Các Giao Ước của Đức Chúa Trời

22,614 views

Các Giao Ước của Đức Chúa Trời

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết này
https://od.lk/d/MV8xNjI0MDk4OTRf/CacGiaoUocCuaDucChuaTroi.pdf
https://www.mediafire.com/file/d991tk3m0l242tx/CacGiaoUocCuaDucChuaTroi.pdf/file

I. Dẫn Nhập

Đức tin của Cơ-đốc nhân được xây dựng trên Lời của Đức Chúa Trời, là Thánh Kinh, do các tiên tri của Đức Chúa Trời cùng các sứ đồ của Đức Chúa Jesus Christ rao giảng và ghi chép lại. Điều đó được chính Lời của Chúa khẳng định trong Thánh Kinh, thư Ê-phê-sô 2:20:

“…đã được xây dựng trên nền tảng của các sứ đồ và các tiên tri. Chính Đức Chúa Jesus Christ là đá góc nhà.”

Nội dung của Thánh Kinh là sự bày tỏ về Đức Chúa Trời và tình yêu của Ngài dành cho loài người qua các giao ước do chính Ngài lập nên với loài người. Những tiên tri của Đức Chúa Trời thời Cựu Ước (Giao Ước Cũ) ghi lại các giao ước của Đức Chúa Trời lập nên với loài người trong từng giai đoạn lịch sử, trước khi Đấng Christ đến thế gian, là những giao ước làm nền tảng và hình bóng cho giao ước cuối cùng, còn gọi là Giao Ước Mới (Tân Ước), do Đức Chúa Jesus Christ làm trung bảo (người đứng giữa hai bên kết ước làm bảo lãnh cho sự thi hành giao ước) và thi hành. Các sứ đồ ghi lại và giải thích ý nghĩa, kết quả của Giao Ước Mới.

Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về các giao ước của Đức Chúa Trời đã lập ra với loài người để có thể hiểu rõ nền tảng đức tin của Cơ-đốc nhân.

II. Ý Nghĩa và Các Yếu Tố của Giao Ước

Theo nguyên ngữ của Thánh Kinh, từ ngữ “giao ước” trong tiếng Hê-bơ-rơ (Hebrew) là “berı̂ythH1285, phiên âm là /be-rít/, có nghĩa là “sự ràng buộc” và trong tiếng Hy-lạp (Greek) là “diathēkēG1242, phiên âm là /đi-a-phế-kê/, có nghĩa là “giao ước” hoặc “lời di chúc”. Giao ước là sự đồng ý giữa hai hay nhiều người hoặc hai hay nhiều nhóm người về một điều gì đó. Giao ước bao gồm bốn yếu tố sau đây:

1. Các bên dự phần trong giao ước: Có thể là giữa các cá nhân như Áp-ra-ham lập giao ước với Vua A-bi-mê-léc (Sáng Thế Ký 21:27). Có thể là giữa các dân tộc như dân I-sơ-ra-ên lập giao ước với dân Ga-ba-ôn (Giô-suê 9:3-16). Có thể là giữa Đức Chúa Trời và một người như Đức Chúa Trời lập giao ước với Nô-ê (Sáng Thế Ký 6:18). Có thể là giữa Đức Chúa Trời và một dân tộc như Đức Chúa Trời lập giao ước với dân I-sơ-ra-ên (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:27). Có thể là giữa Đức Chúa Trời và tất cả những ai muốn được cứu rỗi như Giao Ước Mới mà Đức Chúa Trời đã lập và được Đức Chúa Jesus Christ bảo chứng bằng máu của Ngài (Giê-rê-mi 31:31; Lu-ca 22:20; Hê-bơ-rơ 9:15).

2. Các điều kiện trong giao ước: Trong mỗi giao ước đều có các điều kiện, tức là các bổn phận, mà mỗi bên kết ước phải thi hành. Tuy nhiên, trong một số các giao ước của Đức Chúa Trời đối với loài người thì về phía loài người không bị ràng buộc phải làm một điều gì cả nhưng về phía Đức Chúa Trời thì Ngài tự ràng buộc mình làm ra những điều phước hạnh cho loài người. Các giao ước mà Đức Chúa Trời không đặt ra điều kiện hay bổn phận cho loài người là các giao ước do Ngài thiết lập dựa trên đức tin và sự vâng lời của loài người đối với Ngài đã được thể hiện trước đó, làm cho Ngài được vui lòng, như giao ước Ngài lập ra với Nô-ê sau cơn nước lụt.

3. Các kết quả từ giao ước: Có hai loại kết quả ra từ giao ước: (1) Lời hứa và phúc lợi dành cho sự thi hành trọn vẹn các điều kiện trong giao ước. (2) Lời cảnh cáo và hình phạt dành cho sự làm ra những điều trái nghịch với hoặc không thi hành chính xác các điều kiện trong giao ước. Riêng trong các giao ước có điều kiện Đức Chúa Trời lập ra với loài người thì hai kết quả trên đây chỉ áp dụng về phía loài người; về phía Đức Chúa Trời thì Ngài dành quyền hủy bỏ lời hứa của Ngài khi loài người vi phạm các điều kiện của giao ước.

4. Sự bảo đảm cho giao ước: Giao ước nào cũng phải có sự bảo đảm cho sự thi hành và hoàn thành. Đối với loài người thì có thể là một lễ vật như trường hợp Áp-ra-ham dâng chiên và bò cho Vua A-bi-mê-léc (Sáng Thế Ký 21:27); hoặc dựng nên tiêu chí bằng một đống đá như Gia-cốp kết ước với La-ban (Sáng Thế Ký 31:48); hoặc nhân danh Đấng Tự Hữu Hằng Hữu như trong trường hợp Giô-na-than kết ước cùng Đa-vít (I Sa-mu-ên 20:8)… Riêng Đức Chúa Trời thì Ngài chỉ danh của Ngài để thề (Sáng Thế Ký 22:16; Hê-bơ-rơ 6:13), dùng máu của bò tơ để bảo đảm cho Giao Ước Cũ Ngài lập ra với dân I-sơ-ra-ên (Xuất Ê-díp-tô Ký 24:5-8) và làm hình bóng về sự Ngài sẽ dùng chính máu của Đấng Christ để làm bảo đảm cho Giao Ước Mới (Giê-rê-mi 31:31; Lu-ca 22:20).

III. Những Đặc Điểm của Các Giao Ước do Đức Chúa Trời Lập Ra với Loài Người

Có bảy đặc điểm trong các giao ước do Đức Chúa Trời lập ra với loài người:

1. Đức Chúa Trời chủ động, thiết lập các giao ước ban lời hứa về sự cứu rỗi, sự quan phòng, và sự ban phước của Ngài đối với loài người. Tất cả các giao ước giữa Đức Chúa Trời với loài người đều do chính Đức Chúa Trời chủ động lập nên. Nội dung của các giao ước bao gồm: (1) Lời hứa về sự cứu rỗi loài người ra khỏi tội lỗi và hậu quả của tội lỗi. (2) Lời hứa về sự quan phòng của Đức Chúa Trời đối với loài người khi loài người còn sống trong xác thịt. (3) Lời hứa về sự Đức Chúa Trời ban phước cho loài người trong cuộc sống của đời này và các phước hạnh đời đời trong trời mới, đất mới.

2. Các giao ước của Đức Chúa Trời luôn mang tính chất tiên tri, báo trước những điều Ngài sẽ làm cho loài người. Có thể nói, các giao ước của Đức Chúa Trời là những lời Ngài tự ý hứa với loài người về những điều phước hạnh Ngài muốn làm và sẽ làm thành cho loài người. Lúc các giao ước được thiết lập là lúc các điều khoản trong giao ước chưa được thi hành, vì thế các giao ước của Đức Chúa Trời đối với loài người luôn mang tính chất tiên tri.

