Các Quỷ Biện Chống Nghịch Ngày Sa-bát của Thiên Chúa – Phần 2

1,556 views

YouTube: https://youtu.be/UjfArOa2RNs

Các Quỷ Biện Chống Nghịch
Ngày Sa-bát của Thiên Chúa – Phần 2

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

Quỷ biện 11: Khi Chúa khiến cho mặt trời dừng lại suốt một ngày trên trũng Ga-ba-ôn, trong đời Giô-suê; hay khiến cho mặt trời lui lại mười độ, trong đời Vua Ê-xê-chia; thì thứ tự của ngày Sa-bát đã bị thay đổi.

Phản biện 11: Hai sự kiện được nêu ra trong lời quỷ biện trên được ghi lại trong Giô-suê đoạn 10 và II Các Vua đoạn 20.

Mặt trời dừng, mặt trăng đứng, cho tới khi dân sự đã báo thù những kẻ thù của mình. Điều đó đã không được chép trong sách của Gia-sa sao? Mặt trời đứng giữa trời và không lui đi trọn ngày.” (Giô-suê 10:13).

Tiên Tri Ê-sai cầu khẩn với Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Ngài đã đem bóng lui lại mười bậc mà nó đã đi xuống trên bậc trắc ảnh của A-cha. [Bậc trắc ảnh là một công cụ xác định vị trí mặt trời trên bầu trời để tính giờ.]” (II Các Vua 20:11).

Từ ngữ “trọn ngày” có thể được dùng để chỉ khoảng thời gian từ khi mặt trời mọc cho tới khi mặt trời lặn, tức là khoảng thời gian có ánh sáng mặt trời, mà trong Sáng Thế Ký đoạn 1 gọi là buổi sáng (tương đương 12 tiếng đồng hồ); hoặc để chỉ khoảng thời gian từ khi mặt trời lặn cho tới khi mặt trời lặn, tức là khoảng thời gian bao gồm buổi tối và buổi sáng (tương đương 24 tiếng đồng hồ).

Chúng ta không biết rõ bậc trắc ảnh của A-cha tính giờ như thế nào. Nhưng có thể mỗi bậc tương đương với một giờ. Lui lại mười bậc tương đương với lui lại mười giờ.

Chúng ta hãy bỏ qua tất cả các ý kiến tìm cách giải thích hai phép lạ trên đây. Chúng ta có thể chấp nhận phép lạ đã thực sự xảy ra như đã ghi chép trong Thánh Kinh mà không hề gặp trở ngại gì trong việc giữ đúng ngày Sa-bát. Một ngày trong Thánh Kinh bắt đầu từ buổi tối và bao gồm buổi tối cùng buổi sáng (Sáng Thế Ký 1). Điều đó có nghĩa là từ buổi chiều tối hiện tại, khi mặt trời đã khuất, cho tới buổi chiều tối hôm sau là tròn một ngày, tương đương 24 tiếng đồng hồ. Thánh Kinh không định nghĩa một ngày dài ngắn như thế nào, vì thế, nếu trong lịch sử loài người có một ngày dài gấp rưỡi hay gấp đôi ngày khác như trường hợp mặt trời dừng lại trọn một ngày trên trũng Ga-ba-ôn thì cũng không quan hệ gì đến thứ tự bảy ngày trong một tuần lễ mà Đức Chúa Trời đã thiết lập. Tương tự như vậy là sự kiện vị trí mặt trời trên bầu trời lui lại mười bậc. Vì một ngày mới chỉ bắt đầu sau khi mặt trời lặn.

Dưới đây là hình chụp một bàn trắc ảnh (sundial). Nguồn: Image by D Thory from Pixabay.

Quỷ biện 12: Người nào muốn giữ đúng ngày Sa-bát thì phải giữ theo ngày giờ của người I-sơ-ra-ên. Nếu giữ theo ngày giờ địa phương của mình thì trật với ngày giờ Sa-bát chính thức của xứ I-sơ-ra-ên.

Phản biện 12: Đức Chúa Trời đã chỉ thị rõ là con dân Chúa phải vâng giữ ngày Sa-bát trong những nơi họ cư trú, có nghĩa là theo giờ và ngày của địa phương:

Công việc được làm trong sáu ngày, nhưng ngày Thứ Bảy là Sa-bát của Lễ Nghỉ, là một sự nhóm hiệp thánh; các ngươi sẽ không làm bất cứ công việc gì; ấy là Sa-bát của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu trong khắp những nơi các ngươi ở.” (Lê-vi Ký 23:3).

Cho dù con dân Chúa sống ở bất cứ nơi nào trên địa cầu thì họ chỉ cần giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy theo giờ và ngày, ngay tại nơi họ ở.

Quỷ biện 13: Nếu giữ ngày Sa-bát thì không được ra khỏi nhà trong ngày Sa-bát.

Phản biện 13: Người đưa ra lý luận này không hiểu ý nghĩa của Xuất Ê-díp-tô Ký 16:29 theo văn mạch. Lời Chúa chép:

Hãy xem! Vì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã cho các ngươi ngày Sa-bát; vậy nên, ngày Thứ Sáu Ngài cho các ngươi lương thực đủ hai ngày. Ngày Thứ Bảy, mỗi người phải ở lại trong chỗ của mình, không người nào đi ra khỏi nhà.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 16:29).

Tuy nhiên, lệnh “không người nào đi ra khỏi nhà” nằm trong bối cảnh của sự kiện ra khỏi nhà để đi kiếm ăn. Đối với dân I-sơ-ra-ên lúc bấy giờ là ra khỏi nhà để thu lượm ma-na, trong ngày Sa-bát.

Nếu ngày Sa-bát con dân Chúa tuyệt đối không được ra khỏi nhà thì làm sao họ có thể tham dự các sự nhóm hiệp thánh như Chúa đã truyền? Chính Đức Chúa Jesus và các môn đồ của Ngài cũng ra khỏi nhà trong ngày Sa-bát. Trên đường đi, các môn đồ của Chúa còn bứt bông lúa mì để ăn cho đỡ đói; và Chúa thì nhiều lần chữa lành cho những người bị bệnh.

Quỷ biện 14: Ngày Sa-bát không được đi quá xa.

Phản biện 14: Người đưa ra lý luận này dựa vào Công Vụ Các Sứ Đồ 1:12 và lời chú thích về từ ngữ “quãng đường đi của một ngày Sa-bát:”

Bấy giờ, họ từ núi gọi là Ô-li-ve trở về, đến Giê-ru-sa-lem. Núi ấy cách Giê-ru-sa-lem một quãng đường đi của một ngày Sa-bát.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 1:12)

Thật ra, đây không phải là điều luật do Đức Chúa Trời đặt ra và bảo Môi-se chép lại, mà là luật do những người Pha-ri-si trong Do-thái Giáo đặt ra.

Danh từ Do-thái Giáo được dùng để chỉ tổ chức tôn giáo phát sinh trong vòng dân I-sơ-ra-ên, trong khoảng thời gian chừng 400 năm Đức Chúa Trời im lặng đối với dân I-sơ-ra-ên. Đó là khoảng thời gian từ khi Tiên Tri Ma-la-chi qua đời cho tới khi Tiên Tri Giăng Báp-tít thi hành chức vụ. Do-thái Giáo thờ phượng Thiên Chúa của Thánh Kinh nhưng chỉ giữ Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời theo hình thức bên ngoài; và thêm vào nhiều điều răn do loài người làm ra.

Người Pha-ri-si là những người I-sơ-ra-ên thuộc về một đảng phái trong Do-thái Giáo. Họ tin vào sự sống lại của thân thể xác thịt; tôn trọng các lời truyền khẩu ngang hàng với Thánh Kinh; thông thạo Thánh Kinh. Thánh Kinh được nói đến ở đây là Thánh Kinh Cựu Ước, vì vào thời ấy, chưa có Thánh Kinh Tân Ước. Nhiều người trong số họ chuyên về việc sao chép Thánh Kinh và giải thích Thánh Kinh, thường được gọi là các thầy thông giáo. Nhưng cũng có nhiều thầy thông giáo không thuộc đảng Pha-ri-si. Từ chỗ tôn trọng những lời truyền khẩu và giải thích Thánh Kinh theo ý riêng mà người Pha-ri-si đặt ra vô số luật lệ về sự thờ phượng Thiên Chúa, làm thành gánh nặng cho con dân Chúa. Đặc biệt là các luật lệ liên quan đến sự giữ ngày Sa-bát. Đức Chúa Jesus đã lên án những người Pha-ri-si là “các ngươi bỏ điều răn của Đức Chúa Trời bởi lời truyền khẩu của các ngươi”, gọi họ là những kẻ giả hình (Ma-thi-ơ 15:6-7). Trong Ma-thi-ơ đoạn 23, ghi lại những lời quở trách của Đức Chúa Jesus về sự giả hình của những người Pha-ri-si và những thầy thông giáo.

