Kỳ Tận Thế và Năm 2027

2,427 views

 

YouTube: https://youtu.be/98yaBB6iOLo

Kỳ Tận Thế và Năm 2027

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

Đối với nhiều người trong chúng ta, ngày đầu tiên của một năm mới cũng chính là thời điểm để chúng ta định hướng những gì cần làm trong một năm mới. Cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta mỗi năm có hai cơ hội đón mừng năm mới: mừng năm mới theo Dương Lịch và mừng năm mới theo Âm Lịch. Nhờ đó, nếu chúng ta vì một lý do gì, không kịp định hướng vào dịp Tết Dương Lịch thì chúng ta vẫn có thêm một cơ hội trong dịp Tết Âm Lịch. Nếu trong ngày đầu năm mới Dương Lịch vừa qua, có ai trong quý ông bà anh chị em chưa kịp định hướng những gì cần làm trong năm mới 2020 này, thì hôm nay, ngày đầu của năm mới Âm Lịch, là một cơ hội tốt để thực hiện điều ấy.

Là con dân Chúa, chúng ta định hướng cuộc sống của mình theo những phép tắc của Lời Chúa và theo sự hiểu biết của chúng ta về những lời tiên tri trong Thánh Kinh. Đặc biệt đối với thời đại của chúng ta, chúng ta cần định hướng những sự cần làm trong đời sống của chúng ta theo sự hiểu biết của chúng ta về các lời tiên tri liên quan tới sự đến của Đức Chúa Jesus Christ và Kỳ Tận Thế. Vì sự đến của Đấng Christ đã rất gần, có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, chúng ta phải dọn mình để sẵn sàng ra đi với Ngài. Vì trong Kỳ Tận Thế vẫn sẽ có nhiều người tin nhận Tin Lành, chúng ta cần sống và hầu việc Chúa sao cho sự hầu việc Chúa của chúng ta hiện nay cũng giúp ích cho những người sẽ tin Chúa trong Kỳ Tận Thế.

Để làm nền tảng cho sự định hướng những việc cần làm trong cuộc sống của chúng ta, không những trong năm 2020 mà còn cho suốt khoảng thời gian còn lại, từ nay cho tới khi Đức Chúa Jesus Christ đến để đem chúng ta ra khỏi thế gian, chúng ta hãy cùng nhau suy ngẫm các lời tiên tri trong Thánh Kinh về Kỳ Tận Thế. Vì bởi đó, chúng ta sẽ nhận biết cách rõ ràng, Kỳ Tận Thế đang đến gần và ngày Chúa đến có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Với sự nhận thức đó, chúng ta dễ dàng biết mình cần phải làm gì trong những ngày còn lại của chúng ta trên trần gian này. Sự nhận biết dấu hiệu các thời kỳ để sống thích ứng với chương trình của Đức Chúa Trời dành cho mỗi thời kỳ là bổn phận của con dân Chúa. Chính Đức Chúa Jesus Christ đã lên tiếng quở trách những người Pha-ri-si, những người tự xưng nhận họ biệt riêng mình để học Lời Chúa và hầu việc Chúa, vì họ đã không nhận biết dấu hiệu của các thời kỳ:

“Những người Pha-ri-si và những người Sa-đu-sê đã đến, thử Ngài, muốn Ngài tỏ ra cho họ một dấu lạ từ trời. Nhưng Ngài đã trả lời, phán với họ: Vào buổi tối, các ngươi nói, thời tiết tốt, vì trời đỏ. Còn sáng sớm thì các ngươi nói: Hôm nay có mưa giông, vì trời đỏ và nhiều mây. Hỡi những kẻ giả hình! Các ngươi thật có thể phân biệt sắc trời mà các ngươi không thể phân biệt những dấu hiệu của các thời kỳ sao?” (Ma-thi-ơ 16:1-3).

Những người Pha-ri-si thời xưa đã không nhận biết thời kỳ Đấng Christ vào trong thế gian để hoàn thành sự chuộc tội cho nhân loại. Ngày hôm nay, chúng ta có nhiều dấu hiệu rõ ràng, báo cho chúng ta biết, chúng ta đang sống trong khoảng thời gian cuối cùng của thời kỳ Hội Thánh. Hội Thánh có thể được Đức Chúa Jesus Christ cất ra khỏi thế gian bất kỳ lúc nào. Sự kiện dân I-sơ-ra-ên được hồi sinh phần thuộc linh có thể xảy ra vào năm 2027. Và Kỳ Tận Thế cũng có thể xảy ra vào năm 2027.

Khi chúng ta đối chiếu các lời tiên tri về Kỳ Tận Thế với lịch sử và thời sự thế giới thì chúng ta nhận ra ngay, chúng ta đang sống trong những ngày liền trước Kỳ Tận Thế. Lời tiên tri đầu tiên về Kỳ Tận Thế đã được ghi lại trong sách Đa-ni-ên, từ hơn 2.500 năm trước, vào khoảng năm 539 TCN. Hơn 600 năm sau đó thì chi tiết về Kỳ Tận Thế được Đức Chúa Jesus Christ mạc khải cho Sứ Đồ Giăng, và được ông ghi lại trong sách Khải Huyền, vào khoảng năm 95 CN. Nói cách khác, những gì đang và sẽ xảy ra trên thế giới, trong thời đại của chúng ta, đã được Chúa tiên tri từ hàng ngàn năm trước. Chúng ta thật sự là thế hệ có phước nhất trong các thế hệ của loài người. Vì chúng ta có thể kiểm chứng sự ứng nghiệm phần lớn những lời tiên tri trong Thánh Kinh, khi chúng ta xem xét lịch sử của thế giới. Chúng ta lại được chứng kiến những lời tiên tri cuối cùng của Thánh Kinh đang trở thành hiện thực, trong thời đại của chúng ta. Nhờ đó, chúng ta thấy rõ, đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa, vào Thánh Kinh là đúng. Nhờ đó, chúng ta được khích lệ càng hơn để hết lòng sống cho Chúa, sống vì Chúa trong những ngày cuối cùng còn lại của chúng ta, trong thân thể xác thịt hiện tại, trong đời này.

Ý nghĩa của sách Khải Huyền đã được chúng tôi chú giải từng câu và đăng trên khu mạng kytanthe.net. Cũng trên khu mạng đó, chúng tôi có nhắc đến lời tiên tri về Kỳ Tận Thế trong sách Đa-ni-ên, trong bài “Bảy Mươi Tuần Năm của Đa-ni-ên” [1]. Hôm nay, chúng ta hãy cùng nhau suy ngẫm lời tiên tri trong Đa-ni-ên 9:24-27, đối chiếu với lịch sử thế giới, đối chiếu với lời tiên tri trong Ô-sê 6:1-2, so sánh với tình hình thời sự hiện tại, để thấy rằng, rất có thể Kỳ Tận Thế sẽ xảy ra trong năm 2027 và kéo dài đến năm 2034.