3. Tất cả mọi điều khoản trong các giao ước Đức Chúa Trời yêu cầu loài người phải thi hành đều có chung mục đích là khiến cho loài người được luôn luôn giống như Đức Chúa Trời trong sự thánh khiết, yêu thương, và công chính. Điển hình như Mười Điều Răn trong Giao Ước Cũ tại Si-na-i hay ba điều kiện trong Giao Ước Mới tại Gô-gô-tha: (1) Hãy ăn năn, đừng phạm tội nữa; (2) Hãy tin cậy Đấng Christ; (3) Hãy nên thánh. Toàn bộ Thánh Kinh thời Tân Ước triển khai ba điều kiện trong Giao Ước Mới thành các mệnh lệnh chi tiết như: Hãy bước đi theo thần trí, chớ hề làm trọn những điều ưa muốn của xác thịt. Chớ yêu thế gian và những sự thuộc về thế gian. Hãy yêu thương, tha thứ kẻ thù. Phải từ bỏ mọi sự, mỗi ngày vác thập tự giá mình đi theo Chúa. Hãy trung tín với Chúa cho đến chết…

4. Các giao ước của Đức Chúa Trời dù bắt đầu với một cá nhân nhưng luôn bao gồm cả gia tộc, dù bắt đầu với một gia tộc nhưng luôn bao gồm cả một dân tộc, và dù bắt đầu với một dân tộc nhưng luôn bao gồm cả muôn dân.

♦ Khi Đức Chúa Trời kết ước trước cơn nước lụt với Nô-ê thì giao ước đó bao gồm vợ con và các con dâu của ông cùng các loài sinh vật được ông mang theo (Sáng Thế Ký 6:18-20). Khi Đức Chúa Trời kết ước cùng Nô-ê và dòng dõi của ông sau cơn nước lụt thì giao ước đó bao gồm tất cả mọi người và những sinh vật khác trong thế gian (Sáng Thế Ký 9:8-17).

♦ Khi Đức Chúa Trời kết ước với Áp-ra-ham thì giao ước đó bao gồm dòng dõi ông về phần thuộc thể (Sáng Thế Ký 15:18) còn về phần thuộc linh thì bao gồm tất cả những ai có đức tin nơi Đức Chúa Trời giống như ông. Điều đó dẫn đến sự kiện, về phương diện thuộc linh, giao ước của Đức Chúa Trời với Áp-ra-ham bao gồm Hội Thánh: “Ông đã nhận lấy dấu cắt bì, như dấu ấn của sự công chính bởi đức tin, trong sự không cắt bì, để ông làm cha của hết thảy những ai tin mà không chịu cắt bì, để sự công chính cũng được kể cho họ.” (Rô-ma 4:11). “Thánh Kinh cũng biết trước rằng, Đức Chúa Trời sẽ xưng các dân ngoại là công chính bởi đức tin, nên đã rao truyền trước cho Áp-ra-ham tin lành này: Trong ngươi, mọi dân tộc sẽ được phước.” (Ga-la-ti 3:8).

♦ Khi Đức Chúa Trời kết ước với dân tộc I-sơ-ra-ên tại núi Si-na-i thì giao ước đó cũng bao gồm những ai không thuộc về I-sơ-ra-ên mà chịu vâng theo các điều khoản trong giao ước đó, bất kể họ thuộc về dân tộc nào; điển hình là vô số những người ngoại bang đi theo dân I-sơ-ra-ên rời bỏ xứ Ê-díp-tô (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:38) và các nô lệ hoặc khách ngoại bang kiều ngụ trong xứ của dân I-sơ-ra-ên (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:48-49).

♦ Giao Ước Mới được công bố và bảo chứng bởi Đấng Christ (I Ti-mô-thê 2:5; Hê-bơ-rơ 8:6; 9:15; 12:24) là giao ước Đức Chúa Trời thiết lập với dân I-sơ-ra-ên qua 11 sứ đồ người I-sơ-ra-ên trong đêm Lễ Vượt Qua tại thành Giê-ru-sa-lem. Đấng Christ đã bảo chứng giao ước đó bằng máu của Ngài trên thập tự giá tại núi Gô-gô-tha (Ma-thi-ơ 26:28; Mác 14:24; Lu-ca 22:20; I Cô-rinh-tô 11:25). Mặc dù Giao Ước Mới, còn được gọi là Giao Ước của Lời Hứa, được thiết lập với dân I-sơ-ra-ên theo như lời hứa của Đức Chúa Trời trong Giê-rê-mi 31:31, “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán: Này! Những ngày đến, bấy giờ Ta sẽ kết một giao ước mới với nhà I-sơ-ra-ên và với nhà Giu-đa”; nhưng giao ước ấy bao gồm tất cả những ai dù không phải là dân I-sơ-ra-ên mà chịu vâng theo các điều khoản trong giao ước ấy, nghĩa là: (1) chịu ăn năn, từ bỏ tội; (2) hết lòng tin cậy Đấng Christ; (3) và chịu nên thánh. Ê-phê-sô 2:12-19 chép:

12 Lúc ấy, các anh chị em không có Đấng Christ, ở ngoài quyền công dân I-sơ-ra-ên, là khách lạ của các giao ước lời hứa, trong thế gian không có hy vọng và không có Thiên Chúa.
13 Nhưng trong Đấng Christ Jesus, các anh chị em là những người ngày trước cách xa, hiện nay đã được làm cho gần bởi máu của Đấng Christ.
14 Vì, ấy chính Ngài là sự hòa bình của chúng ta. Ngài đã hiệp cả hai làm một, phá đổ bức tường ngăn cách,
15 chấm dứt trong xác thịt của Ngài sự thù nghịch, tức là luật pháp của các điều răn trong các điều lệ, để Ngài lập nên trong chính Ngài cả hai thành một người mới, làm ra sự hòa bình.
16 Bởi thập tự giá Ngài đã phục hòa cả hai với Đức Chúa Trời trong một thân thể, qua đó, tiêu diệt sự thù nghịch;
17 và đã đến, rao truyền sự hòa bình cho các anh chị em là những người ở xa cùng những người ở gần.
18 Vì bởi Ngài mà chúng ta cả hai đều được cùng trong một thần trí đến gần Đức Cha.
19 Vì thế, các anh chị em chẳng còn là những khách lạ, những người ở trọ nữa, nhưng là những người đồng hương với các thánh đồ, và là những người nhà của Đức Chúa Trời.

5. Các giao ước của Đức Chúa Trời không hề triệt tiêu lẫn nhau nhưng bổ sung cho nhau, có tính thừa kế và tiếp nối lẫn nhau. Xét qua các giao ước, chúng ta sẽ nhận thấy Giao Ước Áp-ra-ham thừa kế và tiếp nối Giao Ước Nô-ê; Giao Ước Si-na-i thừa kế và tiếp nối Giao Ước Áp-ra-ham; Giao Ước Mới thừa kế và tiếp nối Giao Ước Si-na-i. Nói cách khác, trong Giao Ước Mới bao gồm các giao ước: Nô-ê, Áp-ra-ham, và Si-na-i; còn Giao Ước Áp-ra-ham thì đã bao gồm các giao ước: I-sác, Gia-cốp, và Đa-vít.

Chúng ta có thể hình dung ra một loại cây ăn trái từ khi nảy mầm cho đến khi kết quả là ba năm, làm minh họa cho sự tương quan và hiệp một của các giao ước. Năm thứ nhất, thân cây có một lớp thịt, năm thứ nhì, thân cây có thêm một lớp thịt khác, năm thứ ba thân cây lại có thêm một lớp thịt khác và hoàn toàn trưởng thành, ra hoa, ra trái. Mỗi một lớp thịt của thân cây tiêu biểu cho một giao ước, mạch nhựa sống giữa thân cây tiêu biểu cho ý nghĩa và mục đích của các giao ước, bông trái là kết quả của giao ước.

6. Các giao ước của Đức Chúa Trời đối với loài người được lập ra trước khi Đấng Christ đến thế gian đều là hình bóng và nền tảng cho Giao Ước Mới được thiết lập qua Đấng Christ. Cùng một hình ảnh minh họa trong tiết mục trên đây, chúng ta có thể nhận thấy tất cả các giao ước cũ là để chuẩn bị cho và làm nền tảng cho Giao Ước Mới như các lớp thịt của thân cây được hình thành mỗi năm (I Cô-rinh-tô 10:11; Hê-bơ-rơ 9:9).

