Huỳnh Christian Timothy
Dẫn Nhập
Bàn thờ là một cấu trúc, trên đó, người ta dâng của tế lễ lên thần linh, linh hồn của người đã chết, hoặc sự thiêng liêng của một đất nước như bàn thờ tổ quốc. Danh từ bàn thờ được dùng trong Thánh Kinh, trong tiếng Hê-bơ-rơ (Hebrew) là “mizbêach,” H4196, ra từ một động từ gốc, có nghĩa là “giết thịt thú vật,” trong tiếng Hy-lạp (Greek) là “thusiastērion,” G2379, có nghĩa là “chỗ để dâng sinh tế.” Cả hai ngôn ngữ đều hàm ý là sinh mạng (máu) và xác thịt của con vật bị giết được đặt trên bàn thờ làm của tế lễ. Tuy nhiên, cũng có khi bàn thờ chỉ được dùng để dâng bánh, bột, trái cây, dầu, rượu, và hương. Trong một số trường hợp, bàn thờ chỉ được lập nên để làm kỹ niệm mà không có một của lễ nào được dâng hiến.
Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về các loại bàn thờ có liên quan đến sự thờ phượng Thiên Chúa như đã được ghi chép trong Thánh Kinh.
Những Người Lập Bàn Thờ
Hành động thờ phượng Thiên Chúa qua sự dâng hiến của lễ xảy ra rất sớm, ngay từ những ngày đầu tiên trong lịch sử của loài người. Sáng Thế Ký 4 ghi lại sự dâng tế lễ của Ca-in và A-bên. Tuy nhiên, Thánh Kinh không ghi lại sự kiện Ca-in và A-bên lập bàn thờ. Hơn một ngàn năm sau, sau cơn nước lụt, Nô-ê là người đầu tiên lập một bàn thờ để dâng của lễ thiêu lên Thiên Chúa (Sáng Thế Ký 8:20). Thánh Kinh không ghi rõ là Nô-ê dùng loại vật liệu gì để lập bàn thờ.
Hơn một ngàn năm sau Nô-ê, Áp-ram (về sau được Chúa đổi tên thành Áp-ra-ham), I-sác, con của Áp-ram, và Gia-cốp, con của I-sác, đều lập bàn thờ thờ Thiên Chúa. Lần đầu tiên, Áp-ram lập bàn thờ thờ Chúa tại Si-chem sau khi Chúa hiện ra với ông, hứa sẽ ban cho dòng dõi ông xứ Ca-na-an (Sáng Thế Ký 12:7). Si-chem cách Giê-ru-sa-lem khoảng 82 km về phía bắc. Sau đó, Áp-ram di chuyển đến Bê-tên và lập bàn thờ thứ hai, tại đó ông cầu khẩn danh Chúa (Sáng Thế Ký 12:7-8). Bê-tên cách Giê-ru-sa-lem khoảng 12 km về hướng bắc. Từ ngữ “cầu khẩn danh Chúa” có nghĩa là thờ phượng Chúa. Sau khi phân rẽ với Lót, Áp-ram lại di chuyển đến Hếp-rôn và lập một bàn thờ thờ Chúa tại đó (Sáng Thế Ký 13:18). Hếp-rôn cách Giê-ru-sa-lem khoảng 37km về phía nam. Trong ba lần Áp-ram lập bàn thờ, Thánh Kinh không nói rõ vật liệu ông dùng để lập bàn thờ, cũng không nói rõ ông có dâng lễ vật gì hay không. Sáng Thế Ký 15 ghi lại sự kiện Áp-ram dâng sinh tế theo lời Chúa dạy nhưng không ghi là ông có lập bàn thờ. Lần thứ tư Thánh Kinh ghi lại việc lập bàn thờ của Áp-ram là khi ông vâng lời Chúa dạy, dâng I-sác, con trai mà Chúa hứa ban cho ông, làm của lễ thiêu (Sáng Thế Ký 22:9). Lần này, Thánh Kinh cũng không cho biết vật liệu được Áp-ram dùng để lập bàn thờ.
Sau khi Áp-ra-ham qua đời ít lâu, I-sác di chuyển đến Bê-e Sê-ba. Trong đêm đầu tiên tại Bê-e Sê-ba, Thiên Chúa hiện ra, ban lời hứa cho I-sác. I-sác lập bàn thờ, cầu khẩn danh Chúa và đóng trại tại đó (Sáng Thế Ký 26:23-25). Thánh Kinh không ghi I-sác có dâng lễ vật hay không, cũng không ghi loại vật liệu được I-sác dùng để lập bàn thờ. Bê-e Sê-ba cách Giê-ru-sa-lem khoảng 74km về phía nam.
Con trai thứ của I-sác là Gia-cốp, (sau được Chúa đổi tên thành I-sơ-ra-ên), sau khi lưu lạc tha hương hơn 14 năm, lập gia đình, tạo tài sản, thì quay về lại Si-chem thuộc xứ Ca-na-an, đã lập một bàn thờ, đặt tên là “En-ên-ô-hê I-sơ-ra-ên, có nghĩa là “Thiên Chúa là Chúa của I-sơ-ra-ên” (Sáng Thế Ký 33:20). Sau đó, Thiên Chúa phán truyền cho ông trở về Bê-tên và lập một bàn thờ cho Thiên Chúa tại đó. Gia-cốp vâng lời Chúa, về lại Bê-tên và lập bàn thờ, đặt tên cho nơi đó là Ên-bê-tên, có nghĩa là “Thiên Chúa của Bê-tên” (Sáng Thế Ký 35:7). Thánh Kinh không ghi việc dâng tế lễ của Gia-cốp khi ông lập bàn thờ và cũng không nói đến vật liệu được dùng để lập bàn thờ.
