10,419 views

Loài Người (09): Được Dựng Nên Mới Trong Đấng Christ

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết này:
http://www.mediafire.com/view/?z06j6dejif6mt1q

Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe audio và tải xuống mp3 bài giảng này:
http://timhieutinlanh.net/node/1107

Huỳnh Christian Timothy

Dẫn Nhập

Qua Thánh Kinh, chúng ta đã biết: loài người là một thực thể do Thiên Chúa sáng tạo, gọi là linh hồn. Linh hồn được Thiên Chúa ban cho một thân thể thiêng liêng, gọi là tâm thần, ra từ hơi sống của Thiên Chúa, cùng một thân thể vật chất, gọi là xác thịt, ra từ bụi của đất.

Thiên Chúa dựng nên loài người như hình Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa để làm con của Đức Chúa Trời. Loài người sẽ còn lại đời đời trong hai địa vị và hai tình trạng khác nhau. Địa vị làm con của Đức Chúa Trời cho đến đời đời hoặc địa vị bị hư mất đời đời. Tình trạng sống đời đời hoặc tinh trạng chết đời đời. Sự còn lại đời đời trong mối tương giao mật thiết với Thiên Chúa, trong sự tin cậy, vâng phục, thờ phượng Thiên Chúa, và ngày càng hiểu biết Thiên Chúa càng hơn, được gọi là sự sống đời đời. Sự còn lại đời đời trong tình trạng bị phân rẽ khỏi Thiên Chúa vì không tin cậy, không vâng phục Thiên Chúa, và bị mất đi sự tương giao với Thiên Chúa lẫn sự hiểu biết Thiên Chúa càng hơn, được gọi là sự chết đời đời.

Từ khi loài người phạm tội thì loài người ở trong tình trạng bị chết đời đời. Tuy nhiên, vì Thiên Chúa là tình yêu, cho nên, Ngài đã ban cho loài người sự cứu rỗi ra khỏi sự chết đời đời. Hễ ai thật lòng ăn năn, từ bỏ tội, tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, thì lập tức người ấy được Đức Chúa Trời tha tội, được Đức Chúa Jesus Christ dùng chính huyết Ngài, rửa cho sạch tội, và được Đức Thánh Linh dùng quyền năng của Thiên Chúa tái sinh người ấy thành một người mới, ở trong Đức Chúa Jesus Christ.

Được tái sinh hay được dựng nên mới ở trong Đức Chúa Jesus Christ có nghĩa gì? Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa đó qua các lẽ thật của Thánh Kinh.

Được Dựng Nên Mới Là Lẽ Thật của Thánh Kinh

Trước hết, chúng ta cần ghi nhớ các điều sau đây:

  • Mỗi một người được sinh ra trong thế gian đều là một tội nhân, nghĩa là kẻ làm trái luật pháp của Đức Chúa Trời:

“ … Chẳng có người công chính, dù một người cũng không. Chẳng có người hiểu biết. Chẳng có người tìm kiếm Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 3:10-11)

Vì họ đều đã phạm tội và họ đang bị thiếu hụt sự vinh quang của Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 3:23)

Còn ai phạm tội tức là trái luật pháp; và sự tội lỗi tức là sự trái luật pháp.”  (I Giăng 3:4)

  • Mỗi một tội nhân đương nhiên ở trong địa vị bị hư mất đời đời và ở trong tình trạng bị chết đời đời:

Vì công giá của tội lỗi là sự chết.” (Rô-ma 6:23)

Họ sẽ bị hình phạt hư mất đời đời, xa cách mặt Chúa và sự vinh quang của quyền phép Ngài.” (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:9)

Bất cứ kẻ nào không tìm thấy được chép trong Sách Sự Sống thì bị ném vào hồ lửa.” (Khải Huyền 20:15)

  • Dầu là một người tội lỗi xấu xa gian ác đến thế nào đi nữa vẫn được Đức Chúa Trời yêu thương và Ngài muốn cho người ấy tiếp nhận sự cứu rỗi của Ngài:

Ngài muốn cho mọi người được cứu rỗi và hiểu biết lẽ thật.” (I Ti-mô-thê 2:4)

Đức Giê-hô-va phán: Bây giờ hãy đến, cho chúng ta biện luận cùng nhau. Dầu tội các ngươi như hồng điều, sẽ trở nên trắng như tuyết; dầu đỏ như son, sẽ trở nên trắng như lông chiên.” (Ê-sai 1:18)

Nếu kẻ dữ xây bỏ sự dữ mình đã phạm, nếu nó làm theo luật pháp và hiệp với lẽ thật, thì nó sẽ cứu linh hồn mình cho được sống. Vì nó suy xét và xây bỏ mọi sự phạm pháp mình đã làm, chắc thật nó sẽ sống và không chết đâu.” (Ê-xê-chi-ên 18:27-28)

Khi một người thật lòng ăn năn, chịu từ bỏ tội, sẵn sàng tôn kính và làm theo các điều răn của Đức Chúa Trời, tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ thì:

  • lập tức mọi tội lỗi của người ấy được Đức Chúa Trời tha thứ (Ê-sai 1:18);
  • người ấy được Đức Chúa Jesus Christ rửa sạch khỏi mọi tội lỗi: “Nhưng, nếu chúng ta đi trong sự sáng cũng như chính mình Ngài ở trong sự sáng, thì chúng ta giao thông cùng nhau; và huyết của Đức Chúa Jesus, Con Ngài, làm sạch mọi tội chúng ta” (I Giăng 1:7);
  • người ấy được Đức Thánh Linh tái sinh thành một người mới ở trong Đức Chúa Jesus Christ (Giăng 3:5-8).

Được dựng nên mới có nghĩa là được sống lại từ trong sự chết. Như chúng ta đã nhiều lần học biết qua Thánh Kinh: Sự sống là sự kết hợp trong thánh ý của Thiên Chúa. Sự chết là sự bị phân rẽ vì ý riêng của kẻ chống nghịch Chúa. Sự phân rẽ của linh hồn và tâm thần ra khỏi thân thể xác thịt là sự chết của thể xác. Sự phân rẽ của một người ra khỏi Thiên Chúa là sự chết thuộc linh. Một người được dựng nên mới là một người được tương giao trở lại với Thiên Chúa, được kết hợp với Thiên Chúa trong Đức Chúa Jesus Christ, cho nên, sự được dựng nên mới chính là sự được sống trở lại. Từ trong sự chết, một người được tái sinh bởi Đức Thánh Linh thành một người mới. Trong nguyên ngữ của Thánh Kinh là được sinh ra từ trên cao. Vì thế được dựng nên mới là việc mà Đức Chúa Trời làm cho chúng ta. Sự dựng nên mới này xảy ra trong hai giai đoạn, giai đoạn thuộc linh và giai đoạn thuộc thể.

Giai đoạn tái sinh thuộc linh bao gồm linh hồn và thân thể thiêng liêng của linh hồn là tâm thần. Linh hồn được Đức Chúa Trời tha tội, được Đức Chúa Jesus Christ rửa sạch tội, được Đức Thánh Linh đổ đầy năng lực của Đức Chúa Trời, là Thánh Linh. Tâm thần được tương giao với Thiên Chúa, được Đức Thánh Linh ngự vào và ghi chép luật pháp của Đức Chúa Trời trong lương tâm đã được rửa sạch. Từ đó, tâm thần có thể giao tiếp với Thiên Chúa và nhận thức về Thiên Chúa ngày càng hơn. Linh hồn nhận lãnh tình yêu, sự công bình, và sự thánh khiết của Thiên Chúa để có thể yêu như Thiên Chúa yêu, công bình như Thiên Chúa công bình, và thánh khiết như Thiên Chúa thánh khiết. Tất cả những bản tính cũ của một linh hồn tội lỗi, điển hình là: kiêu ngạo, tham lam, ích kỷ, ganh ghét, thù hận, độc ác, dối trá, không thương xót, ưa thích tà dâm… đều qua đi hết. Linh hồn được đổi mới trong một tâm thần được sống lại (được sống lại có nghĩa là được tương giao trở lại với Thiên Chúa), được ban cho chính năng lực của Thiên Chúa, gọi là Thánh Linh, để có thể hoàn toàn làm chủ và cai trị thân thể xác thịt chưa được tái sinh. Thánh Kinh nói về sự tái sinh thuộc linh như sau:

Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới.” (II Cô-rinh-tô 5:17)

… người mới, tức là người đã được dựng nên giống như Thiên Chúa, trong sự công bình và sự thánh sạch của lẽ thật.” (Ê-phê-sô 4:24)

Đối với Hội Thánh của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jesus Christ, giai đoạn tái sinh thuộc thể sẽ xảy ra trong ngày Đức Chúa Jesus Christ trở lại để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, mở đầu cho sự phán xét toàn thế gian trước khi Đức Chúa Jesus Christ thiết lập Vương Quốc Ngàn Năm của Ngài trong thế gian. Trong ngày đó, vào giờ đó:

  • thân thể xác thịt đã chết của những ai đã trung tín sống theo Lời Chúa, sẽ được sống lại từ bụi đất;
  • thân thể xác thịt đang sống của những ai đang trung tín sống theo Lời Chúa, sẽ được biến hóa trong nháy mắt.

Thân thể xác thịt được sống lại hay được biến hóa của những người sống theo Lời Chúa chính là thân thể được tái sinh. Thân thể xác thịt được tái sinh vẫn bao gồm các nguyên tố của vật chất nhưng có quyền trên các định luật vật chất như thân thể phục sinh của Đức Chúa Jesus Christ. Khi đó, thân thể xác thịt sẽ không còn những ham muốn tội lỗi và mỗi con dân Chúa, sẽ trở nên trọn vẹn như Cha của chúng ta ở trên trời là trọn vẹn (Ma-thi-ơ 5:46).

Giai đoạn tái sinh thuộc thể của mỗi thánh đồ sẽ khác nhau, ai có thứ tự riêng của người ấy, như I Cô-rinh-tô 15:23 đã nói rõ: “nhưng mỗi người theo thứ tự riêng của mình: Đấng Christ là trái đầu mùa; rồi tới ngày Đấng Christ đến, những kẻ thuộc về Ngài sẽ sống lại.”

Điều Kiện Để Được Dựng Nên Mới

Sự được dựng nên mới, đồng nghĩa với sự được tái sinh chỉ dành riêng cho những ai đã được cứu rỗi. Vì thế, điều kiện duy nhất để một người được dựng nên mới là người ấy phải là người đã được cứu rỗi ra khỏi tội lỗi và hậu quả của tội lỗi.

Muốn được cứu rỗi ra khỏi tội lỗi và hậu quả của tội lỗi thì một người PHẢI:

  • Công nhận mình là một tội nhân, tức là một người đang sống trái nghịch luật pháp của Đức Chúa Trời, và bằng lòng chấm dứt nếp sống trái nghịch luật pháp của Chúa. Thánh Kinh gọi đó là “ăn năn tội:” “Vậy, các ngươi hãy ăn năn và trở lại, đặng cho tội lỗi mình được xóa đi.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 3:19)
  • Tin nhận rằng Đức Chúa Jesus Christ đã chết trên thập tự giá, gánh thay hình phạt của tội lỗi cho toàn thể nhân loại, và Ngài đã sống lại từ trong sự chết để ban sự sống lại cho tất cả những ai ăn năn tội và tin nhận sự cứu chuộc của Ngài: “Ấy chính Ngài làm của lễ chuộc tội lỗi chúng ta, không những vì tội lỗi chúng ta thôi đâu, mà cũng vì tội lỗi cả thế gian nữa.” (I Giăng 2:2)
  • Công khai xưng nhận đức tin của mình nơi Đức Chúa Jesus Christ qua lời nói: “Vậy nếu miệng ngươi xưng Đức Chúa Jesus ra và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, thì ngươi sẽ được cứu; vì tin bởi trong lòng mà được sự công bình, còn bởi miệng làm chứng mà được sự cứu rỗi.” (Rô-ma 10:9-10)

Một người dù thật lòng tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ nhưng nếu không ăn năn từ bỏ tội thì không thể được cứu rỗi. Nếu một người tin Chúa nhưng vẫn sống trong tội mà được cứu khỏi hình phạt của tội lỗi thì có khác gì sự chết của Đức Chúa Jesus Christ trở thành giấy phép cho loài người được tự do phạm tội? Hơn nữa, được cứu rỗi trước hết là được cứu ra khỏi quyền lực của tội lỗi, nghĩa là sức mạnh của tội lỗi không còn có thể khống chế người đã được cứu, khiến cho người ấy phạm tội, nghịch lại ý muốn của người ấy.

Một người dù thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ nhưng nếu không chịu xưng nhận đức tin của mình thì cũng không được cứu rỗi. Bởi lòng ăn năn tội và đức tin thì người ấy được Đức Chúa Trời tha tội, tức là được Đức Chúa Trời xưng là công chính, nhưng nếu người ấy không xưng nhận Đấng Christ thì người ấy sẽ không được Đấng Christ làm cho sạch tội. Một người chưa được sạch tội thì vẫn còn ở dưới quyền lực của tội lỗi, sẽ trở lại phạm tội, sống trong tội và cuối cùng bị trở lại trong địa vị bị hư mất đời đời.

Hình thức xưng nhận đức tin được thể hiện qua lời cầu nguyện tin nhận Chúa và qua sự chịu báp-tem trong danh của Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì thế một người cần và nên chịu báp-tem liền sau khi tin nhận Chúa sớm chừng nào tốt chừng nấy. Thánh Kinh luôn luôn dạy rằng, một người thật lòng tin nhận Chúa thì lập tức chịu báp-tem. Trường hợp điển hình là người lính La-mã quản ngục tại thành Phi-líp, xứ Ma-xê-đoan và gia đình ông ta, chịu báp-tem ngay trong đêm họ tin nhận Chúa: “Trong ban đêm, chính giờ đó, người đề lao đem hai người ra rửa các thương tích cho; rồi tức thì người và mọi kẻ thuộc về mình đều chịu phép báp-tem” (Công Vụ Các Sứ Đồ 16:33). Lẽ thật này của Thánh Kinh đánh tan sự ngụy biện của một số tổ chức tôn giáo dạy rằng: Các trường hợp làm báp-tem lập tức cho người tin Chúa mà không qua giai đoạn học giáo lý như được ghi chép trong Thánh Kinh là các trường hợp dành riêng cho những người Do-thái đã hiểu biết Thánh Kinh rồi. Bởi vì, người lính La-mã canh giữ nhà tù và gia đình ông không phải là dân Do-thái có hiểu biết về Thánh Kinh và Đức Chúa Trời. Ngoài ra, nếu học giáo lý là điều kiện phải có trước khi một người được làm báp-tem thì chính những người theo Do-thái giáo cần phải học giáo lý hơn ai hết. Bởi vì, họ cần phải học biết rằng nhờ ân điển, bởi đức tin mà họ được cứu chứ không phải nhờ họ gắng sức vâng giữ các điều răn và luật pháp. Nếu học giáo lý là điều kiện phải có trước khi một người được làm báp-tem thì Đức Chúa Jesus Christ đã dạy như vậy. Nhưng chính Đức Chúa Jesus Christ đã dạy rằng phải làm báp-tem cho người tin Chúa rồi mới dạy giáo lý cho họ, và mệnh lệnh này được áp dụng cho “muôn dân:” “Vậy, hãy đi khiến cho muôn dân trở nên môn đồ, trong danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh hãy làm phép báp-tem cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà Ta đã truyền cho các ngươi…” (Ma-thi-ơ 28:19-20).

Bản Tính của Người Được Dựng Nên Mới

Người được dựng nên mới là người được Thiên Chúa phục hồi bản tính giống như bản tính của A-đam khi ông chưa phạm tội, và còn được chính Đức Thánh Linh ngự trong thân thể xác thịt chưa tái sinh để giúp người ấy sống thánh khiết theo Lời Chúa. Người được dựng nên mới vẫn còn sống trong thân thể xác thịt ra từ A-đam cho đến khi thân thể xác thịt chết đi và được tái sinh hoặc cho đến khi thân thể xác thịt được biến hóa thành thân thể vinh hiển như thân thể xác thịt phục sinh của Đức Chúa Jesus Christ. Nhưng người được dựng nên mới là người có thân thể thiêng liêng, là tâm thần, được sinh ra trong Đức Chúa Jesus Christ, giống như Đức Chúa Jesus Christ.

Từ khi A-đam phạm tội, sự chết cầm quyền trên ông và trên dòng dõi loài người ra từ ông. Vì thế, mỗi một người được sinh ra trong thế gian là sinh ra trong tội lỗi và trong địa vị bị hư mất đời đời. Khi một linh hồn thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ, và xưng nhận đức tin của mình, thì lập tức linh hồn ấy và thân thể thiêng liêng, là tâm thần, được sinh ra từ Đấng Christ. Lần thứ nhất, chúng ta được sinh ra bởi A-đam như thế nào, thì lần thứ nhì, chúng ta được sinh ra bởi Đấng Christ như thể ấy. Chúng ta nhận được thần linh của sự sống lại và sự sống từ nơi Đấng Christ, khiến cho tâm thần của chúng ta được trở lại tương giao với Thiên Chúa và chúng ta một lần nữa trở thành linh hồn sống, tức là được thoát khỏi sự bị phân rẽ đời đời khỏi Thiên Chúa.

Sáng Thế Ký 2:7 chép: “Giê-hô-va Thiên Chúa bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh linh.”

Giăng 20:22 chép: “Ngài phán lời đó xong, Ngài thổi hơi và phán với họ: "Các ngươi hãy nhận lãnh Thánh Linh.”

Hành động thổi hơi của Đức Chúa Jesus Christ trên các môn đồ là hành động ban sự sống lại và sự sống của chính Ngài cho các môn đồ, đồng thời Đức Thánh Linh khiến cho họ được dự phần trong bản tính của Đức Chúa Trời, trở nên giống như Đức Chúa Trời trong sự công bình và thánh sạch của lẽ thật (Ê-phê-sô 4:24). Đó cũng chính là ý nghĩa của mệnh đề “được dựng nên mới trong Đấng Christ!”

Người được dựng nên mới trong Đấng Christ có được sự sống lại và sự sống của Đấng Christ; và sự sống đó được tiếp tục bởi Lời của Thiên Chúa: “Đức Chúa Jesus đáp: Có lời chép rằng: Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Thiên Chúa” (Ma-thi-ơ 4:4); và bởi đức tin vào trong Lời của Đức Chúa Trời: “Người công bình của Ta sẽ cậy đức tin mà sống, Nhưng nếu lui đi thì linh hồn Ta chẳng lấy làm đẹp chút nào” (Hê-bơ-rơ 10:38, đối chiếu Rô-ma 1:17).

Dù một người có Lời Chúa, thậm chí, thuộc lòng toàn bộ Thánh Kinh, nhưng không có đức tin vào Lời Chúa thì không thể lớn lên trong thuộc linh. Có đức tin vào Lời Chúa tức là làm theo Lời Chúa dạy. Thực tế là ngày nay, nhiều con dân Chúa hoàn toàn tin nhận Thánh Kinh là Lời của Đức Chúa Trời nhưng họ không sống theo Lời Chúa. Họ ngang nhiên vi phạm điều răn của Chúa qua sự không tôn kính ngày Sa-bát hoặc là họ vẫn lo lắng về đời này và ham muốn tiền bạc, của cải, sự tà dâm, không có lòng tha thứ… là những điều Lời Chúa ngăn cấm.

Người được dựng nên mới được Đức Chúa Trời giao cho các việc lành để làm ngay trong lúc còn ở trong thân thể xác thịt này, khiến thân thể xác thịt trở thành công cụ làm ra những sự công bình cho Đức Chúa Trời:

Rô-ma 6:12-13 “Vậy, chớ để tội lỗi cai trị trong xác hay chết của anh em, và chớ chiều theo tư dục nó. Chớ nộp chi thể mình cho tội lỗi, như là đồ dùng gian ác, nhưng hãy phó chính mình anh em cho Đức Chúa Trời, dường như đã chết mà nay trở nên sống, và dâng chi thể mình cho Đức Chúa Trời như là đồ dùng về sự công bình.”

Ê-phê-sô 2:10 “Vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đấng Christ Jesus để làm những việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo.”

II Ti-mô-thê 3:17 “… người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành.”

Nhiệm Vụ của Người Được Dựng Nên Mới

Những việc lành và công bình mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho những người được dựng nên mới được thể hiện qua ba nhiệm vụ: vua, thầy tế lễ, và tiên tri.

1. Nhiệm vụ vua: “Đấng yêu thương chúng ta: đã rửa sạch tội lỗi chúng ta trong máu Ngài, đã lập chúng ta làm những vua và những thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời Ngài và Cha Ngài…”(Khải Huyền 1:6)! Trong nhiệm vụ vua, một ngày kia Hội Thánh của Chúa sẽ đồng trị với Chúa, nhưng trong hiện tại, đang khi còn ở trong thân thể xác thịt này thì:

  • Người được dựng nên mới quản trị tội lỗi: “Nếu ngươi làm lành, há chẳng ngước mặt lên sao? Còn như chẳng làm lành, thì tội lỗi rình đợi trước cửa, thèm ngươi lắm; nhưng ngươi phải quản trị nó.” (Sáng Thế Ký 4:7)
  • Người được dựng nên mới cai trị thân thể xác thịt mình, bắt nó phải phục: “Song tôi đãi thân thể mình cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục, e rằng sau khi tôi đã giảng dạy kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng.” (I Cô-rinh-tô 9:27)
  • Người được dựng nên mới đoán xét kẻ có tội mà không chịu ăn năn ở trong Hội Thánh. Đức Thánh Linh, qua Sứ Đồ Phao-lô giao cho con dân Chúa: “Vì chưng có phải tôi nên đoán xét kẻ ở ngoài sao? Há chẳng phải anh em nên đoán xét những người ở trong sao? Còn như kẻ ở ngoài, thì Đức Chúa Trời sẽ đoán xét họ. Hãy trừ bỏ kẻ gian ác khỏi anh em” (I Cô-rinh-tô 5:12-13). Đức Chúa Jesus Christ trực tiếp truyền lệnh cho con dân Chúa: “Nếu anh em ngươi phạm tội cùng ngươi, thì hãy trách người khi chỉ có ngươi với một mình người; như người nghe lời, thì ngươi được anh em lại. Ví bằng không nghe, hãy mời một hai người đi với ngươi, hầu cứ lời hai ba người làm chứng mà mọi việc được chắc chắn. Nếu người không chịu nghe các người đó, thì hãy cáo cùng Hội Thánh, lại nếu người không chịu nghe Hội Thánh, thì hãy coi người như kẻ ngoại và kẻ thâu thuế vậy.” (Ma-thi-ơ 18:15-17)

2. Nhiệm vụ thầy tế lễ:“Đấng yêu thương chúng ta: đã rửa sạch tội lỗi chúng ta trong máu Ngài, đã lập chúng ta làm những vua và những thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời Ngài và Cha Ngài…” (Khải Huyền 1:6)! Trong nhiệm vụ thầy tế lễ:

  • Người được dựng nên mới thờ phượng Đức Chúa Trời bằng tâm thần và lẽ thật: “Nhưng giờ đến và bây giờ là lúc những người thờ phượng thật: sẽ thờ phượng Cha trong tâm thần và lẽ thật. Vì Cha tìm kiếm những người thờ phượng Ngài như vậy. Đức Chúa Trời là Thần. Những người thờ phượng Ngài phải thờ phượng trong tâm thần và lẽ thật.” (Giăng 4:23-24)
  • Người được dựng nên mới dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh lên Đức Chúa Trời: “Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em.” (Rô-ma 12:1)
  • Người được dựng nên mới cầu thay cho mọi người: “Trong tâm thần, thường thường làm đủ mọi thứ cầu nguyện và nài xin. Hãy dùng sự bền đổ trọn vẹn mà tỉnh thức về điều đó, và cầu nguyện cho hết thảy các thánh đồ” (Ê-phê-sô 6:18). “Vậy, trước hết mọi sự ta dặn rằng, phải khẩn nguyện, cầu xin, kêu van, tạ ơn cho mọi người” (I Ti-mô-thê 2:1).

3. Nhiệm vụ tiên tri:Đây không phải là chức vụ tiên tri trong Hội Thánh mà là nhiệm vụ rao giảng Tin Lành của Chúa, khiến muôn dân trở nên môn đồ Chúa, dạy cho họ vâng giữ Lời Chúa, và rao truyền sự chết của Chúa cho tới khi Chúa đến:

  • Ngài phán cùng các sứ đồ rằng: Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin Lành cho mọi người.”(Mác 16:15)
  • Vậy, hãy đi khiến cho muôn dân trở nên môn đồ, trong danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh hãy làm phép báp-tem cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà Ta đã truyền cho các ngươi…” (Ma-thi-ơ 28:19-20)
  • Ấy vậy, mỗi lần anh em ăn bánh nầy, uống chén nầy, thì rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến.” (I Cô-rinh-tô 11:26)

Thẩm Quyền, Năng Lực, và Phương Tiện của Người Được Dựng Nên Mới

Thẩm quyền để một người được dựng nên mới sống một đời sống mới thánh khiết theo Lời Chúa, và làm trọn những việc lành đã được Đức Chúa Trời giao phó, chính là danh của Đức Chúa Jesus Christ. Năng lực của một người được dựng nên mới chính là Thánh Linh của Đức Chúa Trời, và phương tiện hầu việc Chúa của họ chính là các ân tứ của Đức Thánh Linh.

  • Trong danh của Đức Chúa Jesus Christ người được dựng nên mới có quyền trên Ma Quỷ: “Trong danh Ta họ sẽ đuổi quỷ” (Mác 16:17). Ngoài sự nhân danh Chúa đuổi quỷ cho người bị quỷ nhập, khi đối diện với sự cám dỗ của Ma Quỷ, người được dựng nên mới chỉ cần nhân danh Đức Chúa Jesus Christ để đuổi quỷ, quỷ sẽ bỏ đi và sự cám dỗ sẽ không còn. “Vậy hãy phục Đức Chúa Trời; hãy chống trả Ma Quỷ, thì nó sẽ lánh xa anh em” (Gia-cơ 4:7).
  • Người được dựng nên mới làm được mọi sự bởi sức toàn năng của Đấng Christ “Qua Đấng Christ là Đấng ban thêm sức cho tôi, tôi làm được mọi sự.” (Phi-líp 4:13)
  • Người được dựng nên mới có đủ các thứ ơn từ Đức Chúa Trời để làm trọn mọi việc lành: “Đức Chúa Trời có quyền ban cho anh em đủ mọi thứ ơn đầy dẫy, hầu cho anh em hằng đủ điều cần dùng trong mọi sự, lại còn có rời rộng nữa để làm các thứ việc lành.” (II Cô-rinh-tô 9:8)
  • Người được dựng nên mới nhận đủ các thứ phước thiêng liêng từ Đức Chúa Trời: “Tôn vinh Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Jesus Christ chúng ta, Ngài đã xuống phước cho chúng ta trong Đấng Christ đủ mọi thứ phước thiêng liêng ở các nơi trên trời” (Ê-phê-sô 1:3). Nên nhớ, người được dựng nên mới có thể thiếu một số phước vật chất để cùng dự phần chịu khổ với Đấng Christ trong các cơn hoạn nạn, thử thách, nhưng chắc chắn là có đủ các ơn phước thiêng liêng của Đức Chúa Trời.
  • Người được dựng nên mới dùng các thứ tiếng mới để nói: “Họ sẽ nói những thứ tiếng mới” (Mác 16:17), tức là họ đổi mới cách nói, lời nói trong những ngôn ngữ mà họ biết. Họ không còn nói năng hung dữ, thô tục, dối trá, giả ngộ tầm phào hay nói chuyện huyễn. Đây không phải là ân tứ nói ngoại ngữ, vì ân tứ nói ngoại ngữ như được thể hiện trong Công Vụ Các Sứ Đồ 2, chỉ được Đức Thánh Linh ban cho một số người, không phải cho tất cả con dân Chúa. Thứ tiếng mới của người được dựng nên mới là ngôn ngữ thể hiện sự yêu thương, công bình, và thánh khiết của Thiên Chúa, có ơn cho và giúp ích cho kẻ nghe đến.
  • Người được dựng nên mới thể hiện bông trái của Đức Thánh Linh: “Nhưng trái của Đấng Thần Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhơn từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ” (Ga-la-ti 5:22).
  • Người được dựng nên mới được Đức Thánh Linh ban cho các ân tứ để gây dựng Hội Thánh của Chúa: “Vả, có các sự ban cho khác nhau, nhưng chỉ bởi cùng Đấng Thần Linh. Có các chức vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có các việc làm khác nhau, nhưng chỉ có một Thiên Chúa, là Đấng làm mọi việc trong mọi người. Đấng Thần Linh tỏ ra trong mỗi một người, cho ai nấy đều được sự ích chung.” (I Cô-rinh-tô 12:4-7)

Được Dựng Nên Mới Để Có Cơ Hội Tiếp Nhận Sự Sống Đời Đời

Như chúng ta đã học biết: Sự sống đời đời tức là sự nhận biết Đức Chúa Cha và Đức Chúa Jesus Christ, ngày càng hơn cho đến mãi mãi (Giăng 17:3). Một người được dựng nên mới là một người được phục hồi địa vị công chính, thánh khiết, được ban cho năng lực của Thiên Chúa, là Thánh Linh, để người ấy có thể sống một đời sống vâng theo Lời Chúa để nhận sự sống đời đời.

Chúng ta nên nhớ, sự cứu rỗi ra khỏi tội lỗi và hậu quả của tội lỗi là sự ban cho nhưng không của Đức Chúa Trời, nghĩa là chúng ta không cần phải làm gì hết mà chỉ cần ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi của Ngài. Nhưng sự sống đời đời là công giá hay phần thưởng để trả cho những ai sau khi được cứu rỗi thì hết lòng vâng theo Lời Chúa. Sự vâng lời đó được thể hiện bằng hành động, qua việc làm theo Lời dạy của Chúa.

Để nhận lãnh sự sống đời đời chúng ta phải:

  • Giữ các điều răn của Đức Chúa Trời: “Nầy, có một người đến hỏi Ngài rằng: Theo thầy, tôi phải làm việc lành chi cho được sự sống đời đời? Đức Chúa Jesus đáp rằng: Sao ngươi hỏi ta về việc lành? Chỉ có một Đấng lành mà thôi. Nếu ngươi muốn vào sự sống, thì phải giữ các điều răn.” (Ma-thi-ơ 19:16-17)
  • Vì danh của Đức Chúa Jesus Christ mà bỏ anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đất ruộng, nhà cửa, tức là hết lòng làm theo Lời Chúa cho dù có phải hy sinh quan hệ ruột thịt, tình cảm, tài sản… “Hễ ai vì danh Ta mà bỏ anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đất ruộng, nhà cửa, thì người ấy sẽ lãnh bội phần hơn, và được hưởng sự sống đời đời” (Ma-thi-ơ 19:29). “Đoạn, Ngài phán cùng mọi người rằng: Nếu ai muốn theo Ta, phải tự bỏ mình đi, mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo Ta” (Lu-ca 9:23).
  • Tin Đức Chúa Jesus Christ, tức là tiếp nhận sự cứu rỗi của Ngài và làm theo như Ngài đã làm, tức là vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời: “Như Môi-se treo con rắn lên ở nơi đồng vắng thể nào, thì Con Người cũng phải bị treo lên thể ấy; hầu cho, hễ ai tin nơi Ngài không bị hư mất, mà được sự sống đời đời. Vì Ðức Chúa Trời yêu thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin nơi Con ấy không bị hư mất, mà được sự sống đời đời.” (Giăng 3:14-16). “Ai nói mình ở trong Ngài, thì cũng phải làm theo như chính Ngài đã làm” (I Giăng 2:6)
  • Nghe sự phán dạy của Đức Chúa Jesus Christ mà tin Đức Chúa Trời: “Thật vậy, thật vậy, Ta nói với các ngươi rằng, ai nghe lời Ta mà tin Đấng đã sai Ta, thì được sự sống đời đời và không vào sự phán xét, nhưng ra khỏi sự chết, mà vào sự sống.” (Giăng 5:24)
  • Bền lòng làm lành: “Thật vậy, những ai bởi sự bền lòng làm lành, tìm kiếm sự vinh quang, sự tôn trọng, và sự chẳng hề chết, thì được sự sống đời đời” (Rô-ma 2:7). Làm lành là làm những việc tốt lành mà Đức Chúa Trời đã sắn sẵn cho những người được dựng nên mới trong Đức Chúa Jesus Christ: “Vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đấng Christ Jesus để làm những việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo” (Ê-phê-sô 2:10), không phải làm lành theo tiêu chuẩn và ý muốn của thế gian. Điển hình là việc cùng với những tổ chức ngoại giáo làm những công tác cứu trợ, từ thiện dưới danh nghĩa các tôn giáo của họ, vinh danh các thần tượng của họ. Ngay cả việc đứng chung với các chức sắc của ngoại giáo để cầu nguyện cho hòa bình của thế giới, của quốc gia dân tộc, thường được gọi là sự cầu nguyện của liên tôn (liên tôn là viết tắt của “liên hiệp các tôn giáo” – Nên nhớ Đạo Chúa không phải là một tôn giáo) con dân Chúa cũng không tham dự. Thánh Kinh dạy: “Chớ mang ách chung với kẻ chẳng tin.” Cùng làm việc từ thiện với các tổ chức ngoại giáo là mang ách chung với họ để hầu việc các thần tượng của họ.
  • Lấy sự nên thánh làm kết quả của đời sống mới trong Chúa để đạt đến mục đích cuối cùng là sự sống đời đời: “Nhưng bây giờ đã được buông tha khỏi tội lỗi và trở nên tôi mọi của Đức Chúa Trời rồi, thì anh em được lấy sự nên thánh làm kết quả, và sự sống đời đời làm cuối cùng.” (Rô-ma 6:22)
  • Phải gieo cho Đức Thánh Linh, tức là làm mọi việc bởi sự dẫn dắt và ban ơn của Đức Thánh Linh: “Kẻ gieo cho xác thịt, sẽ bởi xác thịt mà gặt sự hư nát; song kẻ gieo cho Đấng Thần Linh, sẽ bởi Đấng Thần Linh mà gặt sự sống đời đời” (Ga-la-ti 6:8). Cho dù một người nhân danh Chúa để nói tiên tri, đuổi quỷ, và làm phép lạ nhưng nếu không bởi sự dẫn dắt và ban ơn của Đức Thánh Linh mà chỉ làm theo ý muốn và năng lực của xác thịt hoặc của tà linh, thì đối với Đức Chúa Jesus Christ, người ấy chỉ là kẻ gian ác mà Ngài không hề biết đến (Ma-thi-ơ 7:21-23).
  • Đứng vững trong đức tin nơi Chúa và Lời Chúa, đánh trận tốt lành để thắng xác thịt và các tà linh: “Hãy vì đức tin mà đánh trận tốt lành, bắt lấy sự sống đời đời, là sự mà con đã được gọi đến, và vì đó mà con đã làm chứng tốt lành trước mặt nhiều người chứng kiến” (I Ti-mô-thê 6:12).
  • Trung tín vâng phục Chúa, giữ vững đức tin cho đến chết: “Hãy trung tín cho đến chết và Ta sẽ ban cho ngươi mão sự sống.” (Khải Huyền 2:10).

Người Được Dựng Nên Mới Vẫn Có Thể Lui Đi Trong Đức Tin
và Bị Hư Mất Đời Đời

Thánh Kinh đã cảnh cáo con dân Chúa một cách rõ ràng: Người đã được dựng nên mới, nếu không bền lòng làm lành, không đứng vững trong đức tin, không trung tín với Chúa cho đến chết, trái lại, trở về sống trong tội lỗi, thỏa mãn những sự ưa muốn của xác thịt, thì sẽ bị h Bấm vào đây để đọc tiếp →

4,079 views

Loài Người (08): Xác Thịt

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết này:
http://www.mediafire.com/view/?c8ggbjr9bz5srof

Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống mp3 bài giảng này:
http://timhieutinlanh.net/node/1104

Huỳnh Christian Timothy

Dẫn Nhập

Thiên Chúa sáng tạo loài người là một linh hồn sống, nhưng Ngài làm ra thân thể vật chất của loài người từ vật liệu đã có sẵn là bụi của đất. Sáng Thế Ký 2:7 ghi lại rõ ràng cách thức Thiên Chúa tạo nên hình thể vật chất của loài người. Thiên Chúa đã lấy bụi của đất nắn nên hình người: Giê-hô-va Thiên Chúa nắn loài người từ bụi của đất, thổi hơi thở sống vào lỗ mũi, thì loài người trở nên một linh hồn sống.” Khi hình thể vật chất của loài người chưa có sự sống vận hành bên trong thì nó chỉ là một hình tượng bằng bụi của đất; nhưng khi sự sống vào trong hình thể bụi đất đó, thì nó trở thành xác thịt. Nếu vì một lý do gì đó mà sự sống ra khỏi thân thể xác thịt thì thân thể xác thịt sẽ trở về bụi đất: “ngươi sẽ làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn, cho đến ngày nào ngươi trở về đất, là nơi mà có ngươi ra; vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi” (Sáng Thế Ký 3:19). ”Hơi thở tắt đi, loài người bèn trở về bụi đất…” (Thi Thiên 146:4).

Sáng Thế Ký 2:19 cho biết Thiên Chúa cũng dùng bụi của đất để làm nên hình thể vật chất của các loài thú: “Giê-hô-va Thiên Chúa lấy đất nắn nên các loài thú đồng, các loài chim trời, rồi dẫn đến trước mặt A-đam đặng thử xem người đặt tên chúng nó làm sao, hầu cho tên nào A-đam đặt cho mỗi sanh linh, đều thành tên riêng cho nó.” Tuy nhiên, Thánh Kinh cho biết có sự khác biệt giữa xác thịt của loài người và loài thú: “Mọi xác thịt chẳng phải là đồng một xác thịt; nhưng xác thịt loài người khác, xác thịt loài thú khác, loài chim khác, loài cá khác” (I Cô-rinh-tô 15:39).

A-đam

Trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ, từ ngữ “'âdâm,” H120, là một danh từ gọi chung loài người hoặc gọi một người, không phân biệt giống tính. Nghĩa đen của từ ngữ này là “đỏ” hoặc “đỏ như đất.” Lần đầu tiên từ ngữ này xuất hiện trong Thánh Kinh là do chính Thiên Chúa dùng, khi Ngài phán: ”Chúng Ta hãy làm ra loài người ('âdâm) như hình Chúng Ta, giống như Chúng Ta…” (Sáng Thế Ký 1:26).

Nghĩa thứ hai của “'âdâm,” được ký số Strong là H121, cùng là một danh từ như H120 nhưng được dùng làm tên riêng để gọi người đầu tiên do Thiên Chúa dựng nên. Trong các bản dịch Thánh Kinh, từ ngữ này được phiên âm thành A-đam.

Nói cách khác, cùng một cách viết, cùng một phát âm nhưng danh từ “A-đam” có hai nghĩa: Nghĩa thứ nhất là “loài người” hoặc “người” và nghĩa thứ hai là “đỏ,” tên riêng của người đầu tiên được Thiên Chúa dựng nên.

Những Nguyên Tố Từ Bụi Đất Tạo Nên Xác Thịt Loài Người

Thánh Kinh chỉ nói một cách ngắn gọn, Thiên Chúa dùng bụi của đất làm nên hình thể vật chất của loài người. Tuy nhiên, khi được phân tích bởi khoa học, chúng ta biết trung bình, khoảng 70% thân thể xác thịt của loài người là nước. Còn xét về khối lượng thì:

  • Khoảng 99% là tổng hợp của sáu nguyên tố hóa học: oxygen, carbon, hydrogen, nitrogen, calcium, and phosphorus.
  • Khoảng 0.85% là tổng hợp của năm nguyên tố hóa học: potassium, sulfur, sodium, chlorine, và magnesium
  • Khoảng 0.15% là tổng hợp của các nguyên tố hóa học khác cần thiết cho sự sống hoặc có hại cho sự sống. Những nguyên tố có hại cho sự sống là do cơ thể loài người hấp thụ qua không khí hoặc thực phẩm.

Tất cả những nguyên tố hóa học tạo thành thân thể xác thịt của loài người đều ra từ đất. Khi linh hồn và tâm thần ra khỏi thân thể xác thịt thì xác thịt sẽ phân rã thành bụi đất.

Xác Thịt hay Chết và Xác Thịt Không Chết

Mục đích của Thiên Chúa khi dựng nên thân thể xác thịt của loài người là để cho thân thể đó có khả năng tồn tại mãi mãi trong tình trạng nguyên thỉ, như khi vừa được Ngài tạo dựng. Điều đó dễ hiểu, bởi vì Ngài là Thiên Chúa toàn năng và chính Ngài đã phán rằng, công trình sáng tạo của Ngài là “rất tốt lành“ (Sáng Thế Ký 1:36). Không phải chỉ là “tốt lành” mà là “rất tốt lành,” nghĩa là vô cùng thánh thiện, toàn hảo, xinh đẹp. Chính chữ “tốt lành” này được Thánh Kinh dùng để nói đến bản tính “thiện” của Thiên Chúa.

Thi Thiên 86:5 “Chúa ôi! Chúa là thiện, sẵn tha thứ cho, ban sự thương xót dư dật cho những người kêu cầu cùng Chúa.”

Thi Thiên 135:3“Hãy tôn vinh Đức Giê-hô-va, vì Đức Giê-hô-va là thiện; Khá hát tôn vinh danh Ngài, vì ấy là vui.”

Dựa vào Lời Chúa, chúng ta hiểu rằng, lúc ban đầu, khi chưa phạm tội thì loài người không cần che thân bằng quần áo. Chính là vì thân thể xác thịt của loài người được dựng nên giống như hình Thiên Chúa với sự vinh quang bao phủ. Chỉ khi loài người phạm tội, sự vinh quang đó bị mất đi, thì loài người mới cần đến quần áo để che thân. Rô-ma 3:23 cho chúng ta biết lẽ thật này: “Vì họ đều đã phạm tội và họ đang bị thiếu hụt sự vinh quang của Đức Chúa Trời.” Chúng ta thật sự không biết tình trạng của loài người, của thế gian cùng muôn vật trong thế gian như thế nào, trước khi tội lỗi vào trong thế gian. Chúng ta chỉ biết chính Thiên Chúa phán rằng, “các việc Ngài đã làm thật rất tốt lành!”

Trong tình trạng nguyên thỉ “rất tốt lành” đó, thân thể xác thịt của loài người có thể luôn luôn ở trong trạng thái “rất tốt lành” hoặc có thể trở nên “bị hư hoại và tan rã trở về cùng bụi đất.” Đó là sự chọn lựa của loài người. Nếu loài người chọn tin cậy và vâng phục Thiên Chúa thì loài người sẽ mãi mãi được tương giao với Thiên Chúa, hiểu biết Thiên Chúa ngày càng hơn, và không bao giờ kinh nghiệm sự đau khổ, cũng không bao giờ có tri thức về sự ác. Nếu loài người chọn hành động theo ý riêng, nghịch lại ý của Thiên Chúa, tức là loài người không tin cậy, không vâng phục Thiên Chúa, thì loài người sẽ bị cắt đứt quyền tương giao với Thiên Chúa, và nhận lấy hậu quả đương nhiên là sự đau khổ vì bị phân rẽ khỏi Thiên Chúa. Điều kinh khủng nhất là từ chính sự không tin cậy, không vâng phục Thiên Chúa đó, loài người kinh nghiệm sự ác mà không sao kiềm chế được sự ác và mọi hậu quả của sự ác. Sự ác chính là sự chống nghịch Thiên Chúa. Thiên Chúa là “thiện,” cho nên, tất cả những gì chống nghịch lại Thiên Chúa đều là “ác.” Một trong những hậu quả của sự ác mà loài người đã làm, là sự vinh quang của Thiên Chúa rời khỏi thân thể xác thịt của loài người, và thân thể xác thịt đó phải bị hư hoại, cuối cùng bị phân rẽ với tâm thần và linh hồn, bị tan rã, trở về cùng bụi đất, mà chúng ta gọi là cái chết của thân thể xác thịt.

Thiên Chúa đã đặt loài người trước hai sự chọn lựa đó để loài người hành sử quyền tự do mà Ngài đã ban cho họ. Không có sự chọn lựa thì không có tự do. Không có tự do thì không có tình yêu chân thật. Cây sự sống và cây biết điều thiện điều ác tiêu biểu cho điều mà loài người sẽ quyết định chọn lựa: Tin cậy và vâng phục Thiên Chúa hoặc không tin cậy và không vâng phục Thiên Chúa [1]. Nếu loài người chọn ăn trái của cây sự sống thì chứng tỏ rằng, loài người muốn được sống, và sống có nghĩa là tin cậy, vâng phục Thiên Chúa, được tương giao với và nhận biết Thiên Chúa ngày càng hơn. Nếu loài người chọn ăn trái của cây biết điều thiện và điều ác thì chứng tỏ rằng, loài người không tin cậy, không vâng phục Thiên Chúa, không tin Lời phán của Thiên Chúa, rằng ăn trái của cây đó thì sẽ bị chết. Chết tức là bị phân rẽ khỏi Thiên Chúa và thân thể xác thịt bị phân rẽ với tâm thần cùng linh hồn, mà tan rã, trở về cùng bụi đất. Tổ phụ của loài người là A-đam và Ê-va đã chọn sự không tin cậy, không vâng phục Thiên Chúa, đem tội lỗi và hậu quả của tội lỗi là đau khổ và sự chết vào trong thế gian. Từ đó, không những loài người mà muôn vật được đặt dưới quyền cai trị của loài người, đều bị án phạt trực tiếp của tội lỗi, là đau khổ và sự chết.

Giả sử như, thay vì loài người chọn ăn trái cây biết điều thiện điều ác, mà chọn ăn trái cây sự sống, thì điều gì sẽ xảy ra? Thiên Chúa sẽ vui lòng về đức tin của loài người. Cây biết điều thiện và điều ác, tức là cây sự chết, sẽ được dẹp đi (có thể là sẽ bị ném vào hỏa ngục là nơi dùng để hình phạt các thiên sứ phạm tội, như sau này sự chết và âm phủ sẽ bị ném vào hỏa ngục – Khải Huyền 20:14). Loài người sẽ mãi mãi sống trong hạnh phúc bên Thiên Chúa, ngày càng hiểu biết Thiên Chúa càng hơn, mà Thánh Kinh gọi đó là sự sống đời đời (Giăng 17:3). Chắc chắn, loài người sẽ không bao giờ kinh nghiệm đau khổ và sự chết, như Khải Huyền 21:4 minh chứng về một thế giới không có tội lỗi.

Có một lý luận thần học cho rằng, chính Thiên Chúa muốn cho loài người kinh nghiệm tội lỗi và sự chết để loài người có thể nhận thức sự thánh khiết và sự sống! Đó là một sự ngụy biện đến từ Sa-tan để gạt loài người phạm thêm tội đổ trách nhiệm loài người phạm tội cho Thiên Chúa và bào chữa cho nếp sống tội của loài người. Một người không cần biết mùi thối để vui hưởng mùi thơm như thế nào thì một người cũng không cần biết đau khổ để vui hưởng hạnh phúc. Một người không cần phải bị đui mù để có thể vui hưởng hạnh phúc mà ánh sáng mang đến như thế nào thì một người cũng không cần phải kinh nghiệm sự chết để vui hưởng hạnh phúc của sự sống.

Trong sự công bình và thánh khiết của Thiên Chúa thì Ngài có thể để mặc cho loài người hư mất trong tội lỗi và cuối cùng tất cả đều bị giam đời đời trong hỏa ngục. Nhưng Thiên Chúa là tình yêu nên Ngài đã ban cho loài người “cơ hội thứ hai.” Cơ hội thứ hai Thiên Chúa ban cho loài người trong sự lựa chọn tin cậy và vâng phục Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa hay lựa chọn sống theo ý riêng của mình, nghịch lại Thiên Chúa, được ban cho tất cả mọi người:

  • Đối với A-đam và Ê-va cùng những người được sinh ra trước thời Mười Điều Răn được ban hành qua dân I-sơ-ra-ên: Mỗi người phải ăn năn tội và sống theo tiêu chuẩn luật pháp Thiên Chúa đã đặt để trong lương tâm mình, tin cậy và tôn thờ Thiên Chúa. Nhờ đó, khi Đức Chúa Jesus Christ chết chuộc tội cho toàn thể nhân loại, họ sẽ được hưởng sự tha tội và làm cho sạch tội, thân thể xác thịt được sống lại trong vinh quang và được phục hồi địa vị làm con của Đức Chúa Trời.
  • Đối với dân I-sơ-ra-ên cùng các dân tộc nhận biết Mười Điều Răn qua dân I-sơ-ra-ên, cho đến khi Đấng Christ chịu chết: Mỗi người phải ăn năn tội và sống theo tiêu chuẩn luật pháp Thiên Chúa đã ban hành qua chữ viết, tin cậy vào ơn cứu chuộc của Thiên Chúa được thể hiện qua hình thức dâng sinh tế chuộc tội, và chỉ một lòng tôn thờ Thiên Chúa. Nhờ đó, khi Đức Chúa Jesus Christ chết chuộc tội cho toàn thể nhân loại, họ sẽ được hưởng sự tha tội và làm cho sạch tội, thân thể xác thịt được sống lại trong vinh quang và được phục hồi địa vị làm con của Đức Chúa Trời.
  • Đối với các dân tộc đồng thời với dân I-sơ-ra-ên nhưng chưa được biết về Mười Điều Răn, cho đến khi Đấng Christ chịu chết: Mỗi người phải ăn năn tội và sống theo tiêu chuẩn luật pháp Thiên Chúa đã đặt để trong lương tâm mình, tin cậy và tôn thờ Thiên Chúa. Nhờ đó, khi Đức Chúa Jesus Christ chết chuộc tội cho toàn thể nhân loại, họ sẽ được hưởng sự tha tội và làm cho sạch tội, thân thể xác thịt được sống lại trong vinh quang và được phục hồi địa vị làm con của Đức Chúa Trời.
  • Đối với mọi dân tộc, bao gồm dân I-sơ-ra-ên kể từ khi Đấng Christ chịu chết cho đến khi kết thúc thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm: Mỗi người phải ăn năn tội, tin cậy vào sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ trên thập tự giá, sống theo tiêu chuẩn luật pháp Thiên Chúa đã ghi chép cách mới vào trong lương tâm mình và giải bày qua Thánh Kinh, một lòng tin cậy và tôn thờ Thiên Chúa. Nhờ đó, họ sẽ được hưởng sự tha tội và làm cho sạch tội, thân thể xác thịt được sống lại trong vinh quang và được phục hồi địa vị làm con của Đức Chúa Trời.
  • Đối với mọi dân tộc, kể từ khi Đấng Christ chịu chết cho đến khi mở đầu của kỳ đại nạn mà họ không có cơ hội nghe biết về Tin Lành: Mỗi người phải ăn năn tội và sống theo tiêu chuẩn luật pháp Thiên Chúa đã đặt để trong lương tâm mình, tin cậy và tôn thờ Thiên Chúa. Nhờ đó, họ sẽ được hưởng sự tha tội và làm cho sạch tội bởi sự chết của Đức Chúa Jesus Christ, thân thể xác thịt được sống lại trong vinh quang và được phục hồi địa vị làm con của Đức Chúa Trời. Riêng trong kỳ đại nạn, mọi dân tộc, mọi tiếng nói đều sẽ được nghe giảng Tin Lành bởi thiên sứ của Chúa và 144,000 chứng nhân người I-sơ-ra-ên. Tất cả những ai muốn được cứu chuộc thì phải ăn năn tội, tin nhận Tin Lành, và sẵn sàng chịu chết vì danh của Đức Chúa Jesus Christ.

Tất cả những ai thật lòng ăn năn tội, tin cậy và vâng phục Thiên Chúa, dù ở trong thời đại nào, thuộc về dân tộc nào cũng đều được gọi chung là các thánh đồ của Thiên Chúa. Thánh đồ là người được Đức Chúa Trời tha tội, xưng là công chính, được Đức Chúa Jesus Christ làm cho sạch tội, và được Đức Thánh Linh thánh hóa, biệt riêng ra làm con cái của Đức Chúa Trời. Mọi thánh đồ của Thiên Chúa sẽ được phục hồi địa vị làm con của Đức Chúa Trời, được trở lại tương giao với Thiên Chúa và hiểu biết Thiên Chúa ngày càng hơn cho đến mãi mãi. Thân thể xác thịt của họ sẽ theo thứ tự mà được phục sinh thành một thân thể xác thịt không hề chết, tức là không bao giờ còn kinh nghiệm những sự đau yếu, bệnh tật, già yếu và bị phân rã thành bụi đất. Chẳng những vậy, thân thể ấy còn có thể điều khiển và vượt trên các định luật vật lý, như thân thể phục sinh của Đức Chúa Jesus Christ.

Những Sự Ưa Muốn của Xác Thịt

Trong hiện tại, thân thể xác thịt đang chết có những điều ưa muốn mà xác thịt kinh nghiệm được trong thế giới vật chất. Một phần nào trong những sự ưa muốn đó là nhu cầu sinh lý và tâm lý chính đáng, như: đói cần phải được ăn, khát cần phải được uống, mệt mõi, cần phải được nghỉ ngơi, đau buồn cần được than khóc và được an ủi, vui mừng cần được reo cười và ca hát… kể cả nhu cầu về sự được thỏa mãn cao điểm vui thú trong tình vợ chồng là quan hệ tình dục. Tự mỗi nhu cầu và ham muốn là điều tự nhiên Thiên Chúa đặt để trong chúng ta, không có gì sai trái hay tội lỗi. Tuy nhiên, cách thức và mục đích mà chúng ta đáp ứng những điều ưa muốn chính đáng của xác thịt có thể sai trái và là tội lỗi.

Thánh Kinh dạy chúng ta: “chớ hề làm trọn những điều ưa muốn của xác thịt” (Ga-la-ti 5:16). Điều đó có nghĩa là chúng ta chỉ được thỏa mãn các nhu cầu chính đáng của xác thịt bằng những phương cách chính đáng, tức là những phương cách không vi phạm tiêu chuẩn công bình và thánh khiết của Thiên Chúa, như đã được bày tỏ trong Thánh Kinh. Vì thế, có những lúc chúng ta phải bỏ mặc nhu cầu chính đáng của xác thịt để không phạm tội nghịch cùng Thiên Chúa. Thí dụ, chúng ta đang đói, cần phải được ăn no, nhưng chúng ta không thể đánh cắp thức ăn của người khác để ăn cho no lòng. Thậm chí, nếu chúng ta và một người khác nữa cùng đang đói thì chúng ta phải chia xẻ thức ăn hoặc nhường thức ăn của chính mình cho người khác, vì tình yêu thương. Thánh Kinh dạy: “Chẳng ai có tình yêu nào lớn hơn là một người phó sự sống mình cho các bạn hữu mình” (Giăng 15:13). Và: “Ấy vậy, hễ điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ, vì ấy là luật pháp và lời tiên tri” (Ma-thi-ơ 7:12; Lu-ca 6:31).

Người không có Chúa làm chủ chỉ có thể sống theo bản năng ích kỷ của tội lỗi, chỉ biết làm trọn những điều ưa muốn của xác thịt bằng bất cứ phương cách nào. Chẳng những vậy, còn lạm dụng các chức năng Thiên Chúa ban cho, điển hình là sự phạm tội tà dâm. Bản năng tính dục và nhu cầu quan hệ tình dục của vợ chồng là điều Thiên Chúa ban cho và thiết lập cho loài người. Mục đích của bản năng tính dục là để loài người sinh sản làm cho đầy dẫy đất. Mục đích của nhu cầu quan hệ tình dục giữa vợ chồng vừa để phục vụ cho sự sinh sản vừa để loài người vui hưởng hạnh phúc được kết hợp trong tình yêu nam nữ. Khi loài người bị băng hoại bởi tội lỗi thì loài người đã biến nhu cầu quan hệ tình dục thành thú vui riêng của mỗi người, theo ý muốn riêng của mình, bất chấp đến sự cảm nhận của đối phương, và gạt bỏ trách nhiệm sinh sản kèm theo bản năng tính dục. Vì thế, xảy ra các tội ngoại tình, tà dâm, mua bán tình dục, cưỡng bách tình dục, ngừa thai và phá thai. Ngày nay, trên khắp thế giới, những dịch vụ kiếm lợi qua sự khiêu gợi tình dục dưới mọi hình thức đã trở thành những thương vụ có số lời khổng lồ, tính chất đạo đức của xã hội đã băng hoại đến mức tận cùng khi sự ngừa thai và phá thai được công nhận bởi hầu hết các quốc gia, sự đồng tính luyến ái được ngay chính các tổ chức tôn giáo mang danh Chúa chấp nhận.

Công Cụ của Sự Công Bình Hoặc Công Cụ của Tội Lỗi

Mục đích đời đời của Thiên Chúa khi Ngài ban cho loài người một thân thể xác thịt là để loài người dùng thân thể xác thịt đó tôn vinh Ngài, bằng cách:

  • Tiếp nhận Ngài để Ngài ngự trong thân thể xác thịt của mình, nhờ đó loài người có được sự tương giao mật thiết với Thiên Chúa và có thể thờ phượng Thiên Chúa trong thân thể mình và qua thân thể mình.
  • Mãi mãi dâng thân thể xác thịt mình làm của lễ sống và thánh lên Thiên Chúa.
  • Dùng chính thân thể xác thịt mình làm ra những việc công bình mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho mình trong thế giới vật chất này, bao gồm việc cai trị thế giới vật chất này.

Tuy nhiên, khi loài người phạm tội thì thân thể xác thịt của loài người bị nô lệ cho tội lỗi và cũng là nô lệ cho Sa-tan vì Sa-tan có quyền điều khiển những kẻ không thuộc về Thiên Chúa. Thực tế, Thánh Kinh gọi tất cả những ai nói dối là con cái của Ma Quỷ vì Ma Quỷ là cha của sự nói dối (Giăng 8:34). Từ đó, thay vì thờ phượng Thiên Chúa thì loài người thờ phượng Ma Quỷ qua các thần tượng, thậm chí qua các vật do tay mình làm nên theo hình tượng của các tà thần, loài người, côn trùng, điểu thú… và thay vì làm ra những sự công bình, thánh khiết thì loài người làm ra những sự gian ác, bất công, ô uế… đến nỗi tự làm nhục thân thể của chính mình và lẫn nhau (Rô-ma 1:18-32).

Không phải loài người không ý thức tình trạng băng hoại của mình và sự ô uế của xác thịt mình. Nhưng loài người không thể nào tự mình kiềm chế được những sự ưa muốn tội lỗi của xác thịt, nghịch lại tiêu chuẩn công bình và thánh khiết của Thiên Chúa. Thánh Kinh dạy rất rõ như sau, trong Rô-ma 7:14-24:

14 Vả, chúng ta biết luật pháp là thiêng liêng; nhưng tôi là tánh xác thịt đã bị bán cho tội lỗi.

15 Vì tôi không hiểu điều mình làm: tôi chẳng làm điều mình muốn, nhưng làm điều mình ghét.

16 Song nếu tôi làm điều mình chẳng muốn, thì bởi đó nhận biết luật pháp là tốt lành.

17 Bấy giờ chẳng phải tôi làm điều đó nữa, nhưng ấy là tội lỗi ở trong tôi.

18 Vả, tôi biết điều lành chẳng ở trong tôi đâu, nghĩa là trong xác thịt tôi, bởi tôi có ý muốn làm điều lành, nhưng không có quyền làm trọn;

19 vì tôi không làm điều lành mình muốn, nhưng làm điều dữ mình không muốn.

20 Ví bằng tôi làm điều mình không muốn, ấy chẳng phải là tôi làm điều đó nữa, nhưng là tội lỗi ở trong tôi vậy.

21 Vậy tôi thấy có luật nầy trong tôi: khi tôi muốn làm điều lành, thì điều dữ dính dấp theo tôi.

22 Vì theo người bề trong, tôi vẫn lấy luật pháp Đức Chúa Trời làm đẹp lòng;

23 nhưng tôi cảm biết trong chi thể mình có một luật khác giao chiến với luật trong trí mình, bắt mình phải làm phu tù cho luật của tội lỗi, tức là luật ở trong chi thể tôi vậy.

24 Khốn nạn cho tôi! Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân thể hay chết nầy?

Đó là tình trạng tuyệt vọng về thân thể xác thịt của mỗi một người được sinh ra trong thế gian này. Tuy nhiên, tình yêu của Đức Chúa Trời đã đem đến cho loài người sự cứu chuộc ra khỏi hậu quả và quyền lực của tội lỗi, bởi sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Để trả lời cho tiếng kêu: “Khốn nạn cho tôi! Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân thể hay chết nầy?” Rô-ma 7:25 chép: “Cảm tạ Đức Chúa Trời, nhờ Đức Chúa Jesus Christ, là Chúa chúng ta!” Nhờ Đức Chúa Jesus Christ đã chết chuộc tôi cho chúng ta mà chúng ta được Đức Chúa Trời tha tội, được Đức Chúa Jesus Christ làm cho sạch tội bởi huyết thánh của Ngài, và được Đức Thánh Linh tái sinh, ban cho Thánh Linh để có quyền năng từ Thiên Chúa, sống một đời sống đắc thắng mọi cám dỗ và tội lỗi, bắt thân thể xác thịt phải chịu phục tiêu chuẩn công bình và thánh khiết của Thiên Chúa.

Câu kết sau đây trong Rô-ma 7:25 cho chúng ta thấy: Thân thể thiêng liêng của chúng ta là tâm thần nhận biết luật pháp của Đức Chúa Trời và công nhận sự công bình, thánh khiết của luật pháp. Nhưng thân thể xác thịt của chúng ta lại phục dưới quyền lực của tội lỗi mà cứ làm ra tội: “Bởi vì, chính mình tôi lấy trí khôn phục luật pháp của Đức Chúa Trời, nhưng lấy xác thịt phục luật pháp của tội lỗi.”

Kết Luận

Cảm tạ sự nhân từ và thương xót của Thiên Chúa. Trong khi loài người băng hoại, chết mất trong tội lỗi, tự làm nhục chính thân thể xác thịt của mình do Thiên Chúa dựng nên giống như hình Ngài, thì Thiên Chúa đã ban cho loài người sự cứu rỗi trong Đức Chúa Jesus Christ. Chỉ có những ai thật lòng ăn năn, từ bỏ tội, tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ và hết lòng sống theo Lời Chúa là Thánh Kinh, mới có thể thoát khỏi hậu quả và quyền lực của tội lỗi đang bắt phục thân thể xác thịt của họ. Họ sẽ được ban cho Thánh Linh của Thiên Chúa để có quyền cai trị thân thể xác thịt của mình, bắt nó phải phục. Mỗi ngày Đức Thánh Linh sẽ tiến hành công cuộc thánh hóa họ từ tâm thần, linh hồn, cho đến thân thể xác thịt, để họ sống đẹp lòng Thiên Chúa và thân thể xác thịt của họ sẽ được biến hóa (hoặc sống lại) trong ngày Đức Chúa Jesus Christ hiện ra, để đem họ vào trong Vương Quốc Đời Đời của Ngài.

Mỗi một con dân chân thật của Thiên Chúa đều có thể cùng đồng thanh với Sứ Đồ Phao-lô để nói lên những lời sau đây: “Song tôi đãi thân thể mình cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục, e rằng sau khi tôi đã giảng dạy kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng” (I Cô-rinh-tô 9:27). Và: “Qua Đấng Christ là Đấng ban thêm sức cho tôi, tôi làm được mọi sự” (Phi-líp 4:13).

Huỳnh Christian Timothy
22.12.2012

Ghi Chú

[1] Nghe thêm các bài giảng về “Cây Sự Sống và Cây Biết Điều Thiện Điều Ác” tại đây:
http://timhieutinlanh.net/taxonomy/term/136

[A] Tất cả những câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là từ Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời và Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống Hiệu Đính 2012. Quý bạn có thể đọc trên mạng: www.ngoiloi.thanhkinhvietngu.netwww.tt2012.thanhkinhvietngu.net.
 


Copyright Notice: All Rights Reserved © 2012 Vietnamese Christian Mission Ministry.
Thông Báo Tác Quyền: Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức nhưng xin giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.

Bấm vào đây để đọc tiếp →

5,539 views

Loài Người (07): Như Hình Thiên Chúa, Giống Như Thiên Chúa

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết này:
http://www.mediafire.com/view/?0vqtvcuxrcu7tvx

Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống MP3 bài giảng này:
http://timhieutinlanh.net/node/1076

Huỳnh Christian Timothy

Dẫn Nhập

Trong sáu bài trước, chúng ta đã nói về nguồn gốc của loài người: loài người được Thiên Chúa sáng tạo; người là một linh hồn ở trong một thân thể thiêng liêng là tâm thần và ở trong một thân thể vật chất là xác thịt. Chúng ta cũng đã tìm hiểu ý nghĩa của những câu Thánh Kinh liên quan đến tâm thần. Trong bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu về sự kiện Đức Chúa Trời sáng tạo loài người như hình Ngài và giống như Ngài. Dưới đây là các câu Thánh Kinh làm nền tảng [A]:

Thiên Chúa phán rằng: Chúng Ta hãy làm ra loài người như hình Chúng Ta, giống như Chúng Ta, đặng cai trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, khắp cả đất, và mỗi loài bò sát bò trên mặt đất. Thiên Chúa đã sáng tạo loài người như hình Ngài; Ngài đã sáng tạo loài người như hình Thiên Chúa; Ngài đã sáng tạo họ, nam và nữ. (Sáng Thế Ký 1:26-27)

Đây là sách về dòng dõi của A-đam. Ngày mà Thiên Chúa sáng tạo loài người thì Ngài đã làm ra loài người giống như Thiên Chúa.” (Sáng Thế Ký 5:1)

Như Hình Thiên Chúa và Giống Như Thiên Chúa

Trước hết, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của mệnh đề “như hình Chúng Ta, giống như Chúng Ta.” Đây là lời tuyên bố rất rõ ràng của Thiên Chúa về hình thể, bản chất và bản tính của loài người mà Ngài sẽ sáng tạo. “Như hình chúng ta” nói đến hình thể của loài người sẽ giống như hình thể của Thiên Chúa; còn “giống như chúng ta” nói đến bản chất và bản tính của loài người sẽ giống như bản chất và bản tính của Thiên Chúa. Vậy, chúng ta hãy tìm xem Thánh Kinh nói gì về hình thể, bản chất và bản tính của Thiên Chúa.

1. Hình thể của Thiên Chúa: Thiên Chúa có hình thể thiêng liêng là “thần” và hình thể vật chất là “xác thịt.” Thánh Kinh cho chúng ta biết:

Lại cũng có hình thể thuộc về trời, hình thể thuộc về đất, nhưng vinh quang của hình thể thuộc về trời với vinh quang của hình thể thuộc về đất thì khác nhau.”(I Cô-rinh-tô 15:40)

Hình thể vật chất của Thiên Chúa chính là thân thể xác thịt của Đức Chúa Con, khi Ngài nhập thế làm người, mang tên Jesus. Hình thể thiêng liêng của Thiên Chúa thì con mắt xác thịt của chúng ta không thể thấy được, nhưng con mắt thiêng liêng của chúng ta có thể thấy được. Trong các khải tượng Thiên Chúa ban cho con dân của Ngài thì con dân của Ngài có thể nhìn thấy hình thể thiêng liêng của Thiên Chúa.

Tiên Tri Ê-sai nhìn thấy Chúa ngồi trên ngôi cao sang: “Về năm vua Ô-xia băng, tôi thấy Chúa ngồi trên ngôi cao sang, vạt áo của Ngài đầy dẫy đền thờ. Những sê-ra-phin đứng bên trên Ngài; mỗi sê-ra-phin có sáu cánh, hai cái che mặt, hai cái che chơn và hai cái dùng để bay. Các sê-ra-phin cùng nhau kêu lên rằng: Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Đức Giê-hô-va vạn quân! Khắp đất đầy dẫy sự vinh quang Ngài!” (Ê-sai 6:1-3)

Tiên Tri Đa-ni-ên nhìn thấy Thiên Chúa Ngôi Cha: “Ta nhìn xem cho đến chừng các ngôi đã đặt, và có Đấng Thượng Cổ ngồi ở trên. Áo Ngài trắng như tuyết, và tóc trên đầu Ngài như lông chiên sạch. Ngôi Ngài là những ngọn lửa, và các bánh xe là lửa hừng” (Đa-ni-ên 7:9)

Kế tiếp, Đa-ni-ên nhìn thấy Thiên Chúa Ngôi Con trong hình thể của một con người: “Ta lại nhìn xem trong những sự hiện thấy ban đêm, nầy, có ai giống như con người, đến với những đám mây trời; người đến cùng Đấng Thượng Cổ và họ đem người đến trước mặt Ngài.” (Đa-ni-ên 7:13)

Chấp Sự Ê-tiên, trước khi tử Đạo, nhìn thấy Đức Chúa Con đứng bên hữu Đức Chúa Cha: “Nhưng người, được đầy dẫy Thánh Linh, mắt ngó chăm lên trời, thấy sự vinh quang của Thiên Chúa, và Đức Chúa Jesus đứng bên hữu Đức Chúa Trời; thì người nói rằng: Kìa, ta thấy các từng trời mở ra, và Con người đứng bên hữu Đức Chúa Trời.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 7:55-56)

Giăng 1:18 nói đến sự kiện, ngoài Đức Chúa Con ra thì chưa hề có ai nhìn thấy Đức Chúa Cha: “Chẳng ai từng thấy Đức Chúa Trời, chỉ Con Một ở trong lòng Cha: là Đấng đã giải bày Cha.” Tuy nhiên, động từ thấy “ὁράω,” G3708, phát âm quốc tế /horaō/, phát âm tiếng Việt [hơ-rá-ô], được dùng trong câu này và trong Giăng 14:7, 9 có nghĩa đen là nhìn thấy bằng con mắt xác thịt và nghĩa bóng là sự nhận thức, hiểu biết trong tâm trí. Dựa vào văn mạch của Giăng 1:18 và 14:7, 9 chúng ta biết từ ngữ “thấy” được dùng trong các câu này với nghĩa bóng, để chỉ sự hiểu biết về Đức Chúa Cha. Ý nghĩa của các câu Thánh Kinh đó như sau:

“Chẳng ai từng hiểu biết về Đức Chúa Trời, chỉ Con Một ở trong lòng Cha: là Đấng đã giải bày Cha.” (Giăng 1:18)

“Nếu các ngươi đã biết Ta, thì các ngươi cũng đã biết Cha Ta; và từ nay, các ngươi biết Ngài và các ngươi vẫn hiểu biết về Ngài.” (Giăng 14:7)

“Đức Chúa Jesus phán với người: Hỡi Phi-líp, Ta ở cùng các ngươi đã lâu thay, mà ngươi chưa biết Ta! Ai đã hiểu biết về Ta, tức là đã hiểu biết về Cha. Sao ngươi lại nói rằng, xin chỉ Cha cho chúng tôi?” (Giăng 14:9)

2. Bản chất của Thiên Chúa: Bản chất thân thể thiêng liêng của Thiên Chúa là thần (spirit) và bản chất thân thể vật chất của Thiên Chúa là xác thịt, bụi của đất (matter).

Trước nguyên ủy, hằng có Ngôi Lời. Ngôi Lời hằng ở cùng Đức Chúa Trời; và Ngôi Lời hằng là Thiên Chúa… Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, đóng trại giữa chúng ta. Chúng ta đã ngắm xem sự vinh quang của Ngài: là vinh quang của Con Một đến từ nơi Cha, đầy ơn và lẽ thật.”(Giăng 1:1, 14)

Đức Chúa Trời là Thần. Những người thờ phượng Ngài phải thờ phượng trong tâm thần và lẽ thật.”(Giăng 4:24)

3. Bản tính của Thiên Chúa: Bản tính của Thiên Chúa là yêu thương, thánh khiết, và công chính.

Vậy, khi Thiên Chúa phán rằng, Ngài sẽ làm ra loài người như hình Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa, thì Ngài có ý nói rằng, loài người sẽ:

  • mang hình thể thiêng liêng giống như hình thể thiêng liêng của Thiên Chúa; mang hình thể vật chất giống như hình thể vật chất của Thiên Chúa;
  • có bản chất thiêng liêng (tâm thần) và bản chất vật chất (xác thịt);
  • có bản tính yêu thương, thánh khiết, và công chính.

Dù chúng ta không nhìn thấy tâm thần, tức thân thể thiêng liêng của mình, nhưng chúng ta nhận thức được nó. Và vì cớ chúng ta nhận thức được tâm thần mà chúng ta ý thức bản tính yêu thương, thánh khiết, và công chính mà Thiên Chúa đã dựng nên trong chúng ta. Bản tính nguyên thỉ đó đã bị băng hoại sau khi loài người phạm tội; nhưng hễ ai thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ, thì được Đức Thánh Linh tái sinh, tức là tâm thần và linh hồn được dựng nên mới, với bản tính giống như Thiên Chúa. Ê-phê-sô 4:24 cho biết, những người được dựng nên mới là những người: “…mặc lấy người mới, tức là người đã được dựng nên giống như Thiên Chúa, trong sự công bình và sự thánh sạch của lẽ thật.”

Bản tính giống như Thiên Chúa có nghĩa là yêu những gì Thiên Chúa yêu, ghét những gì Thiên Chúa ghét và làm những gì Thiên Chúa làm. Khi loài người bị băng hoại bởi tội lỗi thì loài người không có khả năng hành động theo tiêu chuẩn yêu thương, thánh khiết, và công chính của Thiên Chúa. Nhưng hễ ai đã được dựng nên mới trong Đức Chúa Jesus Christ, thì người ấy có năng lực của chính Thiên Chúa để sống theo tiêu chuẩn của Ngài. Vấn đề là, người đã được dựng nên mới có biết tận dụng ân điển Thiên Chúa đã ban cho mình để sống một đời sống mới trong Chúa, hay không.

Hầu hết các nhà thần học cho rằng, loài người được dựng nên như hình Thiên Chúa chỉ có ý nghĩa thuộc linh, và họ nhấn mạnh sự giống về bản tính của Thiên Chúa mà không bàn đến hình thể. Đối với họ, nói rằng Thiên Chúa có hình thể và loài người được dựng nên theo hình thể của Thiên Chúa là điều họ không thể chấp nhận. Quan điểm của các nhà thần học chỉ là ý kiến của loài người, còn Thánh Kinh là Lời của Đức Chúa Trời. Lời Chúa đã nhấn mạnh rằng, loài người được dựng nên như hình thể của Ngài và giống như bản tính của Ngài. Lời của Chúa cũng cho chúng ta biết Thiên Chúa là thần nhưng khi Ngài nhập thế làm người thì Ngài được sinh ra bởi xác thịt và có thân thể xác thịt bằng vật chất. Lời Chúa ba lần nói đến sự Thiên Chúa dựng nên loài người như hình Ngài, với ý nghĩa là một hình thể nhìn thấy được:

Thiên Chúa phán rằng: Chúng Ta hãy làm ra loài người như hình Chúng Ta, giống như Chúng Ta, đặng cai trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, khắp cả đất, và mỗi loài bò sát bò trên mặt đất. Thiên Chúa đã sáng tạo loài người như hình Ngài; Ngài đã sáng tạo loài người như hình Thiên Chúa; Ngài đã sáng tạo họ, nam và nữ.” (Sáng Thế Ký 1:26-27)

Trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ, từ ngữ được dịch là hình trong Sáng Thế Ký 1:26-27 là “צלם,” H6754, phiên âm quốc tế /tselem/, phiên âm Việt ngữ [xé-lem] và có nghĩa là: hình dáng, hình tượng. Còn từ ngữ được dịch là giống, trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ là “דּמוּת,” H1823, phiên âm quốc tế /demûth/, phiên âm Việt ngữ [đe-mú-th] và có nghĩa là: giống như, tương tự.

Điều thú vị là trong Sáng Thế Ký 5:3, Thánh Kinh dùng đúng hai từ ngữ này để nói đến sự kiện A-đam sinh ra Sết nhưhình ông và giống như ông:

Vả, A-đam được một trăm ba mươi tuổi, sanh một con trai như hình mình, giống như mình, đặt tên là Sết.”

So sánh với Bản Dịch King James:

Gen 1:26-27 “And God said, Let us make man in our image, after our likeness: and let them have dominion over the fish of the sea, and over the fowl of the air, and over the cattle, and over all the earth, and over every creeping thing that creepeth upon the earth. So God created man in his own image, in the image of God created he him; male and female created he them.”

Gen 5:3 “And Adam lived an hundred and thirty years, and begat a son in his own likeness, after his image; and called his name Seth.”

Theo Thánh Kinh, Thiên Chúa Ngôi Con nhập thế làm người khoảng 4,000 năm sau khi loài người được dựng nên, nhưng chúng ta có thể hiểu rằng, hình ảnh mà Thiên Chúa chọn để thể hiện khi Ngài đi vào thế giới vật chất đã có trong tâm trí của Thiên Chúa từ trước, và Ngài đã dựng nên thân thể vật chất của loài người theo hình ảnh ấy. Rất có thể, công cuộc sáng tạo loài Người đã diễn tiến như sau: Thiên Chúa Ngôi Cha truyền lệnh, “Chúng Ta hãy làm ra loài người như hình Chúng Ta, giống như Chúng Ta;” Thiên Chúa Ngôi Con xuất hiện trong thế giới vật chất với một hình thể vật chất, rồi Ngài gom bụi của đất để làm nên một hình thể giống như hình thể vật chất của Ngài; kế tiếp, Thiên Chúa Ngôi Thánh Linh thổi hơi thở sống của Ngài vào hình thể đó, và loài người xuất hiện. Chúng ta có thể yên tâm, dựa vào Lời Chúa để tin rằng, tâm thần và xác thịt của loài người được dựng nên như hình thể thần và hình thể xác thịt của Thiên Chúa, còn linh hồn tức bản ngã của chúng ta, thì có bản tính giống như bản tính của Thiên Chúa. Bản ngã của Thiên Chúa cũng được Thánh Kinh gọi là linh hồn (Hê-bơ-rơ 10:38).

Thân Thể “Siêu Vật Chất”

Chúng ta đã biết, sự chết thứ nhất của loài người bao gồm sự chết thuộc linh lẫn sự chết thuộc thể. Sự chết thuộc linh là sự tâm thần, linh hồn bị tội lỗi làm cho ngăn cách với Thiên Chúa, mất đi sự tương giao với Ngài. Sự chết thuộc thể là thân thể vật chất bị băng hoại, rồi cuối cùng bị phân rẽ với tâm thần và linh hồn, tan rã thành bụi đất. Thánh Kinh gọi chung sự chết thuộc linh và thuộc thể đó là sự chết thứ nhất. Tưởng cũng nên nhắc lại về sự chết thứ hai tại đây. Sự chết thứ hai cũng bao gồm thuộc thể lẫn thuộc linh, sẽ xảy ra trong ngày phán xét chung cuộc, là khi thân thể xác thịt của những người không thuộc về Chúa được gọi sống lại, chịu kết án và bị ném vào trong hồ lửa. Trong hồ lửa đó, mỗi linh hồn không thuộc về Chúa sẽ ở trong thân thể xác thịt, chịu khổ đời đời vì bị phân rẽ khỏi mặt Chúa và bị phân rẽ khỏi sự vinh quang của năng lực Ngài (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:9). Vì bị phân rẽ khỏi mặt Chúa nên không thể kêu cầu cùng Chúa. Vì bị phân rẽ khỏi sự vinh quang của năng lực Ngài nên không còn cơ hội hưởng năng lực cứu rỗi của Tin Lành, cho dù lúc bấy giờ, họ thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Vì thế, Thánh Kinh dạy rằng: “Kìa, hiện nay là thì thuận tiện; kìa, hiện nay là ngày cứu rỗi” (II Cô-rinh-tô 6:2)! Hiện nay, có nghĩa là lúc chúng ta còn sống trong thân thể xác thịt này.

Khi một người thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, thì người ấy lập tức được Đức Thánh Linh tái sinh tâm thần và linh hồn, được phục hòa mối tương giao với Thiên Chúa, được phục hồi địa vị làm con thừa kế (con được hưởng cơ nghiệp) của Đức Chúa Trời. Điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời được Đức Thánh Linh chép vào trong lương tâm mới của người được tái sinh (Hê-bơ-rơ 8:10; 10:16); năng lực của Đức Thánh Linh tuôn tràn trong tâm thần của người được tái sinh để giúp cho người ấy hiểu biết mọi lẽ thật của Lời Chúa và có năng lực sống theo Lời Chúa. Riêng phần thân thể vật chất thì chưa được tái sinh nhưng vẫn được Đức Thánh Linh thánh hóa để làm đồ dùng về sự công bình của Đức Chúa Trời (Rô-ma 6:13). Thân thể vật chất của người thuộc về Chúa sẽ được tái sinh trong ngày Đức Chúa Jesus Christ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian trước kỳ tận thế.

Khi đó, thân thể vật chất đang sống sẽ được biến hóa, thân thể vật chất đã trở về cùng bụi đất sẽ được phục sinh. Dù sống lại hay được biến hóa đang khi còn sống thì thân thể vật chất được tái sinh của người tin Chúa sẽ kết hợp với thân thể thiêng liêng là tâm thần, trở thành một thân thể siêu vật chất, có thể sinh hoạt trong thế giới vật chất lẫn thế giới thuộc linh, như thân thể phục sinh của Đức Chúa Jesus Christ. Sự kết hợp mầu nhiệm đó chúng ta không thể nào hiểu được cho đến khi chúng ta bước vào trong cõi đời đời, mặt đối mặt với Thiên Chúa (I Cô-rinh-tô 13:12).

Điều quan trọng chúng ta cần ghi nhớ, dù là thân thể vật chất được tái sinh thành thân thể siêu vật chất, thì thân thể đó của chúng ta cũng vẫn giống như hình thể của Thiên Chúa, tức là giống như hình thể của thân thể phục sinh của Đức Chúa Jesus Christ. Cá nhân chúng tôi tin rằng, khi thân thể vật chất được tái sinh thì linh hồn, tâm thần và xác thịt của những người trong Chúa sẽ kết hợp cách lạ lùng, bất khả phân ly, vì sự chết, tức là sự phân rẽ, không còn có quyền trên những ai thuộc về Chúa. Hơn nữa, sự chết cũng sẽ bị ném vào hỏa ngục trong ngày phán xét chung cuộc (Khải Huyền 20:14).

Như” và “Giống” hoàn toàn khác với “Là”

Sự kiện loài người được Thiên Chúa sáng tạo như hình thể của Ngài và giống như bản tính của Ngài hoàn toàn khác với sự kiện loài người là Thiên Chúa hoặc loài người trở nên hay trở thành Thiên Chúa. Ngày nay, có một số giáo phái Ân Tứ và Ngũ Tuần dạy rằng, khi một người được Thiên Chúa tái sinh thì người đó trở nên Thiên Chúa, gọi là những “Thiên Chúa con” hay những “Đức Chúa Trời con.” Giáo lý đó hoàn toàn không có trong Thánh Kinh và hoàn toàn vô lý. Bởi vì, không ai có thể trở thành Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng tự có, muôn loài vạn vật đều do Thiên Chúa dựng nên thì không thể có một loài thọ tạo nào trở thành Thiên Chúa. Ngay cả cách nói “trở thành” Thiên Chúa đã là vô lý. Thiên Chúa là Đấng tự có thì làm sao có ai hay vật gì “trở thành” Thiên Chúa?

Một giáo lý khác dạy rằng, loài người ra từ Thiên Chúa nên có cùng bản thể với Thiên Chúa. Giáo lý này cũng không đúng với Thánh Kinh và ảnh hưởng bởi Ấn Giáo. Chỉ có Đức Chúa Jesus được gọi là Con Độc Sinh của Đức Chúa Trời, nghĩa là: “con duy nhất được Đức Chúa Trời sinh ra,” hàm ý: “con có cùng bản thể Thiên Chúa với Đức Chúa Trời.” Dù thân thể thiêng liêng của loài người được dựng nên khi Thiên Chúa thổi hơi sống của Ngài vào thân thể vật chất của loài người, nhưng loài người không phải là Thiên Chúa, vì Thiên Chúa không hề dùng bản thể của Ngài để tạo nên loài người. Nếu loài người có cùng bản thể với Thiên Chúa thì loài người cũng là Thiên Chúa và có các thần tính của Thiên Chúa: tự hữu, toàn năng, toàn tại, toàn tri, toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ.

Và một giáo lý khác nữa, dạy rằng, vì Hội Thánh là thân thể của Đức Chúa Jesus Christ mà Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa, cho nên, Hội Thánh cũng là Thiên Chúa. Như đã nói ở trên, không hề có sự kiện ai đó hay vật gì đó “trở thành” Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng Tự Hữu, cho nên, hoặc là Thiên Chúa hoặc không phải là Thiên Chúa, không có chuyện từ chỗ không phải là Thiên Chúa mà “trở thành” Thiên Chúa. Hội Thánh do Đức Chúa Jesus Christ lập ra, Hội Thánh không tự có cho nên Hội Thánh không phải là Thiên Chúa. Ý nghĩa của mệnh đề “Hội Thánh là thân thể của Đức Chúa Jesus Christ” nói đến sự kiện Hội Thánh được kết hợp với Đấng Christ bằng tình yêu của Ngài, sự sống của Đấng Christ tuôn chảy trong Hội Thánh, sự vinh quang của Đấng Christ bao phủ Hội Thánh, và Hội Thánh vâng phục Đấng Christ để làm theo mọi ý muốn của Đấng Christ.

Sự hiệp một của Hội Thánh với Đấng Christ là sự hiệp một của đồng một tâm tình, đồng một sự sống, không phải là đồng một bản thể, đồng một thần tính. Thiên Chúa có thể trở nên loài người nhưng loài người không bao giờ trở thành Thiên Chúa.

Kết Luận

Loài người được Thiên Chúa dựng nên giống như hình thể thiêng liêng và hình thể vật chất của Thiên Chúa. Loài người được Thiên Chúa dựng nên với bản chất thần và bản chất xác thịt. Loài người được Thiên Chúa dựng nên với bản tính giống như Thiên Chúa trong sự công bình và thánh sạch của lẽ thật. Tuy nhiên, loài người không có cùng bản thể với Thiên Chúa, không là Thiên Chúa và sẽ không bao giờ trở thành Thiên Chúa.

Bốn điểm nêu trên được xác chứng bởi Thánh Kinh. Tất cả những tư tưởng thần học nào và những giáo lý nào giảng dạy nghịch lại bốn điểm trên đây, đều không dựa trên Thánh Kinh, con dân Chúa cần phải tránh xa.

 

Huỳnh Christian Timothy
24.11.2012

Ghi Chú

[A] Tất cả những câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là từ Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời và Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống Hiệu Đính 2012. Quý bạn có thể đọc trên mạng: www.ngoiloi.thanhkinhvietngu.netwww.tt2012.thanhkinhvietngu.net.

[B] Dùng hai nối mạng dưới đây để tra xem ý nghĩa trong Anh ngữ và nghe cách phát âm của một từ ngữ Hê-bơ-rơ trên Internet:

[C] Dùng hai nối mạng dưới đây để tra xem ý nghĩa trong Anh ngữ và nghe cách phát âm của một từ ngữ Hy-lạp trên Internet:


Copyright Notice: All Rights Reserved © 2012 Vietnamese Christian Mission Ministry.

Thông Báo Tác Quyền: Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức nhưng xin giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.

 

 

Bấm vào đây để đọc tiếp →

3,476 views

Loài Người (06): Một Số Câu Thánh Kinh Liên Quan đến Tâm Thần – Kỳ 3

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết này:
http://www.mediafire.com/view/?jt43e69imneeaq7

Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống MP3 bài giảng này:
http://timhieutinlanh.net/node/1066

Huỳnh Christian Timothy


I Cô-rinh-tô 14:2 “Vì người nào nói ngoại ngữ, thì không phải nói với người ta, bèn là với Đức Chúa Trời, bởi chẳng có ai hiểu (ấy là trong tâm thần mà người kia nói lời mầu nhiệm).”

Nói ngoại ngữ ở đây là nói ngoại ngữ bởi ơn Đức Thánh Linh ban cho. Chúng ta nên nhớ, I Cô-rinh-tô 14 là nói về sự nhóm họp thờ phượng Chúa trong Hội Thánh. Phần lớn Hội Thánh Cô-rinh-tô thời bấy giờ là những người nói tiếng Hy-lạp. Ngay cả những người Do-thái trong Hội Thánh, nếu có, cũng là những người sống xa quê hương và đã quen dùng tiếng Hy-lạp. Nếu trong sự nhóm lại, có tín đồ nào nói ngoại ngữ thì những người khác trong Hội Thánh sẽ không hiểu gì hết. Ngay chính người nói cũng không hiểu, vì sự nói đó phát xuất từ tâm thần. Phao-lô khuyên những tín đồ được ơn nói ngoại ngữ không nên thực hành ơn đó trong sự nhóm họp của Hội Thánh, trừ khi có người được ơn thông giải ngoại ngữ làm công việc thông giải. Dù vậy, mỗi buổi nhóm cũng chỉ hai hay ba người, theo thứ tự mà nói. Nếu không có người thông giải thì không được thực hành ơn nói ngoại ngữ trong Hội Thánh. Điều này ban gồm cả sự cầu nguyện bằng ngoại ngữ trong Hội Thánh. Câu nguyện, tức là “nói.” Sự nhóm họp của Hội Thánh là sự thờ phượng tập thể, không hề có chuyện một ai đó cầu nguyện riêng với Đức Chúa Trời trong sự nhóm họp của Hội Thánh. Phao-lô nói rất rõ: “Vì nếu tôi cầu nguyện bằng ngoại ngữ, thì tâm thần tôi cầu nguyện, nhưng trí khôn tôi lơ lửng. Vậy thì tôi sẽ làm thể nào? Tôi sẽ cầu nguyện theo tâm thần, nhưng cũng cầu nguyện bằng trí khôn. Tôi sẽ hát theo tâm thần, nhưng cũng hát bằng trí khôn. Bằng không, nếu ngươi chỉ lấy tâm thần mà chúc tạ, thì người tầm thường ngồi nghe, chẳng hiểu ngươi nói gì, thể nào họ theo lời chúc tạ mình mà đáp lại "A-men" được? Thật vậy, lời chúc tạ của ngươi vẫn tốt lành; song kẻ khác chẳng nhờ đó mà được gây dựng” (I Cô-rinh-tô 14:14-17).


I Cô-rinh-tô 14:32 “Tâm thần của các đấng tiên tri suy phục các đấng tiên tri.”

Câu này có nghĩa là thân thể thuộc linh của những người được Đức Chúa Trời ban cho chức vụ tiên tri chịu sự quản trị của linh hồn, tức là của chính người ấy. Dù cho thân thể thuộc linh của tiên tri nhận thức và nghe được, thấy được những điều Đức Chúa Trời mạc khải nhưng không có nghĩa là tiên tri mất đi quyền tự chủ tâm thần hoặc xác thịt của mình. Chữ “suy phục” trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa là “chịu sự cai trị.” Vì thế, tất cả các hiện tượng té ngã bất động hoặc cười, la, khóc, rú, co giật, lắc lư thân hình… không thể tự kiểm soát được là những hiện tượng đến từ tà linh, không phải đến từ Đức Thánh Linh.

Ý nghĩa thứ nhì, tâm thần của một tiên tri phải chịu dưới sự khảo sát của những tiên tri khác, để xem những điều người ấy công bố trong danh Chúa, có đúng với Thánh Kinh hay không.

Ý nghĩa thứ ba, tâm thần của một tiên tri phải vâng phục những sự dạy dỗ đúng theo Lời Chúa của các tiên tri khác.

Chúng ta cần ghi nhớ, nói tiên tri bao gồm nhưng không giới hạn trong sự nói về những việc sẽ xảy ra trong tương lai theo như Đức Chúa Trời đã mạc khải. Phần lớn, nói tiên tri là công bố Lời Chúa và rao giảng những ý nghĩa của Lời Chúa.


I Cô-rinh-tô 16:18 “Vì các người ấy đã làm cho yên lặng tâm thần của tôi và của anh em. Hãy biết quý trọng những người dường ấy.”

Trong nguyên ngữ Hy-lạp là “làm cho tâm thần của tôi và của anh em được yên nghỉ để được làm tươi tỉnh lại.” Phao-lô nói đến những người đã tiếp đãi, chăm sóc, hổ trợ, thăm viếng, an ủi ông trong mục vụ. Phần ông được yên tâm và bổ sức lại trong sự lao nhọc rao giảng Tin Lành và dạy dỗ Hội Thánh, phần Hội Thánh thì được yên tâm vì biết Phao-lô được nhiều người tiếp trợ.

Trong Hội Thánh có những người không hề được Chúa giao cho các chức vụ như liệt kê trong Ê-phê-sô 4:11 “Ấy chính Ngài đã cho một số người làm sứ đồ, một số làm tiên tri, một số làm người giảng Tin Lành, một số làm người chăn và người dạy;” nhưng họ đã hết lòng dự phần trong việc chăm sóc và tiếp trợ cho những người ở trong chức vụ. Lời Chúa phán về những người đó được ghi lại trong Ma-thi-ơ 10:41 như sau: “Ai rước một đấng tiên tri vì là tiên tri, thì sẽ lãnh phần thưởng của đấng tiên tri; ai rước một người công chính vì là công chính, thì sẽ lãnh phần thưởng của người công chính.”


II Cô-rinh-tô 7:1 “Hỡi những kẻ rất yêu dấu của tôi, chúng ta đã có lời hứa dường ấy, thì hãy làm cho mình sạch khỏi mọi sự dơ bẩn phần xác thịt và phần tâm thần, lại lấy sự kính sợ Thiên Chúa mà làm cho trọn việc nên thánh của chúng ta.”

Lời hứa dường ấy là lời hứa của Đức Chúa Trời trong II Cô-rinh-tô 6:17-18 rằng: “Hãy ra khỏi giữa chúng nó, hãy phân rẽ ra khỏi chúng nó, đừng đá động đến đồ ô uế, thì Ta sẽ tiếp nhận các ngươi: Ta sẽ làm Chúa các ngươi, Các ngươi làm con trai con gái Ta, Chúa Toàn năng phán như vậy.” Vì có lời hứa đó mà chúng ta phải làm cho cả thân thể xác thịt lẫn thân thể thiêng liêng của chúng ta được sạch bằng cách phân rẽ khỏi mọi sự ô uế thuộc thể lẫn thuộc linh. Chúng ta không thờ lạy hình tượng nhưng chúng ta cũng không đi vào những nơi có thờ lạy hình tượng và không đụng chạm đến hình tượng. Chúng ta không phạm tà dâm nhưng chúng ta cũng không đụng chạm đến những hình ảnh, sách báo khiêu dâm, nhất là tránh xa tất cả những trang web có quảng cáo về khiêu dâm. Một điều quan trọng nữa là chúng ta phải ra khỏi những tổ chức tôn giáo nào không giảng và sống theo Lời Chúa. Chúng ta có thể đến với họ để rao giảng lẽ thật của Lời Chúa nhưng chúng ta không dự phần trong các nghi thức thờ phượng Chúa trái nghịch Thánh Kinh của họ.

II Cô-rinh-tô 6:18 là câu duy nhất trong Thánh Kinh nói đến con trai và con gái của Đức Chúa Trời. Trong các nơi khác, Thánh Kinh dùng từ ngữ “con trai” của Đức Chúa Trời để gọi chung con dân Chúa, không phải hàm ý phân biệt nam nữ mà là chú trọng về quyền thừa kế, vì theo phong tục Trung Đông thời bấy giờ, chỉ có con trai mới được quyền thừa kế tài sản của cha mình. Riêng II Cô-rinh-tô 6:18 với nhóm chữ “con trai và con gái” là nói đến địa vị làm con của Đức Chúa Trời ngay trong lúc chúng ta còn ở trong thân thể xác thịt này.


II Cô-rinh-tô 7:13 “Ấy là điều đã yên ủi chúng tôi. Nhơn sự yên ủi đó chúng tôi lại được sự vui mừng càng lớn hơn nữa, khi thấy sự vui mừng của Tít; vì anh em thảy đều đã để cho tâm thần người được yên lặng.”

Tương tự như I Cô-rinh-tô 16:18, tâm thần được yên lặng là tâm thần được yên nghỉ để được làm tươi tỉnh lại.


Ga-la-ti 3:3 “Sao anh em ngu muội dường ấy? Sau khi đã khởi sự trong tâm thần, nay sao lại cậy xác thịt mà làm cho trọn?”

Khởi sự trong tâm thần là khi một người được nghe giảng Tin Lành thì người ấy khởi sự nhận thức Đức Chúa Trời và sự cứu rỗi của Ngài qua sự tác động của Đức Thánh Linh trong tâm thần.

Các tín đồ tại Ga-la-ti đã nhận được sự tái sinh và Đức Thánh Linh sau khi họ nghe Tin Lành và tin nhận Tin Lành, nay, nghe theo lời các giáo sư giả, họ chịu cắt bì vì tin rằng có chịu cắt bì thì mới được cứu rỗi. Điều đó có nghĩa là cậy vào việc làm theo luật pháp để được xưng công bình. Không ai có thể cậy việc làm theo luật pháp để được xưng công bình trước Đức Chúa Trời, vì không ai có thể giữ trọn luật pháp. Chỉ có đức tin vào sự chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ mới khiến cho một người được Đức Chúa Trời xưng là công bình. Sau khi đã được xưng công bình bởi đức tin thì một người cậy ơn Chúa để không còn vi phạm luật pháp của Chúa. Nếu có ai lỡ vi phạm thì bởi đức tin vào sự cứu chuộc của Đức Chúa Jesus Christ với lòng ăn năn, xưng tội thì Chúa sẽ tiếp tục tha thứ và làm cho người ấy được sạch tội (I Giăng 1:9).

Chúng ta cần phân biệt rõ: cậy luật pháp để được cứu rỗi và sau khi được cứu rỗi thì sống theo luật pháp là hai điều hoàn toàn khác nhau.


Ga-la-ti 6:18 “Hỡi anh em, nguyền xin ân điển của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta ở với tâm thần anh em! A-men.”

Phi-lê-môn 1:25 “Nguyện xin ân điển của Đức Chúa Jesus Christ ở với tâm thần anh em!”

Ân điển của Đức Chúa Jesus Christ là tất cả các ơn thuộc linh đến từ Ngài: ơn cứu chuộc, ơn tiếp tục làm cho chúng ta được sạch tội, ơn ban năng lực cho chúng ta để chúng ta có thể làm được mọi sự, v.v… (Phi-líp 4:13) và sự yêu thương cho đến đời đời của Ngài dành cho chúng ta (Giăng 13:1). Bởi tâm thần mà chúng ta nhận được ân điển của Đức Chúa Jesus Christ và ân điển ấy tiếp tục ở trong tâm thần của chúng ta, khiến cho chúng ta ngày càng giống Đấng Christ càng hơn (Rô-ma 8:29). Lời chúc của Phao-lô hàm ý: Tôi mong rằng tâm thần của các anh em luôn phát huy ân điển của Đấng Christ.


Ê-phê-sô 6:18 “Hãy nhờ Đức Thánh Linh, thường thường làm đủ mọi thứ cầu nguyện và nài xin. Hãy dùng sự bền đổ trọn vẹn mà tỉnh thức về điều đó, và cầu nguyện cho hết thảy các thánh đồ.” (Bản Dịch Truyền Thống)

Ê-phê-sô 6:18 “Trong tâm thần, thường thường làm đủ mọi thứ cầu nguyện và nài xin. Hãy dùng sự bền đổ trọn vẹn mà tỉnh thức về điều đó, và cầu nguyện cho hết thảy các thánh đồ.”

Cầu nguyện là một trong bảy thứ khí giới của Đức Chúa Trời ban cho con dân Chúa để chiến cự cùng Sa-tan. Các thứ khí giới đó được liệt kê trong Ê-phê-sô 6:14-18 như sau:

  1. Dây nịt lưng lẽ thật
  2. Áo giáp công bình
  3. Giày sẵn sàng của Tin Lành
  4. Thuẫn đức tin
  5. Mão cứu chuộc
  6. Gươm Đức Thánh Linh
  7. Sự cầu nguyện

Trong đó, năm vũ khí đầu giúp bảo vệ chúng ta, vũ khí thứ sáu giúp chúng ta tấn công Sa-tan, và vũ khí thứ bảy giúp chúng ta tiếp viện lẫn nhau.

Trong tâm thần, thường thường làm đủ mọi thứ cầu nguyện và nài xin,” có nghĩa là tất cả những sự cầu nguyện phải xuất phát từ tâm thần chứ không phải chỉ là một hình thức bên ngoài của thân thể xác thịt. Không ích lợi gì nếu chỉ là một sự hô hào nhóm họp cầu nguyện mà tâm thần thì không có sự cảm xúc nào hết. Sự cầu nguyện trong tâm thần phát xuất từ đức tin, tin rằng Chúa luôn luôn đáp lời cầu xin của chúng ta và dựa trên ý muốn của Đức Chúa Trời, được bày tỏ bởi Đức Thánh Linh trong tâm thần của chúng ta.


Phi-líp 1:27 “Duy anh em phải ăn ở một cách xứng đáng với Tin Lành của Đấng Christ, để hoặc khi đến thăm anh em, hoặc khi vắng mặt, tôi cũng biết rằng anh em đứng vững trong một tâm thần, đồng linh hồn chống cự vì đức tin của Tin Lành, phàm sự chẳng để cho kẻ thù nghịch ngăm dọa mình.”

Đứng vững trong một tâm thần,” có nghĩa là Hội Thánh cùng chung một sự nhận thức về Thiên Chúa và ý muốn của Thiên Chúa, dẫn đến một đức tin vững chắc; nhờ đó mà tà giáo không thể xâm nhập Hội Thánh. “Đồng linh hồn chống cự vì đức tin của Tin Lành,” có nghĩa là Hội Thánh cùng chung một sự sống trong Đấng Christ mà chống cự kẻ thù, bảo vệ đức tin vào trong Tin lành của Thiên Chúa. Nhóm chữ “đồng linh hồn” có thể dịch là “cùng một sự sống” hay “cùng một hơi thở,” nghĩa là, không một ai trong Hội Thánh vì quyền lợi hay sự an ninh riêng tư của mình.

Ngày nay, trong Hội Thánh có nhiều con dân Chúa chỉ biết sống riêng cho mình, không quan tâm đến gánh nặng của các anh chị em khác trong Hội Thánh. Những người như vậy, đã không “ăn ở một cách xứng đáng với Tin Lành của Đấng Christ!”

Ngày nay, nhiều tiên tri giả và giáo sư giả nổi lên, rao giảng đủ các thứ tà giáo, tìm đủ cách để phá vỡ đức tin của con dân Chúa vào trong Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ. Đó là các thứ:

  • “Tin lành phép lạ,” chủ trương chạy theo dấu kỳ phép lạ, điển hình là các phong trào Ân Tứ và Ngũ Tuần.
  • “Tin lành nói tiếng lạ,” chủ trương biết nói tiếng lạ thì mới được cứu rỗi, điển hình là giáo phái Ngũ Tuần Oneness.
  • “Tin lành thịnh vượng,” chủ trương con dân Chúa phải được khỏe mạnh và giàu sang về vật chất, điển hình là các phong trào Ân Tứ và Ngũ Tuần.
  • “Tin lành hội nhập,” chủ trương văn hóa dân tộc phải được đưa vào Thánh Kinh, thí dụ: sửa lời phán “Hỡi bà” của Đức Chúa Jesus Christ thành “Thưa mẹ!” cho phù hợp văn hóa Việt Nam. Hoặc chủ trương Tin Lành phải được rao giảng theo giá trị văn hóa của thời đại, thí dụ: không gọi đồng tính luyến ái là tội.
  • “Tin lành xã hội…” chủ trương tích cực thực hiện các công tác xã hội để qua đó từ từ giới thiệu Tin Lành cho người được cứu giúp.
  • Vv…

Phi-líp 3:3 “Vì, ấy chính chúng ta là những người chịu phép cắt bì, là những người thờ phượng Thiên Chúa trong tâm thần, vui mừng trong Đấng Christ Jesus, và không để lòng tin cậy trong xác thịt bao giờ.”

Thờ phượng Thiên Chúa trong tâm thần là sự thờ phượng xuất phát từ trong tâm thần, trước hết, bắt đầu bằng sự cắt bì trong tâm thần, tức là sự gớm ghét và phân rẽ với tội lỗi. Kế tiếp, là luôn tìm hiểu ý Chúa qua Thánh Kinh và hết lòng làm theo. Đây không phải là sự khổ sở ép mình tìm kiếm các luật lệ của Chúa để tuân thủ, mà là sự ưa thích tìm kiếm xem Chúa muốn gì để chúng ta vui mừng và hết lòng làm theo bởi lòng kính yêu Chúa.


Cô-lô-se 1:8 “Và đã tỏ ra cho chúng tôi biết lòng yêu thương mà anh em cảm chịu bởi Đức Thánh Linh.” (Bản Dịch Truyền Thống)

Cô-lô-se 1:8 “Và đã tỏ ra cho chúng tôi biết lòng yêu thương trong tâm thần của anh em.”

Tình cảm có thể phát xuất từ những cảm xúc của thân thể xác thịt và tình cảm cũng có thể phát xuất từ thân thể thiêng liêng là tâm thần. Chúng ta có thể yêu một người vì chúng ta giao tiếp, nhận thức người ấy qua thân thể xác thịt của chúng ta nhưng với Chúa thì chúng ta yêu Ngài, tin Ngài, và biết ơn Ngài hoàn toàn bởi sự giao tiếp và nhận thức qua tâm thần. Trong Hội Thánh, chúng ta yêu nhau qua sự giao tiếp và nhận thức bởi cả thân thể xác thịt lẫn thân thể thuộc linh. Tuy nhiên, có những trường hợp sự cảm xúc của thân thể xác thịt không giúp chúng ta yêu được một người, như trường hợp thân thể của người ấy bị tàn phá bởi đau ốm, tật bệnh, trở nên xấu xí và hôi hám, nhưng sự cảm xúc của tâm thần khiến cho chúng ta tha thiết yêu thương người ấy.

Con dân chân thật của Chúa yêu nhau bởi sự cảm xúc của tâm thần, nhận biết rằng mỗi người là một chi thể trong cùng một thân thể thiêng liêng của Đức Chúa Jesus Christ, và mỗi người có trách nhiệm liên đới với nhau.


I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23 “Nguyền xin chính Đức Chúa Trời bình an khiến anh em nên thánh trọn vẹn, và nguyền xin tâm thần, linh hồn, và thân thể của anh em đều được giữ vẹn, không chỗ trách được, khi Đức Chúa Jesus Christ chúng ta đến!”

