Biên Niên Sử Hội Thánh: Thế Kỷ Thứ Nhất

5,975 views
Năm 30

Đức Chúa Jesus Christ bị đóng đinh trên thập tự giá, chịu chết và chôn, đến ngày thứ ba, Ngài đã sống lại từ trong sự chết. Trước khi thăng thiên và hẹn ngày trở lại, Ngài ban truyền mệnh lệnh cho các môn đồ: "Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta. Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhơn danh Ðức Cha, Ðức Con, và Ðức Thánh Linh mà làm phép báp tem cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế" (Ma-thi-ơ 28:19, 20).

Trong ngày lễ Ngũ Tuần đầu tiên, kể từ sau các sự kiện kể trên, Đức Thánh Linh giáng lâm, Hội Thánh được chính thức hình thành và trong ngày đó, qua bài giảng của Sứ đồ Phi-e-rơ, có khoảng ba ngàn người thêm vào Hội Thánh (Công Vụ 2).

Năm 41

Thành phố Jerusalem được mở rộng. Những tường thành mới được xây dựng và bao gồm luôn đồi Sọ, nơi Đức Chúa JesusChrist bị đóng đinh, vào trong phạm vi của thành phố.

Năm 42

Hội Thánh tại Jerusalem bị bách hại lần đầu tiên. Nhiều thánh đồ lánh sang thành Antiốt và thiết lập Hội Thánh tại đó. Gia-cơ, anh của Giăng, bị chém đầu (Công Vụ 12:2).
 
Năm 43

Ba-na-ba đem Phao-lô đến thành An-ti-ốt (Công Vụ 11:25-26). Trong năm này, Hoàng Đế La-mã Claudius (41-54) chinh phục Anh Quốc (Britain).

Năm 44

Vua Hê-rốt Ạc-ríp-ba Đệ Nhất, vua xứ Giu-đê và Sa-ma-ri qua đời (Công Vụ 12:23).

Năm 45

Hội Thánh An-ti-ốt qua Phao-lô và Ba-na-ba gửi tặng phẩm đến các tín hữu xứ Giu-đê để cứu đói.

Năm 47-49

Chuyến truyền giáo đầu tiên của Sứ Đồ Phao-lô và Ba-na-ba (Công Vụ 13-14). Theo Sử Gia La-mã Suetonius (70-122) ghi lại trong tác phẩm "The Twelve Caesars" thì Hoàng Đế La-mã Claudius trục xuất dân Do-thái ra khỏi La-mã vì họ liên tục nổi loạn chống lại Cơ-đốc giáo.

Năm 49/50

Công Đồng Jerusalem nhóm tại Jerusalem và biểu quyết tín đồ dân ngoại không buộc phải chịu phép cắt bì (Công Vụ 15). Hoàng Đế La-mã Claudius cổ võ sự thờ lạy Magna Mater, "Mẹ Vĩ Đại Của Các Thần" (Great Mother of The Gods) và Attis, chồng của nữ thần. Hai tà thần này chính thức trở thành thần của người La-mã vào khoảng năm 200 TCN.

Năm 50

Chuyến truyền giáo thứ nhì của Sứ Đồ Phao-lô, có Si-la và Ti-mô-thê cùng đi (Công Vụ 15-18). Phao-lô trải qua các thành Phi-líp, Tê-sa-lô-ni-ca, Bê-rê, A-thên, Cô-rinh-tô, Ê-phê-sô, Sê-sa-rê, và Jerusalem trước khi trở về thành An-ti-ốt.

Năm 51

Từ thành phố Cô-rinh-tô, Phao-lô viết thư cho Hội Thánh tại Tê-sa-lô-ni-ca.

Năm 53

Từ thành An-ti-ốt (?) Phao-lô viết thư cho Hội Thánh Ga-la-ti. Chuyến truyền giáo thứ ba của Phao-lô khởi đầu trong xứ Ga-la-ti, và Phi-ri-gi trước khi ông đến và ở lại lâu dài tại Ê-phê-sô. Phao-lô ở lại Ê-phê-sô từ năm 53 cho đến năm 55/56 (Công Vụ 18-19).

Năm 55

Từ thành Ê-phêsô Phao-lô viết thư thứ nhất cho Hội Thánh Cô-rinh-tô.

Năm 55/56

Phao-lô rời thành Ê-phê-sô (Công Vụ 20:1), ghé thăm xứ Ma-xê-đoan và thành Cô-rinh-tô. Từ xứ Ma-xê-đoan ông viết lá thư thứ hai cho Hội Thánh Cô-rinh-tô.

Năm 57

Từ thành Cô-rinh-tô Phao-lô viết thư cho Hội Thánh Rô-ma. Ông rời Hy-lạp, ngang qua thành Trô-ách, giảng cho các trưởng lão tại Ê-phê-sô.

Năm 57-59

Phao-lô bị cầm tù tại Sê-sa-rê dưới thời tổng đốc Phê-lít và Phê-tu (Công Vụ 23-26).

Năm 60

Phao-lô bị giải đến La-mã (Công Vụ 28).

Năm 61/62

Phao-lô viết các thư tín: Phi-lê-môn, Cô-lô-se, Ê-phê-sô, và Phi-líp.

Năm 62

Theo Sử Gia Do-thái Josephus, Gia-cơ (James the Just) giám mục của Hội Thánh Jerusalem bị một đám dân nổi loạn giết chết trong đền thờ, bằng cách đánh búa tạ vào đầu.

Sứ Đồ Ba-tê-lê-my tử đạo tại Kalyana, một thành phố tiểu quốc nằm trên bờ biển phía Tây của Ân-độ. Ông bị lột da trong lúc còn sống và sau đó bị đóng đinh.
 
