Huỳnh Christian Timothy
Dẫn Nhập
Đức tin và việc làm là một trong những đề tài thần học được tranh luận ngay từ buổi ban đầu của lịch sử Hội Thánh. Những câu Thánh Kinh được dùng làm nền tảng cho sự tranh luận là:
“Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Thiên Chúa. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình” (Ê-phê-sô 2:8-9).
“Hỡi anh em, nếu ai nói mình có đức tin, song không có việc làm, thì ích chi chăng? Đức tin đó cứu người ấy được chăng? Vả, xác chẳng có hơi thở thì chết, đức tin không có việc làm cũng chết như vậy” (Gia-cơ 2:14, 26) [1].
Chúng ta có thể suy diễn từ Ê-phê-sô 2:8-9 rằng, một người được cứu chỉ bởi ân điển và đức tin, không phải bởi việc làm. Chúng ta cũng có thể suy diễn từ Gia-cơ 2:14, 26 rằng, đức tin không có việc làm là đức tin chết, không cứu được ai.
Với sự suy diễn như trên thì rõ ràng chúng ta có một nan đề lớn, đó là Thánh Kinh đã tự mâu thuẩn. Tuy nhiên, Thánh Kinh là Lời của Đức Chúa Trời, là lẽ thật đời đời, là Lời Sống và linh nghiệm thì không thể có sai lầm hay tự mâu thuẩn. Chính Thiên Chúa làm cho Lời của Ngài được tôn cao hơn danh của Ngài (Thi Thiên 138:2) thì chắc chắn Lời Chúa là trọn vẹn như chính Chúa.
Vì Thánh Kinh không thể tự mâu thuẫn, cho nên, chính sự suy diễn của chúng ta làm cho những câu Thánh Kinh trên đây dường như là mâu thuẫn. Sự suy diễn của chúng ta về một câu Thánh Kinh phải tuyệt đối dựa vào văn mạch của phân đoạn Thánh Kinh mà câu ấy thuộc về. Đôi khi, chúng ta phải dựa vào văn mạch của toàn sách, như khi chúng ta đọc một số câu trong thư Ga-la-ti. Bên cạnh đó, chúng ta phải hiểu rõ ý nghĩa của các từ ngữ được dùng trong câu văn. Thí dụ, các từ ngữ “đức tin,” “cứu,” “được cứu,” và “việc làm” trong những câu Thánh Kinh trên đây có nghĩa gì?
Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa chân thật của bốn câu Thánh Kinh được nêu ra trên đây. Chúng ta hãy bắt đầu bằng sự định nghĩa một số các từ ngữ:
Đức Tin
Trong nguyên ngữ Hy-lạp, danh từ “đức tin” được dùng trong những câu Thánh Kinh trên đây và trong Hê-bơ-rơ 11 là “pistis,” G4102, được dịch sang tiếng Anh là “faith,” có nghĩa là: “sự hiểu biết, công nhận và làm theo những gì đã nghe.” Rô-ma 10:14 cho chúng ta biết, sự nghe giảng về Chúa dẫn đến đức tin nơi Chúa. Vì thế, đức tin đến là bởi sự người ta nghe và làm theo, qua hành động kêu cầu danh Chúa, dẫn đến kết quả là người ta được cứu.
Khi lẽ thật về Chúa được rao giảng thì Đức Thánh Linh sẽ hành động trong tâm thần của người nghe, để người ấy nhận biết sự thực hữu của Thiên Chúa, sự tội lỗi của chính mình và sự cứu rỗi của Thiên Chúa, dẫn đến sự người ấy được thuyết phục bởi những điều đã nghe. Khi ấy, nếu người nghe quyết định hành động theo điều mình đã hiểu biết và công nhận, tức là ăn năn tội và xưng nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ, thì đức tin xuất hiện.
Thí dụ 1: Trong câu chuyện Chúa hóa nước thành rượu tại một tiệc cưới ở thành Ca-na (Giăng 2), dù cho những người hầu bàn có tin Chúa một cách tuyệt đối, nhưng nếu không làm theo mọi lời phán của Ngài thì họ sẽ không bao giờ có được rượu ngon. Nói cách khác, tin mà không làm theo tức là không tin.