Trước hết, chúng ta hãy cùng nhau đọc lại lời tiên tri trong Đa-ni-ên 9:24-27:

24 Có bảy mươi tuần năm định trên dân ngươi và thành thánh ngươi, để đóng lại sự phạm pháp, kết thúc sự phạm tội, làm sự chuộc tội, và đem sự công chính đời đời vào, để kết thúc khải tượng và lời tiên tri, và để xức dầu cho sự rất thánh.

25 Vậy, hãy biết và hiểu rằng, từ khi ra lệnh tu bổ và xây lại Giê-ru-sa-lem, cho đến Đấng thủ lãnh Mê-si-a, thì được bảy tuần năm và sáu mươi hai tuần năm; đường phố và hào sẽ được xây lại, dù trong các thời kỳ khó khăn.

26 Sau sáu mươi hai tuần năm, Đấng Mê-si-a sẽ bị trừ đi, và sẽ không có gì hết. Có dân của thủ lãnh sẽ đến sẽ hủy phá thành và Nơi Thánh; cuối cùng nó sẽ như bị nước lụt ngập, và những sự hoang vu đã định cho đến khi chiến tranh chấm dứt.

27 Người sẽ tái xác nhận giao ước với nhiều người trong một tuần năm, và đến giữa tuần năm ấy, người sẽ khiến của lễ và của lễ chay dứt đi. Bởi cánh gớm ghiếc người sẽ làm cho hoang vu, cho đến kỳ sau rốt, là kỳ đã định.

Mỗi một tuần năm gồm có bảy năm. Bảy mươi tuần năm là 490 năm. Đức Chúa Trời đã định ra 490 năm cho dân I-sơ-ra-ên và thành thánh của họ, tức thành Giê-ru-sa-lem. Trong 490 năm đó, những điều sau đây sẽ xảy ra trên dân I-sơ-ra-ên và trên thành Giê-ru-sa-lem:

1. Đóng lại sự phạm pháp của dân I-sơ-ra-ên. Sự phạm pháp của dân I-sơ-ra-ên là sự họ vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, như đã chép trong Xuất Ê-díp-tô Ký 20:1-17 và được nhắc lại trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:6-21. Đức Chúa Trời sẽ nhiều lần thi hành việc sửa trị dân I-sơ-ra-ên để làm giảm bớt sự họ vi phạm luật pháp của Ngài. Cuối cùng, Đức Chúa Trời sẽ đóng lại sự phạm pháp của họ, khi họ, trong tư cách là một dân tộc, tiếp nhận ơn cứu rỗi của Ngài.

2. Kết thúc sự phạm tội của dân I-sơ-ra-ên. Vào ngày cuối cùng của tuần năm thứ 69, nhằm ngày Lễ Vượt Qua của năm 27 Tây Lịch, Đức Chúa Jesus Christ đã chịu chết vì tội lỗi của toàn thể nhân loại, trong đó có dân I-sơ-ra-ên. Khi dân I-sơ-ra-ên với tư cách là một quốc gia, tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ trong tuần năm cuối cùng, tức tuần năm thứ 70, tức là khoảng thời gian bảy năm đại nạn của Kỳ Tận Thế, thì sự phạm tội của họ sẽ được kết thúc.

3. Làm sự chuộc tội cho dân I-sơ-ra-ên. Còn gọi là làm sạch sự gian ác, tức là sự tha tội và làm cho sạch tội những ai thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Đây là sự kiện không phải chỉ xảy ra cách riêng tư cho dân I-sơ-ra-ên, mà cho tất cả những ai thuộc về bất cứ dân tộc nào, nếu họ thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Nhưng sẽ có một thời điểm toàn dân I-sơ-ra-ên sẽ được cứu chuộc. Thời điểm đó thuộc về tuần năm thứ 70, tức thuộc về Kỳ Tận Thế.

4. Đem sự công chính đời đời vào vương quốc I-sơ-ra-ên. Đem sự công chính đời đời vào trong thành thánh Giê-ru-sa-lem, vào trong vương quốc I-sơ-ra-ên, vào cuối Kỳ Tận Thế, khi 70 tuần năm mà Đức Chúa Trời đã định cho dân I-sơ-ra-ên và thành Giê-ru-sa-lem được kết thúc.

5. Kết thúc khải tượng và lời tiên tri về dân I-sơ-ra-ên. Khiến cho mọi khải tượng và mọi lời tiên tri về dân I-sơ-ra-ên được hoàn toàn ứng nghiệm.

6. Xức dầu cho sự rất thánh. Nói đến sự kiện Đền Thờ Thiên Chúa tại Giê-ru-sa-lem, được tái xây dựng liền trước Kỳ Tận Thế, sẽ được làm lễ xức dầu để thánh hóa và dâng lên Thiên Chúa, trở thành nơi thờ phượng Đức Chúa Trời trong Vương Quốc Ngàn Năm.

Bảy mươi tuần năm được bắt đầu từ khi có lệnh tu bổ và xây lại thành Giê-ru-sa-lem. Theo sử liệu, thành Giê-ru-sa-lem bị quân đội Ba-bi-lôn thiêu hủy vào ngày 29 tháng 07 năm 587 TCN; nhằm buổi chiều của ngày 09 tháng 05 (tháng Av) năm 3174 theo Lịch Do-thái. Vào năm 457 TCN, Vua Ạt-ta-xét-xe ra chiếu chỉ, truyền cho Ê-xơ-ra về lại Giê-ru-sa-lem, toàn quyền làm những gì ông muốn và thiết lập chính quyền tại Giê-ru-sa-lem, cai trị theo luật pháp của Thiên Chúa. Ê-xơ-ra đã cho tu bổ và xây dựng lại thành Giê-ru-sa-lem (Ê-xơ-ra 9:9). Và như vậy, chiếu chỉ của Vua Ạt-ta-xét-xe chính là lệnh cho phép tự do tu bổ thành Giê-ru-sa-lem đã được tiên tri trước đó 82 năm, và đã được ghi lại trong Đa-ni-ên 9:25.

