Con Dân Chúa Phải Vâng Giữ Điều Răn Thứ Tư

8,404 views

Huỳnh Christian Timothy
Bài biện giáo với Mục Sư Nguyễn Quốc Ấn

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống và in ra bài viết này:
https://www.mediafire.com/folder/1ygvtd6r8mvtn//pdf_biengiao

Kính thưa anh Ấn,

Tôi xin thú thật với anh, là tôi cảm thấy thất vọng, sau khi đọc xong bài biện giải của anh tại đây: https://timhieutinlanh.com/biengiao/?p=525#comment-26.

Tôi có nhận xét là:

1. Anh lòng vòng với những chi tiết không liên quan gì đến ý đang biện luận, nên cứ hay bị lạc đề, và không còn nhớ là đối phương đang muốn nói gì với anh:

Tôi đã nói rất rõ, tôi đang luận đến việc tại sao Chúa lập ra ngày Sa-bát, không phải tôi đang luận về việc ai có thẩm quyền trên ngày Sa-bát; cho nên, tôi trích dẫn Mác 2:27 để anh nhớ rằng: Chúa lập ngày Sa-bát vì loài người cần ngày Sa-bát. Anh không thể ngang nhiên bác bỏ ngày sa-bát!

Vậy thì anh cứ cố ý buộc tôi phải trích dẫn luôn Mác 2:28 để làm gì? Câu ấy có liên quan gì đến cái lý do vì sao mà Chúa lập ngày Sa-bát? Không có câu đó thì Mác 2:27 không đủ giúp cho chúng ta hiểu rằng, vì chúng ta cần được nghỉ ngơi, thờ phượng Chúa, mà Chúa lập ra ngày Sa-bát, và ra lệnh cho chúng ta tôn thánh ngày ấy hay sao?

Câu đó dành cho anh thì đúng hơn, để anh tự hỏi ai là người có thẩm quyền bác bỏ sự giữ ngày Sa-bát.

Tương tự như vậy, nếu tôi đang nói đến sự kiện tại sao chính phủ Mỹ cho phép tôi và bao nhiêu cựu quân nhân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cùng gia đình được vào tỵ nạn tại nước Mỹ, thì tôi không cần phải nói đến ai đã ban hành đạo luật nhân đạo ấy! Không ai có thể bắt lẽ tôi rằng, tại sao anh không nói luôn là luật ấy do quốc hội Mỹ ban hành! Bởi vì chi tiết ấy không liên quan gì đến trọng điểm tôi đang trình bày, là nói về trách nhiệm và lương tâm của người Mỹ đối với quân đội của một quốc gia mà họ gọi là đồng minh, đã bị họ bỏ rơi mà bại trận, và bị kẻ thắng trận tước đi quyền làm người.

Câu kết luận của Chúa là để chứng tỏ cho giới Pha-ri-si biết, Ngài có thẩm quyền lập ngày Sa-bát và quy định các luật lệ về ngày Sa-bát, mà Ngài không hề bị ràng buộc bởi các luật lệ ấy. Thì có liên quan gì đến việc tôi nói về mục đích của Ngài khi Ngài lập nên ngày Sa-bát?

Trọng điểm tôi đang biện luận, là chúng ta phải biết ơn và tôn quý những phúc lợi Chúa đã vì chúng ta mà lập ra. Anh không chú ý đến trọng điểm đó, mà lại tập trung cho một điểm ngoài đề.

2. Anh tự mâu thuẫn với nhận định và phát biểu của anh, và không nhớ những gì anh đã viết trong các bài trước:

Trước đây, anh viết là dân ngoại nhập Do-thái Giáo, bây giờ anh viết là thời Cựu Ước chưa có Do-thái Giáo, mà chỉ là dân ngoại nhập tịch Do-thái. Anh hàm ý, dân ngoại nhập tịch dân Do-thái nên phải giữ luật Sa-bát. Anh có thấy là anh tự mâu thuẫn, tiền hậu bất nhất hay không?

Như vậy, chính anh đã đưa ra cái lập luận: Dân ngoại nhập tịch dân I-sơ-ra-ên thì phải vâng giữ điều răn thứ tư. Vậy mà khi cháu Nguyễn Mạnh Tưởng viết rất rõ:

Đôi khi chúng ta quên rằng những ai tin và làm theo lời Đức Chúa Trời thì đều là "con cháu thật của Áp-ra-ham" và "là người Giu-đa thật” [1].

Và câu viết của cháu dựa trên lẽ thật của Thánh Kinh:

Vậy anh em hãy nhận biết rằng những kẻ có đức tin là con cháu thật của Áp-ra-ham” (Ga-la-ti 3:7).

Trong thuở đó, anh em không có Đấng Christ, bị ngoại quyền công dân I-sơ-ra-ên, chẳng dự vào giao ước của lời hứa, không có sự trông cậy và vô thần trong thế gian” (Ê-phê-sô 2:12).

Thì anh đã không màng đến! Vì anh hoặc là không nhìn thấy hoặc là không muốn nhìn thấy điểm chính của người đang biện luận với anh.

Anh và tất cả dân ngoại trong Hội Thánh của Chúa có phải là con cháu thật của Áp-ra-ham hay không? Có phải dựa vào hai câu Thánh Kinh trên đây, mà dù muốn hay không, nếu anh thật lòng tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, thì anh là người đã “nhập tịch” I-sơ-ra-ên?

Nếu phải, thì tại sao luật giữ ngày Sa-bát đời đời chỉ áp dụng cho dân I-sơ-ra-ên mà không áp dụng cho anh?

Điểm vô lý của những người chống việc giữ ngày Sa-bát, chống việc vâng giữ điều răn thứ tư, là họ tuyên bố: Điều răn thứ tư chỉ dành cho người I-sơ-ra-ên, không dành cho dân ngoại tin Chúa! Nhưng, họ không hề chứng minh bằng Thánh Kinh, chỗ nào Chúa dạy điều răn thứ tư chỉ áp dụng cho dân I-sơ-ra-ên; chỗ nào trong Thánh Kinh Chúa dạy rằng, con dân Chúa thời Tân Ước không cần vâng giữ điều răn thứ tư!

