Trả Lời Tác Phẩm “Chúa Giê-su Là Ai?…” của Trần Chung Ngọc

13,072 views

Huỳnh Thiên Hồng

“Hãy thường thường sẵn sàng để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ về sự trông cậy trong anh em.”
(I Phi e rơ 3:15)

Lời Người Viết: Những chữ in nghiêng trong bài dưới đây là nguyên văn trích từ tác phẩm “Chúa Giê-su Là Ai? Giảng Dạy Những Gì?” của Trần Chung Ngọc.

Năm qua (2002), làng văn hóa Việt Nam ở hải ngoại vừa có thêm một “tác phẩm” mới, nhằm “mở mang dân trí” để góp phần vào việc tạo “điều kiện tất yếu cho sự tiến bộ quốc gia.” “Tác phẩm” này có tựa đề “CHÚA GIÊ-SU LÀ AI? GIẢNG DẠY NHỮNG GÌ?” do nhà “trí thức được đào tạo trên căn bản lương thiện” Trần Chung Ngọc “khảo luận” qua các tài liệu và Thánh Kinh, và do Giao Điểm xuất bản vào mùa Xuân 2002.

Trong phần “Lời nói đầu,” tác giả khẳng định: “Tôi không chủ trương hận thù hay chia rẽ, nhưng tôi quan niệm rằng sự mở mang dân trí là điều kiện tất yếu của sự tiến bộ quốc gia, và sự hòa hợp trong các khối dân tộc chỉ có thể có khi chúng ta hiểu rõ tín ngưỡng của nhau và tìm những phương cách để cùng nhau chung sống trên đất nước thân yêu của chúng ta. Hận thù và chia rẽ bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết chứ không từ sự hiểu biết những sự thực tôn giáo;” (trang V – CGSLAGDNG). Thật là một tâm tình rất đáng ngưỡng phục!

Tuy nhiên, sau khi lướt qua “tác phẩm” CGSLAGDNG (CHÚA GIÊ-SU LÀ AI? GIẢNG DẠY NHỮNG GÌ?) của Trần Chung Ngọc, tôi thật sự thất vọng, một nỗi thất vọng lớn, và tiếc cho $15 đã bỏ ra mua “sách.” Cái mà Giao Điểm giới thiệu: “thuộc loại nghiên cứu ở trình độ cao của một trí thức đã được đào tạo trên căn bản lương thiện và trong tinh thần khoa học của một khoa học gia, một nhà Vật Lý học,” thực chất chỉ là một tổng hợp rác rưởi tư duy của những nhà “trí thức” hoang tưởng.

Những “lý luận” của các nhà “trí thức” này nếu dùng để viết một bài văn nghị luận bậc trung học còn không đáng để được điểm trung bình. Cách trưng dẫn và giải thích Kinh Thánh của những “trí thức gia” này cho thấy rõ sự vô trí của họ. Trần Chung Ngọc chỉ làm công việc “lượm rác” trong những đống phế thải của tư tưởng nhân loại, vậy mà Giao Điểm lại huênh hoang gọi đó là một “tác phẩm thuộc loại nghiên cứu ở trình độ cao của một trí thức đã được đào tạo trên căn bản lương thiện và trong tinh thần khoa học của một khoa học gia, một nhà Vật Lý học.” Thử hỏi, ngày hôm nay, nếu chúng ta muốn tìm hiểu về thực chất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, chúng ta sẽ đi tìm tài liệu ở đâu? Phải chăng chúng ta sẽ gom góp các tác phẩm của những cây viết cộng sản viết về QLVNCH, cóp nhặt những đoạn ưng ý nhất của các tác giả đó, đem in thành một cuốn “sách,” đặt cho nó cái tên: “Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa Là Ai? Đã Chiến Đấu Như Thế Nào?” Hai điểm nổi bật nhất trong “tác phẩm” CGSLAGDNG của Trần Chung Ngọc là:

