Các Quỷ Biện Chống Nghịch Ngày Sa-bát của Thiên Chúa – Phần 1

1,296 views

YouTube: https://youtu.be/iXxU9KnGW0Y
[5526]

Các Quỷ Biện Chống Nghịch
Ngày Sa-bát của Thiên Chúa – Phần 1

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

Dẫn Nhập

Trước hết, chúng ta cần phân biệt thắc mắc với ngụy biện và phân biệt ngụy biện với quỷ biện. Thắc mắc và ngụy biện là hai điều hoàn toàn khác nhau. Thắc mắc là hỏi để hiểu rõ một điều gì. Ngụy biện là sau khi đã được giải thích rõ ràng và hợp lý, mà vẫn tìm cách lý luận để bác đi lời giải thích ấy. Ngụy có nghĩa là giả dối. Biện có nghĩa là lý luận để giải thích. Ngụy biện có nghĩa là lý luận dựa trên những dữ kiện đã biết là không đúng sự thật. Tâm trí của người ngụy biện là chú tâm tìm đủ cách để bác bỏ những điều được giải thích cho mình, chứ không phải chú tâm để tìm kiếm lẽ thật được trình bày trong lời giải thích. Khi sự ngụy biện bị tác động bởi tà linh hoặc bị ảnh hưởng bởi các tà giáo, do ma quỷ gieo rắc, thì chúng ta có thể gọi đó là quỷ biện. Quỷ là ma quỷ, tà linh. Quỷ biện là lý luận, giải thích theo sự tác động, dẫn dắt của tà linh; hoặc bị ảnh hưởng bởi các tà giáo. Thường thì những sự lý luận chống nghịch Lời Chúa là quỷ biện. Còn phản biện là lời lý luận chống lại ngụy biện và quỷ biện.

Ngày nay, trong vòng những người xưng nhận mình là môn đồ của Đấng Christ, có nhiều kẻ quỷ biện, tìm cách bác bỏ những lời giãi bày rõ ràng và hợp lý về các mạng lệnh của Chúa trong Thánh Kinh; nhất là về điều răn thứ tư, là điều răn dạy con dân Chúa tôn thánh ngày Sa-bát, vào mỗi ngày Thứ Bảy trong tuần.

Khi đọc hoặc nghe các bài giảng, các lời phát biểu về Lời Chúa, chúng ta có thể hỏi để hiểu rõ mà làm theo cho đúng ý Chúa; hoặc để chỉ ra sự giảng dạy sai nghịch Lời Chúa; chứ chúng ta không được phép biện luận để bác bỏ những gì đã được viết rõ trong Lời Chúa. Thí dụ, đối với điều răn thứ tư về việc giữ ngày Sa-bát, chúng ta có thể hỏi những điều tương tự như sau:

  • Địa cầu có nhiều múi giờ khác nhau, như vậy, chúng ta giữ ngày Sa-bát theo múi giờ nào?
  • Trong ngày Sa-bát, chúng ta được phép làm những gì và không được phép làm những gì?
  • Ngày Thứ Bảy theo lịch hiện tại có đúng là ngày Sa-bát trong Thánh Kinh hay không?
  • V.v..

Nhưng nếu có ai lý luận rằng: Miễn là tôi làm việc trong sáu ngày, dành riêng một ngày yên nghỉ và thờ phượng Chúa, cho dù đó là Chủ Nhật hay Thứ Hai… là tôi đã giữ điều răn thứ tư; thì người đó đã sai và là cố tình quỷ biện để tránh làm theo Lời Chúa. Vì Lời Chúa dạy rõ:

“Công việc được làm trong sáu ngày, nhưng ngày Thứ Bảy là Sa-bát của Lễ Nghỉ, là một sự nhóm hiệp thánh; các ngươi sẽ không làm bất cứ công việc gì; ấy là Sa-bát của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu trong khắp những nơi các ngươi ở.” (Lê-vi Ký 23:3).

Lê-vi Ký 23:3 là nhắc lại Xuất Ê-díp-tô Ký 20:8-11, mà Xuất Ê-díp-tô Ký 20:8-11 thì dựa trên Sáng Thế Ký 2:1-3. Thiên Chúa dựng nên trời đất trong sáu ngày, từ ngày Thứ Nhất đến ngày Thứ Sáu. Sau đó, Thiên Chúa dựng nên ngày Thứ Bảy, ban phước cho ngày Thứ Bảy, đặt làm ngày thánh. Vì thế, ngày Thứ Bảy là ngày theo sau các ngày Thứ Nhất, Thứ Nhì, Thứ Ba, Thứ Tư, Thứ Năm, và Thứ Sáu, chứ không phải là bất cứ ngày nào trong tuần mà một người muốn chọn, theo ý mình:

“Và như vậy, các tầng trời và đất, cùng muôn vật đã được hoàn tất. Ngày Thứ Bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành các công việc của Ngài mà Ngài đã làm. Và trong ngày Thứ Bảy, Ngài ngưng mọi công việc của Ngài mà Ngài đã làm. Rồi, Ngài ban phước cho ngày Thứ Bảy, thánh hóa nó; vì trong ngày đó, Ngài ngưng mọi công việc của Ngài, những việc mà Thiên Chúa đã sáng tạo và đã làm. [Thánh hóa có nghĩa là làm cho tinh sạch hoặc giữ cho tinh sạch và biệt riêng ra cho Thiên Chúa.]” (Sáng Thế Ký 2:1-3).

Trong các câu trên, Thánh Kinh ba lần nhấn mạnh đến ngày Thứ Bảy, mà ngày nay người ta lại giải thích thành “một ngày trong bảy ngày” thì đúng là quỷ biện. Hoặc cho rằng, ngày Sa-bát đã chuyển sang ngày Thứ Nhất, tức Chủ Nhật, thì cũng đúng là quỷ biện.

Theo chúng tôi nhận thấy, chỉ có hai loại người chống nghịch việc giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy: Loại thứ nhất là những người tham tiền, tham việc, hoặc tham vui. Họ không muốn nghỉ kiếm tiền; nghỉ dọn dẹp, sửa chữa nhà cửa, xe cộ; hoặc nghỉ các thú vui vi phạm luật Sa-bát trong ngày Thứ Bảy, như đi xem các cuộc đấu thể thao mà các vận động viên được trả lương và họ thì phải mua vé vào cửa, như ăn uống trong các nhà hàng. Loại thứ nhì là những người tham quyền, tham danh, tham lợi. Họ muốn bảo vệ chức quản nhiệm cái gọi là “hội thánh” hoặc bảo vệ chức trưởng lão, chấp sự, trong các giáo hội mang danh Chúa, nên họ không thể công nhận việc giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy. Vì khi họ công nhận thì họ sẽ bị đuổi ra khỏi giáo hội, mất hết các danh tiếng và quyền lợi.

Lời của Chúa rất là rõ ràng và được Ngài tôn cao hơn cả danh Ngài (Thi Thiên 138:2). Chỉ có những người chưa chịu từ bỏ chính mình để vác thập tự giá, chịu khổ mà theo Chúa mỗi ngày, vì vẫn còn tham lam, mới không tôn kính, không vâng phục Lời Chúa. Họ luôn tìm đủ cách quỷ biện, để khỏi phải làm theo những gì Chúa phán dạy mà có đụng chạm đến lòng tham và những ham muốn bất chính khác của họ. Những người đó tự dối mình và dối người. Họ cần phải biết rằng, một ngày kia, họ sẽ phải trả lời với Chúa về sự không vâng phục Lời Chúa mà còn quỷ biện, dẫn dắt nhiều người khác làm theo như họ.

Thánh Kinh cho biết, tham lam chính là thờ hình tượng. Vì lòng tham lam của những người tham lam khiến cho họ đặt sự mà họ tham lam trở thành trên hết trong đời sống của họ. Số phận của những người tham lam là hư mất đời đời, nếu họ không kịp ăn năn:

“Vì các anh chị em biết rõ điều này: kẻ làm đĩ đực, hoặc kẻ ô uế, hoặc kẻ tham lam, tức là kẻ thờ hình tượng, không được dự phần kế nghiệp Vương Quốc của Đấng Christ và Thiên Chúa.” (Ê-phê-sô 5:5).

