Sự Cứu Rỗi và Sự Sống Đời Đời

4,612 views

Copyright Notice: All Rights Reserved © 2012 Vietnamese Christian Mission Ministry. Thông Báo Tác Quyền: Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức nhưng xin giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.

Huỳnh Christian Timothy
Bấm vào đây để download bài viết này

Tất cả những câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài viết này là từ “Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Phan Khôi Hiệu Đính Năm 2011,” ngoại trừ những câu trích dẫn từ sách Giăng và sách Khải Huyền là từ “Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời.” Quý con dân Chúa có thể tra cứu tại đây:  http://pk2011.thanhkinhvietngu.net/biblehttp://ngoiloi.thanhkinhvietngu.net/.

Dẫn Nhập

Trong lịch sử của Hội Thánh, nhiều giáo lý sai nghịch Thánh Kinh đã được Sa-tan đưa vào Hội Thánh nhằm mục đích phá hoại sự phát triển của Hội Thánh. Một trong những phương cách cổ điển của Sa-tan là sửa đổi hoặc bẻ cong ý nghĩa chân thật của Lời Chúa để khiến người nghe áp dụng những hiểu biết sai lầm vào trong nếp sống đạo. Sa-tan đã từng thêm bớt Lời Chúa để khiến cho Ê-va phạm tội. Sa-tan cũng từng bẻ cong Lời Chúa mong rằng có thể cám dỗ Đức Chúa Jesus Christ phạm tội.

Trong những ngày cuối cùng này, chiến thuật sửa đổi (thêm hoặc bớt) Lời Chúa được Sa-tan ứng dụng trong các bản Thánh Kinh Diễn Ý hoặc các Bản Dịch Mới Thánh Kinh trong mọi ngôn ngữ. Chiến thuật bẻ cong Lời Chúa được Sa-tan ứng dụng trong các phong trào thần học và các tài liệu giải kinh. Từ đó, vô số giáo lý lạ được phát sinh và giảng dạy trong các giáo hội xưng danh là Hội Thánh.

Cảm tạ Chúa! Lời phán của Ngài là chân lý, cho nên, dù Sa-tan có gắng sức đánh phá cũng không thể nào thắng được Hội Thánh (Ma-thi-ơ 16:18). Những sự lường gạt của Sa-tan đầy dẫy trong các giáo hội chỉ có thể gạt được những ai không thuộc về Chúa, là những người vì không có lòng tìm kiếm Chúa và lẽ thật của Ngài nên đã bị Sa-tan làm cho mù thuộc linh (II Cô-rinh-tô 4:3, 4). Những người thật sự thuộc về Chúa sẽ được chính Đức Thánh Linh là Thần Lẽ Thật dẫn họ vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa và dùng chính Lời Chúa để thánh hóa họ (Giăng 16:13; 17:17), chuẩn bị họ cho ngày gặp Chúa giữa chốn không trung. Chúa cũng sẽ dùng những tôi tớ chân thật của Ngài để rao giảng và dạy dỗ các lẽ thật của Lời Ngài trong Hội Thánh.

Hai trong những lẽ đạo căn bản nhất của Thánh Kinh là “Sự Cứu Rỗi” và “Sự Sống Đời Đời” đã bị Sa-tan cố gắng che dấu, bẻ cong với nhiều ý tưởng thần học và giáo lý không có trong Thánh Kinh. Trong bài này, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa chân thật của sự cứu rỗi ở trong Đức Chúa Jesus Christ và sự sống đời đời được ban cho bởi Ngài.

Sự Thực Hữu, Sự Sống và Sự Chết

Trước hết, chúng ta cần hiểu rõ định nghĩa của Thánh Kinh về sự sống và sự chết. Để có thể kinh nghiệm sự sống và sự chết thì phải có sự thực hữu (có thật). Chúng ta và muôn loài vạn vật, kể cả các thiên sứ, thực hữu là do Thiên Chúa sáng tạo. Thiên Chúa là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, nghĩa là, Thiên Chúa Tự Có và Có Đến Đời Đời; còn muôn loài vạn vật do ý muốn và quyền phép của Thiên Chúa mà có. Sự thực hữu của muôn loài vạn vật bắt đầu với sự sống cho đến khi sự chết xuất hiện. Sự chết làm biến đổi quan hệ của loài thọ tạo với Thiên Chúa và với nhau, chứ không chấm dứt sự thực hữu của chúng. Vì thế, một khi đã thực hữu thì chúng ta sẽ thực hữu trong sự sống hoặc thực hữu trong sự chết.

