6,259 views

Good News Mission và Park Ock Soo

  Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài giảng này http://www.opendrive.com/files/MV82MDgxODA1Nl9LaEtlYV8xMzZk/11019_TaGiaoGoodNewsMission.mp3 https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/110_biengiao Bấm vào nút “play” ► để nghe: Huỳnh Christian Timothy 05/08/2014

6,765 views

Christmas: Sự Thật về Christmas

Christmas: Sự thật về Christmas Huỳnh Christian Timothy Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống và in ra bài viết này https://od.lk/d/MV8yNTM1Mzc3MTBf/BG_SuThatVeChristmas.pdf https://www.mediafire.com/file/wv26ncu5nlrlf23/BG_SuThatVeChristmas.pdf/file “Các ngươi bỏ đi điều Đọc Tiếp →

16,748 views

Sự Thật về Hiện Tượng Nói Tiếng Lạ và Đặt Tay Té Ngã

Xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc tác phẩm: "Sự Thật về Hiện Tượng Nói Tiếng Lạ và Đặt Tay Té Ngã" của Pastor Huỳnh Christian Timothy.

  • Phiên bản in sẽ phát hành vào ngày 1 tháng 1 năm 2013:

    • Khổ 5.5 X 8.5
    • Dày 146 trang
    • Bìa tráng nhựa
    • Ấn phí và cước phí trong Hoa Kỳ: $10.00 USD một cuốn – ngoài Hoa Kỳ $15.00 USD một cuốn.
    • Ấn phí và cước phí trong Hoa Kỳ: $300.00 USD cho 50 cuốn hoặc $500.00 USD cho 100 cuốn.

Quý bạn đọc muốn đặt mua sách in, xin gửi thư và money order hoặc check về:

Timothy Christian Huynh
Three Sixteen Family
501 N Robinson Dr
Robinson TX 76706

Thời gian nhận sách qua bưu điện khoảng từ 1 đến 2 tuần, kể từ ngày chúng tôi nhận được thư đặt mua.

Chúng tôi có thể gửi tặng miễn phí 1 sách (trong Hoa Kỳ) cho quý bạn nào muốn nhận sách in nhưng không thể chi trả ấn phí và chi phí.

Dưới đây là phần "Lời Nói Đầu" được trích ra từ tác phẩm:

Lời Nói Đầu

Cuốn sách nhỏ này là một tổng hợp bài biên khảo và các bài giải đáp thắc mắc của tôi về các Phong Trào Ân Tứ và Ngũ Tuần.

Trong giai đoạn từ 2001 đến 2006, tôi chung đụng và cùng làm việc với rất nhiều người Ân Tứ và Ngũ Tuần. Vào lúc đầu, khi chứng kiến các hiện tượng “đặt tay té ngã,” “nói tiếng lạ,” “say Thánh Linh…” tôi cảm thấy rất là lạ lùng vì không thấy những điều này được nói đến trong Thánh Kinh. Tuy nhiên, sự nóng cháy của những người Ân Tứ và Ngũ Tuần trong sự cầu nguyện, thờ phượng, chứng Đạo, và truyền giảng khiến cho tôi không dám nghĩ rằng, những hiện tượng đó không đến từ Chúa.

Tôi dành một thời gian dài, cầu nguyện, xin Chúa bày tỏ cho mình. Thậm chí, tôi xin với Chúa rằng: “Con biết ân tứ của Đức Thánh Linh được ban cho tùy theo thánh ý của Ngài, nhưng con cầu xin điều này, nếu sự “nói tiếng lạ” của những người Ân Tứ và Ngũ Tuần là ân tứ của Đức Thánh Linh, thì xin Chúa ban cho con được một lần có thể “nói tiếng lạ” để ấn chứng rằng, nó đến từ Chúa, rồi Chúa cất nó ra khỏi con, nếu ý của Chúa là không ban cho con ân tứ đó, chỉ để con được yên tâm mà hầu việc Chúa chung với những người Ân Tứ và Ngũ Tuần…”

Tôi không bao giờ nhận được sự “nói tiếng lạ” từ nơi Chúa, mà trong tâm thần tôi chỉ có một sự nhắc nhở rõ ràng: “Chớ tin cậy mọi thần, nhưng hãy thử cho biết các thần có phải đến bởi Đức Chúa Trời chăng?” (I Giăng 4:1). Tôi tự hỏi, làm sao để thử các thần? Câu trả lời đến trong tâm trí tôi: “Cả Thánh Kinh đều là bởi Thiên Chúa hà hơi, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành” (II Ti-mô-thê 3:16-17).

Sau khi xét thấy rõ các hiện tượng: “đặt tay té ngã,” “nói tiếng lạ,” “say Thánh Linh…” hoàn toàn không được nói đến trong Thánh Kinh, ngược lại, có hình thức như dân ngoại giáo lên đồng, lên bóng, đọc thần chú hoặc bị quỷ nhập, đồng thời, qua một thời gian chung đụng, cùng làm việc với những người tự xưng là đầy dẫy Thánh Linh, tôi nhận ra họ đang sống trong tội lỗi cách thầm kín (đủ các thói: kiêu ngạo, tham lam, dối trá, thất tín, ganh tỵ, nói xấu, vu khống… và tà dâm), thì tôi chấm dứt sự giao tiếp với họ và tránh xa tất cả các tổ chức giáo hội nào công nhận việc “nói tiếng lạ.”

Đến tháng 6 năm 2006, trong khi đang quản nhiệm Hội Thánh của Chúa tại Tucson, Arizona, và phụ trách tổ chức ngày kiêng ăn cầu nguyện cho Việt Nam, thì tôi thực sự bị tà linh nói tiếng lạ tấn công. Trong dịp đó, có một mục sư Việt Nam sơ giao với tôi, dẫn theo bảy tín đồ từ California đến tham dự nhóm cầu nguyện, trong đó có một người Mỹ. Họ là những người “nói tiếng lạ.” Vì họ xin phép được tham dự cầu nguyện cho Việt Nam và hứa là sẽ vâng theo các quy định của ban tổ chức, nên tôi đồng ý cho họ đến tham dự.

Họ lái xe từ California đến Tucson, Arizona vào lúc nửa đêm, nên tôi thu xếp cho họ ngủ qua đêm trong nhà của tôi. Căn nhà chúng tôi thuê lúc đó có ba phòng ngủ và một phòng khách rộng, nên có đủ chỗ cho mọi người.

Sáng hôm sau là thứ bảy, ngày đầu tiên kiêng ăn cầu nguyện, mọi người cùng đến nơi nhóm họp thờ phượng. Nhóm tám người “nói tiếng lạ” đó cũng đến nhóm với chúng tôi nhưng có một điểm kỳ lạ nơi họ mà tôi không bao giờ quên được. Đó là: không một người nào trong số họ mang theo Thánh Kinh, kể cả người mục sư. Họ phải hỏi mượn Thánh Kinh từ nơi tôi. Chúng tôi tổ chức nhóm liên tục suốt hai ngày, với những buổi nghỉ giải lao. Dưới đây là một vài hiện tượng đã xảy ra với nhóm tám người nói tiếng lạ:

·         Có một lúc, tôi đang hướng dẫn Hội Thánh tôn vinh Chúa thì một phụ nữ trong nhóm họ đứng lên, bắt giọng hát một bài thánh ca khác mà cả nhóm họ hát theo. Tôi và cả hội chúng yên lặng, chờ cho họ hát xong thì chúng tôi tiếp tục chương trình thờ phượng của mình. Tôi dự định, nếu họ còn tiếp tục quấy rối như vậy thì tôi sẽ mời họ ra khỏi phòng nhóm. Nhưng sau đó, họ đã ngồi yên, đắm chìm trong sự lâm râm cầu nguyện tiếng lạ của họ.

·         Khi đến giờ cầu nguyện thì họ cùng nhau lớn tiếng cầu nguyện tiếng lạ, người thì ngồi xếp bằng trên sàn nhà, lắc lư thân hình, người thì quỳ mọp trên sàn, người thì lăn lộn trên mặt sàn, người thì nằm ngữa trên sàn, gác cả hai chân lên vách tường. Trong số họ, có nhiều người là phụ nữ nhưng đã thể hiện nhiều tư thế thật là hớ hênh, khó coi… Những âm thanh do họ phát ra làm cho toàn thể hội chúng đều bị nhức đầu và khiếp sợ, hầu hết phải bỏ ra khỏi phòng nhóm, chỉ còn lại những người trong ban tổ chức và vài chấp sự trong Hội Thánh. Chính cá nhân tôi cũng bị nhức đầu rất là lạ lùng. Chúng tôi đã nhân danh của Đức Chúa Jesus Christ để truyền cho các tà linh đang hiện diện phải lui ra khỏi phòng nhóm thì cơn nhức đầu mới lui đi và nhóm tám người nói tiếng lạ đó mới dịu lại.

·         Sau đó, nhóm tám người kéo ra ngoài, đứng cầu nguyện tiếng lạ trong bãi đậu xe, và kể cho nhau nghe các “khải tượng” mà họ đang thấy. Họ không chịu vào phòng nhóm, trừ khi tôi cho phép mục sư của họ đứng lên điều khiển buổi nhóm. Họ đòi đặt tay trên tôi để tôi được báp-tem bằng Thánh Linh. Họ nói tà linh đang hiện diện trong phòng nhóm nên họ không vào trong đó. Họ nói, họ thấy khải tượng có rất nhiều con rắn lớn trong phòng nhóm, đồng thời, có nhiều chim bồ câu trắng bay đến nhưng không vào trong phòng nhóm được vì có quá nhiều rắn. Họ giải thích với tôi, rắn là tà linh còn bồ câu là Đức Thánh Linh. Họ yêu cầu tôi để cho mục sư của họ đứng lên điều khiển buổi nhóm để trục xuất hết các tà linh thì Đức Thánh Linh mới vào phòng nhóm, và Hội Thánh mới được đầy dẫy Thánh Linh và một cuộc phục hưng lớn sẽ xảy ra.

Dĩ nhiên, tôi khước từ tất cả các đề nghị của họ, và sự kiện đó khiến cho tôi nhớ lại Chúa đã báo trước cho tôi rằng Sa-tan sẽ vào trong phòng nhóm trong kỳ kiêng ăn cầu nguyện cho Việt Nam này. Trước đó khoảng một tuần, liên tục ba đêm, tôi nằm mơ nghe tiếng Chúa phán với tôi là Sa-tan sẽ vào trong phòng nhóm trong ngày kiêng ăn cầu nguyện cho Việt Nam. Tôi nghĩ, có lẽ Sa-tan sẽ hiện diện trong thân thể thuộc linh của nó để cản trở sự cầu nguyện của chúng tôi. Mục đích chính trong sự cầu nguyện của chúng tôi vào năm đó, là xin Chúa cất đi quyền lực của Sa-tan trên đất nước và dân tộc Việt Nam, đã được biểu hiện qua hình ảnh con rồng và truyền thuyết “con rồng cháu tiên” của dân tộc Việt Nam.

Trước đó khoảng một tháng, nhà tôi đang cầu nguyện xin Chúa thương xót, giải cứu dân tộc Việt Nam ra khỏi sự thờ lạy hình tượng, thì bà nghe Chúa phán: “Dân tộc con phạm thượng, kêu “Trời” vô cớ. Dân tộc con đã nhận rồng làm Cha. Các con đã mời nó vào thì phải đuổi nó ra, thì các linh sợ hãi sẽ không còn cai trị trên họ. Hình tượng bị vô hiệu hóa thì Tin Lành sẽ được tiếp nhận dễ dàng. Hai mươi lăm năm trước Ta đã cho con thấy hình ảnh hai con rồng. Chính nó là chúa quỷ. Chính nó đã dẫn dụ dân tộc con thờ phượng nó. Hãy kiêng ăn cầu nguyện, vì có những thứ quỷ cần phải kiêng ăn cầu nguyện mới đuổi được chúng.”

Vợ chồng chúng tôi hết lòng cầu nguyện xin sự bảo vệ của Chúa và có nghĩ đến việc, Sa-tan có thể tấn công hai con chúng tôi để phá vỡ ngày kiêng ăn cầu nguyện của chúng tôi. Chúng tôi dâng trình sự an toàn của hai con mình lên Chúa và hứa nguyện rằng, dầu cho có bất cứ chuyện gì xảy đến cho hai con chúng tôi: bệnh tật, tai nạn, và ngay cả sự chết, thì chúng tôi vẫn cậy ơn và sức của Chúa để hoàn tất hai ngày kiêng ăn, cầu nguyện cho Việt Nam, rồi mới giải quyết những vấn đề liên quan đến con mình.

Thế nhưng, Sa-tan không thể dùng sức để tấn công chúng tôi, vì Đấng ở trong chúng tôi mạnh hơn nó, mà chỉ có thể dùng kế, và nó đã sai các sứ giả của nó đến, tìm cách phá rối chương trình nhóm họp của chúng tôi.

Cảm tạ Chúa, hai ngày kiêng ăn và cầu nguyện cho dân tộc Việt Nam vào tháng 6 năm 2006 đã hoàn tất một cách tốt đẹp, dầu có sự tấn công của Sa-tan. Chiều chủ nhật, sau khi kết thúc sự nhóm họp, ban tổ chức mời tất cả mọi người tham dự, ra nhà hàng ăn uống và thông công với nhau. Trong bữa ăn và vào lúc chia tay, nhóm tám người nói tiếng lạ đã trở nên hết sức hiền hòa, thân ái với chúng tôi, và còn khen rằng, chúng tôi là những người đầy ơn Chúa.

Tối hôm đó, khi về đến nhà, vợ chồng chúng tôi có cái cảm giác rất là khác thường. Hình như có những cái bóng đen thoát hiện, thoát ẩn, lẫn quất trong nhà chúng tôi và có một mùi hôi lạ lùng, thoang thoảng. Nhưng sau hai ngày kiêng ăn cầu nguyện, thân thể chúng tôi đã mệt mõi và vì mới được ăn no, nên chúng tôi vội tắm rửa rồi đi ngủ, không bận tâm lắm về cảm giác và mùi hôi khác thường.

Đến khoảng ba giờ sáng thì tôi giật mình thức giấc vì tiếng kêu khóc của nhà tôi. Dưới đây là lời làm chứng của nhà tôi:

Lời làm chứng của Huỳnh Christian Priscilla (Mỹ Linh):

Tôi đang ngủ thì nằm mơ thấy những người phụ nữ trong nhóm tám người nói tiếng lạ, từ trong bóng tối âm u tiến ra. Họ hỏi tôi người phụ nữ trong Hội Thánh Tucson mà trong buổi nhóm đã chống đối sự nói tiếng lạ của họ, ở đâu? Tôi cảm thấy dường như những người này có ý muốn kiếm người tín đồ đó để làm khó, cho nên, tôi mới nói, người đó không có ở đây, các chị có điều gì thì hãy nói với chồng tôi, là người quản nhiệm Hội Thánh. Nghe tôi nói vậy thì họ bèn bỏ đi. Liền sau đó, một người đàn ông xuất hiện ngay đầu giường của tôi, thân thể cao lớn lạ thường, mặt thì đỏ bầm. Tôi nhận ra khuôn mặt đó chính là của người mục sư cầm đầu bảy người nói tiếng lạ từ California.

Ông ta tiến đến chỗ tôi nằm. Tôi cảm nhận là ông ta muốn làm hại tôi, nên tôi sợ hãi. Ông ta ngồi xuống trên giường và đưa hai tay ra bóp lấy cổ tôi. Dù ông ta không nói gì, nhưng tôi có cảm nhận là ông ta đang muốn tôi phải phát ra những tiếng lạ như những người Ân Tứ và Ngũ Tuần. Tôi ú ớ, chống đối và kêu cầu Chúa: Chúa ơi! xin cứu con. Con không muốn nói thứ tiếng lạ đến từ quỷ. Lúc đó, chồng tôi nghe tôi ú ớ nên lay tôi thức dậy. Tôi kể cho chồng tôi nghe giấc mơ và chồng tôi nói: Mình hãy cầu nguyện, xin Chúa bày tỏ. Nếu đây là tà linh muốn ép em nói tiếng lạ thì xin Chúa ấn chứng, bằng cách cho phép sự kiện này tái diễn.

Chúng tôi cầu nguyện và nằm ngủ lại. Tôi vừa nằm xuống thì lập tức một quyền lực xâm hãm tôi, buộc tôi phải buộc miệng phát ra những âm thanh lạ. Quyền lực này cố mở miệng tôi ra, ép tôi phát ra những âm thanh lạ, trong khi tôi cố hết sức để chống lại và kêu cầu danh Chúa. Tôi bật ngồi dậy và khẩn thiết kêu cầu danh Chúa. Lúc đó, chồng tôi cũng ngồi bật dậy và ôm lấy tôi, cầu nguyện cho tôi.

Khi tôi nghe nhà tôi vừa khóc vừa kêu cầu Chúa: “Chúa ơi, con không muốn nói thứ tiếng lạ của quỷ, xin cất ra khỏi con sự thúc giục nói tiếng lạ này!” Thì tôi lập tức ngồi dậy, ôm nhà tôi vào lòng và cất tiếng cầu nguyện xin Chúa giải cứu. Vừa khi tôi chạm tay vào người của nhà tôi thì lập tức có một điều gì giống như một luồng điện từ thân thể nhà tôi chuyền sang tôi, lan tràn khắp người tôi và đầy cả bụng tôi, làm cho tôi bị ớn lạnh. Rồi, có một sức mạnh đi từ dưới bụng của tôi, dâng tràn lên cổ họng tôi, làm cho cứng cả quai hàm của tôi, khiến cho lời cầu nguyện của tôi không còn được phát ra cách rõ ràng nữa. Tôi biết quyền lực của tà linh đang tìm cách khống chế mình. Tôi không cảm thấy sợ hãi mà chỉ cố cầu nguyện ra tiếng, xin Chúa giải cứu chúng tôi ra khỏi quyền lực của tà linh.

Bỗng nhiên, tôi cảm nhận rất rõ ràng một sự thúc giục trong tôi là tôi phải mở miệng ra để nói tiếng lạ. Lúc đó, tôi vẫn lập cà lập cập kêu cầu Chúa, vì quai hàm tôi bị tê cứng khó phát âm. Nhưng tôi cảm nhận rất rõ ràng là, nếu tôi để cho miệng tôi phát ra một tràng âm thanh lạ thì tôi sẽ phát thanh một cách thông suốt. Tôi lập tức ý thức là tà linh nói tiếng lạ đang xúi giục tôi nói tiếng lạ nên tôi chuyển lời cầu nguyện sang: “Lạy Chúa, xin đừng để chúng con nói thứ tiếng lạ không đến từ Chúa.” Và, trong danh của Đức Chúa Jesus Christ, tôi ra lệnh cho tà linh nói tiếng lạ phải ra khỏi chúng tôi, ra khỏi căn nhà của chúng tôi.

Lập tức, mọi áp lực tan biến, vợ chồng chúng tôi trở lại bình thường. Chúng tôi cảm tạ Chúa và nằm ngủ lại, bình an cho tới sáng.

Sáng hôm sau, vì cái mùi hôi thoang thoảng lạ lùng vẫn còn trong nhà, cho nên, chúng tôi gom tất cả các mền, và khăn trải giường đã đưa cho tám người nói tiếng lạ sử dụng, đem đi bỏ. Sau đó, thì mùi hôi biến mất, cảm giác có những bóng đen lãng vãng trong nhà cũng biến mất. Chúng tôi không bao giờ quên được mùi hôi đó. Nó giống như mùi tử khí trong nhà xác, tanh tanh và làm cho ớn lạnh, nổi da gà. Từ đó, chúng tôi càng vững tin: hiện tượng nói tiếng lạ và đặt tay té ngã là đến từ Sa-tan.

Trong danh của Đức Chúa Jesus Christ và bởi ơn ban cho từ Ngài, chúng tôi đã giúp cho nhiều người nhận thức được sự thật về hiện tượng nói tiếng lạ và đặt tay té ngã. Chúng tôi đã cầu nguyện hoặc hướng dẫn cho nhiều người cầu nguyện để trục xuất tà linh nói tiếng lạ ra khỏi thân thể của họ. Ngày nay, họ đã trở nên những người lớn mạnh trong Chúa và là những chứng nhân về sự Sa-tan giả mạo ân tứ nói ngoại ngữ của Đức Thánh Linh trong các Phong Trào Ân Tứ và Ngũ Tuần.

Quý bạn đọc có thể xem thêm các video clips sau đây trên Youtube:

Tôi cầu xin Đức Chúa Trời sẽ dùng cuốn sách nhỏ này, và những lời chứng trong các video clips nói trên đem lẽ thật của Lời Chúa đến cho những người đang bị tà linh nói tiếng lạ kiềm chế, để họ được lẽ thật của Lời Chúa giải phóng họ ra khỏi sự lừa gạt của Sa-tan, và có được một đời sống sung mãn trong Đức Chúa Jesus Christ. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
21.12.2012

 

Đọc Tiếp →

5,451 views

Tiếng Mới và Ân Tứ Nói Ngoại Ngữ Không Phải Là Hiện Tượng Nói Tiếng Lạ

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết này:
http://www.mediafire.com/view/?93rqt3ac144dve3

Huỳnh Christian Timothy

Dẫn Nhập

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống đã dùng bốn từ ngữ: "tiếng mới," "tiếng lạ," "các thứ tiếng," và "tiếng ngoại quốc" để dịch hai từ ngữ hoàn toàn khác nhau trong nguyên ngữ Hy-lạp. Sự dùng từ ngữ “tiếng lạ” trong Bản Dịch Truyền Thống đã khiến cho rất nhiều người hiểu lầm hiện tượng “nói tiếng lạ” trong các Phong Trào Ân Tứ và Ngũ Tuần, là ân tứ nói ngoại ngữ do Đức Thánh Linh ban cho Hội Thánh. Chắc chắn là “tiếng mới” khác với ân tứ “nói ngoại ngữ” và cả hai hoàn toàn không phải là sự “nói tiếng lạ” của những người Ân Tứ và Ngũ Tuần.

Trong bài này, chúng tôi nêu lên tất cả những câu Thánh Kinh trong Bản Dịch Truyền Thống có những từ ngữ: "tiếng mới," "tiếng lạ," "các thứ tiếng," và "tiếng ngoại quốc,” đối chiếu với Bản Hiệu Đính 2012. Bản Hiệu Đính 2012 là bản hiệu đính Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống (1926), còn được gọi là Bản Dịch Phan Khôi, do chúng tôi đang tiến hành mà bạn đọc có thể tham khảo trên mạng tại đây: http://www.tt2012.thanhkinhvietngu.net/. Sau đó, chúng tôi sẽ nêu lên phần nhận xét.

Dữ kiện

Trước hết, xin liệt kê các câu Thánh Kinh Việt ngữ có các từ ngữ "tiếng mới," "tiếng lạ," "các thứ tiếng" và "tiếng ngoại quốc." Kèm theo các từ ngữ đó là nguyên ngữ Hy-lạp và từ Anh ngữ tương đương được đặt trong hai dấu ngoặc vuông [ ]. Xin chú ý, cách dùng số ít "language" và số nhiều "languages" trong tiếng Anh là phản ánh trung thực từ nguyên ngữ:

1. Tiếng mới

Mác 16:17 "Vậy những kẻ tin sẽ được các dấu lạ nầy: lấy danh Ta mà trừ quỉ; dùng tiếng [γλωσσαις, glōssa – languages] mới [καιναις, kainos – new] mà nói." Bản Hiệu Đính 2012: "Và những dấu hiệu này sẽ theo những kẻ tin: Trong danh Ta họ sẽ đuổi quỷ, họ sẽ nói những thứ tiếng mới."

2. Tiếng lạ

I Cô-rinh-tô 12:30"Cả thảy đều được ơn chữa bịnh sao? Cả thảy đều nói tiếng lạ [γλωσσαις, glōssa – languages] sao? Cả thảy đều thông giải tiếng lạ [trong nguyên ngữ chỉ có chữ "diermēneuō" nghĩa là phiên dịch, không có chữ "glōssa"] sao?" Bản Hiệu Đính 2012: "Cả thảy đều được ơn chữa bịnh sao? Cả thảy đều nói các ngoại ngữ sao? Cả thảy đều thông giải sao?"

I Cô-rinh-tô 13:8"Tình yêu thương chẳng hề hư mất bao giờ. Các lời tiên tri sẽ hết, sự ban cho nói tiếng lạ [γλωσσαι, glōssa – languages] sẽ thôi, sự thông biết hầu bị bỏ." Bản Hiệu Đính 2012: "Tình yêu thương chẳng hề hư mất bao giờ. Các lời tiên tri sẽ hết, sự ban cho nói các ngoại ngữ sẽ thôi, sự thông biết hầu bị bỏ."

I Cô-rinh-tô 14:2"Vì người nào nói tiếng lạ [γλωσση,glōssa – languages], thì không phải nói với người ta, bèn là với Đức Chúa Trời, bởi chẳng có ai hiểu (ấy là trong tâm thần mà người kia nói lời mầu nhiệm)." Bản Hiệu Đính 2012: "Vì người nào nói các ngoại ngữ, thì không phải nói với người ta, bèn là với Đức Chúa Trời, bởi chẳng có ai hiểu (ấy là trong tâm thần mà người kia nói lời mầu nhiệm)."

I Cô-rinh-tô 14:4"Kẻ nói tiếng lạ [γλωσση, glōssa – language], tự gây dựng lấy mình; song kẻ nói tiên tri, gây dựng cho Hội thánh." Bản Hiệu Đính 2012: "Kẻ nói ngoại ngữ, tự gây dựng lấy mình; song kẻ nói tiên tri, gây dựng cho Hội thánh."

I Cô-rinh-tô 14:5"Tôi ước ao anh em đều nói tiếng lạ [γλωσσαις,glōssa – languages] cả, song tôi còn ước ao hơn nữa là anh em nói tiên tri. Người nói tiên tri là trọng hơn kẻ nói tiếng lạ [γλωσσαις, glōssa – languages] mà không giải nghĩa để cho Hội thánh được gây dựng." Bản Hiệu Đính 2012: "Tôi ước ao anh em đều nói các ngoại ngữ cả, song tôi còn ước ao hơn nữa là anh em nói tiên tri. Người nói tiên tri là trọng hơn kẻ nói các ngoại ngữ mà không giải nghĩa để cho Hội thánh được gây dựng."

I Cô-rinh-tô 14:6"Hỡi anh em, ví bằng tôi đến cùng anh em, nói các thứ tiếng lạ [γλωσσαις, glōssa – languages], mà lời nói tôi chẳng tỏ sự mầu nhiệm, chẳng có sự thông biết, chẳng có lời tiên tri, chẳng có sự khuyên dạy, thì ích gì đến anh em?" Bản Hiệu Đính 2012: "Hỡi anh em, ví bằng tôi đến cùng anh em, nói các thứ ngoại ngữ, mà lời nói tôi chẳng tỏ sự mầu nhiệm, chẳng có sự thông biết, chẳng có lời tiên tri, chẳng có sự khuyên dạy, thì ích gì đến anh em?"

I Cô-rinh-tô 14:13"Bởi đó, kẻ nói tiếng lạ [γλωσση, glōssa – language], hãy cầu nguyện để được thông giải tiếng ấy." Bản Hiệu Đính 2012: "Bởi đó, kẻ nói ngoại ngữ, hãy cầu nguyện để được thông giải tiếng ấy."

I Cô-rinh-tô 14:14"Vì nếu tôi cầu nguyện bằng tiếng lạ [γλωσση, glōssa – language], thì tâm thần tôi cầu nguyện, nhưng trí khôn tôi lơ lửng." Bản Hiệu Đính 2012: "Vì nếu tôi cầu nguyện bằng ngoại ngữ, thì tâm thần tôi cầu nguyện, nhưng trí khôn tôi lơ lửng."

I Cô-rinh-tô 14:18"Tôi tạ ơn Đức Chúa Trời, vì đã được ơn nói tiếng lạ [γλωσσαις, glōssa – languages] nhiều hơn hết thảy anh em." Bản Hiệu Đính 2012: "Tôi tạ ơn Đức Chúa Trời, vì đã được ơn nói các ngoại ngữ nhiều hơn hết thảy anh em."

I Cô-rinh-tô 14:19"nhưng thà tôi lấy năm lời bằng trí khôn mình mà rao giảng trong Hội thánh, để được dạy bảo kẻ khác, hơn là lấy một vạn lời bằng tiếng lạ [γλωσση, glōssa – language]." Bản Hiệu Đính 2012: "nhưng thà tôi lấy năm lời bằng trí khôn mình mà rao giảng trong Hội thánh, để được dạy bảo kẻ khác, hơn là lấy một vạn lời bằng ngoại ngữ."

I Cô-rinh-tô 14:21"Trong luật pháp có chép rằng: Chúa phán: Ta sẽ nhờ những người nói tiếng lạ [ετερογλωσσοις, heteroglōssos – foreign languages], và môi miệng người ngoại quốc mà phán cho dân nầy; dầu vậy họ cũng chẳng nghe ta." Bản Hiệu Đính 2012: "Trong luật pháp có chép rằng: Chúa phán: Ta sẽ bởi các ngoại ngữ và môi miệng những người ngoại quốc mà phán cho dân nầy; dầu vậy họ cũng chẳng nghe Ta."

I Cô-rinh-tô 14:23"Vậy thì cả Hội thánh nhóm lại một nơi, nếu ai nấy đều nói tiếng lạ [γλωσσαις, glōssa – languages], mà có kẻ tầm thường hoặc người chẳng tin vào nghe, họ há chẳng nói anh em là điên cuồng sao?" Bản Hiệu Đính 2012: "Vậy thì cả Hội Thánh nhóm lại một nơi, nếu ai nấy đều nói các ngoại ngữ, mà có kẻ tầm thường hoặc người chẳng tin vào nghe, họ há chẳng nói anh em là điên cuồng sao?"

I Cô-rinh-tô 14:26"Hỡi anh em, nên nói thể nào? Khi anh em nhóm lại với nhau, trong anh em, ai có bài ca, hoặc bài giảng dạy, hoặc lời tỏ sự kín nhiệm, hoặc nói tiếng lạ [γλωσσαν, glōssa – languages], hoặc giải tiếng lạ [trong nguyên ngữ chỉ có chữ "hermēneia" nghĩa là thông giải, không có chữ "glōssa"] chăng? Hãy làm hết thảy cho được gây dựng." Bản Hiệu Đính 2012: "Hỡi anh em, nên nói thể nào? Khi anh em nhóm lại với nhau, trong anh em, ai có bài ca, hoặc bài giảng dạy, hoặc lời tỏ sự kín nhiệm, hoặc nói các ngoại ngữ, hoặc thông giải chăng? Hãy làm hết thảy cho được gây dựng."

I Cô-rinh-tô 14:27"Ví bằng có người nói tiếng lạ [γλωσση, glōssa – language], chỉ nên hai hoặc ba người là cùng; mỗi người phải nói theo lượt mình, và phải có một người thông giải." Bản Hiệu Đính 2012: "Ví bằng có người nói ngoại ngữ, chỉ nên hai hoặc ba người là cùng; mỗi người phải nói theo lượt mình, và phải có một người thông giải."

I Cô-rinh-tô 14:39"Ấy vậy, hỡi anh em, hãy trông mong ơn nói tiên tri, và đừng ngăn trở chi về điều nói tiếng lạ [γλωσσαις, glōssa – languages]." Bản Hiệu Đính 2012: "Ấy vậy, hỡi anh em, hãy trông mong ơn nói tiên tri, và đừng ngăn trở chi về điều nói các ngoại ngữ."

3. Các thứ tiếng

Công Vụ Các Sứ Đồ 2:4"Hết thảy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, khởi sự nói các thứ tiếng [γλωσσαις, glōssa – languages] khác [ετεραις, heteros – other], theo như Đức Thánh Linh cho mình nói." Bản Hiệu Đính 2012: "Hết thảy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, khởi sự nói các ngoại ngữ khác, theo như Đức Thánh Linh cho mình nói."

I Cô-rinh-tô 14:22"Thế thì, các thứ tiếng [γλωσσαι, glōssa – languages] là một dấu, chẳng cho người tin Chúa, song cho người chẳng tin; còn như lời tiên tri là một dấu, chẳng phải cho người không tin, song cho người tin Chúa." Bản Hiệu Đính 2012: "Thế thì, các ngoại ngữ là một dấu, chẳng cho người tin Chúa, song cho người chẳng tin; còn như lời tiên tri là một dấu, chẳng phải cho người không tin, song cho người tin Chúa."

4. Tiếng ngoại quốc

Công Vụ Các Sứ Đồ 10:46"Vì các tín đồ nghe họ nói tiếng ngoại quốc [γλωσσαις, glōssa – languages] và khen ngợi Đức Chúa Trời." Bản Hiệu Đính 2012: "Vì các tín đồ nghe họ nói các ngoại ngữ và tôn vinh Đức Chúa Trời."

Công Vụ Các Sứ Đồ 19:6 "Sau khi Phao-lô đã đặt tay lên, thì có Đức Thánh Linh giáng trên chúng, cho nói tiếng ngoại quốc[γλωσσαις, glōssa – languages] và lời tiên tri." Bản Hiệu Đính 2012: "Sau khi Phao-lô đã đặt tay lên, thì có Đức Thánh Linh giáng trên chúng, cho nói các ngoại ngữ và lời tiên tri."

Nhận Xét

1. Ân tứ ngoại ngữ không phải là hiện tượng “nói tiếng lạ”

Trước hết, chúng ta cần xác định ý nghĩa của chữ "glōssa" trong nguyên tác Hy-lạp. Theo Thayer’s Greek Definitions (Bộ Định Nghĩa Tiếng Hy-lạp của Thayer) thì "glōssa" bao gồm các nghĩa như sau:

(1) cái lưỡi, một chi thể của thân thể, một cơ quan của sự nói

(2) một ngôn ngữ: ngôn ngữ hay thổ ngữ được dùng bởi một sắc dân khác với [ngôn ngữ hay thổ ngữ] của các quốc gia khác.

Như vậy, chữ "glōssa" được dùng trong tất cả các câu Thánh Kinh trưng dẫn trên đây dù là số ít hay số nhiều cũng đều mang nghĩa thứ (2), tức là ngôn ngữ. Khi chữ "glōssa" được dùng ghép với động từ "laleō" (nói) thành "laleō glōssa" thì luôn luôn mang ý nghĩa: "nói tiếng ngoại quốc" hay gọn hơn: “nói ngoại ngữ.” Chúng ta thấy trong các câu Thánh Kinh được trích dẫn không hề có tính từ "xenos" (lạ) kèm theo "glōssa" cho nên không thể dịch là "tiếng lạ." Điển hình về việc dùng tính từ "xenos" (lạ) là:

"Vì Ta đói, các ngươi đã cho Ta ăn; Ta khát, các ngươi đã cho Ta uống; Ta là khách lạ [ξενος, xenos – strange], các ngươi tiếp rước Ta." (Ma-thi-ơ 25:35)

"Rồi họ bàn với nhau dùng bạc đó mua ruộng của kẻ làm đồ gốm để chôn những khách lạ [ξενοις, xenos – strange]." (Ma-thi-ơ 27:7)

"Anh em chớ để cho mọi thứ đạo lạ [ξεναις, xenos – strange] dỗ dành mình; vì lòng nhờ ân điển được vững bền, ấy là tốt, chớ không phải nhờ đồ ăn, là sự chẳng ích chi cho kẻ làm như vậy." (Hê-bơ-rơ 13:9)

Như vậy, trừ trường hợp của Mác 16:17 mà chúng ta sẽ bàn tiếp dưới đây, tất cả các câu Thánh Kinh còn lại có từ ngữ "laleō glōssa" nên dịch thành "nói tiếng ngoại quốc" hoặc "nói ngoại ngữ."

Sách Công Vụ Các Sứ Đồ ghi lại ba trường hợp các môn đồ được đầy dẫy Thánh Linh và được ơn nói tiếng ngoại quốc mà chúng ta có thể dùng đó để xác chứng chỉ có ân tứ nói ngoại ngữ chứ không hề có ân tứ “nói tiếng lạ!" Điểm cần chú ý là, mỗi khi ân tứ nói ngoại ngữ được thể hiện thì đều có sự ấn chứng của những người chứng kiến, rằng người đang nói ngoại ngữ đó nói lên những sự cao trọng của Đức Chúa Trời mà tôn vinh Ngài hoặc nói tiên tri. Đây là điểm rất quan trọng để phân biệt giữa ân tứ nói ngoại ngữ do Đức Thánh Linh ban cho con dân Chúa với sự "nói tiếng lạ" đến từ tà linh. Chúng tôi đã từng chứng kiến cảnh một tín đồ gốc Ân Tứ bị quỷ ám "nói tiếng lạ" và sau đó "nói ngoại ngữ" (tiếng Anh) một cách lưu loát để giảng Tin Lành. Người này trước đó không thông thạo Anh ngữ. Mặc dù người ấy giảng Tin Lành một cách thông suốt, đúng Thánh Kinh, nhưng lại tự xưng là Đức Chúa Jesus và lại nói rằng rất yêu người nữ tín đồ đang bị nhập xác đó, muốn có con với người nữ tín đồ đó… thì rõ ràng là hiện tượng quỷ nhập, chưa kể các biểu hiện nói lãm nhảm, cười, khóc, trợn trắng, thè lưỡi, sùi nước bọt rất là bất bình thường. Chính nạn nhân vào lúc tỉnh cũng biết mình bị quỷ nhập.

2. Tiếng mới

Từ ngữ này chỉ được dùng có một lần trong Mác 16:17. Sự nói các thứ tiếng mới của người tin nhận Chúa chắc chắn là khác hẵn với ân tứ nói ngoại ngữ. Trong khi ân tứ nói ngoại ngữ là một trong các ân tứ do Đức Thánh Linh "theo ý Ngài muốn, phân phát sự ban cho riêng cho mỗi người" không phải tín đồ nào cũng nhận được (I Cô-rinh-tô 12:11), thì sự nói các thứ tiếng mới là dấu hiệu đi theo tất cả những ai là môn đồ thật của Chúa:

Mác 16:17"Vậy những kẻ tin sẽ được các dấu lạ nầy: lấy danh Ta mà trừ quỷ; dùng tiếng [γλωσσαις, glōssa – languages] mới [καιναις, kainos – new] mà nói."

Trong nguyên ngữ Hy-lạp, tính từ "kainos" có nghĩa là "mới," được dùng chung với danh từ "glōssa" số nhiều. Nếu dịch câu trên cho sát với nguyên ngữ thì sẽ như sau: "Và những dấu hiệu này sẽ theo những kẻ tin: Trong danh Ta họ sẽ đuổi quỷ, họ sẽ nói những thứ tiếng mới."

Tiếng mới hay ngôn ngữ mới ở đây khác với ngoại ngữ hay tiếng ngoại quốc được dùng trong những câu Thánh Kinh chúng ta vừa bàn đến phía trên. Tiếng mới này là tiếng của những người đã được dựng nên mới sử dụng: Tiếng của sự yêu thương! Ngôn ngữ của những người thật sự ở trong Chúa! Hễ những ai đã được dựng nên mới trong Đức Chúa Jesus Christ thì tự nhiên họ sẽ dùng thứ tiếng mới này. Khi một người đã được dựng nên mới thì "những sự cũ đã qua đi" trong đó có luôn thứ ngôn ngữ cũ của hận thù, cay đắng, châm chọc, mỉa mai, thô tục, kiêu ngạo… Các thứ tiếng mới chính là các thứ tiếng mẹ đẻ đã được đổi mới trong Chúa của những người đã được dựng nên mới trong Chúa.

"Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới."(II Cô-rinh-tô 5:17)

Chúng tôi xin lập lại điều quan trọng này: Trong khi "nói ngoại ngữ" là một trong các ân tứ do Đức Thánh Linh "theo ý Ngài muốn, phân phát sự ban cho riêng cho mỗi người," nghĩa là không phải con dân Chúa nào cũng nhận được, thì "nói tiếng mới" là một dấu hiệu đi theo tất cả những kẻ tin! Nghĩa là, bất cứ ai thực lòng tin nhận Chúa, được tái sinh thì đều nói tiếng mới! Từ ngữ "tiếng mới" được dùng trong Mác 16:17 dưới hình thức số nhiều cho chúng ta biết người thuộc dân tộc nào, ngôn ngữ nào, khi được đổi mới sẽ dùng tiếng mới của chính dân tộc đó, ngôn ngữ đó. Nếu tôi là người Việt Nam được dựng nên mới trong Đấng Christ thì tôi sẽ nói một thứ tiếng Việt Nam mới, là thứ tiếng Việt Nam thể hiện sự thương xót, công bình và thánh khiết của Đức Chúa Trời.

Người không thật lòng tin Chúa thì không có được các dấu hiệu "nói tiếng mới," và không thể nào "trong danh Chúa trừ quỷ…" cho nên, họ vẫn còn nói năng thô tục, giả ngộ tầm phào, bàn chuyện huyễn, và không ngại thốt ra những lời cay độc, kiêu căng, ngạo mạn… Những người như thế dễ dàng bị sập bẫy của Sa-tan để khoác cho mình những thứ ân tứ giả như: "nói tiếng lạ," "chữa bệnh," "đuổi quỷ," "nói tiên tri," thậm chí làm ra các “phép lạ” trong danh Chúa (Ma-thi-ơ 7:21-23). Con dân chân thật của Chúa có thể nhìn ra họ cách dễ dàng, vì họ không có được một trong các dấu hiệu thật của những người đã thật sự "tự bỏ mình đi, mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo" Chúa, là dùng “tiếng mới” mà nói!

Kết Luận

Ngày nay, hiện tượng "nói tiếng lạ" là một trong những động cơ phá tán Hội Thánh Chúa một cách đáng sợ nhất. Nhiều người chăn bầy thiếu khôn ngoan (mà lại không cầu xin Chúa – Gia-cơ 1:5) để phân biệt ân tứ nói ngoại ngữ đến từ Đức Thánh Linh với hiện tượng "nói tiếng lạ" đến từ tà linh, cho nên, đã dung chứa các sứ giả của Sa-tan trong Hội Thánh (II Cô-rinh-tô 11:14, 15). Hậu quả là trong vòng ba năm, Hội Thánh địa phương bị phá tán và biến thành hội của Sa-tan (Khải Huyền 2:9)!

Hy vọng rằng, trong các bản hiệu đính hoặc trong các bản dịch tương lai, Thánh Kinh Việt ngữ sẽ không còn những thiếu sót về thuật ngữ khiến gây ra những hiểu lầm, ảnh hưởng tai hại đến sự hiểu biết và áp dụng Lời Chúa vào trong cuộc sống của con dân Chúa người Việt.

 

Huỳnh Christian Timothy
28.12.2009
Hiệu Đính Lần Thứ Nhất 14.12.2012


Copyright Notice: All Rights Reserved © 2012 Vietnamese Christian Mission Ministry.
Thông Báo Tác Quyền: Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức nhưng xin giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.

Đọc Tiếp →

13,111 views

Nguồn Gốc và Tín Lý Các Phong Trào Ân Tứ và Ngũ Tuần

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết này:
http://www.mediafire.com/view/?u2ld9mi6cmzf976

Huỳnh Christian Timothy

Dẫn Nhập

Kể từ thập niên 1960 cho đến nay, một phong trào phát sinh từ trong các Giáo Hội Tin Lành và Công Giáo được gọi là "Phong Trào Ân Tứ," đã trở nên lớn mạnh và xâm nhập sâu rộng vào trong Hội Thánh của Chúa ở khắp nơi. Phong Trào Ân Tứ (Charismatic Movement – 1906) thoát thai từ Phong Trào Ngũ Tuần (Pentecostal Movement – 1901). Theo thống kê vào năm 2003, số người thuộc hai phong trào này lên đến khoảng 700 triệu, nghĩa là chiếm khoảng 33% tổng số những người xưng nhận có đức tin trong Đấng Christ (Christians – bao gồm Chính Thống Giáo, Công Giáo, Anh Giáo, và Tin Lành Giáo) trên toàn thế giới. Các Phong Trào Ân Tứ và Ngũ Tuần mang lại nhiều tranh luận cũng như phân rẽ trong Hội Thánh. Nhiều giáo phái lớn trong các Giáo Hội Tin Lành và Công Giáo đã thành lập những ban nghiên cứu. Ngay cả, người ngoại đạo cũng thành lập các ban nghiên cứu về hiệu ứng tâm lý trong sự kiện chữa bệnh và nói tiếng lạ của các Phong Trào Ân Tứ và Ngũ Tuần.

Nếu nhìn một cách khách quan thì có thể nói Ân Tứ với Ngũ Tuần chỉ là một. Ngũ Tuần như là gốc và thân chính của một cây với vài nhánh lớn, Ân Tứ như là những nhánh nhỏ phát sinh từ những nhánh lớn của Ngũ Tuần. Những hoa, lá, cành nhiều khi che lấp cả thân cây, vì thế, ngày nay thế giới biết nhiều đến Ân Tứ hơn là Ngũ Tuần.

Dấu hiệu đặc trưng của Phong Trào Ân Tứ là sự "đặt tay té ngã" và "nói tiếng lạ." Người Ân Tứ tin rằng, khi một người nhận được báp-tem bằng Thánh Linh thì phải biết "nói tiếng lạ" và khi một người được đầy dẫy Thánh Linh thì bị té ngã mà họ gọi là "bị giết trong Thánh Linh" (slain in the Spirit). Hiện tượng "té ngã" khi được đầy dẫy Thánh Linh là điều không hề được ghi lại trong Thánh Kinh. Tiếng lạ mà những người Ân Tứ và Ngũ Tuần nói không phải là ngôn ngữ có người hiểu được, như Thánh Kinh đã ghi lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ chương hai, mà là một thứ âm thanh không có cấu trúc của ngôn ngữ và cũng không có ai hiểu.

Từ ngữ "nói các thứ tiếng khác" trong Công Vụ Các Sứ Đồ 2:4 được dịch sang tiếng Anh là “speak in other tongues.” Trong nguyên tác tiếng Hy-lạp (Greek) của Thánh Kinh là:

  • λαλειν, G2980, phiên âm quốc tế /laleō/, phiên âm tiếng Việt [la-lé-ồ], có nghĩa là: phát âm, nói.
  • ετεραις, G2087, phiên âm quốc tế /heteros/, phiên âm tiếng Việt [hé-tơ-ro-s], có nghĩa là: khác.
  • γλωσσαις,G1100, phiên âm quốc tế /glōssa/, phiên âm tiếng Việt [g-lố-xà], có nghĩa là: các ngôn ngữ.

Thánh Kinh không bao giờ nói đến một thứ “tiếng lạ.” Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống đã dịch không chuẩn khi dịch γλωσσαις(các ngôn ngữ) thành “tiếng lạ.”

Lược sử các Phong Trào Ân Tứ và Ngũ Tuần

Các Phong Trào Ân Tứ và Ngũ Tuần dấy lên trong lịch sử của Hội Thánh kể từ ngày đầu tiên của thế kỷ 20 và kéo dài cho đến nay đã tạo ra nhiều ảnh hưởng sâu đậm cả bên trong lẫn bên ngoài Hội Thánh. Sự tìm hiểu về các phong trào này thường khiến cho người ta đối diện với hai vấn đề:

1. Lẫn lộn giữa Phong Trào Ân Tứ và Phong Trào Ngũ Tuần.

2. Lẫn lộn giữa Phong Trào Ân Tứ, Phong Trào Ngũ Tuần, và các giáo phái Tin Lành truyền thống.

Để giảm thiểu những khó khăn dẫn đến sự rối trí trong khi theo dõi bài này, độc giả cần ghi nhớ các điểm quan trọng sau đây:

  • Danh từ Phong Trào Ngũ Tuần được dùng để gọi sự kiện "nói tiếng lạ" xuất hiện trong một cộng đồng Cơ-đốc nhân thuộc Giáo Hội Tin Lành, làm phát sinh ra một giáo phái mới trong Giáo Hội Tin Lành gọi là Giáo Phái Ngũ Tuần. Giáo Phái Ngũ Tuần theo thời gian phân nhánh ra thành nhiều tiểu giáo phái. Có thể ví Phong Trào Ngũ Tuần như một trong những cây con nảy ra từ gốc của cây mẹ (Giáo Hội Tin Lành), sau đó, từ gốc của cây con đó lại nảy ra nhiều cây con khác nữa.
  • Danh từ Phong Trào Ân Tứ được dùng để gọi sự kiện “đặt tay té ngã” và "nói tiếng lạ" xuất hiện trong tất cả các giáo hội và giáo phái của Cơ-đốc Giáo. Phong trào này thoạt đầu không tách rời khỏi các giáo phái như Phong Trào Ngũ Tuần, nhưng khi đã phát triển mạnh mẽ thì tự hình thành các giáo phái. Phong Trào Ân Tứ ví như những trái cây phát sinh ra trên khắp các nhánh của một thân cây (Cơ-đốc Giáo, bao gồm các giáo hội Chính Thống Giáo, Anh Giáo, Công Giáo, Tin Lành…) khi chín mùi thì rụng xuống và mọc lên thành những cây mới.
  • Danh từ Phong Trào Dấu Lạ được dùng để gọi sự kiện những dấu kỳ, phép lạ xuất hiện trong tất cả các giáo hội và giáo phái của Cơ-đốc Giáo mà không nhất thiết phải có hiện tượng “té ngã” và “nói tiếng lạ” kèm theo. Trên một phương diện, Phong Trào Dấu Lạ cũng chính là một Phong Trào Ân Tứ nhưng không chủ trương đề cao việc “đặt tay té ngã” và “nói tiếng lạ” cho bằng việc đề cao dấu kỳ, phép lạ xuất hiện trong khi giảng đạo.
  • Danh từ "trường phái" nói đến những khuynh hướng khác nhau trong cùng một phong trào. Thí dụ: Phong Trào Ngũ Tuần có mẫu số chung là "nói tiếng lạ" và tin rằng hiện tượng "nói tiếng lạ" là dấu hiệu của một người được báp-tem bằng Thánh Linh. Tuy nhiên, có ba khuynh hướng khác nhau về ý nghĩa của hiện tượng "nói tiếng lạ," khiến cho phân chia thành ba trường phái khác nhau. Có thể nói, phong trào là gốc cây chính, trường phái là các cây khác nảy ra từ gốc cây chính.
  • Danh từ "làn sóng" do Phong Trào Dấu Lạ đặt ra để tự phân biệt với các Phong Trào Ân Tứ và Ngũ Tuần. Theo họ, từ đầu thế kỷ 20 đến nay, Đức Thánh Linh đã ba lần phục hưng Hội Thánh mà họ gọi là "những làn sóng phục hưng" (the revival waves). Họ xem Phong Trào Ngũ Tuần là làn sóng thứ nhất, Phong Trào Ân Tứ là làn sóng thứ hai, và họ là làn sóng thứ ba.

Nhìn theo quan điểm của những người Ân Tứ và Ngũ Tuần Tin Lành thì Phong Trào Ân Tứ và Ngũ Tuần được phân biệt như sau:

1. Làn sóng thứ nhất:Phong Trào Ngũ Tuần (The Pentecostal Movement) khởi động bởi Charles Fox Parham tại Topeka, Kansas, USA vào năm 1901 và phát triển bởi William Joseph Seymour tại Los Angeles, California, USA vào năm 1906.

2. Làn sóng thứ nhì:Phong Trào Ân Tứ (The Charismatic Movement) còn được gọi là Phong Trào Ân Tứ Phục Hưng (Charismatic Renewal Movement) khởi động bởi Dennis Bennett tại Van Nuys, California, USA vào năm 1960.

3. Làn sóng thứ ba:Phong Trào Dấu Lạ (The Signs and Wonders Movement) khởi động bởi John Wimber từ Trường Thần Học Fuller (Fuller Theological Seminary) tại Pasadena, California, USA vào năm 1981.

Nhìn khách quan về lịch sử của Cơ-đốc Giáo thì Phong Trào Ân Tứ và Ngũ Tuần phải được chia ra làm bốn làn sóng, bao gồm Phong Trào Công Giáo Ân Tứ Phục Hưng (The Catholic Charismatic Renewal Movement) khởi động giữa các sinh viên và nhân sự của Trường Đại Học DuQuesne tại Pittsburgh, Pennsylvania, USA vào năm 1967.

Phong Trào Ngũ Tuần (The Pentecostal Movement)

Còn được gọi là Phong Trào Ngũ Tuần Cổ Điển (The Classical Pentecostal Movement). Ngũ Tuần (Pentecostalism) phát xuất từ Giáo Hội Tin Lành như một phong trào nhấn mạnh đến kinh nghiệm cá nhân của một người với Đức Chúa Trời thông qua cái gọi là "báp-tem bằng Thánh Linh" (the baptism of the Holy Spirit). Có ba trường phái Ngũ Tuần chính:

Trường phái thứ nhất chiếm đa số, có tín lý tương tự như các giáo phái trong Giáo Hội Tin Lành, như tín lý về Thiên Chúa Ba Ngôi, tín lý về sự cứu rỗi, tín lý về thẩm quyền của Thánh Kinh. Điều khác biệt là họ tin rằng "nói tiếng lạ" là dấu hiệu phải có của một người đã được báp-tem bằng Thánh Linh. Hai trường phái còn lại (một làm lễ báp-tem chỉ trong danh của Đức Chúa Jesus Christ, một làm lễ báp-tem trong danh của Ba Ngôi Thiên Chúa) dùng Công Vụ Các Sứ Đồ 2:38 làm nền tảng cho tín lý: Một người cần phải ăn năn tội, nhận báp-tem trong danh Đức Chúa Jesus Christ, rồi nhận lãnh Đức Thánh Linh. Nhận lãnh Đức Thánh Linh là điều cần thiết cho sự cứu rỗi và (theo hai trường phái này) có nghĩa là phải biết "nói tiếng lạ." Như vậy, theo họ, nếu một người tin Chúa mà không biết "nói tiếng lạ" là chưa được báp-tem bằng Thánh Linh và có nghĩa là chưa được cứu rỗi. Hai trường phái này chia ra thành các giáo phái: "Jesus Name," "First," "United," và "Oneness." Từ trong bốn giáo phái chính này lại phát sinh ra nhiều tiểu giáo phái khác nữa.

Phong trào Ngũ Tuần phát sinh với George Fox (1624-1691, England), một tín đồ thuộc Giáo Phái Giám Lý (Methodist) và thành viên của phong trào Thánh Khiết (Holliness Movement), là một phong trào cũng bắt nguồn từ Giám Lý. Vào năm 19 tuổi, George Fox ly khai giáo hội vì không chịu nỗi sự hâm hẫm của nó. Chàng thanh niên trẻ khao khát một đời sống thuộc linh phong phú và nóng cháy. Tuy nhiên, thay vì dựa trên nền tảng muôn đời là Lời Chúa để sống đạo, chàng đã dựa trên cảm giác và kinh nghiệm. Chàng nghe một giọng nói phán với chàng, như sau: "Không phải Lời Thánh Kinh bên ngoài, không phải sự giảng dạy của giáo hội, không phải Đấng Christ bên ngoài có thể hướng dẫn con, nhưng là ánh sáng bên trong, là Đấng Christ nội tại." (Not the outward Word of Scripture, not the teaching of the church, not the outward Christ can lead you, but only the inner light, the inward Christ.)

Fox trở thành người sáng lập nhóm Con Cái của Sự Sáng (Children of Light) còn gọi là Xã Đoàn Thân Hữu (Society of Friends). Về sau, các đối thủ của ông gọi nhóm của ông là Quakers. (Quake = rung động, quakers = những người hay vật bị rung động. Có lẽ các đối thủ của Fox muốn chế nhạo sự kiện run rẩy trong khi xuất thần của những người thuộc nhóm ông. Tại Việt Nam, Quaker được gọi là Giáo Phái Anh Em). Danh xưng Quaker không bao giờ được Fox và những người theo ông chấp nhận nhưng vẫn được những người ngoài nhóm của ông sử dụng và vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Dù trong thuở ban đầu phái Quaker bị bách hại tàn bạo tại Anh nhưng đã phát triển đi khắp nơi, mạnh mẽ nhất là tại Hoa Kỳ và Đông Phi Châu. Điểm quan trọng cần chú ý trong quan điểm cực đoan của phái Quaker ngay từ nguyên thỉ, là: Họ xem ánh sáng nội tại (tâm thức, sự hiểu biết đến từ bên trong) và tiếng phán từ trên cao quan trọng hơn là Lời của Chúa trong Thánh Kinh. (Đối với Phong Trào Ân Tứ sau này thì dấu kỳ và phép lạ quan trọng hơn là Thánh Kinh). Điều đó là cánh cửa mở rộng cho đủ mọi thứ tà giáo xâm nhập. Ngay từ buổi sơ khai của phái Quaker đã có hiện tượng "nói tiếng lạ" xuất hiện trong nhiều nhóm.

Vào những năm 1800, phái Irvinggian được thành lập bởi Edward Irving (1792-1834), vốn là một pastor thuộc Giáo Hội Trưởng Lão (Presbyterian), với danh xưng là Giáo Hội Công Giáo Sứ Đồ (Catholic Apostolic Church) xứ Scotland. Phái này thực hành, giảng dạy sự "nói tiếng lạ" cùng những hình thức xuất thần và các hiện tượng chữa bệnh, khải tượng, nói tiên tri… nên thu hút rất đông tín đồ từ các giáo hội truyền thống vốn đã quá khô cạn sự sống thuộc linh vì sự tắc trách của những người chăn bầy. Phái Irvingian phát triển nhanh chóng sang Anh, Hòa Lan, Hoa Kỳ, và đặc biệt là Đức, với trung tâm chính tại Augsburg, và nơi có đông tín đồ nhất là Stuttgart.

Giữa những phong trào xuất thần có phái Mormon, còn được biết dưới danh xưng Latter Day Saints, do Joseph Smith (1805-1844) thành lập. Người Mormon cũng được biết đến qua những hiện tượng về khải tượng, mạc khải, "nói tiếng lạ," và chữa bệnh. Smith xưng rằng, ông nhận được khải tượng đến từ thiên sứ Moroni. Theo Smith, thiên sứ Moroni đã cho ông thấy những tấm bảng bằng vàng trên có viết chữ tại Mount Cumorah và ông đã nhận lãnh những bảng này vào năm 1827. Đối với những người Mormon, những chữ viết trên các tấm bảng vàng này có cùng một thẩm quyền như Thánh Kinh. Smith còn tuyên bố ông đã được phong chức tế lễ theo dòng A-rôn bởi Giăng Báp-tít. Về sau, ông tuyên bố rằng: các Sứ Đồ Phi-e-rơ, Gia-cơ, và Giăng đã phong chức tế lễ cho ông theo dòng Mên-chi-xê-đéc. Smith bị giết vào năm 1844.

Ngay cả vùng cực Bắc của Liên Xô cũ cũng có hiện tượng "nói tiếng lạ" trong một làng nhỏ tên là Kara Kala của dân tộc Armenian, vốn theo Chính Thống Giáo Nga. Vì bị giáo hội khủng bố, cho nên, vào năm 1900, những người Armenian "nói tiếng lạ" này lánh nạn sang Hoa Kỳ và định cư tại Los Angeles. Vài năm sau, nhóm này kết hợp với một nhóm "nói tiếng lạ" khác tại Azusa Street, Los Angeles.

Tại Hoa Kỳ, mặc dù hiện tượng "nói tiếng lạ" (không phải là một ngôn ngữ) đã xảy ra từ trước, nhưng đến năm 1901 mới thành phong trào dấy lên khi ân tứ “nói ngoại ngữ” phát sinh từ Trường Thánh Kinh Bethel ở Thủ Đô TopeKa của Tiểu Bang Kansas, do Charles Fox Parham (1873-1929) dẫn đầu. Parham xuất thân từ Giáo Phái Giám Lý (Methodist), là một người sốt sắng trong sự kêu gọi người theo Chúa phải sống thánh khiết. Ông phản đối lối tổ chức giáo quyền hàng dọc của Giám Lý, ly khai giáo hội này, tự lập ra một mục vụ riêng, độc lập với các giáo phái và thành lập Trường Thánh Kinh Bethel.

Vào đêm tất niên năm 1900, Parham đang giảng cho các sinh viên tại Trường Thánh Kinh Bethel, một nữ sinh viên tên là Agnes Ozman, đã dạn dĩ đứng lên yêu cầu ông đặt tay trên cô và cầu nguyện xin Chúa đổ Thánh Linh xuống trên cô. Parham đáp ứng lời yêu cầu này và lập tức Ozman bắt đầu nói tiếng Trung Hoa. Vài ngày sau, chính Parham cũng nói được một ngoại ngữ mà ông chưa hề biết. Rồi sau đó là các sinh viên khác. Ngày 1 tháng 1 năm 1901, ngày đầu tiên của thế kỷ 20, Parham thành lập Phong Trào Đức Tin Sứ Đồ (Apostolic Faith) và bắt đầu đi khắp nơi rao giảng về sự thánh khiết, sự chữa lành thiên thượng, sự chữa lành bởi đức tin, sự đặt tay cầu nguyện, sự thánh hóa bởi đức tin, và tuyên bố "speak in tongues" (nói ngoại ngữ) là dấu hiệu của sự được báp-tem bằng Thánh Linh và bằng lửa (?) [1]. Đến cuối năm 1901, hiện tượng "speak in tongues" trong Phong Trào Đức Tin Sứ Đồ được báo chí đưa tin, bàn thảo sôi nổi, xem như là dấu hiệu của Lễ Ngũ Tuần lần thứ hai. Điểm cần ghi nhớ: Đây là sự kiện các tín đồ bỗng nhiên nói thông thạo một ngoại ngữ, không phải là sự lấp ba lấp bấp một tràng âm thanh vô nghĩa như những người “nói tiếng lạ” ngày nay.

Năm 1905, Parham mở một Trường Thánh Kinh tại Houston, Texas và một người da đen tên là William Joseph Seymour được đào tạo tại đó. Trong suốt thời gian ở tại Houston, Seymour không biết "speak in tongues." Tháng 2 năm 1906, Seymour được mời giảng tại Los Angeles về đề tài "Phép Báp-tem Bằng Thánh Linh." Buổi giảng đầu của ông gây nên nhiều xáo trộn, là vì ông tuyên bố "speak in tongues" là dấu hiệu của sự đã được báp-tem bằng Thánh Linh, trong khi ông lại không biết "speak in tongues." Đến tháng 4 năm đó, một người nghe ông giảng tên là Edward Lee bỗng nhiên phát ra những tràng âm thanh vô nghĩa và sau đó vài ngày đến lượt Seymour. Họ xem như đó là ân tứ “speak in tongues” mặc dầu đó chỉ là những tràng âm thanh vô nghĩa.

Tháng 5 năm 1906, Seymour trở thành lãnh tụ của Phong Trào "Azusa Street Revival," một phong trào không phân biệt giáo phái, chủng tộc, hoặc giới tính. Thuở ấy, mỗi ngày từ 10 giờ sáng cho đến khoảng hai, ba giờ sáng hôm sau, vô số người từ các nơi kéo về tụ hội ca hát, la hét lớn tiếng, nhảy múa, co giật như bị động kinh, té xuống ngất đi, kêu khóc, tru, rống như thú vật, và "nói tiếng lạ." Các giới lãnh đạo tôn giáo vùng Los Angeles và những nơi khác lập tức lên tiếng phủ nhận hiện tượng đang xảy ra tại Black Holiness Church, 312 Azusa Street, Los Angeles. Họ không công nhận đó là công việc của Đức Thánh Linh, khuyến cáo các tín hữu của họ, rằng phong trào này chạy theo cảm xúc, thông linh, và có Sa-tan tính.

Vào tháng 10 năm 1906, khi Parham đến thăm Seymour và giảng tại Azusa Street, cũng đã sững sốt khi nhìn thấy các hiện tượng xảy ra tại đó. Theo Parham, những hiện tượng đó đến từ xác thịt, hoặc Ma Quỷ. Parham không công nhận phong trào "Azusa Street Revival." Parham đã phát biểu về phong trào này như sau: "God is sick at His stomach!" (Tạm dịch: Đức Chúa Trời đang buồn nôn!) Sau đó, Parham và Seymour đã chia tay nhau và không bao giờ kết hợp trở lại.

Tại đây, chúng ta cần chú ý đến chi tiết quan trọng này: Trong khi Parham và các sinh viên của ông được ơn nói lưu loát các ngoại ngữ mà trước đó họ không hề biết ,thì Seymour và những người theo ông chỉ phát ra những tràng âm thanh vô nghĩa, và có những biểu hiện cười, la, khóc, hú, vật vã thân hình không tự kiểm soát được như những người bị tà linh xâm nhập.

Phong trào "Azusa Street Revival" lắng xuống vào năm 1909 nhưng vẫn còn âm ỉ cho đến năm 1915. Từ phong trào này phát sinh ra nhiều giáo phái Ngũ Tuần khắp nơi trên thế giới. Người từ các nơi khác đến Los Angeles thăm viếng, khi trở về quê hương của họ đã mang theo các tín lý mới của Ngũ Tuần, gieo rắc trong cộng đồng của họ.

Phong Trào Ân Tứ (The Charismatic Movement)

Còn được gọi là Phong Trào Tân Ngũ Tuần (The Neo-Pentecostal Movement). Từ Phong Trào Ngũ Tuần phát sinh ra Phong Trào Ân Tứ. Phong Trào Ân Tứ nhấn mạnh đến các ân tứ của Đức Thánh Linh như: nói ngoại ngữ (nhưng đã bị hiểu lầm thành “nói tiếng lạ” – xin độc giả ghi nhớ, “nói tiếng lạ” tức là phát ra những âm thanh vô nghĩa), nói tiên tri, nói lời khôn ngoan, nói lời thông biết, chữa bệnh, đuổi quỷ, làm phép lạ… (I Cô-rinh-tô 12:8-10). Phong Trào Ân Tứ ảnh hưởng đến Hội Thánh mạnh mẽ hơn Phong Trào Ngũ Tuần. Ban đầu, Phong Trào Ân Tứ không chủ trương cho các thành viên tách rời khỏi các giáo hội, giáo phái như Phong Trào Ngũ Tuần, nhưng chủ trương cho các thành viên ở lại để Ân Tứ hóa toàn bộ giáo hội và giáo phái mà họ đang sinh hoạt với. Chỉ khi nào bị chính các giáo hội hay giáo phái khai trừ thì các thành viên của Phong Trào Ân Tứ mới đi ra lập thành nhóm khác. Về sau, với sự lớn mạnh của phong trào, các nhà lãnh đạo Ân Tứ muốn độc lập điều hành ngân quỹ do các thành viên đóng góp, cho nên, đã lập ra các giáo phái riêng.

Vào năm 1960, Dennis Bennett, linh mục của Saint Mark's Episcopal Church tại Van Nuys, California (thuộc Giáo Phái American Episcopal – Giám Nhiệm Hoa Kỳ) tuyên bố với hội chúng, rằng ông ta đã được báp-tem bằng Thánh Linh. Sau đó, Bennett dẫn thêm 100 tín hữu đến với kinh nghiệm nhận "báp-tem bằng Thánh Linh" và biết "nói tiếng lạ." Hiện tượng "nói tiếng lạ" bùng nổ tại Saint Mark's Episcopal Church khiến cho các tạp chí Times và Newsweek thời bấy giờ làm phóng sự đưa lên bìa báo (cover story). Giáo Phái Giám Nhiệm Hoa Kỳ không công nhận hiện tượng đó đến từ Đức Thánh Linh nên đã bãi nhiệm Bennett. Ông đến Vancouver, Canada thiết lập nhiều lớp huấn luyện, dạy về công vụ của Đức Thánh Linh, gây ảnh hưởng sâu đậm đến tín đồ Anh Giáo khắp nơi trên thế giới, và dẫn đến những cuộc gọi là "phục hưng" trong các hội chúng Giám Nhiệm, Anh Giáo, Lutheran, Công Giáo và Chính Thống Giáo. Đến tháng 10 năm 1962 Phong Trào Tân Ngũ Tuần xâm nhập vào các trường đại học tại Mỹ, sau đó lan vào trong các trường thần học. Chính Phong Trào Tân Ngũ Tuần đi vào Giáo Hội Công Giáo làm phát sinh ra Phong Trào Công Giáo Ân Tứ Phục Hưng. Tính đến năm 1990, phong trào này bao gồm trên 55 triệu tín đồ thuộc các giáo phái trong Giáo Hội Tin Lành.

Phong Trào Lời Đức Tin (Word of Faith Movement) được xem như sự nối dài của Phong Trào Ân Tứ. Ngoài những đặc điểm chung với Phong Trào Ân Tứ, Phong Trào Lời Đức Tin nhấn mạnh đến "quyền năng của đức tin." Những người thuộc phong trào này tin rằng họ có thể dùng lời nói để điều động "quyền năng của đức tin," và như vậy, họ có thể tạo ra những gì mà họ tin rằng Thánh Kinh đã hứa, như: sức khoẻ, sự giàu có… Theo họ, những định luật chi phối "quyền năng của đức tin" vận hành độc lập với ý chỉ siêu việt của Đức Chúa Trời và chính Đức Chúa Trời cũng bị chi phối bởi những định luật này (?) Ngoài ra, Phong Trào Lời Đức Tin còn đưa ra những tín lý như: Mỗi tín nhân là một Đức Chúa Trời Con vì Đức Chúa Trời dựng nên loài người cùng bản thể với Ngài. Tín đồ Đấng Christ phải được khoẻ mạnh và giàu có. Tín đồ Đấng Christ phải luôn có những lời tuyên xưng tích cực (positive confession). Vì Đức Chúa Trời đã dùng lời nói để sáng tạo nên tín nhân cũng có thể dùng những lời nói tích cực để thu đạt những kết quả tích cực. Đấng Christ chết phần thể xác, nhưng cũng chết phần tâm thần trong địa ngục, chịu Ma Quỷ hành hạ, và tâm thần của Ngài đã được tái sinh trong địa ngục…

Sáng lập viên và hiệu trưởng của trường Rhema Bible College tại Tulsa, Oklahoma, USA là Kenneth Hagin (1917-2003), được xem là bố già (Papa Hagin) của Phong Trào Lời Đức Tin. Những giáo sư nổi tiếng khác của phong trào này là: Benny Hinn, Bishop Eddie L. Long, Clarence McClendon, Creflo Dollar, Ed Young, Fred Price, Jesse Duplantis, John Bevere, Joel Osteen, Joyce Meyer, Juanita Bynum, Karl Strader, Kenneth Copeland, Kim Clement, Larry Huch, Marilyn Hickey, Markus Bishop, Mike Murdock, Morris Cerullo, Myles Munroe, Oral Roberts, Paul Crouch, Paula White, Peter Popoff, R.W. Shambach, Robert Schuller, Rod Parsley, Rodney Howard-Browne, Robert Tilton, Steve Munsey, T.D. Jakes…

Phong Trào Công Giáo Ân Tứ Phục Hưng (The Catholic Charismatic Renewal Movement)

Tháng 2 năm 1967, một số nhân viên và nhiều sinh viên của một trường đại học tư, Duquesne University, thuộc Giáo Hội Công Giáo tại Pittsburgh, Pennsylvania, USA trải qua một kinh nghiệm mà họ gọi là "được báp-tem bằng Thánh Linh." Những điều họ kinh nghiệm, là: "nói tiếng lạ," "thánh tiếu" (tiếng cười thánh – Holy laughter), xuất thần, khóc, la, gào, hú, tru như chó… không thể tự kềm chế. Liền sau đó, những hiện tượng này lan tràn sang một trường đại học tư khác, cũng thuộc Giáo Hội Công Giáo, University of Notre Dame, tại Indiana, USA. Notre Dame có nghĩa là "Đức Bà của chúng ta," (chỉ về bà Ma-ri). Đến năm 2003, Phong Trào Công Giáo Ân Tứ Phục Hưng lan rộng đến trên 230 quốc gia và bao gồm trên 119 triệu tín đồ Công Giáo.

Các Giáo Hoàng: Paul VI (nắm quyền: 1963-1978), John Paul II (nắm quyền: 1978-2005), và Benedict XVI (nắm quyền: 2005 – đến nay) đều chấp nhận Phong Trào Công Giáo Ân Tứ Phục Hưng. Giáo Hoàng John Paul II cho rằng, phong trào này thuộc vào sự phục hưng của toàn Giáo Hội Công Giáo. Giáo Hoàng Paul và Benedict khuyến cáo các thành viên của phong trào phải giữ gìn sự thông công giữa họ và Giáo Hội Công Giáo.

Tháng 3 năm 1992, Giáo Hoàng John Paul II đã phát biểu như sau: "Trong khoảnh khắc này của lịch sử giáo hội, sự Phục Hưng Ân Tứ có thể đóng một vai trò thiết yếu trong sự cổ vũ tính tự vệ rất cần thiết cho cuộc sống của người tín đồ Đấng Christ trong những xã hội mà thế tục và vật chất đã làm suy yếu khả năng đáp ứng Đức Thánh Linh và nhận thức tiếng gọi từ Đức Chúa Trời của nhiều người. Sự cống hiến của quý vị vào công cuộc tái phúc âm hóa xã hội sẽ được thực hiện trước hết qua lời chứng cá nhân về sự Đức Thánh Linh ngự trị bên trong và sự chiếu ra sự hiện diện của Ngài qua các công tác thánh khiết và hiệp một."

("At this moment in the Church's history, the Charismatic Renewal can play a significant role in promoting the much-needed defense of Christian life in societies where secularism and materialism have weakened many people's ability to respond to the Spirit and to discern God's loving call. Your contribution to the re-evangelization of society will be made in the first place by personal witness to the indwelling Spirit and by showing forth His presence through works of holiness and solidarity." – Address of Pope John Paul II to the ICCRO Council – March 14, 1992.)

Phần lớn người Công Giáo Ân Tứ tin rằng Phong Trào Công Giáo Ân Tứ Phục Hưng được phát sinh bởi lời cầu nguyện của Giáo Hoàng John XXIII trong Công Đồng Vatican II: "Lạy Đức Thánh Linh… xin tuôn tràn sự đầy dẫy các ân tứ của Ngài… Xin làm mới lại những sự lạ lùng của Ngài trong thời đại này như là một Lễ Ngũ Tuần mới." ("O Holy Spirit… pour forth the fullness of your gifts… Renew your wonders in this day as by a new Pentecost").

Điều đáng chú ý là Phong Trào Công Giáo Ân Tứ Phục Hưng không loại bỏ sự thờ lạy hình tượng của bà Ma-ri, sự lần chuỗi hạt Mân-côi, sự cầu nguyện với bà Ma-ri… cùng nhiều giáo lý phản Thánh Kinh khác của Giáo Hội Công Giáo. Nhiều nhóm Ân Tứ Công Giáo nhận được sự xuất thần và sự "nói tiếng lạ" trong khi kêu cầu bà Ma-ri (!)

Phong Trào Dấu Lạ (The Signs and Wonders Movement)

Phong Trào Dấu Lạ (The Signs and Wonders Movement) hoặc "Làn Sóng Thánh Linh Thứ Ba" (The Third Wave of the Holy Spirit) bắt đầu vào đầu thập niên 1980 và vẫn còn kéo dài cho đến ngày nay. Các phong trào như: Vineyard Christian Fellowship, Global Harvest, Toronto Blessing, Eternal Grace là biến dạng của Phong Trào Dấu Lạ. Những người thuộc Phong Trào Dấu Lạ không chấp nhận họ thuộc về Ngũ Tuần hoặc Ân Tứ.

Điểm khác biệt nổi bật của Phong Trào Dấu Lạ đối với Ân Tứ và Ngũ Tuần là Phong Trào Dấu Lạ có khuynh hướng không nhấn mạnh đến sự kiện "nói tiếng lạ" như là bằng chứng của một người đã được báp-tem bằng Thánh Linh. Nhiều nhà lãnh đạo trong phong trào này không hề có kinh nghiệm "nói tiếng lạ," trái lại, họ quan tâm đến khía cạnh dấu kỳ, phép lạ, các sự hiện thấy, sự nói tiên tri, cùng cái gọi là "lời nói thông biết" (the word of knowledge – được tận dụng trong chương trình truyền hình 700 Club của Pat Robertson trong sự tuyên bố các chi tiết về sự chữa lành xảy ra cho một số khán thính giả đang ngồi tại nhà riêng, xem chương trình 700 Club qua máy truyền hình). Phong Trào Dấu Lạ chấp nhận cả hai quan điểm về sự được báp-tem bằng Thánh Linh:

1. Một người được tái sinh và được báp-tem bằng Thánh Linh khi thật lòng ăn năn tội và tin nhận Đấng Christ, (quan điểm của Tin Lành truyền thống). Những người thuộc Giáo Phái Vineyard Christian Fellowship bảo vệ tích cực quan điểm này.

2. Một người được báp-tem bằng Thánh Linh nếu tìm cầu điều này sau khi tin nhận Chúa, (quan điểm của Ân Tứ và Ngũ Tuần). Báp-tem bằng Thánh Linh không liên quan đến sự cứu rỗi mà chỉ liên quan đến năng lực sống đạo và giảng đạo.

Peter Wagner (Global Havest Ministry) và John Wimber (Vineyard Christian Fellowship) được xem là những nhân vật tiên phong của Phong Trào Dấu Lạ. Vào năm 1977, Carol, vợ của Wimber, vốn xuất thân từ Công Giáo, nằm chiêm bao thấy mình được đầy dẫy Thánh Linh và khi bà thức dậy thì biết "nói tiếng lạ." Mười tháng sau, Wimber kinh nghiệm được một sự chữa lành trong chính thân thể của ông và bắt đầu tin rằng việc chữa bệnh, đuổi quỷ như Đức Chúa Jesus là khả thi. Nhờ quen biết với Peter Wagner, một giảng sư tại Fuller Theological Seminary School of World Missions mà Wimber được mời cùng dạy lớp "Dấu Lạ" (Signs and Wonders) tại Fuller Seminary với Wagner. Lớp học này dạy về sự chữa lành thiên thượng và trở thành lớp học nổi tiếng nhất tại Fuller cho đến khi bị đình chỉ vào năm 1985, vì các viên chức trong trường có những thắc mắc về tính thần học và kinh viện của môn học.

Bên cạnh hiện tượng "bị giết trong Thánh Linh" như trong các Phong Trào Ân Tứ và Ngũ Tuần, có ba hiện tượng nổi bật trong Phong Trào Dấu Lạ được cho là sự thể hiện của Đức Thánh Linh, là: Tiếng Cười Thánh (The Holy Laughter – sự vui mừng khi được đầy dẫy Thánh Linh khiến một người trở thành "say Thánh Linh," không kềm hãm được tiếng cười biểu lộ niềm vui), Tiếng Gầm Tiên Tri (The Prophetic Roar – tiếng rống lớn phát ra từ cổ họng của những người được đầy dẫy Thánh Linh, được cho là dấu hiệu Đức Chúa Trời thông báo sự kiện Ngài bắt đầu chiếm lại quyền tể trị thế giới này từ Satan), và Âm Thanh Của Thú Vật (The Animal Noises – sự tru, hú, gầm gừ như các loài thú, kể cả cục tác như gà, rống như heo, và tru như chó… chưa được những người Ân Tứ định nghĩa) [2]. Gần đây, Wimber đã yêu cầu các hội chúng thuộc giáo phái Vineyard Christian Fellowship do ông sáng lập ngưng chấp nhận hiện tượng Tiếng Cười Thánh.

Các Phong Trào Ân Tứ và Ngũ Tuần trong Hội Thánh Việt Nam

Tin Lành đến Việt Nam vào năm 1911 do các giáo sĩ của Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp. Vào giữa thập niên 1960, các Giáo Phái Ngũ Tuần, và Giáo Phái Anh Em (Quaker) đem theo hiện tượng "nói tiếng lạ," theo chân những người lính viễn chinh Hoa Kỳ đến Việt Nam, và tạo ra vài nhóm nhỏ tại Saigon nhưng không gây ảnh hưởng nhiều đến Hội Thánh Việt Nam. Phong Trào Ân Tứ đến Việt Nam vào cuối thập niên 1960 và bắt đầu trong Giáo Hội Công Giáo trước, qua Phong Trào Công Giáo Về Nguồn (do những người Công Giáo chủ trương quay lại với lời Chúa, là Thánh Kinh, khởi xướng). Chính hiện tượng "nói tiếng lạ" trong Phong Trào Công Giáo Về Nguồn gây nhiều chú ý đến các mục sư và tín đồ thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam. Có một số sinh viên Tin Lành đã tham dự sinh hoạt với Phong Trào Công Giáo Về Nguồn và nhận được sự "nói tiếng lạ." Nhiều sinh viên Tin Lành khác bắt đầu nghiên cứu về các Giáo Phái Ngũ Tuần. Điều đáng nói là thuở ấy tài liệu biện giáo thì ít, hầu như là không có, trong khi các tài liệu cổ võ về Phong Trào Ngũ Tuần thì tràn ngập, cho nên, các sinh viên chỉ học biết một chiều về những điểm tích cực của Ngũ Tuần. Hội Thánh Việt Nam, vào thời đoạn đó, phần lớn là tín đồ thuộc Giáo Phái Phúc Âm Liên Hiệp (với danh xưng chính thức là: Hội Thánh Tin Lành Việt Nam) đã tích cực chống đối các hiện tượng “đặt tay té ngã” và "nói tiếng lạ." Ít lâu sau, một vài mục sư và tín đồ thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam nhận được sự "nói tiếng lạ" trong khi nhóm họp với các nhóm Công Giáo Về Nguồn, hoặc trong khi nhóm họp với các nhóm Anh Em (Quaker). Sau đó, một vài mục sư đã ly khai Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, sáng lập các giáo phái Ngũ Tuần Việt Nam.

Năm 1972, tại Việt Nam có sự phục hưng phát sinh từ Thánh Kinh Thần Học Viện tại Nha Trang. Trong cuộc phục hưng đó, không có sự kiện té ngã, không có sự kiện "nói tiếng lạ" nhưng có sự tan vỡ cõi lòng, khóc lóc, ăn năn, xưng tội tập thể, đốt bỏ bùa chú, hình tượng, mọi người làm hòa với nhau, có sự chữa lành bệnh tật tức thì (không phải lành bệnh từ từ), có sự đuổi quỷ, có sự người chết được sống lại… nghĩa là có đầy đủ dấu hiệu Hội Thánh được đầy dẫy Thánh Linh như đã được ghi chép trong Thánh Kinh. (Xin xem "Phép Lạ Rừng Xanh," Bà Phạm Văn Năm; "Việc của Đức Giê-hô-va," Pastor Trương Văn Tốt; "Công Cuộc Truyền Giáo Tin Lành," Pastor Phạm Xuân Tín). Trước khi Hội Thánh Việt Nam bị Phong Trào Ân Tứ xâm nhập và bị cường quyền đàn áp thì Đức Chúa Trời đã thương xót, cho Hội Thánh được nếm trải sự tuôn tràn Thánh Linh, để dựa vào đó mà phân biệt với hiện tượng “nói tiếng lạ” đến từ tà linh.

Sau năm 1975, Phong Trào Ân Tứ bắt đầu lan tràn khắp Miền Nam Việt Nam trong các nhóm Tư Gia, (những nhóm nhỏ nhóm họp thờ phượng Chúa tại nhà riêng để tránh sự đàn áp của chính quyền), và phát triển mạnh mẽ vào cuối thập niên 1990 nhờ các tài liệu về Ân Tứ được dịch ra Việt Ngữ và phổ biến trong các nhóm Tư Gia; đồng thời, có nhiều giáo sĩ Ân Tứ người Việt cũng như người ngoại quốc, từ nước ngoài âm thầm xâm nhập Việt Nam qua hình thức thăm quê hương và du lịch để quảng bá cho Phong Trào Ân Tứ. Trong giai đoạn đó, Hội Thánh Tin Lành Việt Nam một mặt buộc phải hòa hoãn với chính quyền mới để được công nhận tư cách pháp nhân, một mặt các mục sư bị cán bộ và công an tôn giáo theo dõi chặt chẽ, cho nên, sinh hoạt của Hội Thánh dần dần bị giảm thiểu và khô cạn. Trong hoàn cảnh đó, những sứ giả của Ân Tứ và Ngũ Tuần càng nổ lực phát triển mô hình nhóm nhỏ, nhóm tại tư gia và tích cực trong công tác truyền giáo. Có thể nói, số người tuyên xưng đức tin trong Đấng Christ thuộc các Hội Thánh Tư Gia phần lớn là tín đồ mới chứ không phải tín đồ từ Hội Thánh Tin Lành Việt Nam chuyển sang.

Đến cuối thập niên 1990, với sự tiếp sức của các giáo phái Ân Tứ và Ngũ Tuần Nam Hàn, với áp lực của các doanh nhân Nam Hàn trên chính quy Đọc Tiếp →

4,799 views

Trả Lời Một Số Lý Luận Bảo Vệ Việc Nói Tiếng Lạ

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết này:
http://www.mediafire.com/view/?mvvinfzpx1twynd

Huỳnh Christian Timothy

Nội Dung Các Lý Luận

Saigon 08.12.2012

Hôm nay, em có gặp một người con cái Chúa, anh này có những đặc điểm là rất giống anh, ở chỗ anh ta không sinh hoạt ở bất kỳ giáo phái nào. Mà chỉ thờ phượng và giảng dạy lời Chúa theo Thánh Kinh, trung thành theo Thánh Kinh và anh cũng bỏ hết việc thế gian mà hầu việc Chúa cách nhiệt thành.

Em có đề cập đến vấn đề nói tiếng lạ ngày nay và ân tứ nói ngoại ngữ đến từ Chúa Thánh Linh. Sau đây là quan điểm hay cách hiểu của anh ấy về vấn đề này. Anh ấy chia sẻ rằng anh ấy là người chống lại vấn đề nói tiếng lạ được trên 20 năm, cho đến khi anh ấy trong một buổi cầu nguyện một mình, đau đớn khi cầu thay cho người bạn tội lỗi, mà nỗi đau đó không diễn tả đầy đủ được, thì đột nhiên âm thanh cầu nguyện của anh không còn là tiếng Việt nữa mà thật sự là bằng tiếng lạ. Sau đó, anh tha thiết xin Chúa Thánh Linh bày tỏ cho anh lẽ thật về vấn đề gây tranh cãi này. Chúa bày tỏ và sau đây là cách anh ấy diễn đạt lại với em. Trước khi đi vào nội dung chính thì anh ấy có nêu một số ý như sau:

  • Ma quỷ luôn gieo sự sợ hãi và nghi ngờ cho những người vận dụng ân tứ : Ví dụ “coi chừng cái này đến từ ma quỷ chứ không phải từ Thánh Linh để vô hiệu hóa hay ngăn cản việc sử dụng ân tứ do Chúa ban cho.”
  • Ma quỷ cũng tạo ra những tranh luận giữa vòng những người có ân tứ để lãng phí thời gian và làm suy yếu đi khả năng liên kết trên đất này của những người con cái Chúa.
  • Satan từng là tổng quản về ngợi khen và thờ phượng trên thiên đàng nên hiểu rất rõ về ân tứ.
  • Ân tứ thay vì là một tiền tố để Cơ Đốc Nhân phối hợp mạnh mẽ thì nay lại là nhân tố gây chia rẻ bậc nhất trong vòng Hội Thánh. Giống như một vị vua cha có 10 hoàng tử, và vua dạy cho mỗi người một thế võ, nhưng bài võ chỉ trọn vẹn khi 10 hoàng tử này biết phối hợp lại với nhau. (Chúa Thánh Linh ban cho ân tứ cho ai là tùy ý Ngài).

Trường hợp 1:Công vụ đoạn 2: Đây là tiếng lạ được hiểu như một ngoại ngữ xác định được với mục đích truyền giảng Tin Lành cho dân tộc khác. Đây phải dịch là tiếng ngoại quốc mới đúng.

Trường hợp 2:là trường hợp bị quở trách của Hội Thánh Cô-rinh-tô: là trường hợp giữa những người được ơn nói với hội chúng đã tin thì bắt buộc phải có sự thông giải. Trường hợp này có thể là tiếng ngoại quốc nhưng cũng có thể là tiếng lạ (tràng âm thanh không hiểu được).

Trường hợp 3:là trường hợp chắc chắn không phải là tiếng của loài người hay dân tộc ngoại quốc, tại sao lại có sự giải thích này là bởi vì: Đây là ngôn ngữ hoàn toàn riêng biệt để tương giao với Chúa trong thế giới linh. Loại tiếng này dùng để gây dựng chính phần linh của cá nhân nói tiếng đó, là một sự bày tỏ “kín nhiệm.”

Phao-lô vừa là người được ân tứ nói nhiều thứ ngoại ngữ và cũng là người được ân tứ nói nhiều “thứ tiếng lạ” này (âm thanh không hiểu được). Ông có sự tương giao với Chúa rất đặc biệt, bằng cớ là Phao-lô không trực tiếp dự Tiệc Thánh lúc Chúa Jesus lập ra, nhưng ông nhận được điều này từ Chúa về nghi thức Tiệc Thánh và viết ra để dạy trong thư Cô-rinh-tô. Ngày hôm nay, những lúc dự Tiệc Thánh thì Hội Thánh luôn đọc đoạn Kinh Thánh do Phao-lô viết dạy dỗ về nghi thức này.( I Cor 11 – Vả, tôi có nhận nơi Chúa…). Ông không hề dự Tiệc Thánh vào lúc Chúa Jesus lập, nhưng ông lại nói là ông nhận nơi Chúa vì ông có sự tương giao đặc biệt bằng linh với Thánh Linh (Nhận trong nơi kín nhiệm khi ông tương giao với Chúa). Vì ông là người nói tiếng lạ nhiều nhất nên ông cũng là người viết Tân Ước nhiều nhất sau khi Chúa Jesus thăng thiên.

Ông cũng nhắc nhở là “cầu nguyện bằng tâm linh nhưng cũng cầu nguyện bằng tâm trí nữa.”

Mục đích ông viết thư Cô-rinh-tô là để Hội Thánh được tổ chức tốt hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực sử dụng ân tứ. Ông sắp xếp lại và hướng dẫn Hội Thánh cách vận hành ân tứ.

Tiếng lạ dùng để truyền giảng thì được hiểu là ngoại ngữ (speak other tongues), tiếng lạ dùng để gây dựng chính mình thì được hiểu là cơ quan phát âm (speak a tongue), mà loại âm thanh này không nhất thiết là loại ngôn ngữ thông thường của loài người. Ví dụ:

  • Đứa bé còn bú mẹ, khi nó “nói chuyện” với mẹ nó để xin bú thì nó sẽ không nói là “con muốn bú” mà nó chỉ có thể nói là “măm măm.” Đương nhiên, chữ “măm măm” này không phải là ngôn ngữ thông thường để diễn đạt “con muốn bú.” Việc tương giao với Cha Thiên Thượng cũng thế, có những điều “không nói bằng lời” được khi tâm linh được lớn lên. Nếu một người chưa nên thánh mà “báp tem Thánh Linh” sẽ bị hỏng chân, lúc đó thay vì được đầy dẫy Thánh Linh thì tà linh nhảy vào tương tác. Cho nên, anh ta đồng ý với anh rằng đầy dẫy Thánh Linh là phụ thuộc vào sự nên thánh khi sống đạo chứ không phải đặt tay cầu nguyện để đầy dẫy theo kiểu sai trật của các phong trào hiện nay.
  • Mối quan hệ của những cặp vợ chồng khắng khít, khi họ “gần gủi” nhau thì họ không nói những ngôn ngữ bình thường nhưng là “những âm thanh vô nghĩa” nhưng họ vẫn hiểu nhau. So sánh này hơi bình dân, nhưng dễ hiểu. Khi một con người thánh khiết, khao khát tương giao với Đức Chúa Trời thì Thánh Linh sẽ dẫn dắt để cầu nguyện tương giao với Đức Chúa Trời mà không nhất thiết âm thanh phát ra là loại ngôn ngữ thông thường, nó vẫn có khả năng là một tràng âm thanh vô nghĩa.

Anh ta cũng đồng ý trường hợp tiếng mới của Mác 16:17 Chúa Jesus dạy là ngoại lệ.

Tất cả các phân đoạn Kinh Thánh có nhắc đến vấn đề tiếng lạ ở nhiều ngữ cảnh khác nhau đều nên đổi lại cách dịch là tiếng ngoại quốc cho rõ nghĩa, ngoại trừ I Cor 14:2, 4, 14, 15, 18, 19, 23.

Kết luận:

  • Ân tứ nói ngoại ngữ được vận hành khi Chúa Thánh Linh cần ấn chứng hoặc giảng giải cách rõ ràng bằng một ngôn ngữ ngoại quốc được chuyển sang ngôn ngữ của những người nghe có thể hiểu được một cách siêu nhiên.
  • Ân tứ nói tiếng lạ (âm thanh không hiểu được) chỉ được ban cho những người có nếp sống đạo thánh khiết, khao khát tương giao với Chúa, dành nhiều thời gian cầu nguyện cho Chúa mỗi ngày, khao khát tương giao với Chúa, gầy dựng chính mình.
  • Thực trạng Satan lợi dụng “tiếng lạ” để xâm nhập vào Hội Thánh gây rối là có thật nhưng đó không phải là kết luận để nhận định một tràng âm thanh không hiểu được lúc nào cũng do tà linh gây ra.
  • Thực tế, con cái chân thật của Chúa, khao khát tương giao với Chúa, cầu xin Thánh Linh ban cho “cơ quan phát âm” của họ phát lên những âm thanh ngợi khen thờ phượng thì họ vẫn nhận lãnh. Vì “các ngươi là xấu xa còn biết cho con bánh, huống chi Cha lại không ban Thánh Linh cho những người cầu xin sao…” Vì những người khao khát, họ có tâm tình cầu nguyện nóng cháy với Chúa nên Chúa sẽ không cho phép tà linh nào nhảy vào áp chế khi con cái Chúa khao khát tương giao với Ngài. Điều này có thể nhận thấy những người “tự gầy dựng chính mình” bằng cách cầu nguyện tiếng lạ thì đều nhận được sự bình an chứ không phải bất an. (Điều này thì em có trải nghiệm trước đây).
  • Việc tà linh dùng tiếng lạ để gây rối hoàn toàn có thật, nhưng những âm thanh vô nghĩa lúc tương giao trong mối quan hệ ngọt ngào với Đức Chúa Cha cũng có thật, việc tương giao này được điều khiển bởi phần linh chứ không bị hạn chế bởi phần hồn (tâm trí có ý thức).

Nhận định của em:

  • Cảm giác bình an khi cầu nguyện một mình với Chúa bằng tiếng lạ là trải nghiệm có thật của em.
  • Em không tin rằng tại đa số Hội Thánh đang nói tiếng lạ là loại tiếng lạ được ban để tương giao, là “ tiếng thở than không nói nên lời.” mà chủ yếu họ dùng nhân linh của họ để “ra vẻ” spiritual hoặc rất nhiều trường hợp bị linh lừa dối.
  • Vì theo em nghĩ, một người phải thực sự nên thánh, không phạm tội, ao ước tương giao với Chúa nhưng ngôn ngữ không đủ diễn đạt thì trạng thái tiếng lạ tương giao đó vẫn có thể được ban cho. Ngay cả đối với người bình thường của mình, khi giao tiếp với nhau cũng đôi khi “nói” hay “ kêu” những âm thanh vô nghĩa.
  • Em hiểu liên quan đến vấn đề thờ phượng, đôi khi chúng ta “uu aa ơơ lala huhu hòhơ” đều không có nghĩa nhưng tâm thần chúng ta đang hướng về Chúa thì tà linh cũng không được phép bén mảng tới gần, và nó cũng có thể hiểu là âm thanh của sự thờ phượng, tương giao hay thở than, hoặc khi không thể diễn đạt đầy đủ.
  • Những âm thanh “uu aa ơơ lala huhu hòhơ” ở một cường độ, độ dài nhất định thì sẽ đến lúc nhận được sự thông giải sang ngôn ngữ loài người một cách rõ nghĩa hơn.
  • Đức Chúa Cha tìm kiếm những người thờ phượng bằng “tâm thần” thật sự để tương giao với Ngài.

Anh giúp em xem nội dung em vừa trình bày như thế nào nhé, vì đây là sự hiểu biết vẫn theo em trong mấy ngày qua, vì thực tế kể cả thời gian gần đây, đôi lúc em rất đau đớn khi cầu nguyện cho vấn đề hôn nhân của em, em dâng những tổn thương mà mối quan hệ này gây ra, đôi lúc nó quá đau đớn khi nói đến những chi tiết đó, thì lúc đó em lại diễn đạt bằng “tiếng lạ” để dâng lên cho Chúa, trạng thái thực sự tan vỡ. Sau đó, thì em lại rất bình an. Tuy nhiên, không chỉ lúc đau khổ mới dùng tiếng lạ cầu nguyện, ngay cả khi mừng vui cũng có thể phát lên những âm thanh vô nghĩa.

