Hỏi & Đáp: Phép Cắt Bì

9,256 views

Huỳnh Christian Timothy

Hỏi:

Cơ đốc nhân cần phải thực hành phép “cắt bì ” như một điều bắt buộc không?

Lee.

Đáp:

Chào bạn Lee. Sáng Thế Ký 17:9-14 là phân đoạn Thánh Kinh đầu tiên đề cập đến phép cắt bì do chính Đức Chúa Trời ban truyền cho Áp-ra-ham và dùng đó làm dấu chỉ về giao ước giữa Đức Chúa Trời với Áp-ra-ham và dòng dõi của ông (theo nghĩa hẹp tức dân tộc Israel, theo nghĩa rộng là những ai tin nhận Chúa) cho đến đời đời:

“9 Đoạn, Đức Chúa Trời phán cùng Áp-ra-ham rằng: Phần ngươi cùng dòng dõi ngươi, từ đời nọ sang đời kia, sẽ giữ sự giao ước của ta.
10 Mỗi người nam trong vòng các ngươi phải chịu phép cắt bì; ấy là giao ước mà các ngươi phải giữ, tức giao ước lập giữa ta và các ngươi, cùng dòng dõi sau ngươi.
11 Các ngươi phải chịu cắt bì; phép đó sẽ là dấu hiệu của sự giao ước giữa ta cùng các ngươi.
12 Trải qua các đời, mỗi người nam trong vòng các ngươi, hoặc sanh đẻ tại nhà, hoặc đem tiền ra mua nơi người ngoại bang, chẳng thuộc về dòng giống ngươi, hễ lên được tám ngày rồi, đều phải chịu phép cắt bì.
13 Chớ khá bỏ làm phép cắt bì cho ai sanh tại trong nhà ngươi, hay đem tiền ra mua về; sự giao ước của ta sẽ lập đời đời trong xác thịt của các ngươi vậy.
14 Một người nam nào không chịu phép cắt bì nơi xác thịt mình, sẽ bị truất ra khỏi ngoài dân sự mình; người đó là kẻ bội lời giao ước ta.”

Kể từ đó, con cháu của Áp-ra-ham đều vâng theo mạng lịnh làm phép cắt bì cho đến ngày hôm nay, kể cả người Ả-rập theo dòng Ích-ma-ên:

“Đoạn, Đức Chúa Trời ban cho người sự giao ước về phép cắt bì. Ấy vậy, khi Áp-ra-ham đã sanh một con trai là Y-sác, thì làm phép cắt bì cho, trong ngày thứ tám; Y-sác làm phép cắt bì cho Gia-cốp, và Gia-cốp làm phép ấy cho mười hai tổ phụ.”(Công Vụ 7:8)

Thánh Kinh cũng nói đến việc Áp-ra-ham sẽ trở thành cha của nhiều dân tộc:

“4 Nầy, phần ta đây, ta đã lập giao ước cùng ngươi; vậy ngươi sẽ trở nên tổ phụ của nhiều dân tộc.
5 Thiên hạ chẳng còn gọi ngươi là Áp-ram nữa, nhưng tên ngươi là Áp-ra-ham, vì ta đặt ngươi làm tổ phụ của nhiều dân tộc.
6 Ta sẽ làm cho ngươi sanh sản rất nhiều, làm cho ngươi thành nhiều nước; và các vua sẽ do nơi ngươi mà ra.”
(Sáng Thế Ký 17:4-6)

Cho nên câu hỏi trên đây của bạn có thể diễn giải rộng thêm như sau: Nếu phép cắt bì là giao ước đời đời của Đức Chúa Trời lập ra với Áp-ra-ham là tổ phụ của những người tin Chúa (không riêng dân Israel) thì tôi có bị ràng buộc thi hành dấu hiệu giao ước này hay không?

Và Thánh Kinh đã giải đáp như sau:

“11 Vậy, người đã nhận lấy dấu cắt bì, như dấu ấn của sự công bình mà người đã được bởi đức tin, khi chưa chịu cắt bì; hầu cho làm cha hết thảy những kẻ tin mà không chịu cắt bì, đặng họ được kể là công bình,
12 và cũng làm cha những kẻ chịu cắt bì, tức là cha những kẻ không những chịu cắt bì thôi, lại cũng noi theo dấu đức tin mà Áp-ra-ham, tổ phụ chúng ta, đã có trước khi chưa chịu cắt bì vậy.”
(Rô-ma 4:11, 12)

Nghĩa là, Áp-ra-ham cũng là tổ phụ của những người tin Chúa nhưng ngoại tộc Israel, không hề chịu phép cắt bì; và qua sự nhận lấy dấu cắt bì của Áp-ra-ham mà ngày nay, chúng ta là những người tin Chúa không chịu cắt bì vẫn được xưng là công bình. Như vậy, rõ ràng phép cắt bì là không cần thiết cho Cơ-đốc nhân. Thánh Kinh xác nhận điều đó nhiều lần:

“26 Vậy nếu kẻ chưa chịu cắt bì giữ các điều răn của luật pháp thì sự chưa chịu cắt bì đó há chẳng cầm như đã chịu sao?
27 Kẻ vốn không chịu cắt bì, mà làm trọn luật pháp sẽ đoán xét ngươi, là kẻ dẫu có chữ của luật pháp và phép cắt bì, lại phạm luật pháp.
28 Vì người nào chỉ bề ngoài là người Giu-đa, thì không phải là người Giu-đa, còn phép cắt bì làm về xác thịt ở ngoài, thì không phải là phép cắt bì;
29 nhưng bề trong là người Giu-đa mới là người Giu-đa, phép cắt bì bởi trong lòng, làm theo cách thiêng liêng, không theo chữ nghĩa, mới là phép cắt bì thật. Một người Giu-đa như vậy được khen ngợi, chẳng phải bởi loài người, bèn là bởi Đức Chúa Trời.”
(Rô-ma 2:26-29)

“Có người nào đã chịu phép cắt bì rồi được gọi chăng? nên cứ giữ cắt bì vậy. Có người nào chưa chịu phép cắt bì mà được gọi chăng? thì chớ chịu phép cắt bì. Chịu cắt bì chẳng hề gì, không chịu cắt bì cũng chẳng hề gì; sự quan hệ là giữ các điều răn của Đức Chúa Trời.”(I Cô-rinh-tô 7:18, 19)

“1 Đấng Christ đã buông tha chúng ta cho được tự do; vậy hãy đứng vững, chớ lại để mình dưới ách tôi mọi nữa.
2 Tôi là Phao-lô nói với anh em rằng, nếu anh em chịu làm phép cắt bì, thì Đấng Christ không bổ ích chi cho anh em hết.
3 Tôi lại rao cho mọi người chịu cắt bì rằng, họ buộc phải vâng giữ trọn cả luật pháp.
4 Anh em thảy đều muốn cậy luật pháp cho được xưng công bình, thì đã lìa khỏi Đấng Christ, mất ân điển rồi.
5 Về phần chúng ta, ấy là bởi đức tin và nhờ Thánh Linh mà chúng ta được nhận lãnh sự trông cậy của sự công bình.
6 Vì trong Đức Chúa Jêsus Christ, cái điều có giá trị, không phải tại chịu phép cắt bì hoặc không chịu phép cắt bì, nhưng tại đức tin hay làm ra bởi sự yêu thương vậy.”
(Ga-la-ti 5:1-6)

“Vì điều yếu cần, chẳng phải sự chịu cắt bì, hay là sự chẳng chịu cắt bì, bèn là trở nên người mới.”(Ga-la-ti 6:15)

“Tại đây không còn phân biệt người Gờ-réc hoặc người Giu-đa, người chịu cắt bì hoặc người không chịu cắt bì, người dã man hoặc người Sy-the, người tôi mọi hoặc người tự chủ; nhưng Đấng Christ là mọi sự và trong mọi sự.” (Cô-lô-se 3:13)

Thánh Kinh cho biết trong thực tế mỗi Cơ-đốc nhân đã được làm phép cắt bì trong Đấng Christ, theo ý nghĩa thuộc linh:

“Anh em cũng chịu cắt bì trong Ngài, không phải phép cắt bì bởi tay người ta làm ra, nhưng là phép cắt bì của Đấng Christ, là lột bỏ tánh xác thịt của chúng ta.”(Cô-lô-se 2:11)

Phép cắt bì trong nguyên thủy là dấu hiệu cắt bỏ tội lỗi ra khỏi đời sống của người được nhận làm con dân Chúa. Nhưng xét về mặt thể chất thì phép cắt bì giúp cho bộ phận sinh dục của người nam tránh bị nhiễm trùng. Lớp da (bì) bao quanh quy đầu khiến cho các chất dơ bị kẹt lại giữa lớp da và quy đầu, sinh ra hôi hám, ngứa ngáy, và nhiễm trùng. Đó là chưa kể những trường hợp lớp da đó quá chật, có thể gây ra đau đớn trong việc giao hợp. Vì thế, ngày nay các nước Tây Phương làm thủ thuật cắt bì cho trẻ sơ sinh để bảo vệ sức khoẻ của công dân mà không liên quan gì đến nghi thức tôn giáo. Điều thú vị là Đức Chúa Trời ra lệnh làm phép cắt bì cho trẻ sơ sinh vào ngày thứ tám sau khi được sinh ra, và y khoa ngày nay chứng minh được rằng đứa bé sơ sinh có tính miễn nhiễm cao nhất vào ngày thứ tám sau khi được sinh ra.

Người nam tin Chúa có thể làm thủ thuật cắt bì vì lý do vệ sinh và sức khoẻ nhưng không cần thiết phải làm để được kể là vâng giữ giao ước với Đức Chúa Trời.

Huỳnh Christian Timothy
15.02.2007

Bấm vào đây để download bài viết này

* Quý bạn đọc có thể tham khảo về cách thức cắt bì tại đây:
http://vi.wikipedia.org/wiki/C?t_bao_quy_??u

Copyright Notice: Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry – All Rights Reserved © 2007 Vietnamese Christian Mission Ministry, Inc. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức với điều kiện giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.