Loài Người (08): Xác Thịt

4,080 views

Loài Người (08): Xác Thịt

Huỳnh Christian Timothy

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDE2OTM4X1Vqenpz

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống MP3 bài giảng này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MTIyMTE4XzB1MlRH
hoặc:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/117_loainguoi

Phần âm thanh có nhiều chi tiết hơn phần bài viết

Dẫn Nhập

Thiên Chúa sáng tạo loài người là một linh hồn sống, nhưng Ngài làm ra thân thể vật chất của loài người từ vật liệu đã có sẵn là bụi của đất. Sáng Thế Ký 2:7 ghi lại rõ ràng cách thức Thiên Chúa tạo nên hình thể vật chất của loài người. Thiên Chúa đã lấy bụi của đất nắn nên hình người: Và Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu tạo hình loài người từ bụi của đất, thổi linh sự sống vào lỗ mũi của nó, thì loài người trở nên một linh hồn sống”. Khi hình thể vật chất của loài người chưa có sự sống vận hành bên trong thì nó chỉ là một hình tượng bằng bụi của đất; nhưng khi sự sống vào trong hình thể bụi đất đó, thì nó trở thành xác thịt. Nếu vì một lý do gì đó mà sự sống ra khỏi thân thể xác thịt thì thân thể xác thịt sẽ trở về bụi đất: “Trong mồ hôi của mặt ngươi, ngươi sẽ ăn bánh, cho đến khi ngươi sẽ trở về đất, vì ngươi được lấy ra từ đó. Vì ngươi là bụi và ngươi sẽ trở về bụi.” (Sáng Thế Ký 3:19). Hơi thở của nó tắt đi, nó trở về bụi đất của mình…” (Thi Thiên 146:4).

Sáng Thế Ký 2:19 cho biết Thiên Chúa cũng dùng bụi của đất để làm nên hình thể vật chất của các loài thú: “Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu dùng đất tạo hình mọi loài thú đồng, và mọi loài chim trời; rồi dẫn chúng đến với loài người, xem người đặt tên gì cho chúng nó; và bất cứ tên nào loài người đặt cho mỗi linh hồn sống, đều thành tên của nó.” Tuy nhiên, Thánh Kinh cho biết có sự khác biệt giữa xác thịt của loài người và loài thú: “Mọi xác thịt chẳng phải cùng xác thịt. Nhưng thực tế, xác thịt của loài người khác, xác thịt của loài thú khác, xác thịt của loài cá khác, xác thịt của loài chim khác.” (I Cô-rinh-tô 15:39).

A-đam

Trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ, từ ngữ “‘âdâmH120, là một danh từ gọi chung loài người hoặc gọi một người, không phân biệt giống tính. Nghĩa đen của từ ngữ này là “đỏ” hoặc “đỏ như đất”. Lần đầu tiên từ ngữ này xuất hiện trong Thánh Kinh là do chính Thiên Chúa dùng, khi Ngài phán: “Chúng Ta hãy làm ra loài người (‘âdâm) theo hình Chúng Ta, như tượng Chúng Ta…” (Sáng Thế Ký 1:26).

Nghĩa thứ hai của “‘âdâm” được ký số Strong là H121, cùng là một danh từ như H120 nhưng được dùng làm tên riêng để gọi người đầu tiên do Thiên Chúa dựng nên. Trong các bản dịch Thánh Kinh, từ ngữ này được phiên âm thành A-đam.

Nói cách khác, cùng một cách viết, cùng một phát âm nhưng danh từ “A-đam” có hai nghĩa: Nghĩa thứ nhất là “loài người” hoặc “người” và nghĩa thứ hai là “đỏ”, tên riêng của người đầu tiên được Thiên Chúa dựng nên.

Những Nguyên Tố Từ Bụi Đất Tạo Nên Xác Thịt Loài Người

Thánh Kinh chỉ nói một cách ngắn gọn, Thiên Chúa dùng bụi của đất làm nên hình thể vật chất của loài người. Tuy nhiên, khi được phân tích bởi khoa học, chúng ta biết trung bình, khoảng 70% thân thể xác thịt của loài người là nước. Còn xét về khối lượng thì:

  • Khoảng 99% là tổng hợp của sáu nguyên tố hóa học: oxygen, carbon, hydrogen, nitrogen, calcium, và phosphorus.
  • Khoảng 0,85% là tổng hợp của năm nguyên tố hóa học: potassium, sulfur, sodium, chlorine, và magnesium.
  • Khoảng 0,15% là tổng hợp của các nguyên tố hóa học khác cần thiết cho sự sống hoặc có hại cho sự sống. Những nguyên tố có hại cho sự sống là do cơ thể loài người hấp thụ qua không khí hoặc thực phẩm.