Thí dụ 2: Có một người bỗng nhiên bị đau bụng dữ dội, ngã lăn ra đường, quằn quại trong sự đau đớn. Xe cứu thương đến, đưa người đó vào phòng cấp cứu và bác sĩ định bệnh rằng, người ấy đang bị viêm ruột thừa, cần phải được giải phẩu ngay để cứu mạng. Tuy nhiên, người ấy phải quyết định bằng lòng tiếp nhận sự giải phẩu. Người ấy không thể tự mình làm gì để cứu mình. Tất cả những gì cần làm để người ấy được cứu là do bệnh viện, các bác sĩ, và các y tá thực hiện. Người ấy chỉ cần có đức tin vào bác sĩ, nghĩa là “công nhận và làm theo lời nói của bác sĩ,” Đức tin đó phải được thể hiện bằng sự người ấy ký tên vào giấy đồng ý cho bác sĩ giải phẩu mình, và chịu nằm trên bàn giải phẩu để được giải phẩu. Nếu người ấy tin lời nói của bác sĩ nhưng không ký giấy đồng ý việc giải phẩu hoặc không vào phòng giải phẩu thì không thể được cứu.
Giăng 3:16 là nền tảng của Tin Lành: “Vì Ðức Chúa Trời yêu thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin nơi Con ấy không bị hư mất, mà được sự sống đời đời.” Động từ “tin” dùng trong câu này ở trong thời hiện tại, thể chủ động, thức phân từ, và danh cách [2], có nghĩa là một người phải tự mình chủ động trong việc “luôn luôn tin“ nơi Con Một của Đức Chúa Trời, để không bị hư mất mà được sự sống đời đời. Sự sống đời đời được ban cho những ai luôn luôn tin nơi Đức Chúa Jesus Christ, tức là luôn luôn làm theo mọi lời phán của Đức Chúa Jesus Christ, chứ không phải chỉ tin một lần, làm theo một lần. Điều đó tương tự như một người muốn sống thì phải luôn luôn thở. Điều duy nhất chứng minh rằng một người thật sự tin nơi Con Một của Đức Chúa Trời và sẽ nhận được sự sống đời đời, đó là, người ấy luôn làm theo Lời Chúa là Thánh Kinh.
Danh từ “đức tin” luôn luôn bao hàm ý nghĩa về sự hành động theo điều đã tin. Hê-bơ-rơ 11 là chứng cớ vững chắc cho sự kiện “đức tin” luôn luôn thể hiện thành hành động. Không có hành động thì không có đức tin:
- Bởi đức tin, A-bên đã dâng cho Đức Chúa Trời một tế lễ…
- Bởi đức tin, Hê-nóc đã ở vừa lòng Đức Chúa Trời…
- Bởi đức tin, Nô-ê đã thành tâm kính sợ, đóng một chiếc tàu để cứu nhà mình…
- Bởi đức tin, Áp-ra-ham đã vâng lời Chúa gọi, đi đến xứ mình sẽ nhận làm cơ nghiệp…
- Bởi đức tin, Áp-ra-ham đã dâng I-sác trong khi bị thử thách…
- Bởi đức tin, I-sác đã chúc phước cho Gia-cốp và Ê-sau…
- Bởi đức tin, Gia-cốp đã chúc phước cho hai con của Giô-sép…
- Bởi đức tin, khi Môi-se mới sinh ra, cha mẹ đã đem ông đi giấu…
- Bởi đức tin, Môi-se đã cùng chịu hà hiếp với dân Chúa…
- Bởi Đức tin, Môi-se đã lìa xứ Ê-díp-tô không sợ vua giận…
- Bởi đức tin, Môi-se đã giữ Lễ Vượt Qua…
- Bởi đức tin, dân I-sơ-ra-ên đã vượt qua Biển Đỏ…
- Bởi đức tin, dân I-sơ-ra-ên đã đi vòng quanh thành Giê-ri-cô khiến thành bị đổ xuống…
- Bởi đức tin, kỵ nữ Ra-háp đã bảo vệ các thám tử của I-sơ-ra-ên…
Có nhiều lẽ thật khác nhau được Thiên Chúa bày tỏ cho loài người và được ghi chép lại trong Thánh Kinh. Sự hiểu biết, tin cậy, và làm theo mỗi lẽ thật của Thiên Chúa được gọi là đức tin vào trong chính lẽ thật ấy. Thí dụ:
Lẽ thật về Đức Chúa Jesus Christ dẫn đến đức tin vào Đấng Christ, tin rằng, Ngài là con của Đức Chúa Trời Hằng Sống, Ngài là Thiên Chúa, Ngài là Đấng Cứu Rỗi của nhân loại, dẫn đến sự hết lòng làm theo mọi lời phán dạy của Ngài.