“Vậy, hãy làm chết các chi thể của các anh chị em, là những sự ở trên đất: tà dâm, ô uế, tình cảm xấu xa, tham muốn độc ác, và tham lam, ấy là sự thờ hình tượng.” (Cô-lô-se 3:5).

Chúng tôi tin rằng, những con dân Chúa vì thiếu hiểu biết, bị các giáo hội dạy tà giáo mà không giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy, thậm chí còn dạy cho người khác làm như mình, sẽ không mất sự cứu rỗi. Tuy nhiên, trong đời này, họ không nhận được các ơn phước Đức Chúa Trời chỉ dành riêng cho những người giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy; trong đời sau, họ sẽ bị xưng là cực nhỏ trong vương quốc của Ngài:

“Vậy, nếu ai bỏ đi một trong các điều cực nhỏ nào của các điều răn, và dạy người ta làm như vậy, thì người ấy sẽ bị xưng là cực nhỏ trong Vương Quốc Trời; còn ai giữ và dạy các điều ấy, thì sẽ được xưng là lớn trong Vương Quốc Trời.” (Ma-thi-ơ 5:19).

Chúng tôi tin rằng, những ai xưng mình là con dân Chúa, sau khi đã được Chúa ban cho cơ hội nghe hoặc đọc những lời giải thích rõ ràng về ngày Sa-bát Thứ Bảy, mà vì lòng tham lam và những ham muốn bất chính khác, vẫn quỷ biện để bác bỏ lẽ thật của Lời Chúa, không làm theo, thì họ sẽ bị hư mất:

Hê-bơ-rơ 10:25-29

25 Chớ bỏ qua sự nhóm hiệp của chúng ta như thói quen của một số người, nhưng hãy khuyên bảo nhau, và khuyên bảo càng hơn khi các anh chị em thấy ngày ấy càng gần. [Thánh Kinh chỉ truyền cho con dân Chúa nhóm hiệp trong những ngày Sa-bát Thứ Bảy hoặc những ngày Sa-bát của các kỳ lễ hội.]

26 Vì nếu chúng ta cố ý phạm tội sau khi đã nhận lãnh tri thức về lẽ thật, thì không còn được chừa lại cho chúng ta sinh tế chuộc những tội lỗi.

27 Nhưng chỉ có một sự đợi chờ kinh khiếp về sự phán xét, và lửa hừng sẽ thiêu nuốt những kẻ bội nghịch.

28 Ai đã chối bỏ luật pháp của Môi-se, thì chết không có sự thương xót, bởi hai hay ba nhân chứng.

29 Các anh chị em nghĩ xem, hình phạt sẽ nặng hơn biết bao để xứng với kẻ giày đạp Con Đức Chúa Trời, xem máu của giao ước bởi đó kẻ ấy được nên thánh là ô uế, và sỉ nhục Đấng Thần Linh của ân điển.

Luật pháp của Môi-se được nói đến trên đây chính là những điều luật được ghi trong một cuốn sách gọi là Sách Luật Pháp (Phục Truyền Luật Lệ Ký 31:26), để bên cạnh Rương Giao Ước chứa hai bảng đá chép Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời. Sự “cố ý phạm tội” được nói đến trên đây là cố ý chống nghịch bất cứ điều nào trong Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời. Điển hình là hành động bỏ qua sự nhóm hiệp trong ngày Sa-bát, như câu 25 đã cảnh cáo. Thánh Kinh cho biết, muôn dân trên đất, không phân biệt dân I-sơ-ra-ên hay dân ngoại, phạm tội là vì họ vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời:

“Đất bị ô uế dưới chân các dân cư, vì họ đã phạm luật pháp, thay đổi sắc lệnh, phá bỏ giao ước đời đời.” (Ê-sai 24:5).

Thánh Kinh cho biết, trong ngày Đức Chúa Trời phán xét muôn dân trên đất, tức là vào khoảng giữa của bảy năm đại nạn trong Kỳ Tận Thế, Rương Giao Ước chứa hai bảng đá ghi chép Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, do chính tay Ngài viết ra, sẽ hiện ra trên trời để làm chứng nghịch lại những kẻ vi phạm các điều răn và luật pháp của Ngài:

“Rồi, Đền Thờ của Đức Chúa Trời được mở ra ở trên trời. Rương Giao Ước của Ngài được thấy trong đền thờ của Ngài. Có những chớp nhoáng, những âm thanh, và những sấm vang, cùng cơn động đất và mưa đá lớn.” (Khải Huyền 11:19).

Chỉ khi nào một người từ bỏ lòng tham và những ham muốn bất chính khác, thì người ấy mới có thể giữ được ngày Sa-bát Thứ Bảy của Đức Chúa Trời. Chỉ có con dân chân thật của Chúa mới từ bỏ được lòng tham và những ham muốn bất chính khác, bởi thánh linh là năng lực của Thiên Chúa do Đức Thánh Linh ban cho họ, bởi lòng yêu thương tôn kính Chúa của họ, và bởi lòng biết ơn Chúa, sẵn sàng sống cho Chúa và chết cho Chúa của họ.

Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau dùng Lời Chúa để bẻ gãy các lời quỷ biện chống nghịch ngày Sa-bát của Thiên Chúa. Các câu quỷ biện chúng tôi nêu ra phần lớn đến từ những người mang danh mục sư, giáo sư Thần học, tiến sĩ Thần học, tiến sĩ mục vụ, và tiến sĩ trong các ngành học thuật khác… đã nêu ra trực tiếp với chúng tôi. Chúng tôi nhắc đến danh xưng mục sư, giáo sư và các học vị tiến sĩ của họ để mọi người ghi nhận rằng, các lời quỷ biện này đến từ những người được xem là có học thức cao, hiểu biết sâu nhiệm Lời Chúa, và được xem là biết lý luận.

Quỷ biện 1: Luật pháp là nội dung của Giao Ước Cũ còn gọi là Giao Ước Môi-se. Ân điển là nội dung của Giao Ước Mới. Hội Thánh sống trong ân điển của Giao Ước Mới nên không cần phải vâng giữ luật pháp là điều thuộc về Giao Ước Cũ. Vì thế, Hội Thánh không cần phải giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy.

Phản biện 1: Giao Ước Mới không hề hủy đi hoặc thay thế Giao Ước Cũ, mà vẫn giữ nguyên Giao Ước Cũ làm nền tảng và thêm vào các điều kiện mới, để giải quyết những điều không thể thực hiện được trong Giao Ước Cũ, vì sự yếu đuối trong xác thịt của loài người. Giao Ước Cũ như một người còn thơ ấu, dù vất vả, gắng hết sức, nhưng không thể hoàn tất các công việc phải làm, vì không có đủ năng lực. Còn Giao Ước Mới như một người trưởng thành, có năng lực để hoàn tất mọi công việc phải làm trong sự thỏa lòng. Nội Dung của Giao Ước Cũ lẫn Giao Ước Mới đều bao gồm luật pháp và ân điển. Trong Giao Ước Cũ, luật pháp được chép trên hai bảng đá; nhờ ân điển mà tội nhân có thể dâng con sinh làm tế lễ chuộc tội cho sự vi phạm luật pháp của mình. Trong Giao Ước Mới, luật pháp được chép vào trong trí, trong lòng của con dân Chúa (Hê-bơ-rơ 8:10; 10:16); còn ân điển là Đấng Christ dâng chính mình Ngài làm tế lễ chuộc tội, một lần đủ cả cho mọi sự vi phạm luật pháp của tội nhân (Hê-bơ-rơ 7:27; Khải Huyền 1:6).