Trong khi cả hai câu Thánh Kinh nêu trên, đã chứng minh cách hùng hồn: Giả sử như (tôi nhắc lại: giả sử như): điều răn thứ tư chỉ áp dụng cho người I-sơ-ra-ên, thì tất cả những ai không phải dân I-sơ-ra-ên, mà tin nhận Chúa, thì đương nhiên đã được nhập tịch I-sơ-ra-ên, và cũng đều phải vâng giữ cái luật mà dân I-sơ-ra-ên phải đời đời vâng giữ.

Lời Chúa đã tuyên phán: Ngày Sa-bát là một dấu đời đời giữa Ngài và dân I-sơ-ra-ên! Vậy, ai đang hưởng quyền công dân I-sơ-ra-ên hãy đón nhận dấu ấn của Đức Chúa Trời.

Xin đừng có ai lý luận rằng, đó chỉ là dấu dành cho dân I-sơ-ra-ên thuộc thể. Dân I-sơ-ra-ên thuộc thể sẽ không còn lại đời đời, thì làm sao ngày Sa-bát là dấu đời đời cho dân I-sơ-ra-ên thuộc thể? Sự đời đời luôn luôn là thuộc linh!

Vậy, ai nhận mình là I-sơ-ra-ên thuộc linh, hãy đón nhận dấu đời đời mà Thiên Chúa đã tạo ra từ buổi đầu sáng thế: Vâng giữ ngày Sa-bát (Xuất Ê-díp-tô Ký 31:17).

Anh viết:

Tín hữu thời Tân Ước cũng là loài người, là những người không ở trong giao ước cũ, họ ở trong kỷ nguyên mới, giao ước mới, họ không bị ràng buộc điều răn thứ tư.”

Nhưng chỗ nào trong Thánh Kinh dạy như vậy? Chỗ nào trong Thánh Kinh đã hủy bỏ điều răn thứ tư? Chỗ nào trong Thánh Kinh chép: theo giao ước mới, con dân Chúa không cần vâng giữ điều răn thứ tư? Vì loài người mà Chúa lập nên ngày Sa-bát, nhưng ngày nay con dân Chúa nói với Chúa rằng, họ không cần ngày Sa-bát của Chúa! Vậy Chúa là chủ của ngày Sa-bát hay các giáo hội ngày nay là chủ của ngày Sa-bát, tự dành toàn quyền bác bỏ ngày Sa-bát của Chúa.

Và giả sử như (tôi nhắc lại: giả sử như): Các giáo hội có quyền hủy bỏ ngày Sa-bát của Chúa, thì lý do gì mà họ hủy bỏ ngày Sa-bát của Chúa? Trong khi Chúa định ra ngày đó để con dân Chúa được nghỉ lao động và thờ phượng Chúa? Chẳng lẽ con dân Chúa thời Tân Ước không cần có một ngày để nghỉ ngơi phần xác và linh hồn được tương giao mật thiết với Chúa trong sự nhóm hiệp nhau thờ phượng Ngài? Nếu vẫn cần, thì còn ngày nào tốt hơn là ngày mà Chúa đã ban phước cho và biệt ra thánh?

3. Anh không đọc kỷ thượng hạ văn khi nói rằng Ê-sai 56:6 chưa ứng nghiệm:

Xin lỗi đã phải nói như trên. Không phải tôi có ý “trả đủa” việc anh yêu cầu tôi trích Thánh Kinh theo văn mạch. Nhưng rõ ràng là, nếu anh đọc kỷ rồi đối chiếu với những nơi khác trong Thánh Kinh và với lịch sử, thì anh sẽ biết rằng, Ê-sai 56:6 đã ứng nghiệm từ khi dân I-sơ-ra-ên tái xây dựng đền thờ thời của E-xơ-ra, Nê-hê-mi, kéo dài đến thời của Đấng Christ, và vẫn tiếp tục vào trong Vương Quốc Ngàn Năm.

Tôi xin chứng minh, câu đó đã được ứng nghiệm. Trước hết, chúng ta hãy đọc lại Ê-sai 56:

1 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán như vầy: Hãy giữ điều chính trực, và làm sự công bình; vì sự cứu rỗi của Ta gần đến, sự công bình của Ta sắp được bày tỏ.

2 Phước thay cho người làm điều đó, và con người cầm vững sự đó, giữ ngày Sa-bát để đừng làm ô uế, cấm tay mình không làm một điều ác nào!

3 Người dân ngoại liên hiệp cùng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu chớ nên nói rằng: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu chắc sẽ biệt ta ra khỏi dân Ngài. Kẻ hoạn cũng chớ nên nói rằng: Này, ta là cây khô.

4 Vì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán như vầy: Những kẻ hoạn giữ các ngày Sa-bát Ta, lựa điều đẹp lòng Ta, cầm vững lời giao ước Ta,

5 thì Ta sẽ ban cho họ tại trong nhà Ta và trong tường Ta một chỗ, và một danh tốt hơn danh của con trai con gái; Ta lại sẽ ban cho họ một danh đời đời chẳng hề dứt đi.

6 Các người dân ngoại về cùng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, để hầu việc Ngài, để yêu mến danh Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, để làm tôi tớ Ngài; tức là hết thảy những kẻ giữ ngày Sa-bát cho khỏi ô uế, và cầm vững lời giao ước Ta,

7 thì Ta sẽ đem họ vui mừng trong nhà cầu nguyện Ta. Của lễ thiêu và hy sinh họ dâng trên bàn thờ Ta, sẽ được nhận lấy; vì nhà Ta sẽ gọi là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc.

8 Chúa Tự Hữu Hằng Hữu, Đấng nhóm dân tan lạc của I-sơ-ra-ên, phán như vầy: Dân nó đã được nhóm lại rồi, Ta sẽ còn nhóm các dân khác lại về cùng nó.

9 Hỡi loài thú đồng, loài thú rừng, hết thảy hãy đến mà cắn-nuốt.

10 Những kẻ canh giữ của I-sơ-ra-ên đều là đui mù, không biết gì hết. Chúng nó hết thảy đều là chó câm, chẳng biết sủa, đều chiêm bao, nằm sóng sượt, và ham ngủ;

11 lại là chó mê ăn, không biết no. Ấy là những kẻ chăn chiên chẳng khôn sáng; mọi người theo đường riêng mình, mỗi người tìm tư lợi mình, người nào cũng vậy.