Phao-lô được xét xử và trắng án tại La-mã.

Năm 63-66

Phao-lô trải qua các xứ Ma-xê-đoan, Tiểu á, Crete, và có thể cả Spain. Thư I Ti-mô-thê và Tít được viết trong thời gian này.

Năm 64

Hội Thánh bị bách hại lần thứ nhất dưới thời Nê-rô, hoàng đế La-mã (54-68). Khi thành phố La-mã bị một cơn hỏa hoạn lớn, cháy suốt sáu ngày, Nê-rô đã đổ lỗi cho các tín đồ Đấng Christ và ra lệnh tàn sát họ dưới nhiều hình thức dã man: cho chó xé xác, đóng đinh, nhúng dầu chai thắp làm đuốc soi trong ngự uyển…

Hội Thánh tại Alexandria được thành lập bởi Mác, một môn đồ của Phi-e-rơ. Đền thờ do Vua Hê-rốt xây dựng được hoàn thành (khởi công năm 20 TCN).

Năm 66

Dân Do-thái nổi loạn chống lại chính quyền La-mã. Chiến tranh xảy ra, thánh đồ tại Jerusalem nhớ lời Chúa phán về sự hủy phá của Jerusalem nên đã ra khỏi thành. Thành Jerusalem bị thất thủ năm 70 và bị hủy diệt, cùng với đền thờ tráng lệ do vua Hê-rốt xây dựng trong 46 năm. Tacitus ghi rằng 600 000 dân Dothái bị tàn sát khi thành Jerusalem bị thất thủ; sử gia người Do thái, Josephus, thì ghi là một triệu người.

Năm 67

Vài học giả cho rằng sách cuối cùng của Thánh Kinh, Khải Huyền, được viết trong năm này. Nhiều học giả khác cho rằng sách được viết vào cuối triều đại của Diocletian, hoàng đế La-mã (81-96).

Phao-lô trải qua lần xét xử thứ hai tại La-mã. Thư II Ti-mô-thê được viết.

Năm 67/68

Sứ Đồ Phao-lô bị chém trên đường dẫn từ La-mã đến Ostia. Sứ Đồ Phi-e-rơ cũng tử đạo trong khoảng thời gian này, bị đóng đinh với đầu chúi xuống đất.

Năm 69
 
Theo truyền thuyết, Sứ Đồ Anh-rê bị đóng đinh tại Patrae trên bán đảo Peloponnesus. Ignatius trở thành giám mục của Hội Thánh An-ti-ốt, xứ Syria. Giám Mục Polycarp của Hội Thánh Si-miệc-nơ sinh trong năm này (chết năm 155).

Năm 70

Sách Tin Lành Ma-thi-ơ và Mác có thể được viết vào cuối năm này.

Năm 72

Theo truyền thuyết, Sứ Đồ Thô-ma bị đâm chết bởi các thầy tế lễ của Ấn Giáo tại Mylapore, Ấn độ.

Năm 79

Theo truyền thuyết, Giu-đe và Si-môn người Ca-na-an đã bị xé xác bởi đám dân nổi loạn người Persian (Iran ngày nay).

Năm 80

Sách Tin Lành Lu-ca được viết.

Năm 90

Hội đồng Jamnia (Synod of Jamnia) của dân Do-thái thiết lập kinh điển Hê-bơ-rơ (tương đương với Thánh Kinh Cựu Ước chúng ta có ngày hôm nay). Ngôn ngữ phổ biến trong Hội Thánh thuở ban đầu là tiếng Hy-lạp (Greek) và bản dịch Thánh Kinh Cựu Ước được sử dụng rộng rãi thời bấy giờ là bản "Septuagint" (Bảy Mươi). Bản dịch Septuagint có thêm các "ngụy kinh" không được công nhận là kinh điển (không được công nhận là Lời Chúa). Về sau, một bản dịch mới dựa trên bản văn tiêu chuẩn của Hội đồng Jamnia được Hội Thánh chấp nhận.

Theo truyền thuyết, Phi-líp đã bị đóng đinh, đầu chúi xuống đất (như Phi-e-rơ) tại Hierapolis, xứ Tiểu Á. Vài học giả cho rằng Phi-líp sứ đồ và Phi-líp nhà truyền giáo là hai người khác nhau, và Phi-líp truyền giáo là người tử đạo tại Hierapolis.

Theo Hippolytus, Sứ Đồ Ma-thi-ơ chết già tại Hierees, xứ Persia.

Năm 92

Clement được bầu làm giám mục tại La-mã và tại chức cho đến năm 100.

Năm 93

Hội Thánh bị bách hại lần thứ nhì dưới thời Domitian, hoàng đế La-mã (81-96). Sứ Đồ Giăng bị lưu đày trên đảo Bát-mô. Nhiều nhà giải kinh cho rằng sách Khải Huyền được viết vào khoảng năm 95, 96 trên đảo Bát-mô.

Năm 100

Sứ đồ Giăng qua đời vào khoảng thời gian này tại thành Ê-phê-sô.

Cerinthus giảng dạy tà giáo, cho rằng Đấng Christ được sáng tạo chứ Ngài không phải là Thiên Chúa. Ông cũng cho rằng Đức Chúa Jesus là con tự nhiên của ông Giô-sép và bà Ma-ri được một thực thể siêu nhiên là Đấng Christ, ngự vào khi Chúa Jesus chịu lễ báp-tem và ra khỏi khi Chúa Jesus bị đóng đinh.
 
Huỳnh Christian Timothy
Tổng hợp từ các tài liệu về lịch sử Hội Thánh