Điểm giống nhau trong cả Giao Ước Cũ và Giao Ước Mới là con dân Chúa đều phải vâng giữ các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời. Điểm khác biệt là trong Giao Ước Cũ con dân Chúa phải tự dùng sức riêng để vâng giữ các điều răn và luật pháp, khi phạm tội nhẹ thì phải dâng sinh tế để chuộc tội, khi phạm tội nặng thì phải bị xử tử. Còn trong Giao Ước Mới, con dân Chúa được chết đi bản ngã xác thịt, được tái sinh thành một người mới, được ban cho thánh linh của Thiên Chúa để có thể vâng giữ trọn vẹn các điều răn và luật pháp. Nếu có lỡ phạm tội thì không cần dâng sinh tế chuộc tội hoặc không bị xử tử; vì Đấng Christ đã gánh thay mọi hình phạt. Người phạm tội chỉ cần thật lòng ăn năn, xưng tội với Chúa, thì sẽ được Ngài tha thứ (I Giăng 1:9). Tuyệt đối không hề có chuyện trong Giao Ước Mới con dân Chúa không cần vâng giữ các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời. Để có thể bước vào Giao Ước Mới, một người trước hết phải ăn năn tội, tức là phải từ bỏ tội, tức là phải bằng lòng sống một nếp sống không vi phạm các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 4:17; Công Vụ Các Sứ Đồ 2:38). Sau khi một người đã ở trong Giao Ước Mới rồi thì vẫn phải tiếp tục sống một nếp sống không vi phạm các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời (Rô-ma 6:1-14), nhờ ân điển của Đấng Christ (Phi-líp 4:13). Lời Chúa khẳng định rằng, con dân Chúa sống trong Giao Ước Mới vẫn phải vâng giữ các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời:

“Sự chịu cắt bì chẳng là gì, sự không chịu cắt bì cũng chẳng là gì; mà là sự giữ các điều răn của Thiên Chúa.” (I Cô-rinh-tô 7:19).

“Con hãy giữ điều răn cho không vết tích, không chỗ trách được, cho tới kỳ sự hiện ra của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta…” (I Ti-mô-thê 6:14).

Quỷ biện 2: Mười Điều Răn thuộc về Giao Ước Cũ chỉ được Đức Chúa Trời lập ra với dân I-sơ-ra-ên, không phải lập ra với người ngoại hay Hội Thánh. Mười Điều Răn thuộc về Giao Ước Cũ nên không áp dụng cho người ngoại hoặc Hội Thánh.

Phản biện 2: Cả Giao Ước Cũ lẫn Giao Ước Mới đều được Đức Chúa Trời thiết lập với toàn thể nhân loại qua dân I-sơ-ra-ên.

Về Giao Ước Cũ, trong chính điều răn thứ tư đã nhắc đến các dân ngoại:

“…nhưng ngày Thứ Bảy là ngày Sa-bát của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi. Ngươi sẽ không làm công việc gì: ngươi, con trai, con gái, tôi trai, tớ gái, và súc vật của ngươi, và khách ở trong các cửa của ngươi.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:10).

“Khách ở trong các cửa của ngươi” gồm cả những người không phải là dân I-sơ-ra-ên. Họ là những người đã cùng dân I-sơ-ra-ên rời bỏ xứ nô lệ Ê-díp-tô, dù Đức Chúa Trời không kêu gọi họ:

“Và có vô số người thuộc các dân tộc cũng đi lên cùng họ, với những bầy chiên, những bầy bò… rất nhiều gia súc.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:38).

Nói cách khác, một người không thuộc dân I-sơ-ra-ên vẫn được dự phần trong giao ước với Đức Chúa Trời, nếu người ấy chịu vâng giữ các điều răn và luật pháp của Ngài. Lời Chúa cũng khẳng định rằng, luật pháp của Ngài áp dụng chung cho dân I-sơ-ra-ên lẫn các dân ngoại:

“Cùng một luật pháp dùng cho người bản xứ và khách lạ kiều ngụ giữa các ngươi.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:49).

“Các ngươi sẽ có cùng một phán quyết dùng cho khách ngoại bang hoặc người bản xứ. Vì Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của các ngươi.” (Lê-vi Ký 24:22).

“Cùng một luật pháp” là cùng một luật pháp đã được Môi-se ghi trong Sách Luật Pháp.

“Có cùng một phán quyết” là có cùng một cách áp dụng luật pháp. Dù là người thuộc các dân tộc khác tạm trú với dân I-sơ-ra-ên hay là người I-sơ-ra-ên được sinh ra trong vùng đất Chúa ban cho họ, tất cả đều được phán xử cách công chính bởi cùng một luật pháp của Đức Chúa Trời.

Về Giao Ước Mới, chính Đấng Christ là một người I-sơ-ra-ên, lập Giao Ước Mới với muôn dân qua các môn đồ của Ngài cũng là người I-sơ-ra-ên. Thực tế, khi Giao Ước Cũ được thiết lập thì cũng có mặt “vô số người thuộc các dân tộc” là những người cùng dân I-sơ-ra-ên rời bỏ xứ Ê-díp-tô. Còn khi Giao Ước Mới được thiết lập thì chỉ có 11 người I-sơ-ra-ên mà thôi. Khi Đức Chúa Jesus Christ lập Giao Ước Mới, Ngài chỉ phán với 11 người I-sơ-ra-ên, gọi họ là “các ngươi”:

“Bữa ăn tối đã xong, Ngài cũng làm như vậy với chén, phán rằng: Chén này là Giao Ước Mới trong máu Ta, vì các ngươi mà đổ ra.” (Lu-ca 22:20).

Rõ ràng là không có người dân ngoại nào có mặt trong lúc Đức Chúa Jesus Christ lập Giao Ước Mới nhưng các dân ngoại vẫn có phần trong Giao Ước Mới.

Dân I-sơ-ra-ên thời Cựu Ước và thời Tân Ước đều là đại diện của muôn dân trên đất, để qua đó, Đức Chúa Trời bày tỏ chính mình Ngài cho nhân loại và thi hành công cuộc cứu rỗi nhân loại. Trong dân I-sơ-ra-ên, chỉ có một chi phái là chi phái Lê-vi được chọn làm thầy tế lễ, để hướng dẫn dân sự trong sự thờ phượng Thiên Chúa. Trong thế gian, chỉ có một dân tộc là dân tộc I-sơ-ra-ên được chọn làm một nước thầy tế lễ và một dân tộc thánh, để hướng dẫn muôn dân trong sự thờ phượng Thiên Chúa, trong Vương Quốc Ngàn Năm:

“Các ngươi sẽ là một vương quốc thầy tế lễ và một dân tộc thánh cho Ta. Đó là những lời mà ngươi sẽ nói cho con cháu của I-sơ-ra-ên.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:6).

Còn trong Vương Quốc Đời Đời thì Hội Thánh là một dân tộc thánh và những thầy tế lễ hướng dẫn muôn dân trong sự thờ phượng Thiên Chúa:

“Nhưng các anh chị em là dòng dõi được lựa chọn, là chức thầy tế lễ của nhà vua, là dân tộc thánh, là dân thuộc về Ngài, để cho các anh chị em rao giảng sự trọn lành của Đấng đã gọi các anh chị em ra khỏi sự tối tăm, vào trong sự sáng láng lạ lùng của Ngài. [Xuất Ê-díp-tô Ký 19:5-6; Ê-sai 43:20-21; 61:6]” (I Phi-e-rơ 2:9).

Luật pháp của Đức Chúa Trời tức là toàn bộ Thánh Kinh được ban cho nhân loại qua dân I-sơ-ra-ên. Cứu Chúa của thế gian là Đức Chúa Jesus Christ, được ban cho nhân loại qua dân I-sơ-ra-ên. Hội Thánh của Đức Chúa Trời được thành lập từ dân tộc I-sơ-ra-ên. Vì thế, dân tộc I-sơ-ra-ên là nền tảng, là hình ảnh, là biểu hiệu, là điển hình cho Hội Thánh. Tất cả mọi giao ước, luật pháp và lời hứa thuộc linh giữa Đức Chúa Trời với dân I-sơ-ra-ên đều được ban cho muôn dân, nếu họ chịu từ bỏ cuộc sống nô lệ cho tội lỗi để bước vào Hội Thánh của Đức Chúa Trời.