Lẽ thật về sự cứu rỗi dẫn đến đức tin vào sự cứu rỗi, tin rằng, sự cứu rỗi chỉ có trong Đức Chúa Jesus Christ, vì dưới trời không có danh nào khác ban cho loài người để loài người nhờ đó mà được cứu. Vì thế, mọi tôn giáo, mọi triết học, mọi việc làm công đức, mọi nghi thức tín ngưỡng đều không mang sự cứu rỗi đến cho loài người. Chỉ có sự chết của Đức Chúa Jesus Christ trên thập tự giá mới có năng lực để cứu rỗi loài người. Muốn được cứu rỗi thì một người không cần làm ra các việc công đức, mà chỉ cần ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ.
Lẽ thật vào sự nên thánh dẫn đến đức tin vào sự nên thánh, tin rằng, không có sự cám dỗ nào vượt quá sức loài người (I Cô-rinh-tô 10:13); tin rằng, một người làm được mọi sự lành, thắng được mọi cám dỗ là nhờ sự ban thêm sức của Đấng Christ (Phi-líp 4:13); tin rằng, chính Đức Chúa Trời là Đấng khiến cho mỗi con dân Chúa được nên thánh trọn vẹn từ tâm thần, linh hồn, cho đến thể xác ngay khi họ còn sống trong xác thịt này (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23). Đức tin vào sự thánh hóa được thể hiện qua hành động tránh xa những nơi ô uế, tội lỗi, không đặt mình vào hoàn cảnh có thể bị cám dỗ, và kêu cầu danh Chúa khi đối diện với cám dỗ.
Sự Cứu Rỗi
Động từ “cứu” trong nguyên ngữ Hy-lạp là “sōzō,” G4982, dịch sang tiếng Anh là “save” và có nghĩa là: “giải thoát ra khỏi sự nguy hiểm hoặc sự hủy diệt.” Trong Tân Ước, khi động từ này dùng cho Đức Chúa Trời hoặc Đức Chúa Jesus Christ là nói đến sự kiện Đức Chúa Trời, qua Đức Chúa Jesus Christ, đã cứu nhân loại ra khỏi năng lực và hậu quả của tội lỗi.
Khi tổ phụ của loài người là A-đam phạm tội thì tội lỗi cầm quyền trên A-đam, buộc A-đam phải làm ra những việc làm tội lỗi mà A-đam không thể chống cự lại được, nghĩa là A-đam không thể không tiếp tục phạm tội; đồng thời, A-đam phải gánh lấy hậu quả của tội lỗi là đau khổ và sự chết. Năng lực và hậu quả của tội lỗi từ A-đam mà lưu truyền cho tất cả mọi người được sinh ra trong thế gian: “Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội” (Rô-ma 5:12).
Sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jesus Christ ban cho nhân loại là sự cứu nhân loại ra khỏi sức mạnh của tội lỗi, ra khỏi mọi đau khổ và sự chết do tội lỗi mang đến: “Vậy, như bởi chỉ một tội mà sự đoán phạt rải khắp hết thảy mọi người thể nào, thì bởi chỉ một việc công bình mà sự xưng công bình, là sự ban sự sống, cũng rải khắp cho mọi người thể ấy. Vì, như bởi sự không vâng phục của một người mà mọi người khác đều thành ra kẻ có tội, thì cũng một lẽ ấy, bởi sự vâng phục của một người mà mọi người khác sẽ đều thành ra công bình” (Rô-ma 5:18-19).