Những người Pha-ri-si lý luận rằng, trong đồng vắng, các lều trại cách xa Đền Tạm nhất cũng chỉ là 2.000 cu-bít. Trong ngày Sa-bát, một người di chuyển từ lều riêng đến Đền Tạm để thờ phượng Chúa, thì quãng đường đi xa nhất là không quá 2.000 cu-bít. Một cu-bít tương đương khoảng ½ mét. Vì thế, người Pha-ri-si đặt ra điều luật: Trong ngày Sa-bát, một người không được đi một quãng đường quá 2.000 cu-bít, tương đương một km.

Thánh Kinh không hề đưa ra điều luật nào giới hạn sự di chuyển của con dân Chúa trong ngày Sa-bát. Con dân Chúa không bị ràng buộc bởi các luật lệ truyền khẩu của loài người liên quan đến đức tin và sự thờ phượng Thiên Chúa.

Quỷ biện 15: Nếu giữ ngày Sa-bát thì không được nổi lửa trong nhà vào ngày Sa-bát.

Phản biện 15: Quỷ biện này dựa vào Xuất Ê-díp-tô Ký 35:3:

Các ngươi sẽ không đốt lửa trong khắp nơi cư trú của các ngươi trong ngày Sa-bát.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 35:3).

Tương tự như mệnh lệnh “không người nào đi ra khỏi nhà”, mệnh lệnh “không đốt lửa trong khắp nơi cư trú” cũng phải được hiểu theo văn mạch. Toàn bộ Xuất Ê-díp-tô Ký đoạn 35 nói đến việc thi công Đền Tạm để làm nơi thờ phượng Thiên Chúa. Mệnh lệnh không đốt lửa là không đốt lửa để làm các công việc xây dựng Đền Tạm. Mệnh lệnh này không liên quan gì đến việc đốt lửa nấu ăn hay là sưởi ấm.

Ngày nay, loài người không cần đốt lửa vẫn có thể nấu ăn và sưởi ấm. Tuy nhiên, việc nấu nướng linh đình trong ngày Sa-bát là việc không nên làm; vì khiến cho người nấu ăn không được nghỉ ngơi; và khiến cho con dân Chúa quá chú trọng về ăn uống mà quên đi mục đích, ý nghĩa, và phước hạnh của ngày Sa-bát.

Quỷ biện 16: Đức Chúa Jesus phán rằng, luật pháp và các tiên tri chỉ có đến thời của Giăng Báp-tít mà thôi. Lời phán đó của Chúa cho thấy, trong thời Tân Ước, không còn áp dụng luật pháp của thời Cựu Ước nữa.

Phản biện 16: Quỷ biện này dựa vào Lu-ca 16:16:

Luật pháp và các tiên tri có cho tới thời của Giăng. Kể từ đó, Tin Lành về Vương Quốc của Đức Chúa Trời được rao giảng, và ai nấy gắng sức vào đó.” (Lu-ca 16:16).

Nhưng Đức Chúa Jesus không hề phán rằng, luật pháp và các tiên tri có cho tới thời của Giăng thì không còn hiệu lực nữa. Lời phán của Chúa chỉ có nghĩa là: Trước khi Giăng Báp-tít xuất hiện và Tin Lành về Vương Quốc của Đức Chúa Trời được rao giảng, thì loài người chỉ được nghe về luật pháp của Đức Chúa Trời và các lời tiên tri về sự cứu rỗi, mà Đức Chúa Trời sẽ thực hiện cho loài người. Nhưng từ khi Giăng Báp-tít xuất hiện và Tin Lành về Vương Quốc của Đức Chúa Trời được rao giảng, thì loài người được nghe Tin Lành và có cơ hội gắng sức để vào trong Nước Trời.

Lời phán của Đức Chúa Jesus không ngừng lại ở đó. Ngài phán tiếp:

Nhưng trời và đất qua đi thì dễ hơn một nét chữ của luật pháp mất hiệu lực.” (Lu-ca 16:17).

Khi trưng dẫn Lu-ca 16:16 thì cũng phải trưng dẫn luôn Lu-ca 16:17 thì mới trọn ý câu phán của Đức Chúa Jesus.

Lời phán của Chúa có nghĩa là, trước khi Giăng Báp-tít xuất hiện thì loài người chỉ có luật pháp và các lời tiên tri. Nhưng từ khi Giăng Báp-tít xuất hiện thì Tin Lành về Vương Quốc của Đức Chúa Trời được rao giảng. Tuy nhiên, trong khi Tin Lành được rao giảng thì luật pháp của Đức Chúa Trời vẫn còn đó, vững chắc còn hơn là sự tồn tại của trời và đất.

Nói cách khác, thời Cựu Ước các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời được ban hành qua chữ viết, để loài người biết tiêu chuẩn thánh khiết của Đức Chúa Trời mà sống sao cho đẹp ý Ngài. Các lời tiên tri thì tiên tri về sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời ban cho loài người, khi loài người phạm tội vì không vâng giữ trọn vẹn các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời. Thời Tân Ước, Tin Lành về sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời được rao giảng và Đức Chúa Jesus Christ hoàn thành công cuộc cứu rỗi loài người, bằng cách thi hành mọi đòi hỏi của luật pháp về sự phạm tội của loài người. Các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời vẫn còn đó. Ai vi phạm thì bị kết tội, nhưng Đấng Christ gánh thay hình phạt của sự phạm tội. Những ai thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ thì được Đức Chúa Trời tha tội.

Bởi luật pháp của Đức Chúa Trời, loài người bị định tội. Bởi luật pháp của Đức Chúa Trời, loài người được tha tội nhờ sự chết thay của Đức Chúa Jesus Christ. Bởi luật pháp của Đức Chúa Trời, sau khi một người được Đức Chúa Trời tha thứ vì đã ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, mà người ấy trở về sống trong tội, thì người ấy sẽ bị Đức Chúa Trời hình phạt cách nghiêm khắc:

Hê-bơ-rơ 10:26-31

26 Vì nếu chúng ta cố ý phạm tội sau khi đã nhận lãnh tri thức về lẽ thật, thì không còn được chừa lại cho chúng ta sinh tế chuộc những tội lỗi.

27 Nhưng chỉ có một sự đợi chờ kinh khiếp về sự phán xét, và lửa hừng sẽ thiêu nuốt những kẻ bội nghịch.

28 Ai đã chối bỏ luật pháp của Môi-se, thì chết không có sự thương xót, bởi hai hay ba nhân chứng.

29 Các anh chị em nghĩ xem, hình phạt sẽ nặng hơn biết bao để xứng với kẻ giày đạp Con Đức Chúa Trời, xem máu của giao ước bởi đó kẻ ấy được nên thánh là ô uế, và sỉ nhục Đấng Thần Linh của ân điển.

30 Vì chúng ta biết Đấng đã phán: Sự trả thù thuộc về Ta, Ta sẽ báo trả! Chúa phán vậy. Lại phán: Chúa sẽ phán xét dân của Ngài. [Phục Truyền Luật Lệ Ký 32:35-36; Thi Thiên 135:14]

31 Sa vào tay Thiên Chúa Hằng Sống là sự đáng kinh khiếp thay!

Các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời vẫn còn lại trong hình thức chữ viết cho tới khi trời đất hiện tại qua đi:

Các ngươi đừng tưởng rằng, Ta đến để phá bỏ luật pháp hay những lời tiên tri. Ta không đến để phá bỏ, nhưng để làm trọn. Vì Ta phán với các ngươi, thật, cho tới khi trời và đất qua đi, một chấm hay một nét sẽ không qua đi khỏi luật pháp, cho tới khi mọi sự được trọn. Vậy, nếu ai bỏ đi một trong các điều cực nhỏ nào của các điều răn, và dạy người ta làm như vậy, thì người ấy sẽ bị xưng là cực nhỏ trong Vương Quốc Trời; còn ai giữ và dạy các điều ấy, thì sẽ được xưng là lớn trong Vương Quốc Trời.” (Ma-thi-ơ 5:17-19).

Sau khi trời đất hiện tại qua đi và trời đất mới xuất hiện, Vương Quốc Đời Đời được thành lập thì các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời dù không còn tồn tại qua chữ viết, nhưng sẽ tồn tại trong thần trí của loài người:

Ấy là giao ước mà Ta sẽ lập với nhà I-sơ-ra-ên sau những ngày đó, Chúa phán, ban cho những luật pháp của Ta vào trong tâm trí của họ và ghi chúng lên trên những tấm lòng của họ. Ta sẽ là Thiên Chúa đối với họ và họ sẽ là dân chúng đối với Ta. Họ sẽ chẳng có ai dạy bảo người lân cận của mình và anh chị em của mình, rằng: Hãy nhận biết Chúa! Vì hết thảy sẽ biết Ta, từ người rất nhỏ cho đến người rất lớn.” (Hê-bơ-rơ 8:10-11).

Chúa phán: Này, giao ước mà Ta sẽ lập với họ sau những ngày đó. Ta sẽ ban các luật pháp của Ta trong những tấm lòng của họ, và trong những tâm trí của họ Ta sẽ ghi chúng.” (Hê-bơ-rơ 10:16).