7. Tất cả các giao ước của Đức Chúa Trời còn được gọi là lời tiên tri và luật pháp, có hiệu lực liên tục và sẽ không qua đi cho đến khi trời cũ đất cũ qua đi (Ma-thi-ơ 5:18), ngoại trừ Giao Ước Mới do Đấng Christ công bố và làm trung bảo là Giao Ước được hoàn thành trọn vẹn trong trời mới, đất mới.

IV. Phân Loại Các Giao Ước do Đức Chúa Trời Lập Ra với Loài Người

Có hai hình thức phân loại các giao ước do Đức Chúa Trời lập ra với loài người: Hình thức phân loại theo nhận thức Thần học và hình thức phân loại theo thống kê.

1. Phân loại Thần học: Theo nhận thức Thần học thì có ba loại giao ước do Đức Chúa Trời lập ra với loài người như được liệt kê và giải thích dưới đây:

♦ Giao Ước Lương Tâm còn gọi là Giao Ước Lựa Chọn hoặc Giao Ước A-đam hoặc Giao Ước Ê-đen: (1) Bày tỏ ý muốn nguyên thủy của Đức Chúa Trời đối với loài người. Ngài muốn loài người tự nguyện tin cậy Ngài và vui hưởng tình yêu của Ngài. (2) Thử nghiệm lương tâm của loài người. Loài người tự mình lựa chọn tin cậy hoặc không tin cậy Đức Chúa Trời, cũng có nghĩa là lựa chọn sự sống hoặc sự chết.

Giao Ước Lương Tâm bao gồm các yếu tố như sau:

a) Các bên kết ước: Đức Chúa Trời kết ước với loài người qua A-đam.

b) Các điều kiện:

– Về phía Đức Chúa Trời: (1) Ban cho A-đam cơ hội được nhận sự sống đời đời qua cây sự sống. (2) Ban cho A-đam quyền cai trị đất và muôn vật trên đất. (3) Chăm sóc và bảo vệ A-đam.

– Về phía A-đam: Yêu kính, tin cậy, và vâng phục Đức Chúa Trời, thể hiện qua hành động: (1) Không ăn trái của cây biết điều thiện và điều ác. (2) Trồng và giữ vườn tại Ê-đen. (3) Sinh sản, làm cho đầy dẫy đất. (4) Cai trị đất và muôn vật trên đất.

c) Các kết quả:

– Thưởng: Sự sống đời đời thuộc thể lẫn thuộc linh trong địa vị con cái của Đức Chúa Trời. Sự sống đời đời là được mãi mãi thực hữu bên cạnh Đức Chúa Trời, vui hưởng các ơn phước từ nơi Ngài, được Thánh Kinh diễn tả như sau: “Tôi nghe một tiếng lớn từ trời, phán: Này, lều của Đức Chúa Trời ở với loài người và Ngài sẽ ở với họ. Họ sẽ là dân của Ngài và chính mình Đức Chúa Trời sẽ ở với họ, làm Đức Chúa Trời của họ. Đức Chúa Trời sẽ lau hết mọi nước mắt khỏi mắt của họ. Sẽ không còn sự chết, không còn buồn khổ, không còn khóc lóc, cũng sẽ không còn đau đớn nữa vì những sự cũ đã qua rồi.” (Khải Huyền 21:3-4).

– Phạt: Sự chết đời đời thuộc thể lẫn thuộc linh và trở thành con cái của Sa-tan. Sự chết đời đời là bị mãi mãi xa cách mặt Chúa và sự vinh quang của sức mạnh Ngài: “Họ sẽ bị hình phạt hư mất mãi, xa cách mặt Chúa và sự vinh quang của sức mạnh Ngài” (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:9); là chịu khổ đời đời trong hỏa ngục: “Ma Quỷ, kẻ lừa dối chúng, bị ném vào hồ lửa và lưu hoàng, nơi có con thú và tiên tri giả. Chúng sẽ bị đau khổ cả ngày lẫn đêm cho tới đời đời.… Sự chết và âm phủ bị ném vào hồ lửa. Đó là sự chết thứ nhì. Bất cứ ai không được tìm thấy được chép trong Sách Sự Sống thì cũng bị ném vào hồ lửa.” (Khải Huyền 20:10, 14, 15).

d) Sự bảo đảm:

– Về phía Đức Chúa Trời: Lời phán của Chúa là sự bảo đảm cho A-đam vì Lời Ngài là chân thật.

– Về phía A-đam: Lương tâm.

♦ Giao Ước Luật Pháp còn gọi là Giao Ước Việc Làm hoặc Giao Ước Si-na-i hoặc Giao Ước Cũ: Chuẩn bị cho sự thiết lập Giao Ước Ân Điển. (1) Qua các điều răn và luật pháp: dạy về tiêu chuẩn thánh khiết và công chính tuyệt đối của Đức Chúa Trời là điều luôn đối nghịch với những sự ưa muốn xấu xa của xác thịt; mọi sự vi phạm điều răn và luật pháp đều phải bị hình phạt. (2) Qua các lễ nghi chuộc tội: bày tỏ sự nhân từ, thương xót của Đức Chúa Trời dành cho những người biết ăn năn tội, muốn sống theo điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời. (3) Qua sự ban phước: giảm thiểu hậu quả của tội lỗi trên người có đức tin nơi Đức Chúa Trời trong khi họ chờ đợi sự cứu chuộc của Đấng Christ.

Giao Ước Luật Pháp bao gồm các yếu tố như sau:

a) Các bên kết ước: Đức Chúa Trời kết ước với dân I-sơ-ra-ên, bao gồm tất cả những ai không phải người I-sơ-ra-ên nhưng chịu sống chung với dân I-sơ-ra-ên và vâng giữ các điều kiện của giao ước. Vì thế, có thể nói, Đức Chúa Trời kết ước với nhân loại qua dân tộc I-sơ-ra-ên.

b) Các điều kiện:

– Về phía Đức Chúa Trời: (1) Ban đất Ca-na-an cho dân I-sơ-ra-ên làm lãnh thổ. (2) Ban phước cho dân I-sơ-ra-ên được trở thành một dân thánh, một nước thầy tế lễ thuộc về Đức Chúa Trời (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:6). (3) Tha thứ và phục hồi dân I-sơ-ra-ên nếu dân I-sơ-ra-ên biết ăn năn tội và dâng tế lễ chuộc tội.

– Về phía dân I-sơ-ra-ên: (1) Vâng giữ Mười Điều Răn. (2) Vâng giữ các luật lệ về lễ nghi thờ phượng Đức Chúa Trời, về sự dâng của lễ chuộc tội, và các mạng lệnh khác của Đức Chúa Trời được ghi lại trong Sách Luật Pháp.

Chúng ta có thể nhận thấy các lời hứa của Đức Chúa Trời trong Giao Ước Luật Pháp (Giao Ước Cũ) là nền tảng và hình bóng cho các lời hứa trong Giao Ước Ân Điển (Giao Ước Mới):

(1) Ban đất Ca-na-an cho dân I-sơ-ra-ên làm lãnh thổ là hình bóng cho lời hứa ban đất trong Giao Ước Mới: “Phước cho những ai nhu mì, vì họ sẽ thừa hưởng đất!” (Ma-thi-ơ 5:5). Lời hứa này sẽ hiện thực trong Vương Quốc Ngàn Năm và trong trời mới, đất mới.

(2) Ban phước cho dân I-sơ-ra-ên được trở thành một dân thánh, một nước thầy tế lễ thuộc về Đức Chúa Trời là hình bóng cho sự ban phước cho con dân Chúa trong Giao Ước Mới: “Nhưng các anh chị em là dòng dõi được lựa chọn, là chức thầy tế lễ của nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Ngài, để cho các anh chị em rao giảng sự trọn lành của Đấng đã gọi các anh chị em ra khỏi sự tối tăm, vào trong sự sáng láng lạ lùng của Ngài. [Xuất Ê-díp-tô Ký 19:5-6; Ê-sai 43:20-21; 61:6]  (I Phi-e-rơ 2:9-10). “…Đấng yêu chúng ta; Đấng đã rửa sạch những tội lỗi của chúng ta trong máu của Ngài; Đấng đã lập chúng ta làm những vua và những thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời, Cha của Ngài – Nguyện sự vinh quang và quyền thế thuộc về Ngài cho đến đời đời. A-men!” (Khải Huyền 1:5-6).

