Lời Tiên Tri của Malachy về Các Giáo Hoàng

12,044 views

Huỳnh Christian Timothy

Dẫn Nhập

Gần đây, tin tức về sự kiện Giáo Hoàng Biển Đức (Benedict XVI) của Giáo Hội Công Giáo từ chức đã gây chấn động bên trong lẫn bên ngoài Giáo Hội Công Giáo. Những cơ quan truyền thông và nhất là những trang điện tử đã đua nhau nhắc đến và khai thác cái gọi là “Lời Tiên Tri của Malachy.”

“Lời Tiên Tri của Malachy” còn được biết đến qua tên gọi “Lời Tiên Tri về Các Giáo Hoàng,” được cho là do một Tổng Giám Mục Công Giáo của xứ Ái-nhĩ-lan, tên là Malachy, ghi lại vào khoảng 900 năm trước. Nhiều người tin rằng, đúng theo lời tiên tri của Malachy, giáo hoàng kế tiếp của Giáo Hội Công Giáo sẽ là một người có tên hoặc danh hiệu là Phi-e-rơ và là người gốc La-mã. Khi đó, thế gian sẽ đi vào Kỳ Tận Thế. Trong số những người tin vào lời tiên tri của Malachy có không ít những người thuộc các giáo phái của Giáo Hội Tin Lành, thậm chí, là những người đang ở trong vai trò giảng dạy Lời Chúa. Một số người đã đem “Lời Tiên Tri của Malachy” ra giảng dạy trong giáo hội như là một ấn chứng cho sự kiện Chúa sắp trở lại và ngày tận thế đang đến. Trong những năm qua, đã có hàng chục cuốn tiểu thuyết dựa vào “Lời Tiên Tri của Malachy” để tạo ra nhân vật mang tên Giáo Hoàng Phi-e-rơ II trong bối cảnh của ngày tận thế.

Chúng tôi cũng nhận được các câu hỏi của một số con dân Chúa về “Lời Tiên Tri của Malachy.” Trong đó, có câu hỏi rằng, nếu giáo hoàng kế tiếp của Giáo Hội Công Giáo thật là một người La-mã tên là Phi-e-rơ hoặc dùng danh xưng Phi-e-rơ khi lên ngôi giáo hoàng thì có phải ngày tận thế đang đến? Trong bài này, chúng tôi sẽ trình bày sơ lược về “Lời Tiên Tri của Malachy” và sự nhận định của chúng tôi về giá trị của nó, về mối tương quan của nó với sự kiện tận thế và với Thánh Kinh.

Tên Malachy

Malachy” là một danh từ riêng trong tiếng Ái-nhĩ-lan (Irish) phiên âm từ chữ “Ma-la-chi” (mal’âkı̂y – H4401) của tiếng Hê-bơ-rơ (Hebrew). “Ma-la-chi” có nghĩa là “sứ giả của Ta,” là tên một tiên tri của Thiên Chúa trong thời Cựu Ước. Tiên Tri Ma-la-chi viết cuốn sách cuối cùng, kết thúc Thánh Kinh Cựu Ước, ghi lại lời phán của Thiên Chúa truyền cho dân I-sơ-ra-ên. Danh từ “Ma-la-chi” có thể là tên riêng của tiên tri mà cũng có thể là một danh hiệu. Trong bản dịch Bảy Mươi (Septuagint) Thánh Kinh Cựu Ước tiếng Hy-lạp, là bản dịch được chính Đức Chúa Jesus Christ và các sứ đồ của Ngài trích dẫn trong Tân Ước, thì danh xưng “Ma-la-chi” được dịch thành “sứ giả của Ta” thay vì được phiên âm như một tên riêng.

Tổng Giám Mục Công Giáo Malachy sinh năm 1094, thụ phong linh mục năm 1119, lúc 25 tuổi, thụ phong tổng giám mục thành Armagh, xứ Ái-nhĩ-lan năm 1132, lúc 38 tuổi. Vào đầu năm 1139, Malachy đã thực hiện chuyến hành hương La-mã thứ nhất, và diện kiến Giáo Hoàng Innocent II. Theo truyền thuyết thì trong chuyến hành hương này, đang khi ở tại La-mã, Malachy đã nhận được khải thị về 112 giáo hoàng cuối cùng của Giáo Hội Công Giáo. Ông đã ghi lại khải tượng đó qua 112 câu văn tiếng La-tinh và trao tận tay cho giáo hoàng đương thời là Innocent II. Tài liệu đó được lưu trử vào Văn Khố Mật của Vatican (Vatican Secret Archives) và bị lãng quên cho đến 456 năm sau mới được được công bố. Trong chuyến hành hương La-mã lần thứ hai vào năm 1148, Malachy đã lâm bệnh và qua đời vào ngày 2 tháng 11, lúc 54 tuổi. Ngày 6 tháng 7 năm 1199, Malachy đã được Giáo Hoàng Clement III phong thánh.

Lời Tiên Tri của Malachy

Vào năm 1595, một thầy tu Công Giáo thuộc dòng tu Biển Đức (Benedict) tên là Arnold de Wyon, phát hành một cuốn sử ký của dòng tu Biển Đức, trong đó, ông ghi lại 112 câu tiên tri trong tiếng La-tinh liên quan đến 112 giáo hoàng Công Giáo cuối cùng trong lịch sử của nhân loại, kèm theo lời chú giải cho 74 câu đầu của chính ông. Arnold de Wyon cho rằng 112 câu tiên tri ấy, trước đây chưa bao giờ được phổ biến, do Tổng Giám Mục Malachy nhận được mạc khải và ghi lại vào năm 1139 trong chuyến hành hương La-mã lần thứ nhất. Mỗi một câu trong 112 câu tiên tri là một câu văn trong tiếng La-tinh, liên quan đến hoặc là tên gọi, sinh quán, dòng tộc, huy hiệu, hay chức vụ đang nắm giữ của một người trước khi được bầu làm giáo hoàng.