1) Đánh phá Công Giáo:Thật ra, Trần Chung Ngọc mượn tên Chúa Jesus để đánh phá Công Giáo. Hơn một nửa những gì Trần Chung Ngọc “viết” trong đó là đả kích Công Giáo. Chính chỗ này nói lên sự“lương thiện” của Trần Chung Ngọc. Sợ rằng, tiếp tục lấy tựa đề đả kích Công Giáo thì sẽ không “ăn khách” nữa, bởi giáo dân Công Giáo đâu có thừa tiền để bỏ ra nghe người ta chửi mình, còn Phật tử thuần thành thì đâu có chấp nhận sự sân si bài xích tôn giáo của người khác theo kiểu “đấu tố” một chiều của cộng sản. Ngay trong mấy trang đầu của cuốn “sách,” Trần Chung Ngọc đã cho đăng hình của Giáo Hoàng John Paul II và hình vẽ cảnh linh mục Công Giáo thiêu sống thổ dân từ chối theo đạo. Những cái hình này có liên quan gì đến Chúa Jesus và sự giảng dạy của Chúa? Có thể nào, viết một cuốn sách lấy tên là “Đức Phật và Phật Pháp” rồi cho đăng hình mấy sư đeo mắt kính đen, ngồi xe jeep Mỹ, hút thuốc lá Mỹ, “chỉ đạo” những cuộc biểu tình chống Mỹ? Có thể nào đem chuyện “bàn thờ Phật xuống đường,” hoặc chuyện mấy sư hổ mang, mấy dâm tăng ra để thóa mạ Phật Thích Ca và Phật Pháp? Thiết tưởng, một trí thức, lại là một trí thức “được đào tạo trên căn bản lương thiện” phải biết thế nào là một việc làm lương thiện và không lương thiện. Thiết tưởng, một Phật tử thuần thành, lại là một “trí thức” Phật tử, không thể nào mở miệng, đặt bút để thóa mạ một ai. Nói lên một sự thật, khác với nhân danh sự thật để thóa mạ “chúng sinh.”

Trong quan điểm chân chính của Phật giáo: “Chúng sinh là Phật chưa thành!” Có thể nào, một Phật tử lại nhân danh này, nhân danh nọ (mở mang dân trí, đoàn kết dân tộc, bảo tồn văn hóa …) là những cái “danh” tự nó cũng không thật (theo thuyết Vô Ngã) để nhục mạ những vị “Phật sẽ thành?” Sự ngã mạn, biên kiến của Trần Chung Ngọc đối với Cơ đốc giáo nói chung, đối với Công Giáo La mã nói riêng, đã cho người đọc thấy rõ, Trần Chung Ngọc không phải là một Phật tử thuần thành. Bởi lẽ, một Phật tử chân chính, cho dù không có tri thức cao về văn hoá, về Phật học, cũng biết là thái độ, lời ăn tiếng nói, bài viết của Trần Chung Ngọc không xứng hợp với những ai tự cho mình là con Phật. Một cái miệng tụng niệm “Đức Phật đã thành,” không thể nào thoát ra những lời ngã mạn, đê tiện, hạ nhục những vị “Phật sẽ thành.”

2) Trần Chung Ngọc tự để lộ chân tướng là cán bộ cộng sản Việt Nam.Tôi xin trích đăng lại nguyên văn phát biểu trên giấy trắng mực đen của Trần Chung Ngọc, để quý bạn đọc tự thẩm định:

“Chính quyền Việt Nam cần phải ý thức được cái hiểm họa Ki Tô, Ca Tô cũng như Tin Lành, nếu không muốn truyền thống dân tộc và văn hóa của Việt Nam bị xóa sạch trong tương lai, rơi vào vòng nô lệ Vatican hay Tin Lành, bình phong tôn giáo của các đế quốc tư bản Âu Mỹ.” (Trang 10, CGSLAGDNG)

Tôi muốn hỏi Trần Chung Ngọc là chắc ông ta rất đau khổ khi phải sống trong “vòng nô lệ” Tin Lành trên đất nước “đế quốc tư bản” Mỹ này; dân tộc Ý chắc sống rất là đau khổ trong “vòng nô lệ” Vatican hơn là dân tộc Việt Nam đang sống trong vòng nô lệ của bạo quyền cộng sản vô thần. Dưới chế độ vô thần, độc tài, sắt máu của cộng sản, chắc là truyền thống dân tộc và văn hóa của Việt Nam đã được bảo tồn và phát huy? Tôi không biết là dân tộc Việt Nam chúng ta có cái truyền thống văn hóa đấu mẹ tố cha, giết lầm hơn tha sót… Tôi không biết là dân tộc Việt Nam có truyền thống cắt đất hiến dâng một phần lãnh thổ cho ngoại bang. Tôi không biết là dân tộc Việt Nam có truyền thống và văn hóa nhốt tù thiếu nhi tám tuổi:

“Một tay em trổ: Đời xua đuổi.
Một tay em trổ: Hận vô bờ.
Thế giới ơi, người có thể ngờ?
Đó là một tù nhân tám tuổi…

Những thiếu nhi điển hình chế độ
Thuở mới đi tù trông thật ngộ
Lon xon không phải mặc quần
Chiếc áo tù dài phủ kín chân

