Trả Lời Một Số Câu Hỏi Liên Quan Đến Loạt Bài Giảng về Loài Người

5,062 views

Huỳnh Christian Timothy

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết này:
https://www.mediafire.com/file/26lx0dplqcx58vh/TraLoiMotSoCauHoiLoatBaiGiangVeLoaiNguoi.pdf/file

Chúng tôi nhận được qua email một số câu hỏi liên quan đến loạt bài giảng về loài người. Chúng tôi xin tóm lược và trả lời trong bài này.

Xin vào nối mạng dưới đây để đọc và tải xuống các bài giảng về loài người: https://timhieuthanhkinh.com/nhung-bai-can-doc-nghe-truoc/

Xin vào nối mạng sau đây để nghe và tải xuống mp3 các bài giảng về loài người: https://timhieutinlanh.com/cd_loai-nguoi/

Câu hỏi 1: Loài người cũng ra từ Thiên Chúa Cha, nhưng ra bởi lời phán của Ngài. Thánh Kinh biểu tượng cho sự “ra” đó như sau: “GIA-VÊ là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật.” Như vậy loài người muốn hằng hữu phải có thần linh sự sống của chính bản thể Thiên Chúa Cha.

Đáp: Thánh Kinh chép: “Và Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu tạo hình loài người từ bụi của đất, thổi linh sự sống vào lỗ mũi của nó, thì loài người trở nên một linh hồn sống.” (Sáng Thế Ký 2:7).

Thánh Kinh chép: “Chẳng phải Ngài chỉ làm ra một loài người dù hơi linh của Ngài là dư dật sao? Vì sao chỉ làm ra một? Ấy là để tìm một dòng dõi thánh. Vậy, các ngươi hãy cẩn thận trong thần trí mình; chớ lừa dối vợ của mình lấy lúc tuổi trẻ. (Ma-la-chi 2:15).

Vậy, có phải hơi sống của Đấng Hằng Hữu đã tạo nên loài người hằng hữu hay không? Nếu hơi sự sống này không phải là sự sống bản thể của Thiên Chúa thì nó là sự sống của bản thể gì? Anh lẫn lộn giữa linh hồn là bản thể của loài người với thân thể xác thịt là áo mặc, là nhà trọ của linh hồn.

Khi linh hồn của người có Chúa ra khỏi thân thể xác thịt, thì sẽ đi ở với Đấng Christ. Thánh Kinh chép: “Nếu sống trong xác thịt là kết quả cho sự làm việc của tôi, thì tôi chẳng biết nên chọn điều gì. Vì tôi bị ép giữa hai bề, khao khát được đi, ở với Đấng Christ, là điều tốt hơn nhiều; nhưng cứ ở trong xác thịt, là sự cần hơn cho các anh chị em.” (Phi-líp 1:22-24). Cái gì đi ở với Đấng Christ? Cái gì sống trong hay ở trong xác thịt?

Thánh Kinh chép: “Nên chúng ta dạn dĩ và muốn thà xa khỏi thân thể này, để hiện diện với Chúa. Cho nên, chúng ta dù hiện diện hay xa cách, cũng vinh dự mà làm việc để được đẹp lòng Ngài.” (II Cô-rinh-tô 5:8-9). Cái gì xa khỏi thân thể này để hiện diện với Chúa?

Thân thể xác thịt có thể biến cải (phân rã thành các nguyên tố hóa học) nhưng vẫn còn lại đời đời vì mọi loài Thiên Chúa sáng tạo đều hằng hữu.

Thánh Kinh chép về sự hằng hữu của trái đất:

“Ngài xây Đền Thánh Ngài giống như nơi rất cao, khác nào trái đất mà Ngài đã sáng lập đời đời.” (Thi Thiên 78:69).