Danh sách 112 câu tiên tri được chia thành hai phần. Phần thứ nhất bao gồm 74 câu, đề cập đến 74 giáo hoàng đã cầm quyền từ năm 1143 đến năm 1590. (Xin nhớ là lời tiên tri được công bố vào năm 1595). Trong phần này, 74 lời tiên tri mô tả về 74 giáo hoàng rất chính xác. Tuy nhiên, vì đó là những sự kiện đã xảy ra trước khi lời tiên tri được công bố, cho nên, ngay chính các sử gia của Giáo Hội Công Giáo thời bấy giờ cũng không dựa vào đó để công nhận tính chân thật của lời tiên tri. Lý do chính được đưa ra là: Trong các tài liệu lịch sử của Giáo Hội Công Giáo lẫn tiểu sử của Tổng Giám Mục Malachy được biên soạn và phát hành trước năm 1595 thì không có một tài liệu nào đề cập đến “Lời Tiên Tri của Malachy.” Phần thứ nhì bao gồm 38 giáo hoàng sẽ cầm quyền từ năm 1590 trở về sau. Năm 1590 có ba giáo hoàng:

1. Giáo Hoàng Sixtus V, cầm quyền từ năm 1585 đến năm 1590.

2. Giáo Hoàng Urban VII, cầm quyền 13 ngày trong tháng 9 năm 1590.

3. Giáo Hoàng Gregory XIV, cầm quyền từ năm 1590 đến năm 1591.

Phần thứ nhì của lời tiên tri bắt đầu với sự cầm quyền của Giáo Hoàng Gregory XIV. Tuy nhiên, các lời tiên tri mô tả các giáo hoàng được liệt kê trong phần thứ nhì của danh sách đã không chính xác như 74 lời tiên tri mô tả các giáo hoàng trong phần thứ nhất của danh sách. Điều đó khiến cho các sử gia của Giáo Hội Công Giáo càng không công nhận tính chân thật của “Lời Tiên Tri của Malachy.”

Cho đến ngày nay, Giáo Hội Công Giáo vẫn không công nhận “Lời Tiên Tri của Malachy,” trái lại, xem đó chỉ là một sự ngụy tạo.

Trọng Điểm của “Lời Tiên Tri của Malachy”

Trọng điểm của “Lời Tiên Tri của Malachy” là hai câu cuối cùng trong 112 câu, đề cập đến hai giáo hoàng sau cùng của Giáo Hội Công Giáo, như là lời tiên báo về sự tận thế. Nguyên văn trong tiếng La-tinh của hai câu ấy là:

111. Gloria olivæ. (Dịch sang tiếng Anh: “Glory of the Olive.” Dịch sang tiếng Việt: “Vinh Quang của cây Ô-li-ve.”)

112. In perſecutione extrema S.R.E. sedebit. Petrus Romanus, qui paſcet oues in multis tribulationibus: quibus tranſactis ciuitas ſepticollis diruetur, & Iudex tremẽdus iudicabit populum ſuum. Finis. (Dịch sang tiếng Anh: “In the final persecution of the Holy Roman Church, there will sit. Peter the Roman, who will pasture his sheep in many tribulations, and when these things are finished, the city of seven hills will be destroyed, and the dreadful judge will judge his people. The End.” Dịch sang tiếng Việt: “Trong sự bách hại cuối cùng, Giáo Hội Công Giáo La-mã sẽ tại vị. Phi-e-rơ người La-mã, là người sẽ chăn giữ bầy chiên mình trong các cơn hoạn nạn, và khi những sự này kết thúc, thành phố của bảy ngọn đồi sẽ bị hủy diệt, và Đấng Quan Án đáng sợ sẽ phán xét dân Ngài. Chấm dứt.”

Hồng Y Joseph Ratzinger được bầu làm giáo hoàng vào ngày 19 tháng 4 năm 2005, kế vị Giáo Hoàng Giăng Phao-lô II (John Paul II). Hồng Y Joseph Ratzinger lấy danh hiệu giáo hoàng là Biển Đức XVI để tỏ lòng tôn kính Giáo Hoàng Biển Đức XV (1914 – 1922). Danh từ “Biển Đức” (Benedict) trong tiếng La-tinh có nghĩa là “được phước.”

Tính theo danh sách các giáo hoàng trong “Lời Tiên Tri của Malachy” thì câu 111 được áp dụng cho Giáo Hoàng Biển Đức XVI với lời giải thích của những người ủng hộ như sau: Danh hiệu giáo hoàng “Biển Đức” là tên của người sáng lập dòng tu Biển Đức. Từ dòng tu Biển Đức phát sinh ra dòng tu Ô-li-ve (Olivetans). Biểu huy của dòng tu Biển Đức có hình nhánh ô-li-ve. Đồng thời, Giáo Hoàng Biển Đức XVI kêu gọi cho hòa bình và phục hòa, mà biểu hiệu của hòa bình là nhánh ô-li-ve. Như vậy, câu “Vinh quang của cây Ô-li-ve” là ứng nghiệm cho Giáo Hoàng Biển Đức XVI.

Câu 112 trong nguyên ngữ La-tinh, về hình thức được chia thành hai phần tách biệt, mỗi phần là một phân đoạn. Phần thứ nhất là: “Trong sự bách hại cuối cùng, Giáo Hội Công Giáo La-mã sẽ tại vị.” Đây là một câu văn chưa trọn câu, vì không nói đến ai sẽ tại vị. Từ ngữ “tại vị” hàm ý sự lên ngôi hoặc nắm quyền, mà hiểu theo văn cảnh thì là sự lên ngôi hoặc nắm quyền của một giáo hoàng. Phần thứ nhì là: “Phi-e-rơ người La-mã, là người sẽ chăn giữ bầy chiên mình trong các cơn hoạn nạn, và khi những sự này kết thúc, thành phố của bảy ngọn đồi sẽ bị hủy diệt, và Đấng Quan án đáng sợ sẽ phán xét dân Ngài. Chấm dứt.” Vì cấu trúc của câu 112 chia thành hai phân đoạn tách biệt mà nhiều người cho rằng phần thứ nhất hàm ý sẽ có nhiều giáo hoàng cầm quyền trước khi giáo hoàng cuối cùng là Phi-e-rơ người La-mã, được nói đến trong phần thứ nhì, lên ngôi. Phần thứ nhì của câu 112 được giải thích rằng: Khi Phi-e-rơ người La-mã lên ngôi giáo hoàng thì Giáo Hội Công Giáo sẽ trải qua nhiều cơn hoạn nạn. Khi những cơn hoạn nạn đó kết thúc thì thành phố của bảy ngọn đồi sẽ bị hủy diệt. Kế đó, Thiên Chúa là Đấng phán xét đáng sợ sẽ phán xét những kẻ thuộc về Ngài.

Thành phố của bảy ngọn đồi” là danh xưng của thành La-mã từ hơn 2000 năm qua. Hiện nay, thành La-mã là thủ đô của nước Ý (Italy).


Minh họa: Bảy ngọn đồi nằm trong khung thành của thành La-mã
Nguồn: http://en.wikipedia.org/wiki/File:Seven_Hills_of_Rome.svg

Trong những ngày sắp tới, có lẽ vào khoảng giữa tháng 3 năm 2013, một hội đồng gồm 117 hồng y từ 50 quốc gia sẽ nhóm họp tại Vatican để bầu ra tân giáo hoàng. Nếu tân giáo hoàng là một người có gốc La-mã và có tên là Phi-e-rơ hoặc dùng “Phi-e-rơ” làm danh hiệu giáo hoàng, thì những người tin vào “Lời Tiên Tri của Malachy” sẽ có lý do để khẳng định niềm tin của họ. Theo bảng liệt kê danh sách các Hồng Y Công Giáo có thể được bầu làm giáo hoàng kế vị Biển Đức XVI thì chỉ có một người có liên quan đến Phi-e-rơ và La-mã. Đó là Hồng Y Tarcisio Pietro Evasio Bertone, được sinh ra vào ngày 2 tháng 12 năm 1934 tại La-mã, hiện là bí thư của Vatican, một chức vụ tương đương với chức thủ tướng của một quốc gia. Tên “Pietro” trong tiếng La-tinh tức là “Phi-e-rơ.” Danh hiệu “Phi-e-rơ người La-mã” hoàn toàn thích hợp để gọi Hồng Y Tarcisio Pietro Evasio Bertone.

