Ngày Thứ Bảy Sa-bát và Các Kỳ Lễ Hội

753 views

YouTube: https://youtu.be/vW834Jphy2w

202213 Bài Giảng Trong Năm 2022
Các Ngày Lễ Hội của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu (1)
Ngày Thứ Bảy Sa-bát và Các Kỳ Lễ Hội

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

Sách Lê-vi Ký là sách ghi chép các luật lệ liên quan đến công việc phụng sự Thiên Chúa của chi phái Lê-vi, một trong 12 chi phái của dân I-sơ-ra-ên, được Đức Chúa Trời biệt riêng để làm thầy tế lễ và những người phục vụ Đền Thờ Thiên Chúa. Sách Lê-vi Ký ghi lại các quy định về các của lễ dâng lên Thiên Chúa; cách thức chọn và phong chức thầy tế lễ; bổn phận và quyền lợi của các thầy tế lễ; các luật lệ liên quan đến sự thánh khiết thuộc thể lẫn thuộc linh; luật phân biệt loài thú sạch và không sạch; sự quy định các ngày lễ hội của Thiên Chúa; các quy định về năm Sa-bát, năm Vui Mừng. Ngoài ra, sách Lê-vi Ký cũng quy định luật về sự cứu giúp người nghèo; luật về nô lệ; luật hình sự về tội phạm thượng và tội giết người.

Lê-vi Ký đoạn 23 ghi lại chi tiết về các ngày lễ hội của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Chúng là các ngày lễ hội do chính Đấng Tự Hữu Hằng Hữu quy định, theo ý muốn và mục đích của Ngài.

“Hãy nói với con cháu của I-sơ-ra-ên và nói với họ: Các ngày lễ hội của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu mà các ngươi sẽ rao truyền là các sự nhóm hiệp thánh, chúng là các ngày lễ hội của Ta. (Lê-vi Ký 23:2).

Danh từ “lễ hội” (H4150) trong tiếng Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh có nghĩa là thời gian hoặc nơi chốn được chỉ định trước cho một sự kiện nào đó, hoặc là cuộc hẹn gặp nhau giữa hai hay nhiều phía được sắp xếp trước. Chúng ta hiểu rằng, danh từ “lễ hội” được dùng trong Thánh Kinh để chỉ về các ngày lễ hội của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu có nghĩa là các ngày đã được Thiên Chúa chỉ định làm thời gian để con dân Chúa nhóm hiệp nhau, thờ phượng Ngài; một cuộc hẹn gặp nhau giữa Thiên Chúa và con dân của Ngài. Như vậy, các ngày đó đã được Thiên Chúa chỉ định trước, dựa theo lịch mà Ngài đã ban cho loài người qua dân I-sơ-ra-ên (Xuất Ê-díp-tô Ký 12), để con dân Chúa nhóm hiệp, thông công với nhau và cùng nhau thờ phượng Thiên Chúa. Mỗi lễ hội có ý nghĩa đặc biệt liên quan đến chương trình của Đức Chúa Trời dành cho loài người.

Các ngày lễ hội được liệt kê trong Lê-vi Ký đoạn 23 được chia thành hai loại. Loại đều đặn xảy ra vào mỗi ngày Thứ Bảy cuối tuần, được gọi là ngày Sa-bát. Loại xảy ra mỗi năm một lần, được gọi là các kỳ lễ hội; hoặc xảy ra mỗi tháng một lần, gọi là ngày Lễ Trăng Mới.

Ngày Thứ Bảy Sa-bát và các kỳ lễ được quy định trong Lê-vi Ký đoạn 23. Lễ Trăng Mới, tức là Lễ Đầu Tháng, nhằm ngày 01 mỗi tháng, được ghi lại trong Dân Số Ký 10:10; 28:11-14; Ê-sai 66:23; Ê-xê-chi-ên 46:3.

Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau học về ngày Thứ Bảy Sa-bát và Các Kỳ Lễ Hội.

Ngày Thứ Bảy Sa-bát

Danh từ Sa-bát (H7676) trong tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là sự nghỉ ngơi. Danh từ Lễ Nghỉ hoặc Lễ Sa-bát (H7677) trong tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là sự giữ ngày Sa-bát theo mệnh lệnh của Thiên Chúa.

Ngày Sa-bát có từ khi sáng thế và là một ngày được Thiên Chúa dựng nên, ban phước cho ngày ấy.

Ngày Thứ Bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành các công việc của Ngài mà Ngài đã làm. Và trong ngày Thứ Bảy, Ngài ngưng mọi công việc của Ngài mà Ngài đã làm. Rồi, Ngài ban phước cho ngày Thứ Bảy, thánh hóa nó; vì trong ngày đó, Ngài ngưng mọi công việc của Ngài, những việc mà Thiên Chúa đã sáng tạo và đã làm. [Thánh hóa có nghĩa là làm cho tinh sạch hoặc giữ cho tinh sạch và biệt riêng ra cho Thiên Chúa.]” (Sáng Thế Ký 2:2-3).

Sau khi Đức Chúa Trời đem dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô, Ngài đã phán truyền và tự tay chép Mười Điều Răn của Ngài cho họ. Trong đó, Ngài đã truyền lệnh cho họ phải nhớ ngày Sa-bát và thánh hóa nó, nghĩa là biệt riêng ngày ấy, dâng lên Chúa, sinh hoạt theo sự chỉ định của Chúa: nghỉ ngơi lao động, nhóm hiệp thông công với nhau, cùng nhau thờ phượng Chúa.