Sự cứu rỗi và sự thánh hóa của chúng ta diễn tiến như sau: Xác thịt được nghe giảng Tin Lành, tâm thần được Đức Thánh Linh thần cảm cho hiểu được Tin Lành cứu rỗi của Đức Chúa Trời, linh hồn quyết định tiếp nhận sự cứu rỗi. Khi linh hồn tiếp nhận Tin Lành cứu rỗi thì Đấng Christ đem mọi tội lỗi ra khỏi thân thể xác thịt chúng ta, Đức Thánh Linh tái sinh tâm thần và linh hồn chúng ta. Từ đó:

  • Tâm thần chúng ta được tương giao với Ba Ngôi Thiên Chúa: được gọi Đức Chúa Cha là Cha, và được hưởng mọi cơ nghiệp của Ngài, được đồng cai trị với Đấng Christ – bắt đầu với sự cai trị thân thể xác thịt của chúng ta, được hiểu biết những điều sâu nhiệm của Thiên Chúa qua sự giảng dạy của Đức Thánh Linh.
  • Linh hồn chúng ta được nên một với Đức Chúa Jesus Christ và nhận lãnh sự sống từ chính Đức Chúa Jesus Christ.
  • Thân thể xác thịt được biệt riêng ra để làm những việc lành mà Đức Chúa Cha đã sắm sẵn cho chúng ta, trong danh của Đức Chúa Jesus Christ và trong năng lực của Đức Thánh Linh.

Vì thế, từ tâm thần, linh hồn cho đến xác thịt của chúng ta đều thuộc riêng về Thiên Chúa, sống trong Thiên Chúa, và sống cho Thiên Chúa. Nên thánh có nghĩa là biệt riêng ra cho Thiên Chúa và trở nên giống như Thiên Chúa.

Hiện nay, thân thể của chúng ta có thể già yếu, bệnh tật, hư hoại và thậm chí tan rã thành cát bụi, nhưng khi Đấng Christ đến thì thân thể của chúng ta sẽ được biến hóa, phục sinh thành thân thể siêu vật chất vinh quang và sống động cho đến đời đời.

Nếu chúng ta hoàn toàn nương cậy trên Lời Chúa và sức toàn năng của Đức Chúa Jesus Christ thì chắc chắn tâm thần, linh hồn và thể xác của chúng ta sẽ được Đức Chúa Trời giữ cho toàn vẹn, không chỗ trách được, trong ngày Đấng Christ hiện ra.


I Ti-mô-thê 3:9 “Nhưng phải lấy lương tâm thanh sạch giữ lẽ mầu nhiệm của đức tin.”

Mặc dầu trong câu này không nói đến tâm thần, nhưng lương tâm là một chức năng của tâm thần, vì thế, chúng ta cũng nên tìm hiểu ý nghĩa của câu này, và dựa vào đó để hiểu rõ ý nghĩa của những câu Thánh Kinh có liên quan đến lương tâm.

Sự nhận thức của tâm thần về Thiên Chúa và thế giới thuộc linh được gọi là trực giác, tức là sự tự nhiên mà nhận biết, không qua học tập, không qua kinh nghiệm của thân thể xác thịt. Tất cả những gì tâm thần nhận biết về Thiên Chúa được lưu giữ trong lương tâm. Dựa trên những lẽ thật về Thiên Chúa được bày tỏ trong lương tâm mà đức tin vào Thiên Chúa phát sinh. Vì thế, hễ lương tâm luôn trong sạch bởi những lẽ thật của Thiên Chúa (mà chúng ta nhận lãnh qua sự đọc và suy ngẫm, cẩn thận làm theo Lời Chúa mỗi ngày) thì sự mầu nhiệm của đức tin luôn tồn tại. Khi lương tâm bị ô uế bởi những nhận thức sâu nhiệm về Sa-tan thì lẽ mầu nhiệm của đức tin sẽ bị mất đi. Khải Huyền 2:24 nói đến sự kiện tại Hội Thánh Thi-a-ti-rơ có những người tiếp nhận giáo lý của Giê-sa-bên và biết điều sâu hiểm của Sa-tan. Giáo lý của Giê-sa-bên là giáo lý dạy rằng, trong các giao dịch mua bán, con dân Chúa có thể tham dự những buổi tế lễ của ngoại giáo, ăn uống của cúng thần tượng và phạm tà dâm cùng các tế sư phục vụ trong các đền thờ tà thần.


I Ti-mô-thê 3:16 “Mọi người đều cho sự mầu nhiệm của sự tin kính là lớn lắm: Đấng đã được tỏ ra trong xác thịt, đã được xưng nghĩa trong tâm thần, được các thiên sứ trông thấy, được giảng ra cho các dân ngoại, được tin cậy trong thế gian, được cất lên trong sự vinh hiển.”

Câu Thánh Kinh này nói về Đức Chúa Jesus Christ. Ngài là Thiên Chúa đã hiện ra trong xác thịt. Trong xác thịt đó, Ngài đã gánh lấy hình phạt cho tội lỗi của toàn thế gian, bị đánh, bị đóng đinh, bị rủa sả, và bị chết. Nhưng trong tâm thần Ngài được xưng là công chính, vì Ngài không hề phạm tội. Các thiên sứ, kể cả các thiên sứ phạm tội, đều trông thấy sự thương khó của Ngài trong thân thể xác thịt và trông thấy sự công chính của Ngài trong thân thể thiêng liêng. Ngài đã được giảng ra cho các dân tộc không cùng chủng tộc xác thịt với Ngài, trở thành nguồn trông cậy cho toàn thế gian. Sau khi làm tròn công cuộc cứu rỗi nhân loại, Ngài đã được cất lên trong sự vinh quang, và phục hồi thẩm quyền Thiên Chúa của Ngài.


II Ti-mô-thê 1:3 “Ta cảm tạ Đức Chúa Trời mà ta hầu việc bằng lương tâm thanh sạch như tổ tiên ta đã làm, cả ngày lẫn đêm ta ghi nhớ con không thôi trong khi cầu nguyện.”

Hầu việc Đức Chúa Trời bằng lương tâm thanh sạch là hầu việc Đức Chúa Trời trong tâm thần, theo như sự nhận thức đúng đắn của tâm thần về Đức Chúa Trời, là sự nhận thức không hề pha trộn các tư tưởng triết học, thần học, tâm lý học… của loài người. Ngày nay, biết bao nhiêu người hầu việc Đức Chúa Trời không bằng lương tâm thanh sạch, vì lương tâm của họ đã tiếp nhận đủ mọi quan điểm của loài người, đến nỗi họ đã xóa bỏ những lẽ thật của Lời Chúa trong lương tâm của họ.


II Ti-mô-thê 1:7 “Vì Đức Chúa Trời chẳng ban cho chúng ta tâm thần nhút nhát, bèn là tâm thần mạnh mẽ, có tình thương yêu và giè giữ.” (Bản Dịch Truyền Thống)

II Ti-mô-thê 1:7 “Vì Đức Chúa Trời chẳng ban cho chúng ta tâm thần của sự sợ hãi, nhưng của năng lực, của tình yêu, và của kỷ luật.”

Sự sợ hãi có thể đến với chúng ta qua sự nhận thức của thân thể xác thịt hoặc qua sự nhận thức của thân thể thiêng liêng, là tâm thần. Tâm thần của sự sợ hãi là tâm thần bị tà linh hù dọa và điều khiển. Hễ ai thuộc về Đức Chúa Trời thì Ngài tái sinh tâm thần của họ và ban cho năng lực của chính Ngài, là Thánh Linh, để họ có thể làm được mọi sự trong Đức Chúa Jesus Christ; tuôn đổ tình yêu của chính Ngài trong họ để họ có thể yêu Ngài và yêu người khác bằng tình yêu thiên thượng; đồng thời khiến họ trở nên giống như Ngài trong sự công bình và thánh sạch của lẽ thật (Ê-phê-sô 4:24) để họ biết giữ mình tiết độ trong mọi sự.


II Ti-mô-thê 4:22 “Nguyền xin Chúa ở cùng tâm thần con! Cầu xin ân điển ở cùng các anh em!”

Chúa ở cùng tâm thần chúng ta và ân điển của Đức Chúa Jesus Christ ở cùng tâm thần chúng ta là hai điều khác nhau. Ân điển của Đức Chúa Jesus Christ ở cùng tâm thần chúng ta, như đã nói ở trên, là tất cả những ơn đến từ Ngài (Ga-la-ti 6:18). Chúa ở cùng tâm thần chúng ta là sự hiện diện của tâm thần Đức Chúa Jesus Christ trong tâm thần của chúng ta. Chúng ta thường hay nói thân thể chúng ta là đền thờ của Đức Thánh Linh và Đức Thánh Linh ngự trong chúng ta; nhưng thực tế là, mỗi một con dân chân thật của Đức Chúa Trời đều có sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa trong tâm thần mình. Đức Chúa Jesus Christ phán rõ ràng: “Nếu ai yêu Ta, thì giữ gìn lời Ta; Cha Ta sẽ yêu người, chúng ta sẽ đến với người và ở cùng người” (Giăng 14:23). Trước khi thăng thiên, Ngài cũng đã hứa với các môn đồ: “…Và nầy, Ta ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế. A-men!” (Ma-thi-ơ 28:20).


Tít 1:15 “Mọi sự là tinh sạch cho những người tinh sạch, nhưng, cho những kẻ dơ dáy và chẳng tin, thì không sự gì là tinh sạch cả; trái lại, tâm thần và lương tâm họ là dơ dáy nữa.”

Từ ngữ “tinh sạch” được dùng ở đây, có nghĩa là “được Đức Chúa Trời chấp nhận.” Một người t,inh sạch là một người được Đức Chúa Trời tha tội và làm cho sạch tội, sau khi người ấy thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi trong Đức Chúa Jesus Christ. Một người đã được tinh sạch thì phải luôn luôn ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ để tiếp tục ở trong sự tinh sạch. Tội lỗi là sự vi phạm điều răn của Chúa, ăn năn tội tức là hối tiếc vì đã vi phạm điều răn của Chúa và quyết định sống theo Lời Chúa.

Mọi sự là tinh sạch cho những người tinh sạch,” có nghĩa là đối với những người đã được Đức Chúa Trời làm cho tinh sạch thì không có một sự gì có thể làm ô uế họ, ngoại trừ sự họ cố ý không vâng theo Lời Ngài.

Những kẻ dơ dáy tức là những người bị tội lỗi làm cho trở nên ô uế. Những người ô uế vẫn cứ ở trong sự ô uế cho đến khi họ thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi trong Đức Chúa Jesus Christ. Đối với họ, không có một sự gì là tinh sạch, bởi vì, chính họ là nguồn của sự ô uế. Nước sạch đem rót vào trong một cái ly dơ bẩn thì cả ly và nước đều là dơ bẩn. Tâm thần dơ dáy là tâm thần tương giao với tà linh (I Cô-rinh-tô 10:20-21). Lương tâm dơ dáy là lương tâm không còn những tiêu chuẩn yêu thương, công bình, và thánh khiết của Thiên Chúa.


Hê-bơ-rơ 4:12 “Vì Lời Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi phân chia linh hồn, tâm thần, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng.”

Lời của Đức Chúa Trời được nói đến ở đây, tức là những gì được ghi chép trong Thánh Kinh, truyền lại cho chúng ta đến ngày nay. Thời Cựu Ước, Lời của Đức Chúa Trời phán qua các tiên tri. Thời Tân Ước, Lời của Đức Chúa Trời phán qua Đức Chúa Jesus Christ hoặc được Đức Thánh Linh thần cảm cho các môn đồ của Đức Chúa Jesus Christ ghi chép lại.

Lời của Đức Chúa Trời không phải chỉ là một thứ văn bản cổ xưa, chỉ có giá trị lịch sử, nhưng Lời của Đức Chúa Trời là Lời Sống và linh nghiệm. Từ ngữ sống nói đến sự phát triển và hành động, từ ngữ linh nghiệm nói đến kết quả ắt phải có của sự sống động. Gươm hai lưỡi nói đến ở đây là một dụng cụ để xẻ thịt, rất là sắc bén. Loài người là sự kết hợp chặt chẽ giữa tâm thần, linh hồn, và xác thịt; chỉ có sự chết mới có thể làm phân rẽ. Tuy nhiên, đang khi loài người còn sống trong thân thể xác thịt thì Lời Đức Chúa Trời có năng lực thấu vào bản thể của loài người, để phân chia tâm thần, linh hồn và các nơi sâu kín nhất của xác thịt, cùng lúc, xem xét các ý tưởng và dự tính của một người.


I Phi-e-rơ 1:22 “Các anh em đã làm sạch linh hồn mình bởi sự vâng phục lẽ thật trong tâm thần, đặng có lòng yêu thương anh em cách chân thật, nên hãy yêu nhau sốt sắng với tấm lòng tinh sạch.”

Chính Đức Chúa Jesus Christ dùng huyết của Ngài để rửa sạch mọi tội của chúng ta (Khải Huyền 1:6) nhưng mỗi chúng ta phải tiếp nhận sự rửa sạch đó bằng cách vâng theo Lời Chúa. Sự vâng theo lẽ thật, tức vâng theo Lời Chúa, phát xuất từ trong tâm thần, và bắt đầu với sự ăn năn tội, ghê tởm tội, quyết tâm tránh xa tội. Một linh hồn đã được sạch tội thì ngập tràn tình yêu của Thiên Chúa, nhờ đó mà con dân Chúa yêu nhau một cách chân thật và nồng thắm, với mọi cảm xúc hoàn toàn đến từ sự nhận thức của tâm thần.


I Phi-e-rơ 3:4 “Nhưng hãy tìm kiếm sự trang sức bề trong giấu ở trong lòng, tức là sự tinh sạch chẳng hư nát của tâm thần dịu dàng im lặng, ấy là giá quý trước mặt Đức Chúa Trời.”

Đây là lời khuyên về sự trang điểm dành cho các phụ nữ trong Hội Thánh. Sự trang sức bên ngoài giúp làm tăng vẻ đẹp của thân thể xác thịt thì sự trang sức bề trong giúp làm tăng vẻ đẹp của thân thể thiêng liêng. Sự tinh sạch chẳng hư nát là món trang sức quý của tâm thần. Như đã nói ở trên, sự tinh sạch có nghĩa là sự được Đức Chúa Trời chấp nhận. Sự tinh sạch chẳng hư nát là những sự thuộc linh được Đức Chúa Trời chấp nhận và còn lại mãi mãi. Khải Huyền 19:8 cho chúng ta biết áo vải mịn sáng láng, tinh sạch của mỗi thánh đồ chính là những việc làm công bình của họ. Ví thế, chúng ta có thể hiểu rằng, mỗi hành vi, cử chỉ trong nếp sống Đạo của chúng ta đúng theo Lời Chúa đều là những việc làm công bình và là những sự tinh sạch còn lại cho đến đời đời. Chính những điều đó là trang sức cho thân thể thiêng liêng của chúng ta.

Tâm thần dịu dàng và im lặng là tâm thần của những phụ nữ kính sợ Chúa và vâng phục chồng trong mọi sự, không cải trả chồng. Ê-phê-sô 5:22 dạy rằng, “Hỡi kẻ làm vợ, phải vâng phục chồng mình như vâng phục Chúa.” Vì là “vâng phục chồng như vâng phục Chúa,” cho nên, người làm vợ không thể cải lại chồng nếu lời nói của chồng không nghịch lại sự dạy dỗ của Lời Chúa. Điều đó không có nghĩa là người vợ không được nói lên ý kiến hay sở thích của mình. Thí dụ, chồng thích sơn phòng ngủ màu trắng nhưng vợ thích sơn phòng ngủ màu hồng. Vợ có thể nhỏ nhẹ nói lên ý thích của mình, nhưng nếu chồng vẫn giữ nguyên ý định sơn phòng ngủ màu trắng, thì vợ phải vui vẻ, vâng phục. Người chồng nào “yêu vợ mình, như Đấng Christ đã yêu Hội Thánh, phó chính mình vì Hội Thánh” (Ê-phê-sô 5:25), thì sẽ luôn chiều vợ để vợ được vui, miễn là những điều vợ muốn không nghịch lại Thánh Kinh.


Kết Luận

Qua Thánh Kinh, Đức Chúa Trời đã mạc khải cho chúng ta biết một cách rõ ràng về thân thể thiêng liêng của loài người là tâm thần. Chúng ta nhận thấy thân thể thiêng liêng cũng có đủ các giác quan như thân thể xác thịt để linh hồn, tức bản ngã của một người, có thể nhận thức và giao tiếp với thế giới thuộc linh. Có những việc làm được thể hiện bằng thân thể xác thịt trong thế giới vật chất thì cũng có những việc làm được thể hiện bởi thân thể thiêng liêng trong thế giới thuộc linh. Đời sống lý tưởng là đời sống dựa trên sự nhận thức và hành động của thân thể thuộc linh có sự tương giao mật thiết với Thiên Chúa.

Huỳnh Christian Timothy
10.11.2012

Ghi Chú

[A] Tất cả những câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là từ Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời và Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống Hiệu Đính 2012. Quý bạn có thể đọc trên mạng: www.ngoiloi.thanhkinhvietngu.netwww.tt2012.thanhkinhvietngu.net.

[B] Dùng các nối mạng dưới đây để tra xem ý nghĩa trong Anh ngữ và nghe cách phát âm của một từ ngữ Hê-bơ-rơ trên Internet:

3,210 views

Loài Người (05): Một Số Câu Thánh Kinh Liên Quan đến Tâm Thần – Kỳ 2

Huỳnh Christian Timothy

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết này:
http://www.mediafire.com/view/?x42mpl3u7agtkkc

Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống MP3 bài giảng này:
http://timhieutinlanh.net/node/1047
 


Lu-ca 23:46 “Đức Chúa Jêsus bèn kêu lớn rằng: Hỡi Cha, tôi giao linh hồn lại trong tay Cha! Ngài vừa nói xong thì tắt hơi.”(Bản Dịch Truyền Thống)

Lu-ca 23:46 “Đức Chúa Jesus bèn kêu lớn rằng: Hỡi Cha, tôi giao tâm thần tôi lại trong tay Cha! Ngài vừa nói xong thì tắt hơi.”

I Phi-e-rơ 3:18-19 “Vả, Đấng Christ cũng vì tội lỗi chịu chết một lần, là Đấng công bình thay cho kẻ không công bình, để dẫn chúng ta đến cùng Đức Chúa Trời; về phần xác thịt thì Ngài đã chịu chết, nhưng về phần linh hồn thì được sống. Ấy bởi đồng một linh hồn đó, Ngài đi giảng cho các linh hồn bị tù.” (Bản Dịch Truyền Thống)

I Phi-e-rơ 3:18-19 “Vả, Đấng Christ cũng vì tội lỗi chịu chết một lần, là Đấng công bình thay cho kẻ không công bình, để dẫn chúng ta đến cùng Đức Chúa Trời; về phần xác thịt thì Ngài đã chịu chết, nhưng tâm thần được sống. Bởi (tâm thần) đó, Ngài đã đi giảng cho các thần linh ở trong ngục.”

Bản Dịch Truyền Thống dịch từ ngữ “πνεῦμα,” G4151, phiên âm quốc tế /pneuma/, phiên âm Việt ngữ [niu-ma] thành “linh hồn” là không đúng. Đối với một người không có sự cứu rỗi, khi sự chết của thân thể xác thịt xảy ra thì: hơi thở ngưng vào thân thể xác thịt; tâm thần trở về cùng Thiên Chúa: “và bụi tro trở vào đất y như nguyên cũ, và tâm thần trở về nơi Thiên Chúa, là Đấng đã ban nó” (Truyền Đạo 12:7); linh hồn vào nơi âm phủ, chờ ngày thân thể xác thịt sống lại, để ra trước tòa phán xét của Đức Chúa Jesus Christ (Lu-ca 16:19-31).

Đối với người có sự cứu rỗi, khi sự chết của thân thể xác thịt xảy ra thì: hơi thở ngưng vào thân thể xác thịt; tâm thần và linh hồn được vào trong thiên đàng, ở cùng Đấng Christ, chờ ngày thân thể xác thịt được phục sinh thành thân thể siêu vật chất, vinh quang cho đến đời đời (Phi-líp 1:23).

Trước khi Đức Chúa Jesus Christ sống lại từ trong kẻ chết, những ai kính sợ và vâng phục Đức Chúa Trời, được gọi là các thánh đồ thời Cựu Ước. Đối với họ, khi thân thể xác thịt chết thì tâm thần về lại nơi Đức Chúa Trời, còn linh hồn thì vào trong Ba-ra-đi, nơi âm phủ, chờ Đấng Christ phá tan quyền lực của sự chết và mang họ vào trong thiên đàng với Ngài (Lu-ca 16:19-31; Ê-phê-sô 4:8-10).

Sự chết và sự sống lại của Đức Chúa Jesus Christ là một biến cố quan trọng vào bậc nhất trong lịch sử của loài người và trong chương trình đời đời của Đức Chúa Trời. Sự chết và sự sống lại của Đức Chúa Jesus Christ bao gồm những sự kiện sau đây:

  • Mặc dầu Đức Chúa Jesus Christ hoàn toàn vô tội nhưng vì Ngài gánh thay án phạt của tội lỗi cho toàn thể nhân loại, nên Ngài phải chịu đau khổ, chịu sỉ nhục, và chịu chết trong thân vị của một con người, mang tất cả mọi tội lỗi phản nghịch Thiên Chúa của loài người.
  • Từ khi bị bắt tại vườn Ghết-sê-ma-nê cho đến khi bị xét xử tại các tòa án, và cuối cùng là nhận án phạt trên thập tự giá, Đức Chúa Jesus Christ đã kinh nghiệm sự đau đớn của thể xác vì cớ tội lỗi, sự chết thuộc linh, tức là sự bị phân rẽ với Đức Chúa Trời vì cớ tội lỗi: “Đức Chúa Trời tôi ơi, Đức Chúa Trời tôi ơi, sao Ngài lìa bỏ tôi?” (Mác 15:34), và sự sỉ nhục của linh hồn vì cớ tội lỗi.
  • Khi Đức Chúa Jesus Christ chết, thân thể xác thịt bị phân rẽ khỏi tâm thần, là thân thể thiêng liêng, phân rẽ khỏi linh hồn là bản ngã loài người của Ngài.
  • Thân thể xác thịt của Ngài bị chôn trong lòng đất ba ngày ba đêm. Tâm thần loài người của Ngài trở về cùng Đức Chúa Cha. Linh hồn, tức bản ngã xác thịt loài người của Ngài phải vào trong âm phủ, chịu dưới quyền của sự chết.
  • Trong ba ngày ba đêm ở trong âm phủ, dù bị chế ngự bởi quyền lực của sự chết, tức là buộc phải phân rẽ với thân thể vật chất là xác thịt và thân thể thiêng liêng là tâm thần, nhưng Đức Chúa Jesus Christ ở trong nơi an lạc mà Đức Chúa Trời dành cho những kẻ kính sợ và vâng phục Ngài. Nơi đó được gọi là Ba-ra-đi, một danh từ ra từ tiếng Ba-tư (Iran), tương đương với danh từ “Ê-đen” trong tiếng Hê-bơ-rơ, và có nghĩa là vườn vui thỏa: “Đức Chúa Jesus đáp rằng: Quả thật, Ta nói cùng ngươi, hôm nay ngươi sẽ được ở với Ta trong nơi Ba-ra-đi” (Lu-ca 23:43). Chúng ta có thể hình dung ra rằng, trong suốt ba ngày ba đêm trong Ba-ra-đi, nơi âm phủ, các thánh đồ thời Cựu Ước đã được nghe Đức Chúa Jesus Christ giải thích ý nghĩa của Tin Lành, và hiểu rằng năng lực của Tin lành sẽ giải cứu họ khỏi hậu quả của tội lỗi và sự chết như thế nào.

Trong II Cô-rinh-tô 12:4, Phao-lô gọi tầng trời thứ ba là Ba-ra-đi. Trong Khải Huyền 2:7, Đức Thánh Linh cũng gọi nơi có cây sự sống là Ba-ra-đi. Vì thế, chúng ta có thể hiểu rằng, bất cứ nơi nào có sự hiện diện, chăm sóc và bảo vệ của Thiên Chúa, thì nơi đó là Ba-ra-đi. Trong Lu-ca 17:21, Đức Chúa Jesus Christ phán rằng, Vương Quốc của Đức Chúa Trời ở trong lòng những ai tin nhận Ngài, vì thế, mỗi một người thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ, và vâng theo lời dạy của Ngài, đều kinh nghiệm được Ba-ra-đi, tức trạng thái vui thỏa, trong tâm thần của mình, cho dù có phải trải qua bất cứ cảnh ngộ nào. Sự đó được ấn chứng bởi sự bình an của Đức Chúa Jesus Christ trong lòng mỗi con dân chân thật của Thiên Chúa: “Ta để sự bình an lại cho các ngươi. Ta ban sự bình an của Ta cho các ngươi. Ta ban cho các ngươi chẳng phải như thế gian ban cho. Lòng các ngươi chớ bối rối, cũng đừng sợ hãi” (Giăng 14:27).

  • Sau ba ngày ba đêm ở trong âm phủ thì Đức Chúa Trời đã ban lại tâm thần loài người cho Đức Chúa Jesus Christ; và trong tâm thần đó, Ngài công bố sự hoàn thành công cuộc cứu chuộc nhân loại cho các thiên sứ phạm tội bị giam giữ trong vực sâu nơi âm phủ: “Vả, Đấng Christ cũng vì tội lỗi chịu chết một lần, là Đấng công bình thay cho kẻ không công bình, để dẫn chúng ta đến cùng Đức Chúa Trời; về phần xác thịt thì Ngài đã chịu chết, nhưng tâm thần được sống. Bởi (tâm thần) đó, Ngài đã đi giảng cho các thần linh ở trong ngục, tức là kẻ bội nghịch thuở trước, về thời kỳ Nô-ê, khi Đức Chúa Trời nhịn nhục đã có lần chờ đợi cho chiếc tàu được đóng nên, trong đó chỉ có một số ít, là tám linh hồn được cứu qua nước” (I Phi-e-rơ 3:18-20). Những thần linh bị giam cầm trong vực sâu nơi âm phủ là những thiên sứ theo Sa-tan phản nghịch Thiên Chúa và đã tự ý nhập vào những người đàn ông thời Nô-ê để làm băng hoại dòng dõi của người nữ (xem sáng Thế Ký 6; Lu-ca 16:26, và II Phi-e-rơ 2:4). Nói cách khác, Đức Chúa Jesus Christ không xuất hiện trước các thiên sứ phạm tội trong tư cách của Thiên Chúa, mà Ngài xuất hiện trong tư cách của loài người, để cho họ nhận thấy rằng, những ai tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời thì thân thể thiêng liêng của những người ấy sẽ được sống.
  • Sau khi chịu chết đủ ba ngày ba đêm, làm ứng nghiệm lời tiên tri của chính Ngài (Ma-thi-ơ 12:40), Đức Chúa Jesus Christ đã phá tan quyền lực của sự chết, sống lại từ trong kẻ chết và dẫn tất cả các thánh đồ thời Cựu Ước ra khỏi âm phủ, vào trong thiên đàng với Ngài: “Vậy nên có chép rằng: Ngài đã lên nơi cao, dẫn muôn vàn kẻ phu tù, và ban các ơn cho loài người” (Ê-phê-sô 4:8).

Mệnh đề “giao tâm thần lại trong tay Cha” có nghĩa là, sau khi trút hơi thở cuối cùng trên thập tự giá, suốt ba ngày ba đêm linh hồn ở trong âm phủ thì thân thể thiêng liêng của con người Jesus, ở trong bàn tay của Đức Chúa Cha.

Trước khi thân thể vật chất của con người Jesus phục sinh thì thân thể thiêng liêng của con người Jesus, tức tâm thần, được Đức Chúa Cha ban lại cho Ngài, và chính trong tâm thần đó, Ngài công bố sự đắc thắng của Tin Lành trước các thiên sứ phạm tội. Lý do Ngài công bố sự chiến thắng của Tin Lành trước họ là vì, trong thời Nô-ê, họ đã cố tình làm băng hoại dòng dõi người nữ, mong rằng lời hứa và tiên tri của Thiên Chúa trong Sáng Thế Ký 3:15 sẽ không thể hiện thực. Nhưng nay, con người Jesus, dù thân thể xác thịt phải chịu chết nhưng tâm thần vẫn sống, và đang đứng trước họ, chứng minh rằng, gian kế của họ đã thất bại hoàn toàn.

Trước khi Đức Chúa Jesus Christ phục sinh thì tâm thần của các thánh đồ qua đời đều ở trong tay của Đức Chúa Cha, trong khi linh hồn của họ ở trong Ba-ra-đi, nơi âm phủ. Sau khi Đức Chúa Jesus Christ phục sinh thì tâm thần của các thánh đồ đều được tái sinh khi còn ở trong thân thể xác thịt, nên khi thân thể xác thịt chết thì linh hồn vẫn ở trong tâm thần, về bên Đấng Christ.

Công Vụ Các Sứ Đồ 7:59 ghi lại lời cầu nguyện của Chấp Sự Ê-tiên khi ông tử vì Đạo: “Chúng đang ném đá, thì Ê-tiên cầu nguyện rằng: Lạy Đức Chúa Jesus, xin tiếp lấy tâm thần tôi.” (Bản Dịch Truyền Thống dịch là “linh hồn”).Linh hồn của Ê-tiên phải ở trong tâm thần của ông và được Đức Chúa Jesus Christ tiếp lấy, thì ông mới “ở với Đấng Christ” trong khi thân thể xác thịt của ông ngủ trong bụi đất. Sứ Đồ Phao-lô khẳng định, thánh đồ của Chúa khi ra khỏi thân thể xác thịt là đi ở với Đấng Christ: “Tôi bị ép giữa hai bề muốn đi ở với Đấng Christ, là điều rất tốt hơn” (Phi-líp 1:21). Ý tưởng đó đã được Phao-lô giải thích rõ ràng trong II Cô-rinh-tô 5:6-8: “Vậy, chúng ta hằng đầy lòng tin cậy, và biết rằng khi chúng ta đang ở trong thân thể nầy thì cách xa Chúa vì chúng ta bước đi bởi đức tin, chớ chẳng phải bởi mắt thấy. Vậy tôi nói, chúng ta đầy lòng tin cậy, muốn lìa bỏ thân thể nầy đặng ở cùng Chúa thì hơn.”


Giăng 4:23-24“Nhưng giờ đến và bây giờ là lúc những người thờ phượng thật: sẽ thờ phượng Cha trong tâm thần và lẽ thật. Vì Cha tìm kiếm những người thờ phượng Ngài như vậy. Đức Chúa Trời là Thần. Những người thờ phượng Ngài phải thờ phượng trong tâm thần và lẽ thật.”

Sự thờ phượng Đức Chúa Trời một cách chân thật không phải bởi các hình thức lễ nghi bên ngoài của thân thể vật chất xác thịt, mà là sự thờ phượng phát xuất từ tâm thần. Tâm thần chúng ta nhận biết Đức Chúa Trời cùng thánh ý của Ngài, tức là điều răn và luật pháp của Ngài. Sự nhận thức đó được ghi khắc trong tâm thần của chúng ta, gọi là lương tâm. Từ sự nhận thức thiêng liêng đó mà đức tin phát sinh. Vì đức tin mà chúng ta tôn kính và thờ phượng Đức Chúa Trời theo như lời phán dạy của Ngài. Lời Ngài là lẽ thật.

Tất cả những hình thức lễ nghi thờ phượng Đức Chúa Trời theo truyền thống của các tôn giáo do loài người dựng nên đều không phải là sự thờ phượng trong tâm thần và lẽ thật.


Giăng 12:27 “Hiện nay, linh hồn Ta phiền muộn. Ta sẽ nói gì? Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ nầy? Nhưng, vì sự này mà Ta đã đến trong giờ nầy!”

Bản Truyền Thống dịch từ ngữ “ψυχή,” G5590, phiên âm quốc tế /psuchē/, phiên âm Việt ngữ [xu-khê] thành “tâm thần” là không đúng. Khi Chúa phán: “Linh hồn Ta phiền muộn” là Ngài muốn bày tỏ rằng sự phiền muộn đó thấm sâu trong tận cùng bản thể loài người của Ngài, bao gồm cả tâm thần và thể xác. Lý do của sự phiền muộn là Ngài biết rõ: tâm thần, linh hồn, và thể xác của Ngài sắp trải qua sự chết!


Giăng 13:21 “Khi Đức Chúa Jesus đã phán như vậy rồi, thì tâm thần Ngài phiền muộn. Ngài làm chứng, phán rằng: Thật vậy, thật vậy, Ta nói với các ngươi, một người trong các ngươi sẽ phản Ta.”

Trong câu này, Chúa nhấn mạnh đến sự phiền muộn trong thân thể thiêng liêng của con người Jesus. Lý do phiền muộn là vì Ngài biết rõ một trong mười hai sứ đồ sẽ có một người phản nghịch Ngài và trở thành đứa con của sự hư mất! Sự nhận thức đó đến từ tâm thần, không phải đến từ xác thịt, vì thế, tâm thần Ngài phiền muộn.


Công Vụ Các Sứ Đồ 17:16 “Phao-lô đương đợi hai người tại thành A-thên, tâm thần ông tức giận, vì thấy khắp thành đầy những thần tượng.”

Sự tức giận của tâm thần khác với sự tức giận của xác thịt. Sự tức giận của xác thịt chỉ liên quan đến những gì trong thế giới vật chất, còn sự tức giận của tâm thần thì liên quan đến những gì trong thế giới thuộc linh. Tâm thần Phao-lô tức giận vì thấy sự thờ lạy hình tượng phát triển mạnh mẽ tại thành A-thên. Không phải tâm thần Phao-lô tức giận người dân A-thên thờ lạy đủ mọi thứ hình tượng và tà thần, mà tâm thần ông tức giận Sa-tan đã khiến cho cả thành A-thên trở thành hang ổ của nó.


Công Vụ Các Sứ Đồ 20:22 “Kìa, nay bị ràng buộc trong tâm thần, tôi đi đến thành Giê-ru-sa-lem, chẳng biết điều chi sẽ xảy đến cho tôi ở đó.”

Đối với người không ở trong Đấng Christ thì tâm thần bị ràng buộc tức là tâm thần bị khống chế bởi tà linh. Đối với người ở trong Đấng Christ thì tâm thần bị ràng buộc tức là tâm thần được Đức Thánh Linh thần cảm và thôi thúc làm theo thánh ý của Đức Chúa Trời. Phao-lô được Đức Thánh Linh cảm thúc ông phải đi đến thành Giê-ru-sa-lem, dầu ông chẳng biết điều gì sẽ xảy ra cho mình tại Giê-ru-sa-lem, chỉ biết rằng mình sẽ chịu khổ vì danh Chúa từ thành này sang thành khác (Công Vụ Các Sứ Đồ 20:23). Trên đường từ Ê-phê-sô đến Giê-ru-sa-lem, Phao-lô ghé lại thành Sê-sa-rê, tại đó, Tiên Tri A-ga-bút đến thăm Phao-lô, lấy dây lưng của Phao-lô trói chân tay mình, rồi nói cùng Phao-lô: “Này là lời Đức Thánh-Linh phán: Tại thành Giê-ru-sa-lem, dân Giu-đa sẽ trói người có dây lưng nầy như vậy, mà nộp trong tay người ngoại đạo” (Công Vụ Các Sứ Đồ 21:11).

Thấy vậy, Hội Thánh tại Sê-sa-rê ngăn cản Phao-lô, nài xin ông đừng đi tới Giê-ru-sa-lem. Tuy nhiên, Phao-lô đáp: “Anh em làm chi mà khóc lóc cho nao lòng tôi? Vì phần tôi sẵn lòng chẳng những để bị trói thôi, lại cũng sẵn lòng vì danh Đức Chúa Jesus chịu chết tại thành Giê-ru-sa-lem nữa” (Công Vụ Các Sứ Đồ 21:13). Vì thế, Hội Thánh đành để ông tiếp tục cuộc hành trình. Tại Giê-ru-sa-lem, Phao-lô đã bị những người Do-thái chống nghịch Đạo Chúa vu khống và bắt ông, mở đầu cho những năm tháng Phao-lô chịu lao tù vì danh Chúa.

Sự ràng buộc trong tâm thần bởi Đức Thánh Linh là sự Đức Thánh Linh bày tỏ mạnh mẽ ý muốn của Đức Chúa Trời cho chúng ta và chúng ta phải tuyệt đối vâng phục ý muốn của Chúa, cho dù phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Đôi khi, vì tình yêu thương mà những người thân yêu của chúng ta hoặc Hội Thánh có thể trở thành cớ cám dỗ chúng ta làm nghịch lại ý muốn của Đức Chúa Trời đã cảm thúc mạnh mẽ trong tâm thần của chúng ta.


Rô-ma 1:9 “Vì Đức Chúa Trời mà tôi hầu việc trong tâm thần bởi sự giảng Tin Lành của Con Ngài, là chứng nhân cho tôi, rằng tôi không ngừng nhắc đến các anh chị em.”

Như chúng ta đã học biết rằng, chúng ta phải thờ phượng Đức Chúa Trời trong tâm thần và lẽ thật, thì sự hầu việc Chúa của chúng ta cũng phải trong tâm thần và lẽ thật, bởi vì, trên một phương diện, hầu việc Chúa chính là thờ phượng Chúa. Trong câu nói này của Phao-lô, chúng ta biết ông hầu việc Đức Chúa Trời bằng sự rao giảng Tin Lành, và mặc dầu lời rao giảng của ông được thể hiện qua môi miệng của thân thể xác thịt, nhưng nguồn gốc của những lời rao giảng ấy là từ nơi sự nhận thức và đầu phục của tâm thần Phao-lô đối với Tin Lành của Đấng Christ.

Câu hỏi dành cho chúng ta: Khi chúng ta rao giảng Tin Lành của Đấng Christ, chúng ta rao giảng để lấy tiếng; hay rao giảng một cách máy móc theo thói quen; hay rao giảng trong sự mắc cở, ngại ngùng, sợ bị người ta chê cười; hay chúng ta rao giảng bởi tâm thần của chúng ta rung động trước sự vinh quang và năng lực của Tin Lành, và bởi lòng thương xót của chúng ta đối với những linh hồn đang hư mất?


Rô-ma 8:4-5 “Hầu cho sự công bình mà luật pháp buộc phải làm được trọn trong chúng ta, là kẻ chẳng noi theo xác thịt, nhưng noi theo tâm thần. Thật thế, kẻ sống theo xác thịt thì chăm những sự thuộc về xác thịt; còn kẻ sống theo tâm thần thì chăm những sự thuộc về tâm thần.”

Noi theo xác thịt hoặc sống theo xác thịt là nếp sống dựa trên mọi nhận thức và cảm xúc từ xác thịt. Noi theo tâm thần hoặc sống theo tâm thần là nếp sống dựa trên mọi nhận thức và cảm xúc từ tâm thần, qua mối tương giao mật thiết giữa chúng ta và Đức Chúa Trời. Người sống theo xác thịt thì tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc vào những điều thuộc về xác thịt. Trái lại, người sống theo tâm thần thì dốc đổ thời gian, công sức, tiền bạc vào những điều thuộc về tâm thần, như đọc và suy ngẫm Lời Chúa, đọc các sách báo, bài viết về thuộc linh, nghe các bài giảng trình bày lẽ thật của Lời Chúa, nghe và hát thánh ca, dùng các nhạc cụ để tôn vinh Chúa, dâng hiến tiền bạc, của cải, công sức và thời gian vào những việc lành mà Chúa đã sắm sẵn cho mình làm. Nên nhớ là không phải bất cứ việc lành nào, mà phải là những việc lành Đức Chúa Trời đã sắm trước cho mình, như Ê-phê-sô 2:10 dạy. Mỗi người phải cầu xin Chúa bày tỏ cho mình biết những việc lành mà Chúa muốn mình làm.

Khi tôi viết đến đây thì đến giờ phải đi đón con tan học. Trên đường từ trường về nhà, tôi để cho cháu lớn lái xe (cháu có bằng tập lái xe được vài tháng), tôi ngồi bên cạnh và bấm nút radio để nghe nhạc. Đó là làn sóng phát thanh địa phương, chuyên phát thanh loại nhạc êm dịu, không lời. Một bản nhạc thật hay trổi lên, dù tôi không biết tên bản nhạc nhưng âm thanh và giai điệu thật là tuyệt vời, làm cho tôi nói với con tôi: “Âm nhạc thật là tuyệt vời. Bản nhạc này làm cho linh hồn ba được êm dịu.” Vừa khi nói ra lời đó, tôi ý thức rằng, qua thân thể xác thịt tôi nghe được một bản nhạc hay, nhưng chính tâm thần tôi thì dấy lên mối cảm kích Thiên Chúa đã ban cho loài người khả năng tạo ra âm nhạc và thưởng thức âm nhạc. Điều đó dẫn tôi đến một câu hỏi có liên quan đến bài viết này mà tôi đang viết. Câu hỏi được đặt ra là: Chúng ta đang sống cùng một lúc trong thế giới thuộc thể và thế giới thuộc linh. Thế giới thuộc thể thì rõ ràng hơn thế giới thuộc linh. Làm thế nào để chúng ta có thể sống trong thế giới thuộc thể nhưng noi theo thế giới thuộc linh? Câu trả lời là: tất cả những gì chúng ta nhận thức và thu đạt được trong thế giới thuộc thể phải luôn luôn được dựa vào những giá trị thuộc linh mà Thiên Chúa đã bày tỏ cho chúng ta qua Thánh Kinh để đánh giá và lựa chọn.

Không có gì sai khi thân thể xác thịt tôi nghe nhạc và linh hồn tôi cảm xúc âm nhạc, nhưng nếu chỉ có thế thì chưa đủ, mà tâm thần của tôi cũng phải có sự nhận thức thuộc linh trong khi lỗ tai xác thịt của tôi nghe nhạc. Tôi sẽ sai khi tôi nghe nhạc rồi say mê và thần tượng hóa người nhạc sĩ, hay ca sĩ; nhưng tôi sẽ đúng khi tôi nghe nhạc mà ý thức được đó là ơn phước Thiên Chúa ban cho loài người và lòng tôi tràn ngập sự cảm kích Ngài. Nghe một bản nhạc hay với lòng biết ơn Chúa khiến cho tôi vui thỏa từ thể xác đến tâm thần, tức là sự vui thỏa trọn vẹn của linh hồn.


Rô-ma 8:9 “Về phần anh em, nếu thật quả Thánh Linh Đức Chúa Trời ở trong mình, thì không sống theo xác thịt đâu, nhưng theo Thánh Linh; song nếu ai không có Thánh Linh của Đấng Christ, thì người ấy chẳng thuộc về Ngài.” (Bản Dịch Truyền Thống)

Rô-ma 8:9 “Nhưng anh em không bởi xác thịt mà bởi tâm thần. Nếu vậy thì thần trí của Thiên Chúa ở trong anh em. Nếu ai không có thần trí của Đấng Christ, thì người ấy chẳng thuộc về Ngài.”

Các chữ được dịch là “tâm thần” và “thần trí” trong câu này, đều cùng là một chữ “πνεῦμα,” G4151, /pneuma/ trong tiếng Hy-lạp, không có mạo từ đi trước và cũng không có tính từ “thánh” đi chung. Bản Dịch Truyền Thống thì dịch tất cả các chữ này thành “Thánh Linh” khiến cho ý nghĩa của câu văn không được rõ ràng.

Những linh hồn ở trong Chúa không sống theo sự nhận thức và ham muốn từ thân thể xác thịt nhưng sống theo sự nhận thức và ham muốn từ thân thể thiêng liêng. Sống như thế thì khuynh hướng hay tinh thần thuộc về Thiên Chúa sẽ ở trong chúng ta, là khuynh hướng hay tinh thần giống như của Đấng Christ. Ngược lại, ai không có khuynh hướng hay tinh thần ấy thì không phải là người thuộc về Đấng Christ.


Rô-ma 8:10 “Vậy nếu Đấng Christ ở trong anh em, thì thân thể chết nhơn cớ tội lỗi, mà tâm thần thì sống nhơn cớ sự công bình.”

Người thuộc về Đấng Christ thì sẽ giống như Đấng Christ, đó là thân thể chết vì tội lỗi nhưng tâm thần thì sống, tức là được tương giao với Thiên Chúa và còn lại mãi mãi. Lý do tâm thần sống là vì linh hồn được Đức Chúa Trời xưng là công bình khi linh hồn ăn năn tội và tin vào sự cứu chuộc của Đức Chúa Jesus Christ.

Hiện nay, thân thể của mỗi chúng ta đang chết vì hậu quả của tội lỗi, sẽ đến một lúc nó sẽ trở về cùng bụi đất. Tuy nhiên, trong một ý nghĩa rộng, thân thể chết vì tội lỗi là thân thể không còn làm ra tội: “Vì ai đã chết thì được thoát khỏi tội lỗi… Vậy, chớ để tội lỗi cai trị trong xác hay chết của anh em, và chớ chiều theo tư dục nó. Chớ nộp chi thể mình cho tội lỗi, như là đồ dùng gian ác, nhưng hãy phó chính mình anh em cho Đức Chúa Trời, dường như đã chết mà nay trở nên sống, và dâng chi thể mình cho Đức Chúa Trời như là đồ dùng về sự công bình.” (Rô-ma 6:7, 12-13).


Rô-ma 8:13 “Thật thế, nếu anh em sống theo xác thịt thì phải chết; song nếu bởi tâm thần, làm cho chết các việc của thân thể, thì anh em sẽ sống.”

Chúng ta nên nhớ là thư Rô-ma được Phao-lô viết cho những người đã tin Chúa, đã được tái sinh, mà ông gọi là anh em. Câu này có thể diễn ý như sau: “Điều này là lẽ thật: nếu người đã được tái sinh mà sống theo xác thịt thì sẽ chết đời đời; nhưng nếu bởi sự nhận thức và ý chí từ tâm thần mà giết chết các việc làm của thân thể, tức là không để cho thân thể phạm tội nữa, thì người ấy sẽ sống đời đời.”


Rô-ma 8:16 “Chính Đấng Thần Linh cùng với tâm thần chúng ta làm chứng rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa.”

Thánh Linh của Đức Chúa Trời ở trong chúng ta khiến chúng ta mở miệng gọi Đức Chúa Trời là “Cha,” (Ga-la-ti 4:6) làm ấn chứng cho sự chúng ta là con dân Thiên Chúa (Ê-phê-sô 1:13). Nhưng chính trong Đấng Thần Linh, là Thiên Chúa Ngôi Ba cũng có chứng cớ chúng ta là con dân của Thiên Chúa. Ấn chứng đó thể hiện qua lời của Ngài được ghi chép trong Thánh Kinh (Giăng 1:12; II Cô-rinh-tô 6:18). Chứng cớ trong chúng ta và chứng cớ trong Đức Thánh Linh chứng minh rằng, chúng ta thật là con cái của Đức Chúa Trời.


Rô-ma 12:2 “Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào.” (Bản Dịch Truyền Thống)

Rô-ma 12:2 “Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm trí mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào.”

Chữ “được dịch là “tâm thần” trong Bản Dịch Truyền Thống, thật ra là chữ “trí” trong nguyên ngữ của Thánh Kinh. Như chúng ta đã học qua bài 2, nói về linh hồn [1]: chữ trí được dùng để nói đến chức năng nhận thức, phân tích, suy luận và đánh giá mọi sự của linh hồn. Một tâm trí được đổi mới là một tâm trí nhờ sự tái sinh của tâm thần mà phục hồi mối tương giao với Thiên Chúa, nhận thức điều răn và luật pháp của Thiên Chúa được chép lại trong lương tâm. Từ đó, mọi chức năng của tâm trí đều dựa vào lương tâm đã được đổi mới. Phao-lô khuyên con dân Chúa hãy sống theo sự đổi mới trong tâm trí thay vì sống theo sự ưa thích cũ của xác thịt. Sự tái sinh, sự đổi mới do chính Đức Thánh Linh làm ra và Ngài cũng ban năng lực cho chúng ta để chúng ta có thể sống theo Lời Chúa, nhưng sự lựa chọn và hành động thuộc về chúng ta. Chính vì sự lựa chọn thuộc về chúng ta mà trong Rô-ma 12:1 Phao-lô đã nói là, ông khuyên con dân Chúa dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh lên Đức Chúa Trời.

Nói cách khác, sau khi chúng ta thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ thì chúng ta được tái sinh, được dựng nên mới, được Đức Thánh Linh ngự trong chúng ta và ban cho chúng ta Thánh Linh để chúng ta sống một đời sống mới trong địa vị làm con của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, nếu chúng ta chọn quay về sống trong tội thì chúng ta sẽ bị hư mất đời đời, không còn có tế lễ chuộc tội nữa:

Vì chưng những kẻ đã được soi sáng một lần, đã nếm sự ban cho từ trên trời, dự phần về Thánh Linh, Lời lành của Thiên Chúa, và năng lực của đời sau, nếu lại vấp ngã, thì không thể khiến họ lại ăn năn nữa, vì họ đóng đinh Con Đức Chúa Trời trên thập tự giá cho mình một lần nữa, làm cho Ngài sỉ nhục tỏ tường” (Hê-bơ-rơ 6:4-6).

Vì nếu chúng ta đã nhận biết lẽ thật rồi, mà lại cố ý phạm tội, thì không còn có tế lễ chuộc tội nữa, nhưng chỉ có sự đợi chờ kinh khiếp về sự phán xét, và lửa hừng sẽ đốt cháy kẻ bội nghịch mà thôi. Ai đã phạm luật pháp Môi-se, nếu có hai ba người làm chứng, thì chết đi không thương xót, huống chi kẻ giày đạp Con Đức Chúa Trời, coi máu của giao ước, tức là máu mà mình nhờ nên thánh, là ô uế, lại khinh lờn Đấng Thần Linh của ân điển, thì anh em há chẳng tưởng rằng người ấy đáng bị hình rất nghiêm đoán phạt hay sao?” (Hê-bơ-rơ 10:26-29)

Người công bình của Ta sẽ cậy đức tin mà sống, Nhưng nếu lui đi thì linh hồn Ta chẳng lấy làm đẹp chút nào. Về phần chúng ta, nào phải là kẻ lui đi cho hư mất đâu, bèn là kẻ giữ đức tin cho linh hồn được cứu rỗi.” (Hê-bơ-rơ 10:38-39)


I Cô-rinh-tô 2:11 “Vả, nếu không phải bởi tâm thần bên trong người, thì ai biết sự trong lòng người? Cũng một lẽ ấy, ngoại trừ Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời, thì chẳng ai biết những sự trong Đức Chúa Trời.”

Thân thể xác thịt chắc chắn là không nhận biết những tư tưởng của linh hồn nhưng tâm thần thì nhận biết được. Vì thế, mỗi khi linh hồn muốn chiều theo sự ưa muốn sai trái của xác thịt, phát sinh ra những ý nghĩ hoặc tình cảm hoặc ý định tội lỗi thì tâm thần lập tức lên án. Tương tự như vậy Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời biết hết mọi sự kín nhiệm của Đức Chúa Trời, vì thế Đấng Thần Linh cũng chính là Thiên Chúa, vì chỉ có Thiên Chúa mới biết hết mọi sự.


I Cô-rinh-tô 5:3-5 “Về phần tôi, thân dầu xa cách mà tâm thần ở tại đó, đã phán xét kẻ làm ra việc đó như là tôi đã có mặt. Trong danh của Đức Chúa Jesus Christ là Chúa chúng ta, các anh em nhóm họp cùng tâm thần tôi, với năng lực của Đức Chúa Jesus Christ phó người như thế cho Sa tan, để phần xác thịt bị hủy hoại, mà tâm thần có thể được cứu trong ngày Đức Chúa Jesus.”

Tâm thần sống hay tâm thần được cứu là tâm thần được kết hợp với linh hồn. Chúng ta đã biết, Đức Chúa Trời là Đấng ban tâm thần cho loài người và khi thể xác chết đi thì tâm thần về lại cùng Đức Chúa Trời. Đối với những người không có sự cứu rỗi thì sau khi thân thể xác thịt chết, họ vĩnh viễn mất phần tâm thần, vì thế, họ sẽ không còn cơ hội và phương tiện tương giao với Thiên Chúa. Đối với những người có sự cứu rỗi thì Đức Chúa Trời sẽ tái sinh tâm thần của họ ngay từ khi tâm thần còn ở trong xác thịt, và nếu họ trung tín sống theo Lời Chúa cho đến khi thân thể xác thịt chết, thì linh hồn vẫn được ở trong tâm thần, về cùng Đức Chúa Jesus Christ.

I Cô-rinh-tô 5:3-5 nói đến sự kiện trong Hội Thánh Cô-rinh-tô có người vui thú sống trong tội nên Phao-lô, dù không có mặt tại Hội Thánh trong thân thể xác thịt, nhưng tâm thần ông có mặt tại đó khi ông nhân danh Đức Chúa Jesus Christ để tuyên án người ấy. Lời tuyên án đó được công bố trong sự nhóm họp của Hội Thánh và có hiệu lực như là lời của Đức Chúa Jesus Christ.

Có một điểm quan trọng mà chúng ta cần lưu ý, Hội Thánh của Chúa là một trong Đức Chúa Jesus Christ, vì thế, dù thân thể vật chất của chúng ta xa cách nhau trong không gian nhưng tâm thần của chúng ta vẫn hiệp một trong sự nhóm họp trong danh Chúa ở bất cứ nơi nào. Chúng ta có thể hiện diện bên nhau trong tâm thần. Các anh chị em có thể nhận thức được điều này trong các buổi nhóm trên mạng của chúng ta hay khi chúng ta cùng cầu nguyện với nhau và cho nhau qua điện thoại. Hoặc khi chúng ta cùng hẹn nhau cầu nguyện chung vào một giờ nhất định nào đó.

Cô-lô-se 2:1-5 ghi lại lời tâm sự của Phao-lô về việc ông đã chiến đấu cho những tín đồ không thấy mặt ông về phần xác như thế nào, và ông kết luận:

Cô-lô-se 2:5 “Vì dẫu thân tôi xa cách, nhưng tâm thần tôi vẫn ở cùng anh em, thấy trong anh em có thứ tự hẳn hoi và đức tin vững vàng đến Đấng Christ, thì tôi mừng rỡ lắm.”

Phó người có tội cho Sa-tan có nghĩa là người ấy bị cắt ra khỏi sự thông công với Hội Thánh, khiến Sa-tan có quyền hành hại thân thể xác thịt của người ấy. Nguyên cớ của sự cắt đi mối thông công và phó người ấy cho Sa-tan không phải là vì ghét bỏ mà là một hình thức kỷ luật để giúp người ấy qua sự đau đớn của xác thịt, nhận ra sự nghiêm trọng của tội lỗi mình mà ăn năn, hầu cho tâm thần được cứu khỏi sự bị phân rẽ với linh hồn sau khi chết. II Cô-rinh-tô 7:10 chép: “Vì sự buồn rầu theo ý Thiên Chúa sanh ra sự hối cải, và sự hối cải dẫn đến sự cứu rỗi; về sự đó người ta chẳng hề hối tiếc, còn sự buồn rầu theo thế gian sanh ra sự chết.”

Dựa vào câu 5 chúng ta có thể hiểu rằng: nếu người ấy Bấm vào đây để đọc tiếp →

3,817 views

Loài Người (04): Một Số Câu Thánh Kinh Liên Quan đến Tâm Thần – Kỳ 1

Huỳnh Christian Timothy

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết này:
http://www.mediafire.com/view/?5mngccouebodwog

Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống MP3 bài giảng này:
http://timhieutinlanh.net/node/1033
 

Dẫn Nhập

Trong bài trước, chúng ta đã cùng nhau học biết về tâm thần của loài người. Chúng ta đã biết rằng, tâm thần chính là thân thể thiêng liêng của chúng ta, được hình thành từ hơi thở sống của Thiên Chúa. Tâm thần nhận thức về thế giới thuộc linh, sinh hoạt trong thế giới thuộc linh. Tâm thần của những người chưa được cứu thì chỉ biết thông công với Ma Quỷ và thờ phượng Ma Quỷ. Tâm thần của những người đã được cứu thì được phục hồi mối tương giao với Thiên Chúa và nhận được năng lực từ Đức Thánh Linh để thờ phượng Thiên Chúa, hiểu biết Thiên Chúa càng hơn, và giúp cho linh hồn, tức con người, sống một đời sống vâng phục Thiên Chúa. Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của những câu Thánh Kinh liên quan đến tâm thần.

Một Số Câu Thánh Kinh Liên Quan đến Tâm Thần

Dưới đây là một số câu Thánh Kinh liên quan đến tâm thần và ý nghĩa của chúng:


Thi Thiên 51:17 “Của lễ đẹp lòng Thiên Chúa, ấy là tâm thần đau thương: Thiên Chúa ôi! lòng đau thương thống hối Chúa không khinh dể đâu.”

Thi Thiên 51 là bài cầu nguyện xưng tội của Vua Đa-vít, sau khi Tiên Tri Na-than vâng lời Thiên Chúa đến gặp vua để chỉ ra tội ngoại tình, giết chồng đoạt vợ của vua. (Câu chuyện Đa-vít phạm tội được ghi lại trong II Sa-mu-ên 11 và 12). Các tôn giáo dùng hình thức dâng lễ vật lên các thần linh để xoa dịu cơn giận của các thần linh mà họ thờ phượng. Trong Đạo Chúa, sự phạm tội của loài người cũng phải được chuộc bằng một mạng sống thánh khiết, mà một sinh vật tinh sạch được dùng làm biểu tượng trong tế lễ chuộc tội, cho đến khi Đức Chúa Jesus Christ hoàn thành công cuộc dâng chính mình Ngài làm của lễ chuộc tội cho nhân loại. Tuy nhiên, trong Đạo Chúa, sự chuộc tội còn phải kèm theo lòng đau thương thống hối chân thành. Lòng đau thương thống hối chân thành phát xuất từ sự cảm nhận sâu kín của tâm thần.

Như chúng ta đã biết, tâm thần tức là thân thể thiêng liêng, thân thể thiêng liêng đó cũng có đủ năm giác quan như thân thể xác thịt, nhờ đó mà chúng ta có thể thấy, nghe, ngửi, nếm, và sờ chạm trong thế giới thuộc linh. Những ai đã từng nhận được khải tượng từ nơi Chúa hoặc thường xuyên tương giao mật thiết với Chúa trong sự cầu nguyện thì biết rõ điều này. Khi chúng ta phạm tội thì trước hết là linh hồn, tức là bản ngã của chúng ta, quyết định phạm tội. Kế tiếp, chúng ta sẽ nghe sự cáo trách của lương tâm ở trong tâm thần của chúng ta. Nếu chúng ta không ăn năn sau khi lương tâm cáo trách mà chúng ta đã là con dân Chúa thì chúng ta sẽ nghe tiếng cáo trách của Đức Thánh Linh trong tâm thần của chúng ta. Người chưa tin nhận Chúa, chưa được tái sinh thì không có sự cáo trách của Đức Thánh Linh. Nếu chúng ta vẫn tiếp tục không ăn năn thì tội lỗi sẽ thể hiện qua thân thể xác thịt của chúng ta. Đức Chúa Trời là tình yêu, sự nhân từ của Ngài còn đến đời đời, sự thương xót của Ngài là vô bờ bến, cho nên, Ngài sẽ cho chúng ta thêm nhiều cơ hội để ăn năn, sau khi chúng ta đã thể hiện sự phạm tội qua xác thịt. Nếu chúng ta vẫn cứng lòng không chịu ăn năn thì Đức Chúa Trời sẽ cất đi mạng sống của chúng ta. Ngài cất đi mạng sống của chúng ta vì Ngài quá yêu chúng ta, không muốn chúng ta tiếp tục làm ra thêm nhiều tội lỗi để rồi phải chịu nhiều hình phạt nặng nề trong ngày phán xét.

Rất thường khi, vì sự cứng lòng của chúng ta mà Đức Chúa Trời dùng một người nào đó để thức tỉnh chúng ta về tội lỗi của chúng ta. Chúng ta ăn năn tội vì chúng ta nghe được sự cáo trách, sự lên án của lương tâm và của Đức Thánh Linh trong tâm thần của chúng ta. Khi đó, tâm thần của chúng ta nhận thức rõ sự ghê tởm, xấu xa của tội lỗi và hậu quả nghiêm trọng của sự phạm tội. Tâm thần của chúng ta rung động và đau đớn trước tội lỗi của linh hồn.

Đức Chúa Trời yêu chúng ta đến nỗi đã hy sinh Con Một của Ngài, như Giăng 3:16 đã công bố và Rô-ma 8:31-35 đã giải thích:

Giăng 3:16 “Vì Ðức Chúa Trời yêu thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin nơi Con ấy không bị hư mất, mà được sự sống đời đời.”

Rô-ma 8:32-35 “Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì chúng ta hết thảy mà phó Con ấy cho, thì Ngài há chẳng cũng sẽ ban mọi sự luôn với Con ấy cho chúng ta sao? Ai sẽ kiện kẻ lựa chọn của Thiên Chúa? Thiên Chúa là Đấng xưng công bình những kẻ ấy. Ai sẽ lên án họ ư? Đức Chúa Jesus Christ là Đấng đã chết, và cũng đã sống lại nữa. Ngài đang ngự bên hữu Đức Chúa Trời, cầu nguyện thế cho chúng ta. Ai sẽ phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương của Đấng Christ? có phải hoạn nạn, khốn cùng, bắt bớ, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, hay là gươm giáo chăng?”

Chú ý là trong những câu trên đây không hề liệt kê ra tội lỗi, vì tội lỗi là sự chúng ta chủ động cắt đứt mối tương giao giữa mình với Đức Chúa Trời, phân rẽ ra khỏi tình yêu của Ngài; như Ê-sai 59:2 đã khẳng định: “Nhưng ấy là sự gian ác các ngươi làm xa cách mình với Thiên Chúa; và tội lỗi các ngươi đã che khuất mặt Ngài khỏi các ngươi, đến nỗi Ngài không nghe các ngươi nữa.” Nhiều giáo sư giả ngày nay dùng Rô-ma 8:32-35 để bảo vệ cho tà thuyết “Tin Chúa một lần được cứu vĩnh viễn” hay “Người đã được cứu thì không bao giờ bị hư mất.” Đúng là không có một sự gì có thể phân rẽ tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho loài người, chỉ trừ một điều: loài người tiếp tục sống trong tội mà không ăn năn!

Trong khi bạn xem phim hay đọc truyện, bạn thấy kẻ ác cứ được thịnh vượng, người lành cứ bị hãm hại mà không biết, còn cám ơn kẻ ác, thì bạn thấy bực tức và nổi giận trong lòng, ước gì bạn có thể can thiệp và dạy cho kẻ ác một bài học thích đáng. Khi ấy, lòng bạn hoàn toàn tức giận mà không có chút gì thương xót. Đức Chúa Trời thì khác, Ngài luôn chờ đón mỗi người ăn năn tội và tiếp nhận sự tha thứ của Ngài, dù là những người phạm tội kinh khủng nhất, và nhiều nhất, vì Ngài thật sự yêu nhân loại. Đức Chúa Trời phán:

Đấng cao cả, ở nơi đời đời vô cùng, danh Ngài là Thánh, có phán như vầy: Ta ngự trong nơi cao và thánh, với người có tâm thần ăn năn đau đớn và khiêm nhường, đặng làm tươi tỉnh tâm thần của người khiêm nhường, và làm tươi tỉnh lòng người ăn năn đau đớn. Ta chẳng muốn cãi lẽ đời đời, cũng chẳng tức giận mãi mãi; vì tâm thần sẽ mòn mỏi trước mặt Ta, và các linh hồn mà Ta đã dựng nên cũng vậy.” (Ê-sai 57:15-16)

Ngay cả khi chúng ta vì mặc cảm phạm tội, không dám đến để ăn năn, xưng tội với Ngài, thì Đức Chúa Trời vẫn mời gọi chúng ta:

Đức Giê-hô-va phán: Bây giờ hãy đến, cho chúng ta biện luận cùng nhau. Dầu tội các ngươi như hồng điều, sẽ trở nên trắng như tuyết; dầu đỏ như son, sẽ trở nên trắng như lông chiên.” (Ê-sai 1:18)

Ngày hôm nay, của lễ chuộc tội cho loài người đã được Đức Chúa Jesus Christ dâng lên Đức Chúa Trời bằng chính mạnh sống thánh khiết của Ngài, có hiệu lực cho đến đời đời. Loài người không cần phải dâng một lễ vật nào nữa cả mà chỉ cần thật lòng ăn năn, thống hối về mọi tội lỗi của mình, và thật lòng tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Sự ăn năn chỉ trên môi miệng mà không phát xuất từ tâm thần chẳng những không đem lại sự cứu rỗi mà còn thêm tội cho người không thật lòng. Loài người có thể giả vờ ăn năn tội, giả vờ tin nhận Chúa để được nhận vào trong các tổ chức giáo hội, để được các giáo hội giúp đỡ hoặc để lợi dụng con dân Chúa về vật chất. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời biết hết mọi sự, vì Ngài là Đấng “dò xét trong trí, thử nghiệm trong lòng”“báo cho mỗi người tùy đường họ đi, tùy kết quả của việc họ làm“ (Giê-rê-mi 17:10).

Tâm thần đau thương thống hối, công nhận mình là tội nhân, ăn năn tội, và tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời là điều mà Thiên Chúa mong đợi nơi mỗi con người.


Thi Thiên 78:8 “Để chúng nó chẳng như tổ phụ mình, chẳng dọn lòng cho chánh-đáng, có tâm thần không trung tín cùng Thiên Chúa.”

Tâm thần không trung tín là khuynh hướng bội nghịch, không vâng phục Thiên Chúa. Ví cớ thân thể thiêng liêng là tâm thần không đầu phục Thiên Chúa nên thân thể xác thịt cầm quyền trên linh hồn, bắt linh hồn phải chìu theo mọi sự ưa muốn của xác thịt, khiến loài người sống như loài thú.

Chỉ những ai đã tin nhận Thiên Chúa mới có tâm thần không trung tín cùng Thiên Chúa. Người chưa tin nhận Thiên Chúa, chưa hề hứa nguyện vâng phục Ngài thì không thể phạm tội không trung tín với Thiên Chúa.


Thi Thiên 139:13 “Vì chính Chúa nắn nên tâm thần tôi, dệt thành tôi trong lòng mẹ tôi.”

Từ ngữ được dịch là “tâm thần” ở trong nguyên ngữ có nghĩa đen là “quả thận,” một cơ quan có chức năng lọc các chất độc trong thân thể rồi bài tiết qua đường tiểu. Nghĩa bóng của từ ngữ này là “trí,” tương tự như từ ngữ “quả tim” có nghĩa bóng là “tình cảm.”

Câu này cho biết thân thể thiêng liêng và thân thể vật chất của chúng ta cùng được Thiên Chúa thai dựng trong lòng của người mẹ, cho nên, đó không phải là sự sáng tạo trực tiếp của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã ngưng mọi công tác sáng tạo của Ngài, sau khi Ngài hoàn thành công cuộc sáng tạo trời đất và muôn vật trong trời đất, trong sáu ngày. Từ đó trở đi, muôn vật tiếp tục sinh sản theo quy luật Thiên Chúa đã ấn định. Dù kể từ đó trở đi, muôn vật được sinh ra cũng đều là loài thọ tạo của Thiên Chúa nhưng chúng không nằm trong nghĩa sáng tạo từ không thành có, mà chúng được tạo ra từ những gì Thiên Chúa đã sáng tạo.


Châm Ngôn 15:4 “Lưỡi hiền lành giống như một cây sự sống; Song lưỡi gian tà làm cho hư nát tâm thần.”

Lưỡi là một cơ quan của thân thể xác thịt, nhưng lời nói bởi lưỡi thì xuất phát từ linh hồn. Lưỡi hiền lành là lưỡi nói ra những lời ân hậu và có ích lợi cho người nghe, nên được ví như cây sự sống. Trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ, “Lưỡi hiền lành” có thể dịch là “Lưỡi đem lại sự chữa lành”:

Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em; nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến.” (Ê-phê-sô 4:29)

Lưỡi gian tà là lưỡi nói ra những lời không chân thật làm hại đến tâm thần của người nghe lẫn người nói. Nguy hiễm nhất là những lưỡi gian tà rao giảng những điều không chân thật về Lời Chúa, đem sự bại hoại đến cho tâm thần của người nghe. Đó là lý do vì sao Chúa dạy chúng ta phải tránh xa những kẻ rao giảng tà giáo:

Sau khi mình đã khuyên bảo kẻ theo tà giáo lần thứ nhất và lần thứ nhì rồi, thì hãy tránh khỏi, vì biết rằng người như thế đã bội nghịch mà cứ phạm tội, thì tự đoán phạt lấy mình.” (Tít 3:10-11)

Hễ ai đi dông dài, chẳng bền lòng theo giáo lý của Đấng Christ, thì người ấy không có Thiên Chúa. Còn ai bền lòng trong đạo ấy, thì người đó có Cha và Con. Nếu ai đến cùng các ngươi mà không đem giáo lý ấy theo, thì chớ rước họ vào nhà, và đừng chào hỏi họ. Vì người nào chào hỏi họ, tức là dự vào công việc ác của họ.” (II Giăng 9-11)


Châm Ngôn 18:14 “Tâm thần người nâng đỡ sự bịnh hoạn mình; Nhưng tâm thần bị thương tích ai có thể chịu nổi?”

Thân thể thiêng liêng có thể giúp chữa lành và hồi phục sức khỏe cho thân thể vật chất, nhưng nếu thân thể thiêng liêng bị bệnh tật hay thương tổn thì đó là một sự khốn khổ lớn cho một người. Nhờ đức tin và sự cầu nguyện trong tâm thần mà thân thể thiêng liêng giúp cho việc chữa lành thân thể vật chất. Nhưng nếu thân thể thiêng liêng bị thương tích thì sẽ khiến cho thân thể vật chất bị kiệt quệ theo. Nhiều người vì tổn thương tâm thần mà trở nên điên loạn hoặc chọn sự tự sát để mong chấm dứt sự đau đớn trong tâm thần. Chúng ta phải cẩn thận về việc mình có thể làm cho tổn thương tâm thần của người khác. Không gì dễ dàng làm cho tâm thần của người khác tổn thương cho bằng nếp sống giả hình của chúng ta và những sự rao giảng tà giáo.


Ê-sai 65:14 “Nầy, tôi tớ Ta sẽ hát mừng vì lòng đầy vui vẻ, còn các ngươi thì khóc lóc vì lòng buồn bực, kêu than vì tâm thần phiền não.”

Câu Thánh Kinh trên đây nằm trong bối cảnh Thiên Chúa đoán phạt những người I-sơ-ra-ên cứng lòng, không chịu ăn năn tội và ban phước cho những người I-sơ-ra-ên đã tin nhận sự cứu rỗi của Ngài. Những người được Chúa ban phước thì được Ngài gọi là tôi tớ của Ngài sẽ hát mừng vì linh hồn được vui vẻ. Những kẻ cứng lòng sống trong tội thì khóc lóc vì linh hồn buồn bực và vì tâm thần của họ phiền não. Chữ “phiền não” trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ có nghĩa là “tan nát.” Tâm thần họ tan nát vì tội lỗi khiến cho họ không còn được thông công với Thiên Chúa để được Ngài an ủi, vỗ về, dạy dỗ và bổ sức lại.


Đa-ni-ên 7:15 “Còn như ta, Đa-ni-ên, thì tâm thần ta rầu rĩ trong mình ta, và những sự hiện thấy trong đầu ta làm cho ta bối rối.”

Khi Tiên Tri Đa-ni-ên nhìn thấy khải tượng về thế giới trong tương lai thì tâm thần ông trở nên buồn rầu, vì ông không hiểu được ý nghĩa của những điều ông được mạc khải. Điều đó tương tự như chúng ta sẽ buồn rầu khi thân thể xác thịt của chúng ta được nghe, thấy, ngửi, nếm, sờ chạm một điều gì đó trong thế giới vật chất này mà chúng ta không sao hiểu được điều ấy.

Mệnh đề “tâm thần ta rầu rĩ trong mình ta” có nghĩa là, “thân thể thiêng liêng ở trong thân thể xác thịt của ta đang buồn rầu,” tức là sự buồn rầu không đến từ nhận thức của thân thể xác thịt nhưng đến từ nhận thức của thân thể thuộc linh.

Đôi khi chúng ta có những nỗi buồn vô cớ, buồn mà không hiểu vì sao mình buồn, buồn trong khi đang có đủ ăn, đủ mặc, đủ ở, và có những người thân yêu bên cạnh, không có gì cần phải lo lắng hay sợ hãi. Những nỗi buồn vô cớ đó bắt đầu xuất hiện ngay từ tuổi thiếu niên, tức là tuổi bắt đầu có ý thức về nhu cầu tâm linh. Những nỗi buồn không tên đó chính là nỗi buồn vì không có Thiên Chúa ngự trong chúng ta, vì tâm thần của chúng ta không được tiếp xúc với Thiên Chúa. Sự phiền muộn trong tâm thần sẽ khiến cho linh hồn rối ren trong sự suy nghĩ; nhưng sự phiền muộn trong tâm thần cũng thúc giục chúng ta tìm kiếm Thiên Chúa.

Là con dân Chúa, chúng ta cũng có thể có những lần bị phiền muộn trong tâm thần khi chúng ta quan tâm đến đời sống thuộc linh của người khác, khi chúng ta nhìn thấy tội lỗi xảy ra trong Hội Thánh hoặc khi chúng ta phạm tội với Chúa mà không ăn năn. Dù lý do là gì thì chúng ta cũng chỉ có một cách duy nhất để giải quyết, là “chúng ta hãy vững lòng đến gần ngôi ơn phước, hầu cho được thương xót và tìm được ơn để giúp chúng ta trong thì giờ có cần dùng” (Hê-bơ-rơ 4:16).


Ma-la-chi 2:15-16 “Vả, hơi sống của Thiên Chúa dầu có dư dật, chỉ làm nên một người mà thôi. Nhưng vì sao chỉ làm một người? Ấy là vì tìm một dòng dõi thánh. Vậy các ngươi khá cẩn thận trong tâm thần mình; chớ đãi cách phỉnh dối với vợ mình lấy lúc tuổi trẻ. Vì Giê-hô-va Thiên Chúa của I-sơ-ra-ên có phán rằng Ta ghét người nào bỏ vợ, và người nào lấy sự hung dữ che áo mình, Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy. Vậy hãy giữ trong tâm thần các ngươi, chớ đãi cách phỉnh dối.”

Đây là một câu Thánh Kinh rất là quan trọng. Trước hết, Thiên Chúa đích thân giải thích rõ ràng vì sao Ngài không cùng một lúc tạo ra nhiều người mà chỉ tạo ra có một người. Lời Chúa thật rõ ràng, không cần phải diễn giải gì thêm: Ngài chỉ làm nên một người để tìm một dòng dõi thánh qua người ấy!Tuy nhiên, chúng ta sẽ đi sâu vào chi tiết của câu này trong bài nói về sự kiện Thiên Chúa sáng tạo loài người. Trong bài này, chúng ta chỉ để ý đến lý do vì sao từ ngữ tâm thần được nói đến trong câu này. Thiên Chúa muốn tìm một dòng dõi thánh qua một người mà Ngài đã dựng nên là A-đam. Từ A-đam, Thiên Chúa đã tạo thành Ê-va để cả hai kết hợp mà sinh ra một dòng dõi thánh. Chữ thánh được dùng ở đây có nghĩa là biệt riêng ra cho Thiên Chúa, theo như ý muốn của Ngài. Đó là mô hình gia đình và tình yêu nam nữ mà Thiên Chúa đã thiết lập. Gia đình là một vợ một chồng sinh ra con cái theo ý muốn của Thiên Chúa. Chồng và vợ dù là hai nhưng kết hợp thành một. Ở đây không phải nói về sự kết hợp thuộc linh mà là sự kết hợp của thân thể xác thịt: “hai người trở nên một thịt!” Sự kết hợp thuộc linh là sự kết hợp ở trong Đấng Christ, mọi người trở thành một trong Hội Thánh.

Vì sự cứng lòng của dân I-sơ-ra-ên mà Thiên Chúa cho phép có sự ly dị và đa thê (Ma-thi-ơ 19:8). Cứng lòng tức là không chịu sống theo tiêu chuẩn gia đình mà Thiên Chúa đã đặt ra. Vì lòng nhân từ không muốn tiêu diệt họ mà Thiên Chúa đã cho phép họ sống theo ý riêng một thời gian, và Ngài đã đặt thêm các luật về ly dị và đa thê để giới hạn sự buông thả theo xác thịt của họ. Thế nhưng, dân I-sơ-ra-ên đã lạm dụng các luật này để hất hủi vợ đang có mà cưới thêm vợ khác. Từ ngữ tâm thần được dùng trong hai câu Thánh Kinh nói trên, có nghĩa là “khuynh hướng tham muốn sắc dục, bạc đãi vợ, lừa dối vợ, buộc vợ phải chung thủy với mình mà mình không chung thủy với vợ.”


Ma-thi-ơ 5:3 “Phước cho những kẻ thiếu nghèo trong tâm thần, vì Vương Quốc Trời là của những kẻ ấy!”

Thiếu nghèo trong tâm thần được dùng ở đây có nghĩa là trong tâm thần ý thức được rằng mình không giầu có về thuộc linh. Một người thiếu nghèo trong tâm thần có thể rất giầu có về vật chất hoặc cũng rất nghèo khó về vật chất. Lu-ca 6:20 thì chỉ ghi là: “Phước cho các ngươi thiếu nghèo, vì vương quốc của Đức Chúa Trời thuộc về các ngươi!” mà dựa trên văn mạch, thì hàm ý là thiếu nghèo về vật chất trong thế gian. Thánh Kinh cho biết, Đức Chúa Jesus Christ giảng Tin lành cho những người nghèo trong xã hội: Ma-thi-ơ 11:5, Lu-ca 4:18, và cũng cho biết người giàu thì khó vào Nước Trời: Ma-thi-ơ 19:23; Lu-ca 18:24.


Ma-thi-ơ 22:43 “Ngài đáp rằng: Vậy, vì cớ nào vua Đa-vít trong tâm thần gọi Đấng Christ là Chúa…”

Trong tâm thần gọi” có nghĩa là dù lời nói được phát ra bởi miệng lưỡi của thân thể xác thịt nhưng sự nhận thức thì đến từ tâm thần. Trong tâm thần Đa-vít nhận biết Đấng Christ là Con của Thiên Chúa, có cùng một bản thể với Thiên Chúa, và hoàn toàn là Thiên Chúa.


Ma-thi-ơ 26:41“Hãy thức canh và cầu nguyện, kẻo các ngươi sa vào chước cám dỗ; tâm thần thì muốn lắm, mà xác thịt thì yếu đuối.”

Mác 14:38 “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện, để các ngươi khỏi sa vào chước cám dỗ; tâm thần thì muốn lắm, mà xác thịt thì yếu đuối.”

Trong câu này chúng ta thấy sự tương phản giữa thân thể thiêng liêng là tâm thần với thân thể vật chất là xác thịt. Tâm thần nhận thức được các giá trị thuộc linh và khao khát, ưa thích các giá trị thuộc linh; nhưng xác thịt thì bị mệt mõi vì những sinh hoạt trong thế giới vật chất, không đủ sức để tỉnh thức và cầu nguyện.

Sa-tan sẽ tung ra các mưu chước cám dỗ khi thân thể xác thịt của chúng ta mệt mõi, yếu đuối, bỏ qua sự tương giao với Chúa trong sự cầu nguyện và đọc, suy ngẫm Lời Chúa. Thiếu cầu nguyện, thiếu ăn nuốt Lời Chúa sẽ khiến cho chúng ta thiếu cảnh giác. Thiếu cảnh giác sẽ khiến cho chúng ta không nhận ra mưu kế của Ma Quỷ. Trong cuộc chiến thuộc linh, chúng ta chỉ cần tỉnh táo nhận ra mưu kế của Ma Quỷ và dùng Lời Chúa để chống trả. Ê-phê-sô 6:11 dạy chúng ta: “Hãy mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời, để được đứng vững mà địch cùng mưu kế của ma quỷ,” nhưng trong bảy thứ khí giới thì sáu thứ là để bảo vệ, chỉ có một thứ là để tấn công, là gươm của Đức Thánh Linh, là Lời hằng Sống của Đức Chúa Trời. Lời Chúa là vũ khí duy nhất để tấn công Ma Quỷ. Trong câu chuyện Sa-tan cám dỗ Đức Chúa Jesus Christ thì cả ba lần Chúa đều dùng Lời Chúa đã chép trong Thánh Kinh để đánh bại Sa-tan.

Chúng ta không cần phải chiến đấu chống lại bệnh tật, tai ương, hoạn nạn, bắt bớ… mà chúng ta chỉ cần chống lại mưu kế của Ma Quỷ, là âm mưu dùng những thứ đó để khiến cho chúng ta mất đức tin nơi Chúa. Khi Sa-tan tấn công ông Gióp, ông không tìm cách để dành lại tài sản, cứu sống các con của mình hay chữa lành bệnh cho chính mình, mà ông chỉ một lòng tin cậy nơi Chúa, đến nổi ông nói: “Mặc dầu xảy đến cho ta điều gì… dẫu Chúa có giết ta, ta vẫn còn nhờ cậy nơi Ngài” (Gióp 13:13, 15). Vì thế âm mưu của Sa-tan đã hoàn toàn thất bại, trái lại, âm mưu đó còn tạo cho ông Gióp cơ hội để chứng minh đức tin và sự trung tín của ông nơi Thiên Chúa, khiến cho tất cả thiên sứ và con dân Chúa muôn đời về sau, nhìn thấy rõ thế nào là thật lòng tin cậy nơi Thiên Chúa.


Lu-ca 1:17 “Chính người lại sẽ lấy tâm thần quyền phép Ê-li mà đi trước mặt Chúa, để đem lòng cha trở về con cái, kẻ loạn nghịch đến sự khôn ngoan của người công bình, đặng sửa soạn cho Chúa một dân sẵn lòng.”

Trong nguyên ngữ là “người sẽ đi trước Ngài trong tâm thần và năng lực của Ê-li.” Đây là lời của thiên sứ tiên tri về sứ mạng của Giăng Báp-tít. “Đi trong tâm thần và năng lực của Ê-li” có nghĩa là “hành động trong cùng một khuynh hướng và sức mạnh như Ê-li.” Mặc dầu Giăng Báp-tít không làm ra các phép lạ lớn bên ngoài như Tiên Tri Ê-li đã làm, nhưng ông đã làm ra phép lạ biến đổi những tấm lòng cứng cõi của dân I-sơ-ra-ên, mà trong đó không thiếu những người thuộc phái Pha-ri-si và Sa-đu-sê (Ma-thi-ơ 3:7), khiến họ ăn năn tội, dọn lòng chờ đón Đấng Christ.


Lu-ca 1:47 “Tâm thần tôi mừng rỡ trong Đức Chúa Trời, là Đấng Giải Cứu tôi.”

Tâm thần có khi phiền muộn thì cũng có khi mừng rỡ. Trên đây là câu cảm tạ tôn vinh của bà Ma-ri, mẹ phần xác của Đức Chúa Jesus. Bà mừng rỡ trong tâm thần vì tâm thần bà nhận thức được Đức Chúa Trời là Đấng giải cứu bà ra khỏi hậu quả và sức mạnh của tội lỗi. Câu nói này của bà Ma-ri đã đánh tan tà giáo “Vô nhiễm nguyên tội,” dạy rằng bà Ma-ri không hề nhiễm tội từ A-đam.


Lu-ca 1:80 “Vả, con trẻ ấy lớn lên, tâm thần mạnh mẽ, ở nơi đồng vắng cho đến ngày tỏ mình ra cùng dân I-sơ-ra-ên.”

Đây là câu nói về Giăng báp-tít. Một thân thể xác thịt khỏe mạnh là một thân thể đầy dinh dưỡng, không tật bệnh và có năng lực để làm việc. Tương tự như vậy, một tâm thần mạnh mẽ là một tâm thần tràn đầy năng lực của Thiên Chúa, được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa qua sự thông công mật thiết với Ngài, và không bị tội lỗi làm cho băng hoại. Nói như thế không có nghĩa là Giăng Báp-tít không hề phạm tội, mà chỉ có nghĩa là, Giăng Báp-tít nhờ ơn Chúa, hết lòng vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và khi phạm tội thì biết xưng tội. Thánh Kinh cho biết, mọi người đều đã phạm tội, ngoại trừ Đấng Christ vừa là người vừa là Thiên Chúa, nên Ngài không hề và không thể phạm tội.


Lu-ca 9:55 “Nhưng Đức Chúa Jesus xoay lại, trách hai người, mà rằng: Các ngươi không biết tâm thần mình thuộc loại nào.”

Chữ tâm thần dùng trong câu này có nghĩa là khuynh hướng hay tinh thần. Vì dân của một làng Sa-ma-ri không tiếp đón Chúa mà Gia-cơ và Giăng hỏi Chúa rằng, Ngài có muốn hai ông gọi lửa từ trời xuống để thiêu họ chăng; và Chúa đã quở trách họ như trên.

Có lẽ, trong lúc nói như vậy, Gia-cơ và Giăng đã tưởng rằng mình vì tinh thần tôn kính Chúa, không chấp nhận cho bất cứ ai xúc phạm hay xem thường Chúa. Tuy nhiên, nguồn gốc thật của câu nói đó là tinh thần muốn trả thù. Gia-cơ và Giăng đã lầm lẫn giữa tinh thần tôn kính Chúa với tinh thần trả thù những kẻ không tôn kính Chúa của mình. Vì thế, Chúa phán rằng, hai ông không biết tinh thần mình thuộc loại nào.

Ngày nay, tín đồ của Chúa trong các giáo phái thường cư xử với nhau bằng tinh thần ghen ghét và tranh cạnh, vì thế, xảy ra những chuyện gọi là “cướp chiên” hoặc “gặt trộm” hoặc “cạnh tranh truyền giảng.” “Cướp chiên” là dụ dỗ tín đồ đang sinh hoạt trong một giáo phái khác hay một điểm nhóm khác về sinh hoạt với tổ chức của mình. “Gặt trộm” là cho nhân sự đến tham dự những buổi truyền giảng của người khác, rồi hướng dẫn những người tin nhận Chúa trong những buổi truyền giảng đó về sinh hoạt với tổ chức của mình. “Cạnh tranh truyền giảng” là tổ chức truyền giảng cùng một thời điểm với người khác và dùng đủ mọi cách để chiêu dụ thính giả, kể cả mời các ca sĩ chưa tin Chúa đến trình diễn trong buổi truyền giảng và tiếp đãi thính giả ăn uống miễn phí. Người ta nhân danh Chúa làm tất cả những điều đó và tự hào là mình có tinh thần truyền giáo nóng cháy mà thật ra, những việc làm đó phát xuất từ tinh thần, ghen ghét, tranh cạnh, và kiêu ngạo. Từ thời Phao-lô, trong Hội Thánh cũng đã có những người “vì lòng ganh tỵ và cãi lẫy mà rao truyền Đấng Christ”“vì ý phe đảng xui giục, có lòng rao truyền Đấng Christ cách không ngay thật” (Phi-líp 1:15, 17).

Chúng ta cần phân biệt hành động gọi là “cướp chiên” như trình bày trên đây, hoàn toàn khác với sự kiện, vì tình yêu thương của Chúa mà chúng ta đến sinh hoạt trong một tổ chức giáo hội để làm quen với con dân Chúa đang bị giáo hội đó giảng dạy những điều sai nghịch với Lời Chúa, mà hướng dẫn họ quay về với lẽ thật của Lời Chúa. Chúng ta chỉ cần làm quen, trao tặng các CD bài giảng, trao tặng sách hoặc các bài viết trình bày lẽ thật của Lời Chúa. Khi nào có ai chịu tiếp nhận lẽ thật của Lời Chúa, muốn nhóm họp với chúng ta thì chúng ta tiếp nhận họ. Chúng ta cần phải chiến đấu chống lại “thù trong” để giải cứu những người đã tin Chúa ra khỏi tà giáo và các giáo sư giả, cùng lúc chúng ta cũng chiến đấu chống lại “giặc ngoài” để đưa dắt những người chưa biết Chúa đến với sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Trong mọi sự, chúng ta cần xin Chúa tra xét mình, giúp cho mình nhận thức mình đang hành động bởi tinh thần nào.


Lu-ca 10:21“Cũng giờ đó, Đức Chúa Jesus vui mừng trong tâm thần, bèn nói rằng: Lạy Cha, là Chúa trời đất, tôi tôn vinh Cha, vì Cha đã giấu những sự nầy với kẻ khôn ngoan, người sáng dạ, mà tỏ ra cho trẻ nhỏ hay! Thưa Cha, phải, thật như vậy, vì Cha đã thấy điều đó là tốt lành.”

Đức Chúa Jesus Christ vừa hoàn toàn là người vừa hoàn toàn là Thiên Chúa. Trong thân vị Thiên Chúa, Ngài là Đấng Tạo Hóa: “Muôn vật bởi Ngài mà có; ngoài Ngài chẳng một vật nào có được” (Giăng 1:3). Trong thân vị loài người, Ngài là một con người sống trọn vẹn theo thánh ý của Đức Chúa Trời:

Đức Chúa Jesus bèn lên tiếng phán với họ rằng: Thật vậy, thật vậy, Ta nói với các ngươi, chẳng thể nào Con tự mình làm việc gì mà Ngài chỉ làm những việc Ngài thấy Cha làm. Những việc Cha làm, Con cũng làm y như vậy” (Giăng 5:19)

Chẳng thể nào Ta tự mình làm việc gì. Ta phán xét theo điều Ta nghe, và sự phán xét của Ta là công bình, vì Ta chẳng tìm ý muốn của Ta, nhưng tìm ý muốn của Đấng đã sai Ta” (Giăng 5:30)

Vì Ta từ trời xuống, chẳng phải để làm theo ý Ta, nhưng làm theo ý Đấng đã sai Ta đến” (Giăng 6:38)

Đức Chúa Jesus đáp lời họ, phán rằng: Giáo lý của Ta chẳng phải bởi Ta, nhưng bởi Đấng đã sai Ta đến” (Giăng 7:16)

Vì Ta chẳng nói theo ý riêng của Ta; nhưng Cha là Đấng sai Ta, Ngài đã ra mệnh lệnh cho Ta phải truyền gì và phải nói gì. Ta biết mệnh lệnh của Ngài là sự sống đời đời. Vậy, những điều Ta nói, là y như Cha đã phán với Ta, mà Ta nói” (Giăng 12:49-50)

Con đã tôn vinh Ngài trên đất, làm xong công việc Ngài giao cho con làm” (Giăng 17:4)

Vì thế, mọi tâm tư, tình cảm của Đức Chúa Jesus Christ đều dựa trên sự nhận thức của tâm thần chứ không dựa trên sự nhận thức của xác thịt. Nghĩa là, mọi nhận thức của xác thịt phải được đối chiếu với sự tri thức trong tâm thần trước khi tình cảm và ý chí phát sinh. Thánh Kinh gọi đó là sống trong thần quyền, tức là sống trong quyền năng của Đức Chúa Trời:

Vậy tôi nói rằng: Hãy bước đi trong thần quyền, chớ hề làm trọn những điều ưa muốn của xác thịt.” (Ga-la-ti 5:16)

Nếu chúng ta sống trong thần quyền, thì cũng hãy bước đi trong thần quyền.” (Ga-la-ti 5:30)

Rô-ma 6-8 dạy rất rõ cho con dân Chúa biết, thế nào là sống trong thần quyền bởi sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh.

 

Huỳnh Christian Timothy
03.11.2012

Ghi Chú

[A] Tất cả những câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là từ Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời và Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống Hiệu Đính 2012. Quý bạn có thể đọc trên mạng: www.ngoiloi.thanhkinhvietngu.netwww.tt2012.thanhkinhvietngu.net.

 


Copyright Notice: All Rights Reserved © 2012 Vietnamese Christian Mission Ministry.
Thông Báo Tác Quyền: Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức nhưng xin giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.

 

 

Bấm vào đây để đọc tiếp →

3,475 views

Loài Người (03): Tâm Thần

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết này:
http://www.mediafire.com/view/?cjhk9hc6rrr9krh

Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống MP3 bài giảng này:
http://timhieutinlanh.net/node/1028

Huỳnh Christian Timothy

Dẫn Nhập

Trong bài thứ nhất, nói về nguồn gốc của loài người, chúng ta đã đề cập đến sự kiện Thiên Chúa sáng tạo nên loài người bằng cách:

  • Thiên Chúa dùng bụi của đất nắn nên thân thể vật chất của loài người.
  • Thiên Chúa thổi hơi thở sống của Ngài vào trong lỗ mũi của hình thể bụi đất.
  • Hình thể bụi đất trở nên một thân thể xác thịt, hơi thở sống của Thiên Chúa trở nên một thân thể thiêng liêng, gọi là tâm thần. Linh hồn loài người được sáng tạo trong giây phút tâm thần kết hợp với xác thịt. Linh hồn ở trong tâm thần và tâm thần ở trong xác thịt.

Trong câu chuyện về sự sáng tạo loài người, Thánh Kinh không cho chúng ta nhiều chi tiết. Tuy nhiên, theo thời gian, Thiên Chúa mạc khải cho loài người biết về bản thể, bản chất, và bản tính của loài người qua các phân đoạn khác nhau trong Thánh Kinh. Về bản thể (hình thể), loài người là một linh hồn sống được dựng nên theo hình Thiên Chúa. Về bản chất (chất liệu tạo nên bản thể), loài người ra từ bụi của đất và hơi thở sống của Thiên Chúa. Về bản tính (tính chất của bản thể), loài người được sáng tạo giống như Thiên Chúa, biết nhận thức, biết suy tư, biết cảm xúc, biết lựa chọn, và biết quyết định.

Bản chất xác thịt ra từ bụi đất thì chúng ta dễ dàng nhận thấy qua năm giác quan của xác thịt, còn bản chất thiêng liêng ra từ hơi thở sống của Thiên Chúa, tức là tâm thần ở trong thân thể xác thịt, thì chúng ta không thể nhìn thấy mà chỉ có thể nhận thức một cách siêu nhiên.

Qua thân thể xác thịt chúng ta nhận thức và giao tiếp với thế giới vật chất như thế nào thì qua thân thể thiêng liêng, là tâm thần, chúng ta cũng nhận thức và giao tiếp với thế giới thiêng liêng, thường gọi là thế giới thuộc linh, như thế ấy.

Từ ngữ “tâm thần” được dùng trong Thánh Kinh Việt ngữ, ở trong nguyên ngữ tiếng Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh là “רוּח,” (rûach), /ru-ác-kh/, H7307 và ở trong nguyên ngữ tiếng Hy-lạp của Thánh Kinh là “πνεῦμα,” (pneuma), /niu-ma/, G4151. Hai từ ngữ này có nhiều nghĩa khác nhau, tùy theo văn mạch. Trước khi tìm hiểu về tâm thần của loài người, chúng ta cần biết qua các ý nghĩa của hai từ ngữ này khi chúng được dùng trong Thánh Kinh. Nhờ đó, chúng ta sẽ không bị lầm lẫn khi tìm hiểu những câu Thánh Kinh có hai từ ngữ này, và chúng ta sẽ hiểu rõ hơn sự quan hệ giữa tâm thần của loài người với Thiên Chúa Ngôi Thánh Linh và năng lực của Thiên Chúa là Thánh Linh.

Ý Nghĩa của “rûach” và “pneuma

Cả hai từ ngữ “rûach” và “pneuma” cùng được dịch sang tiếng Anh là “spirit,” bao gồm các nghĩa khác nhau, như sau:

1. Đức Thánh Linh: Thiên Chúa Ngôi Ba, còn gọi là “Thần của Thiên Chúa” (Sáng Thế Ký 1:2), “Thần của Đức Chúa Trời” (I Cô-rinh-tô 2:11), “Thần của Đức Chúa Jesus Christ” (Phi-líp 1:19), và “Đấng Thần Linh” (Công Vụ Các Sứ Đồ 16:7). Trong thời Cựu Ước thì Đức Thánh Linh chưa hề ngự trong thân thể của con dân Chúa mà Ngài chỉ tác động vào tâm thần và xác thịt của loài người để hoàn thành mọi ý muốn của Thiên Chúa. Trong thời Tân Ước thì Đức Thánh Linh ngự trong thân thể của con dân Chúa (I Cô-rinh-tô 3:16; 6:19), ban năng lực và ân tứ cho con dân Chúa để họ có thể sống theo điều răn và luật pháp của Thiên Chúa, làm trọn mọi việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho họ làm theo (Ê-phê-sô 2:10).

Khi Thiên Chúa Ngôi Ba hành động ở bên ngoài thân thể của loài người thì Thánh Kinh gọi là Đấng Thần Linh. Khi Thiên Chúa Ngôi Ba hành động bên trong thân thể loài người thì được Thánh Kinh gọi là Đức Thánh Linh để phân biệt với tâm thần của loài người và các tà linh xâm nhập vào thân thể loài người.

Ngày nay, trong các Phong Trào Ân Tứ và Ngũ Tuần chuyên về “nói tiếng lạ” và “đặt tay té ngã” người ta nhân danh Đức Thánh Linh làm ra đủ thứ chuyện nhưng thật ra chỉ là năng lực đến từ tà linh, vì tất cả các hiện tượng “nói tiếng lạ” và “đặt tay té ngã” đó hoàn toàn không có trong Thánh Kinh. Sa-tan đã lợi dụng sự kiện ân tứ nói ngoại ngữ mà Đức Thánh Linh đã ban cho các môn đồ của Chúa, được ghi lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ 2, để mạo xưng danh Đức Thánh Linh cho hiện tượng lấp ba lấp bấp một thứ âm thanh không phải là ngôn ngữ.

2. Thánh Linh: Năng lực của Thiên Chúa được thể hiện bởi Đức Thánh Linh, được ban cho loài người bởi Đức Thánh Linh. Chúng ta chớ lẫn lộn giữa Thánh Linh là năng lực của Thiên Chúa với Đức Thánh Linh là Ngôi Ba Thiên Chúa. Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, khi đề cập đến Ngôi Ba Thiên Chúa thì có thêm mạo từ xác định đứng trước từ ngữ “pneuma.” Khi không có mạo từ xác định đứng trước thì chỉ về năng lực của Thiên Chúa. Thánh Kinh Việt ngữ Bản Dịch Truyền Thống đã lẫn lộn rất nhiều giữa “Thánh Linh” và “Đức Thánh Linh.” Những lỗi này đã được sửa chữa trong Bản Hiệu Đính 2012.

3. Bản chất vô hình của Thiên Chúa: Trong Thánh Kinh Việt ngữ được dịch là “Thần.” Giăng 4:24 chép về bản chất của Đức Chúa Trời như sau: “Đức Chúa Trời là Thần. Những người thờ phượng Ngài phải thờ phượng trong tâm thần và lẽ thật.” Chúng ta không thể nào hiểu được bản chất vô hình của Thiên Chúa cho đến khi chúng ta được đối diện với Ngài trong cõi đời đời (I Cô-rinh-tô 13:12). Qua sự mạc khải của Chúa trong Thánh Kinh, chúng ta chỉ biết rằng: Thiên Chúa là ánh sáng, Thiên Chúa là sự sống, và Thiên Chúa là tình yêu.

4. Bản chất vô hình của thiên sứ: Trong Thánh Kinh Việt ngữ được dịch là “thần linh” Hê-bơ-rơ 11:13-14 chép về bản chất của các thiên sứ như sau: “Ngài há có bao giờ phán cùng thiên sứ nào rằng: Hãy ngồi bên hữu Ta, cho đến chừng nào Ta để kẻ thù nghịch làm bệ dưới chân ngươi? Họ há chẳng phải đều là những thần linh hầu việc, đã được sai xuống để giúp việc những người sẽ hưởng cơ nghiệp cứu rỗi hay sao?”

5. Bản chất vô hình của tà linh: Tà linh là những thiên sứ phạm tội, có thể nhập vào thân thể xác thịt của loài người. Trong Thánh Kinh Việt ngữ được dịch là “ác thần,” “quỷ,” “tà ma,” “tà linh” hoặc “thần linh.” Những câu Thánh Kinh sau đây chép về sự kiện các tà linh nhập vào thân thể xác thịt của loài người:

I Sa-mu-ên 18:10 “Ngày mai, ác thần bởi Thiên Chúa khiến nhập vào Sau-lơ…”

Ma-thi-ơ 8:16 “Đến chiều, người ta đem cho Đức Chúa Jesus nhiều kẻ bị quỷ ám, Ngài lấy lời nói mà đuổi quỷ ra; cũng chữa được hết thảy những người bịnh.”

Lu-ca 4:33 “Vả, trong nhà hội có một người bị tà ma ám, cất tiếng kêu lớn lên rằng: Hỡi Jesus Na-xa-rét!”

I Phi-e-rơ 3:19 “Vả, Đấng Christ cũng vì tội lỗi chịu chết một lần, là Đấng công bình thay cho kẻ không công bình, để dẫn chúng ta đến cùng Đức Chúa Trời; về phần xác thịt thì Ngài đã chịu chết, nhưng tâm thần được sống. Bởi (tâm thần) đó, Ngài đã đi giảng cho các thần linh ở trong ngục.”

6. Bản chất vô hình của loài người: Trong Thánh Kinh Việt ngữ được dịch là “tâm thần.”

I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23 “Nguyền xin chính Đức Chúa Trời bình an khiến anh em nên thánh trọn vẹn, và nguyền xin tâm thần, linh hồn, và thân thể của anh em đều được giữ vẹn, không chỗ trách được, khi Đức Chúa Jesus Christ chúng ta đến!”

Hê-bơ-rơ 4:12 “Vì Lời Đức Chúa Trời là Lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi phân chia linh hồn, tâm thần, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng.”

Dù Thánh Kinh dùng cùng một từ ngữ để nói về bản chất vô hình của Thiên Chúa, của các thiên sứ, của các tà linh, và của loài người nhưng có sự khác biệt lớn giữa bản chất của Thiên Chúa và bản chất của các loài thọ tạo; có sự khác biệt lớn giữa bản chất thiêng liêng của các thiên sứ và tâm thần của loài người.

7. Khuynh hướng của loài người: Trong Thánh Kinh Việt ngữ được dịch là “tâm thần.” Các khuynh hướng như “nhút nhát,” “sợ hãi,” “gan dạ,” “dũng mãnh,” vv… đều được gọi là “tâm thần” hoặc “thần trí” hoặc “tinh thần.”

II Ti-mô-thê 1:7 “Vì Đức Chúa Trời chẳng ban cho chúng ta tâm thần nhút nhát, bèn là tâm thần mạnh mẽ, có tình thương yêu và giè giữ.”

I Phi-e-rơ 3:4 “Nhưng hãy tìm kiếm sự trang sức bề trong giấu ở trong lòng, tức là sự tinh sạch chẳng hư nát của tâm thần dịu dàng im lặng, ấy là giá quý trước mặt Đức Chúa Trời.”

8. Gió:

A-mốt 4:13 “Thật, ấy là Ngài đã làm nên các núi và sáng tạo gió. Ấy là Ngài làm cho người ta biết ý tưởng riêng của mình, đổi ban mai ra tối tăm, và bước đi trên những chỗ cao trên đất. Danh Ngài là Giê-hô-va Thiên Chúa vạn quân.”

Giăng 3:8Gió muốn thổi đâu thì thổi, ngươi nghe tiếng, nhưng chẳng biết nó đến từ đâu và cũng không biết nó đi đâu. Hễ ai sinh bởi Đức Thánh Linh, thì cũng như vậy.”

9. Hơi thở:

Sáng Thế Ký 2:7 Giê-hô-va Thiên Chúa nắn loài người từ bụi của đất, thổi hơi thở sống vào lỗ mũi, thì loài người trở nên một linh hồn sống” (Dịch Sát Nghĩa).

II Tê-sa-lô-ni-ca 2:8 “Bấy giờ kẻ nghịch cùng luật pháp kia sẽ hiện ra, Đức Chúa Jesus sẽ dùng hơi thở của miệng Ngài mà hủy diệt nó, và trừ bỏ nó bởi sự chói sáng của sự Ngài đến.”

Trong bài này, chúng ta chỉ tìm hiểu về “tâm thần” loài người.

Đặc Tính của Tâm Thần

Dựa vào các sinh hoạt và chức năng của thân thể xác thịt trong thế giới vật chất mà chúng ta có thể hiểu được các sinh hoạt và chức năng của thân thể thiêng liêng, là tâm thần, trong thế giới thuộc linh. Chúng ta cần ghi nhớ rằng, thân thể xác thịt của chúng ta sinh hoạt trong và tương tác với thế giới thuộc thể như thế nào thì thân thể thiêng liêng của chúng ta cũng sinh hoạt trong và tương tác với thế giới thuộc linh như thế ấy.

Tâm thần giúp cho chúng ta nhìn thấy, tiếp xúc với, và cảm nhận được thế giới thuộc linh. Qua tâm thần mà chúng ta có thể:

  • Nhận thức có một Thiên Chúa, nhận thức năng lực và bản tính của Ngài (Rô-ma 1:19-20), nghe được tiếng phán của Ngài (Hê-bơ-rơ 3:7-8), biết được ý muốn của Ngài (Phi-líp 2:13). Nhìn thấy được những mạc khải từ Ngài (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:11-16; II Cô-rinh-tô 12:1-4; Khải Huyền 1:10-11).
  • Nhận thức được các tiêu chuẩn yêu thương, thánh khiết, và công bình của Thiên Chúa, đồng thời ghi khắc sự nhận thức đó trong lương tâm:

Giê-rê-mi 31:33-34 “…Ta sẽ đặt luật pháp Ta bên trong chúng nó và chép vào lòng. Ta sẽ làm Thiên Chúa chúng nó, chúng nó sẽ làm dân Ta. Chúng nó ai nấy sẽ chẳng dạy kẻ lân cận mình hay là anh em mình, mà rằng: Hãy nhận biết Đức Giê-hô-va! vì chúng nó thảy đều sẽ biết Ta, kẻ nhỏ cũng như kẻ lớn…”

Hê-bơ-rơ 8:10 “Nầy là lời ước mà Ta sẽ lập với nhà I-sơ-ra-ên. Sau những ngày đó: Ta sẽ để luật pháp Ta trong trí họ và ghi tạc vào lòng; Ta sẽ làm Thiên Chúa của họ, họ sẽ làm dân Ta.”

Hê-bơ-rơ 10:16 “Chúa phán: Nầy là giao ước Ta lập với chúng nó. Sau những ngày đó, Ta sẽ để luật pháp Ta vào lòng chúng nó, và ghi tạc nơi trí khôn.”