Nhận Định

Theo quan điểm của những người tin nhận Thiên Chúa và Thánh Kinh thì Thánh Kinh là Lời của Đức Chúa Trời, đã gồm đủ tất cả những gì mà loài người cần phải biết về Thiên Chúa, về chính mình, và ngay cả thế giới trong tương lai, bao gồm sự tận thế. Vì thế, ngoài Thánh Kinh ra, không một tài liệu nào có thể được chấp nhận là Lời của Đức Chúa Trời, và tất cả những gì không đúng với Thánh Kinh cũng không thể được chấp nhận là đến từ Đức Chúa Trời.

Những lời tiên tri và khải tượng về sự tận thế đã được đúc kết trong Thánh Kinh. Khi sứ đồ Giăng viết xong chữ cuối cùng của sách Khải Huyền thì Thánh Kinh đã được hoàn tất. Từ đó trở đi, không một sự hiện thấy hay lời tiên tri nào liên quan đến thế giới trong tương lai khác với những gì đã được ghi trong Thánh Kinh, được xem là đến từ Đức Chúa Trời. Theo ơn của Chúa, Ngài có thể cho các con dân của Ngài được thấy những chiêm bao hoặc khải tượng liên quan đến sự Chúa trở lại và sự tận thế. Tuy nhiên, những chiêm bao và khải tượng đó không hề đi ngược lại những gì đã được bày tỏ trong Thánh Kinh, cũng không thể có chi tiết nào cần thêm vào những gì đã được bày tỏ trong Thánh Kinh. Đức Thánh Linh, qua ngòi bút của Sứ Đồ Giăng, đã cảnh cáo rất rõ ràng trong Khải Huyền 22:18-19 “Tôi làm chứng cho mọi người nghe những lời tiên tri trong sách này. Nếu ai thêm điều gì vào những lời này, Đức Chúa Trời sẽ thêm cho người ấy những tai họa được chép trong sách này. Nếu ai lấy đi điều gì khỏi những lời của sách tiên tri này, Đức Chúa Trời sẽ lấy phần của người đó khỏi Sách Sự Sống, khỏi thành thánh và khỏi những sự đã được chép trong sách này.” Như vậy, người nào tin nhận “Lời Tiên Tri của Malachy” thì đã làm công việc thêm vào những điều đã được chép trong sách Khải Huyền.

Một điểm khác mà chúng ta cần phải chú ý, đó là Giáo Hội Công Giáo ngoài tín lý “Thiên Chúa Ba Ngôi” ra, không có một tín lý nào đúng với Thánh Kinh. Ngay cả lẽ thật căn bản nhất về sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ cũng bị Giáo Hội Công Giáo vô hiệu hóa bởi tín lý “Ngục Luyện Tội.” Tín lý “Ngục Luyện Tội” dạy rằng, tín đồ Công Giáo sau khi qua đời phải vào trong ngục luyện tội chịu hình phạt về tội lỗi của mình, cho đến khi chịu phạt đủ hoặc nhờ người thân đọc kinh, cầu nguyện, dâng hiến thay cho mà thời gian chịu phạt được giảm đi, thì mới được vào thiên đàng. Tín lý “Ngục Luyện Tội” rõ ràng là nghịch lại lẽ thật của Thánh Kinh, điển hình là các câu sau đây:

Nhưng Ngài, vì hằng có đời đời, nên giữ lấy chức tế lễ không hề đổi thay. Bởi đó Ngài có thể cứu toàn vẹn những kẻ nhờ Ngài mà đến gần Đức Chúa Trời, vì Ngài hằng sống để cầu thay cho những kẻ ấy. Ấy đó thật là thầy tế lễ thượng phẩm mà chúng ta có cần dùng, thánh khiết, không tội, không ô uế, biệt khỏi kẻ có tội, được cất lên cao hơn các từng trời: không như những thầy tế lễ thượng phẩm khác, cần phải hằng ngày dâng tế lễ, trước vì tội mình, sau vì tội dân; Ngài làm việc đó một lần thì đủ cả, mà dâng chính mình Ngài làm tế lễ(Hê-bơ-rơ 7:24-27).

Nhưng, nếu chúng ta đi trong sự sáng cũng như chính mình Ngài ở trong sự sáng, thì chúng ta giao thông cùng nhau; và huyết của Đức Chúa Jesus, Con Ngài, làm sạch mọi tội chúng ta. Ví bằng chúng ta nói mình không có tội chi hết, ấy là chính chúng ta lừa dối mình, và lẽ thật không ở trong chúng ta. Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác (I Giăng 1:7-9).

Đấng yêu thương chúng ta: đã rửa sạch tội lỗi chúng ta trong máu Ngài, đã lập chúng ta làm những vua và những thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời Ngài và Cha Ngài…” (Khải Huyền 1:6).

Đó là chưa nói đến giai đoạn kéo dài gần một ngàn năm (590-1517), mà lịch sử Hội Thánh gọi là “Thời Đại Hôn Ám” (The Dark Age) [1]. Trong giai đoạn đó, Giáo Hội Công Giáo đã đốt không biết bao nhiêu là bản dịch Thánh Kinh vì không muốn con dân Chúa nhận biết lẽ thật, đã cầm tù, cướp đoạt tài sản, tra tấn, giết chết từ 50,000,000 đến 150,000,000 người không chịu từ bỏ Thánh Kinh hoặc không chịu chấp nhận các giáo lý sai lạc của giáo hội [2]. Vì thế, Giáo Hội Công Giáo không thuộc về Hội Thánh của Chúa và không thể nhận một mạc khải nào từ Thiên Chúa. Trái lại, sau khi Hội Thánh của Chúa được cất ra khỏi thế gian thì Giáo Hội Công Giáo sẽ hiệp một với các giáo hội khác trong Cơ-đốc Giáo, bao gồm Chính Thống Giáo, Anh Giáo, cùng các giáo phái Tin Lành và rất có thể cả Hồi Giáo, trở thành Đại Dâm Phụ được tiên tri trong Khải Huyền 17 và 18. Trong diễn văn ngày 9 tháng 5 năm 1985, Giáo Hoàng Giăng Phao-lô II đã tuyên bố: “Như tôi vẫn thường nói trong những buổi họp khác với người Hồi Giáo, Thiên Chúa của các bạn và của chúng tôi là một và như nhau, và chúng ta là anh chị em trong đức tin của Áp-ra-ham.” (As I have often said in other meetings with Muslims, your God and ours is one and the same, and we are brothers and sisters in the faith of Abraham) [3]. Trong diễn văn ngày 5 tháng 5 năm 1999, Giáo Hoàng Giăng Phao-lô II đã tuyên bố: “Chúng tôi, những Cơ-đốc nhân, vui mừng công nhận các giá trị tôn giáo mà chúng tôi có chung với Hồi Giáo. Hôm nay, tôi muốn nhắc lại điều mà tôi đã nói với các thanh niên Hồi Giáo nhiều năm trước tại Casablanca: ‘Chúng ta tin cùng một Thiên Chúa, là Thiên Chúa có một, Thiên Chúa hằng sống, Thiên Chúa đã sáng tạo nên thế giới và đem các tạo vật của Ngài đến sự trọn vẹn của chúng.’” (We Christians joyfully recognize the religious values we have in common with Islam. Today I would like to repeat what I said to young Muslims some years ago in Casablanca: “We believe in the same God, the one God, the living God, the God who created the world and brings his creatures to their perfection”) [4]. Ngày 14 tháng 5 năm 1999, tại Vatican, Giáo Hoàng Giăng Phao-lô II đã kính cẩn hôn cuốn Koran của Hồi Giáo [5].