Tất cả những nguyên tố hóa học tạo thành thân thể xác thịt của loài người đều ra từ đất. Khi linh hồn và tâm thần ra khỏi thân thể xác thịt thì xác thịt sẽ phân rã thành bụi đất.

Xác Thịt Hay Chết và Xác Thịt Không Chết

Mục đích của Thiên Chúa khi dựng nên thân thể xác thịt của loài người là để cho thân thể đó có khả năng tồn tại mãi mãi trong tình trạng nguyên thủy, như khi vừa được Ngài tạo dựng. Điều đó dễ hiểu, bởi vì Ngài là Thiên Chúa Toàn Năng và chính Ngài đã phán rằng, công trình sáng tạo của Ngài là “rất tốt lành“ (Sáng Thế Ký 1:31). Không phải chỉ là “tốt lành” mà là “rất tốt lành”, nghĩa là vô cùng thánh thiện, toàn hảo, xinh đẹp. Chính chữ “tốt lành” này được Thánh Kinh dùng để nói đến bản tính “thiện” của Thiên Chúa.

“Chúa ôi! Chúa là thiện, sẵn tha thứ cho, ban sự thương xót dư dật cho những người kêu cầu cùng Chúa.” (Thi Thiên 86:5).

“Hãy tôn vinh Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, vì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là thiện; hãy hát tôn vinh danh Ngài, vì ấy là vui.” (Thi Thiên 135:3).

Dựa vào Lời Chúa, chúng ta hiểu rằng, lúc ban đầu, khi chưa phạm tội thì loài người không cần che thân bằng quần áo. Chính là vì thân thể xác thịt của loài người được dựng nên giống như hình Thiên Chúa với sự vinh quang bao phủ. Chỉ khi loài người phạm tội, sự vinh quang đó bị mất đi, thì loài người mới cần đến quần áo để che thân. Rô-ma 3:23 cho chúng ta biết lẽ thật này: “…vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh quang của Đức Chúa Trời…” Chúng ta thật sự không biết tình trạng của loài người, của thế gian cùng muôn vật trong thế gian như thế nào, trước khi tội lỗi vào trong thế gian. Chúng ta chỉ biết chính Thiên Chúa thấy rằng, “mọi việc Ngài đã làm thật rất tốt lành.”

Trong tình trạng nguyên thủy “rất tốt lành” đó, thân thể xác thịt của loài người có thể luôn luôn ở trong trạng thái “rất tốt lành” hoặc có thể trở nên “bị hư hoại và tan rã trở về cùng bụi đất.” Đó là sự chọn lựa của loài người. Nếu loài người chọn tin cậy và vâng phục Thiên Chúa thì loài người sẽ mãi mãi được tương giao với Thiên Chúa, hiểu biết Thiên Chúa ngày càng hơn, và không bao giờ kinh nghiệm sự đau khổ, cũng không bao giờ có tri thức về sự ác. Nếu loài người chọn hành động theo ý riêng, nghịch lại ý của Thiên Chúa, tức là loài người không tin cậy, không vâng phục Thiên Chúa, thì loài người sẽ bị cắt đứt quyền tương giao với Thiên Chúa, và nhận lấy hậu quả đương nhiên là sự đau khổ vì bị phân rẽ khỏi Thiên Chúa. Điều kinh khủng nhất là từ chính sự không tin cậy, không vâng phục Thiên Chúa đó, loài người kinh nghiệm sự ác mà không sao kiềm chế được sự ác và mọi hậu quả của sự ác. Sự ác chính là sự chống nghịch Thiên Chúa. Thiên Chúa là “thiện”, cho nên, tất cả những gì chống nghịch lại Thiên Chúa đều là “ác”. Một trong những hậu quả của sự ác mà loài người đã làm, là sự vinh quang của Thiên Chúa rời khỏi thân thể xác thịt của loài người, và thân thể xác thịt đó phải bị hư hoại, cuối cùng bị phân rẽ với tâm thần và linh hồn, bị tan rã, trở về cùng bụi đất, mà chúng ta gọi là cái chết của thân thể xác thịt.