  • Từ chỗ nhận thức Thiên Chúa và các tiêu chuẩn của Ngài, đức tin vào trong Thiên Chúa nảy sinh.
  • Đức tin vào Thiên Chúa dẫn đến sự vâng phục và thờ phượng Thiên Chúa.

Lương tâm, đức tin, và thờ phượng là ba chức năng của tâm thần loài người mà các loài thú vật không hề có.

Sự Chết của Tâm Thần

Khi loài người mới được dựng nên thì từ tâm thần, linh hồn, cho đến thể xác đều trọn lành và tốt đẹp như tất cả mọi loài thọ tạo khác. Thiên Chúa kết thúc phần ký thuật về sự sáng tạo của Ngài như sau:

Thiên Chúa thấy các việc Ngài đã làm thật rất tốt lành. Vậy, có buổi chiều và buổi mai; ấy là ngày thứ sáu” (Sáng Thế Ký 1:31).

Liền sau khi loài người phạm tội thì tội lỗi làm cho loài người bị phân rẽ khỏi Thiên Chúa. Từ đó, tâm thần không còn được tương giao với Thiên Chúa, và ngôn ngữ của thần học gọi đó là sự chết thuộc linh.

Từ ngữ “chết” trong Thánh Kinh luôn luôn có nghĩa là bị phân rẽ và không hề có nghĩa là bị tan biến thành hư không.

  • Sự chết thứ nhất bao gồm sự chết của tâm thần và xác thịt. Sự chết của tâm thần là tâm thần bị phân rẽ khỏi Đức Chúa Trời.Sự chết của thân thể xác thịt là sự phân rẽ của linh hồn và tâm thần khỏi thân thể xác thịt. Thân thể xác thịt trở về với bụi đất và vẫn còn đó trong thế giới vật chất, chờ ngày được sống lại. Tâm thần trở về cùng Đức Chúa Trời (Truyền Đạo 12:7). Linh hồn vào trong âm phủ (Lu-ca 16:19-31), chờ ngày thân thể xác thịt được gọi sống lại và ra trước tòa phán xét của Đức Chúa Jesus Christ (Khải Huyền 20:11-15).

Riêng đối với người ở trong sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ thì tâm thần và linh hồn sau khi rời khỏi thân thể xác thịt được vào trong thiên đàng, ở với Đấng Christ. Sứ Đồ Phao-lô tâm sự với các thánh đồ tại thành Phi-líp rằng: “Ví thử tôi cứ sống trong xác thịt, là ích lợi cho công khó tôi, thì tôi chẳng biết nên lựa điều chi. Tôi bị ép giữa hai bề muốn đi ở với Đấng Christ, là điều rất tốt hơn; nhưng tôi cứ ở trong xác thịt, ấy là sự cần hơn cho anh em” (Phi-líp 1:22-24). Mệnh đề “muốn đi ở với Đấng Christ” mà Phao-lô dùng trong lời tâm tình trên đây hàm ý: người ở trong Chúa sau khi ra khỏi thân thể xác thịt thì linh hồn và tâm thần được vào trong thiên đàng, ở cùng Đấng Christ; bởi vì, người ở trong Chúa là người mà tâm thần và linh hồn đã được tái sinh, được vào trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời (Giăng 3:5). Trong ngày Đấng Christ trở lại thế gian để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian thì thân thể xác thịt của những người ở trong Chúa được sống lại hoặc được biến hóa (I Cô-rinh-tô 15:51-52; I Tê-sa-lô-ni-ca 4:13-17). Khi đó, mỗi người ở trong Chúa sẽ được phục hồi cách trọn vẹn: tâm thần, linh hồn, và thể xác hiệp một trong vinh quang cho đến đời đời.

  • Sự chết thứ hai hay sự chết đời đời là sự phân rẽ khỏi mặt Chúa và năng lực của Ngài cho đến đời đời đối với những ai không tin nhận Ngài (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:9; Khải Huyền 21:8). Thân thể xác thịt của những người không tin nhận Chúa cũng sẽ được sống lại, kết hợp với linh hồn đang bị giam trong âm phủ, để ra trước tòa phán xét của Đức Chúa Jesus Christ. Sau sự phán xét thì họ bị giam vào hỏa ngục cho đến đời đời (Khải Huyền 20:11-15). Những người này sẽ chỉ là linh hồn ở trong thân thể xác thịt mà không có thân thể thiêng liêng là tâm thần, bởi vì, họ không còn ở trong sự tương giao với Thiên Chúa.

Sau khi loài người bị phân rẽ khỏi Thiên Chúa vì tội lỗi thì loài người thông công với Ma Quỷ. Trong một giới hạn nhất định, Ma Quỷ có thể tạo ra những dấu kỳ phép lạ, thậm chí có thể ban ơn và giáng họa cho những ai thờ phượng nó. Ma Quỷ mạo làm thiên sứ sáng láng (II Cô-rinh-tô 11:14), tạo ra vô số tín ngưỡng và tôn giáo để quyến dụ loài người thờ lạy hình tượng, tà thần, cùng đủ mọi loài thọ tạo, để làm nhục hình ảnh của Thiên Chúa ở trong loài người.

Đối với những người thích sống buông thả theo sự ưa thích của xác thịt thì Ma Quỷ bày ra và xúi giục họ sống cho những thú vui tội lỗi nghịch lại tiêu chuẩn yêu thương, công bình, và thánh khiết của Thiên Chúa. Đối với những người chuộng về thuộc linh thì Ma Quỷ tung ra các triết học, tín ngưỡng và tôn giáo, gọi chung là “con đường” hay là “đạo.” Mỗi người tùy ý chọn cho mình một con đường hay một đạo do Ma Quỷ đưa ra mà không biết rằng: “Có một con đường coi dường chánh đáng cho loài người; Nhưng cuối cùng là những lối của sự chết” (Châm Ngôn 14:12; 16:25). Điều đó được Đức Chúa Jesus Christ nói rõ trong Ma-thi-ơ 7:13-14, “Hãy vào cửa hẹp, vì cửa rộng và đường khoảng khoát dẫn đến sự hư mất, kẻ vào đó cũng nhiều. Song cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, kẻ kiếm được thì ít.”

Con đường rộng và xem dường chánh đáng trong thế gian ngày nay mà hàng triệu người đang hớn hở đi vào, chính là các sản phẩm tôn giáo mang danh Chúa. Những lời sau đây của Đức Chúa Jesus Christ, rõ ràng và sống động, âm vang trong suốt gần hai ngàn năm qua cho đến ngày nay, nhưng ít có ai quan tâm ghi nhận:

Ma-thi-ơ 7:21-23

21 Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng Ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào Vương Quốc Trời đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha Ta ở trên trời mà thôi.

22 Ngày đó, sẽ có nhiều người thưa cùng Ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, chúng tôi chẳng từng nhơn danh Chúa mà nói tiên tri sao? nhơn danh Chúa mà trừ quỷ sao? và lại nhơn danh Chúa mà làm nhiều phép lạ sao?

23 Khi ấy, Ta sẽ phán rõ ràng cùng họ rằng: Hỡi những kẻ làm gian ác, Ta chẳng biết các ngươi bao giờ, hãy lui ra khỏi Ta!

Sự Tái Sinh của Tâm Thần

Sự tái sinh của tâm thần, linh hồn, và xác thịt là một huyền nhiệm không ai có thể hiểu được. Qua những sự dạy dỗ của Thánh Kinh chúng ta biết rằng:

  • Tội lỗi dẫn đến sự chết thuộc linh và sự chết thuộc thể.
  • Ân điển cứu rỗi của Đức Chúa Trời ban cho loài người sự tái sinh thuộc linh và sự tái sinh thuộc thể.
  • Những ai tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời thì lập tức được tái sinh tâm thần và linh hồn, còn thể xác sẽ được tái sinh hoặc được biến hóa trong ngày Đức Chúa Jesus Christ trở lại để đem Hội Thánh vào trong thiên đàng.

II Cô-rinh-tô 5:17 dạy rằng: “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới.” Từ ngữ “người được dựng nên mới” trong nguyên ngữ của Thánh Kinh là “tạo vật mới,” nghĩa là một vật được Thiên Chúa làm cho mới lại. Sự Thiên Chúa làm cho một người ở trong Đấng Christ thành ra mới được Đức Chúa Jesus Christ gọi là “sự sinh ra từ trên cao” (Giăng 3:3) mà các bản dịch Thánh Kinh thường dịch là “sự tái sinh” hoặc “được sinh lại.”

Sự tái sinh là hành động của Thiên Chúa qua thân vị Đức Thánh Linh [1]. Một người thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ, và bằng lòng sống theo Lời Chúa, xưng nhận ra bằng lời nói (Rô-ma 10:10), thì lập tức người ấy được Đức Chúa Jesus Christ dùng máu của Ngài rửa cho sạch tội (Khải Huyền 1:6), được Đức Chúa Trời tha tội, và bản ngã, tức linh hồn, cùng thân thể thiêng liêng của người ấy, tức tâm thần, được Đức Thánh Linh tái sinh.

Nhờ tâm thần được tái sinh mà một người được thông công trở lại với Thiên Chúa, được nhận thức ngày càng sâu nhiệm về Thiên Chúa và mới có thể thờ phượng Thiên Chúa một cách đẹp ý Ngài (Giăng 4:23-24). Nhờ linh hồn được tái sinh mà một người có được năng lực để sống theo Lời Chúa: “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức mà yêu Chúa là Đức Chúa Trời”“yêu kẻ lân cận như mình” (Mác 12:30-31).

Các Quan Điểm Sai Lầm về Tâm Thần

Có hai quan điểm sai lầm về tâm thần dẫn đến sự hiểu biết không đúng về bản thể, bản chất, và bản tính của loài người như đã được bày tỏ trong Thánh Kinh.

Quan điểm thứ nhất cho rằng tâm thần với linh hồn là một, nói cách khác, quan điểm này cho rằng linh hồn tức là tâm thần và tâm thần tức là linh hồn, là bản ngã vô hình của một người. Trong bài kế tiếp, trình bày về ý nghĩa của những câu Thánh Kinh liên quan đến tâm thần, chúng ta sẽ thấy rõ quan điểm này không đúng với lẽ thật được bày tỏ trong Thánh Kinh.

Quan điểm thứ hai cho rằng tâm thần tức là sự sống hay sức sống ở trong thân thể xác thịt, người Giê-hô-va Chứng Nhân gọi là “sinh hoạt khí.” Đây là sự áp dụng ý nghĩa của một từ ngữ không đúng theo văn mạch. Như đã nói, cả hai từ ngữ “rûach” và “pneuma” trong Thánh Kinh, cùng được dịch sang tiếng anh là “spirit,” vừa có nghĩa là “hơi thở” để chỉ về sự sống đang vận hành trong một thân thể xác thịt, vừa có nghĩa là “tâm thần” để chỉ về bản thể thiêng liêng của loài người; nếu chỉ dựa vào một ý nghĩa để giải kinh thì sẽ dẫn đến sự sai lầm nghiêm trọng.

Kết Luận

Loài người là một vật sống do Thiên Chúa dựng nên cách lạ lùng theo hình Ngài và giống như Ngài trong thế giới thuộc thể lẫn thế giới thuộc linh. Vì thế, loài người có thân thể vật chất lẫn thân thể thiêng liêng. Thân thể thiêng liêng của loài người được gọi là tâm thần. Thân thể xác thịt nhận thức và sinh hoạt trong thế giới vật chất như thế nào thì tâm thần cũng nhận thức và sinh hoạt trong thế giới thuộc linh như thế ấy. Tội lỗi khiến cho tâm thần bị phân rẽ khỏi Thiên Chúa, bị Ma Quỷ dẫn dụ thông công với thế giới của tà linh và thờ phượng tà linh. Sự phân rẽ của tâm thần ra khỏi Thiên Chúa tức là sự chết thuộc linh.

Khi một người thật lòng ăn năn tội, tiếp nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ thì tâm thần được tái sinh, mối tương giao với Thiên Chúa được phục hồi. Nhờ đó, loài người có năng lực sống theo Lời Chúa và hiểu biết Thiên Chúa càng hơn, có thể thờ phượng Thiên Chúa theo như ý muốn của Thiên Chúa.

Mọi lẽ thật cần biết về tâm thần đã được Thiên Chúa giải bày trong Thánh Kinh. Tất cả những quan điểm thần học và giáo lý về tâm thần mà không đúng theo sự dạy dỗ của Thánh Kinh đều là tà giáo, ra từ Sa-tan để dẫn loài người xa rời lẽ thật của Lời Chúa.

Nguyền xin chính Đức Chúa Trời bình an khiến anh em nên thánh trọn vẹn, và nguyền xin tâm thần, linh hồn, và thân thể của anh em đều được giữ vẹn, không chỗ trách được, khi Đức Chúa Jesus Christ chúng ta đến! Đấng đã gọi anh em là Đấng thành tín, chính Ngài sẽ làm việc đó” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23-24).

Huỳnh Christian Timothy
27.10.2012

Ghi Chú

[1] Xem các bài viết về sự tái sinh tại đây: https://timhieutinlanh.com/thanhoc/node/264

https://timhieutinlanh.com/thanhoc/node/265

[A] Tất cả những câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là từ Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời và Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống Hiệu Đính 2012. Quý bạn có thể đọc trên mạng: www.ngoiloi.thanhkinhvietngu.netwww.tt2012.thanhkinhvietngu.net.

[B] Dùng các nối mạng dưới đây để tra xem ý nghĩa trong Anh ngữ và nghe cách phát âm của một từ ngữ Hê-bơ-rơ trên Internet:

[C] Dùng các nối mạng dưới đây để tra xem ý nghĩa trong Anh ngữ và nghe cách phát âm của một từ ngữ Hy-lạp trên Internet:


Copyright Notice: All Rights Reserved © 2012 Vietnamese Christian Mission Ministry.
Thông Báo Tác Quyền: Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức nhưng xin giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.

 

Bấm vào đây để đọc tiếp →

5,088 views

Loài Người (02): Linh Hồn

Huỳnh Christian Timothy

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết này:
http://www.mediafire.com/view/?3so7k1kv4rok3fx

Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống MP3 bài giảng này:
http://timhieutinlanh.net/node/1017

Dẫn Nhập

Danh từ “linh hồn” trong tiếng Việt chỉ về bản ngã của loài người, được cho là phần thiêng liêng vô hình, vẫn tồn tại sau sự chết của thể xác. Hầu hết các dân tộc khác cũng tin như vậy. Mặc dù quan niệm về linh hồn của mỗi dân tộc hoặc mỗi tín ngưỡng, tôn giáo có những điểm khác nhau; nhưng hầu như có một điểm chung, là tin rằng, sau khi thể xác chết đi, linh hồn sẽ nhận lãnh sự thưởng phạt cho mỗi việc một người đã làm ra, trong lúc linh hồn còn ở trong thân thể xác thịt. Triết lý của Phật Giáo dầu phủ nhận linh hồn nhưng vẫn tin rằng, tùy theo những việc làm thiện hay ác trong khi còn sống, mà một người sau khi chết sẽ tái sinh vào những cảnh đời tốt xấu khác nhau. Sự tái sinh và chuyển kiếp đó, được Phật Giáo gọi là luân hồi trong vòng sinh tử, và cho rằng, có thể kéo dài đến hằng hà sa số kiếp (nhiều như cát trên bờ sông Hằng ở Ấn-độ).

Quan niệm hay tín ngưỡng sai lầm về linh hồn dẫn đến những sự mê tín, dị đoan, cúng thờ người chết hoặc thông linh với người chết (cầu hồn); đồng thời dẫn đến việc xem thường mạng sống của người khác và của chính mình. Thí dụ: Người tin vào thuyết luân hồi sẽ dễ dàng chọn sự tự tử để tránh khỏi những hoàn cảnh quá đau khổ ngay trước mắt, hy vọng có thể làm lại cuộc đời trong một kiếp khác. Người tin vào thuyết luân hồi cũng có thể dững dưng trước sự bất hạnh của những người khác, vì cho rằng những người đó đang chịu khổ để đền bù cho những việc ác mà họ đã làm trong các kiếp trước. Nếu cứu giúp họ, thì sẽ làm cản trở việc đền tội của họ, khiến cho họ chậm tái sinh vào một kiếp sống tốt hơn.

Điều quan trọng, là nếu một người không có sự hiểu biết đúng về linh hồn và ân điển cứu chuộc của Đức Chúa Trời, thì người ấy sẽ bị hư mất đời đời trong hỏa ngục. Chắc chắn là Sa-tan dự phần đắc lực trong việc tạo ra các triết lý và tôn giáo giảng dạy sai lầm về linh hồn.

Thánh Kinh gọi mỗi vật sống có hơi thở là một sanh linh, nghĩa là các loài thú và loài người đều là những linh hồn sống. Tuy nhiên, xác thịt của loài thú khác với xác thịt của loài người như thế nào, thì linh hồn loài thú cũng khác với linh hồn loài người như thế ấy. Trước khi đi vào chi tiết những gì Thánh Kinh dạy về linh hồn loài người, chúng ta cần tìm hiểu ý nghĩa của từ ngữ “linh hồn” được dùng trong Thánh Kinh.

Ý Nghĩa của Từ Ngữ Linh Hồn Trong Thánh Kinh

Chúng ta đã biết, ngoại trừ khoảng 250 câu được viết bằng tiếng A-ra-mai [1], phần còn lại củaThánh Kinh được viết bằng hai ngôn ngữ cổ. Cựu Ước được viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ và Tân Ước được viết bằng tiếng Hy-lạp. Từ ngữ “linh hồn” trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ là “nephesh,” /né-phit-sh/, H5315. Trong nguyên ngữ Hy-lạp là “psuchē,” /xu-khê/, G5590. Cả hai từ ngữ này đều mang nhiều nghĩa khác nhau, tùy theo văn mạch:

1. Khi đi kèm với tính từ “sống” có thể dịch là “sanh linh” hoặc “linh hồn sống để gọi chung linh hồn và thể xác:”

Thiên Chúa lại phán rằng: Nước phải sanh các sanh linh cho nhiều, và các loài chim phải bay trên mặt đất trong khoảng không trên trời” (Sáng Thế Ký 1:20).

Thiên Chúa sáng tạo các loài cá lớn, các sanh linh nhờ nước mà sanh nhiều ra, tùy theo loại, và các loài chim hay bay, tùy theo loại. Thiên Chúa thấy điều đó là tốt lành” (Sáng Thế Ký 1:21).

Thiên Chúa lại phán rằng: Đất phải sanh các sanh linh tùy theo loại, tức súc vật, côn trùng, và thú rừng, đều tùy theo loại; thì có như vậy” (Sáng Thế Ký 1:24).

Giê-hô-va Thiên Chúa bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh linh(Sáng Thế Ký 2:7).

Xem thêm: Sáng Thế Ký 2:19; 9:10, 12, 15-16 (Bản Dịch Truyền Thống Hiệu Đính 2012 [A]).

Qua những câu Thánh Kinh trên đây, chúng ta thấy các loài sinh vật trong nước, các loài súc vật, côn trùng, thú rừng, và loài người đều được gọi là hồn sống hoặc sanh linh. Thánh Kinh Việt ngữ Bản Dịch Truyền Thống dùng danh từ “vật sống” trong các câu Sáng Thế Ký 1:20, 21, 24; 9:10, 12 và dùng nhóm chữ “các loài xác thịt có sự sống” trong các câu Sáng Thế Ký 9:15-16 cho loài vật và chỉ dùng danh từ “sanh linh” cho loài người trong Sáng Thế Ký 2:7. Phân biệt như vậy là không đúng; bởi vì, trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ Thánh Kinh chỉ dùng chung một danh từ ghép “chay,” /khai/, H2416 (sống) “nephesh,” /né-phit-sh/, H5315 (linh hồn) cho cả các loài vật và loài người. Thánh Kinh Việt ngữ Bản Dịch Truyền Thống Hiệu Đính 2012 đã sửa chữa lỗi này [A].

2. Có thể dịch là “mạng sống,” “sự sống:”

sanh mạng của xác thịt ở trong máu; Ta đã cho các ngươi máu rưới trên bàn thờ đặng làm lễ chuộc tội cho linh hồn của các ngươi; vì nhờ máu mà chuộc tội cho linh hồn” (Lê-vi Ký 17:11).

Giô-na-than kết giao ước cùng Đa-vít, bởi vì yêu mến người như mạng sống mình” (I Sa-mu-ên 18:3).

Đức Chúa Jesus bèn phán cùng môn đồ rằng: Ấy vậy, Ta nói cùng các ngươi, đừng vì sự sống mình mà lo đồ ăn, cũng đừng vì thân thể mình mà lo đồ mặc” (Lu-ca 12:22).

Xem thêm: Lê-vi Ký 17:14; II Sa-mu-ên 14:7; E-xơ-tê 8:11; Công Vụ Các Sứ Đồ 20:10.

3. Có thể dịch là “linh hồn” để chỉ về phần vô hình thuộc linh, tức bản ngã của loài người:

Vì Chúa sẽ chẳng bỏ linh hồn tôi trong âm phủ, Cũng không để người thánh Chúa thấy sự hư nát” (Thi Thiên 16:10).

Đừng sợ kẻ giết thân thể mà không giết được linh hồn; nhưng thà sợ Đấng làm cho mất được linh hồn và thân thể trong địa ngục” (Ma-thi-ơ 10:28).

Khi Ngài tháo dấu ấn thứ năm, tôi thấy dưới bàn thờ có linh hồn những kẻ đã bị giết vì Lời của Đức Chúa Trời và vì chứng cớ mà họ đã giữ lấy” (Khải Huyền 6:9).

Xem thêm: Phục Truyền Luật Lệ Ký 11:13; Thi Thiên 30:3; 84:2; 139:14; Ê-sai 26:9; 53:10; Ma-thi-ơ 11:29; 16:26; 22:37; Lu-ca 1:46; Lu-ca 21:19; Công Vụ Các Sứ Đồ 2:27; 4:32; 14:2, 22; II Cô-rinh-tô 5:3-4; Ê-phê-sô 6:6; Phi-líp 1:27; I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23; Hê-bơ-rơ 4:12; 6:19; 10:39; 12:3; I Phi-e-rơ 2:11; III Giăng 2; Khải Huyền 20:4.

Ngoài nghĩa rộng là “sinh mạng” hay “sự sống,” từ ngữ linh hồn khi được dùng cho loài người có ý nói đến một thực thể gọi là loài người, được Thiên Chúa sáng tạo cách đặc biệt. Linh hồn chính là loài người. Hai câu dưới đây đều có cùng một nghĩa như nhau:

(1) A-đam có một thân thể xác thịt ra từ bụi đất và một thân thể thiêng liêng, gọi là tâm thần, ra từ hơi thở sống của Thiên Chúa.

(2) Linh hồn A-đam có một thân thể xác thịt ra từ bụi đất và một thân thể thiêng liêng, gọi là tâm thần, ra từ hơi thở sống của Thiên Chúa.

Không phải A-đam có linh hồn, có thân thể xác thịt, và có thân thể thiêng liêng, mà là A-đam chính là một linh hồn; linh hồn đó có một thân thể xác thịt và một thân thể thiêng liêng. Trong Thánh Kinh chúng ta vẫn thường gặp cách dùng chữ “linh hồn của tôi.” Tuy nhiên, ý nghĩa của nhóm chữ đó không có nghĩa là “tôi có một linh hồn;” mà có nghĩa là “mạng sống của tôi” hoặc “trong nơi sâu kín của bản ngã tôi.”

Khi Đức Chúa Jesus Christ phán: “Linh hồn Ta buồn bực cho đến chết!” (Ma-thi-ơ 26:38) là Ngài muốn nói rằng, sự buồn bực thấm sâu vào tận nơi sâu kín của bản ngã Ngài, tức là sự buồn bực bao phủ mọi suy tư, tình cảm, và ý chí của Chúa.

Nguồn Gốc của Linh Hồn

Linh hồn loài người lần đầu tiên xuất hiện chỉ có một, do sự sáng tạo của Thiên Chúa. Thánh Kinh chép rằng:

Sáng Thế Ký 2:7“Giê-hô-va Thiên Chúa nắn loài người từ bụi của đất, thổi hơi thở sống vào lỗ mũi, thì loài người trở nên một linh hồn sống” (Dịch Sát Nghĩa).

Sự so sánh sau đây dù không hoàn hảo, nhưng phần nào giúp cho chúng ta có thể hiểu về sự hình thành của linh hồn:

Điện lực từ máy phát điện, qua dây dẫn điện, vào trong bóng đèn điện, làm cho tim đèn được đốt nóng và phát ra ánh sáng. Nếu vì một lý do gì, dây dẫn điện bị cắt hoặc bóng điện bị vỡ thì ánh sáng không còn phát ra, nhưng ánh sáng đã phát ra trước đó thì vẫn còn lại và đi mãi vào không gian với tốc độ 300,000 km một giây đồng hồ.

Hơi thở sống của Thiên Chúa được thổi vào trong hình thể nắn từ bụi đất, khiến cho hình thể bụi đất biến thành hình thể xác thịt, cùng lúc, hơi sống của Thiên Chúa biến thành hình thể thiêng liêng, tức là tâm thần ở trong xác thịt. Khi thân thể thiêng liêng và thân thể xác thịt hòa nhập thì linh hồn lập tức phát sinh. Một khi đã phát sinh thì linh hồn còn lại cho đến đời đời với một trong hai trạng thái: (1) trạng thái sống là được tương giao đời đời với Thiên Chúa hoặc (2) trạng thái chết là bị tội lỗi phân cách đời đời khỏi Thiên Chúa.

Linh hồn A-đam được sáng tạo trực tiếp bởi Thiên Chúa. Linh hồn Ê-va được Thiên Chúa làm nên từ linh hồn A-đam. Còn lại, linh hồn mỗi người trong thế gian được sinh ra bởi cha mẹ của mình. Sau khi A-đam và Ê-va phạm tội thì mỗi người được sinh ra trong thế gian đều nhận sự di truyền của tội lỗi. Vì thế, mỗi linh hồn sau A-đam và Ê-va, đều mang bản tính tội lỗi và mỗi linh hồn đương nhiên ở trong địa vị hư mất, tức là bị phân rẽ đời đời khỏi Thiên Chúa. Điều này ngoại trừ linh hồn của Đức Chúa Jesus mà chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu trong bài “Thần Tính và Nhân Tính của Đức Chúa Jesus Christ.”

Khi Đức Chúa Jesus Christ hoàn thành công cuộc cứu chuộc nhân loại trên thập tự giá thì mọi tội lỗi của loài người được tha:

  • Tội lỗi và sự chết đời đời truyền từ A-đam đương nhiên được tha thứ, vì thế Đức Chúa Jesus Christ phán: “…Vương Quốc của Đức Chúa Trời thuộc về những kẻ giống như con trẻ” (Ma-thi-ơ 19:14; Mác 10:14; Lu-ca 18:16). Nghĩa là trẻ con, nếu qua đời trước khi tự mình phạm tội, thì đương nhiên được vào Vương Quốc của Đức Chúa Trời.
  • Riêng tội lỗi do mỗi linh hồn tự làm ra thì mỗi linh hồn phải ăn năn, xưng nhận, và tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ, mới được Ngài tha tội và làm cho sạch tội.

Có hai lý thuyết thần học sai lầm về nguồn gốc của linh hồn như sau:

1. Thuyết Sáng Tạo: Thuyết này cho rằng, mỗi khi có sự đậu thai thì Thiên Chúa sáng tạo một linh hồn và linh hồn ấy lập tức kết hợp với thân thể xác thịt. Linh hồn mới được sáng tạo thì vô tội nhưng khi kết hợp với thể xác thì lập tức bị nhiễm tội từ thể xác.

Lý thuyết này có những sai lầm nghịch lại với lẽ thật của Thánh Kinh:

a) Thiên Chúa đã ngưng sự sáng tạo vào cuối ngày thứ sáu của công cuộc sáng thế, không thể có chuyện Thiên Chúa sáng tạo thêm một điều gì.

b) Thiên Chúa là công chính, Ngài không thể sáng tạo một linh hồn vô tội, đem kết hợp với một thân thể xác thịt tội lỗi, khiến cho linh hồn đó thành ra có tội.

c) Tội lỗi do linh hồn điều khiển thân thể xác thịt làm ra, không phải do thân thể xác thịt lây nhiễm cho linh hồn.

2. Thuyết Tiền Thực Hữu: Thuyết này cho rằng linh hồn của loài người đã được Thiên Chúa dựng nên từ trước và chứa trong một nơi đặc biệt trên thiên đàng; khi có sự đậu thai thì linh hồn được Thiên Chúa sai nhập vào thân thể xác thịt.

Lý thuyết này không giải thích được, vì sao một linh hồn vô tội lại chịu án phạt chung của A-đam như Rô-ma 5:19 đã chép: “Vì, như bởi sự không vâng phục của một người mà mọi người khác đều thành ra kẻ có tội.”

Mọi người khác thành ra kẻ có tội như A-đam vì được sinh ra từ A-đam và nhận sự di truyền của tội lỗi từ A-đam. Một người tức là một linh hồn ở trong thân thể thiêng liêng là tâm thần và ở trong thân thể vật chất là xác thịt. Một người được sinh ra tức là một linh hồn được sinh ra trong một thân thể thiêng liêng và một thân thể vật chất, nhận lãnh sự di truyền về thuộc thể cũng như thuộc linh từ cha mẹ.

Hê-bơ-rơ 7:10 cho biết, cháu đời thứ tư của Áp-ra-ham, là Lê-vi, đã thực hữu cùng Áp-ra-ham khi Áp-ra-ham giao tiếp với Thầy Tế Lễ Mên-chi-xê-đéc hàng trăm năm trước khi Lê-vi được sinh ra: “vì lúc Mên-chi-xê-đéc đi đón tiên tổ, thì Lê-vi còn ở trong lòng tổ phụ.” Nói cách khác, toàn thể nhân loại đã cùng một lúc được Thiên Chúa sáng tạo trong A-đam.

Đặc Tính của Linh Hồn

Đặc tính của linh hồn chính là các bản tính của loài người, đó là:

  • Loài người biết suy tư
  • Loài người biết cảm xúc
  • Loài người biết quyết định

Linh hồn nhờ thân thể vật chất là xác thịt mà nhận thức được thế giới vật chất, nhờ thân thể thiêng liêng là tâm thần mà nhận thức được thế giới thuộc linh. Sau khi có nhận thức thì linh hồn suy tư để phân tích, đánh giá, và hệ thống các sự nhận thức của mình. Sự suy tư đem đến trí thức và cảm xúc. Rồi, linh hồn dựa trên trí thức và cảm xúc để đưa ra những quyết định, gọi là ý chí.

  • Kết quả thứ nhất của suy tư được gọi là trí hay trí thức, là sự phân biệt đúng hay sai và đánh giá mọi sự.
  • Kết quả thứ nhì của suy tư được gọi là lòng hay tấm lòng, là sự cảm xúc đối với mọi sự.
  • Sự quyết định được gọi là ý hay ý chí, là thái độ đối với mọi sự. Ý chí có thể hoàn toàn dựa trên trí thức hoặc hoàn toàn dựa trên cảm xúc hoặc được quân bình giữa trí thức và cảm xúc.

Thánh Kinh có những lúc dùng các chữ trí, lòng, và ý để nói đến ba phương diện của linh hồn. Khi chúng ta gặp những chữ này đi chung với từ ngữ linh hồn trong một câu Thánh Kinh thì từ ngữ linh hồn chỉ có nghĩa là “mạng sống” hoặc “sự sống.” Chúng ta hãy cùng nhau xem xét những câu Thánh Kinh được liệt kê dưới đây:

Phục Truyền Luật Lệ Ký 11:13 “Vậy, nếu các ngươi chăm chỉ nghe các điều răn ta truyền cho các ngươi ngày nay, hết linh hồn, hết ý kính mến Giê-hô-va Thiên Chúa ngươi, và phục sự Ngài…”

Câu trên do Môi-se nói cùng dân I-sơ-ra-ên, có nghĩa là: Nếu các ngươi cẩn thận lắng nghe các điều răn của Thiên Chúa mà ta đang truyền lại cho các ngươi, rồi sẵn sàng hy sinh mạng sống mình trong sự quyết định yêu kính Giê-hô-va Thiên Chúa của các ngươi và phục sự Ngài…

Mác 12:30 “Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức mà yêu Chúa là Đức Chúa Trời ngươi.”

Câu trên là lời Đức Chúa Jesus Christ trích dẫn từ Phục Truyền Luật Lệ Ký 11:13, có thêm hai từ ngữ: “hết lòng” và “hết sức.” Câu phán của Chúa có nghĩa là: Ngươi hãy dành hết mọi tình cảm, sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình, trong mọi nhận thức và suy tư của mình, bằng hết cả sức mạnh của thân thể mình mà yêu kính Giê-hô-va là Thiên Chúa của ngươi.

Sự Nhiễm Tội của Linh Hồn

Ngoại trừ linh hồn A-đam và linh hồn Ê-va được sáng tạo và dựng nên hoàn toàn vô tội, cho đến khi họ tự ý phạm tội, mỗi linh hồn đều nhiễm tội từ cha mình.

Khi một thai nhi hình thành trong lòng mẹ, thì tâm thần và linh hồn từ người cha kết hợp với chất liệu xác thịt từ người mẹ, sinh ra một linh hồn và một tâm thần mới trong một thân thể xác thịt mới. Ngay trong khoảnh khắc vừa thực hữu đó, linh hồn đã mang luôn bản chất tội di truyền từ cha. Thánh Kinh chép:

Thi Thiên 51:5 “Kìa, tôi sanh ra trong sự gian ác, mẹ tôi đã hoài thai tôi trong tội lỗi.”

Sanh ra trong sự gian ác là sanh ra trong hậu quả của tội lỗi. Hoài thai trong tội lỗi là thai nhi được tạo thành trong môi trường bị lây nhiễm tội.

Vì được sinh ra trong hậu quả của tội lỗi mà mỗi một người được sinh ra phải chịu đau khổ và chịu chết. Chết thuộc thể lẫn chất thuộc linh. Chết thuộc thể vì thể xác bị hậu quả của tội lỗi làm cho già yếu, phải phân rẽ khỏi linh hồn. Chết thuộc linh vì hậu quả của tội lỗi khiến cho tâm thần và linh hồn bị phân rẽ khỏi Thiên Chúa.

Thánh Kinh cũng dạy rõ:

Rô-ma 5:12 “Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội.”

Vì được hoài thai trong tội lỗi mà mỗi người một người được sinh ra đã mang bản chất tội, khi lớn lên đương nhiên suy nghĩ tội, nói tội, và làm tội. Điều đó tương tự như loài rắn độc khi sinh ra đã mang bản chất có nọc độc, lúc còn bé thì nọc độc chưa phát triển nhưng khi trưởng thành thì nọc độc tự nhiên kết thành.

Bản chất tội luôn luôn đối nghịch với tiêu chuẩn thánh khiết mà Đức Chúa Trời đã đặt để trong lương tâm của một người. Nếu một người không tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời thì bản chất tội sẽ dần dần làm cho lương tâm của người ấy bị chai lỳ, không còn ngay thẳng.

Thuyết Linh Hồn Ngủ

Thuyết linh hồn ngủ cho rằng, sau khi một người chết về phần thể xác thì linh hồn cũng ngưng hoạt động, không còn ý thức. Thuyết này dựa trên các câu Thánh Kinh sau đây để cho rằng khi thể xác chết thì linh hồn ngủ, mà đã ngủ thì không còn ý thức:

I Cô-rinh-tô 15:20 “Nhưng bây giờ, Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, Ngài là trái đầu mùa của những kẻ ngủ.”

I Tê-sa-lô-ni-ca 4:14-15 “Hỡi anh em, chúng tôi chẳng muốn anh em không biết về phần người đã ngủ, hầu cho anh em chớ buồn rầu như người khác không có sự trông cậy. Vì nếu chúng ta tin Đức Chúa Jesus đã chết và sống lại, thì cũng vậy, Đức Chúa Trời sẽ đem những kẻ ngủ trong Đức Chúa Jesus cùng đến với Ngài.”

Tuy nhiên, chữ “ngủ” trong các câu Thánh Kinh nói trên chỉ về phần thân thể xác thịt, không phải chỉ về linh hồn. Nhiều nơi trong Thánh Kinh cho chúng ta biết, linh hồn có thể tồn tại độc lập với thân thể xác thịt và vẫn có sự nhận thức. Trước hết là câu chuyện về người giàu và người ăn mày do chính Đức Chúa Jesus Christ kể, được ghi lại trong Lu-ca 16:19-31:

19 Có một người giàu mặc áo tía và áo bằng vải gai mịn, hằng ngày ăn ở rất là sung sướng.

20 Lại có một người nghèo, tên là La-xa-rơ, nằm ngoài cửa người giàu đó, mình đầy những ghẻ.

21 Người ước ao được ăn những đồ ở trên bàn người giàu rớt xuống; cũng có chó đến liếm ghẻ người.

22 Vả, người nghèo chết, thiên sứ đem để vào lòng Áp-ra-ham; người giàu cũng chết, người ta đem chôn.

23 Người giàu ở nơi âm phủ đang bị đau đớn, ngước mắt lên, xa thấy Áp-ra-ham, và La-xa-rơ trong lòng người;

24 bèn kêu lên rằng: Hỡi Áp-ra-ham tổ tôi, xin thương lấy tôi, sai La-xa-rơ nhúng đầu ngón tay vào nước đặng làm cho mát lưỡi tôi; vì tôi bị khổ trong lửa nầy quá đỗi.

25 Nhưng Áp-ra-ham trả lời rằng: Con ơi, hãy nhớ lúc ngươi còn sống đã được hưởng những sự lành của mình rồi, còn La-xa-rơ phải những sự dữ; bây giờ, nó ở đây được yên ủi, còn ngươi phải bị khổ hình.

26 Vả lại, có một vực sâu ở giữa chúng ta với ngươi, đến nỗi ai muốn từ đây qua đó không được, mà muốn từ đó qua đây cũng không được.

27 Người giàu nói rằng: Tổ tôi ơi! vậy thì xin sai La-xa-rơ đến nhà cha tôi,

28 vì tôi có năm anh em, đặng người làm chứng cho họ về những điều nầy, kẻo họ cũng xuống nơi đau đớn nầy chăng.

29 Áp-ra-ham trả lời rằng: Chúng nó đã có Môi-se và các đấng tiên tri; chúng nó phải nghe lời các đấng ấy!

30 Người giàu nói rằng: Thưa Áp-ra-ham tổ tôi, không phải vậy đâu; nhưng nếu có kẻ chết sống lại đến cùng họ, thì họ sẽ ăn năn.

31 Song Áp-ra-ham rằng: Nếu không nghe Môi-se và các đấng tiên tri, thì dầu có ai từ kẻ chết sống lại, chúng nó cũng chẳng tin vậy.

Chúng ta cần chú ý điều này: Câu chuyện kể trên không phải là một ngụ ngôn hay thí dụ, mà là một câu chuyện có thật. Chúa kể cho các môn đồ của Ngài một sự thật về số phận của hai người sau khi chết. Bởi vì, trong tất cả các ngụ ngôn và thí dụ của Chúa, Ngài không hề đặt tên cho các nhân vật. Nếu Chúa đặt tên cho một nhân vật nào đó trong các thí dụ hoặc ngụ ngôn của Ngài, thì Ma Quỷ sẽ có lý do để tuyên bố rằng, Chúa nói dối, bởi vì, không hề có một người tên đó làm ra những việc như vậy. Thánh Kinh cho biết “trong miệng Ngài không thấy có chút chi dối trá” (I Phi-e-rơ 2:22).

Kế tiếp là sự kiện Môi-se và Ê-li cùng hiện ra trên núi hóa hình với Chúa và trò chuyện với Chúa về sự chết của Ngài, được ghi lại trong Ma-thi-ơ 17:1-3; Mác 9:2-4; Lu-ca 9:30-31. Tiên Tri Ê-li đang còn sống được cất lên trời trong một cơn gió lốc (II Các Vua 2:1, 11) nhưng Môi-se là người đã chết và xác của ông đã được thiên sứ trưởng tranh dành với Ma Quỷ để chôn cất (Phục Truyền Luật Lệ Ký 34:6; Giu-đe 9). Trong sự kiện hai người hiện ra trên núi hóa hình và trò chuyện với Đức Chúa Jesus Christ về sự chết của Ngài, chúng ta thấy rõ là Môi-se có ý thức. Có giả thuyết cho rằng lúc bấy giờ thân thể xác thịt của Môi-se đã được phục sinh, tuy nhiên, Thánh Kinh dạy rõ, Đức Chúa Jesus Christ là trái đầu mùa của sự sống lại, cho nên không thể có chuyện Môi-se được sống lại trong một thân thể vinh quang trước Chúa:

I Cô-rinh-tô 15:20 “Nhưng bây giờ, Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, Ngài là trái đầu mùa của những kẻ ngủ.”

I Cô-rinh-tô 15:23 “Nhưng mỗi người theo thứ tự riêng của mình: Đấng Christ là trái đầu mùa; rồi tới ngày Đấng Christ đến, những kẻ thuộc về Ngài sẽ sống lại.”

Trước khi thân thể xác thịt của Đức Chúa Jesus Christ sống lại từ trong sự chết một cách vinh quang thì đã có nhiều người đã từ kẻ chết sống lại. Điển hình là vài ngày trước khi Đức Chúa Jesus Christ chịu chết thì Ngài đã khiến cho La-xa-rơ đã chết bốn ngày được sống lại (Giăng 11); và khi Ngài trút hơi thở cuối cùng trên thập tự giá thì có nhiều thánh đồ qua đời trước đó đã được sống lại (Ma-thi-ơ 27:52). Tuy nhiên, những sự sống lại đó không phải là sống lại trong một thân thể vinh quang không còn phải chết nữa, như sự sống lại của Đức Chúa Jesus Christ. Vì thế, Đức Chúa Jesus Christ là trái đầu mùa của sự sống lại cho những ai ở trong Ngài, để họ cũng được sống lại trong một thân thể siêu vật chất và không hề trải qua sự chết nữa, như chính thân thể phục sinh của Ngài. Gọi là thân thể siêu vật chất vì thân thể đó vẫn được hình thành từ vật chất nhưng không còn bị giới hạn bởi những định luật vật lý thông thường.

Cuối cùng, Khải Huyền 6:9-11 cho biết linh hồn của những người tử đạo ở dưới bàn thờ trong thiên đàng và kêu cầu sự báo thù của Đức Chúa Trời về những kẻ bách hại họ. Những linh hồn này có ý thức và còn được ban cho áo dài trắng (có thể hiểu là sự vinh hiển phát ra từ thân thể thiêng liêng của họ):

9 Khi Ngài tháo dấu ấn thứ năm, tôi thấy dưới bàn thờ có hồn những kẻ đã bị giết vì Lời của Đức Chúa Trời và vì chứng cớ mà họ đã giữ lấy.

10 Họ kêu lớn tiếng rằng: "Lạy Chúa, Đấng Thánh và Chân Thật! Ngài không phán xét và báo trả cư dân trên đất về máu của chúng tôi cho đến khi nào?"

11 Mỗi người trong họ được ban cho áo dài trắng và có lời phán với họ rằng, hãy yên nghỉ thêm một thời gian ngắn cho đến khi những tôi tớ đồng công với họ cũng là anh em với họ sẽ bị giết như họ, được đủ số.

Thuyết linh hồn ngủ hoàn toàn không đúng với lẽ thật được trình bày trong Thánh Kinh. Hai giáo phái lớn tin nhận thuyết linh hồn ngủ là Cơ-đốc Phục Lâm và Chứng Nhân Giê-hô-va.

Sự Vĩnh Cửu của Linh Hồn

Cơ-đốc Phục Lâm và Chứng Nhân Giê-hô-va cũng không tin vào sự vĩnh cửu của linh hồn. Họ tin rằng chỉ những ai ở trong sự cứu rỗi, được ban cho sự sống đời đời thì mới còn lại đời đời; những ai không ở trong sự cứu rỗi thì sẽ bị hình phạt trong hỏa ngục về tội lỗi của mỗi người cho đến khi hình phạt được hoàn tất thì những linh hồn bị hư mất đó sẽ tan biến thành hư không, nghĩa là không tồn tại, không ý thức.

Tuy nhiên, Thánh Kinh cho biết Thiên Chúa đã đặt sự đời đời ở trong loài người, nghĩa là, loài người sẽ tồn tại đời đời:

Truyền Đạo 3:11 “…Ngài khiến cho sự đời đời ở nơi lòng loài người.”

Như đã trình bày trên đây, chữ “lòng” được Thánh Kinh dùng để nói về phương diện cảm xúc của linh hồn. Thiên Chúa khiến cho sự đời đời ở nơi lòng loài người có nghĩa là, tất cả mọi cảm xúc của linh hồn loài người sẽ diễn tiến cho đến đời đời. Sự chết của thân thể xác thịt không làm cho linh hồn thôi cảm xúc. Trong câu chuyện người giàu và người ăn mày tên La-xa-rơ chúng ta thấy rõ linh hồn của người giàu vẫn:

  • Có ký ức, ông ta còn nhớ rằng mình có năm anh em đang còn sống trong xác thịt.
  • Có tình cảm, ông ta không muốn cho các anh em của mình phải chịu cùng cảnh ngộ như mình.
  • Có nhận thức và cảm giác, ông ta biết nóng và biết khổ, cũng biết suy luận rằng, nếu La-xa-rơ sống lại và đến nhà cha của ông để làm chứng cho năm anh em của ông thì có thể họ sẽ không bị vào nơi khổ hình sau khi chết.
  • Có ý chí, ông ta biết nài nỉ, van xin Áp-ra-ham.

Khải Huyền 20:10 nói rõ, Ma Quỷ, tức là Sa-tan (một thiên sứ trưởng phản nghịch Thiên Chúa), Anti-Christ và tiên tri giả của Anti-Christ (loài người), sẽ chịu khổ cả ngày lẫn đêm cho đến đời đời:

Ma Quỷ là kẻ lừa dối chúng bị ném vào hồ lửa và lưu hoàng, nơi có con thú và tiên tri giả. Chúng sẽ bị đau khổ cả ngày lẫn đêm cho đến đời đời.”

Nếu linh hồn loài người không tồn tại cho đến đời đời thì làm sao Anti-Christ và tiên tri giả của hắn có thể ”sẽ bị đau khổ cả ngày lẫn đêm cho đến đời đời?”

Sự chết thứ hai hay sự chết đời đời chỉ có nghĩa là sự bị phân rẽ đời đời khỏi Đức Chúa Trời, chứ không có nghĩa là thôi thực hữu, ngưng tồn tại. Mọi sự do Thiên Chúa dựng nên đều sẽ tồn tại đời đời trong các trạng thái khác nhau ở mỗi thời kỳ khác nhau, không một sự gì có thể tan biến trở thành hư không; vì Thiên Chúa là Đấng đời đời, mọi sự ra từ Ngài hoặc được sáng tạo bởi Ngài phải còn lại đời đời. Trong mọi sự do Thiên Chúa sáng tạo, linh hồn và thân thể loài người là cao quý hơn hết, cao quý hơn cả các thiên sứ, vì được sáng tạo như hình Thiên Chúa, giống như Thiên Chúa, để làm con Thiên Chúa và cùng đồng trị với Thiên Chúa cho đến đời đời.

Kết Luận

Qua Thánh Kinh chúng ta học biết được những lẽ thật về linh hồn, bao gồm: nguồn gốc và mục đích của linh hồn, địa vị của linh hồn trước mặt Thiên Chúa, nhu cầu và trách nhiệm của linh hồn.

Linh hồn chính là bản ngã của mỗi người, là một thực thể do Thiên Chúa dựng nên để làm con của Thiên Chúa và vui sống đời đời trong vương quốc của Ngài. Linh hồn loài người đầu tiên, là A-đam, do Thiên Chúa sáng tạo trực tiếp. Linh hồn thứ nhì, là Ê-va, do Thiên Chúa làm ra từ linh hồn A-đam. Từ đó trở đi, mỗi linh hồn được sinh ra bởi cha và mẹ của mình.

Từ sau khi A-đam và Ê-va phạm tội, thì mỗi linh hồn được sinh ra đều nhiễm tội từ cha khiến cho mỗi người được sinh ra đều mang bản chất tội và chỉ có thể làm ra tội.

Đức Chúa Trời đã ban cho loài người sự cứu rỗi ra khỏi tội lỗi và hậu quả của tội lỗi, qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Linh hồn nào ăn năn tội, tin nhận sự sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ thì sẽ được tái sinh thành một linh hồn mới, và được Đức Chúa Trời ban cho cơ hội cùng năng lực sống theo ý muốn của Thiên Chúa. Linh hồn nào không ăn năn tội và không tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ thì sẽ ở lại trong địa vị bị hư mất đời đời.

II Cô-rinh-tô 5:17 “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới.”

Bị hư mất có nghĩa là bị “xa cách mặt Chúa và sự vinh quang của quyền phép Ngài” (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:9). Trong khi còn sống trong thân thể xác thịt, ngay trong đời sống hiện tại này, một linh hồn bị hư mất vẫn được Đức Chúa Trời ban cho cơ hội được cứu rỗi ra khỏi địa vị hư mất.

Bị hư mất đời đời có nghĩa là đời đời bị “xa cách mặt Chúa và sự vinh quang của quyền phép Ngài,” nghĩa là không còn cơ hội được cứu rỗi, chứ không có nghĩa là bị tan biến thành hư không, không còn thực hữu, không còn nhận thức và cảm xúc.

Sự chết của thân thể xác thịt không làm cho linh hồn thôi nhận thức và cảm xúc, vì thế thuyết linh hồn ngủ hoàn toàn sai nghịch với lẽ thật của Thánh Kinh.

Nguyện Đức Thánh Linh luôn giúp mỗi chúng ta nhận thức cách rõ ràng, bổn phận và trách nhiệm của từng linh hồn trước Đấng Tạo Hóa. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
20.10.2012

Ghi Chú

[1] Biblical Aramaic, một thứ tiếng gần giống như tiếng Hê-bơ-rơ cổ, được thông dụng tại xứ Ca-na-an trong thời Tân Ước. Những phân đoạn sau đây trong Thánh Kinh được viết bằng tiếng A-ra-mai:

  • E-xơ-ra 4:8–6:18 and 7:12–26
  • Đa-ni-ên 2:4b–7:28
  • Giê-rê-mi 10:11

[A] Tất cả những câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là từ Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời và Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống Hiệu Đính 2012. Quý bạn có thể đọc trên mạng: www.ngoiloi.thanhkinhvietngu.netwww.tt2012.thanhkinhvietngu.net.

[B] Dùng các nối mạng dưới đây để tra xem ý nghĩa trong Anh ngữ và nghe cách phát âm của một từ ngữ Hê-bơ-rơ trên Internet:

15,131 views

Loài Người (01): Nguồn Gốc

Huỳnh Christian Timothy

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết này:
http://www.mediafire.com/view/?z7rne50s37uf6sb

Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống MP3 bài giảng này:
http://timhieutinlanh.net/node/1011

Dẫn Nhập

“Nhân chủng học” là môn học về loài người. Trong khoa học thì môn nhân chủng học dựa trên các tài liệu lịch sử, các kết quả khảo cổ, các thực nghiệm khoa học để tìm hiểu về sự hình thành và phát triển của loài người, sự khác biệt giữa các chủng tộc, và sự phân bố của loài người về mặt địa lý. Trong thần học thì môn nhân chủng học chỉ dựa trên Thánh Kinh để tìm hiểu về nguồn gốc và mục đích của loài người, sự quan hệ giữa loài người với Thiên Chúa, và phương diện tâm linh của loài người.

Nhân chủng học theo Thánh Kinh liên quan mật thiết với thần học theo Thánh Kinh. Loài người không thể nào hiểu biết đúng về chính mình cho đến khi nhận thức đúng về Đức Chúa Trời. Cảm tạ Đức Chúa Trời là sự nhận thức về Đức Chúa Trời đã được chính Ngài đặt để trong loài người, như Truyền Đạo 3:11 và Rô-ma 1:19-20 đã khẳng định:

…Ngài khiến cho sự đời đời ở nơi lòng loài người”(Truyền Đạo 3:11)…

Bởi vì sự hiểu biết về Đức Chúa Trời được chiếu ra trong họ. Vì Đức Chúa Trời đã tỏ ra cho họ những sự không thấy được của Ngài, từ sự sáng tạo thế gian là những vật thọ tạo được nhận biết, mà thấy rõ ràng cả năng lực và thần tính đời đời của Ngài” (Rô-ma 1:19-20)…

Nhân chủng học theo Thánh Kinh bắt đầu ngay từ những trang đầu của Thánh Kinh với sự Thiên Chúa dựng nên loài người, đặt tên cho loài người, ban phước cho loài người, và giao cho loài người công việc cai trị toàn thế gian.

Nguồn Gốc của Loài Người

Mỗi dân tộc trên thế gian đều có ít nhất là một huyền thoại về nguồn gốc của dân tộc mình, nói riêng, và của loài người, nói chung. Huyền thoại hay truyền thuyết là những câu chuyện mà nội dung không chân thật, được kể từ đời này sang đời khác. Nội dung của huyền thoại hoặc là không có thật hoặc là không đúng với sự thật. Điển hình như dân tộc Việt Nam có huyền thoại “Con Rồng Cháu Tiên,” cho rằng dân tộc Việt là dòng giống ra từ sự kết hợp của một con rồng và một tiên nữ. Chúng ta có thể nói rằng, tất cả các huyền thoại về nguồn gốc của loài người đều là những sản phẩm của Sa-tan. Nội dung của các huyền thoại nhằm hạ nhục loài người bằng cách liên kết loài người với các tà thần hoặc thú vật, và khiến cho loài người quên đi lẽ thật, rằng họ được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh của Ngài, giống như Ngài, để làm con của Ngài (Lu-ca 3:38; Giăng 1:12; II Cô-rinh-tô 6:18).

Thánh Kinh bắt đầu với lời công bố về sự Thiên Chúa sáng tạo các tầng trời và đất cùng với muôn loài vạn vật trên trời và trên đất trong sáu ngày. Mỗi một ngày bao gồm buổi chiều và buổi mai, tức là một ngày 24 tiếng đồng hồ theo vòng quay của trái đất. Tuyệt điểm của công trình sáng tạo là sự Thiên Chúa dựng nên loài người theo hình ảnh của Ngài. Sách Sáng Thế Ký ghi lại hai lời tường thuật về sự Thiên Chúa dựng nên loài người. Lời tường thuật thứ nhất được ghi lại trong 1:26-29 có tính tổng quát. Lời tường thuật thứ nhì được ghi lại trong 2:7, 21-24 có tính chi tiết. Lời tường thuật thứ nhì nhằm bổ sung cho lời tường thuật thứ nhất. Trong Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống có những từ ngữ được dịch thoáng, không sát với ý nghĩa của nguyên ngữ Hê-bơ-rơ. Dưới đây là phần trích dẫn đã được dịch sát nghĩa của hai phân đoạn nói trên và Sáng Thế Ký 5:1-2:

Sáng Thế Ký 1:26-29

26 Thiên Chúa phán rằng: Chúng Ta hãy làm ra loài người như hình Chúng Ta, giống như Chúng Ta, đặng cai trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, khắp cả đất, và mỗi loài bò sát bò trên mặt đất.

27 Thiên Chúa đã sáng tạo loài người như hình Ngài; Ngài đã sáng tạo người như hình Thiên Chúa; Ngài đã sáng tạo họ, nam và nữ.

28 Thiên Chúa ban phước cho họ và phán cùng họ rằng: Hãy sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng, hãy cai trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành động trên mặt đất.

29 Thiên Chúa lại phán rằng: Nầy, Ta đã ban cho các ngươi mọi thứ cỏ gieo hột ở khắp trên mặt đất và mỗi loài cây mà trái của cây sinh ra hột; ấy sẽ là thức ăn cho các ngươi.

Sáng Thế Ký 2:7, 21-24

7 Giê-hô-va Thiên Chúa nắn loài người từ bụi của đất, thổi hơi thở sống vào lỗ mũi, thì loài người trở nên một linh hồn sống.

21 Giê-hô-va Thiên Chúa khiến một cơn ngủ mê đến trên A-đam và ông ngủ. Ngài lấy một phần hông của ông, rồi lấp thịt thế vào.

22 Phần hông mà Giê-hô-va Thiên Chúa đã lấy nơi loài người, Ngài dựng nên một người nữ và đưa đến cùng loài người.

23 A-đam nói rằng: Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi. Nàng sẽ được gọi là người nữ, vì nàng được lấy ra từ người nam.

24 Bởi vậy, người nam sẽ lìa cha mẹ mình mà kết hợp cùng vợ mình, và họ sẽ trở nên một thịt.

Sáng Thế Ký 5:1-2

1 Đây là sách về dòng dõi của A-đam. Ngày mà Thiên Chúa sáng tạo loài người thì Ngài đã làm ra loài người giống như Thiên Chúa.

2 Ngài đã sáng tạo họ, nam và nữ; ban phước cho họ, gọi họ là loài người trong ngày họ được sáng tạo.

Dựa trên sự mạc khải của Đức Chúa Trời qua ba phân đoạn Thánh Kinh trên đây mà chúng ta biết được rằng:

  • Thiên Chúa sáng tạo loài người như hình ảnh của Thiên Chúa và giống như Ngài.
  • Thiên Chúa sáng tạo loài người với hai giống tính: nam và nữ.
  • Thiên Chúa làm ra thân thể người nam từ bụi của đất và từ hơi thở sống của Ngài.
  • Thiên Chúa dựng nên thân thể người nữ từ xương và thịt của người nam.
  • Hôn nhân là sự kết hợp của một người nam và một người nữ cách mầu nhiệm đến nỗi hai người trở nên một thịt.
  • Thiên Chúa ban phước cho loài người và truyền cho họ phải sinh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất.
  • Thiên Chúa ban cho loài người quyền cai trị khắp cả đất và muôn loài trên đất.

Bảy điều cơ bản trên đây được các phân đoạn khác trong Thánh Kinh triển khai, giúp chúng ta có một cái nhìn toàn vẹn về loài người. Sự hiểu biết đúng về loài người giúp chúng ta hiểu rõ mối quan hệ giữa Thiên Chúa với loài người, hiểu rõ ý muốn cùng các việc làm của Thiên Chúa đối với loài người, và hiểu rõ mục đích của đời sống chúng ta trong thế giới hiện tại và trong thế giới sẽ đến.

Ý Nghĩa của Một Số Từ Ngữ Liên Quan Đến Sự Sáng Tạo

Trước khi đi sâu vào các chi tiết của bảy lẽ thật cơ bản nói trên, chúng ta cần xem xét ý nghĩa của một số từ ngữ liên quan đến sự sáng tạo được dùng trong Thánh Kinh.

1. Sáng tạo: Trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ là “bârâ',” H1254, phiên âm là /ba-ra/, có nghĩa là từ chỗ không có mà khiến cho có. Hành động sáng tạo hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa và Ngài sáng tạo bằng lời phán hoặc hơi thở của Ngài. Ngài không cần có một chất liệu nào để sáng tạo. Từ sự hư không, tức là sự không có gì, Thiên Chúa chỉ cần phán một lời hoặc thổi ra một hơi thở thì vật liền xuất hiện theo ý muốn của Ngài, y theo thiết kế trong tâm trí của Ngài:

Bởi đức tin, chúng ta biết rằng thế gian đã được thiết lập bởi Lời Thiên Chúa, đến nỗi những vật bày ra đó đều chẳng phải từ vật thấy được mà đến(Hê-bơ-rơ 11:3).

Hành động sáng tạo của Thiên Chúa bao gồm ý muốn của Đức Chúa Cha, thiết kế của Đức Chúa Con, được hiện thực bởi năng lực của Đức Chúa Thánh Linh.

2. Làm ra: Trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ là “‛âśâh,” H6213, phiên âm là /hơ-sa/, có nghĩa là làm thành một vật gì đó từ một chất liệu đã có sẵn. Thân thể xác thịt của loài người được Thiên Chúa làm ra từ bụi của đất (Sáng Thế Ký 1:26).

3. Dựng nên: Trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ là “bânâh,” H1129, phiên âm là /ba-na/, có nghĩa là kết hợp các chất liệu và vật liệu đã có sẵn để xây dựng thành một vật mới, như người nữ được làm nên từ người nam (Sáng Thế Ký 2:22), như việc xây cất nhà cửa, đồn lũy, thành quách.

Thí dụ: Đất và nước là các chất liệu để làm ra gạch. Gạch là vật liệu được kết hợp với các chất liệu khác (như đá, gỗ, xi-măng, nước) hoặc các vật liệu khác như các khối bê-tông (được làm ra bởi cát, sỏi, sắt, xi-măng, và nước) để xây cất nhà cửa, đồn lũy, thành quách.

Khi nói Thiên Chúa sáng tạo loài người là nói đến sự kiện từ sự hư không Thiên Chúa đã khiến cho loài người xuất hiện trong một thể chất thiêng liêng gọi là linh hồn, cùng lúc Thiên Chúa mặc cho linh hồn một thân thể vật chất làm bằng bụi đất, gọi là xác thịt và một thân thể thiêng liêng làm bằng hơi thở thiêng liêng của Ngài, gọi là tâm thần. Linh hồn nhận thức và tương giao với Thiên Chúa, với thế giới thuộc linh qua tâm thần. Linh hồn nhận thức và tương giao với thế giới thuộc thể qua xác thịt.

Kết Luận

Nhân chủng học theo khoa học có những kết luận hoàn toàn khác xa với nhân chủng học theo Thánh Kinh. Khoa học cho rằng loài thú tiến hóa thành loài người qua một tiến trình dài hơn hai tỷ năm, còn Thánh Kinh cho biết loài người khác với loài vật và được Thiên Chúa tạo dựng một cách toàn hảo khoảng 6,000 năm trước. Khoa học không thể nói lên mục đích sự thực hữu của loài người và của muôn loài vạn vật, còn Thánh Kinh cho biết loài người được Thiên Chúa dựng nên để vui hưởng tình yêu và sự giàu có muôn mặt của Thiên Chúa, để đời đời cùng với Thiên Chúa cai trị muôn loài vạn vật do Thiên Chúa dựng nên.

Công nhận nguồn gốc của loài người ra từ Thiên Chúa, theo như chính Thiên Chúa đã mạc khải trong Thánh Kinh, dẫn đến sự nhận thức đúng giá trị của loài người, sự hiểu biết ý muốn cùng mục đích tốt lành của Thiên Chúa khi Ngài sáng tạo loài người. Sự nhận biết và thông hiểu đó giúp cho con dân Chúa tăng trưởng trong đức tin, trong sự thánh hóa bởi Lời Chúa, và trong sự trung tín sống theo ý muốn tốt lành của Ngài.

Huỳnh Christian Timothy
06.10.2012

Ghi Chú

[A] Tất cả những câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là từ Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời và Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống Hiệu Đính 2012. Quý bạn có thể đọc trên mạng: www.ngoiloi.thanhkinhvietngu.netwww.tt2012.thanhkinhvietngu.net.

[B] Dùng hai nối mạng dưới đây để tra xem ý nghĩa trong Anh ngữ và nghe cách phát âm của một từ ngữ Hê-bơ-rơ trên Internet:

[C] Dùng hai nối mạng dưới đây để tra xem ý nghĩa trong Anh ngữ và nghe cách phát âm của một từ ngữ Hy-lạp trên Internet:


Copyright Notice: All Rights Reserved © 2012 Vietnamese Christian Mission Ministry.
Thông Báo Tác Quyền: Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức nhưng xin giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.

 

 

Bấm vào đây để đọc tiếp →

8,014 views

Đức Tin Thể Hiện Qua Việc làm

Huỳnh Christian Timothy

 

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết này:
http://www.mediafire.com/view/?b5257uv6j575w3b

Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống MP3 bài giảng này:
http://timhieutinlanh.net/node/1007

Dẫn Nhập

Đức tin và việc làm là một trong những đề tài thần học được tranh luận ngay từ buổi ban đầu của lịch sử Hội Thánh. Những câu Thánh Kinh được dùng làm nền tảng cho sự tranh luận là:

Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Thiên Chúa. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình” (Ê-phê-sô 2:8-9).

Hỡi anh em, nếu ai nói mình có đức tin, song không có việc làm, thì ích chi chăng? Đức tin đó cứu người ấy được chăng? Vả, xác chẳng có hơi thở thì chết, đức tin không có việc làm cũng chết như vậy” (Gia-cơ 2:14, 26) [1].

Chúng ta có thể suy diễn từ Ê-phê-sô 2:8-9 rằng, một người được cứu chỉ bởi ân điển và đức tin, không phải bởi việc làm. Chúng ta cũng có thể suy diễn từ Gia-cơ 2:14, 26 rằng, đức tin không có việc làm là đức tin chết, không cứu được ai.

Với sự suy diễn như trên thì rõ ràng chúng ta có một nan đề lớn, đó là Thánh Kinh đã tự mâu thuẩn. Tuy nhiên, Thánh Kinh là Lời của Đức Chúa Trời, là lẽ thật đời đời, là Lời Sống và linh nghiệm thì không thể có sai lầm hay tự mâu thuẩn. Chính Thiên Chúa làm cho Lời của Ngài được tôn cao hơn danh của Ngài (Thi Thiên 138:2) thì chắc chắn Lời Chúa là trọn vẹn như chính Chúa.

Vì Thánh Kinh không thể tự mâu thuẫn, cho nên, chính sự suy diễn của chúng ta làm cho những câu Thánh Kinh trên đây dường như là mâu thuẫn. Sự suy diễn của chúng ta về một câu Thánh Kinh phải tuyệt đối dựa vào văn mạch của phân đoạn Thánh Kinh mà câu ấy thuộc về. Đôi khi, chúng ta phải dựa vào văn mạch của toàn sách, như khi chúng ta đọc một số câu trong thư Ga-la-ti. Bên cạnh đó, chúng ta phải hiểu rõ ý nghĩa của các từ ngữ được dùng trong câu văn. Thí dụ, các từ ngữ “đức tin,” “cứu,” “được cứu,” và “việc làm” trong những câu Thánh Kinh trên đây có nghĩa gì?

Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa chân thật của bốn câu Thánh Kinh được nêu ra trên đây. Chúng ta hãy bắt đầu bằng sự định nghĩa một số các từ ngữ:

Đức Tin

Trong nguyên ngữ Hy-lạp, danh từ “đức tin” được dùng trong những câu Thánh Kinh trên đây và trong Hê-bơ-rơ 11 là “pistis,” G4102, được dịch sang tiếng Anh là “faith,” có nghĩa là: “sự hiểu biết, công nhận và làm theo những gì đã nghe.” Rô-ma 10:14 cho chúng ta biết, sự nghe giảng về Chúa dẫn đến đức tin nơi Chúa. Vì thế, đức tin đến là bởi sự người ta nghe và làm theo, qua hành động kêu cầu danh Chúa, dẫn đến kết quả là người ta được cứu.

Khi lẽ thật về Chúa được rao giảng thì Đức Thánh Linh sẽ hành động trong tâm thần của người nghe, để người ấy nhận biết sự thực hữu của Thiên Chúa, sự tội lỗi của chính mình và sự cứu rỗi của Thiên Chúa, dẫn đến sự người ấy được thuyết phục bởi những điều đã nghe. Khi ấy, nếu người nghe quyết định hành động theo điều mình đã hiểu biết và công nhận, tức là ăn năn tội và xưng nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ, thì đức tin xuất hiện.

Thí dụ 1: Trong câu chuyện Chúa hóa nước thành rượu tại một tiệc cưới ở thành Ca-na (Giăng 2), dù cho những người hầu bàn có tin Chúa một cách tuyệt đối, nhưng nếu không làm theo mọi lời phán của Ngài thì họ sẽ không bao giờ có được rượu ngon. Nói cách khác, tin mà không làm theo tức là không tin.

Thí dụ 2: Có một người bỗng nhiên bị đau bụng dữ dội, ngã lăn ra đường, quằn quại trong sự đau đớn. Xe cứu thương đến, đưa người đó vào phòng cấp cứu và bác sĩ định bệnh rằng, người ấy đang bị viêm ruột thừa, cần phải được giải phẩu ngay để cứu mạng. Tuy nhiên, người ấy phải quyết định bằng lòng tiếp nhận sự giải phẩu. Người ấy không thể tự mình làm gì để cứu mình. Tất cả những gì cần làm để người ấy được cứu là do bệnh viện, các bác sĩ, và các y tá thực hiện. Người ấy chỉ cần có đức tin vào bác sĩ, nghĩa là “công nhận và làm theo lời nói của bác sĩ,” Đức tin đó phải được thể hiện bằng sự người ấy ký tên vào giấy đồng ý cho bác sĩ giải phẩu mình, và chịu nằm trên bàn giải phẩu để được giải phẩu. Nếu người ấy tin lời nói của bác sĩ nhưng không ký giấy đồng ý việc giải phẩu hoặc không vào phòng giải phẩu thì không thể được cứu.

Giăng 3:16 là nền tảng của Tin Lành: “Vì Ðức Chúa Trời yêu thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin nơi Con ấy không bị hư mất, mà được sự sống đời đời.” Động từ “tin” dùng trong câu này ở trong thời hiện tại, thể chủ động, thức phân từ, và danh cách [2], có nghĩa là một người phải tự mình chủ động trong việc “luôn luôn tin“ nơi Con Một của Đức Chúa Trời, để không bị hư mất mà được sự sống đời đời. Sự sống đời đời được ban cho những ai luôn luôn tin nơi Đức Chúa Jesus Christ, tức là luôn luôn làm theo mọi lời phán của Đức Chúa Jesus Christ, chứ không phải chỉ tin một lần, làm theo một lần. Điều đó tương tự như một người muốn sống thì phải luôn luôn thở. Điều duy nhất chứng minh rằng một người thật sự tin nơi Con Một của Đức Chúa Trời và sẽ nhận được sự sống đời đời, đó là, người ấy luôn làm theo Lời Chúa là Thánh Kinh.

Danh từ “đức tin” luôn luôn bao hàm ý nghĩa về sự hành động theo điều đã tin. Hê-bơ-rơ 11 là chứng cớ vững chắc cho sự kiện “đức tin” luôn luôn thể hiện thành hành động. Không có hành động thì không có đức tin:

  • Bởi đức tin, A-bên đã dâng cho Đức Chúa Trời một tế lễ…
  • Bởi đức tin, Hê-nóc đã ở vừa lòng Đức Chúa Trời…
  • Bởi đức tin, Nô-ê đã thành tâm kính sợ, đóng một chiếc tàu để cứu nhà mình…
  • Bởi đức tin, Áp-ra-ham đã vâng lời Chúa gọi, đi đến xứ mình sẽ nhận làm cơ nghiệp…
  • Bởi đức tin, Áp-ra-ham đã dâng I-sác trong khi bị thử thách…
  • Bởi đức tin, I-sác đã chúc phước cho Gia-cốp và Ê-sau…
  • Bởi đức tin, Gia-cốp đã chúc phước cho hai con của Giô-sép…
  • Bởi đức tin, khi Môi-se mới sinh ra, cha mẹ đã đem ông đi giấu…
  • Bởi đức tin, Môi-se đã cùng chịu hà hiếp với dân Chúa…
  • Bởi Đức tin, Môi-se đã lìa xứ Ê-díp-tô không sợ vua giận…
  • Bởi đức tin, Môi-se đã giữ Lễ Vượt Qua…
  • Bởi đức tin, dân I-sơ-ra-ên đã vượt qua Biển Đỏ…
  • Bởi đức tin, dân I-sơ-ra-ên đã đi vòng quanh thành Giê-ri-cô khiến thành bị đổ xuống…
  • Bởi đức tin, kỵ nữ Ra-háp đã bảo vệ các thám tử của I-sơ-ra-ên…

Có nhiều lẽ thật khác nhau được Thiên Chúa bày tỏ cho loài người và được ghi chép lại trong Thánh Kinh. Sự hiểu biết, tin cậy, và làm theo mỗi lẽ thật của Thiên Chúa được gọi là đức tin vào trong chính lẽ thật ấy. Thí dụ:

Lẽ thật về Đức Chúa Jesus Christ dẫn đến đức tin vào Đấng Christ, tin rằng, Ngài là con của Đức Chúa Trời Hằng Sống, Ngài là Thiên Chúa, Ngài là Đấng Cứu Rỗi của nhân loại, dẫn đến sự hết lòng làm theo mọi lời phán dạy của Ngài.

Lẽ thật về sự cứu rỗi dẫn đến đức tin vào sự cứu rỗi, tin rằng, sự cứu rỗi chỉ có trong Đức Chúa Jesus Christ, vì dưới trời không có danh nào khác ban cho loài người để loài người nhờ đó mà được cứu. Vì thế, mọi tôn giáo, mọi triết học, mọi việc làm công đức, mọi nghi thức tín ngưỡng đều không mang sự cứu rỗi đến cho loài người. Chỉ có sự chết của Đức Chúa Jesus Christ trên thập tự giá mới có năng lực để cứu rỗi loài người. Muốn được cứu rỗi thì một người không cần làm ra các việc công đức, mà chỉ cần ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ.

Lẽ thật vào sự nên thánh dẫn đến đức tin vào sự nên thánh, tin rằng, không có sự cám dỗ nào vượt quá sức loài người (I Cô-rinh-tô 10:13); tin rằng, một người làm được mọi sự lành, thắng được mọi cám dỗ là nhờ sự ban thêm sức của Đấng Christ (Phi-líp 4:13); tin rằng, chính Đức Chúa Trời là Đấng khiến cho mỗi con dân Chúa được nên thánh trọn vẹn từ tâm thần, linh hồn, cho đến thể xác ngay khi họ còn sống trong xác thịt này (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23). Đức tin vào sự thánh hóa được thể hiện qua hành động tránh xa những nơi ô uế, tội lỗi, không đặt mình vào hoàn cảnh có thể bị cám dỗ, và kêu cầu danh Chúa khi đối diện với cám dỗ.

Sự Cứu Rỗi

Động từ “cứu” trong nguyên ngữ Hy-lạp là “sōzō,” G4982, dịch sang tiếng Anh là “save” và có nghĩa là: “giải thoát ra khỏi sự nguy hiểm hoặc sự hủy diệt.” Trong Tân Ước, khi động từ này dùng cho Đức Chúa Trời hoặc Đức Chúa Jesus Christ là nói đến sự kiện Đức Chúa Trời, qua Đức Chúa Jesus Christ, đã cứu nhân loại ra khỏi năng lực và hậu quả của tội lỗi.

Khi tổ phụ của loài người là A-đam phạm tội thì tội lỗi cầm quyền trên A-đam, buộc A-đam phải làm ra những việc làm tội lỗi mà A-đam không thể chống cự lại được, nghĩa là A-đam không thể không tiếp tục phạm tội; đồng thời, A-đam phải gánh lấy hậu quả của tội lỗi là đau khổ và sự chết. Năng lực và hậu quả của tội lỗi từ A-đam mà lưu truyền cho tất cả mọi người được sinh ra trong thế gian: “Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội” (Rô-ma 5:12).

Sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jesus Christ ban cho nhân loại là sự cứu nhân loại ra khỏi sức mạnh của tội lỗi, ra khỏi mọi đau khổ và sự chết do tội lỗi mang đến: “Vậy, như bởi chỉ một tội mà sự đoán phạt rải khắp hết thảy mọi người thể nào, thì bởi chỉ một việc công bình mà sự xưng công bình, là sự ban sự sống, cũng rải khắp cho mọi người thể ấy. Vì, như bởi sự không vâng phục của một người mà mọi người khác đều thành ra kẻ có tội, thì cũng một lẽ ấy, bởi sự vâng phục của một người mà mọi người khác sẽ đều thành ra công bình” (Rô-ma 5:18-19).

Sự cứu rỗi là sự ban cho của Đức Chúa Trời nhưng loài người phải tự mình tiếp nhận. Những việc làm cần làm để có thể cứu loài người ra khỏi năng lực và hậu quả của tội lỗi, tức là gánh lấy hình phạt từ Đức Chúa Trời, đã do Đức Chúa Jesus Christ hoàn thành, cho nên, loài người không cần phải làm bất cứ một điều gì để được cứu rỗi mà chỉ cần tin nhận sự cứu rỗi Đức Chúa Jesus Christ đã làm ra cho nhân loại. Sự tin nhận đó phải thể hiện bằng sự ăn năn tội và kêu cầu danh Chúa.

Mục đích của sự cứu rỗi là để loài người có cơ hội được phục hòa với Đức Chúa Trời, được nhận lại địa vị làm con của Đức Chúa Trời, được dựng nên mới trong tâm thần và linh hồn, được ban cho Thánh Linh để có thể sống đúng theo tiêu chuẩn yêu thương, thánh khiết, và công bình của Thiên Chúa, như đã được bày tỏ trong Thánh Kinh. Trong đời sống mới đó, dù loài người vẫn đối diện với cám dỗ và tội lỗi nhưng năng lực của tội lỗi không đủ sức ép buộc loài người phải làm ra những sự tội lỗi nghịch lại Thiên Chúa. Trái lại, loài người có Thánh Linh của Thiên Chúa để có năng lực làm ra những việc lành đẹp lòng Thiên Chúa, là những việc do chính Đức Chúa Trời đã sắm sẵn (Ê-phê-sô 2:10).

Sự cứu rỗi khác với sự sống đời đời. Sự cứu rỗi đem một người ra khỏi địa vị hư mất vào trong địa vị công chính và ban cho người ấy cơ hội phục thiện, tức là từ bỏ những điều dữ và làm ra những điều lành theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa. Sự cứu rỗi khiến cho một người ở trong địa vị làm việc để được nhận lãnh sự sống đời đời. Chỉ có những ai trung tín cho đến chết trong sự làm theo các lẽ thật của Lời Chúa mới nhận được sự sống đời đời. Vì thế, sự sống đời đời là phần thưởng ban cho những ai trung tín trong đức tin.

Việc Làm

Danh từ “việc làm” khi được dùng trong Thánh Kinh liên quan đến tội lỗi, đức tin, sự cứu rỗi, và sự sống đời đời đều cùng một từ ngữ trong tiếng Hy-lạp là “ergon,” G2041, dịch ra tiếng Anh là “work” có nghĩa là: “sự lao động đem lại công giá (được trả công) hoặc kết quả cho người làm.”

1. Việc làm trong tội lỗi đem lại công giá là sự chết:

  • Vì tiền công của tội lỗi là sự chết” (Rô-ma 6:23)…
  • Kẻ gieo cho xác thịt, sẽ bởi xác thịt mà gặt sự hư nát” (Ga-la-ti 6:8)…

2. Việc làm trong đức tin đem lại sự sống đời đời:

  • Hễ ai vì danh Ta mà bỏ anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đất ruộng, nhà cửa, thì người ấy sẽ lãnh bội phần hơn, và được hưởng sự sống đời đời” (Ma-thi-ơ 19:29).
  • Thật vậy, những ai bởi sự bền lòng làm lành, tìm kiếm sự vinh quang, sự tôn trọng, và sự chẳng hề chết, thì được sự sống đời đời” (Rô-ma 2:7).
  • “…kẻ gieo cho Đấng Thần Linh, sẽ bởi Đấng Thần Linh mà gặt sự sống đời đời”  (Ga-la-ti 6:8).
  • …Hãy trung tín cho đến chết và Ta sẽ ban cho ngươi mão sự sống” (Khải Huyền 2:10).

Về đức tin dẫn đến sự cứu rỗi chúng ta nhận thấy rõ có ba hình thức và giai đoạn của việc làm:

1. Việc làm tạo ra sự cứu rỗi là việc làm của Đức Chúa Jesus Christ, thể hiện qua sự chết chuộc tội của Ngài trên thập tự giá:

  • …bởi sự vâng phục của một người mà mọi người khác sẽ đều thành ra công bình” (Rô-ma 5:19).
  • …Đấng Christ đã dâng mình chỉ một lần đặng cất tội lỗi của nhiều người” (Hê-bơ-rơ 9:28)…

2. Việc làm để nhận sự cứu rỗi là việc làm của tội nhân, tội nhân phải tin nhận sự cứu rỗi của Chúa và đức tin đó phải thể hiện qua sự ăn năn tội và kêu cầu danh Chúa:

  • …Hãy hối cải, ai nấy phải bởi danh Đức Chúa Jesus chịu phép báp-tem, để được tha tội mình, rồi sẽ được lãnh sự ban cho Đức Thánh Linh” (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:38).
  • Vậy nếu miệng ngươi xưng Đức Chúa Jesus ra và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, thì ngươi sẽ được cứu; vì tin bởi trong lòng mà được sự công bình, còn bởi miệng làm chứng mà được sự cứu rỗi” (Rô-ma 10:9-10).

3. Việc làm để minh chứng sự cứu rỗi là việc làm của người đã được cứu, thể hiện qua sự vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời:

  • Vậy, chúng ta bởi sự thuộc về đức tin mà hủy bỏ luật pháp hay sao? Chẳng phải vậy! Nhưng chúng ta làm cho vững bền luật pháp” (Rô-ma 3:31).
  • Kẻ nào nói: Ta biết Ngài, mà không giữ các điều răn Ngài, là người nói dối, lẽ thật quyết không ở trong người” (I Giăng 2:4).

Không ai có thể cậy việc làm để được sự cứu rỗi; nhưng sau khi đã được cứu rỗi mà không trung tín với Chúa cho đến chết thì sẽ không nhận được sự sống đời đời. Mà không nhận được sự sống đời đời tức là bị hư mất đời đời trong hỏa ngục. Trung tín với Chúa nghĩa là hết lòng làm theo mọi lời Chúa phán dạy đã được ghi lại trong Thánh Kinh, tức là từ bỏ những việc làm tội lỗi và làm những việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho chúng ta.

Chúng ta cần hiểu rõ: Chúng ta không làm việc lành để được cứu, vì trước khi được cứu chúng ta không thể làm việc lành. Chỉ nhờ Đức Chúa Jesus Christ chết thay cho chúng ta và chúng ta tin nhận điều đó mà chúng ta được cứu. Sau khi được cứu thì chúng ta có năng lực và có bổn phận phải từ bỏ những việc làm tội lỗi và làm những việc lành. Nếu chúng ta trung tín cho đến chết trong sự từ bỏ những việc làm tội lỗi và làm những việc lành, thì chúng ta sẽ nhận được sự sống đời đời (Rô-ma 2:7). Ngược lại, chúng ta sẽ bị định phần chung với những kẻ giả hình, là bị hư mất đời đời trong hồ lửa (Ma-thi-ơ 24:51).

Kẻ giả hình là kẻ làm bộ tin nhận Chúa, chưa bao giờ là con dân của Chúa, chưa bao giờ được tái sinh, chưa bao giờ được ban cho Thánh Linh, khác với những người đã tin nhận Chúa mà không trung tín. Tất cả những ai là con dân Chúa mà không trung tín với Chúa nhưng quay về với đời sống tội lỗi, thì sẽ bị hư mất như những kẻ giả hình. Lời Chúa dạy rõ như vậy:

Vì chưng những kẻ đã được soi sáng một lần, đã nếm sự ban cho từ trên trời, dự phần về Thánh Linh, Lời lành của Thiên Chúa, và năng lực của đời sau, nếu lại vấp ngã, thì không thể khiến họ lại ăn năn nữa, vì họ đóng đinh Con Đức Chúa Trời trên thập tự giá cho mình một lần nữa, làm cho Ngài sỉ nhục tỏ tường. Vả, một đám đất nhờ mưa đượm nhuần mà sanh cây cỏ có ích cho người cày cấy, thì đất đó hưởng phần phước lành của Đức Chúa Trời. Nhưng đất nào chỉ sanh ra những cỏ rạ, gai gốc, thì bị bỏ, và hầu bị rủa, cuối cùng phải bị đốt” (Hê-bơ-rơ 6:4-8).

Vì nếu chúng ta đã nhận biết lẽ thật rồi, mà lại cố ý phạm tội, thì không còn có tế lễ chuộc tội nữa, nhưng chỉ có sự đợi chờ kinh khiếp về sự phán xét, và lửa hừng sẽ đốt cháy kẻ bội nghịch mà thôi. Ai đã phạm luật pháp Môi-se, nếu có hai ba người làm chứng, thì chết đi không thương xót, huống chi kẻ giày đạp Con Đức Chúa Trời, coi máu của giao ước, tức là máu mà mình nhờ nên thánh, là ô uế, lại khinh lờn Đấng Thần Linh của ân điển, thì anh em há chẳng tưởng rằng người ấy đáng bị hình rất nghiêm đoán phạt hay sao? Vì chúng ta biết Đấng đã phán rằng: Sự trả thù thuộc về Ta; Ta sẽ báo ứng, ấy là lời Chúa phán. Lại rằng: Chúa sẽ xét đoán dân mình. Sa vào tay Thiên Chúa Hằng Sống là sự đáng kinh khiếp thay” (Hê-bơ-rơ 10:26-31)!

Vả, chúng nó bởi sự nhận biết Chúa và Đấng Giải Cứu chúng ta là Đức Chúa Jesus Christ, mà đã thoát khỏi sự ô uế của thế gian, rồi lại mắc phải và suy phục những sự đó, thì số phận sau cùng của chúng nó trở xấu hơn lúc đầu. Chúng nó đã biết đường công bình, rồi lại lui đi về lời răn thánh đã truyền cho mình, thế thì thà rằng không biết là hơn. Đã xảy đến cho chúng nó như lời tục ngữ rằng: Chó liếm lại đồ nó đã mửa, heo đã rửa sạch rồi, lại lăn lóc trong vũng bùn” (II Phi-e-rơ 2:20-22).

Ý Nghĩa của Ê-phê-sô 2:8-9

Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Thiên Chúa. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình” (Ê-phê-sô 2:8-9).

Thư Ê-phê-sô được Sứ Đồ Phao-lô viết cho Hội Thánh của Chúa tại thành Ê-phê-sô. Vì thế, ông gọi các tín đồ của Chúa tại Ê-phê-sô là “anh em,” với hàm ý, anh em trong đức tin, anh em trong Chúa; tức là những người đã tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jesus Christ. Phao-lô nhấn mạnh rằng, những người đó được cứu ra khỏi năng lực và hậu quả của tội lỗi không phải bởi họ đã làm ra điều gì mà chỉ nhờ:

  • Sự yêu thương của Đức Chúa Trời, Đấng ban sự cứu rỗi cho họ.
  • Sự thương xót của Đức Chúa Jesus Christ, Đấng thi hành sự cứu rỗi bằng cách hy sinh chuộc tội cho họ.
  • Đức tin của họ vào trong sự chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ.

Ngay cả đức tin vào trong sự chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ cũng là sự Đức Chúa Trời đặt để vào trong tâm thần của họ, vì thế, rõ ràng là sự cứu rỗi hoàn toàn là công việc của Thiên Chúa mà tội nhân chỉ cần tin nhận. Không ai có thể khoe rằng vì tôi làm lành nên tôi được cứu hoặc vì tôi chịu khổ để đền tội nên tôi được cứu.

Như đã giải thích trên đây, đức tin là “hiểu biết, công nhận và làm theo điều đã được nghe,” cho nên, nói đến đức tin là nói đến hành động. Ê-phê-sô 2:8-9 dạy rằng, chúng ta không làm một điều gì để tạo ra sự cứu rỗi nhưng chúng ta vẫn phải làm công việc tin nhận sự cứu rỗi. Công việc chúng ta làm để tin nhận sự cứu rỗi là “ăn năn tội” và công nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Nếu chúng ta chỉ ăn năn tội mà không công nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ thì chúng ta vẫn bị hư mất. Giu-đa Ích-ca-ri-ốt là trường hợp điển hình. Nếu chúng ta công nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ mà chúng ta không ăn năn tội thì chúng ta sẽ bị hình phạt nặng hơn những kẻ không tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ. Những câu Thánh Kinh trong Hê-bơ-rơ 6:4-8; 10:26-31 và II Phi-e-rơ 2:20-22 trích dẫn trên đây đã dạy rõ như vậy. Trong các ngụ ngôn của Đức Chúa Jesus Christ về đầy tớ bất trung, về quản gia bất trung, về các ta-lâng và về các nén bạc cũng đã dạy rõ như vậy.

Vì chúng ta không làm ra bất cứ một việc gì để được cứu rỗi mà chúng ta chỉ làm ra hành động từ bỏ tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ, cho nên, chẳng có gì để cho chúng ta khoe mình về sự cứu rỗi của mình. Như trong câu chuyện người bị viêm ruột thừa kể trên, người bệnh tin vào sự định bệnh và khả năng giải phẩu của bác sĩ nhưng cũng phải làm ra các hành động ký giấy đồng ý cho sự giải phẩu và phải vào trong phòng giải phẩu. Người ấy chỉ có thể khoe về sự tận tâm và khả năng y khoa của các bác sĩ đã cứu mình chứ hoàn toàn không có cớ gì để khoe mình.

Ý Nghĩa của Gia-cơ 2:14 và 26

Hỡi anh em, nếu ai nói mình có đức tin, song không có việc làm, thì ích chi chăng? Đức tin đó cứu người ấy được chăng? Vả, xác chẳng có hơi thở thì chết, đức tin không có việc làm cũng chết như vậy” (Gia-cơ 2:14, 26) [1].

Trong thực tế, không hề có loại “đức tin mà không có việc làm,” tức là “đức tin không thể hiện bằng hành động làm theo những gì đã tin.” Điều đó cũng tương tự như không hề có loại người sống mà không hít thở.

Gia-cơ đang nói đến sự kiện một người sau khi được nghe giảng về Chúa thì Đức Thánh Linh đã làm cho người ấy hiểu biết và công nhận mọi lẽ thật về Chúa, nhưng nếu người ấy không quyết định làm theo những gì mình đã hiểu biết và công nhận thì người ấy không có đức tin. Không có đức tin thì không có sự cứu rỗi. Đức tin chỉ có khi sự hiểu biết và công nhận lẽ thật được thể hiện bằng sự hành động theo lẽ thật.

Toàn phân đoạn Gia-cơ 2:14-26 không hề nghịch lại ý nghĩa của Ê-phê-sô 2:8-9, mà là giúp giải thích rõ ràng ý nghĩa của từ ngữ “đức tin.”

Đức Tin Dẫn đến Sự Cứu Rỗi và Đức Tin Dẫn đến Sự Sống Đời Đời

Đức tin dẫn đến sự cứu rỗi khác với đức tin dẫn đến sự sống đời đời.

Đức tin dẫn đến sự cứu rỗi đòi hỏi một người phải chịu từ bỏ tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Sự cứu rỗi là Đức Chúa Trời cứu tội nhân ra khỏi án phạt của tội lỗi và ban cho người ấy năng lực từ Đức Thánh Linh để người ấy có thể sống thánh khiết như Đấng Christ, chứng tỏ mình xứng đáng làm con của Đức Chúa Trời. Mục đích của sự cứu rỗi được nói rõ trong Rô-ma 8:28-29:

Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định. Vì Ngài cũng đã định sẵn để nên giống như hình bóng Con Ngài, hầu cho Con nầy được làm Con cả ở giữa nhiều anh em.”

Vì thế, người đã được cứu rỗi không thể có đời sống không giống Đấng Christ. Điều đó có thể được là bởi ý muốn và việc làm của Đức Chúa Trời, không bởi sức riêng của một người nào:

Nguyền xin chính Đức Chúa Trời bình an khiến anh em nên thánh trọn vẹn, và nguyền xin tâm thần, linh hồn, và thân thể của anh em đều được giữ vẹn, không chỗ trách được, khi Đức Chúa Jesus Christ chúng ta đến! Đấng đã gọi anh em là Đấng thành tín, chính Ngài sẽ làm việc đó” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23-24).

Ai nói rằng mình đã được cứu nhưng không thể không phạm tội, không thể giữ trọn Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, thì đó là người nói dối (I Giăng 2:4)! Vì người đã được cứu là người đã được dựng nên mới trong Đức Chúa Jesus Christ, “tức là người đã được dựng nên giống như Thiên Chúa, trong sự công bình và sự thánh sạch của lẽ thật” (Ê-phê-sô 4:24).

Đức tin của sự cứu rỗi dẫn đến đức tin của sự sống đời đời. Sau khi một người được cứu rỗi thì người ấy có được năng lực từ Thiên Chúa, tức là Thánh Linh, để thắng được sự phạm tội và làm được những việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho. Sự liên tục sống theo Lời Chúa cho đến chết của một người đã được cứu rỗi đem lại kết quả là sự sống đời đời. Nếu người ấy có lỡ phạm tội trở lại thì đức tin của sự cứu rỗi vẫn tiếp tục cứu người ấy (I Giăng 1:9), nhưng nếu người ấy vui thú trong tội, cố tình quay về sống trong tội, thì số phận của người ấy sẽ là cùng chung với những kẻ giả hình.

Kết Luận

Đức tin trong Chúa luôn luôn thể hiện bằng sự làm ra những điều đáp ứng lại sự đòi hỏi của Thiên Chúa, như sự ăn năn tội, sự tha thứ cho người khác, và làm ra những việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho con dân của Ngài.

“Tin” là một động từ nói lên sự hành động theo những gì mình hiểu và công nhận, không phải là một trạng thái thụ động của tâm trí. Tin Chúa là hiểu biết, công nhận và làm theo những gì Chúa giải bày cho chúng ta qua Lời của Ngài là Thánh Kinh. Người thật lòng tin Chúa là người gớm ghét tội lỗi như Chúa và hết lòng nương cậy nơi sức toàn năng của Chúa để sống một đời sống nên thánh trọn vẹn. Một đời sống làm theo Lời Chúa mà từ trong tâm thần, linh hồn, cho đến thể xác đều không chỗ trách được, trong ngày Đức Chúa Jesus Christ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23-24). Chính đó là bông trái để nhận biết ai là người thật sự thuộc về Chúa, ai chỉ là kẻ giả hình (Ma-thi-ơ 7:15-20), và ai là người đã lui đi trong đức tin, phạm vào sự bội đạo, chuốc lấy sự bị hủy diệt và hư mất đời đời (Hê-bơ-rơ 10:38-39; I Ti-mô-thê 6:9-10; II Phi-e-rơ 2:21).

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn mọi con dân Chúa vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa và thánh hóa họ bằng chính lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13; 17:17). A-men!

Huỳnh Christian Timothy
22.09.2012

Ghi Chú

[A] Tất cả những câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là từ Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời và Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống Hiệu Đính 2012. Quý bạn có thể đọc trên mạng: www.ngoiloi.thanhkinhvietngu.netwww.tt2012.thanhkinhvietngu.net.

[B] Dùng hai nối mạng dưới đây để tra xem ý nghĩa trong Anh ngữ và nghe cách phát âm của một từ ngữ Hê-bơ-rơ trên Internet:

[C] Dùng hai nối mạng dưới đây để tra xem ý nghĩa trong Anh ngữ và nghe cách phát âm của một từ ngữ Hy-lạp trên Internet:

[1] Bản Việt Ngữ Truyền Thống dịch là “…Vả, xác chẳng có hồn thì chết, đức tin không có việc làm cũng chết như vậy.” Từ ngữ được dịch là “hồn” trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa là “hơi thở” (pneuma, G4151).

[2] “πιστευωνG4100, present tense, active voice, participle mood, nominative case.


Copyright Notice:All Rights Reserved © 2012 Vietnamese Christian Mission Ministry.
Thông Báo Tác Quyền:Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry.
Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức nhưng xin giữ đúng nguyên văn,
kể cả thông báo về tác quyền này.

 

 

Bấm vào đây để đọc tiếp →

3,904 views

Đức Tin Thực Dụng

Huỳnh Christian Timothy

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết này:
http://www.mediafire.com/view/?tp1q571q7i218qm

Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống MP3 bài giảng này:
http://timhieutinlanh.net/node/1006

Dẫn Nhập

Thực dụng có nghĩa là áp dụng sự hiểu biết hoặc năng lực hoặc phương tiện một cách thực tế vào trong cuộc sống. Đức tin thực dụng là sống theo những gì chúng ta tin. Là con dân Chúa chúng ta tin nhận sự có thật của một Thiên Chúa Hằng Hữu toàn năng, toàn tại, và toàn tri; tức là một Thiên Chúa tự có, có đến mãi mãi, làm được mọi sự, ở khắp mọi nơi, biết hết mọi việc. Cùng với điều đó, chúng ta còn tin rằng Thiên Chúa là Đấng sáng tạo nên muôn loài vạn vật, là Đấng yêu thương chúng ta, chăm sóc chúng ta và chỉ muốn những điều bình an, hạnh phúc cho chúng ta (Giê-rê-mi 29:11; ). Đức tin đó do chính Thiên Chúa đặt để trong tâm thần của chúng ta và được xác chứng bởi Thánh Kinh là Lời của Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta cũng tin rằng Thánh Kinh là Lời Hằng Sống của Thiên Chúa, là lẽ thật đời đời, là tiêu chuẩn cho đời sống của chúng ta, và là thẩm quyền tuyệt đối trong cuộc sống của chúng ta.

Vậy, đức tin của Cơ-đốc nhân là: (1) Tin sự thực hữu và năng lực của Thiên Chúa. (2) Tin Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa và là tình yêu. (3) Tin Thánh Kinh là Lời Hằng Sống của Thiên Chúa và là thẩm quyền tuyệt đối trong cuộc sống của nhân loại. Tuy nhiên, nếu chỉ tin bằng tâm thần và lý trí mà không làm theo những gì mình tin, thì đức tin đó không giúp ích gì cho chúng ta. Thánh Kinh gọi đó là đức tin chết (Gia-cơ 2:17, 26). Hành động áp dụng đức tin vào trong cuộc sống, tức là làm theo những gì chúng ta tin, được Thánh Kinh gọi là đức tin sinh ra việc làm (Gia-cơ 2:23).

Đức Tin Thực Dụng Thể Hiện Qua Việc Làm

Có ba câu Thánh Kinh rất là tuyệt vời, liên quan đến đức tin mà chúng ta cần để ý và ghi nhớ:

  1. Lu-ca 7:50chép: “Nhưng Ngài phán cùng người đàn bà rằng: Đức tin của ngươi đã cứu ngươi; hãy đi cho bình an.” Đây là câu Chúa phán với một người đàn bà phạm nhiều tội, đến nỗi người trong thế gian cũng chê trách bà, nhưng bà biết ăn năn, thống hối và tin nhận Chúa. Đức tin nơi Chúa thể hiện ra việc làm là ăn năn tội, dẫn đến kết quả là được cứu rỗi và bình an!
  2. Lu-ca 18:42chép: “Đức Chúa Jesus phán rằng: Hãy sáng mắt lại; đức tin của ngươi đã chữa lành ngươi.” Đây là câu Chúa phán với một người mù kêu cầu Chúa, xin Chúa chữa lành. Đức tin nơi Chúa thể hiện ra việc làm là kêu cầu, van xin Chúa cứu giúp, dẫn đến kết quả là được chữa lành tật bệnh.
  3. Rô-ma 14:23chép: “…điều gì không bởi đức tin là tội lỗi.” Có nghĩa là, trong tất cả các hoạt động của chúng ta bất cứ hoạt động nào, từ một ước muốn, một lời nói cho đến một việc làm, nếu không bởi đức tin, rằng đó là điều đẹp ý Chúa, mà chúng ta vẫn làm thì ước muốn đó, lời nói đó, việc làm đó của chúng ta là tội lỗi.

Khi Phi-e-rơ tin lời Chúa, bước ra khỏi thuyền để đi trên mặt nước thì phép lạ xảy ra, ông có thể đi trên mặt biển đang cuộn sóng như Chúa. Nhưng khi Phi-e-rơ mất đức tin, vì ông nhìn vào sự cuồng nộ của sóng biển thay vì nhìn vào Chúa, thì ông bị chìm xuống nước (Ma-thi-ơ 14:24-32). Cùng là một Phi-e-rơ, cùng là một hành động làm theo lời Chúa phán, nhưng Phi-e-rơ có thể bước đi trên mặt nước như Chúa khi ông có đức tin và Phi-e-rơ bị chìm xuống nước khi ông không còn đức tin.

Đức Tin Thực Dụng Dẫn Đến Phép Lạ

Hê-bơ-rơ 11:6 chép: “Vả, không có đức tin, thì chẳng hề có thể nào ở cho đẹp ý Ngài; vì kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài.” Vì thế, đức tin bắt đầu vào sự tin rằng có Đức Chúa Trời. Đức tin đó do chính Đức Chúa Trời đặt vào trong tâm thần của mỗi người. Rô-ma 1:19-20 chép: “Bởi vì sự hiểu biết về Đức Chúa Trời được chiếu ra trong họ. Vì Đức Chúa Trời đã tỏ ra cho họ những sự không thấy được của Ngài, từ sự sáng tạo thế gian là những vật thọ tạo được nhận biết, mà thấy rõ ràng cả năng lực và thần tính đời đời của Ngài…”Một người khi đã tin vào sự thực hữu của Đức Chúa Trời thì phải áp dụng đức tin đó vào trong cuộc sống của mình. Sự áp dụng đó thể hiện qua sự thờ phượng Thiên Chúa.

Khi chúng ta đã tin có Thiên Chúa và thờ phượng Ngài rồi, thì chính Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta sự hiểu biết ý muốn của Ngài, để chúng ta có thể làm theo. Phi-líp 2:13 chép: “Vì ấy chính Thiên Chúa cảm động lòng anh em vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài.” Khi đó, chúng ta cần thể hiện đức tin của chúng ta vào ý muốn tốt lành của Thiên Chúa, bằng cách chúng ta hoàn toàn vâng phục mọi lời phán của Chúa, như đã được ghi chép trong Thánh Kinh.

Khi chúng ta hoàn toàn sống trong sự vâng phục Lời Chúa thì phép lạ sẽ xảy ra mỗi ngày trong đời sống của chúng ta. Phép lạ trong đời sống của chúng ta là kết quả của sự chúng ta áp dụng đức tin vào cuộc sống, cho nên, phép lạ chỉ xảy ra sau khi chúng ta làm theo ý Chúa, tức là, biến đức tin thành hành động thực tế.

Câu chuyện Đức Chúa Jesus Christ hóa nước dùng để rửa chân thành rượu ngon tại một tiệc cưới ở thành Ca-na, như được ghi chép trong Giăng 2:1-10 [1], cho chúng ta những bài học sau đây:

  1. Khi chúng ta mời Chúa vào trong đời sống của chúng ta, Ngài sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi nan đề, mọi nghịch cảnh mà có khi chính chúng ta cũng không ý thức. Mời Chúa vào trong đời sống tức là tin nhận Chúa.
  2. Khi nhận biết nhu cầu của người khác, chúng ta cần cầu thay. Cầu xin Chúa cho chính mình hoặc cầu thay cho người khác khi có nhu cầu hoặc nan đề, là tin nhận thẩm quyền, sức toàn năng, và tình yêu của Chúa.
  3. Chúa sẽ can thiệp, cứu giúp chúng ta trong đúng thời điểm của Ngài. Thời gian chờ đợi Chúa hành động cũng là một yếu tố phải có trong đức tin.
  4. Tin nơi lời hứa của Chúa và làm theo mọi điều Chúa phán, đồng thời khuyên người khác cũng làm theo những điều Chúa phán. Sự vâng phục, làm theo mọi điều Chúa phán là bằng cớ của đức tin. Không những chúng ta tin và làm theo Lời Chúa mà chúng ta còn phải khuyên người khác, nhất là những người có liên quan đến vấn đề, cũng phải tin và làm theo mọi điều Chúa phán.
  5. Làm đúng theo sự phán dạy của Chúa mà không thắc mắc, không ngần ngại. Sự vâng phục trọn vẹn là im lặng làm đúng theo mọi điều Chúa phán, không thắc mắc, không “góp ý” với Chúa, không đòi hỏi Chúa phải làm theo cách mình muốn.
  6. Dù có những điều vượt ngoài hoặc nghịch lại sự hiểu biết và lý luận của xác thịt nhưng nếu đó là điều Chúa phán thì chúng ta cứ hết lòng vâng theo. Phép lạ luôn luôn là điều vượt quá hoặc nghịch lại mọi tri thức, mọi lý luận của loài người.
  7. Sự vâng phục Chúa của chúng ta sẽ đem lại phước hạnh cho nhiều người khác. Có thể nói, nguyên tắc không hề thay đổi của Đức Chúa Trời là Ngài ban phước cho chúng ta để chúng ta chia xẻ với người khác. Điều cơ bản nhất là: Chúng ta nhận phước trong sự được cứu rỗi để chúng ta đem người khác đến với sự cứu rỗi của Chúa. Trong ý nghĩa đó, chúng ta là muối của đất và sự sáng của thế gian (Ma-thi-ơ 5:13-14). Vì thế, chúng ta càng vâng phục Chúa bao nhiêu và khuyên dạy người khác vâng phục Chúa bao nhiêu, thì xã hội sẽ càng được tốt đẹp hơn, phước hạnh hơn bấy nhiêu.

Sự Thiếu Đức Tin vào Lời Chúa

Như đã trình bày ở trên, chúng ta cần phải áp dụng những gì chúng ta tin nơi Thiên Chúa và Lời Chúa vào trong nếp sống mỗi ngày, vì nếu không, chúng ta vẫn chỉ là tội nhân ở trong địa vị hư mất đời đời. Tuy nhiên, nhiều người chỉ tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ mà không tin vào những sự dạy dỗ khác trong Thánh Kinh. Họ tìm cầu sự cứu rỗi và họ đã được Chúa ban sự cứu rỗi cho họ để họ thoát khỏi trách nhiệm về tội lỗi và có năng lực từ nơi Chúa để sống theo Lời Chúa. Họ được xưng là con dân Chúa, được báp-tem vào trong thân thể của Đức Chúa Jesus Christ là Hội Thánh. Thế nhưng, họ hoặc thiếu sự hiểu biết Lời Chúa vì lười biếng học Lời Chúa hoặc họ cứng lòng, có sự hiểu biết Lời Chúa mà không muốn làm theo. Biết mà không làm theo thì cũng chỉ là một hình thức của sự không tin, mà thôi! Họ:

  • Không tin rằng trong Đấng Christ họ có thể thắng mọi cám dỗ và tội lỗi (Phi-líp 4:13); vì thế, họ cứ sống trong tội.
  • Không tin rằng chỉ cần tìm kiếm Vương Quốc của Đức Chúa Trời (ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ) và sự công bình của Ngài (làm theo Lời Chúa) thì Ngài sẽ ban cho họ mọi nhu cầu trong cuộc sống (Ma-thi-ơ 6:33); vì thế, họ vẫn cứ “cơm áo mệt chạy theo ngày hối hả” như những người trong thế gian mà bỏ qua sự hầu việc Chúa.
  • Không tin rằng “sự tham tiền bạc là cội rễ mọi điều ác” (II Ti-mô-thê 6:10); vì thế, họ cứ đeo đuổi tiền bạc mà bội Đạo và chuốc lấy nhiều sự đau đớn.
  • Không tin rằng “Đức Chúa Trời có phán rằng: Ta sẽ không lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu” (Hê-bơ-rơ 13:5); vì thế, họ tham tiền và không thỏa lòng với những gì Đức Chúa Trời đã ban cho họ.
  • Không tin rằng họ được kêu gọi để chịu khổ mà làm các việc lành Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho họ (I Phi-e-rơ 2:21; Ê-phê-sô 2:10), để họ được dự phần trong sự thương khó của Đức Chúa Jesus Christ (I Phi-e-rơ 4:13); vì thế, đức tin của họ chết khi họ đối diện với nghịch cảnh (Ma-thi-ơ 13:20-21).
  • Không tin rằng họ phải vâng giữ Mười Điều Răn của Thiên Chúa, mặc dù Lời Chúa đã khẳng định là mọi người phải vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa:

I Cô-rinh-tô 7:19 “Chịu cắt bì chẳng hề gì, không chịu cắt bì cũng chẳng hề gì; sự quan hệ là giữ các điều răn của Thiên Chúa.”