Giáo Hội Công Giáo được thành lập khi Hoàng Đế Theodosius I (379-392) thuộc Đông Đế Quốc La-mã và Hoàng Đế Gratian (367-375) thuộc Tây Đế Quốc La-mã chung nhau ra chiếu chỉ quốc giáo hóa Đạo Chúa trong toàn Đế Quốc La-mã vào ngày 27 tháng 2 năm 380 [6], đặt Đạo Chúa dưới quyền cai trị của một giáo hoàng. Tất cả những con dân Chúa nào không thần phục giáo hoàng đều bị xem là dị giáo và bị bách hại bởi giáo hội lẫn chính quyền. Năm mươi mốt năm sau đó, vào ngày 31 tháng 7 năm 431, qua Công Đồng Ê-phê-sô Lần Thứ Nhất, Giáo Hội Công Giáo đã khẳng định tín lý bà Ma-ri, mẹ phần xác của Đức Chúa Jesus Christ, là “Mẹ Thiên Chúa” [7], mở đường cho sự thờ lạy Bà Ma-ri như Thiên Chúa, dẫn đến các tín lý sai nghịch với Thánh Kinh sau này, như: Bà Ma-ri đồng công với Đức Chúa Jesus Christ trong sự cứu chuộc nhân loại ra khỏi tội lỗi [8], bà Ma-ri hồn xác lên trời [9], bà Ma-ri là Đấng Trung Bảo giữa Đấng Christ và nhân loại [10]. Có thể nói, Công Đồng Ê-phê-sô Lần Thứ Nhất vào năm 431 đã đánh dấu cho thời điểm không thể ăn năn và quay lại với Lời Chúa của Giáo Hội Công Giáo. Kể từ đó, Giáo Hội Công Giáo đã trở thành công cụ của Sa-tan, nghịch thù và bách hại Hội Thánh thật của Chúa, tàn sát từ hàng chục cho đến hàng trăm triệu con dân chân thật của Chúa, gieo rắc đủ thứ tà giáo vào trong cộng đồng con dân Chúa. Vì thế, không hề có chuyện Thiên Chúa bày tỏ mạc khải qua Giáo Hội Công Giáo hay qua bất cứ một người nào tin nhận các tín lý nghịch Thánh Kinh của Giáo Hội Công Giáo. Nói cách khác, “Lời Tiên Tri của Malachy” không thể nào là sự mạc khải của Thiên Chúa. Theo thống kê, vào năm 2010 Giáo Hội Công Giáo có khoảng 1,200,000,000 giáo dân [11]. Điều đó có nghĩa là trong mỗi bảy người đang sống trong thế giới ngày nay thì có một người có đức tin Công Giáo. Đau buồn thay, đức tin Công Giáo hoàn toàn đưa dắt người ta xa rời lẽ thật của Lời Đức Chúa Trời, dẫn đến sự hàng tỉ người sẽ bị hư mất đời đời.

Xét về giá trị thần học thì “Lời Tiên Tri của Malachy” không thể đến từ Thiên Chúa do các điểm nêu trên. Xét về giá trị thực nghiệm thì “Lời Tiên Tri của Malachy” chỉ nói đúng về 74 giáo hoàng tiền nhiệm, trước ngày lời ấy được công bố. Vì thế, có thể kết luận rằng, 74 câu tiên tri đó thật ra chỉ là sự dựa vào dữ kiện đã xảy ra trong lịch sử chứ không phải là lời tiên tri. Về 38 giáo hoàng sẽ lên ngôi trong tương lai thì sự giải thích các câu tiên tri rất là gượng ép, nếu nói cho đúng thì gần như vô nghĩa. Điển hình là câu 111 nói về Giáo Hoàng Biển Đức XVI: “Sự vinh quang của cây Ô-li-ve!” Trong câu văn không hề tiên đoán sự từ chức của ông. Ông không phải là người xuất thân từ dòng tu Biển Đức, cho nên, biểu huy nhành ô-li-ve của dòng tu không quan hệ gì đến ông. Ông cũng không phải là giáo hoàng duy nhất kêu gọi hòa bình và phục hòa, cho nên, không thể vì thế mà gán nhánh ô-li-ve cho ông. Ngoài ra, không có cách nào để kết nối yếu tố “vinh quang” trong câu văn với ông. Một người từ nhiệm, dù là vì bất cứ lý do gì, thì không có gì là vinh quang.

Cái gọi là “Lời Tiên Tri của Malachy” hay “Lời Tiên Tri về Các Giáo Hoàng” đã không được chính Giáo Hội Công Giáo công nhận. Thế nhưng, vẫn có nhiều người trong các giáo phái thuộc Giáo Hội Tin Lành tin nhận, thậm chí đem ra giảng dạy trong giáo hội. Họ không biết rằng, khi tin nhận những lời gọi là “tiên tri” ấy thì họ đã đương nhiên công nhận Tổng Giám Mục Công Giáo Malachy, (một người thờ lạy hình tượng, cầu nguyện với bà Ma-ri, tin vào Ngục Luyện Tội), là tiên tri của Thiên Chúa. Và như thế, họ mặc nhiên công nhận chỉ có Giáo Hội Công Giáo mới là Hội Thánh thật của Đức Chúa Trời.

