Bốn Kỳ Trăng Máu Trong Các Kỳ Lễ Hội của Thánh Kinh

192 views

YouTube: https://youtu.be/NK4j0TyvUzE

202412 Bài Giảng Trong Năm 2024
Bốn Kỳ Trăng Máu Trong Các Kỳ Lễ Hội của Thánh Kinh

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Trước khi đi vào chủ đề của bài giảng này, chúng tôi xin nói rõ mấy điều sau đây:

Điều thứ nhất: Ngay từ ban đầu của sự sáng thế, Lời Chúa đã khẳng định:

Thiên Chúa lại phán: Hãy có những vì sáng trong khoảng không trên trời, để phân ra ngày với đêm, và để chúng làm những dấu, để định những mùa, những ngày, và những năm; lại để chúng làm những vì sáng trong khoảng không trên trời mà soi xuống đất! Thì có như vậy.” (Sáng Thế Ký 1:14-15).

Danh từ “מוֹעֵד” (H4150) /mô-ết/ trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh được dịch là “mùa” trong câu 14, là từ ngữ được dùng để chỉ khoảng thời gian được ấn định hoặc kỳ lễ hội. Vì thế, ngoài việc soi sáng cho đất, giúp loài người đếm ngày và tính năm thì mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao còn là dấu hiệu về những thời điểm mà Đức Chúa Trời đã định cho các công việc của Ngài trên đất.

Chúng ta đã biết, các kỳ lễ hội được quy định trong thời Cựu Ước là hình bóng về những linh vụ mà Đấng Christ sẽ thực hiện trong thời Tân Ước [1]. Vì thế, chúng ta có thể hiểu rằng, khi cần, Đức Chúa Trời sẽ sắp xếp các thiên tượng xảy ra trong các kỳ lễ hội để nhấn mạnh ý định của Ngài sắp được hoàn thành trên đất.

Chúng tôi xin tóm lược ý nghĩa của bảy kỳ lễ hội trong Thánh Kinh, như sau:

  • Lễ Vượt Qua, ngày 14/01: làm hình bóng cho sự Đấng Christ chịu chết để chuộc tội cho loài người.

  • Lễ Bánh Không Men, ngày 15-21/01: làm hình bóng cho đời sống thánh khiết của Đức Chúa Jesus Christ và của những ai tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài.

  • Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa, ngày 16/01: làm hình bóng cho sự phục sinh của Đức Chúa Jesus Christ và sự phục sinh của những ai tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài.

  • Lễ Các Tuần Lễ, còn gọi là Lễ Ngũ Tuần, ngày 06/03: làm hình bóng cho sự tái sinh của những ai tin nhận Tin Lành, sự thành lập Hội Thánh, và sự luật pháp của Giao Ước Mới được chép trong lòng của con dân Chúa.

  • Lễ Thổi Kèn, ngày 01/07: làm hình bóng sự Đấng Christ nhóm hiệp con dân Chúa để cất Hội Thánh ra khỏi thế gian, và sự Đấng Christ nhóm hiệp con dân Chúa để đem họ vào trong Vương Quốc Ngàn Năm.

  • Lễ Chuộc Tội, ngày 10/07: làm hình bóng cho sự cứu rỗi của Tin Lành dành cho toàn thể loài người nói chung và dân I-sơ-ra-ên nói riêng, trong Kỳ Tận Thế. Cùng lúc, làm hình bóng cho sự phân rẽ những ai không tin nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời ra khỏi Vương Quốc Trời.

  • Lễ Lều Trại, ngày 15-21/07: làm hình bóng cho sự Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế làm người, sống giữa loài người để thi hành sự cứu chuộc loài người. Làm hình bóng cho sự Thiên Chúa Ngôi Lời trong thân thể loài người sống với loài người, trong Vương Quốc Ngàn Năm. Làm hình bóng cho sự Đức Chúa Trời và Đấng Christ cùng sống chung với loài người, trong Vương Quốc Đời Đời.

Hai kỳ lễ đầu tiên và cuối cùng: Lễ Vượt Qua và Lễ Lều Trại, tiêu biểu cho toàn bộ bảy kỳ lễ hội, cũng là tiêu biểu cho toàn thể chương trình, ý định của Đức Chúa Trời đối với dân I-sơ-ra-ên, nói riêng; và toàn thể loài người, nói chung.