Khoảng 400 năm sau, vào năm 1446 TCN, Môi-se được Thiên Chúa kêu gọi làm lãnh tụ giải phóng dân I-sơ-ra-ên ra khỏi thân phận nô lệ tại xứ Ai-cập. Vừa ra khỏi Ai-cập được hai tháng, dân I-sơ-ra-ên đã phải chiến trận một cách khốc liệt với dân A-ma-léc và được thắng trận. Để tuyên xưng sự bảo vệ của Thiên Chúa đối với dân I-sơ-ra-ên, Môi-se đã lập một bàn thờ, đặt tên là “Đức Giê-hô-va là cờ xí của tôi” (Xuất Ê-díp-tô Ký 17:15). Thánh Kinh không nói đến việc Môi-se có dâng của lễ trên bàn thờ đó hay không, và cũng không nói đến loại vật liệu được dùng để lập bàn thờ. Tháng kế tiếp, dân I-sơ-ra-ên đi đến đồng vắng Si-na-i và được nghe Thiên Chúa phán truyền các điều răn tại chân núi Si-na-i, thì Môi-se lập một bàn thờ dâng của lễ thiêu và của lễ cảm tạ lên Thiên Chúa (Xuất Ê-díp-tô Ký 24:4). Dù Thánh Kinh không nói rõ Môi-se đã dùng loại vật liệu nào để lập bàn thờ, nhưng dựa vào chỉ thị của Thiên Chúa đã ban cho Môi-se trước đó về việc lập bàn thờ, chúng ta biết vật liệu dùng để lập bàn thờ là đất hoặc đá chưa qua sự đẽo, gọt:
“Ngươi hãy lập cho Ta một bàn thờ bằng đất, trên đó phải dâng của lễ thiêu, cùng của lễ thù ân của ngươi, hoặc chiên hay bò. Phàm nơi nào có ghi nhớ danh Ta, Ta sẽ đến và ban phước cho ngươi tại đó. Nếu ngươi lập cho Ta một bàn thờ bằng đá, chớ dùng đá chạm, vì nếu ngươi dùng đồ để chạm thì sẽ làm đá đó ra ô uế”(Xuất Ê-díp-tô Ký 20:24-25).
Bàn thờ bằng đất có thể là đất được vun cao lại một chỗ, thành khối hoặc là dùng đất đã nung thành gạch để xếp thành. Dân I-sơ-ra-ên giỏi về nghề làm gạch. Bàn thờ bằng đá có thể là một khối đá nguyên hoặc do sự xếp nhiều khối đá nguyên lên nhau mà thành. Sự kiện Thiên Chúa không cho phép dùng đá đã qua sự đẽo, gọt là để tránh cho dân I-sơ-ra-ên chạm, khắc các hình tượng để trang trí cho bàn thờ, theo thói quen của dân ngoại giáo làm cho bàn thờ tà thần của họ.
Khi dân I-sơ-ra-ên đến đồng bằng Mô-áp, đối diện với thành Giê-ri-cô, chuẩn bị tiến vào đất hứa Ca-na-an, thì Ba-lác là vua của dân Mô-áp, kinh sợ dân I-sơ-ra-ên. Ba-lác bèn thuê Ba-la-am là một người có ơn tiên tri, đến rủa sả dân I-sơ-ra-ên. Ba-la-am ba lần trong ba nơi, yêu cầu Ba-lác lập bảy bàn thờ để ông dâng sinh tế lên Thiên Chúa, tìm cầu ý Ngài (Dân Số Ký 23:1, 14, 29). Thánh Kinh không ghi rõ Ba-lác cho lập các bàn thờ bằng loại vật liệu gì.
Trước khi dân I-sơ-ra-ên vượt sông Giô-đanh, tiến vào đất hứa, Môi-se truyền cho họ rằng, sau khi vào đất hứa thì họ phải lập một bàn thờ bằng đá nguyên khối, để dâng sinh tế lên Đức Giê-hô-va (Phục Truyền Luật Lệ Ký 27:4-6). Giô-suê là người thi hành lời truyền đó của Môi-se, lập một bàn thờ bằng đá nguyên khối trên núi Ê-banh, dâng trên bàn thờ của lễ thiêu và của lễ cảm tạ cho Đức Giê-hô-va (Giô-suê 8:30-31).
Sau khi dân I-sơ-ra-ên tiến chiếm xứ Ca-na-an và các chi phái được phân chia đất, thì chi phái Ru-bên, chi phái Gát, và phân nửa chi phái Ma-na-se ở lại phía tây sông Giô-đanh, bên ngoài xứ Ca-na-an, và hiệp nhau lập một bàn thờ rất cao lớn tại bờ sông Giô-đanh. Sự kiện này khiến cho các chi phái còn lại của dân I-sơ-ra-ên tưởng rằng các chi phái ấy phản loạn, thờ lạy tà thần, nên kéo quân hỏi tội. Tuy nhiên, các chi phái lập bàn thờ giải thích rằng, không phải họ lập bàn thờ để thờ tà thần, cũng không phải để dâng các của lễ thiêu hoặc các sinh tế cho Đức Giê-hô-va, nhưng để cho con cháu của họ nhớ đến Đức Giê-hô-va. Các chi phái còn lại của I-sơ-ra-ên chấp nhận lời giải thích và lui binh. Chi phái Ru-bên và chi phái Gát đặt tên cho bàn thờ là “Ết,” có nghĩa là “chứng cớ” (Giô-suê 22). Thánh Kinh không nói bàn thờ Ết được xây dựng bằng loại vật liệu gì, nhưng có lẽ bàn thờ ấy được thiết lập bằng các khối đá, tương tự như bàn thờ trên núi Ê-banh, ở bên kia sông Giô-đanh, do Giô-suê cho dựng nên.
