Chữ Thì Giết Nhưng Đấng Thần Linh Thì Ban Sự Sống

4,307 views

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bài Giảng Phần Âm Thanh Luôn Có Nhiều Chi Tiết Hơn Bài Giảng Viết.

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài này:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzgwNzYxN19JaENzNw

Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe các bài giảng đặc biệt trong năm 2015:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/baigiangdacbiet_2015

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống các bài giảng viết đặc biệt trong năm 2015:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzgwNzYxM191U0ZJMQ

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Bấm vào nút “play” ► để nghe giảng chú giải II Cô-rinh-tô 3:1-18

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài này:
http://timhieutinlanh.opendrive.com/files/NV8xOTc1Mzk0NV9heGhRYl8xOWE2/II_Corinhto_3_ChuLamChoChet.mp3

Câu: “Chữ thì giết nhưng Đấng Thần Linh thì ban sự sống” trong II Cô-rinh-tô 3:6 là một trong những câu Thánh Kinh bị Sa-tan bẻ cong ý nghĩa để dẫn dụ con dân Chúa bỏ đi các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa.

Các giáo sư giả thường dùng câu này để bác bỏ việc vâng giữ Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời; nhất là bác bỏ việc giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy. Họ hoàn toàn không hiểu một chút gì ý nghĩa của câu: “Chữ thì giết nhưng Đấng Thần Linh thì ban sự sống!” Họ chỉ nói ra những lời quỷ biện, để gài bẫy con dân Chúa.

Con dân Chúa cần ghi nhớ 12 câu Thánh Kinh này, để biết chắc rằng, các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa vẫn y nguyên, và mỗi con dân Chúa có bổn phận vâng giữ:

Hỡi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Ngài ở gần. Các điều răn của Ngài là chân thật. Cứ theo các lời chứng của Ngài, tôi đã biết từ lâu rằng: Ngài đã lập chúng cho đến đời đời” (Thi Thiên 119:151-152).

Vậy, ai hủy một điều cực nhỏ nào trong những điều răn này, và dạy người ta làm như vậy, thì sẽ bị xưng là cực nhỏ trong Vương Quốc Trời; còn như ai giữ những điều răn ấy, và dạy người ta nữa, thì sẽ được xưng là lớn trong Vương Quốc Trời” (Ma-thi-ơ 5:19).

Còn các ngươi sao cũng vì cớ lời truyền khẩu mình mà phạm điều răn của Đức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 15:3)?

Chúng nó thờ lạy Ta cách vô ích, giảng dạy những điều răn của loài người” (Ma-thi-ơ 15:9).

Vậy, chúng ta bởi đức tin mà bỏ luật pháp hay sao? Chẳng hề như vậy! Trái lại, chúng ta làm vững bền luật pháp” (Rô-ma 3:31).

Ấy vậy, luật pháp là thánh, điều răn cũng là thánh, công bình và tốt lành” (Rô-ma 7:12).

Chịu cắt bì chẳng là gì, không chịu cắt bì cũng chẳng là gì; mà là sự giữ các điều răn của Thiên Chúa” (I Cô-rinh-tô 7:19).

Chúng ta biết mình yêu con cái của Đức Chúa Trời, khi chúng ta yêu Đức Chúa Trời và giữ các điều răn của Ngài” (I Giăng 5:2).

Vì này là tình yêu của Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng giữ các điều răn của Ngài. Các điều răn của Ngài chẳng phải là nặng nề” (I Giăng 5:3).

Tôi vui mừng nhiều lắm, khi biết các con cái bà bước đi trong lẽ thật, theo điều răn chúng ta đã nhận từ Đức Cha” (II Giăng câu 4).

Con rồng giận người đàn bà đi chinh chiến cùng con cái khác của bà, là những người vẫn giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và lời chứng của Đức Chúa Jesus” (Khải Huyền 2:17).

Đây tỏ ra sự nhẫn nại của các thánh đồ: họ giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và giữ lòng tin Đức Chúa Jesus” (Khải Huyền 14:12).