Chúng ta không biết chính xác ngày tháng Vua Ạt-ta-xét-xe ra chiếu chỉ, nhưng chúng ta biết ngày mà chiếu chỉ đó được Ê-xơ-ra thi hành. Đó là ngày 01 tháng 01 năm thứ bảy của triều Vua Ạt-ta-xét-xe, nhằm ngày 19 tháng 09 năm 457 TCN (Ê-xơ-ra 7:9). Vào thời của Ê-xơ-ra và Nê-hê-mi thì triều đại của các vua Phe-rơ-sơ được người I-sơ-ra-ên tính theo niên lịch dân sự; nghĩa là một năm cai trị của vua bắt đầu từ đầu tháng 7 (tháng Tishrei) và kết thúc vào cuối tháng 6 (tháng Elul), theo Lịch Do-thái [2]. Rất có thể chiếu chỉ đã được ban hành vào khoảng đầu tháng 04 năm 457 TCN, vào dịp Lễ Vượt Qua. Ê-xơ-ra đã cần hơn năm tháng để chuẩn bị nhân lực và tài lực cho chuyến đi từ Ba-bi-lôn về Giê-ru-sa-lem, như đã ghi lại trong Ê-xơ-ra đoạn 8.

Từ ngày chiếu chỉ được ban hành cho đến khi Đấng Thủ Lãnh Mê-si-a tức là Đấng Christ bị diệt là 69 tuần năm. Từ ngữ được phiên âm là “mê-si-a” trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh cùng nghĩa với chữ “christ” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, có nghĩa là Đấng Được Xức Dầu. Trong Thánh Kinh, được xức dầu là được Đức Chúa Trời ban cho chức vụ, thẩm quyền, và năng lực để thi hành chức vụ. Đức Chúa Jesus là người duy nhất được ban cho cùng lúc cả ba chức vụ: tiên tri, thầy tế lễ, và vua, nên danh xưng “Đấng Mê-si-a”, “Đấng Christ” với nghĩa là “Đấng Được Xức Dầu” đã trở thành một trong các danh hiệu của Ngài.

Từ năm 457 TCN đến năm 27 CN là đúng 483 năm (457 + 27 = 484, trừ cho 1 vì giữa năm 1 TCN và năm 1 CN không có năm 0 = 483 năm).

Giai đoạn một, gồm 49 năm, là thời kỳ dân I-sơ-ra-ên được quyền tự trị tại Giê-ru-sa-lem từ năm 457 TCN đến năm 408 TCN. Trong giai đoạn này, dân I-sơ-ra-ên hoàn thành việc tu bổ và tái xây dựng thành Giê-ru-sa-lem; được tự thiết lập chính quyền và cai trị theo luật pháp của Thiên Chúa. Chiếu chỉ của Vua Ạt-ta-xét-xe truyền cho Ê-xơ-ra, ghi rõ:

“Còn ngươi, hỡi Ê-xơ-ra, tùy theo sự khôn sáng của Thiên Chúa ngươi, đã có trong tay ngươi, hãy lập những quan phủ, quan án, là những kẻ thạo biết luật pháp của Thiên Chúa ngươi để chúng phán xét cả dân sự ở bên kia sông; còn người nào chẳng biết luật pháp, các ngươi hãy dạy cho nó biết.” (Ê-xơ-ra 7:25).

Giai đoạn một, gồm 49 năm, tương đương với chu kỳ của Năm Vui Mừng (Lê-vi Ký 25:8-10), rất có thể hàm ý là chu kỳ Năm Vui Mừng được bắt đầu đếm lại, kể từ khi chiếu chỉ tu bổ và tái xây dựng thành Giê-ru-sa-lem được ban hành. Và nếu là vậy thì 490 năm Đức Chúa Trời định cho dân I-sơ-ra-ên và thành Giê-ru-sa-lem chính là 10 chu kỳ của Năm Vui Mừng. Chu kỳ thứ mười đã tạm dừng sau khi Đấng Christ bị đóng đinh trên thập tự giá vào ngày Lễ Vượt Qua của năm 27. Dựa vào Ô-sê 6:1-2 chúng ta thấy, rất có thể chu kỳ đó sẽ tái khởi động vào năm 2027, khiến cho ngày Lễ Chuộc Tội của năm 2034 cũng là ngày mở đầu cho Năm Vui Mừng thứ mười của 70 tuần năm mà Đức Chúa Trời đã định cho dân I-sơ-ra-ên và thành Giê-ru-sa-lem.

Giai đoạn hai, gồm 434 năm, từ năm 408 TCN đến năm 27 (từ đây chúng tôi bỏ bớt chữ CN = Công Nguyên), dân I-sơ-ra-ên và Giê-ru-sa-lem bị cai trị bởi các quan chức và luật pháp của các đế quốc Phe-rơ-sơ, Hy-lạp, và La-mã. Vào cuối của giai đoạn hai, Đấng Christ bị giết. Sau khi Đấng Christ bị giết vào ngày 09 tháng 04 năm 27 [3] thì kết thúc 69 tuần năm. Nhóm chữ “và sẽ không có gì hết” trong Đa-ni-ên 9:26 hàm ý, tuần thứ 70 bị tạm ngưng lại. Đức Chúa Trời tạm ngưng sự tương giao của Ngài đối với dân I-sơ-ra-ên, sau khi họ chối bỏ Đấng Christ, để phát triển Hội Thánh của Ngài trong suốt 2.000 năm. Đức Chúa Trời dùng khoảng thời gian dân I-sơ-ra-ên chết thuộc linh để chọn ra một tập thể bao gồm bất cứ ai tin nhận Tin Lành Cứu Rỗi của Ngài, từ trong khắp mọi dân tộc, gọi là Hội Thánh của Ngài, để lập họ làm những người đồng cai trị với Đấng Christ, trong chính quyền của Vương Quốc Trời. Các thánh đồ thời Cựu Ước và các thánh đồ Kỳ Tận Thế sẽ cai trị vương quốc thuộc thể trên đất, nhưng các thánh đồ trong Hội Thánh sẽ đồng trị với Đấng Christ mọi cơ nghiệp của Đức Chúa Trời trong thế giới thuộc thể, bao gồm trái đất và cả vũ trụ, lẫn thế giới thuộc linh.