Nhưng cũng có khi sự cầu nguyện chưa sâu, mà em lại cố dùng “nhân linh” để phát ra tiếng lạ thì chắc chắn nó không đến từ Thánh Linh mà nó chỉ là sự gượng ép của cá nhân em mà thôi. Em tin rằng, Hội Thánh ngày nay có rất nhiều trường hợp như vậy.

 

Các Câu Trả Lời của Huỳnh Christian Timothy

 

Nguyên tắc đầu tiên mà chúng ta cần triệt để vâng theo, đó là: Bất cứ lý luận hay giáo lý nào không có Thánh Kinh hổ trợ thì nó đến từ Sa-tan. Thánh Kinh dạy: "Bất cứ việc gì tựa như điều ác, thì phải tránh đi" (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:22). Chứng cớ bảo vệ cho nguyên tắc nói trên là: Tất cả những lý luận hay giáo lý không có trong Thánh Kinh hổ trợ đó, nếu chúng ta không tin và không thực hành thì không thiệt hại gì cho nếp sống Đạo của chúng ta.

Nguyên tắc thứ hai là chúng ta xét người theo theo sự giảng dạy và làm theo Lời Chúa của người ấy. Một người giảng và thực hành bất cứ một giáo lý nào không có trong Thánh Kinh thì dù cho người đó có "đạo đức" như Phật Thích Ca, bỏ hết mọi sự để đi giảng đạo, thì người đó vẫn đang bị tà linh điều khiển.

Vợ chồng tôi từng bị tà linh áp chế phải cầu nguyện bằng tiếng lạ trong khi chúng tôi đang cầu nguyện đuổi quỷ, nhưng chúng tôi đã nhân danh Chúa để xua đuổi quyền lực khiến chúng tôi nói tiếng lạ ấy, nên nó không bắt phục được chúng tôi. Người bạn của anh thiếu hiểu biết nên đã bị tà linh khống chế.

Dưới đây (trong email của anh) là ý kiến của tôi và những điểm không đúng Thánh Kinh do người bạn của anh nêu ra. Tôi dùng chữ màu đỏ.

Hôm nay, em có gặp một người con cái Chúa, anh này có những đặc điểm là rất giống anh, ở chỗ anh ta không sinh hoạt ở bất kỳ giáo phái nào. Mà chỉ thờ phượng và giảng dạy lời Chúa theo Thánh Kinh, trung thành theo Thánh Kinh và anh cũng bỏ hết việc thế gian mà hầu việc Chúa cách nhiệt thành.

Em có đề cập đến vấn đề nói tiếng lạ ngày nay và ân tứ nói ngoại ngữ đến từ Chúa Thánh Linh. Sau đây là quan điểm hay cách hiểu của anh ấy về vấn đề này. Anh ấy chia sẻ rằng anh ấy là người chống lại vấn đề nói tiếng lạ được trên 20 năm, cho đến khi anh ấy trong một buổi cầu nguyện một mình, đau đớn khi cầu thay cho người bạn tội lỗi, mà nỗi đau đó không diễn tả đầy đủ được, thì đột nhiên âm thanh cầu nguyện của anh không còn là tiếng Việt nữa mà thật sự là bằng tiếng lạ.

Nội dung của ơn nói ngoại ngữ là để tôn vinh Thiên Chúa (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:46) không phải để cầu thay cho nhau. Sứ Đồ Phao-lô nhắc nhở con dân Chúa cầu thay cho nhau và cầu thay cho ông rất nhiều nhưng không bao giờ ông bảo họ cầu thay bằng ân tứ nói ngoại ngữ. Mục đích của ơn nói ngoại ngữ là để tự gây dựng lấy mình (nhất là khi chưa có Thánh Kinh Tân Ước) không phải để cầu thay cho người khác (I Cô-rinh-tô 12:4). Thánh Kinh dạy rõ: Khi chúng ta có những nỗi niềm không thể thốt nên lời thì chính Đức Thánh Linh lấy những sự thở than không thể nói ra được mà cầu khẩn thay cho chúng ta: "Cũng một lẽ ấy, Đấng Thần Linh giúp cho sự yếu đuối chúng ta. Vì chúng ta chẳng biết sự mình phải xin đặng cầu nguyện cho xứng đáng; nhưng chính Đấng Thần Linh lấy sự thở than không thể nói ra được mà cầu khẩn thay cho chúng ta. Đấng dò xét lòng người hiểu biết ý tưởng của Đấng Thần Linh là thể nào, vì ấy là theo ý Thiên Chúa mà Ngài cầu thế cho các thánh đồ vậy" (Rô-ma 8:26-27).

Sự kiện người bạn của anh đang tha thiết cầu thay cho một người bạn có tội mà bỗng nhiên phát ra các âm thanh lạ, có thể do một trong hai nguyên nhân sau:

  1. Tương tự như lúc vợ chồng chúng tôi đang cầu nguyện đuổi quỷ thì tà linh thúc giục chúng tôi phát ra những âm thanh vô nghĩa theo kiểu nói tiếng lạ của những người Ân Tứ Ngũ Tuần, người bạn của anh có thể bị tấn công cùng một cách như vậy, nhưng anh ta đã không nắm vững lẽ thật của Chúa để chống trả nên bị mắc vào mưu kế của Sa-tan. Thánh Kinh dạy chúng ta phải lấy lẽ thật làm dây nịt lưng, dùng gươm của Thánh Linh là Lời Chúa để chống trả Ma Quỷ thì chúng ta mới thắng được mưu kế của nó (Ê-phê-sô 6:14-17). Chúng ta không thua sức Sa-tan vì Đấng ở trong chúng ta lớn hơn Sa-tan (I Giăng 4:4), nhưng nếu chúng ta không nắm vững Lời Chúa thì chúng ta sẽ thua mưu kế nó: “Hãy mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời, để được đứng vững mà địch cùng mưu kế của Ma Quỷ” (Ê-phê-sô 6:11).
  2. Có thể chính anh ta đang có một tội lỗi thầm kín nào đó, chưa chịu từ bỏ, mà lại cầu thay cho người khác, cho nên, tà linh có thể xâm nhập anh ta.

Sau đó, anh tha thiết xin Chúa Thánh Linh bày tỏ cho anh lẽ thật về vấn đề gây tranh cãi này. Chúa bày tỏ và sau đây là cách anh ấy diễn đạt lại với em. Trước khi đi vào nội dung chính thì anh ấy có nêu một số ý như sau:

Một khi đã để cho tà linh xâm nhập, xem trọng kinh nghiệm và cảm xúc xác thịt hơn lẽ thật của Lời Chúa, thì tà linh sẽ điều khiển và giả làm Chúa Thánh Linh để tiếp tục dẫn dắt người bị nó bắt phục đi sâu vào con đường sai lạc.

  • Ma quỷ luôn gieo sự sợ hãi và nghi ngờ cho những người vận dụng ân tứ : Ví dụ “coi chừng cái này đến từ ma quỷ chứ không phải từ Thánh Linh để vô hiệu hóa hay ngăn cản việc sử dụng ân tứ do Chúa ban cho.”

Câu này sai. Phải nói rằng: Đức Thánh Linh luôn cảnh cáo những người thật lòng tìm kiếm lẽ thật, rằng hiện tượng nói tiếng lạ là đến từ Ma Quỷ. Còn những người chạy theo dấu kỳ phép lạ hơn là lẽ thật của Lời Chúa thì Ma Quỷ đưa ra những lý lẽ bẻ cong Lời Chúa để giúp họ bảo vệ cho sự nói tiếng lạ của họ.

  • Ma quỷ cũng tạo ra những tranh luận giữa vòng những người có ân tứ để lãng phí thời gian và làm suy yếu đi khả năng liên kết trên đất này của những người con cái Chúa.

Câu này sai. Phải nói rằng: Đức Thánh Linh luôn vận hành giữa những người nói tiếng lạ, cáo trách họ, đưa họ đến với những tôi tớ chân thật của Đức Chúa Trời, là những người rao giảng chân thật về Lời Chúa, chỉ ra sự sai trái của hiện tượng nói tiếng lạ, để thức tỉnh những ai thật lòng tìm kiếm lẽ thật của Lời Chúa nhưng đang sa vào mưu kế của tà linh nói tiếng lạ. Đó là cách mà Đức Chúa Trời giải cứu và dạy dỗ những con chiên chân thật của Ngài nhưng còn non yếu về thuộc linh.

  • Satan từng là tổng quản về ngợi khen và thờ phượng trên thiên đàng nên hiểu rất rõ về ân tứ.

Câu này sai. Sa-tan thật có quyền phép của một thiên sứ trưởng nhưng Sa-tan không biết gì về các ân tứ Chúa ban cho Hội Thánh, bởi vì, Hội Thánh là một huyền nhiệm được giấu kín trong Đức Chúa Trời từ thời thượng cổ. Chỉ đến khi Đấng Christ phục sinh, Hội Thánh được thành lập, Sa-tan mới ý thức được sự mầu nhiệm về Hội Thánh và Sa-tan cũng phải học về Hội Thánh và các ân tứ Chúa ban cho Hội Thánh (qua sự rao giảng của các tôi tớ Chúa bởi quyền năng của Đức Thánh Linh) như chúng ta.

Ê-phê-sô 3:9 “và soi sáng cho mọi người biết sự phân phát lẽ mầu nhiệm, từ đời thượng cổ đã giấu kín trong Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên muôn vật.”

Ê-phê-sô 5:32 “Sự mầu nhiệm ấy là lớn, tôi nói về Đấng Christ và Hội Thánh vậy.”

Dầu vậy, Sa-tan cũng không thể nào “hiểu rất rõ” về các ân tứ. Bởi vì, Sa-tan không hề nhận lãnh Thánh Linh từ Đức Chúa Trời để hiểu được các ân tứ mà Hội Thánh đã nhận lãnh. Thánh Kinh cho biết, phải dùng sự khôn ngoan do Đức Thánh Linh dạy thì mới có thể hiểu biết được các ân tứ của Ngài. Thật là vô lý nếu cho rằng sau khi Hội Thánh được thành lập và được ban cho các ân tứ của Đức Thánh Linh thì Đức Thánh Linh lại giảng dạy cho Sa-tan hiểu biết về các ân tứ mà Ngài đã ban cho Hội Thánh. “Về phần chúng ta, chúng ta chẳng nhận lấy thần thế gian, nhưng đã nhận lấy Thần từ Đức Chúa Trời đến, hầu cho được hiểu biết những ơn mà chúng ta nhận lãnh bởi Đức Chúa Trời; chúng ta nói về ơn đó, không cậy lời nói mà sự khôn ngoan của loài người đã dạy đâu, song cậy sự khôn ngoan mà Thánh Linh đã dạy, dùng tiếng thiêng liêng để giải bày sự thiêng liêng.” (I Cô-rinh-tô 2:12-13).

  • Ân tứ thay vì là một tiền tố để Cơ Đốc Nhân phối hợp mạnh mẽ thì nay lại là nhân tố gây chia rẻ bậc nhất trong vòng Hội Thánh. Giống như một vị vua cha có 10 hoàng tử, và vua dạy cho mỗi người một thế võ, nhưng bài võ chỉ trọn vẹn khi 10 hoàng tử này biết phối hợp lại với nhau. (Chúa Thánh Linh ban cho ân tứ cho ai là tùy ý Ngài).

Sự so sánh này khập khểnh. Trong khi mười người con phải tổng hợp 10 thế võ để môn võ được nên trọn vẹn thì mỗi một ân tứ của Đức Thánh Linh là một ơn ban toàn vẹn, không một ơn nào dựa trên một ơn nào. Mỗi ơn có mục đích và công dụng riêng, cho mỗi hoàn cảnh, trường hợp. Các ân tứ của Chúa vẫn hiện diện trong Hội Thánh ngày nay, kể cả ân tứ nói ngoại ngữ và thông giải ngoại ngữ (tôi là một trong những người được ơn thông giải ngoại ngữ); nhưng sự kiện nói tiếng lạ không phải là một trong các ân tứ của Đức Thánh Linh và hoàn toàn phản Thánh Kinh. Đó chỉ là một hình thức đọc thần chú của các ngoại giáo mà trong khoảng 100 năm qua, Sa-tan đã dấy lên để tấn công vào trong Hội Thánh Chúa trong những ngày cuối cùng này, dẫn đến sự bội Đạo lớn làm tiền đề cho sự Chúa trở lại: "Luận về sự đến của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta, và về sự chúng ta hội hiệp cùng Ngài, thì, hỡi anh em, xin chớ vội bối rối và kinh hoàng hoặc bởi thần cảm giả mạo, hoặc bởi lời nói hay là bởi bức thơ nào tựa như chúng tôi đã gởi mà nói rằng ngày Chúa gần đến. Mặc ai dùng cách nào, cũng đừng để họ lừa dối mình. Vì phải có sự bỏ đạo đến trước, và có người tội ác, con của sự hư mất hiện ra" (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:1-3).

Trong suốt lịch sử của Hội Thánh Chúa gần hai ngàn năm qua, chưa bao giờ sự bội đạo thể hiện đều khắp và rộng lớn cho bằng qua phong trào nói tiếng lạ và đặt tay té ngã. Cá nhân tôi xem sự tổng hợp của phong trào nói tiếng lạ, đặt tay té ngã cùng với phong trào chấp nhận đồng tính luyến ái trong Hội Thánh là sự bội Đạo lớn, làm dấu hiệu cho sự Chúa trở lại để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian.

Trường hợp 1: Công vụ đoạn 2: Đây là tiếng lạ được hiểu như một ngoại ngữ xác định được với mục đích truyền giảng Tin Lành cho dân tộc khác. Đây phải dịch là tiếng ngoại quốc mới đúng.

Câu này sai. Đây không phải là tiếng lạ, Thánh Kinh không bao giờ dùng từ ngữ "tiếng lạ," mà đây là các ngôn ngữ. Công Vụ Các Sứ Đồ 2 liệt kê ra ngôn ngữ của 15 dân tộc khác nhau và nhiều lần dùng các từ ngữ sau đây để chỉ định các ngôn ngữ mà Đức Thánh Linh đã ban cho các môn đồ nói ra: “các thứ tiếng khác,” “tiếng xứ mình,” “tiếng riêng của xứ chúng ta sanh đẻ,” “tiếng chúng ta” và nội dung của sự nói đó là “nói những sự cao trọng của Đức Chúa Trời!” (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:4, 6, 8, 11).

Mục đích của sự các môn đồ Chúa được ban ơn nói các ngôn ngữ khác nhau của loài người là để chứng minh năng lực của Đức Thánh Linh bắt đầu vận hành trong Hội Thánh của Đức Chúa Trời để Tin Lành sẽ được Hội Thánh giảng ra cho mọi dân tộc, bằng mọi tiếng nói của loài người, báo hiệu thời điểm kết thúc lịch sử tội lỗi của nhân loại.

Trong trường hợp của gia đình Cọt-nây (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:46) là để cho các tín đồ người Do-thái biết Đức Chúa Trời tiếp nhận dân ngoại vào trong Hội Thánh và báp-tem Thánh Linh cho họ như là dân Do-thái. Trước khi Đấng Christ phục sinh, Tin Lành chỉ được giảng cho người Do-thái. Sau khi Đấng Christ phục sinh, không có sự phân biệt giữa dân Do-thái và dân ngoại trong Hội Thánh của Chúa (Ga-la-ti 3:28).

Không bao giờ ân tứ nói ngoại ngữ được dùng để truyền giảng mà tất cả các nhà truyền giáo đều phải học ngôn ngữ của dân tộc mà họ muốn đến truyền giảng. Cuối cùng, ơn nói ngoại ngữ là dấu hiệu tỏ ra cho những người không tin để họ nhận biết quyền năng của Đức Thánh Linh đang vận hành trong Hội Thánh (I Cô-rinh-tô 12:22), còn hiện tượng nói tiếng lạ chỉ khiến cho người ngoại chê cười vì họ thấy những kẻ nói tiếng lạ giống những người lên đồng, lên bóng, bị quỷ nhập.

Trường hợp 2: là trường hợp bị quở trách của Hội Thánh Cô-rinh-tô: là trường hợp giữa những người được ơn nói với hội chúng đã tin thì bắt buộc phải có sự thông giải. Trường hợp này có thể là tiếng ngoại quốc nhưng cũng có thể là tiếng lạ (tràng âm thanh không hiểu được).

Chỗ nào trong Thánh Kinh dạy rằng có thể các tín đồ tại Cô-rinh-tô nói ra những tràng âm thanh vô nghĩa? Đây là Sa-tan cưỡng từ đoạt ý để ngụy biện.

Trường hợp 3: là trường hợp chắc chắn không phải là tiếng của loài người hay dân tộc ngoại quốc, tại sao lại có sự giải thích này là bởi vì: Đây là ngôn ngữ hoàn toàn riêng biệt để tương giao với Chúa trong thế giới linh. Loại tiếng này dùng để gây dựng chính phần linh của cá nhân nói tiếng đó, là một sự bày tỏ “kín nhiệm.”

Chỗ nào trong Thánh Kinh dạy như vậy? Sa-tan đã đưa ra một giáo lý không có trong Thánh Kinh.

Phao-lô vừa là người được ân tứ nói nhiều thứ ngoại ngữ và cũng là người được ân tứ nói nhiều “thứ tiếng lạ” này (âm thanh không hiểu được).

Chỗ nào trong Thánh Kinh dạy như vậy? Sa-tan đã đưa ra một giáo lý không có trong Thánh Kinh.

Ông có sự tương giao với Chúa rất đặc biệt, bằng cớ là Phao-lô không trực tiếp dự Tiệc Thánh lúc Chúa Jesus lập ra, nhưng ông nhận được điều này từ Chúa về nghi thức Tiệc Thánh và viết ra để dạy trong thư Cô-rinh-tô. Ngày hôm nay, những lúc dự Tiệc Thánh thì Hội Thánh luôn đọc đoạn Kinh Thánh do Phao-lô viết dạy dỗ về nghi thức này.( I Cor 11 – Vả, tôi có nhận nơi Chúa…). Ông không hề dự Tiệc Thánh vào lúc Chúa Jesus lập, nhưng ông lại nói là ông nhận nơi Chúa vì ông có sự tương giao đặc biệt bằng linh với Thánh Linh (Nhận trong nơi kín nhiệm khi ông tương giao với Chúa). Vì ông là người nói tiếng lạ nhiều nhất nên ông cũng là người viết Tân Ước nhiều nhất sau khi Chúa Jesus thăng thiên.

Đây là ngụy biện, dùng lý trí suy luận của loài người để tạo ra các giáo lý không có trong Thánh Kinh. Vua Đa-vít viết nhiều Thi Thiên nhất. Số câu Thánh Kinh Vua Đa-vít viết nhiều gấp hai lần số câu Phao-lô viết, vậy, có thể nào kết luận rằng Vua Đa-vít là người biết nói nhiều tiếng lạ nhất? Sự kiện Phao-lô được Chúa chọn làm sứ đồ và dạy dỗ ông cách trực tiếp không liên quan gì đến ân tứ nói ngoại ngữ và Phao-lô tuyệt đối không hề nói tiếng lạ, vì, không hề có ân tứ nói tiếng lạ mà chỉ có ân tứ nói ngoại ngữ.

Ông cũng nhắc nhở là “cầu nguyện bằng tâm linh nhưng cũng cầu nguyện bằng tâm trí nữa.”

Cầu nguyện là một hình thức thờ phượng Chúa cho nên phải bằng tâm thần và lẽ thật (Giăng 423-24). Sự cầu nguyện nào của chúng ta cũng phải xuất phát từ trong tâm thần bởi sự cảm động và dẫn dắt của Đức Thánh Linh rồi phát ra bằng ngôn ngữ qua môi miệng của xác thịt. Trong khi đó, linh hồn chúng ta am hiểu điều mình cầu xin. Riêng trường hợp cầu nguyện bằng ngoại ngữ mà chúng ta không hiểu để tự mình thông giải thì chúng ta cần có anh chị em khác đang hiện diện thông giải, nếu không, chúng ta chỉ được phép cầu nguyện bằng tiếng mẹ đẻ hoặc bằng thứ tiếng mà Hội Thánh có thể hiểu được. Dù chúng ta cầu nguyện bằng tiếng mẹ đẻ hay bằng ngoại ngữ thì chúng ta cũng cầu nguyện bằng tâm thần và theo lẽ thật của Lời Chúa. Lý luận cho rằng, cầu nguyện bằng ơn nói ngoại ngữ là cầu nguyện trong tâm thần còn cầu nguyện bằng tiếng mẹ đẻ là cầu nguyện bằng tâm trí là hoàn toàn phản Thánh Kinh.

Ý của Phao-lô là chúng ta phải tìm cầu sự cầu nguyện và tôn vinh mà chúng ta có thể hiểu được, còn nếu sự cầu nguyện và tôn vinh phát xuất từ tâm thần bởi ân tứ nói ngoại ngữ mà không có người thông giải hoặc tự chúng ta không hiểu điều chúng ta cầu nguyện hoặc tôn vinh thì chúng ta không nên thực hành. Trọn vẹn câu nói của Phao-lô là: “Bởi đó, kẻ nói ngoại ngữ, hãy cầu nguyện để được thông giải tiếng ấy. Vì nếu tôi cầu nguyện bằng ngoại ngữ, thì tâm thần tôi cầu nguyện, nhưng trí khôn tôi lơ lửng. Vậy thì tôi sẽ làm thể nào? Tôi sẽ cầu nguyện theo tâm thần, nhưng cũng cầu nguyện bằng trí khôn. Tôi sẽ hát theo tâm thần, nhưng cũng hát bằng trí khôn” (I Cô-rinh-tô 14:13-15).

Không thể có chuyện chỉ cầu nguyện hoặc tôn vinh bằng trí khôn mà không bằng tâm thần, vì mọi sự thờ phượng Chúa đều phải bằng tâm thần và lẽ thật. Cho nên, cầu nguyện và tôn vinh vừa bằng tâm thần vừa bằng trí khôn là ý rõ ràng trong câu nói của Phao-lô.

Sự giải kinh theo kiểu ngắt câu đoạn mạch đã sản xuất ra vô số tà giáo!

Mục đích ông viết thư Cô-rinh-tô là để Hội Thánh được tổ chức tốt hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực sử dụng ân tứ. Ông sắp xếp lại và hướng dẫn Hội Thánh cách vận hành ân tứ.

Tiếng lạ dùng để truyền giảng thì được hiểu là ngoại ngữ (speak other tongues), tiếng lạ dùng để gây dựng chính mình thì được hiểu là cơ quan phát âm (speak a tongue), mà loại âm thanh này không nhất thiết là loại ngôn ngữ thông thường của loài người.

Lại thêm một sự ngụy biện của Sa-tan. "Speak a tongue" tức là nói một ngôn ngữ, không thể dịch là phát ra những âm thanh. Để nói đến sự kiện phát ra những âm thanh thì Thánh Kinh dùng: "giving sound" “Vậy, dẫu vật không có sự sống phát ra tiếng (giving sound), như ống tiêu, đờn cầm: nếu không có âm điệu phân biệt nhau, thể nào nhận biết được ống tiêu hay là đờn cầm thổi và khảy cái chi?” (I Cô-rinh-tô 14:7). Điều quan trọng là, Thánh Kinh không hề nói đến ân tứ “phát ra tiếng.”

Ví dụ:

  • Đứa bé còn bú mẹ, khi nó “nói chuyện” với mẹ nó để xin bú thì nó sẽ không nói là “con muốn bú” mà nó chỉ có thể nói là “măm măm.” Đương nhiên, chữ “măm măm” này không phải là ngôn ngữ thông thường để diễn đạt “con muốn bú.” Việc tương giao với Cha Thiên Thượng cũng thế, có những điều “không nói bằng lời” được khi tâm linh được lớn lên. Nếu một người chưa nên thánh mà “báp tem Thánh Linh” sẽ bị hỏng chân, lúc đó thay vì được đầy dẫy Thánh Linh thì tà linh nhảy vào tương tác. Cho nên, anh ta đồng ý với anh rằng đầy dẫy Thánh Linh là phụ thuộc vào sự nên thánh khi sống đạo chứ không phải đặt tay cầu nguyện để đầy dẫy theo kiểu sai trật của các phong trào hiện nay.

Chữ "măm măm" đương nhiên là ngôn ngữ để xin bú của trẻ con. Thánh Kinh khẳng định, con trẻ có ngôn ngữ của con trẻ. Ai quy định rằng "măm măm" không phải là ngôn ngữ của trẻ con để xin bú? Nếu không phải thì sao cả mẹ lẫn con đều hiểu rằng đó là đứa con muốn bú? Chẳng những con trẻ có ngôn ngữ của con trẻ mà còn có nhiều trình độ khác nhau trong sự vận dụng ngôn ngữ nữa. "Khi tôi còn trẻ, tôi nói như con trẻ, tư tưởng như con trẻ, suy xét như con trẻ; khi tôi đã thành nhơn bèn bỏ những điều thuộc về con trẻ" (I Cô-rinh-tô 13:11).

Nếu chưa nên thánh, sao lại được báp-tem bằng Thánh Linh? Nếu đã được báp-tem bằng Thánh Linh thì phải đầy dẫy Thánh Linh chứ sao tà linh lại nhảy vào? Vậy, quyền năng của Đức Thánh Linh ở đâu?

Một người thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ thì lập tức được Đức Chúa Trời tha tội, được Đức Chúa Jesus Christ làm cho sạch tội và được Đức Thánh Linh tái sinh. Người đó lập tức được đổ đầy Thánh Linh của Chúa (báp-tem bằng Thánh Linh) để có năng lực của Thiên Chúa sống một đời sống mới theo điều răn và luật pháp mà Đức Thánh Linh đã ghi vào lương tâm mới của người ấy. Từ đó, người đã được tái sinh, nếu tiếp tục yêu mến Chúa, tìm kiếm lẽ thật của Lời Chúa để vâng theo thì tiếp tục đầy dẫy Thánh Linh, còn nếu hướng về thế gian yêu mến thế gian thì không còn đầy dẫy Thánh Linh.

Dấu chứng một người đầy dẫy Thánh Linh là sự kiện người ấy không phạm tội, dù chỉ trong tư tưởng, hoặc nếu tội lỗi vừa phát sinh trong tư tưởng thì người ấy lập tức ăn năn và xưng tội với Chúa. Khi tiếp xúc với thế giới bên ngoài, một người đầy dẫy Thánh Linh sẽ nói và hành động theo sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh. Dầu vậy, chính linh hồn người ấy quyết định là Đọc Tiếp →

7,661 views

Sự Tiền Định của Đức Chúa Trời và Sự Tự Chọn của Loài Người

Huỳnh Christian Timothy

Bấm vào đây để download bài viết này
Bấm vào đây để nghe và download MP3 bài giảng

 

"Vì Ðức Chúa Trời yêu thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài,
hầu cho hễ ai tin nơi Con ấy không bị hư mất, mà được sự sống đời đời."
(Giăng 3:16)

"Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời,
tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định.
Vì Ngài cũng đã định sẵn để nên giống như hình bóng con Ngài,
hầu cho con nầy được làm con cả ở giữa nhiều anh em;
còn những kẻ Ngài đã định sẵn, thì Ngài cũng đã gọi,
những kẻ Ngài đã gọi, thì Ngài cũng đã xưng là công bình,
và những kẻ Ngài đã xưng là công bình, thì Ngài cũng đã làm cho vinh quang."

(Rô-ma 8:28-30)

Dẫn Nhập

Tiền định có nghĩa là quy định từ trước. Số phận của một người do Đức Chúa Trời tiền định hay do người ấy tự do lựa chọn là một đề tài tranh cãi thần học từ hàng trăm năm nay trong Cơ-đốc Giáo. Nếu Đức Chúa Trời đã tiền định thì loài người không thể tự do lựa chọn. Nếu loài người được tự do lựa chọn thì chính loài người định lấy số phận của mình, và như vậy, không có sự tiền định của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, Thánh Kinh dạy rõ về sự tiền định của Đức Chúa Trời và quyền tự do lựa chọn của loài người. Giăng 3:16 dạy về sự tự do lựa chọn của loài người trong khi Rô-ma 8:28-30 dạy về sự tiền định của Đức Chúa Trời.

Làm sao chúng ta có thể dung hòa được hai lẽ thật dường như trái ngược này của Thánh Kinh?

Ý Nghĩa của Sự Cứu Rỗi

Sự cứu rỗi được nói đến trong Thánh Kinh là sự cứu tội nhân ra khỏi quyền lực của tội lỗi và hậu quả của tội lỗi. Quyền lực của tội lỗi là sức mạnh trong tâm linh bắt ép một người phải phạm tội. Hậu quả của tội lỗi là sự chết. Có sự chết thứ nhất và sự chết thứ nhì.

Sự chết thứ nhất có tính cách tạm thời, bao gồm sự chết thuộc thể và sự chết thuộc linh. Sự chết thuộc thể là thể xác bị phân cách với linh hồn và trở về nguyên thể bụi đất còn linh hồn bị tạm giam nơi âm phủ. Sự chết thuộc linh là tâm thần loài người bị phân cách với Thiên Chúa, không còn nhận biết Thiên Chúa, không còn thờ phượng Thiên Chúa.

Sự chết thứ nhì có tính cách vĩnh viễn, bao gồm thể xác đã được phục sinh và linh hồn mãi mãi xa cách Thiên Chúa và phải chịu khổ đời đời trong hỏa ngục.

Ngoại trừ Con Người Jesus, mỗi một người khi được sinh ra trong thế gian đều đã ở trong tình trạng chết thuộc linh lần thứ nhất và sẽ trải qua sự chết thuộc thể để chờ ngày phán xét, đi vào sự chết thứ hai. Nhưng Đức Chúa Trời là tình yêu, bởi lòng thương xót rất lớn của Ngài mà Ngài đã ban cho loài người cơ hội được cứu khỏi quyền lực và hậu quả của tội lỗi. Sự cứu rỗi đó có điều kiện. Điều kiện để được cứu rỗi là thật lòng ăn năn tội, và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Ăn năn tội tức là hết lòng từ bỏ nếp sống tội, không còn sống trong sự phạm tội. Tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ tức là tin rằng Đức Chúa Jesus Christ đã hoàn thành công cuộc chuộc tội cho mình nên mình đã được Đức Chúa Trời tha tội.

Một người sau khi được cứu rỗi, nghĩa là được tha tội và làm cho sạch tội mà trở về với nếp sống tội lỗi thì sẽ bị hư mất đời đời vì không thể nào ăn năn để được tha tội nữa.

Sự Tiền Định Theo John Calvin

John Calvin (10.07.1559 – 27.05.1564), nhà thần học người Pháp thuộc Phong Trào Cải Chánh vào thế kỷ 16, dạy rằng: Từ trước khi sáng thế, Đức Chúa Trời đã tiền định số phận của mỗi người. Sự tiền định này là vô điều kiện, không hề tùy thuộc vào ý chí, sự lựa chọn, năng lực, cá tính, hay tấm lòng của mỗi người nhưng hoàn toàn bởi quyền chỉ định tuyệt đối của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời tiền định ai được cứu và ai không được cứu. Những người được cứu là những người được chọn.

Giáo lý của Calvin (Calvinism) dẫn đến những kết luận vô lý như sau:

·         Đức Chúa Trời đã tiền định cho một số ít người được cứu và nhiều người bị hư mất. Kết luận này nghịch lại Thánh Kinh, vì Thánh Kinh dạy rõ:

"Ngài muốn cho mọi người được cứu rỗi và hiểu biết lẽ thật"(I Ti-mô-thê 2:4).

"Nhưng hiện bây giờ, sự công bình của Thiên Chúa, mà luật pháp và các đấng tiên tri đều làm chứng cho, đã bày tỏ ra ngoài luật pháp; tức là sự công bình của Thiên Chúa, bởi sự tin đến Đức Chúa Jesus Christ, cho mọi người nào tin, chẳng có phân biệt chi hết, vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh quang của Đức Chúa Trời, và họ nhờ ân điển Ngài mà được xưng công bình nhưng không, bởi sự chuộc tội đã làm trọn trong Đức Chúa Jesus Christ"(Rô-ma 3:21-24). (Xin chú ý đến chữ "họ" được dùng thay thế cho chữ "mọi người.")

·         Đức Chúa Trời đã tiền định một người bị hư mất thì dù người ấy có hết lòng muốn được cứu, hết lòng tin cậy và vâng phục Chúa, người ấy cũng vẫn bị hư mất đời đời trong hỏa ngục. Kết luận này nghịch lại Thánh Kinh, vì Thánh Kinh dạy rõ:

"Vì Ðức Chúa Trời yêu thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin nơi Con ấy không bị hư mất, mà được sự sống đời đời" (Giăng 3:16).

·         Đức Chúa Trời đã tiền định một người được cứu thì dù người ấy có sống một nếp sống tội lỗi đến đâu chăng nữa, người ấy cũng được cứu. Kết luận này nghịch lại Thánh Kinh, vì Thánh Kinh dạy rõ:

"Vì chưng những kẻ đã được soi sáng một lần, đã nếm sự ban cho từ trên trời, dự phần về Thánh Linh, Lời lành của Thiên Chúa, và năng lực của đời sau, nếu lại vấp ngã, thì không thể khiến họ lại ăn năn nữa, vì họ đóng đinh Con Đức Chúa Trời trên thập tự giá cho mình một lần nữa, làm cho Ngài sỉ nhục tỏ tường"(Hê-bơ-rơ 6:4-6).

"Hãy cầu sự bình an với mọi người, cùng tìm theo sự nên thánh, vì nếu không nên thánh thì chẳng ai được thấy Chúa"(Hê-bơ-rơ 12:14).

Sự Tiền Định Theo Thánh Kinh

Thánh Kinh dạy về sự tiền định của Đức Chúa Trời và giải thích rằng Ngài tiền định theo sự biết trước của Ngài. Nghĩa là, từ trước khi sáng thế, Đức Chúa Trời đã biết hết mọi sự trong mọi nơi, mọi lúc. Dựa vào sự biết trước đó mà Ngài thiết lập và ấn định những điều cần thiết để mọi sự diễn tiến theo thánh ý của Ngài.

Trước hết, Đức Chúa Trời biết trước thiên sứ và loài người mà Ngài dựng nên sẽ sa ngã, phạm tội và Ngài tiền định số phận của những ai phạm tội là sẽ bị hư mất đời đời trong hỏa ngục. Kế tiếp, Đức Chúa Trời biết trước sẽ có một số người sẵn lòng ăn năn tội, vâng phục Ngài nếu Ngài ban cho họ cơ hội, cho nên, Ngài thiết lập chương trình cứu rỗi nhân loại và tiền định cho những ai thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Ngài thì họ sẽ được cứu rỗi.

Dù Đức Chúa Trời biết trước chỉ có một số ít người thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi của Ngài nhưng Ngài vẫn ban sự cứu rỗi cho toàn thể nhân loại qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ:

"Vì tình yêu thương của Đấng Christ cảm động chúng tôi, và chúng tôi tưởng rằng nếu có một người chết vì mọi người, thì mọi người đều chết, lại Ngài đã chết vì mọi người, hầu cho những kẻ còn sống không vì chính mình mà sống nữa, nhưng sống vì Đấng đã chết và sống lại cho mình" (II Cô-rinh-tô 5:14, 15).

"Ấy chính Ngài làm của lễ chuộc tội lỗi chúng ta, không những vì tội lỗi chúng ta thôi đâu, mà cũng vì tội lỗi cả thế gian nữa"(I Giăng 2:2).

"Nhưng Đức Chúa Jesus nầy, mà đã ở dưới các thiên sứ một chút, chúng ta thấy Ngài, vì sự chết Ngài đã chịu được đội mão vinh hiển tôn trọng. Ấy vậy, bởi ân điển của Thiên Chúa, Đức Chúa Jesus đã vì mọi người nếm sự chết"(Hê-bơ-rơ 2:9).

Chính vì Đức Chúa Trời biết trước những ai sẽ tin nhận sự cứu rỗi của Ngài nên Ngài đã chọn họ và đưa họ đến với Đấng Christ để họ được Đức Thánh Linh thánh hóa, biệt riêng làm con dân của Ngài:

"Phi-e-rơ, sứ đồ của Đức Chúa Jesus Christ, gởi cho những người kiều ngụ rải rác trong xứ Bông, Ga-la-ti, Cáp-ba-đốc, A-si và Bi-thi-ni, là những người được chọn, theo sự biết trước của Thiên Phụ, thông qua sự nên thánh bởi thần quyền, đặng vâng phục Đức Chúa Jesus Christ và có phần trong sự rải huyết Ngài: nguyền xin ân điển và bình an thêm lên cho anh em"(I Phi-e-rơ 1:1, 2)!

"Chẳng ai có thể đến với Ta, nếu Cha, là Đấng đã sai Ta, không kéo người. Ta sẽ làm cho người đó sống lại nơi ngày sau rốt"(Giăng 6:44).

Như vậy, Đức Chúa Trời tùy theo sự lựa chọn của mỗi người mà tiền định số phận của họ, từ tuổi thọ của họ trong đời này cho đến số phận chung cuộc của họ trong đời sau:

"Mắt Chúa đã thấy thể chất vô hình của tôi; số các ngày định cho tôi, đã biên vào sổ Chúa trước khi chưa có một ngày trong các ngày ấy"(Thi Thiên 139:16).

Sự Tự Do Lựa Chọn của Loài Người

Mặc dù Đức Chúa Trời tiền định số phận của mỗi người nhưng sự tiền định đó dựa trên sự tự do lựa chọn của mỗi người mà Ngài biết trước. Người có quyền tự do lựa chọn là người hoàn toàn không bị giới hạn trong sự lựa chọn của mình. Sự lựa chọn nói đến ở đây là lựa chọn giữa sự ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời hoặc không chịu ăn năn tội, không chịu tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Sau khi lựa chọn sự ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa trời thì một người phải tiếp tục sự lựa chọn thứ hai, đó là lựa chọn sống một nếp sống thánh khiết, không phạm tội hoặc lựa chọn quay về sống trong tội.

Câu chuyện về cây sự sống và cây biết điều thiện điều ác tiêu biểu cho quyền tự do lựa chọn Đức Chúa Trời ban cho loài người. Sự lựa chọn của một người hoàn toàn do chính người đó chủ động. Ma Quỷ có thể cám dỗ loài người làm ra những lựa chọn sai lầm nhưng Ma Quỷ không thể ép buộc loài người phải lựa chọn theo ý của nó. Bà Ê-va đã chủ động trong sự lựa chọn không tin cậy và không vâng lời Đức Chúa Trời. Con Người Jesus đã chủ động trong sự lựa chọn "không theo ý con mà theo ý Cha" và vâng phục Đức Chúa Trời cho đến chết.

Sự lựa chọn tin cậy và vâng phục Chúa sẽ không bị một sự giới hạn nào, cho dù có bị Ma Quỷ tìm cách gây khó khăn. Sự lựa chọn phạm tội luôn luôn bị giới hạn trong mức độ mà Đức Chúa Trời cho phép, cho dù có được sự tiếp trợ từ Ma Quỷ. Khi cần, Đức Chúa Trời sẽ chấm dứt mạng sống của kẻ ác: "Hỡi Thiên Chúa, kẻ ham đổ máu và người giả ngụy sống chẳng đến được nửa số các ngày định cho mình; Chúa sẽ xô chúng nó xuống hầm diệt vong; Còn tôi sẽ tin cậy nơi Chúa" (Thi Thiên 55:23).

Kết Luận

Sự tiền định của Đức Chúa Trời về số phận của loài người và quyền tự do lựa chọn Ngài ban cho loài người không hề mâu thuẫn lẫn nhau. Trái lại, Đức Chúa Trời dựa trên sự tự do lựa chọn của loài người để tiền định số phận của họ. Đức Chúa Trời là tình yêu, Ngài không hề muốn cho một người nào bị hư mất nên Ngài đã ban sự cứu rỗi cho nhân loại. Bất cứ ai thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời thì được cứu. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời là công chính, cho nên, Ngài đoán phạt những ai không ăn năn tội, không tin nhận sự cứu rỗi của Ngài. Giáo lý của John Calvin cho rằng Đức Chúa Trời tiền định một số người được cứu và một số người bị hư mất là hoàn toàn sai nghịch với lẽ thật của Thánh Kinh.

Huỳnh Christian Timothy
09.06.2012

Copyright Notice: All Rights Reserved © 2012 Vietnamese Christian Mission Ministry. Thông Báo Tác Quyền: Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức nhưng xin giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.

Ghi Chú: Tất cả những câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là từ Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời www.ngoiloi.thanhkinhvietngu.net và Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống Hiệu Đính 2012 www.tt2012.thanhkinhvietngu.net.

Đọc Tiếp →

6,478 views

Những Lẽ Thật của Lời Chúa Đem Tôi Ra Khỏi Công Giáo

Phạm Đắc Quang

Trước đây tôi là người Công Giáo, một hôm đến thăm cô giáo hồi trung học, tôi được cô nói về Chúa và mời tôi đến dự buổi truyền giảng. Khi mục sư kêu gọi tôi lên tiếp nhận Chúa thì tôi nghĩ tôi đã tin Chúa rồi, trong đầu tôi luôn nhớ tới câu: "Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp-têm” Ê-phê-sô 4:6. Tôi nghĩ tôi tin vào Chúa, chỉ mình Ngài thôi và đã làm phép rửa nhân danh Ba Ngôi Đức Chúa Trời, chẳng có sự khác biệt nào cả giữa hai giáo hội.

Nhưng sau đó tôi vẫn tham gia một số buổi học Thánh Kinh và mượn sách về đọc, rất nhiều điều khác biệt dần xuất hiện. Tôi cố tìm lại và đọc giáo lý Giáo Hội Công Giáo và sách lịch sử Giáo Hội Công Giáo, thậm chí lên mạng để tìm hiểu “Tin Lành là gì?”

Trước tiên tôi nhận ra là giáo lý Công Giáo chỉ dưa trên một ít trên nền tảng Thánh Kinh còn phần lớn là dựa trên giáo luật, các sắc lệnh, hiến chế, tuyên ngôn. Đây rõ ràng là giáo lý của con người không đến từ Chúa, dù người ta luôn nói Thánh Kinh là lời của Chúa. Và người ta mỗi ngày đẻ ra thêm giáo lý, sắc lệnh mới chồng chất lên đến độ thành một bộ luật và phải học để được phong tiến sỹ luật hội thánh. Trong khi đó chính Lời Chúa là luật pháp người ta không học lại tự bày ra luật pháp để học với nhau và phong học vị cho nhau đến tiến sỹ.

Tạ ơn Chúa đã cứu tôi, Ngài đã làm mềm lòng để tôi đón nhận Chúa và đón nhận lời Ngài. Càng đọc Thánh Kinh tôi càng hiểu rõ về Chúa. Một điều làm tôi thức tỉnh là mọi người đều nói tin Chúa nhưng tin chúa là tin cái gì. Tôi được Chúa nhắc nhở trong Hê-bơ-rơ 11: "Vả, không có đức tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Ngài, vì kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài”. Tin Chúa, đồng đi với Chúa, đến gần Ngài là tin Chúa thực hữu, thực tồn tại trên cuộc đời này và trong lòng mình, trên cuộc đời mình.

Một điều cơ bản nữa là tin vào chính Chúa chứ không phải vào tổ chức giáo hội con người. Chính Chúa là nền tảng, không phải là Phi-e-rơ hay một vị giáo chủ nào cả: “Hãy châm rễ và lập nền trong Ngài, lấy đức tin làm cho bền vững, tùy theo anh em đã được dạy dỗ, và hãy dư dật trong sự cảm tạ” Cô-lô-se 2:7. Hội Thánh cũng vậy nếu không đặt nền tảng chính Chúa, và chính Chúa làm đầu Hội Thánh thì Hội Thánh chỉ mỗi ngày đi lệch lạc con đường của Chúa và đánh mất đức tin vào Chúa mà thôi.

Tin vào Chúa tức là phải có mối tương giao với Chúa qua việc cầu nguyện. Đọc kinh và đi lễ không giúp ích gì, vì sau khi đi lễ và đọc kinh về người ta vẫn như cũ, vẫn phạm tội, vẫn độc ác với anh em, chỉ khi đọc Thánh Kinh được chính lời Chúa dạy bảo người ta làm theo thì mới có phước, làm thay đổi chính mình, trở nên giống Chúa hơn. Chỉ khi có mối tương giao với Chúa bằng việc cầu nguyện người ta mới nhận sức lực quyền năng của Chúa, mà tôi đang từng ngày cảm nghiệm và nghe ngóng Chúa phán bảo và nghe ngóng ơn phước Chúa xuống cho tôi. Theo tôi nghĩ, đức tin là một thực nghiệm, một sự cảm nhận phải thực hành phải cảm nhận chứ không phải học để biết về triết lý về các giá trị triết học mà tôi đã từng bị sa vào. Phải thực hành chứ không phải học để cho biết giáo lý ấy nói gì như người ta học triết học trong trường học.

Tôi học biết cách cầu nguyện, không phải cầu nguyện chỉ là xin ơn, nhưng trước tiên là tạ ơn, cảm tạ về tất cả những gì Chúa ban cho mình, dù là thuận cảnh hay nghịch cảnh, cầu thay cho mọi người sau đó là trình dâng những nhu cầu, những nan đề cho Chúa, xin Chúa giải quyết. Chính việc cầu nguyện là nói chuyện, trình dâng và phó thác công việc của mình cho Chúa, là bí quyết giúp tôi biết cầu nguyện, giúp tôi cầu nguyện khắp mọi nơi, lúc nào tôi cũng có thể cầu nguyện được.

Chính lời Chúa làm thay đổi cuộc đời, thay đổi suy nghĩ lối sống, tôi vui vẻ và bình an,vì nếu không đọc Thánh Kinh thì tôi chưa biết về sự dạy dỗ của Chúa; nhưng lời Chúa đã được ghi vào trong lòng mình, khiến tôi phải dè chừng không dám phạm tội. Những lúc yếu lòng muốn làm những điều theo xác thịt tôi nghĩ giá mà tôi không biết gì về lời Chúa thì có phải sung sướng không, nhưng chính lời Chúa và ơn Chúa đã kéo tôi trở lại.

Chính lúc làm theo lời Chúa tôi được bình an, đôi lúc có những ứng xử xã hội vì theo lời Chúa tôi phải thiệt thòi, nhưng tôi luôn nghĩ không phải cái tức thời nhưng là cái mai hậu Chúa sẽ ban cho tôi điều khác, Chúa sẽ ban cho tôi hơn cả những cái người ta lấy đi hay làm hại tôi và hơn hết đó là phần thưởng nước trời.

Chính lúc tôi tìm kiếm Chúa trong lời Ngài, tôi được chính lời Chúa giải đáp trước là cho tôi và sau nữa là cho gia đình tôi lý do tại sao tôi lại bỏ đạo, tức là bỏ Đạo Công Giáo.

Tôi xin xác quyết là tôi không bỏ Chúa nhưng tôi từ bỏ giáo hội tự xưng là giáo hội của Chúa nhưng không làm theo lời Chúa.

Chính lúc đọc Thánh Kinh tôi mới tránh việc thờ hình tượng mà trong Mười Điều Răn Giáo Hội Công giáo bỏ đi điều thứ hai và tách điều thứ mười thành hai điều cho đủ mười điều răn, Xuất Ê-dip-tô ký 20:3-17. Người Công Giáo không đọc Thánh Kinh, chỉ được nghe một khúc hay một đoạn ngắn trong Thánh Kinh mà thôi chứ không đọc toàn bộ cuốn Thánh Kinh. Mà Thánh Kinh là giao ước, có ai ký hợp đồng mà không đọc kỹ từng chữ, từng điều khoản không, có ai phân tích một tác phẩm văn học mà không đọc toàn bộ tác phẩm thì mới phân tích, đánh giá hay nhận xét . Nếu chỉ đọc một đoạn thì sẽ chỉ là những đánh giá thiên kiến, thiếu sót và sai lạc nữa.

Sau đây là những điều tôi tìm thấy trong lời Chúa đã giải đáp thắc mắc về niềm tin của tôi.

I. ĐỐI VỚI CHÚA

1. Chỉ có Chúa Jesus Christ là đấng trung gian giữa Thiên Chúa và con người:

“Chỉ có một Đức Chúa Trời, và chỉ có một Đấng Trung Bảo ở giữa Đức Chúa Trời và loài người, tức là Đức Chúa Jesus Christ”.1 Ti-mô-thê 2,5

“Đức Chúa Jesus Christ là Đấng đã chết, và cũng đã sống lại nữa, Ngài đang ngự bên hữu Đức Chúa Trời, cầu nguyện thế cho chúng ta” Roma 8,34

Phải gắn kết với Chúa không phải con người

“Ta là cây nho, các con là cành. Ai cứ ở trong Ta, và Ta trong người ấy thì sinh ra nhiều quả, vì ngoài Ta các con không làm gì được”. Giăng 5,15

“Hãy đâm rễ, lập nền trong Ngài, hãy mạnh mẽ trong đức tin như anh em đã được dạy dỗ, và càng gia tăng trong sự cảm tạ”. Cô-lô-se 2, 7

“Anh em phải kính sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời của anh em, phục vụ Ngài, gắn bó với Ngài và nhân danh Ngài mà thề nguyện”. Phục truyền luật lệ ký 10, 20 ; 11,22 ; 13,4

Chỉ có Chúa là Đấng cứu rỗi duy nhất

“Chẳng có sự cứu rỗi trong Đấng nào khác, vì ở dưới trời chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta nhờ đó mà được cứu”. Công vụ các sứ đồ 4, 12

Không được thờ lạy bất cứ loài thọ tạo nào, kể cả thiên sứ, không thờ hình tượng, dù là hình tượng Chúa vì không ai thấy Chúa

“Con không làm cho mình một hình tượng nào theo hình dạng của những vật trên trời cao, hoặc trong nước dưới mặt đất. Con không được cúi lạy trước các hình tượng đó hay phụng thờ chúng…”. Xuất Ai Cập ký 20, 4-5

“Họ đã đổi vinh quang của Đức Chúa Trời bất diệt để lấy hình tượng của loài người hư nát, hoặc của chim muông, thú vật, hay loài bò sát”. Rô-ma 1,23

“Đừng để bị lừa mà mất phần thưởng bởi những kẻ cố làm bộ khiêm nhường và thờ lạy các thiên sứ”. Cô-lô-se 2, 18

“Họ không liên hệ chặt chẽ với Đầu để nhờ Ngài mà toàn thân được nuôi dưỡng, được kết hợp với nhau bởi những khớp xương, dây liên kết, và tăng trưởng theo ý muốn của Đức Chúa Trời”. Cô-lô-se 2,19

“Tôi phủ phục dưới chân thiên sứ để thờ lạy, nhưng thiên sứ bảo: “Đừng làm như vậy, ta là bạn đồng lao với ngươi và các anh em ngươi, là những người giữ lời chứng của Đức Chúa Jesus. Hãy thờ lạy Đức Chúa Trời. Vì lời chứng của Đức Chúa Jesus là tinh thần của lời tiên tri”. Khải huyền 19,10

“Vậy, đã là dòng dõi của Đức Chúa Trời, thì chúng ta đừng nghĩ rằng Đấng thiêng liêng giống như hình tượng bằng vàng, bạc, hay đá do nghệ thuật và trí tưởng tượng của con người làm ra”. Công vụ các sứ đồ 17,29

“Chớ làm cho mình một hình tượng mang hình ảnh của bất cứ vật gì mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã cấm anh em. Vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời  của anh em là một đám lửa thiêu đốt và là Đức Chúa Trời kỵ tà”. Phục truyền luật lệ ký 4, 23-24

“Vì anh em không thấy một hình dạng nào trong ngày Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán với anh em từ giữa đám lửa tại Hô-rếp”. Phục truyền luật lệ ký 4, 15

2. Chỉ có Kinh Thánh có thẩm quyền tối thượng

Vì là Lời của Đức Chúa Trời

“Cả Kinh Thánh đều được Đức Chúa Trời cảm thúc, có ích cho sự dạy dỗ, khiển trách, sửa trị và huấn luyện trong sự công chính”. 2 Ti-mô-thê 3,16

“Vì không có lời tiên tri nào đến bởi ý người, nhưng người ta được Đức Thánh Linh cảm thúc nói ra từ Đức Chúa Trời”. 2 Phi-e-rơ 1, 21

“Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống động và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, xuyên thấu đến nỗi phân chia hồn với linh khớp với tủy, phán đoán các tư tưởng  và ý định trong lòng”. Hê-bơ-rơ 4,12

“Lấy lòng nhu mì tiếp nhận lời đã trồng trong lòng anh em, là lời có thể cứu chuộc linh hồn anh em”. Gia-cơ 1,21b

“Anh em được tái sinh không phải bởi hạt giống dễ hư hoại nhưng bởi hạt giống không hề hư hoại, đó là lời hằng sống và bền vững của Đức Chúa Trời” 1Phi-e-rơ 1,23

“Lời Chúa tồn tại đời đời. Lời đó là tin lành đã được công bố cho anh em” 1Phi-e-rơ 1,25

Truyền thống tông đồ chỉ xuất phát từ các tông đồ là những người  được chọn bởi chính Chúa Giêsu Cơ đốc, truyền thống này chỉ có thể tìm thấy trong Kinh Thánh và được viết bởi các tông đồ:

“Tôi khen anh em vì hay nhớ đến tôi trong mọi dịp, và lấy lòng trung tín mà giữ những điều tôi đã dạy dỗ anh em”1 Cô rinh tô 2, 5

“Nhưng nếu có ai, hoặc chính chúng tôi, hoặc thiên sứ trên trời truyền cho anh em một tin lành nào khác với tin lành chúng tôi đã truyền cho anh em , thì người ấy đáng bị nguyền rủa” Ga la ti 1, 8

“Hỡi anh em, vậy thì hãy đứng vững, hãy vâng giữ những điều dạy dỗ mà chúng tôi đã truyền cho anh em, hoặc bằng lời nói, hoặc bằng thơ từ của chúng tôi” 2 Tê-sa-lô-ni-ca 2,15

Giáo hoàng không phải là tông đồ của Chúa Giêsu: Sứ đồ là người cùng sống với Chúa và dấu hiệu một sứ đồ là làm phép lạ.

“Vậy trong những người từng ở với chúng ta trong suốt thời gian Chúa là Đức Chúa Jesus đi lại giữa chúng ta”. Công vụ 1,21

“Những dấu hiệu của một sứ đồ đã được thể hiện giữa anh em rồi: nào là sự chịu đựng, nào là các dấu lạ, các phép màu, và các quyền năng” 2 Cô-rinh-tô 12,12

Giáo huấn của giáo hòang không có thẩm quyền tông đồ, vì Kinh Thánh là giao ước không ai được thêm vào hay bớt đi, và đức tin truyền cho các sứ đồ một lần đủ cả không thêm hay bớt điều gì cả.

“Khi một giao ước đã được lập dù là của con người, thì không một ai được quyền hủy bỏ hay thêm bớt điều gì”. Ga-la-ti 3, 15

“Anh em đừng thêm, đừng bớt điều gì mà tôi truyền cho anh em, nhưng phải giữ các điều răn của Giê-hô-va Đức Chúa Trời mà tôi đã truyền cho anh em”. Phục truyền luật lệ ký 4, 2
“Tôi nghĩ cần viết để khích lệ anh em chiến đấu vì đức tin, là đức tin truyền cho các thánh đồ một lần đủ cả”. Giu-đê 1,3

“Đây là thư thứ hai tôi viết cho anh em…để khắc ghi những lời tiên báo của các nhà tiên tri thánh cũng như những điều răn của Chúa và cứu Chúa  chúng ta do các sứ đồ truyền lại”. 2 Phi-e-rơ 3,1-2

“Về phần các con, hãy giữ điều các con đã nghe từ ban đầu ở trong các con. Nếu điều đã nghe từ ban đầu luôn ở trong các con thì các con sẽ ở trong Con và trong Cha”. 1 Giăng 2, 24

“Nếu ai thêm gì vào những lời này, thì Đức Chúa Trời sẽ thêm cho người ấy những tai họa đã ghi trong sách này. Còn nếu ai bớt điều gì trong các lời của sách tiên tri này, thì Đức Chúa Trời sẽ cất lấy phần của người ấy về cây sự sống và thành thánh đã được ghi trong sách này” Khải huyền 22,12

Chúa có giao quyền tha tội cho các sứ đồ không theo Giăng 20, 23: Quyền công bố phúc âm là nếu ai tin thì họ được cứu và ai không tin thì tội lỗi họ không được tha và họ đã từ chối sự sống đời đời.

“Hầu cho bởi đức tin nơi ta, họ nhận được sự tha tội và hưởng phần gia tài cùng với các thánh đồ” Công vụ các sứ đồ 26, 18b

“Nhưng vì anh em đã từ chối, và tự xét mình không xứng đáng nhận sự sống đời đời”. Công vụ các sứ đồ 13, 46

“Ai tin Con thì được sự sống đời đời, ai không tin Con  thì chẳng kinh nghiệm được sự sống đâu, nhưng cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người ấy”. Giăng 3,36

Chúa ban cho Hội Thánh quyền buộc và mở trong Ma-thi-ơ 18,18; Mt 16,19: Theo Ma-thi-ơ 18 câu 15 đến 17 nói rõ về cách xử lý với anh em phạm tội. Nếu họ có lỗi thì gặp riêng nói cho họ biết , nếu không nghe thì gọi thêm một hai người nữa , nếu lại không nghe thì trình với hội thánh, nếu còn không nghe nữa thì hãy xem như người ngoại và kẻ thu thuế. Đó là quyền xử sự với anh em phạm lỗi. Các sứ đồ đã thi hành quyền này được ghi lại trong Kinh Thánh là tùy theo tội nhân ăn năn hay không ăn năn sau khi khuyên bảo kẻ theo tà giáo một hai lần rồi thì lánh họ, phó cho quỉ sa tan, người như thế thì tự đoán xét mình và coi như kẻ chưa tin Chúa . Chìa khóa nước trời trong câu 19 có nghĩa là giao giảng tin lành, phúc âm, vì Chúa quở trách người Pha-ri-si :”Vì các ngươi đóng cửa thiên đàng trước mặt người ta; chẳng những chính các ngươi đã không vào mà lại còn ngăn cản những ai muốn vào nữa”. Ma-thi-ơ 23, 13.

“Vì có kẻ ăn nằm với vợ kế của cha mình…tôi đã lên án kẻ làm điều ấy, như thể tôi đang có mặt tại đó….Chúng ta phó kẻ như thế cho satan hủy hoại phần thân xác để phần tâm linh được cứu trong ngày của Chúa”. 1 Cô-rinh-tô 5, 1-5

“Có người vì đã chối bỏ lương tâm đó mà sụp đổ đức tin, trong số đó có Hy-mê-nê và A-léc-xan-đờ-ri-a mà ta đã phó mặc cho satan để họ học tập đừng phạm thượng nữa”. 1 Timô-thê 1, 19-20

“Sau khi đã khiển trách kẻ kẻ gây bè phái một đôi lần rồi thì hãy xa lánh họ, vì con biết rằng kẻ cứ lầm lạc và phạm tội như thế, thì đã tự kết án mình rồi”. Tít 3,10-11

Chúa lập hội thánh trên nền tảng nào?: Trên lời tuyên xưng của Phi-e-rơ” Thầy là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời hằng sống” Ma-thi-ơ 6, 15:

“Vì chẳng ai có thể đặt một nền móng khác, ngoài nền đã được đặt là Đức Chúa Jesus Christ”. 1 Cô-rinh-tổ, 11

“Ngài là đầu của thân thể, tức là hội thánh”. Cô-lô-se 1, 18

“Cũng như đấng Christ là đầu hội thánh, Hội Thánh là thân thể Ngài và chính Ngài là cứu Chúa của Hội Thánh”. Ê-phê-sô 5,23

“Hòn đá bị thợ xây loại ra đã trở nên đá góc nhà” 1 Phi-e-rơ 2, 7

“Tất cả  cùng uống một thức uống thiêng liêng, vì họ uống nơi một tảng đá thiêng liêng đi với họ, tảng đá ấy chính là Đấng Christ’ 1 Cô-rinh-tô 10, 4

“Ngài là hòn đá bị các ông là những thợ xây nhà loại ra, nhưng lại trở nên hòn đá góc nhà”. Công vụ các sứ đồ 4, 11

“Anh em được xây dựng trên nền các sứ đồ và các nhà tiên tri mà chính Đấng Christ Jesus là đá góc nhà” E-phê-sô 2, 20

Chúa là đá tảng:

Phục truyền 32,4 ; 32, 18
Samuen 23,3
Thi thiên 18, 31 ; 42,9 ; 62,2 ; 78,35 ; 95,1
Ha ba cuc 1,12
Esai 28,16

3. Chỉ có đức tin con người được cứu

Sự cứu rỗi là sự ban cho không của Đức Chúa Trời không do công đức của người ta.

“Vì nhờ ân điển, bởi đức tin mà anh em được cứu, điều này không đến từ anh em mà là tặng phẩm của Đức Chúa Trời, cũng không do việc làm của anh em, để không ai có thể tự hào”. Ephê-sô 2, 8-9

“Anh em nào muốn được xưng công chính bởi luật pháp thì đã lìa khỏi Đấng Christ, đánh mất ân điển rồi”. Ga-la-ti 5,4

“Vì chúng ta tin rằng  một người được xưng công chính  bởi đức tin  chứ không bởi việc làm theo pháp luật” Rô-ma 3,28.

“Hết thảy  các đấng tiên tri đều làm chứng nầy về Ngài rằng hễ ai tin Ngài thì được sự tha tội vì danh Ngài”. Công vụ các sứ đồ 10,43

“Vậy hỡi anh em , khá biết rằng nhờ Đấng đó mà sự tha tội được rao truyền cho anh em, lại nhờ Ngài mà hễ ai tin thì được xưng công chính về mọi điều theo theo luật pháp Môi-se chẳng có thể được xưng công chính”. Công vụ các sứ đồ 13,38-39

“Ngài chẳng phân biệt chúng ta với người ngoại đâu, vì đã lấy đức tin khiến cho long họ tinh sạch” Công vụ các sứ đồ 15, 9

“Chúng ta tin rằng  nhờ ơn Đức Chúa Jesus, chúng ta được cứu cũng như người ngoại vậy”. Công vụ các sứ đồ 15,11

“Vì chẳng có một người nào bởi việc làm theo luật pháp mà được kể là công chính trước mặt Ngài, vì nhờ luật pháp ngưới ta nhận biết tội lỗi”. Rô-ma 3,20

“Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất vinh quang của Đức Chúa Trời, nhờ ân điển Ngài, bởi sự cứu chuộc trong Đấng Christ Jesus, họ được xưng công chính mà không phải trả một giá nào. Đức Chúa Trời đã lập Ngài làm sinh tế chuộc tội cho những ai có đức tin trong  Ngài”. Ro-ma 3,23-25

“Vì Đấng Christ là sự cuối cùng của luật pháp, để mọi người tin đều được xưng công chính”. Rô-ma 10,4

“Vậy nếu miệng anh em xưng Đức Chúa  Jesus là Chúa, và lòng anh em tin rằng  Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ cõi chết sống lại thì anh em sẽ được cứu. Vì ai tin trong lòng thì sẽ được xưng công chính, ai tuyên xưng nơi miệng thì được cứu rỗi”. Rô-ma 10, 9-10

“Chúng tôi biết rằng một người được xưng công chính không phải nhờ vào những công việc của luật pháp mà bởi đức tin trong Đức Chúa Jesus Christ” Ga-la-ti 2, 16

“Không phải bởi việc công chính chúng ta đã làm, nhưng bởi lòng thương xót của Ngài, qua việc thanh tẩy của sự tái sinh và đổi mới của Đức Thánh Linh, là Đấng mà Ngài đã tuôn đổ dồi dào trên chúng ta bởi Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa chúng ta, để chúng ta nhờ ân điển Ngài mà được xưng công chính, trở nên người  thừa kế niềm hy vọng  về sự sống đời đời" Tit 3,5-7

“Đức Chúa Trời đã cứu chúng ta, đã gọi chúng ta bằng sự kêu gọi thánh, không phải do việc làm của chúng ta, nhưng theo mục đích riêng của Ngài và ân điển mà Ngài ban cho chúng ta từ muôn đời trước trong Đấng Christ Jesus”. 2 Ti-mô-thê 1, 9

Không phải ai tin vào Chúa rồi cứ phạm tội mà được cứu: Vì con cái của Đức Chúa Trời thì không phạm tội và người thuộc về Chúa thì không làm điều bất chính

“Ai do Đức Chúa Trời sinh ra thì không phạm tội, vì hạt giống của Đức Chúa Trời ở trong người ấy, người ấy không thể cứ phạm tội vì đã được Đức Chúa Trời sinh ra” 1 Giăng 3,9

“Chúa biết những người thuộc về Ngài và người nào kêu cầu danh Chúa thì phải tránh xa điều bất chính” 2 Ti-mô-thê 2,19

Làm việc lành vì nhờ việc lành mà đức tin được trọn. Đức tin không có hành động là đức tin chết. Đức tin cần được thể hiện bằng hành động, không phải làm việc công đức để mua chuộc nước trời mua sự cứu rỗi của Chúa. Chính Chúa sẽ thấy hành động của con người có xuất phát từ tấm lòng không hay là hành động giả hình để được khen ngợi. Nếu nhờ cậy vào việc công đức thì tự từ chối ân điển cứu chuộc của Chúa Jesus rồi.

“Chẳng phải Ap-ra-ham, tổ phụ chúng ta, đã được xưng công chính bởi hành động khi ông  dâng con mình là I-sác trên bàn thờ sao?”. Gia-cơ 2,21

“Đức tin đi đôi với hành động, và nhờ hành động mà đức tin trở nên trọn vẹn”. Gia-cơ 2,22

“Cũng vậy, chẳng phải kỹ nữ Ra-háp đã được xưng công chính bởi hành động , khi bà tiếp rước các sứ giả và đưa họ đi bằng một con đường khác sao?”. Gia-cơ 2,24

“Đức tin cũng vậy, nếu đức tin không có hành động thì tự nó chết”. Gia-cơ 2,17

“Anh em thấy đó, người ta được xưng công chính bởi hành động chứ không chỉ bởi đức tin mà thôi”. Gia-cơ 2,24

Chúng ta được cứu nhờ ân điển của Chúa. Chúng ta được thưởng hay bị phạt do những điều chúng ta đã làm ở trên đất

“Vì nhờ ân điển, bởi đức tin mà anh em được cứu, điều này không đến từ anh em mà là tặng phẩm của Đức Chúa Trời, cũng không do việc làm của anh em, để không ai có thể tự hào” Ê-phê-sô 2, 8-9

“Vì tất cả chúng ta đều phải trình diện trước tòa án Đấng Christ để mỗi người nhận lãnh tùy theo điều thiện hoặc ác mình đã làm lúc còn trong than xác” 2 Cô-rinh-tô 5, 10

“Nầy ta đến mau chóng, đem phần thưởng theo với ta, để thưởng cho mỗi người tùy theo việc họ đã làm” Khải huyền 22,12

4. Chỉ do ân điển của Chúa con người được cứu

Chỉ có Chúa là Đấng tha tội, nhờ ân điển của Ngài mà ta được tha tội, được cứu, được chữa lành.

“Còn nếu chúng ta xưng tội mình thì Ngài là thành tín công chính sẽ tha tội cho chúng ta và tẩy sạch chúng ta khỏi mọi điều bất chính”. 1 Giăng 2,9

“Nếu chúng ta bước đi trong ánh sáng, cũng như chính Ngài ở trong ánh sáng, thì chúng ta được tương giao với nhau, và huyết của Đức Chúa Jesus, Con Ngài, tẩy sạch mọi tội lỗi chúng ta” 1 Giăng 1,7

“Hỡi các con bé nhỏ của ta, ta viết cho các con những điều này để các con không phạm tội. Nhưng nếu có ai phạm tội thì chúng ta có Đấng biện hộ với Đức Chúa Cha là Đức Chúa Jesus Christ, Đấng công chính. Chính Ngài là tế lễ chuộc tội chúng ta, không những vì tội của chúng ta mà thôi, nhưng còn vì tội  của cả thế gian nữa” 1 Giăng 2, 1-2

“Tât cả các nhà tiên tri đêu làm chưng răng ai tin Ngài thì nhơ danh Ngài đươc tha tôi”Công vụ các sư đô 10,43

“Không phải nhờ vào những vật dễ hư hoại như bạc hoặc vàng, mà anh em được chuộc khỏi lối sống phù phiếm từ tổ tiên mình truyền lại, nhưng bởi huyết báu của Đấng Christ, như huyết  của Chiên Con không khuyết tật, không tì vết đã được định sẵn từ trước khi tạo dựng vũ trụ” 1 Phi-e-rơ 1, 18-20

“Sao người này nói như vậy? Thật là phạm thượng! Ngoài Đức Chúa Trời , còn ai có thể tha tội được?” Mác 2,7

“Vì trong Đấng Christ, chúng ta được cứu chuộc bởi huyết Ngài, được tha tội theo sự phong phú ân điển Ngài” E-phê-sô 1, 7

“Hãy ăn năn, mỗi người phải nhân danh Đức Chúa Jesus nhận báp-têm để được tha tội mình rồi sẽ nhận lãnh quà tặng là Đức Thánh Linh”. Công vụ các sứ đồ 2, 38

“Anh em đã bởi phép báp têm được chôn với Ngài, thì cũng được sống lại với Ngài bởi đức tin trong quyền phép của Đức Chúa Trời, là Đấng đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại….vì đã tha thứ hết mọi tội lỗi chúng ta”. Cô-lô-se 2, 12-13

“Vậy, hãy ăn năn việc ác của anh và cầu nguyện với Chúa, để may ra Ngài sẽ tha thứ ý tưởng ấy trong lòng anh” Công vụ các sứ đồ 8, 22

“Con đã thú tội cùng Chúa, không giấu gian ác con; Con nói:” Con sẽ xưng các sự vi phạm con với Đức Giê-hô-va, và Chúa tha tội cho con”. Thi thiên 32,5

“Ngài có thể cứu toàn vẹn  những người nhờ Ngài mà đến gần Đức Chúa Trời, vì Ngài hằng sống để cầu thay cho những người ấy”. Hê-bơ-rơ 7, 25

“Ngài dâng chính mình Ngài làm sinh tế  một lần đủ cả” Hê-bơ-rơ 7, 27

“Ngài đã bước vào nơi Chí Thánh một lần đủ cả, không dâng máu dê đực và bò con, nhưng dâng chính huyết mình để đem đến sự cứu chuộc đời đời cho chúng ta”. Hê-bơ-rơ 9,12

“Ngài mang tội lỡi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ, để chúng ta chết đối với tội lỗi và sống cho sự công chính, nhờ những vết thương của Ngài mà mà anh em được chữa lành” 1 Phi-e-rơ 2,24

Ân điển cứu những ai tin Ngài khi còn đang sống ở trên đất, khi chết hoặc xuống âm phủ hoặc lên thiên đàng, không có luyện ngục, những người còn sống trên đất không thể dùng công đức để mua chuộc sự cứu rỗi cho người thân ở âm phủ.

“Qủa thật, ta nói cùng ngươi, hôm nay ngươi sẽ được ở với ta trong nơi pa-ra-đi”Lu-ca 23,43

“Kẻ nào không được biên vào sách sự sống đều bị ném xuống hồ lửa”. Khải huyền 20,15

“Đọan, sự chết và âm phủ bị quăng xuống hồ lửa. Hồ lửa là sự chết thứ hai”. Khải huyền 20,10

“Như mây tan và biến mất, người xuống âm phủ không còn trở lên được nữa. Họ không trở về nhà mình nữa, nơi họ ở chẳng còn ai biết đến”. Gióp 7,9-10

“Họ sẽ chẳng bao giờ được dự phần gì trong mọi việc xảy ra dưới ánh mặt trời”. Truyền đạo 9,6

“Hơn nữa, có một vực sâu lớn được phân định giữa chúng ta với con đến nỗi ai muốn từ đó qua đây cũng không được”. Lu-ca 16,26

“Không ai chuộc được anh em mình hoặc trả giá chuộc người ấy nơi Đức Chúa Trời”. Thi thiên 49, 7

“Vì giá chuộc mạng sống quá đắt, người ấy không thể trả nổi”. Thi thiên 49, 9

II. ĐỐI VỚI ANH EM: Nếp sống của tín đồ

1. Hãy bỏ con người cũ mặc lấy con người mới

“Chớ nói dối nhau vì đã lột bỏ người cũ cùng các công việc của nó mà mặc lấy người mới, là người đang được đổi mới trong nhận thức theo hình ảnh Đấng tạo dựng người ấy”
Co-lo-se 3, 9-10

“Chớ lấy ác trả ác cho ai, phải chăm tìm điều thiện trước mặt mọi người. Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa thuận với mọi người. Hỡi kẻ rất yêu dấu của tôi ơi, chính mình chớ trả thù ai, nhưng hãy nhường  cho cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời, vì có chép lời Chúa phán rằng: Sự trả thù thuộc về ta, ta sẽ báo ứng” Rô-ma 12,17-19

“Phàm những kẻ tà dâm, kẻ thờ hình tượng , kẻ ngoại tình, kẻ làm dáng điệu, kẻ đắm nam sắc, kẻ trộm cướp, kẻ hà tiện kẻ say sưa, kẻ chửi rủa, kẻ chắt bóp đều chẳng được hưởng nước Đức Chúa Trời đâu”. 1 Cô-rinh-tô 6, 10

“Phải bỏ khỏi anh em những sự cay đắng, buồn giận, tức mình, kêu rêu, mắng nhiếc, cùng mọi điều hung ác. Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy long thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy”. Ê-phê-sô 4,31-32

“Đừng say rượu , vì rượu xui cho luông tuồng, nhưng phải đầy dẫy Đức Thánh Linh”. Ê-phê-sô 5,18

“Chớ dùng men cũ là men hiểm độc và gian ác, mà hãy dùng bánh không men của sự thành thật và chân lý” 1 Cô-rinh-tô 5,8

2. Mặc lấy con người mới

“Trái của Thánh Linh là yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, khiêm nhu, tiết độ”. Ga-la-ti 5,22

“Hãy  vui mừng trong hy vọng, kiên nhẫn trong hoạn nạn, bền lòng mà cầu nguyện” Ro-ma 12,12

“Vì trái của ánh sáng là mọi điều nhân từ, công chính và chân thật” Ê-phê-sô 5,9

“Hãy bước đi trong sự yêu thương “ Ê-phê-sô 5, 2

“Đừmg làm điều gì vì lòng ích kỷ, hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, xem người khác như tôn trọng hơn mình”. Phi-líp 2, 3

“Chúa biết những ai thuộc về Ngài và người nào kêu cầu danh Ngài thì phải tránh xa điều bất chính” 2 Ti-mô-thê 2,19

“Mọi người phải mau nghe, chậm nói, chậm giận, vì cơn giận của loài người không thực hiện sự công chính của Đức Chúa Trời”. Gia-cơ 1,19-20

“Vậy, hãy loại bỏ mọi điều ô uế và gian ác đang lan tràn, lấy long nhu mì tiếp nhận lời đã trồng  trong anh em , là lời có thể cứu chuộc anh em”. Gia-cơ 1,21

“Ai không vấp phạm trong lời nói, đó là người trọn vẹn, có thể kiềm chế được cả thân thể mình”. Gia-cơ 3,2

“Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ân điển cho người khiêm nhường’ Gia-cơ 4,6

“Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho người khiêm nhường” 1 Phi-e-rơ 5,5

“Khi bị nguyền rủa, Ngài không nguyền rủa lại, lúc chịu đau khổ, Ngài không hề hăm dọa, nhưng phó thác chính mình cho Đấng phán xét công minh “. 1 Phi-e-rơ 2, 23

“Đừng phiền trách nhau, để anh em khỏi bị đoán xét, kìa Đấng phán xét đang đứng trước cửa”. Gia-cơ 5,9

“Đừng nói xấu nhau”. Gia-cơ 4,11

“Vậy, ai biết điều tốt cần phải làm mà không làm, thì phạm tội”. Gia-cơ 4,17

“Đừng thề gì hết” Ma-thi-ơ 5,34

“Đừng xét đoán ai để các con khỏi bị xét đoán. Vì các con xét đoán họ thế nào thì họ cũng xét đoán các con thế ấy, các con lường cho họ mực nào thì họ sẽ lường cho các con mực ấy’ Ma-thi-ơ 7,1

“Phải khiêm nhường đến điều, mềm mại đến điều, phải nhịn nhục, lấy lòng thương yêu mà chiều nhau, dùng dây hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Thánh Linh”. E-phê-sô 4,2

“Đừng chống cự kẻ ác. Trái lại, nếu ai vả má bên phải, hãy đưa luôn má bên kia cho người ấy, nếu ai muốn kiện con để lấy áo ngoài, hãy cho người ấy luôn áo trong; Nếu ai bắt con đi một dặm, hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, hãy cho, ai mượn của con thì đừng từ chối. Ma-thi-ơ 5, 39-42

“Hãy thương yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các con” Ma-thi-ơ 5, 44

“Nếu các con tha lỗi cho người ta, thì Cha các con ở trên trời cũng sẽ tha thư cho các con” Ma-thi-ơ 6, 14

“Khi con làm việc từ thiện, đừng cho tay trái biết tay phải làm gì để việc từ thiện con được kín đáo, và Cha con, Đấng thấy trong nơi kín đáo, sẽ ban thưởng cho con” Ma-thi-ơ 6, 3-4

“Mọi người phải vâng phục các đấng cầm quyền trên mình, vì chẳng có quyền nào mà không đến bởi Đức Chúa Trời, các quyền bởi Đức Chúa Trời chỉ định”. Ro-ma 13, 1

“Hãy trả cho mọi người điều mình mắc nợ: nộp thuế cho kẻ mình phải nộp, đóng lợi tức cho người mình phải đóng, sợ kẻ mình phải sợ, tôn trọng người đáng tôn trọng” Rô-ma 13, 7

“Đừng mắc nợ ai điều gì, ngoại trừ món nợ yêu thương nhau, vì ai yêu người lân cận mình là đã làm tr Đọc Tiếp →

6,836 views

Nhận Định về Lời Chứng “Hãy Chuẩn Bị Gặp Chúa của Bạn” của Angelica Elizabeth Zambrano Mora

Copyright Notice: All Rights Reserved © 2011 Vietnamese Christian Mission Ministry Church, Inc. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức nhưng xin giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.

Huỳnh Christian Timothy

Bấm vào đây để download bài viết này
Bấm vào đây để download bài viết này cho Kindle

Bấm vào đây để nghe âm thanh – phần 1
Bấm vào đây để nghe âm thanh – phần 2

Dẫn Nhập

Thánh Kinh xác định: "Đức Chúa Trời phán: Trong những ngày sau rốt, Ta sẽ đổ Thần Ta khắp trên mọi xác thịt; con trai và con gái các ngươi đều sẽ nói lời tiên tri, bọn trai trẻ sẽ thấy điềm lạ, và các người già cả sẽ có chiêm bao. Phải, trong những ngày đó, Ta sẽ đổ Thần Ta khắp trên các đầy tớ trai và gái Ta, chúng nó đều nói lời tiên tri" (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:17, 18; Giô-ên 2:28, 29).

"Những ngày sau rốt" khởi đầu từ khi Đức Thánh Linh được ban cho Hội Thánh, rồi sẽ kết thúc khi Đấng Christ tái lâm để phán xét thế gian và thiết lập vương quốc ngàn năm của Ngài trên đất. Vì thế, sự kiện con dân Chúa sẽ được thần cảm để thấy điềm lạ hoặc có chiêm bao để nói lời tiên tri là điều đương nhiên. Tuy nhiên, Thánh Kinh cũng cho biết có thần cảm giả mạo (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:2) và Sa-tan giả làm thiên sứ sáng láng (II Cô-rinh-tô 11:14). Chính Đức Chúa Jesus Christ đã cảnh giác con dân của Ngài: "Vì nhiều christ giả và tiên tri giả sẽ dấy lên, làm những dấu lớn, phép lạ, nếu có thể được thì họ cũng đến dỗ dành chính những người được chọn. Nầy, Ta đã bảo trước cho các ngươi." (Ma-thi-ơ 24:24, 25).

Thánh Kinh đã dạy cho chúng ta biết là chớ tin cậy mọi thần, nhưng phải thử các thần: "Hỡi kẻ rất yêu dấu, chớ tin cậy mọi thần, nhưng hãy thử cho biết các thần có phải đến bởi Đức Chúa Trời chăng; vì có nhiều tiên tri giả đã hiện ra trong thiên hạ" (I Giăng 4:1). Phương cách để thử các thần là cầu xin Đức Thánh Linh dùng chính Thánh Kinh để chỉ ra cho chúng ta những gì không thuộc về lẽ thật.

Sa-tan và các tà linh của nó có thể hiện ra như một thiên sứ sáng láng của Đức Chúa Trời, thậm chí, hiện ra giả làm Đấng Christ và mạo danh Chúa để "phán truyền, ban mạc khải," và làm ra đủ các thứ dấu kỳ, phép lạ, đến nổi có thể gọi lửa từ trời rơi xuống đất (Khải Huyền 13:13). Vì thế, nếu chúng ta chỉ dựa vào hình thể sáng láng, dựa vào các dấu kỳ, phép lạ, và những lời nói mang danh Chúa, thì chúng ta sẽ bị gạt một cách dễ dàng.

Nguyên tắc duy nhất để xác định một người, một thần, một sự việc có phải đến từ Chúa hay không, là đối chiếu chúng với Thánh Kinh. Chỉ cần có một chi tiết không đúng với Thánh Kinh, thì toàn bộ là sản phẩm giả mạo của loài người hoặc Sa-tan.

Trong bài này, người viết sẽ dùng Lời Chúa để chỉ ra những chi tiết không đúng với Thánh Kinh trong lời làm chứng: "Hãy Chuẩn Bị Gặp Chúa của Bạn" của Angelica Elizabeth Zambrano Mora.

Angelica Elizabeth Zambrano Mora là một thiếu nữ người Ecuador, Nam Mỹ, cô đã làm chứng rằng: Vào ngày 7 tháng 11 năm 2009, Chúa đã làm cho cô chết trong 23 tiếng đồng hồ. Sau đó, Chúa đã dẫn cô vào hỏa ngục và thiên đàng để cô xem thấy những điều đang xảy ra tại hai nơi đó. Rồi, Chúa cho cô sống lại và sai cô thuật những điều đã thấy cho thế gian. Lời làm chứng của cô: "Hãy Chuẩn Bị Gặp Chúa của Bạn," đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, phát hành đi khắp nơi trên thế giới, và cho đến năm 2011 thì cô trở thành nhà truyền giáo nổi tiếng.

Bản dịch Việt ngữ có thể download tại đây: http://www.divinerevelations.info/Documents/Prepare_to_meet_your_God/Vietnamese_Prepare_to_meet_your_God.pdf

Bản dịch Anh ngữ có thể download tại đây: http://www.divinerevelations.info/Documents/Prepare_to_meet_your_God/English_Prepare_to_meet_your_God.pdf

Những câu trích dẫn Anh ngữ dưới đây được trích dẫn từ trang mạng nêu trên và được người viết bài này dịch sang tiếng Việt.

Ba Mươi Điều Không Đúng với Thánh Kinh Trong Lời Chứng của Angelica

Điều 1:Những việc "lớn và khó" được đề cập trong Giê-rê-mi 33:3 không phải là thiên đàng và hỏa ngục.

Angelica:

Tôi đã xin một dấu hiệu rằng, Ngài ở với tôi, và Chúa đã cho tôi Giê-rê-mi 33:3: "Hãy kêu cầu Ta, Ta sẽ trả lời cho; Ta sẽ tỏ cho ngươi những việc lớn và khó, là những việc ngươi chưa từng biết." Tôi nói: "Lạy Chúa, có phải Ngài vừa phán với con?" Vì tôi nghe rõ tiếng nói của Ngài và có sự nhìn thấy những chữ đã được viết trong Giê-rê-mi 33:3.

Tôi hỏi: "Lạy Chúa, có phải đó là cho con?" Tôi giữ điều ấy cho chính mình, trong khi mọi người khác đang làm chứng những gì Chúa đã cho họ và những gì họ đã thấy. Tôi giữ bí mật điều đó và nghĩ rằng, những chữ "Kêu cầu Ta," có nghĩa là cầu nguyện, nhưng "những việc lớn và khó," có nghĩa gì? Tôi nghĩ: "Điều này chỉ có nghĩa là thiên đàng và hỏa ngục." Vậy nên, tôi nói: "Lạy Chúa, con chỉ muốn Ngài cho con thấy thiên đàng chứ không là hỏa ngục, bởi vì, con từng nghe rằng, đó là nơi khủng khiếp!" Nhưng rồi tôi hết lòng cầu nguyện: "Lạy Chúa, nếu ý Ngài là cho con thấy những gì Ngài phải cho thấy, thì xin hãy làm như vậy, nhưng xin thay đổi con trước. Con muốn Ngài làm ra một sự khác biệt trong con; con muốn được trở nên khác biệt."

I asked for a sign that He was with me, and the Lord gave me Jeremiah 33:3, "Call to Me and I will answer you and tell you great and unsearchable things you do not know." I said, "Lord, did You just talk to me?” Because I heard His audible voice and had a vision of the words written in Jeremiah 33:3.

I said, "Lord, is that for me?" I kept it to myself, while everyone else was testifying what the Lord had given them and what they had seen. But I kept it secret and would only meditate on the words: "Call unto Me" means to pray, but what did"great and mighty things" mean? I thought, "This can only mean heaven and hell." So I said, "Lord, I only want You to show me heaven, but not hell, because I've heard that it is a horrible place." But I then prayed with all my heart, "Lord if it is Your will to show me what You must, then do so, but change me first. I want You to make a difference in me; I want to be different.”

Nếu "những việc lớn và khó" trong Giê-rê-mi 33:3 là thiên đàng và hỏa ngục, thì ý nghĩa của câu Thánh Kinh đó sẽ là: Hễ Giê-rê-mi kêu cầu Chúa, thì Ngài sẽ cho ông thấy thiên đàng và hỏa ngục! Nên nhớ, đây là lời Chúa phán trực tiếp đến Tiên Tri Giê-rê-mi, lúc ông đang bị giam trong hành lang của cung điện Vua Sê-đê-kia, nước Giu Đa (Giê-rê-mi 32:2; 33:1), trong khi quân lính Ba-by-lôn đang bao vây thành Giê-ru-sa-lem, để phá thành và bắt dân Giu-đa đi lưu đày 70 năm. Sự cứng lòng của dân Giu-đa dẫn đến sự sửa phạt nặng nề của Thiên Chúa trên vương quốc Giu-đa, đang xảy ra trước mắt Giê-rê-mi; nhưng Chúa bảo ông hãy kêu cầu Chúa, thì Chúa sẽ tỏ cho ông những việc lớn và khó, mà Ngài sẽ làm cho dân của Ngài.

Nghĩa đen của Giê-rê-mi 33:3, hiểu theo văn cảnh của toàn đoạn 33 và toàn sách Giê-rê-mi, có nghĩa là: Nếu Giê-rê-mi kêu cầu Chúa thì Chúa sẽ tỏ cho ông về sự Thiên Chúa sẽ tha thứ, giải cứu, và phục hồi hai vương quốc I-sơ-ra-ên và Giu-đa: "Nầy, Ta sẽ ban sức mạnh cho nó, và chữa lành; Ta sẽ chữa lành chúng nó, sẽ tỏ cho chúng nó thấy dư dật sự bình an và lẽ thật. Ta sẽ khiến những phu tù Giu-đa và phu tù I-sơ-ra-ên trở về; gây dựng lại chúng nó như hồi trước. Ta sẽ làm cho sạch mọi sự gian ác chúng nó đã phạm nghịch cùng Ta; Ta sẽ tha mọi sự gian ác chúng nó đã phạm nghịch cùng Ta, và đã phạm pháp nghịch cùng Ta" (Giê-rê-mi 33:6-8).

Nghĩa ứng dụng thuộc linh của Giê-rê-mi 33:3 là: Hễ ai kêu cầu Chúa thì Ngài sẽ đáp lời họ, tỏ cho họ năng lực và sự mầu nhiệm của Tin Lành về sự Thiên Chúa sẽ tha thứ, giải cứu, và phục hồi những ai thật lòng ăn năn, từ bỏ tội, và tin nhận Đấng Christ.

Điều 2: Đức Chúa Trời không hề giải thích Thánh Kinh theo ý loài người.

Angelica:

Tôi đã cầu nguyện suốt cả tháng 8 và rồi trong tháng 11, một tôi tớ của Chúa đã đến nhà chúng tôi và nói: "Nguyện Chúa ban phước cho cô." Tôi đáp lời: "A-men!" Ông bèn nói: "Tôi đến đây để mang cho cô một sứ điệp từ Đức Chúa Trời… cô phải chuẩn bị chính mình, vì Chúa sẽ tỏ cho cô những việc lớn và khó mà cô chưa từng biết. Ngài sẽ tỏ cho cô thiên đàng và hỏa ngục, bởi vì cô đã cầu xin theo Giê-rê-mi 33:3." Tôi hỏi: "Vâng, làm sao ông biết được? Tôi chưa hề nói điều đó với ai cả." Ông ta trả lời: "Chính Đức Chúa Trời mà cô hầu việc và tôn vinh, chính Đức Chúa Trời đó mà tôi cũng tôn vinh đã nói cho tôi mọi sự."

I prayed during all of August and then in November, a servant of the Lord came to our house and said, "May the Lord bless you." I replied, "Amen." He then said, "I am here to bring you a message from God…you must prepare yourself, because the Lord will show you great and mighty things which you do not know. He is going to show you Heaven and Hell because you have been asking, from Jeremiah 33:3." I asked, "Yes, how did you know? I haven't told that to anyone." He responded, "The same God that you serve and praise, that very same God I also praise told me everything."

Mọi lời tiên tri trong Thánh Kinh đều không thể giải thích theo ý riêng: "Trước hết, phải biết rõ rằng chẳng có lời tiên tri nào trong Thánh Kinh lấy ý riêng giải nghĩa được. Vì chẳng hề có lời tiên tri nào từng bởi ý một người nào, nhưng những người thánh của Thiên Chúa đã cảm động bởi Thánh Linh mà nói ra" (II Phi-e-rơ 1:20, 21). Thế nhưng, trong lời làm chứng trên đây của Angelica, chúng ta thấy cô đã tự ý giải thích: "những việc lớn và khó" là "thiên đàng và hỏa ngục." Tiếp theo, Angelica nói một "tôi tớ Chúa" đã đến nhà của cô và nói với cô rằng, Chúa sẽ cho cô thấy thiên đàng và hỏa ngục như lời cô đã cầu nguyện theo Giê-rê-mi 33:3. Và như vậy, theo cô, điều đó có nghĩa là sự hiểu của cô về "những việc lớn và khó" trong Giê-rê-mi 33:3 đã được một "tôi tớ Chúa" ấn chứng là đến từ "Chúa."

Một khi Lời Chúa bị giải thích sai trật thì dù cho có bao nhiêu người "xác chứng" cũng không thể biến những sai trật đó thành lẽ thật. Chính sự kiện một người rao giảng Lời Chúa đúng với Thánh Kinh tỏ cho biết người ấy là tôi tớ Chúa; còn một người dù có địa vị và bằng cấp cao trọng trong các giáo hội, nhưng giảng sai Lời Chúa, thì không thể là tôi tớ Chúa mà chỉ là giáo sư giả và tiên tri giả, mạo làm kẻ giúp việc công bình (II Cô-rinh-tô1:15). Họ cũng có thể nhân danh Chúa để nói tiên tri, trừ quỷ, và làm nhiều phép lạ, nhưng Chúa không hề biết họ (Ma-thi-ơ 7:21, 22). Họ và những kẻ nghe theo họ sẽ bị hư mất đời đời.

"Đức Chúa Trời" mà một người hầu việc và tôn vinh không hẳn là Đức Chúa Trời của Thánh Kinh. Phải chăng Sa-tan đã ranh mãnh chơi chữ với những người bị rơi vào trong sự dối gạt của nó?

Điều 3: Thánh Kinh không hề nói các thiên sứ của Chúa được sai đến tiếp xúc với loài người có cánh.

Angelica:

Họ cao và đẹp với những bộ cánh xinh đẹp. Họ to lớn và chiếu sáng, dường như trong suốt và rực rỡ như vàng. Họ mang những giầy bằng thủy tinh và mặc những trang phục thánh. "Tại sao các ngươi ở đây?" Họ mĩm cười và đáp: "Chúng tôi ở đây vì chúng tôi có nhiệm vụ phải thi hành… Chúng tôi ở đây vì cô phải viếng thăm thiên đàng và hỏa ngục; và chúng tôi sẽ chẳng rời khỏi cho đến khi mọi việc này được hoàn tất." Tôi đáp lời: "Tốt lắm, nhưng tôi chỉ muốn viếng thiên đàng mà không viếng hỏa ngục." Họ mĩm cười và cứ ở đó, nhưng họ không nói gì thêm. Sau khi chúng tôi chấm dứt buổi cầu nguyện, tôi vẫn có thể nhìn thấy họ ở đó.

They were tall and beautiful; with beautiful wings. They were large and shining, and seemed transparent, brilliant as gold. They wore crystal sandals and had on holy garments. "Why are you here?" They smiled and said, "We are here because we have a task to carry out…We are here because you must visit Heaven and Hell and we will not leave until all of this comes to pass." I responded, “very well, but I only want to visit heaven, not hell." They smiled, and stayed there, but did not say anything more. After we finished prayer, I could still see them there.

Thánh Kinh chỉ nói đến các Chê-ru-bin và Sê-ra-phin là có cánh. Họ là những sinh vật kề bên ngai Chúa. Các Chê-ru-bin và Sê-ra-phin không phải là hàng thiên sứ được Chúa sai đến, tiếp xúc với loài người. Chê-ru-bin ở phía dưới ngai còn Sê-ra-phin thì bao phủ ở phía trên ngai của Thiên Chúa. Thánh Kinh không dùng từ ngữ "thiên sứ" để gọi các sinh vật này mà chỉ dùng từ ngữ "các sinh vật."

Ngoài ra, Xa-cha-ri 5:9 nói đến khải tượng về hai tà linh có hình dáng người đàn bà và có cánh như cánh cò (chim cò thuộc loài vật ô uế), được Thiên Chúa dùng làm công cụ để sửa phạt vương quốc Giu-đa. Hai người đàn bà có cánh này tiêu biểu cho tà linh cầm quyền trên dân Canh-đê và dân Ba-by-lôn, là hai giống dân thuộc đế quốc Ba-by-lôn, được Chúa dùng để sửa phạt dân Giu-đa.

Khái niệm cho rằng các thiên sứ có cánh và các thánh đồ trong Thánh Kinh có vòng hào quang bao chung quanh đầu ra từ những tranh tượng của các Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống.

Sự hiện thấy của Angelica về hai "thiên sứ" có cánh đến xác chứng với cô rằng, "những việc lớn và khó" là việc Chúa sẽ cho cô viếng thăm "thiên đàng và hỏa ngục," một lần nữa, cho chúng ta thấy Sa-tan chuẩn bị thật kỷ từng chi tiết, để khiến người ta tin vào sự dối trá của nó.

Điều 4: Thánh Kinh không hề ghi lại sự kiện một người có thể nhìn thấy Đức Thánh Linh như cách nhìn thấy thiên sứ.

Angelica:

Tôi cũng bắt đầu nhìn thấy Đức Thánh Linh. Ngài là bạn tốt nhất của tôi. Ngài là thánh, Ngài biết hết mọi sự, Ngài ở khắp mọi nơi. Tôi có thể nhìn thấy Ngài, vừa trong suốt vừa rực rỡ, với một dung mạo chói sáng. Tôi có thể nhìn thấy nụ cười của Ngài và cái nhìn yêu thương của Ngài. Tôi khó mà diễn tả Ngài, vì Ngài xinh đẹp hơn các thiên sứ nhiều.

I also started to see the Holy Spirit; He is my best friend; He is Holy, He is omniscient; He is omnipresent! I could see Him, transparent and brilliant at the same time; with a brilliant countenance, I could see His smile and His loving gaze! I can hardly describe Him, because He is more beautiful than angels.

