Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
Lễ Bánh Không Men
Lễ Bánh Không Men là lễ thứ nhì trong bảy kỳ lễ hội của Thiên Chúa, tiếp liền theo Lễ Vượt Qua, nhằm ngày 15 tháng Ni-san, theo lịch Thiên Chúa ban hành cho dân I-sơ-ra-ên. Lễ Bánh Không Men bắt đầu từ sau khi mặt trời lặn của ngày 14 cho đến khi mặt trời lặn của ngày 21.
Nguồn Gốc:
Lễ Bánh Không Men do chính Thiên Chúa thiết lập và chỉ định cho dân I-sơ-ra-ên phải vâng giữ. Chi tiết về sự giữ Lễ Bánh Không Men được Thiên Chúa phán truyền cho Môi-se và A-rôn cùng lúc với mệnh lệnh về việc giữ Lễ Vượt Qua, được ghi lại trong Xuất Ê-díp-tô Ký 12:15-20. Sau khi dân I-sơ-ra-ên ra khỏi Ê-díp-tô, thì Thiên Chúa phán truyền cho Môi-se về việc phải dâng các của lễ trong bảy ngày Lễ Bánh Không Men, được chép trong Dân Số Ký 28:19-25.
Bài Giảng Phần Âm Thanh Luôn Có Nhiều Chi Tiết Hơn Bài Giảng Viết
Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
MediaFire: http://www.mediafire.com/download/t1f7jd302f7lr24/201604_LeBanhKhongMen.mp3
OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xMzY1MjUwNTlf/201604_LeBanhKhongMen.mp3
Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8
Mục Đích:
Mục đích của Lễ Bánh Không Men là để nhắc cho con dân Chúa nhớ rằng, họ đã được thoát khỏi cuộc đời cũ, nô lệ cho tội lỗi, và đã được Thiên Chúa dẫn vào cuộc đời mới, tự do trong thánh khiết, công chính, theo lẽ thật của Thiên Chúa. Trọn đời sống của họ phải luôn nên thánh, nếu không, họ sẽ không được Thiên Chúa tiếp nhận. Thánh Kinh Tân Ước giúp cho chúng ta hiểu rõ mục đích và ý nghĩa của Lễ Bánh Không Men.
“Hãy làm cho mình sạch men cũ đi, để cho các anh chị em trở nên bột nhồi mới không men, như các anh chị em là bánh không men vậy. Vì Đấng Christ là con sinh Lễ Vượt Qua của chúng ta, đã bị giết rồi. Vậy thì, chúng ta hãy giữ lễ, chớ dùng men cũ, chớ dùng men độc ác, xấu xa, nhưng dùng bánh không men của sự tinh sạch và của lẽ thật.” (I Cô-rinh-tô 5:7-8).
“…Hãy nên thánh, vì Ta là thánh!” (I Phi-e-rơ 1:6).
“Hãy cầu sự bình an với mọi người, cùng tìm theo sự nên thánh, vì nếu không nên thánh thì chẳng ai được thấy Chúa.” (Hê-bơ-rơ 12:14).
Ý Nghĩa:
Lễ Bánh Không Men là hình bóng cho một đời sống mới, không bị tội lỗi tác động. Số 7 là số tiêu biểu cho sự trọn vẹn về thuộc linh. Bảy ngày tiêu biểu cho trọn cuộc đời của một người đi theo Chúa. Ngày nào cũng là tiếp nhận sự sống thánh khiết từ Thiên Chúa qua đức tin vào trong Đức Chúa Jesus Christ. Sự ăn bánh không men tiêu biểu cho sự tiếp nhận chính sự thánh khiết của Đức Chúa Jesus Christ vào trong đời sống của con dân Chúa; như Giăng 6:48-58 đã chép:
48 Ta là bánh của sự sống.
49 Tổ phụ của các ngươi đã ăn ma-na trong đồng vắng, và đã chết!
50 Đây là bánh từ trời xuống, để cho ai ăn thì không chết.
51 Ta là bánh sống từ trời xuống. Nếu ai ăn bánh ấy, thì sẽ sống mãi. Bánh mà Ta sẽ ban cho là thịt của Ta, là bánh mà Ta sẽ ban cho vì sự sống của thế gian.
52 Bởi đó, những người Do-thái tranh cãi với nhau rằng: Làm thế nào người này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn?
53 Vậy nên, Đức Chúa Jesus phán với họ: Thật vậy! Thật vậy! Ta nói với các ngươi, trừ khi các ngươi ăn thịt của Con Người và uống máu của Ngài, thì chẳng có sự sống trong các ngươi.
54 Ai ăn thịt của Ta và uống máu của Ta thì được sự sống đời đời. Ta sẽ khiến người ấy sống lại trong ngày cuối cùng.
55 Vì thịt của Ta thật là thức ăn, máu của Ta thật là thức uống.
56 Người nào ăn thịt của Ta và uống máu của Ta thì ở trong Ta, và Ta {ở} trong người ấy.
57 Như Cha Hằng Sống đã sai Ta đến, và Ta sống bởi Cha; cũng vậy, người nào ăn Ta thì sẽ sống bởi Ta.
58 Đây là bánh từ trời xuống, chẳng phải như ma-na mà tổ phụ các ngươi đã ăn và chết; người nào ăn bánh này thì sẽ sống đời đời.
