Huỳnh Christian Timothy
Hôm nay, 27.4.2013, một ngày Sa-bát, có một bạn đọc vào trang facebook của chúng tôi [1] đăng lên địa chỉ của bài “Ý Nghĩa Ngày Sa-bát” [2] mà nội dung của bài viết đó bài bác việc con dân Chúa vâng giữ điều răn thứ tư trong Mười Điều Răn.
Chúng tôi xin cậy ơn Chúa, dành một ít thời gian để chỉ ra những sự sai lầm trong bài viết nói trên. Phần trích dẫn từ bài viết của tác giả được giữ nguyên văn, kể cả dấu chấm câu và lỗi chính tả, và được chúng tôi dùng kiểu chữ nghiêng.
1. Tác giả viết: “Giao ước cũ và Giao ước mới. Như vậy, có 2 thời kỳ Đức Chúa Trời lập giao ước. Thời kỳ I: Đức Chúa Trời lập giao ước với dân Do Thái (dân tuyển) Tức CỰU ƯỚC. Chứa đựng Lời hứa, Lời tiên tri và hình bóng về Đấng Mêsia. Thời kỳ II Đức Chúa Trời lập giao ước với loài người (Thế gian) tức là TÂN ƯỚC. Chính Chúa Jesus Giáng thế là Đấng Mêsia, làm hoàn thành công cuộc cứu rỗi cho con người.
Tác giả đã sai khi ngụ ý Tân Ước được Đức Chúa Trời lập ra với toàn thể loài người, tức thế gian. Không một chỗ nào trong Thánh Kinh nói rằng Tân Ước, tức Giao Ước Mới, được Đức Chúa Trời lập với loài người nói chung, tức thế gian. Ngược lại, Thánh Kinh khẳng định Giao Ước Mới được Đức Chúa Trời lập ra với dân I-sơ-ra-ên. Dưới đây là bằng chứng:
“Đức Giê-hô-va phán: Nầy, những ngày đến, bấy giờ Ta sẽ lập một Giao Ước Mới với nhà I-sơ-ra-ên và với nhà Giu-đa” (Giê-rê-mi 31:31).
Khi Đức Chúa Jesus Christ kết Giao Ước Mới bằng máu của Ngài thì Ngài kết với 12 sứ đồ người I-sơ-ra-ên:
“Khi ăn xong, Ngài cũng làm như vậy, lấy chén đưa cho môn đồ, mà phán rằng: Chén nầy là Giao Ước Mới trong máu Ta vì các ngươi mà đổ ra” (Lu-ca 20:22).
Nên nhớ, chính Đức Chúa Jesus Christ phán bảo 12 sứ đồ của Ngài chỉ rao giảng Tin Lành cho dân I-sơ-ra-ên mà thôi:
“Ấy đó là mười hai sứ đồ Đức Chúa Jesus sai đi, và có truyền rằng: Đừng đi đến dân ngoại, cũng đừng vào một thành nào của dân Sa-ma-ri cả; song thà đi đến cùng những con chiên lạc mất của nhà I-sơ-ra-ên” (Ma-thi-ơ 10:5-6).
Chỉ sau khi Giao Ước Mới được ký kết trên đồi Gô-gô-tha với dân I-sơ-ra-ên (trên thập tự giá có ghi rõ hàng chữ “Jesus Người Na-xa-rét, Là Vua Dân Giu-đa.”) thì Tin Lành mới được giảng cho dân ngoại bởi mệnh lệnh của Chúa trong Ma-thi-ơ 28:19-20. Và như vậy, rõ ràng là Giao Ước Mới được Đức Chúa Trời kết với dân I-sơ-ra-ên nhưng muôn dân được dự phần, nếu có cùng đức tin vào giao ước ấy.
Rô-ma 11:17 dạy rõ: dân ngoại được tháp vào dân I-sơ-ra-ên như các nhánh ô-li-ve hoang được tháp vào gốc ô-li-ve thật là dân I-sơ-ra-ên. Vì thế, Cựu Ước và Tân Ước đều được Đức Chúa Trời kết với dân I-sơ-ra-ên; nhưng hễ ai có cùng đức tin như dân I-sơ-ra-ên vào trong các giao ước ấy thì đều được hưởng quyền lợi trong hai giao ước ấy.