Sau sự kiện Đức Chúa Jesus Christ bị dân I-sơ-ra-ên chối bỏ và bị đóng đinh trên thập tự giá vào ngày Lễ Vượt Qua của năm 27, Đức Chúa Trời đã ban cho dân I-sơ-ra-ên cơ hội để họ ăn năn. Cơ hội ấy đã kéo dài trong suốt 40 năm. Nhưng dân I-sơ-ra-ên vẫn không ăn năn nên vào năm 67 Đức Chúa Trời đã cho phép quân lính La-mã tiến công xứ Giu-đê [4], dẫn đến sự bao vây triệt hạ thành Giê-ru-sa-lem và Đền Thờ Thiên Chúa vào mùa xuân năm 70 [5]. Đền Thờ Thiên Chúa bị thiêu rụi hoàn toàn đến nỗi không còn một hòn đá nào chồng trên một hòn đá nào, làm ứng nghiệm lời tiên tri của Đức Chúa Jesus Christ trước đó (Ma-thi-ơ 24:2). Thành Giê-ru-sa-lem cũng bị triệt hạ hoàn toàn, chỉ còn sót lại bức tường thành phía tây. Ngày nay, bức tường ấy được gọi là Bức Tường Than Khóc, vì hàng năm, dân I-sơ-ra-ên đổ về đó, than khóc cho sự thành Giê-ru-sa-lem và Đền Thờ Thiên Chúa bị hủy diệt.

Đa-ni-ên 9:26 đã ứng nghiệm vào năm 27 về sự chết của Đấng Christ; ứng nghiệm vào năm 70 về sự thành Giê-ru-sa-lem và Đền Thờ Thiên Chúa bị phá hủy. Phần còn lại, tiên tri về sự Giê-ru-sa-lem “sẽ như bị nước lụt ngập, và những sự hoang vu đã định cho đến khi chiến tranh chấm dứt” là nói về sự AntiChrist sẽ đem quân tiến đánh thành Giê-ru-sa-lem vào giữa của Kỳ Tận Thế. Khi đó, dân I-sơ-ra-ên phải bỏ thành Giê-ru-sa-lem, lánh nạn vào đồng vắng (Khải Huyền 12:6), cho đến khi Đấng Christ cùng Hội Thánh tái lâm trên đất, tiêu diệt AntiChrist và những ai mang con dấu của AntiChrist.

Chúng ta cũng cần chú ý rằng, sự Đức Chúa Jesus Christ tiến vào thành Giê-ru-sa-lem trong tư cách của một nhà vua đã được tiên tri và ghi lại trong sách Xa-cha-ri khoảng 520 năm trước đó:

“Hỡi con gái Si-ôn, hãy mừng rỡ lớn! Hỡi con gái Giê-ru-sa-lem, hãy trỗi tiếng reo vui! Này, Vua ngươi đến với ngươi, Ngài là công chính và ban sự cứu rỗi, nhu mì và cưỡi lừa, tức là con của lừa cái.” (Xa-cha-ri 9:9).

Thứ Bảy, ngày 10 tháng Nisan năm 3787, theo Lịch Do-thái, nhằm ngày 05 tháng 04 năm 27, theo Tây Lịch (Lịch Julian), Đức Chúa Jesus Christ trong tư cách là vua của dân I-sơ-ra-ên, đã ngồi trên lưng lừa con, tiến vào thành Giê-ru-sa-lem và được dân chúng tung hô. Sự kiện này đã được cả bốn sách Tin Lành ghi chép: Ma-thi-ơ 21; Mác 11; Lu-ca 19; Giăng 12. Ngày hôm đó cũng chính là ngày chiên con được biệt riêng để chuẩn bị cho Lễ Vượt Qua (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:3).

Thứ Tư, ngày 14 tháng Nisan năm 3787, theo Lịch Do-thái, nhằm ngày 09 tháng 04 năm 27, theo Tây Lịch, cũng là ngày Lễ Vượt Qua, Đức Chúa Jesus Christ đã bị đóng đinh trên thập tự giá, trở thành Chiên Con của Lễ Vượt Qua cho toàn thể loài người:

“Vậy, hãy làm cho mình sạch men cũ, để các anh chị em trở nên bột nhồi mới không men, như các anh chị em là bánh không men vậy. Vì Đấng Christ là Chiên Con Lễ Vượt Qua của chúng ta, đã bị giết thay cho chúng ta.” (I Cô-rinh-tô 5:7).

Đức Chúa Jesus Christ là Chiên Con của Lễ Vượt Qua có nghĩa là nhờ sự chết của Ngài mà những ai tin nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời đều được tha tội, được giải cứu khỏi ách nô lệ của tội lỗi, và được ban cho cơ hội tái sinh thành một người mới, sống một đời sống mới, thánh khiết, bình an, và vui thỏa trong tình yêu của Thiên Chúa:

“Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ thì người ấy là một tạo vật mới. Những sự cũ đã qua đi. Này, mọi sự đã trở nên mới.” (II Cô-rinh-tô 5:17).

“Các anh chị em hãy bỏ nếp sống trước đây của con người cũ, là người đã bị hư hỏng theo sự lừa gạt của những sự tham muốn, mà chịu làm nên mới trong tâm thần về sự hiểu biết của mình, và mặc lấy con người mới, là người đã được dựng nên giống như Thiên Chúa, trong sự công chính và sự thánh sạch chân thật.” (Ê-phê-sô 4:22-24).

“Nhưng bây giờ, các anh chị em cũng đã trừ bỏ những sự đó: sự giận, sự thịnh nộ, sự độc ác, sự phạm thượng, sự tục tĩu ra từ miệng của các anh chị em. Chớ nói dối nhau, vì đã lột bỏ người cũ cùng mọi việc làm của nó, mà mặc lấy người mới, đã được đổi ra mới trong sự tri thức, theo hình ảnh của Đấng đã dựng nên người ấy!” (Cô-lô-se 3:8-10).

Kể từ ngày Lễ Vượt Qua của năm 27, là ngày dân I-sơ-ra-ên chối bỏ Đấng Christ và giao Ngài vào trong tay dân La-mã để Ngài bị giết thì họ rơi vào tình trạng chết thuộc linh. Tiên Tri Ô-sê đã tiên tri rằng, dân I-sơ-ra-ên sẽ chết thuộc linh trong hai ngày và sẽ phục sinh vào ngày thứ ba:

“Hãy đến! Chúng ta hãy trở về cùng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu! Vì Ngài đã xé nhưng Ngài sẽ chữa lành chúng ta. Ngài đã đánh nhưng Ngài sẽ buộc vết thương cho chúng ta. Sau hai ngày, Ngài sẽ khiến chúng ta sống lại. Ngày thứ ba, Ngài sẽ dựng chúng ta dậy. Chúng ta sẽ sống trước mặt Ngài.” (Ô-sê 6:1-2).

Theo II Phi-e-rơ 3:8 thì đối với Chúa, một ngày như một ngàn năm. Hai ngày chết thuộc linh của dân I-sơ-ra-ên tức là 2.000 năm, từ năm 27 đến năm 2027.

