Hội Thánh – Phần 05: Chức Vụ Dạy Đạo

3,455 views

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDE2ODY2X1lpSWJi

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDcwNjE0X0U1RW5p

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

 

Chức vụ dạy Đạo là chức vụ thứ ba trong Hội Thánh, do Đức Chúa Trời lập ra và do Đức Chúa Jesus Christ ban cho một số con dân Chúa.

Sự thành lập và ban cho chức vụ dạy Đạo được đề cập trong I Cô-rinh-tô 12:28 và Ê-phê-sô 4:11. Chức vụ này được Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống dịch là “thầy giáo” và “giáo sư.”

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống:

“Đức Chúa Trời đã lập trong Hội Thánh, thứ nhất là sứ đồ, thứ nhì là tiên tri, thứ ba là thầy giáo, kế đến người làm phép lạ, rồi người được ơn chữa bịnh, cứu giúp, cai quản, nói các thứ tiếng. (I Cô-rinh-tô 12:28).

“Ấy chính Ngài đã cho một số người làm sứ đồ, một số làm tiên tri, người khác làm thầy giảng Tin Lành, kẻ khác nữa làm mục sư và giáo sư” (Ê-phê-sô 4:11).

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012 [1] đã dịch lại như sau:

“Đức Chúa Trời đã lập trong Hội Thánh, thứ nhất là sứ đồ, thứ nhì là tiên tri, thứ ba là người dạy, kế đến người làm phép lạ, rồi người được ơn chữa bịnh, cứu giúp, cai quản, nói các thứ tiếng” (I Cô-rinh-tô 12:28).

“Ấy chính Ngài đã cho một số người làm sứ đồ, một số làm tiên tri, một số làm người giảng Tin Lành, một số làm người chăn và người dạy” (Ê-phê-sô 4:11).

Chúng ta thấy mấy chỗ sau đây đã được sửa lại trong Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012:

  • Thứ nhất: từ ngữ “thầy giảng” được sửa thành “người giảng,” vì trong nguyên ngữ của Thánh Kinh không có chữ “thầy” đi chung với chữ giảng.

  • Thứ nhì: từ ngữ “mục sư” với nghĩa Hán Việt là “thầy chăn” được sửa thành “người chăn,” vì trong nguyên ngữ của Thánh Kinh cũng không có chữ “thầy” đi chung với chữ chăn.

  • Thứ ba: từ ngữ “giáo sư” và “thầy giáo” được sửa thành “người dạy;” mặc dù chữ “didaskalos,” /đi-đát-ca-lo/ [2] trong nguyên ngữ của Thánh Kinh là một từ ngữ có thể dịch sang tiếng Việt là: “giáo sư,” “giáo viên,” hoặc “thầy giáo.” Chúng tôi chọn dịch là “người dạy,” vì văn mạch trong hai câu Thánh Kinh đều nhấn mạnh về chức vụ hơn là chức danh.

Chức vụ dạy Đạo bao gồm hai phương diện:

  • Dạy Đạo cho những người chưa biết Chúa, tức là giảng Tin Lành.

  • Dạy Đạo cho Hội Thánh, tức là giải thích Lời Chúa và hướng dẫn áp dụng Lời Chúa vào trong đời sống.

Chữ “Đạo” được dùng trong Thánh Kinh không có nghĩa là “tôn giáo,” như người đời thường dùng, mà có nghĩa là “Lời” và Lời ở đây là Lời của Đức Chúa Trời. Nói cách khác, người dạy Đạo là người dạy Lời của Đức Chúa Trời, người dạy Thánh Kinh.

Dạy Đạo cho Những Người Chưa Biết Chúa

Những người chuyên về công việc dạy Đạo cho những người chưa biết Chúa, được Thánh Kinh gọi là những người giảng Tin Lành (Ê-phê-sô 4:11). Chúng ta thấy, Thánh Kinh chỉ nói đến công việc họ làm, chứ không đặt ra một chức danh hoặc giai cấp. Khi chúng ta nói: người nấu ăn, người làm vườn, người dạy, v.v., là chúng ta nói đến việc làm chứ chúng ta không nói đến chức danh. Ngày nay, các giáo hội gọi những người giảng Tin Lành là những nhà truyền giáo hoặc những giáo sĩ.