Xuất Ê-díp-tô Ký 20:8-11

8 Hãy nhớ đến ngày Sa-bát để thánh hóa nó.

9 Ngươi sẽ lao động và làm hết công việc của mình trong sáu ngày;

10 nhưng ngày Thứ Bảy là ngày Sa-bát của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi. Ngươi sẽ không làm công việc gì: ngươi, con trai, con gái, tôi trai, tớ gái, và súc vật của ngươi, và khách ở trong các cửa của ngươi.

11 Vì trong sáu ngày, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu dựng nên các tầng trời và trái đất, biển và muôn vật. Ngài nghỉ vào ngày Thứ Bảy. Vậy nên, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ban phước cho ngày Sa-bát và thánh hóa nó.

Trước khi Đức Chúa Trời đưa sự nhớ và thánh hóa ngày Sa-bát vào trong Mười Điều Răn của Ngài thì ngày Sa-bát đã được dân I-sơ-ra-ên giữ:

Xuất Ê-díp-tô Ký 16:22-26

22 Đến ngày Thứ Sáu, dân sự lượm lương thực gấp hai; mỗi người hai ô-me. Các hội trưởng đến thuật lại cho Môi-se rõ.

23 Người đáp rằng: Ấy là lời Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã phán rằng: Mai là Lễ Nghỉ, tức Sa-bát thánh cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, hãy nướng món gì các ngươi muốn nướng, hãy nấu món gì các ngươi muốn nấu; nếu còn dư, hãy để dành đến sáng mai.

24 Dân sự để dành cho đến sáng mai, y như lời Môi-se đã truyền; vật đó chẳng sinh mùi hôi hám và cũng chẳng hóa sâu chút nào.

25 Môi-se nói rằng: Bữa nay hãy ăn đồ đó đi, vì là ngày Sa-bát của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu; hôm nay các ngươi chẳng tìm thấy vật đó ở trong đồng đâu.

26 Các ngươi lượm trong sáu ngày, nhưng qua ngày Thứ Bảy là ngày Sa-bát, sẽ chẳng có đâu.

Khi có mấy người I-sơ-ra-ên ra ngoài để lượm ma-na trong ngày Sa-bát thì Thiên Chúa đã phán với Môi-se:

Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán với Môi-se rằng: Các ngươi chẳng chịu vâng giữ điều răn và luật pháp Ta cho đến chừng nào? Hãy xem! Vì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã cho các ngươi ngày Sa-bát; vậy nên, ngày Thứ Sáu Ngài cho các ngươi lương thực đủ hai ngày. Ngày Thứ Bảy, mỗi người phải ở lại trong chỗ của mình, không người nào đi ra khỏi nhà.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 16:28-29).

Lời phán trên đây của Thiên Chúa cho thấy, ngay trước khi điều răn giữ ngày Sa-bát được Ngài tự tay ghi vào bảng đá, thì sự loài người phải giữ ngày Thứ Bảy làm ngày Sa-bát cùng các điều răn và luật pháp của Ngài đã được Ngài bày tỏ cho loài người.

Hơn 430 năm trước đó, khi Ngài chưa phán truyền và ghi chép Mười Điều Răn trên hai bảng đá, ban cho loài người, qua dân I-sơ-ra-ên, thì Áp-ra-ham đã biết và vâng giữ các điều răn cùng luật pháp của Ngài:

Ta sẽ thêm dòng dõi ngươi nhiều như sao trên trời, sẽ ban cho dòng dõi ngươi hết thảy các vùng đất này. Bởi dòng dõi ngươi, mọi dân tộc trên đất sẽ được phước. Bởi vì Áp-ra-ham đã vâng theo tiếng Ta, đã giữ gìn sự quy định của Ta: các điều răn của Ta, các luật lệ của Ta, các luật pháp của Ta.” (Sáng Thế Ký 26:4-5).

Nói cách khác, trước khi Đức Chúa Trời ban truyền Mười Điều Răn trên hai bảng đá cho dân I-sơ-ra-ên vào năm 1446 TCN, thì loài người đã nhận biết các điều răn và luật pháp của Ngài. Những người đã sống trước thời Cựu Ước, như: Hê-nóc, Nô-ê, Áp-ra-ham, Gióp và các người bạn của ông… đều là những người biết và vâng giữ các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời.

Những người không thuộc dân I-sơ-ra-ên nhưng tin nhận Thiên Chúa, thờ phượng Thiên Chúa thì cũng giữ ngày Sa-bát của Thiên Chúa:

Các con của người dân ngoại kết hiệp cùng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, để phụng sự Ngài, để yêu danh của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, để làm các tôi tớ của Ngài, là tất cả những người giữ ngày Sa-bát không làm ô uế nó, và giữ lời giao ước của Ta, thì Ta sẽ đem họ đến núi thánh của Ta, và làm cho họ được vui mừng trong nhà cầu nguyện của Ta. Các của lễ thiêu và các sinh tế của họ sẽ được nhận lấy trên bàn thờ của Ta; vì nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc.” (Ê-sai 56:6-7).

Vì thế, không thể nào nói rằng, sự giữ ngày Sa-bát chỉ dành riêng cho dân I-sơ-ra-ên. Thực tế, Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, trong đó có điều răn hãy nhớ ngày Sa-bát và thánh hóa nó, là dành cho toàn thể loài người. Bất cứ ai phạm bất cứ điều răn nào trong Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời thì đều bị kể là tội nhân, tức là người vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời. Vào giữa Kỳ Tận Thế, Rương Giao Ước có chứa hai bảng đá ghi chép Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời sẽ hiện ra ở trên trời để phán xét toàn thế gian, chứ không riêng gì dân I-sơ-ra-ên.