Ngày thứ nhất của Lễ Bánh Không Men là một ngày Sa-bát, tiêu biểu cho sự con dân Chúa được nghỉ ngơi khỏi ách nô lệ của tội lỗi. Ngày thứ bảy của Lễ Bánh Không Men cũng là một ngày Sa-bát, tiêu biểu cho sự con dân Chúa được yên nghỉ đời đời khỏi sự lao nhọc của xác thịt, như Khải Huyền 14:13 chép:
“Tôi nghe một tiếng từ trời phán với tôi: Hãy viết! Từ nay, phước cho những người chết là những người chết trong Chúa! Đấng Thần Linh phán: Phải, vì họ nghỉ ngơi khỏi sự lao động của họ, và những việc làm của họ theo với họ.”
Cuộc đời của con dân Chúa bắt đầu từ sự được giải cứu khỏi quyền lực và hậu quả của tội lỗi (Rô-ma 6), tiếp tục được thánh hóa bởi Lời Chúa mỗi ngày (Giăng 17:17), được biệt riêng để làm những việc lành đã được Đức Chúa Trời sắm sẵn cho (Ê-phê-sô 2:10), và cuối cùng là được yên nghỉ đời đời trong hạnh phúc với Thiên Chúa (Khải Huyền 21:1-7).
Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu mệnh lệnh của Thiên Chúa về Lễ Bánh Không Men, như đã được ghi lại trong Xuất Ê-díp-tô Ký 12:15-20 và Dân Số Ký 28:19-25.
Xuất Ê-díp-tô Ký 12:15-20
15 Trong bảy ngày các ngươi sẽ ăn bánh không men. Vào ngày thứ nhất, các ngươi hãy dẹp men khỏi nhà của các ngươi; vì bất cứ ai ăn bánh có men từ ngày thứ nhất cho đến ngày thứ bảy, thì linh hồn ấy sẽ bị diệt khỏi I-sơ-ra-ên.
16 Vào ngày thứ nhất, sẽ có một sự nhóm hiệp thánh và vào ngày thứ bảy cũng sẽ có một sự nhóm hiệp thánh cho các ngươi. Không một công việc gì được làm trong {hai ngày} đó, ngoại trừ các ngươi chỉ làm thức ăn cho mỗi người.
17 Các ngươi hãy giữ Lễ Bánh Không Men, vì chính ngày đó Ta rút quân đội của các ngươi ra khỏi đất Ê-díp-tô. Vậy, các ngươi sẽ luôn luôn giữ ngày này trải qua các đời của các ngươi theo luật.
18 Ngày mười bốn tháng Một, vào buổi tối, các ngươi sẽ ăn bánh không men cho đến buổi tối ngày hai mươi mốt tháng đó.
19 Trong bảy ngày không nên tìm thấy men tại nhà của các ngươi; vì bất cứ ai ăn thức gì có men thì linh hồn ấy sẽ bị diệt khỏi hội chúng I-sơ-ra-ên, bất kể là khách ngoại bang hay người được sinh ra trong xứ.
20 Các ngươi không được ăn thức gì có men. Trong khắp nơi các ngươi ở, các ngươi đều phải ăn bánh không men.
Dân Số Ký 28:19-25
19 Các ngươi sẽ dâng một của lễ bằng lửa, một của lễ thiêu cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là hai con bò đực con, một con chiên đực, và bảy chiên con giáp niên; chúng phải không có tì, vết.
20 Của lễ chay của chúng sẽ bằng bột nhồi dầu; các ngươi phải dâng ba phần mười {ê-pha} về một con bò đực, hai phần mười {ê-pha} về con chiên đực,
21 và một phần mười {ê-pha} về mỗi chiên con, cho bảy chiên con.
22 Thêm một con dê đực làm của lễ chuộc tội, để chuộc tội cho các ngươi.
23 Các ngươi phải dâng các của lễ này cùng với của lễ thiêu buổi sáng, là một của lễ thiêu thường dâng.
24 Các ngươi dâng như vậy mỗi ngày trong suốt bảy ngày. Thức ăn về của lễ dùng lửa dâng lên có mùi thơm cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Nó sẽ được dâng lên cùng với của lễ thiêu thường dâng và của lễ thức uống.
25 Ngày thứ bảy các ngươi sẽ có sự nhóm hiệp thánh. Các ngươi chớ làm một việc lao động nào.
Trước hết, chúng ta hãy suy ngẫm về ý nghĩa của từng câu trong Xuất Ê-díp-tô Ký 12:15-20:
15 Trong bảy ngày các ngươi sẽ ăn bánh không men. Vào ngày thứ nhất, các ngươi hãy dẹp men khỏi nhà của các ngươi; vì bất cứ ai ăn bánh có men từ ngày thứ nhất cho đến ngày thứ bảy, thì linh hồn ấy sẽ bị diệt khỏi I-sơ-ra-ên.
Bảy ngày dân I-sơ-ra-ên phải ăn bánh không men bắt đầu vào tối ngày 14 cho đến tối ngày 21 của tháng Một, tức tháng Ni-san:
“Ngày mười bốn tháng Một, vào buổi tối, các ngươi sẽ ăn bánh không men cho đến buổi tối ngày hai mươi mốt tháng đó.”(Xuất Ê-díp-tô Ký 12:18).
