Lễ Trăng Mới

348 views

YouTube: https://youtu.be/7nkBVDvj7jE

202405 Bài Giảng Trong Năm 2024
Lễ Trăng Mới

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Kính thưa Hội Thánh,

Còn đúng một tuần nữa, chúng ta sẽ bước vào ngày Tết Âm Lịch của năm 2024. Ngày Tết Âm Lịch cũng là ngày đầu tiên của tháng đầu tiên trong một năm Âm Lịch. Người Việt chúng ta ăn Tết Âm Lịch theo lịch của người Trung Quốc và có thói quen gọi đó là Âm Lịch. Nhưng thực tế, Lịch Trung Quốc cũng giống như Lịch Do-thái, là Âm Dương Lịch. Có nghĩa là lịch tính tháng theo chu kỳ mặt trăng xoay chung quanh trái đất và tính năm theo chu kỳ trái đất xoay chung quanh mặt trời. Trên thế giới chỉ có Lịch Hồi Giáo là Âm Lịch, hoàn toàn tính tháng và năm theo chu kỳ mặt trăng xoay chung quanh trái đất.

Âm Dương Lịch thêm các tháng nhuận vào một số năm để năm Âm Lịch theo kịp năm Dương Lịch, giữ đúng mùa cho sự chăn nuôi và trồng trọt. Trung bình cứ khoảng hai hay ba năm thì Âm Dương Lịch có một năm nhuận, là năm có 13 tháng. Trong khoảng mỗi 19 năm Âm Dương Lịch thì có bảy năm nhuận.

Cả hai, Lịch Trung Quốc và Lịch Do-thái đều bắt đầu mỗi tháng với ngày trăng mới. Nhưng Lịch Trung Quốc tính ngày trăng mới là ngày mặt trăng đi vào vị trí giữa mặt trời và trái đất, theo cách tính của thiên văn học ngày nay. Đó là khoảng thời gian từ trái đất không thể nhìn thấy mặt trăng trong khoảng từ 24 đến 36 tiếng đồng hồ. Ban ngày, một phần vì ánh sáng mặt trời quá mạnh, một phần vì phía mặt trăng hướng về trái đất không phản chiếu ánh sáng của mặt trời nên từ trái đất không thể nhìn thấy mặt trăng. Ban đêm thì mặt trăng ở về phía ban ngày của trái đất nên phía ban đêm của trái đất cũng không thể nhìn thấy mặt trăng. Điều đó có nghĩa là mỗi tháng có một hoặc hai đêm, từ trái đất không thể nhìn thấy mặt trăng. Chúng ta có thói quen gọi các đêm ấy là “đêm không trăng”. Trong khi đó, Lịch Do-thái gọi ngày đầu tiên nhìn thấy mặt trăng tái xuất hiện trên bầu trời với hình lưỡi liềm là ngày trăng mới. Thường thì một hoặc hai ngày, sau ngày trăng mới theo thiên văn học, thì mặt trăng mới có thể được nhìn thấy như hình lưỡi liềm thật mỏng, ở gần chân trời hướng tây, sau khi mặt trời lặn. Như vậy, ngày trăng mới của Lịch Do-thái theo sau ngày trăng mới của thiên văn học và của Lịch Trung Quốc từ một tới hai ngày. Vì mỗi chu kỳ mặt trăng xoay chung quanh trái đất là khoảng 29,5 ngày nên mỗi tháng của Âm Lịch và Âm Dương Lịch có 29 hoặc 30 ngày. Điều đó cũng hàm ý, đêm 29 và đêm 30 mỗi tháng của Âm Lịch và Âm Dương Lịch là các đêm không trăng.

Dựa vào Lời Chúa trong Sáng Thế Ký 1:14 mà chúng tôi cho rằng, ngày trăng mới không phải là ngày đầu tiên từ trái đất không còn nhìn thấy mặt trăng, theo cách tính của thiên văn học. Nhưng đó phải là ngày đầu tiên mặt trăng được nhìn thấy xuất hiện trở lại trên bầu trời, theo cách tính của Lịch Do-thái.

Thiên Chúa lại phán: Hãy có những vì sáng trong khoảng không trên trời, để phân ra ngày với đêm, và để chúng làm những dấu, để định những mùa, những ngày, và những năm;” (Sáng Thế Ký 1:14).