Ngày Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa nhằm ngày 16 tháng Nisan, là ngày theo sau ngày thứ nhất của Lễ Bánh Không Men. Kỳ Lễ Bánh Không Men kéo dài bảy ngày là hình bóng cho đời sống mới trọn vẹn và còn đến đời đời của những người được dựng nên mới, nhờ có đức tin vào trong sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa làm hình bóng cho sự phục sinh của Đức Chúa Jesus Christ, sự phục sinh của những ai thuộc về Chúa, và sự phục sinh thuộc linh của dân I-sơ-ra-ên. Vì thế, chúng ta có thể tin rằng, dân I-sơ-ra-ên sẽ được sống lại phần thuộc linh vào ngày Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa của năm 2027, đúng sau 2.000 năm (tức hai ngày trong lời tiên tri) kể từ khi họ chối bỏ Đấng Christ và bị chết thuộc linh. Chúng ta có thể tin rằng, chính trong ngày đó, Đức Chúa Trời sẽ đóng dấu 144.000 người trong 12 chi phái của dân I-sơ-ra-ên để họ làm công việc rao giảng Tin Lành khắp thế gian, trong suốt bảy năm của Kỳ Tận Thế, như đã được tiên tri trong Khải Huyền 7:1-8. Chúng ta có thể tin rằng, chính trong ngày đó, tuần năm thứ 70, sau khi bị tạm ngưng suốt 2.000 năm, sẽ tái khởi động và kết thúc với sự tái lâm của Đức Chúa Jesus Christ trên đất vào cuối Kỳ Tận Thế.

Ngày Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa của năm 2027 nhằm Thứ Sáu ngày 23 tháng 04 năm 2027. Chúng ta chú ý chi tiết lạ lùng này:

  • Chúa dựng nên loài người vào ngày Thứ Sáu trong bảy ngày sáng tạo.
  • Chúa thành lập Hội Thánh vào ngày Thứ Sáu, nhằm 28 tháng 05 năm 27.
  • Chúa tái lập quốc gia I-sơ-ra-ên vào ngày Thứ Sáu, nhằm 14 tháng 05 năm 1948.

Có thể Chúa sẽ hồi sinh thuộc linh dân I-sơ-ra-ên vào ngày Thứ Sáu, nhằm 23 tháng 04 năm 2027, cũng là ngày Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa. Có thể đó cũng là lúc Chúa đóng dấu trên 144.000 người I-sơ-ra-ên được chọn ra từ trong 12 chi phái.

Dựa vào Khải Huyền 7 chúng ta có thể hiểu rằng, liền sau khi Chúa đóng dấu 144.000 người I-sơ-ra-ên thì Chúa sẽ cất Hội Thánh ra khỏi thế gian. Đó cũng là lúc mà thân thể xác thịt của con dân Chúa trong Hội Thánh được phục sinh hoặc được biến hóa. Dường như Khải Huyền 7:9-10 mô tả sự kiện con dân Chúa có mặt trên thiên đàng ngay sau khi những người được chọn trong dân I-sơ-ra-ên được đóng dấu:

“Sau đó, tôi nhìn xem, và này, một đám đông vĩ đại, không đếm được, thuộc mọi quốc gia, mọi chi tộc, mọi dân, và mọi ngôn ngữ, đứng trước ngai và trước Chiên Con, mặc áo dài trắng, trong tay họ có những nhánh chà là. Họ kêu lớn tiếng rằng: Sự cứu rỗi thuộc về Đức Chúa Trời chúng ta: Đấng ngự trên ngai và thuộc về Chiên Con!” (Khải Huyền 7:9-10).

Tuy nhiên, cũng có thể Hội Thánh đã được cất lên trước đó, nhưng sau khi 144.000 người I-sơ-ra-ên được đóng dấu thì mới có sự nhóm hiệp thờ phượng Chúa như được mô tả trong Khải Huyền 7:9-10.

Trong chương trình mầu nhiệm của Đức Chúa Trời, Thứ Sáu là ngày Chúa dựng nên loài người và ban sự sống cho loài người. Có lẽ vì vậy mà Chúa đã chọn thành lập Hội Thánh, ban sự sống cho Hội Thánh vào một ngày Thứ Sáu. Chúa tái sinh I-sơ-ra-ên thuộc thể cũng vào một ngày Thứ Sáu. Vì vậy, rất có thể Chúa sẽ phục sinh thuộc linh dân I-sơ-ra-ên và phục sinh thân thể xác thịt của con dân Chúa trong Hội Thánh cũng vào một ngày Thứ Sáu.

Tuy nhiên, Hội Thánh cũng có thể được Chúa cất lên vào bất kỳ ngày nào trong những ngày Lễ Thổi Kèn, thay vì được cất lên vào ngày Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa. Vì Lễ Thổi Kèn làm hình bóng cho sự Chúa hội hiệp con dân của Ngài [6]. Đây cũng là một trong các lý do mà không ai có thể biết được giờ và ngày Chúa đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian. Dưới đây là liệt kê các ngày Lễ Thổi Kèn từ năm 2020 đến năm 2027:

  • Năm 2020: Thứ Bảy, ngày 19 tháng 09.
  • Năm 2021: Thứ Ba, ngày 07 tháng 09.
  • Năm 2022: Thứ Hai, ngày 26 tháng 09.
  • Năm 2023: Thứ Bảy, ngày 16 tháng 09.
  • Năm 2024: Thứ Năm, ngày 03 tháng 10.
  • Năm 2025: Thứ Ba, ngày 23 tháng 09.
  • Năm 2026: Thứ Bảy, ngày 12 tháng 09.
  • Năm 2027: Thứ Bảy, ngày 02 tháng 10.

Chúng ta có thể trông chờ Chúa đến vào dịp Lễ Thổi Kèn của mỗi năm. Nếu đến ngày Lễ Thổi Kèn của năm 2026 mà Chúa vẫn chưa đến thì chúng ta càng nức lòng trông chờ Chúa vào ngày Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa hoặc ngày Lễ Thổi Kèn của năm 2027. Chúng tôi nghĩ rằng, RẤT CÓ THỂ trễ nhất là Chúa sẽ đến vào ngày Lễ Thổi Kèn của năm 2027.

Dựa vào Khải Huyền đoạn 8, chúng ta có thể tin rằng, bảy năm đại nạn của Kỳ Tận Thế sẽ bắt đầu ngay trong ngày 144.000 người I-sơ-ra-ên được đóng dấu. Với sự suy luận được nêu lên trên đây, chúng tôi nghĩ rằng, Kỳ Tận Thế sẽ bắt đầu vào ngày 23 tháng 04 năm 2027. Nhưng không ai biết được ngày và giờ Chúa sẽ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian.