Loài người có thể nhìn thấy các thiên sứ của Chúa hoặc nhìn thấy các tà linh lấy hình loài người hiện ra, và chỉ có thể nhìn thấy Thiên Chúa trong hình thể của loài người qua Đức Chúa Jesus, vì Đức Chúa Jesus đã có một thân thể xác thịt như loài người. Sau khi Đức Chúa Jesus phục sinh từ cõi chết, loài người cũng có thể nhìn thấy Ngài và sờ chạm Ngài. Trong khải tượng được ghi lại trong sách Khải Huyền, Sứ Đồ Giăng cũng nhìn thấy Đức Chúa Jesus trong hình thể của loài người. Tuy nhiên, Thánh Kinh không hề ghi lại sự kiện một người có thể nhìn thấy Đức Chúa Cha hoặc Đức Thánh Linh trong hình thể của loài người. Vì thế, lời chứng trên đây của Angelica không có một hậu thuẩn nào từ Thánh Kinh. Nếu chúng ta tin vào tất cả những gì  không được ấn chứng của Thánh Kinh, thì chúng ta sẽ không còn tiêu chẩn để phân biệt thật giả.

Điều 5: Công Vụ của Đức Thánh Linh trên đất, giữa Hội Thánh, trong lòng người tin Chúa không phải để chơi với tín đồ và hiện ra cho tín đồ nhìn thấy hoặc làm theo lời sai khiến của tín đồ.

Angelica:

Tôi có thể nhìn thấy, chơi với, và ngay cả trò chuyện với Đức Thánh Linh. Nhưng các thiên sứ thì không trò chuyện với tôi, mà họ chỉ tôn vinh Chúa. Tôi có thể nói: "Đức Thánh Linh, xin hãy đến với con và làm điều này hay làm điều kia," thì Ngài liền ở đó. Tôi có thể nhìn thấy Ngài, cảm nhận Ngài. Tôi nhìn thấy Ngài khi Ngài đứng dậy, đến nổi tôi dọn một chỗ cho Ngài ngồi. Mặc dù nhiều người không thể nhìn thấy Ngài, Ngài vẫn ở đây.

I could see; play with, and even talk to the Holy Spirit. But the angels would not talk to me, but they would praise the Lord. I would say, "Holy Spirit come along with me to do this or that" and He would be there. I could feel and see Him. I saw Him when He would rise to His feet, and would even prepare a seat for Him. Although many can't see Him, He is here!

Lời chứng trên đây của Angelica cũng tương tự như lời chứng vừa nêu trên trong điều 4, hoàn toàn không có sự hậu thuẩn của Thánh Kinh. Chúng ta có thể nói: Angelica đang thấy tà linh và chơi với tà linh.

Điều 6: Thánh Kinh không hề ghi lại sự kiện: khi một người nhìn thấy khải tượng từ Chúa thì bị đau đớn trong thân thể.

Angelica:

Trong khi cầu nguyện, tôi cảm thấy hụt hơi, tôi không thể thở được. Tôi cảm thấy đau đớn trong bụng và trong tim. Tôi cảm thấy máu của tôi sắp ngưng tuần hoàn và một cơn đau đớn khủng khiếp lan khắp thân thể tôi. Tôi chỉ có thể nói: "Lạy Chúa, xin thêm sức cho con, xin thêm sức cho con," vì tôi cảm thấy tôi không còn chịu nổi nữa. Tôi không còn sức lực, nó đã lìa khỏi tôi. Khi tôi nhìn lên trời, trong cõi thuộc linh, không phải với đôi mắt vật lý của tôi, tôi đã nhìn thấy thiên đàng mở ra. Tôi nhìn thấy các thiên sứ, không phải hai hay mười, nhưng hàng triệu vị đang nhóm họp với nhau. Giữa hàng triệu thiên sứ, tôi nhìn thấy một ánh sáng, sáng chói gấp 10,000 lần mặt trời. Và tôi nói: "Lạy Chúa, đó chính là Ngài, Đấng đang đến!"

During prayer, I felt shortness of breath; I couldn't breathe. I felt a pain in my abdomen and in my heart. I felt my blood going dormant, and tremendous pain all over my body. All I could say was, "Lord, give me strength, give me strength!" because I felt I couldn't go on. I had no strength, it was leaving me! When I looked up to heaven, in the spiritual realm, not with my physical eyes, I saw heaven opening up. I saw angels, not two nor ten, but millions of them gathering together. In the midst of the millions of angels, I saw a Light, 10,000 times brighter than the sun. And I said, "Lord that is You who is coming!"

Điều 7: Thánh Kinh không hề ghi lại rằng Đức Chúa Jesus tự xưng danh Ngài là Giê-hô-va.

Angelica:

Vào giây phút đó, tôi nghe tiếng của Chúa, một giọng nói yêu thương như sấm vang: "Đừng sợ! Hỡi con gái! Vì Ta là Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của con. Ta phải đến đây để tỏ cho con điều mà Ta đã hứa với con. Hãy chổi dậy, vì Ta là Giê-hô-va, Đấng nắm giữ con bởi tay phải con và phán với con rằng, đừng sợ, vì Ta sẽ giúp con!"

At that moment I hear the Lord's voice, a beautiful voice with thunder and love, "Fear not, Daughter, for I am Jehovah, Your God, and I have come here to show you what I have promised you. Arise, for I am Jehovah, who holds you by your right hand and tells you, Fear not, I will help you."

Mặc dù chúng ta biết Giê-hô-va là tên riêng của Thiên Chúa Ba Ngôi, nghĩa là: Đức Chúa Cha là Giê-hô-va, Đức Chúa Con là Giê-hô-va, và Đức Thánh Linh là Giê-hô va. Ê-sai 6:1-5 ghi lại sự kiện Tiên Tri Ê-sai nhìn thấy Đức Giê-hô-va ngồi trên ngôi cao sang, và Giăng 12:41 cho biết là Ê-sai đã thấy Đức Chúa Con. Thế nhưng Thánh Kinh không hề ghi lại rằng, Đức Chúa Jesus tự xưng danh Giê-hô-va khi phán với loài người. Ngay trong Khải Huyền là cuốn sách ghi lại những mạc khải cuối cùng của Thiên Chúa ban cho loài người, Đức Chúa Jesus cũng chỉ xưng: "Ta là Jesus" (Khải Huyền 22:16)!

Vì thế, lời chứng trên đây của Angelica cũng không có sự hậu thuẩn của Thánh Kinh. Càng nhiều chi tiết "ly kỳ," khác thường nhưng không có trong Thánh Kinh bao nhiêu, chỉ càng giúp cho con dân chân thật của Chúa, là "những người đã được chọn," càng dễ nhìn ra sự dối trá của Sa-tan.

Điều 8: Khải Huyền 1:14 ghi rằng đầu và tóc của Chúa trắng như lông chiên, không phải tóc Ngài là vàng chói sáng.

Angelica:

Khi tôi bắt đầu bước đi thì các thiên sứ mở ra một lối đi. Có một ánh sáng mạnh mẽ chiếu ra và tôi nhìn vào đó, tôi cảm thấy bình an. Khi tôi nhìn, tôi thấy một người đàn ông xinh đẹp, cao, thanh lịch, vạm vỡ; ánh sáng phát ra từ Ngài. Có quá nhiều ánh sáng nên tôi không thấy mặt Ngài, nhưng tôi có thể thấy mái tóc xinh đẹp bằng vàng chói sáng của Ngài và một trang phục trắng với thắt lưng vàng ngang ngực; trên đó có hàng chữ: Vua muôn vua và Chúa muôn chúa!

As I started walking, the angels began to open a path. There was a strong light shining, and as I gazed at it, I felt peace. As I looked, I saw a beautiful, tall, elegant, muscular man. Light was projecting from Him. There was too much light for me to see His face! But I could see His beautiful hair of brilliant gold and a white garment with a wide golden girdle that crossed His chest. It read, "KING OF KINGS AND LORD OF LORDS."

Điều 9: Đức Chúa Jesus khẳng định với Đức Chúa Cha, Ngài đã ban sự vinh quang của Ngài cho những ai thuộc về Ngài: "Con đã ban cho họ sự vinh quang mà Ngài đã ban cho con, để họ trở nên một cũng như chúng ta là một" (Giăng 17:22 – Bản Dịch Ngôi Lời).

Vì thế, hễ những ai thuộc về Ngài thì có vinh quang của Ngài và nhận biết Ngài là thật, nhận biết vinh quang của Ngài là thật. Vậy, tại sao gần hai ngàn năm sau, Chúa lại phải tỏ cho Angelica thấy vinh quang của Ngài và nhờ cô bảo với con dân Ngài, rằng: Ngài là thật và vinh quang của Ngài là thật? Nếu một người không tin Ngài là thật thì làm sao trở thành con dân của Ngài? Nếu một người đã là con dân Ngài mà không nhận biết sự vinh quang của Ngài, (tức là: tình yêu, sự công chính, và sự thánh khiết của Ngài), là thật thì làm sao có thể chiếu sáng vinh quang của Ngài qua thân thể và đời sống của người đó (I Cô-rinh-tô 6:20)?

Angelica:

Và, Ta cũng sẽ tỏ cho con sự vinh quang của Ta, để con nói với dân Ta hãy chuẩn bị, vì sự vinh quang của Ta là thật và Ta là thật!"

And also, My glory will I show you, for you to tell My people to be prepared, for My glory is real and I am real."

Điều 10: Thánh Kinh không hề diễn tả hỏa ngục với những màn tra tấn, hành hạ khủng khiếp bởi quỷ dữ để người ta sợ.

Angelica:

Ngài phán: "Hỡi con gái, Ta sẽ ở với con. Ta sẽ chẳng lìa con trong nơi đó và Ta sẽ tỏ cho con nơi đó, bởi vì, có nhiều người biết hỏa ngục có thật nhưng họ không sợ. Họ tin nó là một trò chơi, rằng hỏa ngục là chuyện đùa, và nhiều người không biết về nó. Đó là lý do Ta sẽ tỏ cho con nơi ấy, bởi vì, có nhiều người hư mất hơn là vào trong sự vinh quang của Ta."

He said, "Daughter, I will be with you. I will not leave you in that place and I am going to show you that place because there are many who know that hell exists, but they have no fear. They believe it's a game, that hell is a joke, and many don't know about it. That is why I am going to show you that place, because there are more that perish than those that are entering My glory."

Thánh Kinh đã nói đến sự có thật của hỏa ngục và số phận hư mất đời đời của những ai không tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jesus Christ. Chỉ Tin Lành của Đức Chúa Trời mới có năng quyền để cứu tất cả những ai tin nhận Tin Lành ấy (Rô-ma 1:16), chứ không phải sự thật khủng khiếp về hỏa ngục mới khiến người ta được cứu rỗi. Rao giảng về sự khủng khiếp của hỏa ngục với mục đích muốn cho người ta tin Chúa tức là rao giảng một thứ "tin lành khác," không có trong Thánh Kinh (II Cô-rinh-tô 11:4; Ga-la-ti 1:6, 7).

Điều 11: Thánh Kinh không hề dạy mỗi con quỷ ở trong hỏa ngục được ban cho tên của một người và một phi tiêu, để chúng lên mặt đất dùng phi tiêu hủy diệt người đó và mang người đó vào hỏa ngục.

Điều 12: Thánh Kinh chép: "Nhưng mỗi người bị cám dỗ khi mắc tư dục xui giục mình. Đoạn, lòng tư dục cưu mang, sanh ra tội ác; tội ác đã trọn, sanh ra sự chết" (Gia-cơ 1:14, 15). Nếu quả thật, mỗi tà linh được ban cho quyền hủy diệt nhân loại để đem họ vào hỏa ngục, thì nhân loại không có trách nhiệm về sự hư mất của họ.

Điều 13: Thánh Kinh dạy rằng: Sa-tan là thần của đời này (II Cô-rinh-tô 4:4) và các thần dữ của nó đang hành động trong chốn không trung (Ê-phê-sô 2:2; 6:12), còn các thiên sứ phạm tội khác bị xiềng lại trong vực sâu để chờ ngày bị phán xét (II Phi-e-rơ 2:4). Thánh Kinh không dạy ma quỷ từ hỏa ngục có thể tiến lên mặt đất để tấn công loài người, ngoại trừ một lần duy nhất trong thời đại nạn, chúng sẽ được thả ra từ vực sâu không đáy, lên trên mặt đất để hành hại những người theo Anti-Christ (Khải Huyền 9).

Điều 14: Thánh Kinh không hề dạy ma quỷ đem linh hồn của tội nhân vào hỏa ngục. Chính Chúa nhốt các thiên sứ phạm tội vào vực sâu, chính Chúa sẽ ném Anti-Christ và tiên tri giả của nó vào hỏa ngục, và chính Chúa cũng sẽ ném Sa-tan vào hỏa ngục. Sau khi Sa-tan bị ném vào hỏa ngục thì Chúa mới xét xử những người không có sự cứu rỗi, rồi mới ném họ xuống hỏa ngục (Khải Huyền 2011-15). Thánh Kinh cho biết các thiên sứ làm nhiệm vụ thu thập những kẻ ác ra khỏi vương quốc của Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 13:39, 41, 49).

Điều 15: Thánh Kinh không hề dạy Chúa khóc vì những linh hồn bị hư mất trong hỏa ngục. Nếu Chúa khóc vì những linh hồn bị hư mất trong hỏa ngục thì Ngài sẽ khóc đến đời đời.

Angelica:

Tôi nhìn thấy những con quỷ kinh khiếp, đủ loại, cả lớn lẫn nhỏ. Chúng nó chạy thật nhanh và cầm vật chi đó trong tay chúng. "Lạy Chúa, tại sao chúng chạy như vậy và chúng cầm vật gì trong tay?" Ngài đáp: "Hỡi con gái, chúng chạy vì chúng biết thời giờ của chúng sắp hết, vì không còn bao nhiêu thời gian để hủy diệt nhân loại, đặc biệt là dân Ta. Những vật chúng cầm trong tay chúng là những phi tiêu dùng để hủy diệt nhân loại, bởi vì mỗi con quỷ được ban cho một tên người và tùy theo tên người đã ban cho nó, nó có một phi tiêu để hủy diệt người đó và đem người đến nơi này. Mục đích của nó là hủy diệt người đó và đem người vào hỏa ngục." Và tôi có thể thấy những con quỷ chạy ra, hướng về địa cầu; và Ngài phán với tôi: "Chúng nó đến địa cầu để mang và ném nhân loại vào trong chốn này!" Trong khi phán lời này, Ngài đã khóc. Ngài khóc rất nhiều. Ngài khóc suốt buổi và tôi cũng khóc nữa.

I saw horrible demons, of all types, both large and small. They were running so fast, and carrying something in their hands. "Lord, why are they running like that and what are they carrying?" He answered, “Daughter, they run that way because they know their time is running out, because time is so short to destroy humanity and especially My people. That which they carry in their hands are darts to destroy humanity, because each demon is given a name and according to the name that is given to them, they have a dart to destroy that person and bring them to this place; their goal is to destroy that person and bring them to hell." And I would see the demons running and exiting toward Earth and He told me. "They are going to Earth to bring and throw humanity into this place." As He said this He would weep, He would weep so very much. He was weeping all the time and I would cry too.

Điều 16: Số 666 của con thú trong Khải Huyền 13 là dấu hiệu mà một người thờ lạy nó, tình nguyện chịu mang lấy trên trán hoặc trên tay phải. Việc đó sẽ xảy ra trong thời đại nạn, sau khi Chúa đã đem Hội Thánh ra khỏi thế gian. Hiện nay, không ai có thể nhận con dấu của con thú vì con thú chưa xuất hiện.

Điều số 17: Thánh Kinh dạy rất rõ, là sau khi Sa-tan bị ném vào hỏa ngục, những người không tin nhận Chúa sẽ bị phán xét tùy theo mỗi việc họ đã làm, rồi mới bị ném vào hỏa ngục (Khải Huyền 20:11-15). Vậy, tại sao hiện nay người thanh niên trong lời chứng của Angelica đã chịu hình phạt ở trong hỏa ngục? Trớ trêu là ngay trong lời nói của tà linh mà Angelica gọi là "Chúa Jesus," cũng khẳng định rõ sự phán xét chỉ xảy ra trong ngày cuối cùng, không phải trong hiện tại.

Angelica:

Chúa phán với tôi: "Con đã sẵn sàng để xem điều mà Ta sẽ tỏ ra cho con chăng?" Tôi đáp: "Vâng, thưa Chúa!" Ngài đem tôi đến một phòng giam mà tôi có thể nhìn thấy một thanh niên đang bị khổ giữa lửa. Tôi để ý thấy phòng giam được đánh số, mặc dầu tôi không thể hiểu những con số, hình như chúng được viết ngược. Có một tấm bảng lớn trong phòng giam đó và người thanh niên có số "666" trên trán anh ta. Anh ta cũng có một tấm bảng lớn bằng kim loại được khảm vào da của anh ta. Những con sâu đang ăn anh ta nhưng không thể làm hư tấm bảng; lửa cũng không cháy nó. Anh ta kêu la: "Lạy Chúa, xin thương xót con. Xin đem con ra khỏi chốn này. Xin tha thứ con, Chúa ơi!" Nhưng Đức Chúa Jesus đáp: "Trể rồi! đã quá trể! Ta đã ban cho ngươi nhiều cơ hội mà ngươi đã không ăn năn." Tôi hỏi Đức Chúa Jesus: "Lạy Chúa, tại sao anh ta ở đây?" Rồi, tôi nhận ra anh ta. Trên đất, người thanh niên này biết Lời Chúa, nhưng bỗng nhiên anh ta rời xa Chúa, chọn rượu, ma túy, và đi vào con đường sai trái. Anh ta đã không muốn đi theo con đường của Chúa. Đức Chúa Jesus đã cảnh cáo anh nhiều lần về việc điều gì sẽ xảy đến cho anh. Đức Chúa Jesus phán: "Hỡi con gái, anh ta ở trong chỗ này bởi vì bất kỳ ai chối bỏ Lời Ta thì đã có một thẩm phán. Lời mà Ta đã phán sẽ phán xét anh ta trong ngày cuối cùng."

The Lord said to me, "Are you ready to see what I am going to show you?" "Yes, Lord," I said. He took me to a cell where I could see a young man being tormented among the flames. I noticed that the cell was enumerated, though I couldn't understand the numbers, they seemed to be backward. There was a huge plaque in that cell, and the young man had the number "666" on his forehead. He also had a big metallic plate that was encrusted into his skin. The worms that were eating him, were unable to damage that plate; neither did the flames burn it. He screamed, "Lord, have mercy on me. Take me out of this place. Forgive me, Lord!" But Jesus would respond, "It's late, too late: I gave you opportunities and you would not repent." I asked Jesus, "Lord, why is he here?" Then I recognized him. On Earth, this young man knew the Word of God, but abruptly he walked away from the Lord, preferring alcohol, drugs and walking on the wrong path. He did not want to follow the way of the Lord. Jesus warned him many times on what could happen to him. Jesus said, "Daughter, he is in this place because anyone who rejects My Word already has a judge: The Word that I have spoken will judge him in that last day,"

Điều 18: Hỏa ngục là nơi Chúa dựng nên để hình phạt ma quỷ (Ma-thi-ơ 25:41), không phải là nơi để ma quỷ hành hạ những người bị hư mất. Hiện nay chưa có ai trong hỏa ngục vì chưa đến kỳ phán xét.

Angelica:

Tôi không bao giờ tưởng tượng sẽ nhìn thấy một người thân của mình trong phòng giam đó. Tôi nhìn thấy một người đàn bà đang bị hành hạ. Bà có những con sâu ăn hết khuôn mặt của bà và những con quỷ phóng một thứ như cây giáo vào thân thể của bà. Bà ta kêu la: "Không! Lạy Chúa, xin thương xót con, xin tha thứ con, xinđem con ra khỏi nơi này chỉ một phút mà thôi!"

I never could have imagined seeing a relative of mine in that cell. I saw this woman being tormented, she had worms that would eat her face off, and demons would plunge a type of spear into her body. She would scream, "No, Lord, have mercy on me, forgive me, please, take me out of this place for one minute!"

So về mức độ phạm tội thì ma quỷ phạm tội trầm trọng hơn và nhiều hơn loài người, vì ma quỷ được tận mắt nhìn thấy sự vinh quang của thi Đọc Tiếp →

4,982 views

A Catholic Nun’s Testimony

Quý bạn đọc có thể dùng Google Translate để dịch bài viết sau đây sang tiếng Việt: http://translate.google.com/#en|vi|

A Nun's Testimony

by
Sister Charlotte Keckler

        I was reared in a devout Roman Catholic home and, although our home contained many religious items, we never had a Bible there. Consequently, I never heard of God's wonderful plan of salvation by faith in the Lord Jesus. No one ever explained to me that I only had to invite Him into my heart and ask Him to save me from all my sins to be born again (Revelation 3:20). Instead, I only knew what I was taught in the catechisms and in the institution which we attended faithfully.
        Unknown Object
        I had a deep love and devotion to the God I did not really know personally and I yearned to give my life to Him completely. According to the teaching I received, the way to do this was to become a nun and enter a convent. My parish priest pressed this idea on me as did the nuns who taught in my parochial school.

        How well I remember the day two nuns from my school accompanied me home. The parish priest joined them there for a conference with my father and mother. In my family, children did not interrupt grown-ups but asked to speak. When given permission I told my father simply, "Dad, I want to go into the convent." Both parents wept for joy at this because they had been thoroughly indoctrinated to believe that to give a child to the convent in this matter was a great service to God.

        They were thrilled that one of their girls had decided to give her life to the convent in order to pray for lost humanity. It was all so exciting and religious, and none of us had any idea what was involved or implied in all this. Tragically, both my parents and I had been cleverly manipulated by carefully trained recruiters, representatives of the Roman Catholic system, whom we trusted. Not for one moment did we suspect the deception, lies and horror which lay behind the convent doors. We believed what we had been taught. Like sheep we were led to the slaughter, totally unaware of the fate planned for us.

        Twelve months went by and the year 1910 came, when I was to leave home. My mother and I busied ourselves with preparations. The priest said that they had no place for me near home; therefore, my parents had to take me a thousand miles crosscountry to enter me in the convent boarding school. I was then three months from my thirteenth birthday, an immature child, being snatched from my parents at a critical time in my growing up.

        Never had I been away from my parents, not even overnight. When they left after staying with me for three days, I was smitten with an aching loneliness and homesickness. In all of the planning for the move, I didn't really realize that I was going to be separated from my parents, never to see them again. I was miserable and unhappy.

        Catholic priests select children at the confessional box and begin to plant the seed to steer them into the convents and the priesthood. Even when I was seven, I would go immediately to the statue of the Virgin Mary when I entered the church to pray, believing she would help me to make a good confession. My childish heart was very honest and the priest always heavily emphasized the absolute necessity of making a good confession. We could keep back nothing if we expected absolution from our sins.

        I entered what was classified as a sister of the open order, until I took my white veil at the age of sixteen and one half. Everything was beautiful, and I had no fears or doubts in my mind. The things I was taught were in line with what I had been told earlier before entering the convent. There was no reason to suspect that there were vast areas which were hidden and had been deliberately misrepresented.

        Shortly after arrival at the convent, I resumed my schooling. I had just graduated from eighth grade and they had promised me a high school education plus college. Actually, I got little beyond the high school level, other than some nurse's training. The schooling I received was under duress and terrible difficulties. Following this, I was pushed into the crucial training required of all noviates entering the convent.

        Six months before I was fourteen, the Mother Superior began to urge me to take the white veil. She made it all sound so glamorous, romantic and fascinating. I would take the white veil, dressed in a beautiful white wedding dress. An actual marriage ceremony would follow and I would receive a ring and become the spouse or bride of Christ. It was not difficult for an impressionable teenager to be swayed into eager agreement.

        Mother Superior then wrote my father to tell him how much money he must send to pay for my wedding dress. Because he was wealthy, it was a sizeable amount. I learned later that it was customary to demand three to five times the cost of the dress. The nuns bought the material and made the dress so that the actual cost was small and the rest of the money could be pocketed. No opportunity was overlooked to milk funds from the faithful.

        I was always devout and often walked the fourteen stations of the cross, but after deciding to take the white veil, my fervency increased. In my anxiety to be holy enough to be worthy to become the bride of Christ, I began to crawl the stations of the cross each Friday. Surely this would draw me closer to God and prepare me to take the step I planned.

        My heart was bursting with idealistic devotion and love toward the false goals I had been taught would please and honor God in my life. Hundreds of innocent girls go down this trail into the maw of the convents annually, starry eyed and desiring to give their hearts, minds and souls in unselfish service, praying for lost humanity.

        With the wedding ceremony behind them, nuns are treated as married woman. We were taught that our family would be saved if we continued to live in the convent, serving the Roman Catholic system. A child's concern for family members, especially erring ones, is often manipulated by the father confessor to convince him/her to go into religious vocations. As a child, I looked on my father confessor as God and others with whom I have talked did the same thing. This gives his insinuations and suggestions tremendous power and influence. I thought of him as being holy and infallible, totally incapable of lying.

        After I took the white veil, everything continued, rosy, religious and beautiful. Everyone was good to me and I lived in the open order convent I saw nothing to lead me to believe it would not continue this way. No girl is subject to the priest until she is twenty-one, but I knew nothing of this for all was carefully hidden and covered. There was no clue to cause one to guess what lay behind the black veil and those double locked doors of the closed, cloistered convent.

        Up until I took the black veil I was allowed to receive one letter per month from my family and was permitted to write one to them from the convent. When I wrote I knew that much of it would be censored and marked out by the Mother Superior who read all incoming and outgoing mail. My letters from home were always so marked out until virtually nothing was left to read. I used to weep over all those inked out sections, wondering and worrying over what my mother had been trying to tell me, but there was no way I could ever know.

        No one imprisoned behind those walls ever comes out to tell the awful story. Priests will glibly pooh, pooh the idea that there is anything amiss. They will tell you that in this country and elsewhere sisters can walk out of the convents anytime they please. That is a lie! I was shut up for twenty-two years and tried everything to escape. I even carried tablespoons to the dungeons and desperately dug in their dirt floors attempting to find a way out. Why a tablespoon? All the other tools were locked up or carefully supervised. They were used to dig the tunnels and underground chambers. Convents are constructed like prisons to thwart the escape of the nuns.

        As I approached eighteen, Mother Superior began to work on me again. Remember that these ruthless women are carefully selected and trained for their jobs. I was making my plans to come out of the convent after taking the white veil to become a nursing sister in the Roman Catholic system. However, she had noted my endurance and devotion so she called me into her office for a conference.

        "Charlotte," she said, "I have been watching you. You have a strong body and the devotion to make a good nun, a cloister nun. I believe you are the type who would be willing to give up home and everything you love in the world to hide yourself away behind convent doors. I believe that you would be willing to sacrifice and live in crucial poverty in order to be able to pray for lost humanity. You would have to be willing to suffer in order to achieve this."

        We were constantly taught that living loved ones as well as those already in purgatory would be delivered sooner by the nun's suffering here. Mother Superior had observed that I was willing to suffer without murmuring or complaining, therefore she broached the idea of my taking the black veil. Of course I had no idea what the cloistered nuns did or how they lived so she began to tell me about the cloisters.

        Mother Superior told me that in the cloisters, I would have to shed my own blood as Jesus did on Calvary. I would have to be willing to endure heavy penances and live in crucial poverty the rest of my life. Already I was living in poverty, but if this would make me holier, draw me closer to God and a better nun, I thought it would be worth it to accept this crucial poverty, whatever it was.

        Two months before my twenty-first birthday I was summoned into Mother Superior's office and papers were shown to me in which I would sign away any and all inheritance I would ever have to the Roman Catholic system. Priests work hard to entice girls from wealthy families into the convents, for the system is enriched by their inheritances. I told her I needed some more time to think about it.

        For two years I seriously considered it. If I took my perpetual vows it would mean going behind closed doors in a cloistered convent, and there all my life would belong to God. It would be one of study, devotion, meditation and prayer; however I would be able to win many more souls to God because I would have more time to pray. I believed and accepted all that she said and one day informed her that I had decided to go into cloister.

        To begin, I would be required to lie for nine hours in a casket, dying to the world. Never again would I see my people or return home, for I would be bound by the cloister's convent. This was a tremendous price for a twenty-one year old girl to pay, to give up all that she loved and held dear in the world, but this had to be done in order to win souls to God. I was dressed in a dark red velvet funeral shroud for this wedding ceremony which was performed by the bishop. Both the dress and coffin had been made by the nuns in the cloister.

        I knew that when I came out of that coffin, I would never see or hear from my family again; never leave the convent; and would be buried there when I died. I walked to the casket, climbed in and stretched out. Two little nuns came and covered the entire casket with heavy black draperies which reeked of incense. I thought I would surely suffocate. On one side of the room were the usual statues and on the other, Mother Superior, the nuns and priests were seated. For the nine long hours I lay in the coffin they kept vigil and chanted constantly.

        The one purpose of being in the coffin was to learn to hate my mother, father and all other earthly ties–all for the love of God. I must forget them, hate them, crowd them completely from my heart, mind and life. All this was to enable me to be a better wife to God.

        Lying there, I reminisced about my childhood at home. I remembered the dresses my mother had made for me, but I would never again wear one. I thought of delicious meals, warm beds, and all of the rich and full family life I had had. Of course I wept bitterly and sobbed as my heart ached for those loved ones I would never see again. It was an agonizing experience and I think I loved them more than I ever had before.

        I wrung out and spilled every tear in my body. It was so hard to give up everything. In my agony and anguish I shuddered and groaned until there simply were on more tears left. After several hours of this, I regained my composure somewhat. I resolved, "Charlotte, you are going to make the best Carmelite nun who ever was, because both inside and outside the convent you always do your very best."

        When the ordeal finally ended, a bell was tapped and two little nuns immediately lifted the black drapes from the casket. When I stepped from it I was ushered into a room where I was to take my perpetual vows of poverty, chastity, and obedience. Mother Superior opened a place in my ear lobe and drew out blood, for these must be signed in my own blood.

        I vowed to be willing to live in crucial poverty for the balance of my life (although I did not know then what this meant). Next the vow of chastity bound me never to legally marry because I was now the wife of God (by virtue of the wedding ceremony performed earlier). Then the one of obedience, the hardest of all. I promised absolute, unquestioning obedience to the Pope, all the prelates of the Roman Catholic hierarchy, to the Mother Superior of the convent and to the rules of that convent. I was totally ignorant of how sweeping these commitments were and had no realistic concept of the things to which I was pledging myself.

        After I had signed all the vows, Mother Superior whacked off all my long hair with the scissors. This was to be sold to the highest bidder, for human hair brings a good market price and they commercialize on everything. (This explains the unbelievable wealth of the church.) After cutting the hair, she took clippers and shaved me bald. For the rest of my life, every two months the clippers would go on my head to shave me bald. The heavy nun's headgear would be very cumbersome if she kept her hair. Besides, there was neither time nor facilities to wash hair in the convents.

        The next step in dehumanizing and disorientation was to take away my entire family name and replace it with the name of a patron saint. As she did this Mother Superior emphasized that, although I was not holy enough to stand in the presence of God, I could always pray to my patron saint and she would intercede to get my prayers through to God. I accepted all this as truth because I did not know any better. Following this if someone had inquired about me at the convent by my given name, they would have been informed that no such person was inside the convent.

        Next, Mother read this statement: "As Jesus suffered here on earth, so must we suffer as nuns. We must live our lives as martyrs in the convent. In the Garden of Olives, Jesus shed 62,700 tears for you and me; He shed 98,600 drops of blood for you and me; He received 667 strokes on His body; on His cheek, 110 strokes; on His neck, 107 strokes; on His back, 180 strokes; on His breast, 77 strokes; on His head, 108 strokes; on His side, 32 strokes. They spit in His face 32 times; pulled His beard many times and threw Him to the ground 38 times. By the crown of thorns He received 100 wounds; pleaded for our salvation 900 times, and carried the cross to Calvary 320 steps." I believed all these religious lies, which years later I learned were the invention of a corrupt Pope.

        The last statement she read said, "You will receive a plenary indulgence for your sins and entirely escape the pains of purgatory. Reward them as martyrs who spill their blood for the faith." She said that if we lived in the convent without breaking a rule, one day when we died we would not go to purgatory but go directly to be with Jesus. What she did not tell us was that it is humanly impossible to live in a convent without breaking rules.

        After the vows were signed all of my personal identification was destroyed. Sixty days before, Mother Superior had laid a sheet of paper in front of me. She said I was not to read it, just to sign at the bottom. I didn't realize then how completely I was signing away any and all inheritances which might ever come to me. They were all assigned to the convent. When my brother was ordained as Roman Catholic priest he also signed everything over to the hierarchy. There is not a lawyer in the land who can break this confiscation assignment, for I have checked it out.

        When I took my perpetual vows and signed away my life and possessions I had sold my soul for a mythical mess of pottage. Not only are the nuns systematically destroyed in body but hundreds have their minds shattered and die premature deaths under the cruel and heartless convent bondage. To make it even worse the poor creatures sacrifice all of this and then go out to meet God, Christless and lost for all eternity. How we need to pray for those closed off from the world and the gospel all over the world in these terrible prisons called cloistered convents.

        Mother Superior next locked her arm in mine and we walked down the center of another room. A Roman Catholic priest, dressed in holy habit, came to meet us from the other end of the room. When we met, Mother dropped my arm and the priest stepped around and attempted to lock his arm in mine.

        I recoiled in horror at this intimacy, for never, in all my years in the convent had a priest ever approached me like this. Always they had been kind, considerate and very polite. Something about the familiarity of his touch and the lecherous look in his eyes repulsed and insulted me although I did not understand exactly why. I jerked loose, blushing with embarrassment and exploded, "Shame on you." I felt violated and threatened. He turned red in the face and became very angry at my rejection of his overtures to lead me to the "bridal chamber."

        Evidently Mother Superior overheard the exchange for she quickly returned, called by my church name, and informed me that after I had been in the convent a while I would not feel this way. She said all nuns felt the same in the beginning and sternly reminded me of the wedding ceremony I had gone through and of my obligation. She said a priest's body was sanctified and what they did was not sin. I was terrified, and sobbed hysterically, my mind reeling and I refused to accept what she said.

        She became very angry and stiffly said, "As the Holy Ghost placed the seed in the Virgin Mary's womb and Jesus Christ was born, even so the priest represents the Holy Ghost, therefore it is not a sin for nuns to bear his children."

        I could scarcely believe my ears. I had been deceived and it was too late to turn back! This ghastly statement made me frantic. When she finally gave me permission to speak I burst out, "Mother Superior, why didn't you tell me this before I took my perpetual vows?" She pursed her lips tightly but said nothing.

        Needless to say, I was in a state of numbed shock and horror at what she was saying. It was like an unbelievable nightmare. All my bridges were burned and there was no way back. I could not get out of the convent. Hysterically, I sobbed and told the priest that I wanted to go home. I begged him to call my father to come and get me. I did not want to go any further with this. All my illusions had been shattered and I could not bear the picture which was looming up before me.

        I related how three months before I left home to come to the convent (at age 13) my mother told me she would rather dig my grave with her own hands and bury me than to hear that I had lost my virtue. Because I knew nothing of sex, she had then explained it to me. When I related this to Mother and the priest, they stood and laughed at me like fools. They found my naivety and innocent gullibility hilarious.

        When this sort of betrayal happens I can tell you that you stand absolutely alone. Communication with your loved ones and friends has already been cut off. Sealed off, you have no one to understand or help and soon the numbing realization of the utter hopelessness of your situation sets in. It is like waking up and finding that an unbearable nightmare is not a dream but a dreadful reality.

        I now belonged to Rome and the Pope and Mother Superior had turned me over to a lustful priest who leeringly invited me to join him in the "bridal chamber." I did not enter the convent to become a bad, but a holy woman, by giving my heart and life to God. I firmly rejected his sexual advances and was strong enough to put up quite a fight had he insisted. I was prepared to struggle to my last drop of blood to preserve my virtue.

        When I signed those vows with my own blood I did not realize the enormity of what I had done. I had surrendered away every human right, in order to become a mechanical, robot-like person. From henceforth I would not be able to sit, stand, or speak without permission. I could not lie down, eat or do anything else unless authorized by my superiors. I was allowed to see, hear and feel only what they permitted and ordered. I had become a helpless puppet of the Roman Catholic hierachy.

        The next step was my initiation and for this I had to go to my convent. They had my passport all signed and tickets ready to ship me out to a foreign country. Two priests met us at the boat and we were taken, heavily veiled, out into the mountains to be put in a cloistered convent, one story underground. (Of course when the priest sat in our living room at home he never told my dad I would live for years one or two stories underground in a foreign land).

        I faced initiation penances, so after three or four days at the new convent, about 9:00 o'clock one morning the Mother Superior told me to come with her. She told me were going to do penance and I would begin my initiation as a Carmelite nun. I remember when she walked me down that dark tunnel and into the room one story below ground level. I had always lived on the first floor, but after taking the black veil I was to live one or two stories underground. When we entered the cold, dark room it was hard to see, for all the light came from seven flickering candles. I was frightened and apprehensive, not knowing what to expect, nor what she planned to do to me.

        As we came closer, I could make out a nun lying on a board six feet long (a cooling board). I realized with a shock that she was dead. Although I was not afraid of the dead nun my heart ached for her. When I signed those perpetual vows I had unknowingly signed away every human right. I was not allowed to see, to hear, to complain, to feel or to murmur. I had ears but was to be deaf; eyes but must not see; feelings but soon would be brainwashed so they would be blotted out. As I stood looking at the body, many thoughts and questions raced through my mind but I was bound to silence. How and why did she die?

        Mother Superior ordered me to stand vigil over the dead body for one hour, then she went away. I was required to walk over to the frail body frequently, sprinkle it with ashes and holy water and say repeatedly, "Peace be unto you." In an hour a bell was to be tapped somewhere and out of the mysterious darkness behind me another nun came to relieve me. Because she was barefooted on the dirt floor there was no sound. We were forbidden to speak, therefore my relief reached out and touched me on the shoulder. I leaped with fright and began screaming hysterically at the top of my voice.

        This loss of control meant I must be punished by being tossed into a dark and dirty dungeon. There I lay for three days and nights, without food or water, just because I had shrieked in fear – a terrible crime. I assure you I never screamed again. You learn fast in a convent to observe the rules.

        On the fourth day, again Mother Superior told me we were going to do penance and we went deep under the convent into another dark chamber. We started through the tunnels (there were 35 miles of them under this convent) and, other than candles, there was no light in the rooms we passed. She marched me into a large penance chamber, arm in arm, on our toes, with downcast eyes.

        In the flickering candlelight I saw the usual statues of Jesus and Mary in the room. There was also a large eight foot cross, made of heavy, rough timber, lying on its side. She took me near the foot of it and proceeded to strip my clothes off down to the waist. Then she bent my body down over the cross, pulled my hands down below it and fastened them securely to my knees, under the cross.

        This was where I was to begin to spill my blood as Jesus had shed His on Calvary. I had been told earlier that I would shed my blood for lost humanity, but they never gave me any idea of how this would be accomplished. Now I was to learn one of the many ways this was to take place. Two other nuns were given flagellation whips fashioned from six leather straps fastened to a wooden handle. In the ends of the thongs were embedded a number of sharp, jagged bits of metal. They began to flog me methodically with these cruel instruments until my bare flesh was thoroughly lacerated from hundreds of cuts and my blood ran all over the floor.

        Twist and writhe as I might, there was no escape from the relentless, fiery bite of the ruthless whips. Let me tell you they did a thorough job on me and I was aflame with awful pain and agony. Sobbing and screaming did not stop them, nor were they affected by pitiful cries for mercy. They were well trained and utterly heartless and I was swallowed up in a sea of pain and awful despairing. It was unbelievable, yet it was happening. I thought the beating would never stop. I was helpless and totally without defenses.

        Mother Superior released my hands from my knees after I had slumped into a moaning, suffering heap and she was satisfied I had spilled enough blood for this time. She drug me to my feet but did not bathe me nor treat the mass of bleeding wounds on my body. She simply pulled my clothes back on and I was forced to work all day, until 9:15 that night. Needless to say, the day was one of agony, but no one seemed to notice. with a sickening horror I realized the meaning of the teachings I had received that God is made happy by this penance and other sufferings. This was supposed to make us holier.

        That day was a living hell for me, but this was only the beginning of hundreds of such days. When night came I stood in front of my cell bed where we were required to undress, with our backs to each other. I could not remove my clothing. The garments stained with blood had dried and were stuck tightly to my gaping wounds. It was several nights before I could take them off, and then it was an agonizing and bloody procedure. At mealtime I was not hungry because of the terrible misery I was suffering.

        Ordinarily I would have undressed and have slipped into a muslin nightgown, and then enter my cell to be locked in for the night. For a bed we had only a slab of wood–no mattress, springs, pillow or blanket. Before we were permitted to lie down we were required to kneel on a penance prayer board. This contained hundreds of upright, sharp wires to pierce the knees. The upper section where we were to prostrate ourselves upon our arms was also a mass of sharp wires.

        Another day the Mother Superior took me through a long, dark tunnel hall for my next initiation penance. As we entered the chamber, again there were seven candles. As she marched me up under the candles I spotted some ropes dangling from the ceiling with some sort of metal clamps on the ends. She made me stand very close, facing the wall and extending my arms in the air. Quickly she snapped the metal bands securely around each thumb. She then stepped to one side and began to turn a crank which took the ropes straight up until I was slowly hoisted from the floor. When I was suspended on the tips of my bare toes she fastened the handle, walked out without a word and slammed and locked the door. The weight of my body on those thumbs and my toes was excruciating.

        I was already whimpering and moaning in misery. I had no idea how long I would stay there. Always in these things, you hung there wondering if you might die before they came back to free you. In the white heat of the waves of unbearable pain which wrack the body and mind, death would be a blessed way out.

        As hours stretched interminably into days and nights there was no way to calculate how long you had been there. There was no sun; no sounds other than your own fevered sobbings and screams. It was like being buried alive without food or water. Torment and delirium causes you to loose track of reality and nothing seems real except the ever present torture and pain.

        This was another part of their brainwashing technique. I could do nothing but to stand there, screaming and crying. No one would hear or help me or even care. Three, four, six and finally ten agonizing hours crept by and every bone, muscle and nerve in my tortured body was screaming for relief. The maddening, unending pain is indescribable and I also grew hungry and thirsty. When my hands and arms began to swell tightly I believed I was going to die.

        I had desperately prayed to all the statues in the room. Eventually I realized the Virgin Mary was not hearing a word I sobbed. Hysterically I shouted and pleaded for help from my patron saint; from St. Jude, St. Bartholomew, and every other idol or saint I could ever remember hearing about. I was surrounded by an unearthly silence, broken only by my own fevered screams and groans and the sputtering candles.

        There I hung, wracked with pain and saturated in my own human filth, for there was no break in the torture regime for toilet facilities. Just as I felt I was going completely insane, Mother Superior walked in. Directly on the wall in front of me was an adjustable shelf which she raised to the level of my face. On it she placed a pan of water and a pan containing one small potato.

        I was starving for water and food but how was I to get it? Painfully I scooted on my toes, tilting first one arm, then the other, straining to reach the pans. When I managed to reach them, I felt the tissues in my lungs tearing with terrible pain. As a matter of fact, many nuns contract tuberculosis after going through this torture. However, only by enduring such pain and strain could I manage to get water or food. I bumped and spilled most of it.

        Nine days later Mother Superior came and released first one thumb and then the other and I collapsed in a faint to the floor. My limbs were swollen and shrieking with pain. My eyes felt as if they were being pushed out of my head and my arms were swollen to three times normal size. No part of my anatomy was free from the throbbing pain and soreness.

        Of course I could not move. Two nuns picked me up by the shoulders and feet and took me, moaning incoherently, into the infirmary and laid me on a slab of wood. They cut off all my clothes for I was saturated with my own urine and bowel movements. This was another part of the carefully planned brutalization and dehumanization program, designed to produce mindless robots. Following this episode I could not even walk for two and a half months and would have been happy to die.

        One day I was called out and again marched down those dread tunnels, not knowing what misery and pain I faced. She marched me into a room with a straight chair with a high back. Pushing me down into the chair, she then removed my headdress and shoved my head forward in my lap and placed my hands on my knees. Quickly she fastened my head and wrists in stocks so I could not move. This done she positioned a faucet directly over my bare head and adjusted it so that it began on my head, a drop at a time.

        I cringed in anticipation for I had witnessed others who had been subjected to this for ten long hours. After a short time the drops hitting in the same spot will break the strongest person. Often I and others would writhe and twist against the binding of the stocks, desperately trying to escape that pounding drop of water, even foaming at the mouth. Screaming and crying is never absent from these horror holes, deep under the ground, where no one with an ounce of humanity or compassion will ever hear. Pleas for mercy only bring longer and worse penances.

        Many a nun has gone stark raving mad after being repeatedly subjected to this penance. Do not worry, the convent takes care of this too. The world outside will never know the truth. There are underground dungeons for those who have nervous or mental breakdowns. There will be reports and records of the nun and how she died, all lies.

        You must realize that this entire religious structure is based on lies and deception and it is small wonder that at all costs, even human life, the hypocritical cloak of righteousness of the Roman Catholic system must be maintained. They will stop at nothing to protect it. Slander, lies, frame-ups, changing and destroying documents, injury and even murder are standard and acceptable procedure. The average person with a conscience and some sort of moral code will struggle to grasp the enormity and inhuman demonic intelligence which drives this religious monster.

        Once I was taken to one of the filthy dungeons with dirt floors. I then had my ankles fastened securely to leather straps in the rings at the top of rods mounted in cement. I was standing with my feet in those rings until my strength failed or I fainted. When that happened I just crumpled over with my chest touching my ankles. After getting to a certain stage of pain and exhaustion there is nothing you can do. I must then stay in this cramped position for two or three days, depending on the whims of my tormentors. No one will come and there was no food, water, or toilet facilities. Bugs crawled over my body.

        It is no wonder there is such a cry against such horrors being uncovered and revealed.

        The loneliness in the convent is inhuman and cruel, for there are no friends there. Everyone is set up to spy on everyone else and the slightest infraction of rules brings instant and harsh punishment. There were on friendships among the nuns. Suspicion and separation was the order of the day for convent living. We were taught to trust no one and depend upon no one, by a methodical and systematic isolation. The victims could never be allowed to unite to do something about conditions.

        Communists followed a similar program in Korean prisoner-of-war camps to prevent any closeness or cooperation between the inmates. Each nun is taught to be a policeman to watch and inform on all others. Betrayal of others causes the informer to be in good standing with Mother Superior. Her approval is desired so strongly that often the sisters make up and exaggerate things in order to gain this kind of favor. Absolute obedience in everything is demanded in the convent and you are wise to learn to obey quickly and without question.

        Each time I came in my cell I was required to kneel there, praying for lost humanity, while I suffered and shed more of my blood. Only after this could I lie down on the slab which served as a bed. Promptly at seven minutes before midnight a bell was always tapped and cells unlocked so we all could gather in the inner chapel to pray another hour for lost humanity. At seven minutes till one o'clock we returned to our cells to be locked up again until 4:30 a.m. At this time a bell was tapped and we had exactly five minutes to get dressed and report for duty, barefooted. This is a daily routine. To be late in dressing brought severe punishments.

        Each night at 8:00 p.m. we were required to go down a long, dark hall to do a penance in the meditation room. Located there was a tiny room about four foot square, which contained a human skull and candle on a small table. We were to slip to our knees, gaze into the skull and meditate for one hour on death. When this hour was over, a bell was tapped and we returned to our cells where we dropped all our clothes. We then took three interlaced chains with sharp edges (which hung in our cells) and began to lay stripes on our own bodies in imitation of the stripes of Christ on earth.

        Sometimes, because of lack of food and strength it was difficult to lay on many stripes. If Mother Superior suspected this, she would order you to strip and have two other nuns to whip you viciously. Following this you would lose all desire for your coffee, bread, or anything else for a few days, because of being in such misery.

        This was cloistered convent life, where a merciless system of brainwashing was employed, just as Russia does in the concentration camps. It is exactly the same brutal barbarism, but Rome rides under the banner of religion while communist Russia is openly atheistic.

        In the refractory where our meals were served, were two long wooden tables and each nun was assigned a certain place to sit. No one ever sits in another's place. For breakfast we were given only a big tin cup of strong black coffee with a piece of black bread which weighed exactly four ounces. Although we worked very hard all day there was no lunch, and about 5:00 p.m. we would gather again in the refractory, if we could walk under our own power.

        For supper fresh vegetables were cooked together, making a tasteless, watery soup, without seasonings of any kind. This was served in a pie tin with two ounces of black bread and a tin cup of strong black coffee. Two or three times per week we were given one-half glass of skim milk.

        This was our monotonous diet, 365 days per year. The only exception was Christmas day when we were each given one tablespoon of molasses. My, what a delight that was, and we ate it very slowly, savoring each drop. All year long we looked forward to this treat.

        With the limited food rations, three hundred sixty-five days per year, we never went to bed without gnawing hunger pains. For years I would roll and toss at night, unable to sleep, and wondering how much longer I could endure this continued torment. I assure you that it is sheer misery to live on the brink of controlled starvation constantly. Of course starving persons are weaker and can be more easily coerced and forced into every form of degrading obedience and subservience. This was executed with fiendish delight and a definite purpose to crush the human spirit.

        With such a horribly restricted diet, torture, bloodshed and long, hard hours, it is little wonder that bodies fail and become sickly and many nuns die young in the cloistered convents. Remember there are cloistered convents in the United States.

        In preparing vegetables, potatoes were boiled with skins on and peeled after cooking. Once while on kitchen duty, I was throwing a pile of these potato peelings in the garbage. I was so hungry I quickly snatched two handfuls from the can and hid them in my clothing. I told no one, for in the convent everyone is watching each other and there are informers everywhere who betray others. That night, in my cell, greedily I gobbled down the potato skins because I was so starved.

        The next morning at 9:00 sharp Mother Superior announced with a smirk that I was to do penance and I knew this was not a regular penance day. With sinking heart I went with her to one of the torture chambers. It was a huge room with the usual seven candles. When she tapped a bell, two little nuns appeared, quickly binding my hands and feet together. Mother then ordered one to pinch my nostrils tightly so that I was forced to open my mouth to breathe. She then dumped a heaping tablespoon of hot cayenne pepper in my mouth and I had to choke it down in order to breathe. For two days after this I was plagued with itching, burning hives all over my body. This, for eating a bit of garbage!

        Another time I saw a piece of bread lying on a table, and watched it for several days. Finally I took the bread, ate it in my cell, and the next morning Mother Superior again said we were going to do penance. Somehow she found out about the scrap of bread. This time I was taken to a room with a square table and was made to stand at the edge with my hand and wrist strapped on a board.

        It was very dark and my eyes adjusted slowly in the dim light. She moved over to one side to manipulate some sort of control and suddenly another heavy board smashed down on the hand and wrist. The blinding pain caused me to slump to the floor, but I could not get loose and was dangling by the helpless, injured hand. Stealing even a mouthful of stale bread was treated as a heinous crime and drew swift and cruel retribution.

        As the years dragged by I learned to use a hammer, saw, shovel and anything else a man normally does. We worked very hard, performing heavy manual labor, digging out underground rooms and tunnels, building walls, plastering, etc. Often we were two, three or four miles back in the tunnels. Sometimes we wondered if we even had voices because of the strict rule of silence, and would speak in whispers to each other. The very next morning Mother Superior would call the offenders out and say, "You are going to do penance." We wondered how she could have heard us. One day we learned that all thirty-five miles of tunnel under the convent were wired so she could hear every whisper.

        Working back in the tunnels we listened for the tap of the bell which signaled us to come in for meals. Sometimes, due to fatigue or distance we would arrive late. Because each was in her own place, it was obvious who was tardy. When this happened, we had to ask a nun to hand us our tin cup, pan and tablespoon. We then had to crawl behind each nun, begging for one tablespoon of her food. After crawling to each one, the offenders sat on the floor to eat. This is supposed to humble them by breaking their wicked pride, and also to promote promptness.

        Our day in the convent began at 4:30 in the morning when Mother Superior tapped a bell. This signal meant we had exactly five minutes to get dressed. In the beginning I was late a half a minute, but the punishment was so severe for this minor infraction of rules that I never was late again. Raw terror and cruel punishment bring absolute and unquestioning obedience in the convent to every rule and order, no matter how unreasonable or trivial. Lies and deceit covering and concealing such infractions to avoid the dire consequences become a way of life for the nuns.

        When we finished dressing, we would march on tiptoes, with downcast eyes, to report to the Mother Superior. There she assigned us our daily chores. These could be scrubbing, washing clothes, ironing, cooking, or other heavy and hard labor assignments.

        Washing was done in twelve old-fashioned washtubs with rubboards. We ironed with cast iron flatirons, heated on a stove. Not only did we do the laundry and ironing for our convent but the local priests were free to load us with all of their linens and clothing, which they did. After all, the service, performed by slave labor, was free to them.

        Down in the laundry room there were rough cement floors and the heavy washing in twelve tubs caused a lot of soapy water to be sloshed on the floor. We walked around in our bare feet because shoes and stockings were a luxury we were denied in the convent. Suddenly Mother Superior would glide up, terrifying everyone because there is no way to know why she had come. When she made such an appearance, someone invariably had to suffer. Because things were done so quietly in a convent, we learned to sense her presence before she arrived.

        One of her favorite tricks in the laundry room was to order one or more nuns to prostrate themselves on the cold, wet, soapy, floor. This done, with a cruel sneer she would order that the victim lick long crosses on the rough cement with her tongue. She watched intently to see if there was the slightest flicker of anger, distaste or hesitation on the face of the one forced to lick the crosses. If she did, she would assign ten to twenty-five more crosses to be done. Believe me, the tongue was always raw and bleeding before she was satisfied, and the victim would be unable to eat or drink for a day or two because of the mangled tongue. Many times Mother would return the very next day, seize the same victim and force her to repeat the crosses again.

        Hard manual labor was advocated as a good physical discipline. In our emaciated condition because of the constant torture and systematic starvation we were driven and kept in a state of chronic fatigue and exhaustion. We were property of the Pope and the system, to be worked to death for their pleasure. All the crying and pleading we did would never be heard by anyone who would lift a finger to help us.

        Another favored punishment was to compel us to crawl up and down an aisle ten times, upright on the knees. After I made it five or six times my knees were killing me. Drained of strength, I could not continue but collapsed in a faint. Mother Superior shook me roughly, pulled me back on my knees and commanded me to resume crawling. Desperately I tried to finish my assignment. The next day she might order me to do the same thing again and this would rip off the scabs from my injured knees, further bruising and tearing them.

        This is typical of torments and tortures to which the little nuns are subjected day after day, year in and year out. There is no mercy, only heartless cruelty and this multiplies and reinforces the dreary hopelessness and despair which grips the entire cloister.

        Continually we were told that doing such "penance" was pleasing and brought happiness to God, Who looked down on our misery and suffering, and smiled His approval. Although this was hard to believe, heathens who know no better simply believe what they are taught. Never having read the Bible, we had no way to learn the truth.

        Most of us were reared in Roman Catholic teachings and traditions and snatched away from family and friends at an early age. It took a while for the awful truth and scope of the deception to soak in. When it did, it produced atheists who hated anything associated with God or the saints. Vicious hatred and violence then floods the disillusioned and embittered heart.

        There was no bath tub in this convent, only a metal, horse watering tank and we were only permitted to have a bath when Mother Superior ordered it. Even when bathing I wore my scapular, although I shed all my other clothes. We were taught that the first Saturday after the death of a Roman Catholic the Virgin Mary descends into purgatory. Whoever she finds there wearing a scapular, she will release. I was bound by these and other religious fables and lies, but did not know any better. I was taught to accept as truth everything Mother Superior said.

        In the convent there was a huge painting in a certain room which depicted all horrors of tormented men, women, children and even babies in the awful flames of purgatory. The agony and misery was so graphically portrayed that it actually seemed real. We were marched in on occasion to meditate on the tortures of the damned for a long period. After this session Mother Superior would address the nuns and say that they had better go and work another penance on their bodies, because those poor people were begging to escape the awful burning flames there.

        There were many days when I would deliberately burn my own body and spill some more of my blood because of my conviction that as I suffered it would help these miserable people to be delivered. I often say that if the mass and purgatory were taken from the Roman Catholic system it would eliminate 90% of her income and she would starve to death. This evil Babylonian system drains both the living and the dead for funds to finance her cancerous spread throughout the world.

        The nuns cells were bare except for a statue of the Virgin Mary holding an infant Jesus. As I dropped on the sharp wires which lined the prayer board and prostrated my arms on still other penetrating wire, I would pray earnestly for lost humanity. I had been taught that my suffering and bloodshed would help to save them. I believed that my poor old grandmother would be released sooner from purgatory (our family priest had assured us she went there at death) because of my sufferings. Often, in spite of the misery, I was spurred on to continue in this painful posture longer, fervently hoping to speed her release.

        We were taught that for every drop of blood we shed in the convent we would have 100 days less to spend in purgatory. When nuns worked in the kitchen or other places underground they often wounded themselves to spill blood for this purpose. We had it hammered into our thinking that, as we spilled our own blood, as we whipped and lacerated our bodies, tortured and tormented them, we were gaining indulgence for ourselves and others from purgatory. Remember there is no hope in a convent; nothing to look forward to except continuous pain, exhaustion, starvation and finally death. (Leviticus 19:28).

        To those who have been taught the truth of salvation through faith in Jesus Christ and know of the marvelous grace of God, it may seem incredible that anyone could be so deluded and ignorant. I remind you that if you had been taught nothing else all your life and, if as an impressionable child you had been spirited away to be brainwashed and finally imprisoned in a convent, you would not know any better either.

        It took ten terrible years in the convent before I finally realized the awful truth that I had been duped. I was finally convinced that the Virgin Mary, Jesus, Joseph, St. Peter, and all the other saints were simply unfeeling metal, wood or plaster statues. It was a shock when I knew they could do nothing to answer all the fervent prayers poured out to them by faithful and deluded people all over the world.

        It is surprising how tenacious my faith in all those false idols was. How long it took to really realize the bitter truth about them and the deception in which we had been snared. Bitterly, I came to believe that, if there was a God, He certainly either was dead or cared nothing about humanity. Oh, the hours I and others have spent in earnest, sobbing prayer at the feet of these dumb statues. (Jeremiah 10:19).

        One regular monthly event we always dreaded was the visit of the father confessor to the convent. Each time it was a different priest but they were all basically the same. I hated going and always attempted to get in the back row. I lived in a convent so long that I would never trust any priest. All of the ones I met were rotten and vile. The ordeal of confession sometimes took all day. One by one the nuns had to file in to the room where the priest was waiting. Never did I see a priest in the convent who had not been drinking.

        The room was bare except for the inevitable statue of the Virgin Mary. The priest perched in a straight-backed chair and the nun must come in and kneel before him. If she got out without being defiled and forced into some unspeakable depravity she was fortunate. No one ever interrupted the priest and the woman, no matter what transpired. One after another the nuns would enter and leave the room.

        At other times it was not unusual for the Mother Superior to usher in a drunken priest who would pick out a nun and take her to a cell with him for more liquor and sex. The Mother Superior was a hard and carnal woman who had borne numbers of illegitimate children of priests and usually she drank with the visitors. The priest was well fed, healthy, and strong and lived a relatively easy life; therefore a poor, weakened nun was no match for him, to fight him off. Because she was helpless, he did whatever he pleased and violated her any way he chose. There is no one to defend or help her and none to even care about her being forced into harlotry. Because Mother Superior locked the cell there was no way to escape.

        Often I have Đọc Tiếp →

5,211 views

Huyền Bí Vatican, Sự Hiện Ra của Bà Ma-ri Đã Bộc Lộ

Nguyên tác: “Vatican Occult, Marian Apparitions Exposed” trong YouTube, của Kyte Cutter

Chuyển ngữ: Mã Thiên Ân

Phép lạ thật là có sức mạnh khủng khiếp đã lôi cuốn con người còn hơn cả những lẽ thật trong Thánh Kinh. Sự hiện ra của bà Maria đã lôi cuốn hằng triệu người trên thế giới thờ lạy bà, nhất là những người không hiểu biết lẽ thật trong Thánh Kinh, hoặc có thể bị phép lạ của bà hấp dẫn quá nên đã lôi cuốn khiến họ quên đi lẽ thật. Những nơi bà hiện ra hằng năm có hằng triệu khách hành hương đến thăm viếng và xin dấu lạ của bà. Có nhiều người đã nhận được phép lạ và về làm chứng cho mọi người nghe. Ai núp sau bức tuợng của Maria ? Chắc các bạn đã đoán ra ai rồi, phải không? (Người dịch).

Sự hiện ra khắp trên thế giới và những dấu kỳ phép lạ của bà Maria đã lừa dối Giáo Hội Công Giáo La Mã và hằng triệu người trên thế giới (trong đó có cả Vietnam).

Giáo hoàng Giáo hội CGLM thuộc về chế độ Tân Thế Giới đã xúc tiến Hòa Bình Thế Giới vào tháng giêng năm 2004. Tại thành phố Vatican, Giáo hoàng Gio-an Phao-lô đệ nhị vào đầu năm đã nhấn mạnh rằng hòa bình có thể thực hiện, và ngài kêu gọi thành lập một chế độ Tân Quốc Tế. Tờ CNN nói: “Giáo hoàng kêu gọi thành lập Chế độ Tân Thế Giới vào thứ năm, ngày 1 tháng 1 năm 2004.

Tại thành phố Vatican, Giáo hoàng Gioan Phaolô đệ nhị đã kéo chuông vào đầu năm mới với lời kêu gọi hòa bình Trung Đông, Phi Châu và thành lập một chế độ Tân Thế Giới dựa trên căn bản phẩm giá con người và bình đẳng giữa các quốc gia. Năm nay GH tiếp tục nhắc đến sự xung đột quanh địa cầu, nhưng ngài nhấn mạnh về hòa bình và chú trọng việc thành lập luật pháp quốc tế và chế độ Tân Quốc Tế dựa trên những mục tiêu của Liên Hiệp Quốc. Ngài đã kêu gọi thực hiện một chế độ có thể giải quyết những nan đề hiện nay dựa trên phẩm giá con người và một xã hội phát triển, để củng cố các quốc gia giàu và nghèo, chia xẻ những tài nguyên, và thành quả của khoa học kỹ thuật.

Làm sao họ có thể đạt được điều này ? Nhờ vào dấu kỳ phép lạ của bà Maria chăng ?

Còn về phần Đức Chúa Jêsus là ai và làm gì ? Thánh kinh nói rằng:

  • Đức Chúa Jêsus gánh tội lỗi cho chúng ta (Ga-la-ti 3:13; I Giăng 1:9)
  • Tiếp nhận Đức Chúa Jêsus, chúng ta không còn bị Thiên Chúa đoán phạt (Rô-ma 8:1)
  • Đức Chúa Jêsus đã vì mọi người mà nếm trải sự chết (Hê-bơ-rơ 2:8,9)
  • Đức Chúa Jêsus trở nên người tội lỗi vì chúng ta để chuộc tội cho chúng ta (II Cô-rinh-tô 5:21).

Theo Giáo hội Công giáo La Mã, nếu ai không nhờ vào bà Maria thì sẽ bị hư mất.

Bà Maria được gọi là Cửa Thiên Đàng, không ai có thể vào Vương quốc đó mà không qua bà. Con đường cứu rỗi duy nhất chỉ qua bà Maria mà thôi. Khi đọc kinh cầu nguyện, người Công giáo nhắc đến bà Maria nhiều nhất.

Trái lại Thánh Kinh khẳng định rằng: “Vì chỉ có một Thiên Chúa và chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người là Đức Giê-su Kitô cũng là người thật.” (I Ti-mô-thê 2:5) Và “Thầy là đường lối, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Cha, nếu không qua Thầy.” (Gio-an 14:5b) Hai câu KT trên trích từ Bản dịch Tân Uớc của Hồng y giám mục Trịnh văn Căn.

Theo Công giáo, sự cứu rỗi tất cả tùy thuộc vào ân huệ và sự bảo vệ của bà Maria. Ai được Maria bảo vệ thì được cứu, còn không thì bị hư mất (CG gọi là mất linh hồn).

 Họ nói:” Sự cứu độ của chúng tôi thuộc về Mẹ…Thiên Chúa sẽ cứu chúng tôi qua sự cầu thay của Mẹ Maria..”

Trên thế giới có hai phía đang thành hình:

  • Một phía nói rằng: “Mẹ Maria cứu chúng tôi”.
  • Còn phe theo Thánh Kinh nói rằng: “Đức Chúa Jêsus cứu chúng tôi.”

Bạn theo về phía nào, theo Phúc Âm (tin lành) đời đời hay theo sự hiện ra của bà Maria ?

Nhà thần học Karl Rahner đã bày tỏ, càng lúc thiên hạ càng sẵn sàng tiến về sự can thiệp của thần thánh có hiệu quả thực tiễn và dễ tin hơn là đi theo sự dạy dỗ của thần học sáng suốt và Hội Thánh. Những sự hiện ra của bà Maria xảy ra khắp nơi trên thế giới, và những phép lạ của bà như là Mẹ Chảy Nước Mắt, Mẹ Chảy Máu, Mẹ nhấp môi, Mẹ Vỗ Tay, Mẹ Chớp Mắt, Tà áo Mẹ bay bay….và ngay cả Mình Thánh Chúa Giêxu cũng chảy máu nữa…đã lôi kéo hằng triệu người thờ lạy bà.

Thánh Kinh cho chúng ta biết, vào thời kỳ cuối cùng Ma quỷ sẽ làm ra những dấu kỳ phép lạ để thiên hạ hiếu kỳ mà chạy theo thờ phượng nó:

     “Vì nhiều Ki-tô giả (Christ giả) và tiên tri giả sẽ xuất hiện, họ sẽ làm những phép lạ to lớn khả dĩ lừa dối, nếu có thể cả những kẻ lành nữa (người được cứu) Tin mừng theo Thánh Mathêu 24:24 Bản dịch của Hồng y Trịnh văn Căn.

     “Chúng là những linh của Ma quỷ làm được các phép lạ đến cùng các vua trên đất của toàn thế gian để nhóm họ lại trên chiến trận vào ngày lớn của Đức Chúa Trời, Đấng Toàn Năng. Phước cho kẻ tỉnh thức và giữ áo xống mình, để không bước đi lõa lồ, và bị người ta nhìn thấy sự hổ thẹn mình ” (Khải Huyền 16:14, 15 Bản dịch Ngôi Lời).

Tóm lại phép lạ là thứ dễ dàng cám dỗ người ta nhất, nếu họ không nắm chắc được lẽ thật trong Thánh Kinh đã báo trước cho mình đề phòng sự lừa dối này. Kẻ không biết lẽ thật có thể cho rằng những phép lạ đó đến từ Thiên Chúa, rồi thờ lạy Thiên Chúa qua kẻ làm phép lạ. Riêng tôi khi nhận thấy phép lạ do Ma quỷ làm thì tôi lại càng tin chắn có một Đấng Chân Thần mình đang trông đợi về sống với Ngài hưởng phước hạnh đời đời.

                                                                                        Mã Thiên Ân phóng dịch

Đọc Tiếp →

7,774 views

Hỏi & Đáp: Loài Người Xuất Hiện Sau Khủng Long?

Xin đọc thêm bài: Hỏi & Đáp: Bê-hê-mốt và Lê-vi-a-than tại đây:
http://timhieutinlanh.net/node/875

Copyright Notice: All Rights Reserved © 2011 Vietnamese Christian Mission Ministry, Inc.  –  Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry  –  Xin quý bạn đọc vui lòng tiếp tay phổ biến bài viết nầy dưới mọi hình thức, nhưng xin giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.

Mục Tử
Bấm vào đây để download bài viết này

[3789]

Hỏi:

Nếu nhìn từ góc độ của các nhà khoa học thì con nguòi xuất hiện sau loài khủng long hàng triệu năm. Vậy theo Kinh-Thánh giải thích điều này như thế nào ?

Đáp:

Câu chuyện sáng tạo được ghi lại trong Thánh Kinh là đề tài tranh luận sôi nổi xưa nay giữa các nhà thần học và các nhà khoa học, đồng thời, giữa các nhà thần học với nhau. Riêng giữa các nhà thần học với nhau thì chia thành hai trường phái: trường phái ngày dài và trường phái ngày ngắn.

Theo trường phái ngày dài thì sáu ngày sáng tạo là sáu thời đại, mỗi thời đại có thể kéo dài hàng tỉ năm, và như vậy giải quyết thỏa đáng vấn đề tại sao theo cách tính của khoa học thì vũ trụ đã có khoảng 15 tỉ năm.

Theo trường phái ngày ngắn thì sáu ngày sáng tạo là sáu ngày bình thường, mỗi ngày gồm 24 tiếng đồng hồ như chúng ta biết hiện nay. Thánh Kinh ghi rõ sáu lần: "vậy có buổi chiều và buổi mai" cho thấy mỗi ngày sáng tạo là một ngày của hệ mặt trời. Hơn nữa, nếu tin rằng, mỗi ngày sáng tạo kéo dài đến hàng tỉ năm thì phải tin rằng, A-đam và Ê-va đã sống hàng tỉ năm (vì Chúa dựng nên họ vào ngày thứ sáu) trước khi bước vào ngày thứ bảy yên nghỉ. Thánh Kinh cho biết A-đam sống chưa đến 1000 năm!

Người ta có thể chấp nhận phép lạ xảy ra cho nên người ta có thể tin rằng Đức Chúa Trời đã dựng nên vũ trụ và muôn vật trong vòng sáu ngày, và như thế trời đất chỉ mới được sáng tạo cách nay khoảng 6000 năm mà thôi. Tuy nhiên, các dữ liệu của khoa học thì lại thấy tuổi của vũ trụ đã vào khoảng 15 tỉ năm. Ngoài ra, còn nhiều dữ kiện khoa học khác cho thấy địa cầu ít ra cũng đã hình thành cách nay hơn bốn tỉ năm, bởi vì không thể nào trong khoảng 6000 năm mà có thể tạo thành các mõ kim cương, dầu hỏa, hoặc có các di tích hóa thạch… như xương khủng long chẳng hạn!

Thật ra, chúng ta không thể nào dùng sự đo lường của khoa học, sự khôn ngoan của loài người để có thể hoàn toàn giải thích việc làm của Đức Chúa Trời. Nếu lời Chúa đã ghi lại rằng trời đất và muôn vật đã dựng nên trong sáu ngày (một ngày bao gồm buổi chiều và buổi mai) thì chúng ta chỉ cần tin như vậy.

Khi Chúa dựng nên A-đam thì một giây trước đó không có A-đam, một giây sau đó, A-đam xuất hiện là một người đã trưởng thành. Nếu bấy giờ có nhà khoa học nào khảo nghiệm A-đam thì chắc chắn phải kết luận rằng A-đam đã ra đời ít ra là 20 năm trước chứ không phải chỉ mới một giây đồng hồ. Những sự cân, đong, đo, đếm, X-ray… của nhà khoa học cho ra các kết quả chính xác theo "xét nghiệm" của khoa học nhưng không đúng với "sự thật." Như vậy, báo cáo của nhà khoa học không sai với tiêu chuẩn "xét nghiệm" của khoa học, nhưng Thánh Kinh cũng không sai khi cho biết A-đam vừa được dựng nên đã là một người trưởng thành.

Tương tự như vậy là phép lạ Chúa hóa nước thành rượu trong tiệc cưới tại thành Ca-na. Một giây trước đó thì là nước dùng để rửa chân, một giây sau đó là rượu ngon lâu năm. Nếu bấy giờ có nhà khoa học nào xét nghiệm thứ rượu do Chúa làm ra, thì có thể sẽ kết luận rằng loại rượu đó đã để lâu hàng trăm năm. Như vậy, báo cáo của nhà khoa học không sai với tiêu chuẩn "xét nghiệm" của khoa học, nhưng Thánh Kinh cũng không sai khi cho biết rượu này chỉ mới xuất hiện có một giây trước đó.

Thực tế, ngày nay khoa học chứng minh ánh sáng của vì sao xa nhất đến chúng ta là khoảng 15 tỉ năm, nghĩa là phải mất 15 tỉ năm, ánh sáng phát ra từ vì sao đó mới đến được địa cầu để cho chúng ta có thể nhìn thấy được vì sao đó. Khi chúng ta nhìn vào vũ trụ là chúng ta đang nhìn vào những hình ảnh đến từ quá khứ. Trong khi đó, theo Thánh Kinh thì vũ trụ này chỉ mới xuất hiện khoảng 6000 năm. Tương tự như trường hợp A-đam và rượu trong tiệc cưới, chúng ta không thể nào giải thích được sự khác nhau giữa các dữ liệu "xét nghiệm" của khoa học với sự thực; Nhưng chúng ta có thể tin rằng Lời Chúa là chân lý (Giăng 17:17) và như vậy, chúng ta chọn tin vào Lời Chúa hơn là tin vào sự giới hạn của loài người.

Những bộ xương hóa thạch của khủng long có thể được các nhà khoa học "xét nghiệm" và kết luận rằng chúng đã sống cách nay 65 triệu năm, nhưng theo các dữ liệu của Thánh Kinh thì vũ trụ này và muôn loài trong vũ trụ chỉ mới được sáng tạo trong khoảng 6000 năm.

Cơn đại hồng thủy xảy ra vào thời Nô-ê cách nay khoảng 4000 năm. Theo các nhà khoa học, "nếu thật" có một cơn lụt lớn đến nổi nước bao phủ tất cả các ngọn núi thì áp suất của nước ảnh hưởng lên địa cầu rất lớn và chỉ cần trong một khoảng thời gian ngắn với một áp suất lớn như vậy thì các mõ than đá, kim cương… có thể được hình thành trong lòng đất… Thực tế, ngày nay người ta làm kim cương nhân tạo trong một thời gian ngắn bằng cách tạo áp lực lớn trên khoáng chất giàu carbon trong một môi trường thấp nhiệt. Mặt khác, tất cả các di tích hóa thạch ngày nay chúng ta tìm ra được đều bị ảnh hưởng bởi cơn lụt lớn này, và môi sinh của địa cầu trước với sau khi cơn nước lụt hoàn toàn khác biệt đến nỗi không thể tưởng tượng được. Nên nhớ là trước cơn nước lụt không hề có hiện tượng mưa. Rất có thể, trước đó địa cầu được bao phủ bằng một vòng đai hơi nước hoặc "nước đá" khi Chúa tạo nên khoảng không để phân biệt nước "ở dưới khoảng không" và nước "ở trên khoảng không." Trong điều kiện đó, địa cầu trở thành một lồng kính (green house) khiến cho khí hậu được điều hòa khắp nơi. Thánh Kinh ghi khi cơn nước lụt xảy ra là các đập trên trời  đổ xuống. Thêm một chi tiết bên lề: vì trước nước lụt không có mưa cho nên không có hiện tượng cầu vòng. Chỉ sau cơn nước lụt mới có hiện tượng cầu vòng và Chúa đã dùng hiện tượng đó để làm dấu hiệu giao ước với Nô-ê.

Ngoài ra, phương pháp "radiocarbon dating" dùng để định tuổi các vật hóa thạch không phải là một phương pháp chính xác vì cũng dựa trên "giả định." Phương pháp này giả định tốc độ thất thoát chất carbon 14 trong một chất hữu cơ luôn luôn cố định và tỉ lệ với thời gian. Làm sao khoa học biết chắc tốc độ thất thoát carbon 14 trong các chất hữu cơ trước thời nước lụt và sau thời nước lụt vẫn giống nhau, khi mà môi sinh đã bị thay đổi ngoài sức tưởng tượng?

Nói tóm lại, các dữ liệu về "xét nghiệm" của khoa học thì đúng theo tiêu chuẩn của khoa học nhưng những điều Thánh Kinh nói mới là chân lý. Khoa học chỉ trình bày các định luật vật lý do Đức Chúa Trời đặt ra trong khi Thánh Kinh ghi chép lại những công việc Đức Chúa Trời làm vượt trên các định luật vật lý ấy.

Mục Tử
23.10.2007

 

Đọc Tiếp →

4,054 views

Giáo Hội Công Giáo Có Quyền Tha Thứ Tội?

Copyright Notice: All Rights Reserved © 2011 Vietnamese Christian Mission Ministry, Inc.  –  Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry  –  Xin quý bạn đọc vui lòng tiếp tay phổ biến bài viết nầy dưới mọi hình thức, nhưng xin giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.

Đặng Vũ Thanh Nguyên
Bấm vào đây để download bài viết này

[507]

Giáo Hội Công Giáo dạy rằng họ có thẩm quyền để tha thứ cho tội lỗi của những người theo Công Giáo. Xin dẫn chứng một số phân đoạn trích từ sách Giáo Lý Công Giáo (GLCG) có sự đối chiếu giữa bản tiếng Việt và tiếng Ý. Sở dĩ tôi chọn bản tiếng Ý vì là bản gốc dễ hiểu hơn bản tiếng La-tinh:

Điều 982 trong GLCG, bản Việt ngữ chép rằng:"Không có tội nào nặng đến nỗi Hội Thánh không thể tha thứ được. "Dù có ai gian ác và xấu xa đến đâu… vẫn có thể tin chắc được tha thứ, miễn là chân thành sám hối" (x. Giáo lý Rô-ma 1, 11, 5). Ðức Ki-tô, Ðấng đã chết cho mọi người, muốn rằng: mọi cánh cửa tha thứ trong Hội Thánh luôn rộng mở cho bất cứ ai ăn năn trở lại" (x. Mt 18, 21-22).

Đối chiếu với điều 982, trang 258 trong bản tiếng Ý:"Non c'è nessuna colpa, per grave che sia, che non possa essere perdonata dalla santa Chiesa. « Non si può ammettere che ci sia un uomo, per quanto infame e scellerato, che non possa avere con il pentimento la certezza del perdono ». (550) Cristo, che è morto per tutti gli uomini, vuole che, nella sua Chiesa, le porte del perdono siano sempre aperte a chiunque si allontani dal peccato (551)."

Trong nguyên bản tiếng Ý chúng ta lưu ý câu: "Non c'è nessuna colpa, per grave che sia, che non possa essere perdonata dalla santa Chiesa" nếu dịch cho thật sát nghĩa sẽ là "không có một tội lỗi nào dù nặng nề, xấu xa đến đâu đi chăng nữa mà Giáo Hội không thể không tha thứ được."

Nguy hiểm hơn nữa là câu "Ðức Ki-tô, Ðấng đã chết cho mọi người, muốn rằng: mọi cánh cửa tha thứ trong Hội Thánh luôn rộng mở cho bất cứ ai ăn năn trở lại" (bản Việt ngữ). Chúng ta nhận thấy có điểm khác biệt giữa sự dẫn chứng của hai bản văn.

Bản Việt ngữ dẫn chứng câu Kinh Thánh trong sách Mathieu 18:21-22 và Rô-ma 1, 11, 5. Vậy Ma-Thi-ơ 18:21-22 nói gì?

"Phi-e-rơ bèn đến gần Đức Chúa Jêsus mà hỏi rằng: Thưa Chúa, nếu anh em tôi phạm tội cùng tôi, thì sẽ tha cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần chăng? Ngài đáp rằng: Ta không nói cùng ngươi rằng: đến bảy lần đâu, nhưng đến bảy mươi lần bảy"(Ma-thi-ơ 18:20-22).

Không hề có một câu nào có ý nghĩa Giáo Hội Công Giáo có quyền phép tha thứ mọi tội lỗi.

Bản tiếng Ý dùng điều 550 và 551 của GLCG để dẫn chứng quyền phép tha thứ của Giáo Hội Công Giáo. Vậy chúng ta hãy tra điều 550 và 551 trong bản Việt ngữ.

Điều 550:"Nước Thiên Chúa đến làm cho nước Xa-tan sụp đổ (x. Mt l2, 26) "Nếu tôi nhờ Thánh Thần Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Nước Thiên Chúa đã đến giữa các ông" (Mt l2, 28). Ðức Giê-su trừ quỷ là giải phóng con người khỏi vòng cương tỏa của ma quỷ (x. Lc 8, 26-39). Qua đó, Người thể hiện trước Người sẽ toàn thắng "thủ lĩnh thế gian này" (Ga l2, 3l). Chính nhờ Thánh Giá Ðức Ki-tô mà Nước Thiên Chúa sẽ được thiết lập vĩnh viễn : "Trên ngai Thập Giá, Thiên Chúa thống trị muôn loài" (x. Thánh ca "Vexilla Regis").

Điều 551: "Ngay khi bắt đầu đời sống công khai, Ðức Giê-su chọn Nhóm Mười Hai để các ông cùng ở với Người và chia sẻ sứ mạng với Người (x. Mc 3, l3-l9). Người ban cho họ dự phần vào uy quyền của Người và "sai họ đi loan báo Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân" (Lc 9, 2). Họ sẽ vĩnh viễn liên kết với Nước Ðức Ki-tô, bởi vì Người sẽ nhờ họ mà điều hành Hội Thánh."

"Thầy sẽ ban quyền cai trị cho anh em; như Cha Thầy đã ban cho Thầy, anh em được đồng bàn ăn uống với Thầy trên vương quốc của Thầy, và ngự trên tòa xét xử l2 chi tộc Ít-ra-en"(Lc 22, 29-30).

Trong phần dẫn chứng, chúng ta thấy chẳng hề có sự liên quan giữa hai văn bản của Giáo Hội Công Giáo Việt-Ý-Pháp! Qua những sự so sánh ở trên, chúng ta thấy rõ ràng GLCG hoàn toàn là truyền thống của loài người, không phải lời Chúa trong Kinh Thánh. Nếu đem đối chiếu với bản Pháp ngữ thì thực trạng cũng không khá hơn. Bản Việt ngữ dịch thuật không đúng với bản GLCG bản tiếng Ý và tiếng Pháp. Bản Việt ngữ dẫn chứng bằng những câu Kinh Thánh nhưng thực chất những câu dẫn chứng đó không hề liên quan gì đến sự ghi chép trong GLCG của Vatican. Các bản tiếng Ý và tiếng Pháp lại chú giải bằng chính các điều khoản đã dẫn trong GLCG. Ngoài ra để khẳng định quyền năng tha thứ tội lỗi của mình Giáo Hội Công Giáo còn đưa ra nhưng dẫn chứng khác trong GLCG:

Điều 986, bản Việt ngữ: "Do ý muốn của Ðức Ki-tô, Hội Thánh có quyền tha tội cho những người đã được rửa tội. Thông thường Hội Thánh thi hành quyền này trong bí tích Giải Tội qua các giám mục và linh mục."

Điều 986, bản tiếng Ý:"Secondo la volontà di Cristo, la Chiesa possiede il potere di perdonare i peccati dei battezzati e lo esercita per mezzo dei Vescovi e dei sacerdoti normalmente nel. sacramento della Penitenza."

Điều 986, bản Pháp ngữ,(tôi chỉ trích câu, đoạn cần thiết): "De par la volonté du christ, l'église possède le pouvoir de pardonner les péchés des baptisés…"

Khủng khiếp hơn là những gì mà Giáo Hội ghi trong điều 1448, trang 378:

Điều 1448, bản Việt ngữ:"Qua những thay đổi về qui định và nghi thức theo dòng thời gian, chúng ta nhận ra một cấu trúc nền tảng với hai yếu tố chính. Một mặt là những hành vi của những con người hoán cải dưới tác động của Chúa Thánh Thần : ăn năn, thú tội và đền tội. Mặt khác là tác động của Thiên Chúa qua thừa tác vụ của Hội Thánh. Nhờ giám mục và linh mục, Hội Thánh tha tội nhân danh Ðức Ki-tô, ấn định việc đền tội, cầu nguyện cho hối nhân và cùng làm việc thống hối với họ. Nhờ đó, tội nhân được chữa lành và hiệp thông lại với Hội Thánh."

Điều 1448, bản tiếng Ý:"Attraverso i cambiamenti che la disciplina e la celebrazione di questo sacramento hanno conosciuto nel corso dei secoli, si discerne la medesima struttura fondamentale. Essa comporta due elementi ugualmente essenziali: da una parte, gli atti dell'uomo che si converte sotto l'azione dello Spirito Santo: cioè la contrizione, la confessione e la soddisfazione; dall'altra parte, l'azione di Dio attraverso l'intervento della Chiesa. La Chiesa che, mediante il Vescovo e i suoi presbiteri, concede nel nome di Gesù Cristo il perdono dei peccati e stabilisce la modalità della soddisfazione, prega anche per il peccatore e fa penitenza con lui. Così il peccatore viene guarito e ristabilito nella comunione ecclesiale."

Qua điều 1448, rõ ràng là GLCG khẳng định là Chúa đã phải nhờ đến các Linh mục, Giám mục thay thế ngài làm việc tha thứ cho tội nhân! Vậy Giáo Hội Công Giáo có quyền tha tội không? Xin mời các anh chị em cùng tôi đi tìm sự thật qua lời Chúa trong Kinh Thánh:

"Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy"(Ê-phê-sô 4:32).

Theo Kinh Thánh Đức Chúa Trời muốn con cái của Ngài trực tiếp đến đối diện với Ngài, cầu nguyện Ngài chứ không phải qua trung gian của bất kỳ một ai. Hãy suy ngẫm câu Kinh Thánh Hê-bơ-rơ 4:16:

"Vậy, chúng ta hãy vững lòng đến gần ngôi ơn phước, hầu cho được thương xót và tìm được ơn để giúp chúng ta trong thì giờ có cần dùng."

Ngôi ơn phước ngụ ý nói về Ngai của Đức Chúa Trời. Vậy câu Kinh Thánh này nói rõ ràng sự tha thứ tội lỗi là đến từ Đức Chúa Trời chứ không phải là Linh mục, Giám mục, Giáo Hội hay bất kỳ một ai khác. Thế nhưng Giáo Hội Công Giáo đã dạy những tín lý sai trái như sau:

Điều 1461, bản Việt Ngữ:"Vì Ðức Ki-tô đã trao cho các tông đồ thừa tác vụ giao hòa (x. Ga 20,23; 2Cr 5,18), nên các giám mục kế nhiệm các ngài và các linh mục là những cộng sự viên của các giám mục, tiếp tục thi hành thừa tác vụ này. Nhờ bí tích Truyền Chức, các giám mục và linh mục có quyền tha tội "nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần."

Điều 1461, bản tiếng Ý:"Poiché Cristo ha affidato ai suoi Apostoli il ministero della riconciliazione, (63) i Vescovi, loro successori, e i presbiteri, collaboratori dei Vescovi, continuano ad esercitare questo ministero. Infatti sono i Vescovi e i presbiteri che hanno, in virtù del sacramento dell'Ordine, il potere di perdonare tutti i peccati « nel nome del Padre e del Figlio e dello Spirito Santo »."

Điều 1461, bản Pháp Ngữ:""En effet, ce sont les évêques et les presbytres, qui ont, en vertu du sacrement de l'Ordre, le pouvoir de pardonner les péchés"

Điều 979, bản Việt Ngữ:"Trong cuộc chiến chống xu hướng xấu, không ai đủ nghị lực và cảnh giác để tránh mọi tội lỗi, "vì thế, Hội Thánh cần có quyền tha tội. Bí tích Thánh Tẩy không phải là phương thế duy nhất để Hội Thánh sử dụng chìa khóa Nước Trời đã lãnh nhận từ Ðức Giê-su Ki-tô; Hội Thánh phải có khả năng tha tội cho tất cả các hối nhân phạm tội sau khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy", cho dù họ có còn phạm tội cho đến hơi thở cuối cùng." (Giáo Lý Rô-ma 1, 11, 4).

Điều 979, bản tiếng Ý:"In tale combattimento contro l'inclinazione al male, chi potrebbe resistere con tanta energia e con tanta vigilanza da riuscire ad evitare ogni ferita del peccato? « Fu quindi necessario che nella Chiesa vi fosse la potestà di rimettere i peccati anche in modo diverso dal sacramento del Battesimo. Per questa ragione Cristo consegnò alla Chiesa le chiavi del regno dei cieli, in virtù delle quali potesse perdonare a qualsiasi peccatore pentito i peccati commessi dopo il Battesimo, fino all'ultimo giorno della vita » (546)."

Điều 979, bản Pháp Ngữ:"il fallait qu'elle [ý chỉ Hội Thánh trong bản Việt ngữ] fût capable de pardonner leurs fautes à tous les pénitents, quand même ils auraient péché jusqu'au dernier moment de leur vie."

Tín điều do Giáo Hội Công Giáo tạo dựng đã đi ngược hoàn toàn với Kinh Thánh, họ tự ban cho mình cái thẩm quyền thay mặt Đức Chúa Trời tha thứ tội lỗi cho mọi người. Trong khi đó, Kinh Thánh đã nói rõ ràng, những ai biết ăn năn, muốn xin tha tội thì phải đến khẩn cầu nơi Đức Chúa Trời. Tác giả Thi-Thiên nói:

"Tôi đã thú tội cùng Chúa, không giấu gian ác tôi; Tôi nói: Tôi sẽ xưng các sự vi phạm tôi cùng Đức Giê-hô-va; Còn Chúa tha tội ác của tôi"(Thi-thiên 32:5).

Vua David đã trực tiếp nói chuyện với Đức Chúa Trời trong Thi-Thiên 25:16-20, Thi-Thiên 51:2-4 để xin Chúa tha thứ cho tội lỗi của ông:

"Cầu xin Chúa hãy đoái xem tôi và thương xót tôi, Vì tôi một mình và khốn khổ. Sự bối rối nơi lòng tôi đã thêm nhiều; Xin Chúa cứu tôi khỏi sự hoạn nạn. Khá xem xét sự khốn khổ và sự cực nhọc tôi, Và tha các tội lỗi tôi. Hãy xem xét kẻ thù nghịch tôi, vì chúng nó nhiều; Chúng nó ghét tôi cách hung bạo. Xin Chúa hãy giữ linh hồn tôi, và giải cứu tôi; Chớ để tôi bị hổ thẹn, Vì tôi nương náu mình nơi Chúa" (Thi-thiên 25:16-20).

"Xin hãy rửa tôi cho sạch hết mọi gian ác, Và làm tôi được thanh khiết về tội lỗi tôi. Vì tôi nhận biết các sự vi phạm tôi, Tội lỗi tôi hằng ở trước mặt tôi. Tôi đã phạm tội cùng Chúa, chỉ cùng một mình Chúa thôi, Và làm điều ác trước mặt Chúa; Hầu cho Chúa được xưng công bình khi Chúa phán, Và được thanh sạch khi Chúa xét đoán"(Thi-thiên 51:2-4).

Vua Sa-lô-môn cũng biết rằng chính ông cũng như các con dân Do Thái đều có thể trực tiếp cầu xin Đức Chúa Trời để được Ngài tha thứ, làm cho họ được thanh sạch:

"…Phàm điều gì tôi tớ Chúa và dân Y-sơ-ra-ên của Chúa sẽ cầu khẩn trong khi hướng về nơi này, xin Chúa hãy đủ nghe; phải, ở nơi ngự của Chúa tại trên các từng trời, xin Chúa đủ nghe, nhậm lời, và tha thứ cho"(II Sử-ký 6:21).

Chính Đức Chúa Trời cũng phán rằng những ai biết ăn năn mà tìm đến Ngài thì sẽ nhận được tha thứ:

"…và nhược bằng dân sự ta, là dân gọi bằng danh ta, hạ mình xuống, cầu nguyện, tìm kiếm mặt ta, và trở lại, bỏ con đường tà, thì ta ở trên trời sẽ nghe, tha thứ tội chúng nó, và cứu xứ họ khỏi tai vạ"(II Sử-ký 7:14).

Đức Chúa Trời không hề nói con, cái của Ngài phải tìm đến một kẻ trung gian, một nhà thờ, Hội thánh để cầu xin sự tha thứ. Chúa của chúng ta là công bình, là Cha nhân ái, tại sao Ngài lại phải xử dụng kẻ trung gian để thay thế Ngài chăm sóc cho con cái của Ngài? Thật là vô lý khi GLCG tự ban cho mình cái quyền đó. Thi-Thiên 86:5 đã nói rõ ràng tấm lòng nhân từ của Đức Chúa Trời với các con cái của Ngài:

"…Chúa ôi! Chúa là thiện, sẵn tha thứ cho, Ban sự nhân từ dư dật cho những người kêu cầu cùng Chúa" (Thi-thiên 86:5).

Đứng trước sự ăn năn chân thành của con cái Ngài, tấm lòng nhân ái của Chúa thật bao la.

"…nếu một người trong anh em có sự gì phàn nàn với kẻ khác thì hãy nhường nhịn nhau và tha thứ nhau: như Chúa đã tha thứ anh em thể nào, thì anh em cũng phải tha thứ thể ấy"(Cô-lô-se 3:13).

Thế thì tại sao ta lại phải cầu xin Linh mục, Giám mục, Giáo Hội Công Giáo? Tại sao tín ký của Giáo Hội lại đi nghịch lại lời Chúa trong Kinh Thánh? Mục đích của họ là gì khi họ dẫn dắt các tín đồ đi ra ngoài lời Chúa khiến cho tín đồ phải trật phần ân điển?

Theo như tín điều 983 trong Giáo Lý Công Giáo (GLCG), họ đã tự nhận họ dược đầy dẫy quyền năng của Đức Chúa Trời. Họ cũng khẳng định uy quyền của họ. Nhưng có một điều mà chúng ta phải ghi nhận là khi họ tự ban cho mình quyên năng vô biên đó, là chính họ đã đứng giữa các tín đồ và Đức Chúa Trời. Điều này có nghĩa là họ tách rời Chúa ra khỏi con cái của Ngài.

Điều 983, bản Việt ngữ:"Huấn giáo phải cố gắng khơi dậy và nuôi dưỡng nơi các tín hữu niềm tin vào hồng ân vô song Ðức Ki-tô Phục Sinh đã ban cho Hội Thánh là sứ mạng và quyền tha tội nhờ thừa tác vụ của các tông đồ và những người kế nhiệm: "Chúa muốn các môn đệ của Người có một quyền năng vô biên: Người muốn các tôi tớ thấp hèn của Người nhân danh Người mà thực hiện tất cả những gì Người đã làm khi còn tại thế" (x. T. Am-rô-siô bàn về phép giải tội 1, 34). Các linh mục đã nhận được một quyền năng mà Thiên Chúa đã không ban cho các thiên thần hoặc các tổng lãnh thiên thần… Từ trời cao, Thiên Chúa phê chuẩn tất cả những gì các linh mục làm dưới đất (x. T. Gio-an Kim Khẩu, chức linh mục 3, 5). Nếu Hội Thánh không có quyền tha tội, thì chúng ta không còn hy vọng nào, không còn hy vọng được sống đời đời và được ơn giải thoát vĩnh cửu. Chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa vì đã ban cho Hội Thánh một hồng ân như vậy (x. T. Âu-tinh bài giảng 213, 8)!"

Điều 983, bản Ý ngữ:"La catechesi si sforzerà di risvegliare e coltivare nei fedeli la fede nella incomparabile grandezza del dono che Cristo risorto ha fatto alla sua Chiesa: la missione e il potere di perdonare veramente i peccati, mediante il ministero degli Apostoli e dei loro successori. « Il Signore vuole che i suoi discepoli abbiano i più ampi poteri; vuole che i suoi servi facciano in suo nome ciò che faceva egli stesso, quando era sulla terra » (552). I sacerdoti « hanno ricevuto un potere che Dio non ha concesso né agli angeli né agli arcangeli. […] Quello che i sacerdoti compiono quaggiù, Dio lo conferma lassù » (553). Se nella Chiesa non ci fosse la remissione dei peccati, « non ci sarebbe nessuna speranza: nessuna speranza di una vita eterna e di una liberazione eterna. Rendiamo grazie a Dio che ha fatto alla sua Chiesa un tale dono » (554).

Điều 983, bản Pháp ngữ:"….Si dans l'église il n'y avait pas la rémission des péchés, nul espoir n'existerait, nulle espérance d'une vie éternelle et d'une libération éternelle. Rendons grâce à Dieu qui a donné à son Eglise un tel don.

Thay vì đi với Chúa Giêsu để được tha tội và sự sống đời đời. Thay vì cúi đầu ăn năn cầu xin Đức Chúa Trời tẩy sạch tội lỗi. Người Công Giáo được dạy rằng tội lỗi của họ chỉ có thể được tha thứ thông qua các Linh mục, Giám mục, nhà thờ Công Giáo! Sự kinh khủng tín lý này là Giáo Hội bẻ cong lời Chúa trong Kinh Thánh và qua đó Giáo Hội đã bủa cái lưới nhện của họ để giam cầm tín đồ Công Giáo trong vòng kiềm chế của Giáo Hội.