Ngày thứ nhất ăn bánh không men là ngày 14 tháng Ni-san, bắt đầu ngay sau khi mặt trời lặn của ngày 13. Nhưng ngày thứ nhất ăn bánh không men là ngày Lễ Vượt Qua thì không thuộc về bảy ngày của Lễ Bánh Không Men. Vì Lễ Bánh Không Men bắt đầu từ ngày 15 cho đến ngày 21 tháng Ni-san.
Ngay trong ngày Lễ Vượt Qua, cùng lúc với việc lo giết chiên con thì dân I-sơ-ra-ên cũng phải lo đem hết men ra khỏi nhà của mình. Nhóm chữ “ngày thứ nhất” trong câu 15 chỉ về ngày thứ nhất của sự ăn bánh không men; không phải ngày thứ nhất của Lễ Bánh Không Men.
Trong suốt bảy ngày ăn bánh không men, bất cứ ai ăn bánh có men thì sẽ bị diệt khỏi dân I-sơ-ra-ên. Danh từ “linh hồn” được dùng để gọi người phạm tội và bị diệt, nhằm nhấn mạnh đến tính cách thuộc linh của sự việc. Từ ngữ “bị diệt” trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh có nghĩa đen là bị chặt bỏ, bị đốn hạ, bị cắt khỏi, bị hủy diệt, và có nghĩa bóng là bị giết bỏ. Hai hình thức tử hình thông thường vào thời bấy giờ là bị ném đá hoặc bị treo cổ.
Người không giữ sự ăn bánh không men tiêu biểu cho người không muốn tiếp nhận sự sống mới, tự do, thánh khiết, công chính theo lẽ thật của Thiên Chúa. Người ấy xem thường ân điển cứu chuộc của Thiên Chúa và ân điển thánh hóa của Thiên Chúa.
Người tin nhận sự cứu rỗi của Chúa thì phải hết lòng dứt bỏ đời sống tội lỗi ngay từ ngày thứ nhất đi theo Chúa, như dân I-sơ-ra-ên phải dẹp bỏ men ra khỏi nhà ngay trong ngày thứ nhất khi bắt đầu ăn bánh không men. Con dân Chúa phải dọn dẹp, đem ra khỏi đời sống của mình bất cứ những gì liên quan đến tội lỗi, từ những hình ảnh, sách, báo, phim, nhạc… cho đến những lưu trữ trên computer, trên điện thoại, kể cả những vật lưu niệm liên quan đến những tình cảm xưa cũ không đẹp ý Chúa:
“Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ thì người ấy là một tạo vật mới; những sự cũ đã qua đi, này mọi sự đều trở nên mới.” (II Cô-rinh-tô 5:17).
Ngày nay, khi một người tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ mà không chịu sống một nếp sống mới thánh khiết, vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa, phạm tội mà không chịu ăn năn, thì người ấy đáng bị diệt khỏi Hội Thánh. Hội Thánh có nhiệm vụ cắt bỏ người ấy ra khỏi Hội Thánh:
“Nếu anh chị em cùng Cha của ngươi phạm tội nghịch lại ngươi, thì hãy đi, nói cho người biết lỗi, chỉ giữa ngươi với người; nếu người nghe ngươi, thì ngươi được lại anh chị em cùng Cha của mình. Nếu người không nghe ngươi, hãy đem thêm với ngươi một hoặc hai người, để mọi lời trong miệng của hai hay ba người chứng được vững lập. Nếu người không chịu nghe họ, thì hãy thông báo cho Hội Thánh; và nếu người không chịu nghe Hội Thánh, thì hãy xem người như người ngoại và kẻ thu thuế. Thật vậy! Ta nói với các ngươi, bất cứ điều gì các ngươi buộc ở dưới đất thì cũng đã buộc ở trên trời, và bất cứ điều gì các ngươi mở ở dưới đất thì cũng đã mở ở trên trời.” (Ma-thi-ơ 18:15-18).
“Trong thư tôi viết cho các anh chị em, có dặn đừng làm bạn với những đĩ đực, đó tôi chẳng có ý nói chung về những đĩ đực đời này, hay là những kẻ tham lam, những kẻ tống tiền,những kẻ thờ thần tượng, vì nếu vậy thì các anh chị em phải lìa khỏi thế gian. Nhưng tôi viết khuyên các anh chị em đừng làm bạn với kẻ nào tự xưng là anh chị em, mà làm đĩ đực, hoặc tham lam, hoặc thờ thần tượng, hoặc hung bạo, hoặc say sưa, hoặc tống tiền, cũng không nên ăn chung với người thể ấy. Bởi vì có phải tôi nên phán xét kẻ ở ngoài sao? Chẳng phải các anh chị em nên phán xét những người ở trong sao? Còn như những kẻ ở ngoài, thì Đức Chúa Trời sẽ phán xét họ. Hãy trừ bỏ kẻ gian ác khỏi các anh chị em.” (I Cô-rinh-tô 5:9-13).
Nếu Hội Thánh không làm tròn nhiệm vụ giữ gìn sự thánh khiết của Hội Thánh, bằng cách dứt thông công những kẻ phạm tội mà không chịu ăn năn, thì Hội Thánh có tội trước Chúa.