Trong thời các quan xét, Ghê-đê-ôn được Thiên Chúa sai làm quan xét, giải cứu dân I-sơ-ra-ên ra khỏi sự bách hại của dân Ma-đi-an. Nhìn thấy phép lạ do thiên sứ của Đức Giê-hô-va làm ra, Ghê-đê-ôn đã run sợ và lập một bàn thờ cho Đức Giê-hô-va, đặt tên là “Đức Giê-hô-va Sa-lam,” có nghĩa là “Đức Giê-hô-va bình an” (Các Quan Xét 6:24). Trong cùng một đêm đó, Thiên Chúa phán bảo Ghê-đê-ôn lập bàn thờ cho Ngài trên một chóp đá và dâng của lễ thiêu trên đó (Các Quan Xét 6:25). Rất có thể, bàn thờ lập trên chót đá là trên hòn đá mà lúc ban ngày Ghê-đê-ôn đã dọn thức ăn mời thiên sứ của Đức Giê-hô-va, nhưng thiên sứ đã chạm đầu gậy cầm nơi tay vào thức ăn, và lửa đã từ hòn đá bốc lên thiêu hóa thức ăn (Các Quan Xét 6:19-21). Và như vậy, bàn thờ này khác với bàn thờ mà Ghê-đê-ôn đã lập lúc ban ngày, đặt tên là “Đức Giê-hô-va Sa-lam.”
Từ nay trở về sau, mỗi khi Thánh Kinh không cho biết bàn thờ được xây dựng bằng loại vật liệu gì thì chúng ta có thể suy đoán là, chỉ có thể bằng đất hoặc đá nguyên khối, vì dân I-sơ-ra-ên đã biết lệnh truyền của Thiên Chúa về nguyên liệu lập bàn thờ.
Các Quan Xét đoạn 13 ghi lại câu chuyện, cha của Sam-sôn là Ma-nô-a được thiên sứ của Đức Giê-hô-va báo tin về việc ra đời của Sam-sôn. Ma-nô-a đã dâng của lễ thiêu cho Đức Giê-hô-va trên một hòn đá, và Thánh Kinh gọi hòn đá đó là bàn thờ.
Tiên tri Sa-mu-ên có lập một bàn thờ cho Đức Giê-hô-va tại Ra-ma, nơi ông trú ngụ (I Sa-mu-ên 7:17). Ra-ma cách Giê-ru-sa-lem khoảng 12 km về phía bắc.
Vua Sau-lơ sau khi thắng dân Phi-li-tin một trận oanh liệt cũng lập một bàn thờ cho Đức Giê-hô-va (I Sa-mu-ên 14:35).
Dân I-sơ-ra-ên, sau khi gần như diệt chủng chi phái Bên-gia-min, đã lập một bàn thờ tại Bê-tên (Các Quan Xét 21:4).
Vua Đa-vít lập một bàn thờ, dâng của lễ thiêu và của lễ bình an cho Đức Giê-hô-va tại sân đạp lúa của A-rau-na để cầu xin Thiên Chúa ngưng giáng tai họa dịch hạch trên dân I-sơ-ra-ên (II Sa-mu-ên 18, 25).
Tiên Tri Ê-li dùng 12 hòn đá, tiêu biểu cho 12 chi phái của I-sơ-ra-ên, dựng nên một bàn thờ để dâng của lễ thiêu lên Đức Giê-hô-va (I Các Vua 18:31-32).
Các Loại Bàn Thờ
Như trên đã nói, trong Xuất Ê-díp-tô Ký 20:24-25 ghi lại lệnh truyền của Thiên Chúa rằng, vật liệu dùng để lập bàn thờ phải là đất hoặc đá nguyên khối, không được đẽo, gọt. Điều đó áp dụng cho các bàn thờ lộ thiên, đứng một mình. Riêng bàn thờ ở trong đền tạm (còn gọi là lều tạm) trong hành trình về đất hứa, trong thời các quan xét, thời Vua Sau-lơ, và thời Vua Đa-vít cũng như bàn thờ trong đền thờ tại Giê-ru-sa-lem từ thời Vua sa-lô-môn, thì có những chỉ thị khác về cấu trúc và vật liệu. Trong đền tạm và đền thờ có bàn thờ dâng của lễ thiêu và bàn thờ dâng hương.
- Bàn Thờ Dâng Của Lễ Thiêu
Hình minh họa bàn thờ dâng của lễ thiêu đóng bằng gỗ cây si-tim, bọc đồng pha, như được mô tả trong Xuất Ê-díp-tô Ký 27:1-8 [1]
Bàn thờ dâng của lễ thiêu được đóng bằng gỗ cây si-tim, tiếng Việt gọi là cây “keo,” bọc đồng pha và còn được gọi là:
- “Bàn thờ đồng pha” (Xuất Ê-díp-tô Ký 39:39; I Các Vua 8:64).
