Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
Bài Giảng Phần Âm Thanh Luôn Có Nhiều Chi Tiết Hơn Bài Giảng Viết.
Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết
Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài này:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzgwNzYxN19JaENzNw
Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe các bài giảng đặc biệt trong năm 2015:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/baigiangdacbiet_2015
Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzgwNzYxM191U0ZJMQ
Bấm vào nút “play” ► để nghe:
Kính thưa quý ông bà anh chị em yêu dấu trong Hội Thánh của Chúa.
Lễ Vượt Qua là kỳ lễ đầu tiên được Thiên Chúa ban truyền cho con dân của Ngài. Tiếp liền theo đó là kỳ lễ Bánh Không Men, kéo dài suốt bảy ngày mà ngày thứ nhất và ngày thứ bảy của kỳ lễ đều được biệt riêng làm ngày Sa-bát, tức là một ngày con dân Chúa nghỉ ngơi mọi công việc lao động và kiếm sống.
Trước khi chúng ta cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của Lễ Bánh Không Men, chúng ta hãy cùng nhau đọc lại những câu Thánh Kinh ghi lại lệnh truyền của Thiên Chúa về kỳ lễ này:
Xuất Ê-díp-tô Ký 12:15-20
15 Trong bảy ngày phải ăn bánh không men: vừa đến ngày thứ nhất, hãy dẹp men khỏi nhà đi; vì bất cứ ai ăn bánh có men từ ngày thứ nhất cho đến ngày thứ bảy, thì sẽ bị đuổi ra khỏi I-sơ-ra-ên.
16 Ngày thứ nhất, sẽ có một sự nhóm hiệp thánh; sang ngày thứ bảy các ngươi cũng sẽ có một sự nhóm hiệp thánh nữa. Các ngươi chẳng nên làm công việc gì trong hai ngày đó, chỉ sắm đồ ăn cho mỗi người cần ăn mà thôi.
17 Vậy, các ngươi hãy giữ lễ bánh không men, vì chính ngày đó Ta rút quân đội các ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô; cho nên, trải các đời phải giữ ngày đó như một lễ lập ra đời đời.
18 Ngày mười bốn tháng giêng, chiều lại, các ngươi sẽ ăn bánh không men cho đến chiều ngày hai mươi mốt tháng đó.
19 Trong bảy ngày không nên còn thấy men tại nhà các ngươi; vì bất luận người ngoại bang hay là người bản xứ, bất cứ ai ăn bánh có men sẽ bị đuổi khỏi hội chúng I-sơ-ra-ên.
20 Chớ nên ăn bánh có men; khắp nơi các ngươi ở đều phải ăn bánh không men.
Xuất Ê-díp-tô Ký 13:3-7
3 Môi-se nói với dân sự rằng: Hãy kỷ niệm ngày này, vì là ngày Đấng Tự Hữu Hằng Hữu dùng tay quyền năng rút các ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô, tức là khỏi nhà nô lệ; nên chớ ai ăn bánh có men.
4 Ngày nay, nhằm tháng lúa trổ, các ngươi ra đi.
5 Vậy khi nào Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đưa ngươi vào bờ cõi xứ dân Ca-na-an, dân Hê-tít, dân A-mô-rít, dân Hê-vít, và dân Giê-bu-sít rồi, là một xứ đượm sữa và mật, và là xứ Ngài đã thề cùng tổ phụ sẽ ban cho ngươi, thì đến trong tháng này hãy giữ lễ thánh đó.
6 Trong bảy ngày hãy ăn bánh không men; đến ngày thứ bảy sẽ có lễ kính Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.
7 Phải ăn bánh không men trong bảy ngày; khắp cả nơi ở của ngươi sẽ không thấy bánh có men, hoặc men.
Lê-vi Ký 23:5-8
5 Đến ngày mười bốn tháng Một, vào buổi chiều tối, ấy là Lễ Vượt Qua của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.
6 Qua ngày mười lăm tháng này, ấy là lễ bánh không men để kính trọng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Các ngươi sẽ ăn bánh không pha men trong bảy ngày.
7 Ngày đầu, các ngươi sẽ có một sự nhóm hiệp thánh, chẳng nên làm một công việc xác thịt.
8 Trong bảy ngày các ngươi phải dâng cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu những của lễ dùng lửa dâng lên. Đến ngày thứ bảy, sẽ có một sự nhóm hiệp thánh nữa, các ngươi đừng làm một công việc xác thịt nào hết.
Dân Số Ký 28:16-25
16 Ngày mười bốn tháng Một, phải giữ Lễ Vượt Qua cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.
17 Qua ngày mười lăm sẽ là ngày lễ. Bánh không men phải được ăn trong bảy ngày.
18 Ngày thứ nhất các ngươi sẽ có sự hội hiệp thánh: chớ nên làm một công việc xác thịt nào.
19 Các ngươi phải dâng cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu hai con bò đực con, và bảy chiên con đực giáp năm, đều không tì vết, làm của lễ thiêu.
