Phục Truyền Luật Lệ Ký 12:28-32
28 Hãy giữ và nghe các điều này mà ta dặn bảo ngươi, để ngươi và con cháu ngươi được phước đời đời, bởi vì làm điều tốt lành và ngay thẳng trước mặt Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi.
29 Khi Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi đã diệt khỏi trước mặt ngươi những dân tộc mà ngươi đi đến để đuổi đi khỏi đó, khi ngươi đã đuổi chúng nó rồi, và được ở trong xứ chúng nó,
30 thì hãy giữ lấy mình, kẻo sau khi chúng nó đã bị diệt khỏi trước mặt ngươi, ngươi rơi vào bẫy, bắt chước chúng nó, mà hỏi rằng: Các dân tộc này phục sự các thần mình thế nào? Ta cũng muốn làm theo vậy nữa.
31 Ngươi chớ phục sự Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi như vậy, vì mọi điều Đấng Tự Hữu Hằng Hữu lấy làm gớm ghiếc và ghét, thì chúng nó đã làm cho các thần mình: đến nỗi chúng nó thiêu con trai và con gái mình trong lửa, để cúng thờ các thần mình.
32 Các ngươi hãy cẩn thận làm theo mọi điều ta dặn bảo các ngươi: chớ thêm hay là bớt gì hết.
Lễ kỷ niệm Chúa phục sinh thường được gọi là “Easter” trong tiếng Anh. Danh từ Easter không hề được dùng trong Thánh Kinh, và cũng không liên quan gì đến sự thương khó, sự chết, hay sự sống lại của Đấng Christ. Tất cả các học giả về Thánh Kinh đều công nhận là danh từ Easter xuất xứ từ ngoại giáo, và là tên của một nữ thần. Vì vậy, con dân Chúa không nên dùng danh từ Easter để gọi lễ kỷ niệm Chúa phục sinh. Trong tiếng Việt, chúng ta có danh từ “Lễ Phục Sinh” rất là gợi cảm và đầy ý nghĩa.
Thánh Kinh không hề dạy con dân Chúa phải giữ lễ kỷ niệm Chúa Phục Sinh. Các sứ đồ của Chúa và Hội Thánh ban đầu cũng không giữ lễ kỷ niệm Chúa Phục Sinh. Bộ Bách Khoa Từ Điển Anh (The Encyclopaedia Britannica) viết về Easter như sau: “Không có dấu hiệu nào cho thấy lễ Easter được cử hành trong Tân Ước, hoặc được đề cập trong các bản thảo của các sứ đồ giáo phụ… Những Cơ-đốc nhân đầu tiên vẫn tiếp tục giữ các ngày lễ của người Do-thái nhưng trong một tinh thần mới, như là một sự ghi nhớ ý nghĩa của những sự kiện mà các lễ ấy làm hình bóng báo trước… Trong khi đó, những Cơ-đốc nhân ngoại tộc Do-thái, không bị ảnh hưởng bởi các truyền thống Do-thái, đã liên kết ngày thứ nhất trong tuần lễ với sự kiện Chúa phục sinh và ngày thứ sáu trước đó thành ngày kỷ niệm sự đóng đinh, bất chấp là ngày nào trong tháng.” Mãi đến năm 325, Hoàng Đế La-mã lúc ấy là Constantine mới triệu tập Giáo Hội Nghị Nicaea tại thành phố Nicea, và Giáo Hội Nghị đã biểu quyết kể từ đó trở đi toàn cõi Đế Quốc La-mã phải kỷ niệm lễ Easter vào Chủ Nhật đầu tiên sau ngày trăng tròn của tiết Xuân Phân (thời điểm mở đầu mùa Xuân) [1].