Vì các điều răn của Chúa còn lại cho đến đời đời:

Hỡi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu! Ngài ở gần. Mọi điều răn của Ngài là chân thật. Từ những chứng cớ của Ngài, tôi đã biết từ lâu rằng, Ngài đã lập chúng cho đến vĩnh cửu.” (Thi Thiên 119:151-152).

Chẳng những các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời vẫn hiệu lực trong thời Tân Ước mà còn hiệu lực ngay trong ngày phán xét chung cuộc, vào cuối của thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm. Trong ngày đó, tất cả những ai không ở trong sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời đều bị phán xét và bị định tội bởi các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời.

Hơn nữa, nếu các tiên tri và các lời tiên tri chỉ có đến thời của Giăng Báp-tít thì tại sao trong Thánh Kinh Tân Ước vẫn ghi lại sự kiện con dân Chúa nói tiên tri? Công Vụ Các Sứ Đồ 11:28; 13:1; 15:32; 19:6; 21:9-10; Rô-ma 12:6; I Cô-rinh-tô 11:4-5; 12:10; 14:5; v.v.. Đặc biệt là lời của Sứ Đồ Phi-e-rơ:

Đức Chúa Trời phán: Trong những ngày sau cùng, Ta sẽ tuôn đổ Thần của Ta khắp trên mọi xác thịt. Những con trai của các ngươi và những con gái của các ngươi sẽ nói tiên tri. Những người trẻ của các ngươi sẽ thấy những khải tượng. Những người già của các ngươi sẽ mơ những giấc mơ. Trên những đầy tớ trai của Ta và trên những đầy tớ gái của Ta, trong những ngày đó, Ta sẽ tuôn đổ Thần của Ta. Chúng nó sẽ nói tiên tri.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:17-18).

Và chính Đức Chúa Trời lập ra chức vụ tiên tri trong Hội Thánh:

Thực tế, Đức Chúa Trời đã lập trong Hội Thánh: Thứ nhất là những sứ đồ; thứ nhì là những tiên tri; thứ ba là những người dạy; kế đến là những người làm phép lạ; rồi những người có ân tứ chữa lành các tật bệnh; những người cứu giúp; những người cai quản, những người nói các nhánh của các ngôn ngữ.” (I Cô-rinh-tô 12:28).

Đức Thánh Linh phán dạy về sự con dân Chúa phải nói tiên tri một cách trật tự trong buổi nhóm họp của Hội Thánh:

Còn các tiên tri, hai hay ba người nói, những người khác thì suy xét.” (I Cô-rinh-tô 14:29).

Chính Đức Chúa Jesus Christ cũng đã nhiều lần nói tiên tri và quan trọng hơn hết là Ngài đã ban các lời tiên tri về Kỳ Tận Thế cho Sứ Đồ Giăng ghi chép lại. Đó là sách Khải Huyền.

Quỷ biện 17: Các điều răn và luật pháp thời Cựu Ước chỉ là bóng, tức là tiêu biểu cho các việc sẽ tới trong thời Tân Ước, như Cô-lô-se 2:16-17 đã dạy. Chúng ta đang sống trong thời Tân Ước thì không cần giữ những sự chỉ làm bóng trong thời Cựu Ước.

Vì vậy, chớ để ai phán xét các anh chị em trong thức ăn hay trong thức uống, hoặc trong sự dự phần của một ngày lễ hội, hoặc của Lễ Trăng Mới, hoặc của những Sa-bát. Các sự ấy là bóng của các việc sẽ tới, nhưng hình thì thuộc về Đấng Christ.” (Cô-lô-se 2:16-17).

Phản biện 17: Không phải các điều răn và luật pháp thời Cựu Ước là bóng hoặc tiêu biểu cho các việc sẽ tới trong thời Tân Ước. Mà chỉ có các nghi thức và luật lệ về sự thờ phượng Thiên Chúa, về sự chuộc tội, về sự dâng tế lễ mới là bóng của các việc sẽ được Đấng Christ hoàn thành và bóng của các việc con dân Chúa sẽ thi hành trong thời Tân Ước. Ngoài ra, Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời là một nguyên tắc thực tế, phải hiểu theo nghĩa đen và hành động theo nghĩa đen, trong mọi nơi, trong mọi lúc, không phân biệt thời kỳ nào trong suốt dòng lịch sử của loài người. Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời không bao giờ là bóng cho bất cứ điều gì; không bao giờ tiêu biểu cho bất cứ điều gì. Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời là nguyên tắc sống và tiêu chuẩn đạo đức của loài người.

Chúng ta cần đọc ít nhất là từ Cô-lô-se 2:10-17 để hiểu thế nào là bóng và thế nào là hình.

Cô-lô-se 2:10-17

10 Trong Ngài các anh chị em được hoàn toàn, vì Ngài là đầu của mọi quyền cai trị và thế lực.

11 Trong Đấng ấy các anh chị em cũng chịu cắt bì với sự cắt bì không bởi đôi tay, trong sự lột bỏ những tội lỗi của thân thể xác thịt, bởi sự cắt bì của Đấng Christ.

12 Được chôn với Ngài trong sự báp-tem, thì các anh chị em cũng được sống lại với Ngài bởi đức tin trong sự tác động của Đức Chúa Trời, Đấng đã khiến Ngài sống lại từ những kẻ chết.

13 Khi các anh chị em đã chết bởi những lỗi lầm của mình và sự xác thịt mình không chịu cắt bì, thì Ngài đã khiến các anh chị em cùng sống lại với Đấng ấy, tha thứ cho các anh chị em mọi sự vi phạm;

14 xóa bỏ bản chép tay các điều luật nghịch lại chúng ta, các điều đối nghịch chúng ta, đem nó ra khỏi giữa chúng ta mà đóng đinh nó trên cây thập tự;

15 truất bỏ các quyền cai trị cùng các thế lực, phơi bày chúng nó tỏ tường, đắc thắng chúng nó trong thập tự giá. [Quyền cai trị và thế lực của ma quỷ, của tội lỗi, của sự chết.]

16 Vì vậy, chớ để ai phán xét các anh chị em trong thức ăn hay trong thức uống, hoặc trong sự dự phần của một ngày lễ hội, hoặc của Lễ Trăng Mới, hoặc của những Sa-bát. [Những Sa-bát trong các kỳ lễ hội.]

17 Các sự ấy là bóng của các việc sẽ tới, nhưng hình thì thuộc về Đấng Christ.

Bản chép tay các điều luật nghịch lại chúng ta, các điều đối nghịch chúng ta” trong câu 14 chỉ về các điều luật lễ nghi về sự tẩy uế và sự chuộc tội, được Môi-se chép trong Sách Luật Pháp (Phục Truyền Luật Lệ Ký 31:24-26), không phải là Mười Điều Răn do chính Đức Chúa Trời chép trên hai bảng đá.

Những điều là bóng trong thời Cựu Ước chỉ về hình trong Đấng Christ thời Tân Ước và chỉ về hình trong nếp sống của con dân Chúa là:

1. Các thức ăn: Cho biết sự chết của Đấng Christ đã thánh hóa những thức ăn thời Cựu Ước kể là không tinh sạch. Con dân Chúa không cần phải kiêng cữ các thức ăn đó nữa. Lê-vi Ký 11 liệt kê các loài vật sạch và không sạch. Công Vụ Các Sứ Đồ 10:9-16 ghi lại khải tượng của Phi-e-rơ về việc Chúa đã thánh hóa các loài thú không tinh sạch, với hàm ý, dân ngoại cũng đã được thánh hóa nếu họ tin nhận Tin Lành cứu rỗi của Đức Chúa Trời:

Công Vụ Các Sứ Đồ 10:9-16

9 Bữa sau, trong lúc ba người ấy đang đi đường và đã đến gần thành, vừa nhằm giờ thứ sáu Phi-e-rơ leo lên mái nhà để cầu nguyện.

10 Người đói và thèm ăn. Khi người ta đang dọn cho ăn, thì người bị ngất trí đi.

11 Người thấy trời mở ra, và có vật gì giống như một bức khăn lớn bốn góc được kéo lên, giáng xuống và sa đến đất;

12 thấy trong đó có những thú bốn cẳng, đủ mọi loài, côn trùng bò trên đất, và chim trên trời.

13 Lại có tiếng phán với người rằng: Hỡi Phi-e-rơ, hãy dậy, làm thịt và ăn.

14 Nhưng Phi-e-rơ thưa rằng: Lạy Chúa, chẳng vậy; vì tôi chẳng ăn giống gì ô uế chẳng sạch bao giờ.

15 Tiếng đó lại phán với người lần thứ nhì: Bất cứ vật gì Đức Chúa Trời đã làm cho sạch, thì chớ xem là ô uế.

16 Việc ấy lặp lại ba lần; và vật ấy bị thu lại lên trời.

Rô-ma 14:14-15, 20

14 Tôi biết và tin chắc trong Đức Chúa Jesus rằng, chẳng vật gì là không tinh sạch bởi chính nó. Nhưng ai cho rằng, vật gì là không tinh sạch thì đối với người ấy nó không tinh sạch.