12 Nó nói rằng: Hãy đến, ta sẽ lấy rượu, chúng ta say vì rượu mạnh; ngày mai sẽ cũng như ngày nay, trọng thể quá bội.

Đây là lời tiên tri Chúa cậy miệng Tiên Tri Ê-sai phán chung cho dân I-sơ-ra-ên và các dân ngoại trong thời kỳ dân I-sơ-ra-ên bị tan lạc bởi hai đế quốc: A-si-ri và Ba-by-lôn (Ê-sai 56 được viết vào khoảng năm 680 TCN).

Phân đoạn này nói đến sự phục hồi của I-sơ-ra-ên sau lưu đày, làm bóng cho sự phục hồi của I-sơ-ra-ên vào những ngày cuối cùng, ngay trong thời đại của chúng ta. Từ câu 1 đến câu 7 đã được ứng nghiệm ngay trong thời của E-xơ-ra, Nê-hê-mi, kéo dài đến thời của Đức Chúa Jesus Christ. Vì ngay trong thời đó, dân ngoại được đến thờ phượng Chúa tại đền thờ, được cầu nguyện và dâng các lễ vật. Chính Đức Chúa Jesus Christ đã gọi đền thờ thứ nhì là “Nhà Ta sẽ gọi là nhà cầu nguyện!:”

Ngài phán với họ rằng: Có lời chép: Nhà Ta sẽ gọi là nhà cầu nguyện; nhưng các ngươi thì làm cho nhà ấy thành ra ổ trộm cướp” (Ma-thi-ơ 21:13).

Rồi Ngài dạy dỗ chúng mà rằng: Chẳng phải đã có lời chép: Nhà Ta sẽ gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân hay sao? Nhưng các ngươi đã làm thành cái hang trộm cướp” (Mác 11:17).

…mà phán rằng: Có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ gọi là nhà cầu nguyện; nhưng các ngươi làm thành ra một cái hang trộm cướp” (Lu-ca 19:46).

Từ khi Hội Thánh được thành lập,thì nhà của Đức Chúa Trời là Hội Thánh. Trong tương lai, nhà thuộc thể của Đức Chúa Trời (đền thờ) cũng sẽ được tái xây dựng lại, để sự giữ Sa-bát theo lễ nghi thời Cựu Ước được tái thực hiện (Ê-xê-chi-ên 40-48).

Từ câu 8 đến câu 12 cũng đã ứng dụng ngay trong thời đại của chúng ta, về thuộc thể lẫn thuộc linh. Về thuộc thể, dân I-sơ-ra-ên đã tái lập quốc vào ngày 14.5.1948. Về thuộc linh, thì từ thời Đấng Christ, dân I-sơ-ra-ên và dân ngoại đã là một trong Chúa. Ngài đã tháp dân ngoại vào gốc Ô-li-ve thánh, mà từ đó đã sinh ra dân tộc I-sơ-ra-ên, tức là Áp-ra-ham. Ngày nay, tất cả những ai thật lòng tin nhận Chúa, dù thuộc dân tộc nào, cũng đều là con cháu của Áp-ra-ham. Vậy, sao anh nói là Ê-sai 56:6 chưa ứng nghiệm hay là chưa áp dụng?

Ngay lúc này đây, lý do duy nhất còn lại của anh để chống lại việc con dân Chúa phải vâng giữ ngày Sa-bát, là anh cho rằng hay là anh tin rằng: Vì điều răn thứ tư chỉ dành riêng cho dân I-sơ-ra-ên! Mà anh không có một câu Thánh Kinh nào để chứng minh cả!

Nhưng Lời Chúa, như đã được trích dẫn trên đây, hoàn toàn chứng minh ngược lại niềm tin hoặc ý tưởng của anh.

Với bài này, tôi đã trình bày rất rõ: Vì sao con dân Chúa vẫn có bổn phận và đặc ân giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy! Và như vậy, không còn điểm nào để biện luận thêm về nội dung bài viết của anh. Tôi xin chấm dứt cuộc biện giáo giữa tôi và anh nơi đây.

Lời cuối:

Tôi xin hỏi anh Ấn một câu rất thật lòng:

Ngày nay, tôi là một người dân ngoại, nhờ đức tin mà được hưởng quyền công dân I-sơ-ra-ên, vui mừng vâng giữ ngày Sa-bát của Chúa, với lòng biết ơn chân thành: Vui vì được nghỉ lao động, thân thể được hồi sức. Vui vì có thời gian biệt riêng để thông công với mọi người trong gia đình, trong Hội Thánh. Vui vì không bận tâm đi làm kiếm sống, mà có thì giờ để làm việc lành cho những người chung quanh. Vui vì được nhóm hiệp với Hội Thánh để thờ phượng Chúa. Vui vì được nhận lãnh những ơn phước và lời hứa Chúa dành cho những ai giữ ngày Sa-bát. Vì thế, mà tôi vô cùng biết ơn Chúa và luôn mong ngóng đến ngày Sa-bát!

Theo anh Ấn, khi tôi gặp Chúa, thì tôi có được Ngài ban cho những gì Ngài đã hứa trong Ê-sai 56 và 58 cho những ai giữ ngày Sa-bát của Ngài hay không?

Vì tôi không bao giờ đọc thấy một chỗ nào trong Thánh Kinh dạy rằng Chúa đã hủy bỏ điều răn thứ tư hay Ngài đã hủy bỏ ngày Sa-bát! Cho nên, tôi cứ vui mừng, cảm tạ Chúa mà vui hưởng ngày Sa-bát phước hạnh! Và giữ mình không phạm Mười Điều Răn của Chúa.

Giả sử như: vì một lý do nào đó mà Chúa phán rằng, ai muốn giữ ngày Sa-bát thì giữ, ai không muốn giữ cũng không phạm tội. Thì tôi cũng cứ giữ ngày Sa-bát! Tôi yêu quý tất cả những gì thuộc về Chúa tôi. Tôi biết ơn Ngài đã ban cho tôi ngày Sa-bát, và tôi vẫn cứ còn học hiểu về ngày Sa-bát!

Huỳnh Christian Timothy
03.12.2013

Ghi Chú

[1] https://timhieutinlanh.com/biengiao/?page_id=440#comment-22

[A] Tất cả những câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là từ Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời và Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống Hiệu Đính 2012. Quý bạn có thể đọc trên mạng: www.ngoiloi.thanhkinhvietngu.netwww.thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

[B] Dùng các nối mạng dưới đây để tra xem ý nghĩa trong Anh ngữ và nghe cách phát âm của một từ ngữ Hê-bơ-rơ hoặc Hy-lạp trên Internet:


 


Copyright Notice: All Rights Reserved © 2013 Vietnamese Christian Mission Ministry.
Thông Báo Tác Quyền: Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry.
Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức nhưng xin giữ đúng nguyên văn,
kể cả thông báo về tác quyền này.

