Quan Hệ Giữa Hội Thánh và Chính Quyền

3,611 views

Copyright Notice: All Rights Reserved © 2006 Vietnamese Christian Mission Ministry. Thông Báo Tác Quyền: Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức nhưng xin giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.

Huỳnh Christian Timothy

Dù là dân tộc nào, đất nước nào, chính quyền nào, thể chế nào thì mối quan hệ giữa công dân và chính quyền luôn luôn là một mối quan hệ hai chiều: bổn phận của công dân đối với chính quyền và trách nhiệm của chính quyền đối với công dân. Thánh Kinh có dạy rõ về bổn phận công dân của tín đồ đối với chính quyền và trách nhiệm của chính quyển đối với công dân. Hội Thánh là tập thể những tín đồ Đấng Christ, cho nên khi thảo luận về mối quan hệ giữa Hội Thánh và chính quyền, những dạy dỗ của Thánh Kinh phải được dùng làm nền tảng cho sự thảo luận và áp dụng vào thực tế trong cuộc sống.

Trong bài này, chúng ta sẽ lần lượt thảo luận về các điểm chính sau đây:

(1) Thiên Chức của chính quyền
(2) Trách nhiệm của chính quyền đối với công dân
(3) Bổn phận của công dân đối với chính quyền
(4) Khi chính quyền trở thành bạo quyền
(5) Thái độ của tín đồ đối với bạo quyền
(6) Trách nhiệm của tín đồ đối với nạn nhân của bạo quyền
(7) Áp dụng vào thực tế trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam.

(1) Thiên chức của chính quyền

Thánh Kinh cho biết chính quyền là một thiên chức. Thực vậy, Rô ma 13:1-2 chép rằng: "Mọi người phải vâng phục các đấng cầm quyền trên mình; vì chẳng có quyền nào mà không đến bởi Đức Chúa Trời, các quyền đều bởi Đức Chúa Trời chỉ định. Cho nên ai chống cự quyền phép, tức là đối địch với mạng lịnh Đức Chúa Trời đã lập; và những kẻ đối địch thì chuốc lấy sự phán xét vào mình."

Câu hỏi được đặt ra là: "Không lẽ những chính quyền ngoại đạo, tà giáo, độc tài, hoặc vô thần, gian ác như các chính quyền Hồi Giáo và Cộng Sản cũng là do Chúa chỉ định hay sao? Không lẽ chống cự lại những chính quyền như vậy tức là đối địch với mạng lịnh Đức Chúa Trời đã lập?" Câu trả lời là: "Đúng vậy! Thánh Kinh khẳng định chẳng có quyền nào mà không đến bởi Đức Chúa Trời, các quyền đều bởi Đức Chúa Trời chỉ định." Khi Chúa Jesus bị bắt và giải đến trước Thống Đốc Phi-lát của chính quyền La-mã, Phi-lát ngạo nghễ hỏi Chúa: "Ngươi há chẳng biết rằng ta có quyền buông tha ngươi và quyền đóng đinh ngươi sao?" Đức Chúa Jesus đã đáp lại: "Nếu chẳng phải từ trên cao đã ban cho ngươi, thì ngươi không có quyền gì trên Ta" (Giăng 19:10-11)

Trong lịch sử dân Do-thái, dưới thời Vua Sê-đê-kia làm vua nước Giu-đa, vì dân Chúa phạm tội thờ lạy tà thần nên Đức Chúa Trời dùng Vua Nê-bu-cát-nết-xa của đế quốc Ba-by-lôn để cai trị họ. Tiên Tri Giê-rê-mi được lệnh Chúa rao truyền cho Vua Sê-đê-kia và dân Giu-đa phải đầu phục Vua Nê-bu-cát-nết-xa của Ba-by-lôn. Lúc đó, có một tiên tri giả tên là Ha-na-nia, nói ngược lại lời nói của Tiên Tri Giê-rê-mi và xúi Vua Sê đê kia cùng dân Giu-đa chống lại Vua Nê-bu-cát-nết-xa. Kết quả, Ha-na-nia chuốc lấy cái chết còn dân Giu-đa bị giết từ trai trẻ, gái đồng trinh cho đến người tóc bạc, kẻ còn sót lại thì bị giải qua Ba-by-lôn làm tôi mọi (II Sử ký: 36 & Giê rê mi: 27-28).

