Huỳnh Christian Timothy
Bài Biện Giáo với Mục Sư Nguyễn Quốc Ấn
Bài của Mục Sư Ấn được đăng tại đây:
https://timhieutinlanh.com/biengiao/?p=534#comment-30
Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống và in ra bài viết này:
https://www.mediafire.com/folder/1ygvtd6r8mvtn//pdf_biengiao
Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống mp3 bài này:
http://www.timhieutinlanh.net/?p=3675
Mục Sư Nguyễn Quốc Ấn:
Tôi không lòng vòng như anh tưởng, tôi đang bám rất sát vấn đề chúng ta đang thảo luận, không hề lạc đề như anh nghĩ. Tôi không hề bác bỏ ngày sabat, tôi vẫn đang giữ ngày sabat mà Phao-lô đã nói cho những người ngoại bang như tôi chứ không phải của người Do Thái.
Mục Tử Huỳnh Christian Timothy:
Kính thưa anh Ấn:
Anh có lòng vòng, lạc đề hay không, thì tôi đã chứng minh cách chi tiết trong bài “Con Dân Chúa Phải Vâng Giữ Điều Răn Thứ Tư [https://timhieutinlanh.com/hoi-dap-chu-nhat-va-chua-nhat/]. Anh xác nhận hay không, không làm thay đổi sự thật. Quý độc giả biết phán đoán.
Tôi không hiểu câu anh viết: “Tôi không hề bác bỏ ngày sabat, tôi vẫn đang giữ ngày sabat mà Phao-lô đã nói cho những người ngoại bang như tôi chứ không phải của người Do Thái.” Bởi vì tôi không đọc thấy trong Thánh Kinh chỗ nào Phao-lô (hay bất cứ ai) dạy rằng, có hai loại ngày Sa-bát, một dành cho dân I-sơ-ra-ên và một dành cho các dân ngoại bang. Tôi chỉ đọc thấy Phao-lô viết là: dân ngoại bang được kết hiệp chung một gốc với dân I-sơ-ra-ên (Rô-ma 11:11-24). Nếu đã kết hiệp vào chung một gốc, thì sao lại không giữ cùng một ngày Sa-bát Thứ Bảy như dân I-sơ-ra-ên vâng giữ? Chính anh cũng nhiều lần công nhận cái lý lẽ “nhập gia tùy tục, nhập quốc tùy luật” mà!
Tại sao trong Hội Thánh của Chúa lại có hai ngày Sa-bát, một dành cho người I-sơ-ra-ên và một dành cho những người thuộc các dân ngoại? Không lẽ, tại thành phố tôi đang sống, trong Hội Thánh địa phương có một nửa là người I-sơ-ra-ên, một nửa là người thuộc các dân tộc khác, thì người I-sơ-ra-ên giữ Sa-bát và nhóm hiệp thờ phượng Chúa vào ngày Thứ Bảy, còn các dân tộc khác, ai muốn giữ Sa-bát và nhóm hiệp thờ phượng Chúa vào ngày nào thì tùy ý? Như vậy, sự hiệp một nằm ở đâu? Ngày nào mới thật là ngày Sa-bát mà Chúa muốn cho Hội Thánh của Ngài vâng giữ?
Điều tôi vẫn thắc mắc, là: Vâng giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy có gì là khó khăn, nặng nề mà anh và các giáo hội phải kịch liệt tìm cách bác bỏ? Theo như anh nói, anh vẫn giữ ngày Sa-bát. Vậy sao anh không giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy như Thánh Kinh đã truyền, mà tự ý giữ vào một ngày khác mà Thánh Kinh không hề truyền? Chỗ nào trong Thánh Kinh truyền rằng, anh có thể giữ ngày Sa-bát vào một ngày khác hơn là ngày Thứ Bảy?
Anh cũng đã công nhận với tôi, ngày Sa-bát Thứ Bảy trong Thánh Kinh vẫn là ngày Thứ Bảy theo lịch chúng ta đang dùng ngày nay. Nhưng anh lại giữ ngày Sa-bát vào một ngày khác hơn là ngày Thứ Bảy, mà anh gọi là “ngày Sa-bát Tân Ước.” Tôi xin hỏi, ai đã đổi ngày Sa-bát của Chúa sang một ngày khác trong tuần lễ? Chính anh cũng xác nhận: Đức Chúa Jesus là Chúa của ngày Sa-bát! Vậy, nếu Đức Chúa Jesus đã không thay đổi ngày Sa-bát sang một ngày nào khác trong tuần lễ, thì ai là người có thẩm quyền để làm điều đó?
Nếu ai nấy tự chọn bất cứ một ngày nào đó để làm ngày Sa-bát cho mình, thì phải hiểu lời phán của Đức Chúa Jesus Christ trong Ma-thi-ơ 24:20, như thế nào? Con dân Chúa phải cầu nguyện như thế nào? “Hãy cầu nguyện cho các ngươi khỏi trốn tránh nhằm lúc mùa đông hay là ngày Sa-bát” (Ma-thi-ơ 24:20). Không lẽ người I-sơ-ra-ên thì cầu nguyện cho ngày ấy đừng xảy ra vào ngày Thứ Bảy, còn anh Ấn thì cầu nguyện cho ngày ấy đừng xảy ra vào Chủ Nhật? Người khác thì cầu nguyện cho ngày ấy đừng xảy ra vào Thứ Hai? Nếu vậy thì chỉ cần bảy người tin Chúa trong Thời Đại Nạn, mỗi người chọn một ngày trong tuần lễ làm ngày Sa-bát cho mình, rồi cầu nguyện xin Chúa đừng cho ngày trốn tránh AntiChrist xảy ra trong ngày Sa-bát, thì ngày ấy sẽ không bao giờ xảy ra!
Tôi không tìm thấy nơi nào trong Thánh Kinh thay đổi ngày Sa-bát của điều răn thứ tư, từ ngày Thứ Bảy sang một ngày khác trong tuần lễ. Nhưng tôi biết là đế quốc La-mã và Giáo Hội Công Giáo đã đổi ngày Sa-bát Thứ Bảy của Chúa sang ngày Thứ Nhất (Chủ Nhật), vì lịch sử ghi rõ như vậy. Tôi xin trích dẫn một đoạn trong bài “Hỏi & Đáp: Chủ Nhật và Chúa Nhật” [https://timhieutinlanh.com/hoi-dap-chu-nhat-va-chua-nhat/] với ba ghi chú tham khảo tài liệu lịch sử dưới đây:
Truyền thống gọi ngày thứ nhất trong tuần lễ là “ngày của Chúa” ra từ Giáo Hội Công Giáo La-mã. Lịch sử của Hội Thánh cho thấy: Suốt từ thế kỷ thứ nhất cho đến thế kỷ thứ tư, Hội Thánh của Chúa không hề biết đến sự kiện “ngày thứ nhất trong tuần lễ là ngày của Chúa” [1].
Vào ngày 7 tháng 3 năm 321, Hoàng Đế La-mã Constantine ra sắc luật buộc toàn Đế Quốc La-mã phải tôn kính chủ nhật mà ông gọi là ngày “tôn kính mặt trời:”
“Vào ngày tôn kính mặt trời, các công chức và cư dân trong các thành phố phải nghỉ ngơi, và các cửa tiệm phải đóng cửa. Tuy nhiên, trong các vùng thôn quê, những người có liên quan đến nghề nông có thể tự do và hợp pháp tiếp tục công việc của họ; bởi vì, thông thường một ngày khác không thích hợp cho việc gieo giống hoặc trồng nho; kẻo sự bỏ qua thời điểm chính xác cho những công việc đó khiến cho bị mất đi sự ban cho dư dật của trời” [2].
Mục đích của Constantine là buộc công dân trong đế quốc tôn kính ngày của tà thần mặt trời (được tượng hình qua tượng tà thần Apollo) chứ không phải ông có ý muốn cho dân chúng thờ phượng Đức Chúa Trời trong ngày đó; bởi vì, vào thời đó, Constantine vẫn còn giữ địa vị thầy tế lễ thượng phẩm của ngoại giáo, thờ phượng đủ các tà thần của La-mã và Hy-lạp mà nổi bật nhất là tà thần Apollo, tiêu biểu cho ánh sáng và mặt trời [3].
Anh viết: “Tôi không hề bác bỏ ngày sabat, tôi vẫn đang giữ ngày sabat mà Phao-lô đã nói cho những người ngoại bang như tôi chứ không phải của người Do Thái.” Nhưng Thánh Kinh không dạy rằng, Phao-lô đã đổi ngày Sa-bát của Chúa sang một ngày khác trong tuần lễ cho tín đồ thuộc dân ngoại. Trái lại, Phao-lô luôn giảng rằng, trong Đấng Christ dân ngoại đã hiệp một với dân I-sơ-ra-ên. Thật là vô lý, nếu trong Hội Thánh của Chúa, người quốc tịch I-sơ-ra-ên giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy, người thuộc các quốc tịch khác, thì tùy ý, ai muốn chọn ngày nào làm ngày Sa-bát thì chọn. Như vậy, sự hiệp một ở đâu? Đức Chúa Trời không phải là Đức Chúa Trời của sự rối loạn (I Cô-rinh-tô 14:33).
Mục Sư Nguyễn Quốc Ấn:
Anh Huỳnh ơi, tôi có cảm tưởng là Anh Huỳnh chỉ chăm băm vào lời giải thích của tôi để phản biện, mà Anh không chịu đọc những câu KT do tôi trích dẫn. Những điều tôi nói là từ KT ra, chứ không phải tôi bịa đặt. Tôi đã nói rồi: Những ý kiến nào, bất kỳ của ai, cũng phải lấy KT làm chuẩn. Đúng – Sai là do KT chỉ ra.
Mục Tử Huỳnh Christian Timothy:
Câu trên đây của anh làm cho tôi ngạc nhiên vô cùng! Anh là người yêu cầu được biện giáo với tôi về việc tôi giảng dạy rằng: Con dân Chúa phải vâng giữ điều răn thứ tư, tức là vâng giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy. Thế mà, bây giờ anh không muốn cho tôi dựa vào các lời biện luận của anh để phản biện, vậy thì, biện giáo gì ở đây?
Anh có trích dẫn Thánh Kinh nhưng hoàn toàn là sự trích dẫn không liên quan gì đến các lý luận của anh. Anh đưa ra một loạt những câu Thánh Kinh để chứng minh con dân Chúa không cần vâng giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy của điều răn thứ tư. Nhưng tôi không thấy câu Thánh Kinh nào anh đưa ra có thể dùng để chứng minh cho lý luận của anh. Anh nói đúng lắm: Ý kiến của ai đúng hay sai là do Thánh Kinh chỉ ra.
-
Ý kiến của tôi là: Con dân Chúa phải vâng giữ Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời; con dân Chúa phải vâng giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy theo điều răn thứ tư; như Thánh Kinh đã chép rõ trong Xuất Ê-díp-tô Ký 20:8-11.
-
Ý kiến của anh là: Con dân Chúa phải vâng giữ Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời; con dân Chúa phải vâng giữ ngày Sa-bát; nhưng không cần phải giữ vào ngày Thứ Bảy. Thế nhưng, không có câu Thánh Kinh nào dạy rằng con dân Chúa có thể giữ ngày Sa-bát vào một ngày khác hơn là ngày Thứ Bảy.
-
Kết luận: Ý kiến của tôi là mệnh lệnh của Thánh Kinh, còn ý kiến của anh thì nghịch lại mệnh lệnh của Thánh Kinh.
Mục Sư Nguyễn Quốc Ấn:
Điều tôi trình bày (như anh trích trên đây) là không mâu thuẫn. Ru-tơ, và Ra-háp hoặc những dân ngoại bang là những người tình nguyện nhập tịch Israen, (tôi nói theo ngôn từ bây giờ cho đễ hiểu), thì họ phải tuân thủ luật pháp của Israen, là điều tất nhiên. Còn tôi và những tín hữu ngoại bang mà không nhập tịch Israen, thì hà cớ gì phải tuân giữ? Tôi không mâu thuẫn, mà chính anh mới là người không nắm được ý của tôi. Tôi vẫn TRƯỚC SAU NHƯ MỘT À. Sau đó tôi có mở ngoặc là ( anh không đọc những chữ nầy sao: “Niềm tin Do Thái – niềm tin Độc Thần”), chứ thời CƯ đâu có DoThái Giáo.
Mục tử Huỳnh Christian Timothy:
Anh rõ ràng là tự mâu thuẫn mà anh không nhận ra. Khi tôi viết mấy câu dưới đây để chứng minh điều răn thứ tư áp dụng cho muôn dân [https://timhieutinlanh.com/biengiao/?p=499]:
Mục Sư Ấn cũng không màng đến những câu Thánh Kinh tôi trích dẫn về việc Thánh Kinh cho biết ngày Sa-bát áp dụng cho muôn dân, không riêng gì dân I-sơ-ra-ên, trong mọi thời đại, kể cả thời Ngàn năm Bình An:
“Các người dân ngoại về cùng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, để hầu việc Ngài, để yêu mến danh Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, để làm tôi tớ Ngài; tức là hết thảy những kẻ giữ ngày Sa-bát cho khỏi ô uế, và cầm vững lời giao ước ta” (Ê-sai 56:6).
“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán: Từ ngày trăng mới này đến ngày trăng mới khác, từ ngày Sa-bát nọ đến ngày Sa-bát kia, mọi xác thịt sẽ đến thờ lạy trước mặt Ta” (Ê-sai 66:23).
“Những ngày Sa-bát và ngày trăng mới, dân sự của đất sẽ thờ lạy trước mặt Đấng Tự Hữu Hằng Hữu nơi lối vào hiên cửa ấy” (Ê-xê-chi-ên 46:3).
Thì anh hồi đáp [https://timhieutinlanh.com/biengiao/?p=499]:
Lại một lần nữa Ông Huỳnh có sự lầm lẫn khi trích dẫn trong Ê-sai 56:1-8. Tám câu KT nầy không có ý nói rằng dân ngoại bang cũng giữ ngày Sabat.
……….
Việc dân ngoại bang cải đạo gia nhập Do Thái Giáo (câu 3,6) là một điều rất thông thường trong lịch sử. Chẳng hạn như nàng Ru-tơ – dân Mô-áp đã theo mẹ chồng về đất Giu-đa sinh sống. Nàng đã có một đức tin nơi ĐCT: “…Dân sự của mẹ là dân sự của con; ĐCT của mẹ là ĐCT của con…” (Ru-tơ 1:16) và nàng trở thành tổ mẩu của Chúa Giê-xu. Hoặc như gia đình của kỵ nữ Ra-háp ở thành Giê-ri-cô, là hai phụ nữa ngoại bang đã gia nhập Do Thái.
Khi tôi báo cho anh biết rằng, Do-thái Giáo do giới Pha-ri-si lập ra, chỉ xuất hiện trong giai đoạn khoảng 400 năm Đức Chúa Trời yên lặng với dân I-sơ-ra-ên, giữa Cựu Ước và Tân Ước [https://timhieutinlanh.com/biengiao/?p=525]:
Kính thưa anh Ấn, Thánh Kinh không hề nói đến chuyện dân ngoại bang do nhập Do-thái Giáo, và Do-thái Giáo không hình thành cho đến khi những người Pha-ri-si lập ra nó trong khoảng thời gian 400 năm Đức Chúa Trời yên lặng đối với dân I-sơ-ra-ên. Trước đó, chỉ có tuyển dân của Chúa thờ phượng Chúa theo Lời của Ngài là Thánh Kinh, không hề có một tôn giáo hay Giáo Hội Do-thái nào cả.
Thánh Kinh nói rất rõ là “Các người dân ngoại về cùng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu” chứ không nói “Các người dân ngoại gia nhập Do-thái Giáo.”