Trước khi cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của câu “Chữ thì giết nhưng Đấng Thần Linh thì ban sự sống,” chúng ta hãy so sánh nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh với hai bản dịch tiếng Việt và hai bản dịch tiếng Anh:

Nguyên ngữ Hy-lạp với mã số Strong’s:

τοG3588 T-NSN γαρG1063 CONJ γραμμαG1121 N-NSN αποκτεινειG615 V-PAI-3S τοG3588 T-NSN δεG1161 CONJ πνευμαG4151 N-NSN ζωοποιειG2227 V-PAI-3S

Dịch chữ sang chữ:

(Mạo từ xác định: cái) τοG3588 T-NSN () γαρG1063 CONJ (chữ viết; bài viết) γραμμαG1121 N-NSN (nó làm cho chết; nó giết chết) αποκτεινειG615 V-PAI-3S (Mạo từ xác định: Đấng) τοG3588 T-NSN (Nhưng) δεG1161 CONJ (Thần Linh) πνευμαG4151 N-NSN (làm cho sống; làm cho sống lại) ζωοποιειG2227 V-PAI-3S

Cái chữ viết (văn bản) nó làm cho chết, nhưng Đấng Thần Linh làm cho sống.

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống:

vì chữ làm cho chết, song Thánh Linh làm cho sống.

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012:

Vì chữ thì giết nhưng Đấng Thần Linh thì ban sự sống!

King James Version:

for the letter killeth, but the spirit giveth life.

Literal Translation of the Holy Bible:

For the letter kills, but the Spirit makes alive.

Chúng ta thấy, Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống đã dùng danh từ “Thánh Linh” thay cho Đấng Thần Linh, làm cho câu văn bị sai nghĩa.

Như chúng ta đã biết:

  • Thánh linh là năng lực và sự sống ra từ Đức Thánh Linh.

  • Danh từ Đức Thánh Linh được dùng để chỉ thân vị Thần Linh của Thiên Chúa ngự trong thân thể của con dân Chúa và hành động bên trong con dân Chúa.

  • Danh từ Đấng Thần Linh được dùng để chỉ thân vị Thần Linh của Thiên Chúa hành động bên ngoài thân thể con dân Chúa.

Trong thời Cựu Ước, chúng ta không thấy Thánh Kinh dùng danh xưng Đức Thánh Linh, vì thân vị Thần Linh của Thiên Chúa không hề ngự trong thân thể của bất cứ một người nào trước khi Đức Chúa Jesus Christ hoàn thành công cuộc cứu chuộc nhân loại. Trong thời Tân Ước chúng ta thấy, Thánh Kinh dùng danh xưng Đấng Thần Linh, khi Ngài hành động bên ngoài thân thể con dân Chúa; và dùng danh xưng Đức Thánh Linh, khi Ngài hành động bên trong thân thể con dân Chúa.

Trong thân thể loài người luôn luôn có tâm thần (pneuma) là thân thể thiêng liêng ra từ Đức Chúa Trời (Sáng Thế Ký 2:7; Truyền Đạo 12:7). Một hay nhiều linh (pneuma), là các thiên sứ phạm tội, gọi chung là ma quỷ, có thể nhập vào trong thân thể của một người (Ma-thi-ơ 12:45), và Thánh Kinh gọi là tà linh để phân biệt với nhân linh. Khi một người thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ, thì người ấy được dựng nên mới và được thân vị Thần Linh của Thiên Chúa (pneuma) ngự trong thân thể mình. Thánh Kinh dùng danh xưng Đức Thánh Linh để phân biệt với tà linh và nhân linh.

Đấng Thần Linh thì ban sự sống

Đấng Thần Linh ban sự sống vì Ngài là Thiên Chúa, nguồn của sự sống. Từ ngữ “làm cho sống” trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa là: tạo ra sự sống, làm cho sống; làm cho sống lại; ban sự sống; bảo tồn sự sống. Rô-ma 8:11 chép:

Nếu Đấng Thần Linh của Đấng làm cho Đức Chúa Jesus sống lại từ trong kẻ chết ở trong anh em, thì Đấng làm cho Đức Chúa Jesus Christ sống lại từ trong kẻ chết cũng sẽ nhờ Đấng Thần Linh Ngài ở trong anh em khiến thân thể sẽ chết của anh em được sống lại.”

