Một Khuynh Hướng Nguy Hiểm Trong Việc Giải Kinh và Phê Bình Thánh Kinh

6,279 views

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống và in ra bài viết này:
http://www.mediafire.com/folder/1ygvtd6r8mvtn/pdf_biengiao

Huỳnh Christian Timothy

Hôm nay, 22.9.2013, tôi nhận được một email giới thiệu bài viết: “Địa Vị của Gia-cơ Trong Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem.”

Sau khi bấm vào nối mạng dẫn đến trang mạng có đăng bài viết, tôi bắt đầu đọc và thật là ngạc nhiên khi thấy tác giả mạnh mẽ phê bình Gia-cơ như sau (trích nguyên văn, phần tô đậm do tôi):

Tôi tin Gia-cơ muốn tham dự vào trung tâm Hội Thánh mà Chúa Jêsus đã hứa thành lập. Ông không muốn sống ở tỉnh lẻ, ở thành nhỏ Na-xa-rét. Ông không muốn làm tín đồ ngoại ô của Hội Thánh theo nghĩa đen. Ông muốn ở thủ đô là chỗ hoàng tộc của ông đã sống từ bao nhiêu thời kỳ về trước.

Vào thế kỷ thứ hai S.C., giám mục Hội Thánh tại kinh thành La-mã cũng ỷ lại vị thế thủ đô của Hội Thánh mình mà đã tự tôn mình có địa vị cao hơn tất cả các giám mục khác trong cả đế quốc La-mã. Nhiều tôi tớ Chúa tại Saigon hiện nay cũng có ý thức hệ và thái độ làm cao như vậy trên tất cả các thừa sai khác của Chúa trong cả nước. Đó là tư tưởng muốn làm đầu trên các hội thánh của Gia-cơ.”

Tôi không biết tác giả bài viết dựa vào đâu để tin rằng: Gia-cơ muốn làm đầu trên các Hội Thánh?

Tôi thật không hiểu nổi, làm sao Gia-cơ, một người tin Chúa sau 12 sứ đồ, mà chỉ sau 22 năm đã có thể vượt lên ngồi ghế chủ tọa Hội đồng, lời nói có uy lực đúc kết nghị quyết cho hội đồng. Ông có thẩm quyền tối hậu trên tất cả các sứ đồ và các tôi tớ Chúa đồng thời.”

Giọng văn của tác giả trong phân đoạn trên đây khiến cho độc giả của ông nghĩ rằng ông không công nhận Gia-cơ được Chúa chọn làm giám mục cho Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem. Ông hàm ý rằng, một người được Chúa dấy lên trên nhiều người khác thì phải trải qua nhiều năm kinh nghiệm đi với Chúa và phải có một số ưu điểm nào đó! Suy nghĩ như vậy thì ông sẽ càng không thể hiểu nổi làm sao mà cậu bé Giê-rê-mi có mười mấy tuổi lại có thể: “…làm thành vững bền, làm cột bằng sắt, làm tường bằng đồng, nghịch cùng cả đất nầy, nghịch cùng các vua Giu-đa, các quan trưởng nó, các thầy tế lễ, và dân trong đất” (Giê-rê-mi 1:18).

Thơ Gia-cơ được viết ra sớm nhất so với toàn bộ Kinh thánh Tân ước; đó là khoảng năm 50 S.C. Trong trang 4 của tác phẩm “ Crystallization-Study of the Epistle of James”, tác giả Witness Lee nói: “Martin Luther đã gọi thơ Gia-cơ là sách vỏ trấu. Lời nầy quá đà. Có một số vỏ trấu trong thơ Gia-cơ, nhưng không phải mọi điểm của sách nầy đều là vỏ trấu cả”. Gia-cơ phảng phất mùi vị của sách Châm Ngôn, bàn luận về nếp sống đạo đức hoàn hảo của cơ đốc nhân Tân ước, mà phần lớn căn cứ vào luân lý Cựu Ước.”