Thiên Chúa đã đặt loài người trước hai sự chọn lựa đó để loài người hành xử quyền tự do mà Ngài đã ban cho họ. Không có sự chọn lựa thì không có tự do. Không có tự do thì không có tình yêu chân thật. Cây sự sống và cây biết điều thiện điều ác tiêu biểu cho điều mà loài người sẽ quyết định chọn lựa: Tin cậy và vâng phục Thiên Chúa hoặc không tin cậy và không vâng phục Thiên Chúa [1]. Nếu loài người chọn ăn trái của cây sự sống thì chứng tỏ rằng, loài người muốn được sống, và sống có nghĩa là tin cậy, vâng phục Thiên Chúa, được tương giao với và nhận biết Thiên Chúa ngày càng hơn. Nếu loài người chọn ăn trái của cây biết điều thiện và điều ác thì chứng tỏ rằng, loài người không tin cậy, không vâng phục Thiên Chúa, không tin Lời phán của Thiên Chúa, rằng ăn trái của cây đó thì sẽ bị chết. Chết tức là bị phân rẽ khỏi Thiên Chúa và thân thể xác thịt bị phân rẽ với tâm thần cùng linh hồn, mà tan rã, trở về cùng bụi đất. Tổ phụ của loài người là A-đam và Ê-va đã chọn sự không tin cậy, không vâng phục Thiên Chúa, đem tội lỗi và hậu quả của tội lỗi là đau khổ và sự chết vào trong thế gian. Từ đó, không những loài người mà muôn vật được đặt dưới quyền cai trị của loài người, đều bị án phạt trực tiếp của tội lỗi, là đau khổ và sự chết.

Giả sử như, thay vì loài người chọn ăn trái cây biết điều thiện điều ác, mà chọn ăn trái cây sự sống, thì điều gì sẽ xảy ra? Thiên Chúa sẽ vui lòng về đức tin của loài người. Cây biết điều thiện và điều ác, tức là cây sự chết, sẽ được dẹp đi (có thể là sẽ bị ném vào hỏa ngục là nơi dùng để hình phạt các thiên sứ phạm tội, như sau này sự chết và âm phủ sẽ bị ném vào hỏa ngục – Khải Huyền 20:14). Loài người sẽ mãi mãi sống trong hạnh phúc bên Thiên Chúa, ngày càng hiểu biết Thiên Chúa càng hơn, mà Thánh Kinh gọi đó là sự sống vĩnh cửu (Giăng 17:3). Chắc chắn, loài người sẽ không bao giờ kinh nghiệm đau khổ và sự chết, như Khải Huyền 21:4 minh chứng về một thế giới không có tội lỗi.

Có một lý luận Thần học cho rằng, chính Thiên Chúa muốn cho loài người kinh nghiệm tội lỗi và sự chết để loài người có thể nhận thức sự thánh khiết và sự sống! Đó là một sự ngụy biện đến từ Sa-tan để gạt loài người phạm thêm tội đổ trách nhiệm loài người phạm tội cho Thiên Chúa và bào chữa cho nếp sống tội của loài người. Một người không cần biết mùi thối để vui hưởng mùi thơm như thế nào thì một người cũng không cần biết đau khổ để vui hưởng hạnh phúc. Một người không cần phải bị đui mù để có thể vui hưởng hạnh phúc mà ánh sáng mang đến như thế nào thì một người cũng không cần phải kinh nghiệm sự chết để vui hưởng hạnh phúc của sự sống.