 

 

6 Replies to “Con Dân Chúa Phải Vâng Giữ Điều Răn Thứ Tư”

  1. NguyenQuocAn

    Anh Huỳnh: 1. Anh lòng vòng với những chi tiết không liên quan gì đến ý đang biện luận, nên cứ hay bị lạc đề, và không còn nhớ là đối phương đang muốn nói gì với anh:

    Tôi đã nói rất rõ, tôi đang luận đến việc tại sao Chúa lập ra ngày Sa-bát, không phải tôi đang luận về việc ai có thẩm quyền trên ngày Sa-bát; cho nên, tôi trích dẫn Mác 2:27 để anh nhớ rằng: Chúa lập ngày Sa-bát vì loài người cần ngày Sa-bát. Anh không thể ngang nhiên bác bỏ ngày sa-bát!

    Vậy thì anh cứ cố ý buộc tôi phải trích dẫn luôn Mác 2:28 để làm gì? Câu ấy có liên quan gì đến cái lý do vì sao mà Chúa lập ngày Sa-bát? Không có câu đó thì Mác 2:27 không đủ giúp cho chúng ta hiểu rằng, vì chúng ta cần được nghỉ ngơi, thờ phượng Chúa, mà Chúa lập ra ngày Sa-bát, và ra lệnh cho chúng ta tôn thánh ngày ấy hay sao?

    Và giả sử như (tôi nhắc lại: giả sử như): Các giáo hội có quyền hủy bỏ ngày Sa-bát của Chúa, thì lý do gì mà họ hủy bỏ ngày Sa-bát của Chúa? Trong khi Chúa định ra ngày đó để con dân Chúa được nghỉ lao động và thờ phượng Chúa? Chẳng lẽ con dân Chúa thời Tân Ước không cần có một ngày để nghỉ ngơi phần xác và linh hồn được tương giao mật thiết với Chúa trong sự nhóm hiệp nhau thờ phượng Ngài? Nếu vẫn cần, thì còn ngày nào tốt hơn là ngày mà Chúa đã ban phước cho và biệt ra thánh?

    Ngày nay, tôi là một người dân ngoại, nhờ đức tin mà được hưởng quyền công dân I-sơ-ra-ên, vui mừng vâng giữ ngày Sa-bát của Chúa, với lòng biết ơn chân thành: Vui vì được nghỉ lao động, thân thể được hồi sức. Vui vì có thời gian biệt riêng để thông công với mọi người trong gia đình, trong Hội Thánh. Vui vì không bận tâm đi làm kiếm sống, mà có thì giờ để làm việc lành cho những người chung quanh. Vui vì được nhóm hiệp với Hội Thánh để thờ phượng Chúa. Vui vì được nhận lãnh những ơn phước và lời hứa Chúa dành cho những ai giữ ngày Sa-bát. Vì thế, mà tôi vô cùng biết ơn Chúa và luôn mong ngóng đến ngày Sa-bát!

    Theo anh Ấn, khi tôi gặp Chúa, thì tôi có được Ngài ban cho những gì Ngài đã hứa trong Ê-sai 56 và 58 cho những ai giữ ngày Sa-bát của Ngài hay không?

    Vì tôi không bao giờ đọc thấy một chỗ nào trong Thánh Kinh dạy rằng Chúa đã hủy bỏ điều răn thứ tư hay Ngài đã hủy bỏ ngày Sa-bát! Cho nên, tôi cứ vui mừng, cảm tạ Chúa mà vui hưởng ngày Sa-bát phước hạnh! Và giữ mình không phạm Mười Điều Răn của Chúa.

    Giả sử như: vì một lý do nào đó mà Chúa phán rằng, ai muốn giữ ngày Sa-bát thì giữ, ai không muốn giữ cũng không phạm tội. Thì tôi cũng cứ giữ ngày Sa-bát! Tôi yêu quý tất cả những gì thuộc về Chúa tôi. Tôi biết ơn Ngài đã ban cho tôi ngày Sa-bát, và tôi vẫn cứ còn học hiểu về ngày Sa-bát!

    Ms Quốc Ấn: Tôi không lòng vòng như anh tưởng, tôi đang bám rất sát vấn đề chúng ta đang thảo luận, không hề lạc đề như anh nghĩ. Tôi không hề bác bỏ ngày sabat, tôi vẫn đang giữ ngày sabat mà Phao-lô đã nói cho những người ngoại bang như tôi chứ không phải của người Do Thái. Tôi cũng hưởng sự vui mừng, thư thái Chúa ban cho tôi trong ngày sabat của Tân Ước, mà Phao-lô đã nói. Ngày nay, tôi là một người dân ngoại, nhờ đức tin mà được hưởng quyền công dân I-sơ-ra-ên, vui mừng vâng giữ ngày Sa-bát của Chúa, với lòng biết ơn chân thành: Vui vì được nghỉ lao động, thân thể được hồi sức. Vui vì có thời gian biệt riêng để thông công với mọi người trong gia đình, trong Hội Thánh. Vui vì không bận tâm đi làm kiếm sống, mà có thì giờ để làm việc lành cho những người chung quanh. Vui vì được nhóm hiệp với Hội Thánh để thờ phượng Chúa. Vui vì được nhận lãnh những ơn phước và lời hứa Chúa dành cho những ai giữ ngày Sa-bát. Vì thế, mà tôi vô cùng biết ơn Chúa và luôn mong ngóng đến ngày Sa-bát! Nghĩa là tôi cũng dang giữ ngày sabat đây mà. Tôi không có: “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, rồi làm thêm trong ngày sabat” đâu. Tôi trông đợi ngày sabat mà Chúa Giê-xu đang ban cho tôi. Có thể là ngày thứ Hai, hoặc thứ Ba…bất kỳ ngày nào. TÔI CŨNG CỐ GẮNG ĐỂ MÌNH KHÔNG VI PHẠM 10 ĐIỀU RĂN. TÔI VẪN GIỮ SABAT CỦA TÂN ƯỚC. KHÔNG AI CÓ THỂ ĐOÁN XÉT TÔI NHƯ PHAO-LÔ ĐÃ NÓI: Vì vậy, chớ có ai đoán xét anh em về của ăn uống, hoặc ngày lễ, hoặc ngày mặt trăng mới, hoặc ngày Sa-bát, ấy đều chỉ là bóng của các việc sẽ tới, còn hình thì ở trong Đấng Christ”. (Col 2:16-17)

    Như tôi đã giải thích câu Mác 2:28 rằng (mà anh đã bỏ qua):Chúa Giê-xu là Chúa của ngày sabat, nên Ngài đã làm ứng nghiệm lời của Ngài trong Tân Ước rằng: (Roma 10:4; 2Cor.3:6-15; Gal.3:19-25; 4:21-31; Eph.2:14-16; Col.2:14-17; Heb.7:10). Đề nghị xem tất cả câu KT ghi ở đây, vì phần mềm KT của tôi bị mất sau khi sửa máy.