Người dạy Lời Chúa trong công tác rao giảng Tin Lành cho những người chưa biết Chúa là người dạy ít nhất 12 điều căn bản sau đây:

1. Muôn loài được Đức Chúa Trời dựng nên.

2. Đức Chúa Trời đặt để ý thức và tiêu chuẩn đạo đức trong lòng loài người, để loài người sống đạo đức trong sự vâng phục Chúa, thờ phượng Chúa, và yêu thương người khác như chính mình. Tiêu chuẩn đạo đức của Đức Chúa Trời được tóm lược trong Mười Điều Răn và được ghi chép trong Thánh Kinh.

3. Sự không vâng phục Mười Điều Răn là tội lỗi. Tất cả mọi người đều đã phạm tội, vì đã vi phạm Mười Điều Răn.

4. Tội lỗi phải bị hình phạt, và hình phạt là tội nhân bị hư mất đời đời trong hỏa ngục.

5. Đức Chúa Trời yêu thương mọi tội nhân. Ngài không muốn một ai bị hư mất. Ngài muốn mọi người được cứu rỗi và hiểu biết lẽ thật.

6. Đức Chúa Trời đã ban Con Một của Ngài cho thế gian. Thiên Chúa Ngôi Con đã nhập thế làm người, tức là Đức Chúa Jesus Christ, chịu chết trên thập tự giá, gánh thay án phạt của tội lỗi cho toàn thể nhân loại.

7. Đức Chúa Jesus Christ đã phục sinh, đã về lại thiên đàng. Không bao lâu nữa, Ngài sẽ trở lại để đem những ai tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài ra khỏi thế gian, và Ngài sẽ phán xét thế gian.

8. Những ai thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ, thì được cứu ra khỏi quyền lực của tội lỗi và hậu quả của tội lỗi. Họ được Đức Chúa Trời tha tội, được Đức Chúa Jesus Christ ban cho sự sống lại và sự sống của Ngài, được Đức Thánh Linh ngự trong thân thể và ban cho Thánh Linh của Đức Chúa Trời, để họ có thể vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời, và được bình an trong mọi cảnh ngộ.

9. Những ai sau khi được cứu, hết lòng vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời, thì sẽ trở nên con cái của Đức Chúa Trời, được sống lại và sống đời đời trong vương quốc của Đức Chúa Trời.

10. Những ai vẫn sống trong tội, tức là vẫn sống trong sự vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, dù có tin Chúa hay không, thì vẫn ở trong sự hư mất, tức là sẽ phải chịu khổ trong hỏa ngục cho đến đời đời. Tin Chúa có nghĩa là vâng phục Ngài.

11. Ma Quỷ đã gieo vào thế gian, qua các giáo hội, lắm kẻ giả làm người dạy Đạo của Chúa, lắm kẻ giả làm tiên tri của Chúa, và lắm kẻ giả làm môn đồ của Chúa. Những sự giảng dạy và những lời công bố của họ sai nghịch với Lời của Đức Chúa Trời. Nếp sống của họ cũng sai nghịch với Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời. Nhờ đối chiếu lời rao giảng và nếp sống của họ với Thánh Kinh, mà một người có thể nhận biết họ là những kẻ giả mạo.

12. Những ai thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ, và hết lòng vâng giữ Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, thì sẽ bị thế gian ghét và bắt bớ, kể cả những kẻ mạo xưng là con dân Chúa cũng sẽ chế nhạo và bắt bớ họ. Thánh Kinh gọi những kẻ ấy là “anh em giả dối” (II Cô-rinh-tô 11:26). Nhưng hễ ai bền lòng tin cậy Chúa và vâng giữ các điều răn của Ngài, sẵn sàng hy sinh mọi sự, kể cả mạng sống và tình thân trong gia đình, thì người ấy sẽ trở nên con của Đức Chúa Trời và được thừa hưởng cơ nghiệp của Ngài.