Danh từ “mùa” trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh “מוֹעֵד” (H4150) /mô-ết/, có nghĩa là: thời điểm đã định; kỳ lễ hội đã định; cuộc hẹn đã định; dấu hiệu đã định. Theo văn mạch có thể hiểu rằng, đó là thời điểm đã định cho mỗi kỳ trăng mới hoặc dấu hiệu đã định để báo hiệu ngày đầu của một tháng mới. Vì thế, “מוֹעֵד” cũng có thể dịch là “tháng”. Nếu không nhìn thấy mặt trăng thì làm sao dùng nó làm dấu hiệu? Làm sao gọi sự không thấy mặt trăng là trăng mới? Mặt trăng phải được nhìn thấy tái xuất hiện để đánh dấu ngày đầu của một tháng mới.

Từ khi dân I-sơ-ra-ên mãn hạn phu tù 70 năm tại Ba-bi-lôn, được trở về tái xây dựng Đền Thờ Thiên Chúa và thành Giê-ru-sa-lem thì mỗi cuối tháng, họ cử nhiều người canh chừng bầu trời để phát hiện sự tái xuất hiện của mặt trăng. Nếu có ai thấy trăng lưỡi liềm tái xuất hiện thì báo tin cho Hội Đồng Các Trưởng Lão tại Giê-ru-sa-lem, còn gọi là Tòa Công Luận. Khi có hai người cùng báo tin đã nhìn thấy trăng lưỡi liềm, thì Tòa Công Luận chính thức xác nhận đó là ngày trăng mới; và cho đốt một ngọn đuốc dài trên đỉnh Núi Ô-li-ve để truyền tin. Các thành lân cận nhìn thấy đuốc cháy trên đỉnh Ô-li-ve thì cho đốt đuốc trên nơi cao nhất của địa phương mình để truyền tin cho các nơi khác. Cứ như thế, trong đêm đó, cả xứ I-sơ-ra-ên đều nhận biết tin tức về ngày trăng mới. Khi ban ngày đến, dân chúng nhóm hiệp, dâng tế lễ lên Thiên Chúa và thờ phượng Thiên Chúa. Họ cùng nhau ăn uống, vui mừng trong danh Thiên Chúa [1].

Theo I Sa-mu-ên 20:5 thì Đa-vít biết ngày hôm sau là ngày trăng mới. Điều đó hàm ý, vào thời ấy, dân I-sơ-ra-ên đã biết cách tính để xác định ngày trăng mới, không cần sự quan sát thực tế. Sự quan sát thực tế có lúc không chính xác, như trong trường hợp trời có nhiều mây, có sương mù, hoặc có giông bão thì không thể nào nhìn thấy trăng mới. Chúng ta có thể tin rằng, khi Thiên Chúa ban hành lịch cho dân I-sơ-ra-ên qua Môi-se, như đã ghi chép trong Xuất Ê-díp-tô Ký 12:1, thì Ngài cũng đã truyền cho ông tri thức về sự tính lịch để định ngày trăng mới, làm ngày đầu cho mỗi tháng. Tri thức đó đã được dạy lại cho những người Lê-vi phụ trách làm lịch để phục vụ cho sự xác định mỗi đầu tháng và các kỳ lễ hội. Thiên Chúa dựng nên mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao, trái đất và quy định luật vận hành cho chúng. Vì thế, chúng phải vận hành theo các công thức toán học của Ngài. Biết được các công thức toán học ấy thì tính trước được ngày tháng năm. Có lẽ, sau cuộc lưu đày 70 năm tại Ba-bi-lôn, khi được về lại Giê-ru-sa-lem vào năm 536 TCN [2] thì dân I-sơ-ra-ên đã mất đi phương pháp tính lịch nên phải dùng sự quan sát thực tế. Từ năm 358, dân I-sơ-ra-ên đã phục hồi cách tính chính xác ngày trăng mới nên không còn cần người quan sát và sự đốt đuốc truyền tin.

Ngày trăng mới là một ngày đặc biệt trong Thánh Kinh. Đó là ngày con dân Chúa dâng lễ vật lên Thiên Chúa, cùng nhau nhóm hiệp thờ phượng Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta gọi đó là Lễ Trăng Mới.

Lễ Trăng Mới là một ngày quan trọng vì nó định ngày đầu của mỗi tháng để từ đó tính ra thời điểm của bảy kỳ lễ hội thời Cựu Ước.