- “Bàn thờ của Thiên Chúa” (Thi Thiên 43:4)
- “Bàn thờ của Chúa” (Ma-la-chi 2:13)
Bàn thờ dâng của lễ thiêu được đặt tại trước cửa đền tạm (Xuất Ê-díp-tô Ký 40:6, 29; Ê-xê-chi-ên 8:16). Bàn thờ dâng của lễ thiêu được thánh hóa bằng cách dâng sinh tế làm lễ chuộc tội cho bàn thờ và xức dầu cho bàn thờ trong suốt bảy ngày, mỗi ngày dâng một con bò đực. Sau khi được thánh hóa thì bàn thờ dâng của lễ thiêu trở nên cực thánh, vật chi chạm vào bàn thờ cũng sẽ trở nên thánh (Xuất Ê-díp-tô Ký 29:36-37). Cách thức thánh hóa bàn thờ dâng của lễ thiêu trong thời Vương Quốc Ngàn Năm được ghi trước trong Ê-xê-chi-ên 43:18-17.
Cách thức đóng bàn thờ dâng của lễ thiêu lần đầu tiên được Thiên Chúa phán truyền cho Môi-se như sau:
Xuất Ê-díp-tô Ký 27:
1 Ngươi cũng hãy đóng một bàn thờ bằng cây si-tim, hình vuông, năm thước bề dài, năm thước bề ngang, và bề cao ba thước [2].
2 Nơi bốn góc bàn thờ hãy làm sừng, các sừng của nó giống nhau. Ngươi hãy bọc nó bằng đồng.
3 Những đồ phụ tùng của bàn thờ thì hãy làm bằng đồng: bình đựng tro, vá, ảng, nỉa và bình hương.
4 Lại làm cho bàn thờ một tấm rá bằng lưới đồng; và nơi bốn góc rá làm bốn cái khoen bằng đồng;
5 rồi để rá đó dưới thành bàn thờ, từ dưới chân lên đến nửa bề cao.
6 Cũng hãy chuốt đòn khiêng bàn thờ bằng cây si-tim, bọc đồng,
7 rồi xỏ vào những khoen; khi khiêng đi, đòn sẽ ở hai bên bàn thờ.
8 Bàn thờ sẽ đóng bằng ván, trống bộng, làm y như đã chỉ cho ngươi trên núi vậy.
Chúng ta cần ghi nhớ điều này, chữ “đồng” được dùng trong Bản Dịch Truyền Thống của Thánh Kinh Việt ngữ, trong các phân đoạn nói về bàn thờ, lẽ ra phải là “đồng pha,” vì từ ngữ gốc trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ là “nechôsheth,” H5178, được dùng để chỉ chất hợp kim đồng pha kẽm.
Kích thước của bàn thờ dâng của lễ thiêu trong đền thờ do Vua Sa-lô-môn xây dựng vào năm 832 TCN – 825 TCN, lớn hơn kích thước của bàn thờ dâng của lễ thiêu trong đền tạm do Môi-se xây dựng.
“Người lại làm một cái bàn thờ đồng, bề dài hai mươi thước, bề ngang hai mươi thước và bề cao mười thước [2]” (II Sử Ký 4:1).
Trong I Sử Ký 28:11-19 cho biết Vua Đa-vít đã truyền lại cho Vua Sa-lô-môn các kiểu mẫu về việc xây cất đền thờ, là những kiểu mẫu mà Vua Đa-vít “đã nhờ Đức Thánh Linh cảm động mà được” và “nhờ tay của Đức Giê-hô-va chép ra” khiến cho ông hiểu biết. Trong lễ khánh thành đền thờ, “sự vinh quang của Đức Giê-hô-va đầy dẫy trong đền thờ,” cho thấy, Đức Giê-hô-va chấp nhận đền thờ do Vua Sa-lô-môn xây dựng. Nói cách khác, những chi tiết diễn tả về đền thờ trong II Sử Ký 3-4, kể cả việc làm tượng chê-ru-bin và tượng bò, đều là chỉ thị của Thiên Chúa.
Trong khải tượng của Tiên Tri Ê-xê-chi-ên, bàn thờ dâng của lễ thiêu lại có kích thước như sau:
Ê-xê-chi-ên 43:
13 Nầy là mực thước của bàn thờ, bằng cu-đê mà mỗi cu-đê dài hơn cu-đê thường một gang tay. Cái nền cao một cu-đê, và rộng một cu-đê, cái lợi vòng quanh theo nó cao một gang; đó là cái đế bàn thờ [4].
14 Từ cái nền ngang mặt đất cho đến cái khuôn dưới, có hai cu-đê, với cái lợi một cu-đê. Từ khuôn nhỏ cho đến khuôn lớn là bốn cu-đê, với cái lợi một cu-đê.
15 Mặt bàn thờ có bốn cu-đê, và từ mặt bàn thờ mọc lên bốn cái sừng.
16 Mặt bàn thờ có mười hai cu-đê bề dài và mười hai cu-đê bề ngang, sẽ là vuông.
17 Khuôn giữa, hoặc bề dài hoặc bề ngang, bốn phía mỗi phía đều có mười bốn cu-đê; có một cái lợi chung quanh nửa cu-đê; và một cái nền một cu-đê, những cấp của nó sẽ xây về phía đông.
18 Người nói cùng ta rằng: Hỡi con người, Chúa Giê-hô-va phán như vầy: Nầy là các luật về bàn thờ, vừa ngày nó đã được xây xong đặng người ta có thể dâng của lễ thiêu và làm lễ rưới huyết trên đó.
Các nhà giải kinh đều đồng ýrằng, từ Ê-xê-chi-ên chương 40 cho đến Ê-xê-chi-ên chương 48 là những lời tiên tri về thời kỳ của Vương Quốc Ngàn Năm Bình An.