Người dạy Lời Chúa trong công tác rao giảng Tin Lành cho những người chưa biết Chúa nên theo gương của Sứ Đồ Phao-lô, chứ đừng đua đòi, bắt chước cách thức rao giảng và lối sống nghịch Thánh Kinh của những nhà “truyền giáo lừng danh” đương thời! Người ấy cần rao giảng trung thực Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ y như Thánh Kinh đã ghi chép, và công bố cái giá phải trả cho những ai muốn tiếp nhận Tin Lành. Người ấy phải thực sự nhận thức rằng, mình “thiếu nợ” những người chưa biết Chúa, vì Chúa giao cho mình công việc giảng Tin Lành cho họ (Rô-ma 1:14). Người ấy luôn giữ mình trong tư cách của một người đang trả nợ chứ không phải hành xử như một người đang ban ơn hay đang biểu diễn tài hùng biện, phô bày sự thông thái, hoặc đang làm trò hề mua vui! Người ấy phải khốn khó, quặn thắt trong tâm linh, khi không làm tròn thiên chức mà Chúa đã giao phó:

“Nếu tôi rao truyền Tin Lành, tôi chẳng có cớ khoe mình, vì có lẽ cần buộc tôi; còn không rao truyền Tin Lành, thì khốn khó cho tôi thay” (I Cô-rinh-tô 9:16).

Người ấy không tham lam tiền bạc, của cải, không ngại khó, ngại khổ, ngại thiếu thốn… mà vững tin nơi sự thành tín của Chúa, là Đấng đã phán:

“Chúa có truyền rằng ai rao giảng Tin Lành thì được nuôi mình bởi Tin Lành” (I Cô-rinh-tô 9:14).

Vì thế, người rao giảng Tin Lành sẵn sàng vì danh Chúa, theo gương Phao-lô, chịu khổ như một người lính giỏi (II Ti-mô-thê 2:3). Xem những điều Phao-lô kinh nghiệm là những thử thách đương nhiên của mình. II Cô-rinh-tô 11:21-27:

21 Tôi làm hổ thẹn cho chúng tôi mà nói lời nầy, chúng tôi đã tỏ mình ra yếu đuối. Nhưng, ví bằng có ai dám khoe mình về sự gì — tôi nói như kẻ dại dột — thì tôi cũng dám khoe mình.
22 Họ là người Hê-bơ-rơ phải chăng? Tôi cũng vậy. Họ là người I-sơ-ra-ên phải chăng? Tôi cũng vậy. Họ là dòng dõi của Áp-ra-ham phải chăng? Tôi cũng vậy.
23 Họ là kẻ hầu việc của Đấng Christ phải chăng? Ừ, — tôi nói như kẻ dại dột, — tôi lại là kẻ hầu việc nhiều hơn! Tôi đã chịu khó nhọc nhiều hơn, tù rạc nhiều hơn, đòn vọt quá chừng. Nhiều khi tôi gần phải bị chết;
24 năm lần bị người Giu-đa đánh roi, mỗi lần thiếu một roi đầy bốn chục;
25 ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị chìm tàu. Tôi đã ở trong biển sâu một ngày một đêm.
26 Lại nhiều lần tôi đi đường nguy trên sông bến, nguy với trộm cướp, nguy với giữa dân mình, nguy với dân ngoại, nguy trong các thành, nguy trong các đồng vắng, nguy trên biển, nguy với anh em giả dối;
27 chịu khó chịu nhọc, lắm lúc thức đêm, chịu đói khát, thường khi phải nhịn ăn, chịu lạnh và lõa lồ.

Người rao giảng Tin Lành không cần một trường lớp huấn luyện nào của loài người hết! Thật là phạm thượng khi cho rằng, một người được Đức Chúa Jesus Christ ban cho chức vụ giảng Tin Lành, được đổ đầy Đức Thánh Linh, mà còn phải tham dự các lớp huấn luyện chứng Đạo do loài người lập ra, thì mới có thể hoàn thành công việc giảng Tin Lành! Chấp sự Phi-líp đã qua lớp huấn luyện nào mà ông đã giảng cho dân chúng của cả thành Sa-ma-ri tin Chúa (Công Vụ Các Sứ Đồ 8:4-8)?