… Giờ thấm thoát mười xuân đã lớn
Mặt mũi vêu vao, tính tình hung tợn
Mở miệng là chửi bới chẳng từ ai
Có thể giết người vì củ sắn, củ khoai!” [1]

Tôi thật không ngờ, Trần Chung Ngọc thà là để cho dân tộc Việt Nam phải sống trong cảnh:

“Đảng dìu dắt thiếu nhi thành trộm cướp
Giải phóng đàn bà thành đỉ, thành trâu
Giúp người già bằng bắt bớ rể, dâu
Và cải tiến dân sinh thành xác mướp
Đảng thực chất chỉ là đảng cướp…” [1]

Chứ Trần Chung Ngọc không muốn cho dân tộc Việt Nam “chịu” đau khổ trong “vòng nô lệ” Vatican như dân Ý hoặc trong“vòng nô lệ” Tin Lành như dân Mỹ. Đến lúc nào Trần Chung Ngọc sẽ viết “sách” kêu gọi giải phóng nhân dân Ý và nhân dân Mỹ, để thành toàn “nghĩa vụ quốc tế?”

Nhưng, Trần Chung Ngọc lại tự mình mâu thuẫn khi cũng trong bài “Lời Nói Đầu” Trần Chung Ngọc viết rằng: “Sự hòa hợp tôn giáo trong các nước văn minh tiến bộ Âu Mỹ, nơi đây có vô số những sách viết về mọi tôn giáo, là một tấm gương để chúng ta soi vào” (Trang V – CGSLAGDNG). Thật là lạ lùng cho lối tư duy của “trí thức” Trần Chung Ngọc. Chỉ cách nhau 12 trang giấy, Trần Chung Ngọc vừa “soi” vào tấm gương hòa hợp tôn giáo ở các nước văn minh tiến bộ Âu Mỹ xong, thì lại lớn tiếng cảnh báo chính quyền cộng sản Việt Nam coi chừng bị rơi vào “vòng nô lệ” Vatican hay Tin Lành, bình phong tôn giáo của các đế quốc tư bản Âu Mỹ.” Vậy, cộng sản Việt Nam nên học cái gương tự do tôn giáo, hòa hợp tôn giáo của Âu Mỹ hay nên triệt hại Cơ đốc giáo để khỏi bị “nô lệ” Cơ đốc giáo?

Trần Chung Ngọc viết tiếp:

“Chính quyền và người dân Việt Nam cần ý thức được tầm quan trọng của sự mở mang dân trí. Nếu không muốn mang tội với dân tộc trong lịch sử Việt Nam, chính quyền Việt Nam cần đẩy mạnh nỗ lực mở mang dân trí. Đây chính là sách lược then chốt để ngăn chặn sự xâm nhập văn hóa Việt Nam qua những luận điệu mê hoặc hoang đường của Ki Tô Giáo, đồng thời là cái chìa khóa để mở rộng cánh cửa tiến bộ về mọi mặt của nước nhà.” (Trang 11 – CGSLAGDNG)

Trần Chung Ngọc làm như cộng sản Việt Nam KHÔNG HỀ CÓ TỘI VỚI DÂN TỘC TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM. Trần Chung Ngọc hàm ý là những cơn bách hại tôn giáo khởi từ năm 2000 đến nay tại Việt Nam của bạo quyền cộng sản là “một sự mở mang dân trí” và nếu tiếp tục tàn sát những lương dân vô tội như thế thì cộng sản Việt Nam sẽ KHÔNG MANG TỘI VỚI DÂN TỘC VIỆT NAM TRONG LỊCH SỬ; Nhờ giết chóc như thế, cộng sản Việt nam đã “vận dụng” cái chìa khóa để mở rộng cánh cửa tiến bộ về mọi mặt của nước nhà. Tôi thật sự ao ước được nghe tiếng nói của các Phật tử chân chính về những lời tuyên bố trên đây của “Phật tử” Trần Chung Ngọc.

Trong phần “Lời Giới Thiệu” của Giao Điểm (không biết do ai viết hay cũng do chính Trần Chung Ngọc viết) có đoạn sau đây:

“Trong Chương II, Giáo sư Trần Chung Ngọc đã trích dẫn từ Thánh Kinh, Tân Ước, thuần túy từ Tân Ước, những lời Chúa Giê-su nói và những hành động của Người, và đưa ra một phân tích tổng hợp mà chúng tôi tin chắc quý bạn chưa bao giờ được nghe hoặc biết đến, vì người ngoại đạo cũng như người trong đạo thường không đọc Thánh Kinh, và dĩ nhiên, chẳng có ai mang những điều này ra giảng trong các nhà thờ.” (Lời Giới Thiệu – CGSLAGDNG)