I Ti-mô-thê 6:14“Phải giữ điều răn, ở cho không vết tích và không chỗ trách được, cho đến kỳ sự hiện ra của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta.”

Gia-cơ 2:10 “Vì người nào giữ trọn luật pháp, mà phạm một điều răn, thì cũng đáng tội như đã phạm hết thảy.”

I Giăng 2:3 “Nầy tại sao chúng ta biết mình đã biết Ngài, ấy là tại chúng ta giữ các điều răn của Ngài.”

I Giăng 2:4 “Kẻ nào nói: Ta biết Ngài, mà không giữ các điều răn Ngài, là người nói dối, lẽ thật quyết không ở trong người.”

I Giăng 2:7 “Hỡi kẻ rất yêu dấu, ấy chẳng phải là điều răn mới mà ta viết cho anh em, bèn là điều răn cũ anh em đã nhận lấy từ lúc ban đầu; điều răn cũ nầy tức là lời anh em đã nghe.”

I Giăng 3:22 “Và chúng ta xin điều gì mặc dầu, thì nhận được đều ấy, bởi chúng ta vâng giữ các điều răn của Ngài và làm những điều đẹp ý Ngài.”

I Giăng 3:24 “Ai vâng giữ các điều răn Ngài thì ở trong Ngài, và Ngài ở trong người ấy; chúng ta biết Ngài ở trong chúng ta, là nhờ Đấng Thần Linh mà Ngài đã ban cho chúng ta.”

I Giăng 5:2 “Chúng ta biết mình yêu con cái Đức Chúa Trời, khi chúng ta yêu Đức Chúa Trời và giữ vẹn các điều răn Ngài.”

I Giăng 5:3 “Vì nầy là sự yêu Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng giữ các điều răn của Ngài. Các điều răn của Ngài chẳng phải là nặng nề.”

II Giăng câu 4 “Tôi có lòng vui mừng lắm mà thấy trong con cái bà có mấy kẻ làm theo lẽ thật, theo điều răn chúng ta đã nhận lãnh nơi Đức Chúa Cha.”

II Giăng câu 6 “Vả, tình yêu là chúng ta bước theo các điều răn của Ngài. Đây là điều răn: điều mà các ngươi đã nghe từ lúc ban đầu, các ngươi hãy bước theo.”

Khải Huyền 12:17 “Con rồng nổi giận với người đàn bà và đi gây chiến với những kẻ còn lại thuộc dòng dõi người, là những kẻ vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và có lời chứng của Đức Chúa Jesus Christ. Nó đứng trên bãi cát biển.”

Khải Huyền 14:12 “Đây là sự nhẫn nại của các thánh đồ, là những người vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và đức tin trong Đức Chúa Jesus.”

Sáu điểm nêu ra trên đây chỉ là một vài điển hình về sự bội Đạo trong Hội Thánh. “Đạo” là “Lời Chúa.” Bội Đạo là chối bỏ hoặc chống nghịch Lời Chúa. Trong những ngày cuối cùng này,“người ta không chịu nghe Đạo lành; nhưng vì họ ham nghe những lời êm tai, theo tư dục mà nhóm họp các giáo sư xung quanh mình, bịt tai không nghe lẽ thật, mà xây hướng về chuyện huyễn” (II Ti-mô-thê 4:3-4).

Kết Luận

Đức tin của chúng ta phải được thể hiện bằng việc làm và mỗi việc làm của chúng ta phải là kết quả của đức tin. Đức tin không có việc làm là đức tin chết và việc làm không bởi đức tin là tội lỗi! Trong nếp sống của người theo Chúa chúng ta không thể tin Chúa mà không làm theo Lời Chúa như đã được ghi chép trong Thánh Kinh; và chúng ta cũng không thể làm một điều gì mà chúng ta không tin rằng điều đó đúng với các nguyên tắc của Thánh Kinh.

Việc làm bởi đức tin phải là sự vâng phục trọn vẹn. Thánh Kinh Cựu Ước khi nói về việc Môi-se vâng theo Lời Chúa, đã rất nhiều lần sử dụng câu: “y như lời Đức Giê-hô-va đã phán dặn.” Điệp khúc đó, cùng với câu nói của bà Ma-ri: “Ngài bảo chi, hãy vâng theo cả” là nguyên tắc mà mỗi một con dân Chúa phải vâng theo.

Ngày nay, các tư tưởng thần học và các giáo lý nghịch Thánh Kinh đã thêm hoặc bớt Lời Chúa hoặc pha trộn Lời Chúa với tâm lý học, với các trào lưu văn hóa, với các tín ngưỡng của ngoại giáo, và thậm chí với những điều mê tín dị đoan khiến cho người nào không bám chặt vào Lời Chúa sẽ bị lừa gạt, sa vào hố sâu của sự diệt vong. Ô-sê 4:6 chép: “Dân Ta bị diệt vì cớ thiếu sự thông biết!”

Vì thế, con dân Chúa có bổn phận phải theo gương các thánh đồ tại thành Bê-rê, mỗi ngày tra xem Thánh Kinh để xem tất cả những sự giảng dạy mà mình nhận được có đúng với Lời Chúa hay không (Công Vụ Các Sứ Đồ 17:11). Nếu lời giảng dạy nào không đúng với Thánh Kinh, thì chúng ta phải cương quyết dẹp bỏ và phải tránh xa những kẻ giảng tà giáo. Có như vậy, chúng ta mới có thể áp dụng đức tin một cách thực tế vào trong cuộc sống mỗi ngày và luôn luôn kinh nghiệm phép lạ của Thiên Chúa. Vì hôm qua, ngày nay, và cho đến đời đời Thiên Chúa không hề thay đổi. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
15.09.2012

Ghi Chú

Tất cả những câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là từ Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời và Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống Hiệu Đính 2012. Quý bạn có thể đọc trên mạng:
www.ngoiloi.thanhkinhvietngu.netwww.tt2012.thanhkinhvietngu.net.

[1] Giăng 2:1-10

1 Cách ba ngày sau, có đám cưới tại thành Ca-na, thuộc xứ Ga-li-lê, và mẹ Đức Chúa Jesus có tại đó.
2 Đức Chúa Jesus và các môn đồ của Ngài cũng được mời dự đám cưới.
3 Vừa khi thiếu rượu, mẹ Đức Chúa Jesus nói với Ngài rằng: Họ không có rượu nữa.
4 Đức Chúa Jesus phán với bà: Hỡi bà, có liên quan gì đến Ta và đến bà? Giờ Ta chưa đến.
5 Mẹ Ngài nói với những kẻ hầu bàn, rằng: Ngài bảo chi, hãy vâng theo cả.
6 Tại đó, có sáu cái lu chứa nước bằng đá, được dùng cho sự thanh tẩy của người Giu-đa, mỗi cái chứa hai ba giạ nước.
7 Đức Chúa Jesus bảo họ rằng: Hãy đổ nước đầy tới miệng những cái lu nầy – thì họ đổ đầy tới miệng.
8 Ngài phán với họ: Bây giờ, hãy múc và đem cho kẻ coi tiệc – họ bèn đem cho.
9 Lúc kẻ coi tiệc nếm, thì nước đã biến thành rượu, và người không biết từ đâu, (còn những kẻ hầu bàn có múc nước thì biết rõ,) bèn gọi chàng rể,
10 mà nói rằng: Mọi người đều đãi rượu ngon trước, sau khi người ta uống nhiều rồi, thì kế đến rượu vừa vừa. Còn ngươi, ngươi lại giữ rượu ngon đến bây giờ.


Copyright Notice: All Rights Reserved © 2012 Vietnamese Christian Mission Ministry.
Thông Báo Tác Quyền: Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức nhưng xin giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.

 

Bấm vào đây để đọc tiếp →

7,572 views

Bàn Thờ Thiên Chúa

Huỳnh Christian Timothy

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết này:
http://www.mediafire.com/view/?1giss3g5mpm04e5

Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống MP3 bài giảng này:
http://timhieutinlanh.net/node/1003

Dẫn Nhập

Bàn thờ là một cấu trúc, trên đó, người ta dâng của tế lễ lên thần linh, linh hồn của người đã chết, hoặc sự thiêng liêng của một đất nước như bàn thờ tổ quốc. Danh từ bàn thờ được dùng trong Thánh Kinh, trong tiếng Hê-bơ-rơ (Hebrew) là “mizbêach,” H4196, ra từ một động từ gốc, có nghĩa là “giết thịt thú vật,” trong tiếng Hy-lạp (Greek) là “thusiastērion,” G2379, có nghĩa là “chỗ để dâng sinh tế.” Cả hai ngôn ngữ đều hàm ý là sinh mạng (máu) và xác thịt của con vật bị giết được đặt trên bàn thờ làm của tế lễ. Tuy nhiên, cũng có khi bàn thờ chỉ được dùng để dâng bánh, bột, trái cây, dầu, rượu, và hương. Trong một số trường hợp, bàn thờ chỉ được lập nên để làm kỹ niệm mà không có một của lễ nào được dâng hiến.

Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về các loại bàn thờ có liên quan đến sự thờ phượng Thiên Chúa như đã được ghi chép trong Thánh Kinh.

Những Người Lập Bàn Thờ

Hành động thờ phượng Thiên Chúa qua sự dâng hiến của lễ xảy ra rất sớm, ngay từ những ngày đầu tiên trong lịch sử của loài người. Sáng Thế Ký 4 ghi lại sự dâng tế lễ của Ca-in và A-bên. Tuy nhiên, Thánh Kinh không ghi lại sự kiện Ca-in và A-bên lập bàn thờ. Hơn một ngàn năm sau, sau cơn nước lụt, Nô-ê là người đầu tiên lập một bàn thờ để dâng của lễ thiêu lên Thiên Chúa (Sáng Thế Ký 8:20). Thánh Kinh không ghi rõ là Nô-ê dùng loại vật liệu gì để lập bàn thờ.

Hơn một ngàn năm sau Nô-ê, Áp-ram (về sau được Chúa đổi tên thành Áp-ra-ham), I-sác, con của Áp-ram, và Gia-cốp, con của I-sác, đều lập bàn thờ thờ Thiên Chúa. Lần đầu tiên, Áp-ram lập bàn thờ thờ Chúa tại Si-chem sau khi Chúa hiện ra với ông, hứa sẽ ban cho dòng dõi ông xứ Ca-na-an (Sáng Thế Ký 12:7). Si-chem cách Giê-ru-sa-lem khoảng 82 km về phía bắc. Sau đó, Áp-ram di chuyển đến Bê-tên và lập bàn thờ thứ hai, tại đó ông cầu khẩn danh Chúa (Sáng Thế Ký 12:7-8). Bê-tên cách Giê-ru-sa-lem khoảng 12 km về hướng bắc. Từ ngữ “cầu khẩn danh Chúa” có nghĩa là thờ phượng Chúa. Sau khi phân rẽ với Lót, Áp-ram lại di chuyển đến Hếp-rôn và lập một bàn thờ thờ Chúa tại đó (Sáng Thế Ký 13:18). Hếp-rôn cách Giê-ru-sa-lem khoảng 37km về phía nam. Trong ba lần Áp-ram lập bàn thờ, Thánh Kinh không nói rõ vật liệu ông dùng để lập bàn thờ, cũng không nói rõ ông có dâng lễ vật gì hay không. Sáng Thế Ký 15 ghi lại sự kiện Áp-ram dâng sinh tế theo lời Chúa dạy nhưng không ghi là ông có lập bàn thờ. Lần thứ tư Thánh Kinh ghi lại việc lập bàn thờ của Áp-ram là khi ông vâng lời Chúa dạy, dâng I-sác, con trai mà Chúa hứa ban cho ông, làm của lễ thiêu (Sáng Thế Ký 22:9). Lần này, Thánh Kinh cũng không cho biết vật liệu được Áp-ram dùng để lập bàn thờ.

Sau khi Áp-ra-ham qua đời ít lâu, I-sác di chuyển đến Bê-e Sê-ba. Trong đêm đầu tiên tại Bê-e Sê-ba, Thiên Chúa hiện ra, ban lời hứa cho I-sác. I-sác lập bàn thờ, cầu khẩn danh Chúa và đóng trại tại đó (Sáng Thế Ký 26:23-25). Thánh Kinh không ghi I-sác có dâng lễ vật hay không, cũng không ghi loại vật liệu được I-sác dùng để lập bàn thờ. Bê-e Sê-ba cách Giê-ru-sa-lem khoảng 74km về phía nam.

Con trai thứ của I-sác là Gia-cốp, (sau được Chúa đổi tên thành I-sơ-ra-ên), sau khi lưu lạc tha hương hơn 14 năm, lập gia đình, tạo tài sản, thì quay về lại Si-chem thuộc xứ Ca-na-an, đã lập một bàn thờ, đặt tên là “En-ên-ô-hê I-sơ-ra-ên, có nghĩa là “Thiên Chúa là Chúa của I-sơ-ra-ên” (Sáng Thế Ký 33:20). Sau đó, Thiên Chúa phán truyền cho ông trở về Bê-tên và lập một bàn thờ cho Thiên Chúa tại đó. Gia-cốp vâng lời Chúa, về lại Bê-tên và lập bàn thờ, đặt tên cho nơi đó là Ên-bê-tên, có nghĩa là “Thiên Chúa của Bê-tên” (Sáng Thế Ký 35:7). Thánh Kinh không ghi việc dâng tế lễ của Gia-cốp khi ông lập bàn thờ và cũng không nói đến vật liệu được dùng để lập bàn thờ.

Khoảng 400 năm sau, vào năm 1446 TCN, Môi-se được Thiên Chúa kêu gọi làm lãnh tụ giải phóng dân I-sơ-ra-ên ra khỏi thân phận nô lệ tại xứ Ai-cập. Vừa ra khỏi Ai-cập được hai tháng, dân I-sơ-ra-ên đã phải chiến trận một cách khốc liệt với dân A-ma-léc và được thắng trận. Để tuyên xưng sự bảo vệ của Thiên Chúa đối với dân I-sơ-ra-ên, Môi-se đã lập một bàn thờ, đặt tên là “Đức Giê-hô-va là cờ xí của tôi” (Xuất Ê-díp-tô Ký 17:15). Thánh Kinh không nói đến việc Môi-se có dâng của lễ trên bàn thờ đó hay không, và cũng không nói đến loại vật liệu được dùng để lập bàn thờ. Tháng kế tiếp, dân I-sơ-ra-ên đi đến đồng vắng Si-na-i và được nghe Thiên Chúa phán truyền các điều răn tại chân núi Si-na-i, thì Môi-se lập một bàn thờ dâng của lễ thiêu và của lễ cảm tạ lên Thiên Chúa (Xuất Ê-díp-tô Ký 24:4). Dù Thánh Kinh không nói rõ Môi-se đã dùng loại vật liệu nào để lập bàn thờ, nhưng dựa vào chỉ thị của Thiên Chúa đã ban cho Môi-se trước đó về việc lập bàn thờ, chúng ta biết vật liệu dùng để lập bàn thờ là đất hoặc đá chưa qua sự đẽo, gọt:

Ngươi hãy lập cho Ta một bàn thờ bằng đất, trên đó phải dâng của lễ thiêu, cùng của lễ thù ân của ngươi, hoặc chiên hay bò. Phàm nơi nào có ghi nhớ danh Ta, Ta sẽ đến và ban phước cho ngươi tại đó. Nếu ngươi lập cho Ta một bàn thờ bằng đá, chớ dùng đá chạm, vì nếu ngươi dùng đồ để chạm thì sẽ làm đá đó ra ô uế”(Xuất Ê-díp-tô Ký 20:24-25).

Bàn thờ bằng đất có thể là đất được vun cao lại một chỗ, thành khối hoặc là dùng đất đã nung thành gạch để xếp thành. Dân I-sơ-ra-ên giỏi về nghề làm gạch. Bàn thờ bằng đá có thể là một khối đá nguyên hoặc do sự xếp nhiều khối đá nguyên lên nhau mà thành. Sự kiện Thiên Chúa không cho phép dùng đá đã qua sự đẽo, gọt là để tránh cho dân I-sơ-ra-ên chạm, khắc các hình tượng để trang trí cho bàn thờ, theo thói quen của dân ngoại giáo làm cho bàn thờ tà thần của họ.

Khi dân I-sơ-ra-ên đến đồng bằng Mô-áp, đối diện với thành Giê-ri-cô, chuẩn bị tiến vào đất hứa Ca-na-an, thì Ba-lác là vua của dân Mô-áp, kinh sợ dân I-sơ-ra-ên. Ba-lác bèn thuê Ba-la-am là một người có ơn tiên tri, đến rủa sả dân I-sơ-ra-ên. Ba-la-am ba lần trong ba nơi, yêu cầu Ba-lác lập bảy bàn thờ để ông dâng sinh tế lên Thiên Chúa, tìm cầu ý Ngài (Dân Số Ký 23:1, 14, 29). Thánh Kinh không ghi rõ Ba-lác cho lập các bàn thờ bằng loại vật liệu gì.

Trước khi dân I-sơ-ra-ên vượt sông Giô-đanh, tiến vào đất hứa, Môi-se truyền cho họ rằng, sau khi vào đất hứa thì họ phải lập một bàn thờ bằng đá nguyên khối, để dâng sinh tế lên Đức Giê-hô-va (Phục Truyền Luật Lệ Ký 27:4-6). Giô-suê là người thi hành lời truyền đó của Môi-se, lập một bàn thờ bằng đá nguyên khối trên núi Ê-banh, dâng trên bàn thờ của lễ thiêu và của lễ cảm tạ cho Đức Giê-hô-va (Giô-suê 8:30-31).

Sau khi dân I-sơ-ra-ên tiến chiếm xứ Ca-na-an và các chi phái được phân chia đất, thì chi phái Ru-bên, chi phái Gát, và phân nửa chi phái Ma-na-se ở lại phía tây sông Giô-đanh, bên ngoài xứ Ca-na-an, và hiệp nhau lập một bàn thờ rất cao lớn tại bờ sông Giô-đanh. Sự kiện này khiến cho các chi phái còn lại của dân I-sơ-ra-ên tưởng rằng các chi phái ấy phản loạn, thờ lạy tà thần, nên kéo quân hỏi tội. Tuy nhiên, các chi phái lập bàn thờ giải thích rằng, không phải họ lập bàn thờ để thờ tà thần, cũng không phải để dâng các của lễ thiêu hoặc các sinh tế cho Đức Giê-hô-va, nhưng để cho con cháu của họ nhớ đến Đức Giê-hô-va. Các chi phái còn lại của I-sơ-ra-ên chấp nhận lời giải thích và lui binh. Chi phái Ru-bên và chi phái Gát đặt tên cho bàn thờ là “Ết,” có nghĩa là “chứng cớ” (Giô-suê 22). Thánh Kinh không nói bàn thờ Ết được xây dựng bằng loại vật liệu gì, nhưng có lẽ bàn thờ ấy được thiết lập bằng các khối đá, tương tự như bàn thờ trên núi Ê-banh, ở bên kia sông Giô-đanh, do Giô-suê cho dựng nên.

Trong thời các quan xét, Ghê-đê-ôn được Thiên Chúa sai làm quan xét, giải cứu dân I-sơ-ra-ên ra khỏi sự bách hại của dân Ma-đi-an. Nhìn thấy phép lạ do thiên sứ của Đức Giê-hô-va làm ra, Ghê-đê-ôn đã run sợ và lập một bàn thờ cho Đức Giê-hô-va, đặt tên là “Đức Giê-hô-va Sa-lam,” có nghĩa là “Đức Giê-hô-va bình an” (Các Quan Xét 6:24). Trong cùng một đêm đó, Thiên Chúa phán bảo Ghê-đê-ôn lập bàn thờ cho Ngài trên một chóp đá và dâng của lễ thiêu trên đó (Các Quan Xét 6:25). Rất có thể, bàn thờ lập trên chót đá là trên hòn đá mà lúc ban ngày Ghê-đê-ôn đã dọn thức ăn mời thiên sứ của Đức Giê-hô-va, nhưng thiên sứ đã chạm đầu gậy cầm nơi tay vào thức ăn, và lửa đã từ hòn đá bốc lên thiêu hóa thức ăn (Các Quan Xét 6:19-21). Và như vậy, bàn thờ này khác với bàn thờ mà Ghê-đê-ôn đã lập lúc ban ngày, đặt tên là “Đức Giê-hô-va Sa-lam.”

Từ nay trở về sau, mỗi khi Thánh Kinh không cho biết bàn thờ được xây dựng bằng loại vật liệu gì thì chúng ta có thể suy đoán là, chỉ có thể bằng đất hoặc đá nguyên khối, vì dân I-sơ-ra-ên đã biết lệnh truyền của Thiên Chúa về nguyên liệu lập bàn thờ.

Các Quan Xét đoạn 13 ghi lại câu chuyện, cha của Sam-sôn là Ma-nô-a được thiên sứ của Đức Giê-hô-va báo tin về việc ra đời của Sam-sôn. Ma-nô-a đã dâng của lễ thiêu cho Đức Giê-hô-va trên một hòn đá, và Thánh Kinh gọi hòn đá đó là bàn thờ.

Tiên tri Sa-mu-ên có lập một bàn thờ cho Đức Giê-hô-va tại Ra-ma, nơi ông trú ngụ (I Sa-mu-ên 7:17). Ra-ma cách Giê-ru-sa-lem khoảng 12 km về phía bắc.

Vua Sau-lơ sau khi thắng dân Phi-li-tin một trận oanh liệt cũng lập một bàn thờ cho Đức Giê-hô-va (I Sa-mu-ên 14:35).

Dân I-sơ-ra-ên, sau khi gần như diệt chủng chi phái Bên-gia-min, đã lập một bàn thờ tại Bê-tên (Các Quan Xét 21:4).

Vua Đa-vít lập một bàn thờ, dâng của lễ thiêu và của lễ bình an cho Đức Giê-hô-va tại sân đạp lúa của A-rau-na để cầu xin Thiên Chúa ngưng giáng tai họa dịch hạch trên dân I-sơ-ra-ên (II Sa-mu-ên 18, 25).

Tiên Tri Ê-li dùng 12 hòn đá, tiêu biểu cho 12 chi phái của I-sơ-ra-ên, dựng nên một bàn thờ để dâng của lễ thiêu lên Đức Giê-hô-va (I Các Vua 18:31-32).

Các Loại Bàn Thờ

Như trên đã nói, trong Xuất Ê-díp-tô Ký 20:24-25 ghi lại lệnh truyền của Thiên Chúa rằng, vật liệu dùng để lập bàn thờ phải là đất hoặc đá nguyên khối, không được đẽo, gọt. Điều đó áp dụng cho các bàn thờ lộ thiên, đứng một mình. Riêng bàn thờ ở trong đền tạm (còn gọi là lều tạm) trong hành trình về đất hứa, trong thời các quan xét, thời Vua Sau-lơ, và thời Vua Đa-vít cũng như bàn thờ trong đền thờ tại Giê-ru-sa-lem từ thời Vua sa-lô-môn, thì có những chỉ thị khác về cấu trúc và vật liệu. Trong đền tạm và đền thờ có bàn thờ dâng của lễ thiêu và bàn thờ dâng hương.

  1. Bàn Thờ Dâng Của Lễ Thiêu

Hình minh họa bàn thờ dâng của lễ thiêu đóng bằng gỗ cây si-tim, bọc đồng pha,
như được mô tả trong Xuất Ê-díp-tô Ký 27:1-8 [1]

Bàn thờ dâng của lễ thiêu được đóng bằng gỗ cây si-tim, tiếng Việt gọi là cây “keo,” bọc đồng pha và còn được gọi là:

  • “Bàn thờ đồng pha” (Xuất Ê-díp-tô Ký 39:39; I Các Vua 8:64).
  • “Bàn thờ của Thiên Chúa” (Thi Thiên 43:4)
  • “Bàn thờ của Chúa” (Ma-la-chi 2:13)

Bàn thờ dâng của lễ thiêu được đặt tại trước cửa đền tạm (Xuất Ê-díp-tô Ký 40:6, 29; Ê-xê-chi-ên 8:16). Bàn thờ dâng của lễ thiêu được thánh hóa bằng cách dâng sinh tế làm lễ chuộc tội cho bàn thờ và xức dầu cho bàn thờ trong suốt bảy ngày, mỗi ngày dâng một con bò đực. Sau khi được thánh hóa thì bàn thờ dâng của lễ thiêu trở nên cực thánh, vật chi chạm vào bàn thờ cũng sẽ trở nên thánh (Xuất Ê-díp-tô Ký 29:36-37). Cách thức thánh hóa bàn thờ dâng của lễ thiêu trong thời Vương Quốc Ngàn Năm được ghi trước trong Ê-xê-chi-ên 43:18-17.

Cách thức đóng bàn thờ dâng của lễ thiêu lần đầu tiên được Thiên Chúa phán truyền cho Môi-se như sau:

Xuất Ê-díp-tô Ký 27:

1 Ngươi cũng hãy đóng một bàn thờ bằng cây si-tim, hình vuông, năm thước bề dài, năm thước bề ngang, và bề cao ba thước [2].
2 Nơi bốn góc bàn thờ hãy làm sừng, các sừng của nó giống nhau. Ngươi hãy bọc nó bằng đồng.
3 Những đồ phụ tùng của bàn thờ thì hãy làm bằng đồng: bình đựng tro, vá, ảng, nỉa và bình hương.
4 Lại làm cho bàn thờ một tấm rá bằng lưới đồng; và nơi bốn góc rá làm bốn cái khoen bằng đồng;
5 rồi để rá đó dưới thành bàn thờ, từ dưới chân lên đến nửa bề cao.
6 Cũng hãy chuốt đòn khiêng bàn thờ bằng cây si-tim, bọc đồng,
7 rồi xỏ vào những khoen; khi khiêng đi, đòn sẽ ở hai bên bàn thờ.
8 Bàn thờ sẽ đóng bằng ván, trống bộng, làm y như đã chỉ cho ngươi trên núi vậy.

Chúng ta cần ghi nhớ điều này, chữ “đồng” được dùng trong Bản Dịch Truyền Thống của Thánh Kinh Việt ngữ, trong các phân đoạn nói về bàn thờ, lẽ ra phải là “đồng pha,” vì từ ngữ gốc trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ là “nechôsheth,” H5178, được dùng để chỉ chất hợp kim đồng pha kẽm.

Kích thước của bàn thờ dâng của lễ thiêu trong đền thờ do Vua Sa-lô-môn xây dựng vào năm 832 TCN – 825 TCN, lớn hơn kích thước của bàn thờ dâng của lễ thiêu trong đền tạm do Môi-se xây dựng.

Người lại làm một cái bàn thờ đồng, bề dài hai mươi thước, bề ngang hai mươi thước và bề cao mười thước [2](II Sử Ký 4:1).

Trong I Sử Ký 28:11-19 cho biết Vua Đa-vít đã truyền lại cho Vua Sa-lô-môn các kiểu mẫu về việc xây cất đền thờ, là những kiểu mẫu mà Vua Đa-vít “đã nhờ Đức Thánh Linh cảm động mà được”“nhờ tay của Đức Giê-hô-va chép ra” khiến cho ông hiểu biết. Trong lễ khánh thành đền thờ, “sự vinh quang của Đức Giê-hô-va đầy dẫy trong đền thờ,” cho thấy, Đức Giê-hô-va chấp nhận đền thờ do Vua Sa-lô-môn xây dựng. Nói cách khác, những chi tiết diễn tả về đền thờ trong II Sử Ký 3-4, kể cả việc làm tượng chê-ru-bin và tượng bò, đều là chỉ thị của Thiên Chúa.

Trong khải tượng của Tiên Tri Ê-xê-chi-ên, bàn thờ dâng của lễ thiêu lại có kích thước như sau:

Ê-xê-chi-ên 43:

13 Nầy là mực thước của bàn thờ, bằng cu-đê mà mỗi cu-đê dài hơn cu-đê thường một gang tay. Cái nền cao một cu-đê, và rộng một cu-đê, cái lợi vòng quanh theo nó cao một gang; đó là cái đế bàn thờ [4].
14 Từ cái nền ngang mặt đất cho đến cái khuôn dưới, có hai cu-đê, với cái lợi một cu-đê. Từ khuôn nhỏ cho đến khuôn lớn là bốn cu-đê, với cái lợi một cu-đê.
15 Mặt bàn thờ có bốn cu-đê, và từ mặt bàn thờ mọc lên bốn cái sừng.
16 Mặt bàn thờ có mười hai cu-đê bề dài và mười hai cu-đê bề ngang, sẽ là vuông.
17 Khuôn giữa, hoặc bề dài hoặc bề ngang, bốn phía mỗi phía đều có mười bốn cu-đê; có một cái lợi chung quanh nửa cu-đê; và một cái nền một cu-đê, những cấp của nó sẽ xây về phía đông.
18 Người nói cùng ta rằng: Hỡi con người, Chúa Giê-hô-va phán như vầy: Nầy là các luật về bàn thờ, vừa ngày nó đã được xây xong đặng người ta có thể dâng của lễ thiêu và làm lễ rưới huyết trên đó.

Các nhà giải kinh đều đồng ýrằng, từ Ê-xê-chi-ên chương 40 cho đến Ê-xê-chi-ên chương 48 là những lời tiên tri về thời kỳ của Vương Quốc Ngàn Năm Bình An.

Khải tượng của Ê-xê-chi-ên, như trích dẫn trên đây, là về kích thước của đền thờ sẽ được tái thiết trong thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm; và rất có thể khác với đền thờ dân I-sơ-ra-ên sẽ tái thiết trong một tương lai rất gần, trước kỳ đại nạn hoặc vào năm đầu của kỳ đại nạn, là đền thờ mà vào thời điểm giữa của bảy năm đại nạn, Anti-Christ sẽ vào ngồi trong đền thờ ấy, xưng mình là Thiên Chúa và buộc muôn dân trên đất phải thờ lạy hắn.

  1. Bàn Thờ Dâng Hương
     

Hình minh họa bàn thờ dâng hương đóng bằng gỗ cây si-tim, bọc vàng,
như được mô tả trong Xuất Ê-díp-tô Ký 27:1-8 [4]

Bàn thờ dâng hương cũng được đóng bằng gỗ của cây si-tim nhưng được bọc vàng và còn được gọi là:

  • “Bàn thờ vàng” (Xuất Ê-díp-tô Ký 39:38; Dân Số Ký 4:11).
  • “Bàn thờ xông hương” (Lê-vi Ký 4:7).
  • “Bàn thờ trước Thiên Chúa” (Lê-vi Ký 16:18).

Bàn thờ dâng hương được đặt tại trong nơi thánh của đền tạm hoặc đền thờ, trước bức màn che Rương Bảng Chứng, đối diện với Nắp Thi Ân (Xuất Ê-díp-tô Ký 30:6; 40:5, 26). Cách thức đóng bàn thờ dâng hương được Thiên Chúa phán truyền cho Môi-se như sau:

Xuất Ê-díp-tô Ký 30:

1 Ngươi cũng hãy đóng một cái bàn thờ bằng cây si-tim, để xông hương.
2 Mặt bàn sẽ vuông, bề dài một thước, bề ngang một thước, và bề cao hai thước; bàn thờ sẽ có bốn sừng ló ra
[2].
3 Ngươi hãy bọc vàng ròng trên mặt, bốn cạnh chung quanh và các sừng; còn tứ vi chạy đường viền vàng.
4 Dưới đường viền đó, nơi hai bên, hãy làm hai cái khoen bằng vàng, để xỏ đòn dùng đặng khiêng.
5 Hãy chuốt đòn khiêng bằng cây si-tim, bọc vàng.
6 Ngươi sẽ để bàn thờ đó trước bức màn che hòm bảng chứng đối cùng nắp thi ân trên hòm, là nơi ta sẽ gặp ngươi.
7 Mỗi buổi sớm mai, khi A-rôn làm đèn, sẽ xông hương tại nơi đó.
8 Vào lúc chiều tối, khi A-rôn thắp đèn, cũng sẽ xông hương: ấy là một thứ hương phải xông trước mặt Đức Giê-hô-va luôn luôn, trải qua các đời.
9 Trên bàn thờ nầy chớ xông hương lạ, hoặc dâng của lễ thiêu, của lễ chay hay là lễ quán nào hết.
10 Nhưng trải qua các đời, mỗi năm một lần, A-rôn sẽ lấy huyết của con sinh tế chuộc tôi, bôi trên sừng bàn thờ nầy đặng chuộc tội cho nó. Ấy sẽ là một việc rất thánh cho Đức Giê-hô-va.

Trong Ê-sai 6:6 nói đến một bàn thờ ở trên trời và Ê-xê-chi-ên 41:2 nói đến bàn thờ trong đền thờ mới của thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm, có lẽ đều là nói đến bàn thờ dâng hương. Trong Khải Huyền 8:3, 5 và 9:13 có đề cập đến bàn thờ dâng hương ở trên trời, và gọi là “bàn thờ vàng.” Rất có thể, bàn thờ được đề cập trong Khải Huyền 6:9; 11:1; 14:18; 16:7 đều là chỉ về bàn thờ dâng hương.

Ý Nghĩa Thần Học của Các Bàn Thờ

Theo như đã trình bày trên đây, chúng ta nhận thấy, bàn thờ là nơi để con dân Chúa thể hiện sự thờ phượng Chúa. Sự thờ phượng Thiên Chúa có thể là sự xưng nhận Thiên Chúa hoặc cảm tạ Thiên Chúa qua sự lập một bàn thờ mà không liên quan gì đến các lễ vật. Sự thờ phượng Thiên Chúa cũng được thể hiện bằng cách dâng các của lễ thiêu, các của lễ chay hoặc dâng hương trên bàn thờ.

Trước khi dân I-sơ-ra-ên xây dựng đền tạm, Chúa truyền cho con dân Chúa lập bàn thờ thờ phượng Chúa bằng đất hoặc đá nguyên khối, không đẽo gọt. Khi đã có đền thờ tạm thì Chúa truyền cho con dân Chúa thiết lập một bàn thờ dâng của lễ thiêu đóng bằng gỗ si-tim, bọc đồng pha và một bàn thờ dâng hương cũng đóng bằng gỗ si-tim nhưng bọc vàng ròng, để dùng vào sự thờ phượng Thiên Chúa trong đền tạm.

Qua đó chúng ta nhận thấy, bàn thờ bằng đất hay bằng đá có thể được lập nên để thờ phượng Thiên Chúa khắp nơi, nhưng trong đền thờ thì phải lập nên hai kiểu bàn thờ theo đúng kiểu, kích thước, và vật liệu mà Chúa đã chỉ định, cùng với sự phải thi hành đúng cách thức dâng của lễ trên bàn thờ, cũng do Chúa chỉ định.

Gần đây có một người anh em trong Chúa hỏi tôi về ý nghĩa của các bàn thờ. Thánh Kinh không nói về ý nghĩa của các bàn thờ. Vì thế, những ý nghĩa về bàn thờ ra từ sự suy ngẫm của người học Lời Chúa được gọi là các ý nghĩ thần học dựa trên Thánh Kinh, tức là các ý nghĩ nhận được khi suy nghiệm về Thiên Chúa và những điều thuộc về Thiên Chúa qua Lời Chúa. Nếu ý nghĩ thần học không nghịch lại với các lẽ thật đã được bày tỏ trong Thánh Kinh thì chúng ta có thể chấp nhận và áp dụng trong đức tin, thực hành trong nếp sống Đạo.

Tôi tra tìm nhiều tài liệu giải kinh và nhiều bộ từ điển về ý nghĩa của các bàn thờ nhưng không tìm thấy. Tôi chỉ biết cầu nguyện xin Chúa giúp tôi hiểu được ý nghĩa của các bàn thờ. Dưới đây là những ý nghĩ thần học mà tôi nhận biết được khi suy ngẫm về các bàn thờ Thiên Chúa.

1. Bàn thờ bằng đất: Thân thể xác thịt của loài người ra từ bụi đất (Sáng Thế Ký 2:7), vì thế, bàn thờ bằng đất tiêu biểu cho sự kiện: thân thể xác thịt của loài người do Thiên Chúa dựng nên để thờ phượng Ngài

2. Bàn thờ bằng đá:Đá được dùng làm nền tảng trong các công trình xây dựng, đức tin của một người vào Thiên Chúa là nền tảng cho cuộc sống và sự thờ phượng Thiên Chúa của người ấy, vì thế, bàn thờ bằng đá tiêu biểu cho sự thờ phượng Thiên Chúa được đặt trên đức tin của con dân Chúa.

Trong Tân Ước, Đức Chúa Jesus Christ gọi đức tin của Phi-e-rơ là “đá,” sau khi ông tuyên xưng: Chúa là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời hằng Sống! “Ngươi là Phi-e-rơ, Ta sẽ lập Hội Thánh Ta trên đá này, các cửa âm phủ chẳng thắng được hội đó” (Ma-thi-ơ 16:18). Trong ngụ ngôn xây nhà, Đức Chúa Jesus Christ ví những ai tin và làm theo lời phán dạy của Ngài cũng giống như một người khôn ngoan cất nhà mình trên nền đá, tức là xây dựng cuộc sống của mình trên đức tin vào Lời Chúa (Lu-ca 6:48).

Đá dùng làm bàn thờ không được đẽo, gọt, về mặt thực tế để tránh việc con dân Chúa bị cám dỗ chạm các hình tượng; về mặt thần học có nghĩa là đức tin của con dân Chúa phải thuần khiết dựa trên lẽ thật của Lời Chúa, không được theo ý riêng mà thêm vào hay bớt đi (“đẽo, gọt” hay “chạm trổ”) nội dung của Lời Chúa.

Bàn thờ bằng đất và bàn thờ bằng đá có thể được dựng nên bất cứ nơi nào có sự hiện diện của con dân Chúa. Bàn thờ bằng đất và bàn thờ bằng đá tiêu biểu cho con dân Chúa dùng mọi hoạt động của thân thể xác thịt và đức tin trong tâm thần mình mà thờ phượng Thiên Chúa.

Riêng trong đền tạm hoặc đền thờ thì có hai bàn thờ làm bằng gỗ si-tim, một bọc đồng pha được dùng để dâng các của lễ thiêu và một bọc vàng ròng để dâng hương. Si-tim là loại cây có nhựa thơm, chất sáp tiết ra từ thân cây được dùng làm hương liệu, vì thế, gỗ cây si-tim luôn tỏa ra hương thơm, tiêu biểu cho sự thánh sạch.

3. Bàn thờ bọc đồng pha: Đồng pha là đồng pha kẽm, (tiếng Anh gọi là brass), hoặc đồng pha thiết, (tiếng Anh gọi là bronze), vừa tiêu biểu cho sự bất khiết, vì không nguyên chất, tức tội lỗi, vừa tiêu biểu cho sự phán xét của Thiên Chúa trên tội lỗi, lại vừa tiêu biểu cho ơn cứu rỗi của Thiên Chúa.

Dân Số Ký 21 ghi lại câu chuyện về con rắn bằng đồng, như sau: Dân I-sơ-ra-ên phạm tội bị Chúa sai những con rắn lửa đến cắn, khiến nhiều người chết. Sau khi Môi-se cầu xin Chúa, Chúa phán bảo Môi-se phải làm hình tượng một con rắn lửa bằng đồng, treo lên một trụ hình, để người nào bị rắn lửa cắn, ngước nhìn lên tượng đồng của con rắn thì sẽ được cứu. Con rắn tiêu biểu cho Sa-tan, là kẻ đem sự chết đến cho loài người khi loài người chống nghịch Thiên Chúa. Chất đồng pha tiêu biểu cho tội lỗi. Con rắn bằng đồng bị treo trên trụ hình tiêu biểu cho Sa-tan bị Đức Chúa Trời rủa sả (Phục Truyền Luật Lệ Ký 21:23), bị Đức Chúa Jesus Christ đánh bại (Sáng Thế Ký 3:15), bị hình phạt (Khải Huyền 20:2, 20), và tội lỗi cũng bị hình phạt (Rô-ma 2:9; 6:23). Giăng 3:14-15 cho chúng ta biết: Con rắn bằng đồng còn tiêu biểu cho Đức Chúa Jesus Christ mang lấy thân phận của tội nhân để chịu hình phạt thay cho loài người. Vì tội lỗi đã bị hình phạt nên những ai tin nhận điều đó thì được thoát ra khỏi hậu quả của tội lỗi, là sự đau khổ và sự chết.

Phục Truyền Luật Lệ Ký 28:23 chép lại lời cảnh cáo của Môi-se truyền cho dân I-sơ-ra-ên, như sau: “Các từng trời ở trên đầu ngươi sẽ như đồng, và đất dưới chân ngươi sẽ như sắt.” “Các từng trời như đồng” tiêu biểu cho sự đoán phạt sẽ từ Thiên Chúa giáng xuống trên dân I-sơ-ra-ên, nếu họ phạm tội. “Đất dưới chân như sắt” tiêu biểu cho sự gông cùm, xiềng xích trong thân phận nô lệ tại những nơi Thiên Chúa lưu đày dân I-sơ-ra-ên, nếu họ phạm tội.

Khải Huyền 1:15 so sánh đôi chân của Đức Chúa Jesus Christ như đồng sáng đã luyện trong lò lửa. Ma-la-chi 4:3 chép: “Các ngươi sẽ giày đạp những kẻ ác, vì trong ngày Ta làm, chúng nó sẽ như là tro dưới bàn chơn các ngươi, Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy.” Vì thế, đôi chân như đồng tiêu biểu cho sức mạnh tiêu diệt, chà nát kẻ phạm tội mà không ăn năn.

Bàn thờ đóng bằng gỗ si-tim, bọc đồng pha tiêu biểu cho sự Thiên Chúa hình phạt tội lỗi một cách nghiêm khắc. Nguyên cớ của sự hình phạt nghiêm khắc là vì Ngài là Đấng Thánh, không thể chấp nhận tội lỗi.

Sự dâng sinh tế ngày hai lần vào buổi sớm mai và chiều tối (Xuất Ê-díp-tô Ký 29:38-39) tiêu biểu cho sự kiện con dân Chúa ngày hai lần phải dâng chính thân thể mình làm của lễ sống và thánh lên Thiên Chúa (Rô-ma 12:1). Đó là việc cần phải làm “luôn luôn, trải qua các đời” (Xuất Ê-díp-tô Ký 29:42).

4. Bàn thờ bọc vàng ròng: Vàng là một chất kim loại quý, tiêu biểu cho sự giàu sang, quyền thế, vinh hiển, đáng tôn, đáng quý. Thi Thiên 19:7-10 cho biết: Luật pháp, chứng cớ, giềng mối, điều răn, và các đoán ngữ của Đức Giê-hô-va quý hơn vàng ròng. Châm Ngôn 16:16 cho biết: Sự khôn ngoan quý hơn vàng ròng. Khải Huyền 1:13 dùng hình ảnh các chân đèn bằng vàng tiêu biểu cho các Hội Thánh địa phương. Khải Huyền 21:18, 21 cho biết trong trời mới đất mới, thành Giê-ru-sa-lem từ trời giáng xuống đất có tường thành xây bằng vàng ròng và đường đi trong thành được lót bằng vàng ròng.

Bàn thờ đóng bằng gỗ si-tim bọc vàng ròng tiêu biểu cho sự thờ phượng Thiên Chúa của những người đã được cứu chuộc, đứng trong địa vị thánh khiết và tôn quý mà thờ phượng Thiên Chúa. Gỗ si-tim tiêu biểu cho bản chất thánh khiết của thánh đồ. Vàng ròng bọc ngoài tiêu biểu cho sự vinh quang và tôn quý tuyệt đối mà Đấng Christ đã mặc cho mỗi thánh đồ.

Giăng 17:22 ghi lại lời của Đức Chúa Jesus Christ thưa cùng Đức Chúa Cha rằng, Ngài đã ban sự vinh quang mà Đức Chúa Cha ban cho Ngài, cho những kẻ thuộc về Ngài. Khải Huyền 1:6 cho biết Đức Chúa Jesus Christ đã lấy máu Ngài rửa sạch tội những kẻ thuộc về Ngài và ban cho họ địa vị vua và thầy tế lễ của Đức Chúa Trời. I Phi-e-rơ 2:9-10 gọi các thánh đồ của Chúa là: “dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh” là dân thuộc về Thiên Chúa.

Bàn thờ bọc vàng ròng chỉ được dùng để dâng hương. Khải Huyền 5:8 ví lời cầu nguyện của các thánh đồ là hương thơm dâng lên Thiên Chúa. Sự cầu nguyện, vì vậy, chính là sự tương giao, thông công giữa con dân Chúa và Thiên Chúa. Mỗi năm một lần, thầy tế lễ thượng phẩm bôi máu của con sinh bị giết làm tế lễ chuộc tội vào bốn sừng của bàn thờ dâng hương (Xuất Ê-díp-tô Ký 30:10). Điều đó tiêu biểu cho sự ghi nhớ rằng, địa vị tôn quý của các thánh đồ và đặc quyền được tương giao với Thiên Chúa của các thánh đồ được đặt trên nền tảng sự hy sinh chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ.

Sự xông hương ngày hai lần trên bàn thờ dâng hương vào buổi sớm mai và chiều tối (Xuất Ê-díp-tô Ký 30:7-8) tiêu biểu cho sự kiện: Ít nhất ngày hai lần, con dân Chúa phải biệt riêng thì giờ để tương giao với Chúa, để dâng lên Chúa lời tôn vinh, cảm tạ. Đó là việc cần phải làm “luôn luôn, trải qua các đời” (Xuất Ê-díp-tô Ký 30:8).

Hai bàn thờ bằng gỗ si-tim được bọc đồng pha và vàng ròng chỉ được lập ra trong đền tạm hoặc đền thờ. Đền tạm tiêu biểu cho nhà của Đức Chúa Trời là Hội Thánh trong thời Tân Ước. Đền thờ tiêu biểu cho vương quốc của Đức Chúa Trời trong thời Vương Quốc Ngàn Năm. Trong cõi trời mới đất mới thì không còn đền thờ nữa, vì Đức Chúa Trời và Chiên Con là đền thờ (Khải Huyền 21:22). Hai bàn thờ trong đền tạm và đền thờ tiêu biểu cho sự thờ phượng Chúa trong Hội Thánh và trong Vương Quốc Ngàn Năm. Sự thờ phượng đó dựa trên:

  • Sự chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, sự các thánh đồ dâng chính thân thể mình làm của lễ sống và thánh lên Chúa, thể hiện qua bàn thờ dâng sinh tế bọc đồng pha.
  • Sự thánh khiết của con dân Chúa trong địa vị tôn quý của thầy tế lễ, của nhà vua, trong sự hầu việc Chúa mỗi ngày trong cuộc sống, thể hiện qua bàn thờ dâng hương bọc vàng ròng..

Kết Luận

Ngày nay, là con dân Thiên Chúa chúng ta không lập bàn thờ Thiên Chúa, bởi vì:

  • Chính thân thể của chúng ta là bàn thờ dâng của lễ thiêu, làm bằng gỗ si-tim bọc đồng pha, mà của lễ dâng lên Thiên Chúa là sự làm chết các chi thể trên đất của chúng ta mỗi ngày (Cô-lô-se 3:5) và dâng các chi thể của chúng ta lên Đức Chúa Trời như là những đồ dùng về sự công bình (Rô-ma 6:13), làm ra những việc lành Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho chúng ta (Ê-phê-sô 2:10).
  • Chính tâm thần của chúng ta là bàn thờ dâng hương làm bằng gỗ si-tim bọc vàng ròng, mà lời tạ ơn, tôn vinh, và cầu xin của chúng ta là thức hương thơm dâng lên Chúa.

Trong thời Vương Quốc Ngàn Năm Bình An, đền thờ tại Giê-ru-sa-lem sẽ được tái lập như Tiên Tri Ê-xê-chi-ên đã được mạc khải. Khi đó, bàn thờ dâng của lễ thiêu, bàn thờ dâng hương, và mọi nghi thức thờ phượng Thiên Chúa như được ghi chép trong Cựu Ước sẽ được tái lập. Mục đích là để con dân Chúa trong mọi thời đại được học biết ý nghĩa sâu rộng của sự cứu rỗi và sự thờ phượng Thiên Chúa qua các lễ nghi do chính Ngài thiết lập.

Trong cõi trời mới đất mới, Đức Chúa Trời và Chiên Con, tức Đức Chúa Jesus Christ, sẽ là đền thờ và mỗi một công dân của Vương Quốc Trời sẽ là một bàn thờ, thờ phượng Thiên Chúa cho đến đời đời. A-men!

Bấm vào đây để đọc tiếp →

7,169 views

Thời Kỳ Chúa Đến

Thời Kỳ Chúa Đến

Huỳnh Christian Timothy

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết này:
http://www.mediafire.com/view/?vvs7tuxfhhr8jvu

Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống MP3 bài giảng này:
http://timhieutinlanh.net/node/1001
 

Dẫn Nhập

Thời gian gần đây, tin tức về thiên tai, dịch bệnh, sự suy sụp kinh tế toàn cầu, và tiếng đồn về chiến tranh ngày càng dồn dập, nhất là tình trạng khủng hoảng lớn về chính trị và quân sự tại Trung Đông lẫn Biển Đông, khiến cho phần lớn con dân Chúa có cảm tưởng là ngày Đức Chúa Jesus Christ trở lại để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian đã rất gần. Thêm vào đó, cũng trong thời gian gần đây, nhiều con dân Chúa có chiêm bao hoặc khải tượng về sự được Chúa cất lên hoặc về những cảnh trạng của kỳ tận thế, càng khiến cho nhiều người quan tâm về thời kỳ Chúa đến.

Dù không có những tin tức thời sự hay những chiêm bao, khải tượng báo hiệu ngày Chúa đến đã gần, thì sự quan tâm về thời kỳ Chúa đến và sống trong tư thế chuẩn bị gặp Chúa là điều mà Thánh Kinh truyền cho chúng ta. Đức Chúa Jesus Christ dạy chúng ta hãy tỉnh thức về ngày đó. Lý do con dân Chúa cần phải tỉnh thức được chính Đức Chúa Jesus Christ đưa ra: Vì chúng ta không biết ngày nào hoặc giờ nào Chúa đến.

Vậy hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày nào Chúa mình sẽ đến”(Ma-thi-ơ 24:42).

Vậy, hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày, cũng không biết giờ”(Ma-thi-ơ 25:13).

Hãy giữ mình, tỉnh thức; vì các ngươi chẳng biết kỳ đó đến khi nào”(Mác 13:33).

Sự Trông Cậy Hạnh Phước

Thánh Kinh gọi sự kiện Chúa đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian là sự trông cậy hạnh phước (Tít 2:13); và khuyên chúng ta hãy dùng những lời tiên tri về sự Chúa đến mà an ủi lẫn nhau (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:18). Vì thế, việc luôn nhắc nhau về sự Chúa đến là điều đẹp ý Chúa và cần được làm luôn trong Hội Thánh. Khi Đức Chúa Jesus Christ truyền cho chúng ta dự Tiệc Thánh để nhớ đến Ngài, chắc rằng không phải Ngài muốn chúng ta chỉ nhớ đến tình yêu của Ngài đối với chúng ta qua sự Ngài đã hy sinh cứu chuộc chúng ta, mà còn là nhớ đến lời hứa về sự Ngài sẽ trở lại để đem chúng ta đi ở với Ngài (Giăng 14:2).

Mặc dù không ai có thể biết được ngày và giờ Chúa trở lại, nhưng chúng ta có thể biết ngày Chúa đến đã gần. Sự biết ấy do chính Đức Thánh Linh cảm thúc trong lòng của chúng ta và được ấn chứng bởi những lời tiên tri về thời kỳ cuối cùng được ứng nghiệm. Riêng đối với một số người trong Hội Thánh, họ còn có sự ấn chứng riêng của Chúa trong chiêm bao và khải tượng, như đã được tiên tri từ hơn 2,600 năm trước trong Giô-ên 2:28 và được nhắc lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ 2:17.

Ngày Chúa Trở Lại và Ngày Chúa Giáng Lâm Trên Đất

Ma-thi-ơ 24 ghi lại những lời Đức Chúa Jesus Christ trả lời cho các môn đồ, khi họ hỏi Chúa về điềm thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị hủy diệt, điềm Chúa đến, và điềm tận thế. Chúng ta có thể bố cục Ma-thi-ơ đoạn 24 như sau:

  • Từ câu 1 đến câu 2: Các môn đồ chỉ cho Chúa xem sự nguy nga của đền thờ tại thành Giê-ru-sa-lem và Chúa tiên tri về sự đền thờ sẽ bị hủy diệt.
  • Câu 3: Các môn đồ hỏi Chúa (1) Khi nào sự hủy diệt đền thờ sẽ xảy ra? (2) Có điềm gì chỉ về sự Chúa đến? (3) Có điềm gì chỉ về sự tận thế?
  • Từ câu 4 đến câu 13: Những điều sẽ xảy ra trước khi Chúa đến (điềm Chúa đến).
  • Từ câu 14 đến câu 15: Những điều sẽ xảy ra trước khi tận thế (điềm tận thế).
  • Từ câu 16 đến câu 31: Những điều sẽ xảy ra trong kỳ tận thế.
  • Từ câu 32 đến câu 42: Ngụ ngôn về cây vả, ngụ ngôn về kỳ nước lụt, sự Chúa cất Hội Thánh ra khỏi thế gian.
  • Từ câu 43 đến câu 51: Ngụ ngôn về đầy tớ tốt và đầy tớ xấu, lời cảnh cáo của Chúa dành cho những người chăn bầy.

Ma-thi-ơ không ghi lại câu trả lời của Chúa về sự đền thờ bị hủy diệt, nhưng Lu-ca thì ghi lại rõ ràng trong Lu-ca 21:20-24. Qua sự bố cục trên đây, chúng ta thấy: Ngày Chúa trở lại để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian trước khi Chúa phán xét thế gian, khác với ngày Chúa tái lâm trên đất để kết thúc cuộc phán xét thế gian.

Ngày Chúa trở lại để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian trước khi Chúa phán xét thế gian, thì Chúa không giáng lâm trên đất, mà Ngài chỉ giáng lâm giữa chốn không trung, rồi Hội Thánh được cất lên không trung mà gặp Chúa giữa đám mây:

Vả, nầy là điều chúng tôi nhờ lời Chúa mà rao bảo cho anh em: chúng ta là kẻ sống, còn ở lại cho đến kỳ Chúa đến, thì không lên trước những người đã ngủ rồi. Vì sẽ có tiếng kêu lớn và tiếng của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Thiên Chúa, thì chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống; bấy giờ những kẻ chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước hết. Kế đến chúng ta là kẻ sống, mà còn ở lại, sẽ cùng nhau đều được cất lên với những người ấy giữa đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa, như vậy chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn. Thế thì, anh em hãy dùng lời đó mà yên ủi nhau”(I Tê-sa-lô-ni-ca 4:15-18).

Ngày đó sẽ đến thình lình, trong khi thế gian vẫn lo vui chơi, ăn uống, cưới gả như ngày trước cơn nước lụt:

Trong đời Nô-ê thể nào, khi Con người đến cũng thể ấy. Vì trong những ngày trước nước lụt, người ta ăn, uống, cưới, gả như thường cho đến ngày Nô-ê vào tàu, và người ta không ngờ chi hết cho đến khi nước lụt tới mà đùa đem đi hết thảy, khi Con người đến cũng như vậy. Lúc ấy, sẽ có hai người nam ở trong một đồng ruộng, một người được đem đi, còn một người bị để lại; và có hai người nữ đương xay cối, một người được đem đi, còn một người bị để lại”(Ma-thi-ơ 24:37-41).

Ngày Chúa tái lâm trên đất để kết thúc cuộc phán xét thế gian, sẽ xảy ra sau thời kỳ bảy năm đại nạn. Ngày đó có thể tính được, sẽ là 2,520 ngày sau ngày Anti-Christ ký hòa ước bảy năm với các nước (Đa-ni-ên 9:27). Khi đó, toàn thế gian đang ở trong cơn đại nạn chưa từng có và sẽ không bao giờ có nữa trong lịch sử loài người (Ma-thi-ơ 24:21), khi đó, không thể có chuyện thế gian đang vui chơi, ăn uống, cưới gả như thường lệ. Khi đó:

  1. Anti-Christ đã lên ngôi chung một giờ với 10 vua liên minh cùng Anti-Christ (Khải Huyền7:12).
  2. Một phần ba đất đã bị cháy, một phần ba cây cối đã bị cháy và tất cả cỏ xanh đã bị hủy diệt (Khải Huyền 8:7).
  3. Nước của một phần ba biển đã biến ra máu hoặc là như máu (chữ “aima,” G129, trong tiếng Hy-lạp có nghĩa là “máu” hoặc “giống như máu”) sau khi một thiên thạch cháy rực như một khối lửa, rơi xuống biển (Khải Huyền 8:8).
  4. Một phần ba sinh vật trong biển đã bị chết và một phần ba tàu bè trong biển đã bị hủy diệt (Khải Huyền 8:9)
  5. Nước của một phần ba các sông lớn và suối nước đã trở nên đắng, làm cho nhiều người chết, sau khi một thiên thạch vỡ tung và rơi trên các nguồn nước (Khải Huyền 8:10-11).
  6. Một phần ba mặt trời, mặt trăng, cùng các ngôi sao đã bị hại và chúng đã bị mất đi một phần ba sức chiếu sáng (Khải Huyền 8:12).
  7. Một phần ba dân số của địa cầu đã bị giết (trên hai tỷ người) bởi các tà linh từ vực sâu không đáy được thả ra (Khải Huyền 9:18).
  8. Hai chứng nhân cuối cùng của Chúa đã làm chứng về Chúa tại Giê-ru-sa-lem, trong suốt 1,260 ngày, đã bị giết, đã sống lại và đã thăng thiên trước sự chứng kiến của mọi dân tộc trên đất (Khải Huyền 11:3-12).
  9. Một phần mười của thành Giê-ru-sa-lem đã bị đổ xuống và có bảy ngàn người chết trong cơn động đất đã xảy ra cùng lúc hai nhân chứng của Chúa sống lại và thăng thiên (Khải Huyền 11:13).
  10. Tin Lành đã được rao giảng cho muôn dân trên đất bởi một thiên sứ bay giữa trời (Khải Huyền 14:6), để ứng nghiệm lời phán của Đức Chúa Jesus Christ trong Ma-thi-ơ 24:14 “Tin Lành nầy về vương quốc sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến.”
  11. Bảy tai nạn sau cùng trong cơn đại nạn, như được ghi lại trong Khải Huyền 16 đã xảy ra.
  12. Ba-by-lôn lớn đã bị hủy diệt bởi Anti-Christ (Khải Huyền 17, 18).
  13. Quân đội của mọi dân tộc nghe theo lời Anti-Christ đang tụ tập tại Ha-ma-ghê-đôn, chuẩn bị tấn công thành Giê-ru-sa-lem (Khải Huyền 16:14-16).

Đức Chúa Jesus Christ sẽ cùng với Hội Thánh giáng lâm trên núi Ô-li-ve, đối diện thành Giê-ru-sa-lem, để tiêu diệt mọi thế lực gian ác của loài người, ném Anti-Christ và tiên tri giả đang còn sống vào trong hỏa ngục (Khải Huyền 19:20-21), giam Sa-tan lại trong vực sâu 1,000 năm (Khải Huyền 20:1-2), rồi thiết lập Vương Quốc Ngàn Năm của Ngài trên đất (Khải Huyền 20:6).

Những Dấu Hiệu Cho Biết Ngày Chúa Trở Lại Đã Gần

Dù không ai có thể biết chính xác ngày, giờ Chúa trở lại để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, nhưng có nhiều dấu hiệu giúp cho con dân Chúa nhận biết ngày Chúa trở lại đã gần, có thể là ngay trong thế hệ hiện tại của chúng ta. Các dấu hiệu đó đã được tiên tri trước trong Thánh Kinh và có thể chia thành hai loại:

1. Dấu hiệu chung cho toàn thế gian: Bao gồm những sự sau đây:

  • Vì nhiều người sẽ mạo danh Ta đến mà nói rằng: Ta là Đấng Christ; và sẽ dỗ dành nhiều người”(Ma-thi-ơ 24:5)
  • Các ngươi sẽ nghe nói về giặc và tiếng đồn về giặc: hãy giữ mình, đừng bối rối, vì những sự ấy phải đến; song chưa là cuối cùng đâu”(Ma-thi-ơ 24:6).
  • Dân nầy sẽ dấy lên nghịch cùng dân khác, nước nọ nghịch cùng nước kia”(Ma-thi-ơ 24:7)…
  • …Nhiều chỗ sẽ có đói kém và động đất”(Ma-thi-ơ 24:7).
  • Nhiều tiên tri giả sẽ nổi lên và dỗ dành lắm kẻ”(Ma-thi-ơ 24:11).
  • …Tội ác sẽ thêm nhiều”(Ma-thi-ơ 24:12)…
  • Có thể Anti-Christ sẽ hiện ra: “Mặc ai dùng cách nào, cũng đừng để họ lừa dối mình. Vì phải có sự bỏ đạo đến trước, và có người tội ác, con của sự hư mất hiện ra, tức là kẻ đối địch, tôn mình lên trên mọi sự mà người ta xưng là Đức Chúa Trời hoặc người ta thờ lạy, rất đỗi ngồi trong đền Đức Chúa Trời, chính mình tự xưng là Đức Chúa Trời” (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:3). Chữ “hiện ra” trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa là “được bày ra cho thấy” và được nhắc lại trong II Tê-sa-lô-ni-ca 2:8: “Hiện nay anh em biết rõ điều làm ngăn trở nó, hầu cho nó chỉ hiện ra đúng kỳ nó thôi,” hàm ý sẽ có một biến cố nào đó khiến cho mọi người nhận biết Anti-Christ. Có thể đó chính là sự kiện Anti-Christ lên ngôi cùng một giờ với 10 vua trong một thể chế chính trị toàn cầu (Khải Huyền 17:12). Điều có thể xảy ra là sẽ có một sự thay đổi lớn trong tổ chức Liên Hiệp Quốc: Chức vụ “tổng thư ký” sẽ đổi thành “Tổng Thống Liên Hiệp Quốc,” và thế giới sẽ bị chia thành 10 khu vực ở dưới quyền cai trị của 10 “Đặc Sứ Liên Hiệp Quốc,” mà sách Khải Huyền gọi là 10 vua. Mười đặc sứ này sẽ trao quyền của mình cho Anti-Christ như đã được tiên tri trong Khải Huyền 17:13.

2 Dấu hiệu riêng cho con dân Chúa: Đối với tuyển dân I-sơ-ra-ên là sự tái lập quốc trên vùng đất Ca-na-an. Đối với Hội Thánh là sự bách hại đức tin và sự bội Đạo lớn.

  • Sự tái lập quốc của dân I-sơ-ra-ên: “Ai đã hề nghe một sự thể nầy? Ai đã hề thấy sự gì giống như vậy? Nước há dễ sanh ra trong một ngày, dân tộc há dễ sanh ra trong một chặp? Mà Si-ôn mới vừa nằm nơi, đã sanh con cái” (Ê-sai 66:8). “Hãy nghe lời ví dụ về cây vả, vừa lúc nhành non, lá mới đâm, thì các ngươi biết mùa hạ gần tới. Cũng vậy, khi các ngươi thấy mọi điều ấy, khá biết rằng Con người gần đến, Ngài đương ở trước cửa. Quả thật, ta nói cùng các ngươi, dòng dõi nầy chẳng qua trước khi mọi điều kia chưa xảy đến” (Ma-thi-ơ 24:32-34).

Thánh Kinh thường dùng cây vả để tiêu biểu cho dân I-sơ-ra-ên. Sau hơn 2,500 năm mất nước, dân I-sơ-ra-ên đã tuyên bố tái lập quốc vào thứ sáu, ngày 14 tháng 5 năm 1948, với khoảng 600,000 dân trên vùng đất mà Thiên Chúa đã hứa ban cho họ. Chỉ trong một ngày, Hoa Kỳ, cường quốc số một trên thế giới đã công nhận tư cách quốc gia của I-sơ-ra-ên. Dựa vào ngụ ngôn về cây vả, chúng ta có thể hiểu rằng: năm 1948 cây vả I-sơ-ra-ên đã được Đức Chúa Trời trồng trở lại vào trong vùng đất Ngài đã ban cho họ. Năm 1967, trong cuộc chiến sáu ngày, từ ngày 5 tháng 6 đến ngày 10 tháng 6, I-sơ-ra-ên đã đánh bại liên minh Ả-rập, bao gồm: Ai-cập, Sy-ri, và Giô-đanh, chiếm toàn quyền kiểm soát trên các vùng đất Gaza, West Bank, Si-na-i, Cao Nguyên Golan, và toàn bộ thành Giê-ru-sa-lem. Sự kiện đó có thể được xem là sự kiện cây vả I-sơ-ra-ên nảy nhành và đâm lá. Nếu một thế hệ của loài người là 70 năm theo như Thi Thiên 90:10 xác định, thì tất cả các lời tiên tri về ngày Chúa đến phải được ứng nghiệm trước tháng sáu năm 2037, là thời điểm cuối cùng của thế hệ được sinh ra vào tháng sáu năm 1967, lúc cây vả I-sơ-ra-ên nứt lộc.

  • Sự con dân Chúa bị bách hại: “Bấy giờ, người ta sẽ nộp các ngươi trong sự hoạn nạn và giết đi; các ngươi sẽ bị mọi dân ghen ghét vì danh Ta” (Ma-thi-ơ 24:9). “Đừng sợ những điều ngươi sẽ chịu khổ! Kìa, Ma Quỷ sẽ ném một số các ngươi vào tù để các ngươi chịu thử thách và các ngươi sẽ có mười ngày hoạn nạn. Hãy trung tín cho đến chết và Ta sẽ ban cho ngươi mão sự sống” (Khải Huyền 2:10).

Nếu sự kiện Anti-Christ lên ngôi xảy ra trước khi Chúa đến với Hội Thánh thì khoảng thời gian từ ngày Anti-Christ lên ngôi cùng với 10 đặc sứ, mà Khải Huyền gọi là 10 vua, cho đến ngày Anti-Christ ký hòa ước bảy năm với các nước, có thể kéo dài chỉ 10 ngày, nhưng cũng có thể là 10 năm. Trong suốt khoảng thời gian đó, Hội Thánh sẽ bị bắt bớ bởi chính quyền toàn cầu của Anti-Christ. Chúng ta nên nhớ là Hội Thánh sẽ được Chúa đem ra khỏi thế gian trước khi bảy năm đại nạn bắt đầu, và bảy năm đại nạn chỉ bắt đầu khi Anti-Christ ký hòa ước với các quốc gia.

  • Sự bội Đạo lớn trong Hội Thánh: “Khi ấy cũng có nhiều kẻ sẽ sa vào chước cám dỗ, phản nghịch nhau, và ghen ghét nhau” (Ma-thi-ơ 24:10). “Mặc ai dùng cách nào, cũng đừng để họ lừa dối mình. Vì phải có sự bỏ Đạo đến trước” (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:3)… Sự bội Đạo xảy ra dưới hai hình thức: (1) Con dân Chúa không sẵn lòng chịu khổ vì danh Chúa; (2) Con dân Chúa thiếu hiểu biết Lời Chúa mà sa vào tà giáo.

Sự bội Đạo lúc nào cũng xảy ra trong Hội Thánh nhưng khi Thánh Kinh dùng sự bội Đạo làm dấu hiệu cho ngày Chúa đến, thì sự bội Đạo đó phải có một đặc tính khác với các sự bội Đạo đã xảy ra. Đặc tính đó chính là tính cách toàn cầu với số người bội Đạo nhiều nhất trong lịch sử. Nhìn vào hiện trạng của Hội Thánh chúng ta thấy rõ hình thức bội Đạo vì theo tà giáo đang xảy ra khắp nơi.

Ngay từ những năm đầu của thế kỷ 20, bắt đầu với sự kiện được gọi là “Cuộc Phục Hưng Phố Azuza” (Azuza Street Revival) tại Los Angeles, Hoa Kỳ, vào ngày 14 tháng 4 năm 1906, các Phong Trào Ân Tứ và Ngũ Tuần đã nổi lên cực thịnh với các hiện tượng “phép lạ,” “nói tiếng lạ,” “say Thánh Linh,” “đặt tay té ngã…” kèm theo vô số những giáo lý sai nghịch với Thánh Kinh. Bên cạnh đó, các phong trào phủ nhận thần tính của Đức Chúa Jesus Christ, phủ nhận thẩm quyền tuyệt đối của Thánh Kinh, phủ nhận đồng tính luyến ái là tội lỗi, cùng với Phong Trào Tin Lành Thịnh Vượng (Prosperity Gospel Movement), Phong Trào Lời Đức Tin (Word Faith Movement), Phong Trào Sống Theo Đúng Mục Đích (Purpose Driven Life Movement), Phong Trào Hội Thánh Theo Đúng Mục Đích (Purpose Driven Church Movement), Phong Trào Hiệp Nhất (Ecumenical Movement), và nhất là các phong trào hội nhập văn hóa đã lan rộng và ảnh hưởng sâu đậm trong đời sống đức tin của con dân Chúa, dẫn dắt họ đi vào nếp sống nghịch lại Lời Chúa.

Cuộc Chiến Trung Đông Theo Thi Thiên 83 Có Thể Xảy Ra Trước Khi Chúa Đến

Theo ý nghĩa về ngụ ngôn của cây vả được trình bày trên đây thì từ nay, năm 2012, cho đến ngày Chúa đến, còn nhiều lắm là 25 năm. Nếu kể rằng sự Anti-Christ ra đời là sự “hiện ra” của Anti-Christ, (tương tự với sự giáng sinh của Đức Chúa Jesus là sự “hiện ra” của Thiên Chúa trong xác thịt), thì Chúa có thể đến để cất Hội Thánh ra khỏi thế gian bất cứ lúc nào, ngay từ giờ phút này. Nếu kể rằng sự bắt đầu cầm quyền của Anti-Christ là sự “hiện ra” của Anti-Christ, (tương tự với sự Đức Chúa Jesus chịu báp-tem để nhận chức vụ Đấng Christ), thì Chúa sẽ đến để cất Hội Thánh ra khỏi thế gian bất kỳ lúc nào, trong khoảng thời gian từ khi Anti-Christ và 10 vua lên ngôi cho đến khi Anti-Christ ký hòa ước bảy năm với các nước.

Nếu sự kiện Anti-Christ và 10 vua lên ngôi phải xảy ra trước khi Chúa đến, thì chắc chắn chúng ta sẽ nhìn thấy cuộc chiến Trung Đông, được tiên tri khoảng 2,700 năm trước trong Thi Thiên 83 và Ê-sai 17, xảy ra. Và như vậy, đó là sự thương xót lớn của Đức Chúa Trời dành cho Hội Thánh của Ngài. Bởi vì, đó sẽ là dấu hiệu cuối cùng để những con dân Chúa có đời sống thuộc linh “hâm hẫm” ăn năn tội và hết lòng sống cho Chúa. Những ai không ăn năn sẽ bị Chúa mửa ra (Khải Huyền 3:16) và sẽ bị bỏ lại trong ngày Chúa đến. Những người đó sẽ không thể ăn năn trong Kỳ Đại Nạn.

Hiện nay, (tháng 9/2012), tình hình chuẩn bị cho chiến tranh giữa I-sơ-ra-ên và I-ran, giữa I-sơ-ra-ên và Sy-ri, giữa I-sơ-ra-ên và Lê-ba-non cùng các khối Hồi Giáo cực đoan, cho chúng ta thấy một cuộc chiến khốc liệt tại Trung Đông chắc chắn sẽ xảy ra.

Theo Thánh Kinh, trong những ngày cuối cùng sẽ có ba cuộc chiến lớn xảy ra tại Trung Đông giữa quốc gia I-sơ-ra-ên và các quốc gia thù nghịch I-sơ-ra-ên:

  1. Cuộc chiến giữa I-sơ-ra-ên và các nước Hồi Giáo Ả-rập, như được tiên tri trong Thi Thiên 83 và Ê-sai 17.
  2. Cuộc chiến giữa I-sơ-ra-ên và liên minh Nga với các nước Hồi Giáo không Ả-rập, như được tiên tri trong Ê-xê-chi-ên 38 và 39. Cuộc chiến này sẽ xảy ra khoảng một hoặc hai năm sau khi Anti-Christ ký hòa ước với các quốc gia và I-sơ-ra-ên tin cậy vào giao ước đó, tưởng rằng sẽ được sống trong hòa bình.
  3. Cuộc chiến giữa Đấng Christ và liên minh Anti-Christ với các vua trong thế gian tại Ha-ma-ghê-đôn, như được tiên tri trong Khải Huyền 16:12-16 và 19:11-21. Cuộc chiến này kết thúc sự tự trị của loài người, tiêu diệt mọi thế lực của Sa-tan và kết thúc bảy năm đại nạn. Liền theo đó là thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm.

Cuộc chiến giữa I-sơ-ra-ên và các nước Hồi Giáo Ả-rập, như được tiên tri trong Thi Thiên 83 và Ê-sai 17, sẽ dọn đường cho Anti-Christ lên ngôi, vì sẽ tạo ra khủng hoảng lớn về kinh tế và chính trị toàn cầu, đến nỗi các quốc gia sẽ chấp nhận hình thức chính phủ toàn cầu, để ổn định trật tự của thế giới. Khi đó, rất có thể cơ quan Liên Hiệp Quốc sẽ được tái cấu trúc thành một chính quyền toàn cầu, đứng đầu bởi một tổng thống với 10 đặc sứ cho 10 vùng trên thế giới [1].

Theo Thi Thiên 83 thì các dân có tên sau đây sẽ liên minh trong cuộc chiến sắp xảy ra với I-sơ-ra-ên:

  1. Ê-đôm (con cháu Ê-sau – Sáng Thế Ký 25:30), là những người Ả-rập đang sống ở
    miền nam của Jordan.
  2. Ích-ma-ên (con cháu Áp-ra-ham – Sáng Thế Ký 16:15), là những người Ả-rập Saudi.
  3. Mô-áp (con cháu Lót – Sáng Thế Ký 19:37), là những người Ả-rập đang sống ở miền
    trung của Jordan.
  4. Ha-ga-rít (I Sử Ký 5 – là một trong các chi tộc Ích-ma-ên), là những người Ả-rập đang
    sống ở miền trung của Jordan.
  5. Ghê-banh (Tên một vùng đất thuộc Lebanon ngày nay), là vùng đất thuộc quyền
    của quân khủng bố Hezbollah và chính quyền Lebanon.
  6. Am-môn (con cháu Lót – Sáng Thế Ký 19:38), là những người Ả-rập đang sống ở miền
    bắc của Jordan.
  7. A-ma-léc (con cháu Ê-sau – Sáng Thế Ký 36:12), là những người Ả-rập đang sống ở
    khu vực Sinai.
  8. Phi-li-tin (con cháu của Mích-ra-im thuộc dòng dõi Cham – Sáng Thế Ký 10:6, 13),
    ngày nay là lực lượng Hamas đang sống trong vùng Gaza Strip và lực lượng Palestine
    đang sống trong vùng West Bank.
  9. Ty-rơ (Tên một vùng đất thuộc Lebanon ngày nay – Giô-suê 19:29; II Sa-mu-ên 6:11),
    là nơi quân khủng bố Hezbollah đặt tổng hành dinh.
  10. A-si-ry là vùng đất thuộc Syria và Iraq ngày nay. (Giúp con cháu Lót, tức giúp Mô-áp;
    và giúp Am-môn, tức giúp Jordan).

Như vậy, về phía bắc, I-sơ-ra-ên phải đối diện với lực lượng của Hezbolla và quân đội của Lebanon; về phía nam, I-sơ-ra-ên phải đối diện với quân đội Ả-rập Sau-đi; về phía đông, I-sơ-ra-ên phải đối diện với lực lượng của Palestine trong khu West Bank, quân đội của Sy-ri, và quân đội của Jordan; về phía tây, I-sơ-ra-ên phải đối diện với lực lượng khủng bố Si-na-i từ bán đảo Si-na-i và lực lượng Hamas trong khu Gaza. Rất có thể trung tâm hành quân của liên minh Ả-rập sẽ được đặt tại thủ đô Đa-mách của nước Sy-ri.

Nhìn chung, chúng ta thấy I-sơ-ra-ên tứ bề thọ địch, và cách thức duy nhất để hạn chế sự tổn thất đồng thời nắm chắc phần thắng, là I-sơ-ra-ên phải đánh một đòn chí tử để để hủy diệt ngay đầu não của kẻ thù. Phải chăng, I-sơ-ra-ên sẽ hủy diệt thủ đô Đa-mách của Sy-ri bằng một đầu đạn nguyên tử, làm ứng nghiệm lời tiên tri trong Ê-sai 17:1 “Gánh nặng về Đa-mách. Nầy, Đa-mách bị trừ ra, không kể làm thành nữa, và sẽ trở nên một đống đổ nát”? Chính quốc gia I-sơ-ra-ên cũng bị thiệt hại nặng nề, Ê-sai 17:4 tiên tri: “Xảy ra trong ngày đó, sự vinh quang của Gia-cốp sẽ giảm đi, xác thịt mập mạp đổi ra gầy ốm.”

Với tình hình thời sự tại Trung Đông vẫn tiếp tục căng thẳng trong tuần lễ đầu tháng 9 năm 2012 này, rất có thể I-sơ-ra-ên sẽ tấn công I-ran vào tháng 10 năm 2012, mở đầu cho sự các lực lượng Hồi Giáo được I-ran đỡ đầu tại Lebanon, West Bank, Gaza, và Si-na-i đồng loạt tấn công I-sơ-ra-ên. Khi đó, I-sơ-ra-ên sẽ phản công mãnh liệt, chiếm đóng các vùng đất kể trên, dẫn đến sự kiện các nước Ả-rập còn lại, như: Sy-ri, Jordan, Ả-rập Sau-đi sẽ liên quân để tấn công I-sơ-ra-ên, buộc I-sơ-ra-ên phải tấn công và hủy diệt thủ đô Đa-mách của Sy-ri bằng đầu đạn nguyên tử, nhờ đó, Jordan và Ả-rập Sau-đi lập tức lui binh và cuộc chiến được kết thúc. Sau cuộc chiến, có thể I-sơ-ra-ên hoàn toàn chiếm đóng các vùng đất Lebanon, West Bank, Gaza, và Si-na-i, ra điều kiện cho Liên Hiệp Quốc phải chấp nhận chủ quyền của I-sơ-ra-ên trên các vùng đất đó, nếu không, I-sơ-ra-ên sẽ tấn công các mõ dầu lửa bằng các đầu đạn nguyên tử và toàn bộ thế giới sẽ bị tê liệt vì thiếu nhiên liệu. Chiến thuật đó được I-sơ-ra-ên đặt tên là chiến thuật “Sam-sôn,” có nghĩa là: “cả hai bên cùng chết!”

Trong khi cuộc chiến giữa I-sơ-ra-ên và các nước Ả-rập Hồi Giáo xảy ra một cách khốc liệt tại Trung Đông, thì Trung Quốc có thể thừa cơ tấn công Đài Loan và đánh chiếm các hải đảo ở Biển Đông, để có thể làm chủ các mõ dầu lửa trong khu vực Biển Đông. Hoa Kỳ lúc đó đang bị trói tay trong việc giúp đỡ I-sơ-ra-ên và phòng thủ các căn cứ quân sự của mình tại Trung Đông trước sự đe dọa của I-ran, nên không thể tham chiến, ngăn cản Trung Quốc tại Biển Đông.

Liền sau cuộc chiến Trung Đông và Biển Đông, cả thế giới sẽ phải ngồi lại để tìm giải pháp ổn định kinh tế và chính trị. Lúc bấy giờ, Anti-Christ sẽ xuất hiện và đưa ra giải pháp về một thể chế chính trị toàn cầu, biến Liên Hiệp Quốc trở thành quyền lực tối cao, khống chế mọi quốc gia. Và khi đó, ngày Chúa đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian chỉ còn đếm từng giây, từng phút. Theo giả thuyết trên đây, Anti-Christ có thể lên ngôi trong khoảng thời gian từ một đến hai năm sau khi cuộc chiến Trung Đông kết thúc.

Nói tóm lại:

  • Nếu Chúa đến trước khi cuộc chiến Trung Đông như được tiên tri trong Thi Thiên 83 xảy ra thì Ngài có thể đến bất kỳ lúc nào, kể từ giây phút bạn đọc những dòng chữ này.
  • Nếu Chúa đến sau khi cuộc chiến Trung Đông như được tiên tri trong Thi Thiên 83 xảy ra thì Ngài có thể đến bất kỳ lúc nào trong khoảng thời gian từ lúc cuộc chiến xảy ra cho đến lúc Anti-Christ lên ngôi.
  • Nếu Chúa đến sau khi Anti-Christ lên ngôi thì Ngài có thể đến bất kỳ lúc nào trong khoảng thời gian từ khi Anti-Christ lên ngôi cho đến khi Anti-Christ ký hòa ước bảy năm với các quốc gia.

Kết Luận

Chúa sẽ đến ngay ngày hôm nay hoặc sau khi Anti-Christ lên ngôi không phải là điều quan trọng. Việc chúng ta là con dân Chúa phải sống như thế nào trong những ngày cuối cùng này mới là quan trọng. Hê-bơ-rơ 10:25 dạy chúng ta rằng, hễ chúng ta nhận biết ngày Chúa càng gần bao nhiêu thì càng phải khuyên bảo nhau trung tín trong sự nhóm lại bấy nhiêu:

Chớ bỏ qua sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau, và hễ anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy.”

Chữ “ngày ấy” chỉ về ngày mà Đức Chúa Jesus Christ sẽ hiện ra để ban sự cứu rỗi cho những kẻ chờ đợi Ngài như đã được nhắc đến trong Hê-bơ-rơ 9:28:

…Đấng Christ đã dâng mình chỉ một lần đặng cất tội lỗi của nhiều người; Ngài lại sẽ hiện ra lần thứ hai, không phải để cất tội lỗi đi nữa, nhưng để ban sự cứu rỗi cho những kẻ chờ đợi Ngài.”

Sự nhóm lại mà Thánh Kinh truyền cho chúng ta không phải là sự nhóm lại theo thói quen, do các tổ chức giáo hội lập ra, mà phải là sự nhóm lại do chính Đức Chúa Trời đã truyền cho chúng ta trong điều răn của Ngài. Đó là sự nhóm họp thánh trong mỗi ngày Sa-bát thánh:

Người ta làm việc trong sáu ngày, nhưng qua ngày thứ bảy là ngày Sa-bát, một ngày nghỉ, tức một sự nhóm hiệp thánh; đừng làm một công việc gì; ấy là lễ Sa-bát của Đức Giê-hô-va trong những nơi các ngươi ở”(Lê-vi Ký 23:3).

Là con dân Chúa chúng ta có thể nhóm họp tôn vinh, thờ phượng Chúa bất cứ ngày nào theo sự tự do Chúa ban cho chúng ta, nhưng chúng ta không được bỏ qua sự nhóm hiệp thánh trong ngày Sa-bát, vì đó là ý muốn của Chúa, đã được viết ra thành chữ cho chúng ta trong Thánh Kinh. Trong toàn bộ Tân Ước không một chỗ nào cho phép chúng ta ngưng giữ ngày Sa-bát và bỏ qua sự nhóm hiệp thánh trong ngày Sa-bát. Chính Đức Chúa Jesus Christ và sứ đồ Phao-lô đã theo thói quen mà tham dự những buổi nhóm hiệp thánh trong ngày Sa-bát (Lu-ca 4:16; Công Vụ Các Sứ Đồ 17:2). I Giăng 2:6 dạy chúng ta rằng:

Ai nói mình ở trong Ngài, thì cũng phải làm theo như chính Ngài đã làm.”

Trong khi I Giăng 2:4 khẳng định:

Kẻ nào nói: Ta biết Ngài, mà không giữ các điều răn Ngài, là người nói dối, lẽ thật quyết không ở trong người.”

Lời Chúa trong I Tê-sa-lô-ni-ca 4:18 cũng dạy chúng ta hãy dùng lời tiên tri về sự Chúa đến để an ủi và khích lệ lẫn nhau. Cuối cùng, chúng ta hãy nhờ ơn Chúa mà làm trọn những việc lành Chúa đã giao cho chúng ta, tức là trung tín làm lợi các ta-lâng Chúa ban và đứng vững trong mọi thử thách cho đến ngày chúng ta được cất lên không trung gặp Chúa.

Cầu xin Chúa mau đến! A-men!

Huỳnh Christian Timothy
01.09.2012

Ghi Chú

Tất cả những câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là từ Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời và Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống Hiệu Đính 2012. Quý bạn có thể đọc trên mạng:
www.ngoiloi.thanhkinhvietngu.netwww.tt2012.thanhkinhvietngu.net.

[1] Dưới đây là danh sách giả thuyết về 10 vùng trên thế giới sẽ được chia cho 10 vua lên ngôi cùng một giờ với Anti-Christ, như được nói đến trong Khải Huyền 17:

  1. Gia-nã-đại (Canada), Hoa Kỳ
  2. Anh, Na-uy, Thụy Điển, Phần Lan, Thổ-nhĩ-kỳ
  3. Nhật Bản, các Hải Đảo Thái Bình Dương
  4. Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan, Nam Phi
  5. Nga, Tây Bá Lợi Á (Siberia), Mông Cổ, Triều Tiên
  6. Mễ tây Cơ, các nước ở Nam Mỹ, các Đảo Ca-ri-bê (Carribean Islands);
  7. Ai-cập, Ly-bi (Lybia), Tuy-ni-di (Tunisia), An-giê-ri (Algeria), Ma-rốc (Morrocco), Sau-đi,
    Sy-ri, I-rắc, I-ran, A-phú-hãn (Afghanistan), Hồi Quốc (Pakistan);
  8. Phi Châu, không bao gồm các quốc gia thuộc Bắc Phi và Nam Phi, Mã Đảo
    (Madagascar);
  9. Ấn Độ, Khối Đông Nam Á
  10. Trung Quốc

Bấm vào bản đồ rồi bấm thêm lần nữa để phóng lớn

 


 

Copyright Notice:All Rights Reserved © 2012 Vietnamese Christian Mission Ministry.
Thông Báo Tác Quyền:Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry.
Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức nhưng xin giữ đúng nguyên văn,
kể cả thông báo về tác quyền này.

Bấm vào đây để đọc tiếp →

4,294 views

Ngươi Chớ Ham Muốn…

Copyright Notice: All Rights Reserved © 2012 Vietnamese Christian Mission Ministry. Thông Báo Tác Quyền: Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức nhưng xin giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.

Ghi Chú: Bấm vào các từ ngữ Hê-bơ-rơ hoặc Hy-lạp để nghe phát âm. Bấm vào các mã số Strong (bắt đầu bằng H hoặc G) để xem định nghĩa trong tiếng Anh.

Tất cả những câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là từ Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời và Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống Hiệu Đính 2012. Bạn đọc có thể truy cập trực tiếp trên mạng tại đây: www.ngoiloi.thanhkinhvietngu.netwww.tt2012.thanhkinhvietngu.net.

Huỳnh Christian Timothy

Bấm vào đây để download bài viết này
Bấm vào đây để nghe và download MP3 bài giảng này

"Ngươi chớ ham muốn nhà kẻ lân cận ngươi,
cũng đừng ham muốn vợ người, hoặc tôi trai tớ gái, bò, lừa,
hay là điều chi thuộc về kẻ lân cận ngươi."

(Xuất Ê-díp-tô Ký 20:17)

"Ngươi chớ ham muốn vợ của kẻ lân cận mình;
chớ ham muốn nhà của người, hoặc ruộng, tôi trai tớ gái, bò, lừa,
 hay là điều chi thuộc về kẻ lân cận ngươi."

(Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:21)

Dẫn Nhập

Điều răn thứ mười được chép trong Xuất Ê-díp-tô Ký 20:17 và Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:21. Xuất Ê-díp-tô Ký 20:17 không đề cập đến "ruộng" nhưng Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:21 thì có chữ "ruộng" và chữ "vợ" được đặt ở đầu câu. Chúng ta tin "Cả Thánh Kinh đều là bởi Thiên Chúa hà hơi" (II Ti-mô-thê 3:16), nghĩa là từng chữ trong Thánh Kinh đều là do Đức Thánh Linh thần cảm các tôi tớ của Chúa viết ra; như vậy, không thể có sự sai lầm hoặc mâu thuẫn trong Thánh Kinh. Vậy, chúng ta phải hiểu như thế nào khi gặp những chi tiết khác nhau thuộc hai hay nhiều phân đoạn trong Thánh Kinh khi chúng cùng đề cập đến một sự kiện?

Cách hiểu thứ nhất là: Chúa cho phép có nhiều nhân chứng cùng ghi lại một sự kiện dưới những hướng nhìn khác nhau để bổ sung lẫn nhau, đem lại cho chúng ta một bản tường thuật đầy đủ các chi tiết. Điều này tương tự như bốn họa sĩ cùng lúc vẽ một ngọn núi từ bốn hướng khác nhau. Bốn bức tranh cùng diễn tả một ngọn núi nhưng chắc chắn là các chi tiết hoàn toàn khác nhau. Một thí dụ khác, bốn phóng viên cùng  tham dự một vụ xử án sẽ viết bốn bài tường trình có những điểm khác nhau. Tương tự như vậy, bốn sách Tin Lành ghi chép về Đức Chúa Jesus Christ cho chúng ta có cái nhìn chi tiết về những lời Chúa phán và những việc Chúa làm.

Cách hiểu thứ nhì là: Có những lỗi trong việc sao chép Thánh Kinh. Ngày nay, chúng ta không còn nguyên bản của Thánh Kinh mà chỉ có các bản chép tay sao chép lại từ các nguyên bản và lẫn nhau. Trong tiến trình sao chép, dù các thư ký rất là cẩn thận nhưng vẫn có thể xảy ra các lỗi. Những lỗi này không làm mất đi sự chân thật của Lời Chúa. Với phương pháp phân tích và đối chiếu các nhà giải kinh có thể nhận biết và sửa chữa những lỗi xảy ra trong việc sao chép.

Cách hiểu thứ ba là: Lời Chúa phán được ghi chép cách trung thực lần thứ nhất trong Thánh Kinh. Về sau, khi được các tôi tớ của Chúa trích dẫn thì có sự khác biệt về từ ngữ so với nguyên văn nhưng không hề có sự khác biệt về ý; như khi chính Đức Chúa Jesus Christ và các sứ đồ trích dẫn Cựu Ước. Những sự khác biệt đó nhằm diễn giải nội dung của nguyên văn và cũng được thần cảm bởi Đức Thánh Linh, cho nên, cũng là Lời Chúa.

Mười Điều Răn được Đức Chúa Trời ghi chép trên hai bảng đá đã được Môi-se chép lại trong Xuất Ê-díp-tô Ký 20:1-17, nhưng gần 40 năm sau đó, khi Môi-se ứng khẩu lập lại trước mặt dân I-sơ-ra-ên và ghi lại trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:6-21 thì các từ ngữ có khác một chút trong các điều răn thứ tư, thứ năm, và thứ mười. Với cách hiểu thứ ba được đưa ra trên đây, chúng ta nhận thấy, trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:6-21, Môi-se trích dẫn Mười Điều Răn và thêm lời diễn giải trong các điều răn thứ tư, thứ năm, và thứ mười. Tương tự như vậy khi Đức Chúa Jesus Christ và các sứ đồ trích dẫn Cựu Ước.

Thí dụ: Ê-sai 40:3 chép: "Có tiếng kêu rằng: Hãy mở đường trong đồng vắng cho Đức Giê-hô-va; hãy ban bằng đường cái trong đất hoang cho Thiên Chúa chúng ta!" Nhưng khi Sứ Đồ Ma-thi-ơ trích dẫn và ghi lại trong Ma-thi-ơ 3:3 thì các từ ngữ có hơi khác một chút nhưng ý nghĩa thì không thay đổi: "Ấy là về Giăng Báp-tít mà đấng tiên tri Ê-sai đã báo trước rằng: Có tiếng kêu trong đồng vắng: Hãy dọn đường Chúa, Ban bằng các nẻo Ngài". Cả Ê-sai 40:3 và Ma-thi-ơ 3:3 đều là Lời của Đức Chúa Trời.

Nói cách khác, lần thứ nhất Lời của Đức Chúa Trời được ghi chép cách trung thực trong Thánh Kinh, sau đó, Đức Thánh Linh thần cảm các tôi tớ Chúa nhắc lại và thêm lời diễn giải để làm cho lời đó được dễ hiểu hơn; những lần nhắc lại và diễn giải đó vẫn là Lời của Đức Chúa Trời. Vì thế, lời nguyên thỉ trong Cựu Ước hay là lời được trích dẫn trong Tân Ước cũng đều là Lời của Đức Chúa Trời phán dạy về cùng một sự việc với các từ ngữ khác nhau.

Chúng ta sẽ cùng nhau học hỏi điều răn thứ mười như được ghi chép trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:21 là câu có thêm chi tiết so với Xuất Ê-díp-tô Ký 20:17.

Sự Ham Muốn

Điều răn thứ mười bắt đầu bằng mệnh đề: "Ngươi chớ ham muốn!" (Bản Truyền Thống dịch là "Ngươi chớ tham" là dịch theo lối diễn ý). Chữ "ham muốn" trong nguyên ngữ của Thánh Kinh là "châmad," H2530, /khaw-mad'/, là một động từ gốc, có nghĩa là: ưa thích, vui vẻ trong những những sự xinh đẹp, dễ yêu, tôn quý. Nếu dịch cho chính xác sang tiếng Việt thì có thể dịch là "ưa thích," "ham muốn" hoặc "khao khát." Ham muốn hoặc khao khát tự mình nó không sai vì Thiên Chúa dựng nên chúng ta với bản tính biết ham muốn. Thi Thiên 19:9, 10 ghi rằng: "Sự kính sợ Đức Giê-hô-va là trong sạch, hằng còn đến đời đời; các mạng lịnh của Đức Giê-hô-va là chân thật, thảy đều công bình cả. Các điều ấy đáng chuộng hơn vàng, thật hơn vàng ròng; lại ngọt hơn mật, hơn nước ngọt của tàng ong;" từ ngữ "đáng chuộng" trong nguyên ngữ của Thánh Kinh chính là động từ "châmad" thể thụ động, có thể dịch là: "đáng ưa chuộng," "đáng ham muốn," "đáng khao khát." Nếu chúng ta không có bản tính ham muốn thì chúng ta sẽ không biết ham muốn Chúa và Lời Chúa, không biết ham muốn những sự công bình và thánh sạch, không biết ham muốn nếp sống phước hạnh và đẹp lòng Chúa.

Điều răn thứ mười không cấm chúng ta ham muốn nhưng cấm chúng ta ham muốn những gì thuộc về người khác. Điều răn thứ mười không nhắc lại sự cấm ngoại tình và cấm trộm cắp trong điều răn thứ bảy và thứ tám nhưng cấm chúng ta hình thành những ý tưởng ham muốn sai trái dẫn đến tội ngoại tình, tội trộm cắp và đủ các thứ tội khác.

Hậu Quả của Sự Ham Muốn Sai Trái

Sự ham muốn mà thiếu lòng kính sợ Chúa sẽ biến thành lòng tham và khiến cho chúng ta vi phạm các điều răn của khác của Chúa. Chúng ta hãy xét đến sự ham muốn sai trái của bà Ê-va. Sáng Thế Ký 2:15-17 chép như sau:

15 Giê-hô-va Thiên Chúa đem người ở vào cảnh vườn Ê-đen để trồng và giữ vườn.

16 Rồi, Giê-hô-va Thiên Chúa phán dạy rằng: Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn;

17 nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn chắc sẽ chết.

Sáng Thế Ký 3:1-8 chép như sau:

1 Vả, trong các loài thú đồng mà Giê-hô-va Thiên Chúa đã làm nên, có con rắn là giống quỷ quyệt hơn hết. Rắn nói cùng người nữ rằng: Mà chi! Thiên Chúa há có phán dặn các ngươi không được phép ăn trái các cây trong vườn sao?

2 Người nữ đáp rằng: Chúng ta được ăn trái các cây trong vườn,

3 song về phần trái của cây mọc giữa vườn, Thiên Chúa có phán rằng: Hai ngươi chẳng nên ăn đến và cũng chẳng nên đá-động đến, e khi hai ngươi phải chết chăng.

4 Rắn bèn nói với người nữ rằng: Hai ngươi chẳng chết đâu;

5 nhưng Thiên Chúa biết rằng hễ ngày nào hai ngươi ăn trái cây đó, mắt mình mở ra, sẽ như Thiên Chúa, biết điều thiện và điều ác.

6 Người nữ thấy trái của cây đó bộ ăn ngon, lại đẹp mắt và quý vì để mở trí khôn, bèn hái ăn, rồi trao cho chồng đứng gần mình, chồng cũng ăn nữa.

7 Đoạn, mắt hai người đều mở ra, biết rằng mình lỏa lồ, bèn lấy lá cây vả đóng khố che thân.

8 Lối chiều, nghe tiếng Giê-hô-va Thiên Chúa đi ngang qua vườn, A-đam và vợ ẩn mình giữa bụi cây, để tránh mặt Giê-hô-va Thiên Chúa.

Điều trước hết chúng ta nhận thức qua câu chuyện kể trên, đó là: bà Ê-va đã không vâng lời Chúa, làm điều Chúa cấm làm. (Ở đây chúng ta sẽ không bàn đến ý nghĩa của cây biết điều thiện và điều ác. Quý bạn đọc có thể nghe ba bài giảng về cây biết điều thiện và điều ác tại đây: http://timhieutinlanh.net/node/622). Mỗi một lần không vâng lời Chúa có thể khiến cho chúng ta phạm nhiều tội khác nhau. Trong cùng một hành động bẻ trái của cây biết điều thiện và điều ác để ăn và đưa cho chồng ăn, bà Ê-va đã phạm các tội sau đây:

1. Ham muốn một điều không thuộc về mình (vi phạm điều răn thứ mười).

2. Thay thế địa vị của Thiên Chúa trong lòng mình bằng sự ham muốn, biến lòng ham muốn thành một thần khác, vâng theo sự ham muốn hơn là vâng theo Thiên Chúa (vi phạm điều răn thứ nhất).

3. Thờ lạy thần tượng (vi phạm điều răn thứ nhì) vì Thánh Kinh gọi những sự ham muốn sai trái là tham lam và gọi tham lam tức là thờ thần tượng (Ê-phêsô 5:5; Cô-lô-se 3:5).

4. Không tôn kính cha mẹ (vi phạm điều răn thứ năm). Lu-ca 3:38 cho chúng ta biết "A-đam con Đức Chúa Trời," cho nên, bà Ê-va vừa phạm tội không tôn kính Thiên Chúa vừa phạm tội không tôn kính cha mẹ.

5. Trộm cắp (vi phạm điều răn thứ tám).

6. Giết người, giết chính bà và giết chồng bà là A-đam (vi phạm điều răn thứ sáu).

7. Cám dỗ và khiến cho người khác phạm tội (Lu-ca 17:1).

Lòng ham muốn sai trái của bà Ê-va đã dẫn đến hậu quả là sự đau khổ và sự chết cho toàn thể loài người.

Ý Nghĩa của Điều Răn Thứ Mười

Điều răn thứ mười dạy cho chúng ta biết nguồn gốc của mọi tội lỗi phát sinh từ những sự ham muốn bất chính trong lòng của chúng ta. Khoảng 4,300 năm trước, Thiên Chúa đã phán về tấm lòng của loài người như sau: "Đức Giê-hô-va thấy sự hung ác của loài người trên mặt đất rất nhiều, và các ý tưởng của lòng họ chỉ là xấu luôn" (Sáng Thế Ký 6:5). Khoảng 2,600 năm trước, Thiên Chúa lại phán: "Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật, và rất là xấu xa: ai có thể biết được" (Giê-rê-mi 17:9)? Khoảng 2,000 năm trước, Đức Chúa Jesus Christ phán: "Vì thật là tự trong, tự lòng người mà ra những ác tưởng, sự dâm dục, trộm cướp, giết người, tà dâm, tham lam, hung ác, gian dối, hoang đàng, con mắt ganh đố, lộng ngôn, kiêu ngạo, điên cuồng. Hết thảy những điều xấu ấy ra từ trong lòng thì làm cho dơ dáy người" (Mác 7:21-23). Chúng ta để ý đến sự kiện Đức Chúa Jesus đặt từ ngữ "những ác tưởng," tức là những tư tưởng ác, những ý nghĩ tội lỗi đứng đầu các hành vi tội lỗi, bởi vì, từ các ác tưởng mà sinh ra các việc ác. Gia-cơ 1:14, 15 giải thích tiến trình dẫn đến sự phạm tội và hậu quả của sự phạm tội như sau:

"Nhưng mỗi người bị cám dỗ khi mắc tư dục xui giục mình. Đoạn, lòng tư dục cưu mang, sanh ra tội ác; tội ác đã trọn, sanh ra sự chết."

Tư dục là những ham muốn sai trái, nghịch lại điều răn và luật pháp của Thiên Chúa. Điều răn thứ mười nêu lên sáu phương diện mà chúng ta có thể ham muốn bất chính dẫn đến sự phạm tội.

1. Phương diện thứ nhất: Ham muốn chồng hoặc vợ của người khác. Trước hết, chúng ta cần phải hiểu rằng mệnh lệnh "Ngươi chớ ham muốn vợ của kẻ lân cận mình"không có nghĩa điều răn thứ mười chỉ dành riêng cho đàn ông. Toàn bộ Mười Điều Răn được Thiên Chúa phán truyền cho mọi dân tộc qua dân tộc I-sơ-ra-ên và lúc bất giờ, những người đàn ông là gia trưởng của mỗi nhà, đại diện cho gia đình của mình (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:15), trực tiếp nghe nhận các điều răn của Thiên Chúa. Vì thế, điều răn thứ mười cũng như chín điều răn trước đó là dành chung cho tất cả mọi người. Khi điều răn thứ mười áp dụng cho một người đàn ông thì là: "Ngươi chớ ham muốn vợ của kẻ lân cận mình," còn khi áp dụng cho một người đàn bà thì là: "Ngươi chớ ham muốn chồng của kẻ lân cận mình." Thật ra, đối với một xã hội sa lầy trong tội đồng tính luyến ái thì một người đàn bà vẫn có thể phạm tội ham muốn vợ của người khác và một người đàn ông cũng có thể phạm tội ham muốn chồng của người khác.

Nền tảng của điều răn thứ mười là Thiên Chúa nghiêm cấm chúng ta có lòng ham muốn sai trái bất cứ những gì không thuộc về chúng ta, và Ngài nêu lên một số chi tiết điển hình, như ham muốn: vợ, nhà, ruộng, tôi trai tớ gái, bò, lừa… của người lân cận. Nếu có ai cho rằng điều răn thứ mười không cấm việc đàn bà ham muốn chồng của người khác thì họ đã không hiểu mệnh đề cuối cùng của điều răn này: "hay là điều chi thuộc về kẻ lân cận ngươi." Từ ngữ "điều chi" bao gồm tất cả những gì đã được liệt kê trước đó và tất cả những gì không được liệt kê; nghĩa là: hễ người nào, vật nào, việc nào, sự nào thuộc về của người khác thì chúng ta không được ham muốn.

Sự ham muốn chồng hay vợ của người khác không nhất thiết có liên quan đến tình dục hay sắc đẹp. Chúng ta có thể ham muốn một người vì cá tính, vì học thức, vì địa vị hoặc vì nếp sống đạo của người ấy. Chúng ta cũng cần phân biệt sự quý mến hoặc tôn kính với sự ham muốn bất chính. Sự ham muốn bất chính là ý muốn chiếm đoạt chồng hay vợ của người khác về cho chính mình trong khi sự quý mến hoặc tôn kính phát xuất từ tình yêu chân thật trong Chúa.

2. Phương diện thứ nhì: Ham muốn gia đình của người khác. Từ ngữ "nhà" được dùng trong điều răn thứ mười có nghĩa hẹp là nơi cư trú nhưng có nghĩa rộng là gia đình. Vì thế, chẳng những chúng ta không được ham muốn nhà ở của người khác mà chúng ta cũng không được ham muốn những gì thuộc về gia đình của người khác. Những gì thuộc về một gia đình bao gồm cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em, nhà ở và mọi vật dụng trong gia đình.

3. Phương diện thứ ba: Ham muốn phương tiện sinh sống của người khác. Trong Xuất Ê-díp-tô Ký 20:17 không đề cập đến "ruộng" nhưng gần 40 năm sau, khi Môi-se lập lại điều răn thứ mười và ghi chép trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:21 thì ông đã thêm từ ngữ "ruộng." Như trên đã giải thích, không phải Môi-se tự ý thêm vào Lời của Chúa nhưng ông trích dẫn Lời Chúa và diễn giải theo sự thần cảm của Đức Thánh Linh, vì thế, Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:21 cũng là Lời Chúa. Khi Thiên Chúa phán truyền Mười Điều Răn trên núi Si-na-i thì dân I-sơ-ra-ên mới bắt đầu hành trình vào đất hứa Ca-na-an; khi đó, chưa người nào sở hữu ruộng đất. Gần 40 năm sau, dân I-sơ-ra-ên chuẩn bị tiến vào đất hứa và sẽ được phân chia đất ruộng, cho nên, Đức Thánh Linh đã thần cảm cho Môi-se thêm danh từ "ruộng" vào điều răn thứ mười để giúp dân I-sơ-ra-ên hiểu rõ sự Thiên Chúa ngăn cấm. Vì ruộng đất là nền tảng cho việc chăn nuôi và trồng trọt, đem lại sự sống cho loài người, cho nên, danh từ "ruộng" trong điều răn thứ mười tiêu biểu cho tất cả những gì liên quan đến nghề nghiệp và phương tiện sinh sống.