Chính Thánh Kinh dạy cho chúng ta biết, chết không có nghĩa là không còn thực hữu: “Còn anh em đã chết vì lầm lỗi và tội ác mình, đều là những sự anh em xưa đã học đòi, theo thói quen đời nầy, vâng phục vua cầm quyền chốn không trung tức là thần hiện đương hành động trong các con bạn nghịch. Chúng ta hết thảy cũng đều ở trong số ấy, trước kia sống theo tư dục xác thịt mình, làm trọn các sự ham mê của xác thịt và ý tưởng chúng ta, tự nhiên làm con của sự thạnh nộ, cũng như mọi người khác. Nhưng Đức Chúa Trời, là Đấng giàu lòng thương xót, vì cớ lòng yêu thương lớn Ngài đem mà yêu chúng ta, nên đang khi chúng ta chết vì tội mình, thì Ngài làm cho chúng ta sống với Đấng Christ, ấy là nhờ ân điển mà anh em được cứu, và Ngài làm cho chúng ta đồng sống lại và đồng ngồi trong các nơi trên trời trong Đức Chúa Jesus Christ, hầu cho về đời sau tỏ ra sự giàu có vô hạn của ân điển Ngài, mà Ngài bởi lòng nhơn từ đã dùng ra cho chúng ta trong Đức Chúa Jesus Christ” (Ê-phê-sô 2:1-7). Các mệnh đề anh em đã chết vì lầm lỗi và tội ác mìnhđang khi chúng ta chết vì tội mình cho chúng ta thấy rõ, “đã chết” hoặc “đang chết” không có nghĩa là trở thành hư không, không còn thực hữu.

Trong câu chuyện người ăn mày tên La-xa-rơ và người nhà giàu được ghi chép trong Lu-ca 16:19-31, Đức Chúa Jesus dạy rằng, cả người trong Chúa lẫn người ngoài Chúa, sau khi chết thuộc thể thì vẫn thực hữu với đầy đủ ý thức, tình cảm, lý trí, và ý chí.

Trong sự kiện Chúa hóa hình trên núi được ghi lại trong Ma-thi-ơ 17, Mác 9, và Lu-ca 9, thì Lu-ca 9:30, 31có nói rõ, Môi-se vốn là người đã chết phần thể xác hơn 1400 năm trước đó, (thân thể ông được thiên sứ trưởng Mi-chen chống với ma quỷ để dành lấy, không cho ma quỷ lạm dụng  – Giu-đe 9), đã hiện ra trò chuyện với Chúa về sự Ngài sẽ qua đời. Đối với tên trộm bị đóng đinh bên phải Chúa, Ngài phán: “hôm nay ngươi sẽ được ở với Ta trong nơi Ba-ra-đi” (Lu-ca 23:43). Trong Hê-bơ-rơ 12:23 nói đến sự kiện Hội Thánh của Chúa được ở gần “thần linh của những người nghĩa đã được làm cho vẹn lành,” tức là các thánh đồ đã qua đời. Khải Huyền 6:9-11 nói đến linh hồn của những người tử đạo được ở dưới bàn thờ trên thiên đàng, kêu xin Chúa báo thù cho họ, và họ được ban cho những áo trắng. Tất cả các phân đoạn Thánh Kinh trên đây đã dạy rõ: cái chết thể xác không khiến cho sự thực hữu của một người bị chấm dứt và thuyết “linh hồn ngủ” cho rằng một người đã chết thì không còn biết gì nữa, là hoàn toàn sai lầm, nghịch lại lẽ thật của Thánh Kinh.

Vì không hiểu rõ những điều trên đây nên vài giáo phái Cơ-đốc, như Cơ-đốc Phục Lâm An Thất Nhật (Seventh Day Adventist), Hội Thánh của Đức Chúa Trời (Church of God), và Chứng Nhân của Đức Giê-hô-va (Jehovah’s Witnesses) đã tạo ra các giáo lý sai nghịch Thánh Kinh. Họ dạy rằng, sống là thực hữu còn chết là trở về hư không, vì thế, họ bài bác sự kiện ma quỷ và những người hư mất sẽ bị khổ đời đời trong hỏa ngục.