Chắc chắn là những lời giải thích xuyên tạc, vô trí về Thánh Kinh thì tín đồ Cơ đốc giáo chẳng muốn nghe. Nhưng nói là “người trong đạo thường không đọc Thánh Kinh” thì thật là không biết phải đánh giá “trí thức” của các “đại trí thức gia” Giao Điểm như thế nào! Xưng là “trí thức đuợc đào tạo trên căn bản lương thiện” mà không biết rằng nếp sống đạo của Cơ đốc nhân dựa trên mối tương giao mật thiết với Đức chúa Trời bằng hai yếu tố bất khả phân ly: sự cầu nguyện và sự đọc Kinh Thánh. Cầu nguyện được gọi là hơi thở tâm linh, còn Kinh Thánh được gọi là thức ăn tâm linh của người theo Chúa. Đời sống đức tin của người theo Chúa chỉ có thể tăng trưởng khi người ấy cầu nguyện và đọc Kinh Thánh.

Những sách giải kinh, những bài giảng về các câu Kinh Thánh Trần Chung Ngọc trích dẫn trong Chương II của cuốn “sách” CGSLAGDNG, nhiều đến nỗi hầu như một người không có đủ thời gian để mà đọc cho hết, vậy mà các “trí thức” Giao Điểm dám nói khơi khơi là “người ngoại đạo và người trong đạo thường không đọc Thánh Kinh, và dĩ nhiên, chẳng có ai mang những điều này ra giảng trong các nhà thờ.” Các “trí thức” Giao Điểm hình như không thèm biết cái “sự thật” Kinh Thánh là một cuốn sách được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất trên thế giới, được in ra nhiều nhất trên thế giới, và thay đổi cuộc đời của nhiều người nhất trên thế giới. Nếu người trong đạo và ngay cả người ngoài đạo không đọc Kinh Thánh (chẳng biết Trần Chung Ngọc, quý “trí thức gia” Giao Điểm, và quý “trí thức gia” được Trần Chung Ngọc trích đăng, thuộc về người trong đạo hay người ngoài đạo?) thì Kinh Thánh được dịch và in ra để làm gì, từ năm này sang năm khác, và giá bán một quyển Kinh Thánh hoặc các sách giải kinh, các sách thần học không phải là rẻ, nếu so với các loại sách khác. Ở đây, chỉ nói để mà so sánh chứ không phải để khen chê: Con số các cơ sở Phật Học Viện trên toàn thế giới cũng không nhiều bằng con số các Thần Học Viện chỉ riêng tại nước Mỹ; Con số các nhà sách Phật Học trên toàn thế giới gom lại cũng không nhiều bằng con số các nhà sách Thần Học Cơ-đốc chỉ trong một tiểu bang CA hoặc TX của Mỹ (cứ vào internet để search thì rõ). Con số kinh sách, giảng luận Phật Học được in ra trên toàn thế giới, cũng không nhiều bằng chính bản thân cuốn Kinh Thánh được in ra, chứ chưa nói đến các sách vỡ thần học và giải kinh!