    Roma 10:4: “Vì Đấng Christ là sự cuối cùng của luật pháp, đặng xưng mọi kẻ tin là công bình”.

    2Cor.3:6-15: “…Nhưng lòng họ cứng cỏi; vì đến ngày nay, khi họ đọc Cựu Ước, cái màn ấy vẫn còn chưa cất khỏi, bởi chưng ấy là trong Đấng Christ mà màn ấy biến đi. Ấy vậy, cho đến ngày nay, mỗi lần người ta đọc sách Môi-se cho họ, cái màn ấy vẫn còn trong lòng họ…” (Mời đọc trọn).

    Gal.3:19-25: “…Ấy vậy, luật pháp đã như là thầy giáo đặng dẫn chúng ta đến Đấng Christ, hầu cho chúng ta bởi đức tin mà được xưng công bình. Song khi đức tin đến, chúng ta không còn phục dưới thầy giáo nữa…” (Mời đọc trọn).

    4:21-31: “…Song KT có nói gì? Hãy đuổi người nữ tôi mọi và con trai nó; vì con trai của người nữ tôi mọi sẽ không được kế tự với con trai của người nữ tự chủ (Sáng.21:10,12). Ấy vậy hỡi anh em, chúng ta chẳng phải là con cái của người nữ tôi mọi, bèn là con cái của người nữ tự chủ”. (Mời đọc trọn).

    Eph.2:14-16: “…Ngài đã đem thân mình mà trừ bỏ luật pháp của các điều răn chép thành điều lệ. Như vậy khi làm cho hòa nhau, Ngài muốn lấy cả hai lập nên một người mới trong Ngài…” (Mời đọc trọn).

    Col.2:14-17: “Ngài đã xóa tờ khế lập nghịch cùng chúng ta, các điều khoản trái với chúng ta, cùng phá hủy tờ khế đó mà đóng đinh trên cây thập tự; Ngài đã truất bỏ các quyền cai trị cùng các thế lực, dùng thập tự giá chiến thắng chúng nó, và nộp ra tỏ tường giữa thiên hạ. Vậy chớ có ai đoán xét anh em mình về của ăn uống, hoặc ngày lễ, hoặc ngày trăng mới hoặc ngày sabat, ấy chỉ là bóng của các việc sẽ tới, còn hình thì ở trong Đấng Christ”.

    Anh Huỳnh: Điểm vô lý của những người chống việc giữ ngày Sa-bát, chống việc vâng giữ điều răn thứ tư, là họ tuyên bố: Điều răn thứ tư chỉ dành cho người I-sơ-ra-ên, không dành cho dân ngoại tin Chúa! Nhưng, họ không hề chứng minh bằng Thánh Kinh, chỗ nào Chúa dạy điều răn thứ tư chỉ áp dụng cho dân I-sơ-ra-ên; chỗ nào trong Thánh Kinh Chúa dạy rằng, con dân Chúa thời Tân Ước không cần vâng giữ điều răn thứ tư!

    Ms Quốc Ấn: Tôi có cảm tưởng là Anh Huỳnh chỉ chăm băm vào lời giải thích của tôi để phản biện, mà Anh không chịu đọc những câu KT do tôi trích dẫn. Những điều tôi nói là từ KT ra, chứ không phải tôi bịa đặt. Tôi đã nói rồi: Những ý kiến nào, bất kỳ của ai, cũng phải lấy KT làm chuẩn. Đúng – Sai là do KT chỉ ra.

    Anh Huỳnh: Trước đây, anh viết là dân ngoại nhập Do-thái Giáo, bây giờ anh viết là thời Cựu Ước chưa có Do-thái Giáo, mà chỉ là dân ngoại nhập tịch Do-thái. Anh hàm ý, dân ngoại nhập tịch dân Do-thái nên phải giữ luật Sa-bát. Anh có thấy là anh tự mâu thuẫn, tiền hậu bất nhất hay không?

    Ms Quốc Ấn: Điều tôi trình bày (như anh trích trên đây) là không mâu thuẫn. Ru-tơ , và Ra-háp hoặc những dân ngoại bang là những người tình nguyện nhập tịch Israen, (tôi nói theo ngôn từ bây giờ cho đễ hiểu), thì họ phải tuân thủ luật pháp của Israen, là điều tất nhiên. Còn tôi và những tín hữu ngoại bang mà không nhập tịch Israen, thì hà cớ gì phải tuân giữ? Tôi không mâu thuẫn, mà chính anh mới là người không nắm được ý của tôi. Tôi vẫn TRƯỚC SAU NHƯ MỘT À. Sau đó tôi có mở ngoặc là ( anh không đọc những chữ nầy sao: “Niềm tin Do Thái – niềm tin Độc Thần”), chứ thời CƯ đâu có DoThái Giáo.

    Anh Huỳnh: Anh và tất cả dân ngoại trong Hội Thánh của Chúa có phải là con cháu thật của Áp-ra-ham hay không? Có phải dựa vào hai câu Thánh Kinh trên đây, mà dù muốn hay không, nếu anh thật lòng tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, thì anh là người đã “nhập tịch” I-sơ-ra-ên?

    Ms Quốc Ấn: Đúng! Rất đúng! Tôi và tất cả dân ngoại bang trong Hội Thánh của Chúa là con cháu thật của Áp-ra-ham, nhưng là CON CHÁU THUỘC LINH chứ KHÔNG PHẢI THUỘC THỂ. Cũng tương tự như tôi nói: “Tôi là một công dân thiên quốc” là cách nói thuộc linh. Bởi vậy cho nên, tôi luôn khuyên mọi người phải biết phân biệt khi đọc KT là vậy đấy!