Khải tượng của Ê-xê-chi-ên, như trích dẫn trên đây, là về kích thước của đền thờ sẽ được tái thiết trong thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm; và rất có thể khác với đền thờ dân I-sơ-ra-ên sẽ tái thiết trong một tương lai rất gần, trước kỳ đại nạn hoặc vào năm đầu của kỳ đại nạn, là đền thờ mà vào thời điểm giữa của bảy năm đại nạn, Anti-Christ sẽ vào ngồi trong đền thờ ấy, xưng mình là Thiên Chúa và buộc muôn dân trên đất phải thờ lạy hắn.
2. Bàn Thờ Dâng Hương
Hình minh họa bàn thờ dâng hương đóng bằng gỗ cây si-tim, bọc vàng,
như được mô tả trong Xuất Ê-díp-tô Ký 27:1-8 [4]
Bàn thờ dâng hương cũng được đóng bằng gỗ của cây si-tim nhưng được bọc vàng và còn được gọi là:
- “Bàn thờ vàng” (Xuất Ê-díp-tô Ký 39:38; Dân Số Ký 4:11).
- “Bàn thờ xông hương” (Lê-vi Ký 4:7).
- “Bàn thờ trước Thiên Chúa” (Lê-vi Ký 16:18).
Bàn thờ dâng hương được đặt tại trong nơi thánh của đền tạm hoặc đền thờ, trước bức màn che Rương Bảng Chứng, đối diện với Nắp Thi Ân (Xuất Ê-díp-tô Ký 30:6; 40:5, 26). Cách thức đóng bàn thờ dâng hương được Thiên Chúa phán truyền cho Môi-se như sau:
Xuất Ê-díp-tô Ký 30:
1 Ngươi cũng hãy đóng một cái bàn thờ bằng cây si-tim, để xông hương.
2 Mặt bàn sẽ vuông, bề dài một thước, bề ngang một thước, và bề cao hai thước; bàn thờ sẽ có bốn sừng ló ra [2].
3 Ngươi hãy bọc vàng ròng trên mặt, bốn cạnh chung quanh và các sừng; còn tứ vi chạy đường viền vàng.
4 Dưới đường viền đó, nơi hai bên, hãy làm hai cái khoen bằng vàng, để xỏ đòn dùng đặng khiêng.
5 Hãy chuốt đòn khiêng bằng cây si-tim, bọc vàng.
6 Ngươi sẽ để bàn thờ đó trước bức màn che hòm bảng chứng đối cùng nắp thi ân trên hòm, là nơi ta sẽ gặp ngươi.
7 Mỗi buổi sớm mai, khi A-rôn làm đèn, sẽ xông hương tại nơi đó.
8 Vào lúc chiều tối, khi A-rôn thắp đèn, cũng sẽ xông hương: ấy là một thứ hương phải xông trước mặt Đức Giê-hô-va luôn luôn, trải qua các đời.
9 Trên bàn thờ nầy chớ xông hương lạ, hoặc dâng của lễ thiêu, của lễ chay hay là lễ quán nào hết.
10 Nhưng trải qua các đời, mỗi năm một lần, A-rôn sẽ lấy huyết của con sinh tế chuộc tôi, bôi trên sừng bàn thờ nầy đặng chuộc tội cho nó. Ấy sẽ là một việc rất thánh cho Đức Giê-hô-va.
Trong Ê-sai 6:6 nói đến một bàn thờ ở trên trời và Ê-xê-chi-ên 41:2 nói đến bàn thờ trong đền thờ mới của thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm, có lẽ đều là nói đến bàn thờ dâng hương. Trong Khải Huyền 8:3, 5 và 9:13 có đề cập đến bàn thờ dâng hương ở trên trời, và gọi là “bàn thờ vàng.” Rất có thể, bàn thờ được đề cập trong Khải Huyền 6:9; 11:1; 14:18; 16:7 đều là chỉ về bàn thờ dâng hương.
Ý Nghĩa Thần Học của Các Bàn Thờ
Theo như đã trình bày trên đây, chúng ta nhận thấy, bàn thờ là nơi để con dân Chúa thể hiện sự thờ phượng Chúa. Sự thờ phượng Thiên Chúa có thể là sự xưng nhận Thiên Chúa hoặc cảm tạ Thiên Chúa qua sự lập một bàn thờ mà không liên quan gì đến các lễ vật. Sự thờ phượng Thiên Chúa cũng được thể hiện bằng cách dâng các của lễ thiêu, các của lễ chay hoặc dâng hương trên bàn thờ.
Trước khi dân I-sơ-ra-ên xây dựng đền tạm, Chúa truyền cho con dân Chúa lập bàn thờ thờ phượng Chúa bằng đất hoặc đá nguyên khối, không đẽo gọt. Khi đã có đền thờ tạm thì Chúa truyền cho con dân Chúa thiết lập một bàn thờ dâng của lễ thiêu đóng bằng gỗ si-tim, bọc đồng pha và một bàn thờ dâng hương cũng đóng bằng gỗ si-tim nhưng bọc vàng ròng, để dùng vào sự thờ phượng Thiên Chúa trong đền tạm.
Qua đó chúng ta nhận thấy, bàn thờ bằng đất hay bằng đá có thể được lập nên để thờ phượng Thiên Chúa khắp nơi, nhưng trong đền thờ thì phải lập nên hai kiểu bàn thờ theo đúng kiểu, kích thước, và vật liệu mà Chúa đã chỉ định, cùng với sự phải thi hành đúng cách thức dâng của lễ trên bàn thờ, cũng do Chúa chỉ định.