Thánh Kinh chép về sự hằng hữu của muôn loài thọ tạo:

Thi Thiên 148

1 Ha-lê-lu-gia! Từ các tầng trời hãy tôn vinh Đấng Tự Hữu Hằng Hữu! Hãy tôn vinh Ngài trong nơi cao cả!

2 Hỡi hết thảy các thiên sứ Ngài, hãy tôn vinh Ngài! Hỡi cả cơ binh Ngài, hãy tôn vinh Ngài!

3 Hỡi mặt trời, mặt trăng, hãy tôn vinh Ngài! Hỡi hết thảy ngôi sao sáng, hãy tôn vinh Ngài!

4 Hỡi trời của các tầng trời, hỡi nước trên các tầng trời, hãy tôn vinh Ngài!

5 Hết thảy hãy tôn vinh danh Đấng Tự Hữu Hằng Hữu; vì Ngài ra lệnh, thảy được sáng tạo.

6 Ngài thiết lập chúng cho đến đời đời; cũng đã ra sắc lệnh sẽ không bị vi phạm.

Câu hỏi 2: Nếu giải nghĩa Thánh Kinh hoàn toàn theo nghĩa đen tôi nhận thấy không hoàn toàn đúng và có khi còn sai trật nguy hiểm cho người đọc.

Đáp: Dĩ nhiên, Thánh Kinh phải có lúc giải theo nghĩa bóng, nhưng chỉ khi nào văn mạch cho phép. Thí dụ: Ta là người chăn. Ta là đường đi. Ta là cửa của chiên. Hãy chăn chiên Ta. Dòng nước của sự sống…

Câu hỏi 3: Thánh Kinh biểu tượng cho sự “ra” đó là tôi muốn nhấn mạnh rằng nếu cứ nhất mực hiểu: “GIA-VÊ là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật”, theo nghĩa mặt chữ như vậy; vô tình, người viết đã biến Thiên Chúa vốn toàn năng thành một Thiên Chúa hữu hạn, nghĩa là Ngài phải: gom bụi của đất để làm nên một hình thể giống như hình thể vật chất của Ngài; theo như cách mà anh đã viết.

Đáp: Đó là ý kiến của anh, còn Thánh Kinh thì khẳng định: thân thể xác thịt của loài người là bụi của đất và sau khi phạm tội thì sẽ trở về bụi đất.

Sáng Thế Ký 3:17-19 chép:

17 Ngài lại phán với A-đam: Vì ngươi đã nghe theo lời vợ ngươi mà ăn trái cây Ta đã truyền lệnh rằng, ngươi chớ ăn nó! Vậy, đất bị rủa sả vì ngươi; trọn những ngày của đời ngươi, ngươi sẽ khó nhọc mà ăn từ nó.

18 Đất sẽ sinh gai góc và cây tật lê, và ngươi sẽ ăn rau của đồng ruộng.

19 Trong mồ hôi của mặt ngươi, ngươi sẽ ăn bánh, cho đến khi ngươi sẽ trở về đất, vì ngươi được lấy ra từ đó. Vì ngươi là bụi và ngươi sẽ trở về bụi.

Nếu anh muốn giải thích chữ đất trong câu 19 theo “nghĩa bóng” thì anh cũng phải giải thích các chữ đất trong câu 17 và 18 theo nghĩa bóng. Vậy, theo anh, nghĩa bóng của chữ đất là gì?


Câu hỏi 4: Để khỏi dài dòng tôi xin nêu một ví dụ sau đây: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời khiến đất mọc lên các thứ cây đẹp mắt, và trái thì ăn ngon; giữa vườn lại có cây sự sống cùng cây biết điều thiện và điều ác.” (Sáng Thế Ký 2:9).

Nếu giải nghĩa câu trên theo nghĩa mặt chữ, nghĩa là hai cây đó có thực!!!

Chúng ta đã biến một Thiên Chúa bản chất Ngài là Đấng siêu việt thành ra một Thiên Chúa hữu hạn; nghĩa là, Ngài cũng sợ hãi, ích kỷ, tham lam….

Đáp: Mời anh nghe ba bài giảng của tôi về hai cây này tại đây (bài 7, 8, và 9): https://timhieuthanhkinh.com/toi-loi-duc-tin-su-cau-nguyen/

Câu hỏi 5: Vì sao??? Xin đọc kỹ Lời Chúa sau đây:

“Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán rằng: Nầy, về sự phân biệt điều thiện và điều ác, loài người đã thành một bực như chúng ta; vậy bây giờ, ta hãy coi chừng, e loài người giơ tay lên cũng hái trái cây sự sống mà ăn và được sống đời đời chăng.” (Sáng Thế Ký 3:22).

