Hội Thánh – Phần 17: Giảng Tin Lành

8,402 views

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDE2ODY2X1lpSWJi

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDcwNjE0X0U1RW5p

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

 

Là con dân Chúa, không ai không biết mấy câu Thánh Kinh sau đây:

“Đức Chúa Jesus đến gần, phán với các môn đồ như vầy: Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho Ta. Vậy, hãy đi khiến cho muôn dân trở nên môn đồ Ta Hãy báp-tem họ vào trong danh của Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà Ta đã truyền cho các ngươi. Và này, Ta ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế. A-men!” (Ma-thi-ơ 28:18-20).

“Ngài phán với các sứ đồ rằng: Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin Lành cho mọi người. Ai tin và chịu báp-tem, sẽ được cứu rỗi; nhưng ai chẳng tin, sẽ bị hình phạt” (Mác 16:15-16).

Thế nhưng, làm thế nào để khiến cho muôn dân trở nên môn đồ của Chúa? Và giảng Tin Lành như thế nào?

Trong bài này và bài kế tiếp, chúng ta hãy hoàn toàn dựa trên Lời Chúa để tìm hiểu ý nghĩa thật sự của mệnh lệnh giảng Tin Lành và mệnh lệnh khiến cho muôn dân trở nên môn đồ của Chúa.

Môn Đồ và Sứ Đồ

Trước hết, chúng ta cần phải nhớ lại sự khác biệt giữa hai danh xưng “môn đồ” và “sứ đồ:”

  • Môn đồ: Là danh xưng dành cho những ai thật lòng tin nhận và làm theo mọi lời giảng dạy của Đức Chúa Jesus Christ. Làm theo mọi lời phán dạy của Chúa bao gồm: công nhận mình là tội nhân; ăn năn tội, tức là không còn cố ý vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời nữa; và tin nhận sự cứu chuộc của Đức Chúa Jesus Christ.

  • Sứ đồ: Là danh xưng và cũng là chức vụ, dành riêng cho những môn đồ được Đức Chúa Jesus Christ kêu gọi vào trong chức vụ chuyên về rao giảng Tin Lành. Họ tự lao động để kiếm sống qua ngày trong hành trình đi khắp nơi để rao giảng Tin Lành. Họ nhận sự tiếp trợ từ người nghe giảng Tin Lành và từ con dân Chúa.

Dĩ nhiên, bổn phận của mỗi con dân Chúa là rao truyền sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến, mà rao truyền sự chết của Chúa tức là rao giảng Tin Lành. Vì khi chúng ta rao truyền sự chết của Chúa thì chúng ta phải nói đến: nguyên nhân, ý nghĩa, mục đích, và thành quả sự chết của Chúa. Nhưng Đức Chúa Trời cũng đã lập ra trong Hội Thánh các chức vụ, mà một trong các chức vụ đó là chức vụ sứ đồ. Chức vụ sứ đồ chuyên về việc rao giảng Tin Lành ra khắp thế gian.

Sự rao giảng Tin Lành của mỗi con dân Chúa (mỗi môn đồ) là sự rao giảng Tin Lành trong địa phương mà mình cư ngụ. Còn sự rao giảng Tin Lành của những sứ đồ là sự rao giảng khắp thế gian. Mệnh lệnh của Chúa được ghi lại trong Ma-thi-ơ 28:18-20 dành chung cho mọi môn đồ. Mệnh lệnh của Chúa được ghi lại trong Mác 16:15-16 dành riêng cho các sứ đồ. Những sứ đồ không định cư nơi một địa phương nào như những môn đồ, mà họ liên tục di chuyển từ nơi này sang nơi khác để rao giảng Tin Lành. Mục đích của sự di chuyển của những sứ đồ là để rao giảng Tin Lành cho muôn dân, muôn nước, muôn tiếng nói, ở khắp thế gian.

Cả hai, sứ đồ lẫn môn đồ, đều có chung bổn phận khiến cho muôn dân trở nên môn đồ của Chúa. Những môn đồ thi hành bổn phận ấy ngay tại địa phương của mình, còn những sứ đồ thì thi hành bổn phận ấy trong hành trình rao giảng Tin Lành, từ nơi này sang nơi khác.

Dù có sự khác nhau giữa môn đồ và sứ đồ trong sự thi hành bổn phận giảng Tin Lành và khiến cho muôn dân trở nên môn đồ của Chúa, nhưng nội dung của Tin Lành được rao giảng và nguyên tắc khiến cho muôn dân trở nên môn đồ Chúa thì không khác nhau. Tất cả đều phải được thi hành đúng theo Lời Chúa. Ngày nay, các giáo hội đã theo ý riêng của loài người, lập ra nhiều cách thức và nội dung hoàn toàn nghịch lại Thánh Kinh trong việc giảng Tin Lành và khiến cho muôn dân trở nên môn đồ của Chúa.

Giảng Tin Lành

Giảng Tin Lành là giảng những gì? Chúng ta hãy tìm hiểu về danh từ “Tin Lành” ngay trong Thánh Kinh. Trước hết, Thánh Kinh gọi đó là “Tin Lành của Vương Quốc Đức Chúa Trời:”

“Đức Chúa Jesus đi khắp xứ Ga-li-lê, dạy dỗ trong các nhà hội, giảng Tin Lành của Vương Quốc Đức Chúa Trời và chữa lành mọi thứ tật bệnh trong dân” (Ma-thi-ơ 4:23; xem thêm: Lu-ca 4:43; 8:1; 16:16; Công Vụ Các Sứ Đồ 8:12).