(3) Sự tha thứ và phục hồi dân I-sơ-ra-ên nếu dân I-sơ-ra-ên biết ăn năn tội và dâng máu của sinh tế làm tế lễ chuộc tội là hình bóng tha thứ và phục hồi con dân Chúa bởi sự ăn năn, xưng tội và bởi máu của Đấng Christ trong Giao Ước Mới: “Cũng chẳng bởi máu của những dê đực và của những bò tơ, nhưng bởi chính máu của Ngài, Ngài một lần đi vào trong nơi thánh, tìm lấy sự cứu chuộc vĩnh hằng cho chúng ta.” (Hê-bơ-rơ 9:12). “Nhưng, nếu chúng ta đi trong sự sáng, cũng như chính mình Ngài ở trong sự sáng, thì chúng ta giao thông cùng nhau; và máu của Đức Chúa Jesus Christ, Con Ngài, làm sạch mọi tội chúng ta.” (I Giăng 1:7). “Nếu chúng ta xưng nhận những tội lỗi của mình, thì Ngài là thành tín công chính để tha thứ cho chúng ta những tội lỗi của chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều không công chính.” (I Giăng 1:9).

Chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy bổn phận vâng giữ Mười Điều Răn và các luật lệ khác trong Thánh Kinh Cựu Ước của dân I-sơ-ra-ên là hình bóng cho sự con dân Chúa trong Giao Ước Mới có bổn phận vâng giữ Mười Điều Răn và tất cả các luật lệ khác trong Thánh Kinh: “Vì Ta phán với các ngươi, thật, cho tới khi trời và đất qua đi, một chấm hay một nét sẽ không qua đi khỏi luật pháp, cho tới khi mọi sự được trọn. Vậy, nếu ai bỏ đi một trong các điều cực nhỏ nào của các điều răn, và dạy người ta làm như vậy, thì người ấy sẽ bị xưng là cực nhỏ trong Vương Quốc Trời; còn ai giữ và dạy các điều ấy, thì sẽ được xưng là lớn trong Vương Quốc Trời.(Ma-thi-ơ 5:18-19). “Vì này là tình yêu của Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng giữ các điều răn của Ngài. Các điều răn của Ngài chẳng phải là nặng nề.” (I Giăng 5:3).

c) Các kết quả:

– Thưởng: (1) Được tha tội qua sự dâng sinh tế chuộc tội. (2) Được trở thành một nước thầy tế lễ, một dân tộc thánh. (3) Được ban cho đất Ca-na-an làm cơ nghiệp trên đất. (4) Được an cư, lạc nghiệp và phú cường. (5) Được phục hồi nếu sau khi phạm tội biết ăn năn.

– Phạt: (1) Bị thiên tai, chiến tranh cùng các thứ dịch lệ. (2) Bị mất nước, bị thảm sát và bị bắt làm phu tù, làm nô lệ, bị tan lạc cho đến đầu cùng đất.

d) Sự bảo đảm:

– Về phía Đức Chúa Trời: Rương Giao Ước chứa hai bảng đá ghi khắc Mười Điều Răn và Cuốn Sách Luật Pháp để bên cạnh Rương Giao Ước, được rưới huyết của bò tơ.

– Về phía dân I-sơ-ra-ên: Đức tin vào Lời Chúa được bày tỏ qua sự chịu cắt bì.

♦ Giao Ước Ân Điển còn gọi là Giao Ước Lời Hứa hoặc Giao Ước Mới: Dẫn đến sự phục hồi mục đích của Giao Ước Lương Tâm. Làm trọn luật pháp công chính và thánh khiết của Đức Chúa Trời: Tội lỗi bị hình phạt. Làm trọn sự nhân từ thương xót của Đức Chúa Trời đối với loài người: Ban sự cứu rỗi cho nhân loại.

Giao Ước Ân Điển bao gồm các yếu tố như sau:

a) Các bên kết ước: Đức Chúa Trời kết ước với mọi dân tộc qua dân I-sơ-ra-ên.

b) Các điều kiện:

– Về phía Đức Chúa Trời: (1) Trừng phạt tội lỗi của nhân loại trên Đức Chúa Jesus Christ. (2) Tha thứ và làm cho sạch tội những ai ăn năn tội và tin nhận Đấng Christ. (3) Ban cho người ăn năn tội, tin nhận Đấng Christ quyền làm con cái của Đức Chúa Trời. (4) Ban cho người ăn năn tội, tin nhận Đấng Christ thánh linh của Đức Chúa Trời để người ấy có năng lực sống một nếp sống thánh khiết vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời. (5) Ban cho người ăn năn tội, tin nhận Đấng Christ và trung tín cho đến chết: sự sống lại và sự sống đời đời. (6) Ban cho người ăn năn tội, tin nhận Đấng Christ và trung tín cho đến chết: được kết hợp mầu nhiệm với Đấng Christ trong Hôn Lễ Chiên Con. (7) Ban cho người ăn năn tội, tin nhận Đấng Christ và trung tín cho đến chết: được cùng với Đấng Christ thừa kế mọi cơ nghiệp của Đức Chúa Trời. (8) Ban cho người ăn năn tội, tin nhận Đấng Christ và trung tín cho đến chết: được đồng trị với Đấng Christ.

– Về phía mọi dân tộc: (1) Thật lòng ăn năn, từ bỏ mọi sự phạm tội, nghĩa là không còn cố ý vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời. (2) Tin nhận sự cứu chuộc của Đấng Christ. (3) Vui lòng bỏ hết mọi sự, sẵn sàng chịu khổ để có thể làm theo mọi điều Đấng Christ phán dạy.

c) Các kết quả:

– Thưởng: Được sống đời đời trong hạnh phúc với Đức Chúa Trời.

– Phạt: Bị hình phạt tùy theo mỗi việc làm tội lỗi và bị hư mất đời đời trong hỏa ngục.

d) Sự bảo đảm:

– Về phía Đức Chúa Trời: Máu của Đấng Christ và sự ấn chứng của Đức Thánh Linh.

– Về phía loài người: Đức tin thể hiện qua sự chịu báp-tem và nếp sống thánh khiết theo Lời Chúa.

2. Phân loại thống kê: Hình thức phân loại thống kê ghi ra tất cả những giao ước do Đức Chúa Trời thiết lập với loài người được chép lại trong Thánh Kinh. Có những giao ước được nói đến nhưng không ghi rõ chi tiết, như giao ước giữa Đức Chúa Trời với I-sác hoặc Gia-cốp.

Thánh Kinh đề cập đến tám giao ước, đó là: Giao Ước Nô-ê, Giao Ước Áp-ra-ham, Giao Ước I-sác, Giao Ước Gia-cốp, Giao Ước Si-na-i, (còn gọi là Giao Ước Luật Pháp hoặc Giao Ước Môi-se hoặc Giao Ước Cũ), Giao Ước Đất Hứa, Giao Ước Đa-vít, và Giao Ước Mới (còn gọi là Giao Ước Lời Hứa hoặc Giao Ước Ân Điển). Trong tám giao ước thì Giao Ước Áp-ra-ham, Giao Ước Si-na-i, và Giao Ước Mới có liên quan mật thiết với nhau trong Sự Cứu Rỗi.

♦ Giao Ước Nô-ê trước cơn nước lụt (Sáng Thế Ký 6:13-22):

13 Thiên Chúa phán với Nô-ê: Sự cuối cùng của mọi xác thịt đã đến trước Ta; vì mặt đất đầy dẫy sự hung ác bởi chúng nó. Vậy, Ta sẽ hủy diệt chúng nó cùng đất.

14 Ngươi hãy đóng một chiếc tàu bằng cây gô-phe. Ngươi sẽ làm nhiều phòng trong tàu, rồi trét chai bề trong lẫn bề ngoài.

15 Vậy, ngươi hãy làm thế này: Bề dài tàu ba trăm cu-bít, bề ngang năm mươi cu-bít, bề cao ba mươi cu-bít. [Một cu-bít = 18 inches hoặc 45,72 cm. Tuy nhiên, theo một số nhà khảo cổ thì một cu-bít thời Nô-ê tương đương 22 inches hoặc 55,88 cm.]