Ngoại trừ ngày trăng mới của tháng Bảy là ngày Lễ Thổi Kèn được quy định là một ngày nghỉ, tức là một ngày Sa-bát, các ngày trăng mới của các tháng còn lại không phải là ngày Sa-bát, trừ khi ngày đó rơi vào ngày Thứ Bảy cuối tuần. Tuy nhiên, dân I-sơ-ra-ên thuở xưa thường tự nguyện nghỉ lao động và mua bán trong ngày trăng mới.

Trong ngày trăng mới kèn sẽ được thổi, kêu gọi con dân Chúa nhóm hiệp, dâng của lễ lên Thiên Chúa và thờ phượng Thiên Chúa. Kèn cũng sẽ được thổi trong khi của lễ được dâng lên.

Trong ngày vui mừng của các ngươi: trong những kỳ lễ hội của các ngươi, trong những đầu tháng của các ngươi, các ngươi sẽ thổi kèn trên những của lễ thiêu của các ngươi, trên những của lễ cảm tạ của các ngươi. Chúng sẽ là sự kỷ niệm trước mặt Thiên Chúa của các ngươi. Ta, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của các ngươi.” (Dân Số Ký 10:10).

Hãy thổi kèn trong ngày trăng mới, trong kỳ đã định, cho ngày lễ hội trọng đại của chúng ta.” (Thi Thiên 81:3).

Dân I-sơ-ra-ên ví họ như mặt trăng. Mặt trăng phản chiếu ánh sáng của mặt trời, soi sáng thế gian như thế nào thì dân I-sơ-ra-ên cũng phản chiếu vinh quang của Thiên Chúa, chiếu ra cho thế gian, như thế ấy. Mặt trăng xuất hiện mong manh như một lưỡi liềm, lớn dần, cho tới khi trăng tròn, sáng tỏ, tiêu biểu cho sự dân I-sơ-ra-ên vốn là một dân yếu đuối, làm nô lệ cho một dân khác, đã trở nên một vương quốc hùng mạnh. Sau mấy ngày trăng tròn, sáng tỏ, mặt trăng lui dần về hình dáng mong manh của một lưỡi liềm, mờ dần, rồi khuất hẳn, tiêu biểu cho sự vương quốc I-sơ-ra-ên sau thời kỳ hưng thịnh đã suy vong, rồi biến mất. Nhưng tới thời kỳ đã định bởi Thiên Chúa, dân I-sơ-ra-ên sẽ được phục hồi và hưng thịnh trở lại. Ngày trăng mới đã đem lại niềm an ủi và hy vọng cho dân I-sơ-ra-ên trong suốt hơn 2.500 năm vong quốc.

Tuy nhiên, chúng tôi không nghĩ rằng, đó là ý nghĩa của ngày trăng mới.

Thánh Kinh không giải thích ý nghĩa của ngày trăng mới nhưng chúng ta có thể suy ngẫm và rút ra được các điều sau đây.

Ngày trăng mới là thời điểm và cơ hội phục hồi năng lực từ thuộc thể đến thuộc linh cho con dân Chúa mỗi tháng. Tương tự như ngày Thứ Bảy Sa-bát là thời điểm và cơ hội phục hồi năng lực từ thuộc thể đến thuộc linh cho con dân Chúa mỗi tuần. Vì trong ngày trăng mới, con dân Chúa nhóm hiệp, thông công với nhau, cùng nhau dâng lễ vật lên Thiên Chúa và thờ phượng Ngài. Chính Thiên Chúa gọi ngày trăng mới và các ngày lễ hội là ngày vui mừng của con dân Chúa. Chính Thiên Chúa truyền cho con dân Chúa thổi kèn để tỏ sự vui mừng. Chính Thiên Chúa truyền cho con dân Chúa dâng lễ vật lên Ngài. Và chính Thiên Chúa gọi đó là sự kỷ niệm của họ trước mặt Ngài; nghĩa là sự họ nhớ đến Thiên Chúa và thể hiện thành hành động làm lễ trước mặt Ngài. Đương nhiên, Thiên Chúa ban phước cho con dân Chúa trong ngày vui mừng ấy. Bởi đó, họ được phục hồi năng lực từ thuộc thể đến thuộc linh, sẵn sàng cho cuộc sống trong tháng mới. Cứ mỗi một ngày đầu tháng mới là con dân Chúa có cơ hội được nhắc cho nhớ đến Thiên Chúa, cùng nhau thờ phượng Ngài và nhận lãnh ơn phước từ Ngài.