“Các người dân ngoại về cùng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, để hầu việc Ngài, để yêu mến danh Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, để làm tôi tớ Ngài; tức là hết thảy những kẻ giữ ngày Sa-bát cho khỏi ô uế, và cầm vững lời giao ước Ta” (Ê-sai 56:6)
Cũng vậy, ngày nay các người dân ngoại về cùng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, chứ không gia nhập Do-thái Giáo hay Cơ-đốc Giáo, hay bất cứ một Giáo Hội Tin Lành nào cả. Tôi xin mượn lời của một con dân Chúa tại Hà Nội, cháu Nguyễn Mạnh Tưởng, để kết thúc bài biện giáo này:
“Rõ ràng mười điều răn là Chúa phán chung cho toàn bộ dân I-sơ-ra-ên thuộc thể và dân I-sơ-ra-ên thuộc linh. Đôi khi chúng ta quên rằng những ai tin và làm theo lời Đức Chúa Trời thì đều là “con cháu thật của Áp-ra-ham” và “là người Giu-đa thật.”
[https://timhieutinlanh.com/biengiao/?page_id=440#comment-22].
Thì anh thản nhiên viết:
Tôi vẫn TRƯỚC SAU NHƯ MỘT À. Sau đó tôi có mở ngoặc là ( anh không đọc những chữ nầy sao: “Niềm tin Do Thái – niềm tin Độc Thần”), chứ thời CƯ đâu có DoThái Giáo.
Chính anh viết: “Việc dân ngoại bang cải đạo gia nhập Do Thái Giáo (câu 3,6) là một điều rất thông thường trong lịch sử. Chẳng hạn như nàng Ru-tơ…” rồi cũng chính anh dựa vào thông tin tôi cung cấp để viết: “thời CƯ đâu có DoThái Giáo.” Vậy là trước sau như một đó sao anh Ấn?
Khi tôi dùng Ê-sai 56:6 để chứng minh điều răn thứ tư áp dụng cho muôn dân cứ không riêng cho dân I-sơ-ra-ên, thì anh viết [https://timhieutinlanh.com/biengiao/?p=525]:
Đây là lời tiên tri thứ 70 chưa ứng nghiệm trong Ê-sai.
Tôi liền chứng minh cho anh biết Ê-sai 56 đã ứng nghiệm từ trước khi Đức Chúa Jesus Christ đến thế gian và sự ứng nghiệm đó vẫn kéo dài cho đến thời Ngàn Năm Bình An [https://timhieutinlanh.com/biengiao/?p=534]; thì anh chỉ đáp lại một câu:
Một lời tiên tri có thể ứng nghiệm gần và ứng nghiệm xa, và có thể ứng nghiệm xa hơn.
Vậy, sao trước đó anh thản nhiên viết Ê-sai 56:6 là lời tiên tri thứ 70 chưa ứng nghiệm trong Ê-sai? Sau khi tôi phản biện, chứng minh cho anh thấy qua Thánh Kinh và lịch sử, Ê-sai 56 đã ứng nghiệm từ trước khi Đức Chúa Jesus giáng sinh và sự ứng nghiệm đó sẽ kéo dài đến suốt thời kỳ Ngàn Năm Bình An, có nghĩa là bao gồm thời đại của chúng ta, có nghĩa là ngay trong thời đại của chúng ta, thì điều răn thứ tư vẫn áp dụng cho muôn dân. Thì anh chỉ viết một câu: “Một lời tiên tri có thể ứng nghiệm gần và ứng nghiệm xa, và có thể ứng nghiệm xa hơn.” Như vậy, có phải anh công nhận lời giải thích của tôi về Ê-sai 56 và công nhận điều răn thứ tư áp dụng cho muôn dân chứ không riêng dân I-sơ-ra-ên?
Dĩ nhiên, anh công nhận hay không công nhận lời giải thích của tôi về Ê-sai 56 để dẫn đến kết luận: điều răn thứ tư áp dụng cho muôn dân trong mọi thời đại, kể từ khi điều răn ấy được ban hành; thì cũng không thay đổi thực tế đã được chứng minh bằng Thánh Kinh và lịch sử.
Tôi nghĩ là, độc giả đọc những điều anh viết thì đã biết, anh có “tiền hậu bất nhất,” tự mâu thuẫn chính mình, hay không? Riêng đối với tôi, tôi cảm thấy rất là mỏi mệt và phí thời gian vô ích khi phải biện giáo với một người không nắm vững điều mình nói, viết và không nhớ ngay cả chính điều mình nói, viết. Xin lỗi anh nếu lời thật làm mích lòng!
Tiếp theo đây, tôi xin giải thích tất cả các câu Thánh Kinh mà anh đã trưng dẫn, để anh thấy rằng:
(1) Không một câu Thánh Kinh nào do anh đưa ra dạy rằng, có một ngày Sa-bát khác dành cho con dân Chúa trong Thời Tân Ước.
(2) Không một câu Thánh Kinh nào do anh đưa ra dạy rằng, con dân Chúa Thời Tân Ước không cần vâng giữ điều răn thứ tư.
(3) Không một câu Thánh Kinh nào do anh đưa ra dạy rằng, điều răn thứ tư chỉ dành riêng cho dân I-sơ-ra-ên.
Mục Tử Huỳnh Christian Timothy Chú Giải Các Câu Thánh Kinh do Mục Sư Nguyễn Quốc Ấn Trích Dẫn:
Tôi xin dùng Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012 là bản dịch chính xác hơn Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống [https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/]:
Rô-ma 10:4 Vì Đấng Christ là sự cuối cùng của luật pháp, cho sự công bình đối với những kẻ tin.
Thuật ngữ “sự cuối cùng” (G5056) trong câu Thánh Kinh trên đây là một danh từ, có nghĩa là:
(1) Đơn vị cuối cùng của một thực thể, như: mắc xích cuối cùng của một sợi dây xích; toa xe cuối cùng của một đoàn xe lửa.
(2) Sự làm trọn một hành động, sự làm trọn một công việc.
(3) Mục đích, điểm đến.
(4) Cái giá phải trả theo sự quy định của luật pháp, như: thuế mua hàng hóa [4].
Cả bốn ý nghĩa nêu trên đều áp dụng cho Rô-ma 10:4:
(1) Đấng Christ là đơn vị cuối cùng của mọi lời tiên tri và luật pháp.
(2) Đấng Christ làm trọn sự đòi hỏi của luật pháp, tức là làm trọn sự chuộc tội cho nhân loại (Hê-bơ-rơ 7:27). Đồng thời, Đấng Christ làm trọn sự: từ trong loài người Ngài làm ra một dòng dõi thánh (Ma-la-chi 2:15).
(3) Đấng Christ là mục đích mà luật pháp dẫn loài người đến (Ga-la-ti 3:24).
(4) Đấng Christ là cái giá mà Đức Chúa Trời, vì sự công chính của chính Ngài, phải trả để cứu chuộc nhân loại.
Tất cả đều có chung một mục đích, là thánh hóa và xưng công chính những ai thật lòng ăn năn tội, muốn quay về địa vị làm con của Đức Chúa Trời. Ý nghĩa của Rô-ma 10:4 là tuyệt vời như vậy; nhưng nhiều nhà giải kinh thời đại đã vô tình hay cố ý, biến thuật ngữ này thành động từ, để dạy rằng: “Đấng Christ đã dẹp bỏ luật pháp của Đức Chúa Trời; điển hình là Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời!”
Chính Đức Chúa Jesus Christ đã khẳng định, Ngài đến không phải để phá bỏ luật pháp nhưng để làm cho trọn (Ma-thi-ơ 5:17). Nếu tôi nói rằng, tôi đến không phải để hủy phá căn nhà, mà là để làm cho trọn, thì có phải căn nhà vẫn còn đó, nhưng đã được tôi hoàn thành một cách tốt đẹp hay không?
Vậy thì, tại sao nhiều giáo hội mang danh Chúa và các giáo sư của họ ngang nhiên dạy rằng: Đấng Christ là sự cuối cùng của luật pháp có nghĩa là Ngài đã dẹp bỏ Mười Điều Răn, con dân Chúa không cần phải vâng theo Mười Điều Răn nữa?
Luật pháp của Đức Chúa Trời là nền tảng cho mọi sinh hoạt của loài người, trên đối với Thiên Chúa, dưới đối với lẫn nhau. Trong Thời Cựu Ước là giai đoạn Thiên Chúa dạy cho loài người sự thiêng liêng, công bình, và thánh khiết của luật pháp. Trong Thời Tân Ước, Đức Chúa Jesus Christ thay cho loài người làm trọn luật pháp, để loài người nhờ đó mà được Đức Chúa Trời xưng là công nghĩa, mà được tái sinh thành người mới. Người được tái sinh nhờ Đấng Christ ban cho sức của Ngài (Phi-líp 4:13) để làm trọn những việc lành Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho (Ê-phê-sô 2:10), tức là Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời.
Rô-ma 10:4 hoàn toàn không hề có ý nghĩa là Đức Chúa Jesus Christ đã dẹp bỏ điều răn hay là luật pháp của Đức Chúa Trời. Vì chính trong Rô-ma 3:31, Phao-lô kêu gọi con dân Chúa không được bỏ luật pháp, mà phải làm cho luật pháp vững bền. Những người chống đối việc con dân Chúa vâng giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy, luôn luôn né tránh giải thích Rô-ma 3:31.
Rô-ma 10:4 không hề dạy rằng, con dân Chúa không cần phải giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy! Cũng không dạy rằng Đức Chúa Jesus Christ đã dẹp bỏ Mười Điều Răn, hoặc chỉ dẹp bỏ dẹp bỏ điều răn thứ tư. Vậy, tại sao anh Ấn trích dẫn câu này để chứng minh là con dân Chúa không cần giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy? Nếu anh Ấn hiểu rằng: “Đấng Christ là sự cuối cùng của luật pháp” có nghĩa là Đấng Christ đã dẹp bỏ Mười Điều Răn, thì anh cứ tha hồ phạm Mười Điều Răn! Chứ sao anh chỉ phạm điều răn thứ tư?
II Cô-rinh-tô 3:1-18 (thay vì chỉ trích từ câu 5-15, như anh Ấn, tôi xin trích toàn đoạn):
1 Chúng tôi há lại bắt đầu tự phô mình, hay là như người khác là kẻ cần có thư giới thiệu đến anh em, hoặc nhờ thư giới thiệu của anh em sao?
2 Ấy chính anh em là thư giới thiệu của chúng tôi, viết trong lòng chúng tôi, mọi người đều biết và đều đọc.
3 Vả, rõ thật rằng anh em là bức thư của Đấng Christ, bởi chức vụ chúng tôi viết ra, chẳng phải viết bằng mực, nhưng bằng Linh của Thiên Chúa Hằng Sống, chẳng phải viết trên bảng đá, nhưng trên bảng thịt, tức là trên lòng anh em.
4 Nầy là sự tin chắc của chúng tôi nhờ Đấng Christ mà có trong Đức Chúa Trời:
5 không phải tự mình chúng tôi có tài năng mà nghĩ việc gì như bởi chính mình chúng tôi, nhưng tài năng của chúng tôi đến từ Đức Chúa Trời;
6 Đấng khiến cho chúng tôi trở thành người giúp việc của giao ước mới, không bởi chữ nhưng bởi linh. Vì chữ thì giết nhưng Đấng Thần Linh thì ban sự sống!
7 Vả, nếu chức vụ của sự chết, chạm chữ trên bảng đá, đã là vinh quang lắm đến nỗi con cái I-sơ-ra-ên không có thể ngó trên mặt Môi-se, vì cớ sự sáng láng trên mặt người, dầu là tạm,
8 thì làm sao chức vụ của Đấng Thần Linh chẳng vinh quang hơn?
9 Vậy, nếu chức vụ của sự định tội còn được vinh quang, thì chức vụ của sự công bình được vinh quang hơn bội phần.
10 Vả lại, sự vinh quang trong chức vụ thứ nhất biến đi bởi sự vinh quang rất cao hơn của chức vụ thứ nhì;
11 vì nếu sự phải qua đi còn có lúc vinh quang thay, phương chi sự còn lại sẽ có vinh quang dường nào nữa!
12 Vậy, chúng tôi có sự trông cậy dường ấy, nên nói cách dạn dĩ,
13 chúng tôi chẳng làm như Môi-se lấy màn che mặt mình, hầu cho con cái I-sơ-ra-ên không trông thấy cuối cùng của sự phải qua.
14 Nhưng ý tưởng họ đã cứng cỏi; vì đến ngày nay, khi họ đọc Cựu Ước, cái màn ấy vẫn còn chưa cất khỏi, dù nó đã được cất đi trong Đấng Christ.
15 Ấy vậy, cho đến ngày nay, mỗi lần người ta đọc sách Môi-se cho họ, cái màn ấy vẫn còn ở trên lòng họ.
16 Khi họ sẽ trở lại cùng Chúa, thì màn ấy mới cất khỏi.
17 Vả, Chúa là Linh ấy, Đấng Thần Linh của Chúa ở đâu, thì sự tự do cũng ở đó.
18 Chúng ta ai nấy đều để mặt trần mà nhìn xem như xem trong gương vinh quang của Chúa, và được biến nên như ảnh tượng Ngài, từ vinh quang qua vinh quang, như bởi Linh của Chúa.
Trong suốt II Cô-rinh-tô 3 hoàn toàn không có một câu Thánh Kinh nào dạy rằng: Có một ngày Sa-bát khác dành cho con dân Chúa trong Thời Tân Ước; hoặc dạy rằng con dân Chúa Thời Tân Ước không cần vâng giữ điều răn thứ tư; hoặc dạy rằng, điều răn thứ tư chỉ dành riêng cho dân I-sơ-ra-ên; hoặc dạy rằng ngày Sa-bát trong Thánh Kinh đã được đổi sang một ngày khác trong tuần lễ.
Vì tôi đã giảng giải kinh 18 câu Thánh Kinh trên đây, nên xin anh Ấn và quý bạn đọc nghe bài giảng chú giải của tôi về II Cô-rinh-tô 3, tại đây: http://www.timhieutinlanh.net/?p=3346. Tôi chỉ tóm lược bài giảng ấy (“Vì Chữ Thì Giết Nhưng Đấng Thần Linh Thì Ban Sự Sống”) như sau:
Sự tự do trong Đấng Christ là sự được tự do khỏi quyền lực của tội lỗi để vâng giữ trọn vẹn Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, chứ không phải sự tự do không cần phải vâng giữ Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời.
Cái màn Phao-lô nói đến ở đây là sự vô trí của những ai tưởng rằng, sau khi phạm tội thì nhờ giữ trọn Mười Điều Răn mà được cứu! Họ không hiểu, sự giữ trọn Mười Điều Răn là bổn phận, hễ vi phạm thì bị phạt, chứ sự giữ trọn Mười Điều Răn không cứu được ai. Tôi không thể nào nói với quan tòa rằng: Trước khi tôi vượt đèn đỏ lần này, thì tôi chưa bao giờ vi phạm luật giao thông, và tôi hứa mãi về sau cũng không bao giờ phạm luật giao thông. Vì thế, xin quan tòa miễn cho tôi sự phải chịu phạt.
Giao ước cũ yêu cầu tôi phải giữ trọn Mười Điều Răn. Nếu tôi giữ trọn thì không bị hình phạt. Nếu tôi giữ không trọn, thì bị hình phạt. Giao ước cũ không cung cấp cho tôi sự cứu rỗi ra khỏi sự yếu đuối của xác thịt tôi, là sự khiến tôi cứ phạm tội. Giao ước cũ cũng không cứu tôi ra khỏi hình phạt của luật pháp Đức Chúa Trời, nếu tôi phạm tội.
Giao ước mới vẫn yêu cầu tôi giữ trọn Mười Điều Răn. Tuy nhiên, giao ước mới cung cấp cho tôi sự cứu rỗi ra khỏi sự yếu đuối của xác thịt tôi, ra khỏi hình phạt của luật pháp Đức Chúa Trời; bởi sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ và sự ban Thánh Linh của Đức Thánh Linh. Nhờ đó, tôi thoát khỏi hình phạt của luật pháp mà còn có thể giữ trọn vẹn Mười Điều Răn.
Ga-la-ti 3:19 Vậy thì làm sao có luật pháp? luật pháp đã đặt thêm, vì cớ những sự phạm pháp, cho tới chừng nào người dòng dõi đến, là người mà lời hứa đã hứa cho; luật pháp được ban ra bởi mấy thiên sứ và truyền ra bởi một người trung bảo.