Thiên Chúa sợ, và một điều vô lý nữa: Trước khi A-đam chưa vi phạm ông ta đã từng ăn trái cây sự sống. Vậy sau khi ông ta vi phạm, Chúa lại e ông ta ăn trái cây đó để sống mãi!!!

Đáp: Sự sống đời đời khác với sự thực hữu và hằng hữu. Loài người thực hữu vì được Thiên Chúa sáng tạo. Loài người hằng hữu vì ra từ Đấng Hằng Hữu. Thánh Kinh định nghĩa rõ ràng: Sự sống đời đời là thực hữu trong sự nhìn biết Đức Cha và Đức Con: “Và đây là sự sống vĩnh cửu, rằng họ nhìn biết Ngài, tức là Thiên Chúa có một và thật, cùng Jesus Christ, là Đấng Ngài đã sai đến.” (Giăng 17:3), tức là thực hữu trong sự mãi mãi hiểu biết Thiên Chúa trong một thân thể vật chất không bị băng hoại và không có khả năng phạm tội vì không biết điều ác, mà chỉ biết điều thiện.

Sự chết đời đời là sự thực hữu mà không được tiếp tục hiểu biết Thiên Chúa, trong một thân thể bị băng hoại bởi sự hình phạt của Thiên Chúa. Thánh Kinh cũng định nghĩa rõ ràng sự chết đời đời (Ma-thi-ơ 25:41, 46; Khải Huyền 20:10, 14-15; 21:8). Lý do của sự chết đời đời là vì không vâng phục Thiên Chúa, tức không nhận biết Ngài. Vì không nhận biết Ngài nên mới dám phản nghịch Ngài.

Khi A-đam được dựng nên, ông chưa có sự sống đời đời (tức chưa có sự mãi mãi nhận biết Thiên Chúa). Ông phải chọn ham muốn được sự sống đời đời bằng cách ăn trái của cây sự sống. Tuy nhiên, ông chưa kịp ăn trái cây sự sống đời đời thì ông đã ăn trái cây biết điều thiện và điều ác, nghịch lại thánh ý của Thiên Chúa và dẫn đến hậu quả là ông không còn được cơ hội để mãi mãi nhận biết Thiên Chúa. Chúng ta biết A-đam chưa ăn trái cây sự sống vì nếu ông đã ăn thì ông đã mãi mãi nhận biết Thiên Chúa và sẽ không có khả năng phạm tội, không biết điều ác. Khi đó Thiên Chúa sẽ hủy diệt cây biết điều thiện và điều ác.

Trái của cây sự sống đời đời (đạt được bằng sự vâng lời Thiên Chúa: ăn nó và không ăn trái của cây biết điều thiện điều ác – loài người chỉ có thể làm một trong hai lựa chọn: ăn trái của cây sự sống thì trái của cây biết điều thiện và điều ác sẽ bị cất đi, và ngược lại) có tính chất giúp cho loài người được đời đời nhận biết Thiên Chúa và tương giao với Thiên Chúa trong hạnh phúc khi loài người không nhiễm tội. Sự nhận biết Thiên Chúa và tương giao với Thiên Chúa là một tiến trình kéo dài cho đến đời đời. Mỗi lúc chúng ta càng hiểu biết Chúa hơn và càng khắng khít với Chúa hơn.

Một khi loài người phạm tội thì sự nhận biết Thiên Chúa bị chấm dứt ngay, họ không thể nào tiếp tục nhận biết Ngài cho đến khi được Ngài ban cho cơ hội ăn năn và họ tiếp nhận sự ban cho ấy. Nếu đã phạm tội mà vẫn đời đời ở trong sự nhận biết Thiên Chúa, tức sự sống đời đời, thì đó sẽ là một hình phạt kinh khủng còn hơn là hồ lửa. Vì càng nhận biết Thiên Chúa càng hơn, thì càng lộ ra sự ô uế, xấu xa, gian ác của mình càng hơn, và càng đau khổ hơn. Vì thế, Thiên Chúa đã không để cho A-đam có thể ăn trái cây của sự sống, sau khi ông phạm tội, tức là không cho phép ông tiếp tục hiểu biết Thiên Chúa ngày càng hơn trong khi ông đang ở trong địa vị bị mãi mãi xa cách Ngài.

Câu hỏi 6: Chúa sợ, Ngài phải đuổi A-đam ra khỏi Ê-đen?