Tin Lành ấy còn được gọi là “Tin Lành của Đức Chúa Trời:”

“Sau khi Giăng bị tù, Đức Chúa Jesus đến xứ Ga-li-lê, giảng Tin-Lành của Đức Chúa Trời” (Mác 1:14; xem thêm: II Cô-rinh-tô 11:17; I Tê-sa-lô-ni-ca 2:2).

Tin Lành ấy cũng chính là Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ, Con Đức Chúa Trời, vì do Đức Chúa Jesus Christ công bố và làm cho hiện thực:

“Đầu Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ, là Con Đức Chúa Trời” (Mác 1:1; xem thêm: Công Vụ Các Sứ Đồ 5:42; 11:20; II Tê-sa-lô-ni-ca 1:8).

Thánh Kinh định nghĩa “Tin Lành” như sau:

“Thiên sứ phán rằng: Đừng sợ gì; vì này, ta báo cho các ngươi một Tin Lành, sẽ làm một sự vui mừng lớn cho muôn dân; ấy là hôm nay tại thành Đa-vít đã sinh cho các ngươi một Đấng Cứu thế, là Christ, là Chúa” (Lu-ca 2:10-11).

Như vậy: “Tin Lành” là tin tức tốt lành đem đến một sự vui mừng lớn cho muôn dân trên đất. Tin tức tốt lành ấy là: Đấng được Đức Chúa Trời chọn làm thầy tế lễ, tiên tri, và nhà vua cho nhân loại, chính là Thiên Chúa; Ngài đã chịu sinh ra làm người để cứu chuộc nhân loại.

  • Tin Lành ấy ra từ thánh ý của Đức Chúa Trời.

  • Tin Lành ấy sẽ được chính Đức Chúa Jesus Christ công bố và thực hiện.

  • Tin Lành ấy cũng chính là lời mời gọi nhân loại ăn năn tội để được tha tội, được làm cho sạch tội, và được vào trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời, cho nên, còn gọi là Tin Lành của Vương Quốc Đức Chúa Trời.

Dựa vào bài giảng đầu tiên của Sứ Đồ Phi-e-rơ trong ngày Hội Thánh được thành lập, được ghi lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ 2:14-41, thì chúng ta biết rằng, giảng Tin Lành là giảng về:

  • Sự chết, sự sống lại, và sự thăng thiên của Đức Chúa Jesus Christ.

  • Sự Đức Chúa Jesus Christ ban Đức Thánh Linh và báp-tem Hội Thánh của Ngài bằng Thánh Linh.

  • Sự Đức Chúa Trời đã tôn Đức Chúa Jesus làm Chúa và Đấng Christ.

  • Kêu gọi người nghe hối cải, tức là xưng tội và từ bỏ tội lỗi.

  • Kêu gọi người nghe chịu báp-tem để được tha tội và được ban cho Đức Thánh Linh.

  • Giảng thêm nhiều điều khác nữa

  • Khuyên người nghe hãy làm sự chọn lựa sau khi đã được nghe giảng Tin Lành.

Chúng ta cũng biết rằng, bài giảng của Sứ Đồ Phi-e-rơ là một bài giảng dành cho những người I-sơ-ra-ên đã quen thuộc với các sự dạy dỗ của Thánh Kinh về các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời, quen thuộc các lời tiên tri về sự đến của một Đấng Cứu Thế. Vì thế, khi giảng Tin Lành cho những người không phải là dân I-sơ-ra-ên, thì chúng ta phải khai triển bảy yếu tố trong bài giảng của Sứ Đồ Phi-e-rơ, và dùng chính Lời của Đức Chúa Trời để giải thích các yếu tố ấy.

Chúng ta cũng thêm các yếu tố cần phải có trong một bài giảng Tin Lành dành riêng cho các dân ngoại. Dựa vào lời giảng của Sứ Đồ Phao-lô cho dân Hy-lạp tại thành A-thên, được ghi lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ 17:16-34, chúng ta thấy có các yếu tố sau đây, nhằm giới thiệu Đức Chúa Trời của Thánh Kinh cho những người chỉ biết thờ thần tượng:

  • Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa và Đấng ban sự sống cho muôn vật.

  • Loài người là dòng dõi của Đức Chúa Trời, vì ra từ Ngài, mang lấy ảnh tượng của Ngài.

  • Sự phán xét của Đức Chúa Trời sẽ đến trên mỗi người.

Như vậy, trong một bài giảng Tin Lành cho người chưa biết Chúa, chúng ta cần đề cập đủ và dùng Thánh Kinh để khai triển, giải thích mười yếu tố như liệt kê dưới đây:

1. Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa và Đấng ban sự sống cho muôn vật:

2. Loài người là dòng dõi của Đức Chúa Trời, vì ra từ Ngài, mang lấy ảnh tượng của Ngài:

“Ban đầu, Thiên Chúa sáng tạo các tầng trời và đất” (Sáng Thế Ký 1:1).

“Thiên Chúa phán rằng: Chúng Ta hãy làm ra loài người như hình Chúng Ta, theo tượng Chúng Ta, để cai trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, khắp cả đất, và mỗi loài bò sát bò trên mặt đất. Thiên Chúa đã sáng tạo loài người như hình Ngài; Ngài đã sáng tạo loài người như hình Thiên Chúa; Ngài đã sáng tạo họ, nam và nữ. Thiên Chúa ban phước cho loài người và phán rằng: Hãy sinh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành động trên mặt đất” (Sáng Thế Ký 1:26-28).

