Ba Phương Diện của Sự Cứu Rỗi: Sự Xưng Nghĩa, Sự Tái Sinh, và Sự Thánh Hóa

7,043 views

Huỳnh Christian Timothy
Bấm vào đây để download bài viết này

Lưu ý:Trong bài viết này, những câu Thánh Kinh trong các sách Giăng và Khải Huyền được trích từ Bản Dịch Ngôi Lời [1], những câu còn lại được trích từ Bản Dịch Phan Khôi.

Nếu bạn đang kết nối với Internet trong khi đọc bài này thì bạn có thể bấm vào các mã số Strong như: H6663G1334 để xem định nghĩa các từ ngữ; bấm vào các ký hiệu phát âm như: (tsaw-dak’) và (dik-ah-yo’-o) để nghe cách phát âm. 

I. Dẫn Nhập

Sự xưng nghĩa, sự tái sinh, và sự thánh hóa là ba yếu tố liên kết với nhau trong sự cứu rỗi mà Đức Chúa Jesus Christ đã ban cho nhân loại. Một người thật lòng tin nhận sự cứu rỗi của Đấng Christ cần hiểu rõ ý nghĩa và sự liên kết của ba yếu tố này trong ơn cứu rỗi; nhờ đó, người ấy có thể sống một đời sống ngày càng tăng trưởng trong đức tin và đắc thắng trong Đấng Christ.

Sự khác biệt và mối tương quan của ba yếu tố này được Thánh Kinh trình bày rất rõ ràng; nhưng từ cuối thế kỷ thứ tư cho đến nay, các tư tưởng thần học lẫn lộn giữa sự xưng nghĩa với sự tái sinh hoặc giữa sự xưng nghĩa với sự thánh hóa, đã tạo ra các giáo lý không đúng với Thánh Kinh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tăng trưởng đức tin của con dân Chúa.

Trước hết, chúng ta cần nhận biết: nguyên cớ, đối tượng, ý nghĩa, phương cách, tiến trình, và thành quả của sự cứu rỗi.

Nguyên cớ của sự cứu rỗi là “vì Ðức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16).

Đối tượng của sự cứu rỗi là toàn thể loài người, kể từ A-đam cho đến người cuối cùng được sinh ra trong trời cũ đất cũ này: “vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 3:23).

Ý nghĩa của sự cứu rỗi là: (1) Đức Chúa Trời cứu loài người ra khỏi hậu quả của tội lỗi là sự hư mất, bao gồm: sự chết thể xác, sự chết tâm linh, phải chịu phán xét về mọi tội lỗi đã làm ra và chịu khổ đời đời trong hỏa ngục. (2) Đức Chúa Trời cứu loài người ra khỏi quyền lực của tội lỗi đang cai trị trong xác thịt đang chết của loài người. (3) Đức Chúa Trời phục hồi địa vị làm con của Đức Chúa Trời, ban sự sống lại và sự sống đời đời cho người được cứu.

Phương cách của sự cứu rỗi là Đức Chúa Jesus Christ chịu khổ, chịu chết, chịu phân cách với Đức Chúa Cha để gánh thay hậu quả của tội lỗi cho toàn thể nhân loại: “Ấy chính Ngài làm của lễ chuộc tội lỗi chúng ta, không những vì tội lỗi chúng ta thôi đâu, mà cũng vì tội lỗi cả thế gian nữa” (I Giăng 2:2).

Tiến trình của sự cứu rỗi bắt đầu với sự xưng nghĩa, dẫn đến sự tái sinh, đem lại một đời sống mới được thánh hóa bởi quyền phép của Đức Thánh Linh qua lẽ thật của Lời Chúa.

Thành quả của sự cứu rỗi là: Trong đời này, người được cứu được thông công với Đức Chúa Trời, được đầy dẫy Thánh Linh, có thẩm quyền trên ma quỷ, trên tội lỗi, và vui hưởng sự bình an, thỏa lòng trong mọi cảnh ngộ của đời sống, dù có phải trải qua nhiều nỗi khó khăn trên bước đường theo Chúa. Trong đời sau, người được cứu sẽ sống đời đời, vô cùng phước hạnh, với Đức Chúa Trời trong trời mới, đất mới.

II. Sự Xưng Nghĩa

Quan hệ giữa Đức Chúa Trời với loài người được thiết lập trên luật pháp của Đức Chúa Trời. Luật pháp của Đức Chúa Trời là mọi ý muốn và lời phán của Ngài, phản ánh bản tính của Ngài, là tiêu chuẩn công bình, thánh khiết, và yêu thương do chính Ngài đặt ra và yêu cầu loài người vâng phục, được ghi chép trong Thánh Kinh. Nếu loài người vâng phục luật pháp của Đức Chúa Trời thì được ở trong địa vị làm con của Đức Chúa Trời và được sống đời đời trong hạnh phúc với Ngài. Nếu loài người không vâng phục luật pháp của Đức Chúa Trời thì sẽ bị hư mất, bị mất quyền làm con của Đức Chúa Trời, và phải chịu khổ đời đời trong hỏa ngục.

Đức tin là sự hoàn toàn tin cậy luật pháp của Đức Chúa Trời, tức là vâng phục mọi ý muốn và lời phán của Đức Chúa Trời, được thể hiện qua sự tôn kính, yêu mến luật pháp của Ngài, và hết lòng, tận sức làm theo luật pháp của Ngài. Tội lỗi là sự không vâng phục luật pháp của Đức Chúa Trời được thể hiện qua sự xem thường luật pháp của Ngài, khó chịu vì luật pháp của Ngài, và quyết định làm nghịch lại luật pháp của Ngài.

Đức Chúa Trời dựng nên loài người giống như Ngài cho nên loài người có trí khôn, biết suy nghĩ, và có ý chí tự quyết. Tổ phụ của loài người là ông A-đam và bà Ê-va đã chọn không vâng phục luật pháp của Đức Chúa Trời, cho nên, đã đem tội lỗi và hậu quả của tội lỗi vào trong toàn thế gian: “Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội” (Rô-ma 5:12).