Rồi, Đền Thờ của Đức Chúa Trời được mở ra ở trên trời. Rương Giao Ước của Ngài được thấy trong Đền Thờ của Ngài. Có những chớp nhoáng, những âm thanh, và những sấm vang, cùng cơn động đất và mưa đá lớn.” (Khải Huyền 11:19).

Ngày Sa-bát được Thiên Chúa thiết lập vào buổi đầu sáng thế, sau sáu ngày dựng nên thế giới vật chất, để kỷ niệm sự sáng tạo của Ngài, đồng thời, để làm ngày loài người được nghỉ ngơi làm việc, thông công với nhau, và cùng nhau thờ phượng Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa đã ban phước cho ngày Thứ Bảy và thánh hóa nó. Đã là một ngày do Thiên Chúa dựng nên, ban phước, và thánh hóa thì ngày ấy không hề thay đổi. Thực tế, từ buổi sáng thế cho tới nay, chu kỳ bảy ngày trong một tuần lễ với ngày Thứ Bảy là Lễ Nghỉ của Thiên Chúa đã không hề thay đổi.

Chính Thiên Chúa đã kêu gọi loài người hãy nhớ rằng, ngày Thứ Bảy là ngày Sa-bát, và hãy thánh hóa nó. Chính Thiên Chúa đã xác nhận nhiều lần, ngày Thứ Bảy mỗi tuần là ngày Sa-bát, tức ngày Lễ Nghỉ của Thiên Chúa, và sẽ tiếp tục là như vậy:

Sẽ xảy ra thường xuyên từ ngày trăng mới đến ngày trăng mới và thường xuyên từ ngày Sa-bát đến ngày Sa-bát, mọi xác thịt sẽ đến thờ phượng trước mặt Ta. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán.” (Ê-sai 66:23).

Chúa Tự Hữu Hằng Hữu phán như vầy: Cổng của hành lang trong, ngó về phía đông, sẽ đóng luôn trong sáu ngày làm việc; nhưng ngày Sa-bát thì sẽ mở, và ngày trăng mới cũng sẽ mở. Vua sẽ đến nơi đó do cổng nhà ngoài, và đứng gần trụ cổng trong khi các thầy tế lễ sắm của lễ thiêu và của lễ thù ân. Vua sẽ lạy trên ngạch hiên cửa, rồi, bước ra, và cửa sẽ không đóng lại trước khi tối. Và dân sự của đất, họ sẽ thờ phượng tại cửa của cổng ấy vào những ngày Sa-bát và vào những ngày trăng mới, trước mặt Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.” (Ê-xê-chi-ên 46:1-3).

Ngày nay, hầu hết các tổ chức tôn giáo mang danh Chúa, xưng là Hội Thánh của Chúa đã bỏ đi điều răn giữ ngày Sa-bát hoặc tự ý đổi ngày Sa-bát từ ngày Thứ Bảy sang Chủ Nhật. Thánh Kinh không hề ghi lại một mệnh lệnh nào về sự bỏ đi điều răn nhớ ngày Sa-bát và thánh hóa nó. Thực tế, Ê-sai 66:23 và Ê-xê-chi-ên 46:1-3 đã nói trước về sự ngày Sa-bát được giữ trong thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm. Thánh Kinh cũng không hề ghi lại mệnh lệnh nào về sự đổi ngày Sa-bát từ ngày Thứ Bảy sang ngày Thứ Nhất, tức Chủ Nhật. Thánh Kinh cũng không hề dạy rằng, Thiên Chúa ban phước cho ngày Thứ Nhất và thánh hóa nó, biến nó thành ngày Sa-bát.

Các giáo hội mang danh Chúa ngụy biện rằng, vì Đức Chúa Jesus đã phục sinh vào sáng sớm Chủ Nhật nên ngày Sa-bát đã được đổi từ ngày Thứ Bảy sang Chủ Nhật. Nhưng chỗ nào trong Thánh Kinh đã dạy như vậy? Thực tế, Đức Chúa Jesus đã sống lại vào buổi chiều cuối ngày Sa-bát chứ không sống lại vào sáng sớm Chủ Nhật. Mà cho dù Đức Chúa Jesus có sống lại vào Chủ Nhật thì sự kiện đó không khiến cho ngày Sa-bát đổi từ Thứ Bảy sang Chủ Nhật. Vì sự sống lại của Đấng Christ không liên quan đến sự Thiên Chúa hoàn tất công trình sáng tạo và dựng nên ngày Thứ Bảy để kỷ niệm công việc của Ngài.

Theo các chi tiết trong Thánh Kinh và trong lịch sử La-mã thì Đức Chúa Jesus đã bị đóng đinh vào ngày Lễ Vượt Qua của năm 27, nhằm Thứ Tư ngày 09 tháng 04 theo Tây Lịch (Julian Calendar). Ngài đã được chôn trong lòng đất suốt ba đêm và ba ngày, y theo lời tiên tri của Ngài:

Vì như Giô-na đã ba ngày và ba đêm ở trong bụng cá lớn, thì Con Người cũng sẽ ba ngày và ba đêm ở trong lòng đất.” (Ma-thi-ơ 12:40).

Đức Chúa Jesus đã được chôn trước khi mặt trời lặn của ngày Lễ Vượt Qua, tức ngày 14 tháng Nisan theo Lịch Do-thái. Ngài đã ở trong lòng đất:

  • Đêm Thứ Tư 09/04/27 (đêm 15 tháng Nisan).