Qua đó, chúng ta biết chắc rằng, một ngày kia, khi Đức Chúa Jesus Christ giáng lâm giữa chốn không trung để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, thì thân thể của tất cả những ai đã chết trong Chúa, sẽ được Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh làm cho sống lại.

Đức Chúa Trời muốn cho con dân Chúa được sống lại. Đức Chúa Jesus Christ truyền lệnh cho con dân Chúa sống lại. Đấng Thần Linh trực tiếp dùng năng lực của Ngài, khiến cho con dân Chúa sống lại.

Mệnh đề: “Đấng Thần Linh thì ban sự sống,” bao gồm các nghĩa sau đây:

  • Trong thời Hội Thánh, Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh tái sinh người đang chết thuộc linh, tức là làm cho người ấy được sống lại phần linh hồn và tâm thần, nếu người ấy thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Những người tin nhận Chúa từ muôn dân được kết hiệp với những người I-sơ-ra-ên tin nhận Chúa, làm thành Hội Thánh. Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh sẽ chép các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa vào trong lòng của những người được tái sinh, là những lời ban sự sống và giữ cho con dân Chúa bước đi trong sự sống:

Hỡi anh em, tôi không muốn anh em chẳng biết sự mầu nhiệm này, kẻo anh em tự cho mình khôn ngoan chăng: ấy là một phần dân I-sơ-ra-ên đã rơi vào sự cứng lòng, cho đến chừng nào số dân ngoại nhập vào được đầy đủ” (Rô-ma 11:25).

Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán: Này là giao ước mà Ta sẽ lập với nhà I-sơ-ra-ên sau những ngày đó. Ta sẽ đặt luật pháp Ta bên trong chúng nó và chép vào lòng. Ta sẽ làm Thiên Chúa chúng nó, chúng nó sẽ làm dân Ta” (Giê-rê-mi 31:33).

Này là lời ước mà Ta sẽ lập với nhà I-sơ-ra-ên. Sau những ngày đó: Ta sẽ để luật pháp Ta trong trí họ và ghi tạc vào lòng; Ta sẽ làm Thiên Chúa của họ, họ sẽ làm dân Ta” (Hê-bơ-rơ 8:10).

  • Trong ngày Đức Chúa Jesus Christ trở lại giữa chốn không trung để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh sẽ phục sinh thân thể xác thịt của con dân Chúa thuộc về Hội Thánh.

  • Sau khi Đức Chúa Jesus Christ tái lâm trên đất, Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh sẽ phục sinh thân thể xác thịt của con dân Chúa thuộc thời trước Cựu Ước, thời Cựu Ước, và thời đại nạn.

  • Trong vương quốc đời đời của trời mới đất mới, Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh sẽ bảo tồn sự sống đời đời của mọi con dân Chúa.

Chữ thì giết

Chữ được nói đến ở đây là luật pháp của Thiên Chúa được ghi chép thành văn. Tại sao luật pháp của Thiên Chúa được ghi chép thành chữ lại giết? Bởi vì luật pháp của Thiên Chúa công bố các điều răn của Thiên Chúa và lên án bất cứ ai vi phạm các điều răn của Thiên Chúa.

Các điều răn của Thiên Chúa giúp cho loài người biết ý muốn của Thiên Chúa; biết rằng Ngài muốn họ làm những gì và không làm những gì, để họ không phạm vào sự yêu thương, thánh khiết, và công chính của Ngài. Tuy nhiên, khi đối diện với các điều răn của Thiên Chúa thì không một người nào có thể vâng giữ một cách trọn vẹn. Người ta có thể vâng giữ trọn vẹn theo hình thức bên ngoài, nhưng trong lòng thì vẫn vi phạm các điều răn của Thiên Chúa. Sự vi phạm ấy không dấu được Thiên Chúa.

Ta, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, dò xét trong trí, thử nghiệm trong lòng, báo cho mỗi người tùy đường họ đi, tùy kết quả của việc họ làm” (Giê-rê-mi 17:10).