“Đức Chúa Trời đã dựng nên thế giới và mọi vật trong đó, là Chúa của trời đất, chẳng ngự tại đền thờ bởi tay người ta dựng nên đâu. Ngài cũng chẳng dùng tay người ta hầu việc Ngài dường như có cần đến sự gì, vì Ngài là Đấng ban sự sống, hơi sống, muôn vật cho mọi loài. Ngài đã làm cho muôn dân sinh ra bởi chỉ một người, và khiến ở khắp trên mặt đất, định trước thì giờ đời người ta cùng giới hạn chỗ ở, để cho tìm kiếm Chúa, và hết sức rờ tìm cho được, dẫu Ngài chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta. Vì tại trong Ngài, chúng ta được sống, động, và có, y như xưa một vài thi nhân của các ngươi có nói rằng: Chúng ta cũng là dòng dõi của Ngài. Vậy, bởi chúng ta là dòng dõi Đức Chúa Trời, thì chớ nên ngờ rằng Chúa giống như vàng, bạc, hay là đá, bởi công nghệ và tài xảo của người ta chạm trổ nên” (Công Vụ Các Sứ Đồ 17:24-29).

3. Sự phán xét của Đức Chúa Trời sẽ đến trên mỗi người:

“…vì Ngài đã chỉ định một ngày, khi Ngài sẽ lấy sự công bình phán xét thế gian, bởi Người Ngài đã lập, và Ngài đã khiến Người từ kẻ chết sống lại, để làm chứng chắc về điều đó cho thiên hạ” (Công Vụ Các Sứ Đồ 17:31).

“Theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét” (Hê-bơ-rơ 9:27).

“Nhưng trời đất thời bây giờ cũng là bởi lời ấy mà còn lại, và để dành cho lửa; lửa sẽ đốt nó đi trong ngày phán xét và hủy phá kẻ ác” (II Phi-e-rơ 3:7).

“Rồi, tôi thấy một ngai trắng, lớn và Đấng ngự trên ngai. Đất và trời trốn khỏi mặt Ngài, chẳng còn thấy chỗ của chúng nữa. Tôi thấy những kẻ chết, nhỏ lẫn lớn, đứng trước Đức Chúa Trời. Có những sách mở ra. Lại có một sách khác là Sách Sự Sống được mở ra. Những kẻ chết bị phán xét tùy theo những việc họ đã làm và đã được ghi lại trong những sách ấy. Biển đã giao lại những kẻ chết trong nó. Sự chết và âm phủ cũng đã giao lại những kẻ chết trong chúng. Mỗi người bị phán xét tùy theo những việc họ đã làm. Sự chết và âm phủ bị ném vào hồ lửa. Hồ lửa là sự chết thứ hai. Bất cứ kẻ nào không tìm thấy được chép trong Sách Sự Sống thì bị ném vào hồ lửa” (Khải Huyền 20:11-15).

4. Sự chết, sự sống lại, và sự thăng thiên của Đức Chúa Jesus Christ: Chúng ta giải thích cho người nghe, vì sao Đức Chúa Jesus Christ đã phải chịu chết, được sống lại, và thăng thiên.

“Thật vậy, khi chúng ta còn yếu đuối, Đấng Christ đã theo kỳ hẹn chịu chết vì kẻ có tội” (Rô-ma 5:6).

“Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết” (Rô-ma 5:8).

“Ấy chính Ngài làm của lễ chuộc tội lỗi chúng ta, không những vì tội lỗi chúng ta thôi đâu, mà cũng vì tội lỗi cả thế gian nữa” (I Giăng 2:2).

“Nếu chúng ta đã cùng chết với Đấng Christ, thì chúng ta tin rằng mình cũng sẽ sống lại với Ngài, bởi biết rằng Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, thì chẳng chết nữa; sự chết không còn cai trị trên Ngài” (Rô-ma 6:8-9).

“Đấng Christ đã chết và sống lại, ấy là để làm Chúa kẻ chết và kẻ sống” (Rô-ma 14:9).

“Ngài đã bị chôn, đến ngày thứ ba, Ngài sống lại, theo lời Thánh Kinh” (I Cô-rinh-tô 15:4).

“Tôn vinh Đức Chúa Trời, là Cha Đức Chúa Jesus Christ chúng ta, Ngài lấy lòng thương xót lớn khiến chúng ta được tái sinh, để chúng ta nhờ sự Đức Chúa Jesus Christ sống lại từ trong kẻ chết mà có sự trông cậy sống” (I Phi-e-rơ 1:3).

“Ngài phán bấy nhiêu lời rồi, thì được cất lên trong lúc các người đó nhìn xem Ngài, có một đám mây tiếp Ngài khuất đi, không thấy nữa” (Công Vụ Các Sứ Đồ 1:9).

5. Sự Đức Chúa Jesus Christ ban Đức Thánh Linh và báp-tem Hội Thánh của Ngài bằng Thánh Linh: Chúng ta giải thích ý nghĩa của sự Đức Chúa Jesus Christ ban Đức Thánh Linh và sự báp-tem bằng Thánh Linh cho người tin nhận Chúa.

“Ta làm phép báp-tem cho các ngươi bằng nước; nhưng Ngài sẽ làm phép báp-tem cho các ngươi bằng Thánh-Linh” (Mác 1:8).