Thánh Kinh ghi lại mệnh lệnh của Thiên Chúa về việc dâng của lễ trong mỗi ngày đầu tháng, như sau:

Dân Số Ký 28:11-15

11 Trong những đầu tháng của các ngươi, các ngươi sẽ dâng của lễ thiêu cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu: hai con bò đực con, một con chiên đực, bảy chiên con giáp năm, không có tì vết.

12 Ba phần mười ê-pha bột nhồi với dầu làm của lễ chay cho mỗi con bò đực. Hai phần mười ê-pha bột nhồi với dầu làm của lễ chay cho con chiên đực.

13 Một phần mười ê-pha bột nhồi với dầu làm của lễ chay cho mỗi con chiên con. Một của lễ thiêu có mùi thơm, một của lễ dùng lửa dâng cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.

14 Của lễ thức uống sẽ là phân nửa hin rượu nho cho mỗi con bò đực, một phần ba hin cho con chiên đực, và một phần tư hin cho mỗi con chiên con. Ấy là của lễ thiêu mỗi đầu tháng trong năm.

15 Cùng với của lễ thiêu thường dâng và của lễ thức uống của nó, một con dê đực làm của lễ chuộc tội sẽ được dâng cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.

Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của từng câu.

11 Trong những đầu tháng của các ngươi, các ngươi sẽ dâng của lễ thiêu cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu: hai con bò đực con, một con chiên đực, bảy chiên con giáp năm, không có tì vết.

Những ngày đầu tháng” là những ngày mặt trăng tái xuất hiện trên trời, sau khi mặt trời lặn, sau một hoặc hai đêm không trăng.

Của lễ thiêu” là của lễ mà toàn bộ lễ vật được đốt thành tro trên bàn thờ. Của lễ thiêu khác với của lễ chuộc tội. Của lễ thiêu là của lễ con dân Chúa tỏ lòng yêu thương, tôn kính, vâng phục Thiên Chúa.

Hai con bò đực” có lẽ tiêu biểu cho hai điều sau đây. Điều thứ nhất là toàn bộ sản nghiệp của dân I-sơ-ra-ên được dâng lên Thiên Chúa. Bò là gia súc có giá trị cao nhất thời bấy giờ nên được dùng tiêu biểu cho sản nghiệp. Điều thứ nhì là toàn bộ năng lực, việc làm của dân I-sơ-ra-ên được dâng lên Thiên Chúa. Bò là gia súc mạnh sức nhất và chuyên cần lao động nhất nên được dùng tiêu biểu cho sức mạnh và việc làm.

Con chiên đực” có lẽ tiêu biểu cho những người cầm quyền, lãnh đạo dân I-sơ-ra-ên, bao gồm vua, các quan xét, các thầy tế lễ, các trưởng lão được dâng lên Thiên Chúa.

Bảy chiên con giáp năm” có lẽ tiêu biểu cho dân I-sơ-ra-ên. Thiên Chúa gọi dân I-sơ-ra-ên là chiên của đồng cỏ Ngài. Số bảy tiêu biểu cho sự trọn vẹn về phương diện thuộc linh, hàm ý, tâm thần và linh hồn của tất cả người I-sơ-ra-ên được dâng lên Thiên Chúa. Chiên con giáp năm là ở vào lứa tuổi trưởng thành, tiêu biểu cho sự trưởng thành về đức tin.

Quý ông bà, anh chị em thấy chúng tôi dùng chữ “có lẽ” là vì trong Thánh Kinh không một chỗ nào khẳng định như vậy, mà chỉ là sự hiểu của chúng tôi trong khi suy ngẫm Lời Chúa. Quý ông bà, anh chị em có thể đồng ý hoặc không đồng ý với sự hiểu của chúng tôi.

Các sinh tế phải là các con thú khỏe mạnh, không có tì vết, không có thương tật, tiêu biểu cho thân thể xác thịt thánh khiết, không ô uế, không làm ra tội, không liên kết, không hầu việc, không thờ lạy hình tượng, tà thần.

12 Ba phần mười ê-pha bột nhồi với dầu làm của lễ chay cho mỗi con bò đực. Hai phần mười ê-pha bột nhồi với dầu làm của lễ chay cho con chiên đực.

13 Một phần mười ê-pha bột nhồi với dầu làm của lễ chay cho mỗi con chiên con. Một của lễ thiêu có mùi thơm, một của lễ dùng lửa dâng cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.