4. Phương diện thứ tư: Ham muốn nhân lực của người khác. Danh từ "tôi trai tớ gái" có thể dùng để chỉ những nô lệ được chủ bỏ tiền ra mua về (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:44) mà cũng có thể dùng để chỉ những người được thuê mướn làm việc (I Các Vua 5:6). Vì thế, điều răn thứ mười cấm chúng ta ham muốn nhân lực của người khác.

5. Phương diện thứ năm: Ham muốn tài sản của người khác. Bò và lừa tiêu biểu cho tài sản, vật lực, cho nên, điều răn thứ mười cấm chúng ta ham muốn tài sản, vật lực của người khác chứ không chỉ riêng bò và lừa.

6. Phương diện thứ sáu: Ham muốn bất cứ điều chi thuộc về người khác. Năm phương diện được liệt kê trên đây là những điều cụ thể mà chúng ta đối diện thường ngày trong cuộc sống, được Thiên Chúa nêu ra để làm thí dụ. Điều răn thứ mười không giới hạn sự ham muốn bất chính những điều thuộc về người khác trong năm phương diện đó, mà bao gồm tất cả những gì thuộc về người khác. Nói cách khác, điều răn thứ mười có thể được rút gọn như sau: "Ngươi chớ ham muốn điều chi thuộc về kẻ lân cận ngươi."

Phương Cách Đắc Thắng Lòng Ham Muốn Bất Chính

Chúng ta không thể dùng sức riêng để chiến thắng lòng ham muốn bất chính. Thánh Kinh dạy rằng chúng ta phải nhờ quyền năng của Đức Chúa Trời để đánh đổ mọi lý luận, mọi sự tự cao nghịch lại lẽ thật của Lời Chúa và nhờ đó mà khiến cho các ý tưởng của mình vâng phục Đấng Christ như những kẻ nô lệ vâng phục chủ:

"Vì chúng tôi dầu sống trong xác thịt, chớ chẳng tranh chiến theo xác thịt. Vả, những khí giới mà chúng tôi dùng để chiến tranh là không phải thuộc về xác thịt đâu, bèn là bởi quyền năng của Đức Chúa Trời, có sức mạnh để đạp đổ các đồn lũy: nhờ khí giới đó chúng tôi đánh đổ các lý luận, mọi sự tự cao nổi lên nghịch cùng sự hiểu biết Đức Chúa Trời, và bắt hết các ý tưởng làm tôi vâng phục Đấng Christ" (II Cô-rinh-tô 10:3-5)

Chỉ khi nào trong chúng ta không còn những lý luận nghịch lại Lời Chúa, không còn dựa vào sự khôn ngoan tri thức của thế gian, và hoàn toàn để cho Đấng Christ làm chủ mọi suy tưởng của chúng ta thì chúng ta mới có thể thực hành được lời Chúa dạy trong Phi-líp 4:8:

"Rốt lại, hỡi anh em, phàm điều chi chơn thật, điều chi đáng tôn, điều chi công bình, điều chi thánh sạch, điều chi đáng yêu chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân đức đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến."

Kết Luận

Lòng ham muốn sai trái khiến cho chúng ta không thỏa lòng trong cuộc sống, nó khiến cho chúng ta không biết hưởng thụ những gì Chúa đã ban cho chúng ta mà cứ miệt mài theo đuổi những gì thuộc về người khác. Lòng ham muốn sai trái khiến cho chúng ta không thỏa lòng về người khác, nó khiến cho chúng ta đầy lòng ganh tỵ với những người chung quanh khi họ sở hữu những điều mà chúng ta ham muốn. Trên hết, lòng ham muốn sai trái khiến cho chúng ta không thỏa lòng với Chúa, nó khiến cho chúng ta không biết cảm tạ những điều Chúa đã ban cho chúng ta và oán trách Chúa những gì chúng ta ham muốn mà không có được.

Bí quyết để chúng ta thắng được lòng ham muốn sai trái là sự vững tin vào Lời Chúa, nương cậy nơi sức toàn năng của Ngài, và thỏa lòng trong mọi cảnh ngộ của đời sống mà Chúa cho phép xảy ra cho chúng ta. Câu chuyện của ông Gióp được ghi lại trong sách Gióp là bài học tuyệt vời cho chúng ta về đức tin nơi Chúa và thái độ sống Đạo. Chúng ta hãy ghi nhớ những lời sau đây:

"Vả, sự tin kính cùng sự thỏa lòng ấy là một lợi lớn. Vì chúng ta ra đời chẳng đem gì theo, chúng ta qua đời cũng chẳng đem gì đi được. Như vậy, miễn là đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng; Còn như kẻ muốn nên giàu có, ắt sa vào sự cám dỗ, mắc bẫy dò, ngã trong nhiều sự tham muốn vô lý thiệt hại kia, là sự làm đắm người ta vào sự hủy diệt hư mất. Bởi chưng sự tham tiền bạc là cội rễ mọi điều ác, có kẻ vì đeo đuổi nó mà bội đạo, chuốc lấy nhiều điều đau đớn"(I Ti-mô-thê 6:6-10).

"Chớ tham tiền; hãy lấy điều mình có làm đủ rồi, vì chính Ngài phán rằng: Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu"(Hê-bơ-rơ 13:5).

Nguyện ân điển và bình an từ Thiên Chúa Hằng Sống bao phủ chúng ta trong mọi nơi, mọi lúc. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
26.05.2012

Bấm vào đây để đọc tiếp →

6,864 views

Ngươi Chớ Nói Chứng Dối

Copyright Notice: All Rights Reserved © 2012 Vietnamese Christian Mission Ministry. Thông Báo Tác Quyền:Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức nhưng xin giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.

Ghi Chú: Bấm vào các từ ngữ Hê-bơ-rơ hoặc Hy-lạp để nghe phát âm. Bấm vào các mã số Strong (bắt đầu bằng H hoặc G) để xem định nghĩa trong tiếng Anh.

Tất cả những câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là từ Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời và Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống Hiệu Đính 2012. Bạn đọc có thể truy cập trực tiếp trên mạng tại đây: www.ngoiloi.thanhkinhvietngu.netwww.tt2012.thanhkinhvietngu.net.

Huỳnh Christian Timothy
Bấm vào đây để download bài viết này
Bấm vào đây để nghe và download mp3 bài này

"Ngươi chớ nói chứng dối cho kẻ lân cận mình."
(Xuất Ê-díp-tô Ký 20:16 – Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:20)

Dẫn Nhập

Tội nói dối có lẽ là tội có nhiều người phạm nhất với số lần phạm cũng nhiều nhất. Tội nói dối cũng xưa như lịch sử của loài người. Thánh Kinh cho chúng ta biết, loài người đã đi vào bất hạnh ngay từ buổi đầu sáng thế bởi một lời nói dối của Sa-tan. Điều răn thứ chín cấm loài người nói chứng dối cho kẻ lân cận mình, không phải chỉ cấm việc nói dối khi làm chứng về người khác trong một phiên tòa, mà là áp dụng cho mỗi lời nói của chúng ta về người khác trong mọi nơi, mọi lúc. Khi chúng ta nói về một người nào đó, dù là nói trong tòa án hay ngoài tòa án, là chúng ta làm chứng về người ấy; vì thế, nếu chúng ta nói một điều gì không thật về người ấy là chúng ta đã nói chứng dối cho người ấy.

Sự nói chứng dối có thể là vì ác ý, muốn làm hại hoặc trả thù người khác, có thể là vì thiện ý muốn bảo vệ hoặc tôn cao người khác, và cũng có thể là vì không biết rõ sự thật. Trước khi đi vào chi tiết của sự nói chứng dối chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa các từ ngữ được dùng trong điều răn thứ chín.

Kẻ Lân Cận Mình

Trong nguyên ngữ của Thánh Kinh từ ngữ "kẻ lân cận mình" bao gồm những ai thân thuộc, quen biết hoặc có mối tương quan xã hội nào đó với chúng ta: là cha mẹ, là vợ chồng, là người yêu, là anh chị em, là bạn bè, là người hàng xóm, là người cộng sự, hoặc là người cùng quốc tịch. Từ ngữ này còn có một ý bao quát là "người khác," tức là bất cứ ai ngoài chính mình. Như vậy, chúng ta có thể hiểu rằng, Thiên Chúa cấm chúng ta nói chứng dối về người khác. Dĩ nhiên, điều răn thứ chín không hàm ý là chúng ta có thể nói chứng dối về chính mình. Trong Lê-vi ký 6:1-7, Thiên Chúa cấm sự nói dối và thề dối. Trong Lê-vi Ký 19:11, Thiên Chúa cấm sự nói dối và lường gạt: "Các ngươi chớ trộm cắp, chớ nói dối, và chớ lừa đảo nhau."

Nói Chứng Dối

Từ ngữ "nói" được dùng trong điều răn thứ chín không phải là động từ "nói" thông thường mà là một từ ngữ biến thể từ một động từ gốc, có nghĩa là "nhìn chăm chú," với nghĩa rộng là "thuật lại điều đã thấy và biết." Những lời được thuật lại đó được gọi là "lời chứng." Như vậy, "nói chứng dối" có nghĩa là thuật lại không đúng sự thật những gì mình đã thấy và biết.

Cố Ý Nói Chứng Dối

Như đã trình bày trên đây, chúng ta có thể cố ý hoặc vô ý mà nói chứng dối. Trong trường hợp cố ý nói chứng dối thì có ba lý do:

1. Cố ý nói chứng dối để hãm hại hoặc trả thù người khác. Người phạm tội này có mục đích muốn làm hại người khác và cũng có thể tự mình tạo ra chứng cớ giả để khiến cho lời chứng dối của mình được xem là thật.

2. Cố ý nói chứng dối để tôn cao hoặc lấy lòng người khác. Đây là thói quen của những người ưa xu nịnh.

3. Cố ý nói chứng dối để tự bảo vệ hoặc thủ lợi cho mình. Người phạm tội này có thể là vì muốn trốn trách trách nhiệm về một việc làm sai trái nào đó của mình mà đổ tội của mình cho người khác hoặc không muốn bí mật của mình bị tiết lộ. Người phạm tội này cũng có thể là vì được mua chuộc để làm chứng dối cho ai đó hoặc vì sự nói chứng dối về một điều gì đó đem lại quyền lợi cho mình.

Vô Ý Nói Chứng Dối

Trường hợp vô ý nói chứng dối xảy ra khi chúng ta quan sát không kỷ hoặc nhớ không hết các dữ kiện hoặc hiểu không đúng sự kiện mà mình chứng kiến. Sự biểu diễn của các nhà ảo thuật điển hình cho sự kiện khả năng quan sát của loài người rất có giới hạn. Nếu một nhân chứng được hỏi rằng, anh ta có thấy nhà ảo thuật đưa tay ra khoảng không trước mặt thì lập tức một bông hồng xuất hiện trên tay của ông ta hay không, thì nhân chứng buộc phải nói là có thấy. Tuy nhiên, chúng ta biết đó không phải là sự thật. Ngoài ra, còn có trường hợp nhân chứng không thấy hoặc không biết hết diễn tiến của một sự kiện, cho nên, lời làm chứng không hoàn toàn đúng sự thật. Tục ngữ có câu: "Một nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mì nhưng một nửa sự thật không còn là sự thật," mà chúng ta có thể dùng để nói lên tính cách nghiêm trọng của sự làm chứng. Chúng ta hãy xét qua các thí dụ dưới đây:

1. Một người bị bệnh mù màu không thể làm chứng một cách trung thực về những điều liên quan đến màu sắc. Thủ phạm có thể mặc áo màu đỏ khi gây án nhưng người chứng lại nói là thủ phạm mặc áo màu xám.

2. Một người giúp thổi bụi trong mắt của người khác có thể bị nhìn thấy là đang hôn người khác.

3. Trong các loại thuốc trị bệnh chúng ta thường thấy có những loại thuốc mà khi uống vào có thể làm cho người ta buồn ngủ. Nếu chúng ta giới thiệu công dụng chữa bệnh của thuốc mà không nói đến tác động phụ làm buồn ngủ của thuốc thì chúng ta chỉ mới nói một nửa sự thật. Điều đó có thể khiến gây ra tai nạn chết người nếu bệnh nhân uống thuốc và ngủ gục trong khi lái xe. Cho dù chúng ta vô ý không nói đến tác động phụ của thuốc nhưng sự vô ý đó vẫn có thể đem lại hậu quả làm thiệt hại người khác.

Nói Chứng Dối về Chính Mình

Chúng ta sẽ mang tội nói chứng dối về chính mình khi chúng ta nói về mình một cách không trung thực. Sự nói chứng dối về chính mình có thể là kết quả của sự khoác lác và kiêu ngạo. Khoác lác là nói dối khiến cho người ta tin cậy mình hoặc tôn trọng mình. Kiêu ngạo là thổi phồng một lẽ thật, tức là nói dối dựa trên một lẽ thật, khiến cho người ta tin cậy mình hoặc tôn trọng mình. Sự nói chứng dối về chính mình cũng có thể là nhằm để tự bảo vệ hoặc thủ lợi cho mình. Con dân Chúa dựa vào sức toàn năng của Chúa bảo vệ mình và không hề thủ lợi mà chỉ vui nhận sự ban cho từ nơi Chúa.

Trên phương diện thuộc linh, một người phạm tội nói chứng dối về chính mình khi xưng nhận mình là con dân của Thiên Chúa mà không sống đúng theo Lời Chúa:

"Ví bằng chúng ta nói mình được giao thông với Ngài, mà còn đi trong sự tối tăm, ấy là chúng ta nói dối và không làm theo lẽ thật" (I Giăng 1:6).

"Kẻ nào nói: Ta biết Ngài, mà không giữ các điều răn Ngài, là người nói dối, lẽ thật quyết không ở trong người" (I Giăng 2:4).

"Vì có ai nói rằng: Ta yêu Đức Chúa Trời, mà lại ghét anh em mình, thì là kẻ nói dối; vì kẻ nào chẳng yêu anh em mình thấy, thì không thể yêu Đức Chúa Trời mình chẳng thấy được" (I Giăng 4:20).

Nói Chứng Dối về Chúa

Chúng ta sẽ mang tội nói chứng dối về Chúa khi chúng ta "làm chứng" hoặc thuật lại những điều không có thật về Chúa.

Thông thường người ta hay nói: "Chúa phán với tôi" như thế này, "Chúa phán với tôi" như thế nọ, nhưng thật ra, đó chỉ là những ý tưởng của chính họ chứ không phải là lời phán của Chúa. Một người vẫn còn sống theo những sự ưa muốn của xác thịt, chưa chịu vâng theo các điều răn của Chúa thì không thể nghe được Chúa phán điều gì khác hơn là "Hãy ăn năn!" Ngoài ra, cũng có thể họ nghe tiếng nói của Ma Quỷ mạo làm tiếng Chúa. Con dân chân thật của Chúa, là những người thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin cậy nơi sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ, và sống theo Lời Chúa, thì không bị tiếng nói của xác thịt hoặc tiếng nói của Ma Quỷ dẫn dụ. Con dân chân thật của Chúa được nghe sự phán dạy của Chúa mỗi ngày trong cuộc sống qua Lời của Chúa là Thánh Kinh và mỗi mệnh lệnh riêng tư của Chúa phán trong tâm trí họ cũng đều dựa trên các lẽ thật của Thánh Kinh.

Nhiều người có thói quen nói chứng dối về Chúa với mục đích muốn tôn cao Chúa. Tuy nhiên, Thiên Chúa không cần những lời dối trá của loài người để được vinh hiển. Trái lại, những lời nói chứng dối về Thiên Chúa làm xúc phạm Ngài. Người ta cũng có thể nói chứng dối về Chúa để tỏ ra rằng mình được Thiên Chúa ban ơn cách đặc biệt. Những lời nói chứng dối về Thiên Chúa cũng có thể dựa trên một số chi tiết có thật nhưng được thổi phồng lên.

Đặc biệt, trong công tác rao giảng Tin Lành, chúng ta sẽ phạm tội nói chứng dối về Chúa khi chúng ta chỉ nói đến các phước hạnh về sự tin Chúa mà không nói đến cái giá phải trả khi đi theo Chúa. Chúng ta cần ghi nhớ: "Một nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mì nhưng một nửa sự thật không còn là sự thật." Chúa không bao giờ hứa sự giàu có hoặc sức khỏe cho những ai theo Chúa, cho nên, chúng ta sẽ phạm tội nói chứng dối về Chúa khi chúng ta kêu gọi người ta tin Chúa để được được thoát nghèo hoặc được chữa lành bệnh tật.  Mục đích của sự tin Chúa là để được cứu rỗi ra khỏi quyền lực và hậu quả của tội lỗi, để không bị hư mất đời đời trong hỏa ngục mà được vui sống đời đời trong Chúa; còn sự được thoát nghèo hoặc được chữa lành bệnh tật là tùy thuộc nơi ý muốn của Chúa dành cho từng cá nhân.

Có lẽ tội nói chứng dối về Chúa nghiêm trọng nhất là nếp sống không đúng với Lời Chúa của chúng ta. Chúng ta nói đến sự đổi mới, nói đến quyền phép của Thiên Chúa, nói đến tình yêu trong Chúa, nói đến sự thánh khiết, công bình trong Chúa… nhưng nếu đời sống chúng ta nghịch lại những tiêu chuẩn yêu thương, thánh khiết, và công chính của Chúa, vi phạm các điều răn của Ngài, thì chúng ta đã nói chứng dối về Ngài; bởi vì, nếp sống của chúng ta khiến cho người ta kết luận là Chúa không có quyền năng thay đổi chúng ta!

Kết Luận

Nói chứng dối tức là nói dối. Đức Chúa Jesus gọi Ma Quỷ là cha của sự nói dối (Giăng 8:44), vì thế, tất cả mọi lời nói dối đều ra từ Ma Quỷ, dù là một lời nói dối mà chúng ta cho rằng không gây hại cho ai hoặc nhằm an ủi người khác; và những ai ưa thích nói dối thì người đó là con cái của Ma Quỷ. Thật ra, không có một lời nói dối nào mà không gây hại cho ai. Bất cứ lời nói dối nào cũng trước hết là vi phạm tiêu chuẩn thánh khiết của Thiên Chúa. Thiên Chúa là lẽ thật cho nên một lời nói không thật là sự xúc phạm đến phẩm chất của Thiên Chúa. Con dân Chúa không thể dùng lời nói dối để mua vui hoặc an ủi người khác. Thánh Kinh dạy: "Chớ nói lời tục tỉu, chớ giễu cợt, chớ giả ngộ tầm phào, là những điều không đáng, những thà cảm tạ ơn Chúa thì hơn" (Ê-phê-sô 5:4). Tất cả những lời nói dối đều là những lời dữ vì vi phạm luật pháp của Thiên Chúa. Thánh Kinh dạy: "Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em; nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến" (Ê-phê-sô 4:29).

Thánh Kinh lên án những kẻ nói dối và hình phạt của kẻ nói dối mà không ăn năn là hư mất đời đời trong hỏa ngục (Khải Huyền 21:8). Thánh Kinh cũng dạy con dân Chúa phải từ bỏ sự nói dối: "Như vậy, mỗi người trong anh em phải chừa sự nói dối, hãy nói thật với kẻ lân cận mình, vì chúng ta làm chi thể cho nhau" (Ê-phê-sô 4:25). "Chớ nói dối nhau, vì đã lột bỏ người cũ cùng công việc nó" (Cô-lô-se 3:9).

Là con dân Chúa, chúng ta đã được Thiên Chúa "định sẵn để nên giống như hình bóng Con Ngài" (Rô-ma 8:29), đã được Đức Thánh Linh tái sinh thành người mới "tức là người đã được dựng nên giống như Thiên Chúa, trong sự công bình và sự thánh sạch của lẽ thật" (Ê-phê-sô 4:24); vì thế, chúng ta phải nhờ ơn Chúa để sống một nếp sống sao cho trong miệng của chúng ta "không thấy có chút chi dối trá" như Đức Chúa Jesus Christ yêu dấu của chúng ta (I Phi-e-rơ 2:22); và trong ngày chúng ta vào trong cõi đời đời thì được xác chứng rằng trong miệng chúng ta "chẳng có lời nói dối nào hết" (Khải Huyền 14:5).

Những ai phạm tội nói chứng dối và nói dối hãy đến với Chúa, ăn năn tội và xưng tội với Ngài, để được Ngài tha tội và làm cho sạch mọi điều gian ác (I Giăng 1:9). Chúng ta hãy cầu xin Chúa đem mọi sự dối trá ra khỏi chúng ta và gìn giữ chúng ta không vô ý phạm tội nói chứng dối và nói dối.

Nguyện Đức Thánh Linh, Thần Lẽ Thật, giúp chúng ta hiểu biết và sống đúng theo Lời Chúa mỗi ngày. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
19.05.2012

Ghi Chú

1.Lời tục tỉu, (aischrotēs), G151, /ahee-skhrot'-ace/: Những lời thô tục, dâm dật.

2. Giễu cợt, (mōrologia), G3473, /mo-rol-og-ee'-ah/: Những lời chọc cười không đem lại bổ ích hay gây dựng; nói như là một người thiếu hiểu biết; điển hình là các "danh hài" Việt Nam ngày nay.

3. Giả ngộ tầm phào, (eutrapelia), G2160, /yoo-trap-el-ee'-ah/: Những lời tục tỉu được trá hình dưới hình thức một lời hai ý kiểu "đố tục giảng thanh" hoặc "đố thanh giảng tục;" điển hình là thơ của bà Hồ Xuân Hương.

Nhiều "mục sư" Việt Nam ngày nay đã đưa sự "giễu cợt" và "giả ngộ tầm phào" vào trong bài giảng, biến chức vụ "cho chiên ăn" thành "hề thuộc linh."

Con dân Chúa không nên xem các hài kịch mà trong đó "mười câu hết chín" các diễn viên kêu "Trời!"

Bấm vào đây để đọc tiếp →

7,236 views

Ngươi Chớ Trộm Cắp

Copyright Notice: All Rights Reserved © 2012 Vietnamese Christian Mission Ministry. Thông Báo Tác Quyền:Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức nhưng xin giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.

Ghi Chú: Tất cả những câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là từ Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời và Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống Hiệu Đính 2012: www.ngoiloi.thanhkinhvietngu.netwww.tt2012.thanhkinhvietngu.net.

Huỳnh Christian Timothy
Bấm vào đây để download bài này
Bấm vào đây để nghe và download mp3

"Ngươi chớ trộm cắp."
(Xuất Ê-díp-tô Ký 20:15 – Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:19)

Dẫn Nhập

Trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh thì điều răn thứ tám là: "Ngươi chớ trộm cắp." Bản Dịch Truyền Thống dịch là: "Ngươi chớ trộm cướp" thì không được đúng ý, bởi vì "trộm cắp" khác với "trộm cướp." "Trộm cắp" là hành động lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác; gọi là "trộm" khi hành động chiếm đoạt xảy ra lúc chủ nhân ngủ mê hoặc vắng mặt; gọi là "cắp" khi chủ nhân có mặt nhưng lơ đễnh hoặc bị làm cho mất cảnh giác. Nếu công khai dùng sức mạnh hoặc đe dọa bằng vũ khí hay quyền thế để chiếm đoạt tài sản của người khác thì gọi là "cướp." Vậy, "trộm cắp" là từ ngữ gọi riêng các hành động lén lút còn "trộm cướp" là từ ngữ gọi chung các hành động lén lút lẫn công khai dùng sức mạnh hay thế lực để chiếm đoạt tài sản của người khác.

Khi nói rằng điều răn thứ tám cấm "trộm cắp" chứ không cấm "trộm cướp" là chúng ta muốn khẳng định sự phiên dịch trung thực Lời Chúa chứ không cho rằng trộm cướp thì không vi phạm luật của Chúa. Bởi vì, ngoài Mười Điều Răn còn có các luật lệ ra từ Mười Điều Răn, do Chúa ban hành, mà hai trong những luật lệ đó cấm đoán hành động cướp giựt: "chớ lường gạt kẻ lân cận ngươi, chớ cướp giựt người" (Lê-vi Ký 19:13) và "chớ cướp giựt kẻ nghèo" (Châm Ngôn 22:22).

Trộm Cắp

Điều cơ bản mà chúng ta cần phải ghi nhớ, đó là: "Lấy một vật gì không phải của mình mà không được sự đồng ý của người chủ là phạm tội trộm cắp." Hành động trộm cắp phát xuất từ lòng tham. Lòng tham là sự ưa thích một điều gì đó quá mức, như: tham ăn, tham tiền, tham danh tiếng… và cũng có thể là muốn chiếm lấy làm của riêng một điều gì đó không phải là của mình, là điều bị Chúa nghiêm cấm trong điều răn thứ mười. Vì tham ăn nên xảy ra hành động ăn vụng. Vì tham tiền nên xảy ra việc trộm cắp tiền bạc, của cải. Vì tham danh tiếng nên xảy ra việc đánh cắp công lao của người khác.

Không một ý muốn trộm cắp nào mà không bị lương tâm lên tiếng cáo trách. Thánh Kinh cho biết luật pháp của Đức Chúa Trời được ghi vào lương tâm của nhân loại: "Họ tỏ ra rằng việc mà luật pháp dạy biểu đã ghi trong lòng họ: chính lương tâm mình làm chứng cho luật pháp, còn ý tưởng mình khi thì cáo giác mình, khi thì binh vực mình" (Rô-ma 2:15). Tuy nhiên, bản chất tội lỗi khiến cho người ta dập tắt sự lên án của lương tâm để biến ý muốn trộm cắp thành hành động. Khi tiếng cáo trách của lương tâm đã bị dập tắt thì lương tâm trở nên chai lì (I Ti-mô-thê 4:2). Một lương tâm đã chai lì sẽ tạo ra tiêu chuẩn đạo đức riêng nghịch lại điều răn và luật pháp của Thiên Chúa. Thay vì lên án hành động trộm cắp, lương tâm chai lì sẽ lên án một người không thừa cơ trộm cắp là: ngu dại, hèn nhát, bỏ lỡ cơ hội… Khi lương tâm đã chai lì, người ta có thể phạm tội trộm cắp mỗi ngày mà không còn ý thức là mình phạm tội, lại tự cho là mình khôn ngoan, khéo léo!

Một vài thí dụ điển hình về sự trộm cắp mà lương tâm chai lì khiến người ta không còn ý thức đó là hành động trộm cắp: Một người lấy vài tờ giấy hay một cây bút chì của sở làm đem về nhà dùng cho việc cá nhân là một hành động trộm cắp tài sản; còn nếu dùng thời gian làm việc tại sở làm để đọc báo, xem Internet, gửi email, gọi điện thoại mà không liên quan đến công việc của sở làm thì đó là hành động trộm cắp thời gian. Người mua bán mà cân, đong, đo, đếm gian lận tức là phạm tội trộm cắp tiền bạc. Người làm thuê, làm mướn mà không hết lòng làm việc cũng là phạm tội trộm cắp tiền bạc. Chính vì thế mà Chúa truyền cho con dân Chúa: "Hỡi kẻ làm tôi tớ, trong mọi sự phải vâng phục kẻ làm chủ mình về phần xác, không những hầu việc trước mắt họ, như mình tìm cách cho đẹp lòng người ta, nhưng vì kính sợ Chúa, hãy lấy lòng thật thà mà hầu việc. Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chớ không phải làm cho người ta" (Cô-lô-se 3:22, 23).

Cũng có những hành động tự bản thân nó không phải là trộm cắp nhưng nếu chúng ta làm ra nó với ý thức là mình đang trộm cắp thì chúng ta đã biến nó thành hành động trộm cắp. Thí dụ: Anh A và anh B cùng thuê chung một mãnh đất để làm rẫy. Hai anh cùng trồng khoai mì. Một đêm kia, anh A lén ra rẫy để nhổ trộm khoai mì của anh B. Tuy nhiên, sáng hôm sau khi anh A ra rẫy thì mới khám phá ra rằng, đêm qua mình đã nhổ trộm chính khoai mì của mình. Mặc dù anh A nhổ khoai mì của mình nhưng đối với lương tâm thì anh A vẫn mang tội trộm cắp khoai mì của anh B; vì anh đã hành động như vậy trong ý muốn trộm cắp của người khác.

Lại có những hành động chiếm đoạt của cải người khác nhưng không bị xếp loại là trộm cắp hay trộm cướp khi hành động đó nhằm cứu người hay phục vụ cho lợi ích chung. Thí dụ: Trong trường hợp khẩn cấp cần phải đập vỡ cửa một căn nhà bỏ trống để lấy thực phẩm, thuốc men, phương tiện cứu người bị nạn.

Trộm Cướp của Thiên Chúa

Trong Ma-la-chi 3:8, Thiên Chúa hỏi con dân của Ngài một câu rất là mỉa mai: "Người ta có thể trộm cướp Thiên Chúa sao? mà các ngươi trộm cướp Ta. Các ngươi nói rằng: Chúng tôi trộm cướp Chúa ở đâu? Các ngươi đã trộm cướp trong các phần mười và trong các của dâng."

Bối cảnh của câu phán hỏi này là: Sau khi Vương Quốc Giu-đa bị Đế Quốc Ba-by-lôn chinh phục và bắt làm phu tù 70 năm thì Thiên Chúa đã cho họ được hồi hương để tái lập quốc, xây dựng lại đền thờ và thành Giê-ru-sa-lem. Bởi chiếu chỉ từ Vua Đa-ri-út của Đế Quốc Phe-rơ-sơ (Iran ngày nay) và dưới sự lãnh đạo của Xô-rô-ba-bên, sự tái thiết đền thờ được hoàn tất vào năm 516 TCN (E-xơ-ra 5). Đến năm 458 TCN, Vua Ạt-ta-xét-xe của Đế Quốc Phe-rơ-sơ ra chiếu chỉ cho E-xơ-ra trở về Giê-ru-sa-lem để tái lập các nghi thức thờ phượng trong đền thờ và dạy dân I-sơ-ra-ên vâng giữ các điều răn và luật pháp của Đức Giê-hô-va (E-xơ-ra 7). Mười ba năm sau, vào năm 445 TCN, Vua Ạt-ta-xét-xe lại một lần nữa ra chiếu chỉ cho Nê-hê-mi về lại Giê-ru-sa-lem để xây dựng lại các tường thành. Trong chức vụ thống đốc của Giê-ru-sa-lem, Nê-hê-mi đã bênh vực phúc lợi của người nghèo, khuyến khích dân sự ly dị vợ người ngoại, tôn kính ngày Sa-bát, trung tín dâng hiến của dâng phần mười và các của dâng khác (xem sách Nê-hê-mi).

Đến năm 433 TCN, Nê-hê-mi quay lại Phê-rơ-sơ để phục vụ Vua Ạt-ta-xét-xe. Trong thời gian Nê-hê-mi vắng mặt tại Giê-ru-sa-lem thì từ các thầy tế lễ cho đến dân chúng đều quay lại với nếp sống tội lỗi. Dân chúng thì bỏ qua sự dâng phần mười, gian dối trong việc dâng sinh tế, mua bán với dân ngoại trong ngày Sa-bát, và trở lại kết hôn với dân ngoại. Các thầy tế lễ thì tham nhũng, hối lộ, thất trách, dùng những sinh tế kém phẩm chất trong các cuộc tế lễ (Nê-hê-mi 13). Thiên Chúa đã dùng Tiên Tri Ma-la-chi để cáo trách, lên án và kêu gọi dân I-sơ-ra-ên ăn năn.

Từ ngữ "trộm cướp" được dùng trong Ma-la-chi vừa có nghĩa là lường gạt để chiếm đoạt của cải vừa có nghĩa là ngang nhiên cướp đoạt. Trong nghĩa lường gạt thì dân I-sơ-ra-ên đã dâng lên Chúa những con vật mù, què, tật bệnh thay vì dâng lên những con vật khỏe mạnh không tì vít, để khỏi phải tốn nhiều tiền; và như thế, họ đã lường gạt để trộm cướp Chúa. Các thầy tế lễ nhận của hối lộ từ dân chúng để tiếp nhận những con vật kém phẩm chất dâng làm làm của lễ, cho nên, họ cũng dự phần trong việc lường gạt, trộm cướp Chúa. Dân chúng không dâng phần mười và các của lễ vào đền thờ theo lệnh truyền của Chúa tức là đã ngang nhiên cướp đoạt tài sản thuộc về nhà Chúa. Các thầy tế lễ ăn hối lộ để bỏ qua việc sai phạm đó, cho nên, họ cũng dự phần trong việc ngang nhiên cướp đoạt tài sản trong nhà Chúa. Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng và biết hết mọi sự, thế mà con dân của Thiên Chúa dám lường gạt Ngài và ngang nhiên cướp đoạt các tài sản thuộc về đền thờ của Ngài để thủ lợi, thì quả là một điều mỉa mai!

Ngày nay, con dân Chúa cũng có thể phạm tội trộm cướp Chúa, thí dụ:

1. Chúng ta sẽ phạm tội trộm cướp thời gian của Chúa khi bỏ qua sự nhóm họp thờ phượng Chúa vào mỗi ngày Sa-bát, vì Chúa truyền cho con dân Chúa nhóm họp thờ phượng Chúa trong ngày Sa-bát. Chúng ta có thể tự ý nhóm họp thờ phượng Chúa bất kỳ lúc nào nhưng sự nhóm họp thờ phượng Chúa trong ngày Sa-bát là mệnh lệnh của Chúa mà chúng ta phải tuân theo: "Người ta làm việc trong sáu ngày, nhưng qua ngày thứ bảy là ngày Sa-bát, một ngày nghỉ, tức một sự nhóm hiệp thánh; đừng làm một công việc gì; ấy là Lễ Sa-bát của Đức Giê-hô-va trong những nơi các ngươi ở" (Lê-vi Ký 23:3).

2. Chúng ta sẽ phạm tội trộm cướp thời gian của Chúa khi dùng thời gian Chúa ban cho mình vào những việc Chúa không bảo chúng ta làm hoặc những sinh hoạt thường ngày trong cuộc sống nào không đem lại ích lợi, không làm gương tốt, và không làm vinh hiển danh Chúa.

3. Chúng ta sẽ phạm tội trộm cướp thời gian và tiền bạc của Chúa khi đóng góp thời gian và tiền bạc vào những tổ chức tôn giáo rao giảng và thực hành những điều không đúng với Thánh Kinh. Bất cứ tổ chức tôn giáo nào rao giảng và thực hành những điều không đúng với Thánh Kinh thì tổ chức đó là công cụ "cỏ lùng" của Sa-tan, được gieo vào trong thế gian, mạo danh Hội Thánh của Chúa để cạnh tranh với Hội Thánh, hòng làm suy yếu Hội Thánh, và lường gạt những người nhẹ dạ rồi khiến cho họ tin vào những giáo lý phản Thánh Kinh mà phạm tội nghịch cùng Chúa. Chúa đã phán về sự giả hình của những người đứng đầu các tổ chức tôn giáo mang danh Chúa, như sau: "Khốn cho các ngươi, thầy thông giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả hình! vì các ngươi đi khắp dưới nước trên bộ để khuyên một người vào đạo mình; và khi đã khuyên được rồi, thì các ngươi làm cho họ trở nên người địa ngục gấp hai các ngươi" (Ma-thi-ơ 23:15). Con dân Chúa có bổn phận mỗi ngày tra xem Thánh Kinh như tín đồ tại thành Bê-rê để xem mọi lời giảng dạy mình nghe có đúng với Thánh kinh hay không: "Những người nầy có ý hẳn hoi hơn người Tê-sa-lô-ni-ca, đều sẵn lòng chịu lấy Đạo, ngày nào cũng tra xem Thánh Kinh, để xét lời giảng có thật chăng" (Công Vụ Các Sứ Đồ 17:11). Chúa cũng truyền cho chúng ta phải nhìn trái để biết cây, nhìn vào nếp sống Đạo của một người để biết họ là con dân chân thật của Chúa, người giảng Đạo thật của Chúa hay họ chỉ là những kẻ giả hình (Ma-thi-ơ 7). Vì thế, mỗi người có trách nhiệm về chính mình trong sự nhận xét và phân biệt thật giả.

4. Chúng ta sẽ phạm tội trộm cướp tiền bạc của Chúa khi không "lấy trong hết thảy của cải mình mà chia cho người dạy Đạo" chomình(Ga-la-ti 6:6). Người dạy Đạo là người giảng dạy Lời Chúa cho mình khiến cho mình hiểu biết Lời Chúa và lớn lên trong đức tin. Người dạy Đạo do chính Chúa sai đến với mình hoặc đem mình đến với người đó, không phải là "mục sư" của các giáo hội. "Lấy trong hết thảy của cải mình" có nghĩa là không loại trừ một hình thức của cải nào, từ thức ăn, chỗ ở, phương tiện di chuyển, cho đến tiền bạc… "Chia cho người dạy đạo" có nghĩa là đáp ứng nhu cầu của người dạy Đạo. Nếu người dạy Đạo có nhu cầu ăn uống thì mình chia xẻ thức ăn, thức uống của mình cho người ấy. Nếu người dạy Đạo có nhu cầu di chuyển thì mình chia xẻ phương tiện di chuyển của mình hoặc chia xẻ tiền bạc dùng thuê mướn phương tiện cho người đó. Nếu người dạy Đạo cần chỗ trú ngụ thì mình chia xẻ nhà cửa mình cho người ấy. Nếu người dạy Đạo cần tiền bạc cho các chi phí trong cuộc sống thì mình chia xẻ tiền bạc của mình cho người ấy. "Lấy trong hết thảy của cải mình mà chia cho người dạy Đạo" không hề có nghĩa là phân chia tài sản của mình cho người dạy Đạo và cũng không cần thiết thi hành nếu người dạy Đạo đã đủ ăn, đủ mặc và có phương tiện hầu việc Chúa.

5. Chúng ta sẽ phạm tội trộm cướp tiền bạc của Chúa khi không cứu giúp anh chị em trong Chúa lúc họ ở trong hoạn nạn hoặc nghèo thiếu, không đủ ăn, không đủ mặc. Ma-thi-ơ 25:41-45 nói rõ hình phạt mà Chúa sẽ thi hành trên những người phạm tội này:

41 Kế đó, Ngài sẽ phán cùng những người ở bên tả rằng: Hỡi kẻ bị rủa, hãy lui ra khỏi Ta; đi vào lửa đời đời đã sắm sẵn cho ma quỷ và những quỷ sứ nó.

42 Vì Ta đã đói, các ngươi không cho ăn; Ta khát, các ngươi không cho uống;

43 Ta là khách lạ, các ngươi không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi không mặc cho Ta; Ta đau và bị tù, các ngươi không thăm viếng.

44 Đến phiên các ngươi nầy bèn thưa lại rằng: Lạy Chúa, khi nào chúng tôi đã thấy Chúa, hoặc đói, hoặc khát, hoặc làm khách lạ, hoặc trần truồng, hoặc đau ốm, hoặc bị tù mà không hầu việc Ngài ư?

45 Ngài sẽ đáp lại rằng: Quả thật, Ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi không làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy, ấy là các ngươi cũng không làm cho Ta nữa.

Chúng ta cần lưu ý nhóm chữ "trong những người rất hèn mọn nầy" được dùng để chỉ anh chị em cùng đức tin trong Chúa, tức là những người đã thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ, và hết lòng sống theo Lời Chúa. Họ là những người thuộc về Ngài, đang sống giữa thế gian, và được Ngài yêu cho đến cuối cùng (Giăng 13:1) chứ không phải tất cả mọi người trong thế gian.

6. Chúng ta sẽ phạm tội trộm cướp tiền bạc của Chúa khi sống xa hoa phung phí. Chúa ban cho chúng ta được giàu có về của cải tiền bạc là để chúng ta phân phát cho những người nghèo thiếu. Lời Chúa chép: "Hãy răn bảo kẻ giàu ở thế gian nầy đừng kiêu ngạo và đừng để lòng trông cậy nơi của cải không chắc chắn, nhưng hãy để lòng trông cậy nơi Đức Chúa Trời, là Đấng mỗi ngày ban mọi vật dư dật cho chúng ta được hưởng. Hãy răn bảo họ làm điều lành, làm nhiều việc phước đức, kíp ban phát và phân chia của mình có, vậy thì dồn chứa về ngày sau một cái nền tốt và bền vững cho mình, để được cầm lấy sự sống thật." (I Ti-mô-thê 6:17-19). Không riêng về tiền bạc của cải mà tất cả những gì Chúa ban cho chúng ta trong cuộc đời này, chỉ là Ngài giao quyền quản lý cho chúng ta để chúng ta phân phát lẫn nhau, nhờ đó, chúng ta mới thể hiện được tình yêu thương và mối thông công hiệp một trong Chúa của Hội Thánh: "Mỗi người trong anh em hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau, khác nào người quản lý trung tín giữ các thứ ơn của Thiên Chúa." (I Phi-e-rơ 4:10).

7. Chúng ta sẽ phạm tội trộm cướp sự vinh quang của Chúa khi cho rằng nhờ mình hay, mình giỏi, mình hy sinh, mình siêng năng, mình khôn ngoan, mình đạo đức, mình nhân từ, vv… mà việc mình làm có thành quả tốt đẹp. Chúng ta phải nói rằng: "Chúng tôi là đầy tớ vô ích; điều chúng tôi đã làm là điều chắc phải làm" (Lu-ca 17:10).

Kết Luận

Hành động trộm cắp hay trộm cướp phát xuất từ lòng tham. Lòng tham là một đặc tính của tội lỗi, của bản ngã cũ mà Thánh Kinh ví sánh với tội thờ lạy thần tượng (Ê-phê-sô 5:5; Cô-lô-se 3:5). Con dân Chúa đã được dựng nên mới trong Đức Chúa Jesus Christ, đã trở nên giống như Chúa trong sự công bình và thánh sạch của lẽ thật (Ê-phê-sô 4:24) thì có đầy dẫy Thánh Linh, tức là năng lực của Thiên Chúa, để không tham lam. Không tham lam thì không thể cố ý vi phạm điều răn thứ tám. Tuy nhiên, nếu chúng ta không khôn ngoan, thông sáng trong Chúa thì có thể sẽ vô tình phạm tội trộm cướp Chúa khi đóng góp tiền bạc, thời gian vào các tổ chức tôn giáo, mạo làm Hội Thánh Chúa mà thật ra chúng là Hội của Sa-tan như Khải Huyền 2:9 đã gọi đích danh.

Nguyện mỗi người chúng ta biết lắng lòng nghe theo sự dạy dỗ của Đức Thánh Linh và làm theo sự dẫn dắt của Ngài mỗi ngày trong đời sống của chúng ta.

Huỳnh Christian Timothy
12.05.2012

Bấm vào đây để đọc tiếp →

5,023 views

Sự Yêu Thương và Sự Đoán Xét

Copyright Notice: All Rights Reserved © 2012 Vietnamese Christian Mission Ministry. Thông Báo Tác Quyền: Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức nhưng xin giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.

Ghi Chú: Tất cả những câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là từ Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời và Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống Hiệu Đính 2012: www.ngoiloi.thanhkinhvietngu.netwww.tt2012.thanhkinhvietngu.net.

Huỳnh Christian Timothy
Bấm vào đây để download bài viết này

Nghe MP3 Phần 1: http://timhieutinlanh.net/node/952
Nghe MP3 Phần 2: http://timhieutinlanh.net/node/953
Nghe MP3 Phần 3: http://timhieutinlanh.net/node/954

Dẫn Nhập

Ngày nay, có lẽ hai từ ngữ bị lạm dụng nhiều nhất trong Hội Thánh là "sự yêu thương" và "sự đoán xét." Lạm dụng một điều gì có nghĩa là dùng điều đó không đúng cách, đúng nghĩa, đúng lúc, miễn sao đạt được mục đích đã nhắm sẵn. Sự lạm dụng từ ngữ phát sinh bởi sự lạm dụng Lời Chúa.

Có hai thành phần lạm dụng Lời Chúa. Thành phần thứ nhất là những người còn non kém trong đức tin và trong sự hiểu biết Đạo Chúa, chưa hết lòng sống theo lẽ thật của Lời Chúa, chưa dứt khoác được với những sự ưa muốn của xác thịt, là những điều trái với sự ưa muốn của Đức Thánh Linh (Ga-la-ti 5:16, 17); nếu sự ưa thích hoặc quyền lợi cá nhân bị đụng chạm thì họ sẽ tìm cách bẻ cong Lời Chúa để bao che cho những điều sai trái của họ. Những thói xấu của xác thịt nổi bật nhất trong họ là: thói tà dâm, lòng tham lam, lòng tự ái và lòng kiêu ngạo. Thành phần thứ hai là những người giả tin Chúa để tìm kiếm tư lợi trong Hội Thánh mà Chúa gọi họ là cỏ lùng, dê và sói, tức là những kẻ giả hình, những tay Pha-ri-si thời đại. Họ lạm dụng Lời Chúa một cách xảo quyệt và có dự tính. Họ chính là những tôi tớ của Sa-tan giả mạo làm những người giúp việc công bình (II Cô-rinh-tô 11:13-15). Theo thời gian, nếu không sớm ăn năn thành phần thứ nhất có thể suy thoái, mất đức tin và biến thành thành phần thứ hai.

Những câu Thánh Kinh thường bị hai thành phần này lạm dụng là:

I Cô-rinh-tô 13:7 "Tình yêu che chở mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự."

I Phi-e-rơ 4:8 "Nhứt là trong vòng anh em phải có tình yêu chân thật; vì tình yêu che đậy vô số tội lỗi."

Ma-thi-ơ 7:1 "Các ngươi đừng đoán xét ai, để mình khỏi bị đoán xét."

Lu-ca 6:37 "Đừng đoán xét ai, thì các ngươi khỏi bị đoán xét; đừng lên án ai, thì các ngươi khỏi bị lên án; hãy tha thứ, người sẽ tha thứ mình."

I Cô-rinh-tô 4:5 "Vậy, chớ xét đoán sớm quá, hãy đợi Chúa đến; chính Chúa sẽ tỏ những sự giấu trong nơi tối ra nơi sáng, và bày ra những sự toan định trong lòng người; bấy giờ, ai nấy sẽ bởi Đức Chúa Trời mà lãnh sự tôn vinh mình đáng lãnh."

Nạn nhân của sự lạm dụng Lời Chúa cũng có hai thành phần. Thành phần thứ nhất là chính những người thiếu hiểu biết Lời Chúa và chưa dứt khoác được với những sự ưa muốn của xác thịt. Họ vừa là người lạm dụng và vừa là nạn nhân của chính họ và của những kẻ giả hình. Thành phần thứ hai là những người hiểu biết Lời Chúa,nhận thức được có điều sai trái trong sự áp dụng Lời Chúa của những người lạm dụng. Tuy nhiên, không có bao nhiêu người có thể dùng Lời Chúa để phản bác sự sai trái đó, khiến cho sự sai trái đó theo thời gian trở thành một thứ "giáo lý" trong Hội Thánh. Phản ứng tiêu cực của thành phần thứ hai là lánh xa những kẻ lạm dụng. Phản ứng đó cần phải có đối với những kẻ giả hình nhưng đối với những người thật lòng tin Chúa mà đức tin còn yếu kém thì cần phải có một phản ứng tích cực. Phản ứng tích cực là giúp cho họ hiểu được họ đã áp dụng sai Lời Chúa như thế nào.

Hiểu Biết và Áp Dụng Lời Chúa

Sự hiểu biết Lời Chúa và áp dụng sự hiểu biết đó vào trong cuộc sống được gọi là nếp sống Đạo. Đạo tức là Lời Chúa. Nếp sống Đạo chân thật là mọi tư tưởng, lời nói, và hành động đều vâng theo Lời Chúa. Người ta có thể hiểu sai Lời Chúa cho nên áp dụng sai và người ta cũng có thể hiểu đúng Lời Chúa nhưng lại áp dụng sai.

Hiểu sai áp dụng sai: I Phi-e-rơ 4:8 "Nhứt là trong vòng anh em phải có tình yêu chân thật; vì tình yêu che đậy vô số tội lỗi." Người hiểu sai cho rằng: vì yêu thương cho nên người ấy phải bảo bọc, che chở mọi hành động tội lỗi. Sự bảo bọc, che chở cho tội lỗi như vậy giống như một người suốt đời không tắm mà chỉ dùng dầu thơm xức lên người để che đậy mùi hôi.

Hiểu đúng áp dụng sai: I Cô-rinh-tô 13:7 "Tình yêu che chở mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự." Một người có thể hiểu đúng ý nghĩa của câu Thánh Kinh này nhưng lại áp dụng sai vì không phối hợp với các nguyên tắc khác của Thánh Kinh, là nguyên tắc về quở trách, sửa trị người có lỗi và nguyên tắc dứt thông công với người có tội mà không cải hối. Sự hiểu đúng mà áp dụng sai khiến cho một người trở thành nạn nhân của những kẻ lạm dụng Lời Chúa và trở thành kẻ tiếp tay hoặc khuyến khích người khác tiếp tục sống trong tội.

Sự Yêu Thương Trong Chúa

Tình yêu trong Chúa là tình yêu vị tha, nghĩa là tình yêu vì người khác mà sống (vị = vì; tha = người khác). Là con dân Chúa, trước hết, chúng ta sống cho Chúa rồi qua sự dẫn dắt, ban ơn của Chúa mà chúng ta sống cho anh chị em trong Chúa, cuối cùng là chúng ta sống cho những người chưa biết Chúa.

Sống cho Chúa là vâng giữ mọi Lời Chúa, vui thỏa trong Lời Chúa, thể hiện Lời Chúa thành hành động mỗi ngày trong cuộc sống. Sống cho anh chị em trong Chúa là quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ, quở trách, sửa trị, và mang lấy mọi gánh nặng cho nhau từ thuộc thể đến thuộc linh. Sống cho những người chưa biết Chúa là hy sinh mọi sự, tìm đủ mọi cách, tận dụng mọi cơ hội để rao giảng hoặc góp phần trong sự rao giảng Tin Lành cho họ và khi họ có nhu cầu thì hết lòng giúp đỡ họ theo ơn Chúa ban.

Tình yêu trong Chúa không phải chỉ thể hiện qua sự cảm thông, tha thứ, cứu giúp lẫn nhau mà còn thể hiện qua sự quở trách, sửa trị người có lỗi và dứt thông công với người có tội mà không cải hối. Tình yêu trong Chúa không có nghĩa là bỏ qua những sự sai trái và để cho kẻ xấu tha hồ lợi dụng.

Khi Phi-e-rơ theo ý riêng, ngăn cản Chúa về thành Giê-ru-sa-lem để chịu khổ và chịu chết thì Chúa đã phán: "Hỡi Sa-tan, hãy lui ra đàng sau Ta! Ngươi làm gương xấu cho Ta; vì ngươi chẳng nghĩ đến việc Đức Chúa Trời, song nghĩ đến việc người Ta" (Ma-thi-ơ 16:23). Ai dám nói Đức Chúa Jesus không có tình yêu dành cho Phi-e-rơ vì Ngài đã không "dung thứ mọi sự""nín chịu mọi sự" đối với ông? Khi Phi-e-rơ chìu theo sự yếu đuối của xác thịt, làm ra hành động giả hình, xúc phạm con dân Chúa tại Hội Thánh An-ti-ốt và làm gương xấu cho Ba-na-ba thì Phao-lô đã quở trách Phi-e-rơ trước Hội Thánh: "Nhưng khi Sê-pha đến thành An-ti-ốt, tôi có ngăn can trước mặt người, vì là đáng trách lắm. Bởi trước lúc mấy kẻ của Gia-cơ sai đi chưa đến, thì người ăn chung với người ngoại; vừa khi họ đã đến thì người lui đứng riêng ra, bởi sợ những kẻ chịu phép cắt bì. Các người Giu-đa khác cũng dùng một cách giả dối như vậy, đến nỗi chính Ba-na-ba cũng bị sự giả hình của họ dẫn dụ. Nhưng khi tôi thấy họ không đi ngay thẳng theo lẽ thật của Tin Lành, thì nói với Sê-pha trước mặt mọi người rằng: nếu anh là người Giu-đa, mà ăn ở theo cách dân ngoại, không theo cách người Giu-đa, thì làm sao anh ép dân ngoại phải theo thói Giu-đa" (Ga-la-ti 2:11-14).

Đức Chúa Jesus Christ đã từng động lòng thương xót, chữa bệnh, giảng Đạo và hóa bánh ra cho trên năm ngàn người ăn (Ma-thi-ơ 14:14-21); nhưng Ngài cũng lìa bỏ họ khi nhận biết họ chỉ đến với Ngài để tìm lợi vật chất (Giăng 6:14-27). Đức Chúa Jesus Christ cũng từng quở trách sự cứng lòng, không chịu cải hối của dân các thành đã được nghe Ngài giảng Đạo và thấy Ngài làm nhiều phép lạ: "Vì dân các thành mà Đức Chúa Jesus đã làm rất nhiều phép lạ rồi, không ăn năn, nên Ngài quở trách rằng: Khốn nạn cho mầy, thành Cô-ra-xin! Khốn nạn cho mầy thành Bết-sai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm giữa các ngươi, đem làm trong thành Ty-rơ và Si-đôn, thì hai thành đó thật đã mặc áo gai, đội tro, ăn năn từ lâu rồi. Vậy nên Ta bảo các ngươi, đến ngày phán xét, thành Ty-rơ và thành Si-đôn sẽ chịu đoán phạt nhẹ hơn các ngươi. Còn ngươi, Ca-bê-na-um là thành đã được cao tới trời, sẽ hạ xuống tới âm phủ! Vì nếu các phép lạ đã làm giữa ngươi, đem làm trong thành Sô-đôm, thì thành ấy còn lại đến ngày nay. Vậy nên Ta rao bảo rằng, đến ngày phán xét, xứ Sô-đôm sẽ chịu đoán phạt nhẹ hơn ngươi" (Ma-thi-ơ 11:20-14). Khi các môn đồ của Chúa không tin lời của Ma-ri Ma-đơ-len và các phụ nữ khác làm chứng về sự Chúa đã sống lại thì Đức Chúa Jesus đã quở trách họ: "Sau nữa, Ngài hiện ra cho mười một sứ đồ đang khi ngồi ăn, mà quở trách về sự không tin và lòng cứng cỏi, vì chẳng tin những kẻ từng thấy Ngài đã sống lại" (Mác 16:14). Khi trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô có người phạm tội tà dâm, Hội Thánh đã theo lời dạy của Sứ Đồ Phao-lô mà quở trách kẻ phạm tội đó: "Kẻ đó đã bị phần nhiều người trong anh em quở trách, ấy là đủ rồi" (II Cô-rinh-tô 2:6).

Tình yêu trong Chúa không cho phép con dân Chúa "vui về điều không công bình" (I Cô-rinh-tô 13:6). Khi con dân Chúa đối diện với sự không công bình trong Hội Thánh thì phải lên tiếng quở trách, bởi vì mỗi con dân Chúa là một "thầy tế lễ của Đức Chúa Trời" (Khải Huyền 1:6). Hình ảnh thầy tế lễ thời Cựu Ước khán nghiệm bệnh phung và đuổi kẻ bị phung ra khỏi hội chúng cho đến khi kẻ phung được lành tiêu biểu cho việc thầy tế lễ thời Tân Ước chỉ ra tội lỗi và đuổi kẻ có tội mà không cải hối ra khỏi Hội Thánh cho đến khi kẻ đó ăn năn. Bất cứ sự gì nghịch lại Lời Chúa thì đều là những sự không công bình và "mọi sự không công bình đều là tội" (I Giăng 5:17). Theo nguyên ngữ của Thánh Kinh thì "sự không công bình" là "sự vi phạm luật pháp," và luật pháp trong Thánh Kinh chính là Lời Chúa. Lời Chúa dạy rõ:

Châm Ngôn 27:5 "Một lời quở trách tỏ tường hơn là thương yêu giấu kín."

Châm Ngôn 28:23 "Ai quở trách người nào, về sau sẽ được ơn hơn là kẻ lấy lưỡi mà dua nịnh."

Lu-ca 17:3 "Các ngươi hãy giữ lấy mình. Nếu anh em ngươi đã phạm tội, hãy quở trách họ; và nếu họ ăn năn, thì hãy tha thứ."

Ê-phê-sô 5:11 "…chớ dự vào công việc vô ích của sự tối tăm, thà quở trách chúng nó thì hơn."

I Ti-mô-thê 5:19 "Kẻ có lỗi, hãy quở trách họ trước mặt mọi người, để làm cho kẻ khác sợ."

Tít 2:15 "Hãy dạy các điều đó, lấy quyền đầy đủ mà khuyên bảo quở trách. Chớ để ai khinh dể con."

Kỷ Luật Trong Hội Thánh

Có hai hình thức kỷ luật trong Hội Thánh, được Thánh Kinh nêu lên: (1) kỷ luật đối với người phạm tội nghịch cùng một chi thể, tức là một cá nhân trong Hội Thánh, và (2) kỷ luật đối với người phạm tội nghịch cùng toàn thân thể, tức là tất cả mọi người trong Hội Thánh.

1. Kỷ luật đối với người phạm tội nghịch cùng cá nhân: Trong Ma-thi-ơ 18:15-17 Đức Chúa Jesus đã phán dạy chúng ta rất rõ ràng về cách đối xử người phạm tội nghịch cùng cá nhân chúng ta: "Nếu anh em ngươi phạm tội cùng ngươi, thì hãy trách người khi chỉ có ngươi với một mình người; như người nghe lời, thì ngươi được anh em lại. Ví bằng không nghe, hãy mời một hai người đi với ngươi, hầu cứ lời hai ba người làm chứng mà mọi việc được chắc chắn. Nếu người không chịu nghe các người đó, thì hãy cáo cùng Hội Thánh, lại nếu người không chịu nghe Hội Thánh, thì hãy coi người như kẻ ngoại và kẻ thâu thuế vậy."

Trước hết, chúng ta cần ghi nhớ rằng: Đây là cách thức đối xử với người phạm tội nghịch cùng cá nhân chúng ta chứ không phải người phạm tội nghịch cùng Hội Thánh, bởi vì, những kẻ phạm tội nghịch cùng Hội Thánh phải bị quở trách trước Hội Thánh để làm gương cho mọi người. Mệnh lệnh của Chúa đưa ra bốn giai đoạn trong việc kỷ luật một người phạm tội nghịch cùng cá nhân chúng ta:

a) Giai đoạn thứ nhất: quở trách người phạm tội cách riêng tư, mong rằng người ấy sẽ cải hối.

b) Giai đoạn thứ nhì: nếu người ấy không cải hối thì mời thêm vài anh chị em khác trong Hội Thánh đến gặp người ấy để quở trách một lần nữa trước sự chứng kiến của họ.

c) Giai đoạn thứ ba: nếu người ấy vẫn không cải hối thì đưa sự việc ra trước Hội Thánh.

d) Giai đoạn thứ tư: nếu người ấy vẫn không cải hối sau khi bị Hội Thánh quở trách thì Hội Thánh phải cư xử với người ấy như cách cư xử với một người không tin Chúa và một người phạm nhiều tội trọng. Trong xã hội Do-thái, từ ngữ "kẻ thâu thuế" mang nghĩa bóng là "người phạm nhiều tội trọng với Thiên Chúa và dân tộc." Những người thâu thuế cho Đế Quốc La-mã thời xưa thường dựa vào thế lực của La-mã và địa vị viên chức thâu thuế của mình để gian lận và bốc lột chính dân tộc của mình, làm ra nhiều việc ác để thủ lợi, làm giàu. Người Do-thái xem khinh những kẻ thâu thuế còn hơn là xem khinh một người dân ngoại không chịu cắt bì và thờ lạy hình tượng. Người Do-thái cho rằng những người dân ngoại là ô uế nên xem khinh dân ngoại như chó, là loài vật ô uế. Điều đó có nghĩa là người Do-thái xem khinh những kẻ thâu thuế còn hơn là xem khinh loài chó.

Một người không tin Chúa là một người không có sự thông công với con dân Chúa, không được phép tham dự thờ phượng Chúa với con dân Chúa. Một người phạm nhiều tội trọng là một người mà ai ai cũng cần cẩn thận khi giao tiếp với, thứ nhất là tránh tiêm nhiễm những thói xấu của người ấy và thứ nhì là tránh bị người ấy lừa gạt, hãm hại. Người không tin Chúa là kẻ thù tự nhiên của Hội Thánh. Giăng 15:19 ghi lại lời phán của Đức Chúa Jesus Christ về thái độ của thế gian đối với con dân Chúa như sau: "Nếu các ngươi thuộc về thế gian, thì người đời sẽ yêu kẻ thuộc về mình; nhưng vì các ngươi không thuộc về thế gian và Ta đã lựa chọn các ngươi giữa thế gian, bởi cớ đó người đời ghét các ngươi." Dầu vậy, con dân Chúa vẫn có bổn phận cầu nguyện, chúc phước, và cứu giúp người không tin Chúa:

Ma-thi-ơ 5:43, 44 "Các ngươi có nghe lời phán rằng: Hãy yêu người lân cận, và hãy ghét kẻ thù nghịch mình. Song Ta nói cùng các ngươi rằng: Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi."

Lu-ca 6:27, 28 "Nhưng Ta phán cùng các ngươi, là những người nghe Ta: Hãy yêu kẻ thù mình, làm ơn cho kẻ ghét mình, chúc phước cho kẻ rủa mình, và cầu nguyện cho kẻ sỉ nhục mình."

Lu-ca 6:35 "Song các ngươi hãy yêu kẻ thù mình; hãy làm ơn, hãy cho mượn, mà đừng ngã lòng. Vậy, phần thưởng của các ngươi sẽ lớn, và các ngươi sẽ làm con của Đấng Rất Cao, vì Ngài lấy nhơn từ đối đãi kẻ bạc và kẻ dữ."

Rô-ma 12:20 "Vậy nếu kẻ thù mình có đói, hãy cho ăn; có khát, hãy cho uống; vì làm như vậy, khác nào mình lấy những than lửa đỏ mà chất trên đầu người."

Châm Ngôn 25:21, 22 "Nếu kẻ thù nghịch con có đói, hãy cho nó ăn; nếu có khát, hãy cho nó uống; vì như vậy con chất than cháy đỏ trên đầu nó, và Đức Giê-hô-va sẽ báo lại cho con."

Thành ngữ "chất than cháy đỏ trên đầu nó" mượn hình ảnh quặng chì được chất vào lò và than lửa được đổ lên trên nó khiến cho chất chì tan chảy vào chỗ hứng bên dưới, bỏ lại các tạp chất bị thiêu cháy trong lò, để nói lên ý nghĩa: những hành động thương xót sẽ khiến cho tâm trí của kẻ thù bị tan chảy và những tư tưởng thù nghịch sẽ bị tan biến.

2. Kỷ luật đối với người phạm tội nghịch cùng Hội Thánh: Đối với người phạm tội nghịch cùng Hội Thánh thì sự quở trách phải công khai giữa Hội Thánh để làm gương như cách Sứ Đồ Phao-lô kỷ luật Sứ Đồ Phi-e-rơ tại Hội Thánh An-ti-ốt đã nêu trên đây. Phao-lô cũng chỉ thị cho Hội Thánh Cô-rinh-tô thi hành kỷ luật đối với người phạm tội tà dâm trong Hội Thánh. Đức Thánh Linh, qua ngòi bút của Sứ Đồ Phao-lô, đã ghi lại nguyên tắc đó trong I Ti-mô-thê 5:20, "kẻ có lỗi, hãy quở trách họ trước mặt mọi người, để làm cho kẻ khác sợ."

Trong sự việc có người phạm tội tà dâm trong Hội Thánh Cô-rinh-tô, Phao-lô đã chỉ thị cho Hội Thánh trong I Cô-rinh-tô 5, như sau:

1 Có tin đồn ra khắp nơi rằng trong anh em có sự dâm loạn, dâm loạn đến thế, dẫu dân ngoại cũng chẳng có giống như vậy: là đến nỗi trong anh em có kẻ lấy vợ của cha mình.

2 Anh em còn lên mình kiêu ngạo! Anh em chẳng từng buồn rầu, hầu cho kẻ phạm tội đó bị trừ bỏ khỏi vòng anh em thì hơn!

3 Về phần tôi, thân dầu xa cách mà lòng ở tại đó, (vì anh em và lòng tôi được hội hiệp với quyền phép của Đức Chúa Jesus, là Chúa chúng ta),

4 nên tôi đã dường như có mặt ở đó, nhơn danh Đức Chúa Jesus là Chúa chúng ta, tuyên án kẻ phạm tội đó

5 rằng, một người như thế phải phó cho quỷ Sa tan, để hủy hoại phần xác thịt, hầu cho tâm thần được cứu trong ngày Đức Chúa Jesus.

6 Thật anh em chẳng có cớ mà khoe mình đâu! Anh em há chẳng biết rằng một chút men làm cho cả đống bột dậy lên sao?

7 Hãy làm cho mình sạch men cũ đi, hầu cho anh em trở nên bột nhồi mới không men, như anh em là bánh không men vậy. Vì Đấng Christ là con sinh lễ Vượt Qua của chúng ta, đã bị giết rồi.

8 Vậy thì, chúng ta hãy giữ lễ, chớ dùng men cũ, chớ dùng men gian ác, độc dữ, nhưng dùng bánh không men của sự thật thà và của lẽ thật.

9 Trong thơ tôi viết cho anh em, có dặn đừng làm bạn với kẻ gian dâm,

10 đó tôi chẳng có ý nói chung về kẻ gian dâm đời nầy, hay là kẻ tham lam, kẻ chắt bóp, kẻ thờ hình tượng, vì nếu vậy thì anh em phải lìa khỏi thế gian.

11 Nhưng tôi viết khuyên anh em đừng làm bạn với kẻ nào tự xưng là anh em, mà là gian dâm, hoặc tham lam, hoặc thờ hình tượng, hoặc chưởi rủa, hoặc say sưa, hoặc chắt bóp, cũng không nên ăn chung với người thể ấy.

12 Vì chưng có phải tôi nên đoán xét kẻ ở ngoài sao? Há chẳng phải anh em nên đoán xét những người ở trong sao?

13 Còn như kẻ ở ngoài, thì Đức Chúa Trời sẽ đoán xét họ. Hãy trừ bỏ kẻ gian ác khỏi anh em.

Sự kiện phạm tội tà dâm "lấy vợ của cha mình" của một người tín đồ trong Hội Thánh Cô-rinh-tô, vừa là hành động phạm tội nghịch cùng cha mình vừa là hành động phạm tội nghịch cùng Hội Thánh, vì nó xảy ra công khai khiến cho "có tin đồn ra khắp nơi," gây tiếng xấu cho Hội Thánh và Đạo Chúa. Vì thế, sự thi hành kỷ luật cũng phải công khai. Chúng ta không biết rõ chi tiết phạm tội nhưng có lẽ người phạm tội đã công khai lấy người vợ bé hoặc vợ kế của cha mình làm vợ, sau khi cha ông ta qua đời.

Hình thức kỷ luật được Phao-lô nêu rõ:

a) Đừng làm bạn với kẻ không cải hối.

b) Không nên ăn chung với kẻ không cải hối.

c) Trừ bỏ "kẻ gian ác," tức là kẻ không cải hối, khỏi Hội Thánh.

Đối với những kẻ theo tà giáo, tức là theo hoặc rao giảng những giáo lý nghịch lại Thánh Kinh thì hình thức kỷ luật được Thánh Kinh nêu ra như sau: "Nhưng hãy lánh những điều cãi lẽ dại dột, những gia phổ, những sự cạnh tranh nghị luận về luật pháp, vì mấy sự đó đều là vô ích và hư không. Sau khi mình đã khuyên bảo kẻ theo tà giáo lần thứ nhất và lần thứ nhì rồi, thì hãy tránh khỏi" (Tít 3:9, 10).

Tất cả những điều trên đây là những hình thức kỷ luật cần áp dụng chung trong Hội Thánh khi có người phạm tội.

Ngày nay, trong các tổ chức giáo hội mang danh Chúa, chẳng những kẻ phạm tội không bị quở trách, kỷ luật mà ngược lại, họ lạm dụng Lời Chúa, mong bịt miệng những ai nêu lên sự sai trái của họ, nhất là các chức sắc trong giáo hội. Nhiều người nghĩ rằng phải có chức sắc trong giáo hội mới có thể lên tiếng quở trách người phạm tội mà không hiểu rằng: mỗi cá nhân trong Hội Thánh đều là thầy tế lễ của Đức Chúa Trời, cho nên, ai cũng có nhiệm vụ chỉ ra các "vết phung thuộc linh" và khai trừ "người phung thuộc linh" ra khỏi Hội Thánh. Đó cũng là một trong những lý do con dân chân thật của Chúa phải ra khỏi các tổ chức giáo hội mang danh Chúa do loài người lập ra với những điều lệ, nội quy, truyền thống, thói tục, giáo lý, tư tưởng thần học… hầu hết không có trong Thánh Kinh và nghịch lại Thánh Kinh.

Đặc Tính của Tình Yêu  – I Cô-rinh-tô 13:4-8

Trước hết, chúng ta cần phải nhớ rằng, I Cô-rinh-tô 13 nói về tình yêu của Chúa và tình yêu trong Chúa, tức là tình yêu agape. I Giăng 4:8 và 16 cho chúng ta biết: "Đức Chúa Trời là tình yêu" và câu 19 cho chúng ta biết "Chúng ta yêu vì Chúa đã yêu chúng ta trước." Vì thế, để có thể hiểu và kinh nghiệm được I Cô-rinh-tô 13:4-8 thì một người phải tiếp nhận tình yêu của Đức Chúa Trời, tức là tiếp nhận chính Ngài. Có được Đức Chúa Trời tức là có được tình yêu, chỉ khi đó thì một người mới có thể yêu và hiểu được tình yêu.

I Cô-rinh-tô 13:4-8 nói về các đặc tính của tình yêu, tức là các đặc tính của Đức Chúa Trời và cũng là các đặc tính của những ai thuộc về Ngài. Như mặt trăng tiếp nhận ánh sáng của mặt trời rồi phản chiếu trên đất, con dân Chúa tiếp nhận tình yêu từ Đức Chúa Trời rồi chiếu sáng tình yêu của Đức Chúa Trời ra giữa thế gian (Ma-thi-ơ 5:14).

Tình yêu nhẫn nại; tình yêu nhân từ; tình yêu chẳng ghen tị, chẳng khoác lác, chẳng lên mình kiêu ngạo, chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận, chẳng nghĩ đến sự dữ, chẳng vui về điều không công bình, nhưng vui trong lẽ thật. Tình yêu che chở mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự. Tình yêu chẳng hề hư mất bao giờ.

1. Tình yêu nhẫn nại: Từ ngữ "nhẫn nại" vừa có nghĩa là sức kiên trì chịu đựng mọi sự nghịch lại với bản tính của mình để đạt được mục đích, vừa có nghĩa là sự kiên trì chịu đựng những vô lý, bất công người khác làm ra để có thể cảm hóa người ấy. Đức Chúa Trời thánh khiết và công chính đã và đang nhẫn nại đối với thế gian tội lỗi, dùng ơn cứu rỗi của Ngài trong Đức Chúa Jesus Christ để cảm hóa thế gian. Nhờ đó mà chúng ta mới có cơ hội để ăn năn tội và trở thành con dân của Chúa. Là con dân của Chúa, chúng ta cũng nhẫn nại với mọi người chung quanh chúng ta để có thể đưa họ đến với sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời.

Nhẫn nại không có nghĩa là không quở trách người có lỗi. Nhẫn nại cũng không có nghĩa là không bao giờ ngưng chịu đựng một người nào đó. Chúng ta nhẫn nại suốt cuộc đời mình và nhẫn nại với mỗi một người mà chúng ta gặp. Tuy nhiên, thời gian chúng ta nhẫn nại đối với mỗi người sẽ khác nhau, tùy theo sự cho phép của Chúa. Trong Ma-thi-ơ 18:15-17, Chúa dạy chúng ta chỉ nhẫn nại với người phạm tội nghịch cùng chúng ta qua ba lần chúng ta cho người đó cơ hội nhận lỗi và ăn năn. Nếu sau ba lần bị quở trách mà người có tội không chịu ăn năn thì Chúa ra lệnh cho chúng ta phải xem người ấy như người không tin Chúa và là một người phạm tội trọng. Dầu chúng ta buộc phải thi hành kỷ luật với những người không chịu cải hối nhưng lòng chúng ta vẫn yêu thương họ và không truy cứu trách nhiệm về những việc bất công hay thiệt hại mà họ đã làm ra cho chúng ta. Đó là sự tha thứ!

Trong công tác rao giảng Tin Lành, Chúa cũng đã truyền cho chúng ta rằng, hễ ai từ chối không muốn nghe Tin Lành thì chúng ta hãy bỏ họ mà đi. Họ sẽ gánh lấy trách nhiệm về sự hư mất của chính họ: "Nếu ai không tiếp rước, không nghe lời các ngươi, khi ra khỏi nhà đó, hay là thành đó, hãy phủi bụi đã dính chơn các ngươi. Quả thật, ta nói cùng các người, đến ngày phán xét, thì xứ Sô-đôm và xứ Gô-mô-rơ sẽ chịu đoán phạt nhẹ hơn thành ấy" (Ma-thi-ơ 10:14). Mệnh lệnh đó của Chúa còn được ghi lại thêm hai lần trong Mác 6:11, Lu-ca 9:5 và Lu-ca 10:10-11. Đặc biệt, trong Lu-ca 10:10-11, Chúa dạy bảy mươi môn đồ được Ngài sai đi phải ra giữa chợ mà công bố sự khước từ nghe Tin Lành của một thành phố. Phao-lô và Ba-na-ba đã áp dụng lời Chúa dạy khi họ đối diện với sự cứng lòng của những người Do-thái tại thành An-ti-ốt: "Hai người đối cùng họ phủi bụi nơi chơn mình, rồi đi đến thành Y-cô-ni" (Công Vụ Các Sứ Đồ 13:51). Ai có thể nói là hai ông không nhẫn nại? Hội Thánh ngày nay cần phải bắt chước Phao-lô và Ba-na-ba trong sự vâng theo mệnh lệnh của Chúa về cách thức cư xử đối với những người chống đối Đạo Chúa.

Chúa dạy chúng ta rao giảng bất luận gặp thời hay không gặp thời nhưng Chúa không dạy chúng ta nài nỉ, kéo ép hay dùng tâm lý học khiến cho người ta tin Chúa. Làm ơn cho một người vì họ có nhu cầu và chúng ta có lòng thương là việc tốt nhưng làm ơn nhằm mục đích lấy lòng người ta để người ta vị nể mình mà tin Chúa là sai. Khi làm như vậy chúng ta đã vô tình cho rằng Tin Lành không có quyền phép để cứu người (Rô-ma 1:16) mà việc làm lấy lòng của chúng ta mới có quyền phép để cứu người! Và thật ra, sự tin Chúa như vậy không cứu ai hết! Câu Thánh Kinh II Ti-mô-thê 4:2 trong Bản Dịch Truyền Thống dịch là: "Hãy giảng đạo, cố khuyên, bất luận gặp thời hay không gặp thời, hãy đem lòng rất nhịn nhục mà bẻ trách, nài khuyên, sửa trị, cứ dạy dỗ chẳng thôi;" Chữ "nài khuyên" khiến cho người đọc hiểu lầm là khi giảng Đạo phải "năn nỉ" người ta tin Chúa. Tuy nhiên, dịch cho sát ý thì sẽ là: "Hãy giảng Đạo, bất luận gặp thời hay không gặp thời, hãy đem lòng rất nhịn nhục mà bẻ trách, sửa trị, kêu gọi, cứ dạy dỗ chẳng thôi." Chúng ta cần kêu gọi người nghe Đạo tin nhận Đạo nhưng chúng ta không cần phải nài nỉ họ!

Tình Yêu nhẫn nại nghĩa là tình yêu có sức kiên trì chịu đựng mọi sự nghịch lại với bản tính của mình, chịu đựng những vô lý, bất công đến từ người khác hoặc hoàn cảnh để đạt được mục đích tốt đẹp đã đặt ra.

2. Tình yêu nhân từ: Từ ngữ "nhân từ" có nghĩa là cư xử tốt với mọi người; không phải là làm ra vẻ cư xử tốt mà là hành động tốt thật sự phát xuất từ đáy lòng. Nhân từ hay cư xử tốt có nghĩa là luôn luôn làm ơn cho người khác, đặt quyền lợi của người khác trước quyền lợi của mình một cách tự nguyện, vô điều kiện. Đức Chúa Trời luôn luôn nhân từ. Các Thi Thiên luôn nhắc đến điệp khúc: "Sự nhân từ Ngài còn đến đời đời!" Đức Chúa Trời nhân từ vì Ngài: "khiến mặt trời mọc lên soi kẻ dữ cùng kẻ lành, làm mưa cho kẻ công bình cùng kẻ độc ác" (Ma-thi-ơ 5:45); Ngài "lấy nhân từ đối đãi kẻ bạc và kẻ dữ" (Lu-ca 6:35). Kẻ bạc là kẻ vô ơn, kẻ dữ là kẻ làm ra những điều nghịch lại điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời. Trong Ma-thi-ơ 5:45 Chúa cũng dạy chúng ta nhân từ một cách trọn vẹn như Cha của chúng ta ở trên trời. Nhân từ không có nghĩa là không thi hành kỷ luật mà là khi cần thiết thì thi hành kỷ luật với lòng đau thương để bảo vệ sự công chính. Sự Kiện Đức Chúa Trời hy sinh Con Một của Ngài để thế gian được thoát khỏi sức mạnh và hậu quả của tội lỗi là hành động nhân từ vô bờ bến của Ngài đối với thế gian nhưng cùng lúc Ngài thi hành hình phạt tội lỗi cách nặng nề trên Con Một của Ngài. Sự kiện Đức Chúa Jesus Christ từ bỏ địa vị Thiên Chúa của mình để gánh thay hình phạt của tội lỗi và chết thay cho loài người là hành động nhân từ vô bờ bến của Ngài nhưng một ngày kia Ngài sẽ phán xét những ai không tin nhận ơn cứu rỗi của Ngài. Sự kiện Đức Thánh Linh cáo trách thế gian về tội lỗi để đưa mọi người đến sự ăn năn tội là hành động nhân từ vô bờ bến của Ngài nhưng những ai chống nghịch Ngài thì sẽ bị hư mất đời đời.

Tình yêu nhân từ có nghĩa là luôn luôn làm ơn cho người khác, đặt quyền lợi của người khác trước quyền lợi của mình một cách tự nguyện, vô điều kiện. Lòng nhân từ bao gồm sự ân cần quở trách, sửa phạt những kẻ có lỗi để cải hóa họ.

Nhẫn nại và nhân từ có liên quan mật thiết với nhau. Lòng nhẫn nại và nhân từ còn đến mãi mãi nhưng sự thể hiện cho mỗi đối tượng thì có giới hạn, tùy theo thái độ đáp ứng của đối tượng. Khi sự nhẫn nại kết thúc thì sự nhân từ cũng kết thúc. Dù Đức Chúa Trời nhẫn nại và nhân từ nhưng Ngài cũng từng hủy diệt cả thế gian, ngoại trừ gia đình Nô-ê tám người, bằng cơn lụt lớn toàn cầu khi loài người đã phạm tội đến mức không còn có thể ăn năn. Dầu vậy, Ngài cũng đã dành cho họ 120 năm để ăn năn. Một ngày không còn bao lâu nữa, Đức Chúa Jesus Christ sẽ phán xét và tận diệt mọi kẻ ác trong thế gian. Khi đó, Ngài sẽ dành ra bảy năm để ban cơ hội cho những ai có lòng ăn năn được đến với sự cứu rỗi của Ngài. Trong ba năm rưỡi sau cùng của bảy năm đó, Tin Lành sẽ được thiên sứ bay giữa trời rao truyền cho muôn dân, muôn nước trên đất (Khải Huyền 14:6). Thánh Kinh tiên tri trước là sẽ có vô số người ăn năn tội và tin nhận Tin Lành trong giai đoạn đó, dù họ phải trá giá bằng chính mạng sống của họ trước sự bắt bớ của chính quyền toàn cầu do Anti-Christ (kẻ chống nghịch Đức Chúa Jesus Christ) thống lãnh. Nhẫn nại và nhân từ không bao giờ có nghĩa là bao che và bỏ qua tội lỗi mà chỉ có nghĩa là cư xử tốt Bấm vào đây để đọc tiếp →

12,611 views

Ngươi Chớ Phạm Tội Ngoại Tình

Copyright Notice: All Rights Reserved © 2012 Vietnamese Christian Mission Ministry. Thông Báo Tác Quyền: Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức nhưng xin giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.

Ghi Chú: Bấm vào các từ ngữ Hê-bơ-rơ hoặc Hy-lạp để nghe phát âm. Bấm vào các mã số Strong để xem định nghĩa trong tiếng Anh.

Huỳnh Christian Timothy
Bấm vào đây để download bài viết này
Bấm vào đây để nghe mp3

"Ngươi chớ phạm tội ngoại tình."
(Xuất Ê-díp-tô Ký 20:14; Phục Truyền Luật lệ Ký 5:18)

Trước hết, chúng ta cần ghi nhớ: "bản tính dâm" hay "bản năng tính dục" không phải là điều xấu xa, tội lỗi. Thiên Chúa dựng nên loài người có nam, có nữ và ban cho loài người bản năng tính dục. Bản năng tính dục cần thiết cho việc lưu truyền nòi giống và đem lại những cảm giác vui thích trong mối quan hệ vợ chồng. Bản năng tính dục cũng như bao nhiêu bản năng khác của loài người, nếu được thể hiện đúng thì sẽ đem lại phước hạnh và ích lợi, nếu thể hiện sai thì sẽ đem lại đau khổ và thiệt hại. Sự thể hiện bản năng tính dục theo thánh ý của Thiên Chúa được gọi là "chính dâm." Tất cả những sự thể hiện bản năng tính dục nghịch lại thánh ý của Thiên Chúa được gọi chung là "tà dâm:"

1. Chính dâm: sự quan hệ tình dục giữa vợ chồng

2. Tà dâm: sự quan hệ tình dục giữa những người không phải là vợ chồng, bao gồm các hành động sau đây:

► ngoại tình: sự quan hệ tình dục giữa một người đã lập gia đình với người không phải là vợ hoặc chồng của mình

► gian dâm: sự quan hệ tình dục giữa những người chưa lập gia đình

► thủ dâm: sự tự thỏa mãn dâm dục bằng tay hoặc đồ vật

► bán dâm: sự quan hệ tình dục để đổi lấy tiền bạc, đồ vật, địa vị, ân huệ…

► mua dâm: sự dùng tiền bạc, đồ vật, địa vị, ân huệ… để đổi lấy quan hệ tình dục

► hiếp dâm hoặc cưỡng dâm: sự bắt ép người khác phải quan hệ tình dục với mình

► thú dâm: sự quan hệ tình dục với loài thú

► đồng tính luyến ái: sự quan hệ tình dục giữa những người cùng phái tính

► loạn luân: sự quan hệ tình dục giữa những người có quan hệ gia đình và bà con gần

► trao đổi vợ chồng: sự những cặp vợ chồng trao đổi người hôn phối để quan hệ tình dục với người hôn phối của người khác

► Chính Dâm

Từ buổi ban đầu, Thiên Chúa dựng nên người nam và người nữ, kết hợp họ với nhau để người nữ giúp đỡ và làm bạn với người nam; đồng thời để cả hai lưu truyền dòng dõi của loài người trên đất và quản trị đất (Sáng Thế Ký 1:26-28; 2:18-25). Việc lưu truyền dòng dõi đòi hỏi sự quan hệ tình dục giữa hai phái tính, vì thế, sự quan hệ tình dục giữa vợ chồng là việc thi hành mệnh lệnh của Thiên Chúa. Sự quan hệ tình dục giữa vợ chồng còn là ơn phước Chúa ban vì nó đem lại những cảm giác và cảm xúc vui sướng, thỏa lòng trong mối quan hệ vợ chồng.

Thánh Kinh dạy rõ, vợ chồng phải xem trọng việc quan hệ tình dục, và đó là mối quan hệ bình đẳng: thân thể của chồng thuộc về vợ, thân thể của vợ thuộc về chồng:

Ma-thi-ơ 19:4-6 " Ngài trả lời rằng: Các ngươi há chưa đọc lời chép về Đấng Tạo Hóa, hồi ban đầu, dựng nên một người nam, một người nữ, và có phán rằng: Vì cớ đó người nam sẽ lìa cha mẹ, mà dính díu với vợ mình; hai người sẽ cùng nên một thịt hay sao? Thế thì, vợ chồng không phải là hai nữa, nhưng một thịt mà thôi. Vậy, loài người không nên phân rẽ những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối hiệp!"

Mác 10:6-8"Nhưng từ lúc đầu sáng thế, Đức Chúa Trời làm ra một người nam và một người nữ. Vì cớ đó, người nam lìa cha mẹ mình mà dính díu với vợ;và hai người cùng nên một thịt mà thôi. Như thế, vợ chồng chẳng phải mà hai nữa, mà chỉ một thịt."

I Cô-rinh-tô 7:2-5 " Song, cho được tránh khỏi mọi sự dâm dục, thì mỗi người đàn ông phải có vợ, mỗi người đàn bà phải có chồng. Chồng phải làm hết bổn phận đối với vợ, và vợ đối với chồng cũng vậy. Vợ không có quyền tự chủ về thân mình, bèn là chồng; chồng cũng vậy, không có quyền tự chủ về thân mình bèn là vợ. Đừng từ chối nhau, trừ ra khi hai bên ưng thuận tạm thời, để chuyên việc cầu nguyện; rồi trở lại hiệp cùng nhau, kẻo quỷ Sa-tan thừa khi anh em không thìn mình mà cám dỗ chăng."

Ngoài ra, con dân Chúa phải giữ cho mối quan hệ tình dục giữa vợ chồng luôn được thánh sạch, bằng cách không bắt chước người đời sử dụng các đồ chơi tình dục (sex toys) và các tài liệu khiêu gợi tình dục qua phim ảnh, sách báo, internet. Con dân Chúa phải tuân theo các luật vệ sinh, thực hành mối quan hệ tình dục giữa vợ chồng trong danh Chúa và biết cầu nguyện cảm tạ Chúa:

Lê-vi Ký 15:18 "Khi nào người nam và người nữ giao cấu nhau, thì phải tắm trong nước, và bị ô uế cho đến chiều tối."

Lê-vi Ký 18:19 "Trong lúc người nữ có kinh nguyệt, chớ đến gần mà cấu hiệp."

Hê-bơ-rơ 13:4 "Mọi người phải kính trọng sự hôn nhân, chốn quê phòng chớ có ô uế, vì Đức Chúa Trời sẽ đoán phạt kẻ dâm dục cùng kẻ phạm tội ngoại tình."

I Cô-rinh-tô 10:31 "Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh quang của Thiên Chúa mà làm."

Ê-phê-sô 5:20 "Hãy thường thường nhân danh Đức Chúa Jesus Christ chúng ta, vì mọi sự tạ ơn Đức Chúa Trời, là Cha chúng ta."

► Tà Dâm: Ngoại Tình

Điều răn thứ bảy được chép trong Xuất Ê-díp-tô Ký 20:14 và Phục Truyền Luật lệ Ký 5:18 nghiêm cấm việc phạm tội ngoại tình. (Bản dịch Phan Khôi 1926 dịch là "Ngươi chớ phạm tội tà dâm.") Từ ngữ "ngoại tình" trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ là "nâ'aph" (H5003), có nghĩa là: một người đã có gia đình nhưng quan hệ tình dục với một người không phải là vợ hay chồng của mình.

Tội ngoại tình không chỉ giới hạn trong hành động ngoại tình mà bao gồm:

1. Tư tưởng ham muốn tình dục với người không phải là vợ hay chồng mình, điều này bao gồm việc tư tưởng đến người khác trong khi có quan hệ tình dục với vợ hay chồng:

Ma-thi-ơ 5:27, 28 "Các ngươi có nghe lời phán rằng: Ngươi chớ phạm tội ngoại tình. Song Ta phán cho các ngươi biết: Hễ ai ngó đàn bà mà động tình tham muốn, thì trong lòng đã phạm tội ngoại tình cùng người rồi."

Có người đặt ra vấn đề là: Ma-thi-ơ 5:27, 28 chỉ đề cập đến việc đàn ông nhìn đàn bà mà động tình ham muốn, cho nên, câu này không áp dụng cho đàn bà. Người lý luận như thế tức là đã cho rằng Đức Chúa Jesus tây vị: cùng một hành động xảy ra nhưng Chúa chỉ kết tội phái nam mà không kết tội phái nữ. Thánh Kinh cho chúng ta biết "Thiên Chúa không tây vị ai hết" (Ga-la-ti 2:6; Ê-phê-sô 6:9; I Phi-e-rơ 1:17). Câu phán của Chúa thuộc loại nêu thí dụ làm điển hình, tức là nêu lên một sự kiện để chỉ ra bất cứ sự kiện nào tương tự như vậy đều mang chung một tính chất. Sự kiện được Chúa nêu lên là: nhìn một người không phải là phối ngẫu của mình mà động lòng ham muốn. Tính chất của sự kiện ấy là: phạm tội ngoại tình. Vì thế, bất kể đàn ông hay đàn bà, nếu nhìn một người khác, không phải là vợ hay chồng của mình mà động tình ham muốn thì trong lòng đã phạm tội ngoại tình (hoặc tội gian dâm nếu cả hai, người nhìn và người bị nhìn đều là độc thân). Còn nếu người bị nhìn là người cùng phái tính với người nhìn thì người nhìn vừa phạm tội ngoại tình hoặc gian dâm vừa phạm tội đồng tính luyến ái.

2. Sự ly-dị vợ vì bất cứ lý do gì nếu không phải là vì vợ phạm tội tà dâm.

Ma-thi-ơ 5:32 "Song Ta phán cùng các ngươi: Nếu người nào ly dị  vợ mà không phải vì cớ tà dâm, thì người ấy làm cho vợ mình ra người ngoại tình; lại nếu người nào cưới đàn bà bị ly dị đó, thì cũng phạm tội ngoại tình."

Lý do chính đáng duy nhất để một người ly dị vợ là vì cớ người vợ phạm bất cứ hình thức nào của tội tà dâm. Vì thế, dù người vợ không phạm tội tà dâm nhưng nếu bị chồng ly dị thì người vợ vẫn bị xem là người ngoại tình. Mặc khác, nếu một người vợ bị chồng ly dị vì lý do nào khác hơn là vì phạm tội tà dâm thì sự ly dị đó không hợp pháp trước mặt Chúa, cho nên, quan hệ vợ chồng vẫn còn. Nếu người vợ tái giá thì đối với luật pháp của Chúa cả người vợ lẫn người chồng mới của bà ta đều phạm tội ngoại tình.

Nếu một người ly dị vợ hay chồng vì bất cứ lý do gì khác hơn là vì người phối ngẫu phạm tội tà dâm thì chính người đó đã phạm tội ngoại tình:

Mác 10:11, 12 "Ngài phán rằng: Ai ly dị vợ mình mà cưới vợ khác, thì phạm tội tà dâm nghịch lại nàng; còn nếu người đàn bà bỏ chồng mình mà lấy chồng khác, thì cũng phạm tội tà dâm."

Như đã trình bày, ngoại tình là một trong các hình thức của sự tà dâm. Mặc dù điều răn thứ bảy chỉ đề cập đến tội ngoại tình nhưng trong các nơi khác của Thánh Kinh có nghiêm cấm mọi hình thức tà dâm. Trong thời Tân Ước, Đức Thánh Linh đã thêm hai điều răn cho Hội Thánh (Công Vụ Các Sứ Đồ 15:28):

1. Kiêng ăn của cúng thần tượng, huyết, thú vật chết ngột

2. Chớ tà dâm

Đây là hai điều răn thêm vào Mười Điều Răn đã có trong thời Cựu Ước chứ không phải để thay thế Mười Điều Răn. Thật là vô lý nếu cho rằng thời Tân Ước con dân Chúa chỉ cần vâng giữ hai điều răn này mà không cần vâng giữ Mười Điều Răn. Thế nhưng, có nhiều "tiến sĩ thần học" thời nay công bố rằng tín đồ chỉ cần vâng giữ hai điều răn nói trên mà không cần vâng giữ Mười Điều Răn!

Đức Thánh Linh thêm hai điều răn này là để tóm gọn các sự nghiêm cấm khác trong Thánh Kinh không được đề cập trong Mười Điều Răn cho những người không thuộc dân I-sơ-ra-ên mới gia nhập Hội Thánh, là những người vốn không biết gì về Thánh Kinh Cựu Ước như những người I-sơ-ra-ên.

► Anh Chị Em Ruột Kết Hôn Lẫn Nhau

Trong buổi đầu sáng thế, Thiên Chúa cho phép anh chị em ruột kết hợp làm vợ chồng, nhờ đó, loài người mới có thể tiếp tục thi hành mệnh lệnh sanh sản làm cho đầy dẫy đất. Sau khi dân I-sơ-ra-ên được mang ra khỏi Ai-cập thì Thiên Chúa nghiêm cấm việc anh chị em ruột kết hôn lẫn nhau. Giải thích hợp lý nhất để giúp cho chúng ta hiểu vì sao trước đó việc anh chị em ruột kết hôn với nhau không bị kể vào tội loạn luân, là: Trong khoảng 2000 năm đầu tiên của lịch sử loài người, các tế bào của loài người chưa bị suy thoái trầm trọng, cho nên, việc kết hôn giữa anh chị em ruột với nhau không tạo ra các hiệu quả tật bệnh cho con cái. Theo thời gian, các tế bào bị suy thoái ngày càng trầm trọng vì tội lỗi ngày càng gia tăng và môi sinh ngày càng bị ô nhiễm nặng, khiến cho việc kết hợp giữa hai bộ DNA cùng loại sẽ giảm thiểu khả năng thích nghi phát triển và khả năng kháng thể của thai nhi.

► Hậu Quả của Sự Tà Dâm

Tà dâm dưới bất cứ hình thức nào cũng đều là vi phạm luật pháp của Thiên Chúa, là tội lỗi. Tuy nhiên sự phạm tội tà dâm có hậu quả nghiêm trọng hơn những tội khác; vì những tội khác mà người ta phạm thì ở bên ngoài thân thể còn tội tà dâm "phạm đến chính thân thể" của người phạm tội, và người phạm tội trở nên cùng một xác thịt với người mình có quan hệ tà dâm:

I Cô-rinh-tô 6:15-18 "Anh em há chẳng biết thân thể mình là chi thể của Đấng Christ sao? Vậy thì mình có nên lấy chi thể của Đấng Christ mà làm thành chi thể của điếm đĩ chăng? Đức Chúa Trời không cho phép! Anh em há chẳng biết người nào kết hiệp với điếm đĩ, thì trở nên một xác với nó sao? Vì có chép rằng: Hai người sẽ đồng nên một thịt. Còn ai kết hiệp với Chúa thì trở nên một tánh thiêng liêng cùng Ngài. Hãy tránh sự tà dâm. Mặc dầu người ta phạm tội gì, tội ấy còn là ngoài thân thể; nhưng kẻ buông mình vào sự tà dâm, thì phạm đến chính thân thể mình."

Chính vì thế mà những người phạm tội tà dâm đem các thứ tật bệnh từ thân thể của người khác vào trong thân thể của mình, làm hại thân thể của mình. Trong trường hợp một người bị tà linh nhập thì người có quan hệ tình dục với người ấy cũng sẽ bị tà linh xâm nhập.

► Ngoại Tình Thuộc Linh

Thánh Kinh gọi việc con dân Chúa thờ lạy hình tượng, tà thần là phạm tội ngoại tình, là làm điếm:

Giê-rê-mi 3:8 "Dầu Ta đã bỏ I-sơ-ra-ên bội nghịch và đã cho nó tờ ly-dị, vì cớ nó ngoại tình, Ta cũng còn thấy em gái quỷ quyệt nó, là Giu-đa, chẳng sợ sệt chi; nhưng nó cũng cứ đi hành dâm."

Thời Tân Ước, tội ngoại tình thuộc linh hay là thờ lạy hình tượng, tà thần không giới hạn trong hành động thờ lạy hình tượng và tà thần mà còn bao gồm lòng ưa thích các hình tượng tà thần, tức là phạm tội ngoại tình thuộc linh trong tư tưởng, và lòng tham lam, bất kể là tham lam điều gì:

Ê-phê-sô 5:5 "Vì anh em phải biết rõ rằng kẻ gian dâm, ô uế, tham lam, tức là kẻ thờ hình tượng, không một kẻ nào được dự phần kế nghiệp vương quốc của Đấng Christ là Thiên Chúa."

Cô-lô-se 3:5 "Vậy hãy làm chết các chi thể của anh em ở nơi hạ giới, tức là tà dâm, ô uế, tình dục, ham muốn xấu xa , tham lam, tham lam chẳng khác gì thờ hình tượng."

Tham lam là muốn có nhiều hơn sự nhu cầu của mình hoặc ưa thích và muốn chiếm đoạt điều không thuộc về mình. Con dân Chúa, nếu không vâng theo Lời Chúa trong I Ti-mô-thê 6:8 tức là phạm tội ngoại tình thuộc linh vì đã tôn thờ tiền bạc:

"Như vậy, miễn là đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng."

Hậu quả của sự tham tiền bạc rất là kinh khiếp:

I Ti-mô-thê 6:9, 10 "Còn như kẻ muốn nên giàu có, ắt sa vào sự cám dỗ, mắc bẫy dò, ngã trong nhiều sự tham muốn vô lý thiệt hại kia, là sự làm đắm người ta vào sự hủy diệt hư mất. Bởi chưng sự tham tiền bạc là cội rễ mọi điều ác, có kẻ vì đeo đuổi nó mà bội đạo, chuốc lấy nhiều điều đau đớn."

Từ ngữ ô uế trong Ê-phê-sô 5:5 cũng như những nơi khác trong Thánh Kinh, như: Khải Huyền 3:4; 21:27; 22:11, có nhiều nghĩa và một trong những nghĩa quan trọng được định nghĩa trong Ê-sai 56:2 là sự không vâng giữ ngày Sa-bát, làm theo những điều nghịch lại Lời Chúa mà thế gian vẫn làm:

"Phước thay cho người làm điều đó, và con người cầm vững sự đó, giữ ngày Sa-bát đặng đừng làm ô uế, cấm tay mình không làm một điều ác nào!"

Gia-cơ 1:27 "Sự tin đạo thanh sạch không vết, trước mặt Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, là : thăm viếng kẻ mồ côi, người góa bụa trong cơn khốn khó của họ, và giữ lấy mình cho khỏi sự ô uế của thế gian."

► Kết Luận

Bản năng tính dục là sự ban cho của Thiên Chúa để loài người được vui thỏa trong quan hệ vợ chồng và làm tròn thiên chức sanh sản thêm nhiều, làm cho loài người đầy dẫy đất (Sáng Thế Ký 1:28). Nhưng nếu bản năng tính dục được thể hiện một cách tùy tiện vượt ngoài nguyên tắc của Thánh Kinh thì sẽ khiến cho loài người phạm tội. Điều răn thứ sáu: "Ngươi chớ phạm tội ngoại tình" được bổ sung thêm bởi điều răn "Chớ tà dâm" trong Tân Ước là nguyên tắc sống đạo cho con dân Chúa trong phương diện tính dục.

Tội ngoại tình nói lên sự không chung thủy của một người đối với vợ hay chồng của mình. Thánh Kinh dùng tội ngoại tình làm hình bóng cho sự không trung tín của con dân Chúa đối với Thiên Chúa khi họ say mê, tôn thờ, và trông cậy nơi các thần tượng.

Huỳnh Christian Timothy
13.04.2012

www.timhieutinlanh.net
tim@timhieutinlanh.net

 

 

Bấm vào đây để đọc tiếp →

6,078 views

Ngươi Chớ Phạm Tội Giết Người

Copyright Notice: All Rights Reserved © 2012 Vietnamese Christian Mission Ministry. Thông Báo Tác Quyền: Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức nhưng xin giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.

Ghi Chú: Bấm vào các từ ngữ Hê-bơ-rơ hoặc Hy-lạp để nghe phát âm. Bấm vào các mã số Strong để xem định nghĩa trong tiếng Anh.

Huỳnh Christian Timothy
Bấm vào đây để download bài viết này
Bấm vào đây để nghe mp3

"Ngươi chớ giết người."
(Xuất Ê-díp-tô Ký 20:13; Phục Truyền Luật lệ Ký 5:17)

Từ ngữ "giết người" trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ là "râtsach" (H7523) có nghĩa chính là "bẻ, đập, đâm, đánh, chà nát một cách hung bạo," và bao gồm các nghĩa sau đây: "phạm tội giết người, bạo sát (người hoặc thú), giết một sinh vật." Chúng ta cần phân tích các ý nghĩa của từ ngữ này để có thể hiểu rõ điều răn thứ sáu.

►Phạm Tội Giết Người

"Phạm tội giết người" (trong tiếng Anh là "murder"), còn gọi là "cố sát," là giết người có ý thức và không hợp pháp cho dù là bởi động cơ hay mục đích nào. "Có ý thức" tức là đã suy nghĩ và quyết định về hành động giết người. "Không hợp pháp" có nghĩa là không được luật pháp cho phép; và luật pháp nói đến ở đây tức là luật pháp của Thiên Chúa được ghi chép rõ ràng trong Thánh Kinh, thường khi thể hiện qua luật pháp của các nhà cầm quyền. Như vậy, Thiên Chúa không cho phép chúng ta "giết người có ý thức và không hợp pháp" và điều răn thứ sáu cần được dịch một cách chính xác hơn là: "Ngươi chớ phạm tội giết người!"

►Án Tử Hình Trong Thánh Kinh

Theo luật pháp của Thiên Chúa, có những tội, tức là những hành động vi phạm luật pháp của Ngài, bị lên án tử hình. Như vậy, sự thi hành án tử hình theo luật pháp của Thiên Chúa, không phải là điều Thiên Chúa ngăn cấm trong điều răn thứ sáu. Dưới đây là những câu Thánh Kinh nói đến các tội bị Thiên Chúa lên án chết:

Xuất Ê-díp-tô Ký 19:12 "Vả, ngươi hãy phân định giới hạn cho dân sự ở chung quanh núi, và dặn rằng: Khá giữ mình đừng leo lên núi, hoặc đụng đến chân; hễ kẻ nào đụng đến thì sẽ bị xử tử."

Xuất Ê-díp-tô Ký 21:12 "Kẻ nào đánh chết một người, sẽ bị xử tử."

Xuất Ê-díp-tô Ký 21:15 "Kẻ nào đánh cha hay mẹ mình, sẽ bị xử tử."

Xuất Ê-díp-tô Ký 21:16 "Kẻ nào bắt người và bán, hoặc giữ lại trong tay mình, sẽ bị xử tử."

Xuất Ê-díp-tô Ký 21:17 "Kẻ nào mắng cha hay mẹ mình, sẽ bị xử tử."

Xuất Ê-díp-tô Ký 21:28 "Ví có một con bò báng nhằm một người đàn ông hay đàn bà phải chết đi, con bò sẽ bị ném đá chết, người ta không nên ăn thịt nó; còn người chủ bò sẽ được vô tội."

Xuất Ê-díp-tô Ký 21:29 "Nhưng ngộ từ trước con bò có tật hay báng và chủ đã bị mắng vốn mà không cầm giữ, nếu bò nầy còn giết một người đàn ông hay đàn bà, thì nó sẽ bị ném đá, và chủ sẽ bị xử tử nữa."

Xuất Ê-díp-tô Ký 21:32 "Con bò báng nhằm một đứa đầy tớ trai hay gái, chủ bò phải trả ba chục siếc lơ bạc cho chủ nó; rồi bò sẽ bị ném đá chết."

Xuất Ê-díp-tô Ký 22:19 "Kẻ nào nằm cùng một con vật sẽ bị xử tử."

Xuất Ê-díp-tô Ký 31:14, 15 "Vậy, hãy giữ ngày Sa-bát, vì là một ngày thánh cho các ngươi. Kẻ nào phạm đến ngày đó, phải bị xử tử; kẻ nào làm một việc chi trong ngày đó, cũng sẽ bị truất khỏi vòng dân sự. Người ta sẽ làm công việc trong sáu ngày, nhưng qua ngày thứ bảy là ngày Sa-bát, tức là ngày nghỉ, biệt riêng ra thánh cho Đức Giê-hô-va. Trong ngày Sa-bát hễ ai làm một việc chi sẽ bị xử tử."

Xuất Ê-díp-tô Ký 35:2 "Người ta sẽ làm công việc trong sáu ngày, nhưng đến ngày thứ bảy sẽ là một lễ thánh, tức là ngày Sa-bát biệt riêng ra thánh cho Đức Giê-hô-va. Ai làm công việc trong ngày đó sẽ bị xử tử."

Lê-vi Ký 20:2 "Ngươi hãy nói cùng dân I-sơ-ra-ên rằng: Phàm ai trong dân I-sơ-ra-ên hay là kẻ khách kiều ngụ giữa vòng họ, dùng một trong các con mình dâng cho thần Mo-lóc, thì chắc sẽ bị xử tử: dân bổn xứ phải ném đá người ấy."

Lê-vi Ký 20:9 "Khi một người nào chửi cha mắng mẹ mình, thì phải bị xử tử: nó đã chửi rủa cha mẹ; huyết nó sẽ đổ lại trên mình nó."

Lê-vi Ký 20:10 "Nếu người nào phạm tội tà dâm cùng vợ của người khác, hay là phạm tội tà dâm cùng vợ người lân cận mình, người nam cùng người nữ đó đều phải bị xử tử."

Lê-vi Ký 20:11 "Nếu người nào nằm cùng vợ cha mình, ấy là gây nhục cho cha mình, thì hai người đều hẳn phải bị xử tử; huyết họ sẽ đổ lại trên mình họ."

Lê-vi Ký 20:12 "Nếu người nào nằm cùng dâu mình, hai người đều hẳn phải bị phạt xử tử; vì họ phạm một sự gớm ghiếc; huyết họ sẽ đổ lại trên mình họ."

Lê-vi Ký 20:13 "Nếu một người nam nằm cùng một người nam khác, như nằm cùng người nữ, thì hai người đó đều hẳn phải bị xử tử, vì họ đã làm một sự gớm ghiếc; huyết họ sẽ đổ lại trên mình họ."

Lê-vi Ký 20:15 "Nếu một người nam cấu hiệp cùng thú vật, thì hẳn phải bị xử tử, và các ngươi hãy giết thú đó đi."