  • Ngày và đêm Thứ Năm 10/04/27 (ngày 15 và đêm 16 tháng Nisan).

  • Ngày và đêm Thứ Sáu 11/04/27 (ngày 16 và đêm 17 tháng Nisan).

  • Ngày Thứ Bảy 12/04/27 (Ngày 17 tháng Nisan).

Đức Chúa Jesus đã phục sinh trước khi mặt trời lặn của ngày 12/04/27 theo Tây Lịch (Julian Calendar), nhằm ngày Thứ Bảy, tức cuối ngày Sa-bát. Ngài đã ở trọn ba đêm và ba ngày trong lòng đất. Giáo lý dạy rằng, Đức Chúa Jesus đã chết vào chiều Thứ Sáu và phục sinh vào sáng sớm Chủ Nhật là tà giáo, vì không đúng Thánh Kinh, không đúng với các dữ kiện lịch sử [1].

Đức Chúa Jesus là Chủ là Chúa của ngày Sa-bát (Ma-thi-ơ 12:8; Mác 2:28; Lu-ca 6:5). Thực tế, Ngài là thân vị Thiên Chúa đã dựng nên ngày Sa-bát và ban phước cho nó. Vì muôn vật do chính Ngài trực tiếp dựng nên:

Muôn vật đã được làm nên bởi Ngài, ngoài Ngài, không vật gì đã có được làm nên.” (Giăng 1:3).

Vì bởi Ngài muôn vật đã được dựng nên: những vật trong các tầng trời, những vật trên đất, thấy được và không thấy được, hoặc các ngai vị, hoặc các chủ quyền, hoặc các nhà cầm quyền, hoặc các thế lực, tất cả đều là bởi Ngài và vì Ngài.” (Cô-lô-se 1:16).

Nhưng Đức Chúa Jesus không hề phán rằng, ngày Sa-bát đã bị bãi bỏ hoặc đã được đổi sang ngày Thứ Nhất, tức Chủ Nhật.

Ngày Thứ Bảy Sa-bát từ khi sáng thế, từ trước thời Cựu Ước, vẫn không hề thay đổi, khi Đức Chúa Jesus thiết lập Tân Ước. Đức Chúa Jesus đã giữ ngày Thứ Bảy Sa-bát như dân I-sơ-ra-ên thời bấy giờ đã giữ. Ngài không hề phán rằng, ngày Sa-bát dân I-sơ-ra-ên đang giữ vào thời ấy là không đúng với ngày Thứ Bảy của buổi sáng thế, cách đó khoảng 4.000 năm. Vì thế, chúng ta có thể tin chắc rằng, suốt gần 2.000 năm, sau khi Đức Chúa Jesus thăng thiên, ngày Thứ Bảy Sa-bát hằng tuần vẫn không hề thay đổi.

Lời Chúa cũng dạy cho con dân Chúa phải giữ ngày Sa-bát trong nơi cư trú của họ, có nghĩa là giữ ngày Sa-bát theo múi giờ địa phương của họ, từ sau khi mặt trời lặn của ngày Thứ Sáu cho tới khi mặt trời lặn của ngày Thứ Bảy. Vì một ngày mới trong Thánh Kinh bắt đầu từ sau khi mặt trời lặn của ngày hiện tại.

Công việc được làm trong sáu ngày, nhưng ngày Thứ Bảy là Sa-bát của Lễ Nghỉ, là một sự nhóm hiệp thánh; các ngươi sẽ không làm bất cứ công việc gì; ấy là Sa-bát của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu trong khắp những nơi các ngươi ở.” (Lê-vi Ký 23:3).

Sự dâng hiến các của lễ trong ngày Sa-bát cũng như sự dâng hiến các của lễ khác ngày nay không còn áp dụng, vì mục đích được tiêu biểu của các của lễ ấy đã được hoàn thành bởi Đấng Christ. Con dân Chúa ngày nay:

  • Dâng chính thân thể mình làm của lễ sống và thánh lên Đức Chúa Trời:

Vậy, hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi khuyên các anh chị em hãy bởi những sự thương xót của Đức Chúa Trời mà dâng các thân thể của các anh chị em làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của các anh chị em.” (Rô-ma 12:1).

  • Dâng những việc làm lành và sự thông công trong Hội Thánh lên Đức Chúa Trời:

Hãy làm lành và chớ quên sự thông công. Vì những của lễ như vậy đẹp lòng Đức Chúa Trời.” (Hê-bơ-rơ 13:16).

Sự dâng hiến tiền bạc, công sức, thời gian vào các mục vụ trong Hội Thánh cũng thuộc về những việc lành. Sự thăm viếng, cứu giúp, tiếp trợ các anh chị em cùng Cha vừa là làm việc lành vừa là sự thông công.

Có hai câu Thánh Kinh thường được những người không vâng giữ ngày Sa-bát đem ra để ngụy biện rằng, con dân Chúa trong Hội Thánh ban đầu đã nhóm hiệp trong ngày Thứ Nhất, tức Chủ Nhật, thay vì nhóm hiệp vào ngày Thứ Bảy Sa-bát. Tuy nhiên, khi xem xét kỹ thì chúng ta thấy hai câu ấy không hề dạy rằng, Hội Thánh không nhóm hiệp vào ngày Sa-bát, mà trái lại.

