Jesus Christ và Christ Jesus

4,795 views

Jesus Christ và Christ Jesus

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Chúng ta vẫn biết, Thánh Kinh là Lời của Thiên Chúa do các tiên tri và các môn đồ của Chúa ghi chép lại. Khi ghi chép, mỗi người dùng văn phong riêng của chính mình. Tuy nhiên, chính Đức Thánh Linh đã thần cảm họ trong khi họ viết, vì thế, từng lời, từng chữ của Thánh Kinh nguyên bản khi được các tiên tri và các môn đồ của Chúa đặt bút chép ra, hoàn toàn có sự soi dẫn của Đức Thánh Linh. Lời Chúa khẳng định rằng:

Cả Thánh Kinh do Thiên Chúa hà hơi, có ích cho sự giảng dạy, cho sự quở trách, cho sự sửa trị, cho sự giáo dục trong sự công chính, [hà hơi = ban sự sống; thần cảm] để người của Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sẵn sàng cho mọi việc lành.” (II Ti-mô-thê 3:16-17).

Có người cho rằng, đây là nói về Cựu Ước, vì khi Phao-lô viết những dòng chữ này cho Ti-mô-thê thì chưa có Thánh Kinh Tân Ước. Thực tế, ngay lúc ấy, chính thư II Ti-mô-thê cũng mới được viết đến chương ba, câu 17! Vậy, họ kết luận, sự thần cảm của Đức Thánh Linh không bao gồm phần Tân Ước. Những người nói như vậy là những người chưa có sự cứu rỗi, nên chưa được tái sinh, chưa có Đức Thánh Linh ngự trong thân thể họ để dạy cho họ biết, Thánh Kinh Tân Ước cũng chính là Lời của Đức Chúa Trời. Vì thế, họ mới phủ nhận thần tính và thần quyền của Tân Ước.

Chính vì cả Thánh Kinh đều được Thiên Chúa hà hơi mà Thánh Kinh trở thành lời sống và linh nghiệm:

Vì Lời của Đức Chúa Trời sống và năng động; sắc hơn bất cứ gươm hai lưỡi nào; đến nỗi xuyên thấu và phân chia cả linh hồn, tâm thần, các khớp xương và tủy; xem xét những tư tưởng và những ý định của lòng. Chẳng có tạo vật nào không hiện ra trước mặt Ngài, nhưng hết thảy đều trần trụi và lộ ra trước mắt Ngài, Đấng mà chúng ta phải thưa trình.” (Hê-bơ-rơ 4:12-13).

Thế nên, chúng tôi tin rằng, từng chữ trong Thánh Kinh và mỗi cách dùng chữ trong Thánh Kinh đều có những ý nghĩa rõ ràng và nhất định, không phải để cho ai có thể tùy ý thêm hay bớt, hoặc tùy ý diễn giải.

Bây giờ, chúng ta hãy cùng nhau xét đến một vài cách dùng tên gọi và các danh xưng của Đức Chúa Jesus Christ:

  • Jesus: tên gọi của Chúa, có nghĩa là “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Đấng Cứu Rỗi” hoặc “Sự Cứu Rỗi Thuộc Về Đấng Tự Hữu Hằng Hữu”. Khi Thánh Kinh chỉ đề cập đến tên gọi Jesus mà không kèm theo các danh xưng “Chúa” và “Christ” thì Thánh Kinh muốn nhấn mạnh về bản thể của Ngài. Ngài là Thiên Chúa nhập thế làm người để mang sự cứu rỗi của Thiên Chúa đến cho toàn thể nhân loại. Ngài hoàn toàn là Thiên Chúa, vì Ngài chính là Thiên Chúa Ngôi Lời, mà Ngài cũng hoàn toàn là Người, vì Ngài cũng là con của loài người.