Kết luận:

Một lần nữa Giáo Lý Công Giáo của Giáo Hội Công Giáo đã đối nghịch lại với lời Chúa trong Kinh Thánh.  Kinh thánh xác định Đức Chúa Trời là vị Cha nhân từ, Đấng yêu thương. Nếu như con cái của Ngài hư hỏng thì các con phải đến ăn năn cùng Cha và chỉ có Ngài, vị Cha đầy tình yêu, công bằng mới có thẩm quyền tha thứ cho con cái của Ngài. Vậy mà GLCG đã dám tước đi vai trò của Đức Chúa Trời, ngăn cách con cái của Ngài với Ngài.

Là một Cơ-đốc Nhân (tôi xử dụng từ Cơ-đốc Nhân trong ý rộng rãi, bao gồm tất cả những ai tin theo Chúa, không phân biệt Công Giáo, Tin Lành), chúng ta phải khẳng định con đường chúng ta đi là con đường thánh khiết mà Đức Chúa Trời mong muốn con cái của Ngài đi theo. Con đường đó đã ghi chép rõ ràng trong Kinh Thánh. Bất kỳ con đường nào khác ngoài Kinh Thánh, chúng ta phải gạt bỏ nói đi.

Trước khi kết thúc, tôi xin các bạn hãy suy ngẫm câu Kinh Thánh sau:

"Hỡi linh hồn ta, hãy ngợi khen Đức Giê-hô-va, Chớ quên các ân huệ của Ngài. Ấy là Ngài tha thứ các tội ác ngươi, Chữa lành mọi bịnh tật ngươi"(Thi-thiên 103:2-3).

Cầu mong các bạn, các anh chị em luôn được bình an trong tình yêu thương vô biên của Đức Chúa Trời, Cha nhân ái của chúng ta. Trong danh Đức Chúa Jesus Christ. A-men.

Đặng Vũ Thanh Nguyên

Đọc Tiếp →

5,070 views

Lễ Ban Thánh Thể của Công Giáo

Copyright Notice: All Rights Reserved © 2011 Vietnamese Christian Mission Ministry, Inc.  –  Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry  –  Xin quý bạn đọc vui lòng tiếp tay phổ biến bài viết nầy dưới mọi hình thức, nhưng xin giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.

Đặng Vũ Thanh Nguyên
Bấm vào đây để download bài viết này

[443]

Đạo Công Giáo nói: Thánh lễ giúp cho người chết. Chia sẻ Thánh lễ giúp cho người Công giáo còn sống có cơ hội để giúp cho người thân đã chết:

"Thánh lễ cũng được dâng lên để cầu cho các tín hữu đã qua đời, những người đã chết trong Ðức Ki-tô và chưa được thanh luyện trọn vẹn, để họ được vào hưởng ánh sáng và bình an của Ðức Ki-tô" (Điều 1371 Giáo lý Công giáo. Bản Việt ngữ).

"Le sacrifice eucharistique est aussi offert pour les fidèles défunts, pour qu'ils puissent entrer dans la lumière et la paix du christ" (Điều 1371, trang 358. Bản Pháp ngữ).

"Eucharistique" mà người Công giáo dịch là Thánh lễ. Nhưng "Thánh lễ" thật ra không có ý nghĩa gì cả! Vì Eucharistique thật ra nó có nghĩa là lễ ban thánh thể. Bản dịch Việt ngữ đã dịch không sát nghĩa với bản Pháp ngữ bởi họ đã bỏ qua câu "Le sacrifice" có nghĩa là "lễ hiến sinh."

Vậy câu dịch đúng sẽ là: "Lễ hiến sinh ban thánh thể cũng là để dâng hiến cho các tín hữu đã qua đời để họ được vào trong ánh sáng và sự bình an của Đức Ki-Tô."

Trong điều 1689, giáo lý Công Giáo nói tiếp:

Phụng vụ Thánh Thể khi lễ nghi an táng cử hành trong nhà thờ, bí tích Thánh Thể là tâm điểm của thực tại Vượt Qua nơi cái chết của Ki-tô hữu(x. Sách Lễ Nghi An Táng 1). Trong thánh lễ, Hội Thánh bày tỏ sự hiệp thông hữu hiệu của mình với người quá cố: khi dâng lên Chúa Cha, trong Chúa Thánh Thần, hy tế cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Ðức Ki-tô, Hội Thánh cầu xin Cha cho người con của mình được thanh luyện khỏi mọi tội lỗi, được tha mọi hình phạt, và được nhận vào bàn tiệc trong nước Chúa (x. Sách Lễ Nghi An Táng 57). Nhờ bí tích Thánh Thể, cộng đoàn tín hữu, nhất là gia đình người quá cố, học sống hiệp thông với người "đã an nghỉ trong Chúa," bằng cách rước Mình Thánh Chúa mà người đó đang là một chi thể sống động, để rồi cầu nguyện cho và cùng với người đó. (Điều 1689, giáo lý Công Giáo. Bản Việt ngữ).

"L'Eucharistie est le coeur de la réalité pascale de la mort chrétienne. C'est alors que l'église exprime sa communion efficace avec le défunt … " (Điều 1689, trang 435. Bản Pháp Ngữ).

Thật đáng kinh ngạc khi giáo lý Công Giáo La-mã dạy tín hữu phải tham gia lễ rước Thánh Thể thường xuyên với người thân đã chết sẽ giúp cho họ được lên thiên đường nhanh hơn. Là một Cơ-đốc nhân, nếu như học thuyết này đến từ Đức Chúa Trời thì chúng ta phải tuân hành. Nhưng nếu đến từ truyền thống của loài người, để kềm chế tín đồ dưới sự kiểm soát của tôn giáo thì đó là một điều cực kỳ dã man, độc ác. Đã là một Cơ đốc nhân, chúng ta phải và chỉ tuân theo lời Chúa dạy dỗ chúng ta trong Kinh Thánh, vậy chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện Chúa ban cho chúng ta sự thông sáng để đi tìm hiểu lời Chúa dạy chúng ta trong Kinh Thánh như thế nào.

Từ sách Cựu ước đến sách Tân ước câu "Thánh Lễ" hoặc "Lễ Ban Thánh Thể" không bao giờ được đề cập trong Kinh Thánh.

Các anh chị em có thể lật từng trang Kinh Thánh, đọc kỹ lưỡng từng câu, từng chữ, chúng ta không thể nào tìm ra được Bí Tích Thánh Thể. Và cũng không có một đoạn, một câu nào trong Kinh Thánh nói rằng Bí Tích Thánh Thể cứu giúp người chết. Thậm chí, không có một nhân vật nào trong Kinh Thánh nhận Bí Tích Thánh Thể để giúp đỡ người thân yêu của họ đã qua đời.

Vậy, giáo lý Công giáo không những "vắng" lời Chúa mà lại còn cố tình vi phạm lời Chúa. Trong Kinh Thánh đã dạy rõ ràng mỗi cá nhân chúng ta phải chịu trách nhiệm về sự hiện hữu của mình trong đời này trước Đức Chúa Trời như đã ghi trong Rô-Ma 14:12: "Như vậy, mỗi người trong chúng ta sẽ khai trình việc mình với Đức Chúa Trời."

Khi Đức Chúa Cứu Thế giáng trần, Ngài đã hoàn thành mọi công việc để mở cho chúng ta một con đường bước vào thiên đường trên cây thập tự giá. Sự cứu rỗi mà chúng ta được hưởng là món quà của Đức Chúa Trời ban cho. Ân điển đó không phải là sự giành, mua bởi đức tính truyền thống của loài người hoặc bằng đạo đức của người thân yêu của chúng ta. Kinh Thánh đã nói rõ ràng, sau khi chết mọi người đều phải đối diện với Đức Chúa Trời để chịu sự xét xử và không có sự lựa chọn nào khác:"Theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét" (Hê-bơ-rơ 9:27).

Vậy theo như lời Chúa trong Kinh Thánh, mọi việc rất rõ ràng: những ai không đặt đức tin nơi Đức Chúa Jesus Christ khi còn sống trên đời này, người đó sẽ bị phân tách ra khỏi Chúa và nước thiên đàng: "Ai tin Ngài thì chẳng bị đoán xét đâu; ai không tin thì đã bị đoán xét rồi, vì không tin đến danh Con một Đức Chúa Trời" (Giăng 3:18). "Ai tin Con, thì được sự sống đời đời; ai không chịu tin Con, thì chẳng thấy sự sống đâu, nhưng cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người đó" (Giăng 3:36).

Kinh Thánh không hề nói Đức Chúa Trời sẽ tha thứ cho người chết vì thân nhân của họ khi còn sống đã chịu bí tích thánh thể. Cách duy nhất để tránh sự xét xử của Đức Chúa Trời, được Ngài tha thứ là phải đặt đức tin nơi Đức Chúa Jesus Christ và dâng hiến cả cuộc đời minh lên cho Ngài: "Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, ai nghe lời ta mà tin Đấng đã sai ta, thì được sự sống đời đời, và không đến sự phán xét, song vượt khỏi sự chết mà đến sự sống" (Giăng 5:24).

Tóm lại, chúng ta có thể tự đặt ra một số câu hỏi như sau:

·         Tại sao truyền thống của giáo hội Công Giáo lại có thể có những tín lý như vậy? Tín lý hoàn toàn đối lập với lời Chúa trong Kinh Thánh?

·         Tại sao tín điều Công giáo lại yêu cầu các tín hữu phải thực hiện các nghi lễ dành cho các thân nhân đã chết trong khi Kinh Thánh đã khẳng định đó là một điều vô ích?

·         Phải chăng đây là một trong những hành động để trói chân tín đồ? Để đặt tín đồ dưới sự kiểm soát của Giáo hội?

·         Sau cùng, nếu một Cơ-đốc nhân tin theo tín lý này, thì Cơ-đốc nhân đó đương nhiên chối bỏ lời Chúa trong Kinh Thánh và phủ nhận sự hy sinh của Đức Chúa Jesus Christ để cứu chuộc chúng ta! Các bạn, các anh chị em có chắc chắn muốn làm điều này không?

Kinh Thánh nói:"Hãy giữ chừng, kẻo có ai lấy triết học và lời hư không, theo lời truyền khẩu của loài người, sơ học của thế gian, không theo Đấng Christ, mà bắt anh em phục chăng" (Cô-lô-se 2:8).

Mến chúc các bạn, các anh, chị, em luôn sống trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời yêu kính của chúng ta. Và cùng học, cùng suy ngẫm lời Ngài để mãi mãi làm đẹp lòng Ngài. A-men.

Đặng Vũ Thanh Nguyên

Đọc Tiếp →

8,981 views

Những Bức Tâm Thư của Cựu Linh Mục Bùi Đức Hạnh

Bấm vào đây để download bài viết này

[690]

BỨC TÂM THƯ I

Kính gởi: các linh mục Công Giáo

Về chức linh mục Công Giáo

‘Tu es sacerdos in Eternum secumdum Ordinem Melchisedech’ (Con là thầy cả tế lễ đời đời theo ban Mên-chi-xa-đéc’) Hê-bơ-rơ 7:17 TL.110.4

     Câu kinh thánh trên đây được tất cả linh mục Công Giáo tâm niệm để giữ mình trong một đời sống xứng đáng.

     Theo giáo lý Công Giáo được thụ phong do phép bí tích Chúa Jê-sus đã lập và được in dấu thiêng liêng bất diệt và linh mục là thầy tế lễ đời đời theo Mên-chi-xa-đéc.

      Thầy tế lễ, chức linh mục Công Giáo có quyền cao cả, người cầm trong tay Mình Thánh Đức Chúa Jê-sus  khi người hành lễ đọc lời truyền ‘Hoc est corpucmeum! Này là mình Ta’, linh mục dâng tế lễ cho Đức Chúa Trời để đền tội. Linh mục cầm trong tay ấn quyền giải tội để tha thứ, và cầm buộc tội nhân. Linh mục là Người của Đức Chúa Trời là Ki-Tô khác (Alter Christus). Phẩm chức cao trọng và quyền bính cao cả ấy ngang hàng với Đức Chúa Trời, đã tìm thấy trong chức linh mục Công Giáo.

     Vậy, phẩm chức cao trọng và quyền bính cao cả ấy bởi đâu? Bởi chính Đức Chúa Trời ban cho hay bởi loài người tự tạo lấy cho mình. Để hiểu rõ điều đó, chúng ta hãy tra cứu Kinh Thánh và chỉ có Kinh Thánh là lời Chúa mới giải tỏ được. Xin tra cứu sách Hê-bơ-rơ trong Tân Ước, xuất Ai-Cập ký và sách Lê-vi trong Cựu Ước.

     Trong Cựu Ước, Đức Chúa Trời thiết lập A-rôn làm thầy tế lễ cho Ngài: ‘Trong vòng dân Y-sơ-ra-ên, người hãy chọn Arôn anh người cùng các con trai người là Na-đáp, Abihu, Eleasa và Jthama lập lên chức tế lễ trước mặt Ta. ‘Đức Chúa Trời lại trang sức cho A-rôn, mũ đội trên đầu, bảng đeo trước ngực, áo khoác trong và ngoài. Lại phong chức trong 7 ngày’ (Xuất 29:35).

     ‘Nhưng ấy là hình bóng chỉ về đời bấy giờ’ hê-bơ-rơ 10:1.

Sách Hê-bơ-rơ đoạn 1 nói về Chúa Jê- sus cao trọng hơn thiên sứ, đoạn 3: Chúa Jê-sus cao trọng hơn Môi-se; đoạn 7&8: Đức Chúa Jê-sus là thầy tế lễ thượng phẩm theo ban Mên-chi-xa-đéc.(tr 1). Vậy chúng ta có thể ứng dụng mọi điều cho chức linh mục Công Giáo được không? Có phải Đức Chúa Trời thiết lập chức linh mục Công Giáo theo như Lời Ngài trong Kinh Thánh chăng?

Để trả lời câu hỏi trên, ta hãy tra cứu Kinh Thánh về các vấn đề:

1. Ơn thiên triệu     2.Chức tế lễ     3.Của tế lễ     4. Mục đích tế lễ     5. Quyền tha tội của linh mục Công Giáo.

1. Ơn Thiên Triệu

     Linh mục Công Giáo nói rằng: Mình có ơn Thiên Triệu, ơn Đức Chúa Trời kêu gọi. Thật đáng sợ khi kẻ làm việc tế lễ cho Đức Chúa Trời mà không có ơn Ngài gọi. Trong Cựu Ước, sách Sử Ký 26:16-21 kể chuyện vua Ô-xia làm điều ác, phạm tội cùng Đức Chúa Trời vì người vào trong đền thờ Đức Giê-hô-va xông hương trên bàn thờ xông hương. Các thầy tế lễ đã cản vua vì đó là phần việc các thầy tế lễ con cháu A-rôn. Song vua cứ xông hương thì Đức Chúa Trời hình phạt người và người bị tật phong.

     ‘Vì vậy không ai được chiếm lấy chức trọng đó cho mình, phải được Đức Chúa Trời kêu gọi như A-rôn ngày xưa, Nec qisquam sumit honoren, sed qui vocatur a Deo tanquam A-rôn’ Hê-bơ-rơ 5:4.

     Ơn kêu gọi A-rôn làm thầy tế lễ, chỉ để dâng của lễ chiên bò … của lễ theo luật pháp, không thể cất tội lỗi đi được (Hê-bơ-rơ 10:4) mà Đức Chúa Trời còn cặn kẽ phán dậy. Kinh Thánh từng nói bao nhiêu lần trong các đoạn sách Xuất Ê-díp-tô ký từ đoạn 28-40. Sách Lê-vi ký từ đoạn 1-10. Chẳng những đối với chức tế lễ của A-rôn. Đức Chúa Trời còn nói về nghi thức hành sự và lễ phục của người nữa. Vi phạm những điều ấy thì Đức Chúa Trời đã trừng trị cách nghiêm thẳng. Hai con trai A-rôn là Na-đáp và Abihu, mặc dầu đã được Môi-se xức dầu làm thầy tế lễ, nhưng vì xem thường việc lấy lửa bỏ vào bình hương mà bị Đức Chúa Trời phạt chết thiêu. Kinh Thánh nói: ‘Hai con trai A-rôn là Na-đáp và Abihu, mỗi người đều cầm lư hương mình để lửa vào, bỏ hương lên và dâng một thứ lửa lạ trước mặt Đức Giê-hô-va, ấy là điều Ngài không phán dặn. Một ngọn lửa từ nơi Đức Giê-hô-va lòe ra, nuốt tiêu họ và họ chết trước mặt Đức Giê-hô-va.’ Le-vi 10:01.   

     Kinh Thánh còn chứng minh, dù chính Chúa Jê-sus là Con Đức Chúa Trời cất tội lỗi thiên hạ cũng phải có ơn Đức Chúa Trời gọi. Đức Ki-Tô không tự tôn mình làm thầy tế lễ thượng phẩm, nhưng tại Đấng đã phán cùng Ngài rằng : Người là con Ta, Ta đã sinh ra ngươi ngày nay. Lại nơi khác cũng đã phán cùng Ngài rằng Người làm thầy tế lễ đời đời theo ban Mên-chi-xa-đéc. Sic et christus non semetipsum clarificavit ut pontifex fieret; sed qui locutus est ad Eum: Filius meus es Tân Ước ego hodie genuita. Quemadmodum et in alio loco dicit : Tu es sarcedos in Aternum secumdum ordinem Melchisedech. (Hê-bơ-rơ 5:6-7) (tr 2)

     Kinh Thánh chứng minh trong Cựu Ước Đức Chúa Trời kêu gọi A-rôn làm thầy tế lễ, khi A-rôn gần chết, A-rôn phải từ bỏ chức đó mà truyền cho con ‘Hãy đưa A-rôn và Ê-lê-a-sa con trai người, biểu đi lên núi Hô-rơ, đoạn hãy lột áo xống A-rôn mặc cho Ê-lê-a-sa con trai người’ Dân Số ký 20:25-26. Chức tế lễ thượng phẩm được giao cha truyền con nối thuộc dòng họ Lê-vi suốt trong thời Cựu Ước.

     Thời Tân Ước, Đức Chúa Trời kêu gọi Con Ngài làm thầy tế lễ thượng phẩm, thầy tế lễ cả, ngoài ra Kinh Thánh không thấy nói Đức Chúa Trời kêu gọi ai làm thầy tế lễ dù Phê-rô, hay Phao-lồ cũng khong có ơn kêu gọi đó.

     Giáo hội Công Giáo dựa vào câu nói của Chúa Jê-sus khi ăn bữa tối ‘Này là thân thể Ta, đã vì các người mà phán cho; hãy làm sự này để nhớ đến Ta’ Lu-ca 22:19. Thật là lạ lùng khi cắt nghĩa câu kinh Thánh ‘Hãy làm sự này để nhớ đến Ta’ là phong chức linh mục! Vậy ai được làm linh mục là người được ăn bánh uống chén?

     ‘Hãy lấy ăn đi. Hết thảy hãy uống đi’ Ma-thi-ơ 26:27. Nếu tất cả mọi giáo hữu đều dược ăn là chịu Bánh Thánh được quyền làm việc nhớ đến Chúa thì đều là thầy tế lễ sao?

     ‘Thánh Phê-rô cũng nói cho tất cả các tín hữu là ‘Giòng giống được lựa chọn là chức tế lễ nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Đức Chúa Trời hầu cho anh em rao giảng nhân đức của Đấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối tăm.’ I Phi-e-rơ 2:9. Chức tế lễ nhà vua là rao gảing nhân dwsc của Đáng đã gọi anh em, lại trong thư Hê-bơ-rơ nói dâng lễ bằng lời ngợi khen (Hê-bơ-rơ 13:15) chứ không phải chức tế lễ nhà vua dâng Chiên con Đức Chúa Trời, chỉ một mình Chúa Jê-sus là thầy thượng cả thượng phẩm và dâng chính thân thể Ngài làm của lễ cho Đức chúa Trời để cất tội lỗi dân Ngài.

     Bởi vậy khi Chúa Jê-sus chưa chịu đóng đanh trên thập giá thì Ngài chưa dâng thân thể làm của tế lễ. Ngài chưa thi hành nhiệm vụ thầy cả thượng phẩm và Ngài cũng không phong cho ai làm thầy tế lễ dâng thân thể Ngài. Các tông đồ không có lời nào về việc phong chức và không một ai làm thầy tế lễ dâng thân thể Chúa Jê-sus cho Đức Chúa Cha.

2. Chức Tế Lễ

     Linh mục Công Giáo nói mình có chức tế lễ theo Tân Ước, nghĩa là không dâng chiên, bò dê đực và bồ câu … theo như Cựu Ước, mà dâng Chiên con Đức Chúa Trời, là dâng chính Chúa Ki-Tô chuộc tội thay cho loài người. Vậy chức này bởi đau mà đến ? Bởi Đức Chúa Trời chăng? Không! Vì Đức (tr 3) Chúa Trời chỉ lập Con Ngài mà thôi. ‘Ngày nay ta sinh ra Con, Con là thầy tế lễ dời đời theo ban Mên-chi-xa-đéc. Filius mous es Tân Ước, ego hodic genui te. Tu es sacerdos in Oternum secundum ordinem Melchisedech’ Hê-bơ-rơ 5:5-6.

     Bởi Chúa Jê-sus chăng? Không! Vì Chúa Thánh Thần là Thần lẽ thật nói : ‘Số thầy tế lễ theo Cựu Ước rất nhiều vì phải chết nên không giữ luôn chức vụ mình được. Nhưng Đấng Ki-Tô vì hằng có đời đời nên giữ chức vụ đó không thay đổi’ Không thế vị, không nhường ngôi cho ai ‘Hic autem eo quod naneat in Eternum, sempiternum habet sacerdotium’ Hê-bơ-rơ 7:23-24.

     Như vậy, theo Tân Ước chỉ có một thầy tế lễ thượng phẩm là Đấng Ki-Tô. Ngài là Đấng trung bảo của giao ước mới, vì Đức Chúa Trời đã bỏ ước thứ nhất và lập ước thứ hai tức là Tân Ước, mà chúng ta được nên thánh nhờ sự dâng thân thể của Đức Chúa Jê-sus Ki-Tô một lần đủ cả. In qua voluntate sanctificati sumus per Oblatinem Corporis Jesus Christi semel. Hê-bơ-rơ 10:10.

     Theo Cựu Ước, thầy tế lễ mỗi ngày đứng hầu việc mà dâng các lễ đồng một thứ là của lễ không bao giờ cất tội lỗi đi được. Còn như Đấng Ki-Tô đã vì tội lỗi dâng chỉ một của lễ rồi đời đời ngồi bên hữu Đức Chúa Trời. Vì nhờ dâng chỉ một của lễ, Ngài làm cho những kẻ nên thánh được trọn vẹn đời đời. ‘Hic autem unam pro peceatis offerens hostiam … Una enim oboatione con summavit in sempiternem sanctificatos’ Hê-bơ-rơ 10:12-14.

     Vậy, chúng ta chỉ có một thầy tế lễ là Chúa Jê-sus Ki-Tô và Ngài chỉ dâng một lần đặng cất tội lỗi đi. (Hê-bơ-rơ 9:28a) Ngài chỉ dâng một của lễ (Hê-bơ-rơ 10:12) Chúa Thánh Linh lại phỉ bác việc ‘Chúa Jê-sus dâng mình nhiều lần’ mà chỉ một lần mà thôi. ‘Neque ut Sepe offerat semetipsum … Christus semel oblatus est’ Hê-bơ-rơ 9:25-28. Chúa còn nhấn mạnh ‘Đấng Ki-Tô chỉ dâng thân thể mình một lần cũng như đã dịnh cho loài người phải chết một lần … ‘ Luật định cho loài người phải chết một lần thật rõ ràng không ai chối cãi được.

     Kinh Thánh đã minh chứng có một thầy tế lễ là Chúa Jê-sus Ki-Tô. Ngài hằng sống nên giữ chức tế lễ không thay đổi. Ngài dâng mình chỉ một lần và chỉ một của lễ là chính thân thể Ngài.

     Những câu Kinh Thánh trên thật rõ ràng và xác định như 2 2  = 4. Thế mà giáo hội Công Giáo đặt từng trăm vạn người làm thầy tế lễ, hằng ngày dâng từng trăm vạn của lễ và từng trăm vạn lần (tr 4)

3. Về Của Tế Lễ

     Theo giáo lý Công Giáo, các linh mục hằng ngày dâng của lễ trên khắp hoàn cầu cũng chẳng khác gì dân Y-sơ-ra-ên xưa Nhưng dân Y-sơ-ra-ên theo Cựu Ước, còn Giáo hội Công giáo theo Tân Ước, theo Cựu Ước Đức Chúa Trời đã phán dặn Môi-se về mọi của lễ và nghi thức dâng lễ. Song những thứ đó chẳng qua là hình và bóng chỉ về đời bấy giờ để tỏ rằng các lễ vật hy sinh dâng đó, không thể làm cho kẻ thờ phượng được trọn lành về lương tâm (Hê-bơ-rơ 9,19-10). Vậy ‘Các điều răn trước kia vì không quyền, không ích nên đã bị bỏ’ (Hê-bơ-rơ 7:18) ‘Đức Chúa Trời đã lận con người bằng lời thề, bởi Đấng đã phán cùng Ngài rằng: Chúa đã thề rồi và không hồi lời thề ấy đâu: Con làm thầy tế lễ đời đời – Juravit dominus et non P. Enitebit eum; Tân Ước es sacerdos in Eternum’ (Hê-bơ-rơ 7:21) Vì thế Đức Chúa Jê-sus đã trở nên Đấng bảo lãnh cho giao ước mới.

     Theo Tân Ước, chỉ có một của lễ là thân thể của Đấng Ki-Tô. Song Đấng Ki-Tô chỉ dâng chính mình một lần thì đủ cả. (Hê-bơ-rơ 7:27) và Ngài chỉ dâng một của lễ rồi đời đời ngồi bên hữu Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 10:12)

     Như vậy Kinh Thánh đã minh định trong Tân Ước chỉ có:

     -Một thầy tế lễ là Chúa Jê-sus Ki-Tô

     -Một của lễ là Thân thể của Chúa Jê-sus Ki-Tô.

     -Một lần dâng của lễ khi Chúa Jê-sus Ki-Tô chịu treo mình trên thập giá.

      Không thể hiểu được Giáo hội Công Giáo dựa vào giáo lý nào mà lập nên nhiều thầy tế lễ, dâng lễ từng trăm vạn lần trong một ngày?!

     Như vậy giáo lý Công Giáo không phải là giáo lý Kinh Thánh, chân lý của Đức Chúa Trời mà giáo lý là của kẻ thù địch Chúa Jê-sus Ki-Tô, là giáo lý của kẻ thù cỏ lùng gieo vào lúa mì (Ma-thi-ơ 13:28).

     Giáo hội Công giáo đã pha trộn Cựu Ước vào Tân Ước. Tổng hợp lễ nghi, phẩm phục của đời Môi-se với chức tế lễ của Chúa Jê-sus. Trộn lẫn sự thật của Đức Chúa Trời với sự giả trá của Ma Quỉ.

Thật là một giáo lý tai hại

giết chết linh hồn người ta.

4. Mục Đích Dâng Của Lễ

    ‘Luật pháp Cựu Ước chỉ là bóng của sự tốt lành ngày sau, nên không bao giờ nhờ của tế lễ mỗi năm hằng dâng như vậy mà khiến cho kẻ đến gần Đức Chúa Trời trở nên trọn lành đựợc … vì huyếtcủa bò đực và dê đực không thể cất tội lỗi đi được’ (Hê-bơ-rơ 10: 1, 4).

     Đức Chúa Jê-sus đến theo ý chỉ của Đức Chúa Trời, dâng thân thể mình làm sinh tế được Đức Chúa Trời nhậm. Bởi vậy, Đấng Ki-Tô vào thế gian phán rằng: ‘Chúa chẳng muốn hy sinh, cũng chẳng muốn lễ vật nhưng Chúa đã sắm sẵn một thân thể cho Con’ (Hê-bơ-rơ 10:5-7) (tr 5). Chúa Jê-sus dâng thân thể mình để cất tội lỗi đi ‘Chiên Con của Đức Chúa Trời là Đấng cất tội lỗi đi’ (Giăng 1:29). Nhờ huyết Chúa Jê-sus đổ ra mà có sự tha thứ, vì ‘Không đổ huyết thì không có sự tha thứ’ (Hê-bơ-rơ 9:22). Nhưng ‘Khi có sự tha thứ rồi thì không cần phải dâng của tế lễ vì tội lỗi nữa’ (Hê-bơ-rơ 10:18).

     Như vậy Kinh Thánh nói : Chúa Jê-sus dâng mình làm của lễ cất tội lỗi đi, nhờ sự đổ Huyết của Ngài trên thập giá mà có sự tha thứ, nên Không cần dâng tế lễ vì tội lỗi nữa.

     Giáo hội Công Giáo phong chức từng trăm vạn người làm thầy tế lễ, hằng dâng đi dâng lại từng trăm vạn lần mỗi ngày… Linh mục Công giáo dâng lễ Misa là một điều phạm thượng, trái nghịch Kinh Thánh. Như vậy, lễ Misa đâu còn là việc Thánh tha thứ tội nhân, đền bù tội lỗi, cứu vớt các linh hồn… mà trái lại chính là tội lỗi, là một việc làm gớm ghiếc trước mặt Đức Chúa Trời.

5. Quyền Tha Tội

     Linh mục Công giáo ngồi tòa giải tội, thay quyền Đức Chúa rời mà tha thứ hay cầm buộc tội nhân. Cái quyền đó khi chính Chúa Jê-sus là Con Đức Chúa Trời thi hành còn làm cho dân Y-sơ-ra-ên căm phẫn. ‘Thầy thông giáo và người Pha-ri-si bèn nghị luận rằng: người này là ai mà nói phạm thượng vậy! Ngoài Đức Chúa Trời há có ai tha tội được sao? (Lu-ca 5:21).

     Giáo hội Công Giáo dựa vào câu Chúa phán cùng các tông đồ: ‘Bình an cho các con. Cha đã sai ta thế nào, Ta cũng sai các con thể ấy. Khi Ngài phán điều đó rồi thì hà hơi trên các môn đồ mà rằng : Hãy nhận lãnh Đức Thánh linh, kẻ nào mà các con tha tội cho thì tội sẽ được tha, còn kẻ nào các con cầm tội lại thì tội sẽ bị cầm cho kẻ đó’ (Giăng 20:221-23).

     Có nhiều nhà thờ Công Giáo đã viết câu : ‘Kẻ nào mà các con tha tội cho thì tội sẽ được tha, còn kẻ nào các con cầm tội lại thì tội sẽ bị cầm cho kẻ đó’ lên tòa giải tội để chỉ rõ linh mục Công Giáo có quyền tha thứ hay cầm buộc tội nhân.

     Giáo hội Công giáo ngày nay, nếu trong nhà thờ dẹp bỏ tòa giải tội thì sự phụng vụ mất hẳn ý nghĩa vì kẻ tham dự phụng vụ sẽ không còn một ai, vì giáo hữu không chịu phép giải tội đâu còn giám đi chịu lễ, dám chịu các phép bí tích. Vì các phép bí tích (trừ ra phép rửa tội và giải tội) chỉ cho kẻ có ơn nghĩa Thánh. Một mối quan hệ cho phụng vụ Công Giáo, một điều kiện tối cần không có không được như vậy mà các tông đồ không ghi một nét trong các bức thư Tân Ước!? (tr 6). Trái lại, trong Tân Ước Chúa Thánh Linh truyền chép lại :’Phê-rô ở thành Gióp-bê nhiều ngày trong nhà người thợ thuộc da tên là Si-môn’ (Công vụ các sứ đồ 9:43). Chính Thiên sứ của Đức Chúa Tròi hiện ra cùng với Cọt-nây cũng bảo: ‘Hãy sai người đến thành Gióp-bê, mời Si-môn cũng gọi là Phê-rô. Người hiện ở trọ nơi nhà Si-môn thợ thuộc da ở gần biển’ (công vụ các sứ đồ 10:5,8).

     Còn về sứ đồ Phao-lồ thì Chúa Thánh linh dạy chép ‘Vì đồng nghề nên Phao-lồ ở nhà hai người làm việc chung nhau, và nghề các người đó là may trại. Hễ đến ngày Sabát thì Phaolồ giảng trong nhà hội, khuyên dỗ người Giu-đa và người Gờ-réc’ (Công vụ các sứ đồ 18:3-4) Phao-lồ còn nêu gương mình cho các trưởng lão thành Ê-phê-sô.

     Còn việc tha thứ cầm buộc thì sau khi các sứ đồ đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh ‘Hết thảy khởi sự nói các thứ tiếng khác theo như Đức Thánh Linh cho mình nói’ (Công vụ các sứ đồ 2:4) Phê-rô cũng trong sự đầy dẫy Đức Thánh Linh đã truyền dạy :’Hãy hối cải, ai nấy phải nhan danh Chúa Jê-sus chịu phép báptêm  để được tha tội mình rồi sẽ được lãnh sự ban cho của Thánh Linh’ (Công vụ các sứ đồ 2:38).

     Các sứ đồ cũng trong ơn đầy dẫy Thánh Linh đã tháo cởi & cầm buộc như sau : ‘Ây là Đức Thánh Linh và chúng ta đã ưng rằng chẳng gán gánh nặng nào khác cho anh em ngoài những điều cần dùng, tức là anh em phải kiêng của cúng thần tượng, huyết, thú vật chết ngộp và chớ tà dâm.’

          Trong đoạn cuối cùng Tân Ước sứ đồ Gioan cũng trong sự đầy dẫy Đức Thánh Linh mà tháo cởi và câm buộc cho những kẻ thêm hoặc bớt điều gì trong những lời của sách Tiên Tri là Đức Chúa Trời sẽ cất lấy phần họ về cây sự sống và Thành Thánh (Khải huyền 18-19).

Như vậy Thánh Kinh đã dậy rõ cho chúng ta là các sứ đồ đã được đầy dẫy Thánh linh để tháo cởi và cầm buộc cách đầy đủ như đã ghi trong Kinh Thánh, chứ không phải là quyền uỷ thác cho loài người ngày nay muốn đóng, muốn mở tuỳ ý. Giáo hội Công Giáo sử dụng Thiên Chúa như một tên đầy tớ như một tên đầy tớ như vậy thật là phạm thượng.

***

     Kính thưa quí vị linh mục Công giáo, đến đây quí vị đã thấy rõ (tr 7) Đức Chúa Trời không kêu gọi quí vị làm thầy tế lễ dâng Đức Chúa Con cho Đức Chúa Cha. Thánh Linh cũng không phán dậy quí vị làm việc phụng sự như thế. Như vậy, tôi thành tâm tha thiết xin nài quí vị hãy suy gẫm lời Đức Chúa Trời, xin Đức Chúa Thánh linh là Thần Lẽ Thật dẫn dắt quí vị khỏi con đường lầm lạc kẻo một ngày kia quí vị đến trước Đức Chúa Trời quí vị sẽ bị Lời Đức Chúa Trời phán xét quí vị’

     ‘Lời ta rao giảng, chính lời đó sẽ phán xét họ nơi ngày sau cùng. Bởi ta chẳng nói theo ý riêng Ta; nhưng Cha ta sai Ta đến, đã truyền lịnh cho Ta phải nói điều chi và phải nói thế nào.’ (Gioan 12:48-49)

     ‘Này Ta đến mau chóng và đem phần thưởng theo với Ta để trả cho mỗi người tùy theo công việc họ làm.’(Khải huyền 20:12)

Saigon, ngày 30 tháng 03 năm 1973

Kính chào thân ái

Bùi Đức Hạnh

Cựu Linh Mục (tr 8)

*****

Bức Tâm Thư 2

Kính gởi : Quí Vị Tín Hữu Công Giáo

Việc Tôn Sùng Bà Maria

Kinh thưa Quí Vị,

     Rảo qua lịch sử tôn giáo, chưa có một vị thần nào được tôn sùng, khen ngợi bằng bà Maria bên Công Giáo.

     Bà Maria được khen tặng trên 200      huy hiệu.

     Ba Maria được sùng bái nhiều thể cách.

     Bà Maria được nhiều đoàn thể mang danh hiệu.

     Bà Maria được nhiều nhà thờ cung hiến vì hầu hết không một nhà thờ lớn nhỏ nào trong Công Giáo mà không có bàn thờ đặc biệt kính Bà.

     Bà Maria được giáo hội Công Giáo tôn phong là:

     Đồng Công Cứu Chuộc

     Mẹ Thông ơn Thiên Chúa

     Đáng Trung bảo giữa Thien Chúa và loài người.

     Bà Maria thậm chí còn được giáo hội tôn phong lên cao hơn Đức Chúa Trời, là Mẹ Đức Chúa Trời.

     Một vị thánh Công Giáo Bonaventura đã khen tặng Bà Maria:

     ‘Nếu dưới gầm trời này không một vật sống nào chẳng nhờ ánh sáng mặt trời, thì trong thế giới thiêng liêng cũng không một linh hồn nào không phải nhờ Đức Bà Maria, kể cả Đức Chúa Trời.’

     Lòng tôn sùng Bà Maria bao trùm hết mọi việc phụng vụ. Công giáo và đã thành mục tiêu trong đời sống giáo hữu. Người Công Giáo đã sùng kính và tin tưởng sắt đá câu châm ngôn :

‘DEVOSTUS MARIA, NUMQUAM PERIBIT’

‘Người tôn sùng Đức Bà Maria, không hề hư mất’

Chính phần tôi, trong quãng đời 30 năm trước cũng đã miệt mài trong việc tôn sung Bà Maria, đến nỗi những người chung quanh đã dùng biệt hiệu gọi tôi là: (tr 9)

Công Giáo Ba Kinh Kính Mừng

Linh mục Mẫu Tâm

Danh hiệu Giuse Maria

     Tôi hầu như đã dâng hiến cuộc đời trước đây để tôn vinh Bà Maria, đã tổ chức nhiều đoàn thể nhiều cuộc cung nghinh kính bà. Tôi cũng đưa ra nhiều người làm con cái bà hay hơn thế nữa là làm nô lệ cho Đức Bà Maria!. Theo Thánh Ghi-nhông đơ-mông-pho.

     Vì quá trình cuộc đời tôi đã gây ảnh hưởng  cho nhiều người nên tôi phải viết lên bài này, nài xin với tất cả những người đã nghe tôi trước đây, hãy bừng tỉnh đón nhận lấy ánh sáng của Chúa Thánh linh cầu thay cho mọi người chúng ta.

     ‘Kính lạy Chúa Thánh linh là thần Lẽ Thật. Xin Chúa ngự đến thăm viếng linh hồn chúng con, dạy chúng con mọi lẽ thật trong đường tôn kính Thiên Chúa. Con cầu nguyện cho hết thẩy mọi người đã lắng nghe con trước đây nay đang lầm lạc, được nhận lấy ánh sáng thật, Lời của Đức Chúa Trời. Con cầu xin mọi ngừoi tìm theo lẽ thật và con gửiđến mọi người lời nài xin HÃY BƯỚC ĐI THEO THÁNH LINH (Ga-la-ti 5:16) để con được sạch máu những người này, con dâng lời cầu nguyện tha thiết trước mặt Chúa, vì vinh hiển Chúa Jê-sus Ki-Tô.’ AMEN

     Kính thưa quí vị,

     Giờ đây chúng ta hãy nhờ Chúa Thánh thần dẫn dắt mà tra cứu Kinh Thánh nói gì về bà Maria và địa vị đích thật của Bà.

Bà Maria đồng trinh khi sanh Đức Chúa Jê-sus

    Kinh Thánh nói : Bà Mari đồng trinh sanh Đức Chúa Jê-sus’ 500 năm trước khi Chúa Jê-sus sanh ra, tiên tri Isaia đã nói về Chúa:

‘Này một nữ đồng trinh sẽ sinh một con trai, đặt tên là Emmauel, nghĩa là ĐứcChúa Trời ở cùng.’ (Isaia 7:14)

     Kinh Thánh cũng khen bà là đáng chào khen, là người được Đức Chúa Trời ở cùng. Thiên thần đã vào nơi người nữ mà chào khen bà :’Chào bà được ơn, Đức Chúa Trời ở cùng bà’ (Lu-ca 1:28)

     Bà Isave đầy dẫy Thánh linh tặng khen bà là người có phước trong các người nữ, cũng được gọi là mẹ Chúa: MATER DOMINI.   

‘Bởi đâu tôi được phước này ra Mẹ Chúađến thăm viếng tôi’ (Lu-ca 1:43)

Môn đồ Gioan cũng viết :

Bên thập tự giá Chúa Jê-sus cũng có Mẹ Ngài’ (Gioan 19:25) (tr 10)

Đáp lại những lời ngợi khen đó, bà Maria với sự hiểu biết phận mình chỉ là tạo vật, là con cháu của 2 nguyên tố Adong Evà nên đã xưng mình là tôi tớ Chúa, quy vinh hiển cho Đức Chúa Trời. (Lu-ca 1:38)

     ‘Đây, tôi là tôi tớ Chúa, xin xẩy đến cho tôi như lời Thiên Thần’.

     Bà Maria ngợi khen Chúa ‘Chúa đã đoái thương sự hèn hạ của tôi tớ Chúa. Linh hồn tôi vui mừng trong Đấng Cứu Chuộc tôi’ (Lu-ca 1:47-48)

     Dẫu vậy, bà Maria cũng chỉ nhận biết đúng địa vị của mình sau khi dược Chúa Jê-sus nghiêm nghị trả lời cho bà đôi lần.

Lần thứ nhất:Khi Chúa Jê-sus 12 tuổi đi dự lễ thành Giê-ru-sa-lem. Ngài ở lại đền thờ Nhưng hai ông bà Giu-se & Maria không hay biết. Khi tìm gặp lại Chúa trong đền thờ, bà Maria đã cất tiếng phiền trách Chúa rằng :’Hỡi con, sao con làm cho hai ta thế này? Này cha mẹ đã khó nhọc lắm mà tìm con! ‘Ngài thưa rằng : ‘Cha mẹ kiếm tôi làm chi? Há chẳng biết tôi phải lo việc cha tôi sao? (Lu-ca 2:48-49)    

Lần Thứ Hai:Trong đám cưới thành Cana, bà Maria muốn xen vào việc làm phép lạ. Khi thấy đám cưới hết rượu, bà đã nói với Chúa Jê-sus :’Nhà này không còn rượu nữa.’ Chúa Jê-sus đã nghiêm nghị trả lời bà : ‘Hỡi đàn bà kia, Ta với bà có việc gì chăng? Giờ Ta chưa đến.’ (Gioan 2: 4)

     Trong lần thứ nhất bà Maria không hiểu lời Chúa Jê-sus đáp nên Kinh Thánh chép ‘Hai ông bà không hiểu lời Ngài nói chi hết.’ Tuy nhiên ‘Mẹ Ngài ghi nhớ các lời ấy vào lòng’ (Lu-ca 2:50-51)

     Nhưng trong lần thứ hai, bà Maria đã hiểu và lui về đúng vị trí của mình nên bà nói với mọi người :’Người bảo chi hãy vâng theo cả.’ (Gioan 2:5) Đó là lời duy nhất bà Maria nói với người khác liên quan đến Chúa Jê-sus đã được ghi trong Kinh Thánh. Từ đó trở đi, Kinh Thánh không ghi một lời nào của bà nữa dù chỉ là một lời nói về Chúa Jê-sus bên thập tự giá lúc Ngài đang hấp hối, hay là lời bà nói với người khác khi cùng các môn đồ hiệp nguyện chờ đều Đức Chúa Cha hứa ban Thánh linh (Công vụ các sứ đồ 1:14) và kể cả lúc Chúa Thánh linh đổ xuống cách đầy dẫy trên bà và mọi người (Công vụ các sứ đồ 2:4).

     Địa vị, hành động và lời nói của bà Maria đã được Chúa Thánh linh truyền ghi vào Kinh Thánh. Tất cả mọi tín điều, nghị quyết về quyền năng, địa vị hay lời tuyên phán nào mạo nhận của bà Maria lúc sinh thời hay sau khi qua đời trái với những điều đã ghi trong Kinh Thánh đều là giả trá, trái ý của bà, và nghịch với Đức Chúa Trời.

     Loài người không thể quyết nghị một điều gì nghịch với Thánh Kinh.(tr 11) Nếu Thiên thần, Giáo hoàng, đoàn thể hàng giáo phẩm hay cả nhân loại quyết nghị điều gì trái nghịch với Kinh Thánh thì đều bị rủa sả. Thánh Phao-lô cẩn thận khuyên dạy rằng :

     ‘Nếu có ai (Giáo hoàng, hàng giáo phẩm hay toàn thể nhân loại) hoặc chính chúng tôi (Phao-lô và các sứ đồ) hoặc Thiên thần trên trời truyền cho anh em một Phúc Âm khác với Phúc Âm chúng tôi đã truyền thì người ấy đáng bị rủa sả – Licet nos, aut Angelus de caelo evangelized vobis praeterquam quod evangelizavius vobis anathema sit, tội lỗi quisvobis evangelizaverit praeter’ (Ga-li-ti :1: 7-8)

Bà Maria không trọn đời đồng trinh

     Có lời tiên tri Isaia báo từ 500 năm trước ‘Này người nữ đồng trinh sẽ chịu thai và sanh con trai’ (Isaia 7:14) Kinh Thánh còn ghi rõ lời thiên thần phán truyền :

‘Đức Thánh linh sẽ đến trên bà, và quyền phép đấng rất cao sẽ che phủ bà dưới bóng mình, cho nên con Thánh sinh ra phải xưng là Con Đức Chúa Trời’(Lu-ca 1:35)

     Hai sự kiện trên (1.Bà Maria đồng trinh sinh Chúa Jê-sus. 2. Bà Maria chịu thai bởi quyền phép của Chúa Thánh linh) không một ai tin Chúa mà dám phủ nhận, bởi vì không tin hai sự kiện này tức là chối bỏ lời Đức Chúa Trời, chối bỏ Kinh Thánh, phủ nhận quyền năng của Đấng Tạo Hóa.

     Nhưng! Bà Maria chỉ đồng trinh khi sanh Chúa Jê-sus mà thôi, vì Kinh Thánh đã xác nhận Bà Maria và Ông Giu-se là vợ chồng những không ăn ở với nhau cho đến khi Chúa Jê-sus được sinh ra.

     ‘Thiên sứ hiện đến cùng Giu-se, nói cùng người rằng :Ngươi chớ ngại lấy Maria làm vợ, vì Con mà người chịu thai đó là bởi Đức Thánh Linh’ (Ma-thi-ơ1:20) ‘Giu-se đã theo lời thiên sứ mà đem vợ về ở với mình, nhưng không ăn ở với nhau cho đến khi người sinh con trai đặt tên là Jê-sus’. (Ma-thi-ơ 1:25)

     Giả như nếu Giu-se không nghĩ đến chuyện vợ chồng thì việc gì ông phải bối rối và lẽ gì Thiên sứ lại bảo Giu-se lấy Maria làm vợ?

     Giả như Maria trọn đời đồng trinh thì sao bằng lòng làm vợ của Giu-se và phải nhắc đến việc ‘ăn ở với nhau’? Vâng, họ chỉ đã không ăn ở với nhau cho đến khi sanh chúa Cứu Thế Jê-sus…’

     Kinh thánh lại còn xác nhận :’Người sanh con trai đầu lòng’ (Lu-ca 2:7) (Thánh Lu-ca ghi chép điều này khoảng 60 năm sau chúa Giáng sinh, lúc ấy nhiều người quen biết với gia đình Ông Giu-se Maria còn sống (tr 12). Nếu quả thật bà Maria trọn đời đồng trinh, chác chắn Lu-Ca phải viết là ‘người sanh con trai duy nhất’). Đã có con đầu lòng thì phải là còn có con khác, bà Maria đã không khấn hứa trọn đời đồng trinh vì bà đã hứa hôn với ông Giuse trước khi thiên sứ truyền Đọc Tiếp →

6,830 views

Một Sự Lừa Dối Lớn Trong Lịch Sử Phấn Hưng của Hội Thánh

Bấm vào đây để download bài viết này

[730]

Một Sự Lừa Dối Lớn Trong Lịch Sử Phấn Hưng của Hội Thánh

Các anh chị em trong Chúa Cứu Thế Giê-xu thân mến, 

Tôi viết nên việc nầy để cho mọi người tỉnh thức và đề phòng. Vì sự việc đã diễn ra trong hội thánh mà tôi đang sinh hoạt tại Tampa, FL. Tôi xin được phép không nêu tên của hội thánh và những người mà tôi sẽ đề cập.  

Hội Thánh chúng tôi đã cầu nguyện hơn một năm nay là xin Chúa phấn hưng vùng đất Tampa nầy để nhiều người (nhất là người Việt) được cứu. Lòng ao ước nóng cháy của mọi anh chị em đã gom lại cầu nguyện mõi tối thứ 6 từ 9:00 tối cho đến 11 giờ tối rồi sau nầy chuyển sang tối thứ 7 và kéo dài có khi đến 2 giờ sáng.  

Tôi và những anh chị em khác cũng giống nhau một điểm là những người khao khát Đức Thánh Linh và mong cho được điều mình muốn là được báptem ĐTL để hầu việc Chúa có hiệu quả. Có 3 chị em được nhận báptem ĐTL, tôi sẽ kể chi tiết hơn.  

Tôi đi dự Đại Hội Phục Hưng vừa rồi tại Texas, trên đường về tôi có cảm nhận một việc gì đó sẽ xẫy ra cho chúng tôi khi về lại Tampa. Cô Th., cô L. , và chị S.là những người được báptem ĐTL mạnh mẽ trước khi đi đại hội vài tháng. Sự việc xẫy ra trong một buổi tối thứ 7 cách đây 3 tuần lễ, như thường lệ chúng tôi gòm những anh chị em trong ca đoàn tập hát cho buổi thờ phượng sáng CN hôm sau. Cô Th. là người coi như được báp tem ĐTL mạnh mẽ đã đến nói với tôi là một lát nữa đây anh sẽ thấy việc lạ thường thì đừng ngại nhiên…cô cho biết là quyền lực bóng tối đã tấn công cô và cô đã thắng.  Khi chúng tôi bắt đầu tập hát bài Thánh Thay (Holy holy) thì cô Th. đã cầu nguyện lớn tiếng và hát rất to vài rõ và cô bắt đầu nói “Chúa đến đây các con hãy nghe ta”…và cô cứ tiếp tục hát lớn đến nỗi không ai tập hát được…Tôi cảm nhận trong lòng là đây là sự phá rối chớ Chúa gì kỳ vậy. Tôi bèn bỏ đi ra phía sau nhà để uống nước và hỏi rằng “lại Chúa, có phải là Ngài không?” Khi tôi trở ra thì ông và bà mục sư (là người hướng dẫn về Thánh Linh cho chúng tôi) dẫn cô Th. ra phía sau đễ cầu nguyện hay là làm gì đó thì tôi không rõ.  Chúng tôi tập hát xong là vào phần buổi nhóm cầu nguyện phấn hưng…sau khi tôn vinh Chúa vài bài thì cô Th. bắt đầu nói tiên tri (thông thường thì bà mục sư hay nói tiên tri), nói to và lớn cho những người đứng xung quanh “Jp., con hãy êm lặng nghe ta nói đây: con là sự vinh hiển của ta, ta thương con vì con sốt sắng với ta” “L. con, sao con cứ buồn hoài vậy con, con có biết là ta rất buồn khi thấy con buồn không con” “con (người phụ nữ mới đến Mỹ thăm con gái của bà) muốn ở lại Mỹ phải không, được ta cho con điều lòng mình ao ước” “M. à, con là con gái cưng của ta, ta thương con lắm vì con thật là hiền, con là đứa con duy nhất của ta, đừng có ai đụng đến nó”  

Cô Th. chỉ đi ngang qua tôi và tiến đến những người vừa kể trên để nói tiên tri. Tôi cảm thấy không ổn có gì đó không đúng. Ông bà mục sư thì ngồi yên tôi không biết ông bà cầu nguyện hay là làm gì tôi không biết (vì tôi không nghe ông bà nói gì hết).  Tôi bỏ đi và một chỗ kín để cầu nguyện “Lạy Chúa, con không hiểu chuyện gì đây, con không biết đâu là thật đâu là giả, xin Ngài bày tỏ…” Tôi đang tiếp tục cầu nguyện mà vẫn còn cô Th. nói lớn tiếng “ta rất giận thế gian nầy, vì nó đầy dẫy tội lỗi, ta ghét S.T (chúa kẽ lừa dối)” Tôi không muốn viết thẳng ra cái tên của nó thì anh em chị đọc phải hiểu chúa kẻ lừa dối là ai.  Không phải tôi sợ cái tên đó nhưng tôi không muốn môi miệng của tôi xưng tên nó, vì nó không đáng “Khi các ngươi vào đất hứa thì môi miệng của các ngươi chớ xưng danh thần của chúng nó”

Cô Th. tiếp tục “vì thì giờ ta chưa đến, ta sẽ tiêu diệt S.T” cô Th. nói với âm thanh lớn cộng thêm tiếng khóc bi thương.

Vài phút sau khi tôi cầu nguyện thì cô Stp. (người Mỹ) từ trên lầu đi xuống nói lớn tiếng lại với cô Th. là “spirit of God is spirit of love not spirit of yelling” cô Th. chỉ cô Stp.  nói nó đó là S.T. Cô Stp. nói lại một tràn tiếng lạ rồi tuyên bố “In the name of Jesus Chirst, you (cô Th.) sit down and quiet!”

Cô Th. nói “ta rất giận các con vì các con không tin ta, thôi ta đi đây, bye”. Cô Th. ngồi yên. Tôi vẫn còn nghe ông mục sư nói Chúa đang rèn tập con (cô Th.) để nói tiên tri nhưng mà con không biết điều khiển nhân linh của mình vì Thánh Linh làm việc rất mạnh trên con…ông mục sư tiếp “Chúa phán rất êm diệu, con phải cầu xin Chúa cho con biết điều khiển nhân linh của mình”.  Cô Th. liền nguyện lớn tiếng “lạy Chúa xin cho con biết điều khiển nhân linh của con để con nói lời êm diệu…” cô Th. tiếp tục nói trong khi cầu nguyện “…ừ đúng rồi con, con hãy nghe lời đầy tớ ta nó nói đúng”  

Tôi trở lại ngồi chung bàn với mọi người…thật sự tôi cũng chưa hiểu rỏ sự việc nầy là như thế nào…rồi trên đường về nhà tôi suy nghĩ…có lẽ nên đuổi quỉ thì đúng hơn chớ sao ông mục sư lại đồng tình với nó? Tôi băng khoăn trong lòng vô cùng vì ông bà mục sư là người gây dựng anh em chúng tôi tăng trưởng thuộc linh nhiều lắm. Đặc biệt là về ĐTL.

Khi buổi thờ phượng Chúa ngày CN vừa xong (4 giờ chiều) thì bà mục sư chạy lại hỏi tôi là tôi có thể nán ở lại một chút để cầu nguyện được không. “Chuyện gì vậy bà mục sư” tôi hỏi. “con Th. bị S.T ám hôm nay nó xưng ta là Đức Giêhôva và gọi ông bà mục sư bằng con”.  Tôi để ý cô Th. ngay lúc bắt đầu giờ thờ phượng vì cô chẳng hề bước lên hát chung với ca đoàn bao giờ, hôm nay thật là mạnh mẽ. Tuy nhiên, tôi nhìn con mắt của cô thì con mắt ấy đã đỏ ngầu rồi không còn thần sắc của con người nữa.  

Tôi nhờ người chỡ vợ con của tôi về rồi quay vào nhà thờ thì ông bà mục sư và một số anh chị em đã đang cầu nguyện rồi. Cô Th. vẫn tiếp tục gọi tên và nói tiên tri. Ông bà mục sư vạch trần bộ mặt của nó và nhân Chúa Giê-xu để trục đuổi S.T ra khỏi cô Th…không có chuyện gì thay đổi “hãy cầu nguyện cho con Th. đi con” cô Th. nói với bà mục sư. Ông mục sư kêu mọi người hát thánh ca. Tôi bắt đầu với bài “quyền trong huyết”. Nó cũng hát theo y như mọi người mà còn giơ cao tay lên để thờ phượng Chúa và miệng luôn nói halêlugia…cô Th. quỳ xuống và giơ tay lên “lạy Chúa của cả trời đất con thờ phượng Ngài con tôn vinh Ngài là Chúa của 9 tần trời…” tôi thấy không có gì thay đổi…thật là một sự ngạc nhiên lớn cho tôi vì những con người đang cầu nguyện đuổi quỉ cho cô Th. là những được báp tem ĐTL và ông bà mục sư là người hướng dẫn chúng tôi về ĐTL (chị S., cô L., người anh em J.p, và tôi là những người đã đi dự đại hội phục hưng vừa rồi…mọi người ai nấy được đầy dãy lữa ĐTL!) tôi cảm thấy có cái gì đó không đúng trong việc đuổi quỉ nầy và đây cũng là lần đầu tiên trong cuộc theo Chúa của tôi chứng kiến cảnh nầy. Chúng tôi không đối diện với những loại tà linh nhỏ mà là chúa của kẻ lừa dối S.T thứ thiệt…nó gạt hết tất cả mọi người từ ông bà mục sư cho đến một tín đồ bình thường như tôi…và nó chẳng ngán một ai. Tôi cảm thấy khó chịu và bỏ đi về nhà. Lúc đó thì cô Th. muốn nói chuyện riêng với ông bà mục sư, chị S. cũng ở lại để theo dõi tiếp.  

Suốt một tuần lễ sau buổi CN đó tôi liên tục kêu cầu với Chúa cho cô Th. vì lòng tôi cảm thương cho gia đình cô vì con trai của cô mới 4 tuổi, chồng cô Th. rất là bàn hoàn. Chiều thứ 6 sau khi đi làm về, tôi gọi hỏi thăm vợ chồng cô Th. thì người chồng vui vẽ cho biết là cô Th. được giải cứu, anh ta đưa điện thoại cho cô Th. để nói chuyện với tôi. “anh T. em được Chúa đến để giải cứu em. Tuy nhiên, em rất là bất mản ông bà mục sư lắm.” “ủa, sao vậy cô Th.” tôi hỏi. “những gì ông bà mục sư chứng kiến ra sao mà bây giờ lại nói ngược lại về em hết…ông bà hoàn toàn không biết được nó ám vào em cho đến chiều ngày CN. Vì buổi sáng CN hôm đó em cảm thấy sợ quá không biết phân biệt Chúa hay tà linh em mau mau gọi cho ông mục sư để giúp đỡ thì nó đến và khống chế em” “ em hoàn toàn nói theo sự điều khiển của nó.” “Dg. con (tên của mục sư) con có muốn hội thánh phát triển không?” cô Th. hỏi. “dạ có Chúa” ông mục sư trả lời. “con phải đuổi S.T ra khỏi hội thánh con thì mới phát triển được…” cô Th. tiếp tục. “anh T. biết không, ông mục sư dạ thưa Chúa liên hồi vậy mà bây giờ ông bà nói tại con Th. không có lời Chúa nhiều!” Thứ Hai hôm sau ông bà đến thăm cô Th. để cầu nguyện giải cứu. “nó không đi anh T. ơi! Ông bà mục đi về rồi em sợ quá vì nó nói là nó sẽ giết em” nó nói “mầy đừng tưởng mầy được ơn trước mặt Chúa”.  

CN trước đó, chị S. đến với tôi là nhờ tôi cầu nguyện phụ với chị vì chị bị đau đầu quá. Tôi cầu nguyện cho chị S. trong tuần đó và gọi hỏi thăm thử chị S. ra sao thì chị cho biết là cô Th. cầu nguyện cho chị được lành rồi. Cô Th. cầu nguyện bằng tiếng lạ lớn tiếng lắm.  

Bây giờ cô Th. được hoàn toàn giãi cứu và tỉnh táo. Cô kể lại nhiều sự việc cho tôi nghe. S.T nó làm cho chị S. đau đầu rồi dùng cô Th. cầu bằng tiếng lạ rồi cũng chính nó làm cho chị hết đau. “nó chỉ cho em câu kinh thánh nào để đọc nữa kìa” cô Th. kể. “CN hôm đó, em hoàn toàn bị nó điều khiển đi lê ban ca đoàn ngay cả cánh tay của em cũng bị đưa lên”. Một người chưa hề gặp những trường hợp như thế thì cho là người ấy (cô Th.) đầy dãy ĐTL. Chị S. nghi ngờ là làm bộ tiếp tục hỏi về mình ra làm sao ngay khi về nhà CN hôm đó. Chị S. tiếp tục gọi cho cô Th. và hỏi “chúa” về mình thì nó trả lời sai hết và bị chị S. chỉ ra “mầy là S.T”. Nó trả lời “đúng tao là S.T”…cho đến lúc nó đòi giết cô Th. thì cô sợ quá kêu cầu cùng Chúa và Chúa Giê-xu đã đến để đuổi nó đi.  

Phần Bình luận:  

Tôi được dạy rằng khi mình hát tôn vinh Chúa thì quyền của sự tối tăm không dám đến! Tôi không biết phải giãi thích như thế nào đây vì chính nó là chúa kẻ lừa dối là S.T cũng ca hát tôn vinh Chúa, cảm tạ Chúa, halêlugia. Nó có ngán ai đâu!?  

Tôi được dạy rằng mình cầu nguyện bằng tiếng ĐTL (tiếng lạ) thì quyền sự tối tăm sợ bỏ chạy! Chính nó là S.T cũng cầu nguyện bằng tiếng lạ của nó ngay trong buổi nhóm phấn hưng gồm những con người được báp têm ĐTL. Nó có sợ ai đâu?  

Tôi được dạy rằng dấu chỉ (khẳng định) được báp tem ĐTL là phải nói tiếng lạ. Tôi hỏi lại một người đang được Chúa dùng mạnh mẽ ở Texas là điều tôi được dạy như vậy có đúng không thì người ấy trả lời rằng tôi được báp tem ĐTL mạnh mẽ và làm những việc rất tốt cho Chúa mà đâu có nói tiếng lạ. Không phải lúc nào được báp tem ĐTL là nói tiếng lạ hết đâu.  

Tôi để ý là cô Th. trong lúc ấy không hề nhắc đến tên Chúa Giê-xu mà chỉ nói chúa chúa…hoặc là ta đây các con, Đức Giêhôva. “cái tên Đức Chúa Giê-xu Christ người Nazarét” quả thật tên để cho chúng ta đánh bại kẻ thù địch gớm ghiếc đó.

Học lời của Chúa kỹ lưỡng sẽ giúp chúng ta khôn ngoan. Tôi quả là một tên ngốc nghe lời dạy mà không tra xét kinh thánh lại cho kỹ càng. Tôi cần phải giống như con vật ăn cỏ rồi nhơi lại. “Chớ vội tin tuyên bố vật nầy thánh rồi sau khi cầu nguyện thì không phải”  

Cách đây 4 năm, tôi có thấy trong một giấc mơ là một người đàn ông đến với tôi xưng là thiên sứ Mi-ca-ên muốn nói chuyện với tôi. “xin lỗi thiên sứ, tôi được dạy là phải thử mọi việc ngay cả thiên sứ, vậy thì xin thiên sứ đọc thi thiên 90 cho tôi nghe đi” tôi hỏi. Tôi thấy người ấy bối rối tìm KT (không được) rồi đọc cho tôi nghe mấy câu đầu thì đúng nhưng rồi những câu sau sai hết. “Tôi không tin ông là thiên sứ Mi-ca-ên” tôi đáp lại và rồi thấy người ấy bỏ đi.  

Anh chị em thân mến, lời tiên tri nghe bùi tai thì coi chừng đó. Có ai đó đến nói tiên tri cho người nầy hay cho người kia thì anh chị em phải thử cho biết thần của Chúa Giê-xu hay là thần giả mạo hoặc là nhân linh của người đó. Vì chỉ có ĐCT toàn năng mới biết chúng ta đang suy nghĩ gì và sẽ nghĩ gì, ngoài ra thì không có quyền nào biết được. Vậy hãy nghĩ trong tư tưởng mình một đoạn hay câu KT nào đó rồi đến thử người nói tiên tri thì sẽ được tỏ từơng. Thí dụ tôi chọn thi thiên23 và câu cuối cùng  tôi sẽ nói ra trước rồi đến gặp người được mọi người nói là người ấy là tiên tri của Chúa. “xin lổi ông; bà nếu quả thật thần của Chúa ở cùng ông;bà thì sẽ biết tôi đang suy nghĩ đoạn nào trong KT và câu nào tôi sẽ nói ra trước” Đó chỉ là thí dụ điển hình mà thôi. Xin đừng dùng đoạn KT và câu KT tôi thí dụ mà thử thì không có hiệu quả đâu, vì nó-tên lừa đảo đã biết tôi đang viết câu nầy rồi.  

Có những người nói tiên tri làm cho lòng người nghe khoái chí và người ấy cứ mơ mộng về điều đó. Xin anh chị em đừng nằm mộng về việc người đó nói mà hãy mở kinh thánh ra xem xét kỹ lưỡng lời của ĐCT. Khi nào ai đó nói tiên tri cho anh chị em hoặc cho hội thánh thì nên mạnh dạng hỏi lại là việc ông/bà vừa nói đó có thật là ông/bà đã nghe chính Chúa Giê-xu đã phán dạy? Câu hỏi nầy luôn bị cho là người hỏi không có đức tin nhưng là một việc rún động tâm linh cho người nói tiên tri nếu không phải đã nghe Chúa nói vì tự người đó đã biết mình dùng cái bụng đoán mò của mình mà tiên tri.

Hoặc có ai đó nói “Chúa nói như vầy như thế kia” thì phải mạnh dạng hỏi lại cho kỹ để xem thử giả hay thật.  

Phải suy xét cho kỹ những lời tiếng lạ có phải được ban cho từ ĐTL không hay là giã bộ nói (hãy nhớ rằng tên lường gạt đó cũng nói tiếng lạ nữa).  Cái gì đến từ ĐTL thì phải có trái được kết quả đi kèm. Có người tự cho hay được nói tiên tri cho biết thì trái Thánh Linh chỉ là trái giả không đậu bao giờ. Có bao giờ anh chị em và tôi hôm nay trồng một loại cây ăn trái rồi ngày hôm sau ra hái trái liền được không?  

Nếu nói là Chúa ở giữa sự ngợi khen của dân sự Ngài và chính Chúa Giê-xu nói khi có đôi ba người nhân danh Ta mà nhóm lại thì Ta ở giữa họ. Vậy thì trong buổi nhóm của chúng tôi thật là không có Chúa thật ngự đến mà là tên lường gạt đó nó giả Chúa nói tiên tri cho người nầy cho người kia bắt đầu từ người lãnh đạo thuộc linh (vì vậy mà tôi đã tin trọn gói-đúng là ngốc thật). Chúa là sự sáng trong Ngài không hề có sự tối tăm nào! Chúa không ở trong buổi nhóm chúng tôi vì tôi nghĩ ngay cả chính tôi hoặc có nhiều người sống không ngay thật trước mặt Chúa hoặc là có người đã thuộc về nó mà tôi không biết.  

Tôi được dạy bảo rằng nơi nào có Chúa thì quyền tối tăm sẽ lộ diện và được bảo là S.T ở kế bên Chúa Giê-xu qua Phierơ bảo Chúa đừng vào thành Giêrusalem! Trong thời đại bây giờ, khi có sự hiện diện của Chúa Giê-xu thì tôi tin chắc là tên lường gạt kia không dám đến gần. Tôi tin rằng khi Chúa Giê-xu được vinh hiển trong sự sống lại của Ngài thì tên lừa đão kia làm sao ở kế bên được? Có lẽ nào sự sáng của Chúa có bóng tối trong đó? Không bao giờ có chuyện đó. Vì khi còn trên đất Chúa Giê-xu cũng là nhân cho nên S.T nó mới ám vào Phierơ để nói sạo.  

Tôi được dạy là âm nhạc của chúng ta đang thờ phượng Chúa ngày nay là đến từ S.T (Luciphe) bây giờ con cái Chúa dành lại để tôn vinh Chúa. Quí vị là những người rành về âm nhạc hoặc đang thờ phượng Chúa thì trả lời xem thử, chớ tôi chẳng có thể nào tin cho được! Luciphe được Chúa dựng nên làm nghề ống tiêu thổi sáo hướng dẫn thiên binh thờ phượng Chúa thì không có nghĩa là nó sáng tạo được âm nhạc! Vì chỉ có ĐCT là Đấng Sáng Tạo mới tạo ra âm nhạc. Âm nghĩa là âm thanh là phần tử không khí được run động ra những sóng âm…Luciphe làm được phân tử không khí à? Nhạc là chuỗi âm thanh kết hợp đúng thời điểm. Nếu Chúa không ban sự khôn ngoan cho Luciphe thì nó tự biết gom lại những chuỗi âm thanh thành âm nhạc được sao?  

Cũng cách đây 4 năm có một người tên là Loan chồng là Terry (tôi không dấu tên hai người nầy vì họ đã không còn sinh họat trong hội thánh lâu rồi). Cô Loan nói đã được báptem ĐTL và luôn cầu nguyện bằng tiếng lạ cho nên vợ tôi là D. rất là ngưỡng mộ và thích vì cô Loan luôn miệng nói về Chúa và những công việc Chúa. Vợ tôi là người non nớt trong Chúa nên tin những gì cô Loan nầy nói. Ngay cả tôi cũng cảm động thật vì thấy hoàn cảnh của cô đáng thương là sắp sanh nỡ mà chồng lại thất nghiệp đã lâu, cô Loan cũng không có việc làm. Cô Loan hỏi mượn chúng tôi $700.00 để cho chồng xuống Miami để làm việc gì đó…rồi hai vợ chồng nầy biến mất không biết tôn tích…đối với tôi $700.00 thì không sao cho một người hoạn nạn cũng được thôi. Tuy nhiên, vợ tôi bảo là cô Loan nói tiếng lạ sạo để dựt $700. và không đời nào tin ai nói tiếng lạ nữa.  

Không phải ca hát thánh ca hay cầu nguyện kêu cầu với Chúa Giê-xu như vũ bão mà tên lường gạt đó sợ anh chị em hay tôi đâu mà nó thật sự run sợ khi chúng ta sống ngay thật trước mặt Chúa, khiêm nhường và hạ mình luôn luôn thì lúc ấy chỉ cần lời cầu nguyện đơn sơ thôi thì nó phải rút lui.  

Tôi bắt chước Samuên, Chúa gọi đến lần thứ ba thì ông mới thưa lại. Hoặc là Ghi-đi-ôn thử sương móc và đất khô. Hay là nói như Nathanaêm là đặc ngón tay vào hông Chúa Giê-xu.  

Qua sự việc trên, tôi mong rằng chính tôi và mọi con dân Chúa dè chừng trong mọi việc vì những điều dối trá lừa đão chẳng bao giờ hết cho đến khi chúng ta được gặp chính Chúa Giê-xu.  

Thân ái trong Chúa Cứu Thế Giê-xu.

Xin hãy phổ biến việc tôi nói đây để chúng ta không bị lừa gạt nữa.   

T.D

Đọc Tiếp →

22,066 views

Những Tín Lý và Quan Điểm Thần Học Nghịch Thánh Kinh của Giáo Hội Cơ-đốc Phục Lâm An Thất Nhật

Copyright Notice: All Rights Reserved © 2011 Vietnamese Christian Mission Ministry, Inc.  –  Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry  –  Xin quý bạn đọc vui lòng tiếp tay phổ biến bài viết nầy dưới mọi hình thức, nhưng xin giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.

Huỳnh Christian Timothy
Bấm vào đây để download bài viết này
Bấm vào đây để nghe và download phần audio

[189]

Dẫn Nhập

Giáo Hội Cơ-đốc Phục Lâm An Thất Nhật còn được gọi cách vắn tắt là Cơ-đốc Phục Lâm [1]. Toàn bộ danh xưng này là tiếng Hán Việt: Cơ-đốc là Đấng Christ, Phục là trở lại, Lâm là đến, An là yên nghỉ, Thất là bảy, Nhật là ngày. Giáo Hội Cơ-đốc Phục Lâm An Thất Nhật là một tổ chức tôn giáo tin rằng Đấng Christ sẽ tái lâm (phục lâm) một cách bất kỳ và tin rằng tín đồ của Đấng Christ phải thờ phượng Đức Chúa Trời vào ngày Sa-bát, tức ngày thứ bảy. Phần lớn những người ngoài Giáo Hội Cơ-đốc Phục Lâm An Thất Nhật chỉ biết đến điểm nổi bật của giáo phái này trong sự giữ ngày Sa-bát, nhưng ít khi biết rõ các tín lý của Cơ-đốc Phục Lâm An Thất Nhật. Tín đồ Đấng Christ sinh hoạt trong các giáo hội, giáo phái Tin Lành thường được nghe các mục sư, truyền đạo nói rằng Cơ-đốc Phục Lâm là tà giáo nhưng sự thật thì ít khi được giải thích cho biết là "tà giáo" như thế nào. Từ đó, nảy sinh ra một ngộ nhận trong các giáo hội, giáo phái Tin Lành khiến cho những ai giữ ngày Sa-bát thì đều bị xếp loại là "Tà Giáo Cơ-đốc Phục Lâm."

Trong bài viết này, tác giả sẽ trình bày những tín lý và quan điểm thần học nghịch Thánh Kinh của Giáo Hội Cơ-đốc Phục Lâm An Thất Nhật.

Tưởng cũng cần nhắc đến các quan điểm sau đây của tác giả: (1) Các giáo hội, giáo phái, hệ phái chỉ là các tổ chức tôn giáo mang danh Chúa do loài người lập ra (I Cô-rinh-tô 3:3-4); con dân Chúa có mặt và sinh hoạt trong các giáo hội, giáo phái, hệ phái nhưng các tổ chức đó không phải là Hội Thánh của Chúa. Hội Thánh của Chúa là tất cả những người "đã được nên thánh trong Đức Chúa Jesus Christ" (I Cô-rinh-tô 1:1-2) tức là những người thật lòng ăn năn, từ bỏ tội, tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ, và vui lòng sống theo sự dạy dỗ của Thánh Kinh; họ được gọi là thân thể của Chúa, do chính Chúa cai trị. (2) Thánh Kinh là Lời của Đức Chúa Trời, hoàn toàn và chân thật, là tiêu chuẩn và thẩm quyền tuyệt đối của Đức Chúa Trời cho nếp sống đạo của Hội Thánh. Bất cứ sự dạy dỗ hoặc tổ chức nào trong các giáo hội, giáo phái, hệ phái mà không có trong Thánh Kinh, thì đều là ý riêng của loài người.

Lược Sử Giáo Hội Cơ-đốc Phục Lâm An Thất Nhật

William Miller (15.02.1782 – 20.12.1849), một người Mỹ thuộc giáo Hội Báp-tít, là người khởi xướng phong trào "trông chờ Chúa tái lâm" vào giữa thế kỷ thứ 19. Miller dốc lòng tìm kiếm lẽ thật trong Thánh Kinh bằng cách bắt đầu đọc Thánh Kinh từ Sáng Thế Ký cho đến Khải Huyền. Trong khi đọc, ông suy gẫm cho đến khi tin rằng mình đã hiểu câu đang đọc thì mới đọc sang câu kế tiếp. Khi Miller đọc đến Đa-ni-ên 8 thì ông cho rằng thời khoảng "hai ngàn ba trăm buổi chiều và buổi mai" được nói đến trong câu 14 là thời khoảng từ khi có chiếu chỉ xây dựng lại Giê-ru-sa-lem (457 TCN) cho đến khi Đấng Christ tái lâm. Miller dùng nguyên tắc "ngày=năm" trong Dân Số Ký 14:34 và Ê-xê-chi-ên 4:5-6 để tính rằng: hai ngàn ba trăm buổi chiều và buổi mai = 2300 ngày = 2300 năm. Như vậy, theo Miller, Chúa sẽ tái lâm vào khoảng năm 1843 – 1844. Miller đưa ra lời tuyên bố về sự tính toán của ông vào năm 1818 và tiếp tục nghiên cứu thêm cho đến tháng 9 năm 1822 thì ông chính thức khẳng định sự tính toán của mình.

Đến năm 1831, Miller bắt đầu rao giảng lý thuyết và tính toán của ông về ngày Chúa tái lâm. Người tin theo Miller được gọi là "Cơ-đốc Phục Lâm." Dầu vậy, những tiên đoán của ông về việc Chúa sẽ tái lâm vào tháng 10 năm 1843, hay mùa xuân năm 1844 đều không ứng nghiệm. Sau đó, một trong những người ủng hộ lý thuyết của Miller, là Samuel Snow, đã đưa ra tính toán mới là vào ngày 22 tháng 10 năm 1844 Đấng Christ sẽ tái lâm. Tuy nhiên, năm 1844 đã qua đi mà Đấng Christ vẫn chưa tái lâm, đem lại một sự thất vọng lớn cho trên 100,000 người tin theo Miller và Snow. Ông Miller đã chính thức nhận rằng mình sai, xin lỗi Hội Thánh, và rút lui ra khỏi sinh hoạt của Phong Trào Cơ-đốc Phục Lâm, rồi qua đời vào tháng 12 năm 1849. Nhiều người hoàn toàn từ bỏ lý thuyết của Miller nhưng cũng có những người tìm cách kiện toàn phương pháp tính toán và giải kinh của Miller để đưa ra những thời điểm mới về sự kiện Đấng Christ tái lâm.

Ban đầu, những người Cơ-đốc Phục Lâm chỉ nghiêng về sự kiện Chúa Tái Lâm và chưa chấp nhận tín lý giữ ngày Sa-bát. Vào khoảng đầu năm 1844, một thiếu nữ thuộc Giáo Phái Báp-tít Ngày Thứ Bảy (Seventh Day Baptist) tên là Rachel Oakes Preston đã giới thiệu tín lý giữ ngày Sa-bát cho những người Cơ-đốc Phục Lâm. Sau đó, tín lý giữ ngày Sa-bát trở thành một trong những tín lý quan trọng của những người Cơ-đốc Phục Lâm và đến năm 1860 thì họ chính thức dùng danh xưng Cơ-đốc Phục Lâm An Thất Nhật (Seventh Day Adventist).

Một trong những người tiếp tục triển khai lý thuyết của Miller và góp phần trong việc khai sinh ra Giáo Hội Cơ-đốc Phục Lâm An Thất Nhật là bà Ellen White (26.11.1827 – 16.07.1915), xuất thân từ Giáo Hội Giám Lý (Methodist). Giáo Hội Cơ-đốc Phục Lâm An Thất Nhật được chính thức thành lập vào ngày 21 tháng 5 năm 1863. Bà White cho biết bà được đem lên thiên đàng, nhận lãnh chỉ thị và khải tượng từ Chúa để thành lập Giáo Hội Cơ-đốc Phục Lâm An Thất Nhật. Bà White tự xem mình là nữ tiên tri của Đức Chúa Trời và tín đồ Cơ-đốc Phục Lâm chấp nhận vai trò nữ tiên tri của bà. Thực tế, họ xem các sách do bà viết ra có thẩm quyền đứng hàng thứ nhì sau Thánh Kinh cho đức tin và nếp sống đạo của tín đồ Đấng Christ. Có thể nói, toàn thể hệ thống thần học của Giáo Hội Cơ-đốc Phục Lâm An Thất Nhật dựa trên các tác phẩm của bà White. Tác phẩm chính là cuốn "The Great Controversy" (Cuộc Đối Nghịch Vĩ Đại) trình bày sự phản loạn của Satan chống nghịch lại Đức Chúa Trời và loài người là bãi chiến trường cho cuộc chiến giữa Đấng Christ và Satan. Bà White tin và dạy rằng lý thuyết của Miller  và sự tính toán của Snow là đúng nhưng ngày 22 tháng 10 năm 1844 là ngày Đấng Christ từ nơi thánh bước vào nơi chí thánh trên thiên đàng để khởi sự cuộc phán xét những kẻ sống và kẻ chết trên đất.

Theo thống kê năm 2010 [2], Giáo Hội Cơ-đốc Phục Lâm có trên 16 triệu 600 ngàn tín đồ (không kể trẻ em), là một tổ chức tôn giáo lớn, đứng hàng thứ 12 trên thế giới, còn xét về ảnh hưởng quốc tế thì đứng hàng thứ sáu. Riêng tại Việt Nam, từ năm 1915 đến 1927, Giáo Hội Cơ-đốc Phục Lâm vào Việt nam truyền giáo tại các thành phố Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định, Hải Dương, Lạng Sơn, Sàigòn, Chợ Lớn… và "Hội Thánh Cơ-đốc Phục Lâm" đầu tiên tại Sàigòn được thành lập vào đầu tháng 12 năm 1929. 

Những Tín Lý Nghịch Thánh Kinh của Giáo Hội Cơ-đốc Phục Lâm An Thất Nhật

Theo dòng lịch sử, tín lý của Giáo Hội Cơ-đốc Phục Lâm An Thất Nhật có nhiều thay đổi. Từ năm 2005 cho đến nay, Giáo Hội Cơ-đốc Phục Lâm An Thất Nhật có 28 Niềm Tin Căn Bản (28 Fundamentals) [3]. Trong 28 niềm tin căn bản đó, phần lớn phù hợp với sự dạy dỗ của Thánh Kinh nhưng có những điều được liệt kê dưới đây nghịch lại với sự dạy dỗ của Thánh Kinh:

1. Tín lý thứ 7 cho rằng mỗi người là một liên kết không thể phân chia bao gồm thể xác, trí tuệ, và tâm thần (body, mind, spirit).

Thánh Kinh dạy người là một thực thể bao gồm thể xác, linh hồn, và tâm thần (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23). Lời của Chúa có thể phân chia linh hồn, tâm thần, và thể xác (Hê-bơ-rơ 4:12). Linh hồn và tâm thần có thể rời khỏi thể xác khi sự chết thứ nhất xảy ra hoặc khi được thần cảm (Lu-ca 16:22-23; II Cô-rinh-tô 5:9; 12:1-5).

2. Tín lý thứ 13 cho rằng trong những ngày cuối cùng, giữa sự bội đạo lớn, một phần còn sót lại của Hội Thánh được gọi ra khỏi các tổ chức tôn giáo mang danh Chúa để vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và đức tin trong Đấng Christ. Nhiệm vụ của phần còn sót lại là rao truyền sự phán xét sắp đến, công bố sự cứu rỗi trong Đức Chúa Jesus Christ, và loan báo sự tái lâm của Ngài. Nhiệm vụ này được tiêu biểu bởi ba thiên sứ trong Khải Huyền 14 và xảy ra đồng thời với sự phán xét trên thiên đàng, đem đến sự ăn năn và thay đổi trên đất.

Từ ngữ "sự phán xét trên thiên đàng" đề cập đến tín lý thứ 24 liên quan đến khải tượng của bà White về việc ngày 22 tháng 10 năm 1844 Đấng Christ thay vì tái lâm trên đất thì đã từ nơi thánh bước vào nơi chí thánh trên thiên đàng để phán xét kẻ sống và kẻ chết.  Thánh Kinh không hề nói đến sự kiện Đấng Christ phán xét kẻ sống và kẻ chết trong nơi chí thánh trong thiên đàng. Sách Khải Huyền từ đoạn 6 cho đến đoạn 19 là lời tiên tri về sự phán xét của Đức Chúa Trời trên thế gian sau khi Hội Thánh đã được đem ra khỏi thế gian.

3. Tín lý thứ 16 cho rằng Đấng Christ hiện diện trong sự dự Tiệc Thánh để gặp gở và thêm sức cho các tín đồ.

Thánh Kinh không hề dạy Đấng Christ hiện diện mỗi khi tín đồ dự Tiệc Thánh để gặp gở và thêm sức cho họ. Thánh Kinh dạy Đức Chúa Jesus ở cùng tín đồ cho đến khi tận thế (Ma-thi-ơ 28:20); Đức Cha và Đức Con ở trong những ai yêu mến Đấng Christ và vâng giữ lời Ngài (Giăng 14:23); Đức Thánh Linh ngự trong thân thể tín đồ và thân thể tín đồ trở thành đền thờ của Đức Chúa Trời (I Cô-rinh-tô 3:16; 6:19). Nói cách khác, Ba Ngôi Đức Chúa Trời ở trong những ai thuộc về Đấng Christ chứ không phải chỉ mỗi lần tín đồ dự Tiệc Thánh thì Đấng Christ mới hiện diện với họ. Chính Đấng Christ dạy rằng Tiệc Thánh là việc tín đồ làm để nhớ đến Chúa "Hãy làm điều này để nhớ đến Ta!" chứ không phải là việc làm để Chúa hiện diện và thêm sức cho tín đồ (I Cô-rinh-tô 11:24-25).

4. Tín lý thứ 18 cho rằng ân tứ nói tiên tri được thể hiện và ban cho bà Ellen White cùng với khoảng 2000 khải tượng và giấc mơ; các tác phẩm của bà có thẩm quyền và là nguồn lẽ thật tiếp tục nuôi dưỡng, dạy dỗ, dẫn dắt, bẻ trách và sửa trị Hội Thánh.

Trong thực tế, nhiều lời tiên tri của bà White đã không ứng nghiệm, (sẽ trình bày trong một bài viết khác khi có dịp). Mặt khác, cho dù 100% những ý tưởng được trình bày trong các tác phẩm của bà White phù hợp với sự dạy dỗ của Thánh Kinh thì cũng không vì đó mà các tác phẩm của bà trở thành thẩm quyền và nguồn lẽ thật cho Hội Thánh, huống chi, có những sự sai lạc với lời dạy của Thánh Kinh trong các tác phẩm của bà. Dưới đây là một vài thí dụ điển hình:

Ellen White viết:"Những người tiếp nhận Cứu Chúa, dù thật lòng đến đâu, cũng không nên dạy cho họ nói hay cảm nhận rằng họ đã được cứu." (Nguyên văn: "Those who accept the Saviour, however sincere their conversion, should never be taught to say or feel that they are saved." Christ's Object Lessons, trang 155).

Thánh Kinh dạy:"Ta đã viết những điều nầy cho các con, hầu cho các con biết mình có sự sống đời đời, là kẻ nào tin đến danh Con Đức Chúa Trời" (I Giăng 5:13).

Ellen White viết:"Đừng một người hầu việc Chúa nào trong chúng ta làm ra gương ác bằng cách ăn thịt. Họ và gia đình của họ phải sống đúng theo sự soi dẫn của sự cải biến sức khỏe. Đừng để cho những người hầu việc Chúa trong chúng ta thú vật hóa bản tính tự nhiên của họ và con cháu họ." (Nguyên văn:"Let not any of our ministers set an evil example in the eating of flesh-meat. Let them and their families live up to the light of health reform. Let not our ministers animalize their own nature and the nature of their children." Spalding and Magan, trang 211).

Thánh Kinh dạy:"Phàm vật chi hành động và có sự sống thì dùng làm đồ ăn cho các ngươi. Ta cho mọi vật đó như ta đã cho thứ cỏ xanh" (Sáng Thế Ký 9:3).

Ellen White viết:"Bị bệnh là phạm tội; vì tất cả các thứ bệnh đều là kết quả của sự phạm pháp." (Nguyên văn: "It is a sin to be sick; for all sickness is the result of transgression." Health Reformer, 01.08.1866).

Thánh Kinh dạy:"Sa-tan bèn lui ra trước mặt Đức Giê-hô-va, hành hại Gióp một bịnh ung độc, từ bàn chơn cho đến chót đầu" (Gióp 2:7).

5. Tín lý thứ 24 cho rằng vào năm 1844 Đấng Christ đã từ nơi thánh bước vào nơi chí thánh trên thiên đàng để hoàn tất công việc chuộc tội cho nhân loại bằng cách dùng huyết Ngài tẩy sạch đền thánh trên trời và phán xét kẻ sống và kẻ chết. Khi công tác này hoàn thành thì Đấng Christ sẽ tái lâm trên đất. Sự phán xét kẻ sống có nghĩa là phán xét những người đang sống trên đất từ khi Đấng Christ vào nơi chí thánh cho đến khi Ngài tái lâm; còn sự phán xét kẻ chết là phán xét những người tin Chúa đã chết trước thời điểm đó. Theo bà Ellen White thì ngày 22 tháng 10 năm 1844 là ngày Đấng Christ khởi sự thi hành sự phán xét.

Thánh Kinh cho biết Đấng Christ đã làm xong công tác chuộc tội cho nhân loại. Công tác đó hoàn thành khi Đấng Christ chết trên thập tự giá. Chính Ngài tuyên phán: "Xong" (Giăng 19:30)! Hê-bơ-rơ 9:12 chép rõ "Ngài đã vào nơi rất thánh một lần thì đủ hết, không dùng huyết của dê đực và của bò con, nhưng dùng chính huyết mình, mà được sự chuộc tội đời đời." Động từ "vào" trong nguyên tác Hy-lạp của câu này thuộc thời quá khứ bất định để chỉ một việc đã hoàn thành trong thời quá khứ, nghĩa là trước khi thư Hê-bơ-rơ được viết. Như vậy, làm sao có chuyện đến năm 1844 thì Đức Chúa Jesus Christ mới vào nơi chí thánh? Thánh Kinh cũng không hề nói đến chuyện Đấng Christ thi hành sự phán xét kẻ sống và kẻ chết trong nơi chí thánh trên trời hoặc trước khi Ngài tái lâm trên đất. Thức tế, Thánh Kinh cho biết sau khi Hội Thánh được cất ra khỏi thế gian thì Đức Chúa Trời phán xét thế gian trong một thời kỳ bảy năm và sau khi trời cũ đất cũ qua đi thì Đấng Christ sẽ gọi những kẻ chết không thuộc về Chúa sống lại và phán xét mỗi người tùy theo công việc họ làm.

6. Tín lý thứ 26 cho rằng người chết thì không còn ý thức gì cả.

Đấng Christ phán rằng người chết vẫn có ý thức, có cảm giác và có trí nhớ. Câu chuyện về người nhà giàu tội lỗi và người ăn mày tên La-xa-rơ được chép lại trong Lu-ca 16:19-31 chứng minh điều đó. Ngoài ra, những thánh đồ tử đạo thời đại nạn vẫn có ý thức và biết kêu cầu xin Chúa báo trả những kẻ ác (Khải Huyền 6:9-10).

7. Tín lý thứ 27 cho rằng vương quốc ngàn năm bình an là ở trên trời, còn trái đất lúc đó bị bỏ hoang, không có người ở, chỉ có Satan và các quỷ sứ của nó. Cuối ngàn năm bình an thì thành thánh sẽ từ trời giáng xuống trên đất. Khi đó những kẻ ác sẽ sống lại, hợp với Sa-tan và các quỷ sứ của nó bao vây thành thánh nhưng lửa từ Đức Chúa Trời sẽ thiêu hủy họ và thanh tẩy trái đất. Từ đó, vũ trụ sẽ không còn tội nhân và tội lỗi nữa.

Thánh Kinh cho biết vương quốc ngàn năm là ở trên đất. Sa-tan bị giam trong vực sâu suốt một ngàn năm. Không có chuyện những kẻ ác sẽ sống lại vào cuối ngàn năm bình an để hợp sức với Sa-tan bao vây thành thánh từ trời giáng xuống. Thành thánh chỉ từ trời giáng xuống đất sau khi đã có trời mới đất mới, là lúc Sa-tan và những thiên sứ phạm tội cùng những người không thuộc về Chúa đã bị ném vào hồ lửa đời đời (Khải Huyền 20-22). 

Ngoài 28 Niềm Tin Căn Bản, Giáo Hội Cơ-đốc Phục Lâm An Thất Nhật còn có những quan điểm thần học không đúng với sự dạy dỗ của Thánh Kinh như sau:

8. Chỉ những ai biểu lộ kết quả xứng đáng của sự ăn năn (Ma-thi-ơ 3:8) [4] và công nhận Giáo Hội Cơ-đốc Phục Lâm là phần sót lại của Hội Thánh thật của Chúa [5] mới được làm báp-tem.

Hai điều kiện này hoàn toàn không có trong Thánh Kinh.

9. Tín đồ không được ăn thịt các loài vật không tinh sạch [6].

Thánh Kinh cho biết, thời Tân Ước Đức Chúa Trời đã làm tinh sạch mọi thức ăn không tinh sạch (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:15; Rô-ma 14:14; I Ti-mô-thê 4:4).

10. Những ai chỉ thờ phượng Chúa vào chủ nhật, không thờ phượng Chúa vào ngày thứ bảy, là mang dấu ấn của con thú được mô tả trong Khải Huyền 13 [6].

Dấu ấn của con thú chỉ xuất hiện khi con thú lên ngôi (thời đại nạn, Hội Thánh đã được cất lên trước đó) và dấu ấn đó sẽ ở trên tay hoặc trên trán của người đón nhận nó để người đó có quyền mua bán chứ không phải sự nhóm họp thờ phượng Chúa vào chủ nhật là dấu ấn của con thú. Con dân của Chúa có thể nhóm họp thờ phượng Chúa vào bất kỳ lúc nào.

11. Chỉ những ai giữ ngày Sa-bát mới nhận được dấu ấn của Đức Chúa Trời và được cứu [7].

Dấu ấn của Đức Chúa Trời là Đức Thánh Linh ở trong chúng ta, do chính Đức Chúa Trời ban cho chúng ta khi chúng ta thật lòng ăn năn, từ bỏ tội, tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ và vui lòng sống theo Lời Chúa (Ê-phê-sô 4:30).

Kết Luận

Trên cơ bản đức tin Cơ-đốc về Ba Ngôi Đức Chúa Trời, về Thánh Kinh là Lời của Đức Chúa Trời, về tội lỗi, về sự cứu rỗi, về sự thánh hóa, và về sự sống đời đời thì người Cơ-đốc Phục Lâm An Thất Nhật tin đúng những gì Thánh Kinh dạy. Những tín lý và quan điểm thần học nghịch lại Thánh Kinh của Giáo Hội Cơ-đốc Phục Lâm An Thất Nhật chẳng qua là hậu quả tất nhiên của sự hiểu sai một số Lời Chúa (II Phi-e-rơ 3:16) và sự dựa vào những điều gọi là "chiêm bao, khải tượng, thần cảm" hơn là dựa vào Lời Chúa. Tất cả các chiêm bao, khải tượng, thần cảm cần phải được đối chiếu với lẽ thật của Lời Chúa vì từ ngàn xưa đã có những sự chiêm bao, khải tượng (hiện thấy), và thần cảm không đến từ Đức Chúa Trời (Phục Truyền Luật Lệ Ký 13:1-5; Truyền Đạo 5:7; Giê-rê-mi 14:14; 23:25-32; Xa-cha-ri 10:2; II Tê-sa-lô-ni-ca 2:2).

Tất cả những sự dạy dỗ không có trong Thánh Kinh hoặc nghịch lại Thánh Kinh đều là "tà giáo" nghĩa là những sự dạy dỗ không đúng với lẽ thật (tà là không ngay thẳng, không chính đáng; giáo là sự dạy dỗ). Tuy nhiên, các giáo hội khác không có tư cách để gọi Giáo Hội Cơ-đốc Phục Lâm là "tà giáo" vì chính trong các giáo hội đó cũng có những sự dạy dỗ không đúng với hoặc là không có trong Thánh Kinh. Thậm chí, "tà giáo" trong một số giáo hội tự cho là truyền thống, theo sát Thánh Kinh, lại có mức độ nguy hiểm trầm trọng đến nổi khiến cho tín đồ tin theo những sự dạy dỗ đó có thể bị mất sự cứu rỗi, như tà thuyết: "Tin Chúa một lần, được cứu vĩnh viễn," dạy rằng, một người chỉ cần thật lòng tin nhận sự cứu rỗi của Đấng Christ là được cứu, cho dù sau đó đời sống của người ấy vẫn chưa từ bỏ tội lỗi.

Công bình mà nói, một người tin và sống theo những sự dạy dỗ của Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm An Thất Nhật có nếp sống đạo chân thành và thánh khiết đúng với Lời Chúa hơn là một người tin vào tà thuyết "Tin Chúa một lần, được cứu vĩnh viễn."