Nhiệm vụ của người rao giảng Tin Lành rất là quan trọng, vì người ấy đem Tin Lành về sự cứu rỗi đến cho muôn dân. Bàn chân của những người rao giảng Tin Lành được Thánh Kinh khen là xinh đẹp:

“Lại nếu chẳng ai được sai đi, thì rao giảng thể nào? như có chép rằng: Những bàn chân kẻ rao truyền Tin Lành là xinh đẹp biết bao” (Rô-ma 10:15 – Xem thêm Ê-sai 52:7)!

Dạy Đạo Trong Hội Thánh

Có những người chuyên dạy Đạo cho con dân Chúa trong Hội Thánh, nhưng không làm công tác chăm sóc, tức là không ở trong chức vụ chăn bầy. Ngày nay, các giáo hội gọi họ là những giáo sư Thánh Kinh, giáo sư thần học, giáo sư Trường Chủ Nhật. Giáo sư Thánh Kinh, giáo sư thần học thì dạy trong các trường Thánh Kinh và thần học. Giáo sư Trường Chủ Nhật thì dạy trong các lớp học Thánh Kinh, trước hoặc sau buổi nhóm họp thờ phượng Chúa, vào mỗi Chủ Nhật.

Lời Chúa là thiêng liêng và vô tận. Sự thông hiểu và giải thích Lời Chúa phải được ơn của Chúa, chứ không dựa trên trí thức của xác thịt. Con người xác thịt của chúng ta có thể nhận thức và hiểu biết về Chúa và Lời Chúa, nhưng chỉ đủ để đưa dắt chúng ta đến chỗ ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Chúa, và hết lòng vâng phục Ngài. Sau khi chúng ta được cứu, thì Đức Thánh Linh ban ơn cho chúng ta được hiểu biết Chúa và Lời Chúa cách sâu nhiệm, ngày càng hơn, tùy thuộc vào mức độ chúng ta vâng phục và làm theo những điều chúng ta đã hiểu. Qua sự hiểu về Chúa và Lời Chúa cách sâu nhiệm, mà chúng ta cũng đổi mới sự nhận thức của mình về mọi sự. Phao-lô ghi lại trong II Cô-rinh-tô 5:16-17 như sau:

“Bởi đó, từ rày về sau, chúng tôi không theo xác thịt mà nhận biết ai nữa; và, dẫu chúng tôi từng theo xác thịt mà nhận biết Đấng Christ, song cũng chẳng còn nhận biết Ngài cách ấy đâu. Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới.”

Nhiều người tin nhận Chúa nhưng vẫn sống trong tội lỗi, cho nên, họ không có sự hiểu biết sâu nhiệm về Chúa và Lời Chúa. Họ có thể là những người giữ các chức vụ cao trọng trong các giáo hội, thậm chí là các giáo sư thần học, viết ra nhiều bộ sách nổi tiếng. Tuy nhiên, sự hiểu biết về Chúa và Lời Chúa của họ chỉ là theo trí thức của xác thịt. Chính vì vậy, mà họ đã đưa các tà giáo và tà thuyết vào trong các giáo hội.

Thánh Kinh dạy rõ:

“Về phần chúng ta, chúng ta chẳng nhận lấy thần thế gian, nhưng đã nhận lấy Thần từ Đức Chúa Trời đến, hầu cho được hiểu biết những ơn mà chúng ta nhận lãnh bởi Đức Chúa Trời; chúng ta nói về ơn đó, không cậy lời nói mà sự khôn ngoan của loài người đã dạy đâu, song cậy sự khôn ngoan mà Thánh Linh đã dạy, dùng sự thiêng liêng để giải bày sự thiêng liêng. Vả, người có tánh xác thịt không nhận được những sự thuộc về Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời; bởi chưng người đó coi sự ấy như là sự rồ dại, và không có thể hiểu được, vì phải xem xét cách thiêng liêng. Nhưng người có tánh thiêng liêng xử đoán mọi sự, và chính mình không bị ai xử đoán.” (I Cô-rinh-tô 2:12-15).