Dân ngoại, dù không nhận được hai bảng đá chép Mười Điều Răn và cuốn sách chép luật pháp của Đức Chúa Trời, nhưng khi họ vi phạm các điều răn và luật pháp của Chúa thì họ vẫn bị kết tội, bị hình phạt, và bị hư mất. Vì luật pháp của Chúa đã được tỏ ra trong lòng họ:

“Cơn giận của Thiên Chúa từ trên trời tỏ ra nghịch lại mọi sự không tin kính và mọi sự không công bình của những người dùng sự không công bình mà đè nén lẽ thật. Bởi vì sự hiểu biết về Đức Chúa Trời được chiếu ra trong họ. Vì Đức Chúa Trời đã tỏ ra cho họ những sự không thấy được của Ngài, từ sự sáng tạo thế gian là những vật thọ tạo được nhận biết, mà thấy rõ ràng cả năng lực và thần tính còn mãi của Ngài; cho nên, họ không thể chữa mình.” (Rô-ma 1:18-20).

Nếu nói Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời không áp dụng cho dân ngoại thì tại sao Đức Chúa Trời kết tội họ khi nếp sống của họ nghịch lại Mười Điều Răn của Ngài? Có tội lỗi nào trong thế gian mà không nghịch lại Mười Điều Răn? Nếu nói các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời không áp dụng cho dân ngoại, thì điều gì là nền tảng và tiêu chuẩn để định rằng các dân ngoại phạm tội? Lời Chúa dạy rõ:

“Đất bị ô uế dưới chân các dân cư, vì họ đã phạm luật pháp, thay đổi sắc lệnh, phá bỏ giao ước đời đời.” (Ê-sai 24:5).

“Còn ai kết quả tội tức là trái luật pháp; và sự tội lỗi tức là sự trái luật pháp.” (I Giăng 3:4).

Riêng trong Hội Thánh, chỉ cần một người tư vị người khác là người ấy đã bị kể là phạm tội và bị luật pháp của Đức Chúa Trời lên án rồi, huống chi là sự vi phạm Mười Điều Răn?

“Nhưng nếu các anh chị em tư vị người ta, thì các anh chị em phạm tội, bị luật pháp định tội như những kẻ phạm luật.” (Gia-cơ 2:9).

Có phải Gia-cơ đã viết rõ là luật pháp định tội con dân Chúa trong Hội Thánh, khi họ có lòng tư vị? Nếu luật pháp không còn trong thời Tân Ước thì sao Đức Thánh Linh, qua Gia-cơ, lại phán dạy rằng, con dân Chúa trong Hội Thánh sẽ bị luật pháp định tội nếu có lòng tư vị?

Cũng qua Thánh Kinh, chúng ta biết rằng, Hội Thánh chính là dân I-sơ-ra-ên thuộc linh, bao gồm mọi dân tộc:

“Như Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời, thì đã kể là công bình cho người; vậy, các anh chị em hãy nhận biết rằng, những người có đức tin thì họ là con cháu của Áp-ra-ham.” (Ga-la-ti 3:6-7).

Vì thế, những ai xưng nhận mình là môn đồ của Đấng Christ mà lại tự phân rẽ mình khỏi dân I-sơ-ra-ên, thì họ không hiểu Lời Chúa, để cho sự giảng dạy tà giáo của các giáo hội dẫn họ đi sai lạc khỏi lẽ thật của Lời Chúa.

Quỷ biện 3: Toàn Bộ Luật Pháp Thời Cựu Ước là một đơn vị bất phân, cho nên, không thể tách rời Mười Điều Răn với các luật lệ khác. Nếu các luật lệ khác đã bị đóng đinh trên cây thập tự như đã nói trong Cô-lô-se 2:14 thì Mười Điều Răn cũng đã bị đóng đinh trên cây thập tự. Vậy, Mười Điều Răn không còn áp dụng trong thời Tân Ước.

Phản biện 3: Mười câu hỏi đầu tiên dành cho những người đưa ra lời quỷ biện trên đây là: Nếu Mười Điều Răn đã bị đóng đinh trên cây thập tự thì có phải họ xưng nhận họ là môn đồ của Đấng Christ nhưng:

1. Trước mặt Thiên Chúa họ có các thần khác (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:3) mà không bị Chúa kể là phạm tội?

2. Họ làm hình tượng, thờ phượng hình tượng, hầu việc hình tượng? (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:4-5) mà không bị Chúa kể là phạm tội?

3. Họ lấy danh Thiên Chúa làm ra vô ích (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:7) mà không bị Chúa kể là phạm tội?

4. Họ không thánh hóa ngày Sa-bát, họ làm việc trong ngày Thứ Bảy (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:8, 10) mà không bị Chúa kể là phạm tội?

5. Họ không hiếu kính cha mẹ (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:12) mà không bị Chúa kể là phạm tội?

6. Họ phạm tội giết người (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:13) mà không bị Chúa kể là phạm tội?

7. Họ phạm tội ngoại tình (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:14) mà không bị Chúa kể là phạm tội?

8. Họ trộm cắp (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:15) mà không bị Chúa kể là phạm tội?

9. Họ nói chứng dối, nghịch kẻ lân cận của họ (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:16) mà không bị Chúa kể là phạm tội?

10. Họ tham muốn những gì thuộc về người khác (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:17) mà không bị Chúa kể là phạm tội?

Câu hỏi sau cùng dành cho họ là: Nếu Mười Điều Răn không thể tách biệt với các luật lệ khác trong Cựu Ước thì tại sao Đức Chúa Trời chỉ truyền lệnh cho Môi-se đặt hai bảng đá do chính ngón tay của Ngài chép Mười Điều Răn trên đó, vào Rương Giao Ước, mà không đặt luôn các luật lệ khác vào đó? Mục đích của Rương Giao Ước là để chứa đựng hai bảng đá Mười Điều Răn của giao ước, cho nên, tên gọi của nó là Rương Giao Ước. Một ngày kia, vào giữa bảy năm đại nạn của Kỳ Tận Thế, Rương Giao Ước với hai bảng đá chứa Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời sẽ xuất hiện trong đền thánh trên trời, để làm nền tảng cho cơn thịnh nộ và sự phán xét của Đức Chúa Trời giáng xuống dân cư trên đất; vì họ đã sống trái nghịch Mười Điều Răn của Ngài:

“Rồi, Đền Thờ của Đức Chúa Trời được mở ra ở trên trời. Rương Giao Ước của Ngài được thấy trong đền thờ của Ngài. Có những chớp nhoáng, những âm thanh, và những sấm vang, cùng cơn động đất và mưa đá lớn.” (Khải Huyền 11:19).

Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời là nền tảng của mọi nguyên tắc sống theo thánh ý của Ngài dành cho loài người. Không một người nào có thể vi phạm bất cứ điều răn nào trong Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời mà không bị kể là phạm tội, cho dù là họ sống trong bất kỳ thời đại nào.

Luật pháp của Đức Chúa Trời là sự giải nghĩa cách áp dụng Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời vào cuộc sống; và cũng là tiêu chuẩn hình phạt những ai vi phạm các điều răn của Ngài.

Ngày nào còn loài người thì ngày đó Mười Điều Răn và luật pháp của Đức Chúa Trời vẫn còn. Vì loài người sẽ còn đến đời đời, nên Mười Điều Răn và luật pháp của Đức Chúa Trời cũng còn đến đời đời, như chính Đức Thánh Linh đã khẳng định trong Thi Thiên 119:152. Chỉ có một điều là khi bước vào Vương Quốc Đời Đời, thì các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời sẽ không còn tồn tại dưới hình thức chữ viết nữa, nhưng chúng sẽ tồn tại trong thần trí của loài người.

Người đưa ra lời quỷ biện trên đây đã không hiểu ý nghĩa của Cô-lô-se 2:13-15.

“Khi các anh chị em đã chết bởi những lỗi lầm của mình và sự xác thịt mình không chịu cắt bì, thì Ngài đã khiến các anh chị em cùng sống lại với Đấng ấy, tha thứ cho các anh chị em mọi sự vi phạm; xóa bỏ bản chép tay các điều luật nghịch lại chúng ta, các điều đối nghịch chúng ta, đem nó ra khỏi giữa chúng ta mà đóng đinh nó trên cây thập tự; truất bỏ các quyền cai trị cùng các thế lực, phơi bày chúng nó tỏ tường, đắc thắng chúng nó trong thập tự giá. [Quyền cai trị và thế lực của ma quỷ, của tội lỗi, của sự chết.]” (Cô-lô-se 2:13-15).