Là con dân Chúa, chúng ta có bổn phận "nhìn trái biết cây" để nhận diện các tiên tri giả và giáo sư giả (Ma-thi-ơ 7:15-23); chúng ta có bổn phận đối chiếu lời giảng dạy của bất cứ người nào với Thánh Kinh để xem lời giảng dạy ấy có đúng với Thánh Kinh hay không (Công Vụ Các Sứ Đồ 17:11). Là con dân Chúa chúng ta có bổn phận vâng giữ các điều răn của Chúa và sống như Đấng Christ đã sống, làm theo những gì Đấng Christ đã làm (I Giăng 2:3-6). Là con dân Chúa, chúng ta thuộc về Hội Thánh của Đức Chúa Trời, do Đấng Christ dùng huyết Ngài để lập nên (I Cô-rinh-tô 1:2; I Phi-e-rơ 2:9; Khải Huyền 1:6) chứ chúng ta không thuộc về một tổ chức tôn giáo nào, cho dù là những tổ chức mang danh Chúa, do loài người lập ra. Thẩm quyền tuyệt đối trên đời sống của con dân Chúa là Thánh Kinh, Lời Hằng Sống của Đức Chúa Trời (II Ti-mô-thê 3:16-17), chứ không phải giáo lý hay thẩm quyền của bất cứ một người nào hay một giáo hội nào. Để có sự khôn ngoan, hiểu biết đúng Lời Chúa, trước hết con dân Chúa cần có tấm lòng thuận phục, sẵn sàng vâng theo Lời Chúa (Giô-suê 1:8), kế tiếp, lấy đức tin cầu xin Chúa ban cho mình sự khôn ngoan, thông sáng (Gia-cơ 1:5).

 

Huỳnh Christian Timothy
14.05.2011

 

Chú Thích & Tham Khảo

[1] Danh xưng "Giáo Hội Cơ-đốc Phục Lâm An Thất Nhật"được dịch từtiếng Anh: "Seventh Day Adventist Church," trong đó, từ ngữ Adventist có nghĩa là người mong chờ sự tái lâm (của Đấng Christ).

[2] http://news.adventist.org/2010/10/-about-2900-people-j.html

[3] http://www.adventist.org/beliefs/fundamental/index.html

[4] "Seventh-day Adventists Believe. A Biblical Exposition of 27 Fundamental Doctrines," trang 180

[5] http://www.bible.ca/cr-SDA.htm – Official Seventh-day Adventist Baptismal Vows, #8 and #13.   

[6] "Seventh-day Adventists Believe. A Biblical Exposition of 27 Fundamental Doctrines," trang 285

[7] "The Great Controversy," trang 605

http://www.saintaquinas.com/Seventh_day.html

http://www.adventist.org/

http://www.religionfacts.com/christianity/denominations/seventh_day_adventist.htm

http://en.wikipedia.org/wiki/Ellen_G._White

http://en.wikipedia.org/wiki/Seventh-day_Adventist_Church

http://en.wikipedia.org/wiki/History_of_the_Seventh-day_Adventist_Church

Đọc Tiếp →

9,243 views

Tản Mạn Về Danh Xưng Mục Sư và Reverend

Copyright Notice:Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry – All Rights Reserved © 2011 Vietnamese Christian Mission Ministry, Inc. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức với điều kiện giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.

Huỳnh Christian Timothy
Bấm vào đây đểdownload bài viết này

Trong bài viết "Gợi Ý Cách Dịch Các Danh Xưng Trong Hội Thánh" đăng trên website cũ của  www.tinlanhbiengiao.net , tác giả có đề cập đến cách dịch không chuẩn, đã dịch từ ngữ "poimēn" của tiếng Hy-lạp thành "mục sư" trong Bản Dịch Phan Khôi, Thánh Kinh Việt Ngữ; đồng thời phê bình việc sử dụng danh xưng "Reverend" trong Hội Thánh. Trong bài viết này, tác giả hiệu đính các gợi ý của mình và thêm một số chi tiết để làm tài liệu cho con dân Chúa rộng đường tham khảo.

I. Lời Chúa dạy

Ma-thi-ơ 23:8-10 ghi lại lời Chúa dạy như sau:

"Nhưng các ngươi đừng chịu người ta gọi mình bằng thầy; vì các ngươi chỉ có một Thầy, và các ngươi hết thảy đều là anh em. Cũng đừng gọi người nào ở thế gian là cha mình; vì các ngươi chỉ có một Cha, là Đấng ở trên trời. Cũng đừng chịu ai gọi mình là chủ; vì các ngươi chỉ có một Chủ, là Đấng Christ."

Đức Chúa Jesus phán những lời trên đây trong bối cảnh của sự Ngài quở trách và lên án những người Pha-ri-si Do-thái Giáo giả hình, kiêu ngạo, khoe khoang, và độc ác, (xin đọc từ câu 1 của Ma-thi-ơ 23). Thế nên, những lời phán trên đây của Chúa phải được áp dụng trong lãnh vực tín ngưỡng và tôn giáo, nhất là trong Hội Thánh của Chúa. Những lời phán trên đây của Chúa hoàn toàn không nói đến mối quan hệ cha con, thầy trò, và chủ tớ trong gia đình, trong các lãnh vực khác của xã hội.

Một người bình dân đọc những câu Thánh Kinh trên đây cũng hiểu rằng:

1. Chúa dạy chúng ta trong lãnh vực tín ngưỡng tâm linh đừng chịu người ta gọi mình bằng thầy hoặc bằng chủ. Lý do: chúng ta đều là anh em trong Chúa. Chúng ta chỉ có một Thầy là Đức Thánh Linh (Giăng 14:26; 16:13, 14) [1] và một Chủ là Đức Chúa Jesus Christ.

2. Chúa dạy chúng ta trong lãnh vực tín ngưỡng tâm linh đừng gọi người nào ở thế gian là cha mình. Lý do: chúng ta chỉ có một Cha ở trên trời, là Đức Chúa Cha.

Như vậy, về phần chúng ta, trong lãnh vực tín ngưỡng tâm linh chúng ta đừng chịu cho người khác gọi mình bằng thầy hoặc bằng chủ; còn nếu người khác muốn chúng ta gọi họ bằng thầy hoặc bằng chủ thì chúng ta cứ gọi theo ý họ muốn mà không sợ phạm vào lời dạy của Chúa. Tuy nhiên, trong lãnh vực tín ngưỡng tâm linh chúng ta không được gọi người nào khác bằng cha, dù đó là danh xưng của họ trong tín ngưỡng và tôn giáo của họ, điển hình là hàng giáo phẩm Công Giáo.

Nhiều người Tin Lành có thói quen gọi các giáo hoàng Công Giáo là: "Đức Thánh Cha;" gọi các linh mục Công Giáo là: "cha;" theo như cách gọi của Giáo Hội Công Giáo. Khi nhắc đến các giám mục thời Hội Thánh ban đầu thì nhiều người Tin Lành cũng gọi là các "giáo phụ," nghĩa là "cha của giáo hội," theo cách gọi của Giáo Hội Công Giáo. Chính tác giả cũng nhiều lần dùng danh từ "giáo phụ" trong một số bài giảng và bài viết của mình. Nay, tạ ơn Chúa, nhờ Ngài soi sáng, mở mang tâm trí, tác giả thấy được sự sai lầm trong cách dùng từ như vậy; tác giả nguyện xin Chúa tha thứ và giúp mình bỏ được thói quen dùng từ không đúng đó.

II. Chữ "thầy" Trong Câu Phán của Chúa

1. Ra-bi

Trong nguyên ngữ Hy-lạp (Greek) của Thánh Kinh Tân Ước, chữ "thầy" trong câu phán của Chúa là: ῥαββί,  G4461 , phiên âm là /rhabbi/, và phát âm là ( hrab-bee') . Xin bấm vào mã số Strong  G4461  để xem định nghĩa trong Anh ngữ và bấm vào ký hiệu phát âm ( hrab-bee' ) để nghe cách phát âm. Từ ngữ này còn được phiên âm thành "Ra-bi" trong Giăng 1:38 của Bản Dịch Phan Khôi.

Theo định nghĩa của từ điển "Thayer’s Greek Definitions" thì từ ngữ này có nghĩa là: "đấng vĩ đại của tôi" hoặc là "đấng đáng tôn kính của tôi;" (Tiếng Anh: "my great one, my honourable sir"). Như vậy, ý của Chúa là chúng ta đừng chịu cho ai gọi mình bằng những danh xưng có ý nghĩa tương tự như vậy.

2. Reverend

Ngày nay, người Do-thái vẫn gọi những người giảng và dạy đạo của họ là Ra-bi. Người Mỹ và người Việt bắt chước Mỹ thì gọi những người làm công tác chăn dắt thuộc linh bằng từ ngữ "Reverend," viết tắt là "Rev." là một từ ngữ có nghĩa tương đương với chữ Ra-bi. Điều lạ lùng là có một số người, Mỹ cũng như Việt, tự tôn xưng mình bằng cách ghi thêm chữ "Reverend" hoặc "Rev." đàng trước tên và chức vụ của mình. Thí dụ: "The Reverend Pastor ABC Nguyễn." Làm như vậy có phải là vi phạm lời Chúa dạy hay không? Chúng ta hãy cùng xem định nghĩa của chữ "Reverend:"

  • Webster's 1828 Dictionary: Worthy of reverence; entitled to respect mingled with fear and affection; nghĩa là đáng tôn quý, kính sợ; xứng đáng được sự tôn kính pha trộn với với lòng yêu thương và kính sợ.
  • Thánh Kinh chỉ dùng từ ngữ này một lần để nói về danh của Đức Giê-hô-va, trong Thi Thiên 111:9. Từ ngữ này trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ (Hebrew) là  ירא,  H3372 , phiên âm là /yârê'/, và phát âm là ( yaw-ray' ). Từ điển "Strong's Hebrew Dictionary" định nghĩa như sau: A primitive root; to fear; morally to revere; causatively to frighten: – affright, be (make) afraid, dread (-ful), (put in) fear (-ful, -fully, -ing), (be had in) reverence (-end), X see, terrible (act, -ness, thing). Tạm dịch: Một từ gốc nguyên thỉ; sợ, kính sợ trong tinh thần đạo đức; khiến cho hoảng sợ: kinh sợ, bị (làm cho) sợ hãi, (một cách) kinh khủng, (khiến cho) lo sợ, (ở trong) sự tôn kính, dùng trong nghĩa rộng: chiêm ngưỡng, nhìn thấy những (hành vi, sự việc, sự) hoành tráng, kinh khiếp.

Bản Dịch Phan Khôi dịch Thi Thiên 111:9 như sau:

"Ngài đã sai cứu chuộc dân Ngài, truyền lập giao ước Ngài đến đời đời. Danh Ngài là thánh, đáng kính sợ."

Bản Dịch King James dịch:

"He sent redemption unto his people: he hath commanded his covenant for ever: holy and reverend is his name."

"Theological controversy: Some Christians, particularly members of the Churches of Christ and some Baptist groups, reject using the term "reverend" for human beings and maintain that it should be reserved for God alone. (See Matthew 23:5–10.) The word "reverend" is used only once in most translations of the Bible: “[God] sent redemption unto his people: he hath commanded his covenant forever: holy and reverend is his name.” [Psalm 111:9; italics added] They also assert that even the apostles refused to be revered and that they claimed they were only men (Acts 10:25-26). From this principle the Churches of Christ typically refer to their preachers as "ministers" or "evangelists" and some Baptists use the term "minister" or "pastor."

Some Christians also object to the use of "Father" as a form of address for Catholic, Orthodox and Anglican clergy and to the use of "Rabbi" (teacher) for Jewish religious leaders, citing Jesus' teaching in Matthew 23:8-9."

Tạm dịch:

"Tranh luận thần học: Một số Cơ-đốc nhân, đặc biệt là các thành viên của Giáo Hội Các Hội Thánh của Đấng Christ và một số nhóm Báp-tít, từ chối việc dùng từ "reverend" cho loài người, và cho rằng từ này chỉ nên dùng cho Đức Chúa Trời mà thôi. (Xem Ma-thi-ơ 23:5-10). Chữ "reverend" chỉ được dùng có một lần trong hầu hết các bản dịch của Thánh Kinh: "[Đức Chúa Trời] ban sự cứu rỗi cho dân Ngài: Ngài đã truyền giao ước của Ngài cho đến đời đời: thánh thay và đáng tôn kính thay là Danh Ngài." [Thi Thiên 111:9; kiểu chữ nghiêng được thêm vào.] Họ cũng quả quyết rằng ngay cả các sứ đồ cũng từ chối được tôn kính và chỉ nhận rằng mình là loài người (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:25, 26). Từ nguyên tắc này mà Giáo Hội Các Hội Thánh của Đấng Christ đề cập đến các giảng viên của họ một cách thông thường là "mục vụ viên" hoặc "truyền đạo viên" còn một số người Báp-tít thì dùng danh từ "mục vụ viên" hoặc "người chăn."

Một số Cơ-đốc nhân cũng phản đối việc dùng "Cha" như là hình thức xưng hô với giới tăng lữ của các Giáo Hội Công Giáo, Chính Thống Giáo, và Anh Giáo cũng như sự dùng "Rabbi" (thầy) để gọi những lãnh tụ tôn giáo của Do-thái Giáo, trích dẫn lời phán dạy của Đức Chúa Jesus trong Ma-thi-ơ 23:8-9.

Người Công Giáo mở đầu cho sự lấy "Reverend" làm danh xưng cho các chức sắc trong Giáo Hội Công Giáo. Sau đó, các Giáo Hội Chính Thống, Anh Giáo, và Lutheran cũng bắt chước theo. Theo thời gian, thói quen này thâm nhập vào trong hầu hết các giáo phái Tin Lành.

3. Mục Sư

Người Việt chúng ta đã quen với danh xưng "mục sư" kể từ khi Tin lành được rao giảng tại Việt Nam. Có lẽ danh xưng này đã được dịch theo tiếng Trung Quốc: ; và sau đó được dùng trong Ê-phê-sô 4:11 của Bản Dịch Phan Khôi. Khi đối chiếu nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh Tân Ước với Bản Dịch Phan Khôi, chúng ta thấy cùng là một chữ "poimēn" được dùng trong tiếng Hy-lạp nhưng bản dịch Phan Khôi đã dùng các từ sau đây để dịch: "kẻ chăn," "người chăn," và "mục sư." Thí dụ:

"Vả, cũng trong miền đó, có mấy kẻ chăn chiên trú ngoài đồng, thức đêm canh giữ bầy chiên."(Lu-ca 2:8)

"Ta là người chăn hiền lành; người chăn hiền lành vì chiên mình phó sự sống mình."(Giăng 10:11)

"Ấy chính Ngài đã cho người nầy làm sứ đồ, kẻ kia làm tiên tri, người khác làm thầy giảng Tin Lành, kẻ khác nữa làm mục sư và giáo sư…"(Ê-phê-sô 4:11)

Trong nguyên ngữ Hy-lạp, từ ngữ được dịch là "kẻ chăn," "người chăn," và "mục sư" trong Bản Dịch Phan Khôi là  ποιμήν,  G4166 , phiên âm là /poimēn/, và phát âm là (poy-mane'); được Từ Điển "Thayer's Greek Definition" định nghĩa như sau:

1) a herdsman, especially a shepherd

1a) in the parable, he to whose care and control others have committed themselves, and whose precepts they follow

2) metaphorically

2a) the presiding officer, manager, director, of any assembly: so of Christ the Head of the church

2a1) of the overseers of the Christian assemblies
2a2) of kings and princes

Tạm dịch:

1) người chăm sóc thú vật, đặc biệt là người chăn chiên

1a) trong ngụ ngôn, là người mà sự chăm sóc và kiểm soát của người ấy khiến cho những người khác đầu phục, và các lời giảng dạy của người ấy được họ tuân theo

2) nghĩa ẩn dụ

2a) người chủ tịch, quản lý, giám đốc của bất kỳ một hội chúng nào: như Đấng Christ là Đầu của Hội Thánh

2a1) như những người giám thị các Hội Chúng Cơ Đốc
2a2) như các vua, các vương tử

Như vậy, trong Lu-ca 2:8, Giăng 10:11 và nhiều câu khác nữa, Bản Dịch Phan Khôi đã dịch đúng nghĩa của từ ngữ "poimēn" là "người chăn," hoặc "kẻ chăn;" chỉ riêng trong Ê-phê-sô 4:11 đã dịch không chuẩn là "mục sư," bởi vì: "mục sư" có nghĩa là "thầy chăn."

Thiển nghĩ, trước khi Tin Lành đến Trung Hoa thì từ ngữ "mục sư" cũng không có trong ngôn ngữ Trung Hoa. Chữ "mục" trong tiếng Trung Hoa có nghĩa là "chăn gia súc," cùng nghĩa với chữ "poimēn" trong tiếng Hy-lạp. Để gọi người làm công việc chăn gia súc thì tiếng Trung Hoa có các từ ngữ: "mục đồng," "mục phu," và "mục nhân." Mục đồng để chỉ trẻ con, mục phu để chỉ người lớn, còn mục nhân để chỉ chung những người làm công việc chăn dắt súc vật. Trong tiếng Nôm (một hình thức tiếng Việt ra từ tiếng Trung Hoa) thì có từ "mục tử," nghĩa là "đứa con trai làm công việc chăn dắt gia súc." Chữ "sư" trong tiếng Trung Hoa có nghĩa là "thầy" và chữ "sư" có một vị trí đặc biệt trong văn hóa Nho Giáo. Sư không phải chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là người truyền đạt một thứ "đạo" gọi là "Nho Đạo" hoặc "Nho Giáo" mà trong trật tự xã hội, sư chỉ đứng sau vua và trên cả cha: "Quân, Sư, Phụ." Điều luật nhập môn cho tất cả những ai theo học một vị sư là: "Tôn sư trọng đạo," nghĩa là tôn kính thầy và tôn trọng những đạo lý mà thầy truyền dạy cho mình. Vì thế, sư trong Nho Giáo không phải chỉ truyền đạt kiến thức mà còn truyền đạt luôn những khuôn khổ đạo đức, và thiết lập cách sống trong xã hội dựa trên tư tưởng của Nho Giáo, mà người theo học phải tuyệt đối tuân theo cho đến chết, nếu không, sẽ trở thành phản đồ. Khi ghép hai chữ "mục" và "sư" thành "mục sư" người đầu tiên tạo ra danh từ này đã vô tình đồng hóa "mục sư" với "ra-bi."

Riêng trong Anh ngữ, chữ "poimēn" được dịch thành "pastor" theo từ gốc của tiếng La-tin hoặc "shepherd;" và cả hai từ đều có cùng một nghĩa như nhau: "người chăn dắt súc vật."

III. Chức Vụ hay Chức Tước?

Chức vụ là công việc được giao phó, chức vụ mô tả tính chất của công việc. Chức tước là danh hiệu để gọi người làm một công việc nằm trong một tổ chức có hệ thống phân quyền. Đôi khi cùng một từ ngữ được dùng chung cho cả chức vụ và chức tước. Thí dụ: Chức vụ tổng thống nói về công việc cai trị một quốc gia còn chức tước tổng thống dùng để gọi người làm công việc tổng thống. Những công việc không nằm trong một tổ chức có hệ thống phân quyền thì không có chứ tước. Thí dụ: Trong một công ty có các chức tước: tổng giám đốc, giám đốc, quản đốc… nhưng không có chức tước "công nhân." "Công nhân" chỉ là một chức vụ trong công ty.

Trong Hội Thánh của Chúa có nhiều chức vụ nhưng không có chức tước. Trong Hội Thánh của Chúa mọi người đều là anh em với nhau (Ma-thi-ơ 23:8) và ai muốn làm lớn thì phải làm đầy tớ cho nhau (Ma-thi-ơ 20:26; 23:11; Mác 10:43). Vì thế, người nào muốn được đối xử trọng vọng hơn các anh chị em khác trong Hội Thánh là phạm vào lời phán dạy của Chúa và gây cớ cho anh chị em mình phạm tội; còn người nào có thái độ trọng vọng ai đó hơn là các anh chị em khác trong Hội Thánh thì cũng phạm vào tội tây vị như đã chép trong Gia-cơ 2:9. Mỗi chúng ta thật sự cần cầu xin Chúa nhắc nhở và gìn giữ mình, vì thói quen thích được trọng vọng cũng như thói quen tây vị là những thói nết xấu của con người cũ, rất dễ dàng trổi lên trong xác thịt, mà chúng ta phải bắt phục chúng.

Các công việc trong Hội Thánh, là những chức vụ do chính Đức Chúa Jesus Christ lập ra và do Đức Thánh Linh giao phó cho con dân Chúa:

"Đấng đã xuống cũng chính là Đấng đã lên trên hết các từng trời, để làm cho đầy dẫy mọi sự. Ấy chính Ngài đã cho: một số người làm các sứ đồ, một số người làm các tiên tri, một số người làm các người giảng Tin Lành, và một số người làm các người chăn và các người dạy đạo, cho sự trọn vẹn của các thánh đồ, cho công việc của mục vụ, và cho sự gây dựng thân thể của Đấng Christ." (Ê-phê-sô 4:10-12 – Dịch sát ý nguyên ngữ Hy-lạp)

"Anh em hãy giữ lấy mình, và luôn cả bầy mà Đức Thánh Linh đã lập anh em làm kẻ coi sóc, để chăn Hội Thánh của Đức Chúa Trời, mà Ngài đã mua bằng chính huyết mình." (Công Vụ Các Sứ Đồ 20:28)

"Đương khi môn đồ thờ phượng Chúa và kiêng ăn, thì Đức Thánh Linh phán rằng: hãy để riêng Ba-na-ba và Sau-lơ đặng làm công việc Ta đã gọi làm." (Công Vụ Các Sứ Đồ 13:2)

"Hãy chăn bầy của Đức Chúa Trời đã giao phó cho anh em; làm việc đó chẳng phải bởi ép tình, bèn là bởi vui lòng, chẳng phải vì lợi dơ bẩn, bèn là hết lòng mà làm."(I Phi-e-rơ 2:5)

"Vả, có các sự ban cho khác nhau, nhưng chỉ có một Đức Thánh Linh. Có các chức vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có các việc làm khác nhau, nhưng chỉ có một Đức Chúa Trời, là Đấng làm mọi việc trong mọi người. Đức Thánh Linh tỏ ra trong mỗi một người, cho ai nấy đều được sự ích chung… Mọi điều đó là công việc của đồng một Đức Thánh Linh mà thôi, theo ý Ngài muốn, phân phát sự ban cho riêng cho mỗi người."(I Cô-rinh-tô 12:4-7, 11)

Sứ đồ, tiên tri, người giảng Tin Lành, người chăn, người dạy đạo là những chức vụ chứ không phải là những chức tước; vì thế, không có chức vụ nào lớn hơn chức vụ nào và không có chức vụ nào dưới quyền chức vụ nào. Cũng không có chuyện làm chức vụ này một thời gian rồi được "lên" chức vụ khác. Trong Hội Thánh không hề có một sự phân quyền nào, ngoài việc Đức Chúa Jesus Christ là đầu của Hội Thánh, còn tất cả các thánh đồ là các chi thể ngang hàng trong Hội Thánh, đều có quyền buộc và mở như nhau (Ma-thi-ơ 18:18). Các chi thể trong thân thể Đấng Christ, tức các thánh đồ, đều phải: "kính sợ Đấng Christ mà vâng phục nhau" (Ê-phê-sô 5:21). Nghĩa là chúng ta phải vâng phục lẫn nhau trong các lẽ thật đã được truyền dạy cho chúng ta bởi Đấng Christ.

IV. Kết Luận

Đã đến lúc Hội Thánh Việt Nam cần dựa vào Lời Chúa để hiệu đính lại cách dịch danh xưng "poimēn" cho đúng với Thánh Kinh. Tác giả đề nghị dịch là "người chăn" hoặc "mục tử." Trong Giăng 10:11, Bản Dịch Phan Khôi đã dùng từ ngữ "người chăn" để dịch chức vụ "poimēn" của Đức Chúa Jesus Christ.

Những người hầu việc Chúa trong các chức vụ cần phải làm gương cho Hội Thánh trong sự khiêm nhường, hãy loại bỏ cách thức xưng danh kèm theo "Rev." hoặc "Reverend," và đừng có ý muốn cho Hội Thánh trọng vọng mình hơn các anh chị em khác. Khi Hội Thánh có ý trọng vọng mình hơn các anh chị em khác thì phải cương quyết từ chối sự biệt đãi đó và mềm mại giải thích cho Hội Thánh hiểu là không nên làm như vậy. Thí dụ: Không chấp nhận việc có bàn riêng, mâm riêng, thức ăn riêng dành cho những người chăn, trưởng lão, chấp sự trong các bữa ăn thông công.

Con dân Chúa luôn nhắc nhau để không phạm tội tây vị trong cách thức cư xử với nhau, nhất là đối với những người làm các chức vụ trong Hội Thánh.

Nguyện mọi vinh quang thuộc về Thiên Chúa Hằng Hữu. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
01.08.2011

Chú Thích

[1] Trích từ  Bản Dịch Ngôi Lời : "Nhưng Đấng Yên Ủi là Đức Thánh Linh mà Cha sẽ sai đến trong danh Ta. Đấng ấy sẽ dạy các ngươi mọi điều và sẽ nhắc cho các ngươi nhớ mọi điều Ta đã phán với các ngươi" ( Giăng 14:26 ). "Lúc nào Thần Lẽ Thật đến, thì Ngài sẽ dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật; vì Ngài không nói tự mình, nhưng nói mọi điều mình đã nghe, và Ngài giải bày cho các ngươi những sự sẽ đến. Chính Ngài sẽ tôn vinh Ta, vì Ngài sẽ nhận từ nơi Ta mà giải bày cho các ngươi" ( Giăng 16:13, 14 ).

Đọc Tiếp →

4,429 views

Hỏi & Đáp: Chúa Có Cứu Toàn Vẹn?

Copyright Notice:Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry – All Rights Reserved © 2007 Vietnamese Christian Mission Ministry, Inc. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức với điều kiện giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.

Mục Tử
B
ấm vào đây để download bài viết này

[1123]

Hỏi:

Kính thưa quý vị, tôi xin được phép hỏi quý vị một vài điều này, không có ý xấu mà thật sự là một thành ý. Mong quý vị giúp đỡ với lòng biết ơn chân thành của chúng tôi. Quý vị thờ Cứu Chúa Jesus, vậy cho tôi được hỏi Chúa Jesus chỉ cứu rỗi linh hồn người ta hay Ngài có là ơn cứu độ toàn vẹn? Ý tôi là cả phần hồn lẫn phần xác. Tại sao có người sống tốt không bao giờ hại ai nhưng lại phải chịu biết bao tai họa cay đắng, nghèo khổ, cơ cực do nhiều lý do mà chúng tôi thường hiểu là số phận. Tại sao lại bất công thế? Nếu cầu nguyện với Chúa Jesus, Ngài có cứu người ấy đỡ khổ không? Nếu được, kính mong quý vị cầu nguyên cùng Chúa Jesus của quý vị cứu chúng tôi khỏi cảnh cơ cực và bế tắc này. Nếu Ngài nhận lời quý vị mà cho tôi được như vậy, tôi xin được theo đạo Chúa của quý vị. Chào đoàn kết.

Nguyen Huu Chac

 

Đáp:

Thưa bạn Nguyen Huu Chac,

Những điều bạn hỏi trên đây là vấn nạn chung của rất nhiều người. Trước đây, tôi cũng là một trong số những người thắc mắc như vậy. Trong cảnh bối rối, túng cùng, đã có lúc tôi muốn tự tử để thoát khổ, và cũng có lúc tôi muốn đi cướp của (cho dù có phải giết người) để có thể thoát ra cảnh nghèo khổ, cơ cực; nhưng cũng có lúc tôi tự an ủi: "cùng tắc biến, biến tắc thông," nghĩa là khi đã đến nước cùng thì sẽ có sự thay đổi, mà hễ có sự thay đổi thì phải có lối thoát!

Sự thay đổi thật dẫn tôi vào lối thoát thật đã xảy ra trong đời tôi khi tôi đến với Đức Chúa Jesus. Ngài là Đấng phán rằng: "Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống;" và:"Hỡi những kẻ mệt mõi và gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ." Ngài cũng chính là Đấng mà Thánh Kinh chép rằng: "Đức Chúa Jesus hôm qua, ngày nay, cho đến đời đời không hề thay đổi."

Nhiều năm đã trôi qua kể từ khi tôi tiếp nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus. Đời sống của tôi vẫn còn trải qua nhiều phong ba, bảo táp, nhưng tất cả khó khăn trên đường đời không còn làm cho tôi sờn lòng hay tuyệt vọng. Trong Đức Chúa Jesus tôi đã được dựng nên thành một con người mới. Thế gian không thay đổi nhưng Chúa đã thay đổi tôi để tôi có thể chịu đựng tất cả những gì đến với tôi trong tháng ngày tôi bước đi trong Chúa giữa thế gian này. Con người cũ của tôi đã chết, con người mới của tôi sống bằng sức sống của Chúa với: "yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhơn từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, và tiết độ." Tôi vẫn còn những thiếu thốn trong đời sống vật chất. Có khi không có được một đồng bạc trong túi dù đang sống giữa nước Mỹ. Nhưng tôi có sự bình an và thỏa lòng trong mọi cảnh ngộ. Trong khó khăn, gian khổ, và bất công tôi cảm thông được những khó khăn, gian khổ, và bất công Chúa đã chịu vì tôi, tôi cảm thông được những khó khăn, gian khổ, bất công mà rất nhiều người chung quanh tôi vẫn đang phải gánh chịu. Điều đó, khiến cho tôi yêu Chúa và yêu người càng hơn. Điều đó, khiến cho tôi luôn trông chờ nơi sự tiếp trợ của Chúa, kinh nghiệm được sự tiếp trợ đúng lúc của Chúa, kinh nghiệm được tình yêu và sự thành tín của Ngài. Có nhiều khi, sự tiếp trợ của Chúa đến một cách siêu nhiên khiến cho tôi được kinh nghiệm quyền năng của Chúa qua phép lạ của Ngài.

Để trả lời trực tiếp vào các câu hỏi của bạn, tôi xin dựa vào Thánh Kinh để khẳng định rằng: Đức Chúa Jesus cứu rỗi toàn vẹn con người của chúng ta từ tâm thần (spirit), linh hồn (soul), cho đến thể xác (body). Khi chúng ta thật lòng ăn năn tội, quyết tâm từ bỏ tội, và tin nhận sự cứu rỗi qua cái chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus trên thập tự giá, thì chúng ta được cứu rỗi. Thánh Kinh chép:

"Nguyền xin chính Đức Chúa Trời bình an khiến anh em nên thánh trọn vẹn, và nguyền xin tâm thần, linh hồn, và thân thể của anh em đều được giữ vẹn, không chỗ trách được, khi Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta đến! Đấng đã gọi anh em là Đấng thành tín, chính Ngài sẽ làm việc đó."(1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:23, 24)

Tội là biết điều lành mà không làm điều lành, biết điều dữ mà vẫn làm điều dữ. Trên hết, tội là không thờ phượng Đức Chúa Trời là Đấng tạo dựng muôn loài vạn vật lại đi thờ phượng các hình tượng do tay người tạo ra. Ăn năn tội là đau đớn, hối tiếc những tội lỗi đã gây ra trong đời, muốn được ra khỏi đời sống phạm tội, muốn từ bỏ tất cả những sự tín ngưỡng, thờ lạy thần tượng, muốn được tha thứ và muốn được sạch tội. Sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời là Ngài đã sai Đức Chúa Jesus (Jesus có nghĩa Đức Chúa Trời là Đấng Cứu Rỗi), Con Một của Ngài nhập thế làm người để gánh lấy hình phạt tội lỗi của nhân loại bằng cách chết thay cho nhân loại trên thập tự giá; nhờ đó, hễ ai tin nhận Đức Chúa Jesus đã chết thay cho mình thì nhận được sự cứu rỗi. Sự cứu rỗi bao gồm hai phương diện: tha thứ tội và làm cho sạch tội. Tha thứ tội là tất cả tội lỗi của người tin nhận Chúa được Ngài tha thứ (vì Ngài đã chịu án phạt thay cho người ấy). Làm cho sạch tội là Chúa tái sinh người tin nhận Chúa, ban cho người tin nhận Ngài quyền năng để thắng điều dữ, làm điều lành, và tấm lòng khao khát thờ phượng Chúa.

Sự cứu rỗi bắt đầu bằng sự tái sinh tâm thần. Tâm thần của một người là chức năng tương giao với thế giới thần linh, là nghe được tiếng Chúa, biết được lời Chúa (trực giác), ghi nhớ sự dạy dỗ của Chúa (lương tâm), thấy được Chúa (chiêm bao và khải tượng), và thờ phượng chỉ một mình Chúa. Kế tiếp, sự tái sinh tâm thần là sự tái sinh của linh hồn. Linh hồn suy gẫm về lời Chúa (lý trí), yêu mến luật pháp và điều răn của Chúa được bày tỏ trong lời Ngài, ghét bỏ những sự ô uế, tội lỗi (tình cảm), và quyết định tin cậy Chúa, đầu phục Chúa, quyết định sống một đời sống trọn vẹn trong Chúa (ý chí). Sau cùng là sự tái sinh của thể xác. Thể xác được tái sinh qua hai giai đoạn. Giai đoạn một, thân thể hiện tại được dùng làm công cụ, phương tiện phục vụ Chúa qua tha nhân, làm những việc lành mà Chúa đã sắm sẵn cho những người tin nhận Chúa, thay vì bị nô lệ tội lỗi và làm những điều xấu xa, gian ác… Giai đoạn hai, sau khi thân xác này chết đi, sẽ được Chúa tái sinh thành một thân xác mới, vinh hiển, siêu nhiên, sống đời đời trong phước hạnh với Chúa. Khi đó, sự cứu rỗi được thành toàn.

Tại sao có người sống tốt không bao giờ hại ai nhưng lại phải chịu biết bao tai họa cay đắng, nghèo khổ, cơ cực do nhiều lý do mà chúng tôi thường hiểu là số phận. Tại sao lại bất công thế?

Trong cái nhìn của loài người, chúng ta thấy một người không bao giờ hại ai, thì chúng ta cho đó là một người tốt. Trong cái nhìn của Thiên Chúa thì tất cả mọi người đều đã phạm tội. Đối với Thiên Chúa, không phải lúc chúng ta hành động tội thì chúng ta mới có tội, nhưng khi chúng ta tư tưởng tội, nghĩ đến tội, là chúng ta đã phạm tội. Với Thiên Chúa, không phải chỉ khi chúng ta làm điều ác mới là có tội, nhưng cả những khi chúng ta không làm điều lành mà chúng ta biết nên làm thì chúng ta cũng có tội. Một người cướp của, giết đi một mạng người so với một người không hề cướp của giết người nhưng thù ghét mười người khác, thì trong cái nhìn của Thiên Chúa, kẻ phạm tội cướp của giết đi một mạng người đó lại nhẹ tội hơn là người có lòng thù ghét mười người khác. Với Thiên Chúa, thù ghét người khác tương đương với tội giết người. Trong cái nhìn của loài người, một nguời phạm tội giết người khác với một người phạm tội nói dối, nhưng trong cái nhìn của Thiên Chúa, cả hai cùng bị hình phạt trong hỏa ngục. Mỗi người phạm tội với các mức độ khác nhau và trong ngày chung cuộc Thiên Chúa sẽ phán xử rất công bằng mỗi người tùy theo việc họ làm (tốt lẫn xấu), nhưng có một cái tội chung, mang lấy một bản án chung, đó là tội không tin cậy và thờ phượng Thiên Chúa, Đấng sáng tạo và cầm quyền trên muôn loài vạn vật, và bản án chung đó là "sẽ bị hình phạt hư mất đời đời, xa cách mặt Chúa và sự vinh hiển của quyền phép Ngài" trong hỏa ngục.

Những đau khổ, bất công, và sự chết xảy ra hàng ngày trong thế gian là hậu quả của tội lỗi. Thế gian như là một trại cùi lớn, trong đó, mọi người đều nhiễm vi trùng Hansen; có những người bị cùi lỡ đến giai đoạn cuối, toàn cơ thể đã bị biến dạng đến mức không còn nhìn ra được, nhưng cũng có những người hình dáng vẫn xinh đẹp dường như không bị mắc bệnh cùi. Xét về hình dáng bên ngoài thì mọi người khác nhau, nhưng xét máu thử nghiệm, thì mọi người đều mang bệnh cùi. Phương cách để xử lý bệnh cùi không phải là quẹt thuốc đỏ vào vết lỡ rồi dán băng keo lên, nhưng mà phải dùng thuốc men để trị tận gốc, để diệt hết vi trùng Hansen trong máu.

Đức Chúa Jesus đến thế gian không phải để chữa bệnh, đuổi quỷ, và hóa bánh ra cho người đang đói. Ngài đến thế gian để cứu loài người ra khỏi tội lỗi, việc chữa bệnh, đuổi quỷ, hóa bánh chỉ là dấu hiện để cho nhân loại nhận biết rằng Ngài có quyền trên muôn sự và khi chúng ta thật lòng ăn năn tội đến với Ngài thì Ngài sẽ giải quyết mọi nhu cầu của chúng ta:

"25 Vậy nên ta phán cùng các ngươi rằng: đừng vì sự sống mình mà lo đồ ăn uống; cũng đừng vì thân thể mình mà lo đồ mặc. Sự sống há chẳng quí trọng hơn đồ ăn sao, thân thể há chẳng quí trọng hơn quần áo sao?
26 Hãy xem loài chim trời: chẳng có gieo, gặt cũng chẳng có thâu trử vào kho tàng, mà Cha các ngươi trên trời nuôi nó. Các ngươi há chẳng phải là quí trọng hơn loài chim sao?
27 Vả lại, có ai trong vòng các ngươi lo lắng mà làm cho đời mình được dài thêm một khắc không?
28 Còn về quần áo, các ngươi lại lo lắng mà làm chi? Hãy ngắm xem những hoa huệ ngoài đồng mọc lên thể nào: chẳng làm khó nhọc, cũng không kéo chỉ;
29 nhưng ta phán cùng các ngươi, dẫu vua Sa-lô-môn sang trọng đến đâu, cũng không được mặc áo tốt như một hoa nào trong giống đó.
30 Hỡi kẻ ít đức tin, loài cỏ ngoài đồng, là giống nay còn sống, mai bỏ vào lò, mà Đức Chúa Trời còn cho nó mặc đẹp thể ấy thay, huống chi là các ngươi!
31 Ấy vậy, các ngươi chớ lo lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì? uống gì? mặc gì?
32 Vì mọi điều đó, các dân ngoại vẫn thường tìm, và Cha các ngươi ở trên trời vốn biết các ngươi cần dùng những điều đó rồi.
33 Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa.
34 Vậy, chớ lo lắng chi về ngày mai; vì ngày mai sẽ lo về việc ngày mai. Sự khó nhọc ngày nào đủ cho ngày ấy."
(Ma-thi-ơ 6:25-34)

Chúng ta phải đến với Chúa bằng đức tin trước. Việc đòi hỏi Chúa làm điều này hay điều kia cho chúng ta rồi chúng ta mới tin nhận Chúa chỉ chứng minh được một điều duy nhất là chúng ta không tin Chúa. Một bệnh nhân tin tưởng nơi bác sĩ thì sẽ vui vẻ nhận thuốc, uống vào với lòng tin là thuốc sẽ chữa lành bệnh của mình. Một bệnh nhân đòi hỏi phải lành bệnh trước rồi mới chịu tin bác sĩ và uống thuốc là một bệnh nhân thật sự không tin tưởng gì vào bác sĩ. Ngày xưa có hơn năm ngàn người được Chúa hoá bánh ra cho họ ăn, họ bèn chạy theo để tôn Chúa lên làm vua, nhưng Chúa đã từ bỏ họ mà đi. Chúa không tiếp nhận những ai chỉ đến với Ngài để tìm cầu phước hạnh vật chất.

Trên một phương diện khác, những người đi theo Chúa sẽ bị thế gian ghét bỏ, và phải chịu khổ vì danh Chúa. Dưới đây là lời tự thuật của một người sinh ra trong một dòng dõi quý phái, sang giàu, có học thức… nhưng khi đi theo Chúa thì nhận lấy những điều sau đây:

"23 Họ là kẻ hầu việc của Đấng Christ phải chăng? Ừ, tôi nói như kẻ dại dột, tôi lại là kẻ hầu việc nhiều hơn! Tôi đã chịu khó nhọc nhiều hơn, tù rạc nhiều hơn, đòn vọt quá chừng. Đòi phen tôi gần phải bị chết;
24 năm lần bị người Giu-đa đánh roi, mỗi lần thiếu một roi đầy bốn chục;
25 ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị chìm tàu. Tôi đã ở trong biển sâu một ngày một đêm.
26 Lại nhiều lần tôi đi đường nguy trên sông bến, nguy với trộm cướp, nguy với giữa dân mình, nguy với dân ngoại, nguy trong các thành, nguy trong các đồng vắng, nguy trên biển, nguy với anh em giả dối;
27 chịu khó chịu nhọc, lắm lúc thức đêm, chịu đói khát, thường khi phải nhịn ăn, chịu lạnh và lõa lồ.
28 Còn chưa kể mọi sự khác, là mỗi ngày tôi phải lo lắng về hết thảy các Hội thánh.
29 Nào có ai yếu đuối mà tôi chẳng yếu đuối ư? Nào có ai vấp ngã mà tôi chẳng như nung như đốt ư?
30 Vì phải khoe mình, thì tôi sẽ khoe mình về sự yếu đuối tôi.
31 Đức Chúa Trời là Cha Đức Chúa Jêsus, là Đấng đáng ngợi khen đời đời vô cùng, biết rằng tôi không nói dối đâu.
32 Ở thành Đa-mách, quan tổng đốc của vua A-rê-ta giữ thành của người Đa-mách để bắt tôi.
33 Có người từ cửa sổ dòng tôi xuống, bằng một cái giỏ, dọc theo lưng thành, ấy vậy là tôi thoát khỏi tay họ."
(II Cô-rinh-tô 11:23-33)

Chúa kêu gọi những ai muốn theo Chúa thì phải chịu khổ:

"23 Đoạn, Ngài phải cùng mọi người rằng: Nếu ai muốn theo ta, phải tự bỏ mình đi, mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo ta.
24 Vì ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất, còn ai vì cớ ta mất sự sống, thì sẽ cứu."
(Lu-ca 9:23, 24)

Lịch sử của loài người và lịch sử của Thánh Kinh ghi lại sự gian khổ của những người đi theo Chúa:

"33 Những người đó bởi đức tin đã thắng được các nước, làm sự công bình, được những lời hứa, bịt mồm sư tử,
34 tắt ngọn lửa hừng, lánh khỏi lưỡi gươm, thắng bịnh tật, tỏ sự bạo dạn nơi chiến tranh, khiến đạo binh nước thù chạy trốn
35 Có người đờn bà đã được người nhà mình chết sống lại, có kẻ bị hình khổ dữ tợn mà không chịu giải cứu, để được sự sống lại tốt hơn.
36 Có kẻ khác chịu nhạo cười, roi vọt, lại cũng chịu xiềng xích, lao tù nữa.
37 Họ đã bị ném đá, tra tấn, cưa xẻ; bị giết bằng lưỡi gươm; lưu lạc rày đây mai đó, mặc những da chiên da dê, bị thiếu thốn mọi đường, bị hà hiếp, ngược đãi,
38 thế gian không xứng đáng cho họ ở, phải lưu lạc trong đồng vắng, trên núi trong hang, trong những hầm dưới đất.
39 Hết thảy những người đó dầu nhơn đức tin đã được chứng tốt, song chưa hề nhận lãnh điều đã được hứa cho mình.
40 Vì Đức Chúa Trời có sắm sẵn điều tốt hơn cho chúng ta, hầu cho ngoại chúng ta ra họ không đạt đến sự trọn vẹn được."
(Hê-bơ-rơ 11:23-40

Nếu bạn muốn tìm sự cứu rỗi ra khỏi tội lỗi và ra khỏi sự chết đời đời trong hỏa ngục thì bạn hãy đến với Chúa. Khi bạn tin nhận Ngài và được Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái của Đức Chúa Trời rồi thì đời sống trong thế gian này của bạn ở trong sự chăm sóc của Chúa. Chúa có thể ban cho bạn đủ ăn đủ mặc, Chúa có thể để cho bạn đói khát… Nhưng trong tất cả mọi sự đó, bạn đều nhận biết bạn sống là sống cho Chúa, và chết là chết cho Chúa. Bạn có sự bình an để đi qua mọi cảnh ngộ trong cuộc đời này, hiểu thấu ý nghĩa của những khổ đau mà Chúa cho phép xảy đến trong đời sống của bạn, nhận lấy dư dật ân điển của Chúa để vượt qua tất cả.

Người không tin nhận Chúa và người tin nhận Chúa đều phải vượt qua những đau khổ và bất công trong cuộc đời này. Người không tin nhận Chúa vượt qua một mình, đi vào nơi hư mất đời đời trong hỏa ngục; người tin nhận Chúa vượt qua với bàn tay của Chúa nắm chặt lấy bàn tay của mình, đi vào trong cõi đời đời phước hạnh trong sự hiện diện của Chúa.  Chúc bạn sớm tìm đến với sự cứu rỗi trong Đức Chúa Jesus Christ.

"16 Vì Ðức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.
17 Vả, Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài xuống thế gian, chẳng phải để đoán xét thế gian đâu, nhưng hầu cho thế gian nhờ Con ấy mà được cứu.
18 Ai tin Ngài thì chẳng bị đoán xét đâu; ai không tin thì đã bị đoán xét rồi, vì không tin đến danh Con một Đức Chúa Trời.
19 Vả, sự đoán xét đó là như vầy: sự sáng đã đến thế gian, mà người ta ưa sự tối tăm hơn sự sáng, vì việc làm của họ là xấu xa.
20 Bởi vì phàm ai làm ác thì ghét sự sáng và không đến cùng sự sáng, e rằng công việc của mình phải trách móc chăng."
(Giăng 3:16-20)

"Ai tin Con, thì được sự sống đời đời; ai không chịu tin Con, thì chẳng thấy sự sống đâu, nhưng cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người đó."(Giăng 3:36)

"Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha." (Giăng 14:6)

"Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu."(Công Vụ Các Sứ Đồ 4:12)

 

Mục Tử
16.04.2007

Đọc Tiếp →

9,118 views

Hỏi & Đáp: Do-thái Giáo

Copyright Notice:Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry – All Rights Reserved © 2007 Vietnamese Christian Mission Ministry, Inc. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức với điều kiện giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.

Huỳnh Christian Timothy
Bấm vào đây để download bài viết này

[4427]

Hỏi:

Nói cho em biết về tôn giáo này. Em muốn làm chứng cho bạn tin Chúa.

Cám ơn anh chị.

L. Li

 

Đáp:

Thưa bạn L. Li

Do-thái Giáo (Judaism) là tín ngưỡng của dân Israel từ khi lập quốc. Mặc dù nguồn gốc của dân Israel khởi từ giao ước giữa Đức Chúa Trời với Áp-ra-ham, nhưng mãi đến 430 năm sau khi giao ước được kết lập thì con cháu của Áp-ra-ham mới được Đức Chúa Trời đem ra khỏi Ai-cập và dựng họ thành một quốc gia. Israel chỉ chính thức là một quốc gia (có lãnh thổ, công dân, và chính quyền) sau khi vượt sông Giô-đanh chiếm lấy đất hứa Ca-na-an. Khởi đầu của cuộc hành trình đi xuyên đồng vắng, Đức Chúa Trời đã ban truyền điều răn, luật pháp cho họ và kết ước với họ tại núi Si-na-i. Giao ước giữa Đức Chúa Trời với dân Israel là:

– Dân Israel chỉ thờ phượng một mình Giê-hô-va Đức Chúa Trời mà thôi, không thờ lạy và hầu việc bất cứ một thần nào khác. Dân Israel cam kết hết lòng vâng giữ các điều răn và luật pháp Chúa ban hành, dạy cho con cháu vâng giữ điều răn và luật pháp của Chúa.

– Nếu dân Israel vâng phục Chúa, Ngài sẽ làm Đức Chúa Trời của họ, dựng họ thành một dân biệt riêng cho Ngài, và ban ơn cho họ đến ngàn đời. Nếu dân Israel bội nghịch Chúa, Ngài sẽ lưu đày họ khắp nơi trên đất, phạt đến ba bốn đời con cháu của họ.

Do-thái Giáo phát sinh từ khi giao ước giữa Đức Chúa Trời và dân Israel được thành lập tại núi Si-na-i. Có thể nói Do-thái Giáo do Đức Chúa Trời thiết lập, và như vậy, Do-thái Giáo khác với các tôn giáo thế tục. Do-thái Giáo cũng là tín ngưỡng đầu tiên thờ phượng một thần linh duy nhất (hai tín ngưỡng khác là Cơ-đốc Giáo – Christianity, và Hồi Giáo – Islam).

Đức tin và nếp sống đạo của Do-thái Giáo phần lớn dựa vào Ngũ Kinh (Torah) tức là Năm Sách đầu trong Thánh Kinh Cơ-đốc Giáo. Torah có nghĩa là Kinh Luật, là sách về luât pháp. Torah chứa tất cả 613 điều luật mà một người Israel phải tuân giữ, từ luật đạo đức như mười điều răn, cho đến các luật về nghi thức thờ phượng, luật về quan hệ xã hội, và luật về vệ sinh cá nhân. Về sau, các thầy thông giáo, tức là những người giảng dạy Torah, dựa vào 613 điều luật chính để lập ra hàng ngàn điều luật khác. Theo thời gian, những luật đặt thêm và sự giảng giải của các thầy thông giáo trở thành truyền thống, được huân tập trong một bộ sách gọi là Talmud và dần dần có giá trị ngang hàng với Torah. Tuy nhiên, người Israel tin rằng những gì được chép trong bộ Talmud là những lời Đức Chúa Trời giảng giải về bộ Torah cho Môi-se và Môi-se đã truyền đạt lại theo lối khẩu truyền cho các đời sau. Ma-thi-ơ 23 ghi lại cái nhìn của Đức Chúa Jesus đối với những thầy thông giáo. Về những lời truyền khẩu của họ, Đức Chúa Jesus quở trách như sau:

"Ngài đáp rằng: Còn các ngươi sao cũng vì cớ lời truyền khẩu mình mà phạm điều răn của Đức Chúa Trời? Như vậy, các ngươi đã vì lời truyền khẩu mình mà bỏ lời Đức Chúa Trời."(Ma-thi-ơ 15:3, 6 – Xem thêm Mác 7:8, 9, 13; Cô-lô-se 2:8)

Dưới đây là những nét tổng quát về Do-thái Giáo:

Tín lý căn bản

1. Đức Chúa Trời thực hữu

2. Đức Chúa Trời có một và khác biệt với muôn vật

3. Đức Chúa Trời không có thân thể vật chất

4. Đức Chúa Trời là vĩnh cửu

5. Chỉ cầu nguyện cùng một mình Đức Chúa Trời mà thôi

6. Lời của các tiên tri là chân thật

7. Những lời tiên tri của Môi-se là chân thật và Môi-se là tiên tri vĩ đại nhất trong số các tiên tri

8. Bộ Torah được ghi chép thành văn tự và bộ Torah khẩu truyền (về sau được chép lại thành bộ Talmud) đều do Đức Chúa Trời phán truyền cho Môi-se

9. Sẽ không có một bộ Torah nào khác hơn là bộ Torah truyền thống

10. Đức Chúa Trời biết hết các ý tưởng và việc làm của loài người

11. Đức Chúa Trời sẽ thưởng người tốt và phạt người xấu

12. Đấng Mê-si sẽ đến

13. Người chết sẽ được sống lại

Tín Lý về Đấng Mê-si (Moshiach)

Niềm tin của người Do-thái về Đấng Mê-si (Đấng Christ) rất khác với niềm tin của Cơ-đốc nhân. Người Do-thái không công nhận Đức Chúa Jesus là Đấng Mê-si. Theo họ, Đấng Mê-si là người hội đủ các điều sau đây:

1. Lãnh tụ chính trị vĩ đại ra từ dòng Vua Đa-vít (Giê-rê-mi 23:5)

2. Hiểu biết và vâng giữ trọn vẹn các điều răn và luật pháp

3. Là tổng tư lệnh quân đội mang lại chiến thắng trong các cuộc chiến cho Israel

4. Là quan xét vĩ đại và công chính (Giê-rê-mi 33:15)

5. Là một người, không phải là một thần linh, cũng không phải vừa là thần, vừa là người, hoặc là một siêu thực thể nào khác.

Người Do-thái tin rằng mỗi thế hệ đều có một người được sinh ra với khả năng trở thành Đấng Mê-si. Nếu thời điểm chín mùi thì người ấy sẽ trở thành Đấng Mê-si. Nếu thời điểm chưa đến, thì người ấy sẽ qua đời và thế hệ kế tiếp sẽ có một người khác thay thế.

Khi nào là thời điểm xuất hiện của Đấng Mê-si? Người Do-thái tin rằng một trong những sự kiện sau đây sẽ là dấu hiệu cho biết thời điểm xuất hiện của Đấng Mê-si:

1. Toàn dân Israel ăn năn tội trong cùng một ngày

2. Toàn dân Israel vâng giữ một ngày Sa-bát đúng nghĩa, đúng nghi thức

3. Toàn dân Israel vâng giữ liên tục hai ngày Sa-bát đúng nghĩa, đúng nghi thức

4. Cả một thế hệ Israel hoàn toàn trong sạch, hoặc cả một thế hệ Israel hoàn tội lỗi

5. Cả một thế hệ Israel hoàn toàn đánh mất hy vọng về Đấng Mê-si

6. Cả một thế hệ Israel mà con cháu bất kính với cha mẹ, ông bà

Công vụ của Đấng Mê-si

Người Do-thái tin rằng trước khi Đấng Mê-si xuất hiện sẽ có chiến tranh và hoạn nạn (Ê-xê-chi-ên 38:16). Đấng Mê-si sẽ phục hồi chính trị và thuộc linh cho dân Israel, sẽ đem họ về lại đất hứa (Ê-sai 11:11, 12; Giê-rê-mi 23:8; 30:3; Ô-sê 3:4, 5). Đấng Mê-si sẽ thành lập một chính phủ tại Giê-ru-sa-lem làm trung tâm cho các chính phủ khắp nơi trên thế giới cho cả người Do-thái lẫn các dân tộc không Do-thái (gentiles) (Ê-sai 2:2, 4; 11:10; 42:1). Đấng Mê-si sẽ tái thiết đền thờ và sự thờ phượng trong đền thờ (Giê-rê-mi 33:18). Đấng Mê-si sẽ phục hồi Do-thái Giáo và thiết lập luật pháp của Do-thái Giáo thành luật của quốc gia (Giê-rê-mi 33:15).

Mong rằng những điểm khái quát trên đây có thể giúp cho bạn L. Li biết được phần nào niềm tin của người bạn theo Do-thái Giáo.

 

Huỳnh Christian Timothy
21.03.2007

Đọc Tiếp →

7,626 views

Hỏi & Đáp: Priest và Pastor

Copyright Notice:Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry – All Rights Reserved © 2007 Vietnamese Christian Mission Ministry, Inc. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức với điều kiện giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.

Mục Tử
Bấm vào đây để download bài viết này

[1166]

Hỏi:

Cha cố ( Priest ) của Thiên Chúa Giáo La mã, Không được lấy vợ. Còn Mục sư Tin lành thì được lập gia đình và sinh con cái? Sự khác nhau cơ bản giữa Mục Sư Tin Lanh ( Pastor ) và Cha Cố Công Giáo (Priest).

Trong tác phầm văn học " The Thorn Bird " của nữ nhà văn Colleen McCullough Úc(Australia).Có đề cập tới sức mạnh, sự hấp dẫn hơn cả đức tin của tình yêu nam nữ mà cụ thể ở đây là Cha Cố Ralph de Bricassart đã vì Cô gái trẻ Meggie Cleary mà phạm luật của Công Giáo La Mã. Tác phẩm văn học này, sau đó được chuyển dựng thành một bộ phim rất hấp dẫn cho tất cả mọi người và là một đề tài thường xuyên được mổ sẻ. Vấn đề là Giáo Hội Công Giáo La Ma lên án mạnh mẽ quan điểm Tôn giáo của tác phẩm văn học này. Còn Người Cơ Đốc Nhân sẽ phải có nhận xét gì về quan điểm Tôn Giáo trong tác phẩm văn học này?

Lee.

 

Đáp:

Thưa bạn Lee.

Trước hết, xin nhắc nhở lẫn nhau là trong Thánh Kinh không hề có chức "Cha" và "Mẹ" (Father and Mother) trong Hội Thánh như Giáo Hội Công Giáo đang dùng. Thậm chí, Đức Chúa Jesus nghiêm cấm môn đồ của Ngài như sau:

"8 Nhưng các ngươi đừng chịu người ta gọi mình bằng thầy; vì các ngươi chỉ có một Thầy, và các ngươi hết thảy đều là anh em.
9 Cũng đừng gọi người nào ở thế gian là cha mình; vì các ngươi chỉ có một Cha, là Đấng ở trên trời.
10 Cũng đừng chịu ai gọi mình là chủ; vì các ngươi chỉ có một Chủ, là Đấng Christ."
(Ma-thi-ơ 23:8-10)

Vì vậy, trong Hội Thánh và về mặt đức tin, chúng ta đừng chịu ai gọi mình bằng thầy, bằng  chủ, và đừng gọi ai bằng cha.

Giáo hội Công Giáo thiết lập một giai cấp tư tế (priest) và như thế không công nhận địa vị tư tế của giáo dân. Trong khi đó, Thánh Kinh dạy rõ, mỗi Cơ-đốc nhân là một thầy tế lễ. Nhiều giáo phái Tin Lành, về mặt giáo lý thì thừa nhận địa vị tư tế của tín đồ nhưng trong thực tế thì xem hàng ngũ giáo phẩm (những người có phẩm trật trong giáo hội, do loài người tự phong cho nhau) là một giai cấp "bất khả xâm phạm" và hay dùng câu: "Chớ đụng đến người được Chúa xức dầu" để bịt miệng tín đồ. Thật ra, trong Thánh Kinh không có cái mệnh lệnh "Chớ đụng đến người được Chúa xức dầu". Đây chỉ là một sự bẻ cong lời Chúa để phục vụ cho tham vọng cá nhân và giai cấp! Tín đồ ít đọc Thánh Kinh rất dễ bị hù dọa vì câu "ngụy kinh" này!

Thánh Kinh chép:

"Nhưng anh em là dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh là dân thuộc về Đức Chúa Trời, hầu cho anh em rao giảng nhơn đức của Đấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối tăm, đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài." (I Phi-e-rơ 2:9)

"Đấng yêu thương chúng ta, đã lấy huyết mình rửa sạch tội lỗi chúng tôi, và làm cho chúng ta nên nước Ngài, nên thầy tế lễ của Đức Chúa Trời và Cha Ngài, đáng được sự vinh hiển và quyền năng đời đời vô cùng! A-men."  (Khải Huyền 1:6)

Vì vậy, mỗi Cơ-đốc nhân là một thầy tế lễ (priest).

Trong Thánh Kinh có đề cập đến chức vụ pastor trong Hội Thánh. Nghĩa của chữ pastor là người chăn giữ súc vật, tiếng Hán Việt là "mục tử" như trong một bài thơ của bà Huyện Thanh Quan: "Gõ sừng, mục tử lại cô thôn!" Dân Israel và các dân tộc khác miền Trung Đông rất quen thuộc với hình ảnh của những bầy chiên và những người chăn chiên, vì thế, Chúa đã hình ảnh hóa người chăn và bầy chiên với những người chăm sóc con dân của Ngài và con dân của Ngài.

Danh xưng pastor lần đầu tiên được sử dụng trong Giê-rê-mi 17:16. Sau đó được nhắc đến trong Ê-phê-sô 4:11. Khi Tin Lành đến Việt Nam, không hiểu vì sao danh xưng pastor được dịch thành "mục sư" nghĩa là "thầy chăn". Có lẽ do bị tiêm nhiễm nền lễ nghĩa của Khổng Giáo chăng? Nếu thật vậy, chúng ta thấy cái nham hiểm của Satan khi dùng văn hóa làm suy đồi sự khiêm nhường của một chức vụ thánh!

Không một chỗ nào trong Thánh Kinh quy định hễ làm người chăn chiên của Chúa thì không được lập gia đình. Trái lại, Thánh Kinh chép:

"1 Vả, Đức Thánh Linh phán tỏ tường rằng, trong đời sau rốt, có mấy kẻ sẽ bội đạo mà theo các thần lừa dối, và đạo lý của quỉ dữ,
2 bị lầm lạc bởi sự giả hình của giáo sư dối, là kẻ có lương tâm đã lì,
3 họ sẽ cấm cưới gả, và biểu kiêng các thức ăn Đức Chúa Trời đã dựng nên cho kẻ có lòng tin và biết lẽ thật, tạ ơn mà dùng lấy.
4 Vả, mọi vật Đức Chúa Trời đã dựng nên đều là tốt lành cả, không một vật chi đáng bỏ, miễn là mình cảm ơn mà ăn lấy thì được;
5 vì nhờ lời Đức Chúa Trời và lời cầu nguyện mà vật đó được nên thánh.
6 Con giải tỏ các việc đó cho anh em, thì con sẽ nên kẻ giúp việc ngay lành của Đức Chúa Jêsus Christ, được nuôi bởi các lời của đức tin và đạo lý lành mà con đã theo."
(I Ti-mô-thê 4:1-6)

Sứ Đồ Phi-e-rơ được Giáo Hội Công Giáo xem là "giáo hoàng đầu tiên" là một người có vợ (Ma-thi-ơ 8:4; Mác 1:30; Lu-ca 4:38) và ông dắt vợ theo trong khi đi đó đây hầu việc Chúa:

"Chúng tôi há không có phép ăn uống sao? 5 Há không có phép dắt một người chị em làm vợ đi khắp nơi với chúng tôi như các sứ đồ khác cùng các anh em Chúa và Sê-pha đã làm, hay sao" (I Cô-rinh-tô 9:4, 5)? – Sê-pha tức là Phi-e-rơ!

Một trong các tiêu chuẩn của các giám mục (bishop –  là người giám sát công tác của các pastor), và các trưởng lão (elders – những người lãnh đạo trong Hội Thánh, từ đó chọn ra pastor và giám mục) là "chồng của một vợ:"

"Vậy, người giám mục cần phải không chỗ trách được, là chồng chỉ một vợ mà thôi, có tiết độ, có tài trí, xứng đáng, hay tiếp khách và khéo dạy dỗ."(I Ti-mô-thê 3:2)

"Mỗi người trong vòng trưởng lão đó phải cho không chỗ trách được, chỉ chồng của một vợ; con cái phải tin Chúa, không được bị cáo là buông tuồng hoặc ngỗ nghịch." (Tít 1:6)

Từ thuở ban đầu Đức Chúa Trờidựng nên người nam và người nữ và chính Đức Chúa Trời phán rằng:

"Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán rằng: Loài người ở một mình thì không tốt; ta sẽ làm nên một kẻ giúp đỡ giống như nó." (Sáng Thế Ký 2:18)

Thời Tân Ước, Đức Thánh Linh cậy Phao-lô viết những lời răn dạy sau đây:

"Song, cho được tránh khỏi mọi sự dâm dục, thì mỗi người đờn ông phải có vợ, mỗi người đờn bà phải có chồng." (I Cô-rinh-tô 7:2)

Tóm lại, Giáo Hội Công Giáo đã dạy giáo dân nhiều điều sai lầm, trong đó có việc dành riêng chức tư tế cho một số ít người, và buộc số ít người đó phải sống độc thân, không được lập gia đình; bất chấp lời dạy của Chúa. Giáo Hội Công Giáo lập ra những cái gọi là các dòng tu biệt lập để những người muốn xa lánh cuộc đời đi vào đó "tu"; trong khi lệnh truyền của Chúa cho các thầy tế lễ của Ngài là đi khắp thế gian giảng Tin Lành và khiến muôn dân trở nên mộn đồ của Chúa. Giáo Hội Công Giáo lập ra những dòng tu mà người vào tu hành hạ khắc nghiệt thân xác của mình như ngủ trên nệm gai, ăn uống kham khổ và dùng roi đánh đập thân thể… trong khi Thánh Kinh dạy thân thể của tín nhân là đền thờ của Đức Thánh Linh, và ai hủy hoại đền thờ của Chúa thì sẽ bị Ngài hủy hoại.

Về việc sống độc thân hầu việc Chúa thì Thánh Kinh dạy rõ như sau:

"25 Về những kẻ đồng thân, tôi chẳng có lời Chúa truyền; song nhờ ơn thương xót của Chúa, tôi được làm người đáng tin, nên tôi ban lời khuyên bảo.
26 Vậy tôi tưởng vì cớ tai vạ hầu đến, một người nam cứ ở vậy là nên.
27 Có phải ngươi đã bị vấn vương với vợ chăng? Chớ tìm cách mà lìa mình ra. Có phải ngươi chưa bị vấn vương với vợ chăng? Đừng kiếm vợ.
28 Nhưng nếu ngươi lấy vợ, thì chẳng phạm tội gì; và nếu người nữ đồng trinh lấy chồng, thì cũng chẳng phạm tội gì. Song những người cưới gả sẽ có sự khó khăn về xác thịt, và tôi muốn cho anh em khỏi sự đó.
29 Hỡi anh em, vậy thì tôi bảo nầy: thì giờ ngắn ngủi. Từ nay về sau, kẻ có vợ hãy nên như kẻ không có;
30 kẻ đương khóc, nên như kẻ không khóc; kẻ đương vui, nên như kẻ chẳng vui; kẻ đương mua, nên như kẻ chẳng được của gì;
31 và kẻ dùng của thế gian, nên như kẻ chẳng dùng vậy; vì hình trạng thế gian nầy qua đi.
32 Vả, tôi muốn anh em được thong thả chẳng phải lo lắng gì. Ai không cưới vợ thì chăm lo việc Chúa, tìm phương cho Chúa đẹp lòng.
33 Song ai cưới vợ rồi thì chăm lo việc đời nầy, tìm cách cho vợ mình thỏa dạ.
34 Người nữ có chồng và đồng trinh cũng khác nhau như vậy: ai không chồng thì chăm lo việc Chúa, đặng cho thân thể và tinh thần đều được thánh; nhưng ai có chồng thì chăm lo các việc đời nầy, tìm cách cho đẹp lòng chồng mình.
35 Tôi nói điều đó vì sự ích lợi cho anh em, chớ chẳng phải để gài bẫy, song để dắt anh em theo lẽ phải, hầu cho không phân tâm mà hầu việc Chúa."
(I Cô-rinh-tô 7:25-35)

Nữ nhà văn Colleen McCullough là một giáo dân Công Giáo. Bà là một nhà khoa học trong ngành Y và cũng là một nhà nghiên cứu lịch sử xuất sắc. Các tác phẩm của bà có giá trị văn chương, lịch sử, và tâm lý. Nhưng có lẽ bà không hề kinh nghiệm được sự tái sinh cho nên không kinh nghiệm được quan hệ mật thiết  giữa một người với Chúa sâu nhiệm, tuyệt vời đến mức nào. Vì thế, bà dễ dàng viết nên một tác phẩm, trong đó, cho nhân vật của mình chọn tình yêu nam nữ hơn là tình yêu của Thiên Chúa. Vì không hề nếm biết tình yêu của Thiên Chúa cho nên bà ca ngợi tình yêu của loài người.

Thánh Kinh chép:

"Tình yêu mạnh như sự chết, lòng ghen hung dữ như âm phủ."(Nhã Ca 8:6)

Mời bạn suy gẫm tìm hiểu ý nghĩa sâu xa của câu Thánh Kinh này trong quan hệ giữa bạn và Chúa.

Thân mến!

 

Mục Tử
19.03.2007

Đọc Tiếp →

6,643 views

Hỏi & Đáp: Thức Ăn Không Tinh Sạch

Copyright Notice:Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry – All Rights Reserved © 2007 Vietnamese Christian Mission Ministry, Inc. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức với điều kiện giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.

Mục Tử
Bấm vào đây để download bài viết này

[1182]

Hỏi:

Cơ đốc nhân có được ăn thịt lợn không, hay bị CẤM?

Lee

 

Đáp:

Vào buổi sáng thế, Đức Chúa Trời quy định thực vật là thức ăn cho loài người lẫn loài thú, và Ngài thấy đó là tốt lành:

"29 Đức Chúa Trời lại phán rằng: Nầy, ta sẽ ban cho các ngươi mọi thứ cỏ kết hột mọc khắp mặt đất, và các loài cây sanh quả có hột giống; ấy sẽ là đồ ăn cho các ngươi.
30 Còn các loài thú ngoài đồng, các loài chim trên trời, và các động vật khác trên mặt đất, phàm giống nào có sự sống thì ta ban cho mọi thứ cỏ xanh đặng dùng làm đồ ăn; thì có như vậy.
31 Đức Chúa Trời thấy các việc Ngài đã làm thật rất tốt lành. Vậy, có buổi chiều và buổi mai; ấy là ngày thứ sáu."
(Sáng Thế Ký 1:29-31)

Mãi đến khi loài người phạm tội và tội lỗi gia tăng đến mức Đức Chúa Trời phải hủy diệt mặt đất và mọi sinh vật trên đất bằng một cơn nước lụt, (ngoại trừ gia đình 8 người của Nô-ê nhờ vâng lời Chúa mà được sống,) làm thay đổi hoàn toàn môi sinh của địa cầu, thì Đức Chúa Trời bắt đầu cho phép loài người ăn thịt thú vật:

"2 Các loài vật ở trên đất, các loài chim trời, và các vật hành động trên đất, cùng các cá biển, đều sẽ kinh khủng ngươi và bị phú vào tay ngươi.
3 Phàm vật chi hành động và có sự sống thì dùng làm đồ ăn cho các ngươi. Ta cho mọi vật đó như ta đã cho thứ cỏ xanh.
4 Song các ngươi không nên ăn thịt còn hồn sống, nghĩa là có máu."
(Sáng Thế Ký 9:2-4)

Trong giai đoạn này, Đức Chúa Trời chỉ thị rõ là "phàm vật chi hành động và có sự sống thì dùng làm đồ ăn cho các ngươi," không hề có việc phân biệt vật tinh sạch và vật không tinh sạch. Giai đoạn loài người chỉ dùng thực vật làm thức ăn (trước cơn nước lụt) kéo dài khoảng 1,700 năm. Giai đoạn loài người dùng các động vật làm thức ăn không phân biệt vật tinh sạch và vật không tinh sạch (sau cơn nước lụt cho đến khi dân Israel nhận luật pháp) kéo dài khoảng 1,100 năm.

Khi Đức Chúa Trời đem dân Israel ra khỏi xứ Ai-cập, lập họ thành một quốc gia, ban hành luật pháp cho họ, thì mới có luật phân biệt thức ăn tinh sạch và thức ăn không tinh sạch (Lê-vi Ký 11). Thánh Kinh không giải thích tại sao có những sinh vật bị xem là không tinh sạch. Tuy nhiên, ngày nay y khoa biết được các sinh vật mà Thánh Kinh xếp loại không tinh sạch là những sinh vật có chứa nhiều mầm bệnh như: sán sơ-mít trong thịt heo, chất cholesterol xấu trong các loại tôm, cua…

Chúng ta có thể hiểu rằng, trải qua hàng ngàn năm, môi sinh bị ô nhiễm trầm trọng, các mầm bệnh mới phát sinh trong một số loại sinh vật cho nên Chúa ra lệnh cho dân sự của Ngài kiêng cữ những thức ăn có thể gây hại cho cơ thể của họ.

Tuy nhiên, sau đó khoảng 1500 năm, vào thời Tân Ước, sau khi Hội Thánh được thành lập thì Đức Chúa Trời cho Sứ Đồ Phi-e-rơ một khải tượng về sự chấm dứt việc phân biệt các loài sinh vật tinh sạch và không tinh sạch:

"9 Bữa sau, trong lúc ba người ấy đương đi đường và đã đến gần thành, vừa nhằm giờ thứ sáu Phi-e-rơ leo lên mái nhà để cầu nguyện.
10 người đói và thèm ăn; khi người ta đương dọn cho ăn, thì người bị ngất trí đi.
11 Người thấy trời mở ra, và có vật chi giống như một bức khăn lớn níu bốn chéo lên, giáng xuống và sa đến đất:
12 thấy trong đó có những thú bốn cẳng, đủ mọi loài, côn trùng bò trên đất, và chim trên trời.
13 Lại có tiếng phán cùng người rằng: Hỡi Phi-e-rơ, hãy dậy, làm thịt và ăn.
14 Song Phi-e-rơ thưa rằng: Lạy Chúa, chẳng vậy; vì tôi chẳng ăn giống gì dơ dáy chẳng sạch bao giờ.
15 Tiếng đó lại phải cùng người lần thứ hai rằng: Phàm vật chi Đức Chúa Trời đã làm cho sạch, thì chớ cầm bằng dơ dáy.
16 Lời đó lặp lại ba lần; rồi vật ấy liền bị thâu lên trên trời."
(Công Vụ 10:9-16)

Qua sự hiện thấy của Phi-e-rơ chúng ta học được một điều là: Khi Đức Chúa Trời muốn, Ngài có thể làm bất cứ điều gì, kể cả thay đổi các định luật, các quy chế… Nói cho cùng, Ngài là Đức Chúa Trời toàn năng cho nên Ngài muốn làm gì thì làm. Nhưng Ngài là tình yêu, cho nên bất kỳ những gì Ngài làm đều không đi ngược lại thuộc tính yêu thương của Ngài, vì thế Đức Chúa Trời là "thiện, sự nhân từ Ngài còn đến đời đời!"

Về  sau, trong các thư tín, Sứ Đồ Phao-lô cũng luận rõ về việc luật phân biệt các thức ăn tinh sạch với thức ăn không tinh sạch chẳng còn áp dụng cho tín đồ nữa. Tuy nhiên, nếu ai muốn tiếp tục kiêng cử thì cứ kiêng cử nhưng đừng xét đoán người không kiêng cử. Theo Phao-lô, người kiêng cử là người có đức tin yếu đuối (vì không dám tin vào khải tượng Chúa đã tỏ ra cho Phi-e-rơ):

"Mọi sự là tinh sạch cho những người tinh sạch, nhưng, cho những kẻ dơ dáy và chẳng tin, thì không sự gì là tinh sạch cả; trái lại, tâm thần và lương tâm họ là dơ dáy nữa."(Tít 1:15)

"1 Hãy bằng lòng tiếp lấy kẻ kém đức tin, chớ cãi lẫy về sự nghi ngờ.
2 Người nầy tin có thể ăn được cả mọi thứ; người kia là kẻ yếu đuối, chỉ ăn rau mà thôi.
3 Người ăn chớ khinh dể kẻ không ăn; và người không ăn chớ xét đoán kẻ ăn, vì Đức Chúa Trời đã tiếp lấy người.
4 Ngươi là ai mà dám xét đoán tôi tớ của kẻ khác? Nó đứng hay ngã, ấy là việc chủ nó; song nó sẽ đứng, vì Chúa có quyền cho nó đứng vững vàng.
5 Người nầy tưởng ngày nầy hơn ngày khác, kẻ kia tưởng mọi ngày đều bằng nhau; ai nấy hãy tin chắc ở trí mình.
6 Kẻ giữ ngày là giữ vì Chúa; kẻ ăn là ăn vì Chúa, vì họ tạ ơn Đức Chúa Trời; kẻ chẳng ăn cũng chẳng ăn vì Chúa, họ cũng tạ ơn Đức Chúa Trời."
(Rô-ma 14:1-6)

(Sự giữ ngày nói đến trong những câu trên đây không phải là sự giữ ngày Sa-bát theo điều răn của Đức Chúa Trời mà con dân Chúa trong mọi thời đại phải vâng giữ, kể cả thời ngàn năm bình an, nhưng là sự giữ ngày kiêng ăn, là điều Thánh Kinh không quy định, cho nên ai muốn kiêng ăn vào ngày nào thì cứ kiêng ăn vào ngày đó. Ngay cả sự kiêng ăn, Thánh Kinh cũng không đặt thành điều răn, ngoại trừ việc kêu gọi tội nhân kiêng ăn trong sự ăn năn tội và con dân Chúa kiêng ăn để đuổi những thứ quỷ dữ.)

Giáo phái Cơ-đốc Phục Lâm An Thất Nhật(Seventh Day Adventist) dạy tín đồ giữ nghiêm nhặt luật phân biệt các thức ăn tinh sạch với các thức ăn không tinh sạch. Thánh Kinh chép:

"1 Vả, Đức Thánh Linh phán tỏ tường rằng, trong đời sau rốt, có mấy kẻ sẽ bội đạo mà theo các thần lừa dối, và đạo lý của quỉ dữ,
2 bị lầm lạc bởi sự giả hình của giáo sư dối, là kẻ có lương tâm đã lì,
3 họ sẽ cấm cưới gả, và biểu kiêng các thức ăn Đức Chúa Trời đã dựng nên cho kẻ có lòng tin và biết lẽ thật, tạ ơn mà dùng lấy.
4 Vả, mọi vật Đức Chúa Trời đã dựng nên đều là tốt lành cả, không một vật chi đáng bỏ, miễn là mình cảm ơn mà ăn lấy thì được;
5 vì nhờ lời Đức Chúa Trời và lời cầu nguyện mà vật đó được nên thánh."
(I Ti-mô-thê 4:1-5)

Điều duy nhất Đức Thánh Linh cấm trong sự ăn uống là:

"28 ấy là Đức Thánh Linh và chúng ta đã ưng rằng chẳng gán gánh nặng nào khác cho anh em ngoài những điều cần dùng,
29 tức là anh em phải kiêng ăn của cúng thần tượng, huyết, thú vật chết ngột, và chớ tà dâm; ấy là mọi điều mà anh em khá kiêng giữ lấy vậy. Kính chúc bình an."
(Công Vụ 15:28, 29)

"Còn người ngoại đã tin, chúng tôi có viết thơ cho họ về điều chúng tôi đã định: là chỉ phải kiêng ăn của cùng thần tượng, huyết và thú vật chết ngộp, cùng chớ gian dâm."(Công Vụ 21:25)

 

Mục Tử
15.03.2007

Đọc Tiếp →

9,256 views

Hỏi & Đáp: Phép Cắt Bì

Copyright Notice:Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry – All Rights Reserved © 2007 Vietnamese Christian Mission Ministry, Inc. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức với điều kiện giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.

Mục Tử
Bấm vào đây để download bài viết này

[2365]

Hỏi:

Cơ đốc nhân cần phải thực hành phép "cắt bì " như một điều bắt buộc không?

Lee.

 

Đáp:

Chào bạn Lee. Sáng Thế Ký 17:9-14 là phân đoạn Thánh Kinh đầu tiên đề cập đến phép cắt bì do chính Đức Chúa Trời ban truyền cho Áp-ra-ham và dùng đó làm dấu chỉ về giao ước giữa Đức Chúa Trời với Áp-ra-ham và dòng dõi của ông (theo nghĩa hẹp tức dân tộc Israel, theo nghĩa rộng là những ai tin nhận Chúa) cho đến đời đời:

"9 Đoạn, Đức Chúa Trời phán cùng Áp-ra-ham rằng: Phần ngươi cùng dòng dõi ngươi, từ đời nọ sang đời kia, sẽ giữ sự giao ước của ta.
10 Mỗi người nam trong vòng các ngươi phải chịu phép cắt bì; ấy là giao ước mà các ngươi phải giữ, tức giao ước lập giữa ta và các ngươi, cùng dòng dõi sau ngươi.
11 Các ngươi phải chịu cắt bì; phép đó sẽ là dấu hiệu của sự giao ước giữa ta cùng các ngươi.
12 Trải qua các đời, mỗi người nam trong vòng các ngươi, hoặc sanh đẻ tại nhà, hoặc đem tiền ra mua nơi người ngoại bang, chẳng thuộc về dòng giống ngươi, hễ lên được tám ngày rồi, đều phải chịu phép cắt bì.
13 Chớ khá bỏ làm phép cắt bì cho ai sanh tại trong nhà ngươi, hay đem tiền ra mua về; sự giao ước của ta sẽ lập đời đời trong xác thịt của các ngươi vậy.
14 Một người nam nào không chịu phép cắt bì nơi xác thịt mình, sẽ bị truất ra khỏi ngoài dân sự mình; người đó là kẻ bội lời giao ước ta."

Kể từ đó, con cháu của Áp-ra-ham đều vâng theo mạng lịnh làm phép cắt bì cho đến ngày hôm nay, kể cả người Ả-rập theo dòng Ích-ma-ên:

"Đoạn, Đức Chúa Trời ban cho người sự giao ước về phép cắt bì. Ấy vậy, khi Áp-ra-ham đã sanh một con trai là Y-sác, thì làm phép cắt bì cho, trong ngày thứ tám; Y-sác làm phép cắt bì cho Gia-cốp, và Gia-cốp làm phép ấy cho mười hai tổ phụ."(Công Vụ 7:8)

Thánh Kinh cũng nói đến việc Áp-ra-ham sẽ trở thành cha của nhiều dân tộc:

"4 Nầy, phần ta đây, ta đã lập giao ước cùng ngươi; vậy ngươi sẽ trở nên tổ phụ của nhiều dân tộc.
5 Thiên hạ chẳng còn gọi ngươi là Áp-ram nữa, nhưng tên ngươi là Áp-ra-ham, vì ta đặt ngươi làm tổ phụ của nhiều dân tộc.
6 Ta sẽ làm cho ngươi sanh sản rất nhiều, làm cho ngươi thành nhiều nước; và các vua sẽ do nơi ngươi mà ra."
(Sáng Thế Ký 17:4-6)

Cho nên câu hỏi trên đây của bạn có thể diễn giải rộng thêm như sau: Nếu phép cắt bì là giao ước đời đời của Đức Chúa Trời lập ra với Áp-ra-ham là tổ phụ của những người tin Chúa (không riêng dân Israel) thì tôi có bị ràng buộc thi hành dấu hiệu giao ước này hay không?

Và Thánh Kinh đã giải đáp như sau:

"11 Vậy, người đã nhận lấy dấu cắt bì, như dấu ấn của sự công bình mà người đã được bởi đức tin, khi chưa chịu cắt bì; hầu cho làm cha hết thảy những kẻ tin mà không chịu cắt bì, đặng họ được kể là công bình,
12 và cũng làm cha những kẻ chịu cắt bì, tức là cha những kẻ không những chịu cắt bì thôi, lại cũng noi theo dấu đức tin mà Áp-ra-ham, tổ phụ chúng ta, đã có trước khi chưa chịu cắt bì vậy."
(Rô-ma 4:11, 12)

Nghĩa là, Áp-ra-ham cũng là tổ phụ của những người tin Chúa nhưng ngoại tộc Israel, không hề chịu phép cắt bì; và qua sự nhận lấy dấu cắt bì của Áp-ra-ham mà ngày nay, chúng ta là những người tin Chúa không chịu cắt bì vẫn được xưng là công bình. Như vậy, rõ ràng phép cắt bì là không cần thiết cho Cơ-đốc nhân. Thánh Kinh xác nhận điều đó nhiều lần:

"26 Vậy nếu kẻ chưa chịu cắt bì giữ các điều răn của luật pháp thì sự chưa chịu cắt bì đó há chẳng cầm như đã chịu sao?
27 Kẻ vốn không chịu cắt bì, mà làm trọn luật pháp sẽ đoán xét ngươi, là kẻ dẫu có chữ của luật pháp và phép cắt bì, lại phạm luật pháp.
28 Vì người nào chỉ bề ngoài là người Giu-đa, thì không phải là người Giu-đa, còn phép cắt bì làm về xác thịt ở ngoài, thì không phải là phép cắt bì;
29 nhưng bề trong là người Giu-đa mới là người Giu-đa, phép cắt bì bởi trong lòng, làm theo cách thiêng liêng, không theo chữ nghĩa, mới là phép cắt bì thật. Một người Giu-đa như vậy được khen ngợi, chẳng phải bởi loài người, bèn là bởi Đức Chúa Trời."
(Rô-ma 2:26-29)

"Có người nào đã chịu phép cắt bì rồi được gọi chăng? nên cứ giữ cắt bì vậy. Có người nào chưa chịu phép cắt bì mà được gọi chăng? thì chớ chịu phép cắt bì. Chịu cắt bì chẳng hề gì, không chịu cắt bì cũng chẳng hề gì; sự quan hệ là giữ các điều răn của Đức Chúa Trời."(I Cô-rinh-tô 7:18, 19)

"1 Đấng Christ đã buông tha chúng ta cho được tự do; vậy hãy đứng vững, chớ lại để mình dưới ách tôi mọi nữa.
2 Tôi là Phao-lô nói với anh em rằng, nếu anh em chịu làm phép cắt bì, thì Đấng Christ không bổ ích chi cho anh em hết.
3 Tôi lại rao cho mọi người chịu cắt bì rằng, họ buộc phải vâng giữ trọn cả luật pháp.
4 Anh em thảy đều muốn cậy luật pháp cho được xưng công bình, thì đã lìa khỏi Đấng Christ, mất ân điển rồi.
5 Về phần chúng ta, ấy là bởi đức tin và nhờ Thánh Linh mà chúng ta được nhận lãnh sự trông cậy của sự công bình.
6 Vì trong Đức Chúa Jêsus Christ, cái điều có giá trị, không phải tại chịu phép cắt bì hoặc không chịu phép cắt bì, nhưng tại đức tin hay làm ra bởi sự yêu thương vậy."
(Ga-la-ti 5:1-6)

"Vì điều yếu cần, chẳng phải sự chịu cắt bì, hay là sự chẳng chịu cắt bì, bèn là trở nên người mới."(Ga-la-ti 6:15)

"Tại đây không còn phân biệt người Gờ-réc hoặc người Giu-đa, người chịu cắt bì hoặc người không chịu cắt bì, người dã man hoặc người Sy-the, người tôi mọi hoặc người tự chủ; nhưng Đấng Christ là mọi sự và trong mọi sự." (Cô-lô-se 3:13)

Thánh Kinh cho biết trong thực tế mỗi Cơ-đốc nhân đã được làm phép cắt bì trong Đấng Christ, theo ý nghĩa thuộc linh:

"Anh em cũng chịu cắt bì trong Ngài, không phải phép cắt bì bởi tay người ta làm ra, nhưng là phép cắt bì của Đấng Christ, là lột bỏ tánh xác thịt của chúng ta."(Cô-lô-se 2:11)

Phép cắt bì trong nguyên thủy là dấu hiệu cắt bỏ tội lỗi ra khỏi đời sống của người được nhận làm con dân Chúa. Nhưng xét về mặt thể chất thì phép cắt bì giúp cho bộ phận sinh dục của người nam tránh bị nhiễm trùng. Lớp da (bì) bao quanh quy đầu khiến cho các chất dơ bị kẹt lại giữa lớp da và quy đầu, sinh ra hôi hám, ngứa ngáy, và nhiễm trùng. Đó là chưa kể những trường hợp lớp da đó quá chật, có thể gây ra đau đớn trong việc giao hợp. Vì thế, ngày nay các nước Tây Phương làm thủ thuật cắt bì cho trẻ sơ sinh để bảo vệ sức khoẻ của công dân mà không liên quan gì đến nghi thức tôn giáo. Điều thú vị là Đức Chúa Trời ra lệnh làm phép cắt bì cho trẻ sơ sinh vào ngày thứ tám sau khi được sinh ra, và y khoa ngày nay chứng minh được rằng đứa bé sơ sinh có tính miễn nhiễm cao nhất vào ngày thứ tám sau khi được sinh ra.

Người nam tin Chúa có thể làm thủ thuật cắt bì vì lý do vệ sinh và sức khoẻ nhưng không cần thiết phải làm để được kể là vâng giữ giao ước với Đức Chúa Trời.

Mục Tử
15.02.2007

* Quý bạn đọc có thể tham khảo về cách thức cắt bì tại đây:
http://vi.wikipedia.org/wiki/C?t_bao_quy_??u

 

Đọc Tiếp →

11,887 views

Hỏi & Đáp: Loạn Luân

Copyright Notice:Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry – All Rights Reserved © 2007 Vietnamese Christian Mission Ministry, Inc. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức với điều kiện giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.

Mục Tử
Bấm vào đây để download bài viết này

[3859]

Hỏi:

Kính thưa các thầy và các anh các chị. Tôi có một số thắc mắc sau, kính mong các thầy các anh các chị giúp tôi sáng tỏ : 1 – yếu tố " loạn luân " trong Kinh Thánh a) Ngay từ thủa Sáng thế ký, Thiên Chúa tạo ra Adam và Eva tổ tông của loài người, vậy dòng dõi sau này của loài người nhất định từ con cái của Adam va Eva mà ra, vậy là có tính cận huyết thống trong hôn nhân?( như anh em ruột lấy nhau). b) ông I xa ac lấy bà Rebeca , ông Giacóp lấy hai bà (là hai chị em ruột) là bà Le-a và Rakhen và nhiều hôn nhân cận huyết thống khác như ông To-bi-a lấy bà Xa-ra họ hàng gần… vậy luật Chúa Trời có cấm quan hệ cận huyết thống (loạn luân) hay không?

Lee.

Đáp:

Chào bạn Lee. Trước hết, xin gọi nhau là anh chị em trên diễn đàn biện giáo này cho được thân mật. Tất cả chúng ta sẽ cùng nhau học biết về Chúa và lời Chúa qua sự dẫn dắt của một vị thầy duy nhất là Đức Thánh Linh:  

"Lúc nào Thần lẽ thật sẽ đến, thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật; vì Ngài không nói tự mình, nhưng nói mọi điều mình đã nghe, và tỏ bày cho các ngươi những sự sẽ đến." (Giăng 16:13)

8 Nhưng các ngươi đừng chịu người ta gọi mình bằng thầy; vì các ngươi chỉ có một Thầy, và các ngươi hết thảy đều là anh em. 9 Cũng đừng gọi người nào ở thế gian là cha mình; vì các ngươi chỉ có một Cha, là Đấng ở trên trời. 10 Cũng đừng chịu ai gọi mình là chủ; vì các ngươi chỉ có một Chủ, là Đấng Christ. (Ma-thi-ơ 23;8-10)

Thắc mắc bạn đưa ra trên đây không có câu trả lời đơn giản. Trong thế giới vật chất cũng có những nan đề tương tự. Khoa học ngày xưa băn khoăn về ánh sáng, không biết ánh sáng là sóng hay là hạt? Trong sự hiểu biết giới hạn, khoa học thời xưa nghĩ rằng vật chất chỉ có thể là sóng hoặc là hạt; nhưng đến khi khoa học lượng tử ra đời thì người ta biết được rằng mọi vật thể đều mang lưỡng tính: sóng và hạt. Vì ánh sáng có trường độ của sóng rất dài nên hiện tượng lưỡng tính thể hiện rõ, trong khi các vật chất có trường độ sóng quá ngắn cho nên khoa học ngày xưa chỉ thấy dạng hạt mà không thấy được dạng sóng của vật chất.

Trong lãnh vực đạo đức và thuộc linh có những việc dường như nghịch lý, hoặc được chấp nhận hay bị cấm đoán vào những thời điểm khác nhau. Điều đó khiến cho chúng ta bị bối rối, không biết phải hành xử như thế nào, nhất là khi có liên quan đến nếp sống đạo. Dựa vào thắc mắc trên đây của bạn, chúng ta có thể nêu ra câu hỏi rất thực tế như sau:

Nếu xưa kia, các con trai, con gái của A-đam và Ê-va kết hôn lẫn nhau để phát triển dòng giống loài người thì tại sao ngày nay tôi không thể kết hôn với anh chị em cùng cha cùng mẹ của mình?

Chúng ta biết chắc, ban đầu Đức Chúa Trời chỉ dựng nên ông A-đam và từ ông A-đam Ngài tạo ra bà Ê-va. Sau khi tạo thành A-đam và Ê-va, Đức Chúa Trời ban phước cho họ, ra lệnh cho họ sinh sản thêm nhiều để làm đầy dẫy đất, và  trao quyền cai quản địa cầu cho họ: 

"27 Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài; Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời; Ngài dựng nên người nam cùng người nữ.

28 Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán rằng: Hãy sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành động trên mặt đất." (Sáng Thế Ký 1:27, 28)

Sáng Thế Ký 5:4 cho biết sau khi sinh được người con trai thứ ba là Sết vào năm 130 tuổi thì A-đam sống thêm 800 năm nữa, sinh thêm các con trai và con gái. Do vậy, chúng ta biết rằng ngay trong thế hệ thứ nhì của loài người, anh chị em ruột đã phải kết hôn với nhau để lưu truyền và phát triển giống người theo mạng lệnh của Đức Chúa Trời.

Ngày nay, chúng ta dùng từ ngữ "loạn luân" để nói đến việc những người có huyết thống gần trong ba đời kết hôn với nhau. Loạn ở đây có nghĩa là làm cho xáo trộn, mất trật tự; và luân là luân thường, đạo lý, tức là các tiêu chuẩn luân lý, đạo đức.

Trong Lê-vi Ký 20 có ghi lại những cấm lệnh của Đức Chúa Trời về việc kết hôn hay quan hệ tình dục giữa những người có quan hệ huyết thống rất gần với nhau. Những cấm lệnh này được truyền cho dân Israel khoảng 2,700 năm sau khi A-đam sinh các con trai, con gái, và họ kết hôn với nhau. Như vậy, trước khi luật cấm được ban hành, sự kết hôn giữa anh chị em ruột thịt và bà con gần không vi phạm cấm lệnh của Đức Chúa Trời, và cũng không thể gọi là loạn luân!

Vì sao trước khi dân Israel ra khỏi Ai-cập thì việc kết hôn giữa anh chị em ruột, bà con gần là tự nhiên (nếu không, thì giống người sẽ không tồn tại sau thế hệ thứ hai, tức thế hệ các con của A-đam) nhưng sau khi dân Israel ra khỏi Ai-cập thì Đức Chúa Trời ban cấm lệnh? Thánh Kinh không giải thích nhưng qua khoa học chúng ta có thể hiểu rằng: Sau khoảng hai ngàn bảy trăm năm, hệ di truyền DNA của loài người đã bị thoái hóa trầm trọng, vì thế Đức Chúa Trời không cho phép sự kết hôn giữa những người có quan hệ huyết thống quá gần với nhau. Ngày nay khoa học chứng minh được những người có quan hệ huyết thống quá gần mà kết hôn với nhau sẽ sinh ra những đứa con bị thoái hóa về cấu trúc thân thể lẫn tâm trí. Để chuẩn bị cho dân tộc Israel hùng mạnh về cả tâm linh và thể xác, Đức Chúa Trời đã ban hành luật đạo đức là 10 điều răn, cùng các luật về luân lý, vệ sinh, và quan hệ xã hội. Trong đó, luật cấm kết hôn giữa những người có quan hệ huyết thống quá gần nhằm bảo vệ dân Israel khỏi sự suy thoái về DNA.

Luật đạo đức của Đức Chúa Trời (kính Chúa, yêu người) không bao giờ thay đổi nhưng các luật về luân lý, vệ sinh, xã hội, thờ phượng… có thể được Đức Chúa Trời thay đổi tùy theo thời điểm lịch sử, môi trường sống, trình độ hiểu biết của nhân loại.

Sự đúng hay sai không do loài người chúng ta định ra nhưng do quyền tuyệt đối của Đức Chúa Trời. Khi Đức Chúa Trời cho phép hoặc bảo chúng ta làm một điều gì thì điều đó là đúng. Thí dụ: Chúa bảo Áp-ra-ham phải dâng con ruột của mình là Y-sác làm của lễ thiêu. Chúa bảo Tiên Tri Ô-sê cưới một phụ nữ tà dâm về làm vợ. Khi Đức Chúa Trời ngăn cấm chúng ta làm một điều gì mà chúng ta vẫn làm thì điều đó trở thành sai. Thí dụ: Chúa bảo Phao-lô không được đi vào vùng Tiểu Á để giảng Tin Lành. Chúa bảo Hội Thánh không được ăn của cúng thần tượng, huyết, hoặc thịt thú vật chết ngột.

Mục Tử
15.03.2007

Đọc Tiếp →

6,039 views

Hỏi & Đáp: Phá Thai

Copyright Notice:Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry – All Rights Reserved © 2007 Vietnamese Christian Mission Ministry, Inc. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức với điều kiện giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.

Mục Tử
Bấm vào đây để download bài viết này

[958]

Hỏi:

Tôi xin lấy một ví dụ cụ thể: một người phụ nữ mang thai, bào thai vì lý do nào đó làm nguy hiểm đến tính mạng người phụ nữ đó.  Bác sĩ phải quyết định phá cái thai đó đi để cứu mạng sống người mang thai.  Vậy thì Tim Huỳnh sẽ làm gì? Chọn để cái thai kia vẫn nằm trong lòng người mang thai để rồi cả người mang thai và cái thai chết một lượt hay là chọn phá cái thai để cứu sinh mạng người mang thai?