16 Ngươi sẽ làm một cửa sổ cho tàu, bề cao một cu-bít, và cửa của tàu thì ngươi sẽ làm bên hông. Ngươi sẽ làm một tầng dưới, một tầng giữa, và một tầng trên.

17 Còn Ta đây, Ta sẽ đem nước lụt khắp trên đất, để hủy diệt mọi xác thịt nào ở dưới trời có hơi thở của sự sống. Mọi vật trên đất sẽ chết.

18 Nhưng Ta sẽ lập giao ước của Ta với ngươi, rồi ngươi sẽ vào trong tàu; ngươi và các con trai của ngươi, vợ của ngươi và các vợ của các con trai ngươi.

19 Mỗi một vật sống của mọi xác thịt, ngươi hãy mang vào trong tàu mỗi loại một cặp, để được sống với ngươi. Chúng sẽ có đực và cái, trống và mái.

20 Loài chim tùy theo loại, loài súc vật tùy theo loại, loài côn trùng tùy theo loại, mỗi loại hai con, sẽ đến với ngươi để được sống.

21 Và ngươi hãy lấy cho ngươi mọi thứ ăn được để ăn. Ngươi sẽ thu thập chúng làm lương thực cho ngươi và các loài đó.

22 Vậy, Nô-ê làm theo mọi điều Thiên Chúa đã truyền lệnh cho ông. Ông đã làm.

Nhận xét: Đây là một giao ước có điều kiện. Trong giao ước này Đức Chúa Trời hứa bảo toàn sự sống cho gia đình Nô-ê cùng các loài sinh vật được ông mang vào tàu với điều kiện Nô-ê vâng lời Chúa: đóng tàu và vào tàu trước khi cơn nước lụt xảy ra.

♦ Giao Ước Nô-ê sau cơn nước lụt (Sáng Thế Ký 9:8-17):

8 Thiên Chúa phán với Nô-ê và các con trai của ông rằng:

9 Này, Ta đây, Ta lập giao ước của Ta với các ngươi và với dòng dõi của các ngươi, theo sau các ngươi,

10 với mọi sinh vật có hơi thở ở với các ngươi, nào chim, nào súc vật, và mọi sinh vật của đất với các ngươi, từ mọi loài ở trong tàu đi ra cho đến mọi sinh vật của đất.

11 Và Ta sẽ lập giao ước của Ta với các ngươi. Mọi xác thịt sẽ chẳng bao giờ lại bị nước lụt hủy diệt, và cũng sẽ chẳng có nước lụt để hủy diệt đất nữa.

12 Thiên Chúa lại phán rằng: Đây là dấu hiệu về sự giao ước mà Ta lập giữa Ta và các ngươi, cùng mọi linh hồn sống ở với các ngươi, trải qua các đời mãi mãi.

13 Ta đặt cầu vồng của Ta trong mây, và nó sẽ là dấu hiệu của sự giao ước giữa Ta với đất.

14 Bất cứ lúc nào Ta đem mây đến trên đất, thì cầu vồng sẽ được nhìn thấy trong mây;

15 và Ta sẽ nhớ sự giao ước của Ta là giao ước giữa Ta với các ngươi cùng mọi linh hồn sống của mọi xác thịt, thì nước sẽ chẳng bao giờ trở nên lụt mà hủy diệt mọi xác thịt nữa.

16 Vậy, cầu vồng sẽ ở trong mây, Ta sẽ nhìn xem nó để nhớ lại sự giao ước đời đời giữa Thiên Chúa với mọi linh hồn sống của mọi xác thịt ở trên đất.

17 Thiên Chúa phán với Nô-ê: Đó là dấu hiệu của giao ước mà Ta đã lập giữa Ta với mọi xác thịt ở trên đất.

Nhận xét: Đây là một giao ước không điều kiện. Nô-ê không bị ràng buộc phải làm gì. Giao ước này, qua Nô-ê, được thiết lập với mọi sinh vật trên đất và vẫn còn hiệu lực cho đến khi trời đất hiện tại qua đi.

♦ Giao Ước Áp-ra-ham (Sáng Thế Ký 15:18-21):

18 Ngày đó, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu cắt giao ước cùng Áp-ram, phán rằng: Ta ban cho dòng dõi ngươi đất này, từ sông Ê-díp-tô cho đến sông lớn là sông Ơ-phơ-rát,

19 là xứ của các dân: Kê-nít, Kê-nê-sít, Cát-mô-nít,

20 Hê-tít, Phê-rê-sít, Rê-pha-im,

21 A-mô-rít, Ca-na-an, Ghi-ê-ga-sít, và Giê-bu-sít.

(Sáng Thế Ký 17:1-14):

1 Khi Áp-ram được chín mươi chín tuổi, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu hiện đến với Áp-ram và phán với ông: Ta là Thiên Chúa Toàn Năng! Ngươi hãy đi ở trước mặt Ta và ngươi hãy trở nên trọn vẹn.

2 Ta sẽ lập giao ước cùng ngươi, làm cho dòng dõi ngươi thêm nhiều quá-bội.

3 Áp-ram sấp mình xuống đất; Thiên Chúa phán với người rằng:

4 Về phần Ta, này, giao ước của Ta với ngươi, và ngươi sẽ trở nên cha của nhiều dân tộc.

5 Tên của ngươi cũng sẽ chẳng được gọi là Áp-ram nữa, nhưng tên của ngươi sẽ là Áp-ra-ham. Vì Ta đã đặt ngươi làm cha của nhiều dân tộc. [Áp-ra-ham có nghĩa là cha của nhiều dân tộc.]

6 Ta sẽ làm cho ngươi sinh sản rất nhiều, làm cho ngươi thành nhiều nước; và các vua sẽ do nơi ngươi mà ra.

7 Ta sẽ lập giao ước của Ta giữa Ta với ngươi và dòng dõi của ngươi, sau ngươi, trong các đời của chúng. Một giao ước đời đời, để cho Ta là Thiên Chúa của ngươi và của dòng dõi ngươi, sau ngươi.

8 Ta sẽ ban cho ngươi và dòng dõi ngươi, sau ngươi vùng đất mà ngươi đang kiều ngụ, toàn thể đất Ca-na-an, làm cơ nghiệp đời đời; và Ta sẽ làm Thiên Chúa của họ.

9 Và Thiên Chúa phán với Áp-ra-ham: Ngươi sẽ giữ giao ước của Ta. Ngươi và dòng dõi của ngươi, sau ngươi, trong các đời của chúng.

10 Đây là giao ước của Ta mà ngươi sẽ giữ, giữa Ta với ngươi, và dòng dõi của ngươi, sau ngươi: Mỗi người nam trong vòng các ngươi phải chịu cắt bì.

11 Các ngươi sẽ cắt bì thịt bao quy đầu của các ngươi. Nó sẽ là dấu hiệu của giao ước giữa Ta và ngươi.

12 Trải qua các đời, mỗi người nam trong vòng các ngươi, hoặc sinh đẻ tại nhà, hoặc đem tiền ra mua nơi người ngoại bang, chẳng thuộc về dòng giống ngươi, khi lên được tám ngày rồi, đều phải chịu phép cắt bì.

13 Chớ bỏ làm phép cắt bì cho ai sinh tại trong nhà ngươi, hay đem tiền ra mua về; sự giao ước của Ta sẽ lập đời đời trong xác thịt của các ngươi vậy.

14 Một người nam nào không chịu phép cắt bì nơi xác thịt mình, sẽ bị diệt khỏi dân sự mình; người ấy là kẻ bội lời giao ước Ta.