Sự kiện các giáo hoàng của Giáo Hội Công Giáo lên ngôi, qua đời, phạm tội hay từ chức không liên quan gì đến sự kiện Chúa sẽ trở lại để đem Hội Thánh của Ngài ra khỏi thế gian trước Kỳ Tận Thế. Điều quan trọng chúng ta cần phải ghi nhớ, đó là: Không một giáo hội nào do loài người lập ra là Hội Thánh của Chúa, từ các Giáo Hội Công Giáo, Chính Thống Giáo, Anh Giáo cho đến hàng ngàn giáo phái thuộc Giáo Hội Tin Lành. Bởi vì, Hội Thánh của Chúa do chính Chúa lập nên và Hội Thánh của Chúa hoàn toàn không có một tổ chức giáo quyền hàng dọc, không có giai cấp giáo phẩm, không có các điều lệ, nghi thức in thành hiến chương và quy chế, là những điều hoàn toàn không có trong Thánh Kinh. Hội Thánh của Chúa cũng không mang một tên nào khác hơn là “Hội Thánh của Đức Chúa Trời” [12] hoặc “Hội Thánh của Thiên Chúa” [13] hoặc “Hội Thánh của Đức Chúa Jesus Christ” [14]. Khi nói đến sự thể hiện của Hội Thánh tại một địa phương thì Hội Thánh được gọi là Hội Thánh tại địa phương đó, như: Hội Thánh tại La-mã, Hội Thánh tại Cô-rinh-tô, Hội Thánh tại Ê-phê-sô, Hội Thánh tại Hà Nội, Hội Thánh tại Saigon [15], vv…

Cái gọi là “Lời Tiên Tri về Các Giáo Hoàng” hay “Lời Tiên Tri của Malachy” chẳng qua chỉ là một sản phẩm của loài người, nhằm phục vụ cho một mưu đồ nào đó, hay do chính Sa-tan mạo làm thiên sứ sáng láng tạo ra khải tượng dối để gieo rắc mê tín dị đoan trong lòng người và tìm cách xóa đi biên giới phân biệt giữa một tổ chức giáo hội do loài người lập ra, là Giáo Hội Công Giáo, và Hội Thánh thật của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jesus Christ.

Lời Tiên Tri của Thánh Kinh

Chắc chắn là chúng ta đang sống trong những ngày cuối cùng trước khi Kỳ Tận Thế xảy đến. Chúng ta ý thức điều đó không phải qua các tin đồn về tận thế hay qua các lời nhãm nhí được xưng tụng là “lời tiên tri.” Nhưng chúng ta được sự khẳng định của chính Đức Chúa Trời qua Lời của Ngài đã báo trước cho chúng ta, được ghi lại trong Thánh Kinh:

1. Lời tiên tri về sự tái lập quốc của dân I-sơ-ra-ên ( Giê-rê-mi 24:5-7; Ê-xê-chi-ên 37) [D] đã được ứng nghiệm vào ngày 14 tháng 5 năm 1948. Chính Đức Chúa Jesus Christ đã tiên tri rằng, dòng dõi chứng kiến sự tái lập quốc và chiếm lại chủ quyền thành Giê-ru-sa-lem của dân I-sơ-ra-ên sẽ không qua đi trước khi Kỳ Tận Thế kết thúc (Ma-thi-ơ 24:32-35) [E]. Theo Thi Thiên 90:10 thì một dòng dõi trung bình là 70 năm: “Tuổi tác của chúng tôi đến được bảy mươi, còn nếu mạnh khỏe thì đến tám mươi; Song sự kiêu căng của nó bất quá là lao khổ và buồn thảm, vì đời sống chóng qua, rồi chúng tôi bay mất đi.” Ngày 14 tháng 5 năm 1948 khi quốc gia I-sơ-ra-ên được chính thức tái lập là lúc cây vả I-sơ-ra-ên được trồng lại trên vùng đất hứa Ca-na-an. Ngày 10 tháng 6 năm 1967, khi Cuộc Chiến Sáu Ngày giữa I-sơ-ra-ên và liên quân Ả-rập kết thúc thì I-sơ-ra-ên đã chiếm lại toàn bộ thành Giê-ru-sa-lem cùng các vùng đất khác, mở rộng bờ cõi, là lúc cây vả I-sơ-ra-ên trổ nhành non và lá mới đâm, báo hiệu ngày Chúa đến và Kỳ Tận Thế đã gần. Chúng ta có thể hiểu rằng, thế hệ được sinh ra kể từ ngày 10 tháng 6 năm 1967 sẽ không qua đi cho đến khi Kỳ Tận Thế chấm dứt. Nói cách khác, kể từ năm 2013 thì sự kiện Chúa đến và tận thế sẽ xảy ra trong vòng 24 năm sắp tới. Chúa có thể đến bất kỳ lúc nào để đem Hội Thánh của Ngài ra khỏi thế gian và bắt đầu Kỳ Tận Thế để phán xét dân I-sơ-ra-ên và muôn dân trên đất. Không ai biết ngày và giờ Chúa đến nhưng chúng ta đã biết điềm Chúa sắp đến qua dấu hiệu cây vả I-sơ-ra-ên trổ nhành non, ra lá. Đức Chúa Jesus Christ phán: “khi các ngươi thấy mọi điều ấy, khá biết rằng Con người gần đến, Ngài đương ở trước cửa” (Ma-thi-ơ 24:33).

2. Lời tiên tri về sự luân lý sẽ trở nên bại hoại trong toàn thế gian (II Ti-mô-thê 3:1-13) [F] và sự bội Đạo lớn sẽ xảy ra (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:1-3) [G] đang ứng nghiệm. Sự bội Đạo lớn được thể hiện trong sự các giáo hội mang danh Chúa chối bỏ thẩm quyền tuyệt đối của Thánh Kinh, sự phủ nhận thần tính của Đức Chúa Jesus Christ, sự chấp nhận phá thai và đồng tính luyến ái, và sự rao giảng đủ thứ “tin lành khác” [16], bao gồm “Tin Lành Thịnh Vượng,” “Tin Lành Phép Lạ,” “Tin Lành Xã Hội,” các phong trào nói tiếng lạ, các phong trào thần học hội nhập đem tâm lý học và văn hóa dân tộc vào trong Đạo Chúa, các phong trào tiên tri, và các phong trào hòa đồng hoặc hiệp một tôn giáo.

3. Chúng ta đang chờ đợi lời tiên tri về biến cố thứ ba sẽ xảy đến trước khi Kỳ Tận Thế bắt đầu. Đó là sự kiện Chúa sẽ trở lại giữa chốn không trung để đem những kẻ thuộc về Ngài ra khỏi thế gian (I Tê-sa-lô-ni ca 4:13-18) [H]. Sự kiện đó sẽ xảy ra bất kỳ lúc nào. Ai thật sự ở trong Chúa, tức là, ai thật sự ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, và hết lòng sống theo lời dạy của Thánh Kinh, thì cảm nhận được một cách chắc chắn, rằng ngày đó đã rất gần. Chính Đức Thánh Linh trong lòng họ làm chứng cho họ và bày tỏ cho họ. Từng hồi từng lúc, trong mọi dân tộc, Đức Chúa Trời ban cho con dân của Ngài, những người có tấm lòng tha thiết tìm kiếm Chúa và sống theo Lời Chúa được thấy những khải tượng và chiêm bao về sự Chúa đến và sự tận thế.