Lê-vi Ký 20:27 "Khi nào một người nam hay nữ làm đồng cốt, hay là bói khoa, thì hẳn sẽ bị xử tử; người ta sẽ ném đá chúng nó: huyết chúng nó sẽ đổ lại trên mình chúng nó."

Lê-vi Ký 24:16 "Ai nói phạm đến danh Đức Giê-hô-va hẳn sẽ bị xử tử; cả hội chúng sẽ ném đá nó: mặc dầu nó là kẻ khách ngoại bang hay là sanh trong xứ, hễ khi nào nói phạm đến danh Đức Giê-hô-va, thì sẽ bị xử tử."

Lê-vi Ký 24:17 "Kẻ nào đánh chết một người nào, mặc dầu kẻ đó là ai, sẽ bị xử tử."

Lê-vi Ký 24:21 "Kẻ nào làm chết một súc vật, thì sẽ thường lại; còn kẻ nào giết chết một người, thì phải bị xử tử."

Dân Số Ký 1:51 "Khi nào đền tạm dời chỗ, thì người Lê-vi sẽ tháo dỡ nó; khi nào đền tạm dừng lại, thì họ sẽ dựng nó lên; còn người ngoại đến gần sẽ bị xử tử."

Dân Số Ký 3:10 "Vậy, ngươi sẽ lập A-rôn và các con trai người, để làm chức tế lễ; người ngoại đến gần sẽ bị xử tử."

Dân Số Ký 3:38 "Những người đóng trại trước đền tạm về phía đông, tức trước hội mạc về phía mặt trời mọc, là Môi-se, A-rôn và các con trai người, có chức phận săn sóc nơi thánh thế cho dân I-sơ-ra-ên. Người ngoại đến gần sẽ bị xử tử."

Dân Số Ký 15:32-36 "Vả, dân I-sơ-ra-ên đương ở tại đồng vắng, gặp một người lượm củi trong ngày Sa-bát; những kẻ gặp người đương lượm củi dẫn người đến Môi-se, A-rôn, và cả hội chúng. Họ bắt người giam tù, vì điều phải làm cho người chưa nhất định.Đức Giê-hô-va bèn phán cùng Môi-se rằng: Người nầy phải phạt xử tử, cả hội chúng hãy ném đá người ngoài trại quân. Vậy, cả hội chúng đem người ra ngoài trại quân mà ném đá, và người chết, y như Đức Giê-hô-va đã phán dặn Môi-se."

Dân Số Ký 18:7 "Nhưng ngươi và các con trai ngươi phải kỹ lưỡng lo cho xong chức tế lễ, quản trị các điều chi thuộc về bàn thờ, và vật chi ở phía trong màn; các ngươi phải làm việc mình tại đó. Chức tế lễ của các ngươi là một việc ta phong cho như một của ban: người ngoại nào đến gần sẽ bị xử tử."

Phục Truyền Luật Lệ Ký 13:1-5 "Nếu giữa ngươi có nổi lên một tiên tri hay là một kẻ hay chiêm bao làm cho ngươi một dấu kỳ hoặc phép lạ, nếu dấu kỳ hoặc phép lạ nầy mà người đã nói với ngươi được ứng nghiệm, và người có nói rằng: Ta hãy đi theo hầu việc các thần khác mà ngươi chẳng hề biết, thì chớ nghe lời của tiên tri hay là kẻ chiêm bao ấy, vì Giê-hô-va Thiên Chúa các ngươi thử các ngươi, đặng biết các ngươi có hết lòng hết ý kính mến Giê-hô-va Thiên Chúa của các ngươi chăng. Các ngươi phải theo Giê-hô-va Thiên Chúa của các ngươi, kính sợ Ngài, gìn giữ các điều răn Ngài, vâng nghe tiếng phán Ngài, phục sự Ngài và tríu mến Ngài. Nhưng người ta phải giết tiên tri hay là kẻ chiêm bao ấy, vì hắn có giục dấy loạn cùng Giê-hô-va Thiên Chúa các ngươi, (là Đấng đã đem các ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô, chuộc các ngươi khỏi nhà nô lệ), đặng xô ngươi ra ngoài con đường của Giê-hô-va Thiên Chúa ngươi đã chỉ cho ngươi đi. Ấy, ngươi sẽ diệt kẻ hung ác khỏi giữa mình là như vậy."

Phục Truyền Luật Lệ Ký 13:6-10 "Khi anh em một mẹ với ngươi, hay là con trai, con gái ngươi, vợ yêu mến, hoặc bạn hữu thiết ngươi, giục ngươi cách mật nhiệm, mà rằng: Ta hãy đi hầu việc các thần khác, mà ngươi hay tổ phụ ngươi không biết, tức là các thần của những dân tộc ở chung quanh, hoặc gần hay xa ngươi, từ đầu nầy của đất cho đến đầu kia, thì chớ chịu theo nó, chớ khứng nghe nó. Mắt ngươi đừng thương tiếc nó; chớ động lòng xót xa mà che chở cho nó. Ngươi hẳn phải giết nó, tay mình phải tra vào mình nó trước hết đặng giết đi; rồi kế sau tay của cả dân sự. Phải ném đá cho nó chết, vì nó tìm thế giục ngươi xa cách Giê-hô-va Thiên Chúa ngươi, là Đấng đã đem ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô, tức khỏi nhà nô lệ."

Phục Truyền Luật Lệ Ký 13:12-15 "Khi ngươi nghe nói về một trong các thành mà Giê-hô-va Thiên Chúa ngươi ban cho ngươi ở, rằng có những kẻ gian tà từ giữa mình ra dụ dỗ dân thành đó, mà rằng: Ta hãy đi hầu việc các thần khác mà các ngươi không hề biết, thì phải tìm kiếm, hỏi thăm, và tra xét cho kỹ càng. Bằng điều người ta nói là chân thật và quả quyết, và nếu một điều gớm ghiếc như vậy đã phạm giữa ngươi, thì ngươi phải giết dân sự thành ấy bằng lưỡi gươm; phải dùng gươm tận diệt nó và mọi vật ở trong, luôn với súc vật của nó."

Phục Truyền Luật Lệ Ký 17:2-5 "Khi ở giữa ngươi, trong một thành nào mà Giê-hô-va Thiên Chúa ngươi ban cho ngươi, có một người nam hay nữ làm điều ác trước mặt Giê-hô-va Thiên Chúa ngươi, vi phạm giao ước Ngài, đi hầu việc và quì lạy các thần khác, hoặc mặt trời, mặt trăng, hay là cả thiên binh, tức là điều ta không có dạy biểu; khi điều đó đem học cho ngươi hay, thì phải tra hỏi kỹ càng, và nếu điều người ta nói là thật, và quả quyết có một sự gớm ghê dường ấy đã phạm trong I-sơ-ra-ên,thì ngươi phải dẫn người nam hay nữ đã làm việc ác đó đến cửa thành, ném đá cho chúng nó chết."

Phục Truyền Luật Lệ Ký 21:18-21 "Khi ai có một đứa con khó dạy và bội nghịch, không nghe theo lời cha mẹ, và mặc dầu bị trừng trị, nó vẫn không khứng vâng lời, thì cha mẹ phải bắt nó dẫn đến trước mặt các trưởng lão của thành mình, tại nơi cửa thành. Đoạn, cha mẹ sẽ nói cùng các trưởng lão của thành mình rằng: Nầy con chúng tôi khó dạy và bội nghịch, không vâng lời chúng tôi, làm kẻ hoang đàng say sưa. Bấy giờ, chúng dân thành ấy sẽ ném đá cho nó chết; như vậy ngươi sẽ cất sự ác khỏi giữa mình, và cả I-sơ-ra-ên sẽ hay điều đó mà bắt sợ."

Phục Truyền Luật Lệ Ký 24:7 "Khi người ta gặp ai có ăn cướp một người anh em mình trong dân I-sơ-ra-ên, và đã bắt làm mọi hay là đã bán người, thì tên bợm ấy phải bị xử tử; ngươi sẽ trừ sự ác khỏi giữa mình vậy."

Ngày nay, hầu hết luật pháp của các quốc gia không xử tử những kẻ gian dâm, ngoại tình, đồng tính luyến ái, chửi mắng cha mẹ, thờ hình tượng hoặc không giữ ngày Sa-bát, vv… nhưng không có nghĩa là luật pháp của Thiên Chúa không còn hiệu lực. Tất cả những ai vi phạm điều răn và luật pháp của Thiên Chúa đều phải gánh lấy án phạt. Tuy nhiên, trong thời kỳ ân điển, là thời kỳ từ khi Đức Chúa Jesus Christ chịu chết trên thập tự giá cho đến cuối cùng của Vương Quốc Ngàn Năm Bình An, Thiên Chúa ban cho mọi tội nhân cơ hội ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ. Sự cứu rỗi đó bao gồm việc Đức Chúa Jesus Christ gánh thay mọi án phạt của tất cả tội lỗi cho toàn thể nhân loại. Người ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ sẽ được Thiên Chúa tha tội và xưng là công chính, nghĩa là người ấy không còn chịu án phạt về mọi tội lỗi đã gây ra. Người không ăn năn và tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ sẽ bị chính Đức Chúa Jesus Christ phán xét và định tội, rồi người ấy sẽ chịu hình phạt đời đời trong hỏa ngục (Khải Huyền 20:11-15).

►Ngộ Sát và Cố Ý Đả Thương Gây Chết Người

Ngoài hành động cố ý giết người còn có những hành động vô ý giết người gọi là ngộ sát như việc không cẩn thận hoặc lầm lẫn khiến xảy ra ra tai nạn làm chết người. Những hành động ngộ sát không thuộc về sự phạm tội giết người mà Thiên Chúa nghiêm cấm trong điều răn thứ sáu. Lại có những hành động cố ý đánh người nhưng lỡ tay làm chết người gọi là "cố ý đả thương, nhân thương trí mạng," tức là: cố ý đánh cho người ta bị thương nhưng người bị thương lại bị chết. Tất cả những hành động cố ý đả thương gây chết người đều bị kể là phạm tội giết người. Hai trường hợp ngộ sát và cố ý đả thương gây chết người đều được đề cập cách rõ ràng trong Dân Số Ký 35:13-25 như sau:

 "Vậy, trong những thành các ngươi nhường cho, sẽ có sáu thành ẩn náu cho các ngươi. Các ngươi phải chỉ ba thành phía bên kia sông Giô-đanh, và lập ba thành khác trong xứ Ca-na-an; ấy sẽ là những thành ẩn náu. Sáu thành nầy sẽ dùng làm chỗ ẩn náu cho dân I-sơ-ra-ên, luôn cho khách ngoại bang và kẻ nào kiều ngụ ở trong dân đó, để ai vì vô ý đánh chết một người có thế chạy ẩn mình tại đó. Nhưng nếu người ấy đánh bằng đồ sắt, và người bị đánh chết đi, ấy là một kẻ sát nhơn; kẻ sát nhơn hẳn phải bị xử tử. Nếu người đánh bằng một cục đá cầm nơi tay có thế làm chết, và người bị đánh chết đi, ấy là một kẻ sát nhơn; kẻ sát nhân hẳn phải bị xử tử. Cũng vậy, nếu người đánh bằng đồ cây cầm nơi tay có thế làm chết, và người bị đánh chết đi, ấy là một kẻ sát nhơn; kẻ sát nhơn hẳn phải bị xử tử. Ấy là kẻ báo thù huyết sẽ làm cho kẻ sát nhơn phải chết; khi nào kẻ báo thù huyết gặp kẻ sát nhơn thì phải làm cho nó chết đi. Nếu một người nào vì lòng ganh ghét xô lấn một người khác, hay là cố ý liệng vật chi trên mình nó, và vì cớ đó nó bị chết; hoặc vì sự thù đánh bằng bàn tay, và vì cớ đó nó bị chết, thì người nào đánh đó hẳn phải bị xử tử. Ấy là một kẻ sát nhơn; người báo thù huyết khi nào gặp kẻ sát nhơn phải làm cho nó chết đi.

Nếu vì tình cờ, vẫn hòa thuận nhau, mà người có lấn xô, hoặc liệng vật chi trên mình người kia, hoặc nếu không phải thù nghịch chẳng có ý làm hại, lại không thấy mà làm rớt một cục đá trên mình người kia, có thế làm chết được, và nếu người chết đi, thì cứ theo luật lệ nầy, hội chúng phải xử đoán cho kẻ đã đánh và kẻ báo thù huyết: hội chúng sẽ giải cứu kẻ sát nhơn khỏi tay người báo thù huyết, và biểu người trở về thành ẩn náu, là nơi người đã chạy ẩn mình; và người phải ở đó cho đến chừng nào thầy tế lễ thượng phẩm đã được xức dầu thánh qua đời."

►Giết Người Trong Chiến Tranh

Trong lịch sử loài người, có những lúc Thiên Chúa dùng dân tộc này để trừng phạt hoặc tiêu diệt một dân tộc khác qua hình thức chiến tranh, vì cớ tội lỗi của dân tộc bị diệt đó đã vượt quá sự cho phép của Thiên Chúa. Những sự tàn sát có tính cách diệt chủng đó không phải là điều Thiên Chúa ngăn cấm trong điều răn thứ sáu. Điển hình là việc Chúa ra lệnh cho dân I-sơ-ra-ên tiêu diệt các dân tộc của xứ Ca-na-an:

Phục Truyền Luật lệ Ký 20:16, 17 "Nhưng trong các thành của những dân tộc nầy, mà Giê-hô-va Thiên Chúa ngươi ban cho ngươi làm sản nghiệp, thì chớ để sống một vật nào biết thở; khá tận diệt dân Hê-tít, dân A-mô-rít, dân Ca-na-an, dân Phê-rê-sít, dân Hê-vít, dân Giê-bu-sít, y như Giê-hô-va Thiên Chúa ngươi đã phán dặn."

Giô-suê 6:20, 21"Vậy, dân sự la lên, và những thầy tế lễ thổi kèn. Vừa khi dân sự nghe tiếng kèn, bèn la lớn lên, và vách thành liền ngã sập, dân sự leo lên thành, mỗi người ngay trước mặt mình. Chúng lấy thành, đưa gươm qua diệt mọi vật ở trong thành, nào nam phụ lão ấy, cho đến bò, chiên, và lừa."

Ngày nay, loài người lên án một cách gắt gao những cuộc chiến tranh diệt chủng đó. Tuy nhiên, đối với Thiên Chúa, đó là cách thức công chính của Ngài để chấm dứt sự phạm tội của những dân tộc bị diệt, đồng thời bảo vệ con dân của Ngài không bị tiêm nhiễm nếp sống tội của các dân tộc bị diệt. Mục đích của sự tiêu diệt các dân tộc của xứ Ca-na-an được Thiên Chúa công bố rất rõ ràng cho dân I-sơ-ra-ên:

Phục Truyền Luật lệ Ký 20:18 "để chúng nó không dạy các ngươi bắt chước làm theo những sự gớm ghiếc chúng nó đã làm, đặng cúng thờ các thần chúng nó, e các ngươi phạm tội cùng Giê-hô-va Thiên Chúa các ngươi chăng."

Tuy nhiên, dân I-sơ-ra-ên đã không hoàn toàn vâng phục mệnh lệnh của Chúa. Dân I-sơ-ra-ên đã để cho dân Hê-vít của thành Ga-ba-ôn lừa gạt, kết ước với họ nên không thể tiêu diệt họ (Giô-suê 9); chi phái Giu-đa và chi phái Bên-gia-min đã không tiêu diệt dân Giê-bu-sít (Giô-suê 15:63; Các Quan Xét 1:21); chi phái Ép-ra-im, chi phái Ma-na-se, chi phái Sa-bu-lôn, chi phái A-se và chi phái Nép-ta-li đã không tiêu diệt dân Ca-na-an (Giô-suê 16:10; 17:12; Các Quan Xét 1:27-33); chi phái Đan và nhà Giô-sép đã không tiêu diệt dân A-mô-rít (Các Quan Xét 1:34-36). Vì thế, theo dòng thời gian, nền văn hóa sống luông tuồng theo ham muốn của sắc dục và thờ lạy tà thần của các dân tộc xứ Ca-na-an đã tiêm nhiễm vào nếp sống của dân I-sơ-ra-ên, khiến cho dân I-sơ-ra-ên phạm tội và bị Thiên Chúa dùng các dân tộc A-si-ri và Ba-by-lôn chinh phạt họ.

Chưa đầy 700 năm sau khi dân I-sơ-ra-ên đặt chân vào đất hứa, Vương Quốc I-sơ-ra-ên ở phía bắc, bao gồm mười chi phái, bị dân A-si-ri tiêu diệt vào năm 722 TCN; và thêm 136 năm nữa thì Vương Quốc Giu-đa ở phía nam, bao gồm hai chi phái còn sót lại, bị dân Ba-by-lôn tiêu diệt vào năm 586 TCN.

►Án Tử Hình của Thế Quyền

Ngày nay, nhiều quốc gia trên thế giới có án tử hình dành cho tội giết người, và như vậy, luật pháp của Thiên Chúa đã được thể hiện qua luật pháp của loài người. Tuy nhiên, có nhiều tổ chức giáo hội mang danh Chúa đã biểu tình chống đối việc thi hành án tử hình, dù là can phạm đã phạm tội giết người hàng loạt. Lý do được họ đưa ra là "Thiên Chúa cấm giết người!" Đây rõ ràng là sự hiểu sai Lời Chúa. Như đã trưng dẫn trên đây, chính Lời Chúa đã lên án tử hình rất nhiều tội khác nhau.

Người ta lý luận rằng, trong thời Tân Ước Đức Chúa Jesus Christ đã chết thế cho mọi người kể cả những người phạm tội giết người hàng loạt, vì thế, không ai có quyền kết án tử hình những kẻ sát nhân. Lý luận như thế có khác nào nói rằng vì Đức Chúa Jesus Christ đã chết chuộc tội cho nhân loại, cho nên, kẻ phạm tội không còn bị hình phạt. Lý luận như thế là không hiểu được ý nghĩa sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ.

♦ Sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ chỉ có hiệu lực cứu một người ra khỏi sự đoán phạt của Thiên Chúa về tất cả những tội lỗi của người ấy, nếu người ấy thật lòng ăn năn tội và tin nhận Đức Chúa Jesus Christ.

♦ Sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ không giải trừ người có tội ra khỏi trách nhiệm hình sự trong xã hội; nghĩa là, người có tội vẫn phải bồi thường những thiệt hại mình đã gây ra cho người bị hại và phải gánh lấy hình phạt theo luật định của thế gian.

♦ Dầu chúng ta ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi của Chúa nhưng thân thể vật chất của chúng ta vẫn phải tiếp tục gánh lấy hậu quả của tội lỗi: bệnh tật, đau đớn, già yếu rồi chết đi cho đến ngày Chúa biến hóa nó hoặc phục sinh nó từ cõi chết. Vì thế, đối với tất cả tội lỗi chúng ta gây ra, dù chúng ta có ăn năn hay không, thì thân thể thịt và huyết này vẫn phải gánh lấy hậu quả, kể cả sự bị tù đày và tử hình theo luật định.

Thánh Kinh Tân Ước khẳng định, những kẻ làm dữ phải bị nhà cầm quyền hình phạt:

Rô-ma 13:4 "…vì quan quyền là chức việc của Thiên Chúa để làm ích cho ngươi. Song nếu ngươi làm ác, thì hãy sợ, vì người cầm gươm chẳng phải là vô cớ; người là chức việc của Thiên Chúa để làm ra sự công bình và phạt kẻ làm dữ."

Mặt khác, ngoài việc bày tỏ sự công chính của Thiên Chúa, sự hình phạt kẻ phạm tội còn có hai mục đích thực tế: (1) cất sự gian ác khỏi xã hội, và (2) làm gương cho những người khác, khiến cho họ sợ mà không phạm tội:

Phục Truyền Luật Lệ Ký 21:18-21 "Khi ai có một đứa con khó dạy và bội nghịch, không nghe theo lời cha mẹ, và mặc dầu bị trừng trị, nó vẫn không khứng vâng lời, thì cha mẹ phải bắt nó dẫn đến trước mặt các trưởng lão của thành mình, tại nơi cửa thành. Đoạn, cha mẹ sẽ nói cùng các trưởng lão của thành mình rằng: Nầy con chúng tôi khó dạy và bội nghịch, không vâng lời chúng tôi, làm kẻ hoang đàng say sưa. Bấy giờ, chúng dân thành ấy sẽ ném đá cho nó chết; như vậy ngươi sẽ cất sự ác khỏi giữa mình, và cả I-sơ-ra-ên sẽ hay điều đó mà bắt sợ."

Một người sau khi phạm tội chết, nếu ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ thì người ấy hoàn toàn được sự tha thứ của Đức Chúa Trời, nhưng về mặt xã hội người ấy vẫn phải gánh lấy hậu quả và trách nhiệm việc làm của mình theo luật định. Dĩ nhiên, nếu nạn nhân, gia đình của nạn nhân, và nhà cầm quyền đều đồng ý tha thứ kẻ có tội thì kẻ ấy hoàn toàn được giải trừ mọi trách nhiệm.

Là con dân của Chúa chúng ta có bổn phận và trách nhiệm bênh vực, bảo vệ người bị hại, tố cáo kẻ phạm pháp trước pháp luật theo luật định để giúp nhà cầm quyền làm tròn thiên chức. Nếu chúng ta là người bị hại thì sau khi phạm nhân bị kết án theo luật định để công lý được sáng tỏ, chúng ta nên tha thứ cho phạm nhân và xin nhà cầm quyền miễn thi hành án phạt.

►Phá Thai

Phá thai là hành động tiêu diệt bào thai để hài nhi không được sinh ra. Lịch sử phá thai lâu đời nhất được ghi lại là từ năm 1550 TCN tại Ai-cập. Trung Quốc có văn kiện ghi chép sự phá thai của các quý phi từ năm 515 đến 550 TCN. Theo thần thoại của Trung Quốc thì gần 5000 năm trước Vua Thần Nông đã dạy cho dân cách dùng thủy ngân để phá thai [1].

Hầu như dân tộc nào cũng cảm biết rằng phá thai là một hành động vô đạo đức, là giết người. Nếu vì một lý do nào khiến cho một người chọn sự phá thai thì người ấy sẽ cố gắng làm trong sự kín dấu. Trải qua các thời đại cho đến đầu thế kỷ 18, việc phá thai vẫn xảy ra khắp nơi mà không có một quốc gia nào ra luật ngăn cấm. Năm 1803 Anh Quốc là quốc gia đầu tiên ra luật cấm phá thai, kế tiếp là các tiểu bang của Hoa Kỳ lần lượt đặt sự phá thai ra ngoài vòng pháp luật. Đến năm 1880 thì hầu như mọi sự phá thai đều bị ngăn cấm tại Hoa Kỳ, ngoại trừ trường hợp cần phải cứu lấy tính mạng của người mẹ. Dầu vậy, vào thập niên 1890 thì các bác sĩ ước tính mỗi năm có khoảng hai triệu trường hợp phá thai xảy ra tại Hoa Kỳ. Đến ngày 22 tháng Giêng năm 1973, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ ban hành luật cho phép phá thai, theo đó, một người mẹ có toàn quyền phá thai vì bất kỳ lý do nào nếu bào thai không quá ba tháng tuổi; nếu bào thai trên ba tháng tuổi thì mỗi tiểu bang có những luật riêng quy định về quyền phá thai [2]. Riêng tại Việt Nam, phụ nữ có toàn quyền phá thai vì bất cứ lý do nào trong bất kỳ thời điểm nào. Theo thống kê, trong năm 2011 có khoảng 42 triệu cuộc phá thai xảy ra trên thế giới, trong đó, có khoảng 47 ngàn phụ nữ đã chết vì phá thai [3].

Ngày nay, có những giáo hội mang danh Chúa ủng hộ cho sự phá thai, dưới đây là danh sách [4]:

♦ Liên Hiệp Hội Thánh Đấng Christ (The United Church of Christ): ủng hộ mạnh mẽ quyền được phá thai của phụ nữ.

♦ Giáo Hội Giám Nhiệm (The Episcopal Church): ủng hộ quyền được phá thai của phụ nữ.

♦ Giáo Hội Tin Lành Lutheran tại Mỹ (Evangelical Lutheran Church of America): ủng hộ việc phá thai để cứu sống người mẹ, phá thai vì bị hiếp dâm, phá thai vì kết quả của loạn luân, phá thai vì thai nhi không bình thường.

♦ Giáo Hội Liên Hiệp Giám Lý (The United Methodist Church): ủng hộ việc phá thai để cứu sống người mẹ.

♦ Giáo Hội Trưởng Lão Hoa Kỳ (The Presbyterian Church – USA): ủng hộ việc phá thai để cứu sống người mẹ.

♦ Giáo Hội Liên Hiệp Trưởng Lão (The United Presbyterian Church): ủng hộ việc phá thai để cứu sống người mẹ.

♦ Giáo Hội Báp-tít Mỹ (The American Baptist Churches USA): ủng hộ việc phá thai để cứu sống người mẹ.

♦ Hội Báp-tít Nam Phương (Southern Baptist Convention): ủng hộ việc phá thai để cứu sống người mẹ.

Thi Thiên 139:13  chép: "Vì chính Chúa nắn nên tâm thần tôi, dệt thành tôi trong lòng mẹ tôi." Thi Thiên 139:16 chép: "Mắt Chúa đã thấy thể chất vô hình của tôi; Số các ngày định cho tôi, đã biên vào sổ Chúa trước khi chưa có một ngày trong các ngày ấy." Hai câu Thánh Kinh này cho chúng ta thấy việc thai dựng hài nhi trong lòng mẹ là việc làm của Thiên Chúa; tuổi thọ của mỗi người do Thiên Chúa định trước. Như vậy, ai có thẩm quyền phá hủy việc làm của Thiên Chúa và tiêu diệt sự sống đến từ nơi Ngài? Ai có thẩm quyền cất đi mạng sống của thai nhi để cứu lấy mạng sống của người mẹ? Đối với chúng ta là con dân Thiên Chúa, trong hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm, chúng ta chỉ hoàn toàn phó thác sự sống và sự chết của mình trong bàn tay của Thiên Chúa. Thiên Chúa toàn năng có thể bảo vệ mạng sống của bất cứ ai nếu đó là thánh ý của Ngài. Nhưng nếu thánh ý của Thiên Chúa muốn cất đi mạng sống của chúng ta qua nghịch cảnh thì chúng ta không thể nào chọn bảo vệ sự sống của mình bằng cách tiêu diệt sự sống của người khác.

Đối với các trư Bấm vào đây để đọc tiếp →

4,794 views

Jesus Christ và Christ Jesus

Copyright Notice: All Rights Reserved © 2012 Vietnamese Christian Mission Ministry. Thông Báo Tác Quyền: Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức nhưng xin giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.

Huỳnh Christian Timothy
 
Chúng ta vẫn biết Thánh Kinh là Lời của Thiên Chúa do các tiên tri và các môn đồ của Chúa ghi chép lại. Khi ghi chép, mỗi người dùng văn phong riêng của chính mình. Tuy nhiên, chính Đức Thánh Linh đã thần cảm họ trong khi họ viết, vì thế, từng lời, từng chữ của Thánh Kinh nguyên bản khi được các tiên tri và các môn đồ của Chúa đặt bút chép ra, hoàn toàn có sự soi dẫn của Đức Thánh Linh. II Ti-mô-thê 3:16, 17 khẳng định rằng: "Cả Thánh Kinh đều là bởi Thiên Chúa hà hơi, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành." Có người cho rằng, đây là nói về Cựu Ước, vì khi Phao-lô viết những dòng chữ này cho Ti-mô-thê thì chưa có Thánh Kinh Tân Ước. Thực tế, ngay lúc ấy, chính thư II Ti-mô-thê cũng mới được viết đến chương ba, câu 17! Vậy, họ kết luận, sự thần cảm của Đức Thánh Linh không bao gồm phần Tân Ước. Những người nói như vậy là những người chưa có sự cứu rỗi, nên chưa được tái sinh, chưa có Đức Thánh Linh ngự trong thân thể họ để dạy cho họ biết Thánh Kinh Tân Ước cũng chính là Lời của Đức Chúa Trời. Vì thế, họ mới phủ nhận thần tính và thần quyền của Tân Ước.
 

Bấm vào đây để download MP3 file
Bấm vào nút "play" ► để nghe
 
 
Chính vì cả Thánh Kinh đều được Thiên Chúa hà hơi mà Thánh Kinh trở thành lời sống và linh nghiệm, như Hê-bơ-rơ 4:12, 13 chép: "Vì Lời Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi phân chia linh hồn, tâm thần, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng. Chẳng có vật nào được giấu kín trước mặt Chúa, nhưng hết thảy đều trần trụi và lộ ra trước mắt Đấng mà chúng ta phải thưa lại." Thế nên, tôi tin rằng từng chữ trong Thánh Kinh và mỗi cách dùng chữ trong Thánh Kinh đều có những ý nghĩa rõ ràng và nhất định, không phải để cho ai có thể tùy ý thêm hay bớt, hoặc tùy ý diễn giải.
 
Bây giờ, chúng ta hãy cùng nhau xét đến một vài cách dùng tên gọi và các danh xưng của Đức Chúa Jesus Christ:
 
·         Jesus: tên gọi của Chúa, có nghĩa là "Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Là Đấng Cứu Rỗi" hoặc "Sự Cứu Rỗi Thuộc Về Đấng Tự Hữu Hằng Hữu!" Khi Thánh Kinh chỉ đề cập đến tên gọi Jesus mà không kèm theo các danh xưng "Chúa" và "Christ" thì Thánh Kinh muốn nhấn mạnh về bản thể của Ngài. Ngài là Thiên Chúa Ngôi Con nhập thế làm người để mang sự cứu rỗi của Thiên Chúa đến cho toàn thể nhân loại. Ngài hoàn toàn là Thiên Chúa vì Ngài là con của Thiên Chúa mà Ngài cũng hoàn toàn là Người vì Ngài cũng là con của loài người.
·         Chúa: trong nghĩa đen không có nghĩa "Thiên Chúa" hay "Đức Chúa Trời," mà là "người có toàn quyền trên người khác" như vua trong một vương quốc, chủ nhân của những nô lệ. Trong bốn sách Tin Lành không dùng danh xưng "Chúa" kèm theo tên gọi Jesus hoặc Jesus Christ. (Thánh Kinh Việt ngữ dịch "Jesus" thành "Đức Chúa Jesus" hoặc "Jesus Christ" và "Christ Jesus" thành "Đức Chúa Jesus Christ"). Sau khi Chúa phục sinh, Thánh Kinh dùng danh xưng "Chúa" kèm theo tên gọi Jesus hoặc Jesus Christ với hàm ý, sau khi hoàn thành công cuộc cứu rỗi nhân loại, Ngài cai trị những ai tiếp nhận sự cứu rỗi của Ngài. Ngày nay, nếu chúng ta gọi Ngôi Hai Thiên Chúa là "Đức Chúa Jesus" thì chúng ta cần ghi nhớ, chúng ta phải hoàn toàn vâng phục Ngài, như nô lệ vâng phục chủ, người dân trong một vương quốc vâng phục vua. Ngài chính là chủ của chúng ta vì Ngài đã dùng chính sự vinh quang và máu của Ngài để chuộc chúng ta về. Ngài chính là vua của chúng ta vì Ngài là Đấng Tạo Hóa, và là Vua trên muôn vua, Chúa trên muôn chúa. Nếu chúng ta gọi Ngài là "Chúa" mà chúng ta không vâng phục Ngài, thì chúng ta là những kẻ dối trá, giả hình, và Ngài biết rõ điều đó. Gần hai ngàn năm trước Ngài đã phán: "Sao các ngươi gọi Ta: Chúa, Chúa, mà không làm theo lời Ta phán" (Lu-ca 6:46)?
·         Christ: trong nghĩa đen là "người được xức dầu;" nghĩa bóng là "người được Thiên Chúa giao cho một chức vụ, kèm theo thẩm quyền, năng lực, và ân tứ để thi hành chức vụ ấy." Đức Chúa Jesus được gọi là "Christ" (Mat-thi-ơ 1:16) vì Ngài được Đức Chúa Cha giao cho các chức vụ như sau: (1) Tiên tri: để giải bày về Đức Chúa Cha cùng thánh ý của Cha cho toàn thể nhân loại. (2) Thầy tế lễ: để dâng của lễ chuộc tội cho toàn thể nhân loại và cầu thay cho con dân Thiên Chúa. (3) Vua: để cai trị con dân Thiên Chúa trong mọi thời đại. Hiện nay, Đức Chúa Jesus Christ đang cai trị trong tấm lòng, trong đời sống của con dân Chúa; sắp tới, Ngài sẽ cai trị Vương Quốc Ngàn Năm trên đất; và cuối cùng, Ngài sẽ cai trị Vương Quốc Đời Đời trong trời mới đất mới.
·         Jesus Christ:Khi danh xưng Christ được đặt đàng sau tên gọi Jesus, thì Thánh Kinh muốn nhấn mạnh đến chính mình Ngài trong chức vụ Đức Chúa Cha đã ban cho Ngài.
·         Christ Jesus: Khi danh xưng Christ được đặt đàng trước tên gọi Jesus, thì Thánh Kinh muốn nhấn mạnh đến thành quả trong các chức vụ của Ngài. Những câu Thánh Kinh dùng cách gọi "Christ Jesus" là: Công 18:4; Rô-ma 3:24; 8:1, 2, 39; 15:5; 16:3; I Cô. 1:2, 30; 4:15; 15:31; 16:24; II cô. 4:5; Ga. 2:4; 3:26; 28; 4:14; 6:15; Ê-phê 1:1; 2:6, 13; 3:11, 21; Phi. 1:1; 2:5; 3:3, 8, 12, 14; 4:7, 19, 21; Cô. 1:4, 28; 2:6; I Tê. 2:14; 5:18; I Ti. 1:12, 14, 15; 2:5; 3:13; 6:13; II Ti. 1:1, 2, 9, 13; 2:1, 10; 3:12; 15; Phi-lê-môn 1:23; Hê. 3:1; I Phi 5:10, 14.
Câu Thánh Kinh điển hình cho cách dùng các danh xưng: "Jesus Christ," "Christ Jesus," và "Chúa"  là I Cô-rinh-tô 1:2.
"Gởi cho Hội Thánh Đức Chúa Trời tại thành Cô-rinh-tô, tức là cho những người đã được nên thánh trong Đấng Christ Jesus, được gọi làm thánh đồ, lại cho mọi người bất luận nơi nào, cầu khẩn danh Đức Jesus Christ của chúng ta, là Chúa của những người ấy và của chúng ta."
Trong câu này chúng ta nhận thấy: (1) Hội Thánh của Chúa được nên thánh bởi việc làm của Ngài nên Thánh Kinh chép là: "được nên thánh trong Đấng Christ Jesus." (2) Danh "Jesus Christ" chỉ về Đấng Con Trời nhập thế làm người mang các chức vụ liên quan đến sự cứu rỗi nhân loại, là danh mà mọi người ở bất luận nơi nào cũng nên cầu khẩn. (3) Danh xưng "Chúa" nói đến quyền cai trị của Đức Jesus Christ trên những ai tin nhận Ngài.
 
Trong thời Cựu Ước, những tiên tri, những thầy tế lễ, và những vua của dân I-sơ-ra-ên thường trải qua nghi thức xức dầu trước khi thi hành chức vụ. Dầu tức là dầu được ép từ trái ô-li-ve, đựng trong một cái bình làm bằng sừng. Từ trong sừng đó, dầu được một tiên tri của Chúa đổ ra trên đầu và chảy tràn xuống thân thể của người được xức dầu. Sừng tiêu biểu cho Đức Thánh Linh, là sức mạnh và thẩm quyền của Thiên Chúa. Dầu tiêu biểu cho Thánh Linh của Thiên Chúa, bao gồm mọi năng lực và ân tứ được ban cho bởi Đức Thánh Linh. Sự tuôn tràn tiêu biểu cho sự dư dật.
 
Trong thời Tân Ước, chính Đức Chúa Cha xức dầu cho Đức Chúa Jesus để Ngài trở thành Đấng Christ (Giăng 3:34). Chính Đức Chúa Jesus Christ xức dầu cho chúng ta, còn gọi là báp-tem bằng Thánh Linh để chúng ta trở thành những Cơ-đốc nhân (Christians), tức là những người được chính ngài ban cho các chức vụ: (1) Tiên Tri: để rao giảng Tin lành cho muôn dân (Ma-thi-ơ 28:19, 20).(2) Thầy tế lễ: để dâng của tế lễ thiêng liêng lên Đức Chúa Trời (I Phi 2:5) và cầu thay cho mọi người (I Ti. 2:1-4). (3) Vua: để cùng cai trị với Đức Chúa Jesus Christ (II Ti. 2:12).
 
"Và anh em cũng như đá sống, được xây nên nhà thiêng liêng, làm chức tế lễ thánh, đặng dâng của tế lễ thiêng liêng, nhờ Đức Chúa Jesus Christ mà đẹp ý Đức Chúa Trời." (I Phi-e-rơ 2:5)
"Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em."(Rô-ma 12:1)
"Vậy, hãy cậy Đức Chúa Jesus mà hằng dâng tế lễ bằng lời tôn vinh cho Đức Chúa Trời, nghĩa là bông trái của môi miếng xưng danh Ngài ra. Chớ quên việc lành và lòng bố thí, và sự tế lễ dường ấy đẹp lòng Đức Chúa Trời."(Hê-bơ-rơ 13:15, 16)
"Vậy, trước hết mọi sự ta dặn rằng, phải khẩn nguyện, cầu xin, kêu van, tạ ơn cho mọi người, cho các vua, cho hết thảy các bậc cầm quyền, để chúng ta được lấy điều nhơn đức và thành thật mà ở đời cho bình tịnh yên ổn. Ấy là một sự lành và đẹp mắt Thiên Chúa là Đấng Giải Cứu chúng ta, Ngài muốn cho mọi người được cứu rỗi và hiểu biết lẽ thật."(I Ti-mô-thê 2:1-4)
"Lại nếu chúng ta chịu thử thách nổi, thì sẽ cùng Ngài đồng trị; nếu chúng ta chối Ngài, thì Ngài cũng sẽ chối chúng ta." (II Ti-mô-thê 2:12)
 
Nói tóm lại: Bốn sách Tin Lành giới thiệu và trình bày Con Người Jesus, gọi là Christ, chính là Con Thiên Chúa nhập thế làm người để đem sự cứu rỗi của Thiên Chúa đến cho toàn thể nhân loại. Các thư tín diễn giải ý nghĩa và thành quả các việc làm của Đấng Christ; và mỗi khi muốn nhấn mạnh đến phương diện thành quả hoặc tác động của việc làm của Ngài thì Thánh Kinh đặt chức vụ Christ trước tên gọi Jesus.

Huỳnh Christian Timothy
11.02.2012

Bấm vào đây để đọc tiếp →

7,920 views

Hình Tượng và Thần Tượng

Copyright Notice: All Rights Reserved © 2011 Vietnamese Christian Mission Ministry. Thông Báo Tác Quyền: Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức nhưng xin giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.

 

Huỳnh Christian Timothy
Bấm vào đây để download bài viết này
Bấm vào đây để download bài viết này dùng cho Kindle
Bấm vào đây để nghe và download audio bài giảng này

Ghi Chú: Bấm vào các từ ngữ Hê-bơ-rơ hoặc Hy-lạp để nghe phát âm. Bấm vào các mã số Strong để xem định nghĩa trong tiếng Anh.

Định Nghĩa Hình Tượng và Thần Tượng

Hình tượng khác với thần tượng, dù chúng có liên quan với nhau.

Hình tượng là hình ảnh của một người, một vật, một thần linh được chạm trổ, điêu khắc hoặc đúc, nắn nên.

Thần tượng bao gồm: (1) những hình tượng được tôn thờ như những đấng thần linh có quyền ban phước, giáng họa; (2) tất cả những gì không phải là Thiên Chúa nhưng được tôn kính như Thiên Chúa, từ thiên sứ, ma quỷ, người, vật, cho đến sự ham muốn, chủ nghĩa, lý tưởng, ý thức hệ…

Thánh Kinh Cấm Loài Người Chạm Tượng Hoặc Đúc Tượng

Thánh Kinh cấm loài người làm tượng để sánh với Thiên Chúa:

"Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se rằng: Ngươi hãy nói cho dân I-sơ-ra-ên như vầy: Các ngươi đã thấy Ta từ trên trời phán xuống cùng; vậy, chớ đúc tượng thần bằng bạc hay bằng vàng mà sánh với Ta."(Xuất Ê-díp-tô Ký 20:22-23)

Thánh Kinh cũng cấm loài người làm tượng chạm (pesel H6459) và tượng đúc (massêkâh H4541) "những vật ở trên trời cao kia hoặc nơi đất thấp này hoặc trong nước dưới đất," bao gồm các loài sau đây:

  • tà thần (ngoại trừ Thiên Chúa, là tất cả những thần linh có thật hoặc tưởng tượng, các anh hùng dân tộc được phong thần, các tổ phụ lập quốc, tổ tiên trong gia đình hoặc bất cứ người chết nào được tôn thờ để cầu phước)
  • người nam hoặc người nữ
  • thú vật đi trên đất hoặc có cánh bay trên trời
  • côn trùng bò trên đất hoặc cá ở trong nước dưới đất

"Ngươi chớ làm tượng chạmcho mình, cũng chớ làm tượng nào giống những vật trên trời cao kia, hoặc nơi đất thấp nầy, hoặc trong nước dưới đất." (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:4; Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:8)

"Vậy, các ngươi hãy cẩn thận giữ lấy linh hồn mình cho lắm, vì các ngươi không có thấy một hình trạng nào trong ngày Giê-hô-va Thiên Chúa các ngươi, từ nơi giữa lửa phán cùng các ngươi, tại Hô-rếp; e các ngươi phải làm hư hoại cho mình chăng, và làm một tượng chạm nào, tạo hình trạng của tà thần nào, hoặc hình của người nam hay người nữ, hoặc hình của con thú nào đi trên đất, hoặc hình của vật nào có cánh bay trên trời, hoặc hình của loài côn trùng nào bò trên đất, hay là hình của con cá nào ở trong nước dưới đất."(Phục Truyền Luật Lệ Ký 4:15-18)

Thánh Kinh rủa sả những kẻ chạm hoặc đúc tượng:

"Đáng rủa sả thay người nào làm tượng chạm hay là tượng đúc, là vật gớm ghiếc cho Đức Giê-hô-va, công việc bởi tay người thợ, dựng nó lên trong nơi kín nhiệm!…"(Phục Truyền Luật Lệ Ký 27:15)

Từ ngữ "nơi kín nhiệm" trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ có các nghĩa sau đây: (a) nơi kín đáo, (b) nơi được che chở, bảo vệ, (c) nơi riêng tư.

Trong lời Thánh Kinh trên đây, chúng ta nhận thấy Thiên Chúa không nói Ngài cấm chúng ta chạm tượng hay đúc tượng để thờ phượng, mà nói Ngài cấm chúng ta chạm tượng hay đúc tượng vì chúng là vật gớm ghiếc đối với Ngài. Tại sao những tượng chạm và tượng đúc của "tà thần, người nam, người nữ, con thú đi trên đất, con vật có cánh bay trên trời, côn trùng bò trên đất, và con cá ở trong nước dưới đất" là gớm ghiếc cho Thiên Chúa? Có lẽ, vì Ngài biết chắc rằng, một khi những tượng đó được tạo ra thì chúng sẽ trở thành thần tượng, tức là những vật được loài người tôn kính, thờ phượng, và cầu xin.

Thánh Kinh Cấm Loài Người Thờ Phượng Hình Tượng

"Ngươi chớ quỳ lạy trước các hình tượng đó…" (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:5; Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:9)

Trong số những hình tượng do loài người làm ra, có nhiều hình tượng được người ta tôn kính, thờ phượng. Khi một hình tượng được tôn kính, thờ phượng thì chúng biến thành thần tượng, tức là hình tượng được tôn làm thần linh. Ma quỷ có thể lợi dụng sự thờ phượng hình tượng và sự mê tín, dị đoan để làm ra một số dấu kỳ, phép lạ, dẫn dụ loài người càng đi sâu vào trong chỗ tối tăm, hư mất.

Thánh Kinh khẳng định thần tượng và ma quỷ có liên quan đến nhau. Của cúng thần tượng là cúng tế các quỷ:

"Nói vậy có ý chi? Của cúng thần tượng có giá trị gì và thần tượng có ra gì chăng? Chắc là không; nhưng đồ người ngoại đạo cúng tế là cúng tế các quỷ, chớ không phải cúng tế Thiên Chúa. Vậy, tôi không muốn anh em thông đồng với các quỷ."(I Cô-rinh-tô 10:19-20)

Vì thế, thờ phượng hình tượng là biến hình tượng thành thần tượng, và thờ phượng thần tượng tức là thờ phượng ma quỷ, bất kể hình tượng đó được gọi bằng danh hiệu nào. Hành động thờ phượng hình tượng bao gồm việc tôn kính, quỳ lạy, cầu xin, đốt hương, dâng hoa quả và các thứ lễ vật cúng tế khác.

Từ thế kỷ thứ tư cho đến nay, biết bao nhiêu người mang danh là con dân Chúa nhưng sinh hoạt trong các giáo hội: Công Giáo, Chính Thống, Anh Giáo, và một số giáo phái Lutheran, đã thờ phượng những hình tượng mang danh "Đức Mẹ Maria," "Đức Chúa Jesus" hoặc tên của các vì "thánh" khi họ sấp mình cầu nguyện với các hình tượng đó.

Thánh Kinh Cấm Loài Người Hầu Việc Hình Tượng

"…và cũng đừng hầu việc chúng nó…" (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:5; Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:9)

Có những người không làm ra và không thờ phượng hình tượng nhưng dự phần trong sự hầu việc hình tượng. Tất cả những hoạt động nào nhằm chăm sóc, bảo vệ, tu bổ, vận chuyển, an vị (đặt hình tượng vào một chỗ nào đó), trang sức, quảng bá, mua bán hình tượng đều là hầu việc hình tượng.

Ghi Nhớ

Chúng ta cần ghi nhớ:

(1) Lý do duy nhất được Thánh Kinh nêu ra trong lệnh cấm chạm tượng và đúc tượng không phải vì chúng ta dựng tượng để thờ, mà vì chúng là vật gớm ghiếc đối với Thiên Chúa. "Đáng rủa sả thay người nào làm tượng chạm hay là tượng đúc, là vật gớm ghiếc cho Đức Giê-hô-va…" (Phục Truyền Luật Lệ Ký 27:15)

(2) Điều răn thứ hai trong Mười Điều Răn bao gồm:

  • Không được làm hình tượng
  • Không được thờ phượng hình tượng
  • Không được hầu việc hình tượng

Nhiều người cho rằng Thiên Chúa chỉ cấm làm tượng để thờ, chứ Ngài không cấm làm tượng để chơi hoặc để trang trí. Tuy nhiên, Lời Chúa khẳng định Ngài cấm ba điều: cấm làm hình tượng, cấm thờ hình tượng, và cấm hầu việc hình tượng. Nếu như có một đạo luật được ban hành với nội dung như sau: "Mọi công dân chớ trồng thuốc phiện, chớ hút thuốc phiện, và cũng đừng mua bán thuốc phiện, vì thuốc phiện có hại cho sức khỏe;" thì có thể nào các công dân lý luận rằng: "Chính phủ chỉ cấm trồng thuốc phiện để hút hoặc mua bán chứ không cấm trồng thuốc phiện để làm kiểng?

(3) Thiên Chúa cấm loài người làm hình tượng để sánh với Ngài, vì thế chúng ta không được làm bất cứ một hình tượng nào gọi là hình tượng của Chúa. "…chớ đúc tượng thần bằng bạc hay bằng vàng mà sánh với Ta" (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:23).

(4) Thiên Chúa cấm loài người chạm và đúc hình tượng của: "     tà thần, người nam hoặc người nữ, thú vật đi trên đất hoặc có cánh bay trên trời, côn trùng bò trên đất hoặc cá ở trong nước dưới đất" (Phục Truyền Luật Lệ Ký 4:15-18).

(5) Hầu việc hình tượng dưới bất cứ hình thức nào cũng đều là vi phạm điều răn của Thiên Chúa, là có tội.

(6) Nhiều gia đình tín đồ và trong những nơi gọi là "nhà thờ" treo các loại tranh ảnh gọi là "hình Chúa." Đó cũng là một hình thức thờ hình tượng, vì đã đem những tranh ảnh được tạo ra bởi sự tưởng tượng của người vẽ, sánh với Chúa, gọi nó là "Chúa" và tôn kính nó, đặt nó vào những nơi trang trọng, thậm chí có người còn cầu nguyện với các tranh ảnh đó.

Áp Dụng Lời Chúa Dạy về Hình Tượng và Thần Tượng Trong Nếp Sống Đạo

(1) Nhân danh Đức Chúa Jesus Christ, đem tất cả các tượng chạm và tượng đúc mang hình dáng của "tà thần, người nam hoặc người nữ, thú vật đi trên đất hoặc có cánh bay trên trời, côn trùng bò trên đất hoặc cá ở trong nước dưới đất"kể cả các hình tượng được gọi là "tượng Chúa" ra khỏi nhà cửa, cơ sở làm ăn, và mọi sản nghiệp của chúng ta. Nhân danh Đức Chúa Jesus Christ, đập vỡ chúng nó và ném vào thùng rác.

(2) Nhân danh Đức Chúa Jesus Christ, đem tất cả những tranh ảnh gọi là "hình Chúa" ra khỏi nhà cửa, cơ sở làm ăn, và mọi sản nghiệp của chúng ta. Nhân danh Đức Chúa Jesus Christ, xé, đập vỡ chúng nó, và ném vào thùng rác.

(3) Không mua bán, lưu trử, trao tặng các loại hình tượng và tranh ảnh nói trên.

(4) Không chụp hình, quay phim trước các loại hình tượng và tranh ảnh nói trên dù là nơi công viên, khu giải trí hay đài kỷ niệm.

(5) Không thăm viếng những danh lam thắng cảnh có các đền, đình, chùa, miếu, am, điện… dùng làm nơi thờ phượng các tà thần.

(6) Không tham dự các lễ cúng giổ người chết. Không ăn uống các thức ăn đã dâng cúng cho người chết hoặc tà thần.

(7) Không mua sắm, ăn uống, vui chơi trong những nơi có bàn thờ tà thần, tiêu biểu là các am, bệ, khám hay trang thờ thần tài, ông địa, Phật Di-lạc, Phật Quan Âm, Bà Maria…

Nguyện Đức Thánh Linh là Thần Lẽ Thật dắt chúng ta là con dân Chúa vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa và thánh hóa chúng ta bằng chính Lời Chúa.

Huỳnh Christian Timothy
15.12.2011

Bấm vào đây để đọc tiếp →

3,738 views

Thiên Tượng Trong Năm 2011

Copyright Notice: All Rights Reserved © 2011 Vietnamese Christian Mission Ministry. Thông Báo Tác Quyền: Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức nhưng xin giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.

 

Huỳnh Christian Timothy
Bấm vào đây để download bài viết này
Bấm vào đây để download Audio bài chia sẻ này

"Thiên Tượng" là những hiện tượng xảy ra trên trời. Từ ngữ này thường được dùng để chỉ những hiện tượng liên quan đến thời tiết của địa cầu, như: mây, mưa, gió, tuyết, sấm chớp, giông, bão, v.v.; hoặc những hiện tượng liên quan đến sự vận hành của các thiên thể, như: sao chổi, sao băng, nhật thực, nguyệt thực, v.v.. Trong năm 2011 có hai thiên tượng xảy ra trùng khớp vào ngày Lễ Ngũ Tuần 12.06.2011 và Lễ Thổi Kèn 29.09.2011 [1].

Hiện tượng thứ nhất là đúng vào ngày Lễ Ngũ Tuần vừa qua, mặt trời đã ở vào vị trí phía trên đầu và giữa hai sừng của chòm sao Kim Ngưu, (xem hình 1 dưới đây). Hiện tượng thứ hai là đúng vào ngày Lễ Thổi Kèn vừa qua, mặt trời đã ở ngang tầm vai và mặt trăng đã ở ngang tầm chân của chòm sao Xử Nữ, (xem hình 2 dưới đây).

Hình 1
Thiên tượng lúc 12 giờ trưa, ngày 12.06.2011,
nhìn từ Jerusalem, Israel.
(Bấm vào hình để xem toàn cảnh của bầu trời)

Hình 2
Thiên tượng lúc 12 giờ trưa, ngày 29.09.2011,
nhìn từ Jerusalem, Israel.
(Bấm vào hình để xem toàn cảnh của bầu trời)

Các thiên tượng này có ý nghĩa gì khi được đối chiếu với các dữ kiện của Thánh Kinh? Trước hết, chúng ta cần tìm hiểu những điểm sau đây: (1) Mục đích và ý nghĩa của các vì tinh tú; (2) Mục đích và ý nghĩa của các ngày lễ trong Thánh Kinh [2]; rồi dựa vào đó để tìm kiếm một kết luận có lý về ý nghĩa của hai thiên tượng kể trên. Phần trình bày dưới đây về ý nghĩa thuộc linh của các chòm sao trong Cung Hoàng Đạo và ý nghĩa thuộc linh của các ngày lễ trong Thánh Kinh, phần lớn chỉ dựa trên suy luận, cho nên chúng ta không thể biến đó thành tín lý trong Thánh Kinh. Tuy nhiên, những suy luận đó hoàn toàn phù hợp với các giáo lý của Thánh Kinh, đem lại cho chúng ta nhiều phước hạnh trong việc suy ngẫm Thánh Kinh và chiêm nghiệm các kỳ công của Thiên Chúa trong vũ trụ.

Mục đích của các vì tinh tú

Thiên Chúa dựng nên các vì tinh tú với những mục đích và nghiêm cấm loài người thờ lạy các vì tinh tú. Nhưng từ ngàn xưa, Sa-tan đã cố ý xúi dục loài người thờ lạy các vì tinh tú qua các tôn giáo và các huyền thoại mê tín, dị đoan; qua các thuật chiêm tinh bói toán, chấm tử vi từ đông sang tây. Mỗi dân tộc, mỗi nền văn hóa, ít hay nhiều đều có những huyền thoại để thần thánh hóa các vì tinh tú; cùng những học thuật chiêm tinh để đoán định các việc tương lai. Tuy nhiên, lẽ thật về mục đích và ý nghĩa của các vì sao, đã do chính Thiên Chúa mạc khải cho loài người và được ghi chép lại trong Thánh Kinh.

Sáng Thế Ký 1:14-16:

"Thiên Chúa lại phán rằng: Phải có các vì sáng trong khoảng không trên trời, đặng phân ra ngày với đêm, và dùng làm dấu để định thì tiết, ngày và năm; lại dùng làm các vì sáng trong khoảng không trên trời để soi xuống đất; thì có như vậy. Thiên Chúa làm nên hai vì sáng lớn; vì lớn hơn để cai trị ban ngày, vì nhỏ hơn để cai trị ban đêm; Ngài cũng làm các ngôi sao"[3].

Phục Truyền Luật Lệ Ký 4:19:

"lại, e khi ngươi ngước mắt lên trời thấy mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao, tức là toàn cả thiên binh, thì ngươi bị quyến dụ quì xuống trước các vì đó, và thờ lạy các tinh tú nầy mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đã chia phân cho muôn dân dưới trời chăng."

Thi Thiên 19:1-4:

"Các từng trời rao truyền sự vinh quang của Đức Chúa Trời. Bầu trời giải tỏ công việc tay Ngài làm. Ngày nầy giảng cho ngày kia. Đêm nầy tỏ sự tri thức cho đêm nọ. Chẳng có tiếng, chẳng có lời nói; Cũng không ai nghe tiếng của chúng nó. Dây do chúng nó bủa khắp trái đất, và lời nói chúng nó truyền đến cực địa. Nơi chúng nó Ngài đã đóng trại cho mặt trời."

Thi Thiên 104:19:

"Ngài đã làm nên mặt trăng để chỉ thì tiết; Mặt trời biết giờ lặn."

Thi Thiên 19:1-4:

"Hỡi mặt trời, mặt trăng, hãy tôn vinh Ngài! Hỡi hết thảy ngôi sao sáng, hãy tôn vinh Ngài!"

Qua Lời Chúa, chúng ta nhận biết các mục đích của Thiên Chúa khi Ngài dựng nên những vì tinh tú là:

  • Dùng chúng làm dấu để phân biệt ngày với đêm.
  • Dùng chúng làm dấu để định thì tiết.
  • Dùng chúng làm dấu để phân định ngày, tháng, năm.
  • Dùng chúng làm các vì sáng trong khoảng không trên trời để soi xuống đất.
  • Phân chia chúng cho muôn dân dưới trời
  • Dùng chúng rao truyền sự vinh quang của Thiên Chúa.
  • Dùng chúng để tôn vinh Thiên Chúa.

Trong công tác rao truyền vinh quang của Thiên Chúa: về mặt thuộc thể, rõ ràng các vì tinh tú là chứng tích cho quyền năng sáng tạo vô biên và sự khôn ngoan tuyệt đối của Thiên Chúa, mà loài người có thể nhìn thấy bằng con mắt xác thịt; về mặt thuộc linh, phải chăng các vì tinh tú trong Cung Hoàng Đạo đã được Thiên Chúa dùng để minh họa lịch sử của loài người và ơn cứu chuộc của Thiên Chúa dành cho nhân loại? Một điểm đáng cho chúng ta lưu ý là Thiên Chúa đã đặt tên cho từng vì sao:

"Ngài dựng nên Sao Bắc Đẩu (Arcturus), Sao Cày (Orion), và Sao Rua (Pleiades), cùng những lầu các bí mật của phương nam" (Gióp 9:9).

"Ngài đếm số các vì sao; gọi từng tên hết thảy các vì ấy" (Thi Thiên 147:4).

"Hãy ngước mắt lên cao mà xem: Ai đã tạo những vật nầy? Ấy là Đấng khiến các cơ binh ra theo số nó, và đặt tên hết thảy; chẳng một vật nào thiếu, vì sức mạnh Ngài lớn lắm, và quyền năng Ngài rất cao" (Ê-sai 40:26).

Trong Gióp 38:31, 32 chính Thiên Chúa gọi tên riêng của Cung Hoàng Đạo và một số chòm sao:

"Ngươi có thế riết các dây chằng Sao Rua (Pleiades) lại, Và tách các xiềng Sao Cày (Orion) ra chăng? Ngươi có thế làm cho Cung Hoàng Đạo (Mazzaroth/Zodiac) ra theo mùa, và dẫn đường cho Bắc Đẩu (Arcturus) với các sao theo nó chăng?"

Về ý nghĩa của từ ngữ, "Cung Hoàng Đạo" là danh từ Hán Việt: "cung" là "hình vòng cung," "hoàng" là "vua," "đạo" là đường đi; "cung hoàng đạo" là đường đi hình vòng cung của vua; và chữ "vua" này dùng để chỉ mặt trời, mà theo cái nhìn của loài người từ địa cầu thì mặt trời là "vua" của các vì tinh tú. Trong tiếng Hy-lạp thì từ ngữ "zōdiakos" được dùng để gọi Cung Hoàng Đạo, được phiên âm sang tiếng La-tin là "zōdiacus," rồi từ tiếng La-tin được phiên âm ra Anh ngữ là "zodiac." Zōdiakos có nghĩa là những con thú, có lẽ, vì hầu hết các hình ảnh tiêu biểu cho những chòm sao trong Cung Hoàng Đạo là hình ảnh của loài thú. Tuy nhiên, từ ngữ "Mazzaroth" trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ chỉ có nghĩa là: được biệt riêng ra (như là biệt riêng ra để làm nhiệm vụ soi sáng và phân định thì tiết, ngày, tháng, năm).

Về thiên văn, Cung Hoàng Đạo là một vòng tròn tưởng tượng trong vũ trụ, cùng tâm điểm với quỹ đạo của địa cầu, tiêu biểu cho đường đi của mặt trời theo cái nhìn từ địa cầu (vòng đỏ sậm bên ngoài trong hình 3 dưới đây). Cung Hoàng Đạo chia đều thành 12 cung, mỗi cung 30o và là vị trí của một chòm sao chính cùng với ba chòm sao phụ liên kết với chòm sao chính.  Nhìn từ địa cầu, dường như mỗi tháng mặt trời di chuyển ngang qua một trong 12 chòm sao chính và  ba chòm sao phụ liên kết với chòm sao chính. Vì thế, các chòm sao trong Cung Hoàng Đạo được dùng làm các dấu hiệu để ấn định ngày, mùa, tháng, năm; và qua đó, ấn định thì tiết của từng mùa như Thánh Kinh đã xác định trong Sáng Thế Ký 1:4. Nói cách khác, trong khi địa cầu quay chung quanh mặt trời thì mỗi tháng địa cầu đối diện với một trong 12 chòm sao đã được Thiên Chúa phân bố đều thành một vòng tròn bao quanh địa cầu, mặt trời và mặt trăng. Vòng tròn của các chòm sao đó ngày nay được dân Á Đông gọi là "Cung Hoàng Đạo," còn dân Tây Phương thì gọi là "Đường Zodiac." Từ đông sang tây, trong môn thiên văn của mọi nền văn hóa, 12 chòm sao chính và 36 chòm sao phụ của Cung Hoàng Đạo luôn luôn giống nhau.

Các nhà thiên văn học từ xa xưa đã biết quan sát và ghi chép sự xuất hiện của các chòm sao trong Cung Hoàng Đạo để làm lịch cho các vụ gieo trồng. Tuy nhiên, Sa-tan đã tạo ra những thần thoại hoặc những ý nghĩa mê tín dị đoan trong việc chiêm tinh bói toán mà gán cho Cung Hoàng Đạo. Đó cũng là một trong những chiến thuật rất hiệu quả của Sa-tan để khiến cho loài người phạm tội trước Thiên Chúa, làm nhục chính mình và Đấng Tạo Hóa, khi họ sấp mình thờ lạy các vì tinh tú và cầu phước từ chúng.

Hình 3
(Bấm vào hình để phóng lớn)
Minh họa vị trí của các chòm sao trong Cung Hoàng Đạo so với mặt trời và địa cầu. Vòng tròn đỏ phía trong là quỹ đạo của địa cầu chung quanh mặt trời. Vòng tròn đỏ lớn phía ngoài là Cung Hoàng Đạo, tiêu biểu cho đường đi tưởng tượng của mặt trời. Những đường xanh lá cây kết nối các vì sao trong mỗi chùm sao thuộc về Cung Hoàng Đạo. Vòng tròn trắng xanh tiêu biểu cho xích đạo trời (celestial equator) tương ứng với xích đạo của địa cầu mà mỗi năm đường đi tưởng tượng của mặt trời cắt ngang qua hai lần, vào tháng ba và tháng chín. Hai thời điểm này được gọi là: Xuân Phân và Thu Phân. Vào hai ngày này thì ngày và đêm dài bằng nhau, khi đó, mặt trời đứng thẳng góc với đường xích đạo trên dất.
Nguồn: http://en.wikipedia.org/wiki/File:Ecliptic_path.jpg

Ý nghĩa của các vì tinh tú trong Cung Hoàng Đạo

Dù Thánh Kinh không xác định cách cụ thể nhưng theo niềm tin truyền thống của người Do-thái, được Sử Gia Joshephus chép lại, thì Thiên Chúa đã đặt lời tiên tri về lịch sử của nhân loại và chương trình cứu rỗi nhân loại vào trong Cung Hoàng Đạo. Mười hai chòm sao chính trong Cung Hoàng Đạo mang ý nghĩa của mười hai lời tiên tri.

Vì lời hứa đầu tiên về sự cứu rỗi của Thiên Chúa ban cho nhân loại được ghi chép trong Sáng Thế Ký 3:15 và lời tiên tri về sự xuất hiện của "Vua trên muôn vua, Chúa trên muôn chúa" được ghi chép trong Khải Huyền 19:16, cho nên, sứ điệp của Thiên Chúa được ghi chép trong các vì sao nhất thiết bắt đầu bằng chòm sao Xử Nữ và kết thúc với chòm sao Hải Sư. Dưới đây là bảng liệt kê 12 chòm sao thuộc Cung Hoàng Đạo và ý nghĩa thuộc linh mà chúng tiêu biểu:

  • Virgo – Xử Nữ (Trinh Nữ, Thất Nữ), tương ứng với chòm sao Thất Nữ, mang hình dáng một trinh nữ. Ý nghĩa thuộc linh: Một nữ đồng trinh sẽ sinh ra một Đấng Giải Cứu để giải cứu nhân loại ra khỏi tội lỗi và hậu quả của tội lỗi.

"Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng dõi mầy cùng dòng dõi người nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chân người"(Sáng Thế Ký 3:15).

"Vậy nên, chính Chúa sẽ ban một điềm cho các ngươi: nầy một gái đồng trinh sẽ chịu thai, sanh ra một trai, và đặt trên là Em-ma-nu-ên"(Ê-sai 7:14).

  • Libra – Thiên Bình hoặc Thiên Xứng, tương ứng với chòm sao Thiên Xứng, mang hình dáng một cái cân trong trạng thái cân bằng. Ý nghĩa thuộc linh: Để giải cứu nhân loại ra khỏi tội lỗi và hậu quả của tội lỗi, Đấng Giải Cứu phải trả một giá tương xứng với sự phạm tội của nhân loại mới thỏa mãn đức công chính của Thiên Chúa.

"Theo luật pháp thì hầu hết mọi vật đều nhờ huyết mà được sạch: không đổ huyết thì không có sự tha thứ"(Hê-bơ-rơ 9:22).

"Theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét, cũng vậy, Đấng Christ đã dâng mình chỉ một lần đặng cất tội lỗi của nhiều người; Ngài lại sẽ hiện ra lần thứ hai, không phải để cất tội lỗi đi nữa, nhưng để ban sự cứu rỗi cho kẻ chờ đợi Ngài"(Hê-bơ-rơ 9:27, 28).

  • Scorpio – Hổ Cáp hoặc Thần Nông, Thiên Yết, Thiên Hạt, tương ứng với chòm sao Thiên Hạt, mang hình dáng con bọ cạp. Ý nghĩa thuộc linh: Nọc độc của sự chết là tội lỗi (tội lỗi làm cho chết), vì thế, để trả một giá tương xứng cho sự phạm tội của nhân loại thì Đấng Giải Cứu phải chịu khổ và chịu chết.

"Vì tiền công của tội lỗi là sự chết"(Rô-ma 6:23a).

"Hỡi sự chết, sự thắng của mầy ở đâu? Hỡi sự chết, cái nọc của mầy ở đâu? Cái nọc sự chết là tội lỗi, sức mạnh tội lỗi là luật pháp"(I Cô-rinh-tô 15:55, 56).

  • Sagittarius – Nhân Mã hoặc Xạ Thủ, Cung Thủ, tương ứng với chòm sao Nhân Mã, mang hình một cung thủ đầu người, mình ngựa. Ý nghĩa thuộc linh: Để cản trở sự ra đời của Đấng Giải Cứu, Sa-tan lập mưu làm ô nhiễm dòng dõi của người nữ bằng cách xui khiến các thiên sứ phạm tội dưới quyền nhập vào những người đàn ông không kính sợ Thiên Chúa, rồi dùng những người này làm băng hoại dòng dõi của loài người, như đã được ghi chép trong Sáng THế Ký 6:1-4:

"Vả, khi loài người khởi thêm nhiều trên mặt đất, và khi loài người đã sanh được con gái rồi, các con trai của Đức Chúa Trời thấy con gái loài người tốt đẹp, bèn cưới người nào vừa lòng mình mà làm vợ. Đức Giê-hô-va phán rằng: Thần ta sẽ chẳng hằng ở trong loài người luôn; trong điều lầm lạc, loài người chỉ là xác thịt; đời người sẽ là một trăm hai mươi năm mà thôi. Đời đó và đời sau, có người cao lớn trên mặt đất, vì con trai Đức Chúa Trời ăn ở cùng con gái loài người mà sanh con cái; ấy những người mạnh dạn ngày xưa là tay anh hùng có danh."

  • Capricornus – Ma Kết, tương ứng với chòm sao Ma Kết, mang hình con dê có đuôi cá. Ý nghĩa thuộc linh: Tội lỗi của loài người lên đến tuyệt đỉnh khiến cho Thiên Chúa phải tiêu diệt thế gian.

"Thế gian bấy giờ đều bại hoại trước mặt Thiên Chúa và đầy dẫy sự hung ác. Nầy, Thiên Chúa nhìn xem thế gian, thấy điều bại hoại, vì hết thảy xác thịt làm cho đường mình trên đất phải bại hoại. Thiên Chúa bèn phán cùng Nô-ê rằng: Kỳ cuối cùng của mọi xác thịt đã đưa đến trước mặt Ta; vì cớ loài người mà đất phải đầy dẫy điều hung hăng; vậy, Ta sẽ diệt-trừ họ cùng đất"(Sáng Thế Ký 6:11-13).

  • Aquarius – Bảo Bình, hay Thủy Bình tương ứng với chòm sao Bảo Bình, manh hình một người đổ nước. Ý nghĩa thuộc linh: Thiên Chúa dùng một cơn lụt lớn để tiêu diệt thế gian.

"Còn Ta đây, Ta sẽ dẫn nước lụt khắp trên mặt đất, đặng tuyệt diệt các xác thịt có sanh khí ở dưới trời; hết thảy vật chi ở trên mặt đất đều sẽ chết hết"(Sáng Thế Ký 6:17).

  • Pisces – Song Ngư, tương ứng với chòm sao Song Ngư, mang hình hai con cá bơi ngược chiều. Ý nghĩa thuộc linh: Trong cơn nước lụt, Thiên Chúa vẫn chừa lại những người đàn ông và đàn bà có lòng tin nơi Ngài và chưa bị băng hoại bởi mưu kế của Sa-tan.

"Mọi loài ở trên mặt đất đều bị hủy diệt, từ loài người cho đến loài thú, loài côn trùng, cùng loài chim trời, chỉ còn Nô-ê và các loài ở với người trong tàu mà thôi"(Sáng Thế Ký 7:23).

  • Aries – Dương Cưu hay Bạch Dương, tương ứng với chòm sao Bạch Dương, mang hình con chiên đực. Ý nghĩa thuộc linh: Chiên Con của Thiên Chúa sẽ xuất hiện để hoàn thành công cuộc cứu rỗi nhân loại.

"Qua ngày sau, Giăng thấy Đức Chúa Jesus đến cùng mình, thì nói rằng: Kìa, Chiên Con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi"(Giăng 1:29).

"Vì biết rằng chẳng phải bởi vật hay hư nát như bạc hoặc vàng mà anh em đã được chuộc khỏi sự ăn ở không ra chi của tổ tiên truyền lại cho mình, bèn là bởi huyết báu Đấng Christ, dường như huyết của chiên con không lỗi không vít, đã định sẵn trước buổi sáng thế, và hiện ra trong cuối các thời kỳ vì cớ anh em"(I Phi-e-rơ 1:18-20).

  • Taurus – Kim Ngưu, tương ứng với chòm sao Kim Ngưu, mang hình con bò đực. Ý nghĩa thuộc linh: Sau khi chịu chết để chuộc nhân loại ra khỏi tội lỗi và hậu quả của tội lỗi, Đấng Giải Cứu sẽ chỗi dậy, dũng mãnh như một con bò tơ, để phán xét và cai trị muôn dân.

"Rồi, tôi thấy trời mở ra, và này, có một con ngựa trắng. Đấng cưỡi nó được xưng là Thành Tín và Chân Thật. Trong sự công chính Ngài sẽ phán xét và gây chiến. Đôi mắt Ngài như ngọn lửa. Trên đầu Ngài có nhiều mão và có một danh được viết mà không ai biết, ngoại trừ chính Ngài. Ngài được khoác áo đã nhúng trong máu và tên Ngài được xưng là 'Lời của Đức Chúa Trời.' Các đạo binh trên trời, mặc áo vải mịn, trắng và tinh sạch, đều cưỡi ngựa trắng, theo Ngài. Từ miệng Ngài ra một thanh gươm bén và Ngài dùng nó để đánh hạ các quốc gia. Ngài sẽ cai trị chúng bằng một cây gậy sắt. Ngài sẽ giày đạp thùng ép rượu của cơn thịnh nộ dữ dội của Đức Chúa Trời Toàn Năng. Trên áo và trên đùi Ngài có một danh được viết: 'Vua Của Các Vua và Chúa Của Các Chúa'"(Khải Huyền 19:11-16 – Bản Dịch Ngôi Lời) [4].

  • Gemini – Song Tử (Song Nam), tương ứng với chòm sao Song Tử, mang hình hai bé trai song sinh. Có ba ý nghĩa thuộc linh: (1) A-đam thứ nhất tiếp nhận Ê-va như thế nào thì A-đam thứ hai cũng sẽ tiếp nhận tân nương của Ngài là Hội Thánh như thế ấy. (2) A-đam thứ nhất nhờ A-đam thứ hai mà được phục hồi địa vị làm con của Thiên Chúa và cả hai trở thành anh em. (3) Đấng Christ vừa mang nhân tính (Con Người) lại vừa mang thần tính (Con Trời) cho đến đời đời.

"Giê-hô-va Thiên Chúa dùng xương sường đã lấy nơi A-đam làm nên một người nữ, đưa đến cùng A-đam. A-đam nói rằng: Người nầy là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi mà ra. Người nầy sẽ được gọi là người nữ, vì nó do nơi người nam mà có. Bởi vậy cho nên người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính díu cùng vợ mình, và cả hai sẽ trở nên một thịt."(Sáng Thế Ký 2:22-24).

"Hỡi kẻ làm vợ, phải vâng phục chồng mình như vâng phục Chúa, vì chồng là đầu vợ, khác nào Đấng Christ là đầu Hội Thánh, Hội Thánh là thân thể Ngài, và Ngài là Đấng Giải Cứu của Hội Thánh" (Ê-phê-sô 5:22, 23).

"Tôi nghe như tiếng của một đám đông lớn, như tiếng của nhiều dòng nước, như tiếng sấm dội vang rền rằng: 'A-lê-lu-gia! Vì Chúa là Đức Chúa Trời Toàn Năng cai trị; chúng ta hãy vui vẻ, mừng rỡ và dâng sự tôn kính lên Ngài. Hôn lễ của Chiên Con đã tới. Vợ Ngài đã sẵn sàng. Người đã được ban cho trang phục trắng, mịn và sạch. Trang phục là những việc làm công bình của các thánh đồ.' Thiên sứ phán với tôi rằng: 'Hãy viết: Phước cho những kẻ được gọi vào tiệc cưới của Chiên Con.' Người phán với tôi rằng: 'Những lời này là Lời Chân Thật của Đức Chúa Trời'" (Khải Huyền 19:6-9 – Bản Dịch Ngôi Lời) [4].

"Ấy vậy, có lời chép rằng: Người thứ nhứt là A-đam đã nên linh hồn sống. A-đam sau hết là thần ban sự sống"(I Cô-rinh-tô 15:45).

"Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định. Vì Ngài cũng đã định sẵn để nên giống như hình bóng Con Ngài, hầu cho Con nầy được làm Con cả ở giữa nhiều anh em"(Rô-ma 8:28, 29).

  • Cancer – Cự Giải hay Bắc Giải, tương ứng với chòm sao Cự Giải, mang hình con cua. Ý nghĩa thuộc linh: Muôn dân thuộc muôn nước, từ bốn phương trời sẽ quy tụ trong thành thánh của Thiên Chúa trong cõi trời mới, đất mới.

"Các quốc gia đã được cứu sẽ bước đi trong ánh sáng của thành. Các vua trên đất sẽ đem sự vinh quang và sự oai nghi của họ vào trong thành. Ban ngày, các cổng thành không hề đóng. Tại đó, không còn có ban đêm. Họ sẽ đem sự vinh quang và sự oai nghi của các quốc gia vào trong thành"(Khải Huyền 21:24-26 – Bản Dịch Ngôi Lời) [5].

  • Leo – Sư Tử, tương ứng với chòm sao Hải Sư, mang hình sư tử. Ý nghĩa thuộc linh: Đấng Christ trong địa vị Vua của muôn vua, Chúa của muôn chúa, sẽ cai trị vương quốc của Thiên Chúa cho đến đời đời.

"Thiên sứ thứ bảy thổi loa, có những tiếng nói lớn trên trời rằng: 'Các quốc gia của thế gian đã thuộc về Chúa chúng ta và Đấng Christ Ngài. Ngài sẽ cai trị cho đến đời đời'" (Khải Huyền 11:15 – Bản Dịch Ngôi Lời) [6].

Lễ Ngũ Tuần và ý nghĩa của thiên tượng thứ nhất

Lễ Ngũ Tuần, trong nguyên ngữ là Lễ Mùa Gặt hoặc Lễ Các Tuần Lễ, do Thiên Chúa chỉ định cho dân sự của Ngài cử hành hàng năm (Lê-vi Ký 23: 15-22). Lễ Ngũ Tuần đối với dân I-sơ-ra-ên là cơ hội để nhớ đến sự kiện Thiên Chúa ban hành Mười Điều Răn tại núi Si-na-i; đối với Hội Thánh là cơ hội để nhớ đến sự kiện Đức Thánh Linh được Thiên Chúa ban cho Hội Thánh và Hội Thánh được báp-tem bằng Thánh Linh, cũng là thời điểm luật pháp của Thiên Chúa được chép vào trong lòng của con dân Chúa. Có lẽ, trong ý nghĩa thuộc linh sâu kín, Lễ Ngũ Tuần tiêu biểu cho thời kỳ Thiên Chúa thu hoạch vụ mùa thuộc linh của Ngài sau khi hạt giống Đấng Christ đã được gieo vào trong thế gian, đã chết, đã phục sinh, và mang lại nhiều kết quả. Vì thế, thiên tượng mặt trời hiện ra giữa hai sừng của chòm sao Kim Ngưu trong ngày Lễ Ngũ Tuần có thể là dấu hiệu tỏ ra cho biết Đấng Christ sắp hiện ra cách vinh hiển để đem Hội Thánh về nhà Cha và thi hành sự phán xét trên toàn thế gian. Thiên tượng đó cũng khiến cho chúng ta nhớ đến Thi Thiên 84:11:

"Vì Giê-hô-va Thiên Chúa là mặt trời và là cái khiên; Đức Giê-hô-va sẽ ban ân điển và vinh quang; Ngài sẽ chẳng từ chối điều tốt lành gì cho ai ăn ở ngay thẳng."

Lễ Thổi Kèn và ý nghĩa của thiên tượng thứ nhì

Lễ Thổi Kèn cũng do Thiên Chúa chỉ định cho dân sự của Ngài cử hành hàng năm (Lê-vi Ký 23:23-25). Có lẽ, trong ý nghĩa thuộc linh sâu kín, Lễ Thổi Kèn tiêu biểu cho (1) ngày Đấng Christ đem Hội Thánh ra khỏi thế gian và (2) ngày Đấng Christ nhóm họp con dân Chúa sau thời đại nạn. Những câu Thánh Kinh dưới đây giúp cho chúng ta liên kết Lễ Thổi Kèn với hai sự kiện nói trên:

(1) I Cô-rinh-tô 15:52"Trong giây phút, trong nháy mắt, lúc tiếng kèn chót; vì kèn sẽ thổi, kẻ chết đều sống lại được không hay hư nát, và chúng ta đều sẽ biến hóa."

(1) I Tê-sa-lô-ni-ca 4:16"Vì sẽ có tiếng kêu lớn và tiếng của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Thiên Chúa, thì chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống; bấy giờ những kẻ chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước hết."

(2) Ma-thi-ơ 24:31"Ngài sẽ sai thiên sứ mình dùng tiếng kèn rất lớn mà nhóm lại những kẻ đã được lựa chọn của Ngài ở khắp bốn phương, từ cuối phương trời nầy cho đến tận phương kia."

Vì thế, thiên tượng xảy ra trong ngày Lễ Thổi Kèn của năm 2011, rất có thể là dấu lạ báo trước rằng thời đại nạn sẽ đến liền sau khi Đấng Christ đem Hội Thánh ra khỏi thế gian; đặc biệt là cơn đau đớn của I-sơ-ra-ên khi bị Sa-tan bách hại trong thời đại nạn, như đã tiên tri trước trong Khải Huyền 12:1-6.

"Trên trời hiện ra một sự lạ lớn: Một người đàn bà được bao phủ bởi mặt trời; dưới chân có mặt trăng và trên đầu có mão là mười hai ngôi sao. Người mang thai, kêu la trong cơn đau thai nghén và quặn đẻ. Lại xuất hiện một sự lạ khác trên trời. Này, một con rồng đỏ có bảy đầu, mười sừng với bảy cái mão trên những đầu của nó. Đuôi nó kéo một phần ba các ngôi sao trên trời mà quăng xuống đất. Con rồng đứng trước người đàn bà sắp đẻ để vừa khi con của người được sinh ra thì nó nuốt lấy. Người sinh ra một bé trai, là Đấng sẽ cai trị mọi quốc gia bằng một cây gậy sắt. Con trai người được cất lên tới Đức Chúa Trời, tới ngai Ngài. Rồi, người đàn bà trốn vào đồng hoang, nơi Đức Chúa Trời đã chuẩn bị một chỗ cho người và người được nuôi trong một ngàn hai trăm sáu mươi ngày" [6].

Kết luận và lời kêu gọi

Thiên Chúa là ĐấngToàn Năng và là nguồn của sự khôn ngoan. Nếu chúng ta suy luận rằng Thiên Chúa đã chọn thể hiện các lời tiên tri của Ngài về lịch sử của nhân loại và chương trình cứu rỗi của Ngài ban cho nhân loại, qua sự sáng tạo các chòm sao trong Cung Hoàng Đạo, thì đó không phải là điều không hợp lý. Tuy nhiên, vì Thánh Kinh không xác định một cách trực tiếp Thiên Chúa đã làm điều đó, cho nên, chúng ta không thể kể những điều được trình bày trên đây vào trong các tín lý của Thánh Kinh. Dầu vậy, chúng ta có thể dùng các chòm sao như là một sự minh họa và nhắc nhở chúng ta về những lẽ thật của Thánh Kinh. Những khi thiên tượng xảy ra một cách độc đáo, như hai thiên tượng trong ngày Lễ Ngũ Tuần và Lễ Thổi Kèn vừa qua, là thời điểm để chúng ta nhớ rằng: Ngày Đức Chúa Jesus Christ xuất hiện giữa chốn không trung để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian đã rất gần. Chúng ta hãy dùng Lời Chúa để khích lệ lẫn nhau cùng sống cho xứng đáng với tình yêu và ân điển Ngài đã ban cho chúng ta:

"Hỡi anh em, chúng tôi chẳng muốn anh em không biết về phần người đã ngủ, hầu cho anh em chớ buồn rầu như người khác không có sự trông cậy. Vì nếu chúng ta tin Đức Chúa Jesus đã chết và sống lại, thì cũng vậy, Đức Chúa Trời sẽ đem những kẻ ngủ trong Đức Chúa Jesus cùng đến với Ngài. Vả, nầy là điều chúng tôi nhờ lời Chúa mà rao bảo cho anh em: chúng ta là kẻ sống, còn ở lại cho đến kỳ Chúa đến, thì không lên trước những người đã ngủ rồi. Vì sẽ có tiếng kêu lớn và tiếng của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Thiên Chúa, thì chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống; bấy giờ những kẻ chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước hết. Kế đến chúng ta là kẻ sống, mà còn ở lại, sẽ cùng nhau đều được cất lên với những người ấy giữa đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa, như vậy chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn. Thế thì, anh em hãy dùng lời đó mà yên ủi nhau." Bấm vào đây để đọc tiếp →

3,660 views

Các Ngày Lễ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu

Copyright Notice: All Rights Reserved © 2011 Vietnamese Christian Mission Ministry. Thông Báo Tác Quyền: Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức nhưng xin giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.

Huỳnh Christian Timothy
Bấm vào đây để download bài viết này
Bấm vào đây để nghe hoặc download audio bài giảng này

 

Sự cứu rỗi và đủ mọi ân điển của Thiên Chúa dành cho nhân loại được trình bày cách ẩn dấu qua những ngày lễ do chính Ngài quy định và được tóm lược trong Lê-vi Ký 23. Mỗi ngày lễ đều mang lấy những ý nghĩa thuộc linh, và nếu chúng ta vâng giữ sẽ đem lại cho chúng ta những phước hạnh của sự tôn kính Lời Chúa, làm theo Lời Chúa, về thuộc thể lẫn thuộc linh. Vì thế, một phần nào đó trong ý nghĩa về một cuộc sống sung mãn trong Chúa, ("Kẻ trộm chỉ đến để đánh cắp, giết và hủy diệt; còn Ta đã đến, hầu cho họ được sự sống và họ được sự sống dư dật" Giăng 10:10), chính là một cuộc sống được hưởng tất cả mọi phước hạnh thuộc thể lẫn thuộc linh do Thiên Chúa ban cho chúng ta qua sự vâng giữ các ngày lễ của Ngài.

Trong bài này, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa thuộc linh của các ngày lễ của Đức Giê-hô-va đã được ghi chép  trong Lê-vi Ký 23.

Thời điểm được chỉ định

1 Đức Giê-hô-va lại phán cùng Môi-se rằng:

2 Hãy truyền cho dân Y-sơ-ra-ên rằng: Nầy là những ngày lễ của Đức Giê-hô-va, các ngươi hãy rao truyền ra là các hội thánh.

Trước hết, chúng ta cần chú ý đến danh xưng "Đức Giê-hô-va," có nghĩa là "Đấng Tự Hữu Hằng Hữu," tức là: Đấng Tự Có và Còn Đến Mãi Mãi. Trong Lê-vi Ký 23, danh xưng Đức Giê-hô-va được nhấn mạnh trong từng mạng lịnh, nói lên tính cách nghiêm trọng của mỗi mạng lịnh.

Tất cả những ngày lễ được liệt kê trong phân đoạn này đều được xác định là: "những ngày lễ của Đức Giê-hô-va" bao gồm cả ngày Sa-bát, tức là ngày thứ bảy, hàng tuần.

Chữ "ngày lễ" trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ là một từ ngữ có ý nghĩa là "thời điểm được chỉ định." Dĩ nhiên, sự chỉ định đến từ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Một sự chỉ định tuyệt đối của Đấng Toàn năng mà không ai, không giáo hội nào hoặc nhà thần học nào có quyền bác bỏ hoặc thay đổi.

Chữ "hội thánh" trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ là một từ ngữ có ý nghĩa là "sự nhóm họp thánh." Tức là (1) sự nhóm họp theo mạnh lịnh của Thiên Chúa; (2) sự nhóm họp để thờ phượng Thiên Chúa; (3) sự nhóm họp để đón nhận ơn phước từ Thiên Chúa.

Ngày Sa-bát

3 Người ta làm việc trong sáu ngày, nhưng qua ngày thứ bảy là ngày sa-bát, một ngày nghỉ, tức một sự nhóm hiệp thánh; đừng làm một công việc gì; ấy là lễ Sa-bát của Đức Giê-hô-va trong những nơi các ngươi ở.

Mục đích của những ngày Sa-bát là Đức Giê-hô-va muốn loài người nghỉ làm việc để nhóm họp thờ phượng Ngài. Trong sự nhóm họp thờ phượng Thiên Chúa, con dân Chúa được tương giao, thông công với Chúa và với nhau. Đó là ngày nghỉ của Đức Giê-hô-va, không phải của loài người, vì thế, loài người không có quyền thay đổi, hoặc bỏ qua. Trong thời Tân Ước, chính Đấng Christ xác nhận Ngài là Chúa, là Chủ của ngày Sa-bát; và trong khi trả lời cho các môn đồ về điềm tận thế thì Ngài khẳng định cách gián tiếp là ngày Sa-bát vẫn còn trong những ngày cuối cùng:

Ma-thi-ơ 12:8"vì Con người là Chúa ngày Sa-bát."

Mác 2:28"Vậy thì Con người cũng làm Chúa ngày Sa-bát." (Bản dịch Phan Khôi dịch là "chủ" dù trong nguyên ngữ là "Chúa.")

Lu-ca 6:5"Ngài lại phán rằng: Con người cũng là Chúa ngày Sa-bát."

Ma-thi-ơ 24:20, 21"Hãy cầu nguyện cho các ngươi khỏi trốn tránh nhằm lúc mùa đông hay là ngày Sa-bát; vì lúc ấy sẽ có hoạn nạn lớn, đến nỗi từ khi mới có trời đất cho đến bây giờ chưa từng có như vậy, mà sau nầy cũng không hề có nữa."

 

Lễ Vượt Qua

4 Nầy là những lễ của Đức Giê-hô-va, tức những sự nhóm hiệp thánh, các ngươi phải rao truyền ra khi đến kỳ nhất định.

5 Đến ngày mười bốn tháng giêng, vào buổi chiều tối, ấy là lễ Vượt-qua của Đức Giê-hô-va;

Lễ Vượt Qua: Sự chết của Đấng Christ để hoàn thành công cuộc cứu rỗi nhân loại.

Giăng 1:29"Qua ngày sau, Giăng thấy Đức Chúa Jesus đến cùng mình, thì nói rằng: Kìa, Chiên con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi."

Hê-bơ-rơ 9:27, 28"Theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét, cũng vậy, Đấng Christ đã dâng mình chỉ một lần đặng cất tội lỗi của nhiều người; Ngài lại sẽ hiện ra lần thứ hai, không phải để cất tội lỗi đi nữa, nhưng để ban sự cứu rỗi cho kẻ chờ đợi Ngài."

Lễ Bánh Không Men

6 qua ngày rằm tháng nầy, ấy là lễ bánh không men để kính trọng Đức Giê-hô-va; các ngươi sẽ ăn bánh không pha men trong bảy ngày.

7 Ngày đầu, các ngươi sẽ có một sự nhóm hiệp thánh, chẳng nên làm một công việc xác thịt.

8 Trong bảy ngày các ngươi phải dâng cho Đức Giê-hô-va những của lễ dùng lửa dâng lên; đến ngày thứ bảy, sẽ có một sự nhóm hiệp thánh nữa, các ngươi đừng làm một công việc xác thịt nào hết.

Lễ Bánh Không Men: Sự phục hòa với Thiên Chúa và tiếp nhận tiêu chuẩn thánh khiết của Ngài, tức tiếp nhận các luật pháp và điều răn của Thiên Chúa vào trong lòng của chúng ta là những người tin nhận sự cứu rỗi của Thiên Chúa ở trong Đấng Christ.

Giê-rê-mi 31:33"Đức Giê-hô-va phán: Nầy là giao ước mà ta sẽ lập với nhà I-sơ-ra-ên sau những ngày đó. Ta sẽ đặt luật pháp ta trong bụng chúng nó và chép vào lòng. Ta sẽ làm Đức Chúa Trời chúng nó, chúng nó sẽ làm dân ta."

Hê-bơ-rơ 8:10"Nầy là lời ước mà ta sẽ lập với nhà I-sơ-ra-ên. Sau những ngày đó: Ta sẽ để luật pháp ta trong trí họ và ghi tạc vào lòng; Ta sẽ làm Thiên Chúa của họ, họ sẽ làm dân ta."

Ma-thi-ơ 16:6"Đức Chúa Jesus phán cùng môn đồ rằng: Hãy giữ mình cẩn thận về men của người Pha-ri-si và Sa-đu-sê."

Men của người Pha-ri-si là các giáo lý của họ (Ma-thi-ơ 16:12). Điểm nổi bật của người Pha-ri-si là sự giả hình (Lu-ca 12:1); của người Sa-đu-sê là tà giáo dạy rằng không có sự sống lại (Ma-thi-ơ 22:23; Mác 12:18).

I Cô-rinh-tô 5:7,8 "Hãy làm cho mình sạch men cũ đi, hầu cho anh em trở nên bột nhồi mới không men, như anh em là bánh không men vậy. Vì Đấng Christ là con sinh lễ Vượt Qua của chúng ta, đã bị giết rồi. Vậy thì, chúng ta hãy giữ lễ, chớ dùng men cũ, chớ dùng men gian ác, độc dữ, nhưng dùng bánh không men của sự thật thà và của lẽ thật."

Kính trọng Đức Giê-hô-va là sống một đời sống không phạm tội, tức là một đời sống hoàn toàn vâng phục, làm theo Lời Chúa.

Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa

9 Đức Giê-hô-va lại phán cùng Môi-se rằng:

10 Hãy truyền cho dân Y-sơ-ra-ên rằng: Khi nào các ngươi đã vào xứ mà ta sẽ ban cho, và đã gặt mùa màng rồi, thì hãy đem đến cho thầy tế lễ một bó lúa đầu mùa của các ngươi.

11 Qua ngày sau lễ sa-bát, thầy tế lễ sẽ dâng bó lúa đưa qua đưa lại trước mặt Đức Giê-hô-va, hầu cho bó lúa đó được nhậm.

12 Chánh ngày dâng bó lúa đưa qua đưa lại đó, các ngươi cũng phải dâng cho Đức Giê-hô-va một chiên con giáp năm, không tì vít chi, đặng làm của lễ thiêu;

13 và dâng thêm một của lễ chay bằng hai phần mười bột lọc chế dầu, làm của lễ dùng lửa dâng lên, có mùi thơm cho Đức Giê-hô-va, với một phần tư hin rượu, làm lễ quán.

14 Các ngươi chớ ăn hoặc bánh, hoặc hột lúa rang, hoặc lúa đang ở trong gié cho đến chánh ngày nầy, tức là ngày các ngươi đem dâng của lễ cho Thiên Chúa mình. Mặc dầu ở nơi nào, ấy là một lệ định đời đời cho con cháu các ngươi.

Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa: Sự phục sinh của Đấng Christ, trái đầu mùa của sự sống lại.

I Cô-rinh-tô 15:20"Nhưng bây giờ, Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, Ngài là trái đầu mùa của những kẻ ngủ."

I Cô-rinh-tô 15:23"nhưng mỗi người theo thứ tự riêng của mình: Đấng Christ là trái đầu mùa; rồi tới ngày Đấng Christ đến, những kẻ thuộc về Ngài sẽ sống lại."

Lễ Ngũ Tuần

15 Kể từ ngày sau lễ sa-bát, là ngày đem bó lúa dâng đưa qua đưa lại, các ngươi sẽ tính bảy tuần lễ trọn:

16 các ngươi tính năm mươi ngày cho đến ngày sau của lễ sa-bát thứ bảy, thì phải dâng một của lễ chay mới cho Đức Giê-hô-va.

17 Các ngươi hãy từ nhà mình đem đến hai ổ bánh đặng làm của lễ dâng đưa qua đưa lại; bánh đó làm bằng hai phần mười bột lọc hấp có pha men: ấy là của đầu mùa dâng cho Đức Giê-hô-va.

18 Các ngươi cũng phải dâng luôn với bánh, bảy chiên con giáp năm chẳng tì vít chi, một con bò tơ, và hai con chiên đực với của lễ chay và lễ quán cặp theo, đặng làm của lễ thiêu tế Đức Giê-hô-va: ấy là một của lễ dùng lửa xông, có mùi thơm cho Đức Giê-hô-va.

19 Các ngươi cũng phải dâng một con dê đực đặng làm của lễ chuộc tội, và hai chiên con giáp năm, đặng làm của lễ thù ân.

20 Thầy tế lễ sẽ lấy các của lễ đó với hai ổ bánh bằng lúa đầu mùa, và hai chiên con, dâng đưa qua đưa lại trước mặt Đức Giê-hô-va; các vật đó sẽ biệt riêng ra thánh cho Đức Giê-hô-va, và thuộc về thầy tế lễ.

21 Các ngươi hãy rao truyền sự nhóm hiệp trong chánh một ngày đó; phải có một sự nhóm hiệp thánh, chớ nên làm một công việc xác thịt nào. Ấy là một lệ định đời đời cho dòng dõi các ngươi, mặc dầu ở nơi nào.

22 Khi các ngươi gặt lúa trong xứ mình, chớ gặt tận đầu đồng, và chớ mót lúa sót lại; hãy để phần đó cho người nghèo và cho kẻ khách ngoại bang: Ta là Giê-hô-va, Thiên Chúa của các ngươi.

Lễ Mùa Gặt (Lễ Các Tuần Lễ –  Lễ Ngũ Tuần): (1) Sự hình thành và phát triển của Hội Thánh. (2) Sự Tin Lành được rao giảng cho muôn dân.

Ma-thi-ơ 24:14"Tin Lành nầy về vương quốc sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến."

Ma-thi-ơ 28:18-20"Đức Chúa Jesus đến gần, phán cùng môn đồ như vầy: Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta. Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhơn danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp-tem cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế."

Lễ Thổi Kèn

23 Đức Giê-hô-va lại phán cùng Môi-se rằng:

24 Hãy truyền cho dân I-sơ-ra-ên rằng: Ngày mồng một tháng bảy, sẽ có cho các ngươi một ngày nghỉ, một lễ kỷ niệm lấy tiếng kèn thổi mà rao truyền, tức là một sự nhóm hiệp thánh vậy.

25 Chớ làm một công việc xác thịt nào; phải dâng các của lễ dùng lửa dâng cho Đức Giê-hô-va.

Lễ Thổi Kèn: (1) Sự cất lên của Hội Thánh. (2) Sự nhóm họp muôn dân sau thời đại nạn

(1) I Cô-rinh-tô 15:52"Trong giây phút, trong nháy mắt, lúc tiếng kèn chót; vì kèn sẽ thổi, kẻ chết đều sống lại được không hay hư nát, và chúng ta đều sẽ biến hóa."

(1) I Tê-sa-lô-ni-ca 4:16"Vì sẽ có tiếng kêu lớn và tiếng của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Thiên Chúa, thì chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống; bấy giờ những kẻ chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước hết."

(2) Ma-thi-ơ 24:31"Ngài sẽ sai thiên sứ mình dùng tiếng kèn rất lớn mà nhóm lại những kẻ đã được lựa chọn của Ngài ở khắp bốn phương, từ cuối phương trời nầy cho đến tận phương kia."

Hội Thánh giống như Hê-nóc sẽ được cất lên trước kỳ tận thế. Các thánh đồ thời đại nạn giống như gia đình Nô-ê trong cơn nước lụt.

Sáng Thế Ký 5:21-24"Hê-nóc được sáu mươi lăm tuổi, sanh Mê-tu-sê-la. Sau khi Hê-nóc sanh Mê-tu-sê-la rồi, đồng đi cùng Đức Chúa Trời trong ba trăm năm, sanh con trai con gái. Vậy Hê-nóc hưởng thọ được ba trăm sáu mươi lăm tuổi. Hê-nóc đồng đi cùng Đức Chúa Trời, rồi mất biệt, bởi vì Đức Chúa Trời tiếp người đi."

Hê-bơ-rơ 11:5"Bởi đức tin, Hê-nóc được cất lên và không hề thấy sự chết; người ta không thấy người nữa, vì Đức Chúa Trời đã tiếp người lên. Bởi chưng trước khi được tiếp lên, người đã được chứng rằng mình ở vừa lòng Đức Chúa Trời rồi."

Khải Huyền 3:

6 Ai có tai, người ấy hãy nghe điều Đấng Thần Linh phán với các Hội Thánh.

7 "Hãy viết cho thiên sứ của Hội Thánh tại Phi-la-đen-phi: 'Đây là những lời phán của Đấng Thánh; Đấng Chân Thật; Đấng giữ chìa khóa của Đa-vít: Đấng mở thì không ai có thể đóng, Đấng đóng thì không ai có thể mở:

8 Ta biết những việc làm ngươi. Kìa, Ta đã đặt trước ngươi một cửa đã mở mà không ai có thể đóng; vì ngươi có ít sức mà vẫn giữ Lời Ta và không chối Danh Ta.

9 Này, Ta sẽ khiến chúng nó – những kẻ thuộc hội Sa-tan, xưng mình là người Do-thái mà không phải, chúng chỉ là những kẻ nói dối – đến phủ phục trước chân ngươi và biết rằng Ta yêu ngươi!

10 Vì ngươi đã giữ lời của sự nhẫn nại Ta, Ta cũng sẽ giữ ngươi khỏi giờ thử thách là giờ sẽ đến trên mọi người trong thế gian để thử nghiệm những kẻ ở trên đất.

11 Này, Ta đến mau chóng! Hãy giữ vững những điều ngươi có thì không ai có thể lấy mão của ngươi.

12 Kẻ nào thắng, Ta sẽ cho làm trụ trong đền của Đức Chúa Trời Ta và người sẽ không ra khỏi đó nữa. Ta sẽ viết trên người tên của Đức Chúa Trời Ta, tên của thành Đức Chúa Trời Ta là Giê-ru-sa-lem mới từ nơi Đức Chúa Trời Ta ở trên trời giáng xuống và tên mới của Ta.'

Lễ Chuộc Tội

26 Đức Giê-hô-va cũng phán cùng Môi-se rằng:

27 Ngày mồng mười tháng bảy nầy là ngày lễ chuộc tội; các ngươi sẽ có sự nhóm hiệp thánh; hãy ép tâm hồn mình và dâng cho Đức Giê-hô-va các của lễ dùng lửa dâng lên.

28 Ngày đó chẳng nên làm công việc nào, vì là ngày chuộc tội, trong ngày đó phải làm lễ chuộc tội cho các ngươi trước mặt Giê-hô-va, Đức Chúa Trời mình.

29 Trong ngày đó, hễ ai không ép tâm hồn mình, sẽ bị truất khỏi dân sự mình.

30 Và hễ ai làm một công việc gì, thì ta sẽ diệt họ khỏi dân sự mình.

31 Các ngươi chẳng nên làm công việc chi hết, ấy là một lệ định đời đời cho dòng dõi các ngươi, mặc dầu ở nơi nào.

32 Ấy sẽ là một lễ Sa-bát, một ngày nghỉ cho các ngươi; các ngươi phải ép tâm hồn mình. Ngày mồng chín tháng đó, các ngươi phải giữ lễ Sa-bát mình, từ chiều nay đến chiều mai.

Lễ Chuộc Tội: (1) Ngày phán xét cuối thời đại nạn (Ma-thi-ơ 25:31-46). (2) Ngày phán xét chung cuộc (Khải Huyền 20:11-15)

31 Khi Con người ngự trong sự vinh quang mình mà đến với các thiên sứ thánh, thì Ngài sẽ ngồi trên ngôi vinh quang của Ngài.

32 Muôn dân nhóm lại trước mặt Ngài, rồi Ngài sẽ chia người nầy với người khác ra, như kẻ chăn chiên chia chiên với dê ra;

33 để chiên ở bên hữu và dê ở bên tả.

34 Bấy giờ, vua sẽ phán cùng những kẻ ở bên hữu rằng: Hỡi các ngươi được Cha ta ban phước, hãy đến mà nhận lấy nước thiên đàng đã sắm sẵn cho các ngươi từ khi dựng nên trời đất.

35 Vì ta đói, các ngươi đã cho ta ăn; ta khát, các ngươi đã cho ta uống; ta là khách lạ, các ngươi tiếp rước ta;

36 ta trần truồng, các ngươi mặc cho ta; ta đau, các ngươi thăm ta; ta bị tù, các ngươi viếng ta.

37 Lúc ấy, người công bình sẽ thưa rằng: Lạy Chúa, khi nào chúng tôi đã thấy Chúa đói, mà cho ăn; hoặc khát, mà cho uống?

38 Lại khi nào chúng tôi đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà mặc cho?

39 Hay là khi nào chúng tôi đã thấy Chúa đau, hoặc bị tù, mà đi thăm viếng Chúa?

40 Vua sẽ trả lời rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy.

41 Kế đó, Ngài sẽ phán cùng những người ở bên tả rằng: Hỡi kẻ bị rủa, hãy lui ra khỏi ta; đi vào lửa đời đời đã sắm sẵn cho ma quỷ và những quỷ sứ nó.

42 Vì ta đã đói, các ngươi không cho ăn; ta khát, các ngươi không cho uống;

43 ta là khách lạ, các ngươi không tiếp rước; ta trần truồng, các ngươi không mặc cho ta; ta đau và bị tù, các ngươi không thăm viếng.

44 Đến phiên các ngươi nầy bèn thưa lại rằng: Lạy Chúa, khi nào chúng tôi đã thấy Chúa, hoặc đói, hoặc khát, hoặc làm khách lạ, hoặc trần truồng, hoặc đau ốm, hoặc bị tù mà không hầu việc Ngài ư?

45 Ngài sẽ đáp lại rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi không làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy, ấy là các ngươi cũng không làm cho ta nữa.

46 Rồi những kẻ nầy sẽ vào hình phạt đời đời, còn những người công bình sẽ vào sự sống đời đời.

Lễ Lều Tạm

33 Đức Giê-hô-va lại phán cùng Môi-se rằng:

34 Hãy truyền cho dân I-sơ-ra-ên rằng: Ngày rằm tháng bảy nầy là lễ lều tạm, trải qua bảy ngày đặng tôn kính Đức Giê-hô-va.

35 Ngày thứ nhất sẽ có sự nhóm hiệp thánh, các ngươi chẳng nên làm một công việc xác thịt nào.

36 Trong bảy ngày phải dâng các của lễ dùng lửa dâng cho Đức Giê-hô-va; qua ngày thứ tám, các ngươi có một sự nhóm hiệp thánh nữa, cũng dâng của lễ dùng lửa dâng cho Đức Giê-hô-va. Ấy sẽ là một hội trọng thể; chớ nên làm một công việc xác thịt nào hết.

37 Đó là những lễ trọng thể của Đức Giê-hô-va, mà các ngươi phải rao truyền là sự nhóm hiệp thánh, đặng dâng cho Đức Giê-hô-va những của lễ dùng lửa dâng lên, của lễ thiêu, của lễ chay, của lễ thù ân, lễ quán, vật nào đã định theo ngày nấy.

38 Ngoài ra, các ngươi phải cứ giữ lễ Sa-bát của Đức Giê-hô-va, cứ dâng cho Ngài các lễ vật mình, các của lễ khấn nguyện và lạc ý.

39 Nhưng đến ngày rằm tháng bảy, khi các ngươi đã thâu-hoạch thổ sản mình rồi, hãy giữ một lễ cho Đức Giê-hô-va trong bảy ngày. Bữa thứ nhất sẽ là ngày nghỉ, và bữa thứ tám cũng sẽ là ngày nghỉ.

40 Bữa thứ nhất, các ngươi phải lấy trái cây tốt, tàu chà là, nhành cây rậm, và cây dương liễu, rồi vui mừng trong bảy ngày trước mặt Giê-hô-va, Thiên Chúa của các ngươi.

41 Mỗi năm, vào tháng bảy, các ngươi phải giữ lễ nầy cho Đức Giê-hô-va như vậy trong bảy ngày. Ấy là một lệ định đời đời cho dòng dõi các ngươi.