Lời của Đức Chúa Jesus Christ khẳng định sự vi phạm các điều răn của Thiên Chúa cách thầm kín trong lòng vẫn bị kể là phạm tội:

Các ngươi có nghe lời phán rằng: Ngươi chớ phạm tội ngoại tình. Nhưng Ta phán cho các ngươi biết: Bất cứ ai nhìn một người đàn bà mà ham muốn nàng, thì trong lòng đã phạm tội ngoại tình cùng nàng rồi” (Ma-thi-ơ 5:27-28).

Các điều răn chỉ ra loài người đã phạm những tội nào. Mà hễ phạm tội thì bị luật pháp của Thiên Chúa lên án và hình phạt. Hình phạt chung cho mọi tội lỗi là sự chết (Rô-ma 6:23).

Dù một người suốt đời chỉ phạm một điều răn thì người ấy cũng bị chết. Một chiếc tàu bị một lỗ thủng hay bị một ngàn lỗ thủng thì hậu quả vẫn là bị nước vào đầy làm cho chìm.

Vì người nào giữ trọn luật pháp, mà phạm một điều, thì cũng bị tội như đã phạm hết thảy” (Gia-cơ 2:10).

Chữ của luật pháp làm cho chết là vậy. Nếu không có các điều răn được viết thành chữ thì luật pháp không có nền tảng để lên án và hình phạt. Nếu không có luật pháp thì tội nhân cũng không bị hình phạt.

Mặc dầu các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa là thánh, công bình, và tốt lành nhưng bản chất tội trong mỗi người khiến cho chúng ta không thể không phạm tội. Vì thế, khi chúng ta đối diện với các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa thì chúng ta chỉ có chết!

Ngoài bản tính thánh khiết và công bình, thì Thiên Chúa còn là tình yêu. Ngài yêu loài người và ban cho loài người cơ hội được thoát ra khỏi sự đoán phạt của luật pháp và nhận lãnh năng lực của Thiên Chúa để có thể sống theo các điều răn của Ngài. Cơ hội đó phải đúng với sự thánh khiết và công chính của Thiên Chúa. Nghĩa là: Không một tội lỗi nào có thể được bỏ qua, mỗi tội lỗi đều phải bị hình phạt.

Chính Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời đã nhập thế làm người, mang tên là Jesus, để gánh thay hình phạt của tội lỗi cho toàn thể nhân loại. Mỗi một tội lỗi của mỗi một người đã, đang, và sẽ được sinh ra trong thế gian đều chất hết lên Con Người Jesus. Ngài là Thiên Chúa nên Ngài là vô hạn, có thể gánh thay tội lỗi cho tất cả mọi người. Nhưng Ngài phải thành người để chịu nhục, chịu khổ, và chịu chết trong tư cách của loài người. Cùng một lúc, bản tính yêu thương, thánh khiết, và công chính của Thiên Chúa được đáp ứng hoàn toàn trong sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus. Nhờ đó, loài người được tha tội, được làm cho sạch bản chất tội, và được ban cho năng lực của Thiên Chúa để sống thánh khiết, công chính, và yêu thương, như Thiên Chúa. Tuy nhiên, sự lựa chọn thuộc về mỗi người.

Nếu ai không thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus, thì người ấy sẽ không có sự cứu rỗi. Mà hễ không có sự cứu rỗi thì vẫn phải chết khi đối diện với các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa.

Người thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus thì sẽ được Đấng Thần Linh chép luật pháp của Thiên Chúa vào lòng họ. Kể từ đó, luật pháp của Thiên Chúa trở thành động cơ điều khiển đời sống của người ấy:

Luật pháp Thiên Chúa người ở trong lòng người; bước người không hề nghiêng ngả” (Thi Thiên 37:31).

Hỡi Thiên Chúa tôi, tôi lấy làm vui mừng làm theo ý muốn Chúa, luật pháp Chúa ở trong lòng tôi” (Thi Thiên 40:8).

Tôi sẽ hằng gìn giữ luật pháp Chúa cho đến đời đời vô cùng” (Thi Thiên 119:44).

Vì điều răn là một cái đèn, luật pháp là ánh sáng, và sự quở trách khuyên dạy là con đường sự sống” (Châm Ngôn 6:23).

