Hội Thánh – Phần 11: Sự Nhóm Hiệp và Sự Dâng Hiến

6,936 views

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDE2ODY2X1lpSWJi

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDcwNjE0X0U1RW5p

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

 

Sự Thờ Phượng Chúa

Thánh Kinh dạy cho chúng ta biết: Mỗi môn đồ của Đức Chúa Jesus Christ là một đền thờ của Thiên Chúa, và Thiên Chúa trong thân vị Đức Thánh Linh đang ngự trong mỗi con dân của Ngài:

“Anh em há chẳng biết mình là đền thờ của Thiên Chúa, và Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời ở trong anh em sao” (I Cô-rinh-tô 3:16)?

“Anh em há chẳng biết rằng thân thể mình là đền thờ của Đức Thánh Linh đang ngự trong anh em, là Đấng mà anh em đã nhận bởi Thiên Chúa, và anh em chẳng phải thuộc về chính mình sao” (I Cô-rinh-tô 6:19)?

Vì chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa, nên sự thờ phượng Thiên Chúa là sự kiện liên tục trong đời sống của chúng ta. Từng ý nghĩ, lời nói, cử chỉ, hành động của chúng ta đều xứng đáng với tiêu chuẩn yêu thương, thánh khiết, và công chính của Thiên Chúa, thì chúng ta đang thờ phượng Thiên Chúa trong từng khoảnh khắc của đời sống chúng ta. Đó là sự thờ phượng cá nhân.

Bên cạnh sự thờ phượng cá nhân còn có sự thờ phượng Thiên Chúa cách tập thể, mà Thánh Kinh gọi là sự nhóm hiệp thánh của Hội Thánh. Cứ nơi nào có hai hay ba người nhóm hiệp, sinh hoạt trong danh Chúa, thì đó là sự nhóm hiệp thánh của Hội Thánh và có sự hiện diện của Đấng đứng đầu Hội Thánh, là Đức Chúa Jesus Christ:

“Vì nơi nào có hai ba người nhân danh Ta nhóm nhau lại, thì Ta ở giữa họ” (Ma-thi-ơ 18:20).

Hội Thánh có thể tùy ý nhóm hiệp bất kỳ lúc nào và bất cứ nơi đâu, miễn là thuận tiện cho mọi người. Tuy nhiên, Hội Thánh không thể bỏ qua sự nhóm hiệp thánh vào mỗi ngày Sa-bát. Vì đó là mệnh lệnh của Chúa:

“Người ta làm việc trong sáu ngày, nhưng qua ngày Thứ Bảy là ngày Sa-bát, một ngày nghỉ, tức một sự nhóm hiệp thánh; đừng làm một công việc gì; ấy là Lễ Sa-bát của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu trong những nơi các ngươi ở” (Lê-vi Ký 23:3).

Trong suốt Thánh Kinh, không một chỗ nào Chúa truyền cho con dân Chúa phải nhóm hiệp vào bất kỳ một ngày nào, khác hơn là ngày Sa-bát Thứ Bảy và các ngày Lễ Sa-bát trong năm. Sự nhóm hiệp thờ phượng Chúa của hầu hết các giáo hội vào Chủ Nhật không có gì sai trái với Thánh Kinh; nhưng sự không nhóm hiệp thờ phượng Chúa trong ngày Sa-bát là vi phạm mạng lệnh của Chúa. Chắc chắn là mạng lệnh “Chớ bỏ qua sự nhóm lại” trong Hê-bơ-rơ 10:24-27, là mạng lệnh về sự nhóm hiệp thánh trong ngày Sa-bát:

“Ai nấy hãy coi sóc nhau để khuyên giục về lòng yêu thương và việc tốt lành; chớ bỏ qua sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau, và hễ anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy. Vì nếu chúng ta đã nhận biết lẽ thật rồi, mà lại cố ý phạm tội, thì không còn có tế lễ chuộc tội nữa, nhưng chỉ có sự đợi chờ kinh khiếp về sự phán xét, và lửa hừng sẽ đốt cháy kẻ bội nghịch mà thôi.”