Đức Chúa Jesus chỉ truyền đạt cho Hội Thánh có hai lễ, là lễ báp-tem và lễ tiệc thánh. Theo ý riêng của người viết, nếu chúng ta muốn kỷ niệm sự giáng sinh hay là sự phục sinh của Chúa, tin rằng Chúa không cấm đoán nếu chúng ta không thương mại hóa hoặc không pha trộn các nghi thức cúng tế tà thần của ngoại giáo vào trong lễ kỷ niệm của chúng ta.
Trong tiếng Anh, Easter có nghĩa là gió đến từ phương Đông, nếu dịch theo lối Hán Việt thì Easter = Đông phong. Theo bộ Thánh Kinh Bách Khoa Từ Điển Minh Họa (Pictorial Encyclopedia of the Bible) của nhà xuất bản Zondervan [2] thì danh từ Easter nguyên gốc là Eastre (còn gọi là Eostre), tên nữ thần mùa Xuân của giống dân Teutonic (bao gồm các dân Đức, Anh, và Na-uy).
Theo các tài liệu về ngoại giáo, Eastre là một trong các thần linh được dân Na-uy tôn thờ và sau này là các dân khác tại Châu Âu. Hàng năm, vào đầu mùa Xuân, khoảng tháng tư Dương Lịch, vào ngày trăng tròn, dân Na-uy tổ chức lễ cúng Eastre, vì thế Eastre được xem là Nữ Thần Mùa Xuân và Nữ Thần Mặt Trăng. Tuy nhiên, vai trò chính của Eastre là thổ thần (thần đất) có nhiệm vụ phục hồi sinh lực cho đất sau mùa Đông giá lạnh, khiến cho thực vật đâm chồi, nẩy lộc, đem lại thực phẩm cho thú vật cũng như loài người, và Eastre cũng được xem là thần ban phước cho sự sinh sản của vạn vật.
Huyền thoại cho rằng Eastre thường xuất hiện trong hình dáng của một con thỏ (tượng trưng cho sự sinh sản nhanh chóng và nhiều), vì thế, trong lễ cúng Eastre, một con thỏ cái được dùng làm biểu tượng cho nữ thần. Lễ vật dâng cúng là những quả trứng gà luộc chín, tượng trưng cho quả trứng sáng tạo của vũ trụ và sự tái sinh của vạn vật, cùng với các hoa quả đầu mùa. Eastre chính là nguồn gốc của “Easter Bunny” (Thỏ Phục Sinh) và “Easter Eggs” (Trứng Phục Sinh). Danh xưng Eastre có nghĩa là “đến từ phương Đông” cho nên Eastre còn được xem là Nữ Thần Bình Minh. [3]
Tượng Nữ Thần Ishtar
http://www.mythencyclopedia.com/images/mlw_0001_0003_0_img0112.jpg
https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/e/e3/Ishtar_Gate_at_Berlin_Museum.jpg
http://realhistoryww.com/world_history/ancient/Images_Canaan/Astarte_2.jpg
Tuy nhiên, theo bộ Tân Cựu Ước Từ Điển Diễn Giải Từ Ngữ Toàn Tập của W.E. Vine (Vine’s Complete Expository Dictionary of Old and New Testament Words) thì Easter chính là nữ thần Át-tạt-tê (Astarte) của người Ba-by-lôn, là Nữ Vương Trên Trời được nhắc đến trong Giê-rê-mi 7:18; 44:17-19, 25; 1 Các Vua 11:5, 33; 2 Các Vua 23:13-15 [4].