Trước hết, chúng ta cần biết rằng, danh từ “các ngày Sa-bát” (G4521) bị dịch thành “tuần lễ” trong một số bản dịch là không đúng. Tiếng Hy-lạp trong thế kỷ thứ nhất không hề dùng danh từ σάββατον (G4521), /sabbaton/, phiên âm sang tiếng Việt là sa-bát để chỉ tuần lễ [2]. Vì trong tiếng Hy-lạp, danh từ chỉ tuần lễ là εβδομάδα, /evdomáda/, phiên âm sang tiếng Việt là ép-dô-ma-va, và không hề được dùng trong Thánh Kinh Tân Ước. Chỉ trong Bản Dịch Bảy Mươi, là bản dịch Thánh Kinh Cựu Ước đầu tiên từ tiếng Hê-bơ-rơ sang tiếng Hy-lạp, mới dùng danh từ εβδομάδα để dịch danh từ tuần lễ trong Đa-ni-ên 9.

Danh từ “tuần lễ” trong Công Vụ Các Sứ Đồ 20:7 và trong I Cô-rinh-tô 16:2 đều phải được dịch đúng theo nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh là “các ngày Sa-bát”. Có như vậy, chúng ta mới hiểu đúng ý nghĩa của hai câu ấy.

Còn chúng ta, khi những ngày của Lễ Bánh Không Men qua rồi, thì xuống thuyền tại thành Phi-líp, trong năm ngày gặp nhau tại thành Trô-ách, rồi chúng ta ở lại đó bảy ngày. Vào ngày Thứ Nhất của các ngày Sa-bát, khi các môn đồ đang nhóm lại để bẻ bánh, Phao-lô đã giảng cho họ. Ông sắp ra đi vào ngày hôm sau nên đã tiếp tục bài giảng cho tới nửa đêm.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 20:6-7).

Dựa vào Công Vụ Các Sứ Đồ 20:6 và tính từ “thứ nhất” (G1520) có mạo từ xác định mà chúng ta hiểu rằng, mệnh đề “ngày Thứ Nhất của các ngày Sa-bát” trong câu này có nghĩa là ngày đầu của một tuần lễ theo sau ngày Sa-bát cuối của Lễ Bánh Không Men và ngày Sa-bát cuối tuần. Chúng ta có thể hiểu rằng, các môn đồ đã nhóm hiệp trong ngày Sa-bát cuối tuần, theo sau ngày Sa-bát cuối của Lễ Bánh Không Men. Buổi nhóm ngày Sa-bát Thứ Bảy đã kéo dài qua khỏi thời điểm mặt trời lặn của ngày Thứ Bảy, và bước sang ngày Thứ Nhất. Khi ấy, các môn đồ tạm ngưng để cùng nhau ăn bữa tối, trước khi tiếp tục nghe Phao-lô giảng cho tới nửa đêm.

Vào ngày Thứ Nhất của các ngày Sa-bát, mỗi một người trong các anh chị em hãy tự mình để dành ra bất cứ sự gì thu nhập được, để khi tôi đến thì không cần các sự quyên góp.” (I Cô-rinh-tô 16:2).

Tính từ “thứ nhất” (G1520) trong câu này không có mạo từ xác định nên mệnh đề “ngày Thứ Nhất của các ngày Sa-bát” trong câu này hàm ý, ngày Thứ Nhất của mỗi ngày Sa-bát, ngày Thứ Nhất của bất kỳ ngày Sa-bát nào.

Sau ngày nghỉ cuối tuần là ngày Thứ Bảy Sa-bát, thì con dân Chúa bắt đầu đi làm trở lại vào ngày Thứ Nhất, tức Chủ Nhật. Đa số con dân Chúa thời ấy lao động lãnh lương công nhật, tức là làm ngày nào, lãnh lương ngày nấy. Phao-lô dạy cho con dân Chúa để dành một phần trong sự thu nhập ngay từ ngày đầu tiên đi làm trở lại để quyên góp, tiếp trợ cho những người nghèo. Vì có sự để dành sẵn như vậy, nên khi Phao-lô đến thì không cần phải làm công việc quyên góp.

Chúng ta thấy rõ, Công Vụ Các Sứ Đồ 20:7 và I Cô-rinh-tô 16:2 không hề hàm ý con dân nhóm hiệp thờ phượng Chúa vào ngày Thứ Nhất, tức Chủ Nhật, thay vì nhóm hiệp thờ phượng Chúa vào ngày Thứ Bảy Sa-bát. Mà cho dù con dân Chúa có nhóm hiệp vào ngày Thứ Nhất thì điều đó không có nghĩa là ngày Thứ Bảy Sa-bát đã đổi sang ngày Thứ Nhất. Thực tế, Hội Thánh lúc ban đầu tại Giê-ru-sa-lem đã nhóm hiệp thờ phượng Chúa mỗi ngày.

Ngày ngày, họ cũng siêng suốt, cùng một lòng trong Đền Thờ và trong sự bẻ bánh từ nhà này sang nhà khác; dự phần trong thức ăn, trong sự vui vẻ và thật thà của tấm lòng; tôn vinh Đức Chúa Trời và có sự đẹp lòng với hết thảy dân chúng. Ngày ngày, Chúa thêm những người được cứu vào Hội Thánh.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:46-47).

Vì thế, con dân Chúa có thể nhóm hiệp thông công với nhau và thờ phượng Chúa bất kỳ lúc nào; nhưng không được bỏ qua sự nhóm hiệp vào ngày Thứ Bảy Sa-bát. Đó là điều răn của Chúa.