Nên nhớ, chúng ta được cứu không phải nhờ vâng giữ các điều răn và luật pháp, mà nhờ chúng ta ăn năn và tin vào sự Đức Chúa Jesus Christ gánh thay hình phạt của sự chúng ta vi phạm các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời.

Nhưng sau khi chúng ta đã được cứu, đã được tha tội và làm cho sạch tội, đã hiểu biết nhờ Đức Thánh Linh ghi chép luật pháp của Đức Chúa Trời vào lòng chúng ta (Hê-bơ-rơ 10:16), mà chúng ta vẫn tiếp tục vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời, thì chúng ta sẽ bị hư mất.

Sự Nhóm Hiệp của Hội Thánh

Vì thế, Hội Thánh nên nhóm hiệp thờ phượng Chúa vào mỗi ngày Sa-bát. Sự nhóm hiệp có thể bắt đầu ngay sau khi mặt trời lặn của chiều ngày Thứ Sáu, là lúc bắt đầu bước qua ngày Thứ Bảy; hoặc là vào sáng sớm ngày Thứ Bảy.

Trong cùng một ngày Sa-bát, Hội Thánh có thể nhóm hiệp thờ phượng Chúa nhiều buổi khác nhau, tại cùng một địa điểm hoặc tại các địa điểm khác nhau.

Sự nhóm hiệp của Hội Thánh phải theo lời dạy của Chúa trong Công Vụ Các Sứ Đồ 2:42:

“Vả, những người ấy bền lòng giữ lời dạy của các sứ đồ, sự thông công của anh em, lễ bẻ bánh, và sự cầu nguyện;”

và I Cô-rinh-tô 14:26-39:

26 Hỡi anh em, nên nói thể nào? Khi anh em nhóm lại với nhau, trong anh em, ai có bài ca, hoặc bài giảng dạy, hoặc lời tỏ sự kín nhiệm, hoặc nói các ngoại ngữ, hoặc thông giải chăng? Hãy làm hết thảy cho được gây dựng.

27 Ví bằng có người nói ngoại ngữ, chỉ nên hai hoặc ba người là cùng; mỗi người phải nói theo lượt mình, và phải có một người thông giải.

28 Nếu không có ai thông giải, thì người đó phải làm thinh ở trong Hội Thánh, mình nói với mình và với Đức Chúa Trời.

29 Người nói tiên tri cũng chỉ nên có hai hoặc ba người nói mà thôi, còn những kẻ khác thì suy xét.

30 Song, nếu một người trong bọn người ngồi, có lời tỏ kín nhiệm, thì người thứ nhất phải nín lặng.

31 Bởi vì anh em đều cứ lần lượt mà nói tiên tri được cả, để ai nấy đều được dạy bảo, ai nấy đều được khuyên lơn.

32 Tâm thần của các đấng tiên tri suy phục các đấng tiên tri.

33 Vả, Đức Chúa Trời chẳng phải là Chúa của sự loạn lạc, bèn là Chúa sự hòa bình. Hãy làm như trong cả Hội Thánh của các thánh đồ,

34 đàn bà phải nín lặng trong đám hội của anh em: họ không có phép nói tại nơi đó, nhưng phải phục tùng cũng như luật pháp dạy.

35 Nhược bằng họ muốn học khôn điều gì, thì mỗi người trong đám họ phải hỏi chồng mình ở nhà; bởi vì đàn bà nói lên trong Hội Thánh là không hiệp lẽ.

36 Có phải là Lời Đức Chúa Trời ra từ nơi anh em, hoặc chỉ đến cùng anh em mà thôi chăng?

37 Nếu ai tưởng mình là tiên tri, hay mình là người thiêng liêng, thì người ấy hãy biết rằng những điều tôi viết cho anh em đây là mạng lịnh của Chúa.

38 Mà nếu ai muốn bỏ qua thì mặc họ bỏ qua!

39 Ấy vậy, hỡi anh em, hãy trông mong ơn nói tiên tri, và đừng ngăn trở chi về điều nói các ngoại ngữ.