Điều thứ nhì: Chúng tôi tin rằng, tất cả các thiên tượng xảy ra trước khi Hội Thánh được Đấng Christ cất ra khỏi thế gian, nhất là các kỳ nhật thực và nguyệt thực, không phải là sự ứng nghiệm lời tiên tri trong Giô-ên 2:28-32, được Sứ Đồ Phi-e-rơ nhắc lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ 2:17-21. Cũng không phải là sự ứng nghiệm lời tiên tri của Đức Chúa Jesus Christ trong Ma-thi-ơ 24:29 và lời tiên tri của Sứ Đồ Giăng trong Khải Huyền 6:12-14.

Giô-ên 2:28-32

28 Sẽ xảy ra sau đó, Ta sẽ tuôn đổ Thần Ta trên mọi xác thịt. Những con trai và những con gái của các ngươi sẽ nói tiên tri; những người già của các ngươi sẽ mơ những giấc mơ; những người trẻ của các ngươi sẽ thấy những khải tượng.

29 Trong những ngày đó, trên những đầy tớ trai và trên những đầy tớ gái, Ta cũng sẽ tuôn đổ Thần Ta.

30 Ta sẽ tỏ những sự lạ ra trong các tầng trời và trên đất: máu và lửa, và những cột khói.

31 Mặt trời sẽ trở nên tối tăm và mặt trăng sẽ trở nên như máu, trước khi ngày của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đến, vĩ đại và kinh khiếp!

32 Bấy giờ sẽ xảy ra, hết thảy những người nào gọi danh của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu thì sẽ được thoát khỏi, như Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã phán; vì Núi Si-ôn và Giê-ru-sa-lem sẽ có sự giải cứu cho những người còn sót lại mà Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ gọi.

Sự tai nạn của những ngày đó vừa mới qua, thì mặt trời sẽ tối tăm, mặt trăng sẽ không sáng, các ngôi sao từ trên trời sẽ sa xuống, và quyền lực của các tầng trời sẽ bị rúng động.” (Ma-thi-ơ 24:29).

Tôi đã nhìn xem, khi Ngài đã tháo dấu ấn thứ sáu. Này, đã có cơn động đất lớn, mặt trời đã trở nên đen như một túi lông và mặt trăng đã trở nên như máu. Những ngôi sao trên trời đã rơi xuống đất như cây sung chuyển mình bởi cơn gió lớn, rụng những trái non của nó. Bầu trời đã lui đi như một cuộn sách bị cuộn lại, mỗi một ngọn núi và hải đảo đã bị dời khỏi chỗ của chúng.” (Khải Huyền 6:12-14).

Vì thiên tượng được tiên tri trong các câu Thánh Kinh trích dẫn trên đây là sự kiện cùng lúc xảy ra mà khắp nơi trên thế giới đều có thể chứng kiến. Có nghĩa là, vào cuối Kỳ Tận Thế sẽ có một thời điểm mà ban ngày thì khắp đất sẽ trở nên tối tăm, ban đêm, khắp đất sẽ nhìn thấy mặt trăng đỏ như máu; và có một cơn mưa vẫn thạch lớn. Cùng lúc là một cơn động đất lớn làm sụp đổ các thành trong thế gian, làm sụp đổ các núi và nhấn chìm các hải đảo. Riêng thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị xé làm ba. Lại có mưa đá lớn từ trời rơi xuống đất, với mỗi tảng nước đá nặng khoảng một ta-lâng, tương đương 45 kg.

Khải Huyền 16:17-21

17 Thiên sứ thứ bảy trút chén mình trên khoảng không: Có một tiếng lớn ra từ ngai, từ Đền Thờ trên trời rằng: Xong rồi!

18 Có những âm thanh, những sấm vang, và những chớp nhoáng. Rồi, có một cơn động đất lớn chưa từng có, kể từ khi có loài người ở trên đất. Cơn động đất thật lớn, thật mạnh.

19 Thành lớn bị chia làm ba phần. Thành của các quốc gia đều bị sụp đổ. Ba-bi-lôn bị nhắc lại trước Đức Chúa Trời để được ban cho chén rượu của cơn thịnh nộ Ngài.

