Huỳnh Christian Timothy
Thánh Kinh có nhiều lần dùng thuật ngữ “con trai của Thiên Chúa:”
“Các con trai của Thiên Chúa thấy con gái loài người xinh đẹp, bèn lấy người nào vừa lòng mình mà làm vợ” (Sáng Thế Ký 6:2).
“Vả, một ngày kia các con trai của Thiên Chúa đến ra mắt Đức Giê-hô-va, và Sa-tan cũng đến trong vòng chúng” (Gióp 1:6).
“Xảy ra một ngày kia, các con trai của Thiên Chúa đến ra mắt Đức Giê-hô-va, Sa-tan cũng có đến trong vòng chúng đặng ra mắt Đức Giê-hô-va” (Gióp 2:1).
“Trong khi ấy các sao mai đồng hát hòa nhau, và các con trai của Thiên Chúa cất tiếng reo mừng” (Gióp 38:7).
“Vua lại nói, Nầy, ta thấy bốn người không bị trói, bước đi giữa lửa mà chẳng bị thương; và hình dong của người thứ tư giống như một con trai của Thiên Chúa“ (Đa-ni-ên 3:25).
Trong khi không ai phủ nhận thuật ngữ “con trai của Thiên Chúa” được dùng trong sách Gióp và sách Đa-ni-ên là chỉ về thiên sứ, thì có nhiều ý kiến khác nhau về ý nghĩa của thuật ngữ này khi được dùng trong Sáng Thế Ký 6:2. Dưới đây là vài ý kiến tiêu biểu:
1. Thiên sứ: Ý kiến này cho rằng, ý nghĩa của thuật ngữ “con trai của Thiên Chúa” chỉ có một nghĩa duy nhất là “thiên sứ.” Như vậy, theo Sáng Thế Ký 6:1-7 thì một số các thiên sứ đã hiện ra trong hình dáng của những người đàn ông để ăn ở với những phụ nữ của loài người. Kết quả của sự phối hợp giữa các thiên sứ và loài người là những đứa con có thân thể to lớn, có sức mạnh, và thích tranh chiến.
Ý kiến phản bác: Thiên sứ và loài người không thể ăn ở với nhau và sinh con. Dựa theo lời phán của Đức Chúa Jesus Christ trong Ma-thi-ơ 22:30, thì loài người sau khi được phục sinh cũng sẽ giống các thiên sứ về phương diện không có giống tính cũng không có chức năng truyền chủng: “Vì đến khi sống lại, người ta không cưới vợ, cũng không lấy chồng, song những kẻ sống lại là như thiên sứ trên trời vậy.”
2. Thiên sứ phạm tội nhập vào những người đàn ông của loài người: Ý kiến này cho rằng, một số trong số những thiên sứ phạm tội đã theo lệnh của Sa-tan, nhập vào trong những người đàn ông để kết hôn với những phụ nữ và sinh ra những đứa con bị ảnh hưởng của tà linh, bị ô uế bởi tà linh, làm cho dòng giống của loài người bị băng hoại để lời phán của Thiên Chúa trong Sáng Thế Ký 3:15 không thể hiện thực: “Ta sẽ làm cho ngươi cùng người nữ, dòng dõi ngươi cùng dòng dõi người nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu ngươi, còn ngươi sẽ cắn gót chân người.” và cũng chính vì thế mà các thiên sứ ấy bị Đức Chúa Trời nhốt lại trong vực sâu nơi âm phủ để chờ ngày bị phán xét: “Vả, nếu Đức Chúa Trời chẳng tiếc các thiên sứ đã phạm tội, nhưng quăng vào trong vực sâu, tại đó họ bị trói buộc bằng xiềng nơi tối tăm để chờ sự phán xét” (II Phi-e-rơ 2:4). “Còn các thiên sứ không giữ thứ bậc và bỏ chỗ riêng mình thì Ngài đã dùng dây xích họ trong nơi tối tăm đời đời, cầm giữ lại để chờ sự phán xét ngày lớn” (Giu-đe câu 6).
Ý kiến phản bác: Thánh Kinh nói rõ là: “các con trai của Thiên Chúa đến giữa vòng các con gái của loài người và họ sanh con cho chúng,” không nói: “các con trai Thiên Chúa nhập vào các người nam, kết hôn với con gái loài người và họ sanh con cho chúng!”