Bột” tiêu biểu cho thân thể xác thịt. Dầu ô-li-ve tiêu biểu cho thánh linh của Thiên Chúa. Bánh làm bằng bột không men, nhồi với dầu ô-li-ve tiêu biểu cho thân thể và đời sống thánh khiết, không có tội, tràn đầy thánh linh. Đó là thân thể và đời sống của Đấng Christ. Đó cũng là thân thể và đời sống được dựng nên mới của những ai thuộc về Đấng Christ.

Ê-pha” là đơn vị đo lường dung tích của dân I-sơ-ra-ên, có dung tích tương đương 22 lít. Chúng ta có thể hiểu rằng, ba phần mười, hai phần mười, và một phần mười ê-pha tiêu biểu cho sự Thiên Chúa ban đời sống khác nhau cho mỗi người trong xã hội. Đời sống của mỗi người là một phần trong sự sống đến từ Thiên Chúa.

14 Của lễ thức uống sẽ là phân nửa hin rượu nho cho mỗi con bò đực, một phần ba hin cho con chiên đực, và một phần tư hin cho mỗi con chiên con. Ấy là của lễ thiêu mỗi đầu tháng trong năm.

Rượu nho” tiêu biểu cho sự vui mừng, thỏa lòng, tinh thần hưng phấn trong ơn phước của Thiên Chúa.

Hin” là đơn vị đo lường về dung tích của dân I-sơ-ra-ên, có dung tích tương đương 3,7 lít. Chúng ta có thể hiểu rằng, một phần hai, một phần ba, và một phần tư hin tiêu biểu cho sự Thiên Chúa ban số lượng ơn phước khác nhau cho mỗi người trong xã hội. Ơn phước cho một dân tộc nhiều hơn cho một cá nhân. Ơn phước cho người lãnh đạo nhiều hơn cho một người dân thường.

Danh từ “của lễ thiêu” được giải thích là “một của lễ dùng lửa dâng cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu”, hàm ý, trọn vẹn sinh tế phải được thiêu đốt thành tro trên bàn thờ. Thực tế là phải được thiêu đốt qua đêm, lửa trên bàn thờ không được tắt (Lê-vi Ký 6:9). Và sự dâng hiến này chỉ được làm ra cho Thiên Chúa; không được làm ra cho bất cứ ai khác. Sự thiêu đốt trọn vẹn tiêu biểu cho sự hết lòng, hết linh hồn, và hết cả thân xác đều được dâng lên Thiên Chúa. Sự thiêu đốt từ buổi chiều hiện tại cho tới buổi sáng ngày hôm sau tiêu biểu cho hiện tại và tương lai của con dân Chúa đều được dâng trọn lên Thiên Chúa.

Giờ đây, hỡi I-sơ-ra-ên! Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi tìm kiếm nơi ngươi điều gì? Nếu chẳng là kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi; bước đi trong mọi đường lối của Ngài; yêu Ngài và phụng sự Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi với cả tấm lòng của ngươi và với cả linh hồn của ngươi; giữ các điều răn và luật lệ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, mà ta truyền cho ngươi ngày nay; vì sự ích lợi của ngươi?” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 10:12-13).

Tấm lòng là tình cảm và lý trí. Linh hồn là bản thể và mạng sống. Người dâng của lễ thiêu lên Thiên Chúa là người thể hiện đức tin của mình nơi Thiên Chúa; thể hiện tình yêu và sự tôn kính của mình dành cho Thiên Chúa; thể hiện sự vâng phục và phụng sự Thiên Chúa cách trọn vẹn; thể hiện trọn đời sống mình phó thác lên Thiên Chúa. Và vì thế mà mình sống là sống cho Chúa và chết là chết cho Chúa. Hoặc sống, hoặc chết mình đều thuộc về Thiên Chúa.

Vì chẳng có người nào trong chúng ta sống cho chính mình; cũng chẳng có người nào chết cho chính mình. Vì nếu chúng ta sống, chúng ta sống cho Chúa. Cũng vậy, nếu chúng ta chết, chúng ta chết cho Chúa. Vậy nên, dù chúng ta sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa.” (Rô-ma 14:7-8).

Ngày nay, con dân Chúa không cần dâng gia súc làm sinh tế lên Thiên Chúa mà mỗi ngày, hai buổi sáng chiều, dâng chính thân thể mình làm của lễ thường dâng lên Đức Chúa Trời, theo như Đức Thánh Linh đã phán truyền qua Sứ Đồ Phao-lô:

Vậy, hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi khuyên các anh chị em hãy bởi những sự thương xót của Đức Chúa Trời mà dâng các thân thể của các anh chị em làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của các anh chị em.” (Rô-ma 12:1).