40 Nhưng mọi sự đều nên làm cho phải phép và theo thứ tự.

Ngoài người chăn có nhiệm vụ giảng dạy Lời Chúa cho con dân Chúa trong các buổi nhóm hiệp của Hội Thánh, thì bất cứ ai trong Hội Thánh cũng được quyền cầu nguyện, ca hát tôn vinh Chúa, đọc Lời Chúa, chia sẻ Lời Chúa, làm chứng, nói tiên tri, nói ngoại ngữ theo sự thần cảm của Đức Thánh Linh với điều kiện có người thông giải, trong mỗi buổi nhóm hiệp của Hội Thánh. Chính các sinh hoạt đó khiến cho mỗi chi thể được gây dựng và làm cho thân thể của Chúa được lớn mạnh.

I Cô-rinh-tô 12:34-35 là mệnh lệnh về việc các phụ nữ phải giữ trật tự trong các buổi nhóm, không được nói chuyện ồn ào; không được nêu thắc mắc trong các buổi nhóm hiệp của Hội Thánh. Tuy nhiên, mệnh lệnh này không áp dụng cho sự phụ nữ cầu nguyện và nói tiên tri trong Hội Thánh, miễn là họ phải có khăn trùm đầu để tỏ ra rằng, họ nói trong sự vâng phục thẩm quyền của các giám mục:

“Nhưng phàm người đàn bà cầu nguyện hoặc nói tiên tri mà không trùm đầu lại, thì làm nhục đầu mình: thật chẳng khác gì đã cạo đầu vậy… Bởi đó, vì cớ các thiên sứ, đàn bà phải có dấu hiệu trên đầu chỉ về thẩm quyền mình nương cậy” (I Cô-rinh-tô 11:5, 10).

Sự nhóm hiệp của Hội Thánh không nhất thiết phải theo một hình thức nhất định nào. Tuy nhiên, mỗi buổi nhóm hiệp nên bắt đầu bằng một lời cầu nguyện tôn vinh, cảm tạ Đức Chúa Trời và dâng trình buổi nhóm lên Ngài trong danh của Đức Chúa Jesus Christ. Tiếp theo là sự giảng dạy, chia sẻ, làm chứng, đọc Thánh Kinh, ca hát tôn vinh Chúa, cầu thay, dự Tiệc Thánh… rồi kết thúc bằng một lời cầu nguyện cảm tạ và chúc phước.

Trong những buổi nhóm hiệp chỉ nhằm mục đích Hội Thánh cùng nhau học Lời Chúa, thì có thể mở đầu với một lời cầu nguyện dâng trình buổi nhóm lên Chúa. Sau đó, mọi người cùng nhau: trình bày, thảo luận, nêu thắc mắc, đúc kết những điều học được; rồi cầu nguyện cảm tạ Chúa, kết thúc buổi học.

Sự Dâng Hiến

Tất cả các hình thức dâng hiến trong thời Cựu Ước đều đã thay đổi trong thời Tân Ước. Sự dâng hiến chuộc tội không còn nữa, vì Đấng Christ đã làm việc đó một lần đủ cả:

“Vì nếu Ngài đã chết, ấy là chết cho tội lỗi một lần đủ cả; nhưng hiện nay Ngài sống, ấy là sống cho Đức Chúa Trời” (Rô-ma 6:10).

Sự dâng hiến các sinh tế ngày hai lần đã trở thành sự dâng hiến chính thân thể của con dân Chúa:

“Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em” (Rô-ma 12:1).

Sự dâng hiến các sinh tế thù ân và tình nguyện đã trở thành sự tôn vinh Chúa và làm các việc lành:

“Vậy, hãy cậy Đức Chúa Jesus mà hằng dâng tế lễ bằng lời tôn vinh cho Đức Chúa Trời, nghĩa là bông trái của môi miệng xưng danh Ngài ra. Chớ quên việc lành và lòng bố thí, vì sự tế lễ dường ấy đẹp lòng Đức Chúa Trời” (Hê-bơ-rơ 13:15-16).