Tác giả ngang nhiên phủ nhận thư Gia-cơ là “Lời của Đức Chúa Trời.” Bởi vì, nếu tác giả công nhận thư Gia-cơ là “Lời của Đức Chúa Trời” thì tác giả đã không dám viết là “Có một số vỏ trấu trong thư Gia-cơ.” Lời của Đức Chúa Trời mà bị sánh với “vỏ trấu” hay sao?

Gia-cơ rất nổi tiếng là người thiêng liêng, trọn vẹn theo bề ngoài. Đọc thơ Gia-cơ chúng ta cảm nhận nếp sống kỉnh kiền, ngoan đạo, thiêng liêng, tinh sạch của Gia-cơ trước Hội Thánh đông đảo tại Giê-ru-salem. Ông nổi tiếng là người cầu nguyện. Lịch sử ghi rằng ông quì gối cầu nguyện lâu đến nỗi da hai đầu gối của ông dày cộm và cứng ngắt như da con voi. Gia-cơ là người thiêng liêng bậc nhất, nhưng chưa phải là người thuộc linh, sống dưới sự chi phối của linh mình trong Đức Thánh Linh như 1 Cô-rinh-tô 2:15, Ga-la-ti 5:16, 25 mặc khải.”

Tôi thật không hiểu tại sao một người thiêng liêng bậc nhất mà không phải là một người thuộc linh? Tác giả có biết là mình đang viết gì không?

Gia-cơ 1:1 ghi “Gia-cơ, đầy tớ của Đức Chúa Trời và của Chúa Jêsus Christ, đạt cho mười hai chi phái thuộc vòng Tản trú, chào mừng!” Ông thiếu hụt sự mặc khải nên mới gọi Hội Thánh Tân ước là 12 chi phái Israel. Vì Hội Thánh còn bao gồm dân ngoại bang nữa. Hội thánh là gia đình cơ đốc nhân, không phải là 12 chi phái của tuyển dân nữa. ”

Làm sao tác giả biết Gia-cơ viết thư cho Hội Thánh chung của Chúa chứ không phải viết riêng cho Hội Thánh của Chúa trong 12 chi phái I-sơ-ra-ên? Khi lên án “Gia-cơ thiếu hụt sự mạc khải nên mới gọi Hội Thánh là 12 chi phái I-sơ-ra-ên,” phải chăng, tác giả đã phủ nhận thư Gia-cơ, cho rằng, thư Gia-cơ không phải là Lời của Đức Chúa Trời? Nhưng cá nhân tôi và rất nhiều con dân Chúa thì tin nhận toàn bộ Thánh Kinh, trong đó có thư Gia-cơ, là Lời của Đức Chúa Trời. Và như vậy, đối với tôi và các anh chị em cùng đức tin về Thánh Kinh như tôi, thì tác giả đã phạm thượng đến Đức Thánh Linh, là Đấng thần cảm cho Gia-cơ viết ra thư Gia-cơ!

Gia-cơ 2:2 ghi “Giả sử có người đeo nhẫn vàng, mặc áo rực rỡ vào nhà hội anh em, lại có người nghèo mặc áo xấu cũng vào nữa…” Gia-cơ dùng chữ “nhà hội” ở đây chỉ dẫn rằng các cơ đốc nhân Do thái thời đó coi hội thánh và chỗ nhóm họp của họ như nhà hội của dân Do thái hồi hương. Như vậy Gia-cơ thiếu khải tượng về huyền nhiệm của hội thánh là Đấng Christ. Hội thánh là Thân thể Đấng Christ, là Người Mới, là vương quốc, là Cô Dâu của Chúa, v.v.”

