YouTube: https://youtu.be/bmeVnszjnbs
202406 Bài Giảng Trong Năm 2024
Lễ Thổi Kèn
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive: Bấm vào đây
- SoundCloud: Bấm vào đây
Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive: Bấm vào đây
Kho chứa MP3 các bài giảng:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive:
1. Bấm vào đây
2. Bấm vào đây
Kho chứa pdf các bài giảng:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive:
1. Bấm vào đây
2. Bấm vào đây
Lễ Thổi Kèn là kỳ lễ thứ năm trong bảy kỳ lễ hội của thời Cựu Ước, nhưng là kỳ lễ đầu tiên trong ba kỳ lễ hội thuộc về mùa thu.
Lễ Thổi Kèn được Thiên Chúa ấn định là ngày đầu tiên của tháng Tishrei, là tháng Bảy, theo Lịch Do-thái. Lịch Do-thái còn được gọi là Lịch Hê-bơ-rơ, hoặc Lịch Thánh Kinh. Lịch này do Thiên Chúa ban hành cho dân I-sơ-ra-ên, khi Ngài bắt đầu tiến hành công cuộc giải phóng dân I-sơ-ra-ên ra khỏi ách nô lệ của dân Ê-díp-tô, đem họ vào trong Đất Hứa Ca-na-an (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:2). Vì là ngày đầu tháng nên Lễ Thổi Kèn trùng với Lễ Trăng Mới.
Mặc dù Thiên Chúa chỉ ấn định Lễ Thổi Kèn là ngày đầu tiên của tháng Bảy nhưng dân I-sơ-ra-ên có thói quen kéo dài lễ này tới hai ngày. Trong khi Lễ Trăng Mới mỗi đầu tháng không phải là ngày Sa-bát, trừ khi trùng với ngày Sa-bát cuối tuần, thì Lễ Thổi Kèn là một ngày Sa-bát. Con dân Chúa không được lao động, không được mua bán, và phải nhóm hiệp để thờ phượng Thiên Chúa trong ngày Lễ Thổi Kèn.
“Hãy truyền cho dân I-sơ-ra-ên rằng: Ngày mồng một tháng thứ bảy, sẽ có cho các ngươi một Lễ Nghỉ, một lễ kỷ niệm lấy tiếng kèn thổi mà rao truyền, tức là một sự nhóm hiệp thánh vậy. Các ngươi chớ làm một công việc lao động nào; nhưng các ngươi hãy dâng của lễ thiêu lên Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.” (Lê-vi Ký 23:24-25).
Tháng Một, còn gọi là tháng Nisan, là tháng mở đầu cho một năm, theo lời phán của Thiên Chúa, trong Xuất Ê-díp-tô Ký 12:2. Nhưng dân I-sơ-ra-ên có thói quen chọn tháng Bảy, còn gọi là tháng Tishrei, làm đầu cho một năm mới. Vì tháng Bảy mở đầu cho mùa thu cũng là thời điểm kết thúc thu hoạch nông sản, tức là kết thúc một năm nông nghiệp, và bước sang một chu kỳ mới của các thời vụ nông nghiệp. Vì thế, ngày Lễ Thổi Kèn cũng là ngày Tết của dân I-sơ-ra-ên.
Trong ngày Lễ Thổi Kèn, ngoài các của lễ thường dâng của ngày trăng mới, Thiên Chúa còn ấn định cho dân I-sơ-ra-ên dâng thêm các của lễ như sau:
Dân Số Ký 29:1-6
1 Trong tháng Bảy, vào ngày một của tháng, các ngươi sẽ có sự nhóm hiệp thánh; các ngươi sẽ không làm công việc lao động. Ấy sẽ là ngày thổi kèn cho các ngươi.
2 Các ngươi sẽ làm của lễ thiêu có mùi thơm cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu: một con bò đực con, một con chiên đực, bảy chiên con giáp năm, không có tì vết.
