Giáo Sư Giả

7,286 views

Nguyễn Mỹ Hạnh Lan

I. Dẫn Nhập

Ngay từ những ngày đầu tiên của Hội Thánh Chúa, quyền lực bí mật của sự vô đạo đã bắt đầu làm việc để phá hoại thân thể của Đầng Christ (2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:7; 2 Thessalonians 2:7). Thân thể Chúa tức là Hội Thánh, là nơi phản ánh sự vinh hiển của Chúa. Đó cũng là nơi Tin Lành được truyền ra cho tận cùng trái đất. Hội Thánh, vì vậy là nguồn dẫn phước xuống cho nhân loại; điều mà Satan không muốn. Do đó, nổ lực của Satan là một mặt hủ hoá Hội Thánh bằng tội lỗi và hậu quả của tội lỗi là quan hệ mật thiết giữa Cơ Đốc nhân với Đức Chúa Trời bị cắt đứt; mặt khác, Satan tung ra những thứ giả như tôn giáo giả, Christ giả, tiên tri giả, giáo sư giả, phép lạ giả, v.v., chủ đích của Satan là lừa Hội Thánh đi xa khỏi chân lý của Chúa. Thiếu chân lý, đời sống Cơ Đốc nhân không thể được thánh hoá. Chân lý của Chúa chính là lời Chúa (Giăng 17:17; John 17:17). Những thứ hàng giả hiệu của Satan sẽ có phảng phất những thuộc tính của Chúa; tuy nhiên, pha trộn vào đó là những thứ thuộc về thế gian hoặc của thế giới tối tăm để những Cơ Đốc nhân thiếu cảnh giác lầm lộn và bị lừa.

Giáo sư giả là một trong các đồ giả mạo của Satan. Đây là những người giảng “lời Chúa” nhưng không duy nhất lời Chúa mà có pha trộn vào những triết lý của thế gian. Họ là những sói đội lốt chiên (Ma-thi-ơ 7: 15; Matthew 7:15). Động cơ của giáo sư giả có thể là tiền bạc, danh vọng, quyền thế. Nhưng có thể họ làm một cách vô ý thức, không biết mình đang phục vụ Satan thay vì phục vụ Chúa. Cũng có thể có những tội kín dấu trong đời sống như tội tình dục, tội kiêu ngạo, tội tham tiền bạc, v.v., nên họ mới bẻ cong Thánh Kinh để ru ngủ luơng tâm đang bị cáo trách vì các tội lỗi kín dấu này. Sự giảng dạy của giáo sư giả như men làm bánh; chỉ cần một chút ít trông có vẻ “vô thưởng vô phạt” nhưng từ từ dậy lên cả ổ bánh. Chính Chúa Giê-su đã tiên tri về giáo sư giả để cảnh báo các môn đồ Ngài (Ma-thi-ơ 24:11; Matthew 24:11). Do vậy, giáo sư giả là một vấn đề quan trọng đáng được Cơ Đốc nhân chú ý.

Trong bài này chúng ta lần lượt liệt kê những cách để nhận diện giáo sư giả trong Hội Thánh và xác định thái độ của chúng ta đối với họ.

II. Nhận diện giáo sư giả

Muốn nhận diện giáo sư giả, trước hết Cơ Đốc nhân cần phải sống trong Chúa để Chúa sống trong mình (Giăng 14:20; John 14:20). Khi thần Lẽ Thật sống trong mình thì Ngài sẽ dẫn chúng ta đi vào mọi lẽ thật (Giăng 14:26; John 14:26) vì Ngài là Chân Lý (Giăng 14:6; John 14:6). Khi đã sống trong chân lý của Chúa thì chúng ta có khả năng nhận biết ra những gì không phải là chân lý rất dễ dàng. Điều đáng ghi nhớ là giáo sư giả là những người không phải hoàn toàn không dạy lời Chúa, nhưng trong sự dạy dỗ của họ có trộn lẫn những điều thuộc về Chúa và cả những điều thuộc về thế gian. Hỗn hợp phần giả phần thật này là chiến lược muôn đời của Satan để lừa dối nhân loại. Người vấp ngã đầu tiên vì chiến thuật này của Satan là Ê-va trong vườn Ê-đen (Sáng Thế Ký 3:1-6; Genesis 3:1-6).