Theo Thánh Kinh, sống là sự kết hợp năng động, đem lại kết quả, còn chết là sự phân rẽ, chấm dứt mọi năng động. Có sự sống thuộc thể và sự sống thuộc linh, sự chết thuộc thể và sự chết thuộc linh. Trong sự sống thuộc thể, linh hồn và tâm thần kết hợp với thể xác, khiến cho thể xác được năng động. Sự chết thuộc thể xảy ra khi linh hồn và tâm thần phân rẽ với thể xác. Trong sự sống thuộc linh, loài người được kết hợp với Thiên Chúa, nghĩa là được tương giao với Ngài, được thực hữu trong sự vinh quang và quyền phép của Ngài. Đó là địa vị ban đầu của loài người khi được Thiên Chúa dựng nên. Trong sự chết thuộc linh loài người bị phân rẽ với Thiên Chúa, bị thực hữu trong sự thịnh nộ của Ngài. Sự chết thuộc linh hay sự phân rẽ với Thiên Chúa xảy ra khi loài người chống nghịch lại luật pháp của Thiên Chúa. Luật pháp của Thiên Chúa  tức là mọi ý muốn của Ngài đối với loài người. Thánh Kinh gọi sự chống nghịch đó là “sự phạm tội” và định nghĩa: “Còn ai phạm tội tức là trái luật pháp; và sự tội lỗi tức là sự trái luật pháp” (I Giăng 3:4); đồng thời giải thích: “Nhưng ấy là sự gian ác các ngươi làm xa cách mình với Thiên Chúa; và tội lỗi các ngươi đã che khuất mặt Ngài khỏi các ngươi, đến nỗi Ngài không nghe các ngươi nữa” (Ê-sai 59:2).

Sự sống còn có nghĩa là nhận thức và sự chết còn có nghĩa là không nhận thức, vì thế, sự sống còn được gọi là sự sáng và sự chết còn bị gọi là sự tối tăm. Trong sự sống thuộc thể, thể xác nhận biết linh hồn và tâm thần; nhưng khi sự chết thuộc thể xảy ra thì thể xác không còn nhận biết linh hồn và tâm thần nữa. Trong sự sống thuộc linh, loài người nhìn biết Thiên Chúa; nhưng khi sự chết thuộc linh xảy ra thì loài người không còn nhìn biết Thiên Chúa nữa.

“Trong Ngài có sự sống; sự sống là sự sáng của loài người. Sự sáng hiện ra trong sự tối tăm; và sự tối tăm chẳng thể kiềm chế sự sáng”(Giăng 1:4, 5). Trong Ngôi Lời, tức là trong Đức Chúa Jesus Christ, có sự sống và sự sống là sự loài người nhận thức Thiên Chúa. Sự sống hiện ra trong sự chết; và sự chết chẳng thể bắt phục sự sống.

Vả, sự sống đời đời là nhìn biết Ngài, tức là Chúa Trời có một và thật, cùng Jesus Christ, là Đấng Ngài đã sai đến” (Giăng 17:3). Sự sống đời đời là nhận thức Đức Chúa Cha và Đức Chúa Jesus Christ. Nhận thức Đức Chúa Cha qua sự giải bày của Đức Chúa Jesus Christ và nhận thức Đức Chúa Jesus là Đấng Christ, là Đấng Đức Chúa Cha đã sai đến thế gian để cứu chuộc nhân loại.

“Rồi những kẻ nầy sẽ vào hình phạt đời đời, còn những người công bình sẽ vào sự sống đời đời” (Ma-thi-ơ 25:46). Hình phạt đời đời là sự chết thứ hai, tức là đời đời thực hữu trong hỏa ngục: “Còn những kẻ hèn nhát, không tin, đáng gớm ghiếc; những kẻ giết người; những đĩ đực; những kẻ phù phép; những kẻ thờ thần tượng; và tất cả những kẻ nói dối sẽ có phần của chúng trong hồ đốt với lửa và lưu hoàng. Đó là sự chết thứ hai” (Khải Huyền 21:8). Sự sống đời đời là được làm con dân của Đức Chúa Trời và được Ngài ở cùng cho đến đời, không bao giờ bị phân rẽ nữa: “Tôi nghe một tiếng lớn từ trời phán rằng: ‘Này, lều của Đức Chúa Trời ở với loài người và Ngài sẽ ở với họ. Họ sẽ làm dân của Ngài và chính mình Đức Chúa Trời sẽ ở với họ, làm Đức Chúa Trời của họ. Đức Chúa Trời sẽ lau hết mọi nước mắt khỏi mắt họ. Sẽ không còn sự chết, không còn buồn khổ, không còn khóc lóc, cũng không còn đau đớn nữa vì những sự cũ đã qua rồi.’ Đấng ngự trên ngai phán rằng: ‘Này, Ta làm mới mọi sự!’ Ngài lại phán với tôi: ‘Hãy chép, vì những lời này là chân thật và thành tín.’ Ngài phán với tôi: ‘Xong rồi! Ta là An-pha và Ô-mê-ga: Đấng Đầu Tiên và Đấng Cuối Cùng. Ta sẽ ban cho kẻ nào khát được tự do uống từ Nguồn Nước Sống. Kẻ nào thắng sẽ được hưởng mọi sự làm cơ nghiệp. Ta sẽ làm Đức Chúa Trời người và người sẽ làm con trai Ta'” (Khải Huyền 21:3-7). Từ ngữ “con trai” trong nguyên tác Thánh Kinh để chỉ về sự được hưởng quyền thừa kế. “Con trai của Đức Chúa Trời” có nghĩa là kẻ được hưởng cơ nghiệp của Ngài. Trong ý nghĩa đó, khi Thánh Kinh gọi các thiên sứ là “các con trai của Đức Chúa Trời” thì hàm ý các thiên sứ cũng được dự phần trong cơ nghiệp của Đức Chúa Trời. Một trong các cơ nghiệp của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời.