“Bản chép tay các điều luật nghịch lại chúng ta” tức là cuốn sách luật pháp do Môi-se ghi chép và được để bên cạnh Rương Giao Ước (Phục Truyền Luật Lệ Ký 31:26). Các điều luật ấy lên án chết những ai vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời. Vì chúng ta phạm các điều răn của Đức Chúa Trời, cho nên, các điều luật ấy nghịch lại chúng ta và đem sự chết đến cho chúng ta. Đó cũng chính là ý nghĩa của câu “Chữ thì giết!” hoặc “Chữ làm cho chết!” (II Cô-rinh-tô 3:6). Các giáo sư giả lấy Cô-lô-se 2:14 để quỷ biện rằng, con dân Chúa không cần phải vâng giữ Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, vì Mười Điều Răn là chữ viết, đã bị đóng đinh trên thập tự giá. Trong khi đó, Đức Chúa Jesus Christ phán rõ ràng, muốn có sự sống đời đời thì phải vâng giữ các điều răn (Ma-thi-ơ 19:16-17; Lu-ca 10:25-28).

Luật pháp của Đức Chúa Trời chia thành hai phần. Phần thứ nhất là Mười Điều Răn. Phần thứ nhì là sự diễn giải thế nào là vi phạm Mười Điều Răn và hình phạt dành cho những ai vi phạm. Giao Ước Cũ là Đức Chúa Trời ban phước cho những ai giữ Mười Điều Răn và hình phạt những ai vi phạm. Giao Ước Mới không hủy bỏ Giao Ước Cũ, nhưng tiếp nối Giao Ước Cũ và thêm vào điều khoản: Đức Chúa Jesus Christ gánh thay hình phạt cho tất cả mọi người đã vi phạm Mười Điều Răn. Miễn là họ thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài. Thật lòng ăn năn tội có nghĩa là không còn vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời. Nếu cho rằng, trong thời Tân Ước, Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời không còn hiệu lực thì cũng cùng một ý cho rằng, trong thời Tân Ước, sự vi phạm Mười Điều Răn không bị gọi là tội lỗi.

Vì Đức Chúa Jesus Christ đã gánh lấy sự chết, tức là hình phạt của tội lỗi thay cho những ai tin nhận Tin Lành, cho nên, mọi điều luật lên án từng tội lỗi của những người tin nhận Tin Lành, như đã được chép trong sách luật pháp của Môi-se, đều trở thành vô hiệu với những người ấy. Đó là ý nghĩa của Cô-lô-se 2:14 và Rô-ma 7:1-6.

Quỷ biện 4: Ngày Sa-bát chỉ là một dấu hiệu của giao ước giữa Đức Chúa Trời với dân I-sơ-ra-ên:

“Ngươi hãy nói với con cháu của I-sơ-ra-ên rằng: Thật! Các ngươi sẽ giữ những ngày Sa-bát của Ta, vì đó là một dấu giữa Ta và các ngươi, trải qua các đời, để biết rằng, Ta, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, thánh hóa các ngươi.” (Xuất Ê-díp-tô-Ký 31:13).

Vì thế, môn đồ của Đấng Christ không cần vâng giữ ngày Sa-bát.

Phản biện 4: Lời của Chúa dạy rõ: Các dân ngoại nếu tin Chúa thì sẽ được hiệp làm một với dân I-sơ-ra-ên. Vì thế, dấu hiệu Chúa ban cho dân I-sơ-ra-ên để biệt riêng họ ra thánh cũng chính là dấu hiệu Chúa ban cho tất cả những ai tin cậy Ngài, vâng phục Ngài, để biệt riêng họ ra thánh.

“Các con của người dân ngoại kết hiệp cùng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, để phụng sự Ngài, để yêu danh của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, để làm các tôi tớ của Ngài, là tất cả những người giữ ngày Sa-bát không làm ô uế nó, và giữ lời giao ước của Ta, thì Ta sẽ đem họ đến núi thánh của Ta, và làm cho họ được vui mừng trong nhà cầu nguyện của Ta. Các của lễ thiêu và các sinh tế của họ sẽ được nhận lấy trên bàn thờ của Ta; vì nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc. Chúa, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Đấng thu thập dân tan lạc của I-sơ-ra-ên, phán: Ta sẽ thu thập các dân khác cùng nó, cùng những người đã được thu thập của nó.” (Ê-sai 56:6-8).

Vậy, theo Lời Chúa thì dân ngoại về cùng Chúa có cần giữ ngày Sa-bát hay không? Nếu họ giữ thì sẽ được Đức Chúa Trời cư xử như thế nào? Và xin chú ý, Ê-sai 56:8 ghi lại sự kiện Đức Chúa Trời hiệp dân ngoại cùng dân I-sơ-ra-ên, nghĩa là khiến cho họ vào chung một giao ước như dân I-sơ-ra-ên; chứ không phải Đức Chúa Trời có hai giao ước riêng biệt, một cho dân ngoại và một cho dân I-sơ-ra-ên.

Quỷ biện 5: Dựa vào lời phán của Đức Chúa Jesus được ghi lại trong Ma-thi-ơ 5:18 thì sẽ thấy rằng, luật pháp đã qua đi, tức là đã hết hạn; bởi vì, “mọi sự được trọn” có nghĩa là khi sự cứu rỗi nhân loại được Đấng Christ hoàn tất trên thập tự giá. Chính Đấng Christ đã tuyên phán từ trên thập tự giá, trước khi Ngài tắt hơi, như đã được ghi lại trong Giăng 19:30: “Mọi việc đã được trọn”.

Phản biện 5:

“Vì Ta phán với các ngươi, thật, cho tới khi trời và đất qua đi, một chấm hay một nét sẽ không qua đi khỏi luật pháp, cho đến khi mọi sự được trọn.” (Ma-thi-ơ 5:18).

“Khi Đức Chúa Jesus đã chịu lấy giấm thì Ngài phán: “Đã được hoàn tất!” Rồi, Ngài gục đầu và trút hơi thở.” (Giăng 19:30).

Nhóm chữ “mọi sự được trọn” trong Ma-thi-ơ 5:18 của bản dịch Phan Khôi mang đúng nghĩa như vậy trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh Tân Ước, với hai từ ngữ:

  • πᾶς, /pát-s/ G3956, có nghĩa: tất cả, mọi sự.
  • γίνομαι, /ghé-nơ-mai/ G1096, có nghĩa: được trọn, được ứng nghiệm, được xảy ra.

Nhưng nhóm chữ “mọi việc được trọn” trong Giăng 19:30 của bản dịch Phan Khôi thì không đúng với nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh. Trong nguyên ngữ Hy-lạp, Đức Chúa Jesus chỉ kêu lên một động từ, dùng với thì quá khứ hoàn thành, thể thụ động, thức chỉ định:

τελέω, /tê-lế-ô/ G5055, có nghĩa là: được làm xong rồi; được hoàn tất rồi.

Như vậy, tiếng kêu của Chúa trong Giăng 19:30 có ý nói lên công tác chuộc tội cho nhân loại đã được Ngài làm xong, chứ không hề mang ý “mọi sự được trọn” để cho văn tự của luật pháp có thể qua đi. Ý nghĩa đích thật của Ma-thi-ơ 5:18 là: Trời đất đang còn thì không một nét chữ nào trong luật pháp được khắc trên đá hay chép trên giấy sẽ qua đi. Nhưng khi mọi sự đã được trọn tức là khi trời cũ đất cũ qua đi; khi những kẻ không vâng phục Thiên Chúa bị xét xử trước tòa chung thẩm của Đức Chúa Trời; khi trời mới đất mới xuất hiện; và khi Vương Quốc Đời Đời được thiết lập. Chỉ khi đó, tất cả những chấm những phết của luật pháp được chép bằng văn tự mới qua đi. Dù vậy, luật pháp của Đức Chúa Trời vẫn không qua đi, vì đã được ghi khắc trong trí và trong lòng của con dân Chúa (Hê-bơ-rơ 8:10; 10:16).