Chúng ta có thể nhận diện họ bằng những cách như sau:

1. Thử nghiệm mọi linh

Giáo sư giả làm việc dưới sự kiểm soát của tà linh. Tà linh là đầy tớ của Satan. Mỗi khi Satan trá hình dưới dạng thiên sứ sáng láng, thì tà linh trá hình dưới dạng của người công nghĩa (2 Cô-rinh-tô 11:14-15; 2 Corinthians 11:14-15). Tà linh càng năng quyền thì sự lừa dối của giáo sư giả càng cao. Đầy tớ của thế lực bóng tối vẫn có thể làm phép lạ để lừa dối loài người (Ma-thi-ơ 24: 24; Matthew 24:24). Vào thời cuối, Satan càng tung ra nhiều hàng giả mạo hơn. Trong lúc đó, càng có nhiều người chối bỏ đức tin, chú tâm vào các thần lừa dối và đạo lý của ác quỷ [1 Ti-mô-thê 4:1; 1 Timothy 4:1]. Sự bội đạo lót đường cho AntiChrist xuất hiện. AntiChrist là kẻ có quyền năng siêu nhiên như có thể kêu lửa từ trên trời đổ xuống (Khải Huyền 13:13; Revelation 13:13). Phép lạ càng mầu nhiệm sự lừa dối càng cao. Tương tự như vậy, giáo sư giả cũng có thể truyền đạt những “mạc khải” sâu nhiệm về Đức Chúa Trời. Do vậy, trước khi nhắm mắt tin vào những đều “sâu nhiệm” này, Cơ Đốc nhân phải thử các thần linh đó xem chúng có phải phát xuất từ Đức Chúa Trời hay không. Chúng ta trắc nghiệm các linh nhờ vào lời Chúa để lại trong Thánh Kinh như tín đồ thành Bê-rê tra xét Thánh Kinh để thử nghiệm chính sứ đồ Phao-lô (Công Vụ 17:10-11; Acts 17:10-11). Thánh Kinh là bản đồ cho sự sống của Cơ Đốc nhân. Nhờ đối chiếu với Thánh Kinh, chúng ta biết được sự dạy dỗ của một người đến từ Đức Chúa Trời hay không:

“Hỡi kẻ rất yêu dấu, chớ tin cậy mọi thần, nhưng hãy thử cho biết các thần có phải đến bởi Đức Chúa Trời chăng; vì có nhiều tiên tri giả đã hiện ra trong thiên hạ. Bởi điều nầy, hãy nhận biết Thánh Linh của Đức Chúa Trời: phàm thần nào xưng Đức Chúa Jêsus Christ lấy xác thịt mà ra đời, thần đó là bởi Đức Chúa Trời; còn thần nào không xưng Đức Chúa Jêsus, chẳng phải bởi Đức Chúa Trời. Đó là thần của Kẻ địch lại Đấng Christ, mà các con đã nghe rằng hầu đến, và hiện nay đã ở trong thế gian rồi.” (1 Giăng 4:1-3; 1 John 4:1-3).

2. Quan sát đặc tính của lời giảng dạy

Các giáo sư giả dù có khả năng lừa dối đến đâu vẫn để lộ ra những đặc thù.

– Trước hết, sự giảng dạy của giáo sư giả dựa vào sự khôn ngoan của người đời, chứ không phải bằng sự khôn khoan Chúa ban cho. “Vì những kẻ đó chẳng hầu việc Đấng Christ, Chúa chúng ta, song hầu việc cái bụng họ, và lấy những lời ngọt ngào dua nịnh dỗ dành lòng kẻ thật thà.” (Rô-ma 16:18; Romans 16:18).

– Thứ hai, sự giảng dạy của họ không tôn cao nhất Đấng Christ là nguồn cội và cuối cùng của đức tin Cơ Đốc nhân. Tất cả những lời giảng dạy nhằm vào sự tìm kiếm những điều gì khác với Đấng Christ, như của cải vật chất, năng lực tinh thần, kể cả ân tứ Thánh Linh, hay chính cả kiến thức về Thánh Kinh (Tít 1: 11; Titus 1:11). Cơ Đốc nhân phải trước hết đi tìm kiếm sự công nghĩa thiên thượng, tức là chính Đấng Christ. Những sự còn lại đều là thứ yếu.

– Sau hết, giáo sư giả là những người đi dạy sự thoả hiệp với thế gian. Công việc của Satan là kết hợp con cái thế gian lại với nhau để chống nghịch với Đức Chúa Trời. Công việc của Chúa Thánh Linh là phân rẽ giữa sáng và tối; giữa lộn xộn, với ngăn nắp; giữa sống và chết; giữa thiện và ác; giữa chân và giả. Công việc của Chúa Jesus trong ngày sau rốt là cất Hội Thánh thật của Ngài ra khỏi thế gian. Công việc của Satan trong ngày sau rốt là tập hợp thế gian lại để chống nghịch với Đức Chúa Trời lần chót (Khải Huyền 20: 7-9; Revelation 20:7-9) Do vậy, quan sát đặc tính của lời dạy dỗ của các giáo sư, chúng ta biết họ có đến từ Đức Chúa Trời hay không.

