Hỏi & Đáp: Do-thái Giáo

9,119 views

Huỳnh Christian Timothy

Hỏi:

Nói cho em biết về tôn giáo này. Em muốn làm chứng cho bạn tin Chúa.

Cám ơn anh chị.

L. Li

Đáp:

Thưa bạn L. Li

Do-thái Giáo (Judaism) là tín ngưỡng của dân Israel từ khi lập quốc. Mặc dù nguồn gốc của dân Israel khởi từ giao ước giữa Đức Chúa Trời với Áp-ra-ham, nhưng mãi đến 430 năm sau khi giao ước được kết lập thì con cháu của Áp-ra-ham mới được Đức Chúa Trời đem ra khỏi Ai-cập và dựng họ thành một quốc gia. Israel chỉ chính thức là một quốc gia (có lãnh thổ, công dân, và chính quyền) sau khi vượt sông Giô-đanh chiếm lấy đất hứa Ca-na-an. Khởi đầu của cuộc hành trình đi xuyên đồng vắng, Đức Chúa Trời đã ban truyền điều răn, luật pháp cho họ và kết ước với họ tại núi Si-na-i. Giao ước giữa Đức Chúa Trời với dân Israel là:

  • Dân Israel chỉ thờ phượng một mình Giê-hô-va Đức Chúa Trời mà thôi, không thờ lạy và hầu việc bất cứ một thần nào khác. Dân Israel cam kết hết lòng vâng giữ các điều răn và luật pháp Chúa ban hành, dạy cho con cháu vâng giữ điều răn và luật pháp của Chúa.
  • Nếu dân Israel vâng phục Chúa, Ngài sẽ làm Đức Chúa Trời của họ, dựng họ thành một dân biệt riêng cho Ngài, và ban ơn cho họ đến ngàn đời. Nếu dân Israel bội nghịch Chúa, Ngài sẽ lưu đày họ khắp nơi trên đất, phạt đến ba bốn đời con cháu của họ.

Do-thái Giáo phát sinh từ khi giao ước giữa Đức Chúa Trời và dân Israel được thành lập tại núi Si-na-i. Có thể nói Do-thái Giáo do Đức Chúa Trời thiết lập, và như vậy, Do-thái Giáo khác với các tôn giáo thế tục. Do-thái Giáo cũng là tín ngưỡng đầu tiên thờ phượng một thần linh duy nhất (hai tín ngưỡng khác là Cơ-đốc Giáo – Christianity, và Hồi Giáo – Islam).

Đức tin và nếp sống đạo của Do-thái Giáo phần lớn dựa vào Ngũ Kinh (Torah) tức là Năm Sách đầu trong Thánh Kinh Cơ-đốc Giáo. Torah có nghĩa là Kinh Luật, là sách về luât pháp. Torah chứa tất cả 613 điều luật mà một người Israel phải tuân giữ, từ luật đạo đức như mười điều răn, cho đến các luật về nghi thức thờ phượng, luật về quan hệ xã hội, và luật về vệ sinh cá nhân. Về sau, các thầy thông giáo, tức là những người giảng dạy Torah, dựa vào 613 điều luật chính để lập ra hàng ngàn điều luật khác. Theo thời gian, những luật đặt thêm và sự giảng giải của các thầy thông giáo trở thành truyền thống, được huân tập trong một bộ sách gọi là Talmud và dần dần có giá trị ngang hàng với Torah. Tuy nhiên, người Israel tin rằng những gì được chép trong bộ Talmud là những lời Đức Chúa Trời giảng giải về bộ Torah cho Môi-se và Môi-se đã truyền đạt lại theo lối khẩu truyền cho các đời sau. Ma-thi-ơ 23 ghi lại cái nhìn của Đức Chúa Jesus đối với những thầy thông giáo. Về những lời truyền khẩu của họ, Đức Chúa Jesus quở trách như sau:

“Ngài đáp rằng: Còn các ngươi sao cũng vì cớ lời truyền khẩu mình mà phạm điều răn của Đức Chúa Trời? Như vậy, các ngươi đã vì lời truyền khẩu mình mà bỏ lời Đức Chúa Trời.”(Ma-thi-ơ 15:3, 6 – Xem thêm Mác 7:8, 9, 13; Cô-lô-se 2:8)

Dưới đây là những nét tổng quát về Do-thái Giáo:

Tín Lý Căn Bản

1. Đức Chúa Trời thực hữu

2. Đức Chúa Trời có một và khác biệt với muôn vật

3. Đức Chúa Trời không có thân thể vật chất

4. Đức Chúa Trời là vĩnh cửu

5. Chỉ cầu nguyện cùng một mình Đức Chúa Trời mà thôi

6. Lời của các tiên tri là chân thật

7. Những lời tiên tri của Môi-se là chân thật và Môi-se là tiên tri vĩ đại nhất trong số các tiên tri

8. Bộ Torah được ghi chép thành văn tự và bộ Torah khẩu truyền (về sau được chép lại thành bộ Talmud) đều do Đức Chúa Trời phán truyền cho Môi-se

9. Sẽ không có một bộ Torah nào khác hơn là bộ Torah truyền thống

10. Đức Chúa Trời biết hết các ý tưởng và việc làm của loài người

11. Đức Chúa Trời sẽ thưởng người tốt và phạt người xấu

12. Đấng Mê-si sẽ đến

13. Người chết sẽ được sống lại

Tín Lý về Đấng Mê-si (Moshiach)

Niềm tin của người Do-thái về Đấng Mê-si (Đấng Christ) rất khác với niềm tin của Cơ-đốc nhân. Người Do-thái không công nhận Đức Chúa Jesus là Đấng Mê-si. Theo họ, Đấng Mê-si là người hội đủ các điều sau đây:

1. Lãnh tụ chính trị vĩ đại ra từ dòng Vua Đa-vít (Giê-rê-mi 23:5)

2. Hiểu biết và vâng giữ trọn vẹn các điều răn và luật pháp

3. Là tổng tư lệnh quân đội mang lại chiến thắng trong các cuộc chiến cho Israel

4. Là quan xét vĩ đại và công chính (Giê-rê-mi 33:15)

5. Là một người, không phải là một thần linh, cũng không phải vừa là thần, vừa là người, hoặc là một siêu thực thể nào khác.

Người Do-thái tin rằng mỗi thế hệ đều có một người được sinh ra với khả năng trở thành Đấng Mê-si. Nếu thời điểm chín mùi thì người ấy sẽ trở thành Đấng Mê-si. Nếu thời điểm chưa đến, thì người ấy sẽ qua đời và thế hệ kế tiếp sẽ có một người khác thay thế.

Khi nào là thời điểm xuất hiện của Đấng Mê-si? Người Do-thái tin rằng một trong những sự kiện sau đây sẽ là dấu hiệu cho biết thời điểm xuất hiện của Đấng Mê-si:

1. Toàn dân Israel ăn năn tội trong cùng một ngày

2. Toàn dân Israel vâng giữ một ngày Sa-bát đúng nghĩa, đúng nghi thức

3. Toàn dân Israel vâng giữ liên tục hai ngày Sa-bát đúng nghĩa, đúng nghi thức

4. Cả một thế hệ Israel hoàn toàn trong sạch, hoặc cả một thế hệ Israel hoàn tội lỗi

5. Cả một thế hệ Israel hoàn toàn đánh mất hy vọng về Đấng Mê-si

6. Cả một thế hệ Israel mà con cháu bất kính với cha mẹ, ông bà

Công Vụ của Đấng Mê-si

Người Do-thái tin rằng trước khi Đấng Mê-si xuất hiện sẽ có chiến tranh và hoạn nạn (Ê-xê-chi-ên 38:16). Đấng Mê-si sẽ phục hồi chính trị và thuộc linh cho dân Israel, sẽ đem họ về lại đất hứa (Ê-sai 11:11, 12; Giê-rê-mi 23:8; 30:3; Ô-sê 3:4, 5). Đấng Mê-si sẽ thành lập một chính phủ tại Giê-ru-sa-lem làm trung tâm cho các chính phủ khắp nơi trên thế giới cho cả người Do-thái lẫn các dân tộc không Do-thái (gentiles) (Ê-sai 2:2, 4; 11:10; 42:1). Đấng Mê-si sẽ tái thiết đền thờ và sự thờ phượng trong đền thờ (Giê-rê-mi 33:18). Đấng Mê-si sẽ phục hồi Do-thái Giáo và thiết lập luật pháp của Do-thái Giáo thành luật của quốc gia (Giê-rê-mi 33:15).

Mong rằng những điểm khái quát trên đây có thể giúp cho bạn L. Li biết được phần nào niềm tin của người bạn theo Do-thái Giáo.

Huỳnh Christian Timothy
21.03.2007

Bấm vào đây để download bài viết này

Copyright Notice: Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry – All Rights Reserved © 2007 Vietnamese Christian Mission Ministry, Inc. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức với điều kiện giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.