Chớ bỏ qua sự nhóm hiệp của chúng ta như thói quen của một số người, nhưng hãy khuyên bảo nhau, và khuyên bảo càng hơn khi các anh chị em thấy ngày ấy càng gần. [Thánh Kinh chỉ truyền cho con dân Chúa nhóm hiệp trong những ngày Sa-bát Thứ Bảy hoặc những ngày Sa-bát của các kỳ lễ hội.]” (Hê-bơ-rơ 10:25).

Trong ngày Sa-bát:

  • Con dân Chúa giữ mình thánh khiết càng hơn và làm việc lành càng hơn để tôn vinh và cảm tạ Thiên Chúa. Đó là ý nghĩa của sự dâng của lễ gấp đôi ngày thường, trong ngày Sa-bát (Dân Số Ký 28:3-10).

  • Con dân Chúa nhóm hiệp để thông công với nhau và cùng nhau thờ phượng Chúa qua sự tôn vinh, cảm tạ, cầu nguyện, đọc Lời Chúa, nghe giảng Lời Chúa, dự Tiệc Thánh, dâng hiến, thăm viếng lẫn nhau.

  • Con dân Chúa không mua bán, không tham dự những sự giải trí công cộng với người ngoại. Thà là thăm viếng, thông công với anh chị em cùng đức tin.

  • Con dân Chúa không lao động kiếm sống, không lao động tạo tiện nghi đời sống, không lao động sửa chữa tài sản.

  • Con dân Chúa cho gia súc và người làm nghỉ ngơi, không lao động.

  • Con dân Chúa được phép lao động để cứu giúp trong trường hợp khẩn cấp.

  • Con dân Chúa thuộc các ngành nghề cứu giúp, bảo vệ, như: bác sĩ, y tá, nhân viên bệnh viện, nhân viên cứu hỏa, công an, cảnh sát, quân nhân… có thể trực và làm việc chuyên môn của mình.

Lời Chúa hứa, Ngài sẽ ban phước cho những ai giữ ngày Sa-bát của Ngài, là lời hứa chắc chắn. Vì Ngài là Thiên Chúa thành tín.

Nếu ngươi ngừa giữ chân mình trong ngày Sa-bát, không làm theo ý riêng mình trong ngày thánh của Ta; nếu ngươi xưng ngày Sa-bát là ngày vui thích, coi ngày thánh của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là đáng kính; nếu ngươi tôn trọng ngày đó, không đi đường riêng mình, không theo ý riêng mình, và không nói lời riêng mình. Bấy giờ, ngươi sẽ vui thỏa trong Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, và Ta sẽ làm cho ngươi cưỡi lên các nơi cao trên đất, và lấy sản nghiệp của Gia-cốp, tổ phụ ngươi, mà nuôi ngươi; vì miệng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã phán vậy.” (Ê-sai 58:13-14).

Và chúng ta hãy nhớ rằng, mỗi một con dân chân thật của Chúa đều là con cháu thuộc linh của Áp-ra-ham, được nhận lãnh các ơn phước thuộc linh mà Đức Chúa Trời đã hứa cho Áp-ra-ham, I-sác, và Gia-cốp.

Vậy, các anh chị em hãy nhận biết rằng, những người có đức tin thì họ là con cháu của Áp-ra-ham.” (Ga-la-ti 3:7).

Ngày nay, chúng ta, những con dân Chúa người Việt Nam, chính là những con cháu của người dân ngoại kết hiệp cùng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, để phụng sự Ngài, để yêu danh của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, để làm tôi tớ của Ngài, và là những người giữ ngày Sa-bát không làm ô uế nó, giữ lời giao ước của Thiên Chúa, được Ngài đem chúng ta đến núi thánh của Ngài, và làm cho chúng ta được vui mừng trong nhà cầu nguyện của Ngài (Ê-sai 56:5).

Các Kỳ Lễ Hội

Khác với ngày Thứ Bảy Sa-bát và ngày Trăng Mới có từ ngay buổi đầu sáng thế, các kỳ lễ hội của Thiên Chúa chỉ bắt đầu sau khi dân I-sơ-ra-ên được Đức Chúa Trời đem ra khỏi xứ Ê-díp-tô. Thậm chí, Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa và Lễ Ngũ Tuần chỉ bắt đầu sau khi dân I-sơ-ra-ên đã vào được Đất Hứa Ca-na-an.

Bảy kỳ lễ hội của Thiên Chúa tiêu biểu cho bảy sự việc của Đấng Christ tác động đến loài người trong chương trình của Đức Chúa Trời dành cho loài người. Chương trình ấy bao gồm sự cứu rỗi loài người ra khỏi hậu quả của tội lỗi lẫn sự phán xét của Đức Chúa Trời trên những ai không tin nhận sự cứu rỗi của Ngài. Chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời dành cho loài người được thể hiện qua dân I-sơ-ra-ên nên sự Đức Chúa Trời giải cứu dân I-sơ-ra-ên ra khỏi sự nô lệ của dân Ê-díp-tô và đưa họ vào miền Đất Hứa Ca-na-an được dùng để minh họa cho từng bước trong chương trình ấy.

Thiên Chúa đã phán truyền về bảy kỳ lễ hội của Ngài như sau:

Này là các lễ hội của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, các sự nhóm hiệp thánh, mà các ngươi sẽ rao truyền trong các kỳ đã định của chúng.” (Lê-vi Ký 23:4).

Bảy kỳ lễ hội của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu được liệt kê theo thứ tự sau:

  • Ngày Lễ Vượt Qua, nhằm ngày 14 tháng Một (Nisan), theo Lịch Chúa ban cho loài người, qua dân I-sơ-ra-ên, ngày nay gọi là Lịch Do-thái (Lê-vi Ký 23:5). Lễ Vượt Qua tiêu biểu cho sự chết của Đức Chúa Jesus Christ để chuộc tội cho toàn thể loài người. Vì thế, Đức Chúa Jesus Christ được gọi là Chiên Con Lễ Vượt Qua (I Cô-rinh-tô 5:7).