Thái độ đương nhiên của Đức Chúa Trời công chính và thánh khiết đối với tội lỗi và tội nhân, là tội lỗi phải bị lên án và tội nhân phải bị hình phạt. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời cũng là tình yêu và Ngài yêu thế gian, cho nên, Ngài đã ban cho thế gian sự cứu rỗi qua sự kiện Đức Chúa Jesus Christ hy sinh, gánh thay hình phạt của tội lỗi cho toàn thể nhân loại. Bất cứ tội nhân nào thật lòng ăn năn tội và tin nhận Đức Chúa Jesus Christ, thì người ấy lập tức được Đức Chúa Trời xưng là công nghĩa (hoặc công bình), nói cách ngắn gọn là được xưng nghĩa. Một người đã được Đức Chúa Trời xưng nghĩa là một người đã được Đức Chúa Trời tha tội và được hòa thuận lại với Ngài.

“Xưng nghĩa” trong tiếng Hê-bơ-rơ là צדק, H6663, phiên âm là /tsâdaq/, và phát âm là (tsaw-dak’); trong tiếng Hy-lạp là δικαιόω, G1334, phiên âm là /dikaioō/, và phát âm là (dik-ah-yo’-o); trong tiếng Anh là “justified.”

Sự xưng nghĩa có bảy đặc tính như sau:

1. Sự xưng nghĩa là ân điển của Đức Chúa Trời ban cho người thật lòng ăn năn tội và tin nhận Đấng Christ, chứ không do nơi công đức của người ấy:

“Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, và họ nhờ ân điển Ngài mà được xưng công bình nhưng không, bởi sự chuộc tội đã làm trọn trong Đức Chúa Jesus Christ”(Rô-ma 3:23, 24).

2. Sự xưng nghĩa đến từ Đức Chúa Trời, là hành động xảy ra chỉ một lần và hoàn tất, do Đức Chúa Trời làm ra cho người thật lòng ăn năn tội và tin nhận Đấng Christ, chứ không phải là một tiến trình kéo dài trong đời sống của người tin Chúa:

“Vậy, chúng ta đã được xưng công bình bởi đức tin, thì được hòa thuận với Đức Chúa Trời, bởi Đức Chúa Jesus Christ chúng ta”(Rô-ma 5:1).

3. Một người được Đức Chúa Trời xưng nghĩa là một người được Đức Chúa Trời kể là không còn chịu trách nhiệm về tội lỗi của mình, vì người ấy đã ăn năn tội và tin nhận rằng Đức Chúa Jesus Christ đã gánh hết trách nhiệm cho mình; đồng thời, người ấy được hưởng tất cả những phước hạnh của một người không có tội:

“Ai sẽ kiện kẻ lựa chọn của Đức Chúa Trời: Đức Chúa Trời là Đấng xưng công bình những kẻ ấy”(Rô-ma 8:33).

“Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Đức Chúa Jesus Christ”(Rô-ma 8:1).

“Còn những kẻ Ngài đã định sẵn, thì Ngài cũng đã gọi, những kẻ Ngài đã gọi, thì Ngài cũng đã xưng là công bình, và những kẻ Ngài đã xưng là công bình, thì Ngài cũng đã làm cho vinh hiển” (Rô-ma 8:30)

4. Sự xưng nghĩa dựa trên sự đổ huyết của Đức Chúa Jesus Christ, không có sự đổ huyết của Đức Chúa Jesus Christ thì không có sự tha tội cho người ăn năn tội:

“Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết. Huống chi nay chúng ta đã nhờ huyết Ngài được xưng công bình, thì sẽ nhờ Ngài được cứu khỏi cơn thạnh nộ là dường nào”(Rô-ma 5:8, 9)!

“Theo luật pháp thì hầu hết mọi vật đều nhờ huyết mà được sạch: không đổ huyết thì không có sự tha thứ”(Hê-bơ-rơ 9:22).

5. Sự công nghĩa của Đức Chúa Jesus Christ bao gồm: sự Ngài vâng phục Đức Chúa Trời một cách trọn vẹn và sự Ngài gánh chịu hình phạt thay cho toàn thể nhân loại, được mặc lấy cho người thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi của Ngài:

“Vì, như bởi sự không vâng phục của một người mà mọi người khác đều thành ra kẻ có tội, thì cũng một lẽ ấy, bởi sự vâng phục của một người mà mọi người khác sẽ đều thành ra công bình”(Rô-ma 5:19).

6. Sự xưng nghĩa hoàn toàn khác biệt với sự tái sinh. Sự xưng nghĩa là do phán quyết của Đức Chúa Trời công bố người được xưng nghĩa không còn trách nhiệm về sự phạm tội, chứ không hề có tính cách thay đổi phẩm chất của người ấy. Sự tái sinh là sự dựng nên mới người đã được xưng nghĩa, hoàn toàn thay đổi phẩm chất của người ấy. Sự xưng nghĩa thay đổi mối quan hệ với Đức Chúa Trời của một người, còn sự tái sinh thay đổi bản chất của một người.

7. Sự xưng nghĩa hoàn toàn khác biệt với sự thánh hóa. Sự xưng nghĩa là phán quyết của Đức Chúa Cha, giúp cho một người có tội được kể là vô tội, dẫn đến sự người đó được tái sinh. Sự thánh hóa là nếp sống được dẫn dắt và ban ơn bởi Đức Thánh Linh, để giúp cho một người đã được tái sinh có năng lực sống một nếp sống hoàn toàn vâng theo luật pháp của Đức Chúa Trời, như Đức Chúa Jesus Christ đã sống giữa thế gian. Sự xưng nghĩa xảy ra chỉ một lần, trong thời điểm một người thật lòng ăn năn tội và tin nhận Đấng Christ. Sự thánh hóa là một tiến trình, xảy ra trong suốt đời sống giữa thế gian của người theo Chúa.