Mặt khác, Giao Ước Mới không hủy bỏ Giao Ước Cũ mà chỉ thêm điều khoản mới để giúp cho các điều khoản trong Giao Ước Cũ được hoàn thành.
Giao Ước Cũ đòi hỏi dân I-sơ-ra-ên nếu muốn hưởng phước của Đức Chúa Trời thì phải vâng giữ Mười Lời của Đức Chúa Trời, tức là Mười Điều Răn. Ai vi phạm thì sẽ bị diệt.
Giao Ước Mới cung cấp cho dân I-sơ-ra-ên (1) phương cách để được thoát khỏi sự bị hư mất vì phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ; (2) đồng thời, ban cho họ Thánh Linh của Đức Chúa Trời để sau khi được cứu khỏi án phạt của tội lỗi thì họ có năng lực của Đức Chúa Trời giữ Mười Điều Răn của Ngài.
Giao Ước Mới không bao giờ xóa bỏ Mười Điều Răn trong Giao Ước Cũ. Kính mời quý bạn đọc thêm bài “Các Giao Ước của Đức Chúa Trời” [3]. Thánh Kinh ghi rõ, các điều răn của Đức Chúa Trời còn lại đời đời: “Cứ theo chứng cớ Chúa Tôi đã biết từ lâu rằng Chúa lập các điều răn ấy đến đời đời” (Thi Thiên 119:152).
2. Tác giả viết: “Nhưng đến thời kỳ Tân Ước: ngày yên nghỉ thứ 7 chấm dức khi Đấng Christ Phục sinh vào ngày thứ 1.”
Trước hết, tác giả đã sai khi cho rằng Chúa phục sinh vào ngày Thứ Nhất trong tuần lễ. Các dữ kiện trong lịch sử và Thánh Kinh cho chúng ta biết một cách chắc chắn rằng, Chúa chết vào ngày Thứ Tư trong tuần lễ và Chúa phục sinh vào chiều ngày Sa-bát trong tuần lễ. Chúng tôi đã tổng hợp các dữ kiện từ lịch sử và Thánh Kinh trong bài viết “Ngày Chúa Chết và Ngày Chúa Phục Sinh” để chứng minh quan điểm và sự giảng dạy của các giáo hội, rằng Chúa chết ngày Thứ sáu và Chúa sống lại vào ngày Thứ Nhất trong tuần lễ là hoàn toàn sai trật [4]. Quý bạn đọc nên đọc thêm bài “Tóm Lược Lịch Sử Loài Người và Những Ứng Nghiệm của Các Lời Tiên Tri Trong Thánh Kinh” để thấy rõ ý nghĩa quan trọng của sự kiện Chúa chết vào ngày Thứ Tư và Chúa phục sinh vào chiều ngày Sa-bát [5].
Kế tiếp, tác giả đã không biết sự hoàn toàn khác nhau giữa:
-
Mệnh lệnh của Đức Chúa Trời về sự yên nghỉ của thể xác loài người và loài súc vật khỏi các việc lao động qua sự vâng giữ điều răn thứ tư.
-
Lời hứa về sự yên nghỉ thuộc linh của riêng loài người khỏi gánh nặng của tội lỗi, qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ.