Chúng ta biết luật pháp chép thành văn tự chưa hề qua đi vì trời cũ đất cũ chưa qua đi, và vì trong Vương Quốc Ngàn Năm, luật pháp về lễ nghi vẫn được thi hành, từ việc dâng các tế lễ đến việc giữ các ngày trăng mới (Ê-xê-chi-ên 43-46). Và ngay trong thời Hội Thánh, bổn phận vâng giữ các điều răn và luật pháp của con dân Chúa vẫn được nhắc lại trong Thánh Kinh Tân Ước, điển hình là:

“Vậy, chúng ta bởi đức tin mà bỏ luật pháp hay sao? Chẳng hề như vậy! Trái lại, chúng ta làm vững bền luật pháp.” (Rô-ma 3:31).

“Sự chịu cắt bì chẳng là gì, sự không chịu cắt bì cũng chẳng là gì; mà là sự giữ các điều răn của Thiên Chúa.” (I Cô-rinh-tô 7:19).

“Hỡi các anh chị em cùng Cha! Trong danh của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta, chúng tôi truyền cho các anh chị em phải tránh bất cứ người anh chị em cùng Cha nào sống cách vô luật pháp, không theo sự dạy dỗ mà người ấy đã nhận lãnh từ chúng tôi.” (II Tê-sa-lô-ni-ca 3:6).

“Con hãy giữ điều răn cho không vết tích, không chỗ trách được, cho tới kỳ sự hiện ra của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta…” (I Ti-mô-thê 6:14).

“Chúng ta biết mình yêu con cái của Đức Chúa Trời, khi chúng ta yêu Đức Chúa Trời và giữ các điều răn của Ngài.” (I Giăng 5:2).

“Tôi vui mừng nhiều lắm, khi biết các con cái bà bước đi trong lẽ thật, theo điều răn chúng ta đã nhận từ Đức Cha.” (II Giăng câu 4).

“Con rồng nổi giận với người đàn bà và đi gây chiến với những kẻ còn lại thuộc dòng dõi người, là những kẻ vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và có lời chứng của Đức Chúa Jesus Christ. Nó đứng trên bãi cát biển.” (Khải Huyền 12:17).

“Đây là sự nhẫn nại của các thánh đồ. Đây là những người vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và đức tin của Đức Chúa Jesus.” (Khải Huyền 14:12).

Khải Huyền 12:17 và 14:12 cho chúng ta thấy, ngay trong Kỳ Tận Thế, những người tin nhận sự cứu rỗi của Đấng Christ cũng là những người vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời.

Các điều răn của Đức Chúa Trời được nói đến trong I Giăng 5:2, Khải Huyền 12:17; 14:12 là các điều răn nào? Chính là Mười Điều Răn, như đã chép trong Xuất Ê-díp-tô Ký 20:1-17 và lập lại trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:6-21. Trong Mười Điều Răn thì điều răn thứ tư về sự nhớ ngày Sa-bát Thứ Bảy và tôn thánh nó là bị vi phạm nhiều nhất, trong vòng những người xưng nhận mình là con dân Chúa.

Quỷ biện 6: Nếu Sa-bát là điều sống chết đối với Cơ-đốc nhân như đối với I-sơ-ra-ên thì nó phải được Hội Nghị Giê-ru-sa-lem (Công Vụ Các Sứ Đồ 15) lập lại như là một điều luật trong Giao Ước Mới. Ấy vậy mà trong bốn điều hội nghị căn dặn tín đồ gốc dân ngoại kiêng giữ, không hề nhắc đến việc phải giữ ngày Sa-bát.

Phản biện 6: Không riêng gì điều răn thứ tư: “Hãy nhớ đến ngày Sa-bát để thánh hóa nó” mà trọn vẹn Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời đều phải được con dân Chúa trong mọi thời đại vâng giữ. Lời Chúa khẳng định, các điều răn của Chúa được lập cho đến đời đời:

“Hỡi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu! Ngài ở gần. Mọi điều răn của Ngài là chân thật. Từ những chứng cớ của Ngài, tôi đã biết từ lâu rằng, Ngài đã lập chúng cho đến vĩnh cửu.” (Thi Thiên 119:151-152).

Hội Nghị Giê-ru-sa-lem không cần phải nhắc đến điều răn thứ tư hay toàn thể Mười Điều Răn, vì đó là điều không cần thiết. Con dân Chúa thuộc dân ngoại đã học biết rằng, họ phải vâng giữ Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, khi họ tin nhận Tin Lành.

Khi Tin Lành được rao giảng cho dân ngoại, đương nhiên Mười Điều Răn cũng được rao giảng để chỉ ra cho dân ngoại biết, họ đã phạm tội như thế nào. Nếu Mười Điều Răn không được rao giảng thì làm sao xác định được sự phạm tội của dân ngoại, mà kêu gọi họ ăn năn? Ăn năn là gì? Không phải là ngưng vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời sao? Nếu không biết Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời thì làm sao biết mình đã phạm tội, mà ăn năn? Nếu tin nhận Tin Lành, trở thành môn đồ của Đấng Christ mà vẫn vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, thì sao gọi là người đã ăn năn?

Đức Thánh Linh đã dùng Hội Nghị Giê-ru-sa-lem để thêm vào điều răn giữ mình thánh sạch cho các tín đồ thuộc dân ngoại. Riêng các tín đồ thuộc dân I-sơ-ra-ên thì đã biết và vâng giữ điều răn này chung với Mười Điều Răn rồi. Điều răn đó của Đức Thánh Linh cùng với điều răn mới của Đức Chúa Jesus được thêm vào, chứ không phải thay thế cho Mười Điều Răn. Chúng ta có thể xem đó là điều răn thứ mười một và mười hai.

  • Điều răn thứ mười một: “Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, ấy là: Các ngươi hãy yêu lẫn nhau. Như Ta đã yêu các ngươi thế nào thì các ngươi cũng hãy yêu lẫn nhau thế ấy.” (Giăng 13:34).
  • Điều răn thứ mười hai: “Hãy kiêng ăn của cúng thần tượng, máu, thú vật chết ngạt, và tránh sự tà dâm.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 15:29a).

Nếu cho rằng, điều răn của Đức Thánh Linh thay thế cho Mười Điều Răn thì thật là vô lý. Vì như vậy, con dân Chúa không được ăn đồ cúng thần tượng nhưng lại không cần phải vâng giữ điều răn thứ hai, là điều răn cấm làm hình tượng, cấm thờ lạy hình tượng, và cấm hầu việc hình tượng hay sao?

Trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh, điều răn thứ sáu chỉ có hai từ ngữ; từ ngữ thứ nhất có nghĩa là: không, đừng, chớ; từ ngữ thứ nhì có nghĩa là: ngươi sẽ quan hệ tình dục bất chính với vợ của người khác, dịch ra tiếng Việt là ngươi sẽ ngoại tình (tiếng Anh là: adultery). Bản dịch Phan Khôi dịch điều răn thứ sáu là: “Ngươi chớ phạm tội tà dâm” thì không đúng với nguyên ngữ của Thánh Kinh, phải dịch là “Ngươi sẽ không ngoại tình.” Thời Tân Ước, Đức Thánh Linh thêm điều răn “tránh sự tà dâm” (tiếng Anh là: fornication) cho những tín đồ người ngoại là điều mà người I-sơ-ra-ên vốn đã vâng giữ bên cạnh Mười Điều Răn.

Sự tà dâm bao gồm ngoại tình và những hoạt động tình dục với thú vật, với đồ vật, sự đồng tính luyến ái, sự loạn luân, sự quan hệ tình dục giữa hai người nam nữ độc thân không phải là vợ chồng, và các hoạt động tình dục không lành mạnh giữa hai vợ chồng. Các câu Thánh Kinh sau đây liệt kê chi tiết của sự tà dâm: Xuất Ê-díp-tô Ký 22:16, 19; Lê-vi Ký 18:6-23; Phục Truyền Luật Lệ Ký 22:28-30; Rô-ma 1:26-27.