Tôi không biết tác giả căn cứ vào đâu để cáo buộc Gia-cơ và các Cơ-đốc nhân Do-thái thời xưa đã xem Hội Thánh và chỗ nhóm họp của Hội Thánh “như nhà hội của dân Do-thái hồi hương!” Gia-cơ 2:2, trong nguyên ngữ Hy-lạp là: “Giả sử có người đeo nhẫn vàng, mặc áo đẹp, vào nơi nhóm họp của anh em, lại có người nghèo, quần áo rách rưới, cũng vào nữa…”

Từ ngữ được dịch là “nơi nhóm họp đó,” theo từ điển Thayer’s Greek Definitions [1] bao gồm các nghĩa:

1. Sự thu gom vào một chỗ. Sự nhóm họp tại một chỗ.

2. Trong Thánh Kinh Tân Ước dùng để chỉ sự nhóm họp của những người đàn ông.

3. Sự nhóm họp của những người Do-thái Giáo. Về sau được dùng để gọi sự nhóm họp của các Cơ-đốc nhân. (name transferred to an assembly of Christians formally gathered together for religious purposes – tên ấy được chuyển sang gọi sự nhóm họp chính thức của các Cơ-đốc nhân cùng nhau hội họp vì các mục đích tôn giáo).

4. Cơ sở nhóm họp của những người Do-thái Giáo.

Gia-cơ viết về “nơi nhóm họp của anh em” tức viết về “nơi nhóm họp của Hội Thánh” chứ Gia-cơ đâu có viết về “anh em” tức là viết về Hội Thánh? Vậy mà tác giả ngang nhiên đánh giá là Gia-cơ thiếu khải tượng về huyền nhiệm của Hội Thánh là Đấng Christ! Rõ ràng, chính tác giả mới là người không biết phân biệt Hội Thánh với nơi nhóm họp của Hội Thánh.

Lời dạy dỗ của Gia–cơ về sự hoàn hảo thuộc linh chỉ nặng về mặt cố sức vun trồng phẩm hạnh con người, như “phải mau nghe, chậm nói, chậm giận”. Sự trọn vẹn thuộc linh phải do Đấng Christ thành hình trong chúng ta, do Đấng Christ sống thay bên trong chúng ta (Ga-la-ti 4:19; 2:20).”

Một lần nữa, tác giả xem như đây là lời của loài người chứ không phải Lời của Đức Chúa Trời thần cảm cho Gia-cơ viết ra!

Chắc chắn Gia-cơ là người kỉnh kiền, yêu Chúa, khôn ngoan, cầu nguyện, có đức tin, kể là vui khi gặp hoạn nạn, nhưng ông quá thiếu hụt trình độ thần đạo sâu nhiệm, thiếu hụt những sự sâu nhiệm của Đức Chúa Trời, còn non nớt trong kinh nghiệm thuộc linh, mà lại tự cất nhắc mình lên địa vị cột trụ hội thánh, thì sự phá hoại chắc chắn sẽ đến.”

Tôi thật sự không biết tác giả căn cứ vào đâu để khẳng định những điều này:

  • Gia-cơ thiếu hụt trình độ thần đạo sâu nhiệm.

  • Gia-cơ thiếu hụt những sự sâu nhiệm của Đức Chúa Trời.

  • Gia-cơ còn non nớt trong kinh nghiệm thuộc linh.

  • Gia-cơ tự cất nhắc mình lên địa vị cột trụ Hội Thánh.

Cùng lúc, phê phán Gia-cơ như thế thì tác giả cũng phê phán luôn 12 sứ đồ khác và sứ đồ Phao-lô, vì họ đã công nhận vai trò giám mục của Gia-cơ trong Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem.

Anh em phải nhớ rằng Phi-e-rơ lớn tuổi hơn Chúa Jêsus, và chắc cũng lớn hơn Gia-cơ từ 7 đến 10 tuổi. Người mới tin Chúa về sau có thể cầm quyền cai trị trên các tôi tớ lớn tuổi hơn, đang hầu việc Chúa trước họ hay không? Phải chăng Phi-e-rơ phản ánh kinh nghiệm bị người trẻ chà đạp, loại trừ nên ông chua chát viết lời sau đây chăng?—“Vậy, tôi khuyên các bậc trưởng lão giữa anh em, vì tôi đồng là trưởng lão và người chứng kiến về sự khổ hại của Đấng Christ, cũng là kẻ đồng dự phần trong vinh hiển sắp hiển lộ…. Hãy chăn bầy của Đức Chúa Trời ở giữa anh em… cũng chẳng phải là chủ trị cơ nghiệp đã chia cho anh em…. Cũng vậy, hỡi kẻ trẻ tuổi, hãy thuận phục kẻ lớn tuổi. Phải, hết thảy anh em hãy mặc lấy sự khiêm nhường mà hầu việc lẫn nhau, vì “Đức Chúa Trời chống trả kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1 Phi-e-rơ 5: 1-5). “Chủ trị” là vận dụng quyền lãnh chúa trên hội thánh? Theo văn cảnh, “người trẻ tuổi” đây là các trưởng lão trẻ tuổi, ám chỉ Gia-cơ và Giu-đe. Tôi tin người sứ đồ già nầy đã nói lên nỗi lòng của mình, dùng gương xấu trước mắt để khuyên lơn tất cả các trưởng lão đang cai trị trong hết thảy các Hội Thánh trên khắp đế quốc La-mã thời ấy.”