3. Tác giả viết: “Đức Chúa Trời khởi đầu của sự sáng tạo ngày nghỉ là ngày thứ 7 Nhưng hoàn thành ngày yên nghỉ là lúc Chúa Jesus Phục sinh, là ngày thứ 1. Điều đó Phao-lô đã giải tỏ rõ trong Hêbơrơ 4: 8-10 “Vả, nếu Giô-suê cho họ yên nghỉ, thì chắc sau không nói một ngày khác nữa. Vậy thì còn một ngày yên nghỉ cho dân Đức Chúa Trời. Vì ai vào sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời thì nghỉ công việc của mình như Đức Chúa Trời đã nghỉ công việc của Ngài””
Tác giả đã không biết rằng Đức Chúa Jesus Christ đã phục sinh vào cuối ngày Thứ Bảy, và Ngài bắt đầu làm việc trở lại vào ngày Thứ Nhất trong tuần lễ, chứ không phải Ngài phục sinh vào ngày Thứ Nhất trong tuần lễ; đồng thời, tác giả đã lẫn lộn sự an nghỉ thuộc linh khỏi gánh nặng của tội lỗi với sự an nghỉ thuộc thể của xác thịt. Lý luận như tác giả thì suốt thời Cựu Ước dân I-sơ-ra-ên không cần phải nghỉ thuộc thể vào ngày Thứ Bảy? Mệnh lệnh của Đức Chúa Trời về ngày Sa-bát trước hết là mệnh lệnh về sự nghỉ ngơi lao động của thân thể xác thịt, không phải chỉ riêng cho loài người mà còn cả cho loài súc vật: “Hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh. Ngươi hãy làm hết công việc mình trong sáu ngày; nhưng ngày thứ bảy là ngày nghỉ của Giê-hô-va Thiên Chúa ngươi: trong ngày đó, ngươi, con trai, con gái tôi trai tớ gái, súc vật của ngươi, hoặc khách ngoại bang ở trong nhà ngươi, đều chớ làm công việc chi hết; vì trong sáu ngày Đức Giê-hô-va đã dựng nên trời, đất, biển, và muôn vật ở trong đó, qua ngày thứ bảy thì Ngài nghỉ: vậy nên Đức Giê-hô-va đã ban phước cho ngày nghỉ và làm nên ngày thánh” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:8-11).
Sự kiện lầm lẫn giữa các ý muốn của Chúa liên quan đến thuộc thể với các ý muốn của Chúa liên quan đến thuộc linh đã tạo ra vô số tà giáo!
4. Tác giả viết: “Nếu chúng ta giữ ngày thứ 7 (cuối tuần) chứng tỏ rằng trước hết là công việc của tôi. Và chắc chắn rằng không ai dám nói rằng: Trước hết là công việc thế gian, sự thờ phượng Đức Chúa Trời phải đặt sau tất cả mọi công việc của mình ???!.”
Nếu Đức Chúa Trời đã định như vậy thì ai dám cãi ý Ngài? Lời phán nào của Đức Chúa Trời ra lệnh cho con dân Chúa phải nghỉ ngơi và thờ phượng Chúa vào ngày Thứ Nhất trong tuần lễ? Lời Chúa chỉ truyền cho con dân Chúa phải nghỉ ngơi và thờ phượng Chúa trong ngày Thứ bảy, sau khi đã làm hết các công việc mình trong sáu ngày. Tất cả những sự giả định, cho rằng ngày Sa-bát đã chuyển sang ngày Thứ Nhất là hoàn toàn do sự “dốt nát và tin không quyết đem giải sai ý nghĩa” của Lời Chúa bị ảnh hưởng bởi truyền thống của Giáo Hội Công Giáo [6], như Đức Thánh Linh đã phán dạy qua Sứ Đồ Phi-e-rơ “Ấy là điều người đã viết trong mọi bức thơ, nói về những sự đó, ở trong có mấy khúc khó hiểu, mà những kẻ dốt nát và tin không quyết đem giải sai ý nghĩa, cũng như họ giải sai về các phần Thánh Kinh khác, chuốc lấy sự hư mất riêng về mình” (II Phi-e-rơ 3:16).
5. Tác giả viết: “Ngày Sabát thứ 7 Cũng gọi là ngày con chiên bị giết, mỗi năm người Do Thái kỷ niệm 1 lần vào ngày Sabát. Ngày con chiên bị giết để người Do thái không bị hại trong đêm Thiên sứ thi hành án phạt trên người Ai Cập.”
Chúng tôi không biết tác giả dựa vào câu Thánh Kinh nào hay tài liệu nào để viết như trên! Rõ ràng, trong năm 2013 này, người Do-thái kỷ niệm Lễ Vượt Qua vào ngày Thứ Ba, 26.3.2013 [7].