20 Mọi hải đảo đều trốn đi và không còn tìm thấy những núi nữa.

21 Một cơn mưa đá lớn từ trời giáng xuống trên loài người, mỗi tảng nặng chừng một ta-lâng. Loài người phạm thượng Đức Chúa Trời vì họa mưa đá, bởi nó quá lớn.

Điều thứ ba: Chúng tôi tin rằng, các thiên tượng xảy ra trước khi Đấng Christ cất Hội Thánh ra khỏi thế gian chỉ có thể là các dấu hiệu cảnh báo cho con dân Chúa biết, ngày Đấng Christ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian đã rất gần. Đó là lời kêu gọi, giúp con dân Chúa tỉnh thức, sẵn sàng cho sự đến của Đấng Christ. Đồng thời cũng là sự an ủi cho những con dân Chúa đang chịu khổ vì danh Chúa.

Vì thế, chúng tôi tin rằng, mỗi khi bốn kỳ trăng máu xảy ra vào các ngày Lễ Vượt Qua và các ngày Lễ Lều Trại thì có một ý nghĩa thuộc linh dành cho con dân Chúa.

Danh từ “trăng máu” được dùng để chỉ hiện tượng nguyệt thực toàn phần. Đó là khi mặt trăng vào lúc trăng tròn, đi vào vị trí giữa trái đất và mặt trời. Khi ấy, mặt trăng bị trái đất che khuất ánh sáng chiếu ra trực tiếp từ mặt trời, chỉ có ánh sáng từ mặt trời đi ngang qua bầu khí quyển của địa cầu, phản chiếu trên mặt trăng. Sự phản chiếu đó khiến cho mặt trăng có màu đỏ sậm nên được gọi là “trăng máu”. Danh từ “trăng máu” không thuộc về thuật ngữ thiên văn học, mặc dù nó được một vài nhà thiên văn dùng đến.

Khi có bốn lần nguyệt thực toàn phần xảy ra trong hai năm liên tiếp, mà giữa các lần nguyệt thực toàn phần đó không có lần nguyệt thực bán phần nào, thì bốn lần nguyệt thực đó được gọi là “bộ tứ nguyệt thực” (tetrad).

Từ năm 2013, danh từ “trăng máu” trở thành đề tài được bàn tán nhiều trên mạng, do cuốn sách “Bốn Kỳ Trăng Máu” (Four Blood Moons) của John Hagee viết về bốn kỳ nguyệt thực toàn phần xảy ra trong năm 2014 và 2015. Vì bộ tứ nguyệt thực này xảy ra trùng với hai ngày Lễ Vượt Qua và Lễ Lều Trại; mà kể từ đó cho tới hàng mấy trăm năm sau sẽ không có sự tái diễn giống như vậy [2].

Theo dữ liệu thiên văn về nguyệt thực của Cơ Quan NASA, từ năm 1 cho tới năm 2100, có 65 lần xảy ra bộ tứ nguyệt thực. Trong số đó, có 8 lần bộ tứ nguyệt thực xảy ra trùng hợp với các ngày lễ hội của Thánh Kinh [3]. Từ khi I-sơ-ra-ên được tái lập quốc trên vùng đất Ca-na-an cho tới nay thì đã có ba lần bộ tứ nguyệt thực xảy ra trùng hợp với các ngày lễ hội của Thánh Kinh.

Trong những năm còn lại của thế kỷ 21, sẽ chỉ có một lần nữa và là lần thứ 9, kể từ thế kỷ thứ nhất, bộ tứ nguyệt thực xảy ra trùng hợp với các ngày lễ hội của Thánh Kinh. Tuy nhiên, lần này chỉ có hai kỳ nguyệt thực của năm 2033 xảy ra trùng hợp với hai kỳ lễ hội của Thánh Kinh. Đó là ngày 14/04/2033 (Lễ Vượt Qua) và ngày 08/10/2033 (Lễ Lều Trại).

Chúng tôi chưa có thời gian để truy tìm các tài liệu nói về các lần bộ tứ nguyệt thực xảy ra trước thế kỷ 20 trùng hợp với các ngày lễ hội của Thánh Kinh. Trong bài này, chúng tôi chỉ nhận định về bốn kỳ bộ tứ nguyệt thực xảy ra trong thế kỷ 20 và 21, bắt đầu sau khi I-sơ-ra-ên được tái lập quốc trên vùng đất Ca-na-an, cho tới khi Kỳ Tận Thế xảy ra.