Trong sự công chính và thánh khiết của Thiên Chúa thì Ngài có thể để mặc cho loài người hư mất trong tội lỗi và cuối cùng tất cả đều bị giam đời đời trong hỏa ngục. Nhưng Thiên Chúa là tình yêu nên Ngài đã ban cho loài người “cơ hội thứ hai”. Cơ hội thứ hai Thiên Chúa ban cho loài người trong sự lựa chọn tin cậy và vâng phục Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa hay lựa chọn sống theo ý riêng của mình, nghịch lại Thiên Chúa, được ban cho tất cả mọi người:

  • Đối với A-đam và Ê-va cùng những người được sinh ra trước thời Mười Điều Răn được ban hành qua dân I-sơ-ra-ên: Mỗi người phải ăn năn tội và sống theo tiêu chuẩn luật pháp Thiên Chúa đã đặt để trong lương tâm mình, tin cậy và tôn thờ Thiên Chúa. Nhờ đó, khi Đức Chúa Jesus Christ chết chuộc tội cho toàn thể nhân loại, họ sẽ được hưởng sự tha tội và làm cho sạch tội, thân thể xác thịt được sống lại trong vinh quang và được phục hồi địa vị làm con của Đức Chúa Trời.
  • Đối với dân I-sơ-ra-ên cùng các dân tộc nhận biết Mười Điều Răn qua dân I-sơ-ra-ên, cho đến khi Đấng Christ chịu chết: Mỗi người phải ăn năn tội và sống theo tiêu chuẩn luật pháp Thiên Chúa đã ban hành qua chữ viết, tin cậy vào ơn cứu chuộc của Thiên Chúa được thể hiện qua hình thức dâng sinh tế chuộc tội, và chỉ một lòng tôn thờ Thiên Chúa. Nhờ đó, khi Đức Chúa Jesus Christ chết chuộc tội cho toàn thể nhân loại, họ sẽ được hưởng sự tha tội và làm cho sạch tội, thân thể xác thịt được sống lại trong vinh quang và được phục hồi địa vị làm con của Đức Chúa Trời.
  • Đối với các dân tộc đồng thời với dân I-sơ-ra-ên nhưng chưa được biết về Mười Điều Răn, cho đến khi Đấng Christ chịu chết: Mỗi người phải ăn năn tội và sống theo tiêu chuẩn luật pháp Thiên Chúa đã đặt để trong lương tâm mình, tin cậy và tôn thờ Thiên Chúa. Nhờ đó, khi Đức Chúa Jesus Christ chết chuộc tội cho toàn thể nhân loại, họ sẽ được hưởng sự tha tội và làm cho sạch tội, thân thể xác thịt được sống lại trong vinh quang và được phục hồi địa vị làm con của Đức Chúa Trời.
  • Đối với mọi dân tộc, bao gồm dân I-sơ-ra-ên kể từ khi Đấng Christ chịu chết cho đến khi kết thúc thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm: Mỗi người phải ăn năn tội, tin cậy vào sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ trên thập tự giá, sống theo tiêu chuẩn luật pháp Thiên Chúa đã ghi chép cách mới vào trong lương tâm mình và giãi bày qua Thánh Kinh, một lòng tin cậy và tôn thờ Thiên Chúa. Nhờ đó, họ sẽ được hưởng sự tha tội và làm cho sạch tội, thân thể xác thịt được sống lại trong vinh quang và được phục hồi địa vị làm con của Đức Chúa Trời.
  • Đối với mọi dân tộc, kể từ khi Đấng Christ chịu chết cho đến khi mở đầu của kỳ đại nạn mà họ không có cơ hội nghe biết về Tin Lành: Mỗi người phải ăn năn tội và sống theo tiêu chuẩn luật pháp Thiên Chúa đã đặt để trong lương tâm mình, tin cậy và tôn thờ Thiên Chúa. Nhờ đó, họ sẽ được hưởng sự tha tội và làm cho sạch tội bởi sự chết của Đức Chúa Jesus Christ, thân thể xác thịt được sống lại trong vinh quang và được phục hồi địa vị làm con của Đức Chúa Trời. Riêng trong kỳ đại nạn, mọi dân tộc, mọi tiếng nói đều sẽ được nghe giảng Tin Lành bởi thiên sứ của Chúa và 144,000 chứng nhân người I-sơ-ra-ên. Tất cả những ai muốn được cứu chuộc thì phải ăn năn tội, tin nhận Tin Lành, và sẵn sàng chịu chết vì danh của Đức Chúa Jesus Christ.