15 Nhưng nếu anh chị em cùng Cha của ngươi buồn rầu vì thức ăn, thì ngươi chẳng còn bước đi theo tình yêu nữa. Đừng hủy diệt người mà Đấng Christ đã chịu chết thay, bằng thức ăn của ngươi.

20 Chớ vì một thức ăn mà hủy hoại việc làm của Đức Chúa Trời. Mọi vật thật sự là tinh sạch, nhưng là ác cho người nào ăn với sự làm cho người khác vấp phạm.

Sự kiêng các thức ăn không tinh sạch trong thời Cựu Ước là điều luật làm bóng cho sự không nuôi dưỡng linh hồn mình bằng những thú vui tội lỗi, được tiêu biểu bằng hành động không ăn các thức ăn có mang nhiều mầm bệnh; đồng thời làm bóng cho sự không sa ngã vì bị cám dỗ của Đức Chúa Jesus Christ và của những ai thật sự ở trong Ngài.

Chắc chắn là trước khi loài người phạm tội thì không hề có loài vật nào là không tinh sạch, vì Thiên Chúa đã phán rõ ràng trong Sáng Thế Ký 1:31: “Thiên Chúa thấy mọi việc Ngài đã làm thật rất tốt lành. Vậy, có buổi tối và buổi sáng; ấy là ngày Thứ Sáu”.

Sự ô uế, bệnh tật, và sự chết chỉ đến trong thế gian sau khi loài người phạm tội, làm cho cả thế gian bị ô nhiễm vì sự phạm tội của loài người, khiến cho môi trường sống bị băng hoại. Các loài bị ô nhiễm nhiều, mang nhiều mầm bệnh, như các loài chuyên ăn các xác chết, bị xem là loài vật ô uế, thì loài người không nên ăn chúng. Tuy nhiên, sau khi Đức Chúa Jesus Christ hoàn thành sự chết chuộc tội cho nhân loại thì Đức Chúa Trời đã ba lần phán rõ, trong khải tượng của Phi-e-rơ, rằng, Ngài đã làm cho mọi vật không tinh sạch được tinh sạch trở lại, như đã được chép trong Công Vụ Các Sứ Đồ 10:9-16. Chúng ta hiểu rằng, sau sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ thì Đức Chúa Trời đã phục hồi sự tinh sạch cho muôn vật, vì cái giá phải trả cho sự phạm tội của loài người đã được Đức Chúa Jesus Christ hoàn tất. Muôn vật không phạm tội mà bị ô uế lây vì sự phạm tội của loài người thì muôn vật đương nhiên được phục hồi sự tinh sạch, khi sự phạm tội của loài người đã được trả giá.

Vì thế, con dân Chúa không cần phải kiêng các thức ăn bị xem là không tinh sạch trong thời Cựu Ước nữa. Điều luật cấm ăn các thức ăn không tinh sạch là một điều luật tiêu biểu cho sự không nuôi dưỡng linh hồn mình bằng những thú vui tội lỗi đã không còn hiệu lực trong thời Tân Ước. Sự đắc thắng mọi cám dỗ đã được Đức Chúa Jesus Christ hoàn thành và những ai ở trong Đấng Christ thì có sự đắc thắng bởi ân điển và sức mạnh từ Ngài. Riêng điều luật cấm ăn máu vẫn còn hiệu lực vì máu của Đức Chúa Jesus Christ vẫn còn tiếp tục tẩy rửa tội lỗi cho bất cứ ai tin nhận Ngài. Tuy nhiên, nếu có ai muốn kiêng các thức ăn bị xem là không tinh sạch trong thời Cựu Ước, vì muốn vâng giữ luật ấy để nhắc nhở mình không nuôi dưỡng linh hồn bằng những thú vui tội lỗi, thì chớ có ai phán xét người ấy. Miễn là người ấy không tin rằng, phải kiêng các thức ăn ấy để được cứu rỗi; hoặc không tin rằng, ai ăn các thức ăn ấy là phạm tội.

2. Các nghi thức dâng của lễ: Từ của lễ chuộc tội cho tới của lễ cảm tạ, tất cả các sự dâng hiến của lễ trong thời Cựu Ước đều là bóng cho sự:

  • Đức Chúa Jesus Christ dâng chính mạng sống của Ngài làm của lễ chuộc tội cho loài người: “Đấng không cần mỗi ngày dâng sinh tế như các thầy tế lễ thượng phẩm, trước vì những tội của chính họ, sau vì những tội của dân chúng. Vì Ngài đã làm việc đó một lần đủ cả, khi dâng chính mình Ngài.” (Hê-bơ-rơ 7:27).

  • Con dân Chúa ngày hai bận dâng chính thân thể mình làm của lễ sống và thánh lên Đức Chúa Trời: “Vậy, hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi khuyên các anh chị em hãy bởi những sự thương xót của Đức Chúa Trời mà dâng các thân thể của các anh chị em làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của các anh chị em.” (Rô-ma 12:1).

  • Con dân Chúa dâng nếp sống thánh khiết, lời cầu nguyện và tôn vinh Thiên Chúa, cùng những việc làm lành của mình lên Thiên Chúa: “Vậy, chúng ta hãy bởi Ngài hằng dâng tế lễ của sự tôn vinh lên Đức Chúa Trời, tức là bông trái của môi miệng cảm tạ danh của Ngài. Hãy làm lành và chớ quên sự thông công. Vì những của lễ như vậy đẹp lòng Đức Chúa Trời.” (Hê-bơ-rơ 13:15-16).

Đó chính là sự thờ phượng Đức Chúa Trời trong thần trí và trong lẽ thật:

Nhưng giờ đến và là bây giờ, khi những người thờ phượng thật sẽ thờ phượng Đức Cha trong thần trí và trong lẽ thật. Vì Đức Cha tìm kiếm những người thờ phượng Ngài như vậy. Đức Chúa Trời là Thần. Những người thờ phượng Ngài phải thờ phượng trong thần trí và trong lẽ thật.” (Giăng 4:23-24).

Vì thế, trong thời Tân Ước, sau khi Đấng Christ đã hoàn thành sự cứu chuộc nhân loại, con dân Chúa không cần dâng sinh tế làm của lễ thiêu để chuộc tội, không cần dâng bánh không men và rượu làm các của lễ chay, của lễ quán, và của lễ cảm tạ lên Đức Chúa Trời. Con dân Chúa cũng không cần phải đến Đền Thờ để dâng của lễ và thờ phượng Đức Chúa Trời. Con dân Chúa cũng không cần nhờ đến các thầy tế lễ trong sự thờ phượng Chúa. Vì mỗi con dân Chúa vừa là thầy tế lễ, vừa là Đền Thờ của Thiên Chúa, và vừa là của lễ sống và thánh để dâng lên Thiên Chúa.

3. Bảy kỳ lễ hội và Lễ Trăng Mới: Bảy kỳ lễ hội và Lễ Trăng Mới trong Cựu Ước, như được tổng kết trong Lê-vi Ký đoạn 23, đều là bóng cho các việc mà Đấng Christ sẽ làm trong thời Tân Ước. Vì Đấng Christ đã đến nên con dân Chúa không cần giữ các ngày lễ hội ấy. Nhưng con dân Chúa cũng có quyền giữ các kỳ lễ hội ấy, để tỏ lòng biết ơn và tôn vinh Thiên Chúa về những ơn phước Ngài đã ban cho họ, qua Đấng Christ. Chính vì thế mà Đức Thánh Linh, qua Sứ Đồ Phao-lô, đã dạy rằng, con dân Chúa đừng quan tâm đến việc bất cứ ai phán xét sự giữ các kỳ lễ hội thời Cựu Ước:

Vì vậy, chớ để ai phán xét các anh chị em trong thức ăn hay trong thức uống, hoặc trong sự dự phần của một ngày lễ hội, hoặc của Lễ Trăng Mới, hoặc của những Sa-bát. [Những Sa-bát trong các kỳ lễ hội.] Các sự ấy là bóng của các việc sẽ tới, nhưng hình thì thuộc về Đấng Christ.” (Cô-lô-se 2:16-17).

Bảy kỳ lễ hội và Lễ Trăng Mới thời Cựu Ước, được ấn định theo Lịch Đức Chúa Trời đã ban cho dân I-sơ-ra-ên, tiêu biểu cho các sự sau đây:

  • Lễ Vượt Qua: Nhằm ngày 14 tháng 1. Làm bóng hoặc tiêu biểu cho sự Đức Chúa Jesus Christ chịu chết để chuộc tội cho toàn thể loài người. Vì thế, Đức Chúa Jesus Christ được gọi là Chiên Con Lễ Vượt Qua: “Vậy, hãy làm cho mình sạch men cũ, để các anh chị em trở nên bột nhồi mới không men, như các anh chị em là bánh không men vậy; vì Đấng Christ là Chiên Con Lễ Vượt Qua của chúng ta, đã bị giết thay cho chúng ta.” (I Cô-rinh-tô 5:7). Chính Đức Chúa Jesus Christ đã biến Lễ Vượt Qua thành Lễ Tiệc Thánh và Ngài yêu cầu con dân Chúa giữ Lễ Tiệc Thánh.