Chính câu này đã xác nhận luật pháp được nói đến trong Ga-la-ti (do các thiên sứ ban ra) khác với Mười Điều Răn (do chính Thiên Chúa ban ra, bằng cách Ngài trực tiếp phán với dân I-sơ-ra-ên và chính Ngài chép trên hai bảng đá). Từ ngữ “luật pháp” được dùng trong Cựu Ước hoặc Tân Ước đều có ba nghĩa như sau:
(1) Ý muốn của Đức Chúa Trời mà loài người phải làm theo, còn gọi là các điều răn, được tóm gọn trong Mười Điều Răn mà chính ngón tay của Thiên Chúa đã hai lần chép trên hai bảng đá.
(2) Sự giải thích Mười Điều Răn và đưa ra biện pháp chế tài, tức là quy định hình phạt, dành cho những ai vi phạm Mười Điều Răn, còn gọi là “Luật Môi-se” với ý nghĩa là luật pháp của Đức Chúa Trời do Môi-se chép thành sách, chứ không phải luật do Môi-se đặt ra. Luật pháp này do các thiên sứ truyền cho Môi-se, để Môi-se chép vào một cuốn sách, gọi là sách luật pháp (Phục Truyền Luật Lệ Ký 31:26). Dĩ nhiên, khi chép sách luật pháp, thì Môi-se cũng chép lại Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời vào đó.
(3) Luật tổ chức chính quyền, quân đội, luật địa ốc, luật dân sự và vệ sinh chỉ dành riêng cho quốc gia I-sơ-ra-ên.
Tùy theo văn cảnh của câu Thánh Kinh mà chúng ta đọc, chúng ta sẽ biết từ ngữ “luật pháp” được dùng trong câu ấy có nghĩa nào. Sứ Đồ Phao-lô, bởi sự thần cảm của Đức Thánh Linh đã cho chúng ta biết một chi tiết lý thú, đó là, không phải Thiên Chúa trực tiếp phán truyền cho Môi-se ghi chép các luật pháp vào trong cuốn sách luật pháp, mà là các thiên sứ. Trong khi đó, Mười Điều Răn thì do Thiên Chúa trực tiếp phán truyền từ trên núi Si-na-i và do ngón tay Ngài hai lần chép trên hai bảng đá.
Mệnh đề “luật pháp đã đặt thêm” có nghĩa là: Ngoài Mười Điều Răn do chính Ngài phán truyền và ghi chép, thì Thiên Chúa đã sai các thiên sứ truyền thêm luật pháp cho Môi-se để ông chép vào một cuốn sách. Rõ ràng là: Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, trong đó có điều răn “Hãy nhớ ngày Sa-bát. Hãy thánh hóa nó” không phải là luật pháp do mấy thiên sứ truyền ra. Chính vì không biết phân biệt Mười Điều Răn do Thiên Chúa chép với luật pháp do Môi-se chép, mà các nhà thần học của các giáo hội đã khiến cho biết bao con dân Chúa hiểu sai Lời Chúa, vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời, suốt hàng ngàn năm nay.
Kính mời anh Ấn và quý bạn đọc, cùng với tôi đọc lại những câu Thánh Kinh dưới đây, để thấy là Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời khác với luật pháp (là sự giải thích Mười Điều Răn và quy định về hình phạt cho những ai vi phạm Mười Điều Răn) do các thiên sứ truyền cho Môi-se:
Xuất Ê-díp-tô Ký 20:1 Bấy giờ, Thiên Chúa phán mọi lời này:
Xuất Ê-díp-tô Ký 31:18 Khi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã phán xong cùng Môi-se tại núi Si-na-i, cho người hai bảng chứng bằng đá, với ngón tay Thiên Chúa viết ra.
Xuất Ê-díp-tô Ký 32:16 Hai bảng đó là việc của Thiên Chúa làm ra; chữ cũng là chữ của Thiên Chúa khắc trên bảng.
Xuất Ê-díp-tô Ký 34:1 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán với Môi-se rằng: Hãy đục hai bảng đá như hai bảng trước; rồi Ta sẽ viết trên hai bảng này các lời đã ở nơi hai bảng kia, mà ngươi đã làm bể.
Xuất Ê-díp-tô Ký 34:28 Môi-se ở đó cùng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu trong bốn mươi ngày và bốn mươi đêm, không ăn bánh, cũng không uống nước; Đấng Tự Hữu Hằng Hữu chép trên hai bảng đá các lời giao ước, tức là mười lời.
Phục Truyền Luật Lệ Ký 4:13 Ngài rao truyền cho các ngươi biết sự giao ước của Ngài, khiến các ngươi gìn giữ lấy, và Ngài chép mười lời ấy trên hai bảng đá.
Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:3 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu tại trên núi từ giữa lửa, đã đối diện phán với các ngươi.
Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:22 Tại trên núi, giữa lửa, mây và sự tối tăm, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu có dùng tiếng lớn phán những lời này cho cả hội các ngươi, Ngài không thêm gì hết; rồi Ngài ghi các lời đó trên hai bảng đá, và trao cho ta.
Phục Truyền Luật Lệ Ký 9:10 và Đấng Tự Hữu Hằng Hữu trao cho ta hai bảng đá, bởi ngón tay Thiên Chúa viết ra, có đủ những lời mà Đấng Tự Hữu Hằng Hữu từ giữa lửa, tại trên núi, có phán ra cùng các ngươi, trong ngày nhóm hiệp.
Lời Chúa thật là rõ ràng, nhưng vẫn có nhiều người cố ý nói rằng, Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời là luật pháp do các thiên sứ ban ra! Hoặc họ gom chung Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời do chính ngón tay Thiên Chúa hai lần viết ra với các luật pháp do Môi-se ghi chép, để rồi ngang nhiên phủ nhận thẩm quyền của Mười Điều Răn trong Thời Tân Ước!
Từ ngữ “luật pháp” được dùng trong suốt sách Ga-la-ti là luật pháp về sự tha tội và làm cho sạch tội qua sự dâng sinh tế chuộc tội, là những điều làm bóng cho sự chuộc tội mà Đấng Christ sẽ làm cho nhân loại, khi Ngài đến thế gian. Sau khi Đấng Christ đến, thì các điều khoản liên quan đến sự tha tội và làm cho sạch tội trong luật pháp vẫn còn hiệu lực; nhưng loài người không thể dựa vào sự thi hành các nghi thức tế lễ chuộc tội, để được tha tội. Vì Đức Chúa Jesus Christ đã làm sinh tế chuộc tội, một lần đủ cả. Thế nhưng các giáo sư giả tại Ga-la-ti lại dạy cho tín đồ tại Ga-la-ti rằng, muốn được cứu phải vâng giữ phép cắt bì, là giao ước Đức Chúa Trời lập riêng với Áp-ra-ham trước khi Mười Điều Răn và luật pháp được ban hành trên núi Si-na-i! Phao-lô lên án việc giữ phép cắt bì hoặc việc làm theo luật pháp để được cứu chứ Phao-lô không hề dạy rằng Mười Điều Răn và luật pháp không còn hiệu lực, con dân Chúa không cần vâng giữ. Vì Phao-lô dạy rõ trong Rô-ma 3:21 rằng, con dân Chúa không được bỏ luật pháp, mà trái lại, con dân Chúa phải làm cho vững bền luật pháp.
Thánh Kinh không hề nói: Ngày Sa-bát Thứ Bảy là bóng trong Đấng Christ. Thánh Kinh cũng không hề nói Đức Chúa Jesus Christ đã giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy một lần đủ cả cho nhân loại, nên từ nay nhân loại không cần phải nghỉ lao động trong ngày Sa-bát để nhóm hiệp thờ phượng Đức Chúa Trời. Thánh Kinh cũng không hề dạy rằng, con dân Chúa có thể giữ ngày Sa-bát vào một ngày nào khác hơn là ngày Thứ Bảy.
Ga-la-ti 3:20 Người trung bảo chẳng phải là người trung bảo của một bên, nhưng Đức Chúa Trời chỉ có một.
Người trung bảo đại diện cho hai hay nhiều bên trong một giao ước hay một sự thương lượng, nếu không có hai hay nhiều bên, thì không cần phải có người trung bảo. Về phía loài người dù có nhiều dân tộc, nhiều nước khác nhau, nhưng về phía Đức Chúa Trời thì chỉ có một Đức Chúa Trời chung cho mọi dân tộc, mọi nước (II Các Vua 19:15; Ê-sai 37:16). Vì thế, trong Thời Cựu Ước Môi-se là người trung bảo giữa Đức Chúa Trời và tất cả những ai muốn hưởng ơn phước của Ngài trong mười lời giao ước, tức Mười Điều Răn, bất kể họ thuộc dân tộc nào, chỉ cần họ vâng giữ mười lời giao ước, tức Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời. Thực tế, Thánh Kinh cho chúng ta biết, có vô số người thuộc các dân ngoại đã nhập chung với dân I-sơ-ra-ên, rời khỏi Ai-cập (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:38). Tất cả những người ấy đều được Môi-se làm người trung bảo giữa họ và Đức Chúa Trời, được hưởng tất cả các ơn phước của Đức Chúa Trời trong giao ước cũ. Trong Thời Tân Ước, Đức Chúa Jesus Christ là Đấng trung bảo giữa Thiên Chúa và loài người (I Ti-mô-thê 2:5; Hê-bơ-rơ 8:6; 9:15; 12:24). Tất cả những ai tin nhận Tin Lành của Đức Chúa Trời thì được hưởng ơn phước của Ngài trong giao ước mới.
Giao ước mới là: Loài người (1) hãy ăn năn tội, tức là đừng tiếp tục vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời; (2) hãy tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ; (3) thì sẽ được tha tội, được làm cho sạch tội, được tái sinh, được ban cho địa vị làm con nuôi của Đức Chúa Trời. (4) Sau khi được tái sinh, nếu trung tín cho đến chết, tức là không trở lại nếp sống vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, thì sẽ được sự sống đời đời, được đồng cai trị với Đức Chúa Jesus Christ trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Ngược lại, nếu quay về sống trong tội lỗi, thì sẽ không còn có tế lễ chuộc tội nữa.
Ga-la-ti 3:21 Vậy thì luật pháp nghịch cùng lời hứa của Đức Chúa Trời hay sao? chẳng hề như vậy; vì nếu đã ban cho một luật pháp có thể làm cho sống, thì sự công bình chắc bởi luật pháp mà đến.
Luật pháp là thánh, công bình, và thiện (Rô-ma 7:12) nên luật pháp không thể nghịch lại lời hứa về sự cứu chuộc của Đức Chúa Trời. Nếu luật pháp không nghịch lại lời hứa thì tại sao luật pháp có thể bị lời hứa dẹp bỏ? Lời hứa không hề dẹp bỏ luật pháp, mà lời hứa thể hiện sự công bình bởi luật pháp mà đến. Lời hứa, hứa rằng: Vì cớ mọi người đều đã phạm tội, nên luật pháp phải thi hành hình phạt trên tất cả mọi người. Tuy nhiên, vì Đức Chúa Trời là tình yêu. Ngài yêu thế gian, nên Ngài sẽ ban cho thế gian Con Một của Ngài. Con ấy sẽ gánh thay hình phạt của luật pháp cho toàn thể nhân loại. Nhờ đó, sự công chính của luật pháp được thỏa mãn, và loài người được tha tội.
Khi Con Một của Đức Chúa Trời đến thế gian, gánh lấy hình phạt của tội lỗi thay cho toàn thể nhân loại, thì Ngài làm trọn sự đòi hỏi của luật pháp, Ngài làm cho luật pháp được vững bền. Những ai tin nhận Ngài thì được Ngài sống trong họ, để họ cũng có thể giữ trọn Mười Điều Răn như Ngài đã giữ trọn, mà làm cho luật pháp được vững bền. Người thật sự ở trong giao ước mới là người có Đấng Christ sống trong họ, nên họ có thể giữ trọn Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời như Đấng Christ đã giữ:
“Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi; nay tôi còn sống trong xác thịt, ấy là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi” (Ga-la-ti 2:20).
Lý do gì Đấng Christ sống trong tín đồ mà Ngài lại không muốn cho tín đồ vâng giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy, do chính Ngài làm Chúa của ngày ấy, để thể xác tín đồ được nghỉ lao động mệt nhọc, và để tín đồ có thể nhóm hiệp với nhau thờ phượng Đức Chúa Trời, theo mệnh lệnh của Cha Ngài? Lý do gì tín đồ có Đấng Christ sống trong mình mà lại không thể giữ trọn Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời về mặt thuộc thể lẫn thuộc linh?
Ga-la-ti 3:22 Nhưng Thánh Kinh đã nhốt mọi người dưới tội lỗi, để lời hứa bởi đức tin trong Đức Chúa Jesus Christ được ban cho những kẻ tin.
Vì mọi người đều đã phạm tội, tức là vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, nên Lời của Đức Chúa Trời là Thánh Kinh, đã công bố sự thật ấy. Bởi sự công bố ấy của Thánh Kinh mà loài người mới ý thức địa vị hư mất của mình trong tội lỗi. “Thánh Kinh đã nhốt mọi người dưới tội lỗi” có nghĩa là: Lời Chúa lên án tất cả mọi người, vì mọi người đều đã phạm tội! Bản án dành cho tất cả mọi người là sự hư mất đời đời! Tuy nhiên, Đức Chúa Trời là tình yêu. “Ngài muốn cho mọi người được cứu rỗi và hiểu biết lẽ thật” (I Ti-mô-thê 2:4), nên Ngài đã ban cho loài người lời hứa về sự được cứu ra khỏi quyền lực và hậu quả của tội lỗi. Sự giải cứu ấy chỉ có trong Đức Chúa Jesus Christ. Vì chính Đức Chúa Jesus Christ là sinh tế chuộc tội cho nhân loại, là Chiên Con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất đi tội lỗi của thế gian!
Ga-la-ti 3:23 Trước khi đức tin chưa đến, chúng ta bị nhốt dưới sự canh giữ của luật pháp mà chờ đức tin phải bày ra.
Trước khi Đấng Christ chưa đến, đức tin trong Đấng Christ chưa có, thì loài người phải làm các nghi thức về sự dâng của lễ chuộc tội để được Đức Chúa Trời tha tội (giao ước cũ). Nếu ai không dâng của lễ chuộc tội, thì không được tha tội. Vì thế, mới nói là loài người bị nhốt dưới sự canh giữ của luật pháp.
Ga-la-ti 3:24 Ấy vậy, luật pháp đã là người giám hộ, dẫn chúng ta đến Đấng Christ, hầu cho chúng ta bởi đức tin mà được xưng công bình.
Trong văn hóa La-mã và Hy-lạp, người giám hộ là người được giao cho công việc chăm sóc và dạy dỗ các bé trai, con nhà giàu có, về kiến thức và đạo đức, cho đến khi các em trưởng thành. Luật pháp của Đức Chúa Trời giữ vai trò giám hộ loài người cho đến khi Đấng Christ đến, loài người trưởng thành trong thuộc linh. Luật pháp dạy cho loài người biết họ đã phạm tội như thế nào, hình phạt của tội lỗi ra sao, và điều quan trọng là họ cần phải có một sinh tế chuộc tội. Luật pháp buộc họ phải thực tế dâng sinh tế làm của lễ chuộc tội, để giúp họ hiểu được ý nghĩa và mục đích sự chết của Đức Chúa Jesus Christ.
Ga-la-ti 3:25 Song khi đức tin đã đến, chúng ta không còn phục dưới người giám hộ ấy nữa.
Khi Đức Chúa Jesus Christ đã đến và dâng chính mình Ngài làm của lễ chuộc tội cho nhân loại, thì loài người không còn phải dâng sinh tế chuộc tội theo sự đòi hỏi của luật pháp nữa. Không còn dâng sinh tế chuộc tội theo sự đòi hỏi của luật pháp không có nghĩa là luật pháp về sự hình phạt tội lỗi đã bị hủy bỏ. Nếu luật pháp về sự hình phạt tội lỗi đã bị hủy bỏ thì đã không có Hê-bơ-rơ 10:26-27:
“Vì nếu chúng ta đã nhận biết lẽ thật rồi, mà lại cố ý phạm tội, thì không còn có tế lễ chuộc tội nữa, nhưng chỉ có sự đợi chờ kinh khiếp về sự phán xét, và lửa thiêu nuốt sẽ đốt cháy kẻ bội nghịch mà thôi.”