Người đang sống trong tội là người có tánh xác thịt, thì không thể nhận những sự thuộc về Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời. Ngay cả khi họ nghe những người được ơn dạy Lời Chúa, thì họ cũng không thể hiểu được, mà còn chê cười!

Vì thế, khi chúng ta nhìn thấy những người đứng ra giảng dạy Lời Chúa mà nếp sống Đạo của họ không đúng với Thánh Kinh, thì chúng ta biết là họ đang dạy tà giáo. Sự giảng dạy của họ rập khuôn theo các giáo điều của các giáo hội, chứ không đến từ Lời Chúa. Chúng ta cần nhớ thật kỷ: “người có tánh xác thịt không nhận được những sự thuộc về Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời.” Tuy nhiên, chỉ có những ai chân thật trong Chúa, tức là những ai đã nhận lãnh những sự thuộc về Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời, mới nhận ra được sự giảng dạy tà giáo của họ. Còn những ai cũng có tánh xác thịt, đang sống trong tội, thì sẽ bị những lời văn hoa, ngọt ngào của họ bắt phục. Những kẻ đui thì không thể nào thấy được, người dắt đường mình là một người mù! II Phi-e-rơ chương 2 là phân đoạn Thánh Kinh được Đức Thánh Linh đặc biệt dành riêng, để nói về những kẻ mạo nhận làm người dạy Lời Chúa!

Trong chương kế tiếp, chúng ta sẽ tìm hiểu về sự dạy Đạo của người chăn bầy. Tuy nhiên, chúng ta có thể đúc kết về chức vụ dạy Đạo như sau: Người dạy Đạo phải là người có Đạo, tức là người sống theo Lời Chúa. Vì không sống theo Lời Chúa thì không thể hiểu được sự sâu nhiệm của Lời Chúa để mà giảng dạy.

Tin và Sống Theo Lời Chúa

Không riêng gì những người được Chúa ban cho chức vụ dạy Đạo, mà mỗi con dân Chúa đều có bổn phận TIN VÀ SỐNG THEO LỜI CHÚA.

Thí dụ: Khi chúng ta nghe giảng về sự Chúa sẽ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian bất kỳ lúc nào; chúng ta không cần hiểu mà chỉ cần tin rằng, điều đó sẽ xảy ra đúng như Lời Chúa dạy, và chúng ta sốt sắng dọn mình, chuẩn bị gặp Chúa. Khi đó, và chỉ khi đó, chúng ta mới hiểu được ý nghĩa của sự kiện: “Chúa sẽ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian bất kỳ lúc nào.”

Minh họa: Những người hầu bàn trong tiệc cưới tại thành Ca-na (Giăng 2) chắc chắn là không thể nào hiểu được, tại sao Chúa bảo họ khiêng nước đổ đầy sáu cái ché đá dùng để đựng nước rửa chân, trong khi khách đã được rửa chân và đang dự tiệc, trong khi họ không biết phải lấy đâu ra thêm rượu để tiếp cho khách. Nhưng họ đã vâng lời Chúa một cách tuyệt đối: họ đã không lười biếng hay than phiền, mà sốt sắng đổ nước đầy tới miệng các ché đá. Họ đã triệt để vâng lời Chúa, không ngại mà múc nước dùng để rửa chân, đem cho xếp của họ nếm!

Dù Thánh Kinh không nói rõ, nhưng chúng ta có thể tin rằng: nước chỉ biến thành rượu khi người xếp đưa tay ra nhận. Những người hầu bàn phải làm trọn và làm chính xác lời Chúa phán dạy, cho đến chi tiết cuối cùng và cho đến giây phút cuối cùng. Khi đó, và chỉ khi đó phép lạ mới xảy ra và họ mới hiểu được vì sao Chúa bảo họ đổ nước vào sáu cái ché đá! Còn nếu họ ngồi lại tranh cãi với nhau, cố tìm hiểu về lời phán của Chúa, thay vì sốt sắng làm theo Lời Chúa, thì không bao giờ phép lạ xảy ra! Chúng ta chỉ có thể hiểu được sự sâu nhiệm của Lời Chúa sau khi chúng ta làm theo Lời Chúa.