  • Lễ Bánh Không Men: Nhằm ngày 15 tháng 1, kéo dài bảy ngày. Ngày đầu và ngày cuối, tức là ngày 15 và ngày 21 tháng 1, đều là ngày Sa-bát, tức là ngày nghỉ ngơi khỏi mọi công việc lao động, để nhóm hiệp thờ phượng Thiên Chúa. Làm bóng hoặc tiêu biểu cho đời sống thánh khiết của Đức Chúa Jesus Christ và đời sống mới thánh khiết của những ai tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ (I Cô-rinh-tô 5:7).

Ngày Sa-bát đầu làm hình bóng cho sự con dân Chúa được mãi mãi yên nghỉ khỏi sự nô lệ cho tội lỗi (Rô-ma 6:6-7). Ngày Sa-bát cuối làm hình bóng cho sự con dân Chúa bước vào sự yên nghỉ khỏi sự lao khổ của xác thịt, khi họ ra khỏi cuộc đời này (Khải Huyền 14:13). Nói cách khác, bảy ngày Lễ Bánh Không Men tiêu biểu cho suốt cuộc đời của chúng ta, trong thân thể xác thịt này, kể từ khi chúng ta tin nhận sự cứu rỗi của Chúa, cho tới khi chúng ta ra khỏi cuộc đời này.

  • Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa: Nhằm ngày 16 tháng 1. Làm bóng hoặc tiêu biểu cho sự phục sinh của Đức Chúa Jesus Christ và sự phục sinh của những ai ở trong Đấng Christ: “Nhưng bây giờ, Đấng Christ đã từ những kẻ chết sống lại, trở thành trái đầu mùa của những người ngủ. Vì sự chết đến bởi một người, thì sự sống lại của những kẻ chết cũng đến bởi một người. Như trong A-đam mọi người đều chết, thì cũng vậy, trong Đấng Christ mọi người đều sẽ được sống lại, nhưng mỗi người theo thứ tự riêng của mình: Đấng Christ là trái đầu mùa; sau đó, là những ai thuộc về Đấng Christ, trong sự đến của Ngài.” (I Cô-rinh-tô 15:20-23).

  • Lễ Các Tuần Lễ, còn gọi là Lễ Ngũ Tuần: Nhằm ngày 6 tháng 3, là ngày thứ 50 kể từ ngày sau ngày Sa-bát đầu tiên của Lễ Bánh Không Men (không phải là Chủ Nhật thứ bảy sau Chủ Nhật Easter của Cơ-đốc Giáo). Ngày này cũng là một ngày Sa-bát, là lễ kỷ niệm ngày Đức Chúa Trời ban hành Mười Điều Răn và luật pháp cho loài người tại núi Si-na-i. Làm bóng hoặc tiêu biểu cho:

a) Sự phục sinh của những ai tin nhận Đấng Christ (I Cô-rinh-tô 15:20-23).

b) Sự thành lập Hội Thánh (Công Vụ Các Sứ Đồ 2).

c) Sự luật pháp của Thiên Chúa được chép trong lòng con dân Chúa (Hê-bơ-rơ 8:10; 10:16; Được tiên tri trong Giê-rê-mi 31:33).

Ngày Sa-bát của lễ này làm hình bóng cho sự con dân Chúa được yên nghỉ khỏi gánh nặng của hình phạt trong đời này từ các điều luật định tội của luật pháp: “Cho nên, hiện nay chẳng có án phạt cho những người ở trong Đấng Christ Jesus, là những người không bước theo xác thịt nhưng bước theo thần trí.” (Rô-ma 8:1).

  • Lễ Thổi Kèn: Nhằm ngày 1 tháng 7. Ngày này cũng là một ngày Sa-bát. Làm bóng hoặc tiêu biểu cho sự Hội Thánh được cất ra khỏi thế gian và sự nhóm hiệp sau Kỳ Tận Thế của con dân Chúa, là những người tin Chúa trong Cơn Đại Nạn:

Trong khoảnh khắc, trong nháy mắt, lúc tiếng kèn chót, vì kèn sẽ thổi, những người chết sẽ được sống lại, không có tính hư nát, và chúng ta sẽ được biến hóa.” (I Cô-rinh-tô 15:52).

Vì chính Chúa sẽ từ trời giáng xuống với tiếng kêu lớn, với tiếng của thiên sứ trưởng, cùng tiếng kèn của Thiên Chúa, và những người chết trong Đấng Christ sẽ sống lại trước. Kế đến, chúng ta là những người sống, mà còn ở lại, sẽ cùng họ được cất lên trong những đám mây, để gặp Chúa tại nơi không trung. Như vậy, chúng ta sẽ ở cùng Chúa mãi mãi.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:16-17).

Ngài sẽ sai thiên sứ của Ngài với tiếng kèn lớn; họ sẽ nhóm lại những người đã được lựa chọn của Ngài từ bốn hướng gió, từ cuối phương trời này tới cuối phương trời kia.” (Ma-thi-ơ 24:31).

Ngày Sa-bát của lễ này làm hình bóng cho sự Hội Thánh được yên nghỉ khỏi sự hầu việc Chúa trên đất, con dân Chúa trong Thời Đại Nạn được yên nghỉ khỏi sự bách hại của thế gian.

  • Lễ Chuộc Tội: Nhằm ngày 10 tháng 7. Ngày này cũng là một ngày Sa-bát. Làm bóng hoặc tiêu biểu cho sự cứu chuộc của Tin Lành chung cho toàn thể loài người (I Giăng 4:10) và riêng cho toàn dân I-sơ-ra-ên trong Kỳ Tận Thế (Rô-ma 11:25-27). Ngoài ra, Lễ Chuộc Tội cũng tiêu biểu cho sự những ai không ở trong sự cứu rỗi sẽ bị phân rẽ khỏi con dân Chúa, như trong sự phán xét cuối Kỳ Tận Thế (Ma-thi-ơ 25:31-46) và sự phán xét chung cuộc (Khải Huyền 20:11-15), theo ý nghĩa của sự con dê đực mang tội lỗi của con dân Chúa bị đuổi vào đồng vắng, trong nghi thức làm Lễ Chuộc Tội (Lê-vi Ký 16). Ngày Sa-bát của Lễ Chuộc Tội làm hình bóng cho sự những ai ở trong Chúa được yên nghỉ đời đời khỏi mọi sự hình phạt (Rô-ma 8:1).

  • Lễ Lều Trại: Nhằm ngày 15 tháng 7, kéo dài suốt bảy ngày. Ngày đầu và ngày thứ tám theo sau lễ, tức là ngày 15 và ngày 22 tháng 7 đều là ngày Sa-bát. Làm bóng hoặc tiêu biểu cho sự Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế làm người ở giữa loài người (Giăng 1:14); Vương Quốc Ngàn Năm (Khải Huyền 20:1-6); và sự Đức Chúa Trời cùng Thiên Chúa Ngôi Lời trong danh Chiên Con, sẽ ở giữa loài người trên đất, trong Vương Quốc Đời Đời (Khải Huyền 21-22). Ngày Sa-bát đầu làm hình bóng cho sự con dân Chúa được yên nghỉ khỏi sự băng hoại của thế gian tội lỗi trong Vương Quốc Ngàn Năm. Ngày Sa-bát cuối làm hình bóng cho sự con dân Chúa được yên nghỉ đời đời khỏi mọi sự đau khổ, khó nhọc, trong Vương Quốc Đời Đời. Đây cũng chính là ngày Sa-bát được nói đến trong Hê-bơ-rơ 4:9-10.

  • Lễ Trăng Mới: Nhằm ngày 1 mỗi tháng. Là ngày đón mừng sự bắt đầu cho một tháng mới, (chữ “tháng” trong tiếng Hê-bơ-rơ chính là chữ “trăng”), là khi mặt trăng bắt đầu tái xuất hiện trên bầu trời. Lễ này làm kỷ niệm cho ngày khởi đầu của sự Đức Chúa Trời giải cứu dân I-sơ-ra-ên ra khỏi ách nô lệ Ê-díp-tô, ban cho họ một đời sống mới: “Tháng này sẽ làm đầu cho các tháng đối với các ngươi, nó sẽ là tháng thứ nhất trong năm.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:2). Ngày lễ này cũng làm bóng hoặc tiêu biểu cho:

a) Sự bắt đầu của thời kỳ Giao Ước Mới (Giê-rê-mi 31:31), tức thời Tân Ước, là thời kỳ Đức Chúa Trời ban sự cứu rỗi cho toàn thể nhân loại, qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ.

b) Sự bắt đầu của Vương Quốc Ngàn Năm (Khải Huyền 20:4-6) và sự bắt đầu của trời mới đất mới cùng Vương Quốc Đời Đời (Khải Huyền 21:5).

c) Sự bắt đầu một đời sống mới của một con người mới trong Đấng Christ, là đời sống từ bỏ tội, kính sợ, vâng phục, thờ phượng và hầu việc Thiên Chúa trong thần trí và trong lẽ thật (II Cô-rinh-tô 5:17; Giăng 4:23).