Qua sự phân tích trên đây, chúng ta thấy: Trong suốt Ga-la-ti 3:19-25 hoàn toàn không có một câu nào dạy rằng: Có một ngày Sa-bát khác dành cho con dân Chúa trong Thời Tân Ước; hoặc dạy rằng con dân Chúa Thời Tân Ước không cần vâng giữ điều răn thứ tư; hoặc dạy rằng, điều răn thứ tư chỉ dành riêng cho dân I-sơ-ra-ên; hoặc dạy rằng ngày Sa-bát trong Thánh Kinh đã được đổi sang một ngày khác trong tuần lễ. Vì thế mà tôi nói rằng, những câu Thánh Kinh anh Ấn trích dẫn hoàn toàn không chứng minh gì cho lý luận của anh.
Ga-la-ti 4:21 Hãy nói cho tôi, anh em là kẻ ưa phục dưới luật pháp, không nghe luật pháp sao?
Đây là phân đoạn Thánh Kinh Phao-lô lên án những kẻ cậy việc vâng giữ luật pháp để được xưng công bình. Toàn phân đoạn này không hề liên quan gì đến việc con dân dân Chúa sau khi được cứu bởi đức tin, có Đấng Christ sống trong mình, có luật pháp của Đức Chúa Trời chép trong lòng, bởi sức của Đấng Christ ban cho và bởi Thánh Linh của Đức Chúa Trời mà vâng giữ trọn vẹn các điều răn của Đức Chúa Trời. Đây cũng là chiêu thức ngụy biện, đánh lạc hướng thường được sử dụng nhất của những người bác bỏ điều răn thứ tư.
Kính thưa anh Ấn. Có chỗ nào trong sự giảng dạy của tôi về sự con dân Chúa phải vâng giữ Mười Điều Răn mà nói rằng, con dân Chúa phải vâng giữ Mười Điều Răn để được cứu hay không? Nếu không, tại sao anh trưng dẫn Ga-la-ti 4:21-31 ra để biện luận với tôi? Vì đây là phân đoạn Thánh Kinh lên án những ai muốn dựa vào sự vâng giữ các điều răn và luật pháp để được cứu. Phân đoạn Thánh Kinh này không hề lên án việc con dân Chúa sau khi được cứu thì sốt sắng vâng giữ các điều răn và luật pháp, là điều mà nhiều nơi khác trong Thánh Kinh Cựu Ước truyền dạy. Dầu vậy, tôi cũng nhân đây giải thích luôn phân đoạn này, để anh thấy rằng phân đoạn này cũng không hề dạy rằng: Có một ngày Sa-bát khác dành cho con dân Chúa trong Thời Tân Ước; hoặc dạy rằng con dân Chúa Thời Tân Ước không cần vâng giữ điều răn thứ tư; hoặc dạy rằng, điều răn thứ tư chỉ dành riêng cho dân I-sơ-ra-ên; hoặc dạy rằng ngày Sa-bát trong Thánh Kinh đã được đổi sang một ngày khác trong tuần lễ.
Ga-la-ti 4:22 Vì có chép rằng Áp-ra-ham có hai con trai: một là con của người nữ tôi mọi, một là con của người nữ tự chủ.
Ga-la-ti 4:23 Nhưng con của người nữ tôi mọi sinh ra theo xác thịt, con của người nữ tự chủ sinh ra theo lời hứa.
Đức Thánh Linh đã qua Phao-lô, dạy cho con dân Chúa biết, sự kiện thực tế về việc Áp-ra-ham đã bởi một nữ nô lệ, sinh ra một con trai theo ý riêng, đối nghịch với con trai của lời hứa, có thể dùng làm nghĩa bóng về hai giao ước: Giao ước cũ: mọi người phải vâng giữ trọn vẹn Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời để được phước mà không bị hình phạt. Giao ước mới: Đức Chúa Jesus Christ gánh thay hình phạt cho những ai vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời. Ai tin và nhận sự cứu chuộc của Đức Chúa Jesus Christ, thì được tha tội và được sạch tội, được tái sinh thành một người mới, có năng lực của Thiên Chúa ban cho, để không còn vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời nữa, mà chỉ có hưởng phước từ Thiên Chúa.
Ga-la-ti 4:24 Cả điều đó có một nghĩa bóng: hai người nữ đó tức là hai lời giao ước, một là lời giao ước tại núi Si-na-i, sinh con ra để làm nô lệ ấy là nàng A-ga.
Ga-la-ti 4:25 Nàng A-ga, ấy là núi Si-na-i, trong xứ A-ra-bi; khác nào như thành Giê-ru-sa-lem bây giờ, thành đó với con cái mình đều làm nô lệ.
Loài người trong Thời Cựu Ước phải bằng sức riêng của mình mà vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời, chẳng khác gì nô lệ làm việc nặng nhọc, phục vụ chủ. Dân I-sơ-ra-ên dầu là con dân của Thiên Chúa, nhưng họ khốn khổ trong sự vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời, vì bản tính tội lỗi của họ nghịch lại với sự thánh khiết của các điều răn. Xin nghe hai bài giảng: “Chú Giải Rô-ma 7:1-6 – Tín Đồ Thoát Khỏi Tội Lỗi và Hình Phạt”[5], và “Chú Giải Rô-ma 7:7-25 – Luật Thiện và Luật Ác” [6]. Thời của Phao-lô cũng như ngày nay, đa số dân I-sơ-ra-ên vẫn sống theo tinh thần của giao ước cũ, không tiếp nhận giao ước mới, nên họ không được tái sinh để thoát khỏi quyền lực của tội lỗi và hình phạt của luật pháp. Vì thế, Đức Thánh Linh ví họ khốn khổ như những nô lệ của cả tội lỗi và luật pháp, lao nhọc để được cứu rỗi bởi việc làm, mà không bao giờ đạt được kết quả!
Ga-la-ti 4:26 Nhưng thành Giê-ru-sa-lem ở trên cao là tự do, và ấy là mẹ chúng ta.
Tín đồ Đấng Christ là công dân của Vương Quốc của Đức Chúa Trời, thành Giê-ru-sa-lem trên thiên đàng là thủ đô của Vương Quốc của Đức Chúa Trời, một ngày kia, sẽ hạ xuống trên đất. Đức Thánh Linh gọi Hội Thánh của Đấng Christ là con cái, tức là công dân, của thành Giê-ru-sa-lem trên cao. Là công dân của thành Giê-ru-sa-lem trên cao, chúng ta được thoát khỏi quyền lực của tội lỗi, vì chúng ta đã chết trong Đấng Christ; được thoát khỏi mọi án phạt của luật pháp, vì Đấng Christ đã gánh thay cho chúng ta. Chẳng những vậy, chúng ta còn được “mặc lấy người mới, tức là người đã được dựng nên giống như Thiên Chúa, trong sự công bình và sự thánh sạch của lẽ thật” (Ê-phê-sô 4:24), nên chúng ta không còn vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời nữa.
Ga-la-ti 4:27 Vì có lời chép: Hỡi đàn bà son, ngươi là kẻ chẳng sinh nở gì hết, hãy vui mừng; Ngươi là kẻ chẳng từng chịu đau đớn sinh đẻ, hãy mừng rỡ và trỗi tiếng reo cười, Vì của cải của vợ bị bỏ rơi sẽ đông hơn con cái của người nữ có chồng.
Đến đây thì Phao-lô nhắc lại lời tiên tri trong Ê-sai 54:1 để nói đến sự kiện dân ngoại (vợ bị bỏ rơi) sẽ có nhiều con cái dự phần trong giao ước mới hơn là dân I-sơ-ra-ên (người nữ có chồng). Mục đích là để cho con dân Chúa trong Hội Thánh tại Ga-la-ti đừng mặc cảm với các con dân Chúa trong dân tộc I-sơ-ra-ên:
Ga-la-ti 4:28 Hỡi anh em, về phần chúng ta, chúng ta cũng như Y-sác, là con của lời hứa.
Cho dù là dân I-sơ-ra-ên hay dân ngoại, con dân Chúa trong Hội Thánh đều là con thuộc linh của Áp-ra-ham, tức là con của lời hứa về sự dòng dõi của ông sẽ “nhiều như sao trên trời, đông như cát bờ biển” (Sáng Thế Ký 22:17), và mọi dân tộc trong thế gian sẽ nhờ dòng dõi ông mà được phước (Sáng Thế Ký 26:4)! Chính Thánh Kinh xác nhận: “Vậy anh em hãy nhận biết rằng những kẻ có đức tin là con cháu thật của Áp-ra-ham” (Ga-la-ti 3:7). Con cháu thật của Áp-ra-ham thì phải vâng giữ trọn vẹn Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời như dân I-sơ-ra-ên vâng giữ. Con cháu thật của Áp-ra-ham thì cùng nghỉ ngơi lao động vào ngày Sa-bát Thứ Bảy như dân I-sơ-ra-ên nghỉ ngơi, và cùng nhóm hiệp thánh thờ phượng Đức Chúa Trời trong ngày Sa-bát Thứ Bảy như dân I-sơ-ra-ên nhóm hiệp thờ phượng.
Ga-la-ti 4:29 Nhưng, như lúc bấy giờ, kẻ sinh bởi xác thịt bắt bớ kẻ sinh bởi linh, thì hiện nay cũng còn là thể ấy.
Sáng Thế Ký 21:9 ghi lại sự kiện con trai của A-ga, là ích-ma-ên, chế giễu trong ngày tiệc mừng I-sác thôi bú, nên bị Sa-ra yêu cầu Áp-ra-ham đuổi cả hai mẹ con ra khỏi nhà. Phao-lô mượn sự kiện đó để minh hoạ về sự những người đang nô lệ tội lỗi và luật pháp (cố gắng cậy sức riêng để giữ vẹn Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, nên vẫn còn sống trong tội, thay vì hoàn toàn tin nhận sự cứu chuộc của Đấng Christ, để được dựng nên mới) bắt bớ những người tin nhận Đấng Christ, là những người không còn làm theo những điều mang nghĩa bóng trong luật pháp.
Đến đây, xin anh Ấn chú ý cho: Không còn làm theo những điều mang nghĩa bóng trong luật pháp, để được tha tội và sạch tội, hoàn toàn khác với: làm theo luật pháp để đừng phạm tội nữa. Chính Đức Chúa Jesus đã phán: “Hãy đi! Đừng phạm tội nữa!” Đừng phạm tội nữa có nghĩa là gì, nếu không phải là đừng vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời? Vậy, tại sao ngày nay những người xưng mình là tín đồ của Đấng Christ lại thản nhiên vi phạm điều răn thứ tư?
Sách Ga-la-ti không hề dạy cho con dân Chúa vứt bỏ Mười Điều Răn hay vứt bỏ điều răn thứ tư, cũng không dạy con dân Chúa giữ ngày Sa-bát vào một ngày khác trong tuần lễ. Nội dung của sách Ga-la-ti dạy cho con dân Chúa rằng: họ không cần phải làm theo những điều mang nghĩa bóng trong luật pháp để được tha tội và sạch tội, vì Đấng Christ đã làm điều ấy một lần đủ cả. Việc Đấng Christ chấp hành luật pháp hoàn toàn không có nghĩa là, vì thế mà Mười Điều Răn hay là luật pháp của Đức Chúa Trời bị bãi bỏ. Trái lại, Phao-lô khuyên con dân Chúa không thể vì đức tin mà bỏ luật pháp:
“Vậy, chúng ta nhân đức tin mà bỏ luật pháp hay sao? Chẳng hề như vậy! Trái lại, chúng ta làm vững bền luật pháp” (Rô-ma 3:31).
Anh Ấn nghĩ rằng tôi không đọc những câu Thánh Kinh anh trưng dẫn, nhưng tôi lại thấy rằng, anh mới là người không chịu đọc những câu Thánh Kinh tôi trưng dẫn và giải thích rõ ràng. Chỉ một câu Rô-ma 3:31 đã cho thấy là con dân Chúa không được bỏ luật pháp. Tôi đã nhiều lần nhắc đến câu này, nhưng tôi chưa thấy anh trả lời.
Ga-la-ti 4:30 Nhưng Thánh Kinh, có nói gì? Hãy đuổi người nữ nô lệ và con trai nó; vì con trai của người nữ nô lệ sẽ không được kế tự với con trai của người nữ tự chủ.
Không riêng gì những người theo Do-thái Giáo, hay những người tin nhận sự cứu chuộc của Đấng Christ nhưng lại muốn hội nhập Do-thái Giáo vào đức tin của họ, mà là tất cả những ai chủ trương phải làm lành hoặc là phải làm các nghi thức, “bí tích” gì đó do các giáo hội đặt ra, để được cứu, thì đều sẽ không được kế tự với con dân chân thật của Đức Chúa Jesus Christ. Những người ấy vì làm theo ý riêng của mình, ý riêng của các giáo hội mà trở thành con của người nữ tôi mọi, không được hưởng phần cơ nghiệp của Cha mình.
Riêng đối với những ai đã tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời nhưng lại quay về sống trong tội, cố tình vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, thì số phận họ cũng đã được định sẵn trong Hê-bơ-rơ 10:26-27.
Ga-la-ti 4:31 Ấy vậy, hỡi anh em, chúng ta chẳng phải là con cái của người nữ tôi mọi, bèn là của người nữ tự chủ.
Vì những ai thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự cứu chuộc của Đấng Christ là con cái của sự tự do, cho nên, tội lỗi không còn ép buộc họ phạm tội được nữa, họ cũng không còn bị án phạt của luật pháp như Rô-ma 8:1 đã xác chứng. Họ là những người vâng giữ trọn vẹn các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời, như tổ phụ đức tin của họ là Áp-ra-ham:
“Bởi vì Áp-ra-ham đã vâng theo tiếng Ta, đã giữ gìn sự chỉ định của Ta, các điều răn của Ta, các luật lệ của Ta, các luật pháp của Ta” (Sáng Thế Ký 26:5).
Có phải, trong suốt các câu Thánh Kinh anh Ấn trưng dẫn trên đây không hề có câu nào dạy rằng: Có một ngày Sa-bát khác dành cho con dân Chúa trong Thời Tân Ước; hoặc dạy rằng con dân Chúa Thời Tân Ước không cần vâng giữ điều răn thứ tư; hoặc dạy rằng, điều răn thứ tư chỉ dành riêng cho dân I-sơ-ra-ên; hoặc dạy rằng ngày Sa-bát trong Thánh Kinh đã được đổi sang một ngày khác trong tuần lễ?
Ê-phê-sô 2:14 Vì, ấy chính Ngài là sự hòa bình của chúng ta; Ngài đã hiệp cả hai lại làm một, phá đổ bức tường ngăn cách,
Đức Chúa Jesus Christ là sự hòa bình của mọi dân tộc, nếu họ ở trong Ngài. Ngài hiệp dân ngoại với dân I-sơ-ra-ên làm một trong Ngài, vì Ngài là nhựa thánh của gốc ô-li-ve thánh (Áp-ra-ham), là gốc đã mọc ra các nhánh I-sơ-ra-ên và cũng là gốc mà các nhánh hoang (dân ngoại) được tháp vào. Ngài phá vỡ bức tường ngăn cách giữa dân I-sơ-ra-ên và dân ngoại, vì Ngài đã khiến cho dân ngoại cũng được nên thánh, trở thành công dân I-sơ-ra-ên thuộc linh.
Ê-phê-sô 2:15 chấm dứt sự thù nghịch và luật pháp của các điều răn trong các điều lệ, trong xác thịt Ngài. Như vậy, khi làm cho hòa nhau, Ngài lấy cả hai lập nên một người mới trong Ngài,
Ê-phê-sô 2:16 và Ngài khiến cả hai hiệp thành một thể, mà làm hòa với Đức Chúa Trời, bởi thập tự giá mà Ngài đã dùng để hủy phá sự thù nghịch.