Kết Luận

Ngoài Thiên Chúa là Đấng phán rằng: “Ta đã rao sự cuối cùng từ buổi đầu tiên, và đã nói từ thuở xưa những sự chưa làm nên. Ta phán rằng: Mưu của Ta sẽ lập, và Ta sẽ làm ra mọi sự Ta đẹp ý” (Ê-sai 46:10); thì không một thần linh nào, kể cả Sa-tan, hay một người nào có thể biết trước tương lai. Tất cả những lời gọi là tiên tri của các nhà tiên tri trong thế gian, đều là những lời không có trong Thánh Kinh, vì thế chúng không đến từ Thiên Chúa. Chẳng qua, đó chỉ là những sự hoang tưởng của loài người hoặc là âm mưu thâm hiểm của Sa-tan.

Đã đến lúc để những ai thật lòng tin nhận Chúa quay về với lẽ thật của Lời Chúa, ra khỏi các tổ chức tôn giáo của loài người, bất kể là Giáo Hội Công Giáo hay hàng ngàn các giáo phái thuộc Giáo Hội Tin Lành, từ bỏ mọi truyền thống, nghi thức của các giáo hội, và hết lòng sống theo Lời Chúa dạy, dọn mình chờ ngày Chúa đến. Ngày Chúa đến đã gần: Ngài đang đứng trước cửa! Lời Chúa phán dạy rõ ràng:

Chớ mang ách chung với kẻ chẳng tin. Bởi vì công bình với gian ác có hội hiệp nhau được chăng? Sự sáng với sự tối có thông đồng nhau được chăng? Đấng Christ và Bê-li-an [một danh hiệu của Chúa Quỷ] nào có hòa hiệp chi, hay là kẻ tin có phần gì với kẻ chẳng tin? Có thể nào hiệp đền thờ của Thiên Chúa lại với hình tượng tà thần? Vì chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa Hằng Sống, như Đức Chúa Trời đã phán rằng: Ta sẽ ở và đi lại giữa họ; Ta sẽ làm Thiên Chúa của họ, và họ làm dân Ta. Bởi vậy Chúa phán rằng: Hãy ra khỏi giữa chúng nó, hãy phân rẽ ra khỏi chúng nó, đừng đá động đến đồ ô uế, thì Ta sẽ tiếp nhận các ngươi: Ta sẽ làm Chúa các ngươi, Các ngươi làm con trai con gái Ta, Chúa Toàn năng phán như vậy” (II Cô-rinh-tô 6:14-18).

Mọi lời tiên tri về thế giới trong tương lai, bao gồm sự Đức Chúa Jesus Christ sẽ đến giữa chốn không trung để đem Hội Thánh thật của Ngài ra khỏi thế gian và tiến trình của sự tận thế tiếp liền theo đó, đều đã được bày tỏ đầy đủ và rõ ràng trong Thánh Kinh. Con dân chân thật của Chúa chỉ dựa vào Thánh Kinh và cần có thái độ tích cực phủ nhận tất cả những cái gọi là “lời tiên tri” mà không thuộc về Thánh Kinh. Chúng tôi đã mở ra một website lấy tên là www.kytanthe.net để trình bày các lời tiên tri trong Thánh Kinh về sự Chúa đến và sự tận thế. Ngoài ra, chúng tôi cũng tổng hợp các bài giảng liên quan đến điềm Chúa đến và sự tận thế tại đây: http://www.timhieutinlanh.net/?page_id=2005.

Nguyện Đức Thánh Linh, là Thần Lẽ Thật, dắt dẫn mọi con dân chân thật của Thiên Chúa vào trong mọi lẽ thật của Lời Ngài. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
2.3.2012

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe:

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết này:
http://www.mediafire.com/view/?l5xr2juobz7i5o8

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài giảng này:
http://www.mediafire.com/?c4mqf0a6cvll06h

Ghi Chú

[1] http://www.thirdmill.org/newfiles/jac_arnold/CH.Arnold.RMT.1.html

[2]http://www.mediafire.com/view/?ayem9mn9fg87iug

[3] http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/speeches/1985/may/documents/hf_jp-ii_spe_19850509_partecipanti-simposio_en.html

[4] http://www.traditioninaction.org/RevolutionPhotos/A055rcKoran.htm

http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/audiences/1999/documents/hf_jp-ii_aud_05051999_en.html

[5] http://www.blessedquietness.com/journal/housechu/popkoran.htm

[6] http://en.wikipedia.org/wiki/Edict_of_Thessalonica

[7] http://en.wikipedia.org/wiki/First_Council_of_Ephesus#Seventh_Session_-_July_31

[8] http://www.christendom-awake.org/pages/calkins/magmarcor.htm

[9] http://en.wikipedia.org/wiki/Assumption_of_Mary#Catholic_teaching

[10] http://en.wikipedia.org/wiki/Redemptoris_Mater

[11] http://www.bbc.co.uk/news/world-21443313

[12] I Cô-rinh-tô 1:2; I Cô-rinh-tô 10:32; I Cô-rinh-tô 11:16; I Cô-rinh-tô 11:22; I Cô-rinh-tô 15:9; II Cô-rinh-tô 1:1; Ga-la-ti 1:13; I Tê-sa-lô-ni-ca 2:14.

[13] I Ti-mô-thê 3:5; I Ti-mô-thê 3:15.

[14] Rô-ma 16:16; Ga-la-ti 1:22.

[15] Rô-ma 16:1; I Cô-rinh-tô 16:1; I Cô-rinh-tô 16:19; II Cô-rinh-tô 8:1; Ga-la-ti 1:2; Ga-la-ti 1:22; Cô-lô-se 4:16; II Tê-sa-lô-ni-ca 1:1; Khải Huyền 1:11; Khải Huyền 2:1; Khải Huyền 2:8; Khải Huyền 2:12; Khải Huyền 2:18; Khải Huyền 3:1; Khải Huyền 3:7; Khải Huyền 3:14.

[16] II Cô-rinh-tô 11:4 “Vì nếu có người đến giảng cho anh em một Jesus khác mà chúng tôi chưa từng giảng, hoặc anh em nhận một linh khác mà anh em chưa từng nhận, hoặc nhận một tin lành khác mà anh em chưa từng nhận, thì có lẽ anh em dung chịu người đó!”

Ga-la-ti 1:6 “Tôi lấy làm lạ cho anh em đã vội bỏ Đấng gọi anh em bởi ơn Đức Chúa Jesus Christ, đặng theo tin lành khác.”