III. Thái độ đối với giáo sư giả: 

Cơ Đốc nhân có trách nhiệm về thái độ của mình đối với giáo sư giả. Chúng ta có bổn phận chối từ các giáo sư giả và sự giảng dạy của họ như tín đồ thành Ê-phê-sô đã chối bỏ tà đạo Ni-cô-la (Khải Huyền 2:2; Revelation 2:2). Nếu cần, chúng ta nên nêu đích danh và vấn đề như Phao-lô đã làm đối với ba ông: Hy-mê-nê, A-léc-xan-đơ (1 Ti-mô-thê 1:20, 1 Timothy 1:20) và Phi-lết (2 Ti-mô-thê 2:17, 2 Timothy 2:17). Hai ông Hy-mê-nê và Phi-lết đã dạy rằng sự Phục Sinh đã xảy ra rồi. Sau khi phơi bày sự sai trái của họ, chúng ta giao họ cho Satan là cha của kẻ lừa dối (1 Ti-mô-thê 1:20, 1 Timothy 1:20) xử lý họ. Chúng ta không phán xét động cơ gây nên lời giảng sai của họ, vì phán xét tấm lòng thuộc về Chúa. Nhưng chúng ta có thể phán xét lời dạy dỗ của họ, vì chúng ta có thẩm quyền làm chuyện này [1]. Hội Thánh dung túng tà thuyết phải chịu Chúa phán xét sau này (Khải Huyền 2:18-20; Revelation 2:18-20). Tuy nhiên, không phải giáo lý nào khác với sự hiểu biết của chúng ta về Đức Chúa Trời cũng là tà thuyết. Có những lời dạy dỗ khác với điều chúng ta hiểu biết là kết quả của sự khác biệt về lượng đức tin. Đối với các anh chị em có lượng đức tin khác, chúng ta phải chấp nhận họ trong tình yêu thương (Rô-ma 15:1-2; Romans 15:1-2). Như vậy, phải có một biên giới giữa sự khác nhau do lượng đức tin, với sự khác nhau giữa chân và giả đạo. Một nguyên tắc tổng quát để chúng ta có thể phân biệt được sự khác nhau này là Đức Chúa Jesus có địa vị như thế nào trong cuộc sống hôm nay và mai sau của chúng ta. Đứng truớc một lời dạy dỗ của một người rao truyền đạo Chúa, chúng ta có thể đặt những câu hỏi sau để trắc nghiệm họ:

– Đức Chúa Jesus có phải là Đấng Cứu Chuộc Duy Nhất không? Sự cứu rỗi của Ngài có phải Duy Nhất không?

– Đức Chúa Jesus có phải là Đức Chúa Trời trong hình hài con người không?

– Đức Chúa Jesus có phải đã chết để chuộc tội cho nhân loại trong đó có chúng ta và đã phục sinh trong một thân thể biến hoá không?

– v.v.

Còn nhiều chân lý thuộc về Đức Chúa Jesus nhưng tóm lại, chân đạo tôn Đức Chúa Jesus lên vị trí Đức Chúa Trời Ngôi Hai; giả đạo hạ thấp Đức Chúa Jesus xuống hoặc đưa một thần khác hoặc con người lên ngang hàng với Ngài.

Những sự hiểu biết về lẽ đạo của Chúa cho dù có khác nhau là do lượng đức tin của những anh chị em trong Chúa khác nhau. Lẽ đạo của Chúa, tức Lời Chúa, tức Thánh Kinh, ví như viên kim cương trọn hảo. Sự hiểu biết về lẽ đạo ví như màu sắc phản chiếu từ viên kim cương. Lượng đức tin ví như nguồn ánh sáng khác nhau chiếu vào viên kim cương. Dù nguồn ánh sáng là một ngọn nến, một bó đuốc, hay mặt trời, khiến cho màu sắc phản chiếu từ viên kim cương khác nhau, nhưng sự rực rỡ của viên kim cương là thật! Phân biệt giữa giả đạo (tà giáo) và sự khác biệt trong sự hiểu biết Lời Chúa do lượng đức tin mỗi người khác nhau đòi hỏi sự khôn ngoan đến từ Chúa. 

IV. Kết luận:

Càng tiến tới gần thời kỳ cuối, giáo sư giả, tiên tri giả xuất hiện càng nhiều. Giáo sư giả là một vấn nạn hệ trọng trong Hội Thánh. Một mặt chúng ta phải nhận diện, phơi bày và chống trả giáo sư giả để giữ gìn sự tinh tuyền của lời Chúa trong Hội Thánh. Mặt khác, chúng ta cần phải phân biệt sự khác nhau về sự hiểu biết lẽ đạo do luợng đức tin khác nhau trong anh chị em để giữ gìn sự hiệp một trong thân thể Chúa. Đây là điều khó, nhưng chúng ta làm được nếu chúng ta biết nương cậy Đức Thánh Linh.

Nguyễn Mỹ Hạnh Lan
28/02/2006

Bấm vào đây để download bài viết này

Tài liệu tham khảo:

– Erwin W. Lutzer, Who Are You to Judge, Moody Press, trang 47 (2002)

Copyright Notice: Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry – All Rights Reserved © 2006 Vietnamese Christian Mission Ministry, Inc. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức với điều kiện giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.