“Về phần ta, ta vốn không biết Ngài; nhưng Đấng sai ta làm phép báp-tem bằng nước có phán với ta rằng: Đấng mà ngươi sẽ thấy Đấng Thần Linh ngự xuống đậu lên trên, ấy là Đấng làm phép báp-tem bằng Thánh Linh” (Giăng 1:33).

“Vậy, sau khi Ngài đã được đem lên bên hữu Đức Chúa Trời, và từ nơi Cha đã nhận lấy Đức Thánh Linh mà Cha đã hứa ban cho, thì Ngài ban ra, như các ngươi đang thấy và nghe” (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:33).

“Bởi vì chúng ta hoặc người Giu-đa, hoặc người Gờ-réc, hoặc tôi mọi, hoặc tự chủ, đều đã chịu phép báp-tem chung một Linh để hiệp làm một thân; và chúng ta đều đã chịu uống chung một Linh nữa” (I Cô-rinh-tô 12:13).

“Hãy nhờ Thánh Linh ở trong chúng ta mà giữ lấy điều phó thác tốt lành” (II Ti-mô-thê 1:14).

6. Sự Đức Chúa Trời đã tôn Đức Chúa Jesus làm Chúa và Đấng Christ: Chúng ta giải thích ý nghĩa của danh xưng “Chúa” và danh xưng “Christ.”

“Vậy, cả nhà I-sơ-ra-ên hãy biết chắc rằng Đức Chúa Trời đã tôn Jesus này, mà các ngươi đã đóng đinh trên thập tự giá, làm Chúa và Đấng Christ” (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:36).

“Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự. Cũng vì đó nên Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh, để cho nghe đến danh Đức Chúa Jesus, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, thảy đều quỳ xuống, và mọi lưỡi thảy đều xưng Jesus Christ là Chúa, mà tôn vinh Thiên Phụ” (Phi-líp 2:8-11).

“Chúa” có nghĩa là chủ trong cái ý nghĩa: chủ của một nô lệ. Vì thế, khi công nhận Đức Chúa Jesus là “Chúa,” thì chúng ta công nhận Ngài là Đấng toàn quyền trong đời sống của chúng ta. Chúng ta sống là sống cho Chúa và chúng ta chết là chết cho Chúa:

“Vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa, và nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa. Vậy nên chúng ta hoặc sống hoặc chết, đều thuộc về Chúa cả” (Rô-ma 14:8).

“Christ” theo nghĩa đen là người được xức dầu; theo nghĩa bóng là người được Đức Chúa Trời ban cho chức vụ, thẩm quyền, và năng lực để làm một điều gì đó cho Đức Chúa Trời. Đức Chúa Jesus được gọi là Đấng Christ, bởi vì, Ngài được Đức Chúa Trời ban cho chức vụ đấng tiên tri, thầy tế lễ, và nhà vua.

  • Trong chức vụ đấng tiên tri: Đức Chúa Jesus giải bày Đức Chúa Trời cho nhân loại (Giăng 1:18).

  • Trong chức vụ thầy tế lễ: Đức Chúa Jesus dâng sinh tế chuộc tội cho nhân loại (Hê-bơ-rơ 7:27; ) và cầu thay cho những ai tin nhận sự chuộc tội của Ngài (Hê-bơ-rơ 7:25).

  • Trong chức vụ nhà vua: Đức Chúa Jesus là “Vua của các vua, Chúa của các chúa” (Khải Huyền 19:16), cai trị Vương Quốc của Đức Chúa Trời trong lòng người tin Chúa, trong Vương Quốc Ngàn Năm, và trong Vương Quốc đời đời.

7. Kêu gọi người nghe hối cải, tức là nhận mình là tội nhân, xưng tội và từ bỏ tội lỗi: Chúng ta trình bày Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:1-17); và định nghĩa: “Tội lỗi” chính là sự vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời.

“Kỳ đã trọn, Vương Quốc Đức Chúa Trời đã đến gần; các ngươi hãy ăn năn và tin Tin Lành” (Mác 1:15).

“Vậy, các ngươi hãy ăn năn và trở lại, để cho tội lỗi mình được xóa đi” (Công Vụ Các Sứ Đồ 3:19).

“Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh quang của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 3:23).

“Còn ai phạm tội tức là trái luật pháp; và sự tội lỗi tức là sự trái luật pháp” (I Giăng 3:4).

“Hãy đến gần Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ đến gần anh em. Hỡi kẻ có tội, hãy lau tay mình, có ai hai lòng, hãy làm sạch lòng đi” (Gia-cơ 4:8).

8. Kêu gọi người nghe chịu báp-tem để được tha tội và được ban cho Đức Thánh Linh: Chúng ta giải thích ý nghĩa của Lễ Báp-tem, ý nghĩa của sự nhận lãnh Đức Thánh Linh.

“Hay là, anh em chẳng biết rằng chúng ta thảy đều đã chịu phép báp-tem trong Đức Chúa Jesus Christ, tức là chịu phép báp-tem trong sự chết Ngài sao? Vậy chúng ta đã bị chôn với Ngài bởi phép báp-tem trong sự chết Ngài, để cho Đấng Christ nhờ vinh quang của Cha được từ kẻ chết sống lại thế nào, thì chúng ta cũng sống trong đời mới thể ấy” (Rô-ma 6:3-4).