Tôi muốn nói cho Trần Chung Ngọc và nhà “trí thức” Giao Điểm nào đó viết lời giới thiệu cho Trần Chung Ngọc, biết rằng bất kỳ một câu Kinh Thánh nào Trần Chung Ngọc trích dẫn trong phần II của cuốn CGSLAGDNG, cũng đều được “người trong đạo” phân tích, giảng luận ít nhất là 10 lần hơn bất kỳ một câu kinh Phật nào được Phật tử phân tích và thuyết giảng. Tôi thách thức Trần Chung Ngọc “khảo cứu” một câu kinh Phật được phân tích và thuyết giảng nhiều nhất, được ghi lại trên giấy trắng mực đen, để xem câu kinh đó được phân tích và thuyết giảng bao nhiêu lần; rồi tôi sẽ chứng minh bằng sách vỡ, bất kỳ một câu Kinh Thánh nào mà Trần Chung Ngọc trích dẫn trong phần II của cuốn CGSLAGDNG, cũng đều được phân tích và giảng dạy ít nhất là 10 lần hơn câu kinh Phật đó. Ở đây, không phải tôi muốn đưa ra sự hơn thua về tính “phổ thông” của kinh Phật và kinh Chúa. Nhưng tôi chỉ muốn nói cho Trần Chung Ngọc và các “trí thức” Giao Điểm biết rõ: Người tín đồ Cơ-đốc Giáo chân chính đọc, phân tích, giảng dạy, và thực dụng Kinh Thánh mỗi ngày trong đời sống của họ. Đó là lẽ sống của đời họ! Và, điều đó được chứng minh bằng không biết bao nhiêu sách vỡ đã ghi lại kết quả của sự đọc, phân tích, và giảng giải Kinh Thánh của tín đồ Cơ-đốc. Tín đồ Cơ-đốc chân chính tin theo Chúa Jesus không chỉ dựa trên lời tường thuật trong Kinh Thánh, mà còn là dựa vào quyền năng thay đổi lòng người của Kinh Thánh. Nếu Kinh Thánh có lý thuyết hay đến đâu, lý luận có thuyết phục đến đâu, nhưng những người tín đồ Cơ-đốc không kinh nghiệm được những điều Kinh Thánh dạy trong chính tâm linh họ: “Sự bình an thiên thượng” mà thế gian không thể hiểu; Năng lực thắng được sự cám dỗ làm điều dữ và năng lực làm trọn những điều lành; Sự tiêu tan của mặc cảm tội lỗi sau khi hưởng ân cứu rỗi của Chúa; Tình yêu thiên thượng khiến một người có thể tha thứ và yêu thương ngay chính kẻ thù của mình; v.v… thì họ không vì đức tin mà chịu tử đạo cả hàng triệu người đâu! Những Cơ-đốc nhân được gì khi họ bỏ hết mọi sự tiện nghi, sung túc trong một thế giới văn minh để đến với những con người cùi phung, lỡ lói, tật bệnh, thiếu nghèo trong chốn rừng sâu, núi thẳm ở những nơi tận cùng của thế giới? (Đến với những con người mà “Phật tử” Trần Chung Ngọc gọi là “còn đóng khố” hàm ý miệt thị họ là bán khai, ngu dốt, thất học!) Ai vinh danh họ? Phần thưởng nào, huy chương nào được trao tặng cho họ? Động cơ nào? sức mạnh nào thúc đẩy và giúp họ trung thành với nghĩa cử dấn thân cao đẹp đó cho đến cuối cuộc đời? Chỉ có một câu trả lời thỏa đáng: Chúa Cứu Thế Jesus Christ mà họ tin nhận đó, thật sự là Chân Lý, là Tình Yêu, là Sự Sống đang sống trong chính họ, là động cơ và sức mạnh để trái tim họ tan chảy ra trước đau khổ, nhục nhằn của đồng loại. Lý trí bình thường của một con người cũng nhận ra được điều này! Câu:“người ngoại đạo và người trong đạo thường không đọc Thánh Kinh, và dĩ nhiên, chẳng có ai mang những điều này ra giảng trong các nhà thờ” thật sự là câu nói vô căn cứ của một người vô trí. 

Trong “Lời nói đầu,” Trần Chung Ngọc viết: “Sự thật là sự thật, sự thật không có tính cách bè phái và tuyệt đối không thiên vị. Lương tâm trí thức của bất cứ người Việt Nam nào quan tâm đến vấn đề tôn giáo là phải tôn trọng sự thật trong các tôn giáo, bất kể sự thật đó như thế nào. Trong thời đại này, chúng ta phải có can đảm đối diện với sự thật dù sự thật đó không hợp ý ta hay mang đến cho chúng ta ít nhiều phiền muộn.” (Trang IV & V – CGSLAGDNG)