Sự cứu rỗi là sự ban cho của Đức Chúa Trời nhưng loài người phải tự mình tiếp nhận. Những việc làm cần làm để có thể cứu loài người ra khỏi năng lực và hậu quả của tội lỗi, tức là gánh lấy hình phạt từ Đức Chúa Trời, đã do Đức Chúa Jesus Christ hoàn thành, cho nên, loài người không cần phải làm bất cứ một điều gì để được cứu rỗi mà chỉ cần tin nhận sự cứu rỗi Đức Chúa Jesus Christ đã làm ra cho nhân loại. Sự tin nhận đó phải thể hiện bằng sự ăn năn tội và kêu cầu danh Chúa.
Mục đích của sự cứu rỗi là để loài người có cơ hội được phục hòa với Đức Chúa Trời, được nhận lại địa vị làm con của Đức Chúa Trời, được dựng nên mới trong tâm thần và linh hồn, được ban cho Thánh Linh để có thể sống đúng theo tiêu chuẩn yêu thương, thánh khiết, và công bình của Thiên Chúa, như đã được bày tỏ trong Thánh Kinh. Trong đời sống mới đó, dù loài người vẫn đối diện với cám dỗ và tội lỗi nhưng năng lực của tội lỗi không đủ sức ép buộc loài người phải làm ra những sự tội lỗi nghịch lại Thiên Chúa. Trái lại, loài người có Thánh Linh của Thiên Chúa để có năng lực làm ra những việc lành đẹp lòng Thiên Chúa, là những việc do chính Đức Chúa Trời đã sắm sẵn (Ê-phê-sô 2:10).
Sự cứu rỗi khác với sự sống đời đời. Sự cứu rỗi đem một người ra khỏi địa vị hư mất vào trong địa vị công chính và ban cho người ấy cơ hội phục thiện, tức là từ bỏ những điều dữ và làm ra những điều lành theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa. Sự cứu rỗi khiến cho một người ở trong địa vị làm việc để được nhận lãnh sự sống đời đời. Chỉ có những ai trung tín cho đến chết trong sự làm theo các lẽ thật của Lời Chúa mới nhận được sự sống đời đời. Vì thế, sự sống đời đời là phần thưởng ban cho những ai trung tín trong đức tin.
Việc Làm
Danh từ “việc làm” khi được dùng trong Thánh Kinh liên quan đến tội lỗi, đức tin, sự cứu rỗi, và sự sống đời đời đều cùng một từ ngữ trong tiếng Hy-lạp là “ergon,” G2041, dịch ra tiếng Anh là “work” có nghĩa là: “sự lao động đem lại công giá (được trả công) hoặc kết quả cho người làm.”
1. Việc làm trong tội lỗi đem lại công giá là sự chết:
- “Vì tiền công của tội lỗi là sự chết” (Rô-ma 6:23)…
- “Kẻ gieo cho xác thịt, sẽ bởi xác thịt mà gặt sự hư nát” (Ga-la-ti 6:8)…
2. Việc làm trong đức tin đem lại sự sống đời đời:
- “Hễ ai vì danh Ta mà bỏ anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đất ruộng, nhà cửa, thì người ấy sẽ lãnh bội phần hơn, và được hưởng sự sống đời đời” (Ma-thi-ơ 19:29).
- “Thật vậy, những ai bởi sự bền lòng làm lành, tìm kiếm sự vinh quang, sự tôn trọng, và sự chẳng hề chết, thì được sự sống đời đời” (Rô-ma 2:7).
- “…kẻ gieo cho Đấng Thần Linh, sẽ bởi Đấng Thần Linh mà gặt sự sống đời đời” (Ga-la-ti 6:8).
- “…Hãy trung tín cho đến chết và Ta sẽ ban cho ngươi mão sự sống” (Khải Huyền 2:10).
Về đức tin dẫn đến sự cứu rỗi chúng ta nhận thấy rõ có ba hình thức và giai đoạn của việc làm:
1. Việc làm tạo ra sự cứu rỗi là việc làm của Đức Chúa Jesus Christ, thể hiện qua sự chết chuộc tội của Ngài trên thập tự giá:
- “…bởi sự vâng phục của một người mà mọi người khác sẽ đều thành ra công bình” (Rô-ma 5:19).