Ngày Lễ Trăng Mới cũng là một ngày Sa-bát làm bóng hoặc tiêu biểu cho sự con dân Chúa được yên nghỉ khỏi cuộc đời xưa cũ, bị nô lệ trong tội lỗi.

Vì Đức Chúa Jesus Christ đã đến, Ngài đã và đang thi hành mục vụ của Ngài, nên con dân Chúa không cần phải giữ các ngày lễ và các ngày Sa-bát làm bóng cho các mục vụ của Ngài nữa. Điều này không có nghĩa là con dân Chúa không cần giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy hàng tuần, vì ngày Sa-bát Thứ Bảy hàng tuần được Thiên Chúa lập ra từ khi sáng thế, để loài người được yên nghỉ thân thể xác thịt, sau sáu ngày làm việc, và biệt riêng thời gian tương giao với Ngài, thông công với nhau trong sự nhóm hiệp.

Ngày Sa-bát Thứ Bảy cuối tuần không làm bóng hoặc tiêu biểu cho bất cứ sự gì. Đó là ngày của Thiên Chúa và Ngài dùng ngày đó để ban phước cho loài người, bằng cách Ngài ban phước cho ngày Sa-bát. Có nghĩa là: Ngày Sa-bát Thứ Bảy được Thiên Chúa biệt riêng và ban phước cho, nên những ai thật lòng tôn kính Thiên Chúa qua sự giữ ngày Sa-bát thì họ sẽ được hưởng các thứ phước từ Thiên Chúa, dành riêng cho những người tôn thánh ngày Sa-bát.

Quỷ biện 18: Lời Chúa trong Ga-la-ti 4:10 dạy rằng, con dân Chúa không cần giữ ngày, mùa, tháng, năm. Lời ấy bao gồm việc con dân Chúa không cần giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy hàng tuần.

Phản biện 18: Người đưa ra lời quỷ biện trên đây đã bẻ cong Lời Chúa. Vì Ga-la-ti 4:10 không hề quở trách con dân Chúa tại Ga-la-ti về sự họ giữ ngày Sa-bát, mà là quở trách họ về thói xem ngày tốt xấu, mê tín dị đoan, hoặc về sự họ “hãy còn” giữ các ngày lễ hội của các tà thần. Ga-la-ti 4:10 cần phải được đọc trong văn mạch, kể từ câu 8 đến câu 11:

Ga-la-ti 4:8-11

8 Nhưng thật ra trước kia, khi các anh chị em chẳng biết Thiên Chúa, thì các anh chị em làm nô lệ cho các thứ vốn không phải là Thiên Chúa.

9 Còn hiện nay, các anh chị em biết Thiên Chúa lại được Thiên Chúa biết đến nữa, sao các anh chị em còn quay về với những lề thói yếu đuối, nghèo nàn đó? Các anh chị em muốn làm nô lệ trở lại sao?

10 Các anh chị em hãy còn giữ những ngày, tháng, mùa, năm sao?

11 Tôi lo cho các anh chị em, sợ rằng, tôi đã lao lực cho các anh chị em cách vô ích.

Con dân Chúa tại Ga-la-ti vẫn còn có thói quen mê tín dị đoan, xem ngày tốt xấu, là những lề thói yếu đuối, nghèo nàn, làm nô lệ cho các thứ vốn không phải là Thiên Chúa. Phân đoạn Thánh Kinh trên không phải là lời quở trách họ vì họ giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy.

Ngoài ra, có lẽ, con dân Chúa tại Ga-la-ti vẫn còn giữ ngày kỷ niệm nữ tà thần Easter vào ngày trăng tròn tiếp liền theo tiết xuân phân, mà ngày nay các giáo hội mang danh Chúa gọi là Lễ Easter [1]. Hoặc là họ vẫn còn giữ ngày kỷ niệm sinh nhật Thần Mặt Trời vào ngày 25 tháng 12, mà ngày nay các giáo hội mang danh Chúa gọi là Lễ Christmas [2], [3]. Có lẽ con dân Chúa tại Ga-la-ti vẫn còn tham dự 12 lễ hội kỷ niệm các tà thần La-mã, trong mỗi tháng.

Quỷ biện 19: Ngày nào cũng là ngày của Chúa. Ngày nào cũng là ngày Sa-bát. Ngày nào tôi cũng thờ phượng Chúa.

Phản biện 19: Đúng là ngày nào cũng là ngày của Chúa. Đúng là con dân Chúa có thể và nên đến với Chúa mỗi ngày. Nhưng không phải ngày nào cũng là ngày Sa-bát. Thánh Kinh định nghĩa ngày Sa-bát như sau:

  • Đó là ngày Đức Chúa Trời ban phước cho và đặt là ngày thánh. Ngoài ngày Sa-bát Đức Chúa Trời không hề ban phước cho các ngày khác và đặt chúng làm ngày thánh: “Rồi, Ngài ban phước cho ngày Thứ Bảy, thánh hóa nó; vì trong ngày đó, Ngài ngưng mọi công việc của Ngài, những việc mà Thiên Chúa đã sáng tạo và đã làm. [Thánh hóa có nghĩa là làm cho tinh sạch hoặc giữ cho tinh sạch và biệt riêng ra cho Thiên Chúa.]” (Sáng Thế Ký 2:3).

  • Đó là ngày Đức Chúa Trời ra lệnh cho loài người và súc vật phải nghỉ lao động. Đức Chúa Trời không hề ra lệnh cho loài người và súc vật phải nghỉ lao động trong các ngày khác, trái lại, Ngài ra lệnh cho họ phải làm việc trong sáu ngày, cho nên, các ngày khác không thể là ngày Sa-bát: “Ngươi sẽ lao động và làm hết công việc của mình trong sáu ngày; nhưng ngày Thứ Bảy là ngày Sa-bát của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi. Ngươi sẽ không làm công việc gì: ngươi, con trai, con gái, tôi trai, tớ gái, và súc vật của ngươi, và khách ở trong các cửa của ngươi.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:9-10).

  • Đó là ngày Đức Chúa Trời truyền cho con dân Chúa phải có sự nhóm họp thánh: “Công việc được làm trong sáu ngày, nhưng ngày Thứ Bảy là Sa-bát của Lễ Nghỉ, là một sự nhóm hiệp thánh; các ngươi sẽ không làm bất cứ công việc gì; ấy là Sa-bát của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu trong khắp những nơi các ngươi ở.” (Lê-vi Ký 23:3). Con dân Chúa được tự do nhóm họp thờ phượng Chúa trong bất kỳ lúc nào nhưng không được bỏ qua sự nhóm họp thánh trong các ngày Sa-bát. Và hễ càng đến gần ngày Đức Chúa Trời phán xét thế gian chừng nào thì con dân Chúa lại càng không nên bỏ qua sự nhóm họp thánh trong các ngày Sa-bát, như những kẻ xưng mình là con dân Chúa mà vẫn thường bỏ qua sự nhóm họp thánh trong ngày Sa-bát: “Chớ bỏ qua sự nhóm hiệp của chúng ta như thói quen của một số người, nhưng hãy khuyên bảo nhau, và khuyên bảo càng hơn, khi các anh chị em thấy ngày ấy càng gần. [Thánh Kinh chỉ truyền cho con dân Chúa nhóm hiệp trong những ngày Sa-bát Thứ Bảy hoặc những ngày Sa-bát của các kỳ lễ hội.]” (Hê-bơ-rơ 10:25).

Người nào xem ngày nào cũng là ngày Sa-bát thì người ấy cùng một lúc phạm hai tội: (1) Tội chống nghịch Lời Chúa vì Chúa chỉ ra lệnh cho loài người giữ ngày Sa-bát là ngày Thứ Bảy, không phải các ngày còn lại trong tuần. (2) Tội lao động trong ngày Sa-bát khi người ấy đã xem ngày nào cũng là ngày Sa-bát mà lại không nghỉ lao động trong các ngày người ấy xem là ngày Sa-bát.

Ngày nào con dân Chúa cũng tương giao với Chúa, thờ phượng Chúa. Nhưng đó không phải là ý nghĩa của ngày Sa-bát. Danh từ Sa-bát có nghĩa là nghỉ ngơi, và Thánh Kinh đã giải thích rất rõ, đó là sự nghỉ ngơi khỏi những việc lao động nặng nhọc. Chúng ta phải thờ phượng Chúa bằng tâm thần và lẽ thật, tức là hết lòng thờ phượng Chúa theo Lời Chúa, chứ không phải chỉ thờ phượng Chúa theo cảm xúc và theo ý mình lấy làm phải (Các Quan Xét 21:25). Ngày xưa, Ca-in và Vua Sau-lơ đã thờ phượng Chúa theo ý riêng; và Thánh Kinh đã cho biết Đức Chúa Trời không chấp nhận sự thờ phượng của họ. Nếu một người xem ngày nào cũng là ngày Sa-bát thì Đức Chúa Trời không chấp nhận sự thờ phượng của người ấy, vì sự thờ phượng của người ấy nghịch lại điều răn của Ngài.