16 Vào ngày thứ nhất, sẽ có một sự nhóm hiệp thánh và vào ngày thứ bảy cũng sẽ có một sự nhóm hiệp thánh cho các ngươi. Không một công việc gì được làm trong {hai ngày} đó, ngoại trừ các ngươi chỉ làm thức ăn cho mỗi người.
Nhóm chữ “vào ngày thứ nhất” trong câu 16 này là nói về ngày thứ nhất trong bảy ngày của Lễ Bánh Không Men, tức là ngày 15 tháng Ni-san. Ngày thứ bảy là ngày thứ bảy trong bảy ngày của Lễ Bánh Không Men, tức là ngày 21 tháng Ni-san, không phải là ngày Thứ Bảy Sa-bát cuối tuần. Cả hai ngày đều được biệt riêng làm ngày nghỉ làm việc, và nhóm hiệp thờ phượng Chúa, tương tự như ngày Thứ Bảy Sa-bát cuối tuần. Đây là hai ngày Lễ Sa-bát đầu tiên trong bảy kỳ lễ hội của Thiên Chúa. Các ngày còn lại là Sa-bát của Lễ Ngũ Tuần, Sa-bát của Lễ Thổi Kèn, Sa-bát của Lễ Chuộc Tội, và hai Sa-bát của Lễ Lều Tạm.
Từ ngữ “công việc” dùng trong câu này chỉ chung tất cả những gì được gọi là việc làm, ngoại trừ công việc của các thầy tế lễ, của những người canh giữ đền thờ, và việc chuẩn bị thức ăn. Con dân Chúa ngày nay có thể xin nghỉ làm việc trong hai ngày này để nhóm hiệp thờ phượng Chúa và suy ngẫm về sự tự do Chúa ban cho mình đang khi còn ở trong thế gian, cùng sự an nghỉ đời đời sau khi ra khỏi thế gian.
17 Các ngươi hãy giữ Lễ Bánh Không Men, vì chính ngày đó Ta rút quân đội của các ngươi ra khỏi đất Ê-díp-tô. Vậy, các ngươi sẽ luôn luôn giữ ngày này trải qua các đời của các ngươi theo luật.
Mặc dù đêm 14 tháng Ni-san Pha-ra-ôn truyền cho Môi-se và A-rôn dẫn dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô, nhưng trong đêm đó và sáng hôm sau, dân I-sơ-ra-ên chỉ đi từ Ram-se đến Su-cốt, một chặng đường khoảng 30km, và vẫn còn trong lãnh thổ của Ê-díp-tô. Sáng ngày 15, ngày thứ nhất của Lễ Bánh Không Men, dân I-sơ-ra-ên mới bắt đầu từ Su-cốt ra đi khỏi lãnh thổ của Ê-díp-tô, đến bên bờ Biển Đỏ:
“Họ ra đi từ Ram-se vào tháng Một. Ngày mười lăm tháng Một, ngày sau Lễ Vượt Qua, con dân I-sơ-ra-ên ra đi với tay đưa cao trước mắt của tất cả dân Ê-díp-tô.”(Dân Số Ký 33:3).
Vì thế, ngày 15 tháng Ni-san được xem là ngày dân I-sơ-ra-ên chính thức ra khỏi xứ Ê-díp-tô. Theo Xuất Ê-díp-tô Ký 12:37-38 thì số dân I-sơ-ra-ên đi từ Ram-se đến Su-cốt vào khoảng 600,000 người đàn ông, không kể trẻ con (hàm ý cũng không kể đàn bà và người lớn tuổi), cùng với vô số người thuộc các dân tộc khác. Theo Thánh Kinh, số người được tính sổ là đàn ông từ 20 tuổi đến 60 tuổi (Lê-vi Ký 27:3). Nếu tính trung bình một người đàn ông có một gia đình gồm năm người, thì chỉ dân I-sơ-ra-ên không đã vào khoảng ba triệu người, chưa kể các dân tộc khác. Cho đến ngày nay, không ai có thể hình dung ra việc di tản thành công một số người đông như vậy cùng với các bầy gia súc của họ bằng cách đi bộ, mà không có sự tổ chức chặt chẽ. Nếu chia ba triệu người thành một đội ngũ với hàng ngang 100 người, mỗi người cách nhau một mét thì đội hình của họ sẽ chiếm bề ngang 100 mét và bề dài 30 km.
Mười ba tháng sau, vào ngày 1 tháng Hai, năm thứ nhì, khi Thiên Chúa ra lệnh cho Môi-se làm thống kê dân số, thì con số những người đàn ông từ 20 tuổi trở lên là 603,550 người, không kể chi phái Lê-vi:
“Thế thì, hết thảy những người trong dân I-sơ-ra-ên đã được nhập sổ tùy theo tông tộc mình, từ hai mươi tuổi sắp lên, tức là mọi người trong I-sơ-ra-ên đi ra trận được, số là sáu trăm lẻ ba ngàn năm trăm năm mươi.” (Dân Số Ký 1:45-46).
Chính trong ngày 15 tháng Ni-san, Thiên Chúa vừa giải phóng dân I-sơ-ra-ên ra khỏi ách nô lệ của Ê-díp-tô, vừa lập họ thành một quốc gia, có quân đội. Ngài muốn con cháu I-sơ-ra-ên từ đời này sang đời khác luôn giữ Lễ Bánh Không Men, để nhớ đến sự tự do mà Thiên Chúa đã ban cho họ, và hướng về nếp sống thánh khiết của một dân tộc được chọn làm con dân của Thiên Chúa, trong địa vị con trưởng.