Sự dâng 1/10 để nuôi các thầy tế lễ hầu việc trong đền thờ và chi phí cho đền thờ không áp dụng cho Hội Thánh, vì Hội Thánh không có đền thờ xây dựng bằng vật chất, cũng không có thầy tế lễ chuyên lo chăm sóc đền thờ vật chất. Trái lại, Chúa truyền lệnh cho các con dân Chúa “phải lấy trong hết thảy của cải mình mà chia cho người dạy Đạo:”

“Kẻ nào mà người ta dạy Đạo cho, phải lấy trong hết thảy của cải mình mà chia cho người dạy đó” (Ga-la-ti 6:6).

Người trưởng lão trong chức vụ giảng Tin Lành, hoặc trong chức vụ chăn bầy, giảng dạy Lời Chúa cho con dân Chúa trong Hội Thánh, đều xứng đáng được sự tiếp trợ thuộc thể từ con dân Chúa:

“Các trưởng lão khéo cai trị Hội Thánh thì mình phải kính trọng bội phần, nhất là những người chịu chức rao giảng và dạy dỗ. Vì Thánh Kinh rằng: Ngươi chớ khớp miệng con bò đương đạp lúa; và người làm công thì đáng được tiền công mình” (I Ti-mô-thê 5:17-18).

Sau đây là sự gợi ý về sự dâng hiến trong Hội Thánh:

Ngày xưa, 12 chi phái I-sơ-ra-ên (chi phái Giô-sép được chia thành hai chi phái: Ép-ra-im và Ma-na-se – Sáng Thế Ký 48:5; Giô-suê 14:4), mỗi chi phái dâng 1/10 để nuôi chi phái Lê-vi, là chi phái không được chia đất làm sản nghiệp để sinh sống (Giô-suê 13:14). Ngày nay, chúng ta có thể theo hình thức đó, cứ 12 người có thu nhập trong Hội Thánh thì dâng 1/10, để lo cho cuộc sống của người chăn bầy. Được như vậy, người chăn bầy không cần phải tốn thời gian cho việc mưu sinh, mà dành hết thời gian cho công việc học Lời Chúa và chăn dắt Hội Thánh.

Tiền bạc và phẩm vật con dân Chúa tiếp trợ cho người chăn thì cứ trao trực tiếp cho người chăn, không cần đưa vào ngân quỹ của Hội Thánh. Người chăn cũng nên dâng 2/10 vào ngân quỹ của Hội Thánh để dùng cho các mục vụ của Hội Thánh.

Ngoài ra, mỗi người cũng nên dâng thêm 1/10 khác vào ngân quỹ của Hội Thánh, để chi phí cho các mục vụ của Hội Thánh hoặc giúp cho các anh chị em trong Hội Thánh đang bị thiếu thốn. Những lúc con dân Chúa có mức thu nhập thấp, không đủ chi phí cho gia đình, thì không nên dự phần trong việc dâng hiến. Trong hoàn cảnh đó, Hội Thánh cần hiệp sức để giúp cho người anh chị em bị thiếu thốn.

Con số 1/10 nêu ra trên đây không phải là luật định, mà chỉ là gợi ý. Mỗi con dân Chúa tùy theo khả năng và tấm lòng, có thể dâng hiến nhiều hơn hoặc ít hơn 1/10, hoặc không dâng hiến khi khả năng không cho phép.

Trong trường hợp Hội Thánh địa phương thiếu khả năng tiếp trợ chu đáo cho người chăn, thì người chăn phải vừa tự làm việc kiếm sống, vừa chăn dắt Hội Thánh, thậm chí, còn tiếp trợ vật chất cho những con chiên nghèo hơn mình. Đức Chúa Trời cho phép một số hoàn cảnh xảy ra để thử thách và rèn luyện con dân Chúa, từ người chăn đến bầy chiên.