Đáp: Đó là sự kết luận chủ quan của anh. Thánh Kinh không hề có chỗ nào nói Chúa sợ! Ngài thương xót, không muốn A-đam mất cơ hội được tái sinh phải đau khổ đời đời trong sự mãi mãi nhận biết Chúa mà bản thân mình chưa được tha tội và sạch tội, nên Ngài không cho ông ăn trái của cây sự sống sau khi ông phạm tội. Nói cách này để cho dễ hiểu. Đối với một người bình thường, khi đang đói mà được ai cho một nồi đậu phụng luộc nóng hổi, thì người ấy sẽ tận hưởng sự thơm ngon của đậu luộc và được no lòng. Nhưng, đối với người bất bình thường, có sự khiếm khuyết trong cơ thể, bị dị ứng với chất đậu phụng, thì nồi đậu phụng luộc đối với anh ta không còn công dụng giúp cho anh ta no nê, thỏa lòng mà sẽ là nguồn của sự đau khổ khủng khiếp khi anh ta ăn vào.

Câu hỏi 7: Tôi xin chứng minh về hai cây trong Sáng Thế Ký 3:9 chỉ là biểu tượng mà Chúa dùng để nói đến hai sự chọn lựa trong lòng A-đam đối với lệnh truyền trong Sáng Thế Ký 1:28 như sau: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời khiến đất mọc lên các thứ cây đẹp mắt, và trái thì ăn ngon; giữa vườn lại có cây sự sống cùng cây biết điều thiện và điều ác”.

Đáp: Chính câu Thánh Kinh anh trích dẫn đã chứng minh, cả hai: cây sự sống và cây biết điều thiện điều ác đều là những cây theo nghĩa đen như các cây khác.

Câu hỏi 8: Tóm tắt: Nếu hiểu hoàn toàn nghĩa đen từ câu số 8 cho đến câu số 24 của chương ba chúng ta sẽ biến một Thiên Chúa toàn năng, toàn ái thành một Thiên Chúa đầy thù hận, ghen tương, ích kỷ như loài người hữu hạn hôm nay.

Như chúng ta biết, sau khi A-đam vi phạm, Thiên Chúa phải công bố một loạt những vấn đề cần thiết cho sự sống đời đời của loài người.

Nếu giải nghĩa nội dung Sáng Thế Ký 3:22-24 theo mặt chữ, thì ý nghĩa của câu số 22 như sau: Ngài nhận thấy A-đam ngang bằng với mình rồi thì Ngài SỢ. Sợ, rồi Ngài ĐUỔI A-đam ra khỏi vườn (Sáng Thế Ký 3:23); chưa đủ, để cho yên chí Ngài lại phải cho các thiên sứ CANH GIỮ đường dẫn đến cây sự sống (Sáng Thế Ký 3:24). Như vậy chúng ta thấy một loạt những hành động sau của một Thiên Chúa “toàn năng” bao gồm: Sợ, Đuổi, Canh giữ. Nếu theo nghĩa đen giải nghĩa chúng ta thấy sao???

Đáp: Đó chỉ là những suy luận chủ quan của anh hoàn toàn không có trong Thánh Kinh. Tôi không thấy Thiên Chúa sợ hay ích kỷ mà tôi chỉ thấy Thiên Chúa đầy lòng thương xót và ý định khôn sáng của Ngài. Lý luận quy chụp theo kiểu trên đây là ngụy biện, gán ghép những điều Thánh Kinh không nói cho Thánh Kinh.

Câu hỏi 9: Một mâu thuẫn nữa không thể giải nghĩa được mà nếu có cố tình giải nghĩa thì cũng sẽ làm cho vấn đề đã sai lại càng thêm sai. Đó là trước khi A-đam vi phạm ông ta đã từng ăn trái của “cây sự sống”. Vậy tại sao khi ông ta ăn trái của “cây cho biết thiện ác” ông ta lại phải chết???