    Anh Huỳnh: Đây là lời tiên tri Chúa cậy miệng Tiên Tri Ê-sai phán chung cho dân I-sơ-ra-ên và các dân ngoại trong thời kỳ dân I-sơ-ra-ên bị tan lạc bởi hai đế quốc: A-si-ri và Ba-by-lôn (Ê-sai 56 được viết vào khoảng năm 680 TCN). Từ khi Hội Thánh được thành lập,thì nhà của Đức Chúa Trời là Hội Thánh. Trong tương lai, nhà thuộc thể của Đức Chúa Trời (đền thờ) cũng sẽ được tái xây dựng lại, để sự giữ Sa-bát theo lễ nghi thời Cựu Ước được tái thực hiện (Ê-xê-chi-ên 40-48).

    Từ câu 8 đến câu 12 cũng đã ứng dụng ngay trong thời đại của chúng ta, về thuộc thể lẫn thuộc linh. Về thuộc thể, dân I-sơ-ra-ên đã tái lập quốc vào ngày 14.5.1948. Về thuộc linh, thì từ thời Đấng Christ, dân I-sơ-ra-ên và dân ngoại đã là một trong Chúa. Ngài đã tháp dân ngoại vào gốc Ô-li-ve thánh, mà từ đó đã sinh ra dân tộc I-sơ-ra-ên, tức là Áp-ra-ham. Ngày nay, tất cả những ai thật lòng tin nhận Chúa, dù thuộc dân tộc nào, cũng đều là con cháu của Áp-ra-ham. Vậy, sao anh nói là Ê-sai 56:6 chưa ứng nghiệm hay là chưa áp dụng?

    Ms Quốc Ấn: Một lời tiên tri có thể ứng nghiệm gần và ứng nghiệm xa, và có thể ứng nghiệm xa hơn.

    Nếu Anh Huỳnh cảm “thất vọng” thì chúng ta nên dừng trao đổi về ngày sabat.

    RIÊNG TÔI, TÔI VẪN THẤY PHƯỚC HẠNH VÔ BIÊN TỪ KHI TIN CHÚA GIÊ-XU VÀO NĂM 1967 ĐẾN NAY VÀ LUÔN LUÔN THÀNH TÂM VÂNG GIỮ LỜI CỦA CHÚA.

    Anh có thể mở mục thứ 3 là được rồi. Hoặc tôi sẽ đưa LÝ LUẬN 1 VÀ 2 của Anh, vì cũng có nội dung tương tự như vậy.

    Xin Chúa ban phước cho Anh Huỳnh và cho những ai đọc những lời trao đổi giữa hai biện giả.

    Mục Sư Nguyễn Quốc Ấn.

  2. admin Post author

    Trích từ facebook:

    Quốc Cường Con nghĩ những gì chú trình bày là đủ để con dân Chúa nhận biết Lẽ Thật rồi. Cảm tạ Chúa, cảm ơn chú.

  3. NguyenQuocAn

    Ms Quốc Ấn: Riêng tôi, cám ơn bạn Quốc Cường đã xác nhận rằng đã "nhận biết Lẽ Thật rồi". Mặc dầu bạn không nói Chú Ấn hay Chú Huỳnh.

    Anh Huỳnh ơi, tôi có cảm tưởng là Anh Huỳnh chỉ chăm băm vào lời giải thích của tôi để phản biện, mà Anh không chịu đọc những câu KT do tôi trích dẫn. Những điều tôi nói là từ KT ra, chứ không phải tôi bịa đặt. Tôi đã nói rồi: Những ý kiến nào, bất kỳ của ai, cũng phải lấy KT làm chuẩn. Đúng – Sai là do KT chỉ ra.

    Bây giờ tôi trích nguyên văn những câu KT mà hôm trước tôi không thể trích toàn bộ:

    Roma 10:4: “Vì Đấng Christ là sự cuối cùng của luật pháp, đặng xưng mọi kẻ tin là công bình”.

    2Cor.3:5-15: (Mời đọc trọn).

    2Co 3:5  không phải tự mình chúng tôi có tài năng mà nghĩ việc gì như bởi chính mình chúng tôi, nhưng tài năng của chúng tôi đến từ Đức Chúa Trời;

    2Co 3:6  và ấy là Ngài đã ban tài năng cho chúng tôi giúp việc giao ước mới, chẳng phải giao ước về chữ, bèn là giao ước về Thánh Linh; vì chữ làm cho chết, song Thánh Linh làm cho sống.

    2Co 3:7  Vả, nếu chức vụ về sự chết, chạm chữ trên bảng đá, đã là vinh hiển lắm đến nỗi con cái Y-sơ-ra-ên không có thể ngó trên mặt Môi-se, vì cớ sự sáng láng trên mặt người, dầu là tạm,

    2Co 3:8  phương chi chức vụ của Thánh Linh càng vinh hiển hơn biết bao!

    2Co 3:9  Vậy, nếu chức vụ về sự định tội còn được vinh hiển, thì chức vụ về sự công bình được vinh hiển hơn bội phần.

    2Co 3:10  Vả lại, cái điều được bồi hoàn trong chức vụ thứ nhứt biến đi bởi sự vinh hiển rất cao hơn của chức vụ thứ nhì;

    2Co 3:11  vì nếu sự phải qua đi còn có lúc vinh hiển thay, phương chi sự bền ở sẽ có vinh hiển dường nào nữa!

    2Co 3:12  Vậy, chúng ta có sự trông cậy dường ấy, nên được rất tự do,

    2Co 3:13  chúng ta chẳng làm như Môi-se lấy màn che mặt mình, hầu cho con cái Y-sơ-ra-ên không trông thấy cuối cùng của sự sáng láng phải qua.

    2Co 3:14  Nhưng lòng họ đã cứng cỏi; vì đến ngày nay, khi họ đọc Cựu Ước, cái màn ấy vẫn còn chưa cất khỏi, bởi chưng ấy là trong Đấng Christ mà màn đó biến đi.

    2Co 3:15  Ấy vậy, cho đến ngày nay, mỗi lần người ta đọc sách Môi-se cho họ, cái màn ấy vẫn còn ở trên lòng họ.

    Gal.3:19-25: (Mời đọc trọn).