III. Sự Tái Sinh

Như đã trình bày trên đây: Sự xưng nghĩa chỉ thay đổi địa vị của một người từ địa vị tội nhân, là người không vâng phục luật pháp của Đức Chúa Trời, sang địa vị của người công chính, là người vâng giữ luật pháp của Đức Chúa Trời. Sự thay đổi địa vị làm thay đổi mối quan hệ của một người với Đức Chúa Trời, nhưng không làm thay đổi bản chất của người được xưng nghĩa. Sự xưng nghĩa xảy ra nhờ Đấng Christ đứng vào địa vị của tội nhân để tội nhân được đứng vào địa vị của Đấng Christ. Sự xưng nghĩa cần thiết để một người được tái sinh, vì nó khiến cho một người được phục hòa với Đức Chúa Trời để được Ngài ban cho ơn tái sinh; và sự tái sinh làm thay đổi bản chất của người đã được xưng nghĩa.

Từ ngữ “tái sinh” chỉ xuất hiện trong Thánh Kinh Tân Ước, với nguyên ngữ Hy-lạp là παλιγγενεσία, G3824, phiên âm là /paliggenesia/, và phát âm là (pal-ing-ghen-es-ee’-ah), trong tiếng Anh, được dịch là “regeneration” hoặc “new birth,” có nghĩa là “sự sinh ra mới.” Tuy nhiên, các từ ngữ khác trong Tân Ước như: “sinh từ trên cao” (Giăng 3:3, 7 –  Bản Dịch Phan Khôi dịch là “sanh lại”); “sinh bởi Đức Thánh Linh” (Giăng 3:6, 8); “sinh bởi Đức Chúa Trời” (Giăng 1:13); “làm cho sống” (Ê-phê-sô 2:5; Cô-lô-se 2:13); “lại sanh” (Tít 3:5; I Phi-e-rơ 1:3, 23); “dựng nên mới” (II Cô-rinh-tô 5:17) đều có cùng một ý nghĩa.

Sự tái sinh có bảy đặc tính như sau:

1. Sự tái sinh là ân điển thứ hai của Đức Chúa Trời ban cho người thật lòng ăn năn tội và tin nhận Đấng Christ, sau ân điển xưng nghĩa, không liên quan gì đến công đức của người ấy. Ân điển tái sinh được Thánh Kinh gọi là: lòng thương xót lớn của Đức Chúa Trời:

“Tôn vinh Đức Chúa Trời, là Cha Đức Chúa Jesus Christ chúng ta, là Đấng theo lòng thương xót lớn của Ngài đã tái sinh chúng ta, để chúng ta nhờ sự Đức Chúa Jesus Christ sống lại từ trong kẻ chết mà có sự trông cậy sống”  (I Phi-e-rơ 1:3 – Dịch sát nghĩa).

2. Sự tái sinh là hành động xảy ra chỉ một lần và hoàn tất, do Đức Thánh Linh làm ra cho người thật lòng ăn năn tội và tin nhận Đấng Christ, chứ không phải là một tiến trình kéo dài trong đời sống của người tin Chúa. Sự tái sinh khiến cho tâm thần và linh hồn chúng ta được hoàn toàn dựng nên mới, nghĩa là: tâm thần và linh hồn chúng ta, vốn đang chết vì tội lỗi và chết trong tội lỗi, được sinh ra mới bởi Đức Thánh Linh; và chúng ta trở nên giống như Đức Chúa Trời trong bản tính, giống như Đấng Christ trong nếp sống giữa thế gian (thể hiện qua mọi việc làm của xác thịt), trong địa vị làm con thừa kế cơ nghiệp của Đức Chúa Trời:

“Đức Chúa Trời ôi! xin hãy dựng nên trong tôi một lòng trong sạch, và làm cho mới lại trong tôi một thần linh ngay thẳng”(Thi Thiên 51:10).

“Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới” (II Cô-rinh-tô 5:17).

“…mặc lấy người mới, tức là người đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời, trong sự công bình và sự thánh sạch của lẽ thật”(Ê-phê-sô 4:24).

“Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định. Vì Ngài cũng đã định sẵn để nên giống như hình bóng Con Ngài, hầu cho Con nầy được làm Con cả ở giữa nhiều anh em”(Rô-ma 8:28, 29).

3. Sự tái sinh giữ nguyên địa vị được xưng nghĩa của chúng ta, nhờ đó, chúng ta vẫn được gọi là những người công bình của Đức Chúa Trời; đồng thời ban thêm cho chúng ta địa vị được làm con của Đức Chúa Trời, nhờ đó, chúng ta được gọi là con trai và con gái của Đức Chúa Trời. Từ ngữ “con trai và con gái” hàm ý chúng ta nhận được địa vị làm con của Đức Chúa Trời ngay khi còn ở trong thân thể xác thịt này:

“Ta sẽ làm Chúa các ngươi, các ngươi làm con trai con gái Ta, Chúa Toàn năng phán như vậy”(II Cô-rinh-tô 6:18)

“Nhưng hễ những ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho họ năng quyền, để trở nên con cái của Đức Chúa Trời; là ban cho những kẻ tin vào danh Ngài: là những kẻ chẳng phải sinh bởi máu huyết, hoặc bởi ý của xác thịt, cũng chẳng bởi ý người, nhưng sinh bởi Đức Chúa Trời”(Giăng 1:12, 13).

4. Sự tái sinh báp tem chúng ta vào trong sự chết và sự sống lại của Đấng Christ; báp tem chúng ta vào trong thân thể của Đấng Christ, là Hội Thánh; báp-tem chúng ta vào trong Thánh Linh của Đức Chúa Trời, khiến cho chúng ta được dự phần trong bản tính của Đức Chúa Trời, và thân thể của chúng ta trở thành đền thờ của Đức Chúa Trời bởi sự hiện diện của Đức Thánh Linh:

“Hay là, anh em chẳng biết rằng chúng ta thảy đều đã chịu phép báp-tem trong Đức Chúa Jesus Christ, tức là chịu phép báp-tem trong sự chết Ngài sao? Vậy chúng ta đã bị chôn với Ngài bởi phép báp-tem trong sự chết Ngài, hầu cho Đấng Christ nhờ vinh hiển của Cha được từ kẻ chết sống lại thể nào, thì chúng ta cũng sống trong đời mới thể ấy. Vì nếu chúng ta làm một cùng Ngài bởi sự chết giống như sự chết của Ngài, thì chúng ta cũng sẽ làm một cùng Ngài bởi sự sống lại giống nhau”(Rô-ma 6:3-5).