Tự Điển Bách Khoa Công Giáo (The Catholic Encyclopedia) phối hợp cả hai quan điểm của bộ Bách Khoa Từ Điển Anh và của W.E. Vine để định nghĩa Easter như sau: “Easter: Một từ ngữ tiếng Anh, theo Bede (một tu sĩ vào thế kỷ thứ tám), có liên hệ đến Eostre, là nữ thần ánh sáng bình minh và mùa Xuân của dân Teutonic. Eostre là tên gọi của vùng Châu Âu thời cổ cho cùng một nữ thần được thờ lạy bởi dân Ba-by-lôn, là Át-tạt-tê, hoặc Ishtar, nữ thần sinh sản, là thần mà lễ kỷ niệm trọng thể được tổ chức vào mùa Xuân trong năm.” [5]
Qua ba nguồn tài liệu khác nhau: tài liệu của thế tục, tài liệu của Giáo Hội Công Giáo, và tài liệu của học giả Tin Lành, chúng ta đều thấy rõ lễ kỷ niệm Chúa phục sinh đã bị thần thoại hóa, và ngoại giáo hóa thành lễ Easter!
Là con dân của Chúa, đối với lời Chúa, chúng ta có bổn phận phải “suy gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong” (Giô-suê 1:8). Chúng ta không thể nghe theo truyền thống của giáo hội mà thờ phượng Chúa theo lễ nghi của ngoại giáo, là điều Chúa đã lên án mạnh mẽ trong Thánh Kinh (Phục Truyền Luật Lệ Ký 12:28-32). Những ai giảng dạy con dân Chúa thờ phượng Chúa theo lễ nghi ngoại giáo sẽ chịu trách nhiệm trước mặt Chúa, nhưng con dân Chúa gác bỏ lời Chúa để chạy theo truyền thống của giáo hội cũng sẽ tự mình gánh trách nhiệm trước Chúa.
Mỗi một con dân Chúa là một thầy tế lễ thánh của Đức Chúa Trời (1 Phi-e-rơ 2:9; Khải Huyền 1:6), đã được thánh hóa bởi huyết báu của Đấng Christ, vậy, chúng ta hãy giữ mình thánh khiết mỗi ngày khi chúng ta ra mắt Chúa và thờ phượng Chúa.
Tôi kêu gọi toàn thể con dân Chúa từ bỏ việc gọi lễ kỷ niệm Chúa phục sinh là “Easter”, từ bỏ những tập tục trang trí ngày lễ bằng hình con thỏ và những cái trứng, từ bỏ việc cho con cháu của mình tham dự những trò chơi săn tìm trứng Easter, từ bỏ lối chào “Happy Easter” mà ý nghĩa thâm sâu có nghĩa là “Mừng Nữ Thần Át-tạt-tê”, hãy thay vào đó bằng lời chào: “Mừng Chúa Phục Sinh!”
Ngoài ra, ngày Chúa Phục Sinh không phải lúc nào cũng là chủ nhật mà là ba ngày sau Lễ Vượt Qua. Người viết sẽ bàn đến điều này trong một bài viết khác: “Ngày Chúa Chết Và Ngày Chúa Phục Sinh” [6]. Vì thế, nếu chúng ta muốn thật sự kỷ niệm ngày thương khó của Chúa và ngày phục sinh của Chúa thì chúng ta nên tổ chức Lễ Thương Khó vào buổi chiều ngày Lễ Vượt Qua 14 tháng Ni-san và Lễ Phục Sinh vào đêm 17 hoặc sáng 18 tháng Ni-san theo lịch Hê-bơ-rơ.
Huỳnh Christian Timothy
15/04/2007
Hiệu đính lần thứ nhất: 06/04/2010
Ghi chú
[1] The Encyclopaedia Britannica, “Easter,” 11th edition, trang 828-829
[2] Merrill C. Tenney, General Editor, Pictorial Encyclopedia of the Bible, Zondervan (1976), Volum 2, trang 180
[3] http://www.pagannews.com/cgi-bin/gods3.pl?Eastre
[4] W.E. Vine, Vine’s Complete Expository Dictionary of Old and New Testament Words, “Easter”, Thomas Nelson Publishers (1996), trang 192
[5] The Catholic Encyclopedia, “Easter”, (1909) volume 5, trang 224-227
[6] https://timhieutinlanh.com/thanhoc/ngay-chua-chet-va-ngay-chua-phuc-sinh/