6. Tác giả viết: “Mỗi ngày thứ 7, khi đến đền thờ, theo quy định của luật pháp, mỗi người Do Thái phải đem đến 1 con sinh tế làm lễ chuộc tội. (Xuất 13:1-16)”
Chúng tôi không biết, tác giả dựa vào đâu để viết rằng, việc dâng sinh tế để chuộc con đầu lòng là việc Đức Chúa Trời đòi hỏi dân I-sơ-ra-ên phải làm vào mỗi ngày Thứ Bảy! Thật ra, sinh tế dâng lên Đức Chúa Trời để chuộc lại con trưởng nam hoặc con đầu lòng đực trong bầy súc vật chỉ dâng một lần duy nhất cho mỗi con trưởng nam và mỗi con đực đầu lòng của súc vật, không phải dâng mỗi ngày Thứ Bảy.
7. Tác giả viết: “Thời kỳ Cựu Ước ngày thứ 7 dù là là ngày thánh, ngày thờ phượng Đức Chúa Trời, nhưng chỉ hạn chế bởi chỉ có nhờ huyết con chiên bị giết và đó là hình bóng về thời kỳ Chúa Jêsus chịu chết, dâng chính thân mình trở nên một của lễ chuộc tội trong ngày lễ vượt qua. Ngày đó, Chúa Jêsus đã chết và nằm trong phần mộ.”
Tác giả viết rằng, sự thờ phượng Đức Chúa Trời trong ngày Sa-bát Thời Cựu Ước bị hạn chế nhưng không giải thích là bị hạn chế như thế nào? Tác giả cũng không cho biết, sự chiên con bị giết trong ngày Lễ Vượt Qua, làm hình bóng cho sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ thì có liên quan gì đến việc con dân Chúa phải nghỉ lao động phần thể xác vào ngày Thứ Bảy mỗi tuần. Lễ Vượt Qua được kỷ niệm mỗi năm một lần thì có liên quan gì đến việc Chúa ra lệnh cho con dân Chúa phải nghỉ làm việc và cho súc vật nghỉ làm việc vào mỗi ngày Thứ Bảy? Một lần nữa, sự lầm lẫn giữa mệnh lệnh của Chúa về thuộc thể với mệnh lệnh của Chúa về thuộc linh đã khiến cho tác giả rơi vào sự nguy hiểm của việc “đem giải sai ý nghĩa” của Lời Chúa. Ít ra, tác giả cũng nhận biết là Đức Chúa Jesus Christ đã nghỉ ngơi trong ngày Thứ Bảy, mặc dù tác giả không biết là Chúa đã phục sinh vào cuối của ngày Thứ Bảy.
8. Tác giả viết: “Giao Ước về Sự Chết.”
Trong phần thứ ba của bài viết, tác giả đề cập đến “giao ước về sự chết.” Tuy nhiên, Thánh Kinh không hề nói Đức Chúa Trời lập ra một “giao ước về sự chết” nào cả! Lại một lần nữa, chúng ta có thể nhận thấy tác giả là một người có khuynh hướng thuộc linh hóa những gì không hề có ý nghĩa thuộc linh. Đó là một khuynh hướng vô cùng nguy hiểm, vì nó dẫn đến sự đặt cho Đức Chúa Trời những điều Ngài không hề phán! Như bà Ê-va khi xưa đã nói với con rắn rằng, Đức Chúa Trời không cho A-đam và bà “đá động đến” cây biết điều thiện và điều ác!