Sau bảy mươi năm là hạn kỳ Chúa trách phạt dân Giu-đa, chính Chúa lại trừng phạt Nê-bu-cát-nết-xa và dân Ba-by-lôn vì sự tàn ác của họ. Bài học lịch sử cho chúng ta thấy: Chúa chỉ định các chính quyền. Chúa dùng chính quyền này để sửa phạt chính quyền kia nhưng khi chính quyền được Chúa dùng để sửa phạt trở thành mất phẩm chất của một chính quyền thì đến phiên chính quyền ấy lại bị sửa phạt bởi Chúa.

(2) Trách nhiệm của chính quyền đối với công dân

Thánh Kinh ghi rõ trách nhiệm của chính quyền đối với công dân như sau:

1) Chính trực:
"Vả, các quan quyền không phải để cho người làm lành sợ, mà để cho người làm dữ sợ." (Rô ma 13:3a)

2) Khen thưởng người làm điều lành: "Ngươi muốn không sợ quyền phép chăng? Hãy làm điều lành, sẽ được khen thưởng" (Rô ma 13:3b), (1 Phi e rơ 2:14).

3) Làm ích cho công dân: "Vì quan quyền là chức việc của Đức Chúa Trời để làm ích cho ngươi" (Rô ma 13:4a).

4) Phạt kẻ làm dữ: "Song nếu ngươi làm ác, thì hãy sợ, vì người cầm gươm chẳng phải là vô cớ; người là chức việc của Đức Chúa Trời để làm ra sự công bình và phạt kẻ làm dữ" (Rô ma 13:4b), (1 Phi e rơ 2:14).

Vậy, theo Thánh Kinh, chính quyền là chức việc của Chúa chỉ định để cai trị một dân tộc, một đất nước bằng sự chính trực, thưởng lành, phạt ác, và làm ích cho công dân.

(3) Bổn phận của công dân đối với chính quyền

Thánh Kinh cũng dạy tín đồ phải làm tròn những bổn phận của công dân đối với chính quyền. Những bổn phận ấy được nêu rõ như sau:

1) Vâng phục vì cớ lương tâm:
"Mọi người phải vâng phục các đấng cầm quyền trên mình" (Rô ma 13:1a). "Vì cớ Chúa, hãy phục theo mọi phép tắc loài người lập nên, hoặc vua như đấng rất cao, hoặc các quan như người vua sai ra để phạt kẻ làm dữ và khen người làm lành" (I Phi e rơ 2:13-14). "Vậy nên cần phải vâng phục, chẳng những vì sợ hình phạt thôi, nhưng cũng vì cớ lương tâm" (Rô ma 13:5). "Hãy nhắc lại cho các tín đồ phải vâng phục những bậc cầm quyền chấp chánh, phải vâng lời các bậc ấy, sẵn sàng làm mọi việc lành" (Tít 3:1).

2) Tôn trọng và kính sợ:
"Ngươi chớ nên nói lộng ngôn cùng Đức Chúa Trời, và cũng đừng rủa sả vua chúa của dân sự ngươi" (Xuất 22:28). "Hãy kính mọi người; yêu anh em; kính sợ Đức Chúa Trời; tôn trọng vua" (I Phi e rơ 2:17). "Sợ kẻ mình đáng sợ, kính kẻ mình đáng kính" (Rô ma 13:7b).

3) Nộp thuế và đóng góp:
"Ấy cũng bởi lẽ đó mà anh em nộp thuế, vì các quan quyền là đày tớ của Đức Chúa Trời, hằng giữ việc ấy. Phải trả cho mọi người điều mình đã mắc: nộp thuế cho kẻ mình phải nộp thuế; đóng góp cho kẻ mình phải đóng góp" (Rô ma 13:6,7a).

4) Cầu thay:
"Vậy, trước hết mọi sự ta dặn rằng, phải khẩn nguyện, cầu xin, kêu van, tạ ơn cho mọi người, cho các vua, cho hết thảy các bậc cầm quyền, để chúng ta được lấy điều nhơn đức và thành thật mà ở đời cho bình tịnh yên ổn. Ấy là một sự lành và đẹp mắt Đức Chúa Trời là Cứu Chúa chúng ta" (I Ti mô thê 2:1-3).

Chính quyền có bốn trách nhiệm với công dân thì công dân cũng có bốn bổn phận với chính quyền: Vâng phục, tôn trọng, nộp thuế và cầu thay.