“…về thời kỳ Nô-ê, khi Đức Chúa Trời nhẫn nại đã có lần chờ đợi cho chiếc tàu được đóng nên, trong đó chỉ có một số ít, là tám linh hồn, được cứu qua nước. Phép báp-tem bây giờ là hình thức tiêu biểu của sự ấy để cứu chúng ta – chứ không phải là sự cất đi sự ô uế của xác thịt, nhưng là sự đáp ứng của một lương tâm tốt với Thiên Chúa – qua sự sống lại của Đức Chúa Jesus Christ” (I Phi-e-rơ 3:20-21).

“Ta sẽ xin Cha, Ngài sẽ ban cho các ngươi một Đấng Yên Ủi khác, là Đấng sẽ ở với các ngươi cho đến đời đời, là Thần Lẽ Thật mà thế gian không thể nhận lãnh được, vì chẳng thấy và chẳng biết Ngài; nhưng các ngươi biết Ngài, vì Ngài vẫn ở cùng các ngươi và sẽ ở trong các ngươi.” (Giăng 14:16-17).

“…Hãy hối cải, ai nấy phải bởi danh Đức Chúa Jesus chịu phép báp-tem, để được tha tội mình, rồi sẽ được nhận sự ban cho Đức Thánh Linh” (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:38).

9. Giảng thêm nhiều điều khác nữa:

“Phi-e-rơ lại lấy nhiều lời giảng nữa mà giục lòng và khuyên lơn chúng rằng: Các ngươi hãy cứu mình thoát khỏi giữa dòng dõi gian tà này” (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:40)!

Thánh Kinh không ghi ra chi tiết về nhiều lời khác mà Sứ Đồ Phi-e-rơ đã giảng. Tuy nhiên, dựa trên các lời rao giảng của Đức Chúa Jesus Christ, chúng ta có thể liệt kê ra một số điều mà rất có thể Sứ Đồ Phi-e-rơ đã giảng. Đó chính là (1) lòng quyết tâm đi theo Chúa; (2) sẵn sàng trả giá để đi theo Chúa; (3) và những sự bách hại mà thế gian sẽ gây ra cho người theo Chúa:

“Đức Chúa Jesus phán rằng: Ai đã tra tay cầm cày, còn ngó lại đằng sau, thì không xứng đáng với vương quốc của Đức Chúa Trời” (Lu-ca 9:26).

“Có đoàn dân đông cùng đi với Đức Chúa Jesus; Ngài xoay lại cùng họ mà phán rằng: Nếu có ai đến theo Ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình, và chính sự sống mình nữa, thì không được làm môn đồ Ta. Còn ai không vác thập tự giá mình theo Ta, cũng không được làm môn đồ Ta. Trong các ngươi có ai là người muốn xây một ngọn tháp, mà trước không ngồi tính phí tổn cho biết mình có đủ của để làm xong việc cùng chăng sao? Kẻo đã xây nền rồi, không làm xong được, thì mọi người thấy liền chê cười, và rằng: Người này khởi công xây, mà không thể làm xong được! Hay là có vua nào đi đánh trận cùng vua khác, mà trước không ngồi bàn luận xem mình đem đi mười ngàn lính có thể địch nổi vua kia đem hai mươi ngàn cùng chăng sao? Nếu không, khi vua kia còn ở xa, sai sứ đi xin hòa. Như vậy, nếu ai trong các ngươi không bỏ mọi sự mình có, thì không được làm môn đồ Ta” (Lu-ca 14:25:33).

“Nếu thế gian ghét các ngươi, thì các ngươi hãy biết rằng, nó đã ghét Ta trước các ngươi. Nếu các ngươi ra từ thế gian, thì thế gian sẽ yêu sự thuộc về nó; nhưng vì các ngươi không ra từ thế gian, mà Ta đã chọn các ngươi ra khỏi thế gian, bởi vậy, thế gian ghét các ngươi. Hãy nhớ lời Ta đã nói với các ngươi, tôi tớ chẳng lớn hơn chủ mình. Nếu họ đã bắt bớ Ta, thì họ cũng bắt bớ các ngươi. Nếu họ đã giữ lời của Ta, thì họ cũng sẽ giữ lời của các ngươi” (Giăng 15:18-20).

10. Khuyên người nghe hãy làm sự chọn lựa sau khi đã được nghe giảng Tin Lành: Khuyên khác với dụ dỗ hoặc nài ép. Khuyên là mời gọi người ta tiếp nhận lẽ thật và hành động theo lẽ thật. Dụ dỗ là đưa ra những hứa hẹn hoặc làm ra những điều có lợi cho người nghe, để người nghe làm theo ý mình. Nài ép là tạo sức ép tâm lý lên người nghe, khiến cho người nghe phải làm theo ý mình, để thoát ra khỏi sức ép đó. Chúng ta tuyệt đối không dụ dỗ hay nài ép, mà chỉ khuyên người nghe tiếp nhận Tin Lành.

Chúng ta nên dùng các lời khuyên từ chính Thánh Kinh:

“Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ” (Ma-thi-ơ 11:28).

“Vì Ðức Chúa Trời yêu thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin nơi Con ấy không bị hư mất, mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16).

“Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi Ta thì không ai được đến cùng Cha” (Giăng 14:16).

“Này, Ta đứng ngoài cửa mà gõ. Nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa, Ta sẽ vào với người, ăn bữa tối với người và người với Ta” (Khải Huyền 3:20).