Chúng tôi tin rằng, lời phán của Đức Chúa Jesus Christ về ngụ ngôn cây vả trong Ma-thi-ơ 24:32-36 là chỉ về sự dân I-sơ-ra-ên được tái lập quốc và sự dân I-sơ-ra-ên chiếm lại hoàn toàn chủ quyền trên thành thánh Giê-ru-sa-lem. Ngày I-sơ-ra-ên tái lập quốc 14/05/1948 là ngày cây vả I-sơ-ra-ên được trồng trở lại trên Đất Hứa Ca-na-an. Ngày I-sơ-ra-ên hoàn toàn làm chủ thành Giê-ru-sa-lem 07/06/1967 là ngày nhành non của cây vả I-sơ-ra-ên đâm chồi, nảy lộc.

Ma-thi-ơ 24:32-36

32 Hãy học ngụ ngôn về cây vả. Khi nhánh của nó còn non, lá mới đâm, thì các ngươi biết rằng, mùa hạ gần đến.

33 Cũng vậy, khi các ngươi thấy mọi điều ấy, hãy biết rằng, sự ấy là gần, ngay trước các cửa. [Sự ấy tức là sự Đức Chúa Jesus Christ tái lâm trên đất. Một số bản dịch Anh ngữ dịch rằng: Ngài đã gần, ngay trước các cửa!]

34 Thật! Ta nói với các ngươi, thế hệ này sẽ chẳng qua đi cho tới khi mọi điều ấy được ứng nghiệm! [Thế hệ này là thế hệ của những người nhìn thấy sự kiện nhành non của cây vả ra lá, biểu tượng cho sự dân I-sơ-ra-ên tái lập quốc rồi chiếm lại quyền làm chủ thành thánh Giê-ru-sa-lem.]

35 Trời đất sẽ qua nhưng lời Ta nói chẳng bao giờ qua đi.

36 Về ngày và giờ đó, chẳng có ai biết, ngay cả các thiên sứ trên trời cũng không biết, nhưng chỉ Cha Ta.

Thế hệ loài người được sinh ra trong ngày I-sơ-ra-ên chiếm lại chủ quyền trên thành thánh Giê-ru-sa-lem sẽ chẳng qua đi cho tới khi Đấng Christ đến và Kỳ Tận Thế kết thúc. Một đời người theo Thi Thiên 90:10 là 70 năm, hoặc nhiều lắm là 80 năm. Như vậy, Kỳ Tận Thế sẽ không kết thúc muộn hơn năm 2037, hoặc trễ lắm cũng không kết thúc muộn hơn năm 2047. Vì mọi sự phải được hoàn tất trong khoảng thời gian 70 năm hay 80 năm của thế hệ được sinh ra vào ngày 07/06/1967.

Dựa vào lời tiên tri trong Ô-sê 6:1-2 chúng ta có thể tin rằng, dân I-sơ-ra-ên sẽ được phục sinh thuộc linh sau ngày Lễ Vượt Qua của năm 2027 [4]. Sau đó thì Kỳ Tận Thế sẽ bắt đầu. Hội Thánh sẽ được Đấng Christ đem ra khỏi thế gian trước đó, bất kỳ lúc nào.

Trong lời tiên tri của Đức Chúa Jesus Christ về sự đến của Ngài và sự tận thế, được Lu-ca ghi lại, có nói đến những điều sẽ xảy ra trước đó, như sau:

Rồi, Ngài đã phán với họ: Dân này sẽ dấy lên nghịch lại dân kia, vương quốc này nghịch lại vương quốc kia. Cũng sẽ có những sự động đất lớn trong nhiều chỗ; những cơn đói kém; những cơn dịch bệnh. Sẽ có những điềm kinh khiếp và những dấu lạ lớn từ trời.” (Lu-ca 21:10-11).

Vì thế, các kỳ trăng máu trùng hợp với các ngày lễ hội của Thánh Kinh, kể từ khi dân I-sơ-ra-ên được tái lập quốc, có thể được xem là dấu lạ lớn từ trời, báo hiệu thời điểm Đấng Christ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian và thời điểm Đức Chúa Trời bắt đầu sự hình phạt toàn thế gian, qua bảy năm đại nạn của Kỳ Tận Thế, đã gần.