3 Của lễ chay của chúng là bột nhồi với dầu. Ba phần mười cho con bò đực. Hai phần mười cho con chiên đực. [Phần mười của một ê-pha. Một ê-pha tương đương 5,812 gallons hoặc 22 lít.]
4 Một phần mười cho một con chiên con, cho mỗi bảy chiên con.
5 Một con dê đực làm của lễ chuộc tội, để chuộc tội cho các ngươi.
6 Đó là ngoài của lễ thiêu vào ngày trăng mới, và của lễ chay của nó, của lễ thiêu thường dâng, và của lễ chay của nó với của lễ thức uống của chúng, y theo quy định của chúng, mà làm của lễ dùng lửa dâng lên có mùi thơm cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.
Chúng ta có thể hiểu rằng, con bò đực con tiêu biểu cho đất nước hoặc quốc gia I-sơ-ra-ên. Con chiên đực tiêu biểu cho bậc cầm quyền của dân I-sơ-ra-ên. Bảy con chiên con tiêu biểu cho tất cả những người I-sơ-ra-ên. Đất nước, giới lãnh đạo, và mỗi người dân I-sơ-ra-ên đều được dâng lên Thiên Chúa. Trọn tâm thần, linh hồn, thân thể, và sự sống của họ được dâng lên Thiên Chúa, sau khi họ đã nhận được sự tha thứ mọi tội lỗi, qua sự dâng sinh tế chuộc tội. Về chi tiết ý nghĩa các của lễ, xin quý ông bà, anh chị em đọc lại bài “Lễ Trăng Mới” đã được đăng trên khu mạng timhieutinlanh.com/thanhoc [1].
Thánh Kinh không nói đến ý nghĩa của Lễ Thổi Kèn. Nhưng Thánh Kinh có nói đến các trường hợp kèn được thổi, như sau: trong ngày Lễ Chuộc Tội, nhằm ngày 10 tháng Bảy, của Năm Vui Mừng (Lê-vi Ký 25:9); khi có sự nhóm hiệp những người lãnh đạo trong dân I-sơ-ra-ên; khi dân I-sơ-ra-ên phải lên đường, lúc họ còn lang thang trong đồng vắng; khi triệu tập dân sự nhóm hiệp; khi dân I-sơ-ra-ên xông trận; trong những kỳ lễ hội; và trong những ngày đầu tháng (Dân Số Ký 10:1-10).
Kèn có thể là các sừng của chiên đực và hai kèn bằng bạc mà Thiên Chúa đã truyền cho Môi-se làm.
Vì bảy kỳ lễ hội trong Cựu Ước làm hình bóng về các việc Đấng Christ sẽ làm cho loài người và con dân Chúa trong thời Tân Ước nên chúng ta có thể hiểu rằng, Lễ Thổi Kèn tiêu biểu cho sự Đấng Christ triệu tập Hội Thánh, trong ngày Ngài trở lại để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, vào trong thiên đàng. Lời Chúa tiên tri về sự trong ngày Đấng Christ giáng lâm giữa chốn không trung sẽ có tiếng kèn được thổi:
“Trong khoảnh khắc, trong nháy mắt, lúc tiếng kèn chót, vì kèn sẽ thổi, những người chết sẽ được sống lại, không có tính hư nát, và chúng ta sẽ được biến hóa.” (I Cô-rinh-tô 15:52).
“Vì chính Chúa sẽ từ trời giáng xuống với tiếng kêu lớn, với tiếng của thiên sứ trưởng, cùng tiếng kèn của Thiên Chúa, và những người chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:16).
Nhiều người cho rằng, “tiếng kèn chót” trong I Cô-rinh-tô 15:52 là tiếng kèn chót trong Khải Huyền 11:15. Tuy nhiên, bảy tiếng kèn được tiên tri trong Khải Huyền là bảy tiếng kèn của sự phán xét, của sự giáng hình phạt; không phải là tiếng kèn của sự nhóm hiệp con dân Chúa, của sự vui mừng. Thánh Kinh cũng không gọi tiếng kèn thứ bảy trong Khải Huyền là tiếng kèn chót.