(4) Khi chính quyền biến thành bạo quyền

Cho đến ngày hôm nay, những sự dạy dỗ của Thánh Kinh từ mấy ngàn năm trước về mối quan hệ hai chiều giữa công dân và chính quyền vẫn không thay đổi. Tuy nhiên, khi chính quyền không công chính mà trở thành phe đảng, bè phái, hư hại, thối nát; khi chính quyền không thưởng lành phạt ác mà trở thành băng đảng của kẻ làm dữ, bức hiếp những công dân lương thiện; khi chính quyền không làm ích cho dân mà trở thành nhũng lạm, bốc lột, phá tan tài nguyên, sinh lực của đất nước thì chính quyền đó đã không làm tròn thiên chức mà Đức Chúa Trời đã chỉ định và giao phó. Chính quyền đó đã biến thành bạo quyền. Bạo quyền sẽ bị Đức Chúa Trời sửa trị. Chính Đức Chúa Trời sẽ dấy lên hoặc dùng một chính quyền khác để sửa trị hoặc tiêu diệt bạo quyền.

(5) Thái độ của tín đồ đối với bạo quyền

Khi chính quyền biến thành bạo quyền thì chắc chắn tín đồ là công dân dưới quyền sẽ hứng chịu nhiều bất công và thiệt hại. Bạo quyền có thể ra lệnh bắt tín đồ phải làm những điều ngược lại với đức tin Cơ-đốc. Bạo quyền cũng có thể vô cớ bách hại các tín đồ. Trong tình huống đó, tín đồ phải cư xử ra sao đối với bạo quyền?

1) Tín đồ không được trả thù bạo quyền:
"Hỡi kẻ rất yêu dấu của tôi ơi, chính mình chớ trả thù ai, nhưng hãy nhường cho cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời; vì có Lời Chúa phán rằng: Sự trả thù thuộc về Ta, Ta sẽ báo ứng" (Rô ma 12:19). "Sự trả thù thuộc về Ta, Ta sẽ báo ứng. Ấy là Lời Chúa phán" (Hê bơ rơ 10:30). "Chớ lấy ác trả ác cho ai, phải chăm tìm điều thiện trước mặt mọi người. Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa thuận với mọi người" (Rô ma 12:17-18). "Hãy giữ, đừng có ai lấy ác báo ác cho kẻ khác; nhưng hãy tìm điều thiện luôn luôn, hoặc trong vòng anh em, hoặc đối với thiên hạ" (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:15).

2) Tín đồ không được chống cự bạo quyền:
"Song Ta bảo các ngươi, đừng chống cự kẻ dữ" (Ma-thi-ơ 5:39).

3) Tín đồ không thỏa hiệp, không van xin với bạo quyền để được thờ phượng, hầu việc Chúa:
"Phước cho người nào chẳng theo mưu kế của kẻ dữ, chẳng đứng trong đường tội nhân, không ngồi chỗ của kẻ nhạo báng" (Thi Thiên 1:1). "Chớ mang ách chung vớ kẻ chẳng tin. Bởi vì công bình với gian ác có hội hiệp nhau được chăng? Sự sáng với sự tối có thông đồng nhau được chăng?" (II Cô-rinh-tô 6:14).
Khi Tiên tri Đa ni ên nghe chiếu chỉ của vua cấm thờ lạy hoặc cầu nguyện với bất cứ thần nào khác ngoài vua trong vòng ba mươi ngày, ông vẫn thản nhiên thờ lạy cầu nguyện với Đức Chúa Trời mỗi ngày ba lần mà không cần tìm cách thỏa hiệp hay van xin vua, mặc dù vua là người rất thương mến và quý trọng ông (Đa ni ên 6). Con dân Chúa không cần phải "thỏa hiệp" hoặc "van xin" bất kỳ ai để được thờ phượng Chúa. Đặc quyền và cũng là đặc ân thờ phượng Chúa đã được Chúa trả bằng chính huyết báu của Ngài trên thập tự giá cho những ai tin nhận Ngài.