“Nhiều kẻ ngủ trong bụi đất sẽ thức dậy, kẻ thì để được sự sống đời đời, kẻ thì chịu sự xấu hổ nhơ nhuốc đời đời”(Đa-ni-ên 12:2). Trong tương lai, thân thể vật chất của người tin Chúa và người không tin Chúa đều sẽ sống lại, nghĩa là được kết hợp trở lại với linh hồn. Thân thể phục sinh của người tin Chúa sẽ thực hữu trong hạnh phúc với Thiên Chúa cho đến đời đời, vì được đầy dẫy ân điển của Ngài; còn thân thể phục sinh của người không tin Chúa sẽ thực hữu trong đau khổ cho đến đời đời, vì thiếu mất ân điển của Ngài.

“Họ sẽ bị hình phạt hư mất đời đời, xa cách mặt Chúa và sự vinh quang của quyền phép Ngài”(II Tê-sa-lô-ni-ca 1:9). Những kẻ không vâng phục Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ sẽ bị hư mất đời đời, nghĩa là, đời đời xa cách mặt Chúa và sự vinh quang của quyền phép Ngài, là thực hữu cách đau khổ cả ngày lẫn đêm trong hỏa ngục: “Ma Quỷ là kẻ lừa dối chúng bị ném vào hồ lửa và lưu hoàng, nơi có con thú và tiên tri giả. Chúng sẽ bị đau khổ cả ngày lẫn đêm cho đến đời đời. Rồi, tôi thấy một ngai trắng, lớn và Đấngngự trên ngai. Đất và trời trốn khỏi mặt Ngài, chẳng còn thấy chỗ của chúng nữa. Tôi thấy những kẻ chết, nhỏ lẫn lớn, đứng trước Đức Chúa Trời. Có những sách mở ra. Lại có một sách khác là Sách Sự Sống được mở ra. Những kẻ chết bị phán xét tùy theo những việc họ đã làm và đã được ghi lại trong những sách ấy. Biển đã giao lại những kẻ chết trong nó. Sự chết và âm phủ cũng đã giao lại những kẻ chết trong chúng. Mỗi người bị phán xét tùy theo những việc họ đã làm. Sự chết và âm phủ bị ném vào hồ lửa. Hồ lửa là sự chết thứ hai. Bất kỳ kẻ nào không tìm thấy được chép trong Sách Sự Sống thì bị ném vào hồ lửa” (Khải Huyền 20:10-15).

Ý Nghĩa của Sự Cứu Rỗi

Sự cứu rỗi và sự sống đời đời là hai điều khác nhau nhưng có liên quan mật thiết với nhau. Một người không thể nào có được sự sống đời đời nếu chưa được cứu rỗi. Được cứu rỗi là được cứu ra khỏi:

•         địa vị làm con cái của ma quỷ, con cái của ma quỷ có nghĩa là giống như ma quỷ và thuộc về ma quỷ (Giăng 8:44);

•         quyền lực của tội lỗi, nghĩa là không còn bị buộc phải làm những điều nghịch lại luật pháp của Đức Chúa Trời (Rô-ma 7:23);

•         hậu quả của tội lỗi là sự chết đời đời, tức là sự bị phân cách đời đời với Đức Chúa Trời (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:9).

Tiến trình của sự cứu rỗi bao gồm các bước sau đây:

•          được xưng nghĩa, tức là tội nhân được Đức Chúa Trời tuyên bố không còn trách nhiệm đối với mọi tội lỗi (Rô-ma 3:23, 24);

•           được tái sinh, tức là được sinh ra mới bởi Đức Chúa Trời (II Cô-rinh-tô 5:17; I Phi-e-rơ 1:3);

•          được thánh hóa, tức là được trở nên giống như Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 4:24; I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23).

Sự xưng nghĩa bao gồm các phương diện sau đây, tội nhân được:

•           tha tội và làm cho sạch tội (I Giăng 1:9);

•           ban cho địa vị con cái của Đức Chúa Trời (Giăng 1:12);

•           ban cho địa vị thánh đồ trong Đức Chúa Jesus Christ (I Cô 1:2).