Có ba lần bộ tứ nguyệt thực đã xảy ra, từ khi dân I-sơ-ra-ên được tái lập quốc đều rơi vào các ngày lễ của Thánh Kinh.

  • Bộ tứ nguyệt thực 1949-1950: Năm 1949, ngày 13/04/1949 (nhằm ngày Lễ Vượt Qua) và ngày 07/10/1949 (trước Lễ Lều Trại một ngày). Năm 1950, nhằm ngày 02/04/1950 (nhằm ngày thứ nhất của Lễ Bánh Không Men) và ngày 26/09/1950 (nhằm ngày thứ nhất của Lễ Lều Trại).

  • Bộ tứ nguyệt thực 1967-1968: Năm 1967, ngày 24/04/1967 (nhằm ngày Lễ Vượt Qua) và ngày 18/10/1967 (trước Lễ Lều Trại một ngày). Năm 1968, nhằm ngày 13/04/1968 (nhằm ngày thứ nhất của Lễ Bánh Không Men) và ngày 06/10/1968 (trước Lễ Lều Trại một ngày).

  • Bộ tứ nguyệt thực 2014-2015: Năm 2014, ngày 15/04/2014 (nhằm ngày thứ nhất của Lễ Bánh Không Men) và ngày 08/10/2014 (trước Lễ Lều Trại một ngày). Năm 2015, ngày 04/04/2015 (nhằm ngày thứ nhất của Lễ Bánh Không Men) và ngày 28/09/2015 (nhằm ngày thứ nhất của Lễ Lều Trại).

Lần thứ chín bộ tứ nguyệt thực sẽ xảy ra trùng hợp với các ngày lễ hội của Thánh Kinh là vào năm 2032-2033 nhưng chỉ có hai kỳ nguyệt thực trong năm 2033 là trùng hợp với hai kỳ lễ hội của Thánh Kinh. Sau đó, hàng mấy trăm năm sẽ không có bộ tứ nguyệt thực nào xảy ra trùng hợp với các ngày lễ hội của Thánh Kinh. Chúng tôi nghĩ rằng, khi đó thế giới đã bước vào thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm. Mọi sự đã được phục hồi như buổi đầu sáng thế. Sự vận hành của các thiên thể, kể cả địa cầu, sẽ thay đổi, khác với hiện tại.

Ngày 14/04/2033 (nhằm ngày thứ nhất của Lễ Bánh Không Men) và ngày 08/10/2033 (nhằm ngày thứ nhất của Lễ Lều Trại). Quý con dân Chúa có thể đối chiếu các ngày theo Dương Lịch với các ngày theo Lịch Thánh Kinh tại đây: https://abdicate.net/cal.aspx

Chúng tôi nghĩ rằng, mỗi lần bốn kỳ trăng máu trùng hợp với các lễ hội trong Thánh Kinh xảy ra, từ khi dân I-sơ-ra-ên được tái lập quốc, đối với dân I-sơ-ra-ên không phải là các lời tiên tri báo trước một biến cố nào đó xảy ra cho họ. Mà mục đích của chúng là làm vững những sự mà Đức Chúa Trời đã cho phép xảy ra cho họ.

  • Bộ tứ nguyệt thực 1949-1950: là sự ấn chứng sự tái lập quốc của I-sơ-ra-ên vào ngày 14/05/1948 chính là sự hồi sinh thuộc thể của quốc gia I-sơ-ra-ên, theo lời tiên tri trong Ê-sai 66:8. Đó cũng là dấu hiệu an ủi dân I-sơ-ra-ên rằng, Đức Chúa Trời vẫn nhớ đến họ, khi họ phải chiến đấu, chống lại liên quân các nước Ả-rập Hồi Giáo ngay từ ngày đầu tái lập quốc. Đó là cuộc chiến đầu tiên giữa các quốc gia Ả-rập Hồi Giáo với quốc gia I-sơ-ra-ên. Với dân số khoảng 650.000 người vào lúc bấy giờ, quốc gia non trẻ I-sơ-ra-ên đã chiến thắng liên quân các nước Ả-rập Hồi Giáo. Cái giá phải trả là khoảng 6.000 người dân I-sơ-ra-ên cùng với 4.000 quân nhân I-sơ-ra-ên đã thiệt mạng trong cuộc chiến. Ngày 11/05/1949, I-sơ-ra-ên được công nhận là thành viên của Liên Hiệp Quốc.