3. Những người nam thuộc dòng dõi của Sết: Ý kiến này cho rằng, dòng dõi Sết là một dòng dõi kính sợ Thiên Chúa, biết kêu cầu danh Thiên Chúa, cho nên những người nam thuộc dòng dõi Sết được gọi là “các con trai của Thiên Chúa:” “A-đam còn ăn ở với vợ mình; người sanh được một con trai đặt tên là Sết; vì vợ rằng: Thiên Chúa đã cho tôi một con trai khác thế cho A-bên mà đã bị Ca-in giết rồi. Sết cũng sanh được một con trai, đặt tên là Ê-nót. Từ đây, người ta bắt đầu cầu khẩn danh Đức Giê-hô-va” (Sáng Thế Ký 4:25-26). Thuật ngữ “con gái loài người” dùng để chỉ những người nữ thuộc dòng dõi hung bạo, tội lỗi của Ca-in.
Ý kiến phản bác: Thánh Kinh không hề dùng thuật ngữ “con trai của Thiên Chúa” để gọi loài người.
Chú Giải Sáng Thế Ký 6:1-7
Dưới đây là phần trích dẫn và chú giải Sáng Thế Ký 6:1-6. Phần trích dẫn được trích theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012 [1].
1 Vả, khi loài người khởi thêm nhiều trên mặt đất, và khi loài người đã sanh được con gái rồi,
Câu này hàm ý, ban đầu ông bà A-đam chỉ sinh ra các con trai. Một thời gian sau khi đã có nhiều con trai rồi thì ông bà mới sinh thêm các con gái. Thế hệ thứ nhất ra từ ông bà A-đam và Ê-va đương nhiên kết hôn lẫn nhau để duy trì dòng dõi loài người và làm cho đất đầy dẫy loài người theo mệnh lệnh của Thiên Chúa. Điều này cũng trả lời cho câu thường được hỏi là: “Vợ của Ca-in là ai?” Vợ của Ca-in đương nhiên là một trong các em gái của ông. Sáng Thế Ký 5:4 chép: “Sau khi A-đam sanh Sết rồi, còn sống được tám trăm năm, sanh con trai con gái.”
2 các con trai của Thiên Chúa thấy con gái loài người xinh đẹp, bèn lấy người nào vừa lòng mình mà làm vợ.
Trước hết, trong nguyên tác Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh không dùng từ “tốt đẹp” và “cưới” như được dùng trong Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống, mà dùng từ “xinh đẹp” nói về cái đẹp của thân thể xác thịt, và từ “lấy” như là lấy một món đồ. Có thể hiểu đây là hành động cưỡng bách hôn nhân. Kế tiếp, ý kiến riêng của tôi là: Các thiên sứ phạm tội đã hiện ra trong hình dạng của những người nam để sống chung với con gái của loài người. Theo Thánh Kinh, chúng ta biết rằng, các thiên sứ khi hiện ra giữa loài người thường lấy hình người nam (Lu-ca 24:4), có thể tiếp xúc, trò chuyện, ăn uống với loài người (Sáng Thế Ký 18:1-8), và ngủ nghỉ (Sáng Thế Ký 19:4). Chúng ta cũng có thể tin rằng, hình dạng người nam mà các thiên sứ dùng để hiện ra trong thế giới vật chất phải là đẹp. Thực tế, khi những người đàn ông thành Sô-đôm nhìn thấy các thiên sứ vào trong nhà của Lót thì họ kéo đến nhà ông, đòi ông giao nộp các thiên sứ để họ thỏa mãn sự tà dâm với các thiên sứ (Sáng Thế Ký 19:1-10).
3 Đức Giê-hô-va phán rằng: Thần của Ta sẽ chẳng mãi nài nỉ loài người; chúng chỉ là xác thịt; ngày của chúng sẽ là một trăm hai mươi năm.
Thiên Chúa tự phán với chính Ngài. “Thần của Ta” tức là Đức Thánh Linh. Trước Thời Hội Thánh, Đức Thánh Linh vẫn hành động giữa loài người, trên loài người, và phán dạy trong lương tâm loài người, dù Ngài không ngự trong thân thể của loài người, vì sự chuộc tội chưa hoàn thành, thân thể loài người chưa được tái sinh. Thiên Chúa quyết định sau 120 năm sẽ chấm dứt sự cáo trách của Đức Thánh Linh trong lòng loài người và thi hành án phạt trên toàn thế gian.
4 Trong những ngày đó và sau đó, có những người cao lớn trên mặt đất, sau khi các con trai của Thiên Chúa đến giữa vòng các con gái của loài người và họ sanh con cho chúng; ấy là những người dũng mãnh thời xưa, là những kẻ nổi danh.