  • Kỳ Lễ Bánh Không Men kéo dài bảy ngày, từ ngày 15 đến ngày 21 tháng Một. Ngày đầu và ngày cuối là ngày nghỉ làm việc (Lê-vi Ký 23:6-8). Lễ Bánh Không Men tiêu biểu cho đời sống thánh khiết của Đức Chúa Jesus Christ và đời sống mới thánh khiết của những ai tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Ngày Sa-bát đầu làm hình bóng cho sự con dân Chúa được mãi mãi yên nghỉ khỏi sự nô lệ cho tội lỗi (Rô-ma 6:6-7). Ngày Sa-bát cuối làm hình bóng cho sự con dân Chúa bước vào sự yên nghỉ khỏi sự lao khổ của xác thịt khi họ ra khỏi cuộc đời này (Khải Huyền 14:13).

  • Ngày Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa, nhằm ngày 16 tháng Một (Lê-vi Ký 23:10-14). Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa tiêu biểu cho sự phục sinh của Đức Chúa Jesus Christ và sự phục sinh của những ai ở trong Đấng Christ.

  • Ngày Lễ Ngũ Tuần, còn gọi là Lễ Các Tuần Lễ, nhằm ngày thứ 50, kể từ ngày Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa, và là ngày 06 tháng Ba (Sivan). Ngày này là ngày nghỉ làm việc (Lê-vi Ký 23:15-21). Lễ Ngũ Tuần tiêu biểu cho sự tái sinh của những ai tin nhận Đấng Christ; sự thành lập Hội Thánh; sự luật pháp của Thiên Chúa được chép trong lòng con dân Chúa. Ngày Sa-bát của lễ này làm hình bóng cho sự con dân Chúa được yên nghỉ khỏi gánh nặng của hình phạt từ các điều luật định tội của luật pháp (Rô-ma 8:1).

  • Ngày Lễ Thổi Kèn, nhằm ngày 01 tháng Bảy (Tishrei). Ngày này là ngày nghỉ làm việc (Lê-vi Ký 23:24-25). Lễ Thổi Kèn tiêu biểu cho sự Hội Thánh được cất ra khỏi thế gian; tiêu biểu cho sự nhóm hiệp sau Kỳ Tận Thế của con dân Chúa, là những người tin Chúa trong Cơn Đại Nạn. Ngày Sa-bát của lễ này làm hình bóng cho sự Hội Thánh được yên nghỉ khỏi sự hầu việc Chúa trên đất, con dân Chúa trong Thời Đại Nạn được yên nghỉ khỏi sự bách hại của thế gian.

  • Ngày Lễ Chuộc Tội, nhằm ngày 10 tháng Bảy. Ngày này là ngày nghỉ làm việc (Lê-vi Ký 23:27-32). Lễ Chuộc Tội tiêu biểu cho sự cứu chuộc của Tin Lành chung cho toàn thể loài người; riêng cho toàn dân I-sơ-ra-ên trong Kỳ Tận Thế. Ngoài ra, Lễ Chuộc Tội cũng tiêu biểu cho sự những ai không ở trong sự cứu rỗi sẽ bị phân rẽ khỏi con dân Chúa, như trong sự phán xét cuối Kỳ Tận Thế và sự phán xét chung cuộc. Ngày Sa-bát của Lễ Chuộc Tội làm hình bóng cho sự những ai ở trong Chúa được yên nghỉ khỏi mọi sự hình phạt (Rô-ma 8:1).

  • Kỳ Lễ Lều Trại, kéo dài bảy ngày, từ ngày 15 đến ngày 21 tháng Bảy. Ngày đầu và ngày thứ tám là ngày nghỉ làm việc (Lê-vi Ký 23:34-36, 39-41). Lễ Lều Trại tiêu biểu cho sự Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế làm người ở giữa loài người; tiêu biểu cho sự Thiên Chúa Ngôi Lời trong xác thịt ở giữa loài người trong Vương Quốc Ngàn Năm; tiêu biểu cho sự Đức Chúa Trời cùng Thiên Chúa Ngôi Lời trong danh Chiên Con sẽ ở giữa loài người trên đất trong Vương Quốc Đời Đời. Ngày Sa-bát đầu làm hình bóng cho sự con dân Chúa được yên nghỉ khỏi sự băng hoại của thế gian tội lỗi trong Vương Quốc Ngàn Năm. Ngày Sa-bát cuối làm hình bóng cho sự con dân Chúa được yên nghỉ đời đời khỏi mọi sự đau khổ, khó nhọc, trong Vương Quốc Đời Đời. Đây cũng chính là ngày Sa-bát được nói đến trong Hê-bơ-rơ 4:9-10.

Vì Đấng Christ đã đến trong thế gian để thi hành chương trình cứu rỗi nhân loại nên con dân Chúa không cần giữ bảy ngày lễ hội ấy nữa. Nhưng nếu ai muốn giữ để kỷ niệm các điều Đấng Christ đã làm cho mình và để mong chờ các điều Đấng Christ sẽ làm cho mình thì ấy là sự tự do lựa chọn của người ấy. Lời Chúa dạy rõ:

Người giữ ngày, giữ vì Chúa. Người không giữ ngày, vì Chúa, người ấy không giữ. Người ăn, ăn vì Chúa, vì người ấy tạ ơn Đức Chúa Trời. Người không ăn, vì Chúa, người ấy không ăn và tạ ơn Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 14:6).

