trong nơi kín nhiệm, được dệt nên trong nơi thấp của đất. Mắt của Ngài đã thấy thể chất chưa thành hình của tôi. Trong sách của Ngài, đã ghi khắc tất cả các ngày được hình thành {của tôi}, khi chưa có một ngày {nào trong các ngày ấy}.” (Thi Thiên 139:13-16).
“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán: Vì Ta biết những ý tưởng mà Ta nghĩ đến các ngươi, là những ý tưởng bình an, không phải tai họa, để cho các ngươi được sự trông cậy cuối cùng.” (Giê-rê-mi 29:11).
Sự trông cậy cuối cùng của chúng ta là sự trông cậy hạnh phúc: Được mặc lấy một thân thể xác thịt vinh quang bất tử, được vào trong Vương Quốc Đời Đời, được sống hạnh phúc mãi mãi trong tình yêu và ân điển của Thiên Chúa [15].
Cảm tạ Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu! Đấng dựng nên chúng ta cách đáng sợ, lạ lùng, giống như Ngài; gọi chúng ta là con cái của Ngài, là cơ nghiệp của Ngài; và cứu chuộc chúng ta khi chúng ta phạm tội nghịch lại Ngài! Nguyện mọi vinh quang đời đời thuộc về Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu! A-men!
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
07/01/2017
Ghi Chú
[1] https://medlineplus.gov/ency/article/007238.htm
[2] http://timhieuthanhkinh.net/thien-chua-12_thanh-kinh-goi-duc-chua-jesus-christ-la-thien-chua/
[3] Đọc và nghe loạt bài giảng về “Thiên Chúa” tại đây:
http://timhieuthanhkinh.net/le-that-cua-thanh-kinh/
[4] https://ghr.nlm.nih.gov/primer/basics/howmanychromosomes
[5] https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_multiple_births
[6] Đọc và nghe loạt bài giảng về “Loài Người” tại đây:
http://timhieuthanhkinh.net/le-that-cua-thanh-kinh/
[7] Ba mươi bảy ngàn tỷ = 37,000,000,000,000.
[8] Xem hình minh họa một ngàn tỷ đô-la: http://www.pagetutor.com/trillion/index.html
[9] http://wonderopolis.org/wonder/how-many-cells-are-in-the-human-body
[10] Video “Life Before Birth – In the Womb” (Đời Sống Trước Sự Sinh Nở – Trong Tử Cung): https://www.youtube.com/watch?v=0gAsdEUNUJY
[11] Video “Human Development” (Sự Phát Triển của Loài Người): https://www.youtube.com/watch?v=UgT5rUQ9EmQ
[12] https://www.biology.iupui.edu/biocourses/N100/2k4ch39repronotes.html
[13] https://vi.wikipedia.org/wiki/DNA
[14] http://timhieuthanhkinh.net/chu-giai-sang-the-ky-126-31/
[15] http://www.timhieutinlanh.net/lam-moi-su-trong-cay-hanh-phuc/