“Anh em há chẳng biết thân thể mình là chi thể của Đấng Christ sao?…”(I Cô-rinh-tô 6:15).

“Hội Thánh là thân thể của Đấng Christ, tức là sự đầy đủ của Đấng gồm tóm mọi sự trong mọi loài”(Ê-phê-sô 1:23).

“Anh em há chẳng biết mình là đền thờ của Đức Chúa Trời, và Thánh Linh Đức Chúa Trời ở trong anh em sao?” (I Cô-rinh-tô 3:16).

“Anh em há chẳng biết rằng thân thể mình là đền thờ của Đức Thánh Linh đang ngự trong anh em, là Đấng mà anh em đã nhận bởi Đức Chúa Trời, và anh em chẳng phải thuộc về chính mình sao” (I Cô-rinh-tô 6:19)?

Trong trời mới, đất mới, là vương quốc đời đời của Đức Chúa Trời, chúng ta thấy Thánh Kinh nói đến ngai của Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con (Khải Huyền 22:1) nhưng không thấy nói đến ngai của Đức Thánh Linh. Theo tác giả bài này, có lẽ ngai của Đức Thánh Linh được thể hiện qua hình ảnh của dòng nước sống tuôn tràn từ ngai của Chúa Cha và Chúa Con, vào tận trong lòng của con dân Chúa (Giăng 7:38, 39), khiến cho tấm lòng của con dân Chúa trở thành ngai của Đức Thánh Linh.

Ghi chú ngoài lề:I Cô-rinh-tô 3:16; 6:19 và Công Vụ Các Sứ Đồ 5:3, 4 là một trong những chứng cớ của Thánh Kinh về sự kiện Đức Thánh Linh là Thiên Chúa.

5. Vì sự tái sinh khiến cho chúng ta được báp-tem vào trong Thánh Linh của Đức Chúa Trời – tức là chúng ta nhận được sự sống, bản tính, và quyền phép của Đức Chúa Trời, để sống một đời sống thánh khiết đẹp lòng Chúa, đắc thắng: cám dỗ, tội lỗi, và ma quỷ, để có thể thờ phượng và hầu việc Chúa trong tâm thần và lẽ thật – cho nên, chúng ta không cần tìm kiếm sự kiện “được báp-tem bằng Thánh Linh.” Một người thật lòng ăn năn tội và tin nhận Đấng Christ thì đương nhiên được Đức Chúa Trời xưng nghĩa và tái sinh người ấy. Một người đã được tái sinh thì đương nhiên Thánh Linh của Đức Chúa Trời đã tuôn đổ trên người ấy và  người ấy đã được nhúng chìm trong Thánh Linh của Chúa, tức ân điển, sự sống, và quyền phép của Đức Chúa Trời. Các Phong Trào Ân Tứ và Ngũ Tuần giảng dạy giáo lý tìm kiếm sự nói “tiếng lạ” và báp-tem bằng Thánh Linh là mưu kế thâm độc của Sa-tan nhằm gieo tà giáo vào trong Hội Thánh, khiến những con dân Chúa thiếu sự thông biết Lời Chúa, phủ nhận Thánh Linh của Đức Chúa Trời đã ban cho mình mà tiếp nhận tà linh đến từ Sa-tan. Linh “nói tiếng lạ” (không phải là nói ngoại ngữ như Thánh Kinh ghi lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ 2) và linh của sự “đặt tay té ngã” hoàn toàn không hề được nói đến trong Thánh Kinh, là các tà linh đến từ Sa-tan [2].

Thánh Kinh khẳng định người ở trong Đấng Christ là người được dựng nên mới hoàn toàn:

“Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới”(II Cô-rinh-tô 5:17).

Người được dựng nên mới đó đã được nhận lãnh Đức Thánh Linh và Thánh Linh của Đức Chúa Trời, tức là đã được Đấng Christ báp-tem bằng Thánh Linh, đồng thời đã được nhận lãnh các ân tứ của Đức Thánh Linh. Sự ban cho các ân tứ là tùy theo ý muốn Đức Thánh Linh chứ không phải bởi sự cầu xin của chúng ta (I Cô-rinh-tô 12:11). Chỉ những người còn tánh xác thịt, chưa được tái sinh để nhận lấy bản tính của Đức Chúa Trời mới không nhận được những sự thuộc về Đức Thánh Linh:

“Về phần chúng ta, chúng ta chẳng nhận lấy thần thế gian, nhưng đã nhận lấy Thánh Linh từ Đức Chúa Trời đến, hầu cho được hiểu biết những ơn mà chúng ta nhận lãnh bởi Đức Chúa Trời; chúng ta nói về ơn đó, không cậy lời nói mà sự khôn ngoan của loài người đã dạy đâu, song cậy sự khôn ngoan mà Đức Thánh Linh đã dạy, dùng tiếng thiêng liêng để giải bày sự thiêng liêng. Vả, người có tánh xác thịt không nhận được những sự thuộc về Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời; bởi chưng người đó coi sự ấy như là sự rồ dại, và không có thể hiểu được, vì phải xem xét cách thiêng liêng”(I Cô-rinh-tô 2:12, 13).