Nhận xét: Đây là một giao ước có điều kiện. Áp-ra-ham và các người nam trong dòng họ ông phải chịu cắt bì, còn gọi là “cắt bao quy đầu”, tức là cắt bỏ lớp da bao bọc phần đầu của bộ phận sinh dục. Giao Ước Áp-ra-ham: về mặt thuộc thể bao gồm dân I-sơ-ra-ên và bất cứ ai chịu cắt bì như dân I-sơ-ra-ên; về mặt thuộc linh, tiêu biểu cho sự Đức Chúa Trời tiếp nhận và ban phước cho bất cứ dân tộc nào chịu từ bỏ nếp sống tội lỗi và cùng đức tin vào Đức Chúa Trời như dân I-sơ-ra-ên: “Ông đã nhận lấy dấu cắt bì, như dấu ấn của sự công chính bởi đức tin, trong sự không cắt bì, để ông làm cha của hết thảy những ai tin mà không chịu cắt bì, để sự công chính cũng được kể cho họ.” (Rô-ma 4:11). “Thánh Kinh cũng biết trước rằng, Đức Chúa Trời sẽ xưng các dân ngoại là công chính bởi đức tin, nên đã rao truyền trước cho Áp-ra-ham tin lành này: Trong ngươi, mọi dân tộc sẽ được phước.” (Ga-la-ti 3:8).

Về mặt thuộc thể, sự cắt bì giúp tránh được các chứng nhiễm trùng đường tiểu và bộ phận sinh dục, do các chất bẩn và vi trùng tích tụ giữa lớp da bọc và bộ phận sinh dục gây nên. Về mặt thuộc linh, sự cắt bì tiêu biểu cho sự cắt bỏ bản chất tội lỗi bẩm sinh.

♦ Giao Ước I-sác (Sáng Thế Ký 17:19, 21):

19 Thiên Chúa phán: Thật vậy! Sa-ra vợ ngươi, sẽ sinh cho ngươi một con trai, rồi ngươi đặt tên cho nó là I-sác. Ta sẽ lập giao ước của Ta với nó, một giao ước đời đời với dòng dõi của nó theo sau nó.

21 Nhưng Ta sẽ lập giao ước Ta cùng I-sác, độ khoảng này năm tới Sa-ra phải sinh cho ngươi.

Về sau, còn nhiều chỗ trong Thánh Kinh đề cập đến giao ước của Đức Chúa Trời với Áp-ra-ham, I-sác, và Gia-cốp nhưng không một chỗ nào ghi rõ các chi tiết về giao ước Đức Chúa Trời thiết lập với I-sác hoặc Gia-cốp.

Nhận xét: Giao ước Đức Chúa Trời lập với Áp-ra-ham cũng chính là giao ước Ngài lập với dòng dõi của ông qua I-sác và Gia-cốp. Áp-ra-ham có hai con trai, I-sác và Ích-ma-ên, nhưng giao ước của Đức Chúa Trời được thiết lập với I-sác. I-sác cũng có hai con trai, Ê-sau và Gia-cốp (sau này được Chúa đổi tên thành I-sơ-ra-ên), nhưng giao ước của Đức Chúa Trời được thiết lập với Gia-cốp và mười hai con trai của Gia-cốp, gọi chung là dân I-sơ-ra-ên. Vì thế, chúng ta có thể kết luận rằng: Giao Ước I-sác và Giao Ước Gia-cốp chính là Giao Ước Áp-ra-ham được nối dài.

♦ Giao Ước Gia-cốp (Sáng Thế Ký 28:10-15):

10 Gia-cốp từ Bê-e-sê-ba đi về hướng Cha-ran.

11 Ông tới một chỗ kia, thì dừng lại nghỉ, vì mặt trời đã khuất. Ông lấy đá tại nơi đó làm gối đầu, và nằm ngủ tại nơi đó.

12 Ông nằm mơ, và kìa, một cái thang bắc trên đất, đầu của nó chạm đến các tầng trời; và kìa, các thiên sứ của Thiên Chúa lên xuống trên nó.

13 Kìa, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đứng phía trên nó và phán: Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, tổ phụ của ngươi, và Thiên Chúa của I-sác. Đất mà ngươi nằm trên đó, Ta sẽ cho ngươi và dòng dõi ngươi.

14 Dòng dõi ngươi sẽ nhiều như bụi của đất, tràn ra đến đông tây nam bắc, và hết thảy các gia tộc trên đất sẽ nhờ ngươi và dòng dõi ngươi mà được phước.

15 Này, Ta ở cùng ngươi, ngươi đi đâu, sẽ theo giữ gìn đó, và đem ngươi về xứ này; vì Ta không bao giờ bỏ ngươi cho đến khi Ta làm xong những điều Ta đã hứa cùng ngươi.

Nhận xét: Dù trong phân đoạn Sáng Thế Ký 28:10-15 không nói rõ là Đức Chúa Trời lập giao ước với Gia-cốp nhưng hầu hết các nhà giải kinh đều cho rằng đây là nội dung của Giao Ước Gia-cốp, bao gồm các lời hứa riêng của Đức Chúa Trời với Gia-cốp, thêm vào giao ước Ngài đã thiết lập với Áp-ra-ham.

♦ Giao Ước Si-na-i, còn gọi là Giao Ước Luật Pháp hoặc Giao Ước Môi-se hoặc Giao Ước Cũ (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:10-28):

10 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán rằng: Này, Ta lập một giao ước. Trước mặt các dân sự của ngươi, Ta sẽ làm các phép lạ chưa hề sáng tạo trên cả mặt đất, hay là nơi dân nào; và toàn dân sự mà trong đó có ngươi, sẽ xem thấy việc Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, vì điều Ta sẽ làm cùng ngươi là một điều đáng kinh khiếp.

11 Hãy cẩn thận về điều Ta truyền cho ngươi hôm nay. Này, Ta sẽ đuổi khỏi trước mặt ngươi dân A-mô-rít, dân Ca-na-an, dân Hê-tít, dân Phê-rê-sít, dân Hê-vít, và dân Giê-bu-sít.

12 Hãy cẩn thận đừng lập giao ước cùng dân của xứ mà ngươi sẽ vào, e chúng nó sẽ thành cái bẫy giữa ngươi chăng.

13 Nhưng các ngươi hãy phá hủy bàn thờ, đập bể pho tượng và đánh hạ các thần chúng nó.

14 Vì ngươi đừng sấp mình xuống trước mặt Chúa nào khác, bởi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu tự xưng là Thiên Chúa hay ghen; Ngài thật là một Thiên Chúa hay ghen vậy.

15 Hãy cẩn thận đừng lập giao ước cùng dân của xứ đó, kẻo chúng nó hành dâm cùng các tà thần chúng nó và tế các tà thần của chúng nó, có kẻ mời, rồi ngươi ăn của cúng họ chăng.

16 Lại đừng cưới con gái chúng nó cho con trai ngươi, kẻo con gái chúng nó hành dâm với các tà thần chúng nó, quyến dụ con trai ngươi cũng hành dâm cùng các tà thần của chúng nó nữa chăng.

17 Ngươi chớ đúc thần tượng.

18 Ngươi hãy giữ Lễ Bánh Không Men. Nhằm kỳ tháng lúa trổ, hãy ăn bánh không men trong bảy ngày, như Ta đã truyền dặn ngươi; vì nhằm tháng đó ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô.

19 Các con trưởng nam đều thuộc về Ta; cùng các con đực đầu lòng của bầy súc vật ngươi, hoặc bò hoặc chiên cũng vậy.

20 Nhưng ngươi sẽ bắt một chiên con hay là dê con mà chuộc một con lừa đầu lòng. Nếu chẳng chuộc nó, ngươi hãy bẻ cổ nó. Ngươi sẽ chuộc các con trưởng nam mình; và chớ ai đi tay không đến chầu trước mặt Ta.

21 Trong sáu ngày ngươi hãy làm công việc, nhưng qua ngày thứ bảy hãy ngưng làm việc, dẫu mùa cày hay mùa gặt ngươi cũng phải ngưng làm việc.

22 Đầu mùa gặt lúa mì, ngươi hãy giữ Lễ Các Tuần Lễ; và cuối năm giữ Lễ Thu Hoạch.

23 Thường năm ba lần, trong vòng các ngươi, mỗi người nam sẽ ra mắt Chúa Tự Hữu Hằng Hữu, là Thiên Chúa của I-sơ-ra-ên.

24 Vì Ta sẽ đuổi các dân khỏi trước mặt ngươi, Ta sẽ mở rộng bờ cõi ngươi; và trong khi ngươi lên ra mắt Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi, mỗi năm ba lần, thì sẽ chẳng ai tham muốn xứ ngươi hết.