Thêm một chi tiết về tin tức thiên thạch 1997 XF11 với đường kính khoảng 2,4 km sẽ tiến gần địa cầu vào ngày 26 tháng 10 năm 2028 [7] khiến cho chúng ta có thể tự hỏi, có phải đây là khối đá trời sẽ rơi xuống biển và các nguồn nước trên đất như đã tiên tri trong Khải Huyền:

“Thiên sứ thứ nhì thổi loa thì một vật giống như một hòn núi lớn cháy rực lửa bị ném xuống biển: Một phần ba biển trở thành máu. Một phần ba những tạo vật có sự sống trong biển bị chết. Một phần ba những tàu thuyền bị hủy diệt.” (Khải Huyền 8:8-9).

“Thiên sứ thứ ba thổi loa thì một ngôi sao lớn từ trời rơi xuống, cháy như một ngọn đuốc. Nó rơi xuống trên một phần ba các dòng sông và các nguồn nước. Tên của ngôi sao được gọi là Khổ Thảo: Một phần ba nước trở thành khổ thảo và nhiều người chết bởi uống nước, vì nước đã trở nên đắng.” (Khải Huyền 8:10-11).

Theo ước tính của Cơ Quan Hàng Không và Vũ Trụ Quốc Gia Hoa Kỳ (NASA) thì khi bay ngang địa cầu, thiên thạch 1997 XF11 sẽ cách địa cầu khoảng 588.000 dặm, tương đương 946.000 km. Nhưng nếu vì một lý do gì đó, thiên thạch này bị vỡ làm đôi, vận tốc bị giảm lại, và bị tác động bởi sức hút của địa cầu, thì có thể một nửa lớn hơn rơi xuống biển, nửa còn lại nhỏ hơn bay thêm một khoảng nữa, rồi vỡ tung thành nhiều mảnh vụn, rơi xuống trên các nguồn nước trên đất.

Thời điểm thiên thạch này tiếp cận địa cầu trùng hợp với thời điểm thích hợp cho Kỳ Tận Thế xảy ra khiến cho chúng ta tự hỏi, có phải Đức Chúa Trời đã sẵn sàng mọi sự cần thiết cho Kỳ Tận Thế.

Đa-ni-ên 9:27 tiên tri về sự AntiChrist sẽ lập giao ước với nhiều lãnh tụ của các quốc gia. Có lẽ đó là giao ước sẽ được AntiChrist đại diện cho Liên Hiệp Quốc để lập với I-sơ-ra-ên và các quốc gia Hồi Giáo Ả-rập, sau khi cuộc chiến theo Thi Thiên 83 xảy ra [8].

Trong cuộc chiến, có thể I-sơ-ra-ên sẽ bắn đầu đạn nguyên tử vào thủ đô Đa-mách của Si-ri, nơi tập trung bộ tổng tham mưu của liên quân Ả-rập, tiêu diệt hoàn toàn thủ đô Đa-mách y theo lời tiên tri trong Ê-sai 17. Khi đó, liên minh các nước Ả-rập đem quân tấn công I-sơ-ra-ên bị thua trận, mất phần lớn lãnh thổ và các mỏ dầu khí vào tay dân I-sơ-ra-ên. Khi đó, lần đầu tiên trong lịch sử, dân I-sơ-ra-ên sẽ chiếm trọn các vùng đất đã được Đức Chúa Trời hứa ban cho họ, như đã ghi trong Cựu Ước. Quốc tế sẽ phản đối I-sơ-ra-ên cách mạnh mẽ, và I-sơ-ra-ên sẽ đe dọa quốc tế rằng, nếu quốc tế đem quân đánh phạt I-sơ-ra-ên thì I-sơ-ra-ên sẽ cho nổ tung các mỏ dầu khí bằng đầu đạn nguyên tử, hủy diệt nguồn dầu khí quan trọng của thế giới. Vì thế, các nước trên thế giới sẽ liên kết với nhau, lập ra một chính phủ toàn cầu mà AntiChrist sẽ là lãnh tụ, nhằm tái tạo hòa bình, bằng cách ký hòa ước với I-sơ-ra-ên và các quốc gia Ả-rập để các nước trên thế giới được tiếp tục sử dụng dầu khí từ các mỏ dầu đã thuộc về tay I-sơ-ra-ên.

Đa-ni-ên 9:27 tiên tri rằng, AntiChrist sẽ tái xác nhận giao ước với nhiều người. Chữ “nhiều người” trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ vừa có nghĩa là nhiều dân tộc mà cũng vừa có nghĩa là nhiều lãnh tụ của các dân tộc. Sẽ rất hợp lý để chúng ta hiểu rằng, giao ước ấy chính là một hòa ước do AntiChrist đại diện các quốc gia tây phương và các nước Ả-rập Hồi Giáo vừa bị thua trận và mất đất về tay I-sơ-ra-ên, đứng ra ký kết với I-sơ-ra-ên.

Hòa ước sẽ có thời hạn là một tuần năm, tức là bảy năm. Vì thế:

  • Trận chiến tại Trung Đông theo Thi Thiên 83 sẽ xảy ra trước Kỳ Tận Thế.
  • Có một biến động quan trọng nào đó xảy ra cho nước Mỹ, khiến cho nước Mỹ không thể hỗ trợ cho I-sơ-ra-ên, và là nguyên nhân khiến cho các nước Ả-rập Hồi Giáo liên kết, tấn công I-sơ-ra-ên. Rất có thể từ năm 2025 đến năm 2027 nước Mỹ sẽ bị một thiên tai lớn, như sự bùng nổ của hồ lửa tại Lâm Viên Quốc Gia Yellowstone [9] hay cơn động đất khiến cho phần lớn California bị hủy diệt [10], [11] chẳng hạn. Thiên tai lớn như vậy sẽ sinh ra loạn lạc khắp nơi, khiến cho quân đội và tài nguyên của nước Mỹ phải tập trung cho việc khắc phục hậu quả của thiên tai và bảo vệ an ninh trên nước Mỹ.
  • Có lẽ ngày hòa ước bắt đầu có hiệu lực sẽ đúng vào ngày Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa của năm 2027. Để rồi sau đó ba năm rưỡi, AntiChrist vi phạm hòa ước, đem quân tiến đánh I-sơ-ra-ên. Dân I-sơ-ra-ên sẽ được Đức Chúa Trời đưa vào đồng vắng lánh nạn trong ba năm rưỡi còn lại của Kỳ Tận Thế. AntiChrist sẽ vào ngồi trong Đền Thờ Thiên Chúa vừa được tái xây dựng tại Giê-ru-sa-lem, và xưng mình là Đức Chúa Trời. Sự AntiChrist đánh chiếm Giê-ru-sa-lem và Đền Thờ Thiên Chúa sẽ khiến cho sự dâng tế lễ trong Đền Thờ Thiên Chúa bị chấm dứt.