Sự tái sinh bao gồm các phương diện sau đây, thánh đồ được:

•          trở nên đền thờ của Đức Chúa Trời và được Đức Thánh Linh ngự trong thân thể (I Cô-rinh-tô 3:16; 6:19);

•         Đức Thánh Linh ban cho các ân tứ để hầu việc Đức Chúa Trời (I Cô-rinh-tô 12:1-11);

•         ban cho các chức vụ: tiên tri, thầy tế lễ, nhà vua (Ma-thi-ơ 28:19, 20; I Phi-e-rơ 2:9, 10; Khải Huyền 1:6) để làm những việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho (Ê-phê-sô 2:10).

Sự thánh hóa bao gồm các phương diện sau đây, thánh đồ được:

•         trở nên giống Chúa (Rô-ma 8:29; Ê-phê-sô 4:24);

•         thông công với Chúa và với các chi thể trong Hội Thánh của Chúa (I Cô-rinh-tô 1:9; 12:12-26);

•         đạt đến mức không tì, không vít, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), nghĩa là trở nên trọn vẹn như Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 5:48).

Điều Kiện để Được Sự Cứu Rỗi

Một người muốn được cứu rỗi phải hội đủ các điều kiện sau đây:

•         nhận mình là người có tội (I Giăng 1:8-10);

•         thật lòng ăn năn tội, tức là chịu từ bỏ tội (Ma-thi-ơ 4:17; Công Vụ Các Sứ Đồ 3:19; Giăng 5:14; 8:11);

•         tin nhận chỉ một mình sự cứu rỗi trong Đức Chúa Jesus Christ, nghĩa là không dựa vào các việc làm công đức hay là ai khác (Giăng 14:6; Công Vụ Các Sứ Đồ 4:12; Ê-phê-sô 2:8, 9).

Sự Cứu Rỗi Dẫn Đến Sự Sống Đời Đời

Người đã được cứu rỗi là người được Đức Chúa Trời dựng nên mới và ban cho năng lực để có thể sống theo luật pháp của Thiên Chúa. Luật pháp của Thiên Chúa tức là mọi ý muốn của Thiên Chúa đối với loài người được ghi chép trong Thánh Kinh.

Chúng ta không làm theo luật pháp để được cứu nhưng chúng ta được cứu để làm theo luật pháp.

Trước khi chúng ta được cứu thì chúng ta đang chết (nghĩa là đang bị phân rẽ với Chúa), bị nô lệ cho tội lỗi (nghĩa là phải làm theo sự sai khiến của tội lỗi), và ở dưới luật pháp (nghĩa là bị phán xét bởi luật pháp). Sau khi chúng ta được cứu thì chúng ta được tái sinh (nghĩa là được dựng nên mới trong Đức Chúa Jesus Christ), thoát khỏi sự cai trị của tội lỗi (nghĩa là có thể vừa muốn vừa làm theo thánh ý của Đức Chúa Trời), và được tự do đối với luật pháp (nghĩa là luật pháp vẫn có đó nhưng không còn phán xét chúng ta về mọi tội lỗi của chúng ta mà sự phán xét đó được thi hành trên Đức Chúa Jesus Christ). Vì thế, nếu chúng ta tiếp tục ở lại trong sự cứu rỗi, nghĩa là không quay về với nếp sống chống nghịch luật pháp của Thiên Chúa, thì chúng ta sẽ nhận được sự sống đời đời.

Hiện nay, chúng ta đang ở trong sự cứu rỗi, đã được tái sinh, đang ở trong địa vị làm con của Đức Chúa Trời, và đang ở trong sự sống, tức là đang được tương giao với Thiên Chúa, nếm biết sự sống đời đời nhưng chưa hoàn toàn sở hữu sự sống đời đời. Nếu chúng ta trung tín làm theo Lời Chúa cho đến chết hoặc cho đến khi Chúa trở lại thì chúng ta sẽ hoàn toàn sở hữu sự sống đời đời trong một thân thể vinh quang. Khi đó, chúng ta trở nên trọn vẹn như Cha của chúng ta ở trên trời và chúng ta không còn thể nào phạm tội.

Ý Nghĩa của Sự Sống Đời Đời

Sự sống đời đời là được thực hữu trong hạnh phúc với Đức Chúa Trời cho đến đời đời, bao gồm sự:

•         nhận biết Đức Chúa Cha và Đức Chúa Jesus Christ (Giăng 17:3);

•         được làm con của Đức Chúa Trời (Giăng 1:12; Khải Huyền 21:7);

•      được hưởng cơ nghiệp của Đức Chúa Trời (Ê-phê 1:18; Cô-lô-se 1:12, 3:24; Hê-bơ-rơ 9:15; I Phi-e-rơ 1:4).