18 Ngày mười bốn tháng Một, vào buổi tối, các ngươi sẽ ăn bánh không men cho đến buổi tối ngày hai mươi mốt tháng đó.
Câu này nói rõ thời điểm bắt đầu và kết thúc của sự ăn bánh không men, bắt đầu từ sau khi mặt trời lặn của ngày 13 và kết thúc khi mặt trời lặn của ngày 20 tháng Ni-san. Thời điểm này khác với thời điểm bắt đầu và kết thúc của Lễ Bánh Không Men. Thời điểm bắt đầu của Lễ Bánh Không Men là sau khi mặt trời lặn cuối ngày 14 và kết thúc khi mặt trời lặn cuối ngày 21 tháng Ni-san.
Cuộc đời của con dân Chúa, từ khi bắt đầu tin nhận Chúa cho đến khi ra khỏi thế gian, phải là một đời sống thánh khiết không phạm tội. Khi lỡ phạm tội thì phải lập tức ăn năn tội và hoàn toàn nương cậy vào máu chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ.
19 Trong bảy ngày không nên tìm thấy men tại nhà của các ngươi; vì bất cứ ai ăn thức gì có men thì linh hồn ấy sẽ bị diệt khỏi hội chúng I-sơ-ra-ên, bất kể là khách ngoại bang hay người được sinh ra trong xứ.
Trong suốt bảy ngày ăn bánh không men thì dân I-sơ-ra-ên phải đem men ra khỏi nhà của mình. Chẳng những họ không được ăn bánh có men mà còn không được ăn bất cứ thức ăn nào có men. Ai ăn sẽ bị diệt! Cho dù người ấy là khách ngoại bang kiều ngụ giữa dân I-sơ-ra-ên như vô số dân thuộc các dân tộc khác đã đi theo dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô, hay là người được sinh đẻ trong một gia đình I-sơ-ra-ên.
Suốt cuộc đời của con dân Chúa không nên để cho bất cứ một hình thức tội lỗi nào lưu lại trong đời sống mình. Thân thể mỗi con dân Chúa là đền thờ của Thiên Chúa, là nhà thờ phượng Thiên Chúa, không thể để cho tìm thấy có tội lỗi trong họ. Mọi tội lỗi đều phải được giải quyết ngay lập tức bằng sự ăn năn và xưng tội trước Chúa, phục hòa với người bị mình xúc phạm. Chỉ cần phạm tội mà không ăn năn, dù chỉ là một ý tưởng tội lỗi, thì tội ấy sẽ lây lan trong đời sống như men làm dậy cả đống bột. Vì tiền công của tội lỗi là sự chết, cho nên, phạm tội mà không ăn năn thì sẽ bị chết! Sự chết này là sự bị đời đời phân rẽ khỏi Thiên Chúa và bị giam trong hỏa ngục.
Không có sự khác biệt về hậu quả của tội lỗi giữa một người không tin Chúa hay một người được sinh ra trong Hội Thánh. Ai phạm tội mà không ăn năn thì sẽ bị hư mất!
20 Các ngươi không được ăn thức gì có men. Trong khắp nơi các ngươi ở, các ngươi đều phải ăn bánh không men.
Mệnh lệnh của Thiên Chúa rất nghiêm khắc, được nhắc đi nhắc lại là trong suốt bảy ngày ăn bánh không men, không một người nào được ăn bánh có men hoặc ăn bất cứ thức ăn nào có men. Họ chỉ được ăn bánh không men.
Đời sống của con dân Chúa phải luôn thánh khiết trên mọi phương diện. Con dân Chúa không thể vi phạm các điều răn của Thiên Chúa vì bất cứ lý do gì. Mỗi ngày, con dân Chúa phải tự nuôi mình bằng Lời Hằng Sống của Thiên Chúa, để luôn được thánh hóa bởi lẽ thật của Lời Chúa.
Tiếp theo đây, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa về sự dâng các của lễ trong kỳ Lễ Bánh Không Men, như đã được chép trong Dân Số Ký 28:19-25. Chúng ta cần ghi nhớ rằng, đây là sự dâng của lễ tập thể, không phải là sự dâng của lễ cá nhân. Sự dâng của lễ này tiêu biểu cho sự Hội Thánh cùng nhau thờ phượng Chúa, cùng nhau dâng hiến lên Chúa, cùng nhau sống Lời Chúa.
19 Các ngươi sẽ dâng một của lễ bằng lửa, một của lễ thiêu cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là hai con bò đực con, một con chiên đực, và bảy chiên con giáp niên; chúng phải không có tì, vết.
Của lễ dâng bằng lửa được gọi là của lễ thiêu, vì lửa sẽ thiêu hóa toàn bộ những gì được đặt trên bàn thờ.