- “…Đấng Christ đã dâng mình chỉ một lần đặng cất tội lỗi của nhiều người” (Hê-bơ-rơ 9:28)…
2. Việc làm để nhận sự cứu rỗi là việc làm của tội nhân, tội nhân phải tin nhận sự cứu rỗi của Chúa và đức tin đó phải thể hiện qua sự ăn năn tội và kêu cầu danh Chúa:
- “…Hãy hối cải, ai nấy phải bởi danh Đức Chúa Jesus chịu phép báp-tem, để được tha tội mình, rồi sẽ được lãnh sự ban cho Đức Thánh Linh” (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:38).
- “Vậy nếu miệng ngươi xưng Đức Chúa Jesus ra và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, thì ngươi sẽ được cứu; vì tin bởi trong lòng mà được sự công bình, còn bởi miệng làm chứng mà được sự cứu rỗi” (Rô-ma 10:9-10).
3. Việc làm để minh chứng sự cứu rỗi là việc làm của người đã được cứu, thể hiện qua sự vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời:
- “Vậy, chúng ta bởi sự thuộc về đức tin mà hủy bỏ luật pháp hay sao? Chẳng phải vậy! Nhưng chúng ta làm cho vững bền luật pháp” (Rô-ma 3:31).
- “Kẻ nào nói: Ta biết Ngài, mà không giữ các điều răn Ngài, là người nói dối, lẽ thật quyết không ở trong người” (I Giăng 2:4).
Không ai có thể cậy việc làm để được sự cứu rỗi; nhưng sau khi đã được cứu rỗi mà không trung tín với Chúa cho đến chết thì sẽ không nhận được sự sống đời đời. Mà không nhận được sự sống đời đời tức là bị hư mất đời đời trong hỏa ngục. Trung tín với Chúa nghĩa là hết lòng làm theo mọi lời Chúa phán dạy đã được ghi lại trong Thánh Kinh, tức là từ bỏ những việc làm tội lỗi và làm những việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho chúng ta.
Chúng ta cần hiểu rõ: Chúng ta không làm việc lành để được cứu, vì trước khi được cứu chúng ta không thể làm việc lành. Chỉ nhờ Đức Chúa Jesus Christ chết thay cho chúng ta và chúng ta tin nhận điều đó mà chúng ta được cứu. Sau khi được cứu thì chúng ta có năng lực và có bổn phận phải từ bỏ những việc làm tội lỗi và làm những việc lành. Nếu chúng ta trung tín cho đến chết trong sự từ bỏ những việc làm tội lỗi và làm những việc lành, thì chúng ta sẽ nhận được sự sống đời đời (Rô-ma 2:7). Ngược lại, chúng ta sẽ bị định phần chung với những kẻ giả hình, là bị hư mất đời đời trong hồ lửa (Ma-thi-ơ 24:51).
Kẻ giả hình là kẻ làm bộ tin nhận Chúa, chưa bao giờ là con dân của Chúa, chưa bao giờ được tái sinh, chưa bao giờ được ban cho Thánh Linh, khác với những người đã tin nhận Chúa mà không trung tín. Tất cả những ai là con dân Chúa mà không trung tín với Chúa nhưng quay về với đời sống tội lỗi, thì sẽ bị hư mất như những kẻ giả hình. Lời Chúa dạy rõ như vậy:
“Vì chưng những kẻ đã được soi sáng một lần, đã nếm sự ban cho từ trên trời, dự phần về Thánh Linh, Lời lành của Thiên Chúa, và năng lực của đời sau, nếu lại vấp ngã, thì không thể khiến họ lại ăn năn nữa, vì họ đóng đinh Con Đức Chúa Trời trên thập tự giá cho mình một lần nữa, làm cho Ngài sỉ nhục tỏ tường. Vả, một đám đất nhờ mưa đượm nhuần mà sanh cây cỏ có ích cho người cày cấy, thì đất đó hưởng phần phước lành của Đức Chúa Trời. Nhưng đất nào chỉ sanh ra những cỏ rạ, gai gốc, thì bị bỏ, và hầu bị rủa, cuối cùng phải bị đốt” (Hê-bơ-rơ 6:4-8).