Chứng Đạo Khác Với Truyền Đạo

Chúng ta cần phân biệt sự làm chứng về quyền năng của Tin Lành tác động trên chúng ta với sự rao giảng Tin Lành.

Sự rao giảng Tin Lành tương tự như việc phát cơm, phát thuốc cho người đói, người bệnh. Sự làm chứng tương tự như việc một người sau khi ăn cơm và uống thuốc thì thuật lại tác động của cơm và thuốc trên chính mình.

Lời làm chứng của Sứ Đồ Phao-lô cho Tổng Đốc Phê-tu và Vua Ạc-ríp-ba, được chép lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ 26, có thể làm kiểu mẫu cho chúng ta trong việc làm chứng.

Ngày nay, các giáo hội cho phát hành nhiều tài liệu gọi chung là “chứng Đạo đơn” tức là tờ làm chứng về Đạo hoặc “truyền Đạo đơn” tức là tờ giảng về Đạo. Chữ “Đạo” được dùng ở đây không có nghĩa là “tôn giáo” mà bao gồm hai ý nghĩa: (1) Đường lối, ý muốn của Đức Chúa Trời, và (2) Lời phán của Đức Chúa Trời. Chữ “Đạo” này nên luôn luôn viết hoa.

Chứng Đạo đơn là tờ ghi lại lời làm chứng của một người về sự người ấy tin nhận Tin Lành. Truyền Đạo đơn là tờ trình bày Tin Lành của Đức Chúa Trời.

Chúng ta có thể kết hợp việc chứng Đạo với việc truyền Đạo. Thông thường, các môn đồ làm công việc chứng Đạo rồi mới truyền Đạo, còn các sứ đồ thì làm công việc truyền Đạo là chính.

Chứng Đạo và Truyền Đạo cho Ai?

Chứng Đạo và truyền Đạo là bước đầu của công tác khiến cho muôn dân trở nên môn đồ của Chúa. Công việc truyền Đạo là chính. Công việc chứng Đạo hổ trợ cho công việc truyền Đạo. Nếu con dân Chúa chỉ tập trung vào việc chứng Đạo mà không nổ lực cho việc truyền Đạo, thì chẳng khác gì một người không lo phát cơm và thuốc cho đám đông đang đói và bệnh, mà chỉ lo làm chứng về việc cơm và thuốc đã giúp bản thân mình như thế nào.

Từ ngữ Hy-lạp được dịch sang tiếng Việt là “muôn dân” trong Ma-thi-ơ 28:19 có nghĩa đen là: “Tất cả các nhóm người,” hàm ý: tất cả các dân tộc. Từ ngữ Hy-lạp được dịch sang tiếng Việt là “mọi người” trong Mác 16:15 có nghĩa đen là: “mỗi một trong loài thọ tạo” với cách dùng đặc biệt của từ ngữ “loài thọ tạo” chỉ về loài người; (so sánh: II Cô-rinh-tô 5:17, “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, này mọi sự đều trở nên mới.” Chữ “người dựng nên mới” trong nguyên ngữ Hy-lạp là “loài thọ tạo mới”).

Như vậy, Tin Lành phải được giảng ra cho mỗi một người trong mỗi một dân tộc. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là, chúng ta gặp bất cứ người nào, thì cũng dừng lại và giảng Tin Lành cho người ấy. Chắc chắn là Đức Chúa Jesus Christ và các sứ đồ của Ngài đã không làm như vậy. Trên đường đi đến các nhà hội hoặc đền thờ, Chúa đã không dừng lại để giảng Đạo cho mỗi người Ngài gặp, mà Ngài giảng trong các nhà hội và đền thờ, là những nơi có đông người. Mặt khác, Ngài sẵn lòng giảng Đạo khi có đông người kéo đến gặp Ngài để nghe Đạo. Cũng có một giai đoạn Chúa sai các sứ đồ đi vào từng nhà trong mỗi thành, để giảng Đạo.

Ngày nay, chúng ta hầu như không thấy có các sứ đồ đi đến từng nhà hoặc đi đến những nơi có đông người tụ tập, để giảng Tin Lành. Trong khi đó, các giáo sư giả và tiên tri giả, mượn danh Chúa để rao giảng một thứ tin lành khác với Tin Lành của Thánh Kinh, thì nhiều đến nỗi đếm không hết! Ngày nay, chúng ta cũng hầu như không thấy sự hiện diện của Hội Thánh Chúa tại các địa phương. Trong khi đó, hàng trăm giáo hội với hàng chục ngàn giáo phái mang danh Chúa mà không sống và giảng theo Lời Chúa, thì hiện diện khắp nơi.

Đó không phải là một sự lạ, vì chính Lời Chúa đã báo cho chúng ta biết: Trong những ngày cuối cùng, liền trước khi Chúa đến để cất Hội Thánh ra khỏi thế gian, thì sự bội Đạo sẽ rất lớn, nhiều christ giả và tiên tri giả sẽ nổi lên, số người thật lòng tin và làm theo Lời Chúa rất ít!

Cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta các phương tiện truyền thông đại chúng trong thời kỳ cuối cùng này. Qua đó, con dân Chúa khắp nơi có thể nhóm hiệp, thông công và gây dựng lẫn nhau. Qua đó, Tin Lành cũng có thể được rao giảng rộng khắp.