Ga-la-ti 1:7 “Thật chẳng phải có tin lành khác, nhưng có mấy kẻ làm rối trí anh em, và muốn đánh đổ Tin Lành của Đấng Christ.”

[A] Tất cả những câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là từ Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời và Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống Hiệu Đính 2012. Quý bạn có thể đọc trên mạng: www.ngoiloi.thanhkinhvietngu.netwww.thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

[B] Dùng hai nối mạng dưới đây để tra xem ý nghĩa trong Anh ngữ và nghe cách phát âm của một từ ngữ Hê-bơ-rơ trên Internet:

[C] Dùng hai nối mạng dưới đây để tra xem ý nghĩa trong Anh ngữ và nghe cách phát âm của một từ ngữ Hy-lạp trên Internet:

[D] Giê-rê-mi 24:5-7:

4 Bấy giờ có lời của Đức Giê-hô-va phán cùng tôi rằng:

5 Giê-hô-va Thiên Chúa của I-sơ-ra-ên phán như vầy: Như những trái vả tốt nầy, Ta cũng sẽ xem những kẻ phu tù Giu-đa, mà Ta đã sai từ nơi nầy đến trong đất người Canh-đê, cho chúng nó được ích.

6 Ta sẽ để con mắt Ta trên chúng nó làm ích cho, và Ta sẽ đem họ về trong xứ nầy, lập lên mà không phá đi nữa, trồng lại mà không nhổ đi nữa.

7 Ta sẽ ban cho chúng nó tấm lòng hay nhận biết Ta là Đức Giê-hô-va. Chúng nó sẽ làm dân Ta, và Ta sẽ làm Thiên Chúa chúng nó; vì chúng nó sẽ hết lòng trở về cùng Ta.

Ê-xê-chi-ên 37:

1 Tay của Đức Giê-hô-va đặt trên ta; Ngài dắt ta ra trong Thần Đức Giê-hô-va, và đặt ta giữa trũng; nó đầy những hài cốt.

2 Đoạn Ngài khiến ta đi vòng quanh những hài cốt ấy; nầy, có nhiều lắm trên đồng trũng đó, và đều là khô lắm.

3 Ngài phán cùng ta rằng: Hỡi con người, những hài cốt nầy có thể sống chăng? Ta thưa rằng: Lạy Chúa Giê-hô-va, chính Chúa biết điều đó!

4 Ngài bèn phán cùng ta rằng: Hãy nói tiên tri về hài cốt ấy, và bảo chúng nó rằng: Hỡi hài cốt khô, khá nghe lời Đức Giê-hô-va.

5 Chúa Giê-hô-va phán cùng các ngươi, những hài cốt, rằng: Nầy, Ta sẽ khiến hơi thở vào trong các ngươi, và các ngươi sẽ sống.

6 Ta sẽ đặt gân vào trong các ngươi, sẽ khiến thịt mọc lên trên các ngươi, và che các ngươi bằng da. Ta sẽ phú hơi thở trong các ngươi, và các ngươi sẽ sống; rồi các ngươi sẽ biết Ta là Đức Giê-hô-va.

7 Vậy ta nói tiên tri như Ngài đã phán dặn ta; ta đương nói tiên tri, thì có tiếng, và nầy, có động đất: những xương nhóm lại hiệp với nhau.

8 Ta nhìn xem, thấy những gân và thịt sanh ra trên những xương ấy; có da bọc lấy, nhưng không có hơi thở ở trong.

9 Bấy giờ Ngài phán cùng ta rằng: Hỡi con người, hãy nói tiên tri cùng gió; hãy nói tiên tri và bảo gió rằng: Chúa Giê-hô-va phán như vầy: Hỡi hơi thở, khá đến từ gió bốn phương, thở trên những người bị giết, hầu cho chúng nó sống.

10 Vậy ta nói tiên tri như Ngài đã phán dặn ta, và hơi thở vào trong chúng nó; chúng nó sống, và đứng dậy trên chân mình, hiệp lại thành một đội quân rất lớn.

11 Ngài phán cùng ta rằng: Hỡi con người, những hài cốt nầy, ấy là cả nhà I-sơ-ra-ên. Nầy, chúng nó nói rằng: Xương chúng ta đã khô, lòng trông cậy chúng ta đã mất, chúng ta đã tuyệt diệt cả!

12 Vậy, hãy nói tiên tri, và bảo chúng nó rằng: Chúa Giê-hô-va phán như vầy: Hỡi dân Ta, nầy, Ta sẽ mở mồ mả các ngươi, làm cho các ngươi lại lên khỏi mồ mả, và Ta sẽ đem các ngươi về trong đất của I-sơ-ra-ên.

13 Hỡi dân Ta, các ngươi sẽ biết Ta là Đức Giê-hô-va, khi Ta đã mở mồ mả các ngươi, và làm cho chúng nó lại lên khỏi mồ mả.

14 Ta sẽ đặt Thần Ta trong các ngươi, và các ngươi sẽ sống. Ta sẽ lập các ngươi trong đất riêng của các ngươi; rồi các ngươi sẽ biết rằng Ta, Đức Giê-hô-va, sau khi hứa lời ấy thì đã làm thành, Đức Giê-hô-va phán vậy.

15 Lại có lời Đức Giê-hô-va phán cùng ta rằng:

16 Hỡi con người, hãy lấy một cây gậy và viết ở trên rằng: Cho Giu-đa, và cho con cái I-sơ-ra-ên là bạn người. Hãy lấy một cây gậy khác và viết ở trên rằng: Cho Giô-sép, ấy là cây gậy của Ép-ra-im, và của cả nhà I-sơ-ra-ên là bạn người.

17 Hãy để gậy nầy với gậy kia hiệp làm một, đặng làm thành một cây trong tay ngươi.

18 Khi các con cái dân ngươi sẽ hỏi ngươi mà rằng: Vậy xin cắt nghĩa cho chúng tôi điều đó là gì:

19 thì ngươi khá trả lời rằng: Chúa Giê-hô-va phán như vầy: Nầy, Ta sẽ lấy gậy của Giô-sép và của các chi phái I-sơ-ra-ên là bạn người, là gậy ở trong tay Ép-ra-im. Ta sẽ hiệp lại với gậy của Giu-đa đặng làm nên chỉ một gậy mà thôi, và hai cái sẽ cùng hiệp làm một trong tay Ta.

20 Ngươi khá cầm những gậy mà ngươi đã viết chữ ở trên, hiệp lại trong tay ngươi cho chúng nó thấy,

21 và nói cùng chúng nó rằng: Chúa Giê-hô-va phán như vầy: Nầy, Ta sẽ kéo con cái I-sơ-ra-ên ra khỏi giữa các nước mà trong các nước ấy chúng nó đã đi. Ta sẽ nhóm chúng nó lại từ bốn phương, và đem chúng nó về trong đất riêng của chúng nó.