Đức Chúa Jesus Christ chấm dứt sự nghịch thù giữa loài người với nhau, giữa dân I-sơ-ra-ên và các dân tộc khác, cùng với sự nghịch thù giữa loài người với Thiên Chúa. Ngài cũng chấm dứt luôn luật pháp của các điều răn trong các điều lệ, bằng cách gánh lấy hình phạt của tội lỗi loài người trong xác thịt Ngài.
Nhiều người đã hiểu lầm “luật pháp của các điều răn trong các điều lệ” là Mười Điều Răn hay là luật pháp của Thiên Chúa. Nếu hiểu như vậy thì Thánh Kinh đã tự mâu thuẫn, khi thì bảo con dân Chúa phải làm cho vững bền luật pháp, phải vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời, khi thì bảo là luật pháp và các điều răn đã bị chấm dứt.
“Luật pháp của các điều răn trong các điều lệ” là các điều luật quy định khi một người vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời thì phải bị hình phạt như thế nào, nếu muốn được tha tội thì phải dâng của lễ chuộc tội như thế nào. Nói cách khác, nó tương tự như cái giấy biên phạt mà cảnh sát biên phạt người lái xe vi phạm luật giao thông. Tự tờ giấy biên phạt đó là luật pháp mà người bị biên phạt phải tuyệt đối tuân hành. Trên tờ giấy biên phạt đó, có ghi rõ, người phạm pháp là ai, đã vi phạm điều luật nào, ở đâu, khi nào, nghiêm trọng như thế nào; đồng thời cũng quy định cách thức bị phạt, thời gian và nơi chốn thi hành lệnh phạt, v.v. Nếu tôi là người vi phạm luật giao thông và bị biên phạt, nhưng có ai đó đứng ra chịu phạt thế cho tôi, thì người ấy đã chấm dứt sự hình phạt dành cho tôi, là hình phạt do luật pháp quy định. Người ấy xé bỏ, hủy đi tờ giấy biên phạt là điều khoản trói buộc tôi vì sự phạm pháp của tôi, sau khi người ấy nộp phạt cho tôi, chứ không phải người ấy đã dẹp bỏ luật giao thông, để từ nay tôi tha hồ phạm luật giao thông mà không còn bị phạt.
Khi có ai nói rằng: Vì Đức Chúa Jesus Christ đã vâng giữ trọn vẹn Mười Điều Răn rồi, cho nên, tôi không cần vâng giữ Mười Điều Răn nữa; thì người ấy hoàn toàn nghịch lại Thánh Kinh. Vì chính Đức Chúa Jesus Christ phán: “Ta cũng không định tội ngươi! Hãy đi! Đừng phạm tội nữa” (Giăng 8:13). “Phạm tội” có nghĩa là gì? Là vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời. “Đừng phạm tội nữa” có nghĩa là gì? Là đừng vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời nữa. Chỉ đơn giản như vậy thôi, mà một số đông các thần học gia và các nhà giải kinh thời đại đã cố tình bẻ cong Lời Chúa để dạy rằng: Con dân Chúa Thời Tân Ước không cần phải vâng giữ Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, nhất là điều răn thứ tư!
Tôi thật sự rất là ngạc nhiên khi thấy biết bao nhiêu thần học gia, giáo sư Thánh Kinh, người chăn bầy, đã tìm đủ cách để đem Ê-phê-sô 2:15 và Cô-lô-se 2:14 ra mà lý luận rằng: Đức Chúa Jesus Christ đã dẹp bỏ các điều răn và luật pháp! Trong khi chính Đức Chúa Jesus Christ tuyên phán, Ngài không hủy phá luật pháp mà Ngài làm trọn luật pháp. Chắc chắn rằng: hủy phá một điều gì đó với làm trọn một điều gì đó hoàn toàn khác xa nhau.
Ê-phê-sô 2:15-16 dạy rằng: Bởi cái chết của Đức Chúa Jesus Christ trên thập tự giá mà Ngài xóa bỏ án phạt của sự phạm tội cho loài người; không phải là Ngài xóa bỏ Mười Điều Răn. Ngài hủy phá sự thù nghịch giữa các dân tộc, hiệp dân I-sơ-ra-ên với các dân ngoại thành một thân thể trong Ngài, tức là Hội Thánh. Bởi cái chết của Đức Chúa Jesus Christ trên thập tự giá mà Ngài phục hòa những ai tin nhận sự cứu chuộc của Ngài với Đức Chúa Trời. Ê-phê-sô 2:14-16 không hề dạy rằng, con dân Chúa không cần phải giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy!
Cô-lô-se 2:14 Ngài đã xóa văn bản của các điều lệ lập nghịch cùng chúng ta, là các điều chống lại chúng ta. Ngài đã đem nó ra khỏi mà đóng đinh nó trên cây thập tự của Ngài;
Xin xem phần giải thích “Luật pháp của các điều răn trong các điều lệ” trên đây về ý nghĩa của “văn bản của các điều lệ lập nghịch cùng chúng ta.” Văn bản này không phải là Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, mà là án phạt dành cho những ai vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, được minh họa bởi tờ giấy biên phạt giao thông trong thí dụ trên.
Cô-lô-se 2:15 Ngài đã truất bỏ các quyền cai trị cùng các thế lực, dùng thập tự giá chiến thắng chúng nó, và nộp ra tỏ tường giữa thiên hạ.
Đức Chúa Jesus Christ đã dẹp bỏ quyền và thế lực của tội lỗi, của sự chết vốn xưa nay cầm quyền cai trị nhân loại. Ngài làm điều đó bởi sự hy sinh của Ngài trên thập tự giá. Điều đó được thực hiện công khai, để cả nhân loại đều biết và đến với Ngài, tin nhận sự chuộc tội của Ngài, mà được tự do trong Ngài.
Cô-lô-se 2:16 Vì vậy, chớ để ai phán xét anh em về sự ăn hay sự uống, hoặc trong sự dự phần của một ngày lễ, hoặc của một ngày mặt trăng mới, hoặc của những ngày Sa-bát;
Cô-lô-se 2:17 ấy đều chỉ là bóng của các việc sẽ tới, còn hình thì ở trong Đấng Christ.
Những ngày Sa-bát trong thời Cựu Ước làm bóng cho các việc sẽ tới là những ngày Sa-bát của các kỳ lễ hội, chứ không phải là “Ngày Sa-bát Thứ Bảy.” Ý nghĩa của các ngày Sa-bát ấy về mọi điều mà Đức Chúa Jesus Christ sẽ làm cho nhân loại, khi Ngài đến thế gian trong thân xác của loài người để hoàn thành công cuộc chuộc tội cho nhân loại, đã được tôi trình bày trong bài “Hội Thánh – Phần 13: Lễ Sa-bát” [http://timhieutinlanh.com/thanhoc/?p=384].
Riêng ngày Thứ Bảy cuối tuần, là ngày mà Đức Chúa Trời ban phước cho và biệt làm thánh, là ngày được Đức Chúa Trời vì loài người mà dựng nên, để cho loài người được nghỉ ngơi thể xác, sau sáu ngày lao động. Trong ngày đó, Ngài bổ sức lại cho người và gia súc. Trong ngày đó, Ngài muốn loài người nhóm hiệp để thờ phượng Ngài. Mệnh lệnh giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy là một trong Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời. Mà Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời là nền tảng của một đời sống thánh khiết, vâng phục Chúa, chứ Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời không làm bóng cho một sự gì cả.
Cô-lô-se 2:16-17 cần phải được hiểu trong văn mạch, là phân đoạn nói về việc giữ ngày Sa-bát trong các kỳ lễ hội, hoàn toàn khác với việc giữ ngày Sa-bát theo điều răn thứ tư.
Một điều quan trọng cần chú ý ở đây. Đó là Lời Chúa dạy “chớ để ai phán xét anh em trong sự dự phần của… những ngày Sa-bát;” nghĩa là, khi anh em dự phần trong các ngày Lễ Sa-bát, đừng để cho bất cứ ai phán xét anh em; chứ Lời Chúa không dạy “Anh em chớ giữ ngày Sa-bát!” Phán xét ở đây là bắt bẻ về hình thức giữ lễ, cho nên Phao-lô đã viết tiếp: ấy đều chỉ là bóng của các việc sẽ tới, còn hình thì ở trong Đấng Christ!
Nếu tôi nói rằng: “Chớ để ai phán xét anh em về sự dự phần trong các buổi nhóm hiệp thờ phượng Chúa!” Thì có phải là tôi tuyên bố: chớ dự vào các buổi nhóm hiệp thờ phượng Chúa, hay không? Vậy, tại sao lại cho rằng: “chớ để ai phán xét anh em trong sự dự phần của… những ngày Sa-bát;” có nghĩa là chớ giữ những ngày Sa-bát?
Cô-lô-se 2:16-17 có ý nói rằng, vì Đức Chúa Jesus Christ đã hoàn thành sự dâng của lễ chuộc tội một lần đủ cả trên thập tự giá, nên con dân Chúa không cần tái lập các nghi thức dâng tế lễ chuộc tội để được tha tội nữa. Họ có thể dâng các tế lễ, giữ các ngày lễ hội một cách tượng trưng để nhớ đến những gì Đức Chúa Jesus Christ đã làm ra cho họ. Nếu họ chọn làm như vậy, thì đừng quan tâm đến sự bắt bẻ về nghi thức do những người cậy việc làm theo luật pháp để được cứu, phê phán họ.
Cô-lô-se 2:14-17 không hề dạy rằng, con dân Chúa không cần phải giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy!
Kết Luận
Kính thưa anh Ấn,
Sở dĩ tôi phải tốn nhiều thời gian để giải thích cặn kẻ từng câu Thánh Kinh anh trích dẫn và yêu cầu tôi đọc, là để cho anh thấy rõ là: Trong tất cả các câu Thánh Kinh anh trích dẫn:
-
Không một câu nào dạy rằng có một ngày Sa-bát khác dành cho con dân Chúa trong Thời Tân Ước, như anh chủ trương.
-
Không một câu nào dạy rằng con dân Chúa Thời Tân Ước không cần vâng giữ điều răn thứ tư, như anh chủ trương.
-
Không một câu nào dạy rằng, điều răn thứ tư chỉ dành riêng cho dân I-sơ-ra-ên, như anh chủ trương.
Vì thế, lập luận của anh hoàn toàn không dựa trên Thánh Kinh, mà chỉ là dựa trên các lý luận thần học bẻ cong Lời Chúa của các giáo hội.
Tôi cầu nguyện, xin Chúa chạm lòng anh, để anh giữ ngày Sa-bát vào ngày Thứ Bảy, như Chúa đã quy định, chứ không vào một ngày nào khác, theo những tư tưởng thần học phản Thánh Kinh của các giáo hội.
Tôi biết sự lựa chọn này là khó cho anh lắm, vì danh tiếng, địa vị của anh trong giáo hội. Nhưng phải chăng, đã đến lúc để anh trả lại cho Sê-sa những gì thuộc về Sê-sa và trả lại cho Đức Chúa Trời những gì thuộc về Đức Chúa Trời?
Huỳnh Christian Timothy
14.12.2013
Ghi Chú
[1] Xin xem thêm bài: “Lịch Sử Giữ Ngày Sa-bát của Hội Thánh:” http://timhieutinlanh.com/thanhoc/?p=9
Download tại đây: http://www.divshare.com/download/14938260-6b1
[2] Codex Justinianus, lib. 3, tit. 12, 3; trans. in Philip Schaff, “History of the Christian Church,” Vol. 3 (Hendrickson Publishers, 07/2006), p. 380, note 1: “On the venerable Day of the Sun let the magistrates and people residing in cities rest, and let all workshops be closed. In the country, however, persons engaged in agriculture may freely and lawfully continue their pursuits; because it often happens that another day is not so suitable for grain-sowing or for vine-planting; lest by neglecting the proper moment for such operations the bounty of heaven should be lost.”
[3] Philip Schaff, “History of the Christian Church,” Vol. 3 (Hendrickson Publishers, 07/2006), p. 31
Bạn đọc biết tiếng Anh có thể tham khảo về lịch sử thờ tà thần mặt trời tại đây:
http://web.archive.org/web/20070311123655/http://members.aol.com/zoticus/bathlib/helios/
[4] http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=G5056
[5] Chú Giải Rô-ma 7:1-6: http://www.timhieutinlanh.net/?p=3659
[6] Chú Giải Rô-ma 7:7-25: http://www.timhieutinlanh.net/?p=3660
[A] Tất cả những câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là từ Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời và Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống Hiệu Đính 2012. Quý bạn có thể đọc trên mạng: www.ngoiloi.thanhkinhvietngu.net và www.thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.
Copyright Notice: All Rights Reserved © 2013 Vietnamese Christian Mission Ministry.
Thông Báo Tác Quyền: Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry.
Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức nhưng xin giữ đúng nguyên văn,
kể cả thông báo về tác quyền này.
18.12 – Ms Quốc Ấn: Anh Huỳnh thân mến!
Anh cho rằng tôi lòng vòng. Thưa Anh Huỳnh! Tôi không lòng vòng, nhưng rất chuẩn xác trong từng ý nghĩ và ngôn từ, từng lời văn và trích dẫn KT. Tôi đang ngắm đúng mục tiêu. Tôi cho rằng anh KHÔNG CHỊU HIỂU, KHÔNG CHỊU THẤY điều tôi trình bày, chứ không phải anh không hiểu, không thấy. “Cái màn” trong mắt anh dày quá nên che lấp khiến anh không thấy điều cần thấy.
Tôi rất xin lỗi anh Huỳnh để trích câu nói của một cụ cố Ms: “Không ai điếc cho bằng kẻ chẳng chịu nghe; không ai mù bằng kẻ chẳng chịu thấy”.
Chẳng hạn câu KT: Rom 11:17 “Ví bằng có một hai nhánh bị cắt đi, và ngươi vốn là cây ô-li-ve hoang được tháp vào chỗ các nhánh ấy để có phần về nhựa và rễ của cây ô-li-ve”.
Phao-lô đang nói đến sự “tháp vào” thuộc linh chứ không phải thuộc thể. Vì Phao-lô đang dùng hình ảnh của cây nầy với cây kia. Hoàn toàn có ý ám chỉ giữa dân Israen và dân ngoại bang. Thế mà anh lại hiểu theo khía cạnh thuộc thể. “Ai cũng hiểu chỉ mình Anh không …chịu hiểu”.
Dường như Phao-lô đang viết cho riêng anh Huỳnh những câu KT nầy đây:
2Co 3:14 Nhưng lòng họ đã cứng cỏi; vì đến ngày nay, khi họ đọc Cựu Ước, cái màn ấy vẫn còn chưa cất khỏi, bởi chưng ấy là trong Đấng Christ mà màn đó biến đi.
2Co 3:15 Ấy vậy, cho đến ngày nay, mỗi lần người ta đọc sách Môi-se cho họ, cái màn ấy vẫn còn ở trên lòng họ.
2Co 3:16 Khi họ sẽ trở lại cùng Chúa, thì màn ấy mới cất khỏi.
Theo câu 16, rất có thể Anh Huỳnh chưa tin Chúa Giê-xu, hoặc anh đang chối bỏ công lao cứu chuộc của Ngài. Anh không chịu cất bỏ cái màn ấy.
Trong quá khứ ĐCT có 4 giao ước:
Giao ước Áp-ram (Sáng 12,15,17) Khoảng năm 2000TC
Giao ước Môi-se (Xuất.19 đến Dân.10) Khoảng năm 1450TC
Giao ước Đa-vít (2Sam.7:4-16) Khoảng năm 1000TC
Giao ước mới (Thời công bố: Giê.31 đếnÊxc.36). Thời thực thi khoảng năm 33SC
“…Vì nếu ước thứ nhứt không thiếu gì, thì chẳng có chỗ nào lập ước thứ hai” (Heb. 8:7).
Gọi ước đó là ước mới, thì đã xưng ước trước là cũ; vả, điều chi đã cũ đã già, thì gần tiêu mất đi. (Heb 8:13).