Mệnh lệnh của Chúa là giảng Tin Lành cho mọi người, khiến cho muôn dân trở nên môn đồ của Chúa; nhưng mệnh lệnh của Chúa còn là:

“Đừng cho chó những đồ thánh, và đừng quăng hạt trai mình trước mặt heo, kẻo nó đạp dưới chân, và quay lại cắn xé các ngươi” (Ma-thi-ơ 7:6).

“Nếu ai không tiếp rước, không nghe lời các ngươi, khi ra khỏi nhà đó, hay là thành đó, hãy phủi bụi đã dính chân các ngươi” (Ma-thi-ơ 10:14; xem thêm: Mác 6:11; Lu-ca 9:5; 10:10-11; Công Vụ Các Sứ Đồ 13:51).

Vì thế, đối với những người khước từ nghe Tin Lành, thì con dân Chúa không còn bổn phận giảng Tin Lành cho họ.

Có Lúc Chúa Không Cho Phép Giảng Tin Lành

Nguyên tắc chung là con dân Chúa giảng Tin Lành cho người chưa biết Chúa, bất kể gặp thời hay không gặp thời (II Ti-mô-thê 4:2). Nhưng có khi Chúa sẽ ngăn cản việc giảng Tin Lành đối với một người hay một địa phương nào đó. Khi chúng ta cảm nhận bất an trong sự giảng Tin lành cho một người nào hay cho một địa phương nào, thì chúng ta cần lập tức cầu nguyện hỏi ý Chúa ngay. Sẽ có những trường hợp Chúa ngăn cản chúng ta giảng Tin Lành cho một người hay một địa phương. Thánh Kinh có ghi lại tiền lệ:

“Kế đó, trải qua xứ Phi-ri-gi và đất Ga-la-ti, vì Đức Thánh Linh đã cấm truyền đạo trong cõi A-si. Tới gần xứ My-ri rồi, hai người sắm sửa vào xứ Bi-thi-ni; nhưng Đấng Thần Linh không cho phép” (Công Vụ Các Sứ Đồ 16:6-7).

Trong sự giao tiếp mỗi ngày, con dân Chúa tùy theo sự cảm động của Đức Thánh Linh mà chứng Đạo hoặc truyền Đạo cho người chưa biết Chúa. Trước khi tiếp cận một người để chứng Đạo hoặc truyền Đạo, chúng ta cần cầu nguyện xin Chúa hướng dẫn và ban ơn.

Chứng Đạo và Truyền Đạo Qua Các Phương Tiện Truyền Thông

Với các phương tiện kỹ thuật Chúa ban cho chúng ta ngày hôm nay: việc in chứng Đạo đơn, truyền Đạo đơn, hay sao chép CD, DVD, thẻ nhớ… rất dễ dàng và tiện dụng. Vì thế, chúng ta có thể phát chứng Đạo đơn và truyền Đạo đơn, sách truyền Đạo như “Chân Giả Luận,” cùng với các CD và DVD truyền Đạo cho bất cứ ai mà chúng ta gặp.

Mỗi con dân Chúa cũng nên tạo một trang facebook hay các trang mạng xã hội khác để qua đó chứng Đạo và truyền Đạo cho người chưa biết Chúa. Điều chúng ta cần ghi nhớ khi sử dụng các trang mạng xã hội làm phương tiện chứng Đạo và truyền Đạo, đó là: tuyệt đối không đăng, không giới thiệu những gì nhãm nhí hoặc nghịch lại Thánh Kinh.

Không Kết Hợp Việc Truyền Đạo với Những Việc Không Liên Quan đến Tin Lành

Chúng ta không thể kết hợp việc giảng Tin Lành với bất cứ một điều gì khác hơn là việc chứng Đạo hoặc việc làm một điều lành trong danh Chúa cho người nghe giảng. Vì thế, tất cả các sự tổ chức ca vũ nhạc kịch, tổ chức vui xuân, rút thăm trúng quà, v.v., với mục đích dùng những sự đó để tụ họp người ta lại, rồi giảng Tin Lành, là việc làm dựa trên tâm lý chứ không dựa trên năng lực của Đức Thánh Linh. Ngay cả khi chúng ta tổ chức cứu trợ trong danh Chúa, cũng không nên lạm dụng việc cứu trợ đó để ép những người đến nhận sự cứu trợ phải nghe giảng Tin Lành. Sự kết hợp việc giảng Tin Lành với việc làm một điều lành nào đó chỉ có ý nghĩa, nếu sau khi chúng ta làm điều lành, mà người nhận sự giúp đỡ của chúng ta muốn nghe chúng ta giảng Tin Lành.

Chúng ta có thể làm quen, kết thân với những người chưa tin Chúa, để khi có dịp thì giảng Tin Lành cho họ. Nhưng chúng ta cũng phải nương cậy nơi Đức Thánh Linh để biết khi nào là thời điểm để giảng Tin Lành cho họ. Nhất là đối với những người Công Giáo đã có thành kiến rằng: Tin Lành là “đạo lạc!” Thay vì giảng Tin Lành, chúng ta có thể làm chứng về sự năng lực của Tin Lành đã biến đổi đời sống của chúng ta như thế nào.

Giảng Tin Lành với Một Lương Tâm Tinh Sạch

Từ gần hai ngàn năm trước, trong buổi ban đầu của Hội Thánh, đã có những người rao giảng Tin Lành với một tấm lòng ganh tị và cãi lẫy. Sứ Đồ Phao-lô là người nhận thức được điều ấy và ông cũng chính là nạn nhân của sự ganh tị và cãi lẫy của những người giảng Tin Lành không bởi một lương tâm tinh sạch.