    Gal 3:19  Vậy thì làm sao có luật pháp? luật pháp đã đặt thêm, vì cớ những sự phạm phép, cho tới chừng nào người dòng dõi đến, là người mà lời hứa đã hứa cho; luật pháp được ban ra bởi mấy thiên sứ và truyền ra bởi một người trung bảo.

    Gal 3:20  Vả, người trung bảo chẳng phải là người trung bảo về một bề mà thôi, nhưng Đức Chúa Trời chỉ có một.

    Gal 3:21  Vậy thì luật pháp nghịch cùng lời hứa của Đức Chúa Trời hay sao? chẳng hề như vậy; vì nếu đã ban cho một luật pháp có thể làm cho sống, thì sự công bình chắc bởi luật pháp mà đến.

    Gal 3:22  Nhưng Kinh Thánh đã nhốt hết thảy mọi sự dưới tội lỗi, hầu cho điều chi đã hứa, bởi đức tin trong Đức Chúa Jêsus Christ mà được ban cho những kẻ tin.

    Gal 3:23  Trước khi đức tin chưa đến, chúng ta bị nhốt dưới sự canh giữ của luật pháp mà chờ đức tin phải bày ra.

    Gal 3:24  Ấy vậy, luật pháp đã như thầy giáo đặng dẫn chúng ta đến Đấng Christ, hầu cho chúng ta bởi đức tin mà được xưng công bình.

    Gal 3:25  Song khi đức tin đã đến, chúng ta không còn phục dưới thầy giáo ấy nữa.

    Gal. 4:21-31: (Mời đọc trọn).

    Gal 4:21  Hãy nói cho tôi, anh em là kẻ ưa phục dưới luật pháp, há không nghe luật pháp sao?

    Gal 4:22  Vì có chép rằng Áp-ra-ham có hai con trai: một là con của người nữ tôi mọi, một là con của người nữ tự chủ.

    Gal 4:23  Nhưng con của người nữ tôi mọi sanh ra theo xác thịt, con của người nữ tự chủ sanh ra theo lời hứa.

    Gal 4:24  Cả điều đó có một nghĩa bóng: hai người nữ đó tức là hai lời giao ước, một là lời giao ước tại núi Si-na -i, sanh con ra để làm tôi mọi ấy là nàng A-ga.

    Gal 4:25  Vả, A-ga, ấy là núi Si-na -i, trong xứ A-ra-bi; khác nào như thành Giê-ru-sa-lem bây giờ, thành đó với con cái mình đều làm tôi mọi.

    Gal 4:26  Nhưng thành Giê-ru-sa-lem ở trên cao là tự do, và ấy là mẹ chúng ta.

    Gal 4:27  Vì có lời chép: Hỡi đờn bà son, ngươi là kẻ chẳng sanh nở chi hết, hãy vui mừng; Ngươi là kẻ chẳng từng chịu đau đớn sanh đẻ, hãy nức lòng mừng rỡ và bựt tiếng reo cười, Vì của cải của vợ bị để sẽ đông hơn con cái của người nữ có chồng.

    Gal 4:28  Hỡi anh em, về phần chúng ta, chúng ta cũng như Y-sác, là con của lời hứa.

    Gal 4:29  Nhưng, như bây giờ, kẻ sanh ra theo xác thịt bắt bớ kẻ sanh ra theo Thánh Linh, thì hiện nay cũng còn là thể ấy.

    Gal 4:30  Song Kinh Thánh, có nói gì? Hãy đuổi người nữ tôi mọi và con trai nó; vì con trai của người nữ tôi mọi sẽ không được kế tự với con trai của người nữ tự chủ.

    Gal 4:31  Ấy vậy, hỡi anh em, chúng ta chẳng phải là con cái của người nữ tôi mọi, bèn là người nữ tự chủ.

    ÔI CẢM TẠ ĐỨC CHÚA TRỜI!

    Eph.2:14-16: (Mời đọc trọn).

    Eph 2:14  Vì, ấy chính Ngài là sự hòa hiệp của chúng ta; Ngài đã hiệp cả hai làm một, phá đổ bức thường ngăn cách,

    Eph 2:15  là sự thù nghịch đã phân rẽ ra, bởi vì Ngài đã đem thân mình mà trừ bỏ luật pháp của các điều răn chép thành điều lệ. Như vậy, khi làm cho hòa nhau, Ngài muốn lấy cả hai lập nên một người mới ở trong Ngài,

    Eph 2:16  và vì bởi thập tự giá Ngài đã làm cho sự thù nghịch tiêu diệt, nên nhờ thập tự giá đó Ngài khiến cả hai hiệp thành một thể, mà làm hòa thuận với Đức Chúa Trời.

    Col.2:14-17: Ngài đã xóa tờ khế lập nghịch cùng chúng ta, các điều khoản trái với chúng ta nữa, cùng phá hủy tờ khế đó mà đóng đinh trên cây thập tự;

    Col 2:15  Ngài đã truất bỏ các quyền cai trị cùng các thế lực, dùng thập tự giá chiến thắng chúng nó, và nộp ra tỏ tường giữa thiên hạ.

    Col 2:16  Vì vậy, chớ có ai đoán xét anh em về của ăn uống, hoặc ngày lễ, hoặc ngày mặt trăng mới, hoặc ngày Sa-bát,

    Col 2:17  ấy đều chỉ là bóng của các việc sẽ tới, còn hình thì ở trong Đấng Christ.

    Tôi ước ao "cái màn" bị xé toạc, và cất khỏi những ai vẫn còn bị che khuất cho đến ngày nay, như Phao-lô đã nói: "… vì đến ngày nay, khi họ đọc Cựu Ước, cái màn ấy vẫn còn chưa cất khỏi…(2Co 3:14).

    Mục Sư Nguyễn Quốc Ấn

     

     

  4. NguyenQuocAn

    HÃY NGỒI LẮNG NGHE.

    Con người ngu dại tối tăm
    Hễ gặp thất bại lằm bằm thở than
    Bao nhiêu lời ngọc ý vàng
    Đường lối công chính chẳng màng, ngó nghiêng
    Thánh Kinh bày tỏ tự nhiên
    Vâng phục tin Chúa ưu phiền tránh lui.
    Thánh Kinh hãy đọc bạn ơi!
    "Quyển sách luật pháp" chẳng rời nơi ta (Giô-suê 1:8)
    Con dân Chúa hãy tránh xa
    Các giáo sư giả ba hoa ngôn từ
    Ngụy biện, hư thực thực hư
    Tuân lời giáo hội để chừa Chúa ra
    Thứ Bảy Sa-bát bỏ qua
    Đã sai lại cãi người ta chuẩn rồi
    Thế nên xin bạn ít lời
    Dựa vào cái cột, mà ngồi lắng nghe. 