Ngày nay, con dân Chúa dâng hiến chính thân thể mình làm của lễ sống và thánh lên Đức Chúa Trời thay thế cho sự dâng hiến mọi của lễ thiêu. Con dân Chúa dâng lời tôn vinh, cảm tạ Đức Chúa Trời cùng mọi việc làm lành và sự nhóm hiệp, thông công với nhau lên Đức Chúa Trời thay thế cho mọi của lễ chay và của lễ thức uống.

Vậy, chúng ta hãy bởi Ngài hằng dâng tế lễ của sự tôn vinh lên Đức Chúa Trời, tức là bông trái của môi miệng cảm tạ danh của Ngài. Hãy làm lành và chớ quên sự thông công. Vì những của lễ như vậy đẹp lòng Đức Chúa Trời.” (Hê-bơ-rơ 13:15-16).

Của lễ thiêu được thay thế bằng thân thể của con dân Chúa. Của lễ chay và của lễ thức uống kèm theo của lễ thiêu được thay thế bằng sự con dân Chúa tôn vinh, cảm tạ Chúa; nhóm hiệp, thông công với nhau; và làm ra những việc lành trong danh Chúa. Sự con dân Chúa nhóm hiệp thờ phượng Chúa, học Lời Chúa, từ các buổi nhóm của ấu nhi, thiếu nhi, thiếu niên, thanh niên cho đến các buổi nhóm chung của Hội Thánh; sự con dân Chúa thông công với nhau trong các buổi thăm viếng lẫn nhau, họp mặt ăn uống, và cả những buổi cùng nhau lao động đều là những của lễ dâng lên Đức Chúa Trời.

15 Cùng với của lễ thiêu thường dâng và của lễ thức uống của nó, một con dê đực làm của lễ chuộc tội sẽ được dâng cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.

Ngoài các của lễ thiêu thường dâng trong ngày trăng mới và của lễ chay, của lễ thức uống được dâng theo, dân I-sơ-ra-ên còn phải dâng một con dê đực làm của lễ chuộc tội. Sự dâng của lễ chuộc tội được thực hiện trước sự dâng các của lễ thiêu.

Của lễ chuộc tội trong ngày trăng mới là mạng sống của một con dê đực bị hủy diệt, vì mọi sự phạm tội của dân I-sơ-ra-ên, trong suốt một tháng trước đó. Bởi mạng sống của con dê đực bị cất đi mà Đức Chúa Trời cũng cất đi hình phạt trên những tội lỗi của dân I-sơ-ra-ên. Điều đó không có nghĩa là mạng sống của con dê đực có thể thay thế cho mạng sống của dân I-sơ-ra-ên. Nhưng con dê đực bị giết để làm của lễ chuộc tội tiêu biểu cho mạng sống của Đấng Christ bị cất đi để làm của lễ chuộc tội cho loài người. Chỉ mạng sống của loài người mới có thể thay thế cho mạng sống của loài người. Chỉ mạng sống của một người vô tội mới có thể thay thể cho mạng sống của một người có tội. Chỉ mạng sống không giới hạn của Thiên Chúa trong thân thể xác thịt của Đức Chúa Jesus Christ mới có thể thay thế cho mạng sống của toàn thể loài người.

Chúng ta quen thuộc với câu này trong I Cô-rinh-tô 5:7, “Vì Đấng Christ là Chiên Con Lễ Vượt Qua của chúng ta, đã bị giết thay cho chúng ta.” Nhưng thực tế, sinh tế của Lễ Vượt Qua có thể là một con chiên đực hoặc một con dê đực, đã tròn một tuổi:

Các ngươi hãy bắt trong bầy chiên hoặc dê, một con đực, tuổi giáp niên, chẳng có tì vết, để dành cho tới ngày mười bốn tháng này; rồi cả hội chúng I-sơ-ra-ên sẽ giết nó, vào giữa hai buổi chiều.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:5-6).