Như vậy, chúng ta thấy, điều răn “tránh sự tà dâm” thời Tân Ước được bổ sung cho điều răn thứ sáu của Mười Điều Răn. Không thể nào nói rằng, tín đồ thời Tân Ước phải vâng giữ điều răn “tránh sự tà dâm” do Đức Thánh Linh ban truyền, mà lại không bị ràng buộc bởi điều răn “Ngươi sẽ không ngoại tình” của điều răn thứ sáu; chỉ vì Mười Điều Răn không được nhắc đến trong Hội Nghị Giê-ru-sa-lem.

Quỷ biện rằng, vì cớ Hội Nghị Giê-ru-sa-lem không nhắc lại điều răn “Hãy nhớ đến ngày Sa-bát để thánh hóa nó” thì tín đồ không cần phải vâng giữ điều đó; chẳng khác nào lý luận rằng, vì cớ Hội Nghị Giê-ru-sa-lem không nhắc lại bất cứ điều răn nào trong Mười Điều Răn, nên môn đồ của Đấng Christ không cần phải vâng giữ Mười Điều Răn. Và, đó chính là thâm ý của những người đưa ra lý luận nói trên, để họ có thể sống thoải mái trong sự vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời; và còn dạy cho người khác làm theo, như lời Đức Thánh Linh đã phán và được ghi lại trong Thánh Kinh, cách nay gần 2.000 năm:

“Họ là những kẻ biết rõ sự phán quyết của Đức Chúa Trời rằng, những kẻ làm ra các sự ấy là đáng chết; thế mà, chẳng những họ tự làm, họ còn vui thú với những kẻ làm các sự ấy.” (Rô-ma 1:32).

Quỷ biện 7: Trong Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời chỉ có chín điều được truyền qua thời Tân Ước, tức là được nhắc lại trong Tân Ước, cho nên, tín đồ chỉ cần vâng giữ chín điều mà thôi, ngoại trừ điều răn thứ tư: “Hãy nhớ đến ngày Sa-bát để thánh hóa nó.”

Phản biện 7: Trong thực tế, chỉ có một phần trong điều răn thứ nhì trong Mười Điều Răn không được nhắc lại trong Tân Ước, chứ không phải điều răn thứ tư. Điều răn thứ nhì nghiêm cấm việc làm tượng, thờ lạy tượng, và hầu việc tượng:

“Ngươi sẽ không làm tượng chạm và bất cứ hình dạng nào trong các tầng trời cao, và bất cứ hình dạng nào trong đất thấp, và bất cứ hình dạng nào trong nước dưới đất. Ngươi sẽ không thờ lạy chúng nó. Ngươi sẽ không hầu việc chúng nó. Vì Ta, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi, là Thần hay ghen, phạt tội của tổ phụ trên các con cháu đến các đời thứ ba và đến các đời thứ tư, cho những kẻ ghét Ta; và làm ơn đến nhiều ngàn đời cho những ai yêu Ta và giữ các điều răn của Ta.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:4-6).

Nhưng không một chỗ nào trong Tân Ước nói đến việc cấm làm tượng và hầu việc tượng, mà chỉ nói đến việc cấm thờ lạy hình tượng, và thêm vào điều răn: cấm ăn của cúng thần tượng. Tuy nhiên, điều răn thứ tư đã được chính Đức Chúa Jesus long trọng nhắc đến và giải thích:

“Rồi, Ngài đã phán với họ: Ngày Sa-bát đã được làm nên vì loài người, không phải loài người được làm nên vì ngày Sa-bát. Vậy, Con Người cũng là Chúa của ngày Sa-bát.” (Mác 2:27-28).

Đức Chúa Jesus phán, vì loài người mà lập ngày Sa-bát, có nghĩa là ngày Sa-bát được lập nên để loài người được nghỉ ngơi lao động phần xác, được tham dự nhóm hiệp thánh để thông công với nhau trong Chúa và với Chúa. Nếu mục đích của ngày Sa-bát là tốt lành như vậy thì tại sao loài người không tiếp nhận sự ban cho này của Đức Chúa Trời?

Ngày Sa-bát được lập ra từ trước khi loài người phạm tội, cho nên, không liên quan gì đến sự kiện Đấng Christ chuộc tội nhân loại. Ngày Sa-bát đã được thiết lập từ khi sáng thế chứ không phải được lập ra khi Chúa ban hành Mười Điều Răn. Điều răn thứ tư chỉ nhắc lại cho nhân loại bổn phận phải tôn kính và vâng giữ ngày Sa-bát của Thiên Chúa. Vì thế, chỉ một mình điều răn thứ tư bắt đầu bằng mệnh lệnh: “Hãy nhớ!”

Nếu có sự liên quan giữa cái chết của Đấng Christ để chuộc tội cho toàn thể nhân loại với ngày Sa-bát, thì sự liên quan đó chính là: Nhờ Đấng Christ chết để tha tội và làm cho sạch tội những ai thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Ngài, cho nên, họ được Đức Thánh Linh ngự vào thân xác của họ, để ban cho họ năng lực của Đức Chúa Trời mà vâng giữ trọn vẹn điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời. Sự vâng giữ ấy bao gồm việc thỏa lòng trong sự tôn kính và vâng giữ ngày Sa-bát, không phải trên bề mặt chữ nghĩa, văn tự, mà là từ trong tâm thần, linh hồn, cho đến thể xác đều giữ trọn, không tì, không vết, không chỗ trách được, cho tới ngày Đấng Christ hiện ra (Phi-líp 2:15; I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23, 24).

“Con Người cũng là Chúa của ngày Sa-bát” có nghĩa là Đấng Christ cũng làm chủ ngày Sa-bát, có nghĩa là chỉ có một mình Đấng Christ mới có thẩm quyền trên ngày Sa-bát. Ngài đã dùng thẩm quyền đó để nhắc nhở loài người mục đích và ý nghĩa của ngày Sa-bát. Đấng Christ không hề tuyên bố con dân Chúa không cần vâng giữ ngày Sa-bát, hay là ngày Sa-bát đã bị hủy bỏ, hay là Ngài đã đổi ngày Sa-bát từ Thứ Bảy sang Chủ Nhật. Trái lại, Ngài còn nói đến sự kiện ngày Sa-bát vẫn còn được tôn kính và vâng giữ trong thời bảy năm đại nạn, là lúc Hội Thánh đã được cất ra khỏi thế gian:

“Nhưng các ngươi hãy cầu nguyện, để sự chạy trốn của các ngươi sẽ không là lúc mùa đông cũng không vào ngày Sa-bát.” (Ma-thi-ơ 24:20).

Khi Đức Chúa Jesus phán: “làm việc lành trong các ngày Sa-bát là hợp pháp” (Ma-thi-ơ 12:12) là Ngài đương nhiên, trong tư cách là Đấng có quyền trên ngày Sa-bát, đã công nhận sự vâng giữ ngày Sa-bát. Nếu điều răn giữ ngày Sa-bát không còn hiệu lực thì Đức Chúa Jesus Christ đã công bố điều đó, khi những người Pha-ri-si bắt bẻ Ngài về sự vi phạm ngày Sa-bát.

Ngày nay, bất cứ ai hay tổ chức nào dạy rằng: Ngày Sa-bát đã bị hủy bỏ hay đã đổi sang Chủ Nhật; hoặc con dân Chúa không cần phải vâng giữ ngày Sa-bát, thì người ấy, tổ chức ấy đã tự chiếm lấy quyền làm chủ ngày Sa-bát của Đấng Christ. Và đó là hành động chống nghịch điều răn, luật pháp của Đức Chúa Trời.

Quỷ biện 8: Điều răn thứ tư về việc phải giữ ngày Sa-bát không phải là luật đạo đức như chín điều răn khác, mà chỉ là một điều luật về lễ nghi. Mà các luật lệ về lễ nghi của Cựu Ước đã được bãi bỏ, vì chỉ làm điển hình cho những việc sẽ đến trong thời Tân Ước.