4) Tín đồ không cần tuân theo những mạng lịnh và luật lệ đi ngược lại mạng lịnh và luật lệ của Chúa:
Thánh Kinh ghi rõ, khi phải chọn lựa giữa sự tuân phục bạo quyền hoặc tuân phục Lời của Đức Chúa Trời thì người tín đồ chỉ có tuân phục Chúa. Khi Phi-e-rơ và Giăng bị Tòa Công Luận Do-thái cấm tiệt chẳng cho nhân danh Chúa Jesus mà nói hay giảng dạy thì hai ông trả lời rằng: "Chính các ông hãy suy xét, trước mặt Đức Chúa Trời có nên vâng lời các ông hơn là vâng lời Đức Chúa Trời chăng?" (Công vụ 4:19). Sau đó, một lần nữa, Phi-e-rơ và các sứ đồ lại bị Tòa Công Luận Do-thái cấm nhặt không cho giảng Tin Lành, thì ông và các sứ đồ đã khẳng khái đáp lời thầy cả thượng phẩm: "Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta" (Công Vụ 5:29). Trong thời Cựu Ước, khi Pha-ra-ôn ra lệnh cho các bà mụ dân Hê-bơ-rơ phải giết các trẻ sơ sinh trai của người Hê-bơ-rơ "Nhưng các bà mụ kính sợ Đức Chúa Trời, chẳng làm theo lời vua Ê díp tô phán dặn, đều để cho các con trai sống hết" (Xuất 1:17). Và Thánh Kinh chép rằng: "Đức Chúa Trời ban ơn cho các bà mụ … Ấy vậy, vì bà mụ có lòng kính sợ Đức Chúa Trời, nên Ngài làm cho nhà họ được thạnh vượng" (Xuất Ê-díp-tô Ký 1:20-21).

(6) Trách nhiệm của tín đồ đối với những nạn nhân của bạo quyền

Trong Thánh Kinh, chúng ta thấy có nhiều chỗ ghi lại những gương sáng của con dân Chúa về việc bênh vực, giải cứu những nạn nhân của bạo quyền:

– Các bà mụ Hê-bơ-rơ bênh vực và giải cứu các hài nhi sơ sinh thoát chết (Xuất Ê-díp-tô Ký 1:15-21).
– Tín đồ tại thành Đa-mách giải cứu Sau-lơ, tức Phao-lô, khi ông bị người Giu-đa tại thành này truy sát vì rao giảng Tin Lành (Công Vụ 9:19-25).
– Con trai của chị Phao-lô báo tin cho ông biết mưu kế người Giu-đa tại thành Giê-ru-sa-lem muốn phục kích, bắt cóc và giết ông (Công Vụ 23:12-22).

Tuy nhiên có hai câu chuyện nỗi bật nhất mà chúng ta cần đọc kỷ và áp dụng vào thực tế trong cuộc sống:

1) Áp-ram giải cứu gia đình của Lót và dân chúng Sô-đôm:
Sáng Thế Ký chương 14 ghi lại câu chuyện vua Kết-rô Lao-me cùng đồng minh đánh với vua Sô-đôm và vua Gô-mô-rơ, thắng trận, bèn cướp hết của cải và lương thực của Sô-đôm, Gô-mô-rơ đồng thời bắt theo dân chúng trong đó có gia đình của Lót, là cháu của Áp-ram. "Khi Áp-ram hay được cháu mình bị quân giặc bắt, bèn chiêu tập ba trăm mười tám gia nhân đã tập luyện, sanh đẻ nơi nhà mình, mà đuổi theo các vua đó cho đến đất Đan" (Sáng Thế Ký 14:14). Sau đó, Áp-ram đánh bại vua Kết-rô Lao-me và các vua đồng minh, giải cứu toàn bộ người và vật, đem trở về… được vua Sa-lem là thầy tế lễ của Đức Chúa Trời ra đón, chúc phước và ngợi khen rằng "Đức Chúa Trời Chí cao đã phó kẻ thù nghịch vào tay Áp ram."

Trong câu chuyện này, chúng ta thấy:

a) Chính quyền của Kết-rô Lao-me bức hiếp chính quyền Sô-đôm và Gô-mô-rơ [tỉ như chính quyền Iraq bức hiếp chính quyền Kuwait].
 
b) Áp-ram không phải là công dân của chính quyền Kết-rô Lao-me, cũng không phải là công dân của chính quyền Sô-đôm hay Gô-mô-rơ [tỉ như Hoa Kỳ không thuộc về chính quyền Iraq hoặc Kuwait].

c) Hành động của Áp-ram không phải là chống lại chính quyền trên ông. Hành động của Áp-ram là hành động cứu khốn phò nguy.

d) Chúa chấp nhận hành động của Áp-ram, qua lời chúc phước và ngợi khen của vua và thầy tế lễ Mên-chi-xê-đéc.