20 Của lễ chay sẽ bằng bột lọc nhồi dầu; các ngươi phải dâng ba phần mười ê-pha về một con bò đực, hai phần mười ê-pha về con chiên đực,
21 và một phần mười ê-pha về mỗi chiên con,
22 luôn một con dê đực làm của lễ chuộc tội, để làm lễ chuộc tội cho các ngươi.
23 Các ngươi phải dâng các lễ vật này, ngoài của lễ thiêu buổi sớm mai, là một của lễ thiêu thường dâng.
24 Mỗi bữa trong bảy ngày, các ngươi phải dâng những lễ vật ngần ấy, như thức ăn về của lễ dùng lửa dâng lên có mùi thơm cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Người ta phải dâng lễ vật đó ngoài của lễ thiêu thường dâng và lễ quán cặp theo.
25 Ngày thứ bảy các ngươi sẽ có sự hội hiệp thánh, chớ nên làm một công việc xác thịt nào.
Chúng ta chú ý đến các chi tiết sau:
-
Lễ Bánh Không Men kéo dài suốt bảy ngày liền sau ngày Lễ Vượt Qua. Ngày thứ nhất và ngày thứ bảy của Lễ Bánh Không Men, được biệt riêng làm ngày Sa-bát nhằm ngày 15 và ngày 21 tháng Một.
-
Nhưng sự ăn bánh không men thì bắt đầu từ chiều ngày 14 tháng Một, ngay trong bữa ăn Lễ Vượt Qua, và kéo dài đến chiều ngày 21 tháng Một.
-
Vì thế, sự ăn bánh không men kết thúc vào buổi chiều của ngày Sa-bát sau cùng của Lễ Bánh Không Men, tức ngày 21 tháng Một, tức sau khi mặt trời lặn của ngày 20.
-
Ngày thứ nhất của Lễ Bánh Không Men là ngày 15 tháng Một, cũng chính là ngày Thiên Chúa rút dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô: “Ngày mười lăm tháng Một, tức ngày sau Lễ Vượt Qua, dân I-sơ-ra-ên ra đi từ Ram-se, cách dạn dĩ, có mắt của hết thảy người Ê-díp-tô thấy” (Dân Số Ký 33:3).
-
Nhưng ngày thứ nhất dân I-sơ-ra-ên ăn bánh không men là ngày Lễ Vượt Qua, 14 tháng Một.
-
Luật ăn bánh không men áp dụng cho cả những người không phải là dân I-sơ-ra-ên.
-
Người nào vi phạm luật ăn bánh không men sẽ bị đuổi ra khỏi hội chúng I-sơ-ra-ên.
Theo định nghĩa của Thánh Kinh thì bánh không men được gọi là bánh hoạn nạn:
“Với Lễ Vượt Qua, chớ ăn bánh pha men; trong bảy ngày ngươi sẽ ăn bánh không men, tức là bánh hoạn nạn, để giữ lễ ấy, vì ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô vội vàng; để cho trọn đời ngươi nhớ ngày mình đã ra khỏi xứ Ê-díp-tô” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 16:3).
Bánh không men cũng tiêu biểu cho sự tinh sạch và lẽ thật:
“Vậy thì, chúng ta hãy giữ lễ, chớ dùng men cũ, chớ dùng men gian ác, độc dữ, nhưng dùng bánh không men của sự tinh sạch và của lẽ thật” (I Cô-rinh-tô 5:8 ).
Trên bàn Bánh Trần Thiết (bánh được bày ra trước mặt Thiên Chúa) trong đền tạm và sau này là đền thờ, có mười hai cái bánh không men được tiêu biểu cho mười hai chi phái của I-sơ-ra-ên luôn ở trước mặt của Thiên Chúa (Lê-vi Ký 24:5-9).
Bánh không men cũng được Đức Chúa Jesus Christ dùng làm tiêu biểu cho thân thể của Ngài sẽ vì tội lỗi của loài người mà bị vỡ ra.
Từ đó, chúng ta có thể nhận biết ý nghĩa thuộc linh của bánh không men và Lễ Bánh Không men như sau:
Bánh Không Men: Tiêu biểu cho sự tinh sạch, sự chân thật, và sự hoạn nạn theo ý muốn của Đức Chúa Trời.
Lễ Bánh Không Men: Tiêu biểu cho nếp sống tinh sạch theo lẽ thật và sẵn sàng chịu khổ vì sống theo lẽ thật.
Khi Thiên Chúa bắt đầu đem dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô để dẫn họ vào vùng đất hứa Ca-na-an thì Ngài cũng cùng lúc ban cho họ sự tự do và biến họ thành một “một nước thầy tế lễ, cùng một dân tộc thánh” cho Ngài (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:6). Để hoàn thành mục đích ấy, Ngài:
-
Đưa họ vào một nếp sống tinh sạch, xa rời tất cả các thứ thần tượng.
-
Ban cho họ luật pháp của Ngài để họ biết sống thánh khiết đẹp ý Ngài.