Bò đực con là bò vừa đến tuổi làm việc. Bò đực con tiêu biểu cho sự chuyên tâm làm việc. Giống bò được biết là loài gia súc chịu cực làm việc cho đến chết. Hai con bò mang chung một cái ách để cùng nhau hầu việc chủ một cách đắc lực, thể hiện tinh thần đồng công phục vụ. Sự dâng của lễ bằng hai con bò đực tiêu biểu cho sự con dân Chúa cùng nhau hết lòng, hết sức, trung tín hầu việc Thiên Chúa, tức là hoàn toàn làm theo thánh ý của Thiên Chúa trong suốt cuộc đời. Sự con dân Chúa phụng sự Thiên Chúa phải là sự cùng nhau. Lời Chúa phán:
“Hai người hơn một, vì sẽ được công giá tốt về việc làm của họ. Vì nếu họ ngã, thì một {người} sẽ đỡ bạn mình lên. Khốn cho kẻ ở một mình khi bị ngã, mà không có người khác đỡ mình lên!” (Truyền Đạo 4:9-10).
Khi Đức Chúa Jesus Christ sai các môn đồ đi giảng Tin Lành, thì Ngài sai họ đi từng cặp. Khi Đức Thánh Linh sai người đi giảng Tin Lành cho các dân ngoại thì Ngài sai Ba-na-ba và Phao-lô.
Chiên đực tiêu biểu cho điều quý trọng nhất của một người. Điều quý trọng nhất của một người tùy theo cá tính, tuổi tác, hoàn cảnh, v.v. của người ấy; có thể là: tiền bạc, sắc đẹp, sức khoẻ, bằng cấp, địa vị, danh tiếng, lý tưởng, hay là một người thân yêu nào đó. Trong trường hợp của Áp-ra-ham, lúc ông trên trăm tuổi, điều quý trọng nhất của ông là đứa con mà Đức Chúa Trời hứa ban cho ông để nối dõi. Đức Chúa Trời yêu cầu Áp-ra-ham dâng con của ông là I-sác làm của lễ thiêu, và Áp-ra-ham đã lấy đức tin mà dâng con của mình lên Thiên Chúa. Áp-ra-ham đã trói I-sác lại, đặt trên bàn thờ của lễ thiêu và giơ tay ra, cầm dao, để giết con mình. Nhưng trong giây phút ấy, thiên sứ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã truyền cho ông ngừng tay. Áp-ra-ham nhìn thấy có một con chiên đực bị mắc kẹt trong một lùm cây phía sau ông, ông bắt nó dâng làm của lễ thiêu thay cho I-sác (Sáng Thế Ký 22).
Mỗi con dân Chúa, qua Hội Thánh, phải dâng điều quý trọng nhất của mình lên Thiên Chúa; không nên tiếc bất cứ một điều gì Thiên Chúa đòi hỏi nơi mình. Dâng với đức tin, tin rằng Thiên Chúa có quyền ban cho thì có quyền lấy lại (Gióp 1:20) và tin rằng Thiên Chúa có quyền cất đi thì cũng có quyền ban lại (Hê-bơ-rơ 11:19). Lời Đức Chúa Jesus Christ hứa được ghi lại trong Thánh Kinh, như sau:
“Đức Chúa Jesus đáp rằng: Thật vậy! Ta nói với các ngươi, chẳng một người nào vì Ta và Tin Lành, chịu từ bỏ nhà cửa, hoặc anh em ruột, hoặc chị em ruột, hoặc cha, hoặc mẹ, hoặc vợ, hoặc con cái, hoặc đất ruộng, mà người ấy chẳng nhận được đang lúc này, trong đời này, trăm lần hơn về những nhà cửa, anh em ruột, chị em ruột, mẹ, con cái, đất ruộng, với sự bách hại, và sự sống đời đời trong đời sau.” (Mác 10:29-30).
Điều quý trọng nhất của chúng ta hiện nay là gì? Chúng ta có sẵn sàng dâng điều quý trọng nhất của mình lên Thiên Chúa hay không? Dâng lên Thiên Chúa qua Hội Thánh có nghĩa là dùng điều quý trọng nhất của mình để phục vụ anh chị em cùng đức tin, là thân thể của Đấng Christ, là nhà của Thiên Chúa, là Hội Thánh.
Chiên con giáp niên vừa được tiêu biểu cho Đấng Christ trong địa vị chịu chết vì tội lỗi của nhân loại, làm một của lễ chuộc tội đẹp lòng Đức Chúa Trời, vừa tiêu biểu cho mạng sống của con dân Chúa trong thân thể xác thịt hiện tại, dâng lên Đức Chúa Trời, làm một của lễ đẹp lòng Ngài:
“Vậy, hỡi các anh chị em cùng Cha, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên các anh chị em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của các anh chị em.” (Rô-ma 12:1).
Con số bảy tiêu biểu cho sự trọn vẹn về thuộc linh. Bảy con chiên con tiêu biểu cho sự dâng trọn vẹn sự sống của con dân Chúa lên cho Đức Chúa Trời. Bảy con chiên con còn hàm ý là chứng cớ về tấm lòng chân thật của con dân Chúa đối với Chúa, như Áp-ra-ham đã dùng bảy con chiên con để làm chứng cho sự chân thật của ông đối với Vua A-bi-mê-léc (Sáng Thế Ký 21:28-30).