Tuy nhiên, không một người nào có thể cậy vào sự vâng giữ luật pháp để được xưng là công bình. Bởi vì, ngày nào chúng ta còn sống trong thân thể xác thịt này thì chúng ta vẫn còn có thể vì thiếu hiểu biết, vì yếu đuối nhất thời, vì ít đức tin mà phạm tội. Những sự phạm tội như vậy được Đức Chúa Trời tha thứ cho chúng ta và được Đức Chúa Jesus Christ làm cho chúng ta trở nên tinh sạch khi chúng ta ăn năn và xưng tội:

Nếu chúng ta xưng nhận những tội lỗi của mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha thứ cho chúng ta những tội lỗi của chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều không công bình” (I Giăng 1:9).

Còn nếu sau khi tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, mà chúng ta cứ vui sống trong tội, cứ cố ý vi phạm các điều răn của Thiên Chúa để thủ lợi hay để thỏa mãn những ham muốn của xác thịt, thì sẽ không còn một tế lễ nào để chuộc tội cho chúng ta:

Bởi vì những kẻ đã được soi sáng một lần, đã nếm sự ban cho từ trên trời, dự phần về Thánh Linh, Lời lành của Thiên Chúa, và năng lực của đời sau, nếu lại vấp ngã, thì không thể khiến họ lại ăn năn nữa, vì họ đóng đinh Con Đức Chúa Trời trên thập tự giá cho mình một lần nữa, làm cho Ngài sỉ nhục tỏ tường” (Hê-bơ-rơ 6:4-6).

Vì nếu chúng ta đã nhận biết lẽ thật rồi, mà lại cố ý phạm tội, thì không còn có tế lễ chuộc tội nữa, nhưng chỉ có sự đợi chờ kinh khiếp về sự phán xét, và lửa thiêu nuốt sẽ đốt cháy kẻ bội nghịch mà thôi” (Hê-bơ-rơ 10:26-27).

Kết luận

Loài người được cứu nhờ ân điển và đức tin. Ân điển là sự thương xót của Thiên Chúa khi Ngài ban cho chúng ta cơ hội và phương tiện được cứu rỗi. Đức tin là sự chúng ta tin nhận ân điển của Thiên Chúa, tức tin nhận sự cứu rỗi của Thiên Chúa. Nên nhớ, đức tin của chúng ta phải được thể hiện qua sự ăn năn tội, từ bỏ tội. Ăn năn tội, từ bỏ tội tức là không còn sống một nếp sống vi phạm các điều răn của Thiên Chúa.

Một người đã được Đấng Thần Linh ghi chép luật pháp của Thiên Chúa vào trí, vào lòng thì không còn tìm kiếm tội lỗi mà luôn giữ mình sống thánh khiết theo các điều răn của Thiên Chúa, vì luật pháp của Thiên Chúa là động cơ cho nếp sống của người ấy. Trái lại, người vẫn tìm kiếm những thú vui tội lỗi là người chưa bao giờ thật lòng ăn năn, từ bỏ tội; hoặc là người đã nhận biết lẽ thật rồi mà còn cố ý phạm tội.

Chúng ta chết vì chúng ta vi phạm các điều răn của Thiên Chúa. Thiên Chúa cứu chúng ta ra khỏi sự chết đó và ban cho chúng ta năng lực của chính Ngài, để chúng ta vâng giữ trọn vẹn các điều răn của Ngài, không phải để chúng ta cứ tiếp tục phạm các điều răn của Thiên Chúa mà không bị hình phạt.

Thánh Kinh luôn luôn nói các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa còn lại đời đời. Thánh Kinh không hề nói con dân Chúa không cần vâng giữ các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa.

Luật pháp của Thiên Chúa lúc nào cũng lên án chết cho bất cứ ai vi phạm sự yêu thương, công chính, và thánh khiết của Thiên Chúa. Chữ lúc nào cũng làm cho chết; nhưng nếu chúng ta tin nhận ân điển của Thiên Chúa thì chúng ta được Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh làm cho chúng ta được sống lại, có năng lực sống theo các điều răn của Thiên Chúa, và được sống đời đời.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
16/05/2015