Bây giờ thì tới phiên thư của Phi-e-rơ cũng bị xem là “những lời chua chát của Phi-e-rơ” vì bị Gia-cơ cướp quyền chứ không phải là Lời của Đức Chúa Trời, qua Phi-e-rơ, khuyên dạy các trưởng lão trong Hội Thánh.

Thật vậy, sau mấy năm cùng Phi-e-rơ lãnh đạo công việc Chúa tại Giê-ru-sa-lem và giữa vòng người chịu cắt bì, Giăng phải đưa bà Ma-ri về Na-xa-rét tạm trú vì không chịu nỗi quyền lực táo tợn của anh em Gia-cơ, Giu-đe. Có thể Gia-cơ và Giu-đe đã quá khắc nghiệt đối với mẹ của mình, vì họ bỏ lơ bà, mặc dù họ mượn danh nghĩa bận rộn làm công tác của Đức Chúa Trời. Nên có thể bà Ma-ri cũng ủng hộ việc di trú về Na-xa-rét. Vì là anh em bạn dì với Giăng, Gia-cơ không thể thanh trừng Giăng, nhưng lợi dụng sự ủy thác của Chúa cho Giăng, Gia-cơ chuẩn nhận việc bà Ma-ri và Giăng di trú về quê, để anh em ông tự do thi hành quyền lực, tự tung tự tác.”

Tác giả đã dựa vào một cuốn sách của Titus Chu, một học trò của Witness Lee – sáng lập viên của giáo phái Local Churches, là giáo phái được gọi là “Khôi Phục” tại Việt Nam, để viết những lời trên đây. Tại sao tác giả có thể dựa vào cuốn sách của một người sinh ra trong thế kỷ 20 mà tín lý của người ấy có nhiều dấu hỏi, để phê phán Gia-cơ cách thậm tệ như vậy? Chứng cớ nào cho những lời cáo buộc trên đây?

Nhờ thời gian khoảng 40 năm phụng dưỡng bà Ma-ri, Giăng học biết nhiều giai thoại kín giấu về Chúa do bà kể lại, được Chúa xử lý và cấu tạo lời Ngài nhất là lẽ thật về “sự sống đời đời”, về “thành thánh Giê-ru-sa-lem mới”, nên sứ đồ Giăng với tuổi 70 đã được Chúa dấy lên một cách tươi mới cho một chức vụ cung cấp Lời Đức Chúa Trời để phục hồi các Hội Thánh suốt 30 năm sau đó. Các tác phẩm của ông chiếm trọn 50 chương trong Tân ước, đã được hình thành từ kinh nghiệm bị Gia-cơ tẩy chay, từ từng trải chịu cô độc phụng dưỡng mẹ của một người khác cách cay đắng và mệt mỏi.”

Bây giờ thì đến các sách do Sứ Đồ Giăng viết ra trong Thánh Kinh bị tác giả xem là “đã được hình thành từ kinh nghiệm bị Gia-cơ tẩy chay, từ từng trải chịu cô độc phụng dưỡng mẹ của một người khác cách cay đắng và mệt mỏi;” chứ không phải là do sự thần cảm của Đức Thánh Linh, do sự mạc khải đến từ Đức Chúa Jesus Christ!