2) Hoàng hậu Ê xơ tê giải cứu dân Giu đa thoát nạn diệt chủng:
Trong hết 66 sách của Thánh Kinh, có một sách duy nhất không nhắc đến Đức Chúa Trời nhưng được kể là "Lời của Đức Chúa Trời", đó là sách Ê-xơ-tê. Cuốn sách ghi lại câu chuyện bạo quyền Ha-man vì kiêu ngạo và tư thù cá nhân nên lập mưu mượn tay vua A-suê-ru để diệt chủng dân Giu-đa. Tuy nhiên, Mạc-đô-chê, anh họ của Hoàng Hậu Ê-xơ-tê đã khiến bà phải liều chết đứng ra vạch trần âm mưu của Ha-man. Kết cuộc, bạo quyền bị tiêu diệt, dân Giu-đa được sinh tồn mà còn có cơ hội báo thù.

Trong câu chuyện này, chúng ta thấy:

a) Ê-xơ-tê, Mạc-đô-chê là công dân mà cũng là "viên chức" của chính quyền A-suê-ru.

b) Ha-man, một "viên chức" khác của A-suê-ru vì kiêu ngạo và tư thù đã biến thành bạo quyền, có dã tâm diệt chủng toàn dân Giu-đa, là đồng hương của Mạc-đô-chê và Ê-xơ-tê.

c) Bằng vào đức tin, lòng can đảm và sự khôn ngoan, anh em Mạc-đô-chê, Ê-xơ-tê đã giải thoát dân tộc của mình khỏi bàn tay độc ác của kẻ lạm quyền.

(7) Áp dụng vào thực tế trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam

Để áp dụng thực tế những sự dạy dỗ và mệnh lệnh của Chúa về mối quan hệ giữa Hội Thánh và chính quyền trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam, chúng ta cần phải nhận rõ những điểm quan trọng sau đây:

1) Chính quyền Cộng Sản hiện tại ở Việt Nam là một bạo quyền vì đã làm ngược lại thiên chức Đức Chúa Trời giao phó.

2) Hội Thánh và dân tộc Việt Nam trong nước đang là nạn nhân của bạo quyền.
 
3) Hội Thánh Việt Nam tại hải ngoại có trách nhiệm đối với Hội Thánh và đồng hương trong nước.

a) Trách nhiệm thực tế của Hội Thánh Việt Nam tại hải ngoại đối với Hội Thánh và đồng hương trong nước:
Hội Thánh Việt Nam tại hải ngoại tức là chúng ta, những tín đồ Đấng Christ không sống dưới quyền cai trị của bạo quyền Cộng Sản Việt Nam. Trách nhiệm của chúng ta đối với Hội Thánh và đồng hương ở trong nước, đang là nạn nhân bị bạo quyền bách hại nặng nề, là trách nhiệm có tên gọi Trách nhiệm Áp-ram, do từ ý nghĩa dạy dỗ của câu chuyện Áp-ram giải cứu Lót và dân chúng Sô-đôm. Trách nhiệm này cũng dựa trên nền tảng của Lời Chúa trong Châm ngôn 31:8 "Hãy mở miệng mình binh kẻ câm, và duyên cớ của các người bị để bỏ." Trong Rô ma 12:15 "Hãy vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc;" và trong Hê bơ rơ 13:1,3 "Hãy hằng có tình yêu thương anh em. Hãy nhớ những kẻ mắc vòng xiềng xích, như mình cùng phải xiềng xích với họ, lại cũng nhớ những kẻ bị ngược đãi, vì mình cũng có thân thể giống như họ."
– Chúng ta có trách nhiệm chia sẻ sự đau đớn, thiếu thốn, bị bách hại về thuộc linh của anh em cùng đức tin và dân tộc chúng ta tại Việt Nam bằng lòng tha thiết kiêng ăn cầu thay (Ê xơ tê 4:16).
– Chúng ta có trách nhiệm chia sẻ sự đau đớn, thiếu thốn, bị bách hại về vật chất của anh em cùng đức tin và dân tộc chúng ta tại Việt Nam qua sự tiếp trợ tài chánh, vật lực. "hãy mang lấy gánh nặng cho nhau, như vậy anh em sẽ làm trọn luật pháp của Đấng Christ" (Ga la ti 6:2), (Hê bơ rơ 13:1,3 & 16).
– Chúng ta có trách nhiệm bênh vực duyên cớ công bình cho anh em cùng đức tin và dân tộc chúng ta tại Việt Nam bằng mọi phương cách hợp với sự dạy dỗ của Thánh Kinh, và trong khả năng của chúng ta. Những phương cách đó có thể là phản đối, kêu nài, khiếu nại, kiến nghị, công bố những sự thật về hoàn cảnh bị bách hại của anh em cùng đức tin và dân tộc của chúng ta trong nước.