42 Hết thảy ai sanh trong dòng I-sơ-ra-ên sẽ ở nơi trại trong bảy ngày,

43 hầu cho dòng dõi các ngươi biết rằng khi ta đem dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô, ta cho họ ở trong những trại: Ta là Giê-hô-va, Thiên Chúa của các ngươi.

44 Ấy vậy, Môi-se truyền cho dân Y-sơ-ra-ên biết các lễ của Đức Giê-hô-va là lễ nào.

Lễ Lều Tạm: (1) Vương Quốc Ngàn Năm (Khải Huyền 20). (2) Vương quốc đời đời trong trời mới đất mới (Khải Huyền 21, 22).

Thời điểm những ngày lễ của Đức Giê-hô-va được hoàn thành

Như chúng ta đã biết các ngày Lễ Vượt Qua, Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa, và Lễ Ngũ Tuần là hình bóng cho các sự kiện: sự chết, sự phục sinh của Đấng Christ, cùng với sự chọn lựa những kẻ tin nhận sự cứu rỗi của Thiên Chúa. Dù công cuộc cứu rỗi nhân loại đã được hoàn thành nhưng Đấng Christ vẫn tiếp tục ở trong sự thương khó vì loài người vẫn còn phạm tội. Có lẽ vì thế mà dấu vết thương khó vẫn còn trên thân thể phục sinh của Ngài. Đấng Christ là trái đầu mùa của sự sống lại nhưng sự sống lại vẫn chưa xảy ra cho con dân Chúa. Hội Thánh sẽ được cất ra khỏi thế gian nhưng trong thời đại nạn Tin Lành vẫn được rao giảng và vô số người sẽ được cứu. Tuy những sự kiện nói trên đã xảy ra nhưng ý nghĩa được tiên tri trong các ngày lễ ấy vẫn chưa được hoàn thành. Trong khi đó, ý nghĩa được tiên tri trong các ngày Lễ Thổi Kèn, Lễ Chuộc Tội, và Lễ Lều Tạm chưa được ứng nghiệm. Vì thế, cả bảy ngày Lễ của Đức Giê-hô-va đáng cho chúng ta tôn kính và cử hành để: bày tỏ đức tin của chúng ta vào trong chương trình của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu dành cho nhân loại, bày tỏ lòng biết ơn của chúng ta đối với tình yêu và ân điển của Ngài, và bày tỏ mối hy vọng của chúng ta về sự đến của vương quốc Thiên Chúa.

Chúng ta giữ các ngày lễ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu không phải với thần trí làm theo luật pháp để được cứu vì chúng ta là những người đã được cứu bởi ân điển và đức tin. Nhưng vì chúng ta đã được Chúa ban ơn để hiểu biết ý nghĩa thuộc linh của những ngày Lễ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu; nên chúng ta vui mừng giữ các ngày lễ ấy với đức tin, lòng trông cậy, và tình yêu thương.

Huỳnh Christian Timothy
30.09.2011
www.timhieutinlanh.net
tim@timhieutinlanh.net

Bấm vào đây để đọc tiếp →

4,646 views

Ý Nghĩa của Một Số Câu Thánh Kinh Liên Quan đến Sự Tái Sinh và Sự Thánh Hóa

Copyright Notice: All Rights Reserved © 2011 Vietnamese Christian Mission Ministry. Thông Báo Tác Quyền: Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức nhưng xin giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.

Huỳnh Christian Timothy
Bấm vào đây để download bài viết này

 
Lưu ý:Trong bài viết này, những câu Thánh Kinh trong các sách Giăng và Khải Huyền được trích từ Bản Dịch Ngôi Lời [1]; một số câu khác được tác giả dịch sát nghĩa theo nguyên ngữ của Thánh Kinh và ghi chú là "Dịch sát nghĩa;" những câu còn lại được trích từ Bản Dịch Phan Khôi đang được hiệu đính [2].
 
Nếu bạn đang kết nối với Internet trong khi đọc bài này thì bạn có thể bấm vào mã số Strong như: G4151 để xem định nghĩa của từ ngữ; bấm vào ký hiệu phát âm như: (loo-tron') để nghe cách phát âm.
 
Trong bài này, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa chi tiết của một số câu trong Thánh Kinh có liên quan đến sự tái sinh và sự thánh hóa. Ý nghĩa của mỗi câu trong Thánh Kinh phải được giải bày và chứng minh từ những câu khác trong Thánh Kinh chứ không phải theo ý riêng của người nào (II Phi-e-rơ 1:20), đó là nguyên tắc giải kinh nhằm bảo đảm cho chúng ta hiểu đúng lẽ thật của Lời Chúa.
 
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhận ra những trường hợp dùng Thánh Kinh để giải thích Thánh Kinh mà sự giải thích đó không đúng với các lẽ thật căn bản của Thánh Kinh (II Phi-e-rơ 3:16). Thí dụ: Sự kiện dùng Giăng 3:3 và Tít 3:5 để giải thích rằng phép báp-tem bằng nước tạo ra sự tái sinh, (danh từ thần học trong Anh ngữ là: "baptismal regeneration"), nghĩa là: nếu không có sự báp-tem bằng nước thì sẽ không có sự tái sinh.
 
Lẽ thật căn bản của Thánh Kinh dạy rằng: phép báp-tem bằng nước là hình thức tiêu biểu cho sự chúng ta được cứu ra khỏi sự hư mất bởi sự đoán phạt của Đức Chúa Trời, nhờ đức tin vào sự sống lại của Đức Chúa Jesus Christ (Rô-ma 10:9); như xưa kia gia đình của Nô-ê được cứu ra khỏi sự hư mất bởi cơn nước lụt (hình thức Đức Chúa Trời đoán phạt thế gian thời bấy giờ) nhờ đức tin vào lời của Đức Chúa Trời.
 
Phép báp-tem bằng nước chúng ta chịu ngày hôm nay cũng như sự đóng tàu và vào tàu trước cơn nước lụt của gia đình Nô-ê ngày xưa, đều thể hiện sự đáp ứng của một lương tâm tốt với Đức Chúa Trời. Lương tâm tốt tức là tấm lòng tin và làm theo Lời Chúa. I Phi-e-rơ 3:20, 21 chép:
 
"…về thời kỳ Nô-ê, khi Đức Chúa Trời nhịn nhục đã có lần chờ đợi cho chiếc tàu được đóng nên, trong đó chỉ có một số ít, là tám linh hồn được cứu qua nước. Phép báp-tem bây giờ là hình thức tiêu biểu của sự ấy để cứu chúng ta – chứ không phải là sự cất đi sự ô uế của xác thịt, nhưng là sự đáp ứng của một lương tâm tốt với Đức Chúa Trời – qua sự sống lại của Đức Chúa Jesus Christ…"(Dịch sát ý của nguyên ngữ Hy-lạp. Bản Dịch Phan Khôi dịch là "sự liên lạc lương tâm tốt").
 
Khi gọi phép báp-tem bằng nước là hình thức tiêu biểu, Thánh Kinh dạy rằng: hình thức đó giúp cho chúng ta hiểu được ý nghĩa việc làm của Đức Chúa trời trong sự tái sinh chúng ta. Phép báp tem bằng nước không làm ra sự tái sinh nhưng phép báp-tem bằng nước thể hiện một trong hai yếu tố mà Đức Chúa Trời dựa vào đó để tái sinh chúng ta. Yếu tố đó là sự chúng ta thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự rửa tội bằng huyết thánh của Đấng Christ; nghĩa là: chúng ta bằng lòng chết đi con người cũ trong sự chết của Đấng Christ (trong danh Đức Cha) để được sống lại một con người mới trong sự sống lại của Đấng Christ (trong Danh Đức Con), và chúng ta bằng lòng tiếp nhận sự thánh hóa bởi Đức Thánh Linh, qua Lời của Đức Chúa Trời (trong Danh Đức Thánh Linh).
 
I. Ý Nghĩa của Một Số Câu Thánh Kinh Liên Quan đến Sự Tái Sinh
 
1. Giăng 3:3:
"Đức Chúa Jesus lên tiếng, đáp rằng: Thật vậy, thật vậy, Ta nói với ngươi: Nếu một người chẳng sinh lại, thì không thể thấy biết được vương quốc của Đức Chúa Trời."
 
Từ ngữ "sinh lại" trong Giăng 3:3 trong nguyên ngữ Hy-lạp là "sinh từ trên cao" hàm ý "được sinh bởi Đức Chúa Trời" như Giăng 1:12, 13 đã nói rõ:
 
"Nhưng hễ những ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho họ năng quyền, để trở nên con cái của Đức Chúa Trời; là ban cho những kẻ tin vào danh Ngài: là những kẻ chẳng phải sinh bởi máu huyết, hoặc bởi ý của xác thịt, cũng chẳng bởi ý người, nhưng sinh bởi Đức Chúa Trời."
 
Từ ngữ "thấy biết" hàm ý sự nhận thức trong tâm trí, nghĩa là sự hiểu biết về Nước Trời, đồng thời cũng nói lên sự nhận thức về tác động của Nước Trời trong cuộc sống mỗi ngày. Nếu một người không được tái sinh thì không thể hiểu được về Nước Trời và cũng không thể nhìn thấy được sự đến của Nước Trời trong thế gian. Trong thời đại của Hội Thánh, Nước Trời thể hiện trong lòng của người thật lòng ăn năn tội và tin nhận Đấng Christ, cho nên chỉ những ai đã được tái sinh thì mới nhận biết sự hiện diện của Nước Trời trong lòng mình và trong lòng các anh chị em thật trong Chúa:
 
"Người Pha-ri-si hỏi Đức Chúa Jesus nước Đức Chúa Trời chừng nào đến, thì Ngài đáp rằng: Nước Đức Chúa Trời không đến cách rõ ràng, và người ta sẽ không nói: Ở đây, hay là: Ở đó; vì nầy, nước Đức Chúa Trời ở trong các ngươi" (Lu-ca 17:20, 21).
 
Vì thế, Thánh Kinh gọi những người ở trong Hội Thánh là "uống chung một Thánh Linh:"
 
"Vì chưng chúng ta hoặc người Giu-đa, hoặc người Gờ-réc, hoặc tôi mọi, hoặc tự chủ, đều đã chịu phép báp-tem chung một Thánh Linh để hiệp làm một thân; và chúng ta đều đã chịu uống chung một Thánh Linh nữa" (I Cô-rinh-tô 12:13).
 
Từ ngữ "uống chung một Thánh Linh" nói lên sự kiện con dân Thiên Chúa có Đức Thánh Linh hiện diện trong thân thể mình và Thánh Linh của Ngài tuôn trào trong lòng mình:
 
"Người nào tin nơi Ta, thì nước hằng sống sẽ tuôn trào từ trong lòng mình, y như Thánh Kinh đã chép vậy. Ngài phán điều đó chỉ về Đức Thánh Linh mà người nào tin Ngài sẽ nhận lấy; bởi bấy giờ, chưa có Thánh Linh, vì Đức Chúa Jesus chưa được vinh hiển." (Giăng 7:38, 39).
 
Từ ngữ "uống chung một Thánh Linh" còn nói lên sự kiện con dân Thiên Chúa "nếm sự ban cho từ trên trời""dự phần về Thánh Linh;" "nếm Lời lành của Đức Chúa Trời và quyền phép của đời sau:"
 
"Vì chưng những kẻ đã được soi sáng một lần, đã nếm sự ban cho từ trên trời, dự phần về Thánh Linh, nếm Lời lành của Đức Chúa Trời, và quyền phép của đời sau, nếu lại vấp ngã, thì không thể khiến họ lại ăn năn nữa, vì họ đóng đinh Con Đức Chúa Trời trên thập tự giá cho mình một lần nữa, làm cho Ngài sỉ nhục tỏ tường"(Hê-bơ-rơ 6:4-6).
 
2. Giăng 3:5:
"Đức Chúa Jesus đáp rằng:Thật vậy, thật vậy, Ta nói với ngươi: Nếu một người chẳng sinh ra bởi nước và bởi Thánh Linh, thì không được vào vương quốc của Đức Chúa Trời."
 
Từ ngữ "bởi nước và bởi Thánh Linh" trong Giăng 3:5 là nói đến hai yếu tố, tức là hai điều cần phải có, để một người được tái sinh. Nhiều người cho rằng chữ "nước" là chỉ về Lời Chúa. Tuy nhiên, nguyên tắc giải kinh buộc chúng ta phải dùng cùng một phương cách để giải thích hai từ ngữ được liên kết với nhau bằng liên từ "và." Nếu từ ngữ "Thánh Linh" được hiểu theo nghĩa đen là Thánh Linh của Chúa thì từ ngữ "nước" cũng phải được hiểu theo nghĩa đen là nước. Ngoài ra, Thánh Kinh dùng nước để làm hình bóng về Thánh Linh như trong Giăng 7:38, 39; nhưng không bao giờ Thánh Kinh dùng nước để làm hình bóng về Lời Chúa.
 
Nhờ Ê-phê-sô 5:25, 26 mà chúng ta biết chắc nước và Lời Chúa (Đạo) là hai điều khác nhau. Chữ "Đạo" trong Bản Dịch Phan Khôi thật ra là chữ "Lời" trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh:
 
"Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình, như Đấng Christ đã yêu Hội Thánh, phó chính mình vì Hội Thánh, để khiến Hội nên thánh sau khi lấy nước rửa và dùng Lời (Đạo) làm cho Hội tinh sạch…
 
Ý nghĩa của câu này làHội Thánh được nên thánh sau khi: (1) Đấng Christ hy sinh chuộc tội cho Hội Thánh. (2) Hội Thánh ăn năn tội, tin nhận sự chuộc tội của Đấng Christ, thể hiện qua sự chịu báp-tem tức là rửa mình trong nước, tiêu biểu cho sự kiện tội lỗi được rửa sạch bởi huyết của Đấng Christ. (3) Hội Thánh được tiếp tục thánh hóa bởi Lời Chúa (Giăng 17:17). Ý nghĩa Hội Thánh được rửa bằng nước còn được xác định trong Hê-bơ-rơ 10:19-22:
 
"Hỡi anh em, vì chúng ta nhờ huyết Đức Chúa Jesus được dạn dĩ vào nơi rất thánh, bởi đường mới và sống mà Ngài đã mở ngang qua cái màn, nghĩa là ngang qua xác Ngài, lại vì chúng ta có một thầy tế lễ lớn đã lập lên cai trị nhà Đức Chúa Trời, nên chúng ta hãy lấy lòng thật thà với đức tin đầy dẫy trọn vẹn, lòng được tưới sạch khỏi lương tâm xấu, thân thể rửa bằng nước trong, mà đến gần Chúa."
 
Lòng được tưới sạch khỏi lương tâm xấu là bởi huyết của Đấng Christ còn thân thể rửa bằng nước trong là "bởi nước" của phép báp-tem. Sự rửa sạch thân thể bên ngoài bằng nước trong tiêu biểu cho sự rửa sạch bên trong bằng huyết của Đấng Christ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa một người phải chịu báp-tem bằng nước thì mới được tái sinh hoặc sự tái sinhxảy ra trong giây phút một người chịu báp-tem bằng nước. Chúng ta hãy cùng nhau xem bảng phân tích dưới đây:
 
Yếu tố
Nghĩa đen
Thể hiện
Tiêu biểu
Kết luận
Nước
Phép báp-tem
Lòng ăn năn năn tội và đức tin trong Đấng Christ
Tội lỗi được rửa sạch bởi huyết của Đấng Christ
(I Giăng 1:7;
Khải Huyền 1:6)
Bất kỳ lúc nào, một người thật lòng ăn năn tội, tin nhận Đấng Christ thì người ấy lập tức được Đức Chúa Trời xưng nghĩa và tái sinh thành một người mới trong Đấng Christ, thuộc về Hội Thánh, được làm chức vua và chức thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời. Sự kiện gia đình Cọt-nây được tái sinh khi họ tin nhận lời giảng của Phi-e-rơ là bằng cớ điển hình.
Thánh Linh
Quyền phép của
Đức Chúa Trời
Ân điển và sự ban cho của Đức Chúa Trời
Sự dự phần trong bản tính của Đức Chúa Trời, tức dự phần trong sự sống đời đời
(I Phi-e-rơ 1:3;
II Phi-e-rơ 1:4)
 
Như vậy, dựa trên lòng ăn tội và đức tin nơi Đấng Christ của một người và dựa trên ân điển cùng sự ban cho của Đức Chúa Trời mà Đức Thánh Linh tái sinh người ấy. Lòng ăn năn tội và đức tin nơi Đấng Christ của một người là yếu tố cần phải có về phía loài người, kết hợp với ân điển của Đức Chúa Trời để một người được xưng nghĩa, dẫn đến sự được tái sinh. Lòng ăn năn tội và đức tin nơi Đấng Christ của một người cần được thể hiện qua sự chịu báp-tem bằng nước khi hoàn cảnh cho phép, tức là sự rửa mình trong nước tiêu biểu cho sự người ấy tin nhận tội lỗi mình được rửa sạch bằng huyết của Đức Chúa Jesus Christ; nhưng phép báp-tem bằng nước không hề là yếu tố của sự tái sinh. Nếu phép báp-tem bằng nước là yếu tố của sự tái sinh thì tên trộm bị đóng đinh bên tay phải của Chúa sẽ không được vào Nước Trời.
 
Một người không thật lòng ăn năn tội và tin nhận Đấng Christ thì dù cho có chịu báp-tem bằng nước, sinh hoạt trong Hội Thánh, thậm chí đưa dắt nhiều người đến với sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, người ấy vẫn không được tái sinh, không có sự cứu rỗi, và sẽ hư mất đời đời trong hỏa ngục. Mặt khác, một người thật lòng ăn năn tội và tin nhận Đấng Christ thì không có lý do gì từ chối chịu báp-tem bằng nước để thể hiện tấm lòng và đức tin của mình. Phép báp-tem bằng nước là mệnh lệnh của Đức Chúa Jesus Christ truyền cho những ai tin nhận Ngài. Người có thể chịu báp-tem bằng nước mà không thi hành là phạm tội không vâng phục Đấng Christ.
Đức Chúa Jesus khẳng định:
 
"Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng Ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước thiên đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha Ta ở trên trời mà thôi. Ngày đó, sẽ có nhiều người thưa cùng Ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, chúng tôi chẳng từng nhơn danh Chúa mà nói tiên tri sao? nhơn danh Chúa mà trừ quỉ sao? và lại nhơn danh Chúa mà làm nhiều phép lạ sao? Khi ấy, Ta sẽ phán rõ ràng cùng họ rằng: Hỡi kẻ làm gian ác, Ta chẳng biết các ngươi bao giờ, hãy lui ra khỏi Ta"(Ma-thi-ơ 7:21-23)!
 
"Làm theo ý của Cha Ta ở trên trời " là gì? Đức Chúa Jesus dạy rõ:
 
"Đây là ý muốn của Đấng đã sai Ta, hễ ai thấy Con và tin nơi Ngài, thì được sự sống đời đời; và Ta sẽ làm cho kẻ ấy sống lại nơi ngày sau rốt"(Giăng 6:40).
 
"Tin nơi Ngài" là gì? Là đồng ý với những gì Đức Chúa Jesus Christ phán dạy và làm theo như Ngài đã làm, nghĩa là sống như Ngài đã sống: không vi phạm bất cứ một điều răn nào của Đức Chúa Trời và vâng phục Đức Chúa Trời cho đến chết như Ngài đã vâng phục. I Giăng 2:3-6 cho chúng ta biết:
 
"Nầy tại sao chúng ta biết mình đã biết Ngài, ấy là tại chúng ta giữ các điều răn của Ngài. Kẻ nào nói: Ta biết Ngài, mà không giữ các điều răn Ngài, là người nói dối, lẽ thật quyết không ở trong người. Nhưng ai giữ lời phán Ngài, thì lòng kính mến Đức Chúa Trời thật là trọn vẹn trong người ấy. Bởi đó, chúng ta biết mình ở trong Ngài. Ai nói mình ở trong Ngài, thì cũng phải làm theo như chính Ngài đã làm."
 
Và Khải Huyền 21:8 cho biết phần của những kẻ nói dối sẽ là ở trong hồ lửa!
 
3. Giăng 3:6:
"Hễ chi sinh ra bởi xác thịt là xác thịt; hễ chi sinh ra bởi Đức Thánh Linh là thần.”
 
Từ ngữ "Đức Thánh Linh" trong Giăng 3:6 cho chúng ta thấy sự tái sinh được thực hiện bởi Đức Thánh Linh; và hễ ai đã được sinh ra bởi Đức Thánh Linh thì người ấy là thần linh giống như Chúa. Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, hai từ ngữ "Linh" và "thần" của Giăng 3:6 đều dùng chung một danh từ: "πνεῦμα," G4151, phiên âm /pneuma/, phát âm (pnyoo'-mah), tiếng Anh dịch là "spirit," có nghĩa là "thần" hoặc "linh." Tương tự như vậy là từ ngữ "Thần" và "tâm thần" trong Giăng 4:24:
 
"Đức Chúa Trời là Thần. Những người thờ phượng Ngài phải thờ phượng trong tâm thần và lẽ thật"(Giăng 4:24).
 
Để có thể thật sự thờ phượng Đức Chúa Trời là Thần thì một người phải có tâm thần đã được tái sinh. Người chưa được tái sinh là một người có tâm thần đã chết, tức là một tâm thần không thể thông công với Đức Chúa Trời, mà chỉ có thể thông công với các tà linh. Vì thế, người không biết Chúa chỉ có thể thờ lạy hình tượng và tà thần.
 
4. Tít 3:4, 5:
"Nhưng từ khi lòng nhân từ và tình yêu đối với loài người của Đức Chúa Trời, là Đấng Giải Cứu chúng ta, đã được bày ra, thì không phải vì việc công bình chúng ta đã làm, nhưng cứ theo lòng thương xót Ngài mà Ngài cứu chúng ta bởi sự rửa của sự tái sinh và sự đổi mới của Thánh Linh."
 
Từ ngữ "bởi sự rửa của sự tái sinh" nói đến sự chúng ta được rửa sạch tội lỗi bởi huyết của Đấng Christ khi Đức Thánh Linh tái sinh chúng ta. Điều này được Khải Huyền 1:6 xác chứng:
 
"Đấng yêu thương chúng ta: đã rửa sạch tội lỗi chúng ta trong máu Ngài, đã lập chúng ta làm những vua và những thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời Ngài và Cha Ngài – Nguyện sự vinh quang và quyền thế thuộc về Ngài cho đến đời đời. A-men!"
 
Từ ngữ "sự rửa" nguyên ngữ Hy-lạp của Tân Ước là "λουτρόν," G3067, phiên âm /loutron/, phát âm (loo-tron'), và chỉ xuất hiện có hai lần, trong Tít 3:4 và Ê-phê-sô 5:26, với nghĩa đen là "sự tắm bằng cách báp-tem trong nước, tức dìm mình trong nước." Không phải phép báp-tem bằng nước khiến cho chúng ta được tái sinh nhưng phép báp-tem bằng nước tiêu biểu cho điều mà Đức Chúa Trời đã làm cho con người bên trong của chúng ta. Điều này tương tự như: không phải tình yêu vợ chồng phát sinh ra bởi lễ cưới nhưng lễ cưới tiêu biểu cho tình yêu vợ chồng đã có giữa người đàn ông và đàn bà.
 
Từ ngữ: "sự đổi mới của Thánh Linh" (BảnDịch Phan Khôi dịch là "sự đổi mới của Đức Thánh Linh" )nói đến sự kiện Thánh Linh của Đức Chúa Trời, tức quyền phép, năng lực, và sự sống ra từ Đức Chúa Trời đã làm cho mới lại một người được tái sinh.
 
Khi Đức Chúa Trời dựng nên loài người, Ngài ban Thánh Linh của Ngài vào trong thân thể người (Sáng Thế Ký 2:7), tạo nên tâm thần của loài người, tức phần linh thể của loài người,  để loài người được tương giao với Ngài, có thể sống theo tiêu chuẩn thánh khiết, công chính, và yêu thương của Ngài, đồng thời cai trị đất cùng muôn vật trên đất. Nhưng khi loài người phạm tội thì tâm thần bị chết, tức là bị xa cách Chúa, mất đi sự tương giao với Chúa, trái lại, loài người tương giao với ma quỷ và thờ lạy tà thần, khiến cho quyền phép, năng lực, và sự sống đến từ Đức Chúa Trời trước đó bị băng hoại, ô nhiễm với tội lỗi. Vì thế, khi một người được tái sinh thì Đức Chúa Trời làm mới lại mọi sự bên trong con người đó, tức là làm mới lại Thánh Linh của Ngài trong con người đó. Ngài làm mới bằng cách hiện diện trong thân thể của người được tái sinh qua thân vị Đức Thánh Linh và tuôn tràn Thánh Linh của Ngài trong lòng người. II Cô-rinh-tô 5:17 xác chứng cho sự đổi mới đó:
 
"Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới."
 
5. I Phi-e-rơ 1:22, 23:
"Các anh em đã làm sạch linh hồn mình bởi sự vâng phục lẽ thật trong tâm thần, đặng có lòng yêu thương anh em cách chân thật, nên hãy yêu nhau sốt sắng với tấm lòng tinh sạch đã được sinh lại chẳng phải bởi giống hay hư nát, nhưng bởi giống không hư nát, là bởi Lời sống và bền vững đời đời của Đức Chúa Trời."
 
Linh hồn chính là con người còn được gọi là bản ngã. Linh hồn ở trong thân thể xác thịt và ở trong thân thể thần linh, tức tâm thần. Thân thể xác thịt có thể được rửa sạch bằng nước trong. Thân thể thần linh, còn được gọi là tâm thần, được rửa sạch bởi sự đổi mới Thánh Linh của Đức Chúa Trời như đã trình bày ở trên.
 
Một người trước khi được tái sinh thì linh hồn, tâm thần, và thể xác đang chết, tức là đang bị phân cách với Đức Chúa Trời, sau khi được tái sinh thì linh hồn và tâm thần được sống lại, tức là được phục hòa, được giao thông với Đức Chúa Trời, còn thể xác sẽ được phục sinh hoặc biến hóa trong ngày Đấng Christ trở lại. Khi được tái sinh thì con người bên trong, tức tâm thần và linh hồn, hoàn toàn được dựng nên mới, hoàn toàn tinh sạch và thánh khiết như Đấng Christ. Tuy nhiên, sau đó con người có thể phạm tội trở lại hoặc là vì thiếu sự tri thức trong Chúa mà phạm những tội không biết; hoặc là vì những thói quen xấu của xác thịt chỗi dậy bất ngờ, không kịp chế ngự, như thói quen nóng giận, lớn tiếng; hoặc là vì yếu đuối trước những cám dỗ mà phạm những tội cố ý.
 
Sau khi phạm tội, chúng ta cần ăn năn, xưng tội với Chúa thì Ngài sẽ "tha thứ cho chúng ta và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác" (I Giăng 1:9). Đó là sự vâng phục lẽ thật được bày tỏ trong I Giăng 1:9 để làm sạch tâm thần và linh hồn. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần vâng theo các lẽ thật khác của Lời Chúa để thôi, không còn phạm tội vì bất cứ một lý do nào nữa, giữ cho mình luôn được thánh sạch.
 
Đối với những tội không biết, chúng ta có thể cầu xin sự khôn ngoan từ nơi Chúa để nhận biết chúng. Gia-cơ 1:5:
 
"Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi, không trách móc ai, thì kẻ ấy sẽ được ban cho."
 
Đối với những tội vì những thói quen xấu chỗi dậy bất ngờ, chúng ta cần cầu xin Chúa tha thứ và đem những thói xấu đó ra khỏi đời sống của chúng ta; dâng thân thể mình lên cho Chúa mỗi ngày để làm công cụ cho những việc công bình là những việc Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho chúng ta làm theo; đồng thời phải nhân danh Chúa để cai trị thân thể của mình. bắt nó phải phục:
 
"Vậy, chớ để tội lỗi cai trị trong xác hay chết của anh em, và chớ chiều theo tư dục nó. Chớ nộp chi thể mình cho tội lỗi, như là đồ dùng gian ác, nhưng hãy phó chính mình anh em cho Đức Chúa Trời, dường như đã chết mà nay trở nên sống, và dâng chi thể mình cho Đức Chúa Trời như là đồ dùng về sự công bình"(Rô-ma 6:12, 13).
 
"Vậy hãy làm chết các chi thể của anh em ở nơi hạ giới, tức là tà dâm, ô uế, tình dục, ham muốn xấu xa , tham lam, tham lam chẳng khác gì thờ hình tượng… bởi những sự ấy cơn giận của Đức Chúa Trời giáng trên các con không vâng phục; lúc trước anh em sống trong những nết xấu đó, và ăn ở như vậy. Nhưng bây giờ anh em nên trừ bỏ hết nói sự đó, tức là sự thạnh nộ, buồn giận và hung ác. Đừng nói hành ai, chớ có một lời tục tỉu nào ra từ miệng anh em. Chớ nói dối nhau, vì đã lột bỏ người cũ cùng công việc nó, mà mặc lấy người mới là người đang đổi ra mới theo hình tượng Đấng dựng nên người ấy, đặng đạt đến sự hiểu biết đầy trọn."(Cô-lô-se 3:5-10).
 
"Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em. Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào"(Rô-ma 12:1, 2).
 
"Vậy thì, tôi chạy, chẳng phải là chạy bá vơ; tôi đánh, chẳng phải là đánh gió; song tôi đãi thân thể mình cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục, e rằng sau khi tôi đã giảng dạy kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng"(I Cô-rinh-tô 9:26, 27).
 
Đối với những tội vì sự yếu đuối mà chúng ta sa vào sự cám dỗ, thì chúng ta cần cầu xin Chúa tha thứ cho chúng ta và sau đó, mỗi khi đối diện với cám dỗ chúng ta phải dùng Lời của Chúa để chống cự theo gương của Đức Chúa Jesus, đồng thời gọi danh Đức Chúa Jesus Christ, xin Ngài cứu chúng ta ra khỏi sự cám dỗ: "Vì ai kêu cầu danh Chúa thì sẽ được cứu" (Rô-ma 10:13).
 
Chính lòng yêu thương anh chị em trong Chúa một cách chân thật và sốt sắng xác chứng cho chúng ta rằng chúng ta đã được tái sinh.
 
Nguyên cớ của sự tái sinh là bởi Lời của Chúa dẫn chúng ta đến sự ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi của Đấng Christ, là Tin Lành được rao giảng cho muôn dân:
 
"Lời Chúa làm cho tôi được sống lại. Ấy là sự an ủi tôi trong cơn hoạn nạn" (Thi Thiên 119:50).
 
"Nhưng Lời Chúa còn lại đời đời. Và Lời đó là Tin Lành đã giảng ra cho anh em" (I Phi-e-rơ 1:25).
 
"Ấy chính Ngài theo ý muốn mình, đã dùng lời chân thật sinh ra chúng ta, hầu cho chúng ta được nên một loại trái đầu mùa trong những tạo vật của Ngài" (Gia-cơ 1:18 – Dịch sát nghĩa).
 
Nền tảng của sự tái sinh, về phía loài người là lòng ăn năn tội và đức tin nơi Đấng Christ, thể hiện qua phép báp-tem; về phía Đức Chúa Trời là ân điển và sự ban cho của Ngài, thể hiện qua quyền phép của Đức Thánh Linh.
 
6. Ga-la-ti 3:27
"Vả, anh em thảy đều chịu phép báp-tem trong Đấng Christ, đều mặc lấy Đấng Christ vậy."
 
Ý nghĩa của sự kiện "chịu phép báp-tem trong Đấng Christ" là mỗi một tín đồ của Đấng Christ đều đồng chết và đồng sống lại với Đấng Christ. Đấng Christ chết vì tội lỗi của chúng ta, còn chúng ta thì cùng chết đi bản ngã tội lỗi trong cái chết của Ngài. Đấng Christ sống lại, đắc thắng sự Bấm vào đây để đọc tiếp →

4,384 views

Mười Hai Từ Ngữ Liên Quan Đến Điều Răn và Luật Pháp

Copyright Notice: All Rights Reserved © 2012 Vietnamese Christian Mission Ministry. Thông Báo Tác Quyền: Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức nhưng xin giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.

Huỳnh Christian Timothy
Nhấp vào đây để download bài viết này

Để có thể hiểu rõ ý nghĩa các câu Thánh Kinh liên quan đến điều răn và luật pháp thì chúng ta cần hiểu rõ các từ ngữ liên quan đến điều răn và luật pháp. Dưới đây là bảng liệt kê 12 từ ngữ có liên quan đến điều răn và luật pháp, được dùng trong Thánh Kinh. Quý bạn đọc có thể bấm vào các mã số Strong như: H8451 để vào website tham khảo ý nghĩa của từ ngữ trong tiếng Anh hoặc bấm vào ký hiệu phát âm như:(to-raw') để vào website nghe cách phát âm từ ngữ.

1. Luật pháp: Danh từ luật pháp trong Thánh Kinh bao gồm tất cả những gì là thánh ý của Đức Chúa Trời đối với loài người. Nói cách khác, ý muốn và lời phán của Đức Chúa Trời đều là điều răn và luật pháp. Chính Đức Chúa Jesus khi trích dẫn Thi Thiên 82:6  "Ta đã nói: Các ngươi là thần. Hết thảy đều là con trai của Đấng Chí Cao" thì Ngài đã gọi đó là luật pháp, là Kinh Thánh: "Nếu luật pháp gọi những kẻ được lời Đức Chúa Trời phán đến là các thần, và nếu Kinh Thánh không thể bỏ được, thì Ta đây, là Đấng Cha đã biệt ra thánh, và sai xuống thế gian, nói: Ta là Con Đức Chúa Trời, cớ sao các ngươi cáo Ta là nói lộng ngôn?" (Giăng 10:35, 36) [1].

Từ ngữ luật pháp trong tiếng Hê-bơ-rơ (Hebrew) có hai cách viết, là תּרהתּורה, H8451, cùng được phiên âm là /tôrâh/, phát âm là (to-raw'). Ý nghĩa chính của từ ngữ này là tất cả những quy định của Đức Chúa Trời về nguyên tắc sống dành cho loài người và hình phạt dành cho những ai vi phạm các quy định ấy. Ý nghĩa hẹp của từ ngữ này là tên gọi chung cho năm sách đầu tiên của Thánh Kinh, gồm: Sáng Thế Ký, Xuất Ê-díp-tô Ký, Lê-vi Ký, Dân Số Ký và Phục Truyền Luật Lệ Ký.

Lần đầu tiên, từ ngữ luật pháp xuất hiện trong Thánh Kinh là lúc Đức Chúa Trời phán truyền với Áp-ra-ham, được ghi lại trong Sáng Thế Ký 26:5 và được dùng dưới hình thức số nhiều:

"Bởi vì Áp-ra-ham đã vâng theo tiếng Ta, đã giữ gìn sự chỉ định của Ta, các điều răn của Ta, các luật lệ của Ta, các luật pháp của Ta."(Dịch sát nghĩa nguyên ngữ Hê-bơ-rơ).

"Bởi vì Áp-ra-ham đã vâng theo tiếng Ta, mà giữ gìn sự chỉ định của Ta, gồm các điều răn của Ta, các luật lệ của Ta, tức là các luật pháp của Ta."(Dịch diễn ý).

"Because that Abraham obeyed my voice, and kept my charge, my commandments, my statutes, and my laws."(Bản dịch King James).

Như vậy, Thánh Kinh cho chúng ta biết các điều răn và các luật lệ của Đức Chúa Trời, gọi chung là luật pháp, chỉ định đường lối sống cho loài người, do chính Ngài phán thành tiếng, đã ban cho loài người từ trước khi dân Israel được hình thành.

Phân tích một cách tổng quát thì luật pháp của Đức Chúa Trời được thể hiện dưới ba hình thức:

a) Luật Đạo Đức:Luật Đạo Đức bao gồm Mười Điều Răn do chính Đức Chúa Trời trực tiếp phán truyền từ trên núi Si-na-i, và sau đó, hai lần dùng chính ngón tay của Ngài ghi chép trên hai bảng đá:

"Bấy giờ Đức Chúa Trời phán mọi lời này rằng… Vả, cả dân sự nghe sấm vang, tiếng kèn thổi, thấy chớp nhoáng, núi ra khói, thì run rẩy và đứng cách tận xa. Dân sự bèn nói cùng Môi-se rằng: Chính mình người hãy nói cùng chúng tôi thì chúng tôi sẽ nghe; nhưng cầu xin Đức Chúa Trời chớ phán cùng, e chúng tôi phải chết chăng… Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se rằng: Ngươi hãy nói cho dân Y-sơ-ra-ên như vầy: Các ngươi đã thấy Ta từ trên trời phán xuống cùng…"(Xuất Ê-díp-tô Ký 20:1-21).

"Khi Đức Giê-hô-va đã phán xong cùng Môi-se tại núi Si-na-i, bèn cho người hai bảng chứng bằng đá, với ngón tay Đức Chúa Trời viết ra"(Xuất Ê-díp-tô Ký 31:18). "Đoạn, Môi-se ở trên núi trở xuống, tay cầm hai bảng chứng; hai bảng chứng có viết hai bên, mặt nầy và mặt kia. Hai bảng đó là việc của Đức Chúa Trời làm ra; chữ cũng là chữ của Đức Chúa Trời khắc trên bảng" (Xuất Ê-díp-tô Ký 32:15-16).

"Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se rằng: Hãy đục hai bảng đá như hai bảng trước; rồi Ta sẽ viết trên hai bảng nầy các lời đã ở nơi hai bảng kia, mà ngươi đã làm bể… Môi-se ở đó cùng Đức Giê-hô-va trong bốn mươi ngày và bốn mươi đêm, không ăn bánh, cũng không uống nước; Đức Giê-hô-va chép trên hai bảng đá các lời giao ước, tức là mười điều răn" (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:1, 28) [2].

"Từ trong lửa, Đức Giê-hô-va phán cùng các ngươi; các ngươi nghe một tiếng nói, nhưng không thấy một hình trạng nào; chỉ nghe một tiếng mà thôi. Ngài rao truyền cho các ngươi biết sự giao ước của Ngài, tức là mười điều răn, khiến các ngươi gìn giữ lấy, và Ngài chép mười điều răn ấy trên hai bảng đá"(Phục Truyền Luật Lệ Ký 4:12-13) [2].

"Ngài viết trên hai bảng nầy lời Ngài đã viết lần trước, tức là mười điều răn mà Đức Giê-hô-va từ giữa lửa tại trên núi, có phán cùng các ngươi, trong ngày nhóm hiệp; rồi Đức Giê-hô-va trao cho ta"(Phục Truyền Luật Lệ Ký 10:4) [2].

"Đức Giê-hô-va tại trên núi từ giữa lửa, đã đối diện phán cùng các ngươi… Tại trên núi, giữa lửa, mây và sự tối tăm, Đức Giê-hô-va có dùng tiếng lớn phán những lời nầy cho cả hội các ngươi, Ngài không thêm chi hết; đoạn Ngài ghi các lời đó trên hai bảng đá, và trao cho ta"(Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:4-22).

"Và Đức Giê-hô-va trao cho ta hai bảng đá, bởi ngón tay Đức Chúa Trời viết ra, có đủ những lời mà Đức Giê-hô-va từ giữa lửa, tại trên núi, có phán ra cùng các ngươi, trong ngày nhóm hiệp"(Phục Truyền Luật Lệ Ký 9:10).

Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời vì thế không thể gọi là "Luật Pháp Môi-se" vì do chính Đức Chúa Trời phán trực tiếp với dân sự và do chính ngón tay Ngài hai lần viết ra trên bảng chứng. Ngài nay, cũng chính Đức Chúa Trời viết những điều đó vào tấm lòng của con dân Chúa "Đức Giê-hô-va phán: Nầy là giao ước mà Ta sẽ lập với nhà Y-sơ-ra-ên sau những ngày đó. Ta sẽ đặt luật pháp Ta trong bụng chúng nó và chép vào lòng. Ta sẽ làm Đức Chúa Trời chúng nó, chúng nó sẽ làm dân Ta" (Giê-rê-mi 31:33). Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời cũng không phải là những điều hình bóng chỉ về những sự sẽ được Đấng Christ làm ra trong thời Tân Ước mà là tiêu chuẩn đạo đức, thánh khiết, công bình, và yêu thương đời đời của Đức Chúa Trời. Lời Chúa khẳng định: Điều răn của Đức Chúa Trời còn lại đời đời còn tất cả các luật pháp khác là ánh sáng của điều răn Ngài:

"Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài ở gần. Các điều răn Ngài là chân thật. Cứ theo chứng cớ Chúa, tôi đã biết từ lâu rằng Chúa lập các điều răn ấy đến đời đời"(Thi Thiên 119:151-152).

"Vì điều răn là một cái đèn, luật pháp là ánh sáng; Và sự quở trách khuyên dạy là con đường sự sống"(Châm Ngôn 6:23).

Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời được chính Ngài viết trên hai bảng đá, ra lệnh cho Môi-se cất vào Hòm Giao Ước. Một ngày trong tương lai, vào khoảng giữa của bảy năm đại nạn, Hòm Giao Ước sẽ hiện ra trong đền thờ ở trên trời, trước khi Đức Chúa Trời phán xét toàn thế gian. Người viết tin chắc rằng Đức Chúa Trời sẽ căn cứ vào Mười Điều Răn do chính ngón tay của Ngài chép trên hai bảng đá để phán xét toàn thế gian về tội làm cho đất bị ô uế,"vì họ đã phạm luật pháp, trái điều răn" của Đức Chúa Trời(Ê-sai 24:5). Khải Huyền 11:19 chép: "Đền thờ Đức Chúa Trời bèn mở ra ở trên trời, Hòm Giao Ước bày ra trong đền thờ Ngài, rồi có chớp nhoáng, tiếng, sấm sét, động đất và mưa đá lớn." Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, vì thế, khác biệt với các luật pháp khác về lễ nghi hầu việc, thờ phượng Đức Chúa Trời và các luật dân sự.

Hai hình thức kế tiếp được gọi chung là "Luật Môi-se" vì mặc dù cũng là luật pháp của Đức Chúa Trời, do Đức Chúa Trời truyền dạy cho dân sự của Chúa, nhưng Ngài không phán truyền trực tiếp cũng không tự tay Ngài ghi chép mà do Môi-se chép lại và truyền lại cho dân sự, nên Thánh Kinh Tân Ước ghi là "Luật Môi-se" với ý nghĩa: "Luật pháp của Đức Chúa Trời do Môi-se truyền đạt cho dân sự của Chúa" để phân biệt với luật pháp của Đức Chúa Trời phán truyền trực tiếp cho dân sự của Ngài là "Mười Lời Phán," còn gọi là "Mười Điều Răn."

b) Luật Lễ Nghi:Luật Lễ Nghi bao gồm tất cả những điều luật liên quan đến sự tẩy uế, chuộc tội, và hầu việc, thờ phượng Đức Chúa Trời. Những Luật Lễ Nghi liên quan đến sự tẩy uế thuộc linh và chuộc tội đều là hình bóng về những điều mà Đấng Christ sẽ làm trong chức vụ tiên tri, thầy tế lễ, và Cứu Chúa của thế gian khi Ngài nhập thế làm người để cứu chuộc nhân loại. Ngày nay, con dân Chúa không cần phải làm các nghi thức tẩy uế thuộc linh và chuộc tội vì đó là công việc của Đấng Christ đã hoàn thành một lần đủ cả cho những ai tin nhận Ngài:

"…Ngài làm việc đó một lần thì đủ cả, mà dâng chính mình Ngài làm tế lễ" (Hê-bơ-rơ 7:27).

 "Đấng yêu thương chúng ta, đã lấy huyết mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, và làm cho chúng ta nên nước Ngài, nên thầy tế lễ của Đức Chúa Trời là Cha Ngài, đáng được sự vinh hiển và quyền năng đời đời vô cùng! A-men" (Khải Huyền 1:6).

"Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác"(I Giăng 1:9).

Còn những luật lễ nghi về tẩy uế thuộc thể, hầu việc và thờ phượng Đức Chúa Trời thời Cựu Ước là hình bóng cho sự tẩy uế thuộc thể, hầu việc và thờ phượng Đức Chúa Trời của con dân Chúa trong thời Tân Ước sau khi đã được dựng nên mới trong Đấng Christ. Những điều đó đã được Đức Thánh Linh giảng dạy trong toàn bộ các thư tín Tân Ước.

c) Luật Dân Sự:Luật Dân Sự bao gồm tất cả những luật lệ liên quan đến mọi sinh hoạt dân sự trong xã hội. Ngày nay, luật dân sự đã được Đức Chúa Trời trao vào trong tay các nhà cầm quyền địa phương. Vì thế, Lời Chúa trong Tân Ước buộc con dân Chúa phải tuân phục các nhà cầm quyền vì không có quyền nào không đến từ Đức Chúa trời. Rô-ma 13:1-7:

"1 Mọi người phải vâng phục các đấng cầm quyền trên mình; vì chẳng có quyền nào mà chẳng đến bởi Đức Chúa Trời, các quyền đều bởi Đức Chúa Trời chỉ định.

2 Cho nên ai chống cự quyền phép, tức là đối địch với mạng lịnh Đức Chúa Trời đã lập; và những kẻ đối địch thì chuốc lấy sự phán xét vào mình.

3 Vả, các quan quyền không phải để cho người làm lành sợ, mà để cho người làm dữ sợ. Ngươi muốn không sợ quyền phép chăng? Hãy làm điều lành, sẽ được khen thưởng;

4 vì quan quyền là chức việc của Đức Chúa Trời để làm ích cho ngươi. Song nếu ngươi làm ác, thì hãy sợ, vì người cầm gươm chẳng phải là vô cớ; người là chức việc của Đức Chúa Trời để làm ra sự công bình và phạt kẻ làm dữ.

5 Vậy nên cần phải vâng phục, chẳng những vì sợ hình phạt thôi, nhưng cũng vì cớ lương tâm.

6 Ấy cũng bởi lẽ đó mà anh em nộp thuế, vì các quan quyền là đầy tớ của Đức Chúa Trời, hằng giữ việc ấy.

7 Phải trả cho mọi người điều mình đã mắc: nộp thuế cho kẻ mình phải nộp thuế; đóng góp cho kẻ mình phải đóng góp; sợ kẻ mình đáng sợ; kính kẻ mình đáng kính."

"Vì cớ Chúa, hãy phục theo mọi phép tắc loài người lập lên, hoặc vua, như đấng rất cao, hoặc các quan, như người vua sai ra để phạt kẻ làm dữ và khen người làm lành" (I Phi-e-rơ 2:13-14).

Ngày nay, con dân Chúa sống ở địa phương nào thì tuân theo luật dân sự của chính quyền địa phương nơi ấy. Trừ khi, chính quyền ra những luật vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời thì khi ấy con dân Chúa phải chọn thái độ:"Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta" (Công Vụ Các Sứ Đồ 5:29).

Thánh Kinh Tân Ước được viết bằng tiếng Hy-lạp và từ ngữ luật pháp là νόμος, G3551, được phiên âm là /nomos/, phát âm là (nom'-os). Khi có mạo tự đi trước thì từ ngữ này dùng để chỉ chung các Luật Môi-se nhưng khi được dùng không có mạo tự thì chỉ đến sức mạnh thôi thúc trong lòng của một người để làm một điều gì đó, như sức mạnh của đức tin được gọi là luật pháp của đức tin:"Vậy thì sự khoe mình ở đâu? Đã bị trừ bỏ rồi. Bởi luật pháp nào? Luật pháp của việc làm chăng? Không phải, nhưng bởi luật pháp của đức tin" (Rô-ma 3:27).

Khi phân tích Sáng Thế Ký 26:5, chúng ta nhận thấy từ ngữ "luật pháp" là danh từ gọi chung các từ ngữ: Tiếng Ta – Sự chỉ định của Ta – Các điều răn của Ta – Các luật lệ của Ta. "Bởi vì Áp-ra-ham đã vâng theo tiếngTa, đã giữ gìn sự chỉ định của ta, các điều răn của ta, các luật lệ của Ta, các luật pháp của Ta." (Dịch sát nghĩa nguyên ngữ Hê-bơ-rơ). Về sau, trong Xuất Ê-díp-tô Ký bắt đầu dùng từ ngữ: Mạng lịnh; trong Phục Truyền Luật Lệ Ký bắt đầu dùng từ ngữ: Chứng cớ; và trong Thi Thiên bắt đầu dùng các từ ngữ: Giềng mối – Đoán ngữ.

2. Chỉ định: Nguyên ngữ Hê-bơ-rơ là משׁמרת, H4931, được phiên âm là /mishmereth/, phát âm là (mish-meh'-reth), dịch sang tiếng Anh là guard, charge. Ý nghĩa của từ ngữ này là: thi hành một bổn phận; hoặc gìn giữ, canh gác, bảo tồn điều được giao phó. Loài người có bổn phận thi hành và gìn giữ, canh gác, bảo tồn tất cả luật pháp của Đức Chúa Trời đã ban truyền.

3. Điều răn:Nguyên ngữ Hê-bơ-rơ là מצוה, H4687, phiên âm là /mitsvâh/, phát âm là (mits-vaw'), dịch sang tiếng Anh là commandments. Ý nghĩa của từ ngữ này là: lời sai khiến hoặc lời ngăn cấm, ra từ chữ gốc צוה, H6680 (mạng lịnh). Trong điều răn không đề cập đến hình phạt.

4. Luật lệ:Nguyên ngữ Hê-bơ-rơ với hình thức giống đực là חקּה, H2708, phiên âm là /chûqqâh/, phát âm là (khook-kaw'); với hình thức giống cái là חק, H2706, phiên âm là /chôq/, phát âm là (khoke). Cả hai hình thức được dịch sang tiếng Anh là statutes. Ý nghĩa của từ ngữ này là: những điều phải làm và những điều không được làm trong sinh hoạt của xã hội. Các luật lệ giải thích các điều răn và quy định hình phạt dành cho người vi phạm.

5. Mạng lịnh: Nguyên ngữ Hê-bơ-rơ là צוה, H6680, được phiên âm là /tsâvâh/, phát âm là (tsaw-vaw'), dịch sang tiếng Anh là commandment. Ý nghĩa của từ ngữ này là: sai khiến, ra lệnh; lần đầu tiên xuất hiện trong Sáng Thế Ký 2:16 mà bản dịch Phan Khôi dịch là "phán dạy:"  "Rồi, Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán dạy rằng: Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn." Bản dịch Phan Khôi có nhiều chỗ dùng "mạng lịnh" để dịch hai từ ngữ חק, H2706, và חקּה, H2708 (luật lệ), như trong Xuất Ê-díp-tô Ký 28:43: "A-rôn cùng các con trai người sẽ mặc quần đó trong khi vào hội mạc hay là đến gần bàn thờ đặng làm việc tế lễ trong nơi thánh, thì chẳng mắc tội và chẳng chết đâu. Ấy là một mạng lịnh đời đời cho A-rôn và dòng dõi người."

6. Giềng mối:Nguyên ngữ Hê-bơ-rơ là פּקּוּדפּקּד, H6490, cùng được phiên âm là /piqqûd/, phát âm là (pik-kood'), dịch sang tiếng Anh là precepts. Ý nghĩa của từ ngữ này là: những lời giảng dạy về luật pháp. Thi Thiên 19:8: "Giềng mối của Đức Giê-hô-va là ngay thẳng, làm cho lòng vui mừng; Điều răn của Đức Giê-hô-va trong sạch, làm cho mắt sáng sủa."

7. Đoán ngữ: Nguyên ngữ Hê-bơ-rơ là משׁפּט, H4941, được phiên âm là /mishpâṭ/, phát âm là (mish-pawt'), dịch sang tiếng Anh là verdict. Ý nghĩa của từ ngữ này là: phán quyết, án lệnh; sự tuyên phán của quan tòa về hành vi phạm pháp của một người hoặc bản án dành cho phạm nhân. Thi Thiên 119:7: "Khi tôi học các đoán ngữ công bình của Chúa, Thì tôi sẽ lấy lòng ngay thẳng mà ngợi khen Chúa."

8. Chứng cớ: Nguyên ngữ Hê-bơ-rơ là עדוּת, H5715, được phiên âm là /‛êdûth/, phát âm là (ay-dooth'), dịch sang tiếng Anh là testimony. Ý nghĩa của từ ngữ này là: chứng cớ, lời chứng. Thi Thiên 19:7:"Luật pháp của Đức Giê-hô-va là trọn vẹn, bổ linh hồn lại; Sự chứng cớ Đức Giê-hô-va là chắc chắn, làm cho kẻ ngu dại trở nên khôn ngoan." Tất cả những gì do Đức Chúa Trời nói và làm để bày tỏ chính Ngài, ý muốn của Ngài, và công việc của Ngài đều là chứng cớ về Đức Chúa Trời. Vì vậy, toàn bộ điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời cũng chính là chứng cớ về Ngài, do chính Ngài trưng bày.

9. Ở dưới luật pháp:Ở dưới luật pháp có nghĩa là khi vi phạm luật pháp thì bị chế tài theo như hình phạt đã định trong luật pháp. Một người ở dưới luật pháp là một người dù vô tình hay cố ý, hễ vi phạm luật pháp thì phải gánh lấy sự hình phạt do luật pháp quy định. Đức Chúa Jesus được sinh ra làm người ở dưới luật pháp: "Nhưng khi kỳ hạn đã được trọn, Đức Chúa Trời bèn sai Con Ngài bởi một người nữ sanh ra, sanh ra dưới luật pháp, để chuộc những kẻ ở dưới luật pháp, và cho chúng ta được làm con nuôi Ngài" (Ga-la-ti 4:4-5); có nghĩa là nếu Đức Chúa Jesus vi phạm luật pháp thì sẽ bị hình phạt bởi luật pháp và Con Người Vô Tội Jesus có thể nhận lãnh hình phạt của luật pháp thay cho loài người vi phạm luật pháp. Khi nói, một người không còn ở dưới luật pháp có nghĩa là người đó đã thi hành xong án phạt của luật pháp hoặc có người đã gánh thay án phạt của luật pháp dành cho sự phạm tội của người ấy chứ không có nghĩa là người ấy tha hồ phạm tội mà không bị hình phạt bởi luật pháp.

10. Ở dưới ân điển của Đấng Christ:Ở dưới ân điển của Đấng Christ có nghĩa là: ăn năn, từ bỏ tội và tin nhận sự cứu rỗi của Đấng Christ. Từ bỏ tội là từ bỏ sự vi phạm điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời, vì tội lỗi là sự vi phạm điều răn và luật pháp của Đức Chúa trời, I Giăng 3:4 chép: "Còn ai phạm tội tức là trái luật pháp; và sự tội lỗi tức là sự trái luật pháp." Một người chưa có tấm lòng từ bỏ tội thì không thể nào ở dưới ân điển cứu rỗi của Đấng Christ. Tin Lành của Đấng Christ được Ngài rao giảng bằng lời mở đầu: "Các ngươi hãy ăn năn, vì nước thiên đàng đã đến gần" (Ma-thi-ơ 4:17). Sau khi một người có tội đã ăn năn thì Chúa truyền rằng: "Ta cũng không định tội ngươi; hãy đi, đừng phạm tội nữa" (Giăng 8:11). Sứ Đồ Phi-e-rơ đã rao giảng như sau: "…Hãy hối cải, ai nấy phải nhân danh Đức Chúa Jesus chịu phép báp-tem, để được tha tội mình, rồi sẽ được lãnh sự ban cho Đức Thánh Linh" (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:38). Như vậy, chỉ những ai vâng theo lời phán dạy của Chúa, tức là ăn năn tội và không phạm tội nữa thì mới ở dưới ân điển của Đấng Christ, ở trong Đấng Christ, thoát khỏi sự phán xét của luật pháp.

11. Luật pháp của Đấng Christ: "Với những người không luật pháp, (dầu đối với Đức Chúa Trời tôi không phải là không luật pháp, vì tôi ở dưới luật pháp của Đấng Christ), song tôi cũng ở như người không luật pháp" (I Cô-rinh-tô 9:21). "Hãy mang lấy gánh nặng cho nhau, như vậy anh em sẽ làm trọn luật pháp của Đấng Christ" (Ga-la-ti 6:2). Tất cả nhữnglời phán dạy của Đức Chúa Jesus đều là luật pháp của Đấng Christ. Từ các mạng lịnh "Hãy ăn năn" (Ma-thi-ơ 4:17); "Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi" (Ma-thi-ơ 5:44); "Hãy nên trọn vẹn như Cha các ngươi trên trời là trọn vẹn" (Ma-thi-ơ 5:48); cho đến mạng lịnh "Hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp-tem cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà Ta đã truyền cho các ngươi" (Ma-thi-ơ 28:19, 20); đều là luật pháp của Đấng Christ. Điều răn mới mà Chúa phán truyền trong Giăng 13:34: "Các ngươi phải yêu nhau; như Ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy" chỉ là một điều răn trong các luật pháp của Đấng Christ.

12. Luật pháp của Thánh Linh sự sống:"Vì luật pháp của Thánh Linh sự sống trong Đức Chúa Jesus Christ đã buông tha tôi khỏi luật pháp của sự tội và sự chết" (Rô-ma 8:2 – Dịch sát nghĩa). Thánh Linh sự sống trong Đức Chúa Jesus Christ chính là Đức Thánh Linh. Khi một người thật lòng ăn năn tội và tin nhận Đấng Christ thì người ấy lập tức được tái sinh, tức là được thoát khỏi quyền lực của tội lỗi và sự chết, và được nhận lãnh Đức Thánh Linh. Đức Thánh Linh ngự trong thân thể của người đã được tái sinh để ban Thánh Linh tức là sự sống và năng lực của Đức Chúa Trời cho người ấy; và giảng dạy thánh ý của Đức Chúa Trời cho người ấy qua những lời mà Ngài đã thần cảm cho các sứ đồ và môn đồ của Chúa chép lại trong Thánh Kinh Tân Ước. Tất cả những sự giảng dạy đó chính là luật pháp của Đức Thánh Linh.

 

Huỳnh Christian Timothy
12.04.2011

 

Ghi Chú

[1] Đối chiếu thêm các câu sau đây: Giăng 15:25 với Thi Thiên 35:19; I Cô-rinh-tô 14:21 với Ê-sai 28:11-12.

[2] Trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh không dùng từ ngữ "mười điều răn" mà dùng từ ngữ "mười lời." Sáng Thế Ký 1 ghi lại mười lời phán của Chúa trong công cuộc sáng thế, ban phước và giao việc cho loài người. Xuất Ê-díp-tô Ký 34:28, Phục Truyền Luật lệ Ký 4:13; 10:4, ba lần ghi lại "mười lời" phán của Chúa (mà bản dịch Phan Khôi dịch là "mười điều răn) làm nền tảng đạo đức cho con dân của Ngài.

Bấm vào đây để đọc tiếp →

5,061 views

Mười Hai Lẽ Thật Về Điều Răn và Luật Pháp của Đức Chúa Trời

Copyright Notice: All Rights Reserved © 2012 Vietnamese Christian Mission Ministry. Thông Báo Tác Quyền: Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức nhưng xin giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.

Huỳnh Christian Timothy

Bấm vào đây để download bài viết này

Bấm vào đây để nghe và download audio bài viết này

Ngày nay, có một giáo lý nghịch Thánh Kinh được rao giảng cách rộng khắp trong Hội Thánh của Chúa. Giáo lý đó dạy rằng: "Điều Răn và luật pháp của Đức Chúa Trời được ghi chép trong Thánh Kinh Cựu Ước chỉ áp dụng cho dân Israel sống trong thời Cựu Ước chứ không áp dụng cho Hội Thánh thời Tân Ước; và tín đồ của Đấng Christ không cần phải vâng giữ Mười Điều Răn, nhất là điều răn thứ tư." Chúng ta hãy cùng nhau tra xem lời của Chúa là Thánh Kinh để tìm biết giáo lý đó đã nghịch lại những lẽ thật của Lời Chúa như thế nào.

Có ít nhất là 12 lẽ thật trong Lời Chúa khẳng định giá trị, thẩm quyền của điều răn và luật pháp đối với con dân Chúa trong mọi thời đại, bao gồm cả Hội Thánh thời Tân Ước.

1. Các điều răn của Đức Chúa Trời còn lại cho đến đời đời: "Cứ theo chứng cớ Chúa, tôi đã biết từ lâu rằng Chúa lập các điều răn ấy đến đời đời" (Thi Thiên 119:152).

2. Luật pháp và điều răn của Đức Chúa Trời là thánh, công bình và tốt lành:"Ấy vậy, luật pháp là thánh, điều răn cũng là thánh, công bình và tốt lành" (Rô-ma 7:12).

3. Điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời áp dụng chung cho toàn thể nhân loại. Tội lỗi tức là sự vi phạm điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời. Thế gian bị bại hoại, ô uế vì sự phạm tội của dân cư trên đất: "Còn ai phạm tội tức là trái luật pháp; và sự tội lỗi tức là sự trái luật pháp" (I Giăng 3:4). "Đất bị dân cư làm ô uế, vì họ đã phạm luật pháp, trái điều răn, dứt giao ước đời đời" (Ê-sai 24:5).

4. Tín đồ của Đấng Christ được cứu nhờ ân điển của Ngài thì không thể tiếp tục phạm điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời nữa:"Vậy thì làm sao! Vì chúng ta không thuộc dưới luật pháp, nhưng thuộc dưới ân điển, thì chúng ta sẽ phạm tội hay sao? Chẳng hề như vậy" (Rô-ma 6:15 )!

5. Đức tin của một người nơi Đấng Christ để được Đức Chúa Trời tha tội và làm cho sạch tội không hề hủy bỏ luật pháp của Đức Chúa Trời nhưng giúp cho người ấy có thể hoàn toàn vâng giữ điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời:"Vậy, chúng ta nhơn đức tin mà bỏ luật pháp hay sao? Chẳng hề như vậy! Trái lại, chúng ta làm vững bền luật pháp" (Rô-ma 3:31). "Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi" (Phi-líp 4:13) [1].

6. Không một người nào có thẩm quyền hủy bỏ bất kỳ một điều răn nào trong các điều răn của Đức Chúa Trời:"Vậy, ai hủy một điều cực nhỏ nào trong những điều răn nầy, và dạy người ta làm như vậy, thì sẽ bị xưng là cực nhỏ trong nước thiên đàng; còn như ai giữ những điều răn ấy, và dạy người ta nữa, thì sẽ được xưng là lớn trong nước thiên đàng" (Ma-thi-ơ 5:19).

7. Người hết lòng hết sức yêu mến Đức Chúa Trời là người vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời:"Vì nầy là sự yêu mến Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng giữ các điều răn Ngài. Các điều răn của Ngài chẳng phải là nặng nề" (I Giăng 5:3). "Vả, sự yêu thương là tại làm theo các điều răn của Đức Chúa Trời. Đó là các điều răn mà các ngươi đã nghe từ lúc ban đầu, đặng làm theo" (II Giăng 1:6) [2].

8. Người biết Đức Chúa Trời là người vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời theo như Đấng Christ đã vâng giữ.I Giăng 2:3-6:

"3 Nầy tại sao chúng ta biết mình đã biết Ngài, ấy là tại chúng ta giữ các điều răn của Ngài.
 4 Kẻ nào nói: Ta biết Ngài, mà không giữ các điều răn Ngài, là người nói dối, lẽ thật quyết không ở trong người.
 5 Nhưng ai giữ lời phán Ngài, thì lòng kính mến Đức Chúa Trời thật là trọn vẹn trong người ấy. Bởi đó, chúng ta biết mình ở trong Ngài.
 6 Ai nói mình ở trong Ngài, thì cũng phải làm theo như chính Ngài đã làm."

9. Chỉ có Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời được cất vào Hòm Giao Ước) chứ không phải tất cả luật pháp. Điều đó nói lên sự tách biệt giữa Mười Điều răn và các luật pháp khác:

"10 Vậy, chúng hãy đóng một cái hòm bằng cây si-tim; bề dài hai thước rưỡi, bề ngang một thước rưỡi, và bề cao cũng một thước rưỡi,
 11 lấy vàng ròng bọc trong, bọc ngoài, và chạy đường viền chung quanh hòm bằng vàng.
12 Ngươi cũng hãy đúc bốn khoen bằng vàng để tại bốn góc hòm: hai cái bên hông nầy, hai cái bên hông kia,
13 cùng làm hai cây đòn bằng cây si-tim, bọc vàng;
14 rồi lòn đòn vào khoen hai bên hông hòm, để dùng đòn khiêng hòm.
15 Đòn sẽ ở trong khoen luôn, không nên rút ra.
16 Ngươi hãy cất vào trong hòm bảng chứng mà Ta sẽ ban cho.
17 Ngươi cũng hãy làm một cái nắp thi ân bằng vàng ròng, bề dài hai thước rưỡi, bề ngang một thước rưỡi.
18 Lại làm hai tượng chê-ru-bin bằng vàng giát mỏng, để hai đầu nắp thi ân,
19 ló ra ngoài, một tượng ở đầu nầy và một tượng ở đầu kia.
20 Hai chê-ru-bin sẽ sè cánh ra, che trên nắp thi ân, đối diện nhau và xây mặt vào nắp thi ân.
21 Ngươi hãy để nắp thi ân trên hòm, rồi để vào trong hòm bảng chứng mà Ta sẽ ban cho."

(Xuất Ê-díp-tô Ký 25:10-21).

"Đoạn, người cũng lấy bảng chứng, để trong hòm, xỏ đòn khiêng vào, để nắp thi ân lên trên hòm"(Xuất Ê-díp-tô Ký 40:20).

"1 Trong lúc đó, Đức Giê-hô-va phán cùng ta rằng: Hãy đục bai bảng đá như hai bảng trước, và hãy lên đến ta trên núi; ngươi cũng phải đóng một cái hòm bằng cây.
2 Ta sẽ viết trên hai bảng nầy những lời đã có trên hai bảng trước mà ngươi đã đập bể, rồi để hai bảng nầy trong hòm.
3 Vậy, ta đóng một cái hòm bằng cây si-tim, đục hai bảng đá, y như hai bảng trước, rồi đi lên trên núi, cầm hai bảng đó trong tay.
4 Ngài viết trên hai bảng nầy lời Ngài đã viết lần trước, tức là mười điều răn mà Đức Giê-hô-va từ giữa lửa tại trên núi, có phán cùng các ngươi, trong ngày nhóm hiệp; rồi Đức Giê-hô-va trao cho ta.
5 Ta trở đi xuống núi, để hai bảng vào hòm mà ta đã đóng, và hai bảng ấy còn ở tại đó, y như Đức Giê-hô-va đã phán dặn ta vậy"
(Phục Truyền Luật lệ Ký 10:1-5).

"2 Vả, một đền tạm đã dựng lên: phần thứ nhứt gọi là nơi thánh, có chơn đèn, bàn và bánh bày ra;
3 rồi đến phía trong màn thứ hai, tức là phần gọi là nơi rất thánh,
4 có lư hương bằng vàng và hòm giao ước, toàn bọc bằng vàng. Trong hòm có một cái bình bằng vàng đựng đầy ma-na, cây gậy trổ hoa của A-rôn, và hai bảng giao ước"
(Hê-bơ-rơ 9:2-4).

Và một ngày kia, Hòm Giao Ước giao ước sẽ hiện ra ở trên trời để mở đầu cho sự phán xét toàn thế gian: "Đền thờ Đức Chúa Trời bèn mở ra ở trên trời, Hòm Giao Ước bày ra trong đền thờ Ngài, rồi có chớp nhoáng, tiếng, sấm sét, động đất và mưa đá lớn" (Khải Huyền 11:19). Hòm Giao Ước được gọi là  là Hòm Giao Ước vì nó chứa hai bảng đá do chính ngón tay của Đức Chúa Trời ghi chép Mười Điều Răn của Ngài là giao ước của Đức Chúa Trời lập ra cho toàn thể nhân loại. Toàn thể nhân loại trong mọi thời đại đều có bổn phận vâng giữ Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời cho tới khi "mọi sự được trọn" nghĩa là cho tới khi trời cũ đất cũ qua đi và trời mới đất mới được tạo dựng. Chính vì "Đất bị dân cư làm ô uế, vì họ đã phạm luật pháp, trái điều răn, dứt giao ước đời đời" (Ê-sai 24:5) cho nên Hòm Giao Ước hiện ra trên trời để mở đầu cho sự phán xét toàn thế gian dựa theo sự thế gian "trái điều răn" của Đức Chúa Trời, là Mười Điều Răn được Đức Chúa Trời bảo tồn trong Hòm Giao Ước.

10. Dân ngoại như là nhánh ô-li-ve hoang được tháp vào dân Israel là gốc ô-li-ve thánh để cùng với dân Israel làm thành Hội Thánh của Đức Chúa Trời cho nên tất cả những mệnh lệnh và lời hứa của Đức Chúa Trời đối với dân Israel đều áp dụng cho Hội Thánh. Nói cách khác: Tuyển dân Israel thời Cựu Ước là hình ảnh của Hội Thánh Đức Chúa Trời thời Tân Ước.Rô-ma 11:16-24:

"16 Vả, nếu trái đầu mùa là thánh, thì cả đồng cũng thánh; và nếu rễ là thánh, thì các nhánh cũng thánh.
17 Ví bằng có một hai nhánh bị cắt đi, và ngươi vốn là cây ô-li-ve hoang được tháp vào chỗ các nhánh ấy để có phần về nhựa và rễ của cây ô-li-ve,
18 thì chớ khoe mình hơn các nhánh đó. Nhưng nếu ngươi khoe mình, thì hãy biết rằng ấy chẳng phải là ngươi chịu đựng cái rễ, bèn là cái rễ chịu đựng ngươi.
19 Ngươi sẽ nói rằng: Các nhánh đã bị cắt đi, để ta được tháp vào chỗ nó.
20 Phải lắm; các nhánh đó đã bị cắt bởi cớ chẳng tin, và ngươi nhờ đức tin mà còn; chớ kiêu ngạo, hãy sợ hãi.
21 Vì nếu Đức Chúa Trời chẳng tiếc các nhánh nguyên, thì Ngài cũng chẳng tiếc ngươi nữa.
22 Vậy hãy xem sự nhơn từ và sự nghiêm nhặt của Đức Chúa Trời: sự nghiêm nhặt đối với họ là kẻ đã ngã xuống, còn sự nhơn từ đối với ngươi, miễn là ngươi cầm giữ mình trong sự nhơn từ Ngài: bằng chẳng, ngươi cũng sẽ bị chặt.
23 Về phần họ, nếu không ghì mài trong sự chẳng tin, thì cũng sẽ được tháp; vì Đức Chúa Trời có quyền lại tháp họ vào.
24 Nếu chính ngươi đã bị cắt khỏi cây ô-li-ve hoang thuận tánh mình, mà được tháp vào cây ô-li-ve tốt nghịch tánh, thì huống chi những kẻ ấy là nhánh nguyên sẽ được tháp vào chính cây ô-li-ve mình!"

11. Ngoài Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, Đức Thánh Linh đã thêm hai điều răn cho Hội Thánh. Thứ mười một: Không được ăn đồ cúng hình tượng, huyết, và thịt thú vật chết ngột. Thứ mười hai: Không được phạm tội tà dâm.Theo nguyên ngữ Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh thì điều răn thứ bảy chỉ nói đến người đã lập gia đình không được ngoại tình. Theo nguyên ngữ Hy-lạp thì điều răn không được tà dâm bao gồm sự quan hệ tình dục ngoài hôn nhân của những người độc thân và tội đồng tính luyến ái: "Ấy là Đức Thánh Linh và chúng ta đã ưng rằng chẳng gán gánh nặng nào khác cho anh em ngoài những điều cần dùng, tức là anh em phải kiêng ăn của cúng thần tượng, huyết, thú vật chết ngột, và chớ tà dâm; ấy là mọi điều mà anh em khá kiêng giữ lấy vậy. Kính chúc bình an" (Công Vụ Các Sứ Đồ 15:28-29).

12. Mệnh lệnh của Đức Thánh Linh phán cho mọi tín đồ của Đấng Christ trong thời Tân Ước là: Phải vâng giữ điều răn của Đức Chúa Trời, giữ mình thánh sạch cho đến ngày Đấng Christ hiện ra: "Chịu cắt bì chẳng hề gì, không chịu cắt bì cũng chẳng hề gì; sự quan hệ là giữ các điều răn của Đức Chúa Trời"(I Cô-rinh-tô 7:19). "Phải giữ điều răn, ở cho không vết tích và không chỗ trách được, cho đến kỳ sự hiện ra của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta" (I Ti-mô-thê 6:14).

 

Huỳnh Christian Timothy
10.04.2011

 

Ghi Chú:

[1] Dịch sát ý theo nguyên tác Thánh Kinh: "Tôi có thể làm được mọi sự qua Đấng Christ là Đấng ban thêm sức cho tôi."

[2] Trong nguyên tác, Thánh Kinh dùng hình thức số nhiều: "Các điều răn" trong hai câu này.

[3] Trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh không dùng từ ngữ "mười điều răn" mà dùng từ ngữ "mười lời." Sáng Thế Ký 1 ghi lại mười lời phán của Chúa trong công cuộc sáng thế, ban phước và giao việc cho loài người. Xuất Ê-díp-tô Ký 34:28, Phục Truyền Luật lệ Ký 4:13; 10:4, ba lần ghi lại "mười lời" phán của Chúa (mà bản Thánh Kinh Việt Ngữ dịch là "mười điều răn) làm nền tảng đạo đức cho con dân của Ngài.

Bấm vào đây để đọc tiếp →

8,388 views

Sách Khải Huyền: Mạc Khải Cuối Cùng

Copyright Notice: All Rights Reserved © 2012 Vietnamese Christian Mission Ministry. Thông Báo Tác Quyền: Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức nhưng xin giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.
 
Huỳnh Christian Timothy
 
"Phước cho người đọc cùng những ai nghe các lời tiên tri này
và giữ gìn những điều đã chép trong đó,
vì thì giờ đã gần."

(Khải Huyền 1:3)
 
Ý nghĩa tên sách

Tên cuốn sách cuối cùng của Thánh Kinh, trong các bản dịch Việt ngữ, được dịch là "Khải Huyền" hoặc "Khải Thị". Các bản dịch Anh ngữ cùng thống nhất dịch là "Revelation". Chữ revelation phát xuất từ chữ gốc apokalupsis trong tiếng Hy-lạp. Apokalupsis là một từ ngữ ghép, gồm "apo" có nghĩa là lấy khỏi, cất đi và "kalupsis" có nghĩa là tấm màn che. Như vậy, nghĩa gốc của apokalupsis là vén màn, cất màn che đi, nghĩa biến thể là sự bày tỏ, sự tiết lộ một điều gì vốn kín giấu trước đó.

Dưới đây là ý nghĩa một số từ ngữ liên quan đến tên sách được dùng trong các bản dịch Việt ngữ:

1. Khải Huyền = Mở ra, trình bày những sự kín giấu (khải = khai mở – huyền = kín giấu)
2. Khải Thị = Mở ra, trình bày cho xem xét (khải = khai mở – thị = xem xét, quan sát)
3. Khải Tượng = Mở ra, trình bày bằng hình ảnh (khải = khai mở – tượng = hình ảnh)
4. Mạc Khải = Mở màn, vén màn (mạc = tấm màn che = khải = khai mở)

Thánh Kinh Việt ngữ, bản dịch Phan Khôi, có dùng từ ngữ "mặc thị" để dịch chữ apokalupsis. Trong tiếng Hán Việt, mặc = im lặng, tĩnh mịch – thị = xem xét, quan sát; vậy, mặc thị = xem xét hay quan sát sự tĩnh mịch, im lặng. Thiển nghĩ, dùng "sự mặc thị" để dịch "the revelation" là không đúng nghĩa. Đôi khi, chữ "mặc khải" cũng bị dùng lầm, thay vì dùng đúng chữ "mạc khải". Mặc khải = khai mở sự im lặng.

Người ghi chép

Người ghi chép Khải Huyền tự xưng là một tôi tớ của Đấng Christ tên là Giăng (1:1), được Đức Chúa Trời kêu gọi làm tiên tri để "nói tiên tri về nhiều dân, nhiều nước, nhiều tiếng, và nhiều vua" (10:11). Theo truyền thống thì Hội Thánh ban đầu tin rằng tiên tri Giăng chép sách Khải Huyền cũng chính là sứ đồ Giăng, người chép Phúc Âm Giăng. Đến thế kỷ thứ 3, một giám mục Phi Châu tên là Dionyssius nêu ra vài bằng cớ cho thấy tiên tri Giăng, người ghi sách Khải Huyền không phải là sứ đồ Giăng:

1) Văn phong và kiến thức về Hy văn của người ghi chép sách Khải Huyền khác và kém xa với người ghi chép Phúc Âm Giăng (sứ đồ Giăng).
2) Sứ đồ Giăng tránh nhắc đến tên mình trong Phúc Âm Giăng trong khi người ghi chép Khải Huyền thường xuyên nhắc đến tên mình trong sách Khải Huyền.
Mặc khải cuối cùng Trang 2
3) Toàn bộ nội dung của sách Khải Huyền không cho thấy có chỗ nào người ghi chép tự nhận hoặc ngụ ý mình là một sứ đồ.

Phần lớn các nhà giải kinh ngày nay đều chấp nhận quan điểm cổ truyền: Sứ đồ Giăng chính là người chép sách Khải Huyền.

Ngôn ngữ được dùng để ghi chép

Sách Khải Huyền được ghi chép bằng tiếng Hy-lạp, là ngôn ngữ phổ thông thời ấy. Tuy nhiên, theo các nhà ngôn ngữ học thì lối hành văn của tác giả sách Khải Huyền đầy dẫy những lỗi lầm về văn phạm. Dường như người viết nhận thức khải tượng trong ngôn ngữ mẹ đẻ của ông là tiếng A-ram rồi viết lại bằng tiếng Hy-lạp, hoặc là Khải Huyền đã được ghi chép bằng tiếng A-ram rồi mới được dịch sang tiếng Hy-lạp, và được dịch bởi một người rất kém về văn phạm Hy-lạp.

Địa điểm ghi chép

Theo lời của Giăng (1:9-11) thì những khải tượng đến với ông đang khi ông ở trên đảo Bát-mô. Nhưng không ai biết chắc ông đã ghi lại thành sách Khải Huyền lúc ông vẫn còn trên đảo Bát-mô hay là về sau, trở lại Ê-phê-sô ông mới ghi chép. Các sử gia không thống nhất về địa điểm sách Khải Huyền được ghi chép.

Victirinus viết: "Giăng đang bị hoàng đế Domitian đày làm phu mỏ tại đảo Bát-mô, và tại đó, ông đã nhận được mạc khải…. Sau khi được trả tự do, ông đã viết lại những mạc khải đã nhận được từ Đức Chúa Trời."
Jerome viết: "Năm thứ mười bốn sau cơn bách hại của Nero, Giăng bị đày tới đảo Bát-mô, và tại đó, ông đã viết sách Khải Huyền… Sau khi Domitian qua đời, các chiếu chỉ tàn ác của hoàng đế bị nghị viện hủy bỏ, và Giăng được về lại Ê-phê-sô dưới thời Nerva."

Thời điểm ghi chép

Căn cứ vào các sự kiện lịch sử, nhiều nhà giải kinh cho rằng sách Khải Huyền được ghi chép vào khoảng năm 95 đến 96 trong bối cảnh đạo Chúa bị bách hại dữ dội dưới triều đại của hoàng đế La-mã Domitian.
VI. Bối cảnh lịch sử lúc sách được ghi chép

Domitian (81-96) là hoàng đế La-mã bạo ngược và bách hại Hội Thánh Đấng Christ dã man nhất trong lịch sử La-mã. Mặc dù trước đó, Nero (54-68), trong những năm cuối đời mình có bách hại các tín đồ Đấng Christ nhưng không phải vì cớ đức tin của họ. Truyền thuyết cho rằng Nero ra mật lệnh đốt bỏ những khu dân cư lụp xụp của thành La-mã để lấy chỗ xây dựng cung điện mới cho mình. Sau khi cơn hỏa hoạn khủng khiếp xảy ra, dân chúng nghi ngờ đó là dã tâm của Nero nên muốn nổi loạn. Nero bèn trút đổ hết trách nhiệm làm cháy thành La-mã lên những tín đồ Đấng Christ, vốn là một cộng đồng hiền hòa, yếu đuối và ra lệnh tàn sát họ. Khi Domitian lên ngôi, ông tuyên bố mình là Đức Chúa Trời, hạ lệnh cho mọi người phải thờ lạy và gọi mình là Đức Chúa Trời. Tất cả những ai không chịu thờ lạy Sê-sa Domitian, tôn xưng ông là Đức Chúa Trời, đều bị xử chết.

Dĩ nhiên, các tín đồ Đấng Christ thời ấy không thể vâng phục sắc lệnh của Domitian, sự kháng lệnh ấy dẫn đến những cuộc bắt bớ, tàn sát Hội Thánh Chúa cách dã man (93-96). Trong bối cảnh đau thương, kinh hoàng đó, sứ điệp Khải Huyền đã đến với các Hội Thánh Chúa. Sứ điệp Khải Huyền chính là bản hùng ca của Chân Lý và Đức Tin, vang lên giữa chiến trận khốc liệt của quyền lực bóng tối và sự chết đang cố chà đạp thân xác những con người đã "vượt khỏi sự chết mà vào sự sống đời đời" (1 Giăng 3:13-14).

Hoàng đế Nerva (96-98), người kế vị Domitian, ngay sau khi lên ngôi liền hủy bỏ những sắc lệnh dã man của Domitian, nhưng máu của các thánh đồ đã nhuộm thấm khắp đế quốc La-mã! Họ đã "trung tín cho đến chết" (2:10) với "Đấng yêu thương chúng ta, rửa chúng ta sạch mọi tội lỗi của chúng ta trong chính huyết Ngài, và khiến chúng ta trở nên những vua, những thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời, Cha Ngài" (1:5-6).
Khải Huyền 1:1-3 (dịch sát nghĩa):
 
Nguyên nhân, mục đích và nội dung của sách Khải Huyền
 
(1) Sự mạc khải về Đức Jesus Christ mà Đức Chúa Trời đã ban cho Ngài đặng tỏ ra cho các tôi tớ Ngài về những điều sắp phải xảy đến thì Ngài đã sai thiên sứ Ngài biểu thị cho tôi tớ Ngài là Giăng: (2) người đã làm chứng về Lời của Đức Chúa Trời, về chứng cớ của Đức Jesus Christ, cùng những gì ông đã thấy. (3) Phước cho người đọc cùng những ai nghe các lời tiên tri này và giữ gìn những điều đã chép trong đó, vì thì giờ đã gần!

Ba câu đầu tiên của sách Khải Huyền giới thiệu nguyên nhân và mục đích của sách. Kèm theo đó là lời hứa phước hạnh cho những ai quan tâm đến sự mạc khải này bằng cách đọc, nghe theo, và giữ gìn tính trung thực của sự mạc khải. Có thể nói, sách Khải Huyền là một nguồn phước hạnh cho mọi tín đồ của Đấng Christ, thế nhưng, Khải Huyền lại là một trong những sách ít được tín đồ đọc thường xuyên và ít được giảng dạy trong Hội Thánh. Thế hệ hiện nay của chúng ta càng gần với "những ngày cuối cùng" hơn bao giờ hết, cho nên, có thể nói một cách bóng bẩy rằng: Khải Huyền là sứ điệp đặc biệt dành riêng cho thế hệ của chúng ta! Mệnh đề chót trong câu 3: "vì thì giờ đã gần!" gợi ý tính cấp bách và chung cuộc của sứ điệp được thông truyền.
 
 
1. Mạc khải đến từ Đức Chúa Trời: "Sự mạc khải của Đức Jesus Christ mà Đức Chúa Trời đã ban cho Ngài…" (c. 1). Sự mạc khải được ghi lại trong sách Khải Huyền đến từ Đức Chúa Trời Ngôi Cha, và được bày tỏ bởi Đức Chúa Jesus Christ, là Đức Chúa Trời Ngôi Con. Sự mạc khải đó sẽ được thành toàn bởi Đức Chúa Trời Ngôi Thánh Linh, và kết quả của nó sẽ được bảo tồn bởi Ngài.

2. Mạc khải được ban cho các tôi tớ của Đấng Christ: "đặng tỏ ra cho các tôi tớ Ngài." (c. 1) Đối tượng đón nhận sự mạc khải này là những tôi tớ của Đức Chúa Jesus Christ. Tất cả những ai tin nhận Đức Chúa Jesus Christ đều được "quyền phép trở nên con cái của Đức Chúa Trời" (Giăng 1:1:12) nhưng trong số các "con cái của Đức Chúa Trời" chỉ có một số người được Ngài kêu gọi làm "tôi tớ;" (xin xem Rô-ma 1:1; Phi-líp 1:1; Tít 1:1; Gia-cơ 1:1; II Phi-e-rơ 1:1; và Giu-đe 1:1). Theo các dẫn chứng của Thánh Kinh, chúng ta có thể hiểu danh từ "tôi tớ của Đức Chúa Trời" hoặc "tôi tớ của Đức Chúa Jesus Christ" trong thời đại Ân Điển dùng để chỉ những ai được biệt riêng làm công tác loan truyền Tin Lành, giảng dạy Lời Chúa, hoặc chăn bầy của Ngài.

Xét theo nghĩa rộng thực dụng, mỗi một con dân Chúa là một thầy tế lễ của Đức Chúa Trời, (Khải Huyền 1:6), được kêu gọi đi khắp thế gian để giảng Tin Lành, (Ma-thi-ơ 20:19, 20; Mác 16:15), cho nên, bất kỳ ai đáp lại lời kêu gọi đó đều là tôi tớ của Đức Chúa Trời và của Đấng Christ. Trách nhiệm của các tôi tớ Chúa là loan truyền Lời Chúa cho muôn dân và giảng dạy Lời Chúa cho bầy của Ngài nên mạc khải được tỏ ra cho họ. Ngày nay, hơn bao giờ hết, các tôi tớ Chúa sẽ thiếu sót và phạm tội nếu không tích cực giảng và dạy những lời tiên tri trong sách Khải Huyền, "vì thì giờ đã gần!"

3. Nội dung của sự mạc khải: "về những điều sắp phải xảy đến" (c. 1). Sự mạc khải được tỏ ra cho các tôi tớ của Chúa để họ biết trước những điều sắp phải xảy đến. Xin để ý đến chữ "sắp" và chữ "phải". Khải Huyền 1:19 sẽ giải thích cho chữ "sắp" còn chữ "phải" nói lên sự chắc chắn ứng nghiệm của những lời tiên tri này. Khi đọc tiếp phần còn lại của sách Khải Huyền, chúng ta sẽ thấy những điều sắp phải xảy đến đó, sẽ xảy ra trong thế giới vật chất thuộc về thế gian, trên thiên đàng, và dưới hỏa ngục! Những điều sắp phải xảy đến đó, sẽ là câu trả lời tối hậu cho những ai thắc mắc "tại sao tội lỗi, bạo quyền, đau khổ, chiến tranh, dịch lệ, đói kém, thiên tai, chết chóc… xảy ra trong thế giới?" và "nếu có một Đức Chúa Trời thì Ngài đang ở đâu trước những nan đề của nhân loại?" Sự mạc khải trong sách Khải Huyền còn là mở đầu cho bản "khải hoàn ca" đời đời của mọi thánh đồ (Khải Huyền 21; 22:1-5).

4. Sự mạc khải mang phước hạnh đến cho những ai đọc, những ai nghe, và giữ những điều được mạc khải: "Phước cho người đọc cùng những ai nghe các lời tiên tri này, và giữ gìn những điều đã chép trong đó, vì thì giờ đã gần!" (c. 3)

Có hai thành phần được phước:

a) Người đọc: Có hai cách để giải thích về từ ngữ "người đọc." Thuở xưa, những lời tiên tri này được ghi lại và sao chép bằng tay. Có thể lắm, Giăng đã gửi cho mỗi Hội Thánh của vùng Tiểu Á một bản sao. Khi Hội Thánh nhận được các lời tiên tri thì người giữ việc đọc Lời Chúa (một chức vụ trong các Hội Thánh thuở ban đầu) sẽ tuyên đọc trước Hội Thánh. Như vậy, "người đọc" được phước ở đây là người đọc các lời tiên tri trong Khải Huyền cho Hội Thánh nghe. Hiểu theo nghĩa rộng hơn, những ai phổ biến, rao giảng những lời tiên tri trong Khải Huyền sẽ được phước!

Cách giải thích thứ hai, dựa trên ý nghĩa và cách dùng của động từ "đọc" trong nguyên tác, cho rằng bất cứ ai đọc các lời tiên tri này, cách cá nhân, đều được phước. Kinh nghiệm thực tế trong nếp sống đạo cho chúng ta thấy rằng, hễ ai có thành ý đọc Lời Chúa đều nhận được phước hạnh từ nơi Ngài, qua Lời của Ngài. Và, chỉ khi một người có lòng tìm đọc Lời Chúa, thì Đức Thánh Linh mới có cơ hội để ban phước cho người ấy qua sự tuôn đổ khôn ngoan thiên thượng để người ấy hiểu điều mình đọc.

b) Người nghe và giữ gìn những điều đã chép: Thành phần được phước thứ hai là những ai nghe và giữ gìn những lời tiên tri được ghi lại trong Khải Huyền. Lời Chúa nói rõ: chỉ những ai nghe và giữ gìn những lời tiên tri này mới được phước. Cũng có hai cách để giải thích về từ ngữ "nghe" và "giữ gìn". Cách thứ nhất cho rằng chữ "nghe" ở đây chỉ về sự các tín đồ nghe đọc các lời tiên tri bởi người giữ việc đọc Lời Chúa trong Hội Thánh. Chữ "giữ gìn" có nghĩa là ghi nhớ trong trí những điều đã nghe đọc. Cách giải thích thứ hai cho rằng chữ "nghe" được dùng với nghĩa bóng là "tin theo, vâng theo, làm theo" (so sánh chữ nghe trong Giăng 10:3) chứ không phải nghe âm thanh mà thôi. Như vậy, "nghe các lời tiên tri này" nghĩa là nhận thức những gì được bày tỏ, tin những điều đó sẽ xảy đến, và làm theo mọi khuyến cáo trong đó. Từ ngữ "giữ gìn" trong nguyên tác là tēreō có nghĩa là "canh giữ" được dùng để chỉ sự canh gác, trông chừng đừng để cho bị biến đổi mất phẩm chất hoặc bị thiệt hại, mất mát. Như vậy, những ai hiểu, tin, làm theo và giữ gìn sự trung thực của những lời tiên tri trong sách Khải Huyền trong khi loan truyền lại cho người khác sẽ được phước (Xem Khải Huyền 22:18-19).

Chúng tôi tin rằng, sách Khải Huyền là mạc khải cuối cùng của Đức Chúa Trời dành cho toàn thể nhân loại, và sách Khải Huyền hoàn tất Thánh Kinh. Sau sách Khải Huyền không còn một sự mạc khải nào của Đức Chúa Trời ban chung cho loài người. Chúng tôi không bác bỏ những mạc khải Đức Chúa Trời dành riêng cho từng cá nhân để chỉ thị, dạy dỗ hoặc làm vững đức tin của cá nhân ấy.

Ngày nay, có nhiều sách do những người tự xưng là hầu việc Chúa viết và được in ra để tuyên truyền các mạc khải về hoả ngục và thiên đàng, như là một hình thức bổ sung cho sách Khải Huyền. Tất cả những sách đó có nhiều điểm không phù hợp với sự dạy dỗ của Thánh Kinh. Những mạc khải được ghi lại trong các sách đó, nếu có thực, thì chắc chắn không phải đến từ Đức Chúa Trời. Chính Chúa Jesus đã cảnh cáo trước rằng, trong những ngày cuối cùng sẽ có nhiều kẻ giả mạo Đấng Christ và nhiều tiên tri giả sẽ dấy lên, làm nhiều phép lạ để lường gạt thiên hạ và thậm chí lường gạt ngay cả các tín đồ thật của Chúa (Ma-thi-ơ 7:15; 24:23). Chúng ta không cần bất cứ một mạc khải nào khác về thiên đàng và địa ngục ngoài những mạc khải đã được ghi lại trong Thánh Kinh.

Chúng ta, những thánh đồ của Chúa, cần ghi nhớ ý nghĩa của điều Chúa dạy trong Khải Huyền 1:3 – "đọc, nghe, và giữ gìn những điều đã chép trong sách Khải Huyền." Riêng những thánh đồ đáp ơn kêu gọi, đứng vào chức vụ rao giảng và dạy dỗ Lời Chúa, cần phải rao giảng và dạy dỗ những lời tiên tri trong Khải Huyền một cách cấp bách và quyết chắc như tính cấp bách và chung cuộc của sự mạc khải!

"Phước cho người đọc cùng những ai nghe các lời tiên tri này và giữ gìn những điều đã chép trong đó, vì thì giờ đã gần" (Khải Huyền 1:3)!

Huỳnh Christian Timothy
Ngày 07.09.2008
 

Bấm vào đây để đọc tiếp →

3,609 views

Quan Hệ Giữa Hội Thánh và Chính Quyền

Copyright Notice: All Rights Reserved © 2006 Vietnamese Christian Mission Ministry. Thông Báo Tác Quyền: Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức nhưng xin giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.

Huỳnh Christian Timothy

Dù là dân tộc nào, đất nước nào, chính quyền nào, thể chế nào thì mối quan hệ giữa công dân và chính quyền luôn luôn là một mối quan hệ hai chiều: bổn phận của công dân đối với chính quyền và trách nhiệm của chính quyền đối với công dân. Thánh Kinh có dạy rõ về bổn phận công dân của tín đồ đối với chính quyền và trách nhiệm của chính quyển đối với công dân. Hội Thánh là tập thể những tín đồ Đấng Christ, cho nên khi thảo luận về mối quan hệ giữa Hội Thánh và chính quyền, những dạy dỗ của Thánh Kinh phải được dùng làm nền tảng cho sự thảo luận và áp dụng vào thực tế trong cuộc sống.

Trong bài này, chúng ta sẽ lần lượt thảo luận về các điểm chính sau đây:

(1) Thiên Chức của chính quyền
(2) Trách nhiệm của chính quyền đối với công dân
(3) Bổn phận của công dân đối với chính quyền
(4) Khi chính quyền trở thành bạo quyền
(5) Thái độ của tín đồ đối với bạo quyền
(6) Trách nhiệm của tín đồ đối với nạn nhân của bạo quyền
(7) Áp dụng vào thực tế trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam.

(1) Thiên chức của chính quyền

Thánh Kinh cho biết chính quyền là một thiên chức. Thực vậy, Rô ma 13:1-2 chép rằng: "Mọi người phải vâng phục các đấng cầm quyền trên mình; vì chẳng có quyền nào mà không đến bởi Đức Chúa Trời, các quyền đều bởi Đức Chúa Trời chỉ định. Cho nên ai chống cự quyền phép, tức là đối địch với mạng lịnh Đức Chúa Trời đã lập; và những kẻ đối địch thì chuốc lấy sự phán xét vào mình."

Câu hỏi được đặt ra là: "Không lẽ những chính quyền ngoại đạo, tà giáo, độc tài, hoặc vô thần, gian ác như các chính quyền Hồi Giáo và Cộng Sản cũng là do Chúa chỉ định hay sao? Không lẽ chống cự lại những chính quyền như vậy tức là đối địch với mạng lịnh Đức Chúa Trời đã lập?" Câu trả lời là: "Đúng vậy! Thánh Kinh khẳng định chẳng có quyền nào mà không đến bởi Đức Chúa Trời, các quyền đều bởi Đức Chúa Trời chỉ định." Khi Chúa Jesus bị bắt và giải đến trước Thống Đốc Phi-lát của chính quyền La-mã, Phi-lát ngạo nghễ hỏi Chúa: "Ngươi há chẳng biết rằng ta có quyền buông tha ngươi và quyền đóng đinh ngươi sao?" Đức Chúa Jesus đã đáp lại: "Nếu chẳng phải từ trên cao đã ban cho ngươi, thì ngươi không có quyền gì trên Ta" (Giăng 19:10-11)

Trong lịch sử dân Do-thái, dưới thời Vua Sê-đê-kia làm vua nước Giu-đa, vì dân Chúa phạm tội thờ lạy tà thần nên Đức Chúa Trời dùng Vua Nê-bu-cát-nết-xa của đế quốc Ba-by-lôn để cai trị họ. Tiên Tri Giê-rê-mi được lệnh Chúa rao truyền cho Vua Sê-đê-kia và dân Giu-đa phải đầu phục Vua Nê-bu-cát-nết-xa của Ba-by-lôn. Lúc đó, có một tiên tri giả tên là Ha-na-nia, nói ngược lại lời nói của Tiên Tri Giê-rê-mi và xúi Vua Sê đê kia cùng dân Giu-đa chống lại Vua Nê-bu-cát-nết-xa. Kết quả, Ha-na-nia chuốc lấy cái chết còn dân Giu-đa bị giết từ trai trẻ, gái đồng trinh cho đến người tóc bạc, kẻ còn sót lại thì bị giải qua Ba-by-lôn làm tôi mọi (II Sử ký: 36 & Giê rê mi: 27-28).

Sau bảy mươi năm là hạn kỳ Chúa trách phạt dân Giu-đa, chính Chúa lại trừng phạt Nê-bu-cát-nết-xa và dân Ba-by-lôn vì sự tàn ác của họ. Bài học lịch sử cho chúng ta thấy: Chúa chỉ định các chính quyền. Chúa dùng chính quyền này để sửa phạt chính quyền kia nhưng khi chính quyền được Chúa dùng để sửa phạt trở thành mất phẩm chất của một chính quyền thì đến phiên chính quyền ấy lại bị sửa phạt bởi Chúa.

(2) Trách nhiệm của chính quyền đối với công dân

Thánh Kinh ghi rõ trách nhiệm của chính quyền đối với công dân như sau:

1) Chính trực:
"Vả, các quan quyền không phải để cho người làm lành sợ, mà để cho người làm dữ sợ." (Rô ma 13:3a)

2) Khen thưởng người làm điều lành: "Ngươi muốn không sợ quyền phép chăng? Hãy làm điều lành, sẽ được khen thưởng" (Rô ma 13:3b), (1 Phi e rơ 2:14).

3) Làm ích cho công dân: "Vì quan quyền là chức việc của Đức Chúa Trời để làm ích cho ngươi" (Rô ma 13:4a).

4) Phạt kẻ làm dữ: "Song nếu ngươi làm ác, thì hãy sợ, vì người cầm gươm chẳng phải là vô cớ; người là chức việc của Đức Chúa Trời để làm ra sự công bình và phạt kẻ làm dữ" (Rô ma 13:4b), (1 Phi e rơ 2:14).

Vậy, theo Thánh Kinh, chính quyền là chức việc của Chúa chỉ định để cai trị một dân tộc, một đất nước bằng sự chính trực, thưởng lành, phạt ác, và làm ích cho công dân.

(3) Bổn phận của công dân đối với chính quyền

Thánh Kinh cũng dạy tín đồ phải làm tròn những bổn phận của công dân đối với chính quyền. Những bổn phận ấy được nêu rõ như sau:

1) Vâng phục vì cớ lương tâm:
"Mọi người phải vâng phục các đấng cầm quyền trên mình" (Rô ma 13:1a). "Vì cớ Chúa, hãy phục theo mọi phép tắc loài người lập nên, hoặc vua như đấng rất cao, hoặc các quan như người vua sai ra để phạt kẻ làm dữ và khen người làm lành" (I Phi e rơ 2:13-14). "Vậy nên cần phải vâng phục, chẳng những vì sợ hình phạt thôi, nhưng cũng vì cớ lương tâm" (Rô ma 13:5). "Hãy nhắc lại cho các tín đồ phải vâng phục những bậc cầm quyền chấp chánh, phải vâng lời các bậc ấy, sẵn sàng làm mọi việc lành" (Tít 3:1).

2) Tôn trọng và kính sợ:
"Ngươi chớ nên nói lộng ngôn cùng Đức Chúa Trời, và cũng đừng rủa sả vua chúa của dân sự ngươi" (Xuất 22:28). "Hãy kính mọi người; yêu anh em; kính sợ Đức Chúa Trời; tôn trọng vua" (I Phi e rơ 2:17). "Sợ kẻ mình đáng sợ, kính kẻ mình đáng kính" (Rô ma 13:7b).

3) Nộp thuế và đóng góp:
"Ấy cũng bởi lẽ đó mà anh em nộp thuế, vì các quan quyền là đày tớ của Đức Chúa Trời, hằng giữ việc ấy. Phải trả cho mọi người điều mình đã mắc: nộp thuế cho kẻ mình phải nộp thuế; đóng góp cho kẻ mình phải đóng góp" (Rô ma 13:6,7a).

4) Cầu thay:
"Vậy, trước hết mọi sự ta dặn rằng, phải khẩn nguyện, cầu xin, kêu van, tạ ơn cho mọi người, cho các vua, cho hết thảy các bậc cầm quyền, để chúng ta được lấy điều nhơn đức và thành thật mà ở đời cho bình tịnh yên ổn. Ấy là một sự lành và đẹp mắt Đức Chúa Trời là Cứu Chúa chúng ta" (I Ti mô thê 2:1-3).

Chính quyền có bốn trách nhiệm với công dân thì công dân cũng có bốn bổn phận với chính quyền: Vâng phục, tôn trọng, nộp thuế và cầu thay.

(4) Khi chính quyền biến thành bạo quyền

Cho đến ngày hôm nay, những sự dạy dỗ của Thánh Kinh từ mấy ngàn năm trước về mối quan hệ hai chiều giữa công dân và chính quyền vẫn không thay đổi. Tuy nhiên, khi chính quyền không công chính mà trở thành phe đảng, bè phái, hư hại, thối nát; khi chính quyền không thưởng lành phạt ác mà trở thành băng đảng của kẻ làm dữ, bức hiếp những công dân lương thiện; khi chính quyền không làm ích cho dân mà trở thành nhũng lạm, bốc lột, phá tan tài nguyên, sinh lực của đất nước thì chính quyền đó đã không làm tròn thiên chức mà Đức Chúa Trời đã chỉ định và giao phó. Chính quyền đó đã biến thành bạo quyền. Bạo quyền sẽ bị Đức Chúa Trời sửa trị. Chính Đức Chúa Trời sẽ dấy lên hoặc dùng một chính quyền khác để sửa trị hoặc tiêu diệt bạo quyền.

(5) Thái độ của tín đồ đối với bạo quyền

Khi chính quyền biến thành bạo quyền thì chắc chắn tín đồ là công dân dưới quyền sẽ hứng chịu nhiều bất công và thiệt hại. Bạo quyền có thể ra lệnh bắt tín đồ phải làm những điều ngược lại với đức tin Cơ-đốc. Bạo quyền cũng có thể vô cớ bách hại các tín đồ. Trong tình huống đó, tín đồ phải cư xử ra sao đối với bạo quyền?

1) Tín đồ không được trả thù bạo quyền:
"Hỡi kẻ rất yêu dấu của tôi ơi, chính mình chớ trả thù ai, nhưng hãy nhường cho cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời; vì có Lời Chúa phán rằng: Sự trả thù thuộc về Ta, Ta sẽ báo ứng" (Rô ma 12:19). "Sự trả thù thuộc về Ta, Ta sẽ báo ứng. Ấy là Lời Chúa phán" (Hê bơ rơ 10:30). "Chớ lấy ác trả ác cho ai, phải chăm tìm điều thiện trước mặt mọi người. Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa thuận với mọi người" (Rô ma 12:17-18). "Hãy giữ, đừng có ai lấy ác báo ác cho kẻ khác; nhưng hãy tìm điều thiện luôn luôn, hoặc trong vòng anh em, hoặc đối với thiên hạ" (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:15).

2) Tín đồ không được chống cự bạo quyền:
"Song Ta bảo các ngươi, đừng chống cự kẻ dữ" (Ma-thi-ơ 5:39).

3) Tín đồ không thỏa hiệp, không van xin với bạo quyền để được thờ phượng, hầu việc Chúa:
"Phước cho người nào chẳng theo mưu kế của kẻ dữ, chẳng đứng trong đường tội nhân, không ngồi chỗ của kẻ nhạo báng" (Thi Thiên 1:1). "Chớ mang ách chung vớ kẻ chẳng tin. Bởi vì công bình với gian ác có hội hiệp nhau được chăng? Sự sáng với sự tối có thông đồng nhau được chăng?" (II Cô-rinh-tô 6:14).
Khi Tiên tri Đa ni ên nghe chiếu chỉ của vua cấm thờ lạy hoặc cầu nguyện với bất cứ thần nào khác ngoài vua trong vòng ba mươi ngày, ông vẫn thản nhiên thờ lạy cầu nguyện với Đức Chúa Trời mỗi ngày ba lần mà không cần tìm cách thỏa hiệp hay van xin vua, mặc dù vua là người rất thương mến và quý trọng ông (Đa ni ên 6). Con dân Chúa không cần phải "thỏa hiệp" hoặc "van xin" bất kỳ ai để được thờ phượng Chúa. Đặc quyền và cũng là đặc ân thờ phượng Chúa đã được Chúa trả bằng chính huyết báu của Ngài trên thập tự giá cho những ai tin nhận Ngài.

4) Tín đồ không cần tuân theo những mạng lịnh và luật lệ đi ngược lại mạng lịnh và luật lệ của Chúa:
Thánh Kinh ghi rõ, khi phải chọn lựa giữa sự tuân phục bạo quyền hoặc tuân phục Lời của Đức Chúa Trời thì người tín đồ chỉ có tuân phục Chúa. Khi Phi-e-rơ và Giăng bị Tòa Công Luận Do-thái cấm tiệt chẳng cho nhân danh Chúa Jesus mà nói hay giảng dạy thì hai ông trả lời rằng: "Chính các ông hãy suy xét, trước mặt Đức Chúa Trời có nên vâng lời các ông hơn là vâng lời Đức Chúa Trời chăng?" (Công vụ 4:19). Sau đó, một lần nữa, Phi-e-rơ và các sứ đồ lại bị Tòa Công Luận Do-thái cấm nhặt không cho giảng Tin Lành, thì ông và các sứ đồ đã khẳng khái đáp lời thầy cả thượng phẩm: "Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta" (Công Vụ 5:29). Trong thời Cựu Ước, khi Pha-ra-ôn ra lệnh cho các bà mụ dân Hê-bơ-rơ phải giết các trẻ sơ sinh trai của người Hê-bơ-rơ "Nhưng các bà mụ kính sợ Đức Chúa Trời, chẳng làm theo lời vua Ê díp tô phán dặn, đều để cho các con trai sống hết" (Xuất 1:17). Và Thánh Kinh chép rằng: "Đức Chúa Trời ban ơn cho các bà mụ … Ấy vậy, vì bà mụ có lòng kính sợ Đức Chúa Trời, nên Ngài làm cho nhà họ được thạnh vượng" (Xuất Ê-díp-tô Ký 1:20-21).