“Vì nếu chúng ta đã nhận biết lẽ thật rồi, mà lại cố ý phạm tội, thì không còn có tế lễ chuộc tội nữa, nhưng chỉ có sự đợi chờ kinh khiếp về sự phán xét, và lửa hừng sẽ đốt cháy kẻ bội nghịch mà thôi. Ai đã phạm luật pháp Môi-se, nếu có hai ba người làm chứng, thì chết đi không thương xót, huống chi kẻ giày đạp Con Đức Chúa Trời, coi máu của giao ước, tức là máu mà mình nhờ nên thánh, là ô uế, lại khinh lờn Đấng Thần Linh của ân điển, thì anh em há chẳng tưởng rằng người ấy đáng bị hình rất nghiêm đoán phạt hay sao? Vì chúng ta biết Đấng đã phán rằng: Sự trả thù thuộc về Ta; Ta sẽ báo ứng, ấy là lời Chúa phán. Lại rằng: Chúa sẽ xét đoán dân mình. Sa vào tay Thiên Chúa Hằng Sống là sự đáng kinh khiếp thay” (Hê-bơ-rơ 10:26-31)!
“Vả, chúng nó bởi sự nhận biết Chúa và Đấng Giải Cứu chúng ta là Đức Chúa Jesus Christ, mà đã thoát khỏi sự ô uế của thế gian, rồi lại mắc phải và suy phục những sự đó, thì số phận sau cùng của chúng nó trở xấu hơn lúc đầu. Chúng nó đã biết đường công bình, rồi lại lui đi về lời răn thánh đã truyền cho mình, thế thì thà rằng không biết là hơn. Đã xảy đến cho chúng nó như lời tục ngữ rằng: Chó liếm lại đồ nó đã mửa, heo đã rửa sạch rồi, lại lăn lóc trong vũng bùn” (II Phi-e-rơ 2:20-22).
Ý Nghĩa của Ê-phê-sô 2:8-9
“Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Thiên Chúa. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình” (Ê-phê-sô 2:8-9).
Thư Ê-phê-sô được Sứ Đồ Phao-lô viết cho Hội Thánh của Chúa tại thành Ê-phê-sô. Vì thế, ông gọi các tín đồ của Chúa tại Ê-phê-sô là “anh em,” với hàm ý, anh em trong đức tin, anh em trong Chúa; tức là những người đã tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jesus Christ. Phao-lô nhấn mạnh rằng, những người đó được cứu ra khỏi năng lực và hậu quả của tội lỗi không phải bởi họ đã làm ra điều gì mà chỉ nhờ:
- Sự yêu thương của Đức Chúa Trời, Đấng ban sự cứu rỗi cho họ.
- Sự thương xót của Đức Chúa Jesus Christ, Đấng thi hành sự cứu rỗi bằng cách hy sinh chuộc tội cho họ.
- Đức tin của họ vào trong sự chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ.
Ngay cả đức tin vào trong sự chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ cũng là sự Đức Chúa Trời đặt để vào trong tâm thần của họ, vì thế, rõ ràng là sự cứu rỗi hoàn toàn là công việc của Thiên Chúa mà tội nhân chỉ cần tin nhận. Không ai có thể khoe rằng vì tôi làm lành nên tôi được cứu hoặc vì tôi chịu khổ để đền tội nên tôi được cứu.
Như đã giải thích trên đây, đức tin là “hiểu biết, công nhận và làm theo điều đã được nghe,” cho nên, nói đến đức tin là nói đến hành động. Ê-phê-sô 2:8-9 dạy rằng, chúng ta không làm một điều gì để tạo ra sự cứu rỗi nhưng chúng ta vẫn phải làm công việc tin nhận sự cứu rỗi. Công việc chúng ta làm để tin nhận sự cứu rỗi là “ăn năn tội” và công nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Nếu chúng ta chỉ ăn năn tội mà không công nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ thì chúng ta vẫn bị hư mất. Giu-đa Ích-ca-ri-ốt là trường hợp điển hình. Nếu chúng ta công nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ mà chúng ta không ăn năn tội thì chúng ta sẽ bị hình phạt nặng hơn những kẻ không tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ. Những câu Thánh Kinh trong Hê-bơ-rơ 6:4-8; 10:26-31 và II Phi-e-rơ 2:20-22 trích dẫn trên đây đã dạy rõ như vậy. Trong các ngụ ngôn của Đức Chúa Jesus Christ về đầy tớ bất trung, về quản gia bất trung, về các ta-lâng và về các nén bạc cũng đã dạy rõ như vậy.