9. Tác giả viết: “Tại núi Si-nai. Đức Chúa Trời kêu gọi Môi-se lên núi để Ngài ban luật pháp, được khắc trên 2 bảng đá. Giao ước đó là Cựu ước, mà Kinh Thánh gọi Đó là GIAO ƯỚC VỀ SỰ CHẾT, chạm chữ trên bảng đá. “Ấy là Ngài đã ban cho chúng tôi giúp việc giao ước mới, chẳng phải giao ước bằng chữ nhưng giao ước về Thánh Linh. Vì chữ làm cho chết, Thánh Linh làm cho sống. Vả, nếu chức vụ về sự chết, chạm chữ trên bảng đá, đã là vinh hiển lắm…Phương chi chức vụ của Thánh Linh càng vinh hiển biết bao” (I Côr 3:6,7,8)”
Trước hết, các câu Thánh Kinh được tác giả trích dẫn trên đây nằm trong II Cô-rinh-tô, không phải I Cô-rinh-tô. Tác giả dám ngang nhiên buộc cho Thánh Kinh rằng, Thánh Kinh gọi Cựu Ước là “giao ước về sự chết!” Từ mệnh đề “chữ làm cho chết” mà tác giả suy luận rằng Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời do chính Ngài chép trên hai bảng đá là “Giao Ước về Sự Chết” thì thật là quá đáng! Rõ ràng, Lời Chúa phán không sai chạy: “…những kẻ dốt nát và tin không quyết đem giải sai ý nghĩa, cũng như họ giải sai về các phần Thánh Kinh khác, chuốc lấy sự hư mất riêng về mình” (II Phi-e-rơ 3:16). Chữ làm cho chết vì đó là mệnh lệnh viết thành chữ của Đức Chúa Trời, lên án chết cho những ai vi phạm thánh ý của Ngài. Đó không phải là giao ước Đức Chúa Trời ký kết với dân I-sơ-ra-ên để làm cho họ chết! Nếu vậy, làm sao điều răn và luật pháp được Thánh Kinh gọi là: thánh, công bình, và tốt lành (Rô-ma 7:12)?
Tác giả không hiểu ý nghĩa của từ ngữ “chức vụ về sự chết” và đã đồng hóa từ ngữ đó với “giao ước về sự chết.” Chúng tôi xin nhắc lại, Đức Chúa Trời không hề lập ra một giao ước nào gọi là “giao ước về sự chết!” Chức vụ về sự chết là việc định tội và thi hành án chết đối với những kẻ vi phạm luật pháp đã chép thành chữ của Đức Chúa Trời. Sự thi hành luật pháp đó không khiến cho giao ước của Đức Chúa Trời với dân I-sơ-ra-ên trở thành giao ước về sự chết! Chẳng lẽ, ngày nay, ở các quốc gia có luật tử hình những kẻ phạm tội giết người thì chúng ta gọi đó là luật pháp về sự chết hay sao? Không phải vậy! Đó là luật pháp được đặt ra để bảo vệ sự sống của công dân trong quốc gia đó!
Thánh Linh làm cho sống, có nghĩa là Thánh Linh do Đức Thánh Linh ban cho những người đã được tái sinh, khiến họ có năng lực của chính Đức Chúa Trời để giữ vẹn các điều răn của Đức Chúa Trời đã được Đức Thánh Linh tạc vào lòng, khắc vào trí của họ khi Ngài tái sinh họ: “Đức Thánh Linh cũng làm chứng cho chúng ta như vậy; vì đã phán rằng: Chúa phán: Nầy là giao ước Ta lập với chúng nó. Sau những ngày đó, Ta sẽ để luật pháp ta vào lòng chúng nó và ghi tạc nơi trí khôn” (Hê-bơ-rơ 11:15-16), khiến cho họ nhận được sự sống đời đời! Nếu đã tin Chúa rồi mà vẫn còn cố ý phạm tội thì vẫn bị luật pháp của Đức Chúa Trời lên án chết: “Vì anh em phải biết rõ rằng kẻ gian dâm, ô uế, tham lam, tức là kẻ thờ hình tượng, không một kẻ nào được dự phần kế nghiệp vương quốc của Đấng Christ là Thiên Chúa” (Ê-phê-sô 5:5). Những kẻ ô uế là những kẻ không giữ ngày Sa-bát [8].