Tính từ “chót” có nghĩa là sau cùng. Chúng tôi cho rằng, có tiếng kèn chót thì phải có tiếng kèn đầu. Và chúng tôi tin rằng, tiếng kèn đầu tiên của Thiên Chúa được nói đến trong Xuất Ê-díp-tô Ký 19:16, 19; 20:18. Đó là khi dân I-sơ-ra-ên được nhìn thấy sự vinh quang của Thiên Chúa và được nghe Ngài trực tiếp phán truyền Mười Điều Răn cho họ, từ trên đỉnh Núi Si-na-i.
Tiếng kèn đầu tiên của Thiên Chúa là dấu hiệu nhóm hiệp con dân của Ngài để Ngài ban truyền các điều răn của Ngài cho họ. Tiếng kèn chót của Thiên Chúa là dấu hiệu nhóm hiệp con dân của Ngài, những người trung tín, vâng giữ các điều răn của Ngài, để Đấng Christ đem họ vào trong thiên đàng, trước khi Ngài giáng sự hình phạt lớn, trên toàn thế gian. Vì thế, tiếng kèn chót này không thể là tiếng kèn thứ bảy trong Khải Huyền.
Vậy, Lễ Thổi Kèn có thể là hình bóng cho sự Đấng Christ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian. Rất có thể Đấng Christ sẽ đến trong ngày Lễ Thổi Kèn. Cho dù chúng ta biết Đấng Christ sẽ đến trong ngày Lễ Thổi Kèn thì chúng ta cũng vẫn không biết ngày và giờ Đấng Christ sẽ đến. Vì chúng ta không biết Ngài sẽ đến vào giờ nào của ngày Lễ Thổi Kèn của năm nào.
Chúng ta trông chờ Đấng Christ đến mỗi ngày. Vì Ngài có thể đến bất kỳ lúc nào. Chúng ta trông chờ Đấng Christ đến vào mỗi kỳ Lễ Thổi Kèn. Vì chúng ta hiểu rằng, Lễ Thổi Kèn có thể là hình bóng cho sự đến của Đấng Christ.
Dựa vào sự kiện dân I-sơ-ra-ên chối bỏ Đấng Christ vào ngày Lễ Vượt Qua của năm 27 [2] mà chúng ta biết rằng, vào ngày Lễ Vượt Qua của năm 2027 thì đúng 2.000 năm dân I-sơ-ra-ên chối bỏ Đấng Christ.
Dựa vào lời tiên tri trong Ô-sê 6:1-2 mà chúng ta hiểu rằng, rất có thể Đức Chúa Trời sẽ hồi sinh thuộc linh cho dân I-sơ-ra-ên vào ngày Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa của năm 2027. Chúng tôi đã trình bày chi tiết trong bài “Kỳ Tận Thế và Năm 2027” và đã đăng trên khu mạng kytanthe.net [3].
Chúng tôi cũng nghĩ rằng, có thể Chúa sẽ đến, đem Hội Thánh ra khỏi thế gian vào ngày Lễ Thổi Kèn trước đó, nhằm Thứ Bảy 12/09/2026 hoặc vào ngày Lễ Thổi Kèn sau đó, nhằm Thứ Bảy 02/10/2027. Đây là hai ngày có xác suất cao nhất là ngày đến của Đấng Christ.
-
Vì đó là ngày Lễ Thổi Kèn, tiêu biểu cho sự đến của Đấng Christ.
-
Vì hôm ấy là ngày Sa-bát, tiêu biểu cho sự con dân Chúa được đi vào sự yên nghỉ.
-
Vì thời điểm gần sát với Kỳ Tận Thế.
Ngày Lễ Thổi Kèn trong năm 2024 và 2025 là:
-
Năm 2024: Thứ Năm, ngày 03 tháng 10.
-
Năm 2025: Thứ Ba, ngày 23 tháng 09.