Nếu một người thật lòng tin nhận Đấng Christ mà không thật lòng ăn năn tội thì người ấy vẫn không được xưng nghĩa và không được tái sinh. Một người như vậy, sẽ dễ dàng chạy theo các phong trào tìm kiếm sự nói “tiếng lạ” và báp-tem bằng Thánh Linh để rồi mở đường cho các “thần thế gian” tức các tà linh xâm nhập vào thân thể của chính mình. Họ có thể tạo ra các mục vụ lẫy lừng, làm ra nhiều sự lạ lùng trong danh Chúa, nhưng chính Đức Chúa Jesus Christ đã tiên tri về họ trong Ma-thi-ơ 7:22, 23:

“Ngày đó, sẽ có nhiều người thưa cùng Ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, chúng tôi chẳng từng nhơn danh Chúa mà nói tiên tri sao? nhơn danh Chúa mà trừ quỉ sao? và lại nhơn danh Chúa mà làm nhiều phép lạ sao? Khi ấy, Ta sẽ phán rõ ràng cùng họ rằng: Hỡi kẻ làm gian ác, Ta chẳng biết các ngươi bao giờ, hãy lui ra khỏi Ta!”

Trách nhiệm của con dân Chúa là cầu xin sự khôn ngoan từ nơi Chúa để có sự thông biết hầu phân biệt được các tiên tri giả và nếp sống của họ, phân biệt Thánh Linh và tà linh:

“Dân ta bị diệt vì cớ thiếu sự thông biết. Bởi ngươi bỏ sự thông biết thì ta cũng bỏ ngươi, đặng ngươi không làm thầy tế lễ cho ta nữa; bởi ngươi đã quên luật pháp của Đức Chúa Trời mình, thì ta cũng sẽ quên con cái ngươi” (Ô-sê 4:6).

“Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi, không trách móc ai, thì kẻ ấy sẽ được ban cho” (Gia-cơ 1:5)

“Hãy coi chừng tiên tri giả, là những kẻ mang lốt chiên đến cùng các ngươi, song bề trong thật là muông sói hay cắn xé. Các ngươi nhờ những trái nó mà nhận biết được…”(Ma-thi-ơ 7:15, 16).

Những ai đã bị lừa gạt bởi sự giảng dạy của các tiên tri giả, đã dự phần trong các Phong Trào Ân Tứ, Ngũ Tuần, tìm kiếm sự nói “tiếng lạ” và sự báp-tem bằng Thánh Linh, cần phải thật lòng, đến với Chúa để ăn năn, xưng tội, hầu cho thật sự được Đức Chúa Trời xưng nghĩa và tái sinh, thật sự được Đấng Christ báp-tem bằng Thánh Linh; sau đó, nhân danh Đức Chúa Jesus Christ để trục xuất các “thần thế gian” tức các tà linh của Sa-tan, và tất cả những quyền lực của các tà linh ra khỏi thân thể mình.

6. Sự tái sinh khiến cho một người nhận biết Nước Trời và được vào trong Nước Trời.

“Đức Chúa Jesus lên tiếng, đáp rằng: Thật vậy, thật vậy, Ta nói với ngươi: Nếu một người chẳng sinh lại, thì không thể thấy biết được vương quốc của Đức Chúa Trời”(Giăng 3:3).

“Đức Chúa Jesus đáp rằng:Thật vậy, thật vậy, Ta nói với ngươi: Nếu một người chẳng sinh ra bởi nước và bởi Thánh Linh, thì không được vào vương quốc của Đức Chúa Trời” (Giăng 3:5).

7. Sự tái sinh là điều phải có để một người thật lòng ăn năn tội, tin nhận Đấng Christ, có thể bước vào nếp sống được thánh hóa. Không có sự xưng nghĩa thì không có sự tái sinh. Không có sự tái sinh thì không có sự thánh hóa. Sự tái sinh khiến cho chúng ta trở nên giống như Đức Chúa Trời trong bản tính, chỉ xảy ra một lần và trọn vẹn. Sự thánh hóa khiến cho chúng ta thực thi bản tính của Đức Chúa Trời trong thân thể xác thịt của chúng ta, và là một tiến trình, bắt đầu liền sau khi chúng ta được tái sinh và chấm dứt khi chúng ta ra khỏi thân thể xác thịt.

IV. Sự Thánh Hóa

Được “thánh hóa” hoặc được “nên thánh” trong tiếng Hê-bơ-rơ làקדשׁ, H6942, phiên âm là /qâdash/, và phát âm là (kaw-dash’); trong tiếng Hy-lạp là ἁγιάζω, G37, phiên âm là /hagiazō/, và phát âm là (hag-ee-ad’-zo); trong tiếng Anh là “sanctified.” Ý nghĩa tổng quát của từ ngữ này là một người hay một vật được biệt riêng để dùng cho mục đích mà người hay vật đó được dựng nên. Thí dụ: cây bút được “thánh hóa” khi được dùng để viết; cây thước được “thánh hóa” khi được dùng để đo đạc; lưỡi cày được “thánh hóa” khi được dùng để cày xới đất. Trong Thánh Kinh, một vật được thánh hóa khi vật đó được dùng cho mục đích mà Đức Chúa Trời đã định cho nó; một người được thánh hóa khi người ấy sống theo sự thiết kế và ý muốn của Đức Chúa Trời. Ngoài ra, thánh hóa còn có nghĩa là phục hồi địa vị ban đầu của một người hay một vật đã bị ô uế để người hoặc vật ấy có thể sống hoặc được dùng đúng với ý muốn của Đức Chúa Trời.

Ngược lại với được “thánh hóa” là bị “ô uế.” Từ ngữ ô uế trong tiếng Hán Việt có nghĩa là nhiễm vào sự dơ bẩn, bao gồm sự ô uế thuộc thể, lẫn thuộc linh; đó cũng là ý nghĩa của từ ngữ ô uế được dùng trong Thánh Kinh.

Khi Đức Chúa Trời dựng nên muôn vật, Ngài có những mục đích cho muôn vật và Ngài thiết kế muôn vật có chức năng để phục vụ cho những mục đích Ngài đã đặt ra. Muôn vật, bao gồm loài người, được thánh hóa khi ở trong sự vâng phục Đức Chúa Trời. Khi loài người bắt đầu không vâng phục Đức Chúa Trời thì loài người tự làm cho mình bị ô uế, tức là bị nhiễm tội, đồng thời, khiến cho đất và muôn vật trên đất cũng bị ô uế. Từ đó, loài người và muôn vật mà Đức Chúa Trời đã đặt dưới quyền cai trị của loài người đã không còn ở trong tình trạng được thánh hóa nữa; nghĩa là, loài người và muôn vật đã bị ô uế, không còn sống theo sự thiết kế và ý muốn của Đức Chúa Trời. Đó chính là lý do của tất cả đau khổ, bất công, hổn loạn, thiên tai, và chết chóc xảy ra trong thế gian. Đó cũng chính là lý do vì sao loài người cần sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời.