10. Tác giả viết: “Tại sao dân Y-sơ-ra-ên có ngày thứ 7 nhưng Đức Chúa Trời đã thề là họ sẽ không được vào sự yên nghỉ? Câu trả lời của Chúa là: “vì những kẻ nghe tin lành ấy trước nhất đã không vào đó bởi chẳng tin… nhưng về sau lâu lắm, trong một thơ của Đa-vít, Chúa lại định một ngày nữa. Là “ngày nay”. Ngày nay, nếu ngươi nghe tiếng Ngài thì chớ cứng lòng”. Ngày nay không phải là ngày thứ 7, nhưng là ngày Chúa Phục Sinh. Là thời kỳ Chúa sống với các môn đồ được gọi là ngày nay.”
Tác giả loanh quanh trong sự lầm lẫn giữa sự yên nghỉ thuộc thể với sự yên nghỉ thuộc linh và vận dụng trí thức của xác thịt để giải thích Lời của Đức Chúa Trời, cho nên, tác giả luôn đưa ra những giả định rất là ngô nghê: “Ngày nay không phải là ngày thứ 7, nhưng là ngày Chúa Phục Sinh. Là thời kỳ Chúa sống với các môn đồ được gọi là ngày nay.” Thứ nhất, tác giả dùng lời hứa của Đức Chúa Trời về sự yên nghỉ thuộc linh để bác bỏ chính mệnh lệnh của Đức Chúa Trời về sự yên nghỉ thuộc thể! Người Việt chúng ta có câu nói nôm na là “đem râu ông này cắm vào cằm bà nọ” để gọi cách lý luận quái gỡ này!
Trạng từ “ngày nay” được Đức Thánh Linh dùng trong câu Thánh Kinh trên đây là chỉ về Thời Kỳ Ân Điển, bắt đầu từ khi Đức Chúa Jesus Christ công bố Tin Lành cho đến khi kết thúc Thời Kỳ Vương Quốc Ngàn Năm. Trong suốt thời kỳ đó, ai nghe Tin Lành của Chúa, mà tấm lòng mềm mại, ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Chúa, thì sẽ được lời hứa về sự yên nghỉ thuộc linh, tức là được thoát khỏi quyền lực và hậu quả của tội lỗi! Ngang nhiên giải thích rằng từ ngữ “ngày nay” được dùng trong câu Thánh Kinh trên “không phải là ngày thứ 7, nhưng là ngày Chúa Phục Sinh. Là thời kỳ Chúa sống với các môn đồ” thì thật là ấu trĩ!
Trong những phần còn lại của bài viết, tác giả luôn lầm lẫn giữa sự nghỉ ngơi phần thể xác của loài người và loài súc vật sau sáu ngày làm việc với sự nghỉ ngơi thuộc linh khỏi ách nô lệ tội lỗi của loài người. Tác giả còn đưa ra một biểu đồ trình bày Chúa chết vào ngày Thứ Sáu, ở trong mồ mả ngày Thứ Bảy, và sống lại vào ngày Thứ Nhất, nghĩa là Chúa chỉ ở trong mồ mả hai đêm một ngày chứ không phải trọn ba ngày ba đêm như chính lời tiên tri của Chúa. Vì thế, chúng tôi không phí thêm thì giờ để phản biện nữa. Mong rằng, với mười lời phản biện trên đây đã quá đủ để giúp cho con dân Chúa và chính tác giả nhìn thấy đâu là lẽ thật của Lời Chúa.
Huỳnh Christian Timothy
27.4.2013
Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống và in ra bài viết này:
http://www.mediafire.com/view/?p88ld78d24kva24
Ghi Chú
[1] http://www.facebook.com/huynhchristiantimothy
[2] http://mondohoa.com/index.php/tai-liu/87-y-ngha-ngay-sabat.html
[3] http://timhieutinlanh.com/thanhoc/?p=21
[4] http://timhieutinlanh.com/thanhoc/?p=217
[5] http://timhieutinlanh.com/thanhoc/?p=49
[6] http://www.timhieutinlanh.net/?p=578
[7] http://www.when-is.com/passover-2013.asp
[8] http://www.timhieutinlanh.net/?p=2473