Nhóm chữ “vào giữa hai buổi chiều” được dùng để chỉ khoảng thời gian liền sau buổi trưa cho tới liền trước khi mặt trời lặn. Khi mặt trời bắt đầu ngả về hướng tây là lúc bắt đầu của buổi chiều thứ nhất, thuộc về ngày hiện tại. Khi mặt trời vừa khuất chân trời là bắt đầu cho buổi chiều thứ nhì, thuộc về ngày mới. Buổi chiều thứ nhì kết thúc khi ánh sáng ban ngày không còn nữa và bóng tối bao trùm trên mặt đất. Chiên con của Lễ Vượt Qua và chiên con của Lễ Thường Dâng mỗi ngày được giết trong khoảng thời gian từ 2 tới 3 giờ chiều của ngày hiện tại.

Của lễ chuộc tội thời Cựu Ước có thể là một con bò đực con (Lê-vi Ký 16:3); có thể là một con dê đực (Lê-vi Ký 4:23-24); có thể là một con dê cái (Lê-vi Ký 4:28-29); có thể là một con chiên con cái (Lê-vi Ký 4:32-33); đối với những người nghèo, có thể là một cặp chim cu hay một cặp chim bồ câu (Lê-vi Ký 5:7); đối với những người quá nghèo, có thể là một phần mười ê-pha bột (Lê-vi Ký 5:11). Riêng trong ngày Lễ Chuộc Tội là một con bò đực con cho thầy tế lễ thượng phẩm và hai con dê đực cho dân chúng (Lê-vi Ký 16:3, 5).

Trong lời tiên tri về thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm, Tiên Tri Ê-sai và Tiên Tri Ê-xê-chi-ên đều có nhắc đến sự kiện công dân của Vương Quốc Ngàn Năm sẽ thờ phượng Thiên Chúa trong ngày trăng mới.

Sẽ xảy ra thường xuyên từ ngày trăng mới đến ngày trăng mới và thường xuyên từ ngày Sa-bát đến ngày Sa-bát, mọi xác thịt sẽ đến thờ phượng trước mặt Ta. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán.” (Ê-sai 66:23).

Vậy, Chúa Tự Hữu Hằng Hữu phán: Cổng của hành lang trong, nhìn về phía đông, sẽ được đóng trong sáu ngày làm việc. Nhưng trong ngày Sa-bát nó sẽ được mở, và trong ngày trăng mới nó sẽ được mở. Người cai trị sẽ vào do lối đi của mái hiên của cổng, và sẽ đứng gần trụ cổng. Các thầy tế lễ sẽ sắm sẵn của lễ thiêu và của lễ giao hòa của người. Người sẽ thờ phượng tại ngạch cổng; rồi, người sẽ đi ra, nhưng cổng sẽ không được đóng lại cho tới khi chiều tối. Dân sự của đất sẽ thờ phượng tại cửa của cổng ấy, trước mặt Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, trong những ngày Sa-bát và trong những ngày trăng mới.” (Ê-xê-chi-ên 46:1-3).

Nói cách khác, trong thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm, mỗi ngày Sa-bát cuối tuần và mỗi ngày đầu tháng đều là ngày công dân của vương quốc đến thờ phượng Thiên Chúa tại Đền Thờ ở Giê-ru-sa-lem.

Xét về ý nghĩa và mục đích của bảy kỳ lễ hội trong Cựu Ước thì chúng ta biết, đó là sự tiêu biểu cho những gì Đấng Christ sẽ làm ra cho loài người và con dân của Ngài, khi Ngài vào trong thế gian để thi hành sự cứu chuộc nhân loại. Vì thế, sau khi Đấng Christ đã vào trong thế gian thì các nghi thức lễ hội đó không cần được thi hành nữa. Con dân Chúa không cần phải giữ các lễ hội ấy. Nhưng con dân Chúa vẫn có thể cùng nhau nhóm hiệp, thông công, thờ phượng Chúa trong các ngày lễ hội ấy để nhớ đến những gì Đấng Christ đã làm và sẽ làm cho mình.

Xét về ý nghĩa và mục đích của ngày trăng mới thì chúng ta biết, đó là sự tiêu biểu cho sự tương giao giữa con dân Chúa với Thiên Chúa, tiêu biểu cho sự con dân Chúa tỏ lòng tôn kính Thiên Chúa, thể hiện tình yêu của con dân Chúa với Thiên Chúa, thể hiện lòng vâng phục và tinh thần phụng sự Thiên Chúa của con dân Chúa. Ngày nay, con dân Chúa không cần phải dâng các của lễ trong ngày trăng mới. Nhưng con dân Chúa có thể nhóm hiệp, thông công với nhau và cùng nhau thờ phượng Thiên Chúa trong ngày trăng mới để thể hiện tình yêu, sự tôn kính, sự vâng phục và tinh thần phụng sự Thiên Chúa lên Thiên Chúa.