Điều Kiện để Được Sự Sống Đời Đời

Một người muốn được sự sống đời đời phải hội đủ các điều kiện sau đây:

•         được cứu rỗi, tức là: được xưng nghĩa, được tái sinh, và được thánh hóa, xin đọc bài “Ba Phương Diện của Sự Cứu Rỗi” tại đây: https://timhieutinlanh.com/thanhoc/?p=11;

•         nên thánh, tức là từ bỏ mọi sự ô uế, tội lỗi (II Cô-rinh-tô 7:1; I Tê-sa-lô-ni-ca 4:3, 7; I Giăng 3:3), là vâng giữ các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời (I Cô-rinh-tô 7:19; I Ti-mô-thê 6:14; I Giăng 2:3-5; 5:3; II Giăng 4; Khải Huyền 4:12), là sống như Đấng Christ (Ê-phê-sô 5:1; I Tê-sa-lô-ni-ca 1:6; I Giăng 2:6), là bắt chước Phao-lô như Phao-lô đã bắt chước Đấng Christ (I Cô-rinh-tô 1:11);

•         trung tín với Chúa cho đến chết, tức là sẵn sàng chịu khổ, thậm chí chịu chết, để làm theo Lời Chúa (Lu-ca 9:23; Rô-ma 14:7, 8; Phi-líp 1:29; II Ti-mô-thê 3:3; Khải Huyền 2:10).

Người Đã Được Cứu Rỗi Vẫn Có Thể Bị Hư Mất Đời Đời

Trái với thứ giáo lý sai nghịch Thánh Kinh, dạy rằng: “một khi đã được cứu rỗi thì vĩnh viễn không bao giờ bị hư mất” hoặc “được cứu một lần là được cứu vĩnh viễn” hoặc “người đã được cứu rỗi không bao giờ bị mất sự cứu rỗi,” Thánh Kinh khẳng định như sau:

“Ta là gốc nho thật; và Cha Ta là người trồng nho. Mỗi nhánh trong Ta mà không kết quả, thì chính Ngài chặt bỏ nó; và Ngài tỉa sửa từng nhánh nào kết quả, để nó được sai trái hơn. Các ngươi đã được tinh sạch, bởi lời Ta đã phán với các ngươi. Hãy cứ ở trong Ta, và Ta ở trong các ngươi. Như nhánh không tự mình kết quả được nếu không cứ ở trong gốc nho, thì các ngươi cũng vậy, nếu các ngươi không cứ ở trong Ta. Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh. Ai cứ ở trong Ta và Ta trong người ấy, thì người ấy kết quả nhiều; vì ngoài Ta, các ngươi chẳng làm chi được. Nếu ai chẳng cứ ở trong Ta, thì bị ném ra ngoài, như một nhánh và bị khô đi; và người ta gom chúng lại, ném vào trong lửa, thì nó cháy” (Giăng 15:1-6). Nhánh bị chặt bỏ là bị phân rẽ với gốc, là chết. Người đã được cứu rỗi mà không tiếp tục ở trong Chúa, tức là không kết quả xứng đáng với sự ăn năn, thì sẽ bị dứt bỏ khỏi Đấng Christ là nguồn của sự sống đời đời và bị ném vào hồ lửa của sự chết đời đời: “Thế thì, hãy kết quả xứng đáng với sự ăn năn…” (Lu-ca 3:8). Kết quả xứng đáng với sự ăn năn là sốt sắng làm theo Lời Chúa như đã được ghi chép trong Thánh Kinh, là vâng giữ các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa: “Nhưng bây giờ đã được buông tha khỏi tội lỗi và trở nên tôi mọi của Đức Chúa Trời rồi, thì anh em được lấy sự nên thánh làm kết quả, và sự sống đời đời làm cuối cùng” (Rô-ma 6:22); là không còn phạm tội nữa: “Này, ngươi đã lành rồi, đừng phạm tội nữa, để không có sự xấu gì xảy đến cho ngươi” (Giăng 5:14);“…hãy đi, đừng phạm tội nữa (Giăng 8:11).

“Vậy hãy xem sự nhơn từ và sự nghiêm nhặt của Thiên Chúa: sự nghiêm nhặt đối với họ là kẻ đã ngã xuống, còn sự nhơn từ đối với ngươi, miễn là ngươi cầm giữ mình trong sự nhơn từ Ngài: bằng chẳng, ngươi cũng sẽ bị chặt(Rô-ma 11:22). Thiên Chúa là nhân từ nên Ngài ban cho mọi người có cơ hội để được cứu rỗi; nhưng Thiên Chúa cũng rất là nghiêm nhặt nên Ngài sẽ loại bỏ những ai lợi dụng sự nhân từ của Ngài để tiếp tục sống trong tội. Mệnh lệnh của Chúa đối với người tin nhận Chúa rất là rõ ràng: “Đừng phạm tội nữa!”