Quỷ biện 20: Ngày Sa-bát đã đổi từ ngày Thứ Bảy sang ngày Thứ Nhất, tức Chủ Nhật, là ngày Chúa đã sống lại từ trong sự chết. Hội Thánh giữ ngày Sa-bát vào Chủ Nhật là vâng giữ điều răn thứ tư.

Phản biện 20: Lời quỷ biện này không hề cho biết chỗ nào trong Thánh Kinh đã dạy rằng, ngày Sa-bát Thứ Bảy được đổi sang ngày Thứ Nhất trong tuần lễ, với lý do là vì Đức Chúa Jesus Christ đã phục sinh vào ngày Thứ Nhất trong tuần lễ.

Thực tế, Đức Chúa Jesus Christ không hề chết vào chiều Thứ Sáu và phục sinh vào sáng sớm ngày Thứ Nhất trong tuần lễ, như sự giảng dạy của một số các giáo hội mang danh Chúa. Đức Chúa Jesus Christ đã chết vào chiều Thứ Tư và phục sinh vào chiều Thứ Bảy, sau khi đã ở trong lòng đất trọn ba ngày và ba đêm. Xin đọc và nghe bài giảng: “Ngày Chúa Chết và Ngày Chúa Phục Sinh” đã được đăng trên timhieutinlanh.com/thanhoc [4].

Nhưng cho dù Đức Chúa Jesus Christ phục sinh vào sáng sớm ngày Thứ Nhất thì đó cũng không phải là lý do để ngày Sa-bát Thứ Bảy phải đổi sang ngày Thứ Nhất. Sự phục sinh của Đức Chúa Jesus Christ không liên quan gì đến sự kiện Đức Chúa Trời đã biệt riêng ngày Thứ Bảy làm ngày thánh và ban phước cho ngày ấy. Ngày Sa-bát Thứ Bảy đã được Đức Chúa Trời biệt riêng và ban phước từ trước khi loài người phạm tội. Ngày ấy không liên quan gì đến sự loài người được cứu rỗi khỏi sự phạm tội. Điều quan trọng là: Không một chỗ nào trong Thánh Kinh dạy rằng, Ngày Sa-bát Thứ Bảy đã được đổi sang ngày Thứ Nhất, cho dù vì bất cứ lý do gì.

Các điều răn của Đức Chúa Trời còn lại đời đời (Thi Thiên 119:151-152), nên Ngày Sa-bát Thứ Bảy cũng còn lại đời đời.

Quỷ biện 21: Hội Thánh từ ban đầu đã không giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy. Lời Chúa trong Giăng 20:19; Công Vụ Các Sứ Đồ 20:7; và I Cô-rinh-tô 16:2 cho thấy, Hội Thánh lúc ban đầu nhóm hiệp vào ngày Thứ Nhất.

Phản biện 21: Trước hết, chúng ta cần đọc lại ba câu Thánh Kinh nói trên:

Rồi, vào buổi chiều cùng ngày là ngày Thứ Nhất của các ngày Sa-bát, những cửa nơi các môn đồ đã cùng nhóm lại đều được đóng, vì sợ dân Do-thái. Đức Chúa Jesus đã đến và đứng vào giữa các môn đồ, mà phán với họ: Bình an cho các ngươi!” (Giăng 20:19).

Vào ngày Thứ Nhất của các ngày Sa-bát, khi các môn đồ đang nhóm lại để bẻ bánh, Phao-lô đã giảng cho họ. Ông sắp ra đi vào ngày hôm sau nên đã tiếp tục bài giảng cho tới nửa đêm.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 20:7).

Vào ngày Thứ Nhất của các ngày Sa-bát, mỗi một người trong các anh chị em hãy tự mình để dành ra bất cứ sự gì thu nhập được, để khi tôi đến thì không cần các sự quyên góp.” (I Cô-rinh-tô 16:2).

Kế tiếp, chúng ta cần ghi nhận điều này: Một số bản dịch Thánh Kinh, trong đó có Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống và các bản dịch Việt ngữ khác, đã dịch một chữ trong I Cô-rinh-tô 16:2 không đúng theo nguyên ngữ Hy-lạp. Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, danh từ σάββατον (G4521), /sabbaton/, phiên âm sang tiếng Việt là sa-bát, chỉ có nghĩa là ngày Sa-bát hoặc Lễ Sa-bát, nghĩa là ngày Nghỉ hoặc Lễ Nghỉ, không hề có nghĩa là tuần lễ. Vì trong tiếng Hy-lạp, danh từ chỉ tuần lễ là εβδομάδα, /evdomáda/, phiên âm sang tiếng Việt là ép-dô-ma-va, và không hề được dùng trong Thánh Kinh Tân Ước. Chỉ trong bản dịch Bảy Mươi, là bản dịch Thánh Kinh Cựu Ước đầu tiên từ tiếng Hê-bơ-rơ sang tiếng Hy-lạp, mới dùng danh từ εβδομάδα để dịch danh từ tuần lễ trong Đa-ni-ên 9.

Không ai biết rõ vì sao danh từ Sa-bát trong Tân Ước có vài chỗ bị dịch thành tuần lễ, khi Thánh Kinh được dịch sang các ngôn ngữ khác. Nhưng trong thời của Đức Chúa Jesus Christ và trong thời của các sứ đồ, danh từ σάββατον /sa-bát/ không hề có nghĩa là tuần lễ. Chính vì thế mà các chỗ trong Thánh Kinh Tân Ước chữ Sa-bát bị dịch sai thành tuần lễ cần phải được dịch lại cho đúng [5], [6].

Cách nói “ngày Thứ Nhất của các ngày Sa-bát” được dùng trong Giăng 20:19 và Công Vụ Các Sứ Đồ 20:7 đều có mạo từ xác định trước chữ “ngày thứ nhất” và chữ “các ngày Sa-bát”, hàm ý, đó là ngày đầu tiên theo sau hai ngày Sa-bát trong tuần, một là ngày Sa-bát thuộc các kỳ lễ hội và một là ngày Sa-bát cuối tuần. Trong trường hợp của Giăng 20:19 là ngày đầu tiên sau ngày Sa-bát thứ nhất của Lễ bánh Không Men và ngày Sa-bát Thứ Bảy theo sau đó. Trong trường hợp của Công Vụ Các Sứ Đồ 20:7 là ngày đầu tiên theo sau ngày Sa-bát thứ nhì của Lễ Bánh Không Men và ngày Sa-bát Thứ Bảy theo sau đó (xem Công Vụ Các Sứ Đồ 20:6).

Riêng cách nói “ngày Thứ Nhất của các ngày Sa-bát” được dùng trong I Cô-rinh-tô 16:2 thì cả chữ “ngày Thứ Nhất” lẫn chữ “các ngày Sa-bát” đều không có mạo từ xác định, hàm ý, bất cứ ngày đầu tiên nào sau bất cứ ngày Sa-bát nào. Nghĩa là vào bất cứ ngày Thứ Nhất nào.

Tiếp theo, chúng ta cùng tìm hiểu ý nghĩa của sự nhóm hiệp trong “ngày Thứ Nhất” được nói đến trong ba câu Thánh Kinh trên.

Sự các môn đồ nhóm hiệp vào ngày Thứ Nhất, được ghi lại trong Giăng 20:19 không phải là sự nhóm hiệp của Hội Thánh lúc ban đầu. Vì khi đó, Hội Thánh chưa được thành lập. Các môn đồ của Chúa nhóm hiệp cũng không phải để thờ phượng Chúa mà vì họ hoang mang, sợ hãi, sau khi Chúa bị đóng đinh và chết trên cây thập tự, nên tụ tập với nhau. Sáng hôm đó, họ được các phụ nữ báo tin Chúa đã sống lại. Nhưng họ vẫn hoang mang và nhóm hiệp nhau lại một chỗ, chờ xem sự việc sẽ diễn tiến như thế nào.

Sự nhóm hiệp của con dân Chúa tại thành Trô-ách để nghe Phao-lô giảng là sự nhóm hiệp vào ngày Sa-bát. Sau khi mặt trời lặn là bước sang ngày Thứ Nhất, các môn đồ tạm nghỉ nhóm để cùng ăn bữa tối. Sau đó, họ tiếp tục nhóm lại, nghe Phao-lô giảng tiếp. Vì sáng sớm Phao-lô phải lên đường. Nói cách khác, buổi nhóm của con dân Chúa tại thành Trô-ách đã kéo dài từ ngày Sa-bát sang ngày Thứ Nhất, và khi thời gian đã chuyển sang ngày Thứ Nhất (sau khi mặt trời lặn) thì họ cùng ăn tối.