(ditimchanly)

 

Đáp:

Chào bạn ditimchanly

Trong Mười Điều Răn của Thiên Chúa đã có ghi rõ: "Ngươi chớ giết người" (Xuất Ê-díp-tô 20:13; Phục Truyền 5:17). Mười Điều Răn của Thiên Chúa không chỉ khắc trên đá, viết trên giấy, mà còn được trình bày cho nhân loại từ trước khi được viết thành chữ (Rô-ma 1:19). Thiên Chúa dựng nên loài người giống như hình ảnh của Ngài cho nên trong lương tâm của mỗi người đều có tiêu chuẩn thánh khiết của Ngài (điều răn, luật pháp) để loài người biết yêu kính, tôn thờ Thiên Chúa và yêu thương lẫn nhau. Sau khi loài người phạm tội thì lương tâm trở nên chai lì trước lẽ phải (I Ti-mô-thê 4:2), cho nên loài người không còn tôn kính Thiên Chúa và sẵn sàng giết hại lẫn nhau. Thậm chí, họ có thể giết hại ngay cả con ruột của mình để thỏa mãn những ham muốn ích kỷ trong lòng họ.

Cảm tạ Chúa, khi chúng ta tin nhận ơn cứu rỗi của Ngài thì Ngài tái sinh chúng ta và ban lòng mới cho chúng ta, trên đó, Ngài ghi khắc luật pháp của Ngài để chúng ta có một lương tâm ngay thẳng mà sống một đời sống mới trong Chúa:

Ta sẽ ban lòng mới cho các ngươi, và đặt thần mới trong các ngươi. Ta sẽ cất lòng bằng đá khỏi thịt các ngươi, và ban cho các ngươi lòng bằng thịt.(Ê-xê-chi-ên 36:26)

Chúa phán: Nầy là giao ước ta lập với chúng nó. Sau những ngày đó, Ta sẽ để luật pháp ta vào lòng chúng nó; Và ghi tạc nơi trí khôn. (Hê-bơ-rơ 10:16)

Ngày nay, những người có tư tưởng tự do, phóng khoáng, cho rằng luật pháp, điều răn của Thiên Chúa không còn ràng buộc tín đồ của Đấng Christ, nhưng chính Đấng Christ tuyên bố:

17 Các ngươi đừng tưởng ta đến đặng phá luật pháp hay là lời tiên tri; ta đến, không phải để phá, song để làm cho trọn.
18 Vì ta nói thật cùng các ngươi, đương khi trời đất chưa qua đi, thì một chấm một nét trong luật pháp cũng không qua đi được cho đến khi mọi sự được trọn.
(Ma-thi-ơ 5:17,18)

Và Đức Thánh Linh, qua ngòi bút của Phao-lô, đã răn dạy Hội Thánh:

Vậy, chúng ta nhơn đức tin mà bỏ luật pháp hay sao? Chẳng hề như vậy! Trái lại, chúng ta làm vững bền luật pháp.(Rô-ma 3:31)

Phải giữ điều răn, ở cho không vết tích và không chỗ trách được, cho đến kỳ sự hiện ra của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta. (I Ti-mô-thê 6:14)

Thiên Chúa hôm qua, ngày nay, cho đến đời đời, không hề thay đổi. Dẫu trời đất có qua đi, song lời Chúa còn lại đời đời:

Trời đất qua đi còn dễ hơn một nét chữ trong luật pháp phải bỏ đi. (Lu-ca 16:7)

Lời Chúa còn lại đời đời.(I Phi-e-rơ 1:25)

Khi Thiên Chúa đã phán: "Ngươi chớ giết người," thì chúng ta không thể giết ngưòi vì bất kỳ lý do cá nhân nào. Nên nhớ, giết người vì ý riêng là điều Thiên Chúa nghiêm cấm ở đây. Điều răn "Ngươi chớ giết người" không trói buộc sự thi hành luật tử hình do chính Thiên Chúa ban ra trong luật pháp của Ngài (Xuất Ê-díp-tô 21:12-17). Ngày nay, nhiều người xưng là con dân của Thiên Chúa nhưng lại tổ chức biểu tình chống lại luật tử hình đối với những người vi phạm các tội ác nghịch lại với điều răn của Thiên Chúa (thí dụ hãm hiếp, giết người…). Thiên Chúa cũng dự trù điều luật cho trường hợp ngộ sát (giết người vì vô ý). Lời Chúa cũng cho biết, trưòng hợp ngộ sát có thể vì Chúa muốn cất mạng của người bị giết (Xuất Ê-díp-tô 21:13; Dân Số 35).

Khi xét đến vấn đề phá thai, nhiều người quan niệm bào thai chưa kể là người, giết một bào thai không thể kể là giết người. Định nghĩa về "người" và "giết người" không do chúng ta, nhưng do chính Thiên Chúa qua lời hằng sống của Ngài là Thánh Kinh. Lời Chúa chép:

Vì người sẽ có nghén và sanh một đứa con trai. Dao cạo sẽ không đưa qua đầu nó, bởi vì đứa trẻ từ trong lòng mẹ sẽ làm người Na-xi-rê cho Đức Chúa Trời; về sau nó sẽ giải cứu Y-sơ-ra-ên khỏi tay dân Phi-li-tin (Các Quan Xét 13:5). Na-xi-rê là người được biệt riêng ra cho Thiên Chúa.

Đấng đã tạo thành tôi trong lòng mẹ tôi, Há chẳng có dựng nên chúng nó sao? Há chẳng phải cũng một Đức Chúa Trời dựng nên chúng ta trong lòng mẹ sao? (Gióp 31:15)

Từ trong tử cung tôi đã được giao cho Chúa; Chúa là Đức Chúa Trời tôi từ khi tôi lọt lòng mẹ.(Thi Thiên 22:10)

Vì chính Chúa nắn nên tâm thần tôi, dệt thành tôi trong lòng mẹ tôi.(Thi Thiên 139:13)

Đức Giê-hô-va, là Đấng đã làm nên ngươi, đã gây nên ngươi từ trong lòng mẹ,và sẽ giúp đỡ ngươi, phán như vầy: Hỡi Gia-cốp, tôi tớ Ta, và Giê-su-run mà Ta đã chọn, đừng sợ chi. (Ê-sai 44:2)

Đức Giê-hô-va, là Đấng Cứu chuộc ngươi, đã gây nên ngươi từ trong lòng mẹ,phán như vầy: Ta là Đức Giê-hô-va, đã làm nên mọi vật, một mình Ta đã giương các từng trời và trải đất, ai ở cùng Ta? (Ê-sai 44:24)

Hỡi nhà Gia-cốp, và hết thảy các ngươi là dân sót của nhà Y-sơ-ra-ên, hãy nghe Ta, Ta đã gánh vác các ngươi từ lúc mới sanh, bồng-ẵm các ngươi từ trong lòng mẹ. (Ê-sai 46:3)

Có lời Đức Giê-hô-va phán cùng tôi như vầy: Trước khi tạo nên ngươi trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi rồi.(Giê-rê-mi 1:4)

Vì người sẽ nên tôn trọng trước mặt Chúa; không uống rượu hay là giống gì làm cho say, và sẽ được đầy dẫy Thánh Linh từ khi còn trong lòng mẹ. (Lu-ca 1:15)

Nhưng khi Đức Chúa Trời, là Đấng đã để riêng tôi ra từ lúc còn trong lòng mẹ, và lấy ân điển gọi tôi…(Ga-la-ti 15:10)

Chúng ta đã là NGƯỜI từ khi được tạo dựng trong lòng mẹ. Dựa trên lời Chúa, chúng ta có thể kết luận: Phá thai là giết người.

Mặt khác, lời Chúa cho biết:

Kìa, con cái là cơ nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra; Bông trái của tử cung là phần thưởng. (Thi Thiên 127:3)

Phá thai để bảo vệ những ham muốn ích kỷ của xác thịt là khinh thường lời Chúa, khinh thường điều răn và luật pháp của Ngài, đồng thời khinh bỉ cơ nghiệp và phần thưởng của Thiên Chúa.

Trở lại với lý luận: Việc phá thai có thể chấp nhận nếu cứu được sinh mạng của người mẹ. Lời Chúa dạy:

Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ta là sự sống lại và sự sống; kẻ nào tin Ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi. (Giăng 11:25)

Chúng ta biết rằng mình đã vượt khỏi sự chết qua sự sống, vì chúng ta yêu anh em mình. Còn ai chẳng yêu thì ở trong sự chết.(I Giăng 3:14)

Sự sống và sự chết của chúng ta hoàn toàn ở trong bàn tay của Thiên Chúa. Nếu Chúa đã cho phép chúng ta chết vì sự mang thai, thì chúng ta là ai mà muốn chống lại Thiên Chúa bằng cách giết người vô tội để giữ lại mạng sống của mình? Nếu hai con chim sẻ đáng giá một đồng tiền mà không vì ý muốn của Thiên Chúa sẽ không một con nào rơi xuống đất (Ma-thi-ơ 10:29) thì mạng sống của con dân Chúa không quý trọng hơn hay sao? Chúa phán:

Dầu đến tóc trên đầu các ngươi cũng đã đếm cả rồi. Đừng sợ chi, vì các ngươi trọng hơn nhiều chim sẻ. (Lu-ca 12:7)

Con dân của Chúa cần tin chắc chắc rằng, nếu không có sự cho phép của Thiên Chúa, thì không một tai ương, hoạn nạn nào có thể xảy đến cho mình, kể cả bệnh tật và sự chết. Lời Chúa dạy rõ:

Vả, chúng ta biết rằngmọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định.(Rô-ma 8:28)

Nếu chúng ta thật sự yêu mến Đức Chúa Trời, thì ngay cả cái chết cũng là có ích cho chúng ta, vìmọi sự hiệp lại làm ích cho chúng ta. Cho nên, Phao-lô đã thốt lên lẽ thật này:

Vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa, và nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa. Vậy nênchúng ta hoặc sống hoặc chết, đều thuộc về Chúa cả. (Rô-ma 14:8)

Hiểu biết lẽ thật của lời Chúa khiến cho chúng ta được bình an, biết cảm tạ Chúa trong mọi cảnh ngộ, và không hành xử theo ý muốn riêng tư của mình mà phạm tội với Chúa.

Với những ai đã từng phạm tội giết người qua hình thức phá thai, hãy đến với sự thương xót của Chúa. (Người khuyến khích, đồng ý, hoặc giúp ngưòi khác phá thai cũng mang tội giết người). Ngài là Đấng yêu thương mỗi một linh hồn và Ngài đã trả giá cho tất cả hành vi tội lỗi của mỗi một người qua sự hy sinh của Đấng Christ trên thập tự giá. Chính cái mặc cảm tội lỗi đeo đuổi bạn từ khi phá thai cho đến giờ phút này là bằng chứng mạnh mẽ cho biết đó là hành vi tội lỗi, chống nghịch điều răn và luật pháp của Thiên Chúa. Bạn hãy ăn năn, thống hối và đến với Chúa qua lời cầu xin tương tự như sau:

Kính lạy Thiên Chúa, con đã phạm tội giết người. Xin tha thứ cho con và tẩy rửa con bằng huyết báu của Đức Chúa Jesus Christ. Xin ban cho con lòng khao khát lời Chúa để con được thánh hóa và soi sáng bởi lời Ngài. Con cầu xin và cảm tạ trong danh Đức Chúa Jesus Christ.

Thiên Chúa phán:

Đức Giê-hô-va phán: Bây giờ hãy đến, cho chúng ta biện luận cùng nhau. Dầu tội các ngươi như hồng điều, sẽ trở nên trắng như tuyết; dầu đỏ như son, sẽ trở nên trắng như lông chiên. (Ê-sai 1:18)

8 Ví bằng chúng ta nói mình không có tội chi hết, ấy là chính chúng ta lừa dối mình, và lẽ thật không ở trong chúng ta.
9 Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác.
10 Nhược bằng chúng ta nói mình chẳng từng phạm tội, ấy là chúng ta cho Ngài là kẻ nói dối, lời Ngài không ở trong chúng ta.
(I Giăng 1:8-10)

Nguyện sự bình an của Thiên Chúa bao phủ bạn.

Mục Tử
09.03.2007

Download tại đây:http://www.divshare.com/download/15276090-1b8

Đọc Tiếp →

11,386 views

Hỏi & Đáp: Ước Mơ, Giấc Mơ, và Khải Tượng

[2200]

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết này:
http://www.mediafire.com/view/?yu2982qrt5r5p9l

Huỳnh Christian Timothy

Hỏi

Khi học về cuộc đời của Giô-sép ở trong chương trình học Thánh Kinh vào tối thứ sáu hàng tuần, khi học đến đoạn Chúa cho phép Giô-sép nằm mơ thì bà mục sư P.Đ.N. hỏi:

– Anh em có thường hay nằm mơ không?

– Anh em thường có những giấc mơ cho Chúa không?

Và bà đồng nhất ước mơ với khải tượng.

Theo tôi thì giấc mơ, sự ước mơ và khải tượng khác nhau. Chúa cho phép những giấc mơ xảy ra khi chúng ta ngủ (không phải khải tượng), nó không đến từ ý chí của bản thân. Ước mơ là điều mong ước ra từ ý chí của chúng ta. Khải tượng cũng như giấc mơ, không đến từ ý chí của bản thân, nhưng được Chúa xác quyết rõ ràng. Do đó, không thể nào đồng nhất ước mơ với khải tượng được. Mà Chúa thì làm gì cần chúng ta mơ ước, lên kế hoạch cho Ngài?

Tôi thắc mắc điều này vì:

– Không chắc điều mình nghĩ là đúng, mà hỏi những người xung quanh (tư gia) thì chỉ nhận được những câu trả lời cổ súy cho quan điểm của bà mục sư trên.

– Những năm gần đây, quan điểm đó được các diễn giả giảng dạy rất nhiều trong các buổi học, buổi nhóm của thanh niên trong Hội Thánh. Và những ngày này, tôi thường thấy nhiều người đưa ra những mơ ước thật lớn theo ý chí của họ, rồi cầu nguyện Chúa ban sức cho họ để hoàn thành mơ ước đó.

 

Đáp

Đúng như bạn phân tích, ước mơ, giấc mơ, và khải tượng là ba điều hoàn toàn khác biệt nhau. Ước mơ cũng không phải là ý chí.

1. Ước mơ (wish):là điều mình muốn mà biết rằng không thực tế hoặc rất khó hoàn thành vì mình không có năng lực hoặc không đủ phương tiện để đạt đến. Ước mơ khác với “dự tính” là sự tính toán, sắp xếp những điều mình sẽ thực hiện theo ý muốn và năng lực của mình. Một người bị tật nguyền có thể ước mơ được chạy nhảy như một người khỏe mạnh. Một người không có kỷ năng âm nhạc có thể mơ ước được trở thành một nhạc sĩ hoặc ca sĩ. Trong Thánh Kinh có ghi lại điều ước mơ của Phao-lô: “Tôi nói thật trong Đấng Christ, tôi không nói dối, lương tâm tôi làm chứng cho tôi bởi Đức Chúa Trời: tôi buồn bực lắm, lòng tôi hằng đau đớn. Bởi tôi ước ao có thể chính mình bị dứt bỏ, lìa khỏi Đấng Christ, vì anh em bà con tôi theo phần xác, tức dân Y-sơ-a-ên, là dân được những sự làm con nuôi, sự vinh hiển, lời giao ước, luật pháp, sự thờ phượng và lời hứa; là dân sanh hạ bởi các tổ phụ, và theo phần xác, bởi dân ấy sanh ra Đấng Christ, là Đấng trên hết mọi sự, tức là Đức Chúa Trời đáng ngợi khen đời đời. A-men” (Rô-ma 9:1-5).

2. Ý chí (will):là điều mình muốn và quyết tâm dốc đổ mọi năng lực, phương tiện để đạt đến. Thánh Kinh tiếng Anh dùng chữ "will", Thánh Kinh tiếng Việt dùng chữ "ý," "ý muốn." Một người không có Chúa thì ý chí của họ bị điều động bởi xác thịt và lý trí. Ê-phê-sô 2:1-3 nói rõ về điều này. Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống dịch "ý chí" trong câu 3 thành "sự ham mê:” “Còn anh em đã chết vì lầm lỗi và tội ác mình, đều là những sự anh em xưa đã học đòi, theo thói quen đời nầy, vâng phục vua cầm quyền chốn không trung tức là thần hiện đương hành động trong các con bạn nghịch. Chúng ta hết thảy cũng đều ở trong số ấy, trước kia sống theo tư dục xác thịt mình, làm trọn các sự ham mê của xác thịt và ý tưởng chúng ta, tự nhiên làm con của sự thạnh nộ, cũng như mọi người khác.”

Một người được tái sinh trong Đấng Christ thì sẽ dâng mình cho Chúa, đầu phục thánh ý của Ngài, và không còn sinh hoạt theo ý chí của riêng mình nữa, mà hoà nhập ý chí của mình với thánh ý của Thiên Chúa: “Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em. Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” (Rô-ma 12:1-2). “Vì ấy chính Đức Chúa Trời cảm động lòng anh em vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài” (Phi-líp 2:13).

Suốt cuộc đời của Đức Chúa Jesus trong xác thịt, Ngài không sống theo ý chí của Ngài mà sống theo thánh ý của Đức Chúa Cha: “Ta không thể tự mình làm nổi việc gì; ta xét đoán theo điều ta nghe, và sự xét đoán ta là công bình, vì ta chẳng tìm ý muốn của ta, nhưng tìm ý muốn của Đấng đã sai ta” (Giăng 5:30). “Vì ta từ trên trời xuống, chẳng phải để làm theo ý ta, nhưng làm theo ý Đấng đã sai ta đến” (Giăng 6:38).

Đời sống người tín đồ không phải đi theo ý chí riêng tư của mình, yêu cầu Chúa chấp nhận và ban phước cho ý riêng của mình, nhưng phải là: "Làm theo ý muốn của Cha chúng ta ở trên trời" để "Ý Cha được nên" (Ma-thi-ơ 6:10). Vì không phải chỉ tin Chúa là được vào thiên đàng, nhưng phải chứng minh đức tin của mình qua sự vâng phục, làm theo Thánh Ý của Thiên Chúa, tức là trung tín cho đến chết: “Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước thiên đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi” (Ma-thi-ơ 7:21).

3. Giấc mơ (dream):hay chiêm bao có thể là sinh hoạt tâm lý hoặc sinh hoạt tâm linh. Giấc mơ liên quan đến tâm lý là giấc mơ dựa trên các chi tiết hàng ngày trong đời sống, không liên quan gì đến thế giới thần linh. Giấc mơ liên quan đến tâm linh có thể là một sự tiếp nhận thông tin đến từ Thiên Chúa, như đã được ghi chép rất nhiều trong Thánh Kinh, hoặc là một sự tiếp nhận thông tin đến từ Sa-tan và các tà linh khác. Thánh Kinh không ghi lại trường hợp nào giấc mơ đến từ Sa-tan hoặc tà linh nhưng trong dân gian thì hiện tượng này xảy ra rất nhiều. Nhiều người nằm mơ:

  • Thấy người chết hiện về trong giấc mơ đòi hỏi cúng bái.
  • Thấy người thân hiện về báo cho biết là người ấy đã bị chết.
  • Thấy các thần tượng sai bảo làm việc này, việc nọ…

4. Khải tượng (vision):là những điều nhìn thấy trong tâm linh vào lúc tỉnh táo, không phải lúc ngủ mê như giấc mơ. Khải tượng có thể đến từ Thiên Chúa hoặc từ Sa-tan và các tà thần. Trong Thánh Kinh ghi lại rất nhiều các khải tượng đến từ Thiên Chúa, đặc biệt, nguyên cả sách Khải Huyền ghi chép những khải tượng đến từ Đấng Christ về lịch sử của loài người trong những ngày sau rốt. Thánh Kinh cũng ghi lại một trường hợp khải tượng đến từ tà thần, đó là việc bà bóng ở Ên-đô-rơ cầu vong tiên tri Sa-mu-ên và thấy hình dạng một thần linh (spirit) từ dưới đất hiện lên giống như Sa-mu-ên (I Sa-mu-ên 28).

Chúng ta biết Thiên Chúa ra lệnh tiêu diệt đồng bóng và các thầy tà thuật. Chúng ta biết Thiên Chúa đã từ bỏ vua Sau-lơ, không còn phán với ông nữa. Ngay khi Sa-mu-ên lúc còn sống cũng đã tuyệt giao với Sau-lơ. Như vậy, không thể nào một bà bóng có thể ra lệnh triệu tập tiên tri của Thiên Chúa như bà vẫn thường triệu tập các tà linh. Không thể nào Thiên Chúa dùng phương pháp cầu vong mà chính Ngài lên án để đối thoại với Sau-lơ. Việc bà bóng và Sau-lơ gọi tà linh bằng danh Sa-mu-ên và việc tà linh tự nhận là Sa-mu-ên không xác chứng đó chính là Sa-mu-ên. Việc tà linh nói với Sau-lơ những lời giống như Sa-mu-ên đã nhân danh Chúa nói trước đó không có gì lạ, vì tà linh chỉ lập lại những gì đã nghe Sa-mu-ên nói. Việc tà linh tiên tri về cái chết của Sau-lơ và Giô-na-than trong cuộc giao-tranh sẽ xảy ra ngày hôm sau cũng không có gì lạ. Trong thời của Gióp, Sa-tan có thể giết hết 10 đứa con của Gióp, có thể giết các tôi tớ của Gióp, có thể tạo ra chiến tranh (với sự cho phép của Thiên Chúa), thì trong sự cho phép của Thiên Chúa và trong chương trình của Ngài, Sa-tan vẫn có thể giết Sau-lơ và Giô-na-than, đồng thời nói trước về ý đồ của nó.

Ngày nay, Thiên Chúa vẫn dùng giấc mơ và khải tượng để thông tin cho loài người. Thánh Kinh khẳng định như vậy: “Đức Chúa Trời phán: Trong những ngày sau rốt, Ta sẽ đổ Thần ta khắp trên mọi xác-thịt; Con trai và con gái các ngươi đều sẽ nói lời tiên tri, Bọn trai trẻ sẽ thấy điềm lạ, Và các người già cả sẽ có chiêm bao” (Công Vụ 2:17). Những ngày sau rốt trong lời tiên tri này kéo dài từ khi Đấng Christ hoàn thành công cuộc cứu chuộc nhân loại cho đến khi Ngài tái lâm, tiêu diệt AntiChrist và nhốt Sa-tan vào vực sâu.

Các giấc mơ và khải tượng ngày nay chỉ có tính cách nâng đỡ đời sống đức tin của riêng một người chứ không có tính cách phổ quát cho cả Hội Thánh như khi Thánh Kinh chưa hoàn tất. Những khải tượng Thiên Chúa muốn cho toàn thể nhân loại biết, thậm chí khải tượng về tận thế và trời mới, đất mới đã được hoàn tất và ghi lại trong Thánh Kinh. Ngày nay, người nào cho rằng mình nhận được những khải tượng về tận thế, về thiên dàng, về hoả ngục mà "Chúa" (thật ra là Sa-tan mạo nhận) bảo họ phải công bố ra cho mọi người khác biết là người ấy có ý nói Thánh Kinh cần phải được viết thêm! Dĩ nhiên, do sự nhân từ, thương xót của Thiên Chúa, Ngài vẫn có thể cho một người thấy những khải tượng về tận thế, về thiên đàng, về hoả ngục… nhưng những khải tượng này chỉ dành riêng cho người nhận khải tượng để nâng đỡ đức tin hoặc chức vụ của chính người ấy.

Những hình thức khải tượng đến từ tà linh là:

  • Khải tượng của những người hành thiền.
  • Khải tượng về sự hiện ra của bà Ma-ri.
  • Khải tượng về hỏa ngục, thiên đàng của bà Mary K. Baxter.
  • Khải tượng về hoả ngục, thiên đàng của ông Daniel Ekechukwu
  • Các khải tượng của những người Ân Tứ và Ngũ Tuần, như trường hợp khải tượng thấy California bị động đất của ông Nguyễn Viết Ánh.

Có những nhóm Ân Tứ và Ngũ Tuần thường họp nhau lại "cầu nguyện trong tiếng lạ" hết giờ này sang giờ khác và sau đó ngồi kể cho nhau nghe những "khải tượng" họ được nhìn thấy trong khi "cầu nguyện." Trong mỗi buổi "cầu nguyện" như vậy, một người có thể thấy hàng chục "khải tượng…” Có điều gì đó sai trái trong sinh hoạt này. Chúa dạy chúng ta hãy đi khắp thế gian để giảng Tin Lành. Chúa không dạy chúng ta tụm nhau lại một chỗ, thành lập những nhóm cá biệt để "cầu nguyện tiếng lạ" và "nhận lãnh khải tượng." Sự giảng giải Lời Chúa của những người này có vấn đề.

Những ai đang sinh hoạt trong các phong trào Ân Tứ và Ngũ Tuần cần phải thật lòng hạ mình trước mặt Chúa xin Chúa thương xót giải phóng mình khỏi sự ràng buộc của tà thần. Tinh thần kiêu ngạo, tinh thần chạy theo dấu kỳ phép lạ, và tà linh nói tiếng lạ… đến từ Sa-tan, mạo nhận là ân tứ của Đức Thánh Linh, đang cầm giữ những người này trong bóng tối và sự chết! Một người đang bị ảnh hưởng của Ân Tứ và Ngũ Tuần chỉ cần chân thành hướng lòng về Thiên Chúa Ba Ngôi, thưa với Chúa, đại khái: "Lạy Chúa, nếu những sự nói tiếng lạ, chữa bệnh, trừ quỷ, nói tiếng tri, thấy khải tượng… trong con là ân tứ của Đức Thánh Linh thì con cảm tạ Chúa và xin Chúa ấn chứng cho con. Nếu những quyền phép này đến từ Sa-tan và các tà thần của nó mà xưa nay con đã bị lường gạt, thì xin Chúa cứu lấy con, giải phóng con khỏi các quyền lực tối tăm này và phục hồi cho con những ân tứ thật sự đến từ Đức Thánh Linh." Tiếp liền theo đó là nhân danh Đức Chúa Jesus Christ để xua đuổi các tà linh ra khỏi thân thể mình.

Chúng ta không thể đồng nhất ước mơ với khải tượng. Ước mơ đến từ chúng ta và khó thể hiện thực. Khải tượng đến từ Thiên Chúa hoặc tà linh. Chúng ta cũng không thể đưa ra ý chí của mình cho Thiên Chúa đóng dấu chấp thuận, mà chúng ta phải sống và làm theo thánh ý của Cha chúng ta ở trên trời. Người thật sự ở trong Chúa sẽ nghe được tiếng gọi của Chúa, sẽ biết được Chúa ban cho mình những ân tứ gì, và sẽ hết lòng, hết sức làm theo tiếng gọi của Ngài. Đức Chúa Jesus phán: "Chiên Ta nghe tiếng Ta!" Chiên thật của Chúa đương nhiên nghe tiếng Chúa, không cần phải cầu xin cho được nghe tiếng Chúa! Điều duy nhất con dân Chúa cần cầu xin đó là: cầu xin Chúa ban cho sự khôn ngoan và được kết quả trong sự hầu việc Chúa của mình.

 

Huỳnh Christian Timothy
03.09.2007
Hiệu Đính Lần Thứ Nhất 14.12.2012


Copyright Notice: All Rights Reserved © 2012 Vietnamese Christian Mission Ministry.
Thông Báo Tác Quyền: Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức nhưng xin giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.

Đọc Tiếp →

6,340 views

Hỏi & Đáp: Ví Dụ về Tiệc Cưới

Copyright Notice:Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry – All Rights Reserved © 2007 Vietnamese Christian Mission Ministry, Inc. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức với điều kiện giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.

Mục Tử
Bấm vào đây để download bài viết này

[951]

Hỏi:

Diễn giả chia sẻ Lời Chúa sáng nay ở chi Hội mà tôi sinh hoạt chung. Đến giờ chia sẻ Lời Chúa, thì ông chọn chương Ma-thi-ơ 22 làm nền tảng. Vì trong lúc chưa đến giờ giảng thì tôi thấy ông mục sư này nhiều lần mở đọc quyển 'Hội Thánh theo đúng mục đích,' nên tôi chú ý rất kỹ đến những điều giảng dạy của ông. Phần lớn thì tôi đồng tình với những gì ông phân tích và áp dụng, nhưng có phần sau thì tôi không chắc, xin tinlanhbiengiao.net cho ý kiến ngắn gọn về phần này của ông:

Ma-thi-ơ 22:2: "nước thiên đàng giống như một vua kia làm tiệc cưới cho con mình"

– Diễn giả giới thiệu các cách tổ chức buổi tiệc và đặc biệt là tiệc buffet, tiệc mà mọi người được đối xử công bằng với nhau, các món được dọn ra thì ai cũng có thể được ăn.

– Diễn giả đồng nhất tiệc của Chúa với tiệc của vị vua đó với tiệc buffet.
– Diễn giả đưa ra bài học áp dụng: Trong Hội Thánh, nếu tín đồ muốn có ân "nói, cầu nguyện tiếng lạ; chữa lành; đuổi quỷ; biện biệt…"' thì cứ yêu cầu Chúa, thì sẽ được, vì Chúa "đã dọn ra rồi". Ông trích dẫn câu Thánh Kinh "anh em chẳng được chi vì không cầu xin"

(Andy)

Đáp:

Chào bạn Andy,

Trong Ma-thi-ơ 22:1-14 Đức Chúa Jesus dùng hình ảnh một tiệc cưới hoàng gia để nêu lên một số đặc điểm về nước thiên đàng. Có hai điểm nổi bật trong thí dụ này:

1. Khách danh dự được mời đã từ chối đến dự tiệc cho nên nhiều người khác đã được mời thế vào.
2. Trong số những khách dự tiệc có một người không mặc lễ phục nên bị đuổi ra khỏi bửa tiệc.

Câu 14 đúc kết ý nghĩa thật sự của thí dụ này: "Bởi vì có nhiều kẻ được gọi, mà ít người được chọn."

Ngay từ buổi ban đầu của mục vụ, Đức Chúa Jesus đã liên kết mục vụ của Ngài với hình ảnh của một tiệc cưới mà Ngài là chàng rễ (Mác 2:19,20). Thí dụ tiệc cưới nhằm nói lên có nhiều người được mời gọi đến với sự cứu rỗi của Thiên Chúa nhưng có ít người tiếp nhận. Trong tiệc cưới, sự mời gọi tùy thuộc vào chủ tiệc nhưng sự được chọn tùy thuộc vào khách được mời. Trong nước trời, sự mời gọi tùy thuộc vào Đức Chúa Cha nhưng sự được chọn tùy thuộc vào những người tiếp nhận sự mời gọi ấy.

Bài học trong thí dụ tiệc cưới đối với dân tộc Israel là:

1. Nước thiên đàng bị khưóc từ bởi những người lẽ ra phải hân hoan đón nhận. Những người này là các nhà lãnh đạo Do-thái giáo, những người được gần gũi, bảo tồn, và truyền đạt lời Chúa.

2. Nước thiên đàng được mở rộng ra cho"những kẻ thu thuế, phường đĩ điếm," những người gian ác không có cơ hội gần gũi lời Chúa như các nhà lãnh đạo Do-thái giáo.

3. Dù đã được mời gọi, đã tiếp nhận lời mời gọi, đã được quyền vào trong nước trời, nhưng nếu người nào không mặc lấy Đấng Christ (sự công chính do huyết báu của Đấng Chris đổ ra trên thập tự giá) thì sẽ bị ném ra khỏi nước trời.

Trong Ma-thi-ơ 5:20 Đức Chúa Jesus nói rõ, nếu sự công bình của một người không trổi hơn của những người Pha-ri-si, những giáo sư dạy Thánh Kinh của Do-thái Giáo thì người ấy không thể vào thiên đàng. Sự công bình mà Đức Chúa Jesus nói đến đó, chỉ có thể có do sự chuộc tội của Ngài. Muốn trở nên công bình hơn tiêu chuẩn của các nhà lãnh đạo Do-thái giáo chỉ có một phương cách duy nhất là hạ mình ăn năn tội và tiếp nhận ơn cứu rỗi của Thiên Chúa. Một người muốn dựa vào sự công bình cá nhân của mình (tu trì, làm việc công đức, "hầu việc Chúa…") sẽ không thể nào vào được thiên đàng. Sự công bình của loài người chỉ là áo nhớp trước mặt Thiên Chúa (Ê-sai 64:6), vì không có một người công bình nào trên đất (Thi Thiên 14:3).

Bài học trong thí dụ tiệc cưới đối với Hội Thánh ngày nay là:

1. Nước thiên đàng bị khước từ bởi những người cao trọng trong hàng ngũ lãnh đạo của các giáo hội, những Pha-ri-si và thầy thông giáo thời đại, suốt hơn ngàn năm nay (Cô-lô-se 2:16-23; II Ti-mô-thê 3:6-9); điển hình là Giáo Hội Công Giáo La-mã.

2. Nước thiên đàng được mở rộng ra cho tất cả mọi dân tộc (Lu-ca 24:47).

3. Nhiều người tin nhận Chúa nhưng cậy vào công đức của mình thay vì cậy vào sự thương xót của Thiên Chúa, họ kiêu căng, ngạo mạn, tìm kiếm quyền lực và vinh hiển cá nhân nên sập bẫy ma quỷ. Họ ngày càng lún sâu hơn trong sự kiêu ngạo và những quyền năng, phép lạ đến từ ma quỉ, tự lừa gạt chính mình và lừa gạt người khác. Họ sẵn lòng bẻ cong lời Chúa, giải thích, rao giảng Thánh Kinh theo ý riêng sao cho phù hợp với mục đích riêng của mình; điển hình là các phong trào Ân Tứ/Ngũ Tuần. Về những người này, lời Chúa đã phán tỏ tường trong Ma-thi-ơ 7:

21 Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng Ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước thiên đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha Ta ở trên trời mà thôi.
22 Ngày đó, sẽ có nhiều người thưa cùng Ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, chúng tôi chẳng từng nhơn danh Chúa mà nói tiên tri sao? nhơn danh Chúa mà trừ quỉ sao? và lại nhơn danh Chúa mà làm nhiều phép lạ sao?
23 Khi ấy, Ta sẽ phán rõ ràng cùng họ rằng: Hỡi kẻ làm gian ác, Ta chẳng biết các ngươi bao giờ, hãy lui ra khỏi Ta!

Thí dụ tiệc cưới là thí dụ về nước thiên đàng, không phải thí dụ về sự ban cho ân tứ của Đức Thánh Linh.

Cho là thí dụ tiệc cưới nói về sự ban cho ân tứ của Đức Thánh Linh đi chăng nữa, thì tín đồ cũng không cần "cầu xin" gì cả, vì Chúa "đã dọn ra rồi." Không một người nào xin Vua mời mình dự tiệc cưới. Không một chỗ nào trong thí dụ cho thấy là người dự tiệc phải "cầu xin được ăn."

Câu Thánh Kinh Gia-cơ 4:2,3 thường được trích dẫn để nói rằng: một người không nhận lãnh Đức Thánh Linh hoặc ân tứ của Đức Thánh Linh là vì không cầu xin. Sự áp dụng này hoàn toàn sai lạc:

– Thứ nhất, Gia-cơ 4:2,3 không nói đến việc cầu xin Đức Thánh Linh hay cầu xin ân tứ của Đức Thánh Linh. Muốn hiểu rõ ý nghĩa của những câu này, chúng ta cần phải xem xét toàn bộ văn cảnh (context), bắt đầu từ Gia-cơ 3:13:

13 Trong anh em có người nào khôn ngoan thông sáng chăng: Hãy lấy cách ăn ở tốt của mình mà bày tỏ việc mình làm bởi khôn ngoan nhu mì mà ra.
14 Nhưng nếu anh em có sự ghen tương cay đắng và sự tranh cạnh trong lòng mình, thì chớ khoe mình và nói dối nghịch cùng lẽ thật.
15 Sự khôn ngoan đó không phải từ trên mà xuống đâu; trái lại, nó thuộc về đất, về xác thịt và về ma quỉ.
16 Vì ở đâu có những điều ghen tương tranh cạnh ấy, thì ở đó có sự lộn lạo và đủ mọi thứ ác.
17 Nhưng sự khôn ngoan từ trên mà xuống thì trước hết là thanh sạch, sau lại hòa thuận, tiết độ, nhu mì, đầy dẫy lòng thương xót và bông trái lành, không có sự hai lòng và giả hình.
18 Vả bông trái của điều công bình thì gieo trong sự hòa bình, cho những kẻ nào làm sự hòa bình vậy.

Gia-cơ 4:

1 Những điều chiến đấu tranh cạnh trong anh em bởi đâu mà đến? Há chẳng phải từ tình dục anh em vẫn hay tranh chiến trong quan thể mình sao?
2 Anh em tham muốn mà chẳng được chi; anh em giết người và ghen ghét mà chẳng được việc gì hết; anh em có sự tranh cạnh và chiến đấu; anh em chẳng được chi, vì không cầu xin.
3Anh em cầu xin mà không nhận lãnh được, vì cầu xin trái lẽ, để dùng trong tư dục mình.
4 Hỡi bọn tà dâm kia, anh em há chẳng biết làm bạn với thế gian tức là thù nghịch với Đức Chúa Trời sao? Cho nên, ai muốn làm bạn với thế gian, thì người ấy trở nên kẻ nghịch thù cùng Đức Chúa Trời vậy.
5 Hay là anh em tưởng Kinh Thánh nói vô ích sao? Đức Thánh Linh mà Đức Chúa Trời khiến ở trong lòng chúng ta, ham mến chúng ta đến nỗi ghen tương,
6 nhưng Ngài lại ban cho ta ơn lớn hơn nữa. Vì vậy, Thánh Kinh chép rằng: Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường.
7 Vậy hãy phục Đức Chúa Trời; hãy chống trả ma quỉ, thì nó sẽ lánh xa anh em.
8 Hãy đến gần Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ đến gần anh em. Hỡi kẻ có tội, hãy lau tay mình, có ai hai lòng, hãy làm sạch lòng đi;
9 hãy cảm biết sự khốn nạn mình, hãy đau thương khóc lóc; hãy đổi cười ra khóc, đổi vui ra buồn.
10 Hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa, thì Ngài sẽ nhắc anh em lên.

Rõ ràng Gia-cơ nhắc đến việc Đức Thánh Linh đã ở trong lòng người tin Chúa cho nên tín đồ không cần thiết phải cầu xin Chúa ban Đức Thánh Linh cho mình (câu 5). Chính Đức Chúa Jesus khẳng định, hễ ai tin nhận Ngài thì được nhận lãnh Đức Thánh Linh (Giăng 7:38,39):

38 Kẻ nào tin ta thì sông nước hằng sống sẽ chảy từ trong lòng mình, y như Kinh Thánh đã chép vậy.
39 Ngài phán điều đó chỉ về Đức Thánh Linh mà người nào tin Ngài sẽ nhận lấy; bởi bấy giờ Đức Thánh Linh chưa ban xuống, vì Đức Chúa Jêsus chưa được vinh hiển.

Đức Chúa Jesus đã được vinh hiển qua sự sống lại và thăng thiên, ĐứcThánh Linh đã được ban xuống trong ngày Lễ Ngũ Tuần cách nay gần hai ngàn năm, cho nên kể từ đó, hễ ai tin nhận Đấng Christ và tuyên xưng đức tin qua lễ báp-tem nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi, thì đương nhiên nhận lãnh Đức Thánh Linh và Thánh Linh mà không cần cầu xin gì cả (Công Vụ 2:38):

38 Phi-e-rơ trả lời rằng: Hãy hối cải, ai nấy phải nhơn danh Đức Chúa Jêsus chịu phép báp-tem, để được tha tội mình, rồi sẽ được lãnh sự ban cho Đức Thánh Linh.

– Thứ nhì, điều mà Gia-cơ nói tín đồ không nhận lãnh vì không cầu xin không phải là Đức Thánh Linh hay ân tứ của Ngài, mà là "sự khôn ngoan thông sáng từ Thiên Chúa" dẫn đến nếp sống đạo tràn đầy "bông trái của sự công bình" (Gia-cơ 3:13, 17). Thật vậy, ngay trong phần mở đầu của lá thư, Gia-cơ đã khuyên tín đồ cầu xin sự khôn ngoan thông sáng từ Thiên Chúa (Gia-cơ 1:1-3):

5 Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi, không trách móc ai, thì kẻ ấy sẽ được ban cho.
6 Nhưng phải lấy đức tin mà cầu xin, chớ nghi ngờ; vì kẻ hay nghi ngờ giống như sóng biển, bị gió động và đưa đi đây đi đó.
7 Người như thế chớ nên tưởng mình lãnh được vật chi từ nơi Chúa:

Nhiều người trong Hội Thánh thời bấy giờ cũng như thời nay kiêu ngạo dựa vào sự khôn ngoan của thế gian (triết học, tâm lý học, văn hóa dân tộc, đạo đức tôn giáo, mưu kế, thủ đoạn…) để "hầu việc Chúa" nhưng bị thất bại, không kết quả thì lại ganh tỵ, nói xấu, hãm hại những người biết nương cậy nơi sự khôn ngoan từ Thiên Chúa mà hầu việc Ngài.

Toàn bộ thư Gia-cơ không hề nói đến sự tín đồ cầu xin cho được nhận lãnh Đức Thánh Linh hoặc ân tứ của Ngài. Việc sử dụng câu "anh em chẳng được chi vì không cầu xin" trong Gia-cơ 4:2 để cho rằng một người muốn nhận lãnh Đức Thánh Linh hay ân tứ của Ngài thì phải cầu xin là một việc làm giải kinh tùy tiện và gượng ép, bóp méo lẽ thật của Lời Chúa.

Đức Thánh Linh đương nhiên ngự vào lòng những ai tin nhận sự cứu rỗi của Thiên Chúa và vâng theo lời phán dạy của Chúa để làm ấn chứng cho sự cứu rỗi mà tín đồ không cần phải cầu xin. Một đứa bé được sinh ra đời, đương nhiên có sự sống mà không cần phải cầu xin cha mẹ ban sự sống cho mình. Một người tin nhận và đầu phục Chúa, được tái sinh, đương nhiên có Đức Thánh Linh và Đức Cha, Đức Con ngự trong lòng mà không cần cầu xin.

Ân tứ của Đức Thánh Linh đương nhiên được ban cho mỗi người tùy theo ý muốn của Đức Thánh Linh để gây dựng Hội Thánh của Đấng Christ mà không cần phải cầu xin.Nếu chúng ta không cần cầu xin sự sống đời đời thì chúng ta cũng không cần cầu xin ân tứ của Đức Thánh Linh, vì sự sống đời đời và ân tứ của Đức Thánh Linh đều là quà tặng của Thiên Chúa cho những ai đã được ban cho quyền phép trở nên con cái của Đức Chúa Trời. Một thân thể có sự sống thì mỗi chi thể đương nhiên tiếp nhận những gì cần thiết do sự sống đem lại mà không cần cầu xin gì cả. Ân tứ của Đức Thánh Linh là sự ban cho đương nhiên, tín đồ không cần cầu xin:

38 Kẻ nào tin ta thì sông nước hằng sống sẽ chảy từ trong lòng mình, y như Kinh Thánh đã chép vậy.
39 Ngài phán điều đó chỉ về Đức Thánh Linh mà người nào tin Ngài sẽ nhận lấy; bởi bấy giờ Thánh Linh chưa ban xuống, vì Đức Chúa Jêsus chưa được vinh hiển.
(Giăng 7:38-39).

4 Lúc ở với các sứ đồ, Ngài dặn rằng đừng ra khỏi thành Giê-ru-sa-lem, nhưng phải ở đó chờ điều Cha đã hứa, là điều các ngươi đã nghe ta nói.
8 Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất.
(Công Vụ 1:4,8).

Chúa bảo các môn đồ chờ đợi để nhận lãnh Đức Thánh Linh và ân tứ (quyền phép) của Đức Thánh Linh, Chúa không bảo họ kêu cầu.

17 Đức Chúa Trời phán: Trong những ngày sau rốt, Ta sẽ đổ Thần ta khắp trên mọi xác-thịt; Con trai và con gái các ngươi đều sẽ nói lời tiên tri, Bọn trai trẻ sẽ thấy điềm lạ, Và các người già cả sẽ có chiêm bao,
18 Phải, trong những ngày đó, ta sẽ đổ Thần ta khắp trên các đầy tớ trai và gái ta, Chúng nó đều nói lời tiên tri;
(Công Vụ 2:17-18).

Không hề có điều kiện cầu xin được nêu lên. Đức Chúa Cha ban Con Một của Ngài cho thế gian mà không cần thế gian phải cầu xin. Đức Chúa Cha ban Đức Thánh Linh cho Hội Thánh mà không cần Hội Thánh phải cầu xin.

37 Chúng nghe bấy nhiêu lời, trong lòng cảm động, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: Hỡi anh em, chúng ta phải làm chi?
38 Phi-e-rơ trả lời rằng: Hãy hối cải, ai nấy phải nhơn danh Đức Chúa Jêsus chịu phép báp-tem, để được tha tội mình, rồi sẽ được lãnh sự ban cho Đức Thánh Linh.

(Công Vụ 2:37-38).

Điều kiện nhận lãnh sự ban cho của Đức Thánh Linh là: Ăn năn, chứng tỏ sự ăn năn qua sự chịu lễ báp-tem Chúa dạy. Không hề có điều kiện cầu xin.

4 Vả, có các sự ban cho khác nhau, nhưng chỉ có một Đức Thánh Linh.
5 Có các chức vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa.
6 Có các việc làm khác nhau, nhưng chỉ có một Đức Chúa Trời, là Đấng làm mọi việc trong mọi người.
7 Đức Thánh Linh tỏ ra trong mỗi một người, cho ai nấy đều được sự ích chung.
8 Vả, người nầy nhờ Đức Thánh Linh, được lời nói khôn ngoan; kẻ kia nhờ một Đức Thánh Linh ấy, cũng được lời nói có tri thức.
9 Bởi một Đức Thánh Linh, cho người nầy được đức tin; cũng bởi một Đức Thánh Linh ấy, cho kẻ kia được ơn chữa tật bịnh;
10 người thì được làm phép lạ; kẻ thì được nói tiên tri; người thì được phân biệt các thần; kẻ thì được nói nhiều thứ tiếng khác nhau, người thì được thông giải các thứ tiếng ấy.
11 Mọi điều đó là công việc của đồng một Đức Thánh Linh mà thôi, theo ý Ngài muốn, phân phát sự ban cho riêng cho mỗi người.

(1 Cô-rinh-tô 12:4-11).

Lời Chúa dạy rõ ràng, ân tứ của Đức Thánh Linh là do Đức Thánh Linh ban cho mỗi người tùy theo ý ngài muốn, không phải tùy theo sự cầu xin của chúng ta. Làm sao chúng ta biết ân tứ nào thích hợp cho mình để gây dựng Hội Thánh mà cầu xin?

Trên một phương diện khác, một người thật lòng tin nhận Chúa, đã được ban cho Đức Thánh Linh làm ấn chứng và ân tứ của Đức Thánh Linh để gây dựng Hội Thánh nhưng không tin điều đó, cho rằng mình chưa có Đức Thánh Linh, chưa có ân tứ Đức Thánh Linh, lại cầu xin Đức Thánh Linh và ân tứ Đức Thánh Linh qua các tổ chức Ân Tứ/Ngũ Tuần là một sự mắc bẫy của Sa-tan, khiến cho tà linh thừa cơ xâm nhập thân thể của mình.

Chúa phán:"Dân ta bị diệt vì thiếu sự thông biết" (Ô-sê 4:6). Dân Chúa thiếu sự thông biết vì không tra cứu lời Chúa xem những sự giảng dạy của người khác có đúng với lời Chúa hay không (ví dụ như lời giảng của người mục sư về thí dụ tiệc cưới trên đây) mà cứ tin theo vì thấy những "dấu kỳ phép lạ."

Cái gọi là "ân tứ" mà một người có được do "cầu xin," chắc chắn không phải đến từ Đức Thánh Linh, vì Đức Thánh Linh không hề ban ân tứ cho chúng ta theo sự cầu xin của chúng ta mà là theo ý Ngài muốn. Quyền năng, phép lạ không đến từ Đức Chúa Trời hẳn nhiên đến từ Satan.

Mục Tử
09.03.2007

Đọc Tiếp →

7,025 views

Hỏi & Đáp: Đặt Tay Té Ngã

[2100]

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài này:
http://www.mediafire.com/view/?obtn39dr3euu0kd

Huỳnh Christian Timothy

Hỏi

Vào ngày kỷ niệm lễ Ngũ Tuần gần đây nhất (2007) vào cuối giờ thờ phượng, ông mục sư P.Đ.N có mời gọi các tín đồ tiến lên phía trên để được ông đặt tay cầu nguyện (đầy dẫy Thánh Linh), có hai ba người lên để được cầu nguyện. Khi được đặt tay cầu nguyện, ông mục sư có cầm micro và cầu nguyện bằng tiếng lạ, đa phần những người được đặt tay đều té ngã… Theo phân tích của Huỳnh Christian Timothy, việc làm của ông là sai với Thánh Kinh, và sai với Thánh Kinh thì có kẻ hở để Satan chen vào, suy ra những việc làm ra từ đây đều đến từ ma quỷ.

Về phần mục sư này, tôi cũng biết về ông hơi nhiều: càng ngày ông càng ít nóng tính, ông dâng hiến 6/10, ông hay giúp đỡ người nghèo, theo cách nhìn của tôi thì ông là một người rất tốt, lộ ra bông trái của Thánh Linh (nhưng tôi không biết về thời gian cầu nguyện của ông). Điều này có gì trái ngược với phân tích của Huỳnh Christian Timothy trong tinlanhbiengiao.net hay không?

Đáp

Như bạn đã biết, trong Thánh Kinh không hề có ghi lại một trường hợp nào một người được người khác đặt tay cầu nguyện, hoặc được đầy dẫy Thánh Linh, thì té ngã. Dưới đây là những trường hợp được báp-tem bằng Thánh Linh và đầy dẫy Thánh Linh mà Thánh Kinh ghi chép rõ ràng:

  • Trường hợp 1:Các môn đồ, bao gồm các sứ đồ, khoảng 120 người, vâng lời Chúa, chờ đợi tại Giê-ru-sa-lem để được báp-tem bằng Thánh Linh (Công Vụ 1:4-5). Khi Đức Thánh Linh giáng lâm, Ngài đổ đầy Thánh Linh trên họ, họ được đầy dẫy Thánh Linh và khởi nói các thứ tiếng ngoại quốc theo như sự ban cho của Đức Thánh Linh (Công Vụ 2:4). Không một người nào bị té ngã. Không một người nào xin được nói tiếng lạ. Không một người nào tập nói tiếng lạ. Không một ai đặt tay trên họ!
  • Trường hợp 2:Những người Sa-ma-ri từ bỏ phép thuật của thuật sĩ Si-môn, và tin nhận Đấng Christ (Công Vụ 8:4-25). Đây là một trưòng hợp đặc biệt. Dân Sa-ma-ri vốn là một sắc dân lai chủng giữa dân I-sơ-ra-ên và các dân tộc khác. Người I-sơ-ra-ên chính gốc khinh rẽ và không giao tiếp với dân Sa-ma-ri (Giăng 4:9). Sau khi Hội Thánh bị Sau-lơ bách hại nặng nề, dẫn đến sự tuẫn đạo của Ê-tiên thì các môn đồ (ngoại trừ các sứ đồ) đều phải lánh nạn khỏi thành Giê-ru-sa-lem (Công Vụ Các Sứ Đồ 8:1). Phi-líp là một trong những môn đồ lánh nạn, và ông đã đi đến thành Sa-ma-ri. Có lẽ, vì dân Sa-ma-ri vốn có dòng máu I-sơ-ra-ên, và trước đó cũng đã có cả làng tin nhận Đấng Christ, cho nên, Phi-líp tự nhiên rao giảng về Chúa cho họ. Cũng có lẽ, Phi-líp ghi nhớ lòi Chúa dạy là hãy rao giảng về Chúa khắp Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri… (Công Vụ Các Sứ Đồ 1:8) cho nên ông chọn đến Sa-ma-ri.

Kết quả truyền giáo của Phi-líp rất là độc đáo. Đức Thánh Linh qua Phi-líp đã thi hành nhiều phép lạ, đánh bại sự tôn thờ của người Sa-ma-ri đối với tà thuật của Si-môn, (họ tin rằng quyền phép của Si-môn đến từ Đức Chúa Trời – Công Vụ Các Sứ Đồ 8:10), và bắt phục luôn cả Si-môn, khiến Si-môn cùng với dân thành Sa-ma-ri tin nhận Đấng Christ và chịu phép báp-tem.

Điều lạ lùng ở đây là, mặc dù dân Sa-ma-ri đã tin nhận Chúa, đã chịu lễ báp-tem, nhưng Đức Thánh Linh vẫn chưa giáng trên họ (Công Vụ Các Sứ Đồ 8:16). Khi nghe tin những người Sa-ma-ri đã tin nhận Chúa thì các sứ đồ tại thành Giê-ru-sa-lem cử Phi-e-rơ và Giăng, là hai nhân vật mà sau này Phao-lô xác nhận rằng là cột trụ của Hội Thánh (Ga-la-ti 2:9), đến để cầu nguyện cho những môn đồ người Sa-ma-ri được nhận lãnh Thánh Linh.

Lý do sự nhận lãnh Đức Thánh Linh và được báp-tem trong Thánh Linh bị trì hoãn đối với những người Sa-ma-ri có thể được trình bày như sau:

a) Chúa muốn những sứ đồ, cột trụ của Hội Thánh, đại diện cho Hội Thánh, đích thân và công khai tìm đến tiếp nhận những người Sa-ma-ri vào trong Hội Thánh, từ đó xóa đi hàng rào ngăn cách lâu đời giữa dân I-sơ-ra-ên và dân Sa-ma-ri.

b) Đức Thánh Linh giáng xuống trên các môn đồ Sa-ma-ri trước sự hiện diện và đặt tay của các sứ đồ cột trụ trong Hội Thánh khiến cho không một ai trong Hội Thánh có thể chống đối việc hội nhập những người Sa-ma-ri vào trong Hội Thánh.

Nhận xét:Chính Phi-líp là một nhà truyền giáo đầy ơn của Chúa, qua Phi-líp, Đức Thánh Linh đã làm nhiều phép lạ để thu phục thuật sĩ Si-môn cùng dân thành Sa-ma-ri, thì không có lý do gì Phi-líp không thể đặt tay cầu nguyện cho những người Sa-ma-ri nhận lãnh Đức Thánh Linh và Thánh Linh, như sau này Phao-lô đã làm đối với các môn đồ tại thành Ê-phê-sô. Nếu Phi-líp không có tư cách để đặt tay cầu nguyện cho những người Sa-ma-ri thì e rằng ngày nay chẳng có một mục sư Ân Tứ hay Ngũ Tuần nào có tư cách, vì trong lịch sử 100 năm của các phong trào Ân Tứ và Ngũ Tuần chưa hề có người nào được đầy ơn và làm ra các phép lạ như Phi-líp, người được chính Thánh Kinh làm chứng là đầy dẫy Thánh Linh. Vậy, hai lý do nêu ra trên đây là khả dĩ. Trường hợp tại Sa-ma-ri là một biệt lệ. Trong trường hợp này cũng không có sự té ngã nào.

  • Trường hợp 3:Gia đình Cọt-nây (Công Vụ Các Sứ Đồ 10). Trong khi Phi-e-rơ đang giảng Đạo thì gia đình Cọt-nây được báp-tem bằng Thánh Linh, mặc dù họ chưa nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa để làm báp-tem bằng nước, và cũng chưa xưng nhận ra miệng đức tin của mình. Đây là trường hợp biệt lệ thứ nhì, là một "phép lạ" để bắt phục các sứ đồ và những tín đồ gốc Do-thái, rằng Tin Lành cũng được ban cho dân ngoại, rằng phép cắt bì không là điều kiện để được cứu rỗi, rằng ngay cả phép báp-tem bằng nước cũng không phải là điều kiện để được cứu rỗi (ngày nay có tà thuyết "tái sinh bởi phép báp-tem"). Gia-đình Cọt-nây đã tin Chúa từ trước khi Phi-e-rơ đến giảng (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:2). Vì vậy, điều kiện duy nhất để nhận sự cứu rỗi, được nhận lãnh Đức Thánh Linh, được báp-tem bằng Thánh Linh là tin nhận Chúa và kính sợ, vâng phục Ngài. Không một ai đặt tay trên gia đình Cọt-nây, không một ai trong gia đình Cọt-nây té ngã khi được báp-tem bằng Thánh Linh, không một ai trong gia đình Cọt-nây nài xin nhận lãnh Đức Thánh Linh, không một ai trong gia đình Cọt-nây cầu xin được nói tiếng lạ.
  • Trường hợp 4:Một số môn đồ tại thành Ê-phê-sô (Công Vụ Các Sứ Đồ 19:1-7). Khi Phao-lô gặp khoảng 12 người tin Chúa tại thành Ê-phê-sô, có lẽ ông nhận biết họ chưa được báp-tem bằng Thánh Linh, cho nên, ông hỏi họ: "Từ khi anh em tin, có lãnh được Thánh Linh chăng?" và những người đó thưa rằng: "Chúng tôi cũng chưa nghe có Thánh Linh nào!" (Công Vụ Các Sứ Đồ 19:2).

Nhận xét:Phao-lô không hỏi "Từ khi anh em tin, có cầu xin cho được nhận lãnh Thánh Linh chưa?" Phao-lô cũng không hỏi "Anh em có muốn nhận lãnh Thánh Linh hay không?" Phao-lô cũng không hỏi "Từ khi anh em tin, có sứ đồ nào đặt tay trên anh em chưa?". Nhưng Phao-lô hỏi: "Từ khi anh em tin, có lãnh được Thánh Linh chăng?" Khi nghe họ trả lời rằng chưa hề nghe nói đến Thánh Linh thì Phao-lô biết ngay họ chưa được báp-tem bằng Thánh Linh, cho nên, ông hỏi tiếp: "Vậy thì anh em đã chịu phép báp-tem nào?" Các môn đồ trả lời: "Phép báp-tem của Giăng." Phao-lô liền giải thích phép báp-tem của Giăng dạy chỉ là phép báp-tem ăn năn tội, và ngay sau đó họ bằng lòng làm báp-tem trở lại theo mệnh lệnh của Đức Chúa Jesus Christ, nghĩa là phép báp-tem nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh, là phép báp-tem ăn năn tội, phép báp-tem vào trong sự sống lại và sự sống đời đời của Đấng Christ, và phép báp-tem vào trong quyền phép của Đức Thánh Linh. Câu 6: "Sau khi Phao-lô đặt tay lên, thì có Đức Thánh Linh giáng trên họ…" cũng có thể hàm ý Phao-lô là người làm báp-tem cho họ, và như vậy, không phải vì Phao-lô đặt tay mà họ được đầy dẫy Thánh Linh, nhưng vì họ vừa nhận lãnh lễ báp-tem trong danh Thiên Chúa Ba Ngôi, tức vừa được báp-tem bằng Thánh Linh. Trong trường hợp này cũng không có sự té ngã, sự cầu xin.

Việc tôi tớ Chúa cầu nguyện, đặt tay khiến cho con dân Chúa được nhận lãnh Đức Thánh Linh và được báp-tem bằng Thánh Linh là một thực tế xảy ra trong Hội Thánh lúc ban đầu trong hai trường hợp đặc biệt đã nêu trên, (2) và (4). Ngày nay, Hội Thánh của Chúa đã lớn mạnh, đạo Tin Lành đã vững, nguyên tắc nhận lãnh Đức Thánh Linh là ăn năn tội, chịu lễ báp-tem trong danh Thiên Chúa Ba Ngôi; nguyên tắc để được đầy dẫy Thánh Linh là "đừng say rượu" (đừng để cho sự ham mến thế gian điều khiển lòng mình). Khi một người không còn yêu mến thế gian và những sự thuộc về thế gian thì đương nhiên chỉ còn lại sự hết lòng yêu kính Chúa và yêu thương tội nhân. Một người như vậy không thể không đầy dẫy Thánh Linh.

Nhận lãnh Đức Thánh Linh là được Đức Thánh Linh ngự vào lòng, ấn chứng cho sự cứu chuộc. Báp-tem bằng Thánh Linh là được dầm thấm, đổ đầy trong năng lực và quyền quép của Đức Thánh Linh. Năng lực và quyền phép của Đức Thánh Linh được gọi là Thánh Linh, khác với Đức Thánh Linh là thân vị của Thiên Chúa Ngôi Thánh Linh.

Bông trái của Đức Thánh Linh không phải là hành vi đạo đức bên ngoài của một người. Dâng hiến 6/10 cũng không phải là biểu hiệu của sự đầy dẫy Thánh Linh, lại càng không phải là bông trái của Đức Thánh Linh (nhưng làm sao bạn biết là ông dâng 6/10?) Nhiều người không hề tin nhận Chúa, không hề có Đức Thánh Linh trong lòng nhưng đời sống đạo đức trong xã hội đáng làm gương cho con dân Chúa.

Bông trái của Đức Thánh Linh là hành vi đạo đức bên ngoài đúng theo Lời Chúa, phát xuất từ sự biến đổi bên trong bởi Đức Thánh Linh. Một người có Đức Thánh Linh thì không thể rao giảng nghịch lại lẽ thật của Thánh Kinh. Một người được đầy dẫy Thánh Linh thì không còn yêu mến thế gian và những sự thuộc về thế gian.

 

Huỳnh Christian Timothy
03.09.2007
Hiệu Đính Lần Thứ Nhất 14.12.2012


Copyright Notice: All Rights Reserved © 2012 Vietnamese Christian Mission Ministry.
Thông Báo Tác Quyền: Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức nhưng xin giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.

 

 

Đọc Tiếp →

7,152 views

Hỏi & Đáp: Ý Nghĩa I Cô-rinh-tô 12

Copyright Notice:Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry – All Rights Reserved © 2007 Vietnamese Christian Mission Ministry, Inc. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức với điều kiện giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.

Mục Tử
Bấm vào đây để download bài viết này

[656]

Hỏi:

Xin Tin-Lành Biện Giáo vui lòng giảng dạy thêm đoạn Thánh Thư của vị Sứ Đồ khả kính Phao-lô gởi cho Hội Thánh Cô-rinh-tô: I Cor. 12:1-31.(Tran d. Phung)

Đáp:

Thưa bạn Tran d. Phung,

Nhận được yêu cầu trên đây của bạn gửi đến Ban Biên Tập tinlanhbiengiao.net, Mục Tử mạn phép cậy ơn Chúa để chia sẻ sự hiểu biết của mình về đoạn Thánh Kinh I Cô-rinh-tô 12.

1 Hỡi anh em, tôi không muốn anh em chẳng biết về các sự ban cho thiêng liêng.

Sứ Đồ Phao-lô muốn cho tín hữu của Hội Thánh Cô-rinh-tô và "mọi người bất luận ở nơi nào, cầu khẩn danh Đức Chúa Jesus Christ chúng ta, là Chúa của những người ấy và của chúng ta" (I Cô-rinh-tô 1:2) được hiểu biết về các sự ban cho thiêng liêng, tức là sự ban cho:

1. Quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, được tái sinh trong Đấng Christ, trở thành chi thể của Ngài
(câu 12-27)
2. Các chức vụ trong Hội Thánh (câu 5, 28-30)
3. Các công vụ của Đức Thánh Linh trong Hội Thánh (câu 6-11)

Sau khi có sự hiểu biết tỏ tường về các sự ban cho thiêng liêng thì tín hữu mới có thể hiểu được sự ban cho lớn hơn hết mà Phao-lô trình bày trong đoạn 13 (câu 31).

2 Anh em biết khi mình còn là người ngoại đạo, bị khuyên dỗ hướng về các thần tượng câm, tùy ý người ta dẫn dụ mình.

Khi nói "anh em biết" là Phao-lô khẳng định mỗi tín hữu đều biết lẽ thật này: ấy là khi còn là người chưa tin nhận Chúa, chúng ta bị người khác dụ dỗ chúng ta thờ lạy các thần tượng câm. Thần tượng câm có nghĩa là thần tượng không có lời sự sống, khác với Đức Chúa Trời là Đấng có Ngôi Lời và Ngôi Lời là sự sống và sự sáng của thế gian (Giăng 1:4). Chữ "tùy ý" trong câu này có nghĩa là người ta bảo sao, chúng ta làm vậy, bất kể có đúng lời Chúa hay không.

Ngày nay, nhiều người vẫn bị người khác "tùy ý" dẫn dụ đi xa lẽ thật, đi xa lời sự sống và sự sáng của Đức Chúa Trời. Những phong trào "hòa đồng tôn giáo" như Thần Học Hội Nhập, Thần Học Con Mắt Thứ Ba, Sống Theo Đúng Mục Đích, Hội Thánh Theo Đúng Mục Đích, Nói Tiếng Lạ (Người Công Giáo và người Tin Lành "thông công" với nhau trong những buổi cầu nguyện tiếng lạ)… là điển hình cho sự "tùy ý dẫn dụ" trong câu này.

Chỉ có những người "ngoại đạo" mới bị dẫn dụ mà thôi. Những người thật sự "ở trong đạo" và "đạo ở trong họ" (Giăng 15:5) thì không thể bị dẫn dụ. Nhiều người đã cầu nguyện tin nhận Chúa, đã làm báp-tem, sốt sắng các công việc trong Hội Thánh, thậm chí làm chứng cho nhiều người tin Chúa, hoặc là giáo sĩ, là người chăn được xem là "đầy ơn" nhưng vẫn là người "ngoại đạo." Những người "ngoại đạo" mang bảng hiệu "trong đạo" này thờ lạy các thần tượng: bằng cấp, chức vụ, giáo phái… là những thần tượng có thể thấy được bên ngoài. Sâu kín trong tâm thần của họ là các thần tượng: tham lam, kiêu ngạo, tà dâm… là những thần tượng khó thể thấy, trừ khi chúng ta nhờ ơn Chúa đục một cái lỗ để nhìn vào (Ê-xê-chi-ên 8).

3 Bởi đó, tôi tỏ cùng anh em, chẳng ai cảm Thánh Linh của Đức Chúa Trời, mà nói rằng: Đức Chúa Jêsus đáng nguyền rủa! Nếu không cảm Đức Thánh Linh, cũng chẳng ai xưng Đức Chúa Jêsus là Chúa!

Một người buông lời nguyền rủa Đức Chúa Jesus là một người bị quyền lực của tà linh tác động. Dễ nhận diện nhất là những người công khai mang bảng hiệu "ngoại đạo" như Trần Chung Ngọc, Charlie Nguyễn, và nhóm Giao Điểm. Rất khó để nhận diện là những người mang bảng hiệu "trong đạo" nhưng thật ra, họ là những người "ngoại đạo," là sói đội lốt chiên, là những kẻ giúp việc Sa-tan, mạo làm kẻ giúp việc công bình (Ma-thi-ơ 7:15; 2 Cô-rinh-tô 11:14-15). Khi một người không vâng phục lời Chúa là người ấy lên mình kiêu ngạo. Một người lên mình kiêu ngạo, lập tức rơi vào quyền lực của Sa-tan. Vì vậy, những người "được ơn nói tiếng lạ," nếu nói tiếng lạ ngoài quy định của Thánh Kinh, thì coi chừng lòng kiêu ngạo của mình là cái cớ để Sa-tan "thần cảm" cho mình nói tiếng lạ nguyển rủa Đấng Christ mà mình không biết, lại còn tự hào là đang thông công với Đức Chúa Trời. Đừng để cho cảm giác đánh lừa. Vấn đề không phải là cảm giác hay hiện tượng. Vấn đề là chúng ta có vâng phục lời Chúa hay không.

Người ta thường lấy câu sau đây để chứng minh là họ được thần cảm bởi Đức Thánh Linh: "Nếu không cảm Đức Thánh Linh, cũng chẳng ai xưng Đức Chúa Jêsus là Chúa!" Ý của Phao-lô nói ở đây không phải là hình thức xưng Đức Chúa Jesus là Chúa bên ngoài môi miệng (mà lòng thì cách xa Ngài lắm). Nếu như vậy, thì các quỷ dữ khi bị Chúa đuổi ra khỏi thân thể các nạn nhân, xưng Ngài là Chúa cũng được cảm Đức Thánh Linh hay sao? Công An giả mạo làm tín đồ, mục sư xưng Đức Chúa Jesus là Chúa cũng được cảm bởi Đức Thánh Linh hay sao? Chẳng phải vậy. Sự xưng Đức Chúa Jesus là Chúa mà Phao-lô nói ở đây, có nghĩa xưng nhận Đức Chúa Jesus làm Chúa của mình. Lời xưng nhận này là kết quả của lòng ăn năn, thống hối về tội lỗi của mình, tiếp nhận ân điển cứu rỗi của Đấng Christ, và dâng hiến cuộc đời mình cho Ngài, đặt sự sống và sự chết của mình trong bàn tay của Đấng Christ (Rô-ma 8:8-10; 14:7-9). Sự đầu phục đó phải được thần cảm bởi Đức Thánh Linh. Sự đầu phục đó, nghĩa là sự hoàn toàn đặt để sự sống và sự chết của mình trong bàn tay của Đấng Christ, là ấn chứng của sự tái sinh.

4 Vả, có các sự ban cho khác nhau, nhưng chỉ có một Đức Thánh Linh.

Các sự ban cho của Đức Chúa Trời, còn gọi là ân tứ, dù có khác nhau, nhưng chỉ xuất phát từ Đức Thánh Linh, vì vậy, không thể có sự mâu thuẫn giữa các sự ban cho này. Cũng chính vì thế mà những người thật sự ở "trong đạo" nhận biết đâu là ân tứ thật sự đến từ Đức Thánh Linh, đâu là ân tứ giả mạo đến từ Sa-tan. Người thật sự đã được tái sinh, không chạy theo danh tiếng và phép lạ thì không thể bị Sa-tan dẫn dụ, gạt gẫm; vì trong người ấy có Đức Thánh Linh là Thần Lẽ Thật, dẫn người vào trong "mọi lẽ thật" của lời Chúa và dùng lời Chúa thánh hóa người (Giăng 16:13; 17:17).

5 Có các chức vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa.

Trong Hội Thánh có nhiều chức vụ khác nhau do Chúa kêu gọi và ban cho mỗi tín hữu để gây dựng bản thân và phát triển Hội Thánh. Mặc dù các chức vụ khác nhau nhưng đều đến từ một Chúa, đều được xức chung một Thánh Linh cho nên không thể có bất đồng và bất hòa. Hội Thánh nào mà người chăn và các chấp sự, các trưởng lão có sự xung khắc với nhau là Hội Thánh đó đang có "sói đội lốt chiên" trong hàng ngũ lãnh đạo.

6 Có các việc làm khác nhau, nhưng chỉ có một Đức Chúa Trời, là Đấng làm mọi việc trong mọi người.

Các việc làm ở đây là các việc Đức Chúa Trời làm ra ở trong Hội Thánh qua mỗi tín hữu. Vì là cùng một Đức Chúa Trời cho nên các việc trong Hội Thánh không thể có sự mâu thuẫn. Vấn đề là chúng ta có bằng lòng đầu phục Chúa trọn vẹn để Ngài làm mọi việc trong chúng ta hay không.

7 Đức Thánh Linh tỏ ra trong mỗi một người, cho ai nấy đều được sự ích chung.

Mỗi một ân tứ của Đức Thánh Linh ban cho bất kỳ ai trong Hội Thánh đều nhằm một mục đích là đem lại ích lợi chung cho toàn thể Hội Thánh, không phải để xây dựng vinh hiển và của cải vật chất cho riêng một cá nhân nào. Chữ "tỏ ra" (manifestation) trong câu này có ý nói tất cả các ân tứ của Đức Thánh Linh đều giúp cho chúng ta nhận thấy thuộc tính của Đức Thánh Linh (Ga-la-ti 5:22):

·         lòng yêu thương

·         sự vui mừng

·         sự bình an

·         sự nhịn nhục

·         sự nhơn từ

·         sự hiền lành

·         sự trung tín

·         sự mềm mại

·         sự tiết độ.

Bất kỳ một sự thể hiện ân tứ nào mà không hội đủ các thuộc tính trên đây thì ân tứ đó không đến từ Đức Thánh Linh. Đây là câu Thánh Kinh hàm chứa nguyên tắc giúp chúng ta nhận biết ân tứ thật của Đức Thánh Linh. Ân tứ thật của Đức Thánh Linh luôn luôn tỏ ra đầy trọn thuộc tính của Đức Thánh Linh.

8 Vả, người nầy nhờ Đức Thánh Linh, được lời nói khôn ngoan; kẻ kia nhờ một Đức Thánh Linh ấy, cũng được lời nói có tri thức.

Lời nói khôn ngoan đem lại sự hòa thuận trong Hội Thánh. Lời nói tri thức (cả thuộc thể lẫn thuộc linh) khiến cho Hội Thánh được thông biết, tránh được cái họa bị diệt (Ô-sê 4:6).

9 Bởi một Đức Thánh Linh, cho người nầy được đức tin; cũng bởi một Đức Thánh Linh ấy, cho kẻ kia được ơn chữa tật bịnh;

Chúng ta đã biết, nhờ ân điển, bởi đức tin mà chúng ta được cứu. Ân điển và đức tin đều là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Sau khi có đức tin vào trong sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, là đức tin dẫn đến sự tái sinh, chúng ta tiếp tục sống bởi đức tin:

Vì trong Tin Lành nầy có bày tỏ sự công bình của Đức Chúa Trời, bởi đức tin mà được, lại dẫn đến đức tin nữa, như có chép rằng: Người công bình sẽ sống bởi đức tin. (Rô-ma 1:17).

Đức Thánh Linh ban thêm đức tin cho chúng ta tùy theo sự khao khát được tăng trưởng trong Chúa của chúng ta. Một người cha công bình sẽ chia tài sản nhiều hơn cho những đứa con hết lòng muốn tạo dựng sự nghiệp. Đó là ý nghĩa của sự đức tin dẫn đến đức tin mà sự chọn lựa nhận nhiều hay ít là do tấm lòng của chúng ta. Những đức tin mà Đức Thánh Linh ban thêm cho chúng ta có thể là đức tin cần phải có để đứng vững, trung tín với Chúa khi bị cám dỗ, thử thách, hoặc bị bách hại, nhất là khi những sự đó đến từ gia đình hoặc từ những người ở trong Hội Thánh mà không thánh.

10 người thì được làm phép lạ; kẻ thì được nói tiên tri; người thì được phân biệt các thần; kẻ thì được nói nhiều thứ tiếng khác nhau, người thì được thông giải các thứ tiếng ấy.

Đây là một câu Thánh Kinh quan trọng cho thấy giáo lý dạy rằng: Hễ một người được báp-tem bằng Thánh Linh thì phải biết nói tiếng lạ, là ngụy giáo lý. Rõ ràng lời Chúa dạy: "kẻ thì được nói nhiều thứ tiếng khác nhau, người thì được thông giải các thứ tiếng ấy" cho thấy không phải tất cả mọi người trong Hội Thánh đều được ân tứ nói tiếng lạ hoặc tất cả mọi ngưòi trong Hội Thánh đều được ân tứ thông giải tiếng lạ. Cũng vậy, không phải tất cả mọi người trong Hội Thánh đều được ơn nói tiên tri, hoặc ơn phân biệt các thần. Chính vì không phải ai cũng được ân tứ giống nhau cho nên Hội Thánh phải nhóm họp lại để nghe người được ơn nói tiên tri rao giảng lời Chúa, nghe người được ơn phân biệt các thần chỉ ra các thứ "thần cảm giả mạo," nghe người được ơn nói tiếng lạ rao giảng những điều kỳ diệu của Đức Chúa Trời khi có người thông giải cho sự rao giảng ấy (I Cô-rinh-tô 14:26-28). Không có người thông giải tiếng lạ mà cầu nguyện và rao giảng tiếng lạ trong Hội Thánh là lên mình kiêu ngạo, chống nghịch lời Chúa (I Cô-rinh-tô 14:37). Người như thế sẽ bị Sa-tan xâm nhập để giả mạo tiếng lạ mà nguyền rủa Đấng Christ ngay trong Hội Thánh của Ngài.

11 Mọi điều đó là công việc của đồng một Đức Thánh Linh mà thôi, theo ý Ngài muốn, phân phát sự ban cho riêng cho mỗi người.

Đây lại là một câu Thánh Kinh quan trọng cho thấy giáo lý dạy rằng: Hễ một người được báp-tem bằng Thánh Linh thì phải biết nói tiếng lạ, là ngụy giáo lý. Vì nói tiếng lạ là một trong các ân tứ của Đức Thánh Linh, theo ý Ngài muốn, phân phát sự ban cho riêng cho mỗi người. Chúng ta thấy hai nguyên tắc như sau:

1. Ân tứ được Đức Thánh Linh phân phát theo ý Ngài muốn, chứ không phải theo sự nài xin của chúng ta mà được, mặc dù chúng ta nên có lòng khao khát, mong ước tất cả những sự tốt đẹp đến từ Đức Chúa Trời.
2. Đức Thánh Linh phân phát riêng cho mỗi người ân tứ mà Ngài muốn ban cho người ấy chứ không có chuyện mọi người cùng lãnh nhận ân tứ như nhau.

12 Vả, như thân là một, mà có nhiều chi thể, và như các chi thể của thân dầu có nhiều, cũng chỉ hiệp thành một thân mà thôi, Đấng Christ khác nào như vậy.
13 Vì chưng chúng ta hoặc người Giu-đa, hoặc người Gờ-réc, hoặc tôi mọi, hoặc tự chủ, đều đã chịu phép báp-tem chung một Thánh Linh để hiệp làm một thân; và chúng ta đều đã chịu uống chung một Thánh Linh nữa.
14 Thân cũng chẳng phải có một chi thể, bèn là nhiều chi thể.
15 Nếu chơn rằng: vì ta chẳng phải là tay, nên ta không thuộc về thân, thì chẳng phải bởi đó chơn không có phần trong thân.
16 Và nếu tai rằng: Vì ta chẳng phải là mắt, nên ta không thuộc về thân, thì tai chẳng phải bởi đó không có phần trong thân.
17 Ví bằng cả thân đều là mắt, thì sự nghe ở đâu? Nếu cả thân đều là tai, thì sự ngửi ở đâu?
18 Nhưng bây giờ, Đức Chúa Trời đã sắp đặt các chi thể của thân chúng ta, ban cho mỗi một chi thể cái địa vị theo ý Ngài lấy làm tốt mà chỉ định.
19 Nếu chỉ có một chi thể mà thôi, thì cái thân ở đâu?
20 vậy, có nhiều chi thể, song chỉ có một thân.
21 Mắt không được nói với bàn tay rằng: Ta chẳng cần đến mầy; đầu cũng chẳng được nói với chơn rằng: Ta chẳng cần đến bay.
22 Trái lại, các chi thể của thân xem ra rất yếu đuối lại là cần dùng.
23 Chi thể nào trong thân chúng ta nghĩ là hèn hạ hơn, thì chúng ta tôn trọng hơn; chi thể nào chẳng đẹp, thì chúng ta lại trau giồi hơn,
24 còn như cái nào đã đẹp rồi, thì không cần trau giồi. Nhưng Đức Chúa Trời đã sắp đặt thân người, để chi thể nào thiếu thốn thì được quí trọng hơn,
25 hầu cho trong thân không có sự phân rẽ, mà các chi thể phải đồng lo tưởng đến nhau.

Đức Thánh Linh, qua Phao-lô mượn hình ảnh hiệp một của thân thể xác thịt chúng ta mà dạy chúng ta về sự hiệp một của Hội Thánh là thân thể Đấng Christ. Có nhiều giáo phái hay hệ phái không phải là vấn đề. Vấn đề là các giáo phái và hệ phái không hiệp một trong sự gây dựng và phát triển thân thể của Đấng Christ. Thực tế phủ phàng cho chúng ta thấy:

– Đại hội Baptist không được CMA ủng hộ,
– Đại hội CMA không được Baptist ủng hộ.

Đã không ủng hộ mà còn "tẩy chay" mới là tệ hại! Nhiều khi, ngay cả cùng một giáo phái mà cũng không có sự hiệp nhứt. Chúng tôi từng biết có những "mục sư" tuyên bố đại khái: "Nếu có mục sư ABC đến thì tôi sẽ không đến!". Khi vào thiên đàng, không biết những người  này có dám tuyên bố: "Nếu có mục sư ABC trong thiên đàng thì tôi sẽ không vào"? Nhiều "mục sư" không tham dự và tẩy chay những buổi nhóm cầu nguyện cho Hội Thánh và quê hương, dân tộc Việt Nam do các tín hữu đứng ra tổ chức. Cái tinh thần ganh tỵ, kiêu ngạo dẫn đến sự bất hợp tác trong Hội Thánh Việt Nam thật là lớn lắm.

Thiết tưởng, chúng ta cần phải lấy lời Chúa làm thẩm quyền tuyệt đối chứ không phải nội quy, điều lệ, tín lý… của một giáo hội. Đấng Christ chỉ tạo nên Hội Thánh, Ngài không tạo ra các giáo hội.

Ngày nào, Hội Thánh dùng đến tên gọi của Hội Thánh do Đức Thánh Linh đã bày tỏ trong Thánh Kinh: Hội Thánh Của Đấng Christ hoặc Hội Thánh Của Đức Chúa Trời (Rô-ma 16:16; 1 Cô-rinh-tô 1:2; 10:32; 11:16; 15:9; 2 Cô-rinh-tô 1:1; Ga-la-ti 1:13; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:14; 2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:4; 1 Ti-mô-thê 3:15) thay vì những tên gọi do loài người đặt ra (như: Hội Thánh Baptist, Hội Thánh Giám Lý, Hội Thánh Trưởng Lão…) thì ngày đó chắc sự hiệp một trong thân thể của Đấng Christ được thành toàn.

26 Lại, trong các chi thể, khi có một cái nào chịu đau đớn, thì các cái khác đều cùng chịu; và khi một cái nào được tôn trọng, thì các cái khác cùng vui mừng.

Đây là tiêu chuẩn để nhận biết một người có thật đã ăn năn tội, đã được tái sinh vào trong Hội Thánh của Chúa hay chưa. Những ai không hề chạnh lòng trước những đau khổ, bất công, và sự bách hại đang giáng xuống trên con dân của Chúa ở khắp nơi, thì đó là những người không thuộc về Hội Thánh, vì nếu họ thuộc về Hội Thánh, họ phải tự nhiên đau đớn và tích cực xoa dịu, chăm sóc phần chi thể bị đau.  Những ai có lòng ganh tỵ khi thấy anh chị em trong Đấng Christ được đầy ơn, được tôn trọng, thì những người đó cũng không thuộc về Hội Thánh, vì lẽ tự nhiên là bất kỳ một chi thể nào được khen ngợi thì cả thân thể đều vui mừng.

27 Vả, anh em là thân của Đấng Christ, và là chi thể của thân, ai riêng phần nấy.
28 Đức Chúa Trời đã lập trong Hội thánh, thứ nhứt là sứ đồ, thứ nhì là đấng tiên tri, thứ ba là thầy giáo, kế đến kẻ làm phép lạ, rồi kẻ được ơn chữa bịnh, cứu giúp, cai quản, nói các thứ tiếng.
29 Có phải cả thảy là sứ đồ sao? Cả thảy là tiên tri sao? Cả thảy đều là thầy giáo sao? Cả thảy đều làm phép lạ sao?
30 Cả thảy đều được ơn chữa bịnh sao? Cả thảy đều nói tiếng lạ sao? Cả thảy đều thông giải tiếng lạ sao?

Một lần nữa, Phao-lô tái xác định địa vị, chức vụ, và ân tứ khác nhau của mỗi người trong Hội Thánh. Một người có thể cùng lúc nhận được nhiều ân tứ khác nhau. Một người có thể chỉ nhận được có một ân tứ duy nhất. Không ai nhận lãnh gống nhau vì tất cả đều tùy thuộc vào sự ban cho của Đức Thánh Linh, ai riêng phần nấy, theo thánh ý của Ngài! Những câu Thánh Kinh trên đây một lần nữa chứng minh giáo lý: Hễ một người được báp-tem bằng Thánh Linh thì phải biết nói tiếng lạ, là ngụy giáo lý:

– Cả thảy đều được ơn chữa bịnh sao? Không phải vậy, chỉ những ai Đức Thánh Linh ban cho ơn chữa bịnh.
– Cả thảy đều nói tiếng lạ sao? Không phải vậy, chỉ những ai được Đức Thánh Linh ban cho ơn nói tiếng lạ.
– Cả thảy đều thông giải tiếng lạ sao? Không phải vậy, chỉ những ai được Đức Thánh Linh ban cho ơn thông giải tiếng lạ.

Nói tiếng lạ là một ơn theo sau các ơn: làm sứ đồ, nói tiên tri, làm thầy giáo, làm phép lạ, chữa bệnh, cứu giúp, và cai quản. Nói tiếng lạ không phải là một ơn mà tín hữu nào cũng được ban cho!

31 Hãy ước ao cho được sự ban cho lớn hơn hết. Bây giờ, tôi sẽ chỉ dẫn cho anh em con đường tốt lành hơn.

Sau khi giảng giải cho các tín hữu hiểu biết nguồn gốc, mục đích, ý nghĩa các sự ban cho của Đức Thánh Linh, Phao-lô hướng tâm trí tín hữu đến sự ban cho lớn hơn hết, món quà mà bất kỳ tín hữu nào cũng được nhận lãnh và còn đến đời đời, đó là TÌNH YÊU THƯƠNG!

Mục Tử
03.09.2007

Đọc Tiếp →

8,009 views

Hình Tượng của Billy Graham

Bấm vào đây để download bài viết này

[3676]

Thánh Kinh:

"Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình, cũng chớ làm tượng nào giống những vật trên trời cao kia, hoặc nơi đất thấp nầy, hoặc trong nước dưới đất." (Xuất Ê-díp-tô- Ký 20:3)

"15 Vậy, các ngươi hãy cẩn thận giữ lấy linh hồn mình cho lắm, vì các ngươi không có thấy một hình trạng nào trong ngày Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi, từ nơi giữa lửa phán cùng các ngươi, tại Hô-rếp;
16 e các ngươi phải làm hư hoại cho mình chăng, và làm một tượng chạm nào, tạo hình trạng của tà thần nào, hoặc
hình của người nam hay người nữ,
17 hoặc hình của con thú nào đi trên đất, hoặc hình của vật nào có cánh bay trên trời,
18 hoặc hình của loài côn trùng nào bò trên đất, hay là hình của con cá nào ở trong nước dưới đất;
19 lại, e khi ngươi ngước mắt lên trời thấy mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao, tức là toàn cả thiên binh, thì ngươi bị quyến dụ quì xuống trước các vì đó, và thờ lạy các tinh tú nầy mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đã chia phân cho muôn dân dưới trời chăng.
" (Phục Truyền Luật Lệ Ký 4:15-19)

Vào cuối năm 2006 vừa qua, Southern Baptist Convention đã khánh thành tượng của nhà Truyền Giáo Billy Graham tại trụ sở của mình ở Greensboro, North Carolina, USA.  Sau đó, tượng được dời về đặt vĩnh viẽn tại trụ sở của Lifeway Christian Resources, một chi nhánh chuyên về văn hóa phẩm của SBC tại Nashville, Tennessee, USA. Dĩ nhiên là có những lý do nghe rất "hợp tình, hợp lý" được đưa ra để giải thích cho việc tạc tượng và dựng tượng này. Nhưng cốt lõi của vấn đề vẫn là, hành động tạc tượng, dựng tượng này có vi phạm cấm lệnh của Đức Chúa Trời hay không!

Thực tế, người tạc tượng (là một pastor) tuyên bố: "Đức Chúa Trời mang đến tận cửa nhà tôi". Ý ông nói, Chúa đã mang công tác tạc tượng này đến giao cho ông. Câu hỏi chúng ta cần đặt ra ở đây là: Đức Chúa Trời nào? Đức Chúa Trời là Đấng tuyên phán cấm lệnh trên đây từ mấy ngàn năm trước hay "Đức Chúa Trời của đời này"?

Điều lạ lùng là chính nhà Truyền Giáo Billy Graham đồng thuận việc tạc tượng này và cử con trai của mình đến tham dự lễ khánh thành.

Southern Baptist Convention bao gồm 16,300,000 tín đồ trong 43,000 nhà thờ, với 5,000 gia đình giáo sĩ công tác ở hải ngoại. Hội Liên Hữu Báp-tít Việt Nam tại Hoa Kỳ là thành viên của Southern Baptist Convention.

Mời các bạn đọc theo linh sau đây để đọc lời tuyên bố của người tạc tượng và xem hình ảnh ghi lại quá trình tạc tượng: http://www.lifeway.com/billygraham/statue.htm

Dưới đây là các links khác liên quan đến hình tượng của Billy Graham:

http://www.godhatesfags.com/featured/epics/2006/20060613_greensboro-nc-epic.pdf
http://www.seekgod.ca/deceptions.htm
http://www.bpnews.net/bpnews.asp?ID=23478
http://www.floridabaptistwitness.com/6122.article http://www.christianpost.com/article/20061213/24044_Billy_Graham_Statue_Finds_Home_in_Nashville.htm
http://www.christianpost.com/article/20061215/24266_Statue_Depicts_Billy_Graham_Preaching_Again.htm
http://www.news-record.com/apps/pbcs.dll/article?AID=/20060615/NEWSREC0101/606150305

Chiên Việt
01.03.2007

Đọc Tiếp →

3,395 views

Minh Họa Biện Giáo

Copyright Notice:Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry – All Rights Reserved © 2006 Vietnamese Christian Mission Ministry, Inc. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức với điều kiện giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.

Nguyễn Mỹ Hạnh Lan
Bấm vào đây để download bài viết này

[1792]

Một người khi muốn làm công việc biện giải cho giáo lý của đạo Chúa cách hết lòng thì phải cố gắng rất nhiều, tra xem Thánh Kinh, bảo vệ, biện hộ, bào chữa Lời Chúa phán dạy trong Thánh Kinh, trả lời những câu hỏi, tranh luận, cãi lý với những người có vẽ như là biết tất cả mặc dù nhữnglý lẽ của họ rất vô lý. Trên thực tế, người làm công việc biện giải cho giáo lý của Thánh Kinh nhiều lúc gần như mất hết can đảm, chán nản, ngã lòng. Nhưng nhờ hồng ân của Đức Chúa Jesus dàn trãi, ban cho, vùa giúp, người ấy nhất định sẽ chế ngự và chiến thắng được tất cả.

Công việc biện giải cho giáo lý của đạo Chúa thường có những việc chạm trán bất ngờ, đặt người biện giáo vào tình trạng khó xử hoặc buộc phải đối phó nghiêm khắc ngay cả với chính những người thân yêu đáng kính. 

Nếu muốn theo đuổi lý tưởng biện giải cho lẽ thật của đạo Chúa thì chúng ta phải cố gắng nhìn rõ và nắm vững vấn đề đang tranh cải, luôn cầu nguyện xin Đức Thánh Linh phán dạy, vì chúng ta phải trả lời những câu hỏi, sự bất bình, không thích, khó chịu của những người tìm lý do phản đối. Tạ ơn Đức Chúa Trời là Đấng khôn ngoan và giàu lòng thương xót. Ngài luôn trông theo từng bước của chúng ta, giúp chúng ta không kiệt sức, mất tự chủ, mất tinh thần mà bỏ cuộc.

Công tác biện giáo ví như một cánh đồng rộng mênh mông, chính giữa cánh đồng có một công viên, cây cao, bóng mát, hoa nở, bướm lượn, chim ca, nhưng chỉ có một con đường bé nhỏ duy nhất dẫn đến cửa công viên, và cửa đó chính là Đức Chúa Jesus. Trong công viên có Đức Chúa Trời hiện diện, có đời sống vĩnh cửu. Tuy nhiên, bên ngoài  công viên, trên cánh đồng mênh mông đó luôn có đầy sỏi đá vụn nhỏ, đá cuội và gai góc, thung lũng, cồn, gò, đống, đụn, mô đất, và rất nhiều lối đi nhỏ quanh co khúc khuỷu, vòng vèo và các lối đi đó không đưa người đến được cửa của công viên!

Người  biện giáo ví như người đã biết được cửa vào công viên, hết lòng giúp đỡ những người chưa tìm gặp hoặc đang lạc lối dẫn đến cửa công viên. Người  biện giáo luôn gắng sức dời đi những cây gai trí thức thế tục, những sỏi đá vô tín đã, đang ngăn trở khiến nhiều người không tìm gặp lối vào công viên. Người  biện giáo luôn hết lòng kêu gọi, chầm chậm hướng dẫn,  tháo, bỏ ra những vật chướng ngại, cản trở lữ khách và chứng minh cho những người lạc lối thấy rõ con đường họ đang theo là sai, hướng dẫn những người ấy đến con đường duy nhất dẫn lối vào cửa của Công viên để được ban cho sự sống sung mãn và vĩnh cửu theo thánh ý của Đức Chúa Cha, Đức Chúa Jesus và Đức Thánh Linh. 

Người  biện giáo luôn hết lòng với cánh đồng thuộc linh mà Chúa đã giao cho gìn giữ, yêu quý bổn phận hướng dẫn người lạc lối trở lại con đường nhỏ hẹp để đến với Chúa, để nhận ơn thương xót, cứu rỗi của Ngài như chương trình của Đức Chúa Trời đã thực hiện qua sự hy sinh của Đức Chúa Jesus.

Nguyễn Mỹ Hạnh Lan
18.04.2006

Đọc Tiếp →

4,779 views

Phê Bình Tác Phẩm “The Purpose Driven Life” – Bài Năm: Những Sai Lầm Trong Ngày Thứ Nhì

Phê Bình Tác Phẩm "The Purpose Driven Life"

Bài Năm: Những Sai Lầm Trong Ngày Thứ Nhì

Copyright Notice:Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry – All Rights Reserved © 2006 Vietnamese Christian Mission Ministry, Inc. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức với điều kiện giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.

Mục Tử
Bấm vào đây để download bài viết này

[1447]

Những ý tưởng được Rick Warren trình bày trong "Ngày 2: Bạn không phải là một sự tình cờ" có nhiều chi tiết đi ngược lại lẽ thật về Đức Chúa Trời, có hại cho người đọc và tạo ra một quan điểm thần học sai lầm rằng: nguồn gốc, thân phận, hoàn cảnh của mỗi người được sinh ra trên thế gian này là do Đức Chúa Trời muốn như vậy. Qua sự trình bày của Rick Warren, chúng ta nhận thấy ông không nắm vững hiểu biết về mối quan hệ giữa sự tể trị tuyệt đối của Đức Chúa Trời và ý chí của loài người. Chúng ta hãy duyệt qua những điểm sai lầm nguy hiểm trong bài viết "Ngày 2" trong loạt bài 40 ngày sống theo đúng mục đích.

Ngày Thứ Nhì

"Đức Chúa Trời đã vẽ nên từng chi tiết nhỏ trên thân thể của bạn. Ngài cũng đã rất thận trọng khi lựa chọn chủng tộc, màu da, màu tóc và mọi đặc tính khác của bạn. Ngài đã tạo dựng thân thể bạn cách thật đặc biệt theo điều Ngài muốn. Ngài cũng quyết định những tài năng bẩm sinh mà bạn có cũng như những nét đặc trưng trong cá tính của bạn" [1].