  • Bộ tứ nguyệt thực 1967-1968: là sự ấn chứng cho dân I-sơ-ra-ên sự Đức Chúa Trời ban lại cho họ quyền làm chủ hoàn toàn trên thành Giê-ru-sa-lem. Sự hoàn toàn làm chủ thành Giê-ru-sa-lem là điều phải có để dân I-sơ-ra-ên được hồi sinh thuộc linh, theo Ê-xê-chi-ên 27 và Ô-sê 6:1-2.

  • Bộ tứ nguyệt thực 2014-2015: là sự ấn chứng cho dân I-sơ-ra-ên rằng, họ sẽ phải chịu khổ thêm một thời gian nữa nhưng Đức Chúa Trời luôn bảo vệ họ bằng nhiều cách, từ quân sự đến chính trị. Ngày 21/10/2012 Hoa Kỳ và I-sơ-ra-ên đã bắt đầu cuộc tập trận lớn nhất kết hợp quân lính của Hoa Kỳ, Anh, Đức với quân lính của I-sơ-ra-ên. Ngày 06/12/2017, Tổng Thống Donal Trump của Hoa Kỳ đã chính thức công nhận Giê-ru-sa-lem là thủ đô của I-sơ-ra-ên và cho dời tòa đại sứ của Hoa Kỳ về Giê-ru-sa-lem.

  • Bộ tứ nguyệt thực 2032-2033: là sự ấn chứng dân I-sơ-ra-ên đang ở trong sự phán xét của những ngày cuối cùng; và Đức Chúa Trời bảo vệ an toàn cho những người I-sơ-ra-ên trung tín với Ngài (Khải Huyền 12:14).

Chúng tôi nghĩ rằng, mỗi lần bốn kỳ trăng máu trùng hợp với các lễ hội trong Thánh Kinh xảy ra, từ khi dân I-sơ-ra-ên được tái lập quốc, đối với Hội Thánh là sự nhắc nhở cho con dân Chúa nhớ rằng, Đức Chúa Trời đang bảo vệ dân I-sơ-ra-ên và những gì xảy ra cho dân I-sơ-ra-ên chính là dấu hiệu cho Hội Thánh biết, sự đến của Đấng Christ đã rất gần. Vì Hội Thánh phải được Đấng Christ đem ra khỏi thế gian trước Kỳ Tận Thế (Khải Huyền 3:10) mà có lẽ là trước khi bộ tứ nguyệt thực 2032-2033 xảy ra.

Những gì chúng tôi trình bày trong bài này về bộ tứ nguyệt thực không phải là giáo lý của Thánh Kinh; mà chỉ là những suy ngẫm và nhận thức của chúng tôi về các kỳ trăng máu xảy ra trùng hợp với các ngày lễ hội của Thiên Chúa, từ năm 1949 tới năm 2033. Sự nhận thức đó đem lại niềm vui và sự an ủi cho chúng tôi, khi tiếp tục sống những ngày còn lại trên đất, trông chờ sự đến của Đức Chúa Jesus Christ.

Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta và thêm sức cho chúng ta. Nguyện tất cả chúng ta đều giữ vững đức tin, trung tín với Chúa cho tới ngày Đấng Christ đến. Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Ba Ngôi Thiên Chúa: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh, bao phủ quý ông bà, anh chị em. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
13/04/2024

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

[1] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-co-lo-se-2_16-23/

[2] https://www.dabrittain.com/wp/wp-content/uploads/2016/09/tetrads.pdf

[3] https://www.awordfromtheword.org/the-four-blood-moons-theory

[4] https://eclipse.gsfc.nasa.gov/LEcat5/LEcatalog.html

[5] https://kytanthe.net/067-ky-tan-the-va-nam-2027/

Karaoke Thánh Ca: “Giữ Vững Lòng Tin”
https://karaokethanhca.net/giu-vung-long-tin/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.