Trong sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời ban cho loài người, điểm chính yếu thứ nhất là Đức Chúa Trời cứu loài người ra khỏi quyền lực và hậu quả của tội lỗi; điểm chính yếu thứ nhì là Đức Chúa Trời thánh hóa những người chịu tin nhận sự cứu rỗi của Ngài. Sự thánh hóa khiến cho chúng ta bày tỏ bản tính của Đức Chúa Trời trong thân thể xác thịt của chúng ta, sống đúng theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Sự thánh hóa là một tiến trình, bắt đầu liền sau khi chúng ta được tái sinh và chấm dứt khi chúng ta ra khỏi thân thể xác thịt.

Người được tái sinh là người được dựng nên mới trong Đức Chúa Jesus Christ, khác với con người cũ được dựng nên trong A-đam. Con người cũ được dựng nên trong A-đam thì mang lấy bản tính ô uế từ A-đam; con người mới được dựng nên trong Đấng Christ thì mang lấy bản tính thánh khiết từ Đấng Christ. Khi Đức Thánh Linh tái sinh một người thì Ngài đã thiết kế cho người được tái sinh có năng lực sống theo tiêu chuẩn thánh khiết, công bình, và yêu thương của Đức Chúa Trời, tức là ý muốn của Đức Chúa Trời, bằng cách dựng nên mới tâm linh của người ấy. Việc còn lại là người đã được tái sinh đó sẽ quyết định sống theo sự đổi mới Đức Thánh Linh đã làm ra cho mình hay tiếp tục sống theo sự ưa muốn của xác thịt.

Khi người đã được tái sinh chịu tiếp nhận sự thánh hóa thì Đức Thánh Linh liên tục khiến cho người ấy sống đúng theo ý muốn của Đức Chúa Trời, bằng cách dùng Lời của Đức Chúa Trời để dạy dỗ, an ủi, cáo trách, ban ơn, và thêm sức. Như vậy, sự thánh hóa bao gồm hành động của Đức Chúa Trời và của loài người. Về phía Thiên Chúa: Đức Chúa Cha thiết kế và ban hành ý muốn, Đấng Christ thì đời đời làm của lễ chuộc tội và cầu thay cho người được thánh hóa, Đức Thánh Linh ban năng lực và dẫn dắt người được thánh hóa. Về phía loài người: loài người phải bằng lòng tiếp nhận và luôn ở trong sự thánh hóa. Thánh Kinh gọi những người ở trong sự thánh hóa là các “thánh đồ.”

Lời phán của Đức Chúa Jesus Christ trong Ma-thi-ơ 5:48: “Thế thì, các ngươi hãy nên trọn vẹn, như Cha các ngươi ở trên trời là trọn vẹn;” là mệnh lệnh truyền cho các môn đồ của Ngài phải ở trong sự thánh hóa. Nếu chúng ta tiếp tục ở trong sự thánh hóa thì chúng ta sẽ đạt đến sự trọn vẹn như Cha của chúng ta ở trên trời. Điều đó sẽ xảy ra trong ngày Đấng Christ làm cho thân thể đã trở về bụi đất của chúng ta được sống lại hoặc biến hóa thân thể đang sống của chúng ta thành thân thể siêu vật chất như thân thể phục sinh của Ngài. Tuy nhiên, điều đó chỉ có thể xảy ra nếu trong lúc còn sống trong thân thể xác thịt này, chúng ta chịu tiếp nhận và ở lại trong sự thánh hóa mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn và làm ra cho chúng ta. Nói cách khác, tiến trình thánh hóa là giai đoạn thử thách tình yêu của chúng ta đối với Đức Chúa Trời. Chúng ta có yêu Chúa đến mức sẵn sàng hy sinh tất cả để được trở nên trọn vẹn như chính Ngài là trọn vẹn hay không?

Sự thánh hóa có bảy đặc tính như sau:

1. Sự thánh hóa là ý muốn của Đức Chúa Trời dành cho con dân của Ngài:

“Trước khi sáng thế, Ngài đã chọn chúng ta trong Đấng Christ, đặng làm cho chúng ta nên thánh không chỗ trách được trước mặt Ngài, trong sự yêu thương”(Ê-phê-sô 1:4).

“Vì ý muốn Đức Chúa Trời, ấy là khiến anh em nên thánh: tức là phải lánh sự ô uế”(I Tê-sa-lô-ni-ca 4:3).

“Bởi chưng Đức Chúa Trời chẳng gọi chúng ta đến sự ô uế đâu, bèn là sự nên thánh vậy”(I Tê-sa-lô-ni-ca 4:7).

“Nhưng, như Đấng gọi anh em là thánh, thì anh em cũng phải thánh trong mọi cách ăn ở mình, bởi có chép rằng: Hãy nên thánh, vì Ta là thánh”(I Phi-e-rơ 1:15,16).

2. Sự thánh hóa do Đức Chúa Trời làm ra cho chúng ta trong danh Đức Chúa Jesus Christ, bởi Đức Thánh Linh:

“Trước kia anh em ít nữa cũng có một đôi người như thế; nhưng nhơn danh Đức Chúa Jesus Christ, và nhờ Đức Linh của Đức Chúa Trời chúng ta, thì anh em được rửa sạch, được nên thánh, được xưng công bình rồi”(I Cô-rinh-tô 6:11).

“Nguyền xin chính Đức Chúa Trời bình an khiến anh em nên thánh trọn vẹn, và nguyền xin tâm thần, linh hồn, và thân thể của anh em đều được giữ vẹn, không chỗ trách được, khi Đức Chúa Jesus Christ chúng ta đến”(I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23)!