“Trong những ngày đó” là những ngày các thiên sứ bắt đầu đến sống chung với những phụ nữ của loài người. “Và sau đó” chỉ về thời kỳ của các thế hệ kế tiếp. Chúng ta biết rằng, các thiên sứ không có chức năng sinh sản (Ma-thi-ơ 22:30) và Đức Chúa Trời chỉ cho phép muôn vật sinh sôi phát triển tùy theo loài, nghĩa là loài nào ra loài đó (Sáng Thế Ký 1:11-12; 24-25), cho nên, không thể có chuyện lai giống giữa thiên sứ và loài người. Trước đây, khi khoa học chưa tiến bộ như hiện tại thì rất khó mà giải thích Sáng Thế Ký 6:4. Tuy nhiên, với kiến thức khoa học của ngày nay về việc nhân giống hoặc cấy giống (cloning) [2] mà chúng ta có thể hiểu rằng: Các thiên sứ phạm tội có thể dùng kỹ thuật nhân giống để tạo ra một dòng dõi loài người mang bản chất hung bạo, ngỗ nghịch, chống nghịch Thiên Chúa, như Ca-in và Lê-méc, cháu của Ca-in (Sáng Thế Ký 4:1-24). Ngoài ra, câu văn “các con trai của Thiên Chúa đến giữa vòng các con gái của loài người và họ sanh con cho chúng,” không nhất thiết có nghĩa là một sự truyền giống qua sự kết hợp tình dục giữa hai phái tính.
Từ ngữ “cao lớn” nói đến thân thể to lớn quá mức bình thường. Từ ngữ “dũng mãnh” nói đến sức mạnh của những chiến sĩ. “Thời xưa” là thời trước cơn nước lụt, hơn 1,000 năm trước, so với thời Môi-se đang ghi chép sách Sáng Thế Ký. “Nổi danh” là được dân gian thời trước cơn nước lụt nhắc đến trong các truyền thuyết.
5 Đức Giê-hô-va thấy sự hung ác của loài người trên mặt đất rất nhiều, và các ý tưởng của lòng họ chỉ là ác luôn;
Thiên Chúa nhìn thấy không có sự ăn năn trong lòng loài người. Ngài nhìn thấy đầy sự gian ác tiếp diễn từ trong mọi ý tưởng của họ, dẫn đến nếp sống tội lỗi ngày càng hơn.
6 Đức Giê-hô-va đau buồn vì đã dựng nên loài người trên mặt đất, và Ngài buồn rầu trong lòng.
Từ ngữ “đau buồn” được dịch từ động từ “nâcham” của tiếng Hê-bơ-rơ. Động từ “nâcham” có những nghĩa sau đây, tùy theo văn mạch:
-
hối tiếc hoặc ăn năn sau khi phạm tội;
-
bị đau đớn và buồn bả trong lòng;
-
tự an ủi chính mình;
-
xót xa cho người khác.
Thiên Chúa là Đấng biết trước mọi sự. Thiên Chúa biết trước Ngài sẽ đau buồn vì loài người. Thiên Chúa biết trước loài người mà Ngài dựng nên sẽ phạm tội, chống nghịch Ngài. Thiên Chúa biết trước sẽ có những người sẵn lòng ăn năn tội, quay về với tình yêu của Ngài mặc dù phần lớn sẽ cứng lòng, sống theo ý riêng, không màng đến sự sẽ bị hư mất đời đời trong hỏa ngục. Vì những người sẽ chọn quay về với tình yêu của Thiên Chúa mà Thiên Chúa chấp nhận chịu đau buồn để dựng nên loài người. Không phải đến khi loài người phạm tội, không ăn năn Thiên Chúa mới đau buồn, nhưng sự đau buồn của Thiên Chúa được thể hiện khi sự phạm tội của loài người được thể hiện. Tương tự như khi nói chúng ta đau buồn trong ngày người thân của chúng ta không chịu tin nhận Chúa qua đời. Không phải đến ngày người thân của chúng ta qua đời chúng ta mới đau buồn. Chúng ta đã đau buồn từ ngày bác sĩ cho biết người thân của chúng ta chỉ còn vài tháng nữa sẽ qua đời mà người ấy vẫn không chịu tin nhận sự cứu rỗi của Chúa. Tuy nhiên, sự đau buồn của chúng ta được thể hiện trọn vẹn trong ngày người thân qua đời, đi vào trong sự hư mất đời đời.
7 Đức Giê-hô-va phán rằng: Ta sẽ hủy diệt khỏi mặt đất loài người mà Ta đã sáng tạo, từ loài người cho đến loài súc vật, loài côn trùng, loài chim trời. Ta đau buồn vì đã dựng nên các loài đó.