Chúng ta thuộc về thế hệ cuối cùng của Hội Thánh. Chúng ta sẽ là những chứng nhân cho sự Đấng Christ cất Hội Thánh ra khỏi thế gian. Chúng ta sẽ trong nháy mắt, từ thân thể xác thịt đang hư hoại này biến hóa thành thân thể xác thịt thiêng liêng, vinh quang và bất tử. Chúng ta sẽ nghe tiếng kèn của Thiên Chúa và sẽ cùng nhau được cất lên không trung, gặp Đấng Christ giữa những mây trời. Chúng ta sẽ nhận được sự ban thưởng từ Đấng Christ cho mỗi việc lành chúng ta đã làm. Và chúng ta sẽ cùng Đấng Christ vào thiên đàng, ra mắt Đức Chúa Trời.
Sự mầu nhiệm phước hạnh ấy có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Có thể xảy ra vào một trong các ngày Lễ Thổi Kèn. Và rất có thể không trễ hơn là ngày Lễ Thổi Kèn của năm 2027. Lời Chúa truyền cho chúng ta:
“Vì chính Chúa sẽ từ trời giáng xuống với tiếng kêu lớn, với tiếng của thiên sứ trưởng, cùng tiếng kèn của Thiên Chúa, và những người chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước. Kế đến, chúng ta là những người sống, mà còn ở lại, sẽ cùng họ được cất lên trong những đám mây, để gặp Chúa tại nơi không trung. Như vậy, chúng ta sẽ ở cùng Chúa mãi mãi. Thế thì, các anh chị em hãy dùng những lời ấy mà khích lệ nhau.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:16-18).
“Chớ bỏ qua sự nhóm hiệp của chúng ta như thói quen của một số người, nhưng hãy khuyên bảo nhau, và khuyên bảo càng hơn, khi các anh chị em thấy ngày ấy càng gần.” (Hê-bơ-rơ 10:25).
Vì thế, chúng ta hãy cùng khích lệ nhau tỉnh thức, làm trọn mọi việc lành Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho mỗi người, và sốt sắng trông chờ Đấng Christ.
Lễ Thổi Kèn còn có thể là hình bóng cho sự Đấng Christ sẽ nhóm hiệp con dân Chúa vào cuối Kỳ Tận Thế.
“Ngài sẽ sai các thiên sứ của Ngài với tiếng kèn lớn, nhóm lại những người đã được chọn của Ngài từ bốn hướng gió, từ cuối phương trời này cho đến cuối phương trời kia.” (Ma-thi-ơ 24:31).
Sau khi Đấng Christ đã vào trong thế gian thì con dân Chúa không còn giữ các kỳ lễ hội làm hình bóng về các linh vụ của Ngài. Nhưng chúng ta có thể cùng nhau nhóm hiệp trong các ngày Lễ Thổi Kèn để cùng nhau thờ phượng Thiên Chúa và mong đợi sự đến của Đấng Christ. Còn gì vui mừng hơn khi Đấng Christ sẽ đến ngay trong lúc chúng ta đang cùng nhau nhóm hiệp thờ phượng Thiên Chúa?
Ngày ấy đã rất gần. Chúng tôi mong rằng, ai nấy trong chúng ta sẽ hết lòng sống trọn vẹn theo Lời Chúa, sẵn sàng cho sự đến của Đấng Christ.
Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta và thêm sức cho chúng ta. Nguyện tất cả chúng ta đều giữ vững đức tin, trung tín với Chúa cho tới ngày Đấng Christ đến. Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Ba Ngôi Thiên Chúa: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh, bao phủ quý ông bà, anh chị em. A-men!
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
10/02/2024
Ghi Chú
Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.
[1] https://timhieutinlanh.com/thanhoc/le-trang-moi/
[2] https://timhieutinlanh.com/thanhoc/ngay-chua-chet-va-ngay-chua-phuc-sinh/
[3] https://kytanthe.net/067-ky-tan-the-va-nam-2027/
Karaoke Thánh Ca: “Xuân Nhớ Thương Việt Nam”
https://karaokethanhca.net/xuan-nho-thuong-viet-nam/
Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.
-
Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
-
Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.
Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.