  • Chúa: trong nghĩa đen không có nghĩa “Thiên Chúa” hay “Đức Chúa Trời”, mà là “người có toàn quyền trên người khác” như vua trong một vương quốc, chủ nhân của những nô lệ… Trong bốn sách Tin Lành không dùng danh xưng “Chúa” kèm theo tên gọi Jesus hoặc Jesus Christ. (Thánh Kinh Việt ngữ dịch “Jesus” thành “Đức Chúa Jesus” hoặc “Jesus Christ” và “Christ Jesus” thành “Đức Chúa Jesus Christ”). Sau khi Chúa phục sinh, Thánh Kinh dùng danh xưng “Chúa” kèm theo tên gọi Jesus hoặc Jesus Christ với hàm ý, sau khi hoàn thành công cuộc cứu rỗi nhân loại, Ngài cai trị những ai tiếp nhận sự cứu rỗi của Ngài. Ngày nay, nếu chúng ta gọi Ngôi Hai Thiên Chúa là “Đức Chúa Jesus” thì chúng ta cần ghi nhớ, chúng ta phải hoàn toàn vâng phục Ngài, như nô lệ vâng phục chủ, như người dân trong một vương quốc vâng phục vua. Ngài chính là Chủ của chúng ta vì Ngài đã dùng chính sự vinh quang và máu của Ngài để chuộc chúng ta về. Ngài chính là Vua của chúng ta vì Ngài là Đấng Tạo Hóa, và là Vua của các vua và Chúa của các chúa. Nếu chúng ta gọi Ngài là “Chúa” mà chúng ta không vâng phục Ngài, thì chúng ta là những kẻ dối trá, giả hình, và Ngài biết rõ điều đó. Gần hai ngàn năm trước, Ngài đã phán: “Sao các ngươi gọi Ta: Chúa! Chúa! Mà không làm theo những gì Ta phán?” (Lu-ca 6:46).

  • Christ: trong nghĩa đen là “người được xức dầu”; nghĩa bóng là “người được Thiên Chúa giao cho một chức vụ, kèm theo thẩm quyền, năng lực, và ân tứ để thi hành chức vụ ấy”. Đức Chúa Jesus được gọi là “Christ” (Ma-thi-ơ 1:16) vì Ngài được Đức Chúa Cha giao cho các chức vụ như sau: (1) Tiên tri: để giãi bày về Đức Chúa Cha cùng thánh ý của Cha cho toàn thể nhân loại. (2) Thầy tế lễ: để dâng của lễ chuộc tội cho toàn thể nhân loại và cầu thay cho con dân Thiên Chúa. (3) Vua: để cai trị con dân Thiên Chúa trong mọi thời đại. Hiện nay, Đức Chúa Jesus Christ đang cai trị trong tấm lòng, trong đời sống của con dân Chúa. Sắp tới, Ngài sẽ cai trị Vương Quốc Ngàn Năm trên đất. Và cuối cùng, Ngài sẽ cai trị Vương Quốc Đời Đời trong trời mới đất mới.

  • Jesus Christ: Khi danh xưng Christ được đặt đàng sau tên gọi Jesus, thì Thánh Kinh muốn nhấn mạnh đến chính mình Ngài trong chức vụ Đức Chúa Cha đã ban cho Ngài.

  • Christ Jesus: Khi danh xưng Christ được đặt đàng trước tên gọi Jesus, thì Thánh Kinh muốn nhấn mạnh đến thành quả trong các chức vụ của Ngài. Những câu Thánh Kinh dùng cách gọi “Christ Jesus” là: Công Vụ Các Sứ Đồ 19:4; Rô-ma 3:24; 6:3; 8:1, 2, 39; 15:5; 16:3; I Cô-rinh-tô 1:2, 30; 4:15; 15:31; 16:24; II Cô-rinh-tô 4:5; Ga-la-ti 2:4; 3:26, 28; 4:14; 6:15; Ê-phê-sô 1:1; 2:6, 7, 10, 13; 3:1, 11, 21; Phi-líp 1:1; 2:5; 3:3, 8, 12, 14; 4:7, 19, 21; Cô-lô-se 1:4, 28; 2:6; I Tê-sa-lô-ni-ca 2:14; 5:18; I Ti-mô-thê 1:12, 14, 15; 2:5; 3:13; 6:13; II Ti-mô-thê 1:1, 2, 9, 13; 2:1, 10; 3:12, 15; Phi-lê-môn 1:6, 23; Hê-bơ-rơ 3:1; I Phi-e-rơ 5:10, 14.

Câu Thánh Kinh điển hình cho cách dùng các danh xưng: “Jesus Christ”, “Christ Jesus”, và “Chúa” là I Cô-rinh-tô 1:2.

Gửi cho Hội Thánh của Đức Chúa Trời ở tại thành Cô-rinh-tô, là những người đã được nên thánh trong Đấng Christ Jesus, được gọi là các thánh đồ, cùng tất cả những ai ở khắp mọi nơi cầu khẩn danh Chúa của chúng ta, Jesus Christ. Ngài là Chúa của họ lẫn của chúng ta.”