Sự thắng lợi trong cuộc chiến theo Thi Thiên 83 khiến cho dân I-sơ-ra-ên thức tỉnh; nhận biết các lời tiên tri trong Thánh Kinh về Kỳ Tận Thế đang ứng nghiệm. Khi đó, họ nhận biết Đức Chúa Jesus Christ chính là Đấng Mê-si-a đã được hứa trong Cựu Ước. Và sự thức tỉnh đó chính là nguyên nhân khiến cho dân I-sơ-ra-ên được sống lại về thuộc linh.

Cuối cùng của bảy năm đại nạn, tức cuối cùng của tuần năm thứ 70, Đấng Christ và Hội Thánh cùng các thiên sứ sẽ giáng lâm trên đất, và tiêu diệt thế lực của AntiChrist. AntiChrist và tiên tri của AntiChrist đang sống bị ném vào hỏa ngục. Tất cả những người nhận dấu hiệu của AntiChrist đều sẽ bị diệt. Sa-tan bị giam vào vực sâu trong âm phủ. Tất cả những người còn sống vào cuối Kỳ Tận Thế đều là những người tin nhận Chúa, không chấp nhận con dấu của AntiChrist. Tuy nhiên, Đấng Christ sẽ phán xét những người tin Chúa trong Kỳ Tận Thế như đã tiên tri trong Ma-thi-ơ 24. Sau đó là thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm. Như vậy, thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm có thể sẽ bắt đầu vào ngày Lễ Lều Trại [12] của năm 2034, nhằm Thứ Bảy, ngày 28 tháng 09 năm 2034, mở đầu cho 1.000 năm Sa-bát cho toàn thể loài người.

Đẹp ý Chúa, Hội Thánh có thể sẽ chứng kiến cuộc chiến tại Trung Đông theo Thi Thiên 83; chứng kiến Đền Thờ Thiên Chúa tại Giê-ru-sa-lem được tái xây dựng; chứng kiến AntiChrist lên cầm quyền. Rồi, Chúa sẽ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian vào ngày Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa, nhằm 23 tháng 04 năm 2027; hoặc vào ngày Lễ Thổi Kèn, nhằm 02 tháng 10 năm 2027.

Thời Gian Biểu về Các Biến Cố Trong 70 Tuần Năm

Bắt đầu của 70 tuần năm: Có lẽ ngày 03 tháng 04 năm 457 TCN, nhằm ngày Lễ Vượt Qua của năm 457, trong năm thứ bảy của triều Vua Ạt-ta-xét-xe, vua đã ra chiếu chỉ cho phép Ê-xơ-ra toàn quyền tu bổ thành Giê-ru-sa-lem và thiết lập chính quyền tự trị.

Giai đoạn bảy tuần năm: Gồm 49 năm, từ năm 457 TCN đến năm 408 TCN. Trong giai đoạn này, dân I-sơ-ra-ên được tự trị theo luật pháp của Thiên Chúa. Đây cũng là tròn một chu kỳ 49 năm để vào Năm Vui Mừng. Rất có thể sau 70 năm dân I-sơ-ra-ên bị phu tù, đất được yên nghỉ thì Đức Chúa Trời khởi sự trở lại chu kỳ Năm Vui Mừng. Và như vậy, năm 409 chính là Năm Vui Mừng thứ nhất trong 70 tuần năm mà Đức Chúa Trời đã định cho dân I-sơ-ra-ên và thành Giê-ru-sa-lem.

Giai đoạn sáu mươi hai tuần năm: Gồm 434 năm, từ năm 408 TCN đến năm 27, dân I-sơ-ra-ên và Giê-ru-sa-lem bị cai trị bởi các đế quốc Phe-rơ-sơ, Hy-lạp, và La-mã. (Giữa năm 1 TCN và năm 1 không có năm 0. Lấy 408 + 27 = 435 trừ cho 1 = 434 năm.)

Đấng Christ bị giết vào cuối của tuần năm thứ 69: Vào ngày Lễ Vượt Qua, nhằm ngày 09 tháng 04 năm 27, Đấng Christ bị đóng đinh trên thập tự giá. Dân I-sơ-ra-ên bị chết thuộc linh trong hai ngàn năm (hai ngày tiên tri trong Ô-sê 6:1-2). Tuần thứ 70 tạm ngưng. Đó là ý nghĩa của nhóm chữ “và sẽ không có gì hết” trong Đa-ni-ên 9:26.

Đức Chúa Trời ban cho dân I-sơ-ra-ên 40 năm để ăn năn và tin nhận Đấng Christ. Nhưng dân I-sơ-ra-ên đã không ăn năn nên Đức Chúa Trời cho phép quân đội La-mã tiến công xứ Giu-đê vào năm 67 và ba năm sau đó, họ đã phá hủy Đền Thờ Thiên Chúa cùng thành Giê-ru-sa-lem vào ngày 01 tháng 08 năm 70.

Hội Thánh được thành lập: Vào ngày Lễ Ngũ Tuần, nhằm Thứ Sáu, ngày 30 tháng 05 năm 27, Hội Thánh được thành lập để rao truyền ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời cho mọi dân tộc.

Đức Chúa Trời hồi sinh thuộc thể quốc gia I-sơ-ra-ên: Ngày 14 tháng 05 năm 1948, Đức Chúa Trời đã dựng lại quốc gia I-sơ-ra-ên trong một ngày. Biến cố này ví như cây vả I-sơ-ra-ên được trồng trở lại vào vùng Đất Hứa Ca-na-an.

“Ai đã từng nghe một sự như thế này? Ai đã từng thấy một sự giống như vậy? Lãnh thổ có thể nào được hình thành trong một ngày? Dân tộc có thể nào được sinh ra trong một lúc? Mà Si-ôn mới vừa trong cơn chuyển dạ thì đã sinh ra con của mình!” (Ê-sai 66:8).

Ngày 07 tháng 06 năm 1967, dân I-sơ-ra-ên hoàn toàn làm chủ thành Giê-ru-sa-lem. Ngày 06 tháng 12 năm 2017, nước Mỹ chính thức công nhận Giê-ru-sa-lem là thủ đô của quốc gia I-sơ-ra-ên.