25 Ngươi chớ dâng máu của con sinh tế Ta cùng bánh pha men; thịt của con sinh về Lễ Vượt Qua chớ nên giữ đến sáng mai.

26 Ngươi sẽ đem dâng hoa quả đầu mùa của đất sinh sản vào đền Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, là Thiên Chúa ngươi. Ngươi chớ nấu thịt dê con trong sữa mẹ nó.

27 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu cũng phán với Môi-se rằng: Hãy chép các lời này; vì theo các lời này mà Ta lập giao ước cùng ngươi và cùng I-sơ-ra-ên.

28 Ông đã ở đó với Đấng Tự Hữu Hằng Hữu bốn mươi ngày và bốn mươi đêm. Ông không ăn bánh, cũng không uống nước. Ngài đã chép trên các bảng đá các lời giao ước, tức là Mười Lời.

Nhận xét: Mười Điều Răn (trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ là Mười Lời) được gọi là các “lời giao ước”. Đây là một giao ước có điều kiện. Dân I-sơ-ra-ên và những ai muốn sống chung với dân I-sơ-ra-ên phải vâng giữ Mười Lời Giao Ước do chính Đức Chúa Trời ghi trên hai bảng đá và những luật lệ ra từ Mười Lời Giao Ước đó, được Môi-se chép trong một cuốn sách gọi là Sách Luật Pháp (Lê-vi Ký 18:26; Phục Truyền Luật Lệ Ký 31:24-26).

Giao Ước Si-na-i làm nền tảng và hình bóng cho Giao Ước Mới được hứa trong Giê-rê-mi 31 và tái xác nhận trong Hê-bơ-rơ 10.

Làm nền tảng vì nội dung Mười Lời Giao Ước, tức Mười Điều Răn không hề thay đổi. Trong Giao Ước Si-na-i, còn gọi là Giao Ước Cũ, thì Mười Lời Giao Ước được Đức Chúa Trời chép trên bảng đá; còn trong Giao Ước Mới, còn gọi là Giao Ước Ân Điển, thì toàn bộ luật pháp của Thiên Chúa được Đức Chúa Trời chép vào lòng người: “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán: Này là giao ước mà Ta sẽ lập với nhà I-sơ-ra-ên sau những ngày đó. Ta sẽ đặt luật pháp của Ta bên trong chúng nó và chép trong lòng của chúng nó. Ta sẽ làm Thiên Chúa của chúng nó và chúng nó sẽ làm dân Ta.” (Giê-rê-mi 31:33). Đức Chúa Trời khẳng định: “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, là Đấng đã ban mặt trời làm sự sáng ban ngày, ban thứ tự mặt trăng và ngôi sao soi ban đêm, lật biển lên, đến nỗi sóng nó gầm thét, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân là danh của Ngài phán rằng: Nếu lệ luật đó mất đi khỏi trước mặt Ta, thì bấy giờ dòng giống I-sơ-ra-ên cũng sẽ không mãi là một nước trước mặt Ta, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán vậy.” (Giê-rê-mi 31:35-36).

Giao Ước Cũ làm hình bóng của Giao Ước Mới vì hình thức tha tội, chuộc tội, và thờ phượng trong Giao Ước Cũ tiêu biểu cho sự tha tội, chuộc tội, và thờ phượng thật được thể hiện trong Giao Ước Mới (Cô-lô-se 2:17; Hê-bơ-rơ 9:9; 10:1).

♦ Giao Ước Đất Hứa còn gọi là Giao Ước Pa-lét-tin (Phục Truyền Luật Lệ Ký 29-30):

Thánh Kinh ghi rằng đây là giao ước Đức Chúa Trời lập thêm với dân I-sơ-ra-ên, ngoài giao ước đã lập tại xứ Hô-rếp, trên núi Si-na-i: “Này là các lời của sự giao ước mà Đấng Tự Hữu Hằng Hữu dặn bảo Môi-se lập cùng dân I-sơ-ra-ên, trong xứ Mô-áp, ngoài sự giao ước Ngài đã lập cùng chúng tại Hô-rếp.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 29:1).

Nhận xét: Đây là một giao ước bổ sung có điều kiện: Nếu dân I-sơ-ra-ên vi phạm Giao Ước Si-na-i, bị Đức Chúa Trời hình phạt mà biết ăn năn tội thì Ngài sẽ phục hồi Giao Ước Si-na-i. Giao ước này được “trời và đất làm chứng” (Phục Truyền Luật lệ Ký 30:19).

♦ Giao Ước Đa-vít: Những câu Thánh Kinh dưới đây nhắc đến Giao Ước Đa-vít:

“Bởi sự giao ước bằng muối, Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của I-sơ-ra-ên đã ban nước I-sơ-ra-ên cho Đa-vít và cho các con trai người đến đời đời, các ngươi chẳng biết sao?” (II Sử Ký 13:5).

“Nhưng, vì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã lập giao ước với Đa-vít, bởi Ngài đã hứa rằng sẽ ban một ngọn đèn cho người và cho con cháu người trọn đời, nên Ngài không muốn diệt nhà Đa-vít.” (II Sử Ký 21:7).

“Ta đã lập giao ước với người được chọn của Ta. Ta đã thề với Đa-vít, tôi tớ của Ta: Ta sẽ lập dòng dõi của ngươi đến mãi mãi, và dựng ngai của ngươi đến đời đời.” (Thi Thiên 89:3-4).

Tương tự như trường hợp của Giao Ước Gia-cốp, các nhà giải kinh cho rằng II Sa-mu-ên 7:8-16 cũng chính là nội dung chi tiết của Giao Ước Đa-vít, dù trong bản văn không hề đề cập đến từ ngữ giao ước:

8 Vậy bây giờ, ngươi hãy nói với Đa-vít, kẻ tôi tớ Ta, như vầy: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân có phán như vầy: Ta đã gọi ngươi từ giữa đồng cỏ, từ nơi ngươi chăn chiên, để lập ngươi làm kẻ dẫn dắt dân I-sơ-ra-ên của Ta.

9 Ta đã ở cùng ngươi trong mọi công việc ngươi làm, tuyệt diệt các kẻ thù nghịch ngươi khỏi trước mặt ngươi, khiến cho ngươi được danh lớn như danh người sang trọng của thế gian.

10 Ta đã sắm sẵn một chỗ cho dân I-sơ-ra-ên Ta, làm cho nó châm rễ tại đó, và nó sẽ ở nơi mình, chẳng còn bị quấy rối nữa; các con loài ác sẽ chẳng hà hiếp nó nữa như ngày xưa,

11 tức là như lúc Ta lập quan xét trị dân I-sơ-ra-ên Ta. Ta đã giải cứu ngươi khỏi các thù nghịch ngươi mà ban bình an cho ngươi. Rốt lại, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán hứa rằng Ngài sẽ dựng cho ngươi một ngôi nhà.

12 Khi các ngày ngươi đã mãn, và ngươi ngủ với các tổ phụ ngươi, thì Ta sẽ lập dòng giống ngươi kế vị ngươi, là dòng giống do ngươi sinh ra, và Ta sẽ khiến cho nước nó bền vững.

13 Nó sẽ xây một đền thờ cho danh Ta, và Ta sẽ khiến cho ngôi cùng nước nó bền vững đời đời.

14 Ta sẽ làm cha của nó và nó sẽ làm con của Ta. Nếu nó phạm tội ác, Ta sẽ sửa phạt nó bằng roi của loài người và những lằn đòn của con cái loài người;

15 nhưng Ta sẽ không rút ân điển Ta khỏi nó như Ta rút khỏi Sau-lơ, là kẻ Ta đã trừ diệt khỏi trước mặt ngươi.

16 Như vậy, nhà ngươi và nước ngươi được bền vững trước mặt ngươi đời đời; ngôi ngươi sẽ được vững lập đến mãi mãi.

Giao Ước Đa-vít bao gồm Đấng Christ:

“Này, ngươi sẽ chịu thai trong lòng ngươi và sinh ra một con trai, sẽ đặt tên của Ngài là JESUS. Ngài sẽ nên cao trọng và sẽ được gọi là Con của Đấng Rất Cao. Chúa, là Đức Chúa Trời, sẽ ban cho Ngài ngôi của tổ phụ Ngài là Đa-vít. Ngài sẽ cai trị trên nhà Gia-cốp cho đến mãi mãi và vương quốc của Ngài sẽ vô tận.” (Lu-ca 1:31-33).