Vì chúng ta không làm ra bất cứ một việc gì để được cứu rỗi mà chúng ta chỉ làm ra hành động từ bỏ tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ, cho nên, chẳng có gì để cho chúng ta khoe mình về sự cứu rỗi của mình. Như trong câu chuyện người bị viêm ruột thừa kể trên, người bệnh tin vào sự định bệnh và khả năng giải phẩu của bác sĩ nhưng cũng phải làm ra các hành động ký giấy đồng ý cho sự giải phẩu và phải vào trong phòng giải phẩu. Người ấy chỉ có thể khoe về sự tận tâm và khả năng y khoa của các bác sĩ đã cứu mình chứ hoàn toàn không có cớ gì để khoe mình.
Ý Nghĩa của Gia-cơ 2:14 và 26
“Hỡi anh em, nếu ai nói mình có đức tin, song không có việc làm, thì ích chi chăng? Đức tin đó cứu người ấy được chăng? Vả, xác chẳng có hơi thở thì chết, đức tin không có việc làm cũng chết như vậy” (Gia-cơ 2:14, 26) [1].
Trong thực tế, không hề có loại “đức tin mà không có việc làm,” tức là “đức tin không thể hiện bằng hành động làm theo những gì đã tin.” Điều đó cũng tương tự như không hề có loại người sống mà không hít thở.
Gia-cơ đang nói đến sự kiện một người sau khi được nghe giảng về Chúa thì Đức Thánh Linh đã làm cho người ấy hiểu biết và công nhận mọi lẽ thật về Chúa, nhưng nếu người ấy không quyết định làm theo những gì mình đã hiểu biết và công nhận thì người ấy không có đức tin. Không có đức tin thì không có sự cứu rỗi. Đức tin chỉ có khi sự hiểu biết và công nhận lẽ thật được thể hiện bằng sự hành động theo lẽ thật.
Toàn phân đoạn Gia-cơ 2:14-26 không hề nghịch lại ý nghĩa của Ê-phê-sô 2:8-9, mà là giúp giải thích rõ ràng ý nghĩa của từ ngữ “đức tin.”
Đức Tin Dẫn đến Sự Cứu Rỗi và Đức Tin Dẫn đến Sự Sống Đời Đời
Đức tin dẫn đến sự cứu rỗi khác với đức tin dẫn đến sự sống đời đời.
Đức tin dẫn đến sự cứu rỗi đòi hỏi một người phải chịu từ bỏ tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Sự cứu rỗi là Đức Chúa Trời cứu tội nhân ra khỏi án phạt của tội lỗi và ban cho người ấy năng lực từ Đức Thánh Linh để người ấy có thể sống thánh khiết như Đấng Christ, chứng tỏ mình xứng đáng làm con của Đức Chúa Trời. Mục đích của sự cứu rỗi được nói rõ trong Rô-ma 8:28-29:
“Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định. Vì Ngài cũng đã định sẵn để nên giống như hình bóng Con Ngài, hầu cho Con nầy được làm Con cả ở giữa nhiều anh em.”
Vì thế, người đã được cứu rỗi không thể có đời sống không giống Đấng Christ. Điều đó có thể được là bởi ý muốn và việc làm của Đức Chúa Trời, không bởi sức riêng của một người nào:
“Nguyền xin chính Đức Chúa Trời bình an khiến anh em nên thánh trọn vẹn, và nguyền xin tâm thần, linh hồn, và thân thể của anh em đều được giữ vẹn, không chỗ trách được, khi Đức Chúa Jesus Christ chúng ta đến! Đấng đã gọi anh em là Đấng thành tín, chính Ngài sẽ làm việc đó” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23-24).
Ai nói rằng mình đã được cứu nhưng không thể không phạm tội, không thể giữ trọn Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, thì đó là người nói dối (I Giăng 2:4)! Vì người đã được cứu là người đã được dựng nên mới trong Đức Chúa Jesus Christ, “tức là người đã được dựng nên giống như Thiên Chúa, trong sự công bình và sự thánh sạch của lẽ thật” (Ê-phê-sô 4:24).