Vào thế kỷ thứ nhất, nhiều con dân Chúa trong Hội Thánh vốn là những người I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo hoặc là những người không phải dân I-sơ-ra-ên nhưng bị ảnh hưởng bởi sự giảng dạy của những người vốn theo Do-thái Giáo, đã xem trọng việc phải giữ bảy kỳ lễ hội như đã được Thiên Chúa ban truyền trong Cựu Ước. Họ cho rằng, những ngày lễ hội ấy quan trọng hơn những ngày khác. Trong khi đó, những người hiểu sâu nhiệm Lời Chúa như Phao-lô thì biết rằng, không có ngày nào quan trọng hơn ngày nào, mà chỉ có ý nghĩa của những ngày lễ hội là quan trọng.

Chúng ta biết việc xem ngày này quan trọng hơn ngày khác là việc giữ các ngày lễ hội trong Cựu Ước, chứ không phải là việc xem ngày tốt và ngày xấu theo mê tín dị đoan, vì kinh văn nói rõ, người giữ ngày là giữ vì Chúa. Việc xem ngày tốt hay ngày xấu theo mê tín dị đoan không phải là việc làm vì Chúa. Những người giữ những ngày lễ hội trong Cựu Ước muốn tỏ lòng biết ơn và tôn kính Chúa qua những sự Chúa làm cho họ được tiêu biểu bởi những ngày lễ hội ấy. Vì thế, việc một con dân Chúa trong Hội Thánh giữ những ngày lễ hội ấy không có gì là sai, nếu người ấy không cho rằng, ai không giữ các ngày lễ hội ấy là phạm tội. Những người không giữ những ngày lễ hội trong Cựu Ước cũng tỏ lòng biết ơn và tin kính Chúa, vì họ ý thức rằng, những sự Chúa làm cho họ được tiêu biểu bởi những ngày lễ hội ấy, đã và đang được Đức Chúa Jesus Christ thực hiện cho họ.

Vì vậy, chớ để ai phán xét các anh chị em trong thức ăn hay trong thức uống, hoặc trong sự dự phần của một ngày lễ hội, hoặc của Lễ Trăng Mới, hoặc của những Sa-bát. [Những Sa-bát trong các kỳ lễ hội.]” (Cô-lô-se 2:16).

Cô-lô-se 2:16 vừa khuyên con dân Chúa chớ để cho bất cứ ai phán xét họ vì họ:

  • KHÔNG kiêng các thức ăn bị xem là ô uế trong thời Cựu Ước.

  • KHÔNG kiêng uống rượu hoặc các chất làm cho say.

  • KHÔNG giữ bảy ngày lễ hội trong Cựu Ước.

  • KHÔNG giữ ngày Lễ Trăng Mới.

  • Hoặc giữ các ngày lễ hội ấy nhưng KHÔNG giữ các ngày Sa-bát của các ngày lễ hội.

Nhưng cùng lúc Cô-lô-se 2:16 cũng khuyên con dân Chúa chớ để cho ai phán xét họ vì họ:

  • Kiêng các thức ăn bị xem là ô uế trong thời Cựu Ước.

  • Kiêng uống rượu hoặc các chất làm cho say.

  • Giữ bảy ngày lễ hội trong Cựu Ước.

  • Giữ ngày Lễ Trăng Mới.

  • Giữ các ngày Sa-bát của các ngày lễ hội.

Chớ để ai phán xét” có nghĩa là đừng chấp nhận sự phán xét của bất cứ ai, đừng quan tâm đến, và thậm chí cũng đừng tranh luận. Con dân Chúa chỉ cần nói lên lẽ thật. Còn việc nghe theo lẽ thật hay không là sự tự do lựa chọn của những người nghe.

Chúng ta biết Cô-lô-se 2:16 cùng lúc khuyên cả người giữ lẫn người không giữ các điều luật hình bóng đừng quan tâm đến sự phán xét của bất cứ ai.

Nói tóm lại, con dân Chúa trong thời Tân Ước có thể vì Chúa mà giữ các ngày lễ hội hoặc kiêng các thức ăn vốn bị xem là không tinh sạch, theo đức tin và sự hiểu biết về Lời Chúa của họ. Nhưng khi đã được Hội Thánh dạy cho biết lẽ thật là sự giữ các ngày lễ hội và kiêng các thức ăn không còn cần thiết nữa thì họ phải chấp nhận lẽ thật của Lời Chúa. Họ vẫn có thể tiếp tục giữ các ngày lễ hội và kiêng các thức ăn theo thói quen, với lòng tôn kính Chúa và biết ơn Chúa, nhưng phải tin chắc rằng, sự không giữ các ngày lễ ấy và không kiêng các thức ăn ấy không phải là sự phạm tội.

Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta và thêm sức cho chúng ta. Nguyện tất cả chúng ta đều giữ vững đức tin, trung tín với Chúa cho tới ngày Đấng Christ đến. Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Ba Ngôi Thiên Chúa: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh, bao phủ quý ông bà anh chị em. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
19/02/2022

Ghi Chú

[1] https://timhieutinlanh.com/thanhoc/ngay-chua-chet-va-ngay-chua-phuc-sinh/

[2]  http://torahtimes.org/commentary/refuted.htm

Karaoke Thánh Ca: “Từ Khi Con Biết Được Tình Ngài”
https://karaokethanhca.net/tu-khi-con-biet-duoc-tinh-ngai/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/