“Vì chưng những kẻ đã được soi sáng một lần, đã nếm sự ban cho từ trên trời, dự phần về Thánh Linh, Lời lành của Thiên Chúa, và năng lực của đời sau, nếu lại vấp ngã, thì không thể khiến họ lại ăn năn nữa, vì họ đóng đinh Con Đức Chúa Trời trên thập tự giá cho mình một lần nữa, làm cho Ngài sỉ nhục tỏ tường. Vả, một đám đất nhờ mưa đượm nhuần mà sanh cây cỏ có ích cho người cày cấy, thì đất đó hưởng phần phước lành của Đức Chúa Trời. Nhưng đất nào chỉ sanh ra những cỏ rạ, gai gốc, thì bị bỏ, và hầu bị rủa, cuối cùng phải bị đốt(Hê-bơ-rơ 6:4-8). Lời Chúa khẳng định rõ ràng: Một người đã được soi sáng một lần (từng nhận biết Chúa và lẽ thật của Lời Chúa), nếm biết sự ban cho từ trên trời (ơn cứu rỗi), dự phần về Thánh Linh (được tái sinh và nhận lãnh Thánh Linh), Lời Lành của Thiên Chúa (được thánh hóa bởi Lời Chúa), và năng lực của đời sau (vượt khỏi sự chết vào trong sự sống, chiến thắng ma quỷ) mà lại vấp ngã (trở lại sống trong tội) thì không thể khiến cho họ lại ăn năn nữa. Số phận của kẻ không ăn năn sẽ đi về đâu?

“Vả, chúng nó bởi sự nhận biết Chúa và Đấng Giải Cứu chúng ta là Đức Chúa Jesus Christ, mà đã thoát khỏi sự ô uế của thế gian, rồi lại mắc phải và suy phục những sự đó, thì số phận sau cùng của chúng nó trở xấu hơn lúc đầu. Chúng nó đã biết đường công bình, rồi lại lui đi về lời răn thánh đã truyền cho mình, thế thì thà rằng không biết là hơn. Đã xảy đến cho chúng nó như lời tục ngữ rằng: Chó liếm lại đồ nó đã mửa, heo đã rửa sạch rồi, lại lăn lóc trong vũng bùn”(II Phi-e-rơ 2:20-22). Số phận sau cùng là số phận lúc chung cuộc, lúc bị phán xét trước tòa án của Đấng Christ. Số phận của kẻ nhận biết Chúa rồi mà trở lại sống trong tội thì xấu hơn số phận của chính họ lúc chưa tin nhận Chúa, bởi vì, dù người không tin nhận Chúa cũng sẽ bị hình phạt nhưng sự hình phạt của họ sẽ nhẹ hơn hình phạt của người đã tin nhận Chúa rồi mà quay lại với nếp sống tội lỗi.

“Vì ngươi hâm hẫm, không lạnh cũng không nóng, Ta sẽ mửa ngươi ra khỏi miệng Ta”(Khải Huyền 3:16). Số phận của người không hết lòng theo Chúa, bị Chúa mửa ra sẽ đi về đâu?

Những lời giảng dạy sau đây của Đức Chúa Jesus Christ cho chúng ta thấy rằng, một người đã tin nhận ơn cứu rỗi của Ngài vẫn có thể bị hư mất đời đời trong hỏa ngục, là nơi sẽ có khóc lóc và nghiến răng (Ma-thi-ơ 13:42):

►         Ngụ ngôn về đầy tớ không thương xót(Ma-thi-ơ 18:23-35) dạy rằng, người nào không tha thứ cho anh em mình thì sẽ không được Đức Chúa Cha tha thứ: “Nếu mỗi người trong các ngươi không hết lòng tha lỗi cho anh em mình, thì Cha Ta ở trên trời cũng sẽ xử với các ngươi như vậy” (câu 35).

►         Ngụ ngôn về tiệc cưới(Ma-thi-ơ 22:1-14) dạy rằng, người nào tin nhận Chúa mà không chịu thánh hóa thì sẽ bị hư mất: “Vua vào xem khách dự tiệc, chợt thấy một người không mặc áo lễ, thì phán cùng người rằng: Hỡi bạn, sao ngươi vào đây mà không mặc áo lễ? Người đó làm thinh. Vua bèn truyền cho đầy tớ rằng: Hãy trói tay chơn nó lại, và quăng ra ngoài nơi tối tăm, là nơi sẽ có khóc lóc và nghiến răng. Bởi vì có nhiều kẻ được gọi, mà ít người được chọn” (câu 11-14).