Tôi ngờ rằng người viết “Lời giới thiệu” cho Trần Chung Ngọc không phải là một người “trí thức” Việt Nam, bởi người đó không dám “tôn trọng” sự thật là Cơ-đốc nhân xem việc đọc Kinh Thánh là nhu cầu sống chết, sự thật là Kinh Thánh được in và dịch ra nhiều nhất trên toàn thế giới. Hoặc giả, người đó là một “trí thức” Việt Nam nhưng không có lòng quan tâm đến vấn đề tôn giáo, mà chỉ quan tâm làm sao cho “đảng” đắc lợi trong việc khuấy động hận thù giữa Phật Giáo và Công Giáo. Tôi cũng ngờ là Trần Chung Ngọc tuy nói vậy mà không phải vậy. Chính trong phần “Dẫn nhập” Trần Chung Ngọc đã dịch “Justification by Faith” ra Việt ngữ là: “Đức Tin biện minh cho tất cả” đủ để cho thấy trình độ “trí thức” và mức độ “lương thiện” của tác giả trong sự quan tâm đến tôn giáo. (Justification by Faith là giáo lý về “sự xưng nghĩa bởi đức tin” của Cơ đốc giáo) “Đức Tin biện minh cho tất cả” có nghĩa là gì? Phải chăng, Trần Chung Ngọc muốn gieo rắc vào đầu người đọc một ấn tượng sai lầm về lẽ đạo quan trọng của Cơ Đốc Giáo? Dịch “bậy” một cách đầy ác ý như vậy là một sự cố tình “chơi chữ” của Trần Chung Ngọc. Trần Chung Ngọc muốn lập lờ trong sự một từ hai nghĩa của “justify và justification” trong Anh ngữ. (Justify = to show a sufficient lawful reason for an act done. Justification = the act, process, or state of being justified by God – Merriam Webster’s Collegiate Dictionary – Được xưng công nghĩa bởi đức tin nghĩa là một tội nhân được Đức Chúa Trời xưng là sạch tội khi người ấy tin nhận rằng Đức Chúa Jesus đã chết trên thập tự giá để trả nợ tội thế cho người ấy.) Nếu một người thử dịch “Đức Tin biện minh cho tất cả” ra Anh ngữ, dịch một cách nghiêm chỉnh, sát nghĩa, sẽ thấy được cái ác ý của Trần Chung Ngọc. Nhưng, tôi cũng không ngạc nhiên đâu, bởi vì câu nói: “Cứu cánh biện minh cho phương tiện” là câu kinh nhật tụng của người cộng sản. Trần Chung Ngọc có vì quen miệng, hoặc vì “tâm đắc” với ý nghĩa của câu kinh cộng sản ấy mà cố tình dịch “bậy” cũng là điều tự nhiên.

Trong suốt cuốn “sách,” Trần Chung Ngọc không ngớt mạ lỵ các tín đồ của Đấng Christ như là những người“tầm thường, ngu dốt, thất học” và tìm cách đề cao Phật Giáo (chắc có hậu ý để cho Công Giáo “đánh trả” vào Phật Giáo). Thế nhưng, khi nhắc đến các tác giả Cơ-đốc người Việt như Tiến Sĩ Lê Anh Huy, Tiến Sĩ Phan Như Ngọc, “Cựu Đại Đức Phật Giáo” Nguyễn Huệ Nhật (xuất thân đại học Vạn Hạnh), thì Trần Chung Ngọc “phe lờ” học vị của những tác giả này. Làm như thể Lê Anh Huy, Phan Như Ngọc, Nguyễn Huệ Nhật là những “tín đồ Cơ đốc tầm thường, ngu dốt, thất học, và cuồng tín chỉ biết nhắm mắt nghe theo lời giảng của các mục sư mà không hề tự mình đọc Kinh Thánh.” Chính điểm này cũng nói lên cái “trí thức lương thiện” của Trần Chung Ngọc. Tôi không biết Trần Chung Ngọc sẽ có đủ can đảm để viết rằng nhà khoa học Isaac Newton, một tín đồ Cơ-đốc chân thành – cha đẻ của định luật vật lý mà Trần Chung Ngọc phải mài đũng quần trên ghế của nhà trường để học, để thán phục, để mang cái học đó ra truyền lại cho người khác – cũng là“một tín đồ Cơ đốc tầm thường, ngu dốt, thất học, và cuồng tín chỉ biết nhắm mắt nghe theo lời giảng của các mục sư mà không hề tự mình đọc Kinh Thánh” hay không! (Theo tài liệu của Giao Điểm thì Trần Chung Ngọc là một khoa học gia, một nhà vật lý học, từng dạy vật lý trong một đại học ở Mỹ). Ở đây, tôi không có cái ý “khoe khoang bằng cấp” giùm cho những tác giả nói trên, nhưng vì Trần Chung Ngọc không ngớt mạ lỵ tín đồ Cơ-đốc như là những kẻ tầm thường, ngu dốt, thất học, mê tín và cuồng tín nên tôi mới nêu ra cái điểm nổi bật về “trí thức”“lương thiện” biết tôn trọng sự thật của Trần Chung Ngọc.