Phản biện 8: Người đưa ra lý luận này có lẽ không hiểu ý nghĩa của hai từ ngữ đạo đức và luân lý. Theo định nghĩa của triết học: Đạo là nguyên lý sinh tồn tự nhiên trong vũ trụ, khi vào lòng người thì gọi là đức. Đạo đức là tiêu chuẩn đúng sai mà loài người tự nhiên biết và dựa vào đó để hành động. Còn luân lý là các phương cách thực thi những điều đạo đức trong xã hội loài người.

Thánh Kinh không hề dùng các từ ngữ đạo đức và luân lý, vì quan điểm về đạo đức và luân lý của loài người có nhiều điều không đúng với tiêu chuẩn thánh khiết của Đức Chúa Trời. Trong Thánh Kinh, chỉ có “Lời của Đức Chúa Trời,” tức là các điều răn của Ngài, là nguyên lý sinh tồn cho muôn loài thọ tạo; và luật pháp của Đức Chúa Trời là phương cách để thực thi các điều răn của Ngài. Nói cách khác, đạo đức trong Thánh Kinh là các điều răn của Đức Chúa Trời; và luân lý trong Thánh Kinh là luật pháp của Ngài. Một người vâng theo Lời của Đức Chúa Trời, tức vâng theo các điều răn của Ngài, là một người có đạo đức, làm việc đạo đức, hợp luân lý. Một người không vâng theo Lời của Đức Chúa Trời là một người vô đạo đức, vô luân lý.

Ngoài ra, nếu phân tích điều răn thứ tư theo cái nhìn đạo đức của thế gian thì chúng ta cũng thấy rằng, sự việc một người để cho con trai, con gái, tôi trai, tớ gái, súc vật của mình, và khách ngoại bang ở trong các cửa của mình được nghỉ làm việc trong ngày Thứ Bảy hoàn toàn là một việc làm đạo đức. Ngược lại, ai không cho phép con cái, tôi tớ, súc vật của mình, và khách lưu trú với mình được hưởng ngày Sa-bát thì người ấy mới là một kẻ vô đạo đức, vô luân lý. Vì thế, điều răn thứ tư rõ ràng là một điều răn liên quan đến đạo đức.

Quỷ biện 9: Những ai tuân giữ ngày Sa-bát thì phải tuân giữ toàn bộ luật Sa-bát, trong đó có luật tử hình dành cho những ai vi phạm ngày Sa-bát và luật phải dâng các của lễ.

Phản biện 9: Đúng vậy, những ai vi phạm ngày Sa-bát thì vẫn bị án tử hình, vì điều răn của Chúa không thay đổi. Không riêng về hình phạt dành cho những ai vi phạm điều răn thứ tư mà tất cả hình phạt dành cho những ai vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời vẫn còn đó. Tuy nhiên, Đấng Christ đã đến để cất tội lỗi của thế gian đi, bằng cách gánh hết mọi trách nhiệm về hình phạt. Vì thế, mọi tội nhân được Chúa ban cho cơ hội ăn năn và tin nhận sự cứu rỗi của Đấng Christ. Ai không ăn năn tội, không tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ thì sẽ chịu sự phán xét trong ngày phán xét chung cuộc, như đã chép trong Khải Huyền 20:11-15.

Ngày nay, Hội Thánh không ném đá những kẻ vi phạm luật Sa-bát, những kẻ ngoại tình, những kẻ chửi cha, mắng mẹ, hay những kẻ phỉ báng danh Chúa… vì Đấng Christ đã gánh thay án phạt cho những kẻ ấy. Nếu những kẻ ấy ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi của Đấng Christ, thì họ sẽ trở thành thánh đồ của Đấng Christ, nếu không, thì một ngày kia Đấng Christ sẽ phán xử họ tùy theo mỗi sự vi phạm của họ.

Về việc dâng các của lễ, các của lễ được dâng trong ngày Sa-bát tiêu biểu cho sự tận hiến của con dân Chúa đối với Chúa, đã được thay thế bằng sự dâng chính thân thể của con dân Chúa làm của lễ sống và thánh, như Lời Chúa dạy trong Rô-ma 12:1. Vì thế con dân Chúa không cần phải dâng của lễ tiêu biểu, như trong thời Cựu Ước.

“Vậy, hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi khuyên các anh chị em hãy bởi những sự thương xót của Đức Chúa Trời mà dâng các thân thể của các anh chị em làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của các anh chị em.” (Rô-ma 12:1).

Các của lễ chay (bánh không men) tiêu biểu cho một nếp sống không pha trộn tội lỗi được dâng lên Chúa:

“Vậy, hãy làm cho mình sạch men cũ, để các anh chị em trở nên bột nhồi mới không men, như các anh chị em là bánh không men vậy…” (I Cô-rinh-tô 5:7a).

Hương thơm rắc trên bánh là những lời cầu nguyện dâng lên Chúa:

“Nguyện lời cầu nguyện của tôi được vững lập trước mặt Ngài như hương…” (Thi Thiên 141:2)

“Khi Ngài đã lấy cuốn sách, bốn sinh vật và hai mươi bốn trưởng lão hạ mình xuống trước Chiên Con; mỗi vị có hạc cầm và bát bằng vàng đựng đầy hương, ấy là những lời cầu nguyện của các thánh đồ.” (Khải Huyền 5:8).

Các của lễ quán (nước hoặc rượu) tiêu biểu cho nếp sống thỏa lòng trong Chúa và đem lại phước hạnh cho những người chung quanh:

“Vậy, chúng ta hãy bởi Ngài hằng dâng tế lễ của sự tôn vinh lên Đức Chúa Trời, tức là bông trái của môi miệng cảm tạ danh của Ngài. Hãy làm lành và chớ quên sự thông công. Vì những của lễ như vậy đẹp lòng Đức Chúa Trời.” (Hê-bơ-rơ 13:15-16).

Như vậy, con dân Chúa vẫn dâng tế lễ lên Chúa trong ngày Sa-bát cũng như mỗi ngày khác trong tuần lễ, bằng chính thân thể và đời sống của họ, để tỏ lòng biết ơn Chúa và làm tôn vinh danh Chúa.

Quỷ biện 10: Ngày Sa-bát ngày nay không còn đúng là ngày Sa-bát nguyên thủy, cho nên, không thể nào giữ đúng ngày Sa-bát.

Phản biện 10: Những người đưa ra lời quỷ biện trên đây đã không thể đưa ra bằng cớ để chứng minh cho lời nói của họ. Dù có nhiều thay đổi về lịch khác nhau trong dòng lịch sử của loài người nhưng cho đến ngày nay, thứ tự bảy ngày trong một tuần lễ không hề thay đổi. Ngày Sa-bát vẫn luôn luôn là ngày Thứ Bảy trong tuần lễ, như buổi đầu sáng thế.

Dân I-sơ-ra-ên đã vâng giữ ngày Sa-bát từ ngày họ được Đức Chúa Trời đem họ ra khỏi xứ Ê-díp-tô vào năm 1446 TCN. Hơn 1.500 năm sau, vào thời của Đức Chúa Jesus, khi Ngài bị những người Pha-ri-si bắt bớ về việc không giữ ngày Sa-bát theo truyền thống loài người, thì Đức Chúa Jesus đã không hề lý luận rằng, ngày đang được dân I-sơ-ra-ên gọi là Sa-bát đã không đúng với ngày nguyên thủy. Như vậy, đương nhiên Đức Chúa Jesus đã công nhận người I-sơ-ra-ên giữ đúng ngày Sa-bát Thứ Bảy. Từ đó tới nay, trong gần 2.000 năm qua, con dân chân thật của Chúa vẫn giữ đúng ngày Sa-bát Thứ Bảy. Không một nơi nào trong các trang sử của loài người ghi lại sự kiện thứ tự các ngày trong tuần lễ đã bị thay đổi.

Chúng ta sẽ trở lại với các lời quỷ biện chống nghịch ngày Sa-bát của Thiên Chúa trong bài kế tiếp: Các Quỷ Biện Chống Nghịch Ngày Sa-bát của Thiên Chúa – Phần 2.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời thành tín của sự bình an giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của chúng ta nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được, cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23). A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
21/11/2020

Ghi chú:

Karaoke Thánh Ca: “Lạy Chúa”
https://karaokethanhca.net/lay-chua/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.