Tất cả những ai thật lòng ăn năn tội, tin cậy và vâng phục Thiên Chúa, dù ở trong thời đại nào, thuộc về dân tộc nào cũng đều được gọi chung là các thánh đồ của Thiên Chúa. Thánh đồ là người được Đức Chúa Trời tha tội, xưng là công chính, được Đức Chúa Jesus Christ làm cho sạch tội, và được Đức Thánh Linh thánh hóa, biệt riêng ra làm con cái của Đức Chúa Trời. Mọi thánh đồ của Thiên Chúa sẽ được phục hồi địa vị làm con của Đức Chúa Trời, được trở lại tương giao với Thiên Chúa và hiểu biết Thiên Chúa ngày càng hơn cho đến mãi mãi. Thân thể xác thịt của họ sẽ theo thứ tự mà được phục sinh thành một thân thể xác thịt không hề chết, tức là không bao giờ còn kinh nghiệm những sự đau yếu, bệnh tật, già yếu và bị phân rã thành bụi đất. Chẳng những vậy, thân thể ấy còn có thể điều khiển và vượt trên các định luật vật lý, như thân thể phục sinh của Đức Chúa Jesus Christ.

Những Sự Ưa Muốn của Xác Thịt

Trong hiện tại, thân thể xác thịt đang chết có những điều ưa muốn mà xác thịt kinh nghiệm được trong thế giới vật chất. Một phần nào trong những sự ưa muốn đó là nhu cầu sinh lý và tâm lý chính đáng, như: đói cần phải được ăn, khát cần phải được uống, mệt mỏi, cần phải được nghỉ ngơi, đau buồn cần được than khóc và được an ủi, vui mừng cần được reo cười và ca hát… kể cả nhu cầu về sự được thỏa mãn cao điểm vui thú trong tình vợ chồng là quan hệ tình dục. Tự mỗi nhu cầu và ham muốn là điều tự nhiên Thiên Chúa đặt để trong chúng ta, không có gì sai trái hay tội lỗi. Tuy nhiên, cách thức và mục đích mà chúng ta đáp ứng những điều ưa muốn chính đáng của xác thịt có thể sai trái và là tội lỗi.

Thánh Kinh dạy chúng ta: “Chớ làm trọn những điều tham muốn của xác thịt!” (Ga-la-ti 5:16). Điều đó có nghĩa là chúng ta chỉ được thỏa mãn các nhu cầu chính đáng của xác thịt bằng những phương cách chính đáng, tức là những phương cách không vi phạm tiêu chuẩn công chính và thánh khiết của Thiên Chúa, như đã được bày tỏ trong Thánh Kinh. Vì thế, có những lúc chúng ta phải bỏ mặc nhu cầu chính đáng của xác thịt để không phạm tội nghịch cùng Thiên Chúa. Thí dụ, chúng ta đang đói, cần phải được ăn no, nhưng chúng ta không thể đánh cắp thức ăn của người khác để ăn cho no lòng. Thậm chí, nếu chúng ta và một người khác nữa cùng đang đói thì chúng ta phải chia xẻ thức ăn hoặc nhường thức ăn của chính mình cho người khác, vì tình yêu thương. Thánh Kinh dạy: “Chẳng ai có tình yêu nào lớn hơn điều này, ấy là một người phó sự sống của mình cho các bạn hữu của mình.” (Giăng 15:13). Và: “Vậy, bất cứ điều gì các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì các ngươi cũng hãy làm điều ấy cho họ; vì ấy là luật pháp và những lời tiên tri.” (Ma-thi-ơ 7:12; Lu-ca 6:31).

Người không có Chúa làm chủ chỉ có thể sống theo bản năng ích kỷ của tội lỗi, chỉ biết làm trọn những điều ưa muốn của xác thịt bằng bất cứ phương cách nào. Chẳng những vậy, còn lạm dụng các chức năng Thiên Chúa ban cho, điển hình là sự phạm tội tà dâm. Bản năng tính dục và nhu cầu quan hệ tình dục của vợ chồng là điều Thiên Chúa ban cho và thiết lập cho loài người. Mục đích của bản năng tính dục là để loài người sinh sản làm cho đầy dẫy đất. Mục đích của nhu cầu quan hệ tình dục giữa vợ chồng vừa để phục vụ cho sự sinh sản vừa để loài người vui hưởng hạnh phúc được kết hợp trong tình yêu nam nữ. Khi loài người bị băng hoại bởi tội lỗi thì loài người đã biến nhu cầu quan hệ tình dục thành thú vui riêng của mỗi người, theo ý muốn riêng của mình, bất chấp đến sự cảm nhận của đối phương, và gạt bỏ trách nhiệm sinh sản kèm theo bản năng tính dục. Vì thế, xảy ra các tội ngoại tình, tà dâm, mua bán tình dục, cưỡng bách tình dục, ngừa thai và phá thai. Ngày nay, trên khắp thế giới, những dịch vụ kiếm lợi qua sự khêu gợi tình dục dưới mọi hình thức đã trở thành những thương vụ có số lời khổng lồ, tính chất đạo đức của xã hội đã băng hoại đến mức tận cùng khi sự ngừa thai và phá thai được công nhận bởi hầu hết các quốc gia, sự đồng tính luyến ái được ngay chính các tổ chức tôn giáo mang danh Chúa chấp nhận.