Khi bạo quyền Hê rốt muốn giết Chúa Jesus, Ngài gọi bạo quyền bằng bản chất thật của nó. Ngài gọi Vua Hê rốt là "chồn cáo" (Lu ca 13:32). Khi Chúa Jesus bị bắt, bị đánh trước mặt thầy cả thượng phẩm Do Thái, chính Ngài đã phản đối sự bất công của bạo quyền: "Ví thử Ta nói quấy, hãy chỉ chỗ quấy cho Ta xem, nhược bằng Ta nói phải, làm sao ngươi đánh Ta" (Giăng 18:23)? Khi Phao-lô bị bạo quyền A-na-nia đánh trước tòa công luận Do-Thái, ông đã phản đối: "Hỡi bức tường tô trắng kia, Đức Chúa Trời sẽ đánh ông; ông ngồi để xử đoán tôi theo luật pháp, mà lại không kể luật pháp, biểu người đánh tôi" (Công vụ 23:3). Khi Phao lô đứng trước mặt tổng đốc Phê-tu của La-mã, ông mạnh dạn khiếu nại cho duyên cớ vô tội của mình: "Ví bằng tôi có tội hay là phạm điều gì đáng chết, thì tôi chẳng từ chối chết đâu; trái lại, nếu trong đơn từ họ kiện tôi không có cớ gì hết, thì chẳng ai được nộp tôi cho họ. Tôi kêu nài sự đó đến Sê-sa (tức hoàng đế La-mã lúc đương thời)" (Công vụ 25:11).

Thậm chí, nếu Chúa cho phép và chúng ta có khả năng, chúng ta phải sẵn sàng "chiêu tập ba trăm mười tám gia nhân đã tập luyện, sanh đẻ nơi nhà mình" để dẹp tan bạo quyền, giải phóng anh em cùng đức tin và dân tộc chúng ta như Áp-ram đã hành động xưa kia. Đức Chúa Trời Chí Cao sẽ "phó kẻ thù nghịch vào tay" chúng ta (Sáng Thế Ký 14:20).

b) Hậu quả nghiêm trọng sẽ đến nếu chúng ta lơ là trách nhiệm:
Trách nhiệm nào cũng kèm theo hậu quả của sự tắc trách. Nếu chúng ta tắc trách trong trách nhiệm rao giảng Tin Lành của Chúa cho người chưa được cứu, thì chúng ta chuốc lấy sự khốn khó cho chính mình, máu của những người hư mất vì sự tắc trách của chúng ta sẽ đổ lại trên đầu chúng ta (Công Vụ 20:26,27 & I Cô rinh tô 9:16). Còn nếu chúng ta tắc trách trong sự mang lấy gánh nặng cho nhau, trong sự bênh vực, giải cứu anh em cùng đức tin và dân tộc của chúng ta dưới sự bách hại của bạo quyền thì chúng ta cũng sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề. Lời cảnh cáo được chép rõ trong Ê xơ tê 4:14 "Vì nếu ngươi làm thinh trong lúc này đây, dân Giu đa hẳn sẽ được tiếp trợ và giải cứu bởi cách khác, còn ngươi và nhà cha ngươi đều sẽ bị hư mất."

Kết luận

Khuôn mẫu của Thánh Kinh về mối quan hệ hai chiều giữa Hội Thánh và chính quyền không hề thay đổi. Bổn phận của mỗi con dân Chúa là phải hết lòng tuân thủ mạng lịnh của Ngài, được ghi chép rõ ràng trong Thánh Kinh. Nhưng một khi chính quyền biến thành bạo quyền, không còn làm tròn thiên chức mà Thiên Chúa đã chỉ định và giao phó: "Cai trị dân tộc, đất nước bằng sự chính trực, thưởng lành, phạt ác, và làm ích cho công dân" thì tín đồ, Hội Thánh phải vâng phục Chúa hơn là vâng phục bạo quyền. Trong sự cai trị của bạo quyền, tín đồ, Hội Thánh còn có trách nhiệm bênh vực và giải cứu nạn nhân của bạo quyền trong khả năng, phương tiện và sự khôn ngoan Chúa ban. Đẹp ý Chúa, tín đồ cũng có thể trở thành những "quyền" được Chúa dấy lên để bênh vực con dân Chúa bị bạo quyền bách hại, và để sửa phạt hoặc tiêu diệt bạo quyền.
 
Huỳnh Christian Timothy
4/22/2003