Trong câu này chúng ta nhận thấy: (1) Hội Thánh của Chúa được nên thánh bởi việc làm của Ngài nên Thánh Kinh chép là: “được nên thánh trong Đấng Christ Jesus.(2) Danh “Jesus Christ” chỉ về Đấng Con Trời nhập thế làm người mang các chức vụ liên quan đến sự cứu rỗi nhân loại, là danh mà mọi người ở bất luận nơi nào cũng nên cầu khẩn. (3) Danh xưng “Chúa” nói đến quyền cai trị của Đức Jesus Christ trên những ai tin nhận Ngài.

Trong thời Cựu Ước, những tiên tri, những thầy tế lễ, và những vua của dân I-sơ-ra-ên thường trải qua nghi thức xức dầu, trước khi thi hành chức vụ. Dầu tức là dầu được ép từ trái ô-li-ve, đựng trong một cái bình làm bằng sừng. Từ trong sừng đó, dầu được một tiên tri của Chúa đổ ra trên đầu và chảy tràn xuống thân thể của người được xức dầu. Sừng tiêu biểu cho Đức Thánh Linh, là sức mạnh và thẩm quyền của Thiên Chúa. Dầu tiêu biểu cho thánh linh của Thiên Chúa, bao gồm mọi năng lực và ân tứ được ban cho bởi Đức Thánh Linh. Sự tuôn tràn tiêu biểu cho sự dư dật.

Trong thời Tân Ước, chính Đức Chúa Cha xức dầu cho Đức Chúa Jesus để Ngài trở thành Đấng Christ (Giăng 3:34). Chính Đức Chúa Jesus Christ xức dầu cho chúng ta, còn gọi là báp-tem bằng thánh linh để chúng ta trở thành những Cơ-đốc nhân (Christians), tức là những người được chính Ngài ban cho các chức vụ: (1) Tiên Tri: để rao giảng Tin Lành cho muôn dân (Ma-thi-ơ 28:19-20). (2) Thầy tế lễ: để dâng của tế lễ thiêng liêng lên Đức Chúa Trời (I Phi-e-rơ 2:5) và cầu thay cho mọi người (I Ti-mô-thê 2:1-4). (3) Vua: để cùng cai trị với Đức Chúa Jesus Christ (II Ti-mô-thê 2:12).

Và các anh chị em cũng như những khối đá sống, được xây nên nhà thiêng liêng, làm chức tế lễ thánh, để dâng những của tế lễ thiêng liêng, đẹp ý Đức Chúa Trời qua Đức Chúa Jesus Christ.” (I Phi-e-rơ 2:5).

Vậy, hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi khuyên các anh chị em hãy bởi những sự thương xót của Đức Chúa Trời mà dâng các thân thể của các anh chị em làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của các anh chị em.” (Rô-ma 12:1).

Vậy, chúng ta hãy bởi Ngài hằng dâng tế lễ của sự tôn vinh lên Đức Chúa Trời, tức là bông trái của môi miệng cảm tạ danh của Ngài. Hãy làm lành và chớ quên sự thông công. Vì những của lễ như vậy đẹp lòng Đức Chúa Trời.” (Hê-bơ-rơ 13:15-16).

I Ti-mô-thê 2:1-4

1 Vậy, ta khuyên rằng, trước hết, hãy làm những sự khẩn xin, những sự cầu nguyện, những sự hiệp nguyện, những sự tạ ơn cho mọi người:

2 cho các vua, cho hết thảy các bậc cầm quyền, để chúng ta được sống một đời yên tĩnh và bình an trong mọi sự tin kính và thành thật.

3 Ấy là một sự lành và đẹp mắt Thiên Chúa, Đấng Giải Cứu của chúng ta,

4 Đấng muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến với tri thức về lẽ thật.

Nếu chúng ta kiên trì thì chúng ta sẽ đồng trị với Ngài. Nếu chúng ta chối bỏ Ngài thì Ngài cũng sẽ chối bỏ chúng ta.” (II Ti-mô-thê 2:12).

Nói tóm lại: Bốn sách Tin Lành giới thiệu và trình bày Con Người Jesus, gọi là Christ, chính là Thiên Chúa nhập thế làm người để đem sự cứu rỗi của Thiên Chúa đến cho toàn thể nhân loại. Các thư tín diễn giải ý nghĩa và thành quả các việc làm của Đấng Christ. Và mỗi khi muốn nhấn mạnh đến phương diện thành quả hoặc tác động của việc làm của Ngài thì Thánh Kinh đặt chức vụ Christ trước tên gọi Jesus.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
11/02/2012

Ghi Chú

Karaoke Thánh Ca: “Ngài Là Jesus”
https://karaokethanhca.net/ngai-la-jesus/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/