Thật ra, tôi không muốn dính vào những thứ rác rưởi mà Trần Chung Ngọc đã cất công thu thập một cách rất là “tâm đắc,” (nói một tín ngưỡng là đúng hoặc sai theo nhận định chủ quan của mình, khác với việc mạ lỵ một tín ngưỡng). Nếu Phật Thích Ca tuyên bố là có đến 84,000 pháp môn để qua đó một người có thể tìm đến chân lý, thì Trần Chung Ngọc và các “trí thức” Giao Điểm là ai để phán định Cơ-đốc Giáo không thuộc một trong 84,000 pháp môn ấy? Tôi nói đây, là theo quan điểm và lý luận chính tông của Phật Giáo! Cho nên, bài bác, mạ lỵ một tôn giáo, một “pháp môn” mà tự mình chưa hề bao giờ chứng nghiệm, tức là chỉ tuôn ra những thứ rác rưởi, xuất phát từ ngã mạn và biên kiến! Nhưng, xét ra, cũng nên “tản mạn” một chút về những điều “tâm đắc” của Trần Chung Ngọc như là một hình thức “tái chế” những rác rưởi trong tâm linh của ông ta thành một thứ “phân bón” hầu sau này, sẽ hữu dụng trong việc giúp ông tăng trưởng đức tin mà tôi mong rằng một ngày nào đó, ông sẽ tìm gặp trong Chúa Cứu Thế Jesus Christ, trước khi quá muộn. Bên cạnh đó, cũng nên có một bài nhận định về cuốn “sách” của Trần Chung Ngọc để giúp hóa giải những chất độc vô thần, phỉ báng tôn giáo, phỉ báng Đức Chúa Trời, mà Trần Chung Ngọc cùng nhóm Giao Điểm đang hung hăng, điên cuồng gieo rắc.

Trong những bài kế tiếp, tôi sẽ chỉ đề cập đến những “hiểu biết” ấu trỉ của nhà “trí thức lương thiện” Trần Chung Ngọc xoay quanh hai tiêu đề “Chúa Jesus là ai?” và “Chúa Jesus giảng dạy những gì?” Mặc dù đó chỉ là “diện” của cuốn “sách,” còn “điểm” của cuốn “sách” là tấn công vào Giáo Hội Công Giáo, nhưng xin để cho quý vị giáo dân và hàng giáo phẩm Công Giáo lên tiếng về phần đó. Tôi nghĩ, Trần Chung Ngọc “ghét” Kinh Thánh là vì trong đó có một câu như sau: “Kẻ ngu dại nói trong lòng rằng: Không có Đức Chúa Trời” (Thi Thiên 14:1 & 53:1). Vì Kinh Thánh gọi nhà “trí thức đã được đào tạo trên căn bản lương thiện và trong tinh thần khoa học của một khoa học gia, một nhà Vật Lý học” nhưng vô thần Trần Chung Ngọc là một kẻ ngu dại nên Trần Chung Ngọc “ghét cay ghét đắng” Kinh Thánh, nhất là sách Thi Thiên, và “căm thù” vua Đa vít, là người ghi lại câu đó. Nếu Đức Chúa Trời đã gọi những kẻ vô thần chỉ nói thầm trong lòng rằng không có Đức Chúa Trời là “kẻ ngu dại,” thử hỏi, những kẻ vô thần nói ra miệng, viết thành “sách” rằng không có Đức Chúa Trời, như Trần Chung Ngọc và nhóm Giao Điểm còn “ngu dại” đến đâu.

Cũng xin mở ngoặc nơi đây để nói riêng với các bạn đọc Phật Giáo chân chính. Câu:“Kẻ ngu dại nói trong lòng rằng: Không có Đức Chúa Trời” là tuyên phán của Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta chấp nhận có Đức Chúa Trời, thì Ngài há không có quyền “mắng” Trần Chung Ngọc là ngu dại hay sao, khi Trần Chung Ngọc không nhận thức nổi sự thực hữu của Đấng đã tạo dựng ra ông? Còn nếu lý luận rằng Đức Chúa Trời không có thật, Kinh Thánh là sản phẩm mạo danh Chúa, thì có gì khiến cho Trần Chung Ngọc phải nổi nóng, nếu Trần Chung Ngọc thật sự là một Phật tử? Chắc các bạn đều rõ thái độ của Phật Thích Ca như thế nào, khi có người đến mắng chửi xối xả vào mặt Phật, ngay trước sự chứng kiến của hàng đệ tử! Trong giao tiếp thường ngày của tôi, tôi quen biết nhiều người là Phật tử, cá nhân tôi, đã từng tu theo Phật Pháp, nhưng trong mười Phật tử tôi gặp, không có đến một người chấp nhận mình là “vô thần,” nghĩa là không tin nhận có một Đấng Cao Siêu Tuyệt Đối, làm ra và tể trị vũ trụ này. Tùy theo quan niệm, tư duy của mỗi người, Đấng ấy có thể được gọi là Ông Trời, là Đấng Tạo Hóa, hay được gọi là Đức Chúa Trời trong đức tin của người Cơ-đốc! Họa hoằn lắm, tôi mới gặp những “trí thức” phật tử vô thần. Phật Thích Ca bác bỏ một “Đức Chúa Trời” bị nhân cách hóa theo quan niệm của các dân tộc mê tín, theo tâm cảnh mình, tự dựng ra một “Đức Chúa Trời” để thờ phượng của thời điểm lịch sử lúc bấy giờ; nhưng Phật Thích Ca không phủ nhận một Đức Chúa Trời, vượt ngoài, không-thời-gian và vật chất! Bởi, chính Phật Thích Ca, gọi đích Danh Ngài là: Chân Lý! Khoảng 500 năm sau, Đấng Chân Lý đó, khi đến kỳ hạn đã ấn định, nhập thế làm người để dẹp bỏ các “Thần” do loài người dựng nên và mạc khải cho loài người một Chân Thần, qua thân vị Chúa Cứu Thế Jesus!