Đức tin của sự cứu rỗi dẫn đến đức tin của sự sống đời đời. Sau khi một người được cứu rỗi thì người ấy có được năng lực từ Thiên Chúa, tức là Thánh Linh, để thắng được sự phạm tội và làm được những việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho. Sự liên tục sống theo Lời Chúa cho đến chết của một người đã được cứu rỗi đem lại kết quả là sự sống đời đời. Nếu người ấy có lỡ phạm tội trở lại thì đức tin của sự cứu rỗi vẫn tiếp tục cứu người ấy (I Giăng 1:9), nhưng nếu người ấy vui thú trong tội, cố tình quay về sống trong tội, thì số phận của người ấy sẽ là cùng chung với những kẻ giả hình.
Kết Luận
Đức tin trong Chúa luôn luôn thể hiện bằng sự làm ra những điều đáp ứng lại sự đòi hỏi của Thiên Chúa, như sự ăn năn tội, sự tha thứ cho người khác, và làm ra những việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho con dân của Ngài.
“Tin” là một động từ nói lên sự hành động theo những gì mình hiểu và công nhận, không phải là một trạng thái thụ động của tâm trí. Tin Chúa là hiểu biết, công nhận và làm theo những gì Chúa giải bày cho chúng ta qua Lời của Ngài là Thánh Kinh. Người thật lòng tin Chúa là người gớm ghét tội lỗi như Chúa và hết lòng nương cậy nơi sức toàn năng của Chúa để sống một đời sống nên thánh trọn vẹn. Một đời sống làm theo Lời Chúa mà từ trong tâm thần, linh hồn, cho đến thể xác đều không chỗ trách được, trong ngày Đức Chúa Jesus Christ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23-24). Chính đó là bông trái để nhận biết ai là người thật sự thuộc về Chúa, ai chỉ là kẻ giả hình (Ma-thi-ơ 7:15-20), và ai là người đã lui đi trong đức tin, phạm vào sự bội đạo, chuốc lấy sự bị hủy diệt và hư mất đời đời (Hê-bơ-rơ 10:38-39; I Ti-mô-thê 6:9-10; II Phi-e-rơ 2:21).
Nguyện Đức Thánh Linh dẫn mọi con dân Chúa vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa và thánh hóa họ bằng chính lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13; 17:17). A-men!
Huỳnh Christian Timothy
22.09.2012
Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết này:
http://www.mediafire.com/view/?b5257uv6j575w3b
Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống MP3 bài giảng này:
http://timhieutinlanh.net/node/1007
Ghi Chú
[A] Tất cả những câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là từ Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời và Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống Hiệu Đính 2012. Quý bạn có thể đọc trên mạng: www.ngoiloi.thanhkinhvietngu.net và www.thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.
[B] Dùng hai nối mạng dưới đây để tra xem ý nghĩa trong Anh ngữ và nghe cách phát âm của một từ ngữ Hê-bơ-rơ trên Internet:
- Xem nghĩa: http://studybible.info/strongs/H0001 (thay thế 0001 bằng mã số Strong của từ ngữ muốn tra).
- Nghe cách phát âm: http://www.studylight.org/cgi-bin/Lexicon.pl?id=0001h.rm&l=en (thay thế 0001 bằng mã số Strong của từ ngữ muốn tra).
[C] Dùng hai nối mạng dưới đây để tra xem ý nghĩa trong Anh ngữ và nghe cách phát âm của một từ ngữ Hy-lạp trên Internet:
- Xem nghĩa: http://studybible.info/strongs/G0001 (thay thế 0001 bằng mã số Strong của từ ngữ muốn tra).
- Nghe cách phát âm: http://www.studylight.org/cgi-bin/Lexicon.pl?id=0001g.rm&l=en (thay thế 0001 bằng mã số Strong của từ ngữ muốn tra).
[1] Bản Việt Ngữ Truyền Thống dịch là “…Vả, xác chẳng có hồn thì chết, đức tin không có việc làm cũng chết như vậy.” Từ ngữ được dịch là “hồn” trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa là “hơi thở” (pneuma, G4151).
[2] “πιστευων” G4100, present tense, active voice, participle mood, nominative case.
Copyright Notice:All Rights Reserved © 2012 Vietnamese Christian Mission Ministry.
Thông Báo Tác Quyền:Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry.
Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức nhưng xin giữ đúng nguyên văn,
kể cả thông báo về tác quyền này.