Gần đây có một người anh em trong Chúa hỏi tôi về ý nghĩa của các bàn thờ. Thánh Kinh không nói về ý nghĩa của các bàn thờ. Vì thế, những ý nghĩa về bàn thờ ra từ sự suy ngẫm của người học Lời Chúa được gọi là các ý nghĩ thần học dựa trên Thánh Kinh, tức là các ý nghĩ nhận được khi suy nghiệm về Thiên Chúa và những điều thuộc về Thiên Chúa qua Lời Chúa. Nếu ý nghĩ thần học không nghịch lại với các lẽ thật đã được bày tỏ trong Thánh Kinh thì chúng ta có thể chấp nhận và áp dụng trong đức tin, thực hành trong nếp sống Đạo.
Tôi tra tìm nhiều tài liệu giải kinh và nhiều bộ từ điển về ý nghĩa của các bàn thờ nhưng không tìm thấy. Tôi chỉ biết cầu nguyện xin Chúa giúp tôi hiểu được ý nghĩa của các bàn thờ. Dưới đây là những ý nghĩ thần học mà tôi nhận biết được khi suy ngẫm về các bàn thờ Thiên Chúa.
1. Bàn thờ bằng đất: Thân thể xác thịt của loài người ra từ bụi đất (Sáng Thế Ký 2:7), vì thế, bàn thờ bằng đất tiêu biểu cho sự kiện: thân thể xác thịt của loài người do Thiên Chúa dựng nên để thờ phượng Ngài
2. Bàn thờ bằng đá:Đá được dùng làm nền tảng trong các công trình xây dựng, đức tin của một người vào Thiên Chúa là nền tảng cho cuộc sống và sự thờ phượng Thiên Chúa của người ấy, vì thế, bàn thờ bằng đá tiêu biểu cho sự thờ phượng Thiên Chúa được đặt trên đức tin của con dân Chúa.
Trong Tân Ước, Đức Chúa Jesus Christ gọi đức tin của Phi-e-rơ là “đá,” sau khi ông tuyên xưng: Chúa là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời hằng Sống! “Ngươi là Phi-e-rơ, Ta sẽ lập Hội Thánh Ta trên đá này, các cửa âm phủ chẳng thắng được hội đó” (Ma-thi-ơ 16:18). Trong ngụ ngôn xây nhà, Đức Chúa Jesus Christ ví những ai tin và làm theo lời phán dạy của Ngài cũng giống như một người khôn ngoan cất nhà mình trên nền đá, tức là xây dựng cuộc sống của mình trên đức tin vào Lời Chúa (Lu-ca 6:48).
Đá dùng làm bàn thờ không được đẽo, gọt, về mặt thực tế để tránh việc con dân Chúa bị cám dỗ chạm các hình tượng; về mặt thần học có nghĩa là đức tin của con dân Chúa phải thuần khiết dựa trên lẽ thật của Lời Chúa, không được theo ý riêng mà thêm vào hay bớt đi (“đẽo, gọt” hay “chạm trổ”) nội dung của Lời Chúa.
Bàn thờ bằng đất và bàn thờ bằng đá có thể được dựng nên bất cứ nơi nào có sự hiện diện của con dân Chúa. Bàn thờ bằng đất và bàn thờ bằng đá tiêu biểu cho con dân Chúa dùng mọi hoạt động của thân thể xác thịt và đức tin trong tâm thần mình mà thờ phượng Thiên Chúa.
Riêng trong đền tạm hoặc đền thờ thì có hai bàn thờ làm bằng gỗ si-tim, một bọc đồng pha được dùng để dâng các của lễ thiêu và một bọc vàng ròng để dâng hương. Si-tim là loại cây có nhựa thơm, chất sáp tiết ra từ thân cây được dùng làm hương liệu, vì thế, gỗ cây si-tim luôn tỏa ra hương thơm, tiêu biểu cho sự thánh sạch.
3. Bàn thờ bọc đồng pha: Đồng pha là đồng pha kẽm, (tiếng Anh gọi là brass), hoặc đồng pha thiết, (tiếng Anh gọi là bronze), vừa tiêu biểu cho sự bất khiết, vì không nguyên chất, tức tội lỗi, vừa tiêu biểu cho sự phán xét của Thiên Chúa trên tội lỗi, lại vừa tiêu biểu cho ơn cứu rỗi của Thiên Chúa.
Dân Số Ký 21 ghi lại câu chuyện về con rắn bằng đồng, như sau: Dân I-sơ-ra-ên phạm tội bị Chúa sai những con rắn lửa đến cắn, khiến nhiều người chết. Sau khi Môi-se cầu xin Chúa, Chúa phán bảo Môi-se phải làm hình tượng một con rắn lửa bằng đồng, treo lên một trụ hình, để người nào bị rắn lửa cắn, ngước nhìn lên tượng đồng của con rắn thì sẽ được cứu. Con rắn tiêu biểu cho Sa-tan, là kẻ đem sự chết đến cho loài người khi loài người chống nghịch Thiên Chúa. Chất đồng pha tiêu biểu cho tội lỗi. Con rắn bằng đồng bị treo trên trụ hình tiêu biểu cho Sa-tan bị Đức Chúa Trời rủa sả (Phục Truyền Luật Lệ Ký 21:23), bị Đức Chúa Jesus Christ đánh bại (Sáng Thế Ký 3:15), bị hình phạt (Khải Huyền 20:2, 20), và tội lỗi cũng bị hình phạt (Rô-ma 2:9; 6:23). Giăng 3:14-15 cho chúng ta biết: Con rắn bằng đồng còn tiêu biểu cho Đức Chúa Jesus Christ mang lấy thân phận của tội nhân để chịu hình phạt thay cho loài người. Vì tội lỗi đã bị hình phạt nên những ai tin nhận điều đó thì được thoát ra khỏi hậu quả của tội lỗi, là sự đau khổ và sự chết.