Lời phán này của Chúa là án phạt chung cho toàn thể loài người. Trong án phạt đó, Thiên Chúa mở đường cho những ai tin và làm theo Lời Ngài được thoát khỏi án phạt. Những câu còn lại trong chương sáu và các chương tiếp theo đó của sách Sáng Thế Ký cho chúng ta biết gia đình Nô-ê, gồm tám người, đã được thoát khỏi án phạt của Thiên Chúa, vì họ tin và làm theo Lời Chúa. Giả sử gia đình Nô-ê hoàn toàn tin vào lời phán của Chúa nhưng không đóng tàu hoặc không vào tàu hoặc vào tàu nhưng không mang theo đủ thức ăn theo lời phán dạy của Chúa, thì gia đình ông vẫn bị diệt. Hê-bơ-rơ 11:7 chép về Nô-ê như sau: “Bởi đức tin, Nô-ê được Chúa mách bảo cho về những việc chưa thấy, và người thành tâm kính sợ, đóng một chiếc tàu để cứu nhà mình; bởi đó người định tội thế gian, và trở nên kẻ kế tự của sự công bình đến từ đức tin vậy.”
Bài Học cho Chúng Ta
Ngày nay, có biết bao nhiêu người xưng nhận mình là ở trong Chúa, thuộc về Chúa, tin nhận Chúa nhưng không hề làm theo mọi lời phán dạy của Chúa. Chẳng những vậy, họ còn dạy cho người khác sống như họ và bắt bớ những ai rao giảng lẽ thật của Lời Chúa. Họ rêu rao rằng con dân Chúa thời Tân Ước không cần phải vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời. Thế nhưng, chính Thánh Kinh Tân Ước dạy rằng:
“Chịu cắt bì chẳng hề gì, không chịu cắt bì cũng chẳng hề gì; sự quan hệ là giữ các điều răn của Thiên Chúa“ (I Cô-rinh-tô 7:19).
“Vậy, chúng ta bởi sự thuộc về đức tin mà hủy bỏ luật pháp hay sao? Chẳng phải vậy! Nhưng chúng ta làm cho vững bền luật pháp“ (Rô-ma 3:31).
Các điều răn của Thiên Chúa là các điều răn nào? được chép ở đâu trong Thánh Kinh? Đó chính là Mười Điều Răn, được chép hai lần trong Xuất Ê-díp-tô Ký 20:1-17 và Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:6-21, được chính tay của Thiên Chúa chép hai lần trên hai bảng đá, được Đức Chúa Jesus Christ nhắc lại trong Tân Ước, cho biết, mọi người cần phải vâng giữ các điều răn ấy để được sự sống đời đời:
“Ngài đang ra đi, có một người chạy lại, quỳ trước mặt Ngài, mà hỏi rằng: Thưa thầy nhân lành, tôi phải làm chi cho được hưởng sự sống đời đời? …Ngươi biết các điều răn: Đừng phạm tội tà dâm; đừng giết người; đừng trộm cướp; đừng làm chứng dối; đừng làm gian; hãy hiếu kính cha mẹ” (Mác 10:17, 19).
Sự gian trá, độc ác của Sa-tan và các giáo sư giả ngày nay là, họ khiến cho con dân Chúa lầm lẫn giữa sự được cứu chuộc ra khỏi tội lỗi (bởi đức tin) để được dựng nên mới trong Đức Chúa Jesus Christ – với sự sau khi đã được dựng nên mới và ban cho đầy dẫy Thánh Linh của Thiên Chúa thì phải làm theo các điều răn của Đức Chúa Trời (việc làm của đức tin – Gia-cơ 2:14-26) để nhận được sự sống đời đời! Họ dạy rằng, được cứu ra khỏi tội lỗi là được hưởng sự sống đời đời. Trong khi Thánh Kinh dạy, loài người được cứu ra khỏi tội lỗi, được ban cho năng lực (Thánh Linh), giúp cho họ trở nên yêu mến các điều răn của Đức Chúa Trời, và hết lòng vâng giữ các điều răn của Ngài để nhờ đó mà được sự sống đời đời.
Chúng ta cần hiểu và ghi nhớ lẽ thật sau đây của Thánh Kinh:
-
Được cứu (ra khỏi quyền lực và hậu quả của tội lỗi) là nhờ ân điển, bởi đức tin (Ê-phê-sô 2:8-9).
-
Được vào sự sống đời đời là bởi làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 7:21), mà Ngài đã tự tay ghi chép thành Mười Điều Răn trên hai bảng đá, và vẫn còn lưu trử trong Rương Giao Ước, ở trên trời (Hê-bơ-rơ 9:4; Khải Huyền 11:19); và ghi chép trong lòng những ai thật sự thuộc về Ngài (Hê-bơ-rơ 10:16).
Huỳnh Christian Timothy
30.4.2013
Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống và in ra bài viết này:
http://www.mediafire.com/view/?pfjnr7iwd2idr99
Ghi Chú
[1] http://www.thanhkinhvietngu.online/tiengviet/
[2] Giải thích trong tiếng Việt về sự nhân giống: http://vi.wikipedia.org/wiki/D%C3%B2ng_h%C3%B3a