Đây là KT phán, chứ không phải tôi bịa đặt, hay vô căn cứ. Ít nhất là 3 lần anh Huỳnh nói tôi lập luận không có căn cứ của KT. Tôi khẳng định với anh Huỳnh một lần nữa rằng những lập luận của tôi đều căn cứ trên KT. Trừ khi anh Huỳnh phủ nhận thẩm quyền các Thư Tín của Phao-lô, và chối bỏ công lao cứu chuộc của Chúa Giê-xu, nhất là sách Hê-bơ-rơ, đặc biệt là câu:
“Vì nếu ước thứ nhứt không thiếu gì, thì chẳng có chỗ nào lập ước thứ hai”. Bản TTHĐ: “Vì nếu giao ước thứ nhất đã hoàn hảo rồi thì không cần lập giao ước thứ hai” (Heb. 8:7).
Gọi ước đó là ước mới, thì đã xưng ước trước là cũ; vả, điều chi đã cũ đã già, thì gần tiêu mất đi. Bản TTHĐ: “Đã gọi là giao ước mới thì Ngài đã kể giao ước trước là cũ; điều gì lỗi thời, cũ kỹ chẳng bao lâu sẽ tiêu mất đi”(Heb 8:13).
Nhưng tôi lại không tin người như anh Huỳnh lại phủ nhận thẩm quyền các Thư Tín của Phao-lô, nhất là sách Hê-bơ-rơ. Thế thì, điều còn lại duy nhất là: Anh đang bị cái màn che khuất hoặc có một cây đà quá lớn trong mắt anh Huỳnh.
Tại sao giao ước cũ không được tốt hơn? Giao ước cũ thiếu điều gì?
Như vậy Đức Chúa Trời hành động thiếu sót sao? Đức Chúa Trời không làm điều tốt sao? KHÔNG PHẢI.
Ngài cho phép điều thiếu sót nầy, điều không tốt nầy xảy ra trong giao ước cũ để hướng các thế hệ sau hãy nhìn vào Con Một của Ngài trong giao ước mới là Chúa Giê-xu. Để cho những ai cho rằng mình làm đúng Lời, đúng Luật thì cần phải xem lại. Để cho những ai đang bị cái màn che khuất, cần phải cỡi bỏ cái màn ấy như Phao-lô đã nói:
2Co 3:14 Nhưng lòng họ đã cứng cỏi; vì đến ngày nay, khi họ đọc Cựu Ước, cái màn ấy vẫn còn chưa cất khỏi, bởi chưng ấy là trong Đấng Christ mà màn đó biến đi.
2Co 3:15 Ấy vậy, cho đến ngày nay, mỗi lần người ta đọc sách Môi-se cho họ, cái màn ấy vẫn còn ở trên lòng họ.
2Co 3:16 Khi họ sẽ trở lại cùng Chúa, thì màn ấy mới cất khỏi.
Để cho những ai cứ chăm vào Giao Ước Cũ mà quên rằng Ngài đã ban cho Giao Ước Mới, là giao ước trọn vẹn nhất, hoàn hảo nhất.
Heb 8:6 Nhưng thầy tế lễ thượng phẩm chúng ta đã được một chức vụ rất tôn trọng hơn, vì Ngài là Đấng trung bảo của giao ước tốt hơn, mà giao ước ấy lập lên trên lời hứa tốt hơn.
Hiểu theo cách nói cách nôm na, bình dân là: Đức Chúa Trời muốn các thế hệ sau nầy “thấy cái đó để mà tránh đi”. Điều nầy tương tự như người ta trưng bày những hình ảnh tội ác chiến tranh để kêu gọi mọi người, mọi dân tộc hãy sống hòa bình với nhau. Tránh xung đột, tránh chiến tranh.
Trong KT có rất nhiều gương xấu, gương xấu cũng là một bài học tốt cho người có lòng hướng thiện. Chẳng hạn, đa thê là một nan đề lớn cho gia đình và xã hội, mà Áp-ra-ham, và nhiều nhân vật khác trong KT “làm gương” cho thế hệ sau. Sau nầy Tân Ước hoàn toàn không chấp nhận chế độ đa thê: “Vậy, người giám mục cần phải không chỗ trách được, là chồng chỉ một vợ mà thôi, …Các chấp sự chỉ nên làm chồng của một vợ mà thôi,” (ITim.3:2,12).
Heb 8:8 Vả, trong những lời nầy thật có ý trách, là lời Đức Chúa Trời phán cùng dân Giu-đa rằng: Chúa phán: kìa, nhựt kỳ đến, Khi đó ta sẽ cùng nhà Y-sơ-ra-ên và nhà Giu-đa lập một ước mới,
Heb 8:9 Không phải như ước ta đã lập với tổ tiên chúng nó, Trong ngày ta cầm tay họ dẫn ra khỏi xứ Ê-díp-tô. Vì họ không bền giữ lời ước ta, Nên ta không đoái xem họ, ấy là lời Chúa phán.
Heb 8:10 Chúa lại phán: Nầy là lời ước mà ta sẽ lập với nhà Y-sơ-ra-ên Sau những ngày đó: Ta sẽ để luật pháp ta trong trí họ Và ghi tạc vào lòng; Ta sẽ làm Đức Chúa Trời họ, Họ sẽ làm dân ta.
Heb 8:11 Trong vòng họ sẽ chẳng có ai dạy bảo công dân mình Và anh em mình, rằng: Hãy nhìn biết Chúa; Vì hết thảy trong vòng họ, Từ kẻ rất nhỏ cho đến kẻ rất lớn đều sẽ biết ta,
Heb 8:12 Nhơn ta sẽ tha sự gian ác của họ, Và không nhớ đến tội lỗi họ nữa.
Heb 8:13 Gọi ước đó là ước mới, thì đã xưng ước trước là cũ; vả, điều chi đã cũ đã già, thì gần tiêu mất đi.
Giao ước cũ thiếu tình yêu thương. Thiếu Đấng Christ. Thiếu Đấng Trung Bảo:
1Ti 2:5 Vì chỉ có một Đức Chúa Trời, và chỉ có một Đấng Trung bảo ở giữa Đức Chúa Trời và loài người, tức là Đức Chúa Jêsus Christ, là người;
1Ti 2:6 Ngài đã phó chính mình Ngài làm giá chuộc mọi người. Ấy là lời chứng đã làm đúng kỳ.
Ngài là Đấng chết thay cho người vi phạm luật pháp. Đấng đã công bố “sự hoàn tất” trên Thập Tự. Chính Chúa Giê-xu là của lễ đời đời. Ngài dâng chính thân Ngài làm của lễ chuộc tội chỉ một lần là cho tất cả.
Joh 1:29 Qua ngày sau, Giăng thấy Đức Chúa Jêsus đến cùng mình, thì nói rằng: Kìa, Chiên con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi.
“Của lễ chuộc tội” trong giao ước cũ là tạm thời.
Nhưng “Của lễ chuộc tội” trong giao ước mới là vĩnh viễn.
“Của lễ chuộc tội” trong giao ước cũ là nhiều.
Nhưng “Của lễ chuộc tội” trong giao ước mới là duy nhất.
“Của lễ chuộc tội” trong giao ước cũ là khiếm khuyết.
Nhưng “Của lễ chuộc tội” trong giao ước mới là hoàn hảo.
“Của lễ chuộc tội” trong giao ước cũ từ trong đất.
Nhưng “Của lễ chuộc tội” trong giao ước mới là từ trên trời.
“Của lễ chuộc tội” trong giao ước cũ là bóng.
Nhưng “Của lễ chuộc tội” trong giao ước mới là thật.
“Của lễ chuộc tội” trong giao ước cũ là con vật.
Nhưng “Của lễ chuộc tội” trong giao ước mới là Đấng Vinh Hiển.
“Của lễ chuộc tội” trong giao ước cũ được dâng bởi dòng thầy tế lễ A-rôn.
Nhưng “Của lễ chuộc tội” trong giao ước mới được dâng bởi thầy tế lễ đời đời theo ban Mên-chi-xê-đéc. (Hêb.7:1-3).
Anh Huỳnh: Ý kiến của tôi là: Con dân Chúa phải vâng giữ Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời; con dân Chúa phải vâng giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy theo điều răn thứ tư; như Thánh Kinh đã chép rõ trong Xuất Ê-díp-tô Ký 20:8-11.
Ý kiến của anh là: Con dân Chúa phải vâng giữ Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời; con dân Chúa phải vâng giữ ngày Sa-bát; nhưng không cần phải giữ vào ngày Thứ Bảy. Thế nhưng, không có câu Thánh Kinh nào dạy rằng con dân Chúa có thể giữ ngày Sa-bát vào một ngày khác hơn là ngày Thứ Bảy.
Kết luận: Ý kiến của tôi là mệnh lệnh của Thánh Kinh, còn ý kiến của anh thì nghịch lại mệnh lệnh của Thánh Kinh.
Ms Quốc Ấn: Anh Huỳnh dùng những gì có trong giáo ước cũ là giao ước mà Hêb. nói: “Heb 8:8: Vả, trong những lời nầy thật có ý trách, là lời Đức Chúa Trời phán cùng dân Giu-đa rằng: Chúa phán: kìa, nhựt kỳ đến, Khi đó ta sẽ cùng nhà Y-sơ-ra-ên và nhà Giu-đa lập một ước mới, Không phải như ước ta đã lập với tổ tiên chúng nó,
Heb 8:13 Gọi ước đó là ước mới, thì đã xưng ước trước là cũ; vả, điều chi đã cũ đã già, thì gần tiêu mất đi.
Nếu cả một giao ước mà chính KT gọi là điều chi đã cũ đã già, thì gần tiêu mất đi, thì cái điều răn thứ tư ấy lại tồn tại được sao?
Lời Chúa chép là: Heb 8:8-9 Vả, trong những lời nầy thật có ý trách, là lời Đức Chúa Trời phán cùng dân Giu-đa rằng: Chúa phán: kìa, nhựt kỳ đến, Khi đó ta sẽ cùng nhà Y-sơ-ra-ên và nhà Giu-đa lập một ước mới, Không phải như ước ta đã lập với tổ tiên chúng nó,
Chính Chúa đã phế bỏ giao ước cũ và “lập một ước mới, Không phải như ước ta đã lập với tổ tiên chúng nó”, thì anh còn giữ làm gì anh Huỳnh? Ngài đã thay một giao ước mới rồi. Chỉ có giao ước cũ của Môi-se là dừng lại tại Thập Giá, còn 3 giao ước kia thì vẫn tiếp tục vào cõi đời đời.
Anh Huỳnh: Tiếp theo đây, tôi xin giải thích tất cả các câu Thánh Kinh mà anh đã trưng dẫn, để anh thấy rằng:
(1) Không một câu Thánh Kinh nào do anh đưa ra dạy rằng, có một ngày Sa-bát khác dành cho con dân Chúa trong Thời Tân Ước.
(2) Không một câu Thánh Kinh nào do anh đưa ra dạy rằng, con dân Chúa Thời Tân Ước không cần vâng giữ điều răn thứ tư.
(3) Không một câu Thánh Kinh nào do anh đưa ra dạy rằng, điều răn thứ tư chỉ dành riêng cho dân I-sơ-ra-ên.
Ms Quốc Ấn: Anh không chịu thấy, không chịu hiểu điều tôi lập luận và trưng dẫn KT. Tôi chứng minh một lần nữa cho anh thấy. Tân ước không bao giờ thực thi giao ước cũ. Tân ước chỉ có giao ước mới. Giao ước mới dành cho toàn thể nhân loại. Giao ước cũ chì dành cho dân Israen mà thôi:
Chỉ có Chúa Giê-xu mới có thẩm quyền “ đem thân mình trừ bỏ luật pháp của các điều răn chép thành điều lệ…” (Eph.2:15).
Chữ trừ bỏ – bản 1926, hủy bỏ: bản-TTHĐ; abolished-KJV, abolishing-NIV – Nguyên ngữ Hylap [καταργέω] (G2673): tình trạng không sử dụng, tình trạng vô ích (Định nghĩa của Strong’s ECB).
Chữ điều lệ – bản1926, qui tắc – bản TTHĐ; regulations-NIV, ordinances-KJV – Nguyên ngữ Hylap [δόγμα] (G1378): luật lệ dân sự, nghi lễ của giáo phái (Định nghĩa của Strong’s ECB).
Vậy thì Chúa Giê-xu đã trừ bỏ cái luật pháp chứa đựng (bản KJV có chữ nầy) những nghi lễ của tôn giáo. Ngày nay các tín hữu không cần giữ những luật pháp chứa đựng các lễ nghi tôn giáo của Israen, hoặc những gì thuộc về Israen. Tín hữu chỉ giữ những điều răn nào mà Tân Ước dành cho mình, dạy bảo mình. Vì giao ước cũ đã trở thành tình trạng không sử dụng, tình trạng vô ích (Định nghĩa của Strong’s ECB).
Ms Quốc Ấn: Anh Huỳnh bảo rằng: “Lời Chúa cũng khẳng định rằng luật pháp của Ngài áp dụng chung cho dân Israel lẫn dân ngoại”: (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:48, 49). LÀ KHÔNG CHÍNH XÁC. Anh Huỳnh đã tự ý đổi chữ “khách” thành chữ “dân”. Chỉ cần đỗi chữ nầy thì toàn bộ ý nghĩa sẽ thay đổi. Các bản tiếng Việt cũng thể hiện hai chữ nầy hoàn toàn khác nhau.
Trong nguyên ngữ: “Khách ngoại bang” và “dân tộc ngoại bang” là 2 từ ngữ hoàn toàn khác nhau.
“Khách ngoại bang” (KJV: stranger: [H1481 גּוּר Goor,H1616] Nghĩa là: Một người khách, khách lạ, người ngoại quốc, khách tạm trú, một người mới đến không (hoặc có) thừa hưởng những quyền công dân, một người ngoại quốc sinh sống tại Israen (Định nghĩa của Strong’s ECB)
גּוּר gûr – goor
A primitive root; properly to turn aside from the road (for a lodging or any other purpose), that is, sojourn (as a guest); also to shrink, fear (as in a strange place); also to gather for hostility (as afraid): – abide, assemble, be afraid, dwell, fear, gather (together), inhabitant, remain, sojourn, stand in awe, (be) stranger, X surely.
Đây là một nhóm người nhỏ lẻ, thiểu số, là người nước ngoài, không thuộc về dân Israen, đang kiều ngụ (Bản 1926), ngoại kiều tạm trú (Bản TTHĐ), (stranger KJV, alien NIV) trong dân Israen lúc họ được giải cứu khỏi Ai-cập. Họ là những người khách ngoại bang ở trong Israen nên nọ cũng phải bị chi phối bởi luật pháp của Israen, họ không có lựa chọn nào khác. Họ không phải là một dân tộc ngoại bang, một quốc gia ngoại bang. Họ không phải là đại diện cho một dân tộc. Họ không có chính quyền riêng, không có thể chế riêng, không có hiến pháp riêng…Vì nếu là đại diện cho dân tộc nào đó thì ĐCT đã nói rồi, như Ngài đã nói các giống dân (xứ của các dân – Bản 1926, đất đai của các dân – TTHĐ, đất của những người… – Bản Giờ Kinh Phục Vụ [GKPV]) tại Canaan: Dân Kê-nít, kê-nê-sít, Cát-mô-rít, Giê-bu-sít, Phê-rê-sít, Rê-pha-im, Hê-tít, Amonit… (Sáng.15:19-20).
Giống như Anh Huỳnh là dân Việt Nam, nhưng sống tại Mỹ, thì anh phải tuân giữ luật pháp của Mỹ, vì anh và những Việt kiều khác là một thiểu số sống tại Mỹ, còn người Việt Nam như tôi thì không bị luật pháp Mỹ chi phối. Dân tộc Việt Nam lại càng không. Hiện nay có rất nhiều chủng tộc sống tại Mỹ. Một đạo luật của Mỹ được ban hành, thì chỉ có hiệu lực cho những người dân đang sinh sống tại lảnh thổ nước Mỹ, chứ không có hiệu lực trên quê nhà của họ.