Trong I Cô-rinh-tô 16:2 không hề nói đến sự con dân Chúa tại Cô-rinh-tô nhóm hiệp vào ngày Thứ Nhất, mà chỉ là lời Phao-lô khuyên họ, vào mỗi ngày Thứ Nhất, khi họ bắt đầu đi làm trở lại, có tiền lương, thì hãy dành ra một phần để tiếp trợ cho con dân Chúa ở xứ Giu-đê đang lâm cơn đói kém.

Sau ngày nghỉ cuối tuần là ngày Thứ Bảy Sa-bát, thì con dân Chúa bắt đầu đi làm trở lại vào ngày Thứ Nhất, tức Chủ Nhật. Đa số con dân Chúa thời ấy, lao động lãnh lương công nhật, tức là làm ngày nào, lãnh lương ngày nấy. Phao-lô dạy cho con dân Chúa để dành một phần trong sự thu nhập ngay từ ngày đầu tiên đi làm trở lại cho sự quyên góp. Vì có sự để dành sẵn như vậy, nên khi Phao-lô đến thì không cần phải làm công việc quyên góp.

Và như vậy, chúng ta thấy, không một chỗ nào trong Thánh Kinh nói rằng, con dân Chúa trong Hội Thánh lúc ban đầu có thói quen nhóm hiệp vào ngày Thứ Nhất, tức Chủ Nhật. Thực tế, con dân Chúa trong Hội Thánh lúc ban đầu tại Giê-ru-sa-lem nhóm hiệp mỗi ngày (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:46). Nhưng cho dù con dân Chúa có nhóm hiệp thờ phượng Chúa vào Chủ Nhật hay nhóm hiệp thờ phượng Chúa từ ngày Thứ Nhất cho tới ngày Thứ Sáu, thì cũng không vì thế mà con dân Chúa được phép bỏ qua sự nhóm hiệp trong ngày Sa-bát. Mệnh lệnh của Chúa là con dân Chúa phải nhóm hiệp trong ngày Sa-bát thánh của Ngài:

Công việc được làm trong sáu ngày, nhưng ngày Thứ Bảy là Sa-bát của Lễ Nghỉ, là một sự nhóm hiệp thánh; các ngươi sẽ không làm bất cứ công việc gì; ấy là Sa-bát của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu trong khắp những nơi các ngươi ở.” (Lê-vi Ký 23:3).

Vì thế, con dân chân thật của Chúa sẽ vui mừng tôn thánh ngày Sa-bát Thứ Bảy và nhóm hiệp trong ngày Sa-bát Thứ Bảy.

Quỷ biện 22: Từ khi Đức Chúa Jesus Christ phục sinh, Hội Thánh đã không nhóm hiệp thờ phượng Chúa vào ngày Thứ Bảy, nhưng nhóm hiệp thờ phượng Chúa vào Chủ Nhật.

Phản Biện 22: Đó là một lời nói dối. Hội Thánh chân thật của Chúa vẫn luôn giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy và nhóm hiệp trong ngày Thứ Bảy, từ khi Hội Thánh được thành lập cho tới hôm nay. Lịch sử của Hội Thánh đã ghi rõ sự kiện con dân chân thật của Chúa luôn nhóm hiệp thông công với nhau và thờ phượng Chúa trong ngày Sa-bát Thứ Bảy. Chỉ có Giáo Hội Công Giáo và các giáo phái trong Giáo Hội Tin Lành là tôn thánh Chủ Nhật và bách hại những con dân Chúa vâng giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy. Xin quý ông bà anh chị em đọc bài: “Lịch Sử Giữ Ngày Sa-bát của Hội Thánh” đã được đăng trên timhieutinlanh.com/thanhoc [7]. Trong bài đó, chúng tôi đã trích dẫn các sử liệu, ghi rõ: Hội Thánh luôn giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy từ khi được thành lập cho tới hiện tại.

Kết Luận

Tới đây, chúng tôi xin kết thúc phần phản biện các lời quỷ biện chống nghịch ngày Sa-bát của Thiên Chúa. Chúng tôi xin dùng lời kết trong bài giảng “Ngày Sa-bát của Thiên Chúa” để làm lời kết cho bài “Các Quỷ Biện Chống Nghịch Ngày Sa-bát của Thiên Chúa”.

Đức tin của con dân Chúa hoàn toàn dựa trên Thánh Kinh, Lời Hằng Sống của Thiên Chúa. Đức tin của con dân Chúa không dựa trên quan điểm Thần học nghịch Thánh Kinh; không dựa trên các tín lý nghịch Thánh Kinh của các giáo hội; cũng không dựa trên các điều răn do loài người lập ra. Con dân Chúa dù có thể biết đến Chúa và tin nhận sự cứu rỗi của Chúa qua sự rao giảng của các giáo hội nhưng mỗi người có bổn phận đọc, suy ngẫm Lời Chúa ngày đêm, và cẩn thận làm theo Lời Chúa. Vì Lời Chúa đã được ban cho loài người cách đầy đủ trong Thánh Kinh.

Cuốn sách luật pháp này chớ xa miệng ngươi, nhưng ngươi hãy suy ngẫm ngày và đêm, để cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong. Vì như vậy, ngươi sẽ được thịnh vượng trong đường lối mình và ngươi sẽ hành động thông sáng.” (Giô-suê 1:8).

Chính Lời Chúa chứ không phải bất cứ một lời nào của loài người hay bất cứ một tư tưởng nào của loài người khiến cho chúng ta được khôn sáng; được cứu rỗi bởi đức tin; được dạy dỗ, quở trách, sửa trị; để khiến chúng ta được sẵn sàng và trọn vẹn cho mọi việc lành.

Từ khi còn thơ ấu, con đã biết Thánh Kinh có năng lực khiến con khôn sáng, dẫn đến sự cứu rỗi bởi đức tin, là sự ở trong Đấng Christ Jesus. Cả Thánh Kinh do Thiên Chúa hà hơi, có ích cho sự giảng dạy, cho sự quở trách, cho sự sửa trị, cho sự giáo dục trong sự công bình, [hà hơi = ban sự sống; thần cảm] để người của Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sẵn sàng cho mọi việc lành.” (II Ti-mô-thê 3:15-17).

Là con dân Chúa, chúng ta hãy cùng nhau tôn thánh ngày Sa-bát Thứ Bảy theo điều răn của Đức Chúa Trời.

Con dân Chúa có thể nhóm hiệp thờ phượng Chúa bất kỳ khi nào nhưng con dân Chúa không thể bỏ qua sự nhóm hiệp thờ phượng Chúa trong ngày Sa-bát Thứ Bảy.

Chớ bỏ qua sự nhóm hiệp của chúng ta như thói quen của một số người, nhưng hãy khuyên bảo nhau, và khuyên bảo càng hơn khi các anh chị em thấy ngày ấy càng gần.” (Hê-bơ-rơ 10:25).

Ngày ấy càng gần là ngày Đấng Christ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, cũng là ngày Đấng Christ phán xét Hội Thánh. Ai trung tín thì thân thể xác thịt sẽ được sống lại hoặc được biến hóa thành thân thể vinh quang bất tử, và được vào thiên đàng với Đấng Christ. Ai không trung tín thì thân thể xác thịt đã chết vẫn chưa được sống lại, và nếu đang sống thì sẽ bị bỏ lại.

Hãy biết rằng, trong khắp cả Thánh Kinh, Thiên Chúa chỉ kêu gọi con dân Chúa nhóm hiệp thờ phượng Ngài trong ngày Sa-bát Thứ Bảy và trong những ngày Sa-bát lễ hội, chứ không vào một ngày nào khác. Người cố ý bỏ qua sự nhóm hiệp trong ngày Sa-bát là người cố ý phạm tội và sẽ không có sự tha thứ dành cho người cố ý sống trong sự phạm tội:

Vì nếu chúng ta cố ý phạm tội sau khi đã nhận lãnh tri thức về lẽ thật, thì không còn được chừa lại cho chúng ta sinh tế chuộc những tội lỗi.” (Hê-bơ-rơ 10:26).

Đã đến lúc con dân Chúa từ bỏ bất cứ sự giảng dạy nào không đúng Lời Chúa, quay về với Lời Chúa để sống theo Lời Chúa, chuẩn bị cho sự hiện ra vinh quang của Đức Chúa Jesus Christ.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời thành tín của sự bình an giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của chúng ta nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được, cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23). A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
28/11/2020

Ghi chú:

[1] https://timhieuthanhkinh.com/easter-huyen-thoai-ve-easter/

[2] https://timhieuthanhkinh.com/christmas-su-that-ve-christmas/

[3] https://timhieuthanhkinh.com/christmas-su-that-hien-nhien-ve-christmas/

[4] https://timhieutinlanh.com/thanhoc/ngay-chua-chet-va-ngay-chua-phuc-sinh/

[5] http://torahtimes.org/commentary/refuted.htm

[6] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-i-co-rinh-to-161-24-phan-ket-thuc/

[7] https://timhieutinlanh.com/thanhoc/lich-su-giu-ngay-sa-bat-cua-hoi-thanh/

Karaoke Thánh Ca: “Được Chúa Jesus”
https://karaokethanhca.net/duoc-chua-jesus/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.