Ma-la-chi 3:8-10

Ngày nay, nhiều giáo hội dùng Ma-la-chi 3:8-10 để dạy cho con dân Chúa rằng, nếu ai không dâng hiến 1/10 lợi tức vào trong giáo hội, thì người đó phạm tội ăn trộm của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, khi chúng ta đọc kỷ phân đoạn Thánh Kinh nói trên và toàn sách Ma-la-chi, rồi đối chiếu với các nơi khác trong Thánh Kinh, thì chúng ta hiểu rằng:

  • Có loại thuế 1/10 chỉ áp dụng cho thổ sản:

“Phàm thuế một phần mười thổ sản, bất kỳ vật gieo hay là hoa quả của cây, đều thuộc về Đấng Tự Hữu Hằng Hữu; ấy là một vật thánh, biệt riêng ra cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu” (Lê-vi Ký 27:30).

  • Có loại thuế 1/10 chỉ áp dụng cho gia súc:

“Còn về một phần mười của bầy bò hay là chiên, tức là mọi vật chi đi ngang dưới gậy, con thứ mười sẽ là thánh, biệt riêng ra thánh cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu” (Lê-vi Ký 27:32).

  • Hai loại thuế 1/10 đó được dùng làm lương cho con cháu Lê-vi:

“Còn về con cháu Lê-vi, nầy Ta đã ban cho làm cơ nghiệp, mọi thuế một phần mười của I-sơ-ra-ên, làm lương về công việc mình làm trong hội mạc” (Dân Số Ký 18:21).

“Vì Ta đã ban cho người Lê-vi làm cơ nghiệp, những thuế một phần mười của dân I-sơ-ra-ên dâng giơ lên cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Bởi cớ đó, Ta đã phán về họ rằng: Họ sẽ không có cơ nghiệp giữa dân I-sơ-ra-ên” (Dân Số Ký 18:24).

  • Có loại thuế 1/10 được dùng làm tiệc liên hoan cho cả gia đình:

Đây là thuế 1/10 của thổ sản cùng với thuế 1/10 rượu và dầu, là những sản phẩm làm ra từ 9/10 thổ sản còn lại, cùng với các chiên và bò đầu lòng. Số thuế 1/10 này được dùng cho cả gia đình, mỗi năm một lần, ăn uống vui vẻ trước mặt Chúa. Có thể dùng trong dịp Lễ Lều Tạm.

Phục Truyền Luật Lệ Ký 14:22-26:

22 Mỗi năm, ngươi chớ quên đóng thuế một phần mười về huê lợi của giống mình gieo, mà đồng ruộng mình sanh sản.

23 Tại trước mặt Giê-hô-va Thiên Chúa ngươi, trong nơi Ngài sẽ chọn đặng để danh Ngài ở, ngươi phải ăn vật thuế một phần mười về ngũ cốc, rượu, dầu, và con đầu lòng của bầy bò hay chiên của ngươi, hầu cho ngươi tập hằng kính sợ Giê-hô-va Thiên Chúa ngươi.

24 Khi Giê-hô-va Thiên Chúa ngươi đã ban phước cho, nếu đường đi lấy làm xa quá cho ngươi, đến nỗi không thế đem nộp của thuế một phần mười ấy được, vì chỗ mà Giê-hô-va Thiên Chúa chọn để đặt danh Ngài, cách xa ngươi,

25 thì bấy giờ, ngươi hãy đổi thuế một phần mười đó ra bạc, cầm bạc nầy trong tay, đi đến nơi Giê-hô-va Thiên Chúa ngươi đã chọn,

26 rồi đưa bạc ấy đổi lấy mọi thức chi mình ước ao, hoặc bò hay chiên, hoặc rượu hay là đồ uống say, tức là mọi món chi mình muốn. Ngươi phải ăn nó tại đó, trước mặt Giê-hô-va Thiên Chúa ngươi, và vui vẻ với gia quyến mình.

  • Có loại thuế 1/10 mỗi ba năm:

Đây là loại thuế tương tự như loại thuế dùng cho tiệc liên hoan của gia đình, nhưng cứ vào mỗi năm thứ ba thì con dân Chúa mời những người Lê-vi, khách kiều ngụ giữa họ, kẻ mồ côi và người góa bụa cùng liên hoan ngay tại thành phố của mình.