Mọi của lễ dâng lên Thiên Chúa phải trọn vẹn, không tì, không vết. Một thí dụ điển hình về tì, vết trong của lễ dâng lên Thiên Chúa là: Vừa dâng hiến tiền bạc lên Chúa cho các mục vụ trong Hội Thánh mà trong lòng vừa tiếc của. Quý ông bà anh chị em hãy suy ngẫm xem, có điều gì quý ông bà anh chị em từng dâng lên Chúa mà có tì, có vết? Hãy cầu nguyện xin Chúa tha thứ và giúp mình tránh tái phạm.
20 Của lễ chay của chúng sẽ bằng bột nhồi dầu; các ngươi phải dâng ba phần mười {ê-pha} về một con bò đực, hai phần mười {ê-pha} về con chiên đực,
21 và một phần mười {ê-pha} về mỗi chiên con, cho bảy chiên con.
Danh từ “của lễ chay” được dùng để chỉ về một thứ bánh làm bằng bột nhồi dầu, dâng lên Thiên Chúa. Bột là bột làm từ lúa mì và dầu là dầu được ép ra từ trái ô-li-ve. Bánh là thức ăn duy trì sự sống cho xác thịt, tiêu biểu cho Lời Chúa là thức ăn duy trì sự sống thuộc linh. Dầu trong văn mạch này tiêu biểu cho thánh linh của Thiên Chúa. Lời Chúa và thánh linh của Chúa kết hiệp với nhau đem lại sự sống cho cả tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của con dân Chúa. Sự sống ấy được dâng lên Thiên Chúa.
Ê-pha là một đơn vị đo lường của người I-sơ-ra-ên, tương đương 22 lít. Trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh thì trong câu này không có từ “ê-pha” nhưng ê-pha được hiểu ngầm trong câu văn, dựa theo câu 5 trước đó.
Một phần mười được dùng làm con số tiêu biểu cho toàn thể số lượng. Dâng 1/10 một điều gì làm hình bóng cho sự công nhận điều mình có được là do Thiên Chúa ban cho. Vì thế, thời Cựu Ước, Thiên Chúa đòi hỏi con dân Chúa dâng 1/10 thổ sản và súc vật của họ, tiêu biểu cho sự họ công nhận toàn bộ sự thu nhập của họ là sự ban phước của Thiên Chúa.
Tương tự như được ghi chép trong các nơi khác của sách Dân Số Ký, chúng ta thấy khi của lễ chay được dâng chung với một con chiên đực thì số lượng bột được tăng lên gấp đôi, và tăng gấp ba khi dâng chung với một con bò đực. Có lẽ là để tương ứng với kích thước của sinh tế.
22 Thêm một con dê đực làm của lễ chuộc tội, để chuộc tội cho các ngươi.
Của lễ chuộc tội có thể là một con chiên, một con dê, hoặc một con bò, hay là một con chim cu, hoặc một con chim bồ câu. Trong kỳ Lễ Bánh Không Men thì mỗi ngày một con dê đực được dâng làm của lễ chuộc tội cho toàn dân I-sơ-ra-ên, làm hình bóng về sự mỗi ngày trong cuộc sống của con dân Chúa, họ vẫn cần đến máu chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ.
Suốt cuộc đời đi theo Chúa của chúng ta, chúng ta vẫn có thể phạm tội, vì thế, chúng ta vẫn cần máu chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ mỗi ngày trong đời sống của chúng ta. Hãy ghi nhớ rằng, chúng ta cần tiếp nhận bản tính thánh khiết của Đức Chúa Jesus Christ được tiêu biểu bằng bánh không men, và chúng ta cần tiếp nhận máu chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, tiêu biểu bằng nước nho, để rửa sạch mọi tội lỗi của chúng ta.
23 Các ngươi phải dâng các của lễ này cùng với của lễ thiêu buổi sáng, là một của lễ thiêu thường dâng.
“Các của lễ này”, tức là hai con bò đực, một con chiên đực, bảy con chiên con, và một con dê đực, được dâng cùng lúc với của lễ thiêu thường dâng buổi sáng. Của lễ thiêu thường dâng là của lễ được dâng mỗi ngày hai lần, sáng và tối, như được chép trong Xuất Ê-díp-tô Ký 29:38-42. Mỗi lần dâng lên một con chiên con, cùng với của lễ chay là 1/10 bột nhồi với 1/4 hin dầu (một hin tương đương ba lít), và của lễ thức uống là 1/4 hin rượu nho. Rượu nho làm hình bóng cho sự vui vẻ, thỏa lòng trong Chúa. Rượu khiến cho đời vui (Truyền Đạo 10:19). Bột nhồi dầu làm hình bóng cho nếp sống thánh khiết đầy dẫy thánh linh. Chiên con làm hình bóng cho thân thể xác thịt và mạng sống của con dân Chúa. Sự dâng hiến vào buổi sáng làm hình bóng cho sự phó thác một ngày mới vào trong tay Chúa. Sự dâng hiến vào buổi tối làm hình bóng cho sự phó thác một đêm mới vào trong tay Chúa. Con dân Chúa nên cầu nguyện dâng lên thân thể, đời sống, ước muốn, niềm vui của mình trong tay Chúa ngày hai bận, sau khi thức dậy và trước khi đi ngủ.