“Hỡi các người, hỡi các anh chị em! Ấy là hợp pháp để tự do nói với các anh chị em về tổ phụ Đa-vít rằng, người đã chết và cũng đã được chôn. Mồ mả của người ở giữa chúng ta cho tới ngày nay. Nhưng, người là một tiên tri và biết rằng, Đức Chúa Trời đã thề hứa với người, từ bông trái của hông người, theo xác thịt, Ngài sẽ dấy lên Đấng Christ để ngồi trên ngai của người.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:29-30).

Nhận xét: Đây là một giao ước không điều kiện. Đa-vít không bị ràng buộc phải làm gì. Giao ước này liên quan đến sự cai trị của Đức Chúa Jesus Christ trên dân I-sơ-ra-ên.

♦ Giao Ước Mới: Được hứa trong Giê-rê-mi 31:31, được ban hành trong đêm Lễ Vượt Qua trước khi Đức Chúa Jesus Christ bị bắt, được ấn chứng bằng máu của Đức Chúa Jesus Christ trên thập tự giá.

“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán: Này! Những ngày đến, Ta sẽ kết một giao ước mới với nhà I-sơ-ra-ên và với nhà Giu-đa…” (Giê-rê-mi 31:31).

“Bữa ăn tối đã xong, Ngài cũng làm như vậy với chén, phán rằng: Chén này là giao ước mới trong máu Ta, vì các ngươi mà đổ ra.” (Lu-ca 22:20).

“Cũng một thể ấy, sau khi ăn bữa tối, Ngài lấy chén và phán: Chén này là sự giao ước mới trong máu Ta; các ngươi hãy làm điều này mỗi khi các ngươi uống, để nhớ đến Ta.” (I Cô-rinh-tô 11:25).

“Đấng cũng làm cho chúng tôi xứng đáng là những người giúp việc của Giao Ước Mới, không bởi chữ nhưng bởi linh. Vì chữ thì giết; nhưng Đấng Thần Linh thì ban sự sống!” (II Cô-rinh-tô 3:6).

“Bởi đó, Ngài là Đấng Trung Bảo của Giao Ước Mới để sự chết của Ngài trở thành sự cứu chuộc những sự vi phạm dưới giao ước trước, để những ai đã được kêu gọi thì họ nhận được lời hứa về cơ nghiệp vĩnh hằng.” (Hê-bơ-rơ 9:15).

“…gần Đức Chúa Jesus, Đấng Trung Bảo của Giao Ước Mới; và gần máu rưới ra, máu đó nói tốt hơn máu của A-bên.” (Hê-bơ-rơ 12:24).

V. Kết Luận

Tất cả các giao ước do Đức Chúa Trời thiết lập với loài người trước khi Đấng Christ đến thế gian đều được đúc kết và hình thành trong Giao Ước Mới.

Giao Ước Luật Pháp được Đức Chúa Trời kết ước với toàn thể nhân loại qua dân tộc I-sơ-ra-ên để khiến muôn dân nhận biết và tôn kính tiêu chuẩn yêu thương, thánh khiết, công chính của Đức Chúa Trời. Giao Ước Luật Pháp làm hình bóng cho Giao Ước Ân Điển, tức là Giao Ước Mới.

Giao Ước Mới được Đức Chúa Trời kết ước với toàn thể nhân loại qua dân tộc I-sơ-ra-ên. Đức Chúa Jesus Christ làm trung bảo cho cả hai bên. Ngài đại diện cho Đức Chúa Trời để ban ơn tha thứ, ơn tái sinh, ơn phục hồi địa vị con cái của Đức Chúa Trời, ơn được sống lại và sống đời đời cho những ai tin nhận giao ước. Ngài đại diện cho những người tin nhận giao ước để làm thành những đòi hỏi của luật pháp về sự hình phạt tội lỗi.

Giao Ước Mới không hề triệt tiêu các Giao Ước Cũ (Cựu Ước) vì tinh thần của tất cả các điều khoản và kết quả trong các Giao Ước Cũ đều được giữ nguyên vẹn và thể hiện trong Giao Ước Mới. Giao Ước Mới có những điều khoản được thêm vào để giúp cho loài người có thể thi hành được những điều khoản được ấn định trong Giao Ước Luật Pháp mà loài người đã thất bại trong việc thi hành. Đó là sự thương xót lớn của Đức Chúa Trời dành cho loài người.

Quan điểm Thần học cho rằng Giao Ước Ân Điển thay thế và triệt tiêu Giao Ước Luật Pháp, khiến cho Giao Ước Luật Pháp không còn hiệu lực, nghĩa là loài người không cần vâng giữ Mười Điều Răn nữa, là một quan điểm phản nghịch Thánh Kinh. Nếu Giao Ước Luật Pháp không còn hiệu lực thì ngày nay không còn có sự phạm tội, vì “sự tội lỗi tức là sự trái luật pháp” (I Giăng 3:4). Giao Ước Luật Pháp vẫn còn hiệu lực cho đến khi trời đất cũ qua đi, vì thế, loài người sinh ra trong thời Giao Ước Ân Điển, nếu vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời, điển hình là Mười Hai Điều Răn – mười điều ban hành trong Giao Ước Cũ và hai điều ban hành trong Giao Ước Mới (Giăng 13:34; 15:12; Công Vụ Các Sứ Đồ 15:28-29) – thì vẫn bị án phạt hư mất đời đời trong hỏa ngục. Nếu kẻ vi phạm thật lòng cải hối và tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ thì chính Đấng Christ gánh thay án phạt cho kẻ ấy. Sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ không hề cho phép loài người ngưng vâng giữ Mười Điều Răn của Thiên Chúa, vì chính mục đích của sự chết đó là để trả giá cho mọi hành động vi phạm Mười Điều Răn.

Thánh Kinh dạy rõ:

“Vậy, chúng ta bởi đức tin mà bỏ luật pháp hay sao? Chẳng hề như vậy! Trái lại, chúng ta làm vững bền luật pháp.” (Rô-ma 3:31).

“Vậy, luật pháp là thánh, điều răn là thánh, công chính, và tốt lành.” (Rô-ma 7:12).

Sứ Đồ Phao-lô khi viết thư cho Hội Thánh tại Cô-rinh-tô là nơi có nhiều con dân Chúa không phải là người I-sơ-ra-ên, đã nhấn mạnh, đối với người không phải là dân I-sơ-ra-ên thì việc chịu cắt bì không quan hệ gì với họ nhưng họ phải giữ các điều răn. Bởi vì, phép cắt bì là để một người I-sơ-ra-ên được dự phần trong Giao Ước Áp-ra-ham, còn sự giữ điều răn của Đức Chúa Trời là giao ước chung cho toàn thể nhân loại. Phao-lô viết như sau:

“Sự chịu cắt bì chẳng là gì, sự không chịu cắt bì cũng chẳng là gì; mà là sự giữ các điều răn của Thiên Chúa.” (I Cô-rinh-tô 7:19).

Người thật lòng tin và làm theo Lời Chúa là người vâng giữ các điều răn. I Giăng 2:3-6 chép:

3 Và bởi điều này mà chúng ta biết mình đã biết Ngài: ấy là chúng ta giữ các điều răn của Ngài.

4 Ai nói: Tôi biết Ngài! Mà không giữ các điều răn của Ngài, là người nói dối, lẽ thật không ở trong người ấy.

5 Nhưng ai giữ lời Ngài, thì tình yêu của Đức Chúa Trời thật là trọn vẹn trong người ấy. Bởi đó, chúng ta biết chúng ta ở trong Ngài.

6 Ai nói mình ở trong Ngài, thì người ấy cũng phải bước đi như chính Ngài đã bước đi.

Nguyện Đức Thánh Linh, Thần Lẽ Thật, soi sáng tâm trí những ai đọc bài này để họ được sự hiểu biết rõ ràng về ý nghĩa và mục đích của các giao ước Đức Chúa Trời đã lập ra với nhân loại. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
05/02/2012

Ghi Chú

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/