Tôi thành thật khuyên bạn đọc đừng bỏ ra $15 để mua cuốn “sách” CGSLAGDNG của Trần Chung Ngọc; phí tiền! Trong những bài viết kế tiếp, tôi sẽ tổng kết nội dung của “sách” ấy. Nhưng nếu bạn đọc muốn biết chính xác, Trần Chung Ngọc đã mượn danh Phật tử để làm những việc không lương thiện như thế nào thì việc bỏ ra $15 để mua cuốn “sách” của Trần Chung Ngọc về đọc cũng chẳng phải là không đáng!

Cá nhân tôi, chưa hề quen biết gì với Trần Chung Ngọc, nếu xét về tuổi đời, có lẽ Trần Chung Ngọc xứng là bậc cha chú của tôi. Nếu gặp mặt ông ngoài đời, tôi sẽ lễ phép khoanh tay cúi đầu kính chào ông. Nếu ông có lớn tiếng chửi mắng tôi vì cho là tôi ngu dốt, vong bản khi tin theo Chúa Jesus thì tôi cũng chẳng buồn giận gì ông và cũng sẽ không dám vô lễ với ông. Nhưng khi ông đã lợi dụng chữ nghĩa để gieo rắc những nọc độc của sự dối trá, có thể làm hại đến biết bao linh hồn của đồng hương tôi, dân tộc tôi, thì tôi nhận thấy mình cũng như bất kỳ ai biết tôn trọng công lý và sự lương thiện, đều có trách nhiệm “giải độc.” Trong tiến trình giải độc đó, việc quan trọng và cần thiết là phải lột mặt nạ của kẻ gieo rắc chất độc. Kẻ gieo rắc chất độc, dù mặc áo y tế, dùng ngôn ngữ của bác sĩ, thì vẫn là kẻ sát nhân. Cho nên, xin bạn đọc thông cảm với tôi, nếu tôi có gọi đích danh Trần Chung Ngọc là một “trí thức” vô trí và bất lương, là tay sai của cộng sản vô thần, đội lốt Phật tử, được cài vào cộng đồng tỵ nạn Việt Nam để khuấy động hận thù tôn giáo. Mặt khác, tôi thật sự xót xa cho số phận tâm linh của Trần Chung Ngọc. Tôi có thể nói mà không thẹn với lòng mình và với Chúa Cứu Thế Jesus Christ là Chúa, là Đức Chúa Trời của tôi rằng: “Nếu có phải đánh đổi tất cả những gì tôi có, ngay cả mạng sống của tôi, để chắc chắn là Trần Chung Ngọc thật lòng tin nhận Chúa Jesus như tôi, tôi sẽ không ngần ngại!” Linh hồn của Trần Chung Ngọc hoặc của bất kỳ một ai, rất là quý báu trước mặt Đức Chúa Trời. Chính Chúa Jesus tuyên bố, cả thế gian này cũng không xứng với giá trị của một linh hồn! Còn về lẽ thật cứu rỗi của Cơ-đốc Giáo, thì Trần Chung Ngọc không cần phải được nghe giảng nữa. Kinh Thánh gọi những người như Trần Chung Ngọc là đui mù tâm linh. Chúng ta không thể cố gắng chiếu ánh sáng vào trong một đôi mắt đã đui mù rồi mong cho đôi mắt ấy tiếp nhận ánh sáng. Chỉ trừ khi, vì lòng nhân từ thương xót của Chúa mà Ngài chữa lành chứng đui mù tâm linh cho Trần Chung Ngọc, thì ông ta mới nhận biết Chúa. Chúng ta hãy cầu xin điều đó cho Trần Chung Ngọc.

Huỳnh Thiên Hồng
05/12/2003

Bấm vào đây để download bài viết này 

Tham Khảo

[1] Nguyễn Chí Thiện,”Bản chúc thư của một người Việt Nam”

Copyright Notice: Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry – All Rights Reserved © 2003 Vietnamese Christian Mission Ministry, Inc. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức với điều kiện giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.