"Đáng ngạc nhiên hơn cả là việc Đức Chúa Trời quyết định bạn sẽ được sinh ra như thế nào. Bất luận bạn ra đời trong hoàn cảnh nào, hoặc cha mẹ của bạn là ai, thì Đức Chúa Trời vẫn có một kế hoạch khi tạo dựng bạn. Bất luận cha mẹ của bạn là ngưòi tốt, xấu, hay bình thường. Đức Chúa Trời biết rõ hai người đó có đúngcấu tạo di truyền cần thiết để tạo nên "bạn" theo ý muốn của Ngài. Họ có chuỗi DNA mà Đức Chúa Trời muốn dùng để tạo nên bạn. Dù có những người cha, người mẹ, không hợp pháp, nhưng không hề có những đứa con không hợp pháp. Nhiều đứa trẻ ra đời ngoài dự định của cha mẹ chúng, nhưng điều đó không có nghĩa là Đức Chúa Trời không có kế hoạch cho chúng. Mục đích của Đức Chúa Trời có thể được thành tựu bất chấp sai lầm và thậm chí tội lỗi của con người."[2]

Đọc xong hai đoạn văn trên đây bạn có cảm tưởng gì? Xin bạn chịu khó đọc lại một lần nửa, đọc chậm rãi từng chữ một và để cho ý nghĩa của toàn đoạn văn thấm vào trí bạn. Bạn có cảm nhận được một sự bất an đang dấy lên trong lòng mình? Bạn có nhận thấy lẽ thật về Đức Chúa Trời của Thánh Kinh đã bị hai đoạn văn trên đây làm cho biến dạng? Một người chưa từng đọc Thánh Kinh, chưa từng được nghe qua về Đức Chúa Trời của Thánh Kinh, khi đọc xong hai đoạn văn trên đây của Rick Warren sẽ có một khái niệm như thế nào về Đức Chúa Trời?

Mối tương quan giữa sự tể trị tuyệt đối của Đức Chúa Trời và ý chí của loài người là một đề tài thần học không đơn giản. Cả hai phạm trù và sự tương quan của chúng cần phải được xem xét kỷ lưỡng dưới ánh sáng của Thánh Kinh. Ý chí của loài người không thể vượt khỏi sự tể trị của Đức Chúa Trời nhưng sự tể trị của Đức Chúa Trời cũng không tước đoạt ý chí mà Ngài đã ban cho nhân loại.

Vì Đức Chúa Trời cầm quyền tể trị tuyệt đối cho nên không một sự gì chẳng ở dưới sự tể trị của Ngài, không một việc gì mà Ngài không biết trước, không một việc gì có thể ngăn cản được ý chỉ của Ngài. Ý chỉ của Ngài được thiết lập từ trước vô cùng và vững chắc mãi mãi về sau, cho nên Ngài là Đấng không thay đổi!

Trong ý chỉ đời đời của Đức Chúa Trời, Ngài đã định rằng loài người được dựng nên, mang lấy hình ảnh của Ngài và làm con của Ngài. Vì loài người được dựng nên để làm con của Đức Chúa Trời cho nên loài người được kế tự sự vinh hiển của Ngài và đồng trị với Đức Chúa Con. Được dựng nên theo hình ảnh của Đức Chúa Trời là được dựng nên giống như Ngài trong sự vinh hiển của Ngài: thánh khiết, công chính, và yêu thương; được dựng nên theo hình ảnh của Đức Chúa Trời còn là được dựng nên giống như Ngài trong năng lực của Ngài: khả năng sáng tạo, ngôn ngữ, tình cảm, và ý chí.

Ý chí là điều vô cùng quan trọng trong mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời và loài người. Nếu loài người được dựng nên không có ý chí thì không thể gọi là giống như hình ảnh Đức Chúa Trời. Ý chí còn được gọi là sự tự do chọn lựa.

·         Đức Chúa Trời chọn lựa dựng nên loài người để làm con của Ngài mặc dù biết trước rằng loài người sẽ sa ngã, phạm tội, chống nghịch lại Ngài, phá hủy thế gian mà Ngài sẽ sáng tạo. Sự chọn lựa đó là ý chí của Đức Chúa Trời.

·         Đức Chúa Trời ban cho loài người ý chí để loài người có quyền chọn lựa yêu kính, tôn thờ, và đầu phục Ngài hoặc đi theo ý riêng, chống nghịch Ngài. Dù Ngài là Đấng tạo hóa nhưng Ngài không ép buộc loài thọ tạo phải đầu phục Ngài. Sự đầu phục phải phát xuất từ lòng biết ơn và tình yêu. Sự ban cho đó cũng là ý chí của Đức Chúa Trời

Ý chí của Đức Chúa Trời luôn luôn được thể hiện vì Ngài có quyền tể trị tuyệt đối. Trước khi loài người phạm tội và tội lỗi của loài người trở thành chướng ngại, ngăn cản ý định đời đời của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại, thì Ngài đã dự trù phương pháp để ý định của Ngài vẫn được thành toàn. Phương pháp đó là công trình cứu rỗi nhân loại đã được chuẩn bị từ trước khi sáng thế. Không ai, không sự gì có thể khiến cho ý định của Đức Chúa Trời không thể hoàn thành. Công trình cứu rỗi đó thể hiện sự tể trị tuyệt đối của Đức Chúa Trời.

Loài người được Đức Chúa Trời ban cho quyền tự do chọn lựa để chọn tin cậy, yêu kính, thờ phượng, và vâng phục Ngài hoặc chọn sống theo ý riêng, bất chấp, và chống nghịch ý định của Ngài. Quyền tự do lựa chọn đó tức là ý chí. Khi ý chí của loài người không phản ánh ý chí của Đức Chúa Trời, tội lỗi phát sinh. Đức Chúa Trời là thiện, cho nên ý chí của Ngài là thiện. Chống nghịch lại ý chí của Đức Chúa Trời là tội lỗi, là ác. Đức Chúa Trời là sự sống, cho nên ý chí của Ngài là sự sống, lời nói của Ngài là sự sống. Chống nghịch lại lời nói, ý chí của Đức Chúa Trời là chống nghịch chính bản thể Đức Chúa Trời, là tội lỗi, là sự chết.

Đức Chúa Trời không tạo ra tội lỗi cũng như hậu quả của tội lỗi là đau khổ, bất công, bệnh tật, và sự chết, vì Ngài là thiện, mọi công trình sáng tạo của Ngài là tốt lành.

Khi loài người tự do chọn sống đời sống phạm tội chống nghịch Chúa thì hậu quả của tội lỗi là đau khổ, bệnh tật, và bất công xuất hiện. Tuyệt điểm của hậu quả tội lỗi là sự chết! Chính ý chí của loài người tạo ra tội lỗi và các hậu quả của nó. Chính ý chí loài người tạo ra sự chết! Đức Chúa Trời cho phép loài người có ý chí, và khi loài người dùng ý chi để chống nghịch lại sự thiện thì sự ác phải phát sinh, chống nghịch lại sự sống, thì sự chết phải phát sinh. Đức Chúa Trời cho phép sự ác và sự chết xảy nhưng Ngài không tạo ra sự ác và sự chết.

Thế giới chúng ta sống ngày hôm nay, không phải là một thế giới tốt lành. Tất cả những đau khổ, bệnh tật, bất công, và chết chóc là hậu quả trực tiếp từ ý chí tự do phạm tội của loài người và Satan. Đức Chúa Trời cho phép những điều này xảy ra vì nếu những điều này không xảy ra thì sự tự do chọn lựa trở thành vô nghĩa. Khi chúng ta đứng trước một cái máy bán nước ngọt, chúng ta có tự do chọn lựa bỏ tiền vào máy để mua nước hoặc không bỏ tiền vào máy để mua nước. Nếu chúng ta chọn không bỏ tiền vào máy để mua nước thì chúng ta sẽ không nhận được lon nước ngọt từ máy. Nhưng nếu chúng ta chọn bỏ tiền vào máy để mua nước mà khi bấm nút không có lon nước ngọt nào rơi ra, thì rõ ràng là sự tự do chọn lựa của chúng ta trở thành vô nghĩa. Nếu chúng ta chọn không vâng phục Đức Chúa Trời mà không nhận lấy hậu quả là tội lỗi và sự chết thì sự tự do chọn lựa của chúng ta sẽ trở thành vô nghĩa.

Dù thế giới ngày hôm nay quằn quại trong hậu quả của tội lỗi nhưng Đức Chúa Trời vẫn nắm quyền tể trị tuyệt đối và Ngài vẫn tôn trọng ý chí của loài người. Mọi chương trình của Đức Chúa Trời đều được thành toàn theo thời điểm Ngài đã định trước. Trong lịch sử loài người, Đức Chúa Trời luôn luôn dùng loài người để hoàn thành các chương trình của Ngài giữa nhân loại. Một người tin cậy, yêu kính tôn thờ Chúa thì được Ngài dùng vào những việc xứng hiệp với ý chí tốt lành của người ấy, như người thợ gốm dùng một số bình vào việc sang trọng. Một người chọn chống nghịch Chúa thì Ngài cũng dùng họ vào những việc xứng hiệp với ý chí phản nghịch của họ, như người thợ gốm dùng một số bình vào những việc hèn hạ. Trong mọi sự, Đức Chúa Trời luôn nắm quyền tể trị tuyệt đối và hoàn thành ý chí của Ngài. Trong mọi sự, Đức Chúa Trời cũng không vi phạm quyền tự do chọn lựa của bất cứ một người nào.

Vì thế, Thánh Kinh ghi lại sự kiện Đức Chúa Trời sắm sẵn những người từ trong bụng mẹ để trở thành con dân của Ngài và hầu việc Ngài. Ngài chọn lựa một người không phải là Ngài tước đoạt đi ý chí của người ấy, nhưng trong sự toàn năng của Ngài, Ngài biết trước người đó sẽ tự do chọn lựa trở thành con cái của Ngài, nếu được Ngài ban cho cơ hội.

Mặt khác, có những người được sinh ra ngoài ý chí của Đức Chúa Trời. Có những người được sinh ra là vì ý chí tội lỗi của loài người. Đức Chúa Trời không muốn những người đó được sinh ra nhưng Ngài cho phép họ được sinh ra vì đó là hậu quả ắt có của tội lỗi. Thánh Kinh ghi lại trường hợp điển hình đứa con của vua Đa-vít và vợ của U-ri đã bị Đức Chúa Trời đánh chết vì là kết quả của một hành động ngoại tình dẫn đến giết người (II Sa-mu-ên 12:14). Theo luật pháp của Đức Chúa Trời, ngoại tình là tội chết (Lê-vi Ký 20:10) và "Con ngoại tình không được phép vào hội của Đức Giê-hô-va, dầu đến đời thứ mười cũng chẳng vào được" (Phục Truyền Luật lệ Ký 23:2). Như vậy, Thánh Kinh khẳng định, không phải sự sinh ra của bất kỳ người nào cũng được Chúa vui lòng.

Dựa vào Thánh Kinh, chúng ta thấy hai đoạn văn trích ra trên đây từ trong bài viết "Ngày 2: Bạn không phải là một sự tình cờ" từ quyển "Sống theo đúng mục đích" của Rick Warren (bản dịch Việt ngữ) rõ ràng đã mô tả một cách sai lệch về Đức Chúa Trời.

·         "Đức Chúa Trời đã vẽ nên từng chi tiết nhỏ trên thân thể của bạn." Rick Warren viết "Sống theo đúng mục đích" cho mọi người hay chỉ cho những trai thanh, nữ tú, những người được sinh ra với một thân thể xinh đẹp không khuyết tật? Nếu Đức Chúa Trời đã vẽ nên từng chi tiết nhỏ trên thân thể của tôi thì tôi sẽ hiểu làm sao khi môi của tôi bị sứt, khi tôi ra đời bị thiếu tay, hoặc chân, khi bộ phận sinh dục của tôi bán nam, bán nữ và tôi không thể nào thi hành mệnh lệnh của Đức Chúa Trời là hãy sinh sản ra nhiều, làm cho đầy dẫy đất? Rõ ràng có sự sai lầm trong việc cấu tạo nên thân thể của tôi, nhưng điều đó không phải đến từ Đức Chúa Trời. Điều đó đến từ hậu quả của tội lỗi, và Đức Chúa Trời đã chọn không can thiệp vào tiến trình thân thể tôi được hình thành trong lòng mẹ. Nếu tôi được ra đời và được sống, được hưởng ơn cứu rỗi của Chúa, được làm con Đức Chúa Trời thì đó là do sự thương xót của Chúa.

·         "Ngài cũng đã rất thận trọng khi lựa chọn chủng tộc, màu da, màu tóc và mọi đặc tính khác của bạn." Rick Warren sẽ trả lời ra sao khi đối diện với những người được sinh ra vì là hậu quả của những sự hãm hiếp trong chiến tranh giữa các dân tộc với nhau? Đức Chúa Trời thánh khiết, Đức Chúa Trời là thiện, lại dùng chiến tranh và hãm hiếp để lựa chọn cho tôi một chủng tộc, một mầu da, một mầu tóc mà có lẽ suốt đời tôi sẽ hổ thẹn và đau khổ vì chúng hay sao? Thánh Kinh cho biết: "Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật, và rất là xấu xa. Ai có thể dò biết được" (Giê-rê-mi 17:9)? Vậy, trong đó có đặc tính nào mà Đức Chúa Trời đã chọn lựa cho tôi hay không?

·         "Ngài đã tạo dựng thân thể bạn cách thật đặc biệt theo điều Ngài muốn." Nếu thật vậy thì cái môi sứt của tôi hoặc tình trạng bán nam, bán nữ của tôi từ khi sinh là một sự tạo dựng đặc biệt của Đức Chúa Trời, và nếu tôi đi giải phẩu chỉnh hình thì tôi phạm tội đã làm ngược lại "điều đặc biệt Ngài muốn."

·         "Đáng ngạc nhiên hơn cả là việc Đức Chúa Trời quyết định bạn sẽ được sinh ra như thế nào. Bất luận bạn ra đời trong hoàn cảnh nào, hoặc cha mẹ của bạn là ai, thì Đức Chúa Trời vẫn có một kế hoạch khi tạo dựng bạn. Bất luận cha mẹ của bạn là ngưòi tốt, xấu, hay bình thường." Nếu Rick Warren sống cùng thời với vua Đa-vít thì những lời trên đây của ông hẵn đã an ủi Đa-vít nhiều lắm. Bởi vì, theo Rick Warren, Đức Chúa Trời đã quyết định cho đứa con trai của Đa-vít và vợ U-ri được sinh ra như vậy. Trong hoàn cảnh đó, với sự ngoại tình của Đa-vít và Bết-sê-ba thì Đức Chúa Trời vẫn có một kế hoạch cho đứa trẻ mà nếu Ngài không giết nó sau khi nó được sinh ra, thì nó và con cháu đời thứ mười của nó cũng không được vào Hội của Đức Chúa Trời! Không ai có thể tin rằng Đức Chúa Trời đã vẽ nên từng chi tiết nhỏ trên thân thể của đứa bé. Ngài cũng đã rất thận trọng khi lựa chọn chủng tộc, màu da, màu tóc và mọi đặc tính khác của nó qua sự ngoại tình của Đa-vít và Bết-sê-ba. Ngài đã tạo dựng thân thể nó cách thật đặc biệt theo điều Ngài muốn;để rồi sau khi nó sinh ra được bảy ngày thì Ngài đánh chết nó, vì đó là mục đích của Ngài cho sự sinh ra của nó.

·         "Đức Chúa Trời biết rõ hai người đó có đúngcấu tạo di truyền cần thiết để tạo nên "bạn" theo ý muốn của Ngài. Họ có chuỗi DNA mà Đức Chúa Trời muốn dùng để tạo nên bạn. Dù có những người cha, người mẹ, không hợp pháp, nhưng không hề có những đứa con không hợp pháp. Nhiều đứa trẻ ra đời ngoài dự định của cha mẹ chúng, nhưng điều đó không có nghĩa là Đức Chúa Trời không có kế hoạch cho chúng." Rick Warren sẽ trả lời ra sao trước những người được sinh ra vì là kết quả của những sự hãm hiếp, loạn luân, hoặc buôn hương, bán phấn? Cứ theo ý trên đây của Rick Warren thì những kẻ hiếp dâm, những kẻ loạn luân, những người mua dâm và bán dâm không có tội lỗi gì, vì họ "có đúngcấu tạo di truyền cần thiết để tạo nên "bạn" theo ý muốn của Ngài. Họ có chuỗi DNA mà Đức Chúa Trời muốn dùng để tạo nên bạn" cho nên được Chúa chọn, kết hợp họ với nhau cho sinh ra những "bạn" "hợp pháp" mà chính Đức Chúa Trời cũng không muốn họ gia nhập vào hội của Ngài, dẫu cho đến đời thứ mười! Rick Warren sẽ giải thích như thế nào với những đứa con được sinh ra do những sự cấu hiệp trái phép như đã ghi trong Thánh Kinh, Lê-vi Ký 18?

1 Đức Giê-hô-va lại phán cùng Môi-se rằng:
2 Hãy nói cùng dân Y-sơ-ra-ên rằng: Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi.
3 Các ngươi chớ làm theo những điều người ta làm hoặc tại xứ Ê-díp-tô, là nơi các ngươi đã kiều ngụ, hoặc tại xứ Ca-na-an, là xứ ta dẫn các ngươi đi đến: chớ đi theo thói tục họ.
4 Các ngươi hãy tuân mạng lịnh ta, gìn giữ luật pháp ta đặng noi theo: Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi.
5 Vậy, hãy giữ luật pháp và mạng lịnh ta, người nào làm theo, thì sẽ nhờ nó mà được sống: Ta là Đức Giê-hô-va.
6 Chớ một ai trong vòng các ngươi đến gần cùng người nữ bà con mình đặng cấu hiệp: Ta là Đức Giê-hô-va.
7 Chớ cấu hiệp cùng mẹ mình; bằng cấu hiệp, tất làm nhục cho cha mẹ.
8 Chớ cấu hiệp cùng kế mẫu, bằng cấu hiệp, ấy làm nhục cho cha mình.
9 Chớ cấu hiệp cùng chị em mình, hoặc một cha khác mẹ, hoặc một mẹ khác cha, hoặc sanh tại trong nhà, hoặc sanh ở ngoài.
10 Chớ cấu hiệp cùng cháu gái, hoặc cháu gái nội, hoặc cháu gái ngoại; bằng cấu hiệp, ấy là gây nhục cho mình. 11 Chớ cấu hiệp cùng con gái của kế mẫu bởi cha mình sanh ra, vì là em gái ngươi.
12 Chớ cấu hiệp cùng chị em của cha ngươi; vì là cốt nhục của cha ngươi.
13 Chớ cấu hiệp cùng chị em của mẹ ngươi; vì là cốt nhục của mẹ ngươi.
14 Chớ cấu hiệp cùng bác gái hay thím ngươi; bằng cấu hiệp, ấy là gây nhục cho anh em của cha ngươi.
15 Chớ cấu hiệp cùng dâu ngươi; vì là vợ của con trai mình.
16 Chớ cấu hiệp cùng chị dâu hay em dâu ngươi; nếu cấu hiệp, ấy làm nhục cho anh em ngươi vậy.
17 Chớ cấu hiệp cùng một người đàn bà luôn với con gái của người đàn bà nữa. Chớ lấy cháu gái nội ngươi, hoặc cháu gái ngoại ngươi đặng cấu hiệp cùng họ; chúng nó đều là cốt nhục gần; làm vậy, ấy là một việc ác dục.
18 Chớ lấy vợ luôn với chị em người mà cấu hiệp cùng nó gần bên vợ chánh mình đương khi người còn sống, e khi sanh ghen tương.
19 Trong lúc người nữ có kinh nguyệt, chớ đến gần mà cấu hiệp.
20 Chớ nằm cùng vợ người lân cận mình, mà gây cho mình bị ô uế với người.
21 Chớ bắt con cái mình đặng dâng cho thần Mo-lóc, chớ làm ô danh Đức Chúa Trời ngươi: Ta là Đức Giê-hô-va.
22 Chớ nằm cùng một người nam như người ta nằm cùng một người nữ; ấy là một sự quái gớm.
23 Chớ nằm cùng một con thú nào, mà gây cho mình bị ô uế với nó; một người đàn bà chớ nằm cùng thú vật nào; ấy là một sự quái gớm.
24 Các ngươi chớ làm một trong mấy việc đó mà tự gây cho mình ô uế; bởi dân mà ta sẽ đuổi khỏi trước mặt các ngươi đã thành ô uế vì cớ làm các việc đó.
25 Đất vì chúng nó mà bị ô uế; ta sẽ phạt tội ác họ; đất sẽ mửa dân nó ra vậy.
26 Còn các ngươi, hoặc dân bổn xứ, hoặc kẻ khách kiều ngụ giữa các ngươi, phải giữ luật pháp và mạng lịnh ta, đừng làm một trong những điều quái gớm nầy.
27 Vì những điều quái gớm ấy, những người ở tại xứ trước các ngươi đã làm; và đất vì cớ đó phải thành ô uế.
28 Vậy, chớ làm đất thành ô uế, e khi đất mửa các ngươi ra, như đã mửa dân cư trú tại xứ trước các ngươi chăng;
29 vì phàm ai làm một trong những điều quái gớm ấy sẽ bị truất khỏi dân sự mình.
30 Thế thì, các ngươi phải giữ điều ta phán dặn, để đừng làm theo một trong các thói tục gớm ghiếc nào đã làm trước các ngươi, và các ngươi chớ vì các thói tục đó mà gây cho mình ô uế. Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi.

Rick Warren lẫn lộn giữa sự Đức Chúa Trời lựa chọn, sắm sẵn một số người từ trong lòng mẹ với sự Đức Chúa Trời cho phép tội lỗi và hậu quả của tội lỗi là đau khổ, bất công, bệnh tật xuất hiện trong cuộc đời của nhiều người ngay từ trong bụng mẹ.

Sự tể trị tuyệt đối của Đức Chúa Trời đan kết với ý chí của loài người một cách tinh xảo lạ lùng để sự tự do lựa chọn của loài người không bị vi phạm mà ý chí của Đức Chúa Trời vẫn luôn thành toàn. Đức Chúa Trời cho phép một số điều xảy ra không có nghĩa Ngài là Đấng tạo ra những điều ấy. Đức Chúa Trời làm một số điều đặc biệt cho người nào đó, không có nghĩa là Ngài làm như vậy với tất cả mọi người. Ân điển của Đức Chúa Trời đi đôi với ý chí tiếp nhận của loài người. Những người không có ý chí tiếp nhận ân điển của Đức Chúa Trời không thể hưởng được ân điển của Ngài. Đức Chúa Trời biết trước những ai tiếp nhận, những ai không tiếp nhận đặc ân của Ngài và Ngài tể trị mỗi người tùy theo ý chí của họ.

Trong cái nhìn của Rick Warren, mọi sự giao cấu tình dục của loài người, đem lại kết quả sinh con là do Đức Chúa Trời sắp đặt, và mọi ngưòi được sinh ra trong thế gian này tuyệt hảo giống như A-đam và Ê-va được tạo dựng trong vườn địa đàng: hoàn toàn thánh thiện, sẵn sàng để sống theo mục đích mà Đức Chúa Trời đã đặt sẵn cho họ. Và, công việc của Rick Warren là chỉ cho mọi người nhận biết cái mục đích ấy qua "Sống theo đúng mục đích." Tiếc thay, sự giảng dạy của Rick Warren chỉ làm cho những người tin theo ông ngày càng cách xa lẽ thật!

Lẽ thật là, mỗi một chúng ta được sinh ra cuộc đời này trong sự bất hạnh, vì chúng ta được hoài thai và sinh ra trong tội lỗi:

"Kìa, tôi sanh ra trong sự gian ác, Mẹ tôi đã hoài thai tôi trong tội lỗi."(Thi Thiên 51:5)
"như có chép rằng: Chẳng có một người công bình nào hết, dẫu một người cũng không." (Rô-ma 3:10)
"vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời." (Rô-ma 3:23)

Lẽ thật là, chỉ vì sự nhơn từ, thương xót đời đời của Đức Chúa Trời, bởi quyền tể trị tuyệt đối của Ngài mà chúng ta được ban cho cơ hội thứ hai để sử dụng ý chí của mình: tiếp tục sống theo ý riêng, đi vào sự hư mất đời đời hay chọn lựa phục hòa với Đức Chúa Trời qua sự chuộc tội của Đấng Christ:

"Và họ nhờ ân điển Ngài mà được xưng công bình nhưng không, bởi sự chuộc tội đã làm trọn trong Đức Chúa Jêsus Christ, là Đấng Đức Chúa Trời đã lập làm của lễ chuộc tội, bởi đức tin trong huyết Đấng ấy. Ngài đã bày tỏ sự công bình mình như vậy, vì đã bỏ qua các tội phạm trước kia."(Rô-ma 3:24-25)

Nguyện Đức Chúa Trời thương xót các độc giả của "Sống theo đúng mục đích," mở mắt họ để họ nhìn thấy những sai lầm trong cuốn sách tai hại này. Nguyện Đức Thánh Linh cáo trách mạnh mẽ những ai đang ra sức tuyên truyền, cổ động, quãng bá cuốn sách và phong trào "Sống theo đúng mục đích". Nguyện Đấng Christ cất đi những kẻ đang rao giảng "Sống theo đúng mục đích" trong các Hội Thánh của Ngài. A-men!

Mục Tử
18/10/2006


Tham Khảo

[1] Sống theo đúng mục đích, Rick Warren; bản dịch Việt Ngữ không đề tên nhà xuất bản và năm phát hành, trang 20.

[2] Sống theo đúng mục đích, Rick Warren; bản dịch Việt Ngữ không đề tên nhà xuất bản và năm phát hành, trang 21.

Đọc Tiếp →

7,613 views

Phê Bình Tác Phẩm “The Purpose Driven Life” – Bài Bốn: Những Sai Lầm Trong Ngày Thứ Nhất

Phê Bình Tác Phẩm "The Purpose Driven Life"

Bài Bốn: Những Sai Lầm Trong Ngày Thứ Nhất

Copyright Notice:Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry – All Rights Reserved © 2006 Vietnamese Christian Mission Ministry, Inc. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức với điều kiện giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.

Mục Tử
Bấm vào đây để download bài viết này

[1320]

Trong khi đọc bản dịch Việt ngữ của "The Purpose Driven Life" (Sống Theo Đúng Mục Đích – STĐMĐ) bạn đọc sẽ thấy tiếp liền theo sau nhiều câu gọi là "Thánh Kinh,"được trích dẫn để hổ trợ cho tư tưởng của Rick Warren, có một ghi chú trong ngoặc như sau: (MSG – ND). MSG là viết tắt của "The Message," tên của một bản diễn ý Thánh Kinh Anh ngữ do Eugene H. Peterson, một pastor và giáo sư thần học biên soạn. ND là viết tắt của chữ "người dịch." Với sự chú thích này, chúng ta thấy người dịch cuốn sách của Rick Warren sang tiếng Việt đã dịch những câu Rick Warren trích dẫn từ bản "The Message" để giữ đúng tinh thần của sứ điệp trong cuốn sách.

Giá trị của bản diễn ý "The Message" như thế nào, tin rằng sẽ được thẩm định chính xác bởi bạn đọc sau khi đối chiếu những câu diễn ý "The Message" với các bản dịch Thánh Kinh tiêu chuẩn. Xin tham khảo thêm tại đây: http://www.bible-researcher.com/themessage.html.

Có thể nói, "The Purpose Driven Life" của Rick Warren gần như hoàn toàn dựa trên "The Message" –  một tác phẩm bẻ cong Lời Chúa –  thay vì dựa vào Thánh Kinh! Trong suốt các bài nhận định về 40 chương sách "The Purpose Driven Life," chúng ta thử tìm hiểu "mục đích" của Rick Warren khi ông dùng "The Message" – gọi đó là Thánh Kinh –  để hổ trợ những điều ông rao giảng; bên cạnh đó, khi xuất hiện những điểm Rick Warren dạy sai lạc với sự dạy dỗ của Thánh Kinh, chúng ta sẽ phân tích và dựa vào Lời Chúa mà sửa những điểm sai đó. Mời bạn đọc bước vào…

Ngày thứ nhất

Phần lớn trong chương đầu tiên này, Rick Warren dùng để nói về mục đích của cuốn sách là giúp cho độc giả tìm biết mục đích của đời sống họ. Sau phần giới thiệu đó, ông viết:

"Bạn có thể đạt được mọi mục đích cá nhân của mình, trở nên thành công vang dội theo tiêu chuẩn của thế gian, và vẫn cứ đánh mất những mục đích mà Đức Chúa Trời đã tạo dựng ra bạn. Kinh Thánh chép,"Tự nổ lực không giúp ích được gì. Tự hy sinh mới chính là con đường, con đường của ta, để tìm thấy chính các ngươi, con người thật của các ngươi." – Ma-thi-ơ 16:25 (bản MSG – ND)"[1].

Bản diễn ý Message (MSG):

"Self-help is no help at all. Self-sacrifice is the way, my way, to finding yourself, your true self."

Bản dịch Anh ngữ King James với số đối chiếu Strong's (KJV):

"For1063 whosoever3739, 302 will2309 save4982 his848 life5590 shall lose622 it:846 and1161 whosoever3739, 302 will lose622 his848 life5590 for my sake1752, 1700 shall find2147 it.846 "

Bản dịch Việt ngữ truyền thống:

"Vì ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất, còn ai vì cớ Ta mà mất sự sống mình thì sẽ được lại."

Ngay chương đầu tiên, viết cho ngày đầu tiên của "cuộc hành trình tâm linh" cách sử dụng bản văn "The Message" của Eugene H. Peterson mà Rick Warren gọi là Thánh Kinh, là Lời của Đức Chúa Trời, đã gieo nhiều nghi vấn! Càng về sau, những nghi vấn đó càng dày đặc…

Điểm quan trọng trong lời phán của Đức Chúa Jesus: "còn ai vì cớ Ta mà mất sự sống mình thì sẽ được lại" đã hoàn toàn bị cắt khỏi trong bản diễn ý "The Message!" Ý nghĩa câu văn: "Self-sacrifice is the way, my way, to finding yourself, your true self. – Tự hy sinh mới chính là con đường, con đường của ta, để tìm thấy chính các ngươi, con người thật của các ngươi;" hoàn toàn khác hẳn với"whosoever will lose his life for my sake shall find it. – còn ai vì cớ Ta mà mất sự sống mình thì sẽ được lại."

Một đàng là: nếu ngươi muốn tìm gặp con người thật của mình, ngươi hãy tự hy sinh (không nói rõ là hy sinh như thế nào, hy sinh cho ai?) còn một đàng là: nếu ngươi sẵn lòng vì Ta mà mất sự sống mình, thì ngươi sẽ được lại. Một đàng là: Ngươi hãy vì ngươi mà tự hy sinh thì sẽ gặp được chính ngươi; còn một đàng là: nếu ngươi sẵn lòng vì Chúa mà mất điều quý nhất của mình thì ngươi sẽ được lại điều đó. Ý nghĩa thật là khác xa nhau biết bao nhiêu! Người chịu mất sự sống của mình vì Chúa là người đã tìm thấy con người thật của mình trong Đấng Christ.

Tuyệt đối, trong Ma-thi-ơ 16:25 Chúa Jesus không dạy chúng ta hãy"tự hy sinh để tìm gặp con người thật của chính mình," lại còn nhấn mạnh đó là "my way," ý của Ta! Chúng ta thấy, Eugene H. Peterson –  tác giả "The Message" –  đã ngụy tạo Lời Chúa, gán cho Chúa những điều Chúa không phán. Chúng ta thấy, giữa bao nhiêu bản dịch Thánh Kinh hiện đại, Rick Warren đã không chọn một bản nào hết mà chọn "The Message" – không phải là một bản dịch Thánh Kinh – để trích dẫn Ma-thi-ơ 16:25, có phải là vì chính Rick Warren cũng muốn rao giảng sứ điệp: "Self-sacrifice is the way to finding your true self. Tự hy sinh là con đường dẫn đến tìm gặp con người thật của bạn?"

Trong chương mở đầu, Rick Warren viết:"It's not about you" (bản Việt ngữ dịch là"Không phải nói về bạn") [2], cách sau đó chỉ một trang sách ông lại mâu thuẫn và bẻ cong Lời Chúa để rao giảng về cái "tôi:""Self-sacrifice is the way to finding your true self. Tự hy sinh là con đường dẫn đến tìm gặp con người thật của bạn." Cả Thánh Kinh không một chỗ nào giảng dạy một người "tự hy sinh để tìm gặp con người thật," thế nhưng Rick Warren khẳng định"Kinh Thánh chép." Kinh Thánh mà Rick Warren nói đến ở đây là Kinh Thánh Lời của Đức Chúa Trời hay "Kinh Thánh lời của Eugene H. Peterson?"

Thánh Kinh dạy"vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời," "tiền công của tội lỗi là sự chết," nhưng "Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết" (Rô-ma 3:23; 6:23; 5:8)! Con người thật của chúng ta (our true selves) trước khi tiếp nhận sự cứu rỗi của Chúa là "lầm lạc và chết mất trong tội lỗi mình." Sau khi tiếp nhận sự cứu rỗi của Chúa thì chúng ta nhờ sự chết và sự sống lại của Chúa mà được tha tội, được tái sinh, được trở thành một con người mới với sự sống đời đời của Đức Chúa Trời trong chúng ta.

Self-sacrifice –  tự hy sinh có thể là "the way to finding your true sinful self – con đường tìm gặp con ngưòi thật tội lỗi của bạn" như trường hợp self-sacrifice của Giuđa Ích-ca-ri-ốt, người môn đệ phản Chúa! I Cô-rinh-tô 13:3 nêu lên một hành động điển hình về self-sacrifice –  tự hy sinh, và cho biết điều đó chẳng ích chi nếu người ấy không nhận biết Chúa. Bởi vì:"Ai chẳng yêu thì không nhìn biết Đức Chúa Trời, vì Đức Chúa Trời là sự yêu thương" (1 Giăng 4:8).

Chúng tôi không biết các độc giả của Rick Warren, sau khi đọc xong chương thứ nhất của "The Purpose Driven Life" sẽ "tự hy sinh" như thế nào để tìm gặp con người thật của mình! Với những người chưa được cứu, họ không cần hy sinh gì hết, mà mỗi ngày họ vẫn đối diện với "con người thật" của chính mình:"dối trá hơn mọi vật và rất là xấu xa" (Giê-rê-mi 17:9). Với những người đã được cứu, cũng chẳng cần hy sinh gì hết, mỗi ngày họ sống trong sự ấn chứng của Đức Thánh Linh: "Ðấng yêu thương chúng ta, đã lấy huyết mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, và làm cho chúng ta nên nước Ngài, nên thầy tế lễ của Ðức Chúa Trời và Cha Ngài, đáng được sự vinh hiển và quyền năng đời đời vô cùng! A-men" (Khải Huyền 1:9). Không có sự hy sinh nào khác hơn để một người tìm gặp con người thật của mình trong chương trình tốt đẹp đời đời của Đức Chúa Trời, ngoại trừ sự hy sinh của Đấng Christ trên thập tự giá; Đấng được Đức Chúa Trời xức dầu để làm sự hy sinh đó!

Rick Warren viết tiếp:

"Đức Chúa Trời không hề để chúng ta ở trong bóng tối của nghi ngờ và phỏng đoán. Ngài đã bày tỏ rõ ràng năm mục đích cho cuộc đời chúng ta thông qua Kinh Thánh… Kinh Thánh chép:"Sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời… thể hiện trong các mục đích của Ngài… Đó không phải là sứ điệp mới nhất, bèn là điều đã có từ rất lâu – điều Đức Chúa Trời đã chọn để khiến chúng ta nên trọn vẹn." – I Cô-rinh-tô 2:7 (bản MSG – ND)"[3].

Bản diễn ý Message (MSG):

"God's wisdom is something mysterious that goes deep into the interior of his purposes. You don't find it lying around on the surface. It's not the latest message, but more like the oldest–what God determined as the way to bring out his best in us, long before we ever arrived on the scene."

Bản dịch Anh ngữ King James với số đối chiếu Strong's (KJV):

"But235 we speak2980 the wisdom4678 of God2316 in1722 a mystery,3466 even the3588 hidden613 wisdom, which3739 God2316 ordained4309 before4253 the3588 world165 unto1519 our2257 glory:1391 "

Bản dịch Việt ngữ truyền thống:

"Chúng tôi giảng sự khôn ngoan của Ðức Chúa Trời, là sự mầu nhiệm kín giấu, mà từ trước các đời, Ðức Chúa Trời đã định sẵn cho sự vinh hiển chúng ta."

Bản dịch Việt ngữ STĐMĐ đã dịch "God's wisdom is something mysterious that goes deep into the interior of his purposes;" thành"Sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời… thể hiện trong các mục đích của Ngài…". Ở đây, chúng ta thấy:

1. Eugene H. Peterson đã "thêm" vào Lời Chúa:"goes deep into the interior of his purposes" và đã "bớt" đi Lời Chúa: "the hidden".

2. Người dịch, khi dịch sang tiếng Việt làm cho câu văn chẳng những khác với ý của Thánh Kinh "hidden – kín giấu" mà cũng khác luôn với ý của Eugene H. Peterson "goes deep into the interior of his purpose – thấm sâu vào tận trong nội tại của mục đích Ngài" khi dịch là "…thể hiện trong các mục đích của Ngài."

Với sự thêm thắt rườm rà của Eugene H. Peterson vào Lời Chúa, hoặc xén bỏ hoàn toàn sự dạy dỗ của Ngài, chúng ta nhận thấy Rick Warren chọn trích dẫn "The Message" và phong cho "The Message" thẩm quyền của Thánh Kinh để hổ trợ những điều giảng dạy của ông là một điều không thể chấp nhận! Nói như thế không có nghĩa là những điều giảng dạy của Rick Warren hoàn toàn sai trái với Thánh Kinh (kể cả khi ông khẳng định một cách chủ quan: "Ngài đã bày tỏ rõ ràng năm mục đích cho cuộc đời chúng ta thông qua Kinh Thánh" –  Chắc chắn, Đức Chúa Trời chỉ có một mục đích cho cuộc đời của mỗi người, nếu "mục đích" có nghĩa là điểm đến cuối cùng (Hêbơrơ 12:2). Trên bước đường đi đến mục đích đó, có nhiều mục tiêu được đặt ra cho chúng ta!)

Phần lớn những gì Rick Warren trình bày trong tác phẩm "The Purpose Driven Life" là phù hợp với sự dạy dỗ của Thánh Kinh. Tuy nhiên, ông không nương dựa vào Lời chân thật của Chúa để hổ trợ cho sự dạy dỗ của mình mà cậy trông vào một tác phẩm xuyên tạc Lời Chúa. Điều đó khiến cho những sự dạy dỗ của Rick Warren trở thành nguy hiểm như những viên thuốc độc bọc đường!

Phải chăng, Rick Warren, vô tình hay hữu ý, đang dẫn dụ hàng triệu người nghe và làm theo những gì Eugene H. Peterson diễn giảng về Lời Chúa hơn là nghe và làm theo Lời Chúa khi ông công khai trích dẫn và gọi những lời của Eugene H. Peterson là "Thánh Kinh?" Phải chăng, vì đọc "The Message" thay vì đọc Lời Chúa, mà Rick Warren đã có ý tưởng để viết nên "The Purpose Driven Church" và "The Purpose Driven Life?" Phải chăng, vì đọc Ma-thi-ơ 5:48 từ bản "The Message:" "In a word, what I'm saying is, Grow up. You're kingdom subjects. Now live like it. Live out your God-created identity. Live generously and graciously toward others, the way God lives toward you;" thay vì đọc từ bản dịch tiêu chuẩn KJV: "Be2071 ye5210 therefore3767 perfect,5046 even as5618 your5216 Father3962 which3588 is in1722 heaven3772 is2076 perfect5046;" ("Thế thì, các ngươi hãy nên trọn vẹn, như Cha các ngươi trên trời là trọn vẹn") mà Rick Warren đã ngang nhiên viết:"Đức Chúa Trời không mong rằng bạn sẽ trở nên toàn hảo, nhưng Ngài có đòi hỏi sự thành thật hoàn toàn" [5]? Nếu Đức Chúa Trời không đòi hỏi chúng ta trở nên toàn hảo, thì mạng lệnh:"Hãy nên Thánh, vì Ta là Thánh" phải được hiểu ra sao? Một người có thể rất thành thật hoàn toàn nhưng đời sống của người ấy không toàn hảo cho đến khi người ấy chịu đầu phục Chúa và nương cậy vào quyền năng của Đức Thánh Linh để được Ngài thánh hóa và khiến mình trở nên toàn hảo. Chúng ta cần phải thành thật hoàn toàn và chúng ta cũng cần trở nên toàn hảo! I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23-24 khẳng định Đức Chúa Trời muốn chúng ta trở nên toàn hảo và chính Ngài sẽ làm thành điều đó:"Nguyền xin chính Ðức Chúa Trời bình an khiến anh em nên thánh trọn vẹn, và nguyền xin tâm thần, linh hồn, và thân thể của anh em đều được giữ vẹn, không chỗ trách được, khi Ðức Chúa Jêsus Christ chúng ta đến! Ðấng đã gọi anh em là thành tín, chính Ngài sẽ làm việc đó." Ha-lê-lu-gia! Cảm tạ Chúa!

Mặc khác, Rick Warren gián tiếp thú nhận ông đã không còn lòng tin vào quyền năng của Lời Chúa và Đức Thánh Linh. Ông gián tiếp cho rằng Lời Chúa cần phải được thay đổi, biến chế để thế gian chịu tiếp nhận. Ông gián tiếp cho rằng, khi dịch Thánh Kinh không cần nghiên cứu chuyên sâu. Ông quên rằng, chính Chúa dạy Giô-suê khi đọc Lời Chúa thì phải suy gẫm ngày và đêm (nghiên cứu chuyên sâu) để có thể cẩn thận làm theo (Giô-suê 1:8). Ông quan niệm một cách vô lý rằng, nếu không nghiên cứu chuyên sâu Lời Chúa thì mới "nắm bắt" được tinh thần của lời Chúa! Nói tóm lại, ông đã để cho tâm lý học của thế gian làm chủ sự suy nghĩ của ông; ông không còn tin vào quyền năng của Thánh Linh có thể giúp cho một người thật lòng tìm kiếm Chúa sẽ hiểu được Lời Ngài. Chẳng có gì lạ khi các pastor học theo Rick Warren "không cần nghiên cứu chuyên sâu Lời Chúa" để giảng cho Hội Thánh vì cho rằng nhờ vậy mà "nắm bắt được tinh thần của Lời Chúa!" Hay nói cách khác, từ nay, các pastor chỉ cần mở "The Message" ra và đọc cho Hội Thánh nghe, vì "tinh thần" của Lời Chúa đã được Eugene H. Peterson "nắm bắt" trong đó hết rồi. Rick Warren đã thực sự làm như vậy. Thi Thiên 119 đã trở thành lỗi thời đối với Rick Warren và những người tin theo ông! Rick Warren viết:

"Một lý do quan trọng khác để dùng nhiều bản dịch và diễn ý là chúng ta thường không nắm bắt được mọi phương diện ý nghĩa của một câu Kinh Thánh quen thuộc,không phải vì dịch dỡ, nhưng vì chúng quá quen thuộc! Chúng tanghĩ rằng mình biết câu Kinh Thánh đó nói gì vì đã đọc hoặc nghe nó nhiều lần. Rồi khi thấy nó được trích dẫn trong một cuốn sách, chúng ta đọc lướt qua và đánh mất ý nghĩa trọn vẹn của nó.

Tôi cố tình dùng các bản diễn ý để giúp bạn thấy được lẽ thật của Đức Chúa Trời theo những cáchtươi mới. Do không có chủ ý để nghiên cứu chuyên sâu, nên các bản diễn ý thường nắm bắt được tinh thần của một câu."[5]

Sự chủ quan (vì nghĩ rằng ai cũng giống như mình) và ngụy biện của Rick Warren thật là đáng thương! Cho dù một người có quen thuộc với một câu Thánh Kinh đến nổi, khi đọc thấy nó được trích dẫn trong một cuốn sách, người ấy chỉ đọc lướt qua câu Thánh Kinh ấy, không có nghĩa là người ấy "đánh mất ý nghĩa trọn vẹn của nó." Người ấy đọc lướt qua là bởi vì câu Thánh Kinh đó đã dầm thấm vào trong tâm linh của người ấy cho nên không cần phải nhìn vào chữ, đọc thành tiếng. Người ấy đã "biết" điều Chúa phán dạy, phần còn lại là đọc xem những gì tác giả viết trong cuốn sách có đúng với Lời của Chúa hay không. Chính bản văn "The Message" mà Rick Warren mạnh dạn công bố là "Thánh Kinh" và trích dẫn rộng rãi trong tác phẩm của mình, đã cướp đi "ý nghĩa trọn vẹn" của Lời Chúa!

Nếu một người chưa bao giờ đọc Thánh Kinh, chưa bao giờ nghe ai khác giảng về Chúa, mở cuốn "The Purpose Driven Life" ra đọc và khi đọc câu trích dẫn Ma-thi-ơ 26:25 từ "The Message": "Tự nổ lực không giúp ích được gì. Tự hy sinh mới chính là con đường, con đường của ta, để tìm thấy chính các ngươi, con người thật của các ngươi." Người ấy sẽ không thể biết, Chúa muốn dạy cho người ấy biết rằng:"Vì ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất, còn ai vì cớ Ta mà mất sự sống mình thì sẽ được lại." Chúng ta cũng không dám nghĩ là Đức Thánh Linh sẽ dắt người ấy đi vào lẽ thật qua câu ngụy Thánh Kinh nói trên. Có một thị trường to lớn sẵn sàng đón tiếp tư tưởng: "Tự nổ lực không giúp ích được gì. Tự hy sinh mới chính là con đường, con đường của ta, để tìm thấy chính các ngươi, con người thật của các ngươi." Đó là thị trường huấn luyện những cảm tử quân khủng bố Hồi Giáo!

Chắc chắn, phương cách để giúp một người "thấy được lẽ thật của Đức Chúa Trời theo những cáchtươi mới" không phải là bẻ cong, hoặc thêm, bớt Lời Chúa mà là trung thực trình bày Lời Chúa (I Phierơ 4:11) và để cho Đức Thánh Linh làm công việc dẫn người ấy vào mọi lẽ thật (Giăng 16:13).

Rick Warren viết tiếp (gọi "The Message" là Kinh Thánh):

Kinh Thánh nói rằng:"Chính trong Đấng Christ mà chúng ta tìm ra được chính mình và cả mục đích cuộc sống của chúng ta. Từ rất lâu trước khi chúng ta lần đầu tiên nghe được tiếng gọi của Đấng Christ và hy vọng, thì Ngài đã để mắt đến chúng ta, đã chuẩn bị chúng ta cho một đời sống vinh hiển, một phần trong toàn bộ mục đích mà Ngài đang thực hiện trong đời sống mỗi con người." – Ê-phê-sô 1:11 (bản MGE – ND)[6].

Bản diễn ý Message (MSG):

"It's in Christ that we find out who we are and what we are living for. Long before we first heard of Christ and got our hopes up, he had his eye on us, had designs on us for glorious living"

Bản dịch Anh ngữ King James với số đối chiếu Strong's (KJV):

"In1722 whom3739 also2532 we have obtained an inheritance,2820 being predestinated4309 according2596 to the purpose4286 of him who worketh1754 all things3956 after2596 the3588 counsel1012 of his own848 will:2307"

Bản dịch Việt ngữ truyền thống:

"Ấy cũng là trong Ngài mà chúng ta đã nên kẻ dự phần kế nghiệp, như đã định trước cho chúng ta được điều đó, theo mạng của Ðấng làm mọi sự hiệp với ý quyết đoán"

Thêm một lần nữa, chúng ta thấy "The Message" không phải là Thánh Kinh mà hoàn toàn là sự suy diễn riêng tư của Eugene H. Peterson. Sự kiện một người được hưởng quyền kế tự khác xa với sự kiện người ấy "tìm ra được chính mình và cả mục đích cuộc sống". Chúng ta có thể "tìm ra được chính mình và cả mục đích cuộc sống" mà chẳng hề hưởng được quyền kế tự nào cả! Lời Chúa khẳng định: Trong Đấng Christ "chúng ta đã nên kẻ dự phần kế nghiệp, như đã định trước cho chúng ta được điều đó". Rick Warren qua Eugene H. Peterson đã cắt bỏ chân lý ấy ra khỏi Lời Chúa!

Cuối cùng của chương thứ nhất, Rick Warren trích dẫn Côlôse 1:16b qua bản "The Message" như sau:

"Câu Gốc: "Mọi vật khởi đầu trong Ngài và tìm được mục đích của chính mình trong Ngài" Cô-lô-se 1:16b (MSG – ND) [7].

Bản diễn ý Message (MSG):

"For everything, absolutely everything, above and below, visible and invisible, rank after rank after rank of angels–everything got started in him and finds its purpose in him."

Bản dịch Anh ngữ King James với số đối chiếu Strong's (KJV):

"For3754 by1722 him846 were all things3956 created,2936 that3588 are in1722 heaven,3772 and2532 that3588 are in1909 earth,1093 visible3707 and2532 invisible,517 whether1535 they be thrones,2362 or1535 dominions,2963 or1535 principalities,746 or1535 powers:1849 all things3956 were created2936 by1223 him,846 and2532 for1519 him:846"

Bản dịch Việt ngữ truyền thống:

"Vì muôn vật đã được dựng nên trong Ngài, bất luận trên trời, dưới đất, vật thấy được, vật không thấy được, hoặc ngôi vua, hoặc quyền cai trị, hoặc chấp chánh, hoặc cầm quyền, đều là bởi Ngài và vì Ngài mà được dựng nên cả."

Eugene H. Peterson dùng nhóm chữ "got started in him – khởi phát trong Ngài" thay thế cho "created by him – được dựng nên bởi Ngài." Ngôn ngữ được dùng để chuyển đạt tư tưởng, cho dù không trọn vẹn trong sự diễn đạt, mỗi từ ngữ vẫn có một ý nghĩa nhất định không thể lầm lẫn. Thánh Kinh được sự hà hơi của Đức Chúa Trời cho nên không ai có thể thay đổi từ ngữ mà Chúa đã chọn dùng. (Nhiều Cơđốc nhân ngày nay tuyên xưng Thánh Kinh là Lời Hằng Sống của Đức Chúa Trời, không có sự sai lầm trong Thánh Kinh, nhưng vẫn cậy sự khôn ngoan của mình để thay đổi Lời Chúa, điển hình là sự thay đổi chữ "đàn bà" thành chữ "mẹ" trong Giăng 2:4 và 19:26, bởi vì họ dám cho rằng Đức Chúa Trời đã không biết lịch sự, lễ phép! Họ không hiểu được rằng Tin Lành Giăng bày tỏ thần tính của Đức Chúa Jesus Christ chứ không phải bày tỏ nhân tính của Ngài. Họ không hiểu được rằng "The Son of God –  Con của Đức Chúa Trời" đang phán với bà Ma-ri chứ không phải "The Son of Man – Con của loài người" đang thưa chuyện với mẹ!) Khi thay thế "created by him" bằng "got started in him" Eugene H. Peterson đã vô tình hay hữu ý đưa tư tưởng"mọi vật là Đức Chúa Trời" của Ấn Giáo và New Age vào trong Thánh Kinh:

"created by him" nói lên muôn vật được dựng nên bởi Chúa và khác với Chúa.

"got started in Him" nói lên muôn vật khởi sự trong Chúa nên cùng một bản thể với Ngài = muôn vật cũng là Đức Chúa Trời.

Thánh Kinh dạy rõ, chỉ những ai tin nhận Tin Lành của Đức Chúa Trời mới được báp-tem vào trong Đấng Christ. Nhờ được báp-tem vào trong Đấng Christ nên chúng ta được "dự phần" bản thể của Ngài (I Phierơ 1:4). Dầu vậy, "dự phần" bản thể của Đức Chúa Trời không có nghĩa chúng ta "cùng một bản thể" với Đức Chúa Trời, không có nghĩa chúng ta cũng là Đức Chúa Trời! Điều ấy chỉ có nghĩa là chúng ta được Chúa ban cho vinh hiển của chính Ngài (Giăng 17:22), được nhận lấy "sự hằng hữu" vào trong chúng ta, chứ không phải chúng ta biến thành "tự hữu, hằng hữu."

Trong bản dịch Việt ngữ của "The Purpose Driven Life," câu Rô-ma 8:6 trưng dẫn ở trang 16 đã không được dịch theo "The Message" như trích dẫn trong bản Anh ngữ: "Obsession with self in these matters is a dead end; attention to God leads us out into the open, into a spacious, free life."

Bản dịch Anh ngữ King James với số đối chiếu Strong's (KJV):

"For1063 to be carnally4561 minded5427 is death;2288 but1161 to be spiritually4151 minded5427 is life2222 and2532 peace.1515"

Bản dịch Việt ngữ truyền thống:

"Vả, chăm về xác thịt sanh ra sự chết, còn chăm về Thánh Linh sanh ra sự sống và bình an."

"Dead end – Ngã cụt" hoàn toàn khác biệt với "Death – Chết." Đứng trước "ngã cụt" một người có thể quay lại, nhưng nếu đã "chết" một người không thể làm gì được nữa!

Hãy xem một người từng sống trong quyền lực của New Age nói gì về Cô-lô-se 1:16 của "The Message" (bạn đọc nào có khả năng và thì giờ, xin giúp chúng tôi phiên dịch đoạn Anh ngữ dưới đây):

 

Warren Smith, "Deceived on Purpose" – From Chapter 3:

It wasn’t Peterson’s use of the phrase “got started” instead of “created,” or even the word “purpose,” that jumped out at me, as much as his use of the phrase “above and below” instead of “heaven and earth.” When I was in the New Age, it was well understood that the words “above and below” had metaphysical/New Age connotations and were routinely substituted for “heaven and earth.” In fact, the term “as above, so below” was a commonly accepted New Age phrase.

In reading through The Message, I discovered that Peterson had actually inserted the entire phrase “as above, so below” into his paraphrase of the Lord’s Prayer. I compared Peterson’s version of the Lord’s Prayer with the King James Version of that same prayer.

The Message:"Our Father in heaven, Reveal who you are. Set the world right; Do what’s best—as above, so below. Keep us alive with three square meals. Keep us forgiven with you and forgiving others. Keep us safe from ourselves and the Devil. You’re in charge! You can do anything you want! You’re ablaze in beauty! Yes. Yes. Yes."3 [Emphasis added]

Peterson had deliberately substituted “as above, so below” in place of “in earth, as it is in heaven.”

In Colossians 1:16, Peterson again chose to use the terms “above” and “below” instead of the commonly accepted “heaven” and “earth” found in most Bible translations. The “above” and “below” in Colossians 1:16 is an obvious derivative form of the “as above, so below” he had used previously in his paraphrase of the Lord’s Prayer. This derivative form of the more complete phrase “as above, so below” is also common to the New Age. The fact that this whole “above” and “below” issue was presenting itself on the first page of the first chapter of Rick Warren’s book was unsettling. Was I reading too much into this? Was there some other reasonable explanation for Eugene Peterson’s use of the term “as above, so below” in the Lord’s Prayer and its derivative form in Colossians 1:16?

King James Bible: "Our Father which art in heaven, Hallowed be thy name. Thy kingdom come. Thy will be done in earth, as it is in heaven. Give us this day our daily bread. And forgive us our debts, as we forgive our debtors. And lead us not into temptation, but deliver us from evil: For thine is the kingdom, and the power, and the glory, for ever. Amen." [Emphasis added]

Ancient Egypt and Oneness

Right about the time I was looking into Eugene Peterson’s use of the term “as above, so below,” I was at a book sale at our local library. Almost lost amongst some cookbooks and business manuals was a book written and published by the editors of the New Age Journal. It was entitled As Above, So Below. I picked it up and began reading it. In the introduction the chief editor of the book, Ronald S. Miller, had written:

"Thousands of years ago in ancient Egypt, the great master alchemist Hermes Trismegistus, believed to be a contemporary of the Hebrew prophet Abraham, proclaimed this fundamental truth about the universe: “As above, so below; as below, so above.” This maxim implies that the transcendent God beyond the physical universe and the immanent God within ourselves are one. Heaven and Earth, spirit and matter, the invisible and the visible worlds form a unity to which we are intimately linked."4

He continued his explanation by quoting Sufi scholar Reshad Field.

…“‘As above, so below’ means that the two worlds are instantaneously seen to be one when we realize our essential unity with God…. The One and the many, time and eternity, are all One.”5
The New Age Journal editor went on to state that old forms of religion no longer serve people, and that the term “as above, so below” describes the “emerging spirituality” that is quickly moving onto the world’s scene. He concluded his introduction to As Above, So Below by writing: "The breadth of this exploration suggests that we are living in an age of spiritual reinvention, a transitional age that leaves the safety and security of the known to seek out the new, the untested, the possible."6

Moving from the library book sale to the Internet, I put “as above, so below” into the Google search engine to see what would come up. There were countless references. The very first reference listed by Google for “as above, so below” read:

"This phrase comes from the beginning of The Emerald Tablet and embraces the entire system of traditional and modern magic which was inscribed upon the tablet in cryptic wording by Hermes Trismegistus. The significance of this phrase is that it is believed to hold the key to all mysteries. All systems of magic are claimed to function by this formula. ‘That which is above is the same as that which is below’…. The universe is the same as God, God is the same as man…”7

As I checked out the most popular websites for “as above, so below” each one described the term as having the same mystical, eastern, New Age, esoteric and magical sources. One site stated:
This ancient phrase, “As above, so below” describes the Oneness of All That Is.8

The phrase “as above, so below” headlined a page from the Theosophical Society’s website containing the “esoteric” teachings of New Age matriarch Alice A. Bailey. A derivative form of the term—similar to Peterson’s abbreviated use of “above and below” in Colossians 1:16—appeared on the website in a quote from Theosophy founder Helena Blavatsky’s pioneering New Age work, The Secret Doctrine:

"Above, the Son is the whole KOSMOS; below, he is MANKIND." 9

To see if there was any other explanation for Peterson’s use of this mystical New Age phrase, I put the term “as above, so below,” along with the term “Christianity,” into the search engine of the computer I was using. There were only seven references. None of them had anything to do with biblical Christianity. The first reference was entitled “Mystical Christianity” and said:

"…to help the seeker of an inner spiritual path find resources to aid their spiritual journey towards a mystical and magickal Christianity."10

In all of my searching I could find no good reason for Peterson’s using “as above, so below” in his paraphrase of the Lord’s Prayer. Nor could I find any good reason for his use of the obvious “above and below” derivative, that appears in his Colossians 1:16 paraphrase, that Rick Warren used at the very beginning of his book to initiate his readers into The Purpose-Driven Life.

So what?

I guess if Rick Warren or anyone else says, “So what?” I would say, “So how come?” How come Eugene Peterson inserted a universally accepted, mystical New Age term right into the middle of the Lord’s Prayer? And why does a derivative of the saying show up in his paraphrase of Colossians 1:16?

Even if you thought there was some “good” reason for using the term “as above, so below,” why would you? Why would you choose a term that so clearly has its origins in the magic of ancient Egypt, and is so heavily identified today with the New Age and the New Spirituality?

“As above, so below” agrees with the “immanent” New Age view that God is not only outside of creation, but also within creation. It means that God is “in” everyone and everything. It perfectly denotes the New Age concept of “Oneness” and provides apparent support for the New Age contention that “We are all One.”

Seeker friendly?

I tried to imagine what it would be like for a confused New Ager today coming into a Purpose-Driven Church that uses The Message, and finding this popular New Age phrase right in the middle of the Lord’s Prayer. Or what it would be like for that person to be handed a copy of Rick Warren’s book, only to find an abbreviated form of this same New Age phrase as part of the lead-off Scripture introducing them to The Purpose-Driven Life. This hardly seemed to be the way to introduce the Gospel of Jesus Christ to an unbelieving New Ager.

Rick Warren’s reintroduction of The Message into my life only reinforced the concerns I had originally voiced on the radio when Peterson’s book first came out. Why was Rick Warren so drawn to The Message? The Message not only obscured prophetic Scriptures like Matthew 24:3–5, it also introduced paraphrased material like “as above, so below,” that made it appear that some of the teachings of the Bible were “at One” with the teachings of the New Age. In Reinventing Jesus Christ: The New Gospel, I had observed:

"And it is, indeed, very disturbing to see many Christian leaders today using many of the same words and expressions commonly used by their [New Age, ed.] 'new gospel' counterparts."11
Unfortunately, undiscerning Christian leaders have not adequately exposed these [New Age, ed.] “new gospel” teachings and, as a result, the spirit behind the “new gospel” has entered the Church.12

3. Eugene H, Peterson, The Message, p. 21–22.
4. Ronald S. Miller and the Editors of New Age Journal, As Above, So
Below, p. xi.
5. Ibid.
6. Ibid., p. xiv.
7.
http://www.themystica.com/mystica/articles/a/below_above.html
8. http://www.mothermaryspeaks.com/as_above_so_below.htm, p. 1.
9. Helena Blavatsky, The Secret Doctrine. p. i 60, quoted on
http://theosophy.org/tlodocs/AsAboveSoBelow.htm
10.http://www.esotericchristian.com/home.html
11. Warren Smith, Reinventing Jesus Christ: The New Gospel, p. 68.
12. Ibid., p. 6.

 

Với lời nhận định như trên của một cựu New Ager, chúng ta có thể thấy quyền lực nào đang nằm đàng sau "The Message" và phong trào "Purpose Driven!" Điều đáng ngạc nhiên là hàng trăm ngàn pastor, hàng triệu Cơ-đốc nhân đã tiếp nhận, học tập, và phổ biến bộ ba "The Message," "The Purpose Driven Church," và "The Purpose Driven Life." Hàng tri Đọc Tiếp →

4,703 views

Phê Bình Tác Phẩm “The Purpose Driven Life” – Bài Ba: Những Sai Lầm Trong Lời Giới Thiệu

Phê Bình Tác Phẩm "The Purpose Driven Life"

Bài Ba:  Những Sai Lầm Trong Lời Giới Thiệu

Copyright Notice:Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry – All Rights Reserved © 2006 Vietnamese Christian Mission Ministry, Inc. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức với điều kiện giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.

Mục Tử
Bấm vào đây để download bài viết này

[1161]

Tác phẩm "The Purpose Driven Life," cũng như bao nhiêu tác phẩm Cơ-đốc khác, chứa nhiều lẽ thật thực dụng của Thánh Kinh. Một người có thể thu thập nhiều ích lợi thuộc linh trong khi suy gẫm và áp dụng những lẽ thật Thánh Kinh được trình bày trong tác phẩm này. Tuy nhiên, bên cạnh đó, lại có vô số những điều sai lầm vô tình hoặc hữu ý khiến cho độc giả chưa có sự sâu nhiệm trong Lời Chúa dễ dàng bị dẫn dắt sai lạc, tin vào những điều hoàn toàn ngược lại với sự dạy dỗ của Thánh Kinh; đặc biệt là khi những điều này được tác giả trình bày và dùng những câu Thánh Kinh từ một bản dịch diễn ý (mà lại diễn dịch sai lạc ý nghĩa thật của Thánh Kinh) để hổ trợ cho ý tưởng của mình.

Một tác phẩm trộn lẫn lẽ thật của Thánh Kinh với những ý tưởng triết học, tâm lý, niềm tin của New Age… là điều mà những Cơ-đốc nhân chân chính cần phải cảnh giác. Kể từ bài viết này, người viết sẽ trình bày những điểm sai lầm trong "The Purpose Driven Life" đã được dịch sang Việt ngữ là "Sống Theo Đúng Mục Đích." Những sai lầm đó, xuất hiện ngay từ những trang đầu của cuốn sách, ngay trong phần "Lời Giới Thiệu."

"Purpose Driven Life" nghịch lại "Holy Spirit Driven Life?"

"The Purpose Driven Life" nếu dịch sang Việt ngữ cho sát nghĩa thì sẽ là "Đời Sống Được Điều Khiển Bởi Mục Đích." "Purpose Driven" nghĩa là "được hay bị điều khiển, thúc đẩy, lèo lái, tác động, định hướng… bởi mục đích."

Một đời sống được điều khiển bởi mục đích không hẳn là một đời sống đúng với tiêu chuẩn của Thánh Kinh. Nhiều cá nhân trong lịch sử đã chứng tỏ họ hoàn toàn sống một đời sống được điều khiển bởi mục đích nhưng cuộc đời "sống theo đúng mục đích" của họ chỉ đem lại bất hạnh cho chính họ và những người ở trong tầm ảnh hưởng của họ. Lịch sử nhân loại cho thấy: Tần Thủy Hoàng, Stalin, Hitller, Mao Trạch Đông là những cá nhân đã sống chết với mục đích trong cuộc đời của họ. Trong thế giới thuộc linh, tưởng không có ai sống một đời sống "purpose driven" hơn là Sa-tan!

Với một chủ đề (theme) "purpose driven" – "điều khiển bởi mục đích," Pastor Rick Warren đã dựng nên một phong trào "Purpose Driven Church" và "Purpose Driven Life," thu hút và ảnh hưởng đến hàng triệu người. Chỉ đọc lên chủ đề "purpose driven" một tín đồ bình tâm cũng nhận thức được có điều gì không ổn. Thánh đồ và Hội Thánh của Đấng Christ không thể và không bao giờ chấp nhận cho ai hay điều gì khác điều khiển (drives) mình hơn là quyền năng của Đức Thánh Linh:

"Ấy chẳng phải là bởi quyền thế, cũng chẳng phải là bởi năng lực, bèn là bởi Thần Ta, Đức Giêhôva vạn quân phán vậy." (Xa-cha-ri 4:6)

"Nếu chúng ta nhờ Thánh Linh mà sống, thì cũng hãy bước theo Thánh Linh vậy." (Ga-la-ti 5:25)

Một đời sống đẹp ý Chúa, phù hợp với Thánh Kinh phải là một đời sống hoàn toàn tin cậy và đầu phục Chúa, chịu sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh qua Lời Hằng Sống của Ngài là Thánh Kinh, và nhờ vào năng lực của Đức Thánh Linh mà đạt đến mục đích Đức Chúa Trời đã đặt ra trong đời sống của tín nhân.

Lịch sử của Hội Thánh, đã ghi lại biết bao tấm gương tiêu cực của những cá nhân và tổ chức hăng say chạy theo tiếng gọi của "mục đích hầu việc Chúa" mà không đầu phục và vâng theo sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh đến nỗi bất chấp thủ đoạn, phương tiện miễn sao đạt được mục đích. Họ đã dùng "mục đích" để biện minh cho phương tiện: từ sự dung túng và hội nhập tà giáo vào trong Hội Thánh để hoàn thành "mục đích Cơ-đốc hóa toàn cõi đế quốc La-mã" vào cuối thế kỷ thứ ba mà di hại vẫn còn tới nay, đến những cuộc Thập Tự Chinh (Crusades) kéo dài hơn 200 năm với "mục đích quét sạch Hồi Giáo ra khỏi Giêrusalem" nhưng thực chất lại là cướp phá thánh địa và tàn sát dân Do Thái (1095-1303), đến Tôn Giáo Pháp Đình (Inquisition) với "mục đích tiêu diệt tà giáo" đã nhân danh Đấng Christ để đốt bỏ Thánh Kinh và giết chết hàng triệu thánh đồ của Đấng Christ là những người quyết tâm chối bỏ thẩm quyền của giáo hoàng và chối bỏ những giảng dạy của giáo hội Công Giáo sai lạc với Thánh Kinh (1233-1478)!

Rõ ràng, đời sống theo đúng mục đích hay đời sống được điều khiển bởi mục đích KHÔNG PHẢI và KHÔNG THỂ là TIÊU CHUẨN SỐNG của thánh đồ Đấng Christ, mà phải là một đời sống bước đi theo Đức Thánh Linh, được điều khiển bởi Đức Thánh Linh, một"Đời Sống Đầy Dẫy Thánh Linh" (Ê-phê-sô 5:18).

Câu hỏi quan trọng nhất của cuộc sống

Pastor Rick Warren mở đầu "The Purpose Driven Life" bằng những lời giới thiệu với tiểu đề: "Một Hành Trình Có Mục Đích." Ông viết:

"Đây không chỉ đơn thuần là một cuốn sách; nó là một loạt bài học cho hành trình tâm linh trong 40 ngày nhằm giúp bạn khám phá lời đáp cho câu hỏi quan trọng nhất của cuộc sống: Tôi có mặt trên trần gian để làm gì? Đến cuối cuộc hành trình này, bạn sẽ biết được mục đích của Đức Chúa Trời cho cuộc đời bạn và sẽ hiểu được bức tranh lớn — mọi mảng nhỏ trong cuộc đời bạn ráp lại với nhau như thế nào. Cách nhìn này sẽ giúp bạn bớt căng thẳng, đơn giản hóa các quyết định của bạn, khiến bạn thỏa lòng hơn, và, điều quan trọng nhất là chuẩn bị bạn cho cõi đời đời" [1].

Từ tựa đề cho đến lời mở đầu của cuốn sách, chúng ta có thể thấy mùi của tâm lý học đâu đây nhưng lại được khoác cho cái áo thuộc linh. Tác giả xác quyết rằng, tác phẩm của ông không chỉ là một cuốn sách, mà là một loạt "bài học tâm linh." Lời xác quyết này, kèm theo danh tiếng của Pastor Rick Warren, dễ dàng khiến cho độc giả bỏ quên sự cảnh giác thuộc linh, để sẵn sàng chấp nhận hết những gì được trình bày trong sách là "bài học tâm linh," phù hợp với sự dạy dỗ của Thánh Kinh, đặc biệt là khi được hổ trợ bằng những câu được gọi là "Thánh Kinh" do tác giả trích dẫn. Sự nguy hiểm nằm ở đó!

Ngay trong lời mở đầu nói trên, tác giả đã nhẹ nhàng đánh lạc hướng người đọc khi quyết chắc rằng: "Tôi có mặt trên trần gian để làm gì?" là câu hỏi quan trọng nhất của cuộc sống! Bất kỳ một tín đồ Đấng Christ nào cũng biết câu hỏi quan trọng nhất của cuộc sống đối với một người chưa được cứu là: "Bạn đã được cứu chưa?" và đối với người đã được cứu là: "Bạn có được đầy dẫy Thánh Linh chưa?" Cuộc đời của một người, nếu không thể trả lời hai câu hỏi này một cách xác định và dứt khoát thì cuộc sống của người ấy hoàn toàn vô nghĩa, cho dù họ có đặt ra và theo đuổi bao nhiêu mục đích trong đời mình.

Bài học tâm linh?

Theo bố cục của sách thì tác giả dùng phần đầu tiên (khoảng 1/6 sách) "Tôi có mặt trên trần gian này để làm gì?" [2] trình bày cho độc giả biết những điều sau đây:

– Mọi sự bắt đầu với Đức Chúa Trời
– Bạn không phải là một sự tình cờ
– Điều gì lèo lái (drives) cuộc đời bạn?
– Được tạo dựng cho cõi đời đời
– Nhìn cuộc đời tù cái nhìn của Đức Chúa Trời
– Cuộc sống chỉ là tạm bợ
– Nguyên nhân của mọi sự

Và, ở cuối chương thứ bảy "Nguyên nhân của mọi sự," Rick Warren đã kết luận"hãy tin rằng Đức Chúa Trời yêu thương bạn" và kêu gọi độc giả "hãy tiếp nhận Chúa Giê-su vào cuộc đời bạn" [3].

Căn cứ vào bố cục và nội dung của sách, chúng ta có thể nhận thấy tác giả của "The Purpose Driven Life" muốn trình bày một loạt bài học tâm linh cho cả hai thành phần độc giả:

– Bảy chương đầu của phần thứ nhất viết cho những người chưa tin nhận Chúa, tác giả trình bày cho họ biết Đức Chúa Trời yêu thương mọi người và có mục đích cho cuộc đời của mỗi người; sau đó ông khuyên họ hãy tin rằng Đức Chúa Trời yêu thương họ và kêu gọi họ tin nhận Chúa.
– Ba mươi ba chương còn lại của sáu phần sau viết cho những người đã tin nhận Chúa, hướng dẫn họ sống theo đúng mục đích mà Đức Chúa Trời đã đặt để cho họ.

Tác giả xác quyết rằng, tác phẩm của ông là một loạt "bài học tâm linh," thế nhưng trong phần bài học tâm linh dành cho người chưa tin nhận Chúa, ông không hề trình bày lẽ đạo về "sự ăn năn tội" "sự cứu rỗi" của Thánh Kinh, rằng:

"Các ngươi hãy ăn năn, vì nước thiên đàng đã đến gần." (Ma-thi-ơ 4:17)
"Mọi người đều đã phạm tội" và "Tiền công của tội lỗi là sự chết" (Rô-ma 3:23, 6:23)
"Ai tin Con thì được sự sống đời đời, ai không chịu tin Con thì chẳng thấy sự sống đâu, nhưng cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người đó." (Giăng 3:36)
"Chẳng có sự cứu rỗi trong Đấng nào khác, vì ở dưới trời chẳng có danh nào khác ban cho loài người để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu." (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:12)

Và, trong phần bài học tâm linh dành cho người đã tin nhận Chúa, ông không hề trình bày điều căn bản và quan trọng hàng đầu của một tín đồ Đấng Christ là "hoàn toàn đầu phục Chúa" để có thể "sống một nếp sống thánh khiết:"

"Nếu ai muốn theo Ta, phải tự bỏ mình đi, mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo Ta. Như vậy, nếu ai trong các ngươi không bỏ mọi sự mình có, thì không được làm môn đồ Ta." (Lu-ca 9:23, 14:33)
"Vậy anh em cũng hãy coi mình như chết về tội lỗi và như sống cho Ðức Chúa Trời trong Ðức Chúa Jêsus Christ. Vậy, chớ để tội lỗi cai trị trong xác hay chết của anh em, và chớ chiều theo tư dục nó. Chớ nộp chi thể mình cho tội lỗi, như là đồ dùng gian ác, nhưng hãy phó chính mình anh em cho Ðức Chúa Trời, dường như đã chết mà nay trở nên sống, và dâng chi thể mình cho Ðức Chúa Trời như là đồ dùng về sự công bình." (Rô-ma 6:11-13)
"Vả, chẳng có người nào trong chúng ta vì chính mình mà sống, cũng chẳng có người nào trong chúng ta vì chính mình mà chết; vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa, và nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa. Vậy nên chúng ta hoặc sống hoặc chết, đều thuộc về Chúa cả." (Rô-ma 14:7-8)
"Nếu chúng ta nhờ Thánh Linh mà sống, thì cũng hãy bước theo Thánh Linh vậy." (Ga-la-ti 5:25)
"Nhưng, như Đấng đã gọi anh em là thánh, thì anh em cũng phải thánh trong mọi cách ăn ở mình; bởi có chép rằng: Hãy nên thánh, vì Ta là Thánh!" (I Phi-e-rơ 1:15-16)

Thậm chí, Rick Warren còn phát biểu ngược lại lời phán dạy của Đức Chúa Jesus. Chúa dạy: "Thế thì các ngươi hãy nên trọn vẹn như Cha các ngươi ở trên trời là trọn vẹn" (Mathiơ 5:48). Rick Warren viết:"Đức Chúa Trời không mong rằng bạn sẽ trở nên toàn hảo, nhưng Ngài có đòi hỏi sự thành thật hoàn toàn" [5]. Dựa trên nền tảng nào của Lời Chúa mà Rick Warren dạy cho hàng triệu người rằng: "Đức Chúa Trời KHÔNG MONG rằng bạn sẽ trở nên toàn hảo?"

"Nên thánh,"tức là"trở nên trọn vẹn như Cha các ngươi trên trời là trọn vẹn" là MỤC ĐíCH tối hậu của mỗi một người được sinh ra trên trần gian này.

Bốn mươi chương sách của "The Purpose Driven Life" hoàn toàn thiếu vắng những lẽ đạo quan trọng như đã nêu trên nhưng lại đầy dẫy những ảnh hưởng của tâm lý học, và giáo lý tà vạy của New Age cho nên lời xác quyết "Đây không chỉ đơn thuần là một cuốn sách; nó là một loạt bài học cho hành trình tâm linh…" là một sự sai lầm nghiêm trọng!

Huyền nhiệm của "40 ngày?"

Cũng trong lời mở đầu của "The Purpose Driven Life," Rick Warren viết:"Kinh Thánh nói rõ rằng Đức Chúa Trời xem 40 ngày là một khoảng thời gian rất có ý nghĩa trên phương diện tâm linh. Bất cứ khi nào Đức Chúa Trời muốn chuẩn bị một ai đó để thực hiện các mục đích của Ngài, Ngài dành ra 40 ngày" [4]. Liền theo đó, tác giả dẫn chứng Nô-ê, Môi-se, Các thám tử do Môi-se sai đi do thám đất hứa, Đa-vít, Ê-li, cả thành Ni-ni-ve, Chúa Jesus, Các môn đồ sau khi Chúa phục sinh, và hứa hẹn với độc giả là 40 ngày sắp tới sẽ biến đổi cuộc đời của họ!

Thánh Kinh quả thật có nhắc đến những giai đoạn 40 ngày nhưng không chỗ nào trong Thánh Kinh"nói rõ rằng Đức Chúa Trời xem 40 ngày là một khoảng thời gian có ý nghĩa trên phương diện tâm linh. Bất cứ khi nào Đức Chúa Trời muốn chuẩn bị một ai đó để thực hiện các mục đích của Ngài, Ngài dành ra 40 ngày." như lời khẳng định của Rick Warren.

Ít ra, Thánh Kinh không nói rằng Đức Chúa Trời đã dành ra 40 ngày để chuẩn bị:

– A-đam và Ê-va cho sự cai trị đất và muôn vật trên đất.
– Áp-ram cho sự kết ước với ông, khiến ông trở thành Cha của nhiều dân tộc.
– Giô-sép trước khi trao quyền tể tướng Ai-cập vào tay ông.
– Môi-se trước khi sai ông đi giải phóng dân tộc I-sơ-ra-ên.
– A-rôn trưóc khi lãnh nhiệm vụ thầy tế lễ.
– Giô-suê trước khi trao quyền lãnh đạo dân I-sơ-ra-ên tiến chiếm đất hứa.
– Các quan xét trước khi dùng họ giải cứu và cai trị dân I-sơ-ra-ên.
– Các Vua của I-sơ-ra-ên, bao gồm Đa-vít trước khi họ nắm quyền cai trị.
– Các tiên tri trước khi họ thi hành chức vụ, bao gồm cả Sa-mu-ên, Giăng Báp-tít.
– Sứ đồ Phao-lô trước khi ông đi ra thi hành sứ mạng truyền giáo.

Nếu dựa vào lời khẳng định trên đây của Rick Warren thì biết bao nhiêu danh nhân trong lịch sử Hội Thánh đã làm ra những việc lớn và lạ lùng ắt hẳn đều phải được Đức Chúa Trời dành ra 40 ngày để chuẩn bị họ!

Căn cứ vào một số sự kiện có thật trong Thánh Kinh để đi đến một kết luận, biến đó thành công thức làm việc của Đức Chúa Trời là một việc làm hàm hồ, nguy hiểm, và dẫn đến sự phạm thượng… quy cho Đức Chúa Trời những điều Ngài không dạy và không làm!

Chúng ta hãy thử xét xem bối cảnh lịch sử "40 ngày" của những cá nhân được Rick Warren cho rằng Đức Chúa Trời đã dành ra 40 ngày để chuẩn bị họ:

·         Nô-ê: Thánh Kinh chép:"Ðức Giê-hô-va phán cùng Nô-ê rằng: Ngươi và cả nhà ngươi hãy vào tàu, vì về đời nầy ta thấy ngươi là công bình ở trước mặt ta. Vì còn bảy ngày nữa, ta sẽ làm mưa xuống mặt đất, trong bốn mươi ngày và bốn mươi đêm; ta sẽ tuyệt diệt khỏi đất hết các loài của ta đã dựng nên" (Sáng Thế Ký 7:1, 4). Lời Chúa ghi rõ 40 ngày và 40 đêm mưa xuống mặt đất là thời gian Chúa trừng phạt loài người tội lỗi, không một ý nào nói rằng Chúa dành 40 ngày để chuẩn bị Nô-ê thực hiện một mục đích nào cho Ngài.

·         Môi-se: Thánh Kinh chép:"Ðức Giê-hô-va cũng phán cùng Môi-se rằng: Hãy chép các lời nầy; vì theo các lời nầy mà ta lập giao ước cùng ngươi và cùng Y-sơ-ra-ên. Môi-se ở đó cùng Ðức Giê-hô-va trong bốn mươi ngày và bốn mươi đêm, không ăn bánh, cũng không uống nước; Ðức Giê-hô-va chép trên hai bảng đá các lời giao ước, tức là mười điều răn" (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:27-28). Lời Chúa ghi rõ Môi-se được Chúa sai chép các luật lệ (ngoại trừ giao ước của Ngài với dân I-sơ-ra-ên, tức là mười điều răn do chính Ngài chép trên hai bảng đá). Trong 40 ngày và 40 đêm đó, Môi-se được Chúa dùng để chép Thánh Kinh chứ không phải để chuẩn bị ông thực hiện một mục đích nào khác cho Ngài.

·         Các thám tử: Thánh Kinh chép: "Các ngươi đi do thám xứ bao nhiêu ngày, nghĩa là bốn mươi ngày, thì các ngươi cũng sẽ mang hình phạt vì tội gian ác mình bấy nhiêu năm, nghĩa là bốn mươi năm, một năm đền cho một ngày; bấy giờ các ngươi sẽ biết ta đã xây khỏi các ngươi. Ta, Ðức Giê-hô-va, đã phán: Ta sẽ làm điều nầy cho cả hội chúng hung dữ nầy đã hiệp lại nghịch cùng ta; chúng nó sẽ bị hao mòn và chết tại trong đồng vắng nầy. Những người mà Môi-se đã sai đi do thám xứ, khi trở về có xui cho cả hội chúng lằm bằm cùng Môi-se, và có phao phản xứ, những người nầy đều bị một tai vạ hành chết trước mặt Ðức Giê-hô-va. Nhưng trong bọn người đi do thám xứ, chỉ có Giô-suê, con trai của Nun, và Ca-lép, con trai của Giê-phu-nê, còn sống được " (Dân Số Ký 14:34-38). Lời Chúa ghi rõ, Chúa phạt dân I-sơ-ra-ên vì sự cứng lòng, vô tín của họ theo số ngày mà các thám tử đi do thám xứ Ca-na-an, một ngày tương ứng với một năm. Chúa không hề dùng 40 ngày đi do thám để chuẩn bị các thám tử cho một mục đích nào khác hơn. Trong số 12 thám tử, chỉ có Giô-suê và Ca-lép được sống mà vào đất hứa vì họ có đức tin nơi Đức Chúa Trời. Nếu quả thật Chúa đã dùng 40 ngày đi do thám xứ Ca-na-an để chuẩn bị 12 thám tử hoàn thành một mục đích nào đó của Ngài, không lẽ mục đích của Ngài là tiêu diệt 10 thám tử và toàn bộ dân I-sơ-ra-ên từ 20 tuổi sấp lên?

·         Đa-vít: Thánh Kinh chép: "Người Phi-li-tin đi ra buổi mai và buổi chiều, tỏ mình ra như vậy trong bốn mươi ngày. Vả, Y-sai nói cùng Ða-vít, con trai mình, mà rằng: Con hãy lấy một ê-pha hột rang và mười ổ bánh nầy, chạy mau đến trại quân đặng đem đưa cho các anh con" (I Sa-mu-ên 17:16-17). Lời Chúa ghi rõ, Gô-li-át mỗi ngày hai lần, trong suốt 40 ngày đi ra thách chiến và sỉ nhục quân đội I-sơ-ra-ên. Trong 40 ngày tranh chiến này, Đa-vít không hề có mặt cho đến khi được cha sai đi thăm các anh. Khi đến nơi, Đa-vít được Chúa cảm động giết chết Gô-li-át. Thánh Kinh không hề nói Chúa dùng 40 ngày để chuẩn bị cho Đa-vít giết Gô-li-át hay hoàn thành một mục đích nào khác cho Ngài.

·         Ê-li: Thánh Kinh chép:"A-háp thuật lại cho Giê-sa-bên mọi điều Ê-li đã làm, và người đã dùng gươm giết hết thảy tiên tri Ba-anh làm sao. Giê-sa-bên sai một sứ giả đến Ê-li mà nói rằng: Nếu ngày mai trong giờ này, ta không xử mạng sống ngươi như mạng sống của một người trong chúng nó, nguyện các thần đãi ta cách nặng nề. Vì vậy, Ê-li sợ hãi, đứng dậy chạy đi đặng cứu mạng sống mình. Ðến tại Bê-e-Sê-ba, thuộc về Giu-đa, người để tôi tớ mình lại đó. Còn người vào đồng vắng, đường đi ước một ngày, đến ngồi dưới cây giếng giêng, xin chết mà rằng: Ôi Ðức Giê-hô-va! đã đủ rồi. Hãy cất lấy mạng sống tôi, vì tôi không hơn gì các tổ phụ tôi. Ðoạn, người nằm ngủ dưới cây giếng giêng. Có một thiên sứ đụng đến người và nói rằng: Hãy chổi dậy và ăn. Người nhìn thấy nơi đầu mình một cái bánh nhỏ nướng trên than, và một bình nước. Người ăn uống, rồi lại nằm. Thiên sứ của Ðức Giê-hô-va đến lần thứ nhì, đụng người và nói rằng: Hãy chổi dậy và ăn, vì đường xa quá cho ngươi. Vậy người chổi dậy, ăn và uống, rồi nhờ sức của lương thực ấy, người đi bốn mươi ngày và bốn mươi đêm cho đến Hô-rếp, là núi của Ðức Chúa Trời" (I Các Vua 19:1-8). Lời Chúa ghi rõ, thiên sứ của Chúa tiếp trợ lương thực cho Ê-li để ông có đủ sức vượt một chặng đường 40 ngày và 40 đêm đến núi của Đức Chúa Trời. Bốn mươi ngày và đêm này là thời gian cần có cho Ê-li vượt qua khoảng cách địa dư chứ không phải 40 ngày đêm Đức Chúa Trời chuẩn bị Ê-li để thực hiện một mục đích nào cho Ngài. Chúng ta biết, sau đó, Ê-li truyền chức tiên tri lại cho Ê-li-sê rồi ông được Chúa cất lên trời. Nếu cần phải được Chúa dành 40 ngày để chuẩn bị thực hiện một mục đích của Ngài thì Ê-li-sê mới là người cần được chuẩn bị.

·         Dân thành Ni-ni-ve: Xin xem trong Giô-na đoạn 3. Lời Chúa ghi rõ, dân thành Ni-ni-ve nghe lời giảng của tiên tri Giô-na thì lập tức ăn năn tội lỗi trong tro bụi và Chúa đã tha tội cho họ mà không diệt thành. Chúa không dùng 40 ngày để chuẩn bị dân thành Ni-ni-ve thực hiện một mục đích nào cho Ngài cả.

Cho dù, lời khẳng định của Rick Warren: "Bất cứ khi nào Đức Chúa Trời muốn chuẩn bị một ai đó để thực hiện các mục đích của Ngài, Ngài dành ra 40 ngày." trên một phương diện nào đó có thểđúng đi nữa, thì cũng không phải người được Chúa chuẩn bị tự chọn lấy khi nào thì bắt đầu giai đoạn 40 ngày, mà là chính Chúa chọn lựa! Rick Warren cố tình khiến cho độc giả tin vào sức mạnh huyền bí của "giai đoạn 40 ngày" bằng cách trưng dẫn một vài sự kiện trong Thánh Kinh. Tuy nhiên, như chúng ta đã duyệt qua trên đây, không một chỗ nào trong Lời Chúa hổ trợ cho ý tưởng của Rick Warren. Vô tình hay hữu ý, Rick Warren đã liên kết việc "học tập bài học tâm linh" do ông biên soạn với những sự kiện 40 ngày trong Thánh Kinh và đưa ra lời bảo đảm:"Đến cuối cuộc hành trình này, bạn sẽ biết được mục đích của Đức Chúa Trời cho cuộc đời bạn và sẽ hiểu được bức tranh lớn – mọi mảng nhỏ trong cuộc đời bạn ráp lại với nhau như thế nào. Cách nhìn này sẽ giúp bạn bớt căng thẳng, đơn giản hóa các quyết định của bạn, khiến bạn thỏa lòng hơn, và, điều quan trọng nhất là chuẩn bị bạn cho cõi đời đời." [1]

Nếu một người có thể được "The Purpose Driven Life" chuẩn bị cho cõi đời đời thì như vậy, Hội Thánh chỉ cần phiên dịch, in và phân phát tác phẩm của Rick Warren, mà không cần phải rao giảng Tin Lành và giảng dạy Lời Chúa nữa. Công tác phiên dịch, in và phân phát một tác phẩm thuộc loại "best-seller" dễ dàng và ít tốn kém hơn mọi hình thức truyền giáo và giảng dạy Lời Chúa khác rất nhiều.


Mục Tử
27.09.2005

 

Tham khảo:


[1] Sống theo đúng mục đích, Rick Warren; bản dịch Việt Ngữ không đề tên nhà xuất bản và năm phát hành, trang7.

[2] "The Purpose Driven Life" được chia thành sáu phần với 40 chương:

Phần 1: Tôi có mặt trên trần gian này để làm gì?
Phần 2: Bạn được tạo dựng vì sự vui thỏa của Đức Chúa Trời
Phần 3: Bạn được tạo dựng cho gia đình của Đức Chúa Tròi
Phần 4: Bạn được tạo dựng để trở nên giống như Đấng Christ
Phần 5: Bạn được tạo dựng để phục vụ Đức Chúa Trời
Phần 6: Bạn được tạo dựng với một sứ mệnh

[3] Sống theo đúng mục đích, Rick Warren; bản dịch Việt Ngữ không đề tên nhà xuất bản và năm phát hành, trang57.

[4] Sống theo đúng mục đích, Rick Warren; bản dịch Việt Ngữ không đề tên nhà xuất bản và năm phát hành, trang7.

[5] Sống theo đúng mục đích, Rick Warren; bản dịch Việt Ngữ không đề tên nhà xuất bản và năm phát hành, trang92, 93.

Đọc Tiếp →

4,671 views

Phê Bình Tác Phẩm “The Purpose Driven Life” – Bài Hai: Tin Lành Theo Rick Warren

Phê Bình Tác Phẩm "The Purpose Driven Life"

Bài Hai: Tin Lành Theo Rick Warren

Copyright Notice:Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry – All Rights Reserved © 2006 Vietnamese Christian Mission Ministry, Inc. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức với điều kiện giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.

Mục Tử
Bấm vào đây để download bài viết này

[1491]

Ý nghĩa của sự giảng Tin Lành

Trước khi thăng thiên, Đức Chúa Jesus đã truyền đạt mệnh lệnh rao giảng Tin Lành cho các sứ đồ: "Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin Lành cho mọi người. Ai tin và chịu phép báptem sẽ được rỗi; nhưng ai chẳng tin, sẽ bị đoán phạt." (Mác 16:15-16). Nhưng giảng Tin Lành như thế nào? Chúng ta hãy xem lại một vài phân đoạn Thánh Kinh dạy về ý nghĩa của sự rao giảng Tin Lành:

"Từ lúc đó, Đức Chúa Jesus khởi giảng dạy rằng: Các ngươi hãy ăn năn, vì nước thiên đàng đã đến gần."
(Ma-thi-ơ 4:17)

"Sau khi Giăng bị tù, Đức Chúa Jesus đến xứ Galilê, giảng Tin Lành của Đức Chúa Trời, mà rằng:
Kỳ đã trọn, nước Đức Chúa Trời đã đến gần; các ngươi hãy ăn năn và tin Tin Lành."
(Mác 1:14-15)

"Ngài phán: Có lời chép rằng Đấng Christ phải chịu đau đớn dường ấy, ngày thứ ba sẽ từ kẻ chết sống lại,
và người ta sẽ nhơn danh Ngài mà rao giảng cho dân các nước sự ăn năn để được tha tội,
bắt đầu từ thành Giêrusalem."
(Lu-ca 24:46-47)

"Chúng nghe bấy nhiêu lời, trong lòng cảm động, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: Hỡi anh em,
chúng ta phải làm chi? Phi-e-rơ trả lời rằng:Hãy hối cải, ai nấy phải nhơn danh Đức Chúa Jesus
chịu phép báp-tem, để được tha tội mình, rồi sẽ được lãnh sự ban cho Đức Thánh Linh."
(Công-Vụ Các Sứ Đồ 2:37-38)

"Vậy, các ngươi hãy ăn năn và trở lại, đặng cho tội lỗi mình được xóa đi."
(Công-Vụ Các Sứ Đồ 3:19)

"Anh em biết tôi chẳng trể nải rao truyền mọi điều ích lợi cho anh em, chẳng giấu điều chi hết, lại biết tôi đã dạy anh em hoặc giữa công chúng, hoặc từ nhà này sang nhà kia, giảng cho người Giu-đa như cho người Gờ-réc về sự ăn năn đối với Đức Chúa Trời, và đức tin trong Đức Chúa Jesus là Chúa chúng ta."
(Công-Vụ Các Sứ Đồ 20:21)

Như vậy, giảng Tin Lành là "nhơn danh Đức Chúa Jesus Christ mà rao giảng cho dân các nước sự ăn năn và đức tin trong Đức Chúa Jesus để được tha tội." Gần 2000 năm nay, Hội Thánh thật của Đấng Christ luôn rao giảng Tin Lành về sự ăn năn và đức tin trong Đức Chúa Jesus để được tha tội.

Những yếu tố trong sứ điệp Tin Lành

Theo Thánh Kinh, một người muốn được cứu rỗi, trước hết phải hiểu biết và tin nhận ba thực tại căn bản như sau:

  • Mọi người đều là tội nhân: "Vì mọi ngưòi đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời" (Rôma 3:23).
  • Hậu quả của sự phạm tội là sự chết:"Vì tiền công của tội lỗi là sự chết!" (Rôma 6:23).
  • Đức Chúa Jesus Christ đã chịu chết thay cho tội nhân:"Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết." (Rôma 5:8).

Tuy nhiên, tin nhận những thực tại kể trên cũng chưa đủ để bước vào trong sự cứu rỗi. Một người muốn được cứu rỗi, sau khi tin nhận những điều kể trên còn phải thật lòng ăn năn tội và quyết tâm lìa bỏ tội, quay về đầu phục Đấng Christ! Một sứ điệp về Tin Lành mà người rao giảng không giảng đủ và rõ về ba thực tại kể trên, không kêu gọi tội nhân ăn năn tội và đầu phục Đấng Christ thì không phải là một sứ điệp Tin Lành theo Thánh Kinh.

Tin Lành theo Rick Warren

Trong tác phẩm "The Purpose Driven Life," Pastor Rick Warren đã dành trọn chương thứ nhất trong sáu chương sách, để thuyết phục độc giả rằng, mỗi một người được sinh ra trong cuộc đời này vì Đức Chúa Trời có năm mục đích dành cho họ. Tiếp theo, ông khuyên độc giả như sau:

"Trước hết, hãy tin. Hãy tin rằng Đức Chúa Trời yêu thương bạn và tạo dựng bạn vì những mục đích của Ngài…"[1]

"Thứ hai, hãy tiếp nhận. Hãy tiếp nhận Chúa Giêsu vào cuộc đời bạn, làm Chúa, làm Chủ đời sống bạn. Hãy tiếp nhận sự tha thứ của Ngài. Hãy tiếp nhận Thánh Linh Ngài, Đấng sẽ ban cho bạn năng lực để làm trọn mục đích đời sống bạn. Kinh Thánh chép: "Ai tin Con, thì được sự sống đời đời; ai không chịu tin Con, thì chẳng thấy sự sống đâu, nhưng cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người đó" – Giăng 3:36. Dù đang đọc câu Kinh Thánh này ở đâu, tôi cũng muốn mời bạn cúi đầu và thầm nguyện điều sẽ thay đổi cõi đời đời của bạn:"Lạy Chúa Giêsu, con tin nơi Ngài và con xin tiếp nhận Ngài." Hãy làm đi." [2]

"Nếu bạn thật lòng trong lời cầu nguyện đó, thì xin chúc mừng! Chào mừng bạn gia nhập gia đình của Đức Chúa Trời! Bây giờ bạn đã sẵn sàng để khám phá và bắt đầu sống vì mục đích của Đức Chúa Trời trên cuộc đời bạn."[3]

Làm sao một người có thể tin nơi Đức Chúa Jesus và tiếp nhận Ngài khi mà người ấy không được giảng cho biết địa vị tội nhân đang chết mất của mình, không được giảng cho biết Đức Chúa Jesus Christ đã làm gì để tội nhân có thể ra khỏi tội lỗi và sự chết, không được kêu gọi ăn năn tội lỗi và đầu phục Đấng Christ?