Xét về ý nghĩa và mục đích của ngày Thứ Bảy Sa-bát thì chúng ta biết, đó là ngày Thiên Chúa ban cho loài người lẫn các gia súc sự an nghỉ thân thể xác thịt, sau sáu ngày lao động vất vả. Riêng đối với con dân Chúa thì đó là ngày nhóm hiệp, thông công với nhau, và cùng nhau thờ phượng Thiên Chúa. Dĩ nhiên, con dân Chúa có thể và nên thờ phượng Thiên Chúa trong mọi nơi, mọi lúc. Nhưng cùng nhau nhóm hiệp thờ phượng Thiên Chúa vào ngày Sa-bát là mệnh lệnh của Thiên Chúa. Trong thời Tân Ước, Đức Thánh Linh nhấn mạnh đến sự chớ bỏ qua sự nhóm lại:

Chớ bỏ qua sự nhóm hiệp của chúng ta như thói quen của một số người, nhưng hãy khuyên bảo nhau, và khuyên bảo càng hơn, khi các anh chị em thấy ngày ấy càng gần.” (Hê-bơ-rơ 10:25).

Sự nhóm hiệp được nói đến ở đây bao gồm sự nhóm hiệp tự nguyện của con dân Chúa trong mọi lúc và sự nhóm hiệp phải có trong ngày Sa-bát Thứ Bảy. Thánh Kinh chỉ truyền cho con dân Chúa nhóm hiệp trong những ngày Sa-bát Thứ Bảy hoặc trong những ngày Sa-bát của các kỳ lễ hội.

Chính vì ngày trăng mới và ngày Thứ Bảy Sa-bát không phải là hình bóng hoặc sự tiêu biểu cho các việc làm của Đức Chúa Jesus Christ nhưng tiêu biểu cho tấm lòng của con dân Chúa đối với Thiên Chúa mà chúng vẫn còn được tiếp tục giữ trong thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm.

Quý con dân Chúa có thể tham khảo Lịch Do-thái tại khu mạng này để tìm các ngày trăng mới và các kỳ lễ hội: https://abdicate.net/print.aspx. Ngày trăng mới là ngày 01 của mỗi tháng. Khi đưa chuột rà vào ngày nào thì sẽ hiện ra ngày tương đương với Dương Lịch của ngày ấy.

Dưới đây là danh sách các ngày của bảy kỳ lễ hội, theo Lịch Do-thái:

  • Nisan 14: Lễ Vượt Qua (bắt đầu sau khi mặt trời lặn của ngày 13).

  • Nisan 15-21: Lễ Bánh Không Men (bắt đầu sau khi mặt trời lặn của ngày 14).

  • Nisan 16: Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa (bắt đầu sau khi mặt trời lặn của ngày 15).

  • Sivan 6: Lễ Ngũ Tuần, còn gọi là Lễ Các Tuần Lễ (bắt đầu sau khi mặt trời lặn của ngày 5).

  • Tishrei 1-2: Lễ Thổi Kèn (bắt đầu sau khi mặt trời lặn của ngày 29 tháng Elul).

  • Tishrei 10: Lễ Chuộc Tội (bắt đầu sau khi mặt trời lặn của ngày 9).

  • Tishrei 15-21: Lễ Lều Trại (bắt đầu sau khi mặt trời lặn của ngày 14).

Xin xem ý nghĩa của bảy kỳ lễ hội trong bài: “Chú Giải Cô-lô-se 2:16-23” đã được đăng trên khu mạng timhieuthanhkinh.com [3].

Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta và thêm sức cho chúng ta. Nguyện tất cả chúng ta đều giữ vững đức tin, trung tín với Chúa cho tới ngày Đấng Christ đến. Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Ba Ngôi Thiên Chúa: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh, bao phủ quý ông bà, anh chị em. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
03/02/2024

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

[1] https://aish.com/the-moon-7-jewish-facts/

[2] Tiết mục “Năm Do-thái 3225”:
https://kytanthe.net/003-tom-luoc-lich-su-loai-nguoi/

[3] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-co-lo-se-2_16-23/

Karaoke Thánh Ca: “Xuân Đến”
https://karaokethanhca.net/xuan-den/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.