Dưới đây là hai lời cầu nguyện mẫu mà quý con dân Chúa có thể dựa vào đó, để dâng lời cầu nguyện buổi sáng và buổi tối. Xin đừng xem đây như là một bài kinh đọc. Đây chỉ là gợi ý những điều nên cầu xin, quý con dân Chúa không nhất thiết phải học thuộc lòng hoặc đọc đúng nguyên văn. Hãy để Đức Thánh Linh hướng dẫn thần trí mình trong khi cầu nguyện
Lời cầu nguyện mẫu buổi sáng:
Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha kính yêu của chúng con. Nguyện mọi vinh quang và quyền thế đều thuộc về Ngài cho đến đời đời. Con cảm tạ ơn Cha một đêm bình an và một ngày mới Cha ban cho con và gia đình của con. Xin Cha tha thứ mọi tội lỗi của chúng con, thánh hóa chúng con, và tiếp nhận thân thể của chúng con như những của lễ sống và thánh, kính dâng lên Cha trong buổi sáng nay. Xin Cha giữ gìn chúng con suốt một ngày mới này không phạm tội, nhưng được Đức Thánh Linh giảng dạy lẽ thật của Thánh Kinh cho chúng con, được Đức Chúa Jesus Christ ban ơn, thêm sức, chữa lành mọi tật bệnh trong thân thể của chúng con, và giúp chúng con sống đẹp ý Ngài. Xin Cha chăm sóc và ban cho mọi nhu cầu trong đời sống của chúng con trong ngày hôm nay. Xin Cha ban ơn cho mọi việc làm của chúng con đều theo thánh ý của Cha. Chúng con xin được thỏa vui trong ân điển của Ngài. (Có thể thêm lời cầu xin về các nhu cầu, nan đề, hoặc lời cầu thay cho người khác tại đây.) Chúng con thành kính cảm tạ ơn Cha và cầu xin trong danh của Đức Chúa Jesus Christ. A-men!
Sau khi dâng lời cầu nguyện buổi sáng, hãy đọc một đoạn Thánh Kinh để làm nền tảng cho sự suy ngẫm Lời Chúa trong ngày.
Lời cầu nguyện mẫu buổi tối:
Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha kính yêu của chúng con. Nguyện mọi vinh quang và quyền thế đều thuộc về Ngài cho đến đời đời. Con cảm tạ ơn Cha về mọi ơn phước Cha đã ban cho con và gia đình của con trong suốt ngày hôm nay. Xin Cha tha thứ mọi tội lỗi của chúng con, thánh hóa chúng con, và tiếp nhận thân thể của chúng con như những của lễ sống và thánh, kính dâng lên Cha trong buổi tối này. Xin Cha giữ gìn chúng con suốt một đêm mới này được ngủ nghỉ bình an trong ân điển của Cha, không phạm tội trong giấc ngủ, nhưng được Đức Thánh Linh giảng dạy lẽ thật của Thánh Kinh cho chúng con, được Đức Chúa Jesus Christ ban ơn, thêm sức, chữa lành mọi tật bệnh trong thân thể của chúng con. Xin Cha cất khỏi chúng con những chiêm bao hoặc khải tượng nào không đến từ Cha. Xin cho chúng con có những sự hiện thấy từ nơi Ngài trong giấc ngủ của chúng con, để chúng con được chiêm ngưỡng sự vinh quang và mầu nhiệm của Thiên Chúa. (Có thể thêm lời cầu xin về các nhu cầu, nan đề, hoặc lời cầu thay cho người khác tại đây.) Chúng con thành kính cảm tạ ơn Cha và cầu xin trong danh của Đức Chúa Jesus Christ. A-men!
Sau khi dâng lời cầu nguyện buổi tối, chúng ta có thể đọc một đoạn Thánh Kinh hoặc nghe một bài giảng, rồi lên giường nằm, suy ngẫm về những điều đã đọc, đã nghe, để dỗ giấc ngủ.
24 Các ngươi dâng như vậy mỗi ngày trong suốt bảy ngày. Thức ăn về của lễ dùng lửa dâng lên có mùi thơm cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Nó sẽ được dâng lên cùng với của lễ thiêu thường dâng và của lễ thức uống.
Trong suốt bảy ngày Lễ Bánh Không Men, dân I-sơ-ra-ên dâng 14 con bò đực, 7 con chiên đực, 49 con chiên con, và 7 con dê đực, cùng với bột nhồi dầu. Các của lễ này được dâng chung với của lễ thiêu và của lễ thức uống thường dâng buổi sáng.
25 Ngày thứ bảy các ngươi sẽ có sự nhóm hiệp thánh. Các ngươi chớ làm một việc lao động nào.
Ngày thứ bảy của Lễ Bánh Không Men, nhằm ngày 21 tháng Ni-san, là ngày Lễ Sa-bát thứ nhì trong bảy kỳ lễ hội, làm hình bóng cho sự con dân Chúa sau khi ra khỏi cuộc đời này, được nghỉ ngơi khỏi sự làm việc của thân thể xác thịt.
Nguyện Đức Thánh Linh giúp cho chúng ta hiểu và ghi nhớ ý nghĩa của Lễ Bánh Không Men. Nguyện Đức Chúa Jesus Christ ban thêm sức cho chúng ta để chúng ta sống đúng với tinh thần của Lễ Bánh Không Men. Nguyện Đức Chúa Trời giữ gìn chúng ta luôn được thánh khiết, trọn vẹn, như bánh không men trong mỗi ngày còn lại của chúng ta giữa cuộc đời này. A-men!
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
30/04/2016