“Cuối hạn ba năm, ngươi phải lấy một phần mười của huê lợi năm ấy ra, chứa tại trong thành mình. Bấy giờ, người Lê-vi, vốn không có phần chi, cũng chẳng hướng cơ nghiệp chi chung với ngươi, luôn với người khách, kẻ mồ côi, và người góa bụa ở trong thành ngươi, sẽ đều đến ăn cho no nê, hầu cho Giê-hô-va Thiên Chúa ngươi ban phước cho mọi công việc tay ngươi đã làm” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 14:28-29).

Hội Thánh của Chúa trong Thời Tân Ước không có bổn phận đóng bất cứ loại thuế 1/10 nào cả. Về việc nuôi sống những người dạy Đạo cho mình, Thánh Kinh cũng không quy định là phải dâng 1/10 mà truyền rằng: “phải lấy trong hết thảy của cải mình” để chia sớt cho người dạy Đạo. Tức là chăm sóc, tiếp trợ cho người dạy Đạo như người ấy là một thành viên trong gia đình của mình.

Ngày nay, mỗi con dân Chúa là một thầy tế lễ của Đức Chúa Trời, thân thể mỗi con dân Chúa là đền thờ của Đức Chúa Trời. Con dân Chúa không cần phải xây cất đền thờ vật chất, và cũng không cần phải dâng 1/10 để nuôi các thầy tế lễ phục vụ trong đền thờ.

Ngày nay, mỗi con dân Chúa dâng chính thân thể mình làm của lễ sống và thánh lên Chúa. Vì thế, tất cả mọi của cải, tiền bạc do con dân Chúa làm ra đều thuộc về Đức Chúa Trời. Không thể nào nói rằng: thân thể xác thịt này thuộc về Chúa nhưng của cải vật chất do thân thể xác thịt này làm ra không thuộc về Chúa! Trong các của cải, tiền bạc làm ra đó, con dân Chúa tự nuôi sống bản thân mình, chăm sóc người nhà mình, chăm sóc người dạy Đạo cho mình, phần còn lại, thì sử dụng theo sự dẫn dắt của Chúa, như là một người quản lý tốt của Đức Chúa Trời.

Sự ăn uống, thông công của Hội Thánh

Ngoài các buổi nhóm hiệp thờ phượng Chúa, học Lời Chúa, Hội Thánh nên có những buổi thông công, tức là: tâm tình, vui chơi, ăn uống, giải trí với nhau. Thông là xuyên suốt, giao với nhau, không bị cản trở. Công là chung.

Hội Thánh có thể tùy theo khả năng đóng góp cho chi phí các buổi thông công, hoặc có thể trích từ ngân quỹ của Hội Thánh, do con dân Chúa dâng hiến.

Trong các buổi ăn uống nên tránh cầu kỳ hoặc lãng phí. Tránh việc bận rộn nấu nướng mà bỏ qua sự nhóm lại. Tránh nấu nướng linh đình trong ngày Sa-bát. Tránh việc thi nhau biễu diễn tài nấu ăn; đừng biến việc nấu ăn thành sự tranh cạnh, khoe tài.

Huỳnh Christian Timothy
12.10.2013

Ghi Chú

[A] Tất cả những câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là từ Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời và Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống Hiệu Đính 2012. Quý bạn có thể đọc trên mạng: www.ngoiloi.thanhkinhvietngu.netwww.thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

[B] Dùng các nối mạng dưới đây để tra xem ý nghĩa trong Anh ngữ và nghe cách phát âm của một từ ngữ Hê-bơ-rơ hoặc Hy-lạp trên Internet:


Copyright Notice: All Rights Reserved © 2013 Vietnamese Christian Mission Ministry.
Thông Báo Tác Quyền: Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry.
Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức nhưng xin giữ đúng nguyên văn,
kể cả thông báo về tác quyền này.