Dầu biết Gia-cơ sai lạc, nhưng vì kính nễ Gia-cơ thuộc hoàng tộc, lại là em Chúa, mà tự nhiên Phao-lô vẫn bị Gia-cơ thu hút. Đó là lý do ông cố lên Giê-ru-sa-lem lần cuối cùng để gặp Gia-cơ, để giữ lễ Ngũ tuần, dầu Chúa đã dùng tiên tri A-ga-bút và nhiều thánh đồ khác cản trở ông. Ông Theodore Austins-Sparks, một giảng sư cơ đốc danh tiếng ở Anh quốc, cho rằng Phao-lô sai lầm trong chuyến đi đó.”

Và bây giờ thì Sứ Đồ Phao-lô cũng bị tác giả cho là “bị Gia-cơ thu hút” mà “cố lên thành Giê-ru-sa-lem” để chịu khổ vì danh Chúa. Tác giả tin lời của một giảng sư Cơ-đốc danh tiếng hơn là tin Thánh Kinh là Lời của Đức Chúa Trời. Thánh Kinh phán trước là Phao-lô phải chịu khổ vì danh Chúa. Giảng sư Cơ-đốc danh tiếng dạy rằng, Phao-lô vâng lời Chúa chịu khổ vì danh Chúa là hành động sai lầm!

Phải chăng trong cơ hội đó, Gia-cơ đã khuynh đảo và gài bẫy Phao-lô, khi ông nói với Phao-lô, “hãy làm theo như chúng tôi nói cho anh: Chúng tôi đây có bốn người đều mắc lời hứa nguyện; hãy đem họ đi, cùng làm lễ tẩy sạch với họ; lại hãy vì họ chịu chi phí để cạo đầu cho họ. Như thế ai nấy đều sẽ biết sự họ đã nghe về anh là không có gì, song rõ anh cũng noi theo khuôn phép, vâng giữ luật pháp vậy” (Công vụ 21:23-24). Việc dâng của lễ đã hoàn tất, mà tay Phao-lô nhúng chàm vào hành vi vâng giữ luật pháp như toàn thể hội thánh người Do-thái tại đó đã thực hành từ nhiều năm qua để phá hủy công việc Chúa cùng phúc âm Tân ước mà Chúa đã ủy thác cho một mình Phao-lô. Đáng sợ thay!”

Tác giả lại không phân biệt được những nghi thức về sự hứa nguyện Na-xi-rê (Dân Số Ký 6) với sự dâng tế lễ chuộc tội. Tác giả cũng không biết là chính Đức Thánh Linh, qua Phao-lô, đã kêu gọi con dân Chúa không được bỏ luật pháp mà phải vâng giữ luật pháp: “Vậy, chúng ta nhân đức tin mà bỏ luật pháp hay sao? Chẳng hề như vậy! Trái lại, chúng ta làm vững bền luật pháp” (Rô-ma 3:31).

Kính thưa quý con dân Chúa!

Đây không phải là lần đầu tiên tôi đọc được cách giải kinh hoặc phê bình Thánh Kinh, xem Thánh Kinh không phải là Lời của Đức Chúa Trời. Nhưng hôm nay tôi phải lên tiếng, là vì bài viết này đã được giới thiệu rộng khắp qua hệ thống email đến con dân Chúa người Việt.

Tôi kính mong những người làm công việc phổ biến các bài viết gọi là “thuộc linh” sẽ nhận biết trách nhiệm của mình trước Chúa và đối với người đọc, mà cầu nguyện, suy ngẫm, đối chiếu với Thánh Kinh trước khi giới thiệu một bài viết.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Huỳnh Christian Timothy
23.09.2013

Ghi Chú

[1] http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=G4864: συναγωγή,” G4864, được chuyển ngữ quốc tế thành (synagōgē), phiên âm quốc tế là /sün-ä-gō-gā’/, phiên âm tiếng Việt là /Si-na-gô-ghê/.


Copyright Notice: All Rights Reserved © 2013 Vietnamese Christian Mission Ministry.
Thông Báo Tác Quyền: Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry.
Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức nhưng xin giữ đúng nguyên văn,
kể cả thông báo về tác quyền này.