-
Cho phép hoạn nạn xảy đến với họ để rèn luyện họ và thử thách đức tin của họ.
Thiên Chúa chọn dân I-sơ-ra-ên làm con trưởng nam của Ngài có nghĩa là Ngài dùng dân I-sơ-ra-ên làm gương cho các dân tộc khác mà Ngài cũng sẽ nhận làm con. Vì thế, để có thể sống đẹp lòng Thiên Chúa, mỗi dân tộc cần nhìn vào lịch sử của dân I-sơ-ra-ên đã được ghi chép trong Thánh Kinh, để rút ra những bài học cụ thể. Bên cạnh đó, những bài học ấy cũng ứng dụng cho từng con dân Chúa trong Hội Thánh ngày nay. Riêng bài học về bánh không men và Lễ Bánh Không Men chúng ta có thể rút ra được những điều sau đây:
Dân I-sơ-ra-ên cần kỷ niệm Lễ Bánh Không Men để nhớ đến ơn phước Thiên Chúa đã giải cứu họ khỏi cuộc đời tối tăm, nô lệ, biến họ thành một nước thầy tế lễ cùng một dân tộc thánh. Con dân Chúa ngày nay cần sống một đời sống thánh khiết theo Lời Chúa để chứng minh mình thuộc về “dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Ngài,” và chuyên tâm “rao giảng nhân đức của Đấng đã gọi chúng ta ra khỏi nơi tối tăm, đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài” (I Phi-e-rơ 2:9).
Dân I-sơ-ra-ên ăn bánh không men để tiêu biểu cho tinh thần sẵn sàng sống thánh khiết theo luật pháp của Chúa và chịu khổ trên bước đường theo Chúa. Con dân Chúa ngày nay không ăn bánh không men nhưng thực tế sống một nếp sống thánh khiết theo lẽ thật của Lời Chúa, và sẵn sàng từ bỏ chính mình, mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo Chúa.
Bảy ngày Lễ Bánh Không Men theo sau Lễ Vượt Qua hàm ý: Sau khi được giải cứu, con dân Chúa hoàn toàn sống tự do và thánh khiết trong lẽ thật, nhưng phải chịu khổ trong khi còn ở giữa thế gian. Con số bảy tượng trưng cho sự trọn vẹn về thuộc linh. Vì thế, nếp sống thánh khiết theo lẽ thật của con dân Chúa phải trọn vẹn, không nhượng bộ cho tội lỗi, không thỏa hiệp với tội lỗi. Sự chịu khổ khi theo Chúa cũng phải trọn vẹn, nghĩa là không than van, không oán trách, không ngã lòng, mà chỉ một lòng cảm tạ Chúa và trông cậy nơi Ngài.
Ngày Sa-bát thứ nhất của Lễ Bánh Không Men tiêu biểu cho sự yên nghỉ khỏi mọi gánh nặng của tội lỗi. Con dân Chúa không còn nô lệ, làm việc cho tội lỗi. Ngày Sa-bát sau cùng của Lễ Bánh Không Men tiêu biểu cho sự yên nghỉ khỏi mọi việc làm lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho con dân Chúa trong cuộc đời này. Đó là lúc Chúa đã đem chúng ta ra khỏi thế gian này.
Bánh không men trên bàn Bánh Trần Thiết trong đền thờ Thiên Chúa tiêu biểu cho con dân của Chúa hằng ở trước mặt Ngài trong sự thánh khiết và chân thật.
Bánh không men trong Tiệc Thánh tiêu biểu cho thân thể thánh khiết của Chúa đã bị vỡ ra vì tội lỗi của chúng ta, nhưng cũng là hình ảnh đời sống thánh khiết sẵn sàng chịu khổ vì danh Chúa của con dân Chúa.
Ngày nay, chúng ta không mỗi năm một lần dự Lễ Bánh Không Men theo nghi thức, mà là, mỗi ngày chúng ta sống trong tinh thần của Lễ Bánh Không Men:
-
Luôn luôn giữ mình thánh khiết theo lẽ thật của Lời Chúa. Thánh khiết từ ý nghĩ, lời nói, đến việc làm. Mỗi ngày từ bỏ chính mình, để hoàn toàn sống cho Chúa, sống vì Chúa, sống trong Chúa, sẵn sàng chịu khổ vì danh Chúa
-
Vui hưởng sự tự do khỏi quyền lực và hậu quả của tội lỗi, không còn mang vác gánh nặng của tội lỗi.
-
Mong chờ ngày Sa-bát phước hạnh sau cùng, là ngày Chúa đem chúng ta ra khỏi thế gian này, dù bằng sự chết hay sự biến hóa.
Nguyện Đức Thánh Linh ban cho chúng ta sự thông hiểu mọi lẽ thật của Lời Chúa, ban cho chúng ta đầy dẫy thánh linh để chúng ta cứ vừa muốn, vừa làm theo thánh ý Thiên Chúa (Phi-líp 4:12), và được kết quả đầy trọn trong ngày chúng ta gặp Chúa. A-men!
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
04/04/2015