Cuộc chiến theo Thi Thiên 83 sẽ xảy ra và một chính quyền toàn cầu sẽ được thành lập, do AntiChrist cầm đầu: Hai biến cố này có thể xảy ra trong khoảng một năm trước Kỳ Tận Thế. Chúng ta không thể biết chắc thời điểm. Nước Mỹ có thể sẽ vì một lý do gì đó không bảo vệ được I-sơ-ra-ên nhưng I-sơ-ra-ên sẽ được Đức Chúa Trời giải cứu và thắng trận. I-sơ-ra-ên sẽ chiếm trọn các vùng đất đã được Đức Chúa Trời hứa ban cho họ, từ sông Ni-lơ đến sông Ơ-phơ-rát. I-sơ-ra-ên sẽ chiếm hầu hết các mỏ dầu hỏa của các nước Ả-rập Hồi Giáo. AntiChrist sẽ thay mặt Liên Hiệp Quốc để ký hòa ước với I-sơ-ra-ên trong bảy năm.

Đức Chúa Trời sẽ hồi sinh thuộc linh dân I-sơ-ra-ên: Rất có thể vào ngày Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa, nhằm ngày 23 tháng 04 năm 2027, tròn hai ngàn năm dân I-sơ-ra-ên chết thuộc linh vì chối bỏ Đấng Christ, Đức Chúa Trời sẽ làm cho họ được sống lại về thuộc linh như lời tiên tri trong Ô-sê 6:1-2.

Tuần năm thứ 70 bắt đầu khởi động, mở đầu cho Kỳ Tận Thế: Ngày hòa ước do AntiChrist ký kết với I-sơ-ra-ên có hiệu lực cũng chính là ngày bắt đầu Kỳ Tận Thế, kéo dài trong bảy năm. Có thể ngày ấy sẽ trùng với ngày Đức Chúa Trời hồi sinh dân I-sơ-ra-ên về thuộc linh và chọn ra 144.000 người từ trong 12 chi phái của I-sơ-ra-ên để họ rao giảng Tin Lành trong Kỳ Tận Thế.

Hội Thánh sẽ được cất ra khỏi thế gian bất kỳ lúc nào: Hội Thánh có thể được Đấng Christ cất ra khỏi thế gian bất kỳ lúc nào nhưng dựa vào sự thương xót rất lớn của Chúa, chúng ta có thể hy vọng rằng, Chúa sẽ cất Hội Thánh ra khỏi thế gian trùng vào ngày dân I-sơ-ra-ên được hồi sinh thuộc linh, tức là ngày 23 tháng 04 năm 2027; hoặc là vào ngày Lễ Thổi Kèn nhằm ngày 02 tháng 10 năm 2027. Vì khi Hội Thánh chứng kiến cuộc chiến theo Thi Thiên 83; chứng kiến thủ đô Đa-mách của Si-ri bị hủy diệt; chứng kiến AntiChrist lên cầm quyền và ký hòa ước bảy năm với I-sơ-ra-ên; thì những người hâm hẩm trong Hội Thánh, những người chưa tin Chúa nhưng có dịp đọc và nghe bài giảng này hoặc các bài giảng liên quan đến Kỳ Tận Thế sẽ thức tỉnh và ăn năn.

Đức Chúa Jesus Christ và Hội Thánh giáng lâm trên đất: Cuối của bảy năm đại nạn, tuần năm thứ 70 kết thúc. Đấng Christ và Hội Thánh sẽ giáng lâm trên đất để tiêu diệt tất cả những ai không thuộc về Ngài. Rồi Vương Quốc Ngàn Năm được thiết lập.

Chúng tôi mong rằng, tất cả những ai nghe hoặc đọc bài giảng này đều thuộc về Hội Thánh của Chúa và sẽ cùng ra đi với Chúa trong ngày Chúa đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian. Nếu trong giây phút bạn đang đọc hoặc nghe bài giảng này mà bạn chưa tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời thì bạn hãy ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, để bạn được cứu rỗi và thuộc về Hội Thánh. Nếu bạn là người đã tin nhận Chúa nhưng chưa hết lòng sống theo Lời Chúa, thì bạn hãy xưng tội với Chúa và hết lòng sống theo Lời Chúa để bạn không bị bỏ lại trong ngày Chúa đến.

Chúng tôi xin gửi đến quý ông bà anh chị em Lời Chúa trong Tít 2:11-14 để làm hành trang thuộc linh cho suốt năm 2020 và tháng ngày còn lại của chúng ta trong đời này:

11 Vì ân điển của Đức Chúa Trời đem lại sự cứu rỗi, đã được tỏ ra cho tất cả mọi người,

12 dạy cho chúng ta rằng: Hãy chối bỏ sự không tin kính và những sự tham muốn của thế gian. Chúng ta nên sống cách tỉnh táo, công chính, và tin kính trong đời này,

13 chờ đợi sự trông cậy hạnh phúc và sự hiện ra trong vinh quang của Thiên Chúa Vĩ Đại và Đấng Giải Cứu Chúng Ta, Đức Chúa Jesus Christ,

14 Đấng ban chính mình Ngài cho chúng ta, để chuộc chúng ta ra khỏi mọi sự vi phạm luật pháp, và làm tinh sạch cho chính Ngài một dân thuộc về Ngài, sốt sắng về những việc lành.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Xin đọc và nghe bài “Ngày Chúa Đến”:

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
25/01/2020

Ghi Chú

[1] https://kytanthe.net/006-bay-muoi-tuan-le-nam-cua-da-ni-en/

[2] https://biblearchaeology.org/research/the-daniel-9-24-27-project/4369-the-seraiah-assumption-and-the-decree-of-daniel-9-25

[3] https://timhieutinlanh.com/thanhoc/ngay-chua-chet-va-ngay-chua-phuc-sinh/

[4] http://josephus.org/FlJosephus2/warChronology5Pg2.htm

[5] http://josephus.org/FlJosephus2/warChronology7Fall.html

[6] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-co-lo-se-2_16-23/

[7] https://www.express.co.uk/news/weird/1015448/asteroid-1997-xf11-hit-Earth-2028-nasa-space-news

[8] https://kytanthe.net/014-bay-bien-co-quan-trong-truoc-ky-tan-the-phan-5/

[9] https://www.youtube.com/results?search_query=yellowstone+supervolcano

[10] https://www.foxnews.com/science/the-next-mega-disasters-that-could-happen-at-any-moment-and-kill-us-all

[11] https://www.businessinsider.com/big-one-mega-earthquake-what-will-happen-california-san-andreas-2019-8

[12] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-co-lo-se-2_16-23/

Karaoke Thánh Ca: “Mùa Xuân của Linh Hồn”
https://karaokethanhca.net/mua-xuan-cua-linh-hon/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/ .

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/