“Thật có một đôi người vì lòng ganh tị và cãi lẫy mà rao truyền Đấng Christ, nhưng cũng có kẻ lấy ý tốt mà rao truyền. Những người này làm bởi lòng yêu mến, biết rằng: tôi được lập nên để bênh vực Tin Lành. Còn những người kia, vì ý phe đảng xúi giục, có lòng rao truyền Đấng Christ cách không ngay thật, tưởng thêm khổ não cho sự xiềng xích tôi. Nhưng có hề gì! Dẫu thế nào đi nữa, hoặc làm bộ, hoặc thật thà, Đấng Christ cũng được rao truyền; ấy vì đó tôi đang mừng rỡ, và sẽ còn mừng rỡ nữa.” (Phi-líp 1:15-18).

Qua kinh nghiệm bản thân, Phao-lô đã nhận được sự dạy dỗ của Đức Thánh Linh mà ông đã truyền lại cho Hội Thánh:

“Chớ làm sự chi vì lòng tranh cạnh hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình” (Phi-líp 2:3).

Nghĩa là: không riêng gì việc rao giảng Tin Lành, mà là trong tất cả mọi sự, con dân Chúa không thể làm một điều gì với lòng tranh cạnh hoặc vì hư vinh. Để có thể tránh được thói xấu và tội lỗi ấy, con dân Chúa chỉ cần học theo Đức Chúa Jesus Christ trong sự khiêm nhường (Ma-thi-ơ 11:29), bằng cách xem người khác là tôn trọng hơn mình.

Chúng ta cũng cần chú ý một điều quan trọng ở đây. Đó là Phao-lô vẫn vui mừng khi Tin Lành chân thật của Chúa được rao giảng, cho dù người rao giảng đã rao giảng vì lòng ganh tỵ và cãi lẫy. Nhưng Phao-lô không hề chấp nhận việc bất cứ ai rao giảng một tin lành khác với Tin Lành của Đấng Christ. Trái lại, ông rất là nghiêm khắc với những kẻ rao giảng một tin lành không chân thật:

“Nhưng nếu có ai, hoặc chính chúng tôi, hoặc thiên sứ trên trời, truyền cho anh em một tin lành nào khác với Tin Lành chúng tôi đã truyền cho anh em, thì nguyện người ấy bị dứt sự thông công! Tôi đã nói rồi, nay lại nói lần nữa: Nếu ai truyền cho anh em một tin lành nào khác với Tin Lành anh em đã nhận, thì nguyện người ấy bị dứt sự thông công!” (Ga-la-ti 1:8-9).

Từ ngữ “bị dứt sự thông công” trong nguyên ngữ Hy-lạp là một danh từ có nghĩa là “bị dành riêng ra cho Thiên Chúa để Ngài hủy diệt.” Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống phiên âm từ ngữ ấy là “a-na-them!” Vì thế, con dân Chúa không thể thông công với những kẻ rao giảng một tin lành khác với Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ. Điển hình cho các thứ tin lành khác là: Tin lành thịnh vượng, tin lành phép lạ, tin lành được cứu một lần được cứu vĩnh viễn, tin lành không cần vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời, tin lành thờ phượng Đức Chúa Trời Mẹ, v.v..

Những ai rao giảng Tin Lành chân thật thì dù cho bản thân họ có vì ganh tỵ và cãi lẫy mà rao giảng, thì Tin Lành của Đấng Christ vẫn là năng lực để cứu mọi kẻ tin (Rô-ma 1:16). Nhưng những kẻ rao giảng một tin lành khác, dù cho họ thật là khiêm nhường, thì lời giảng của họ có thể đưa dắt nhiều người đi vào sự hư mất đời đời.

Dĩ nhiên, đối với những kẻ vì ganh tị và cãi lẫy thì con dân Chúa cũng nên tránh xa, sau khi đã khuyên giải đôi lần mà họ không ăn năn. Ganh tị và cãi lẫy là việc làm của xác thịt, là tội lỗi (Ga-la-ti 5:19-21 – Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012). Lời Chúa dạy chúng ta phải tránh xa, ngay cả không ăn uống chung với những kẻ xưng mình là con dân Chúa mà có nếp sống tội lỗi như người không tin Chúa (I Cô-rinh-tô 5:11).

Ngoài ra, con dân Chúa cũng phải cẩn thận trong việc giới thiệu những văn hóa phẩm và những trang web mang danh là “Tin Lành” cho nhiều người; cầu nguyện xin Chúa hướng dẫn trong việc dâng hiến tiền bạc, thời gian, công sức cho những hoạt động được gọi là “hầu việc Chúa.”

Huỳnh Christian Timothy
23.11.2013

Ghi Chú

[A] Tất cả những câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là từ Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời và Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống Hiệu Đính 2012. Quý bạn có thể đọc trên mạng: www.ngoiloi.thanhkinhvietngu.netwww.thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

[B] Dùng các nối mạng dưới đây để tra xem ý nghĩa trong Anh ngữ và nghe cách phát âm của một từ ngữ Hê-bơ-rơ hoặc Hy-lạp trên Internet:


Copyright Notice: All Rights Reserved © 2013 Vietnamese Christian Mission Ministry.
Thông Báo Tác Quyền: Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry.
Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức nhưng xin giữ đúng nguyên văn,
kể cả thông báo về tác quyền này.