    Đào Giang Nam
    Ngày 08/12/2013

    Anh Huỳnh thân mến.

    Anh mượn bài thơ nầy để phúc đáp email của tôi đó sao?

    Không biết bạn Nam hiểu biết đến đâu mà miệt thị người khác, cho người khác là dốt, là dựa cột, đến như vậy?

    Chữ “giáo sư giả” trong ngữ cảnh là ám chỉ những người Giu-đa đang rao giảng những giáo lý chống lại công lao cứu chuộc của Đấng Christ, nhất là họ buộc các tín hữu thời Tân Ước phải giữ Luật Pháp Môi-se giống như họ mới được cứu. Phao-lô gọi họ là “những người truyền bá những giáo lý Cơ Đốc sai trật”, trong đó có phái khổ hạnh (Asceticism).. Trong 1Ti 4:2 “…bị lầm lạc bởi sự giả hình của “giáo sư dối” (G5573), là kẻ có lương tâm đã lì…”, (1Tim1:4; Tít 1:10)

    Giáo sư dối (giả): ψευδολόγος

    pseudologos –psyoo-dol-og'-os. From G5571 and G3004; mendacious, that is, promulgating erroneous Christian doctrine: – speaking lies. (Tạm dịch là: Sai sự thật, nghĩa là người truyền bá những giáo lý Cơ Đốc sai trật – Ngụy diễn giả).

    Vậy không biết bạn Nam, đang nói ai là giáo sư giả giữa tôi với anh Huỳnh đây?

    Tôi muốn họa lại bài thơ lục bát của bạn Nam – (chẳng phải “ăn miếng trả miếng”), bằng bài Thơ Đường. Tôi lấy chữ NGHE, chữ cuối cùng của bạn Nam, để tạo vần cho bài thơ của tôi, với tựa đề CÁI MÀN.

    CÁI MÀN

    2Cor.3:14-15 “Nhưng lòng họ đã cứng cỏi; vì đến ngày nay, khi họ đọc Cựu Ước, cái màn ấy vẫn còn chưa cất khỏi, bởi chưng ấy là trong Đấng Christ mà màn đó biến đi. Ấy vậy, cho đến ngày nay, mỗi lần người ta đọc sách Môi-se cho họ, cái màn ấy vẫn còn ở trên lòng họ”.

     “Cái màn” cũ rích vẫn còn che (2Cor.3:14-15)

    Bởi thế cho nên mắt nhập nhoè!

    Cứ tưởng con Gà trong cũi sắt

    Nào ngờ con Cút dưới hàng tre.

    “Cái màn” ngăn cách cần thay đổi

    Ân Điển tỏ tường hãy cứ khoe

    Kinh Thánh phán người ngày cuối rốt

    Bịt tai, nhắm mắt chẳng thèm nghe

    Hai câu Thực là hai câu đối nhau, Cứ tưởng con Gà trong cũi sắt/Nào ngờ con Cút dưới hàng tre. Có hai ý:

    Ý thứ nhất: Vì mắt bị che nên “trông Gà hóa Cút”.

    Ý thứ hai: Người ta thường nhốt gà trong lồng hoặc trong chuồng bằng tre, chứ không ai nhốt gà trong cũi sắt cả. Nhưng ở đây, con gà bị nhốt trong cũi sắt, tưởng chừng là chắc chắn, nhưng bản thân nó bị nhốt quá mức cần thiết. (Luật pháp Môi-se) – Gal 3:23: “Trước khi đức tin chưa đến, chúng ta bị nhốt dưới sự canh giữ của luật pháp mà chờ đức tin phải bày ra”.

    Trong khi đó, con Cút được thong dong ở bên ngoài. Dưới hàng tre (mà tre là vật dụng làm lồng để nhốt gà) là một không gian mở, một không gian tự do, không bị ràng buộc. (Ân Điển Đấng Christ) – Gal 3:25: “Song khi đức tin đã đến, chúng ta không còn phục dưới thầy giáo ấy nữa”. Gal 3:26: “Vì chưng anh em bởi tin Đức Chúa Jêsus Christ, nên hết thảy đều là con trai của Đức Chúa Trời”. Gal 4:31: “Ấy vậy, hỡi anh em, chúng ta chẳng phải là con cái của người nữ tôi mọi, bèn là người nữ tự chủ”.

    Mục Sư Nguyễn Quốc Ấn

     

  5. admin Post author

    Anh Ấn kính mến,

    Tôi đã đọc bài đáp trả Đào Giang Nam của anh trên trang này. Anh chẳng cần phải email thêm cho tôi.
    Anh quá nhạy cảm khi cho rằng tôi dùng bài thơ đó để trả lời anh.
    Tôi đăng bài thơ không liên quan gì đến việc biện giáo giữa anh với tôi, vì tôi không đăng trong phần chúng ta biện giáo, tôi đăng vào trang chính, thành một bài riêng. Anh tự ý đem bài thơ đó vào phần biện giáo giữa tôi với anh, lại còn đưa ra ý ngờ vực tôi dùng bài thơ đó để đáp trả email của anh, là anh không đúng.

    Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
    Huỳnh Christian Timothy

  6. admin Post author

    Kính mời anh Ấn và quý bạn đọc xem bài giải thích các câu Thánh Kinh do anh Ấn trưng dẫn tại đây: http://biengiao.timhieutinlanh.net/?p=555.

    Bài giải thích ấy chứng minh: Không có một câu Thánh Kinh nào do anh Ấn trưng dẫn dạy rằng: (1) Con dân Chúa không cần vâng giữ điều răn thứ tư; hoặc (2) con dân Chúa có thể giữ ngày Sa-bát vào một ngày nào khác hơn là ngày Thứ Bảy; hoặc (3) ngày Sa-bát Thứ Bảy chỉ dành riêng cho dân I-sơ-ra-ên; hoặc (4) ngày Sa-bát Thứ Bảy đã đổi sang Chủ Nhật hay một ngày nào khác trong tuần lễ.

    Trân trọng.

    Huỳnh Christian Timothy