Vì thế, chữ “khách ngoại bang” trong đoạn KT do anh Huỳnh trích (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:48, 49 ) để biện minh, là không đúng với ý nghĩa của nguyên ngữ Hê-bơ-rơ. Vậy tôi quả quyết rằng: “Lời Chúa KHÔNG BAO GIỜ khẳng định giao ước cũ của Ngài áp dụng chung cho dân Israel lẫn dân ngoại”:
Phao-lô nói rằng: “Vậy, anh em theo xác thịt là người ngoại …trong thuở đó, anh em không có Đấng Christ…, chẳng dự vào giao ước của lời hứa…” (Eph. 2:11-12).
(người ngoại: Bản 1926; dân ngoại – TTHĐ, GKPV; Gentiles NIV, KJV:). Dân ngoại: Gentiles:[έθνος G1484,1486]: Một chủng tộc, một bộ tộc, dòng dõi, một quốc gia (không Do Thái – non Jewish). Theo định nghĩa của Strong’s ECB.
ἔθνος
ethnos
eth'-nos
Probably from G1486; a race (as of the same habit), that is, a tribe; specifically a foreign (non-Jewish) one (usually by implication pagan): – Gentile, heathen, nation, people.
Phục Truyền 4:32-38
4:32 Vậy, ngươi hãy hỏi học về thời kỳ có trước ngươi, từ ngày Đức Chúa Trời dựng nên loài người trên đất, tự góc trời nầy đến góc trời kia, nếu bao giờ có xảy ra việc nào lớn dường ấy, hay là người ta có nghe sự chi giống như vậy chăng?
4:33 tức là: há có một dân tộc nào nghe tiếng Đức Chúa Trời từ trong lửa phán ra như ngươi đã nghe, mà vẫn còn sống chăng?
4:34 hay là Đức Chúa Trời há có cậy lấy sự thử thách dấu kỳ, điềm lạ, chiến tranh, cánh tay quyền năng giơ thẳng ra, cùng cậy công sự to tát và gớm ghê, đặng thử đi chiếm một dân tộc cho mình ở giữa một dân tộc khác, như mọi điều Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi đã làm cho các ngươi tại xứ Ê-díp-tô, dưới mắt mình chăng?
4:35 Ngươi đã chứng kiến mọi điều đó, để nhìn biết rằng Giê-hô-va, ấy là Đức Chúa Trời, chớ không ai khác hơn Ngài.
4:36 Ngài từ trên trời khiến cho ngươi nghe tiếng Ngài để dạy ngươi; trên đất Ngài khiến cho ngươi thấy đám lửa lớn Ngài, và từ trong lửa ngươi có nghe lời Ngài phán ra.
4:37 Bởi vì Ngài yêu mến các tổ phụ ngươi, nên chọn lấy dòng dõi các người ấy, và chánh Ngài nhờ quyền năng lớn mình rút ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô,
4:38 đặng đuổi khỏi trước mặt người những dân tộc lớn hơn và mạnh hơn ngươi, đặng đưa ngươi vào xứ của dân đó, và ban cho làm sản nghiệp, y như điều ấy xảy đến ngày nay.
עם ‛am – am
From H6004; a people (as a congregated unit); specifically a tribe (as those of Israel); hence (collectively) troops or attendants; figuratively a flock: – folk, men, nation, people.
KHÁCH NGOẠI BANG [H1481 גּוּר Goor] HOÀN TOÀN KHÁC VỚI
DÂN TỘC NGOẠI BANG [H5971 עם‛ am – am]
Như vậy đủ thấy rằng chỉ một mình dân Israen có giao ước và lời hứa, luật pháp. Dân ngoại bang không có luật pháp, dân ngoại bang chỉ có luật của lương tâm (Roma 2:14-16). Dân ngoại bang cũng không chịu trách nhiệm về điều răn thứ 4, hoặc phải cắt bì cho con trai sau 8 ngày sinh ra. Trừ khi người ngoại bang ấy tình nguyện gia nhập (nhập quốc tịch) vào dân Israen như Ru-tơ và Ra-háp
14“Vả dân ngoại vốn không có luật pháp, khi họ tự nhiên làm những việc luật pháp dạy biểu, thì những người ấy dầu không có luật pháp cũng tự nên luật pháp cho mình”. – Dân ngoại bang không có một tí gì về luật pháp, điều răn, hay giao ước của ĐCT, nhưng họ tự nhận biết rằng giết người là phạm tội, thì họ sẽ bị đoán xét theo cách họ hiểu.
15“Họ tỏ ra rằng việc mà luật pháp dạy biểu đã ghi trong lòng họ; chính lương tâm mình làm chứng cho luật pháp, còn ý tưởng mình khi thì cáo giác mình, khi thì binh vực mình”. – Dân ngoại bang chỉ có tòa án lương tâm, lương tâm sẽ kiện cáo họ. Lương tâm là trung thực còn trí óc thì rất cảm tính, bất nhất.
16“Ấy là điều sẽ hiện ra trong ngày Đức Chúa Trời bởi Đức Chúa Giê-xu Christ mà xét đoán những việc kín nhiệm của loài người, y theo Tin lành tôi”.
Anh Huỳnh cũng thay đổi chữ khách ngoại bang thành dân ngoại bang là không đúng như tôi đã nói ở trên. Ngay trong nguyên ngữ, và các bản dịch tiếng Việt anh đã sai rồi. Anh đã sửa từ nguyên ngữ cho đến các bản dịch Việt ngữ. Vô cùng nguy hiểm!
Anh Huỳnh viết: “vô số dân ngoại bang”. KT chép là khách ngoại bang chứ không chép dân ngoại bang. Anh đã sửa KT. Anh thay chữ khách thành chữ dân. Trong khi các bản dịch Việt Ngữ và ngoại ngữ và nguyên ngữ đều dùng chữ khách
Vào thời đó, ĐCT cho phép dân Do Thái tuyệt diệt các dân tộc khác (Xuất.17;14; Giô-suê 6:20-21; 8:24-28; 10:…và nhiều trận đánh khác). Ngài đã từng diệt sạch trên đất mọi dân tộc, chỉ chừa 8 người trong gia đình Nô-ê mà! “Ta sẽ làm mưa xuống mặt đất, trong bốn mươi ngày và bốn mươi đêm; ta sẽ tuyệt diệt khỏi đất các loài của ta đã dựng nên…mọi loài ở trên mặt đất đều bị hủy diệt, từ loài người cho đến loài thú…” (Sáng. 7:4, 21-24). Thì làm sao có thể nói rằng ĐCT cũng lập giao ước với dân ngoại bang được?
ĐCT KHÔNG BAO GIỜ LẬP GIAO ƯỚC (Cũ) VỚI DÂN NGOẠI BANG. TRONG GIAO ƯỚC MỚI NGÀI CŨNG CHỈ LẬP VỚI DÂN DO THÁI. (11 môn đồ).
Xuất 12:43-48 – ĐCT phán với Môi-se và A-rôn về người ngoại bang như thế nầy: “Đây là luật lệ về lễ Vượt Qua: Phàm người ngoại bang chẳng được ăn lễ đó…Khách ngoại bang và kẻ làm thuê cũng chẳng được phép ăn lễ đâu…Khi một khách ngoại bang nào kiều ngụ nhà ngươi, muốn giữ lễ Vượt Qua thì mọi người nam phải chịu cắt bì. Nhưng ai không chịu cắt bì thì chẳng được ăn đâu”.
Câu 49 viết: “Toàn Israen đều làm như lời Đức Giê-hô-va phán dặn”.
CHỈ CÓ DÂN ISRAEN MỚI NHẬN GIAO ƯỚC (cũ) CỦA ĐCT. DÂN NGOẠI BANG THÌ KHÔNG.
Anh không những không chịu thấy, không chịu hiểu mà còn sửa KT (Đây là đoạn anh sửa chữ “khách ngoại bang” thành chữ “dân ngoại bang”- Xuất Ê-díp-tô Ký 12:48, 49) cho phù hợp với lập luận của anh. Tôi đã dẫn chứng, minh chứng rạch ròi, thế mà anh cứ không chịu thấy, không chịu hiểu.
CÁI MÀN
2Co 3:14-15 “Nhưng lòng họ đã cứng cỏi; vì đến ngày nay, khi họ đọc Cựu Ước, cái màn ấy vẫn còn chưa cất khỏi, bởi chưng ấy là trong Đấng Christ mà màn đó biến đi. Ấy vậy, cho đến ngày nay, mỗi lần người ta đọc sách Môi-se cho họ, cái màn ấy vẫn còn ở trên lòng họ”.
“Cái màn” cũ rích vẫn còn che (2Cor.3:14-15)
Bởi thế cho nên mắt nhập nhoè!
Cứ tưởng con Gà trong cũi sắt
Nào ngờ con Cút dưới hàng tre.
“Cái màn” ngăn cách cần thay đổi
Ân Điển tỏ tường hãy cứ khoe
Kinh Thánh phán người ngày cuối rốt
Bịt tai, nhắm mắt chẳng thèm nghe
Tóm lại, những ai vẫn giữ giao ước cũ là mặc nhiên chối bỏ sự cứu chuộc của Chúa Giê-xu.
Mục Sư Nguyễn Quốc Ấn
Anh Huỳnh: Những người chống đối việc con dân Chúa vâng giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy, luôn luôn né tránh giải thích Rô-ma 3:31.
Ms Quốc Ấn: Ai né tránh! chứ tôi thì không bao giờ né câu Roma 3:31. Nhưng lại còn thích thú để giải thích nữa!
Rom 3:31 Vậy, chúng ta nhõn đức tin mà bỏ luật pháp hay sao? Chẳng hề như vậy! Trái lại, chúng ta làm vững bền luật pháp.
Chữ Luật Pháp trong tiếng Hy-lạp là νόμος – nomos – nom'-os. Nghĩa đen là phân chia thức ăn cho súc vật. Nghĩa bóng là chỉ về những qui luật, qui tắc, nguyên tắc, luật lệ.
Thời nào ai cũng giữ những qui luật, qui tắc, nguyên tắc, luật lệ. Ngay cả thời Tân ước trong Ân điển cũng phải giữ lấy, vì đó là điều tất yếu trong cuộc sống của tín hữu, thậm chí nó còn cao hơn thời Cựu Ước nữa là. Nhưng không có ý buộc ai cũng phải giữ luật pháp của Israen là giao ước cũ cả.
Tuy nhiên, phải đọc câu 30 nầy nữa:
Rom 3:30 Vì chỉ có một Ðức Chúa Trời, là Ðấng làm cho kẻ chịu cắt bì được xưng công bình bởi đức tin, cũng làm cho kẻ không chịu cắt bì được xưng công bình bởi đức tin nữa.
Thế thì, trong thời Tân Ước, sống trong giao ước mới, chúng ta không làm theo luật pháp của dân Israen là tức là không chịu cắt bì cũng sẽ được xưng công bình bởi đức tin nữa. Ngay cả khi không giữ ngày thứ bảy sabat cũng được xưng công bình nữa.
Mục Sư Nguyễn Quốc Ấn
Kính chào Mục sư Ấn,
Theo ông thì:
Vậy cũng có thể kết luận:
Thế thì, trong thời Tân Ước… ngay cả khi phỉ báng Lời Chúa, thờ lạy thần tượng, tà dâm, giết người, tham lam, cướp bóc, … hễ là người tin Chúa thì đều được xưng công bình cả.
Kết luận của ông sẽ làm cho nhiều "tín đồ" thích thú. Ai cảm thấy kỳ kỳ, đọc kỹ các phần biện giáo của Mục tử Tim Huỳnh sẽ rõ. Bản thân tôi, tôi thấy kết luận của ông rất kỳ cục.
Trương Thế Hồng
Kính thưa anh Ấn,
Đến bây giờ thì tôi hoàn toàn thất vọng về anh, dù tôi đã cầu nguyện nhiều cho anh! Anh thật sự cố tình không chịu hiểu Lời Chúa đã được giãi bày cặn kẻ. Cứ theo ý riêng mà biện luận, và tìm đủ cách để dành phần thắng trong sự biện luận, mà một trong những cách thông thường nhất là bẻ cong chữ nghĩa để ngụy biện.
Tôi đã cố giữ không dùng từ "ngụy biện" để gọi sự biện luận của anh. Nhưng đã đến lúc phải gọi chính danh việc mà anh đang làm, để con dân Chúa nhận biết mức độ nguy hiểm của nó.
Anh không trả lời được những lẽ thật tôi đưa ra thì anh nhảy sang nói về các giao ước. Các giao ước của Đức Chúa Trời thì có liên quan gì đến việc con dân Chúa phải giữ trọn Mười Điều Răn của Ngài? Theo như anh Ấn thì: Ngày nay con dân Chúa sống trong giao ước mới, không còn bị ràng buộc bởi giao ước cũ, nên không cần giữ Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời? Vậy, tôi có thể kết luận như thế này không:
Tiếc thay, dù đi lạc đề, nhảy sang bàn luận về các giao ước, nhưng anh cũng chẳng nắm rõ về các giao ước. Để hiểu rõ về các giao ước, mời anh đọc bài này: http://thanhoc.timhieutinlanh.net/?p=21.
Về từ ngữ Hê-bơ-rơ "em" H5971 mà anh tự mình định nghĩa là "dân tộc ngoại bang" trên đây:
DÂN TỘC NGOẠI BANG [H5971 עם‛ am – am]
Không hề có nghĩa là "dân tộc ngoại bang" mà chỉ có nghĩa là "nhân loại" (bao gồm mọi dân tộc) hoặc "dân tộc," dùng chung cho các giống dân, bao gồm dân I-sơ-ra-ên. Khi đọc định nghĩa anh Ấn đăng trên đây, tôi chỉ có hai ý tưởng: Một là anh Ấn không thông thạo tiếng Anh để hiểu rõ từ điển, hai là anh cố tình bẻ cong ý nghĩa của từ ngữ để ngụy biện. Dù là (1) hay (2) thì đó không phải là điều tôi mong đợi nơi một giáo sự của Viện Thần Học Việt Nam. Tuy nhiên, tôi nghĩ là anh Ấn cố tình ngụy biện chứ không phải là vì anh không thông hiểu tiếng Anh . Bởi vì, không một từ điển Hebrew-English nào định nghĩa H5971 là "dân tộc ngoại bang." Nếu có, xin anh Ấn cho biết đó là từ điển nào, trang số mấy, nếu là từ điển trên mạng, thì anh cho link để chúng tôi vào xem; nếu là từ điển in thành sách, thì xin anh chụp hình và email cho tôi, tôi sẽ đăng lên. Nhưng dầu cho có một từ điển định nghĩa "em" H5791 là "dân tộc ngoại bang" thì từ điển đó không đúng với Thánh Kinh và không nên dùng đến.
Tôi trưng dẫn Thánh Kinh dưới đây để chứng minh H5971 có nghĩa là "nhân loại" hoặc "dân tộc" được dùng chung cho mọi dân tộc, bao gồm dân I-sơ-ra-ên:
Nhân Loại:
"Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán rằng: Này, chỉ có một thứ dân (H5791), cùng chung một thứ tiếng; và kia kìa công việc chúng nó đang bắt đầu làm; bây giờ chẳng còn gì ngăn chúng nó làm các điều đã quyết định được" (Sáng Thế Ký 11:6).
Dân Tộc:
"Một người nam nào không chịu phép cắt bì nơi xác thịt mình, sẽ bị truất ra khỏi ngoài dân sự (H5971) mình; người đó là kẻ bội lời giao ước Ta" (Sáng Thế Ký 17:14). Có phải đây là nói về con cháu I-sơ-ra-ên?
"Áp-ra-ham hưởng thọ được một trăm bảy mươi lăm tuổi; người tuổi cao tác lớn và đã thỏa về đời mình, tắt hơi, được quy về nơi tổ tông (H5971)" (Sáng Thế Ký 27:7-8). Trong câu này, bản Truyền Thống dịch là "tổ tông" nhưng trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ là "em" là dân tộc! Dân tộc Áp-ra-ham là dân tộc nào?