►         Ngụ ngôn về mười nữ đồng trinh(Ma-thi-ơ 25:1-13) dạy rằng, người nào không khôn ngoan ghi nhớ Lời Chúa để thực hành trong cuộc sống, trở thành muối của đất và ánh sáng của thế gian, khi Chúa đến, sẽ bị bỏ lại, dù đã được chọn để đi với Ngài. Năm người dại tiêu biểu cho những người không biết còn năm người khôn tiêu biểu cho những người biết làm việc cho kết quả xứng đáng với sự ăn năn. Dầu là sự dạy dỗ của Lời Chúa, đèn là nếp sống đạo, chiếu sáng lẽ thật của Chúa. Người bán dầu là Đức Thánh Linh giảng dạy Lời Chúa. Mua dầu là dùng thời gian, công sức, và tiền bạc để đổi lấy cơ hội đọc và suy ngẫm Lời Chúa. Thắp đèn là ứng dụng sự dạy dỗ của Lời Chúa vào trong nếp sống mỗi ngày. Ánh sáng của đèn là lẽ thật của Lời Chúa được chiếu ra qua nếp sống đạo của người tin Chúa: “Chặp lâu, những người nữ đồng trinh khác cũng đến và xin rằng: Hỡi Chúa, hỡi Chúa, xin mở cho chúng tôi! Nhưng người đáp rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, ta không biết các ngươi đâu” (câu 11-12).

►         Ngụ ngôn về đầy tớ xấu(Ma-thi-ơ 24:43-51) và ngụ ngôn về quản gia bất trung (Lu-ca 12:41-48) dạy rằng, người nào được Chúa ban cho các chức vụ cai trị trong nhà Chúa mà không trung tín làm tròn nhiệm vụ thì sẽ bị hư mất: “Chủ sẽ đánh xé xương và định phần nó đồng với kẻ giả hình. Đó là nơi sẽ có khóc lóc và nghiến răng” (câu 51).“Nhưng nếu đầy tớ ấy tự nghĩ rằng: Chủ ta chậm đến; rồi cứ đánh đập đầy tớ trai và gái, ăn uống say sưa, thì chủ nó sẽ đến trong ngày nó không dè, và giờ nó không biết; lấy roi đánh xé da nó, và để cho nó đồng số phận với kẻ bất trung” (câu 45, 46).

►         Ngụ ngôn về các ta-lâng(Ma-thi-ơ 25:14-30) và ngụ ngôn về các nén bạc (Lu-ca 19:11-27) dạy rằng, người nào được Chúa ban ơn, giao việc mà không trung tín hầu việc Chúa thì sẽ bị hư mất: “Còn tên đầy tớ vô ích đó, hãy quăng nó ra ngoài là chỗ tối tăm, ở đó sẽ có khóc lóc và nghiến răng” (câu 30). “Ta nói cùng các ngươi, ai có, thì sẽ cho thêm; song ai không có, thì sẽ cất luôn của họ đã có nữa. Còn như những kẻ nghịch cùng ta, không muốn ta cai trị họ, hãy kéo họ đến đây, và chém đi trước mặt ta” (câu 26, 27).

►         Ngụ ngôn về lòng thương xót(Ma-thi-ơ 25:31-46) dạy rằng, người nào không có lòng thương xót, cứu giúp anh chị em trong Chúa thì sẽ bị hư mất: “Đến phiên các ngươi nầy bèn thưa lại rằng: Lạy Chúa, khi nào chúng tôi đã thấy Chúa, hoặc đói, hoặc khát, hoặc làm khách lạ, hoặc trần truồng, hoặc đau ốm, hoặc bị tù mà không hầu việc Ngài ư? Ngài sẽ đáp lại rằng: Quả thật, Ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi không làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy, ấy là các ngươi cũng không làm cho Ta nữa. Rồi những kẻ nầy sẽ vào hình phạt đời đời, còn những người công bình sẽ vào sự sống đời đời” (câu 44, 46).

Lời Kêu Gọi

Ngày Đức Chúa Jesus Christ trở lại để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian đã rất gần (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:13-18). Chúng ta hãy dùng Lời Chúa để khuyên bảo và nhắc nhở lẫn nhau, rằng: hãy tỉnh thức, dọn mình, đón chờ Chúa. Hãy tránh xa tất cả những thứ men thần học, ngụy giáo lý trái nghịch với lẽ thật của Thánh Kinh (Ma-thi-ơ 16:6; Mác 8:15; I Cô-rinh-tô 5:7, 8). Hãy đọc, suy ngẫm ngày đêm và cẩn thận làm theo mọi điều đã được chép trong Thánh Kinh (Giô-suê 1:8) thay vì làm theo các luật lệ và truyền thống do loài người lập ra và giảng dạy trong các giáo hội. Lời Chúa có năng lực để giúp cho chúng ta làm mọi việc lành mà Ngài đã sắm sẵn cho chúng ta (II Ti-mô-thê 3:16, 17; Ê-phê-sô 2:10) chứ không phải những lý luận và sự khôn ngoan của loài người.

Nguyện Đức Chúa Jesus Christ mau đến. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
01.03.2012