Ngày nay, hầu hết các thần học gia chỉ ngồi lại tranh cãi về Lời Chúa, mà không tin và làm theo. Điển hình là: Chỉ một điều răn thứ tư của Chúa, mà họ đã viện ra biết bao nhiêu lý luận để không vâng giữ! Mà Chúa có bảo họ làm gì khó khăn, tốn kém, hay nặng nhọc? Ngài chỉ bảo họ, hãy để cho thân thể xác thịt được nghỉ ngơi trong ngày Thứ Bảy, và hãy ra mắt Ngài để nhận phước! Những kẻ không vâng giữ ngày Sa-bát khi đã được dạy cho biết, là những kẻ không thể sống cho Chúa và chết cho Chúa! Việc nghỉ ngơi để hưởng phước của Chúa còn không làm được, thì làm sao mà chịu khổ và chịu chết cho Chúa?

Đức tin là làm theo điều mình tin. Khi chúng ta làm theo điều Chúa phán là chúng ta thờ phượng Ngài! Vâng lời Chúa mới là sự thờ phượng chân thật, chứ không phải hình thức quỳ lạy, dâng hiến lễ vật. Lời Chúa dạy rõ:

“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đẹp lòng của lễ thiêu và của lễ thù ân bằng sự vâng theo lời phán của Ngài ư? Sự vâng lời tốt hơn của tế lễ; sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực” (I Sa-mu-ên 15:22).

Thờ phượng Chúa bằng tâm thần là hết lòng, theo sự hiểu biết thuộc linh do Đức Thánh Linh ban cho (không theo truyền thống, tín ngưỡng, văn hóa, thói tục của thế gian, của các giáo hội) mà cảm tạ và tôn vinh Chúa. Thờ phượng Chúa bằng lẽ thật là làm theo Lời Chúa. Khi chúng ta thật lòng thờ phượng Chúa theo Lời Chúa dạy, thì không khi nào Đức Thánh Linh để cho chúng ta bị sai lạc lẽ thật!

Lời Chúa không khó hiểu để vâng theo, dù là đối với những người thất học (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:13). Các điều răn của Chúa không là gánh nặng (I Giăng 5:3). Nhưng hễ ai phạm bất cứ một luật pháp nào của Chúa, là phạm hết thảy các điều răn (Gia-cơ 2:10). Chúng ta hãy cứ đơn sơ tin và làm theo Lời Chúa như một đứa bé tin và làm theo lời cha mẹ nó dạy bảo! Chính Đức Chúa Trời bình an, là Đấng thành tín, sẽ khiến cho chúng ta được nên thánh trọn vẹn. Ngài sẽ giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể của chúng ta đều được trọn vẹn, không chỗ trách được, khi Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa của chúng ta đến (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23-24)!

A-men! Cảm tạ Chúa!

Huỳnh Christian Timothy
24.8.2013

Ghi Chú

[1] https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/

[2] http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=G1320: “διδάσκαλος,” G1320, được chuyển ngữ quốc tế thành (didaskalos), phiên âm quốc tế là /dē-dä’-skä-los/, phiên âm tiếng Việt là /đi-đát-ca-lo/.

[A] Tất cả những câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là từ Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời và Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống Hiệu Đính 2012. Quý bạn có thể đọc trên mạng: www.ngoiloi.thanhkinhvietngu.netwww.thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

[B] Dùng các nối mạng dưới đây để tra xem ý nghĩa trong Anh ngữ và nghe cách phát âm của một từ ngữ Hê-bơ-rơ hoặc Hy-lạp trên Internet:


Copyright Notice: All Rights Reserved © 2013 Vietnamese Christian Mission Ministry.
Thông Báo Tác Quyền: Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry.
Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức nhưng xin giữ đúng nguyên văn,
kể cả thông báo về tác quyền này.