Công Cụ của Sự Công Chính Hoặc Công Cụ của Tội Lỗi

Mục đích đời đời của Thiên Chúa khi Ngài ban cho loài người một thân thể xác thịt là để loài người dùng thân thể xác thịt đó tôn vinh Ngài, bằng cách:

  • Tiếp nhận Ngài để Ngài ngự trong thân thể xác thịt của mình, nhờ đó loài người có được sự tương giao mật thiết với Thiên Chúa và có thể thờ phượng Thiên Chúa trong thân thể mình và qua thân thể mình.
  • Mãi mãi dâng thân thể xác thịt mình làm của lễ sống và thánh lên Thiên Chúa.
  • Dùng chính thân thể xác thịt mình làm ra những việc công chính mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho mình trong thế giới vật chất này, bao gồm việc cai trị thế giới vật chất này.

Tuy nhiên, khi loài người phạm tội thì thân thể xác thịt của loài người bị nô lệ cho tội lỗi và cũng là nô lệ cho Sa-tan vì Sa-tan có quyền điều khiển những kẻ không thuộc về Thiên Chúa. Thực tế, Thánh Kinh gọi tất cả những ai nói dối là con cái của Ma Quỷ vì Ma Quỷ là cha của sự nói dối (Giăng 8:44). Từ đó, thay vì thờ phượng Thiên Chúa thì loài người thờ phượng Ma Quỷ qua các thần tượng, thậm chí qua các vật do tay mình làm nên theo hình tượng của các tà thần, loài người, côn trùng, điểu thú… và thay vì làm ra những sự công chính, thánh khiết thì loài người làm ra những sự gian ác, bất công, ô uế… đến nỗi tự làm nhục thân thể của chính mình và lẫn nhau (Rô-ma 1:18-32).

Không phải loài người không ý thức tình trạng băng hoại của mình và sự ô uế của xác thịt mình. Nhưng loài người không thể nào tự mình kiềm chế được những sự ưa muốn tội lỗi của xác thịt, nghịch lại tiêu chuẩn công chính và thánh khiết của Thiên Chúa. Thánh Kinh dạy rất rõ như sau, trong Rô-ma 7:14-24:

14 Chúng ta biết rằng, luật pháp là thiêng liêng; nhưng tôi là tính xác thịt đã bị bán cho tội lỗi.

15 Vì tôi không hiểu điều tôi làm: Điều tôi muốn làm thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi làm!

16 Nhưng dù tôi làm điều tôi chẳng muốn, thì tôi vẫn công nhận luật pháp là tốt lành.

17 Cho nên, chẳng còn là tôi làm điều đó, mà là tội lỗi cư trú trong tôi.

18 Vì tôi biết rằng, trong tôi, tức là trong xác thịt của tôi, không có điều lành cư trú. Vì ý muốn làm lành có trong tôi, nhưng tôi không tìm thấy năng lực để làm ra sự tốt lành.

19 Vì điều lành mà tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều dữ mà tôi không muốn thì tôi lại làm.

20 Nếu tôi làm điều mình không muốn, thì chẳng phải là tôi làm điều đó nữa, mà là tội lỗi cư trú trong tôi.

21 Vậy, tôi tìm thấy luật pháp. Tôi muốn làm điều lành nhưng điều dữ hiện diện trong tôi.

22 Vì theo con người bên trong, tôi thỏa lòng trong luật pháp của Đức Chúa Trời.

23 Nhưng tôi thấy một luật khác trong các chi thể của tôi, giao chiến với luật trong tâm trí của tôi và bắt tôi làm tù binh cho luật của tội lỗi, là luật ở trong các chi thể của tôi.