Phục Truyền Luật Lệ Ký 28:23 chép lại lời cảnh cáo của Môi-se truyền cho dân I-sơ-ra-ên, như sau: “Các từng trời ở trên đầu ngươi sẽ như đồng, và đất dưới chân ngươi sẽ như sắt.” “Các từng trời như đồng” tiêu biểu cho sự đoán phạt sẽ từ Thiên Chúa giáng xuống trên dân I-sơ-ra-ên, nếu họ phạm tội. “Đất dưới chân như sắt” tiêu biểu cho sự gông cùm, xiềng xích trong thân phận nô lệ tại những nơi Thiên Chúa lưu đày dân I-sơ-ra-ên, nếu họ phạm tội.
Khải Huyền 1:15 so sánh đôi chân của Đức Chúa Jesus Christ như đồng sáng đã luyện trong lò lửa. Ma-la-chi 4:3 chép: “Các ngươi sẽ giày đạp những kẻ ác, vì trong ngày Ta làm, chúng nó sẽ như là tro dưới bàn chơn các ngươi, Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy.” Vì thế, đôi chân như đồng tiêu biểu cho sức mạnh tiêu diệt, chà nát kẻ phạm tội mà không ăn năn.
Bàn thờ đóng bằng gỗ si-tim, bọc đồng pha tiêu biểu cho sự Thiên Chúa hình phạt tội lỗi một cách nghiêm khắc. Nguyên cớ của sự hình phạt nghiêm khắc là vì Ngài là Đấng Thánh, không thể chấp nhận tội lỗi.
Sự dâng sinh tế ngày hai lần vào buổi sớm mai và chiều tối (Xuất Ê-díp-tô Ký 29:38-39) tiêu biểu cho sự kiện con dân Chúa ngày hai lần phải dâng chính thân thể mình làm của lễ sống và thánh lên Thiên Chúa (Rô-ma 12:1). Đó là việc cần phải làm “luôn luôn, trải qua các đời” (Xuất Ê-díp-tô Ký 29:42).
4. Bàn thờ bọc vàng ròng: Vàng là một chất kim loại quý, tiêu biểu cho sự giàu sang, quyền thế, vinh hiển, đáng tôn, đáng quý. Thi Thiên 19:7-10 cho biết: Luật pháp, chứng cớ, giềng mối, điều răn, và các đoán ngữ của Đức Giê-hô-va quý hơn vàng ròng. Châm Ngôn 16:16 cho biết: Sự khôn ngoan quý hơn vàng ròng. Khải Huyền 1:13 dùng hình ảnh các chân đèn bằng vàng tiêu biểu cho các Hội Thánh địa phương. Khải Huyền 21:18, 21 cho biết trong trời mới đất mới, thành Giê-ru-sa-lem từ trời giáng xuống đất có tường thành xây bằng vàng ròng và đường đi trong thành được lót bằng vàng ròng.
Bàn thờ đóng bằng gỗ si-tim bọc vàng ròng tiêu biểu cho sự thờ phượng Thiên Chúa của những người đã được cứu chuộc, đứng trong địa vị thánh khiết và tôn quý mà thờ phượng Thiên Chúa. Gỗ si-tim tiêu biểu cho bản chất thánh khiết của thánh đồ. Vàng ròng bọc ngoài tiêu biểu cho sự vinh quang và tôn quý tuyệt đối mà Đấng Christ đã mặc cho mỗi thánh đồ.
Giăng 17:22 ghi lại lời của Đức Chúa Jesus Christ thưa cùng Đức Chúa Cha rằng, Ngài đã ban sự vinh quang mà Đức Chúa Cha ban cho Ngài, cho những kẻ thuộc về Ngài. Khải Huyền 1:6 cho biết Đức Chúa Jesus Christ đã lấy máu Ngài rửa sạch tội những kẻ thuộc về Ngài và ban cho họ địa vị vua và thầy tế lễ của Đức Chúa Trời. I Phi-e-rơ 2:9-10 gọi các thánh đồ của Chúa là: “dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh” là dân thuộc về Thiên Chúa.
Bàn thờ bọc vàng ròng chỉ được dùng để dâng hương. Khải Huyền 5:8 ví lời cầu nguyện của các thánh đồ là hương thơm dâng lên Thiên Chúa. Sự cầu nguyện, vì vậy, chính là sự tương giao, thông công giữa con dân Chúa và Thiên Chúa. Mỗi năm một lần, thầy tế lễ thượng phẩm bôi máu của con sinh bị giết làm tế lễ chuộc tội vào bốn sừng của bàn thờ dâng hương (Xuất Ê-díp-tô Ký 30:10). Điều đó tiêu biểu cho sự ghi nhớ rằng, địa vị tôn quý của các thánh đồ và đặc quyền được tương giao với Thiên Chúa của các thánh đồ được đặt trên nền tảng sự hy sinh chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ.
Sự xông hương ngày hai lần trên bàn thờ dâng hương vào buổi sớm mai và chiều tối (Xuất Ê-díp-tô Ký 30:7-8) tiêu biểu cho sự kiện: Ít nhất ngày hai lần, con dân Chúa phải biệt riêng thì giờ để tương giao với Chúa, để dâng lên Chúa lời tôn vinh, cảm tạ. Đó là việc cần phải làm “luôn luôn, trải qua các đời” (Xuất Ê-díp-tô Ký 30:8).