Cả chương đầu của cuốn sách "The Purpose Driven Life" nhằm thuyết phục độc giả rằng, nan đề lớn nhất của họ là sống một đời sống không có mục đích, và cuốn sách của Pastor Rick Warren sẽ giúp cho họ khám phá ra mục đích của đời sống. Thật ra, theo Thánh Kinh, nan đề lớn nhất của đời người là tội lỗi, vì tội lỗi phân rẽ loài người với Đức Chúa Trời và đem đến hậu quả là tội nhân sẽ bị trừng phạt đời đời trong hỏa ngục. Pastor Rick Warren kêu gọi độc giả tin nhận Đấng Christ nhưng trong toàn bộ cuốn sách "The Purpose Driven Life" ông không hề nói cho độc giả biết thân phận tội nhân đang chết mất đời đời của họ. Trong cuốn sách ấy không hề nói cho độc giả biết Đấng Christ đã phải hy sinh trên thập tự giá để chuộc tội cho nhân loại. Trong cuốn sách ấy không hề nói cho độc giả biết họ cần phải ăn năn tội lỗi và đầu phục Chúa. Trong cuốn sách ấy không hề nói cho độc giả biết một người đã tiếp nhận sự cứu rỗi của Đấng Christ thì phải bước đi theo Thánh Linh, sống một nếp sống được thánh hóa mỗi ngày bởi quyền năng của Thánh Linh và Lời Hằng Sống của Đức Chúa Trời. Vì thế, Tin Lành được rao giảng trong tác phẩm "The Purpose Driven Life," nếu có, là một Tin Lành phiếm diện; một Tin Lành không xác định tình trạng hư mất của tội nhân, không trình bày rõ phương thức cứu rỗi của Đức Chúa Trời qua Đức Chúa Jesus Christ, không kêu gọi tội nhân đến với sự ăn năn; một Tin Lành hoàn toàn khác biệt với Tin Lành được trình bày trong Thánh Kinh.

Có thật chăng, nếu một người thật lòng tin rằng Đức Chúa Trời yêu thương họ và đời sống của họ được Đức Chúa Trời tạo ra vì năm mục đích, rồi tiếp nhận Đức Chúa Jesus vào đời sống họ qua lời cầu nguyện: "Lạy Chúa Giêsu, con tin nơi Ngài và con xin tiếp nhận Ngài." thì họ được gia nhập vào gia đình của Đức Chúa Trời? Thánh Kinh không bao giờ trình bày một Tin Lành như vậy!

Rôma 10:8-10 chép rằng:"Nhưng nói làm sao? Đạo ở gần ngươi, ở trong miệng và trong lòng ngươi. Ấy là đạo đức tin mà chúng ta giảng dạy. Vậy, nếu miệng ngươi xưng Đức Chúa Jesus ra và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, thì ngươi sẽ được cứu; vì tin bởi trong lòng mà được sự công bình, còn bởi miệng làm chứng mà được sự cứu rỗi."

Phaolô định nghĩa đạo đức tin mà ông giảng dạy như sau:"Vì tôi đã đoán định rằng ở giữa anh em, tôi chẳng biết sự chi khác ngoài Đức Chúa Jesus Christ, và Đức Chúa Jesus Christ bị đóng đinh trên cây thập tự." (1Côrinhtô 2:2).

Kết luận

Thực tế, chắc không ai đi ra ngoài rao giảng Tin Lành cho người chưa biết Chúa như sau:"Hãy tin rằng Đức Chúa Trời yêu thương bạn. Hãy tin rằng Đức Chúa Trời đã dựng nên bạn vì năm mục đích. Hãy tin nhận Đức Chúa Jesus Christ vào trong đời sống bạn và hãy cầu nguyện những lời sau đây: Lạy Chúa Giêsu, con tin nơi Ngài và con xin tiếp nhận Ngài." Nhưng hàng trăm ngàn pastor, hàng triệu tín đồ khắp nơi trên thế giới đã chấp nhận "The Purpose Driven Life" như là một tác phẩm hướng linh không thể thiếu trong thế kỷ 21 này.

Nhiều người cho rằng, dẫu tác phẩm này không trình bày Tin Lành cho người chưa biết Chúa một cách trung thực thì nó cũng có giá trị bồi linh, dưỡng linh cho con dân của Chúa. Kể từ bài tới, dùng Thánh Kinh để đối chiếu, chúng ta sẽ cùng nhau xem xét giá trị bồi linh, dưỡng linh của tác phẩm này trong từng chương sách.

 

Mục Tử
09.2005


Tham khảo:

[1], [2], [3] Sống theo đúng mục đích, Rick Warren, Bản dịch Việt Ngữ không đề tên nhà xuất bản và năm phát hành. Trang 57.

Đọc Tiếp →

5,227 views

Phê Bình Tác Phẩm “The Purpose Driven Life” – Bài Một: Lời Nói Đầu

Phê Bình Tác Phẩm "The Purpose Driven Life"

Bài Một: Lời Nói Đầu

Copyright Notice:Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry – All Rights Reserved © 2006 Vietnamese Christian Mission Ministry, Inc. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức với điều kiện giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.

Mục Tử
Bấm vào đây để download bài viết này

"Những người này có ý hẳn hoi hơn người Têsalônica, đều sẵn lòng chịu lấy đạo,
ngày nào cũng tra xem Kinh Thánh, để xét lời giảng có thật chăng!"

(Côngvụ 17:11)

[1285]

Tác phẩm "The Purpose Driven Life" (được dịch sang tiếng Việt là "Sống Theo Đúng Mục Đích" [1],) viết bởi Pastor Rick Warren, đã trở thành nguyên cớ và nền tảng của một phong trào Cơ-đốc sôi nổi nhất, ảnh hưởng rộng rải nhất trong lịch sử Tin Lành thế giới. Suốt mấy năm qua, hàng ngàn Hội Thánh trong mọi giáo phái khắp nơi trên thế giới đã sử dụng tác phẩm này để dắt hội chúng đi vào chương trình "Bốn Mươi Ngày Có Mục Đích" (Forty Days of Purpose).

"The Purpose Driven Life" được chia thành sáu phần với 40 chương:

Phần 1: Tôi có mặt trên trần gian này để làm gì?
Phần 2: Bạn được tạo dựng vì sự vui thỏa của Đức Chúa Trời
Phần 3: Bạn được tạo dựng cho gia đình của Đức Chúa Tròi
Phần 4: Bạn được tạo dựng để trở nên giống như Đấng Christ
Phần 5: Bạn được tạo dựng để phục vụ Đức Chúa Trời
Phần 6: Bạn được tạo dựng với một sứ mệnh

Theo như tác giả trình bày trong lời giới thiệu:

"Đây không chỉ đơn thuần là một cuốn sách; nó là một loạt bài học cho hành trình tâm linh trong 40 ngày nhằm giúp bạn khám phá lời đáp cho câu hỏi quan trọng nhất của cuộc sống: Tôi có mặt trên trần gian để làm gì? Đến cuối cuộc hành trình này, bạn sẽ biết được mục đích của Đức Chúa Trời cho cuộc đời bạn và sẽ hiểu được bức tranh lớn — mọi mảng nhỏ trong cuộc đời bạn ráp lại với nhau như thế nào. Cách nhìn này sẽ giúp bạn bớt căng thẳng, đơn giản hóa các quyết định của bạn, khiến bạn thỏa lòng hơn, và, điều quan trọng nhất là chuẩn bị bạn cho cõi đời đời"[2].

Với lời hứa hẹn mở đầu như trên, người đọc không mong gì hơn là tác giả sẽ thật sự thỏa mãn được nhu cầu tâm linh của mình. Tuy nhiên, trong 336 trang sách (324 trang trong bản Việt ngữ) chia thành 40 chương, làm bài học cho hành trình tâm linh đó, chứa đầy những lỗi lầm:

– Trên 40 điểm không đúng với Thánh Kinh
– 18 lần trích dẫn Thánh Kinh lạc ý (out of context)
– Sử dụng những bản dịch diễn ý hoàn toàn diễn dịch sai lạc ý nghĩa của nhiều câu Thánh Kinh
– Đưa vào những tư tưởng tâm lý,triết học (của Rogers và Freud), và New Age hoàn toàn xa lạ với Thánh Kinh.

Một tác phẩm hướng linh hay dưỡng linh mà trung bình cứ mỗi 3 trang chứa một lỗi lầm không đúng với Thánh Kinh lại được sử dụng để hướng dẫn người đến với Chúa, và huấn luyện con dân Chúa thì quả là một điều nghi vấn đáng ngại! Trước thực tế nguy hiểm và phủ phàng này, thiết nghĩ, mỗi một ai nhận thức được, đều có trách nhiệm và bổn phận gióng lên tiếng chuông cảnh báo.

Tiếp theo bài giới thiệu này, người viết sẽ trình bày những sai lầm trong tác phẩm "The Purpose Driving Life" (PDL) trong từng chương một của 40 chương như đã tổng kết trên đây.

Người viết không có ý trình bày Pastor Rick Warren như là một "giáo sư giả." Người viết không thắc mắc gì về đức tin của ông nơi Đức Chúa Trời, về tấm lòng hầu việc Chúa của ông. Nhưng Thánh Kinh cũng đã cho thấy một con người đầy dẫy Thánh Linh như sứ đồ Phi-e-rơ cũng có lúc phạm tội giả hình giữa Hội Thánh (Galati 2:11-14). Thánh Kinh cũng cho biết, mặc dù là lời giảng của sứ đồ Phao-lô, nhưng các tín đồ thành Bê-rê vẫn mỗi ngày tra xem Thánh Kinh xem lời giảng có thật hay chăng (Côngvụ 17:11)!

Người viết cũng không có ý bài bác sự kiện trong thực tế có nhiều người cảm nhận được ích lợi trong khi đọc tác phẩm PDL, và trong chính tác phẩm quả thật có nhiều ý tưởng tuyệt vời, hoàn toàn phù hợp với Thánh Kinh. Tuy nhiên, những điểm son đó không thể nào và không nên dùng để khỏa lấp sự nguy hiểm có thể phát sinh từ những sai lầm trong tác phẩm, ảnh hưởng lâu dài đến đời sống tâm linh của người đọc. Xin bạn đọc cùng suy ngẫm câu chuyện minh họa sau đây:

Có một gia đình kia, những đứa con xin cha cho đi xem một cuốn phim Cơ-đốc được Hội Thánh giới thiệu và ủng hộ. Người cha vốn tính cẩn thận, tìm xem những lời bình luận về cuốn phim đó và nhận thấy trong phim có vài cảnh và vài câu đối thoại không thích hợp với Cơ-đốc nhân nên ông từ chối yêu cầu của các con. Các con cứ nài nỉ và bảo rằng, toàn bộ cuốn phim rất là xây dựng, một vài cảnh, một vài câu đối thoại ra ngoài khuôn khổ không ảnh hưởng gì đến tính giáo dục và ích lợi của cuốn phim. Người cha im lặng, đi làm món bánh ngọt mà các con thích nhất dọn lên cho các con. Chờ cho các con đã vây quanh đĩa bánh và sửa soạn cầm bánh lên ăn, người cha nhỏ nhẹ thông báo: Cha báo cho các con biết là hôm nay cha đã dùng 99% vật liệu tốt nhất để làm món bánh này cho các con, chỉ có 1% vật liệu cha nghĩ là không tốt, nhưng không sao, các con cứ ăn, cha đoán là nó sẽ không ảnh hưởng gì. Những đứa con muốn biết 1% vật liệu không tốt đó là gì. Người cha cười, bảo: Ồ, không có gì quan trọng, chỉ là phân bò thôi! Sau câu nói đó, không một đứa con nào cầm bánh đưa lên miệng.

Thánh Kinh không dạy chúng ta chấp nhận lẽ thật trộn lẫn với sai lầm. Và, cho đến đời đời, Thánh Kinh là thẩm quyền tuyệt đối trong đời sống của thánh đồ.


Mục Tử
09.2005

Chú thích và tham khảo:

[1] Bản dịch Việt ngữ "Sống Theo Đúng Mục Đích" được ủng hộ, quảng cáo và phổ biến rộng rải trong các hội đồng thường niên của các giáo phái, của Liên Hữu Tin Lành Thế Giới (Vietnamese World Christian Fellowship, Inc.), trên các sách báo, websites Tin Lành, nhưng trong ấn bản không thấy đề tên người hoặc cơ quan phiên dịch, ấn loát, và phát hành.

[2] Sống theo đúng mục đích, Rick Warren; bản dịch Việt Ngữ không đề tên nhà xuất bản và năm phát hành, trang7.

 

Đọc Tiếp →

4,813 views

Trách Nhiệm Dịch Thuật Và Phổ Biến Một Tác Phẩm Trong Hội Thánh

Phê Bình Tác Phẩm "The Purpose Driven Life"

Lời Kêu Gọi:
Trách Nhiệm Dịch Thuật Và Phổ Biến Một Tác Phẩm Trong Hội Thánh

Copyright Notice:Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry – All Rights Reserved © 2006 Vietnamese Christian Mission Ministry, Inc. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức với điều kiện giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.

Mục Tử
Bấm vào đây để download bài viết này

[1272]

Phiên dịch các tác phẩm Cơ-đốc giáo, hợp với sự dạy dỗ của Thánh Kinh, về mọi thể loại sang Việt ngữ là một công tác đáng được khích lệ và nâng đỡ, vì đó là kho tàng của Hội Thánh chung, cần được quảng bá rộng rãi để mang lại phước hạnh cho con dân Chúa người Việt. Tuy nhiên, việc xác định đâu là những tác phẩm thật sự được Chúa ban phước và sử dụng, nâng đỡ đời sống tâm linh của con dân Chúa để đưa vào dịch thuật là một trọng trách mà người đảm nhận phải hết sức cẩn thận tìm kiếm sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh.

Không phải bất cứ một "best seller" nào hoặc tác phẩm do bất kỳ một nhân vật nỗi tiếng nào viết ra cũng đương nhiên là đúng với sự dạy dỗ của Thánh Kinh, mà tác phẩm đó cần phải được cẩn thận đối chiếu với Thánh Kinh. Người đứng ra giới thiệu, dịch thuật một tác phẩm có trách nhiệm đối với tâm linh của người đọc ngang bằng với tác giả. Nếu chúng ta đặt Chúa là trên hết trong mọi việc làm của chúng ta, ắt hẳn chúng ta sẽ rất cẩn thận trong việc giới thiệu anh chị em của mình với một tác phẩm.

Thời gian qua, hiện tượng "PDL" và "PDC" ("Purpose Driven Life" và "Purpose Driven Church") đã trở thành một cuộc tranh luận sôi nổi trong các giáo phái Cơ-đốc. Hiện tượng này phát sinh từ hai tác phẩm nổi tiếng bán chạy nhất hiện nay của Pastor Rick Warren: "Purpose Driven Life" và "Purpose Driven Church," với số ấn hành hàng chục triệu bản, được dịch ra hàng chục ngôn ngữ, được tiếp nhận và đưa vào học tập bởi hàng chục giáo phái, hàng ngàn Hội Thánh địa phương, và một số các nhóm Công Giáo, Mormon, lẫn New Age.

Tại Hoa Kỳ, hai tác phẩm này cũng đã được dịch ra Việt ngữ, phổ biến rộng rãi trong các hội đồng thường niên của Baptist cũng như C&MA, được nhiều mục sư Việt Nam ủng hộ và đưa vào học tập trong Hội Thánh, được cổ động, quyên góp tài chánh để phổ biến rộng rãi về Việt Nam.

Cuộc tranh luận về nội dung của hai tác phẩm "Purpose Driven Life" và "Purpose Driven Church," được dịch ra Việt ngữ là "Sống Theo Đúng Mục Đích" và "Hội Thánh Theo Đúng Mục Đích" đã nêu lên những điểm lệch lạc về thần học Thánh Kinh trong hai tác phẩm này, đồng thời nêu rõ thái độ tắc trách của Pastor Rick Warren đối với Lời Chúa khi ông dựa vào những bản dịch diễn ý sai lạc với ý chính của Thánh Kinh để bảo vệ quan điểm, luận cứ của mình trong hai tác phẩm nói trên.

Nhiều pastor Hoa Kỳ đã và đang tiếp tục lên tiếng cảnh giác Hội Thánh chung về những sai lầm trong hai tác phẩm "Purpose Driven Life" và "Purpose Driven Church" của Pastor Rick Warren. Phía mục sư Việt Nam tại Hoa Kỳ, cho đến nay, không thấy có một ai lên tiếng phê bình những sai lầm trong hai tác phẩm này và cách sử dụng Thánh Kinh tắc trách của tác giả.

Nếu những gì các pastor Hoa Kỳ dựa trên Thánh Kinh phê bình về hai tác phẩm "Purpose Driven Life" và "Purpose Driven Church" là đúng, thì xin quý mục sư Việt Nam làm ơn lên tiếng cảnh báo cho tín đồ người Việt biết và những người có trách nhiệm làm ơn chấm dứt ngay việc quảng bá hai tác phẩm này vào Hội Thánh Việt Nam. Nếu những gì các pastor Hoa Kỳ dựa trên Thánh Kinh phê bình về hai tác phẩm này là sai, thì xin quý mục sư Việt Nam vui lòng chứng minh cái sai của họ, để tín đồ yên tâm bồi linh với hai tác phẩm này.

Thiển nghĩ, đó là thiên chức của người chăn bầy.

Mục Tử
09.2005

Đọc Tiếp →

5,031 views

Tín Lý Căn bản

Bấm vào đây để download bài viết này

Dưới đây là bảng tóm lược các tín lý căn bản được rao giảng trên các website trực thuộc Vietnamese Christian Mission Ministry:

1. Chỉ có một Đức Chúa Trời Tự Nhiên Có và Còn Đến Mãi Mãi, Toàn Thiện, Toàn Năng, Toàn Ái, là Đấng Sáng Tạo và Tể Trị trên muôn loài vạn vật; được thể hiện qua ba ngôi (thân vị): Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con (tức là Đức Chúa Jesus Christ), và Đức Chúa Thánh Linh. Đức Chúa Con ra từ Đức Chúa Cha, Đức Thánh Linh ra từ Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con.

2. Loài người được Đức Chúa Trời tạo dựng để làm con của Đức Chúa Trời nhưng loài người đã phạm tội, nghĩa là không vâng lời Đức Chúa Trời, nên bị hư mất đời đời. Đức Chúa Trời yêu thương loài người nên ban cho loài người sự cứu rỗi. Hễ ai cải hối (hối hận vì đã phạm tội và bằng lòng trở lại vâng lời Đức Chúa Trời) và tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, vâng theo mọi lời phán dạy của Đức Chúa Jesus Christ; thì được Đức Chúa Trời tha tội và làm cho sạch tội; được Đức Thánh Linh tái sinh và thánh hóa; được Đức Chúa Jesus Christ ban cho sự sống lại và sự sống đời đời; được làm con của Đức Chúa Trời và được đồng cai trị với Đức Chúa Con trong Nước Trời.

3. Tội lỗi là sự không vâng lời Đức Chúa Trời, tức là không vâng theo các ý muốn và các tiêu chuẩn thánh khiết, yêu thương, công bình của Đức Chúa Trời được Ngài đặt để trong lương tâm loài người, được Ngài tóm lược trong Mười Điều Răn và được Ngài cho ghi chép trong Thánh Kinh. Tội lỗi được thể hiện qua sự chống nghịch Đức Chúa Trời từ trong tư tưởng hoặc qua lời nói, cử chỉ, thái độ và hành động. Hậu quả của tội lỗi là sự hư mất đời đời.

Sự hư mất đời đời có nghĩa là bị đời đời xa cách Đức Chúa Trời (xa cách sự yêu thương của Ngài) và xa cách sự vinh quang của quyền phép Ngài (xa cách sự cứu rỗi và sự thánh hóa của Ngài). Người bị hư mất sẽ được phục sinh sau khi chết và ra trước tòa án của Đức Chúa Trời để chịu sự phán xét về tất cả tội lỗi đã làm trong khi đang sống trong thân xác hiện tại. Sau đó, sẽ bị giam giữ để chịu khổ đời đời trong hỏa ngục cùng với các thiên sứ phạm tội đã trở thành ma quỷ.

4. Cải hối là thật lòng đau khổ vì đã phạm tội và gớm ghét tội lỗi, là sẵn sàng nhận sự cứu giúp của Đức Chúa Trời để có được thẩm quyền và năng lực thắng được mọi thử thách và cám dỗ; và trên hết là khao khát vâng theo lời Chúa dạy. Tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời là tin rằng sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ trên thập tự giá cho nhân loại là hành động chuộc tội một lần đủ cả để cứu bất kỳ ai muốn được Đức Chúa Trời tha tội và làm cho sạch tội mà không cần phải thêm một điều gì khác.

5. Được tha tội là được Đức Chúa Trời không hình phạt về những tội đã phạm (vì Đức Chúa Jesus Christ đã gánh thay hình phạt). Được làm cho sạch tội là được Đức Chúa Trời rửa sạch bản tính phạm tội (bằng máu thánh của Đức Chúa Jesus Christ) để không còn ưa thích phạm tội nữa. Được tái sinh là được Đức Chúa Trời tạo nên một tâm linh mới trong Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh của Ngài ngự trong thân thể để biến thân thể thành đền thờ của Đức Chúa Trời. Được thánh hóa là được nhận dư dật Thánh Linh (tức là sự sống, thẩm quyền, và năng lực) của Đức Chúa Trời để có thể sống đúng theo tiêu chuẩn thánh khiết của Đức Chúa Trời, làm được những việc lành của Đức Chúa Trời và trở nên trọn vẹn như chính Ngài.

6. Thánh Kinh là Lời Hằng Sống của Đức Chúa Trời, là ý muốn và tiêu chuẩn thánh khiết của Đức Chúa Trời đối với nhân loại. Thánh Kinh hoàn toàn là chân lý và là thẩm quyền tuyệt đối để dạy cho loài người biết về Đức Chúa Trời. Thánh Kinh phải được giảng giải bằng chính Thánh Kinh. Tất cả những giáo lý không có trong Thánh Kinh là tà giáo. Tất cả những giáo lý không đúng với Thánh Kinh là tà giáo. Sự thờ phượng Đức Chúa Trời không đúng với Thánh Kinh là sự thờ phượng theo xác thịt, không theo Thánh Linh.

7. Sự tổ chức, thành lập các giáo hội, giáo phái là nghịch lại Thánh Kinh. Các giáo hội, giáo phái không phải là Hội Thánh của Chúa. Dầu vậy, trong các giáo hội, giáo phái có sự hiện diện của Hội Thánh Chúa qua sự hiện diện của những con dân chân thật của Ngài, là những người thật lòng cải hối, từ bỏ tội lỗi, tin nhận sự cứu rỗi của Đấng Christ và vâng giữ Lời Chúa.

8. Tất cả các chức vụ, các ân tứ Chúa lập ra và ban cho Hội Thánh vẫn còn trong Hội Thánh cho đến ngày Chúa cất Hội Thánh ra khỏi thế gian, vì tất cả các chức vụ và ân tứ đó là ân điển Chúa ban để gây dựng và phát triển Hội Thánh. Trong những ngày cuối cùng càng có nhiều giáo sư giả, nhiều tiên tri giả, nhiều sự bội đạo thì các chức vụ và các ân tứ từ Chúa càng cần thiết hơn bao giờ hết trong Hội Thánh của Chúa. Các chức vụ do loài người tự phong cho nhau trong các giáo hội không phải là các chức vụ Chúa lập ra. Chức vụ Chúa lập ra trong Hội Thánh được chính Đức Thánh Linh bày tỏ cho người được gọi và cho cả Hội Thánh.

9. Hiện tượng "nói tiếng lạ," "đặt tay té ngã," "say Thánh Linh," "tiếng cười thánh," "bị giết trong Thánh Linh…" hoàn toàn không có trong Thánh Kinh mà chỉ là sự giả mạo của Sa-tan để lường gạt những người không chịu từ bỏ nếp sống tội lỗi mà lại muốn tỏ ra mình được đầy dẫy Thánh Linh và có quyền phép, ân tứ thuộc linh. Ân tứ nói ngoại ngữ như được thể hiện trong Công Vụ Các Sứ Đồ 2 và nói đến trong I Cô-rinh-tô 12 và 14 không phải là sự kiện thất thần nói lấp bấp một thứ âm thanh vô nghĩa. Theo Thánh Kinh, những người được ân tứ nói ngoại ngữ luôn luôn nói một thứ ngôn ngữ có người hiểu và được người chung quanh ấn chứng rằng họ đang nói những lời cao trọng về Đức Chúa Trời. Tất cả các trường hợp thất thần, té ngã bất động, nói lấp bấp những âm thanh vô nghĩa, cười, la, gào, hú, than khóc, lắc lư hay vật vã thân hình… chỉ là hình thức của các hiện tượng bị tà linh điều khiển.

10. Một người xưng rằng mình tin nhận Chúa mà không sống theo Lời Chúa trong Thánh Kinh, cố tình vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời là một người nói dối, là một người chưa hề có sự cứu rỗi. Một người đã có sự cứu rỗi, đã được tái sinh và thậm chí được Chúa giao cho các chức vụ quan trọng trong Hội Thánh nhưng nếu lại quay về với đời sống tội lỗi (dù là kín giấu) thì cũng sẽ mất sự cứu rỗi. Chúng ta được cứu bởi ân điển và đức tin để được dựng nên mới trong Đấng Christ để Đấng Christ sống trong chúng ta làm Chúa của chúng ta và để Đức Thánh Linh ngự trong chúng ta, ban cho chúng ta quyền phép của Đức Chúa Trời để chúng ta sống theo ý muốn và điều răn của Ngài, không phải để chúng ta tự do sống trong tội mà không bị đoán phạt. Lời Đức Chúa Jesus dạy trong Ma-thi-ơ 7:21-23; 18:15-35; 25:14-30 khẳng định rằng, ai tin Chúa rồi, thậm chí được làm tôi tớ phục vụ trong nhà Chúa (tức Hội Thánh) mà không hết lòng vâng theo Lời Chúa thì sẽ bị Chúa đoán phạt và bị hư mất đời đời.

Các Website trực thuộc Vietnamese Christian Mission Ministry

www.tinlanhmedia.net
www.tinlanhvietnam.net
www.tinlanhbiengiao.net
www.thanhkinhvietngu.net
www.thanhkinhthanhoc.net
www.phunu.tinlanhvietnam.net
www.vietnamesechristianministry.org

Đọc Tiếp →

4,783 views

Sự Thật Là Gì?

Copyright Notice:Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry – All Rights Reserved © 2003 Vietnamese Christian Mission Ministry, Inc. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức với điều kiện giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.

Huỳnh Thiên Hồng
Bấm vào đây để download bài viết này

[1292]

Trong trang trước, tờ thứ ba của cuốn "sách" Chúa Giê-su là ai? Giảng Dạy Những Gì? (CGSLAGDNG), Trần Chung Ngọc đã trích dẫn câu sau đây từ Thánh Kinh:

"Rồi các ngươi sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải thoát các ngươi."
(Giăng 8:32)

Một trong những điểm chung của bất kỳ ai phê bình, chỉ trích Thánh Kinh và Cơ-đốc Giáo, là trích dẫn Thánh Kinh để bảo vệ lập luận của mình mà không hiểu gì cả (hoặc hoàn toàn hiểu sai) về ý nghĩa của câu Thánh Kinh mà mình trích dẫn. Trần Chung Ngọc cũng không thoát ra ngoài cái khuyết điểm và thói xấu đó.

Khi trích dẫn câu Thánh Kinh nói trên, Trần Chung Ngọc hàm ý rằng cái nội dung chỉ trích và đả phá Chúa Jesus cùng những lời giảng dạy của Ngài, trong cuốn CGSLAGDNG do ông ta "biên khảo," là sự thật, và hễ ai đọc xong sự thật đó thì sẽ được giải thoát ra khỏi "vòng nô lệ" của Cơ-đốc Giáo. Khổ nỗi, người "trí thức" Trần Chung Ngọc không hiểu được danh từ sự thật trong câu Thánh Kinh mà ông ta trích dẫn có nghĩa gì.

Trần Chung Ngọc lầm lẫn giữa "sự kiện" và "sự thật." Sự kiện là những gì xảy ra trong thực tế của đời sống nhưng sự kiện không hẳn là sự thật. Sự kiện Cộng sản Bắc Việt đem quân xâm lấn và chiếm đoạt miền Nam Việt Nam là điều đã xảy ra trong thực tế, nhưng sự thật không phải là Cộng Sản Bắc Việt "giải phóng" nhân dân miền Nam. Sự kiện Trần Chung Ngọc và nhóm Giao Điểm chống Chúa Jesus và Cơ-đốc Giáo là điều xảy ra trong thực tế, nhưng sự thật không phải là Trần Chung Ngọc muốn "đóng góp một phần vô cùng nhỏ nhoi trong chiều hướng mở mang dân trí" cho "đám tín đồ thấp kém đã bị cấy vào đầu óc những niềm tin tôn giáo từ khi còn nhỏ" (Trang 11 & 12- CGSLAGDNG). Sự kiện "40 tài liệu được viện dẫn trong Chương I, là công trình nghiên cứu trong vòng 200 năm gần đây mà phần lớn là những nghiên cứu mới nhất về Chúa Giê-su của các học giả uy tín gồm những Giám Mục, Linh Mục, Giáo sư Thần Học, Giáo sư đại học v.v… ở trong cũng như ngoài giáo hội Ki Tô" (trang Lời Giới Thiệu – CGSLAGDNG) là điều xảy ra trong thực tế, nhưng sự thật không phải là những "công trình nghiên cứu" đó có thể chứng minh được Chúa Jesus là ai, giảng dạy những gì!

Người "trí thức lương thiện" Trần Chung Ngọc và nhóm Giao Điểm cùng những "học giả" của ông không nhận biết được một điều rất cơ bản về Chúa Jesus và Cơ-đốc Giáo, đó là: Người ta chỉ có thể BIẾT Chúa Jesus và Cơ-đốc Giáo khi người ta TIN NHẬN Chúa Jesus là Con Đức Chúa Trời, là Đấng vì yêu thương nhân loại đã xuống thế làm người, chịu chết trên cây gỗ để đền tội cho nhân loại, và đã sống lại sau khi chiến thắng sự chết; chứ không mấy ai BIẾT Chúa Jesus và Cơ-đốc Giáo qua sự "nghiên cứu." Một người chỉ thật sự "biết" vị ngon của tô phở bò khi ngồi xuống ăn tô phở đó chứ không phải nhờ vào "nghiên cứu" thành phần hóa học của tô phở hoặc cách thức nấu phở. Tuy nhiên, cũng có một số ít người, trong khi "nghiên cứu" về phở để viết bài chống báng phở, lại bị thuyết phục, tin rằng quả thật phở là một thức ăn thơm ngon và bổ dưỡng nên đã chịu ăn phở! Trong thời đại chúng ta đang sống đây, có một người trí thức thật, nhờ điều tra về Đức Chúa Jesus mà trở thành tín đồ của Ngài. Tôi xin vắn tắt vài hàng tiểu sử của người này nơi đây, để xem Trần Chung Ngọc có chịu công nhận sự tri thức, danh tiếng của người này hay không. Người này TIN NHẬN Chúa Jesus sau khi đã trưởng thành, đã nổi danh, và vốn là tín đồ của thuyết tiến hoá chứ không phải là một "tín đồ thấp kém đã bị cấy vào đầu óc những niềm tin tôn giáo từ khi còn nhỏ" như Trần Chung Ngọc đã viết một cách xách mé về những người tin nhận Chúa Jesus.

Lee Strobel, tốt nghiệp Master of Studies về Luật từ Đại Học Yale và tốt nghiệp ký giả từ Đại Học Missouri. Ông là cựu chủ biên về pháp lý của tờ Chicago Tribune, từng giảng dạy luật tại Roosevelt University. Ông từng nhận lãnh các giải thưởng cao quý nhất của Illinois về nghiệp vụ điều tra và báo chí phục vụ cộng đồng, do tổ chức United Press International trao tặng. Hành trình từ vô thần đến Cơ-đốc Giáo của ông đã được đúc kết thành văn bản trong tác phẩm "The Case for Christ: A Journalist's Personal Investigation of the Evidence for Jesus" là tác phẩm được giải huy chương vàng của "sách bán chạy nhất." Nếu bạn đọc muốn biết Lee Strobel đã "điều tra" về Chúa Jesus một cách lương thiện, khoa học và hợp lý như thế nào để rồi đi đến kết luận Chúa Jesus quả thật là "Đường Đi, Lẽ Thật, và Sự Sống" như lời Ngài đã tuyên phán, và thành tâm tin nhận Ngài, bỏ hết công danh, sự nghiệp để làm người rao truyền Tin Lành cứu rỗi của Chúa, thì xin vào link dưới đây để mua sách:

http://www.amazon.com/Case-Christ-Journalists-Personal-Investigation/dp/0310209307

Ngoài ra, mời các bạn vào link dưới đây để xem các nhà khoa học nói gì về Thánh Kinh:

http://www.answersingenesis.org/   

Trần Chung Ngọc hí hững sao chép những lời chống Chúa từ các "giám mục, linh mục, mục sư, giáo sư thần học" mà không biết rằng, chính Chúa Jesus đã phán về những người này như sau:

"Hãy coi chừng tiên tri giả, là những kẻ mang lốt chiên đến cùng các ngươi, song bề trong thật là muông sói hay cắn xé. Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng Ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa thì được vào nước thiên đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha Ta ở trên trời mà thôi. Ngày đó, sẽ có nhiều người thưa cùng Ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, chúng tôi chẳng từng nhơn Danh Chúa mà nói tiên tri sao? nhơn Danh Chúa mà trừ quỷ sao? và lại nhơn Danh Chúa mà làm nhiều phép lạ sao? Khi ấy, Ta sẽ phán rõ ràng cùng họ rằng: Hỡi kẻ làm gian ác, Ta chẳng biết các ngươi bao giờ, hãy lui ra khỏi ta!" (Ma thi ơ 7:15, 21-23)

Trần Chung Ngọc đọc Thánh Kinh nhưng đọc chưa hết nên không biết rằng, gần hai ngàn năm trước, Thánh Kinh đã cảnh cáo tín đồ của Chúa Jesus như sau:

"Vì mấy người như vậy là sứ đồ giả, là kẻ làm công lừa dối, mạo chức sứ đồ của Đấng Christ. Nào có lạ gì, chính quỉ Satan mạo làm thiên sứ sáng láng. Vậy thì những kẻ giúp việc nó mạo làm kẻ giúp việc công bình cũng chẳng lạ gì; nhưng sự cuối cùng họ, sẽ y theo việc làm." (2 Cô rinh tô 11:13-15). "Chúng nó đã từ giữa chúng ta mà ra, nhưng vốn chẳng phải thuộc về chúng ta; vì nếu chúng nó thuộc về chúng ta, thì đã ở cùng chúng ta." (1 Giăng 2:19)

… Dầu vậy, trong dân chúng cũng đã có tiên tri giả, và cũng sẽ có giáo sư giả trong anh em; họ sẽ truyền những đạo dối làm hại, chối Chúa đã chuộc mình, tự mình chuốc lấy sự hủy phá thình lình. Có nhiều kẻ sẽ theo họ trong những sự buông tuồng, và đạo thật vì cớ họ sẽ bi gièm pha… (2 Phê-rơ 2: 1-2).

Chân lý không đến từ con người. Chân lý đến từ Đức Chúa Trời bởi Ngài chính là Chân Lý. Đức Chúa Trời bày tỏ chính mình Ngài cho con người qua Lời Hằng Sống của Ngài: "Xin Cha lấy lẽ thật khiến họ nên thánh. Lời Cha là lẽ thật." (Giăng 17:17)

Khi Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài qua Lời thành văn của Ngài là Thánh Kinh:"Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành" (II Ti mô thê 3:16, 17); "Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng. Chẳng có vật nào được giấu kín trước mặt Chúa, nhưng thảy đều trần trụi và lộ ra trước mắt Đấng mà chúng ta phải thưa lại" (Hê bơ rơ 4:12, 13);hay qua Lời thành nhục thể của Ngài là Chúa Jesus:"Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời" (Giăng 1:1); hay qua Lời trực tiếp của Ngài trong tâm linh con người bởi Chúa Thánh Linh: "Ngày nay nếu các ngươi nghe tiếng Ngài, thì chớ cứng lòng" (Hê bơ rơ 4:7); thì Ngài đang bày tỏ Chân Lý cho con người; và nếu con người biết lắng nghe Lời của Đức Chúa Trời, con người biết được Chân Lý và Chân Lý sẽ giải phóng con người ra khỏi sự mù lòa tâm linh, sự nô lệ của tội lỗi, và sự chết đời đời trong hoả ngục. (Nhân đây, cũng xin nói rõ là hoả ngục được dựng nên cho Sa-tan và quỷ sứ chứ không phải dựng nên cho con người, vì vậy, Chúa đã mở ra cho con người đường cứu rỗi. Tuy nhiên, nếu con người vì kiêu ngạo, khước từ sự cứu rỗi của Chúa, thì con người phải cùng chung số phận với Sa-tan. Tất cả những kẻ chống Chúa, sẽ cùng chung một số phận là đời đời xa cách tình yêu và sự hiện diện của Đức Chúa Trời. I Tê sa lô ni ca 1:9)

Dưới đây là ý nghĩa của Chân Lý trong Thánh Kinh mà nhà "trí thức lương thiện" Trần Chung Ngọc đọc cả bốn ấn bản Thánh Kinh vẫn không sao hiểu ra được:

Giăng 8:12-38

12 Đức Chúa Jêsus lại cất tiếng phán cùng chúng rằng: Ta là sự sáng của thế gian; người nào theo ta, chẳng đi trong nơi tối tăm, nhưng có ánh sáng của sự sống.
13 Người Pha-ri-si bèn nói rằng: Thầy tự làm chứng về mình, thì lời chứng thầy không đáng tin.
14 Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Dẫu ta tự làm chứng về mình, nhưng lời chứng ta là đáng tin, vì ta biết mình đã từ đâu đến và đi đâu; song các ngươi không biết ta từ đâu mà đến, cũng chẳng hay ta đi đâu.
15 Các ngươi xét đoán theo xác thịt; ta thì không xét đoán người nào hết.
16 Nếu ta xét đoán ai, sự xét đoán của ta đúng với lẽ thật; vì ta không ở một mình, nhưng Cha là Đấng đã sai ta đến vẫn ở cùng ta.
17 Vả, có chép trong luật pháp của các ngươi rằng lời chứng hai người là đáng tin:
18 ta tự làm chứng cho ta, và Cha là Đấng đã sai ta đến cũng làm chứng cho ta.
19 Chúng thưa cùng Ngài rằng: Cha của thầy ở đâu? Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Các ngươi chẳng biết ta, và cũng chẳng biết Cha ta. Nếu các ngươi biết ta, thì cũng biết Cha ta nữa.
20 Đức Chúa Jêsus phán mọi lời đó tại nơi Kho, đương khi dạy dỗ trong đền thờ; và không ai tra tay trên Ngài, vì giờ Ngài chưa đến.
21 Ngài lại phán cùng chúng rằng: Ta đi, các ngươi sẽ tìm ta, và các ngươi sẽ chết trong tội lỗi mình. Các ngươi không thể đến được nơi ta đi.
22 Người Giu-đa bèn nói rằng: Người đã nói: Các ngươi không thể đến được nơi ta đi, vậy người sẽ tự tử sao?
23 Ngài phán rằng: Các ngươi bởi dưới mà có; còn ta bởi trên mà có. Các ngươi thuộc về thế gian nầy; còn ta không thuộc về thế gian nầy.
24 Nên ta đã bảo rằng các ngươi sẽ chết trong tội lỗi mình; vì nếu các ngươi chẳng tin ta là Đấng đó, thì chắc sẽ chết trong tội lỗi các ngươi.
25 Chúng bèn hỏi Ngài rằng: Vậy thầy là ai? Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Như lời ta đã nói với các ngươi từ ban đầu.
26 Ta có người sự nói và đoán xét về các ngươi; nhưng Đấng đã sai ta đến là thật, và điều chi ta nghe bởi Ngài, ta truyền lại cho thế gian.
27 Chúng không hiểu rằng Ngài phán về Cha.
28 Vậy Đức Chúa Jêsus phán rằng: Khi các ngươi treo Con người lên, bấy giờ sẽ biết ta là ai, và biết ta không tự mình làm điều gì, nhưng nói điều Cha ta đã dạy ta.
29 Đấng đã sai ta đến vẫn ở cùng ta, chẳng để ta ở một mình, vì ta hằng làm sự đẹp lòng Ngài.
30 Bởi Đức Chúa Jêsus nói như vậy, nên có nhiều kẻ tin Ngài.
31 Bấy giờ Ngài phán cùng những người Giu-đa đã tin Ngài, rằng: Nếu các ngươi hằng ở trong đạo ta, thì thật là môn đồ ta;
32 các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông tha các ngươi.

33 Người Giu-đa thưa rằng: Chúng tôi là dòng dõi Aùp-ra-ham, chưa hề làm tôi mọi ai, vậy sao thầy nói rằng: Các ngươi sẽ trở nên tự do?
34 Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, ai phạm tội lỗi là tôi mọi của tội lỗi.
35 Vả, tôi mọi không ở luôn trong nhà, mà con thì ở đó luôn.
36 Vậy nếu Con buông tha các ngươi, các ngươi sẽ thật được tự do.
37 Ta biết rằng các ngươi là dòng dõi Áp-ra-ham, nhưng các ngươi tìm thế để giết ta, vì đạo ta không được chỗ nào ở trong lòng các ngươi.
38 Ta nói điều ta đã thấy nơi Cha ta; còn các ngươi cứ làm điều đã học nơi cha mình.

Chân Lý (Lẽ Thật, Sự Thật) của câu Thánh Kinh Giăng 8:32 mà nhà trí thức lương thiện Trần Chung Ngọc trích dẫn, đăng trang trọng vào trong trang trước, tờ thứ ba của cuốn "sách" CGSLAGDNG là chỉ về chính Chúa Jesus như câu hạ văn (8:36) đã minh định; và buông tha đây là buông tha khỏi sự nô lệ của tội lỗi. Trong chỗ khác, Chúa Jesus cũng xác nhận Ngài chính là Chân Lý:

"Vậy Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha." (Giăng 14:6)

Gần 2000 năm trước, khi Chúa Jesus dạy dỗ Phi lát, quan Tổng trấn La mã về Lẽ Thật, thì Phi lát đã thành thật mà thú nhận sự không hiểu của mình. Ngày nay, có nhiều người xưng mình là "lương thiện trí thức" nhưng khi không hiểu những gì mình đọc, lại không đủ lương thiện để thú nhận như Phi lát. Chúng ta hãy cùng nhau xem qua đoạn đối đáp giữa Chúa Jesus và Tổng trấn Phi lát, được ghi lại trong Thánh Kinh, sách Giăng 18:33-38

33 Phi-lát bèn vào trường án, truyền đem Đức Chúa Jêsus đến, mà hỏi rằng: Chính ngươi là Vua dân Giu-đa phải chăng?
34 Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ngươi nói điều đó tự ý mình, hay là có người đã nói điều đó với ngươi về ta?
35 Phi-lát trả lời rằng: Nào có phải ta là người Giu-đa đâu? Dân ngươi cùng mấy thầy tế lễ cả đã nộp ngươi cho ta; vậy ngươi đã làm điều gì?
36 Đức Chúa Jêsus đáp lại rằng: Nước của ta chẳng phải thuộc về thế gian nầy. Ví bằng nước ta thuộc về thế gian nầy, thì tôi tớ của ta sẽ đánh trận, đặng ta khỏi phải nộp cho dân Giu-đa; nhưng hiện nay nước ta chẳng thuộc về hạ giới.
37 Phi-lát bèn nói rằng: Thế thì ngươi là vua sao? Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Thật như lời, ta là vua. Nầy, vì sao ta đã sanh và vì sao ta đã giáng thế: ấy là để làm chứng cho lẽ thật. Hễ ai thuộc về lẽ thật thì nghe lấy tiếng ta.
38 Phi-lát hỏi rằng:Lẽ thật là cái gì? Khi người đã hỏi vậy rồi lại đi ra đến cùng dân Giu-đa, mà rằng: Ta chẳng thấy người có tội lỗi gì cả.

Tóm lại, Lời Chúa từ gần hai ngàn năm trước đã khẳng định như sau:

17 Thật vậy, Đấng Christ đã sai tôi, chẳng phải để làm phép báp-tem đâu, nhưng để rao giảng Tin Lành, và chẳng dùng sự khôn khéo mà giảng, kẻo thập tự giá của Đấng Christ ra vô ích.
18 Bởi vì lời giảng về thập tự giá, thì những người hư mất cho là điên dại; song về phần chúng ta, là kẻ được cứu chuộc, thì cho là quyền phép của Đức Chúa Trời.
19 cũng có lời chép rằng: Ta sẽ hủy phá sự khôn ngoan của người khôn ngoan, Tiêu trừ sự thạo biết của người thạo biết.
20 Người khôn ngoan ở đâu? Thầy thông giáo ở đâu? Người biện luận đời nay ở đâu? Có phải Đức Chúa Trời đã làm cho sự khôn ngoan của thế gian ra dồ dại không?
21 Vì, tại thế gian cậy sự khôn ngoan mình, chẳng nhờ sự khôn ngoan Đức Chúa Trời mà nhận biết Đức Chúa Trời, nên Ngài đành lòng dùng sự giảng dồ dại của chúng ta mà cứu rỗi những người tin cậy.
22 Vả, đương khi người Giu-đa đòi phép lạ, người Gờ-réc tìm sự khôn ngoan,
23 thì chúng ta giảng Đấng Christ bị đóng đinh trên cây thập tự, là sự người Giu-đa lấy làm gương xấu, dân ngoại cho là dồ dại;
24 song le, về những người được gọi, bất luận người Giu-đa hay người Gờ-réc, thì Đấng Christ là quyền phép của Đức Chúa Trời và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời.
25 Bởi vì sự dồ dại của Đức Chúa Trời là khôn sáng hơn người ta, và sự yếu đuối của Đức Chúa Trời là mạnh hơn người ta.
26 Hỡi Anh em, hãy suy xét rằng ở giữa anh em là kẻ đã được gọi, không có nhiều người khôn ngoan theo xác thịt, chẳng nhiều kẻ quyền thế, chẳng nhiều kẻ sang trọng.
27 Nhưng Đức Chúa Trời đã chọn những sự dại ở thế gian để làm hổ thẹn những sự mạnh;
28 Đức Chúa Trời đã chọn những sự hèn hạ và khinh bỉ ở thế gian, cùng những sự không có, hầu cho làm những sự có ra không có,
29 để chẳng ai khoe mình trước một Đức Chúa Trời.
30 Vả, ấy là nhờ Ngài mà anh em ở trong Đức Chúa Jêsus Christ, là Đấng mà Đức Chúa Trời đã làm nên sự khôn ngoan, sự công bình, sự nên thánh, và sự cứu chuộc cho chúng ta;
31 hầu cho, như có lời chép rằng: Ai khoe mình, hãy khoe mình trong Chúa.

Nguyện sự nhơn từ và thương xót của Đức Chúa Trời giúp Trần Chung Ngọc và những ai chưa nhận biết Chân Lý, có cơ hội nhận biết Chúa Jesus là ai? Giảng dạy những gì? và đến với sự cứu rỗi chỉ có trong Đức Chúa Jesus Christ, trước khi quá trể. Nguyện Chúa từ ái thành toàn cho ước nguyện này. A-men!

Huỳnh Thiên Hồng
06/11/2003

Đọc Tiếp →

13,070 views

Trả Lời Tác Phẩm “Chúa Giê-su Là Ai?…” của Trần Chung Ngọc

Copyright Notice:Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry – All Rights Reserved © 2003 Vietnamese Christian Mission Ministry, Inc. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức với điều kiện giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.

Huỳnh Thiên Hồng
Bấm vào đây để download bài viết này

"Hãy thường thường sẵn sàng để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ về sự trông cậy trong anh em."
(I Phi e rơ 3:15)

[2767]

Lời Người Viết:Những chữ in nghiêng trong bài dưới đây là nguyên văn trích từ tác phẩm "Chúa Giê-su Là Ai? Giảng Dạy Những Gì?" của Trần Chung Ngọc.

Năm qua (2002), làng văn hóa Việt Nam ở hải ngoại vừa có thêm một "tác phẩm" mới, nhằm "mở mang dân trí" để góp phần vào việc tạo "điều kiện tất yếu cho sự tiến bộ quốc gia." "Tác phẩm" này có tựa đề "CHÚA GIÊ-SU LÀ AI? GIẢNG DẠY NHỮNG GÌ?" do nhà "trí thức được đào tạo trên căn bản lương thiện" Trần Chung Ngọc "khảo luận" qua các tài liệu và Thánh Kinh, và do Giao Điểm xuất bản vào mùa Xuân 2002.

Trong phần "Lời nói đầu," tác giả khẳng định: "Tôi không chủ trương hận thù hay chia rẽ, nhưng tôi quan niệm rằng sự mở mang dân trí là điều kiện tất yếu của sự tiến bộ quốc gia, và sự hòa hợp trong các khối dân tộc chỉ có thể có khi chúng ta hiểu rõ tín ngưỡng của nhau và tìm những phương cách để cùng nhau chung sống trên đất nước thân yêu của chúng ta. Hận thù và chia rẽ bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết chứ không từ sự hiểu biết những sự thực tôn giáo;" (trang V – CGSLAGDNG). Thật là một tâm tình rất đáng ngưỡng phục!

Tuy nhiên, sau khi lướt qua "tác phẩm" CGSLAGDNG (CHÚA GIÊ-SU LÀ AI? GIẢNG DẠY NHỮNG GÌ?) của Trần Chung Ngọc, tôi thật sự thất vọng, một nỗi thất vọng lớn, và tiếc cho $15 đã bỏ ra mua "sách." Cái mà Giao Điểm giới thiệu: "thuộc loại nghiên cứu ở trình độ cao của một trí thức đã được đào tạo trên căn bản lương thiện và trong tinh thần khoa học của một khoa học gia, một nhà Vật Lý học," thực chất chỉ là một tổng hợp rác rưởi tư duy của những nhà "trí thức" hoang tưởng.

Những "lý luận" của các nhà "trí thức" này nếu dùng để viết một bài văn nghị luận bậc trung học còn không đáng để được điểm trung bình. Cách trưng dẫn và giải thích Kinh Thánh của những "trí thức gia" này cho thấy rõ sự vô trí của họ. Trần Chung Ngọc chỉ làm công việc "lượm rác" trong những đống phế thải của tư tưởng nhân loại, vậy mà Giao Điểm lại huênh hoang gọi đó là một "tác phẩm thuộc loại nghiên cứu ở trình độ cao của một trí thức đã được đào tạo trên căn bản lương thiện và trong tinh thần khoa học của một khoa học gia, một nhà Vật Lý học." Thử hỏi, ngày hôm nay, nếu chúng ta muốn tìm hiểu về thực chất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, chúng ta sẽ đi tìm tài liệu ở đâu? Phải chăng chúng ta sẽ gom góp các tác phẩm của những cây viết cộng sản viết về QLVNCH, cóp nhặt những đoạn ưng ý nhất của các tác giả đó, đem in thành một cuốn "sách," đặt cho nó cái tên: "Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa Là Ai? Đã Chiến Đấu Như Thế Nào?" Hai điểm nổi bật nhất trong "tác phẩm" CGSLAGDNG của Trần Chung Ngọc là:

1) Đánh phá Công Giáo:Thật ra, Trần Chung Ngọc mượn tên Chúa Jesus để đánh phá Công Giáo. Hơn một nửa những gì Trần Chung Ngọc "viết" trong đó là đả kích Công Giáo. Chính chỗ này nói lên sự"lương thiện" của Trần Chung Ngọc. Sợ rằng, tiếp tục lấy tựa đề đả kích Công Giáo thì sẽ không "ăn khách" nữa, bởi giáo dân Công Giáo đâu có thừa tiền để bỏ ra nghe người ta chửi mình, còn Phật tử thuần thành thì đâu có chấp nhận sự sân si bài xích tôn giáo của người khác theo kiểu "đấu tố" một chiều của cộng sản. Ngay trong mấy trang đầu của cuốn "sách," Trần Chung Ngọc đã cho đăng hình của Giáo Hoàng John Paul II và hình vẽ cảnh linh mục Công Giáo thiêu sống thổ dân từ chối theo đạo. Những cái hình này có liên quan gì đến Chúa Jesus và sự giảng dạy của Chúa? Có thể nào, viết một cuốn sách lấy tên là "Đức Phật và Phật Pháp" rồi cho đăng hình mấy sư đeo mắt kính đen, ngồi xe jeep Mỹ, hút thuốc lá Mỹ, "chỉ đạo" những cuộc biểu tình chống Mỹ? Có thể nào đem chuyện "bàn thờ Phật xuống đường," hoặc chuyện mấy sư hổ mang, mấy dâm tăng ra để thóa mạ Phật Thích Ca và Phật Pháp? Thiết tưởng, một trí thức, lại là một trí thức "được đào tạo trên căn bản lương thiện" phải biết thế nào là một việc làm lương thiện và không lương thiện. Thiết tưởng, một Phật tử thuần thành, lại là một "trí thức" Phật tử, không thể nào mở miệng, đặt bút để thóa mạ một ai. Nói lên một sự thật, khác với nhân danh sự thật để thóa mạ "chúng sinh."

Trong quan điểm chân chính của Phật giáo: "Chúng sinh là Phật chưa thành!" Có thể nào, một Phật tử lại nhân danh này, nhân danh nọ (mở mang dân trí, đoàn kết dân tộc, bảo tồn văn hóa …) là những cái "danh" tự nó cũng không thật (theo thuyết Vô Ngã) để nhục mạ những vị "Phật sẽ thành?" Sự ngã mạn, biên kiến của Trần Chung Ngọc đối với Cơ đốc giáo nói chung, đối với Công Giáo La mã nói riêng, đã cho người đọc thấy rõ, Trần Chung Ngọc không phải là một Phật tử thuần thành. Bởi lẽ, một Phật tử chân chính, cho dù không có tri thức cao về văn hoá, về Phật học, cũng biết là thái độ, lời ăn tiếng nói, bài viết của Trần Chung Ngọc không xứng hợp với những ai tự cho mình là con Phật. Một cái miệng tụng niệm "Đức Phật đã thành," không thể nào thoát ra những lời ngã mạn, đê tiện, hạ nhục những vị "Phật sẽ thành."

2) Trần Chung Ngọc tự để lộ chân tướng là cán bộ cộng sản Việt Nam.Tôi xin trích đăng lại nguyên văn phát biểu trên giấy trắng mực đen của Trần Chung Ngọc, để quý bạn đọc tự thẩm định:

"Chính quyền Việt Nam cần phải ý thức được cái hiểm họa Ki Tô, Ca Tô cũng như Tin Lành, nếu không muốn truyền thống dân tộc và văn hóa của Việt Nam bị xóa sạch trong tương lai, rơi vào vòng nô lệ Vatican hay Tin Lành, bình phong tôn giáo của các đế quốc tư bản Âu Mỹ." (Trang 10, CGSLAGDNG)

Tôi muốn hỏi Trần Chung Ngọc là chắc ông ta rất đau khổ khi phải sống trong "vòng nô lệ" Tin Lành trên đất nước "đế quốc tư bản" Mỹ này; dân tộc Ý chắc sống rất là đau khổ trong "vòng nô lệ" Vatican hơn là dân tộc Việt Nam đang sống trong vòng nô lệ của bạo quyền cộng sản vô thần. Dưới chế độ vô thần, độc tài, sắt máu của cộng sản, chắc là truyền thống dân tộc và văn hóa của Việt Nam đã được bảo tồn và phát huy? Tôi không biết là dân tộc Việt Nam chúng ta có cái truyền thống văn hóa đấu mẹ tố cha, giết lầm hơn tha sót… Tôi không biết là dân tộc Việt Nam có truyền thống cắt đất hiến dâng một phần lãnh thổ cho ngoại bang. Tôi không biết là dân tộc Việt Nam có truyền thống và văn hóa nhốt tù thiếu nhi tám tuổi:

"Một tay em trổ: Đời xua đuổi.
Một tay em trổ: Hận vô bờ.
Thế giới ơi, người có thể ngờ?
Đó là một tù nhân tám tuổi…

Những thiếu nhi điển hình chế độ
Thuở mới đi tù trông thật ngộ
Lon xon không phải mặc quần
Chiếc áo tù dài phủ kín chân

… Giờ thấm thoát mười xuân đã lớn
Mặt mũi vêu vao, tính tình hung tợn
Mở miệng là chửi bới chẳng từ ai
Có thể giết người vì củ sắn, củ khoai!" [1]

Tôi thật không ngờ, Trần Chung Ngọc thà là để cho dân tộc Việt Nam phải sống trong cảnh:

"Đảng dìu dắt thiếu nhi thành trộm cướp
Giải phóng đàn bà thành đỉ, thành trâu
Giúp người già bằng bắt bớ rể, dâu
Và cải tiến dân sinh thành xác mướp
Đảng thực chất chỉ là đảng cướp…" [1]

Chứ Trần Chung Ngọc không muốn cho dân tộc Việt Nam "chịu" đau khổ trong "vòng nô lệ" Vatican như dân Ý hoặc trong"vòng nô lệ" Tin Lành như dân Mỹ. Đến lúc nào Trần Chung Ngọc sẽ viết "sách" kêu gọi giải phóng nhân dân Ý và nhân dân Mỹ, để thành toàn "nghĩa vụ quốc tế?"

Nhưng, Trần Chung Ngọc lại tự mình mâu thuẫn khi cũng trong bài "Lời Nói Đầu" Trần Chung Ngọc viết rằng: "Sự hòa hợp tôn giáo trong các nước văn minh tiến bộ Âu Mỹ, nơi đây có vô số những sách viết về mọi tôn giáo, là một tấm gương để chúng ta soi vào" (Trang V – CGSLAGDNG). Thật là lạ lùng cho lối tư duy của "trí thức" Trần Chung Ngọc. Chỉ cách nhau 12 trang giấy, Trần Chung Ngọc vừa "soi" vào tấm gương hòa hợp tôn giáo ở các nước văn minh tiến bộ Âu Mỹ xong, thì lại lớn tiếng cảnh báo chính quyền cộng sản Việt Nam coi chừng bị rơi vào "vòng nô lệ" Vatican hay Tin Lành, bình phong tôn giáo của các đế quốc tư bản Âu Mỹ." Vậy, cộng sản Việt Nam nên học cái gương tự do tôn giáo, hòa hợp tôn giáo của Âu Mỹ hay nên triệt hại Cơ đốc giáo để khỏi bị "nô lệ" Cơ đốc giáo?

Trần Chung Ngọc viết tiếp:

"Chính quyền và người dân Việt Nam cần ý thức được tầm quan trọng của sự mở mang dân trí. Nếu không muốn mang tội với dân tộc trong lịch sử Việt Nam, chính quyền Việt Nam cần đẩy mạnh nỗ lực mở mang dân trí. Đây chính là sách lược then chốt để ngăn chặn sự xâm nhập văn hóa Việt Nam qua những luận điệu mê hoặc hoang đường của Ki Tô Giáo, đồng thời là cái chìa khóa để mở rộng cánh cửa tiến bộ về mọi mặt của nước nhà." (Trang 11 – CGSLAGDNG)

Trần Chung Ngọc làm như cộng sản Việt Nam KHÔNG HỀ CÓ TỘI VỚI DÂN TỘC TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM. Trần Chung Ngọc hàm ý là những cơn bách hại tôn giáo khởi từ năm 2000 đến nay tại Việt Nam của bạo quyền cộng sản là "một sự mở mang dân trí" và nếu tiếp tục tàn sát những lương dân vô tội như thế thì cộng sản Việt Nam sẽ KHÔNG MANG TỘI VỚI DÂN TỘC VIỆT NAM TRONG LỊCH SỬ; Nhờ giết chóc như thế, cộng sản Việt nam đã "vận dụng" cái chìa khóa để mở rộng cánh cửa tiến bộ về mọi mặt của nước nhà. Tôi thật sự ao ước được nghe tiếng nói của các Phật tử chân chính về những lời tuyên bố trên đây của "Phật tử" Trần Chung Ngọc.

Trong phần "Lời Giới Thiệu" của Giao Điểm (không biết do ai viết hay cũng do chính Trần Chung Ngọc viết) có đoạn sau đây:

"Trong Chương II, Giáo sư Trần Chung Ngọc đã trích dẫn từ Thánh Kinh, Tân Ước, thuần túy từ Tân Ước, những lời Chúa Giê-su nói và những hành động của Người, và đưa ra một phân tích tổng hợp mà chúng tôi tin chắc quý bạn chưa bao giờ được nghe hoặc biết đến, vì người ngoại đạo cũng như người trong đạo thường không đọc Thánh Kinh, và dĩ nhiên, chẳng có ai mang những điều này ra giảng trong các nhà thờ." (Lời Giới Thiệu – CGSLAGDNG)

Chắc chắn là những lời giải thích xuyên tạc, vô trí về Thánh Kinh thì tín đồ Cơ đốc giáo chẳng muốn nghe. Nhưng nói là "người trong đạo thường không đọc Thánh Kinh" thì thật là không biết phải đánh giá "trí thức" của các "đại trí thức gia" Giao Điểm như thế nào! Xưng là "trí thức đuợc đào tạo trên căn bản lương thiện" mà không biết rằng nếp sống đạo của Cơ đốc nhân dựa trên mối tương giao mật thiết với Đức chúa Trời bằng hai yếu tố bất khả phân ly: sự cầu nguyện và sự đọc Kinh Thánh. Cầu nguyện được gọi là hơi thở tâm linh, còn Kinh Thánh được gọi là thức ăn tâm linh của người theo Chúa. Đời sống đức tin của người theo Chúa chỉ có thể tăng trưởng khi người ấy cầu nguyện và đọc Kinh Thánh.

Những sách giải kinh, những bài giảng về các câu Kinh Thánh Trần Chung Ngọc trích dẫn trong Chương II của cuốn "sách" CGSLAGDNG, nhiều đến nỗi hầu như một người không có đủ thời gian để mà đọc cho hết, vậy mà các "trí thức" Giao Điểm dám nói khơi khơi là "người ngoại đạo và người trong đạo thường không đọc Thánh Kinh, và dĩ nhiên, chẳng có ai mang những điều này ra giảng trong các nhà thờ." Các "trí thức" Giao Điểm hình như không thèm biết cái "sự thật" Kinh Thánh là một cuốn sách được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất trên thế giới, được in ra nhiều nhất trên thế giới, và thay đổi cuộc đời của nhiều người nhất trên thế giới. Nếu người trong đạo và ngay cả người ngoài đạo không đọc Kinh Thánh (chẳng biết Trần Chung Ngọc, quý "trí thức gia" Giao Điểm, và quý "trí thức gia" được Trần Chung Ngọc trích đăng, thuộc về người trong đạo hay người ngoài đạo?) thì Kinh Thánh được dịch và in ra để làm gì, từ năm này sang năm khác, và giá bán một quyển Kinh Thánh hoặc các sách giải kinh, các sách thần học không phải là rẻ, nếu so với các loại sách khác. Ở đây, chỉ nói để mà so sánh chứ không phải để khen chê: Con số các cơ sở Phật Học Viện trên toàn thế giới cũng không nhiều bằng con số các Thần Học Viện chỉ riêng tại nước Mỹ; Con số các nhà sách Phật Học trên toàn thế giới gom lại cũng không nhiều bằng con số các nhà sách Thần Học Cơ-đốc chỉ trong một tiểu bang CA hoặc TX của Mỹ (cứ vào internet để search thì rõ). Con số kinh sách, giảng luận Phật Học được in ra trên toàn thế giới, cũng không nhiều bằng chính bản thân cuốn Kinh Thánh được in ra, chứ chưa nói đến các sách vỡ thần học và giải kinh!

Tôi muốn nói cho Trần Chung Ngọc và nhà "trí thức" Giao Điểm nào đó viết lời giới thiệu cho Trần Chung Ngọc, biết rằng bất kỳ một câu Kinh Thánh nào Trần Chung Ngọc trích dẫn trong phần II của cuốn CGSLAGDNG, cũng đều được "người trong đạo" phân tích, giảng luận ít nhất là 10 lần hơn bất kỳ một câu kinh Phật nào được Phật tử phân tích và thuyết giảng. Tôi thách thức Trần Chung Ngọc "khảo cứu" một câu kinh Phật được phân tích và thuyết giảng nhiều nhất, được ghi lại trên giấy trắng mực đen, để xem câu kinh đó được phân tích và thuyết giảng bao nhiêu lần; rồi tôi sẽ chứng minh bằng sách vỡ, bất kỳ một câu Kinh Thánh nào mà Trần Chung Ngọc trích dẫn trong phần II của cuốn CGSLAGDNG, cũng đều được phân tích và giảng dạy ít nhất là 10 lần hơn câu kinh Phật đó. Ở đây, không phải tôi muốn đưa ra sự hơn thua về tính "phổ thông" của kinh Phật và kinh Chúa. Nhưng tôi chỉ muốn nói cho Trần Chung Ngọc và các "trí thức" Giao Điểm biết rõ: Người tín đồ Cơ-đốc Giáo chân chính đọc, phân tích, giảng dạy, và thực dụng Kinh Thánh mỗi ngày trong đời sống của họ. Đó là lẽ sống của đời họ! Và, điều đó được chứng minh bằng không biết bao nhiêu sách vỡ đã ghi lại kết quả của sự đọc, phân tích, và giảng giải Kinh Thánh của tín đồ Cơ-đốc. Tín đồ Cơ-đốc chân chính tin theo Chúa Jesus không chỉ dựa trên lời tường thuật trong Kinh Thánh, mà còn là dựa vào quyền năng thay đổi lòng người của Kinh Thánh. Nếu Kinh Thánh có lý thuyết hay đến đâu, lý luận có thuyết phục đến đâu, nhưng những người tín đồ Cơ-đốc không kinh nghiệm được những điều Kinh Thánh dạy trong chính tâm linh họ: "Sự bình an thiên thượng" mà thế gian không thể hiểu; Năng lực thắng được sự cám dỗ làm điều dữ và năng lực làm trọn những điều lành; Sự tiêu tan của mặc cảm tội lỗi sau khi hưởng ân cứu rỗi của Chúa; Tình yêu thiên thượng khiến một người có thể tha thứ và yêu thương ngay chính kẻ thù của mình; v.v… thì họ không vì đức tin mà chịu tử đạo cả hàng triệu người đâu! Những Cơ-đốc nhân được gì khi họ bỏ hết mọi sự tiện nghi, sung túc trong một thế giới văn minh để đến với những con người cùi phung, lỡ lói, tật bệnh, thiếu nghèo trong chốn rừng sâu, núi thẳm ở những nơi tận cùng của thế giới? (Đến với những con người mà "Phật tử" Trần Chung Ngọc gọi là "còn đóng khố" hàm ý miệt thị họ là bán khai, ngu dốt, thất học!) Ai vinh danh họ? Phần thưởng nào, huy chương nào được trao tặng cho họ? Động cơ nào? sức mạnh nào thúc đẩy và giúp họ trung thành với nghĩa cử dấn thân cao đẹp đó cho đến cuối cuộc đời? Chỉ có một câu trả lời thỏa đáng: Chúa Cứu Thế Jesus Christ mà họ tin nhận đó, thật sự là Chân Lý, là Tình Yêu, là Sự Sống đang sống trong chính họ, là động cơ và sức mạnh để trái tim họ tan chảy ra trước đau khổ, nhục nhằn của đồng loại. Lý trí bình thường của một con người cũng nhận ra được điều này! Câu:"người ngoại đạo và người trong đạo thường không đọc Thánh Kinh, và dĩ nhiên, chẳng có ai mang những điều này ra giảng trong các nhà thờ" thật sự là câu nói vô căn cứ của một người vô trí. 

Trong "Lời nói đầu," Trần Chung Ngọc viết: "Sự thật là sự thật, sự thật không có tính cách bè phái và tuyệt đối không thiên vị. Lương tâm trí thức của bất cứ người Việt Nam nào quan tâm đến vấn đề tôn giáo là phải tôn trọng sự thật trong các tôn giáo, bất kể sự thật đó như thế nào. Trong thời đại này, chúng ta phải có can đảm đối diện với sự thật dù sự thật đó không hợp ý ta hay mang đến cho chúng ta ít nhiều phiền muộn." (Trang IV & V – CGSLAGDNG)

Tôi ngờ rằng người viết "Lời giới thiệu" cho Trần Chung Ngọc không phải là một người "trí thức" Việt Nam, bởi người đó không dám "tôn trọng" sự thật là Cơ-đốc nhân xem việc đọc Kinh Thánh là nhu cầu sống chết, sự thật là Kinh Thánh được in và dịch ra nhiều nhất trên toàn thế giới. Hoặc giả, người đó là một "trí thức" Việt Nam nhưng không có lòng quan tâm đến vấn đề tôn giáo, mà chỉ quan tâm làm sao cho "đảng" đắc lợi trong việc khuấy động hận thù giữa Phật Giáo và Công Giáo. Tôi cũng ngờ là Trần Chung Ngọc tuy nói vậy mà không phải vậy. Chính trong phần "Dẫn nhập" Trần Chung Ngọc đã dịch "Justification by Faith" ra Việt ngữ là: "Đức Tin biện minh cho tất cả" đủ để cho thấy trình độ "trí thức" và mức độ "lương thiện" của tác giả trong sự quan tâm đến tôn giáo. (Justification by Faith là giáo lý về "sự xưng nghĩa bởi đức tin" của Cơ đốc giáo) "Đức Tin biện minh cho tất cả" có nghĩa là gì? Phải chăng, Trần Chung Ngọc muốn gieo rắc vào đầu người đọc một ấn tượng sai lầm về lẽ đạo quan trọng của Cơ Đốc Giáo? Dịch "bậy" một cách đầy ác ý như vậy là một sự cố tình "chơi chữ" của Trần Chung Ngọc. Trần Chung Ngọc muốn lập lờ trong sự một từ hai nghĩa của "justify và justification" trong Anh ngữ. (Justify = to show a sufficient lawful reason for an act done. Justification = the act, process, or state of being justified by God – Merriam Webster's Collegiate Dictionary – Được xưng công nghĩa bởi đức tin nghĩa là một tội nhân được Đức Chúa Trời xưng là sạch tội khi người ấy tin nhận rằng Đức Chúa Jesus đã chết trên thập tự giá để trả nợ tội thế cho người ấy.) Nếu một người thử dịch "Đức Tin biện minh cho tất cả" ra Anh ngữ, dịch một cách nghiêm chỉnh, sát nghĩa, sẽ thấy được cái ác ý của Trần Chung Ngọc. Nhưng, tôi cũng không ngạc nhiên đâu, bởi vì câu nói: "Cứu cánh biện minh cho phương tiện" là câu kinh nhật tụng của người cộng sản. Trần Chung Ngọc có vì quen miệng, hoặc vì "tâm đắc" với ý nghĩa của câu kinh cộng sản ấy mà cố tình dịch "bậy" cũng là điều tự nhiên.

Trong suốt cuốn "sách," Trần Chung Ngọc không ngớt mạ lỵ các tín đồ của Đấng Christ như là những người"tầm thường, ngu dốt, thất học" và tìm cách đề cao Phật Giáo (chắc có hậu ý để cho Công Giáo "đánh trả" vào Phật Giáo). Thế nhưng, khi nhắc đến các tác giả Cơ-đốc người Việt như Tiến Sĩ Lê Anh Huy, Tiến Sĩ Phan Như Ngọc, "Cựu Đại Đức Phật Giáo" Nguyễn Huệ Nhật (xuất thân đại học Vạn Hạnh), thì Trần Chung Ngọc "phe lờ" học vị của những tác giả này. Làm như thể Lê Anh Huy, Phan Như Ngọc, Nguyễn Huệ Nhật là những "tín đồ Cơ đốc tầm thường, ngu dốt, thất học, và cuồng tín chỉ biết nhắm mắt nghe theo lời giảng của các mục sư mà không hề tự mình đọc Kinh Thánh." Chính điểm này cũng nói lên cái "trí thức lương thiện" của Trần Chung Ngọc. Tôi không biết Trần Chung Ngọc sẽ có đủ can đảm để viết rằng nhà khoa học Isaac Newton, một tín đồ Cơ-đốc chân thành – cha đẻ của định luật vật lý mà Trần Chung Ngọc phải mài đũng quần trên ghế của nhà trường để học, để thán phục, để mang cái học đó ra truyền lại cho người khác – cũng là"một tín đồ Cơ đốc tầm thường, ngu dốt, thất học, và cuồng tín chỉ biết nhắm mắt nghe theo lời giảng của các mục sư mà không hề tự mình đọc Kinh Thánh" hay không! (Theo tài liệu của Giao Điểm thì Trần Chung Ngọc là một khoa học gia, một nhà vật lý học, từng dạy vật lý trong một đại học ở Mỹ). Ở đây, tôi không có cái ý "khoe khoang bằng cấp" giùm cho những tác giả nói trên, nhưng vì Trần Chung Ngọc không ngớt mạ lỵ tín đồ Cơ-đốc như là những kẻ tầm thường, ngu dốt, thất học, mê tín và cuồng tín nên tôi mới nêu ra cái điểm nổi bật về "trí thức""lương thiện" biết tôn trọng sự thật của Trần Chung Ngọc.

Thật ra, tôi không muốn dính vào những thứ rác rưởi mà Trần Chung Ngọc đã cất công thu thập một cách rất là "tâm đắc," (nói một tín ngưỡng là đúng hoặc sai theo nhận định chủ quan của mình, khác với việc mạ lỵ một tín ngưỡng). Nếu Phật Thích Ca tuyên bố là có đến 84,000 pháp môn để qua đó một người có thể tìm đến chân lý, thì Trần Chung Ngọc và các "trí thức" Giao Điểm là ai để phán định Cơ-đốc Giáo không thuộc một trong 84,000 pháp môn ấy? Tôi nói đây, là theo quan điểm và lý luận chính tông của Phật Giáo! Cho nên, bài bác, mạ lỵ một tôn giáo, một "pháp môn" mà tự mình chưa hề bao giờ chứng nghiệm, tức là chỉ tuôn ra những thứ rác rưởi, xuất phát từ ngã mạn và biên kiến! Nhưng, xét ra, cũng nên "tản mạn" một chút về những điều "tâm đắc" của Trần Chung Ngọc như là một hình thức "tái chế" những rác rưởi trong tâm linh của ông ta thành một thứ "phân bón" hầu sau này, sẽ hữu dụng trong việc giúp ông tăng trưởng đức tin mà tôi mong rằng một ngày nào đó, ông sẽ tìm gặp trong Chúa Cứu Thế Jesus Christ, trước khi quá muộn. Bên cạnh đó, cũng nên có một bài nhận định về cuốn "sách" của Trần Chung Ngọc để giúp hóa giải những chất độc vô thần, phỉ báng tôn giáo, phỉ báng Đức Chúa Trời, mà Trần Chung Ngọc cùng nhóm Giao Điểm đang hung hăng, điên cuồng gieo rắc.

Trong những bài kế tiếp, tôi sẽ chỉ đề cập đến những "hiểu biết" ấu trỉ của nhà "trí thức lương thiện" Trần Chung Ngọc xoay quanh hai tiêu đề "Chúa Jesus là ai?" và "Chúa Jesus giảng dạy những gì?" Mặc dù đó chỉ là "diện" của cuốn "sách," còn "điểm" của cuốn "sách" là tấn công vào Giáo Hội Công Giáo, nhưng xin để cho quý vị giáo dân và hàng giáo phẩm Công Giáo lên tiếng về phần đó. Tôi nghĩ, Trần Chung Ngọc "ghét" Kinh Thánh là vì trong đó có một câu như sau: "Kẻ ngu dại nói trong lòng rằng: Không có Đức Chúa Trời" (Thi Thiên 14:1 & 53:1). Vì Kinh Thánh gọi nhà "trí thức đã được đào tạo trên căn bản lương thiện và trong tinh thần khoa học của một khoa học gia, một nhà Vật Lý học" nhưng vô thần Trần Chung Ngọc là một kẻ ngu dại nên Trần Chung Ngọc "ghét cay ghét đắng" Kinh Thánh, nhất là sách Thi Thiên, và "căm thù" vua Đa vít, là người ghi lại câu đó. Nếu Đức Chúa Trời đã gọi những kẻ vô thần chỉ nói thầm trong lòng rằng không có Đức Chúa Trời là "kẻ ngu dại," thử hỏi, những kẻ vô thần nói ra miệng, viết thành "sách" rằng không có Đức Chúa Trời, như Trần Chung Ngọc và nhóm Giao Điểm còn "ngu dại" đến đâu.

Cũng xin mở ngoặc nơi đây để nói riêng với các bạn đọc Phật Giáo chân chính. Câu:"Kẻ ngu dại nói trong lòng rằng: Không có Đức Chúa Trời" là tuyên phán của Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta chấp nhận có Đức Chúa Trời, thì Ngài há không có quyền "mắng" Trần Chung Ngọc là ngu dại hay sao, khi Trần Chung Ngọc không nhận thức nổi sự thực hữu của Đấng đã tạo dựng ra ông? Còn nếu lý luận rằng Đức Chúa Trời không có thật, Kinh Thánh là sản phẩm mạo danh Chúa, thì có gì khiến cho Trần Chung Ngọc phải nổi nóng, nếu Trần Chung Ngọc thật sự là một Phật tử? Chắc các bạn đều rõ thái độ của Phật Thích Ca như thế nào, khi có người đến mắng chửi xối xả vào mặt Phật, ngay trước sự chứng kiến của hàng đệ tử! Trong giao tiếp thường ngày của tôi, tôi quen biết nhiều người là Phật tử, cá nhân tôi, đã từng tu theo Phật Pháp, nhưng trong mười Phật tử tôi gặp, không có đến một người chấp nhận mình là "vô thần," nghĩa là không tin nhận có một Đấng Cao Siêu Tuyệt Đối, làm ra và tể trị vũ trụ này. Tùy theo quan niệm, tư duy của mỗi người, Đấng ấy có thể được gọi là Ông Trời, là Đấng Tạo Hóa, hay được gọi là Đức Chúa Trời trong đức tin của người Cơ-đốc! Họa hoằn lắm, tôi mới gặp những "trí thức" phật tử vô thần. Phật Thích Ca bác bỏ một "Đức Chúa Trời" bị nhân cách hóa theo quan niệm của các dân tộc mê tín, theo tâm cảnh mình, tự dựng ra một "Đức Chúa Trời" để thờ phượng của thời điểm lịch sử lúc bấy giờ; nhưng Phật Thích Ca không phủ nhận một Đức Chúa Trời, vượt ngoài, không-thời-gian và vật chất! Bởi, chính Phật Thích Ca, gọi đích Danh Ngài là: Chân Lý! Khoảng 500 năm sau, Đấng Chân Lý đó, khi đến kỳ hạn đã ấn định, nhập thế làm người để dẹp bỏ các "Thần" do loài người dựng nên và mạc khải cho loài người một Chân Thần, qua thân vị Chúa Cứu Thế Jesus!

Tôi thành thật khuyên bạn đọc đừng bỏ ra $15 để mua cuốn "sách" CGSLAGDNG của Trần Chung Ngọc; phí tiền! Trong những bài viết kế tiếp, tôi sẽ tổng kết nội dung của "sách" ấy. Nhưng nếu bạn đọc muốn biết chính xác, Trần Chung Ngọc đã mượn danh Phật tử để làm những việc không lương thiện như thế nào thì việc bỏ ra $15 để mua cuốn "sách" của Trần Chung Ngọc về đọc cũng chẳng phải là không đáng!

Cá nhân tôi, chưa hề quen biết gì với Trần Chung Ngọc, nếu xét về tuổi đời, có lẽ Trần Chung Ngọc xứng là bậc cha chú của tôi. Nếu gặp mặt ông ngoài đời, tôi sẽ lễ phép khoanh tay cúi đầu kính chào ông. Nếu ông có lớn tiếng chửi mắng tôi vì cho là tôi ngu dốt, vong bản khi tin theo Chúa Jesus thì tôi cũng chẳng buồn giận gì ông và cũng sẽ không dám vô lễ với ông. Nhưng khi ông đã lợi dụng chữ nghĩa để gieo rắc những nọc độc của sự dối trá, có thể làm hại đến biết bao linh hồn của đồng hương tôi, dân tộc tôi, thì tôi nhận thấy mình cũng như bất kỳ ai biết tôn trọng công lý và sự lương thiện, đều có trách nhiệm "giải độc." Trong tiến trình giải độc đó, việc quan trọng và cần thiết là phải lột mặt nạ của kẻ gieo rắc chất độc. Kẻ gieo rắc chất độc, dù mặc áo y tế, dùng ngôn ngữ của bác sĩ, thì vẫn là kẻ sát nhân. Cho nên, xin bạn đọc thông cảm với tôi, nếu tôi có gọi đích danh Trần Chung Ngọc là một "trí thức" vô trí và bất lương, là tay sai của cộng sản vô thần, đội lốt Phật tử, được cài vào cộng đồng tỵ nạn Việt Nam để khuấy động hận thù tôn giáo. Mặt khác, tôi thật sự xót xa cho số phận tâm linh của Trần Chung Ngọc. Tôi có thể nói mà không thẹn với lòng mình và với Chúa Cứu Thế Jesus Christ là Chúa, là Đức Chúa Trời của tôi rằng: "Nếu có phải đánh đổi tất cả những gì tôi có, ngay cả mạng sống của tôi, để chắc chắn là Trần Chung Ngọc thật lòng tin nhận Chúa Jesus như tôi, tôi sẽ không ngần ngại!" Linh hồn của Trần Chung Ngọc hoặc của bất kỳ một ai, rất là quý báu trước mặt Đức Chúa Trời. Chính Chúa Jesus tuyên bố, cả thế gian này cũng không xứng với giá trị của một linh hồn! Còn về lẽ thật cứu rỗi của Cơ-đốc Giáo, thì Trần Chung Ngọc không cần phải được nghe giảng nữa. Kinh Thánh gọi những người như Trần Chung Ngọc là đui mù tâm linh. Chúng ta không thể cố gắng chiếu ánh sáng vào trong một đôi mắt đã đui mù rồi mong cho đôi mắt ấy tiếp nhận ánh sáng. Chỉ trừ khi, vì lòng nhân từ thương xót của Chúa mà Ngài chữa lành chứng đui mù tâm linh cho Trần Chung Ngọc, thì ông ta mới nhận biết Chúa. Chúng ta hãy cầu xin điều đó cho Trần Chung Ngọc.


Huỳnh Thiên Hồng
05/12/2003

 

Tham Khảo

[1] Nguyễn Chí Thiện,"Bản chúc thư của một người Việt Nam"

Đọc Tiếp →

7,285 views

Giáo Sư Giả

Copyright Notice:Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry – All Rights Reserved © 2006 Vietnamese Christian Mission Ministry, Inc. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức với điều kiện giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.

Nguyễn Mỹ Hạnh Lan
Bấm vào đây để download bài viết này

[1163]

I. Dẫn Nhập

Ngay từ những ngày đầu tiên của Hội Thánh Chúa, quyền lực bí mật của sự vô đạo đã bắt đầu làm việc để phá hoại thân thể của Đầng Christ (2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:7; 2 Thessalonians 2:7). Thân thể Chúa tức là Hội Thánh, là nơi phản ánh sự vinh hiển của Chúa. Đó cũng là nơi Tin Lành được truyền ra cho tận cùng trái đất. Hội Thánh, vì vậy là nguồn dẫn phước xuống cho nhân loại; điều mà Satan không muốn. Do đó, nổ lực của Satan là một mặt hủ hoá Hội Thánh bằng tội lỗi và hậu quả của tội lỗi là quan hệ mật thiết giữa Cơ Đốc nhân với Đức Chúa Trời bị cắt đứt; mặt khác, Satan tung ra những thứ giả như tôn giáo giả, Christ giả, tiên tri giả, giáo sư giả, phép lạ giả, v.v., chủ đích của Satan là lừa Hội Thánh đi xa khỏi chân lý của Chúa. Thiếu chân lý, đời sống Cơ Đốc nhân không thể được thánh hoá. Chân lý của Chúa chính là lời Chúa (Giăng 17:17; John 17:17). Những thứ hàng giả hiệu của Satan sẽ có phảng phất những thuộc tính của Chúa; tuy nhiên, pha trộn vào đó là những thứ thuộc về thế gian hoặc của thế giới tối tăm để những Cơ Đốc nhân thiếu cảnh giác lầm lộn và bị lừa.

Giáo sư giả là một trong các đồ giả mạo của Satan. Đây là những người giảng "lời Chúa" nhưng không duy nhất lời Chúa mà có pha trộn vào những triết lý của thế gian. Họ là những sói đội lốt chiên (Ma-thi-ơ 7: 15; Matthew 7:15). Động cơ của giáo sư giả có thể là tiền bạc, danh vọng, quyền thế. Nhưng có thể họ làm một cách vô ý thức, không biết mình đang phục vụ Satan thay vì phục vụ Chúa. Cũng có thể có những tội kín dấu trong đời sống như tội tình dục, tội kiêu ngạo, tội tham tiền bạc, v.v., nên họ mới bẻ cong Thánh Kinh để ru ngủ luơng tâm đang bị cáo trách vì các tội lỗi kín dấu này. Sự giảng dạy của giáo sư giả như men làm bánh; chỉ cần một chút ít trông có vẻ "vô thưởng vô phạt" nhưng từ từ dậy lên cả ổ bánh. Chính Chúa Giê-su đã tiên tri về giáo sư giả để cảnh báo các môn đồ Ngài (Ma-thi-ơ 24:11; Matthew 24:11). Do vậy, giáo sư giả là một vấn đề quan trọng đáng được Cơ Đốc nhân chú ý.

Trong bài này chúng ta lần lượt liệt kê những cách để nhận diện giáo sư giả trong Hội Thánh và xác định thái độ của chúng ta đối với họ.

II. Nhận diện giáo sư giả

Muốn nhận diện giáo sư giả, trước hết Cơ Đốc nhân cần phải sống trong Chúa để Chúa sống trong mình (Giăng 14:20; John 14:20). Khi thần Lẽ Thật sống trong mình thì Ngài sẽ dẫn chúng ta đi vào mọi lẽ thật (Giăng 14:26; John 14:26) vì Ngài là Chân Lý (Giăng 14:6; John 14:6). Khi đã sống trong chân lý của Chúa thì chúng ta có khả năng nhận biết ra những gì không phải là chân lý rất dễ dàng. Điều đáng ghi nhớ là giáo sư giả là những người không phải hoàn toàn không dạy lời Chúa, nhưng trong sự dạy dỗ của họ có trộn lẫn những điều thuộc về Chúa và cả những điều thuộc về thế gian. Hỗn hợp phần giả phần thật này là chiến lược muôn đời của Satan để lừa dối nhân loại. Người vấp ngã đầu tiên vì chiến thuật này của Satan là Ê-va trong vườn Ê-đen (Sáng Thế Ký 3:1-6; Genesis 3:1-6).

Chúng ta có thể nhận diện họ bằng những cách như sau:

1. Thử nghiệm mọi linh

Giáo sư giả làm việc dưới sự kiểm soát của tà linh. Tà linh là đầy tớ của Satan. Mỗi khi Satan trá hình dưới dạng thiên sứ sáng láng, thì tà linh trá hình dưới dạng của người công nghĩa (2 Cô-rinh-tô 11:14-15; 2 Corinthians 11:14-15). Tà linh càng năng quyền thì sự lừa dối của giáo sư giả càng cao. Đầy tớ của thế lực bóng tối vẫn có thể làm phép lạ để lừa dối loài người (Ma-thi-ơ 24: 24; Matthew 24:24). Vào thời cuối, Satan càng tung ra nhiều hàng giả mạo hơn. Trong lúc đó, càng có nhiều người chối bỏ đức tin, chú tâm vào các thần lừa dối và đạo lý của ác quỷ [1 Ti-mô-thê 4:1; 1 Timothy 4:1]. Sự bội đạo lót đường cho AntiChrist xuất hiện. AntiChrist là kẻ có quyền năng siêu nhiên như có thể kêu lửa từ trên trời đổ xuống (Khải Huyền 13:13; Revelation 13:13). Phép lạ càng mầu nhiệm sự lừa dối càng cao. Tương tự như vậy, giáo sư giả cũng có thể truyền đạt những "mạc khải" sâu nhiệm về Đức Chúa Trời. Do vậy, trước khi nhắm mắt tin vào những đều "sâu nhiệm" này, Cơ Đốc nhân phải thử các thần linh đó xem chúng có phải phát xuất từ Đức Chúa Trời hay không. Chúng ta trắc nghiệm các linh nhờ vào lời Chúa để lại trong Thánh Kinh như tín đồ thành Bê-rê tra xét Thánh Kinh để thử nghiệm chính sứ đồ Phao-lô (Công Vụ 17:10-11; Acts 17:10-11). Thánh Kinh là bản đồ cho sự sống của Cơ Đốc nhân. Nhờ đối chiếu với Thánh Kinh, chúng ta biết được sự dạy dỗ của một người đến từ Đức Chúa Trời hay không:

"Hỡi kẻ rất yêu dấu, chớ tin cậy mọi thần, nhưng hãy thử cho biết các thần có phải đến bởi Đức Chúa Trời chăng; vì có nhiều tiên tri giả đã hiện ra trong thiên hạ. Bởi điều nầy, hãy nhận biết Thánh Linh của Đức Chúa Trời: phàm thần nào xưng Đức Chúa Jêsus Christ lấy xác thịt mà ra đời, thần đó là bởi Đức Chúa Trời; còn thần nào không xưng Đức Chúa Jêsus, chẳng phải bởi Đức Chúa Trời. Đó là thần của Kẻ địch lại Đấng Christ, mà các con đã nghe rằng hầu đến, và hiện nay đã ở trong thế gian rồi." (1 Giăng 4:1-3; 1 John 4:1-3).

2. Quan sát đặc tính của lời giảng dạy

Các giáo sư giả dù có khả năng lừa dối đến đâu vẫn để lộ ra những đặc thù.

– Trước hết, sự giảng dạy của giáo sư giả dựa vào sự khôn ngoan của người đời, chứ không phải bằng sự khôn khoan Chúa ban cho. "Vì những kẻ đó chẳng hầu việc Đấng Christ, Chúa chúng ta, song hầu việc cái bụng họ, và lấy những lời ngọt ngào dua nịnh dỗ dành lòng kẻ thật thà." (Rô-ma 16:18; Romans 16:18).

– Thứ hai, sự giảng dạy của họ không tôn cao nhất Đấng Christ là nguồn cội và cuối cùng của đức tin Cơ Đốc nhân. Tất cả những lời giảng dạy nhằm vào sự tìm kiếm những điều gì khác với Đấng Christ, như của cải vật chất, năng lực tinh thần, kể cả ân tứ Thánh Linh, hay chính cả kiến thức về Thánh Kinh (Tít 1: 11; Titus 1:11). Cơ Đốc nhân phải trước hết đi tìm kiếm sự công nghĩa thiên thượng, tức là chính Đấng Christ. Những sự còn lại đều là thứ yếu.

– Sau hết, giáo sư giả là những người đi dạy sự thoả hiệp với thế gian. Công việc của Satan là kết hợp con cái thế gian lại với nhau để chống nghịch với Đức Chúa Trời. Công việc của Chúa Thánh Linh là phân rẽ giữa sáng và tối; giữa lộn xộn, với ngăn nắp; giữa sống và chết; giữa thiện và ác; giữa chân và giả. Công việc của Chúa Jesus trong ngày sau rốt là cất Hội Thánh thật của Ngài ra khỏi thế gian. Công việc của Satan trong ngày sau rốt là tập hợp thế gian lại để chống nghịch với Đức Chúa Trời lần chót (Khải Huyền 20: 7-9; Revelation 20:7-9) Do vậy, quan sát đặc tính của lời dạy dỗ của các giáo sư, chúng ta biết họ có đến từ Đức Chúa Trời hay không.

III. Thái độ đối với giáo sư giả: 

Cơ Đốc nhân có trách nhiệm về thái độ của mình đối với giáo sư giả. Chúng ta có bổn phận chối từ các giáo sư giả và sự giảng dạy của họ như tín đồ thành Ê-phê-sô đã chối bỏ tà đạo Ni-cô-la (Khải Huyền 2:2; Revelation 2:2). Nếu cần, chúng ta nên nêu đích danh và vấn đề như Phao-lô đã làm đối với ba ông: Hy-mê-nê, A-léc-xan-đơ (1 Ti-mô-thê 1:20, 1 Timothy 1:20) và Phi-lết (2 Ti-mô-thê 2:17, 2 Timothy 2:17). Hai ông Hy-mê-nê và Phi-lết đã dạy rằng sự Phục Sinh đã xảy ra rồi. Sau khi phơi bày sự sai trái của họ, chúng ta giao họ cho Satan là cha của kẻ lừa dối (1 Ti-mô-thê 1:20, 1 Timothy 1:20) xử lý họ. Chúng ta không phán xét động cơ gây nên lời giảng sai của họ, vì phán xét tấm lòng thuộc về Chúa. Nhưng chúng ta có thể phán xét lời dạy dỗ của họ, vì chúng ta có thẩm quyền làm chuyện này [1]. Hội Thánh dung túng tà thuyết phải chịu Chúa phán xét sau này (Khải Huyền 2:18-20; Revelation 2:18-20). Tuy nhiên, không phải giáo lý nào khác với sự hiểu biết của chúng ta về Đức Chúa Trời cũng là tà thuyết. Có những lời dạy dỗ khác với điều chúng ta hiểu biết là kết quả của sự khác biệt về lượng đức tin. Đối với các anh chị em có lượng đức tin khác, chúng ta phải chấp nhận họ trong tình yêu thương (Rô-ma 15:1-2; Romans 15:1-2). Như vậy, phải có một biên giới giữa sự khác nhau do lượng đức tin, với sự khác nhau giữa chân và giả đạo. Một nguyên tắc tổng quát để chúng ta có thể phân biệt được sự khác nhau này là Đức Chúa Jesus có địa vị như thế nào trong cuộc sống hôm nay và mai sau của chúng ta. Đứng truớc một lời dạy dỗ của một người rao truyền đạo Chúa, chúng ta có thể đặt những câu hỏi sau để trắc nghiệm họ:

– Đức Chúa Jesus có phải là Đấng Cứu Chuộc Duy Nhất không? Sự cứu rỗi của Ngài có phải Duy Nhất không?

– Đức Chúa Jesus có phải là Đức Chúa Trời trong hình hài con người không?

– Đức Chúa Jesus có phải đã chết để chuộc tội cho nhân loại trong đó có chúng ta và đã phục sinh trong một thân thể biến hoá không?

– v.v.

Còn nhiều chân lý thuộc về Đức Chúa Jesus nhưng tóm lại, chân đạo tôn Đức Chúa Jesus lên vị trí Đức Chúa Trời Ngôi Hai; giả đạo hạ thấp Đức Chúa Jesus xuống hoặc đưa một thần khác hoặc con người lên ngang hàng với Ngài.

Những sự hiểu biết về lẽ đạo của Chúa cho dù có khác nhau là do lượng đức tin của những anh chị em trong Chúa khác nhau. Lẽ đạo của Chúa, tức Lời Chúa, tức Thánh Kinh, ví như viên kim cương trọn hảo. Sự hiểu biết về lẽ đạo ví như màu sắc phản chiếu từ viên kim cương. Lượng đức tin ví như nguồn ánh sáng khác nhau chiếu vào viên kim cương. Dù nguồn ánh sáng là một ngọn nến, một bó đuốc, hay mặt trời, khiến cho màu sắc phản chiếu từ viên kim cương khác nhau, nhưng sự rực rỡ của viên kim cương là thật! Phân biệt giữa giả đạo (tà giáo) và sự khác biệt trong sự hiểu biết Lời Chúa do lượng đức tin mỗi người khác nhau đòi hỏi sự khôn ngoan đến từ Chúa. 

IV. Kết luận:

Càng tiến tới gần thời kỳ cuối, giáo sư giả, tiên tri giả xuất hiện càng nhiều. Giáo sư giả là một vấn nạn hệ trọng trong Hội Thánh. Một mặt chúng ta phải nhận diện, phơi bày và chống trả giáo sư giả để giữ gìn sự tinh tuyền của lời Chúa trong Hội Thánh. Mặt khác, chúng ta cần phải phân biệt sự khác nhau về sự hiểu biết lẽ đạo do luợng đức tin khác nhau trong anh chị em để giữ gìn sự hiệp một trong thân thể Chúa. Đây là điều khó, nhưng chúng ta làm được nếu chúng ta biết nương cậy Đức Thánh Linh.

Nguyễn Mỹ Hạnh Lan
28/02/2006

Tài liệu tham khảo:

– Erwin W. Lutzer, Who Are You to Judge, Moody Press, trang 47 (2002)

Đọc Tiếp →