24 Tôi là một người khốn khổ! Ai sẽ giải cứu tôi thoát khỏi thân thể của sự chết này?

Đó là tình trạng tuyệt vọng về thân thể xác thịt của mỗi một người được sinh ra trong thế gian này. Tuy nhiên, tình yêu của Đức Chúa Trời đã đem đến cho loài người sự cứu chuộc ra khỏi hậu quả và quyền lực của tội lỗi, bởi sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Để trả lời cho tiếng kêu: “Tôi là một người khốn khổ! Ai sẽ giải cứu tôi thoát khỏi thân thể của sự chết này?” Rô-ma 7:25 chép: “Tôi dâng lời cảm tạ! Ấy là Đức Chúa Trời, qua Đức Chúa Jesus Christ, là Chúa của chúng ta!” Nhờ Đức Chúa Jesus Christ đã chết chuộc tội cho chúng ta mà chúng ta được Đức Chúa Trời tha tội, được Đức Chúa Jesus Christ làm cho sạch tội bởi huyết thánh của Ngài, và được Đức Thánh Linh tái sinh, ban cho thánh linh để có quyền năng từ Thiên Chúa, sống một đời sống đắc thắng mọi cám dỗ và tội lỗi, bắt thân thể xác thịt phải chịu phục tiêu chuẩn công chính và thánh khiết của Thiên Chúa.

Câu kết sau đây trong Rô-ma 7:25 cho chúng ta thấy: Thân thể thiêng liêng của chúng ta là tâm thần nhận biết luật pháp của Đức Chúa Trời và công nhận sự công chính, thánh khiết của luật pháp. Nhưng thân thể xác thịt của chúng ta lại phục dưới quyền lực của tội lỗi mà cứ làm ra tội: “Như vậy, thật ra, chính mình tôi: trong tâm trí thì chịu phục luật pháp của Đức Chúa Trời, nhưng trong xác thịt thì chịu phục luật pháp của tội lỗi.”

Kết Luận

Cảm tạ sự nhân từ và thương xót của Thiên Chúa. Trong khi loài người băng hoại, chết mất trong tội lỗi, tự làm nhục chính thân thể xác thịt của mình do Thiên Chúa dựng nên giống như hình Ngài, thì Thiên Chúa đã ban cho loài người sự cứu rỗi trong Đức Chúa Jesus Christ. Chỉ có những ai thật lòng ăn năn, từ bỏ tội, tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ và hết lòng sống theo Lời Chúa là Thánh Kinh, mới có thể thoát khỏi hậu quả và quyền lực của tội lỗi đang bắt phục thân thể xác thịt của họ. Họ sẽ được ban cho thánh linh của Thiên Chúa để có quyền cai trị thân thể xác thịt của mình, bắt nó phải phục. Mỗi ngày Đức Thánh Linh sẽ tiến hành công cuộc thánh hóa họ từ tâm thần, linh hồn, cho đến thân thể xác thịt, để họ sống đẹp lòng Thiên Chúa và thân thể xác thịt của họ sẽ được biến hóa (hoặc sống lại) trong ngày Đức Chúa Jesus Christ hiện ra, để đem họ vào trong Vương Quốc Đời Đời của Ngài.

Mỗi một con dân chân thật của Thiên Chúa đều có thể cùng đồng thanh với Sứ Đồ Phao-lô để nói lên những lời sau đây: “…nhưng tôi kỷ luật thân thể mình, bắt nó phải phục, kẻo sau khi tôi đã giảng dạy những người khác mà chính mình phải bị bỏ” (I Cô-rinh-tô 9:27). Và: “Qua Đấng Christ là Đấng ban thêm sức cho tôi, tôi làm được mọi sự” (Phi-líp 4:13).

Huỳnh Christian Timothy
22/12/2012

Ghi Chú

[1] Nghe thêm các bài giảng về “Cây Sự Sống và Cây Biết Điều Thiện Điều Ác” tại đây: https://timhieutinlanh.com/cay-su-song-va-cay-biet-dieu-thien-dieu-ac/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/