3. Phương tiện để thánh hóa chúng ta là huyết của Đấng Christ, Thánh Linh, và Lời của Đức Chúa Trời. Huyết của Đấng Christ rửa sạch mọi tội lỗi của chúng ta, giúp cho chúng ta luôn được ở trong tình trạng được nên thánh:

“…huống chi kẻ giày đạp Con Đức Chúa Trời, coi huyết của giao ước, tức là huyết mà mình nhờ nên thánh, là ô uế, lại khinh lờn Đức Linh của ân điển, thì anh em há chẳng tưởng rằng người ấy đáng bị hình rất nghiêm đoán phạt hay sao” (Hê-bơ-rơ 10:29)?

“Ấy vì đó mà chính mình Đức Chúa Jesus đã chịu khổ tại ngoài cửa thành để lấy huyết mình làm cho dân nên thánh”(Hê-bơ-rơ 13:12).

Thánh Linh giúp cho chúng ta có sự khôn ngoan để hiểu biết Lời Chúa, có năng lực để sống theo Lời Chúa:

“Nếu tôi đã lấy lòng thật dạn dĩ mà viết thơ nói điều nầy điều kia với anh em, ấy là để nhắc lại cho anh em nhớ, bởi ơn Đức Chúa Trời đã làm cho tôi nên chức việc của Đức Chúa Jesus Christ giữa dân ngoại, làm chức tế lễ của Tin Lành Đức Chúa Trời, hầu cho dân ngoại được làm của lễ vừa ý Chúa, nên thánh bởi Thánh Linh. (Rô-ma 15:15, 16).

“chúng ta nói về ơn đó, không cậy lời nói mà sự khôn ngoan của loài người đã dạy đâu, song cậy sự khôn ngoan mà Thánh Linh đã dạy, dùng tiếng thiêng liêng để giải bày sự thiêng liêng”(I Cô-rinh-tô 2:13).

“…theo sự biết trước của Đức Chúa Trời Ngôi Cha, thông qua sự nên thánh bởi quyền phép Đức Chúa Trời [Linh], đặng vâng phục Đức Chúa Jesus Christ và có phần trong sự rải huyết Ngài: nguyền xin ân điển và bình an thêm lên cho anh em”(I Phi-e-rơ 1:2)!

Lời của Chúa đem lại sự sống cho chúng ta mà còn làm cho chúng ta trở nên giống như Chúa:

“Đức Chúa Jesus đáp: Có lời chép rằng: Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 4:4).

“Xin thánh hóa họ bởi lẽ thật của Ngài. Lời Ngài là lẽ thật”(Giăng 17:17)

“…để khiến Hội nên thánh sau khi lấy nước tắm rửa và dùng Lời làm cho Hội tinh sạch” (Ê-phê-sô 5:26).

4. Chúng ta phải bằng lòng tiếp nhận và ở lại trong sự thánh hóa. Tiếp nhận sự thánh hóa là bằng lòng từ bỏ tội lỗi để sống theo Lời Chúa; ở lại trong sự thánh hóa là liên tục sống theo Lời Chúa cho đến ngày Đấng Christ hiện ra.

“Tôi nói theo cách loài người, vì xác thịt của anh em là yếu đuối. Vậy, anh em từng đặt chi thể mình làm tôi sự ô uế gian ác đặng làm tội ác thể nào, thì bây giờ, hãy đặt chi thể mình làm tôi sự công bình đặng làm nên thánh cũng thể ấy” (Rô-ma 6:19).

“Nhưng bây giờ đã được buông tha khỏi tội lỗi và trở nên tôi mọi của Đức Chúa Trời rồi, thì anh em được lấy sự nên thánh làm kết quả, và sự sống đời đời làm cuối cùng” (Rô-ma 6:22).

“Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn. Song le, ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm. Bấy giờ các từng trời sẽ có tiếng vang rầm mà qua đi, các thể chất bị đốt mà tiêu tán, đất cùng mọi công trình trên nó đều sẽ bị đốt cháy cả.Vì mọi vật đó phải tiêu tán thì anh em đáng nên thánh và tôn kính trong mọi sự ăn ở của mình là dường nào”(II Phi-e-rơ 3:9-11).

“Hỡi kẻ rất yêu dấu, chính lúc bây giờ chúng ta là con cái Đức Chúa Trời, còn về sự chúng ta sẽ ra thể nào, thì điều đó chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Ngài hiện đến, chúng ta sẽ giống như Ngài, vì sẽ thấy Ngài như vốn có thật vậy. Ai có sự trông cậy đó trong lòng, thì tự mình làm nên thanh sạch, cũng như Ngài là thanh sạch”(I Giăng 3:3).

Khi chúng ta tiếp nhận và ở lại trong sự thánh hóa thì chúng ta sẽ nhận được lời hứa này của Đức Chúa Jesus Christ:

“Nếu các ngươi cứ ở trong Ta, và những lời của Ta cứ ở trong các ngươi, hãy cầu xin điều mình muốn, thì điều đó sẽ được làm cho các ngươi”(Giăng 15:7).

Vì sự thánh hóa bao gồm sự đáp ứng của loài người cho nên loài người gánh trách nhiệm cho sự thánh hóa của chính mình. Mỗi thánh đồ của Chúa phải tự mình làm cho trọn việc thánh hóa bằng sự kính sợ Chúa, cẩn thận làm theo mọi điều phán dạy của Ngài đã được ghi chép rõ ràng trong Thánh Kinh:

“Hỡi những kẻ rất yêu dấu của tôi, chúng ta đã có lời hứa dường ấy, thì hãy làm cho mình sạch khỏi mọi sự dơ bẩn phần xác thịt và phần tâm thần, lại lấy sự kính sợ Đức Chúa Trời mà làm cho trọn việc nên thánh của chúng ta.”(II Cô-rinh-tô 7:1)

5. Nếp sống ở trong sự thánh hóa của Đức Chúa Trời là nếp sống đem lại nhiều kết quả, làm vinh hiển Đức Chúa Cha, và khiến cho chúng ta trở nên những môn đồ của Đức Chúa Jesus Christ. Trước khi chúng ta tin nhận Đấng Christ thì chúng ta là những tội đồ. Sau khi chúng ta tin nhận Đấng Christ thì chúng ta là những tín đồ. Khi chúng ta nghe và làm theo mọi lời dạy của Chúa thì chúng ta trở nên các môn đồ của Ngài; môn đồ là người học và làm theo sự dạy dỗ của thầy.