Hai bàn thờ bằng gỗ si-tim được bọc đồng pha và vàng ròng chỉ được lập ra trong đền tạm hoặc đền thờ. Đền tạm tiêu biểu cho nhà của Đức Chúa Trời là Hội Thánh trong thời Tân Ước. Đền thờ tiêu biểu cho vương quốc của Đức Chúa Trời trong thời Vương Quốc Ngàn Năm. Trong cõi trời mới đất mới thì không còn đền thờ nữa, vì Đức Chúa Trời và Chiên Con là đền thờ (Khải Huyền 21:22). Hai bàn thờ trong đền tạm và đền thờ tiêu biểu cho sự thờ phượng Chúa trong Hội Thánh và trong Vương Quốc Ngàn Năm. Sự thờ phượng đó dựa trên:
- Sự chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, sự các thánh đồ dâng chính thân thể mình làm của lễ sống và thánh lên Chúa, thể hiện qua bàn thờ dâng sinh tế bọc đồng pha.
- Sự thánh khiết của con dân Chúa trong địa vị tôn quý của thầy tế lễ, của nhà vua, trong sự hầu việc Chúa mỗi ngày trong cuộc sống, thể hiện qua bàn thờ dâng hương bọc vàng ròng..
Kết Luận
Ngày nay, là con dân Thiên Chúa chúng ta không lập bàn thờ Thiên Chúa, bởi vì:
- Chính thân thể của chúng ta là bàn thờ dâng của lễ thiêu, làm bằng gỗ si-tim bọc đồng pha, mà của lễ dâng lên Thiên Chúa là sự làm chết các chi thể trên đất của chúng ta mỗi ngày (Cô-lô-se 3:5) và dâng các chi thể của chúng ta lên Đức Chúa Trời như là những đồ dùng về sự công bình (Rô-ma 6:13), làm ra những việc lành Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho chúng ta (Ê-phê-sô 2:10).
- Chính tâm thần của chúng ta là bàn thờ dâng hương làm bằng gỗ si-tim bọc vàng ròng, mà lời tạ ơn, tôn vinh, và cầu xin của chúng ta là thức hương thơm dâng lên Chúa.
Trong thời Vương Quốc Ngàn Năm Bình An, đền thờ tại Giê-ru-sa-lem sẽ được tái lập như Tiên Tri Ê-xê-chi-ên đã được mạc khải. Khi đó, bàn thờ dâng của lễ thiêu, bàn thờ dâng hương, và mọi nghi thức thờ phượng Thiên Chúa như được ghi chép trong Cựu Ước sẽ được tái lập. Mục đích là để con dân Chúa trong mọi thời đại được học biết ý nghĩa sâu rộng của sự cứu rỗi và sự thờ phượng Thiên Chúa qua các lễ nghi do chính Ngài thiết lập.
Trong cõi trời mới đất mới, Đức Chúa Trời và Chiên Con, tức Đức Chúa Jesus Christ, sẽ là đền thờ và mỗi một công dân của Vương Quốc Trời sẽ là một bàn thờ, thờ phượng Thiên Chúa cho đến đời đời. A-men!
Huỳnh Christian Timothy
08.09.2012
Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết này:
http://www.mediafire.com/view/?1giss3g5mpm04e5
Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống MP3 bài giảng này:
http://timhieutinlanh.net/node/1003
Ghi Chú
[A] Tất cả những câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là từ Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời và Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống Hiệu Đính 2012. Quý bạn có thể đọc trên mạng: www.ngoiloi.thanhkinhvietngu.netvà www.thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.
[B] Dùng hai nối mạng dưới đây để tra xem ý nghĩa trong Anh ngữ và nghe cách phát âm của một từ ngữ Hê-bơ-rơ trên Internet:
- Xem nghĩa: http://studybible.info/strongs/H0001(thay thế 0001 bằng mã số Strong của từ ngữ muốn tra).
- Nghe cách phát âm: http://www.studylight.org/cgi-bin/Lexicon.pl?id=0001h.rm&l=en(thay thế 0001 bằng mã số Strong của từ ngữ muốn tra).
[C] Dùng hai nối mạng dưới đây để tra xem ý nghĩa trong Anh ngữ và nghe cách phát âm của một từ ngữ Hy-lạp trên Internet:
- Xem nghĩa: http://studybible.info/strongs/G0001(thay thế 0001 bằng mã số Strong của từ ngữ muốn tra).
- Nghe cách phát âm: http://www.studylight.org/cgi-bin/Lexicon.pl?id=0001g.rm&l=en(thay thế 0001 bằng mã số Strong của từ ngữ muốn tra).
[1] http://tabernacleproject.info/2009/08/exodus-27-01-8-bronze-altar/
[2] Mỗi thước (trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ là “’ammâh,” H520, dịch sang tiếng Anh là “cubit”) tương đương 1/2 mét. Cây si-tim, tức là cây “keo,” là một loại cây gỗ tiết ra chất nhựa có mùi thơm.
[3] “Cu-đê” cũng chính là “’ammâh,” H520 được dùng trong Xuất Ê-díp-tô Ký 27:1 như ghi chú [2] trên đây. “Một gang tay” tương đương bề rộng của lòng bàn tay, khoảng chừng 10cm. Như vậy, kích thước của một “cu-đê” tương đương 60cm.
[4] http://tabernacleproject.info/2009/08/exodus-3001-10-incense-altar/
Copyright Notice: All Rights Reserved © 2012 Vietnamese Christian Mission Ministry. Thông Báo Tác Quyền: Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức nhưng xin giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.