Đáp: Xin cho tôi biết chỗ nào Thánh Kinh nói A-đam ăn trái của cây sự sống trước khi ăn trái của cây biết điều thiện và điều ác? Vả lại, các chữ “sống” và “chết” phải hiểu theo định nghĩa của Thánh Kinh:

  • Xác thịt sống: linh hồn và tâm thần ở trong xác thịt.
  • Tâm thần sống: linh hồn ở trong tâm thần và tâm thần giúp linh hồn tương giao với Thiên Chúa, nhận biết Thiên Chúa ngày càng hơn; luật pháp và điều răn của Thiên Chúa được ghi chép trong tâm thần; năng lực của Đức Thánh Linh tuôn đổ trong tâm thần, giúp cho linh hồn có những quyết định đúng theo thánh ý của Thiên Chúa và có năng lực làm tròn những việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho linh hồn.
  • Linh hồn sống: linh hồn nhận biết Thiên Chúa và vâng phục Thiên Chúa.
  • Sự sống đời đời: linh hồn đã được tái sinh ở trong một tâm thần đã được tái sinh và ở trong một xác thịt đã được phục sinh hoặc đã được biến hóa, mãi mãi ở trong trạng thái và địa vị nhận biết Thiên Chúa và hạnh phúc bên Ngài. Sự nhận biết Thiên Chúa cứ tăng tiến mãi, không ngừng nghỉ, cho đến đời đời.
  • Sự chết xác thịt: linh hồn và tâm thần rời khỏi xác thịt, xác thịt trở về cùng bụi đất.
  • Sự chết tâm thần: tâm thần không còn tương giao với Thiên Chúa, sẽ trở về cùng Thiên Chúa khi sự chết của xác thịt xảy ra.
  • Sự chết linh hồn: linh hồn không được tiếp tục nhận biết Thiên Chúa (nhưng vẫn duy trì sự nhận thức về Thiên Chúa mà Ngài đã đặt để trong linh hồn loài người khi Ngài sáng tạo loài người); hành động thiếu sự dẫn dắt của Thiên Chúa, khi sự chết của thể xác xảy ra thì rời khỏi thể xác, rời khỏi tâm thần, đi vào âm phủ, chờ ngày xác thịt được sống lại để chịu phán xét.
  • Sự chết đời đời của loài người: linh hồn ở trong thân thể xác thịt đã được phục sinh, đời đời không còn được tiếp tục nhận biết Thiên Chúa, (nhưng vẫn duy trì sự nhận thức về Thiên Chúa mà Ngài đã đặt để trong linh hồn loài người khi Ngài sáng tạo loài người), chịu hình phạt đời đời trong hỏa ngục.

Qua đó, chúng ta thấy rõ ràng: sự hằng hữu khác với sự sống đời đời và khác với sự chết đời đời. Hay nói cách khác, sự sống đời đời là hằng hữu trong sự tiếp tục nhận biết Thiên Chúa không ngừng nghỉ. Sự chết đời đời là hằng hữu trong sự không còn được tiếp tục nhận biết Thiên Chúa mà phải chịu khổ vì sự lựa chọn không vâng phục Thiên Chúa của mình [1].

Tôi nhận thấy, anh theo trường phái Thần học biểu tượng cho nên anh đã hiểu Thánh Kinh theo phong cách của họ. Với tôi, hiểu cây sự sống và cây biết điều thiện điều ác theo nghĩa đen hay nghĩa bóng không liên quan gì đến sự cứu rỗi của một người. Hễ ai công nhận mình là tội nhân, vì mình sống nghịch lại điều răn và luật pháp của Thiên Chúa như đã soi sáng trong lương tâm và ghi chép trong Thánh Kinh, thật lòng ăn năn, từ bỏ tội, tin nhận chỉ một mình sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, và hết lòng làm những gì Thánh Kinh bảo làm, tránh những gì Thánh Kinh bảo tránh thì người đó sẽ nhận được sự sống đời đời. Khi đó, họ sẽ biết sự sống đời đời là gì!

Tôi mạn phép chấm dứt thảo luận về đề tài này vì những điều tôi trình bày trên đây và trong các bài giảng của tôi là những điều tôi tin. Tôi không muốn tốn thì giờ để tranh biện điều tôi đã tin và tôi cũng đã trình bày hết những gì tôi có thể trình bày về đề tài này.

Cám ơn anh đã dành thời gian để chia sẻ và thảo luận.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Huỳnh Christian Timothy
12/12/2012

Ghi Chú

[1] Xin xem thêm bài “Sự Sống Đời Đời và Sự Chết Đời Đời” tại đây: http://www.timhieutinlanh.net/?p=832

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/