“Bởi điều này mà Cha Ta được vinh hiển: Ấy là các ngươi được kết nhiều quả, và các ngươi sẽ trở thành những môn đồ của Ta”(Giăng 15:8).

6. Đức Chúa Trời dùng các tôi tớ của Ngài, là những người được giao cho các chức vụ chăn dắt Hội Thánh và giảng dạy Lời Chúa, để dạy dỗ, khích lệ, cáo trách, và kỷ luật con dân Chúa trong sự thánh hóa. Con dân chân thật của Chúa có bổn phận vâng lời họ nếu lời của họ không trái nghịch với Lời Chúa:

“Ấy vậy, hỡi những kẻ rất yêu dấu của tôi, như anh em đã vâng lời luôn luôn, chẳng những khi tôi có mặt mà thôi, lại bây giờ là lúc tôi vắng mặt, hãy càng hơn nữa, mà lấy lòng sợ sệt run rẩy làm nên sự cứu chuộc mình”(Phi-líp 2:12).

“Hãy vâng lời kẻ dắt dẫn anh em và chịu phục các người ấy, bởi các người ấy tỉnh thức về linh hồn anh em, dường như phải khai trình, hầu cho các người ấy lấy lòng vui mừng mà làm xong chức vụ mình, không phàn nàn chi, vì ấy chẳng ích lợi gì cho anh em”(Hê-bơ-rơ 13:17).

7. Sự thánh hóa làm hoàn thành công cuộc cứu rỗi của Đức Chúa Trời ban cho chúng ta. Con dân Chúa không ở lại trong sự thánh hóa sẽ không được vào trong vương quốc của Đức Chúa Trời.

“Hãy cầu sự bình an với mọi người, cùng tìm theo sự nên thánh, vì nếu không nên thánh thì chẳng ai được thấy Đức Chúa Trời”(Hê-bơ-rơ 12:14).

V. Kết Luận

Trong sự cứu rỗi Thiên Chúa ban cho chúng ta, hai phương diện: (1) được Đức Chúa Trời xưng nghĩa bởi sự chết chuộc tội của Đấng Christ, (2) được Đức Thánh Linh tái sinh bởi đức tin của chúng ta vào trong sự cứu rỗi của Đấng Christ, hoàn toàn do Thiên Chúa chủ động bởi ân điển của Ngài. Riêng về phương diện thánh hóa mỗi ngày trong đời sống của chúng ta, sau khi chúng ta được xưng nghĩa và được tái sinh, thì bao gồm hành động của Đức Thánh Linh và của chúng ta. Đức Thánh Linh dạy dỗ Lời Chúa cho chúng ta và ban phương tiện, tức Thánh Linh, tức năng lực của Thiên Chúa, để thánh hóa chúng ta; còn chúng ta thì phải chọn sống nếp sống thánh khiết đúng theo Lời Chúa.

Ê-phê sô 2:8-10 chép:“Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình; vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Jesus Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo.”  Trong nguyên ngữ Hy-lạp, nhóm chữ “mà anh em được cứu” được dùng với cấu trúc văn phạm đặc biệt mà dịch cho sát nghĩa sẽ là: “mà các anh em đã và đang được cứu.” Nhờ ân điển của Thiên Chúa và bởi đức tin của chúng ta vào Lời Đức Chúa Trời, mà chúng ta đã được cứu và vẫn tiếp tục được cứu khỏi quyền lực và hậu quả của tội lỗi, đã được dựng nên mới trong Đấng Christ, để “làm những việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn  trước cho chúng ta làm theo.” Những việc lành đó, chính là làm theo Lời Chúa dạy trong Thánh Kinh. Khi chúng ta sống một nếp sống hoàn toàn vâng theo Lời Chúa, lánh xa mọi sự ô uế từ thể xác đến tâm thần, thì chúng ta tự mình làm nên thánh như Ngài là thánh:

“Vì ý muốn Đức Chúa Trời, ấy là khiến anh em nên thánh: tức là phải lánh sự ô uế”(I Tê-sa-lô-ni-ca 4:3).

“Hỡi những kẻ rất yêu dấu của tôi, chúng ta đã có lời hứa dường ấy, thì hãy làm cho mình sạch khỏi mọi sự dơ bẩn phần xác thịt và phần tâm thần, lại lấy sự kính sợ Đức Chúa Trời mà làm cho trọn việc nên thánh của chúng ta” (II Cô-rinh-tô 7:11).

“Ai có sự trông cậy đó trong lòng, thì tự mình làm nên thanh sạch, cũng như Ngài là thanh sạch”(I Giăng 3:3).

Có nên thánh thì chúng ta mới được thấy mặt Đức Chúa Trời, và nếp sống nên thánh là nếp sống tôn kính Lời Chúa,  “…lấy lòng sợ sệt run rẩy làm nên sự cứu chuộc mình” (Phi-líp 2:12b).

Nguyện ân điển, tình yêu, và sự thông công của Ba Ngôi Thiên Chúa ở cùng chúng ta, những người hết lòng tìm kiếm sự nên thánh trong Cứu Chúa Jesus Christ. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
29.08.2011

 

Chú Thích

[1] http://ngoiloi.thanhkinhvietngu.net/

[2] Quý con dân Chúa nghe được tiếng Anh, có thể đặt mua bộ video “Signs and Wonders Exposed” tại đây để hiểu biết về các Phong Trào Ân Tứ, Ngũ Tuần: http://www.thebereancall.org/node/4874