(6) Trách nhiệm của tín đồ đối với những nạn nhân của bạo quyền

Trong Thánh Kinh, chúng ta thấy có nhiều chỗ ghi lại những gương sáng của con dân Chúa về việc bênh vực, giải cứu những nạn nhân của bạo quyền:

– Các bà mụ Hê-bơ-rơ bênh vực và giải cứu các hài nhi sơ sinh thoát chết (Xuất Ê-díp-tô Ký 1:15-21).
– Tín đồ tại thành Đa-mách giải cứu Sau-lơ, tức Phao-lô, khi ông bị người Giu-đa tại thành này truy sát vì rao giảng Tin Lành (Công Vụ 9:19-25).
– Con trai của chị Phao-lô báo tin cho ông biết mưu kế người Giu-đa tại thành Giê-ru-sa-lem muốn phục kích, bắt cóc và giết ông (Công Vụ 23:12-22).

Tuy nhiên có hai câu chuyện nỗi bật nhất mà chúng ta cần đọc kỷ và áp dụng vào thực tế trong cuộc sống:

1) Áp-ram giải cứu gia đình của Lót và dân chúng Sô-đôm:
Sáng Thế Ký chương 14 ghi lại câu chuyện vua Kết-rô Lao-me cùng đồng minh đánh với vua Sô-đôm và vua Gô-mô-rơ, thắng trận, bèn cướp hết của cải và lương thực của Sô-đôm, Gô-mô-rơ đồng thời bắt theo dân chúng trong đó có gia đình của Lót, là cháu của Áp-ram. "Khi Áp-ram hay được cháu mình bị quân giặc bắt, bèn chiêu tập ba trăm mười tám gia nhân đã tập luyện, sanh đẻ nơi nhà mình, mà đuổi theo các vua đó cho đến đất Đan" (Sáng Thế Ký 14:14). Sau đó, Áp-ram đánh bại vua Kết-rô Lao-me và các vua đồng minh, giải cứu toàn bộ người và vật, đem trở về… được vua Sa-lem là thầy tế lễ của Đức Chúa Trời ra đón, chúc phước và ngợi khen rằng "Đức Chúa Trời Chí cao đã phó kẻ thù nghịch vào tay Áp ram."

Trong câu chuyện này, chúng ta thấy:

a) Chính quyền của Kết-rô Lao-me bức hiếp chính quyền Sô-đôm và Gô-mô-rơ [tỉ như chính quyền Iraq bức hiếp chính quyền Kuwait].
 
b) Áp-ram không phải là công dân của chính quyền Kết-rô Lao-me, cũng không phải là công dân của chính quyền Sô-đôm hay Gô-mô-rơ [tỉ như Hoa Kỳ không thuộc về chính quyền Iraq hoặc Kuwait].

c) Hành động của Áp-ram không phải là chống lại chính quyền trên ông. Hành động của Áp-ram là hành động cứu khốn phò nguy.

d) Chúa chấp nhận hành động của Áp-ram, qua lời chúc phước và ngợi khen của vua và thầy tế lễ Mên-chi-xê-đéc.

2) Hoàng hậu Ê xơ tê giải cứu dân Giu đa thoát nạn diệt chủng:
Trong hết 66 sách của Thánh Kinh, có một sách duy nhất không nhắc đến Đức Chúa Trời nhưng được kể là "Lời của Đức Chúa Trời", đó là sách Ê-xơ-tê. Cuốn sách ghi lại câu chuyện bạo quyền Ha-man vì kiêu ngạo và tư thù cá nhân nên lập mưu mượn tay vua A-suê-ru để diệt chủng dân Giu-đa. Tuy nhiên, Mạc-đô-chê, anh họ của Hoàng Hậu Ê-xơ-tê đã khiến bà phải liều chết đứng ra vạch trần âm mưu của Ha-man. Kết cuộc, bạo quyền bị tiêu diệt, dân Giu-đa được sinh tồn mà còn có cơ hội báo thù.

Trong câu chuyện này, chúng ta thấy:

a) Ê-xơ-tê, Mạc-đô-chê là công dân mà cũng là "viên chức" của chính quyền A-suê-ru.

b) Ha-man, một "viên chức" khác của A-suê-ru vì kiêu ngạo và tư thù đã biến thành bạo quyền, có dã tâm diệt chủng toàn dân Giu-đa, là đồng hương của Mạc-đô-chê và Ê-xơ-tê.

c) Bằng vào đức tin, lòng can đảm và sự khôn ngoan, anh em Mạc-đô-chê, Ê-xơ-tê đã giải thoát dân tộc của mình khỏi bàn tay độc ác của kẻ lạm quyền.

(7) Áp dụng vào thực tế trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam

Để áp dụng thực tế những sự dạy dỗ và mệnh lệnh của Chúa về mối quan hệ giữa Hội Thánh và chính quyền trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam, chúng ta cần phải nhận rõ những điểm quan trọng sau đây:

1) Chính quyền Cộng Sản hiện tại ở Việt Nam là một bạo quyền vì đã làm ngược lại thiên chức Đức Chúa Trời giao phó.

2) Hội Thánh và dân tộc Việt Nam trong nước đang là nạn nhân của bạo quyền.
 
3) Hội Thánh Việt Nam tại hải ngoại có trách nhiệm đối với Hội Thánh và đồng hương trong nước.

a) Trách nhiệm thực tế của Hội Thánh Việt Nam tại hải ngoại đối với Hội Thánh và đồng hương trong nước:
Hội Thánh Việt Nam tại hải ngoại tức là chúng ta, những tín đồ Đấng Christ không sống dưới quyền cai trị của bạo quyền Cộng Sản Việt Nam. Trách nhiệm của chúng ta đối với Hội Thánh và đồng hương ở trong nước, đang là nạn nhân bị bạo quyền bách hại nặng nề, là trách nhiệm có tên gọi Trách nhiệm Áp-ram, do từ ý nghĩa dạy dỗ của câu chuyện Áp-ram giải cứu Lót và dân chúng Sô-đôm. Trách nhiệm này cũng dựa trên nền tảng của Lời Chúa trong Châm ngôn 31:8 "Hãy mở miệng mình binh kẻ câm, và duyên cớ của các người bị để bỏ." Trong Rô ma 12:15 "Hãy vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc;" và trong Hê bơ rơ 13:1,3 "Hãy hằng có tình yêu thương anh em. Hãy nhớ những kẻ mắc vòng xiềng xích, như mình cùng phải xiềng xích với họ, lại cũng nhớ những kẻ bị ngược đãi, vì mình cũng có thân thể giống như họ."
– Chúng ta có trách nhiệm chia sẻ sự đau đớn, thiếu thốn, bị bách hại về thuộc linh của anh em cùng đức tin và dân tộc chúng ta tại Việt Nam bằng lòng tha thiết kiêng ăn cầu thay (Ê xơ tê 4:16).
– Chúng ta có trách nhiệm chia sẻ sự đau đớn, thiếu thốn, bị bách hại về vật chất của anh em cùng đức tin và dân tộc chúng ta tại Việt Nam qua sự tiếp trợ tài chánh, vật lực. "hãy mang lấy gánh nặng cho nhau, như vậy anh em sẽ làm trọn luật pháp của Đấng Christ" (Ga la ti 6:2), (Hê bơ rơ 13:1,3 & 16).
– Chúng ta có trách nhiệm bênh vực duyên cớ công bình cho anh em cùng đức tin và dân tộc chúng ta tại Việt Nam bằng mọi phương cách hợp với sự dạy dỗ của Thánh Kinh, và trong khả năng của chúng ta. Những phương cách đó có thể là phản đối, kêu nài, khiếu nại, kiến nghị, công bố những sự thật về hoàn cảnh bị bách hại của anh em cùng đức tin và dân tộc của chúng ta trong nước.

Khi bạo quyền Hê rốt muốn giết Chúa Jesus, Ngài gọi bạo quyền bằng bản chất thật của nó. Ngài gọi Vua Hê rốt là "chồn cáo" (Lu ca 13:32). Khi Chúa Jesus bị bắt, bị đánh trước mặt thầy cả thượng phẩm Do Thái, chính Ngài đã phản đối sự bất công của bạo quyền: "Ví thử Ta nói quấy, hãy chỉ chỗ quấy cho Ta xem, nhược bằng Ta nói phải, làm sao ngươi đánh Ta" (Giăng 18:23)? Khi Phao-lô bị bạo quyền A-na-nia đánh trước tòa công luận Do-Thái, ông đã phản đối: "Hỡi bức tường tô trắng kia, Đức Chúa Trời sẽ đánh ông; ông ngồi để xử đoán tôi theo luật pháp, mà lại không kể luật pháp, biểu người đánh tôi" (Công vụ 23:3). Khi Phao lô đứng trước mặt tổng đốc Phê-tu của La-mã, ông mạnh dạn khiếu nại cho duyên cớ vô tội của mình: "Ví bằng tôi có tội hay là phạm điều gì đáng chết, thì tôi chẳng từ chối chết đâu; trái lại, nếu trong đơn từ họ kiện tôi không có cớ gì hết, thì chẳng ai được nộp tôi cho họ. Tôi kêu nài sự đó đến Sê-sa (tức hoàng đế La-mã lúc đương thời)" (Công vụ 25:11).

Thậm chí, nếu Chúa cho phép và chúng ta có khả năng, chúng ta phải sẵn sàng "chiêu tập ba trăm mười tám gia nhân đã tập luyện, sanh đẻ nơi nhà mình" để dẹp tan bạo quyền, giải phóng anh em cùng đức tin và dân tộc chúng ta như Áp-ram đã hành động xưa kia. Đức Chúa Trời Chí Cao sẽ "phó kẻ thù nghịch vào tay" chúng ta (Sáng Thế Ký 14:20).

b) Hậu quả nghiêm trọng sẽ đến nếu chúng ta lơ là trách nhiệm:
Trách nhiệm nào cũng kèm theo hậu quả của sự tắc trách. Nếu chúng ta tắc trách trong trách nhiệm rao giảng Tin Lành của Chúa cho người chưa được cứu, thì chúng ta chuốc lấy sự khốn khó cho chính mình, máu của những người hư mất vì sự tắc trách của chúng ta sẽ đổ lại trên đầu chúng ta (Công Vụ 20:26,27 & I Cô rinh tô 9:16). Còn nếu chúng ta tắc trách trong sự mang lấy gánh nặng cho nhau, trong sự bênh vực, giải cứu anh em cùng đức tin và dân tộc của chúng ta dưới sự bách hại của bạo quyền thì chúng ta cũng sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề. Lời cảnh cáo được chép rõ trong Ê xơ tê 4:14 "Vì nếu ngươi làm thinh trong lúc này đây, dân Giu đa hẳn sẽ được tiếp trợ và giải cứu bởi cách khác, còn ngươi và nhà cha ngươi đều sẽ bị hư mất."

Kết luận

Khuôn mẫu của Thánh Kinh về mối quan hệ hai chiều giữa Hội Thánh và chính quyền không hề thay đổi. Bổn phận của mỗi con dân Chúa là phải hết lòng tuân thủ mạng lịnh của Ngài, được ghi chép rõ ràng trong Thánh Kinh. Nhưng một khi chính quyền biến thành bạo quyền, không còn làm tròn thiên chức mà Thiên Chúa đã chỉ định và giao phó: "Cai trị dân tộc, đất nước bằng sự chính trực, thưởng lành, phạt ác, và làm ích cho công dân" thì tín đồ, Hội Thánh phải vâng phục Chúa hơn là vâng phục bạo quyền. Trong sự cai trị của bạo quyền, tín đồ, Hội Thánh còn có trách nhiệm bênh vực và giải cứu nạn nhân của bạo quyền trong khả năng, phương tiện và sự khôn ngoan Chúa ban. Đẹp ý Chúa, tín đồ cũng có thể trở thành những "quyền" được Chúa dấy lên để bênh vực con dân Chúa bị bạo quyền bách hại, và để sửa phạt hoặc tiêu diệt bạo quyền.
 
Huỳnh Christian Timothy
4/22/2003

 

Bấm vào đây để đọc tiếp →

3,732 views

Lịch Sử Tiền Cải Chánh của Các Ấn Bản Thánh Kinh

Phần lớn của câu chuyện làm thế nào chúng ta có được bản Thánh Kinh Anh Ngữ, tự nó chính là câu chuyện về Cuộc Cải Chánh Tin Lành vào cuối thế kỷ 14 với John Wycliffe. Thật ra, nếu chúng ta đi ngược thời gian khoảng một ngàn năm hơn, thì lúc ấy chưa hề có thứ ngôn ngữ gọi là "tiếng Anh" (English) xuất hiện ở nơi nào cả. Tuy nhiên, câu chuyện của Thánh Kinh còn xa xưa hơn nữa.

Lời Chúa lần đầu tiên được ghi lại là khi chính tay Ngài viết xuống dưới hình thức mười điều răn trên một bảng đá và trao cho Môi-se trên đỉnh Núi Si-nai. Theo các học giả Thánh Kinh, sự kiện này đã xảy ra vào khoảng từ năm 1,400 trC đến 1,500 trC… cách đây gần 3,500 năm. Ngôn ngữ được sử dụng hầu như là tiếng tiếng Hê-bơ-rơ cổ, ngôn ngữ của các tín đồ thời Cựu Ước.

Văn bản Thánh Kinh xuất hiện sớm nhất thường được cho là "Ngũ Kinh", tức là năm sách đầu tiên của Môi-se: Sáng Thế, Xuất hành, Lê-vi, Dân số và Phục truyền… Mặc dầu có một số chứng cứ khoa học chứng tỏ sách của Gióp, thời Cựu Ước, mới thực sự là sách đầu tiên của Thánh Kinh. Thánh Kinh Cựu Ước được viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ cổ, về cơ bản, nó khác với tiếng Hê-bơ-rơ ngày nay. Các ký thuật này được chuyển tiếp qua nhiều thế hệ trong suốt nhiều ngàn năm, chúng được viết trên các cuộn da thú, thường là da chiên, nhưng đôi khi là da nai hoặc da bò. Giống vật nào mà người Do Thái cho là không tinh sạch, như heo chẳng hạn, thì không bao giờ được sử dụng để làm các cuộn da.

Hình dưới đây là bộ "SeferTorah" được trưng bày tại "Sephardic Temple Tifereth Israel", Los Angeles, California, USA vào Chúa Nhật 21/09/2003. Bộ Torah này đã được ghi chép và sử dụng trong suốt 300 năm trước thời kỳ Pháp Đình Tôn Giáo Tây Ban Nha 1492. Khi toàn bộ Ngũ Kinh được chép trên một cuộn da, thì nó được gọi là "Torah". Toàn bộ Torah, nếu không cuộn lại, có thể dài đến 150 bộ (feet). Vì mỗi con chiên chỉ dài khoảng từ hai đến ba bộ, nên toàn bộ Torah được thực hiện phải cần đến cả một bầy chiên. Những viên ký lục người Do Tháikhó nhọc chép ra từng bộ Kinh là những người cầu toàn. Trong khi sao chép, nếu họ mắc lỗi, thì dầu là lỗi nhỏ nhất, chẳng hạn như khi lỡ chép hai ký tự của một chữ dính vào nhau, thì họ sẽ tiêu hủy toàn bộ mảnh da đó (từ ba đến bốn cột chữ trước chỗ có lỗi) và tiêu hủy luôn miếng da trước đó, vì đã chạm vào miếng da có chứa lỗi. Trong khi các Cơ-đốc nhân ngày nay có thể sẽ nghĩ rằng cách xử lý này là cuồng tín và thậm chí là tội thờ thần tượng (hầu việc Thánh Kinh, hơn là hầu việc Đấng đã ban Thánh Kinh cho chúng ta), nhưng việc làm này lại chứng minh rằng: Trong hai ngàn năm đầu tiên được lưu truyền, Lời Chúa đã được bảo quản một cách rất chính xác và đáng tin cậy.

Tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Anh có một điểm tương đồng: chúng đều là "những ngôn ngữ tượng hình". Các từ liệu của chúng hình thành một hình ảnh rõ ràng trong trí của bạn. Như William Tyndale, người đầu tiên in Thánh Kinh Anh ngữ, một lần nhận định rằng, việc phiên dịch từ tiếng Hê-bơ-rơ, so với các ngôn ngữ khác, sang tiếng Anh thì dễ hơn đến mười lần. Tyndale dĩ nhiên là người có đủ tư cách để đưa ra lời nhận định trên bởi vì ông là người thông thạo đến tám ngôn ngữ, thông thạo một ngôn ngữ ở đây có nghĩa là bạn có thể công nhận ông sử dụng ngôn ngữ nào cũng như là tiếng mẹ đẻ của ông.
 
Vào khoảng năm 500 trC, tất cả 39 sách của Thánh Kinh Cựu Ước đã được hoàn thành bằng tiếng Hê-bơ-rơ và được tiếp tục bảo tồn trên các cuộn da. Khi tiến đến những thế kỷ cuối cùng trước thời Đấng Christ, các sách chép về lịch sử của dân Do Thái, gọi là Ngụy Kinh (Apocrypha) được hoàn thành, nhưng chúng được ghi chép bằng tiếng Hy-lạp thay vì tiếng Hê-bơ-rơ. Cuối thế kỷ thứ nhất Công Nguyên, Thánh Kinh Tân Ước đã được hoàn thành. Nó được ghi lại bằng tiếng Hy-lạp, trên chỉ thảo (papyrus), một chất liệu mỏng giống như giấy, được làm từ những thân bị đập dập và cán mõng của một loại sậy. Từ "Kinh" (Bible) trong từ Thánh Kinh được bắt nguồn bởi từ "papyrus" trong tiếng Hy-lạp. Những tập chỉ thảo được đóng lại, hoặc buộc lại tương tự cách trình bày của những quyển sách hiện đại hơn so với những cuộn da kéo dài.

Tập hợp những ghi chép trên chỉ thảo này được gọi là "codex" (sách chép tay). Các bản sao chép sớm nhất của Thánh Kinh Tân Ước còn lại đến ngày nay mà chúng ta biết được là: bản Codex Alexandrius và bản Codex Sinaiticus tại "Bảo Tàng Thư Viện Anh quốc" ở Luân-đôn, và bản Codex Vaticannus ở Vatican. Chúng được chép vào khoảng năm 300. Vào năm 315, Athenasius, một giám mục xứ Alexandria, đã xác định 27 sách mà ngày nay, chúng ta gọi là kinh điển của Thánh Kinh Tân Ước.

Năm 382, giáo phụ của Hội Thánh thuở đầu là Jerome, đã phiên dịch Thánh Kinh Tân Ước từ nguyên bản tiếng Hi-lạp sang tiếng Latin. Bản Thánh Kinh được phiên dịch có tên là "Latin Vulgate". ("Vulgate" nghĩa là "thông tục" hoặc "bình dân"). Ông ghi chú ý bên cạnh các Ngụy Kinh (Apocrypha Books) rằng, ông không biết chúng có được Chúa soi dẫn hay không, hay chỉ là những ghi chép lịch sử của người Do Thái được viết thêm vào phần Thánh Kinh Cựu Ước.

Ngụy Kinh được giữ lại hầu như trong tất cả các bản Thánh Kinh chép tay hoặc bản in từ thuở ban đầu cho tới khoảng 120 năm trước, vào giữa thập niên 1880, là lúc chúng bị lấy ra khỏi những bản Thánh Kinh của Tin Lành. Trước thập niên 1880, mặc dầu có nhiều tranh cãi về việc Ngụy Kinh có được Chúa soi dẫn hay không, thì những tín đồ, dầu có phải Tin lành hay không, đều giữ lại Ngụy Kinh như là một phần của Thánh Kinh. Huyền thoại phổ thông cho rằng Ngụy Kinh thuộc về giáo hội "Công giáo La-mã" là không đúng. Huyền thoại này có lẽ phát sinh từ sự kiện giáo hội Công Giáo đã giữ lại 12 trong số 14 Ngụy Kinh trong các bản Thánh Kinh của họ trong khi các tín đồ Tin lành đã loại bỏ tất cả. Chẳng có một lý do chính xác nào từng được đưa ra để bảo vệ cho việc loại bỏ những ghi chép cổ đại của người Do Thái, là những ghi chép từ trước thời Đấng Christ, từng được giữ nguyên và là một phần của mỗi bản Thánh Kinh trong gần hai ngàn năm.

Vào năm 500, Thánh Kinh đã được phiên dịch sang hơn 500 ngôn ngữ. Chỉ một thế kỷ sau đó, năm 600, nó bị giới hạn trong chỉ một ngôn ngữ: bản dịch Latin Vulgate. Tổ chức giáo hội duy nhất, được công nhận vào thời điểm đó là Công Giáo của La-mã, và họ đã từ chối việc cho phép Thánh Kinh được dịch ra bất cứ ngôn ngữ nào ngoài tiếng Latin. Người nào sở hữu bản dịch Thánh Kinh khác Latin sẽ bị hành quyết! Lý do là, chỉ có các thầy lễ (priests) được dạy cho biết tiếng Latin, và điều này đem lại cho giáo hội quyền lực tối cao… là quyền thống trị mà không bị chất vấn… là quyền lừa dối… là quyền tống tiền quần chúng. Không ai có thể thắc mắc về những lời giảng "Thánh Kinh" được, bởi vì chỉ có một số ít người, ngoài những thầy lễ, có thể đọc tiếng Latin. Giáo hội đã làm giàu trên sự ngu dốt áp đặt này trong suốt 1000 năm. Thời kỳ từ năm 400 đến 1400 được biết đến với cái tên "Thời Trung Cổ Đen Tối".

Giáo hoàng Leo X đã thiết lập một thông lệ có tên là "bán bùa xá tội" như một cách để tống tiền mọi người. Ông hứa ban sự tha tội với một giá tiền tương đối nhỏ. Nếu bỏ ra thêm một ít tiền nữa, bạn sẽ được phép tiếp tục sống đời sống tội lỗi theo ý mình muốn, thí dụ như việc có tình nhân. Hơn nữa, nhờ sự phát minh ra "Ngục Luyện Tội", bạn có thể mua sự cứu rỗi linh hồn cho những người thân của bạn. Giáo hội giảng dạy với quần chúng dốt nát rằng: "Khi tiền trong hộp kêu lên, thì linh hồn tội lỗi nơi ngục luyện tội sẽ chỗi dậy!" (As soon as the coin in the coffer rings, the troubled soul from Purgatory springs!) Giáo hoàng Leo X đã phát biểu cảm nhận thật sự của ông khi thú nhận: "Truyền thuyết về Đấng Christ đem lại cho chúng ta khá nhiều lợi nhuận!"

Hội Thánh thật của Chúa ở đâu trong suốt những ngày đen tối này?

Tại đảo Scottish của Iona, vào năm 563, một người có tên Columba đã mở một Trường Thánh Kinh. Trong 700 năm sau đó, đây là nguồn của nhiều hoạt động giảng dạy Thánh Kinh Tin Lành không thuộc giáo hội Công Giáo trong suốt những thế kỷ của giai đoạn Trung Cổ Đen Tối. Những sinh viên của trường học này được gọi là "Culdees", có nghĩa là "người khách lạ". Culdees là một hội bí mật, và đức tin của những Cơ-đốc nhân chân thật còn xót lại được nuôi dưỡng nhờ vào những con người này trong suốt nhiều thế kỷ, dẫn đến Cuộc Cải Chánh Tin Lành.

Thật ra, người đầu tiên được gọi là "Culdee" chính là Giô-sép ở thành A-ri-ma-thê. Thánh Kinh cho chúng ta biết rằng Giô-sép ở thành A-ri-ma-thê đã dâng một phần mộ của mình cho Đức Chúa Jesus. Truyền thống cho chúng ta biết ông là Cậu của nữ đồng trinh Mary, và vì thế ông là ông cậu (hoặc ít nhất là ông cậu bà con xa) của Đức Chúa Jesus. Người ta cũng tin rằng Giô-sép ở thành A-ri-ma-thê đã đến British Isles trong một khoảng thời gian ngắn sau sự phục sinh của Đấng Christ, và tại đó, ông đã xây dựng Nhà Thờ Cơ-đốc đầu tiên trên đất. Cũng theo truyền thuyết, chúng ta được biết, rất có thể Đức Chúa Jesus đã dùng phần lớn khoảng đời trai trẻ (giữa tuổi 13 đến 30) du hành đây đó với ông cậu Giô-sép của Ngài… mặc dầu Thánh Kinh im lặng về những năm tháng này trong cuộc đời của Đức Chúa Jesus.

Vào cuối thập niên 1300, hội bí mật Culdees đã chọn ra John Wycliffe để lãnh đạo thế giới ra khỏi Thời Kỳ Đen Tối. Wycliffe được gọi là "Sao Mai của Cuộc Cải Chánh". Cuộc Cải Cách Tin Lành đó chỉ nhắm đến một điều: đem Lời của Đức Chúa Trời vào tay của quần chúng trở lại, trong chính tiếng mẹ đẻ của họ, nhờ đó sự thối nát của giáo hội sẽ bị phơi bày và sứ điệp về sự cứu rỗi chỉ có ở trong Đấng Christ, qua Thánh Kinh, và chỉ bởi đức tin, sẽ được rao giảng trở lại.

Chuyển ngữ: PaulTiep
Nguyên tác: The Pre-Reformation History of the Bible from 1,400 BC to 1,400 AD http://www.greatsite.com/timeline-english-bible-history/pre-reformation.html
 

Bấm vào đây để đọc tiếp →

4,633 views

Giới Thiệu Tác Phẩm: Người Thiên Quốc

"Người Của Thiên Quốc" (Nguyên tác Anh ngữ: "The Heavenly Man") là một chi tiết lịch sử sống động trong vòng ba thập niên qua của Hội Thánh Chúa tại Trung Quốc, qua cuộc đời của một tôi tớ Chúa, anh Yun!

Chúng tôi đọc cuốn sách này qua bản Anh Ngữ và đã không cầm được nước mắt trước những thương khó mà Hội Thánh Chúa nói chung và các tôi tớ Chúa nói riêng, tại Trung Quốc, đã dự phần với Đấng Christ. Cuốn sách này, cùng với cuốn "Hoa Huệ Giữa Chông Gai" là những bài học thuộc linh quý giá, là những bản anh hùng ca đức tin, là chứng tích về tình yêu và quyền năng, phép lạ của Tin Lành cứu rỗi… dành cho con dân Chúa của thời đại hôm nay.

Cảm tạ Chúa đã cho Hội Thánh Việt Nam được hưởng ơn phước nếm trải phước hạnh được học hỏi những bài học thuộc linh quý giá khi Ngài sắm sẵn người dịch thuật hai tác phẩm nói trên. Trong thời gian sắp tới, www.tinlanhvietnam.net sẽ đăng tải tác phẩm "Hoa Huệ Giữa Chông Gai". Riêng về tác phẩm "Người Của Thiên Quốc" xin bạn đọc liên lạc với dịch giả ở cuối bài này để mua sách.

Trong phần giới thiệu này, chúng tôi xin đăng lời giới thiệu của dịch giả và ba chương trong tác phẩm.

Đôi lời của dịch giả Hoàng-Đức-Thành
về cuốn sách "Người Của Thiên Quốc"

Được dịch từ sách "The Heavenly Man" của tác giả Paul Hattaway
(Có giấy phép của Tác giả)

Sau khi đọc vài trang đầu của cuốn sách The Heavenly Man ‘Người của Thiên quốc’ tôi cảm thấy rất xúc động khi thấy một cậu bé người Trung Hoa tên Yun mong ước chỉ được nhìn thấy cuốn Kinh Thánh thôi, em nài nỉ mẹ đến mức độ mẹ em phải dẫn em đến một Mục sư đã ở tù ra vì phong trào Cách mạng văn hóa bên Trung quốc bắt bớ tất cả những nguời theo Chúa. Bà hy vọng là ông hãy còn cuốn Kinh thánh để em được nhìn thấy. Nhưng em không được toại nguyện, lần thứ hai em lần mò đến một minh mà còn được vị Muc sư căn dặn phải nhịn ăn cầu nguyện và khóc với Chúa ngày đêm mới được. Em kiêng ăn, em cầu nguyện, em khóc và em nằm mơ, em kể cho cha mẹ em nghe, cha mẹ tưởng em nhịn đói hóa điên. Nhưng em vẫn kiên trì kiêng ăn cầu nguyện. Cuối cùng em đã được Chúa sai người mang đến ban cho em cuốn Kinh Thánh như trong giấc mơ của em.

Nguyên mấy trang đầu đã khiến tôi muốn dịch cuốn sách này để chia xẻ với các anh chị em trong Chúa. Khi dịch, càng đi sâu vào cuốn sách nước mắt tôi không sao ngưng chẩy vì có nhiều đoạn lúc Yun lớn lên, em đã chịu nhiều cay đắng khổ cực khi em trở thành một nhà truyền giáo rất đắc lực cho Chúa.

Yun đã bị tù ba lần hầu hết là thời gian anh hầu việc Chúa. Anh bị hành hạ đau đớn khổ sở, anh nhịn ăn, nhịn uống 74 ngày trong tù, anh lại càng bị đánh đập nhiều hơn. Anh chịu đựng được là nhờ những Lời Chúa anh thuc lòng trong Kinh thánh. Họ đánh anh thậm chí què luôn cả hai chân không đi được. Nhưng Chúa vẫn yêu thương anh và dùng anh, Chúa đã cứu anh trốn tù bằng những phép lạ. Chúa cũng cho anh xuất khỏi Trung quốc cũng qua phép lạ để anh tiếp tục sứ mạng rao truyền Danh Chúa, cứu vớt linh hồn lạc lõng trở về. Ra khỏi Trung quốc mà anh vẫn phải vô tù, theo anh đó là ý Chúa muốn vì anh chưa làm xong nhiệm vụ. Không những vậy anh còn gánh nặng gia đình gồm vợ và hai con sống trốn tránh rất cực khổ khi vắng anh và sau này tìm cách vượt biên để xum họp gia đình với anh tại Đức quốc.

Theo tác giả Paul Hattaway, đây là một câu chuyện có thật, càng đọc tôi càng thấy Lời Chúa do tác giả dẫn chứng thật là sâu-sắc và là ngọn đèn soi sáng cho những con cái Chúa hầu việc Ngài trong lúc gặp hoạn nạn khổ đau. Chúa luôn luôn lúc nào cũng ở cùng chúng ta.

Xin kính mời quí vị hãy đọc cuốn sách này để biết thêm về vị trí của mình trong bước đường theo Chúa.

Chương Một

Những Buổi Ban Đầu Khiêm Tốn

Tên tôi là Liu Zhenying, những bạn Cơ đốc của tôi thường gọi tôi là anh Yun.

Vào một buổi sáng mùa thu năm 1999, tôi thức dậy trong thành phố Bergen thuộc miền tây nước Thụy điển. Lòng tôi thấy rộn ràng và hồi hộp sôi sục trong tôi. Tôi đã nói chuyện tại những Hội Thánh suốt xứ Scandinavia, làm chứng về những Hội Thánh Tư gia bên Trung quốc và mời những Cơ đốc nhân đến với chúng tôi vì chúng tôi truyền rao Phúc âm cho khắp nước Trung Hoa và cả những quốc gia ngoài nữa. Những người tôi mời, họ hỏi tôi là nếu tôi muốn đến thăm mộ cô Marie Monsen, mt nữ Giáo sĩ Lutheran nổi tiếng tại Trung quốc, cô là người đã được Chúa sử dụng một cách mãnh liệt để phấn hưng các Hội Thánh ở nhiều nơi trong xứ sở tôi từ năm 1901 đến 1932. Mục vụ truyền giáo của cô đặc biệt nhằm vào phía nam tỉnh Henan, nơi mà tôi từ đó đến.

Cô Monsen là một mẫu người nhỏ nhắn, nhưng là rất to lớn, một vĩ nhân trong vương quốc của Chúa. Hi Thánh Trung quốc chẳng những đã bị chấn động bởi lời giảng của cô mà lại còn bị thách thức mãnh liệt bởi nếp sống của cô. Cô hoàn toàn dâng hiến đời mình và đầu phục Chúa Jê-sus mt cách cương quyết. Cô để lại cho chúng tôi một tấm gương sáng về sự chịu đựng và thương khó khi hầu việc Chúa.

Chúa sử dụng Marie Monsen bằng một cách đầy quyền năng, do đó nhiều phép lạ, dấu kỳ và những việc lạ lùng đã xẩy đến trong mục vụ của cô. Cô trở về Thụy điển năm 1932 để phụng dưỡng cha mẹ già và kể từ đó công việc hầu việc Chúa của cô tại Trung quốc coi như hoàn tất. Cô không bao giờ còn trở lại Trung Hoa nữa, nhưng để lại một đức tin bất khuất, lòng sốt sắng không thể dập tắt được và sự cần thiết trong việc thay đổi lòng người để được hoàn toàn giao phó những gì Đấng Christ mong muốn vẫn còn sống mãi trong các Hi Thánh Trung Hoa cho tới ngày nay.

Bây giờ thì tôi có một đặc quyền lớn là viếng thăm mộ của cô ngay tại xứ sở của cô. Tôi tự hỏi không biết có người Cơ đốc Trung Hoa nào đã bao giờ được hưởng thụ đặc quyền mà tôi sắp thụ hưởng không? Khi cô đến phần đất Trung Hoa của chúng tôi, lúc đó chỉ có vài người tin Chúa và Hi Thánh rất yếu ớt. Ngày nay có hàng triệu tín đồ. Thay mặt cho họ tôi tỏ lời cảm tạ Chúa cho cuc đời của cô.

Xe của chúng tôi leo lên nghĩa địa, bên cạnh ngọn đồi trong thung lũng chật hẹp với con sông chảy qua. Chúng tôi đi b xung quanh vài phút hy vọng thấy tên của cô trên một trong hàng trăm tấm mộ bia. Không tài nào kiếm thấy mộ cô Monsen, chúng tôi bèn đến văn phòng để hỏi. Người quản nhiệm tại đó cũng không quen với tên của cô nên phải lật sách coi trong danh sách những người chết đã chôn ở đây. Sau khi lật những trang giấy ông ta nói với chúng tôi rằng thật là khó khăn mới kiếm thấy rằng ‘Marie Monsen thực sự đã chôn cất tại đây vào năm 1962. Nhưng mộ của cô không được ai chăm sóc nhiều năm qua, do đó ngày nay chỉ là mt khu đất trống mà không có mộ bia.

Theo phong tục người Trung Hoa việc tưởng nhớ những người quá cố rất được thịnh hành trong nhiều thế hệ nay, do đó tôi không bao giờ ngờ được rằng sự việc đó lại xẩy ra. Những tín hữu địa phương cắt nghĩa rằng họ đã tưởng nhớ tới cô bằng nhiều cách, tỉ như in sách nói về tiểu sử của cô sau khi cô chết. Nhưng đối với tôi việc không làm dấu tích gì mộ của cô là một sỉ nhục mà cần phải sửa đổi lại cho đúng.

Tôi thật đau lòng. Với tấm lòng nặng trĩu tôi nghiêm nghị nói với những Cơ đốc nhân Thụy điển đi cùng với tôi: ‘Các anh chị phải vinh danh người phụ nữ trong Chúa này! Tôi để cho qúy vị hai năm nữa để xây cất một ngôi m và mộ bia tưởng nhớ đến Marie Monsen, nếu qúy vị không làm, tôi sẽ dàn xếp với những anh chị em Cơ đốc khác đi bộ suốt từ bên Trung Hoa đến Thụy điển để xây! Có rất nhiều anh em tại Trung Hoa rất khéo léo về việc đẽo đá vì họ ở trong tù nhiều năm, lao động trong tù vì Tin Lành của Chúa. Nếu qúy vị hờ hững họ sẽ rất sẵn lòng để làm việc đó.’

* * *

Tôi sanh năm 1958, trong năm nhuận của Trung quốc – là ngưòi con thứ tư trong số năm người con trong gia đình. Tôi ra đời trong một làng cổ xưa sống theo cổ truyền chuyên về nghề nông có tên là Liu LaoZhuang trong Phường Nanyang, ở về phía nam tỉnh Henan Trung quốc.

Henan gồm có khoảng 100 triệu linh hồn – là một tỉnh Trung quốc rất đông dân cư. Mặc dù vậy dường như cũng có nhiều nơi bỏ hoang nơi tôi lớn lên – có nhiều đồi để trèo, nhiều cây để leo. Mặc dù đời sống khó khăn, nhưng tôi cũng vẫn còn nhớ thời gian vui đùa khi tôi còn là đứa trẻ.

Tất cả 600 người trong làng tôi đều là tá điền, và họ còn làm cho tới ngày giờ này. Không thay đổi gì nhiều lắm. Chúng tôi phần lớn trồng khoai, bắp và lúa mạch. Chúng tôi cũng trồng bắp cải và nhiều loại củ.

Nhà của chúng tôi theo kiến trúc rất đơn giản gồm đất sét khô. Mái thì lợp bằng rơm dạ. Nước mưa thường chảy qua những lỗ hổng trên mái, về mùa đông thì gió lạnh không bao giờ quên thổi qua những kẽ hở của tường. Khi nhiệt độ hạ xuống dưới độ đông lạnh thì chúng tôi đốt những vỏ khô của bắp còn lại để cho ấm. Chúng tôi không thể cung cấp than được.

Thường thì vào mùa hè, trời nóng và ẩm thấp chúng tôi không thể nào chịu nổi khi ngủ bên trong nhà với lối thoáng khí nghèo nàn. Chúng tôi kéo giường ra ngoài và cả gia đình chúng tôi cùng với một số gia đình trong làng ngủ với gió mát ngoài trời.

‘Henan’ có nghĩa là ‘phía Nam con sông’ Con sông tên Mầu vàng đã phân xé phần đất phía Bắc của tỉnh. Nó thường lụt ti và đã mang bệnh hoạn đến từ nhiều thế kỷ nay cho những người sống dọc theo bờ sông. Chúng tôi biết như vậy vì chúng tôi lớn lên tại đó, nhưng đối với chúng tôi miền Bắc Henan rng có cả triệu dặm xa.

Làng của chúng tôi được qui tụ trong những trái đồi ở phần phía Nam của tỉnh, an toàn khi bị ngập lụt và ngoài vòng ảnh hưởng. Chúng tôi chỉ quan tâm đến mùa gặt tới. Đời sống của chúng tôi hoàn toàn xoay quanh chu kỳ của việc cầy sới, trồng trọt, tưới nước và gặt hái. Cha tôi thường nói chịu khổ để có đủ thực phẩm mà ăn. Cho nên các bàn tay đều phải sử dụng ngoài đồng, dù tôi còn nhỏ tôi cũng bị gọi ra ngoài đó để giúp anh và chị tôi. Bởi vậy cho nên, tôi không có cơ hi đến trường học nhiều.

So với vùng khác của Trung Hoa ai sanh tại Henan thì có tiếng là bướng bỉnh như lừa. Có lẽ vậy mà tính bướng bỉnh này đã ngăn cản những người tại Henan tin nhận Chúa khi những Giáo sĩ Tin lành đến tỉnh này lần đầu tiên vào năm 1884. Có nhiều nhà Truyền giáo hầu việc tại Henan mà không thấy kết quả gì. Vào năm 1922 sau gần bốn mươi năm cố gắng truyền giảng mà chỉ có 12,400 tín hữu Tin lành cho toàn tỉnh bộ. Những kẻ chấp nhận tin vào tôn giáo ‘con quỉ ngoại bang’ thì trông rất nực cười và bị dân chúng tẩy chay. Thường thường sự chống đối tràn ra đến độ họ dùng cả đến những từ ngữ hung bạo. Những Cơ đốc nhân bị đánh đập. Có cả vài người bị giết vì đức tin. Ngay cả những Giáo sĩ cũng vậy, phải đối diện với hình phạt đó. Nhiều người gán cho những Giáo sĩ là công cụ của đế quốc thực dân, được gởi từ những nước của họ đến để thu hút lòng dân chúng Trung Hoa ngõ hầu chính quyền họ sẽ xâm chiếm đất đai, cướp nguyên liệu thiên nhiên. Sự lăng nhục những người ngoại quốc đã lên đến cực điểm vào năm 1990 khi có một hi bí mật được gọi là ‘Những người đô vật’ xúi dục toàn dân tẩy chay những người ngoại quốc.

Đa số trốn thoát khỏi ngoại trừ có nhiều Giáo sĩ sống ở những nơi xa xôi hẻo lánh tại ni địa Trung quốc, xa hẳn với nơi an toàn như những thành phố lớn ven biển. Những tên đô vật tàn nhẫn tàn sát hơn 150 Giáo sĩ và cả ngàn người Trung Hoa mới tin nhận Chúa.
Những linh hồn can đảm này đã đến để cứu vớt quốc gia chúng tôi, mang tình yêu của Chúa Jê-sus Christ đến cho chúng tôi họ đã hy sinh và bị thảm sát. Họ đã đến để đồng công với Đấng Christ nâng cao mức sống của chúng tôi bằng việc xây cất nhà thương, viện mồ côi và trường học. Vậy mà chúng tôi đã trả ơn họ bằng sự tàn sát.

Hậu qủa có người tưởng là với biến cố năm 1900 đủ để làm cho những nhà Truyền giáo sợ hãi mà sẽ chẳng bao giờ đến nữa.

Nhưng họ đã lầm.

Vào ngày 1 tháng chín năm 1901, mt chiếc tầu lớn đậu ở bến cảng Shanghai. Một người đàn bà trẻ độc thân từ Thụy điển đã đặt chân lên đất Trung Hoa lần đầu tiên tên là Marie Monsen cô là một trong những làn sóng mới các Giáo sĩ đã thông biết sự tàn sát năm trước đây đã hiến dâng mình hầu việc Chúa truyền giáo toàn thời gian cho nước Trung Hoa.

Monsen ở tại Trung quốc hơn ba chục năm. Thời gian mà cô sống ở khu vực chúng tôi, Nanyang, cô đã khuyến khích và huấn luyện cho mt nhóm tín hữu Trung Hoa bừng dậy lên.
Marie Monsen khác với những Giáo sĩ khác. Cô dường như không quan tâm đến việc đề cao những người lãnh đạo các Hi Thánh. Cô thường nói với họ rằng ‘Quí vị là những người ích kỷ! quí vị chỉ nhận ti với Chúa Jê-sus Christ bằng đầu môi chót lưỡi trong khi đó lòng quí vị chưa thực sự hứa hẹn với Ngài! Hối cải việc đó thì quá mun để thoát khỏi sự phán xét của Chúa!’ Cô đã mang lửa từ bàn thờ Chúa đến.

Cô Monsen nói với những Cơ đốc nhân là học biết về sự tái sanh như vậy chưa đủ, họ phải tái sanh tận gốc rễ để được vào vương quốc của Chúa. Với lời dạy dỗ như vậy cô đã nhấn mạnh gt bỏ sự hiểu biết qua lý trí đối với Chúa mà họ phải có trong ni tâm mt cuc sống đầy dãy Thánh linh. Những tấm lòng đã hối cải vì ti lỗi và lửa phục hưng đã thổi qua các làng trung tâm Trung quốc bất cứ nơi nào cô đặt chân tới.

Vào năm 1940 một Giáo sĩ phương Tây khác đến giảng về Lời Chúa cho mẹ tôi, lúc đó bà mới hai mươi tuổi. Mặc dù bà không hoàn toàn hiểu nhưng bà rất có thiện cảm với những gì bà nghe. Đặc biệt là bà thích hát thánh ca và nghe những chuyện trong Kinh thánh mà những nhà truyền giáo chia xẻ trong nhóm nhỏ khi họ đi thăm viếng miền quê. Chẳng bao lâu mẹ tôi đến nhóm với Hội Thánh và trao trọn cuc đời cho Chúa Jê-sus Christ.

Trung quốc trở thành mt nước Cng sản vào năm 1949, trong vòng vài năm sau tất cả các Giáo sĩ đều bị trục xuất, các nhà thờ đóng cửa, và hàng ngàn vị Mục sư Trung Hoa bị nhốt tù. Nhiều người mất mạng. Mẹ tôi trông thấy những Giáo sĩ rời khỏi Nanyang trước năm 1950. Bà không bao giờ quên những giọt nước mắt trên má họ khi họ phải ra bến cảng dưới sự dẫn độ của những người lính có võ trang. Mục vụ của họ đã chấm dứt một cách tức tưởi.

Chỉ có một thành phố tại Trung quốc là Wenzhou ở tỉnh Zheuiang có 49 Mục sư bị nhốt tù khổ sai gần biên giới Liên sô vào năm 1950. Nhiều người bị kết án trên mười hai năm về ti đã rao giảng Tin Lành. Trong số 49 Mục sư chỉ có mt người sống sót và trở về nhà còn 48 người kia đều chết trong tù.

Khu vực nhà tôi ở Nanyang, những tín đồ bị đóng đinh lên tường của nhà thờ vì đã không từ chối Đấng Christ. Những người khác thì bị xích vào xe và ngựa kéo lết đi cho tới chết.
Có mt vị Mục sư bị trói và ct vào một sợi dây thừng dài. Chức quyền giận điên lên vì người của Chúa này không chịu từ chối đức tin nên họ đã dùng chiếc cần của xe cần trục kéo ông lên cao. Trước hàng trăm nhân chứng đến buộc tội gian là ‘chống đối cách mạng’, vị Mục sư được hỏi lần cuối cùng rằng ông có chịu từ chối không. Ông la lớn lên trả lời: ‘Không! tôi sẽ không bao giờ từ chối Chúa của tôi là Đấng đã cứu tôi!’ Chiếc dây thừng được thả xuống và vị Mục sư bị dập nát dưới mặt đất.

Sau khi khám xét, những tên hành hạ đó đã khám phá thấy vị Mục sư chưa chết hẳn nên chúng dựng ông dậy kéo ông lên cao lần thứ hai thả dây xuống để kết liễu đời ông. Trong cuộc đời này vị Mục sư đã chết nhưng ông sống trên Thiên đàng với phần thưởng của một người đã trung kiên cho tới chết.

Cuộc đời không có gì là khó khăn đối với những Cơ đốc nhân. Chủ tịch Mao đã đề xướng ra một kinh nghiệm mà ông ta gọi là ‘Một bước nhẩy vọt’ cái đó đã kéo theo một đống người chết đói tại Trung Hoa. Thực sự bước nhảy vọt đó đã kéo tổ quốc họ thụt lùi. Ở trong tỉnh tôi tại Henan có vào khoảng tám triệu người chết đói.

Trong thời kỳ khó khăn đó có Hội Thánh bé nhỏ còn non nớt được mọc rải rác ở phố tôi ở là Nanyang. Họ như những con chiên không có người chăn. Mẹ tôi cũng phải rời khỏi Hội Thánh. Qua những thế hệ sau, vì hoàn toàn đói khát về sự thông công với các tín hữu và không có Lời Chúa. Mẹ tôi quên hầu hết những gì bà đã học khi bà còn trẻ. Sự tương giao với Chúa đã trở nên ngụi lạnh.

* * *

Vào ngày 1 tháng Chín năm 2001 – đúng một trăm năm kể từ ngày mà cô Marie Monsen lần đầu tiên đến Trung quốc để truyền giáo – có trên ba trăm Cơ đốc nhân người Thụy điển đến tụ tập tại nghĩa địa Bergen để cầu nguyện và làm mt buổi lễ hiến dâng. Một mộ bia mới được đặt lên để tưởng nhớ cô Monsen đã trả giá cho việc đóng góp của bà vào các Hi Thánh và những cá nhân người Cơ đốc.

Hình cô Monsen và tên cô bằng tiếng Trung Hoa được xuất hiện trên mộ bia như sau:

Marie Monsen 1878 -1962
Giáo sĩ tại Trung Quốc 1901-1932

Chương Hai

Người Đói Khát Được No Bụng

‘Hỡi các cù lao, hãy nghe ta! Hỡi các dân xa lạ hãy ghé tai! Đức Giê-hô-va đã gọi ta từ trong bụng mẹ đã nói đến danh ta từ lòng dạ mẹ ta.’ (Ê-sai 49:1)

Chúa đã gọi tôi theo Ngài lúc tôi mới 16 tuổi. Năm đó là năm 1974, và cuộc Cách mạng văn hóa vẫn còn dữ di khắp Trung Hoa.

Lúc đó cha tôi bị đau. Ông bị xuyễn rất nặng, nó làm cho ông bị ung thư phổi. Ung thư đó đã lây ra bao tử của ông. Bác sĩ cho hay ông không thể cứu được nữa và sẽ chết, và nói với mẹ tôi: ‘Không còn hy vọng gì cho chồng bà nữa, hãy về lo sửa soạn chôn cất.’

Mỗi đêm cha tôi nằm trên giường rất khó thở. Vì là người mê tín dị đoan nên cha tôi đã nhờ những người hàng xóm kiếm cho mt thầy phù thủy đến để tống khứ ma quỉ khỏi ông, vì ông tin rằng bệnh hoạn của ông là do kết quả của sự tức giận của ma quỉ.

Bệnh hoạn của cha tôi đã làm cho chúng tôi hết cả tiền của và sức lực. Bởi vì sự nghèo đói của chúng tôi mà tôi không được đến trường học cho tới khi tôi lên chín, rồi thì tôi phải nghỉ học lúc mười sáu tuổi vì bệnh ung thư của cha tôi. Anh chị tôi và tôi buc phải đi xin thức ăn tại hàng xóm và bạn bè để sống.

Cha tôi trước kia là Đại úy trong Quân đi Quốc gia, ông đã chiến đấu chống Cộng sản, những người ở làng khác và những ngươi bị hành hạ rât ghét ông trong cuc cách mạng văn hóa. Cha tôi đã giết rất nhiều người trong chiến trận và chính ông cũng súyt chết. Ông bị tất cả mười hai vết sẹo đạn bắn vào chân ông.

Khi tôi mới sanh, cha tôi đặt tên tôi là ‘Zhenying’ tên này có nghĩa là ‘Anh hùng của đơn vị đồn trú’
Cha tôi có tiếng là hay sợ sệt. Hàng xóm tránh né ông vì tính nết hung dữ của ông. Khi Đi Phòng vệ Đỏ đến để buc ti ông trong thời cách mạng văn hóa, ông phải chịu đựng nhiều cuc tra tấn đánh đập. Ông đã can đảm từ chối nhận ti và không trả lời khi hỏi đến việc ông đã giết bao nhiêu người. Ông cứng đầu thà là bị đánh hay là bị giết chứ không muốn nói cho chúng biết những gì chúng muốn nghe.

Có hai phương diện của cha tôi. Hầu hết mọi người đều biết cha tôi cực kỳ cứng rắn và nóng tính. Điều đó là đúng. Ông đã răn dạy các con hai điều chính yếu: thứ nhất là phải tàn bạo và cứng rắn với kẻ khác, thứ hai là luôn luôn phải làm việc tích cực.

Nhưng tôi cũng còn nhớ về mặt hòa nhã của ông. Ông luôn luôn che chở vợ con từ những hãm hại bên ngoài. Nói chung là tôi rất gần với cha tôi. Tôi hy vọng cha tôi sức khỏe khá hơn, nhưng trường hợp còn tồi tệ hơn. Mẹ tôi ở trong thế nặng nề, đối diện với những viễn tượng nản chí phải mt mình nuôi nấng năm đứa con. Bà không biết những gì sẽ xảy đến cho chúng tôi nếu cha tôi chết. Mọi sự đều vô vọng đến nỗi bà dự định tự vận.

Có một đêm khi mẹ tôi nằm trên giường, hoàn toàn thức giấc. Bất chợt bà nghe thấy rõ ràng tiếng nói dịu dàng đầy thương xót nói rằng: ‘Chúa Jê-sus yêu con.’ Bà quì gối xuống sàn và nước mắt trào ra hối lỗi và trao trọn vẹn cuc đời bà cho Chúa Jê-sus Christ. Giống như người con hoang đàng, mẹ tôi đã trở về nhà với Chúa. Ngay lập tức bà gọi hết mọi người trong gia đình đến và cầu nguyện với Chúa Jê-sus. Bà nói với chúng tôi ‘Chúa Jê-sus là nguồn hy vọng duy nhất của cha con.’ Tất cả mọi chúng tôi dâng cả đời sống cho Chúa khi chúng tôi biết sự việc đó xảy ra. Chúng tôi, mọi người đặt tay lên cha tôi trong đêm và lớn tiếng cầu nguyện: ‘Lạy Chúa Jê-sus, xin Ngài chữa lành cho cha con! Chúa Jê-sus ơi xin Ngài chữa cho cha con!’

Ngay sáng sớm hôm sau cha tôi thấy khỏe hẳn lại! Đây là lần đầu tiên trong những tháng dài ông ăn đã thấy ngon miệng. Trong vòng một tuần lễ cha tôi bình phục hoàn toàn và không còn dấu vết gì là bị ung thư! Thật là một phép lạ vĩ đại từ nơi Chúa.

Chúng tôi đã kinh nghiệm được sự phấn hưng từ nơi Chúa trong gia đình và đời sống của chúng tôi đã thay đổi mt cách mạnh mẽ. Thật đó là mt thời gian tác đng mạnh trong ngày hôm đó vì gần 30 năm sau khi Chúa Jê-sus chữa lành bệnh cho cha tôi, tất cả năm người con của ông vẫn còn theo Chúa.

Cha mẹ tôi rất đi ơn Chúa về những điều Ngài đã làm và cha mẹ tôi đã tức thì làm chứng tin vui này cho mọi người trong làng. Vào những ngày đó tụ họp là bất hợp pháp, nhưng cha mẹ tôi nghĩ ra mt chương trình là sai chúng tôi đi mời họ hàng bè bạn đến nhà chúng tôi.

Mọi người đến nhà chúng tôi cũng không biết lý do gì được mời đến. Nhiều người đoán chắc là cha tôi chết, do đó họ đã mặc quần áo chỉnh tề để dự đám tang! Họ rất ngạc nhiên là thấy cha tôi ra chào đón họ ở ngoài cửa, trông b thật khỏe mạnh! Khi tất cả họ hàng và bạn bè đã đến đông đủ, cha mẹ tôi mới mời họ vô trong nhà. Khóa cửa và che cửa sổ lại rồi cha mẹ tôi mới giải thích rằng cha tôi hoàn toàn được chữa lành bởi sự cầu nguyện với Chúa Jê-sus. Tất cả họ hàng bạn bè đều quì gối xuống sàn nhà và vui mừng tiếp nhận Chúa Jê-sus là Chúa là Chủ của họ.

Những giây phút đó thật là lý thú. Không những tôi tiếp nhận Chúa Jê-sus là Cứu Chúa của đời sống tôi nhưng tôi cũng còn trở nên một người thực sự muốn hầu việc Ngài với tất cả tấm lòng.

Mẹ tôi chưa bao giờ học đọc và viết chữ, nhưng bà đã trở nên mt người giảng lời Chúa trong làng. Bà đã hướng dẫn một Hi Thánh nhỏ trong nhà chúng tôi. Mặc dù còn nhỏ tôi không thể nhớ nhiều lời Chúa nhưng mẹ tôi luôn luôn cổ vũ chúng tôi hướng về Chúa Jê-sus. Khi mà chúng tôi lớn tiếng kêu cầu Chúa thì Chúa Jê-sus giúp đỡ chúng tôi với lòng thương xót của Ngài. Nhìn trở lại những ngày đó mới đây, tôi rất đỗi ngạc nhiên sao Chúa đã sử dụng mẹ tôi mặc dù bà vô học và chẳng biết gì cả. Chí hướng trong lòng bà hoàn toàn trao cho Chúa Jê-sus. Có mt vài giới lãnh đạo các Hội Thánh Tư gia tại Trung quốc gặp Chúa lần đầu tiên cũng do lời giảng của mẹ tôi.

Lúc đầu tôi thực sự không biết Chúa Jê-sus là ai, nhưng khi nhìn thấy Chúa chữa lành bệnh cho cha tôi và giải phóng gia đình tôi. Tôi hiến dâng cuc đời tôi một cách tin tưởng cho Chúa, Đấng đã chũa lành cho cha tôi và cứu tôi. Trong thời gian ấy, tôi thường hỏi mẹ tôi Chúa Jê-sus thực sự là ai. Bà trả lời :’Chúa Jê-sus là Con của Đức Chúa Trời, Ngài đã chết trên thập tự giá vì chúng ta, gánh lấy hết ti-lỗi và bệnh tật của chúng ta. Ngài đã ghi tất cả những điều dạy dỗ của Ngài trong Kinh thánh.’

Tôi hỏi rằng có những lời nào của Chúa Jê-sus còn lại để tôi có thể đọc được không. Bà trả lời: ‘Không, tất cả những lời ấy đã bị mất rồi. Không có gì còn lại qua lời của Ngài. Đó là vì trong thời kỳ cách mạng văn hóa Kinh thánh không còn thấy nữa.’

Kể từ ngày đó tôi thiết tha mong muốn có mt cuốn Kinh thánh của riêng tôi. Tôi hỏi mẹ tôi và các bạn Cơ đốc rằng cuốn Kinh thánh hình thù nó giống ra sao, nhưng chẳng ai biết cả. Có một người đã trông thấy một khúc Thánh kinh viết tay và các tờ bài hát nhưng chưa bao giờ được thấy nguyên cuốn Kinh thánh. Chỉ có một vài Cơ đốc nhân già cả có thể nhớ lại đã nhìn thấy Kinh thánh nhiều năm trước đây. Lời của Chúa thật là hiếm hoi trong ni địa.Tôi thật thèm khát có được một cuốn Kinh thánh. Nhìn thấy sự thất vọng của tôi, mẹ tôi nhớ lại có mt ông cụ già sống ở làng bên.

Ông đã là một Mục sư trước ngày cách mạng văn hóa.
Hai mẹ con tôi bắt đầu đi b thật xa đến được nhà ông. Khi thấy ông, mẹ tôi nói với ông lòng khao khát của chúng tôi:

‘Chúng tôi mong chờ hoài để được nhìn thấy cuốn Kinh thánh, cụ có cuốn nào không?’

Tức thì ông nhìn chúng tôi một cách sợ hãi. Ông già này đã bị gần 20 năm trong tù vì đức tin của ông. Ông nhìn tôi và nhìn thấy tôi còn trẻ và nghèo nàn, với b quần áo rách tả tơi đi chân không. Ông già cảm thấy thương hại nhưng cũng vẫn không muốn cho tôi thấy cuốn Kinh thánh của ông.

Tôi không trách cứ gì ông bởi vì trong những ngày ấy tại Trung quốc Kinh thánh rất hiếm. Không ai được phép đọc bất cứ sách nào ngoại trừ cuốn sách nhỏ màu đỏ của Mao. Nếu thấy ai đọc Kinh thánh thì Kinh thánh sẽ bị đốt và người có cuốn Kinh thánh với cả gia đình sẽ bị đánh đập tàn nhẫn ngay trước mặt làng xóm.

Vị Mục sư cao niên chỉ vẻn vẹn nói với tôi: ‘Cuốn Kinh thánh là mt cuốn sách Thánh, nếu cháu muốn có một cuốn thì cháu cần phải cầu nguyện với Chúa ở trên Thiên đàng. Thì Ngài sẽ cung cấp cho cháu cuốn sách Thánh ấy. Chúa là thành tín. Ngài luôn luôn nhậm lời khi ai tìm kiếm Ngài với tất cả tấm lòng.

Tôi hoàn toàn tin tưởng ở lời của vị Mục sư này.

Khi tôi trở về nhà, tôi vác một hòn đá vào trong phòng tôi và quì lên đó cầu nguyện vào mỗi chiều tối. Tôi chỉ cầu nguyện có mt điều đơn giản: ‘Chúa ơi, Chúa làm ơn cho con cuốn Kinh thánh, A-men.’ Lúc đó tôi không biết cách cầu nguyện ra làm sao, nhưng tôi cứ tiếp tục hơn một tháng.

Không có gì xảy ra cả. Kinh thánh cũng không thấy xuất hiện.

Tôi trở lại nhà của vị Mục sư đó nữa. Lần này tôi đi một mình. Tôi nói với cụ: ‘Cháu đã cầu nguyện Chúa theo như lời cụ dạy, nhưng cháu vẫn chưa nhận được cuốn Kinh thánh mà cháu rất cần. Cụ ơi, cụ làm ơn cho cháu thấy cuốn Kinh thánh ra sao đi, chỉ liếc mắt nhìn thôi cháu cũng mãn nguyện rồi! Cháu cũng không cần sờ vào cuốn đó nữa. Cụ cứ giữ lấy nó. Cháu cũng hả lòng khi được nhìn thấy cuốn sách đó. Nếu cháu có thể chép được một vài câu thì cháu sẽ sung sướng khi về nhà.’

Vị Mục sư này nhìn thấy lòng áy náy của tôi. Cụ lại nói với tôi thêm nữa: ‘Nếu cháu thực lòng, thì từ nay cháu khỏi cần quì gối cầu nguyện với Chúa nữa, nhưng cháu phải kiêng ăn và khóc với Chúa. Cháu càng khóc nhiều chừng nào thì cháu sẽ có cuốn Kinh thánh sớm chừng đó.’

Tôi trở về nhà, mổi sáng và mỗi chiều tôi chẳng ăn uống gì. Mỗi buổi chiều tôi chỉ húp có chút ít cháo hoặc ăn chút cơm. Tôi kêu gào khóc lóc như đứa trẻ đối với Cha nó trên Thiên đàng là muốn được đầy lời dạy dỗ của Cha. Một trăm ngày sau, tôi cầu nguyện xin mt cuốn Kinh thánh cho tới chừng tôi không thể chịu đựng nổi được nữa. Cha mẹ tôi tin chắc là tôi đã mất trí.

Nhìn lại những năm trước gần đây, tôi có thể nói rằng đây là những kinh nghiệm khó khăn nhất mà tôi đã từng chịu đựng.

Rồi thì bỗng nhiên mt buổi sáng lúc 4 giờ, sau nhiều tháng xin Chúa trả lời những lời cầu nguyện của tôi, tôi đã được nhìn thấy một khải tượng từ nơi Chúa trong lúc tôi quì gối bên cạnh giường. Trong khải tượng ấy tôi thấy tôi đang leo lên mt ngọn đồi, cố đẩy mt chiếc xe phía trước tôi. Tôi hướng về một làng nơi này tôi dự định xin thức ăn cho gia đình tôi. Tôi cố sức vật ln vì đói và yếu và đã chịu đựng khi kiêng ăn. Chiếc xe gần như tụt xuống đè lên tôi.

Lúc đó tôi thấy có ba người đang đi tới xuống đồi hướng nghịch về phía tôi. Có một người lớn tuổi thật tốt, ông để b râu quai nón dài đang đẩy mt xe đầy bánh bao nóng hổi. Hai người kia đi cặp hai bên xe. Khi ông già đó nhìn thấy tôi, ông rất thương hại tôi và để tỏ lòng thương xót, ông hỏi tôi: ‘Cháu có đói không?’ Tôi trả lời: ‘Thưa có, cháu chẳng có gì để ăn cả. Cháu đang đi xin thức ăn cho gia đình cháu.’Tôi khóc vì gia đình quá nghèo. Vì cha tôi bị bệnh, chúng tôi đã bán hết mọi thứ đáng giá để mua thuốc cho cha tôi. Chúng tôi còn chút ít tiền để sống, và cũng đã nhiều năm nay chúng tôi đã buc phải đi xin thức ăn từ các bạn bè và hàng xóm. Khi mà ông già đó hỏi tôi, tôi có đói không, tôi không thể đừng được mà bật lên tiếng khóc. Tôi chưa bao giờ thấy mt tình yêu chân thật và lòng trắc ẩn của bất kỳ người nào trước đây như vậy.

Trong khải thị đó, ông già cầm một bao đỏ có bánh từ trong chiếc xe ra và bảo hai người hầu cận trao cho tôi. Ông nói: ‘Cháu phải ăn ngay đi.’

Tôi liền mở bao ra và nhìn thấy một chiếc bánh bao còn nóng hổi bên trong. Khi tôi bỏ chiếc bánh vô miệng, bất chợt nó trở thành cuốn Kinh thánh! tôi thấy tôi bất thình lình qùy xuống với cuốn Kinh thánh và lớn tiếng cảm tạ ơn Chúa. ‘Chúa ơi, Danh Chúa đáng tôn thờ! Chúa không coi thường lời cầu nguyện của con. Chúa đã cho phép con có được cuốn Kinh thánh này. Con muốn hầu việc Chúa suốt cuc đời còn lại của con.’

Tôi thức dậy bắt đầu đi kiếm cuốn Kinh thánh trong nhà. Mọi người trong nhà đều ngủ cả. Khải thị tôi thấy thật là rõ rệt khi tôi thể hiện thì nó chỉ là mt giấc mộng, tôi thật là đau khổ, tôi khóc thật là lớn. Cha mẹ tôi vi chạy ùa vô phòng tôi để xem việc gì đã xẩy ra. Cha mẹ tôi cho rằng tôi phát khùng vì tôi đã nhịn ăn để cầu nguyện . Tôi kể lại cho cha mẹ tôi về khải thị đó của tôi, nhưng khi tôi càng chia xẻ thì cha mẹ tôi lại càng cho tôi là điên khùng! Mẹ tôi nói: ‘Trời chưa sáng, chưa có ai đến nhà mình. Cửa còn khóa kỹ.’

Cha tôi ôm chặt lấy tôi. Với nước mắt trào ra, ông khóc với Chúa. ‘Chúa kính yêu ơi, xin Chúa thương xót con của con. Xin Chúa đừng để cho con của con mất trí. Con sẵn lòng bị bệnh trở lại nếu việc đó làm cho con của con khỏi mất trí. Xin Chúa háy cho con của con mt cuốn Kinh thánh!’

Cha tôi, mẹ tôi và tôi quì xuống tay trong tay và cùng khóc.

Bất thình lình tôi nghe thấy tiếng gõ cửa yếu ớt. Một tiếng nói êm dịu gọi tên tôi. Tôi vi chạy đến và hỏi qua cửa khóa: ‘Ông mang bánh đến cho tôi hả?’ Tiếng nói êm dịu trả lời: ‘Vâng, tôi mang đến mt bữa tiệc bánh cho cậu.’ Tức thì tôi nhận ra ngay tiếng nói đó y như tiếng nói tôi đã nghe trong khải tượng.

Tôi vi mở cửa ra thì đứng xững trư Bấm vào đây để đọc tiếp →

3,791 views

Người Thiên Quốc: Cuộc Vượt Ngục Lạ Lùng

Chương Hai Mươi Hai

Cuộc Vượt Ngục Lạ Lùng

Hãy chờ dậy và đứng lên’ (Công vụ các Sứ đồ 26:16)

Đây là một điểm thấp nhất trong đời tôi là tôi đã cay đắng than phiền Chúa.

Tôi đã 39 tuổi rồi mà không thấy tương lai hy vọng gì cho tôi cả. Tôi nói với Chúa: ‘Khi con còn trẻ, Chúa gọi con để đi rao truyền Tin Lành cho Chúa ở phương Tây và phương Nam. Bây giờ con làm sao có thể làm được? Con ngồi ở đây trong tù với đôi chân gẫy và cam chịu mục nát ở chỗ này cho đến ngày con chết. Con cũng không bao giờ được gặp gia đình con nữa. Chúa đã đánh lừa con!’

Có rất nhiều tin đồn những gì sẽ xảy đến cho tôi nữa. Ngay cả bên ngoài, những tín hữu biết rằng việc bắt bớ tôi rất là nghiêm trọng vì đó là lệnh từ chính quyền trung ương. Và bây giờ, anh Xu lại đề nghị với tôi là tôi phải tìm cách trốn! Tôi biết anh Xu là người của Chúa, anh thường nghe tiếng phán của Chúa rất gần, do đó tôi trịnh trọng trả lời với anh rằng: Chân tôi bị nát rồi và tôi bị khóa cứng trong sà-lim tôi với cửa sắt. Tôi cũng không thể đi được nữa! làm sao tôi trốn? Chân anh không sao cả. Tại sao anh không trốn đi?’

Vào một buổi chiều ngày 4 tháng Năm năm 1997, cũng giống như buổi chiều của sáu tuần trước, tôi cúi xuống cầm lấy chân lê lết của tôi. Cơn đau ê ẩm suốt cả thân người tôi khi tôi chống đôi chân lên tường. Tôi cảm thấy như vậy dễ chịu giảm cơn đau. Bằng cách sảng khoái làm cho máu dồn đi nơi khác khỏi chân tôi, nó sẽ trở nên tê bại và tôi có thể ngủ ngon suốt đêm.

Sáng sớm ngày hôm sau, đang lúc trong tình trạng nản chí mất hy vọng thì Chúa khuyến khích tôi với lời hứa trong sách Hê-bơ-rơ 10:35: ‘Vậy chớ bỏ lòng dạn dĩ mình, vốn có một phần thưởng lớn đã để dành cho.’ Tôi tỉnh dậy với lời đó trong trí tôi.

Vi nhà tù từ từ khơi động đời sống tôi, tôi bắt đầu đọc sách Giê-rê-mi. Chúa cho thấy sự liên hệ đến vết thương của tôi và hoàn cảnh của tôi trong lối sống cá nhân cực kỳ mạnh mẽ. Dường như là điều mà Chúa Thánh Linh nói trực tiếp với tôi qua những lời: ‘Mắt ta rơi lụy đêm ngày chẳng thôi: vì gái đồng trinh của dân ta bị tồi tàn, bị thương rất là đau đớn… Vậy thì Ngài bỏ hết Giu-đa sao? Lòng Ngài đã gớm ghét Si-ôn sao? Làm sao Ngài đã đánh chúng tôi, không phương chữa lành?Đương đợi sự bình an mà chẳng có sự lành, đương trông kỳ lành bịnh, mà gặp sự kinh hãi.’ (Giê-rê-mi 14:17, 19, 21).

Tôi cảm thấy giống hệt Giê-rê-mi. Tôi bị áp đảo mà dường như Chúa đã bỏ mặc tôi để cho tôi mục nát trong tù mãi mãi. Tôi khóc với Chúa bằng những lời của Giê-rê-mi: ‘Chúa ơi, tại sao Ngài làm con đau đớn mà không chữa lành được cho con? Con mong muốn sự bình an mà chẳng thấy gì tốt đến với con cả. Chúa ơi, xin Ngài đừng khinh miệt con.’

Tôi đọc tiếp: ‘Hỡi mẹ tôi ơi, khốn nạn cho tôi! Mẹ đã sanh ra tôi làm người mắc phải sự tranh đua cãi lẩy trong cả đất! Tôi vốn không cho ai vay mượn, cũng chẳng vay mượn ai; dầu vậy, mọi người nguyền rủa tôi.’ (Giê-rê-mi 15:10)

Lại lần nữa những lời dường như lật qua trang giấy đi vào trí óc tôi. Đó là giờ phút thiêng liêng như chính Chúa đầy quyền năng đã ngự xuống xà-lim tôi và nói chuyện với tôi mặt đối mặt.

Trong người tôi quá đau đớn và tất cả như bắt đầu tuôn ra truớc mặt Chúa. Tôi khóc nức nở: ‘Chúa Jê-sus ơi, giống như Giê-rê-mi nói, mọi người muốn chống con và rủa sả con. Con không thể’chịu đựng nổi nữa. Con đã tới cuối cùng của con rồi.’

Tôi khóc thảm thiết đến nỗi mắt tôi sưng húp đầy nước mắt. Chúa an ủi tôi giống như người cha yêu quí đang ôm đứa con vô lòng. Chúa yên lòng tôi theo câu sau: ‘Đức Giê-hô-va phán: Thật ta sẽ bổ sức cho ngươi được phuớc. Trong khi gặp tai vạ hoạn nạn, thật ta sẽ khiến kẻ thù nghịch đến cầu xin ngươi.’ (Giê-rê-mi 15:11)

Từ tận đáy lòng tôi, tôi khóc với Chúa qua sách Giê-rê-mi 15:16-18: ‘Tôi vừa nghe những lời Ngài, thì đã ăn lấy rồi; lời Ngài là sự vui mừng hớn hở của lòng tôi vậy. Hỡi Giê-hô-va Đức Chúa Trời vạn quân, vì tôi được xưng bằng danh Ngài! Tôi chẳng ngồi trong đám hội kẻ vui chơi mừng rỡ, nhưng tôi ngồi một mình vì tay Ngài ; vì Ngài đã làm cho tôi đầy sự giận. Cớ sao sự đau đớn của tôi cứ còn hoài? Cớ sao vết thương của tôi không chữa được và nó không chịu khỏi? Ngài đối với tôi hẳn như cái khe giả dối, cái suối tắt mạch hay sao?’

Nhiều lúc tôi hỏi Chúa tại sao con cứ bị đau như vậy. Con không thể chịu đựng được nữa. Lòng con thấy chán nản rồi và con sẵn sàng bỏ cuộc.

Lời Chúa lại đến với tôi với những lời cảnh cáo nghiêm trọng và lời hứa: ‘Vậy nên, Đức Giê-hô-va phán như vầy: Nếu ngươi trở lại thì ta sẽ lại đem ngươi đứng trước mặt ta; nếu ngươi làm cho sự quí lìa khỏi sự hèn, thì ngươi sẽ như những người chẳng trở về cùng chúng nó.Ta sẽ khiến ngươi làm tượng đồng vững bền cho dân này, họ sẽ đánh với ngươi, nhưng không thắng ngươi được, vì ta ở cùng ngươi đặng cứu ngươi và giải thoát ngươi. Đức Giê-hô-va phán vậy. Ta sẽ rút ngươi ra khỏi tay kẻ ác, sẽ chuộc ngươi khỏi tay kẻ bạo tàn.’ (Giê-rê-mi 15:19-21)

Ngay khi tôi đọc được những câu này, khải tượng mạnh mẽ bất chợt đến với tôi mặc dù tôi đang thức.

Tôi thấy vợ tôi Deling ngồi bên cạnh tôi. Nàng vừa mới được thả ra khỏi tù và lấy ra một ít thuốc. Vợ tôi yêu mến chăm sóc vết thương cho tôi. Tôi cảm thấy được khích lệ và hỏi nàng: ‘Em được thả rồi hả?’

Vợ tôi trả lời: ‘Tại sao anh không mở cái cửa sắt kia ra?’

Trước khi tôi có thể trả lời thì nàng đi ra khỏi phòng và khải thị của tôi chấm dứt.

Chúa nói với tôi: ‘Đây là thì giờ của sự cứu rỗi của con.’

Ngay tức thì tôi biết liền đây là một khải thị từ Chúa và rằng tôi phải vượt ngục.

Xà-lim đơn độc của tôi cùng chung tường với sà-lim của anh Xu và một vài tín đồ khác. Chúng tôi đã có những hiệu báo với nhau trước rằng nếu một trong chúng tôi bị nguy kịch cần cầu nguyện gấp thì chúng tôi sẽ gõ hai tiếng vào tường.

Anh Xu nghe thấy tiếng gõ của tôi.

Tôi gọi tên gác. Hắn đến cửa tôi và hỏi tôi muốn gì. Tôi nói với hắn tôi cần đi vệ sinh ngay bây giờ.’

Vì đây là công việc của anh Xu là cỗng tôi, nên tên gác mở cửa của anh và ra lệnh cho anh cõng tôi đến nhà tắm.

Mỗi khi tù nhân được phép ra khỏi xà-lim thì chiếc cổng sắt ở hành lang phải khóa lại, như vậy tù nhân không có cơ hội trốn. Phòng chứa cầu thang dẫn xuống tới sàn cuối cùng ở phía bên kia của chiếc cổng. Chúng tôi cũng vẫn bị hoàn toàn nhốt bên trong. Chiếc cổng mở cho người từ bên ngoài vào cũng không mở được từ phía bên trong.

Mỗi từng trong nhà tù đều được bảo vệ bởi một chiếc cổng bằng sắt. Thường thì có hai người gác cổng đứng canh hai bên cổng, do đó để ra ngoài sân nhà tù tôi phải đi qua ba chiếc cổng sắt qua ba từng lầu, và qua sáu người gác.

Anh Xu đến cửa tôi. Ngay khi anh vừa nhìn thấy tôi là anh ra lệnh cho tôi: ‘Anh phải vượt ngục!’, rồi anh trở lại sà-lim của anh, và thâu lượm bàn chải đánh răng và khăn tắm để người gác tưởng rằng anh sửa soạn dùng nhà tắm.

Khi anh Xu trở lại, anh lại nghiêm nghị ra lệnh: ‘Yun, anh phải vượt ngục!’

Tôi chỉ mặc bộ quần áo lót thôi, càng lẹ càng tốt, tôi cởi quần dài ra. Tôi viết câu Kinh Thánh gốc của Giăng và I Phi-e-rơ vô giấy đi cầu dài để chứng tỏ nó là dây nịt của lẽ thật, quấn theo lời Chúa chung quanh hông tôi. Tôi cầu nguyện: ‘Chúa ơi, Chúa đã chỉ cho con thấy rằng con phải rời khỏi nhà tù này. Bây giờ con vâng lời Chúa và con sẽ cố gắng vượt ngục. Nhưng nếu những người gác bắn con xin Chúa nhận linh hồn con vào nơi ở trên thiên đàng của Ngài.’

Bây giờ là đã hơn sáu tuần lễ kể từ khi chân tôi bị dập nát. Dù chỉ đè nặng một chút lên chân cũng đau nhức vô cùng. Nhưng tôi tin tưởng rằng Chúa đã nói với tôi trong ba cách khác nhau mà tôi có thể vượt ngục được là: qua lời Ngài, qua khải thị mà tôi nhận được sáng nay và qua lời anh Xu.

Tôi được biết rằng khi Chúa phán với chúng ta làm điều gì thì không có thì giờ để bàn cãi hoặc lý lẽ, mặc dù hoàn cảnh nào ngay trước mặt. Khi chúng ta chắc rằng Chúa đã bảo chúng ta hành động như tôi trong hoàn cảnh này, hãy nhắm mắt vâng lời theo tiếng gọi. Không vâng lời Chúa với ngụ ý rằng mình khôn hơn Chúa và mình biết cách sống tốt hơn Ngài.

Lúc đó là đúng trước tám giờ sáng ngày 5 tháng Năm năm 1997. Theo ý nghĩ tự nhiên thì thời gian này là lúc xấu nhất để trốn tù! Thường thì vào lúc đó có rất nhiều hoạt động trong tù, với những người gác vào vị trí.

Tôi bước ra khỏi sà-lim của tôi và hướng thẳng tới cửa sắt khóa ở hành lang. Trí óc tôì chỉ nhằm vào việc vâng lời Chúa. Tôi nhìn thẳng phía trước và cầu nguyện qua hơi thở mỗi bước tôi đi.

Người gác bấm vào nút khi hắn muốn mở hoặc đóng cổng, hắn ngồi ở đỉnh tầng thứ ba phòng cầu thang. Không thể nào nhìn thấy phía bên kia cổng, bởi vì cổng làm bằng sắt và chỉ có một cái cửa sổ nhỏ được che bằng miếng vải mầu đen. Vào đúng lúc tôi bước tới cổng, một tôi tớ Chúa anh Musheng đang đi trở về sà-lim của anh và cái cổng mở ra cho anh. Sáng hôm đó anh được lệnh quét sân nhà tù. Khi Musheng đi ngang qua tôi, tôi nói với anh: ‘Khoan đã, đừng đóng cổng vội.’ Tôi bước qua một cách dễ dàng! Thời điểm Chúa sắp xếp thật là hoàn hảo!

Khi chúng tôi qua ngang nhau, Musheng thầm thì hỏi tôi: ‘Anh Yun, anh rời khỏi đây à? Anh không sợ chết à? Rồi với bộ mặt kinh ngạc của anh, anh trở về xà-lim anh.

Cũng có một người gác đi cùng Musbeng dẫn anh trở về xà-lim, nhưng đúng lúc hắn mở cửa cho Musheng thì tiếng điện thoại reo trong văn phòng tại hành lang, người gác vội quay trở lại chạy đến trả lời điện thoại.

Tôi thấy có cái chổi để dựa vào tường ở phòng cầu thang. Tôi lượm lấy và tiếp tục bước đi với nó xuống cầu thang lầu hai. Một tên gác có súng đang ngồi tại bàn giấy hướng mặt về cổng thứ hai. Cổng đó đôi khi để ngỏ. Bởi vì người gác trong phiên mình được chỉ định canh cổng ngày và đêm, không sợ có chuyện gì xảy ra khi để cổng ngỏ. Vào lúc đó Chúa Thánh Linh nói với tôi: ‘Đi ngay! Chúa của Phi-e-rơ là Chúa của con!’.

Không biết làm sao dường như Chúa làm mù tên gác. Hắn nhìn thẳng vào tôi, vậy mà mắt hắn không biết một chút gì sự có mặt của tôi. Tôi đợi hắn nói điều gì, nhưng hắn nhìn qua tôi như tôi là người vô hình!

Hắn chẳng nói lấy một lời.

Tôi tiếp tục qua hắn và không quay nhìn trở lại. Tôi biết tôi có thể bị bắn phía sau bất kỳ lúc nào. Tôi tiếp tục lẳng lặng xin Chúa là tôi đã sẵn sàng để Chúa tiếp nhận linh hồn tôi, tôi luôn nghĩ đến phút cuối cùng của đời tôi trên thế gian này.

Tôi tiếp tục đi xuống cầu thang, nhưng không có ai chặn tôi lại và chẳng có tên gác nào nói với tôi một lời!

Khi tôi tới cổng chính dẫn ra ngoài sân, tôi khám phá thấy cổng đã mở! Thật là lạ lùng, luôn luôn cổng này là một cái cổng an toàn nhất. Thường thường có hai người gác tại cổng tầng thứ nhất, một người bên trong và một người bên ngoài, nhưng không biết vì lý do nào mà không có ai gác và cổng chỉ khép hờ!

Tim tôi đập thình thịch! Bây giờ tôi đang đứng ngoài đường phố bên ngoài trại tù Zhengzhou số một về an ninh! Sau
này tôi được cho biết là chưa bao giờ có ai trốn thoát khỏi trại tù
này trước đây.

Ngay lập tức có một chiếc xe taxi mầu vàng chạy sà ngay cạnh tôi và người tài xế khoảng hơn 20 tuổi mở cửa phía bên hành khách cho tôi. Anh hỏi: ‘Anh muốn tôi chở tới đâu?’

Tôi bước vào và trả lời: ‘Tôi cần phải đến văn phòng của tôi càng lẹ càng tốt, vậy làm ơn chạy cho lẹ.’ tôi cho anh tài xế địa chỉ của một gia đình Cơ đốc nhân mà tôi biết ở Zhengzhou và chúng tôi lái xe xa khỏi trại tù. Tôi nói với anh tài xế nếu bị kẹt xe anh cố tránh, tiếp tục lái đừng có ngừng bất cứ lý do gì.

Tất cả mọi biến cố này dường như chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn. Như là một giấc mộng ban ngày. Tôi không chắc rằng mọi sự thật đã xảy ra hoặc là tôi đang trong giấc mơ. Tôi không biết bằng cách nào mà Chúa đã làm như vậy hoặc tại sao những cửa sắt thường thì khóa chặt, nay lại để ngỏ cho tôi. Tất cả tôi biết là hiện giờ tôi đang ngồi trên xe taxi và đang hướng tới nhà của bạn tôi.

Khi chúng tôi tới nơi, tôi yêu cầu người tài xế đợi tôi chốc lát để tôi đi mượn tiền trả tiền xe.

Tôi trèo lên bậc thang ba từng lầu của cư xá và bấm chuông hai lần. Một trong những người con gái của gia đình nhìn qua lỗ khóa ở cửa và nhận ra ngay là tôi. Chị rất xúc động nói: ‘Ô, anh Yun, anh đã được thả ra khỏi nhà thương (có nghĩa là nhà tù)!’

Tôi nói: ‘Vâng, tôi đã rời khỏi nhà thương, nhưng tôi không xuất khỏi theo lối thông thường. Chị có thể cho tôi mượn ít tiền để trả tiền cho tài xế taxi?’

Chị thật là xúc động khi thấy tôi, đến nỗi quên cả mở cửa cho tôi vào! Cuối cùng chị trở ra đưa cho tôi tiền. Tôi vội chạy xuống trả tiền cho anh tài xế đang đợi tôi.

Gia đình Cơ đốc nhân quí hóa này đã đón tiếp tôi hết sức nồng nhiệt tại nhà. Một trong những người con gái này nói với tôi: ‘Cả Hội Thánh đã kiêng ăn cầu nguyện cho anh và cho những cộng sự viên của anh hơn một tuần lễ nay. Ngày hôm qua Chúa Thánh Linh nói với mẹ tôi là: ‘Ta sẽ thả Yun ra và nơi đầu tiên mà Yun sẽ ở là nhà của con. Anh ấy sẽ ở đây trong thời gian ngắn và sẽ cầu nguyện với con.’

‘Cha mẹ tôi nói với chúng tôi là rất trông chờ ngày anh đến và chúng tôi cũng đã kiếm một chỗ ở bí mật để anh trốn. Không ai khác biết chỗ này ngoại trừ chúng tôi. Hãy đi với tôi, thay quần áo đi rồi chúng tôi sẽ đến dẫn anh tới chỗ đó.’

Sau khi chúng tôi cùng nhau cầu nguyện, tôi được trao cho chiếc xe đạp và một người trong gia đình ngồi phía sau, chỉ đường cho tôi đến nơi tôi sẽ trốn, đi xuống những con đường nhỏ một cách thông thạo để tránh chỗ chặn đường họ đang khám xét trên những con đường chính vì sự vượt ngục của tôi.

Lúc mà tôi khởi sự đạp xe đạp đó là lúc đầu tiên tôi thấy Chúa đã chũa lành bàn chân và chân tôi! Đầu óc tôi khi đó chỉ chú tới sự vâng lời Chúa và sửa soạn để bị bắn mà tôi không bao giờ để ý đến Chúa đã chữa lành vết thương cho tôi. Tôi không cảm thấy quyền năng chữa lành của Ngài. Từ lúc chân tôi bị đánh dập nát bằng gậy cho đến khi tôi trốn tù, chân tôi vẫn nguyên mầu đen hoàn toàn và không thể xử dụng được. Tôi cũng không thể đứng đậy được, đi bộ một mình được. Cái mà tôi có thể làm được nhiều nhất là bò khoảng đường ngắn mà phải bám vào tường.

Anh Musheng sau này nói với tôi rằng khi anh đi qua tôi trên tầng thứ ba, tôi đi như thường lệ, như vậy dường như Chúa phải chữa lành chân tôi trong khi tôi hãy còn ở trong sà-lim.

Khi tôi đạp trên xe đạp tôi lại nhớ đến lời của Chúa:

‘Khá làm đường thẳng cho chân anh em theo, hầu cho kẻ nào què khỏi lạc đường mà lại được chữa lành nữa.’ (Hê-bơ-rơ 12:13)

Ngay khi chúng tôi tới chỗ trốn, thiêng đàng mở ra. Mưa xối xả như thác lũ rải khắp thành phố Zhengzhou và gió rít lên đập vào cửa sổ và thổi bay cả chiếc xe đạp. Đó là cơn bão khổng lồ. Dù rằng lúc đó vẫn còn ban ngày mà bầu trời trở nên đen xậm.

Tôi vô trong nơi trốn và ở lại một mình. Gia đình thân yêu này đối xử với tôi giống như thiên sứ từ trên thiên đàng. Họ đặt người trong gia đình bên ngoài cửa tôi ngày cũng như đêm để canh gác cho tôi.

Sau này những bạn Cơ đốc nói với tôi rằng họ được xem báo cáo trên đài vô tuyến truyền hình về mục tin tức vào buổi chiều nói đến vụ trốn tù của tôi. Văn phòng cảnh sát an ninh, văn phòng ANCC và Quân đội nhân dân giải phóng được động viên để truy lùng tôi. Họ lùng kiếm từng nhà ở Zhengzhou từ cửa này qua cửa kia. Họ cho ngăn chặn các đường phố tại những ngã tư đường chính và kiếm trong từng xe. Những tên gác được gởi đi tới các trạm xe buýt, ga xe lửa và phi trường.

Tôi còn được cho biết những con chó được huấn luyện đánh hơi của sở cảnh sát cũng được dùng để kiếm hơi tôi, nhưng tất cả những cố gắng đó đều vô ích. Tôi được an toàn trong nơi trốn kín đáo của Chúa. Giông tố đã cản trở những chức quyền và rửa sạch những vết tích của tôi.

Chúa nhắc nhở tôi về mười ba năm về trước, trong thời gian 74 ngày kiêng ăn, tại sao Chúa cho tôi thấy khải tượng mạnh mẽ là một loạt những cửa sắt được mở ra từ cái nọ đến cái kia.

Bây giờ, những năm đó sau này, lời hứa của Chúa đã thành sự thật. Tôi lấy làm lạ về lòng tốt của Chúa và sự trung tín của Ngài đối với tôi. Từ ngày đó tôi coi sự vượt ngục của tôi là một sự kiện lạ lùng nhất trong đời tôi.

* * *

Anh Xu: Sau khi anh Yun cố gắng vưột ngục bằng cách nhảy qua cửa sổ rồi anh bị gẫy chân. Rồi chúng đánh anh khủng khiếp trong bùn, nghiền nát chân anh thêm để sau này anh không còn có thể đi bộ được nữa.

Khi tôi trông thấy thân xác anh ngất xỉu được vác trở về xà-lim, mặt anh đầy những bùn. Chúng đánh vào đầu anh, do đó anh không còn nghe được trong một thời gian.Sau khi chúng tôi bị thuyên chuyển về nhà tù Zhengzhou, tôi được trao cho mộtviệc là cõng anh Yun đến nhà tắm, phòng thẩm vấn trong tù vì anh bị tàn phế và rất là đau đớn. Nhờ lối đó mà chúng tôi có thể có được thời gian ngắn ngủi để liên lạc được với nhau khuyến khích lẫn nhau trong Chúa, và tăng cường cho nhau thêm đức tin. Ngay dù chúng tôi không thể nói được với nhau, nhưng chỉ nhìn nhau cũng cho chúng tôi sức mạnh và sự thông công. Tôi cõng Yun đi trở về con đường dài nên trao đổi với nhau những kinh nghiệm rất nhiều về ân điển của Chúa.

Tôi nói với Yun là Chúa muốn anh trốn tù. Chúa còn căn dặn kỹ là nói với anh như vậy. Tôi có cảm tưởng là Chúa muốn Yun trốn, nhưng Ngài muốn tôi nói.

Một buổi sáng nọ Chúa trực tiếp cho Yun thấy đã đến giờ vượt ngục. Khi anh đi bộ xuống cầu thang trong tù hướng về sân thì một người anh em Cơ đốc đi vô. Cửa an ninh mở ra đúng vào lúc anh Yun bước ra!

Người anh em đó vội chạy đến xà-lim chúng tôi báo cho mọi người biết là anh đã nhìn thấy anh Yun bước ra khỏi tù! Tất cả tù nhân chúng tôi trèo lên để nhìn qua cửa sổ ra sân. Chúng tôi nhìn thấy anh Yun đi bộ qua cổng chính nhà tù tới nơi tự do!

Hành động lòng thương xót của Chúa và quyền năng của Ngài đã khuyến khích chúng tôi rất nhiều. Một lần nữa chúng tôi lại thấy đối với Chúa chẳng có gì là khó cả. Tuyệt đối là không có gì.

Ngài nắm giữ đời sống chúng ta trong tay, không có gì xảy ra cho một trong những đứa con của Chúa, ngoại trừ đó là phần của chương trình Ngài để nó xảy ra trong đời sống chúng ta.

Tôi tin có một điều là tại sao Chúa chọn thả anh Yun ra trong trường hợp hãn hữu như vậy, đó là bởi vì chính quyền nhà tù đã chế nhạo Chúa và Yun khi chúng đập nát chân anh. Chúng nói: ‘Chúng tao muốn bây giờ mày trốn đi!’ Chúa luôn luôn đợi đến lúc gặp sự thử thách!

Vài phút sau khi Yun vượt ngục, những tên gác khám phá ra thiếu mất anh, một đám rất đông lính gác bổ đi lùng kiếm. Mộtcuộc điều tra đều khắp tổ chức bởi chính quyền để tìm ra tại sao một người tù tàn phế bị kiểm soát nghiêm ngặt lại có thể đi bộ ra khỏi trại tù và biến mất!

Thật là hấp dẫn, cuộc điều tra kết luận là Yun đã không được sự giúp đỡ nào của con người từ những tù nhân khác hay những người gác trong lúc anh trốn tù.

Tôi đã thử dò hỏi thì đó là hoàn toàn đúng.

Đó tất cả là do bàn tay tối cao của Đức Chúa Trời đầy quyền năng.

* * *

Anh Musheng: Tôi có cái đặc quyền được chứng kiến việc trốn khỏi tù của anh Yun năm 1997, do bàn tay của Chúa.

Tôi được kêu làm việc tại sân của trại tù vào lúc bảy giờ sáng hôm đó. Khi tôi trở về xà-lim của tôi, dẫn độ bởi một tên gác, chúng tôi ngừng lại để đi qua chiếc cổng bằng sắt an ninh. Tôi không thể tin được rằng tôi trông thấy Yun đi bộ ra! Chúng tôi đều biết là anh Yun bị tàn phế nên tôi nói là tôi thật ngạc nhiên thấy anh đi bộ, đó là một điều nói sai? Anh đi thẳng ngang qua tôi, nhưng tên gác đi cùng tôi không trông thấy anh gì hết.

Ngay cả cho tới khi tôi trở về xà-lim rồi mà tôi cũng nhớ rằng anh không đi bộ đưọc kể từ khi chân anh bị gãy. Tôi là một trong ba người khiêng anh đi chỗ này chỗ kia trong tù. Ngay cả những tên gác cũng gọi anh là ‘tên què’. Chân của anh hoàn toàn bầm tím vì những trận đánh đòn. Anh không thể nào tự làm được gì cả vì tình trạng đau đớn của anh. Chúng tôi cũng còn phải tắm cho anh và thay quần áo cho anh.

Trí óc tôi mới bắt đầu hé mở là Yun đang cố vượt ngục. Tôi tức thì quì xuống nài xin Chúa cứu sống anh vì tôi nghĩ rằng những tên gác không có lý do gì để anh ra khỏi sân nhà tù nên họ có thể bắn anh. Tôi trèo lên cửa sổ xà-lim và nhìn anh đi qua cái sân và biến mất qua cái cổng.

Có lẽ có khoảng ba chục tên gác tù ở ngoài sân trong lúc đó, nhưng không tên nào để ý đến anh Yun trốn tù! Anh còn đi bộ thẳng qua mặt chúng nữa.

Một lúc sau thì một trận mưa lớn đến. Trở lại trên tầng thứ ba trong trại tù, tên gác thấy thiếu anh Yun ngay sau vài phút lúc anh Yun trốn. Hắn đi kiếm khắp nơi, gọi ầm lên: ‘Tên què, mày ở đâu?’. Lúc ban đầu thì tên gác có vẻ từ từ; nhưng kiếm một số nơi mà anh Yun có thể trốn nhưng không thấy. Hắn càng lúc càng lo sợ. Vào khoảng năm phút sau hắn rung chuông báo động và cả trại tù ồn ào về việc Yun vượt ngục.

Chức quyền trong tù thẩm vấn chúng tôi nhưng chúng tôi thành thực trả lời chúng tôi không giúp Yun bằng cách nào cả. Hai tên gác bị mất việc.

Để mua tác phẩm này trong Anh ngữ, xin theo link sau đây:
"The Heavenly Man"

Để mua tác phẩm này trong Việt ngữ, xin liên lạc với dịch giả:

Hoang-duc-Thanh
9218 Buffalo Bend Lane
Houston, TX 77089-5800
Tel. 281-485-4705
Webpage www.vnbaptist.net/HDT/
Email address: hoangdthanh32@yahoo.com

Bấm vào đây để đọc tiếp →

5,975 views

Biên Niên Sử Hội Thánh: Thế Kỷ Thứ Nhất

Năm 30

Đức Chúa Jesus Christ bị đóng đinh trên thập tự giá, chịu chết và chôn, đến ngày thứ ba, Ngài đã sống lại từ trong sự chết. Trước khi thăng thiên và hẹn ngày trở lại, Ngài ban truyền mệnh lệnh cho các môn đồ: "Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta. Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhơn danh Ðức Cha, Ðức Con, và Ðức Thánh Linh mà làm phép báp tem cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế" (Ma-thi-ơ 28:19, 20).

Trong ngày lễ Ngũ Tuần đầu tiên, kể từ sau các sự kiện kể trên, Đức Thánh Linh giáng lâm, Hội Thánh được chính thức hình thành và trong ngày đó, qua bài giảng của Sứ đồ Phi-e-rơ, có khoảng ba ngàn người thêm vào Hội Thánh (Công Vụ 2).

Năm 41

Thành phố Jerusalem được mở rộng. Những tường thành mới được xây dựng và bao gồm luôn đồi Sọ, nơi Đức Chúa JesusChrist bị đóng đinh, vào trong phạm vi của thành phố.

Năm 42

Hội Thánh tại Jerusalem bị bách hại lần đầu tiên. Nhiều thánh đồ lánh sang thành Antiốt và thiết lập Hội Thánh tại đó. Gia-cơ, anh của Giăng, bị chém đầu (Công Vụ 12:2).
 
Năm 43

Ba-na-ba đem Phao-lô đến thành An-ti-ốt (Công Vụ 11:25-26). Trong năm này, Hoàng Đế La-mã Claudius (41-54) chinh phục Anh Quốc (Britain).

Năm 44

Vua Hê-rốt Ạc-ríp-ba Đệ Nhất, vua xứ Giu-đê và Sa-ma-ri qua đời (Công Vụ 12:23).

Năm 45

Hội Thánh An-ti-ốt qua Phao-lô và Ba-na-ba gửi tặng phẩm đến các tín hữu xứ Giu-đê để cứu đói.

Năm 47-49

Chuyến truyền giáo đầu tiên của Sứ Đồ Phao-lô và Ba-na-ba (Công Vụ 13-14). Theo Sử Gia La-mã Suetonius (70-122) ghi lại trong tác phẩm "The Twelve Caesars" thì Hoàng Đế La-mã Claudius trục xuất dân Do-thái ra khỏi La-mã vì họ liên tục nổi loạn chống lại Cơ-đốc giáo.

Năm 49/50

Công Đồng Jerusalem nhóm tại Jerusalem và biểu quyết tín đồ dân ngoại không buộc phải chịu phép cắt bì (Công Vụ 15). Hoàng Đế La-mã Claudius cổ võ sự thờ lạy Magna Mater, "Mẹ Vĩ Đại Của Các Thần" (Great Mother of The Gods) và Attis, chồng của nữ thần. Hai tà thần này chính thức trở thành thần của người La-mã vào khoảng năm 200 TCN.

Năm 50

Chuyến truyền giáo thứ nhì của Sứ Đồ Phao-lô, có Si-la và Ti-mô-thê cùng đi (Công Vụ 15-18). Phao-lô trải qua các thành Phi-líp, Tê-sa-lô-ni-ca, Bê-rê, A-thên, Cô-rinh-tô, Ê-phê-sô, Sê-sa-rê, và Jerusalem trước khi trở về thành An-ti-ốt.

Năm 51

Từ thành phố Cô-rinh-tô, Phao-lô viết thư cho Hội Thánh tại Tê-sa-lô-ni-ca.

Năm 53

Từ thành An-ti-ốt (?) Phao-lô viết thư cho Hội Thánh Ga-la-ti. Chuyến truyền giáo thứ ba của Phao-lô khởi đầu trong xứ Ga-la-ti, và Phi-ri-gi trước khi ông đến và ở lại lâu dài tại Ê-phê-sô. Phao-lô ở lại Ê-phê-sô từ năm 53 cho đến năm 55/56 (Công Vụ 18-19).

Năm 55

Từ thành Ê-phêsô Phao-lô viết thư thứ nhất cho Hội Thánh Cô-rinh-tô.

Năm 55/56

Phao-lô rời thành Ê-phê-sô (Công Vụ 20:1), ghé thăm xứ Ma-xê-đoan và thành Cô-rinh-tô. Từ xứ Ma-xê-đoan ông viết lá thư thứ hai cho Hội Thánh Cô-rinh-tô.

Năm 57

Từ thành Cô-rinh-tô Phao-lô viết thư cho Hội Thánh Rô-ma. Ông rời Hy-lạp, ngang qua thành Trô-ách, giảng cho các trưởng lão tại Ê-phê-sô.

Năm 57-59

Phao-lô bị cầm tù tại Sê-sa-rê dưới thời tổng đốc Phê-lít và Phê-tu (Công Vụ 23-26).

Năm 60

Phao-lô bị giải đến La-mã (Công Vụ 28).

Năm 61/62

Phao-lô viết các thư tín: Phi-lê-môn, Cô-lô-se, Ê-phê-sô, và Phi-líp.

Năm 62

Theo Sử Gia Do-thái Josephus, Gia-cơ (James the Just) giám mục của Hội Thánh Jerusalem bị một đám dân nổi loạn giết chết trong đền thờ, bằng cách đánh búa tạ vào đầu.

Sứ Đồ Ba-tê-lê-my tử đạo tại Kalyana, một thành phố tiểu quốc nằm trên bờ biển phía Tây của Ân-độ. Ông bị lột da trong lúc còn sống và sau đó bị đóng đinh.
 
Phao-lô được xét xử và trắng án tại La-mã.

Năm 63-66

Phao-lô trải qua các xứ Ma-xê-đoan, Tiểu á, Crete, và có thể cả Spain. Thư I Ti-mô-thê và Tít được viết trong thời gian này.

Năm 64

Hội Thánh bị bách hại lần thứ nhất dưới thời Nê-rô, hoàng đế La-mã (54-68). Khi thành phố La-mã bị một cơn hỏa hoạn lớn, cháy suốt sáu ngày, Nê-rô đã đổ lỗi cho các tín đồ Đấng Christ và ra lệnh tàn sát họ dưới nhiều hình thức dã man: cho chó xé xác, đóng đinh, nhúng dầu chai thắp làm đuốc soi trong ngự uyển…

Hội Thánh tại Alexandria được thành lập bởi Mác, một môn đồ của Phi-e-rơ. Đền thờ do Vua Hê-rốt xây dựng được hoàn thành (khởi công năm 20 TCN).

Năm 66

Dân Do-thái nổi loạn chống lại chính quyền La-mã. Chiến tranh xảy ra, thánh đồ tại Jerusalem nhớ lời Chúa phán về sự hủy phá của Jerusalem nên đã ra khỏi thành. Thành Jerusalem bị thất thủ năm 70 và bị hủy diệt, cùng với đền thờ tráng lệ do vua Hê-rốt xây dựng trong 46 năm. Tacitus ghi rằng 600 000 dân Dothái bị tàn sát khi thành Jerusalem bị thất thủ; sử gia người Do thái, Josephus, thì ghi là một triệu người.

Năm 67

Vài học giả cho rằng sách cuối cùng của Thánh Kinh, Khải Huyền, được viết trong năm này. Nhiều học giả khác cho rằng sách được viết vào cuối triều đại của Diocletian, hoàng đế La-mã (81-96).

Phao-lô trải qua lần xét xử thứ hai tại La-mã. Thư II Ti-mô-thê được viết.

Năm 67/68

Sứ Đồ Phao-lô bị chém trên đường dẫn từ La-mã đến Ostia. Sứ Đồ Phi-e-rơ cũng tử đạo trong khoảng thời gian này, bị đóng đinh với đầu chúi xuống đất.

Năm 69
 
Theo truyền thuyết, Sứ Đồ Anh-rê bị đóng đinh tại Patrae trên bán đảo Peloponnesus. Ignatius trở thành giám mục của Hội Thánh An-ti-ốt, xứ Syria. Giám Mục Polycarp của Hội Thánh Si-miệc-nơ sinh trong năm này (chết năm 155).

Năm 70

Sách Tin Lành Ma-thi-ơ và Mác có thể được viết vào cuối năm này.

Năm 72

Theo truyền thuyết, Sứ Đồ Thô-ma bị đâm chết bởi các thầy tế lễ của Ấn Giáo tại Mylapore, Ấn độ.

Năm 79

Theo truyền thuyết, Giu-đe và Si-môn người Ca-na-an đã bị xé xác bởi đám dân nổi loạn người Persian (Iran ngày nay).

Năm 80

Sách Tin Lành Lu-ca được viết.

Năm 90

Hội đồng Jamnia (Synod of Jamnia) của dân Do-thái thiết lập kinh điển Hê-bơ-rơ (tương đương với Thánh Kinh Cựu Ước chúng ta có ngày hôm nay). Ngôn ngữ phổ biến trong Hội Thánh thuở ban đầu là tiếng Hy-lạp (Greek) và bản dịch Thánh Kinh Cựu Ước được sử dụng rộng rãi thời bấy giờ là bản "Septuagint" (Bảy Mươi). Bản dịch Septuagint có thêm các "ngụy kinh" không được công nhận là kinh điển (không được công nhận là Lời Chúa). Về sau, một bản dịch mới dựa trên bản văn tiêu chuẩn của Hội đồng Jamnia được Hội Thánh chấp nhận.

Theo truyền thuyết, Phi-líp đã bị đóng đinh, đầu chúi xuống đất (như Phi-e-rơ) tại Hierapolis, xứ Tiểu Á. Vài học giả cho rằng Phi-líp sứ đồ và Phi-líp nhà truyền giáo là hai người khác nhau, và Phi-líp truyền giáo là người tử đạo tại Hierapolis.

Theo Hippolytus, Sứ Đồ Ma-thi-ơ chết già tại Hierees, xứ Persia.

Năm 92

Clement được bầu làm giám mục tại La-mã và tại chức cho đến năm 100.

Năm 93

Hội Thánh bị bách hại lần thứ nhì dưới thời Domitian, hoàng đế La-mã (81-96). Sứ Đồ Giăng bị lưu đày trên đảo Bát-mô. Nhiều nhà giải kinh cho rằng sách Khải Huyền được viết vào khoảng năm 95, 96 trên đảo Bát-mô.

Năm 100

Sứ đồ Giăng qua đời vào khoảng thời gian này tại thành Ê-phê-sô.

Cerinthus giảng dạy tà giáo, cho rằng Đấng Christ được sáng tạo chứ Ngài không phải là Thiên Chúa. Ông cũng cho rằng Đức Chúa Jesus là con tự nhiên của ông Giô-sép và bà Ma-ri được một thực thể siêu nhiên là Đấng Christ, ngự vào khi Chúa Jesus chịu lễ báp-tem và ra khỏi khi Chúa Jesus bị đóng đinh.
 
Huỳnh Christian Timothy
Tổng hợp từ các tài liệu về lịch sử Hội Thánh
 
 

Bấm vào đây để đọc tiếp →