22 Ta sẽ hiệp chúng nó lại làm chỉ một dân tộc trong đất ấy, ở trên các núi của I-sơ-ra-ên. Chỉ một vua sẽ cai trị chúng nó hết thảy. Chúng nó sẽ không thành ra hai dân tộc, và không chia ra hai nước nữa.

23 Chúng nó sẽ không tự làm ô uế nữa bởi thần tượng chúng nó, hoặc bởi những vật đáng ghét, hoặc bởi mọi sự phạm tội của mình. Ta sẽ giải cứu chúng nó khỏi mọi nơi ở mà chúng nó đã phạm tội. Ta sẽ làm sạch chúng nó, vậy thì chúng nó sẽ làm dân Ta, Ta sẽ làm Thiên Chúa chúng nó.

24 Tôi tớ Ta là Đa-vít sẽ làm vua trên chúng nó. Hết thảy chúng nó sẽ có chỉ một kẻ chăn; chúng nó sẽ bước theo các mạng lịnh của Ta; chúng nó sẽ gìn giữ các luật lệ của Ta và làm theo.

25 Chúng nó sẽ ở đất mà Ta đã ban cho tôi tớ Ta là Gia-cốp, và là đất tổ phụ các ngươi đã ở. Chúng nó, con cái chúng nó, và con cái của con cái chúng nó sẽ ở đó cho đến đời đời; tôi tớ Ta là Đa-vít sẽ làm vua chúng nó mãi mãi.

26 Vả, Ta sẽ lập với chúng nó một giao ước hòa bình; ấy sẽ là một giao ước đời đời giữa chúng nó với Ta. Ta sẽ lập chúng nó và làm cho đông đúc. Ta sẽ đặt nơi thánh Ta giữa chúng nó đời đời.

27 Đền tạm Ta sẽ ở giữa chúng nó; Ta sẽ làm Thiên Chúa chúng nó, chúng nó sẽ làm dân Ta.

28 Bấy giờ các nước sẽ biết Ta, là Đức Giê-hô-va, biệt I-sơ-ra-ên ra thánh, vì nơi thánh Ta sẽ ở giữa chúng nó đời đời.

[E] Ma-thi-ơ 24:32-35

32 Hãy nghe lời ví dụ về cây vả, vừa lúc nhành non, lá mới đâm, thì các ngươi biết mùa hạ gần tới.

33 Cũng vậy, khi các ngươi thấy mọi điều ấy, khá biết rằng Con người gần đến, Ngài đương ở trước cửa.

34 Quả thật, ta nói cùng các ngươi, dòng dõi nầy chẳng qua trước khi mọi điều kia chưa xảy đến.

35 Trời đất sẽ qua, nhưng lời Ta nói chẳng bao giờ qua đi.

[F] II Ti-mô-thê 3:1-13

1 Hãy biết rằng trong ngày sau rốt, sẽ có những thời kỳ khó khăn.

2 Vì người ta đều tư kỷ, tham tiền, khoe khoang, xấc xược, hay nói xấu, nghịch cha mẹ, bội bạc, không tin kính,

3 vô tình, khó hòa thuận, hay phao vu, không tiết độ, dữ tợn, thù người lành,

4 lường thầy phản bạn, hay nóng giận, lên mình kiêu ngạo, ưa thích sự vui chơi hơn là yêu mến Thiên Chúa,

5 bề ngoài giữ điều nhơn đức, nhưng chối bỏ quyền phép của nhơn đức đó. Những kẻ thể ấy, con hãy lánh xa đi.

6 Trong bọn họ có kẻ lẻn vào các nhà, quyến dụ lòng những người đờn bà mang tội lỗi, bị bao nhiêu tình dục xui khiến,

7 vẫn học luôn mà không hề thông biết lẽ thật được.

8 Xưa kia Gian-nét với Giam-be chống trả Môi-se thể nào, thì những kẻ nầy cũng chống trả lẽ thật thể ấy: lòng họ hoại bại, đức tin họ không thể chịu thử thách được.

9 Nhưng họ không làm thêm được nữa, vì sự điên dại của họ sẽ bày tỏ ra cho thiên hạ, cũng như của hai người kia.

10 Về phần con, con đã noi theo ta trong sự dạy dỗ, tánh hạnh, ý muốn, đức tin, nhịn nhục, yêu thương, bền đỗ của ta,

11 trong những sự bắt bớ, và hoạn nạn đã xảy đến cho ta tại thành An-ti-ốt, Y-cô-ni và Lít-trơ. Những sự bắt bớ đó ta đều chịu cả, và Chúa đã cứu ta thoát khỏi luôn luôn.

12 Vả lại, hết thảy mọi người muốn sống cách nhân đức trong Đấng Christ Jesus, thì sẽ bị bắt bớ.

13 Nhưng những người hung ác, kẻ giả mạo thì càng chìm đắm luôn trong điều dữ, làm lầm lạc kẻ khác mà cũng lầm lạc chính mình nữa.

[G] II Tê-sa-lô-ni-ca 2:1-3

1 Luận về sự đến của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta, và về sự chúng ta hội hiệp cùng Ngài,

2 thì, hỡi anh em, xin chớ vội bối rối và kinh hoàng hoặc bởi thần cảm giả mạo, hoặc bởi lời nói hay là bởi bức thơ nào tựa như chúng tôi đã gởi mà nói rằng ngày Chúa gần đến.

3 Mặc ai dùng cách nào, cũng đừng để họ lừa dối mình. Vì phải có sự bỏ đạo đến trước, và có người tội ác, con của sự hư mất hiện ra,

[H] I Tê-sa-lô-ni ca 4:13-18

13 Hỡi anh em, chúng tôi chẳng muốn anh em không biết về phần người đã ngủ, hầu cho anh em chớ buồn rầu như người khác không có sự trông cậy.

14 Vì nếu chúng ta tin Đức Chúa Jesus đã chết và sống lại, thì cũng vậy, Đức Chúa Trời sẽ đem những kẻ ngủ trong Đức Chúa Jesus cùng đến với Ngài.

15 Vả, nầy là điều chúng tôi nhờ lời Chúa mà rao bảo cho anh em: chúng ta là kẻ sống, còn ở lại cho đến kỳ Chúa đến, thì không lên trước những người đã ngủ rồi.

16 Vì sẽ có tiếng kêu lớn và tiếng của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Thiên Chúa, thì chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống; bấy giờ những kẻ chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước hết.

17 Kế đến chúng ta là kẻ sống, mà còn ở lại, sẽ cùng nhau đều được cất lên với những người ấy giữa đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa, như vậy chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn.

18 Thế thì, anh em hãy dùng lời đó mà yên ủi nhau.


Copyright Notice: All Rights Reserved © 2013 Vietnamese Christian Mission Ministry.
Thông Báo Tác Quyền: Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry.
Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức nhưng xin giữ đúng nguyên văn,
kể cả thông báo về tác quyền này.