"Đan sẽ xử đoán dân chúng (H5971) mình, Như một trong các chi phái I-sơ-ra-ên" (Sáng Thế Ký 49:16).
"Vua phán với dân (H5971) mình rằng: Này, dân (H5971) I-sơ-ra-ên đông và mạnh hơn chúng ta" (Xuất Ê-díp-tô Ký 1:9). Ngay trong câu này, chúng ta thấy từ ngữ "em" (H5971 được dùng cho dân Ê-díp-tô lẫn dân I-sơ-ra-ên.
"Thiên Chúa ban ơn cho những bà mụ; dân sự (H5971) gia thêm và trở nên đông đúc" (Xuất Ê-díp-tô Ký 1:20). Rõ ràng, Thánh Kinh dùng từ ngữ "em" H5971 để gọi dân I-sơ-ra-ên.
"Nê-hê-mi, quan tổng trấn, E-xơ-ra, thầy tế lễ và thầy thông giáo, cùng người Lê-vi mà dạy dỗ dân sự (H5971), nói với cả I-sơ-ra-ên (H5971) rằng: Ngày nay là thánh cho Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của các ngươi; chớ để tang, cũng đừng khóc lóc. Vì cả dân sự (H5971) đều khóc khi nghe đọc các luật pháp" (Nê-hê-mi 8:9).
Gần 1000 câu Thánh Kinh dùng từ ngữ "em" H5971 để gọi dân I-sơ-ra-ên, mà anh Ấn ngang nhiên tuyên bố từ ngữ này có nghĩa là "dân tộc ngoại bang" thì tôi thật sự không biết phải nói gì. Tôi hoàn toàn thất vọng và buộc phải tin rằng: anh Ấn không có thiện chí biện luận một cách chân thật về Lời Chúa. Anh Ấn không cầu nguyện trong khi biện luận như tôi đã đề nghị anh.
Thật là nguy hiểm cho các sinh viên của Viện Thần Học Việt Nam, nếu họ học từ nơi anh Ấn cái định nghĩa của từ ngữ "em" H5971. Vì họ sẽ bị rối loạn tâm thần với trên 1000 câu Thánh Kinh mang từ ngữ này. Không khéo, họ sẽ dịch Nê-hê-mi 8:9 thành như sau: "Nê-hê-mi, quan tổng trấn, E-xơ-ra, thầy tế lễ và thầy thông giáo, cùng người Lê-vi mà dạy dỗ dân tộc ngoại bang (H5971), nói với cả dân tộc ngoại bang (H5971) rằng: Ngày nay là thánh cho Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của các ngươi; chớ để tang, cũng đừng khóc lóc. Vì cả dân tộc ngoại bang (H5971) đều khóc khi nghe đọc các luật pháp!"
Anh Ấn viết:
Anh Huỳnh bảo rằng: “Lời Chúa cũng khẳng định rằng luật pháp của Ngài áp dụng chung cho dân Israel lẫn dân ngoại”: (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:48, 49). LÀ KHÔNG CHÍNH XÁC. Anh Huỳnh đã tự ý đổi chữ “khách” thành chữ “dân”. Chỉ cần đỗi chữ nầy thì toàn bộ ý nghĩa sẽ thay đổi. Các bản tiếng Việt cũng thể hiện hai chữ nầy hoàn toàn khác nhau.
Trong nguyên ngữ: “Khách ngoại bang” và “dân tộc ngoại bang” là 2 từ ngữ hoàn toàn khác nhau.
“Khách ngoại bang” (KJV: stranger: [H1481 גּוּר Goor,H1616] Nghĩa là: Một người khách, khách lạ, người ngoại quốc, khách tạm trú, một người mới đến không (hoặc có) thừa hưởng những quyền công dân, một người ngoại quốc sinh sống tại Israen (Định nghĩa của Strong’s ECB)
Chính anh Ấn thừa nhận một trong các nghĩa của H1616 có nghĩa là "người ngoại quốc." Vậy, xin hỏi anh Ấn: "người ngoại quốc" đối với dân I-sơ-ra-ên và "dân ngoại" đối với I-sơ-ra-ên xét về nghĩa thì khác nhau chỗ nào? Nếu giữa đường phố Saigon, tôi chỉ tay vào một người da trắng, mắt xanh, nói tiếng Anh, mang thông hành Hoa Kỳ, mà nói với anh Ấn rằng: "Ông ta là người ngọai quốc, không phải là người Việt Nam." Hay nói rằng: "Ông ta là dân ngoại không phải là dân Việt Nam." Thì hai câu nói đó của tôi có khác nghĩa nhau hay không?
Tôi nhận thấy, anh Ấn cũng không hiểu rằng, đây cũng là một từ ngữ dùng chung cho mọi dân tộc. Chính Thiên Chúa phán dạy rằng, con cháu cùa Áp-ra-ham sẽ trở thành những H1616 trong một vùng đất không thuộc về họ (Sáng Thế Ký 15:13). Chính Áp-ra-ham cũng xưng mình là một H1616 đối với dân địa phương Ca-na-an (Sáng Thế Ký 23:4).
Như vậy, tất cả những ai không phải là người I-sơ-ra-ên, thì là H1616 đối với dân I-sơ-ra-ên. Vậy, không phải là "dân ngoại" đối với I-sơ-ra-ên thì là gì? Hay là anh Ấn cũng không hiểu luôn ý nghĩa của từ ngữ "dân ngoại" trong tiếng Việt?
Mặc dù cả hai từ ngữ H5971 (nhân loại, dân tộc) và H1616 (người ngoại quốc) đều được Thánh Kinh dùng chung cho mọi dân tộc, bao gồm dân I-sơ-ra-ên. Nhưng khi từ ngữ H1616 được dùng để nói đến bất cứ ai không phải là I-sơ-ra-ên, thì nó có nghĩa là "dân ngoại" đối với I-sơ-ra-ên. Tức là "dân ở ngoài quyền công dân I-sơ-ra-ên."
Khi tôi viết: “Lời Chúa cũng khẳng định rằng luật pháp của Ngài áp dụng chung cho dân Israel lẫn dân ngoại” và trưng dẫn Xuất Ê-díp-tô Ký 12:48, 49:
"Khi một khách ngoại bang nào kiều ngụ nhà ngươi, muốn giữ Lễ Vượt Qua của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, thì mọi người nam của họ phải chịu phép cắt bì; rồi thì, họ mới được đến gần giữ lễ này, và được coi như người sinh trong xứ. Nhưng ai không chịu phép cắt bì, thì chẳng được ăn đâu. Cũng cùng một luật cho người sinh trong xứ cùng khách ngoại bang nào đến kiều ngụ giữa các ngươi."
Là tôi đã chứng minh rằng, các dân không phải là I-sơ-ra-ên cũng phải vâng giữ luật pháp của Đức Chúa Trời như dân I-sơ-ra-ên, nếu họ muốn được hưởng phước của Đức Chúa Trời như dân I-sơ-ra-ên. Huống chi là Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời?
Lại thêm một hình thức ngụy biện khi anh đem việc không chịu cắt bì cũng được xưng công binh để ví với việc không giữ điều răn thứ tư cũng được xưng công bình. Anh viết:
Thế thì, trong thời Tân Ước, sống trong giao ước mới, chúng ta không làm theo luật pháp của dân Israen là tức là không chịu cắt bì cũng sẽ được xưng công bình bởi đức tin nữa. Ngay cả khi không giữ ngày thứ bảy sabat cũng được xưng công bình nữa.
Và tôi xin bổ sung:
Thế thì, trong thời Tân Ước, sống trong giao ước mới, chúng ta không làm theo luật pháp của dân Israen là tức là không chịu cắt bì cũng sẽ được xưng công bình bởi đức tin nữa. Ngay cả khi có các thần khác trước mặt Thiên Chúa, làm tượng, thờ lạy tượng, hầu việc tượng, lấy danh Chúa làm ra vô ích, không giữ ngày thứ bảy sabat, không hiếu kính cha mẹ, phạm tội giết người, phạm tội ngoại tình, làm chứng dối, trộm cắp, tham lam của người khác cũng được xưng công bình nữa.
Không có lý nào Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời anh Ấn có thể phạm một mà không có thể phạm luôn cả mười. Bởi vì, Thánh Kinh chép: "Vì người nào giữ trọn luật pháp, mà phạm một điều răn, thì cũng đáng tội như đã phạm hết thảy" (Gia-cơ 2:10).
Kính thưa anh Ấn,
Rô-ma 3:30 dạy rằng: Con dân Chúa được xưng công bình bởi đức tin chứ không phải bởi việc giữ các điều răn và luật pháp.
Rô-ma 3:31 dạy rằng: Con dân Chúa sau khi nhờ đức tin được xưng công bình thì phải giữ trọn các điều răn và luật pháp. Nghĩa là, "Hãy đi! Đừng phạm tội nữa!" Nghĩa là, từ nay hãy sống như Đấng Christ đã sống, đừng phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời!
Nếu ý nghĩa của hai câu này đơn giản như vậy mà anh vẫn không hiểu thì thật là tội nghiệp cho anh, và cho cả các sinh viên của Viện Thần Học Việt Nam được học Lời Chúa từ nơi anh. Tôi cầu mong rằng, đây chỉ là vì anh không hiểu lẽ thật của Lời Chúa, chứ không phải anh đã hiểu nhưng cố tình bẻ cong chữ nghĩa và ngụy biện để dẫn dắt con dân Chúa đi vào con đường phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời.
Anh viết rất là hợp lý:
Giống như Anh Huỳnh là dân Việt Nam, nhưng sống tại Mỹ, thì anh phải tuân giữ luật pháp của Mỹ, vì anh và những Việt kiều khác là một thiểu số sống tại Mỹ, còn người Việt Nam như tôi thì không bị luật pháp Mỹ chi phối. Dân tộc Việt Nam lại càng không. Hiện nay có rất nhiều chủng tộc sống tại Mỹ. Một đạo luật của Mỹ được ban hành, thì chỉ có hiệu lực cho những người dân đang sinh sống tại lảnh thổ nước Mỹ, chứ không có hiệu lực trên quê nhà của họ.
Nhưng anh quên là anh đang hưởng quyền công dân I-sơ-ra-ên thuộc linh, anh đang ở trong vương quốc thuộc linh của Đức Chúa Trời và anh phải vâng giữ trọn vẹn Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời. Hay là anh đã quên hai câu Thánh Kinh này:
"Trong thuở đó, anh em không có Đấng Christ, bị ngoại quyền công dân I-sơ-ra-ên, chẳng dự vào giao ước của lời hứa, không có sự trông cậy và vô thần trong thế gian" (Ê-phê-sô 2:12).
"Nhưng chúng ta là công dân trên trời; ấy là từ nơi đó mà chúng ta trông đợi Đấng Giải Cứu mình là Đức Chúa Jesus Christ" (Phi-líp 3:20).
Anh Ấn đã rất khéo léo trong việc gài cho độc giả hiểu lầm rằng, tôi buộc con dân Chúa phải sống theo giao uớc cũ, là điều mà tôi không hề làm. Xin anh chỉ ra chỗ nào tôi dạy rằng: Con dân Chúa phải sống theo giao ước cũ? Tôi chỉ dạy rằng: Con dân Chúa trong mọi thời đại phải vâng giữ Mười Điều Răn như đã được chép trong Xuất Ê-díp-tô Ký 20:1-17.
Anh Ấn chỉ cần trả lời câu hỏi sau đây:
Theo anh Ấn, con dân Chúa trong Hội Thánh có phải vâng giữ Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời như đã chép trong Xuất Ê-díp-tô Ký 20:1-17, hay không? Tôi không nói đến người I-sơ-ra-ên hay người không phải I-sơ-ra-ên. Tôi chỉ nói đến môn đồ của Đức Chúa Jesus Christ, Hội Thánh của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jesus Christ. Vì thế, đừng bàn lan man sang việc dân I-sơ-ra-ên và dân ngoại, cũng đừng bàn đến giao ước cũ và giao ước mới.
Trong đức tin vào Thánh Kinh của anh, với lương tâm của một giáo sư của một Viện Thần Học. Anh chỉ cần trả lời ngắn và gọn câu hỏi này: Con dân Chúa trong Hội Thánh có phải vâng giữ Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời như đã chép trong Xuất Ê-díp-tô Ký 20:1-17, hay không?
Tôi tin rằng, đã đến lúc để kết thúc việc biện giáo giữa tôi với anh tại đây. Tôi cũng không muốn biện giáo với anh về một đề tài nào khác nữa. Vì, như tôi đã email cho anh, tôi không muốn làm người cứ tiếp tục phô bày những sự thiếu kém của anh trên diễn đàn công cộng:
Trích email gửi Mục Sư Nguyễn Quốc Ấn ngày 14/12/2013, liên quan đến bài biện giáo về Giao Ước của ông:
Anh Ấn kính mến,
Tôi mong anh đọc lại bài phản biện này của anh trong sự cầu nguyện. Bài phản biện của anh có nhiều lỗ hổng về thần học.
Tôi không muốn làm người chỉ ra những lỗ hổng đó trên diễn đàn biện giáo, vì điều ấy sẽ ảnh hưởng đến danh xưng giáo sư thần học của anh.
Anh nên cầu nguyện xin Chúa giúp cho anh hiểu rõ về giao ước và thần học Cựu Ước. Anh hãy dành thời gian để nghiên cứu về thần học Cựu Ước trước khi viết bài biện giáo.
Chính câu này của anh:
đã chứng tỏ anh không hiểu rõ về thần học Cựu Ước. Con sinh chuộc tội của Cựu Ước chính là ân điển! Dân I-sơ-ra-ên được đem ra khỏi xứ Ai-cập chính là ân điển. Ngay trong lời mở đầu của Mười Điều Răn và trong điều răn thứ nhì đã đề cập đến ân điển!
Tôi nhận thấy bài viết của anh chỉ là tùy hứng, đọc thấy những điều tôi viết không hợp ý anh, thì anh lý luận để bắt bẻ nhưng lý luận của anh không dựa vào Thánh Kinh. Khi tôi dùng Thánh Kinh để chỉ ra ân điển trong giao ước cũ thì anh sẽ bị hố nặng.
Anh nên nhớ, trong Tân Ước, kèm theo ân điển Giăng 3:16 vẫn có sự hình phạt của luật pháp cho những kẻ chối bỏ ân điển: Giăng 3:36. Chứ không phải hình phạt nghiêm khắc chỉ có trong Cựu Ước.
Thiết tưởng, anh cũng đừng nên dùng câu nói phạm thượng của một người chưa tin Chúa để minh họa cho ý tưởng của anh. Người ấy nói ra câu đó vì người ấy chưa biết Chúa. Anh là người đã biết Chúa rồi thì không nên lập lại câu nói ấy.
Tôi mong rằng, anh luôn ghi nhớ anh và tôi đang đứng trước mặt Đức Chúa Trời để biện giáo. Anh hãy cầu nguyện xin Chúa dẫn dắt trước khi viết bài biện giáo, và anh hãy cẩn thận trong từng câu, từng chữ anh viết ra.
Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha của chúng con.
Con cảm tạ ơn Cha đã ban cho con cơ hội biện giáo với anh Nguyễn Quốc Ấn. Nhờ đó, con dân Chúa khắp nơi có thêm tài liệu để tham khảo về lẽ thật này của Thánh Kinh: "Không riêng gì con dân Chúa mà loài người trong mọi thời đại phải vâng giữ Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời!"
Lần cuối cùng, con cầu xin Cha thương xót mà cất đi cái màn vô trí đang che mắt anh Nguyễn Quốc Ấn và bao nhiêu con dân khác của Chúa, khiến cho họ không nhìn thấy lẽ thật ấy.
Con cũng cầu xin Cha cứ ban ơn, thêm sức cho các anh chị em của chúng con, là những người vâng giữ Mười Điều Răn của Ngài. Vì chúng con biết rằng, đó là những việc lành mà Ngài đã sắm sẵn để chúng con làm theo, sau khi chúng con tiếp nhận ơn cứu rỗi của Ngài.
Nguyện mọi vinh quang thuộc về Thiên Chúa đời đời! A-men!
Huỳnh Christian Timothy